Tin khắp nơi – 30/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 30/06/2016

Khảo sát: Người Mỹ gốc Á đang ngả sang đảng Dân chủ

Theo các khảo sát gần đây, người Mỹ gốc Á đang ngả sang Đảng Dân chủ, nhưng các lãnh đạo cộng đồng châu Á ở Los Angeles nói cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều đang không làm tốt việc thu hút cử tri châu Á, những người có chung mối quan tâm, song họ lại bị chia rẽ vì tuổi tác và đất nước xuất xứ. Các nhà lãnh đạo đã hồi đáp về dữ liệu mới được công bố nêu bật mối quan tâm của cử tri gốc Á.

Cuộc khảo sát những người Mỹ gốc Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Philippine ở Los Angeles, công bố hôm 29/6, cho thấy “những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ”, còn gọi là Millennial, người châu Á từ 18 tuổi đến 29, hầu hết được sinh ra ở Mỹ và rất thông thạo tiếng Anh. Họ biết tin tức từ phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, phần lớn là trực tuyến.

Sự khác biệt tuổi tác

Cuộc thăm dò cho thấy cử tri lớn tuổi gốc Á hầu hết sinh ra ở nước ngoài và biết tin tức từ phương tiện truyền thông bằng tiếng nước ngoài. Để đến với cả hai nhóm, các lãnh đạo cộng đồng nói các đảng cần sử dụng những diễn đàn thích hợp, và cũng tìm các ứng cử viên châu Á cho các chức vụ, vì các cử tri Mỹ gốc Á thường bỏ qua quan điểm đảng phái để ủng hộ các ứng cử viên có chung sắc tộc với họ. Chủ doanh nghiệp Charlie Woo nói: “Người Mỹ gốc Á nói chung ủng hộ người ở trong cộng đồng của họ để đại diện cho họ”. Ông là chủ tịch một nhóm về trao quyền cho cộng đồng có tên CAUSE. Ông là một trong những lãnh đạo có mặt tại buổi công bố kết quả khảo sát.

Raphael Sonenshein, giám đốc điều hành Viện Pat Brown thuộc ĐHTH Bang California, ở Los Angeles, đã tiến hành cuộc khảo sát cho biết: “Những người gốc Á trẻ tuổi trong cuộc khảo sát ‘cực kỳ tự do về các vấn đề xã hội’, đặc biệt là vấn đề như hôn nhân đồng tính nam”.

Cải cách nhập cư, quyền sinh đẻ và kiểm soát súng là chương trình nghị sự của Kat Alvarado, một sinh viên Mỹ gốc Philippine tại trường Cal State Los Angeles người tự xem cô là người “cánh tả”, nhưng độc lập về chính trị.

Sinh viên Elise Dang cho biết bạn bè cô nói chuyện chính trị trên Facebook và hầu hết, giống như cô ấy, là người theo trường phái tự do. Cô cho biết những bạn bè bảo thủ thường châm ngòi các cuộc thảo luận sôi nổi vì “hầu hết bạn bè của họ không đồng ý với quan điểm chính trị của họ”.

Các đảng chính trị không đến được với người Mỹ gốc Á

Charlie Woo thuộc nhóm CAUSE nói rằng cuộc nghiên cứu này cho thấy chỉ có 1/3 cử trị Mỹ gốc Á đã tiếp xúc trực tiếp với các quan chức dân cử của họ, điều này nêu bật khoảng cách trong hoạt động tiếp xúc chính trị. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các đảng đã mắc sai lầm khi không chú ý đến điều đó”.

http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-goc-a-nga-sang-dang-dan-chu/3398622.html

 

Mỹ, Canada, Mexico gia tăng hợp tác kinh tế, an ninh, môi trường

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã gặp nhau tại Ottawa để thúc đẩy cho sự hợp tác về kinh tế và an ninh vào một thời điểm mà Liên hiệp Châu Âu đang bắt đầu rạn nứt. Kế hoạch của Anh rời khỏi khối này, và vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ bóng mờ lên cuộc họp ngày hôm qua tại thủ đô Canada, nơi 3 nhà lãnh đạo đề cập đến sự hội nhập lớn hơn giữa các nước Bắc Mỹ.

Hội nghị có biệt danh là “Ba người bạn” là hội nghị đầu tiên được Thủ tướng Canada Justin Trudeau chủ trì. Ông ghi nhận đây là hội nghị cuối cùng có sự tham dự của Tổng thống Barack Obama.

“Hơi buồn một chút vì đây sẽ là cơ hội cuối cùng tất cả 3 chúng ta gặp nhau trong cương vị này, bởi vì Tổng thống Obama sắp rời khỏi chức vụ.”

Hoa Kỳ, Canada và Mexico là thành viên của Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA mà một số người Mỹ chống đối. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hứa sẽ thương thuyết trở lại thỏa thuận này nếu đắc cử, và thậm chí có thể huỷ bỏ hiệp ước.

Tổng thống Obama công nhận là có những mối quan tâm chính đáng về bất bình đẳng xã hội do toàn cầu hóa gây ra, nhưng ông nói thêm là rút khỏi thỏa thuận thương mại không phải là câu trả lời.

“Đầu tiên là việc này không khả thi, chẳng hạn như các nhà máy ô tô của chúng ta sẽ đóng cửa nếu chúng ta không có được những bộ phận rời sản xuất tại các nơi khác trên thế giới. Do đó chúng ta sẽ mất công ăn việc làm, và mức độ tai hại của sự gián đoạn này sẽ rất to lớn.”

Tổng thống Obama nói người Anh bỏ phiếu ra khỏi EU vẫn muốn tiếp cận thị trường mậu dịch tự do, họ chỉ không muốn những nghĩa vụ kèm theo. Ông nói kỷ nguyên sản xuất sinh lợi mà nhiều người Mỹ luyến tiếc đã bị tự động hóa xói mòn.

“Ngành thép đang sản xuất thép tại Mỹ nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ cần có một phần mười công nhân để làm việc này so với trước đây.”

Ba nhà lãnh đạo lên án vụ đánh bom tự sát hôm thứ Ba tại Istanbul. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nói Mexico và Hoa Kỳ cộng tác chặt chẽ để ngăn ngừa những cuộc tấn công như thế xảy ra trên lãnh thổ hai nước.

“An ninh của cả hai quốc gia tùy thuộc vào sự hợp tác của hai chính phủ chúng ta trong việc chia sẻ thông tin – trong những cuộc giao tiếp hàng ngày.”

Trong bài diễn văn đọc tại quốc hội Canada vào xế chiều ngày hôm qua, Tổng thống Obama nhấn mạnh đến sự ổn định trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Canada giữa lúc Liên hiệp Châu Âu bị rúng động do việc Anh bỏ phiếu rời khỏi khối này và Trung Quốc có những mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng tại Biển Đông

http://www.voatiengviet.com/a/my-canada-mexio-tang-hop-tac-kinh-te-an-ninh-moi-truong/3398608.html

 

Bắt giữ 13 nghi can vụ đánh bom phi trường Thổ Nhĩ Kỳ

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay cho biết cảnh sát đã bắt giữ 13 nghi can dính líu tới 3 vụ nổ bom tự sát tại một phi trường ở Istanbul. Theo tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA, tin này được loan một ngày sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ nói rằng thủ phạm của vụ khủng bố này rất có thể là nhóm Nhà nước Hồi giáo, tuy chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công giết chết 42 người và gây thương tích cho 239 người.

Giám đốc CIA John Brennan nói rằng vụ tấn công khủng bố ở phi trường Istanbul mang “những dấu hiệu đặc thù” của điều mà ông gọi là “tình trạng cùng quẫn” của nhóm Nhà nước Hồi giáo và cảnh báo là nhóm khủng bố này có thể tìm cách thực hiện những vụ tấn công tương tự ở nước Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng sự di chuyển của người và hàng hoá trong thế giới của thế kỷ 21 này, trong nhiều khía cạnh, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho những gì mà Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách thực hiện. Và do vậy mà chúng ta đã trông thấy là bọn chúng không cần phải lộ diện và đụng chạm tới người khác, vụ tấn công khủng khiếp ở Orlando, của một người có thể tiếp cận với những tài liệu của bọn chúng. Nhưng chúng ta cũng có những cá nhân mà bọn chúng có thể hướng dẫn và chỉ huy và điều động. Và vì thế cho nên có rất nhiều thách thức mà các cơ quan tình báo và an ninh phải đối mặt.”

Chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công ở Phi trường Quốc tế Ataturk hôm thứ ba, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Nhà nước Hồi giáo là thủ phạm.

42 người thiệt mạng và 239 người bị thương khi 3 kẻ nổ bom tự sát nổ súng vào đám đông rồi kích nổ bom trên người.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nằm trong số những nhà lãnh đạo thế giới lên án vụ tấn công.

“Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ dân chúng của mình. Tôi tin rằng chúng tôi có thể và chúng tôi sẽ đánh bại những kẻ chỉ mang lại chết chóc và tàn phá và chúng ta sẽ luôn luôn nhớ là, ngay cả trong trường hợp có những kẻ tìm cách chia rẽ chúng ta, chúng ta vững mạnh hơn khi chúng ta đến với nhau và làm việc chung với nhau để có được một thế giới tốt đẹp hơn.”

Hãng hàng không Turkish Airlines hôm qua đã thực hiện lại mọi chuyến bay, kể cả những chuyến bay giữa Mỹ và Istanbul.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết cuộc điều tra đang tiến hành, nhưng các bằng chứng cho thấy thủ phạm là nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Vụ tấn công nhắm vào phi trường bận rộn hàng thứ ba ở Âu châu là vụ mới nhất trong một loạt những vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm vừa qua, giết chết hơn 260 người. Những vụ khủng bố đã gây thiệt hại nặng cho kỹ nghệ du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ, một khu vực mà nền kinh tế của nước này phải dựa vào rất nhiều.

Hai vụ nổ bom tự sát đã xảy ra ở Istanbul hồi đầu năm nay nhắm vào du khách nước ngoài. Giới hữu trách cho rằng Nhà nước Hồi giáo là thủ phạm của những vụ tấn công này.

http://www.voatiengviet.com/a/bat-muoi-ba-nghi-can-vu-danh-bom-san-bay-tho-nhi-ky/3398521.html

 

Ông Duterte tuyên thệ nhậm chức tổng thống Philippines

Ngày hôm nay, ông Rodrigo Duterte – một viên thị trưởng thường có những phát biểu thô tục và nổi tiếng về việc chấp hành luật pháp một cách thô bạo đã lên nắm chức tổng thống ở Philippines với cam kết là sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn như vậy ở cấp quốc gia để trấn áp tội phạm. Theo tường thuật của thông tín viên Ralph Jennings tại Philippines, nhiều người đang mong đợi ông Duterte theo đuổi một chương trình hành động rộng rãi hơn trong tư cách của một vị nguyên thủ quốc gia.

Ông Duterte, cựu thị trưởng Davao, thành phố lớn thứ nhì của Philippines, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống sau khi đánh bại 4 ứng cử viên khác trong cuộc bầu cử hồi tháng trước với tỉ lệ chiếm phiếu là 39%.

Ông Duterte, 71 tuổi, vốn không hiện diện trên vũ đài chính trị cấp quốc gia, đã đắc cử tổng thống phần lớn là nhờ vào thành tích chống tội phạm ở Davao, nơi từng là một trung tâm mua bán ma tuý và là căn cứ của một nhóm phiến quân cánh tả.

Trong diễn văn nhậm chức tại Manila, ông cam kết sẽ ra sức bài trừ tệ nạn tham nhũng và ma tuý. Với những lời lẽ sắc bén mà ông thường dùng, ông Duterte cũng nói tới mối nghi ngờ của nhiều người là ông đã dùng những đội hành quyết để duy trì trật tự ở Davao.

“Tôi biết có một số người không tán thành những phương pháp mà tôi dùng để chiến đấu chống lại tội phạm, ma tuý và tham nhũng. Để trả lời, tôi xin nói là tôi đã nhìn thấy tham nhũng hoành hành như thế nào. Tôi đã nhìn thấy ma tuý gây ra những tai hại như thế nào cho những cá nhân và những mối quan hệ … Tôi đã nhìn thấy tham nhũng làm cho ngân khoản của chính phủ bị thất thoát như thế nào. Là một luật sư và một cựu công tố viên, tôi biết những giới hạn của quyền hành của tổng thống. Quí vị cứ lo làm công việc của quí vị và tôi sẽ lo liệu công việc của mình. Tôi biết điều gì là hợp pháp và điều gì là không hợp pháp.”

Người phát ngôn của thành phố Davao, ông Leo Villareal, cho biết ông Duterte đã làm thị trưởng trong 22 năm, nổi tiếng về những lời lẽ thô tục và thường đưa ra những lời hăm doạ khi cảm thấy tức tối về một vấn đề nào đó, nhưng ông đã làm cho tội phạm giảm đi rất nhiều nhờ vào việc không ai tiên đoán được ông sẽ làm gì.

“Sự suy nghĩ hay những ý tưởng của ông thị trưởng là không thể tiên đoán. Đó là những trở ngại đối với những người chống lại chiến dịch của ông thị trưởng, nhất là những người dính líu tới những hoạt động tội phạm và mua bán ma tuý. Phong cách của ông là không thể tiên đoán, cho nên không ai có thể ngăn chận ông. Chỉ có cảnh sát mới có thể thực hiện những gì ông muốn.”

Ông Leo Villareal nói thêm rằng những vụ mua bán ma tuý đã giảm 75% so với thời cao điểm và những phiến quân cánh tả của nhóm Quân đội Tân Nhân dân phải tiếp tục trốn núp trên núi.

Một số cư dân thành phố Davao, cũng như những nhà lãnh đạo chính trị Philippines, tin rằng ông Duterte — người có biệt danh “Kẻ trừng trị”, đã dùng những vụ giết hại không thông qua thủ tục pháp lý để ngăn chận tội phạm, mặc dù một cuộc điều tra năm 2009 không đưa những cáo giác đó ra trước toà án. Nhiều người tại thành phố có 1,6 triệu dân này cho biết họ tha thứ cho ông Duterte về bất cứ hoạt động nào của đội hành quyết, cũng như bất kỳ phương tiện nào mà ông đã dùng để làm cho thành phố này được an toàn hơn.

Giờ đây họ hy vọng ông Duterte có thể nới rộng phạm vi hoạt động trong tư cách tổng thống để có hoà bình với Trung Quốc và thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế của một nước mà khoảng một phần tư dân số đang sống trong cảnh nghèo túng.

Ngày hôm nay, ông Duterte lên tiếng hô hào cho sự minh bạch trong chính phủ và bình đẳng cho cả hai bên của hố chênh lệch giàu nghéo. Ông đã không trình bày một chương trình hành động về chính sách đối ngoại và về kinh tế.

Dân chúng ở Davao cũng nói với đài VOA rằng ông Duterte nên bớt nóng nảy để tránh xúc phạm người khác, làm hoà với 3 nhóm phiến quân Hồi giáo, và theo đuổi một chương trình hành động về kinh tế để chia đều các nguồn lực cho cả nước, thay vì chỉ dồn vào những tỉnh nằm gần Manila.

Cư dân địa phương cho biết đảo Mindanao, trên đó có thành phố Davao, là nơi có tỉ lệ dân nghèo thuộc loại cao nhất nước và thua sút những đảo khác về cơ sở hạ tầng và hoạt động công nghiệp.

Ông Harvey Gamas, 28 tuổi, phó giáo sư của Đại học Ateneo de Davao, cho biết ý kiến như sau.

“Tôi có quan điểm rất tích cực về tiến trình hoà bình vì ông Duterte được người Hồi giáo kính trọng rất nhiều. Trong trường hợp sự ưa thích của người dân đối với ông hiện nay được duy trì, tôi nghĩ rằng ông ấy có thể dựa vào đó để đạt được mục tiêu.”

Ba nhóm phiến quân Hồi giáo vẫn hoạt động ở Mindanao, bất chấp một thoả thuận hoà bình với nhóm phiến quân lớn nhất. Những cuộc xung đột ở Mindanao từ thập niên 1960 tới nay đã gây tử vong cho khoảng 120.000 người.

Tháng tư vừa qua, một nhóm phiến quân đã chặt đầu một du khách người Canada. Trung tuần tháng này, ông Duterte đã gặp hai nhóm phiến quân để đề nghị một hệ thống chính quyền liên bang để cho người Hồi giáo được có nhiều quyền tự trị hơn.

Nhiều người ở Philippines cũng cho rằng vị tổng thống mới của nước này nên ra sức duy trì hoà bình với Trung Quốc. Hai nước đã xích mích với nhau từ năm 2012 vì những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong lúc Bắc Kinh tiến hành những hoạt động bành trướng quân sự ở Biển Đông.

Ông Benigno Aquino, vị tổng thống vừa rời khỏi chức vụ, đã kiện Trung Quốc ra toà trọng tài Liên Hiệp Quốc vào năm 2014 nhưng không trực tiếp đàm phán với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Toà án sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 12 tháng 7.

Ông Aquino rời khỏi chức vụ ngày hôm nay sau khi hoàn tất nhiệm kỳ 6 năm.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-duterte-tuyen-the-nham-chuc-tong-thong-philippines/3398490.html

 

Thổ Nhĩ Kỳ bàng hoàng vì tấn công khủng bố ở phi trường Ataturk

Dorian Jones

Thổ Nhĩ Kỳ đang rúng động, 1 ngày sau khi những kẻ đánh bom tự sát xả súng vào sân bay quốc tế Ataturk trong cuộc tấn công khiến 41 người chết, trong đó có 13 người nước ngoài, và gần 250 người khác bị thương, theo loan báo của Thủ tướng.

Cờ rũ trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/6 trong lúc nước này dành một ngày tưởng niệm sau 3 vụ đánh bom tự sát hôm 28/6 tại sân bay quốc tế Ataturk. Những người sống sót chia sẻ trải nghiệm và những thông điệp bất khuất, như anh Dorka Kardosh, du khách người Hungary.

Anh Kardosh nói: “Tôi nghĩ chúng ta không nên sợ hãi vì đó chính là mục tiêu của khủng bố. Mục tiêu của họ là làm chúng ta khiếp sợ, nhưng chúng ta không thể sống mà nơm nớp nỗi lo sợ bước ra bên ngoài.”

Theo các nhà quan sát, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm đánh đi thông điệp rằng Istanbul vẫn kiên cường. Chỉ vài giờ sau vụ đánh bom, sân bay Ataturk đã mở cửa trở lại. Các lực lượng an ninh đang khẩn trương nhận dạng các thủ phạm đánh bom. Những kẻ tấn công xem ra đã hoạt động rất chặt chẽ và có phối hợp. Trước khi kích hoạt chất nổ, các tay đánh bom được trang bị hùng hậu đã nổ súng trường tấn công và súng lục tại ga đến quốc tế đông nghẹt hành khách.

Ataturk là một trong những sân bay bận rộn nhất trên thế giới. Phát biểu vài giờ sau vụ tấn công, Thủ tướng Binali Yildirim, nêu đích danh Nhà nước Hồi giáo.

Ông nói theo kết quả điều tra ban đầu của lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, vụ tấn công dường như được thực hiện bởi Daesh, một từ ám chỉ Nhà nước Hồi giáo.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, John Brennan, ngày 29/6 tố cáo cuộc tấn công mang những đặc điểm của điều mà ông gọi là sự ‘đồi bại’ của Nhà nước Hồi giáo.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đoàn kết dân tộc, nhưng các nhà quan sát cảnh báo vụ này có phần chắc sẽ đào sâu thêm những rạn nứt chính trị. Các đảng đối lập tố cáo chính phủ đã không truy quét Nhà nước Hồi giáo đủ mạnh. Nhà nước Hồi giáo được cho là có một mạng lưới rộng lớn bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức ở Ankara mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc đó, nhưng an ninh sân bay có phần chắc sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Truyền thông địa phương loan tin các dịch vụ tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cách đây vài tuần đã cảnh báo rằng Istanbul sắp đối mặt với đe dọa tấn công từ Nhà nước Hồi giáo.

Theo giới phân tích, với việc Nhà nước Hồi giáo đang chịu một loạt thất bại quân sự ở Iraq và Syria, tổ chức này sẽ quyết tâm phản công.

http://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-bang-hoang-vi-tan-cong-khung-bo-o-phi-truong-ataturk/3397787.html

 

Dữ liệu chuyến bay cho thấy có khói trên máy bay Ai Cập lâm nạn

Các nhà điều tra Ai Cập loan báo máy ghi dữ liệu chuyến bay cho thấy có khói trên chiếc máy bay EgyptAir của Ai Cập lâm nạn ở Địa Trung Hải hôm 19/5, khiến tất cả 66 người trên máy bay thiệt mạng.

Dữ liệu cho thấy khói bốc ra từ nhà vệ sinh và từ một số thiết bị điện tử trên máy bay.

Chi tiết này phù hợp với các tín hiệu từ máy bay gửi đến kiểm soát không lưu ngay trước khi máy bay rơi trên đường từ Paris đến Cairo. Các nhà điều tra cho biết máy ghi dữ liệu ngừng hoạt động ở độ cao 11.278 m.

Các nhà điều tra cũng cho hay tìm thấy các thiệt hại do sức nóng gây ra và muội than ở mặt trước một mảnh vỡ của chiếc Airbus A320.

Hộp đen thứ hai ghi âm buồng lái cũng được tìm thấy nhưng bị hỏng nặng, đang được sửa chữa tại Paris và có thể sẽ cung cấp thêm manh mối về nguyên nhân tai nạn.

Phi công điều khiển máy bay đã không đánh đi bất kỳ tín hiệu cầu cứu nào và cũng chưa nhóm khủng bố nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc.

http://www.voatiengviet.com/a/du-lieu-chuyen-bay-cho-thay-co-khoi-tren-may-bay-ai-cap-lam-nan/3397699.html

 

Campuchia cử nữ vận động viên Marathon đầu tiên tham dự Olympics

Cambodia sẽ cử nữ vận động viên Marathon đầu tiên của nước này tham dự Thế vận hội Olympic tại Brazil.

Nary Ly, 42 tuổi, được mệnh danh là nữ vận động viên duy nhất của nước này tranh tài cuộc đua 42 km, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (NOCC), ông Vath Chamroeun cho biết.

Ông Chamroeun cho biết: ‘Năm ngoái, cô Ly phá kỷ lục, dưới mức 3 giờ đồng hồ, dành cho bộ môn Marathon nữ. Cho nên, cô có kỹ thuật cao hơn so với các vận động viên khác ở Campuchia.’ Ông cho biết thêm rằng sự hiện diện của Ly tại Olympics sẽ là nguồn cảm hứng cho các nữ vận động viên trẻ của Campuchia.

Tổng thư ký NOCC nói: ‘Cô ấy có thể trở thành một hình tượng mẫu cho các vận động viên Marathon vì rất khó kiếm vận động nữ cho bộ môn Marathon tại Campuchia. Đây là lần đầu tiên một nữ vận động viên thi đấu bộ môn Marathon 42km của Campuchea tham gia Thế vận hội.’

Vận động viên Marathon kiêm diễn viên hài người Nhật nhập tịch Campuchia hồi năm 2011, Neko Hiroshi, cũng có tên trong danh sách các vận động viên Campuchea tham gia thi đấu Olympics. Anh Hiroshi trước đây từng bị cấm tham gia Thế vận hội London vào năm 2012 sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế xác minh rằng anh chưa đủ thời gian lưu trú ở Campuchea kể từ khi nhập tịch.

Ông Chamroeun cho biết: ‘Lúc đó, anh ta có quốc tịch Campuchea chưa đầy 1 năm, nên họ không cho phép anh tham dự Olympic. Nhưng hiện không có đối thủ nào tại Campuchea có thể đánh bại anh ấy.’

http://www.voatiengviet.com/a/campuchia-cu-nu-van-dong-vien-marathon-dau-tien-tham-du-olympics/3397682.html

 

Dữ liệu về khủng bố bị tiết lộ trên mạng Internet

Một cơ sở dữ liệu về 2,2 triệu nghi can khủng bố và những người có liên quan đến tội phạm có tổ chức, vốn là danh sách được các cơ quan tình báo, các ngân hàng và các công ty trên khắp thế giới sử dụng, bị tiết lộ trên Internet.

Cơ sở dữ liệu mang tên World-Check do công ty dữ liệu tài chính Thomson Reuters quản lý cho các khách hàng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu an ninh Chris Vickery đã phát hiện ra phiên bản 2014 của danh sách này trên mạng mà không cần bất kỳ mật khẩu nào để truy cập.

Công ty Thomson Reuters đã cảm ơn ông Vickery vì khám phá này. Công ty cho biết họ đã tiếp cận với bên thứ ba ẩn danh đã cho đăng tải các thông tin này lên mạng và thủ phạm đã đồng ý gỡ danh sách dữ liệu đó xuống.

Danh sách này phân loại những yếu tố nguy cơ của các cá nhân bị cáo giác có liên kết với các nhóm khủng bố, tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

http://www.voatiengviet.com/a/du-lieu-ve-khung-bo-bi-tiet-lo-tren-mang-internet/3397621.html

 

Khảo sát: TT Obama và Mỹ được đánh giá cao trên thế giới

Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục được yêu thích tại nhiều nơi trên thế giới trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông.

15 trong số 16 nước được khảo sát ở Châu Âu và Châu Á bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng ông Obama giải quyết các vấn đề của thế giới dù ông không nhận được lời tán dương chung trên sân khấu thế giới trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống.

Xếp hạng quốc tế dành cho Obama cao hơn so với vị tiền nhiệm là cựu Tổng thống George W. Bush, người bị chỉ trích về các vấn đề chính sách đối ngoại và sự lan tràn tinh thần chống Mỹ tại nhiều nơi trên thế giới.

Khảo sát cho thấy ông Obama đắc cử tháng 11 năm 2008 đã khơi dậy sự hồi sinh của hình ảnh nước Mỹ trên toàn cầu, đặc biệt tại Tây Âu.

Ít nhất một nửa số người tham gia khảo sát tại các nước tỏ ra thích Mỹ, ngoại trừ ở Hy Lạp, nơi chỉ có 38% có đánh giá tích cực về Hoa Kỳ.

Mỹ được đánh giá cao nhất tại Italy, Ba Lan và Nhật Bản. Tại các nước này, hơn 2/3 những người được thăm dò có quan điểm tích cực đối với Mỹ. Đánh giá tốt dành cho Mỹ cũng tăng nhẹ tại Đức và Trung Quốc, nơi ý kiến quần chúng về nước Mỹ đã chuyển hướng tích cực kể từ năm ngoái.

http://www.voatiengviet.com/a/khao-sat-tt-obama-va-my-duoc-danh-gia-cao-tren-the-gioi/3397654.html

 

Boris Johnson: ‘Tôi không ra tranh cử’

Cựu Thị trưởng London, ông Boris Johnson, vừa tuyên bố ông sẽ không ra tranh cử vào chức vụ lãnh đạo đảng Bảo thủ tại Anh.

“Sau khi tham vấn với các đồng nghiệp và trong bối cảnh Quốc hội hiện nay, tôi đi tới kết luận rằng người đó không thể là tôi.”

Trợ lý Trưởng biên tập chính trị của đài BBC, Norman Smith, nói quyết định của ông Michael Gove ra tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ khiến ông Boris Johnson quyết định sẽ không tham gia cuộc chạy đua vào chức vụ này.

Phóng viên BBC Norman Smith nói ông Boris Johnson “người có lẽ đã thắng trong chiến dịch vận động rời bỏ EU – Brexit”, bằng cách mang đến cho phe này vai trò lãnh đạo nhưng “nay nhận ra rằng ông đã trở thành viên thuốc đắng đối với rất đông đảo người dân trên đất nước này”.

Ông Boris Johnson không nêu tên người ông tin nên trở thành lãnh tụ của đảng Bảo Thủ.

Trước đó, bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ và người ủng hộ chiến dịch vận động Anh ở lại EU, và Bộ trưởng Tư pháp, ông Michael Gove và là người ủng hộ Anh rời khỏi EU, cùng vừa tuyên bố trong ngày 30/06 ở London tuyên bố ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ để lên làm tân thủ tướng.

Hiện các báo Anh mô tả cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và cũng là chức thủ tướng là rất căng.

Cuộc bầu chọn sẽ diễn ra trong khối nghị sỹ đảng Bảo thủ ở Hạ viện rồi chọn ra hai ứng viên hàng đầu để đảng viên chọn tại Đại hội dự kiến vào tháng 10 này.

Cho tới nay năm ứng viên chính thức bao gồm Stephen Crabb, Liam Fox, Michael Gove, Andrea Leadsom và Theresa May

Các dân biểu đảng Bảo thủ sẽ tham gia vòng bỏ phiếu đầu tiên vào thứ Ba.

Theresa May

Một trong những người giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ lâu năm nhất trong lịch sử, bà Theresa May được nhắc tới là một người có nhiều khả năng trở thành lãnh đạo tương lai của đảng Bảo thủ.

Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osbourne mà học trường chuyên.

Một điều tra trên trang The Mirror cho thấy bà May được 55% thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ, cao hơn ông Boris Johnson (38%).

Bà May là một trong những người có đường lối cứng rắn nhất trong chính phủ. Trong những năm theo sau thất bại nặng nề của đảng Bảo thủ hồi năm 1997, bà nổi tiếng với câu nói đảng này được một số người gọi là “đảng độc địa”.

Dân biểu này được ca ngợi về cách thức bà đã cứng rắn giải quyết hồ sơ thường có nhiều vấn đề của Bộ Nội vụ – vốn bị xem là như một chén thuốc độc khó nhằm – tuy nhiên sức hấp dẫn chính trị rộng lớn hơn của bà còn chưa được thử thách.

Trong khi đứng về phía những người ủng hộ ở lại EU, bà May vẫn giữ một vị thế khá lặng lẽ trong thời gian vận động bỏ phiếu trưng cầu dân ý, có nghĩa là bà có tiềm năng với những dân biểu đang nhìn quanh tìm một người nào khác hơn là ông Boris Johnson.

Nếu thắng lợi, bà sẽ là nữ thủ tướng Anh thứ nhì, sau bà Margaret Thatcher.

Bà Theresa May trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.

Michael Gove

Vị dân biểu 48 tuổi này đã từng cố đưa ra giới hạn về các tham vọng cá nhân của mình, thậm chí tới mức gợi ý rằng ông không được trang bị để làm công việc của Thủ tướng.

Từng là cựu phóng viên tờ Times, người vào Quốc hội năm 2005, ông là một bạn thân của ông David Cameron và ông George Osborne, Bộ trưởng Tài chính, và cũng là một nhân vật chủ chốt trong việc hiện đại hóa đảng Bảo thủ, dẫn tới đưa đảng này trở lại cầm quyền năm 2010.

Ông Michael Gove sau đó trở thành một Bộ trưởng Giáo dục có đường lối cải cách, nếu có thể nói là gây tranh cãi, và được xem là một trong những trí thức với tiếng nói có trọng luợng trong đảng.

Hiện ông là Bộ trưởng Tư pháp và việc ông quyết định ủng hộ phe vận động rời khỏi châu Âu là một trong những thời điểm quyết định trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý.

Mặc dù điều này được cho là đã tạo ra căng thẳng trong mối quan hệ của ông với ông Cameron, ông vẫn là người được tôn trọng từ cả hai phe Ở lại và Ra đi khỏi EU trong đảng Bảo thủ và có lẽ sẽ là một nhân vật quan trọng trong những tháng tới.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160630_uk_politics_boris_johnson_rules_out

 

Trung quốc tuyên truyền bằng nhạc rap

Một bản nhạc rap bằng tiếng Anh, nhằm mục đích tuyên truyền cho người nước ngoài “sự thật” về Trung quốc, vừa được một nhóm trong đảng Cộng Sản Trung Quốc phát hành.

“Đây là Trung Quốc” được Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đăng tải trên trang xã hội Weibo vào thứ Ba 29/06 và có hơn 40.000 lượt chia sẻ.

Bài hát được kết hợp giữa các yếu tố truyền thống Trung Quốc và nhạc rap hiện đại.

Nội dung bài hát nói Trung Quốc có “những vấn đề nghiêm trọng” nhưng yêu hòa bình, phong phú và đi đầu về nghiên cứu khoa học.

Bài hát mở đầu bằng mong muốn “ Trả lại ấn tượng của mọi người về Trung Quốc”, và cho rằng truyền thông quốc tế đã bịa đặt và đưa hình ảnh sai về đất nước.

Tiếp theo đó, bài hát giải thích “Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển và có nhiều khó khăn về mặt quản lý”, và nhắc đến nhiều sự cố đã xảy ra, ví dụ như vụ bê bố về sản phẩm sữa hồi năm 2008, khi sữa bị phát giác có chứa chất melamine.

Tuy nhiên, phần điệp khúc nhấn mạnh và đưa ra kết luận rằng người dân vẫn “yêu đất nước của mình”.

“Bài hát này để người phương Tây hiểu về Trung Quốc,” Wang Zixin, thành viên của nhóm nhạc rap CD Rev từ Thành Đô, kếp hợp với Đoàn Thanh niên sản xuất bản nhạc, nói với hãng tin Sixth Tone.

“Chúng tôi muốn người phương Tây biết rằng người Trung Quốc hiểu về những khó khăn của đất nước và sẵn sàng thay đổi.”

Bản nhạc cũng nhắc đến vấn đề Đài Loan, nói “những người dân thường chỉ mong muốn thống nhất, vì cả hai đều từ cùng một gia đình”.

Những vấn đề khác như kiểm soát súng cũng được nhắc đến trong lời bài hát.

Năm ngoái, CD Rev cũng phát hành một video ca nhạc- Hồng quân Trung Quốc – có những lời nhạc mạnh mẽ về sự độc lập của Hong Kong và Đài Loan.

Nhà chức trách Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh bị tách ra, và sẽ được sáp nhập lại, kể cả bằng vũ lực, nếu cần thiết.

Phản hồi tích cực

Bài nhạc rap được phản hồi khá tích cực trên mạng xã hội Weibo, với những lời nhận xét từ thành viên cho thấy họ rất yêu đất nước, trong khi một số khác nói bài hát khiến họ xúc động đến chảy nước mắt.

“Mặc dù chúng tôi còn nhiều khiếm khuyết, từng bước một, chúng tôi sẽ xây dựng Trung Quốc mạnh hơn và có cuộc sống tốt hơn,” một lời nhận xét trên Weibo viết.

Tuy nhiên, một số thành viên khác lại hỏi tại sao bài hát không được viết bằng tiếng Phổ thông và nói họ không thể hiểu một số đoạn trong bài.

Một số khác lại thì mỉa mai một cách nhẹ nhàng, như một thành viên nói “đây chắc chắn là Trung Quốc, chúng ta thức dậy cùng gấu trúc mỗi ngày”, ám chỉ đến đoạn video trong bài hát chiếu cảnh những con gấu trúc trong rừng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160630_china_rap_communist_party

 

Obama quan ngại về tăng trưởng toàn cầu

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói việc Anh Quốc bỏ phiếu rời EU (Brexit) tạo “quan ngại dài hạn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Ông nói Brexit sẽ ngưng trệ “các khả năng đầu tư vào Anh Quốc hoặc vào châu Âu nói chung”.

Ông đề nghị thủ tướng Anh và giới lãnh đạo châu Âu đảm bảo cho một qui trình có trật tự để Anh rời EU.

Tổng thống Hoa Kỳ phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh tại Ottawa với giới lãnh đạo Canada và Mexico, nhằm để tăng cường quan hệ kinh tế giữa các nước Bắc Mỹ.

Ông nói sự chuẩn bị của các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước này cho thấy “kinh tế toàn cầu về ngắn hạn sẽ ổn định”.

Nhưng ông nói thêm: Tôi cho rằng có một số quan ngại thực sự về tăng trưởng kinh tế toàn cầu về dài hạn.

“Vào thời điểm khi tăng trưởng toàn cầu đã kém thì điều này chẳng giúp ích gì,” Tổng thống Hoa Kỳ nói.

Trước đó giới lãnh đạo châu Âu cảnh báo rằng Anh phải tôn trọng thỏa thuận tự do di chuyển nếu muốn duy trì tiếp cận thị trường chung.

Bà Merkel, thủ tướng Đức, là một trong số nhiều nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh rằng tự do di chuyển của công dân EU là một phần chủ đạo của thị trường chung – và rằng sẽ không có đàm phán với Anh cho tới khi EU nhận được thông báo chính thức về ý định Anh rời liên minh này.

Giới lãnh đạo 27 nước họp tại Brussels với sự vắng mặt của Anh lần đầu tiên trong hơn 40 năm.

Sau phiên họp, lãnh đạo 27 nước EU nói trong thông cáo nói tiếp cận thị trường chung yêu cầu phải chấp nhận “bốn điểm tự do” bao gồm tự do di chuyển hàng hóa, lao động, dịch vụ và vốn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160630_obama_warns_global_growth

 

Anh sắp lại có nữ thủ tướng?

Nếu thắng lợi, bà sẽ là nữ thủ tướng Anh thứ nhì, sau bà Margaret Thatcher.

Là Bộ trưởng Nội vụ và ủng hộ Anh ở lại EU, bà May hiện được số thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ nhiều hơn ông Boris Johnson, cựu Thị trưởng London.

Nhưng ông Johnson, người ủng hộ Brexit, lại có sức thu hút quần chúng rộng rãi hơn.

Một điều tra trên trang The Mirror cho thấy bà May được 55% thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ, cao hơn ông Boris Johnson (38%).

Hiện các báo Anh mô tả cuộc chạy đua vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và cũng là chức thủ tướng là rất căng.

Vì hiện là đảng có đa số trong Hạ viện, ai trúng cử làm lãnh đạo cao nhất của đảng Bảo thủ sẽ lên làm thủ tướng Anh.

Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove cũng vừa tuyên bố trong ngày 30/06 ở London là ông sẽ ra tranh cử.

Cuộc bầu chọn sẽ diễn ra trong khối nghị sỹ đảng Bảo thủ ở Hạ viện rồi chọn ra hai ứng viên hàng đầu để đảng viên chọn tại Đại hội dự kiến vào tháng 10 này.

Bà Theresa May trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.

Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osbourne mà học trường chuyên grammar.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160630_theresa_may_candidacy

 

UOB ngưng cho vay mua nhà ở London

UOB, ngân hàng lớn thứ ba Singapore, nói họ đình chỉ chương trình cho vay mua bất động sản London.

Quyết định này được đưa ra để đối phó với bất trắc phát sinh bởi việc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, ngân hàng cho biết.

Lá phiếu vào ngày 23 tháng 6 gây ra tình trạng bất ổn trên thị trường toàn cầu và đẩy đồng bảng xuống mức mức thấp kỷ lục. Đôla Singapore đã tăng giá khoảng 10% kể từ khi Anh thông báo kết quả trưng cầu Brexit.

Người Singapore nằm trong số người mua nhà hàng đầu ở London vào năm 2015.

Trong một thông cáo gửi BBC, UOB nói: “Chúng tôi sẽ tạm ngừng nhận hồ sơn xin vay tiền ở nước ngoài để mua bất động sản London.”

“Vì kết quả của cuộc trưng cầu của Anh Quốc vẫn đang tạo ra các diễn biến không chắc chắn, chúng tôi cần phải đảm bảo khách hàng của chúng tôi phải thận trọng với các khoản đầu tư của họ vào bất động sản London.”

Rủi ro tỷ giá hối đoái

Ngân hàng lớn nhất của Singapore, DBS, đang tiếp tục cho vay mua nhà nhưng đang tư vấn cho khách hàng của mình phải thận trọng.

“Đối với các khách hàng quan tâm đến việc mua bất động sản ở London, chúng tôi khuyên họ đánh giá tình hình cẩn thận,” Tổng Giám đốc DBS Tok Geok Peng nói với BBC.

“Với rủi ro ngoại hối, thậm chí nếu giá bất động sản ở nước ngoài có tăng, bất kỳ khoản lãi nào nếu có sẽ bị bào mòn nếu đồng tiền của quốc gia mà người ta mua nhà mất giá so với đồng đôla Singapore,” ông Tok giải thích.

Một ngân hàng lớn khác của Singapore, OCBC, nói với BBC rằng họ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào về chính sách tư vấn của mình.

Phang Lah Hwa, Giám đốc Ban Cho vay Có đảm bảo, nói với BBC rằng OCBC “vẫn cho vay mua nhà ở London và giám sát tình hình chặt chẽ”.

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/06/160629_singapore_bank_suspend_london_properties_loan

 

‘Ba kịch bản’ phán quyết về Biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vào ngày 12/7/2016.

Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines mô tả điều ông gọi là “ba kịch bản” có thể xảy ra với phán quyết mà ông nói chi phối tới hơn 85% tranh chấp chủ quyền tại Biển Tây Philippines (“Biển Đông” theo cách gọi của Việt Nam).

Thẩm phán Antonio Carpio đã và đang theo đuổi vụ tranh chấp chủ quyền của Philippines và Trung Quốc trong nhiều năm.

Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế vào năm 2013.

Đơn kiện của Philippines nói yêu sách ‘đường chín đoạn’, hay ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.

‘Kịch bản tốt’

Thẩm phán Antonio T. Carpio từ Tòa án Tối cao Philippines nói rằng trong “kịch bản tốt”, Tòa trọng tài có thể sẽ phán quyết đường chín đoạn là “vô hiệu”, bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển chủ quyền của Philippines vốn là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines, nhưng tòa sẽ không ra phán quyết với các vấn đề khác.

Nếu phán quyết này xảy ra, Philippines sở hữu vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý từ bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể đánh bắt cá tại đây. Trong khu vực vùng biển chủ quyền từ bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể sẽ đánh bắt cá chung với tàu Trung Quốc.

Trung Quốc được dự đoán sẽ không tuân thủ phán quyết trừ khi có các nước lớn và các tổ chức lớn buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết và người Trung Quốc nhận ra tuyên bố đường chín đoạn không có cơ sở lịch sử.

Nếu kịch bản này xảy ra, thẩm phán Carpio nói Philippines có thể sẽ tiếp tục một vụ kiện mới với tranh chấp tại đảo Itu Aba [Ba Bình – theo cách gọi của Việt Nam] và khuyến khích Việt Nam và Malaysia tham gia vụ kiện này.

“Cần có các chiến dịch ngoại giao ở Liên hiệp Quốc/Asean/EU để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết và cấm việc tuyên bố chủ quyền hàng hải với đường chín đoạn,” ông Carpio nói.

Kịch bản thứ hai

Tòa phán quyết đường chín đoạn không có giá trị hoặc vô hiệu trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải, Đảo Ba Bình không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định tình trạng của các bãi cạn do Philippines xác định, bãi cạn Scarborough tạo ra vùng biển chủ quyền là vùng đánh cá truyền thống của người Philippines.

Với kịch bản này, Philippines cần có các chiến dịch ngoại giao với UN/ASEAN/EU và thế giới để đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trong tài và cấm việc tuyên bố chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn.

‘Kịch bản tệ nhất’

Tòa án không phán quyết về giá trị của ‘đường chín đoạn’, tuyên bố Đảo Ba Bình có tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Scarborough chỉ tạo ra vùng biển chủ quyền. Phán quyết không đề cập đến các vấn đề khác.

Nếu phán quyết này xảy ra, Trung Quốc sẽ áp đặt đường chín đoạn là ranh giới chủ quyền, Trung Quốc sẽ chặn hoặc quấy rối đường tiếp tế của Philippines/Việt Nam/Malaysia đến các đảo mà các nước này đang kiểm soát tại Trường Sa, tranh chấp pháp lý về vùng biển trong khu vực “đường 9 đoạn” vẫn tiếp tục.

Cách duy nhất mà các quốc gia khác có thể chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc là trang bị thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa. Chạy đua vũ trang trên biển sẽ xảy ra.

Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc sẽ chống lại các hoạt động tuần này. Căng thẳng gia tăng.

‘Việt Nam có lợi’

Trong buổi nói chuyện tại Manila hôm 24/06, Thẩm phán Carpio đưa ra nhiều giải pháp để gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, bao gồm xin đình chỉ giấy phép của Trung Quốc tại Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế hay đề nghị Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hiệp Quốc đình chỉ hồ sơ của Trung Quốc về thềm lục địa mở rộng.

“Nếu Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) khai thác dầu và khí đốt trong khu vực Bãi Cỏ Rong, Philippines có thể kiện CNOOC ở các quốc gia mà CNOOC có tài sản, như tại Canada và Hoa Kỳ,” ông Carpio nói.

Nói với BBC Tiếng Việt từ Manila, thẩm phán Carpio nhận định: “Một trong những điều được đề cập đến tại tòa là các đảo chìm như Đá Vành Khăn, Đá Subi. Nếu chúng tôi thắng ở các điểm đó, theo luật là Trung Quốc phải rời khỏi các bãi đá đó. Nhưng tất nhiên là ép Trung Quốc rời khỏi các bãi đá là cực kỳ khó.”

“Trung Quốc đã cải tạo tất cả các đảo mà họ chiếm, xây dựng các cấu trúc quân sự trên bảy đảo đá chìm. Tôi không thấy Scarborough có thể là ngoại lệ. Họ cũng sẽ xây, đó là đánh giá của tôi.Trung Quốc sẽ xây dựng tại Scarborough để khẳng định sự hiện diện của họ ở khu vực đó. Trung Quốc xem vị trí của Scarborough là rất chiến lược, cực kỳ chiến lược.”

Tuy nhiên, ông Carpio cũng thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài sẽ không giải quyết được xung đột trong khu vực quần đảo Trường Sa.

“Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều từ phán quyết này bởi vì Việt Nam biết nếu họ kiện Trung Quốc về ‘đường chín đoạn’, phán quyết cũng sẽ tương tự. Vì thế, đó là lý do Việt Nam gửi thư đến tòa trọng tài nói ủng hộ Philippines.

“Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào tình hình của riêng của mỗi quốc gia. Việt Nam ở tình thế rất khác Philippines, có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc. Việt Nam từng có chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1979, và đã có xung đột trên biển năm 1988,” Thẩm phán Carpio nhận định.

Trong ngày thứ Hai 27/6, hãng tin Reuters tường thuật Tổng thống sắp nhậm chức của Philippines Rodrigo Duterte nói sẽ không bình luận về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung Quốc cho đến sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160628_scenarios_on_scs_dispute_carpio

 

Bí quyết ‘không bao giờ ngủ’ của người Nhật

Người Nhật không ngủ. Ai cũng nói thế, kể cả người Nhật.

Dĩ nhiên, điều này không đúng. Nhưng đây là một vấn đề rất thú vị nếu xét dưới góc độ logic xã hội và văn hóa.

Lần đầu tiên tôi biết đến độ thú vị của chuyện ngủ là trong lần đầu tiên tới Nhật, hồi thập niên 1980.

Khi đó, Nhật Bản đang ở đỉnh cao của thời kỳ Kinh tế Bong bóng nổi tiếng, một thời kỳ bùng nổ đầu tư bất thường. Vì thế, đời sống hàng ngày cũng rất bận rộn.

Lịch biểu của ai cũng chật cứng những cuộc hẹn làm việc và giải trí, vì thế họ có rất ít thời gian để ngủ. Lối sống ở thời này có thể tóm gọn lại trong một khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng khắp thời đó, ca ngợi tác dụng của một loại nước uống tăng lực: “Bạn có thể chiến suốt 24 giờ không?/ Doanh nhân! Hỡi doanh nhân! Hỡi doanh nhân Nhật Bản!”

‘Say mê làm việc quá mức’

Rất nhiều người phàn nàn: “Người Nhật chúng tôi say mê làm việc quá mức!”

Nhưng trong lời than phiền, người ta có thể cảm nhận được sự tự hào về đức chăm chỉ và có lẽ là đức tính ưu việt hơn so với phần còn lại của thế giới.

Vào thời đó, hàng ngày đi làm tôi đều nhìn thấy vô số người ngủ lơ mơ trên tàu điện ngầm. Một số người thậm chí ngủ ngay khi đang đứng, và chẳng ai tỏ ra ngạc nhiên trước chuyện đó.

Tôi thấy quan điểm này thật mâu thuẫn!

Hình ảnh tích cực của những nhân viên mẫn cán vốn sẵn sàng cắt ngắn giấc ngủ đêm và cau mày khi thức trễ vào buổi sáng, lại đi kèm với hành vi phổ biến là họ tranh thủ chợp mắt mọi lúc có thể, trên phương tiện công cộng, giữa những cuộc họp công ty, trong lớp học hay giữa giờ giảng – thứ hành vi trong tiếng Nhật gọi là “inemuri”.

Nếu ngủ trên giường bị coi là lười biếng thì tại sao ngủ trong một sự kiện nào đó hay ngủ ngay trong giờ làm việc lại không bị đánh giá là còn tệ hơn cả sự lười biếng?

Lý nào lại cho phép trẻ em thức khuya ban đêm học bài nếu ngày hôm sau chúng sẽ ngủ gật trong lớp học?

‘Giấc ngủ phản ánh cấu trúc, giá trị xã hội’

Giấc ngủ có thể mang rất nhiều ý nghĩa và ý thức hệ bên trong.

Việc phân tích cách phân bố những giấc ngủ và các tài liệu về giấc ngủ cho ta biết về những thái độ, những giá trị xuất hiện trong bối cảnh xảy ra giấc ngủ đó, hoặc bối cảnh khiến người ta nói về những giấc ngủ đó.

Tôi nhận thấy những sự kiện hàng ngày diễn ra một cách tự nhiên, không ai để ý đến thực ra lại phản ánh cấu trúc quan trọng, phản ánh những giá trị của xã hội.

Chẳng hạn như chúng ta thường cho rằng tổ tiên chúng ta đi ngủ một cách “tự nhiên” khi trời tối và thức dậy khi Mặt Trời mọc.

Thậm chí trước khi phát minh ra đèn điện, con người ta thường bị mắng mỏ nếu thức khuya trò chuyện, uống rượu hay thư giãn.

Tuy nhiên, các học giả – thường là các võ sĩ samurai trẻ tuổi – thường được ca ngợi là có đức hạnh cao cả khi họ thức dậy lúc nửa đêm để dùi mài kinh sử, mặc dù thói quen này không hiệu quả lắm bởi nó thường khiến họ ngủ gục trong các giờ học ngày hôm sau, chưa kể lại còn tốn dầu thắp sáng vào ban đêm.

Việc chợp mắt chốc lát hiếm khi được ghi lại trong các tài liệu.

Thông thường, chuyện ai đó ngủ gật nơi công cộng chỉ được nhắc đến khi nó gây ra một tình huống hài hước, kỳ quặc nào đó, ví dụ như khi có người hát nhầm ở một buổi lễ kỷ niệm vì không để ý và đã thiếp đi trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Người ta có xu hướng thích thú trêu chọc bạn bè vô tình ngủ gật nơi công cộng.

Dậy sớm từ lâu đã được ca tụng là một điều tốt, ít nhất là trong Nho Giáo và Phật Giáo.

Từ thời cổ xưa đã có các tài liệu cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến giờ giấc làm việc của tầng lớp đầy tớ. Thế nhưng từ thời Trung cổ trở đi, thức giấc sớm là chuyện thường tình với mọi tầng lớp trong xã hội, và cụm từ “thức khuya dậy sớm” được dùng để nói về những người có đức hạnh.

Một khía cạnh thú vị khác là ngủ chung.

Ở Anh, cha mẹ thường được khuyên cho con cái, dù bé còn rất nhỏ, ngủ trong phòng riêng để học cách ngủ tự lập, và từ đó thiết lập lịch biểu ngủ cho bé.

Trái lại, ở Nhật, cha mẹ và bác sĩ vẫn dứt khoát cho rằng cần ngủ chung với trẻ ít nhất cho đến khi con đến tuổi đi học, và việc đó sẽ giúp trấn an trẻ, giúp trẻ phát triển thành những người lớn độc lập và dễ thích nghi với cộng đồng.

Có thể thói quen văn hóa này giúp người Nhật có thể ngủ thoải mái giữa nơi đông người, ngay cả khi đã trưởng thành. Rất nhiều người Nhật nói họ thấy ở công ty thoải mái hơn so với khi ngủ một mình.

Hiện tượng trên cũng được thấy vào mùa xuân năm 2011, sau thảm họa sóng thần khủng khiếp hủy diệt nhiều thị trấn ven biển của nước Nhật.

Những người sống sót phải trú trong các khu lều trại tạm, nơi hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm người phải sống và ngủ trong không gian chung.

Dù cũng có nhiều xung đột và vấn đề, nhưng người sống sót mô tả việc chia sẻ không gian ngủ chung với cộng đồng giúp họ an tâm, thư giãn hơn và lấy lại được giấc ngủ như thông thường.

Inemuri – Ngủ kiểu Nhật

Tuy nhiên, thói quen ngủ giữa người xung quanh từ khi là trẻ con chưa thể giải thích được sự lan rộng của hiện tượng ngủ ngắn inemuri, đặc biệt là ở trường học và công sở.

Sau vài năm nghiên cứu chủ đề này, cuối cùng tôi nhận ra ở mức độ nào đó, inemuri không hề được coi là ngủ.

Không những nó được coi là khác giấc ngủ đêm thông thường, nó còn khác cả giấc ngủ trưa hay giấc ngủ cho lại sức.

Vậy làm sao ta nhận ra được điều này? Điều này được thể hiện ngay trong tên gọi của giấc ngủ inemuri, vốn là từ xuất phát từ hai ký tự tiếng Hán. “I” nghĩa là “có mặt” trong một tình huống không ngủ và “nemuri” nghĩa là ngủ.

Ý tưởng của Erving Goffman về việc “có tham dự vào các tình huống xã hội” rất hữu ích trong việc giúp chúng ta hiểu được các đặc tính xã hội của giấc ngủ inemuri và các quy tắc xung quanh kiểu ngủ này.

Bình thường thì chúng ta hoà mình vào những gì diễn ra xung quanh thông qua ngôn ngữ cơ thể và thông qua cách chúng ta diễn đạt bằng lời nói.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phân tách sự chú tâm của mình đối với những thứ xung quanh thành sự tham dự chủ động và sự tham dự phụ thuộc.

Inemuri có thể được coi là sự tham dự phụ thuộc; nó được chấp nhận nếu như không làm phiền đến mọi thứ xung quanh – tương tự như hành vi mơ màng giữa ban ngày.

Thậm chí, dù tâm trí của người ngủ có “đi vắng”, họ vẫn phải có khả năng quay trở lại thực tại ngay khi cần. Họ cũng phải tạo ra được ấn tượng với những người xung quanh rằng họ vẫn tham dự một cách chủ động với những gì đang diễn ra thông qua dáng người, qua ngôn ngữ cơ thể, cách ăn mặc và những thứ tương tự.

Hãy xem xét giấc ngủ inemuri ở nơi làm việc.

Về nguyên tắc, người lao động được trông đợi là phải tỏ ra tập trung vào công việc và tích cực đóng góp vào những gì diễn ra nơi làm; chuyện buồn ngủ tạo khiến người ta có ấn tượng là nhân viên đó có vẻ lười biếng, trốn tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, giấc ngủ này cũng có thể coi như là hệ quả của việc quá mỏi mệt vì công việc. Giấc ngủ inemuri có thể được tha thứ vì thực tế là nhiều cuộc họp kéo dài chỉ để ngồi nghe báo cáo của chủ tọa.

Nỗ lực tham dự thường được đánh giá cao hơn là hiệu quả thực sự của buổi họp. Có một người nói với tôi rằng: “Người Nhật chúng tôi có tinh thần Olympic – sự tham dự mới là đáng kể.”

Ngủ để ‘thể hiện’ sự siêng năng?

Sự siêng năng, vốn được thể hiện qua chuyện làm việc nhiều giờ và cống hiến hết mức, được đánh giá rất cao như biểu hiện đạo đức tích cực ở Nhật Bản.

Một số người nỗ lực tham dự cuộc họp dù kiệt sức hay đang ốm bệnh, và điều này được đánh giá là thể hiện sự siêng năng, có trách nhiệm và tinh thần sẵn sàng hy sinh.

Bằng cách vượt qua nhu cầu nghỉ ngơi và tình trạng suy nhược cơ thể, người đó được cho là vững vàng về đạo đức và tinh thần, là người luôn tràn đầy năng lượng. Người như vậy được coi là đáng tin và sẽ được thăng tiến.

Nếu cuối cùng, họ không chịu nổi và thiếp đi vì kiệt sức, vì cảm lạnh hay bị bệnh tật gì đó thì họ có thể được tha thứ.

Hơn nữa, sự khiêm tốn cũng được coi là đức hạnh cao cả.

Vì không thể nào khoác lác về sự chăm chỉ của mình nên người ta có nhu cầu dùng những cách thức thích hợp để được xã hội công nhận là người chăm chỉ.

Biểu hiện mệt mỏi và bệnh tật thường được coi là hệ quả của nỗ lực làm việc siêng năng, nên giấc ngủ inemuri, hay thậm chí giả vờ ngủ bằng cách nhắm mắt, có thể được coi là chỉ dấu cho thấy người đó làm việc vất vả nhưng vẫn khỏe mạnh và có khả năng kiểm soát cảm xúc và kiểm soát chính họ.

Vì vậy, thói quen ngủ ngắn inemuri của người Nhật không phải là do lười biếng.

Thay vì vậy, nó là biểu hiện thuần túy của đời sống xã hội Nhật Bản để đảm bảo những nghĩa vụ thông thường, cho phép người ta có thể tạm thời “phiêu” ngay khi đang làm việc.

Và có một điều rõ ràng thế này: Người Nhật không ngủ. Họ không ngủ trưa. Họ chỉ ngủ inemuri. Điều đó cũng chẳng có gì khác biệt cả.

Tiến sĩ Brigitte Steger, là giảng viên cao cấp về Nhật Bản Hiện đại ở Khoa Nhật Bản học, Đại học Cambridge. Bài viết lần đầu được xuất bản trên tạp chí khoa học tên CAM của cựu sinh viên Đại học Cambridge.

Adrian Storey là nhiếp ảnh gia còn được biết với tên Uchujin. Adrian sinh ra ở Anh, hiện tại làm việc ở Tokyo. Ông là một nhà làm phim, biên tập viên và nhiếp ảnh gia tự do.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/06/160630_the-japanese-art-of-not-sleeping_vert_fut

 

Vụ kiện Biển Đông: Trung Quốc bác bỏ phán quyết đưa ra ngày 12/07

Thanh Phương

Hôm qua, 29/06/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye thông báo, ngày 12/07 tới sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết đó.

Trong cuộc họp báo cuối ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “ Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương thức nào của một bên thứ ba nhằm giải quyết tranh chấp, cũng như không chấp nhận bất cứ giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc”.

Ông Hồng Lỗi khẳng định, chính phủ Trung Quốc sẽ “tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, kiên trì cùng các quốc có liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp trên Nam Hải ( Biển Đông ) thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và theo luật pháp quốc tế ”.

Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện của Philippines. Trong những tháng gần đây Trung Quốc đã vận động nhiều quốc gia ủng hộ lập trường của họ. Trong khi đó, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã liên tục kêu gọi Trung Quốc thi hành phán quyết của tòa án này.

Hôm qua, bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố “ủng hộ việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả việc sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế như Tòa Án Trọng Tài”.

Philipines đã chính thức nộp đơn kiện Trung Quốc từ tháng Giêng năm 2013 chiếu theo một điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS). Vụ kiện này được tiến hành sau khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012. Theo Manila, những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, thể hiện qua bản đồ “đường lưỡi bò” là trái với UNCLOS.

Trong phán quyết sẽ được đưa ra ngày 12/07, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực cũng sẽ quyết định về diện tích của các vùng biển bao quanh các đá ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, tòa án này sẽ phán quyết về việc Trung Quốc có đã gây tổn hại cho môi trường hay không khi xây dựng một đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập ( Mischief Reef ). Tuy nhiên, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực sẽ không phán quyết về các vấn đề chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160630-vu-kien-bien-dong-trung-quoc-bac-bo-phan-quyet-dua-ra-ngay-1207

 

Quốc Hội Nga thông qua dự luật chống khủng bố gây tranh cãi

Thùy Dương

Ngày 29/06/16, Thượng viện Nga đã bỏ phiếu thông qua dự luật chống khủng bố đang gây rất nhiều tranh cãi. Theo dự luật này, các pháp chế sẽ phải chặt chẽ hơn và phải tăng cường giám sát thông tin. Một số biện pháp đã bị dư luận, thậm chí cả các nhân vật thân chính quyền chỉ trích.

Từ Mátxcơca, thông tín viên Muriel Pomponne gửi bài tường trình :

Một cựu tổng thống của nước Cộng hòa Hồi giáo Tatarstan đã thẳng thừng yêu cầu soạn loại nội dung văn bản dự luật. Vì một trong số các quy định cấm thực hiện các nghi lễ tôn giáo mà không có sự chủ trì của các tổ chức đã đăng ký hợp lệ. Một cách không chính thức, đây là hình thức cấm cầu nguyện tại nhà, de dọa tới tự do tôn giáo.

Nhà trung gian hòa giải cho các doanh nghiệp Boris Titov thì lo lắng về các chi phí phát sinh do các công ty viễn thông buộc phải lưu giữ nội dung các cuộc trao đổi trong vòng 6 tháng, đối với một số nội dung khác, thời gian lưu trữ có thể lên tới 2 năm. Ông nhấn mạnh rằng thậm chí nước Nga chưa có đủ công nghệ cần thiết và sẽ buộc phải mua các công nghệ từ Mỹ.

Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, hiện đang tị nạn tại Nga, chỉ trích các luật kiểu chuyên chế độc tài như vậy sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng cũng không thể cải thiện an ninh. Rất nhiều quy định khác cũng khiến các nhà bảo vệ nhân quyền lo lắng.

Việc không tố giác tội phạm cũng có thể sẽ bị phạt tù giam. Khái niệm « cực đoan » rất mù mờ lại có thể dẫn đến tình trạng bắt bớ và kết án tùy tiện. Tội danh vì hành vi “cực đoan” có thể bị kết án đến 7 năm tù. Mức tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng bị giảm xuống còn 14 tuổi đối với nhiều tội danh.

Phe đối lập và cả lãnh đạo hội đồng nhân quyền trực thuộc phủ tổng thống còn lên án dự luật được bỏ phiếu thông qua một cách vội vàng vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội, trong khi theo dự kiến cuộc bầu cử Quốc hội mới sẽ diễn ra vào tháng 09/2016

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160630-nga-quoc-hoi-thong-qua-goi-du-luat-luat-chong-khung-bo-hien-dang-gay-nhieu-tranh-ca

 

Trưng cầu dân ý: một công cụ hữu ích của nền dân chủ ?

Phương Nga

Đã một tuần trôi qua kể từ khi cử tri Anh trực tiếp bày tỏ mong muốn của mình trước việc nước Anh ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu thông qua trưng cầu dân ý. Kết quả đã rõ ràng : nước Anh chia tay với khối này. Quyết định đó đến nay vẫn khiến Châu Âu và cả thế giới quan tâm, mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau.

Tại Pháp, sau khi phe cực hữu mà đứng đầu là bà Marine Le Pen, bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự, trong trường hợp phe này chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2017, nhiều ý kiến trái chiều đã được ghi nhận.

Theo Jean-Christophe Lagarde, chủ tịch của Đảng UDI – Liên hiệp dân chủ và độc lập của Pháp, nói đến « trưng cầu dân ý » tại Pháp lúc này chỉ là trò trá hình. Ông tuyên bố : « Hãy nhìn xem điều gì đang diễn ra tại Anh, phe chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì lại đang bối rối và không biết phải làm gì tiếp theo khi mà đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Tôi đồng tình với việc người dân Pháp được có tiếng nói nhưng đó là khi chúng ta đã xây dựng xong dự án châu Âu thống nhất ».

Cũng chung một nhận định với chủ tịch đảng UDI, trong cuộc thảo luận về hậu quả của Brexit đã diễn ra tại Quốc Hội Pháp hôm 28/06 vừa qua, thủ tướng Manuel Valls tuyên bố : « Vai trò của các nhà lãnh đạo chính trị không phải là cứ đi theo con đường của người khác mà phải làm sáng tỏ, phải vạch ra được con đường cần phải đi. Câu hỏi được đặt ra cho nước Pháp không phải là có ra khỏi châu Âu hay không mà là làm thế nào để thiết lập lại được dự án châu Âu thống nhất. Cuộc bầu cử tổng thống tới đây cũng sẽ là cơ hội để làm sáng tỏ cuộc tranh luận này ».

Câu hỏi đặt ra, đó là : « Liệu trưng cầu dân ý có là công cụ hữu ích của nền dân chủ ? »

Nhật báo công giáo La Croix ra ngày hôm qua, 29/06/2016, trong mục « Tranh luận », đã đề cập đến vấn đề này.

Khi nói đến « trưng cầu dân ý », người ta thường đặt ra câu hỏi : « Liệu người dân có được quyền làm chủ hay không ? ». Ai cũng hiểu là khái niệm « dân chủ » có nghĩa là quyền thuộc về người dân. Kể cả khi người dân gián tiếp bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua các đại diện của mình thì quyền vẫn thuộc về họ.

Theo giáo sư Frédéric Rouvillois, giáo sư về luật công tại Đại học Paris Descartes, khi người ta đặt ra câu hỏi liệu người dân có đủ năng lực hay khả năng để tiến hành chọn lựa hay không thì vấn đề đã rẽ sang một hướng khác, chứ không còn nằm trong phạm vi của khái niệm « dân chủ » nữa. Ông này cho rằng cần thẳng thắn nhìn vào vấn đề, đó là khi làm lãnh đạo, người ta không thể đặt trọn niềm tin vào toàn thể dân chúng. Chẳng hạn người ta cũng có thể đưa ra một hệ thống mà ở đó quyền bầu cử sẽ chỉ dành cho một nhóm dân chúng thỏa mãn một số tiêu chí như bằng cấp, kinh nghiệm chuyên môn, v.v…

Ngoài ra, khi tranh cãi xem có nên tiến hành trưng cầu dân ý về một sự việc đang khiến người dân ít nhiều ngờ vực thì thực chất đó chính là tranh cãi về nguyên tắc của phổ thông đầu phiếu, hay nói cách khác, tranh cãi về khái niệm « dân chủ ». Những lời chỉ trích mà người ta có thể đưa ra đối với một cuộc trưng cầu dân ý thì cũng có thể đúng với cuộc bầu cử tổng thống hay bầu cử lập pháp : Liệu rằng cử tri có thực sự biết các dự án của các ứng cử viên ? Liệu họ có nắm được các khó khăn về kinh tế hay địa chính trị hay không ? Liệu họ có thể lường trước được hậu quả của lựa chọn của mình ? Liệu khi họ lên tiếng bày tỏ nguyện vọng thì đó chỉ là vì lợi ích chung của cả xã hội hay không ?

Vẫn theo giáo sư Frédéric Rouvillois, khi người dân bày tỏ ý kiến của mình thông qua trưng cầu dân ý, về Hiến Pháp hay về một hiệp ước nào đó thì cũng không khác mấy so với việc chọn lựa và bầu ra những người đại diện cho mình, dựa trên việc đánh giá tính xác đáng của các chương trình tranh cử. Nếu nói là phải dân chủ thì có nghĩa là tất cả người dân đều có quyền thể hiện quan điểm của mình, cho dù là để bầu người đại diện hay là trong một cuộc trưng cầu dân ý. Dù mục đích của cuộc trưng cầu dân ý là gì đi chăng nữa và câu hỏi đặt ra có phức tạp đến đâu thì điều đó sẽ không làm thay đổi gì đến nguyên tắc dân chủ.

Ông Rouvillois khẳng định rằng : « Trưng cầu dân ý là công cụ mang tính dân chủ nhất của toàn dân. Một mặt, đó là cách trực tiếp nhất để người dân được bày tỏ nguyện vọng của mình. Nhưng mặt khác, nếu tiến hành trưng cầu dân ý thì lại thiếu đi yếu tố cá nhân và thực tế mà một hồ sơ tranh cử phải có, đó là chưa kể đến cương lĩnh chính trị của bản thân ứng viên đó ».

Khi đề cập đến các điều kiện để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý thực sự nghiêm túc, giáo sư Rouvillois khẳng định : « Cuộc vận động cho trưng cầu dân ý phải được diễn ra sâu rộng và ở khắp mọi nơi để người dân có nhiều cơ hội bàn luận ».

Còn theo ông Dominique Rousseau, giáo sư về luật Hiến Pháp của Đại học Paris 1, trưng cầu dân ý không phải là công cụ lý tưởng cho phép người dân tham gia luận bàn các vấn đề công. Ông nhận định rằng hiện giờ, bản thân các chính trị gia cũng đang bối rối. Cứ mỗi khi phải quyết một vấn đề quan trọng thì họ lại phải viện đến trưng cầu dân ý, trong khi mà bản thân những cuộc trưng cầu dân ý này đã không giải quyết được mà lại còn đặt ra nhiều vấn đề hơn.

Nếu lấy ví dụ mới đây của Hy Lạp và Anh Quốc thì người ta thấy rằng trưng cầu dân ý chỉ là công cụ nằm trong tay của các chính trị gia nhằm làm phong phú thêm chiến lược mà họ sử dụng cho sự nghiệp của mình. Mới đây, thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức. Trong khi đó trước đây, để được lên nắm quyền trong đảng Bảo Thủ của mình và trong chiến dịch tranh cử cho bầu cử lập pháp năm 2015, ông này đã tuyên bố sẽ cho tiến hành trưng cầu dân ý để biết quan điểm của người dân nước mình về châu Âu. Về thực chất, đây chỉ là một sách lược chính trị và cuộc trưng cầu dân ý nói đến ở đây không phải là công cụ của nền dân chủ.

Một vấn đề khác nữa của các cuộc vận động cho trưng cầu dân ý đó là cuộc bỏ phiếu này chỉ kêu gọi những phản ứng nhất thời, ngay lập tức của người dân, chứ không dựa trên một lí lẽ thuyết phục nào cả. Mọi cuộc vận động cho Brexit đã được tiến hành chỉ dựa trên sự ghét bỏ người khác, mà đáng lẽ ra các chính trị gia của Anh phải chỉ ra cho người dân của mình thấy được những mối e ngại có căn cứ trước tình hình của quốc gia.

Và cuối cùng, một khi mà người dân đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng của mình thì ngay lập tức họ không còn kiểm soát được ý nghĩa của sự chọn lựa của mình nữa. Các chính trị gia diễn giải kết quả theo cách họ muốn. Chẳng hạn năm 2005, người dân Pháp đã nói « không »đối với hiệp ước Lisboa, tuy nhiên điều đó không ngăn cản được việc chính phủ phê chuẩn văn bản này sau đó. Hay như việc người dân Hy Lạp đã bày tỏ sự không đồng tình của mình về chính sách khắc khổ của chính phủ. Tuy nhiên sau đó thủ tướng Alexis Tsipras vẫn cứ quyết định hợp thức hóa chính sách đó. Đối với Brexit, rồi người ta cũng sẽ đi theo lôgic đó : bản thân những người ủng hộ Brexit cũng đang kìm hãm việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Với các phân tích và nhận định kể trên, giáo sư Dominique Rousseau khẳng định rằng trong trường hợp để bảo đảm tính dân chủ, người dân phải tham gia vào việc soạn thảo luật thì trưng cầu dân ý sẽ không là một công cụ hữu hiệu. Ông ủng hộ việc thành lập hội đồng lập pháp tổ chức theo khu vực và được Hiến Pháp công nhận. Các nghị sĩ sẽ bắt buộc phải triệu tập các cử tri để trình bày các dự thảo và đề xuất luật trước khi được đưa ra bàn thảo ở Quốc Hội. Như vậy, mỗi một nghị sĩ sẽ có thể làm tăng giá trị các lập luận của mình và duy trì được các cuộc tranh luận. Có như vậy, tính dân chủ mới thực sự được đảm bảo, giáo sư Dominique Rousseau kết luận.

http://vi.rfi.fr/phap/20160630-trung-cau-dan-y-lieu-co-phai-la-mot-cong-cu-huu-ich-cua-nen-dan-chu

 

LuxLeaks : Báo động nạn trốn thuế, hai người Pháp bị án tù treo

Hôm qua, 29/06/2016, tư pháp Luxembourg đã mở phiên xử ba công dân Pháp trong đó có một nhà báo, chỉ vì họ đã đóng vai trò là những người « báo động », qua việc tiết lộ thông tin về nạn trốn thuế. Vụ xử này rất được chú ý, đặc biệt là giới đấu tranh chống tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế.

Trong vụ LuxLeaks, các ông Antoine Deltour, Raphael Halet và nhà báo Edouard Perrin, đã tố cáo những biện pháp của cơ quan thuế vụ Luxembourg nhằm thu hút các công ty đa quốc gia.

Tư pháp Luxembourg hoan nghênh các bị cáo đã tố cáo nạn trốn thuế nhưng đồng thời cho rằng Luxembourg và châu Âu chưa có luật bảo vệ những người làm công việc « báo động »này, do vậy, ông Antoine Deltour bị kết án 12 tháng tù treo, ông Raphael Halet 9 tháng tù treo. Hai người này còn phải nộp phạt 1500 và 1000 euro. Riêng nhà báo Edouard Perrin được trắng án.

Từ Luxembourg, thông tín viên Sara Ghibaido gửi về bài tường trình :

Đối với tòa án Luxembourg, các ông Antoine Deltour và Raphael Halet đúng là những người đóng vai trò báo động, họ đã tố cáo những biện pháp tìm cách giảm đóng thuế tới mức thấp nhất, đó là những hành vi không hay ho gì về mặt đạo đức. Các bị cáo đã hành động vì lợi ích chung. Thế nhưng, đối với tư pháp Luxembourg, thì điều này không thể biện minh cho việc đánh cắp và phổ biến hàng ngàn tài liệu bí mật của các công ty mà họ đã từng làm việc trong đó.

Theo ông Antoine Deltour, thì không thể chấp nhận được bản án. Ông nó i: Điều mà tòa án muốn nhắn nhủ là nếu quý vị có nhìn thấy hàng tỉ đô la bị biển thủ, trốn thuế, những hành vi lẩn tránh quy định thuế khóa, thì quý vị hãy nhắm mắt lại và đặc biệt là không được cho ai biết. Tôi nghĩ là không một công dân nào hài lòng với phán quyết của tòa. Do vậy tôi sẽ kháng án.

Vẫn theo bản án, thì bí mật kinh doanh được bảo vệ về mặt pháp luật trên phạm vi châu Âu, nhưng những người đóng vai trò báo động về các tệ nạn này thì ít được pháp luật bảo vệ. Do vậy, theo luật sư William Bourdon, ngưởi bảo chữa cho Antoine Deltour, thì cần phải thay đổi.

Ông cho biết : Hiện nay có một cuộc chiến quyết liệt mà giới vận động hành lang tiến hành để tìm cách kết tội những người dám báo động về tệ nạn trốn thuế. Đây là những hành vi nghiêm trọng, trái với pháp luật, trái với đạo đức và đạo lý sơ đẳng nhất, để họ có thể tiếp tục trốn thuế mà không bị trừng phạt. Đó là một thách thức đối với những ai dám đứng ra báo động về tệ nạn này, đồng thời cũng là một thông điệp gửi tới nghị viện Pháp.

Liệu Antoine Deltour có được pháp luật của Pháp bảo vệ hay không ? Trong tình hình hiện nay, câu trả lời là không. Và mọi người chờ xem nội dung dự luật sẽ được trình lên Thượng Viện Pháp vào tuần tới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160630-luxleaks-bao-dong-nan-tron-thue-hai-nguoi-phap-bi-an-tu-treo

 

Mỹ không hào hứng với Brexit

Nhân hội nghị thượng đỉnh Thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA – bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Mêhicô), họp tại Ottawa, hôm qua, 29/06/2016, tổng thống Mỹ đã ca ngợi các lợi thế của tự do trao đổi thương mại, chỉ trích chủ trương bảo hộ mậu dịch của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump và phê phán Brexit.

Tuy bi quan về Brexit, Hoa Kỳ đã chấp nhận quyết định của cử tri Anh một cách bình thản hơn châu Âu.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet gửi về bài tường trình :

Sau cú sốc khi có thông báo về Brexit, thị trường Hoa Kỳ đã bình tĩnh trở lại. Hôm thứ Sáu, 24/06 chỉ số Dow Jones đã bị mất hơn 600 điểm, nhưng trong ba ngày gần đây đã gần như phục hồi trở lại mức cũ. Khẩu hiệu đưa ra là không được hoảng loạn.

Trước mắt, giới chuyên gia không dự báo là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, nhưng về lâu dài, thì không loại trừ khả năng lại bị suy thoái. Đồng đô la lên giá đương nhiên là bất lợi cho lĩnh vực chế biến vì đối với châu Âu, các sản phẩm của Mỹ sẽ đắt hơn. Nhưng lãi suất sẽ vẫn rất thấp và Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang cho đến nay vẫn từ chối nâng lãi suất. Đây là một điều tốt cho ngành công nghiệp xe hơi và địa ốc.

Về mặt chính trị và quân sự, tổng thống Barack Obama không ngừng nhắc lại –và hôm qua, ông còn nói ở thượng đỉnh Ottawa – rằng Anh có ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không, thì quan hệ đặc biệt giữa Washington và Luân Đôn vẫn không có gì thay đổi.

Quan hệ đoàn kết gắn bó giữa hai nước vẫn tiếp tục. Còn bộ Quốc Phòng Mỹ thì khẳng định, cho dù có những thay đổi về chính trị và kinh tế diễn ra trong thời kỳ quá độ, có một lĩnh vực không hề thay đổi trong quan hệ : Đó là hợp tác quân sự.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160630-hoa-ky-khong-hao-hung-voi-brexit

 

Biển Đông : Mỹ sẽ triển khai thủy quân lục chiến từ 2019

Trọng Thành

Theo Stars and Strips, một báo mạng của quân đội Mỹ, ngày 29/06/2016, kể từ năm 2019, Hải Quân Hoa Kỳ sẽ triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ thường trực ở nam Thái Bình Dương, sẵn sàng can thiệp tại Biển Đông.

Trong một cuộc nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Center for Strategic and International Studies/CSIS), ở Washington D.C., tư lệnh thủy quân lục chiến, tướng John Wissler, cho biết việc triển khai ở nam Thái Bình Dương cho phép quân đội Mỹ có thể hiện diện mạnh hơn tại khu vực rìa phía nam Biển Đông.

Hiện tại, đơn vị thủy quân lục chiến 31st của Hoa Kỳ, đồn trú tại đảo Okinawa, Nhật Bản, đảm trách các hoạt động tuần tra, diễn tập tại Thái Bình Dương, và sẵn sàng đối phó với các thiên tai, thảm họa. Nhờ bố trí thêm một đơn vị thủy quân lục chiến nói trên, lực lượng ở Okinawa sẽ tập trung vào khu vực bắc Thái Bình Dương. Lực lượng sắp được bố trí có khả năng tiến hành nhiều cuộc tuần tra 90 ngày tại Thái Bình Dương và các khu vực phụ cận.

Tư lệnh thủy quân lục chiến Wissler phát biểu tại CSIS, nhân dịp trung tâm này công bố một bản báo về dự án phát triển lực lượng tác chiến thủy-bộ của Mỹ tại Thái Bình Dương (“Land Together: Pacific Amphibious Development and Implications for the U.S. Fleet.”). Báo cáo khuyến nghị lãnh đạo Hạm đội 7 Thái Bình Dương thành lập một lực lượng đặc nhiệm cỡ nhỏ (Special Purpose Marine Air-Ground Task Force), có khả năng triển khai nhanh, nhằm đối phó với các bất trắc xảy ra trên một địa bàn rộng. Một lực lượng như vậy của Mỹ đang hoạt động tại châu Phi.

Sự hiện diện quân sự gia tăng của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bộc lộ rõ tham vọng kiểm soát Biển Đông, với việc xây dựng nhiều đảo nhân tạo và bố trí nhiều phương tiện quân sự hiện đại tại quần đảo Trường Sa, nơi nhiều quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác, như Việt Nam và Philippines, cũng đòi hỏi chủ quyền. Hoa Kỳ có kế hoạch tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra “ bảo vệ tự do hàng hải ” trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, đá, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160630-nam-bien-dong-my-se-trien-khai-thuy-quan-luc-chien-tu-2019

 

Biển Đông : Indonesia tăng nỗ lực bảo vệ chủ quyền

Thanh Phương

Hôm qua, 29/06/2016, tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh mở rộng việc thăm dò dầu khí và đánh cá ở vùng biển chung quanh quần đảo Natuna, thể hiện một nỗ lực mới của Jakarta nhằm bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại khu vực này ở Biển Đông.

Tuyên bố trước một cuộc họp của chính phủ bàn về việc phát triển khu vực quần đảo Natuna, tổng thống Widodo cho biết là trên 16 lô dầu nằm chung quanh Natuna, chỉ mới có 5 lô đang khai thác và ông muốn là các lô kia cũng nhanh chóng đi vào sản xuất.

Mỏ khí đốt Đông Natuna được xem là một trong nơi có trữ lượng khí đốt chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Bộ trưởng đặc trách các vấn đề trên biển của Indonesia Rizal Ramli cho biết là họ muốn biến vùng Natuna thành một trung tâm về chế biến khí đốt và các công nghiệp có liên quan.

Chính phủ Jakarta cũng muốn phát triển ngành ngư nghiệp ở Natuna, vùng biển mà các tàu cá từ Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và các nước lân cận thường xuyên đến đánh bắt. Theo lời tổng thống Widodo, sản lượng ngư nghiệp ở vùng biển chung quanh Natuna chỉ mới chiếm khoảng 9% tiềm năng của vùng này.

Trong thời gian gần đây, hải quân Indonesia đã gia tăng các cuộc tuần tra chung quanh quần đảo Natuna sau một loạt vụ đối đầu giữa các tàu Indonesia với các tàu cá Trung Quốc, bị xem là đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Cho tới nay, Jakarta vẫn không thừa nhận bản đồ “ đường lưỡi bò ” của Trung Quốc, vì bản đồ này bao gồm cả một phần vùng biển phía Nam quần đảo Natuna. Bắc Kinh thì vẫn khẳng định là các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở “ ngư trường truyền thống của Trung Quốc ” và cho rằng hai nước có chủ quyền “ chồng lấn ” tại vùng biển chung quanh Natuna.

Trước mối đe dọa từ Trung Quốc, ngày 28/06 vừa qua, Hạ Viện Indonesia đã thông qua quyết định tăng 10% cho tổng ngân sách quốc phòng năm 2016. Một phần ngân sách bổ sung này sẽ được dùng để xây một căn cứ không quân lớn hơn và tối tân hơn trên quần đảo Natuna. Jakarta cũng dự trù đặt các chiến đấu cơ phản lực và tàu ngầm ở quần đảo này để góp phần nâng cao khả năng phòng thủ ở khu vực này.

Mặt khác, gần đây, các tàu của hải quân Philippines đã thay thế các tàu của bộ Ngư nghiệp và Hải dương để bảo vệ vùng biển chung quanh Natuna chống nạn đánh bắt cá trái phép ở vùng này. Đã hai lần, một lần vào tháng trước và một lần trong tháng này, tàu hải quân Indonesia đã nổ súng để bắt giữ các tàu cá Trung Quốc. Những vụ này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh với Jakarta.

Cách đây đúng một tuần, tổng thống Joko Widodo lần đầu tiên đã đến thăm quần đảo Natuna và đã chủ trì một cuộc họp của nội các trên một chiến hạm đậu ngoài khơi quần đảo này, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng đây là vùng biển này thuộc chủ quyền Indonesia, không có gì để thương lượng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160630-bien-dong-indonesia-gia-tang-no-luc-bao-ve-chu-quyen

 

« Brexit » : Vương quốc Liên Hiệp Anh có nguy cơ tan rã ?

Minh Anh

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm 23/6/2016, phe ủng hộ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã thắng thế với hậu quả là gây thêm căng thẳng ngay trong lòng vương quốc Anh. Bên ngoài, thì Anh Quốc bị Liên Hiệp Châu Âu hối thúc mở các cuộc đàm phán cho việc ra đi. Còn bên trong, Luân Đôn phải đối mặt với những khát vọng độc lập của Scotland, cũng như là Bắc Ailen. Đó là những quốc gia yêu thích Liên Hiệp Châu Âu, đang có nguy cơ bị tách rời khỏi Liên Hiệp trái với ý muốn của họ, bởi vì đây là hai xứ sở bỏ phiếu ở lại với Liên Hiệp Châu Âu đông nhất.

Tính thống nhất của vương quốc Anh bị đe dọa, đó chính là một hệ quả khác của « Brexit ». Một vương quốc phải trải qua đến hàng trăm năm binh biến, các cuộc chinh phục đẫm máu, thăng trầm mới có được một hình dạng như ngày hôm nay : Vương quốc Thống nhất Anh và Bắc Ailen, tên chính thức của vương quốc Anh, quy tụ 4 xứ : Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ailen.

Ông Sơn Trần, Luân Đôn:30/06/2016Nghe

Theo như giải thích của ông Sơn Trần, một trí thức Việt Nam sống lâu năm tại Luân Đôn, với việc tôn trọng hai cơ chế vận hành song song với nhau : trung ương tập quyền (ngoại giao quân sự, kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội) và địa phương phân quyền (giáo dục, kinh tế vi mô, phát triển đô thị địa phương..), vốn dĩ không bao giờ đi trái với luật chung của toàn vương quốc nên nền dân chủ của vương quốc Anh rất bền vững.

Ông Sơn Trần, Luân Đôn:30/06/2016Nghe

Căn cứ vào hai cơ chế này, bốn xứ có cách thức tổ chức chính phủ riêng của mình. Ngoại trừ xứ Anh là không có chính phủ riêng mà hoạt động tuân theo nghị viện chung của cả vương quốc, còn lại mỗi xứ khác đều có nghị viện và chính phủ riêng của mình do dân bầu.

Ông Sơn Trần, Luân Đôn:30/06/2016Nghe

Cơ hội độc lập cho Scotland ?

Trên bình diện địa lý, vấn đề ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã chia vương quốc Anh thành hai phe đối lập giữa một bên là Scotland, Bắc Ailen, phía tây xứ Wales cộng với một vài thành phố lớn với những phần còn lại của vương quốc.

Nhất là tại Scotland, đông đảo người dân xứ này (62%) so với tỷ lệ 48% trên toàn thể vương quốc đã bỏ phiếu ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Kết quả là nữ thủ hiến xứ Scotland, ngay ngày hôm sau của cuộc trưng cầu dân ý (diễn ra ngày thứ Năm 23/06/2016), bà Nicola Sturgeon đã có những tuyên bố long trọng và mạnh mẽ : « Nếu như Scotland bị rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trái với ý muốn của chúng tôi, về mặt dân chủ, đây là điều không thể chấp nhận được ».

Bên cạnh đó, nữ thủ tướng còn gợi nhắc đến khả năng mở một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập để Scotland có thể ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên về điểm này, bà Pauline Schnapper, giáo sư về Lịch sử Văn Minh Anh quốc đương đại tại Đại học Sorbonne Nouvelle-Paris 3, trên đài phát thanh RFI có lưu ý là Scotland vẫn chưa hội đủ điều kiện thuận lợi để có thể tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý cho độc lập.

« Trước hết, theo nguyên tắc, đương nhiên phải được Luân Đôn đồng ý để tổ chức trưng cầu dân ý. Nhưng giả như Scotland cứ làm ngơ và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, mà không có giá trị hiến pháp nhưng lại mang một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, thì điều đó có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn với Luân Đôn ».

Nhưng đối với ông Richard Davis, giáo sư về Văn minh Anh quốc tại đại học Lille, vấn đề độc lập của Scotland đã được đề cập đến từ nhiều năm nay. Tuy đã từng bị người dân bác bỏ một lần trong một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cách đây hai năm, nhưng theo ông Richard Davis, câu hỏi này sớm muộn gì cũng được nhắc lại và thắng lợi của phe Brexit đang mang đến một cơ hội mới cho Scotland, nhất là đảng chính trị theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc SNP của nữ thủ tướng Nicola Strurgeon.

« Bởi vì trong dài hạn và từ lâu nay, người dân xứ Scotland càng ngày càng cảm thấy mình ít là công dân vương quốc Anh hơn, càng ngày càng ít gần gũi với nước Anh hơn. Dần dần họ hướng về một dạng độc lập (…) Tôi nghĩ là một kiểu tự trị và đương nhiên là một nền độc lập ».

Quả thật, ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, một cuộc thăm dò tại Scotland cho thấy cứ 10 người được hỏi có đến 6 người khẳng định thấy gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu, mang nhiều bản sắc Liên Hiệp hơn là Anh quốc.

Dù vậy bà Pauline Schnapper vẫn tỏ ra cẩn trọng cho rằng các con số đưa ra được thực hiện vào lúc đầy cảm xúc nhất. Kinh tế Scotland đã có những biến đổi kể từ hai năm nay do giá dầu thô giảm.

Do đó, theo bà, « những người đòi độc lập sẽ rất khó mà giải thích về mặt kinh tế liệu Scotland có thể tồn tại được nếu có độc lập. Sự lệ thuộc kinh tế vào Anh rất là lớn. Vì thế, lựa chọn mà người dân xứ Scotland phải đưa ra đó là liệu họ có chắc là một mình trở nên thịnh vượng hơn khi ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, hay là tốt hơn hết nên duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Luân Đôn. Điều này vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra câu trả lời ».

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này, trong giả thuyết Scotland chọn ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, Anh quốc thì đi ra và không còn là thành viên của thị trường chung châu Âu nữa, câu hỏi đặt ra chuyện gì sẽ xảy ra ? Đây là một câu hỏi khó vẫn chưa có câu trả lời.

Và nếu như giữa Scotland và nước Anh sẽ thiết lập lại một đường biên giới chung, theo bà Pauline Schnapper, điều đó rất có thể sẽ gây ra nhiều phiền toái. Thứ nhất là trong việc tự do lưu thông cũng như là luân chuyển tài sản. Kế đến đó còn là vấn đề văn hóa giữa hai xứ với nhau.

« Có rất nhiều người Scotland sinh sống tại Anh cũng như là nhiều người Anh có người thân tại Scotland. Giữa hai xứ có một mối liên hệ rất sâu đậm. Do đó, việc hình thành một đường biên giới có thể sẽ là một sự xáo trộn rất quan trọng ».

Một Bắc Ailen bất ổn về kinh tế – chính trị ?

Không chỉ có nguy cơ mất Scotland, vương quốc Anh còn có thể phải đối mặt với việc thống nhất Ailen. Gần 56% trong số 1,2 triệu cử tri xứ Bắc Ailen đã chọn “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu. Sinn Fein, một chính đảng theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý cho một nước Ailen thống nhất. Câu hỏi đặt ra nếu như Bắc Ailen vẫn bị ở lại trong vương quốc Anh, thì hậu quả sẽ như thế nào ? Trong bối cảnh này, Bắc Ailen sẽ có nguy cơ gặp những rủi ro gì?

Vẫn theo bà Pauline Schnapper, Brexit phản ảnh rõ nét sự phân hóa sâu sắc về tôn giáo trong lòng xã hội Bắc Ailen. Phần đông cộng đồng người theo đạo Công giáo đã bỏ phiếu cho việc “ở lại” trong Liên Hiệp Châu Âu. Còn những người theo đạo Tin Lành thì bị phân chia giữa những người Tin Lành hiếu hòa ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đảng cầm quyền DUP, Đảng Hợp nhất Dân chủ, cũng theo Tin Lành nhưng ủng hộ Brexit. Điều này được giải thích bằng một lẽ là “Thỏa thuận hòa bình có được tại Bắc Ailen là nhờ vào sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu”, theo như giải thích của bà Pauline Schnapper.

Điều đó giải thích trường hợp cá biệt về Bắc Ailen. Đặc biệt là về thỏa thuận hòa bình năm 1998, được ký kết trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Và như vậy Liên Hiệp chính là một dạng đảm bảo cho hòa bình. Đây cũng chính là điểm gây lo ngại cho người dân xứ Bắc Ailen. Nếu như họ bị rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trái với ý muốn, vấn đề ổn định đất nước đang là một thách thức lớn. Đó là chưa tính đến mối quan hệ kinh tế – thương mại giữa Bắc Ailen và Cộng hòa Ailen ở phía nam, trên nguyên tắc là không có đường biên giới chung”.

Ông Richard Davis còn lưu ý thêm là : “Quả thật Bắc Ailen là khu vực nhận được rất nhiều hỗ trợ tài chính từ Liên Hiệp Châu Âu. Nếu như Vương quốc Anh ra khỏi Liên Hiệp, Bắc Ailen sẽ bị mất nguồn hỗ trợ này. Do đó, Brexit vừa là vấn đề chính trị, có từ lâu đời vừa là kinh tế. Có thể nói là tình hình Bắc Ailen rất là rối ren và đáng lo.”

Hôm qua thứ Tư 29/06/2016, hàng ngàn người dân Scotland đã tụ tập trước Nghị viện nước này tại Edimbourg, để nhắc lại nguyện vọng của mình muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu.

Brexit, điều này đã làm cho tim tôi tan nát, cứ như là ai đó đã lấy mất một phần trong tôi”, như lời thổ lộ nghẹn ngào của anh John Rhodes, một trong những phát ngôn viên của Youth European Movement, phong trào dân sự tổ chức cuộc tụ tập hôm qua.

Một tuần sau vụ Brexit, hơn bao giờ hết người dân xứ Scotland giờ “có cảm giác đã bị nước Anh phản bội”, như hàng tựa nhận định đăng trên trang mạng Libération ngày 29/06/2016.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160630-%C2%AB-brexit-%C2%BB-vuong-quoc-lien-hiep-anh-co-nguy-co-tan-ra