Tin khắp nơi – 30/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 30/01/2019

Khác biệt sâu sắc

trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Hoa Kỳ và Trung Quốc mở vòng đàm phán thương mại quan trọng hôm thứ Tư 30/1, giữa lúc hai bên có những khác biệt sâu sắc về yêu cầu của Washington đòi Bắc Kinh cải cách cơ cấu kinh tế. Mối bất đồng này sẽ cản trở hai bên đạt được thỏa thuận trước khi Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc vào ngày 2/3.

Hai bên sẽ gặp nhau ngay bên cạnh Nhà Trắng, trong cuộc đàm phán cấp cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Những người nắm thông tin về cuộc đàm phán và các chuyên gia theo dõi sự kiện này cho rằng đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các yêu cầu cốt lõi của Mỹ đòi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chấm dứt chính sách ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc phủ nhận các chính sách của nước này ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Họ nhấn mạnh đã có các bước được thực hiện, gồm giảm thuế ô tô và đưa ra dự thảo luật đầu tư nước ngoài, giúp các công ty nước ngoài cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ đặt ra ngoài vòng pháp luật “các biện pháp hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ”.

Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ thông qua luật đó, trong khi hầu như chắc chắn là quốc hội chỉ mang tính hình thức của Trung Quốc sẽ phê chuẩn dự luật vào tháng 3.

Theo các quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ, một thành phần quan trọng của cuộc đàm phán để đánh giá về mức độ tiến triển của đàm phán là thỏa thuận về cơ chế xác minh và “cưỡng hành” Trung Quốc phải thực thi mọi cam kết cải cách mà nước này đã đưa ra.
Cơ chế này có thể duy trì mối đe dọa về thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc trong dài hạn.

Một số nhóm doanh nghiệp theo dõi đàm phán không đặt quá nhiều kỳ vọng vào một bước đột phá trong tuần này.

Bà Erin Ennis, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho rằng tại thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến hạn chót, ít có khả năng hai bên sẽ đưa ra những đề xuất tốt nhất trong hai ngày tới.

Bà Ennis nói: “Tôi không nghĩ sẽ có kết quả gì lớn. Hy vọng họ sẽ đạt một số tiến bộ tốt đẹp giúp hai bên hoàn tất vào cuối giai đoạn 90 ngày”.

Hôm 29/1, lần thứ nhì trong hai ngày liền, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, một trong những Bộ trưởng trong chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ mạnh mẽ nhất một thỏa thuận với Trung Quốc, đã đưa ra những bình luận lạc quan về cuộc đàm phán.

Ông Mnuchin nói với Fox Business Network rằng ông hy vọng sẽ có “tiến bộ đáng kể” về vấn đề tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ.

(Reuters)

https://www.voatiengviet.com/a/khac-biet-sau-sac-trong-dam-phan-thuong-mai-my-trung/4765333.html

 

Lãnh đạo tình báo Mỹ khai chứng

mâu thuẫn với tuyên bố của Trump

Trung Quốc và Nga đề ra những nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ và đã ủng hộ nhau nhiều hơn trong những thập niên qua, các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ nói với các thượng nghị sĩ hôm thứ Ba, trong những lời khai chứng nhiều lần mâu thuẫn với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi Bắc Kinh và Moscow tìm cách mở rộng tầm hoạt động toàn cầu của mình, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats nói, một số đồng minh của Mỹ đang rời xa Washington để phản ứng trước những thay đổi chính sách của Mỹ về an ninh và thương mại.

“Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên ngày càng sử dụng các hoạt động trên không gian mạng để đe dọa cả con người lẫn máy móc với ngày càng nhiều cách – để đánh cắp thông tin, gây ảnh hưởng đến người dân của chúng ta hoặc gây gián đoạn cơ sở hạ tầng trọng yếu,” ông Coats nói. Ông khai chứng cùng với các giám đốc của CIA, FBI và các quan chức tình báo hàng đầu khác tại Ủy ban Tình báo Thượng viện tại phiên điều trần hàng năm về các mối đe dọa trên toàn thế giới.

“Mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh hiện thân thiết hơn so với nhiều thập niên trước đây,” ông Coats nói với ủy ban.

Nhận định của các nhà lãnh đạo tình báo trái ngược với một số tuyên bố trước đây của sếp của họ, bao gồm cả mối đe dọa từ Nga đối với các cuộc bầu cử và các định chế dân chủ của Mỹ và quyết tâm giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Coats nói Triều Tiên có phần chắc sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump đã nói rằng nước này không còn đề ra mối đe dọa nữa.

Các quan chức tình báo cũng nói Iran đã không phát triển vũ khí hạt nhân vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mặc dù Tehran đã đe dọa đảo ngược một số cam kết sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận này.

Các quan chức vẽ ra một bức tranh đa diện về mối đe dọa do Trung Quốc đề ra, khi họ trả lời chất vấn liên tục của các thượng nghị sĩ về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về các tập tục kinh doanh cũng như ảnh hưởng quốc tế đang gia tăng của nước này.

“Mối nguy phản gián Trung Quốc sâu hơn, đa dạng hơn, khó chịu hơn, khó khăn hơn, toàn diện hơn và đáng lo ngại hơn bất kì mối nguy phản gián nào mà tôi có thể nghĩ đến,” Giám đốc FBI Christopher Wray nói.

Phiên điều trần hôm thứ Ba diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ công bố cáo buộc hình sự nhắm vào công ty Huawei Technologies của Trung Quốc, leo thang cuộc chiến với hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và vài ngày trước cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Coats cũng cho biết các đối thủ của Mỹ có phần chắc đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ, cải thiện năng lực của họ và bổ sung các chiến thuật mới.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-tinh-bao-my-khai-chung-mau-thuan-voi-tuyen-bo-cua-trump/4764295.html

 

TT Trump bác nhận định

 của lãnh đạo tình báo Mỹ về Triều Tiên, IS

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 30/1 phản bác các đánh giá về nguy cơ được các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ trình ra trước quốc hội ngày hôm trước, và tiếp tục bảo vệ những tuyên bố lạc quan hơn của ông về Triều Tiên và Nhà nước Hồi giáo.

Trong một loạt ý kiến tải lên Twitter vào sáng sớm ngày 30/1, ông Trump nói Nhà nước Hồi giáo “sẽ sớm bị hủy diệt”, và có “cơ hội khá tốt để phi hạt nhân hóa” với Bình Nhưỡng. Hôm 29/1, các quan chức tình báo Mỹ đã có những đánh giá rất khác với ông Trump về các mối đe dọa do Triều Tiên và các quốc gia khác tạo ra.

Cùng với các quan chức đứng đầu CIA, FBI, Cơ quan An ninh Quốc gia và các cơ quan tình báo khác, trong cuộc họp công khai với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm 29/1, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats đã trình bày bản đánh giá hàng năm về các mối đe dọa quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt.

Ông Coats nói ít có khả năng Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi ông Trump tuyên bố nước này không còn là một mối đe dọa nữa. Ông Trump đã lên kế hoạch gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un lần thứ hai vào tháng tới.

Về Nhà nước Hồi giáo, ông Coats nói rằng nhóm chủ chiến IS sẽ tiếp tục tìm cách thực hiện các cuộc tấn công từ Syria và Iraq chống lại các đối thủ trong khu vực, cũng như chống lại phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-bac-nhan-dinh-cua-lanh-dao-tinh-bao-ve-trieu-tien-is/4765321.html

 

Nhiều khả năng Fed giữ nguyên lãi suất

Khi kết thúc cuộc họp dài 2 ngày bàn về chính sách vào thứ Tư, 30/1, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ phải quyết định về mức độ rủi ro của các yếu tố khác nhau đối với đà tăng trưởng kinh tế kéo dài gần thập kỷ của Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ của họ trở nên khó khăn hơn do việc chậm công bố các dữ liệu kinh tế quan trọng vì chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa trong 35 ngày mới đây, các dự liệu đó gồm các báo cáo quan trọng về doanh số bán lẻ và tổng sản phẩm quốc nội.

Melanie Baker, chuyên gia kinh tế cấp cao của hãng Royal London Asset Management nhận xét rằng những phát biểu của các quan chức Fed “rõ ràng cho thấy họ đang dừng lại … Họ không biết chính xác điều gì đã xảy ra với nền kinh tế bởi vì chưa nắm được dữ liệu”.

Dự kiến Fed sẽ ra tuyên bố về chính sách mới nhất của cơ quan đóng vai trò ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, vào lúc 2 giờ chiều, giờ miền đông Hoa Kỳ (tức 7 giờ tối, giờ chuẩn quốc tế), giữa lúc các nhà đầu tư trông đợi Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm trong biên độ mục tiêu từ 2,25% đến 2,50%.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự kiến Fed sẽ không khẳng định rõ ràng ý định của mình, so với tuyên bố chính sách hồi tháng 12 năm ngoái, khi ngân hàng trung ương của Mỹ tuyên bố chắc chắn sẽ có “một vài lần tăng lãi suất nữa” trong năm nay.

Động thái này của Fed có thể mở đường cho việc tạm dừng thắt chặt tiền tệ trong một thời gian, giúp Fed có thêm thời gian để xem liệu tỷ lệ thất nghiệp có thấp hay không. Theo một số tính toán, tỷ lệ này đã giảm, tiếp tục dao động quanh mức mục tiêu là 2%.

Fed đã tăng lãi suất bốn lần hồi năm ngoái trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự báo. Những lần tăng lãi suất đó đã bị Tổng thống Trump chỉ trích mạnh mẽ, ông cáo buộc ngân hàng trung ương đã chặn đứng tăng trưởng kinh tế.

Tại cuộc họp về chính sách vào tháng 12/2018, Fed báo hiệu cơ quan này sẽ tăng lãi suất hai lần trong năm 2019. Nhưng giờ đây, có những dự báo cho rằng Fed sẽ trì hoãn việc nâng lãi xuất cho vay trong ít nhất là vài cuộc họp tới. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết họ sẽ “kiên nhẫn” về mặt này.

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-kha-nang-fed-giu-nguyen-lai-suat/4765205.html

 

Vụ Nga-Trump: Đồng minh của Trump tuyên bố vô tội

Đồng minh chính trị lâu năm của Tổng thống Donald Trump, Roger Stone, hôm 29/1 tuyên bố vô tội trước cáo buộc rằng ông tìm cách cản trở cuộc điều tra của Quốc hội về các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Ông Stone, người tự nhận là “kẻ chơi chiêu bẩn” và là một hoạt vụ chính trị theo Đảng Cộng hòa hàng chục năm qua, tuyên không có tội tại một tòa án liên bang ở thủ đô Washington đối với cáo buộc nói dối Quốc hội, cản trở một thủ tục tố tụng chính thức và can thiệp lời khai nhân chứng.

Ông là thành viên mới nhất trong nhóm những người thân cận của ông Trump bị buộc tội trong cuộc điều tra do Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu và có thể phải đối mặt với án tù khoảng 50 năm nếu bị kết tội về tất cả các cáo buộc, dù có phần chắc ông sẽ không nhận bản án khắc nghiệt như vậy, theo nhận định của các chuyên gia pháp lí.

Các công tố viên nói ông Stone, 66 tuổi, đã nói dối các nhà điều tra cho Ủy ban Tình báo Hạ viện khi đó đang điều tra các cáo buộc rằng Nga đã xâm nhập các email của những nhân vật cao cấp thuộc Đảng Dân chủ.

Cáo trạng chống lại ông Stone cũng nói rằng ông đã nói với các thành viên của ban vận động tranh cử cho ông Trump vào năm 2016 rằng ông biết trước việc website chuyên rò rỉ bí mật WikiLeaks có kế hoạch công bố các email gây tổn hại cho đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump là bà Hillary Clinton. Các cơ quan tình báo Mỹ nói rằng các email này đã bị Nga đánh cắp.

Cáo trạng không cho biết liệu ông Stone có biết là người Nga đã đánh cắp các email này bằng cách xâm nhập các máy tính được sử dụng bởi cố vấn cấp cao của ban vận động Clinton, John Podesta, và Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-nga-trump-dong-minh-cua-trump-tuyen-bo-vo-toi/4764282.html

 

Mỹ cảnh báo công dân không tới Venezuela

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/1 cảnh báo các công dân Mỹ không tới Venezuela vì cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này, theo NPR.

Lời cảnh báo này được đưa ra đúng ngày chính quyền Venezuela thông báo điều tra lãnh tụ đối lập được Mỹ ủng hộ và cấm ông rời khỏi đất nước.

Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn: “Các lực lượng an ninh [Venezuela] từng bắt giữ tùy tiện các công ty Mỹ trong khoảng thời gian dài”.

Thông cáo viết tiếp: “Chính quyền Venezuela có thể không thông báo cho đại sứ quán Mỹ biết về việc bắt giữ công dân Mỹ và chuyện tiếp cận lãnh sự đối với những người bị bắt có thể bị từ chối hoặc trì hoãn lâu”.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết về tình trạng “thiếu hụt thực phẩm, điện, nước, thuốc men khắp Venezuela”.

XEM THÊM:

Máy bay Nga đến thủ đô Venezuela, gây nhiều đồn đoán

Theo AFP, Venezuela trở thành nước duy nhất ở Tây Bán cầu bị phát cảnh báo ở “cấp độ 4” giống như áp dụng với các vùng chiến sự như Syria và Yemen.

Căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela leo thang sau khi Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ ông Juan Guaido.

Chính quyền Caracas sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington.

Theo AP, chính quyền của ông Maduro tuần trước yêu cầu các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ phải rời Venezuela trong vòng 3 ngày.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump tuyên bố không tuân thủ vì ông Maduro không còn là tổng thống chính danh của Venezuela.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Venezuela rút lại yêu cầu trên.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-kh%C3%B4ng-t%E1%BB%9Bi-venezuela/4764829.html

 

Tình báo Mỹ: Bình Nhưỡng ‘vẫn giữ vũ khí hạt nhân’

Khó có khả năng Bắc Hàn từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, báo cáo tình báo Mỹ cho biết, dù chính quyền Trump hy vọng điều này.

Báo cáo Đánh giá Mối đe dọa toàn cầu cũng cho biết Iran hiện không chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng các mối đe dọa tấn công mạng từ Trung Quốc và Nga “ngày càng tăng”.

Cả hai nước này được cho là có thể đang tìm cách tác động đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, báo cáo viết.

Bắc Hàn có cơ sở tên lửa ‘chưa khai báo’

Trump: ‘Đã chọn được quốc gia để gặp Kim Jong-un’

Quan chức Bắc Hàn tới Mỹ, đồn đoán Kim gặp Trump ở Việt Nam

Hà Nội: địa điểm cho hội nghị Trump-Kim lần 2?

TQ ‘ủng hộ’ Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai

Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats và các giới chức tình báo khác điều trần tại Thượng viện hôm 29/1.

Triều Tiên “có phần chắc sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân” trong khi họ cố gắng đàm phán “các bước phi hạt nhân hóa một phần để có được những nhượng bộ quan trọng từ Mỹ và quốc tế”, theo báo cáo.

Việc sở hữu vũ khí hạt nhân được coi là “quan trọng đối với sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng”, tài liệu này viết.

Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau tại Singapore vào tháng 6/2018 để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng đến nay có rất ít tiến triển về vấn đề này.

Báo cáo nhấn mạnh mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Nga, “cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ giữa thập niên 1950”.

Cả hai quốc gia nêu trên đều được cho là có khả năng “gián điệp mạng” tinh vi và họ có thể tận dụng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và đã áp các lệnh trừng phạt khắt khe hơn để ngăn chặn hành động của nước này.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện, Giám đốc CIA Gina Haspel cho biết Iran “về cơ bản tuân thủ” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận.

Một trong 20 căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo chưa được khai báo ở Bắc Hàn đóng vai trò là một trụ sở tên lửa, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hôm 21/1.

Reuters dẫn báo cáo cho biết: “Cơ sở vận hành tên lửa Sino-ri và tên lửa Nodong được triển khai tại địa điểm này phù hợp với chiến lược quân sự hạt nhân được phỏng đoán của Bắc Hàn.”

Việc phát hiện một trụ sở tên lửa chưa được khai báo diễn ra ba ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo ông “hướng tới” một hội nghị thượng đỉnh khác để thảo luận về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào cuối tháng 2/2019.

CSIS cho biết căn cứ Sino-ri chưa bao giờ được Bình Nhưỡng công khai và vì thế mà “dường như không phải là đối tượng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa”.

Báo cáo lưu ý rằng các căn cứ vận hành tên lửa lẽ ra phải được khai báo, xác minh và dỡ bỏ trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào.

“Bắc Hàn sẽ không đàm phán về những điều mà họ không tiết lộ,” ông Victor Cha, một trong những tác giả của báo cáo cho biết. “Có vẻ như họ đang không nghiêm túc. Họ vẫn muốn có năng lực hạt nhân, ngay cả khi họ tuyên bố phá hủy các cơ sở đã được khai báo.”

Nằm cách khu phi quân sự 212 km về phía bắc và rộng 18 km2, khu phức hợp Sino-ri đóng vai trò then chốt trong việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Nam Hàn, Nhật và thậm chí cả đảo Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, báo cáo viết thêm.

Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã chọn xong địa điểm diễn ra cuộc gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cuối tháng Hai.

“Chúng tôi đã chọn được quốc gia nhưng sẽ thông báo sau.”

“Kim Jong-un rất mong đợi sự kiện và tôi cũng thế,” ông Trump nói với các phóng viên.

Hiện giới phóng viên nước ngoài đang đồn đoán Việt Nam là nơi được chọn.

AFP dẫn nguồn chính phủ Việt Nam nói “chuẩn bị hậu cần” đang diễn ra, có thể ở Hà Nội hay Đà Nẵng.

Hôm thứ Sáu, Nhà Trắng đã thông báo cuộc gặp lần hai giữa ông Trump và ông Kim sẽ diễn ra tháng Hai, theo sau chuyến thăm Washington của một tướng Bắc Hàn.

Kim Yong Chol, cánh tay phải của Kim Jong-un, đã gặp Tổng thống Trump hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp kéo dài tới 90 phút.

Việt Nam ‘sẵn sàng tạo điều kiện’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói Việt Nam sẵn sàng làm nơi tổ chức cuộc này.

Trang Bloomberg cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với họ rằng Việt Nam sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, mặc dù Việt Nam chưa được chọn.

“Chúng tôi không biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp.”

“Việt Nam đã phối hợp rất tốt với Hoa Kỳ trong quan hệ phát triển kinh tế và thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg TV.

Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong một “chuyến thăm chính thức cấp nhà nước” vào tháng 2.

Chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol tới Mỹ, Tổng thống Trump – vốn đã tuyên bố chỉ một ngày sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpore hôm 12/6/2018 rằng mối đe dọa từ Bắc Hàn đã hết – công bố việc củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa, là chiến lược coi Bắc Hàn như một “mối đe dọa đặc biệt”.

Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều diễn ra hồi năm ngoái là cuộc gặp lịch sử đầu tiên từ trước tới nay giữa hai đương kim lãnh đạo của hai nước.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47052786

 

Giám đốc tài chính Huawei ra tòa

Giám đốc tài chính của công ty Huawei Technologies, Mạnh Vãn Chu, xuất hiện tại tòa án Canada hôm thứ Ba cho một phiên tòa liên quan đến khoản tiền bảo lãnh tại ngoại của bà trong vụ án làm căng thẳng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ.

Bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, dự phiên tòa tại Tòa án Tối cao British Columbia. Bà được Thẩm phán William Ehrcke chấp thuận yêu cầu thay đổi người chịu trách nhiệm tài chính về khoản tiền bảo lãnh tại ngoại.

Ông Ehrcke vào ngày 11 tháng 12 đã chấp thuận cho bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại với mức tiền 10 triệu đôla Canada (7,5 triệu đôla Mỹ), và bà đã ngụ tại tư gia ở Vancouver.

Canada đã bắt giữ Mạnh vào ngày 1 tháng 12 khi bà đang đổi máy bay ở Vancouver, theo yêu cầu của Mỹ.

Mỹ đầu tuần này công bố một loạt những cáo buộc nhắm vào Huawei và bà Mạnh, mô tả công ty này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Bà Mạnh bị buộc tội gian lận ngân hàng và gian lận điện tử vi phạm các chế tài của Mỹ đối với Iran.

Chính phủ Canada hôm thứ Ba nhất trí với yêu cầu của bà liên quan đến khoản tiền bảo lãnh tại ngoại tại phiên tòa, và thẩm phán chấp thuận yêu cầu này. Ông Ercke cũng dời lịch trình xuất hiện trước tòa của bà lại một tháng, đến ngày 6 tháng 3.

Bà Mạnh đang chống lại yêu cầu dẫn độ sang Mỹ. Sau khi bà bị bắt hồi tháng trước, Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada lấy lí do an ninh quốc gia.

Các quan chức chấp pháp Mỹ hôm 28/1 đã yêu cầu Canada cho dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ xét xử. Canada có 30 ngày để xem xét yêu cầu này.

https://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-tai-chinh-huawei-ra-toa/4764304.html

 

Tòa Venezuela cấm Juan Guaido ra nước ngoài

Tòa tối cao Venezuela đã cấm lãnh đạo đối lập Juan Guaido ra nước ngoài và đóng băng tài khoản ngân hàng của ông.

Tòa nhanh chóng chấp nhận yêu cầu của trưởng công tố Tarek William Saab.

Là chủ tịch quốc hội, ông Guaido vốn có quyền miễn tố trừ phi có quyết định của tòa tối cao.

Ông Guaido nói với các phóng viên rằng diễn biến “không có gì mới”.

Trưởng công tố William Saab nêu yêu cầu với tòa tối cao hôm thứ Ba, nói rằng cần “điều tra sơ bộ” ông Guaido do bạo lực từ hôm 22/1, khi ông Guaido tự tuyên bố là tổng thống.

Cùng thời điểm, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các lệnh cấm, chế tài đối với xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela.

“Các chế tài này, nhắm vào việc đẩy Tổng thống Nicolas Maduro ra khỏi quyền lực, đã tạo ra những cơn sốc trên khắp thế giới vào hôm thứ Ba, đẩy giá dầu toàn cầu lên cao và gây ra các phản ứng giận dữ từ Trung Quốc và Nga,” hãng tin Anh Reuters nhận định hôm 29/01/2019 trong bản tin từ Caracas.

TQ lo ngại tiền đầu tư vào Venezuela thời Maduro

Venezuela rồi sẽ ra sao với hai tổng thống?

Venezuela hủy quan hệ ngoại giao với Mỹ

Venezuela của Bolivar và ‘hội chứng chống Mỹ’

Hôm thứ Ba, biên tập viên của BBC Mundo cho hay trong lúc chính quyền Maduro đưa ra các chế tài với Tổng thống tự xưng Guaidó, tình hình kinh tế, tài chính của nước này vẫn tiếp tục khó khăn.

“Lạm pháp tiếp tục siêu phi mã, vật giá leo thang, cuộc sống không khác gì cách đây mười ngày,” nhà báo Daniel Garcia Marco, người từng là thông tín viên của BBC tại Venezuela trong hơn hai năm trở lại đây cho hay.

Vẫn theo biên tập viên này dư luận quốc tế đang quan tâm đến điều gì có thể xảy ra với ông Guaidó, người được cho là ‘không rõ đang ở đâu’.

“Dường như có một đội ngũ vệ sỹ riêng đang bảo vệ ông và ông di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác.”

Có rủi ro nào không?

Trước câu hỏi liệu có thể có rủi ro nào xảy ra với vị Tổng thống tự xưng này trong bối cảnh hiện nay và khoản tài trợ hàng chục triệu USD mà ông đề cập có thể giúp cho người dân Venezuela, nhà báo Marco nói:

“Hiện chưa có thông tim thêm về khoản tài trợ này, nhưng nếu tới Venezuela, nó phải chịu sự kiểm soát của hải quan, quân đội của chính phủ.

“Còn về an nguy của ông Guaidó, thì chính quyền của ông Maduro cũng khó có động thái nào gây rủi ro vì hiện nay có hàng triệu con mắt đang dõi theo ông Guaidó.

“Các cuộc tập hợp, biểu tình được ông Guaidó kêu gọi vào hôm thứ Tư dường như sẽ xảy ra theo kế hoạch, mặc dù chưa thể biết quy mô sẽ như thế nào,” biên tập viên Mundo, Daniel Garcia Marco, từ London cho BBC Tiếng Việt biết thêm.

Venezuela đang ngập trong bão tố, khủng hoảng chính trị và kinh tế dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Maduro, với lạm phát tăng tới 10 triệu % năm nay, trong khi nạn thiếu hụt lương thực kinh niên, biểu tình phản đối và di cư số đông đang diễn ra, hãng tin Reuters nhận định hôm thứ Ba.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47050143

 

Venezuela: Lãnh đạo đối lập

kêu gọi dân chúng xuống đường “tại chỗ”

Trọng Nghĩa

Dân chúng Venezuela vào hôm nay, 30/01/2019 đã lại được kêu gọi tham gia một cuộc biểu tình do tổng thống tự phong Juan Guaido tổ chức, nhằm tăng cường sức ép trên tổng thống Maduro, bị cho là không có tính chính đáng. Điều đáng nói là cuộc biểu tình hôm nay sẽ mang một hình thức mới lạ : Chỉ xuống đường « tại chỗ » chứ không tuần hành.

Từ Caracas, thủ đô Venezuela, thông tín viên RFI Benjamin Delille ghi nhận phản ứng của những người muốn tham gia cuộc biểu tình kiểu mới này :

« Thay vì tuần hành trên đường phố, ông Juan Guaido đã kêu gọi tất cả người dân Venezuela đi ra ngoài đường, đứng trước cửa nhà hoặc trước nơi làm việc của mình trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa cho đến 14 giờ. Mục tiêu là yêu cầu Quân đội Venezuela cho phép hàng cứu trợ được nhập khẩu.

Andres, một thanh niên 21 tuổi, đã xác nhận sẽ tham gia, dù chưa biết phải làm cụ thể những gì : « Tôi sẽ tham gia cùng bạn bè để khỏi phải hành động một mình, vì càng đông càng tốt. Cứ thử xem sao ».

Thanh niên này lo ngại là sẽ bị cảnh sát đàn áp như vào tuần trước, một vụ đàn áp đã khiến nhiều người chết. Cho dù vậy, anh vẫn tỏ rõ quyết tâm tham gia : « Bất kể hình thức là gì, cuộc biểu tình nào cũng bị cảnh sát chú ý. Nhưng không sao, dù có phải chạy, la hét hay làm bất cứ cái gì khác. Điều quan trọng nhất là đi ra ngoài đường, chứ không được ở trong nhà. »

Daniel, 59 tuổi, thì lạc quan hơn. Ông tin chắc rằng với hình thức biểu tình mới này, sẽ không có sự cố đáng tiếc nào : « Đây là một hành động biểu tượng. Mọi người sẽ làm tê liệt đất nước trong hai tiếng đồng hồ, rồi sau đó lại tiếp tục công việc của mình. Đây là một cuộc xuống đường ôn hòa, thể hiện quyền công dân. Chúng tôi chỉ làm theo Hiến Pháp mà thôi, và đó là vũ khí duy nhất mà chúng tôi có được. »

Với vũ khí này, người biểu tình hy vọng sẽ thuyết phục được Quân đội đứng về phía họ. Tuy nhiên, sau một tuần khủng hoảng chính trị, Quân đội dường như vẫn chưa từ bỏ lòng trung thành với tổng thống Nicolas Maduro ».

Ngoài việc kêu gọi dân chúng biểu tình, ông Juan Guaido cũng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gia tăng trừng phạt chế độ Maduro.

Trả lời phỏng vấn của tờ báo Đức Bild, số ra hôm nay, lãnh đạo đối lập Venezuela cho rằng nước ông đang phải chịu một chế độ độc tài, « hoàn toàn tham nhũng », do đó theo gương Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu cũng cần phải có thêm nhiều biện pháp trừng phạt chế độ Maduro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190130-venezuela-lanh-dao-doi-lap-sang-tao-hinh-thuc-bieu-tinh-%E2%80%9Ctai-cho%E2%80%9D

 

Venezuela : Maduro sẵn sàng

tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn

Thanh Phương

Hôm nay, 30/01/2019, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẵn sàng tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn và thương lượng với phe đối lập, nhưng vẫn bác bỏ yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới. Ông Maduro còn nói ông sẵn sàng thảo luận trực tiếp với tổng thống Mỹ Donald Trump trước công chúng, « ở Hoa Kỳ hay ở Venezuela, bất cứ nơi nào ông ấy muốn, với bất cứ chương trình gì ».

Tổng thống Maduro đã tuyên bố như trên khi trả lời phỏng vấn hãng tin Nga RIA Novosti, vào lúc phe đối lập Venezuela chuẩn bị xuống đường lần nữa vào hôm nay để thuyết phục quân đội nước này bỏ rơi tổng thống Maduro và công nhận chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido là nguyên thủ quốc gia Venezuela.

Hôm qua, theo yêu cầu của ông Maduro, Tòa Án Tối Cao Venezuela đã cấm tổng thống tự phong Guaido rời khỏi nước « cho đến khi kết thúc điều tra », đồng thời phong tỏa các tài khoản ngân hàng của ông. Tổng thống Maduro đã hành động như vậy, mặc dù trước đó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông John Bolton vừa cảnh cáo : « Những kẻ nào phá hoại nền dân chủ và tấn công vào Guaido sẽ gánh chịu những hậu quả ».

Để làm suy yếu hơn nữa tổng thống Maduro, hôm qua, Hoa Kỳ đã dọa sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Caracas. Hôm thứ Hai, Washington đã ban hành trừng phạt công ty dầu hỏa quốc gia Venezuela PDVSA, cấm công ty này làm ăn với các thực thể của Mỹ, đồng thời phong tỏa các tài sản của PDVSA ở nước ngoài. Đồng thời, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo là Washington giao cho ông Guiado, mà họ công nhận là tổng thống Venezuela, quyền kiểm soát các tài khoản ngân hàng của nước này trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Hôm qua, Quốc Hội Venezuela đã họp lại để thảo luận về một « kế hoạch cứu vãn đất nước » và bàn về khả năng tổ chức « bầu cử tự do và minh bạch ».

Tại châu Âu, sáu nước ( Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh Quốc, Bồ Đào Nha và Hà Lan ) đã gia hạn cho tổng thống Maduro đến Chủ Nhật phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, nếu không họ sẽ công nhận đối thủ của ông, Juan Guaido, làm tổng thống Venezuela.

Trong khi đó, Nhóm Lima, được thành lập vào năm 2017 để tìm giải pháp chính trị cho khủng hoảng Venezuela, hôm qua đã nói rõ là họ chống lại mọi can thiệp quân sự nhằm lật đổ tổng thống Maduro. Nhóm Lima nhấn mạnh như vậy bởi vì Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố “không loại trừ phương án nào” đối với Venezuela.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190130-venezuela-maduro-san-sang-to-chuc-bau-cu-quoc-hoi-truoc-thoi-han

 

Trung Quốc đưa Venezuela

đến bờ vực hỗn loạn như thế nào

Trọng Thành

Tình hình tại Venezuela cuối tháng 1/2019 này đang hết sức căng thẳng. Xung đột có thể bùng nổ, giữa một bên là một tổng thống bị mất lòng dân, nhưng được quân đội và Nga, Trung Quốc ủng hộ, và bên kia là chủ tịch Quốc Hội tự phong làm tổng thống, được Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn. Vì sao một quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới lại chìm trong lạm phát kinh hoàng, kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chế độ chính trị ngày càng độc đoán và bất lực, đẩy đất nước đến bờ vực rối loạn, có nguy cơ nội chiến hoặc can thiệp quân sự từ bên ngoài ?

Đất nước Venezuela sở dĩ rơi vào tình trạng bên bờ hỗn loạn hiện nay một phần rất lớn là do chính sách của Trung Quốc với Caracas, từ gần 20 năm qua. Dùng dòng tín dụng lớn để khuyến khích chế độ Venezuela bám chặt lấy ảo tưởng ý thức hệ « xã hội chủ nghĩa », bám chặt lấy việc xuất khẩu tài nguyên, khoảng sản như phương thức sống còn chủ yếu. Kết quả là tạo ra một tầng lớp quan chức ăn bám, tham nhũng, một bộ phận đông đảo dân chúng bị ru ngủ trong các ảo ảnh. Sau đây là phần tổng hợp thông tin từ báo chí, về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay.

***

Quan hệ của Trung Quốc với « chế độ xã hội chủ nghĩa Venezuela » khởi đầu ra sao ?

Dầu mỏ là duyên nợ của Venezuela với Trung Quốc. Trang mạng SupChina, có trụ sở tại New York, tháng 1/2019 này, có loạt bài « The Venezuela-China relationship, explained » đáng chú ý.

Năm 1996, Venezuela thu được hơn một tỉ đô la nhờ bán dầu cho các nước châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu là cho Nhật Bản. Dầu thô của quốc gia Nam Mỹ này bắt đầu được bán sang Nhật từ năm 1988. Ngay trước khi ông Hugo Chavez đắc cử tổng thống năm 1998, tập đoàn dẩu mỏ Trung Quốc (NPCC) đã tìm cách đàm phán để được chính quyền lúc đó cho phép khai thác dầu ở Venezuela. Những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Chavez đã tố cáo chính sách bán tài nguyên cho « các thế lực đế quốc ».

Sau khi lên nắm quyền, chế độ Chavez tìm thấy ở Trung Quốc đồng minh ý thức hệ hiếm có. Tổng thống Chavez đã không thay đổi các hợp đồng đã ký của Trung Quốc với chính quyền tiền nhiệm, và thậm chí còn mở rộng hơn.

Tháng 4/2001, ông Giang Trạch Dân – lãnh đạo Trung Quốc thời đó – đã đích thân tới Venezuela, ký kết nhiều hợp đồng, mở đầu cho quan hệ gắn bó kéo dài đã hơn 17 năm trời. Năm 2004 là một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước. Bắc Kinh và Caracas ký thỏa thuận cho phép mỗi bên đầu tư tại quốc gia đối tác, mà không phải nộp thuế. Caracas cũng dành cho Bắc Kinh nhiều chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, hơn hẳn với Hoa Kỳ.

Venezuela được Bắc Kinh coi là cánh cửa mở vào Nam Mỹ. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư một tỉ đô la vào quốc gia này, hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Vào thời điểm này, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Venezuela trong đủ các lĩnh vực, từ khai thác dầu mỏ, khai thác khoáng sản, đến xây dựng đường sắt, các hạ tầng giao thông khác, viễn thông, năng lượng, nông nghiệp, sản xuất dụng cụ điện tử gia dụng…

Năm 2005 cũng là năm mà tổng thống Venezuela Chavez quyết định đình chỉ quan hệ hợp tác lịch sử về quân sự với Hoa Kỳ, để xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2007, thành lập Quỹ chung Trung Quốc – Venezuela. Thương mại song phương tăng cường, với tổng giá trị vượt quá 4 tỉ đô la. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Caracas ngày càng mật thiết. Tuy nhiên cũng bắt đầu từ thời điểm đó, Venezuela trở thành quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất tại châu Mỹ Latinh, với khoảng 5 tỉ đô la.

Phải chăng mục tiêu chính của Trung Quốc là khai thác khoáng sản, còn các đầu tư cho phát triển khác chỉ là để mỵ dân ?

Thực tế cho thấy, tình trạng tài chính và kinh tế của Venezuela ngày càng tồi tệ cùng lúc với ảnh hưởng tài chính và kinh tế của Trung Quốc tại nước này càng gia tăng. Nhìn chung, Trung Quốc không bao giờ công bố số tiền cho vay với các dự án cụ thể nào, cũng như điều kiện cấp tín dụng. Tình trạng mù mờ này là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng bùng phát.

Theo một số nhà quan sát, tín dụng của Trung Quốc cho Venezuela, với 60 tỉ đô la, chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của nước này cho các nước Mỹ Latinh. Nhìn chung, Trung Quốc dành đến 90% đầu tư trực tiếp tại châu Mỹ Latinh cho các hoạt động khai thác khoáng sản, và tình hình cũng tương tự tại Venezuela.

Một trong các dự án đầu tư của Trung Quốc được quảng bá rầm rộ tại Venezuela là dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của châu Mỹ Latinh, trị giá 7,5 tỉ đô la, do tập đoàn xây dựng đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, của Trung Quốc, China Railway Group, thực hiện. Dự án khởi sự năm 2009, đã hoàn toàn đổ bể sau đó. Năm 2015, tập đoàn Trung Quốc âm thầm rút, để lại món nợ 400 triệu đô la cho Venezuela. Cho đến gần đây, nhiều người dân vẫn tin tưởng sẽ có một ngày nào đó công ty Trung Quốc trở lại.

Tình hình tương tự với dự án phát triển các ngành công nghiệp của Venezuela. Một ví dụ tiêu biểu là công ty điện tử viễn thông Orinoquia của Venezuela, ra đời năm 2010, với 35% vốn do tập đoàn Hoa Vi Trung Quốc đầu tư. Tuy nhiên, các dự án mà Hoa Vi hứa hẹn đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Trên thực tế, trong lúc sản xuất nội địa của Venezuela không ngóc đầu lên được, thì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào nước này. Nếu như năm 1998, trước khi ông Chavez lên nắm quyền, chỉ có 0,18% hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc, thì 14 năm sau, tỉ lệ này lên đến 34,9%.

Bắc Kinh cũng có một số dự án trọng điểm thành công mang tính biểu tượng với Venezuela, như phóng vệ tinh, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Năm 2017, Caracas phóng thành công vệ tinh quan sát thứ ba lên quỹ đạo. Đây có thể là một hành động của chế độ Bắc Kinh nhằm quyền rũ chính quyền Venezuela.

Đầu năm nay, bất chấp Venezuela – quốc gia đối tác hàng đầu của Bắc Kinh tại châu lục – đang chìm sâu trong khủng hoảng, bên bờ hỗn loạn, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Chilê tiếp tục có một bài phát biểu hùng hồn quảng bá cho dự án Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, coi các nước Nam Mỹ là « thành phần tự nhiên » và các đối tác không thể thiếu của dự án quốc tế khổng lồ mà Trung Quốc khởi xướng và chủ trì.

Sau khi lãnh đạo Chavez qua đời năm 2013, phải chăng Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực biến Venezuela thành một chư hầu, thúc đẩy Caracas tăng cường khai thác tài nguyên để hoàn nợ ?

Trong bài viết mang tựa đề « Venezuela and China : a perfert storm / Venezuela và Trung Quốc : Một sự nhiễu loạn hoàn hảo » (1), nhà nghiên cứu Matt Ferchen, chuyên về mô hình phát triển Trung Quốc, quan hệ Bắc Kinh với các nước Mỹ Latinh nhận xét : Ngay cả sau khi đã biết Venezuela lún sâu vào khủng hoảng gần như không có lối ra, Bắc Kinh cũng không thừa nhận thất bại, từ chối tham gia vào các nỗ lực tại khu vực, nhằm giúp Venezuela tìm được lối thoát. Trung Quốc tin là các quan hệ vững chắc giữa hai chế độ cùng ý thức hệ, cùng với sự dồi dào tín dụng của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, sẽ giúp Venezuela tiếp tục duy trì chính sách lấy bán dầu và quặng mỏ làm trụ cột của nền kinh tế, không cần đếm xỉa đến mọi biến động thị trường và chính trị.

Các hợp tác theo kiểu bán rẻ tài nguyên, đã được khởi sự dưới thời tổng thống Chavez, được tăng cường trong thời kỳ ông Maduro lên nắm quyền, trong bối cảnh mô hình « chủ nghĩa xã hội » Venezuela có dấu hiệu phá sản hoàn toàn. Sau khi tổng thống Chavez qua đời, tổng thống Maduro đã âm thầm đàm phán với Trung Quốc và một số nước khác nhằm khai thác trên quy mô lớn nhiều loại khoáng sản quý hiểm, như vàng, coltan, boxit, sắt, kim cương tại vùng « Vòng cung Orinoco », với tổng diện tích 12% lãnh thổ Venezuela (2). Năm 2016, Trung Quốc ký được hợp đồng khai tác quặng coltan, rất cần cho điện thoại di động. Năm 2016 cũng là năm mà Vòng cung Orinoco chính thức được coi là một « đặc khu kinh tế ». Nơi các điều kiện kinh doanh hết sức dễ dãi, các tiêu chuẩn về lao động môi trường gần như bị bỏ qua, chưa kể đến vấn đề môi trường sống, của rất nhiều cộng đồng sắc tộc sống lâu đời ở đây, bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động khai khoáng.

Tháng 9/2018, Bắc Kinh tiếp tục bỏ thêm 5 tỉ đô la, để mua lại 10% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Nhà nước (PDVSA). Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với chính quyền Maduro để công ty Yankuang Group khai thác vàng tại khu vực Vòng cung Orinoco nói trên.

Giai đoạn 2014 đến nay bị nhiều người vốn trung thành với Chavez coi như là thời kỳ mà chính quyền Venezuela hoàn toàn xa rời với một số tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của cố tổng thống để chuyển hướng sang một mô hình kinh tế lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh, Nga hay một số tập đoàn đa quốc gia.

Tương lai quan hệ giữa Venezuela và Trung Quốc sẽ ra sao ?

Sự thất bại của chế độ Chavez tại Venezuela cũng chính là một thất bại của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù chế độ « xã hội chủ nghĩa » hiện nay ở Venezuela có sụp đổ, Bắc Kinh chắc chắn không buông Venezuela. Một mặt để bảo vệ số tiền bạc đã đầu tư, mặt khác tiếp tục có cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, được đánh giá là còn hết sức dồi dào, trong lúc khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương lại hết sức hạn chế.

Vẫn theo chùm bài phân tích về quan hệ Trung Quốc – Venezuela trên trang mạng SupChina, thì cho dù chế độ mang danh hiệu « xã hội chủ nghĩa » của ông Maduro đang khủng hoảng trầm trọng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ vùng đất màu mỡ Nam Mỹ này. Một khi đã đứng chân chân được tại Venezuela, thì bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc tìm mọi cách ở lại. Kể từ những năm 2015, năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu tiếp xúc với đối lập Venezuela, để chuẩn bị phương án mới, đề phòng thay đổi chế độ. Về phần mình, giáo sư Isabelle Rousseau, một chuyên gia về chính trị tại châu Mỹ Latinh (Đại học Colegio de Mexico, Mêhicô) (3), cho biết Bắc Kinh cũng đang đàm phán bí mật với Nga và Mỹ về khủng hoảng Venezuela.

Theo một số nhà nghiên cứu, « thất bại » tại Venezuela không cản trở Trung Quốc tiếp tục mô hình quan hệ mua chuộc giới chóp bu để thao túng, trong trường hợp có thay đổi chính trị, giống như với nhiều chế độ độc tài khác, tại Cam Bốt hay Zimbabwe.

Ghi chú

1. “Venezuela and China: a perfect storm”, Dialogo Chino, ngày 24/01/2019.

2. “De la responsabilité de la Chine dans la crise vénézuélienne” của Emiliano Teran Mantovani, ngày 21/10/2018.

3. “Venezuela: Les Etats-Unis veulent asphyxier le gouvernement de Maduro”, RFI, ngày 29/01/2019.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190130-trung-quoc-dua-venezuela-den-bo-vuc-hon-loan-nhu-the-nao

 

Giám đốc IMF:

“Kinh tế TQ giảm tốc nhanh mới là điều đáng lo!”

Phát biểu tại Davos, bà Christine Lagarde cho biết dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là mối lo ngại, nhưng dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.

Góp mặt cùng một nhóm chuyên gia ở Davos, bà Christine Lagarde, giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng sự chậm lại hiện tại trong nền kinh tế Trung Quốc là “hợp lôgic”, nhưng cảnh báo điều đó có thể gây ra rủi ro lớn nếu xu hướng giảm này bắt đầu tăng tốc.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), bà Lagarde cho biết mặc dù sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc là một mối lo ngại, nhưng nó dường như vẫn trong tầm kiểm soát.

“Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là chuyện có thể chấp nhận được. Điều đó là hợp lôgic, và đúng theo quy luật. Tôi nghĩ rằng nó đang được chính quyền Trung Quốc kiểm soát rất sát sao”, bà nói với phóng viên Geoff Cutmore của CNBC.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm 300 điểm vào hôm thứ Ba vừa qua sau khi Trung Quốc báo cáo tăng trưởng kinh tế của họ là chậm nhất trong gần ba thập niên qua. Một cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ đã làm tăng thêm nỗi sợ rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn so với kì vọng ​​trước đây.

“Nếu việc giảm tốc này diễn ra quá nhanh, nó sẽ tạo thành một vấn đề thực sự cả trong nước và có lẽ là trên cả hệ thống”, bà Lagarde nói thêm.

Cũng có lời phát biểu trước nhóm chuyên gia tại diễn đàn này là Hugo Shong, chủ tịch sáng lập của IDG Capital. Công ty của ông là công ty đầu tư toàn cầu đầu tiên vào Trung Quốc ở những năm 1990 và là nhà đầu tư đầu tiên của Baidu, Tencent và Xiaomi. Ông Shong cho biết hiện bản thân ông không có mối lo ngại thực sự nào đối với nền kinh tế đang “nguội” đi của Trung Quốc.

“Vâng, trước đây các bạn đã nói về tăng trưởng 8% GDP. Bây giờ chúng tôi đạt được 6,6% và tôi nghĩ, với quy mô của nền kinh tế này thì đó là một con số khá tốt”, ông nói.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh lại các ước tính của họ dành cho tăng trưởng toàn cầu vào hôm thứ Hai vừa qua, khi cảnh báo rằng sự mở rộng được thấy trong những năm gần đây đang bị mất đà.

Đây là lần thứ hai tổ chức này hạ mức tăng trưởng dự báo sau khi đã làm tương tự hồi tháng 10. Thời điểm đó, họ lý giải rằng đó là do việc tăng thuế quan thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm trả đũa nhau trong cuộc chiến thương mại.

Trong lần điều chỉnh mới nhất dành cho tăng trưởng này, họ cho biết một phần là do những gì diễn ra từ năm ngoái, trong đó họ đề cập đến cuộc xung đột thương mại. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Đức cũng đang gặp khó khăn do tiêu chuẩn khí thải mới đã được áp dụng và nhu cầu nội địa ở Italy rất yếu.

Vào hôm thứ Hai vừa qua, Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế chính thức của họ đã đạt mức 6,6% trong năm 2018 – tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 đến nay.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters trước đó đã dự đoán GDP cả năm của quốc gia này sẽ đạt được con số đó, dù có giảm một chút so với mức 6,8% được điều chỉnh trong năm 2017. Tăng trưởng GDP quý IV của Trung Quốc là 6,4%, trùng khớp với những kì vọng.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26123-giam-doc-imf-kinh-te-tq-giam-toc-nhanh-moi-la-dieu-dang-lo.html

 

Brexit : Liên Hiệp Châu Âu

bác đề nghị của Hạ Viện Anh

Mai Vân

Hôm qua, 29/01/2019, Hạ Viện Anh đã thông qua một loạt 7 điều khoản bổ sung vào kế hoạch rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit), yêu cầu thủ tướng Theresa May thương lượng lại với Bruxelles, nhất là điều khoản « Backstop » liên quan đến Ailen. Đề nghị của Luân Đôn đã lập tức bị Bruxelles bác bỏ.

Thủ tướng Anh tuyên bố sẵn sàng đi thương lượng lại với Bruxelles, và đây là điều cần phải làm nhanh chóng, vì phải có văn bản thỏa thuận mới trước ngày 13/02, để có thể tiến hành bỏ phiếu ở Nghị viện Anh ngày 14/02/2019. Các dân biểu Anh cũng thông qua một văn bản bảo đảm sẽ không có trường hợp “Brexit không thỏa thuận”.

Vấn đề là Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra dứt khoát không thương lượng lại. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã bác bỏ ngay yêu cầu đàm phán lại mà Hạ Viện Anh đề nghị. Hôm nay chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và đại diện châu Âu đặc trách đàm phán Brexit, Michel Barnier, sẽ phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu về Brexit.

Thông tín RFI tại Bruxelles, Piere Bénazet, nhận định tình hình :

“Cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện Anh hôm qua không phải là mở đường cho một cuộc thương lượng mới giữa chính phủ Anh và Châu Âu mà là cho một cuộc đối thoại giữa những người điếc. Điều đó lại càng cho thấy rõ khả năng No Deal, tức là Anh Quốc sẽ ra khỏi Châu Âu mà không có thỏa thuận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190130-brexit-lien-hiep-chau-au-bac-bo-de-nghi-cua-ha-vien-anh

 

Hạ viện Anh bác nhiều đề xuất

sửa đổi kế hoạch Brexit

Tối hôm thứ Ba, hàng loạt các phương án sửa đổi liên quan kế hoạch về Brexit mà Thủ tướng Anh đệ trình từ tháng 01/2019 đã được Hạ viện Anh bỏ phiếu.

Ba sửa đổi đầu tiên – được đệ trình bởi lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn, lãnh đạo tại Westminster của đảng SNP, Ian Blackford, và nghị sỹ hàng đầu của đảng Bảo thủ, Dominic Grieve – đều bị Hạ viện bác qua kết quả bỏ phiếu.

Brexit: Anh nói sẽ ‘mở lại’ đàm phán với EU

Anh quốc ‘bỏ lỡ’ sinh viên nước ngoài

Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’

Sửa đổi của ông Corbyn có tỷ lệ 327 phiếu chống, so với 296 phiếu thuận, ông Blackford chỉ đạt 39 phiếu ủng hộ, so với 327 phiếu chống, và ông Grieve, người muốn các nghị sĩ có tròn sáu ngày để tranh luận về các lựa chọn thay thế Brexit, thua với tỷ lệ 321 phiếu chống so với 301 phiếu ủng hộ.

Bản sửa đổi thứ tư – được trình bày bởi Yvette Cooper của Đảng Lao động cũng bị bác. Nếu được thông qua, sửa đổi này sẽ bắt đầu một quy trình có thể buộc chính phủ Anh yêu cầu gia hạn Brexit.

Bà May nói rằng bà muốn mở lại các cuộc đàm phán ở Brussels với một “thông điệp nhấn mạnh” về những gì các nghị sĩ muốn.

Sửa đổi đầu tiên – được đưa ra bởi nhà lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn – kêu gọi kịch bản “kinh khủng về không có thỏa thuận” bị loại trừ, và sửa đổi thứ hai – được trình bởi nhà lãnh đạo tại Westminster của đảng SNP, Ian Blackford – kêu gọi gia hạn Điều 50, để loại trừ việc không có thỏa thuận và để nhấn mạnh vai trò của các quốc gia trong khối Liên hiệp Vương quốc Anh trong quá trình Brexit, cả hai đều bị Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ.

Bản sửa đổi thứ ba – được đưa ra bởi nghị sỹ hàng đầu của đảng Bảo Thủ và là người ủng hộ nước Anh ở lại EU, Dominic Grieve – cũng đã bị bác qua cuộc bỏ phiếu.

Brexit: EU liệu có giúp đỡ sau thất bại của bà May?

100 ngày đến hạn Brexit: Anh ly hôn EU

‘Quay lại Brusels’

Đề xuất này sẽ buộc chính phủ phải dành thời gian cho các nghị sĩ thảo luận về một loạt các lựa chọn thay thế cho kế hoạch Brexit của Thủ tướng trong toàn thời gian sáu ngày tại Hạ viện trước ngày 26 tháng Ba.

Ngoài ra, có bốn sửa đổi nữa được đệ trình để bỏ phiếu – trong đó có một đề nghị từ Nghị sỹ Đảng Bảo thủ Graham Brady, kêu gọi “phương án thay thế” cho backstop’ hay ‘đảm bảo cuối cùng’ mà các nghị sĩ Đảng Bảo thủ đã được lệnh phải ủng hộ. Đây là một cơ chế quy định rằng trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại EU-Anh, biên giới CH Ireland và Bắc Ireland “vẫn không lập trạm kiểm soát”.

Thủ tướng cho biết bà sẽ quay trở lại Brussels để có được “sự thay đổi quan trọng và ràng buộc về mặt pháp lý” đối với vấn đề đảm bảo cuối cùng trên đường biên giới nói trên, nhằm ngăn chặn sự quay trở lại của các chốt kiểm tra biên giới.

EU cho biết sẽ không thay đổi văn bản pháp lý đã đồng ý với Thủ tướng Anh.

Bà May nói rằng bà biết rằng EU có “khẩu vị hạn chế” đối với những thay đổi trong thỏa thuận này, nhưng bà tin rằng mình có thể “bảo đảm” cho sự thay đổi.

Bà May đã có các cuộc gọi điện đàm với các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU trong suốt cả ngày trước khi bỏ phiếu tại Hạ Viện và bà đã nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng như với Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar.

Tuy nhiên EU đã tỏ lập trường cứng rắn về việc không đàm phán lại theo biên tập viên vùng châu Âu của BBC Katya Adler.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47050145

 

Tờ l’Humanite của ĐCS Pháp

xin bạn đọc cứu để khỏi phá sản

L’Humanite, tờ báo có 114 tuổi của Đảng Cộng sản Pháp nay phải kêu gọi độc giả cứu giúp để không bị phá sản.

Lời kêu gọi nói về khó khăn của báo và đề nghị bạn đọc đặt mua hai ấn phẩm, báo ngày và số Chủ Nhật (l’Humanité và l’Humanité Dimanche) hoặc góp tiền cứu báo.

Truyền thông Pháp cho hay lời kêu gọi của tờ báo cộng sản được công bố hôm thứ Hai, 28/01/2019 sau khi báo có nguy cơ phải sa thải cả 200 nhân viên.

Còn có tên Việt Nam là Nhân Đạo, tờ báo mong “được nhân dân bảo vệ” và nói sự tồn tại của báo trong thời đại tin giả là rất cần thiết.

Tuy nhiên, thời gian để cứu tờ L’Humanite không còn nhiều.

Thứ Tư tuần này, một toà án ở ngoại ô Paris sẽ quyết định vụ phá sản của l’Humanite.

Đảng viên cộng sản ở VN bị cấm rất nhiều thứ

Đảng Cộng sản Anh không ra tranh cử

HN có số đảng viên Cộng sản bị kỷ luật ‘tăng đều’

Bị gọi lên đồn công an chỉ vì là cộng sản?

Hai năm trước, đầu báo cộng sản ở Ý, tờ l’Unita cũng đã đóng cửa.

Nay, tổng biên tập tờ báo Pháp Patrick Le Hyaric xác nhận về khó khăn tài chính của báo nhưng nói truyền thống 114 năm qua chứng tỏ l’Humanite luôn “ủng hộ các nhà tư tưởng, văn nghệ sỹ chống lại hệ thống”.

Năm qua, số báo bán giảm xuống còn trên 32 nghìn bản một ngày.

Số báo đặt mua thì có tăng nhưng tất cả vẫn không đủ để nuôi toàn soạn và ban biên tập, gồm 200 người mà quá nửa là nhà báo.

Năm ngoái, tờ báo quyên góp được hơn một triệu euro để kéo dài sự tồn tại nhưng đến nay thì không còn nhà băng nào muốn cho họ vay tiền để làm ăn.

Theo trang Liberation ở Pháp, ông Patrick Le Hyaric cho hay tờ báo cần ít nhất ba triệu euro vào giữa tháng 2/2019 để không bị tòa phán quyết buộc phá sản.

Lịch sử tờ L’Humanite

Thành lập năm 1904 bởi lãnh tụ xã hội chủ nghĩa Jean Jaures, tờ báo đến 1920 thì thành cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp (PCF).

Cũng trên trang l’Humanite bản điện tử năm 2016 có bài giới thiệu Nguyễn Ái Quốc từng là nhà báo của họ từ 1920 đến 1923.

Trước Thế Chiến 2, l’Humanite có lúc bán được vài trăm nghìn bản một ngày.

Báo bị cấm thời Đức chiếm Pháp trong Thế Chiến 2.

Sau Chiến tranh Lạnh, tờ báo xuống dốc cùng số phận đảng cộng sản.

Theo Britannica, tờ báo bám sát đường lối của Liên Xô nên đã mất khách nghiêm trọng sau khi hệ thống Đông Âu tan rã.

Kể từ đó, l’Humanite tìm cách “phá lệ” vào đi vào mảng bình luận cánh tả như nhiều báo châu Âu khác nhưng không bao giờ phục hồi được vị thế như xưa.

Tuy thế, số người đọc cũng già đi và thanh niên cánh tả Pháp ngày nay ít mặn mà với chủ nghĩa cộng sản.

Năm 2008 l’Humanite phải bán trụ sở ở ngoại ô Paris.

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47047869

 

Paris sẽ nhận lại các chiến binh thánh chiến Pháp

 bị giam giữ ở Syria

Trọng Nghĩa

Cho đến gần đây, Pháp luôn luôn từ chối nhận lại những công dân Pháp tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, hiện bị lực lượng Kurdistan ở Syria bắt làm tù binh. Tuy nhiên, vào hôm qua, 29/01/2019, bộ Ngoại Giao Pháp đã cho biết chính quyền không còn loại trừ việc cho số người này hồi hương.

Theo hãng tin Pháp AFP, nguyên do dẫn đến thay đổi thái độ 180° này là nỗi lo ngại rằng nếu không tiếp quản số người này, có nguy cơ là sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Syria, các phần tử đó lại biến mất và trở thành những mối đe dọa.

Trong một thông báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp xác định : “Căn cứ vào diễn biến tình hình quân sự ở miền đông bắc Syria (…), chúng tôi xem xét mọi phương án để tránh tình trạng số người này trốn thoát khỏi nơi giam giữ và phân tán đi khắp nơi”.

Cho đến bây giờ, quan điểm của Paris là chỉ nhận cho hồi hương những đứa trẻ bị giam giữ cùng với mẹ của chúng, đã đi theo thánh chiến, với sự đồng ý của những người mẹ này. Chính quyền Pháp luôn tuyên bố cứng rắn là các chiến binh thánh chiến và vợ của họ phải bị xét xử và thọ án tại chỗ. Pháp hoàn toàn không muốn nhận lại số công dân này do một loạt vấn đề chính trị, an ninh, tư pháp và nơi giam giữ.

Tuy nhiên, với khả năng Mỹ rút quân khỏi Syria, các khu vực của người Kurdistan có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc quay trở lại dưới quyền kiểm soát của Damas, tạo ra hiểm họa là hàng ngàn chiến binh thánh chiến nước ngoài sẽ bỏ chạy về châu Âu hay nơi khác.

http://vi.rfi.fr/phap/20190130-paris-se-nhan-lai-cac-chien-binh-thanh-chien-phap-bi-giam-giu-o-syria

 

Pháp khó áp dụng chính sách

nghỉ phép vô thời hạn theo kiểu Mỹ

Minh Anh

Số ngày nghỉ phép không bị giới hạn và có thể đi nghỉ bất kỳ lúc nào trong năm. Nơi làm việc có thể là ở cơ quan hay ở nhà. Vị trí làm việc có thể cố định mà cũng có thể di động ở một nơi khác trong công ty… Một xu hướng quản lý mới theo kiểu Mỹ đang được nhiều công ty khởi nghiệp ở Pháp áp dụng trong những năm gần đây.

Được thử nghiệm lần đầu trong những năm 1980 – 1990 tại Nhật Bản, nguyên tắc « lấy ngày nghỉ đổi lấy mục tiêu hoàn thành » hiện đang được rất nhiều công ty khởi nghiệp ở Silicon Valley ưa chuộng, ví dụ như Netflix đã áp dụng từ năm 2004.

Tại một đất nước phát triển nhất, nhưng số ngày nghỉ phép trung bình chỉ có khoảng 2 tuần, việc áp dụng ngày nghỉ vô thời hạn không chỉ cho phép mang lại một sự linh hoạt trong quản lý, theo như giải thích của bà Sarah Delon-Bouquet, luật sư thuộc văn phòng Bryan Cave với tờ Challenges.

« Nghỉ phép vô thời hạn được hình thành tại Hoa Kỳ tạo ra nhiều sự linh hoạt hơn. Nhưng giải pháp này còn có thể giúp giải quyết vấn đề số ngày nghỉ không được sử dụng : Tại nhiều doanh nghiệp, số ngày nghỉ còn thừa được hoãn lại sang năm khác không có giới hạn và phải được thanh toán khi hợp đồng chấm dứt. Đối với doanh nghiệp đây có thể là một khoản tiền khá lớn. Chính sách nghỉ phép vô giới hạn hủy bỏ chế độ này. Tuy nhiên, mô hình này chỉ mới là thiểu số : chỉ có 3% doanh nghiệp tại Mỹ áp dụng chính sách trên ».

Ý tưởng này đã được một số công ty khởi nghiệp trẻ ở Pháp du nhập vào từ năm 2015. Theo quan điểm của ông Arnaud Devigne, tổng giám đốc doanh nghiệp Indeed France với tờ Challenges việc áp dụng ngày nghỉ vô thời hạn cho phép người lao động có thể cân bằng tốt hơn giữa đời tư và sự nghiệp.

Đây cũng chính là quan điểm của một số người trẻ tuổi năng động tại Pháp. Hélène Myon và Laurent Carnaille, nhân viên công ty PopChef, chuyên giao hàng các bữa ăn trưa trong một phóng sự ngắn với kênh truyền hình France 2 cho biết :

Hélène Myon : « Phương pháp này khá tôn trọng nhịp sống mà chúng tôi cần hiện nay. Chúng tôi không còn là nô lệ của công việc nữa và như vậy chúng tôi cũng muốn hết mình vì công việc ».

Laurent Carnaille : « Đây chính là văn hóa trách nhiệm của người lao động, do việc người ta có thể đến cơ quan khi nào họ muốn, người ta có thể làm việc từ xa nếu họ cần ».

Luật Lao Động của Pháp : Một rào cản lớn

Câu hỏi đặt ra : Liệu mô hình làm việc kiểu Mỹ như vậy có thể áp dụng tại Pháp hay không, quốc gia nổi tiếng có một bộ Luật Lao Động được cho là rất cứng nhắc ? Bà Sarah Delon-Bouquet cho rằng việc áp dụng nguyên tắc này tại Pháp sẽ khó khăn hơn nhiều so với Mỹ.

« Điều này sẽ khá phức tạp vì tại Pháp, có một số quy định về trật tự công vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng về số ngày nghỉ có trả lương – tức là họ phải kiểm tra xem người được tuyển dụng có lấy đủ ít nhất là năm tuần theo như luật quy định, chưa tính đến những ngày nghỉ RTT, về thời gian nghỉ phép, vẫn còn có các quy định liên quan.

Rồi họ cũng phải nghĩ đến cách thức tính tiền bồi thường cho những ngày nghỉ đó. Hiện nay, có hai cách tính thường được áp dụng nhất để chi trả cho những ngày nghỉ có lương : Hoặc là vẫn trả lương như bình thường, hoặc tính theo tỷ lệ 1/10 tổng lương chưa khấu trừ các khoản đóng góp xã hội.

Trong khuôn khổ nghỉ vô thời hạn, người lao động vẫn phải đặt ngày nghỉ, theo cách này, việc sắp xếp các kỳ nghỉ quả thật là khá phức tạp ».

Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa Pháp và Mỹ trong việc áp dụng nguyên tắc « ngày nghỉ vô thời hạn » như lưu ý của ông Jonathan Tilly, cố vấn về nhân sự – đồng sáng lập viên doanh nghiệp Statim RH với France 2 : « Sáng kiến này của Hoa Kỳ, ban đầu được đưa ra là rất cần thiết để thu hút nhân tài trong một số lĩnh vực hoặc tìm kiếm nguồn nhân lực khan hiếm, tại một quốc gia mà bản thân luật lao động không có điều khoản nào quy định về thời gian nghỉ ăn lương.»

Tại Hoa Kỳ, chính chủ doanh nghiệp quyết định cho phép người lao động được phép nghỉ ăn lương hay không. Thời gian nghỉ tính trung bình cho cả nước là 9 ngày/năm ít hơn rất nhiều so với tại Pháp là 25 ngày cho một năm theo như quy định của Luật Lao Động.

Vẫn theo ông Jonathan Tilly, nguyên tắc nghỉ vô thời hạn tại Pháp còn có nguy cơ gây ra nhiều rắc rối khi xảy ra tranh chấp giữa chủ và người lao động. « Nếu như bắt đầu có tranh cãi, kiện tụng, khi người ta cho rằng một người lao động nào đó tự cho phép mình nghỉ quá nhiều, thì người ta không thể dùng luật lao động hay hợp đồng lao động để phân xử. »

Đó là chưa tính đến rủi ro có sự chênh lệch về số ngày nghỉ quá lớn giữa những người lao động. Trước trách nhiệm phải hoàn thành mục tiêu đặt ra, người lao động có nguy cơ tự hạn chế số ngày nghỉ dẫn đến hiện tượng làm việc quá sức.

Hơn nữa, nghỉ phép vô thời hạn còn trở nên phức tạp, khó áp dụng tùy theo từng quy mô doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động, như nhận xét của cô Lucile Lagache, phụ trách về giao tiếp của công ty chuyên về tuyển dụng « MyjobCompany » với France 2.

« Chúng tôi nhận thấy có một sự khác biệt khá lớn giữa các bộ phận trong doanh nghiệp. Ví dụ như giữa bộ phận Marketing và khâu Tuyển dụng, đó gần như là một sự bất bình đẳng, bởi vì những ai làm việc theo hình thức dự án có thể vắng mặt tùy ý và có thể được thay thế bởi một người khác trong nhóm. Trong khi đó, bộ phận tuyển dụng phải làm việc theo một chu kỳ liên tục với khách hàng và không thể nào vắng mặt được ».

Trong một chừng mực nào đó, các công ty khởi nghiệp của Pháp vẫn có thể linh hoạt áp dụng trong khuôn khổ các quy định của Luật Lao Động. Những yêu cầu này cần được thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng lao động.

Theo như quan điểm của ông François Raynaud de Fitte, đồng sáng lập viên công ty PopChef, không những thỏa thuận về nguyên tắc này không vi phạm luật hiện hành mà còn phù hợp với yêu cầu làm việc của giới trẻ ngày nay. « Tính trung bình, một người lao động, mỗi năm nghỉ khoảng 5 tuần 3 ngày mà vẫn được trả lương. Do vậy, chúng tôi nhận thấy là không có lạm dụng. Thế hệ mới, giới trẻ trong đó có tôi, khi bước vào thị trường lao động, họ tìm kiếm, muốn được làm việc một cách tự do và độc lập hơn. »

Tuyển dụng phải thích ứng, người quản lý đổi vai trò ?

Phương pháp làm việc mới này kéo theo cả sự thay đổi trong cách thức tuyển dụng. Khả năng làm việc độc lập gần như là tiêu chí chính trong các cuộc phỏng vấn tìm người sao cho đáp ứng được nguyên tắc « Tôi tin tưởng vào anh/chị ». Bởi vì, theo giải thích của ông François Raynaud de Fitte, người được tuyển dụng được quyền lấy nhiều ngày nghỉ bất kỳ lúc nào, nhưng với hai điều kiện : Hoàn thành nhiệm vụ được giao và Bảm đảm công việc vẫn vận hành tốt trong lúc vắng mặt.

Vai trò của người quản lý vì vậy mà cũng thay đổi theo. Arnaud Devigne trên tờ Challenges lưu ý : « Họ không phải kiểm soát thời gian hiện diện của người làm nữa, mà họ trở thành một người huấn luyện, hướng dẫn nhân viên của mình. Ở đây, người quản lý cần phải có một sự quan tâm : họ không nên ấn định các mục tiêu không thể nào đạt tới được »

Dù vậy, ông Arnaud Devigne lạc quan tin rằng mô hình làm việc mới có một tác động tâm lý tích cực : « (…) Điều này được cảm nhận như là một dấu hiệu tin tưởng lẫn nhau, mang tính hiện đại tại một doanh nghiệp cấp tiến. Cùng với công nghệ, thời gian và không gian đã vỡ tan. Về phần tôi, tôi thích dành ra 10 phút để trả lời một thư điện tử ở nhà buổi tối hơn là phải xử lý một cuộc khủng hoảng cho ngày hôm sau. Đó là do tôi chọn chứ không phải doanh nghiệp áp đặt ».

Tuy rằng số doanh nghiệp áp dụng chính sách nghỉ phép ăn lương vô thời hạn vẫn chỉ là thiểu số, nhưng hiện tượng này phản ảnh phần nào có một sự thay đổi về quan niệm làm việc. « Công việc không còn là một bổn phận nữa mà chỉ là một hoạt động sinh hoạt tôi thực hiện mỗi ngày » như kết luận của ông Arnaud Devigne trên tờ Challenges.

http://vi.rfi.fr/phap/20190130-phap-chinh-sach-nghi-phep-vo-thoi-han-my

 

Báo Nga: TT Venezuela cáo buộc

TT Trump ra lệnh giết ông

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump là đã ra lệnh cho chính phủ quốc gia láng giềng Colombia giết ông, nhưng nói rằng ông để ngỏ về khả năng đàm phán với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và những kẻ thù ngay trong nước ông.

Reuters dẫn lại cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Nga RIA cho biết ông Maduro đã bác bỏ những lời kêu gọi bầu cử sớm, và nói rằng lệnh bắt giữ đối thủ của ông là ông Juan Guaido vẫn chưa được đưa ra, đồng thời hứa rằng Venezuela sẽ trả các khoản nợ cho Nga và Trung Quốc.

Đối mặt với thách thức lớn nhất trong thời gian cầm quyền 6 năm của mình, nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa 56 tuổi cũng cho biết lực lượng vũ trang vẫn trung thành với ông và Tổng thống Vladimir Putin luôn hậu thuẫn vững chắc cho ông.

Phát biểu của ông Maduro được công khai hôm 30/1 khi cuộc chiến giành quyền lãnh đạo Venezuela đang leo thang với việc chính phủ đang chuẩn bị một cuộc điều tra về tổng thống lâm thời tự xưng Guaido, và các cuộc biểu tình mới trên đường phố được hoạch định.

Venezuela đã rơi vào tình trạng hỗn loạn vào tuần trước sau khi Hoa Kỳ công nhận ông Guaido, 35 tuổi, nắm quyền tổng thống, trong khi Nga, nơi đã cho Venezuela vay 17 tỷ đôla kể từ năm 2006, tiếp tục ủng hộ ông Maduro.

“Không nghi ngờ gì nữa, Donald Donald đã ra lệnh giết tôi và đã nói với chính phủ Colombia và mafia Colombia giết tôi”, Reuters dẫn lại lời ông Mad Maduro nói với RIA.

Cho dù Tổng thống Venezuela đang lặp lại một cáo buộc cũ mà các nhà phê bình chế giễu là “tung hỏa mù”, nhưng đã có những suy đoán về kế hoạch quân sự sau khi cố vấn của Trump, John Bolton, xuất hiện hôm thứ Hai với một cuốn sổ tay có dòng chữ “5.000 quân cho Colombia”.

“Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, Donald Trump và Tổng thống Colombia Ivan Duque sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Maduro nói.

Tôi mới là tổng thống chính danh

Bất chấp phản đối ngày càng mạnh mẽ đối với ông Maduro, người bị coi là một nhà độc tài, cả Washington và Bogota đã liên tục phủ nhận cáo buộc về âm mưu giết Tổng thống Venezuela.

Từng sống sót qua một vụ mà ông gọi là “ám sát” hồi tháng 8 năm ngoái, ông Maduro tuyên bố ông đang được bảo vệ tốt và đảm bảo sẽ sống lâu.

Ông từ chối bình luận về thông tin cho rằng Nga đã gửi các nhân viên quân sự tư nhân làm việc theo hợp đồng tới bảo vệ ông.

Phản bác những cáo buộc rộng rãi về những gian lận bầu cử, và việc hai đối thủ thuộc phe đối lập bị cấm tranh cử, ông Maduro bác bỏ những lời kêu gọi yêu cầu tổ chức bầu cử khẩn để bầu tổng thống mới, nói rằng ông đã tái đắc cử hồi năm ngoái trong một cuộc bầu cử công bằng.

“Tôi đã giành được 68% số phiếu bầu”, Reuters dẫn lời ông Maduro nói với RIA. “Tôi đã thắng một cách hợp pháp… Nếu các đế quốc muốn có một cuộc bầu cử mới, hãy để cho họ đợi đến năm 2025”.

Mặc dù cáo buộc ông Trump muốn giết mình, ông Maduro nói rằng ông sẵn sàng gặp ông Trump “bất cứ nơi nào ông ta muốn”, nhưng đồng thời ông nghĩ rằng viễn cảnh đó không thể xảy ra vì những gì mà ông mô tả là nỗ lực của các cố vấn của ông Trump nhằm ngăn chặn điều đó.

Ông nói Mexico, Uruguay, Bolivia, Nga, Vatican và nhiều quốc gia châu Âu không nêu tên muốn có đàm phán giữa ông và phe đối lập.

“Tôi đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với phe đối lập để nói chuyện vì lợi ích của Venezuela”, ông Maduro được trích lời nói.

Liên quan đến việc điều tra và có thể bắt giữ ông Guaido, ông nói: “Theo tôi được biết, biện pháp này vẫn chưa được thực hiện. Hãy chờ các quy trình về pháp lý và hiến pháp nội bộ để xem kết quả ra sao. Chúng tôi không vội vã, chúng tôi sẽ chờ”.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-nga-tt-venezuela-cao-buoc-tt-trump-ra-lenh-giet-ong/4765072.html

 

Máy bay Nga đến thủ đô Venezuela,

gây nhiều đồn đoán

Một chiếc máy bay Boeing 777 của Nga, với khả năng chở khoảng 400 người, xuất hiện bất ngờ ở thủ đô Caracas, gây ra nhiều đồn đoán trên mạng xã hội, ít lâu sau khi Kremlin cam kết ủng hộ đồng minh là Tổng thống Nicolas Maduro trong khi phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn tìm cách lật đổ ông.

Theo Reuters, chiếc máy bay của hãng Nordwind Airlines đỗ tại khu vực riêng của sân bay sau chuyến bay thẳng từ Moscow.

Hãng tin Anh dẫn dữ liệu cho biết rằng đây là lần đầu tiên chiếc Boeing 777 này thực hiện hành trình như vậy.

Tin cho hay, cả hãng Nordwind và chính phủ Venezuela không hồi đáp ngay trước câu hỏi về lý do chiếc máy bay của Nga tới Caracas.

Theo Reuters, trên mạng xã hội của Veneuzela xuất hiện nhiều giả thuyết như máy bay chở theo lính đánh thuê, có mặt ở đó để đưa ông Maduro đi lưu vong hay chở vàng khỏi Venezuela.

XEM THÊM:

Vì sao ông Maduro ‘không dám’ đụng tới tổng thống tự phong?

Dù các đồn đoán này không có nhiều cơ sở, nó cho thấy sự bất an và bất ổn ở đất nước Nam Mỹ này, nhất là khi ông Maduro vấp phải áp lực chưa từng có từ cộng đồng quốc tế, yêu cầu ông từ chức.

Reuters tuần trước đưa tin rằng các nhà thầu quân sự tư, vốn thực hiện các nhiệm vụ bí mật cho Nga, đã bay tới Venezuela để bảo vệ ông Maduro.

Chiếc Boeing 777 trên thường bay giữa Nga và Đông Nam Á, và chưa từng bay tới Caracas, theo Reuters.

Cả Nordwind Airlines và các hãng hàng không thương mại khác không có các chuyến bay thẳng từ Moscow tới Caracas.

Tờ báo Nga Novaya Gazeta đưa tin rằng chiếc máy bay có hai thành viên phi hành đoàn trên khoang và không có hành khách nào.

Nga cáo buộc chính quyền của ông Trump tìm cách tiếm quyền ở Venezuela và ra cảnh báo đối với bất kỳ sự can thiệp quân sự nào.

https://www.voatiengviet.com/a/m%C3%A1y-bay-nga-%C4%91%E1%BA%BFn-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B4-venezuela-g%C3%A2y-nhi%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BB%93n-%C4%91o%C3%A1n/4764776.html

 

Tại sao công ty Huawei của TQ

gặp quá nhiều rắc rối?

Rất nhiều người đang nói về Huawei – và không phải chỉ bởi vì hãng này tạo ra những chiếc điện thoại hàng đầu được đánh giá tốt.

Tập đoàn Trung Quốc đang phải đối mặt với sức nóng từ nhiều phía, vì nhiều người tin rằng Huawei đang sử dụng các sản phẩm để theo dõi người dùng, điều mà công ty này hoàn toàn phủ nhận.

Ngày 29/1, Mỹ đã gửi 23 cáo trạng truy tố Huawei và Mạnh Vãn Chu (Giám đốc tài chính của tập đoàn) về các hành vi như lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại.

Và nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang mất niềm tin vào gã khổng lồ công nghệ do các lo ngại về an ninh.

Mạnh Vãn Chu là ai và sao không mang họ bố?

Trump có thể can thiệp vụ kiện Mạnh Vãn Chu

Huawei: Đại sứ Canada ở Trung Quốc mất chức vì phát ngôn

Nhưng dù không quá quan tâm đến những rắc rối mà công ty công nghệ ở phía bên kia của hành tinh đang gặp phải, nhiều người vẫn có thể sẽ lo lắng về chiếc điện thoại của mình, hoặc tự hỏi là có nên mua một chiếc điện thoại Huawei mới không.

Vì vậy, bài viết sẽ cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về những gì đang xảy ra với Huawei.

Huawei là gì?

Trước hết, tên công ty được phát âm là “Wah-way” và Huawei bán nhiều điện thoại di động trên toàn thế giới hơn cả Apple.

Samsung đứng đầu danh sách này, nhưng Huawei đang đứng vững ở vị trí thứ hai.

Tại Anh Quốc, Huawei đã có một bước nhảy vọt về số điện thoại bán ra trong năm 2018, năm mà tập đoàn cho ra mắt chiếc smartphone mang tên P20 Pro.

Theo nhiều người đánh giá P20 Pro của Huawei, phát hành vào năm 2018, là một đối thủ thực sự có thể cạnh tranh với iPhone và những chiếc điện thoại cao cấp của Samsung.

Ngoài sản xuất smartphone, Huawei còn cung cấp công nghệ cho nhiều hãng sản xuất điện thoại khác, phân phối các thiết bị liên quan đến hạ tầng internet và wi-fi.

Nói tóm lại, Huawei có mặt khắp mọi nơi.

Tại sao mọi người lại nói về Huawei?

Có nhiều lo ngại về những gì Huawei đã và đang làm với hàng triệu điện thoại di động cũng như những thiết bị công nghệ khác do tập đoàn này cung cấp.

Các quốc gia nghi ngờ Huawei bị chính phủ Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động gián điệp.

Người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, từng là một kỹ sư trong lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đầu những năm 1980. Đây là một thông tin khiến các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới lo lắng.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cai trị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kể từ năm 1921.

Trước những cáo buộc nhằm vào Huawei, ông Nhậm nói với báo chí: “Tôi yêu đất nước của tôi, tôi ủng hộ Đảng Cộng sản. Tuy nhiên tôi sẽ không làm gì ảnh hưởng tới thế giới.”

Nhà sáng lập Huawei nói không có mối liên kết nào với chính phủ, khẳng định đây là một công ty độc lập và cho biết Bắc Kinh chưa bao giờ đề nghị tập đoàn chia sẻ “thông tin không thích hợp.”

“Cá nhân tôi sẽ không bao giờ làm điều tổn hại đến quyền lợi khách hàng, bản thân tôi và tập đoàn (Huawei) sẽ không bao giờ đáp ứng những yêu cầu như vậy.”

Nhưng từ năm 2012, Mỹ đã có những cảnh báo rằng Huawei có thể gây ra các mối đe dọa về bảo mật.

Tại Anh Quốc, một báo cáo năm 2018 cho biết có rất ít khả năng Huawei không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Các bên nào có liên quan?

Không chỉ Mỹ và Anh mới lo ngại về vấn đề này.

Năm 2018, cả Úc và New Zealand đã loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm của Huawei trong việc xây dựng hạ tầng mạng 5G vì e ngại có thể xảy ra các hoạt động gián điệp.

Đầu năm 2019, Vodafone cũng “tạm ngừng” việc sử dụng các thiết bị của Huawei ở châu Âu (cụ thể là Tây Ban Nha) vì lý do tương tự.

Chuyện gì đang xảy ra?

Mỹ đã bắt đầu truy tố Huawei các tội danh như lừa đảo ngân hàng, cản trở công lý và đánh cắp công nghệ từ công ty đối thủ T-Mobile. Tất cả các tội danh đều không liên quan đến hoạt động gián điệp.

Một số cáo buộc nói các thỏa thuận giữa Huawei và Iran vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với quốc gia này. Donald Trump đã từng nói vào tháng 8/2018 rằng các công ty giao dịch với Iran sẽ không được phép giao dịch với Mỹ.

Mạnh Vãn Chu, con gái Nhậm Chính Phi và Giám đốc tài chính của Huawei, đã bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vì các cáo buộc trên.

Huawei đã bác bỏ tất cả cáo buộc từ Hoa Kỳ.

Nếu bạn đang sử dụng điện thoại Huawei thì sao?

Hầu hết những lo ngại và cáo buộc nhằm về phía Huawei đều liên quan đến các thiết bị xây dựng hạ tầng internet, không phải thu tập thông tin cá nhân khách hàng sử dụng điện thoại của hãng này như P20 Pro.

Cho đến nay vẫn chưa có cáo buộc chính thức tội hoạt động gián điệp nào nhằm vào Huawei, kể cả khi Mỹ đã truy tố Huawei với 23 bản cáo trạng khác nhau. Và chưa ai bị kết án tội gì.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47053146

 

Huawei thuê luật sư từng làm Thứ trưởng Tư pháp Mỹ

Hai công ty con của tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã thuê các luật sư hàng đầu của Mỹ, trong đó có một người từng làm Thứ trưởng Tư pháp và một cựu công tố viên liên bang Hoa Kỳ, sau khi bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại.

Theo Reuters, hai công ty chi nhánh của tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông sẽ bị luận tội vào ngày 28/2 tại Seattle, tiểu bang Washington, với 10 tội danh liên quan tới cáo buộc đánh cắp các bí mật thương mại từ công ty T-Mobile của Mỹ.

Hãng tin Anh dẫn lời chính quyền cho biết rằng một đại diện của Huawei sẽ có mặt tại phiên luận tội.

XEM THÊM:

Mỹ truy tố Huawei tội lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại

Trong một vụ khác, các công tố viên liên bang ở Brooklyn, New York, đã cáo buộc Huawei và các công ty chi nhánh đã lừa đảo ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Cáo trạng gồm 13 tội danh được công bố hôm 28/1. Chưa có ngày luận tội đối với Huawei trong vụ này.

Các cáo trạng trong hai vụ trên gây thêm áp lực của Mỹ đối với Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Washington đang tìm cách ngăn chặn các công ty Mỹ mua thiết bị của Huawei và thúc giục các nước đồng minh cùng làm vậy.

Reuters dẫn tài liệu tòa án cho biết rằng hai công ty con của Huawei đã thuê các luật sư hàng đầu của Mỹ, trong đó có cựu Thứ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jim Cole, cựu luật sư làm việc cho Bộ Tư pháp Mỹ David Bitkower và cựu công tố viên liên bang Robert Westinghouse.

https://www.voatiengviet.com/a/huawei-thu%C3%AA-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-t%E1%BB%ABng-l%C3%A0m-th%E1%BB%A9-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%C6%B0-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9/4764809.html

 

TQ muốn dùng công nghệ bom nguyên tử

khai thác khí đá phiến: Điên rồ hay sáng kiến?

Trung Quốc đang định áp dụng công nghệ tương tự cách kích nổ bom nguyên tử để tiếp cận và khai thác trữ lượng khí đá phiến khổng lồ ở Tứ Xuyên nhưng vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại bởi đây là vùng thường xuyên bị động đất mạnh.

Mặc dù là đất nước có trữ lượng khí đá phiến lớn nhất thế giới (khoảng 31,6 nghìn tỉ mét khối theo số liệu năm 2015 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tức gấp đôi so với Mỹ và Úc cộng lại) nhưng Trung Quốc hiện vẫn là nhà nhập khẩu khí thiên nhiên lớn nhất thế giới. Lượng khí thiên nhiên họ nhập khẩu chiếm đến 40% nhu cầu trong nước hằng năm.

Trở ngại lớn nhất ở đây là: 80% trữ lượng khí đá phiến của Trung Quốc nằm ở độ sâu 3.500 mét so với mực nước biển – sâu hơn rất nhiều độ sâu mà máy khoan thủy lực truyền thống thường dùng để khai thác khí đốt.

Nhưng mới đây một nhóm nhà khoa học chuyên nghiên cứu vũ khí hạt nhân dẫn đầu bởi Giáo sư Zhang Yongming – đến từ phòng thí nghiệp sóng xung kích có kiểm soát của Đại học Giao Thông Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã công bố phương pháp dùng một “thanh năng lượng” có khả năng đào sâu chưa từng thấy.

Khác với phương pháp khoan thủy lực truyền thống vốn dùng áp suất nước để làm nứt các tầng đá và giải phóng khí thiên nhiên trong lòng đất, thiết bị có hình lốc xoáy của Giáo sư Zhang sử dụng một dòng điện cực mạnh để tạo nên sóng xung kích được kiểm soát một cách chính xác nhằm mang lại kết quả tương tự.

Giáo sư Zhang nói với báo South China Morning Post rằng công nghệ này đến nay mới chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Thử nghiệm thực địa đầu tiên sẽ diễn ra ở Tứ Xuyên vào tháng ba hay tháng tư năm nay.

Zhang và đội của ông gọi phát minh của mình là “thanh tập trung năng lượng” bởi nó có thể kiểm soát và tập trung nhiều tia năng lượng gây nổ mạnh trong một khoản thời gian ngắn được tính toán chính xác để khuếch đại hiệu ứng làm nứt gãy và khoan sâu của các sóng xung kích.

Phương pháp này cho phép các nhà khoa học kiểm soát năng lượng, thời gian và thậm chí là hướng của vụ nổ. Nguyên tắc tương tự cũng từng được sử dụng để kích nổ quả bom nguyên tử Little Boy mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.

Mặc dù vậy, thiết bị của Zhang không tạo ra vụ nổ hạt nhân nên về cơ bản là khác với những gì Mỹ đã làm vào những năm 1960. Vào những năm đó, các nhà khoa học đã kích nổ bom nguyên tử dưới lòng đất để khai thác khí thiên nhiên. Liên Xô trước đây cũng từng dùng vũ khí nhiệt hạch để khai thác mỏ và xây đập nước.

Bên cạnh đó, khác với kíp nổ truyền thống vốn chỉ nổ được một lần, thanh năng lượng của Zhang đã được thiết kế để chịu được hàng trăm phát kích nổ. Sau mỗi lần nổ, thanh năng lượng này được kéo ngược lên trục phía bên trên và một tia nước áp suất lớn sẽ được đưa vào khoang bên

dưới để tiếp tục cắt và mở rộng đá ra nữa. Sau đó thanh năng lượng lại được hạ xuống và sẵn sàng cho phát kích nổ tiếp theo.

Wang Chengwen, một giáo sư ở Đại học Dầu khí Trung Quốc ở Thanh Đảo – tỉnh Sơn Đông cho biết một trong những ưu điểm của công nghệ mới này là nó thân thiện với môi trường hơn các phương pháp thủy lực cắt phá truyền thống khác, vì phương pháp thủy lực truyền thống tạo ra nhiều nước thải chứa hóa chất độc hại có thể làm ô nhiễm sông và các nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, vấn đề là hiện vẫn chưa thể chắc chắn rằng liệu áp lực tạo ra bởi thanh năng lượng này có đủ để khoan xuống nơi rất sâu như vậy không.

Bên cạnh những thách thức về công nghệ, giáo sư Chnen Qun ở Khoa tài nguyên nước và Thủy điện ở Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô nói rằng các nhà khoa học và chính trị gia phải cân nhắc những thiệt hại môi trường tiềm tàng mà công nghệ mới có thể gây ra.

Ở Trung Quốc có tổng cộng 7 điểm có trữ lượng khí phiến đá lớn trong lòng đất nhưng hết một nửa số đó lại nằm ở Tứ Xuyên- vùng đất thường xuyên hứng chịu những trận động đất và sạt lở kinh hoàng ở Tây Nam Trung Quốc. Trận động đất lịch sử mạnh gần 8 độ Richter vào tháng 5-2008 ở đây đã khiến 87.000 người thiệt mạng, 370.000 người bị thương và 5 triệu người mất nhà cửa.

Theo Giáo sư Chen, mặc dù sóng xung kích do thiết bị của Zhang tạo ra có thể được kiểm soát tương đối trong phạm vi một địa phương nhất định nhưng nếu công nghệ này được áp dụng tại nhiều điểm khác nhau, nó có thể gây ra những biến đổi địa vật lý cơ bản của khu vực từ bên dưới lòng đất và khiến cho các công trình hạ tầng do con người xây dựng như các tòa nhà hay đập nước phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Shi Lei, Phó Giáo sư môi trường học tại Đại học Thanh Hoa nhận định rằng dù việc tăng cường khai thác khí đá phiến sẽ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc và chuỗi cung ứng năng lượng của nước này nhưng có một nhược điểm là điều này có thể dẫn đến giá nhiên liệu hóa thạch bị sụt giảm và do đó làm kiềm hãm sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, phó Giáo sư Shi cho rằng dù công nghệ khai thác khí đá phiến nói riêng hay khí đốt nói chung của Trung Quốc có đột phá thế nào đi nữa thì Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn thách thức trật tự toàn cầu. “Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về ngành năng lượng…và Trung Quốc không thể thay đổi điều đó” – ông Shi nói.

Lời nhận định trên của ông Shi có lẽ sẽ rất được lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump- người đang đề nghị Trung Quốc mua thêm khí đá phiến của Mỹ như một cách để làm giảm thặng dư thương mại khổng lồ của nước này.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26125-tq-muon-dung-cong-nghe-bom-nguyen-tu-khai-thac-khi-da-phien-dien-ro-hay-sang-kien.html

 

Vạn lý Trường thành ngầm:

Tuyến phòng thủ cuối cùng của TQ

Ngày 23.01.2019, Business Insider dẫn nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết: Lực lượng tên lửa chiến lược Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành diễn tập thực hiện nhiệm vụ tấn công bằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ các hầm ngầm, phản kích các cuộc tấn công hạt nhân nước ngoài.

Tác giả bài viết, chuyên gia bình luận quân sự Ryan Pickrell thuộc Business Insider viết: Global Times, dẫn nguồn video của truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết: các cuộc diễn tập mô phỏng chống lại một kẻ thù nước ngoài giả định, được lên kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phản công chiến lược của quân đội Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh bùng phát.

Ngày 29.11.2011, theo The Washington Post, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown do Tiến sĩ Phillip A. Karber là Chủ tịch Quỹ Potomac tiến hành một nghiên cứu hơn ba năm, cho thấy hệ thống đường hầm quân sự chiến lược phức tạp của Trung Quốc, dài khoảng 5.000km.

Bản báo cáo của nhóm cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có tới 3.000 đầu đạn, được lưu trữ trong mạng lưới đường hầm. Nghiên cứu của Karber khẳng định rằng các đường hầm không thể bị phá hủy bởi các vũ khí xuyên bê tông thông thường hoặc vũ khí hạt nhân năng lượng thấp như B61-11.

Rất nhiều tên lửa đạn đạo chiến lược ICBM của Trung Quốc được đặt trong các hầm phóng (boong-ke) rất vững chắc, duy trì khả năng phản kích của PLA. Trung Quốc không có chính sách tấn công hạt nhân đầu tiên.

Các tên lửa đạn đạo liên lục địa của đại lục được phát triển theo nhiều chủng loại, tên lửa phóng từ hầm phóng (silo), phóng từ các xe phóng đạn có sức cơ động cao và phóng từ tàu ngầm.

Theo truyền thông mạng xã hội, Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa phóng từ tàu ngầm (SLBM) tháng 11.2019, đồng thời sẽ công bố tên lửa đạn đạo trên xe phóng di động DF-41 ICBM vào cuối năm .

Những cuộc diễn tập liên tiếp cuối năm 2018 và khởi đầu năm 2019 cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.

Các cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu được thực hiện như một động thái cảnh báo, khi cả Nga và Mỹ cùng đang xem xét khả năng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, chiến trang thương mại, hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện chiến dịch “tự do Hàng hải” ở biển Đông và eo biển Đài Loan.

Ngoài những cuộc diễn tập cơ động chiến đấu và chiến đấu bằng tên lửa đạn đạo ICBM, các đơn vị tên lửa chiến lược – chiến dịch, đóng quân thường xuyên trong các hầm ngầm phòng thủ, kiểm soát, bảo vệ kho vũ khí hạt nhân, các đơn vị được trang bị tên lửa hạt nhân và thông thường của Trung Quốc cũng tiến hành huấn luyện khả năng sinh tồn lâu dài trong điều kiện chiến tranh hạt nhân, thực hiện các nhiệm vụ cơ động chiến đấu và thực hành phóng đạn từ hầm ngầm.

Tác giả Vạn lý Trường thành bằng thép chiến lược dưới lòng đất của Trung Quốc là thiếu tướng Qian Qihu hồi hưu, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, giải thưởng Khoa học và Công nghệ hạng nhất đã đề xuất phát triển hệ thống bảo vệ hầm ngầm.

Sáng kiến công nghệ này liên quan đến việc nâng cấp các hệ thống phòng thủ có đủ năng lực bảo vệ hạ tầng cơ sở trên mặt đất, bảo vệ được toàn bộ đường hầm, kho chứa đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Hầm ngầm trở thành tuyến phòng thủ cuối cùng của Trung Quốc trong điều kiện tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia thất bại.

Cửa ra vào hầm ngầm có thể chịu được sức công phá của vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc một cú đâm trực diện của một máy bay chở khách tiêu chuẩn. Hệ thống phòng thủ đường hầm có thể đánh chặn được một tên lửa siêu thanh có vận tốc di chuyển đến Mach 5 nếu các hệ thống phòng thủ tên lửa khác thất bại”

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước sau lễ trao giải gần đây, nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải phòng thủ chặt chẽ, sẵn sàng chống trả các mối đe dọa (vũ khí siêu âm) đang phát triển.

Qian giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Asia Times “Theo thành ngữ của Trung Quốc, tăng độ dày của khiên phải đi cùng với việc mài sắc ngọn giáo. Hệ thống phòng thủ của quốc gia phải tiếp tục phát triển khi vũ khí tấn công tiếp tục đặt ra những thách thức mới”.

Theo South China Morning Post, nhà khoa học 82 tuổi Trung Quốc gọi hệ thống hầm ngầm được nâng cấp là “Vạn Lý Trường Thành bằng thép dưới lòng đất” . Ông nói “Mục tiêu của tôi là thiết kế một bức tường bằng thép ngăn chặn vũ khí hạt nhân cho đất nước tôi”.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26122-van-ly-truong-thanh-ngam-tuyen-phong-thu-cuoi-cung-cua-tq.html

 

TQ “nhái không tới” chiến đấu cơ của Nga

Trang National Interest ngày 28-1 đã đăng tải những phân tích của ông Vasily Kashin, một chuyên gia quân sự của Nga về những hạn chế của dòng chiến đấu cơ trên tàu sân bay J-15 mà Trung Quốc chế tạo dựa trên nguyên mẫu Su-33 của Nga.

Ông Kashin cho hay, cách đây nhiều năm, người Trung Quốc vì muốn tiết kiệm một ít tiền nên thay vì mua một số chiếc Su-33 nguyên gốc từ Nga và xin giấy phép sản xuất ở Trung Quốc, họ đã đi mua một nguyên mẫu Su-33 ở Ukraine để lén lút chế tạo lại.

Dòng chiến đấu cơ J-15 mà Trung Quốc sản xuất là bản sao không có giấy phép của chiến đấu cơ trên tàu sân bay Su-33 của Nga, có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu trên bộ Su-27K vào những năm 1980. Trung Quốc đã mua một chiếc T-10K-3 (nguyên mẫu chiếc Su-33) từ Ukraine và sau đó chế tạo lại nó.

Rốt cuộc Trung Quốc đã phải mất nhiều tiền và thời gian hơn để phát triển dòng chiến đấu cơ J-15 nhưng những chiếc máy bay đầu tiên được chế tạo tỏ ra không hoạt động hiệu quả.

Mặc dù Nga và Trung Quốc hiện đang trong mối quan hệ rất mật thiết, thậm chí còn tổ chức các cuộc tập trận chung nhưng giới truyền thông Nga luôn cố ý phanh phui điểm hạn chế của loại chiến đấu cơ “made in China” này.

Điển hình là gần đây, hãng tin Sputnik News của Nga đã đăng tải một bài báo có tiêu đề “Hải quân Trung Quốc thiếu các chiến đấu cơ trên tàu sân bay, chỉ có duy nhất J-15 nhưng cũng không hoạt động được”.

Tờ Asia Times cho biết truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ý chê bai, ví von J-15 như một “con cá bơn” vì không thể hoạt động hiệu quả từ các tàu sân bay Trung Quốc.

Động cơ và trọng lượng nặng nề của J-15 đã hạn chế nghiêm trọng khả năng hoạt động. Với trọng lượng 17,5 tấn, nó là chiến đấu cơ trên tàu sân bay “nặng nề” nhất hiện nay. Trong khi chiếc F-18 của Hải quân Mỹ chỉ có 14,5 tấn.

Rút kinh nghiệm từ rất nhiều chiếc J-15 bị rơi và bốc cháy, Trung Quốc hiện nay đang phát triển một dòng máy bay hoạt động trên tàu sân bay mới là chiếc J-31.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26121-tq-nhai-khong-toi-chien-dau-co-cua-nga.html

 

Điểm mặt súng bắn tỉa TQ

Trong khi nhiều người Mỹ chỉ quan tâm tới các thế hệ súng chính xác mới của Nga cũng như chiến thuật của họ, người Trung Quốc cũng đã có những bước tiến đáng kể trong thiết kế, chế tạo súng bắn tỉa.

Súng Type-79

Trong những năm 1980, người Trung Quốc hầu như sử dụng vũ khí giống Liên Xô. Ngày nay, họ sử dụng hệ thống súng tương đối khác, trong đó có những loại dùng chung cỡ đạn tiêu chuẩn của NATO. Mặc dù xuất phát trên nền tảng súng bắn tỉa Liên Xô, các nhà thiết kế vũ khí Trung Quốc đã rẽ sang một nhánh khác, do sự khác biệt trong học thuyết quân sự.

Theo WIB, quân đội Liên Xô sử dụng súng SVD, khẩu súng cỡ nòng 7,62mm với băng đạn 10 viên, tầm bắn hiệu quả 800m.

Trung Quốc dựa trên khẩu SVD được cho là lấy được trong cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979, chế ra khẩu Type 79, sau này lại cải tiến tiếp thành khẩu Type 85. Những khẩu súng này được sản xuất đi kèm với ống ngắm PSO-1 4X do Liên Xô thiết kế.

Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ gặp vấn đề khi sao chép súng SVD bởi ngành công nghiệp chế tạo súng của họ chưa thực sự lớn mạnh.

Ống ngắm sao chép PSO-1 ở những phiên bản đầu không phù hợp với độ giật của loại súng cỡ đạn 7,62×54 và các vấn đề liên quan đến chất lượng luyện kim của kim hỏa (cụ thể là kim hỏa của súng Type 79 rất dễ bị gãy). Theo một số nguồn tin trong quân đội Trung Quốc, vấn đề này đã được sửa chữa với phiên bản Type 85.

Vấn đề chủ chốt với hai dòng Type 79 và Type 85 là thiếu loại đạn phù hợp. Nga sản xuất loại đạn đặc biệt 7,62×54 dành riêng cho súng SVD gọi là đạn 7N1 và sau này là đạn 7N14. Trung Quốc không phát triển loại đạn này và đơn giản là dùng đạn súng máy chung cho súng Type 79 và Type 85. Hậu quả là độ chính xác dưới mức trung bình.

Chưa rõ vì sao Trung Quốc không sản xuất đạn riêng cho súng bắn tỉa, nhưng có lẽ là do trong quân đội rất ít dùng loại đạn cỡ 7,62×54. Thêm vào đó, việc quân đội Trung Quốc muốn sản xuất một loại đạn cỡ trung trong những năm 1980 khiến chuyện thiết kế một loại đạn riêng cho súng bắn tỉa trở thành gánh nặng không cần thiết.

Thiếu xạ thủ và súng bắn tỉa cũng khiến người Trung Quốc ít có động lực sản xuất loại đạn dành riêng cho súng bắn tỉa và do vậy, hai loại súng Type 79 và Type 85 không được phổ biến rộng rãi trong quân đội.

Chỉ có một số đơn vị đặc biệt, cảnh sát và vệ sỹ được cung cấp các loại súng này.

Trong khi quân đội Nga tiếp tục sử dụng súng SVD, coi đây là súng bắn tỉa chủ lực, trong những năm 1990, Trung Quốc đã phát triển một dòng súng thay thế gọi là QBU-88 hay còn gọi là Type 88. Khác biệt chủ chốt là súng sử dụng đạn 5,8mm, giống đạn dùng cho súng máy.

Loại đạn này được cho là tốt hơn loại đạn 7,62mm trong kho của Trung Quốc, vì vậy một khẩu súng đặc biệt dùng đạn 5,8mm được phát triển cho mục đích bắn tỉa.

Thiết kế của Type 88 tương đối hiện đại. Bộ khóa nòng và hộp đạn đều được lắp phía sau cò súng hay nói cách khác là ở ngay sát mặt của xạ thủ khi ngắm bắn. Thiết kế này giúp cho hộp khóa nòng và báng súng nhập làm một, vì thế nó không cần tốn không gian để phải có báng súng dài như các thiết kế thông thường.

Độ xuyên phá và mức độ chính xác, theo quân đội Trung Quốc, cao hơn Type 85. Nhưng thiết kế chân đỡ gắn trực tiếp vào nòng súng nên khi sử dụng làm giảm độ chính xác. Thêm vào đó, thiết

kế khóa nòng ở phía sau nên xạ thủ phải luồn tay đỡ súng qua băng đạn ngược về phía sau mỗi khi thao tác, rất rắc rối và đương nhiên là mất thời gian hơn.

http://biendong.net/bi-n-nong/26119-diem-mat-sung-ban-tia-tq.html

 

Đồng minh Tổng thống Moon Jae-in bị tù

vì ‘can thiệp bầu cử’

Một người thân tín của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bị tòa Seoul kết án hai năm tù hôm 30/1 vì dính líu vụ lung lạc dư luận trên mạng internet để ủng hộ ông Moon trước bầu cử tổng thống năm 2017.

Tổng thống Hàn Quốc ‘là người Bắc di cư’

Lại có nỗ lực dùng FB can thiệp bầu cử Mỹ

Nga bị coi là dùng ‘chiêu trò’ can thiệp bầu cử Mỹ

Tòa án ở Seoul kết án thống đốc tỉnh Nam Gyeongsang Kim Kyoung-soo hai năm tù vì thông đồng với một blogger có tiếng.

Luật sư ông Kim nói ông sẽ kháng cáo.

Nếu tòa tối cao giữ nguyên án, ông Kim, 51 tuổi, sẽ mất chức thống đốc.

Ông bị kết tội vì thông đồng với blogger Kim Dong-won, có biệt danh Druking, nhằm tăng số lượt “thích” trên các diễn đàn internet, để qua đó tăng sự ủng hộ dân chúng cho ông Moon, lúc này còn là ứng viên tổng thống đối lập.

Blogger Kim đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam trong một phiên tòa riêng rẽ cùng ngày.

Ông Kim Kyoung-soo bị kết tội đã thông đồng với blogger để tạo ra 88 triệu lượt “thích” và “không thích” trong phần bình luận của 76.000 bản tin.

Mục đích của họ là làm sai lạc thuật toán trên mạng lớn nhất Hàn Quốc Naver, để các tin bài liên quan ứng viên Moon trở nên nổi bật hơn.

Hãng tin Yonhap bình luận phán quyết của tòa có thể là cú giáng chính trị “nặng nề” cho chính phủ ông Moon.

Ông Moon thắng cử tháng Năm 2017, sau khi tổng thống Park Geun-hye bị tòa hiến pháp sa thải do bê bối.

Tòa phán quyết rằng thống đốc Kim đã dính líu sâu vào chiến dịch lung lạc dư luận trên mạng.

Ví dụ, tòa nghe rằng ông Kim đã chứng kiến phần trình diễn thử mô hình để tăng số lượt “thích” chỉ từ vài trăm tăng lên hàng ngàn.

Ông Kim vẫn khẳng định mình vô tội.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47042904

 

Malaysia có hủy dự án đường sắt Trung Quốc không?

Hai bộ trưởng Malaysia có tuyên bố trái ngược về dự án đường sắt tranh cãi 20 tỉ đôla do Trung Quốc xây.

Malaysia hủy dự án đường sắt Trung Quốc ‘vì tốn kém’

Công ty Trung Quốc ‘dính líu bê bối ở Malaysia’

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã phải giải thích với báo chí liên quan phát biểu trái ngược của bộ trưởng kinh tế và tài chính.

Chuyện gì đang diễn ra trong nội bộ chính phủ Malaysia?

Nhắc lại, hôm 26/1 bộ trưởng kinh tế Malaysia Azmin Ali tuyên bố hợp đồng với công ty Trung Quốc CCCC đã bị Malaysia hủy.

Bộ trưởng Azmin Ali nói hôm 26/1: “Chúng tôi hiện nay không có khả năng tài chính.”

“Nếu không hủy dự án, lãi suất mỗi năm mà chính phủ phải trả sẽ gần nửa tỉ ringgit (121 triệu đôla).”

Nhưng báo chí Malaysia sau đó dẫn lời bộ trưởng tài chính Lim Guan Eng nói ông bị sốc vì tuyên bố của ông Ali.

Ông Lim nói thông cáo chính thức về dự án ECRL sẽ được công bố trong tuần này.

Nhưng ngày 29/1, tại một cuộc họp báo, ông Lim tuyên bố Thủ tướng Mahathir đã khuyên ông chưa đưa ra tuyên bố gì vào lúc này.

“Tôi đã gặp thủ tướng và ông đề nghị tôi tạm chưa có tuyên bố gì.”

Báo The Star của Malaysia ngày 30/1 dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad rằng chưa có quyết định cuối cùng về dự án ECRL.

“Chúng tôi còn đang thương lượng. Chúng tôi thấy cần cho thêm thời gian ở cả hai phía để có giải pháp.”

“Có thể có các lựa chọn khác,” Thủ tướng Mahathir Mohamad được báo The Star dẫn lời.

Thủ tướng Mahathir Mohamad giải thích thêm: “Không phải là chúng tôi không muốn tôn trọng hợp đồng. Mà vì chúng tôi gặp khó khăn tài chính.”

“Hợp đồng này có thể tốn hơn 100 tỉ ringgit. Nó sẽ làm chúng tôi nghèo đi.”

Khi được hỏi liệu Malaysia có phải trả bồi thường cao, ông Mahathir nói tiền bồi thường còn ít hơn là phải duy trì dự án.

“Bồi thường to thì cũng không lớn bằng khoản nợ sẽ mang trong 30 năm tới.”

Ông Mahathir cũng được hỏi về các tuyên bố trái ngược của hai bộ trưởng, và ông trả lời.

“Đôi khi một số bộ trưởng có tuyên bố sớm quá. Tôi thừa nhận đã có một số sai lầm, nhưng chúng tôi sẽ sửa chữa.”

Trong khi đó, trang tin Channel News Asia của Singapore ngày 30/1 dẫn lời bộ trưởng tài chính Malaysia Lim Guan Eng tại cuộc họp báo cùng ngày.

“Tôi kêu gọi truyền thông chờ đợi thông cáo chính thức của chính phủ Malaysia khi chúng tôi sẵn sàng.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47042905

 

Bangkok: 437 trường học phải đóng cửa vì bụi độc

Khủng hoảng khói mù ở Bangkok đã buộc 437 trường học ở Bangkok phải đóng cửa, sau khi Thống đốc cảnh báo ‘trẻ em có thể bị tổn hại.’

Các hạt bụi mịn, được biết đến với tên gọi PM2.5, đã tăng từ cuối tháng 12 và luôn nằm trên ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hơn 400 trường học đã được lệnh đóng cửa vào hôm nay (30/1), khi ô nhiễm không khí ở thủ đô Thái Lan tiếp tục tăng cao.

Các quan chức cho biết tình trạng ô nhiễm vượt quá mức chấp nhận được ở 39 khu vực trên thành phố, và Thống đốc Aswin Kwanmuang phải đưa ra cảnh báo về những tác hại đối với trẻ em.

Nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Bangkok hiện đạt mức báo động 50 microgam trên một mét khối.

Sau 2 ngày cuối tuần có dấu hiệu giảm nhẹ, chất lượng không khí của Bangkok ngày 30/1 đã lên ngưỡng 200 trên Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index), mức không khí đặc biệt không tốt cho sức khoẻ của tất cả mọi người.

Kéo dài đến ít nhất là cuối tháng 2

“Nó (bụi mịn) sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối tháng Hai, và sẽ trở nên tồi tệ hơn khi hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện”, theo Tara Buakamsri, Giám đốc điều hành Thái Lan của tổ chức môi trường Greenpeace.

El Nino là hiện tượng thời tiết bất thường, làm nhiệt độ nóng lên và ít mưa, được dự đoán sẽ xảy ra vào tháng Hai.

“PM2.5 là chất độc cho sức khỏe con người”, Somnuck Jongmeewasin, giảng viên về Môi trường ĐH Silpakorn cho biết.

“Nó là nguyên nhân gây ra các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính, ảnh hưởng tim mạch trong cả thời gian ngắn lẫn khi tích tụ kéo dài.”

Nhà chức trách Bangkok đã cân nhắc sử dụng máy bay không người lái để phun nước với hy vọng giảm nồng độ bụi mịn, theo Bangkok Post đưa tin.

Preecha Pradapmuk, giám đốc Viện Công nghệ Quốc phòng (DTI), cho biết 12 máy bay không người lái đã xúc tiến việc thử nghiệm việc phun nước tại một số khu vực của thủ đô Bangkok. Nhiều công nhân cũng thử nghiệm phun nước từ vòi rồng lắp trên xe tải dọc theo con đường đông đúc.

“Đó là nhiệm vụ bất khả thi, trừ khi vòi nước có khả năng phun ra hạt nước nhỏ hơn 2,5 microgam”, Giảng viên Somnuck cho biết.

“Họ sẽ cần ít nhất 10.000 vòi phun phản lực hoạt động cùng lúc để đẩy lùi PM2.5 tại Bangkok.”

Chính phủ cũng đã cứu xét việc sử dụng các kỹ thuật làm mưa nhân tạo nhưng các chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của phương pháp này.

Sonthi Kotchawat, một chuyên gia về Sức khỏe môi trường độc lập cho biết: “Nó (tạo mưa nhân tạo) sẽ thất bại vì thời tiết không ủng hộ. Không khí đang quá khô.”

Mặt nạ chống bụi đang trở thành sản phẩm nhiều người tìm mua nhất. Nhiều người phải mua đặt mua online vì không thể tìm thấy chúng ở các cửa hàng.

Theo Cục kiểm soát ô nhiễm, nguyên nhân dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí là xe chạy bằng động cơ xăng – dầu diesel, các ngành công nghiệp nặng và nhà máy nhiệt điện.

Witsanu Attavanich, Phó Giáo sư kinh tế Đại học Kasetsart, nhận định khó có khả năng chính phủ sẽ thực hiện các hành động cần thiết để giảm ô nhiễm không khí, bởi vì nó làm “tổn thương các doanh nghiệp”.

“Lợi ích kinh tế luôn đứng trên môi trường.”

Theo Phó Giáo sư Witsanu, biện pháp ngắn hạn hiệu quả nhất là “giảm số lượng xe trên đường” và mức thuế cao cho các phương tiện ít thân thiện với môi trường và thúc đẩy giao thông công cộng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47053147

 

Philippines lo TQ thao túng cảng Subic

Giới chức Philippines đang lo lắng trước khả năng cảng chiến lược Subic gần Biển Đông của nước này có thể rơi vào tay Trung Quốc.

Theo đài CNBC, các quan chức Philippines, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, gồm cả sự hiện diện kinh tế, và sợ rằng nước này có thể mua quân cảng Subic.

Cảng Subic do công ty Hanjin Heavy Industries & Construction Philippines, công ty con của một công ty Hàn Quốc cùng tên. Công ty này đã tuyên bố phá sản hồi đầu tháng này sau khi không thể thanh toán khoản nợ hơn 400 triệu USD từ các ngân hàng Philippines, trở thành một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước này.

Hanjin Philippines đã yêu cầu chính phủ Philippines giúp tìm các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp quản các hoạt động của nhà máy đóng tàu và hỗ trợ nhân viên của họ, theo thông tấn chính thức PNA của Philippines. Công ty này còn có khoản vay 900 triệu USD từ các ngân hàng Hàn Quốc chưa được thanh toán.

Hai công ty Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp quản nhà máy đóng tàu, nhưng các quan chức Philippines đã lên tiếng chống lại động thái này.

Thượng nghị sĩ Grace Poe đã kêu gọi một cuộc điều tra để xác định sự cần thiết của việc thiết lập các pháp lý và quy định đối với quyền sở hữu nước ngoài đối với một tài sản quốc gia chiến lược ở Vịnh Subic, theo truyền thông địa phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana gần đây cho biết rằng ông đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte để thảo luận về triển vọng Hải quân Philippines mua lại doanh nghiệp đóng tàu này.

“Hải quân Philippines tỏ ý tại sao Philippines không tiếp quản để chúng ta có một căn cứ hải quân ở đó? Sau đó, chúng ta sẽ trang bị các khả năng đóng tàu”, truyền thông quốc tế dẫn lời ông Lorenzana trong một sự kiện tại Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài Philippines hồi tuần trước.

Theo ông Lorenzana, các công ty từ Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm. Quan chức này cho rằng Manila cũng có thể cho thuê phần lớn cổ phần cho một thực thể bên ngoài trong khi vẫn giữ cổ phần thiểu số.

Vịnh Subic, nằm cách Vịnh Manila khoảng 100 km về phía tây bắc, là một khu vực có diện tích tương đương Singapore. Trước đây nó nằm dưới sự điều hành của hải quân Tây Ban Nha và Mỹ, và từng là một trong những cơ sở hải quân lớn nhất thế giới của Mỹ. Sau khi đóng cửa vào đầu thập niên 1990, nó được chính phủ Philippines chuyển thành đặc khu kinh tế.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26120-philippines-lo-tq-thao-tung-cang-subic.html