Tin khắp nơi – 31/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 31/07/2017

Nga leo thang xung đột ngoại giao với Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đòi Hoa Kỳ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao đang có mặt ở Nga, trong một động thái nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt mới mà Hoa Kỳ áp đặt để đáp lại việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ miêu tả lệnh của ông Putin là “một điều đáng tiếc và không thích hợp” và cho biết phía Mỹ đang cân nhắc cách đáp ứng.

Ông Putin nói với một kênh truyền hình Nga rằng chính phủ của ông còn có thể tiến hành nhiều biện pháp trả đũa khác chống lại Hoa Kỳ

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới hôm thứ Năm 27/7, trong một gói biện pháp mới bao gồm các biện pháp chống lại Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.

Ngay ngày hôm sau, thứ Sáu 28/7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố đầu tiên về các biện pháp trả đũa, nói rằng các biện pháp trừng phạt mới khẳng định “tính hiếu chiến cực đoan” của Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế.

Bộ Ngoại giao Nga nói việc cắt giảm nhân viên ngoại giao phải hoàn tất trước cuối tháng 8 năm nay.

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký đạo luật này.

Giữa lúc Quốc hội Mỹ đang thương thuyết dự luật, các phụ tá của ông Trump phản đối vì một điều khoản cho phép các nhà lập pháp có 30 ngày để xem xét và ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống để nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Điều đó bao gồm quyết định của cựu Tổng thống Barack Obama, đóng cửa hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Washington và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga về nước, để đáp lại việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-leo-thang-xung-dot-ngoai-giao-voi-my/3966159.html

 

Quan hệ Mỹ-Nga: Putin vỡ mộng lợi dụng Trump

Trọng Nghĩa

Chỉ hơn một năm sau khi bị cho là đã nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để giúp cho ông Trump – một người từng không che giấu quan điểm thán phục Putin – đắc cử tổng thống, thực tế hiện nay đối với chủ nhân điện Kremlin rất chua chát : Quan hệ Nga-Mỹ đã xấu đi đến mức chưa từng thấy từ nhiều thập niên qua.

Trong bài phân tích công bố ngày 30/07/2017, nhật báo Mỹ New York Times cho rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng hy vọng là Hoa Kỳ thời tổng thống Trump sẽ đổi thái độ với Matxcơva, và sẽ đối xử với Nga theo như mong muốn của ông Putin, tức là như một siêu cường giống như thời Liên Xô trước đây, hay ít ra là như một đại cường, có tiếng nói cần phải tôn trọng trên các hồ sơ lớn, từ Syria cho đến châu Âu.

Theo bà Angela Stent, giám đốc chương trình nghiên cứu Âu Á, Nga và Đông Âu tại Đại Học Georgetown (Mỹ), « Một trong những mục tiêu lớn nhất của Putin là bảo đảm sao cho Nga được đối xử như thể họ vẫn là Liên Xô, một cường quốc hạt nhân mà nước khác phải nể trọng và sợ hãi… Và ông Putin nghĩ rằng mục tiêu đó có thể đạt được nhờ vào ông Trump. »

Hy vọng đó tuy nhiên đã biến thành ảo vọng, mà dấu hiệu rõ rệt nhất chính là luật trừng phạt Nga vừa được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ nhất trí thông qua hồi tuần trước, một đạo luật được coi là có tác dụng trói tay tổng thống Trump trong quan hệ với Nga, có thể là trong nhiều năm tới đây.

Quyết định được ông Putin loan báo công khai trên truyền hình Nga ngày 30/07, buộc Mỹ giảm hơn 700 nhân viên ngoại giao Mỹ và nhân viên người Nga làm việc cho đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nga, sẽ không làm cho tình hình khá hơn.

Một mục tiêu của ông Putin là thông qua một chính quyền Trump thân thiện hơn, thúc đẩy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, không chỉ riêng của Mỹ, mà cả của châu Âu, đang đè nặng trên nước Nga từ sau vụ Matxcơva thôn tính Crimée.

Thế nhưng, các biện pháp trừng phạt lại được chính Mỹ tăng cường, và ông Donald Trump dù có muốn giảm nhẹ cũng khó mà làm được. Theo nhật báo The New York Times, một khi các biện pháp chế tài nhắm vào Nga được ban hành – điều mà ông Trump buộc phải làm – và biến thành luật, các biện pháp này thường được duy trì nhiều năm.

Sau cùng, tâm lý chung hiện nay ở Washington là thái độ cảnh giác với các hành động của Nga. James B. Comey, nguyên là giám đốc FBI trước khi bị ông Trump cách chức, đã nói trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện rằng các cuộc tấn công vào cuộc bầu cử năm ngoái chỉ là một sự khởi đầu, và người Nga sẽ còn tiếp tục hành động như vậy.

James R. Clapper Jr., cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ cũng cùng nhận định, và tỏ ý lo ngại thêm trước việc nước Nga của Putin đang đẩy mạnh trở lại chương trình hiện đại hóa quân đội và nhất là năng lực hạt nhân chiến lược của họ.

Đây chính là một rủi ro vì hiện nay, giữa hai quân đội Nga và Mỹ hầu như không có đối thoại. Trong bối cảnh cả hai lực lượng Nga và Mỹ đều hoạt động gần các nước Baltic, và ngoài khơi bờ biển châu Âu, nguy cơ xẩy ra sự cố và tính toán sai lầm rất cao.

Tóm lại, đối với tờ New York Times, Vladimir Putin đã đặt cược trên Donald Trump, nhưng có nguy cơ bị trắng tay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170731-quan-he-my-nga-putin-vo-mong-loi-dung-duoc-trump

 

Trump tham khảo đồng minh để đối phó với Bắc Hàn

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bắt đầu đợt tham vấn ý kiến ngoại giao khẩn cấp với các nước đối tác về các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa do Bắc Triều Tiên thực hiện.

Ông Trump điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong gần một tiếng đồng hồ vào sáng thứ Hai 31/7.

Một thông báo của Tòa Bạch Ốc cho hay ông Trump và ông Abe đồng ý rằng Bắc Triều Tiên “đặt ra một mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng” đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác, và hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tăng áp lực ngoại giao và kinh tế.

Ông Abe nói với các phóng viên sau cuộc điện đàm rằng ông và Tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn đồng ý “rằng chúng tôi phải có hành động tiếp theo.”

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói:

“Tôi đánh giá cao cam kết của Tổng thống Trump sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đồng minh. Ngay từ bây giờ, trong tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, chúng tôi sẽ có hành động cụ thể về các biện pháp quân sự; nâng cao năng lực và sẽ thực hiện mọi biện pháp thận trọng cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân dân chúng tôi trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. “

Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm thứ Sáu 28/7, vu phóng tên lửa thứ nhì chỉ trong vài tuần qua. Lần này, tên lửa bay cao hơn và xa hơn so với vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 4/7.

Các nhà phân tích cho biết tên lửa bay trong khoảng thời gian từ 40 đến 45 phút, đạt độ cao 3.000 km trước khi rơi xuống vùng biển cách đảo Hokkaido khoảng 160 km về hướng Tây. Hokkaido là đảo lớn thứ nhì của Nhật Bản.

Trong một chuyến đi thăm Estonia hôm Chủ nhật, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói mối nguy de dọa hòa bình quốc tế giờ do Bình Nhưỡng đặt ra, giờ đã rõ ràng đối với tất cả mọi nước.

Phó Tổng thống Mike Pence nói:

“Không thể chấp nhận những hành động khiêu khích liên tục của chế độ cầm quyền bất hảo ở Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cùng huy động các nước trong khu vực và trên khắp thế giới để cô lập hóa hơn nữa Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế và ngoại giao. Giai đoạn kiên nhẫn chiến lược thực sự đã qua rồi.”

Hai máy bay ném bom B-1 của Không lực Mỹ đã bay qua không phận bán đảo Triều Tiên, sát cánh với các máy bay chiến đấu Hàn Quốc và Nhật Bản, trong một động thái phô trương sức mạnh đối với Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đáp trả với một tuyên bố nói rằng cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của họ – được cho có khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ, là “lời cảnh báo nghiêm khắc” đối với Washington chớ có tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với họ.

Vào tối thứ Bảy 29/7, Tổng thống Trump quy trách nhiệm và nêu đích danh Trung Quốc, đồng minh chủ yếu về kinh tế và ngoại giao của Bắc Triều Tiên. Trên trang Twitter cá nhân, ông nói ông “rất thất vọng” về Bắc kinh. Ông Trump nói lẽ ra Trung Quốc phải ra tay, bởi vì “họ có thể giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-tham-khao-dong-minh-de-doi-pho-voi-bac-han/3965890.html

 

Ấn Độ sợ bị Trung Quốc ‘cắt cổ gà’ trên núi cao

Chủ Nhật 30/07 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), ở Khu tự trị Nội Mông để chứng kiến lễ duyệt binh và diễn tập quân sự lớn nhất từ nhiều năm.

Dù cuộc duyệt binh có trình diễn phi cơ và thiết giáp đời mới để đánh dấu 90 năm ngày Bát Nhất, ngày thành lập Quân Giải phóng, các báo quốc tế nói đây là dịp để Trung Quốc “thể hiện sức mạnh”.

Sự kiện này diễn ra khi Trung Quốc đang cùng lúc dính líu vào ít nhất hai điểm nóng: Biển Đông và Himalayas.

Ông Tập Cận Bình không nói đến xung đột nào cụ thể nhưng cảnh cáo “kẻ xâm lăng” và nói Quân Giải phóng “có đủ sự tự tin cùng khả năng đánh bại kẻ thù nào dám xúc phạm” Trung Quốc, theo các hãng thông tấn.

VN cân nhắc mua tên lửa Ấn Độ?

G20: Modi gặp ông Phúc tránh ông Tập

TQ đổi tên các quận ở vùng tranh chấp với Ấn Độ

Trang Global Times thì cảnh cáo Ấn Độ rằng “Quân đội Trung Quốc không biết lùi bước”.

Đối mặt trên mái nhà của thế giới

Nếu như tranh chấp Biển Đông đã là vấn đề có từ mấy năm nay, xung đột ở biên giới Trung Quốc – Bhutan – Ấn Độ chỉ bùng lên từ tháng 6 năm nay.

Theo phóng viên BBC Soutik Biswas từ Dehli từ vấn đề nảy sinh vào giữa tháng 6 sau khi Trung Quốc nới một đoạn đường bộ ở biên giới lên cao nguyên mà Ấn Độ gọi là Doklam và Trung Quốc gọi là Đồng Lãng.

Đây là điểm ba biên giới giữa Tây Tạng thuộc Trung Quốc, bang Sikkim của Ấn Độ và Vương quốc Bhutan.

Cả bình nguyên này là vùng còn tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan về đường biên trên bộ.

Lý do là hai bên diễn giải hoàn toàn khác nhau bản thỏa thuận biên giới Anh Quốc ký với nhà Thanh vào cuối thế kỷ 19.

Từ năm 1984 đã có rất nhiều vòng đàm phán nhưng Trung Quốc và Bhutan không đồng ý được với nhau.

Bhutan cũng bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đổi các mảnh đất núi cao khác nhau.

Ấn Độ thì luôn ủng hộ Bhutan trong các vấn đề khu vực.

Dấu ấn chiến tranh và cuộc xung đột mới

Vùng núi này cũng là nơi xảy ra cuộc chiến Trung – Ấn năm 1962, làm chết vài trăm lính Ấn.

Trong tháng 6 vừa qua, sau khi có tin Trung Quốc đưa quân đội và các nhóm làm đường lên xây tuyến đường bộ tại cao nguyên này, Ấn Độ đã đưa quân lính lên chặn lại.

Cho đến tháng 7 vừa qua, chừng 300 quân mỗi bên đối mặt nhau ở điểm cách nhau chừng 130 mét.

Ấn Độ lo ngại rằng một khi xây xong con đường, Trung Quốc sẽ có thể có lối vào chặn Hành lang Siliguri, còn gọi là Cổ Gà (Chicken’s Neck).

Dải đất dài 200 km này có chỗ chỉ rộng 17 km, nối Tây Bengal của Ấn Độ với vùng Đông Bắc (Sikkim, Assam, Arunachal Pradesh) và là trục giao thông duy nhất từ Ấn Độ sang Bhutan và Bangladesh trên bộ.

Nay, như một quan chức ngoại giao Ấn Độ nói với báo Anh, tờ Sunday Times hôm 30/07, Ấn Độ lo ngại Trung Quốc xây các con đường nối dài này là cách để “cắt cổ gà” và gây sức ép tiếp tục lên Bhutan về lãnh thổ.

Theo ông Tenzing Lamsang, chủ biên báo The Bhutanese ở Thimphu, Bhutan, vương quốc này đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị của Trung Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40779327

 

Venezuela:

đụng độ chết người trong bối cảnh bầu cử căng thẳng

Cuộc bầu cử Quốc hội mới của Venezuela bị gián đoạn bởi bạo động và những cuộc biểu tình lan rộng khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.

Trong số này có một thủ lĩnh thanh niên đối lập, một ứng viên ủng hộ chính phủ và một người lính.

Chính phủ muốn thành lập Quốc Hội Lập Hiến với quyền viết lại hiến pháp và bãi nhiệm Quốc hội hiện tại đang do phe đối lập kiểm soát.

Khủng hoảng Venezuela: Đụng độ, triệu người đình công

Biểu tình Venezuela: một người bị thiêu

Phe đối lập nói rằng Tổng thống Nicolás Maduro đang muốn củng cố vị trí quyền lực và tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Tổng thống Maduro nói rằng đây là cách duy nhất để lập lại hòa bình sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng và bế tắc chính trị giữa chính phủ và Quốc hội.

Kết quả sơ bộ được dự kiến công bố trong những giờ tới.

Venezuela cũng phải đối mặt với chỉ trích từ quốc tế về cuộc bầu cử và hôm 30/7, Mỹ cho biết đang cân nhắc thêm biện pháp trừng phạt với nước này.

Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, những người biểu tình đã xuống đường bất chấp lệnh cấm của chính phủ và có những báo cáo về các vụ đụng độ với cảnh sát trên cả nước.

Ít nhất ba người bị bắn chết ở bang Tachira – hai thiếu niên và một người lính.

Ricardo Campos, thủ lĩnh nhóm thanh niên đối lập Acción Democrática, đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình tại thị trấn Cumana, các công tố viên cho biết.

Vì sao Venezuela rơi vào khủng hoảng?

Gần 100 người đã thiệt mạng từ những cuộc đụng độ do căng thẳng chính trị leo thang.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng do sự giảm giá dầu, vốn chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu của Venezuela và từng được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho một số chương trình xã hội của chính phủ. Buộc phải cắt giảm chi tiêu công, tổng thống Nicolás Maduro đánh mất sự ủng hộ của nhiều chính trị gia cốt cán.

Các nhu cầu thiết yếu, bao gồm thuốc thang và thực phẩm, đều giảm cung.

Phe đối lập cáo buộc ông Maduro quản lý nền kinh tế kém và làm suy giảm thể chế dân chủ.

Tháng 3/2017, Tòa án Tối cao quyết định sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội. Quyết định này bị thu hồi, nhưng phe đối lập cáo buộc ông Maduro xây dựng một cuộc đảo chính. Việc này đã làm bùng nổ số cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày đề nghị ông từ chức.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40767305

 

Trung Quốc phản bác chỉ trích của TT Trump về Bắc Hàn

Trung Quốc hôm 31 tháng 7 lên tiếng phản bác lại chỉ trích mới đây của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc Trung Quốc đã không gây được sức ép lên Bắc Hàn về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Tiếp theo sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 28 tháng 7 mà Bắc Hàn nói là thành công và có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Donald Trump hôm 29 tháng 7 đã viết trên tài khoản twitter rằng ông rất thất vọng về Trung Quốc  và rằng Bắc Kinh đã hưởng lợi từ thương mại với Mỹ nhưng lại không làm gì cho phía Mỹ liên quan đến vấn đề Bắc Hàn.

Hãng tin Reuters trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết rằng vấn đề của Bắc Hàn không xuất phát từ Trung Quốc và giải pháp cần phải đạt được bởi sự làm việc cùng nhau của tất cả các bên. Tuyên bố cũng viết rằng diều thiết yếu trong quan hệ thương mại Mỹ -Trung là đôi bên cùng có lợi và cả hai bên cùng thắng với rất nhiều những thực tế chứng minh là sự phát triển tốt đẹp của quan hệ thương mại, kinh doanh là tốt cho cả hai bên.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Qian Keming cũng nói tại một cuộc họp báo rằng hai vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn và Thương mại Mỹ Trung là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn, không có liên quan.

Trong khi đó Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 31 tháng 7 đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai bên đã đồng ý rằng sẽ cần phải có thêm hành động đối với Bắc Hàn.

Tuyên bố của Nhà trắng sau cuộc điện đàm giữa hai vị nguyên thủ quốc gia cho biết hai bên đồng ý rằng Bắc Hàn đã đặt ra một mối đe dọa trực tiếp lớn dần và đáng ngại đối với Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn, cùng các nước khác. Tuyên bố cho biết Tổng thống Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh của mình là Nhật Bản và Nam Hàn khỏi những cuộc tấn công từ Bắc Hàn.

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, bà Nikki Haley ra tuyên bố nói rằng Trung Quốc cần phải quyết định nếu nước này có sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt mạnh hơn lên Bắc Hàn hay không. Bà Haley nói rằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc mà không làm tăng đáng kể những áp lực quốc tế lên Bắc Hàn là không có giá trị. Bà cũng nói Nhật bản và Nam Hàn cũng cần phải làm nhiều hơn nữa trong vấn đề này.

Bà Nikki Haley nói rằng việc tổ chức một cuộc họp khẩn của Liên Hợp quốc tiếp theo sau vụ thử mới của Bắc Hàn là không có tác dụng.

Hôm 29 tháng 7 vừa qua, để đáp lại vụ thử mới của Bắc Hàn, Hoa Kỳ đã cho máy bay ném bom bay qua vùng bán đảo Triều Tiên. Hôm 30 tháng 7, Hoa Kỳ cho thử thành công hệ thống tên lửa đánh chặn mà nước này hy vọng có thể sẽ lắp đặt ở bán đảo Triều Tiên.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-hits-back-at-trump-criticism-over-nkorea-07312017090722.html

 

TT Venezuela tuyên bố thành lập ‘quốc hội lập hiến’ mới

Đảng Xã hội đương quyền tại Venezuela tuyên bố cơ quan lập pháp mới được bầu sẽ nhanh chóng thông qua các đạo luật sau cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập nước này tẩy chay và các chính phủ nước ngoài đả kích là một cuộc tấn công vào nền dân chủ.

Hãng tin Reuters cho hay có ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm Chủ nhật của những người chống đối chủ nghĩa cánh tả của ông Nicolas Maduro, người khẳng định “quốc hội hợp hiến” mới sẽ mang lại hòa bình sau bốn tháng phản kháng đã giết chết hơn 120 người.

Tổng thống Maduro nói cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật để bầu ra quốc hội mới có nhiệm vụ viết lại hiến pháp, là ‘một thành công vang dội’.

Ông nói: “Người dân đã lập nên một quốc hội lập hiến”, “Cử tri ở nhiều tiểu bang đã bất chấp những lằn đạn của lực lượng bán quân sự, băng qua các con sông … vượt qua những ngọn núi, để đi đầu phiếu cho Quốc hội Lập Hiến.”

Phe đối lập nói cuộc biểu quyết này sẽ dẫn đến một chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa, và họ kêu gọi người dân Venezuelan tẩy chay cuộc bầu cử. Hàng chục địa điểm bỏ phiếu ở thủ đô Caracas không có bóng người.

Bà Heather Nauert, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói cuộc bầu cử này phương hại tới “quyền tự quyết của người dân Venezuela.”

Bà nói: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những bước hành động mạnh mẽ và tức thời chống lại chế độ độc tài ở Venezuela, và cả những người tham gia cái gọi là ‘Quốc hội Lập hiến Toàn quốc’, sau cuộc bầu cử có nhiều sai phạm đã diễn ra ngày hôm nay.”

Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, hôm Chủ nhật viết trên Twitter: “cuộc bầu cử giả dối của ông Maduro là một bước tiến tới chế độ độc tài, chúng tôi không chấp nhận một chính quyền bất chính. Người dân và nền dân chủ Venezuela sẽ thắng thế.”

https://www.voatiengviet.com/a/tt-venezuela-tuyen-bo-thanh-lap-quoc-hoi-lap-hien-moi/3965996.html

 

Venezuela : Quốc tế

tẩy chay Quốc Hội Lập Hiến của tổng thống Maduro

Tú Anh

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố « chiến thắng » một ngày sau bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, cuộc đầu phiếu trong bạo lực, bị đối lập tẩy chay và cộng đồng quốc tế phủ nhận. Hội Đồng Bầu Cử thông báo có hơn 41% cử tri đi bầu nhưng theo thông tín viên RFI Andreina Flores tại Caracas, người đi bầu thưa vắng hơn nhiều.

Trong khi đối lập kêu gọi tiếp tục xuống đường, hầu hết các nước tại châu Mỹ đồng loạt lên án « cuộc đảo chính » trá hình tại Caracas .

Từ Quito, thông tín viên Eric Samson tường thuật :

Phong trào tẩy chay bắt đầu từ thứ Sáu, hai ngày trước bầu cử. Trước tiên là tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos. Ông chỉ trích một « tiến trình bầu cử bất hợp pháp với kết quả không thể được công nhận ».

Lên án cuộc bầu cử trong bạo lực, Panama hậu thuẫn các biện pháp trả đũa do Hoa Kỳ đề xuất trừng phạt 13 quan chức cao cấp của Venezuela. Chỉ trích cuộc bầu cử phản lại các nguyên tắc dân chủ phổ quát, Mehicô cho biết sẽ không công nhận kết quả.

Cùng đồng điệu với Hoa Kỳ, là các nước Canada, Chilê, Costa Rica, Peru và nhất là hai quốc gia có trọng lượng tại Nam Mỹ là Brasil và Achentina.

Theo lời ngoại trưởng Paraguay, Venezuela có thể bị trục xuất ra khỏi khối thị trường chung Nam Mỹ Mercosur. Một hội nghị cấp ngoại trưởng sẽ được triệu tập vào ngày 08/08 tới đây tại Lima. Chủ tịch Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ Luis Almagro, người phê phán gay gắt nhất chế độ xã hội Venezuela, cho rằng không thể nào cho phép « Hiến Pháp hóa một cuộc đảo chính » tại Venezuela.

Trong khu vực, hai nước theo xu hướng cực tả và thiểu số như Nicaragua và Bolivia lên tiếng ủng hộ Caracas, đó là chuyện tự nhiên. Đến tối Chủ nhật, Ecuađo chưa có phản ứng.

Liên Hiệp Châu Âu, một mặt phủ nhận tính chính đáng của cuộc bầu cử, mặt khác, lên án chính quyền Venezuela đàn áp thô bạo người dân biểu tình, làm 10 người thiệt mạng trong ngày Chủ nhật. Paris cũng lên án bạo lực tại Venezuela và một lần nữa kêu gọi các bên đối thoại.

Hơn 120 người chết từ tháng Tư đến nay, từ khi tổng thống Nicolas Maduro thông báo bầu một Viện Lập Hiến để thay thế Quốc Hội Lập Pháp trong tay đối lập, gây ra một phong trào phản kháng trong nước.

Hơn 200.000 dân đã chạy sang Colombia lánh nạn và sẽ được cấp quy chế thường trú.

Lạm phát tại Venezuela trong sáu tháng đầu năm nay là 750%.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170731-venezuela-quoc-te-tay-chay-quoc-hoi-lap-hien-cua-tong-thong-maduro

 

Tấn công tự sát tại tòa đại sứ Iraq ở Afghanistan,

IS nhận trách nhiệm

Bốn kẻ tấn công tự sát mang trên người bom có sức công phá lớn hôm thứ Hai 31/7 đã tấn công đại sứ quán Iraq ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Các giới chức Afghanistan xác nhận tin này nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công qua kênh thông tin Amaq của họ.

Bộ Nội vụ Afghanistan cho hay vụ vây hãm sứ quán Iraq vẫn tiếp tục nhưng lực lượng an ninh đã giải cứu an toàn các nhân viên ngoại giao, và chỉ có một viên chức an ninh bị thương.

Bộ nói rằng một trong những kẻ ném bom đã kích nổ bom trên người tại cổng chính, mở đường cho những kẻ liều chết khác xông vào sứ quán Iraq.

Các vụ tấn công do nhóm chủ chiến thực hiện ở thủ đô Kabul đã giết hại hàng loạt thường dân trong năm nay.

Một phúc trình của LHQ cho biết thành phố Kabul chiếm đến 20% tổng số 1.600 ca tử vong nơi thường dân do xung đột vũ trang gây ra ở Afghanistan trong sáu tháng đầu năm 2017.

Quân Taliban và các phần tử chủ chiến trung thành với IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công bạo lực tại Afghanistan.

https://www.voatiengviet.com/a/tan-cong-tu-sat-tai-toa-dai-su-iraq-o-afghanistan-is-nhan-trach-nhiem/3965939.html

 

Mỹ lại thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa

Hoa Kỳ tuyên bố đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo tầm trung trong chương trình phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa tiềm tàng của những nước như Bắc Hàn và Iran.

Reuters đưa tin rằng vụ thử nghiệm được tiến hành trên Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bình Nhưỡng, sau khi chính quyền này tuyên bố đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng đánh trúng toàn lục địa của Hoa Kỳ.

Vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tối tân có tên viết tắt là THAAD được hoạch định từ lâu, trước cả vụ phóng mới nhất của Bắc Hàn, nhưng nó được tiến hành khi căng thẳng gia tăng với Bình Nhưỡng kể từ khi chính quyền cộng sản này lần đầu phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 4/7.

Cơ quan Phòng thủ Mỹ (MDA) hôm 30/7 nói rằng Hoa Kỳ đã đánh chặn thành công các mục tiêu 15 lần bằng hệ thống THAAD, dù mục tiêu là tên lửa tầm trung, không phải loại tầm xa mà Bắc Hàn thử nghiệm.

Reuters dẫn thông cáo của giám đốc cơ quan này nói: “Ngoài việc đánh chặn thành công mục tiêu, các dữ liệu thu thập được sẽ cho phép MDA tăng cường hệ thống phòng thủ THAAD”.

​“Bắc Hàn vẫn là một mối đe dọa nguy cấp nhất đối với sự ổn định của khu vực”, chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương, tướng Terrence J. O’Shaughnessy, được Reuters trích lời nói trong thông cáo ra ngày 30/7.

https://www.voatiengviet.com/a/my-thu-thanh-cong-he-thong-phong-thu-ten-lua/3965129.html

 

Bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp

thăm ba nước châu Phi đối đầu với thánh chiến

Tú Anh

Mười ngày sau khi tổng tham mưu trưởng liên quân từ chức, bà Florence Parly, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp đi một vòng ba nước Tchad, Niger và Mali thăm các đơn vị Pháp đang tham gia chiến dịch « Barkhane » chống thánh chiến. Một phần chuyến đi từ 30 đến 31/07/2017, có nữ bộ trưởng Quốc Phòng Đức Ursula von der Leyen tháp tùng .

Tại thủ đô N’Djamena, chặn đầu tiên, nơi Pháp đặt bộ chỉ huy chiến dịch, bà Florence Parly trấn an tinh thần binh sĩ Pháp, qua lời cam kết sẽ « cung cấp đầy đủ phương tiện » cho quân đội trong nhiệm vụ chống thánh chiến Hồi Giáo cho dù có tranh luận về chuyện quân đội phải tiết kiệm 850 triệu euro.

Theo chương trình, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp lần lượt tiếp xúc với tổng thống ba nước Tchad, Niger và Mali.

Pháp bố trí 4.000 quân trong lực lượng chống thánh chiến tại châu Phi. Paris muốn thành lập thêm một lực lượng quân sự hỗn hợp gọi là G5 ở sa mạc Sahara gồm ba nước kể trên cùng với Mauritanie và Burkina Faso, tổng cộng 5000 quân chống thánh chiến với ngân sách 423 triệu euro.

Pháp và Đức cung cấp quân trang, vũ khí và huấn luyện. Cho đến nay Hoa Kỳ vẫn tỏ ý dè dặt trước lời mời tham gia.

http://vi.rfi.fr/phap/20170731-bo-truong-bo-quan-luc-phap-tham-ba-nuoc-chau-phi-doi-dau-voi-thanh-chien

 

Nhóm bốn nước Ả Rập

tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng cứng rắn với Qatar

Trọng Thành

Hôm qua Chủ nhật 30/07/2017, bốn nước Ả Rập đứng đầu là Ả Rập Xê Út ra thông cáo chung khẳng định sẵn sàng đối thoại với Qatar, với điều kiện Doha chấm dứt « hậu thuẫn khủng bố ».

Theo AFP, sau cuộc họp các ngoại trưởng tại Manama, thủ đô Barhain, bốn nước Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Bahrain nhất trí để ngỏ cánh cửa đối thoại, nhưng yêu cầu Qatar tuyên bố « từ bỏ sự ủng hộ đối với khủng bố » và các hoạt động cực đoan.

Trong thông cáo nói trên, bốn nước Vùng Vịnh nhấn mạnh, các trừng phạt nhắm vào Qatar hiện nay là « các hành động thuộc chủ quyền quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Trước cuộc họp nói trên, quốc vương Bahrain Hamad ben Issa Al-Khalifa, kêu gọi « tất cả các nước Ả Rập đoàn kết chống khủng bố và cắt đứt các nguồn tài trợ » cho các hoạt động khủng bố.

Ngày 05/06, bốn nước Vùng Vịnh cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối với quốc gia này, trong đó có cấm vận đường bộ và đường không. Ngày 22/06, bốn nước đưa ra 13 yêu cầu buộc Qatar đáp ứng, trong đó có việc đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar, đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cũng như xét lại quan hệ với Iran, đối thủ khu vực của Ả Rập Xê Út. Doha bác bỏ toàn bộ các đòi hỏi.

Cho đến nay, nỗ lực môi giới hòa giải của Kowei và của nhiều nước phương Tây không thành công. Quan hệ giữa Qatar và nhóm bốn nước rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa các quốc gia thành viên Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, kể từ khi tổ chức này ra đời năm 1981.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170731-nhom-bon-nuoc-a-rap-tuyen-bo-san-sang-doi-thoai-nhung-cung-ran-voi-qatar-ok

 

“Đôi bên cùng có lợi”:

Chuẩn mực mới trong hợp tác quân sự Nga-Trung

Vài ngày sau khi cuộc tập trận thường niên Malabar 2017 (14-17/07) kết thúc ở vịnh Bengal, có một cuộc tập trận hải quân khác bắt đầu cũng liên quan sâu sắc đến Ấn Độ về mặt địa chính trị : đó là cuộc tập trận Joint Sea 2017 (21-26/07) giữa Nga và Trung Quốc tại biển Baltic. Mỗi cuộc tập trận, theo cách riêng của nó, cho thấy những thay đổi liên kết đang diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Á-Âu. Ấn Độ tham gia cuộc tập trận thứ nhất và đóng vai trò còn hơn cả một quan sát viên tò mò trong cuộc tập trận thứ hai.

Trong bài viết đăng trên blogs.rediff.com (23/07/2017), tác giả M. K. Bhadrakumar nhận thấy “Một chuẩn mực mới trong hợp tác quân sự Nga-Trung”. Cuộc tập trận Malabar 2017 kéo dài 4 ngày, quy tụ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, thể hiện rõ thái độ chống Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ tìm cách giảm thiểu khía cạnh này thì Nhật Bản lại thổi phồng, còn Hoa Kỳ thì thêu dệt thêm. Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ, Kenji Hiramatsu, đã viết một bài báo thể hiện quan điểm bất thường, hoan nghênh Malabar-17 như là dấu hiệu của một liên minh an ninh tại châu Á.

Trong khi đó, cuộc tập trận Joint Sea 2017 giữa Nga và Trung Quốc lại bị các cường quốc phương Tây theo dõi chặt chẽ và dường như “gây báo động cho Washington” (theo Telegraph, 21/07/2017). Điều lý thú ở chỗ, Joint Sea 2017 bao gồm hai phần. Trước tiên là cuộc tập trận ngoài khơi biển Baltic, sau đó là cuộc tập trận giữa hải quân Nga và Trung Quốc vào tháng 09/2017 tại biển Nhật Bản và biển Okhotsh. Thực vậy, các nước Baltic đều nằm trên tuyến phòng thủ của Nga đối mặt với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng giống như biển Nhật Bản là tuyến phòng thủ của Trung Quốc để đối mặt với liên minh Mỹ-Nhật.

Cả hai cuộc tập trận Malabar 2017 và Joint Sea 2017 đều trình diễn những vũ khí tối tân, cho dù Malabar 2017 có quy mô lớn hơn với sự tham gia của 3 tầu sân bay, 2 tầu ngầm, 16 tầu chiến và 95 máy bay, trong đó có cả chiến đấu cơ. Nếu so sánh thì Joint Sea 2017 tương đối khiêm tốn hơn, chỉ có khoảng 10 tầu chiến và 10 máy bay được huy động.

Điều thu hút sự chú ý nhất trong cuộc tập trận Joint Sea 2017 chính là khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường của Trung Quốc (khu trục hạm Type 052D), một loại tàu chiến do Trung Quốc sản xuất và được đánh giá là cũng tân tiến như bất kỳ loại tàu chiến nào khác trên thế giới. Khu trục hạm này bảo đảm phòng không cho các tầu sân bay Trung Quốc.

Hải Quân Trung Quốc thử sức trên “đất” của NATO

Lần đầu tiên, Hải Quân Trung Quốc xuất hiện ở biển Baltic, nơi được cho là “đất” của NATO. Hành động này mang tính biểu tượng và cũng cho phép đánh giá tham vọng của Trung Quốc điều lực lượng hải quân đến hoạt động tại các vùng biển châu Âu, sân chơi của các “nước lớn”. Chuyến đi nửa vòng trái đất cho thấy tham vọng của hải quân Trung Quốc muốn trở thành một trong các cường quốc hoạt động tại các vùng biển quốc tế xa xôi. Một thông tín viên quốc phòng phương Tây nhận xét ngắn gọn : “Họ (Trung Quốc) vẫn còn phải cố gắng thêm một chút nữa thì mới bắt kịp các cường quốc hàng hải thế giới, nhưng không ai nghĩ là họ còn ở lại phía sau lâu nữa”.

Một bình luận của hãng thông tấn Nga Sputnik đã bổ sung một ý tưởng hấp dẫn : bằng cách tham gia với Nga ngay ở cửa ngõ của NATO trong biển Baltic, hải quân Trung Quốc có lẽ muốn thể hiện chiến lược gọi là “fanbian – phiên biến” (đổi phía – theo nghĩa tiếng Hoa), được cho là của nguyên soái Trung Quốc La Vinh Hoàn (Luo Ronghuan) trong Thế Chiến II : tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ để đánh lạc hướng quân sự nhằm gạt bỏ sức ép. Động thái của hải quân Trung Quốc giống như vậy. Nhưng Trung Quốc và Nga chắc chắn đang đáp trả những hành động gây hấn mà Hoa Kỳ tiến hành chống lại họ ở Biển Đông và biển Baltic.

Cuộc tập trận Joint Sea 2017 diễn ra chỉ 15 ngày sau chuyến công du Matxcơva ngày 04/07/2017 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp này đã có sự phối hợp tuyệt vời về các chính sách trước khi ông Tập và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 (07-08/072017) tại Hamburg, Đức. Điểm nổi bật của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung là sự phối hợp quan điểm trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Giới bình luận Nga thì đánh giá cuộc tập trận tại biển Baltic mang tính “bài phương Tây”. Thế nhưng, một bài báo của Nhân Dân Nhật Báo lại tuyên bố rằng Joint Sea 2017 “không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”. Bài báo ghi nhận Baltic là một “vùng nhạy cảm”, nhưng cho rằng cuộc tập trận “chỉ là một hoạt động định kỳ diễn ra hai năm một lần và không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào hay đối phó với tình hình hiện tại”. Tuy nhiên, Nhân Dân Nhật Báo cũng nhấn mạnh là “NATO có thể cảm thấy ở thế phòng thủ trước các cuộc tập trận chung và chắc chắn mong là Nga-Trung ít hợp tác hơn”.

Cuộc tập trận tại biển Baltic có thể coi là một tín hiệu tinh tế về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với những nỗ lực của Matxcơva nhằm kiến tạo lại trật tự an ninh tại châu Âu. Tương tự, phần hai của cuộc tập trận Joint Sea 2017 ở Viễn Đông thể hiện tình đoàn kết của Nga đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng khu vực do vấn đề Bắc Triều Tiên.

Một “chuẩn mực mới” đang được hình thành. Vào tháng 05/2015, chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiên tập trận với hạm đội Hắc Hải Nga. Tháng 09/2016, cũng lần đầu tiên, hải quân hai nước cùng tuần tra tại Biển Đông, bao gồm cả việc máy bay đáp xuống các đảo tại đây. Joint Sea 2017 rõ ràng là một bước tiến nữa : Đó là các cuộc tập trận “hai bên cùng có lợi” , ở biển Baltic và Viễn Đông, gợi đến một liên minh chiến lược.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170730-tap-tran-doi-ben-cung-co-loi-mot-chuan-muc-moi-trong-hop-tac-quan-su-nga-trung