Tin khắp nơi – 29/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 29/06/2017

Nga ‘cười nhạo’ chiến hạm của Anh

Hàng không mẫu hạm Anh chạy thử

Nga tỏ ra khinh thường tàu chiến mới của Anh, gọi đây chỉ là “mục tiêu hàng hải to, dễ dàng”.

Người phát ngôn của bộ quốc phòng Nga, Igor Konashenkov, khó chịu vì Anh chỉ trích hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov của Nga.

Hàng không mẫu hạm mới của Anh, Nữ hoàng Elizabeth, vừa mới hạ thủy tuần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon sau đó gọi tàu Đô đốc Kuznetsov 26 năm tuổi của Nga là “già nua”.

Nay người phát ngôn quốc phòng Nga, Konashenkov, nói bình phẩm của bộ trưởng Anh cho thấy ông này “thiếu kiến thức về khoa học hải quân”.

Tàu Nữ hoàng Elizabeth tốn kém tới 3 tỉ bảng, là tàu hiện đại nhất của hải quân Anh.

Bộ trưởng quốc phòng Anh, Michael Fallon, viết trên báo: “Người Nga sẽ nhìn con tàu này với chút ghen tỵ.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40444626

 

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

Vào ngày 1 tháng Bảy, Hong Kong đánh dấu 20 năm ngày Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc.

Những thứ cần biết:

Điều gì dẫn tới việc bàn giao?

Anh tiếp quản đảo Hong Kong vào năm 1842, sau khi đánh bại Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến Thứ Nhất.

Joshua Wong bác bỏ ‘tội đốt bạch thư TQ’ – BBC Tiếng Việt

Chris Patten: ‘Đừng ảo tưởng rập đầu trước TQ’

Tập Cận Bình lần đầu thăm Hong Kong

Vào năm 1898, để kiểm soát vùng lãnh thổ này, Anh đã cho thuê các vùng lãnh thổ phụ thêm, với cam kết sẽ trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm.

Hong Kong phát triển nhanh chóng trong giai đoạn Anh nắm quyền và trở thành một trong những trung tâm kinh doanh và tài chính lớn nhất thế giới.

Vào năm 1982, London và Bắc Kinh bắt đầu một quá trình đàm phán khó khăn về việc Trung Quốc nhận lại Hong Kong.

Hong Kong đã phát triển một hệ thống kinh tế và chính trị khác xa với Trung Quốc đại lục, nơi kể từ năm 1949 nằm dưới quyền kiểm soát của nhà nước Cộng sản độc đảng và chuyên quyền.

Nhất trí được gì cho tương lai Hong Kong?

Trung Quốc đồng ý cai quản Hong Kong theo nguyên tắc “một đất nước, hai hệ thống”, nơi thành phố này sẽ hưởng “một mức độ tự trị cao, trừ các vấn đề về quốc phòng và ngoại giao” cho 50 năm sau.

Hong Kong trở thành Đặc khu Hành chính. Điều này có nghĩa là Hong Kong:

có hệ thống pháp luật riêng

đa đảng

có các quyền như tự do ngôn luận và tự do hội họp

Lãnh thổ này có hiến pháp mini có quy định những đặc quyền này.

Luật cơ bản Hong Kong nói “mục đích cuối cùng” là để bầu ra lãnh đạo lãnh thổ này, trưởng đặc khu, “thông qua bầu cử và tuân theo các qui trình dân chủ”.

Hong Kong được cai quản thế nào bây giờ?

Lãnh đạo là trưởng đặc khu được bầu lên bởi một ủy ban 1200 thành viên. Đa số thành viên của ủy ban này được xem là thân Bắc Kinh.

Quốc hội là Hội đồng Lập pháp, được lập ra với phân nửa là đại diện được bầu trực tiếp và phân nửa là đại diện do các nhóm chuyên trách hoặc các nhóm đặc quyền.

Hong Kong: Món ăn, đền thờ và văn hóa Đông-Tây

Các nhà hoạt động chính trị biện luận rằng quá trình bầu cử cho Bắc Kinh khả năng lọc bỏ các ứng viên mà họ không chấp nhận.

Tại sao có các cuộc phản đối?

Các nhà hoạt động cho dân chủ đã và và đang vận động nhiều năm để người dân Hong Kong có quyền bầu lãnh đạo của họ.

Vào năm 2014, Bắc Kinh nói họ sẽ cho phép bầu cử trực tiếp trưởng đặc khu, nhưng chỉ từ danh sách ứng viên đã được chuẩn thuận trước.

Động thái này dẫn tới các cuộc phản đối qui mô từ những người muốn có dân chủ trực tiếp và toàn diện.

Các cuộc biểu tình làm tê liệt nhiều khu vực trung tâm thành phố trong nhiều tuần nhưng sau đó nguội dần.

Cũng có nhiều người quan ngại Trung Quốc ngày càng can dự vào chính trị Hong Kong theo nhiều cách và làm ảnh hưởng tiêu cực tới truyền thống tự do chính trị.

Vì vậy Hong Kong ngày càng bị chia ra thành một phe thân Bắc Kinh với thêm tiếng nói ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và một phe ủng hộ dân chủ và muốn tăng quyền tự trị của Hong Hong và đặt tính riêng.

Các lần kỷ niệm bàn giao Hong Kong lại cho Trung Quốc luôn có các cuộc biểu tình lớn từ cả hai phe xung khắc về quan điểm chính trị.

Điều gì sẽ xảy ra sau 2047?

Đó là mốc sau đó Trung Quốc lục địa không có trách nhiệm phải cho Hong Hong tự trị theo những gì mà Bắc Kinh đã thỏa thuận với London trước đây.

Trong khi có một số tiếng nói kêu gọi cho Hong Kong hoàn toàn độc lập, Trung Quốc đã loại bỏ sự lựa chọn này.

Những khả năng có thế xảy ra là:

Trung Quốc gia hạn cho quyền tự trị hiện tại và Luật Cơ bản

Trung Quốc sẽ cho phép một số đặc quyền hiện nay nhưng không phải tất cả.

Hong Kong sẽ mất qui chế đặc biệt hiện nay và trở thành một tỉnh của Trung Quốc và mất quyền tự trị.

Với thế hệ trẻ ngày càng quan tâm tới chính trị, hầu hết các nhà quan sát trông đợi những diễn biến chính trị mạnh mẽ cho tương lai của thành phố này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40439975

 

Merkel ‘đối đầu’ Trump vì vấn đề khí hậu

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hội nghị G20 sẽ ưu tiên bàn về thỏa thuận khí hậu Paris, tạo khả năng mâu thuẫn với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị các nền kinh tế thế giới lớn nhất diễn ra tuần sau.

Là chủ nhà, bà Merkel có quyền đề ra ưu tiên thảo luận cho cuộc họp thường niên, lần này diễn ra ở Hamburg.

Phát biểu với quốc hội hôm thứ Năm, bà Merkel mạnh mẽ nói về ông Trump.

“Các khác biệt là rõ ràng và sẽ dối trá nếu cố che giấu.”

“EU hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận ở Paris và sẽ tiến hành nó nhanh chóng, quyết tâm.”

Dường như nhắm vào Donald Trump, bà Merkel nói:

“Những ai nghĩ rằng các vấn đề của thế giới có thể giải quyết nhờ cô lập hay bảo hộ, đã sai thậm tệ.”

Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris hôm 1/6, nói rằng nó chỉ làm nghèo nước Mỹ.

Tổng thống bị nhiều phía lên án sau khi ông tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.

Hoa Kỳ trở thành một trong ba nước nằm ngoài thỏa thuận này.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, và kể từ khi tuyên bố hôm 1/6, ông tránh né những câu hỏi về chủ đề này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40444620

 

Chris Patten: ‘Đừng ảo tưởng rập đầu trước TQ’

Cựu thống đốc Hong Kong lên tiếng trước dịp kỷ niệm 20 năm Trung Quốc nhận lại Hong Kong rằng Anh Quốc nên bỏ thái độ quỵ luỵ trước Bắc Kinh.

Ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hong Kong thuộc Anh và người mang lá cờ Anh về nước sau lễ trao trả ngày 1/07/1997, đã nói với báo The Guardian (28/06) rằng Bắc Kinh “vi phạm nghiêm trọng và liên tục Tuyên bố chung”.

Chùm ảnh Hong Kong xưa

Cựu lãnh đạo Hong Kong bị 20 tháng tù

Joshua Wong và lộ trình dân chủ cho HK

Hong Kong gặp khó khăn lớn về rác thải

Theo thỏa thuận này, Hong Kong sẽ có quyền duy trì cách sinh hoạt riêng không đổi trong 50 năm liền.

Đây là cách Đặng Tiểu Bình thuyết phục Anh Quốc thời Margaret Thatcher rằng Trung Quốc muốn “một quốc gia hai chế độ”.

Xói mòn các quyền tự do

Nhưng ông Patten, người sau về Anh làm Chủ tịch Đảng Bảo thủ và một trong các Chủ tịch tập đoàn truyền thông BBC, đã phê phán Bắc Kinh về chuyện bắt cóc một nhóm người bán sách.

Khi đó, theo ông các bộ trưởng Anh “chỉ nhún vai” vì sợ Bắc Kinh.

Ông cũng nói ông không nghi ngờ gì về chuyện Bắc Kinh làm xói mòn các quyền dân sự và chính trị của người Hong Kong.

Ông cũng mạnh mẽ phê phán chính phủ London “rập đầu trước Trung Quốc”.

“Một nước Anh hèn nhát đã tự hạ mình trước Trung Quốc” vì các mục tiêu kinh tế, ông nói với The Guardian.

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

Chúng ta đã tiếp tục hành xử với ảo tưởng rằng nếu không cúi rạp người thấp đến mức tối đa thì sẽ không có cơ hội làm ăn với Trung QuốcChris Patten

“Nhìn toàn cảnh, chúng ta đã tiếp tục hành xử với ảo tưởng rằng nếu không cúi rạp người thấp đến mức tối đa thì sẽ không có cơ hội làm ăn với Trung Quốc.”

“Bằng chứng về [tính hiệu quả] của việc đó thì quả là quá ít.”

Trung Quốc trong tháng trước đã phê phán các “thế lực ngoại bang” gồm cả ông Chris Patten, gọi những người như ông là “bọn vận động điên rồ”.

Bản thân ông Patten đã ca ngợi các thanh niên trẻ Hong Kong nay đấu tranh đòi dân chủ như Joshua Wong trong phong trào Dù Vàng mấy năm trước.

Ông Patten, người được Nữ hoàng Anh phong trước quý tộc (Lord), đã ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về sự xâm phạm quyền tự do ở Hong Kong dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc.

Dự kiến Trung Quốc sẽ làm lễ kỷ niệm “Hương Cảng quy Cố Hương” rất rầm rộ với sự có mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hong Kong ngày 1/7 năm nay.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40436736

 

Tập Cận Bình lần đầu thăm Hong Kong với tư cách chủ tịch

Ông Tập Cận Bình đến Hong Kong, chuyến thăm đầu tiên với tư cách Chủ tịch Trung Quốc, trong thời điểm lãnh thổ này đánh dấu kỷ niệm 20 năm chuyển giao.

Chuyến thăm mang tính biểu tượng cao của ông diễn ra trong bối cảnh chính trị căng thẳng.

Lễ kỷ niệm chính thức sẽ được tổ chức, nhưng các cuộc biểu tình lớn của phe đối lập về dân chủ và tuần hành của người ủng hộ Bắc Kinh cũng được mong đợi.

Một số nhà hoạt động có tên tuổi đã bị bắt vào đêm trước khi ông Tập đến.

Anh trao lại Hong Kong cho Trung Quốc thế nào?

Chris Patten: ‘Đừng ảo tưởng rập đầu trước TQ’

Cựu lãnh đạo Hong Kong bị 20 tháng tù

Joshua Wong và lộ trình dân chủ cho HK

Nhóm gồm cả thủ lãnh sinh viên Joshua Wong, tổ chức một cuộc biểu tình tại tượng đài biểu tượng cho việc chuyển giao.

Tác phẩm điêu khắc bằng vàng hoa Dương tử kinh (bauhinia) – biểu tượng của Hong Kong – ở bến cảng của thành phố là món quà từ Trung Quốc.

Các khu vực của Hong Kong đang bị thắt chặt an ninh trong lúc có quan ngại về các cuộc biểu tình khác, một số con đường chính và khu trung tâm thành phố bị đóng.

Hàng ngàn cảnh sát đang được điều động khắp thành phố và dọc theo tuyến đường mà đoàn xe của ông Tập sẽ đi qua.

Ông Tập dự kiến sẽ phát biểu tại sân bay Hong Kong sau khi máy bay của ông đáp xuống.

Một loạt các hoạt động kỷ niệm chính thức được lên kế hoạch vào cuối tuần này, cũng như lễ nhậm chức của đặc khu trưởng Carrie Lam.

Hong Kong được Trung Quốc nhận lại vào năm 1997.

Bắc Kinh đồng ý cho lãnh thổ này theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho thành phố có hệ thống pháp luật riêng, dân chủ hạn chế với nhiều đảng chính trị, cũng như các quyền như tự do hội họp và tự do ngôn luận.

Nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc gây lo ngại rằng đại lục có thể làm suy yếu truyền thống tự do chính trị của Hong Kong.

Các nhà hoạt động đã vận động nhiều năm cho Hong Kong có nhiều tự do chính trị hơn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40414262

 

Thất nghiệp ở Mỹ tăng

nhưng thị trường nhân dụng vẫn lành mạnh

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ban đầu trong tháng Một, tháng Hai và tháng Ba 2017.

Bộ Thương Mại hôm 29/6 nói rằng nền kinh tế lớn nhất thê giới tăng trưởng 1,4% trong quý đầu. Tỷ lệ tăng trưởng nhanh hơn 0,2% so với dự kiến ban đầu, một tỷ lệ mà các nhà kinh tế đánh giá là ‘đáng thất vọng.’

Các nhà kinh tế thường xuyên duyệt lại các số liệu này khi có các dữ kiện đầy đủ hơn.

Giới phân tích nói chi tiêu của giới tiêu thụ, vốn chiếm tới 2/3 hoạt động kinh tế nước Mỹ, cao hơn ước tính ban đầu. Lượng hàng hóa xuất khẩu và chi tiêu của các doanh nghiệp để mua thiết bị cũng đẩy mạnh nền kinh tế lên đôi chút.

Một phúc trình riêng rẽ của Bộ Lao động Hoa Kỳ nói rằng trong tuần qua, có 244,000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tăng đôi chút so với tuần trước đó, song vẫn đủ thấp để thể hiện một thị trường nhân dụng lành mạnh.

Tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận trong một cuộc khảo sát khác và được tường trình hàng tháng, nay vẫn ở mức 4,3%, tỷ lệ thấp nhất trong 16 năm qua.

https://www.voatiengviet.com/a/that-nghiep-o-my-tang-thi-truong-nhan-dung-van-lanh-manh/3921124.html

 

Quy định mới của lệnh cấm du hành Mỹ

đối với 6 nước Hồi giáo

Giới hữu trách Mỹ chuẩn bị áp dụng các quy định mới đòi hỏi người xin thị thực nhập cảnh Mỹ từ 6 nước Hồi giáo có tên trong lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump phải chứng minh có bà con trực hệ ở Mỹ hoặc có quan hệ làm ăn kinh doanh với Mỹ.

Công điện của Bộ Ngoại giao Mỹ mà hãng tin Reuters và AP có được chiều tối thứ Tư 28/6, nhưng chưa phổ biến cho công chúng, tóm tắt hướng dẫn cho các giới chức lãnh sự xét duyệt đơn xin visa của người dân từ các nước Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Bà con trực hệ được chấp nhận bao gồm cha mẹ, người phối ngẫu, con cái tuổi trưởng thành, dâu, rể hoặc anh chị em ruột đã định cư ở Mỹ.

Các quan hệ bà con không được chấp nhận bao gồm ông bà, cháu nội ngoại, cô, dì, chú bác, cháu trai, cháu gái, anh em bà con, anh chị em dâu rể, hôn nhân, hôn phu…

Quan hệ công việc, làm ăn được chấp thuận là các “giấy tờ công việc chính thức,” không phải giấy tờ được tạo ra để tránh lệnh cấm du hành. Theo công diện Bộ Ngoại giao, các giấy tờ như xác nhận đặt phòng khách sạn sẽ không được chập nhận.

Hãng tin AP nói rằng các quy định mới này sẽ có hiệu lực áp dụng vào lúc 8 giờ tối, giờ Washington, ngày thứ Năm 29/6 (tức 0 giờ, giờ quốc tế GMT thứ Sáu).

Hướng dẫn này được đưa ra vài ngày sau khi Tối cao Pháp viện quyết định cho phép thực thi một số phần trong lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump mà trước đó bị các tòa cấp dưới chặn lại vì cho là không đúng với Hiến pháp. Tòa tối cao sẽ mở phiên nghe cung về lệnh cấm này trên cơ sở tranh tụng pháp lý vào tháng 10.

Trong quyết định đưa ra hôm thứ Hai, các Thẩm phán tòa tối cao nói chỉ có những người có “quan hệ thực thụ” ở Mỹ mới được xét cho nhập cảnh, nhưng không định nghĩa rõ “quan hệ thực thụ” đó là gì.

https://www.voatiengviet.com/a/quy-dinh-moi-cua-lenh-cam-du-hanh-my-doi-voi-6-nuoc-hoi-giao/3921056.html

 

Trump: Sẽ có bất ngờ về dự luật chăm sóc sức khỏe

Bất chấp trì trệ trong việc thông qua dự luật thay thế Obamacare tại Thượng viện, Tổng thống Donald Trump ngày 28/6 tuyên bố dự luật chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng hòa đang tiến triển tốt và dự đoán sẽ có ‘bất ngờ’.

Lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, hôm qua đã hủy kế hoạch thông qua dự luật này tại Thượng viện trong tuần, trước Lễ Độc Lập 4/7 vì chưa đủ sự tán đồng trong chính nội bộ đảng Cộng hòa.

Sau cuộc gặp các Thượng nghị sĩ Cộng hòa hôm 27/6 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump hôm nay bày tỏ lạc quan trước báo giới rằng: “Chúng ta sẽ có bất ngờ lớn.”

Lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện, Chuck Schumer, đề nghị họp tất cả 100 Thượng nghị sĩ lại để thương lượng về các thay đổi về chính sách chăm sóc y tế. Tổng thống Trump nhận xét: “Tôi không cho rằng ông ấy nghiêm túc. Ông ấy chưa nghiêm túc. Obamacare là một thảm họa mà ông ấy lại muốn tìm cách cứu vãn điều đang gây hại cho nhiều người như vậy.”

Ông Trump khi tranh cử cam kết sẽ bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng Obamacare.

Phe Cộng hòa muốn việc này tiến triển để mở đường cho các ưu tiên khác trong chương trình nghị sự như cải tổ thuế.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-se-co-bat-ngo-ve-du-luat-cham-soc-suc-khoe-/3920340.html

 

Putin và Trump có thể họp riêng tại G20?

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin không trò chuyện với nhau tại thượng đỉnh G20 vào tháng tới tại Đức thì ‘coi không phải,’ theo nhận định của Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, ngày 28/6.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng nhiệm phía Đức ở thành phố Krasnodar của Nga, ông Lavrov cho biết ông không có gì nói thêm về kế hoạch cuộc gặp chính thức giữa lãnh đạo Nga-Mỹ tại thượng đỉnh sắp tới.

“Chúng tôi cho rằng cuộc gặp sẽ diễn ra, vì hai vị Tổng thống lúc đó có mặt cùng nơi, trong cùng tòa nhà, trong cùng một phòng,” ông Lavrov nhấn mạnh.

Vẫn theo lời ông, theo thông lệ tại các sự kiện như G20, lãnh đạo các nước thường chạm mặt nhau. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin diễn ra dịp này thì đây sẽ là cuộc gặp trực diện đầu tiên của đôi bên.

“Nếu họ không thể có một cuộc trò chuyện…về nhiều vấn đề, thì dường như coi ra không phải,” vẫn theo lời ông Lavrov.

Ông Lavrov nói điều đặc biệt quan trọng là ông Trump và ông Putitn có cơ hội bàn về cuộc xung đột tại Syria và các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Ngoại trưởng Nga cho rằng cần phải tìm kiếm phương cách ‘bình thường hóa’ các cuộc đối thoại giữa Moscow và Washington.

https://www.voatiengviet.com/a/putin-va-trump-co-the-hop-rieng-ta-g20-/3920338.html

 

3 ký giả CNN mất việc vì phạm quy

Đài CNN của Mỹ đầu tuần này chấp thuận đơn từ chức của 3 phóng viên liên quan đến một bài tường trình bị gỡ bỏ xoay quanh một cuộc điều tra về cuộc gặp trước ngày Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức giữa một phụ tá của ông Trump với người đứng đầu quỹ đầu tư Nga.

Bài báo được đăng trên website của CNN hôm thứ năm tuần trước và đến thứ sáu thì bị lấy xuống, mọi đường dẫn tới bài tường thuật đều bị vô hiệu hóa.

CNN ngay lập tức xin lỗi ông Anthony Scaramucci, thành viên toán chuyển tiếp của ông Trump, nhân vật bị bài báo nêu tên là có liên quan đến cuộc gặp.

Tác giả bài báo, Thomas Frank, là một trong ba người từ chức. Hai người khác cũng mất việc là Eric Lichtblau, một lãnh đạo thuộc văn phòng của CNN ở Washington, và Lex Harris, người đứng đầu đơn vị điều tra.

Thoạt đầu khi gỡ bài, CNN cho biết lý do vì bài viết không đáp ứng tiêu chuẩn biên tập của đài.

Bài báo nhanh chóng bị chất vấn cả trong lẫn ngoài tòa soạn, trong đó có tờ bảo thủ Breitbart News.

Lãnh đạo của CNN nói bài viết được đăng mà không thông qua khâu kiểm tra-kiểm chứng kỹ lưỡng trong khi nội dung bài viết đang là một đề tài hết sức nhạy cảm.

CNN nói nguyên nhân dẫn tới 3 vụ từ chức là do không theo đúng trình tự các nguyên tắc.

Không rõ bài báo thiếu xác thực thế nào, cũng không biết liệu CNN có tiếp tục tường trình về vấn đề này nữa hay không.

Bài viết nói ủy ban tình báo Thượng viện đang điều tra cuộc thảo luận hôm 16/1 giữa ông Scaramucci với ông Kirill Dmitriev, lãnh đạo Qũy Đầu tư Trực tiếp Nga, cơ quan hướng dẫn các nguồn đầu tư của các tổ chức Mỹ tại Nga.

Bài báo cũng tường thuật rằng hai Thượng nghị sĩ Dân chủ muốn làm sáng tỏ xem liệu ông Scaramucci, trong cuộc gặp đó, có tỏ dấu cho thấy các biện pháp trừng phạt Nga được hay không được dỡ bỏ, một quyết định có thể ảnh hưởng đến quỹ đầu tư vừa kể.

Sau khi CNN gỡ bài báo, ông Scaramucci đã hoan nghênh hành động này trên Twitter và chấp nhận lời cáo lỗi của tòa báo.

https://www.voatiengviet.com/a/ba-ky-gia-cnn-mat-viec-vi-pham-quy-/3920307.html

 

Quân đội Iraq: chiếm lại đền thờ lịch sử ở Mosul

Iraq hôm thứ Năm 29/6 cho hay quân đội chính phủ đã chiếm lại quyền kiểm soát đền thờ Hồi giáo mang tính lịch sử trước đó bị Nhà nước Hồi giáo đánh bom phá hủy ở thành phố Mosul. Cách đây ba năm thủ lãnh nhóm cực đoan này tuyên bố Mosul là vương quốc Hồi giáo.

Các phần tử Nhà nước Hồi giáo đã nổ bom phá hủy đền thờ 850 năm tuổi Grand al-Nuri và tháp đền thờ cao 45 mét hồi tuần trước, gây thêm tàn phá thành phố Mosul trong suốt 8 tháng giao tranh vừa qua.

Các lực lượng Iraq được liên quân do Mỹ lãnh đạo yểm trợ từ trên không lẫn trên bộ đang tiến vào truy quét các phần tử Nhà nước Hồi giáo cuối cùng còn bám lại tại khu phố cổ ở tây Mosul để chiếm lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố bị phe cực đoan bao vây từ giữa năm 2014 này.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã bị đẩy lui khỏi các thành phố chính khác mà họ đã chiếm giữ ở Iraq trước đó. Nhóm này vẫn kiểm soát nhiều khu vực ở Syria.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-iraq-chiem-lai-den-tho-lich-su-o-mosul/3921084.html

 

Hồng Kông siết chặt an ninh đón chủ tịch Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Hồng Kông 3 ngày hôm thứ Năm nhân kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh này được trao lại cho Trung Quốc.

Sự kiện được chú ý nhiều nhất trong chuyến thăm này là ông Tập sẽ chứng kiến lễ nhậm chức đặc khu trưởng của bà Carrie Lam, người sẽ trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Hồng Kông vào thứ Bảy này.

An ninh được siết chặt trên khắp thành phố. Cảnh sát bắt giữ một nhóm người biểu tình ủng hộ dân chủ trước khi ông Tập đến nơi.

Nhiều cuộc biểu tình theo trông đợi sẽ diễn ra, trong đó có cuộc tuần hành thường niên vào thứ Bảy mà trong quá khứ đã thu hút rất đông người tham gia.

Trung Quốc cai trị Hồng Kông bằng chế độ “một nước, hai hệ thống” theo đó Bắc Kinh vẫn để cho thành phố này một số quyền tự do dân sự nhất định và tự trị, nhưng một số chuyện xảy ra hồi gần đây như vụ 5 người buôn bán sách báo bị bắt đã làm dấy lên những lo sợ rằng cách sắp xếp đó đang bị xói mòn.

Ông Felix Patrikeeff, một nhà quan sát tình hình Hồng Kông của đại học Kathleen Lunley ở Adelaide, Australia, nói với đài VOA rằng các nhà tranh đấu muốn có lá phiếu chủ quyền sẽ không đạt được mục tiêu.

Ông Patrikeef nói: “Chính phủ Trung Quốc đang kiên quyết mở rộng kiểm soát ngày càng chặt chẽ tại đây. Họ đang im lặng thực hiện điều đó.”

https://www.voatiengviet.com/z/1788

 

Tin tặc: Quốc tế kêu gọi tăng cường hệ thống bảo mật

Thu Hằng

Sau loạt tấn công tin học mới xẩy ra từ Ukraina và Nga, những lời kêu gọi tăng cường hệ thống bảo mật liên tục được đưa ra từ ngày 28/06/2017. Vài nghìn máy tính trên khắp thế giới bị nhiễm virus, làm rối loạn hoạt động của các cơ sở hạ tầng quan trọng và các tập đoàn đa quốc gia.

Dù mối đe dọa dường như đã được kìm hãm, đợt tấn công tin học lần này cũng cho thấy khả năng bảo mật yếu kém trong hệ thống tin học của nhiều tổ chức quan trọng.

Hãng tin AFP trích phát biểu của ông Jen Stoltenberg, tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc củng cố khả năng bảo vệ mạng và đây chính là điều NATO đang làm ».

Đối với điện Kremlin, thông qua phát biểu của phát ngôn viên Dmitri Peskov, đợt tấn công mới này khẳng định với « mối nguy hiểm như vậy cần phải có sự hợp tác quốc tế. Không một quốc gia nào có thể một mình đối mặt với các vụ tin tặc ».

Trong tuyên bố ngày 29/06, ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề an ninh, Julian King, cũng nhấn mạnh cần tăng cường cuộc chiến chống lại những mối đe dọa kiểu này. Ủy Ban Châu Âu sẽ « tháo khoán thêm 10,8 triệu euro cho 14 nước thành viên » để tăng cường các lực lượng phản ứng tin học và đơn vị phụ trách tội phạm tin học của Europol.

Ông Julian King nhắc lại Liên Hiệp Châu Âu sẽ đánh giá lại « chiến lược an ninh mạng » của khối và nhân dịp này sẽ đưa ra nhiều biện pháp mới.

Theo cơ quan cảnh sát châu Âu Europol, cuộc tấn công tin học quy mô thế giới lan tràn từ thứ Ba 27/06 là do một phiên bản được cải tiến của ransomware Petya, được tung từ năm 2016. Và cuộc tấn công lần này giống với cuộc tấn công hồi tháng Năm do rasomware WannaCry gây ra.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170629-tan-cong-tin-hoc-quoc-te-keu-goi-tang-cuong-he-thong-bao-mat

 

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc

là nguồn chính cung cấp hàng giả ở châu Âu

Thùy Dương

Bắc Kinh hôm nay 29/06/2017 bác bỏ báo cáo của Cảnh Sát Châu Âu Europol và Cơ Quan Sở Hữu Trí Tuệ Châu Âu theo đó Trung Quốc là nguồn chính cung cấp hàng giả tại Liên Hiệp Châu Âu, gọi báo cáo trên là “vô trách nhiệm” và cam kết tiếp tục đối phó với nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Reuters, Europol cho biết Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu chính hàng giả sang Liên Hiệp Châu Âu. Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc và trung chuyển qua Hồng Kông để tới châu Âu. Báo cáo trích dẫn số liệu thống kê từ Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ước tính rằng 72% hàng giả lưu thông tại ba trường lớn nhất thế giới là Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 2016 có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng giả chiếm 12,5% tổng xuất khẩu và hơn 1,5 % tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2016.

Tại Bắc Kinh, phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc gọi các cáo buộc của Cảnh Sát Châu Âu là “vô trách nhiệm” và cho rằng tính xác thực và khách quan của các số liệu thống kê trong báo cáo trên cần được nghiên cứu thêm.

Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc còn cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục “trấn áp mạnh mẽ” mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong xuất khẩu các sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và vật tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170629-trung-quoc-bac-bo-cao-buoc-la-nguon-chinh-cung-cap-hang-gia-o-chau-au

 

Bất đồng

trong hồ sơ Bắc Triều Tiên phủ bóng thượng đỉnh Mỹ-Hàn

Minh Anh

Tổng thống Donald Trump hôm nay 29/06/2017 tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In. Theo thông lệ, cuộc gặp sẽ diễn ra trôi chảy. Nhưng tổng thống Mỹ, luôn bị ám ảnh về Bắc Triều Tiên và chưa xác định rõ làm cách nào giải quyết hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi đó, nguyên thủ Hàn Quốc lại công khai chủ trương hòa đàm với Bắc Triều Tiên.

Theo giới chuyên gia, cuộc gặp thượng đỉnh lần này được dự báo là sẽ căng thẳng do những bất đồng trong cách giải quyết hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên.

Tân tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae In cho rằng để làm hạ nhiệt căng thẳng leo thang đang đe dọa thế cân bằng địa chính trị vốn dĩ mong manh tại vùng Bắc Á, cần gấp rút nối lại đàm phán với chế độ Bình Nhưỡng. Theo tờ Korea Herald, chủ trương này đã được cố vấn đặc biệt của tổng thống, ông Moon Chung In, hôm thứ Bảy 24/6 nêu rõ qua hai chi tiết trong chuyến đi đến Washington.

Thứ nhất, Hàn Quốc có thể đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại quy mô các cuộc tập trận chung thường niên và việc triển khai thiết bị quân sự chiến lược của Mỹ để đổi lấy việc Bắc Triều Tiên « đình chỉ » các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Đề nghị này đã làm dấy lên nhiều chỉ trích cho rằng có thể làm suy yếu các nỗ lực của các đồng minh hình thành một mặt trận chung chống Bắc Triều Tiên.

Thứ hai, về phương thức đàm phán, ông Moon Chung In nhấn mạnh rằng « cách thức đàm phán liên Triều không nhất thiết phải giống như giữa Mỹ với Bắc Triều Tiên ».

Tổng thống Hàn Quốc muốn làm sống lại chính sách Vầng Thái Dương của cố tổng thống Roh Moo Hyun, chủ trương xích lại gần với Bắc Triều Tiên, khi đề xuất một đoàn thể thao chung cho hai miền Bắc-Nam cho thế vận hội mùa đông, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2018 tại Pyeongchang. Một sáng kiến cũng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá cao.

Thế nhưng, chủ trương mở rộng vòng tay này của Seoul đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Donald Trump. Phe cứng rắn, vốn dĩ đã cho xếp xó « chiến lược kiên nhẫn »của Barack Obama, chủ trương đánh « răn đe » nhắm vào các cơ sở hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng. Đối với Washington, chính sách Vầng Thái Dương đã « lỗi thời và ngây thơ ».

Bất đồng Mỹ-Hàn tăng gấp bội xung quanh việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Donald Trump muốn đồng minh châu Á này phải chia sẻ gánh nặng tài chính. Để đáp trả, ông Moon Jae In đã ra lệnh đình chỉ chương trình này trong vòng một năm. Một cử chỉ làm hài lòng Trung Quốc.

Do đó, như nhận định của Le Figaro (29/06/2017), trước ống kính báo giới, nguyên thủ Mỹ-Hàn chắc vẫn phải nở những nụ cười xã giao. Nhưng một khi cánh cửa sập vào, cuộc gặp thượng đỉnh có thể chuyển thành tranh cãi và các bất đồng Washington – Seoul sẽ có lợi cho Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, vốn dĩ cũng đang rập rình chờ xem.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170629-bat-dong-trong-ho-so-bac-trieu-tien-phu-bong-thuong-dinh-my-han

 

Liên Hiệp Quốc

giảm ngân sách hoạt động duy trì hòa bình trên thế giới

Sau nhiều tuần lễ thương lượng gay go, dưới sức ép của Hoa Kỳ, theo AFP, hôm qua, 28/06/2017, tại New York, giới ngoại giao Liên Hiệp Quốc đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc cắt giảm 600 triệu đô la trong ngân sách dành cho các hoạt động duy trì hòa bình trên thế giới. Vào thứ Sáu tới, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu thỏa thuận này.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau tường trình :

« Hoa Kỳ coi việc giảm ngân sách dành cho các hoạt động duy trì hòa bình là một vấn đề nguyên tắc. Thế nhưng, trong số 600 triệu đô la tiết kiệm mà các bên đồng ý, thì có tới một phần ba là nhờ vào việc đóng cửa phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Haiti vốn đã được dự trù từ lâu.

Giới ngoại giao trấn an là việc giảm ngân sách được đã được điều chỉnh và có tính đến những diễn tiến tích cực trong hoạt động duy trì hòa bình. Tuy nhiên, thỏa thuận giảm ngân sách sẽ gây ra những hậu quả nặng nề, ít nhất là đối với ba phái bộ : MONUSCO – Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo mất 92 triệu đô la, MINUAD – Phái bộ của Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Phi tại Darfur bị giảm 60 triệu và phái bộ ở Nam Sudan phải tiết kiệm hơn 100 triệu. Quân số của hai phái bộ ở Darfur và Nam Sudan cũng sẽ giảm trong lúc tình hình an ninh vẫn bấp bênh.

Các nhà ngoại giao cho rằng việc cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các phái bộ, nhưng theo giới chuyên gia, ngân sách giảm sẽ buộc phải lựa chọn các ưu tiên hành động và các phái bộ không thể thực hiện được toàn bộ các nhiệm vụ mình vì hiện nay họ đã phải hoạt động trong các điều kiện khó khăn ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170629-lien-hiep-quoc-giam-ngan-sach-cho-hoat-dong-duy-tri-hoa-binh-tren-the-gioi

 

Pháp kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba

Thu Hằng

Ngày 29/06/2017, chính quyền Pháp kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) vì « lý do nhân đạo ».

Theo tuyên bố của bộ Ngoại Giao Pháp, Paris « quan ngại về những thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình năm 2010 », đồng thời kêu gọi « thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ông Lưu Hiểu Ba có thể được chăm sóc tại nơi mà ông và gia đình mong muốn ».

Nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba, được Bắc Kinh trả tự do ngày 26/06 để điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối ở Thẩm Dương (Shenyang), thủ phủ tỉnh Liêu Ninh.

Trong khi đó, một đoạn video dài 3 phút được đăng trên mạng YouTube tối 28/06 cho thấy Lưu Hiểu Ba được đối xử tốt trong tù. Ông chơi cầu lông ngoài trời, được khám chữa bệnh và được gặp vợ là bà Lưu Hạ. Trả lời Reuters, một nguồn tin thân cận với nhà ly khai cho rằng đây là kịch bản do chính quyền Trung Quốc dàn dựng để chống lại những quan ngại về điều kiện giam giữ nhà ly khai.

Luật sư của nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba nhấn mạnh về nguyên tắc, những người được trả tự do có điều kiện không được phép ra nước ngoài. Nhưng khả năng này có thể áp dụng được với Lưu Hiểu Ba nếu ông được đánh giá là « trường hợp đặc biệt », theo luật pháp Trung Quốc.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế kêu gọi Bắc Kinh cho phép nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài điều trị bệnh. Ngày 28/06/2017, Đài Loan tuyên bố sẵn sàng đón nhà ly khai Trung Quốc và « điều trị bệnh cho ông trong điều kiện tốt nhất ».

Cùng ngày 28/06, tân đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cũng bày tỏ « mong muốn » Lưu Hiểu Ba được điều trị ở nước ngoài. Còn tại Oslo, Ủy ban Nobel vui mừng vì nhà đấu tranh nhân quyền Trung Quốc được ra khỏi tù và tái khẳng định mong muốn được đón khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 tại Na Uy.

Ông Lưu Hiểu Ba, hiện 61 tuổi, thụ án 11 năm tù từ năm 2009 tại Thẩm Dương vì tội « kích động lật đổ » chính quyền. Nhưng thực ra, ông bị kết án vì là một trong số các tác giả của Hiến chương 08 đòi dân chủ hóa các hoạt động chính trị tại Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170629-phap-de-xuat-don-nha-dau-tranh-trung-quoc-luu-hieu-ba

 

Úc – Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất

Thu Hằng

Úc và Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất ngày 29/06/2017. Diễn ra hai năm một lần, cuộc tập trận Talisman Saber 2017 kéo dài một tháng trong vùng biển của Úc.

Theo Reuters, 30.000 lính Mỹ và Úc được huy động trên các chiến hạm được trang bị chiến đấu cơ. Hai bên sẽ có một chương trình huấn luyện trên không và trên bộ.

Trả lời phóng viên trên khu trục hạm USS Bonhomme Richard, đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, tuyên bố đây là « một thông điệp gửi đến bạn bè, đồng minh, đối tác và cả các đối thủ tiềm tàng », mà theo Reuters là nhằm ám chỉ đến Trung Quốc.

Trước đó, trang Skynews cho biết, phát biểu tại Trung Tâm Chính Sách Chiến Lược Úc (Australian Strategic Policy Centre) tại Brisbaine ngày 28/06, đô đốc Harris đã tố cáo Bắc Kinh tăng cường sức mạnh chiến đấu và lợi thế để đòi hỏi chủ quyền tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp. Ông nhấn mạnh : « Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ».

Theo thẩm định của Mỹ, Trung Quốc đã bồi đắp thêm hơn 1.300 ha đất tại bẩy đảo và đá ở Biển Đông trong ba năm vừa qua, cùng với việc xây dựng đường bay, các cảng biển, nhà chứa máy bay và trang thiết bị truyền thông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170629-uc-my-bat-dau-cuoc-tap-tran-chung-lon-nhat-ok

 

Trung Quốc tuyên bố

sẵn sàng tập trận chống khủng bố với Philippines

Trung Quốc hôm qua 28/06/2017 tuyên bố sẵn sàng tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố với quân đội Philippine trong bối cảnh Manila đang tìm cách dập tắt mối đe dọa từ các chiến binh Hồi Giáo thân tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Theo hãng tin Philippines ABS-CBN News, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa (Zhao Jianhua) cho biết Bắc Kinh đang tìm hiểu khả năng quân đội Trung Quốc tập trận chung và chia sẻ thông tin với quân đội Philippines.

Tại Pampang, nhân dịp Trung Quốc bàn giao súng bắn tỉa, súng trường có độ chính xác cao, súng trường tự động, cũng như đạn dược để hỗ trợ quân sự cho Philippines, ông Triệu Kiến Hoa phát biểu : “Khủng bố là kẻ thù mà cả Trung Quốc và Philippines đang phải đối mặt. Điều đó đòi hỏi quân đội hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này”.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cũng cám ơn tổng thống Philippines Duterte vì chính sách thân thiện và hợp tác với Trung Quốc. Ông Triệu Kiến Hoa còn trấn an ông Duterte là Bắc Kinh đang và sẽ luôn là bạn tốt, đối tác tốt với Manila trong hàng ngàn năm nữa.

Đại sứ Trung Quốc còn thông báo Bắc Kinh sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu peso cho gia đình của những binh lính đã thiệt mạng tại Marawi do các vụ tấn công của chiến binh Hồi giáo Maute. Trước đây, Trung Quốc đã thông báo viện trợ cho Philippines 15 triệu peso phục vụ công tác cứu trợ và tái thiết Marawi.

Fin publicité dans 17 s

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ mới đây thông báo đang hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Philippines chống khủng bố ở thành phố miền nam Marawi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170629-trung-quoc-tuyen-bo-san-sang-tap-tran-chong-khung-bo-voi-philippines

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hồng Kông

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân, ngày hôm nay, 29/06/2017, đã tới đặc khu hành chính Hồng Kông, để dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày nhượng địa này được trao trả cho Trung Quốc và lễ nhậm chức lãnh đạo đặc khu hành chính của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).

Theo thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông, hàng ngàn cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh, không để cho lãnh đạo Trung Quốc thấy được cảnh một bộ phận dân chúng ở lãnh thổ này tỏ thái độ bất mãn về việc Bắc Kinh không tôn trọng cam kết « một nước hai chế độ » và tố cáo sự can thiệp ngày càng thô bạo của Trung Quốc vào đời sống chính trị ở Hồng Kông :

« Nhìn chung, người dân Hồng Kông không hài lòng về 20 năm qua, dưới sự bảo hộ của Trung Quốc trên cơ sở nguyên tắc một nước hai chế độ mà theo cam kết là sẽ được duy trì trong vòng 50 năm.

Một nước thì đương nhiên là Trung Quốc. Nhưng có hai chế độ, đó là ý tưởng mà người dân Hồng Kông muốn duy trì các đặc trưng của mô hình này, tức là một thành phố tự do, với một Nhà nước pháp quyền vững chắc, tư pháp độc lập và có một mức độ tự trị cao, tách biệt rõ ràng với chế độ tại Trung Hoa lục địa. Mô hình này phải được duy trì đến năm 2047.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, quan hệ giữa Hồng Kông và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng.

Hồi tháng 08/2014, Hồng Kông đã từ chối các cải cách chính trị mà Bắc Kinh đưa ra và làm dấy lên sự phản ứng, được gọi là Cách Mạng Dù Vàng. Thế rồi có vụ mất tích của năm chủ nhân hiệu sách ở Hồng Kông, đó là những nơi đã bán các cuốn sách phê phán chế độ Trung Quốc. Nhiều sự cố đã làm gia tăng bầu không khí ngờ vực của người dân Hồng Kông đối với Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh ngày càng tỏ ra cứng rắn.

Như vậy, ý tưởng từng bước xích lại gần nhau như mọi người đã từng hy vọng trong những năm 80 còn rất xa vời. Vả lại, phe đối lập đã chuẩn bị nhiều hoạt động bất phục tùng dân sự. Cảnh sát ở trong tình trạng cảnh giác cao. Do đó, trong chuyến công du này, ít có khả năng nhìn thấy cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp và bắt tay người dân trên đường phố ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170629-chu-tich-trung-quoc-toi-hong-kong-du-le-ky-niem-20-nam-ngay-nhuong-dia-trao-tra-cho-