Tin khắp nơi – 30/05/2018
Thượng đỉnh Trump-Kim:
Tòa Bạch Ốc đã sẵn sàng
Tòa Bạch Ốc sẵn sàng cho thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra vào ngày 12/6, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders ngày 29/5 loan báo.
“Tổng thống nghĩ các cuộc thảo luận đang diễn ra rất tốt đẹp… và rằng các cuộc gặp diễn ra trong tuần này chắc chắn là chỉ dấu cho thấy có tiến triển,” bà Sanders cho báo giới biết.
“Chúng ta sẽ sẵn sàng nếu thượng đỉnh diễn ra ngày 12/6. Chúng ta chắc chắn cũng sẽ sẵn sàng nếu vì một lý do nào đó thượng đỉnh diễn ra vào một ngày sau đó, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng.”
Trước đó, Tổng thống Trump xác nhận rằng giới chức hàng đầu của Triều Tiên, Kim Yong Chol, trên đường tới New York để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ngoài ra, các toán giới chức Mỹ cũng đã tới vùng phi quân sự ở Triều Tiên và Singapore để chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Phát ngôn nhân Sanders cho biết kể từ sau lá thư Tổng thống Trump gửi cho phía Triều Tiên vào tuần trước hủy họp thượng đỉnh với lãnh tụ Kim Jong Un, phía Triều Tiên ‘chú tâm’ hơn.
Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-trump-kim-toa-bach-oc-da-san-sang-/4415257.html
Mỹ-Triều nghiêm túc chuẩn bị thượng đỉnh
Ngoại giao « lửa rơm » đang ồ ạt diễn ra ở hai châu lục Mỹ-Á chuẩn bị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un dự trù tại Singapore. Những diễn biến dồn dập dường như chứng minh hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang tiến dần ra khỏi ngõ cụt. Giới chức đôi bên không ai khẳng định là thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng 06 nhưng họ chuẩn bị rất nghiêm túc và ngoạn mục.
Theo AP, hai tuần đàm phán gay go, kể cả hàng loạt tuyên bố phẫn nộ của Bình Nhưỡng và thông điệp « rút lui » theo văn phong của tổng thống thứ 45 của Mỹ, dường như đã mang lại kết quả.
Thứ ba vừa qua, tổng thống Donald Trump loan báo trên twitter rằng ông có một « phái bộ tuyệt vời » đặc trách tổ chức thượng đỉnh Singapore và xác nhận tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol đến New York để thảo luận với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Cả hai đều là dân « tình báo » và đã gặp nhau hai lần tại Bình Nhưỡng.
Đối với tổng thống Mỹ, những hành động « thất thường » của ông trong hai tuần qua, nhấn mạnh đến hỏa lực hạt nhân của Mỹ nhưng vẫn để rộng cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng và công kích Trung Quốc thọc gậy bánh xe là « một nghệ thuật đàm phán và đã thành công đem lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến bàn thương lượng ».
Không khí ngoại giao sôi động hơn với tin tướng Kim Yong Chol « xuất hiện » tại phi trường Bắc Kinh hôm thứ tư, chờ lấy chuyến bay Air China sang Mỹ. Theo chương trình dự kiến, cánh tay mặt của Kim Jong Un sẽ gặp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào ngày thứ năm 31. Trong khi đó, các cuộc thảo luận giữa hai phái đoàn « chuyên viên » Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm cũng như cuộc họp giữa đại diện chính phủ hai miền nam bắc, tại khu vực này đều « diễn ra tốt đẹp », theo thẩm định của giới chức Hàn Quốc.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee, Bắc Triều Tiên tỏ ra thật tâm đối thoại với Mỹ từ sau bức thư của tổng thống Donald Trump.
Hư thực ra sao ? Không một nhà phân tích nào – rút kinh nghiệm từ thái độ « nắng sớm mưa chiều » của Bình Nhưỡng và của ông Donald Trump – dám đánh cược.
Tuy nhiên, sự kiện tướng Kim Yong Chol tham gia vào cuộc đàm phán được xem là tín hiệu « nghiêm túc ».
Nhà báo Pháp Duran Malovic, chuyên gia châu Á của nhật báo La Croix, tác giả quyển « Le Monde selon Kim Jong Un » phân tích :
« Tướng Kim Yong Chol, 72 tuổi, là cột trụ của phe cánh Kim Jong Un. Chúng ta phải biết viên tướng này đặc trách an ninh cho gia đình Kim, cho hai vợ chồng Kim Jong Un và cô em gái Kim Yo Jong. Tướng Kim Yong Chol có thể xem là nhân vật trung tâm của chế độ. Là một tướng lãnh quân đội với hơn 40 năm binh nghiệp. Lý lịch này rất quan trọng trong chế độ Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh đàm phán thượng đỉnh Mỹ -Triều, tướng Kim Yong Chol là một nhân vật không thể thiếu. Sự kiện này rất quan trọng bởi vì Kim Yong Chol tham gia vào tiến trình chuẩn bị có nghĩa, là chúng ta đã tới sát « trung tâm lò phản ứng hạt nhân » trong hồ sơ xung khắc giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.
Do vậy, những kết quả cốt yếu hay sự thành bại cuả thượng đỉnh Singapore vào ngày 12 tháng 06 tới đây đang được hai bên thương lượng ráo riết. Thử hỏi có một nhân vật nào khác đáng tin cậy hơn tướng Kim Yong Chol hay không ? »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180530-my-trieu-nghiem-tuc-chuan-bi-thuong-dinh
Mỹ có đề cập nhân quyền khi gặp Triều Tiên?
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối không cho biết liệu vấn đề nhân quyền có nằm trên nghị trình các cuộc họp với Triều Tiên hay không bất chấp một báo cáo của chính phủ Mỹ ngày 29/5 mô tả Bình Nhưỡng đang điều hành một hệ thống tù khổ sai.
Phát ngôn nhân Heather Nauert nói: “Tôi không xác định vấn đề nhân quyền sẽ được hay sẽ không được nhắc tới. Tôi không muốn nói trước những gì sẽ diễn ra trong các cuộc họp của Ngoại trưởng khởi sự tuần này.” Bà Nauert nhắc tới cuộc họp thứ năm tuần này ở New York giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với giới chức Triều Tiên, Kim Yong Chol, trước thượng đỉnh dự trù giữa Tổng thống Mỹ với lãnh tụ Triều Tiên.
Bất kỳ cuộc họp thượng đỉnh này giữa lãnh đạo hai nước cũng sẽ chủ yếu tập trung vào các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bà Nauert cho hay.
Dù Mỹ lâu nay chỉ trích Triều Tiên về hồ sơ nhân quyền, nhưng cuộc họp Trump-Kim (nếu diễn ra ở Singapore ngày 12/6 như dự kiến) sẽ là cơ hội đầu tiên cho một Tổng thống Mỹ tại vị trực tiếp nêu vấn đề nhân quyền với phía Triều Tiên.
Dù thượng đỉnh Mỹ-Triều nội dung chính nhắm vào việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Liên hiệp quốc và các tổ chức khác đang thúc giục Hoa Kỳ chớ bỏ qua tình trạng vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng.
Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2017 vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 29/5 cho biết ước tính khoảng 80 ngàn tới 120 ngàn tù nhân, trong đó có tù nhân tôn giáo, đang bị tù đày trong hệ thống các nhà giam chính trị ở những nơi hẻo lánh, dưới các điều kiện ‘kinh hoàng.’
Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/my-co-de-cap-nhan-quyen-khi-gap-trieu-tien-/4415256.html
Mỹ-Triều : Mỹ thông báo
cuộc gặp Pompeo- Kim Yong Chol tại New York
Tướng Kim Yong Chol, nhân vật tín cẩn nhất của lãnh đạo Bắc Triều Tiên thăm NewYork trong hai ngày 30 và 31 tháng 05 và hội kiến với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12 tháng 06 tại Singapore. Washington chính thức xác nhận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ ba 29/05/2018 đã xác nhận chuyến viếng thăm của tướng Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol mà các hãng thông tấn quốc tế cho biết là « đang chờ máy bay » tại Bắc Kinh. Bộ ngoại giao và Nhà Trắng cho biết thêm tướng Kim Yong Chol ở New York trong hai ngày 30 và 31, cuộc họp với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo diễn ra trong thời gian này.
Theo hãng Yonhap, Hàn Quốc cũng rất hy vọng vào kết quả các cuộc thảo luận tại New York và các cuộc tiếp xúc khác ở nhiều cấp. Một nhân vật quan trọng thuộc phủ tổng thống Hàn Quốc, xin ẩn danh, thẩm định là các cuộc đàm phán giữ Mỹ và Bắc Triều Tiên ở mọi cấp, dường như diễn ra một cách tốt đẹp.
Cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều tại lầu Thống Nhất, bên kia biên giới, tại làng Bàn Môn Điếm diễn ra trong ba ngày từ 27 đến 30 tháng 05 đã bàn đến phương án phi hạt nhân hóa và bảo đảm an toàn cho chế độ miền Bắc, tìm một điểm đồng thuận chung. Đại sứ Mỹ tại Philippines Kim Sung và thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui, trưởng đoàn mỗi bên, dường như cũng thảo luận về phương án chuyển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng ra nước ngoài, theo phỏng đóan của truyền thông Hàn Quốc.
Cũng trong không khí chuẩn bị ngoại giao nhộn nhịp này, hãng tin KCNA của Bắc Triều Tiên cho biết ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tới Bình Nhưỡng ngày 31 tháng 05.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180530-my-trieu-my-thong-bao-cuoc-gap-pompeo-kim-yong-chol-tai-new-york
Họp tay ba Kim-Tập-Putin ở Thanh Đảo
trước thượng đỉnh Trump-Kim
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại Thanh Đảo, Trung Quốc trong hai ngày, từ 9-10 tháng 6.
Hãng tin AP trích dẫn một số nguồn tin suy đoán rằng lãnh tụ Kim Jong Un có thể xuất hiện tại cuộc họp Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 18. Nếu như ông Kim đáp chuyến bay ngắn ngủi từ Bình Nhưỡng tới Thanh Đảo, thì một cuộc họp ba bên giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Nga Vladimir Putin, có khả năng diễn ra.
SCO là một tổ chức hợp tác Á-Âu do Trung Quốc dẫn đầu, quy tụ các đại diện đến từ tám quốc gia Trung Á và Đông Á, để bàn về các vấn đề an ninh, chính sách kinh tế và giao lưu văn hóa.
Hiện tại SCO có tám quốc gia thành viên, cùng với bốn nước khác trong vai trò quan sát viên chính thức. Các quốc gia thành viên gồm Trung Quốc, Nga, Kyrgyzstan, Tajikstan, Uzbekistan, Kazakhstan, cùng với Ấn Độ và Pakistan, hai nước mới gia nhập vào tháng 6 năm 2017.
Hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh được dự kiến giữa lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dường như vẫn đang được xúc tiến để diễn ra như đã được ấn định vào ngày 12 tháng 6, sau hai tuần có nhiều bất định.
Ông Kim đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần trong năm nay, và cho tới giờ này, Trung Quốc vẫn là nước duy nhất từng tiếp đón lãnh tụ họ Kim trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước. Rõ ràng ông Tập Cận Bình rất quan tâm đến những diễn tiến tương lai trên bán đảo Triều Tiên vì những gì xảy ra ở đây chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Ở một mức độ thấp hơn, Nga cũng quan tâm tới bất cứ thỏa thuận nào mà Mỹ có thể đạt được với lãnh tụ Bắc Hàn vốn ít giao du với bất cứ ai.
Thông tin cho rằng ông Kim có thể đã được mời và sẽ xuất hiện tại Thanh Đảo, như tường thuật của Trung tâm Nhân quyền ở Trung Quốc, chưa được xác nhận.
Tuy nhiên, một số nguồn tin nói rằng sau cuộc gặp gỡ thứ nhì giữa ông Kim và ông Tập Cận Bình ở Đại Liên vào ngày 7-8 tháng 5, chuyến thăm Thanh Đảo bằng xe lửa bọc thép đặc biệt của lãnh tụ Kim sẽ là một chuyến đi tương đối đơn giản, và là một cơ hội thích hợp để ông Kim gặp cả ông Putin và ông Tập trước cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tờ Thời báo Trung Quốc tường thuật rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ra thông báo về Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sắp tới. Ông nói “Tuyên bố Thanh Đảo” dự kiến sẽ được ký kết tại cuộc họp, cùng với 10 thỏa thuận khác về hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, và văn hoá.
Nga: Nhà báo ‘bị ám sát’ vẫn sống
Nhà báo Nga Arkady Babchenko, người được truyền thông đưa tin đã bị sát hại ở Kiev hôm thứ Ba, vẫn sống và đang khỏe mạnh.
Ông Babchenko xuất hiện tại một cuộc họp báo trên truyền hình Ukraine hôm thứ Tư 30/5.
Người đứng đầu cơ quan an ninh của Ukraine, ông Vasyl Hrytsak, phát biểu tại cuộc họp báo rằng ‘vụ ám sát’ này đã được dàn dựng để làm lộ mặt gián điệp Nga sau khi họ biết tin Nga có âm mưu sát hại nhà báo.
“Theo thông tin mà cơ quan an ninh Ukraine nhận được, âm mưu ám sát nhà báo Nga Arkady Babchenko là do chính cơ quan an ninh Nga ra lệnh,” ông Hrytsak nói.
Nhà báo Nga bị bắn chết ở Ukraine
Điệp viên Nga bị đầu độc được cứu thế nào?
Nhà báo Babchenko bước vào phòng họp báo hôm thứ Tư trước sự kinh ngạc và tiếng vỗ tay của mọi người. Ông cảm ơn an ninh Ukraine đã cứu mạng mình.
“Tôi đã chôn cất nhiều bạn bè và đồng nghiệp nhiều lần và tôi hiểu cảm xúc đáng sợ đó,” ông nói. “Tôi xin lỗi các bạn đã phải trải qua điều đó. Nhưng không còn cách nào khác.”
Ông nói ông đã thường xuyên giữ liên hệ với cơ quan an ninh trong vài tháng qua, và nói thêm ông cho rằng họ đã lên kế hoạch cho chiến dịch này đến gần hai tháng.
Các nguồn tin về cái chết của ông nói bị vợ tìm thấy đang nằm chảy máu ở cửa lên khu căn hộ của họ sau khi bị bắn vài phát vào lưng, và đã chết trên xe cấp cứu trên đường tới bệnh viện.
Hiện chưa rõ liệu bà Olechka vợ ông có biết rằng vụ ám sát ông được dàn dựng hay không. Ông xin lỗi bà tại cuộc họp báo. “Olechka, anh rất xin lỗi,” ông nói, “nhưng không còn sự lựa chọn nào khác.”
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói nước ông sẽ bảo vệ cho nhà báo Babchenko. “Không nhiều khả năng Moscow sẽ dịu xuống. Tôi đã ra lệnh bảo vệ cho Arkady và gia đình ông,” vị tổng thống viết trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Nga nói trong một thông cáo bộ này rất mừng là ông Babchenko còn sống. Người phát ngôn Maria Zakharova nói vụ ám sát được dàn dựng để gây “hiệu ứng tuyên truyền”, hãng tin Nga Interfax đưa tin.
Cảnh sát Ukraine nói họ đã bắt một người sau chiến dịch đặc biệt này.
Là một nhà phê bình điện Kremlin nổi tiếng, ông từng tự ứng cử trong các cuộc bầu cử không chính thức do phe đối lập tổ chức vào 2012 và tố cáo các hành động của Nga tại Syria và miền đông Ukraine.
Ông chạy khỏi Nga năm 2017 sau khi nhận nhiều lời đe dọa ám sát vì một bài viết ông đăng trên mạng xã hội.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44304784
Dân Bắc Hàn chỉ trích ‘lãnh đạo ma cà rồng’
Michael CowanBBC’s Victoria Derbyshire programme
Việc trò chuyện với người dân tại Bắc Hàn gần như là điều không thể vì giao tiếp với thế giới bên ngoài bị chặn. Tuy vậy, hai công dân Bắc Hàn sẵn sàng trả lời chương trình Victoria Derbyshire của BBC, bất chấp nguy cơ bị bỏ tù hoặc tử hình.
Ở Bắc Hàn, nơi lãnh đạo Kim Jong-un được tôn thờ, việc ai đó dám hoài nghi ông ấy là điều không tưởng.
Người dân được dạy ông ấy hiểu biết tất cả và cần báo cáo về những người bất đồng – gồm cả các thành viên gia đình của họ.
Ông Moon ‘có thể dự hội nghị Trump-Kim’
Kim ‘quyết tâm’ về thượng đỉnh với Trump
Trump: Thượng đỉnh với Kim có thể bị trì hoãn
Vẫn còn hy vọng cho hội nghị Trump-Kim
Khi quyết định lên tiếng, người bán hàng Sun Hui – không phải tên thật của bà – biết rằng mình đang đặt mạng sống vào tình trạng nguy hiểm.
“Chủ yếu mọi người chỉ trích Kim Jong-un hành động giống doanh nhân, nhưng làm tiêu hao tiền của chúng tôi.”
“[Họ nói] ông ấy hút tiền như ma cà rồng.”
Trong nhiều tháng, chương trình dùng cách bí mật để đặt câu hỏi cho người dân Bắc Hàn. BBC giấu danh tính của người trả lời.
Nếu chế độ biết danh tính thực sự của Sun Hui, bà sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc – bị giam tại một trong những trại lao động khổ sai hay thậm chí bị hành quyết.
Và bà ấy không phải là người duy nhất bị trừng phạt – ba thế hệ gia đình bà cũng có thể bị tù giam.
Bắc Hàn sẽ ‘dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính’
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn diễn ra ‘ba, bốn tuần tới’
Tướng Bắc Hàn ‘đi Mỹ bàn về kỳ họp thượng đỉnh’
Sun Hui sống với chồng và hai con gái. Gia đình bà chỉ ăn ba bữa một ngày khi việc buôn bán thuận lợi, còn không thì gạo trộn bắp.
Tại chợ nơi bà buôn bán, người ta thấy có thức ăn đường phố, quần áo và hàng điện tử buôn lậu.
Theo tờ Daily NK, hơn 5 triệu người “trực tiếp hoặc gián tiếp” sống dựa vào các chợ như vậy.
Tờ báo có tòa soạn đặt tại Seoul tường thuật về cuộc sống bên trong Bắc Hàn và hợp tác với chương trình Victoria Derbyshire.
Việc buôn bán ở chợ tại Bắc Hàn có vẻ mâu thuẫn với chủ nghĩa cộng sản cứng rắn, nhưng giúp người dân tự kiếm sống trong bối cảnh nước này bị trừng phạt kinh tế.
Chế độ này không thể tiếp tục để xảy ra cuộc “hành quân khổ nạn” – nạn đói giữa thập niên 1990 khiến hơn một triệu người chết.
Sun Hui nói rằng lượng người dân dân đánh giá tích cực về Kim Jong-un đang gia tăng, vì ông để yên cho thị trường và “không trấn áp nhiều, bất kể chúng tôi làm gì”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44288253
Mỹ siết chặt visa
với sinh viên Trung Quốc theo các ngành STEM
Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị rút ngắn thời hạn thị thực cấp cho các công dân Trung Quốc, đặc biệt là những người tham gia vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (gọi tắt là STEM).
Hiện chưa có thông tin chi tiết, nhưng hãng tin AP dẫn lời một quan chức Mỹ không muốn nêu tên nói rằng sinh viên cao học Trung Quốc sẽ bị giới hạn với visa có thời hạn 1 năm nếu họ theo đuổi các lĩnh vực công nghệ cao, như hàng không và robot.
Trong khi chờ đợi, công dân Trung Quốc làm việc tại các công ty có tên trong danh sách đặc biệt của Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể cần phải qua quá trình duyệt thị thực đặc biệt của nhiều cơ quan khác nhau của Hoa Kỳ.
Dưới quyền Tổng thống Trump, Washington đã thực hiện một số biện pháp để thắt chặt tiến trình cấp thị thực. Ví dụ, Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ rà soát kỹ lưỡng hơn các cá nhân đăng ký visa H1-B, là thị thực cho phép người nước ngoài có trình độ học vấn, có kỹ năng được làm việc tại Hoa Kỳ tới 3 năm mỗi lần được cấp visa.
Nhưng gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy việc cấp thị thực cho các công dân Trung Quốc đã được siết chặt, giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Hồi tháng 3, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc giải pháp hạn chế thị thực đối với du học sinh Trung Quốc trong khuôn khổ một kế hoạch trọn gói về thuế quan nhắm vào Bắc Kinh.
(AP, Quartz, Axios)
Thống đốc Missouri từ chức
giữa tai tiếng ‘tình, ‘tiền’
Thống đốc bang Missouri, Eric Greitens, ngày 29/5 loan báo sẽ từ nhiệm trong tuần này, một hành động tránh bị truất phế sau tai tiếng về gây quỹ và quấy nhiễu tình dục.
Ông Greitens phát biểu trước báo giới: ‘Hôm nay tôi loan báo sẽ từ chức Thống đốc Missouri kể từ thứ sáu tuần này.”
Ông bị tố cáo đã tự ý chuyển một danh sách tài trợ từ quỹ từ thiện cựu chiến binh do ông thành lập năm 2007 để hỗ trợ chiến dịch gây quỹ chính trị cho bản thân ông.
Ông còn bị cáo giác chụp ảnh khỏa thân của tình nhân để làm công cụ ‘trả thù’ nếu cô này tiết lộ về mối quan hệ với ông. Ông Greitens khẳng định không hề đe dọa khống chế tình nhân trong khi luật sư của ông nói các bức ảnh bị tố giác đó chưa từng hiện hữu.
Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/thong-doc-missouri-tu-chuc-giua-tai-tieng-tinh-tien-/4415254.html
Mỹ tuyên án doanh nhân Mexico 6 năm tù
vì gian lận thuế
Một cựu đối tác và cũng là người đồng sở hữu ngân hàng InvestaBank SA của Mexico ngày 29/5 bị tuyên án 6 năm 3 tháng tù giam sau khi nhận tội trước cáo trạng của Mỹ rằng đã cùng một số người gian lận để nhận 21 triệu đô la tiền hoàn thuế từ chính phủ Mexico.
Ông Carlos Djemal Nehmad, 57 tuổi, bị tuyên án ở Manhattan, New York. Theo thỏa thuận nhận tội hồi năm ngoái, bị cáo không thể kháng án.
Ông Djemal nhận tội gian lận trong việc rút-chuyển tiền hồi tháng 9. Với thỏa thuận nhận tội, bên công tố đồng ý hủy cho bị can cáo trạng về rửa tiền.
Ông Djemal bị bắt cùng ba người khác vào tháng 11 năm 2016, bị tố cáo tham gia vào một âm mưu gian lận từ năm 2011 đến 2016. Ba tòng phạm này cũng đã nhận tội.
Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/my-tuyen-an-doanh-nhan-mexico-6-nam-tu-vi-gian-lan-thue-/4415246.html
Mỹ lại áp thuế suất 25% lên $50 tỷ hàng hóa TQ
Hôm thứ Ba 29/5, Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục theo đuổi việc áp thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, dự kiến sẽ áp dụng mức thuế 25 % đối với 50 tỷ đôla hàng hóa từ nhập từ nước này.
Hãng tin Reuters trích thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết muộn nhất vào ngày 15/6 tới, Washington sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ đôla có khả năng chịu mức thuế 25%.
Thông báo của Tòa Bạch Ốc cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi hai bên tuyên bố đạt được thỏa thuận để giảm căng thẳng thương mại.
Cũng theo hãng tin Anh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngoài ra, vào trước cuối tháng 6 tới, Mỹ sẽ đưa ra giới hạn đầu tư vào các ngành công nghệ cao và các biện pháp “kiểm soát xuất khẩu tăng cường” đối với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc “liên quan tới hoạt động thâu tóm công nghệ công nghiệp quan trọng”.
Theo Washington Post, thông cáo của Tòa Bạch Ốc đưa ra chỉ vài ngày sau khi bộ Tài chính Mỹ tuyên bố tạm hoãn chiến tranh thương mại để hai bên xây dựng khuôn khổ hợp tác mới.
Cũng theo Washington Post, Bộ Trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sẽ đến Bắc Kinh tham dự các cuộc đàm phán thương mại vào thứ Bảy 2/6 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Washington và Bắc Kinh sẽ cần “cấu trúc khác,” khiến nhiều người nghi ngờ về triển vọng của các cuộc đàm phán thương mại.
https://www.voatiengviet.com/a/my-lai-ap-thue-suat-25-len-50-ty-hang-hoa-trung-quoc/4414762.html
Malaysia lên kế hoạch xây đảo
trong vùng biển tranh chấp với Singapore
Thủ tướng Malaysia hôm 30/5 cho biết chính phủ của ông đã lên kế hoạch phát triển các đá ngoài khơi, nơi có tranh chấp với Singapore. Tuyên bố của Thủ tướng Malaysia được đưa ra vài ngày sau khi ông hủy bỏ một dự án đường sắt lớn với quốc gia láng giềng phía Nam, theo Reuters.
Năm 2008, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết nói rằng các đá ngầm có tên Middle Rocks, gần cửa eo biển Singapore, thuộc về Malaysia. Cũng vào thời điểm này, tòa án Công lý Quốc tế có trụ sở ở Hà Lan tuyên bố đảo Pedra Branca ở gần đó là thuộc về Singapore.
Năm ngoái, Malaysia đã tìm cách đòi tái xét phán quyết đó, với hy vọng giành lại chủ quyền đối với đảo Pedra Branca.
Singapore phản đối nỗ lực thay đổi phán quyết của Malaysia. Bộ Ngoại giao Singapore hôm 30/5 cho biết ICJ đã thông báo với nước này rằng Malaysia đã rút lại yêu cầu đó.
Thủ tướng mới đắc cử của Malaysia, ông Mahathir Mohamad, nói tại một cuộc họp báo rằng Malaysia đã xây dựng các cấu trúc trên Middle Rocks.
“Ý định của chúng tôi là mở rộng Middle Rocks để chúng tôi có thể tạo thành một hòn đảo nhỏ cho mình”, Reuters dẫn lời ông Mahathir cho biết.
Thủ tướng Mahathir từ chối tiết lộ liệu kế hoạch này đã được chốt lại hay chưa.
Chính phủ Singapore không lập tức bình luận về kế hoạch xây đảo của Malaysia.
Mặc dù Singapore không tìm cách đưa ra bất kỳ yêu sách nào đối với Middle Rocks, nhưng nhiều khả năng nước này sẽ theo dõi chặt chẽ kế hoạch xây đảo của Malaysia ngay tại cửa ngõ của một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.
Năm ngoái, hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama tường thuật về việc nước này khai trương một căn cứ hàng hải có tên Abu Bakar trên Middle Rocks.
Căn cứ này bao gồm một cầu tàu nối hai đá chính, cách nhau 320 mét, một ngọn hải đăng và một sân bay trực thăng, theo một đoạn video được Tiểu vương bang Johor của Malaysia đăng trên Facebook.
Thủ tướng Mahathir cũng vừa đưa ra một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ với Singapore. Đó là hủy một dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc liên kết thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với Singapore.
Bộ thương mại Singapore hôm thứ Hai nói rằng họ không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía Malaysia về quyết định này.
Singapore từng là một phần thuộc lãnh thổ Malaysia nhưng hồi năm 1965 đã tách ra khỏi Malaysia giữa những tranh chấp gay gắt, tác động tới các giao dịch kinh tế và ngoại giao giữa hai nước trong nhiều năm dài.
Những năm quan hệ lạnh nhạt nhất diễn ra trong thời gian ông Mahathir làm Thủ tướng Malaysia từ năm 1981 đến năm 2003.
Nga nhất định không nhận trách nhiệm
về vụ MH17 trước Liên Hiệp Quốc
Matxcơva hôm qua 29/05/2018 đã bác bỏ những lời kêu gọi của các nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về việc nhìn nhận trách nhiệm trong vụ MH17, sau khi cuộc điều tra quốc tế đã kết luận rằng một hỏa tiễn của quân đội Nga đã bắn rơi chiếc máy bay này trên không phận Ukraina năm 2014.
Trong một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về Ukraina, ngoại trưởng Hà Lan Stef Block đã cổ vũ Matxcơva nên chấp nhận kết luận của cuộc điều tra. Đó là chuyến bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một hỏa tiễn Bouk của lữ đoàn phòng không 53 Nga đóng tại Koursk.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vassily Nebenzia phản đối : « Chúng tôi không thể chấp nhận kết luận không có cơ sở của JIT », tức ê-kíp điều tra quốc tế do Hà Lan lãnh đạo. Ngoại trưởng Hà Lan đáp trả rằng lý lẽ của Nga chẳng có gì mới, và tiếp tục khuyến khích Matxcơva hợp tác với Hà Lan, Úc để tìm ra các thủ phạm. Được biết nhóm điều tra đang tìm kiếm tên các quân nhân cụ thể đã bắn đi hỏa tiễn Bouk, hoặc loại mệnh lệnh mà họ nhận được.
Tất cả 298 người trên chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines từ Amsterdam đi Kualar Lumpur (trong đó có ba người Việt) đều tử nạn hôm 17/07/2014, khi bị một hỏa tiễn bắn trúng lúc đang bay trên không phận miền đông Ukraina do phe nổi dậy thân Nga nắm giữ.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley cũng ủng hộ lời kêu gọi của Hà Lan và Úc, đòi Nga nhìn nhận vai trò của mình trong thảm kịch này. Bà khẳng định, dù luôn chối cãi, nhưng « chắc chắn Nga đứng sau cuộc xung đột Ukraina » đã làm trên 10.000 chết trong bốn năm qua. Trước đó tổng thư ký NATO cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin nói trước Hội Đồng Bảo An, việc Nga bác bỏ kết luận điều tra « không hề gây ngạc nhiên ». Tháng tới Ukraina sẽ đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, tố cáo Nga vi phạm các công ước chống khủng bố.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180530-nga-nhat-dinh-khong-nhan-trach-nhiem-truoc-lien-hiep-quoc
Indonesia và Ấn Độ
sẽ xây cảng quân sự ở Ấn Độ Dương
Hai nhà lãnh đạo Indonesia và Ấn Độ hôm nay 30/05/2018 tại Jakarta thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với kế hoạch triển khai một cảng quân sự của Indonesia trên Ấn Độ Dương.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi tiếp kiến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã nêu ra việc phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca – một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất. Ông Widodo tuyên bố Ấn Độ là đối tác chiến lược về quốc phòng.
Theo các nhà phân tích, động thái này là do đôi bên cùng quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Tuy không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng Indonesia tranh chấp quyền đánh cá với Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, và đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây. Tuần trước, bộ trưởng Hàng Hải Indonesia Luhut Pandjaitan nói rằng cảng Sabang hiện tại có độ sâu 40 mét, có thể cải tạo để đón tiếp không chỉ tàu buôn mà cả các tàu ngầm trong tương lai.
Đối với thủ tướng Ấn, đây là một phần của chính sách « Hành động hướng Đông » nhằm siết chặt quan hệ với các nước ASEAN. Ông nói : « Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN phải trở thành sức mạnh bảo đảm hòa bình, tiến bộ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và xa hơn nữa ».Thủ tướng Narendra cho biết New Delhi có thể hỗ trợ xây dựng các hải cảng và phi cảng tại Đông Nam Á.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180530-indonesia-va-an-do-se-xay-cang-quan-su-o-an-do-duong
Úc rà soát luật tình báo vào lúc lo ngại gián điệp Trung Quốc gia tăng
Trọng NghĩaĐăng ngày 30-05-2018 Sửa đổi ngày 30-05-2018 15:33
Nhân vật phụ trách pháp lý của chính quyền Úc hôm nay 30/05/2018, cho biết là Canberra sẽ xem xét lại các luật lệ của mình về gián điệp. Thông tin này được đưa ra vào lúc nước Úc đang tìm cách củng cố các cơ quan phản gián đang phải hoạt động căng thẳng vừa để chống hiểm họa khủng bố, vừa lo lắng về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, Úc đã tăng ngân sách và quyền hạn cho các cơ quan cảnh sát và gián điệp tăng cường khả năng chống khủng bố. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái, 2017, để đối phó với những « phúc trình đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc », chính phủ đã chuyển sự chú ý qua những hành vi xen vào nội tình chính trị Úc và loan báo việc siết chặt luật lệ về các khoản quyên góp chính trị và đặt ra ngoài vòng pháp luật những hành vi can thiệp từ nước ngoài.
Phát biểu trên một đài phát thánh ở thành phố Adelaide, ông Christian Porter, tổng chưởng lý Úc khẳng định rằng tình hình mới, với sự gia tăng của các hoạt động tình báo, can thiệp, tăng cường ảnh hưởng của nước ngoài, cộng thêm với những hành vi khủng bố ngay trong nước, đòi hỏi việc rà soát lại toàn bộ hệ thống đối phó « từ đầu đến cuối ». Ông đồng thời xác định rằng luật tình báo của Úc sẽ không nhắm vào « bất kỳ một quốc gia nào cụ thể ».
Tiến trình rà soát sẽ kéo dài 18 tháng và đã được giao cho cựu giám đốc tình báo Úc Dennis Richardson chịu trách nhiệm. Vào năm ngoái, nhân vật này đã lên tiếng cảnh báo là Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động gián điệp rộng rãi chống lại nước Úc.
Giáo sư Greg Barton, một chuyên gia an ninh tại Đại học Deakin ở Melbourne xác nhận rằng đối phó với Trung Quốc sẽ là một công việc không dễ dành do năng lực và tham vọng to lớn của nước này.
Đảng cầm quyền Nhật
muốn trang bị hàng không mẫu hạm
Theo báo chí Nhật hôm 29/05/2018, đảng cầm quyền LDP (Dân chủ Tự do) của thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi bỏ mức trần chi quốc phòng xưa nay là 1% GDP, đồng thời ủng hộ việc chuyển đổi chiến hạm chở trực thăng Izumo thành hàng không mẫu hạm, trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Đề nghị này được đưa ra vào lúc chính quyền Nhật Bản phải hoạch định chính sách quốc phòng mới trước cuối năm nay. Đảng LDP nhấn mạnh, nước Nhật « đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất thời hậu chiến », với chương trình hỏa tiễn và nguyên tử Bắc Triều Tiên và sự hiện diện quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển.
Việc có được một hàng không mẫu hạm đa năng sẽ tạo ưu thế cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nhật cũng cần có khả năng tấn công vào các căn cứ tên lửa của địch, sở hữu các hỏa tiễn hành trình, củng cố cả ba binh chủng hải lục không quân và lực lượng an ninh mạng.
Với mục tiêu đầy tham vọng này, LDP cho rằng cần bỏ ngưỡng tâm lý lâu nay là giữ mức trần chi quốc phòng không quá 1% GDP, nêu ra ví dụ chi quân sự của các quốc gia thành viên NATO là 2% GDP.
Các đề nghị trên đây của đảng LDP sẽ được chính thức trình lên thủ tướng Shinzo Abe, sớm nhất vào tuần tới.
Quân đội Syria
sắp tấn công phe nổi dậy ở miền nam
Reuters hôm qua 29/05/2018 dẫn một nguồn tin quân sự nói rằng quân đội Syria đã chuẩn bị xong các bước để tấn công các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở miền nam. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria cho biết phe nổi dậy ở Deraa đang củng cố các vị trí phòng thủ.
Thông tín viên RFI Paul Khalifeh tại Beyrouth cho biết thêm chi tiết :
« Dấu hiệu cho thấy sắp diễn ra một cuộc tấn công tại miền nam đất nước, là những chiếc trực thăng của không quân Syria thả xuống hàng ngàn truyền đơn khuyến cáo người dân tránh xa các vị trí của quân nổi dậy, và kêu gọi các chiến binh hãy buông vũ khí.
Việc thả truyền đơn luôn diễn ra trước mọi cuộc tấn công của quân đội Syria và các đồng minh, vào thủ phủ của quân nổi dậy và thánh chiến. Một thủ lãnh quân sự lãnh đạo các lực lượng liên minh với Damas nói với hãng tin Reuters, là « quân đội Syria, đã trở nên mạnh mẽ và hiệu quả, sẽ dẫn đầu mọi trận đánh ».
Tuyên bố trên xác nhận quyết tâm của chính quyền Syria tiếp tục kế hoạch tấn công tại khu vực gần biên giới Jordani và Israel, bất chấp cảnh cáo của Mỹ. Nhằm cố gắng răn đe quân đội Syria không chuyển sang tiến công vào các tỉnh phía nam như Deraa và Quneitra, Hoa Kỳ đe dọa sẽ có « những biện pháp cứng rắn thích hợp ».
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhail Bogdanov loan báo sắp tới sẽ có một hội nghị giữa các đại diện của Nga, Hoa Kỳ và Jordani, để thảo luận về vùng giảm căng thẳng bao gồm hai tỉnh trên. Ông Bogdanov không nói cụ thể thời gian và địa điểm, nhưng tuyên bố được ra trong bối cảnh tuần này Matxcơva đã tái khẳng định là quân chính phủ Syria sẽ phải đơn độc chiến đấu tại vùng đất chiến lược này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180530-quan-doi-syria-sap-tan-cong-phe-noi-day-o-mien-nam
Ý: Thủ tướng được chỉ định chưa thể lập nội các
Carlo Cottarelli, được chỉ định lập chính phủ kỹ trị tại Ý, dường như không hoàn thành được sứ mệnh. Theo AFP, sáng 30/05/2018, cựu chuyên gia tài chính quốc tế đã trở lại hội kiến tổng thống Sergio Mattarella một cách không chính thức.
Sự kiện này không phải là một tín hiệu lạc quan nhưng hệ quả chưa chắc là xấu. Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng phân tích :
Theo lịch trình đã được ấn định thì trưa hôm qua, 29/05, ông Carlo Cottarelli, người đã được tổng thống Sergio Mattarella, chỉ định đứng ra tìm cách lập chinh phủ, sẽ trở lại hội kiến với tổng thống để thông báo kết quả thăm dò ở Quốc Hội và đề nghị danh sách Hội Đồng Bộ Trưởng. Nhưng sau buổi hội kiến, ông Carlo Cottarelli đã tuyên bố với báo chí rằng còn cần có thêm thời gian để hoàn tất danh sách.
Kết quả thăm dò ở Quốc Hội cho thấy là chính phủ của ông Carlo Cottarelli sẽ không có được đa số trong Quốc Hội, bởi vì cho đến giờ phút đó, chỉ có đảng Dân Chủ PD là đảng duy nhất tuyên bố ủng hộ chính phủ Cottarelli, và do đó, nếu chính phủ được thành lập thì cũng chỉ kéo dài một vài tháng (dự kiến là đến mùa thu 2018) rồi sau đó sẽ đi bầu lại Quốc Hội mới.
Tứ bề gặp chống đối
Nhưng trước khi ông Carlo Cottarelli hội kiến với tổng thống, thì bất ngờ phía đảng Dân chủ tuyên bố là có thể họ sẽ không tham gia việc bỏ phiếu để tìm đa số cho chính phủ trong Quốc Hội, và do đó đến cả số phiếu ít ỏi của đảng Dân Chủ cũng sẽ không có.
Nguồn tin nói trên đã làm thay đổi toàn bộ các kịch bản để thành lập chính phủ Cottarelli, thậm chí có nguồn tin rò rỉ rằng trong buổi hội kiến với tổng thống, ông Carlo Cottarelli đã tuyên bố rút lui. Nhưng sau đó chính ông Carlo Cottarelli đã xác định với báo chí rằng ông chưa hề có quyết định từ nhiệm, và vấn đề hiện nay là danh sách Hội Đồng Bộ Trưởng vẫn chưa đầy đủ, do đó cần có thêm thời gian để hoàn tất.
Nói trắng ra rằng Hội Đồng Bộ Trưởng đang thiếu nhân sự. Điều cũng dễ hiểu: vì nếu như phải tham gia vào hội đồng của một chính phủ chỉ kéo dài được vài tháng, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng và tình hình chính trị căng thẳng, thì cũng chẳng mấy ai “ham” đứng ra làm bộ trưởng. Đó là chưa nói đến điều kiện tiên quyết mà Tổng thống Sergio Mattarella đã đề ra với ông Carlo Cottarelli là để giữ thái độ trung lập của chính phủ, sẽ không có bất cứ một nhân vật nào trong hội đồng chính phủ được tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử quốc hội sắp tới. Điều kiện này coi như “cắt đường” của bất cứ nhân vật nào có ý định muốn ra tranh cử.
Điều bất ngờ hơn nữa là trước kịch bản là nếu chính phủ Carlo Cottarelli hoàn toàn không có phiếu ủng hộ ở quốc hội, thì ngoài hai đảng dân tuý là 5 sao và Lega ra, đa số các đảng khác cũng đang đề nghị giải tán lập tức Quốc Hội, cho đi bầu lại ngay lập tức vào khoảng cuối tháng Bảy sắp tới.
Công luận thất vọng
Công luận cũng khá bị bất ngờ trước tuyên bố của đảng Dân Chủ đề nghị đi bầu lại ngay từ cuối tháng Bảy.
Có thể hình dung ra được rằng lần tranh cử quốc hội sắp tới sẽ diễn ra như một trận thư hùng sống mái giữa hai mặt trận: một bên là các lực lượng dân tuý, hữu khuynh, kình chống Châu Âu và đồng Euro, tẩy chay cơ chế nhà nước, đứng đầu là hai đảng 5 sao và Lega, cùng với đảng Forza Italia của Berlusconi. Bên kia là tất cả các lực lượng trung tả, ủng hộ Châu Âu, chống lại quyết định rút ra khỏi đồng Euro, đứng đầu là đảng Dân chủ, na ná như một kiểu trưng cầu dân ý để quyết định chống hay đồng thuận Châu Âu.
Tính toán hơn thiệt của giới chính trị gia
Lý do vì sao hai đảng 5 sao và Lega muốn đi bầu càng sớm càng tốt thì cũng dễ hiểu, vì đó là những tuyên bố mà cả Di Maio và Salvini đều thường xuyên đem ra “doạ nạt” Tổng thống Sergio Mattarella. Cả hai đảng dân tuý đều sẽ dồn hết sức để tuyên truyền, thậm chí sử dụng rộng rãi các “tin đểu” (fake news) rằng chính cái cơ chế nhà nước và đám lãnh đạo chính trị thối nát (ý muốn nói đến Tổng thống) và toàn bộ các đảng phái chính trị đi ngược lại nguyện vọng “cách mạng đổi mới” đã âm mưu ngăn chận không cho liên minh dân tuý đứng ra lập chính phủ, dù rằng cộng cả hai đảng 5 sao và Lega lại trong quốc hội liên minh này có đủ phiếu để có đa số.
Với một mùa tranh cử căng thẳng như thế, hai đảng 5 sao và Lega dự kiến là họ sẽ thu hút thêm phiếu cử tri. Và theo một số tin tức từ những cuộc thăm dò ý kiến trong những tuần lễ gần đây thì đó là một kịch bản rất khả thi.
Phía đảng Forza Italia, vốn bị thất cử nặng nề lần vừa rồi, lại hy vọng rằng lần tranh cử tới, chính bản thân ông Silvio Berlusconi sẽ trực tiếp đứng ra tranh cử và lãnh đạo liên minh hữu khuynh. Như ta đã biết là trước đây Berlusconi đã không được phép tranh cử, vì bị kết tội gian lận thuế má, và do đó bị kết án không được quyền trực tiếp tham chính trong vòng 5 năm, tức là cho đến hết năm 2018. Nhưng vừa rồi toà án Milano, với lý do Berlusconi có “hạnh kiểm tốt”, đã quyết định rút ngắn thời gian thụ án, và bây giờ Berlusconi hoàn toàn có quyền đứng ra tranh cử trong lần sắp tới.
Nhưng đảng Dân Chủ thì thế nào ? Ai cũng biết là hiện nay đảng này, ngoài việc thất cử nặng nề vừa qua, đang lại phải chịu cảnh “nồi da xáo thịt”, ban lãnh đạo đảng đang bi chia rẽ trầm trọng, khiến bị mất phương hướng hoạt động. Trong tình huống như thế thì đảng Dân Chủ khó mà có thể mở một chiến dịch tranh cử hùng hậu. Nhưng có thể là lãnh đạo đảng cũng nghĩ rằng trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” như hiện nay, nếu phải kéo dài tình trạng bất ổn định thêm vài tháng cho đến mùa thu thì bản thân đảng Dân Chủ cũng chẳng có thêm được lợi thế nào, kéo dài thêm thời gian tranh cử lại càng tạo thêm cơ hội để phe dân tuý tiếp tục tạo sói mòn cho cơ chế nhà nước, gây thêm bất ổn kinh tế.
Chủ trương của đảng dân chủ là thành lập một mặt trận chung với tất cả các lực lượng chính trị ủng hộ Châu Âu để thu hút được tất cả các cử tri, dù muốn dù không, cũng không muốn làm một cuộc phiêu lưu rút ra khỏi Châu Âu và khối đồng Euro với một viễn ảnh tồi tệ không khác gì tình trạng kinh tế xã hội ở Venezuela hiện nay. Mục tiêu của đảng Dân Chủ là, dù sẽ thắng cử hay không, quan trọng là cần phải rút ngắn tối đa thời gian kéo dài tình trạng chính trị bất ổn cho Ý.
Bầu sớm tốt cho nước Ý
Còn có thêm một chi tiết chính trị không nhỏ trong trường hợp đi bầu lại ngay vào cuối tháng 7: trong trường hợp này, chính phủ của ông Paolo Gentiloni sẽ tiếp tục hoạt động và điều hành quản lý nhà nước trong suốt mùa tranh cử. Kịch bản này có hai thuận lợi: thuân lợi thứ nhất là cho riêng đảng Dân Chủ, vì ông Paolo Gentiloni là người của đảng này. Thuận lợi thứ hai là cho cả nước Ý: chính phủ Paolo Gentiloni sẽ tiếp tục là đối tác trực tiếp với Châu Âu và quốc tế, do đó có thể lấy nhưng quyết định “chữa cháy” để nhanh chóng kịp thời dập tắt những tuyên bố mị dân bài xích Châu Âu và đồng Euro trong thời gian tranh cử sắp tới.
Chỉ còn một câu hỏi lớn: cuối tháng 7 là thời điểm nước Ý bắt đầu bước vào mùa nghỉ hè. Liệu sẽ có bao nhiêu cử tri có thể chấp nhận thay đổi lịch trình nghỉ hè để ở nhà đi bỏ phiếu ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180530-y-thu-tuong-chi-dinh-chua-lap-duoc-noi-cac