Tin khắp nơi – 28/05/2017
Châu Âu không yên lòng sau chuyến thăm của Trump
Tối 27/5, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống Mỹ đã thành công. Tuyên bố này được viết trên Twitter vào lúc nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bay về Washington “sau 9 ngày rất hiệu quả”.
Phản ứng của châu Âu – đặc biệt là ở hai thủ đô lớn là Berlin và Paris – về chuyến thăm của ông Trump lại rất khác so với mô tả của Tòa Bạch Ốc; và người ta không dùng từ “thành công”.
Các quan chức châu Âu nói các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hiện tại không đoàn kết hơn so với thời điểm trước khi ông Trump đến, và họ tin rằng châu Âu sẽ phải hành động độc lập hơn nữa – điều mà họ đã tiên liệu sau khi ông Trump được bầu.
Đối với họ, Washington không còn là đồng minh có thể trông cậy được nữa. Và đó cũng là quan điểm của phần lớn báo chí châu Âu. Các tít báo trong tuần đã cung cấp thông tin đối lập lại lời mô tả của Tòa Bạch Ốc về các cuộc họp G7.
Người châu Âu đã hy vọng chuyến thăm của ông Trump có thể cài đặt lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị xáo trộn do việc ông được bầu làm tổng thống. Họ hy vọng rằng tổng thống Mỹ sẽ được thuyết phục và nhìn thế giới thông qua con mắt của họ nhiều hơn. Nhưng từ Brussels đến Sicily, có những nụ cười gượng gạo, những sự lúng túng, và những rạn nứt không cần che giấu về một loạt vấn đề – từ thương mại, di dân cho đến các lệnh trừng phạt đối với Nga, và biếnđổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo và các quan chức châu Âu phàn nàn với giới truyền thông rằng ông Trump và các cố vấn của ông không biết gì về các dữ kiện cơ bản, đặc biệt là thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Các quan chức Đức nói với Süddeutsche Zeitung rằng ông Trump và các phụ tá của ông đều có ấn tượng là Mỹ có các thoả thuận thương mại riêng biệt với từng quốc gia EU.
Tờ Le Monde của Pháp đã cáo buộc ông không đưa ra một tuyên bố rõ ràng khẳng định lại Điều 5 của Hiệp ước NATO, theo đó đảm bảo hỗ trợ nhau trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang. Tờ báo cũng chỉ trích việc rao giảng với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc chia sẻ gánh nặng tài chính.
Giới truyền thông châu Âu hôm 27/5 tập trung sự chú ý vào độ ngắn gọn của tuyên bố chung khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 dài 2 ngày ở Sicily. Tuyên bố chỉ dài hơn 5 trang, so với 32 trang hồi năm ngoái. Nhiều cây viết xã luận cho rằng điều này thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác.
Việc ông Trump từ chối tái khẳng định hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế phát thải khí nhà kính đã trở thành các tít báo lớn liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily. Các nhà bình luận châu Âu lưu ý rằng nhìn chung các tư tưởng đã không tìm được nhiều điểm chung về vấn đề này.
Báo chí Italia ghi nhận sự thất vọng của Thủ tướng Paolo Gentiloni khi ông nỗ lực tìm cách đạt được sự ủng hộ của Mỹ cho một mối quan hệ hợp tác mới giữa các quốc gia G7 và châu Phi liên quan đến viện trợ và đầu tư nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua vùng Địa Trung Hải.
Các tờ báo châu Âu giờ đây gọi G7 là G6+1.
Các báo dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel phát biểu khi hội nghị thượng đỉnh gồm lãnh đạo các quốc gia tiên tiến nhất thế giới về kinh tế sắp bế mạc.
Bà nói: “Cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu thật khó khăn, nếu không nói là không đạt yêu cầu. Ở đây, chúng tôi có tình huống là sáu nước chống lại một, có nghĩa là vẫn không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ vẫn còn tham gia hiệp định Paris hay không”.
Jon Henley, phóng viên chuyên mảng các vấn đề châu Âu của tờ Guardian, đã đánh giá về chuyến đi của ông Trump: “May sao, chuyến đi có lẽ đã trôi qua không có thảm hoạ nào, nhưng chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu run rẩy”.
http://www.voatiengviet.com/a/chau-au-khong-yen-long-sau-chuyen-tham-cua-trump/3874461.html
Trump công kích truyền thông đưa tin về xáo trộn ở Bạch Ốc
Tổng thống Donald Trump đã trở lại với cuộc sống quen thuộc ở Washington hôm 28/5. Ông công kích báo giới đưa tin về sự xáo trộn bên trong Tòa Bạch Ốc cũng như cuộc điều tra về các phụ tá của ông và mối liên hệ của họ với Nga.
Vào buổi sáng đầu tiên sau chuyến đi kéo dài 9 ngày tới Trung Đông và Châu Âu, ông Trump đã đăng một số bài ngắn từ tài khoản Twitter của ông, tuyên bố rằng chuyến đi của ông “là một thành công lớn của Mỹ. Làm việc vất vả những đạt những kết quả lớn”.
Tuy nhiên, ông nhanh chóng chuyển sang chỉ trích giới truyền thông chính thống của Hoa Kỳ như ông vẫn làm lâu nay.
Ông Trump bày tỏ: “Theo ý kiến của tôi, nhiều vụ thông tin rò rỉ từ Tòa Bạch Ốc là những lời dối trá do giới truyền thông #FakeNews bịa ra”.
Ông viết tiếp: “Bất cứ khi nào quý vị thấy những từ như ‘các nguồn tin cho hay’ trên giới truyền thông đưa tin thất thiệt, và họ không nêu tên, rất có thể là những nguồn tin này không tồn tại mà do những kẻ viết tin thất thiệt bịa ra. #FakeNews là kẻ địch!”
Khi trở lại Mỹ sau nhiều ngày tham gia các sự kiện quốc tế, ông Trump và các phụ tá Tòa Bạch Ốc đối mặt với viễn cảnh là cuộc điều tra dài hàng tuần, hàng tháng về mối quan hệ của họ với các quan chức Nga khi ông Trump tranh cử tổng thống, cũng như về lời cáo buộc của đảng Dân chủ đối lập là ông đã cố cản trở công lý và hạn chế cuộc điều tra.
Con rể Jared Kushner của ông Trump, một cố vấn chủ chốt của Tòa Bạch Ốc, là một tiêu điểm mới của cuộc điều tra. Ông Kushner kết hôn với Ivanka, con gái của Trump. Cô này cũng là một cố vấn của tổng thống.
Trong khi ông Trump ở nước ngoài, báo chí Mỹ nói rằng ông Kushner đã cố thiết lập một kênh liên lạc mật với các quan chức Moscow ở thời điểm vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức vào cuối tháng 1.
Ông Trump thường xuyên bác bỏ việc ban vận động tranh cử của ông có liên hệ với Moscow. Ông gọi đó là một lý do bịa đặt của đảng Dân chủ để giải thích về chiến thắng gây bất ngờ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bách Ốc trước đối thủ bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-cong-kich-truyen-thong-dua-tin-ve-xao-tron-bach-oc/3874495.html
2 người chết trong vụ thóa mạ chủng tộc ở Oregon
Hôm 26/5, trên một đoàn tàu chạy chặng ngắn ở Portland, thuộc bang Oregon miền tây Hoa Kỳ, hai hành khách đã thiệt mạng và người thứ ba nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi họ cố ngăn chặn một người đàn ông khác thóa mạ sắc tộc và tôn giáo đối với ở hai phụ nữ trẻ có vẻ là người Hồi giáo. Một trong số hai phụ nữ có mang khăn trùm đầu hijab.
Cảnh sát cho hay hôm 27/5 họ sẽ điều tra về những gì được xem ý thức hệ cực đoan của người đàn ông Oregon được xác định danh tính là Jeremy Joseph Christian. Người này bị cáo buộc đã đâm hai hành khác kể trên.
Thị trưởng thành phố Portland Ted Wheeler cho biết chính quyền sẽ có biện pháp bảo vệ tất cả mọi người.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng để đảm bảo rằng mọi người thuộc mọi chủng tộc và sắc tộc đều được an toàn trong thành phố của chúng tôi. Hiện nay có quá nhiều hận thù trên thế giới, và quá nhiều bạo lực. Bầu không khí chính trị hiện thời của chúng ta trao quá nhiều không gian cho những người truyền bá niềm tin mù quáng. Những lời lẽ hung bạo có thể dẫn đến bạo lực. Tất cả những lãnh đạo dân cử ở Mỹ, tất cả những người có lương tâm tốt phải làm việc với chủ ý thay đổi cuộc đối thoại chính trị của chúng ta”.
Christian đã đâm ba nam hành khách, giết chết một người tại hiện trường, người thứ hai chết tại bệnh viện, và người ba bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Hai người phụ nữ đã rời tàu trước khi cảnh sát đến.
Christian, một kẻ có tiền án 35 tuổi, đang bị cảnh sát giam giữ. Hắn ta bị bắt không lâu sau vụ tấn công hôm 26/5 và đang bị giam ở Nhà tù Quận hạt Multnomah với cáo buộc về các tội giết người dã man, cố sát, hăm dọa và tàng trữ vũ khí khi chưa hết tiền án.
Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, CAIR, đã ra tuyên bố nói họ quy trách nhiệm về sự gia tăng các vụ chống Hồi giáo cho những lời lẽ chống di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump
http://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-chet-trong-vu-thoa-ma-chung-toc-o-oregon/3874397.html
Gần 100 lính Afghanistan bị giết trong một tuần
Một kẻ thâm nhập thuộc Taliban đã bắn chết 6 lính chính phủ ở miền nam Afghanistan, đưa số binh sĩ và nhân viên cảnh sát bị các phần tử phiến quân giết trong tuần vừa qua lên gần 100.
Các quan chức Afghanistan cũng như phía phiến quân nói vụ việc của “kẻ nội gián” xảy ra trong đêm tại một tiền đồn an ninh ở tỉnh Zabul. Trong vụ này, một nhân viên cảnh sát đã quay súng bắn các đồng nghiệp.
Kẻ này đã bắn chết sáu cảnh sát, bao gồm cả viên chỉ huy đồn. Truyền thông Afghanistan dẫn lời các quan chức địa phương nói tay súng sau đó đã tái gia nhập Taliban và giao đồn cho phiến quân kiểm soát.
Taliban trong tuần qua đã tấn công một số căn cứ và cơ sở quân sự của Afghanistan, đặc biệt là ở các tỉnh miền nam bất ổn, giết chết và gây thương tích cho nhiều binh sĩ thuộc các lực lượng an ninh.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Afghanistan nói lực lượng chính phủ cũng đã gây ra thương vong nặng nề cho Taliban trên chiến trường để trả đũa.
http://www.voatiengviet.com/a/gan-100-linh-afghanistan-bi-giet-trong-mot-tuan/3874509.html
Mỹ không đồng thuận với khối G-7 về biến đổi khí hậu
Trong một diễn biến chưa từng có, một thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc đã dành một vị trí riêng biệt cho Mỹ để nước này có lập trường khác với lập trường chung của các nước còn lại ở một vấn đề lớn.
Trong một bản thông cáo cuối cùng được tiết giảm, tất cả các quốc gia G-7, ngoại trừ Mỹ, đều tuyên bố sẽ hành động để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.
“Hoa Kỳ đang trong quá trình duyệt lại những chính sách về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris và do đó không ở trong vị thế có thể tham gia sự đồng thuận về những chủ đề này,” thông cáo viết. “Hiểu được quá trình này, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh cùng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Ủy hội Châu Âu tái khẳng định lại cam kết mạnh mẽ của họ nhanh chóng thực thi Thỏa thuận Paris.”
Thông cáo này cho biết Mỹ cần “thêm thời gian” để quyết định liệu họ có rời bỏ thỏa thuận mang tính bước ngoặt này hay không để giảm thiểu phát thải carbon do các đại diện của 195 quốc gia đồng ý vào hai năm trước.
“Tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về Thỏa thuận Paris vào tuần sau!” Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter từ Sicily trong tài khoản cá nhân của mình lúc gần kết thúc bữa trưa làm việc của G-7.
“Tôi đã nói với Donald Trump rằng việc Mỹ tiếp tục tham gia trọn vẹn trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris là điều thiết yếu,” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói thỏa thuận khí hậu quan trọng đến mức không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về nó.
“Toàn bộ cuộc thảo luận về khí hậu là rất khó khăn, nếu không nói là gây bất mãn,” nhà lãnh đạo Đức nói với các phóng viên. “Không có chỉ dấu nào cho thấy Mỹ sẽ ở lại trong Thỏa thuận Paris hay không.”
“Đã có sự trao đổi quan điểm rất thẳng thắn về chủ đề này,” Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump cho biết.
Nhưng ông Trump có đồng ý về ngôn từ trong thông cáo ở phần nói về thương mại, rằng ông nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ mặc dù ông thường nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” trong vấn đề thương mại.
Trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại Căn cứ Không quân Sigonella, Tổng thống không nhắc tới bất kỳ bất đồng nào với sáu quốc gia khác, nói rằng hội nghị thượng đỉnh là “cuộc họp mang lại nhiều kết quả hết sức to lớn” và “chúng tôi kết bạn với rất nhiều người trong tuần này.”
Trong một biến khác cũng trái với truyền thống G-7, Tổng thống Mỹ đã không tổ chức họp báo sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất không nói chuyện với báo giới.
Thay vào đó, ông Cohn và cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, Tướng H.R McMaster, ra trình bày với nhóm phóng viên tháp tùng Nhà Trắng, nhưng camera không được phép ghi hình họ.
http://www.voatiengviet.com/a/my-khong-dong-thuan-voi-khoi-g7-ve-bien-doi-khi-hau/3873903.html
British Airways thông báo hoãn chuyến bay
British Airways khuyến cáo có thể sẽ có trì hoãn hoặc hủy chuyến bay một ngày sau khi có lỗi công nghệ thông tin (IT).
Lỗi IT vào hôm thứ Bảy ảnh hưởng khiến hầu hết các chuyến bay đến và đi từ các sân bay Heathrow và Gatwick.
Hàng ngàn hành khách bị ảnh hưởng trong khi một số người có lên được máy bay thì lại không có hành lý.
Hãng hàng không này nói họ sẽ bồi thường chi phí hợp lý cho các hành khách và hỗ trợ hành khách đặt lại chỗ.
Được biết gián đoạn sẽ vẫn tiếp diễn trong ngày thứ Hai, là ngày nghỉ lễ ở Anh.
Hành khách được khuyến cáo kiểm tra thông tin chuyến bay tại website www.ba.com before trước khi tới sân bay. Heathrow Airport đang cập nhật thông tin trên trang web của sân bay này và Gatwick cũng vậy.
Cho tới nay 42 chuyến bay đã rời Heathrow và 29 chuyến bị hủy.
Tại Gatwick, 19 máy bay đã rời phi trường và một chuyến đi Amsterdam bị hủy.
Hàng ngàn hành lý gửi bị tắc nghẽn tại sân bay Heathrow Airport, nhưng British Airways khuyến cáo hành khách không quay lại lấy mà họ sẽ gửi tới cho khách.
Có tin về việc một số hành khách rời Heathrow vào hôm thứ Bảy nhưng hành lý gửi không tới nơi họ hạ cánh.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40076562
Ukraina :
Macron tuyên bố đối thoại ”không khoan nhượng” với Putin
Ngày thứ hai 29/05/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được Pháp đón tiếp một cách trọng thể tại cung điện Versailles. Trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, tổng thống Emmanuelle Macron tuyên bố là sẽ có những « đòi hỏi khắt khe » với chủ nhân điện Kremlin về hồ sơ Ukraina, cũng như đã có những « trao đổi không khoan nhượng » với tổng thống Mỹ về khí hậu. Tân lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp, qua cuộc thử lửa ngoại giao đầu tiên, muốn chứng tỏ có khả năng đóng vai trò chủ động trên các hồ sơ quốc tế.
Từ Taormina, đặc phái viên Valérie Gas phân tích :
« Trong buổi họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, Emmanuel Macron đã ca ngợi khả năng biết lắng nghe và tinh thần thực tế của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguyên thủ Pháp còn nói rằng ông tin tưởng là Donald Trump sẽ khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng cũng cho biết ông không muốn bình luận về quyết định mà tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đưa ra trong những ngày tới.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến ý nghĩa tích cực của thượng đỉnh G7, bởi chỉ mới đây thôi Hoa Kỳ đã muốn rời bỏ Thỏa thuận về khí hậu.
Emmanuel Macron nhấn mạnh đến cơ chế của thượng đỉnh giữa bảy quốc gia phát triển là thuận lợi và hiệu quả, cho phép các nhà lãnh đạo thảo luận trực tiếp. Rõ ràng nguyên thủ Pháp muốn ưu tiên đối thoại và trao đổi hơn là đối đầu. Đây là phương pháp mà ông sẽ triển khai trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin vào ngày mai tại Paris.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết là ông sẽ có một cuộc ‘‘đối thoại khắt khe’’ với tổng thống Nga, bởi nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là hồ sơ Syria, sẽ không thể được giải quyết, nếu không có một cuộc trao đổi không khoan nhượng với Matxcơva ».
Trả lời phỏng vấn tuần báo chủ nhật Journal Du Dimanche, 28/05/2017, khi được hỏi về cú «bắt tay » như đọ sức với Donald Trump, mà báo chí Mỹ bình luận suốt hai ngày qua, tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông cố tình làm như thế. Đó là « thời điểm của sự thật », là « tín hiệu » để đối tác biết rằng mình dứt khoát không nhượng bộ cho dù chỉ là « một hình ảnh tượng trưng ».
Đọc thêm : Cái bắt tay rắn chắc của Macron khi gặp Trump khẳng định đẳng cấp lãnh đạo cường quốc
Tổng thống Macron xác định nghệ thuật của ngoại giao là đối thoại chứ không phải là dùng lời lẽ thô lỗ để áp đảo. Những người như « Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hay tổng thống Nga Vladimir Putin suy nghĩ theo « logic » tương quan lực lượng », tuy nhiên, tôi không để cho họ lấn lướt và như thế họ phải tôn trọng mình, tổng thống Pháp kết luận.