Tin khắp nơi – 29/07/2018
Tổng thống Trump dọa
‘đóng cửa’ chính phủ liên bang
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/7 nói rằng ông sẽ để cho chính phủ liên bang phải đóng cửa nếu phe Dân chủ từ chối hậu thuẫn các thay đổi lớn đối với luật di trú như mong muốn của chính quyền của ông.
Trên trang Twitter, ông Trump viết rằng ông “sẵn lòng ‘đóng cửa’ chính phủ nếu phe Dân chủ không bỏ phiếu ủng hộ an ninh trên biên giới, trong đó bao gồm cả bức tường”.
Nguyên thủ Hoa Kỳ cũng viết thêm rằng “chúng ta cần những con người tuyệt vời vào đất nước chúng ta”.
Theo Reuters, ông Trump muốn quốc hội thông qua dự luật giải quyết các vấn đề tri trú.
Dù phe Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, các bất đồng giữa các nhà lập pháp ôn hòa và bảo thủ trong đảng đã cản trở việc nhanh chóng sửa đổi dự luật.
Một dự luật về di trú được các đảng viên bảo thủ của Đảng Cộng hòa hậu thuẫn tuần trước đã không qua được Hạ viện.
Ông Trump đã đề nghị một khoản trị giá 25 tỷ đôla để xây dựng một bức tường ở phía nam nước Mỹ trên biên giới với Mexico.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tuần trước nói rằng 1,6 tỷ đôla đã được giải ngân để xây tường và các nhà lập pháp đang cân nhắc thêm một đề nghị trị giá 5 tỷ đôla.
Các nhà lập pháp, theo Reuters, tuần trước đã gặp ông Trump để thảo luận về tiến trình phân bổ ngân sách cho chính phủ.
Thỏa thuận NAFTA có thể được ký vào tháng tới
Washington DC – Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết các bên trong hiệp ước NAFTA có thể sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng tới, để cải thiện hiệp ước 24 tuổi này.
NAFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ) là hiệp định giữa 3 nước Canada, Hoa Kỳ và Mexico nhằm cải thiện kinh tế ba nước. Trong buổi điều trần với Quốc Hội vào Thứ Năm 26 tháng 7 tại Washington DC, ông Lighthizer cho biết kế hoạch ký kết sẽ khớp với thời điểm Tổng thống Enrique Pena Nieto rời nhiệm sở vào tháng 12. Đó là vì luật thương mại Hoa Kỳ yêu cầu một khoảng thời gian ba tháng sau khi đạt được thỏa thuận trước khi các bên có thể ký tên. Nói cách khác, nếu ba nước không thể đi đến một thỏa thuận trước tháng Chín, tổng thống mới của Mexico ông Andres Manuel Lopez Obrado, sẽ phải ký hiệp định sau khi vừa nhậm chức.
Theo ông Lighthizer, Canada sẽ là trở ngại duy nhất trong việc hoàn thành hiệp định sớm. Ông cho biết nếu Hoa Kỳ thỏa hiệp với Mexio, Canada cũng sẽ muốn thỏa hiệp có lợi cho mình. Trả lời trước các phóng viên sau cuộc hội đàm với viên chức USTR hôm thứ Năm tại Washington, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nhận định rằng thỏa thuận hoàn toàn có thể đạt được vào tháng 8. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thoa-thuan-nafta-co-the-duoc-ky-vao-thang-toi/
Mỹ lo ngại tin tặc Nga
tấn công nhân bầu cử giữa nhiệm kỳ
Hơn ba tháng trước bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ tháng 11/2018, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ vẫn lo ngại Nga tấn công tin học, thao túng kết quả bầu cử. Các toán tin tặc dường như đang nghiên cứu những chiến dịch tấn công kiểu mới.
Thông tín viên đài RFI Grégoire Pourtier từ New York tường trình:
Donald Trump luôn vòng vo và đã khó để công khai nhìn nhận là Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi năm 2016. Mãi đến Thứ Sáu vừa qua, ông mới tham gia một cuộc họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để chuẩn bị đối phó với khả năng bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới đây bị tấn công.
Mặc dù Nhà Trắng không mấy năng động trên hồ sơ này, thậm chí là mùa xuân vừa qua, phủ tổng thống còn dẹp bỏ luôn cả vai trò của điều phối viên về an ninh mạng, nhưng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ vẫn quả quyết là các vụ tấn công tin học nhắm vào bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới đây, tối thiểu sẽ có cường độ lớn gấp đôi so với hồi năm 2016 và đây là “một mối đe dọa quan trọng”.
Đương nhiên là thao túng kết quả bầu cử cấp địa phương sẽ phức tạp hơn là nhắm vào các đợt bầu cử ở cấp quốc gia. Cho tới nay, dường như mới chỉ có các ứng viên của bên đảng Dân Chủ là nạn nhân các vụ tấn công trên mạng.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng các toán tin tặc Nga không nhất thiết phải hiểu biết một cách chi tiết về mỗi cuộc bầu cử ở từng địa phương để phá rối. Bằng chứng cụ thể là chỉ cần nêu lên mối hoài nghi về kết quả bầu cử và thu hút chú ý của công luận về điểm này là cũng đủ để làm suy yếu nền dân chủ Mỹ.
Thêm vào đó, không chỉ có các cử tri là những nạn nhân trực tiếp từ những vụ tấn công này. Tuần trước, tập đoàn phần mềm Micrsoft cho biết mùa thu năm ngoái, công ty này đã nhiều lần bị thâm nhập và hệ thống điện tử của Microsoft là mục tiêu dễ bị nhắm tới nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180729-my-lo-ngai-tin-tac-nga-tan-cong-nhan-bau-cu-giua-nhiem-ky
Nam Cali Nóng Thê Thảm:
Mất Điện, Chết Người, Cháy Rừng
Khi trận nóng cực kỳ mạnh tấn công Miền Nam California vào đầu tháng này, đường dây điện trong khu vực quá tải mà hơn 100,000 khách hàng tại Los Angeles có khi bị mất điện. Một số người mất điện nhiều ngày.
Hiện nay, khi Miền Nam California gặp phải thêm một đợt nóng khác mà các nhà tiên đoán khí hậu dự đoán sẽ phá vỡ kỷ lục hàng ngày tại một số khu vực vào Thứ Tư, các viên chức điện nước hy vọng tránh được sự xáo trộn tương tự bằng cách thêm công nhân và yêu cầu cư dân bớt dùng máy lạnh để giúp hệ thống điện có thể hạ nhiệt.
Công Ty Southern California Edison, đem điện đến nhiều nhất cho khu vực, cũng thúc giục người dân giảm sử dụng điện trong những giờ cao điểm. Các viên chức tiểu bang đã công bố cảnh giác Flex Alert, kêu gọi công chúng tắt đèn không cần thiết và tắt các đồ dùng bằng điện cho tới chiều tối Thứ Tư.
Các nhà dự báo khí tượng tiên đoán nhiệt độ cao vào ban ngày từ 90 tới 102 độ F tại ven biển và từ 98 tới 108 tại thung lũng. Các vùng sa mạc có thể nóng lên tới 110 độ, theo Stuart Seto, chuyên gia khí tượng làm việc tại Nha Khí Tượng Quốc Gia, cho biết.
Các viên chức y tế công cộng tại Quận Riverside báo cáo 6 người chết liên quan đến nhiệt độ nóng trong tháng này. Hầu hết những người chết là cao niên, gồm một cụ 91 tuổi tại Riverside chết vì nóng tại nhà không có máy lạnh, theo Jose Arballo Jr., phát ngôn viên của Hệ Thống Y Tế Đại Học Riverside cho biết.
Ramallo cho biết kế hoạch cúp điện có thể bắt đầu sau làng loạt trận nóng mùa hè này tại những khu phố khắp thành phố nơi mà việc nâng cấp điện đã được lên kế hoạch. Cúp điện sẽ kéo dài khoảng 5 tiếng đồng, và cư dân sẽ nhận được thông báo một tuần. Nếu thời tiết trở nên quá nóng thì thành phố sẽ bãi bỏ kế hoạch cúp điện.
Nhiệt độ tăng cao cũng đưa tới nguy cơ cao hơn cháy rừng, theo các giới chức cho biết. 37,000 mẫu tây rừng tại phía tây nam của Công Viên Quốc Gia Yosemite đã bị cháy.
https://vietbao.com/p122a283774/nam-cali-nong-the-tham-mat-dien-chet-nguoi-chay-rung
2 em nhỏ, bà cố tử vong vì cháy rừng ở California
Số người tử vong trong một vụ cháy rừng đang lan nhanh ở miền bắc bang California tăng lên năm người hôm thứ Bảy sau khi hai em nhỏ và bà cố của các em được xác nhận đã chết sau khi được báo cáo mất tích.
James Roberts, 5 tuổi, và Emily Roberts, 4 tuổi, bị mắc kẹt với bà Melody Bledsoe, 70 tuổi, khi đám cháy quét qua khu vực nông thôn nơi họ ở vào hôm thứ Năm.
Ba người này nằm trong số hơn một chục người được báo cáo mất tích sau khi đám cháy hung tợn được gió tiếp sức khiến cư dân bất ngờ và san bằng một số khu dân cư.
Cảnh sát trưởng Quận hạt Shasta, Tom Bosenko, nói ông hi vọng sẽ tìm thấy một số người sống sót và chưa liên lạc được với người thân. Các viên cảnh sát đã đi đến nhà của nhiều người được báo cáo mất tích và không thấy xe hơi ở đó – một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy họ đã rời đi.
Ngọn lửa bùng lên hôm thứ Hai trên những ngọn đồi phủ rừng và suốt đêm nó đã lan ra tới 328 km vuông. Đám cháy lan về phía tây nam thành phố Redding hướng tới các cộng đồng nhỏ bé là Ono, Igo và Gas Point, nơi mà cái nóng gay gắt, gió và điều kiện khô khốc làm phức tạp thêm các nỗ lực chữa cháy.
Giờ nó là đám lớn nhất trong số hơn 20 đám cháy ở California.
Hai nhân viên cứu hỏa đã thiệt mạng và 500 cấu trúc đã bị phá hủy theo con số kiểm đếm mới nhất. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên, AP cho biết.
Khoảng 37.000 người đang được lệnh di tản, 5.000 ngôi nhà bị đe dọa và đám cháy chỉ mới kiểm soát được 5 phần trăm.
Các quan chức Sở Cứu hỏa California cho biết hơn 10.000 nhân viên cứu hỏa đang làm nhiệm vụ, đạt được tiến bộ với 14 đám cháy rừng lớn trên khắp California.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho California vào ngày thứ Bảy, cho phép các quận hạt bị ảnh hưởng bởi các đám cháy rừng nhận được sự trợ giúp của liên bang.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-em-nho-ba-co-tu-vong-vi-chay-rung-o-california/4504143.html
Hồng y Mỹ từ chức
giữa bê bối xâm hại tình dục mở rộng
Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Bảy đã chấp nhận quyết định từ chức của Đức Hồng y Theodore McCarrick, một trong những nhân vật nổi bật nhất của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, hiện đang là tâm điểm của một vụ bê bối xâm hại tình dục đang mở rộng.
Ông McCarrick, 88 tuổi, cựu tổng giám mục thủ đô Washington, là hồng y đầu tiên trong lịch sử gần đây bị mất mũ đỏ của tước vị của mình. Các hồng y khác từng bị kỉ luật trong các vụ bê bối xâm hại tình dục được giữ lại tư cách thành viên trong Hồng y Đoàn và tôn hiệu “đức hồng y.”
Những cáo buộc nhắm vào ông McCarrick, lần đầu tiên xuất hiện công khai vào tháng trước, được đưa ra trong khi Đức Giáo hoàng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hình ảnh trên một mặt trận thứ hai, ở Chile, nơi mà một vụ bê bối xâm hại tình dục ngày càng lớn đã bao trùm Giáo hội.
Một tuyên bố của Vatican cho biết Đức Giáo hoàng, hành động chỉ vài giờ sau khi ông McCarrick xin từ chức vào tối thứ Sáu, đã ra lệnh đình chỉ ông thi hành bất kì thừa tác vụ nào một cách công khai. Điều này có nghĩa là ông vẫn là một linh mục nhưng chỉ được phép cử hành Thánh lễ ở nơi riêng tư.
Đức Giáo hoàng cũng ra lệnh cho ông McCarrick phải ẩn tu “cho một đời cầu nguyện và sám hối tới khi các cáo buộc chống lại ông ấy được xem xét trong một tiến trình giáo luật thông thường.”
Tòa Thánh Vatican nói rằng Đức Giáo hoàng muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng cấp bậc cao sẽ không còn là lá chắn nữa.
Sự thất thế đột ngột của ông McCarrick khiến Giáo hội Mỹ sững sờ vì ông là một nhà lãnh đạo được nhiều người kính trọng suốt nhiều thập niên và là một người tâm phúc của các giáo hoàng và tổng thống.
Tháng trước, các quan chức Giáo hội Mỹ cho biết những cáo buộc nói rằng ông đã xâm hại tình dục một cậu bé 16 tuổi gần 50 năm trước là khả tín và đã được chứng thực.
Kể từ đó, một người vị thành niên khác đã đưa ra cáo buộc rằng ông McCarrick đã xâm hại người này khi ông ta 11 tuổi, và một vài người đàn ông đã lên tiếng tố cáo ông McCarrick ép buộc họ ngủ với ông tại một ngôi nhà bên bãi biển ở bang New Jersey khi họ là những chủng sinh trưởng thành đang học để trở thành tư tế.
Ông McCarrick đã nói rằng ông “hoàn toàn không nhớ gì” về vụ xâm hại bị cáo buộc nhắm vào một thiếu niên cách đây 50 năm nhưng không bình luận về những cáo buộc khác.
https://www.voatiengviet.com/a/hong-y-my-tu-chuc-giua-be-boi-xam-hai-tinh-duc-mo-rong/4504117.html
Syria : Liên minh đối lập FDS
đàm phán với Damas
Phái đoàn Ả Rập-Kurdistan đã bắt đầu đàm phán với chính quyền Syria và thành lập các « ủy ban » đối thoại để chấm dứt chiến tranh và « phi tập trung hóa » Syria. Đây là sự kiện chưa từng có và được chính liên minh đối lập FDS thông báo ngày 28/07/2018.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình :
Phe Kurdistan sẽ không trao lại các vùng đất do họ kiểm soát ở Hassaké (phía bắc) và ở Deir Ezzor (phía đông), tương đương với 1/4 diện tích Syria, cho lực lượng quân đội chính phủ. Chí ít là không phải ngay lập tức.
Các cuộc đàm phán đã diễn ra hôm thứ Bẩy (28/07/2018) tại thủ đô Damas giữa chính quyền và một phái đoàn của Hội đồng Dân chủ Syria do phe Kurdistan đứng đầu. Đây mới chỉ là bước đầu của cả quá trình đàm phán, có thể sẽ kéo dài ít nhất một năm.
Tuy nhiên, đợt tiếp xúc đầu tiên này đã mang lại một số tín hiệu tích cực. Cuộc thương lượng ở Damas hôm thứ Bẩy đã đi đến kết quả là thành lập các ủy ban hỗn hợp để nghiên cứu mọi vấn đề như chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, hành chính và nhân đạo. Mục tiêu cuối cùng là chấm dứt chiến tranh, tính đến nay đã kéo dài 7 năm, và thành lập hệ thống phi tập trung tại Syria.
Đây là một chương trình lớn, nói thì dễ mà làm thì khó, vì khó khăn nằm ở trong các chi tiết. Đúng là ngoại trưởng Syria Walid Moallem, từng tuyên bố rằng yêu cầu tự trị mà người Kurdistan đưa ra là điều « có thể thương lượng được ». Nhưng giữa những gì mà phe Kurdistan đòi hỏi và điều mà chính quyền trung ương sẵn sàng chấp nhận là cả một hố sâu ngăn cách. Chế độ Syria sẵn sàng nới lỏng về các vấn đề hành chính và kinh tế nhưng lại tỏ ra không nhân nhượng trên các vấn đề quân sự và an ninh.
Di dân Syria tại Liban hồi hương
Ngày 28/07/2018, khoảng 1.200 người Syria tị nạn ở Liban đã rời nước láng giềng để về nguyên quán trên đoàn xe buýt do chính phủ hai nước điều phối. Trong thời thời gian tới sẽ có vài trăm nghìn người Syria hồi hương. Hiện có hơn 1 triệu người Syria sống tị nạn tại Liban theo con số được Reuters trích từ số liệu của Liên Hiệp Quốc.
Nga : Dân chúng biểu tình,
Quốc Hội chia rẽ vì cải cách hưu trí
Khắp nước Nga, hàng chục nghìn người hôm 28/07/2018 đã xuống đường biểu tình phản đối cải cách hưu trí, theo đó nâng tuổi về hưu vốn đã không thay đổi từ năm 1932. Dự luật quy định tuổi về hưu đối với nam giới là 65 thay vì 60, với nữ từ 55 lên 63 tuổi.
Đây là cuộc cải cách của chính phủ bị dân chúng phản đối mạnh mẽ, nhất là khi tuổi thọ trung bình của người Nga khá thấp, dưới 67 tuổi với nam giới. Giờ đây dự luật còn gây chia rẽ ngay trong phe đa số cầm quyền tại Hạ Viện.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Etienne Bouche:
Tổng thống Vladimir Poutin đã từng tỏ không đồng tình ý với dự luật hiện tại đồng thời ông vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách. Thái độ thận trọng đó cũng không ngăn được uy tín của ông bị sụt giảm mạnh trong các thăm dò dư luận. Đó là một xu hướng đáng lưu ý trong hoàn cảnh ở Nga, tổng thống vẫn thường đứng ngoài những bất bình do chính phủ gây ra.
Tại Quốc Hội, văn kiện luật gây tranh cãi mạnh. Đảng Cộng sản thường vẫn đóng vai trò đối lập bù nhìn giờ đã tỏ chống đối dứt khoát. Nhưng đặc biệt là nhiều dân biểu thuộc đa số tại Hạ Viện không tuân theo kỷ luật đảng, ngần ngại ủng hộ vào một cải cách đã bị bác bỏ đồng loạt.
Phó thư ký đảng nước Nga Thống Nhất, Serguei Jelezniak không tham gia bỏ phiếu. Vị dân biểu này trong tuần đã bị thúc ép từ nhiệm. Nữ dân biểu Natalia Poklonskaia thì bỏ phiếu chống. Vì là đại diện cho vùng Crimée sau sáp nhập vào Nga nên dường như hiện tại bà dân biểu này thoát kỷ luật.
Đợt thảo luận dự luật lần hai được rời qua cuối tháng 9. Theo báo Vedomosti, Kremlin lo ngại cuộc cải cách này sẽ tác động tiêu cực đến kết quả cua các ứng viên của đảng nước Nga Thống Nhất trong cuộc bầu cử cấp vùng vào mùa thu tới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180729-nga-dan-chung-bieu-tinh-quoc-hoi-chia-re-vi-cai-cach-huu-tri
Cuba – Pháp tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt
Kết thúc vòng công du Nam Mỹ, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đến thăm Cuba trong vòng hai ngày. Tại La Habana, ngày 28/07/2018, ông Le Drian nhấn mạnh đến mục tiêu tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Trước đồng nhiệm Cuba Bruno Rodriguez, ông Le Drian khẳng định : « Quan hệ giữa hai nước hiện rất tích cực, năng động và chuyến công du của tôi nhằm mục tiêu đào sâu hơn và tăng cường sự năng động này ».
Ngoại trưởng Pháp cũng nhấn mạnh chuyến thăm La Habana của ônglà sự tiếp nối các chuyến công du Cuba của tổng thống Pháp François Hollande vào tháng 05/2015 và của chủ tịch Cuba Raul Castro tại Pháp vào tháng 02/2016.
Khi hội đàm với tân chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, hai bên đã đánh giá tích cực quan hệ song phương về kinh tế và thương mại, về « vai trò ngày càng lớn của các doanh nghiệp Pháp »trong nền kinh tế địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và xây dựng. Hiện có khoảng 30 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Cuba.
Ông Jean-Yves Le Drian là ngoại trưởng phương Tây đầu tiên đến thăm La Habana kể từ khi ông Miguel Diaz-Canel nhậm chức chủ tịch Cuba vào tháng 04/2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180729-cuba-phap-tang-cuong-quan-he
Nghi phạm tham nhũng Trung Quốc
‘tự thú’, từ Mỹ về nước
Một nghi phạm tham nhũng của Trung Quốc trong danh sách 100 nhân vật bỏ chạy ra nước ngoài và đang bị truy nã đã từ Mỹ trở về nước sau khi “tự thú”, một cơ quan chống tham nhũng thông báo hôm 28/7.
Theo Reuters, ông Zhang Yongguang, một cựu cảnh sát tại thành phố Thâm Quyến ở miền nam Trung Quốc đã bỏ chạy sang Mỹ năm 2010 và bị truy nã vì bị nghi nhận hối lộ.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết ngắn gọn rằng ông Zhang “tự nguyện về nước và trả lại các khoản tiền dơ bẩn”.
Reuters cho biết rằng hãng này không thể ngay lập tức liên lạc được với ông Zhang, gia đình ông hoặc đại diện pháp lý cho ông để phỏng vấn.
Hồi tháng Tư năm 2015, Trung Quốc đã công bố danh sách truy nã 100 nghi can lẩn trốn ở nước ngoài, trong đó nhiều người ở Mỹ, Canada và Australia.
Ông Zhang là người thứ 54 trong danh sách trở lại Trung Quốc kể từ khi danh sách trên được công bố, theo trang web Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Trang này dẫn lời một quan chức không rõ danh tính nói rằng Bắc Kinh sẽ “quyết chống tham nhũng, lấy lại tài sản đã mất và không để cho các nghi phạm tham nhũng lẩn trốn và bỏ trốn”.
Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây không muốn giúp Trung Quốc hoặc ký thỏa thuận dẫn độ người về một quốc gia nơi các tổ chức nhân quyền cho rằng đối xử tệ bạc với các nghi phạm.
Theo Reuters, các nước này cũng phàn nàn rằng Trung Quốc thường không sẵn lòng cung cấp bằng chứng về các tội trạng mà tòa án phương Tây chấp nhận.
Trung Quốc tặng Philippines
tàu bè và súng phóng lựu
Bắc Kinh đã tặng Manila 4 tàu biển dài 12 mét và 30 súng phóng lựu, củng cố mối quan hệ song phương nồng ấm hơn dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Phát ngôn viên hải quân Philippines được Reuters dẫn lời nói rằng món quà trên tiếp sau lần tặng quà năm ngoái gồm 6 nghìn khẩu súng trường tấn công và hàng trăm súng bắn tỉa cùng vũ khí loại nhỏ và đạn.
Người phát ngôn này được dẫn lời nói rằng “tất cả đều mới” và quân đội Philippines đang xem xét chuyện đưa chúng vào sử dụng.
Theo Reuters, súng trường Trung Quốc sẽ được trao cho Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) để bù vào số thiếu hụt sau khi các nhà lập pháp Mỹ chặn việc bán khoảng 26 nghìn khẩu súng máy M4 cho lực lượng này năm 2016.
Quyết định này được đưa ra giữa lúc xuất hiện các quan ngại về chuyện Hoa Kỳ vũ trang cho lực lượng cảnh sát bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Duterte khởi xướng, làm hàng nghìn người bỏ mạng.
Theo Reuters, ông Duterte là người từng nhiều lần chỉ trích liên minh Philippines và Mỹ, đồng thời tỏ ra sẵn lòng phát triển mối quan hệ gần gũi hơn về thương mại và chính trị với đối thủ cũ Trung Quốc.
Món quà của Bắc Kinh được coi là một phần của chiến dịch ngoại giao mới nhằm thu phục một quốc gia mà Trung Quốc từng tranh chấp kịch liệt về chủ quyền hàng hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên, số quà của Trung Quốc vẫn nhỏ so với Hoa Kỳ, nước hỗ trợ quân sự cho Philippines, một đồng minh theo hiệp ước, khoảng 282 triệu đôla trong vòng 5 năm qua.
Không quân Nhật – Hàn
chặn máy bay do thám Trung Quốc
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết đã điều chiến đấu cơ để ngăn một máy bay do thám điện tử của Trung Quốc trên vùng biển Nhật Bản. Trước đó Hàn Quốc cũng đã làm tương tự. Máy bay Y-9 của Trung Quốc được điều đến khi một chiến hạm của quân đội nước này đi qua vùng biển cách tây bắc Nhật Bản khoảng 100 km hôm 27/07/2018.
Theo South China Morning Post, máy bay do thám Y-9 của Quân đội Nhân dân Trung Quốc được cho là đã xâm nhập eo biển Busan, buộc không quân Hàn Quốc điều chiến đấu cơ F-15K lên cảnh cáo. Trước đó, chiếc Y-9 đã bay lượn gần 4 giờ trên một số đảo đá do Seoul kiểm soát nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền. Seoul buộc phải triệu tùy viên quân sự Sứ quán Trung Quốc lên phản đối. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết máy bay do thám của Trung Quốc từ eo biển Busan đã tiến gần đến đá ngầm Socotra (được Hàn Quốc gọi là Ieodo và Trung Quốc gọi là Suyan) – đây là khu vực tranh chấp giữa ba nước, sau đó bay trên không phận vùng biển Nhật Bản. Khi trở về, máy bay Y-9 vẫn theo lộ trình cũ song không đi vào không phận Nhật Bản.
Trong một thông cáo khác, bộ Quốc Phòng Nhật nhấn mạnh đã phải điều cả một máy bay giám sát chống ngầm P-1 vào lúc 14 giờ ngày 27/07 khi một chiến hạm Type 054 của Hải Quân Trung Quốc hoạt động gần hòn đảo Tsushima, chỉ cách đông bắc Nhật Bản khoảng 100 km. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Nhật Bản không nêu rõ chi tiết về thời gian chiếc Y-9 và chiến hạm của Trung Quốc lưu lại trong khu vực.
Cuộc tuần tra của quân đội Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh và Tokyo đang cố cải thiện quan hệ song phương sau thời gian căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vào đầu tháng 07/2018, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã mời thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Trung Quốc, song chưa ấn định ngày giờ.
Nhật báo Hồng Kông trích nhận xét của một nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông: « các hoạt động quân sự này nằm trong khuôn khổ đào tạo lâu dài của Hải Quân và Không Quân Trung Quốc và các nước trong vùng sẽ phải quen với các hoạt động đó ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180729-han-quoc-nhat-ban-dieu-chien-dau-co-chan-may-bay-do-tham-trung-quoc
Nam Hàn triệu tập đại sứ Trung Cộng
phản đối xâm phạm không phận
Seoul, Nam Hàn – Vào hôm Thứ Sáu 27/7, Bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn cho biết đã triệu tập một viên chức của tòa đại sứ Trung Cộng, sau khi phát hiện có máy bay quân sự Trung Cộng lần thứ 3 trong năm nay bay trong không phận nước này.
Tổng Tham mưu Liên quân Nam Hàn (JCS) cho biết Nam Hàn đã điều chiến đấu cơ nhằm ngăn chặn một phi cơ Trung Cộng xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Đồng thời xác nhận chiếc phi cơ của Bắc Kinh đã bay hơn 4 giờ gần một tảng đá ngầm trong địa phận kiểm soát bởi chính quyền Seoul.
Hiện tại Trung Cộng vẫn chưa có bình luận về sự việc.
Bộ trưởng quốc phòng đã mời ông Du Nong Yi của tòa đại sứ Trung Cộng ở Nam Hàn đến thảo luận và cứng rắn kêu gọi Trung Cộng có hành động ngăn chặn trường hợp này tái diễn.
Trước đó, chiến đấu cơ của Trung Cộng đã xâm nhập vào không phận Nam Hàn vào tháng 2 và tháng 4 năm nay. Ccó ít nhất 2 trường hợp tương tự được quan sát vào năm ngoái.
Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) không phải là những thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý theo các điều ước quốc tế. Seoul đã mở rộng phạm vi lãnh thổ vào năm 2013, chồng lấn một phần với một khu vực mới được Trung Cộng tuyên bố chủ quyền. Việc mở rộng lãnh thổ của Trung Cộng bao gồm một đá chìm có tên là Ieodo, mà Seoul đang kiểm soát và đặt một trạm nghiên cứu ở đây. Vào tháng 2 năm nay, Seoul cũng từng triệu tập đại sứ Trung Cộng để thể hiện sự phản đối. Khi đó Bắc Kinh cho biết chiếc máy bay hoạt động phù hợp với luật pháp và ứng xử quốc tế. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nam-han-trieu-tap-dai-su-trung-cong-phan-doi-xam-pham-khong-phan/
Bầu cử Campuchia: Không có đảng đối lập chính
Người dân Campuchia đang đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử không có phe thách thức đối với sự cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, người đã tại vị từ năm 1985.
Các nhà chỉ trích mô tả đây là cuộc bầu cử giả hiệu khi đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), thua sát nút trong cuộc bầu cử gần nhất, đã bị giải thể.
Hoa Kỳ và EU nằm trong số những quốc gia đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của cuộc bầu cử.
Bầu cử Campuchia: Dân chủ trong sợ hãi?
Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?
Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt
Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi
Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”
Nhưng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền nói 19 đảng khác cũng tham gia tranh cử.
Hôm 27/7, chính phủ Campuchia ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước chặn một số website tin tức độc lập, gồm Đài Á châu Tự do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Tiếng nói Dân chủ.
Các báo tiếng Anh nằm trong số website bị chặn.
Là một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình lớn của Liên Hiệp Quốc, Campuchia đã tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng vào năm 1993 sau nhiều năm chìm trong đổ máu và chiến tranh.
Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?
Bầu cử Campuchia: đảng nào thắng?
Tòa Campuchia giải thể đảng đối lập chính
Đảng của Hun Sen giành gần hết ghế Thượng viện
Khoảng hai triệu người được cho là đã thiệt mạng từ năm 1975 đến 1979 khi nước này bị cộng sản cực đoan Khmer Đỏ cai trị.
Hun Sen, một cựu chiến binh thời Khmer Đỏ sau này phản đối họ, đem lại một giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Ông từ lâu bị cáo buộc dùng tòa án và lực lượng an ninh để trấn áp giới bất đồng chính kiến và đe dọa các nhà chỉ trích, nhưng cũng cho phép một số phe đối lập hoạt động trong nhiều năm.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm nay đánh dấu “cái chết” của nền dân chủ ở Campuchia, nhân vật đối lập cao cấp Mu Sochua nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44996329
Động đất Indonesia: 10 người chết ở đảo Lombok
Một trận động đất mạnh xảy ra tại một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Indonesia khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
Trận động đất 6,4 độ Richter tấn công hòn đảo Lombok ở miền Trung Indonesia ngay trước 07:00 giờ địa phương hôm 29/7.
Châu Á-Thái Bình Dương: động đất và núi lửa
Đài Loan: Hàng loạt dư chấn sau động đất
Anh: động đất 4,4 độ ảnh hưởng xứ Wales và England
Sáng kiến cứu cháy rừng ở Indonesia
Hòn đảo này thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới và nằm cách Bali 40km về phía Đông.
Giới chức cho biết nhiều tòa nhà đã bị hư hại và hàng chục người bị thương.
Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết tâm chấn của trận động đất là 50km về phía đông bắc của thành phố Mataram.
Trận động đất kéo theo hơn 60 dư chấn.
“Khoảng 40 người bị thương và hàng chục ngôi nhà bị hư hại”, Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của cơ quan quản lý thiên tai của nước này cho biết.
“Chúng tôi ước tính con số này sẽ tiếp tục tăng vì chúng tôi chưa thu thập được hết dữ liệu”, ông nói thêm.
“Chúng tôi đang tập trung cho công tác sơ tán và giải cứu. Một số người bị thương đang được điều trị tại các phòng khám.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44996330
Lý do khiến các phi hành gia châu Âu
học tiếng Trung
Richard HollinghamBBC Future
Đó là điều Matthias Maurer không ngờ khi ông đăng ký khóa tập huấn sống sót trên biển với các phi hành gia Trung Quốc.
“Chương trình rất dễ chịu và thư giãn,” phi hành gia từ Cơ quan Không gian Đức – Châu Âu (Esa) cho biết. “Tôi trôi dạt trên bè cứu sinh, nhìn ngắm bầu trời – chỉ cần có thêm âm nhạc tôi sẽ có cảm giác thực sự như đang đi nghỉ ở Hawaii.”
Cách phát hiện tàu đánh cá bất hợp pháp
Vào hầm chống bom hạt nhân ở Albania
Vẫn tử hình nhưng sao cho nhân đạo
Bài huấn luyện được thực hiện năm ngoái tại một trung tâm huấn luyện mới xây gần thành phố biển Yên Đài, cách Bắc Kinh khoảng một giờ bay về hướng đông nam.
Trong hai tuần, Maurer và một đồng nghiệp phi hành gia ở Esa tên là Samantha Cristoforetti sống và làm việc bên cạnh những đồng sự người Trung Quốc.
“Chúng tôi tập huấn cùng nhau, sống trong cùng tòa nhà với các phi hành gia Trung Quốc, ăn cùng thức ăn và trải nghiệm đó khá nồng nhiệt,” Maurer nói. “Cảm giác như thể chúng tôi là một thành viên trong gia đình – điều này hoàn toàn khác so với thời ở Houston, nơi tôi thuê một căn hộ và chỉ gặp đồng nghiệp trong khoảng hai hoặc ba giờ huấn luyện cùng nhau.”
Trong khi các cơ quan hàng không khác thực hiện các bài tập xây dựng đội ngũ đặc biệt để giúp phi hành gia có thể làm việc cùng nhau, Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận căn bản hơn.
“Các phi hành gia Trung Quốc thậm chí còn đi nghỉ cùng nhau, họ biết về nhau rất sâu sắc như thể là anh chị em,” Mauer kể lại. “Khi chúng tôi sống ở đó, chúng tôi cảm thấy được chào đón vào gia đình họ thật ấm áp.”
Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia (người Trung Quốc gọi là Taikonaut) vào quỹ đạo năm 2003, là tàu được thiết kế cho phi hành đoàn ba người.
Tàu được thiết kế dựa trên công nghệ tàu không gian Soyuz của Nga và cực kỳ giống trạm này.
Nhưng tàu Soyuz đã chở phi hành gia trong 50 năm và được thiết kế quanh một hỏa tiễn lần đầu tiên được sử dụng vào thời kỳ đầu của ngành công nghiệp không gian. Tàu Thần Châu là sản phẩm của Thế kỷ 21.
“Tôi rất ngạc nhiên với kích cỡ,” Maurer kể lại. “Nó có đường kính lớn hơn tàu con thoi Soyuz và cao hơn – họ đã có quan sát rất tốt với kỹ thuật từ Nga, họ học hỏi những phần tốt và xem xét những phần có thể cải tiến.”
Ví dụ như nếu tàu vũ trụ đáp trên mặt biển, thiết kế của tàu Thần Châu khiến toàn bộ quá trình thay trang phục phi hành gia thành trang phục cứu hộ trước khi phi hành gia trèo khỏi khoang tàu đang rung lắc dễ dàng hơn nhiều.
“Không gian rất rộng rãi, chúng tôi thậm chí còn có cả xuồng cao su bằng hơi, thứ không có trên tàu Soyuz,” ông cho biết. “Trong bài huấn luyện sống sót trên biển của Nga, bạn nhảy xuống nước, không có xuồng gì cả – trời rất lạnh và vất vả, vất vả hơn rất nhiều.
Anh Quốc: Bãi thử tên lửa bí mật hồi sinh
Sẽ ra sao nếu thế giới không còn súng đạn?
‘Bảo tàng không gian bay trong quỹ đạo’
Maura chỉ vừa mới đủ tiêu chuẩn trở thành phi hành gia, nhưng đã từng làm việc tại Trung tâm Phi hành gia Châu Âu ở Cologne, Đức trong vai trò phát triển quan hệ với một chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, là chương trình từng là bí mật từ năm 2012. Ông tham quan trung tâm huấn luyện tại Bắc Kinh một năm sau đó để quan sát cơ sở vật chất và các thiết bị mô phỏng. Và, đến năm 2016, một phi hành gia Trung Quốc tham gia vào một trong những đợt thám hiểm hang động thường xuyên của Esa.
Cùng với Cristoforetti và phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet, Mauer đã học tiếng Quan Thoại. “Cũng khá tốt rồi nhưng tôi còn cần học thêm,” ông thú thật. Ông cho tôi biết tên của ông trong tiếng Trung được phiên dịch thành “Thiên Mã”.
Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian – thậm chí cả với Trạm Không gian Quốc tế ISS. Nhưng Eas đã mở ra khả năng này trong vấn đề đưa phi hành gia vào quỹ đạo và đi xa hơn nữa.
Nếu Trung Quốc giữ đúng tiến độ phóng trạm không gian toàn phần đầu tiên của họ vào năm 2023, và với nhiệm vụ phóng tàu robot của quốc gia này vào phần xa của Mặt Trăng cuối năm nay, quyết định của Esa khi vẫn duy trì quan hệ với người Mỹ và người Nga và cùng lúc hợp tác với cường quốc không gian mới nổi sẽ có vẻ là động thái khôn ngoan.
“Esa đã là một cơ quan hợp tác giữa 23 quốc gia thành viên, vì thế chúng tôi hiểu điều gì sẽ đưa các đối tác lại gần nhau hơn,” Mauer cho biết. “Chúng tôi nói rất nhiều ngôn ngữ, chúng tôi có sự thấu hiểu liên văn hóa và chúng tôi là chất keo gắn bó chặt chẽ đưa Trung Quốc vào gia đình không gian quốc tế to lớn này.”
Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận với Văn phòng Liên hiệp quốc về Vấn đề Không gian để mở trạm không gian đầu tiên cho nghiên cứu quốc tế. Điều này có thể mở rộng ra tới mức đưa phi hành gia, theo cách tương tự mà chương trình Intercosmos của Liên bang Xô-viết vào thập niên 1970 và 1980, khi nhiều phi hành gia từ các quốc gia đồng minh như Mông Cổ, Cuba, Afghanistan và Syria bay vào trạm không gian vũ trụ của Nga.
“Ấn tượng của tôi là bất cứ quốc gia nào trên thế giới muốn đưa phi hành gia vào không gian có thể liên hệ với Trung Quốc qua Liên hiệp quốc và có khả năng sẽ bay vào không gian được,” Maurer nói. “Không chỉ có người châu Âu, mà cả những quốc gia đang phát triển hiện thời chưa có chương trình cho phi hành gia.”
Châu Âu đang dẫn đầu cuộc chơi, và trong những tháng tới, phi hành gia của Esa sẽ bắt đầu huấn luyện trong tàu không gian của Trung Quốc, hi vọng một trong số họ sẽ trở thành phi công phụ lái trong một nhiệm vụ tương lai.
“Trên tàu Soyuz, ghế lái bên trái là ghế cho phi công phụ, và vì thế chúng tôi đến Trung Quốc và nói chúng tôi sẽ đàm phán mạnh tay để đảm bảo mình có được ghế bên trái,” Maurer giải thích. “Và họ nói, ‘ồ, okay, không có vấn đề gì’… và chúng tôi nghĩ thế thì quá dễ… cho đến khi chúng tôi nhận ra [trên tàu Thần Châu] ghế bên phải mới là ghế cho phi công phụ lái.”
Maurer hi vọng sẽ có chuyến bay vào không gian đầu tiên lên trạm ISS vào năm 2020. Sau đó ông sẽ ở vị trí tốt để trở thành một trong những phi hành gia nước ngoài đầu tiên bay cùng với phi hành gia Trung Quốc lên trạm không gian của Trung Quốc vào khoảng năm 2023.
Một phần vì chính sách ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ đương thời, Nasa không có vẻ như sẽ sớm hợp tác cởi mở với chương trình không gian của Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nghĩ đến việc quay lại Mặt Trăng và, trên hết, là nhiệm vụ đưa con người lên thám hiểm Sao Hỏa, câu hỏi là liệu các cường quốc không gian sẽ tiếp tục là địch thủ của nhau hay cuối cùng họ sẽ cần phải hợp tác với nhau.
“Khi ta nhìn xa hơn ngoài quỹ đạo Trái Đất tới Mặt Trăng hay Sao Hỏa, chúng ta cần phải có tất cả đối tác mình có thể tìm được trên hành tinh này vì nhiệm vụ càng lúc càng khó khăn hơn, đắt đỏ hơn và chúng ta cần công nghệ tốt nhất,” Maurer nói. “Chúng tôi định sẽ đưa người Trung Quốc vào gia đình và đến trạm nghiên cứu mặt trăng trong tương lai – chúng ta càng có thêm nhiều thành viên trong gia đình, chúng ta sẽ càng trở nên tốt hơn.”