Tin khắp nơi – 28/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 28/01/2019

Kamala Harris chính thức

khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống 2020

Thượng nghị sĩ Kamala Harris chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử tổng thống 2020 hôm 27/1 tại quê nhà Oakland, với lời hứa bà sẽ đấu tranh “vì nhân dân”, và lời tuyên bố rằng “đã đến lúc phải khôi phục những giá trị Mỹ đã mai một dưới quyền Tổng thống Donald Trump”, theo CNN.

“Chúng ta có mặt ở đây là vì Giấc mơ Mỹ, và nền dân chủ của chúng ta đang bị đe dọa và tấn công hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử,” thượng nghị sĩ đại diện cho bang California nói. “Chúng ta ở đây vào thời điểm này là bởi vì chúng ta phải trả lời một câu hỏi cơ bản. Chúng ta là ai? Chúng ta là ai trong tư cách là người Mỹ? Cho nên, hãy trả lời câu hỏi đó cho thế giới và cho mỗi người chúng ta, ngay tại đây, và ngay bây giờ. Nước Mỹ: chúng ta tốt hơn là như thế này. “

Ám chỉ tuyên bố bài ngoại của ông Trump, các chính sách của ông ở biên giới và quyết định đóng cửa chính phủ để đòi tiền tài trợ cho bức tường biên giới để rồi không đạt được điều ông mong muốn, TNS Harris được CNN trích lời nói “những người nắm quyền lực đang cố thuyết phục chúng ta rằng kẻ xấu trong câu chuyện Mỹ của chúng ta, là chính chúng ta.”

“Nhưng đó không phải là câu chuyện của chúng ta. Câu chuyện đó không nói lên bản chất của chúng ta. Đó không phải là nước Mỹ của chúng ta”. Nói như vậy nhưng TNS Harris nhưng không hề nhắc đến tên của ông Trump. Bà phát biểu: “Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ không phải là phe chúng ta chống lại phe kia … Tôi ra tranh cử để trở thành một Tổng thống của nhân dân, do dân, và vì dân.”

“Nếu có cái vinh dự được trở thành tổng thống của quý vị, tôi sẽ nói điều này: Tôi không hoàn hảo. Thượng đế biết tôi không hoàn hảo. Nhưng tôi sẽ luôn luôn nói lên những lời tử tế, dựa trên những quy tắc rõ ràng về đạo đức. Tôi sẽ đối xử với tất cả mọi người bằng lòng tôn trọng, và tôn trọng nhân phẩm của họ. Tôi sẽ lãnh đạo với sự chính trực. Và tôi sẽ nói lên sự thật.”

TNS Harris không đi sâu vào chi tiết về những khả năng tiềm ẩn của bà để trở thành một ứng cử viên có thể làm nên lịch sử trong tư cách một phụ nữ da đen, vận động để được Đảng Dân chủ đề cử đại diện cho đảng ra ứng cử chức vụ Tổng thống, theo CNN.

Thay vào đó, bà tập trung vào nhu cầu dân Mỹ phải đoàn kết vào một thời điểm khi mà đất nước đang bị phân cực sâu sắc. Bà cho rằng trong khi người Mỹ có những khác biệt về ý thức hệ, chủng tộc và sắc tộc, họ phải đoàn kết để giải quyết những thách thức chung.

Phát biểu trước tiền đình Tòa thị chính tại thành phố Oakland, nơi treo một lá cờ Mỹ khổng lồ, chung quanh là những màn hình khổng lồ chiếu nhiều góc cạnh của đám đông, chen lẫn với ảnh chụp phương châm chiến dịch tranh cử của bà – “Kamala Harris vì nhân dân”, các ủng hộ viên được yêu cầu dùng điện thoại text chữ “Fearless” (không sự hãi) gửi đến một số điện thoại của chiến dịch, để nói lên sự ủng hộ của mình.

Bước lên sân khấu, bà nói: “Trái tim tôi ngay lúc này đang đầy ắp”, “Tôi rất tự hào là một người con của thành phố Oakland, bang California”, nữ TNS nói khi bà đề cập đến những hoạt động dân quyền của cha mẹ – di dân từ Ấn Độ và Jamaica tới Hoa Kỳ để “theo đuổi giấc mơ Mỹ”. “Cuộc đấu tranh cho công lý là trách nhiệm của tất cả mọi người.”

Chiến dịch tranh cử của TNS Harris tổ chức một cuộc diễu hành tại Frank H. Ogawa Plaza. Bà Harris đã trải qua thời thơ ấu với mẹ và chị ở Berkeley. Gia đình bà chuyển tới Montreal trong những năm bà học cấp hai và cấp ba sau khi mẹ bà tìm được một công việc nghiên cứu y khoa ở đó, nhưng nhiều người lên phát biểu đều đề cập đến gốc rễ Oakland của bà, trong đó Thị trưởng Oakland Libby Schaaf. Bà Schaaf cho biết bà quyết định ủng hộ TNS Harris vì “bà Harris có một cá tính mạnh mẽ phi thường”.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước cuộc diễu hành, bà Schaaf miêu tả Thượng nghị sĩ Kamala Harris là “ứng cử viên phù hợp cho thời điểm này trong lịch sử nước Mỹ”.

“Oakland chắc chắn là một nơi thử thách một người,” bà Schaaf nói. “Nhưng thành phố này cũng sở hữu những giá trị đúng đắn, và tôn vinh tính đa dạng … Khi đến ở Oakland, bạn là một chiến binh và đấu tranh cho những giá trị đúng đắn.”

Trong bài phát biểu hôm 27/1, TNS Harris trực tiếp trả lời một số lời chỉ trích từ những thành phần cấp tiến về quá trình hoạt động của bà trong cương vị một công tố viên cho quận hạt San Francisco, và sau đó tổng chưởng lý bang California.

Trong tua giới thiệu sách của mình hồi đầu tháng 1 năm nay, TNS Harris đã tự giới thiệu với cử tri trong tư cách một “công tố viên có lập trường cấp tiến”, một người luôn tự coi là mình có thể làm nhiều hơn để khắc phục những bất công xã hội đặc biệt đối với người da màu, từ bên trong hệ thống.

Một tuần sau khi đối mặt với những phân tích bất lợi về quá trình của bà, do giảng viên luật Đại học San Francisco Lara Bazelon, cựu giám đốc của Dự án Luật Loyola bênh vực Người vô tội –trong một bài xã luận đăng trên New York Times, TNS Harris làm mới những nỗ lực của mình bằng cách tạo nên hình ảnh bản thân là người nỗ lực đấu tranh cho một “hệ thống tư pháp hình sự công bằng hơn” từ bên trong.

TNS Harris cho biết bà bắt đầu sự nghiệp trong tư cách một công tố viên trẻ tại Tòa án Hạt Alameda, nơi bà phát động chiến dịch tranh cử tổng thống. Đây là nơi lần đầu tiên bà dùng cụm từ – “Kamala Harris, vì mọi người”, giờ đã trở thành khẩu hiệu của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 của bà.

https://www.voatiengviet.com/a/kamala-harris-chinh-thuc-khoi-dong-chien-dich-tranh-cu-thong-thong-2020/4762134.html

 

Hoa Kỳ cảnh cáo Maduro

‘không được đụng tới Guaido’

Hoa Kỳ cảnh báo Venezuela rằng bất kỳ đe dọa nào gửi đến các nhà ngoại giao Mỹ hoặc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido sẽ kích hoạt những ”phản ứng quan trọng”.

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói rằng bất kỳ sự ”đe dọa” nào sẽ là một ”công kích đối với pháp trị”

Lời cảnh báo của ông diễn ra vài ngày sau khi Hoa Kỳ và hơn 20 quốc gia khác công nhận ông Giaido là tổng thống lâm thời của Venezuela.

Trong khi đó, ông Guaido kêu gọi các cuộc biểu tình chống chính phủ từ người dân vào thứ tư và thứ bảy.

Guaido, chủ tịch Quốc hội đang do phe đối lập kiểm soát, tuyên bố mình là tống thống lâm thời vào ngày 23 tháng 1.

Khủng hoảng chính trị ở Venezuela ngày càng thêm căng thẳng khi phe đối lập tiếp tục nỗ lực để truất quyền Tổng thống Nicolas Maduro.

Ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của mình vào đầu tháng này, một cuộc bầu cử bị tẩy chay bởi phe đối lập và bị cáo buộc gian lận phiếu bầu, dẫn đến các cuộc biểu tình.

Chủ nhật vừa qua, tùy viên quân sự của Venezuela ở Hoa Kỳ, Đại tá Jose Luis Silva đã đào thoát khỏi chính quyền Maduro, nói rằng ông công nhận Guaido là tổng thống.

Không lâu sau, ông Bolton đã lên Twitter để làm rõ lập trường của Washington, cảnh báo các bên về bất kỳ hình thức ”bạo lực và đe dọa” nào.

Cũng trên Twitter, ông Guaido kêu gọi một cuộc biểu tình “ôn hòa” diễn ra trong hai giờ vào thứ tư, và một cuộc ”tập hợp trong và ngoài nước” hôm thứ bảy.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Một số quốc gia ở châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Anh nói rằng họ sẽ công nhận luôn ông Guaido là tổng thống nếu bầu cử không xảy ra trong tám ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Maduro đã từ chối, và cho rằng tối hậu thư cân phải được rút lại.

Ông Maduro cũng cho rằng ông sẵn sàng ”tham gia đối thoại” với những bên phản đối ông. Ông nói rằng ông đã nhiều lần viết thư cho Tổng thống Trump, mặc dù ông nghĩ rằng Tổng thống Hoa Kỳ ”khinh thường chúng tôi”.

Ông Maduro chấm dứt quan hệ với Hoa Kỳ trong ngày thứ năm vừa rồi sau khi Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ ông Guaido, và ra lệnh các đặc sứ ngoại giao của Mỹ rời Venezuela ngay lập tức trong vòng 72 giờ đồng hồ tiếp theo.

Tuy nhiên, khi thời hạn sắp hết vào tối thứ bảy vừa qua, bộ Ngoại giao Venezuela cho biêt sẽ rút lệnh trục xuất, và thay vào đó cho phép 30 ngày để hai bên thiết lập các ”văn phòng lợi ích” ở nước sở tại.

Cùng lúc đó, ông Guiado nói với Washington Post rằng ông đang làm việc với một số quan chức quân đội ở Venezuela để xây dựng sự ủng hộ cho nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ai ủng hộ ông Maduro?

Nga, Trung Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng công khai ủng hộ ông Maduro.

Tuy nhiên, hơn mười hai quốc gia Latin và Canada đã lên tiếng ủng hộ ông Guaido.

Ở châu Âu, chính phủ thiên tả của Hy Lạp ủng hộ ông Maduro.

Venezuela đang lấn sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, siêu lạm phát cũng như thiếu thốn về lương thực đã khiến hàng triệu người bỏ chạy.

Ông Maduro vấp phải nhiều sự phản đối từ nội bộ và chỉ trích quốc tế vì các vi phạm nhân quyền và cách điểu khiển kinh tế của mình.

Ông được bầu lại vào nhiệm kỳ thứ hai của mình trong năm ngoái, tuy nhiên cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi, khi nhiều ứng viên phe đối lập bị bỏ tù hoặc cấm tranh cử.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47033329

 

Dầu hỏa Venezuela,

con dao hai lưỡi trong tay Hoa Kỳ

Thanh Hà

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận chính quyền Juan Guaido hôm 23/01/2019, ngay sau chủ tịch Quốc Hội Venezuela tuyên bố đảm nhiệm luôn cả chức vụ tổng thống tại quốc gia dầu hỏa này.

Washington đang nghiên cứu khả năng ban hành một số biện pháp mới trừng phạt chế độ Maduro. Nhưng khác với trường hợp của Iran, Nhà Trắng đã không vội vã ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa Venezuela trong lúc các nhà chiến lược Mỹ thừa biết rằng, vận mệnh Venezuela nằm trong tay phe nào kiểm soát được quân đội và dầu hỏa.Vậy phải chăng đối với Venezuela, chính quyền Trump chơi trò giơ cao đánh khẽ để trấn an công luận bề ngoài ?

Tại sao chính quyền Trump vốn không che giấu ý đồ lật đổ tổng thống Nicolas Maduro ở Caracas lại không thẳng tay đánh vào túi tiền của chế độ này ? Nhất là khi hỏa bảo đảm đến 90 % nguồn thu nhập cho Venezuela. Mỹ lại là khách hàng quan trọng số 1 của Caracas. 40 % xuất khẩu dầu hỏa của Venezuela là để bán sang Hoa Kỳ. Bài toán tưởng chừng quá đơn giản đối với Washington : có gì dễ hơn là dùng lá bài dầu hỏa để giáng một đòn chí tử vào chế độ Maduro, và bước kế tiếp, trở thành điểm tựa thực sự cho tổng thống tự phong Juan Guaido ?

Có ít nhất hai lý do khiến ngay cả một nhà lãnh đạo nóng tính như Donald Trump cũng phải dè chừng.

Về kinh tế, nếu cấm vận dầu hỏa Venezuela, Hoa Kỳ bị thiệt hại không kém. Đành rằng không bán được dầu hỏa cho Washington, Caracas sẽ điêu đứng, nhưng trên thực tế, hai quốc gia thù địch này lại rất cần có nhau : Mỹ cần dầu thô của Venezuela, dù muốn hay không Hoa Kỳ vẫn còn phải nhập dầu của thế giới. Thêm vào đó, cấm nhập dầu của Venezuela sẽ làm phương hại trực tiếp đến các hãng lọc dầu của Mỹ trong vùng Vịnh Mêhicô, hoạt động nhờ nhập khẩu hàng trăm ngàn thùng dầu Venezuela mỗi ngày. Thống kê gần đây nhất cho thấy, mỗi ngày Venezuela vẫn xuất khẩu 500.000 thùng dầu thô sang Hoa Kỳ.

Một chuyên gia về dầu hỏa của Mỹ được đài truyền hình CNN trích dẫn cho rằng, tẩy chay dầu thô của Venezuela sẽ đẩy giá dầu trên thị trường Hoa Kỳ lên cao và thậm chí còn đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ.

Mùa hè 2017 vào lúc căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Caracas đang cao trào, thì một tập đoàn dầu hỏa của Mỹ tại bang Oklahoma vẫn ký hợp đồng hơn 1 tỷ đô la với Venezuela để đổi lấy quyền khai thác 200 giếng dầu trong vòng ba năm.

Điểm thứ nhì cần lưu ý là về mặt ngoại giao, Mỹ và Venezuela là hai quốc gia thù địch, nhưng ngành công nghiệp dầu lửa của hai quốc gia này lại đan xen chặt chẽ với nhau.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA qua công ty con là Citgo đang làm chủ nhiều hãng lọc dầu và cả một hệ thống đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ Mỹ, đặc biệt là tại các bang Texas, Lousianna và Illinois. Hiện tại, khoảng 4.000 công nhân Mỹ làm việc cho Citgo và có trên 5.000 trạm xăng ở Mỹ là của tập đoàn dầu khí Venezuela này. Một nguồn tin được bản tin của AFP ngày 16/11/2017 trích dẫn còn tiết lộ, Citgo từng trích nửa triệu đô la để đóng góp cho quỹ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức của Donald Trump hôm tháng 01/2017. Tương tự như hai ông khổng lồ trong ngành dầu khí của Mỹ là Chevron và ExxonMobil , Citgo nằm trong danh sách 20 tập đoàn đóng góp nhiều nhất cho quỹ này.

Bên cạnh hai yếu tố vừa nêu, còn có một thực tế không thể chối cãi, đó là theo thẩm định của Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Khẩu Dầu Hỏa, nguồn dự trữ vàng đen của Venezuela còn lớn hơn cả Ả Rập Xê Út và chỉ một điểm này thôi, cũng đủ để chính các tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ và các cố vấn Nhà Trắng phải cân nhắc kỹ trước khi trừng phạt Caracas. Sau cùng, trong số các nước châu Mỹ La Tinh, Venezuela vốn có tinh thần bài Mỹ rất nặng, chính quyền Washington cũng cần thận trọng với quốc gia này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190128-dau-hoa-venezuela-con-dao-hai-luoi-trong-tay-hoa-ky

 

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan (TQ)

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vừa thông báo, hải quân nước này đã điều hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 24/1/2019.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Tim Gorman nói với CNN rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell và USNS Walter S. Diehl “thực hiện việc trung chuyển thường lệ qua eo biển Đài Loan”.

Theo Gorman, việc này thể hiện “cam kết của Mỹ đối với một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở”. Ông khẳng định, “hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu bè hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”.

Hồi tháng 10 và tháng 11/2018, hải quân Mỹ cũng điều 2 tàu đi qua eo biển Đài Loan. Ngoài ra họ còn làm điều tương tự vào tháng 7/2018. Trước đó, các hoạt động này của Mỹ chỉ diễn ra một lần mỗi năm.

Eo biển Đài Loan – nằm giữa hòn đảo Đài Loan và đại lục Trung Quốc, là một điểm nóng địa chính trị tiềm tàng trong bối cảnh Bắc Kinh muốn thống nhất hòn đảo về dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.

Trong khi đó, đầu tháng 1/2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cung cấp một báo cáo cho rằng Trung Quốc đã thực hiện một loạt cải cách quân sự quan trọng, có thêm công nghệ mới.

Báo cáo cho biết, do Bắc Kinh dự báo sẽ có thế lực nước ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan nên Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hướng tới việc phát triển một loạt hệ thống vũ khí để răn đe và ngăn ngừa đối thủ.

Trung Quốc cắt giảm lớn nhân sự lục quân để hiện đại hóa quân đội VOV.VN – Quân đội Trung Quốc cắt giảm ồ ạt nhân sự khối lục quân trong khuôn khổ hiện đại hóa thích ứng với tác chiến thế kỷ 21.

Tướng Li Zuocheng – thành viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, được cho là đã nói với Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson như sau: “Nếu ai đó cố tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ sự thống nhất quốc gia, chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.

Vào đầu tháng 1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Đài Loan từ bỏ khả năng tuyên bố độc lập để theo đuổi “thống nhất hòa bình” với Trung Quốc . Ông Tập nói thêm rằng “chúng tôi không hứa hẹn từ bỏ sử dụng vũ lực”.

Đáp lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng hòn đảo Đài Loan sẽ “không bao giờ chấp nhận” công thức “một nước hai chế độ” với Trung Quốc.

Đô đốc Mỹ Richardson đã nói với những người đồng cấp Trung Quốc rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi và Mỹ vẫn “phản đối bất cứ hành động đơn phương nào của mỗi bên eo biển có khả năng biến đổi hiện trạng”.

http://biendong.net/diem-tin/26080-tau-chien-my-di-qua-eo-bien-dai-loan-tq.html

 

Quân đội Mỹ – Trung liên tiếp nắn gân nhau

trên eo biển Đài Loan

Gần đến ngày diễn ra cuộc đàm phán cấp cao Lưu Hạc – Robert Lighthizer tại Washington để giải quyết tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, quan hệ hai nước không những không dịu đi mà còn nóng lên bởi Mỹ chuẩn bị yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu – CFO của Công ty Huawei và đặc biệt là việc Mỹ đưa tàu chiến đi dọc eo biển Đài Loan để thực thi “quyền tự do hàng hải” ngay sau khi Trung Quốc cho máy bay chiến đấu và tàu chiến hoạt động xung quanh Đài Loan.

Mỹ bất ngờ đưa hai tàu chiến vào eo biển Đài Loan sau khi quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động quanh Đài Loan.

Theo trang tin Đông Phương, sáng ngày 24.1, Trung Quốc đã cho nhiều chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay ném bom H-6 cất cánh từ các sân bay ở miền Nam Trung Quốc vượt qua eo biển Bashi (nằm giữa phía Nam Đài Loan và Bắc Philippines, nối Biển Đông với Thái Bình Dương) để huấn luyện, sau đó lại quay về theo đường bay cũ. Cùng thời gian đó, một biên đội tàu chiến gồm các tàu hộ vệ tên lửa lớp 054A Vu Hồ, Hàm Đan và tàu tiếp tế hậu cần 903A Đông Bình Hồ cũng hoạt động ở phía Đông bờ biển Đài Loan.

Ngay sau đó, trong sáng 24.1, Mỹ đã cho 2 tàu chiến đi vào eo biển Đài Loan từ phía Nam ngược lên phía Bắc. Tim Gorman, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho báo chí biết: tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo USS McCampbell và tàu tiếp tế hậu cần USNS Walter S. Diehl đã thực hiện một hoạt động định kỳ theo quy định của luật quốc tế tại eo biển Đài Loan. Được biết, khu trục hạm mang tên lửa USS McCampbell vừa tham gia cuộc diễn tập chung hải quân hai nước Mỹ – Anh trên Biển Đông hồi tuần trước.

Ông Tim Gorman nói: “Hai chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan chính là thể hiện sự cam kết của Mỹ về vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực thi hành động hàng hải và hàng không tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép”.

Trong năm 2018 vừa qua, tàu chiến Mỹ đã 3 lần đi dọc eo biển Đài Loan – vùng biển nằm giữa đảo Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến. Trước đó, mỗi năm tàu Mỹ thường chỉ vào khu vực biển nhạy cảm này 1 lần. Lần gần nhất mới đây là vào ngày 28.11, hai khu trục hạm mang tên lửa USS Stockdale, DDG-106 và tàu tiếp tế hậu cần USNS Pecos, T-AO-197 đã đi qua eo biển Đài Loan trong một hoạt động mang tính định kỳ.

Trung Quốc luôn mạnh mẽ phản đối việc Mỹ cho tàu chiến đi vào bên trong eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố: “Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung – Mỹ. Chúng tôi nhắc nhở phía Mỹ tuân thủ nguyên tắc Một nước Trung Quốc và quy định trong 3 bản Thông cáo chung Trung – Mỹ, thận trọng xử lý ổn thỏa vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh tổn hại đến quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình ổn định của eo biển Đài Loan”.

Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo cho rằng: “Các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan tuy hợp pháp, nhưng là động thái khiêu khích Trung Quốc. Phía Trung Quốc trước hết không nên quá tức giận về việc này, đồng thời cần khách quan đánh giá mức độ nguy hại của hành động này đối với Trung Quốc. Không khoanh tay ngồi nhìn nhưng cũng không xem xét vấn đề quá nặng để tránh bị người Mỹ dắt mũi”.

Cách đây không lâu, một tướng chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ đã ngầm cho thấy sắp tới có thể cho tàu sân bay đi dọc eo biển Đài Loan. Hãng Reuters hôm 18.1.2019 đưa tin, Đô đốc John Richardson, Bộ trưởng Hải quân Mỹ cùng ngày đã nhắc nhở quân đội Trung Quốc: nếu trên biển bất ngờ đụng đầu nhau thì cần tuân thủ các chuẩn tắc quốc tế để đảm bảo an toàn.

Reuters cho biết, ông John Richardson đã nói với các phóng viên như trên tại Tokyo. Ông còn nói, việc đưa tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan vẫn là một sự lựa chọn của hải quân Mỹ, cho dù Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật quân sự.

Trong thời gian ông John Richardson ở thăm Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là một trọng điểm bàn luận giữa ông với các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc. Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15.1 thông báo: trưa 15.1, tướng Lý Tác Thành , Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung Quốc đã hội kiến Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Richardson tại tòa nhà Bát Nhất – trụ sở của Quân ủy Trung Quốc.

Theo trang tin Đa Chiều, tối 23.1, Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) đã lần đầu tiên phát đoạn video mô tả cảnh phóng thử loại tên lửa hiện đại “Sát thủ tàu sân bay” Đông Phong-26 (DF-26) – loại tên lửa được quảng cáo có tốc độ siêu nhanh và siêu cơ động. DF-26 được trình làng lần đầu tại lễ duyệt binh kỉ niệm 70 năm ngày “kháng chiến thắng lợi” 3.9.2015. DF-26 có tầm bắn xa nhất 5.000km, mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có thể dùng tấn công các mục tiêu trên đất liền và tàu hạng trung đến tàu sân bay trên biển, là loại tên lửa thứ 2 dùng để đánh tàu sân bay sau DF-21. Năm 2015, báo chí Trung Quốc tiết lộ tốc độ bay của DF-26 đạt tới 18 Mach (18 lần vận tốc âm thanh tức 22,050km/h), được coi là “không thể đánh chặn”.

Việc Trung Quốc công bố đoạn video phóng thử DF-26 có thể được coi là nhằm đáp trả ý kiến của Đô đốc John Richardson về việc đưa tàu sân bay vào eo biển Đài Loan. Đồng thời, việc Mỹ cho hai tàu chiến vào thực hiện “tự do hàng hải” tại eo biển Đài Loan ngay sau đó cũng có thể được hiểu là Mỹ không chùn bước trước sự đe dọa của Trung Quốc.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26086-quan-doi-my-trung-lien-tiep-nan-gan-nhau-tren-eo-bien-dai-loan.html

 

Cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và TQ

sẽ sớm được “hâm nóng”

Phát biểu tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Soros đưa ra lời cảnh báo về tình trạng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hôm thứ Năm, trong một cuộc phỏng vấn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, tỷ phú George Soros đã đưa ra lời cảnh báo về Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang chìm trong “một cuộc chiến tranh lạnh có thể sớm sẽ trở thành chiến tranh nóng.”

Ông đưa ra bình luận ngay tại thời điểm các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tình trạng suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế, diễn ra cùng lúc với cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm.

Nhắc đến quyết định của ông Trump về việc coi Trung Quốc là một đối thủ “mang tính chiến lược” vào cuối năm 2017, ông Soros cho rằng phương pháp này là “quá đơn giản”.

Ông nói: “Một chính sách hiệu quả đối với Trung Quốc không thể chỉ là câu khẩu hiệu. Nó phải tỉ mỉ, chi tiết và thiết thực hơn. Hơn nữa, trong đó còn phải có những phản hồi về kinh tế của Mỹ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường.”

Soros là nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ và có quan điểm đối lập với Tổng thống Trump, ông phát biểu trong bữa tối tại WEF – Davos, Thuỵ Sĩ.

Ông nói thêm: “Đáng tiếc rằng, Tổng thống Trump dường như đang đi theo một hướng khác. Đó là nhượng bộ với Trung Quốc và tuyên bố mình là người chiến thắng trong khi vẫn đang thực hiện những “đòn” tấn công với các đồng minh của Mỹ. Việc này có thể làm suy yếu mục tiêu chính sách của Mỹ trong việc kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.”

Cho đến thời điểm này, Washington và Bắc Kinh đã mặc kẹt trong một cuộc chiến với nhiều lần đáp trả qua lại trong vài tháng. Quyết định “ngừng bắn” đã được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi tháng 12 và hai bên đồng ý sẽ tổ chức đàm phán vào ngày 2 tháng 3 tới đây. Các quan chức hai bên dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Davos ở thời điểm này, tạo bước đệm cho việc đi đến một thoả thuận thương mại.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã đột ngột huỷ bỏ chuyến đi của phái đoàn Mỹ tới Thuỵ Sĩ vào tuần trước với lý do chính phủ đóng cửa. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Liu He, sẽ tới Mỹ để thảo luận với các quan chức Mỹ ở Washington.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới cho biết: “Nếu ông Tập và ông Trump không còn nắm quyền, một cơ hội cho sự hợp tác giữa hai siêu cường sẽ được mở ra.”

Cũng phát biểu tại sự kiện này, doanh nhân người Mỹ gốc Hungary này cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình là “kẻ thù nguy hiểm nhất” đối với những ai tin vào một xã hội mở bởi việc sử dụng công nghệ AI để giám sát công dân.

http://biendong.net/bi-n-nong/26084-cuoc-chien-tranh-lanh-giua-my-va-tq-se-som-duoc-ham-nong.html

 

Gói giảm thuế 1,5 nghìn tỷ đô la của Mỹ

 không thúc đẩy được doanh nghiệp

Gói thuế cắt giảm 1,5 nghìn tỷ đôla của chính quyền Trump dường như không có tác động lớn đến kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc tuyển dụng của các doanh nghiệp, theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố một năm sau cuộc thay đổi lớn về thuế khóa của Hoa Kỳ trong hơn 30 năm.

Cuộc thăm dò điều kiện kinh doanh hàng quý của Hiệp hội Kinh tế Quốc gia (NABE) được công bố hôm thứ Hai (28/1) cho thấy rằng trong khi một số công ty báo cáo tăng tốc đầu tư vì thuế doanh nghiệp thấp hơn, 84% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không thay đổi kế hoạch kinh doanh, so với con số 81% trong cuộc khảo sát được công bố vào tháng Mười năm ngoái.

Nhà Trắng trước đó dự đoán rằng gói kích thích tài khóa khổng lồ, được đánh dấu bằng việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, sẽ thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư và tăng trưởng công việc. Việc cắt giảm thuế có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018.

Chủ tịch NABE Kevin Swift nói: “Phần lớn cách doanh nghiệp được hỏi, 84%, cho biết rằng một năm sau khi gói giảm thuế được thông qua đã không thúc đẩy các doanh nghiệp này thay đổi kế hoạch tuyển dụng hoặc đầu tư.”

Tuy nhiên, mức thuế thấp hơn đã có tác động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, với 50% số doanh nghiệp được hỏi trong ngành này nói công ty của họ đã mở rộng đầu tư, và 20% cho biết họ đã chuyển hướng tuyển dụng và đầu tư từ nước ngoại trở về lại Hoa Kỳ.

Khảo sát của NABE cũng cho thấy sự chậm lại trong chi tiêu kinh doanh sau khi doanh số giảm mạnh vào quý 3 năm 2018. Các kế hoạch chi tiêu vốn đã giảm trong tháng 1 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2017. Kỳ vọng về chi tiêu vốn trong ba tháng tới cũng suy yếu.

Ông Swift nhận xét: “Có ít công ty hơn tăng chi tiêu vốn so với thời điểm cuộc khảo sát vào tháng 10, nhưng việc cắt giảm đầu tư dường như tập trung nhiều vào cơ cấu hơn là vào công nghệ thông tin và truyền thông.”

Theo khảo sát, tăng trưởng việc làm được cải thiện khiêm tốn trong quý 4 năm 2018 so với quý 3. Chỉ hơn một phần ba số công ty được hỏi cho biết việc làm gia tăng tại các công ty của họ trong ba tháng qua, tăng 31% so với cuộc khảo sát tháng 10.

https://www.voatiengviet.com/a/g%C3%B3i-gi%E1%BA%A3m-thu%E1%BA%BF-1-5-ngh%C3%ACn-t%E1%BB%B7-%C4%91%C3%B4-la-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-c%C3%A1c-doanh-nghi%E1%BB%87p/4761886.html

 

TT Trump ‘lại đóng cửa chính phủ, nếu cần’

Chánh văn phòng Nhà Trắng hôm 27/1 nói rằng Tổng thống Trump sẵn sàng đóng cửa chính phủ lần hai hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu Quốc hội Mỹ không thông qua khoản tiền xây tường trên biên giới theo yêu cầu của ông.

Ông Trump ký dự luật chi tiêu hôm 25/1, mở cửa chính phủ cho tới ngày 15/2, sau kỷ lục 35 ngày đóng cửa, theo AP.

Hãng tin này dẫn lời ông Mick Mulvaney nói trong chương trình “Face the Nation” của kênh CBS rằng mục tiêu của ông Trump là làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ.

XEM THÊM:

Trump loan báo thỏa thuận ngừng đóng cửa chính phủ

Ông nói thêm rằng ông Trump không muốn đóng cửa lần nữa, nhưng sẽ thực hiện, nếu cần.

Chánh văn phòng Nhà Trắng nói rằng cựu ngôi sao truyền hình thực tế “sẵn lòng làm bất kể điều gì để bảo vệ biên giới”.

Trong khi đó, theo Reuters, các cơ quan chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng suốt 5 tuần qua đang nhanh chóng xúc tiến tái mở cửa trở lại và trả khoản tiền lương mà các nhân viên không nhận được trong khi chính quyền liên bang đóng cửa.

Hãng tin Anh dẫn một nghiên cứu cho biết rằng khoản tiền trả nợ lương cho các nhân viên liên bang lên tới 6 tỷ đôla.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-l%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-n%E1%BA%BFu-c%E1%BA%A7n-/4760971.html

 

Venezuela: Hành trình từ “đại gia” Nam Mỹ

 thành con nợ khổng lồ của Nga, TQ

Nếu giá dầu tăng, ông Maduro có thể sẽ duy trì được tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng một lần nữa, những tài sản này sẽ thuộc về các chủ nợ và họ sẽ quyết định tương lai của Venezuela.

Ngày 24/1/2019, Mỹ chính thức công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, và đồng thời phủ nhận quyền tổng thống của ông Nicolas Maduro – người lãnh đạo đất nước Venezuela từ năm 2013. Liên minh Châu Âu, Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ và một số nước khác cũng thừa nhận ông Guaido.

Ông Maduro, tiếp nối ông Hugo Chavez (nắm quyền từ năm 1998 đến năm 2013), đã “thành công” trong việc biến nền kinh tế của quốc gia giàu có nhất Mỹ La tinh thành nước nghèo nhất khu vực chỉ sau 5 năm.

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng ngày hôm nay có tới 90% dân số sống trong nghèo khó, lạm phát đạt mốc 1,3 triệu %, 3 triệu người rời khỏi đất nước, phần lớn cư dân phải nhịn đói, 26.000 người bị sát hại hồi năm ngoái, và Venezuela thậm chí còn phải nhập khẩu dầu mỏ thay vì sản xuất.

Chuyện này đã xảy ra như thế nào?

Dưới thời ông Chavez

Những năm 1990, ông Hugo Chavez kiên trì theo đuổi một kế hoạch dài hơi nhằm phổ biến mô hình mà ông xây dựng ở Venezuela trên khắp Mỹ La tinh nhằm hiện thực hóa “giấc mơ lớn”: trở thành cường quốc cân bằng lại thế lực của Mỹ. Ông Chavez dường như tin rằng nước Mỹ có liên quan trong vụ đảo chính năm 2002 nhằm vào chính phủ Venezuela.

Sau cuộc đảo chính quân sự thất bại và thụ án tù giam vào năm 1992, ông Chavez trúng cử tổng thống vào năm 1998. Sau đó, ông khởi động cuộc cách mạng Bolivar, tái tổ chức lại chính phủ và xã hội bằng cách cung cấp dịch vụ, hàng hóa miễn phí và nhiên liệu cho người nghèo.

Ông Chavez tái quốc hữu hóa các doanh nghiệp dầu mỏ tư nhân của Venezuela dưới thời chính quyền cũ để tiếp quản các nguồn doanh thu. Ngoài ra, ông Chavez cũng khuyến khích và tạo cơ hội cho người dân tự điều hành chính quyền địa phương dưới sự kiểm soát của chính phủ. Những người ủng hộ ông Chavez được gọi là “Chavinistas”.

Ông Chavez đã tìm kiếm cơ hội để lan truyền quan điểm tới các quốc gia trong vùng. Năm 2004, ông Chavez đã thành lập Liên minh Bolivar bao gồm Cuba, Bolivia, Nicaragua và Ecudor.

Năm 2005, ông Chavez thành lập Tổ chức Hợp tác năng lượng Caribbean (PetroCaribe) để bán dầu mỏ của Venezuela cho các nước Caribbean với giá thấp hơn giá thị trường. Ông Chavez còn ủng hộ Haiti với dầu giá rẻ nhằm cố gắng tạo ra một đồng minh nằm gần Florida.

Chương trình của ông Chavez hoạt động ổn định trong vài năm, nhưng các chính sách sau đó lại khiến chính quyền bị tổn hại. Ông Chavez loại bỏ những quan chức giàu kinh nghiệm, đủ năng lực và thay thế họ bằng những Chavinistas không đủ năng lực điều hành chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Các doanh nghiệp tư nhân được tiếp quản hoặc quốc hữu hóa bởi đội ngũ của ông Chavez. Cạnh tranh thị trường chững lại, và sau đó biến mất hoàn toàn. Chi tiêu không được kiểm soát, giá cả bị áp đặt. Venezuela trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì nạn tham nhũng. Tuy là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela vẫn không thể sản xuất dầu.

Năm 2010, hệ thống kinh tế bắt đầu mất đà, buộc ông Chavez tuyên bố “chiến tranh kinh tế” với nạn đói. Đà suy thoái tăng tốc cho tới năm 2013 khi giá dầu thế giới giảm 50% trong vòng 1 năm. Nền kinh tế Venezuela xuống dốc không phanh.

Ông Chavez qua đời vào năm 2013. Tuy nhiên, tổng thống này đã chọn người kế nhiệm, ông Nicolas Maduro. Từ năm 2006, ông Maduro đã lần lượt nắm chức vụ Ngoại trưởng và Phó tổng thống. Trước đó, ông từng là một tài xế xe buýt và nhà tổ chức công đoàn.

Giấc mơ sụp đổ

Sau khi nhậm chức với tỉ lệ bầu cử sít sao, ông Maduro quyết định cứu vãn Venezuela bằng việc “quyết tâm gấp đôi” theo các kế hoạch của ông Chavez.

Khi tình hình trở nên bất ổn, ông Maduro sử dụng quyền lực để đưa người ủng hộ vào các tổ chức pháp luật như Tòa án Tối cao và Quốc hội. Ông Maduro viết lại Hiến pháp để tiếp tục nắm quyền, cấm sở hữu súng. Các cuộc bầu cử trong năm 2015 và năm 2018 bị phương Tây cáo buộc là không trung thực.

Ông Maduro thường xuyên thưởng cho quân đội và cảnh sát và nhận được sự ủng hộ từ các nhóm này.

Ông Maduro nhờ Trung Quốc và Nga giúp đỡ chính phủ của mình. Nga đã cho phép 2 doanh nghiệp quốc doanh là Rosneft và Gazprom để đầu tư vào thị trường dầu mỏ Venezuela. Hiện tại, Venezuela nợ Nga 12 tỉ USD tiền thiết bị quân sự, bao gồm tên lửa, máy bay chiến đấu, xe tăng và vũ khí hạng nhẹ.

Ngoài ra, Nga cũng giúp Venezuela thông qua việc tạo đồng tiền ảo để giúp tránh khỏi cấm vận kinh tế từ chính phủ Mỹ. Gần đây, các máy bay ném bom chiến lược tiên tiến của Nga đã hạ cánh xuống Caracas với mục tiêu đe dọa Mỹ. Ông Maduro đã thăm Nga và vay thêm được 6 tỉ USD.

Về phần mình, Trung Quốc đã cho Venezuela vay hơn 50 tỉ USD trong suốt thập kỉ qua, với lí do nhằm phát triển các cơ hội thương mại. Dầu được sử dụng để trả nợ bởi tiền tệ của Venezuela gần như không có giá trị. Một công ty nhà nước Trung Quốc đã liên doanh với một công ty dầu mỏ Venezuela để tăng lợi nhuận thu về. Ông Maduro đã thăm Bắc Kinh hai lần để nhận tiền cứu trợ.

Gần như tất cả doanh thu từ dầu mỏ của Venezuela được dùng để trả nợ Trung Quốc, Nga, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và những chủ nợ khác. Đây là trường hợp điển hình cho “nợ ngoại giao”. Venezuela đang ôm khoản nợ 105 tỉ USD.

Phản ứng với khủng hoảng

Cho đến nay, Mỹ mới chỉ có những động thái mang tính tượng trưng với Venezuela. Năm 2015, tổng thống Barack Obama, tuyên bố Venezuela là mối đe dọa an ninh với Mỹ, nhưng không có động thái nào khác.

Ông Trump đã áp dụng một số cấm vận kinh tế đối với các cá nhân ở Venezuela, nhưng những cấm vận này không quá nghiêm trọng. Canada và Liên minh Châu Âu cũng có động thái tương tự.

Ông Trump đe dọa gửi binh sĩ tới đây, nhưng chuyện này sẽ khó xảy ra. Mỹ không thể tham gia vào một cuộc khủng hoảng nào khác. Trong nỗ lực phản kháng, ông Maduro đã yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi quốc gia này 72 giờ sau lời tuyên bố nhậm chức của tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido.

Nga và Trung Quốc không có động thái nào. Cả hai nước này đều có những lợi ích kinh tế và địa chính trị cần tới ông Maduro.

Phản ứng của các quốc gia khác khá nhẹ nhàng. Cho tới cuộc khủng hoảng gần đây, gần như tất cả các quốc gia đều từ chối can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia khác. Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ – bao gồm những nước quan ngại về ông Maduro và những nước ủng hộ mạnh mẽ – đều có ít ảnh hưởng.

Tương lai của Venezuela vẫn còn khá mờ mịt. Đất nước hiện đang ở trong tình cảnh cực kì đói nghèo và hỗn loạn về mặt xã hội, chính trị, kinh tế. Venezuela đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến, và thậm chí một cuộc chiến trong khu vực: Brazil, Colombia và các nước láng giềng đều không hài lòng.

Cùng lúc, ông Maduro “gom góp” sự ủng hộ từ các cường quốc trên thế giới và trong khu vực, tiếp tục kiểm soát quân đội. Vẫn có hàng triệu Chavinistas khắp nơi tạo điều kiện cho ông Maduro giữ vững quyền lực.

Tôi cho rằng nếu giá dầu tăng, ông Maduro có thể sẽ duy trì được tầm ảnh hưởng của mình. Nhưng một lần nữa, những tài sản này sẽ thuộc về các chủ nợ và họ sẽ quyết định tương lai của Venezuela.

http://biendong.net/bi-n-nong/26085-venezuela-hanh-trinh-tu-dai-gia-nam-my-thanh-con-no-khong-lo-cua-nga-tq.html

 

Venezuela : Tổng thống tự phong

kêu gọi quân đội “đứng về phía nhân dân”

Thanh Hà

Tổng thống Venezuela tự phong, Juan Guaido, tối 28/01/2019 trên đài truyền hình đã kêu gọi người dân tham gia hai cuộc tuần hành vào thứ Tư 30/01/2019 và thứ Bảy 02/02/2019 nhằm thuyết phục quân đội, điểm tựa chính của tổng thống Maduro, đứng về phía nhân dân.

Tới nay Mỹ, Canada và mới nhất là Úc đã công nhận chủ tịch Quốc Hội Venezuela Juan Guaido là tổng thống quốc gia này. Sáu nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm Anh, Pháp Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan gia hạn cho chính quyền Maduro một tuần lễ để bầu lại tổng thống.

Theo thông tín viên đài RFI từ Caracas, Benjamin Delille lời kêu gọi xuống đường của ông Guaido được người dân Venezuela mong đợi từ nhiều ngày qua.

“Từ bốn ngày qua, phe ủng hộ Juan Guaido mong đợi lời kêu gọi xuống đường. Nhưng không phải là một mà là hai cuộc vận động biểu dương lực lượng được chủ tịch Quốc Hội Venezuela thông báo.

Đợt xuống đường đầu tiên dự trù vào ngày thứ Tư sắp tới sẽ diễn ra dưới một hình thức hoàn toàn mới. Ông Guaido kêu gọi dân chúng, dù đang ở bất cứ nơi nào cũng nên ra đường đúng quãng từ 12 giờ trưa đến 2 giờ chiều. Đây sẽ không phải là một cuộc tuần hành. Mọi người không được kêu gọi tập hợp ở một địa điểm nhất định, mà chỉ đơn thuần là đi ra đường phố để thể hiện phẫn nộ. Mục đích nhằm đòi hỏi quân đội cho phép nhập khẩu thuốc men và lương thực vào Venezuela.

Tổng thống tự phong cũng cho biết tuần qua, ông đã quyên góp được trên 20 triệu đô la viện trợ nhân đạo nhưng nếu quân đội không đồng ý thì khoản viện trợ đó không qua được cửa khẩu biên giới.

Cuộc biểu dương lực lượng thứ nhì dự trù diễn ra vào thứ Bảy tuần này và sẽ tương tự như đợt xuống đường hôm 23 tháng Giêng vừa qua. Juan Guaido muốn đây sẽ là một cuộc tuần hành mang tính quốc tế, không chỉ giới hạn ở các thành phố trên lãnh thổ Venezuela mà còn cả ở tất cả những thành phố nào trên thế giới có cộng đồng người Venezuela sinh sống. Mục tiêu đề ra, một lần nữa, nhằm, xin trích “vùng lên chống lại Nicolas Maduro, người đã chiếm đoạt quyền lực”, đồng thời cuộc tuần hành rơi đúng vào lúc tối hậu thư của Liên Hiệp Châu Âu hết hạn, và điều đó có nghĩa là các quốc gia liên quan, sẽ công nhận Juan Guaido là tổng thống Venezuela”.

Kremlin bác bỏ tin đồn lính đánh thuê Nga bảo vệ Maduro

Về tin đồn Nga gửi khoảng 400 lính đánh thuê sang Venezuela bảo vệ tổng thống Nicolas Maduro, phát ngôn viên của phủ tổng thống Nga, Dmitro Peskov tối 27/01/2019 đã bác bỏ giả thuyết này. Trước đó, đại sứ Nga tại Caracas tuyên bố tin trên là một “trò hề“.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190128-venezuela-tong-thong-tu-phong-keu-goi-quan-doi-dung-ve-phia-nhan-dan

 

Về hội chứng chống Hoa Kỳ

ở Venezuela và các nước Nam Mỹ

Khủng hoảng Venezuela đang đem lại những con số, hình ảnh kinh khủng tràn ngập màn hình tin tức toàn cầu.

Quốc gia này hiện có hai tổng thống, hai quốc hội và hai trưởng công tốđối nghịch nhau.

Kinh tế Venezuela sắp ‘đặt mức’ lạm phát 10 triệu phần trăm.

Có trên 4 triệu dân Venezuela đã vượt biên, và chỉ ở một khu lều trại bên Colombia, chừng hơn 1 triệu người tỵ nạn đang sống cực khổ.

Sự phá sản của chế độ Nicolas Maduro đã rõ nhưng hiện cũng chưa rõ nếu phe Juan Guaido thắng lợi thì tình hình có dễ tiến bộ.

Vì tuy là đối thủ của nhau, hai ông Maduro và Guaido (35 tuổi), đều tôn thờ các biểu tượng của cuộc cách mạng Bolivar.

Để hiểu được các vấn đề của riêng Venezuela và rộng ra là vùng Nam Mỹ, ta cần xem chủ nghĩa Bolivar là gì.

Một triệu di dân Venezuela nhập cảnh Colombia

Venezuela: Juan Guaido, người được Donald Trump công nhận, là ai?

Venezuela: Trump cảnh báo Maduro

Chủ nghĩa Bolivar và quan điểm bài Mỹ

Simon Bolivar (1783-1830) sinh ra trong một gia đình quý tộc gốc Tây Ban Nha ở Caracas đã giành độc lập cho Venezuela, làm tổng thống Colombia (1819-30) và nhà độc tài Peru (1823-26).

Ông cũng có tham vọng lập ra Liên bang Granada độc lập ở vùng Trung và Nam Mỹ nhưng không thành, và vùng này sau chia ra thành Venezuela, Ecuador, Colombia, Bolivia, Panama và một phần Peru ngày nay.

Kinh tế Venezuela sắp ‘đặt mức’ lạm phát 10 triệu phần trăm

Chết vì lao phổi ở tuổi 47, ông để lại một di sản vĩ phức tạp mà các thế hệ sau diễn giải theo nhiều nghĩa, gồm cả ý tưởng chống Hoa Kỳ.

Cố tổng thống Hugo Chavez từng rất thích trích dẫn câu nói của Simon Bolivar:

“Hoa Kỳ tự cho họ sứ mệnh nhận từ Thượng Đế đem dịch bệnh tai quái đến cho Nam Mỹ nhân danh tự do.”

Ông Chavez hồi 1999 đã đổi tên nước Venezuela thành CH Bolivar Venezuela, gương cao ngọn cờ cách mạng khu vực chống Hoa Kỳ.

Tượng Bolivar không chỉ có ở Caracas mà còn được dựng ở Buenos Aires, Havana, México City, Panama, Paramaribo, San José, Santo Domingo, Bogotá…

Bên cạnh tinh thần dân tộc, chủ nghĩa Bolivar cũng có cả phần di sản quân phiệt (militaristic legacy), thiên về dùng bạo lực.

Sau khi chiếm được Caracas năm 1813 Bolivar cho bắt giam nhiều người và xử bắn họ không xét xử.

Quân cách mạng cũng tiêu diệt người lai thổ dân (Creole).

Tuy thế, kể từ thế kỷ 18 đến nay, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ đều tôn thờ di sản quân đội trên hết của Bolivar.

Hình ảnh ‘đàn ông đầy nam tính’ (macho) phổ biến ở Nam Mỹ cũng làm tăng tâm lý đề cao ‘caudillos‘ (thủ lĩnh, tướng quân).

Chống Mỹ vì nhiều lý do

Cựu bộ trưởng văn hóa Argentina, học giả Marcos Aguinis từng lý giải về hiện tượng bài Mỹ ở châu Mỹ La Tinh.

Theo ông, Hoa Kỳ là nền dân chủ đầu tiên ở Tây Bán Cầu và là mô hình của thể chế hiện đại, tự do, dân chủ, bao dung tôn giáo.

Các nước Nam Mỹ đều sao chép lại hiến pháp Hoa Kỳ với mong ước đạt thành tựu như vậy.

Nhưng trên thực tế, Simon Bolivar không hề bài Mỹ và rất ngưỡng mộ George Washington.

Có gốc đại quý tộc, ông chỉ đánh giá mô hình Anh Quốc với vua, Viện Nguyên lão (House of Lords) cao hơn “dân chủ bình dân” kiểu Hoa Kỳ.

Đổi lại, nước Mỹ trẻ tuổi cũng tôn trọng Bolivar và một bức tượng lớn của ông được đặt ở Central Park, New York.

Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản

Cuba: khách sạn tình yêu mở cửa trở lại

Việt Nam ‘yêu cầu Mỹ xóa cấm vận chống Cuba’

Cuba lên án chính sách đảo chiều của Trump

Nhưng sau thời Bolivar, quan hệ giữa các nước châu Mỹ La Tinh và Hoa Kỳ là “vừa yêu vừa ghét”.

Phản ứng tiêu cực

Tiếp thu di sản phong kiến của Tây Ban Nha, nhiều nước Nam Mỹ chậm phát triển hơn Mỹ và thường ‘đoàn kết’ trong cảm xúc tiêu cực với Washington.

Dù độc lập từ thế kỷ 19, cả khu vực này không trở thành trung tâm công nghệ của thế giới và sang thế kỷ 21 vẫn có nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên.

Ở các nước giáp biên giới với Hoa Kỳ như Mexico, tinh thần bài Mỹ còn có lý do lịch sử.

Cuộc chiến lập quốc của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc vùng dân cư gốc tiếng Tây Ban Nha bị đẩy dần xuống phía Nam.

Nhiều người Mexico nay cho rằng việc di dân của họ “quay trở lại Hoa Kỳ” dù bất hợp pháp, vẫn có thể lý giải được như một thứ “đòi lại công lý”.

Tự do với dân nghèo có nghĩa là đòi bình đẳng chứ không phải tự do cá nhân như cách hiểu ở Anh, Mỹ, Pháp, Canada.

Giáo hội Công giáo châu Mỹ La Tinh cũng ủng hộ tư duy ‘chống bất công’ này.

Thời Chiến tranh Lạnh, Nam Mỹ có Thuyết tự do giải phóng (Liberation Theory) được sinh viên học sinh và nhiều linh mục Công giáo, nhà truyền giáo ủng hộ.

Một số cha dòng Tên (Jesuits) còn ủng hộ các nhóm du kích vũ trang thiên tả chống lại giới chủ đất địa phương.

Trong nhiều năm, Washington thường ủng hộ các chế độ quân nhân, độc tài bản địa nên càng trở thành đối tượng của sự căm ghét.

Nhiều đảo chính quân sự của phe hữu được Hoa Kỷ ủng hộ vì sau cách mạng Cuba, Washington kiên quyết muốn ngăn ảnh hưởng của Liên Xô tại Nam Bán Cầu.

Di sản này khiến tâm lý bài Hoa Kỳ trong các giới thiên tả, sinh viên, và cả giáo hội Công giáo tại châu Mỹ La Tinh vẫn còn rất mạnh.

Bài Mỹ trong thế kỷ 21

Ngày nay, tâm lý bài Mỹ, theo Marco Aguinis viết hồi 2006, còn có nguồn gốc tự thân và mang màu sắc dân tuý.

‘Sức mạnh của ghen tỵ (power of envy) và tính phụ thuộc cũng là lý do bài Mỹ…”

Chống Mỹ còn là biểu hiện của “mâu thuẫn giữa tư duy hiện đại và chống hiện đại” và dễ thành chống bao dung và tự do ngôn luận.

Mặc dù lãnh đạo Venezuela hay lên án Mỹ, người dân của họ lại không ghét Mỹ như người Argentina, nước có đa số dân gốc Âu, theo Marco Aguinis.

Hiện còn rất sớm để đánh giá về ‘tổng thống tự phong’ Juan Guaido của Venezuela.

Có vẻ như cả phe Maduro và đối lập đều không đi xa khỏi di sản Bolivar.

Không như một số hình ảnh ‘bình dân’ mà báo chí quốc tế thích nêu ra, các lãnh đạo đối lập chống Maduro đều xuất thân từ cầm lớp cầm quyền.

Người thầy của Juan Guaido, ông Leopoldo Lopez, lãnh đạo đối lập Venezuela bị cầm tù, chính là một hậu duệ của gia tộc Bolivar.

Cụ ngoại của ông là Juana Bolivar, em gái nhà cách mạng Simon Bolivar, và Lopez cũng là cháu của tổng thống Cristóbal Mendoza.

Còn Juan Guaido sinh ra trong một gia đình trung lưu có ông là sĩ quan cao cấp trong hải quân và đã tốt nghiệp Đại học George Washington, Hoa Kỳ.

Khi tuyên thệ nhậm chức, ông Guaido đã ôm tấm hình Simon Bolivar.

Điều này khiến một tờ báo Anh nói tinh thần ‘cách mạng bạo động’ sẽ không hề bị xóa đi với phái của Guaido, và Venezuela sẽ “còn đầy xáo trộn”.

Cùng lúc, dù chế độ nào lên cầm quyền thì quan hệ mật thiết ‘vừa yêu vừa ghét’ của Venezuela với Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47002928

 

Hàn Quốc không hẳn là thiên đường

 cho giới trẻ mê K-pop

Mai Vân

Trong những năm gần đây, trào lưu K-pop xuất phát từ Hàn Quốc đã chinh phục thanh niên cả thế giới, trong đó có rất nhiều người Pháp. Quê hương của K-pop đã trở thành một nơi đầy sức quyển rũ, thu hút biết bao thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới.

Thế nhưng thực tế đôi khi không chỉ toàn màu hồng, điều đã được tạp chí Pháp Le Point đề ngày 24/01/2019 nêu bật trong bài phóng sự mang tựa đề : « Hàn Quốc, miền đất hứa của thế hệ Millennial », đặc biệt là ở Pháp.

Millennnial là thuật ngữ tiếng Anh dùng để chỉ thế hệ sinh trong những thập niên 1980, 1990 và đã trưởng thành khi nhân loại bước qua thế kỷ 21.

Đặc phái viên Le Point đã bắt đầu phóng sự bằng cách đưa độc giả đến tận Seoul, tìm hiểu về sinh hoạt của một thành phần du khách đặc thù của xứ sở kim chi : Những du khách là fan K-pop.

Ngay dưới tầng hầm một tòa nhà ở Hongdae, khu sinh viên ở Seoul, phóng viên Le Point đã tiếp xúc được với hai mẹ con người Pháp, vừa kết thúc 1 tiếng rưỡi đồng hồ học nhảy K-pop.

Người mẹ vui sướng tiết lộ : « Tôi rất mê nhảy múa. Tại đây thì tuyệt vời ». Bà theo một khóa học riêng ở trường Real K-pop Dance School, một cơ sở đã khéo biết tập trung vào lớp khách hàng vốn là những người hâm mộ K-pop đến từ 5 châu.

Chính cô con gái 15 tuổi của phụ nữ này là người đã biến mẹ mình thành fan K-pop. Cô bé giải thích : « Cách đây 3 năm, cháu khám phá ra một video của ban nhạc Hàn Quốc BTS và đã mê ngay. Cháu rất thích lối diễn xuất của họ… và họ lại rất đẹp trai ».

Thế là cô bé đã thuyết phục được gia đình đến tận Los Angeles để xem nhóm BTS trình diễn, rồi sau đó thuyết phục được gia đình đến viếng Hàn Quốc, xứ sở của nhóm thần tượng của mình. Ước mơ của cô là đến học ở Hàn Quốc một khi xong tú tài.

Tại thành phố Papeete, ở Tahiti, nơi gia đình này sinh sống, cô gái đã lập ra một nhóm girls band, mẹ của cô thì giúp thành lập một fan club Hàn Quốc trên toàn đảo. Và cả gia đình đều vui sướng với phim bộ và diễn viên Hàn Quốc.

BTS : Biểu tượng toàn cầu của K-pop

Biểu tượng của K-pop hiện nay gói trong ba chữ BTS, từ viết tắt của Bangtan Sonyeondan, nghĩa là « Hướng đạo sinh trong áo giáp chắn đạn », tên của nhóm nhạc gồm 7 chàng trai đã chinh phục trái tim của thanh niên thế giới.

Theo Le Point, có thể xem BTS là hiện thân của ban nhạc The Beatles thế hệ YouTube. BTS là nhóm K-pop đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard của Mỹ, đã thu hút khán giả chật cứng nhà hát Bercy, Paris, hai lần vào tháng 10 năm 2018. Tại Berlin, Đức, 17.000 vé đã bán hết trong vỏn vẹn 9 phút.

Với 16 triệu « người theo – followers » trên Twitter, nhóm boys band này đã vừa chiếm lĩnh trang bìa tạp chí Mỹ Time Magazine. Được công nhận là lá cờ đầu của quyền lực mềm Hàn Quốc, BTS đã tháp tùng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhân chuyến công du Pháp hay đến phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

K-pop hướng tới thế giới sau khi chinh phục châu Á

Với BTS là mũi nhọn, « làn sóng Hàn Quốc Hallyu », vốn đã chinh phục Châu Á, giờ đây đang tràn qua các vùng ngoại ô Mỹ và tỉnh thành Pháp, và đã thu hút đông đảo thanh niên đi tìm miền đất hứa Eldorado đến xứ Triều Tiên.

Ở Seoul, các công ty Pháp nhận được vô số đơn xin việc của những thanh niên muốn thực hiên ‘giấc mơ Hàn Quốc’. Lượng người Pháp đến quê hương K-pop với visa « du lịch làm việc » đã tăng 50% từ năm 2013. Số sinh viên nước ngoài đã được nhân lên 12 lần từ năm 2003 và tăng thêm 18,8% vào năm 2017. Trong một thập niên, lượng sinh viên Pháp đến Hàn Quốc đã tăng gấp 6 lần, và đứng hàng thứ hai sau Mỹ.

Còn ở các khu đaị học Pháp, thì các sinh viên kháo nhau rằng Seoul là điểm hẹn vui chơi mới. Ở Itaewon, khu chơi đêm ở Seoul, người ta còn nghe âm hưởng tiếng Pháp nơi một số người phục vụ tại các quán.

Trên các mạng xã hội, những nhóm thảo luận về K-pop hay phim Hàn Quốc nhiều không kể xiết, và bằng nhiều thứ tiếng.

Sự lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc đã bắt đầu từ một thập niên và gây bất ngờ cho giới phụ huynh ngày nay . Một bà mẹtham dự ngày Korea Day, tại Lyon gần đây, tập hợp 3000 fan K-pop đã không giấu được nỗi hoang mang : « Con gái tôi, 12 tuổi, đã tự học tiếng Hàn Quốc một mình trong phòng sau khi từ trường về. Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem vì sao ». Bà đã mua một quyển sách về Hàn Quốc để tìm hiểu xem cái gì ở một đất nước xa xôi như thế đã thu hút con gái bà. Nhu cầu học tiếng Hàn đã bùng nổ ở các đại học Pháp, tăng gấp 3 lần ở La Rochelle hay tăng 149% ở Bordeaux-3 từ năm 2008 đến 2010.

Fabien Yoon ngôi sao người Pháp trên màn ảnh nhỏ ở Seoul nhờ các vai trong các phim bộ Hàn Quốc như « Mr Sunshine », vẫn chưa hết ngạc nhiên. Đến đây vào năm 2007, lúc 20 tuổi, vì yêu thích taekwondo, sau đó anh học thêm tiếng Hàn và tiếng Nhật, và lao vào làm việc cật lực trong giới show business Hàn Quốc.

Anh kể lại : « Trước đây, người ta nói là tôi điên rồ ! Ngày nay, giới trẻ thì nói là tôi đã thực hiện giấc mơ của chúng ». Hiện Fabien Yoon đã có 41 000 người theo trên Twitter.

Hàn Quốc hơn hẳn Nhật Bản đang già đi và Trung Quốc vẫn độc tài

Theo các quan sát viên được Le Point trích dẫn, Hàn Quốc quả là đã biết thay da đổi thịt để chuyển hóa từ một xứ sở ít được quan tâm lên thành tâm điểm của giới trẻ thế giới.

Benjamin Joineau, giáo sư tại Đại học Hongik và sáng lập viên L’Atelier des cahiers, một nhà xuất bản chuyên về Hàn Quốc, ghi nhận : « Giới thanh niên đến Hàn Quốc với đôi mắt sáng lên. Hàn Quốc là một ranh giới mới của sự hiện đại và đang thay chỗ của Nhật Bản đang mất đi sức thu hút đang hụt hơi. Sự xinh đẹp tại Hàn Quốc mang đến một hình ảnh về tương lai ít đáng lo ngại hơn ».

Theo Le Point, sau một thời gian dài là « góc chết của Châu Á, nằm trong tầm pháo của Kim Jong Un, Hàn Quốc đã trở thành nam châm thu hút thế hệ Millennial. Và đã qua rồi thời kỳ mà phi hành đoàn của Air France thở dài ngán ngẩm khi trên lịch trình bay phải ghé Seoul, một thủ đô xám xịt ; nơi mà phải vất vả lắm mới có được một cốc cà phê expresso. Ngày nay Seoul đã rộng mở, quán cà phê mọc khắp nơi, tuổi trẻ thế giới đến đây tìm cơ may hay để chụp vài tấm selfies.

Giữa Trung Quốc ô nhiễm và độc đoán và một Nhật Bản ngày càng già đi, vương quốc của Samsung nổi bật với sức sống của mình, với các minh tinh quyến rũ và công nghệ cao. Theo Oriane Lemaire, một phụ nữ đã rời Pháp, sang sống tại Seoul sau khi xem phim Hàn Quốc : « Rất tuyệt vời khi được sống ở thành phố to lớn và sinh đông này, với nhịp sống cuồn cuộn không ngơi nghỉ, nơi mà các « cửa hàng tiện lợi » mở suốt đêm và có ý thức phục vụ thật sự ».

Oriane Lemaire đã hết hạn hợp đồng làm ở đại sứ quán Pháp, và trong hai ngày đã có 80 đơn xin vào làm ở chỗ đó. Điểm quan trọng mà phụ nữ Pháp tại Seoul hay nhắc dến là « ở đây cảm thấy an toàn ».

Đối với Le Point, sự thu hút của đất nước Ban Mai Yên Ả (nhưng ban tối thì cuồng nhiệt) phản ảnh mong muốn của thanh niên phương Tây.

Nền kinh tế thứ tư Châu Á, luôn theo khẩu hiệu pali pali – nhanh nhanh- đã nắm bắt được mong muốn của một thời đại đang thèm khát sự năng động và công nghệ học. một nền văn hóa chuộng dáng vẻ bề ngoài. Những viện thẩm mỹ sửa sắc đẹp dọc đại lộ Gangnam hay những quán cà phê với bài trí tối thiểu hợp với thời đại đã chứng minh được xu hướng này.

Tóm lại người Hàn Quốc biết nắm bắt nhanh những xu hướng thời thượng, họ là những « early adopters », tức là những người khao khát sự mới lạ.

Nhưng Hàn Quốc cũng là một quốc gia bảo thủ về mặt xã hội, nhân danh trật tự, an ninh, tình cảm cao thượng… Phá thai vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, người lao động nhập cư không mấy được ưa thích, hút một điếu cần sa có thể bị tù.

Giấc mơ và ảo ảnh

Theo nhận xét của Le Point, chính vì những lý do kể trên mà nhiều khi giấc mơ Hàn Quốc lại biến thành ảo ảnh.

Một khi sự hào hứng vì những nét mới lạ trong những tháng đầu biến mất, nhiều thanh niên đã thấy thất vọng. Họ vấp phải một xã hội bị khóa chặt trong những quy tắc xã hội nặng tính truyền thống trên bán đảo, nhìn người nước ngoài một cách đầy nghi kỵ, ca ngợi tính chất thuần túy Hàn Quốc.

Và nhất là hy vọng của họ tiêu tan trước một thị trường lao động khép kín, được bảo vệ bằng một chính sách visa chặt chẽ, và đòi hỏi phải biết nói tiếng Hàn. Việc làm có thể tìm được chỉ là tại các công ty nước ngoài, mà thường khi các hãng này lại ưu tiên tuyển mộ những người tại chỗ biết nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, mà theo thông lệ, họ đều đầy đủ bằng cấp.

Rào cản này khiến nhiều thanh niên Pháp, khong thể ở lại sau khi hết hạn visa « lao động nhân kỳ nghỉ hè ». Giáo sư Benjamin Joinau rút ra kết luận : « Hàn Quốc cho lấp lánh một giấc mơ nhưng không cho phương tiện để thực hiện ».

Thất vọng cũng được thấy trong cuộc sống hàng ngày, trong một xã hội cạnh tranh dữ dội, với tỷ lệ tự tử cao nhất trong khối OCDE. Đối với phụ nữ, những câu chuyện tình cảm đẹp chỉ được thấy trong phim bô, còn trong thực tế thường rất chua xót trong một xã hội trọng nam khinh nữ : Hàn Quốc đứng hạng 118 thế giới về nam nữ bình quyền, theo Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Ly dị là một chủ đề cấm kỵ…

Sự thu hút của Hàn Quốc như giới phân tích ghi nhận, bắt nguồn từ ước muốn tìm đến những nơi xa xôi để thoát ra khỏi sự bế tắc, nhàm chán trong cuộc sống hiện tại. Bà Oriane Lemaire ghi nhận : « Nhiều thanh niên đến Hàn Quốc với ước ao thoát khỏi những ‘rào cản’ ở Pháp ». Điều trớ trêu là chính thanh niên Hàn Quốc cũng muốn thoát khỏi khung cảnh cứng ngắt ở nước họ, và mở tưởng đến những nơi khác.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do trang web Saramin thực hiện năm 2016, 80% thanh niên Hàn Quốc từ 20 đến 30 tuổi có ước vọng này.  Họ muốn thoát khỏi cái mà họ gọi là ‘địa ngục Joseon’, ám chỉ thời đại 1392–1910, vốn đã đặt ra những gọng kềm mà ngày nay vẫn còn tồn tại.Thanh niên Hàn Quốc tố cáo một xã hội vẫn có những quy củ cứng ngắt, nghẹt thở.

Cho dù vậy, Le Point kết luận, BTS và xứ sở của họ vẫn thu hút thanh niên 5 châu. Một cô gái 18 tuổi ở vùng Bretagne, miền tây nước Pháp cho biết cô đang tiết kiệm để đi Hàn Quốc và vui kể lại : « Trước đây, khi tôi thấy ai mặc một cái áo mang ký hiệu BTS, tôi đều vẫy tay chào. Giờ đây, tôi chẳng còn để ý nữa. Áo BTS đã trở thành bình thường chẳng khác gì một cái áo Beatles ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190128-han-quoc-khong-han-la-thien-duong-cho-gioi-tre-me-k-pop-ok

 

Pháp-Ai Cập : Macron thắt chặt quan hệ

với Cairo và cỗ vũ nhân quyền

Tú Anh

Hôm nay, 28/01/2019, ngày thứ hai trong chuyến công du Ai Cập, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội kiến với đồng nhiệm Abdel Fattah al-Sissi. Hàng trăm triệu euro hợp đồng được ký trong dịp này.

Mục tiêu của Pháp là thắt chặt các mối quan hệ từ kinh tế, văn hóa cho đến địa chiến lược mà không bỏ qua đối thọai nhân quyền như tổng thống đã hứa với báo chí một ngày trước.

Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti tường thuật :

“Hợp tác chiến lược giữa Ai Cập và Pháp đạt đến một mức độ chưa từng thấy từ những hợp đồng vũ khí khổng lồ cho đến quan điểm tương đồng về tình hình Libya, Syria và tiến trình hòa bình Israel-Palestine.

Cairo hy vọng tăng cường hợp tác với Paris và được Pháp đầu tư nhiều hơn nữa. Các hợp đồng gần một tỷ đô la được ký kết trong ngày hôm nay càng làm chuyến công du của tổng thống Macron có thêm tầm quan trọng. Hợp tác về văn hóa cũng rất quan trọng đối với người Ai Cập bởi vì Cairo rập khuôn mô hình giáo dục của Pháp.

Về địa chính trị, Ai Cập kỳ vọng vào ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi khi đến phiên Cairo làm chủ tịch luân lưu Liên Hiệp Châu Phi vào tháng 2 tới.

Về phần giới trí thức Ai Cập và các nhà hoạt động nhân quyền, họ chờ đợi từ tổng thống Pháp những lời cỗ vũ mạnh mẽ, hùng hồn cho các quyền tự do và đa đảng.”

http://vi.rfi.fr/phap/20190128-phap-ai-cap-macron-that-chat-quan-he-voi-cairo-va-co-vu-nhan-quyen

 

Quan hệ Tokyo-Seoul nguội lạnh:

quân đội Nhật-Hàn hủy hoạt động hữu nghị

Tú Anh

Bất đồng giữa hai nước đồng minh Đông Bắc Á có nguy cơ leo thang. Một số hoạt động giao lưu hữu nghị giữa quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc bị đình chỉ. Lần đầu tiên, mối « quan hệ chiến lược Tokyo-Seoul » bị cắt bỏ trong thông điệp chính trị hàng năm của thủ tướng Shinzo Abe.

Theo Yonhap, tư lệnh hạm đội số 1 của hải quân Hàn Quốc đình hoãn vô hạn định kế hoạch thăm Nhật Bản được dự trù vào tháng Hai. Lẽ ra phó đô đốc Kim Myung Soo sẽ đi thăm căn cứ hải quân Nhật tại Maizuru, gần cố đô Kyoto trong khuôn khổ trao đổi song phương, thăm viếng lẫn nhau hàng năm.

Trong khi đó, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Suh Choo Suk cũng cho biết không gặp đồng nhiệm Nhật Bản bên lề Diễn đàn An ninh đa phương Fullerton, diễn ra vào hôm nay, 28/01.

Thứ Bảy vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo tố cáo máy bay tuần tra Nhật Bản tiếp tục tiến sát « đe dọa » các chiến hạm Hàn Quốc đến 4 lần, sau vụ « va chạm» giữa một khu trục hạm của Hàn Quốc và một máy bay tuần tra Nhật Bản ngày 20/12/2018.

Cho đây là những hành động khiêu khích của Nhật, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc chỉ thị cho hải quân nâng cấp báo động khi thấy phi cơ tuần tra của nước khác đến gần.

Về phía Nhật, cũng có một số phản ứng lãnh đạm tương tự. Theo Kyodo, bộ Quốc Phòng dự kiến sẽ không gửi tàu chiến Nhật ghé thăm một quân cảng Hàn Quốc vào mùa xuân 2019.

Trong bối cảnh căng thẳng này, giới quan sát lưu ý, diễn văn của thủ tướng Shinzo Abe đọc tại Quốc Hội ngày thứ Hai 28/01, khác với sáu năm qua, không có một chương đặc biệt dành cho mối quan hệ « chiến lược tương lai » với Hàn Quốc. Trái lại, thủ tướng Nhật chỉ đề cặp đến Seoul như « một trong các đối tác thân thiết » để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Truyền thông Hàn Quốc dự báo quan hệ Nhật – Hàn sẽ tiếp tục nguội lạnh. Còn theo phân tích của chuyên gia Mỹ Van Jackson, nguyên là một viên chức của bộ Quốc Phòng Mỹ, nếu Tokyo và Seoul tiếp tục khơi dậy những mối bất hoà lịch sử từ lãnh hải cho đến nô lệ lao động và nô lệ tình dục thì tình hình địa chính trị Đông Bắc Á có nguy cơ xáo trộn, có lợi cho Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật đề nghị hội kiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Hôm nay, 28/01/2019, trong bài diễn văn đầu năm mới trước Quốc Hội, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết mong muốn « phá tan bầu không khí ngờ vực » giữa Tokyo và Bình Nhưỡng, với đề nghị hội kiến lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Thủ tướng Abe khẳng định ông sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội để cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên, nhằm tìm giải pháp cho vấn đề vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190128-tokyo-seoul-nguoi-lanh-quan-doi-nhat-han-huy-hoat-dong-huu-nghi

 

Một luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc

bị kết án 4 năm rưỡi tù

Luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) bị kết án 4 năm rưỡi tù giam hôm 28/1 về tội danh chống phá nhà nước, hơn ba năm sau khi ông bị bắt giam trong một chiến dịch đàn áp nhắm vào giới hành nghề luật.

Một tòa án ở Thiên Tân loan báo bản án trong một tuyên bố tải trên mạng, tuyên bố cho biết ông Vương đã bị tước các quyền chính trị trong 5 năm tới. Vợ ông Vương, bà Lý Văn Túc (Li Wenzu), nói với AP rằng bà lấy làm lo lắng về sức khỏe của chồng bà trong thời gian bị giam.

“Vương Toàn Chương chưa hề phạm tội, thế mà họ lại cáo buộc anh là phạm tội,” bà Lý nói, “Tôi nghĩ lý do là vì anh ấy không chịu thỏa hiệp với họ và sẽ không nhận bất cứ một tội nào.”

Bà Lý khẳng định: “Thế cho nên tôi mạnh mẽ phủ nhận kết quả đó.”

LS Vương là một thành viên của công ty luật Fengrui nổi tiếng vì những nỗ lực pháp lý để bảo vệ quyền lợi đất đai cho dân nghèo, đồng thời cũng đại diện cho những thành viên của Pháp Luân Công, nhóm thiền bị cấm ở Trung Quốc.

Các nhóm nhân quyền lên án bản án này. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International, Doriane Lau, mô tả bản án là “sự bất công trắng trợn.”

“Thật là vô nhân đạo khi Vương Toàn Chương bị trừng phạt vì đã đấu tranh cho nhân quyền một cách ôn hòa ở Trung Quốc. Phải thả ông ngay lập tức và vô điều kiện,” đại diện của tổ chức ân xá quốc tế nói trong một thông cáo.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói bản án tù đối với ông Vương là một “sự nhạo báng khái niệm nhà nước pháp quyền” của Đảng Cộng sản do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.

“Cách đối xử của các nhà chức trách đối với ông Vương… là thước đo luật pháp Trung Quốc,” tổ chức nhân quyền này nói trong một thông cáo.

Ông Vương vị xét xử trong một vụ xử kín hồi tháng trước sau khi bị bắt giam mà không được tiếp cận luận sư, hay gia đình từ năm 2015, khi ông là một trong 200 nhà hoạt động về luật pháp bị bắt trong một vụ đàn áp. Không rõ liệu thời gian ông bị giam giữ vừa qua có được tính vào án tù vừa tuyên không.

Các vụ án xét xử các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc thường kéo dài từ năm này qua năm khác trong khi các bị cáo bị giam trong những điều kiện khắc nghiệt, có thể đe dọa sức khỏe của họ. Có nhiều cáo buộc về những hành vi tra tấn thường xuyên, bị khước từ quyền có luật sư đại diện, gia đình, thân nhân bị cấm thăm nom.

Tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, qua đời vì bệnh ung thư gan vào năm 2017 trong khi đang thọ án tù 11 năm về tội “xúi giục chống phá nhà nước”. Ông Lưu tham gia viết Hiến chương 08, một văn kiện kêu gọi tự do hóa chính trị và kinh tế.

Vận động pháp lý phát triển mạnh mẽ trong một thời gian sau khi Trung Quốc mở cửa xã hội và kinh tế vào cuối những năm 1970, khi các luật sư bào chữa cho những người bị tước quyền và đóng góp cho một xã hội dân sự non trẻ.

Trong khi các luật sư này thường xuyên phải đối mặt với sự đe dọa và quấy rối từ chính quyền, thì vụ đàn áp năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt nghiêm trọng, trong đó thể hiện quyết tâm của ông Tập nhằm đè bẹp bất cứ thách thức tiềm năng nào đối với chính quyền của ông.

Cuộc đàn áp cho thấy rõ rằng các luật sư nhân quyền sẽ phải đối mặt với những tội danh mà trước đây chỉ dành cho những người mà họ bào chữa. Chiến dịch đàn áp có phối hợp khiến các luật sư bị tống giam, trục xuất khỏi đoàn luật sư, bị quản thúc tại gia hoặc đối mặt với những cáo buộc mơ hồ. Chiến dịch này được biết đến dưới tên là “cuộc đàn áp 709” diễn ra vào ngày 9 tháng 7, trong đó phần lớn các luật sư bị bắt.

Hầu hết các luật sư đã được trả tự do, mặc dù họ không còn được hành nghề hoặc tự do nói chuyện với giới truyền thông. Ông Vương được cho là một trong những người cuối cùng bị xét xử.

Vợ ông Vương đã bị các nhân viên an ninh chặn lối ra khỏi khu chung cư nơi bà cư ngụ, ngăn cản bà đến dự phiên tòa xét xử chồng bà.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-luat-su-nhan-quyen-noi-tieng-cua-trung-quoc-bi-ket-an-4-nam-ruoi-tu/4762169.html

 

Xiaomi vén màn kiểu điện thoại có thể gập 3

Hãng điện tử Xiaomi (Trung Quốc) vừa trình làng phiên bản thử nghiệm của mẫu điện thoại mới trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất đất nước tỉ dân.

Trong bài viết, Xiaomi đề nghị người dùng giúp đặt tên cho thiết bị mới này.

Chiếc điện thoại có thiết kế màn hình lớn, có thể gập làm 3 khúc khiến giới công nghệ bàn tán xôn xao.

“Thật thú vị khi Xiaomi ứng dụng phương thức gập ba khúc cho chiếc điện thoại thử nghiệm”, Ben Wood, công ty tư vấn CCS Insight, cho biết.

“Rất khó để đánh giá lợi ích của thiết kế này so với mẫu điện thoại thông minh chỉ gập một lần. Nó sẽ phụ thuộc vào giao diện người dùng mà Xiaomi chọn. Nhưng thiết kế này mở ra khả năng cho một chiếc điện thoại có 3 màn hình.”

“Tuy vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thêm một điểm dễ hư hỏng. Những điểm gấp lại trên màn hình là khu vực có nhiều khả năng xảy ra sự cố.”

Samsung và hãng Royole gần đây đã tiết lộ những chiếc smartphone với ý tưởng tương tự, nhưng nó chỉ có thể gập đôi.

Hãng Xiaomi xác nhận với BBC đây là thiết bị mà họ đang thử nghiệm. Đoạn clip quay cảnh nhà đồng sáng lập Bin Lin trải nghiệm sản phẩm mới.

Chỉ mới đăng tải hôm 23/1, đoạn phim 37 giây trên Weibo đã có gần 3,5 triệu lượt xem.

Tin đồn về sự tồn tại của thiết bị này bắt đầu lan truyền từ đầu tháng Một, khi nhà báo Evan Blass đăng một đoạn video khác về chiếc điện thoại này trên Twitter.

Video thu hút hơn 3000 lượt bình luận, nhưng Even Blass không thể khẳng định nguồn gốc của video này. Không ai biết chiếc điện thoại trên là gì.

Xu hướng màn hình gập

Màn hình gập mang đến cho các nhà sản xuất một hướng thiết kế điện thoại mới khác biệt hơn.

Trong khoảng thời gian dài, điện thoại được đóng khung với thiết kế hình chữ nhật, màn hình đen, chỉ có viền màn hình ngày càng thu hẹp.

Nhưng sự đổi mới sẽ đi cùng với mức giá cao, ít nhất là với các thiết bị đi đầu trong trào lưu. Hiện vẫn chưa rõ các nhà sản xuất sẽ nêu bật tính năng gì để biện minh cho giá bán quá cao của chúng.

Hãng công nghệ mới nổi Royole vẫn chờ phản ứng từ những người viết phần mềm, dù chiếc điện thoại thông minh gập đôi của hãng này đã được bán ra vào cuối năm ngoái.

Huawei từng hứa hẹn sẽ cho ra mắt điện thoại có màn hình gập trong năm 2019, trong khi Samsung cho biết họ sẽ tiết lộ kế hoạch của riêng mình trong sự kiện báo chí ngày 20 tháng 2.

Motorola thì đang nghiên cứu các thiết kế màn hình, hi vọng có thể tích hợp tính năng với trong thiết kế điện thoại Razr với nắp gập cổ điển.

Google cũng không đứng ngoài khi đã bắt đầu phát triển một hệ điều hành Android mới hỗ trợ các thiết bị “có thể gập lại.”

Các hãng công nghệ khác nhiều khả năng cũng sẽ công bố các thiết bị mới trong triển lãm thương mại Mobile World Congress ở Barcelona, bắt đầu vào ngày 25 tháng 2 tới.

Vẫn còn nhiều mối lo ngại về kích thước của điện thoại kiểu này khi chúng được gập lại.

“Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì, một chiếc smartphone màn hình gập sẽ là thỏi nam châm thu hút những người yêu công nghệ.”

Màn hình điện thoại đã “tiến hóa” như thế nàoIBM Simon: Điện thoại di động đầu tiên dùng màn hình cảm ứng – nhưng pin của nó chỉ kéo dài 1 giờ.

Siemens S10: Thiết bị cầm tay đầu tiên có màn hình màu, dù chỉ hiển thị 4 màu là đỏ, xanh lá cây, xanh dương và trắng.

LG Prada: Màn hình cảm ứng điện dung lần đầu được sử dụng, ghi nhận cử chỉ chạm màn hình bằng điện trường thay vì áp suất.

iPhone: Apple sử dụng “cảm ứng đa điểm”, phát hiện cùng lúc nhiều điểm tiếp xúc, đem tới tính năng zoom và các tương tác khác.

Nokia N85: Điện thoại đầu tiên sử dụng màn hình OLED, cho phép hiển thị màu đen sâu hơn và độ tương phản tốt hơn.

Samsung Galaxy Note: Dù không phải là “phablet” đầu tiên, chiếc điện thoại này chứng minh nhu cầu sử dụng màn hình lớn (5 inch trở lên).

LG G Flex: Thiết kế cong của G Flex bị chế giễu, nhưng đã gợi ý cho ngôn ngữ thiết kế điện thoại “uốn cong” trong tương lai.

Sharp Aquos Crystal: Điện thoại “không viền” đã báo trước xu hướng phát triển của smartphone ngày nay.

Samsung Galaxy Note Edge: Thiết bị cầm tay đầu tiên của Samsung có thiết kế cong 1 cạnh, đồng thời sử dụng mặt công để hiển thị thông báo và phím tắt để bật ứng dụng.

Sony Xperia Z5 Premium: Điện thoại thông minh đầu tiên có màn hình 4K.

Essential Phone: Công ty khởi nghiệp đánh bại Apple trong việc sản xuất “tai thỏ” trên màn hình.

Royole FlexPai: Thêm một công ty khởi nghiệp mới nổi, có trụ sở tại California, gây bất ngờ cho ngành công nghiệp khi tiết lộ “smartphone có thể gập đầu tiên trên thế giới” vào năm ngoái.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-46985089

 

Chiến hạm Mỹ đi vào eo biển Đài Loan, TQ lên tiếng

Đầu năm mới 2019, hải quân Mỹ đưa hai chiến hạm đi qua khu vực nhạy cảm là eo biển Đài Loan, khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng.

Hôm 25/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Mỹ tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” sau khi Washington đưa hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan vào hôm 24/1.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra lời yêu cầu trên tại cuộc họp báo thường kỳ và cho biết thêm rằng Trung Quốc theo dõi sát sao hành trình của chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Động thái trên của hải quân Mỹ có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc, vốn coi hòn đảo Đài Loan chỉ là một tỉnh của mình và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất Đài Loan vào dưới quyền kiểm soát của mình.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26083-chien-ham-my-di-vao-eo-bien-dai-loan-tq-len-tieng.html

 

Mạnh Vãn Chu có hộ chiếu công vụ đặc biệt:

Lộ quan hệ “mờ ám” giữa Huawei và chính phủ TQ?

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho hay, sở hữu một trong những cuốn hộ chiếu này là một biểu tượng thanh thế ở Trung Quốc.

Phát hiện mới đây về cuốn hộ chiếu đặc biệt của Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu đã đặt ra thêm nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa “người khổng lồ công nghệ” và chính phủ Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 12, bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Canada theo yêu cầu của phía Mỹ vì bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran. Trong các buổi điều trần, các công tố viên chỉ ra rằng bà Mạnh sở hữu ít nhất 7 hộ chiếu – 4 từ Trung Quốc và 3 từ Hong Kong.

Tuy nhiên, theo tờ Star Vancouver (Canada), bà Mạnh còn sở hữu một cuốn hộ chiếu khác.

Tờ này cho biết, Cơ quan Đăng ký Kinh doanh Hong Kong đã xác nhận rằng bà Mạnh còn có 1 cuốn hộ chiếu công vụ đặc biệt do chính phủ Trung Quốc cấp và cuốn hộ chiếu này đã được bà Mạnh sử dụng để đăng ký cho chi nhánh của Huawei ở Hong Kong năm 2004.

Với số hộ chiếu bắt đầu bằng ký tự “P”, cuốn hộ chiếu nói trên không được đề cập trong tài liệu của phiên tòa hồi tháng 12. Điều này cho thấy, có nhiều khả năng bà Mạnh sở hữu nhiều hộ chiếu khác ngoài những hộ chiếu được liệt kê tại các phiên điều trần.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hộ chiếu công vụ chủ yếu được cấp cho những người có liên quan mật thiết tới chính phủ, như “các quan chức dưới cấp phó giám đốc các phòng ban, nhân sự các cơ quan nhà nước, các tập đoàn do nhà nước sở hữu và các cơ quan tài chính mà Nhà nước có cổ phần”.

Đây là một loại khác so với hộ chiếu ngoại giao được cấp cho các đại diện ngoại giao chính thức. Trong một số trường hợp, các hộ chiếu này còn được cấp cho các nhân vật từ các công ty tư nhân.

Xét trong bối cảnh rắc rối của Huawei bắt nguồn từ mối quan hệ thân cận với chính phủ Trung Quốc, cũng như những lo ngại rằng công ty sẽ không thể khước từ đề nghị chia sẻ dữ liệu với chính phủ thì chuyện CFO của Huawei có một cuốn hộ chiếu đặc biệt như vậy sẽ càng làm nảy sinh thêm nhiều câu hỏi.

Trong một thông cáo, Huawei khẳng định rằng hộ chiếu công vụ của bà Mạnh không còn hiệu lực: “Chúng tôi bác bỏ bất cứ quan điểm nào cho rằng việc có những cuốn hộ chiếu như vậy đồng

nghĩa với việc các giám đốc làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Các hộ chiếu dùng để phục vụ mục đích thương mại”.

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc Guy Saint-Jacques cho hay, sở hữu một trong những cuốn hộ chiếu này là một biểu tượng thanh thế ở Trung Quốc. Ngoài những thứ khác, “điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng lối đi đặc biệt ở sân bay”, Saint-Jacques nói.

“Khi chúng tôi nhận được yêu cầu của các phái đoàn Trung Quốc tới Canada, tôi sẽ hỏi làm thế nào mà họ có cuốn hộ chiếu này, chứ không phải hộ chiếu thông thường. Tôi nghĩ đây là một phần của những hành động bí mật, là cách mà chính phủ Trung Quốc vận hành và thể hiện những mối quan hệ xung quanh người giữ hộ chiếu”.

Việc bà Mạnh sở hữu nhiều hộ chiếu đóng một vai trò chủ chốt trong các phiên điều trần kéo dài sau khi bà bị bắt tại sân bay Vancouver ngày 1/12/2018.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26082-manh-van-chu-co-ho-chieu-cong-vu-dac-biet-lo-quan-he-mo-am-giua-huawei-va-chinh-phu-tq.html

 

Kinh tế TQ lập kỷ lục lao dốc mới: Bề nổi

của tảng băng chìm khiến Bắc Kinh “đau đầu”

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và sự suy thoái này có thể còn tồi tệ hơn những gì Bắc Kinh đã mô tả, The New York Times nhận định.

Dữ liệu chính thức được công bố vào thứ Hai vừa qua cho thấy, trong ba tháng cuối năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây – kể từ khi Trung Quốc nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Theo số liệu này, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 6,6% trong cả năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1990.

“Song song với sự suy thoái kinh tế, những dữ liệu này cho thấy, đây chỉ là một sự suy giảm nhẹ so với quy mô của một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Mặc dù những con số này đã chạm mức thấp trong lịch sử nhưng chúng chỉ thấp hơn một chút so với các thời kỳ trước đó”, NYT nhận định nhưng cũng cho rằng, lại có một câu chuyện khác đằng sau các dữ liệu chi tiết hơn.

Tờ này cho biết, từ đầu tư, chi tiêu của người tiêu dùng đến các hoạt động của các nhà máy, nền kinh tế Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong nửa cuối năm ngoái. Những dữ liệu này cũng cho thấy, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây nhiều ảnh hưởng với Trung Quốc.

“Nếu những nỗ lực hiện tại không đủ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn có nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết định khó khăn này có thể làm tăng nợ của quốc gia hoặc tạo ra các vấn đề bất công bằng khác ảnh hưởng tới nền kinh tế”, báo Mỹ viết.

Kinh tế tăng trưởng kém

Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp để hồi sinh kinh tế vào cuối năm ngoái, điều này được phản ánh trong các dữ liệu. Doanh số bán lẻ và sản phẩm công nghiệp tháng 12 tăng hơn tháng 11.

Tuy nhiên, những dữ liệu hàng tháng này không thể bù đắp hoàn toàn cho hiệu suất ảm đạm trong nửa cuối năm ngoái. Trong 6 tháng, doanh số bán lẻ đình trệ đáng kể thông qua sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất ô tô và điện thoại thông minh. Đầu tư vào tài sản cố định như nhà máy mới và tòa nhà văn phòng còn thấp.

“Nền kinh tế Trung Quốc đã suy thoái đáng kể trong những tháng gần đây”, ông Louis Kuijs, chuyên gia về Trung Quốc tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics.

Trong bối cảnh rộng hơn, nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng, theo dữ liệu chi tiết hơn, tình hình suy thoái kinh tế của Trung Quốc còn tồi tệ hơn dữ liệu của chính phủ. Một số nhà kinh tế nhận định, tăng trưởng chỉ là một phần nhỏ của số liệu chính thức, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế tin rằng con số thực chỉ thấp hơn một hoặc hai phần trăm so với con số chính thức.

Theo NYT, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu sự cải thiện trong tháng 12 có thể sẽ kéo dài được đến đầu năm 2019 hay không. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không làm tăng khoản nợ khổng lồ tích lũy trong thập kỷ qua.

Các vấn đề kinh tế của Trung Quốc bắt đầu trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Nói cách khác, chiến tranh thương mại không phải là điểm mấu chốt.

 

Gần đây, hoạt động của nhiều nhà máy xuất khẩu cũng bị chậm lại. Rất nhiều nhà máy đã vội vã vận chuyển hàng hóa đến Mỹ vì lo sợ Washington tăng thuế vào ngày 1/1 nhưng việc này đã

không xảy ra, khiến nhà kho chứa đầy hàng hóa. Trong khi nhiều nhà máy khác lại hủy tăng ca và tìm cách để cắt giảm chi phí lao động.

Một số nhà kinh tế chỉ ra rằng, yếu tố lớn nhất gây ra sự suy thoái trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc là sự sụt giảm mạnh về doanh số xe hơi, một số chuyên gia ước tính rằng, con số này chiếm một nửa hoặc nhiều hơn số liệu suy thoái.

“Vì chỉ số thị trường năm 2017 cao nên sang năm 2018, thị trường ô tô Trung Quốc đã chịu áp lực rất lớn”, Ông Thôi Đông Thụ – Tổng thư ký hiệp hội thị trường xe ô tô Trung Quốc nói.

Sự sụt giảm doanh số của các đại lý ô tô đã khiến một làn sóng các nhà máy lắp ráp cắt giảm sản xuất trên khắp Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn tới sự cắt giảm nhu cầu từ các lĩnh vực linh kiện ô tô, thép, thủy tinh và các vật liệu khác.

Tuy nhiên, theo ông Liên Duy Lương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách để ổn định tiêu thụ ô tô và đồ gia dụng.

Chính phủ Trung Quốc đã cho phép nhiều thành phố thúc đẩy các dự án lớn như xây dựng tàu điện ngầm mới và rót thêm tiền vào hệ thống tài chính. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã cam kết cắt giảm thuế để hỗ trợ, củng cố niềm tin đối với các doanh nghiệp.

Những nỗ lực này “sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nửa cuối năm nay”, Thẩm Kiến Quang, chuyên gia kinh tế của nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc Jingdong nói.

Trung Quốc vẫn có một lựa chọn quan trọng: giúp thị trường bất động sản tuy nhiên theo ông Uông Đào, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS thì sự nới lỏng đối với lĩnh vực bất động sản sẽ được coi như biện pháp cuối cùng chứ không phải ưu tiên hàng đầu.

http://biendong.net/bi-n-nong/26078-kinh-te-tq-lap-ky-luc-lao-doc-moi-be-noi-cua-tang-bang-chim-khien-bac-kinh-dau-dau.html

 

Kinh tế TQ có dấu hiệu hạ cánh cứng?

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2018 thấp là hệ quả 40 năm kinh tế nước này chạy theo số lượng cùng tác động của cuộc chiến thương mại.

Bình luận trước thông tin kinh tế Trung Quốc năm 2018 đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua (6,6%), Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho biết, những yếu kém của nền kinh tế có 40 năm chạy theo số lượng cùng với tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây nên hệ quả trên.

Nhìn lại 40 năm qua (1978-2018), Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá, kinh tế Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng thần kỳ, nhanh chóng nâng sức mạnh tổng lực quốc gia mà khó có nước nào sánh kịp.

Để có mức tăng trưởng hai chữ số suốt mấy thập kỷ, Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, sân bay, bến cảng…), đẩy mạnh xuất khẩu để hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Thế nhưng, chính cách làm ấy cũng để lại hậu quả cho nền kinh tế Trung Quốc những hậu quả không dễ gì khắc phục.

“40 năm kinh tế Trung Quốc chạy theo số lượng với châm ngôn nhanh “đuổi kịp Pháp vượt Pháp, đuổi kịp Anh vượt Anh, đuổi kịp Đức vượt Đức, đuổi kịp Nhật vượt Nhật…” nhưng chất lượng tăng trưởng lại có vấn đề.

Song song với việc sở hữu kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới hơn 3.000 tỷ USD, Trung Quốc cũng gánh núi nợ công lên tới chừng 28.000 tỷ USD, gấp 3 lần GDP một năm của nước này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế thiếu cân bằng và không bền vững, như cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng phát biểu: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang mất cân bằng, không hợp lý và không bền vững…”.

Đó là hệ quả của việc chính phủ và các địa phương Trung Quốc đã đầu tư tràn lan khắp nơi, cuối cùng nhìn lại 40 năm qua, tình trạng của Trung Quốc là gánh nặng nợ công lớn, đầu tư không hiệu quả, sản xuất dư thừa, hàng hóa không tiêu thụ được…”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nhận xét.

Năm 2018, vị chuyên gia nhìn nhận, chính là thời điểm những yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ mạnh mẽ với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung với các đòn thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với hàng hóa Trung Quốc dù đây mới chỉ là bước dạo đầu.

“Dòng vốn đầu tư gián tiếp không những bị rút ròng, mà dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc cũng liên tiếp bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tập đoàn đang dần dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại quốc tháo chạy, dòng vốn của các công ty, giới nhà giàu Trung Quốc cũng lẳng lặng tìm đến những quốc gia khác để tìm cách bảo vệ giá trị tài sản. Những cơn sốt chứng khoán, bất động sản tại một số quốc gia như Úc, Canada hay những nước láng giềng thời gian qua có sự góp sức từ dòng tiền của các chủ đầu tư người Trung Quốc…

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu “hạ cánh cứng”, dù chắc chắn chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ không để điều đó xảy ra và sẽ dốc toàn lực để kinh tế Trung Quốc hạ cánh nhẹ nhàng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết.

Yếu tố tích cực trong năm 2019 đối với kinh tế Trung Quốc, theo vị chuyên gia, đó là nhiều khả năng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ đi đến hồi kết.

Tổng thống Trump dọa đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và vị chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ không để xảy ra điều này bởi một khi kịch bản thành hiện thực, kinh tế Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế, Trung Quốc có thể chấp nhận nhân nhượng Mỹ, mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quản lý tài sản.

Trong khi đó, uy tín của Tổng thống Trump đối với người dân Mỹ cũng được nâng cao, dù thực chất vị tổng thống này khó đủ sức đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD.

“Ông Trump không đủ sức vì vướng phải sự phản đối của người dân và các tập đoàn Mỹ, những đối tượng chịu thiệt thòi nếu đòn thuế quan được áp dụng. Vì vậy, các tập đoàn lớn tích cực vận động hành lang để Quốc hội Mỹ không đồng ý.

Hơn nữa, Tổng thống Trump cũng không còn công cụ để thực hiện đòn thuế quan nữa khi năm 2019, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ chi phối.

Dù chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia dừng lại thì những mâu thuẫn về kinh tế, chinh trị, an ninh sẽ vẫn ngày càng căng thẳng”, ông Cương nhận định.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược cũng đánh giá, năm 2019 và những năm tiếp theo, Trung Quốc phải có cuộc tổng điều chỉnh về chính sách kinh tế, đối nội và đối ngoại, rà soát lại tất cả các dự án làm sao đầu tư hiệu quả hơn, xem xét lại doanh nghiệp quốc doanh và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Vì lẽ đó, theo dự đoán, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 có thể còn thấp hơn năm 2018 và điều đó là hoàn toàn bình thường.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/26051-kinh-te-tq-co-dau-hieu-ha-canh-cung.html

 

Ấn Độ mở thêm căn cứ ‘soi’ TQ

Hải quân Ấn Độ mở căn cứ không quân thứ ba ở quần đảo Andaman và Nicobar để tăng cường giám sát tàu thuyền và tàu ngầm Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca.

Việc mở căn cứ trên được tiến hành vào ngày 24-1 (theo giờ Ấn Độ), theo đài NDTV của Ấn Độ.

New Delhi đã lo ngại về khả năng trở thành mục tiêu khi có sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong khu vực lân cận và mạng lưới các cảng thương mại Trung Quốc đang xây dựng kéo dài từ Sri Lanka đến Pakistan.

Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi nhậm chức vào năm 2014 hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn, quân đội Ấn Độ đã chọn vị trí quần đảo Andaman gần lối vào eo biển Malacca để đối phó với thách thức từ Trung Quốc và triển khai tàu thuyền và máy bay đến đó.

Đô đốc Sunil Lanba, người đứng đầu Hải quân Ấn Độ , sẽ chỉ huy cơ sở mới, được gọi là INS Kohassa, ở vị trí khoảng 300 km về phía bắc Port Blair, thủ phủ của quần đảo.

Phát ngôn viên hải quân Thuyền trưởng D.K. Sharma cho biết, cơ sở thứ ba này dự kiến sẽ có đường băng dài 1.000m dành cho máy bay trực thăng và máy bay do thám Dornier. Nhưng sau cùng, đường băng sẽ được mở rộng tới 3.000m để hỗ trợ chiến đấu cơ và máy bay trinh sát tầm xa.

Chỉ huy hải quân Ấn Độ tiền nhiệm Anil Jai Singh cũng đã từng khẳng định rằng trước việc Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện trong khu vực, Ấn Độ cần được trang bị đầy đủ ở quần đảo Andaman để giám sát.

Nếu Ấn Độ có căn cứ không quân thì nước này có thể bao quát một khu vực rộng lớn hơn. Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ điều động nhiều tàu thường xuyên tới các đảo trong giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng.

Vào năm 2014, một tàu ngầm Trung Quốc đã cập cảng Sri Lanka, điều đó đã dấy lên lo ngại cho chính phủ Thủ tướng Modi. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang cạnh tranh sự ảnh hưởng trong khu vực. New Delhi đang cố gắng đẩy lùi chính sách ngoại giao mở rộng của Bắc Kinh.

http://biendong.net/doc-bao-viet/26081-an-do-mo-them-can-cu-soi-tq.html