Tin khắp nơi – 27/12/2017
Hàn Quốc nói thỏa thuận về nô lệ tình dục với Nhật
‘phớt lờ nạn nhân’
Ngoại trưởng Hàn Quốc nói thỏa thuận năm 2015 với chính phủ Nhật để bồi thường cho những nạn nhân tình dục trong Thế chiến II chưa đáp ứng được nhu cầu của các nạn nhân.
Một ban hội thẩm do bộ ngoại giao nước này bổ nhiệm cho rằng thỏa thuận này không đếm xỉa đến ý kiến của những nạn nhân sống sót.
Thỏa thuận này được chính phủ Hàn Quốc trong nhiệm kỳ trước ký kết với Nhật nhằm chấm dứt căng thẳng ngoại giao kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước.
Phát hiện ra phim ‘nô lệ tình dục’ cho lính Nhật
Nhật và ‘nô lệ tình dục’ thời Thế chiến II
Nhật hoàng ‘hối hận’ về Thế chiến II
Các nhà hoạt động nhân quyền ước tính trong Thế chiến II có đến gần 200.000 phụ nữ bị ép làm việc trong các nhà thổ để phục vụ binh lính Nhật.
Giới phê bình chỉ trích thỏa thuận này với chính phủ Nhật diễn ra mà không có sự tham khảo ý kiến của những nạn nhân sống sót, còn gọi là “phụ nữ mua vui”, không bao gồm các điều khoản quy định về trách nhiệm pháp lý của phía Nhật cũng như không tiến hành bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét lại kết luận của ban hội thẩm và tổ chức thăm dò ý kiến các nạn nhân, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha tuyên bố trong một cuộc họp gần đây với báo giới.
Thỏa thuận hiện tại giữa hai nước “chưa phản ánh được nhu cầu và cách tiếp cận chưa lấy nạn nhân làm trọng tâm, một tiêu chuẩn phổ biến trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân quyền,” bà Ngoại trưởng nói.
Bồi thường và lời xin lỗi
Trong thỏa thuận năm 2015, chính phủ Nhật Bản đã chính thức xin lỗi và đồng ý bồi thường 1 tỉ yen (tương đương 8,8 triệu USD) để thành lập quỹ hỗ trợ các nạn nhân.
Khoản bồi thường này được chi trả kèm theo lời xin lỗi và nhận “trách nhiệm sâu sắc” từ chính phủ Nhật.
‘Phụ nữ mua vui cho lính Nhật là cần thiết’
Mỹ chỉ trích thị trưởng phe hữu Nhật Bản
Nhật – Hàn đạt thỏa thuận về ‘phụ nữ mua vui’
Về phía Hàn Quốc, nước này nói sẽ xem xét việc dỡ bức tượng “phụ nữ mua vui” được dựng lên bởi các nhà hoạt động nhân quyền trước đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul và lãnh sự quán Nhật tại Busan.
Các nhà hoạt động dựng tượng để thu hút sự quan tâm của công chúng về những gì các nạn nhân phải chịu đựng.
Những bức tượng này gây căng thẳng ngoại giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như ở những nơi những có các bức tượng tương tự.
Đa số các “phụ nữ mua vui” đến từ Hàn Quốc, số còn lại đến từ Trung Quốc, Philipinnes, Indonesia và Đài Loan.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp quốc, trong số các nạn nhân, một số người đồng ý trở thành “phụ nữ mua vui”, số khác bị dụ dỗ bởi việc làm được trả công như đầu bếp hay lao công, và nhiều người khác bị cưỡng ép.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42493017
Nga: Kremlin đòi điều tra lời kêu gọi tẩy chay bầu cử
Điện Kremlin cho biết lời kêu gọi tẩy chay bầu cử năm 2018 của ông Navalny cần phải được điều tra xem có hợp pháp.
Ông Navalny đưa ra phát ngôn sau khi ông bị cấm dự tranh trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2018 vì bị kết tội biển thủ, điều mà ông cho là có động cơ chính trị.
Động thái của Kremlin có thể là chỉ dấu của những hệ lụy có thể xảy đến với ông Navalny.
Putin: ‘Đối lập phải có ý tưởng khiến dân tin’
Lãnh đạo đảng đối lập Nga bị buộc tội
Tưởng niệm ông Nemtsov ở Moscow
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức đề cử làm ứng viên.
Các vận động viên, nhạc sĩ, người nổi tiếng tụ họp tại Moscow để lập nhóm ủng hộ 500 thành viên cho mỗi ứng viên độc lập như ông Putin.
Ông Putin không xuất hiện tại lễ “đề cử” và Điện Kremlin giải thích rằng ông vắng mặt do chương trình nghị sự quá bận rộn.
Ông dự kiến gửi hồ sơ ứng cử cho Ủy ban Bầu cử Trung ương phê duyệt những ngày tới, một bước theo quy trình.
Bầu cử Nga: Putin lại tranh cử tổng thống
Sao showbiz Nga ‘ra tranh cử tổng thống’
Ủy ban này đã cấm ứng viên Navalny hôm 25/12. Động thái này giúp loại đi ứng viên nặng ký của ông Putin trong cuộc bầu cử.
Ông Navalny nói rằng quyết định này khước từ quyền bỏ phiếu của hàng triệu người Nga và kêu gọi “các cử tri xuống đường”.
Trước đó, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Kremlin nói: “Những lời kêu gọi tẩy chay bầu cử cần được điều tra xem có tuân thủ luật pháp hay không”.
Người này từ chối bình luận về quyết định loại ông Navalny khỏi cuộc đua và bác bỏ cáo buộc rằng động thái này có thể làm suy yếu tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42490518
10 năm vụ ám sát Benazir Bhutto
Owen Bennett-JonesBBC News
Một thập niên sau vụ ám sát cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, vị tướng quân đội nước này lên tiếng về ai là người thực sự ra lệnh giết bà.
Bà Benazir Bhutto là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia Hồi giáo.
Bà bị một kẻ đánh bom tự sát 15 tuổi tên Bilal sát hại ngày 27/12/2007. Hôm đó, bà vừa hoàn tất cuộc vận động tranh cử ở Rawalpindi thì thiếu niên này tiếp cận đoàn xe của bà, nổ súng vào bà và kích nổ bom. Bilal được Taliban Pakistan cử thực hiện vụ tấn công.
Đe dọa ám sát Kim Jong-un nghiêm trọng tới đâu?
FBI từng cáo buộc Luther King ‘truy hoan’
Thủ tướng Pakistan từ chức sau khi bị tòa bãi nhiệm
Benazir Bhutto là con gái của Zulfikar Ali Bhutto, thủ tướng đầu tiên của Pakistan được bầu theo thể chế dân chủ. Sự nghiệp chính trị của ông cũng đã kết thúc sớm khi ông bị chế độ quân sự của tướng Zia-ul Haq treo cổ. Bà Bhutto làm thủ tướng hai lần trong thập niên 1990, nhưng bà luôn bị quân đội ngờ vực và họ cáo buộc bà tham nhũng để tước quyền của bà.
Trước thời điểm bị ám sát, bà đang tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba. Vụ ám sát gây ra tình trạng bất ổn ở Pakistan. Những người ủng hộ bà Bhutto đã chặn đường, đốt lửa và hô khẩu khẩu hiệu chống Pakistan.
‘Phân cực’
Một thập kỷ sau, vị tướng cầm quyền Pakistan thời điểm đó đã lên tiếng về vụ ám sát.
Khi được hỏi liệu có nhân vật nào trong quân đội dính đến Taliban trong vụ ám sát này, tướng Pervez Musharraf đáp: “Có khả năng, vì xã hội này bị phân cực về vấn đề tôn giáo.”
Và, ông nói, những nhân vật đó có thể liên quan đến cái chết của bà Bhutto.
Phát ngôn của cựu lãnh đạo của Pakistan gây sửng sốt. Lâu nay các lãnh đạo quân đội Pakistan luôn bác bỏ bất kỳ giả định nào về sự đồng lõa của nhà nước trong các vụ tấn công của chiến binh thánh chiến.
Pakistan: Nhà thờ bị đánh bom, 5 người chết
Pakistan: 20 người bị giết ở đền thờ Punjab
Khi được hỏi liệu ông có thông tin cụ thể nào về các nhân vật dính líu vụ ám sát, ông nói: “Tôi không nói rõ nhưng tôi nghĩ nhận định của mình rất chính xác… Một người đàn bà được biết đến có khuynh hướng thân phương Tây bị những nhân vật đó nghi ngờ.”
Musharraf bị cáo buộc tội giết người, mưu toan giết người liên quan đến vụ giết bà Bhutto. Các công tố viên nói rằng ông đã gọi cho Benazir Bhutto ở Washington hôm ngày 25/9, ba tuần trước khi bà kết thúc tám năm lưu vong.
Trợ lý lâu năm của bà Bhutto, Mark Seighal và nhà báo Ron Suskind nói rằng họ đang ở cạnh bà khi nhận cuộc gọi của ông Musharraf. Theo
ông Seighal, bà Bhutto nói: “Ông ta đe dọa tôi và nói rằng không nên về nước.”
Ông Musharraf nói ông sẽ không chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra với bà Bhutto nếu bà về nước, ông Seighal nói với BBC.
Musharraf cương quyết phủ nhận cuộc gọi và bác suy đoán rằng ông đã ra lệnh giết bà. “Tôi cười vào suy đoán đó. Tại sao tôi lại giết bà ấy?” ông nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42436403
Nhật: Doanh nghiệp trả lương bằng Bitcoin
Ashleigh NghiemBBC News
Từ đầu năm tới, hơn 4.000 nhân viên công ty Internet GMO của Nhật sẽ được nhận một phần lương bằng bitcoin nếu muốn.
Tiền lương Bitcoin thường được thanh toán theo giá trị của đồng tiền kỹ thuật số theo thời điểm và thời gian thỏa thuận.
Ví dụ, nếu giá một Bitcoin là 10.000 đôla và một nhân viên được trả khoản lương 1.000 đôla bằng tiền kỹ thuật số, họ sẽ nhận được 0,1 Bitcoin.
Bắc Hàn ‘tấn công’ giao dịch tiền ảo Nam Hàn
Bitcoin dùng điện nhiều hơn toàn nước Ireland?
Châu Á đang thúc đẩy cơn sốt Bitcoin?
Bitcoin ra mắt trên sàn giao dịch lớn
Những nhân viên chọn bán ngay lập tức khoản lương Bitcoin vừa nhận được sẽ nhận khoản tiền mặt tương đương (miễn là họ thu xếp việc này từ trước).
Tuy nhiên nếu giữ tiền ảo, người ta sẽ thấy trong vòng một ngày, một tuần hoặc một năm, giá trị của nó sẽ tăng lên hoặc đi xuống. Khoản 1.000 đôla đó có thể tăng lên thành 5.000 đôla. Hoặc có khả năng không còn gì.
Nhiều người cũng cho rằng trả lương bằng Bitcoin sẽ khuyến khích nạn cờ bạc.
Massimo Massa, giáo sư tài chính của trường kinh doanh sau đại học INSEAD nói: “Nếu một nhân viên nhận lương bằng Bitcoin, họ cũng có thể nhận được vé số”.
“Họ chỉ đang tham gia vào một canh bạc mà thôi.”
Ông cho rằng nhân viên phải nhận thức được “không có gì bảo đảm rằng giá của Bitcoin sẽ tăng, và rằng nó không có giá trị nội tại bởi vì không có gì để đảm bảo.”
Nhân viên có quan tâm?
Bất chấp những lời cảnh báo lặp đi lặp lại từ các nhà kinh tế học và các nhà phân tích về khả năng sụp đổ của Bitcoin, có vẻ như nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Bitwage, một lập trình để chuyển tiền lương ‘thật’ thành ‘ảo’, đã có thêm hàng ngàn khách hàng mới trong năm nay khi mọi người đổ xô vào loại tiền đang tăng giá nhanh này.
Nhà sáng lập Bitwage Jonathan Chester cho biết: “Nhiều người đang tìm cách tham gia, và đôi khi tất cả tiền lương của họ được trả bằng Bitcoin”.
Vì sao Internet Trung Quốc vượt phương Tây?
Chính quyền điện tử: lý thuyết và thực tế
Công ty này đã ‘số hóa’ 30 triệu đôla tiền lương cho 20.000 người dùng ở Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh và châu Á, gồm nhân viên của Google, Facebook, GE, Philips, Liên Hiệp Quốc và Hải quân Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ tự đăng ký dịch vụ này.
Ông Chester nói ông chuyển đổi 15% tiền lương hàng tháng của mình sang Bitcoin và tin tưởng rằng đó là “cách tích lũy Bitcoin hoặc các loại tiền kỹ thuật số mà không phải lo lắng liệu bạn có mua vào đúng lúc hay không”.
Đó là vì người ta, về mặt lý thuyết, có thể giảm rủi ro do biến động bởi vì họ “chỉ mua từng tí một”.
Còn thuế thì sao?
Khó có thể nói khát quát về điều này, và dường như không thể tránh khỏi, khi ngành công nghiệp phát triển thì các quy tắc về thuế cũng phát triển theo.
Dù ở đâu trên giới thì nhân viên vẫn phải chịu thuế thu nhập cho khoản lương trả bằng Bitcoin, tính theo giá trị của loại tiền này tại thời điểm trả lương.
Nhưng cũng giống như với các lựa chọn về cổ phiếu, nhân viên có thể cần phải trả thuế lợi nhuận khi Bitcoin tăng giá, tùy thuộc vào phạm vi quyền hạn về thuế.
Thế còn chủ doanh nghiệp?
Một số công ty làm việc trong ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số đã trả lương bằng Bitcoin từ nhiều năm qua.
Tóm lại là, nếu một công ty nhảy vào lĩnh vực này từ sớm và mua Bitcoin khi giá đang thấp thì thật là một bước đi thông minh nếu dùng khoản đó bây giờ để trả lương.
Nhưng với một số doanh nghiệp khác, đó là cả một chiến lược kinh doanh.
Tránh bị mất tiền từ ngân hàng ra sao?
Làm sao để ‘giữ mình’ an toàn trên mạng?
Công ty GMO của Nhật Bản nói họ muốn nhân viên suy nghĩ về tiền ảo.
Gần đây, công ty này mở rộng sang kinh doanh và khai thác tiền ảo.
Họ hy vọng nếu ít nhất một số nhân viên có kinh nghiệm cá nhân trực tiếp về Bitcoin, công ty sẽ giúp “nuôi dưỡng và phát triển các kiến thức về đồng tiền này “.
Doanh nghiệp cho rằng điều này “quan trọng cho sự tăng trưởng và mở rộng kinh doanh tiền ảo của công ty”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42490248
Mỹ phạt hai nhà phát triển tên lửa Bắc Hàn
Chính phủ Hoa Kỳ cho hay tên hai người này là Kim Jong-sik và Ri Pyong-chol, và nói cả hai đều là “những lãnh đạo chủ chốt” của chương trình tên lửa đạn đạo Bắc Hàn.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp dụng những biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên hôm thứ Sáu để đáp trả các cuộc thử tên lửa đạn đạo.
Bắc Hàn nói động thái này là “hành động gây chiến” và giống như cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện.
Bắc Hàn: Trừng phạt mới của LHQ ‘gây chiến’
Bắc Hàn chịu lệnh trừng phạt khắc nghiệt
LHQ thêm lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn
Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào của hai người này được thực hiện ở Mỹ, chủ yếu là đóng băng tài sản của họ tại Mỹ nếu có.
Cả hai người đều có ảnh chụp chung với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong các lần phóng tên lửa.
Trong năm qua, nước này đã thử nghiệm nhiều loại tên lửa tham vọng hơn, đồng thời nói tên lửa có thể bắt đến toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ.
Cuộc điều tra của Reuters hồi tháng Năm cho hay hai người này, cùng với nhà phát triển vũ khí Jang Chan-ha, được Kim Jong-un chọn và trở nên rất thân thuộc với nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Reuters cho hay, hành vi của hai người này đối với Kim Jong-un “rất khác với sự khúm núm của các trợ lý khác, hầu hết đều cúi đầu, hai bàn tay nắm chặt chắp ngang miệng khi nói chuyện với lãnh đạo trẻ.”
Tin cho hay Ri Pyong-chol là cựu tướng không quân được đào tạo ở Nga và Kim Jong-sik là nhà nghiên cứu tên lửa kỳ cựu.
Cả hai đều nằm trong số 16 người Bắc Hàn chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu 22/12.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc liên quan tới:
việc phân phối các sản phẩm xăng dầu có khối lượng 500.000 thùng/năm, và dầu thô ở mức 4 triệu thùng/năm
tất cả công dân Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài phải về nước trong vòng 24 tháng, hạn chế nguồn ngoại tệ quan trọng
lệnh cấm xuất khẩu hàng hoá của Bắc Hàn như máy móc và thiết bị điện
Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm trả đũa việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo ngày 28/11.
Đáp trả, cơ quan thông tấn Bắc Hàn KCNA cho hay: “Hoa Kỳ, hoàn toàn kinh hoàng trước thành tựu mang tính lịch sử của chúng ta về vũ khí hạt nhân, đang ngày càng trở nên điên cuồng trong các động thái áp đặt lệnh trừng phạt và áp lực khắc nghiệt nhất lên đất nước chúng ta.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42490247
Trạm xe lửa mới mang tên Trump ở Israel?
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Israel đề nghị đặt tên một trạm xe lửa sẽ xây trong tương lai gần Bức Tường phía Tây ở Jerusalem, một địa điểm linh thiêng, là trạm xe lửa Tổng thống Donald Trump, tiếp theo sau quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Kế hoạch đã được Bộ trưởng Yisrael Katz đề xuất tại một cuộc họp mới đây với các lãnh đạo Hệ thống Đường Sắt Israel, kêu gọi nới rộng hệ thống xe lửa vận tốc cao sắp được khai trương với một tuyến xe lửa tới Bức Tường Phía Tây, và xây một trạm xe lửa mới tại đây.
Bộ trưởng Katz đề nghị đặt tên trạm xe lửa mới theo tên của Tổng thống Trump để vinh danh “quyết định can đảm và lịch sử của ông khi thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.”
Bức Tường phía Tây là địa điểm linh thiêng nhất nơi các tín đồ Do Thái giáo đến cầu nguyện. Đây cũng là địa điểm linh thiêng hạng thứ 3 của Hồi giáo.
Đề xuất của ông Bộ trưởng Israel có phần chắc sẽ bị cộng đồng quốc tế chống đối, vì thế giới không công nhận chủ quyền của Israel tại Đông Jerusalem và Cổ Thành Jerusalem, một khu vực nằm bên trong thành phố Jerusalem hiện đại.
Khu Đông Jerusalem, bao gồm Bức Tường phía Tây, bị Israel chiếm trong Chiến tranh 6 Ngày năm 1967.
Người Palestine muốn Jerusalem và khu Cổ Thành, nơi tọa lạc các địa điểm linh thiêng của cả 3 tôn giáo: Hồi giáo, Ky tô giáo và Do thái giáo, trở thành thủ đô của một quốc gia Palestine tương lai.
Mặt khác, kế hoạch xây trạm xe lửa gần Bức Tường phía Tây còn nhiều phức tạp vì đào những đường hầm trong khu vực sẽ bao gồm khai quật gần các địa điểm khảo cổ, dẫn tới nhiều khó khăn về pháp lý và vấn đề về hậu cần.
Bất chấp những chống đối đối với dự án này, người phát ngôn của cho Bộ Giao thông Vận tải Israel Avner Ovadia cho rằng sẽ không có những vấn đề khó khăn quá lớn, và ông dự kiến kế hoạch này sẽ được chuẩn thuận trong năm tới.
Quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã gây phẫn nộ cao độ trong dân chúng Palestine và cộng đồng Hồi giáo trên toàn cầu.
Tuần trước, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết, bác bỏ quyết định của ông Trump thừa nhận Jerusalem là của Israel.
https://www.voatiengviet.com/a/tram-xe-lua-moi-mang-ten-trump-o-israel/4181065.html
Tòa phúc thẩm bác đơn kiện
ủy ban điều tra gian lận cử tri của Trump
Một tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ tại thủ đô Washington hôm thứ Ba đã giữ nguyên một phán quyết của tòa án cấp thấp hơn cho phép ủy ban của Tổng thống Donald Trump đang điều tra gian lận cử tri được quyền yêu cầu dữ liệu về cử tri từ các bang của Mỹ.
Tòa án Phúc thẩm Hoa Kỳ cho Đặc khu Columbia nói rằng tổ chức giám sát có tên Trung tâm Thông tin Riêng tư Điện tử (EPIC), đơn vị đệ đơn kiện, không có căn cứ pháp lý để tìm cách buộc ủy ban của tổng thống xem xét những lo ngại về quyền riêng tư trước khi thu thập dữ liệu cử tri của các cá nhân .
EPIC đã lập luận rằng theo luật liên bang, ủy ban phải tiến hành đánh giá tác động đến sự riêng tư trước khi thu thập dữ liệu cá nhân. Nhưng cả ba thẩm phán của tòa án phúc thẩm đồng lòng phán quyết rằng luật riêng tư nói trên nhằm mục đích bảo vệ các cá nhân chứ không phải các nhóm như EPIC.
“EPIC không phải là cử tri,” Thẩm phán Karen Henderson viết trong phán quyết.
Hầu hết các quan chức cấp bang giám sát bầu cử và các chuyên gia luật bầu cử nói rằng gian lận cử tri là rất hiếm ở Mỹ.
Ông Trump thành lập ủy ban này vào tháng 5 sau khi cáo buộc, mà không trưng ra bằng chứng, rằng hàng triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, trong đó ông đánh bại đối thủ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton dù ông thua bà về số phiếu phổ thông.
Phó chủ tịch ủy ban Kris Kobach, một người theo Đảng Cộng hòa đặc trách sự vụ bầu cử của bang Kansas và là người cổ xúy luật nghiêm ngặt hơn về di trú và nhận dạng cử tri, vào tháng 6 đã yêu cầu các bang bàn giao thông tin về cử tri.
Dữ liệu do ông Kobach yêu cầu bao gồm tên, bốn chữ số cuối của số An sinh Xã hội, địa chỉ, ngày sinh, liên kết chính trị, tiền án kết tội hình sự và lịch sử bỏ phiếu.
Hơn 20 bang đã từ chối thẳng thừng và những bang khác cho biết họ cần nghiên cứu liệu họ có thể cung cấp dữ liệu hay không.
Các nhóm vận động dân quyền và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ cho biết kết quả cuối cùng của ủy ban có thể đưa tới các quy định mới về nhận dạng và những biện pháp khác mà sẽ gây khó khăn hơn cho các nhóm dân có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên Dân chủ khi họ đi bỏ phiếu.
Người đào tị Triều Tiên bị phơi nhiễm phóng xạ?
Chính phủ Hàn Quốc hôm thứ Tư 27/12 nói rằng ít nhất có 4 người đào thoát từ Triều Tiên sang Hàn Quốc có dấu hiệu bị phơi nhiễm phóng xạ, mặc dù các nhà nghiên cứu không thể xác nhận liệu những người này có bị tác động do chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không.
Hãng tin Reuters trích lời người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun tại một cuộc họp báo, nói rằng từ tháng 10, chính phủ Hàn Quốc đã kiểm tra sức khỏe của bốn trong số 30 người từng cư ngụ tại quận Kilju ở miền Bắc. Quận này bao gồm khu vực thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Đợt kiểm tra sức khỏe được xúc tiến một tháng sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu, cũng là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng.
Một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc, cơ quan thực hiện cuộc kiểm tra sức khỏe, nói với các phóng viên rằng những người Triều Tiên này đã bị phơi nhiễm phóng xạ trong thời gian từ giữa tháng 5 năm 2009 tới tháng 1 năm 2013, và tất cả đã đào thoát sang Hàn Quốc trước đợt thử hạt nhân gần đây nhất.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng người dân có thể bị phơi nhiễm phóng xạ qua nhiều cách, và rằng không có người đào thoát nào từng sống ở khu vực Punggye Ri có triệu chứng cụ thể.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dao-ti-trieu-tien-bi-phoi-nhiem-phong-xa/4181267.html
Bị tố là “người hòa giải bất lương”,
Ngoại trưởng Nga phản ứng
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ Tư 27/12 nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình do Nga dẫn đầu vào tháng sau tại Sochi được sự “ủng hộ rộng rãi” của nhân dân Syria và mục đích của nó là nhằm tạo cơ sở cho tiến trình hòa bình do Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian.
Ông Lavrov lên tiếng sau khi 40 nhóm nổi dậy Syria tố cáo Nga đang âm mưu phá hoại tiến trình hòa bình của LHQ và tuyên bố sẽ không tham dự các cuộc hòa đàm ở Sochi.
“Nga là một kẻ xâm lược đã gây nhiều tội ác chiến tranh chống lại nhân dân Syria.”
Tuyên bố của các nhóm nổi dậy Syria
Các nhóm nổi dậy Syria nói Nga muốn họ phải từ bỏ nguyện vọng, đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức.
Một tuyên bố của các nhóm nổi dậy công bố hôm 26/12 viết: “Chúng tôi không chấp nhận điều này và khẳng định Nga là một kẻ xâm lược đã gây nhiều tội ác chiến tranh chống lại nhân dân Syria. Nga đã không đóng góp gì vào việc giúp nhân dân Syria thoát khỏi những sự gian khổ họ đã chịu đựng, Moscow cũng không có bất cứ động thái nào để gây sức ép lên chế độ Bashar a-Assad để đảm bảo chính quyền này tiến lên bất cứ một ly nào trên con đường thực sự dẫn tới một giải pháp.”
Các nhóm nổi dậy nói người đóng vai trò trung gian trong các đàm phán hòa bình phải là một bên hòa giải trung lập và trung thực. Họ nói Nga, đồng minh mạnh nhất của Syria, không phải là một bên hòa giải trung thực.
Nhà cầm quyền tại Syria cho biết họ sẽ dự các cuộc đàm phán ở Sochi. Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ phe đối lập, cũng có kế hoạch dự đàm phán nhưng khuyến cáo chớ nên mời các nhóm người Kurd tới dự các cuộc đàm phán này.
Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) nói họ có quyền tham dự các cuộc đàm phán hòa bình.
Thổ Nhĩ Kỳ coi PYD và cánh vũ trang của đảng này, được gọi là “Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân” của người Kurd, là khủng bố vì mối liên hệ của họ với quân ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ đứng ra làm trung gian ở Geneva, đi đôi với các cuộc đàm phán có sự tham gia của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran chỉ đạt được những tiến bộ khiêm nhường hướng tới việc chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm qua ở Syria.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc
kiểm soát Lực lượng Vũ trang
Trung Quốc sẽ đưa lực lượng cảnh sát bán quân đội, Cảnh sát Vũ trang Nhân dân về dưới quyền kiểm soát của Quân ủy Trung ương từ ngày 1 tháng Giêng năm 2018.
Trong một bản tin ngắn, Tân Hoa Xã chính thức cho hay, từ nửa đêm ngày 1 tháng 1, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân sẽ không còn thuộc sự quản lý của Hội đồng Nhà nước, hay thuộc nội các của chính phủ, và thay vào đó lực lượng này sẽ do Quân ủy Trung ương giám sát. Quân ủy Trung ương là cơ quan đầu não điều khiển lực lượng vũ trang của Trung Quốc.
Từ khi lên nắm quyền cách nay 5 năm , Chủ tịch Tập Cận Bình đã giám sát việc hiện đại hóa sâu rộng Quân đội Giải phóng Nhân dân, quân đội lớn nhất thế giới, thông qua việc đào thải quân lính, tinh giản tổ chức và đầu tư mua sắm vũ khí tiên tiến.
Hiện nay ông Tập là người đứng đầu Quân ủy Trung ương trong cương vị Chỉ huy trưởng Lực lượng vũ trang và là Tổng tư lệnh. Ông Tập đã dần dần củng cố quyền lực, và bổ nhiệm các nhân vật thân tín vào các vị trí chủ chốt trong quân đội.
Tân Hoa Xã không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về cơ chế hoạt động của cơ cấu mới này, hay vì sao chính phủ lại đưa ra quyết định như thế.
Tuy nhiên, tờ Nhân dân Nhật báo của đảng cho biết động thái này là cần thiết để đảm bảo an ninh và xây dựng một “quân đội hùng mạnh.”
Nhân dân Nhật báo còn cho biết thêm rằng lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân vẫn giữ chức năng riêng biệt, và không sáp nhập vào Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Lực lượng Cảnh sát có nhiệm vụ thay thế cho quân đội trong thời chiến tranh. Từ trước đến nay lưc lượng này có một vai trò trong việc ngăn chặn các cuộc phản kháng và chống khủng bố cũng như phòng thủ biên giới và phòng chống hỏa hoạn.
Quân đội Trung Quốc không tham chiến trong nhiều năm qua, nhưng phải đối mặt với những gì mà Bắc Kinh gọi là “môi trường an ninh phức tạp” chẳng hạn như vấn đề Triều Tiên và các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ ở Biển Đông và Đài Loan.
TQ, Pakistan sẽ xem xét
đưa Afghanistan vào hành lang kinh tế 57 tỉ đôla
Trung Quốc và Pakistan sẽ xem xét mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan 57 tỉ đôla tới Afghanistan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói hôm thứ Ba, một phần trong kế hoạch Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc liên kết Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa.
Phát biểu sau cuộc hội đàm ba bên đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan, ông Vương nói Trung Quốc hy vọng hành lang kinh tế có thể mang lại lợi ích cho toàn khu vực và đóng vai trò như một lực đẩy cho sự phát triển.
Afghanistan có nhu cầu cấp thiết để phát triển và cải thiện đời sống của người dân và hy vọng họ có thể tham gia vào các kế hoạch liên kết, ông Vương nói với báo giới khi ông loan báo Pakistan và Afghanistan đã đồng ý sửa chữa mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
“Vì thế Trung Quốc và Pakistan sẵn sàng cùng với Afghanistan, dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, xem xét sử dụng các biện pháp thích hợp để mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan tới Afghanistan.”
Để điều này thành hiện thực thì ba nước cần đạt được sự đồng thuận dần dần, giải quyết những dự án dễ hơn, nhỏ hơn trước, ông Vương nói, nhưng không đưa ra thêm chi tiết.
Ấn Độ đã nhìn dự án này bằng ánh mắt dè chừng vì nó chạy qua vùng Kashmir do Pakistan quản lý mà Ấn Độ coi lãnh thổ của họ, dù ông Vương nói kế hoạch này không liên quan gì đến tranh chấp lãnh thổ.
Trung Quốc đã tìm cách đưa Kabul và Islamabad xích lại gần nhau vì Trung Quốc lo sợ xu hướng chủ chiến Hồi giáo cực đoan ở Pakistan và Afghanistan sẽ lan tới vùng Tân Cương phía tây Trung Quốc.
Vì lẽ đó, Trung Quốc đã thúc đẩy Pakistan và Afghanistan cải thiện quan hệ giữa hai nước để họ có thể giải quyết tốt hơn tình trạng bạo lực ở nước mình và cũng đã cố gắng làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa nhóm chủ chiến Taliban ở Afghanistan, với hiệu quả hạn chế.
Hai nước láng giềng Pakistan và Afghanistan đã không mấy hòa thuận kể từ khi Pakistan giành được độc lập vào năm 1947.
Quan hệ giữa hai nước xấu đi trong những năm gần đây vì Afghanistan cáo buộc Pakistan hỗ trợ những phần tử nổi dậy Taliban chống lại Kabul được Mỹ hậu thuẫn nhằm hạn chế ảnh hưởng của đối thủ của Pakistan, Ấn Độ, ở Afghanistan.
Pakistan phủ nhận điều này và nói rằng họ muốn thấy một nước Afghanistan hòa bình, ổn định.
Châu Âu tỏ hoài nghi
về cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018
Sau khi Matxcơva quyết định loại nhà đối lập Alexei Navalny ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống Nga 2018, hôm qua, 26/12/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã bày tỏ lo ngại là việc làm trên của Kremlin « gây hoài nghi nghiêm trọng về tính đa nguyên chính trị tại Nga».
Phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu, Maja Kocijancic, đã ra thông cáo khẳng định quyết định của Ủy Ban Bầu Cử Nga loại hồ sơ ứng cử tổng thống của nhà đối lập Alexei Navalny có thể gây nghi ngờ về viễn ảnh về một cuộc bầu cử dân chủ ở Nga vào đầu năm tới.
Thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi Nga nên mời Tổ Chức Vì An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE đến quan sát theo dõi cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 18/03/2018.
Thông báo của Ủy Ban Bầu Cử Nga hôm thứ Hai không có gì bất ngờ. Cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo trước là nhà đối lập Navalny không thể ra ứng cử trước năm 2028 vì ông đã bị kết án 5 năm tù treo từ năm 2009. Tuy nhiên, ông Navalny lại là người có thể tập hợp được khá đông người ủng hộ, những người đang bất mãn với tệ tham nhũng ở nước Nga.
Hiện có khoảng hai chục ứng cử viên ngỏ ý tham gia cuộc đua với ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga đầu năm tới, trong đó có một số nhân vật của đảng Cộng Sản, đảng chủ trương dân tộc chủ nghĩ và một nữ nhà báo thân với một đảng đối lập nhỏ có xu hướng tự do.
Mặc dù theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin của dân Nga vẫn luôn ở mức cao. Mối quan tâm của chính quyền Nga trong cuộc bầu cử sắp tới không phải là ông Putin có tái đắc cử hay không mà là làm sao để tỷ lệ cử tri đi bầu cử không quá thấp và tránh làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Putin như kỳ bầu cử trước vào năm 2012.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171227-chau-au-to-hoai-nghi-ve-cuoc-bau-cu-tong-thong-nga-2018
Peru: Đương kim tổng thống bị cô lập
sau khi ân xá người tiền nhiệm
Cựu tổng thống Peru Alberto Fujimori, vừa được ân xá vì lý do sức khỏe, vào tối qua 26/12/2017, đã lên tiếng xin lỗi người dân, trong một đoạn video công bố trên mạng Facebook, quay cảnh ông nằm trên giường bệnh.
Hành động của cựu tổng thống được cho là nhằm giảm cơn phẫn nộ của dân chúng về việc ông được ân xá, trong lúc mà người ân xá ông là đương kim tổng thống Pedro Pablo Kuczynski ngày càng bị phản đối do quyết định này.
Thông tín viên RFI trong khu vực, Eric Samson cho biết thêm chi tiết:
Cứ mỗi một ngày qua, hay đúng hơn là cứ mỗi một giờ trôi qua là đương kim tổng thống Peru lại thêm trơ trọi. Trước tiên là vị luật sư của ông đã chống lại việc ân xá Fujimori, cho dù luật sư này đã bảo vệ tổng thống trong tuần qua để ông không bị Quốc Hội truất phế.
Thêm vào đó 3 nghị sĩ trong đảng cầm quyền dự định rời bỏ nhóm của đảng ở nghị viện trong khi nhóm này đã ít ỏi. Tổng thống Peru chỉ còn có thể dựa vào 15 nghị sĩ trên 130 người, và nhiều người khác cũng có thể bỏ đi vào ngày hôm nay sau một cuộc họp của đảng.
Sau bộ trưởng Nội Vụ, thì hai bộ trưởng Quốc Phòng và Văn Hóa cũng có thể rời chính phủ và tổng thống sẽ phải cải tổ sâu rộng.
Các đảng cánh tả đã không bỏ phiếu truất phế, giờ đây, sẽ không kiêng nể, mà sẽ ồ ạt tấn công ông, cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tại Washington, có 3 tổ chức cho rằng họ không tin vào lý do sức khỏe nêu lên để ân xá cựu tổng thống Fujimori. Họ lấy làm tiếc là việc ân xá tránh cho ông Fujimori bị xét xử về tội ám sát 6 người trong cộng đồng nông dân Pativilca vào năm 1992.
Phía gia đình nạn nhân đã thông báo quyết định kháng cáo quyết định ân xá lên Tòa Án Tối Cao và Ủy Ban Liên Mỹ về Nhân Quyền.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171227-peru-duong-kim-tong-thong-bi-co-lap-sau-khi-an-xa-nguoi-tien-nhiem
Tây Ban Nha rút lực lượng an ninh tăng viện
ra khỏi Catalunya
Lực lượng cảnh sát và phòng vệ dân sự được tăng viện đến Catalunya nhân cuộc trưng cầu dân ý bị cấm ngày 01/10/2017 vừa qua, đã bắt đầu rời khỏi vùng này kể từ hôm qua, 26/12. Nguồn tin trên do chính bộ Nội Vụ Tây Ban Nha thông báo.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên bộ Nội Vụ Tây Ban Nha nói rõ thêm : “Lực lượng cảnh sát và các đội phòng vệ dân sự được phái đến Catalunya vào cuối tháng 9 sẽ dần dần rút đi cho đến ngày thứ Bảy 30/12. Tiến trình triệt thoái đã bắt đầu từ ngày 26/12”.
Viên chức bộ Nội Vụ không nói rõ số người được rút đi là bao nhiêu, nhưng nhật báo Tây Ban Nha El Pais nêu lên con số 10.000 người.
AFP nhắc lại rằng hôm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý bị chính quyền Madrid nghiêm cấm, cảnh sát Tây Ban Nha tại Catalunya đã can thiệp một cách thô bạo, tịch thu thùng phiếu, đóng cửa các phòng phiếu.
Hình ảnh lực lượng an ninh Tây Ban Nha sử dụng vũ lực đã được truyền tải khắp thế giới, phe đòi độc lập tố cáo Madrid tiến hành đàn áp. Hơn 90 người đã bị thương vào ngày hôm đó đã được đưa đến bệnh viện. Một tuần sau đó, đại diện chính quyền trung ương tại Catalunya, Enric Millo, đã lên tiếng xin lỗi.
Vùng Catalunya có lực lượng cảnh sát riêng, mang tên là Mossos d’Esquadra. Cảnh sát quốc gia tại vùng này chỉ có vai trò thứ yếu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171227-tay-ban-nha-rut-luc-luong-an-ninh-tang-vien-ra-khoi-catalunya
Cam Bốt: Thủ tướng Hun Sen muốn
nắm quyền thêm 10 năm
Cầm quyền từ 30 năm nay, thủ tướng Cam Bốt vào hôm nay, 27/12/2017, cho biết ông muốn cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, cụ thể là 10 năm. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Cam Bốt sẽ tổ chức bầu Quốc Hội mới vào tháng 7/2018 và đảng đối lập bị giải tán.
Trong bài phát biểu trước hàng ngàn công nhân viên ngành dệt may, ông Hun Sen, 65 tuổi, khẳng định ông muốn ngồi lại ở chiếc ghế thủ tướng thêm 2 nhiệm kỳ 5 năm nữa, và kêu gọi cử tri dồn phiếu cho đảng Đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông.
Ông nói : “Tôi muốn tiếp tục được bầu làm thủ tướng cho hai nhiệm kỳ nữa, kéo dài không dưới 10 năm… Tôi hy vọng là quý vị cũng như cha mẹ, ông bà trong gia đình, nếu còn sống, tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Nhân Dân Cam Bốt vào ngày 29/07/2018.”
Đối với giới quan sát, đảng của ông Hun Sen hiện giờ đang độc chiếm sân khấu chính trị Cam Bốt. Đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc đã bị giải tán vào tháng 11 vừa qua, và hơn 100 thành viên đối lập bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Chính quyền Phnom Penh bị tố cáo là đã thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói bất đồng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171227-cam-bot-thu-tuong-hun-sen-muon-nam-quyen-them-10-nam