Tin khắp nơi – 29/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 29/08/2018

Không đưa ra chứng cứ,

Trump nói TQ tấn công tin tặc email Clinton

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter vào sáng sớm ngày thứ Tư rằng Trung Quốc đã tấn công tin tặc các email của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ năm 2016 Hillary Clinton nhưng không đưa ra bất kì bằng chứng hoặc thêm thông tin nào.

“Email của Hillary Clinton, nhiều trong số đó là Thông tin Bảo mật, đã bị Trung Quốc tấn công tin tặc. FBI & DOJ [Bộ Tư pháp] nên có hành động kế tiếp, sau tất cả những sai sót khác của họ (Comey, McCabe, Strzok, Page, Ohr, FISA, Tập hồ sơ bẩn, v.v), nếu không uy tín của họ sẽ mất sạch!” Ông tweet không lâu sau nửa đêm ngày thứ Tư.

Ông Trump nói trong một tweet trước đó vào tối thứ Ba: “Trung Quốc đã tấn công tin tặc Máy chủ Email riêng tư của Hillary Clinton. Họ có chắc không phải là Nga làm không (đùa thôi!)? FBI và DOJ xử lí vụ này tới đâu ta? Chuyện này lớn lắm chứ chẳng chơi. Rất nhiều thông tin bảo mật!”

Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói những cáo buộc như vậy không có gì là mới.

“Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy những cáo buộc tương tự kiểu như vậy,” bà Hoa nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.

“Trung Quốc là nước kiên quyết bảo vệ an ninh mạng. Chúng tôi kiên quyết phản đối và trấn áp mọi hình thức tấn công internet và đánh cắp bí mật,” bà nói thêm, mà không đề cập cụ thể đến ông Trump hay bà Clinton trong câu trả lời.

Các quan chức tình báo Mỹ nói Nga đã dàn dựng vụ tấn công tin tặc nhắm vào các quan chức Đảng Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Một đại bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ đã khởi tố 12 sĩ quan tình báo Nga vào tháng 7 về cáo buộc tấn công các mạng máy tính của bà Clinton và Đảng Dân chủ.

Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đang điều tra vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 và liệu ban vận động của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Trump có thông đồng với Moscow hay không. Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi ông Trump phủ nhận bất kì sự thông đồng nào.

Ông Trump nói vào tháng 4 năm 2017 rằng Trung Quốc có thể đã tấn công tin tặc các email của các quan chức Đảng Dân chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông cũng không cung cấp bất kì bằng chứng nào củng cố cáo buộc của mình vào thời điểm đó.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận bất kì cáo buộc nào liên quan đến các vụ tấn công tin tặc ở nước ngoài.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thường không mấy suôn sẻ, và hai nước cũng đang vướng vào một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng gay gắt.

https://www.voatiengviet.com/a/khong-dua-ra-chung-cu-trump-noi-trung-quoc-tan-cong-tin-tac-email-clinton/4549216.html

 

Cố vấn pháp lý của Tòa Bạch Ốc sắp rời chức

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư cho biết Cố vấn pháp lý của Tòa Bạch Ốc Don McGahn sẽ rời chức vụ của ông vào mùa thu sau khi dẫn dắt tiến trình đề cử ông Brett Kavanaugh vào Tòa án Tối cao.

Mối quan hệ giữa ông Trump và ông McGahn, một người am hiểu nội tình Washington và từng làm trưởng luật sư cố vấn cho ông Trump lúc vận động tranh cử Tổng thống, đã trở nên căng thẳng vì những áp lực của cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Ông McGahn, một trong những người đầu tiên được ông Trump bổ nhiệm vào Nhà Trắng, đã tự nguyện hợp tác với Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller và đội ngũ của ông.

NYT: Luật sư Nhà Trắng ‘hợp tác toàn diện’ với cuộc điều tra Nga

“Cố vấn pháp lý Tòa Bạch Ốc Don McGahn sẽ rời chức vụ của ông vào mùa thu, ngay sau khi Thẩm phán Brett Kavanaugh (hi vọng) được chuẩn thuận vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ,” ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Tư. “Tôi đã làm việc với Don trong một thời gian dài và thực sự đánh giá cao sự phục vụ của ông ấy!”

Sự ra đi của ông McGahn đã được nhiều người dự đoán. Ông sẽ là người mới nhất trong một số lượng lớn các quan chức Nhà Trắng cao cấp rời bỏ ông Trump giữa tỉ lệ đào thải nhân viên cao chưa từng thấy.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-noi-luat-su-nhan-trang-se-roi-di-vao-mua-thu/4549201.html

 

Trump bỏ kế hoạch giảm viện trợ nước ngoài

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/8 bỏ kế hoạch ‘qua mặt’ Quốc hội rút lại hàng tỉ đô la ngân sách viện trợ của Mỹ dành cho nước ngoài sau khi bị giới lập pháp phản kháng kịch liệt, Reuteres dẫn nguồn tin từ các giới chức Mỹ và các phụ tá trong Quốc hội cho biết.

Nghị trình ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp lại các ngân quỹ hỗ trợ cho nước ngoài và chính quyền Trump đã nhiều lần thúc đẩy cắt giảm tiền viện trợ nước ngoài kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống hồi đầu năm ngoái.

Các phụ tá ở Quốc hội nói chính quyền Trump hủy kế hoạch sau khi bị các nghị sĩ trong Quốc hội và Ngoại trưởng Mike Pompeo phản đối.

Chính quyền của Tổng thống Trump tìm cách bớt viện trợ nước ngoài khi đệ trình ngân sách cho năm nay, nhưng cuối cùng ông Trump phải ký chấp thuận gói ngân sách không bao gồm các khoản cắt giảm vì phía Quốc hội không đồng ý.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-bo-ke-hoach-giam-vien-tro-nuoc-ngoai-/4548146.html

 

Mỹ có thể tiếp tục tập trận với Hàn Quốc,

gây sức ép lên Triều Tiên

Hôm 28/8, Hoa Kỳ cho biết đang xem xét việc nối lại các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc vào năm tới, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hủy cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói tại một cuộc họp báo ở Ngũ Giác Đài rằng việc đình chỉ các cuộc tập trận trong mùa hè này là một “cử chỉ thiện chí” đối với Triều Tiên, nhưng đó không phải là một cam kết vô thời hạn.

Ông Mattis nói: “tại thời điểm này chúng tôi không có kế hoạch đình chỉ bất kỳ cuộc tập nào nữa.”

Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc vì thiếu cương quyết trong tiến trình phi hạt nhân hóa, cáo buộc Bắc Kinh không gây áp lực mạnh lên chính quyền Kim Jong Un.

Việc Mỹ quay trở lại với áp lực buộc Triều Tiên phải có những hành động rõ ràng trong việc giải trừ hạt nhân đã khiến Bình Nhưỡng và Bắc Kinh tức giận, và có thể gây khó khăn cho các nỗ lực của Seoul nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Một số người ủng hộ chính quyền của Tổng thống Trump nhận thấy một lợi thế chiến thuật bằng cách tiếp cận cương quyết hơn.

Ông Bong Young-shik, một nhà phân tích chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul cho biết: “Chiến thuật này thực sự có ảnh hưởng cùng lúc đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, và là đòn bẩy chiến lược của chính quyền Trump.”

Những người hoài nghi nhận định rằng sự bế tắc hiện tại giữa Washington và Bình Nhưỡng là kết quả của một quyết định bốc đồng của ông Trump trong việc gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un khi mà các mục tiêu hạt nhân hóa chưa được xác định rõ ràng và một kế hoạch thực thi chưa được hình thành.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ cố gắng hòa giải căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên khi ông và ông Kim gặp nhau lần thứ ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới.

Trung Quốc đã bác bỏ những lời chỉ trích của ông Trump về việc thực thi lỏng lẻo các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Ngoài ra, cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang diễn ra cũng góp phần làm suy yếu các nỗ lực hợp tác trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Trong khi đó ông Kim Jong Un vẫn tiếp tục cải thiện mối quan hệ với những nước láng giềng và nâng vị thế của Triều Tiên trong cộng đồng thế giới.

Tin tức cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự một cuộc diễn binh tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Triều Tiên.

Trong khi đó cũng có tin đồn về một cuộc họp sắp tới giữa ông Kim Jong Un với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, và có thể ông Kim sẽ đến dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9.

https://www.voatiengviet.com/a/my-co-the-tiep-tuc-tap-tran-voi-han-quoc-gay-suc-ep-len-trieu-tien/4548923.html

 

Sau McCain, đảng Cộng Hòa

sẽ mất nhiều tiếng nói chống Trump

Đảng Cộng Hòa mất một người có thể chống tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi thượng nghị sĩ John McCain qua đời.

Suốt hơn 30 năm hoạt động trong cương vị thượng nghị sĩ, cựu phi công Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam đã nhiều lần vượt qua ranh giới giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trên nhiều hồ sơ quan trọng, như nhập cư hoặc y tế.

« Không nắm rõ thông tin » và « bốc đồng », ông John McCain từng lên tiếng chỉ trích cách hành xử của tổng thống Mỹ với những lời lẽ trên. Thực ra, ông không phải là thượng nghị sĩ duy nhất trong đảng Cộng Hòa tỏ ra đối đầu với tổng thống Trump, từ thương mại, mối liên hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin đến tính cách của chủ nhân Nhà Trắng.

Tuy nhiên, những giọng nói này sẽ trở nên ít đi vì nhiều tiếng nói chỉ trích khác đã quyết định không tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra ngày 06/11 và họ sẽ rời Thượng Viện vào tháng 01/2019. Cụ thể là hai thượng nghị sĩ Jeff Flake, đại diện cùng bang Arizona với ông John McCain, và Bob Corker, thượng nghị sĩ bang Tennessee. Năm 2017, ông Bob Corket thậm chí đã lên án tổng thống Donald Trump là « mối nguy hiểm » cho nền dân chủ.

Khi thông báo không ra tranh cử nhiệm kỳ tới, ông Jeff Flake nói : « Chắc không còn chỗ cho một người Cộng Hòa như tôi » trong đảng. Tưởng nhớ đến đồng nhiệm quá cố John McCain ở Thượng Viện hôm 27/08, ông nói : « Chúng ta ít nhất phải cố giống được ông ấy thêm chút nữa ».

Đảng Cộng Hòa chưa tìm được đầu tầu

Chưa tỏ ra vội vàng tìm ra người tiếp tục giương cao ngọn đuốc bài thủ cựu, nhưng mọi ánh mắt đổ về bà Susan Collins, thượng nghị sĩ Cộng Hòa, giống như ông John McCain, từng bỏ phiếu chống dự luật bãi bỏ một phần hệ thống bảo hiểm Obamacare theo nguyện vọng của ông Donald Trump.

Tưởng nhớ đến đồng nhiệm tại Thượng Viện vào tối thứ Hai (27/08), bà hy vọng « Có thể cái chết của John sẽ đẩy mọi người làm việc với nhau ». Nhưng dường như bà chưa sẵn sàng thay thế vai trò của thượng nghị sĩ bang Arizona. Bà nói : « Có lẽ tôi sẽ không dám. Đừng so sánh tôi với John McCain. Sức mạnh và sức kháng cự của ông ấy rất đặc biệt ».

Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, người bạn thân của John McCain, nhưng cũng là một người thân cận của tổng thống Mỹ, tưởng nhớ đến người bạn từng dạy ông cách chìa bàn tay với đảng Dân Chủ. Bên cạnh chiếc ghế trống của John McCain, được phủ khăn đen và đặt hoa hồng trắng, ông rơm rớm nước mắt nói : « Ông ấy đã dạy cho tôi rằng những nguyên tắc và thỏa thiệp không phải là không tương thích với nhau ». Nhưng ông cũng từ chối thay thế vị trí và vai trò của John McCain.

Ai thay thế thượng nghị sĩ John McCain đến cuối nhiệm kỳ ?

Sau khi John McCain qua đời, đảng Cộng Hòa lột xác thành « đảng của Trump » dường như ngày càng rõ nét. Thực vậy, đương kim tổng thống Mỹ vẫn rất nổi tiếng trong đảng. Thêm vào đó, càng có ít người dám làm phật lòng chủ nhân Nhà Trắng trong bối cảnh bầu Quốc Hội đang đến gần.

Người thay thế cố thượng nghị sĩ John McCain có lẽ sẽ là người còn bảo thủ hơn. Đích thân thống đốc bang Arizona sẽ bổ nhiệm thượng nghị sĩ mới. Nhưng ông đang đứng trước một lựa chọn khá tế nhị. Theo nhà phân tích Kyle Kondik, thuộc đại học Virginia, lý do là « vào lúc cuối đời, ông John McCain đã trở thành gương mặt chia rẽ sâu sắc nội bộ đảng Cộng Hòa và có thể ông được đảng Dân Chủ ngưỡng mộ hơn do những lời chỉ trích của ông nhắm vào tổng thống ».

Thống đốc bang Arizona có thể chỉ định bà quả phụ Cindy McCain, theo thông tin của một số cư quan truyền thông. Nhưng theo nhận định của Kyle Kondik, vợ của ông McCain « có vẻ thiên tả hơn cả chồng ». Ngược lại, nếu thống đốc Doug Ducey chỉ định một thượng nghị sĩ cực hữu, thì lại khó giữ được chiếc ghế này trong cuộc bầu cử năm 2020.

Để tưởng niệm John McCain, thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đứng đầu đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, đã bắt đầu thu thập chữ ký cùng với thượng nghị sĩ Cộng Hòa Jeff Flack, để đặt tên một trong số các tòa nhà của Thượng Viện.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180829-sau-mccain-dang-cong-hoa-se-mat-nhieu-tieng-noi-chong-trump

 

Facebook khóa tài khoản

của các lãnh đạo quân sự Myanmar

Một số quan chức cao cấp nhất trong quân đội Myanmar bị đóng tài khoản Facebook.

Facebook đóng các tài khoản trên sau khi Liên hiệp quốc ra phúc trình kêu gọi điều tra, truy tố một số lãnh đạo quân sự về tội diệt chủng đối với người thiểu số Rohingya.

Đây là lần đầu tiên Facebook cấm tài khoản của lãnh đạo quân sự hay chính trị một quốc gia.

Hai phóng viên Reuters ở Myanmar chờ phán quyết

Nghị sĩ ASEAN đòi ICC ‘điều tra Myanmar’

Quân vũ trang gốc Hoa trong lòng Myanmar

Facebook đã khóa tổng số 18 tài khoản và 52 trang fanpage. Một tài khoản trên Instagram, là mạng xã hội thuộc sở hữu của Facebook, cũng bị đóng.

Tổng số các tài khoản và các fanpage này có gần 12 triệu người theo dõi (follow).

Facebook là một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Myanmar, với hơn 18 triệu người dùng.

Bản phúc trình của Liên hiệp quốc nói rằng hầu hết người dùng tại Myanmar cho rằng “Facebook là internet”, nhưng nó đã trở thành một “công cụ hữu ích cho những người muốn gieo rắc lòng thù hận”.

Bản phúc trình của LHQ

Đây là tài liệu có những lời lẽ gay gắt nhất từ trước tới nay đối với các chiến dịch của quân đội chống lại người Rohingya.

Quân đội nước này đã tiến hành trấn áp tại bang Rakhine hồi năm ngoái, sau khi các tay súng Rohingya tấn công các đồn cảnh sát, gây chết người.

Hàng ngàn người thiệt mạng và hơn 70 ngàn người Rohingya đã bỏ chạy sang quốc gia láng giềng Bangladesh.

Đã có những cáo buộc rộng khắp về tình trạng xâm phạm nhân quyền, gồm cả việc giết người tùy tiện, hãm hiếp và đốt phá nhà cửa.

Bản phúc trình nêu danh sáu quan chức cao cấp trong quân đội, trong đó có Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, người bị coi là cần chịu điều tra về tội diệt chủng, và kêu gọi đưa vụ việc ra Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).

Việc điều tra được tiến hành trong nhiều tháng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng mới nhất, là diễn biến mà Liên hiệp quốc gọi là “một thảm họa đã hiện ra từ hàng thập niên”.

Tướng Min Aung Hlaing có hai tài khoản Facebook.

Theo AFP, một tài khoản có 1,3 triệu người theo dõi, còn một có 2,8 triệu người. Với vị trí hiện thời, những gì ông đăng trên mạng xã hội có sức ảnh hưởng to lớn.

Facebook nói trang cá nhân của ông, bên cạnh các trang bị cấm khác, đã “thổi bùng lên căng thẳng sắc tộc và tôn giáo”.

Trang tin Myanmar Times nói rằng phát ngôn viên tổng thống U Zaw Htay cho biết việc khóa các tài khoản trên đã được thực hiện mà không qua tham vấn với chính phủ.

Ông cũng nói thêm rằng chính phủ đang “thảo luận với Facebook để mở lại các trang đó”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45325097

 

Mỹ : Tổng thống Trump

tấn công Google, Twitter và Facebook

Thu Hằng

Dường như tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng về kết quả nhận được khi gõ chính tên ông trên công cụ tìm kiếm Google vào sáng sớm 28/08/2018. Từ Phòng Bầu dục, tổng thống Mỹ cáo buộc Google, cũng như Twitter và Facebook, đã thiên vị.

Thông tín viên RFI Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

« Tổng thống Donald Trump cáo buộc Google vào lúc 5g24 sáng, sau khi tự gõ tên ông trên công cụ tìm kiếm. Trên Twitter, tổng thống Mỹ tức giận về kết quả gian lận này. Ông viết: Gần như tất cả các bài báo về tôi đều là tiêu cực. Những cơ quan truyền thông bảo thủ-Cộng Hòa và trung thực bị cấm truy cập.

Ngay sau đó, trước báo giới tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ củng cố thêm lời cáo buộc: Chúng tôi nhận được hàng nghìn và hàng nghìn lời phàn nàn. Các vị không thể làm thế được. Google, Twitter và Facebook thật sự đang lầm lạc và phải cẩn thận. Thật bất công đối với một phần lớn công dân Mỹ.

Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ngay lập tức, tập đoàn Google đã phản đối những cáo buộc là tập đoàn thiên vị, có hơi hướng của thuyết âm mưu mà các nhà báo của kênh Fox News thân tổng thống Trump vẫn hay đưa ra.

Trong thông cáo, tập đoàn công nghệ nổi tiếng ở California này bác bỏ mọi ý thức hệ chính trị. Google viết: Mục đích của chúng tôi là bảo đảm cho tất cả người sử dụng nhận được kết quả thích đáng nhất trong vòng vài giây.

TT Trump tố tin tặc Trung Quốc đánh cắp thư điện tử của Hillary Clinton

Tin tặc Trung Quốc đã tấn công hộp thư điện tử của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Chính tổng thống Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc trên Twitter, cũng trong đêm 28 rạng sáng 29/08/2018, song không nêu bằng chứng.

Ông viết : « Thư điện tử của bà Hillary Clinton, trong đó có rất nhiều thông tin mật, đã bị Trung Quốc đánh cắp. FBI và bộ Tư Pháp phải hành động trong những ngày tới, nếu không (…) họ sẽ mất hết uy tín ».

Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc nhúng tay vào bầu cử Mỹ. Vào tháng 04/2017, chủ nhân Nhà Trắng từng tuyên bố Trung Quốc đã tấn công vào hệ thống tin học của đảng Dân Chủ để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, song cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180829-my-tong-thong-trump-tan-cong-google-twitter-va-facebook

 

Chưởng lý Pensylvania tố Vatican biết,

che dấu các vụ xâm hại tình dục

Trong thêm một tố cáo khác nhắm vào Giáo hội Công giáo La mã, Chưởng lý bang Pennsylvania khẳng định rằng Tòa Thánh Vatican có biết về vụ tai tiếng che dấu các hành vi xâm hại tình dục dưới tay một số linh mục Công giáo.

Lên tiếng trên chương trình Today của đài NBC, Chưởng lý bang Pensylvania Josh Shapiro nói:

“Tôi không thể tiếp xúc với Giáo hoàng Phan-xi-cô, tuy nhiên chúng tôi có bằng chứng cho thấy điện Vatican có biết về nỗ lực che dấu vụ tai tiếng.”

Lời tố cáo vừa kể được tung ra hai tuần sau khi một phúc trình của một đại bồi thẩm đoàn được công bố, theo đó hàng trăm “linh mục chuyên săn tìm và xâm hại trẻ em” hãm hại nhiều thiếu niên ở 6 cộng đoàn của bang Pensylvania trong 7 thập niên qua.

Ông Shapiro hôm thứ Ba không nêu cụ thể những bằng chứng có trong tay để kết luận rằng Tòa Thánh Vatican biết về cố gắng che dấu tội lỗi trong nội bộ giáo hội.

Người phát ngôn của Chưởng lý Shapiro, Joe Grace, nói với đài CNN:

“Những tài liệu duy nhất được công bố được gộp chung trong phúc trình, trong đó có những thông tin liên quan tới sự hiểu biết của điện Vatican. Tất cả những gì còn lại được niêm kín trong suốt tiến trình xét xử trước bồi thẩm đoàn.”

Người phát ngôn của điện Vatican Greg Burke nói Tòa Thánh cần biết thêm về chi tiết về các bằng chứng trước khi có thể bình luận.

Ông Shapiro nói cuộc điều tra kéo dài của đại bồi thẩm đoàn vào các hành vi xâm hại tình dục của các linh mục còn phơi bay một âm mưu nhằm che dấu các hành vi tội lỗi.

“Họ phát hiện ra không những các hành vi lạm dụng tình dục, hãm hiếp trẻ em xảy ra rộng rãi, mà những hành vi này còn được che đậy bởi nhiều tầng lớp lãnh đạo trong giáo hội, tới tận điện Vatican.”

Chưởng lý bang Pennsylvania Josh

Shapiro

Nói trên chương trình Today của NBC, ông Shapiro cho biết 23 thành viên của đại bồi thẩm đoàn tụ họp trong hai năm đã “phát hiện ra 306 linh mục phạm tội và hơn 1000 nạn nhân – trẻ em ở bang Pensylvania.”

“Họ phát hiện ra không những các hành vi lợi dụng tình dục, hãm hiếp trẻ em xảy ra rộng rãi, mà những hành vi này còn được che đậy bởi nhiều tầng lớp lãnh đạo trong giáo hội, lên tới tận điện Vatican.”

Trong hai tuần lễ từ khi phúc trình của đại bồi thẩm đoàn được công bố, ông Shapiro nói đường dây nóng dành cho nạn nhân báo cáo những hành vi lạm dụng tình dục đã nhận được hơn 730 cú điện thoại.

Các trường hợp xâm hại tình dục chưa gì đã khiến Giáo hội Công giáo La mã và các công ty bảo hiểm cho Tòa thánh phải chi ra hàng tỉ đôla tiền bồi thường.

Điện Vatican đã đề ra những bước nhằm loại bỏ một số chức sắc phạm tội. Theo một báo cáo của đại bồi thẩm đoàn, trong năm 2014, điện Vatican cho biết đã tước áo linh mục của hơn 850 người đã hãm hiếp hoặc xâm hại trẻ em, đồng thời trừng phạt 2500 người trên khắp thế giới trong thập niên trước.

https://www.voatiengviet.com/a/chuong-ly-pensylvania-to-vatican-biet-va-che-dau-cac-vu-xam-hai-tinh-duc/4547758.html

 

Canada tái tục thương thuyết để lưu lại NAFTA

Trưởng đoàn thương thuyết Canada ngày 28/8 cùng với người tương nhiệm Hoa Kỳ và Mexico tham dự các cuộc thảo luận tại Washington để lưu lại trong hiệp ước Thương mại Bắc Mỹ gồm ba bên trong lúc các giới chức Hoa Kỳ bày tỏ lạc quan đây là một thỏa thuận có thể đạt được trong tuần này.

Ottawa đang chịu áp lực để chấp thuận những điều khỏan mới về buôn bán ô tô và những qui định để giải quyết tranh chấp sau khi Hoa Kỳ và Mexico ngày 27/8 đồng ý về NAFTA.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland tái tham dự các cuộc thảo luận đã kéo dài một năm nay sau khi đã gián đoạn vài tuần lễ trong lúc Hoa Kỳ và Mexico san bằng được những bất đồng trong việc tái thương thuyết hiệp ước có từ 24 năm nay.

Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói với đài CNBC ngày 28/8 là ông tin Hoa Kỳ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Canada trong tuần này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray hôm 28/8 cho biết ba bên sẽ làm việc để đạt được một thỏa thuận. Ông nói “Chúng tôi đang dành nhiều thì giờ để thảo luận với Canada.”

Các cuộc thương thuyết giữa 3 đối tác mà mậu dịch hỗ tương lên đến hơn 1.000 tỉ đô la mỗi năm đã kéo dài hơn một năm, tạo áp lực lên đồng peso của Mexico và đồng đô la Canada. Cả hai đồng tiền này lên giá so với đồng đô la Mỹ vào ngày 27/8 nhưng đồng peso lại sụt giá vào ngày 28/8.

Một điểm nóng đối với Canada là nỗ lực của Mỹ bãi bỏ chương 19 về cơ chế giải quyết tranh chấp gây trở ngại cho Hoa Kỳ trong việc theo đuổi các vụ kiện chống phá giá và chống trợ cấp.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer ngày 27/8 nói Mexico đã đồng ý bãi bỏ chương 19 nhưng Canada mạnh mẽ chống lại việc này.

Ông Trump đã đe dọa vẫn có thể áp đặt thuế nhập khẩu lên ô tô của Canada nếu Canada không theo gương nước láng giềng. Ông Trump nói ông hy vọng Canada nhượng bộ đối với việc bảo vệ các sản phẩm sữa của Canada.

Ngày 28/8, ông Mnuchin nói nếu không đạt được thỏa thuận với Canada, Hoa Kỳ vẫn tiến hành một thỏa thuận thương mại riêng biệt với Mexico. Chính phủ Mexico cũng có lập trường như vậy dù Mexico nói vẫn muốn có một thỏa thuận ba bên.

Phía Canada nói họ chỉ ký hiệp ước mới nếu có lợi cho họ.

Nếu những cuộc thảo luận với Canada không kết thúc vào cuối tuần này, ông Trump dự trù thông báo với Quốc hội là ông đã đạt được thỏa thuận với Mexico, nhưng vẫn để ngỏ cho Canada gia nhập, theo lời ông Lighthizer hôm 27/8.

Tòa Bạch Ốc cho hay ông Trump sẽ ký thỏa thuận với Mexico trong vòng 90 ngày.

https://www.voatiengviet.com/a/canada-t%C3%A1i-t%E1%BB%A5c-th%C6%B0%C6%A1ng-thuy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%83-l%C6%B0u-l%E1%BA%A1i-nafta/4548176.html

 

Dân Venezuela ồ ạt bỏ nước ra đi

Peru ngày 28/8 công bố tình trạng khẩn cấp y tế tại biên giới phía Nam khi hàng ngàn người Venezuela tiếp tục tràn sang lãnh thổ Peru trên đường chạy trốn khủng hoảng kinh tế và nghèo đói ở quê nhà.

Tổng thống Peru, Martin Vizcarra, công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày tại hai tỉnh biên giới miền Nam, viện dẫn tình trạng nguy cập cho sức khỏe và vệ sinh vì làn sóng di dân.

Các giới chức hàng đầu của Peru, Colombia và Brazil đã họp tại thủ đô Bogota của Colombia để thảo luận cách đối phó với cuộc khủng hoảng di dân.

Hiện có gần 1 triệu người Venezuela đang sống ở Colombia, hơn 400 ngàn người ở Peru nhưng chưa tới phân nửa có giấy phép được lưu trú hợp pháp hay đang được cứu xét.

Chính phủ theo chủ nghĩa xã hội của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, cảnh báo những khó khăn ở nước ngoài và kêu gọi dân hồi hương.

Tuần tới, Ngoại trưởng từ Ecuador, Colombia, và có thể có cả Peru và Brazil, sẽ họp tại Ecuador để bàn giải pháp đối với làn sóng di dân bỏ chạy từ Venezuela.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-venezuela-o-at-bo-nuoc-ra-di-/4548154.html

 

Brazil điều quân đội tới biên giới giáp Venezuela

Gia Hưng

Theo hãng tin AFP, hôm qua, 28/08/2018, tổng thống Brazil Michel Temer đã ký sắc lệnh triển khai lực lượng quân đội tới bang Roraima, giáp biên giới Venezuela, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đối phó với tình trạng người nhập cư từ Venezuela.

Hồi đầu tháng Tám, tại bang Roraima nằm ở biên giới phía bắc Brazil, tiếp giáp với Venezuela, bạo lực đã nổ ra sau khi có tin đồn người tị nạn từ Venezuela đã giết một thương gia người bản xứ. Nhiều trại tạm trú bị đốt và hơn 1 ngàn người Venezuela tại đây bị đuổi đánh về nước.

Tổng thống Michel Temer cho biết, sắc lệnh điều động quân đội, trong khoảng thời gian từ 29/08 đến 12/09, có mục đích “bảo vệ người dân Brazil cũng như người Venezuela phải rời khỏi quê nhà”.

Nguyên thủ Brazil đổ lỗi cho chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro gây ra tình trạng này. Trên đài truyền hình Brazil, ông nói : “Vấn đề của Venezuela không còn là vấn đề chính trị nội bộ, mà đã trở thành mối đe dọa cho toàn lục địa.”

Cùng ngày hôm qua, Peru cũng tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp trong 60 ngày tại 2 vùng biên giới phía bắc với lo ngại có “mối nguy hiểm tiềm tàng” do thiếu vệ sinh. Tuy chính quyền Peru không đưa thông tin cụ thể, nhưng một số cơ quan y tế trước đó đã bày tỏ lo ngại khả năng lây lan một số bệnh như bệnh sởi hoặc sốt xuất huyết.

Hiện tại, có gần 1 triệu người dân Venezuela đang sinh sống tại Colombia và hơn 400 ngàn tại Peru trong đó chỉ có 178 ngàn người có giấy phép nhập cư hoặc hồ sơ của họ đang được cứu xét.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180829-brazil-dieu-quan-doi-toi-bien-gioi-giap-venezuela

 

Syria: Hội Đồng Bảo An

lo ngại nguy cơ thảm họa tại Idleb

Gia Hưng

Theo AFP, sau phiên họp về tình hình nhân đạo tại Syria, các quốc gia phương Tây cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu quân đội của chính quyền Bachar Al-Assad tấn công vào tỉnh Idleb.

Đại sứ Thụy Điển tại Hội Đồng Bảo AnCarl Skau cho biết : “Hiện có rất nhiều dấu hiệu về một cuộc tấn công tại khu vực tây bắc Syria. Việc gia tăng quân sự có thể dẫn tới hậu quả thảm khốc và thảm họa nhân đạo”.

Bà Anne Guegen, phó đại sứ Pháp bày tỏ lo ngại của Paris trước dấu hiệu về một cuộc tấn công quy mô lớn của Syria vào vùng Idleb. Bà cũng nhắc lại rằng nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học, Washington, Paris và Luân Đôn lập tức sẽ có phản ứng quân sự. Bà Anne Gueguen nhấn mạnh, “tính mạng của 2,2 triệu người đang gặp nguy hiểm” và kêu gọi lập tức chấm dứt các cuộc oanh kích tại đây.

Tuy vậy, phái đoàn Nga cho rằng Syria có quyền giành lại kiểm soát vùng Idleb. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho biết tình hình tại Syria đang dần ổn định, đồng thời chỉ trích “thái độ thụ động” của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UN High Commissioner for Refugees) về vấn đề này.

Tỉnh Idleb có vị trí chiến lược, nằm giáp biên giới với Thổ Nhỹ Kỳ, và là cứ địa cuối cùng của lực lượng nổi dậy người Kurdistan tại Syria.

Cũng trong ngày hôm qua, 28/08/208, tờ báo Liban al-Akhbar đưa tin, một phái đoàn Hoa Kỳ vào tháng Bảy vừa qua đã bí mật gặp lãnh đạo an ninh Syria Ali Mamlouk. Cuộc họp kéo dài 4 tiếng, tại sân bay quốc tế Damas.

Khi được hỏi về bài báo này, hai quan chức tình báo cao cấp Mỹ, xin được giấu tên, tiết lộ rằng phía Mỹ đã nói chuyện “với các thành viên chính quyền Assad” về việc tiêu diệt lực lượng Daech tại Syria, về kho vũ khí hóa học của chính quyền Damas và về phóng viên Austin Price, người được cho là đang bị Syria hoặc một nước đồng minh của Syria bắt giữ. Chính quyền Damas khi được hỏi đã không đưa ra lời bình luận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180829-hoi-dong-bao-an-lo-ngai-nguy-co-tham-hoa-tai-idleb

 

Nga biểu dương lực lượng

với cuộc tập trận « Vostok 2018 »

Thanh Phương

Hôm qua, 28/08/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou thông báo là trong tháng 9, Nga sẽ tổ chức một cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Đây sẽ là dịp để Nga biểu dương lực lượng, cũng như để gián tiếp phản ứng lại việc khối NATO tiếp tục mở rộng sang phía Đông, thu nạp các nước trước đây là chư hầu của Liên Xô.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

« Tổng cộng 300 000 quân, 1000 máy bay, trực thăng và máy bay không người lái, cùng với các hạm đội Miền Bắc và hạm đội Thái Bình Dương sẽ được huy động trong cuộc tập trận « Vostok 2018 », diễn ra từ ngày 11 đến 15/09 tại vùng đông Siberi và vùng Viễn Đông Nga. Bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou tỏ vẻ hài lòng khi thấy có đến 36 000 thiết bị quân sự được sử dụng cùng một lúc.

Vào lúc mà quan hệ giữa Nga và châu Âu đang xấu đi và quan hệ với Hoa Kỳ xuống đến mức thấp nhất, cuộc biểu dương lực lượng ngày gây lo ngại cho NATO, vì khối này từ nhiều năm qua vẫn lo sợ một cuộc tấn công của Nga. Đây quả thật là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất kể từ năm 1981, dưới thời Brejnev.

Tuy Matxcơva nhấn mạnh rằng cuộc tập trận « Vostok 2018 » chỉ mang tính phòng thủ, nhưng đây cũng là dịp để Nga tỏ thái độ bực tức trước việc Liên minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng sang các nước vùng Baltic và các nước thành viên cũ của khối Hiệp ước Vacxava.

Tuy vậy, Nga vẫn mời các đại diện của khối NATO đến quan sát cuộc tận trận, mà cũng sẽ có sự tham gia của các đơn vị quân đội Trung Quốc và Mông Cổ. Theo nhiều chuyên gia Nga, chiến lược, khả năng huy động và tính lưu động của quân đội Nga sẽ được phân tích đặc biệt kỹ lưỡng. »

Năm ngoái, các cuộc tập trận lớn của Nga đã diễn ra tại châu Âu. Năm nay, tập trận sẽ diễn ra ở vùng Viễn Đông. Đây là một vùng có tầm quan trọng đặc biệt đối với Matxcơva và là nơi mà họ đang muốn tăng cường lực lượng quân sự. Riêng Vladivostok là nơi đặt hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Một số tàu ngầm của hạm đội này đang được hiện đại hóa để có thể chở theo các tên lửa hành trình. Nga cũng hiện có các cơ sở quân sự quan trọng ở bán đảo Kamchatka và trong những năm gần đây đã mở các cuộc tập trận trên biển chung với Trung Quốc, cũng như mở các cuộc tập trận trên bộ ở vùng Siberi, tại khu vực hồ Baikal, gần biên giới Mông Cổ.

Khi được hỏi về chi phí tốn kém của cuộc tập trận quy mô như thế trong lúc nước Nga đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, điện Kremlin đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo đảm an ninh cho nước Nga trước những thái độ bị xem là « gây hấn và thù địch » trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Nhưng về phía NATO, phát ngôn viên của khối này, ông Dylan White hôm qua đã cho rằng cuộc tập trận « Vostok 2018 » chứng tỏ nước Nga « tập trung vào việc huấn luyện cho một cuộc xung đột quy mô lớn ». Theo ông White, cuộc tập trận này thể hiện xu hướng mà NATO đã nhận thấy từ những năm qua : một nước Nga tự tin hơn, đang gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và sự hiện diện quân sự.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180829-nga-bieu-duong-luc-luong-voi-cuoc-tap-tran-%C2%AB-vostok-2018-%C2%BB

 

Đức: Phe cực hữu lại biểu tình bài ngoại

Thu Hằng

Tại thành phố Dresden, bang Sachsen, phe cực hữu Đức lại xuống đường ngày 28/08/2018 để thể hiện tình đoàn kết với nạn nhân 35 tuổi bị hai người nhập cư đâm chết ở Chemnitz (cùng bang). Nước Đức bất ngờ và lo ngại trước sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước đây. Thủ tướng Angela Merkel lên án « hận thù trên đường phố ».

Thông tín viên RFI Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :

« Ông Matthias, một kế toán viên 54 tuổi, chưa bỏ lỡ một cuộc tuần hành nào của đảng cực hữu AfD từ hai năm rưỡi nay. Ông thấy phải có trách nhiệm lên án chính sách nhập cư vô trách nhiệm của thủ tướng Angela Merkel.

Ông nói : « Tôi phải thể hiện trách nhiệm đối với những người khác. Đối với tôi, mọi việc đều tốt cả. Dĩ nhiên, tôi có thể không bận tâm, nhưng không thể như thế được. Tôi phải thể hiện trách nhiệm đối với dân tộc. Thực ra, tôi không thích phải bận tâm ».

Bên cạnh ông là ông Heiko Muller, 62 tuổi, một trong những người tổ chức cuộc tuần hành ở Dresden. Thứ Hai vừa qua (27/08), ông có mặt ở Chemnitz và thấy ghê tởm về hình ảnh mà báo chí đưa tin về tình trạng lộn xộn của phe cực hữu.

Ông giải thích : « Chúng tôi có mặt ở đó vì một thanh niên bị giết ở Chemnitz. Báo chí chỉ nêu rất ngắn gọn về vụ đó, chỉ nhằm nhấn mạnh cái gọi là có rất nhiều người phát xít quốc xã hiện diện. Ở đây, không ai là phát xít quốc xã cả, không ai trong số chúng tôi là phát xít quốc xã cả. Tất cả chúng tôi là những công dân bình thường của thành phố Dresden ».

Tại Dresden, các cuộc tuần hành hôm thứ Ba (28/08) diễn ra một cách ôn hòa. Nhưng Sachsen, nơi có đến 27% cử tri bỏ phiếu cho đảng cực hữu AfD vào tháng 09/2017, cũng là bang đứng đầu cả nước về số vụ tấn công nhắm vào người nước ngoài và các vụ phóng hỏa các khu nhà dành cho người tị nạn ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180829-cong-dan-duc-bi-nguoi-nhap-cu-sat-hai-phe-cuc-huu-bieu-tinh-bai-ngoai

 

Lo ngại Trung Quốc, phương Tây gia tăng ngoại giao

với các quốc đảo Thái Bình Dương

Các cường quốc phương Tây là Mỹ, Anh, Pháp, và Úc sẽ tăng cường sự có mặt ngoại giao tại các tiểu quốc vùng Thái Bình Dương để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.

Hãng tin Reuters vào ngày 29 tháng 8 loan tin này, trích dẫn nguồn từ chính phủ Hoa Kỳ.

Theo Reuters, Washington sẽ tăng cường số nhân viên ngoại giao của mình tại các tiểu quốc Palau, Micronesia, và có thể là cả Fiji trong thời gian hai năm tới đây.

Nước Úc sẽ bổ nhiệm một viên Cao ủy tại đảo Tuvalu trong vài tuần tới. Anh cũng sẽ bổ nhiệm các viên cao ủy đến Vanuatu, Tonga, Samoa trong thời gian từ đây đến cuối tháng 5/2019.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có kế hoạch tổ chức một cuộc gặp với các nhà lãnh đảo những đảo quốc Thái Bình Dương vào năm tới.

Trong thời gian qua Bắc Kinh đã cho các nước nhỏ ở vùng Thái Bình Dương vay tiền hoặc viện trợ không hoàn lại với tổng trị giá lên đến 1 tỉ 300 triệu đô la. Từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở khu vực, chỉ sau Úc.

Nguồn tin giấu tên từ chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ rất quan ngại trước việc Trung Quốc cho vay bừa bãi, có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu chất chồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/west-counter-china-pacific-08292018083719.html

 

Nhật Bản không bình luận vụ ‘gặp Bắc Hàn ở VN’

Nhật Bản không bình luận về tin tức nói Nhật và Bắc Hàn đã bí mật gặp nhau tại Việt Nam hồi tháng trước mà không thông báo cho Mỹ biết.

Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ từ chối bình luận về tin vốn được đăng lần đầu tiên hôm thứ Ba trên báo Washington Post của Mỹ, trang tin NHK World của Nhật, phiên bản tiếng Anh, nói.

Tin tức nói quan chức tình báo hàng đầu của Nhật, ông Shigeru Kitamura, đã gặp Kim Song Hye, quan chức cao cấp của Bắc Hàn, phụ trách vấn đề Triều Tiên thống nhất.

Nhật: ‘Bắc Hàn là đe dọa cấp bách nhất’

Người Bắc Hàn ở Nhật: ‘mong Trump-Kim sẽ thống nhất Triều Tiên’

Nhật gia hạn trừng phạt Bắc Hàn

Báo Mỹ nói nội dung cuộc gặp nói về việc Bắc Hàn bắt cóc các công dân Nhật.

Hôm thứ Tư, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói với các phóng viên rằng ông có biết về bài tường thuật nhưng sẽ không thay mặt chính phủ đưa ra bình luận gì, NHK World nói.

Ông Suga nói chính quyền sẽ tiếp tục hết sức trong việc tìm giải pháp toàn diện cho các vấn đề đang còn tồn đọng với Bắc Hàn, trong đó có vấn đề bắt cóc các công dân Nhật và chương trình hạt nhân, tên lửa của Bắc Hàn.

Báo Korea Joongang Daily nói Nam Hàn cũng không hề được biết trước về cuộc gặp, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này hôm thứ Tư nói với giới phóng viên rằng Seoul đang theo dõi sát sao vụ việc.

Báo Washington Post cũng nói Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “chỉ trích gay gắt” về chính sách thương mại của Nhật khi ông gặp Thủ tướng Shinzo Abe tại Tòa Bạch ốc hồi tháng Sáu, và nói với nhà lãnh đạo Nhật rằng ông nghĩ tới trận Trân Châu Cảng (hải quân Nhật bất ngờ tấn công Mỹ ở Hawaii năm 1944).

Tuy nhiên, ông Suga nói rằng không hề có lời bình luận như thế.

Cuộc gặp bí mật hồi tháng Bảy cho thấy Tokyo ngày càng lo rằng họ không thể dựa vào Hoa Kỳ thay Nhật Bản vận động cho các vấn đề của Nhật, như việc đòi Bắc Hàn trả công dân Nhật bị bắt cóc, báo Telegraph của Anh bình luận.

Trước đây, Tổng thống Trump từng nói với Tokyo rằng ông đã nêu vấn đề trên với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều hồi tháng Sáu ở Singapore.

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp Singapore lại không nhắc tới chuyện nhân quyền và bắt cóc người, trong lúc Bình Nhưỡng nêu quan điểm rằng vấn đề đã được giải quyết.

Thủ tướng Shinzo Abe coi việc xử lý vụ các công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc hồi thập niên 1970 và 1980 để giúp đào tạo gián điệp cho Bắc Hàn là vấn đề nổi cộm, và là chủ đề giúp ông vươn lên nắm quyền.

Câu chuyện cho đến nay vẫn là một rào cản lớn trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Bắc Hàn.

Bắt cóc công dân

Bắc Hàn từng thừa nhận đã bắt cóc 13 công dân Nhật. Năm người được cho về nước năm 2002 và sau đó con cái của họ cũng được về Nhật.

Bình Nhưỡng nói tám người còn lại đã chết.

Trường hợp được nhắc tới nhiều nhất là Megumi Yokota, bị điệp viên Bắc Hàn bắt cóc trên đường đi học về năm 1977, khi mới 13 tuổi.

Bắc Hàn nói bà đã cưới một người Nam Hàn cũng bị bắt cóc và có một con gái trước khi tự vẫn năm 1994.

Bình Nhưỡng trả lại hài cốt bà Yokota năm 2004 nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy đây không phải bà. Cha mẹ bà vẫn đang đấu tranh đòi thêm thông tin.

Nhật Bản cũng cho rằng con số người bị bắt cao hơn công bố và muốn điều tra thêm.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45337823

 

TQ bực giận Ikea vì ghi Đài Loan là ‘quốc gia’

Nhà sản xuất đồ nội thất Thụy Điển bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, báo Hong Kong cho hay.

Theo South China Morning Post, Ikea trở thành công ty nước ngoài mới nhất không đồng thuận với yêu cầu của Bắc Kinh rằng Đài Loan phải được xem là một phần của Trung Quốc.

Dân TQ ghét cả quán cà phê đón bà Thái Anh Văn

Đài Bắc muốn tăng trao đổi quân sự với Mỹ

Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’

‘Muốn chia tách Trung Quốc?’

Ikea hiện đang bị báo nhà nước và người dùng Internet tại đại lục công kích vì thông tin ghi trên bao bì.

Hôm 28/8, Thời báo Hoàn Cầu nói Ikea “đã vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” bằng cách ghi Đài Loan và Hong Kong là quốc gia trên bao bì.

“Ikea ghi ‘Tây Ban Nha-Đại lục’ và ‘Tây Ban Nha-Quần đảo Baleares và Canary trên bao bì thì lẽ ra nên ghi tương tự với Đài Loan và Hong Kong,” cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc viết.

Những người dùng Internet ở đại lục gây thêm áp lực với Ikea bằng cách post hình bao bì sản phẩm của chuỗi đồ nội thất trên Weibo ghi rằng Đài Loan là nước ngang hàng với Ấn Độ, Hàn Quốc và Philippines.

“[Ikea] kiếm tiền ở Trung Quốc nhưng lại đang định chia tách nước này à?,” một người viết trên Weibo.

Một người khác viết: “Ikea luôn tách Đài Loan và Hong Kong khỏi Trung Quốc trong thông tin ghi trên bao bì và trên website… Ikea phải đính chính vụ này.”

Ikea chưa đưa ra phản hồi.

Khi sự giận dữ của Bắc Kinh phản tác dụng

Đài Loan đáp trả các hãng bay tuân thủ Bắc Kinh

VN nói hạ cờ Đài Loan vì chính sách ‘một TQ’

Đầu tháng này, một hãng làm bánh ngọt ở Mỹ rơi vào tâm bão địa chính trị do mời tổng thống Đài Loan một ly cà phê.

Chi nhánh tại Los Angeles của 85D Bakery Cafe có chủ sở hữu là người Đài Loan đã mời cà phê và đón tiếp nồng nhiệt bà Thái Anh Văn khi bà ghé qua quán trong lúc dừng chân ở Mỹ trong chuyến thăm đồng minh.

Thế nhưng nhiều khách hàng Trung Quốc, những khách hàng thường tới các tiệm thuộc chuỗi cửa hàng này ở Trung Hoa lục địa, đã tức giận và kêu gọi tẩy chay hãng.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và công chúng Trung Quốc thường nhanh chóng nhảy dựng lên khi thấy có cái gì đó ủng hộ cho sự độc lập của Đài Loan.

Việc tiếp đón nồng hậu bà Thái, lãnh đạo của một đảng chính trị cầm quyền chủ trương Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc, là điều được cho là không thể chấp nhận được.

Chuỗi sản xuất bánh ngọt trong lúc cố gắng kiểm soát mức độ tổn thất bằng cách nhanh chóng đưa ra tuyên bố nhằm giữ khoảng cách với vấn đề Đài Loan độc lập, thay vì kiểm soát được tình hình thì lại làm dấy thêm cơn giận dữ – mà lần này là từ Đài Loan, nơi người dân cáo buộc hãng là đã uốn cong lưng trước áp lực từ Trung Quốc.

Quy chế pháp lý của Đài Loan là một vấn đề rất nhạy cảm.

Đây là một nền dân chủ tự quản và trên thực tế đã tồn tại như một quốc gia độc lập kể từ 1950, khi chính phủ dân túy ở Trung Quốc bị phe cộng sản đánh bại và phải bỏ chạy từ đại lục sang Đài Loan.

Hàng không Mỹ phải bỏ tên Đài Loan vì sợ TQ

Mỹ tập trận với Đài Loan và ‘thuê đảo’ ở Trường Sa?

Đài Loan trao giải Nhà Đường năm 2018

Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh phản loạn, không phải là một quốc gia độc lập, và sẽ đến một ngày bị dùng vũ lực thống nhất với đại lục.

Trung Quốc nói rằng các nước khác chỉ có thể có quan hệ với hoặc là Trung Quốc, hoặc là Đài Loan chứ không thể cả hai.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong việc tuyên bố quyền đối với Đài Loan, và nói rằng đây là một trong những vấn đề then chốt trong chủ quyền lãnh thổ.

Tuy bà Thái có tiếng nói khá ôn hòa về vấn đề độc lập kể từ khi được bầu lên tới nay, nhưng bà vẫn bị đại lục coi là một kẻ ly khai nguy hiểm.

Chuỗi cửa hàng cà phê, vốn có quá nửa doanh thu toàn cầu là từ thị trường Trung Quốc, đã nhanh chóng ra tuyên bố.

Hãng nhấn mạnh rằng họ “cương quyết ủng hộ” và không làm điều gì để “chia rẽ tình cảm ái quốc ở cả hai bên”, vốn là “cùng một gia đình”.

Thế nhưng điều này không đem lại kết quả như ý.

Các khách hàng Trung Quốc giận dữ khi nhận ra rằng tuyên bố trên chỉ được đăng trên trang web của công ty ở đại lục, và coi đó như một nỗ lực nhằm xoa dịu công chúng chứ không phải là quan điểm rõ ràng chống việc Đài Loan độc lập.

Tại Đài Loan, có những cáo buộc rằng hãng đã chịu khom lưng trước áp lực của Bắc Kinh.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45327174

 

TQ bắt nhóm sinh viên giúp lập nghiệp đoàn

Lần đầu tiên trong 30 năm, sinh viên từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc liên kết với công nhân nhà máy để lập nghiệp đoàn ở vùng duyên hải nhưng đã bị chính quyền chặn lại.

Sáng thứ Sáu 24/8, cảnh sát chống bạo động bố ráp một căn hộ ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) nơi gần 50 sinh viên và công nhân nhà máy tụ họp để thành lập liên đoàn lao động độc lập.

Ở Trung Quốc, các nghiệp đoàn độc lập bị cấm sau vụ biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

Ứng dụng gọi xe TQ tạm ngưng sau án mạng

Xem lại xe tăng vào Thiên An Môn

TQ bực giận Ikea vì ghi Đài Loan là ‘quốc gia’

Các sinh viên bị bắt giữ hầu hết đến từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Ninh và Đại học Nhân Dân, còn công nhân đến từ nhà máy sản xuất thiết bị hàn Jasic Technology ở Thâm Quyến.

Ba công nhân là Lan Zhiwei, Yu Kailong và Yu Weiye bị giam giữ, những người trước đó đang hưởng án treo sau một vụ cảnh sát bắt giữ nhiều người.

Vụ bắt giữ này được cho là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc để đàn áp phong trào lao động đang lên ở tỉnh Quảng Đông.

Phong trào này bắt đầu nổi lên từ tháng trước khi công nhân nhà máy Jasic Technology bị đuổi việc khi họ tìm cách lập nghiệp đoàn.

Vì sao vẽ Mao?

Luật sư Đoàn Thanh Liêm: cả đời cho xã hội, cho nhân quyền

TQ: Nhà hoạt động bị bắt khi đang trả lời VOA

Bất đồng về quyền lao động giữa lãnh đạo công ty và công nhân nhà máy Jasic Technology bắt đầu từ hồi tháng Năm.

Làm lại cuộc cách mạng cánh tả?

Tới tháng Bảy, hàng chục sinh viên được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa Mao đã xuống Thâm Quyến để ủng hộ các yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Những đảng viên Cộng sản lâu năm theo chủ nghĩa Mao cũng tham gia phong trào và chỉ trích khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo trong xã hội Trung Quốc, tờ AsiaNews đưa tin.

Hãng tin Anh Reuters cho hay hôm 27/7, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 29 người, trong đó có một số công nhân bị đuổi việc, người thân và những người ủng hộ họ.

Hiện mười bốn người vẫn đang bị giam giữ.

Các cuộc biểu tình của công nhân và sinh viên bị ngăn cản bởi các vụ cảnh sát bắt người và các nhóm du côn ẩn danh đánh người biểu tình.

Sinh viên và các nhà hoạt động dùng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của họ và tìm sự đoàn kết, ủng hộ từ người dân.

‘Chán Đảng khô Đoàn’ có phải là mới?

VN cần cải tổ doanh nghiệp bằng cách nào?

Ông tổ của CHXH yêu hai chị em một nhà

Những điều có lẽ chúng ta phải biết ơn Marx

Từ tuần trước, tất cả các bài viết và chat trên mạng xã hội nhằm tổ chức biểu tình bị chính quyền chặn và cấm.

Công đoàn chính thức của Trung Quốc thường đứng về phía quản lý công ty và việc vận động cho quyền lao động là một thách thức cho Đảng Cộng sản.

Tờ AsiaNews.it trích lời ông Cai Chongguo, phó giám đốc Bản tin Lao động Trung Quốc, nói rằng phong trào đấu tranh “đã làm chấn động cơ sở tư tưởng và tính chính thống của chế độ hiện hành” trong lúc người dân Trung Quốc đang ngày một bức xúc vì khoảng cách ngày một lớn giữa người nghèo và giới giàu có nhiều tiền và nắm quyền chính trị ở nước này.

Kể từ thời Khai phóng, dù kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng các vấn đề xã hội to lớn ở Trung Quốc cũng khiến một phái, gọi là ‘tân tả’ trong trí thức Trung Quốc lên tiếng nhắc lại vấn đề công bằng xã hội.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nhóm đông đảo sinh viên và trí thức trẻ vào cuộc vì công nhân.

Trước Thế chiến 2, chính Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục dùng khẩu hiệu công bằng xã hội để vận động công nhân các vùng duyên hải vào Công hội đỏ.

Nhưng sang thời gần đây, ý thức hệ cộng sản bị thuyết thực dụng ‘Mèo trắng mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột’ của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình làm nhạt màu đi.

Chính quyền Trung Quốc sau đó đưa ra thuyết Ba Đại diện cho rằng các nhà tư bản cũng là lực lượng ‘tiến bộ’ dẫn dắt xã hội.

Gần đây nhất, lý thuyết gia Vương Hộ Ninh lại nói rằng vì bối cảnh “đặc thù Trung Hoa” nên xã hội vẫn cần “chính trị tập trung” trong khi “kinh tế tăng trưởng nhanh chóng”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45343496

 

Thái Lan mời TQ

vào Hành lang Kinh tế phía Đông

Chính phủ Thái Lan vừa mời các doanh nhân Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dự án công nghiệp phía Đông trong kế hoạch đưa Thái Lan trở thành một nước phát triển.

Ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan (Eastern Economic Corridor-EEC) đưa ra lời mời gọi này khi giới thiệu về EEC trong sự kiện “Hợp tác Sáng kiến Vành đai Con đường Thái Lan-Trung Quốc cho tương lai” hôm thứ Bảy, 25/8, theo China Daily.

Ông Kanit đã nói với phái đoàn gồm hàng trăm doanh nhân Trung Quốc rằng EEC, bao phủ ba tỉnh phía Đông Nam Thái Lan là Chachoengsao, Chonburi và Rayong, ra đời nhằm mục tiêu phát triển khu vực này thành một khu kinh tế hàng đầu của Thái Lan và khu vực ASEAN.

Ông Kanit cho biết nhiều dự án cơ sở hạ tầng như dự án đường sắt cao tốc trị giá 5,7 tỷ đôla, dự án sân bay trị giá 5,7 tỷ đôla sẽ được triển khai trong EEC để thúc đẩy đầu tư vào 10 ngành công nghiệp đang được nhắm đến.

Một số công ty Trung Quốc đã tham gia đấu thầu dự án đường sắt cao tốc EEC nối sân bay Don Mueang ở Bangkok với sân bay Suvarnabhumi ở tỉnh Samut Prakan và sân bay U-Tapao ở tỉnh Rayong, ông Kanit nói thêm rằng công ty trúng thầu sẽ được quyết định trong năm nay.

Thái Lan đề nghị Anh dẫn độ bà Yingluck

Diên Hy Công Lược và ‘sức mạnh mềm TQ’

TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài

VN tham gia ‘Vành đai, Con đường’ như thế nào?

Ông cho biết các công ty Trung Quốc, giỏi trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, được chào đón đầu tư vào sân bay quốc tế U-Tapao, đường sắt cao tốc, cảng Laem Chabang, Map Ta Phut và các dự án hạ tầng kỹ thuật số cũng như các ngành công nghiệp kỹ thuật số, robot, hàng không và hậu cần, ô tô thế hệ mới, v.v.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kanit cũng đề cập đến dự án phát triển hành lang kinh tế phía Nam (SEC) đã được chính phủ Thái phê duyệt cách đây vài ngày, sẽ được thử nghiệm tại bốn tỉnh phía Nam là Chumphon, Ranong, Surat Thani và Nakhon Si Thammarat.

Theo ông, dự án bao gồm việc phát triển cảng Ranong như một cửa biển quan trọng đối với Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka và châu Âu, và sẽ có đường sắt nối giữa EEC và SEC để hàng hóa sản xuất trong EEC cũng có thể tận dụng lợi thế của cảng để phát triển ở SEC, nhanh hơn vận chuyển qua eo biển Malacca.EEC là một dự án trọng điểm của chính phủ Thái Lan trong kế hoạch đưa Thái Lan trở thành một nước phát triển.

Kết nối Vành đai Con Đường của TQ

Thái Lan cũng đặt mục tiêu kết nối với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc để thúc đẩy cơ hội đầu tư và thương mại ở châu Á, theo Thailand Business News.

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, trong bài phát biểu trước gần 1.000 quan khách tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan-Trung Quốc 2018 rằng các mô hình đầu tư của Trung Quốc đang chuyển dịch vì kinh tế toàn cầu đang thay đổi và kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Đồng thời, nhiều quốc gia ở châu Á đã bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn và cũng liên kết thông qua việc phát triển các dự án hậu cần và giao thông.

Chính phủ Thái Lan coi sự chuyển mình của kinh tế đất nước là ưu tiên hàng đầu, đó là lý do tại sao họ tìm cách đảm bảo một môi trường kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư, bài báo trên Thailand Business News cho hay.

Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban mới do Thủ tướng chủ trì để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong kinh doanh tại Thái Lan. Bà Duangjai Asawachintachit, Tổng thư ký Hội đồng Đầu tư (BOI), nhắc lại những quan điểm này.

Số lượng doanh nhân Trung Quốc tham gia sự kiện này là hơn 400 người, được cho là ‘vượt quá mong đợi’.

Ven bờ Đông của Vịnh Thái Lan

Trong lúc Việt Nam đang bàn về một số dự án như ‘đặc khu’ ở Phú Quốc thì Hành lang Kinh tế phía Đông – cách Phú Quốc chỉ 500 km – có tham vọng lớn hơn nhiều, nhằm thu hút toàn bộ các nước láng giềng cùng bên bờ Vịnh Thái Lan vào một đầu mối kinh tế.

Còn gọi là ‘Eastern Seaboard’, vùng bờ biển này chạy từ phía Nam Bangkok qua Campuchia tới tận Cà Mau, Việt Nam, đây là khu vực Thái Lan muốn khai thác, cả về du lịch, hàng hải và công nghệ chế xuất.

Ngoài ra, trong phần giới thiệu của EEC với ASEAN, dự án EEC này muốn nối với cảng Laem Chabang với Dawei của Maynamar với cảng Sihanoukville (Campuchia), Vũng Tàu (Việt Nam), biến Thái Lan thành trung tâm giao thương đường biển trong vùng Đông Nam Á.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45339335

 

Myanmar: Hơn 5 ngàn người

sơ tán vì vỡ đập thủy lợi

Hơn 5.000 người phải sơ tán vì một con đâp bị vỡ gây ngập lụt ở miền trung Myanmar hôm 29/8, theo hãng tin Reuters.

Sở Cứu hỏa Myanmar đã cử một đội cứu hộ đến đập thủy lợi Swar sau khi đập này vỡ vào lúc 5:30 sáng, gây ngập thị trấn Swar và hai làng xã kế cận.

Sở Cứu hỏa thông báo trên Facebook: “Con đập bị vỡ và làm ngập hai làng xã gần đường cao tốc.”

Ông Chan Nyein Thu, nhân viên phụ trách phòng quản lý thiên tai khu vực cho biết: “Hơn 5.400 người đã di tản đến các tu viện và các khu vực an toàn trong thị trấn Yedashe.”

Còn tại thị trấn Thagaya cũng có hơn 1.500 người đang lánh nạn, ông Aung Hla Min, một nhân viên của thị trấn cho biết.

Kaung Myat Thiha, một nhân viên cứu hỏa thuộc khu vực Yedashe, nói 1.500 người khác ở ít nhất 4 ngôi làng gần đó đã phải sơ tán, và họ tạm lánh tại một tu viện Phật giáo.

Ông Zaw Htay, Phát ngôn viên chính phủ Myanmar cho biết tính đến đầu giờ chiều hôm 29/8 vẫn chưa có thống kê về số thương vong.

Nhà chức trách đang tổ chức “sơ tán và có các biện pháp đề phòng,” ông Zaw Htay cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar, con đập này được xây dựng trên sông Swar vào năm 2004, phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 hecta đất nông nghiệp trong khu vực.

https://www.voatiengviet.com/a/myanmar-hon-5-ngan-nguoi-so-tan-vi-vo-dap-thuy-loi/4548993.html

 

Hồ sơ Rohingya: Các tướng Miến Điện

có thể bị toà án quốc tế xử ?

Một năm sau cuộc tấn công của quân đội Miến Điện nhằm vào cộng đồng người thiểu số Hồi Giáo Rohingya, hôm 27/8/2018, Liên Hiệp Quốc kết luận đó là hành động « diệt chủng ». Các nhà điều tra của tổ chức quốc tế cáo buộc quân đội có ý định tiêu diệt người Rohingya, đồng thời yêu cầu đưa các chỉ huy quân đội Miến Điện ra xét xử trước tòa án quốc tế vì tội « diệt chủng ».

Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc liệt kê một loạt các hành động tàn sát của quân đội Miến Điện nhằm vào người Rohingya ở các bang Shan, Kachin và Arakan. Đó là các tội ác: Hành quyết thường dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và bắt đi mất tích, tra tấn rất nhiều người khác. Theo Liên Hiệp Quốc, các quân nhân Miến Điện đã phạm phải hàng loạt các tội ác kinh hoàng bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm nhằm tiêu diệt cộng đồng thiểu số người Hồi giáo này.

Điều nghiêm trọng, theo báo cáo của tổ chức quốc tế, đó không phải là những hành động đơn lẻ, mà các quân nhân đã hành động theo một kế hoạch có tính toán, đưa ra từ cấp chỉ huy cao nhất và được triển khai theo từng giai đoạn. Cuộc đàn áp trên quy mô lớn có tổ chức này đã gây ra thảm cảnh cho hơn 700 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn sang Bangladesh cách đây đúng một năm. Cho đến giờ hàng trăm nghìn người Rohingya vẫn đang phải sống leo lắt trong các trại tị nạn tạm bợ bên kia biên giới Bangladesh không biết bao giờ mới có ngày trở về Miến Điện.

Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên nêu đích danh thủ phạm là tổng tư lệnh và 5 tướng lĩnh khác trong quân đội Miến Điện. Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cuộc tàn sát trên có sự thông đồng của chính quyền dân sự. Bà Aung San Su Kyi, giải Nobel Hòa bình, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ Miến Điện, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn các cuộc thảm sát người Rohingya.

Hôm nay (29/08), chính phủ Miến Điện đã lên tiếng phản bác bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc. Một ủy ban độc lập chuyên trách hồ sơ Miến Điện yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải hành động, đồng thời đưa vụ việc ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, hoặc thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra về tội ác “thanh lọc chủng tộc” nhằm vào người Rohingya.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180829-ho-so-rohingyas-chi-huy-quan-doi-mien-dien-co-bi-dua-ra-xet-xu

 

Trường hợp Malaysia

Nguyễn Xuân Nghĩa

Lên lãnh đạo xứ Malaysia lần thứ nhì ở tuổi 93, Thủ tướng Mohamad Mahathir vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và đã đưa ra nhiều quyết định mới trong quan hệ với Bắc Kinh. Chúng ta có thể rút tỉa những bài học gì từ trường hợp của Malasyia, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây…

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Thủ tướng Mohamad Mahathir của Malaysia vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và sau khi lên cầm quyền lần thứ nhì ở tuổi 93, ông đã lấy nhiều quyết định gây chú ý trong dư luận các nước Đông Nam Á. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về trường hợp của Malaysia và thính giả của chúng ta có thể tự hỏi xem Việt Nam có thể rút tỉa được những bài học gì… Nguyên Lam xin kính mời ông bắt đầu.

Đất nước Mã Lai và bác sĩ Mahathir

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Malaysia quả thật là trường hợp đặc biệt ta nên tìm hiểu. Trước hết, về địa dư thì xứ này có hình thể lạ kỳ là lãnh thổ bị chia hai trên vùng biển Đông Nam Á. Tại hướng Tây là khu vực bán đảo tiếp giáp với Thái Lan và tiếp cận với Singapore cùng Indonesia và eo biển Malacca dài gần 900 cây số. Tại hướng Đông là mạn Bắc của Hải đảo Bornéo, tiếp giáp với hai xứ Brunei và Indonesia và tiếp cận với Philippines. Với diện tích bằng Việt Nam mà dân số chỉ chừng một phần ba, người dân xứ này có lợi tức bình quân một đầu người cao hơn bốn lần lợi tức của dân Việt Nam.

Vào Tháng Sáu vừa qua, ông Mahathir nói về kinh nghiệm của Trung Quốc khi triều Mãn Thanh khi phải ký kết các “hiệp ước thiếu cân đối”, vì là một nước lạc hậu vì các cường quốc chèn ép từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Lời phát biểu đó cảnh bảo các nước đang phát triển hoặc chưa mở mang và nay bị một cường quốc chèn ép chính là Trung Quốc.

-Nguyễn Xuân Nghĩa

– Về lịch sử, Malaysia giành được độc tập từ Đế quốc Anh cách nay 71 năm, vào ngày 31 Tháng Tám năm 1957, sau đó cũng gặp hiểm họa cộng sản như nhiều nước Đông Nam Á khác mà lại thoát và khởi sự hiện đại hóa từ sau thập niên 60 của thế kỷ trước. Về chính trị, Malaysia là nước quân chủ lập hiến, là có một ông vua làm quốc trưởng, mà theo thể chế dân chủ đại nghị, với Thủ tướng là người lãnh đạo đảng đa số, kết hợp ba sắc tộc chính gồm hơn hai phần ba là người Mã Lai Đa Đảo, họ gọi là “bumiputera” theo Hồi giáo, một phần tư là người gốc Hoa và dân gốc Ấn thì có chừng 7%. Bài học đầu tiên ta nên chú ý là Malaysia vẫn cố gắng xây dựng nền dân chủ và thực tế thì đã tiến xa hơn Việt Nam.

Nguyên Lam: Nguyên Lam thấy rằng lãnh đạo một quốc gia khá đa diện và phức tạp như vậy có lẽ không dễ, ông nghĩ thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta bước qua phần hai và nói đến nhân vật thời sự là Bác sĩ Mahathir. Là người thuộc sắc tộc Mã Lai, ông có ý thức quốc gia hơn ý thức giai cấp hay sắc tộc, và hoạt động chính trị từ năm 1964, ở tuổi 39, ông góp phần vào việc hiện đại hóa một quốc gia nông nghiệp đa chủng tộc thành một nước công nghiệp. Lãnh đạo một đảng chính trị chiếm đa số khá lâu, ông làm Thủ tướng gần 22 năm, từ năm 1981 đến 2003 và coi như về hưu khi gần 80 tuổi.

– Mười năm sau khi làm Thủ tướng, vào năm 1991, ông phát động một kế hoạch gọi là Viễn ảnh 2020 để xây dựng một nền móng kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục cho một nước công nghiệp hóa hiện đại. Khi ấy, ông chủ trương hợp tác với kinh tế Trung Quốc để tìm lực đẩy cho quốc gia. Ngày nay, ông Mahathir xuất hiện trở lại và lập ra một đảng khác khi thấy quốc gia sa sút và chính trị bị tham nhũng đục khoét, đối ngoại thì bị Trung Quốc lũng đoạn.

– Sau khi thắng cử, ông xin quốc vương ân xá một đối thủ chính trị năm xưa là ông Anwar Ibrahim, để ông này có thể kế nhiệm mình trong vài ba năm tới. Trong lần nhậm chức Thủ tướng trước đây, ông cũng rút tỉa được nhiều bài học về sai lầm và nhất là kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng Đông Á vào năm 1997.

Nguyên Lam: Chuẩn bị cho chương trình tuần này, Nguyên Lam cũng nhớ rằng ngay từ năm 1997, ông đã phân tích những nguyên nhân khủng hoảng tại Đông Á và trường hợp của Malaysia vào thời đó. Ngày nay, ông cho rằng Thủ tướng Mahathir nghĩ sao và muốn làm gì?

Thủ tướng Mahathir, suy nghĩ và hành động

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thời ấy, ông Mahathir đổ lỗi cho giới đầu tư Tây phương mà thật ra không thấy nhiều sai lầm của các quốc gia đang phát triển. Ngày nay, có lẽ ông đã hiểu rằng muốn phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, các nước kém mở mang cần một chiến lược kinh tế có thể cân bằng các lực đẩy như đầu tư của công quyền và tư doanh được tài trợ bằng nỗ lực tiết kiệm thay vì trông cậy vào bội chi ngân sách và vay mượn nước ngoài. Hai mối nguy của vay mượn là đô la Mỹ hay tiền tài trợ của Trung Quốc. Đô la Mỹ có thể lên giá làm kinh tế khủng hoảng và tiền bạc của Trung Quốc sẽ làm chính trị của quốc gia sụp đổ. Có lẽ chúng ta nên nhìn vào một bối cảnh lâu dài thì mới phần nào hiểu ra chủ trương của ông Mahathir.

Nguyên Lam: Xin đề nghị ông nhắc lại về bối cảnh lâu dài đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vốn nghi ngờ các nước Tây phương vì chủ nghĩa thực dân, ông Mahathir hoạt động chính trị khi Trung Quốc lâm khủng hoảng vì cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại của Mao Trạch Đông và tính chất cực đoan hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng lên cầm quyền sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế và tạo ra thời kỳ tăng trưởng chưa từng thấy tại Trung Quốc nên có lẽ Mahathir cũng đã học hỏi nhiều, nhất là sau khi phát động kế hoạch năm năm lần thứ sáu gọi là “Viễn ảnh 2020” vào năm 1991 mà tôi nói ở trên. Ngày nay, Viễn ảnh 2020 đó đã thất bại vì năng suất sút giảm, ngân sách bị bội chi, và tham nhũng lây lan lại còn dẫn tới sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

– Bây giờ, khi Tập Cận Bình tập trung quyền lực tại Trung Quốc và có chính sách bành trướng cả an ninh lẫn kinh tế qua kế hoạch “Nhất Đới Nhất Lộ, Thủ tướng Malaysia đang ngẫm nghĩ về số phận của một nước Đông Nam Á nằm trên con đường bành trướng của Bắc Kinh. Từ trường hợp Malaysia, chúng ta đang chứng kiến một thay đổi lớn trong khu vực….

Nguyên Lam: Từ một người đã làm Thủ tướng trong hơn hai chục năm và ngày nay vẫn ra lãnh đạo xứ sở khi đã hơn chín mươi tuổi, chắc hẳn rằng ông Mahathir có nhiều kinh nhiệm xử trí như ông Nghĩa vừa tóm lược ở trên. Thưa ông, riêng với Trung Quốc thì ông Mahathir nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đầu tiên, mới lên làm Thủ tướng, ông Mahathir đã lấy quyết định cải sửa những sai lầm và tai hại của hai Chính quyền trước, nhất là tình trạng tham nhũng và cấu kết khi cầm quyền quá lâu làm xứ sở bị thế lực tiền tài của Trung Quốc khuynh đảo. Phản ứng của nước Úc và New Zealand lẫn Philippines về sự lũng đoạn của Trung Quốc cũng có nét tương tự.

– Sau khi nhậm chức, ông Mahathir chuẩn bị thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của Bắc Kinh qua nhiều quyết định liên hệ đến các dự án xây dựng hạ tầng của Trung Quốc trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Ông đưa ra một phát biểu có tính chất cảnh báo cả Bắc Kinh lẫn các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyên Lam: Theo dõi sự tình từ lâu, xin đề nghị ông  nói tới lời phát biểu có tính chất cảnh báo đó của Thủ tướng Malaysia.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vào Tháng Sáu vừa qua, ông Mahathir nói về kinh nghiệm của Trung Quốc khi triều Mãn Thanh khi phải ký kết các “hiệp ước thiếu cân đối”, vì là một nước lạc hậu vì các cường quốc chèn ép từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Lời phát biểu đó cảnh bảo các nước đang phát triển hoặc chưa mở mang và nay bị một cường quốc chèn ép chính là Trung Quốc.

– Đấy là nguyên nhân ông hủy bỏ một số dự án trị giá tới 23 tỷ đô la do chính quyền tiền nhiệm ký kết với Bắc Kinh. Tuần qua, trong cuộc họp báo bên Tổng lý Quốc vụ viện của Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Malaysia còn từ chối tái xét các dự án đó và nói đến một hiện tượng “thực dân” mới trong khu vực. Tôi chưa thấy lãnh tụ nào tại Đông Nam Á nói thẳng như vậy!

– Nhưng trong chuyến thăm viếng Trung Quốc vừa rồi, ông Mahathir vẫn xúc tiến một số hợp đồng kinh tế có lợi cho Malaysia chứ không đứng hẳn vào chủ trương chống Tầu. Nghĩa là dù có tiền và có súng, Bắc Kinh vẫn cần mua chuộc các nước đang phát triển chứ không dễ gì tự tung tự tác.

– Chúng ta không quên xứ Malaysia nằm trên con đường hàng hải chiến lược vì chuyên chở tới 80% lượng dầu thô nhập vào Trung Quốc và khoảng 50% số hàng xuất khẩu của Bắc Kinh. Nay lãnh tụ của Malaysia không muốn xứ sở là chư hầu của Trung Quốc hay nằm trong sổ lương của Bắc Kinh. Nhờ có bầu cử dân chủ, ý nguyện của người dân đã được thể hiện: Thủ tướng trước thì vào tù vì tham nhũng, thủ tướng vừa lên cầm quyền thì có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Nguyên Lam: Nếu nhìn như vậy thì Malaysia nằm trên bậc thềm của Con Đường Tơ Luạ trên biển và Việt Nam lại nằm ngay tại một cửa biển của Trung Quốc. Hai quốc gia này có hoàn cảnh địa dư gần như tương tự mà vì sao lại có hai lập trường hơi khác biệt thưa ông?

Khác biệt giữa Việt Nam và Malaysia

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vì lý do lịch sử hơn địa dư, thế thôi! Nôm na là vì Malasyia thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản trên con đường giành lại độc lập. Kết hợp cả hai lý do thì trong khi lãnh đạo Malaysia xét lại toàn bộ bước tiến của Trung Quốc thì lãnh đạo Hà Nội lại muốn mở cửa Vân Đồn và mời chào Trung Quốc vào Phú Quốc!

– Nói về Malasyia, Thủ tướng Mahathir cho hủy bỏ hai dự án thiết lộ nối liền Con Minh từ tỉnh Vân Nam qua Lào và Thái tới hai bờ biển Tây và Đông của Malaysia, dù đã mất năm tỷ đô la xây dựng được một đoạn khá dài. Ngoài ra còn các dự án khác cũng đã bị hủy, như hai ống dẫn khí, và nhất là dự án địa ốc vĩ đại là Forest City cũng vừa bị cấm không cho ngoại quốc bỏ tiền vào đầu tư. Kinh nghiệm của Thủ tướng cũ đang ngồi tù là ông Najib Razak cho thấy là càng tham nhũng thì xứ sở lại càng lệ thuộc vào đồng tiền của Bắc Kinh, là điều khởi sự từ năm 2015.

Nguyên Lam: Câu chuyện về Malaysia quả thật là hấp dẫn, nhưng thời lượng có hạn nên chúng ta vẫn phải tổng kết. Thưa ông, ông kết luận thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng ta mới chỉ có thể sơ kết thôi. Một số quốc gia trên con đường bành trướng của Bắc Kinh, như Pakistan, Sri Lanka, đều đang xét lại cái giá của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Malaysia thì có vẻ quyết liệt nhất.

– Thứ hai, Thủ tướng Mahathir không muốn xứ sở trở thành một tiền đồn chống Trung Quốc làm gì, nhưng đang tìm một con đường an toàn hơn cho xứ sở. Chẳng phải ngẫu nhiên, từ khi nhậm chức, ông đã hai lần gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Có lẽ ông tìm sự cân bằng của các cường quốc để xứ sở khỏi bị một cường quốc bá quyền là Trung Quốc ngày nay thôn tính ngay từ bên trong. Vẫn còn quá sớm để nói về chủ thuyết Mahathir, có khi ta phải đợi ngày ông Anwat Ibrahim lên lãnh đạo, nhưng bài học quan trọng nhất vẫn là nền dân chủ cho phép người ta sửa sai.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-malaysian-case-08292018065635.html

 

Malaysia hoãn thi hành bản án

đánh roi hai phụ nữ quan hệ tình dục

Một tòa án tôn giáo Malaysia hôm thứ Ba đã hoãn việc thi hành bản án đánh roi để trừng phạt hai phụ nữ bị kết tội quan hệ tình dục với nhau, giữa bão chỉ trích của các nhà hoạt động nhân quyền.

Hãng tin Reuters đưa tin, cộng đồng Người đồng tính, song tính và chuyển giới – gọi tắt tiếng Anh là LGBT, thường xuyên bị đàn áp tại Malaysia, một đất nước có đa số theo Hồi giáo, nơi mà hành động kê gian – tức quan hệ tình dục với người đồng phái tính, đuợc coi là một tội hình sự, và là một mối đe dọa đối với các giá trị bảo thủ.

Hai phụ nữ trong cuộc tuyên bố nhận tội chiếu theo luật Hồi giáo nghiêm cấm các quan hệ tình dục giữa hai phụ nữ. Hai bị cáo bị phạt tiền và 6 roi mỗi người, bản án lẽ ra được thi hành trong ngày hôm nay, 28/8/2018.

Vụ án này đã khơi lên làn sóng chỉ trích từ các tổ chức dân quyền, vốn cho rằng phạt roi là một hình thức tra tấn.

Tòa án theo luật Sharia của người Hồi giáo ở Terengganu đã hoãn lại việc thi hành biện pháp trừng phạt tới ngày 3/9 sắp tới, vì “những lý do kỹ thuật”, theo truyền thông địa phương.

Báo The Star dẫn lời thư ký tòa án giải thích lý do hoãn thi hành án là vì “nhiều cơ quan tham gia vào việc thi hành án, và một số vấn đề kỹ thuật chưa được giải quyết xong.”

Hãng tin Reuters nói họ không liên lạc được với các giới chức tòa án có liên quan trong vụ xét xử này để yêu cầu bình luận.

https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-hoan-thi-hanh-an-danh-roi-hai-phu-nu-quan-he-tinh-duc/4547920.html