Tin khắp nơi – 29/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 29/09/2020

Pelosi tính đến khả năng Hạ viện quyết định kết quả bầu cử Tổng thống

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang tập hợp các dân biểu Dân chủ để chuẩn bị cho kịch bản có thể xảy ra một lần trong một thế kỷ khiến Quốc hội phải quyết định kết quả bầu cử Tổng thống nếu ứng cử viên Dân chủ Joe Biden hay Tổng thống Donald Trump không chiến thắng rõ ràng.

Trong một bức thư vận động gởi các đồng nghiệp, bà Pelosi nói với các dân biểu Dân chủ ở Hạ viện rằng bình luận mới đây của Tổng thống Trump chứng tỏ ông có thể yêu cầu Hạ viện quyết định kết quả cuộc đua nếu không rõ người nào trong hai ứng cử viên nhận được tối thiểu 270 phiếu của cử tri đoàn trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11.

Ông Trump liên tục nêu nghi vấn về an ninh của phiếu bầu qua đường bưu điện vốn có thể mất thời gian đếm phiếu vì nhiều cử tri sẽ bỏ phiếu kiểu này do COVID.

Phe Dân chủ lo rằng Tổng thống có thể tìm cách cắt ngắn việc đếm phiếu qua bưu điện để kết quả cuộc bầu cử được Hạ Viện quyết định.

Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện sẽ bỏ phiếu theo đại biểu tiểu bang để giải quyết tranh chấp này, mỗi tiểu bang bỏ một phiếu.

Trong khi Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện với 232 ghế dân biểu so với 198 bên Đảng Cộng hòa nhưng Đảng Cộng hòa kiểm soát đa số 26 đại biểu tiểu bang so với con số 22 bên Đảng Dân chủ.

Kể từ năm 1876 đến nay, Hạ Viện Mỹ chưa hề quyết định kết quả một cuộc bầu cử Tổng thống nào.

https://www.voatiengviet.com/a/pelosi-t%C3%ADnh-%C4%91%E1%BA%BFn-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-h%E1%BA%A1-vi%E1%BB%87n-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng/5601516.html

 

Tranh luận Trump-Biden:

Hai võ sĩ già đang tìm cách hạ gục đối thủ

Jon Sopel

Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi, và không khí đang bắt đầu trông giống như một chiến dịch tranh cử.

Cuối cùng, chúng tôi đang trên đường đến Cleveland, Ohio tác nghiệp.

Trên xe, ngoài những hành trang thông thường như donuts và những ly cà phê đã nguội, giờ đây có thêm thuốc khử trùng tay, khăn lau khử trùng và khẩu trang. Chào mừng mọi người đến với cuộc bầu cử năm 2020.

Và cử tri đang sắp chứng kiến một nghi thức quen thuộc với tất cả các cuộc bầu cử Hoa Kỳ trong 60 năm qua – cuộc tranh luận đầu tiên của hai ứng viên được trực tiếp truyền hình.

Donald Trump và Joe Biden sẽ mặt đối mặt trong cuộc đấu không vũ trang. Hai lực sĩ với số tuổi tổng cộng là 151. Họ cùng đeo găng tay, mỗi người sẽ tìm cách cho đối thủ đo ván – mặc dù có lẽ cả hai không ai có thể bay được như bướm, hay chích được như ong.

Các cuộc tranh luận trực tiếp truyền hình hiếm khi thay đổi cục diện của cuộc bầu cử Hoa Kỳ – thường thì chúng có tác dụng như một chất xúc tác cho các xu hướng bỏ phiếu cử tri đã có sẵn. Nhưng cũng có khi, dù rất hiếm, chúng gây ra những xáo trộn.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình năm 1960, John F Kennedy là người bị đánh giá thấp trước một Richard Nixon khôn ngoan và dày dặn kinh nghiệm hơn. John F Kennedy lúc ấy cũng đã phải vượt qua rất nhiều thành kiến chống Công giáo. Nhưng trên truyền hình, Kennedy trông quyến rũ và không nao núng; trong khi Nixon toát mồ hôi hột và lúng túng. Cuộc tranh luận đó đã lật ngược tình thế và cuối cùng Kenedy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bất phân thắng bại nhất.

Vậy thì, chúng ta có thể mong đợi gì đêm mai ở Cleveland? Một thay đổi cục diện, hoặc xác nhận những gì chúng ta đã biết?

Có thể lập luận rằng, nhiệm vụ của Joe Biden đã trở nên dễ dàng hơn một chút, bởi chiến dịch tranh cử của Trump đã đặt ra mức quá thấp cho ông. Họ nói rằng cựu phó tổng thống sức khỏe không tốt, rằng ông hơi già yếu, không thể ăn nói lưu loát, kiểu ‘đèn sáng, nhưng không có ai ở nhà’.

Chắc chắn là Biden nói năng đôi khi nghe có vẻ lạc nhịp và thiếu mạch lạc. Khi còn nhỏ, ông cũng phải phấn đấu với chứng nói lắp, ảnh hưởng nhiều đến khả năng hùng biện. Nhưng câu cú của Donald Trump cũng có thể bị lạc vào các mệnh đề phụ lạc đề, lan man và cú pháp bị bóp nghẹt. Yêu cầu Biden phải trải qua một cuộc kiểm tra máu để đảm bảo ông không dùng thuốc tăng cường hiệu suất của đội ngũ tranh cử Trump 2020 thì bị nhóm Joe 2020 không buồn để ý.

Sẽ có một yếu tố của cuộc tranh luận mà người Pháp gọi là “un speech de chuads” – cuộc trò chuyện của người khiếm thính. Nói cách khác, hai bên sẽ không lắng nghe nhau.

Donald Trump sẽ muốn tập trung vào những thành tựu kinh tế của mình trước khi xảy ra đại dịch, ông sẽ muốn tấn công gia đình Biden, và đặc biệt là đặt vấn đề làm sao mà Hunter Biden, con trai của Biden, đã được mời vào hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraine khi Joe Biden còn là phó tổng thống (chúng ta biết từ các buổi biểu diễn tranh luận trước là Donald Trump sẽ tấn công bằng tất cả hỏa lực).

Biden, mặt khác, sẽ muốn tập trung vào cách xử lý của tổng thống với đại dịch, và chắc chắn vào khoảng cách giữa những gì Donald Trump nói với nhà báo Bob Woodward và những gì ông nói với người dân Mỹ.

Thế còn tình trạng bất ổn bao trùm nước Mỹ kể từ sau vụ George Floyd và Breonna Taylor bị giết hại thì sao?

Nếu quá khứ có thể cho chúng ta chút suy đoán về tương lai, tổng thống sẽ tập trung vào luật pháp và trật tự, vào các vùng ngoại ô gặp rủi ro, đám đông cánh tả đốt phá và cướp bóc. Biden sẽ nói về sự bất công về chủng tộc, về nhu cầu được chữa lành của đất nước. Mỗi người sẽ có thực tế của riêng họ. Mỗi người sẽ ở trong một vũ trụ song song.

Trách nhiệm buộc hai ứng cử viên phải phản bác quan điểm của nhau sẽ thuộc về người điều hành cuộc tranh luận, Chris Wallace từ Fox News.

Chris Wallace là một điều phối viên đáng nể: sắc sảo, nắm vững vấn đề và sẽ cắt qua các đoạn phát biểu đã được tập dợt trước của các ứng viên, buộc họ phải đi thẳng vào tiêu đề đang được thảo luận.

Bầu cử 2020: Vì sao chúng tôi ủng hộ TT Trump và Đảng Cộng hoà?

Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nói nước Mỹ đang đi sai hướng

Jonathan London: ‘2020 là bầu cử quan trọng nhất lịch sử Hoa Kỳ’

Carl Thayer: ‘TQ sẵn sàng đối phó với bất kỳ ai đắc cử TT Mỹ’

Cử tri Mỹ ở Thái Lan: ‘đi bầu để bảo vệ nền dân chủ’

Cử tri Lý Văn Quý: ‘Nếu tái đắc cử, TT Trump sẽ làm nước Mỹ hùng cường’

Một danh sách các chủ đề đã được công bố. Nhưng trong 24 giờ qua, có một chủ đề mới – và có lẽ nó có thể trở thành một vấn đề trọng tâm – đó là thuế của Donald Trump – rằng ông chỉ đóng 750 đôla thuế lợi tức trong năm đầu nắm quyền tại Nhà Trắng, rằng ông có khoản nợ cá nhân hơn 400 triệu đôla (nhưng nợ ai?); rằng 70.000 đôla đã được khai là trả tiền làm tóc trước khi xuất hiện trên truyền hình. Những lần cắt tóc đắt tiền.

Hillary Clinton đã dồn Trump vào chủ đề này cách đây 4 năm, tấn công ông về việc đóng ít hoặc không đóng thuế liên bang – nhưng “điều đó làm tôi thông minh”, nhà tài phiệt tỷ phú đáp lại. Người ủng hộ ông hoan nghênh câu đáp đó. Nhưng lúc ấy, Trump còn là một doanh nhân dân thường; bây giờ ông đã

là tổng thống, và vẫn chỉ đóng thuế 750 đôla một năm? Điều đó có thể gây tiếng vang hơn một chút trong thời điểm này.

Điều này có vẻ phản trực giác khi nói, nhưng dù Biden đã tham gia chính trị trong nhiều thập niên, ở một mức độ nào đó, ông vẫn là một ẩn số trong cuộc tranh luận này. Vào đầu năm nay trong cuộc bầu cử sơ bộ trước Covid-19, ông là một ứng cử viên mờ nhạt – đó là tôi nói lịch sự.

Sau khi phong tỏa, Biden sửa lại hầm nhà ở Wilmington và không ra ngoài nhiều kể từ đó. Mặt khác, Donald Trump có mặt khắp mọi nơi với các cuộc vận động tranh cử hàng ngày, các bài phát biểu, các cuộc họp báo – liên tục đứng trước máy quay phim.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, đây là lựa chọn của người dân Mỹ, giữa Donald Trump, một người ồn ào, hiếu chiến; và Joe Biden, một ông già trầm tính hơn, điềm đạm hơn, dễ mến hơn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54335925

 

Các ứng cử viên Tổng Thống

chuẩn bị cho cuộc tranh luận đầu tiên

Tin Washington DC – Tổng Thống Trump sẽ đối mặt với ứng cử viên Joe Biden vào thứ Ba, 29 tháng 9, trong cuộc tranh luận đầu tiên trước ngày bầu cử vào tháng 11. Sự kiện diễn ra tại Cleveland, Ohio, với người dẫn chương trình là Chris Wallace của hãng Fox News, từ 6 giờ tối đến 7 giờ rưỡi tối giờ miền tây.

Các cố vấn tranh cử Jason Miller và Hope Hicks của Tổng Thống Trump hiện đang tranh thủ thời gian di chuyển trên máy bay Air Force One, để cho tổng thống xem các thẻ ghi chú và các video cần chú ý. Một số người lo ngại rằng Tổng Thống Trump có vẻ không chuẩn bị kỹ cho cuộc tranh luận. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Trump nói tổng thống đã được luyện tập gần như mỗi ngày, thông qua các cuộc họp báo và những câu hỏi mang tính chất vấn của phóng viên.

Trong khi đó, ông Joe Biden chuẩn bị cho cuộc tranh luận bằng cách thực tập trực tiếp tại nhà ở Delaware, và cả qua mạng, cùng với các cố vấn lâu năm trong ban tranh cử. Đảng Dân Chủ đang xem xét lại các dòng tweet của Tổng Thống Trump nhắm vào ông Biden, để dự đoán kiểu tấn công mà tổng thống có thể sử dụng khi tranh luận.

Ông Biden dự kiến cũng sẽ bênh vực đạo luật Affordable Care Act (Obamacare), và sẽ chỉ trích việc Tổng Thống Trump đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện. Tuy nhiên, ông Biden nhiều khả năng sẽ tránh đào sâu vào các vấn đề phức tạp, như việc có nên mở rộng số thành viên Tối Cao Pháp Viện hay không. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/cac-ung-cu-vien-tong-thong-chuan-bi-cho-cuoc-tranh-luan-dau-tien/

 

Bầu cử Mỹ: Cuộc tranh luận đầu tiên

Mai Vân

Tại Hoa Kỳ, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden diễn ra vào tối nay 29/09/2020 ở thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio. Hai người sẽ tranh luận liên tục trong một tiếng rưỡi đồng hồ.

Cuộc “đọ sức tay đôi” này rất quan trọng, đặc biệt đối với ông Trump đang có phần bị thua đối thủ theo các cuộc thăm dò dư luận, lại vừa bị những tiết lộ bất lợi về việc ông không đóng thuế.

Đặc phái viên RFI, Anne Corpet, đã đến Cleveland và cho biết không khí tại đây :

Không thể nào đến gần nơi tranh luận. Cảnh sát chặn ngay phía trước. Jeff Weiss, một người ở gần đấy tò mò đến xem đã bị đuổi đi. Là người ủng hộ đảng Dân Chủ, ông không lo lắng cho ứng viên của đảng Dân Chủ, mặc dù ông Joe Biden thường bị Donald Trump chỉ trích là lão suy.

Jeff Weiss nhận định: « Tôi nghĩ là là ông ấy – tức là Joe Biden – sẽ cho thấy mình là một ứng viên có năng lực, hiểu chính trị, hiểu các vấn đề và tôi cho rằng ít ra người ta sẽ cảm thấy thoải mái để bỏ phiếu cho Biden. Có lẽ họ hơi lo ngại, họ nghĩ là ở tuổi 78, ông sẽ không đi đến hết nhiệm kỳ, nhưng tôi tin là ông sẽ cho họ thấy là ông khỏe mạnh và có thể làm nhiều điều tốt để cải thiện những gì không ổn ở đất nước này ».

Xa hơn một chút, một người tên Jim đang đóng những tấm ván trên cửa kính của cửa hàng của ông. Jim giải thích: « Tôi phải che kính trong trường có bạo động hay cướp của nhân cuộc tranh luận, cần có thêm an toàn ».

Vì dịch Covid-19, có không đầy 100 người đến dự cuộc tranh luân thay vì 900 như thông lệ. Những người ủng hộ nhiệt tình nhất của cả Joe Biden lẫn Donald Trump sẽ ở ngoài đường để cổ vũ cho ứng viên của họ.

Ngay từ hôm qua, thứ Hai, trực thăng đã bay liên tục trên thành phố để xem có những phần tử phá rối hay không.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-cu%E1%BB%99c-tranh-lu%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-gi%E1%BB%AFa-hai-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-v%C3%A0-biden

 

Vài nét về cuộc tranh luận Tổng thống

đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden

Tâm Thanh

Cuộc tranh luận tổng tuyển cử đầu tiên giữa Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ diễn ra vào 21h tối 29/9 (tức 8h sáng thứ Tư ngày 30/9 giờ Việt Nam).

Một số chi tiết trong cuộc tranh luận đã được tiết lộ. Năm nay do nguyên nhân dịch bệnh, hai ứng viên sẽ không bắt tay nhau và không bắt tay người điều hành, một truyền thống tồn tại lâu đời. Hai ứng viên tổng thống cũng không cần phải đeo khẩu trang khi tranh luận trên sân khấu, theo Secret China.

Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ bắt đầu tại thành phố Cleveland, vùng đông bắc Ohio. Địa điểm cụ thể là trường đại học Case Western Reserve, một trong những trường đại học tư thục hàng đầu tại Hoa Kỳ. Người chủ trì cuộc tranh luận là Chris Wallace, một trong những người dẫn chương trình tên tuổi trên đài Fox News.

Ủy ban tranh luận tổng thổng (CPD) này bao gồm các thành viên của hai đảng, và họ đã đồng tổ chức và cử hành các cuộc tranh luận tổng thống được hơn 30 năm. Đây là lần đầu tiên truyền thống bắt tay bị hủy bỏ, ngoài ra CPD cũng thông báo hai ứng cử viên Tổng thống sẽ không đeo khẩu trang khi lên sân khấu.

Ông Peter Eyre, cố vấn của CPD nói với báo giới: “Khi bước lên sân khấu, Tổng thống Trump sẽ đứng ở bục phát biểu phía bên phải sân khấu theo hướng nhìn về phía khán giả, và cựu Phó Tổng thống Biden sẽ đứng ở bục phát biểu phía bên trái”.

Cả ông Trump và ông Biden sẽ đứng trong suốt quá trình tranh luận, trong khi người điều hành Wallace sẽ ngồi ở bàn đối diện với hai ứng viên.

Sẽ có một số lượng nhỏ khách mời được nhận vé vào trong hội trường tranh luận, cùng với sự có mặt của các nhân viên phục vụ tranh luận, các phóng viên, nhà báo, biên tập viên thời sự, bao gồm biên tập viên thời sự của Fox News.

Cố vấn cấp cao của CPD Peter Eyre cho biết: “Mọi người trong hội trường tranh luận phải tuân thủ các quy trình an toàn và sức khỏe, bao gồm xét nghiệm Covid-19”.

Toàn bộ cuộc tranh luận sẽ kéo dài 90 phút, được chia thành 6 chủ đề, mỗi chủ đề dài 15 phút, trong quá trình tranh luận, không có giờ nghỉ giữa giờ và không có thời gian để hai ứng viên Tổng thống phát biểu khai mạc.

Các chủ đề của cuộc tranh luận được ông Chris Wallace lựa chọn và được CPD công bố vào tuần trước. Đây là những vấn đề trọng đại đã làm chấn động nước Mỹ trong năm nay. Sáu chủ đề này bao gồm:

1. Cuộc chiến đề cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện

2. Đại dịch tồi tệ nhất càn quét toàn cầu trong một thế kỷ qua.

3. Nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

4. Biểu tình và bạo lực nổ ra ở các thành phố trên khắp nước Mỹ.

5. Tính công bằng của cuộc bầu cử.

6. Thành tích của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Ông Peter Eyre nói: “Người dẫn chương trình Chris Wallace sẽ hỏi Tổng thống Trump câu hỏi đầu tiên”.

Mỗi ứng viên Tổng thống có hai phút để trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình. Sau đó, hai ứng viên cũng có cơ hội đối đáp với nhau.

Ông Peter Eyre nói thêm: “Người dẫn chương trình sẽ sử dụng thời gian trong buổi tranh luận để thảo luận sâu hơn về những vấn đề này. Như tiền lệ, người dẫn chương trình sẽ tự chọn câu hỏi, hai ứng viên, hai nhóm chiến dịch hoặc ủy ban tranh luận sẽ không biết câu hỏi đó. Người dẫn chương trình sẽ có quyền mở rộng chủ đề thảo luận và đảm bảo hai ứng viên có khoản thời gian tranh luận tương đương”.

Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Chris Wallace từng chủ trì cuộc tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Hôm Chủ nhật (27/9), ông Wallace tuyên bố trên Fox News rằng, ông sẽ cố gắng khiến bản thân trở nên vô hình nhất có thể, đồng thời đảm bảo hai ứng viên Tổng thống tập trung vào thảo luận các chủ đề chính, và để mọi người xem các cuộc tranh luận trên TV ở nhà biết được tại sao họ nên bầu cho người này thay vì người kia.

https://www.dkn.tv/the-gioi/vai-net-ve-cuoc-tranh-luan-tong-thong-dau-tien-sap-toi-giua-donald-trump-va-joe-biden.html

 

Những cuộc tranh luận truyền hình

để lại dấu ấn trong lịch sử Mỹ

Thụy My

Le Figaro hôm nay 29/09/2020 điểm lại những cuộc tranh luận ấn tượng nhất giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Theo tờ báo, cuộc đấu giữa Nixon và Kennedy cho thấy hình ảnh trên truyền hình có thể làm thay đổi cảm nhận của khán giả so với những gì nghe được, còn cuộc đối đầu Bush-Gore năm 2000 chứng minh rằng « thắng » tranh luận chưa đủ để đắc cử.

Đã khác rất xa với cái thời khi Abraham Lincoln đối đầu với Stephen A.Douglas trong cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ Illinois năm 1858, hai người đã tranh cãi suốt ba tiếng đồng hồ, không có người dẫn chương trình, và ở ngoài trời, tại một thành phố nhỏ.

Một thế kỷ sau, vào năm 1960, có 66 triệu người Mỹ theo dõi cuộc tranh luận, nhưng không phải gia đình nào cũng có ti vi. Những ai nghe radio thấy rằng phó tổng thống Richard Nixon rõ ràng chiếm thế thượng phong. Nhưng những người xem truyền hình lại nhìn thấy ứng viên Cộng Hòa có vẻ ốm yếu, nhợt nhạt, thường xuyên lau mồ hôi ; trước thượng nghị sĩ trẻ của Massachusetts đầy vẻ sinh động là John Fitzgerald Kennedy. Không chỉ vì ông Nixon mới vừa khỏi bệnh và không muốn trang điểm, mà còn là tâm lý người xem đối với phương tiện truyền thông mới này.

Rút kinh nghiệm, các ứng cử viên tổng thống sau đó đã từ chối tranh luận trên truyền hình, bắt đầu là Nixon. Ông Richard Nixon sau đó đã thắng cử năm 1968.

Mười sáu năm sau, năm 1976, Gerald Ford – đang giữ chức tổng thống sau khi ông Richard Nixon từ chức trước đó hai năm – lại muốn tổ chức tranh luận với hy vọng điểm tín nhiệm sẽ tăng, và đường đường chính chính hơn.   Đối thủ là Jimmy Carter, thống đốc Georgia. Trong cuộc tranh luận đầu tiên, âm thanh bị tắt khiến cả hai phải đứng trơ như người mẫu trong suốt 27 phút. Nhưng người ta nhớ nhất là cuộc tranh luận thứ hai, ông Ford nói : « Không có việc Liên Xô thống trị Đông Âu, và cũng sẽ không bao giờ có dưới chính phủ của tôi ». Sai lầm này góp phần làm ông thất cử.

Vai trò đã đảo ngược trong cuộc tranh luận duy nhất năm 1980, thu hút 80,6 triệu khán giả truyền hình. Tổng thống Carter bị Ronald Reagan, cựu thống đốc California thách thức. Ứng viên Cộng Hòa tạo tác động tốt khi chất vấn cử tri : « Các bạn có cảm thấy tình hình khá hơn so với cách đây bốn năm hay không ? »

Và bốn năm sau đó, để bảo vệ chức vụ tổng thống, khi bị đặt câu hỏi về tuổi 73 – già nhất trong lịch sử nước Mỹ vào lúc đó – Ronald Reagan dí dỏm trả lời : « Tôi không coi tuổi tác là một vấn đề trong chiến dịch vận động. Tôi cũng không khai thác yếu tố trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm của đối thủ tôi vì mục đích chính trị ». Câu nói này khiến đối thủ « trẻ » 56 tuổi, cựu phó tổng thống Walter Mondale bật cười.

Năm 1988, một ứng cử viên Dân Chủ khác đã phải trả giá cho cuộc tranh luận. Là người quyết liệt chống án tử hình, Mike Dukakis được hỏi liệu có sẽ thay đổi ý kiến, ủng hộ việc hành quyết một kẻ đã hãm hiếp và sát hại vợ ông hay không. « Không, các vị biết rằng tôi phản đối án tử hình đến suốt đời ». Câu trả lời lạnh lùng khiến ông bị đặt biệt danh « Ice Man » (người băng giá), đóng góp vào chiến thắng của George H.W.Bush.

Cuộc tranh luận bốn năm sau không phải tay đôi mà là tay ba : tổng thống mãn nhiệm phải đối mặt với tỉ phú độc lập Ross Perot và Bill Clinton, thống đốc Arkansas. Clinton tỏ ra dễ mến, trong khi ông Bush cha có vẻ xa cách và hơi mệt mỏi, nhiều lần nhìn đồng hồ đeo tay. Vấn đề tuổi tác một lần nữa lại được đặt ra trong cuộc tranh luận năm 1996. Ứng viên Cộng Hòa Bob Dole khẳng định rằng tuổi 73 mang lại cho ông « lợi thế về sự minh triết », còn tổng thống Clinton tấn công vào « những ý tưởng già nua » và tái đắc cử.

Đọc thêm: Trump muốn xét nghiệm chống doping trước khi tranh luận với Biden

Cuộc đối đầu Bush-Gore năm 2000 chứng minh rằng « thắng » tranh luận chưa đủ để chiến thắng. Tuy các nhà quan sát nhận định phó tổng thống thuyết phục hơn, nhưng Al Gore bị trách cứ vì cung cách được cho là cao ngạo trước thống đốc Texas bình dân hơn. Tờ Time lúc đó viết : « Cử tri có vẻ quyết định rằng họ đã quá chán Giáo sư Biết Tuốt ». Thất bại của ông John Kerry bốn năm sau dường như cũng do cáo buộc đã làm cuộc tranh luận bị chìm ngập dưới một loạt các chi tiết và lý lẽ.

Ba cuộc tranh luận giữa Barack Obama và John McCain mở ra một kỷ nguyên mới năm 2008 : lần đầu tiên, các ứng cử viên được cư dân mạng đặt câu hỏi thông qua YouTube. Ứng viên Cộng Hòa tỏ ra quyết liệt hơn để cố đảo ngược xu hướng trong các cuộc thăm dò. « Thượng nghị sĩ Obama, tôi không phải là tổng thống Bush. Nếu ông muốn đối mặt với tổng thống Bush, thì phải ra tranh cử cách đây bốn năm ». Tuy nhiên John McCain không thay đổi được tình thế.

Năm 2012, Mitt Romney khoe về tỉ lệ bình đẳng nam nữ trong ê-kíp của ông ở Massachusetts, nhưng vị thống đốc Cộng Hòa lại vụng về nói rằng ông đã phải xét « hàng tập tài liệu các ứng viên nữ ». Ông nhận được nhiều lời châm biếm trên báo chí.

Căng thẳng nhất vẫn là cuộc tranh luận Clinton-Trump năm 2016, lần đầu tiên đạt kỷ lục 84 triệu khán giả. Bà Hillary Clinton cho rằng với những phát biểu xúc phạm phụ nữ, ông Donald Trump không đủ tư cách để tập họp mọi người. Bà nhấn mạnh : « Ông ấy còn tấn công vào di dân, người Mỹ gốc châu Phi, gốc la-tinh, người Hồi giáo và cả người khuyết tật ». Đối thủ đáp trả : « Bill Clinton còn tệ hơn ! ». Bà Hillary : « May mắn là một người có tính cách như ông Trump không phụ trách về pháp luật ở đất nước chúng ta ». Ông Trump lại trả đũa : « Vì bà sẽ vào tù ».

Nếu các thăm dò sau cuộc tranh luận vẫn cho rằng bà Clinton thắng trong cuộc song đấu, lịch sử một lần nữa lại chứng tỏ, như vậy vẫn chưa đủ để đắc cử !

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-nh%E1%BB%AFng-cu%E1%BB%99c-tranh-lu%E1%BA%ADn-truy%E1%BB%81n-h%C3%ACnh-%C4%91%E1%BB%83-l%E1%BA%A1i-d%E1%BA%A5u-%E1%BA%A5n-trong-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9

 

Ông Biden tuyên bố sẽ đưa Ban Dân Quyền

của Bộ Tư Pháp vào Tòa Bạch Ốc

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã đưa ra một số cam kết rằng [nếu ông đắc cử], Bộ Tư pháp (DOJ) sẽ thay đổi đáng kể so với Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là trong lĩnh vực dân quyền và chính sách.

Ông Biden tuần này nói với các phóng viên rằng, nếu đắc cử, ông có kế hoạch đưa ban dân quyền thuộc Bộ Tư pháp vào Tòa Bạch Ốc như một cách để “nâng cao vị thế cho ban này” và đảm bảo nâng tầm sự hiện diện của ban này trong bộ để ban có thể “tiếp cận và minh bạch” tất cả các hoạt động của sở cảnh sát trên toàn quốc.

“Tôi muốn đảm bảo rằng có sự kết hợp trong Bộ phận Dân quyền, để họ có nhiều quyền trực tiếp hơn bên trong Bộ Tư pháp và có thể tự điều tra nhiều hơn hiện nay”, ông nói khi phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh kinh tế dành cho giới doanh nhân da đen ở Charlotte, Bắc Carolina vào hôm thứ Tư (23/9).

Ông Trump và ông Biden đã đưa ra những quan điểm khác nhau về vấn đề dân quyền, đặc biệt là liên quan đến việc thực thi pháp luật. Kể từ khi tại vị, chính quyền Trump đã thu hồi lại một số công cụ thực thi quyền công dân dưới thời Obama, và hạn chế vai trò của chính phủ liên bang trong các lĩnh vực này, trong khi tập trung sức lực của Bộ vào việc duy trì các quyền tự do theo hiến pháp.

Chính quyền Trump nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhân viên cảnh sát và cam kết nguồn lực và ngân sách để hỗ trợ đẩy lùi tội phạm bạo lực trên khắp đất nước. Ông Trump và Tổng chưởng lý William Barr đều chính thức lên án việc “cắt giảm ngân sách cảnh sát” và phản đối việc giới hạn các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các sĩ quan cảnh sát trong các vụ kiện dân sự chống lại họ. Bộ Tư pháp của Trump đã khôi phục lại án tử hình và yêu cầu các công tố viên liên bang ra phán quyết [này với] các bị cáo phạm những tội danh nghiêm trọng nhất mà có chứng cứ.

Tuy nhiên, chính quyền Trump cởi mở với việc cải cách lực lượng cảnh sát và đã thực hiện các bước để giải quyết các vấn đề về hành vi sai trái của cảnh sát, mà theo các quan chức thường là những trường hợp cá biệt. Ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp về cải cách lực lượng cảnh sát vào tháng Bảy, trong đó khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn mới nhất về sử dụng vũ lực và cử nhân viên xã hội mà cảnh sát mời để giúp những người vô gia cư và những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần hay nghiện ngập.

Bộ Tư pháp cũng đã tiến hành một số cuộc điều tra về quyền công dân để xem liệu các sĩ quan trong các vụ xả súng gần đây vào người Mỹ gốc Phi có vi phạm bất kỳ luật liên bang nào hay không. Hơn nữa, ông Barr tin rằng có nhiều việc phải làm để khôi phục lại niềm tin của cộng đồng da đen vào việc thực thi pháp luật, nhưng ông không tin rằng các sở cảnh sát đang phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống như là một số chính trị gia và nhóm khác tuyên bố.

Ngược lại, chiến dịch Biden đã nhấn mạnh: “sự khác biệt về chủng tộc, giới tính và thu nhập” khi đề ra chính sách và hệ thống tư pháp hình sự là những lĩnh vực sẽ ưu tiên giải quyết. Ông cũng cam kết khôi phục lại các cuộc điều tra phân biệt chủng tộc và các nghị định thỏa thuận thời Obama để giải quyết các cáo buộc về hành vi sai trái có hệ thống của cảnh sát.

Ông Biden trước đây đã nói rằng ông không ủng hộ việc cắt tài trợ cho các sở cảnh sát nhưng ông ủng hộ việc điều chỉnh các khoản tài trợ như của Byrne dựa trên sự sẵn lòng áp dụng cải cách của họ. Theo Bộ Tư pháp, các khoản tài trợ của Byrne là “nguồn tài trợ tư pháp liên bang hàng đầu cho các khu vực pháp lý của tiểu bang và địa phương”.

“Nếu họ không loại bỏ các rào cản, họ sẽ không nhận được tài trợ của Byrne. Nếu họ không làm theo, họ sẽ không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào”, ông Biden nói trong một cuộc phỏng vấn với NowThis vào tháng 7.

Ứng cử viên của Đảng Dân Chủ cũng đã hứa sẽ trao 300 triệu đô la tài trợ để tập trung vào chính sách định hướng cộng đồng, thông qua chương trình Dịch vụ Chính sách Định hướng Cộng đồng (COPS). Chính quyền Trump cũng đã cung cấp nhiều khoản tài trợ cho chương trình COPS, với trọng tâm gần đây là cho phép các cơ quan địa phương và nhà nước thuê thêm các chuyên gia thực thi pháp luật và mở rộng các sáng kiến chính sách cộng đồng.

Về các vấn đề khác, ông Biden đã cam kết loại bỏ án tử hình, quy định dùng cần sa là không có tội, đồng thời xóa bỏ tất cả các bản án sử dụng cần sa trước đó, và giúp các cá nhân dễ dàng kiện các sĩ quan cảnh sát trong các khiếu nại dân sự bằng cách hạn chế quyền miễn trừ đủ điều kiện. Ông cũng đang ủng hộ việc sử dụng sự khoan hồng rộng rãi cho một số tội phạm ma túy và bất bạo động.

“Sẽ có một sự nhiệt tình mới đối với việc thực thi các cáo buộc và vi phạm quyền công dân”, Giáo sư Jeff Swartz nói với The Epoch Times. Swartz giảng dạy luật hình sự và thủ tục tố tụng hình sự tại Trường Luật Western Michigan Cooley, hiện đang ở trong nhóm pháp lý của chiến dịch Biden cho bờ biển phía tây Florida.

Swartz, người từng là thẩm phán tòa án cho Hạt Miami-Dade, Florida, nói rằng ông tin rằng Bộ Tư pháp của Biden sẽ thực hiện “một số nỗ lực thực sự” trong việc thực thi quy chế dân quyền liên bang, điều này đặt ra một số thách thức cho các công tố viên.

Ông nói, “Quy chế hiện nay được lập rất hẹp, rất khó để thực thi. Bởi vì nó được khai thác quá hẹp, các công tố viên phải nhảy cóc qua nhiều vòng để chứng minh những điều rất khó chứng minh… đặc biệt, trong lĩnh vực tư pháp hình sự.”

Swartz cho biết Bộ Tư pháp tiềm năng của Biden cũng sẽ mang lại sự đồng nhất trong phương pháp điều tra của các sở cảnh sát để đảm bảo rằng “ít nhất là không có sự phân biệt chủng tộc hoặc thành kiến có hệ thống trong cách cảnh sát thực hiện công việc”, thông qua việc khôi phục các nghị định đồng thuận.

Những thỏa thuận giữa Bộ Tư pháp và sở cảnh sát bị cáo buộc có hành vi sai trái sẽ cho phép liên bang giám sát nhiều hơn vào sở cảnh sát này, nhưng nó lại bị chỉ trích vì đã trói buộc các sở cảnh sát địa phương và khiến công việc của họ trở nên khó khăn hơn.

John Feehery, một chiến lược gia và người phụ trách báo chí của Đảng Cộng Hòa, nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng các công tố viên sẽ tích cực hơn trong Bộ Tư pháp dưới thời Biden, nhưng sự thực thi của họ sẽ vượt xa hành động tìm kiếm trách nhiệm giải trình trong việc hoạch định chính sách. Ông cho biết các công tố viên có thể sẽ có nhu cầu lớn trong việc thi hành các vấn đề môi trường và bỏ phiếu, và các vụ kiện chống lại các tập đoàn. Ông nói thêm rằng điều này có thể sẽ khiến các doanh nghiệp giữ thế phòng thủ, dẫn đến kinh tế suy thoái.

Ông nói, “Nếu các doanh nghiệp phải thuê luật sư thay vì thuê nhân viên, thì họ không đầu tư vào tăng trưởng kinh tế, họ là đầu tư vào việc cố bảo vệ mình khỏi các vụ kiện tụng”.

Feehery cũng cho biết Biden, người mà ông tin rằng không thực sự muốn chống cảnh sát, rất có thể đang cố gắng thu hút phe cánh tả bằng cách thúc đẩy chương trình cải cách cảnh sát. Ông nói, cộng đồng có thể thấy sự suy giảm an toàn công cộng vì các nhân viên cảnh sát mất niềm tin vào việc chính phủ sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết. Tinh thần của một số sở cảnh sát đã giảm sút khi các cuộc biểu tình về George Floyd và lời kêu gọi cắt ngân sách cảnh sát xảy ra.

Trong khi đó, ông Trump đã chọn nền tảng pháp luật-và-trật tự là chiến lược tái tranh cử của mình. Ông hứa hẹn sẽ tài trợ và thuê thêm cảnh sát và nhân viên thực thi pháp luật, tăng hình phạt hình sự đối với

các vụ hành hung cảnh sát, truy tố các vụ xả súng là khủng bố trong nước, đưa các nhóm cực đoan bạo lực như Antifa ra trước công lý và chấm dứt luật cho bảo lãnh không tiền mặt.

Một số tổ chức cảnh sát đã ủng hộ ông Trump tái đắc cử, bao gồm liên minh cảnh sát lớn nhất quốc gia, Hiệp hội Huynh đệ Cảnh sát và Hiệp hội Nhân từ của Cảnh sát New York, đại diện cho hàng chục nghìn cảnh sát thành phố New York.

Các chỉ trích về Bộ Tư pháp của Tổng thống Trump

Ông Biden muốn làm nổi bật sự tương phản trong cách ông điều hành Bộ Tư pháp với ông Trump bằng việc tuyên bố rằng ban này sẽ “hoàn toàn độc lập” với mình. Bộ Tư pháp dưới thời TT Trump bị chỉ trích vì một số quyết định liên quan đến các vụ án cấp cao nhạy cảm về chính trị của các cộng sự của ông Trump, chẳng hạn như cựu cố vấn chính trị Roger Stone và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, cũng như việc sa thải Luật sư Hoa Kỳ do Quận phía Nam của New York Geoffrey Berman.

Các nhà phê bình đã cáo buộc ông Barr đóng vai trò là luật sư riêng của Tổng thống và chính trị hóa Bộ Tư pháp. Trong khi đó, nhiều cựu nhân viên của Bộ Tư pháp cũng bày tỏ mối lo ngại về vụ việc.

Ông Barr đã bảo vệ quyết định can thiệp vào những vụ việc này, nói rằng ông không bao giờ được Tổng thống chỉ đạo để can dự, và các quyết định của ông là do bản thân tự thấy phải có trách nhiệm với việc duy trì pháp quyền và áp dụng tiêu chuẩn công lý nhất quán trên toàn thế giới.

Tuần trước, Tổng chưởng lý đã đưa ra lời quở trách đối với một số công tố viên liên bang, những người mà ông cho rằng đã quá đầu tư vào việc truy tố các nhân vật nổi tiếng của công chúng, thay vì phục vụ công lý cho người dân.

Ông Barr cho biết điều quan trọng là phải có các lớp giám sát để đánh giá hành vi của các công tố viên nhằm đảm bảo rằng “việc thực thi công lý là chí công vô tư”.

“Các cá nhân công tố viên đôi khi có thể trở thành những kẻ săn mồi, tận hưởng con mồi bằng cách tiêu diệt con mồi. Việc để những người giám sát riêng biệt xem xét các quyết định của công tố viên sẽ đảm bảo sự công bình của những người phán quyết tham dự vào quá trình này”, ông Barr nói.

Hôm thứ Tư, ông Biden gia tăng những lời chỉ trích Bộ Tư pháp trong bài phát biểu của mình, gọi đó là “Bộ của Trump”, đồng thời chỉ ra quyết định bảo vệ Trump của Bộ trước người tố cáo hiếp dâm và người phụ trách báo chí E. Jean Carroll là có vấn đề.

Ông Biden nói rằng mình sẽ đứng ngoài các quyết định của cơ quan công tố và để nó cho Tổng chưởng lý của ông, ám chỉ rằng ông Trump sẽ không làm giống mình. “Bộ Tư pháp, dưới sự quản lý của tôi, sẽ hoàn toàn độc lập với tôi. Tôi sẽ không chỉ đạo khởi tố ai, khởi tố như thế nào, khởi tố cái gì”, ông nói.

Swartz sau khi nói chuyện với các nhân viên cũ của Bộ Tư pháp vốn bị ảnh hưởng tiêu cực do bất mãn với hướng đi của chính quyền đương nhiệm, tin rằng điều này sẽ “mang đạo đức trở lại cho Bộ”. Ông nói rằng nếu ông Biden được bầu, ông ta sẽ “tái tạo lại phong cách Bộ Tư pháp mà chúng ta đã có trong nhiều thập kỷ” trước khi ông Trump nhậm chức.

Trong khi đó, Feehery cho biết ông hy vọng ông Biden sẽ có “mối quan hệ nồng ấm hơn” với Bộ Tư pháp vì các quan chức có xu hướng ít đối nghịch hơn với những người am hiểu chính trị. Ông cho biết sự nghiệp của ông Biden trong Quốc hội, trong Ủy ban Tư pháp và trong Tòa Bạch Ốc nghĩa là sẽ có nhiều người trung thành về mặt chính trị với ông trong Bộ.

“Tôi nghĩ rằng [Bộ trưởng Tư pháp] Barr đã luôn cố gắng để kiểm soát bộ máy quan liêu, [trong khi] tôi nghĩ Biden thì lại thân thiện với bộ máy quan liêu hơn”, ông nói.

Janita Kan

An Nam biên dịch

https://etviet.com/us/ong-biden-tuyen-bo-se-dua-ban-dan-quyen-thuoc-bo-tu-phap-vao-toa-bach-oc.html

 

Ông Biden lại nói dối và tiếp tục bị ‘bóc mẽ’

Lục Du

Ông Joe Biden được cho là đã nhiều lần nói dối để lấy lòng cử tri (ảnh: Jonathan Ernst/Reuters)

Trong một nỗ lực lấy lòng người Mỹ gốc Phi, Joe Biden ở một bài phát biểu hồi năm ngoái nhận rằng ông từng là sinh viên tại Đại học Bang Delaware (DSU) một trong những trường đại học dành cho người da đen. Nhưng DSU gần đây đã phủ nhận việc ông Biden từng là sinh viên của trường này, theo The BL.

“Tôi đã bắt đầu từ một HBCU [trường cao đẳng hoặc đại học dành cho người da đen], Bang Delaware — bây giờ, tôi không muốn nghe bất cứ điều gì tiêu cực về Bang Delaware”, ông Biden nói. “Họ [người da đen] là người của tôi”.

Tuy nhiên Giám đốc Dịch vụ Tin tức Bang Delaware, ông Carlos Holmes, nói rằng ông Biden chưa bao giờ là sinh viên tại DSU và sự tham gia của vị cựu phó tướng của Obama ở DSU chỉ giới hạn trong hai bài phát biểu khai giảng năm học.

“Phó Tổng thống Biden không tham gia DSU”, ông Holmes cho biết trong một email hôm thứ Năm (24/9). “Tuy nhiên, ông ấy là diễn giả chính của chương trình Commencement vào năm 2003 và [2016], và trong thời gian trước đó, ông ấy đã được [DSU] trao bằng tiến sĩ danh dự”.

Sau bài phát biểu vào năm ngoái của ông Biden, đã có nhiều người cáo buộc rằng ông “nhận vơ” như vậy là vì động cơ chính trị, nhưng phải đến email của Holmes việc ứng viên tổng thống Mỹ 2020 nói dối mới chính thức được xác nhận.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Biden nói dối hoặc phóng đại tiểu sử của mình để lấy cảm tình từ cử tri.

33 năm trước, ông Biden đã dính vào một vụ bê bối vì tuyên bố rằng ông xuất thân từ một gia đình rất khiêm tốn và rằng ông là người đầu tiên trong lịch sử gia đình có thể theo học đại học. Điều này nhanh chóng bị phủ nhận, ngay cả cụ cố của ông Biden cũng theo học đại học vào thời điểm mà chưa đến 2% tổng số nam nữ thanh niên ở Hoa Kỳ có may mắn như vậy. So với con số 60% thanh niên Mỹ được học đại học như hiện nay thì thấy rằng gia thế nhà ông Biden từ nhiều đời trước đã không tầm thường.

Trong một lần khác, ông Biden nói rằng họ hàng của ông là công nhân khai thác than. Nhưng The Federalist cho hay, khi những lời nói dối chỉ lừa được trẻ con được đưa ra ánh sáng, ông ta đã buộc phải rút lại những tuyên bố của mình.

Theo The Federalist, cuộc tranh cử tổng thống đầu tiên của Biden vào những năm 1980 đã bị cản trở bởi những tuyên bố không trung thực về hồ sơ học tập và đạo văn của ông.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-biden-lai-noi-doi-va-tiep-tuc-bi-boc-me.html

 

Ông Trump nói sẽ có kế hoạch tốt hơn

thay thế Obamacare ‘khủng khiếp’

Lục Du

Tổng thống Donald Trump hôm Chủ nhật (27/9) nói rằng chính quyền của ông sẽ cố gắng cung cấp một “hệ thống rẻ hơn nhiều” so với Obamacare, theo Epoch Times.

“Chúng tôi đã loại bỏ Obamacare, phần cốt lõi [của nó]. Nó không tốt, quá đắt, bạn không tìm được bác sĩ của mình”, ông Trump nói. “Obamacare thật khủng khiếp, nhưng nếu chúng tôi có thể chấm dứt Obamacare và đưa ra một hệ thống rẻ hơn nhiều, chúng tôi sẽ có một kế hoạch tốt hơn nhiều”.

Theo Obamacare, “bạn không tìm được bác sĩ của mình – bạn không nhận được kế hoạch của mình”, Tổng thống Trump nói và nhận xét thêm rằng Obamacare là điều “khủng khiếp” đối với một số người.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-noi-se-co-ke-hoach-tot-hon-thay-the-obamacare-khung-khiep.html

 

Cộng đồng người Amish sống ẩn dật

hàng trăm năm bỗng diễu hành để ủng hộ TT Trump

Người Amish tại Mỹ tin vào Kinh thánh và sống ẩn dật hàng trăm năm và không bao giờ bỏ phiếu. Tuy nhiên, gần đây họ đã tổ chức một cuộc diễu hành bằng xe ngựa để ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Vậy tại sao họ lại quyết định như vậy?

Cộng đồng người Amish sống ẩn dật diễu hành bằng xe ngựa để ủng hộ TT Trump. (Ảnh: Daily Record)

Cho đến tận bây giờ, cộng đồng người Amish (khoảng hơn 200.000 người) vẫn còn duy trì lối sống Thanh giáo sơ khai. Sau khi hoàn thành công việc đồng áng hoặc lao động chân tay, họ dành thời gian đọc Kinh Thánh và vui chơi cùng các thành viên trong gia đình. Một khu cộng đồng tín đồ ngoan đạo từ chối giao lưu với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây đã thu hút sự chú ý của họ và nhiều người Amish đã xuống đường diễu hành để ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, người Amish sau nhiều năm ẩn dật đã xuất hiện bằng cách lái xe ngựa và cưỡi trâu để tạo bày tỏ ủng hộ ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, theo buzz.shared.

Vậy tại sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay lại thu hút người Amish xuống đường bỏ phiếu? Điều này có liên quan đến cuốn “Kinh Thánh” mà họ đọc hàng ngày.

Trong các nhà thờ Cơ đốc giáo tại Mỹ (bao gồm cả các nhà thờ Cơ Đốc giáo trên toàn cầu), cách nói Donald Trump là “Tổng thống được Thần chọn” đã được lan truyền từ lâu. Trong cuốn “Kinh Thánh” nguyên bản bằng tiếng Anh, có ít nhất hai lần đề cập đến “Trump”.

Các chương trong Kinh Thánh gốc tiếng Anh đề cập đến “Trump”, bao gồm Tiết 52 – Chương 15 trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô và Tiết 16 – Chương 4 trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica.

Bên cạnh đó, “Trump” còn có nghĩa là tiếng kèn. Trong hai đoạn Kinh Thánh trên, Thánh Phaolô – một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu đã dùng thư tín để kể về cùng một sự việc: “Trước ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu Kitô sẽ đưa những tín đồ sùng đạo của ngài lên thiên đàng để gặp ngài …” Trong phần mô tả có “Last Trump” có nghĩa là khi những người theo đạo Thiên Chúa nghe thấy “tiếng kèn cuối cùng” thì có nghĩa là họ đã được cứu.

Thêm nữa, những tín đồ bảo thủ tin rằng, phải có nguyên nhân cho việc xuất hiện của ông Trump – hoàn toàn không phải là một chính trị gia trước khi tranh cử Tổng thống lại bước ra tranh cử. Họ tin rằng Donald Trump mang theo sứ mệnh của Chúa nên họ đã ủng hộ ông như một cách phục tùng theo Thiên ý.

Mặc dù chưa ai có thể chứng minh đó là chỉ sự trùng hợp lịch sử hay thực sự là sự sắp đặt của Chúa, nhưng việc những người Amish đọc Kinh thánh hàng ngày và không màng thế sự trong nhiều thế kỷ lần đầu tiên sử dụng quyền bầu cử được Hiến pháp Mỹ trao cho công dân đã thu hút rất nhiều sự chú ý.

Lương Phong(t/h)

https://tinhhoa.net/cong-dong-nguoi-amish-song-an-dat-dieu-hanh-bang-xe-ngua-de-ung-ho-tt-trump.html

 

Ông Trump nói trả thuế bạc triệu

nhưng được giảm và chiết khấu

Tổng thống Donald Trump ngày 28/9 tuyên bố đã trả “nhiều triệu đô la tiền thuế” nhưng được chiết khấu và giảm trừ thuế.

Phản hồi của Tổng thống được đưa ra trong loạt tin nhắn trên Twitter sau khi New York Times loan tin ông Trump chỉ trả 750 đô la thuế lợi tức liên bang trong hai năm 2016 và 2017, sau nhiều năm báo cáo làm ăn thua lỗ.

“Tôi trả nhiều triệu đô la tiền thuế nhưng được hưởng, như mọi người khác, chiết khấu và các khoản trừ thuế,” ông Trump viết trên Twitter.

Tuy nhiên, không như những Tổng thống và ứng viên Tổng thống khác đã làm trong nhiều thập niên, ông Trump từ chối công bố bản khai thuế. Ông đưa lý do là vì đang bị Sở thuế kiểm toán nhưng cơ quan này nói rằng không có lý do gì để ông Trump không thể công bố hồ sơ khai thuế trong lúc diễn ra quá trình kiểm toán.

Báo New York Times đưa tin rằng ông Trump nợ hàng trăm triệu đô la giữa những thua lỗ kinh niên và dựa vào đó để tránh đóng thuế.

Ông bác tường thuật của New York Times là không đúng.

https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-n%C3%B3i-tr%E1%BA%A3-thu%E1%BA%BF-b%E1%BA%A1c-tri%E1%BB%87u-nh%C6%B0ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-gi%E1%BA%A3m-v%C3%A0-chi%E1%BA%BFt-kh%E1%BA%A5u/5601509.html

 

Hoa Kỳ truy nã

hacker Trung Cộng tấn công mạng của Mỹ

Tin từ Hoa Thịnh Đốn: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mới đây cho biết đã bắt 2 nghi phạm người Malaysia và phát lệnh truy nã 5 hacker là công dân và sống ở Trung Cộng.  Thông cáo của phía Hoa Kỳ cho hay 5 hacker Trung Cộng đã từng tấn công mạng liên quan 100 công ty ở Mỹ và nước ngoài. Điều đáng quan tâm là các hacker này cũng bị cáo buộc từng xâm nhập được vào mạng vi tính thuộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và Ấn Độ.

Hai doanh nhân người Malaysia bị bắt ngày 14/9 theo yêu cầu của Hoa Kỳ với cáo buộc thông đồng với các hacker Hoa Lục để thu lợi từ việc tấn công các công ty video game của  Hoa Kỳ.

Các nhóm hacker này dùng các công cụ như Acunetix, SQLMap và Cobalt Strike. Vào khoảng tháng Chín năm 2018, nhóm này đã xâm nhập được vào các máy tính của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Nhóm này cũng bị Hoa Kỳ cáo buộc tấn công các tài khoản của các nhà hoạt động đòi dân chủ ở Hongkong.

Tại một buổi họp báo công bố cáo trạng, cảnh sát FBI James Dawson nói rằng “Các hoạt động tội phạm kiếm tiền này diễn ra với sự đồng tình ngầm của chính quyền Trung Cộng.” Theo cáo buộc, nhóm hacker này sống ở Trung Cộng, làm việc cho một công ty có tên Chengdu 404.

Theo nhiều nguồn tin thì Bộ An ninh Nhà nước Trung Cộng có liên quan đến nhóm tin tặc này.  Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói cáo trạng vẫn gửi ra thông điệp cứng rắn cho tin tặc Hoa Lục và cho các cơ quan nhà nước Trung Cộng rằng Washington sẽ bắt họ chịu trách nhiệm.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-truy-na-hacker-trung-cong-tan-cong-mang-cua-my/

 

Giám đốc AIT: Mô hình Đài Loan tương phản

hoàn toàn với mô hình của Bắc Kinh

Lục Du

Các giá trị dân chủ cốt lõi của “Mô hình Đài Loan” trái ngược hoàn toàn với các hành vi đàn áp mà Bắc Kinh sử dụng ở Trung Quốc, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen nói, theo Taiwan News.

Đại sứ Mỹ trên thực tế tại Đài Loan đưa ra những nhận xét này tại cuộc họp thường niên của Phòng Thương mại Đài Loan Thế giới (WTCC) hôm thứ Ba (29/9).

Trong một bài phát biểu tập trung vào các giá trị được chia sẻ bởi Đài Loan và Hoa Kỳ, đại diện hàng đầu của Washington tại quốc đảo đã nhấn mạnh rằng năm 2020 đã chứng kiến những giá trị đó như thế nào khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán xảy ra.

Ông Christensen cho rằng việc Đài Loan thành công trong việc kiểm soát đại dịch viêm phổi Vũ Hán không chỉ nằm ở việc biết cách vận dụng các thành tựu khoa học và y tế mà còn bởi họ được thúc đẩy từ “các giá trị dân chủ – minh bạch, tự do báo chí và internet, pháp quyền, và sự liên lạc chặt chẽ giữa chính phủ và những người thừa hành – hoàn toàn trái ngược với các cách đàn áp được áp dụng bởi mô hình độc tài bên kia eo biển”.

Giám đốc AIT cũng nhấn mạnh những tiến bộ mà Đài Loan đạt được đối với các giá trị kinh tế được chia sẻ, bao gồm hợp tác công nghệ cao dựa trên thị trường tự do, tinh thần kinh doanh và tự do sáng tạo.

Ông Christensen đánh giá rằng đại dịch Viêm phổi Vũ Hán đã thể hiện “tinh thần hào phóng [vì] quốc tế” của Đài Loan, chứng tỏ rằng Đài Loan “sẵn sàng hỗ trợ các nước trên thế giới vào thời điểm họ cần sự giúp đỡ nhất”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/giam-doc-ait-mo-hinh-dai-loan-tuong-phan-hoan-toan-voi-mo-hinh-cua-bac-kinh.html

 

Chuyên viên phân tích FBI và CIA

trong cuộc điều tra bầu cử TT Trump

đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Các chuyên viên phân tích FBI và CIA từng làm việc trong cuộc điều tra chiến dịch Trump vào năm 2016 đã rất lo ngại về việc chính quyền sắp tới có thể giám sát công việc của họ đến mức họ đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, theo tin nhắn giữa các chuyên viên phân tích FBI được công bố vào 24 tháng 9.

“Tất cả chúng tôi đã đi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp”, một chuyên viên phân tích của FBI viết cho một đồng nghiệp vào ngày 10 tháng 1 năm 2017.

“Chúa ơi! Toàn bộ các chuyên viên phân tích ư?”, người đồng nghiệp đáp lại.

“Đúng. Cả ở cơ quan kia cũng vậy”, chuyên viên phân tích này viết, ám chỉ CIA.

Cuộc trò chuyện sau đó chuyển sang chủ đề những gì có thể xảy ra nếu chính quyền Trump phát hiện ra các chi tiết về cuộc điều tra thông qua một vụ rò rỉ thông tin cho báo chí.

“Chỉ nghĩ là nếu vụ đó mà lộ ra… và rồi đến ngày 2 tháng 1… [Bộ trưởng Tư pháp] mới có thể đặt một số câu hỏi… rồi vân vân và vân vân… tất cả chúng ta sẽ đều gặp rắc rối”, một trong hai chuyên viên phân tích viết, người này có danh tính không xác định trong các tài liệu.

“Tôi không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra ngay bây giờ, nhưng chẳng may… đây có thể là 4 năm rất khó lường”, chuyên viên phân tích này bổ sung thêm.

Hai chuyên viên phân tích kể trên đang tham gia vào cuộc điều tra về cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump, Trung tướng Michael Flynn, theo một tài liệu bổ sung được nộp trong vụ Flynn vào ngày 24 tháng 9.

Các tin nhắn văn bản khác giữa các nhà phân tích cho thấy cả hai đều thừa nhận rằng không có gì rõ ràng được tìm thấy trong cuộc điều tra Flynn. Bộ đôi sau đó bày tỏ sự bực tức khi vụ việc được yêu cầu để ngỏ sau cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 5 tháng 1, trong đó Tổng thống Barack Obama đích thân thảo luận về vụ Flynn với Giám đốc FBI James Comey.

“Vậy vụ lưỡi dao sẽ tiếp tục được điều tra??”, một trong hai chuyên viên phân tích viết, đề cập đến vụ Oanh tạc lưỡi dao (Crossfire Razor), mật danh của cuộc điều tra Flynn.

“Đúng. Báo cáo hồ sơ tội phạm đang được soạn thảo”, chuyên viên phân tích kia trả lời.

Một trong những chuyên viên phân tích sau đó đã viết rằng các quan chức FBI đang “tranh giành thông tin để chứng minh một số thứ nhất định và đó giống như một nhà thương điên”.

“Những tài liệu này cung cấp thông tin mà các đặc vụ và những người khác ở cấp cao nhất của Bộ Tư pháp và FBI đã biết từ lâu; thông tin đã được Cố vấn Đặc biệt và FBI che giấu từ lâu”, nhóm bào chữa của Flynn đã viết trong một tờ trình kèm theo bằng chứng mới. “Bằng chứng này cho thấy hành vi sai trái có chủ ý, thái quá của FBI và DOJ (Bộ Tư Pháp) — bày trò chơi trên số phận của một anh hùng dân tộc.”

Bộ Tư pháp đã yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc đối với Flynn sau khi phát hiện ra rằng FBI không có lý do gì để thực hiện cuộc phỏng vấn mà trong đó Flynn bị cáo buộc là đã nói dối các đặc vụ. Flynn sau đó đã nhận tội nói dối, nhưng rồi lại rút lại lời thú tội. Trong một bước ngoặt độc đáo, các công tố viên và bị đơn hiện đã đồng ý trong khi bất đồng với thẩm phán, người đã từ chối cho phép xóa bỏ cáo buộc [đối với Flynn] cho đến khi một bên thứ ba do tòa án chỉ định lập luận ủng hộ việc bác bỏ yêu cầu.

Ivan Pentchoukov

Hạ Thu biên dịch

https://etviet.com/us/tat-ca-chuyen-vien-phan-tich-fbi-va-cia-trong-cuoc-dieu-tra-bau-cu-tt-trump-da-mua-bao-hiem-trach-nhiem-nghe-nghiep.html

 

Nỗ lực mở lại kinh tế, Mỹ sắp phát 150 triệu

bộ xét nghiệm COVID nhanh

Tổng thống Donald Trump ngày 28/9 loan báo chính phủ liên bang Mỹ sẽ gửi 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID tới các tiểu bang để mở lại trường học và bảo đảm an toàn cho các trung tâm chăm sóc người cao niên.

“Việc này sẽ hơn gấp đôi số xét nghiệm đã làm,” ông nói khi loan báo kế hoạch tại Vườn Hồng Toà Bạch Ốc.

Tổng thống cho biết 50 triệu bộ xét nghiệm sẽ được đưa tới ‘các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất’ trong đó có các viện dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc sức khoẻ cho người cao niên.

Vẫn theo lời ông, 100 triệu bộ xét nghiệm còn lại sẽ được giao cho các tiểu bang và lãnh thổ của Mỹ để ‘hỗ trợ nỗ lực mở lại nền kinh tế và trường học lập tức và nhanh nhất có thể.’

Bộ xét nghiệm nhanh do hãng Abbott sản xuất cho kết quả t rong vòng 15 phút.

https://www.voatiengviet.com/a/n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-m%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%AFp-ph%C3%A1t-150-tri%E1%BB%87u-b%E1%BB%99-x%C3%A9t-nghi%E1%BB%87m-covid-nhanh-/5601090.html

 

Canada-Covid-19: Québec và Montréal

đóng cửa hàng quán trong một tháng

Trọng Thành

Lo ngại trước đà dịch bệnh Covid-19 tăng vọt vượt tầm kiểm soát, chính quyền hai thành phố lớn nhất của bang Québec (Canada), quyết định đóng cửa toàn bộ các hàng quán, bảo tàng, thư viện, rạp hát trong vòng một tháng, kể từ ngày 01/10/2020. Thủ hiến bang Québec thừa nhận đây là một quyết định khó khăn.

Quyết định đóng cửa bị giới chủ nhà hàng phản đối mạnh. Thông tín viên Pascale Guéricolas tường trình từ Québec:

« Tôi muốn nói với quý vị là tôi buồn vì việc này ». Thủ hiến Québec, ông François Legault, biết rất rõ là việc đóng cửa các hàng quán, các rạp hát lần thứ hai trong năm có nguy cơ dẫn đến hàng loạt vụ phá sản. Tuy nhiên, lãnh đạo Québec đã phải đưa ra quyết định này để cố gắng ngăn chặn dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại các thành phố chính của bang Québec, kể từ khi kết thúc mùa hè đến nay. 

Ngược hẳn lại với hồi mùa xuân, đợt dịch lần này không bỏ qua bất cứ vùng nào tại Québec, theo lời của ông Horacio Arruda, người phụ trách Y Tế bang : ‘‘Dịch bệnh ở khắp nơi. Điều nguy hiểm là lầm tưởng rằng tình hình ở khu vực của bạng là yên ổn hơn nơi khác. Không, virus sẽ tấn công bạn từ phía sau’’. 

Chính quyền hy vọng hãm lại đà lây nhiễm, với việc yêu cầu người dân Montreal và cư dân vùng Québec ở trong nhà, không tiếp khách.

Tuy nhiên, các chủ quán bar và hiệu ăn, vốn đã tuân thủ quyết định của cơ quan y tế mở lại hàng quán kể từ tháng 6, không đồng ý với mệnh lệnh đóng cửa lần này, như một chủ hiệu ăn trả lời phỏng vấn đài Radio-Canada. Ông nói : ‘‘Đó không phải là vấn đề. Vấn đề không phải là từ nhà hàng của tôi, cũng không phải là tại 95% các hàng quán. (Nguyên nhân chính là do) các công viên chật người’’.

Chính quyền Québec đặt kỳ hạn đến ngày 28/10 để đánh giá lại tình hình ở Québec và Montréal.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-canada-covid-qu%C3%A9bec-montr%C3%A9al-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-h%C3%A0ng-qu%C3%A1n-trong-m%E1%BB%99t-th%C3%A1ng

 

Hội Đồng Bảo An họp khẩn

về tình hình Thượng Karabakh

Trọng Thành

Azerbaijan và Armenia bên bờ vực chiến tranh. Đụng độ vũ trang bùng phát trong kỳ nghỉ cuối tuần tại Thượng Karabakh. Đây là vùng lãnh thổ ly khai khỏi Azerbaijan, nơi đa số dân cư là người Armenia. Hôm nay, 29/09/2020, Hội Đồng Bảo An họp khẩn.

Hãng tin AFP cho hay, Hội Đồng Bảo An quyết định họp kín vào 21 giờ, giờ quốc tế, để bàn về tình hình Thượng Kabarakh, theo yêu cầu của nhiều nước châu Âu. Estonia, quốc gia thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, ngay từ hôm Chủ Nhật đã đưa ra đề nghị này. Sáng kiến được Pháp, Anh và Đức hậu thuẫn. Theo các nguồn tin ngoại giao, Hội Đồng Bảo An có thể sẽ ra tuyên bố chung sau cuộc họp. Trong trường hợp không đạt đồng thuận, nhóm các thành viên châu Âu của Hội Đồng Bảo An sẽ ra tuyên bố riêng.

Tính cho đến hôm nay, đụng độ vũ trang giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng ly khai ở vùng Thượng Kabarakh, được Armenia hậu thuẫn, đã khiến ít nhất 95 người chết, trong đó có 11 thường dân, 8 người phía Azerbaijan và 2 người phía Armenia. Đụng độ hiện nay được coi là đẫm máu nhất giữa hai bên kể từ năm 2016. Hôm Chủ Nhật, 27/09, Armenia ra lệnh tổng động viên, Azerbaijan tuyên bố đặt đất nước trong tình trạng chiến tranh, và thiết quân luật tại thủ đô Bakou.

Ít giờ trước cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, quân đội Azerbaijan tổ chức phản công. Theo bộ Quốc Phòng Azerbaijan, chiến sự diễn ra ác liệt suốt đêm hôm qua, và sáng hôm nay, 29/09, quân đội nước này đã chiếm lại được các vị trí bị mất, tiêu diệt 10 binh sĩ, phá hủy 4 xe tăng và một xe thiết giáp của đối phương.

Tình hình tại vùng Kavkaz sẽ có thể trở nên bất ổn hơn, nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga can thiệp. Hôm qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng kêu gọi Armenia chấm dứt « chiếm đóng vùng Thượng Kabarakh ». Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Azerbaijan, quốc gia đa số dân cư theo hệ phái Hồi giáo Shia. Tiếng Azerbaijan là ngôn ngữ bà con với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%A3o-an-h%E1%BB%8Dp-kh%E1%BA%A9n-v%E1%BB%81-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh

 

Covid-19: 1 triệu người trên thế giới đã chết

Số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu đã vuợt qua 1 triệu người, theo một nghiên cứu.

Tranh luận Trump-Biden: Hai võ sĩ già đang tìm cách hạ gục đối thủ

TQ hành động quyết liệt với Đài Loan do thiếu lương thực?

Đại học Johns Hopkins của Hoa Kỳ cho rằng số ca tử vong tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ chiếm gần một nửa của tổng số này.

Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ đau xót.

“Họ là người bố bà mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn bè. Nỗi đau nhân gấp nhiều lần vì sự dã man của bệnh.”

Con số 1 triệu người đưa ra, gần 10 tháng sau khi tin tức đầu tiên về virus corona lan ra từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Tại Việt Nam, ngày 29/9, chính phủ cho hay phát hiện 17 người nhiễm virus, đều là các ca nhập cảnh từ Nga về, được cách ly ngay tại Bạc Liêu, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngày 26/9, 17 bệnh nhân về từ Liên bang Nga trên chuyến bay QH9495 và nhập cảnh tại Sân bay Cần Thơ. Sau đó được chuyển đến tỉnh Bạc Liêu cách ly tập trung tại 2 khu (A,B) của Ký túc xá sinh viên Bạc Liêu và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu bệnh phẩm ngày 27/9.

Hoa Kỳ có số ca tử vong cao nhất, 205.000, theo sau là Brazil, 141.700 và Ấn Độ, 95.500 người chết.

Tại Hoa Kỳ, có hơn 7 triệu ca nhiễm, chiếm hơn một phần năm tổng số ca trên thế giới.

Đi tìm vaccine

Trên thế giới hiện có chừng 240 nỗ lực tìm kiếm vaccine, trong đó có chín loại đang thử trên người.

Cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) đã cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại nước này các loại vaccine của hãng AstraZeneca phối hợp phát triển với trường Đại học Oxford của Anh; Sinovac của Trung Quốc và một loại vaccine từ châu Âu do tập đoàn Johnson & Johnson phát triển.

Chính phủ Việt Nam nói các đơn vị trong nước sẽ tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vaccine trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế Việt Nam đã đăng ký mua vaccine của Nga và Anh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54344029

 

Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới hứa

dành 120 triệu bộ xét nghiệm cho nước nghèo

Mai Vân

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) vào hôm qua, 28/09/2020 đã cam kết là các quốc gia nghèo nhất trên thế giới sẽ có thể được nhận 120 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 loại nhanh và giá rẻ trong vòng 6 tháng tới đây.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Genève (Thụy Sĩ), tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định đã đạt được thỏa thuận trên vấn đề này, đã bắt đầu có một phần tài trợ, nhưng cần được chi viện thêm để có thể thanh toán toàn bộ chi phí mua các xét nghiệm đó.

Theo AFP, hiện thời giá mỗi bộ xét nghiệm nhanh là 5 đô la, nhưng WHO và các đối tác nhấn mạnh rằng giá cả sẽ rẻ hơn so với mức hiện tại.

Lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết là loại xét nghiệm nhanh này sẽ cho kết quả trong vòng từ 15 đến 30 phút, thay vì nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều ngày như các loại xét nghiệm truyền thống. Một ưu điểm khác là giá hạ hơn và dùng đến những thiết bị bớt tinh vi hơn.

Nhược điểm là loại xét nghiệm này nhìn chung không chuẩn xác bằng các bộ xét nghiêm truyền thống, nhưng sẽ cho phép mở rộng xét nghiệm, đặc biệt ở những nơi hẻo lánh hoặc thiếu cơ sở cũng như nhân viên xét nghiệm.

Theo WHO, các bộ xét nghiệm này sẽ được cung cấp cho 133 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong lúc Tổ Chức Y Tế Thế Giới đang tìm nguồn tài chính để cung cấp các bộ xét nghiệm cho các nước nghèo thì tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua đã công bố kế hoạch phân bổ 150 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh cho các bang Mỹ vào cuối năm nay.

Trong tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump thúc giục thống đốc các bang sử dụng những bộ xét nghiệm này để mở cửa lại các trường học.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-covid-19-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-y-t%E1%BA%BF-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BB%A9a-d%C3%A0nh-120-tri%E1%BB%87u-b%E1%BB%99-x%C3%A9t-nghi%E1%BB%87m-cho-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngh%C3%A8o

 

Quan ngại bản án Đồng Tâm, 64 Nghị sĩ EU

đề xuất kích hoạt điều khoản nhân quyền

để đình chỉ EVFTA

Quan ngại về hai bản án tử hình trong vụ án Đồng Tâm, hơn 60 Nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) vừa gửi một bức thư chung yêu cầu các ủy ban áp dụng các công cụ trong Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam. Bức thư chung cũng lên tiếng vụ nhà báo Phạm Chí Dũng bị chính quyền bắt giam gần một năm qua chỉ vì đã liên lạc với EU.

Ngày 25/9, 64 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã ký chung một bức thư gửi đến Cao Ủy Thương mại, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh, đồng thời gửi đến Chủ tịch Nghị viện và các cơ quan hữu quan, nêu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có vụ án Đồng Tâm.

Bức thư có đoạn: “Việc thường xuyên cưỡng chiếm đất thường là nguyên nhân sâu xa của bạo lực. Nó đã gây ra sự kiện bi thảm ở Đồng Tâm vào tháng 1 năm nay. Công an đã tấn công bằng vũ lực quá mức vào ngôi làng nơi các dân làng khiếu nại về việc tịch thu đất bất hợp pháp. Một số bị cáo khai rằng họ đã bị buộc phải thú tội dưới sự tra tấn. Hai người đã bị kết án tử hình, và hàng chục người khác bị kết án.”

“Sau khi bị bắt tạm giam, những người bị buộc tội chính trị hoặc các vấn đề nhạy cảm như vụ đụng độ Đồng Tâm, không được liên hệ hoặc không có liên hệ thật sự có ý nghĩa với luật sư và gia đình của họ. Họ thường là đối tượng của bạo lực đánh đập, tra tấn hoặc đối xử tệ bạc khác, và các phiên tòa xét xử họ một cách nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về tính khách quan, công bằng và độc lập của tòa án. Việc cưỡng bức thú tội trước ống kính truyền hình cũng thường xuyên xảy ra,” bức thư viết.

Bức thư cũng bày tỏ sự thất vọng của các nghị sĩ về phản hồi của chính quyền Việt Nam đối với việc bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào tháng 11/2019.

“Vụ ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt nam, bị bắt giam vì liên hệ với Nghị viện Châu Âu. Vụ bắt giữ này đã dẫn tới một bức thư của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu gửi Thủ tướng Việt Nam. Bức thư trả lời của Việt Nam là đáng thất vọng, nó không đề cập đến nội dung của vụ việc và so sánh những hạn chế về quyền tự do ngôn luận ở EU với những hạn chế ở Việt Nam.”

Trong bức thư, 64 nghị sĩ yêu cầu EU hãy sử dụng các công cụ của EVFTA để làm thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam, và hãy lưu ý Việt Nam “về khả năng đình chỉ một phần hoặc toàn bộ Hiệp định EVFTA” trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục thiếu tiến bộ về nhân quyền.

“Trong bối cảnh đáng lo ngại này và vì chúng tôi lo ngại tình hình sẽ tồi tệ hơn trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, tất cả các công cụ hiện có nên được sử dụng để kích hoạt những thay đổi đáng kể và tích cực về nhân quyền ở Việt Nam,” bức thư có đoạn.

XEM THÊM:

Hội thảo quốc tế vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Đan Mạch

Các nghị sĩ yêu cầu Nghị viện EU “tăng cường đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở các cấp cao nhất để yêu cầu họ thực hiện các bước cụ thể để giải quyết tình trạng nhân quyền ngày càng xấu đi trong nước, bao gồm việc khẩn cấp thả tất cả những người bị bỏ tù chỉ vì thực hiện ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến của họ, và cam kết thực hiện cải cách cụ thể Bộ luật Hình sự và các đạo luật đàn áp khác, tuân thủ các cam kết song phương và quốc tế, và nêu rõ hậu quả nếu không hành động.”

Ngoài ra, các nghị sĩ kêu gọi Nghị viện EU: Khẩn trương theo đuổi việc thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập; thành lập Nhóm cố vấn trong nước và cảnh báo các cơ quan chức năng của Việt Nam về bất kỳ sự can thiệp quá mức nào vào thành phần và hoạt động của Nhóm; Báo cáo với Nghị viện EU về hoạt động của Việt Nam để đạt được tiến bộ trong một loạt các vấn đề nhân quyền”.

Cuối thư, các Nghị viên đề xuất: “Nhắc nhở các đối tác Việt Nam của mình về mối liên hệ ràng buộc pháp lý giữa PCA (Hiệp định Đối tác và Hợp tác) và EVFTA, và khả năng kích hoạt điều khoản nhân quyền để đình chỉ một phần hoặc toàn bộ các giao dịch trong trường hợp các cơ quan chức năng của Việt Nam không đạt được tiến bộ.”

Bà Saskia Bricmont, một nghị viên trong nhóm 64 Nghị sĩ đồng ký tên trong thư, viết trên Twitter: “Dù Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, nhưng tình hình Nhân quyền Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn. Cùng với các thành viên khác trong Nghị viện, chúng tôi kêu gọi Liên minh Châu Âu hành động ngay!”

Nghị viện EU hiện có tất cả 705 nghị viên đến từ 27 quốc gia thành viên. Vào ngày 12/2/2020, Hiệp định EVFTA được Nghị viện EU phê chuẩn với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Bà Halena Hương Nguyễn, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam ở Đan Mạch, nêu nhận định với VOA:

“Các chính trị gia EU muốn dùng các điều khoản trong Hiệp định EVFTA để ra điều kiện.

“Vì họ là những người bên trong Nghị viên EU nên họ dễ dàng đặt điều kiện hơn.

“Vấn đề là nếu nhà cầm quyền Việt Nam không đáp ứng được các đòi hỏi trong Hiệp định thì Nghị viện EU sẽ phải làm gì? Đó là một vấn đề lớn mà các chính trị gia sẽ phải làm việc!”

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hoàng Hải ở Bỉ nêu nhận định với VOA:

“Các nghị sĩ trong EU đã chuẩn bị các biện pháp để đưa ra Nghị viện EU sau khi họ nắm được thông tin bản án Đồng Tâm.

“Hiệp định EVFTA được phê chuẩn có những điều khoản về điều kiện nhân quyền mà nay họ nghĩ đã đến ngưỡng để có thể dẫn đến tạm ngưng Hiệp định.

“Các nghị sĩ nghĩ rằng EU có thể có những hành động cứng rắn nhất để tạm ngưng Hiệp định. Tất nhiên, đây chỉ là một số ý kiến của một nhóm các nghị sĩ và cần chờ xem ý kiến này sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm sự ủng hộ trong Nghị viện.”

“Hiện tại EU có quá nhiều ưu tiên cho Việt Nam nên khó mà có thể đưa ra một biện pháp trừng phạt cứng rắn ngay tại thời điểm này nhưng sau đó họ sẽ ghi vào sổ đen,” ông Hải cho biết thêm.

Ngày 18/09, EU đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về việc Việt Nam tuyên hai án tử hình trong vụ án Đồng Tâm ngày 14/9 và kêu gọi Hà Nội hoãn áp dụng hai bản án tử hình này.

Nhận định về việc Việt Nam đưa ra hai bản án tử hình trong vụ án Đồng Tâm, ông Hải nói:

“Hai bản án tử hình có lẽ là nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra dưới hình thức mặc cả: đưa ra giá cao rồi để cho mặc cả là vừa.

“Chứ còn trong thời đại ngày nay, một bản án tử hình sẽ bị chống đối rất nhiều từ các đối tác thương mại của Việt Nam, trong đó có EU.

“Tôi nghĩ không dại gì mà nhà nước Việt Nam sẽ giữ nguyên hai án tử hình đó.”

https://www.voatiengviet.com/a/quan-ngai-ban-an-dong-tam-64-nghi-si-eu-de-xuat-kich-hoat-dieu-khoan-nhan-quyen-de-dinh-chi-evfta/5601840.html

 

Tại Litva, TT Pháp kêu gọi hợp tác với Nga

Trọng Thành

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang công du Litva. Trong cuộc hội kiến với đồng nhiệm Litva Gitanas Nauseda tối hôm qua, 28/09/2020, nguyên thủ Pháp đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ giữa Liên Âu và Matxcơva. Hôm nay, 29/09, tổng thống Macron có cuộc gặp với lãnh đạo đối lập Belarus, hiện đang lưu vong tại Litva.

Đối với Litva, chuyến công du của tổng thống Pháp là một sự kiện lịch sử, bởi chuyến viếng thăm trước đó của một nguyên thủ Pháp là vào năm 2001. Lãnh đạo Pháp có bài diễn văn ca ngợi con đường dài mà Litva, nước cộng hòa Liên Xô cũ, đã trải qua, kể từ khi giành được độc lập cách nay 30 năm. Tuy nhiên, thông điệp chính mà lãnh đạo Pháp muốn chuyển tới đồng nhiệm Litva trong chuyến công du này, là bằng mọi cách, phải hợp tác với Matxcơva. Nỗ lực đối thoại với Nga là chủ trương mà tổng thống Pháp khởi xướng cách nay một năm. Tổng thống Macron giải thích :

« Nếu chúng ta muốn xây dựng hòa bình bền vững trên lục địa châu Âu, chúng ta cần phải làm việc với Nga, bởi chúng ta và nước Nga cùng chia sẻ một lịch sử chung, một môi trường địa lý chung, và đôi khi đó cũng là một lịch sử đau thương. Giờ đây, chúng ta không thể làm như thể là châu Âu là một ốc đảo xa cách với nước Nga. Quan hệ láng giềng này đòi hỏi một nỗ lực mang tính chiến lược ».

Tổng thống Pháp gặp lãnh đạo đối lập Belarus

Phong trào tranh đấu dân chủ tại Belarus bị đàn áp là một chủ đề lớn khác trong chuyến công du vùng Baltic của tổng thống Macron. Thông tín viên Marielle Vitureau từ Vilnius :

« Tổng thống Pháp là lãnh đạo cao cấp nhất của phương Tây gặp gỡ lãnh đạo đối lập Belarus. Tổng thống Macron đã có cuộc nói chuyện dài với nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaia.

Sau cuộc nói chuyện, lãnh đạo đối lập Belarus tỏ ra an tâm và tin tưởng. Bà cho biết : ‘‘Ông ấy đã hứa với chúng tôi là sẽ làm mọi thứ để hỗ trợ chúng tôi trong các thương thuyết. Ông ấy cũng cho chúng tôi biết giai đoạn hiện nay là đặc biệt quan trọng. Hiện đã có quá nhiều người phải đau khổ vì chế độ này, quá nhiều người bị bỏ tù. Ông ấy cũng hứa sẽ làm tất cả để giúp cho việc trả tự do cho toàn bộ các tù nhân chính trị’’. 

Đối với ông Franak Viaciorka, cố vấn ngoại giao của lãnh đạo đối lập, việc Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu – OSCE đứng ra làm môi giới cũng là một giải pháp, nhưng cần phải thuyết phục được tổng thống Loukachenko chấp nhận.

Trả tự do cho những người bị giam giữ, tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới, đây là hai điểm mà tổng thống Pháp và đối lập Belarus đã thống nhất. Họ cũng nhìn về tương lai xa hơn, khởi đầu với sự hỗ trợ kinh tế mà nước Pháp có thể giúp Belarus, trên con đường hướng đến chế độ dân chủ ».

Hôm nay, sau cuộc gặp tổng thống Pháp, lãnh đạo đối lập Belarus cho hãng tin AFP biết là bà đã nhận lời mời phát biểu trước Quốc Hội Pháp.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-t%E1%BA%A1i-litva-tt-ph%C3%A1p-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-v%E1%BB%9Bi-nga

 

Tin tặc: Pháp, Litva và Latvia đề nghị

kế hoạch bảo vệ bầu cử tại châu Âu

Mai Vân

Pháp, Litva và Latvia đã đề nghị với Liên Hiệp Châu Âu một kế hoạch chống tin tặc, thông tin thất thiệt nhằm bảo vệ các cuộc bầu cử ở châu Âu.Trong cuộc họp báo chung tại Vilnius, thủ đô Lítva vào hôm qua, 29/09/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Lítva  Gitanas Nauseda đã thông báo tin trên.

Trong lúc Nga thường xuyên bị các nước phương Tây tố cáo can thiệp trên mạng vào các cuộc vận động tranh cử, hai tổng thống Pháp và Litva cùng với thủ tướng Latvia Artur Krinsjanis Karins đã ra một thông cáo chung yêu cầu thành lập một cơ chế bảo vệ bầu cử, bảo đảm tính chất hoàn toàn minh bạch của các quảng cáo chính trị, đồng thời nghiêm cấm một cách chặt chẽ hơn việc các thế lực bên ngoài tài trợ các đảng chính trị châu Âu.

Theo nội dung bản thông cáo chung được Điện Elysée cung cấp, để chống tin tặc chẳng hạn, 3 quốc gia yêu cầu thành lập một cơ chế chung để bảo vệ bầu cử, chống lại các hành động xâm nhập mạng, sử dụng đến một đội ngũ « chuyên gia từ các nước có thể được phái đến trợ giúp mọi quốc gia thành viên có yêu cầu hỗ trợ để bảo vệ hệ thống bầu cử của mình ».

Còn trong lãnh vực chống tin đồn thất thiệt, ba nước Pháp, Litva và Latvia chủ trương là Liên Hiệp Châu Âu thiết lập một khuôn khổ pháp quy bao gồm các chuẩn mực và nghĩa vụ chung mà các mạng trực tuyến phải tuân thủ.

Loạt đề nghị công bố hôm qua nhằm đóng góp vào bản « kế hoạch hành động vì dân chủ » mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết đưa ra để bảo vệ các nền dân chủ châu Âu, chống lại « mọi ảnh hưởng từ bên ngoài ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200929-tin-t%E1%BA%B7c-ph%C3%A1p-litva-v%C3%A0-latvia-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Mạng 5G: Pháp trên chuyến tầu cuối

Minh Anh

Ngày 29/09/2020, chính phủ Pháp chính thức rao bán đợt một mạng 5G với phổ sóng từ 3,4-3,8GHz. Nhưng trước ngày khai mạc, tranh cãi dấy lên dữ dội tại Pháp giữa những người « nghi kỵ » và phe ủng hộ công nghệ mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, Pháp đang chậm trễ, nếu không bắt kịp chuyến tầu cuối này, đất nước có nguy cơ trở thành dạng « một nước “tự trị” của Mỹ hay là Trung Quốc ».

Sử dụng một phần phổ sóng trong khoảng từ 3,4 đến 3,8 GHz, công nghệ 5G mang đến một dải băng tần rộng hơn công nghệ 4G và cho phép một lưu lượng chuyển tải dữ liệu nhanh hơn đến gấp 10 lần. Tuy nhiên, đây chỉ mới là một sự khởi đầu. Công nghệ 5G sẽ còn cho thấy rõ sức mạnh của mình nhiều hơn khi dải băng tần 26GHz, dự kiến được đưa vào sử dụng năm 2023 tại Pháp.

Theo quan điểm của phe chủ trương công nghệ mới, mạng 5G được cho là chứa đựng nhiều hứa hẹn cho một cuộc cách mạng công nghiệp chẳng hạn như các vật dụng có kết nối. Việc có thể phân tích các dữ liệu tại một thời điểm thực tại cho phép xây dựng nhà xưởng hay kho bãi tự động hóa, cải thiện việc bảo trì các trang thiết bị, tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, hay nghĩ ra những thành phố « thông minh » có khả năng tối đa hóa các cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông trên bộ…)

Lập trường này đã không được một bộ phận người dân và giới chính trị tại Pháp tán đồng. Những người thuộc phe « nghi kỵ » cho rằng sóng mạng 5G có hại cho sức khỏe cộng đồng. Bởi vì, năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về bệnh ung thư từng xếp các tần sóng âm trong khoảng từ 30kHz – 300 GHz vào diện yếu tố có thể gây bệnh ung thư cho con người.

Vẫn theo phe chống, công nghệ mạng 5G là một nền công nghệ có hại cho môi trường. Lập trường này của phe nghi kỵ càng được củng cố khi ông Olivier Roussat, chủ tịch hãng viễn thông Bouygues Telecom, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Điều chỉnh Lãnh thổ và Phát triển Bền vững khẳng định : « Sau năm đầu tiên triển khai, tiêu thụ năng lượng của tất cả các hãng khai thác sẽ còn tăng lên đáng kể ».

Mặt khác, đối với phe chống, 5G sẽ chẳng có ích gì cho người tiêu dùng, ngoài việc « cho phép xem phim khiêu dâm có độ phân giải cao trong thang máy hay chỉ để kiểm tra xem có còn hũ yaourt nào trong tủ lạnh hay không » như lời chỉ trích đầy khiêu khích của ông Eric Piolle, thị trưởng thành phố Grenoble thuộc đảng Xanh.

Về điểm này, giới chuyên gia nhìn nhận công nghệ mới 5G đúng là chỉ giúp cải thiện dịch vụ hiện có đối với công chúng và giải tỏa bớt áp lực tình trạng quá tải mạng viễn thông hiện nay. Theo các dữ liệu từ Cơ Quan Điều Phối Viễn Thông Điện Tử Pháp, tiêu thụ dữ liệu của người sử dụng tăng đều 40% mỗi năm.

Tuy nhiên, với chính phủ tổng thống Macron, nước Pháp đang chậm trễ trong cuộc đua công nghệ này. Thế hệ mạng viễn thông mới này là thiết yếu, mang tính chiến lược cho tính cạnh tranh của nước Pháp. Quốc vụ khanh phụ trách mảng Kỹ thuật số, ông Cedric O cảnh báo Pháp không thể bỏ qua mạng 5G, nếu « muốn tái di dời các hoạt động sản xuất mang tính chiến lược và tái vũ trang nền kinh tế đất nước ».

Không có 5G, Pháp sẽ bị tụt hậu và mất đi tính hấp dẫn so với những nước được trang bị tốt hơn. Hậu quả là các nhà xưởng có nguy cơ sẽ di dời sang những nước khác để tận dụng bước vọt kỹ thuật do 5G mang lại. Do vậy, đối với bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire, đây còn là « một thách thức về tính cạnh tranh và chủ quyền công nghệ » của đất nước.

Cuối cùng đối với chính phủ Pháp, việc rao bán các băng tần sóng 5G sẽ mang về một nguồn thu đáng kể 2,17 tỷ euro trong lúc ngân quỹ đang bị thâm hụt ngày càng nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh virus corona chủng mới gây ra.

Le Monde dẫn phân tích của Idate, Viện nghiên cứu chuyên ngành, cho rằng « Nước Pháp phải tăng tốc nếu như nước này không muốn trở thành một nước tự trị của Mỹ hay Trung Quốc ».

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200929-m%E1%BA%A1ng-5g-ph%C3%A1p-tr%C3%AAn-chuy%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A7u-cu%E1%BB%91i

 

Xung đột khốc liệt nhất

giữa Armenia – Azerbaijan kể từ năm 1990

Triệu Hằng

Hình ảnh trong đoạn phim được phát hành ngày 28/9 từ Bộ Quốc phòng Azerbaijan qua Reuters, cho thấy các thành viên của lực lượng vũ trang Azeri nã pháo trong cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan trên lãnh thổ Nagorno-Karabakh ở một địa điểm không xác định.

Căng thẳng giữa hai quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết tái bùng phát, liên quan vùng Nagorno – Karabakh. Nga kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hỗ trợ Azerbaijan.

Reuters đưa tin, tình trạng giao tranh tại vùng Nagorno – Karabakh đã leo thang mạnh trong hôm thứ Hai (28/9) giữa người Azerbaijan và người thiểu số Armenia ở đây, ít nhất 55 người đã thiệt mạng trong

ngày thứ hai tiếp diễn của một cuộc đụng độ nặng nề, gây lo ngại bất ổn tái bùng phát tại vùng Caucasus giữa 2 quốc gia đã có quan hệ căng thẳng kéo dài một phần tư thế kỷ.

Nagorno – Karabakh, còn được biết với tên gọi Cộng hòa Artsakh, là một khu vực nằm trên lãnh thổ Azerbaijan với tuyệt đại đa số là người gốc Armenia sinh sống. Vùng đất này nằm giáp với Armenia và thường xuyên nhận sự hỗ trợ từ Armenia.

Xung đột nổ ra từ ngày 27/9 tại khu vực tranh chấp, hai bên đã nã tên lửa và pháo vào nhau, với nhiều xe tăng và máy bay được huy động vào cuộc chiến.

“Đây là một cuộc chiến sống – chết”, hãng Reuters dẫn lời Arayik Harutyunyan, người đứng đầu khu vực Nagorno – Karabakh nói trong một cuộc họp.

Theo Reuters, bất kỳ động thái nào dẫn đến chiến tranh tổng lực đều có thể kéo theo các cường quốc khu vực là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào. Nga hiện có quan hệ đồng minh quân sự với Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan.

“Chúng ta đã không chứng kiến kiến bất kỳ thứ gì như thế này kể từ thỏa thuận ngừng bắn từ những năm 1990. Giao tranh đang diễn ra dọc tất cả các khu vực của chiến tuyến”, nhà phân tích Olesya Vartanyan, chuyên khu vực Nam Caucasus, tại Nhóm Khủng hoảng (Crisis Group), một tổ chức phi chính phủ, bình luận, Reuters dẫn lời.

Phía Nagorno – Karabakh cho biết, 53 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với lực lượng Azeri hôm thứ Hai (28/9), và 31 binh sĩ đã thiệt mạng hôm Chủ nhật (27/9) và 200 người bị thương trong khi bị phía Azerbaija tấn công.

Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), Nagorno – Karabakh, nguồn cơn của mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan, là một vùng đất đồi núi và nhiều rừng rậm. Đây là khu vực mà cả Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố chủ quyền. Vào những năm 1920, chính phủ Xô Viết đã thành lập khu tự trị Nagorno – Karabakh, nơi có 95% dân số là người sắc tộc Armenian – trong Azerbaijan.

Reuters thông tin, thời điểm nổ ra các cuộc đụng độ đầu tiên ở khu vực giữa đa số tín hữu Kito Armenia và các láng giềng sắc tộc Azeri ở Nagorno – Karabakh là vào cuối những năm 1980, khi đảng Cộng sản Liên Xô ở Moscow bắt đầu tan rã.

Theo CFR, vào năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno – Karabakh bỏ phiếu sáp nhập khu vực với Armenia mặc dù vị trí của khu vực này là nằm trong biên giới Azerbaijan. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, khu tự trị chính thức tuyên bố độc lập. Chiến tranh nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan trong khu vực, khiến khoảng 30.000 người thương vong và hàng trăm ngàn người phải sơ tán tị nạn. Đến năm 1993, Armenia kiểm soát Nagorno – Karabakh và chiếm 20% lãnh thổ Azerbaijan xung quanh. Năm 1994, dù đạt thỏa thuận ngừng bắn dưới sự hòa giải của các nước Nga, Mỹ và Pháp, tiến trình hòa đàm vẫn bế tắc và các vụ đụng độ thường xuyên xảy ra tại Nagorno – Karabakh, và dọc biên giới Armenia và Azerbaijan.

Vào tháng 4/2016, hai bên đụng độ tại Nagorno – Karabakh làm chết khoảng 110 người, và đây là cuộc xung đột khốc liệt nhất sau thỏa thuận ngừng bắn. Một vụ đụng độ khác mới xảy ra vào tháng 7 khiến ít nhất 17 binh sĩ thuộc 2 bên thiệt mạng.

Đài Al Jazeera cho biết, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lên án “sự xâm lược” của Armenia đối với Azerbaijan và kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa hai nước.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi “nhất thiết phải ngừng ngay lập tức các cuộc giao tranh và nối lại các cuộc đàm phán mà không điều kiện tiên quyết”, theo UN.

Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Nga, Iran và các cường quốc châu Âu khác đã kêu gọi chấm dứt thù địch và khởi động các cuộc đàm phán.

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức họp khẩn theo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorny – Karabakh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/xung-dot-khoc-liet-nhat-giua-armenia-azerbaijan-ke-tu-nam-1990.html

 

Ả rập Xê út loan báo phá vỡ

tổ khủng bố do Iran huấn luyện

Ả rập Xê út ngày 28/9 loan báo trong tháng này đã phá vỡ một tổ khủng bố được Vệ binh Cách mạng Iran huấn luyện, bắt 10 người và tịch thu vũ khí cùng chất nổ.

Phát ngôn viên của người đứng đầu an ninh quốc gia nói với truyền thông nhà nước rằng 3 trong số những người bị bắt được huấn luyện tại Iran trong khi số còn lại “có liên hệ với tổ này trong những vai trò khác nhau.”

Các thành viên của ổ nhóm đó “nhận được huấn luyện quân sự và huấn luyện trên thực địa, trong đó có cách chế tạo chất nổ, bên trong những địa điểm của Vệ binh Cách mạng tại Iran” trong vài tuần hồi cuối năm 2017, ông nói.

Nguồn tin này cho biết vũ khí và chất nổ được tịch thu tại hai nơi: một ngôi nhà và một trang trại tại Ả rập Xê út, nước xuất khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới và là đồng minh quan trọng của Mỹ.

Người Hồi giáo Sunni Ả rập Xê út và người Hồi giáo Shia Iran rơi vào một vài cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực, trong đó có Yemen.

Ryadh đổ lỗi cho Iran về cuộc tấn công phi đạn và máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở dầu hỏa của Ả rập Xê út hồi năm ngoái, một cáo buộc mà Tehran phủ nhận.

https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-x%C3%AA-%C3%BAt-loan-b%C3%A1o-ph%C3%A1-v%E1%BB%A1-t%E1%BB%95-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-do-iran-hu%E1%BA%A5n-luy%E1%BB%87n/5601526.html

 

Bắc Kinh yêu cầu Mỹ phải xin phép

 trước khi gặp quan chức Hồng Kông

Minh Nam

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 27/9 dẫn nguồn tin cho biết các nhà ngoại giao Mỹ phải được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng ý trước khi gặp các quan chức chính quyền hay nhân viên của các tổ chức giáo dục và xã hội của Hồng Kông.

SCMP dẫn một tài liệu nội bộ cho biết: “Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, người kế nhiệm hoặc bất kỳ nhân viên nào đại diện cho ông ấy, trước tiên phải được sự chấp thuận của Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, mới được phép đến thăm bất kỳ cơ sở chính quyền địa phương nào của Trung Quốc hoặc gặp gỡ nhân sự từ các cơ quan này”.

Quy định này áp dụng đối với tất cả các cuộc gặp chính thức và cá nhân, gồm cả trực tiếp hay trực tuyến.

Nghị viên Felix Chung Kwon-pan, lãnh đạo Đảng Tự do, nói với SCMP rằng Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông Hanscom Smith phải thông báo trước cho họ nếu muốn gặp thành viên các chính đảng ở thành phố. Nghị viên Chung cho biết thêm văn phòng phụ trách đối ngoại của Bắc Kinh tại Hồng Kông hai tuần trước đã thông báo rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ông gặp Tổng lãnh sự Hanscom Smith.

Ông Smith đã liên lạc với ông Chung 10 ngày trước để sắp xếp một cuộc gặp riêng bàn về những diễn biến mới nhất của Hồng Kông.

Quy định mới này của Bắc Kinh được xem là một biện pháp trả đũa việc Washington hạn chế quyền đi lại và hoạt động của giới ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ.

Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 2/9 thông báo các quan chức ngoaị giao Trung Quốc phải xin phép trước khi tới thăm các trường đại học ở Mỹ hoặc tổ chức sự kiện văn hóa bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện với quy mô từ 50 người trở lên.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-yeu-cau-my-phai-xin-phep-truoc-khi-gap-quan-chuc-hong-kong.html

 

‘Quá muộn để kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu

của Trung Quốc’

John Simpson

Ngải Vị Vị, nghệ sỹ, nhà làm phim, nhà bất đồng chính kiến hàng đầu Trung Quốc nói rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đã lớn đến mức không thể ngăn chặn một cách hiệu quả.

“Phương Tây lẽ ra nên lo lắng về Trung Quốc từ nhiều thập niên trước. Bây giờ đã quá muộn, bởi vì phương Tây đã xây dựng hệ thống hùng mạnh của mình ở Trung Quốc và chỉ cần cắt đứt nó, nó sẽ gây tổn thương sâu sắc. Đó là lý do tại sao Trung Quốc rất kiêu ngạo.”

Ngải Vị Vị chưa bao giờ kiềm chế khi nói về Trung Quốc. “Đó là một quốc gia cảnh sát,” ông nói.

Lo TQ tấn công Đài Loan – Mỹ, Nhật Bản tập trận trong dịp bầu cử 3/11

TQ hành động quyết liệt với Đài Loan do thiếu lương thực?

Máy bay chống tàu ngầm của TQ xuất hiện ngoài khơi Đài Loan

Ông Ngải là nghệ sĩ nổi tiếng đã thiết kế sân vận động Tổ chim cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nhưng gặp rắc rối nghiêm trọng sau khi ông lên tiếng phản đối chính phủ Trung Quốc. Cuối cùng, vào năm 2015, ông rời Trung Quốc để đến châu Âu. Ông ban đầu sống ở Berlin, và năm ngoái định cư ở Cambridge.

Ông Ngải tin rằng Trung Quốc ngày nay sử dụng sức mạnh kinh tế to lớn để áp đặt ảnh hưởng chính trị của mình.

Rõ ràng là Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn nhiều trong những năm gần đây.

Ảnh hưởng ngày càng tăng

Cho đến khoảng một thập niên trước, Trung Quốc đã trưng ra một bộ mặt khiêm tốn với thế giới. Khẩu hiệu chính thức của chính phủ là: “Hãy ẩn mình chờ thời”. Các bộ trưởng khẳng định Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và có nhiều điều để học hỏi từ phương Tây.

Sau đó Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ông trở thành Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 và Chủ tịch nước năm sau đó. Ông ta mang tới một giai điệu mới. Sự khiêm tốn cũ mờ dần, và có một khẩu hiệu khác: “Phấn đấu đạt thành tựu”.

Về mặt nào đó, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, với 250 triệu người dưới mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tất nhiên sẽ vượt qua Mỹ trong vòng một thập niên tới. Ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới ngày càng trở nên rõ ràng hơn, vào thời điểm mà quyền lực của Mỹ đã suy giảm rõ rệt.

Chính tôi đã nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng về sức mạnh chính trị ngày càng tăng và sự can dự của Trung Quốc trên khắp thế giới, từ Greenland và Caribe đến Peru và Argentina, và từ Nam Phi và Zimbabwe đến Pakistan và Mông Cổ.

Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Anh, Tom Tugendhat, gần đây đã cáo buộc Trung Quốc gây sức ép để Barbados phế truất Nữ hoàng trong vai trò người đứng đầu đất nước.

Ngày nay, Trung Quốc hiện diện đáng kể hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bất kỳ quốc gia nào thách thức lợi ích cơ bản của mình Trung Quốc đều phải chịu tổn hại.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Phố Downing, quan hệ Anh-Trung rơi vào tình trạng đóng băng. Và mới đây, khi người phát ngôn của Quốc hội Cộng hòa Séc đến thăm Đài Loan, một nhà ngoại giao hàng đầu đã cảnh báo rằng “Chính phủ và người dân Trung Quốc sẽ không ngồi yên khi đối mặt với sự khiêu khích công khai từ Chủ tịch Thượng viện Séc và các lực lượng chống Trung Quốc đứng sau lưng ông ta và phải để chúng phải trả giá đắt “.

Hàng loạt cuộc đối đầu

Tuy nhiên, Tổng biên tập có tầm ảnh hưởng lớn của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, Hồ Tích Tiến, bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Trung Quốc là kẻ bắt nạt quốc tế.

“Tôi muốn hỏi các quý vị, có khi nào Trung Quốc gây sức ép với bất kỳ quốc gia nào làm điều gì trái ý họ không? Chính Mỹ là nước tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt trên thế giới, đặc biệt là trừng phạt kinh tế đối với rất nhiều quốc gia. Quý vị có biết quốc gia nào bị Trung Quốc trừng phạt không?

“Chúng tôi đã bao giờ trừng phạt cả một quốc gia chưa? Chỉ trong những vấn đề cụ thể, chúng tôi mới bày tỏ sự không hài lòng và chỉ phản ứng khi đất nước của chúng tôi bị xúc phạm một cách công khai.”

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang tham gia vào các cuộc đối đầu giận dữ với hàng loạt quốc gia: Đài Loan, Úc, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ (mà Trung Quốc gần đây đã gây ra một cuộc giao tranh bạo lực ở biên giới), Anh và tất nhiên là Mỹ.

Ngôn ngữ mà Thời báo Hoàn cầu sử dụng đôi khi có thể nghe giống như những lời hùng biện tồi tệ nhất từ thời Mao Trạch Đông cũ.

Bản thân ông Hồ gần đây đã viết một bài xã luận mô tả Australia là “kẹo cao su dưới ủng của Trung Quốc”. Khi tôi hỏi ông ta về điều này, ông ta nói rằng chính phủ Úc hiện tại đã nhiều lần công kích và làm Trung Quốc khó chịu.

“Tôi thực sự cảm thấy chúng giống như một miếng kẹo cao su dính vào đáy giày của tôi. Tôi không thể rũ bỏ nó. Đó không phải là một cảm giác tốt đẹp. Tôi đã nói đó như một cách diễn đạt và tôi có quyền đưa ra ý kiến.”

Vấn đề Hong Kong

Ông Hồ là người thân cận với Chủ tịch Tập, và chúng ta có thể cho rằng ông ấy sẽ không nói những điều này trừ khi ông ấy biết mình có sự ủng hộ của giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Khi tôi hỏi ông ta quan điểm về Hong Kong, ông ta đã không kìm chế.

“Chính phủ Trung Quốc không phản đối dân chủ và tự do của Hong Kong, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa trên đường phố của người dân Hong Kong.

“Nhưng mấu chốt là họ phải ôn hòa … Chúng tôi ủng hộ thậm chí việc cảnh sát Hong Kong sử dụng vũ lực kiên quyết hơn để chống lại các cuộc biểu tình bạo lực.

“Nếu những người biểu tình bạo lực đe dọa tính mạng của cảnh sát, khi họ phóng những vật sắc nhọn, ném bom xăng hoặc cocktail Molotov vào cảnh sát, tôi tin rằng cảnh sát nên được phép sử dụng súng và họ nên nổ súng.”

Rất quyết liệt, và nếu cảnh sát Hong Kong thực sự bắt đầu bắn hạ những người biểu tình, việc sẽ dẫn đến một phản ứng quốc tế rất lớn.

Hầu hết các nhà quan sát nước ngoài cho rằng hành vi hung hăng của Trung Quốc trên thực tế ẩn chứa một lo lắng tiềm ẩn.

Đảng Cộng sản Trung Quốc không được bầu nên không có cách nào biết được nó có bao nhiêu sự ủng hộ thực sự ở đại lục. Nó không thể chắc chắn có thể sống sót sau một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng – chẳng hạn như một sự sụp đổ kinh tế lớn.

Chủ tịch Tập và các cộng sự của ông bị ám ảnh bởi ký ức về việc đế chế Liên Xô cũ đã biến mất như thế nào trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 1991, vì không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những người dân thường.

Ông Hồ không chấp nhận rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu. Ông nói, tranh chấp của Trung Quốc về cơ bản là với Mỹ. Ông nói rõ rằng các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump vào Trung Quốc có liên quan rất nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 và nỗ lực giành chiến thắng.

Thật vậy, sau cuộc bầu cử, bầu không khí có thể sẽ được cải thiện – bất kể ai là người thắng.

Trung Quốc quá lớn, quá ảnh hưởng trong cuộc sống của mọi người, khiến Mỹ và các đồng minh của họ luôn ở trong tình trạng thù địch thường trực với nước này.

Nhưng điều đó chỉ đơn giản củng cố cảnh báo của ông Ngải: rằng đã quá muộn để phương Tây tự bảo vệ mình trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/54336001

 

Mặt trái của đầu tư vào Trung Quốc:

Giúp Bắc Kinh xây dựng quân đội

và bức hại nhân quyền

Quý Khải

Khi Trung Quốc phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự, các nhà đầu tư toàn cầu và các doanh nghiệp hoạt động tại đại lục sẽ phải đối mặt với một tình thế khó xử, CNBC trích dẫn một nhà phân tích.

“Trung Quốc đang chuyển đổi sự tăng trưởng kinh tế của nó thành sức mạnh quân sự, và tôi nghĩ đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự cho những ai muốn đầu tư vào Trung Quốc. Bởi vì bạn phải hiểu chính xác những gì bạn đang đầu tư vào, và điều gì đang thực sự diễn ra ở đây”, Jonathan Ward, người sáng lập hãng tư vấn Atlas Organization, cho biết.

Atlas Organization là hãng tư vấn chiến lược về lĩnh vực cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc cho các doanh nghiệp và chính phủ.

Phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Jefferies khai mạc hai tuần trước, ông Ward cho biết có nhiều tập đoàn Trung Quốc – bao gồm những tập đoàn trong các ngành hàng không vũ trụ, công nghệ và xây dựng – được “hậu thuẫn bởi quân đội”.

Khi ranh giới giữa nhà nước và doanh nghiệp mờ đi, các nhà đầu tư sẽ khó biết được mức độ kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp tư nhân và mức độ độc lập của họ đến như thế nào.

Trung Quốc muốn sở hữu một quân đội hùng mạnh

Ông Ward cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên và hiện lớn hơn tất cả các nước láng giềng trong khu vực cộng lại. Ông trích dẫn báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về sự phát triển của quân đội Trung Quốc và cho biết lực lượng trên bộ của Trung Quốc, tương tự lực lượng hải quân, không quân và tên lửa, là một trong những lực lượng lớn nhất trên thế giới.

“Năm 2019, CHND Trung Hoa tuyên bố ngân sách quân sự hàng năm của họ sẽ tăng 6,2%, tiếp tục đà tăng chi tiêu quốc phòng thường niên trong hơn 20 năm và duy trì vị trí là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới”, theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020.

Ông Ward cũng chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rõ mục tiêu của đất nước ông là xây dựng một quân đội hùng mạnh có thể chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến.

“Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc hiện thực hóa viễn cảnh trẻ hóa của đất nước Trung Hoa và chúng ta cần xây dựng một quân đội hùng mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử”, ông Tập nói tại lễ kỷ niệm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

“Quân đội của chúng ta phải coi khả năng chiến đấu là tiêu chí cần đáp ứng trong mọi hành động của mình và tập trung vào cách giành chiến thắng khi được huy động”, ông Tập nói.

“Nhiều ngân hàng quốc tế lại đang tìm cách mở rộng hoạt động của họ ở Trung Quốc, bất chấp những thực tế địa chính trị này … Liệu (rủi ro chính trị) có thực sự được đánh giá một cách chuẩn xác – ngay cả ở các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp đầu tư?”

-Jonathan Ward, nhà sáng lập Atlas Organization

Ông Ward nói, Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng Mỹ là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Wu Qian đã nói vào đầu tháng 9 rằng:

“Nhiều bằng chứng trong nhiều năm cho thấy chính Mỹ mới là kẻ gây ra bất ổn trong khu vực, kẻ vi phạm trật tự quốc tế và kẻ hủy diệt hòa bình thế giới”.

Tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông đang có nhiều tranh chấp.

Trung Quốc đã làm dấy lên sự bất bình của các nước láng giềng như Philippines, Đài Loan và Việt Nam, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển nhiều tài nguyên này. Trung Quốc cũng đã hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ Hoa Kỳ, khi Mỹ gọi các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh là “hoàn toàn phi pháp”.

Tuần trước, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ tới Đài Bắc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cần phải được tái thống nhất với đại lục, thậm chí bằng vũ lực, đồng thời phản đối sự tham gia của Đài Loan vào các chính sách ngoại giao quốc tế.

Lầu Năm Góc cho biết các cuộc tập trận là một ví dụ khác về việc Trung Quốc sử dụng quân đội của mình như một công cụ mang tính cưỡng chế, theo Reuters.

“Vào cuối ngày, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng tất cả… sức mạnh công nghiệp của họ, tất cả những tiến bộ công nghệ của họ vào việc hiện đại hóa quân sự… được thiết kế cho các cuộc xung đột ở Thái Bình Dương – với các nước láng giềng của nó và với Mỹ – họ khá thẳng thắn về điều này”, ông Ward nói thêm.

Thế khó xử cho các doanh nghiệp Mỹ

Ông Ward nói rằng về cơ bản, Trung Quốc đang đối đầu công khai với Mỹ và khu vực.

“Vậy câu hỏi đặt ra là tất cả những thứ này để làm gì? … Đó là để đạt được điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là ‘sự trẻ hóa tuyệt vời’ sứ mệnh Trung Quốc”, ông Ward nói. “Trung Quốc dự định đạt được tất cả những điều này bằng cách nào?”

Ông Ward cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được điều này không chỉ thông qua xây dựng quân đội hùng mạnh, mà còn thông qua cỗ máy kinh tế của nó – hạm đội chiến đấu kinh tế hùng mạnh bao gồm các tập đoàn quốc doanh được nhà nước hậu thuẫn.

Bên trong đó bao hàm các ngụ ý địa chính trị đối với các tập đoàn Mỹ, ông Ward gợi ý.

“Điểm mấu chốt là các mục tiêu của Trung Quốc về … sự thống trị công nghiệp, về sức mạnh công nghệ – tất cả điều này về cơ bản đang hình thành sự gắn kết giữa ĐCSTQ và các công ty của nó. Trong khi đó nhiều ngân hàng quốc tế lại đang tìm cách mở rộng hoạt động của họ ở Trung Quốc, bất chấp những thực tế địa chính trị này”, ông nói.

“Liệu (rủi ro chính trị) có thực sự được đánh giá một cách chuẩn xác – ngay cả ở các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp đầu tư?” ông hỏi.

Ông Ward nói thêm rằng các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ sẽ cần phải hoạt động sao cho tương hợp với các lợi ích an ninh quốc gia trong dài hạn của chính phủ Mỹ.

“Khi các vụ vi phạm nhân quyền do nhà nước bảo trợ ngày càng trở nên rõ ràng hơn… chúng ta thấy rằng các doanh nghiệp của chúng ta có liên quan – trực tiếp hoặc gián tiếp  đến chúng [khi đầu tư vào Trung Quốc đại lục]”, ông Ward cho hay.

Nói cách khác, ở một khía cạnh, việc đầu tư vào Trung Quốc chính là đang cấp vốn cho ĐCSTQ bức hại nhân quyền và xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/mat-trai-cua-dau-tu-vao-trung-quoc-giup-bac-kinh-xay-dung-quan-doi-va-buc-hai-nhan-quyen.html

 

Kế hoạch gây sốc: Cán bộ Trung Quốc

được hậu thuẫn cho ăn ở, cướp vợ

của người Duy Ngô Nhĩ

Tâm Thanh

Còn người chồng có thể sẽ được “gửi đi học”… ở cái gọi là “trại giáo dục”.

Qelbinur Sidik, một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và cũng là một trong số ít người Duy Ngô Nhĩ trốn thoát khỏi Tân Cương, gần đây đã tiết lộ với truyền thông rằng cô đã chứng kiến ​​chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa người Hán và vào ăn ở trong nhà của người Duy Ngô Nhĩ để giám sát.

Mặc dù hiện cô đã trốn sang được châu Âu, nhưng vẫn còn rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt với số phận cùng cực ở Tân Cương.

Theo Bitter Winter, cách đây vài tháng, Sidik đã lấy cớ “ra nước ngoài chữa bệnh” để có được hộ chiếu một cách thuận lợi đến châu Âu, với điều kiện chồng cô phải ở lại Trung Quốc. Cô cho biết, cô đã phải chịu quá nhiều thống khổ, cô không muốn quay trở lại Trung Quốc.

Cô tiết lộ rằng, một trong những chiến lược của chính quyền ĐCSTQ là “ghép đôi và trở thành người thân”, cưỡng ép ghép đôi 1 triệu cán bộ ĐCSTQ, sắp xếp họ sống trong gia đình của người Duy Ngô Nhĩ, và những gia đình này phải coi họ như “người thân” của mình. Ban đầu, họ sắp xếp cứ sống chung ba tháng thì ăn chung 1 tuần, sau đó tiến thêm một bước, cứ sống chung 1 tháng thì ăn chung 1 tuần. Nếu phản kháng, sẽ bị coi là lật đổ chính quyền.

Sống chung trong căn nhà của Sidik là ông chủ 56 tuổi của chồng cô. Ông chủ có một đứa con. Thời gian đầu mới sống chung, thì cả hai vợ chồng ông chủ sẽ cùng đến nhà của Sidik, nhưng sau đó, vợ của ông chủ vì không muốn tăng thêm gánh nặng cho Sidik nên bà không đến nữa.

“Không ngờ đây là sự khởi đầu của cơn ác mộng”, Sidik nói. Sếp của chồng luôn muốn leo lên giường của cô và dùng các loại ngôn từ gợi dục. Sidik từ chối hết lần này đến lần khác, cô đã cãi nhau với chồng vài lần, cô chỉ trích chồng đã không đứng ra bảo vệ cô, mỗi khi “người thân” của họ hỏi chuyện gì đã xảy ra, Sidik chỉ biết viện ra những lý do để đối đáp lại “người thân”.

Khi chồng của Sidik ra ngoài, “người thân” kia sẽ trở nên vô cùng quá đáng, thừa lúc cô đang nấu cơm mà đến “quấy rầy”.

Theo kế hoạch “kết đôi và nhận người thân”, các loại quấy rối tình dục và cưỡng hiếp ở Tân Cương từ lâu đã trở nên phổ biến, và việc một người đàn ông đột nhiên mất tích không có gì đáng ngạc nhiên. Khi những người hàng xóm bàn tán về việc con trai hoặc người đàn ông của gia đình nào đó đã biến mất, hàng xóm chỉ có thể nói đùa rằng, “anh ấy đi học rồi”. Một cách gián tiếp, Sidik một lần nữa chứng thực sự tồn tại của “trại giáo dục Tân Cương”.

Mặc dù hiện nay Sidik đã trốn sang Châu Âu, nhưng cũng không có được sự đảm bảo tuyệt đối, cô mới xin được visa 6 tháng. Trong thời gian sau khi Sidik đến châu Âu được 1 tháng, cô bắt đầu nhận được các câu hỏi từ cảnh sát Trung Quốc: “Khi nào thì cô quay trở về? Thời gian cô đến đó vẫn chưa đủ dài hay sao?”

Vào tháng 2 năm nay, cô được thông báo rằng, nếu ngày 1/3 cô không trở về, thì cô sẽ không được nhận tiền lương hỗ trợ nữa. Trong thời gian đó, chồng cô liên tục gọi điện, nói rằng chính quyền đang hỏi về nơi ở của cô, đến tháng 5, chồng Sidik thậm chí còn nói với cô rằng anh đã ly hôn với cô.

Trong hai tuần đầu, cô ấy còn nhận được cuộc gọi từ Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình, họ hỏi cô ấy về chi tiết của dụng cụ tránh thai trong tử cung và liệu cô ấy đã tháo dụng cụ tránh thai trong tử cung chưa. Cô biết nếu nói ra sự thật, bác sĩ tháo dụng cụ tránh thai trong tử cung nhất định sẽ bị đưa đến “trại giáo dục Tân Cương”. Vì thế cô luôn nói qua loa mấy vấn đề này, nếu nói thật sẽ “tránh không khỏi bọn họ”.

Theo một cuộc điều tra của AP, chiến dịch của ĐCSTQ trong 4 năm qua ở phía tây Tân Cương đang dẫn đến cái mà một số chuyên gia gọi là một hình thức “diệt chủng nhân khẩu học”. Các cuộc phỏng vấn và dữ liệu cho thấy, chính quyền thường xuyên bắt phụ nữ thiểu số đi khám thai và buộc đặt dụng cụ triệt sản và thậm chí phá thai.

Gulnar Omirzakh, một người Kazakhstan gốc Hoa vì sinh con thứ ba mà bị chính phủ yêu cầu đặt vòng tránh thai. Hai năm sau, vào tháng 1/2018, 4 quan chức trong quân đội ngụy trang đến gõ cửa nhà, bắt giữ cô và cho cô ba ngày để nộp phạt 2.685 USD vì có nhiều hơn hai con. Omirzakh đã nói: “Họ muốn tiêu diệt chúng tôi với tư cách là một dân tộc”.

Tỷ lệ sinh ở các vùng Hotan và Kashgar là nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ đã giảm hơn 60% từ năm 2015 đến năm 2018, theo thống kê của chính phủ. Trên toàn khu vực Tân Cương, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh gần 24% chỉ trong năm ngoái.

Sidik cho biết, nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ hiện nay đang phải đối mặt với những tổn thương đau đớn, cô cho biết mình sẽ sẵn sàng đứng ra và lên tiếng. Cô nói, cô đang viết một cuốn sách, cố gắng vạch trần những gì ĐCSTQ đã làm với những người ở Tân Cương và công khai với thế giới.

Kể từ năm 2017, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và những người Hồi giáo thiểu số khác đã bị ĐCSTQ đàn áp, họ bị đưa vào một cơ sở kiểu trại tập trung. Theo thông tin trong trại tập trung được tiết lộ, những người ở trong đó đã bị tra tấn, tấn công tình dục và các hành vi ngược đãi khác, theo Soundofhope.

Hôm thứ Năm (24/9), Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết: Mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã được thả ra, nhưng số lượng trại tập trung không chỉ nhiều hơn so với ước tính trước đây khoảng 40% mà còn đang ngày càng mở rộng hơn, theo Aljazeera.

ASPI cho biết, có 380 trại tập trung ở Tân Cương, mức độ an ninh được chia thành 4 cấp. Từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020, có ít nhất 61 trại tập trung được xây dựng và mở rộng, bao gồm ít nhất 14 cơ sở vẫn đang được xây dựng trong năm 2020. Báo cáo của ASPI dựa trên các hình ảnh vệ tinh, tài liệu của ĐCSTQ, lời khai của nhân chứng, tin tức của phương tiện truyền thông và tài liệu đấu thầu xây dựng của chính phủ Trung Quốc những năm qua.

Trước đó, ngày 17/9, bài báo tại vị trí nổi bật trên trang nhất của “Đài phát thanh quốc tế Pháp” viết rằng, ĐCSTQ đã có một bước nhảy vọt mới bằng cách kiểm soát một cách có hệ thống và khiến người Duy Ngô Nhĩ phải tuân theo. Chính quyền ĐCSTQ đã cử cán bộ người Hán đến sống trong nhà của người Duy Ngô Nhĩ để theo dõi mọi hành tung của họ.

Theo đó, ĐCSTQ cử cán bộ đến sống trong nhà của những người thiểu số Hồi giáo mỗi tháng ở 1 tuần để nằm vùng, giám sát họ.

Chính quyền ĐCSTQ đã phái những người này giống như gián điệp đến nhà của người Duy Ngô Nhĩ, họ không chỉ ăn uống và sống trong nhà của người Duy Ngô Nhĩ, mà thậm chí họ còn ngủ trong phòng ngủ của một số cặp vợ chồng người Duy Ngô Nhĩ.

Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phải sống trong hoảng loạn và sợ hãi, họ lo lắng về việc bị quấy rối tình dục hoặc bị hãm hiếp bởi những người Hán sống trong nhà của họ.

Joanne Smith Finley, một học giả tại Đại học Newcastle ở Vương quốc Anh, nói với Associated Press: “Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng phá hủy nơi trú ẩn an toàn duy nhất của người Duy Ngô Nhĩ, nơi họ có thể sở hữu thân phận thực sự của mình”.

“Mỗi khi hồi tưởng lại phải chụp ảnh cùng với ‘người thân’ đó, tôi luôn cảm thấy buồn nôn. Hãy nghĩ xem, nếu như kẻ thù trở thành mẹ của bạn, theo dõi từng bước di chuyển của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào?”, một người Duy Ngô Nhĩ nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ke-hoach-gay-soc-can-bo-trung-quoc-duoc-hau-thuan-cho-an-o-cuop-vo-cua-nguoi-duy-ngo-nhi.html

 

Nổ nhà máy hóa chất ở Hồ Bắc,

5 người chết, 1 người bị thương

Vũ Dương

Chiều hôm qua (28/9), một vụ nổ lớn đã xảy ra tại một nhà máy hóa chất ở khu công nghiệp Đàm Hồ, thị trấn Nhạc Khẩu, thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, khiến 5 người chết và 1 người bị thương, theo bài viết của tác giả Hao Yan trên tờ SOH.

Theo các kênh truyền thông địa phương đưa tin, vào khoảng 2 giờ chiều ngày 28/9, trong quá trình vận hành thiết bị máy móc của Công ty TNHH Công nghiệp Hóa chất Thiên Môn Sở Thiên tại Khu công nghiệp Nhạc Khẩu, thành phố Thiên Môn, một trang thiết bị đã phát nổ. Vụ tai nạn khiến 5 người chết, 1 người bị thương.

Sau khi vụ nổ xảy ra, toàn bộ nhà xưởng bị khói vàng bao phủ, theo một người trong cuộc có mặt tại hiện trường, có thể do rò rỉ axit nitric.

Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy sau vụ nổ, một lượng lớn khói màu vàng bốc ra từ nhà xưởng.

Sau vụ nổ, có công nhân được đưa ra khỏi hiện trường.

Được biết, công ty này đã nhiều lần bị người dân phản ánh “khí thải ra rất khó ngửi”. Trang web của công ty TNHH Công nghiệp Hóa chất Thiên Môn Sở Thiên (Tianmen Chutian Fine Chemical Co., Ltd.)

cho thấy công ty này là một doanh nghiệp dược phẩm và hóa chất tham gia vào nghiên cứu phát triển, sản xuất và kinh doanh dược phẩm trung gian.

https://www.dkn.tv/the-gioi/no-nha-may-hoa-chat-o-ho-bac-5-nguoi-chet-1-nguoi-bi-thuong.html

 

Bắc Kinh tiếp tục ra lệnh kỳ dị:

Đi vệ sinh, mua dao, gas phải đăng ký tên thật

Tâm Thanh

Thậm chí nếu bạn vào nhà vệ sinh công cộng quá lâu, sẽ phải viết tường trình lý do…

Dưới sự thống trị chuyên chế của chính quyền Trung Quốc, sự đối kháng của người dân ngày càng trở nên phổ biến. Gần đây, ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn ở cộng đồng quốc tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn phải đối mặt với những nguy cơ trong nước, vì vậy, họ đã tăng cường sự kiểm soát của mình đối với người dân Trung Quốc.

Bắt đầu từ năm sau (2021), thủ đô Bắc Kinh sẽ thực hiện “chế độ dùng tên thật” để mua bình gas sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Đây không phải lần đầu tiên “chế độ” này được thực hiện, trước đó, từ năm 2012, thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc, đã áp dụng “chế độ dùng tên thật” với người dân khi mua các dụng cụ cắt gọt gia đình, theo Soundofhope.

Ngày 25/9, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Bắc Kinh của ĐCSTQ đã thông qua “Điều lệ quản lý khí đốt thành phố Bắc Kinh”, quy định người dân phải đăng ký tên thật khi mua các bình gas tại Bắc Kinh và các công ty cung cấp khí đốt phải “ghi lại đúng sự thật các thông tin cơ bản của người tiêu dùng cũng như số lượng bình gas mà người sử dùng đã mua”.

Điều lệ còn quy định rằng, các công ty cung cấp khí đốt phải vào nhà khách hàng định kỳ để kiểm tra an toàn miễn phí. Theo đó, người tiêu dùng không được phép từ chối việc kiểm tra an toàn khi không có lý do chính đáng. Tại những nơi có nguy cơ tiềm ẩn thiếu an toàn và người sử dụng từ chối sửa chữa, thì nhà cung cấp khí đốt phải tạm ngừng cung cấp gas hoặc hạn chế việc mua gas của các hộ gia đình đó.

Điều lệ được quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ngay từ năm 2012, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã thực hiện “chế độ dùng tên thật” đối với người dân khi mua dao làm bếp. Vào trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ năm 2017, chính quyền đã ra lệnh cho tất cả các siêu thị ở Bắc Kinh bỏ tất cả các loại dao ra khỏi kệ hàng, không được bày bán cho đến khi Đại hội toàn quốc lần thứ 19 kết thúc. Ngoài việc không được mua dao và mang theo dao, thì những dụng cụ cắt gọt nhà bếp trong gia đình của người dân Tân Cương đều phải đánh dấu số ID hoặc mã QR.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ĐCSTQ, chính quyền Bắc Kinh đã ra các lệnh cấm kỳ lạ như: Cấm các siêu thị bán dao cũng như các dụng cụ cắt gọt khác; cấm thả chim bay, thả diều, máy bay không người lái; hạn chế bệnh nhân “chỉ được ra, không được vào” bệnh viện; và thậm chí “đi vệ sinh cũng phải đăng ký tên thật”. Những người muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh phải cung cấp chứng minh thư để đăng ký, kể cả số điện thoại di động, tiểu tiện hay đại tiện, cũng như thời gian đi vệ sinh đều phải ghi lại. Nếu ai đó ở trong nhà vệ sinh quá lâu, thì người đó phải viết một bản diễn giải hơn 200 chữ để giải thích tại sao đã ở trong nhà vệ sinh lâu như vậy.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, sự phản kháng của người dân Trung Quốc đối với chính quyền đã tăng lên. Đối với lần này, bình gas đã trở thành là một loại vũ khí được người dân dùng để phản kháng chính quyền bạo ngược ĐCSTQ, không ít người bị cưỡng chế dỡ bỏ nhà đối kháng với chính quyền địa phương, nhiều người trong số đó đã vác bình gas ra và đứng đối đầu với phía chính quyền, một số người khác thậm chí còn cho nổ bình gas, liều mạng với các quan chức an ninh.

Theo Soundofhope

Tâm Thanh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-tiep-tuc-ra-lenh-ky-di-di-ve-sinh-mua-dao-gas-phai-dang-ky-ten-that.html

 

Nỗi lo dịch bệnh tái bùng phát ở Trung Quốc

dịp Trung Thu khi 600 triệu dân đi du lịch

Vũ Dương

Tết Trung Thu năm nay, Trung Quốc ước tính có khoảng 600 triệu người sẽ đi du lịch. Trước tình hình dịch bệnh đang có khả năng tái bùng phát, giới quan sát lo ngại việc người dân di chuyển trên diện rộng có thể làm tình hình dịch bệnh thêm trầm trọng, theo bài viết của tác giả tác giả Yuan Ming Qing trên tờ Sound of Hope hôm 28/9.

Tết Trung Thu năm nay trùng với ngày quốc khánh Đảng Cộng sản Trung Quốc 1/10, Trung Quốc có kỳ nghỉ lễ liên tục 8 ngày bắt đầu từ ngày 1/10. Theo báo cáo do trang web du lịch của Trung Quốc (Ctrip.com) công bố, ước tính lượng khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày có thể lên tới 600 triệu lượt, phục hồi 70% đến 80% trước khi có dịch.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc dự đoán ngày 1/10 sẽ có 13 triệu người di chuyển bằng đường sắt, mức cao kỷ lục kể từ khi có dịch đến nay. Các nhà chức trách dự đoán rằng hơn 100 triệu người sẽ chọn đi đường sắt trong suốt kỳ nghỉ.

Dữ liệu của tổ chức Cirium Core vào ngày 23/9 cho thấy có hơn 164.000 chuyến bay nội địa theo lịch trình trong “Tuần lễ vàng” năm nay, tăng hơn 11% so với 148.000 chuyến trong cùng kỳ năm 2019. Trong “Tuần lễ vàng” năm nay, sẽ có hơn 27,8 triệu hành khách trên các chuyến bay nội địa. Ngày bận rộn nhất sẽ là ngày 7/10, khi đó sẽ có hơn 13.800 chuyến bay, tăng 9,6% so với ngày bận rộn nhất năm ngoái (6/10).

Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Trung Quốc tuyên bố rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, gần đây nhiều nơi cũng lần lượt báo cáo về sự xuất hiện của các ca nhiễm không triệu chứng.

Ngoài ra, hôm 27/9, huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây ghi nhận thêm một ca lây nhiễm không triệu chứng, đây là một trường hợp nhập cảnh tại Quảng Châu từ Philippines và đã được cách ly 14 ngày. Trong quá trình cách ly, cả hai lần xét nghiệm axit nucleic của người này đều cho kết quả âm tính.

Sau khi hết thời hạn cách ly vào ngày 24/9, buổi tối hôm đó người này đã đáp chuyến bay từ sân bay quốc tế Bạch Vân Quảng Châu đến sân bay quốc tế Xương Bắc Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 26/9 đã có thông báo rằng người này dương tính với kết quả xét nghiệm axit nucleic và xét nghiệm kháng thể huyết thanh (IgM, IgG).

Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy toàn bộ làng Độ Khẩu, thị trấn Đường Nam, huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã thực hiện cách ly xã hội, và tất cả dân làng đều bị buộc phải xét nghiệm axit nucleic.

Trước đó (20/9), ông Trương Văn Hồng  (Zhang Wenhong), Giám đốc Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện Hoa Sơn thuộc trường đại học Phục Đán đã tuyên bố trong một diễn đàn rằng 80% người nhiễm bệnh là không có triệu chứng, điều này rất đáng sợ. Ông tin rằng đợt dịch thứ hai là không thể tránh khỏi.

Mới đây, bác sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc gia về bệnh đường hô hấp và dẫn đầu đội ngũ các nhà khoa học tham vấn chính phủ Trung Quốc, trong một cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch tại khu phức hợp Trung Quan Thôn, Bắc Kinh, nơi vẫn được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, cũng chỉ ra rằng dịch bệnh vẫn tồn tại tiếp tục trong mùa đông năm nay và mùa xuân năm sau, và có thể tiếp tục phát triển, đặc biệt là bùng phát ở một số khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến du lịch sắp tới của 600 triệu người chắc chắn sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, và đây là điều rất đáng lo ngại.

https://www.dkn.tv/the-gioi/noi-lo-dich-benh-bung-phat-o-trung-quoc-dip-trung-thu-khi-600-trieu-dan-di-du-lich.html

 

Tân Tư lệnh Quân đội Thái Lan cam kết

sẽ bảo vệ nền quân chủ

Tân Tư lệnh Quân đội Thái Lan, Tướng Narongpan Jitkaewthae, hôm 29/3 cam kết sẽ theo chân người tiền nhiệm, vốn có thái độ cứng rắn hơn đối với các nhóm chống chính phủ, đồng thời ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hoàng gia.

Tướng Narongphan Jitkaewthae được bổ nhiệm trong một cuộc cải tổ quân đội hàng năm giữa lúc định chế quân đội và hoàng gia Thái Lan đang đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ đã kéo dài hơn 2 tháng.

Tướng Narongpan không nhắc tới những người biểu tình, trong đó có một số kêu gọi cải tổ để kiềm chế quyền lực của Vua Maha Vajiralongkorn.

Ông tuyên bố:

“Tôi cam kết với tất cả quý vị rằng tôi sẽ tiếp tục các nhiệm vụ, trách nhiệm, các chính sách và tư tưởng của Tướng Tư lệnh Apirat Kongsompong bằng tất cả mọi khả năng của mình.”

Tướng Apirat được tiến cử vào chức vụ cao trong gia đình hoàng gia, vẫn thẳng thừng chỉ trích các nhân vật đối lập, các học giả và các chính khách được coi như mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tướng Narongpan, 57 tuổi, thuộc cánh Bảo hoàng của Vua Vajiralongkorn trong quân đội Thái Lan, sẽ chính thức nhận chức vụ mới vào ngày 1/10 sắp tới, ông cam kết:

“Tôi sẽ bảo vệ và phát triển quân đội để quân đội có thể đứng vững như một định chế chủ yếu của an ninh, để bảo vệ quốc gia và nhà vua,” ông Narongpan nói. Ông không trả lời câu hỏi của truyền thông.

Các quyết định nhân sự trong quân đội được theo dõi rất kỹ tại Thái Lan, đất nước nơi mà quân đội đã chiếm quyền hành tới 13 lần từ khi chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc vào năm 1932.

Cá nhân Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha cũng đã lên nắm quyền trong cuộc đảo chánh năm 2014.

https://www.voatiengviet.com/a/tan-tu-lenh-quan-doi-thai-lan-cam-ket-bao-ve-nen-quan-chu/5601901.html

 

Chỉ huy Không Quân Ấn Độ: Sẵn sàng

trước mọi cuộc tấn công từ phương Bắc

Trọng Thành

New Delhi sẵn sàng trước mọi đòn tấn công từ Trung Quốc. Đây là thông điệp của chỉ huy Không Quân Ấn Độ hôm nay, 29/10/2020.

Theo báo chí Ấn Độ, lãnh đạo Không Quân Ấn Độ, thống chế RKS Bhadauria, khẳng định, với các phương tiện hiện có, Quân Đội Ấn Độ có khả năng giành chiến thắng trong « mọi xung đột trong tương lai ». Không trực tiếp nhắc đến đe dọa từ Trung Quốc, nhưng lãnh đạo Không Quân Ấn Độ nói rõ tình hình đặc biệt đáng lo ngại « tại suốt dọc vùng biên giới phía bắc, nơi không hẳn là chiến tranh, nhưng cũng không phải là hòa bình ». Thống chế Bhadauria nhấn mạnh là, với các chiến đấu cơ tân tiến vừa nhập khẩu như máy bay tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất, và các đội phi cơ chiến đấu có sẵn, Quân Đội Ấn Độ đã cải thiện đáng kể năng lực tác chiến.

Hôm qua, 28/09, Không Quân Ấn Độ đã thông báo triển khai nhiều tên lửa siêu thanh Nirbhay, có tầm bắn 800 km, cũng như các tên lửa hành trình Brahmos có tầm bắn đến 450 km và hỏa tiễn đất đối không Akash.

Đàm phán Ấn – Trung giảm căng thẳng tại biên giới vẫn tiếp tục, nhưng New Delhi đặc biệt lo ngại Bắc Kinh bất ngờ mở các cuộc tấn công tại vùng biên giới vào mùa đông năm nay, khi thời tiết tại khu vực chân Himalaya hết sức khắc nghiệt. Thống chế Bhadauria nhấn mạnh là ưu thế của không quân và hỏa lực trên không có ý nghĩa quan trọng.

Hiện tại khoảng ít nhất 50.000 binh sĩ hai bên đối mặt tại vùng biên giới, với một lực lượng thiết giáp hùng hậu. Quân Đội Ấn Độ đã triển khai nhiều tăng T-90 và T-72, cùng các xe thiết giáp BMP-2 dùng để chở quân, có khả năng hoạt động trong thời tiết âm 40°C.

Ấn Độ thông báo sẽ tập trận Hải Quân với Mỹ, Nhật và Úc, ba quốc gia khác trong Bộ Tứ (QUAD). Theo Times Now, Hải Quân bốn quốc gia thành viên Bộ Tứ sẽ có một cuộc tập trận lớn vào tháng 11 tới tại vùng biển Ấn Độ Dương.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200929-ch%E1%BB%89-huy-kh%C3%B4ng-qu%C3%A2n-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%8Di-cu%E1%BB%99c-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-t%E1%BB%AB-ph%C6%B0%C6%A1ng-b%E1%BA%AFc