Tin khắp nơi – 28/06/2018
Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng quân ở Nam Hàn
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vào ngày thứ năm 28 tháng 6 đến Seoul và đưa ra cam kết ‘cứng rắn’ bảo vệ an ninh cho đồng minh Hàn Quốc, trong đó có bảo đảm duy trì không thay đổi lực lượng quân Mỹ ở Nam Triều Tiên.
Hãng tin Reuters dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis là quân đội hai nước tiếp tục ‘đoàn kết, cảnh giác và sẵn sàng’.
Cam kết của người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ được đưa ra vào khi phía ngoại giao đang tìm kiếm một thỏa thuận với Bắc Hàn về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong chuyến thăm ngắn ngủi đến Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cũng bảo vệ cho quyết định của tổng thống Donald Trump đưa ra trong tháng này cho ngưng diễn tập quân sự với Hàn Quốc. Mục tiêu được nêu ra nhằm tăng cơ hội cho các nhà ngoại giao đàm phán với nhau.
Bắc Hàn lâu nay luôn yêu cầu Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng diễn tập quân sự chung mà theo Bình Nhưỡng hoạt động đó nhằm tấn công lên miền bắc. Phía Hàn Quốc và Hoa Kỳ suốt nhiều thập niên qua tiến hành hoạt động huấn luyện, diễn tập với mục tiêu được nói nhằm phòng vệ là chính yếu.
Trong thông cáo chung đưa ra, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis và người tương nhiệm Hàn Quốc, Song Young-moo nêu rõ quyết định ngưng tập trận chung giữa hai phía là một trong những nỗ lực giúp giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin.
Hiện Hoa Kỳ đang có 28.500 quân trú đóng ở Hàn Quốc.
Thượng đỉnh Trump-Putin có thể diễn ra ở Helsinki
Ngày 27/6, Moscow và Washington đã đi đến thỏa thuận về một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái này có thể gây lo ngại cho một số đồng minh của Hoa Kỳ, và vấp phản ứng mạnh từ giới chỉ trích ông Trump.
Reuters dẫn lời trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov nói sau khi ông Putin gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton ở Điện Kremlin, cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra tại một nước thứ ba thuận tiện cho cả hai bên, và cần thêm vài tuần nữa để chuẩn bị.
Moscow và Washington sẽ công bố thời gian và địa điểm hội nghị thượng đỉnh nội trong ngày thứ Năm.
Tại Washington, ông Trump cho biết cuộc họp có thể sẽ diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO, diễn ra ngày 11-12/7, mà ông đã lên kế hoạch để tham dự.
Ông Trump cho biết Helsinki có thể sẽ là địa điểm tổ chức hội nghị. Các giới chức khác cho biết phía Nga đã vận động để chọn thủ đô Vienna của nước Áo cho thượng đỉnh Mỹ-Nga.
Tổng thống Trump tiết lộ rằng vấn đề Syria và vấn đề Ukraine nằm trong số các chủ đề mà hai lãnh đạo sẽ thảo luận. Tuy nhiên nghị trình của ông Trump không bao gồm lời cảnh báo của các quan chức tình báo Mỹ, rằng Nga sẽ tìm cách xen vào các cuộc bầu cử quốc hội tại Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới.
Lần gặp mới đây nhất của hai lãnh đạo Mỹ-Nga là tháng 11 năm 2018, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể gây bực bội cho các đồng minh của Hoa Kỳ, vốn muốn cô lập ông Putin. Trong số các đồng minh đó có Anh và một số nước khác lo ngại về thái độ quá thân thiện của ông Trump đối với nhà lãnh đạo Nga.
Hội nghị này có khả năng vấp phải sự chống đối của những người chỉ trích vẫn hoài nghi về cam kết của ông Trump đối với liên minh NATO, và lo lắng vì ông nhất mực muốn xây dựng lại các quan hệ với Moscow, bất chấp Washington đang siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Coons nói trong một tuyên bố: “Một hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga có tính xây dựng hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng tôi rất lo ngại là sau những gì xảy ra hồi gần đây tại hội nghị G7 ở Canada, Tổng thống Trump một lần nữa có thể xung khắc với các đồng minh thân thiết nhất của chúng ta tại thượng đỉnh NATO, để rồi sau đó tỏ ra nịnh nọt TT Putin, muốn chụp hình với ông.”
Ông Ushakov, người cho biết điện Kremlin hài lòng với chuyến thăm của ông Bolton, nói rằng ông Putin và ông Trump có phần chắc sẽ nói chuyện với nhau trong nhiều giờ. Ông cho rằng hai bên có thể ra một tuyên bố chung về việc cải thiện các quan hệ Mỹ-Nga và vấn đề an ninh quốc tế.
Giới chức Nga còn cho biết rằng Ngoại trưởng Sergei Lavrov có thể gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo trước thượng đỉnh Trump-Putin.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-dinh-trump-putin-co-the-dien-ra-o-helsinki/4458493.html
TQ ca ngợi chuyến thăm
của bộ trưởng quốc phòng Mỹ
Bắc Kinh hôm 28/6 nói rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã mang lại các kết quả tích cực đồng thời thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ tới thăm Washington trong năm nay.
Ông Mattis là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên tới Trung Quốc trong vòng 4 năm qua.
Theo Reuters, quan chức này cho biết rằng các cuộc trao đổi “rất, rất tốt đẹp”, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố với ông rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ một tấc đất, ám chỉ tới chủ quyền đối với Biển Đông cũng như Đài Loan.
Ngoài hai vấn đề trên, quan hệ Trung – Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng vì tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hàng tháng, theo Reuters, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng hai nước đã “đạt đồng thuận quan trọng” về sự tin tưởng lẫn nhau, về các cuộc trao đổi sắp tới cũng như về sự hợp tác và kiểm soát các thách thức cũng như nguy cơ.
Người phát ngôn của Bộ này cho biết rằng ông Ngụy Phượng Hòa đã nhận lời mời của ông Mattis và sẽ thăm Mỹ trong năm nay.
Ông Mattis từng có các tuyên bố mạnh mẽ về điều Washington coi là việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
Bộ Tư pháp Mỹ
thúc Quốc hội nhanh chóng ra luật di trú
Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Tư ngày 27/6 đã cho biết một sắc lệnh của tòa án yêu cầu chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải nhanh chóng đoàn tụ trẻ em nhập cư bị chia cắt với bố mẹ tại biên giới Mỹ-Mexico cho thấy Quốc hội Mỹ cần phải hành động nhanh chóng về vấn đề nhập cư bất hợp pháp.
Trong một sắc lệnh được đưa ra vào cuối ngày 26/6, thẩm phán Dana Sabraw ở San Diego, bang California, đã chặn chính quyền chia cắt các gia đình tại biên giới và ra lệnh cho các những người đã bị chia cắt phải được đoàn tụ trong vòng 30 ngày.
Phát ngôn nhân Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận liệu chính quyền có kháng cáo hay không. Tuy nhiên ông nói rằng quyết định này ‘khiến cho việc Quốc hội cuối cùng phải có hành động để giúp cho các cơ quan hành pháp có khả năng đồng thời vừa thực thi pháp luật đồng thời giúp cho các gia đình được ở cùng nhau càng trở nên cấp thiết’.
Giữa những lời lên án trong nước và quốc tế về việc chia cắt hơn 2.300 trẻ em khỏi bố mẹ vốn phát xuất từ chính sách ‘không khoan nhượng’ đối với di dân bất hợp pháp của chính quyền Donald Trump, Tổng thống Trump đã tìm cách đẩy quả bóng sang phần sân của Quốc hội hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.
Việc chia cắt xảy ra sau khi chính quyền bắt đầu truy tố tất cả những người lớn băng qua biên giới trái phép, trong đó có những người đi cùng với trẻ em, từ đầu tháng Năm.
Mặc dù ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp hôm 20/6 để chấm dứt việc chia cắt gia đình, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), vốn đưa ra trường hợp ở San Diego ra tòa, cho biết vẫn còn có những ‘lỗ hổng’ và không làm được gì nhiều trong việc xử lý vấn đề. Khoảng 2.000 trẻ em vẫn còn bị chia cắt.
ACLU đã kiện ra tòa giùm một bà mẹ và đứa con gái 6 tuổi của bà, vốn đã bị chia cắt được bốn tháng sau khi vào nước Mỹ để tìm kiếm quy chế tỵ nạn và bỏ chạy khỏi tình trạng phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Sắc lệnh ban đầu của thẩm phán Sabraw cũng yêu cầu chính quyền phải đoàn tụ trẻ em dưới 5 tuổi với bố mẹ trong vòng 14 ngày và cho phép các em nói chuyện với bố mẹ trong vòng 10 ngày.
Việc chia cắt đã làm bùng phát làn sóng lên án rộng rãi ở nước Mỹ, bao gồm bên trong Đảng Cộng hòa của ông Trump, cũng như ở nước ngoài. Thẩm phán Sabraw, vốn được một tổng thống Cộng hòa khác là ông George W. Bush chỉ định, đã phê phán gay gắt chính quyền của ông Trump.
Nhà Trắng chưa có bình luận ngay về vụ việc.
Để phản đối phản quyết ban đầu này, chính quyền đã lập luận rằng sắc lệnh hành pháp của ông Trump đã ‘phần nhiều’ giải quyết các quan ngại của ACLU.
Bộ trưởng Y tế và các Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar phát biểu trước một phiên điều trần của Thượng viện hôm 26/6 rằng phần lớn những trẻ em bị chia cắt không thể được đoàn tụ với gia đình cho đến khi Quốc hội thông qua các đạo luật cần thiết.
Sắc lệnh của thẩm phán Sabraw có đưa ra những trường hợp ngoại lệ đối với những phụ huynh được xem là không phù hợp hay là nguy cơ đối với con cái họ. Ông Sabraw nói rằng chính quyền chứ không phải gia đình phải có ‘trách nhiệm tích cực’ tiến hành sự đoàn tụ.
Ông cũng phê phán chính quyền là đã không thể theo dõi, liên lạc với và xác định chỗ của các trẻ em di dân.
ACLU đã ca ngợi quyết định của Sabraw là ‘thắng lợi hoàn toàn’
“Chiến thắng này giúp đem lại sự nhẹ nhôm cho tất cả những người bố mẹ và trẻ em vốn nghi rằng họ sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa,” luật sự của ACLU Lee Gelernt cho biết trong một email.
Sau khi ký sắc lệnh hành pháp hồi tuần trước, ông Trump đã kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật về các vấn đề di dân. Nhưng bất đồng giữa phái bảo thủ và ôn hòa trong Đảng Cộng hòa đã ngăn trở việc thông qua một đạo luật nhanh chóng để sửa chữa các thiếu sót.
Hạ viện, vốn đã không thông qua được một dự luật về di dân do những người Cộng hòa bảo thủ ủng hộ hồi tuần trước, dự định sẽ bỏ phiếu hôm 27/6 về một dự luật di dân rộng lớn hơn vốn sẽ cấm việc chia cắt trẻ em với bố mẹ tại biên giới với Mexico.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan hôm 26/6 nói rằng ông không loại trừ khả năng Hạ viện sẽ bỏ phiếu về một dự luật hẹp hơn chỉ về vấn đề bắt giữ các gia đình di dân nếu dự luật rộng hơn không được thông qua.
Hòa cùng giọng điệu mạnh mẽ của Tổng thống Trump về vấn đề di dân bất hợp pháp, phát ngôn nhân Bộ Tư pháp hôm 27/6 nói rằng nếu Quốc hội không hành động thì ‘tình trạng vô luật pháp ở biên giới sẽ tiếp diễn – và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả được đoán trước – sẽ có thêm nhiều ma túy được các băng buôn ma túy ở Mexico đưa vào đất nước làm hại cho các cộng đồng, nhóm MS-13 sẽ gia tăng về số lượng thành viên và việc gia tăng các vụ việc truy tố về buôn người.”
Thẩm phán Tòa tối cao Kennedy
thông báo về hưu
Thẩm phán Tòa án tối cao Anthony Kennedy hôm thứ Tư 27/6 cho biết ông dự định nghỉ hưu sau ba thập kỷ nắm lá phiếu quyết định tại cơ quan tư pháp cao nhất Hoa Kỳ.
Loan tin này hôm thứ Tư, hãng tin Reuters nói ông Kennedy là người đã giúp Tổng thống Donald Trump có cơ hội để củng cố phe bảo thủ tại tòa án cao nhất nước Mỹ.
Thẩm phán Kennedy, tròn 82 tuổi vào tháng 7 này, là một nhân vật bảo thủ và là vị thẩm phán phục vụ lâu năm thứ hai tại Tòa Tối cao gồm 9 thành viên.
Được Tổng thống Ronald Reagan của Đảng Cộng hòa bổ nhiệm vào năm 1988, ông đã trở thành một trong những luật gia có ảnh hưởng lớn nhất từ khi bắt đầu phục vụ tại tòa án tối cao Mỹ.
Tuy bảo thủ, nhưng ông lại là người đóng vai trò quyết định trong việc cổ súy cho quyền của người đồng tính, ủng hộ quyền phá thai và xóa bỏ các mức trần hạn chế chi tiêu chính trị.
Quyết định của ông nghỉ hưu sẽ có hiệu lực vào ngày 31 tháng 7, tòa án cho biết.
Thẩm phán Kennedy nói trong một tuyên bố:
“Phục vụ đất nước trong lĩnh vực pháp lý trong 43 năm, trong đó có 30 năm tại Tòa án tối cao, là một vinh dự và đặc ân lớn.”
Tuyên bố đó do tòa án tối cao công bố cho biết động lực dẫn đến quyết định của Thẩm phán Kennedy là mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Thẩm phán Kennedy là một nhân vật bảo thủ truyền thống, mặc dù đôi khi ông phá rào để ủng hộ một số quyết định của các thẩm phán theo lập trường tự do cấp tiến trong các phán quyết quan trọng, và do đó củng cố được uy tín của ông trong tư cách là thẩm phán có lá phiếu then chốt có thể định đoạt các vấn đề quan trọng, có khi gây hứng khởi cho phe bảo thủ, có khi giao phần thắng cho phe tự do cấp tiến, tùy thuộc vào vấn đề.
Hôm thứ Ba, thẩm phán Kennedy đã nhập đoàn với bốn vị thẩm phán bảo thủ khác tại tòa tối cao để trao cho Tổng thống Trump một thắng lợi lớn về mặt pháp lý, khi tòa án duy trì lệnh cấm du hành của Tổng thống đảng Cộng hòa được áp dụng cho những người đến từ một số quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.
Quyết định của thẩm phán Kennedy được công bố vào ngày cuối của nhiệm kỳ hiện tại của tòa án đã bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái.
Hôm thứ Tư, ông đã ngả theo các đồng nghiệp bảo thủ để ra phán quyết 5-4 đã giáng một đòn nặng đối với phong trào công đoàn có tổ chức, bằng cách cắt đi nguồn thu nhập chính của một công đoàn quan trọng.
Tổng thống Trump hôm thứ tư ca ngợi Thẩm phán Kennedy là người ‘có viễn kiến và trái tim’. Ông Trump cho biết sẽ lập tức bắt đầu tìm kiếm một thẩm phán mới cho tòa án tối cao, với một danh sách 25 ứng viên. Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát có thể dự kiến sẽ hối thúc để ứng viên mới được chuẩn thuận và phục vụ tại tòa án cao nhất nước trước khi các vị thẩm phán bắt đầu nhiệm kỳ tiếp theo vào tháng 10 năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-toa-toi-cao-kennedy-thong-bao-ve-huu/4458081.html
Rạn nứt trong quan hệ Mỹ – Hàn
Mỹ đơn phương đình chỉ các chương trình tập trận với Hàn Quốc, nêu lên khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên; Seoul từ chối đề nghị của Washington đòi Hàn Quốc chia sẻ gánh nặng quân sự trong vùng Đông Bắc Á và thái độ vồ vập của tổng thống Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên sau thượng đỉnh Singapore, đó là những dấu hiệu đe dọa trục Mỹ-Hàn.
Trong thông cáo chung kết thúc buổi làm việc trong vài giờ đồng hồ tại Seoul ngày 28/06/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis và đồng nhiệm Hàn Quốc Song Young Moo cho biết : Đôi bên cùng đồng ý tin tưởng vào thiện chí giải trừ vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng nhưng đồng thời đòi chế độ Kim Jong Un đưa ra những “biện pháp cụ thể và không thể đảo ngược” về tiến trình phi hạt nhân hóa báo đảo Triều Tiên. Đây là một trong những điều kiện quan trọng mở đường cho việc xóa bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên.
Về quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ-Hàn thời kỳ hậu thượng đỉnh Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đồng ý “tiếp tục hợp tác một cách chặt chẽ” để đem lại hòa bình cho khu vực này. Seoul và Washington cam kết “tiếp tục củng cố hợp tác và trao đổi chiến lược“. Liên quan đến các chương trình tập trận chung trong tương lai, hai ông Mattis và Song cho biết sẽ “quyết định sau” và điều đó còn tùy thuộc vào tiến triển phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap chú trọng đến tuyên bố quan trọng của lãnh đạo Lầu Năm Góc đó là “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả những khả năng ngoại giao và quân sự” để bảo đảm cho một nước “Hàn Quốc vững mạnh“. Trong số các biện pháp này, có cả biện pháp “duy trì như hiện tại quân số lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên“.
Tuy nhiên theo giới quan sát đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ đó, đã có một sự rạn nứt giữa Hàn Quốc với đồng minh Hoa Kỳ. Dấu hiệu thứ nhất là đúng vào lúc ông Mattis có mặt tại Seoul thì Hàn Quốc thông báo “từ chối” yêu cầu của Mỹ đòi chính quyền của tổng thống Moon Jae In chia sẻ thêm gánh nặng quân sự, do Washington đã triển khai nhiều vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên.
Vào đầu tuần, hai phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc họp tại Seoul, đàm phán về Hiệp Định Chia Sẻ Chi Phí Quân Sự lần thứ 10 – SMA, thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019. Từ năm 1991, Seoul đồng ý đài thọ một phần phí tổn cho việc hơn 28.000 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Trong tài khóa 2017, Seoul đóng góp 861 triệu đô la. Con số này cao hơn rất nhiều so với hiệp định SMA đầu tiên được ký kết vào năm 1991.
Dấu hiệu thứ nhì cho thấy Washington và Seoul đang có bất đồng liên quan đến việc tổng thống Trump vội vã thông báo ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Tuyên bố này được đưa ra ngay tại Singapore hôm 12/06/2018 sau cuộc tiếp xúc lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Seoul ngỡ ngàng vì quyết định của Nhà Trắng.
Bên cạnh đó tổng thống Trump cũng khen ngợi ông Kim Jong Un hết lời và tin rằng từ sau thượng đỉnh Singapore, “tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên không còn là một mối đe dọa“. Tổng thống Trump còn lạc quan nói với báo chí rằng số lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc sẽ chóng “trở về với gia đình”, Hoa Kỳ giảm được gánh nặng quân sự trong khu vực Đông Bắc Á này.
Nhưng rồi chỉ 10 ngày sau thượng đỉnh Singapore, cũng tổng thống Hoa Kỳ đã nói ngược lại với tuyên bố này để thuyết phục Quốc Hội Mỹ duy trì cấm vận với Bình Nhưỡng.
Dù vậy, Washington tuần trước thông báo ngưng cuộc tập trận gìn giữ hòa bình Freedom Guardian và “đình chỉ vô hạn định” các chương trình diễn tập khác với Hàn Quốc. Tới nay Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là một hành vi khiêu khích và là một mối đe dọa trực tiếp nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Sau cùng, việc tổng thống Trump vội vàng thông báo ngưng tập trận với Hàn Quốc và nêu lên khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên làm mất đi một lá bài quan trọng để Seoul mặc cả với Bình Nhưỡng về tương lai bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó một cựu chuyên gia của bộ Quốc Phòng Mỹ ông James Schoff cho rằng, Seoul ngày càng nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của đồng minh Hoa Kỳ. Seoul được Mỹ thông báo tới mức độ nào về tiến trình đàm phán giữa Washington với Bình Nhưỡng đang do ngoại trưởng Pompeo tiến hành ? Donald Trump sẵn sàng nhượng bộ Kim Jong Un đến đâu ? Họ mặc cả với nhau những gì ?
Đó là tất cả những câu hỏi mà chưa ai có thể giải đáp và chính điều đó đang gây chia rẽ giữa hai đồng minh lâu đời là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nếu đúng là như vậy, chỉ riêng trên điểm này Bắc Triều Tiên đã ghi được một bàn thắng quan trọng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180628-ran-nut-trong-quan-he-my-han-pt
Anh ‘biết Mỹ ngược đãi tù nhân’
Các nghị sĩ Quốc hội Anh kết luận nước này đã bỏ qua cách đối xử “không thể tha thứ” của Mỹ với các tù nhân trong những năm sau vụ tấn công 11/9/2001.
Ủy ban Tình báo và An ninh (ISC) của Quốc hội Anh nói rằng “không còn nghi ngờ gì nữa” là Anh đã biết việc Mỹ ngược đãi tù nhân.
Anh: Tiết lộ mua bán bằng giả gây sốc
Trump: ngừng đưa tù nhân khỏi Guantanamo
Gina Haspel và các vụ CIA ‘tra tấn ở Thái Lan’
Anh tiếp tục cung cấp thông tin tình báo cho các đồng minh trong 232 trường hợp mà các quan chức Anh đã biết hoặc nghi ngờ về việc ngược đãi, báo cáo của ủy ban cho hay.
Chủ tịch ủy ban Dominic Grieve nói: “Theo quan điểm của chúng tôi Anh đã khoan dung với các hành động mà chúng tôi coi là không thể tha thứ.”
ISC bác bỏ tuyên bố của các cơ quan tình báo rằng các trường hợp được trình bày không hơn gì các “sự việc bị cô lập”.
“Thật khó hiểu làm thế nào những người đứng đầu văn phòng đã không nhận ra các phương thức ngược đãi của Mỹ”, báo cáo cho biết.
“Hoa Kỳ và những nước khác đang ngược đãi tù nhân là điều không còn nghi ngờ gì nữa, vì sự thật là các Cơ quan và Tình báo Quốc phòng đã biết điều này ngay từ đầu.”
Phóng viên an ninh BBC Gordon Corera nói rằng báo cáo cho thấy “không có bằng chứng ngược đãi trực tiếp” của các cơ quan tình báo Anh, nhưng có 13 trường hợp gián điệp chứng kiến tận mắt một tù nhân bị ngược đãi bởi những người khác”.
Ông nói thêm rằng ISC chỉ trích Cục Tình báo mật của Anh MI6, và cơ quan nghe lén của Sở Chỉ huy Thông tin của Chính phủ (GCHQ) vì có “vai trò trong việc tạo điều kiện cho một số cuộc bắt giữ”.
Báo cáo nói rằng chính phủ “từ chối” cho ủy ban tiếp cận “các quan chức có liên quan tới thời điểm” mà Anh can dự vào việc ‘dẫn độ đặc biệt’ của Mỹ.
‘Dẫn độ đặc biệt’ là gì?
Dẫn độ đặc biệt liên quan đến việc đưa một người từ nước này sang nước khác để giam gữ và thẩm vấn, có thể bằng các biện pháp như tra tấn mà được cho là bất hợp pháp ở nước thực hiện việc dẫn độ.
Các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng quy trình ‘dẫn độ đặc biệt bất thường’ để đưa các nghi phạm khủng bố đi thẩm vấn bởi các nhân viên an ninh ở các quốc gia khác, nơi mà họ không có quyền hoặc sự bảo vệ pháp lý theo luật Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44641858
Khi phụ nữ tuần hành bị cảnh sát đánh
Thùy ChungGửi đến BBC từ Manchester
Ở Anh trong tháng 6/2018, hàng nghìn phụ nữ ở London, Belfast, Edinburgh đổ ra đường phố tuần hành kỷ niệm 100 năm họ giành được quyền bầu cử.
Ngày nay, phụ nữ của hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới (trừ Vatican) đều có quyền bầu cử nên nhiều người trong chúng ta dễ coi quyền bầu cử của phụ nữ là điều đương nhiên.
Khi công dân kiện thủ tướng thắng lợi
Tết làm sao ‘mệt ít vui nhiều’ cho chị em?
TPHCM: Hai phụ nữ kể chuyện bị bắt hôm 17/6
Nghệ An: Hội phụ nữ ‘phản đối linh mục Nam’
Trên thực tế, điều đó có được là nhờ nhiều thập kỷ không ngừng đấu tranh của nhiều thế hệ phụ nữ trên toàn thế giới.
Ở Anh Quốc, quyền bầu cử của nữ giới chỉ có được vào tháng 2/1918 sau gần 70 năm vận động đấu tranh.
Đi đầu đòi quyền bầu cử cho phụ nữ có Emmeline Pankhurst (15/7/1858 – 14/6/1928), người thành lập và lãnh đạo Liên đoàn Xã hội và Chính trị của Phụ nữ.
‘Phụ nữ chỉ lo nội trợ’
Hồi thế kỷ 19, phụ nữ Anh hoàn toàn không có chỗ đứng trong chính trị. Họ không có quyền ứng cử vào Nghị viện.
Họ không có quyền bầu cử vì người ta cho rằng đàn ông sẽ chịu trách nhiệm cho các vấn đề chính trị. Vai trò của phụ nữ là sinh con, chăm sóc con cái và nhà cửa.
Nhưng nhờ cách mạng công nghiệp, nhiều phụ nữ bắt đầu đi làm như nam giới, họ lần đầu có cơ hội để gặp gỡ, thảo luận chính trị.
Phong trào đấu tranh đòi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ bắt đầu xuất hiện từ năm 1866.
Cô bé Emmeline lớn lên trong gia đình cấp tiến, hàng ngày nghe mẹ đọc truyện chống chế độ nô lệ “Túp lều bác Tom” vì bà mong gieo vào đầu óc bé thơ của con hạt mầm đầu tiên về công bằng chính nghĩa.
Đấu tranh ôn hòa
Trong thời kỳ đầu, phòng trào đấu tranh diễn ra ôn hòa thông qua các hoạt động tuần hành bất bạo động, viết thư kiến nghị và vận động các nghị sĩ.
Lãnh đạo Liên đoàn các hội phụ nữ đòi quyền bầu cử (National Union of Women’s Suffrage Societies) tin rằng cần chứng tỏ họ là tổ chức lịch thiệp, tuân thủ pháp luật thì phụ nữ sẽ tỏ ra là đủ tính trách nhiệm tham gia vào chính trị như nam giới.
Họ kiên trì đấu tranh và thuyết phục được nhiều dân biểu của Hạ viện ủng hộ việc đưa quyền bầu cử của phụ nữ vào luật hiện hành.
Việc phụ nữ được quyền bầu cử dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nhưng trải qua hơn 40 năm vận động mà vẫn không giành được quyền bầu cử, Emmeline Pankhurst, một thành viên của Liên đoàn tại Manchester, thấy rất thất vọng và mất kiên nhẫn vì những biện pháp đấu tranh dân sự không mấy hiệu quả của Liên đoàn các hội phụ nữ đòi quyền bầu cử.
Năm 1903 bà đã tách ra khỏi tổ chức và thành lập Liên đoàn Xã hội và Chính trị của Phụ nữ (Women’s Social and Political Union).
Khẩu hiệu của bà là “Hành động hơn lời nói” và trong các cuộc đấu tranh của liên đoàn do bà dẫn dắt bắt đầu có những hành động cứng rắn hơn, khởi đầu bằng biểu tình và bất tuân dân sự.
Ngày thứ Sáu đen tối
Sự kiện này không hề có nghĩa như ngày ‘Black Friday’ thời nay vốn là dịp đại hạ giá lớn nhất trong năm, mà là không thể bị lãng quên trong lịch sử nước Anh.
Ở Việt Nam, phần lớn phụ nữ vẫn hân hoan đón nhận những lời chúc, những bó hoa, những món quàThùy Chung
Câu chuyện xuất phát từ việc một đạo luật đáng lẽ ra đã có thể cho phép phụ nữ Anh được quyền bầu cử đã không được Nghị viện Anh thông qua.
Để phản đối việc này, thứ Sáu ngày 18/11/1910, Emmiline Pankhurst đã tổ chức một buổi tuần hành ôn hòa với sự tham gia của 300 thành viên của Nghị Viện Phụ Nữ (Women Parliament).
Winston Churchill, lúc bấy giờ đang nắm chức Bộ trưởng bộ Nội Vụ, đã trao quyền cho cảnh sát đàn áp tuần hành.
Trong vòng sáu tiếng, những người phụ nữ tham gia tuần hành bị đấm đá, đánh đập, quăng xuống đất, mài mặt vào đường ray tàu và khủng khiếp nhất, họ bị tốc váy, vỗ mông, bóp ngực và nhiều hành vi quấy rối khác trước sự chứng kiến của toàn bộ Hạ viện Anh.
Khi nhật báo “Daily Mirror” xuất bản hình ảnh một người phụ nữ nằm sụp dưới đất, tay che mặt khỏi những cú đá của cảnh sát, chính phủ đã cố gắng ngăn bán số báo và yêu cầu hủy bản gốc.
Winston Churchill cũng không cho phép tổ chức một cuộc điều tra của chính phú về sự kiện này.
‘Ngày thứ Sáu đen tối’ kết thúc bằng sự tổn thương nặng nề về tâm lý và thể chất của những người tham gia nhưng đã đánh dấu bước ngoặt cho phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử.
Nó đã mở đường cho những phương pháp đấu tranh mới của phụ nữ Anh như đập vỡ cửa kính, đình công hay tuyệt thực, đồng thời thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận tới quyền bầu của của phụ nữ.
Tuyệt thực và luật ‘Mèo vờn chuột’
Để đảm bảo tiếng nói của mình được dư luận và chính phú quan tâm, Liên đoàn bắt đầu sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh bạo động như đập phá tài sản, ném vỡ cửa kính, phóng hỏa,…
Một mặt, tổ chức của bà cực lực phản đối việc gây tổn thất về con người, mặt khác họ tin rằng phá tài sản là công bằng vì chính quyền tỏ ra coi trọng tài sản hơn quyền của phụ nữ.
Hàng trăm người ủng hộ Emmeline, và chính bản thân bà nhiều lần bị bắt giữ vì những hành vi đấu tranh này.
Ngay cả khi ở trong tù, họ vẫn tiếp tục đấu tranh bằng cách tuyệt thực để phản đối việc chính phủ coi họ là tội phạm chứ không phải là tù nhân chính trị.
Năm 1913, để đối phó với làn sóng tuyệt thực, chính phủ thông qua Đạo luật ‘Mèo và Chuột’ (‘Cat and Mouse’ Act) khét tiếng.
Những tù nhân tuyệt thực được thả cho đến khi họ phục hồi sức khỏe, và rồi lại bị tái giam giữ. Ngoài ra, nhằm tránh việc hệ thống pháp luật bị đả kích về việc thả tù nhân, chính phủ đã áp dụng biện pháp cưỡng ép ăn một cách bạo lực.
Dưới hình thức là một biện pháp “điều trị y tế thông thường” để đảm bảo tù nhân không chết đói, rất nhiều tù nhân nữ giới, nhốt trong các phòng biệt giam, đã bị trói vào giường/ghế và bị bác sỹ dùng ống cao su dẫn thức ăn ở dạng lỏng vào từ mũi, qua họng xuống thẳng dạ dày.
Những biện pháp đàn áp dã man này chỉ chấm dứt khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, cả chính phủ và Liên đoàn Xã hội và Chính trị của Phụ nữ tập trung vào yêu cầu cấp bách hơn về bảo vệ đất nước.
Chiến thắng
Sự kiên trì đấu tranh và những đóng góp quan trọng của phụ nữ Anh trong Thế chiến I đã được ghi nhận và đền đáp.
Năm 1918, Luật Dân Đại diện (Representation of People Act 1918)công nhận quyền bỏ phiếu của 8 triệu phụ nữ Anh trên 30 tuổi và đáp ứng được các yêu cầu khác.
Cuối năm 1918, một đạo luật khác được ban hành cho phép phụ nữ được ứng cử vào Nghị viện.
Năm 1928, Phụ nữ Anh được quyền bầu cử giống nam giới, bắt đầu khi họ 21 tuổi.
Vào những năm đầu thế kỷ 20 và đến tận ngày này, phương pháp đấu tranh của Emmiline vẫn nhận được nhiều phê bình đánh giá trái chiều vì tính chất bạo lực của phương pháp đấu tranh.
Những thành viên tổ chức của bà từng bị đánh giá là “thiếu nữ tính”, phản tự nhiên, ngoài vòng pháp luật hay thậm chí là “đi ngược lại ý Chúa”.
Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận được vai trò của Emmeline Pankhurst trong cuộc đấu tranh giành quyền bầu cử cho nữ giới.
Bà được Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 với nhận xét “Pankhurst đã hình thành nên lý tưởng về người phụ nữ cho thời đại của chúng ta, làm thay đổi vĩnh viễn cả hình hài của xã hội”.
Gần đây nhất bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim tài liệu “Emmeline Pankhurst: The Making of a Militant” của BBC.
Cuộc đấu tranh chưa dừng lại
Việc giành quyền bầu cử chỉ là bước khởi đầu cho công cuộc đấu tranh nữ quyền của phụ nữ Anh nói riêng và phụ nữ thế giới nói chung.
Ngày nay, về phương diện pháp luật, phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới trong hầu hết các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội nhưng những bất bình đẳng giới vẫn diễn ra trong gia đình, trong xã hội và trong nhận thức con người.
Tại Việt Nam, khái niệm đấu tranh nữ quyền vẫn còn xa lạ với nhiều người.
Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 hàng năm là dịp phụ nữ thế giới xuống đường biểu tình tuần hành đòi quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng bằng hành động thay vì những lời ca tụng.
Còn ở Việt Nam, phần lớn phụ nữ vẫn hân hoan đón nhận những lời chúc, những bó hoa, những món quà; hay nhiệt tình tham dự những cuộc thi nấu ăn, cắm hoa thể hiện sự khéo léo nữ tính của mình.
Chỉ một số rất ít người lên tiếng về quyền tự chủ của phụ nữ trong vấn đề học tập, lao động, phát triển bản thân; quyền được giải phóng khỏi những định kiến xã hội về thiên chức của phụ nữ; hay quyền được bảo vệ trước bạo hành giao đình và tấn công tình dục.
Tuy chặng đường đến bình đẳng giới thực sự ở Việt Nam vẫn còn rất dài nhưng có đi thì có đến.
“Phụ nữ đã luôn đấu tranh vì đàn ông, vì những đứa trẻ của họ. Bây giờ là lúc họ đã sẵn sàng để đấu tranh cho quyền con người của chính mình,” bà Emmeline Pankhurst từng nói.
Một trăm năm trôi qua, bài học về lòng dũng cảm; kiên định; tin tưởng vào vai trò và giá trị bản thân; vượt qua những định kiến và giới hạn bản thân của Emmeline Pankhurst và những ‘suffragette’ nhà đấu tranh đòi quyền bầu cử – vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Lời nói đanh thép của bà khi đứng trước tòa, “Chúng tôi hành động không phải để vi phạm pháp luật mà muốn nỗ lực trở thành những người làm ra pháp luật” vẫn là lời cổ vũ mạnh mẽ cho những người đấu tranh cho một thế giới tự do, bình đẳng, bác ái cho phụ nữ nói riêng và cho con người nói chung.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Thùy Chung, hiện đang làm việc tại Manchester, Anh Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44630631
Bắc Kinh bác đề nghị đàm phán của Mỹ
về Đài Loan
Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị đàm phán của Mỹ về cách thức các hãng hàng không của Hoa Kỳ đề cập tới Đài Loan, Reuters đưa tin.
Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty nước ngoài, nhất là các hãng hàng không, phải đề cập trên các trang web của họ rằng Đài Loan, cũng như Hong Kong và Macau, là lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhà Trắng hồi tháng Năm đã chỉ trích bước đi này của Bắc Kinh.
Theo Reuters, nhiều hãng không phải của Mỹ như Air Canada, Lufthansa của Đức, và British Airways của Anh đã tuân thủ yêu cầu trên.
Nhưng một số công ty của Mỹ trong đó có Delta Air Lines và United Airlines đã xin gia hạn thời hạn ngày 25/5. Hạn chót sẽ là 25/7.
Hồi cuối tháng Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị họp trao đổi về vấn đề trên, nhưng phía Bắc Kinh đã từ chối, hai nguồn thạo tin nói với Reuters.
Một nguồn nói rằng việc này đã trở thành “một vấn đề về chính sách đối ngoại”.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận với Reuters rằng Trung Quốc đã bác yêu cầu thảo luận hôm 25/6, đồng thời nói thêm rằng Bộ này cảm thấy “thất vọng” và vẫn tiếp tục trao đổi với các hãng hàng không nhưng không chỉ cho các hãng này cách thức đáp trả yêu cầu của Bắc Kinh.
Bắc Kinh hôm 6/5 đã phản bác tuyên bố của Mỹ, và nói rằng các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc nên tuân thủ luật pháp, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Bất kể Hoa Kỳ có nói gì, nó không thể thay đổi thực tế khách quan rằng chỉ có một nước Trung Quốc trên thế giới, và rằng Hong Kong, Macau và Đài Loan là các phần lãnh thổ không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc”.
Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học
được quyền nêu đích danh thủ phạm
Trong ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt tại La Haye (Hà Lan), các quốc gia thành viên của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (tên tắt tiếng Pháp là OIAC) ngày 27/06/2018, đã chấp thuận cho tổ chức quyền xác định đích danh thủ phạm các vụ tấn công hóa học mà tổ chức đã điều tra.
Đặc phái viên RFI tại La Haye, Quentin Dickinson, tường thuật:
Mặc dù có nhiều thủ đoạn đánh lạc hướng của các phái đoàn Nga, Syria và Iran, văn bản của Anh Quốc đưa ra bỏ phiếu đã nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ của các quốc gia thành viên Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học OIAC.
Trong số 106 quốc gia về dự cuộc họp tại La Haye (trên tổng số193 thành viên), đã có 82 nước chấp thuận đề nghị của Anh Quốc, chỉ có vỏn vẹn 24 phiếu chống. Số quốc gia đồng ý như vậy đã cao hơn cả mức 71 phiếu ấn định để văn bản được thông qua.
Hậu thuẫn của đông đảo quốc gia cho đề nghị cải tổ của Anh sẽ cho phép OIAC điều chỉnh điểm yếu kém trong cách vận hành của mình nhân cuộc họp cấp cao sắp tới vào mùa thu.
Cho đến nay, các nhóm chuyên gia của tổ chức OIAC chỉ được quyền đưa ra các báo cáo chi tiết sau mỗi sự cố được biết là có sử dụng vũ khí hóa học, nhưng không được phép nêu tên quốc gia, các nhóm hay cá nhân chịu trách nhiệm về vụ tấn công – cho dù biết chắc chắn đó là ai. Giờ đây thì quyền vạch mặt chỉ tên sắp được trao cho tổng giám đốc OIAC.
Cuộc bỏ phiếu hôm qua, cho thấy mối quan ngại rõ ràng của các chính phủ trên thế giới, gần đây đã phải bất lực chứng kiến việc sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ ám sát, như trong trường hợp của Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Malaysia, cựu điệp viên Nga Skripal tại Anh Quốc, hay trong những vụ dùng vũ khí hóa học trên quy mô lớn giết hại thường dân tại Syria.
22 thường dân chết vì bom
Chiến dịch tấn công của quân đội Syria và không quân Nga vào Deraa đã làm cho 22 thường dân tử thương, theo báo cáo của tổ chức nhân quyền OSDH. Chỉ riêng trong trận oanh kích đêm 27/06, số nạn nhân đã lên tới 17 người trong đó có 5 trẻ em.
Cũng theo nguồn tin này, ba bệnh viện ở Deraa còn hoạt động cũng bị phá hủy. Liên Hiệp Quốc cho biết thêm ít nhất 45 000 thường dân phải đi lánh nạn từ khi quân đội Syria bắt đầu tấn công từ ngày 19 vào khu vực được xem là « chiến lược » nằm dọc theo biên giới với Jordani vẫn do phe nổi dậy kiểm soát.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180628-to-chuc-cam-vu-khi-hoa-hoc-phan-lan-qt
Thượng đỉnh châu Âu khai mạc
trong căng thẳng vì hồ sơ nhập cư
Hai mươi tám nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles trong hai ngày 28 và 29/06 sẽ tập trung vào di dân nhập cư, hồ sơ đang gây chia rẽ nội bộ. Một vài giải pháp được đề xuất nhưng không nhận được đồng thuận. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các thành viên cùng nỗ lực chung vì không có giải pháp riêng rẽ : « Số phận cả châu Âu bị thách thức vì vấn đề di dân ».
Từ Bruxelles, thông tín viên Dominique Baillard phân tích :
” Vấn đề nát óc này đã được nước Ý đưa vào chương trình nghị sự của ngày họp thượng đỉnh đầu tiên. Bởi vì không một thành viên nào thực tâm muốn giúp di dân cơ hội xây dựng một cuộc sống mới ở châu Âu. Đề xuất cải cách luật tị nạn, lẽ ra phải được thảo luận trong kỳ họp này, đã bị đình hoãn vô hạn định.
Giải pháp tạm thời do Hội Đồng Châu Âu đề nghị, phân chia định mức cho mỗi thành viên, chưa bao giờ được tôn trọng. Lập trường của bốn nước trong nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Hungari, Cộng hòa Sec, Slovakia luôn bác bỏ đề nghị này, được củng cố thêm.
Donald Trust, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đề nghị lập những khu tạm cư cách ly ở ngoài lãnh thổ châu Âu để quản lý làn sóng di dân như mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ. Sáng kiến này được quan tâm nhưng đặt ra một số câu hỏi chưa có giải đáp : Những quốc gia nào sẽ chấp thuận cho lập trại tạm cư ?
Người ta nói đến Tunisia nhưng làm sao bảo đảm là quyền của người xin tị nạn được tôn trọng ? Một câu hỏi quan trọng hơn nữa là vấn đề ngân sách tài trợ. Vấn đề này ít được ý kiến chia sẻ nhất như đã thấy qua trường hợp giúp Thổ Nhĩ Kỳ : huy động tiền tài trợ rất khó khăn.“
Nhập cư: Mỹ huy động quân đội
Tại Hoa Kỳ, quân đội được lệnh mở doanh trại không sử dụng để đón tiếp 12 ngàn dân nhập cư bất hợp pháp. Thông báo của bộ Quốc Phòng xác nhận đường lối của Nhà Trắng huy động quân đội tham gia vào chính sách nhập cư. Các doanh trại được chọn nằm trong các bang Texas, Arizona, New Mehicô và California.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180628-thuong-dinh-chau-au-khai-mac-nhap-cu-qt
Chuyên gia Mỹ : Nhật Bản, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ,
các tân cường quốc tương lai ?
Ở phương Tây, G7 – khối 7 nước công nghiệp phát triển nhất bị chia rẽ vì chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại châu Á, thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải OSC cố gắng phô bày hình ảnh một tổ chức đoàn kết. George Friedman, một chuyên gia Mỹ, trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express, cho rằng một trật tự thế giới đang dần ló dạng, mà ở đó, thế giới sẽ có thêm ba cường quốc mới : Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan.
George Friedman là một chuyên gia địa chính trị nổi tiếng. Ông thành lập Geopolitical Futures và Stratfor, hai cơ quan dự báo chiến lược có tiếng của Mỹ. Ông là tác giả của tập sách bán rất chạy, có tựa đề « 100 năm tới », do nhà xuất bản Anchor Books phát hành. George Friedman sống tại Texas và thường xuyên cố vấn cho ban chỉ huy quân sự cao cấp của Mỹ.
RFI Tiếng Việt giới thiệu lại toàn văn bài phỏng vấn của L’Express cho biết rõ quan điểm của ông về tương lai tình hình địa chính trị thế giới.
L’EXPRESS : Tại thượng đỉnh G7 mới đây, Donald Trump đã lên án thủ tướng Canada, Justin Trudeau là « gian dối và yếu kém ». Ba ngày sau, tổng thống Mỹ khen ngợi Kim Jong-Un, lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên. Phải chăng thế kỷ XXI này không còn giống như thế kỷ trước nữa ?
George Friedman : Một điều chắc chắn là G7 đã lỗi thời, lạc hậu, xơ cứng thuộc về một thời kỳ đã qua, đó là thời Chiến Tranh Lạnh. Được thành lập trong những năm 1970 nhằm đối phó với cú sốc dầu hỏa đầu tiên, định chế này ngay từ đầu đã có những mục tiêu không rõ ràng… và cho đến nay, vẫn không rõ ràng.
Vì không có khả năng chống các quốc gia trong khối các nước xuất khẩu dầu lửa – OPEC, nhóm các nước công nghiệp phát triển này đã họp lại với nhau hàng năm và ra các thông cáo theo thông lệ, mà không làm được điều gì lớn lao cụ thể. Hơn nữa, thế giới đã thay đổi từ năm 1973. Nước Ý ngày nay đứng hàng thứ 8 trên thế giới, và Canada là xếp thứ 10. Trong khi mà Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp hạng hai và thứ bảy trên thế giới.
Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ lại không có mặt ở G7…
Đúng vậy. Và điều đó hạn chế rất nhiều ích lợi của các cuộc thảo luận có liên quan đến kinh tế ! Trong tình trạng hiện nay, G7 chỉ là một thực thể chủ yếu bao gồm các nước Âu-Mỹ không phản ảnh được tính chất phức tạp của thế giới. Hậu quả là lịch trình làm việc của G7 mang tính địa phương. Do đó, đối với Donald Trump, cuộc họp G7 ngày 08 và 09/06 chỉ là một thời điểm, một chặng đường đi qua, trước cuộc gặp Kim Jong Un, tại Singapore ngày 12/06.
Đương nhiên, đó cũng là cách nhìn của ông Shinzo Abe vì theo thủ tướng Nhật Bản, hồ sơ Bắc Triều Tiên không phải là một chủ đề xa vời như đối với các nước châu Âu. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ tham gia cuộc đàm phán, vấn đề Bắc Triều Tiên chắc có thể là tâm điểm của các cuộc thảo luận, cũng giống như chủ đề về thuế quan.
Ông nghĩ gì về cuộc gặp Donald Trump và Kim Jong Un ?
Một dạng bế tắc. Trong bóng đá, người ta có thể gọi đó là « một trận hòa, một đều ». Theo thông cáo chung, mục tiêu là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên nằm trên bán đảo, trong khi đó vũ khí của Mỹ ở trên không, trên máy bay, dưới nước, trong tầu ngầm và tại các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chẳng cần phải là một chuyên gia lớn mới hiểu được rằng Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân tuy cũ kỳ, tốn kém nhưng thiết yếu cho sự tồn tại chế độ mà không nhận được điều bù lại. Washington chưa sẵn sàng rút khỏi các căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do vậy, điều rất có thể xẩy ra là các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục thông qua nhiều kênh khác nhau. Hiện tại, mỗi bên đều đạt được điều gì đó : Kim Jong Un thì chứng tỏ với người dân là mình đủ mạnh để lôi Mỹ vào bàn đàm phán ; Donald Trump thì chứng tỏ với cử tri của mình là phương pháp ngoại giao của ông có hiệu quả hơn là cách làm của G7.
Như vậy theo ông, đối với Donald Trump, cũng như là Barack Obama, người tiền nhiệm, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có vẻ như không phải là ưu tiên ?
Đối với châu Âu, các mối quan hệ này luôn luôn chiếm vị trí hàng đầu. Nhưng với Mỹ, châu Âu chỉ là một trong số các chủ đề khác. Trên bình diện chiến lược, học thuyết của Mỹ có mục đích là không để một quốc gia nào – Đức hay Nga, một mình kiểm soát được vùng Á-Âu. Chính vì thế mà Mỹ đã can thiệp vào châu Âu năm 1917 và 1944. Tương tự, sau chiến tranh, sự trỗi dậy của Nga tại Trung Âu đã thúc đẩy Hoa Kỳ dấn thân vào Chiến Tranh Lạnh.
Sự trỗi dậy thành cường quốc của Nga và Trung Quốc gây lo ngại. Thêm vào đó là hiểm họa Bắc Triều Tiên và Trung Đông. Liệu có thể nào xảy ra một xung đột thế giới ?
Chắc là từ năm 2050 trở đi. Nhưng trước mắt thì chưa. Hãy đánh giá về sức mạnh thật sự của nước Nga : đó chỉ là sức mạnh của làng Potemkine. Nước Nga muốn làm cho mọi người nghĩ rằng họ sẽ lại trở thành Liên Xô. Thế nhưng, trên thực tế, nước Nga chỉ còn là cái bóng của mình mà thôi, bị tê liệt vì phụ thuộc vào dầu lửa, nạn tham nhũng và một loạt các vấn đề khác. Thậm chí, Nga không có khả năng xâm lược Ukraina. Sự hiện diện của Nga tại Syria giống như một chiến dịch quan hệ công chúng, quảng bá – nhằm chứng tỏ là họ tồn tại – hơn là một sự triển khai quân sự.
Về phần Trung Quốc, đúng là nước này đã phát triển về kinh tế từ 20 năm nay, nhưng không giải quyết được một vấn đề rất lớn là tình trạng bần hàn đang kìm hãm sự phát triển ; và quý vị sẽ thấy, bên ngoài vùng duyên hải, có một tỷ người nghèo khó đang sống dưới ách một chế độ độc tài luôn hoảng sợ về ý tưởng một cuộc nổi dậy của người dân. Đó là một quốc gia về thực chất là không ổn định.
Về quân sự, Bắc Kinh có những bước tiến. Nhưng tất cả chỉ là tương đối. Từ một thập niên qua, Trung Quốc muốn thống trị Biển Đông, nhưng không làm được. Do không có lực lượng thủy-lục đáng kể, Trung Quốc không thể xâm lược một nước nào. Nhật Bản, Indonesia và ngay cả nước Philippines khiêm tốn vẫn đối đầu được với Trung Quốc.
Tóm lại, Trung Quốc cũng như Nga không thể thách thức Hoa Kỳ. Chính quyền Washington phải đối mặt với những vấn đề thứ cấp, như Bắc Triều Tiên hay thế giới Hồi Giáo. Nhưng không có một mối đe dọa sinh tồn nào làm cho Hoa Kỳ « mất ngủ ». Thế giới hiện nay ổn định hơn như người ta cảm nhận thấy.
Có người dự báo sự suy tàn của nước Mỹ trong thế kỷ 21 ?
Tôi nghe thấy điều này từ nhiều năm nay. Đó là lập luận thời thượng sau chiến tranh Việt Nam ! Hoài niệm về sự thống trị của mình trong quá khứ, một số trí thức châu Âu mơ tưởng đến điều đó. Ngay khi thế giới có một vấn đề gì, phản xạ đầu tiên của họ là nhìn xem Hoa Kỳ hành động ra sao. Và ngay sau đó, họ khẳng định rằng người Mỹ thật xuẩn ngốc. Sau cùng, họ giải thích rằng nếu có quyền lực trong tay, họ sẽ làm tốt hơn Hoa Kỳ. Những người nói đến sự « suy tàn của Mỹ » bị nhầm lẫn giữa thanh danh và quyền lực.
Thanh danh của chúng tôi có thể là không hay ho và chắc chắn là có những nguyên nhân xác đáng. Điều đó không quan trọng. Còn quyền lực, đó là chuyện khác. Quyền lực dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự. Hiện nay, của cải mà nước Mỹ tạo ra chiếm tới một phần tư tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới, trong lúc dân số của chúng tôi mới chỉ xấp xỉ 300 triệu. Hơn nữa, ảnh hưởng của Mỹ lan tỏa thông qua tiếng Anh, được dùng ở khắp nơi.
Về quân sự, ngân sách quốc phòng của Mỹ lớn hơn cả ngân sách của năm hoặc sáu quốc gia gộp lại. Cần phải luôn nhớ đến một thực tế quan trọng nhưng thường bị sao lãng : đó là hiện nay, Hải Quân Mỹ làm chủ hoàn toàn ba đại dương. Một chiếc thuyền mành ở Biển Đông, một chiếc thuyền bút ở ngoài khơi bờ biển châu Phi, một chiếc tàu dầu trong vùng Vịnh Ba Tư hay một chiếc thuyền buồm du lịch ở vùng biển Caraibe, bất kể một sự di chuyển nào trên biển cũng đều bị giám sát bởi các vệ tinh của Mỹ.
Hơn nữa, các di chuyển này có thể bị ngăn chặn – hoặc được bảo vệ – bởi Hải Quân Hoa Kỳ. Ngay cả khi gộp lại, tất cả các hạm đội trên thế giới vẫn nhỏ hơn hạm đội của Hoa Kỳ. Đó là một sự thống trị chưa từng có trong lịch sử nhân loại, còn hơn cả sự thống trị của Hải Quân Hoàng Gia Anh trong thời kỳ huy hoàng nhất. Kết quả là Mỹ đủ khả năng xâm lăng các nước, nhưng không một quốc gia nào đủ khả năng xâm lăng Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách bán rất chạy mang tựa : Một trăm năm tới (nxb Anchor books) ông tiên đoán là có ba cường quốc mới trỗi dậy vào khoảng năm 2050, vậy đó là những cường quốc nào ?
Trước tiên là Nhật Bản. Theo tôi, chính Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc là cường quốc địa chính trị lớn ở vùng Đông Nam Á. Là tác nhân kinh tế hàng đầu, Nhật Bản đã xử lý tốt và thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và tái tạo lòng tin. Trong tương lai, Tokyo sẽ tiếp tục truyền thống quân sự hóa và lại trở thành một cường quốc khu vực, nhằm bù đắp sự yếu kém nội tại, đó là việc không có tài nguyên thiên nhiên.
Nhật Bản cũng muốn đối trọng với sự trỗi dậy của bán đảo Triều Tiên mà theo tôi, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thống nhất trước năm 2030. Hải quân Nhật Bản, vốn đã mạnh, sẽ được tăng cường. Trong viễn cảnh đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, chính quyền Tokyo sẽ từ bỏ điều 9 trong Hiến Pháp chủ hòa tồn tại từ 71 năm qua.
Thế cường quốc thứ hai đang nổi lên là nước nào ?
Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lịch sử, đó là cường quốc khu vực thống trị. Thế giới Ả Rập yên bình, chính là vì Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt như vậy. Trong một trăm năm gần đây, tuy nằm kẹt giữa Hoa Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp ngoại lệ. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu biết thế giới Ả Rập hơn Hoa Kỳ.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ bị bao bọc bởi một vành đai bất ổn : Trung Đông, vùng Kafkaz, Hắc Hải, vùng Balkan…Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác là phải quan tâm đến các vùng bất ổn này. Khi làm việc này, Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng ra khắp nơi : ở vùng Kafkaz, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Azerbaidjan, nước nói tiếng Thổ và ở Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện lực lượng cảnh sát, hoặc ở Bosnia.
Dự báo của ông về Ba Lan gây ngạc nhiên…
Từ thế kỷ 16 đến nay, nước này không còn là một đại cường. Nhưng tôi nghĩ Ba Lan sẽ lại trở thành cường quốc, vì hai lý do. Thứ nhất, đó là sự suy tàn của Đức. Hiện nay, kinh tế Đức vẫn quan trọng nhưng mất sự năng động vốn là đặc trưng của nước này từ hai thế kỷ qua. Hơn nữa, Đức phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và do vậy rất dễ bị tổn thương. Sau cùng, dân số Đức sẽ suy giảm trong những thập niên tới và điều này sẽ tác động đến sức sống của quốc gia này.
Yếu tố thứ hai là Nga. Nga càng gây sức ép với Ba Lan thì chính quyền Vaxava lại càng được hưởng sự trợ giúp về kinh tế và kỹ thuật của Mỹ. Các ví dụ về Israel hay Hàn Quốc – những quốc gia không hề có trọng lượng gì trong những năm 1950 – cho thấy, việc có được sự hỗ trợ của Washington vẫn luôn luôn là một lợi thế.
Ngoài ra, là quốc gia dân tộc chủ nghĩa, Ba Lan dựa vào một tầng lớp trí thức quan trọng, nhất là trong thời buổi kiến thức và tri thức có giá trị hơn mạng lưới công nghiệp cổ xưa. Bên trong khối Đông Âu, Ba Lan là nước năng động nhất, lớn nhất và tự tin nhất. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, không một nước nào tự tin hơn Ba Lan. Nếu như Ba Lan bị chỉ trích tứ phía, đó chắc chắn không phải vì nước này yếu kém.
Cách nay 10 năm, Ba Lan chẳng là gì cả. Ngày nay, nước này không thèm để ý đến Đức. Trong 10 năm tới, Ba Lan sẽ còn tiến xa. 10 năm, đó là một khoảng thời gian tốt để quan sát sự tiến triển của các quốc gia.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180628-my-nb-ba-lan-tnk-cuong-quoc-qt
Mỹ kêu gọi Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran
Trong phiên họp tại New York ngày 27/06/2018 để bàn về thể thức thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết vào tháng 7/2015, phó đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Jonathan Cohen tố cáo Teheran “liên tục vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An“. Washington lên án thái độ thù nghịch của chính quyền Iran tại Trung Đông.
Đây là phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về hồ sơ hạt nhân Iran kể từ khi chính quyền Trump thông báo rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận này hôm 08/05/2018.
Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc một lần nữa tố cáo Iran cung cấp tên lửa cho phe nổi dậy Houthi ở Yemen, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của cộng đồng quốc tế có hiệu lực từ tháng 6/2016.
Liên Hiệp Châu Âu bất đồng với quan điểm của Mỹ. Đại diện cho Bruxelles, ông Joao Vale de Almeida, đáp lại rằng “hủy một thỏa thuận hạt nhân được triển khai tốt chắc chắn không cho phép chúng ta có được vị thế tốt để đàm phán các vấn đề khác“, trong đó bao gồm các hoạt động chế tạo tên lửa của Iran và ảnh hưởng của quốc gia Hồi Giáo này ở Trung Đông.
Vào lúc Mỹ gia tăng áp lực với Iran, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, chính quyền Teheran kêu gọi người dân đoàn kết. Thông tín viên Shiavos Ghazi từ thủ đô Teheran tường trình :
Trong bài phát biểu trên truyền hình Nhà nước, tổng thống Iran, Hassan Rohani kêu gọi người dân đoàn kết trước sức ép của Hoa Kỳ.
Ông nói: Chúng ta sẽ chịu đựng nhiều khó khăn và áp lực nhưng chúng ta sẽ không nhượng bộ về độc lập, tự do và đặc trưng Hồi Giáo của chế độ chúng ta.
Tổng thống Rohani khẳng định không một người Iran có tinh thần dân tộc nào lại chấp nhận cúi đầu trước những đòi hỏi của kẻ thù là Mỹ. Đồng thời, ông Rohani tuyên bố là chính phủ của ông vẫn tiếp tục tại vị vào lúc ngày càng có nhiều lời chỉ trích nhắm vào việc quản lý kinh tế.
Trong một bức thư ngỏ, hai phần ba các nghị sĩ đã yêu cầu tổng thống Rohani phải lãnh chịu trách nhiệm về những kết quả kinh tế tồi tệ và phải thay thế những quan chức phụ trách lĩnh vực này. Quốc Hội Iran có thể bãi miễn những bộ trưởng này qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trong những tuần qua, chính quyền đang phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ ngày càng lớn. Sau cuộc đình công của một bộ phận các nhân viên vận tải đường bộ, đến lượt giới buôn bán ở khu chợ Bazar tại Teheran cũng như ở nhiều thành phố khác bãi thị, đóng cửa hàng cả hôm thứ Hai và một phần thời gian hôm thứ Ba để phản đối đồng tiền quốc gia mất giá so với đô la, làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế.
Làn sóng phẫn nộ này dấy lên vào lúc Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, lại còn gia tăng áp lực nhắm vào Iran qua việc kêu gọi tất cả các nước ngưng mua dầu hỏa của Iran sau ngày 04/11/2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180628-my-lien-hiep-quoc-trung-phat-iran-qt
VAR: Hữu dụng hay vô dụng
Sau gần hai tuần khởi tranh, VAR vẫn là một chủ đề nóng hổi và nhận được nhiều nguồn tranh luận trái chiều.
World Cup 2018 đang đi dần vào hồi kết của giai đoạn một khi chỉ còn vài trận đấu nữa là chúng ta sẽ xác định được chủ nhân của 16 tấm vé vào vòng loại trực tiếp.
40 trận đấu đã trôi qua trên tổng số 64 trận tại World Cup 2018 và không ít trận trong số 40 trận đấu đó, công nghệ lần đầu được áp dụng tại World Cup VAR ( trợ lý trọng tài điện tử) chiếm vai trò không nhỏ.
Có rất ít trận đấu kết thúc với chỉ một hay hai phút bù giờ mà phần lớn các trận đấu đều kết thúc với nhiều hơn 4 phút bù giờ, đặc biệt trong trận Bồ Đào Nha với Iran và Brazil với Costa Rica đã có tới 6 phút bù giờ – tất cả đều có lý do là trọng tài đã hơn một lần phải tham khảo VAR.
0.06: Số thẻ đỏ trung bình mỗi trận – ít nhất kể từ năm 1986.
2.81: Tỷ lệ việt vị trung bình trong một trận đấu, ít nhất trong các kỳ Wolrd Cup. Kỷ lục trước là 3.13 thiếp lập năm 1966
0.56: Tỷ lệ phạt đền trung bình trong một trận đấu, nhiều nhất kể từ năm 1966.Trong năm 2006 và 2010 hiệu số chỉ là 0.06
55.3%: Tỷ lệ số bàn thắng ghi được từ các tình huống cố định, nhiều hơn 25% so với World Cup 4 năm về trước.
Đã có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc áp dụng VAR trong trận đấu sẽ làm giảm nhịp trận đấu hay sẽ làm chặn đứng nhưng cơ hội phản công nguy hiểm.
Đức bị loại: ‘Cái chết’ được báo trước?
World Cup: “Xe tăng Đức thành xe bò”
Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt và chúng ta hãy cùng điểm lại những khoảng khắc trong trận đấu gần nhất mà VAR đóng vai trò như một”đạo diễn”.
Đó là vào thời điểm diễn ra lượt trận cuối cùng của bảng B, Bồ Đào Nha bị cầm hòa 1-1 còn Tây Ban Nha cũng bị giữ chân bởi Morocco với 4 bàn thắng chia đều cho mỗi bên.
Điều đặc biệt là chỉ trong hai trận đấu mà có tới bốn lần các vị trọng tài phải tham khảo VAR, ba lần ở Saransk và một lần ở Kalingrad:
Phạt đền cho Bồ Đào Nha: Bồ Đào Nha đang dẫn trước 1-0, Cristiano Ronaldo bị kéo ngã ngay mép vòng cấm bở Said Ezatolahi. Trận đấu vẫn được tiếp tục nhưng sau khi bóng ra khỏi đường biên, trọng tài chính Enrique Caceres đã phải kiểm tra lại quyết định của mình và sau cùng ông đã đã công nhận quả penalty cho đại diện của Châu Âu.
Pha phạm lỗi của Ronaldo: Ở khoảng thời gian giữa hiệp hai, trong một nỗ lực tranh bóng với Morteze Pouraliganj, Ronaldo đã vô tình quăng tay phải trúng miệng cầu thủ của Iran. Trọng tài Caceres một lần nữa phải tham khảo công nghệ VAR và may cho Ronaldo là anh chỉ phải nhận thẻ vàng vì được xác định là không cố ý.
Bồ Đào Nha từ chối bóng chạm tay: Trong những phút bù giờ, ở một tình huống bóng bổng trong vòng cấm, bóng đã chạm vào tay Cedric. Vị trọng tài người Uruguay đã phải mất gần hai phút để xem lại băng ghi hình, vì dù có xem trên video vẫn rất khó để nhận ra bóng đã chạm tay hay chưa. Nhưng cuối cùng thì Iran vẫn được hưởng một quả phạt đền.
Cách đó hơn 2000 km số, tại Kaliningrad:
Pha đánh gót của Aspas: Gần như cùng một thời điểm, cũng trong những phút bù giờ cuối trận, trọng tài chính Ravshan Irmatov đã quyết định xem xét lại pha đánh gót điệu nghệ của Iago Aspas khi mà trợ lý trọng tài đã căng cờ việt vị. Thế nhưng, theo kết quả mà VAR đem lại thì Aspas không hề việt vị và đội tuyển Tây Ban Nha đã có thể ăn mừng bàn thắng gỡ hòa quý giá ngay những giây cuối cùng.
Tuy nhiên cũng cùng trong hai trận đấu đó, bản thân hai vị trọng tài này cũng đã mắc những sai lầm.
Pha vào bóng bằng hai chân đầy nguy hiểm của Pique không hiểu sao đã thoát được án phạt mà chắc chắn nếu được xem lại trên băng hình, chắc chắn trung vệ đang chơi cho Barcelona sẽ phải nhận một thẻ đỏ.
Tương tự như thế, các cầu thủ Iran đã tưởng rằng mình đã được hưởng một quả penalty ngay đầu trận khi Sardar Azmoun bị xô ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài cũng từ chối xem lại băng ghi hình.
“Ngoại trừ Messi và Ronaldo”
Ngay sau trận đấu đã có rất nhiều nguồn ý kiến trai chiều phản ánh về các quyết định của hai vị trọng tài chính.
Huấn luyện viên của Bồ Đào Nha, ông Sanntos tin rằng trọng tài đã đúng “Đó là những điều bình thường của trận đấu. Trọng tài đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Chúng ta phải tôn trọng và chấp nhận quyết định đó”
Tuy nhiên ở chiều còn lại, vị huấn luyện viên của Iran, ông Carlos Queiroz cho rằng “VAR làm việc không hiệu quả” mặc dù đội ông cũng được hưởng một quả phạt đền phút cuối trận.
Queiroz nhận xét về tình huống trọng tài không truất quyền thi đấu với Ronaldo:”Bạn dừng trận đấu để xem VAR. Đã có một pha cùi trỏ. Chơi cùi trỏ là phải bị phạt thẻ đó, đó là luật. Trong luật không hề nói rằng ngoại trừ Messi hay Ronaldo cả”.
Tiền vệ của Morocco Faycal Fajr nói thêm:” VAR không được sử dụng khi chúng tôi yêu cầu trong trận đấu với Bồ Đào Nha, nhưng nó lại được sử dụng để chống lại chúng tôi trong bàn gỡ hòa của Tây Ban Nha. Mặc dù vậy, chúng tôi không muốn phải tìm hiểu lý do”.
Các chuyên gia họ nói gì:
Cựu tiền đạo tuyển Anh Alan Shearer phát biểu ngay sau trận đấu: “Thật hỗn loạn và khôi hài. Vị trọng tài trong trận đấu này đã thực sự may mắn. Nếu Iran ghi được bàn thắng quyết định ở phút cuối trận thì thực sự là một mỡ hỗn độn. Trọng tài hôm nay thật vô vọng.”
“Làm sao mà ông ta có thể quyết định rằng đấy là một quả Penalty?”
“Bạn đang thi đấu tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh và dường như VAR vẫn chỉ đang trong quá trình thử nghiệm và điều đó là không đúng.”
World Cup 2018: Những hành vi kỳ quặc của Maradona
Peru hạ Úc 2-0, Pháp hòa Đan Mạch 0-0
Lượt cuối Bảng A, B: kịch tính đến phút chót
Cựu tiền đạo của Chelsea và Bờ Biển Ngà Didier Drogba cũng thêm vào: “Tôi là người ủng hộ VAR vì công nghệ này có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ được nhều điều, nhưng đồng thời cũng sẽ mang lại nhiều điều gây tranh cãi. Chúng ta sẽ còn phải nghĩ xem làm cách nào để cân bằng lại được vấn đề này.”
“Hẳn các bạn đã xem trọng tài đã mất bao nhiêu thời gian để tham khảo. Tất cả đều đã cho là đấy không phải một quả phạt đền vì trọng tài chính đã phải xem đi xem lại rất nhiều lần nhưng cuối cùng ông ấy vẫn công nhận”.
“Điều gây tranh cãi ở đây là trọng tài vẫn là người đưa ra quyết định nên dù thế nào ông ấy vẫn sẽ là người bị phê bình.”
Cựu hậu vê cánh của Manchester City và Argentina Pablo Zabaleta bình luận: “Tôi thích VAR và nếu mọi thứ đều đúng thì thật tuyệt vời. Điều mà tôi không thích đó là hành vi của các cầu thủ. Họ diễn quá nhiều. Chỉ một va chạm nhỏ mạ họ lộn mấy vòng trên sân rồi than vãn với trọng tài.”
Đây chỉ là một trong những tình huống tiêu biểu được chọn ra từ hai trận đấu nổi bật nhất – vẫn còn những trận đấu, những tình huống khác mà chúng ta sẽ mãi đưa ra để tranh luận về tính khả dụng của VAR.
Chắc chắn sẽ mất một khoảng thời gian nữa VAR mới có thể hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn nhưng chắc chắn có một điều là không có gì hoàn hảo một cách tuyệt đối được cả.
Dư luận nói gì về VAR:
Trả lời phỏng vấn của BBC Sport, rất nhiều cổ động viên đã đưa ra những góp ý cá nhân:
Rhys: “Cá nhân tôi cho rằng, mỗi đội trưởng nên có ba quyền sử dụng VAR trong mỗi trận đấu. Nếu bạn phung phí nó thì chúc may mắn… Bạn sẽ phải đưa ra quyết định có sử dụng hay không hay giữ lại để dành cho các tình huống 50/50. Đó là quyết định của bạn.”
Colin Macdougal:”Tôi cho rằng VAR được mang vào sử dụng hơi sớm, nên để dành tới năm 2022 vì chúng ta cần phải xem xét xem nó có thành công hay không từ giờ cho đến lúc đó.”
Neil Holloway: “VAR thật tệ, với số phút mà nó sử dụng, nhưng điều thảm hại hơn ở kỳ World Cup này là các cầu thủ. Họ ngã xuống, lăn lộn tay thì ôm mặt còn cơ thể thì đang diễn trò. Liệu họ có biết rằng trông họ rất thảm hại không? Họ đang phá hủy bóng đá.”
Amosgyan: “Sau khi xem trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Iran, nếu nói VAR là tương lai của bóng đá thì tôi sẽ từ bỏ. Đó không còn là môn thể thao mà tôi yêu thích nữa. Không còn thú vị và thật nhàm chán. Một thảm họa. Bóng đá đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất.”
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44645757
Đức bị loại: ‘Cái chết’ được báo trước?
Huy BùiGửi đến BBC từ Sài Gòn
Đương kim vô địch Đức đã không thể bảo vệ danh hiệu sau khi không vượt qua được vòng bảng, thậm chí đứng cuối bảng khi bại trận 2 bàn không gỡ trước Hàn Quốc vào hôm qua, 27/06.
Các hãng thông tấn, truyền thông và báo giới đồng loạt gọi đây là bất ngờ lớn nhất của World Cup 2018 cho đến thời điểm hiện tại, trong khi các tờ báo lớn của Đức gọi thành tích tệ hại của đội nhà là ‘nỗi nhục lớn nhất’ trong thành tích tham dự World Cup.
World Cup: “Xe tăng Đức thành xe bò”
Đức 2-1 Thụy Điển và đẳng cấp nhà vô địch
Tuy nhiên, việc Đức bị loại ngay tại vòng bảng hay nếu được đi tiếp, có thể thua cuộc ở trận tiếp theo, gần như là ‘cái chết’ được báo trước, theo như phân tích của giới chuyên môn bóng đá dựa vào những điểm sau.
Chiến thuật không hiệu quả
Đội hình của Đức ở World Cup 2018, so với bốn năm trước đây, các trụ cột vẫn được giữ nguyên, chỉ bổ sung các nhân tố trẻ thay cho các vị trí đã giải nghệ hoặc quá lớn tuổi.
Về mặt chiến thuật, HLV Joachim Low đã gần như thụt lùi khi áp dụng các bài bản và miếng đánh không hiệu quả và thiếu linh hoạt.
Nếu ở World Cup 2014, Đức thành công rực rỡ và giành chức vô địch khi các đối thủ phải vất vả kìm cặp các tiền đạo được bố trí đá cao nhất như Ozil, Gotze, Klose, hay thậm chí Thomas Muller, tạo điều kiện cho Thomas Muller (khi được bố trí đá lùi) và các chân sút từ tuyến hai ghi được nhiều bàn thắng giúp Đức đi đến vòng cuối cùng thì ở World Cup lần này, chiến thuật của ông Joachim bị phá sản hoàn toàn.
Trong hai trận vòng bảng, Đức sử dụng lối chơi dùng một trung phong cắm duy nhất là Timo Werner, để Thomas Muller đá tiền đạo cánh bó vào trung lộ với ý đồ chớp thời cơ ghi bàn khi các hậu vệ đối phương mải hút theo tiền đạo cao nhất của Đức.
Chỉ sử dụng một bài duy nhất, Đức đã để đối phương ‘bắt bài’ dễ dàng. Trận cuối thua Hàn Quốc 0-2, Đức vẫn áp dụng ‘miếng đánh’ này, chỉ có thay đổi làThomas Muller dự bị, nhưng cũng không khá hơn.
World Cup 2014, chiến thuật của Đức linh động hơn nhiều và luôn có sự biến đổi tuỳ từng trận, khi lần lượt Muller, Ozil, hay Klose được đá cao nhất, khiến đối phương không thể có sự chuẩn bị trước và khó có giải pháp đối phó.
Không phải ngẫu nhiên mà ở World Cup 2014, riêng Muller có đến 5 bàn thắng và Đức có đến năm cầu thủ ghi được 3 và 2 bàn thắng, trong khi ở World Cup 2018, Đức chỉ ghi được 2 bàn sau ba trận, trong đó 1 bàn từ tình huống cố định.
Ngay sau trận thua trước Mexico, các chuyên gia bóng đá của BBC và Sky Sport đã tỏ ý lo ngại và cảnh báo về lối chơi và chiến thuật của Đức cho thấy sự không hiệu quả và dễ bị đối phó khi ý đồ của ông Joachim quá lộ liễu và quá phụ thuộc vào tiền đạo ‘ảo’ Thomas Muller.
Rất tiếc, sự cảnh báo này không được HLV đội tuyển Đức cân nhắc và có sự điều chỉnh.
Bất ngờ hay ‘cái chết’ được báo trước
World Cup: Hai trận thư hùng ở bảng E
World Cup 2018: Những hành vi kỳ quặc của Maradona
Việc Đức bị loại ngay từ vòng bảng, trong khi cửa đi tiếp gần như chắc chắn do trận cuối gặp đối thủ Châu Á là Hàn Quốc, được cho là đội yếu nhất bảng, hiển nhiên là một bất ngờ lớn nhất của World Cup 2018, nhưng ở góc độ nào đó, kết quả này gần như đã được ‘báo trước’.
Sự báo trước này đã được các chuyên gia bóng đá và các trang phân tích chuyên môn đề cập đến ngay sau trận Đức thua Mexico, khi lối đá cũng như chiến thuật mà nhà đương kim vô địch áp dụng đã bị đội bóng Bắc Mỹ hoá giải dễ dàng, thậm chí còn nhiều lần phản công hiệu quả khiến ‘cỗ xe tăng’ vất vả chống đỡ và bị thủng lưới trong một đợt bị phản công.
Các phân tích đã chỉ ra Đức đang quá phụ thuộc và HLV Joachim Low đã quá ‘nuông chiều’ và tin tưởng vào học trò cưng Thomas Muller để khi tiền đạo này bị bắt chặt thì Đức bị tịt ngòi và không có phương án dự phòng.
Bên cạnh đó, các chân sút tuyến hai như Ozil, Kroos, Reus… đều thi đấu sa sút và không tỏ ra nguy hiểm cho đối phương, nhưng Đức lại không có phương án dự phòng hiệu quả.
Nếu bốn năm trước, khi Đức bế tắc hoặc trong trận cầu đinh gặp Brazil, Đức có phương án hai là Miroslav Klose rất hiệu quả, có thể ghi bàn và hiện đang là cầu thủ giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất tại các kỳ World Cup, thì phương án dự phòng của Đức lần này là Mario Gomez lại là sự thất bại lớn.
Ngoài ra, các phân tích cũng nói về việc HLV Joachim Low vẫn áp dụng lối chơi dâng cao hai hậu vệ biên để tấn công, cũng là một tính toán sai khác đã được báo trước.
Ngay trong trận đầu gặp Mexico, phương án này đã thất bại hoàn toàn và dù đã bị truyền thông chỉ trích rất nhiều, Đức vẫn không có sự điều chỉnh và thay đổi.
Các cảnh báo này đã thành sự thật khi trong trận cuối gặp Hàn Quốc, Đức bế tắc hoàn toàn trước lối chơi lăn xả và phòng ngự chặt số đông của đối phương, để rồi thủng lưới hai lần khi dính đòn phản công.
Mặc dù đã để học trò cưng Thomas Muller ngồi dự bị trong trận quyết định, sau các chỉ trích gay gắt của truyền thông và giới phân tích, sự điều chỉnh của HLV Joachim Low vẫn không hiệu quả vì chiến thuật vẫn giữ nguyên.
Nếu có đi tiếp thì Đức cũng không có bài gì mới vì qua vòng bảng Nhà đương kim vô địch đã thể hiện sự cứng nhắc và sức ì, trái với một đội Đức tràn đầy sinh lực và biến ảo khôn lường trong lối chơi của bốn năm trước.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44641857
Bị đe dọa nổ bom,
Nga sơ tán các địa điểm tổ chức World Cup
Cảnh sát Nga sáng thứ Tư cho biết họ đã nhận được nhiều đe dọa có bom tại thành phố Rostov-on-Don, nơi đăng cai các trận đấu World Cup, khiến các quán bar và nhà hàng trên khắp thành phố phải di tản.
Reuters dẫn thông báo của cảnh sát địa phương cho biết: “Vào ngày 26 tháng 6, cảnh sát đã nhận được một loạt điện thoại báo có chất nổ tại các địa điểm ở Rostov-on-Don”.
“Lực lượng cảnh sát đã thực hiện tất cả các công tác kiểm tra cần thiết và không tìm thấy có gì nguy hiểm”, tuyên bố cho biết thêm. “Hiện tại, tất cả các địa điểm đều trở lại hoạt động bình thường”.
Do ngày càng bị cô lập trên toàn cầu nên Nga cố tận dụng World Cup để đưa ra một hình ảnh về sự ổn định và sự hùng mạnh của mình. Các nhà chức trách cam kết sẽ tổ chức sự kiện an toàn, và bất kỳ sự cố an ninh nào liên quan đến người hâm mộ đều có thể nguy hại cho những nỗ lực của Moscow.
Một cảnh sát tại khách sạn Topos Congress ở Rostov-on-Don, nơi đã được sơ tán hôm thứ Ba, cho biết 16 địa điểm đã được sơ tán trên toàn thành phố, xem như một phần của cuộc diễn tập.
Ở phía bên kia của thành phố, một người quản lý tại nhà hàng Ý Luciano cho biết nhân viên đã được yêu cầu sơ tán khỏi tòa nhà trong khoảng hai giờ sau khi nhận được đe dọa nổ bom.
Xe cứu thương cũng đến khách sạn Topos Congress.
FIFA không bình luận ngay về việc này.
Thành phố Rostov-on-Don cách thủ đô Moscow 955 km (593 dặm) về phía nam. Thành phố này cho đến nay đã tổ chức 4 trận đấu World Cup, trong đó có trận Croatia thắng Iceland 2-1 hôm thứ Ba. Trận đấu tiếp theo tại thành phố này sẽ diễn ra vào thứ Hai.
Rostov-on-Don chỉ cách biên giới của Nga với miền đông Ukraine một đoạn ngắn, nơi phe nổi dậy do Moscow hậu thuẫn vẫn giao tranh với quân đội Ukraina kể từ năm 2014. Khoảng cách gần gũi của thành phố này với nơi xảy ra xung đột cũng đã gây ra những quan ngại về an ninh trước giải đấu.
Khách sạn Topos Congress được FIFA liệt kê là một khách sạn chính thức phục vụ World Cup, nhưng không có đội nào trong số các đội tranh tài đang ở đó, Reuters dẫn các tài liệu chính thức cho biết.
Cảnh sát tại hiện trường cho biết khách sạn đã được sơ tán do bị đe dọa có bom và chó đã được đưa tới để tìm chất nổ trong tòa nhà, một nhân chứng cho Reuters biết.
An ninh đã thẩm vấn những người đi đường ở bên ngoài khách sạn, cạnh xe cấp cứu và một nhóm khoảng 60 khách phải sơ tán và không được phép trở lại vào tòa nhà.
Mùa hè năm ngoái, Nga đã hứng chịu một đợt đe dọa bom, gây gián đoạn doanh nghiệp và các tòa nhà công cộng ở các thị trấn và thành phố trên khắp đất nước.
Tổng cục An ninh liên bang Nga cho biết hồi tháng 10, họ đã xác định được 4 công dân Nga đứng đằng sau chiến dịch lừa đảo. 4 người này sống ở nước ngoài và sử dụng dịch vụ điện thoại internet để đe dọa nặc danh.