Tin khắp nơi – 29/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 29/06/2018

Hạ viện Mỹ ‘sờ gáy’ Bộ Tư pháp, FBI

Hạ viện Mỹ ngày thứ Năm 28/6 biểu quyết yêu cầu Bộ Tư pháp cung cấp tài liệu, kể cả một số tài liệu có liên hệ đến cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và có hay không sự thông đồng của ban vận động tranh cử cho ông Donald Trump.

Hạ viện bỏ phiếu với 226 phiếu thuận và 183 phiếu chống cho một nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý.

Cuộc biểu quyết diễn ra ngay trong ngày mà Ủy ban Tư pháp mời Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein, nhân vật thứ hai của Bộ Tư pháp, và Giám đốc FBI Christopher Wray ra điều trần về cách hành xử của hai cơ quan này trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-so-gay-bo-tu-phap-fbi/4459626.html

 

Khảo sát: Truyền thông xã hội

kiểm duyệt quan điểm chính trị

Cứ 10 người Mỹ được hỏi thì có khoảng 7 người cho rằng các diễn đàn truyền thông xã hội cố ý kiểm duyệt quan điểm chính trị, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày thứ Năm 28/6.

Cuộc nghiên cứu được xúc tiến giữa những tranh cãi tiếp diễn về quyền lực của các công ty công nghệ kỹ thuật số và cách thức các công ty này làm ăn. Đặc biệt các công ty truyền thông xã hội, bao gồm Facebook và Google, gần đây bị chỉ trích vì đã không nhanh chóng ngăn tin giả trong khi càng ngày càng có nhiều người Mỹ đọc tin trên các trang mạng xã hội này.

Trong cuộc thăm dò 4,594 người lớn tại Mỹ, được thực hiện từ ngày 29/5 đến ngày 11/6, khoảng 72% những người trả lời tin là các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt những quan điểm chính trị mà các công ty này thấy đáng chê trách.

Người ta cho rằng các công ty công nghệ thiên vị về chính trị và rằng đàn áp phát biểu chính trị đặc biệt lan tràn giữa các đảng viên Cộng hòa, cuộc nghiên cứu cho thấy.

Khoảng 85% đảng viên Cộng hòa và những người độc lập nhưng thiên về đảng Cộng hòa trong cuộc thăm dò cho rằng có phần chắc là các trang mạng truyền thông xã hội cố ý kiểm duyệt quan điểm chính trị của họ. 54% những người được thăm dò nói rằng điều này rất chắc chắn.

64% đảng viên Cộng hòa cho rằng các công ty công nghệ lớn ủng hộ quan điểm tự do hơn là bảo thủ.

Đa số những người trả lời, 51%, nói các công ty công nghệ nên được qui định quản lý chặt chẽ nhiều hơn là hiện nay, trong khi 9% cho là ngược lại.

https://www.voatiengviet.com/a/khao-sat-truyen-thong-xa-hoi-kiem-duyet-quan-diem-chinh-tri/4459619.html

 

Ngoại trưởng Mỹ sắp trở lại Bình Nhưỡng

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự định công du Triều Tiên vào tuần tới để bàn thảo về kế hoạch phi hạt nhân hóa quốc gia này, tờ Financial Times ngày 28/6 dẫn lời bốn người biết rõ kế hoạch này cho biết.

Giới chức Mỹ nói ông Pompeo đã hủy một cuộc gặp với người tương nhiệm Ấn Độ ở Washington vào ngày 6/7 để bay đến Bình Nhưỡng.

Hôm 27/6, ông Pompeo nói ông tin là Triều Tiên hiểu mức độ Mỹ mong muốn về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong khi hai nước đàm phán sau cuộc gặp thượng đỉnh 12/6.

“Chúng tôi đã nói rất rõ ràng trong các cuộc hội đàm về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn đối với chúng tôi có nghĩa như thế nào,” ông Pompeo phát biểu trước phiên điều trần của tiểu ban phân bổ ngân sách của Thượng viện về ngân sách cho Bộ Ngoại giao.

Tổng thống Trump đã hứng chịu chỉ trích từ các phân tích gia an quốc gia vì đã ký một thỏa thuận với ông Kim Jong-un mà không có nhiều chi tiết về việc bằng cách nào Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ.

https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%AFp-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng/4459187.html

 

Hạ viện Mỹ

chấp thuận 675 tỉ đô la ngân sách quốc phòng

Hạ viện Mỹ ngày 28/6, chấp thuận 675 tỉ đô la ngân sách quốc phòng, bao gồm tăng lương 2,6% cho quân đội.

Với 359 phiếu thuận và 49 phiếu chống, dự thảo ngân sách này sẽ được chuyển lên thượng viện nơi dự luật tương tự đã được Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện chuẩn nhận trong tuần này.

Dự luật Hạ viện cấp 146 tỉ đô la cho trang bị và nâng cấp, bao gồm 22,7 tỉ đô la cho 12 chiến hạm hải quân, 2 tàu ngầm lớp Virginia và 3 chiến hạm tuần duyên tốc độ cao. Những chiến hạm này dự trù được dùng tại những khu vực đông đúc gần bờ biển để chống tàu nhỏ và mìn.

Dự luật cũng bao gồm 9,4 tỉ đô la cho 93 máy bay F-35 và hơn 4 tỉ đô la cho máy bay trực thăng Black Hawk, Apache và các loại trực thăng khác.

Dân biểu Cộng hòa Kay Granger, bang Texas, Chủ tịch tiểu ban phân bổ ngân sách quốc phòng, nói dự luật cung cấp cho quân đội nguồn lực cần thiết “để đáp ứng và ngăn những đe dọa từ các nước như Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, và cũng chống lại những phần tử khủng bố bạo động trên toàn cầu.”

Dự luật bao gồm một tu chính của dân biểu Dân chủ bang Arizona, Ruben Gallego, cấm Ngũ Giác Đài mua hàng hóa hay dịch vụ của công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc ZTE và Huawei. ZTE bị cáo buộc vi phạm luật thương mại bằng cách bán những công nghệ nhạy cảm cho Triều Tiên và Iran. Huawei có liên hệ với chính phủ Trung Quốc và xem như là một mối nguy về an ninh.

Tổng thống Donald Trump tuần trước gặp các nhà lập pháp Cộng hòa sau khi Thượng viện ngăn chặn kế hoạch của Tòa Bạch Ốc cho phép ZTE mua linh kiện của Hoa Kỳ.

Việc nghiên cứu kỹ lưỡng về thỏa thuận ZTE được đưa ra vào lúc chính quyền Trump đang có tranh chấp thương mại với Trung Quốc. Ông Trump đã ra lệnh áp thuế lên 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc để đáp trả việc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ và bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan gọi dự luật ngân sách này là cần thiết cho quốc phòng và nói thêm là dự luật đã tăng lương cho các binh sĩ cao nhất trong 5 năm qua.

Dự luật cũng giải quyết vấn đề ông Ryan gọi là “sự sẵn sàng của quân đội khi có khủng hoảng.”

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-my-chap-thuan-675-ti-do-la-ngan-sach-quoc-phong/4459188.html

 

Người biểu tình chiếm đóng văn phòng Quốc hội,

phản đối chính sách di dân

Một vài trăm nhà hoạt động ngày 28/6 chiếm đóng một cao ốc văn phòng làm việc của Quốc hội Mỹ, hô khẩu hiệu lên án chính sách không nương tay của Tổng thống Donald Trump đối với di dân bất hợp pháp. Người biểu tình sau đó lần lượt xếp hàng bị cảnh sát giải đi vì không chịu tuân lệnh cảnh sát rời khỏi tòa nhà.

Đa phần trong số khoảng 500 người biểu tình là phụ nữ, mặc áo trắng, ngồi bệt xuống sàn tòa nhà văn phòng thượng viện Hart và trùm các chiếc chăn bạc kim loại. Hình ảnh này tượng trưng cho những chiếc chăn phát cho trẻ em, con cái của các di dân vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp.

Phong trào tuần hành mang tên Women’s March khởi sự ở Mỹ khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào năm 2017 và mở rộng trên thế giới đã kêu gọi phụ nữ bất chấp rủi ro bị bắt giữ tham gia cuộc biểu tình hôm nay.

Trước khi tới trụ sở Quốc hội, người biểu tình tuần hành dọc con phố Pennsylvania. Đi tới Khách sạn Quốc tế Trump, họ dừng lại hô vang “Xấu hổ! Xấu hổ!”

Họ phản đối chính sách truy tố tất cả di dân vượt biên bất hợp pháp.

Hơn 2 ngàn trẻ em đi theo bố mẹ sang Mỹ bất hợp pháp bị đưa về các trung tâm tạm cư trong khi bố mẹ chúng bị giam cầm chờ ngày ra tòa di trú. Chính sách này gây phản ứng dữ dội đến nỗi ông Trump đã phải ký sắc lệnh ngưng việc cách ly. Tuy nhiên, đa số các em bị chia cắt trước đó tới nay vẫn chưa được đoàn tụ với bố mẹ.

Tòa Bạch Ốc kêu gọi QUỐc hội nhanh chóng thông qua luật di trú cải cách để giải quyết vấn đề.

Các cuộc biểu tình lớn hơn đã được lên kế hoạch diễn ra vào thứ bảy tại thủ đô Washington DC và các thành phố trên cả nước.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-chi%E1%BA%BFm-%C4%91%C3%B3ng-v%C4%83n-ph%C3%B2ng-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-di-d%C3%A2n/4459168.html

 

Mỹ cấm cửa cựu nhân viên ăn cắp bí mật thương mại

Một cựu nhân viên một công ty hóa học nhận tội âm mưu đánh cắp những bí mật thương mại bị cấm vĩnh viễn không được trở lại nước Mỹ.

Tờ News Journal of Wilmington tường trình là cựu nhân viên Công ty Chemours, Jerry Jindong Xu, bị kết án 10 tháng tù vào ngày thứ Tư 27/6 tại Tòa án liên bang Delaware, đúng thời hạn ông đã bị giam giữ.

Công dân nhập tịch Canada 48 tuổi sinh trưởng tại Trung Quốc, trước đây trong tháng, đã nhận tội đánh cắp bí mật thương mại và bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Các công tố viên nói âm mưu này liên hệ đến việc đánh cắp những bí mật thương mại có dính líu đến các hóa chất dùng trong việc khai thác các kim loại quý như vàng. Chemours xuất thân từ công ty DuPont vào năm 2015, là nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới về hóa chất này.

Ông Xu đã bị trục xuất về Canada vào ngày thứ Tư 27/6.

https://www.voatiengviet.com/a/my-cam-cua-cuu-nhan-vien-an-cap-bi-mat-thuong-mai/4459150.html

 

Nổ súng tại tòa soạn báo Capital:

Nghi can bị truy tố 5 tội cố sát

Jarrod Warren Ramos, nghi can trong vụ nổ súng tại tòa soạn một tờ báo ở thành phố Annapolis, bang Maryland của Hoa Kỳ hôm 28/6, đã bị buộc tội về 5 tội cố sát.

Ramos bị buộc tội đã nổ súng vào phòng tin, giết chết 5 người hôm thứ năm 27/6. Theo dự kiến nghi phạm sẽ xuất hiện trước một tòa án tại thành phố Annapolis vào lúc 10:30 sáng thứ Sáu 30/6 để được xét tại ngoại.

Cảnh sát hôm thứ Năm cho biết tay súng đã bước vào tòa soạn tờ Capital Gazette, trang bị với súng ngắn và lựu đạn khói rồi nổ súng. Đài CNN dẫn lời Quận trưởng quận Anne Arundel Steven Schuh, cho biết nghi phạm đã được phát hiện đang ẩn nấp dưới một cái bàn trong tòa nhà. Sau khi bị bắt giữ, cảnh sát quận Anne Arundel đã thẩm vấn nghi phạm vào tối thứ năm.

Đài CNN tường thuật rằng Ramos, 38 tuổi, đã từng đệ đơn kiện tờ báo về tội phỉ báng, nhưng đã thua kiện.

Năm người bị sát hại là: Gerald Fischman, 61, biên tập viên trang xã luận; Rob Hiaasen, 59 tuổi, phó biên tập; John McNamara, 56 tuổi, biên tập; Rebecca Smith, 34 tuổi, nhân viên tiếp thị và Wendi Winters, 65 tuổi, nhân viên đặc trách các ấn phẩm đặc biệt.

Ngoài ra trong vụ tấn công, còn có 3 người khác bị thương và được đưa vào bệnh viện điều trị.

“Trái tim của chúng tôi đã tan vỡ. Đồng nghiệp và bạn bè của chúng tôi đã ra đi….”

Tổng Biên tập báo Capital Gazette

Vài giờ sau vụ nổ súng, tờ Capital Gazette đã cho phát hành một ấn bản với di ảnh của 5 nạn nhân trên trang nhất, giữa lúc bầu không khí tang tóc còn bao trùm lên phòng tin.

Tổng biên tập tờ báo cộng đồng Rick Hutzell được trích lời:

“Trái tim của chúng tôi đã tan vỡ. Đồng nghiệp và bạn bè của chúng tôi đã ra đi. Nhưng bất kể sự mất mát của chúng tôi có sâu đậm bao nhiêu, cũng không thấm vào đâu so với nỗi buồn tiếc thương mà gia đình của những người bạn của chúng tôi đang trải nghiệm.”

Còn trong tình trạng bị chấn động, hôm thứ năm tờ Capital Gazette vẫn tỏ thái độ thách thức qua một dòng tin nhắn trên Twitter: “Vâng, chúng tôi vẫn phát hành tờ báo ngày mai.”

https://www.voatiengviet.com/a/no-sung-tai-toa-soan-capital-nghi-can-bi-truy-to-toi-co-sat/4459952.html

 

Ứng viên Mỹ tại Tổ chức Di dân Thế giới gây tranh cãi

Thụy My

Tổ chức Di dân Thế giới (OIM) hôm nay 29/06/2018 sẽ chọn ra tân tổng giám đốc, và một ứng cử viên công khai bài Hồi giáo, kỳ thị người đồng tính luyến ái, không quan tâm đến bảo vệ môi trường có thể giành được chức vụ này. Chính quyền Trump đã giới thiệu ông Ken Isaacs, cựu phó chủ tịch một tổ chức nhân đạo Cơ Đốc giáo, một nhân vật gây nhiều tranh cãi.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết :

« Ở tuổi 65, ông Ken Isaacs có nhiều kinh nghiệm hoạt động nhân đạo. Ông đã nhấn mạnh điều này trong một video giới thiệu, trong đó ông khẳng định đã « dành cuộc đời để giúp đỡ những người cần đến trên khắp thế giới ». Người ta nhìn thấy ông giúp sơ tán người bị thương trên thực địa, hoặc nói chuyện với những người tị nạn…

Có điều bức chân dung này đã bị hoen ố với một loạt những tweet phân biệt chủng tộc mà báo chí Mỹ tìm thấy, gây trở ngại đáng kể khi muốn đứng đầu một cơ quan Liên Hiệp Quốc về di dân. Ông Ken Isaacs coi đạo Hồi là một tôn giáo bạo lực, và cho rằng ưu tiên tuyệt đối phải được dành cho người tị nạn Cơ Đốc giáo. Bị chất vấn, ông xin lỗi rồi nói rằng các tin Twitter này phải được hiểu trong bối cảnh lúc nói.

Vấn đề là đây không phải lần đầu tiên ông Isaacs gây tranh cãi. Hồi mùa hè năm 2016, ông từng nói cần phải xây lên một bức tường ở vùng Alpes để kiểm soát chặt hơn dòng người tị nạn đổ vào châu Âu.

Cho dù bị phản đối, nhưng Ken Isaacs có được sự ủng hộ tận tình của chính quyền Trump. Như vậy 169 nước thành viên OIM sẽ phải quyết định xem có nên thách thức truyền thống xưa nay, là Hoa Kỳ luôn có tiếng nói quyết định về chức vụ này. Nếu không, Washington có thể lại cắt ngân sách, vào lúc phải đối đầu với cuộc khủng hoảng di dân trong thập niên tới. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180629-ung-vien-my-tai-to-chuc-di-dan-the-gioi-gay-tranh-cai

 

Sóng ngầm đang khuấy động quan hệ Mỹ-Ấn

Trọng Nghĩa

Nhân chuyến ghé thăm Ấn Độ, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc bà Nikki Haley ngày 28/06/2018 đã lên tiếng nhấn mạnh trên tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Ấn, đồng thời khẳng định rằng cơ chế đối thoại chiến lược cấp cao mà lãnh đạo hai nước đã đồng ý thành lập là một ưu tiên của Washington và sẽ hoạt động càng sớm càng tốt. Tuyên bố trên đây của một nhân vật quan trọng trong chính quyền Donald Trump mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hữu hảo Washington-New Delhi đang bị những quyết định mới đây của tổng thống Mỹ khuấy động.

Phải nói là từ ngày tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ-Ấn đã phát triển đáng kể, và vào năm 2017, nhân một cuộc họp thượng đỉnh với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã quyết định thắt chặt hơn nữa quan hệ bằng cách thiết lập một cơ chế đối thoại chiến lược gọi là 2+2, bao gồm lãnh đạo ngành ngoại giao và quốc phòng của hai nước.

Trên nguyên tắc, vào tháng 4/2018, cơ chế đối thoại này họp phiên đầu tiên, thế nhưng cuộc họp đã bị hủy bỏ do việc tổng thống Mỹ cách chức ngoại trưởng Rex Tillerson. Đối thoại đã được dời lại cho đến ngày 06/07/2018, và chương trình nghị sự cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, trong đó có các vấn đề như các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và Iran, hay các thương vụ vũ khí, và tranh chấp thương mại.

Thế nhưng tối 27/06, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi cho đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj vào để loan báo việc Mỹ hoãn cuộc họp vì những lý do « bất khả kháng ». Lần này, không thấy Mỹ loan báo thời điểm cuộc họp sắp tới.

Cả hai phía đều không cho biết là những lý do « bất khả kháng » mà ngoại trưởng Mỹ nêu lên là gì, nhưng các nhà phân tích đã ghi nhận ít nhất ba điểm bất đồng đang khuấy động quan hệ giữa Washington và New Delhi, đặc biệt sau quyết định của tổng thống Trump tái lập trừng phạt Iran, duy trì trừng phạt Nga, và áp đặt thuế quan trên các mặt hàng nhôm thép nhập vào Mỹ.

Trong lãnh vực vũ khí, Ấn Độ cho đến nay mua rất nhiều vũ khí của Nga, và cũng muốn mua thêm vũ khí của Mỹ. Vấn đề là hiện nay, New Delhi đã gần như hoàn tất cuộc đàm phán mua hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga, điều không làm cho Mỹ hài lòng. Washington đã phản đối thương vụ đó của New Delhi, và đe dọa rằng việc Ấn Độ mua S400 của Nga có thể tác hại tới khả năng hợp tác Mỹ-Ấn trong tương lai.

Một đòi hỏi khác của Hoa Kỳ là Ấn Độ tích cực tham gia vào chiến dịch trừng phạt Iran mà Washington đơn phương khởi động. Điều mà Mỹ không quan tâm là Ấn Độ là một trong những khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran, với lượng mua dầu thô chỉ sau Trung Quốc. Iran là nhà cung cấp dầu cho Ấn Độ lớn thứ 3, chỉ thua Irak và Ả Rập Xê Út.

Chính vì vậy mà bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, Ấn Độ như vẫn tiếp tục mua dầu của Iran. Ngày hôm qua, 28/06, một quan chức dầu khí Ấn Độ cho rằng « Ấn Độ chỉ công nhận lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc đưa ra mà thôi ».

Hồ sơ thứ ba liên quan đến các thuế quan mà Mỹ áp đặt trên nhôm và thép nhập vào Mỹ, trong đó có sản phẩm của Ấn Độ. New Delhi đã từng đề nghị Washington cho miễn thuế quan, nhưng vô hiệu. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã quyết định trả đũa trên hàng nhập từ Mỹ.

Ấn Độ, nước nhập khẩu rất nhiều hạnh nhân từ Mỹ, đã nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này thêm 20%. Quyết định tăng thuế từ ngày 04/08 còn áp dụng cho nhiều mặt hàng nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, New Delhi còn đánh thuế 120% trên quả óc chó, động thái rõ ràng là mạnh mẽ đối với Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là Washington sẽ phản ứng ra sao trước các quyết định của New Delhi. Bất chấp các làn sóng ngầm kể trên, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vẫn tỏ ý tin tưởng là sắp tới đây, Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ sát cánh bên nhau, bằng cách này hay cách khác, vì tương lai ổn định của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và thế giới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180629-song-ngam-dang-khuay-dong-quan-he-my-an

 

Tại Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cam kết

duy trì tập trận với Nhật Bản

Trọng Nghĩa

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã đến Tokyo vào hôm nay, 29/06/2018 trong khuôn khổ vòng công du châu Á. Trong một động thái nhằm trấn an đồng minh Nhật Bản đang lo ngại trước việc Hoa Kỳ giảm sự hiện diện trong khu vực, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã khẳng định rằng Mỹ vẫn sẽ bảo đảm một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ trong khu vực đề phòng Bắc Triều Tiên, trong đó liên minh Mỹ-Nhật chiếm một vị trí quan trọng. Một cách cụ thể, các cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật vẫn được duy trì.

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Tokyo với đồng nhiệm Nhật Bản Itsunori Onodera, ông Mattis đã hứa rằng Washington sẽ không lơ là cảnh giác cho dù tổng thống Mỹ đã loan báo đình chỉ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn sau thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore.

Theo ông Mattis, quyết định ngừng tập trận Mỹ-Hàn là nhằm tạo điều kiện cho đàm phán về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và « tăng cơ may đạt được một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên », nhưng không hề làm yếu vị thế của Mỹ ở châu Á. Ông giải thích : « Chúng tôi vẫn duy trì một cơ cấu phòng thủ chung mạnh mẽ để đảm bảo rằng các nhà ngoại giao của chúng tôi tiếp tục đàm phán trong thế mạnh ».

Riêng đối với Nhật Bản, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết là đã thảo luận với bộ trưởng Quốc Phòng Onodera về các khả năng « tăng cường sức mạnh của liên minh, củng cố hợp tác và nâng cao tình hình an ninh khu vực ». Hai bên đã đồng ý tiếp tục các cuộc tập trận song phương để tăng cường năng lúc ứng phó của liên minh Mỹ-Nhật.

Về phần Nhật Bản, dù công nhận rằng việc đình chỉ tập trận Mỹ-Hàn có thể « hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao », ông Onodera vẫn nhắc lại quan điểm của Tokyo theo đó các cuộc tập trận Mỹ-Hàn rất « quan trọng cho sự ổn định trong khu vực, kể cả trong thời gian tới ».

Ngoài vấn đề an ninh quốc phòng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng trấn an Nhật Bản rằng Hoa Kỳ, khi đàm phán với Bắc Triều Tiên, cũng rất chú ý đến hồ sơ công dân Nhật bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc trong những năm 1970-1980. Có điều là ông Mattis không cho biết thêm chi tiết về vấn đề mà Tokyo đặt thành ưu tiên hàng đầu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180629-tai-tokyo-bo-truong-quoc-phong-my-cam-ket-duy-tri-tap-tran-voi-nhat-ban

 

Nhật sẽ mua radar

cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vào tuần tới

Nhật Bản vào tuần tới sẽ lựa mua một radar tiên tiến do Mỹ sản xuất cho hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá hàng tỷ USD. Đây được đánh giá là một bước nâng cấp nhằm giúp hạn chế căng thẳng thương mại với Washington và cung cấp thiết bị hiện đại hơn để bảo vệ Tokyo trước kho vũ khí của Triều Tiên và Trung Quốc. Reuters trích nguồn tin giấu tên cho biết như vậy hôm 29/6.

Nguồn tin của Reuters cho biết Nhật dự tính sẽ mua 2 giàn Aegis Ashore của Mỹ mà Nhật định triển khai vào năm 2023. Một quan chức của chính phủ Tokyo cho biết đây sẽ là một vụ thương mại lớn và là một món quà tốt đẹp cho Tổng thống Trump.

Một số nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng việc lựa chọn radar có thể được quyết định sớm nhất là vào ngày thứ 2 tới. Điều đó có nghĩa là chi phí mua radar này có thể được tính vào đề xuất ngân sách quốc phòng Nhật Bản dự kiến công bố vào tháng 8 tới đây.

Các nguồn tin này cũng cho biết Tokyo đang xem xét mua radar SPY-6 của Raytheon hoặc một phiên bản Radar phân biệt tầm xa của Lockheed Martin. Nhật đã tính mua SPY-6 của Mỹ vào năm ngoái, nhưng Washington tỏ ý miễn cưỡng không muốn bán.

Các quan chức quốc phòng Nhật cho hay 2 hệ thống Aegis có giá khoảng 2 tỷ đô la, cộng thêm chi phí cho radar thì tổng kinh phí sẽ gấp đôi.

Đề xuất ngân sách quốc phòng của Nhật tới đây sẽ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang được nới lỏng sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn tại Singapore vừa qua. Mặc dù các nhà hoạch định quân sự Nhật Bản vẫn đánh giá Triều Tiên là một mối nguy hiểm, nhưng Tokyo lại xem sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là một mối đe dọa dài hạn lớn hơn.

Trung Quốc hiện đang sở hữu kho vũ khí có đến hàng trăm tên lửa đạn đạo có khả năng phóng tới Nhật Bản. Và lần nâng cấp đợt này sẽ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa của Tokyo trở thành một trong những hệ thống tiên tiến nhất thế giới với khả năng phát hiện nhiều mục tiêu xa hơn các hệ thống Aegis hiện có của cả Mỹ và Nhật.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/japan-to-buy-advanced-us-radar-for-missile-defense-system-06292018094906.html

 

Úc thông qua luật ngăn chặn nước ngoài can thiệp chính trị

trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc

Quốc hội Australia vừa chính thức thông qua luật ngăn chặn chính phủ nước ngoài can thiệp nội bộ Úc giữa lúc có nhiều lo ngại việc Trung Quốc gây ảnh hưởng đến nền chính trị nước này. AFP loan tin này vào ngày 29 tháng 6 năm 2018.

Cuối năm 2017, Canberra đã công bố các kế hoạch cải cách sâu rộng liên quan đến luật gián điệp và chống can thiệp từ nước ngoài, và Trung Quốc được cho là mối lo ngại.

Cơ quan tình báo của Úc đã nêu lên những lo ngại rằng Bắc Kinh đã can thiệp vào các tổ chức địa phương và sử dụng hệ thống quyên góp chính trị để được tiếp cận.

Trong một tuyên bố sau khi luật này được quốc hội thông qua vào cuối ngày thứ Năm, chính phủ Canberra cho biết: “Gián điệp và can thiệp của nước ngoài gây ra những rủi ro đáng kể đối với an ninh và quốc phòng của Úc”.

Chính phủ Úc cũng cho rằng, các đối thủ nước ngoài đang tích cực chống lại quyền lợi của Úc thông qua nhiều phương tiện, bao gồm việc thu thập thông tin hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả của các quá trình dân chủ của Úc.

Luật mới cũng mở rộng định nghĩa về tội danh liên quan đến gián điệp. Theo đó, những tổ chức có hành động lừa dối, đe dọa nhằm can thiệp vào các tiến trình dân chủ và cung cấp thông tin cho chính phủ nước ngoài sẽ bị khép vào tội hình sự.

Gián điệp công nghiệp, tức hành vi đánh cắp bí quyết thương mại, nằm trong số những tội danh hình sự mới được đưa vào luật này. Luật quy định những người làm lộ thông tin mật về bí quyết thương mại sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc.

Đạo luật này cũng yêu cầu những người hoặc tổ chức thực hiện các hoạt động thay mặt cho lợi ích nước ngoài khai báo các liên kết của họ để làm cho hệ thống chính trị minh bạch hơn.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng gần đây sau khi giới chức Australia công khai bày tỏ lo ngại về sự can thiệp chính trị của Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ giữa các cá nhân Australia với các doanh nghiệp Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/australia-passes-foreign-meddling-laws-amid-china-tensions-06292018083714.html

 

Đài Loan cáo buộc Trung Quốc can thiệp tự do báo chí

Đài Bắc hôm 28/06 cáo buộc Trung Quốc can thiệp quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của Đài Loan và Nhật Bản bởi Bắc Kinh phản đối việc một tờ báo Nhật Bản cho đăng tải cuộc phỏng vấn Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp một ngày trước đó.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Sankei Shimbun (Nhật Bản), ông Ngô đã kêu gọi một cuộc đối thoại an ninh Đài Loan – Nhật Bản trước sự tăng cường hoạt động của lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương cũng như những nguy cơ đang được đặt ra cho cả hai nước trong thời gian gần đây.
Tờ báo này cũng đã mô tả lời kêu gọi của Ngoại trưởng họ Ngô giống như một động thái hiếm hoi về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, vì Đài Loan trước đó không hề có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa ông Ngô hy vọng rằng Đài Loan và Nhật Bản có thể tăng cường quan hệ song phương để đối phó với các hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc gần Đài Loan.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, phiên bản trực tuyến của Sankei Shimbun đăng tải thông tin Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản phản đối bài viết này với cáo buộc Đài Loan là một phần của Trung Quốc và lên án bài báo ủng hộ độc lập đối với Đài Loan.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Lý Hiền Chương cho biết phản đối của Trung Quốc là một minh chứng cho thấy Trung Quốc can thiệp về tự do báo chí và ngôn luận đối với Nhật Bản và Đài Loan và động thái này là một điều không thể chấp nhận.

Ông Lý cũng cho rằng Trung Quốc đang đặt ra một mối đe doạ nghiêm trọng đối với những giá trị toàn cầu về tự do và dân chủ và kêu gọi các quốc gia có cùng quan điểm hợp tác để ngăn chặn sự lan truyền ảnh hưởng của Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/dai-loan-cao-buoc-trung-quoc-can-thiep-tu-do-bao-chi-06282018145532.html

 

Trung Quốc lập tòa án quốc tế

cho ‘Vành đai, Con đường’

Trung Quốc có kế hoạch lập hai tòa án quốc tế để giải quyết các tranh chấp kinh tế và đầu tư liên quan đến dự án ‘Một vành đai, một con đường’ và các chuyên gia cho rằng các tòa án này sẽ là các cơ quan tư pháp quốc tế được thiết lập theo quy định và luật pháp quốc tế và sẽ mời các chuyên gia và những nhà chuyên môn có hiểu biết và có tên tuổi ngoài Trung Quốc tham gia, tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin.
Tờ báo này lấy nguồn từ Tân Hoa Xã dẫn một thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc sẽ thành lập tòa án thương mại quốc tế đầu tiên ở Thâm Quyến thuộc tỉnh ven biển Quảng Đông với thẩm quyền xử lý các tranh chấp liên quan đến Con đường Tơ lụa trên biển vào thế kỷ 21. Tòa án quốc tế thứ hai sẽ được thành lập ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây nằm sâu trong đại lục với thẩm quyền xử lý các vụ việc liên quan đến Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa.

Hai tòa án này sẽ có thẩm quyền dàn xếp và phán quyết các tranh chấp thương mại xuyên quốc gia trong khuôn khổ Ý tưởng Vành đai-Con đường của Trung Quốc.

Bản kế hoạch thiết lập một cơ chế để giải quyết các tranh chấp về thương mại và đầu tư về mặt pháp luật đã được chuẩn thuận trong cuộc họp thứ hai của Tiểu tổ về Cải cách Toàn diện Sâu sắc của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung hồi tháng Giêng năm nay, theo Tân Hoa Xã.

Kế hoạch thành lập hai tòa án này đã đặt ra những câu hỏi, quan ngại và một số nghi ngờ từ các chuyên gia và những người làm kinh doanh ở phương Tây.

“Cơ quan tư pháp này phải tuân thủ theo Đảng Cộng sản Trung Quốc và những lợi ích của Đảng đó, do đó nó sẽ gây ra những qua ngại chính đáng về tính bất thiên vị,” ông Hugo Brennan, một phân tích gia của công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

“Chúng tôi có thể hiểu những quan ngại này của phương Tây. Trước khi Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) ra đời, cũng đã có nhiều nghi vấn và quan ngại từ thế giới bên ngoài nhưng giờ đây AIIB đang hoạt động khá tốt. Trung Quốc cần phải kiên nhẫn giải thích và công bố các chính sách và ý tưởng về các tòa án này và giải đáp những câu hỏi này,” ông Lưu Chí Cầm, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc được tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời nói.

Các tòa án quốc tế này gần giống các cơ quan tư pháp quốc tế và không nằm dưới quyền của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, vốn chỉ toàn là người Trung Quốc, ông Lưu giải thích.

“Cũng giống như Ngân hàng AIIB, các tòa án này sẽ có những chuyên gia những nhà chuyên môn pháp lý có tên tuổi và có hiểu biết để đảm bảo tính minh bạch, chính đáng và không thiên vị của nó,” ông Lưu nói them.

Ông Bạch Minh, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Học viện Thương Mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế của Trung Quốc, nói rằng ‘một cơ quan phán xử quốc tế cần phải có được sự tôn trọng và thừa nhận của cộng đồng quốc tế, nếu không thì nó sẽ trở thành vô dụng. Các tòa án mà Trung Quốc dự định thành lập không phải là cơ quan của Trung Quốc mà là tổ chức quốc tế do Trung Quốc đề xuất. Chúng sẽ hoạt động độc lập.”

Các tòa án thương mại quốc tế sẽ tuân theo một số nguyên tắc cơ bản, bao gồm hợp tác cùng phát triển và chia sẻ cơ chế và giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, hiệu quả và thuận tiện, theo Tân Hoa Xã.

Một số công ty Trung Quốc đầu tư hay làm ăn ở một số khu vực trên thế giới như Trung Á và châu Phi đã gặp phải tranh chấp và họ nhận thấy rằng hệ thống pháp lý ở những quốc gia đó không hiện đại cho lắm, và đó chính là lý do mà các tòa án thương mại quốc tế lại cần đến như vậy, ông Tương Quân Vịnh, một chuyên gia về dự án Vành đai Con đường ở Bắc Kinh được Hoàn cầu Thời báo dẫn lời nói.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%ADp-t%C3%B2a-%C3%A1n-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-cho-v%C3%A0nh-%C4%91ai-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-/4459193.html

 

Trung Quốc nới lỏng hạn chế đầu tư

Trung Quốc ngày 28/6 công bố nới lỏng những hạn chế đầu tư được chờ đợi lâu nay trên những lãnh vực gồm ngân hàng, ô tô, công nghiệp nặng, và nông nghiệp vào lúc Bắc Kinh tiến đến việc hoàn tất lời hứa mở cửa thị trường thêm nữa.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, công bố trên trang mạng phiên bản mới của danh sách gọi là ‘tiêu cực’ qui định những ngành công nghiệp mà đầu tư của nước ngoài bị hạn chế hay cấm chỉ. Danh sách mới sẽ có hiệu lực vào ngày 28/7 tới.

Con số những danh mục trong bảng ‘tiêu cực’ được cắt xuống còn 48 so với 63 được công bố vào tháng 6 năm ngoái.

Ngoài việc xác nhận những lời hứa được loan báo trước đây nhằm bãi bỏ hạn chế quyền sở hữu hoàn toàn các công nghiệp như bảo hiểm và ô tô trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, Trung Quốc cũng sẽ nới lỏng hay bãi bỏ mức trần sở hữu đối với các ngành như chế tạo tàu thuyền và máy bay, lưới điện và gây giống các loại cây trồng, nhưng không có lúa mì và bắp.

Loan báo này được đưa ra giữa lúc có sự chăm chú quan sát của các đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc là Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu. Các nước này cho rằng các công ty Trung Quốc phần lớn được cho phép đầu tư tự do trên thị trường Trung Quốc trong khi Bắc Kinh hạn chế khả năng của các công ty nước ngoài xâm nhập vào nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Trong những cuộc thảo luận về thương mại giữa phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin dẫn dầu và các giới chức cao cấp Trung Quốc vào đầu tháng 5 vừa qua, các giới chức chính quyền Trump đã yêu cầu Bắc Kinh không làm xáo trộn thương mại bằng những hạn chế đầu tư, những nguồn tin thông thạo về vấn đề này nói với Reuters vào lúc đó.

Theo nguồn tin thì phía Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc đảm bảo là bất cứ hạn chế hay điều kiện đầu tư nào được áp đặt phải “hạn hẹp và minh bạch.”

Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại là sẽ tiếp tục cải cách thị trường theo mức độ của họ, và nhấn mạnh là sẽ thi hành những quyết định mở cửa thị trường căn cứ trên nhu cầu của Trung Quốc và không vì áp lực bên ngoài.

Các doanh nhân nước ngoài nói tiến bộ chậm chạp và những lời hứa mở rộng tiếp cận được loan báo về cải cách trước đây đã quá hạn từ lâu.

Hồi tháng 4, Trung Quốc cho biết sẽ thi hành một số các biện pháp vào cuối năm nay.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-long-han-che-dau-tu/4459169.html

 

Giới lãnh đạo TQ ‘loạn trí’

vì ‘loạn sách’ thương mại của TT Mỹ

Mai Vân

Trong đối sách với Trung Quốc, tổng thống Mỹ ngày càng có thêm những tuyên bố dữ dội trong lãnh vực thương mại, như đe dọa đánh thuế trên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, cực lực tố cáo Bắc Kinh đánh cắp công nghệ Mỹ. Bên cạnh đó ông lại có một số cử chỉ hòa dịu bất ngờ, như thúc đẩy việc cho phép tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE tiếp tục làm ăn tại Mỹ.

Theo nhận định của báo mạng Mỹ Politico, mục tiêu mà tổng thống Mỹ nhắm tới là buộc Bắc Kinh phải chấp nhận các đòi hỏi về thương mại của Washington, vấn đề là không ai biết ông Trump thực sự muốn gì, kể cả giới lãnh đạo Trung Quốc, được cho là “hoàn toàn mù mịt trước những yêu sách thương mại” của vị tổng thống Hoa Kỳ.

Tờ báo Mỹ ghi nhận là các hành động của ông Trump đầy mâu thuẫn. Tuần này thì ông tố cáo những mối đe dọa an ninh mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đặt ra cho nước Mỹ, nhưng tuần sau thì ông đồng ý bãi bỏ một lệnh cấm làm ăn với tập đoàn này. Ông phàn nàn về thất thu thương mại với Trung Quốc, nhưng lại bác bỏ đề nghị của Trung Quốc với chính các quan chức Mỹ là sẽ mua thêm hàng tỷ đô la hàng hóa Mỹ.

Đối với Politico, đằng sau những hư chiêu và những cú thúc, Donald Trump đã nêu lên nhiều vấn đề đến nỗi khó mà hiểu được những ưu tiên thực thụ của ông.

Chiến thuật này được rút thẳng từ quyển « Nghệ Thuật Thương Lượng – The Art of the Deal » mà ông Trump là tác giả và có thể tóm lược như ông nói : « Tôi đặt mục tiêu rất cao và cứ đẩy tới, đẩy tới cho đến khi đạt được cái mà tôi theo đuổi ».

Một số người cho rằng đó không phải là cách dùng được khi thương lượng với một siêu cường, nhưng nhìn lại thì nó cũng đã khiến lãnh đạo Trung Quốc ngày càng hoang mang về ý muốn thực sự của ông Trump, vào thời điểm then chốt khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như sắp lao vào một cuộc chiến thương mại lâu dài.

Theo Derek Scissors, thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute, Trung Quốc đã « hoàn toàn bị bối rối » vì lẽ nếu không có yêu cầu rõ ràng thì họ không thể đề nghị gì nhiều. Khi nhượng bộ, Bắc Kinh phải được cái gì đó, « nhưng lại không biết sẽ được gì vì Mỹ không thấy có một chiến lược gì ».

Các quan chức Trung Quốc càng lúc càng tỏ rõ thái độ tức tối.

Phát biểu hôm 19/06 tại Viện Nghiên Cứu Mỹ-Trung Quốc (Institute for China-America Studies), tham tán công sứ Đại Sứ Quán Mỹ ở Washington đã lên tiếng : « Chúng tôi kêu gọi các đối tác Mỹ tỏ rõ tính xác tín và nhất quán… Khi đã đồng ý rồi thì phải giữ lời ».

Đến hôm 22/06, Cao Phong, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là « thất thường ».

Cách tiếp cận hung hăng của ông Trump đã đi ngược lại với chính sách Mỹ áp dụng với Trung Quốc từ hơn một thập niên qua.

Chính sách này bao gồm các cuộc thương lượng trên một loạt vấn đề thương mại được tiến hành hàng năm để thúc đẩy tiến bộ bằng cách thuyết phục Trung Quốc rằng mở rộng cửa kinh tế là trong quyền lợi của họ. Chiến thuật này có kết quả rất chậm và hạn chế.

Ý của ông Trump muốn đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc được hậu thuẫn của các tập đoàn và giới lao động Mỹ, vốn rất mong có kết quả nhanh hơn và to lớn hơn. Nhưng các nhà lão luyện về thương lượng quốc tế hoài nghi về hiệu quả, trừ phi là có mục tiêu rõ ràng.

Bill Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, cho rằng : « Đúng là họ có một kế hoạch, nhưng tôi không nghĩ là nó hữu hiệu. Kế hoạch là luôn lấn tới mạnh hơn, đòi hỏi mọi thứ và không cho gì cả ».

Chính sách phi thị trường của Trung Quốc

Theo nhận định các chuyên gia thì cấu trúc nền tảng của kinh tế Trung Quốc là điều khiến nhiều công ty Mỹ luôn luôn than phiền, và đó là điều sẽ không thay đổi trong vài tuần, thậm chí cả tháng.

Bắc Kinh đã buộc các công ty Mỹ phải vượt qua nhiều cửa ải hơn là công ty trong nước. Rồi còn có gián điệp tin học, rồi ăn cắp bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế. Chính quyền Trung Quốc còn tài trợ cho các tập đoàn của mình ở quy mô lớn, đảm bảo cho họ bán sản phẩm thấp hơn giá thị trường.

Tất cả những chính sách đó đã được Cơ Quan Đại Diện Thương Mại Mỹ xác định thành lý do để áp thuế mới trên 50 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc. Nhưng các nhà quan sát lo ngại rằng ông Trump sẽ quá tập trung trên thất thu thương mại với Trung Quốc, mà lơ là việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Scissors : « Đó là một tiến trình nhiều năm với nhiều đau đớn ».

Về phía Trung Quốc, các quan chức cũng cùng chung suy nghĩ là cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian. Viên tham tán công sứ tại Đại Sứ Quán Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán, cho dù đó là trên vấn đề thâm thủng mậu dịch hay trên vấn đề cơ cấu kinh tế.

Đọ sức “áp thuê”

Như để làm tình hình rối thêm, nhiều quan chức Mỹ cao cấp thú nhận rằng họ không lúc nào biết được là ông Trump sẽ nói gì hay làm gì về thương mại.

Tình trạng mơ hồ này, theo báo Mỹ Politico, đã khiến các cố vấn của ông Trump đua nhau thu hút chú ý của ông, tìm cách tác động lên ông, dẫn tới những chiến thuật khác nhau và thông điệp không rõ ràng…

Trong lúc đó, Mỹ Trung tiếp tục đọ sức : các loại thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh nhượng bộ, được thiết kế để đáp trả lại việc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ, với một mũi nhắm vào chính sách mà Trung Quốc đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ.

Trung Quốc đáp trả các biện pháp thuế này bằng cách lên kế hoạch áp thuế trên hàng Mỹ, tương ứng với quy mô các biện pháp của chính quyền Mỹ. Thế rồi ông Trump lại trả đũa, đe dọa áp thuế lên 450 tỷ đô la hàng Trung Quốc, trong lúc chính quyền có kế hoạch giới hạn đầu tư của Trung Quốc.

Phản ứng từ phía ông Trump đã khiến giới chức Trung Quốc ngỡ ngàng. Taiya Smith, chuyên viên thời cựu bộ trưởng Tài chính Hank Paulson phụ trách các cuộc đàm phán thương mại chính thức giữa Washington và Bắc Kinh, được gọi là Đối Thoại Kinh Tế Chiến Lược, tiết lộ : « Càng ngày càng có nhiều người có trách nhiệm khá cao ở Trung Quốc yêu cầu tôi giải thích những gì đang diễn ra ».

Theo Politico, vấn đề đặt ra tuy nhiên dù Trung Quốc muốn nhượng bộ, nhưng họ không biết nhượng bộ cái gì và đến đâu mới đủ.

Hơn nữa, theo tờ báo, tài liệu rõ ràng nhất về các đòi hỏi của Mỹ trông giống như những yêu cầu trong các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do toàn diện, hơn là một thỏa thuận nhắm mục tiêu ngăn chặn việc áp đặt các loại thuế quan trừng phạt…

Ngoài ra, bản thân ông Trump cũng góp phần làm cho toàn cảnh phức tạp thêm. Ông khẳng định đòi Trung Quốc phải chấm dứt việc làm cho Mỹ thâm hụt thương mại 500 tỷ đô la một năm, đình chỉ việc ăn cắp 300 tỷ đô la khác về sở hữu trí tuệ của Mỹ. Thế nhưng vào tháng trước ông lại quyết định ra tay cứu giúp đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, mà các chuyên gia chính sách cho rằng là một ví dụ điển hình về các công ty Trung Quốc vi phạm pháp luật.

Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner thuộc đảng Dân Chủ là một trong số nhiều người dã chỉ trích động thái đó của ông Trump là không nhất quán với nỗ lực tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc mà chính quyền Trump chủ trương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180629-gioi-lanh-dao-tq-bi-%E2%80%98loan-tri%E2%80%99-vi-%E2%80%98loan-sach%E2%80%99-thuong-mai-cua-tong-thong-trump-nhung-

 

Bulgaria sắp xin vào khu vực đồng euro

Hầu như chắc chắn Bulgaria sẽ đệ đơn xin gia nhập khu vực đồng euro vào ngày 14 tháng 7, Thủ tướng Boyko Borissov loan báo hôm 28/6.

Bulgaria đang nỗ lực đẩy mạnh việc gia nhập trong khi đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU và được sự ủng hộ chính trị của Ủy ban châu Âu hiện hành.

Là một quốc gia thành viên nghèo nhất của EU, Bulgaria quan ngại là bỏ mất đà tiến hội nhập sâu hơn sẽ khiến cho nước này ở bên lề giữa lúc các nước EU đang thảo luận về một châu Âu tăng trưởng theo những khu vực khác nhau.

Thủ tướng Borissov nói với các phóng viên tại Brussels là ông sẽ đại diện Bulgaria đệ đơn lên hội nghị các nhà lãnh đạo tài chánh của EU vào ngày thứ Sáu 29/6 để xin gia nhập ERM-2—thời gian chờ đợi bắt buộc 2 năm để trở thành thành viên của khu vực đồng euro.

Ông nói Bộ trưởng tài chánh sẽ thảo luận chi tiết với người đồng nhiệm tại hội nghị các Bộ trưởng tài chánh EU hai tuần lễ sau, vào ngày 14/7. Được hỏi là liệu quốc gia vùng Balkan này sẽ đệ đơn vào lúc đó hay không, ông Borissov nói “Chắc chắn là như vậy.”

“Tôi được mời tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Eurogroup nơi tôi sẽ đưa thư của chúng tôi và xin gia nhập danh sách chờ của khu vực đồng euro, vì chúng tôi hội đủ tất cả các tiêu chuẩn,” ông nói bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp Châu Âu.

Bulgaria hội đủ tiêu chuẩn chấp nhận đồng euro, với đồng lev của nước này kết nối chặt chẽ với đồng euro, lạm phát thấp và tài chánh công lành mạnh.

Tuy nhiên lợi tức đầu người chỉ bằng một nửa trung bình của EU, và hối lộ tràn lan đang phủ bóng lên những tham vọng của nước này.

https://www.voatiengviet.com/a/bulgaria-sap-xin-vao-khu-vuc-dong-euro/4459136.html

 

Châu Âu gia hạn sáu tháng lệnh trừng phạt Nga

Thụy My

Hôm nay 29/06/2018 28 lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức quyết định gia hạn thêm sáu tháng việc trừng phạt kinh tế đối với Nga, do không thấy tiến triển gì trong việc áp dụng thỏa thuận ngưng bắn ở miền đông Ukraina.

Lệnh trừng phạt được đưa ra vào mùa hè năm 2014, vài tháng sau khi Matxcơva sáp nhập Crimée của Ukraina, tiếp theo là các cuộc tấn công của phe nổi dậy thân Nga. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng Ukraina. Kiev và phương Tây tố cáo Nga vũ trang cho quân nổi dậy.

Liên Hiệp Châu Âu (EU) còn trừng phạt gần 150 nhân vật trong đó có những khuôn mặt thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin bị cho vào danh sách đen. Tiền gởi trong các ngân hàng châu Âu của những người này bị phong tỏa, và họ bị cấm nhập cảnh vào EU.

Bên cạnh đòi hỏi tuân thủ thỏa thuận ngưng bắn Minsk, 28 nước châu Âu còn khuyến khích Matxcơva « nhìn nhận trách nhiệm » trong vụ chuyến bay MH17 bị một hỏa tiễn Nga bắn rơi khi đang bay trên không phận Ukraina năm 2014, làm 298 người thiệt mạng.

EU đánh giá tiến độ Brexit

Bên cạnh đó, 27 nhà lãnh đạo EU hôm nay cũng bàn bạc về mức độ tiến triển của Brexit, nhưng không có sự tham dự của thủ tướng Anh Theresa May. Trước đó bà May đã cảnh báo nếu việc « ly dị » không suông sẻ, sẽ ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu.

Bà Theresa May cũng cho biết sẵn sàng đẩy nhanh thương lượng, trước việc EU than phiền rằng sự chia rẽ trong chính phủ Anh đang làm tiến trình bị giậm chân tại chỗ. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hôm qua bày tỏ quan ngại về sự chậm chạp này, vì chỉ còn 9 tháng nữa là Anh quốc phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Các lãnh đạo EU nhiều lần cảnh báo, Luân Đôn không thể tiếp tục hưởng lợi từ thị trường chung 500 triệu người tiêu thụ, mà không chấp nhận các nghĩa vụ như tự do dịch chuyển của công dân EU tại Anh quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180629-chau-au-gia-han-sau-thang-lenh-trung-phat-nga

 

Thượng đỉnh Châu Âu

đạt được “thỏa thuận” đón tiếp di dân

Tú Anh

Liên Hiệp Châu Âu tránh được khủng hoảng. Lãnh đạo 28 thành viên đã thông qua được thỏa thuận về di dân vào sáng sớm thứ sáu 29/06/2018, sau một đêm thương lượng gay go tại Bruxelles trước áp lực « không có tôi thì các anh sẽ chết » của Roma. « Ý không còn cô đơn », thủ tướng Giuseppe Conte hoan hỉ tuyên bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khen ngợi « chiến thắng của tinh thần hợp tác ».

Cụ thể, Liên Hiệp Châu Âu thỏa hiệp ra sao và có thay đổi gì trong chính sách tiếp đón di dân ? Từ nơi họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, đặc phái viên Anastasia Becchio tường thuật :

“Trong thỏa thuận đạt được còn nhiều điểm để ngỏ. Giờ đây cần phải tìm được đồng thuận để thi hành. Văn bản thích hợp với mong đợi của 28 thành viên từ nước Ý, quốc gia đứng ở tuyến đầu trước làn sóng di dân cần được hỗ trợ trong tinh thần liên đới, cho đến bốn nước Đông Âu trong nhóm Visegrad, vốn ngần ngại không muốn chia sẻ gánh nặng.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte rất hài lòng với thỏa hiệp này vì trong suốt đêm hôm qua, ông nhất quyết không ký cho đến khi các đối tác chấp thuận nguyên tắc : người đặt chân đến lãnh thổ Ý phải được xem là đã đến lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu. Một yêu sách khác của Roma cũng được chấp thuận. Đó là đề xuất lập « khu trung chuyển » do Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc quản lý, tuy nhiên hình thể ra sao thì vẫn mù mờ.

Hội Đồng Châu Âu cũng thông qua một sáng kiến của Pháp, sau đó được Ý tán đồng: Đó là khi một di dân đặt chân lên lãnh thổ một quốc gia châu Âu thì người đó sẽ được tạm trú trong một trung tâm tiếp cư, có kiểm soát nhưng không khép kín như một nhà tù. Các trung tâm này sẽ được thiết lập ở các nước châu Âu, cũng theo nguyên tắc tình nguyện, được cung ứng phương tiện vật chất và nhân sự châu Âu để giải quyết đơn xin tị nạn càng nhanh càng tốt.

Chỉ có những nước tình nguyện mới được châu Âu trợ giúp lập trung tâm tiếp cư và chỉ có những nước tình nguyện mới được phân bổ lượng người tị nạn định cư.”

Tuy mọi biện pháp cụ thể chưa rõ ràng, nhưng nhiều tổ chức quốc tế đoán được thâm ý của châu Âu.

Cơ quan Di Dân Quốc Tế yêu cầu không đặt các trung tâm xử lý hồ sơ di dân ở một nước thứ ba : mọi giải pháp phải là của châu Âu và ở bên trong châu Âu.

Hiệp hội Y Sĩ Không Biên Giới ra thông cáo phản đối Bruxelles muốn « ngăn chận di dân « từ bên ngoài cửa châu Âu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180629-thuong-dinh-chau-au-dat-duoc-%C2%AB-thoa-thuan-%C2%BB-don-tiep-di-dan

 

Tháp Eiffel khoác áo giáp chống khủng bố

Thu Hằng

Khu vực ngắm tháp Eiffel đẹp nhất là từ quảng trường Nhân Quyền ở Trocadéro. Bà đầm Thép hiện lên kiêu hãnh chính giữa bức tranh khổng lồ với con sông Seine bắc ngang. Thế nhưng, sắp tới, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước hàng rào bằng kính và kim loại ngăn Bà đầm Thép với thế giới bên ngoài.

Năm 2017, Công ty Khai thác Tháp Eiffel (Société d’Exploitation de la Tour Eiffel, SETE), được sự đồng ý của thành phố Paris, đã quyết định xây hàng rào bao quanh công trình du lịch được tham quan nhiều nhất thế giới, hàng năm vẫn thu hút hơn 6 triệu lượt khách.

Hai bức tường bằng kính gồm nhiều lớp, dầy 6,5 cm và cao 3 mét, được dựng ở mặt chính phía Bắc nhìn ra sông Seine dài 224,8 mét và mặt phía Nam hướng ra khu vực Champs de Mars và Trường Quân Sự (Ecole Militaire) dài 226,6 mét.

Còn hai cạnh hướng Đông và Tây nhìn ra hai vườn hoa bên hông được bảo vệ bằng hàng rào chấn song thép, cao 3,24 mét, bằng đúng 1/10 chiều cao của tháp Eiffel và mềm mại theo hình dáng cùng với đường cong của Bà đầm Thép, dựa theo ý tưởng ban đầu của kiến trúc sư Gustave Eiffel.

Trả lời BFMTV và AFP, ông Bernard Gaudillère, chủ tịch Công ty Khai thác Tháp Eiffel, giải thích :

« Chúng tôi cho xây một hàng rào bằng kính xung quanh Tháp Eiffel. Không hẳn hoàn toàn vì phần lớn hàng rào không phải làm bằng kính mà là các chấn song thép. Thiết bị hỗn hợp này được xây dựng nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho khách tham quan, cho nhân viên làm việc cũng như người dân sống xung quanh.

Tất cả mọi vấn đề liên quan đến an ninh cho Tháp Eiffel được đưa ra sau khi đã tham khảo ý kiến và cân nhắc thấu đáo với Sở Cảnh sát Paris, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, độ dầy của hàng rào bằng kính là 6,5 cm, có nghĩa là đạt mức an toàn tối đa. Điểm thứ ba là hàng rào này còn được tăng cường nhờ các cọc chắn có khả năng chịu được các cú sốc do phương tiện gây ra.

Tháp Eiffel là một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới, vì vậy có khả năng xảy ra nguy cơ là các tổ chức tìm cách đánh vào công luận, ý tôi muốn nói là bằng một hành động nhắm vào tháp Eiffel ».

Ông Bernard Gaudillère cũng nhấn mạnh ngoài thiết bị chống khủng bố, đội ngũ an ninh có mặt tại các cửa ra vào đã được trang bị vũ khí từ tháng 11/2015. Ngoài ra, lực lượng quân nhân trong chiến dịch Sentinelle tiếp tục đi tuần xung quanh khu vực.

35 triệu euro để bảo vệ Bà đầm Thép

Công việc xây dựng hàng rào bảo vệ được khởi công từ mùa thu 2017, để thay thế các rào chắn tạm được đặt dưới chân tháp Eiffel từ mùa giải Euro 2016 nhằm phòng ngừa nguy cơ khủng bố.

Dự án được giao cho kiến trúc sư người Áo Dietmar Feichtinger. Ông được biết đến với nhiều công trình tại Pháp như cây cầu đi bộ Simone de Beauvoir ở phía đông Paris và cây cầu dẫn đến đảo Mont Saint-Michel nổi tiếng. Đối với ông Dietmar Feichtinger, việc thiết kế hàng rào quanh tháp Eiffel, công trình được xếp hạng di sản của Unesco, là « một thách thức thực sự để hoàn thiện được một dự án vừa kết hợp được yếu tố bảo đảm an ninh, vừa duy trì vẻ đẹp của di sản ».

Toàn bộ hàng rào bảo vệ được công ty Viry, ở Eloyes, sản xuất theo hợp đồng trị giá 10 triệu euro với SETE. Công ty vùng Vosges này chuyên về những công trình bằng kim loại quy mô lớn và thường xuyên hợp tác trong nhiều dự án lớn của Paris, như « đám mây » che mưa ở Grande Arche de la Défense (phía tây Paris), mở rộng bảo tàng Louvre, khu Cité des Sciences và gần đây nhất là mái vòm của khu phức hợp bến tầu-trung tâm thương mại Les Halles.

Thép làm chấn song sắt hàng rào bao quanh tháp Eiffel được sản xuất từ các lò rèn ở Pompey (tỉnh Meurthe-et-Moselle), gần thành phố Nancy. Trả lời báo Vosges Matin (21/03/2018), ông Jean-Pierre Tahay, tổng giám đốc công ty Viry, giải thích :

« Chấn song được làm từ thép Corten, một loại vật liệu chống ăn mòn, tự oxy hóa theo thời gian. Rỉ của thép có màu cam đậm, phù hợp với môi trường quanh Tháp Eiffel. Kính lắp ở hàng rào cao cũng rất hiếm trong chủng loại chống đạn, đồng thời phải đảm bảo được yêu cầu « trong suốt » một cách tối đa đối với phía hướng ra sông Seine. Còn ở hai bên cạnh thì việc các chấn song được lắp san sát không quan trọng lắm vì khu vực đó có rất nhiều cây ».

Vẫn theo ông Jean-Pierre Tahay, để đáp ứng được nhu cầu « trong suốt » tối đa, công ty Viry đã hợp tác với công ty Saint-Gobain chuyên « chế biến kính ở Áo và Thụy Sĩ. Họ có cả một thị trường lớn với loại kính chống đạn dầy 7 cm từng được lắp đặt tại nhiều nơi trên thế giới ».

Người khen… kẻ chê…

Bước qua loạt cửa cửa kiểm soát, khách tham quan tiếp tục tự do dọc ngang những khu vườn và dạo chơi dưới chân Tháp Eiffel vì những khu vực này vẫn miễn phí. Kiến trúc sư Dietmar Feichtinger khẳng định « chúng ta đã tìm lại được tinh thần ban đầu của Triển lãm Hoàn cầu (1889). Trước đây, có rất nhiều tuyến buýt trên đại lộ Gustave Eiffel, nhưng giờ chúng ta đã lấy lại được con phố đó và ưu tiên cho người đi bộ ».

Tuy nhiên, dường như công trình bảo vệ trị giá 35 triệu euro đã không hoàn toàn thuyết phục được hết người dân xung quanh và khách tham quan.

« Tôi nghĩ thật thảm họa, bởi vì người ta vẫn nghĩ là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy và không cần phải đi qua những kiểu bảo đảm an ninh như vậy ».

« Chúng ta đã có quá nhiều các kiểu biện pháp an ninh, có quá đủ quân nhân ở Paris rồi, họ đã phản ứng tốt và can thiệp vào Louvre ».

« Có một câu ngạn ngữ nói rằng « Nơi nào bạn muốn đến, hãy đi con đường phải đi ». Dù có lắp hàng rào kính hay những gì họ muốn, nhưng những thứ đó không thay đổi được định mệnh »

« Nếu muốn, thì người ta vẫn có thể vào trong được. Một người quyết tâm thì vẫn có thể làm tối đa để ra tay».

« Hàng rào này bóp méo hoàn toàn cảnh quan của Tháp Eiffel. Chúng tôi rất thích thả bộ dưới chân tháp. Với tôi, đây không phải là một ý tưởng hay ».

Phần lớn công trình được dự kiến hoàn thiện vào ngày 13/07/2018, một ngày trước lễ Quốc Khánh Pháp, thường được kỷ niệm với màn pháo hoa và hòa nhạc ngay dưới chân tháp Eiffel. Công việc chỉnh sửa còn được tiến hành đến khoảng giữa tháng 09/2018 sau đó sẽ được bàn giao lại cho Công ty Khai thác Tháp Eiffel.

http://vi.rfi.fr/phap/20180629-thap-eiffel-khoac-ao-giap-chong-khung-bo

 

Cựu thủ tướng Malaysia ‘sớm phải ra tòa’

Malaysia hôm 29/6 tuyên bố đã đóng băng tài khoản đảng chính trị lớn nhất nước này, UMNO, trong cuộc điều tra cựu thủ tướng Najib Razak.

UMNO đã dẫn dắt liên minh cầm quyền liên tục tại Malaysia hơn 60 năm cho đến tháng trước, khi đảng bị cựu thủ tướng Mahathir Mohamad đánh bại tại phòng phiếu.

Chuyện gì đã xảy ra ở Malaysia?

Tịch thu hàng trăm túi chứa ngoại tệ tại nhà ông Najib

Malaysia đã mở lại cuộc điều tra cáo buộc hàng tỉ đôla biến mất khỏi quỹ nhà nước 1MDB.

Phó chủ tịch đảng UMNO Datuk Seri Ahmad Zahid Hamidi nói ông nhận được cuộc gọi của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia thông báo tài khoản ngân hàng của UMNO đã bị đóng băng.

Najib Razak, làm thủ tướng từ 2009 đến tháng 5/2018, luôn bác bỏ mọi cáo buộc sai trái.

Ông Najib đã rút khỏi chức lãnh đạo đảng UMNO sau thất bại bầu cử.

Giới chức Mỹ đã tuyên bố hơn 4,5 tỉ đôla bị rút khỏi quỹ 1MDB, và gần 700 triệu được chuyển vào tài khoản cá nhân ông Najib.

Ông Najib từng nói rằng 700 triệu này là tiền quyên tặng của một thành viên hoàng gia Saudi Arabia, nhưng từ chối nói tên người này.

Từ khi thua trong bầu cử, ông Najib bị cấm rời khỏi Malaysia và bị ủy ban chống tham nhũng thẩm vấn.

Hôm 28/6, trong lúc thăm Indonesia, Thủ tướng Mahathir Mohamad nói rằng ông Najib sẽ sớm phải ra tòa.

“Tôi nghĩ ông ta (Najib) sẽ sớm bị đưa ra tòa,” ông Mahathir Mohamad nói với 300 người Malaysia tại sứ quán ở Indonesia.

“Nhiều người hỏi vì sao chưa có hành động.”

“Để đưa vụ này ra tòa, phải có đủ bằng chứng,” ông Mahathir Mohamad nói.

Trước đó, ngày 27/6, cảnh sát Malaysia tịch thu hàng loạt đồ xa xỉ trị giá 273 triệu đôla từ các bất động sản bị cho liên quan ông Najib Razak và vợ Rosmah Mansor.

Cảnh sát nói họ tịch thu tới 12.000 món nữ trang, có chuỗi hạt giá tới 1,6 triệu đôla.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44601444

 

Tin nói Kim Jong Un

ra lệnh xử tử sĩ quan cho binh sĩ thêm thức ăn

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un được nói là đã ra lệnh hành quyết một sĩ quan quân đội sau khi ông ta bị cáo buộc cấp thêm phần thức ăn và nhiên liệu cho các binh sĩ và gia đình của họ.

Daily NK, tờ báo mạng ở Hàn Quốc chuyên thu thập tin tức từng những mật báo viên từ bên trong Triều Tiên, loan tin rằng Hyon Ju Song, trung tướng Quân đội Nhân dân Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng, đã bị xử bắn về “các cáo buộc lạm dụng quyền hành và có những hành vi chống Đảng.”

Ông Hyon được cho là một ngôi sao đang lên trong quân đội trước khi ông bị xử tử. Ông là một thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và chỉ huy một tiểu đoàn dưới quyền của Bộ Tư lệnh Hộ vệ.

“Trong khi đi kiểm tra nguồn cung cấp dầu cho Trạm Phóng Vệ tinh Sohae trong các cuộc thanh tra toàn diện các nguồn cung thời chiến vào ngày 10 tháng 4, ông Hyon đã nói, ‘Chúng ta không còn phải chịu khổ và thắt lưng buộc bụng để chế tạo phi đạn hay vũ khí hạt nhân nữa.’ Phát biểu này được cho là một sự lạm dụng quyền hành và phản quốc chống lại chính sách tiên quân chính trị [quân đội trên hết] của Đảng,” một nguồn tin nói với Daily NK.

Nguồn tin cho biết ông Hyon đã ra lệnh cấp “900 kg nhiên liệu, gần 600 kg gạo, và hơn 700 kg bắp cho các sĩ quan quân đội tại Trạm Phóng và gia đình họ của họ.”

“Đây được coi là một hành động chống lại Mười Nguyên tắc Xác lập Hệ Tư tưởng của Đảng,” nguồn tin nói.

Sĩ quan này cũng bị buộc tội “không giữ bí mật liên quan đến các vấn đề của Đảng, quân đội và các tổ chức chính phủ, thể hiện sự hào phóng bằng cách phân phát tài liệu trái phép, và xuyên tạc tư tưởng của Đảng.”

Một nguồn tin khác nói với Daily NK rằng ông Kim đã nổi đóa khi nghe các báo cáo và đã ra lệnh hành quyết sĩ quan này. Ông Hyon bị đưa ra xét xử trước khi ông ta bị đưa ra pháp trường, nguồn tin cho biết.

“Sùng bái cá nhân là sự đầu độc tư tưởng đang làm thoái hóa các sĩ quan hàng đầu trong Quân đội Nhân dân. Chúng ta phải chặn đứng sự đầu độc tư tưởng,” nguồn tin này dẫn lời ông Kim nói.

https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-kim-jong-un-ra-lenh-xu-tu-si-quan-cho-binh-si-them-thuc-an/4460088.html

 

World Cup 2018: Những bất ngờ lớn của vòng bảng

Phan NgọcGửi cho BBC từ TP.HCM

Những bất ngờ luôn là một phần hấp dẫn của World Cup. Và giải đấu trên đất Nga năm nay với vô vàn cảm xúc đã được tạo ra, đương nhiên, cũng không phải ngoại lệ.

World Cup: “Xe tăng Đức thành xe bò”

Đố vui World Cup 2018: nhìn hình xăm đoán cầu thủ

1 thắng, 2 thua, xếp bét bảng và bị loại – thật khó tin đó là thành tích của đội tuyển Đức tại bảng F.

Không ai còn nhận ra hình ảnh những nhà vô địch thế giới cách đây 4 năm trong Sami Khedira, Thomas Muller và nhiều đồng đội khác trên đất Nga.

Bạc nhược, bế tắc và rệu rã – đó là những gì mà thầy trò Joachim Loew để lại sau khoảng thời gian ngắn ngủi góp mặt tại World Cup năm nay.

Thua sốc 0-1 trước Mexico ngày ra quân, tưởng như bước ngoặt đã đến với người Đức khi họ thoát hiểm phút cuối trong trận gặp Thụy Điển.

Dẫu vậy, màn trình diễn thảm họa khi thua Hàn Quốc 0-2 ở lượt cuối đã biến Đức sớm trở thành cựu vương trong nỗi thất vọng tột cùng của những ai đã trót trao tình yêu cho Cỗ xe tăng.

Thất bại trên đất Nga cũng khiến thầy trò Joachim Loew xác lập cột mốc buồn cho lịch sử bóng đá nước này khi đây là đầu tiên Đức bị loại ngay từ vòng bảng của một kỳ World Cup.

Tất nhiên, suy cho cùng, thất bại này chưa phải thảm họa với người Đức, thậm chí có thể xem là động lực cần thiết cho công cuộc thay máu toàn diện sau đây khi nhiều trụ cột đã đến lúc nhường chỗ cho thế hệ đàn em vốn không hề kém cạnh về tài năng.

Argentina của Messi chật vật giành vé đi tiếp

Đương kim vô địch Đức bị loại ngay sau vòng bảng còn đương kim Á quân Argentina cũng phải lách qua khe cửa hẹp để vào vòng trong.

Messi và các đồng đội thậm chí còn là nỗi thất vọng lớn nhất sau hai trận đầu tiên với chỉ vỏn vẹn 1 điểm giành được.

Thậm chí trong trận quyết đấu với Nigeria, Argentina phải nhờ đến quyết định gây tranh cãi của trọng tài, bàn thắng ở những phút cuối của Marcos Rojo cùng chiến thắng muộn màng của Croatia trước Iceland mới tránh khỏi lưỡi hái tử thần.

Thực tế, màn trình diễn kém cỏi của Argentina đã được cảnh báo từ lâu, khi cái cách họ vượt qua vòng loại trước đó không khác cách vượt qua vòng bảng vừa qua là bao.

Argentina vẫn vậy khi phụ thuộc quá nhiều vào Messi như bao năm qua nhưng siêu sao đang khoác áo Barcelona thì đã khác: anh già hơn, chậm hơn và cũng dễ bị “bắt chết” hơn.

Dù Messi tự tin nói rằng World Cup giờ mới bắt đầu với Argentina nhưng với việc đối thủ Pháp chưa “lộ” nhiều bài trong khi Argentina đã phơi bày tất cả mạnh, yếu của mình thì cơ hội cho đại diện Nam Mỹ là không nhiều.

Fan VN cắt tóc hình ngôi sao World Cup

World Cup của những đội “kèo dưới”?

Không chỉ Đức và Argentina mà nhiều ông lớn khác cũng gặp vô vàn khó khăn trước các đối thủ bị đánh giá yếu hơn.

Tại bảng B, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dù vẫn sở hữu hai tấm vé đi tiếp nhưng cái cách họ làm được điều này lại không dễ dàng như người ta nghĩ.

Ở trận cuối, hai đội tuyển đến từ bán đảo Iberia phải nhờ đến may mắn mới có được các trận hòa trước Morocco và Iran.

Tình cảnh tương tự xảy ra với Pháp ở bảng C khi họ chỉ đi tiếp nhờ các chiến thắng tối thiểu trước Australia và Peru.

Anh thắng Panama 6-1

Một đội mạnh khác là Brazil cũng bị Thụy Sĩ cầm chân ngày ra quân, sau đó tiếp tục chật vật vượt qua Costa Rica trong thời gian bù giờ.

Đặc biệt ở bảng H, đại diện châu Á Nhật Bản còn vượt qua các đối thủ được đánh giá cao hơn là Ba Lan và Senegal để giành vé đi tiếp.

Nguyên nhân lớn nhất khiến World Cup năm nay đầy rẫy những bất ngờ trước hết đến từ sự khởi đầu chậm chạp của các ông lớn.

Nhưng sẽ thật thiếu công bằng nếu chỉ chê trách các đội mạnh thi đấu yếu kém mà quên đi những màn trình diễn ấn tượng từ đối thủ của họ.

Bên cạnh lối chơi hợp lý thì yếu tố tinh thần, khát khao cống hiến vì màu cờ sắc áo đã giúp các đội “kèo dưới” tạo nên những bất ngờ thú vị cho World Cup năm nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44657717

 

Hạ Anh 1-0, Bỉ và Anh cùng dắt tay vào vòng trong

Dù thất bại nhưng người Anh khó mà phiền muộn trong khi Bỉ dường như đã giành chiến thắng bất đắc dĩ.

Đó chính là kết cục của một trong đấu trong vòng đấu bảng tại World Cup hôm thứ Năm 28/6. Cả hai đội không đội nào cần chiến thắng.

Bỉ cũng giành được ba điểm với chiến thắng 1-0 trước Anh và đảm bảo vị trí đầu bảng nhờ vào cú sút cong của cầu thủ Adnan Januzaj. Tuy nhiên, dường như đó không phải là kết quả mong muốn với đội Bỉ vì kết quả này khiến Bỉ gặp khó khăn hơn trên đường đến trận chung kết.

https://www.voatiengviet.com/a/h%E1%BA%A1-anh-1-0-b%E1%BB%89-v%C3%A0-anh-c%C3%B9ng-d%E1%BA%AFt-tay-v%C3%A0o-v%C3%B2ng-trong/4459198.html

 

Đức thua Hàn Quốc: ‘Nỗi hổ thẹn lớn nhất’

Đó là nhận định của tờ Bild của Đức sau khi đội tuyển nước này lần đầu tiên trong 80 năm qua bị loại khỏi vòng đấu bảng của World Cup sau thất bại 0-2 trước Hàn Quốc.

Đi đầu trong những lời chỉ trích của báo chí Đức, tờ nhật báo này viết: “Đây là nỗi hổ thẹn nhất trong lịch sử World Cup của Đức”.

Trang nhất của tờ Bild hôm 28/6 chỉ có chữ “không từ nào tả xiết”.

Trong khi đó, tờ Die Welt viết, “chấm hết và bị loại” trong khi Rheinische Post chỉ viết “Bị loại”.

Không chỉ báo chí Đức mà truyền thông châu Âu cũng thể hiện sự bất ngờ đối với thất bại của “cỗ xe tăng” Đức.

Tờ L’Equipe của Pháp miêu tả trận thua của Đức là “sét đánh” tại giải đấu.

Cựu đội trưởng Lothar Matthaus, vốn từng giành cúp World Cup với đội Tây Đức năm 1990, viết trên Twitter: “Đây là một buổi chiều buồn”.

Dù mới ký hợp đồng bốn năm tháng trước, huấn luyện viên Joachim Low, ông sẽ dành thời gian để suy nghĩ về tương lai.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-thua-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-n%E1%BB%97i-h%E1%BB%95-th%E1%BA%B9n-l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t-/4458717.html

 

Cầu thủ Hàn được miễn nhập ngũ vì ‘hạ’ Đức?

Sau trận thắng 2-0 trước đương kim vô địch Đức tại World Cup, nhiều cổ động viên của Hàn Quốc đã kêu gọi tổng thống nước này không để “lãng phí tài năng của các cầu thủ trong quân đội”.

Trong trận đấu gây chấn động giải vô địch bóng đá lớn nhất hành tinh, cầu thủ Kim Young-gwon và Son Heung-min đã ghi hai bàn thắng ở những phút bù giờ, buộc “cỗ xe tăng” Đức lần đầu tiên bị loại ở vòng đấu bảng trong 80 năm, theo SCMP.

Dù phải về nước sớm, Hàn Quốc vẫn xếp trên đội tuyển Đức xét về bàn thắng thua ở bảng F.

Tờ nhật báo Dong-A của Hàn Quốc chạy tít: “Chúng ta không lọt vào vòng 16, nhưng chúng ta đã khiến đội bóng số một thế giới bị loại”.

“Chúng tôi rất tự hào về các bạn”, tờ báo viết trên trang nhất, đồng thời bình luận rằng trận đấu “đã làm đảo lộn Hàn Quốc”.

Trong khi đó, mạng xã hội Hàn Quốc tràn ngập các thông điệp hân hoan của cổ động viên về chiến thắng dường như là không thể trước khi trận đấu diễn ra.

Một người bình luận: “Chiến thắng này còn gây sốc hơn cả việc đội tuyển lọt vào bán kết World Cup 2002”.

Theo SCMP, các cầu thủ Hàn Quốc đã được tìm kiếm nhiều nhất trên các cổng thông tin, và nhiều người đã viết trên trang web của Tổng thống Moon Jae-in, kêu gọi ông miễn hai năm phục vụ bắt buộc trong quân ngũ cho các cầu thủ ngôi sao như tiền đạo Son Heung-min và thủ thành Cho Hyun-woo.

Một fan viết: “Họ mang lại cho chúng tôi nhiều hy vọng. Tài năng của họ không nên bị lãng phí trong quân đội!”

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%A7u-th%E1%BB%A7-h%C3%A0n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-mi%E1%BB%85n-nh%E1%BA%ADp-ng%C5%A9-v%C3%AC-h%E1%BA%A1-%C4%91%E1%BB%A9c-/4458373.html

 

World Cup 2018:

Nhật tiếp tục phiêu lưu nhờ ít thẻ vàng

Tú Anh

Nhật Bản là đại diện duy nhất của châu Á tại Cúp Thế Giới 2018 ở vòng 1/8 bắt đầu vào thứ bảy 30/06 với hai trận mở màn: Pháp-Achentina và Uruguay-Bồ Đào Nha. Đại diện cuối cùng của châu Á đã làm giới mộ điệu ớn lạnh.

Đứng đầu nhóm H, đội banh Phù Tang gặp Ba Lan để « phân tranh thứ hạng » nhất nhì, với thành phần cầu thủ dự bị. Diễn tiến trên sân do vậy không có gì là ngạc nhiên : sau hiệp một nhàm chán, Ba Lan, đã bị loại, nhưng với thành phần gạo cội, đã mở tỷ số ở phút 59 để gỡ danh dự. Tiếp theo, hai đội tuyển không bên nào muốn đổ mồ hôi vì biết Senegal vừa thua Colombia. Trên các khán đài nổi dậy tiếng huýt sáo phản đối của hàng chục ngàn khán giả.

Đội Nhật suýt chút nữa cũng bị loại đớn đau nếu Senegal thủ hòa với Colombia. May mắn cho con cái Thái Dương Thần Nữ, Senegal thua 1-0 và tuy cùng điểm với Nhật, lại thu được « thẻ vàng » nhiều hơn. Tính điểm « nhã nhặn » đội banh của một dân tộc châu Á có tiếng lễ phép qua ải vòng loại trong đường tơ kẻ tóc.

Ngày mai, hai trận tranh vào tứ kết đầu tiên đối đầu Pháp-Achentina và Uruguay-Bồ Đào Nha. Tứ kết đồng nghĩa với « được ăn cả ngã về không ». Chỉ tiêu của đội tuyển của Didier Deschamps là vào được bán kết nhưng dân Pháp và tổng thống Emmanuel Macron muốn thấy trên chiếc áo lam gắn thêm chiếc ngôi sao thứ nhì.

Cùng ngày, Uruguay-Bồ Đào Nha sẽ là trận giao đấu thứ hai. Với tinh thần « sắt thép » và phòng thủ vững vàng, Uruguay ước mơ ngôi sao thứ ba. Đội banh của Christiano Ronaldo. Tuy là nước nhỏ bé so với tầm châu lục, Uruguay và Bồ Đào Nha là hai đại cường bóng đá lợi hại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180629-world-cup-2018-nhat-tiep-tuc-phieu-luu-nho-it-the-vang