Tin khắp nơi – 29/12/2017
Nam Hàn giữ tàu biển bị nghi đã chuyển dầu cho Bắc Hàn
Nam Hàn vừa công bố nước này tháng trước đã giữ một tàu biển đăng ký ở Hong Kong được nghi là cung cấp dầu cho Bắc Hàn và vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.
Giới chức Nam Hàn nói tàu Lighthouse Winmore đã bí mật chuyển 600 tấn dầu mỏ cho một chiếc tàu Bắc Hàn.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm việc chuyển giao từ tàu sang tàu bất kỳ hàng hóa nào có đích đến là Bình Nhưỡng.
Nam Hàn đưa ra tin này khi Trung Quốc vừa phủ nhận các cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng Bắc Kinh đã chuyển dầu bí mật cho Bắc Hàn.
Trump cáo buộc TQ bí mật chuyển dầu cho Bắc Hàn
Bắc Hàn: Trừng phạt mới của LHQ ‘gây chiến’
Bắc Hàn chịu thêm các lệnh trừng phạt của LHQ
Chuyện gì xảy ra với tàu Lighthouse Winmore?
Tàu này cập cảng Yeosu ở Nam Hàn hôm 11/10 để nhập dầu tinh luyện, rồi đi tới Đài Loan sau đó bốn ngày, hãng tin Yonhap cho hay.
Nhưng thay vì tới Đài Loan, tàu này chuyển lượng dầu mới nhập lên một tàu Bắc Hàn và ba con tàu khác trong vùng biển quốc tế hôm 19/11, Yonhap trích lời các quan chức Nam Hàn.
Tờ New York times nói vụ chuyển dầu này đã được ghi lại trong các bức ảnh vệ tinh của Mỹ, được Bộ Ngân khố Mỹ đưa ra hồi tháng 11, mặc dù bộ này không nêu tên tàu Lighthouse Winmore.
Các quan chức Nam Hàn nói tàu Lighthouse Winmore đã bị giữ khi nó trở về cảng Yeosu tháng 11 và hiện vẫn đang đậu ở Nam Hàn.
Trung Quốc có liên quan không?
Không có bằng chứng nào là Trung Quốc có liên quan tới vụ này. Mặc dù tàu Lighthouse Winmore mang cờ Hong Kong, nó được một công ty Đài Loan thuê.
Chính phủ Trung Quốc nói các cáo buộc là “không khớp với sự thật”.
“Trung Quốc chưa bao giờ cho phép các công ty hay cá nhân Trung Quốc vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp dụng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,” người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.
Trung Quốc chiếm khoảng 90% thương mại quốc tế của Bắc Hàn.
Vì sao ông Trump tức giận?
Ngày càng có nghi ngờ từ Washington rằng các tàu Trung Quốc đã bí mật chuyển dầu mỏ cho các tàu Bắc Hàn trên biển.
Hôm thứ Năm 28/12, ông Trump viết trên Twitter ông “rất thất vọng” với Trung Quốc, quốc gia mà ông nói đã bị “bắt quả tang.”
Dòng tweet của ông Trump được đưa ra sau khi tờ báo Chosun Ilbo của Nam Hàn đưa tin về chuyện này.
Tờ này trích lời giới chức Hàn Quốc cho biết hoạt động chuyển dầu bất hợp pháp bằng đường biển đã được vệ tinh gián điệp của Hoa Kỳ ghi lại khoảng 30 lần kể từ tháng 10.
Tổng thống Trump nói với tờ New York Times rằng ông đã “nhẹ tay” trong các vấn đề về thương mại với Trung Quốc vì ông muốn Trung Quốc hỗ trợ về vấn đề Bắc Hàn. Tuy nhiên, giờ đây ông đe dọa sẽ chấm dứt điều này.
Ông Trump nói: “Dầu đang vào Bắc Hàn. Đó không phải là thỏa thuận của tôi. Nếu họ không hỗ trợ chúng tôi về Bắc Hàn, tôi sẽ làm điều mà tôi luôn nói là tôi muốn làm.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42513631
Trump cáo buộc Trung Quốc
bí mật chuyển dầu cho Bắc Hàn
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông “rất thất vọng” với Trung Quốc sau một báo cáo về việc nước này cho phép vận chuyển dầu vào Bắc Hàn.
Ông nói không bao giờ có thể có “một giải pháp thân thiện” đối với cuộc khủng hoảng Bắc Hàn nếu dầu được phép xuất khẩu sang Bình Nhưỡng.
Trước đó Trung Quốc phủ nhận vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt dầu mỏ nào của Liên Hiệp Quốc giữa nước này và Bắc Hàn.
Bắc Hàn: Trừng phạt mới của LHQ ‘gây chiến’
Bắc Hàn chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt
Bắc Hàn chịu thêm các lệnh trừng phạt của LHQ
Tuần trước, Bắc Kinh ủng hộ một dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Mỹ đưa ra, bao gồm các biện pháp cắt giảm nhập khẩu xăng dầu của Bắc Hàn lên tới 90%.
Các lệnh trừng phạt cứng rắn là nỗ lực mới nhằm ngăn chặn các cuộc thử tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump phản ứng sau khi tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin tàu trở dầu Trung Quốc bí mật vận chuyển dầu bằng đường biển cho các tàu của Bắc Hàn.
Tờ này trích lời giới chức Hàn Quốc cho biết hoạt động chuyển dầu bất hợp pháp bằng đường biển đã được vệ tinh gián điệp của Hoa Kỳ ghi lại khoảng 30 lần kể từ tháng 10.
Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Hàn nhiều lần khẳng định tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Khi được hỏi về việc chuyển dầu bằng tàu biển, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nói với các phóng viên: “Tình huống mà ông đề cập đến hoàn toàn không tồn tại.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Cavey nhắc lại lời kêu gọi tất cả các nước cắt giảm quan hệ kinh tế với Bắc Hàn.
LHQ thêm lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn
Mỹ phạt hai nhà phát triển tên lửa Bắc Hàn
Singapore ngưng quan hệ thương mại với Bắc Hàn
Ông nói: “Chúng tôi thúc giục Trung Quốc chấm dứt tất cả quan hệ kinh tế với Bắc Hàn, bao gồm du lịch hay cung cấp bất kỳ loại dầu hoặc sản phẩm dầu mỏ nào.”
Trong một diễn biến khác hôm Thứ Năm, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ chối cho bốn tàu của Bắc Hàn cập cảng quốc tế do nghi ngờ vận chuyển hàng hóa bị cấm, nâng tổng số tàu bị từ chối lên tám tàu, theo AFP.
Bắc Hàn đã phải chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và Liên minh Châu Âu.
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo hôm 28/11 của Bình Nhưỡng.
Trước đó, ông Trump đe dọa sẽ “tiêu diệt hoàn toàn” Bắc Hàn nếu nước này tấn công hạt nhân. Nhà lãnh Bắc Hàn Kim Jong-un sau đó mô tả Tổng thống Hoa Kỳ là “loạn trí”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42509783
Khóa 1977:
Tôi dự kỳ thi đại học làm thay đổi Trung Quốc
40 năm trước, Trung Quốc khôi phục lại kỳ thi tuyển sinh đại học sau hơn một thập kỷ rơi vào hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Hơn năm triệu thí sinh dự thi với hy vọng trúng tuyển vào đại học. Nhà báo Ngô Ngọc Văn của BBC Tiếng Trung kể lại câu chuyện của mình.
Vào ngày 10/12/1977, tôi bắt chuyến xe buýt số 35 đi từ trường Trung học Quận hướng Tây thành phố Bắc Kinh để làm một việc mà thanh niên Trung Quốc chưa hề làm suốt 12 năm trước.
Tôi dự kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên kể từ năm 1965.
Có một sự hào hứng lẫn mong đợi khẽ khàng nhưng rõ ràng trong tiết trời đông lạnh, bởi vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua chúng tôi có thể quyết định lấy số phận của mình. Tôi nắm chặt lấy thanh kẹo sô cô la trong túi mà cha cho. Đó là cách mà cha ủng hộ tôi – tôi chưa bao giờ được ăn sô cô la.
TQ mở trường đại học ‘khắp châu Á’
400 triệu người TQ không biết tiếng Trung
‘Lò thi đại học’ và giấc mơ đổi đời ở TQ
TQ thắng cuộc đua giáo dục nhờ đâu?
Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, việc học hành chính quy tại trường và đại học bị gián đoạn, giáo viên và tầng lớp trí thức bị nhục mạ công khai và đánh đập; một số tìm đến con đường tự vẫn. Đó không phải là thời của những ai trân trọng giáo dục chính quy.
Năm của sự thay đổi
Hầu hết người dân xem năm 1978 là năm Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa, nhưng động lực cho sự thay đổi được nhen nhúm dần từ năm 1977- và kỳ thi tuyển sinh là có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tháng Hai năm đó, tôi nhận được công việc là giáo viên dạy tiếng Anh cho một trường tiểu học ở Bắc Kinh.
Tôi vừa học xong ba năm tại một trường ngoại ngữ có đào tạo giáo viên, và cảm thấy mình thật may mắn khi được ở lại thành phố và không bị chuyển về vùng nông thôn, như bốn anh chị em của tôi và rất nhiều bạn bè cùng lớp.
Tất nhiên tôi luôn muốn được học đại học, nhưng nhận ra rằng điều này là không thể vào thời điểm đó, và có thể không bao giờ xảy ra, nên tôi quyết định đi làm.
Tôi được giao công việc dạy tiếng Anh cho 200 học sinh lớp ba, 10 tuổi, được chia thành bốn lớp. Trong vòng một tuần, tôi thuộc tên tất cả học sinh, và cố gắng truyền cho các em niềm say mê môn tiếng Anh, và các giáo viên khác hỗ trợ tôi rất nhiều.
Trường đại học TQ là ‘pháo đài’ của Đảng Cộng sản?
Nhà giàu Trung Quốc học làm người sang
Nghệ thuật đàm phán trong bữa ăn Á
Tôi còn đảm trách cả một lớp học nâng cao cho toàn trường, và có vẻ như tôi đã đi đúng hướng để trở thành một giáo viên giỏi.
Một ngày mùa thu ấm áp năm 1977, tôi trở về sau một tháng ở vùng nông thôn cùng học sinh, mẹ tôi báo cho tôi, bằng giọng rất phấn khởi, rằng chính quyền quyết định khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học mùa đông năm đó, và tôi có thể dự thi.
Quyết định lịch sử
Tôi không tin vào tai mình. “Có thực không hay đây chỉ là chuyện đùa ác ý? Cuối cùng con cũng có cơ hội được học đại học sao?”
Hóa ra ông Đặng Tiểu Bình, sau khi bị chủ tịch Mao Trạch Đông cách chức trong thời gian Cách mạng Văn hóa và sau này được phục chức Phó Thủ tướng năm 1977, đã quyết định ưu tiên đưa giáo dục lên hàng đầu.
Ông tổ chức một cuộc họp vào tháng 8/1977 để bàn về khả năng khôi phục lại kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhiều người ủng hộ quyết định này, nhưng cũng có người không ủng hộ. Trở ngại chính là Chủ tịch Mao trước đây khuyến khích chọn học sinh đại học từ tầng lớp công nhân, nông dân và quân nhân, và nay có không đủ thời gian để chuẩn bị cho sự chuyển đổi.
Nhưng Chủ tịch Đặng đã ra quyết định lịch sử: bắt đầu hệ thống tuyển sinh mới vào năm đó, tạo nên một làn sóng hứng khởi khắp đất nước, trong đó có trường nơi tôi đang dạy.
Chống sách giáo khoa về người đồng tính ở TQ
Đại học TQ ‘tránh xa giá trị phương Tây’
Đại học Miến Điện muốn Anh giúp đỡ
Tám giáo viên trẻ muốn tham dự kỳ thi. Hiệu trưởng nhà trường ủng hộ chúng tôi nhưng không thể cho chúng tôi nghỉ phép để chuẩn bị cho kỳ thi. Do đó chúng tôi nên tiếp tục dạy như bình thường, nhưng có thể vắng mặt trong các cuộc họp.
Tiếp sau đó là những đêm dài chong đèn ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi cùng lúc với việc soạn giáo án lên lớp cho hôm sau. Nhưng tinh thần tôi rất hưng phấn và tôi không hề cảm thấy mệt mỏi. Mẹ cũng thức khuya cùng tôi, ngồi đan áo và thỉnh thoảng đặt câu hỏi ôn lại kiến thức lịch sử cho tôi.
Tôi nộp đơn thi vào ngành tiếng Anh tại Đại học Bắc Kinh theo lời khuyên của cha.
Ngày đầu tiên chúng tôi làm bài thi tiếng Trung; đề bài tiểu luận yêu cầu chúng tôi kể lại những gì đã làm trong năm vừa qua.
Tôi trúng tủ – một công việc mới, dạy tiếng Anh cho 200 học sinh. Chúng tôi cũng thi môn tiếng Anh và toán sau đó.
Sau khi đỗ kỳ thi viết, tôi dự kỳ thi vấn đáp tại Đại học Bắc Kinh, trải qua một đợt kiểm tra sức khỏe, và chờ đợi đằng đẵng trước khi có kết quả cuối cùng.
Kết quả đến một cách đầy kịch tính.
Ngày thứ Bảy cuối cùng của kỳ nghỉ đông tháng 2/1978, tất cả giáo viên, bao gồm tám người dự kỳ thi đại học, được yêu cầu chuẩn bị cho năm học mới, trong khi hiệu trưởng thay mặt chúng tôi đi nhận kết quả.
Nếu trúng tuyển, thì hôm đó có thể là ngày cuối cùng ở trường của chúng tôi; nếu trượt, chúng tôi phải trở lại trường tiếp tục dạy học vào ngày thứ Hai.
Thông tin về Khóa ’77
Kỳ thi tuyển sinh đại học bị tạm ngưng vào năm 1966 khi Phong trào Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông diễn ra trên toàn quốc. Sinh viên được huy động tham gia vào cuộc cách mạng, nên việc học chính quy bị tạm dừng.
Từ năm 1968, hàng triệu thanh niên được đưa về nông thôn để được “nông dân” giáo dục lại.
Khoảng đầu những năm 1970, các trường đại học và cao đẳng bắt đầu tuyển sinh trở lại, chủ yếu từ tầng lớp công nhân, nông dân và quân nhân, và họ được đề cử chủ yếu dựa vào tư cách chính trị tốt hơn là thi tuyển công khai.
Khoảng 5,7 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 1977 và 273,000 trúng tuyển, tỉ lệ trúng tuyển 4,8% – thấp nhất trong lịch sử.
Tỉ lệ trúng tuyển đại học hiện nay – kỳ thi “gaokao” – cao hơn rất nhiều so với thời trước nhưng nguy cơ trượt vẫn cao.
Kết quả đến khoảng giữa ngày. Năm trong số chúng tôi trúng tuyển vào các trường đại học khác nhau. Tôi đậu Đại học Bắc Kinh. Mọi thứ dường như có phần kỳ ảo.
Hiệu trưởng nhanh chóng tổ chức họp chia tay và mỗi người chúng tôi được tặng một quyển sách như quà chia tay.
Vài ngày sau, tôi đến Đại học Bắc Kinh, và mọi thứ còn lại trở thành lịch sử.
Chúng tôi được biết đến là Khóa ’77 – mặc dù chúng tôi bắt đầu học vào năm 1978. Nếu bạn nhắc đến từ này với những người ở độ tuổi nhất định, họ sẽ lập tức gán cho bạn những đức tính như người từng trải, chăm chỉ, có trách nhiệm và may mắn.
“Các bạn lên được chuyến tàu đầu tiên,” họ sẽ nói như vậy.
Tố giác ‘đổi tình lấy điểm’ ở ĐH TQ
Tôi tự hào được làm một trong số các thành viên của Khóa ’77 và là nhân chứng lịch sử cho một sự kiện của lịch sử Trung Quốc đương đại.
Kỳ thi tuyển sinh năm đó đánh dấu sự khởi đầu cho thời kì đổi mới và mở cửa của Trung Quốc và Khóa ’77 trở thành lực lượng nòng cốt cho sự chuyển đổi của Trung Quốc trong suốt bốn thập niên về sau.
Họ là những giảng viên, nhà khoa học, luật sư, bác sĩ, nhà văn và nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình, trong đó phải kể đến Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường, từng học luật và kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, bạn đồng môn của tôi.
Rõ ràng đây là thế hệ ưu tú được trao nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ đen tối. Đã có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế, nhưng đồng thời cũng có nhiều ý kiến hoài nghi tốc độ thay đổi về mặt chính trị.
Tôi đã hoàn thành giấc mơ đại học của mình và không thể chối cãi khi nói Trung Quốc đã có một bước tiến lớn để sửa chữa những sai lầm của cuộc Cách mạng Văn hóa.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42502250
Bà Thatcher từng không cho gấu trúc ‘bay cùng’
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh tiết lộ cựu Thủ tướng Thatcher từng từ chối bay cùng chú gấu trúc tên Chia Chia trên chiếc Concorde của bà.
Thượng nghị sỹ Zuckerman, Chủ tịch Hiệp hội Động vật học London, đã gợi ý rằng chú gấu trúc Chia Chia có thể đi cùng chuyến bay với Thủ tướng vào năm 1981.
Viện Smithsonian của Washington trước đó đề nghị mượn Chia Chia để phối giống với Ching Ching ở Mỹ. Nhưng bà Thatcher nói rằng gấu trúc không phải là “những điềm lành” cho các chính trị gia.
Bà Thatcher từng muốn Đài Loan nhận thuyền nhân VN
Anh quốc: Có nên xây tượng thủ tướng?
Tượng bà Thiên Hậu bay hạng thương gia
Đường hầm qua eo biển chưa bao giờ được xây
Thư ký Nội các Robert Armstrong viết: “Ngài Zuckerman coi đây như là dấu hiệu của mối quan hệ đặc biệt và sẽ sẵn sàng thu xếp thông báo việc [Anh] cho mượn hay vận chuyển gấu trúc theo bất kỳ cách nào mà bà thủ tướng nghĩ có thể mang lại thuận lợi cho mối quan hệ Anh-Mỹ.”
“Ông thậm chí còn gợi ý rằng Thủ tướng có thể muốn để gấu trúc ở phần sau của chiếc chuyên cơ Concorde khi bà tới Washington vào tháng tới.”
Nhưng thư ký riêng của bà Thatcher, cô Clive Whitmore trả lời: “Bà ấy nói rằng sẽ không đi cùng gấu trúc – Gấu trúc và chính trị gia không phải là điềm tốt!'”
Hồ sơ cũng cho thấy phản ứng ban đầu của bà Thatcher. Trong một thông báo ngắn gọn về ý tưởng này, các dòng này được bà viết bằng mực xanh: “Tôi sẽ không mang theo con gấu trúc nào đi cùng”. Để nhấn mạnh quan điểm, bà gạch chân chữ “không” hai lần và chữ “tôi”.
Ai sẽ thắng cử Tổng thống Pháp 2017?
Hồi ký của John le Carré – Tuyệt tác của cuộc đời ông
Bà Thatcher nói thêm: “Ngài Z biết nhiều về gấu trúc hơn tôi – chắc chắn ông ấy có thể sắp xếp việc này.”
Cơ quan Lưu trữ Quốc gia ở Kew, London, lưu trữ hơn 11 triệu tài liệu chính thức, trong đó có nhiều tài liệu đã được chuyển đến các cơ quan chính phủ và thường được công bố rộng rãi sau 30 năm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42509785
Gia đình Zimbabwe ở sân bay BKK ba tháng
vì ‘sợ bị ngược đãi’
Không ai thích phải dừng chân quá lâu ở sân bay, nhưng với một gia đình Zimbabwe, sân bay lớn nhất của Bangkok đã trở thành nơi trú ngụ trong suốt gần ba tháng qua.
Theo Cục di trú Thái Lan, bốn trẻ em dưới 11 tuổi và bốn người lớn đến Bangkok hồi tháng Năm, nhưng từ chối quay về Zimbabwe do lo sợ bị ngược đãi.
Tình cảnh của họ được biết đến sau khi một người làm việc tại sân bay Suvarnabhumi đăng một tấm ảnh người này đang tặng quà Giáng sinh cho một bé gái người châu Phi trên Facebook.
Zimbabwe ‘đổi quyền không cần bạo lực’
Con đường Zimbabwe: Từ vựa lúa đến đói nghèo
Trong tấm ảnh nay đã bị xóa, Kanaruj Artt Pornsopit nói gia đình này đã sống ở sân bay trong gần ba tháng trời “bởi tình hình bất ổn” tại quốc gia họ.
“Hy vọng cả gia đình sẽ sớm được quay về nhà”, anh nói.
Người phát ngôn của Cục di trú, Đại tá An ninh Cherngron Rimphadee nói với BBC gia đình này ban đầu du lịch đến Thái Lan. Họ cố bay khỏi Bangkok vào tháng 10 để tới Barcelona sau khi quá cảnh ở Kiev, Ukraine.
Nhưng họ bị từ chối lên máy bay vì không có thị thực nhập cảnh Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, họ cũng không thể tái nhập cảnh Thái Lan do thị thực du lịch ban đầu đã quá hạn năm tháng và họ phải đóng một khoản tiền phạt khá lớn.
Sau đó họ thương lượng với hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) để bay tới Dubai thay vì tới Barcelona như ban đầu và vẫn quá cảnh ở Kiev – và sau đó tới một nước thứ ba – tránh các thủ tục nhập cảnh châu Âu.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn của hãng Hàng không UIA, gia đình này đã hủy vé của họ trong chặng bay cuối tới nước thứ ba, do đó họ bị trả về Bangkok sau khi tới Dubai.
Họ cũng từ chối quay về Zimbabwe, lo sợ bị “ngược đãi” sau tình trạng bất ổn vào tháng 11, dẫn tới việc hạ bệ tổng thống cầm quyền 37 năm Robert Mugabe.
Tuy vậy, hiện không có tình hình bất ổn ở Zimbabwe và một vài người trong nước tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố sợ bị ngược đãi của gia đình này.
Bangkok đóng cửa sân bay vì lũ
Thái Lan thả nhóm người Việt tị nạn
Tiếp viên hàng không chuyển giới ở Thái Lan
Đại tá Rimphahdee xác nhận gia đình này đã nộp đơn xin tị nạn với Liên Hiệp Quốc, nhưng tạm thời cư trú tại sân bay Suvarnabhumi và được nhân viên sân bay chăm sóc và cung cấp bữa ăn.
Ông cũng nói với BBC Tiếng Thái rằng cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), “yêu cầu” gia đình ở lại Thái Lan vì hiện tổ chức này đang “xem xét quy trình … để gửi gia đình này đến một quốc gia thứ ba.”
Người phát ngôn của UNCHR nói rằng họ “đang thăm dò tất cả giải pháp” nhưng chưa thể cung cấp thêm thông tin cụ thể hoặc xác nhận gì.
Thái Lan không cấp thị thực nhập cảnh cho người lánh nạn hoặc xin tị nạn.
Hoàn cảnh của gia đình này được ví như trong phim “The Terminal” (Khu vực đón khách), trong phim diễn viên Tom Hanks vào vai một người đàn ông bị mắc kẹt ở một sân bay New York.
Bộ phim được dựa trên câu chuyện có thật của một người Iran tên Mehran Karimi Nasseri, sống ở sân bay Pháp Roissy-Charles de Gaulle trong suốt 18 năm khi ông này rơi vào tình trạng ngoại giao tiến thoái lưỡng nan.
Nhưng Đại tá Rimphadee nói: “Xin đừng so sánh tình cảnh của họ với trong phim. Vì tình cảnh của họ không quá bi đát như vậy … thực chất họ có nhiều lựa chọn.”
“Họ có thể đi đến một vài nước sẵn sàng tiếp nhận họ… Và chúng tôi đề nghị họ dời đến ở tại trung tâm tạm thời nơi có dịch vụ chăm sóc trẻ em. Nhưng họ từ chối. Họ muốn ở lại sân bay.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42511963
Đợt phun trào núi lửa tại Indonesia mạnh nhất năm
Núi lửa Sinabung ở Indonesia vào thứ tư tuần này có đợt phun trào dữ dội nhất trong năm.
Ông Nata Nail, trưởng Cơ quan Phòng chống Thiên tai tại địa phương này xác nhận với hãng AFP như vừa nêu.
Còn phát ngôn nhân Cơ Quan Khắc phục Hậu quả Thiên tai của Indonesia, ông Sutopo Purwo Nugroho, thì nói rằng hàng ngàn cư dân trên đảo Sumatra bị ảnh hưởng bởi lớp tro bụi dày đặc tuy nhiên mọi người đều được di tản đến nơi an toàn nên không có trường hợp nào bị thương nghiêm trọng.
Mặc dù như vậy nhưng những hộ nông dân gần khu vực núi lửa chịu thiệt hại nặng nề vì tro bụi phá hủy mùa màng của họ.
Núi lửa Sinabung hoạt động trở lại vào năm 2010 và liên tục phun trào từ năm 2015 đến nay khiến hơn 3000 hộ dân phải di tản. Năm ngoái, Sinabung đã khiến 7 người thiệt mạng, còn năm 2014 là 16 người.
Núi lửa Agung trên đảo nghỉ mát Bali từ hồi tháng 9 vừa qua cũng chuyển động khiến 140 ngàn dân sống trong vùng nguy hiểm của núi lửa này phải di tản.
Tòa Campuchia tuyên phạt ông Rainsy 1 triệu đô la
Tòa án Campuchia vào ngày 29 tháng 12 tuyên phạt ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo phe đối lập hiện đang sống lưu vong tại Pháp, 1 triệu đô la Mỹ về cáo buộc phỉ báng Thủ tướng Hun Sen trên Facebook.
Hãng tin AP cho biết tin nhu7 vừa nêu trong cùng ngày, dẫn nguồn từ tòa án Phnom Penh với bằng chứng buộc tội mới nhất là ông Sam Rainsy trong tháng Giêng đầu năm 2017 đăng tải trên Facebook nội dung cáo buộc Thủ tướng Hun Sen chi ra 1 triệu đô la để đàn áp phe đối lập.
Ông Hun Sen, người đứng đầu chính phủ Campuchia trong 32 năm đệ đơn lên tòa án thưa ông Sam Raisy tội phỉ báng và đòi tiền bồi thường danh dự 4 tỉ riel, tương đương 1 triệu đô la.
Bên cạnh số tiền 1 triệu đô la bồi thường cho Thủ tướng Hun Sen, ông Sam Rainsy còn bị tòa án Phnom Penh phạt 2.500 đô la.
Cựu lãnh đạo đảng Cứu Quốc, ông Sam Rainsy rời Campuchia đến Pháp sống lưu vong hồi năm 2015 để tránh bản án tù 20 tháng do đã buộc tội Chính phủ Phnom Penh đứng sau vụ ám sát một nhà phê bình chính trị nổi tiếng, ông Kem Ley.
Hồi tháng trước, ông Sam Rainsy còn bị quân đội Hoàng gia Campuchia buộc tội vì ông lên mạng xã hội Facebook kêu gọi các quân nhân Xứ Chùa Tháp đừng tuân theo bất cứ “nhà độc tài” nào nếu họ được lệnh bắn những người vô tội.
Ông Kem Sokha, người thay thế vị trí của ông Sam Rainsy cũng đã bị Chính quyền Campuchia bắt giữ với cáo buộc tội “phản quốc” và đang chờ ngày xét xử.
Myanmar trả tự do cho những phóng viên sử dụng flycam
sau 2 tháng tù giam
Hai nhà báo nước ngoài và hai công dân Myanmar bị bắt giữ vào tháng 10 vừa qua với cáo buộc sử dụng thiết bị bay không người lái bay ngang qua quốc hội Miến Điện được trả tự do hôm thứ sáu 29/12.
Luật sư Khin Maung Zaw xác nhận với AFP rằng thân chủ của ông ra khỏi nhà tù vào lúc 7 giờ sáng.
Nhà báo Lau Hon Meng, người Singapore, Mok Choy Lin, công dân Malaysia, làm việc cho nhà phát thanh TRT của Thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Myanmar Aung Naing Soe và tài xế Hla Tin đã trải qua hai tháng tù giam từ tháng 10 năm nay sau khi họ thực hiện quay một bộ phim tài liệu ở thủ đô Naypyidaw của Miến.
Luật sư Khin Maung Zaw cho biết hai phóng viên nước ngoài đã được đưa thẳng đến sân bay quốc tế Yangon để lên phi cơ rời khỏi Mynamar trong khi hai công dân Miến đã đoàn tụ với gia đình họ.
Aung Naing Soe, phóng viên địa phương đã phải đón sinh nhật lần thứ 27 của mình sau cánh cửa nhà tù Yamethin cho biết, bày tỏ hy vọng các nhà báo khác đang bị chính phủ Miến giam giữ sẽ sớm được thả ra.
Trong năm 2017, có ít nhất 11 nhà báo bị bắt giữ tại Myanmar.
Tổng thống Đài Loan cảnh báo về sự xâm lăng của Hoa Lục
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 29/12 nói tham vọng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng rõ nét và căng thẳng giữa Đài Loan và Trung quốc không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền hồi năm ngoái, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng. Trung Quốc nghi ngờ bà Thái Anh Văn muốn thúc đẩy tuyên bố độc lập chính thức cho Đài Loan, điều mà Bắc Kinh không muốn.
Bà Thái Anh Văn nói với báo giới rằng các hoạt động quân sự không chỉ ảnh hưởng đến tình hình ở eo biển Đài Loan mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực Đông Á. Bà nói rằng tất cả các nước trong khu vực muốn hòa bình và ổn định và Trung Quốc không thể lờ đi điều này.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hồi tuần này cảnh báo trong sách trắng rằng mối đe dọa của quân sự của Trung Quốc tăng lên mỗi ngày khi không quân Trung Quốc thực hiện 16 cuộc diễn tập gần Đài Loan chỉ trong khoảng 1 năm qua.
Trước sức ép từ Trung Quốc, bà Thái Anh Văn cũng nói Đài Loan sẽ không thụ động ngồi chờ trước thái độ diều hâu của Trung Quốc. Bà cho biết ngân sách quốc phòng của Đài Loan sẽ tăng liên tục mỗi năm, và bà cam kết sẽ bảo vệ an ninh và lối sống của Đài Loan.
Biểu tình chống Tổng thống Trump tại Gaza, Bờ Tây
Hàng ngàn người Palestine biểu tình chống Tổng thống Trump trên các đường phố ở Gaza và vùng Bờ Tây hôm thứ Sáu 29/12, đây là lần thứ Tư trong 4 tuần liên tiếp người Palestine tổ chức biểu tình vào mỗi ngày thứ Sáu để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Hãng tin Reuters dẫn lời các giới chức y tế Palestine nói có ít nhất 20 người biểu tình bị thương vì đạn thật, đa số dọc theo ranh giới dải Gaza. Một nữ phát ngôn viên của quân đội Israel nói các binh sĩ đã nổ súng vào “những phần tử kích động chủ chốt” đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với các binh sĩ Israel, và những kẻ tìm cách phá hoại hàng rào an ninh ở biên giới.
Theo người phát ngôn này, khoảng 4000 người Palestine từ khắp vùng Bờ Tây và dải Gaza đã đối đầu với binh sĩ Israel, một số người ném đá, bom lửa, và đốt bánh xe. Phản ứng lại, binh sĩ Israel chủ yếu dùng lựu đạn cay.
Tại Gaza, đám đông hô to những khẩu hiệu chống Mỹ, như “Diệt Mỹ, diệt Israel, giết Trump!”, trong khi các phần tử chủ chiến pháo kích vào Israel, khiến nước này trả đũa bằng các cuộc không kích hoặc tấn công bằng xe tăng.
Quân đội Israel cho biết các mục tiêu họ nhắm tấn công là Hamas, nhóm Hồi giáo đang kiểm soát Bờ Tây, sau khi chặn lại 3 quả rocket pháo kích vào Israel. Cảnh st1 cho biết quả rocket thứ 3 rơi trúng một tòa nhà, gây hư hại. Không có ca thương vong nào được báo cáo.
Ông Trump đã làm người Palestine giận dữ, và kích động làn sóng phẫn nộ trên khắp vùng Trung Đông và các cường quốc thế giới khác, khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12, lật ngược chính sách của Mỹ trong nhiều thập niên qua, về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-chong-tt-trump-tai-gaza-bo-tay/4184458.html
Cháy chung cư New York, 12 người chết
Các nhà điều tra ở thành phố New York sáng thứ Sáu 29/12 đang điều tra nguyên nhân một vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà chung cư ở khu Bronx đã làm 12 người chết, trong đó có 4 trẻ em. Đây là vụ cháy gây thương vong nhiều nhất trong 25 năm qua.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Daniel Nigro, người đứng đầu Sở Cứu Hỏa thành phố, nói tại một cuộc họp báo cùng với Thị trưởng New York Bill de Blasio, rằng ngọn lửa bùng phát lúc gần 7 giờ tối đêm thứ Năm 28/12, tại tầng 1 của tòa chung cư xây bằng gạch. Lửa lan nhanh lên các tầng trên. Nguyên nhân cháy đang được điều tra.
Thị trưởng de Blasio nói:
“Chúng ta có mặt tại nơi nay, quang cảnh của một tấn bi kịch không thể diễn tả được bằng lời. Hỏa hoạn ập đến ngay giữa mùa lễ cuối năm khi mà các gia đình quây quần bên nhau. Tối hôm nay, ở khu Bronx, có những gia đình đang tan nát.”
Truyền thông địa phương cho biết trong số 12 nạn nhân thiệt mạng, có 4 trẻ em tuổi từ 1 đến 7 tuổi và 1 cậu bé chưa xác định được danh tính.
Thị trưởng thành phố New York cho hay hiện có bốn người nhập viện trong tình trạng nguy kịch “đang phấn đấu để sống sót.” Theo nhà chức trách, đội cứu hỏa đã cứu được 12 người từ tòa chung cư này.
https://www.voatiengviet.com/a/chay-chung-cu-new-york-12-nguoi-chet/4184236.html
Doug Jones được chứng nhận chiến thắng
cuộc đua vào Thượng viện Mỹ
Doug Jones của Đảng Dân chủ đã được chứng nhận là người chiến thắng cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ ở bang Alabama. Trước đó ứng cử viên thất cử Đảng Cộng hòa, Roy Moore, đã đệ đơn khiếu nại để dừng việc chứng nhận kết quả bầu cử nhưng đã bị một thẩm phán bác bỏ.
Ông Jones được chính thức tuyên bố là người chiến thắng vào chiều thứ Năm bởi một ban ba người gồm Trưởng đặc trách sự vụ bầu cử bang Alabama John Merrill, Thống đốc bang Alabama Kay Ivey và Tổng chưởng lý bang Alabama Steve Marshall.
Hơn hai tuần sau khi thua trong cuộc bầu cử đặc biệt, ông Moore đệ đơn khiếu nại lên tòa án vào phút chót để ngăn các quan chức bầu cử Alabama chứng nhận chiến thắng của đối thủ Dân chủ.
Ông Moore đệ đơn khiếu nại tại tòa án cấp bang vào cuối chiều thứ Tư, chỉ vài giờ trước khi ông Doug Jones được tuyên bố chính thức là người chiến thắng cuộc bầu cử ngày 12 tháng 12 mà trong đó ông Jones vượt qua ông Moore với hơn 20.000 phiếu.
Đơn khiếu nại cáo buộc ông Moore thất cử là do “gian lận cử tri có hệ thống,” nhắc tới lượng cử tri đi bỏ phiếu cao hơn dự kiến tại Quận hạt Jefferson, khu vực đông dân nhất của bang, cùng với những điều bị cho là bất thường trong 20 khu vực bầu cử trong quận hạt.
Các luật sư của ông Moore đòi một cuộc điều tra về những tuyên bố của họ, và đòi bang Alabama tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ông Moore đã bác bỏ những lời kêu gọi ông thừa nhận thất cử trước ông Jones.
Trước khi chứng nhận ông Jones là người chiến thắng, Trưởng đặc trách sự vụ bầu cử bang Alabama John Merrill cho biết ông không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy gian lận cử tri.
“Liệu [khiếu nại] này có ảnh hưởng đến bất cứ điều gì không,” ông Merrill nói trên đài CNN. “Câu trả lời ngắn gọn là không.”
Giờ ông Jones đã được chứng nhận là người chiến thắng, ông Merrill nói ông Jones sẽ được tuyên thệ vào tuần sau để kế nhiệm ông Jeff Sessions, người đã trở thành bộ trưởng tư pháp trong nội các của Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay.
Ông Jones là người theo Đảng Dân chủ đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ tại bang vốn nghiêng mạnh về các ứng cử viên Cộng hòa trong suốt 25 năm qua.
Ông Moore là cựu thẩm phán tòa án tối cao bang Alabama, được biết tới vì những quan điểm tôn giáo kiên định. Chiến dịch tranh cử của ông lao đao khi báo The Washington Post đăng một loạt bài mà trong đó một số người phụ nữ cáo buộc ông có hành vi sai trái về tình dục khi họ còn là thiếu nữ, trong khi ông lúc đó đã ngoài 30 tuổi.
Chiến thắng của ông Jones đã giúp thu hẹp cách biệt dẫn đầu của phe Cộng hòa trước phe Dân chủ trong Thượng viện xuống còn 51-49.
Mỹ đón Năm Mới 2018 trong băng giá
Hầu hết người Mỹ sẽ phải đối phó với nhiệt độ băng giá như Bắc Cực và gió lạnh như cắt trong thời gian còn lại của năm 2017. Miền đông và miền trung nước Mỹ hiện đang chịu thời tiết giá lạnh, dự báo thời tiết này sẽ còn tiếp trong tuần đầu tiên của năm 2018.
Quả cầu pha lê Waterford đã sẵn sàng để đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York. Nhưng những ai muốn dự nghi lễ truyền thống 110 năm này và buổi hòa nhạc ngoài trời với các ngôi sao nổi tiếng sẽ phải mặc quần áo dày để chống chọi với thời tiết băng giá. Hai mươi bang miền trung và đông bắc nước Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá và tuyết.
Erie, Pennsylvania, chìm dưới một mét rưỡi tuyết trong khi tuyết vẫn tiếp tục đổ xuống.
Một người dân ở Erie, Pennsylvania, nói: “Rất nhiều tuyết, tuyết vẫn rơi”.
Nhiệt độ thấp gây khó khăn cho công việc của các đội dọn đường. Và cũng làm giảm tốc độ đi lại trong mùa nghỉ lễ.
Một người trên đường đi nghỉ lễ ở bang New York nói: “Tôi chỉ có thể đi khoảng 32 km/h”.
Các dịch vụ khẩn cấp và nhà tạm trú đang đưa xe đi đón những người vô gia cư và những người khác có thể bị mắc kẹt trong thời tiết băng giá.
Một nhân viên nhà tạm trú ở Chicago nói: “Chúng tôi biết là khoảng thời gian từ 15 đến 30 phút có thể làm cho nhiều người chết cóng”.
Một số người không sợ lạnh và nghĩ cách vui chơi ngoài trời – như trượt băng.
Một người trượt băng ở Chicago nói: “Không có chuyện thời tiết quá tồi tệ… chỉ có quần áo tồi… vì vậy chúng tôi ăn mặc phù hợp với thời tiết”.
Đối với nhiều người khác, thời tiết cực lạnh có nghĩa là họ phải đổi kế hoạch.
Một phụ nữ cho hay: “Các con gái muốn đi trượt băng và chúng tôi đã thử, nhưng quả thực là quá lạnh. Một phụ nữ khác chia sẻ: “Tôi không biết – có lẽ chúng tôi sẽ ở trong nhà trong những ngày tới – rất nhiều ngày để xem phim”.
Nhiệt độ vào đêm giao thừa được dự báo sẽ xuống dưới 10 độ so với bình thường ở vùng trung tây và từ các tiểu bang đông bắc cho đến đến các bang Carolina ở phía nam. Trong các thành phố bị ảnh hưởng có các thành phố lớn như Chicago, St. Louis, New York, Washington và Atlanta.
Thời tiết lạnh giá sẽ kéo dài trong tuần đầu tiên của năm 2018. Các bang ven biển miền nam có thể gặp một vài cơn mưa bão khi không khí lạnh va phải khí ẩm ướt từ Vịnh Mexico.
https://www.voatiengviet.com/a/my-don-nam-moi-2018-trong-bang-gia/4183077.html
Nga bất mãn về việc Nhật Bản quyết định triển khai
phi đạn của Mỹ
Một quyết định của Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ của Moscow với Tokyo và là một vi phạm của Washington đối với một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm thứ Năm.
Nhật Bản chính thức quyết định trong tháng này sẽ mở rộng hệ thống phòng thủ phi đạn đạn đạo với các trạm radar Aegis đặt trên mặt đất và các phi đạn đánh chặn do Mỹ chế tạo nhằm đáp lại mối đe dọa đang lớn dần từ các phi đạn phóng từ Triều Tiên.
“Những hành động như thế này mâu thuẫn trực tiếp với ưu tiên xây dựng niềm tin quân sự và chính trị giữa Nga và Nhật Bản, và không may là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ bầu không khí trong mối quan hệ song phương, bao gồm các cuộc đàm phán về vấn đề hiệp định hòa bình,” bà Zakharova nói trong một cuộc họp báo hàng tuần.
“Trên thực tế điều này có nghĩa là thêm một vi phạm nữa của Mỹ đối với Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với sự trợ giúp của Nhật Bản,” bà nói.
Nga và Nhật Bản chưa bao giờ chính thức chấm dứt chiến sự sau Thế chiến thứ hai vì tranh chấp liên quan tới một chuỗi đảo ở Thái Bình Dương.
Chung quyết một hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản sẽ bao gồm việc Moscow xem xét họ có thể bị ảnh hưởng ra sao bởi các cam kết về an ninh của Tokyo đối với nước đồng minh, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói vào tháng trước.
LHQ: Ít nhất 109 người chết
vì không kích của liên minh Saudi
Một liên minh do Ả-rập Saudi dẫn đầu tại Yemen đã giết chết 109 thường dân trong các cuộc không kích trong 10 ngày qua, bao gồm 54 người tại một khu chợ đông đúc và 14 thành viên của một gia đình ở một nông trại, quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc ở Yemen cho biết hôm thứ Năm.
Chiến sự này là vô ích và phi lý, điều phối viên Liên Hiệp Quốc thường trú tại Yemen Jamie McGoldrick nói, trong một lời chỉ trích trực tiếp bất thường đối với chiến dịch này của liên minh chống lại phiến quân người Houthi được Iran hậu thuẫn.
Liên minh do Saudi dẫn đầu, được hậu thuẫn bởi Mỹ, Anh và các nước khác, lên án những cáo buộc này, nói rằng thông tin này không đáng tin cậy. Saudi nói ông McGoldrick dường như đang đứng về phía người Houthi trong cuộc xung đột.
Trích dẫn các báo cáo ban đầu từ văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, một thông cáo của ông McGoldrick nói các cuộc không kích đã tấn công một khu chợ đông đúc tại tiểu khu Al Hayma thuộc Attazziah ở thành phố Taiz hôm thứ Ba, làm 54 người thiệt mạng và làm 32 người bị thương.
8 người trong số những người chết và 6 người trong số những người bị thương là trẻ em, theo các báo cáo.
Cùng ngày, một cuộc không kích nhắm vào một nông trại ở quận Attohayta thuộc tỉnh Hodeidah làm 14 người thiệt mạng, và các cuộc không kích ở những nơi khác giết chết thêm 41 thường dân và làm 43 người bị thương trong 10 ngày qua.
“Những vụ việc này cho thấy tất cả các bên, kể cả liên minh do Saudi dẫn đầu, hoàn toàn coi thường sinh mạng con người, trong cuộc chiến trang phi lý này mà chỉ dẫn đến sự tàn phá đất nước và nỗi thống khổ không sao kể xiết của người dân, những người đang bị trừng phạt trong chiến dịch quân sự vô ích của cả hai bên,” ông McGoldrick nói.
Theo luật pháp quốc tế, các bên giao chiến phải tránh nhắm mục tiêu vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, ông nói thêm.
Một phát ngôn viên của liên minh do Saudi dẫn đầu nói ông lấy làm tiếc về những thông tin đưa ra trong tuyên bố của ông McGoldrick.
“Phát biểu này tạo nên trạng thái nghi ngờ liên tục về các thông tin và số liệu mà Liên Hiệp Quốc sử dụng và thách thức độ tin cậy của nó,” phát ngôn viên của liên minh nói trong một phát biểu được SPA, thông tấn xã của nhà nước Saudi, đăng tải.
“Trong khi phát ngôn viên của liên minh lên án lập trường thiên vị này, ông khẳng định Liên Hiệp Quốc cần xem lại cơ chế của hoạt động nhân đạo và năng lực của các nhân viên của họ làm việc tại Yemen và giám sát hoạt động của họ,” SPA nói.
Liên Hiệp Quốc không có ước tính cập nhật về số người chết ở Yemen. Họ nói vào tháng 8 năm 2016 rằng theo các trung tâm y tế, có ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng.
Liên Hiệp Quốc nói Yemen là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 8 triệu người bên bờ vực nạn đói, 1 triệu người đang mắc dịch tả, và nền kinh tế sụp đổ ở nơi từng là một trong những nước nghèo nhất trong thế giới Ả-rập.
Nhật triển khai thêm tên lửa Aegis,
Nga đe dọa quan hệ tổn hại
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga tuyên bố, việc Tokyo cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương. Đồng thời, Nga cũng tố cáo Mỹ vi phạm Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, 28/12/2017, tại Matxcơva, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, bà Maria Zakharova, cho rằng, những hành động như vậy của Nhật Bản đi ngược với ưu tiên xây dựng lòng tin chính trị và quân sự giữa Matxcơva và Tokyo, và sẽ gây tác động tiêu cực đến bầu không khí chung trong quan hệ song phương.
Vẫn theo Matxcơva, khi cung cấp hệ thống Aegis cho Nhật Bản, chính quyền « Washington đã vi phạm trên thực tế Hiệp ước về lực lượng tên lửa tầm trung, với sự trợ giúp của Nhật Bản ».
Tuần trước, Tokyo đã quyết định triển khai thêm hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis của Mỹ, với các trạm ra-đa và tên lửa bắn chặn, nhằm đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên.
Kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, Nga và Nhật chưa hề ký hiệp định hòa bình, do các tranh chấp chủ quyền đối với một số hòn đảo ở Thái Bình Dương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171229-nhat-trien-khai-them-ten-lua-aegis-nga-de-doa-quan-he-ton-hai
Mỹ, Canada lạnh kỷ lục :
TT Trump mỉa mai “Trái Đất đang nóng lên”
Trong khi Mỹ và Canada đang đối mặt với đợt lạnh giá kỷ lục, ngày hôm qua 28/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mỉa mai về « sự nóng dần lên của Trái Đất ». Nhiều người phê phán ông Trump đã không phân biệt được sự khác nhau giữa « thời tiết » và « khí hậu ».
Nhiệt độ tại nhiều nơi ở Canada và Hoa Kỳ đã xuống dưới -40°C, thậm chí có nơi xuống tới -50°C, chẳng hạn phía bắc Ontario, miền trung Canada. Kèm theo đó là những cơn gió mạnh và tuyết rơi dày đặc. Tại Erié, không xa thác Niagara, gần biên giới hai nước, chỉ trong vòng 48 giờ, tuyết đã rơi dày tới 1,5m.
Alexandre Parent, nhà khí tượng thuộc Cơ quan liên bang về môi trường của Canada, cho biết hiện tại nhiệt độ đang thấp hơn từ 10 đến 20°C so với nhiệt độ thông thường vào mùa này. Theo dự báo của cơ quan khí tượng hai nước, tình trạng giá rét có thể kéo dài tới những ngày đầu năm 2018.
Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter : « Ở miền đông, có thể đây là những ngày cuối năm lạnh chưa từng có. Chúng ta có thể sử dụng một chút sự ấm dần lên của khí hậu mà đất nước chúng ta, chứ không phải bất cứ quốc gia nào khác, đang sẵn sàng chi ra hàng tỉ tỉ đô la để đối phó. Quý vị hãy mặc ấm vào nhé ! »
Tin nhắn Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nhiều phản ứng từ cư dân mạng và giới khoa học. Họ đang cố gắng giải thích để tổng thống hiểu về sự biến đổi khí hậu. Giám đốc Viện Hàn Lâm Khoa Học California, Jon Foley, đối đáp trên Twitter : « Sự biến đổi khí hậu là có thật ngay cả khi vào lúc này, bên ngoài tòa tháp Trump, trời đang lạnh. Cũng tương tự như việc nạn đói trên thế giới vẫn dai dẳng, ngay cả khi ông vừa ăn xong một chiếc bánh Big Mac ».
Còn dân biểu thuộc đảng Dân Chủ bang Washington, bà Pramila Jayapal, phát biểu : « Năm 2017, tại Hoa Kỳ, cứ mỗi đợt trời lạnh thì lại có ba đợt nắng nóng kỷ lục (…) Thời tiết không phải là khí hậu. Tổng thống lẽ ra cần hiểu điều đó chứ. Điều đó đâu có khó hiểu lắm ! ».
Theo tổ chức Khí tượng thế giới, 2017 là năm nóng chưa từng có trên toàn hành tinh. Nhưng nhà tài phiệt 70 tuổi luôn tỏ ra không tin rằng có sự biến đổi khí hậu. Thậm chí, trước khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump còn coi đó là « sự bịa đặt của Trung Quốc ». Sau khi vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171229-my-canada-lanh-ky-luc-tt-trump-mia-mai-ve-trai-dat-nong-dan-len
Pháp : Epson bị điều tra
về việc « cố ý hạn chế tuổi thọ của sản phẩm »
Liệu hãng Epson có lừa dối khách hàng để ép họ mua nhiều hộp mực in hơn hay không ? Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà chức trách Pháp cho tiến hành một cuộc điều tra về việc « nhà sản xuất cố ý hạn chế tuổi thọ của sản phẩm ».
Viện Công tố Nanterre hôm qua 28/12/2017 cho biết ngày 24/11 đã mở cuộc điều tra sơ bộ nhắm vào hãng Epson của Nhật Bản với cáo buộc nhà sản xuất cố ý hạn thời gian sử dụng sản phẩm và «lừa gạt» người tiêu dùng.
Cuộc điều tra trên bắt nguồn từ vụ Hiệp hội HOP của Pháp hồi tháng 09/2017 đã kiện nhiều tập đoàn như tập đoàn Mỹ HP, các tập đoàn Nhật Canon, Brother và đặc biệt là Epson về việc các nhà sản xuất này cố ý sử dụng các «tiểu xảo» khiến người tiêu dùng phải mua hộp mực khác thay thế cho hộp mực đang dùng, nhất là «tiểu xảo» không cho máy in hoạt động, thông báo cho người sử dụng là mực in đã hết trong khi trên thực tế, trong hộp vẫn còn mực.
Hàng chục ngàn người cũng phàn nàn trên mạng internet là chỉ sau một thời gian ngắn, bộ phận hút mực từ hộp mực cũng báo là «không dùng được nữa» trong khi thực tế không phải vậy. Và chi phí để sửa và thay thế linh kiện trên có khi cao gần bằng tiền mua một chiếc máy in Epson mới.
Luật sư của hiệp hội HOP vui mừng cho AFP biết đây là lần đầu tiên tại Pháp cũng như trên thế giới, tư pháp của một nước cho điều tra về việc «nhà sản xuất cố ý hạn chế tuổi thọ của sản phẩm».
Hôm thứ Tư 27/12, hiệp hội HOP cũng đã đệ đơn kiện tập đoàn Mỹ Apple về việc hãng này cố ý hạn chế tốc độ hoạt động của những chiếc iPhone đời cũ để thúc đẩy người tiêu dùng mua máy mới.
Peru : Biểu tình chống ân xá cựu tổng thống,
đương kim tổng thống bị thẩm vấn
Áp lực gia tăng lên tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski (có biệt danh « PPK »). Trong lúc hàng nghìn người biểu tình trên đường phố thủ đô chống lại lệnh ân xá của ông dành cho cựu tổng thống – nhà độc tài Fujimori, thì bản thân tổng thống Peru bị tư pháp thẩm vấn vì các cáo buộc tham nhũng.
AFP cho hay, khoảng 5.000 người biểu tình tại Lima đã tham gia cuộc tuần hành kéo dài gần bốn giờ hôm qua 28/12/2017, với khẩu hiệu chính : « Tha thứ là hạ nhục ». Những người biểu tình giương cao ảnh các nạn nhân dưới thời trị vì của tổng thống Fujimori từ năm 1990 đến 2000. Truyền thông Peru cho biết biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác.
Gia đình các nạn nhân của chính quyền Fujimori tố cáo tổng thống PKK đã phản bội lại cam kết, trong thời gian tranh cử năm 2016, không trả tự do cho cựu tổng thống, 79 tuổi.
Cũng hôm qua, tại chính phủ tổng thống, đương kim tổng thống PKK bị cơ quan công tố Peru phụ trách chống tham nhũng thẩm vấn trong bốn giờ. Các thẩm phán điều tra về liên hệ mờ ám giữa ông với tập đoàn xây dựng lớn nhất Brazil Odebrecht. Hiện tại chưa có thông tin gì về buổi thẩm vấn nói trên, từ phía công tố, cũng như phủ tổng thống.
Hôm 21/12, Quốc Hội Peru bỏ phiếu về đề nghị phế truất tổng thống, sau khi tập đoàn nói trên thừa nhận trả gần 5 triệu đô la cho các công ti tư vấn có quan hệ gần gũi với ông PKK. Đương kim tổng thống chỉ thoát hiểm nhờ một số lá phiếu của một đảng đối lập, do cựu tổng thống Fujimori sáng lập trước đây.
Ấn Độ thử thành công
tên lửa chặn hỏa tiễn đạn đạo tầm thấp
Theo báo chí Ấn Độ, New Delhi vừa thử nghiệm thành công loại tên lửa tự chế có khả năng bắn chặn hỏa tiễn đạn đạo ở tầm thấp, để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc và Pakistan.
Báo India Today dẫn một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho hay, trong cuộc trắc nghiệm hôm qua 28/12/2017 tại bang Odisha, tên lửa tự chế mang tên AAD của Ấn Độ, có vận tốc siêu thanh, đã bắn trúng mục tiêu ở độ cao 15 km. Cụ thể là tên lửa AAD đã được bắn lên từ đảo Abdul Kalam, sát bờ biển bang Odisha.
Tên lửa tự chế AAD, do Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) chủ trì, có thể được sử dụng cùng với hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ DROD đang phát triển cả hai loại tên lửa đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo, ở tầm cao và tầm thấp. Loại thứ nhất để đánh chặn các hỏa tiễn trong giai đoạn di chuyển ngoài bầu khí quyển. Loại thứ hai để tấn công các mục tiêu đã lọt vào bên trong, thậm chí ở tầm cao sát mặt đất như tên lửa AAD nói trên.
Trong bài viết về vụ bắn thử thành công hôm qua của Ấn Độ, báo Nga Sputnick nhận định, cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có bốn quốc gia được coi là sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa chặn hỏa tiễn đạn đạo cả hai tầm, cao và thấp, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Israel.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171229-an-do-thu-thanh-cong-ten-lua-chan-hoa-tien-dan-dao-tam-thap
2017: Daech bị thảm bại,
nhưng cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn
Năm 2017 kết thúc với sự kiện đáng chú ý : tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị thảm bại trên chiến trường.
Tại Irak và Syria, Daech mất gần như toàn bộ các lãnh thổ mà chúng đã chiếm được trước đây. Liên quân quốc tế và quân đội các nước có liên quan có thể tự hào về chiến thắng này, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, Daech tuy thất trận, mất lãnh thổ, nhưng cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn lâu mới kết thúc.
Trong suốt năm 2017, Daech đã liên tục hứng chịu thất bại. Tại Irak, sau 9 tháng giao tranh dữ dội, quân đội và lực lượng dân quân tự vệ Shia dưới sự hỗ trợ của liên quân quốc tế chống thánh chiến khủng bố do Hoa Kỳ dẫn đầu đã đẩy lui được quân Daech ra khỏi Mossoul, thành phố lớn thứ hai của Irak.
Tình hình ở Syria cũng tương tự. Liên quân chống khủng bố dựa vào Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS do người Kurdistan chiếm đa số cũng đã xua đuổi được quân thánh chiến ra khỏi Raqqa, thủ phủ tự phong của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Các cuộc giao tranh khốc liệt tại hai thành phố lớn này đã để lại hậu quả to lớn: Thiệt hại nhân mạng ước tính lên đến hàng ngàn người và những gì phe thắng có được là những bãi chiến trường đổ nát.
Đương nhiên, mất lãnh thổ, nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo đã bị tước đi các cơ sở hạ tầng và các nguồn tài chính (chủ yếu dựa vào khai thác dầu hỏa), những yếu tố cơ bản cho phép Daech tự phong “Nhà nước”. Đó cũng là những nguồn tài chính chủ chốt cho phép quân khủng bố gieo rắc kinh hoàng tại châu Âu trong những năm qua.
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo Daech tuy “thua trận” nhưng chưa “thua cuộc chiến”. Nhiều khu vực trên địa cầu vẫn chưa thoát khỏi mối hiểm họa thánh chiến, bất kể đó là Libya, Syria, Irak, Sahel hay Afghanistan…
Hơn nữa, cuộc chiến mà Daech tuyên chiến với thế giới tự do thông qua các hành động khủng bố vẫn dai dẳng. Phương pháp hèn hạ tấn công vào người dân vô tội, thông qua những « con sói đơn độc » làm cho việc dự phòng thêm khó khăn, nhất là tại các quốc gia dân chủ.
Như nhận định của chuyên gia Romain Caillet được RFI trích dẫn, tuy mất lãnh thổ nhưng Daech “vẫn còn dự án, còn hệ tư tưởng và một bộ phận quân thánh chiến” và “bản thân Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã dự đoán trước kết quả này”.
Ông lưu ý rằng có một sự chuyển dịch tư tưởng giữa Daech và al-Qaida: “Lúc ban đầu, khi một số thanh niên Pháp, Nga, Tunisia hay Ả Rập Xê Út tham gia thánh chiến tại Syria, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo lúc ấy là một nhóm khủng bố mang tính khu vực và al-Qaida là một tổ chức xuyên quốc gia. Giờ đây, vào lúc các nhánh al-Qaida địa phương ngày càng xích lại gần hơn với tư tưởng quốc gia, thì Daech lại chiếm lấy vị trí xuyên quốc gia của al-Qaida, dấn thân vào một cuộc chiến toàn diện chống cả thế giới”.
Liên Hiệp Quốc cấm thêm 4 tàu Bắc Triều Tiên
cập cảng quốc tế
Tiếp theo nghị quyết siết chặt dầu nhập khẩu vào Bắc Triều Tiên ngày 22/12/2017, tối hôm qua 28/12, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm thêm 4 tàu Bắc Triều Tiên cập cảng quốc tế, để gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo nguồn tin ngoại giao, các tàu – mang cờ Bắc Triều Tiên có tên Ul Ji Bong 6, Rung Ra 2, Sam Jong 2 và Rye Song Gang 1 nằm trong lệnh cấm mới – bị tình nghi chuyên chở hàng lậu vào Bắc Triều Tiên, bất chấp các nghị quyết trừng phạt. Ngay trước lệnh trừng phạt bổ sung, tổng thống Mỹ, qua mạng xã hội Twitter, đã lên tiếng tỏ thái độ không hài lòng trước hành xử của Bắc Kinh trong hồ sơ này. Ông Donald Trump cảnh báo Trung Quốc : « sẽ không bao giờ có được giải pháp hữu nghị cho vấn đề Bắc Triều Tiên, nếu chuyện này tái diễn ».
Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York,
« Hôm qua 28/12, tổng thống Mỹ Donald Trump là người nổ phát súng đầu tiên, gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Trong một thông điệp tweet, ông Trump tỏ ý tiếc là Bắc Kinh đã ‘‘bị bắt quả tang’’, khi tiếp tay để dầu lửa lọt vào Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Về mặt lịch sử, Trung Quốc – tác nhân chính cho một giải pháp cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên – là đối tác thương mại số một của Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh đã từng phản đối các cáo buộc kiểu này. Đang trong kỳ nghỉ tại Florida, tổng thống Mỹ cũng không nói rõ nhận định của ông dựa trên nguồn thông tin nào, cũng không chỉ ra là những kẻ buôn lậu đã sử dụng các phương tiện nào.
Hoa Kỳ đã từng tố cáo việc hàng hóa chuyển tàu giữa biển khơi, cho phép Bắc Triều Tiên nhập khẩu các sản phẩm bị cấm do trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Lần này, khi tiếp tục tấn công Trung Quốc, phải chăng tổng thống Trump đã dự kiến trước quyết định trừng phạt giảm nhẹ của Liên Hiệp Quốc, được đưa ra ngay sau đó ?
Trong lúc Hoa Kỳ xác định có 10 tàu hàng khả nghi, thì Bắc Kinh phản đối việc 6 trong số đó bị đưa vào danh sách đen. Như vậy là ‘‘chỉ có’’ thêm 4 tàu Bắc Triều Tiên bị cấm cập cảng quốc tế, bổ sung vào danh sách 4 chiếc tàu khác, bị trừng phạt kể từ tháng 10, theo một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An được thông qua hồi tháng 8/2017, với sự đồng thuận của Trung Quốc ».
Theo Reuters, hôm nay một quan chức bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết Seoul từng bắt giữ một tàu treo cờ Hồng Kông, bị tình nghi chuyên chở trái phép dầu lửa sang Bắc Triều Tiên. Tàu chở hàng mang tên Lighthouse Winmore, bị tạm giữ hồi cuối tháng 11, khi cập cảng Hàn Quốc. Con tàu này bị cáo buộc đã chuyển 600 tấn dầu đã qua tinh chế sang chiếc tàu mang cờ Bắc Triều Tiên, tên Sam Jong 2, ngày 19/10 tại vùng biển quốc tế giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Tàu Sam Jong 2 vừa bị đưa vào danh sách cấm mới của Hội Đồng Bảo An.
Ngay sau phản ứng nói trên của tổng thống Mỹ, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) hôm qua cam đoan Bắc Kinh không cho phép bất cứ công dân hay doanh nghiệp nào vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171229-lien-hiep-quoc-cam-them-4-tau-bac-trieu-tien-cap-cang-quoc-te