Tin khắp nơi – 27/11/2018
Tàu NASA đáp thành công xuống sao Hỏa
Tàu vũ trụ InSight của NASA đã đáp thành công xuống sao Hỏa hôm 26/11 và đã gửi những hình ảnh đầu tiên chụp được từ hành tinh đỏ về trái đất chỉ vài phút sau khi hạ cánh, theo hãng tin Reuters.
Đây là lần đầu tiên một tàu thám hiểm không gian hạ cánh thành công xuống sao Hỏa từ khi robot thăm dò Curiosity tới hành tinh đỏ này hồi tháng 8/2012, theo NASA.
Tín hiệu xác nhận InSight tiếp đất truyền về trái đất lúc 3 giờ kém chiều ngày 26/11, giờ miền Đông Hoa Kỳ. các chuyên gia và giới chức NASA tại trung tâm kiểm soát ở gần Los Angeles reo hò mừng rỡ khi nhận được tín hiệu InSight đáp thành công.
Ông Jim Bridenstine, giám đốc cơ quan không gian NASA, được Washington Post trích lời nói: “Thật là một ngày tuyệt vời cho đất nước chúng ta.”
Cũng như những nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa trước, InSight phải vượt qua “7 phút tử thần” – thời gian cần thiết để một con tàu đi xuyên qua bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa với vận tốc siêu thanh trước khi giảm tốc độ và hạ cánh.
Tàu InSight tiếp cận bầu khí quyển sao Hỏa ở vận tốc lên đến hơn 19.300 km/h, lao xuống với góc nghiêng phù hợp trước khi giảm xuống chỉ còn khoảng 8km/h và cuối cùng là dừng hẳn khi đổ bộ xuống bề mặt.
Tàu vũ trụ InSight là dự án quốc tế trị giá một tỷ đôla khởi hành ngày 5/5 từ căn cứ không quân Vandenberg ở California. Đây là lần cất cánh đầu tiên của một phi vụ liên hành tinh từ bờ Tây nước Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-nasa-dap-thanh-cong-xuong-sao-hoa/4676287.html
Mỹ có thể phát triển tàu ngầm sân bay
trước những đe dọa mới của tên lửa chống tàu TQ
Những năm 1950, sự ra đời của vũ khí nguyên tử khiến Hải quân Mỹ phải đưa ra một số phương án cơ động lực lượng không quân hải quân. Một kế hoạch phát triển phương tiện mang có tên là AN-1, hướng tới tàu ngầm hạt nhân sân bay có thể phóng 8 máy bay chỉ trong vòng chưa đến tám phút.
Mặc dù dự án tàu ngầm sân bay AN-1 chưa bao giờ được thiết kế mẫu, nhưng đó là một quan điểm vượt thời gian đến nhiều thập kỷ và có thể hiện thực hóa trong giai đoạn ngày nay, khi công nghệ đã tiến tới mức có thể phát triển các máy bay không người lái trí tuệ nhân tạo.
Sức mạnh kinh hoàng của vũ khí hạt nhân, sử dụng để tấn công lực lượng hải quân, được lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ thử nghiệm trên vùng nước đảo san hô Bikini năm 1946. Kết quả thu được thúc giục Hải quân nghiên cứu các phương án phương tiện mang thay thế cho tàu sân bay.
Có nhiều giải pháp được đề xuất, một giải pháp là chế tạo máy bay chiến đấu lưỡng cư, có thể cất cánh trực tiếp từ trên biển, nhưng đây là một giải pháp thất bại mang tên là Convair XF2Y Sea Dart. Một giải pháp khác táo bạo và thực tế hơn: chế tạo các tàu sân bay ngầm.
Dự án được đặt tên là AN-1, giải pháp tàu sân bay ngầm được được phát triển bằng cách sử dụng phiên bản sửa đổi tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa dẫn đường Halibut. Halibut là chiếc tàu ngầm lớn nhất trong số các tàu ngầm thời đó do được chế tạo để mang tên lửa hành trình hạt nhân có điều khiển Regulus.
Mỗi tàu ngầm nguyên tử Halibut mang theo năm tên lửa hành trình Regulus, các tên lửa có kích thước như một máy bay chiến đấu phản lực cỡ nhỏ, được đặt trong một khoang chứa máy bay trong thân tàu. Tên lửa hành trình được phóng lên từ một đường ray đôi bên ngoài thân tàu.
AN-1 là một tàu ngầm lớn, có độ dài 500 feet (152 m) chiều rộng nhất của tàu là 44 feet (13,4m). Tàu có tốc độ bơi ngầm là 16 hải lý, sử dụng trạm nguồn điện hạt nhân công suất 15.000 mã lực, có thể cơ động đến bất kỳ điểm nào trên trái đất. Tàu ngầm được trang bị theo thiết kế 6 ống phóng ngư lôi phía trước và hai ống phóng ngư lôi phía sau.
Sức mạnh chiến đấu chính của tàu ngầm sân bay là một phi đội gồm tám máy bay tiêm kích cất cánh thẳng đứng. Những chiếc máy bay này do Boeing phát triển, được nâng lên trên các bệ phóng hướng mũi vào không trung, khi có lệnh phóng sẽ được đẩy lên bầu trời bởi ba động cơ tua-bin Wright SE-105 23.000 pound (10,432 kg).
Hai trong số các động cơ rơi xuống nước được vớt, tái phục hồi và sử dụng sau này. Tiêm kích phản lực siêu âm này (mới được thiết kế trên bảng vẽ và chưa bao giờ được chế tạo) có tốc độ tối đa Mach 3.
Chuyên gia tàu ngầm H.I Sutton, tác giả của Tàu ngầm thế giới: Dẫn đường dưới đáy biển, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Popular Mechanics:
“Các tên lửa hành trình được sử dụng vào thời điểm đó có cùng kích thước với máy bay tiêm kích phản lực, có nghĩa là một tàu ngầm có thể phóng tên lửa hành trình, cũng có thể phóng một máy bay chiến đấu phản lực. Thách thức phá hủy mọi nỗ lực của Boeing là hạ cánh xuống tàu sân bay.
“Boeing đưa ra đề xuất những máy bay phản lực có thể hạ cánh bằng đuôi, cất cánh và hạ cánh theo chiều dọc với động cơ có điều khiển hướng xuống dưới. Giải pháp này được khẳng định trong loạt máy bay thử nghiệm và khẳng định là khả thi nhưng cũng rất khó kiểm soát khi hạ cánh xuống và nhìn qua vai phi công (quay lại phía sau). “
Những năm 1950, lực lượng vũ trang Mỹ tập trung vào định hướng tiến hành một cuộc chiến tranh nguyên tử. Trong cuộc chiến tranh hạt nhân, tàu ngầm sân bay AN-1 sẽ là đòn tấn công nguy hiểm nhất.
Những tàu ngầm sân bay dự án AN-1 không thể triển khai một lượng máy bay chiến đấu đủ lớn cho cuộc chiến tranh tổng hợp, nhưng tàu ngầm có thể bất ngờ nổi lên gần Liên Xô hoặc Trung Quốc, phóng các máy bay chiến đấu mang đầu đạn hạt nhân từ một hướng bất ngờ nhất.
Hơn thế nữa, tàu ngầm nguyên tử dự án AN-1 có thể tuần tra chiến đấu ngầm trên vùng nước châu Á và châu Âu, hình thành hệ thống phòng thủ tầm xa của Mỹ, tiến công vào các máy bay ném bom chiến lược liên lục địa mang bom hạt nhân, ngăn chặn kẻ thù xa lục địa Mỹ.
Sự không chắc chắn về vị trí các tàu ngầm sân bay sẽ buộc đối thủ phải suy nghĩ rất kỹ, đánh giá khả năng khả thi tiến công hạt nhân bất ngờ tấn công Mỹ.
Dự án AN-1 là một khái niệm đi trước thời đại nhiều thập kỷ. Ngày nay, các quốc gia có nền khoa học hiện đại đều phát triển các loại vũ khí công nghệ cao nhằm vào các tàu sân bay, trong đó có các loại vũ khí siêu âm và tên lửa đạn đạo hành trình chống tàu Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên.
Những phương tiện chống tàu này này sẽ buộc hải quân Mỹ phải phát triển lực lượng tàu sân bay ngầm, tương tự như những dự án mà hải quân Mỹ đã đề cập cách đây 60 năm.
Các máy bay không người lái, được trang bị trí tuệ nhân tạo, hệ thống tác chiến dạng mạng Net và nhất thể hóa chỉ huy, điều hành tác chiến sẽ được phóng và và hạ xuống boong của tàu ngầm sân bay trên biển và đại dương, thực hiện những nhiệm vụ tương tự như các phi đội máy bay chiến đấu thực hiện trên tàu sân bay.
Mỹ đã chế tạo những máy bay không người lái hiện đại nhất thế giới, cũng đã chế tạo và sản xuất những tàu ngầm lớn hơn nhiều so với dự án AN-1. Đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi hải quân Mỹ kết hợp hai công nghệ hiện đại nhất thành một hệ thống phương tiện chiến đấu tàng hình và có khả năng tác chiến trên khắp đại dương.
Di dân tìm cách vượt biên vào Mỹ,
Mexico tăng cường an ninh biên giới
Mexico ngày 26/11 tìm cách tăng cường an ninh vùng biên giới giáp ranh với Hoa Kỳ, cảnh sát sắp hàng bên ngoài một trại tạm trú ở thành phố Tijuana ngăn di dân Trung Mỹ tiến về phía biên giới.
Viện Di trú Quốc gia Mexico cho hay có 98 di dân đã bị trục xuất khi tìm cách vượt biên giới Mỹ, và các nhân viên tuần tra biên giới Mỹ đã bắn hơi cay sang Mexico để ngăn chặn. Bộ Nội vụ Mexico cho biết có khoảng 500 di dân tìm cách xông thẳng qua biên giới. Giới hữu trách Mỹ nói số này là 1.000 người.
Các giới chức Mexico nói di dân đã gây ra xáo trộn bạo động trong cuộc tuần hành thoạt đầu ôn hòa để kêu gọi Hoa Kỳ tăng tốc tiến trình cứu xét xin tị nạn.
Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ cho hay 69 di dân tìm cách vượt biên bất hợp pháp đã bị bắt tại California.
Giới hữu trách cho hay chính sách dùng võ lực của lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ cho phép nhân viên sử dụng hơi cay và những biện pháp không gây chết người khác, nhưng việc này sẽ được duyệt lại và rằng tình hình đã được giải quyết, không có ai bị thương nặng.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen nói nhà cầm quyền Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện “mạnh mẽ” dọc theo biên giới Tây Nam và sẽ xử lý những ai làm tổn hại tài sản liên bang hay vi phạm chủ quyền nước Mỹ.
Hơn 5.000 di dân đã đóng trại trong và chung quanh một khu phức hợp thể thao tại Tijuana sau khi hợp thành đoàn đi xuyên qua Mexico trong những tuần lễ gần đây. Nhiều người hy vọng nạp đơn xin tị nạn tại Mỹ, nhưng các giới chức tại cửa khẩu San Ysidro chỉ có thể giải quyết dưới 100 đơn xin tị nạn một ngày.
Xáo trộn diễn ra vào lúc các giới chức Hoa Kỳ và Mexico còn đang tranh cãi về vấn đề di dân và thảo luận về cách thức đối phó với người xin tị nạn đang chờ đợi tại Mexico.
Số hồ sơ bị ứ đọng lên đến hàng ngàn, nhiều di dân dường như phải chờ đợi dọc theo biên giới trong nhiều tháng hay hơn nữa.
TT Trump giục Mexico trả di dân về nước,
lại kêu gọi tài trợ bức tường
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/11 nói rằng Mexico nên trả những người di cư mong muốn tị nạn ở Hoa Kỳ về nước họ, một ngày sau khi nhà chức trách Mỹ đóng cửa biên giới phía nam và bắn hơi cay vào đám đông, theo Reuters.
Các quan chức Hoa Kỳ hôm 25/11 đã mở cửa trở lại tại cửa khẩu San Ysidro giữa San Diego và Tijuana, khu vực biên giới có lượng người qua lại đông nhất Tây bán cầu sau khi đóng cửa trong vài giờ.
Ông Trump tuyên bố rằng những người tị nạn sẽ không dễ dàng nhập cảnh vào Mỹ. Ngày 26/11, ông đe dọa một lần nữa sẽ đóng cửa biên giới trải dài 2.000 dặm (3.200 km) giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng lặp lại lời kêu gọi Quốc hội tài trợ cho bức tường biên giới, mà ông đã hứa lâu nay, khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ trở lại Washington hôm 26/11 sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Hoa Kỳ với ngân sách chính phủ liên bang sắp hết hạn vào ngày 7/12. Ông Trump liên tục đe dọa sẽ đóng cửa chính phủ liên bang trừ phi bức tường được tài trợ.
Căng thẳng hôm 25/11 xảy ra ở một phần của biên giới, nơi đã có tường rào.
“Mexico nên trả những di dân vẫy cờ, nhiều người trong số đó là những tên tội phạm máu lạnh, về nước. Đưa về bằng máy bay, bằng xe buýt, bằng bất cứ cách gì mà quý vị muốn, nhưng họ sẽ KHÔNG đến Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới vĩnh viễn nếu cần thiết. Quốc hội, hãy tài trợ cho BỨC TƯỜNG!”, Reuters dẫn lời ông Trump viết trên trang Twitter.
Hôm 25/11, hàng trăm người trong đoàn di cư, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã tuần hành ôn hòa và hô vang những câu như “Chúng tôi không phải là tội phạm! Chúng tôi là những người lao động chăm chỉ”. Khi đến gần biên giới Hoa Kỳ, họ đã bị chính quyền Mexico chặn lại và yêu cầu họ chờ cho đến khi được phép.
Những người di cư hầu hết là người Honduras chạy trốn khỏi đói nghèo và bạo lực ở quê nhà, và tuyên bố rằng họ sẽ đợi ở Tijuana cho đến khi nào có thể xin tị nạn ở Hoa Kỳ.
Nhiều tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 6/11, Tổng thống Trump đã báo động về đoàn người di cư từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ và ra lệnh cho khoảng 5.800 lính Mỹ đến biên giới để hỗ trợ cho lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới.
Ông Trump chỉ còn vài tuần nữa để thúc đẩy các đảng viên Cộng hòa của ông, vẫn đang kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, trong việc thực hiện bức tường, trước khi đảng Dân chủ lên nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ vào tháng 1 sau thắng lợi bầu cử vừa qua.
Đảng Dân chủ kêu gọi cải cách toàn diện vấn đề nhập cư ngoài việc tăng cường an ninh biên giới, nhưng phản đối quyết liệt việc xây bức tường.
Hôm 25/11, các nhà thương thuyết Mỹ và Mexico cũng đã thảo luận một kế hoạch để giữ người di cư ở Mexico trong khi việc xin tị nạn của họ được xem xét. Những người xin tị nạn thường thông báo ý định của mình tại cửa khẩu của Hoa Kỳ hoặc sau khi băng qua biên giới bất hợp pháp.
TT Trump dọa đóng cửa lâu dài
biên giới với Mêhicô
Ngày 26/11/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi nhà chức trách Mêhicô trục xuất các di dân Trung Mỹ tìm cách vượt biên giới sang Hoa Kỳ. Chủ nhân Nhà Trắng cũng dọa đóng cửa lâu dài biên giới với Mêhicô.
Những tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi hàng trăm dân nhập cư trong đoàn lữ hành xuất phát từ Trung Mỹ đi bộ xuyên qua Mêhicô đã tìm cách xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Hoa Kỳ,
Tổng thống Trump yêu cầu Quốc Hội thông qua ngân sách xây bức tường dọc biên giới với Mêhicô và dọa nếu không được toại nguyện, ông sẽ cho ban hành tình trạng « shutdown », đóng cửa hoạt động của chính phủ, khi ngân sách tạm thời cấp cho hoạt động của chính quyền liên bang hết hạn vào ngày 07/12/2018.
Reuters cho biết trong một thông cáo, bộ trưởng An Ninh Nội Địa Mỹ tuyên bố chính quyền Mỹ xác định được có 600 tội phạm trong đoàn lữ hành Trung Mỹ đi bộ xuyên qua Mêhicô để tới Hoa Kỳ.
Trước sức ép của chính quyền Mỹ, cũng trong ngày 25/11/2018, Mêhicô thông báo đã trục xuất 98 di dân Trung Mỹ tìm cách vượt biên giới sang Hoa Kỳ hôm Chủ Nhật vừa qua.
Nhưng hiện còn gần 5.000 di dân vẫn đang mắc kẹt tại thành phố Tijuana, Mêhicô. Quá sợ hãi trước nạn bạo lực xảy ra hôm Chủ Nhật, nhiều di dân cũng tự nguyện xin được hồi hương.
Oanh tạc cơ Mỹ sẽ ngưng bay
trên bán đảo Triều Tiên
Các oanh tạc cơ của Mỹ bảo đảm « sự hiện diện thường trực » ở vùng Thái Bình Dương sẽ tránh bay ngang qua không phận bán đảo Triều Tiên, theo yêu cầu của Seoul, để không gây phương hại đến cuộc đàm phán về hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Đó là thông báo của tướng Charles Brown, tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của không quân Mỹ hôm qua, 26/11/2018.
Hiện nay, tại căn cứ không quân Andersen, trên đảo Guam, Hoa Kỳ vẫn duy trì ít nhất một oanh tạc cơ B-1, B-52 hoặc B-2, thường xuyên tiến hành các phi vụ trong khu vực nhằm mục đích răn đe.
Nhưng theo lời tướng Charles Brown, tuyên bố tại Lầu Năm Góc hôm qua, sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6, Hàn Quốc đã yêu cầu Mỹ không cho các oanh tạc cơ bay trên bán đảo Triều Tiên nữa.
Vào tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã thông báo là cuộc tập trận chung với Hàn Quốc « Foal Eagle », dự trù vào mùa xuân 2019, sẽ giảm bớt quy mô, để tạo điều kiện cho đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Kể từ sau thượng đỉnh Singapore, đã có bốn cuộc tập trận lớn bị hủy bỏ. Các cuộc tập trận này vẫn huy động hàng ngàn binh lính của hai nước và được mô tả là chỉ nhằm phòng thủ, nhưng Bình Nhưỡng vẫn xem đây là một cuộc diễn tập để xâm lăng Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181127-oanh-tac-co-my-se-ngung-bay-tren-ban-dao-trieu-tien
General Motors đóng cửa 5 nhà máy ở Bắc Mỹ
Công ty General Motors (GM) ngày 26/11 cho biết sẽ cắt giảm 15% lực lượng lao động và ngưng sản xuất tại 5 cơ sở ở Bắc Mỹ, một động thái công ty nói là do áp lực thị trường mà ra.
“Hành động mà chúng tôi thực hiện ngày hôm nay tiếp tục sự chuyển đổi có tính cách khôn khéo, kiên trì và có lợi từ đó chúng tôi có thể uyển chuyển để đầu tư trong tương lai,” Chủ tịch và Tổng giám đốc Mary Barra nói trong một văn bản chính thức nhan đề “General Motors Tăng cường Chuyển đổi.”
GM sẽ đóng cửa các cơ sở tại Detroit, Ohio, Ontario, Canada và hai cơ sở tại Michigan. Công ty cho biết sẽ chú trọng đến các loại xe điện và xe tự động.
Nhu cầu về các dòng xe sedan và chính sách chống-toàn cầu hóa của chính quyền ông Trump đã có ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất ô tô.
Công ty nói thuế quan lên thép áp đặt trước đây trong năm đã làm công ty mất 1 tỉ đô la.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với tờ Wall Street Journal rằng công ty General Motors nên ngưng sản xuất ô tô tại Trung Quốc mà quay về chế tạo xe tại Mỹ.
Ông Trump cho biết ông đã tỏ ý không hài lòng về loan báo của Chủ tịch công ty.
Trump: Kế hoạch Brexit
có thể đe dọa thương mại Anh-Mỹ
Donald Trump cho rằng thỏa thuận Brexit của bà Theresa May có thể đe dọa thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ.
Tổng thống Hoa Kỳ không xác định khía cạnh nào của thỏa thuận Brexit khiến ông quan ngại, nhưng nói với các phóng viên rằng thỏa thuận rút ra khỏi EU “có vẻ là điều rất tốt cho EU”.
Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit
Thượng viện Anh thông qua luật Brexit
EU không bị nguy cơ sau Brexit
Bà May đã phản bác những lời chỉ trích nặng nề về thỏa thuận Brexit của mình với các nghị sĩ hôm thứ Hai.
Khẳng định rằng thỏa thuận “làm lợi cho người dân Anh” bằng cách lấy lại quyền kiểm soát luật, tiền bạc và biên giới, bà May cho biết thỏa thuận này sẽ được các nghị sĩ bỏ phiếu vào ngày 11 tháng 12.
Vài giờ sau, ông Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng: “Chúng ta phải nghiêm túc xem xét xem liệu Anh có được phép giao dịch hay không.
“Bởi vì ngay bây giờ nếu bạn nhìn vào thỏa thuận, họ có thể không có khả năng giao dịch với chúng ta. Và đó sẽ không phải là một điều tốt. Tôi không nghĩ họ có ý đó. “
Có vẻ ông Trump muốn nói rằng thỏa thuận có thể khiến cho nước Anh không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, phản hồi ý kiến của ông Trump, một phát ngôn viên Downing Street cho biết thỏa thuận Brexit hôm Chủ Nhật sẽ cho phép Anh ký các thỏa thuận song phương với các nước, bao gồm cả nước Mỹ.
“Chúng tôi đã đặt nền tảng cho một thỏa thuận đầy tham vọng với Hoa Kỳ thông qua các nhóm làm việc chung, đã gặp gỡ cho đến nay tất cả năm lần,” phát ngôn viên nói thêm.
Biên tập viên Bắc Mỹ của BBC, Jon Sopel, nói rằng những bình luận của ông Trump có tính khiêu khích, vì trong thời gian này, thương mại sẽ “tiếp tục theo cách tương tự như trước đây”.
“Donald Trump biết chính xác những gì ông ấy muốn làm với những nhận xét này”, ông Sopel nói.
“Có một mối liên lạc rất cởi mở giữa các thành viên cấp cao của chính quyền của ông Trump và những người ủng hộ Brexit nổi bật.”
Trong chuyến thăm Anh Quốc của ông Trump vào tháng Bảy – ngày sau khi thủ tướng Anh công bố các đề xuất khái quát của thỏa thuận Brexit – Tổng thống Mỹ đã đề nghị một “thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh” đầy tham vọng “hoàn toàn khả thi”.
Hàng tỷ bảng Anh đã luân lưu giữa thương mại Anh và Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Anh.
Quy tắc thương mại của EU hiện đang ngăn cản Vương quốc Anh thiết lập những gì có thể được xem như một thỏa thuận thương mại song phương thuận lợi hơn với Washington.
Theo thỏa thuận được đồng ý tại Brussels, Anh sẽ tiếp tục giao dịch với Hoa Kỳ theo các quy định của EU cho đến khi ít nhất là kết thúc của “giai đoạn chuyển tiếp” vào tháng 12 năm 2020.
Trong quá trình chuyển đổi này – được thiết kế để cho phép các doanh nghiệp và những người khác chuẩn bị cho thời điểm các quy tắc mới của Brexit bắt đầu – Anh sẽ có thể đàm phán và thực hiện các giao dịch với Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46354308
Mỹ muốn đuổi TQ ra khỏi Tổ chức thương mại thế giới,
Trong khi các quan chức hai nước Mỹ, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao G-20 thì tại kỳ họp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hôm 21.11 đại biểu hai bên đã đấu khẩu quyết liệt. Phía Mỹ cáo buộc Bắc Kinh sử dụng WTO để theo đuổi các chính sách “phi thị trường và “dối trá”, trong khi đại diện Trung Quốc lại cho rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm, coi thường những quy tắc của tổ chức này, đó mới là dối trá. Thậm chí một quan chức thân cận với ông Donald Trump còn ám chỉ yêu cầu WTO trục xuất Trung Quốc khỏi tổ chức quốc tế này khiến Bắc Kinh nổi giận…
Đại sứ Mỹ và Đại sứ Trung Quốc đã có cuộc đấu khẩu kịch liệt tại diễn đàn WTO
Theo Reuters, Đại sứ Mỹ tại WTO, ông Dennis Shea đã phát biểu cho rằng Trung Quốc lợi dụng WTO để thúc đẩy chính sách phi thị trường, làm méo mó thị trường thế giới, dẫn đến năng lực sản xuất quá dư thừa, đặc biệt là sắt thép và nhôm. Trước việc tháng trước 7 nước thành viên WTO bao gồm Trung Quốc, EU…đưa ra một yêu cầu chưa từng có là thành lập một tổ chuyên gia để điều tra biện pháp đánh thuế thép và nhôm của Mỹ có phải do xem xét an ninh quốc gia hay là một biện pháp đảm bảo, liệu có vi phạm quy định của WTO hay không? ông Dennis Shea tuyên bố: WTO cần phải bác bỏ khiếu kiện của 7 nước thành viên đó vì quy tắc của WTO cho phép có hành động ngoại lệ xuất phát từ việc xem xét lợi ích an ninh quốc gia.
Ngoài bào chữa cho hành động của Mỹ, ông Dennis Shea còn trực tiếp chỉ trích Trung Quốc. Ông nói: “Trái lại, mối đe dọa hệ thống mậu dịch quốc tế chính là Trung Quốc đang mưu đồ lợi dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ngăn cản các nước thành viên khác hành động để giải quyết chính sách không công bằng và làm méo mó mậu dịch của họ”. Một quan chức Mỹ khác cũng nói:
“Mỹ không thể dung thức kiểu dối trá đó”, Mỹ đã khởi kiện để phản bác lại những biện pháp thuế quan có tính trả đũa của Trung Quốc, Canada, Mexico và EU.
Trước sự chỉ trích của Dennis Shea, ông Trương Hướng Thần, Đại sứ Trung Quốc tại WTO đã đăng đàn phản bác, nói chính phủ Trung Quốc không muốn bị lôi cuốn vào trò chơi chỉ trích, đổ vấy nhau, Mỹ không thể cung cấp chứng cứ chứng minh cho những lời lẽ vô căn cứ của họ đối với kinh tế Trung Quốc. Ông cũng tố cáo Mỹ đang lợi dụng điểm này để che đậy hành vi vi phạm quy tắc WTO của họ.
Đáp lại việc Mỹ kiện Trung Quốc ra WTO về hành vi lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ; phía Trung Quốc nhấn mạnh: trong biên bản của WTO vẫn còn ghi lại một số tranh chấp chưa được giải quyết, trong đó có những phán quyết về việc Mỹ vi phạm Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Phía Mỹ tuyên bố, họ không tiếc sức mình để bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Trung Quốc đáp trả: “Xem xét sợ thực phía Mỹ cố ý trì hoãn 14 năm không giải quyết phán quyết này cho thấy bản thân những lời nói của họ rất không đáng tin cậy”. Ông Trương Hướng Thần nói: “Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng TRIPS, còn Mỹ thì không. Chúng tôi cho rằng trước khi Mỹ hoàn toàn thực hiện hiệp nghị TRIPS, những đề xuất của họ đều không có nền tảng pháp luật”.Ông cho rằng, tuyên bố của người Mỹ đầy rẫy sự dối trá.
Trước đó, cũng tại WTO,một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Donald Trump đã đưa ra đề nghị có thể trục xuất Trung Quốc ra khỏi tổ chức hàng đầu thế giới về thương mại này.
BBC cho biết, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống khi trả lời phỏng vấn đài này đã nói, Trung Quốc là một thành viên của WTO “có hành vi không đúng mực” và WTO khiến Mỹ thất vọng. Ông nói, chiến lược cứng rắn của Tổng thống Donald Trump về mậu dịch quốc tế đang phát huy tác dụng.
Kevin Hassett nói, WTO phát huy tác dụng lịch sử vô cùng quan trọng trong việc hiện đại hóa toàn cầu; nhưng Mỹ thất vọng về thể hiện của WTO trên nhiều lĩnh vực.Ông nói, Mỹ thường thắng trong các vụ án kiện ra WTO, nhưng phải mất tới 5,6 tháng, khi đó thì thiệt hại đã xảy ra rồi.
Ông cho rằng, do mức tiền phạt quá thấp, nên một số quốc gia sẵn sàng vi phạm quy tắc rồi nộp phạt, WTO cần xử lý tốt hơn những quốc gia này. Ông công khai chỉ trích Trung Quốc khi nói: “Chúng tôi không ngờ một quốc gia sau khi gia nhập WTO lại hành xử như Trung Quốc. Đối với một quốc gia thành viên mà hành xử không đúng mực như vậy là điều rất hiếm thấy”.
Vấn đề Kevin Hassett muốn thảo luận là: liệu có thể thông qua đàm phán song phương hoặc thông qua cải cách WTO, thậm chí trục xuất Trung Quốc ra khỏi tổ chức này để giải quyết vấn đề hay không? Tuy nhiên Kevin Hassett nói, sự lựa chọn thứ 3 này (tức trục xuất Trung Quốc ra khỏi WTO) không phải là chính sách chính thức của Mỹ. BBC bình luận, việc đuổi Trung Quốc ra khỏi WTO ít có khả năng xảy ra, nhưng việc một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ phát biểu ngôn từ như thế khiến người ta kinh ngạc.
Trước lời lẽ của Kevin Hassett, ngày 22.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã có phản ứng mạnh mẽ tại cuộc họp báo quốc tế. Trang tin Đa Chiều (DWNews) cho biết, khi có phóng viên hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước phát biểu của Kevin Hassett; ông Cảnh Sảng nói: “WTO là một cơ cấu đa phương chứ không phải của mình người Mỹ. Các thành viên WTO đều bình đẳng,không phải mình Mỹ nói là xong. Việc người cá biệt phía Mỹ ám chỉ việc khai trừ Trung Quốc khỏi WTO là “kẻ ngốc nói mê”, nhưng nó cũng bộc lộ miệng lưỡi cường quyền bắt nạt và tâm thế “mình ta là nhất” của người Mỹ.
Ông Cảnh Sảng nói, thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp rút khỏi các tổ chức và hiệp định quốc tế như UNESCO, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Liên minh Bưu chính thế giới, Hiệp ước TPP, Hiệp định về giải quyết biến đổi khí hậu Paris, Hiệp nghị di dân toàn cầu, Hiệp nghị hạt nhân Iran…Cộng đồng quốc tế tự mình biết đâu là đúng sai trong việc Mỹ nêu chiêu bài “Ưu tiên nước Mỹ” để rút khỏi các tổ chức quốc tế và hủy bỏ các hiệp ước.
Ông còn nói: “Nếu tôi không nhớ nhầm thì cách đây không lâu, Mỹ còn đe dọa rút khỏi WTO; nhưng nay họ lại giương ngọn cờ cải cách WTO để ám chỉ việc trục xuất Trung Quốc ra khỏi WTO, thật hoang đường”.
Cảnh Sảng đặt câu hỏi: “Trung Quốc là nước bán hàng lớn nhất, nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Đến Trung Quốc mà Mỹ còn dám kêu gào khai trừ ra khỏi WTO, vậy các nước khác thì sao? Tiếp theo sẽ là nước nào đây?”.
Chuyên gia nhận định cuộc gặp Trump – Tập:
Chụp ảnh chung và một “thỏa thuận giả”
Chuyên gia dự báo sẽ có màn chụp ảnh chung, một thỏa thuận mang tính hình thức và thị trường sẽ được hỗ trợ tạm thời sau cuộc họp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: CNBC.
Chỉ chụp ảnh chung và một thỏa thuận “giả”
“Chúng tôi không nghĩ rằng, thỏa thuận này sẽ tạo ra sự hòa dịu dài hạn giữa 2 nước”, Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng và giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của công ty nghiên cứu TS Lombard nhận định trước thềm hội nghị tại Buenos Aires.
Ông Zhuang cho biết, ông dự đoán tại cuộc họp sẽ có màn chụp ảnh và có thể là một thỏa thuận mang tính hình thức trong cuộc gặp giữa lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều này có nghĩa là, thị trường sẽ có phản hồi tích cực tạm thời. Nhưng căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục leo thang, ông Zhuang dự báo.
Theo nhà kinh tế trưởng này, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục bị tổn thương bởi chiến tranh thương mại, với tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 0,5 – 0,7 điểm % từ đầu năm 2019.
Chiến tranh thương mại sẽ kéo sang 2019
Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn còn khác biệt quá xa trong các vấn đề và không sẵn sàng để nhượng bộ.
Ngay cả các quan chức chính quyền Trump cũng đã giảm bớt kỳ vọng vào kết quả cuộc gặp. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã phát biểu, Trung Quốc phải thực hiện những thay đổi lớn nếu muốn có một thỏa thuận.
Nếu 2 nhà lãnh đạo có thể đạt được một số thỏa thuận dẫn đến việc hủy bỏ thuế suất bổ sung và bình thường hóa thương mại giữa 2 nước. Nếu điều đó xảy ra, cổ phiếu có thể bật lên, các nhà phân tích tại Capital Economics lưu ý.
Vấn đề là dường như Tổng thống Trump nghĩ rằng, nền kinh tế Mỹ có sức chịu đựng bền bỉ hơn Trung Quốc và có thể chịu được những thiệt hại do cuộc chiến thương mại gây ra. Ông Trump có thể đúng, nhưng chiến lược này gây ra thiệt hại cho cả 2 bên.
Các nhà kinh tế đều dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ suy yếu trong năm 2019 và 2020, với một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra, với mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 10% lên 25% trong năm tới, có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn đe dọa đến việc làm và tăng trưởng.
Trung Quốc, tuy nhiên, là một quốc gia tự hào với mục tiêu chiến lược của riêng mình, và một lịch sử lâu dài chống lại các thế lực phương Tây. Vì vậy, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình có thể thân thiện nhưng không tạo ra bất kỳ điều gì cả.
Các thị trường đã dành cả năm 2018 làm quen với các cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump, và có thể tiếp tục đến năm 2019.
Tổng thống Trump đe dọa tăng thuế
nếu không đạt được thoả thuận với TQ
Ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói nếu cuộc đàm phán sắp tới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina không đạt được thoả thuận, ông sẽ đánh thuế bổ sung lên 267 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại, WSJ đưa tin.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông Trump nói không có nhiều khả năng ông chấp nhận yêu cầu tạm ngừng tăng thuế của Trung Quốc. Chương trình tăng thuế bổ sung từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc dự kiến có hiệu lực ngày 1/1/2019.
“Điều kiện duy nhất để đạt được thoả thuận đó là Trung Quốc mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ” – ông Trump trả lời WSJ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tận Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina cuối tuần này. Ông Trump cũng cho biết nếu đàm phán với nhà lãnh đạo Trung Quốc không thành công, ông sẽ đánh thuế tất cả hàng hoá Trung Quốc còn lại.
“Nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ tiếp tục áp đặt mức thuế từ 10- 25% lên 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc – ông Trump nói.
Ông cho biết các mức thuế bổ sung cũng sẽ được áp dụng cho sản phẩm máy tính xách tay và điện thoại của Apple nhập khẩu từ Trung Quốc. Mọi bất lợi đối với người dùng Mỹ sẽ chỉ là tạm thời vì mức thuế chỉ là 10%, ông nhận định.
“Có thể. Phụ thuộc vào mức thuế. Nếu tôi chỉ đưa ra mức 10%, người dân sẽ vượt qua dễ dàng” – ông Trump nói về khả năng áp thuế bổ sung với các mặt hàng điện thoại với máy tính của Apple.
Hai nhà khoa học TQ và Mỹ
bị điều tra vụ tạo ra em bé biến đổi gen
Một nhà khoa học Trung Quốc và một giáo sư Hoa Kỳ đang bị điều tra trong vụ hai em bé song sinh được điều chỉnh gen đầu tiên trên thế giới, theo Reuters và USA Today.
Tân Hoa Xã sáng ngày 27/11 cho biết Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã ra lệnh lập tức điều tra về cuộc thí nghiệm của ông Hạ Kiến Khuê (Jiankui He).
Trong một đoạn video được công bố ngày 26/11, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tuyên bố cặp em bé song sinh đã ra đời vài tuần trước. Ông nói các em đều có ADN được chỉnh sửa để kháng nhiễm HIV, theo AP.
Nhóm nghiên cứu của ông Hạ nói đã sử dụng CRISPR – một họ các trình tự ADN trong vi khuẩn, để biến đổi gen phôi thai tạo ra một cặp bé gái sinh đôi khỏe mạnh. Đây là cặp sinh đôi đầu tiên được sinh ra có chỉnh sửa gen.
Theo AFP, nghiên cứu của ông Hạ được nhắc đến trên tạp chí khoa học MIT Technology Review vào ngày 25/11. Bài viết trên tạp chí Mỹ nằm trong số các tài liệu được đội nghiên cứu của ông Hạ đăng tải trên mạng nhằm tuyển thêm các cặp đôi tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm cặp đôi em bé song sinh được điều chỉnh gen.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết hai cháu bé, Lulu và Nana, được sinh ra từ biện pháp thụ tinh nhân tạo nhưng sử dụng trứng đã được điều chỉnh đặc biệt trước khi cấy vào tử cung người mẹ.
“Ngay sau khi ghép tinh trùng của người cha vào trứng, các bác sĩ sẽ cấy thêm protein CRISPR/Cas9 và thực hiện một cuộc “phẫu thuật gen” với mục tiêu bảo vệ các cháu bé trong tương lai không bị lây nhiễm HIV”, ông Hạ nói.
Hôm 27/11, ABC News cho biết tiến sĩ Michael Deem, giáo sư Đại học Rice của Mỹ đã bị trường này điều tra và ngưng tài trợ cho nghiên cứu có liên quan đến ông Hạ Kiến Khuê.
Trường Rice cho biết nhà trường hoàn toàn “không hay biết” về cuộc nghiên cứu này, vì nó được thực hiện bên ngoài nước Mỹ. Được biết Hoa Kỳ nghiêm cấm việc điều chỉnh phôi thai người.
Điều chỉnh gen được xem là biện pháp tiềm năng chữa trị các loại bệnh có khả năng di truyền. Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi dữ dội vì những thay đổi gen sẽ di truyền sang nhiều thế hệ và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến quỹ gen chung của nhân loại.
Tạp chí MIT Technology Review cũng cảnh báo “công nghệ này đặc biệt gây tranh cãi về đạo đức nghiên cứu”.
Ông Hạ từng nghiên cứu tại Đại học Rice và Đại học Stanford ở Mỹ trước khi về nước.
Hiện tại, một nhóm chuyên gia độc lập đã được Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam thuê để điều tra xác minh về nghiên cứu của ông Hạ. Trong khi, ông chưa thể công bố chi tiết nghiên cứu của mình trên bất kỳ tạp chí khoa học nào. Danh tính hai đứa trẻ [nếu có] cũng được giữ bí mật.
Tại thời điểm này, chưa có bất kể bằng chứng nào cho thấy hai đứa trẻ được chỉnh sửa gen đang sống giữa chúng ta, ngoại trừ chính tuyên bố của ông Hạ Kiến Khuê.
Phụ tá thân tín của ông Trump sắp rời Tòa Bạch Ốc
Jordan Karem, một trong những phụ tá kỳ cựu nhất của Tổng thống Donald Trump dự trù rời Tòa Bạch Ốc vào cuối năm nay để trở về với lãnh vực tư, các giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 26/11 cho biết.
Reuters dẫn lời các giới chức loan tin ông Karem sáng 26/11 đã nói với Tổng thống Trump về kế hoạch ra đi.
Kể từ tháng 3, ông Karem, 37 tuổi, là phó phụ tá của Tổng thống và là giám đốc phụ trách các hoạt động của Phòng Bầu dục. Ông được biết như là “cận vệ” của Tổng thống, một phụ tá cá nhân, là viên chức đầu tiên gặp ông Trump vào sáng sớm và là người cuối cùng gặp ông Trump vào buổi tối. Ông có nhiệm vụ giữ cho ông Trump theo đúng lịch trình hoạt động và thuyết trình cho ông Trump về những cuộc họp và những sinh hoạt sắp tới.
Ông Nicholas Luna, giám đốc du hành của Tòa Bạch Ốc sẽ thay thế ông Karem, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết.
Khi được hỏi về ông Karem, Tổng thống Trump nói: “Jordan Karem là một người giỏi mà tôi đã biết rất rõ trong vài năm qua. Ông cùng với tôi từ lúc đầu và tôi ghi nhận sự trung thành và sự gắn bó của ông đối với chính quyền của tôi. Ông đã tuyệt vời khi làm việc với tôi và toán của tôi.”
Ông Karem là một đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa, bắt đầu làm việc cho ông Trump trong tư cách là một phụ tá vận động tranh cử vào tháng 7 năm 2015, một ít lâu sau khi ông Trump bắt đầu nỗ lực để được đảng Cộng hòa đề cử tranh chức Tổng thống.
Ông Karem kết thúc cuộc vận động tranh cử trong tư cách giám đốc báo chí cho Phó Tổng thống Mike Pence và bắt đầu làm việc cho ông Trump tại Tòa Bạch Ốc như là một giám đốc lo việc chuẩn bị trước các hoạt động của Tổng thống Trump.
Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử
của ông Trump nói dối FBI
Ông Paul Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã khai dối với các nhân viên điều tra liên bang trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Hôm 27/11, hãng tin Reuters trích hồ sơ tố tụng của các công tố viên trình lên tòa ngày 26/11 nói rằng ông Manafort không đồng ý với khẳng định của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller rằng ông Manafort khai dối với nhà điều tra và do vậy đã vi phạm thỏa thuận nhận tội. Tuy nhiên, hai bên thống nhất rằng phiên tòa sẽ tiếp tục và ra bản án đối với ông.
Hồ sơ tố tụng nộp lên tòa nói rằng “sau khi ký thỏa thuận nhận tội, ông Manafort đã vi phạm một số tội theo quy định của luật lệ liên bang khi nói dối Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Văn phòng Cố vấn Đặc biệt về một số vấn đề liên quan,” theo AP.
Theo các chuyên gia, nếu như không được đặc xá, ông Manafort, 69 tuổi, sẽ phải chịu án tù chung thân.
Vào tháng 9, ông Manafort nói sẽ hợp tác với cuộc điều tra liên bang về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Ông đã bị tuyên có tội tại một tòa án liên bang ở Washington đối với hai tội danh là âm mưu chống lại Hoa Kỳ và âm mưu cản trở công lí.
Vào tháng 8, ông Manafort đã bị kết tội tại bang Virginia về những cáo buộc trước khoảng thời gian ông quản lí ban vận động tranh cử của ông Trump và có liên quan tới công tác của ông với các chính trị gia thân Nga ở Ukraina.
Đảng Dân chủ muốn
tạm ngưng điều tra ngay ông Trump
Sau khi chiếm được Hạ viện Hoa Kỳ với một chiến dịch đòi truy cứu trách nhiệm Tổng thống Donald Trump, một số đảng viên Dân chủ quyền lực hiện đang thúc giục kiềm chế và tập trung vào chính sách, ít nhất là ngay từ đầu nhiệm kỳ sắp tới, theo Reuters.
Một cuộc kiểm tra quyết liệt về tổng thống vẫn là cần thiết, các nhà lập pháp và trợ lý cao cấp nói với Reuters. Nhưng các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đang cố gắng vạch ra một lộ trình cẩn trọng vào đầu tháng Một, khi họ sẽ lấy lại Hạ viện từ tay đảng Cộng hòa của ông Trump.
Lộ trình này sẽ tìm cách tránh tạo ra các cuộc chiến chính trị vào lúc này, về các vấn đề như sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như sự thông đồng có thể có giữa Moscow và chiến dịch của ông Trump và vấn đề cản trở công lý.
Nhiều đảng viên Dân chủ muốn điều tra những vấn đề này, sử dụng trát đòi hầu tòa để lấy tài liệu và lời khai mà họ nói đảng Cộng hòa đã làm ngơ trong hai năm qua, Reuters dẫn lời các nhà lập pháp và trợ lý cho biết.
Các đảng viên này cũng nói rằng họ muốn đào sâu về những tài sản mà ông Trump nắm giữ, các doanh nghiệp của con rể ông Trump, Jared Kushner, và việc sử dụng email cá nhân của cô con gái Ivanka Trump cho công việc liên quan tới chính phủ.
Nhưng có vẻ như việc điều tra không được ưu tiên trong việc định hình chương trình nghị sự đầu năm 2019 của đảng Dân chủ.
Điều này, theo Reuters, là bởi vì các đảng viên Dân chủ khác, bao gồm các lãnh đạo ủy ban chủ chốt, muốn tập trung vào vấn đề nhập cư, khoản vay nợ học đại học tăng của sinh viên, dược phẩm theo toa có chi phí cao và phản ứng của liên bang đối với thảm họa bão, đặc biệt là ở Puerto Rico.
Chương trình nghị sự của đảng Dân chủ sẽ rõ ràng trong sáu đến tám tuần. Khi đó, nó sẽ định hình rất nhiều mối quan hệ trong hai năm tới giữa Điện Capitol và ông Trump, người chưa từng đương đầu với một viện của Quốc hội nằm dưới quyền kiểm soát của đảng đối lập.
Cử tri Mỹ đã trao Hạ viện lại cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử ngày 6/11. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều nguồn lực hơn cho các cuộc điều tra, nhưng một số thành viên của các ủy ban chủ chốt nói rằng họ lo ngại việc vội vã sử dụng quyền lực đó có thể làm mất ủng hộ của cử tri.
Dân biểu Jerrold Nadler, người có nhiều khả năng sẽ là chủ tịch của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, hiện đang rất ngại nói về việc thúc đẩy ngay lập tức vấn đề truất phế ông Trump. Các đảng viên Dân chủ khác cũng vậy.
Tại Ủy ban Tình báo Hạ viên, các thành viên đang tranh luận xem liệu có nên mở lại cuộc điều tra của ban về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không, các nguồn tin ẩn danh nói với Reuters.
Dân biểu Adam Schiff, người sẽ trở thành Chủ tịch ủy ban, đang dẫn đầu một phe muốn ngưng việc mở lại cuộc điều tra Nga, vẫn theo nguồn tin trên.
Đảng viên Dân chủ Joaquin Castro, một thành viên của Ủy ban tình báo, ủng hộ ủy ban bắt đầu năm làm việc 2019-2020 với các phiên điều trần về những vấn đề như việc tách trẻ em nhập cư khỏi cha mẹ của chúng. Nhưng ông nói với Reuters rằng đảng Cộng hòa đã “nhắm mắt làm ngơ trước những đầu mối quan trọng trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 của chúng ta…”
https://www.voatiengviet.com/a/dang-dan-chu-muon-tam-ngung-dieu-tra-ngay-ong-trump/4674526.html
Argentina xem xét khởi tố
Thái tử Ả Rập Xê Út trước hội nghị G-20
Chính quyền Argentina, nước đăng cai thượng đỉnh G-20, đang xem xét khả năng truy tố hình sự và điều tra Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại giữa lúc ông chuẩn bị lên đường đến thủ đô Buenos Aires để dự hội nghị.
USA Today trích lời các công tố viên tham gia cuộc điều tra về tội ác chiến tranh cho biết vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại là một trong các cáo buộc khác trong đó có việc chính quyền quân sự Ả Rập Xê Út can thiệp vào Yemen và những vụ tra trấn trong nước.
Động thái này diễn ra sau khi tổ chức Human Rights Watch (HRW) viết thư cho một công tố viên liên bang nói tòa án Argentina nên áp dụng quy định về quyền xét xử phổ quát trong luật nước này để khởi tố Thái tử Mohammed bin Salman, theo Guardian.
HRW cho rằng thái tử kế vị của Ả Rập Xê Út phải chịu trách nhiệm về hàng loạt thương vong gây ra cho dân thường trong chiến dịch của liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu tại Yemen, cũng như về các vụ tra tấn công dân Ả Rập Xê Út, bao gồm nhà báo Jamal Khashoggi – người bị sát hại tại lãnh sự quán nước này ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/10.
Thái tử Mohammed là khách mời trong hội nghị kéo dài hai ngày bắt đầu từ 30/11.
Liên hiệp quốc cấp 9 triệu đô viện trợ Venezuela
Liên hiệp quốc ngày 26/11 loan báo cấp cho Venezuela 9 triệu đô la viện trợ y tế và dinh dưỡng. Tại Venezuela, nạn đói và các căn bệnh có thể phòng chống được đang gia tăng mạnh vì hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước này đang sụp đổ.
Đây là khoản tài trợ khẩn cấp đầu tiên cho chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, người đổ lỗi những vấn đề kinh tế của nước này là do những chế tài từ Hoa Kỳ và do “cuộc chiến kinh tế” chỉ đạo bởi các đối thủ chính trị.
Giới chỉ trích chính phủ ăn mừng động thái này của Liên hiệp quốc như là sự công nhận của nhà cầm quyền Venezuela rằng nước này đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân đạo, điều ông Maduro phủ nhận trong quá khứ-và là một bước tiến tới việc đối xử với một dân số đang thiếu những dịch vụ căn bản.
Tuy nhiên một số người lo ngại là sự tài trợ này sẽ châm ngòi cho tham nhũng của Đảng Xã hội cầm quyền đã được phơi bày trong tuần trước, khi một cựu thủ quỹ Venezuela nói với các công tố viên Mỹ là ông nhận 1 tỉ đô la tiền hối lộ.
Quỹ Đáp ứng Khẩn cấp Trung ương Liên hiệp quốc (CERF) sẽ hỗ trợ cho những dự án cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và những bà mẹ đang cho con bú gặp nguy cơ, và chăm sóc sức khỏe khẩn cấp cho những người dễ bị ảnh hưởng, trang mạng của CERF cho biết.
OPCW điều tra vụ tấn công bằng khí độc tại Syria
Người đứng đầu cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế ngày 26/11 loan báo cơ quan này sẽ điều tra một vụ tấn công cuối tuần qua tại Syria bị cáo buộc là dùng khí độc khiến 100 người bị thương.
Chính phủ Syria đã yêu cầu Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) có trụ sở tại The Hague điều tra vụ này, mà Syria cáo buộc là do phe nổi dậy bắn đạn pháo có chứa chất chlorine vào thành phố Aleppo hôm 24/11 từ các vùng chung quanh.
Thông tấn xã nhà nước Syria và các tổ chức nhân quyền có mặt tại hiện trường cho biết là các nạn nhân bị thương từ nhẹ đến nặng do bị ngạt thở trong đó có một vài trẻ em.
OPCW thường xung đột với chính phủ Syria, vì chính phủ này đã sử dụng chất chlorine và sarin trong cuộc nội chiến.
Theo quyền hành mới được các thành viên cơ quan cho phép vào tháng 6 năm nay, OPCW cũng có thể qui trách nhiệm cho các thủ phạm
Kiểm duyệt : Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Google
không nhượng bộ Bắc Kinh
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International hôm 27/11/2018 cảnh báo việc Google tuân thủ yêu cầu kiểm duyệt của Bắc Kinh trên thị trường Trung Quốc sẽ làm tổn hại vĩnh viễn tới uy tín của tập đoàn.
Theo Amnesty International, khi tạo ra ứng dụng nói trên, Google sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm về việc các doanh nghiệp tin học cho phép chính phủ các nước vi phạm nhân quyền. Tổ chức Amnesty International gửi bức kiến nghị huy động quốc tế kêu gọi tổng giám đốc tập đoàn Google, Sundar Pichai, từ bỏ dự án cho ra mắt ứng dụng này.
Theo « dự án Dragonfly », ứng dụng tìm kiếm mới của Google sẽ tự động tìm kiếm và sàng lọc các trang web bị chặn ở Trung Quốc, đồng thời liệt các cụm từ nhu « nhân quyền », « trấn áp Thiên An Môn » … vào một « danh sách đen ». Ứng dụng sẽ cho phép chính quyền Trung Quốc kiểm soát dễ dàng hơn các hoạt động tìm kiếm trên mạng Internet của từng người dân. Điều này có nghĩa là Google có nguy cơ tiếp tay cho chính phủ Trung Quốc bắt giữ công dân.
Sau khi nhiều nhân viên của chính Google công khai phản đối ứng dụng mới và từ chối tham gia dự án, tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi toàn thể nhân viên của hãng này biểu tình trước các trụ sở của Google và kêu gọi họ ký tên vào đơn kiến nghị quốc tế.
Joe Westby, nhà nghiên cứu về công nghệ và nhân quyền của Amnesty International tuyên bố là tập đoàn sở hữu công cụ tìm kiếm thông dụng nhất trên thế giới phải đấu tranh để Internet là một không gian và người dân được tiếp cận thông tin tự do, thay vì ủng hộ sự độc đoán, chuyên quyền của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181127-kiem-duyet-an-xa-quoc-te-keu-goi-google-khong-nhuong-bo-bac-kinh
Học giả quốc tế lên án Trung Quốc
về các trại cải tạo ở Tân Cương
Các nước trên thế giới phải trừng phạt Trung Quốc về tội giam cầm cả triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Hàng trăm học giả trên thế giới ngày 26/11/2018, đã cảnh cáo rằng nếu không làm gì, cộng đồng quốc tế sẽ mặc nhiên cho thấy là họ chấp nhận hành vi « tra tấn tâm lý thường dân vô tội ».
Trong một cuộc họp báo tại Washington, đại diện của một nhóm gồm 278 học giả trong nhiều ngành khác nhau, đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới, đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ các chính sách cầm cố người Duy Ngô Nhĩ. Các học giả đồng thời kêu gọi quốc tế ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo Trung Quốc và các công ty an ninh dính líu đến chính sách đàn áp này.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã bị chỉ trích dữ dội về việc giam giữ hàng loạt và giám sát chặt chẽ người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm sắc tộc khác ở vùng Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Vào tháng 8, một tiểu ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết đã nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy theo đó một triệu (hoặc nhiều hơn nữa) người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đang bị giam giữ trong các trại giống như một « trại giam khổng lồ được bí mật che giấu » trong khu vực.
Trong bản thông cáo công bố hôm 26/11/2018, nhóm gần 300 học giả quốc tế nói trên cho rằng : « Tình trạng đó phải được xem xét giải quyết để khỏi tạo ra tiền lệ xấu về việc chấp nhận hành vi đàn áp của một nhà nước nhắm vào một bộ phận cư dân của mình, đặc biệt là trên cơ sở dân tộc hay tôn giáo ».
Thông cáo cũng yêu cầu các quốc gia đẩy nhanh tốc độ xét đơn xin tị nạn đến từ cộng đồng các sắc dân thiểu số Hồi Giáo của Tân Cương, cũng như « thúc đẩy một phong trào hành động của Liên Hiệp Quốc nhằm điều tra hệ thống giam giữ hàng loạt đó, tiến tới việc đóng cửa các trại » được Trung Quốc lập ra.
Bắc Kinh luôn bác bỏ những lời chỉ trích về hành động của họ ở Tân Cương, nói rằng Trung Quốc bảo vệ tôn giáo và văn hóa thiểu số, và các biện pháp an ninh được đề ra là điều cần thiết để chống lại ảnh hưởng của các nhóm « cực đoan » kích động bạo lực ở Tân Cương.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cho rằng thế giới không nên tin vào những lời đồn nhảm về Tân Cương và phải tin vào chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, sau khi chối cãi lúc ban đầu là không hề có các trại giam, các quan chức Trung Quốc đã đổi giọng, thừa nhận rằng đã có một số người phạm vào những tội nhẹ được gửi đến các trung tâm « dạy nghề », nơi họ được dạy kỹ năng làm việc và kiến thức pháp lý nhằm hạn chế các tư tưởng cực đoan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào ngày 27/11/2018 lại lên tiếng khẳng định rằng chính sách Tân Cương của Trung Quốc bắt nguồn hoàn toàn từ nhu cầu chống khủng bố, và Bắc Kinh phản đối « bất kỳ thế lực nước ngoài nào đang cố gắng can thiệp vào các vấn đề Tân Cương và chính trị nội bộ của Trung Quốc ».
Trả lời báo chí, Michael Clarke, một chuyên gia về Tân Cương tại Đại Học Quốc Gia Úc ANU, một người đã ký tên vào bản thông cáo vừa được công bố, đã cho rằng Bắc Kinh đang tìm kiếm một sự tôn trọng quốc tế tương xứng với trọng lượng của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu, do đó : « Cộng đồng quốc tế cần chứng minh với Bắc Kinh rằng họ sẽ không thực sự có được điều đó khi vẫn đàn áp một bộ phận đáng kể công dân của mình».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181127-hoc-gia-quoc-te-len-an-trung-quoc-ve-cac-trai-cai-tao-o-tan-cuong
Căng thẳng Nga-Ukraina ở biển Azov :
NATO cảnh cáo Matxcơva
Sự kiện tàu quân sự Ukraina bị Hải Quân Nga « cưỡng chế » tại eo biển Kertch vùng biển Azov, đã gây phản ứng mạnh ở Liên Hiệp Quốc cũng như ở NATO. Ủy Ban NATO – Ukraina đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt vào hôm qua, tập hợp đại sứ các quốc gia thành viên cùng với đồng nhiệm Ukraina tại trụ sở ở Bruxelles và đưa ra lời cảnh cáo nhắm vào chính quyền Nga.
Thông tín viên RFI, Pierre Bénazet, tường thuật từ Bruxelles :
« NATO kêu gọi Nga phải cho các thủy thủ và tàu Ukraina được tự do tiếp tục hành trình. Liên Minh Bắc Đại Tây Dương cũng yêu cầu Matxcơva đảm bảo quyền tự do đi lại của tàu thuyền Ukraina ở vùng eo biển Kertch và biển Azov.
Cho dù rất quan ngại cho thủy thủ Ukraina bị thương trong lúc tàu bị Nga chặn lại, và cũng để tránh cho tình hình xấu đi thêm, NATO yêu cầu các bên giữ bình tĩnh. NATO muốn duy trì đối thoại đã được thiết lập với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tình hình ở Ukraina và khu vực chung quanh, kể cả ở vùng biển Azov, Hắc Hải, và việc quân sự hóa Crimée đã được đề cập nhiều lần trong các cuộc họp với Nga, và đã được nhắc lại cách đây vài tuần, trong cuộc họp NATO-Nga.
Theo ông Stoltenberg, NATO đã tăng cường đáng kể hệ thống phòng thủ chung từ một thế hệ nay, và Nga phải hiểu đó là hậu quả của các hành động của họ.
NATO cũng đã bảo đảm với Kiev về hậu thuẫn của Liên Minh trong việc giúp Ukraina giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ.
Về phần minh, Liên Hiệp Châu Âu cũng lên tiếng yêu cầu tái lập quyền tự do đi lại ở eo biển Kertch. »
Hội Đồng Bảo An họp khẩn cấp
Không chỉ có NATO, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua, 26/11, cũng đã họp khẩn cấp theo yêu cầu của Ukraina và Nga để hai bên trình bày lập luận của mình.
Theo thông tín viên RFI tại New York, tranh luận đã rất gay gắt. Phương Tây đồng loạt lên án vụ tấn công của Nga và yêu cầu trả lại tàu cho Ukraina, còn phía Nga thì cho là họ là nạn nhân của một âm mưu của tổng thống Ukraina đang mất uy tín trong các cuộc thăm dò dư luận.
Cuộc họp đầy sóng gió, nhưng ngoài những lời kêu gọi bình tĩnh và trả lại tàu, không có biện pháp cụ thể nào được đưa ra. Nga vẫn duy trì sức ép ở biển Azov và đe dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu chủ quyền của Nga ở biển Azov bị xâm phạm. Ukraina thì yêu cầu trừng phạt thêm Matxcơva, nhưng yêu cầu này đã bị bác bỏ.
Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng. Tổng thống Donald Trump, hôm qua, cho là ông không hài lòng trước những gì đang xẩy ra giữa Nga và Ukraina và ông sẽ làm việc với các lãnh đạo châu Âu về vấn đề này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào hôm qua, cho rằng việc Nga tịch thu tàu Ukraina là « một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật quốc tế ». Ông Pompeo kêu gọi cả hai bên tự kềm chế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181127-cang-thang-nga-ukraina-o-bien-azov-nato-canh-cao-matxcova
Biển Azov, “ao nhà” của Nga ?
Cộng đồng quốc tế lo ngại biển Azov là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Nga và Ukraina.
Tại sao căng thẳng giữa Matxcơva và Kiev lại đột ngột dấy lên vào thời điểm này ? Ukraina có thể làm được những gì để cưỡng lại sức mạnh quân sự của nước láng giềng to lớn là Nga ? Để trả lời những câu hỏi này cần hình dung được bản đồ và vị trí của vùng biển “nông nhất thế giới này”, với diện tích chưa đầy 38.000 cây số vuông.
Một vùng biển chiến lược “kẹt” trong xung đột
Chính xác hơn là với 37.600 km vuông, Azov mở ra Hắc Hải bằng cánh cổng duy nhất là eo biển Kertch. Vùng biển này bị “chia năm sẻ bảy” giữa những bên thù nghịch với nhau : gồm Nga, Ukraina và phe nổi dậy ở miền đông Ukraina thân Nga.
Phía đông Azov là nước Nga với ba cảng nước nông (Azov, Ieisk và Primorsko). Phía bắc vùng biển gần như khép kín này là Ukraina, với hai cảng mang tính chiến lược trong các hoạt động kinh tế của Ukraina là Mariupol và Berdyansk. Ở phía tây nam biển Azov là bán đảo Crimée từng thuộc về Ukraina nhưng đã bị Nga thôn tính từ năm 2014. Cũng từ năm 2014 xung đột bùng lên giữa Kiev với phe đòi ly khai ở miền đông
Ukraina, làm hơn 10.000 người thiệt mạng. Với sự yểm trợ của Nga, phe nổi dậy ở miền đông Ukraina tuyên bố độc lập tại vùng Donetsk, kiểm soát một đoạn bờ biển Azov.
Về phía Nga, từ khi chiếm lại bán đảo Crimée tháng 5/2014, Matxcơva tự cho mình toàn quyền kiểm soát vùng biển ngoài khơi Crimée. Kiev và phương Tây lên án Nga “cản trở tự do lưu thông hàng hải” và kiểm soát eo biển Kertch nối liền Azov với Hắc Hải.
Nga, Gruzia Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari, Rumani, Moldavia và Ukraina là những quốc gia bao quanh Biển Đen, với cánh cổng là eo biển Bosphore mở ra Địa Trung Hải.
Điều đó cho thấy, tuy nhỏ và có độ sâu tối đa là 14 mét, nhưng biển Azov nằm trên một trục huyết mạch của các hoạt động giao thương giữa đông và tây Âu. Chưa kể là vùng biển này lại được coi là có nhiều tài nguyên, với không dưới 80 loại hải sản và cũng là một mỏ khí đốt còn chưa được khai thác.
Nước cờ của Nga ?
Kể từ khi nổ ra xung đột tại miền Đông Ukraina và Matxcơva xâm chiếm bán đảo Crimée, Hải Quân Nga tăng cường các hoạt động trong vùng biển Azov và điện Kremlin dùng lá bài kinh tế để bóp nghẹt đối phương.
Vùng công nghiệp trù phú Donbass của Ukraina bị chia đôi giữa một bên là chính quyền trung ương Kiev và bên kia là phe nổi dậy thân Nga. Hải cảng Mariupol là nạn nhân kinh tế đầu tiên : Cách thủ đô Kiev hơn 8.000 cây số về phía đông, với nửa triệu dân, trước khi nổ ra chiến tranh, Mariupol là một địa điểm du lịch lý tưởng, là một hải cảng lớn, nơi trung chuyển của 15 triệu tấn hàng mỗi năm. Sắt thép, từ các lò luyện kim trong vùng Donbass đều phải đi qua cửa khẩu này trước khi ra được đến Hắc Hải và có thể là còn đi xa hơn ra đến tận Địa Trung Hải. 20 % hàng xuất khẩu của Ukraina phải đi qua biển Azov.
Ngay cả đối với Nga, Azov cũng là một con đường hàng hải quan trọng, đưa dầu khí và nhất là 43 % lúa mì của Nga đến thị trường Tây Âu.
Nhưng từ năm 2014, các hoạt động trong vùng thưa thớt hẳn. Dự án xây cầu Kertch 19 cây số, dài nhất tại châu Âu cũng đã được tính toán kỹ lưỡng để gây trở ngại tối đa cho tàu bè của Ukraina.
Đời sống của nửa triệu dân phụ thuộc vào các hoạt động của cảng Mariupol và cả vùng Donbass sa sút từ khi nổ ra sung đột. Một số nhà quan sát lo ngại tình trạng này dẫn tới những làn sóng phẫn uất trong công luận và đây có thể là điểm khởi đầu để dân cư trong vùng từng bước ngả về phía Nga.
Trên biển, mật độ tàu quân sự của Nga ngày càng dầy đặc và càng trụ lâu hơn tại Azov để “quan sát” những hoạt động tại một vùng biển có một quy chế khá đặc biệt này.
Từ năm 2003 khi quan hệ giữa Matxcơva và Kiev còn hữu hảo, tổng thống Putin và đồng nhiệm Kouchma đã ký kết một hiệp định cho phép đôi bên “cùng quản lý” biển Azov và eo biển Kertch.
Văn bản nói trên quy định biển Azov là thuộc chủ quyền của Nga và Ukraina, chứ không là một vùng biển quốc tế. Có điều văn bản này không quy định một đường biên giới trên biển. Chỉ ba năm sau, chính Matxcơva đã tố cáo Kiev đòi “rút lại” thỏa thuận nói trên.
Tình hình càng thêm phức tạp từ khi Matxcơva thôn tính Crimée và nhất là từ khi Nga khởi động dự án xây cầu Kertch dài 19 cây số vừa được tổng thống Vladimir Putin khánh thành hồi tháng 5/2018. Cũng vì công trình xây cầu này, Matxcơva viện cớ “đề phòng khủng bố” để điều các tàu quân sự đến biển Azov đều đặn hơn.
Thời điểm căng thẳng Nga – Ukraina bùng nổ trên biển Azov
Đụng độ đêm Chủ Nhật 25/11/2018 khi Hải Quân Nga nổ súng cưỡng chế đối phương, bắt giữ thủy thủ trên ba chiếc tàu quân sự của Ukraina thực ra là diễn biến mới nhất trong một chuỗi dài những căng thẳng song phương trên biển Azov.
Nhật báo Pháp, Le Monde số ra ngày 14/10/2018 thuật lại những sự cố liên tiếp kể từ tháng 5/2018, nhân viên tuần duyên của cả hai nước bị đối phương bắt giữ và bị cáo buộc “hoạt động trái phép” trong các vùng biển bị cấm.
Xét về tương quan lực lượng, một cố vấn thân cận với bộ trưởng Nội Vụ Ukraina được Le Monde trích dẫn đã nhìn nhận rằng, chỉ cần nhìn vào số lượng tàu bè và phương tiện trên biển, khi có va chạm, Ukraina trong thế “trứng chọi với đá”.
Biển Azov, cái cớ để Nga và Ukraina khai thác
Về câu hỏi tại sao căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva lại đột ngột dấy lên vào thời điểm này, giới quan sát cho rằng, Ukraina đang chuẩn bị bầu lại tổng thống. Hiện nay điểm tín nhiệm không cho phép ông Petro Porochenko hy vọng tái đắc cử. Vì vậy tổng thống Porochenko dùng lá bài an ninh và chủ quyền quốc gia để chiêu dụ cử tri. Việc ban hành thiết quân luật trong vòng 60 ngày bắt buộc Kiev phải hoãn lại cuộc bầu cử tổng thống được dự trù diễn ra vào tháng 3/2018.
Còn về phía tổng thống Vladimir Putin, uy tín của ông luôn tăng cao mỗi khi điện Kremlin phô trương sức mạnh quân sự và đó cũng là một đòn để đánh lạc hướng công luận Nga đang bất bình vì tình trạng kinh tế kém cỏi của nước Nga, vì dự án cải tổ chế độ hưu bổng.
Một nhà bình luận Pháp cho rằng khơi dậy hiềm kích trong vùng biển Azov là một bài toán “có lợi cho cả Vladimir Putin lẫn Petro Porochenko”.
Tác giả bài xã luận trên báo Mỹ Washington Post, Anne Applebaum còn đi xa hơn nữa khi cho rằng, Nga đã tính kỹ khi dùng tới lá bài Ukraina lần này, bởi ông Putin biết rằng, phương Tây đang vướng bận vào nhiều hồ sơ gai góc (như Brexit, hay nội bộ chính trị của Hoa Kỳ) không thể tập trung hỏa lực vào nước Nga !
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181127-bien-azov-ao-nha-cua-nga
Ukraine ban hành thiết quân luật
‘vì nguy cơ Nga xâm lược’
Hôm 26/11, Ukraine ban hành thiết quân luật trong 30 ngày ở những vùng đất dễ bị Nga tấn công nhất sau khi Tổng thống Petro Poroshenko cảnh báo nguy cơ “cực kỳ nghiêm trọng” của cuộc xâm lược.
Theo Reuters, Poroshenko nói rằng thiết quân luật là cần thiết để tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine sau khi Nga bắt giữ ba tàu hải quân Ukraina cùng thủy thủ đoàn vào cuối tuần trước.
Ukraine muốn thiết quân luật sau vụ Nga bắt tàu
Nga-Ukraine: Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ
Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Moscow
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không thích những gì đã xảy ra giữa Nga và Ukraine và đang làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu về vụ này.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo gọi vụ Nga bắt các tàu Ucraina là “một sự leo thang nguy hiểm và vi phạm luật pháp quốc tế” và kêu gọi hai nước kiềm chế.
“Hoa Kỳ lên án hành động gây hấn của Nga. Chúng tôi kêu gọi Nga trả các tàu và thủy thủ đoàn cho Ukraine, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” thông cáo của Pompeo viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo điện đàm với ông Poroshenko và nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine khi đối mặt với “sự hung hãn” của Nga.
Quốc hội Ucraina thông qua việc ban hành thiết quân luật sau khi Poroshenko trấn an một số nhà lập pháp hoài nghi rằng động thái này không nhằm hạn chế quyền tự do dân sự hoặc trì hoãn các cuộc bầu cử dự kiến tổ chức trong năm tới.
Động thái được đưa ra vào cuối ngày khi Ukraine và Nga cùng đưa cáo buộc lẫn nhau về vụ bắt tàu hải quân, trong bối cảnh các đồng minh của Kiev cân nhắc việc lên án hành động của Moscow.
Thiết quân luật có hiệu lực từ 9 giờ sáng ngày 28/11, giờ Kiev.
Vụ bắt tàu đã làm bùng lên cơn giận dữ trên đường phố đêm qua.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev; một xe hơi của cơ quan ngoại giao này bị đốt cháy.
Vụ bắt tàu xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Bán đảo Crimea, đánh dấu sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa hai quốc gia.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình.
Nga và Ukraine đang quy trách nhiệm cho nhau về những gì xảy ra, trong đó hai tàu chiến và một tàu dẫn đường bị bắt và một số thành viên thủy thủ đoàn của Ukraine bị thương.
Căng thẳng giữa hai bên ngày càng trở nên gay gắt quanh quyền tiếp cận Hắc Hải và Biển Azov, ngoài khơi bán đảo Crime.
Crimea bị Moscow sáp nhập từ Ukraine vào Nga hồi 2014.
Các lực lượng Ukraine từ lâu nay đã giao tranh với phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, nhưng đây là lần đầu tiên quân đội hai nước công khai xung đột trong những năm gần đây.
Vụ việc bắt đầu khi Nga cáo buộc các tàu Ukraine tiến vào vùng lãnh hải của Nga một cách bất hợp pháp.
Sáng Chủ Nhật, hai chiến thuyền của Ukraine là Berdyansk và Nikopol cùng tàu lai dắt Yani Kapu tìm cách đi từ cảng Odessa ở Biển Đen tới Biển Azov, là vùng biển nằm giữa hai quốc gia.
Ukraine bắt 20 người Việt vượt biên trái phép
Quan chức Ukraine có nhiều tiền mặt
Hoa Kỳ ‘có thể cấp vũ khí’ cho Ukraine
Ukraine nói Nga đã tìm cách chặn tàu chiến và đâm vào tàu lai dắt.
Các tàu của Ukraine vẫn tiếp tục di chuyển tới Eo biển Kerch, là lối duy nhất dẫn vào Biển Azov, nhưng bị một tàu chở dầu nằm dưới cầu Kerch chặn đường.
Nga xây cây cầu này hồi đầu năm nay nhằm nối liền phần đất Nga với Crimea, bất chấp sự phản đối từ Ukraine.
Hôm Chủ Nhật, Nga cũng điều hai chiến đấu cơ và hai trực thăng tới khu vực.
Moscow cáo buộc tàu Ukraine đi vào bất hợp pháp vùng lãnh hải của Nga và nói việc giao thông đi lại ở nơi nay hiện tạm bị ngưng vì các lý do an ninh.
Hải quân Ukraine sau đó nói các tàu của họ đã bị đâm vào, hỏng không hoạt động được trong lúc đang tìm cách rời khỏi khu vực.
Kiev nói có 23 người Ukraine trên khoang và sáu thành viên thủy thủ đoàn bị thương.
Cơ quan an ninh Nga FSB sau đó xác nhận một trong các tàu tuần tra của Nga đã dùng vũ lực bắt giữ ba tàu Ukraine, nhưng nói chỉ có ba thủy thủ bị thương.
Nga cáo buộc Ukraine phạm luật khi cho tàu tới khu vực trong một “hành động khiêu khích có kế hoạch”.
Tuy nhiên, Ukaine nói họ đã thông báo trước cho Nga về kế hoạch di chuyển tàu ở vùng biển này tới Mariupol, và nói việc bắt tàu là “thêm một hành động hung hăng có vũ trang nữa” của Nga.
Bản quyền hình ảnhPHOTOSHOTImage captionMột tàu chở dầu nằm dưới cầu Kerch, án ngữ lối đi dẫn vào
Vụ bắt tàu khiến Ukraine tức giận.
Vào cuối ngày Chủ Nhật, khoảng 150 người đã tụ tập bên ngoài Tòa Đại sứ Nga tại Kiev, ít nhất một xe hơi của Tòa Đại sứ bị đốt.
Thiết quân luật gồm những gì?
Trong cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia và Hội đồng Quốc phòng Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko gọi hành động của Nga là “vô cớ và điên rồ”.
Ông nói trong thứ Hai ông sẽ yêu cầu Quốc hội áp lệnh thiết quân luật, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là “tuyên chiến”.
“Ukraine không có kế hoạch đánh bất kỳ ai,” ông nói.
Việc áp lệnh thiết quân luật sẽ khiến chính phủ có quyền hạn chế các cuộc biểu tình công cộng, điều tiết truyền thông, tạm ngưng các kỳ bầu cử, và buộc công dân phải tiến hành các nhiệm vụ “cần thiết cho xã hội” như làm việc tại một cơ sở quốc phòng nào đó, truyền thông địa phương nói.
Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố đã ra sắc lệnh đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu toàn bộ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46340385
Putin cảnh cáo Ukraina
về thiết quân luật ở các vùng biên giới
Hôm nay, 27/11/2018, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh cáo Ukraina là không nên có những hành động « thiếu suy nghĩ » sau quyết định của Kiev ban hành thiết quân luật nhằm đáp lại vụ tuần duyên Nga bắt giữ 3 chiến hạm của Ukraina. Ông Putin cũng kêu gọi thủ tướng Đức Angela Merkel gây áp lực lên Ukraina, đồng minh của các nước phương Tây.
Tối qua, Quốc Hội Ukraina đã thông qua quyết định ban hành thiết quân luật, sau khi ngày 25/11 vừa qua Nga bắt giữ 3 chiến hạm Ukraina ngoài khơi vùng Crimée và bắt khoảng 20 thủy thủ Ukraina. Thiết quân luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày mai, 28/11, tại các vùng biên giới, nhất là biên giới giáp với Nga và Belarus, cũng như ở vùng biển Azov.
Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert gởi về bài tường trình :
« Đây đúng là thiết quân luật, nhưng thiết quân luật được giảm nhẹ và với nội dung không rõ ràng. Trong một bầu không khí náo động, các nghị sĩ Ukraina đã mất nhiều tiếng đồng hồ để chặn bớt những đòi hỏi của tổng thống Petro Porochenko. Ông đã đích thân đến Quốc Hội để thuyết phục các dân biểu về nguy cơ Nga mở cuộc tấn công trên bộ vào Ukraina.
Ông nói: Tôi xin quý vị cho tôi được toàn quyền hành động. Để khi có bất kỳ một lính Nga nào băng qua biên giới, tôi sẽ bảo vệ ngay lãnh thổ Ukraina, không mất một giây nào!
Kế hoạch ban đầu của tổng thống Porochenko là nhằm ban hành thiết quân luật trên toàn bộ lãnh thổ Ukraina trong 60 ngày và tiến hành động viên một phần. Như vậy kết quả cuộc bỏ phiếu là thắng lợi không trọn vẹn đối với một vị tổng thống đang vận động tái tranh cử. Nhiều nghị sĩ đã la ó khi ông Porochenko phát biểu trước Quốc Hội.
Đạo luật được thông qua hôm qua quy định rằng, nếu tình hình bắt buộc, các quyền tự do dân sự sẽ bị hạn chế, nhưng luật lại không nói rõ là, trong trường hợp đó, những biện pháp nào sẽ được thông qua và thông qua như thế nào. Luật cũng không cho thấy là nó có thể giúp tăng cường khả năng quân sự của Ukraina hay giúp chặn đứng một cuộc can thiệp của Nga, nếu có.
Trước mắt, thiết quân luật không rửa được mối nhục của hải quân Ukraina trong vụ xảy ra ngày 25/11. Hiện giờ 3 chiến hạm của Ukraina vẫn nằm trong tay của Nga và khoảng 20 thủy thủ Ukraina vẫn bị giam giữ, trong đó có 6 người bị thương. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181127-putin-canh-cao-ukraina-ve-thiet-quan-luat-o-cac-vung-bien-gioi
Nga đưa các thủy thủ Ukraine bị bắt lên truyền hình
Tuyên bố của ba người Ukraine bị bắt vừa được lực lượng an ninh Nga công bố sau khi tàu Nga nã đạn và bắt giữ ba tàu Ukrain ở vùng biển ngoài khơi Crimea, nơi bị Nga sáp nhập hồi 2014.
Một trong ba người, Volodymyr Lisovyi, nói ông nhận thức được về “tính chất khiêu khích” trong hành động của Ukraine.
Chỉ huy lực lượng hải quân Ukraine nói những người này đã bị buộc phải nói dối trong điều kiện bị cầm giữ.
Ukraine có bị Putin tấn công sau vụ đoạt tàu?
Nga-Ukraine: Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ
Ukraine: Ngưng bán quả địa cầu in sai bản đồ VN
Khủng hoảng Ukraine: Kiev tuyên bố Nga là ‘kẻ xâm lược’
Trong lúc đó, một tòa án tại Crimea ra lệnh tạm giam 60 ngày đối với người đầu tiên trong số 24 người Ukraine bị bắt hôm Chủ Nhật.
Các nước phương Tây đã lên án việc Nga dùng vũ lực, bốn năm sau vụ chiếm bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine.
Đây là vụ đụng độ đầu tiên giữa các lực lượng của Ukraine và Nga trong những năm qua, tuy các lực lượng ly khai thân Nga và các “tình nguyện viên” người Nga vẫn giao tranh với quân đội Ukraine ở hai vùng miền đông Ukraine.
Căng thăng leo thang khi Nga khai trương cây cầu trong năm nay, nối Nga với Crimea qua Eo biển Kerch, là lối đi dẫn vào Biển Azov.
Ukraine có hai cảng biển lớn nằm trên bờ bắc của Biển Azov. Theo một thỏa thuận được ký kết hồi 2003, cả hai nước đều có quyền tự do đi vào vùng biển của mình.
Nga cáo buộc hai chiến thuyền cùng một tàu lai dắt của Ukraine vi phạm vùng lãnh hải của Nga khi đi qua Eo biển Kerch.
Tuy nhiên Ukraine nói vụ việc xảy ra tại khu vực được quyền tự do qua lại.
Ukraine áp lệnh thiết quân luật
Tối hôm thứ Hai, Quốc hội Ukraine phản ứng bằng việc hậu thuẫn cho quyết định của Tổng thống Petro Poroshenko, áp lệnh thiết quân luật trong thời gian 30 ngày, kể từ 26/11, tại 10 vùng giáp biên.
Ông Poroshenko cảnh báo rằng mối đe dọa xâm chiếm trên bộ từ phía Nga là “cực kỳ nghiêm trọng”.
Có năm trong số 10 vùng lãnh thổ giáp biên với Nga, và hai vùng tiếp giáp với khu lực ly khai Trans-Dniester của Moldova, nơi có binh lính Nga đóng quân.
Ba vùng nữa giáp biên với Biển Đen hoặc Biển Azov, gần với Crimea.
Kể từ 4/2014, quân đội Ukraine đã giao tranh với các thành phần ly khai thân Nga ở hai vùng miền đông giáp biên với Nga là Luhansk và Donetsk.
Việc áp lệnh thiết quân luật là điều chưa từng xảy ra tại Ukraine, và nó trao cho quân đội quyền cấm biểu tình. Việc huy động thường dân tham gia quân ngũ cũng có thể được thực hiện, tuy nhiên điều này có vẻ như chưa phải là chuyện sẽ xảy ra.
Nội dung lời khai của các thủy thủ
Các thủy thủ Ukraine bị Nga bắt hôm Chủ Nhật. Có ít nhất ba người bị thương.
Tối hôm thứ Hai, lực lượng an ninh FSB công bố các đoạn video về ba người
Andriy Drach nói trước camera rằng ông đang trên chiến thuyền Nikopol, được lệnh đi từ Odessa đến Mariupol. “Chúng tôi được lực lượng tuần duyên Liên bang Nga cảnh báo rằng chúng tôi đang vi phạm luật Nga. Họ lặp đi lặp lại yêu cầu chúng tôi rời khỏi vùng lãnh hải của Liên bang Nga,” ông nói.
Serhiy Tsybizov nói ông khi đó cũng đang trên tàu Nikopol
Volodymyr Lisovyi nói ông là chỉ huy của một đơn vị quân sự và là một phần của lực lượng hải quân. “Tôi đã cố tình phớt lờ các yêu cầu qua sóng siêu ngắn,” và nói thêm rằng trên tàu có các vũ khí loại nhỏ và một số súng máy.
Người đứng đầu lực lượng hải quân Ukraine, Ihor Voronchenko, nói trên truyền hình Ukraine rằng ba người này đã đưa ra những tuyên bố không đúng sự thực trong tình trạng bị cầm giữ.
“Tôi biết rằng các thủy thủ đó là từ tàu Nikopol. Họ luôn là những quân nhân chuyên nghiệp, trung thực trong công việc, và những gì họ đang nói lúc này là không đúng,” ông nói.
Người đứng đầu SBU, lực lượng an ninh Ukraine, Vasyl Hrytsak, xác nhận các tường thuật của Nga rằng đó là các thành viên có mặt trên tàu, nhưng nói thêm rằng tàu đang thực hiện “nhiệm vụ phản gián thường lệ”, giống như hoạt động mà hải quân Nga cũng thường tiến hành.
Phản ứng của phương Tây
Một số quốc gia đã lên án hành động của Nga, và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không đạt nhất trí đối với nghị trình mà Nga đưa ra. Thay vào đó, đề xuất của Ukraine đã được thảo luận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói việc bắt giữ tàu Ukraine là việc “leo thang nghiêm trọng và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi không ưa những gì đã xảy ra.”
Anh quốc lên án Nga về “hành vi gây bất ổn trong khu vực và về việc tiếp tục vi phạm chủ quyền Ukraine”.
Nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Putin nói rằng Ukraie đã “cố tình phớt lờ các nguyên tắc qua lại hòa bình ở vùng biển của Liên bang Nga,” Điện Kremlin nói.
Bà Merket đã “nhấn mạnh về nhu cầu giảm tình trạng leo thang và có đối thoại,” phát ngôn viên của bà nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46360534
Nga có đánh Ukraine
sau khi đã đoạt tàu ở Biển Azov?
Nguyễn Giangbbcvietnamese.com
Sự kiện va chạm tại Eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine xảy ra không tình cờ mà vào thời điểm khá nhạy cảm.
Nga “ra tay” bắt ba tàu hải quân của nước láng giềng Ukraine đúng lúc EU và Anh lo ký kết Brexit, khối Nato vừa tập trận xong ở Bắc Âu và đã rút quân về.
Kế hoạch của Ukraine tăng cường cho căn cứ hải quân bên Biển Azov vào Giáng Sinh năm nay đã bị Nga phá tan.
Ukraine sắp có cuộc bầu cử vào mùa xuân 2019 và Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko đang mất điểm.
Nga-Ukraine: Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ
Ukraine: Ngưng bán quả địa cầu in sai bản đồ VN
Khủng hoảng Ukraine: Kiev tuyên bố Nga là ‘kẻ xâm lược’
Ta hãy xem kỹ chi tiết dẫn đến Khủng hoảng Biển Azov.
Năm 2003, khi Moscow và Kiev còn chưa thù địch, hai bên đã thỏa thuận Biển Azov là vùng chia sẻ chủ quyền (shared sovereignty).
Có diện tích 39 nghìn km2, chỉ nối ra Biển Đen bằng eo Kerch, Biển Azov thực ra chẳng có ý nghĩa chiến lược gì với Ukraine cho đến năm 2014.
Chỉ sau khi bị mất Crimea, Ukraine mới thấy rõ sự quan trọng của Biển Azov vì hai cảng của họ, Mariupol và Berdyansk nằm ở đây.
Ukraine còn cảng Odessa nhưng đường ra Biển Đen từ đó bị quân cảng Sebastopol ở Crimea của Nga án ngữ.
Tháng 5 năm nay, Nga xây xong cây cầu trị giá trên 3 tỷ USD, nối vùng đất liền của Nga về phía Đông với Crimea về phía Tây.
Với gầm cầu cao 30 mét, quá thấp cho tàu lớn của Ukraine qua lại phía dưới, công trình này trên thực tế đã khóa lại lối nhỏ vào Biển Azov.
Nhiều tháng qua, Nga hoặc để một tàu container chặn lối, hoặc cho lực lượng an ninh liên bang (FSB) xét giấy tờ các tàu Ukraine qua lối này, theo tờ Moscow Times.
Kiev sợ Moscow lập lại phương án Donbass: lấn dần từng bước, tạo sự đã rồi, biến không thành có – lần này là cuộc chiến trên biển – nên cố tăng cường hải quân.
Nhưng với một chính phủ còn rất yếu về kinh tế, tham nhũng nhiều, hiệu năng quản lý kém và bất ổn nội bộ, Ukraine đang ở vào bị thế bị động.
Mất cân bằng lực lượng quá nghiêm trọng
Cuộc chiến từ 2014 trên bộ ở miền Đông Ukraine làm chảy máu nước này ghê gớm.
Về hải quân, tương quan lực lượng nghiêng về phía Nga quá rõ.
Trang Kiev Post của Ukraine điểm ra sau khi mất Crimea, Ukraine chỉ còn vỏn vẹn hai tàu chiến loại nhỏ, chiếc Hetman Sahaydachniy và Vinnytsia.
Thêm vào đó là dăm bảy thuyền vũ trang, 20 chiếc xà lan chở quân, ba xe bọc thép đổ bộ, một tàu gỡ mìn.
Sau vụ việc ngày 25/11/2018, Ukraine bị Nga tước mất luôn ba chiếc tàu (thực tế là thuyền có vũ trang, không phải chiến hạm).
Ukraine không có nổi một tàu khu trục, không có tàu ngầm và trực thăng hỗ trợ hải quân.
Còn về phía Nga, tuy các tài liệu của họ không tiết lộ nhiều nhưng phía Ukraine tin rằng Moscow đang duy trì 120 tàu và chiến thuyền các loại và ít nhất 500 phi cơ trong khu vực Biển Đen và Biển Azov.
Riêng số trực thăng vũ trang của Nga ở đây lên tới 340 chiếc.
Điều quan trọng hơn là Nga đã điều về các phi công có nhiều giờ bay tại cuộc chiến Syria.
Câu hỏi nay không phải là nếu Nga muốn đánh Ukraine trên biển thì ai thắng, mà là ông Putin có thực sự muốn thêm một chiến thắng sau khi đoạt được Crimea.
Nhà bình luận Leonid Bershidsky từ Moscow thì tin rằng câu trả lời là ‘Không’.
Ông mới viết cho Bloomberg rằng sẽ không có thêm một cuộc chiến toàn bộ Nga – Ukraine.
Nhưng ông Vladimir Putin muốn làm chủ sự căng thẳng để kéo sự chú ý của dư luận Nga khỏi các vấn đề kinh tế nội bộ.
Và có vẻ giống như Trung Quốc làm ở một số vùng của Biển Đông, Nga sẽ dần dần biến cả Biển Azov thành vùng nội thủy của họ.
Các thành phố, khu vực dân cư Ukraine bên trong vùng này sẽ coi như bị bao vây vĩnh viễn, chỉ có thể ra vào nhờ ‘lòng thương’ của Nga.
Thế giới lại có thêm một bài học về chuyện “cùng quản trị, cùng khai thác” biển đảo.
Hoa Kỳ và Nato, gồm cả Anh Quốc phản đối vụ việc ở eo biển Kerch 25/11 và yêu cầu Nga để lưu thông hàng hải ra vào Biển Azov như cũ.
Nhưng các nước bên ngoài sẽ không chiến đấu vì Biển Azov.
Ukraine dù cố gắng cũng vẫn chưa vào được Nato.
Điều Mỹ và Phương Tây họ có quyền làm là tuần tra Biển Đen, như tàu HMS Duncan của Anh tới gần Crimea tuần này.
Chiếc khu trục hạm của Anh ngay lập tức bị 17 chiến đấu cơ Nga bay sát, quần đảo ngay trên đầu “như đàn ong” hôm 26/11.
Một phi công Nga còn gửi tín hiệu ‘Good Luck’ đến thủy thủ đoàn Anh Quốc, rồi bay đi.
Cuộc chơi của Nga có hai mục tiêu.
Một là để mở rộng vùng ảnh hưởng và kiểm soát quanh biên giới của họ và làm suy yếu láng giềng.
Hai là thách thức các đại cường bên ngoài chứ không phải để đánh chiếm Ukraine.
Tuy thế, Leonid Bershidsky tin rằng không thể loại trừ các vụ va chạm nhỏ Nga – Ukraine.
Chỉ thân Phương Tây thôi không đủ
Hiện có chỉ trích rằng tổng thống Petro Poroshenko ra thiết quân luật là nhằm trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 3/2019 vì cơ hội của ông không cao.
Một điều tra dư luận tháng 4/2018 cho thấy tổng thống đương nhiệm chỉ còn có 9% ủng hộ.
Có thể cũng vì thế, Quốc hội chỉ thông qua thiết quân luật ở tám trong 24 khu vực hành chính (oblast), trong 30 ngày.
Nhưng không khí tại Ukraine là như trở lại thời chiến hồi 2014.
Về cơ bản, mấy năm qua, ông Poroshenko đưa ra chính sách ba phần:
Phục hồi chủ quyền lãnh thổ
Tạo bản sắc Ukraine gần châu Âu, tách xa Nga, cả về ngôn ngữ và tôn giáo (xem bài Chính thống giáo chia rẽ)
Cải cách kinh tế theo mô hình thị trường tự do
Hoa Kỳ và EU, nhất là Ba Lan, đã ủng hộ Poroshenko rất nhiều.
Công dân Ukraine nay được sang EU lao động dài ngày, các khoản viện trợ, đầu tư cũng đổ vào.
Nhưng xã hội Ukraine vẫn chưa thoát ra hoàn toàn khỏi di sản Liên Xô, với tham nhũng cao, dịch vụ xã hội kém, cải cách chậm.
Ukraine đi theo các giá trị EU nhưng kinh tế thấp nhất châu Âu với thu nhập bình quân đầu người chừng 2700 USD/năm, bằng một nửa Belarus, và 1/3 của Nga.
Và dù đề cao các giá trị châu Âu, chính trị và truyền thông Ukraine lại thường bị các nhóm cực hữu, thậm chí tân phát-xít tác động.
Kinh tế Ukraine vẫn chịu ảnh hưởng của các đại gia như Rinat Akhmetov, Yuriy Boyko, Victor Pinchuk.
Đây cũng là môi trường xuất thân của Poroshenko và bà Yulia Tymoshenko, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử tới.
Từ yếu kém về kinh tế dẫn đến chỗ quân sự của Ukraine cũng bết bát trên bộ ở vùng Donbas và không đủ lực để kịp hiện đại hóa hải quân.
Xu thế thân Phương Tây không thôi có vẻ như chưa đủ để giúp Kiev tăng cường nội lực mấy năm qua.
Và ông Putin với tầm nhìn dài hơi hơn đã thấy điều này để có kế hoạch từng bước siết lại vòng vây và ra tay đúng lúc.
Trước mắt, người ta chờ xem ông Putin sẽ ứng xử thế nào tại G20 ở Argentina và thái độ của ông Trump với “bạn cũ Putin” ra sao.
Nhưng điều chắc chắn là căng thẳng Ukraine – Nga vì vậy sẽ không giảm đi mà còn có thể tăng lên.
Nguy cơ va chạm nhỏ trên biển rất dễ bùng phát thành chiến tranh trong năm 2019, kể cả khi hai bên không muốn.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46356859
Chuyện gì đằng sau
vụ đối đầu hải quân Nga-Ukraine?
Nga bắt giữ ba chiếc tàu của Ukraine hôm 25/11 sau khi nổ súng vào những con tàu này gần bán đảo Crimea. Vụ đối đầu đe dọa leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng giữa hai nước và khiến Kiev đặt lực lượng quân sự của họ vào tình trạng cảnh giác chiến tranh.
Vụ đối đầu hôm Chủ nhật là hậu quả của những tháng mâu thuẫn gia tăng về việc tàu bè đi lại trong biển Azov, một vùng biển giữa Ukraine và Nga ở phía bắc Biển Đen
Kiev cáo buộc Moscow tìm cách phong tỏa kinh tế các hải cảng của Ukraine trong biển Azov như là một chiến lược trong “cuộc chiến tranh hỗn hợp” chống Ukraine. Kiev đồng thời kêu gọi phương Tây tăng thêm trừng phạt đối với Moscow.
Hai nước bất hòa với nhau kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ cuộc nổi dậy ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine. Các cuộc đụng độ ở đó đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng, bất chấp các thỏa thuận ngừng bắn.
Nguồn gốc tranh chấp
Tranh chấp quyền kiểm soát biển Azov và eo biển Kerch kết nối với Biển Đen ở phía nam không phải là chuyện mới. Căng thẳng bùng phát vào năm 2003 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Vladimir Putin.
Tình hình đã lắng dịu đi với hiệp ước song phương ký năm 2003 quy định rằng cả hai nước đều được tự do sử dụng eo biển Kerch và biển Azov để vận chuyển thương mại và phải thông báo cho nhau khi đưa tàu quân sự đến đó.
Chuyện gì xả ra trong năm nay?
Căng thẳng gia tăng trong khu vực trong năm nay. Ukraine cáo buộc Nga liên tục bắt giữ tàu thuyền của họ ra vào các cảng trên Biển Azov, nhất là ở Mariupol và Berdyansk, nhằm phá vỡ hoạt động thương mại.
Phía Moscow cáo buộc Ukraine quấy rối các tàu Nga, và nói rằng việc Nga kiểm tra tàu Ukraine là hợp pháp và cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Mariupol, thành phố từng bị các phần tử chủ trương ly khai thân Nga chiếm trong một thời gian ngắn vào năm 2014 và sau đó quân đội và dân quân tình nguyện Ukraine chiếm lại quyền kiểm soát, là một trung tâm xuất khẩu thép và ngũ cốc và nhập khẩu than.
Kiev nói khối lượng hàng hóa ra vào các cảng này đã giảm 30% kể từ khi Nga bắt đầu quấy rối tàu bè của Ukraine. Xuất khẩu từ Mariupol đã giảm 6%, và nhập khẩu giảm gần 9% trong năm nay, trong khi xuất khẩu từ Berdyansk giảm 12,3%.
Moscow càng khiến Kiev thêm tức tối hồi tháng 5 khi Nga khánh thành một cây cầu trị giá 3,6 tỷ đôla từ đất liền băng qua eo biển Kerch tới Crimea.
Cầu được xây thấp khiến một số tàu không đi qua được. Kiev tố cáo việc này gây cản trở hoạt động thương mại ở đó.
Ukraine cho biết họ hiện đã tăng cường triển khai các lực lượng không quân, lục quân, hải quân và pháo binh tới khu vực và dự định xây dựng một căn cứ quân sự trên biển Azov.
Chuyện gì xảy ra hôm chủ nhật?
Nga đã bắt giữ ba chiếc tàu của Ukraine sau khi nổ súng vào những chiếc tàu đó, làm bị thương một số thủy thủ. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết các chiếc tàu – gồm hai thiết giáp hạm loại nhỏ và một chiếc tàu kéo – đã xâm nhập lãnh hải Nga bất hợp pháp.
Nga cáo buộc các chiếc tàu này hoạt động động nguy hiểm, phớt lờ những chỉ dẫn từ phía Nga, và có ý định khuấy động căng thẳng. Ukraine nói họ đã thông báo trước hải trình của ba chiếc tàu này cho chính quyền Nga – phù hợp với hiệp ước năm 2003 – và phủ nhận họ đã làm bất cứ điều gì sai trái.
Giao thông qua eo biển Kerch đã được nối lại hôm thứ Hai 26/11.
Tình hình hiện nay
Ukraine đặt quân đội của họ vào trình trạng cảnh giác chiến tranh và Tổng thống Petro Poroshenko yêu cầu quốc hội ủng hộ quyết định thiết quân luật của ông.
Nhưng bất kỳ phản ứng quân sự nào từ Ukraine đều có nguy cơ kích động một phản ứng mạnh từ phía Nga, nước có hạm đội Biển Đen túc trực ở Crimea và và có hỏa lực áp đảo hải quân Ukraine.
Các đồng minh phương Tây có thể đáp lời kêu gọi của Kiev bằng việc tăng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một viễn cảnh đã đẩy giá đồng rúp xuống thấp hơn hôm thứ Hai.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo trù liệu sẽ họp về cuộc khủng hoảng này trong ngày thứ Hai theo yêu cầu của Nga và Ukraine.
NATO và Liên minh châu Âu kêu gọi các bên kiềm chế và kêu gọi Nga khôi phục toàn bộ quyền đi lại của tàu bè thương mại trong biển Azov.
Các chính trị gia Nga cáo buộc ông Poroshenko cố tình gây ra bế tắc để làm đánh bóng tên tuổi của ông trước cuộc bầu cử vào tháng Ba. Một số chính trị gia đối lập Ukraine suy đoán rằng ông Poroshenko thiết quân luật như là một cái cớ để trì hoãn cuộc bầu cử.
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gi-dang-sau-vu-doi-dau-nga-ukraine/4674329.html
Pháp bắt quan chức nghi làm gián điệp cho Bắc Hàn
Một quan chức cấp cao trong Thượng viện Pháp đã bị bắt do nghi làm gián điệp cho Bắc Hàn, nguồn tin tư pháp cho hay.
Ông Benoît Quennedey đã bị bắt vào đêm Chủ nhật (27/11) vì cáo buộc “thu thập và cung cấp thông tin cho thế lực nước ngoài”, nguồn tin tiết lộ.
Ông này đã bị thẩm vấn bởi Tổng cục An ninh Nội địa Pháp (DGSI).
Nhà riêng của ông tại Paris cũng như nhà bố mẹ ông gần Dijon đã bị lục soát.
Ông Quennedey là quan chức cấp cao trong bộ phận kiến trúc, di trú và vườn tược tại Thượng viện Pháp.
Bên cạnh đó, ông cũng là chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Pháp-Triều (AAFC).
Hiệp hội AAFC được thành lập với mục đích thúc đẩy quan hệ gần gũi với Bắc Hàn và ủng hộ thống nhất hai miền bán đảo Triều Tiên.
Những gián điệp Bắc Hàn muốn trở về quê hương
Mỹ bắt một người âm mưu làm gián điệp cho TQ
Cựu nhân viên CIA bị bắt giữ trong vụ ‘gián điệp Trung Quốc’
Mạng lưới điệp viên Nga cài cắm ở Mỹ
Những năm gần đây, ông Quennedey đã nhiều lần tới thăm Bình Nhưỡng và viết nhiều sách báo về quốc gia này.
Trong những chuyến đi tới Bắc Hàn, ông gặp nhiều quan chức và học giả làm việc trong ngành kiến trúc và xây dựng, theo nguồn tin từ website AAFC.
Chủ tịch Thượng viện Pháp từ chối bình luận về vụ việc này, theo AFP.
Việc bắt giữ ông Quennedey được tường thuật trên chương trình truyền hình hàng ngày ‘Quotidien’ của kênh TMC.
Kênh này sau đó cũng cho biết văn phòng của ông tại Thượng viện đã bị đột kích.
Cuộc điều tra về ông Quennedey đã bắt đầu từ tháng 3, báo cáo cho biết
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46358669
Phong trào Áo Vàng: TT Pháp vẫn theo đuổi
mục tiêu chuyển đổi năng lượng
Hôm nay 27/11/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bày những lựa chọn chiến lược về năng lượng cho tương lai trước Hội Đồng Quốc Gia Chuyển Đổi Sang Kinh Tế Xanh.
Chủ nhân điện Elysée thông báo tăng số tiền để phát triển năng lượng tái tạo từ 5 tỉ euro/năm như hiện nay lên thành 7-8 tỉ euro/năm. Tổng cộng, trong giai đoạn 2018-2029, Pháp sẽ chi 71 tỉ euro cho năng lượng tái tạo (điện, khí ga sinh học, nhiệt tái tạo).
Tổng thống cũng nói tới việc tăng gấp 3 lần sản lượng phong điện và 5 lần sản lượng quang điện từ nay đến năm 2030. Chính quyền cũng đóng cửa 14 trong số 58 lò phản ứng nguyên tử từ nay đến năm 2035.
Liên quan đến phong trào đấu tranh « Áo Vàng » chống tăng thuế xăng dầu trong suốt hơn 10 ngày qua tại Pháp, trong khi trình bày những lựa chọn chiến lược về năng lượng cho tương lai, tổng thống Macron phát biểu chính phủ cần lắng nghe những ý kiến phản kháng trong xã hội, nhưng chủ nhân điện Elysée cũng nhấn mạnh chính phủ không được từ bỏ trách nhiệm chuyển đổi năng lượng vì đã có những báo động về môi trường.
Ghi nhận mong muốn của những người tham gia phong trào đấu tranh « Áo Vàng », nhưng tổng thống Pháp Macron cũng chỉ trích về việc đã xảy ra nạn bạo lực không thể chấp nhận được và rắn giọng cho biết ông sẽ không chịu lui bước trước những người muốn phá hoại và gây mất trật tự, cho dù ông khẳng định không đánh đồng thành viên phong trào Áo Vàng với những những người đã trà trộn vào để đập phá gây bạo động trong những ngày qua.
Doanh nghiệp Pháp,
nạn nhân của tình báo Hoa Kỳ
Trong lĩnh vực kinh tế, Pháp và Mỹ là những đồng minh của nhau ? Đi tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ cao, hiện diện trong nhiều lĩnh vực chiến lược, nhiều doanh nghiệp Pháp đặc biệt bị tình báo Mỹ theo dõi. Đánh cắp thông tin là một trong những công cụ trong tay Washington để triệt hạ những tập đoàn có thể đe dọa các công ty Hoa Kỳ.
Cơ quan phản gián Pháp DGSI trong báo cáo 6 trang gửi lên chính phủ hồi tháng 4/2018 báo động về những công cụ và phương pháp cho phép Washington “can thiệp vào hoạt động kinh tế” của các nước khác. Báo Le Figaro số ra ngày 14/11/2018 trình bày chi tiết bản báo cáo nói trên trong một hồ sơ lớn. Báo cáo của cơ quan phản gián Pháp DGSI gồm những gì ? Vì sao một tài liệu mật lại được phơi bày ra ánh sáng vào thời điểm này ?
Pháp và Mỹ là những đồng minh truyền thống, từng sát cánh với nhau trên mọi mặt trận như tổng thống Macron từng tuyên bố nhân lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I hôm 18/11/2018. Nhưng căn cứ vào báo cáo của cơ quan phản gián Pháp, trên mặt trận kinh tế, hai quốc gia này không xem nhau là bạn.
Trả lời báo Le Figaro, một quan chức cao cấp thuộc bộ Nội Vụ Pháp xin giấu tên nhận định : “Mỹ hợp tác rất chặt chẽ với Pháp và những nước đồng minh trong các lĩnh vực chống khủng bố Hồi Giáo, chống các hoạt động gián điệp của Trung Quốc hay Nga. Nhưng đừng quên rằng 60 % nhiệm vụ của các cơ quan tình báo Mỹ là tập trung vào những thông tin mang tính chiến lược”. Một trong những mục tiêu Hoa Kỳ nhắm tới là “chặt ra thành từng mảnh những con chim đầu đàn của nền công nghiệp Pháp”.
Để đạt được mục tiêu đó Washington có ít nhất là ba loại công cụ lợi hại : Một là công cụ pháp lý để kiện và trừng phạt những tập đoàn cạnh tranh trực tiếp với các hãng Mỹ. Hai là sức mạnh của đồng đô la để mua lại những công ty trong tầm ngắm của Hoa Kỳ và ba là tình báo công nghiệp.
Báo cáo của DGSI tập trung vào các hoạt động dọ thám của phía Mỹ nhắm vào các tập đoàn Pháp trong những lĩnh vực được cho là “có triển vọng trong tương lai, hay những ngành nghề mang tính chiến lược”. Đứng đầu trong số đó là “công nghệ hàng không, y tế và các hoạt động trong ngành nghiên cứu”.
Vẫn theo cơ quan đặc trách về an ninh quốc nội của Pháp, mục tiêu của phía Hoa Kỳ rất rõ ràng : bảo vệ quyền lợi và thế thượng phong của các tập đoàn Mỹ. Hoa Kỳ huy động từ các cơ quan nhà nước đến những văn phòng luật sư, từ những tổ hợp tư vấn cho đến các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư tư nhân mà không quên đội ngũ những chuyên gia tin học trong bóng tối.
Dọ thám gần một cách công khai
Trên thực tế, việc Mỹ dùng đủ mọi phương tiện để theo dõi cả những nước bạn lẫn kẻ thù không là điều mới lạ. Washington từng lúng túng khi Berlin phát hiện tổng thống Barack Obama cho nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức, Angela Merkel. Mọi người đều biết những hoạt động theo dõi lẫn nhau giữa hai bờ Đại Tây Dương không chỉ một chiều.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao một tài liệu mật của cơ quan phản gián Pháp lại được phơi bày ra công chúng ? Thêm một sự trùng hợp nữa là một tháng trước đây, trong ấn bản ngày 22/10/2018, cũng báo Le Figaro tiết lộ một cách khá tận tường về các hoạt động của tình báo Trung Quốc nhắm vào các đối tượng Pháp.
Trả lời trên đài RFI, Olivier Marleix, dân biểu Quốc Hội đảng LR cánh hữu, cựu chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Công Nghiệp Pháp tại Hạ Viện nhận xét như sau :
Olivier Marleix :“Vấn đề được công khai hóa vào thời điểm này, nhưng từ trước tới nay ai cũng biết là tất cả những tập đoàn lớn của Pháp đều bị theo dõi và đặc biệt là những công ty trong các lĩnh vực chiến lược. Những lĩnh vực chiến lược đó gồm : năng lượng, giao thông, y tế và viễn thông. Ngoài ra những ngành mà Pháp cạnh tranh trực tiếp với Mỹ cũng đều là mục tiêu tấn công”.
Một thí dụ cụ thể : hai tập đoàn đang độc quyền trong ngành sản xuất máy bay là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu từ lâu nay đã lao vào một cuộc đọ sức quyết liệt và đôi bên sử dụng mọi phương tiện để giữ từng tấc đất. Báo cáo của cơ quan phản gián Pháp DGSI cho biết : Airbus đang trong tầm ngắm của Hoa Kỳ và đang bị dọa phải nộp phạt một khoản tiền khổng lồ vì lý do “tham nhũng”, cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho Boeing.
Trên cơ sở này, hãng sản xuất máy bay của châu Âu phải mở cửa cho một loạt các luật sư của Mỹ, đại diện cả cho chính quyền lẫn của hãng máy bay Boeing vào điều tra. Giáo sư Patrick Cansell, chuyên gia về các hoạt động của ngành tình báo công nghiệp, giảng dậy tại trường Chiến Tranh Kinh Tế -Ecole de Guerre Economique (EGE) Paris, nêu lên một cách cụ thể về những công cụ hợp pháp cho phép Hoa Kỳ triệt hạ các đối thủ trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp :
Patrick Cansell : “Từ lâu Mỹ đã có cả một loạt các công cụ pháp lý và những công cụ đó luôn bám sát theo thời sự trong tất cả các lĩnh vực kinh tế mà có thể đe dọa đến quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ. Khái niệm quyền lợi kinh tế của Mỹ được định nghĩa một cách rất rộng, bao hàm từ mảng công nghệ cao, kỹ thuật đến chủ quyền quốc gia. Chính những công cụ pháp lý và nhân danh quyền lợi kinh tế, an ninh quốc gia đó cho phép Hoa Kỳ dọ thám tất cả các tập đoàn nước ngoài. Qua đó Mỹ có thể thâu tóm được những thông tin để phục vụ cho các hãng của Mỹ, hay cũng có thể xem đấy là một phương tiện đề bắt chẹt quốc gia trong tầm ngắm của Washington khi cần phải đàm phán”.
Nguyên chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Công Nghiệp Pháp, dân biểu Quốc Hội Olivier Marleix nhấn mạnh trên sự xuyên suốt trong tất cả các chính quyền Mỹ bất luận là bên đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa với mục đích bảo vệ quyền lợi cho các tập đoàn quốc gia. Các hoạt động nhằm triệt hạ hay làm suy yếu các đối thủ tiềm tàng của doanh nhiệp Mỹ đều ít nhiều được chính quyền liên bang yểm trợ. Giáo sư Patrick Cansell, đi sâu hơn vào chi tiết :
Patrick Cansell : “Có thể nói là chính quyền Mỹ “điều khiển”các cuộc điều tra nhắm vào các tập đoàn ngoại quốc. Ngành công nghiệp, dịch vụ hay công nghệ cao đều có thể là mục tiêu để bị theo dõi. Khi mà phía Hoa Kỳ đòi kiện một hãng nào đó thì bắt buộc, bên bị kiện phải chứng minh là mình vô tội và có nghĩa là mở rộng cửa đón các nhà điều tra Mỹ, đón các văn phòng luật sư, các chuyên gia Mỹ… cho phép họ tìm hiểu cung cách làm ăn của mình … Một cách công khai, phía Hoa Kỳ có thể soi xét kỹ lưỡng những tài liệu của công ty bị điều tra, qua đó “hút” thông tin và dữ liệu cần biết ».
Tiền phạt bạc tỷ
Nói cách khác, phía Mỹ có phương tiện để công khai dọ thám những mục tiêu muốn nhắm tới. Ngoài giải pháp rút tỉa thông tin mang tính sống còn đối với một tập đoàn, chính quyền Mỹ còn có một vũ khí lợi khác là áp đặt những khoản tiền phạt rất nặng, hàng triệu thậm chí là hàng tỷ đô la. Mục tiêu nhằm đánh vào túi tiền và qua đó làm suy yếu hay thậm chí là khai tử đối phương. Chuyên gia về chiến tranh công nghiệp, giáo sư Patrick Cansell trường EGE Paris giải thích về mục tiêu mà phía Mỹ theo đuổi khi giáng những khoản tiền phạt đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác vào các tập đoàn nước ngoài :
Patrick Cansell : “Khó có thể thẩm định một cách chính xác là phía Mỹ được những gì từ các vụ phạt nghiêm trọng đó. Chỉ biết rằng, Hoa Kỳ viện cớ đòi công lý, đòi đền bù thiệt hại. Nhưng đằng sau những khoản tiền phạt khổng lồ lên tới nhiều tỷ đô la đó là mục tiêu đánh mạnh vào túi tiền của đối phương với chủ ý tiêu diệt một đối thủ tiềm tàng.
Trong vụ phạt ngân hàng Pháp BNP Paribas gần 9 tỷ đô la chẳng hạn, mục tiêu rõ ràng là tiêu diệt hay ít ra là làm suy yếu một địch thủ của các ngân hàng Mỹ. Để rồi bước kế tiếp là ép ngân hàng Pháp phải hợp tác với ngân hàng Mỹ. Trong nhiều trường hợp khác, nếu mà mục tiêu bị tấn công phá sản sau khi phải nộp phạt quá nặng, thì Mỹ sẽ tìm cách mua lại, và thâu tóm luôn công ty đó. Đây là cách để Hoa Kỳ loại các đối thủ kinh tế ».
Hoa Kỳ đã ít nhiều thành công khi sử dụng biện pháp này. Tư pháp Mỹ phạt ngân hàng Société Générale 1,3 tỷ đô la vì tội “vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba, Iran và Soudan” (dùng đô la trong các dịch vụ giao thương với những quốc gia này cho dù cả ba bị Mỹ trừng phạt).
Bốn năm trước, ngân hàng lớn nhất của Pháp và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng của Mỹ là BNP Paribas từng hứng chịu 9 tỷ đô la tiền phạt trong một vụ án tương tự. Dù vậy, cả hai ngân hàng Pháp này đều không bị điêu đứng vì những khoản tiền phạt bạc tỷ.
Nhưng trong quá khứ, nhiều hãng của Pháp không được may mắn bằng. Cựu chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Công Nghiệp Pháp tại Hạ Viện, Olivier Marleix nêu lên trường hợp của tập đoàn Alstom, năm 2014 bị phạt 800 triệu đô la.
Từ sau vụ xử này, con chim đầu đàn trong ngành năng lượng hạt nhân dân sự của Pháp đuối sức, phải bán lại toàn bộ các hoạt động năng lượng hạt nhân cho một hãng Mỹ là General Electric. Trớ trêu thay là giờ đây các hoạt động bảo quản 54 nhà máy điện hạt nhân của Pháp trong tay công ty Mỹ này. Dân biểu Marleix lưu ý về vấn đề thuộc về “an ninh và chủ quyền quốc gia”.
Tung tiền mua lại các công ty khởi nghiệp có nhiều triển vọng
Riêng đối với các công ty khởi nghiệp thuộc những lĩnh vực công nghệ cao được coi là “nắm giữ tương lai của nhân loại” thì Hoa Kỳ dùng đồng đô la làm vũ khí. Các quỹ đầu tư của Mỹ dùng tiền để mua lại những công ty con của Pháp đang cần một điểm tựa và cần phương tiện để phát triển. Pháp là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới trong việc đăng ký bằng sáng chế nhưng lực bất tòng tâm, khả năng tài chính có hạn nên là “sân chơi tuyệt vời, là những con mồi lý tưởng của các quỹ đầu tư Mỹ”.
Cegedim, một trong những “mũi nhọn” trong ngành quản lý dữ liệu y tế, của Pháp, năm 2015 đã bị IMS Health của Mỹ mua lại với giá “vài trăm triệu” và cho phép tập đoàn Mỹ trở thành công ty số 1 thế giới. Chẳng vậy mà theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg, sau khi mua lại Cegedim, lương của chủ tịch tổng giám đốc IMS Health năm đó cao hơn so với lãnh đạo của hãng xe BMW đến 11 triệu đô la !
Cuối cùng, dự những hội chợ công nghệ mũi nhọn cũng là một rủi ro : cơ quan thuế vụ và hải quan Mỹ rất lợi hại khi khám xét hành lý của những người được mời đến các sự kiện trọng đại này ! Năm 2015 một lãnh đạo hãng AMA chuyên về điều trị bằng kính kết nối phát hiện hàng mang đến hội chợ Las Vegas đã bị hải quan Mỹ soi rọi, cho chạy thử trước khi hành lý được hoàn lại cho chủ.
http://vi.rfi.fr/phap/20181127-doanh-nghiep-phap-nan-nhan-cua-tinh-bao-hoa-ky
Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit
Việc từ chối thỏa thuận Brexit sẽ gây ra nhiều rủi ro, dẫn đến “gây chia rẽ và bất ổn”, Thủ tướng Anh Theresa May nói với các dân biểu phản đối kế hoạch của bà.
Bà có bài phát biểu tại Hạ viện Anh sau khi lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận các điều khoản Anh rời EU tại hội nghị thượng đỉnh hôm Chủ Nhật (25/11).
Bà May nay sẽ phải thuyết phục các chính trị gia trong Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, các bộ trưởng trong nội các thừa nhận bà sẽ phải chống đỡ vất vả trước các đảng phái khác trong Hạ viện, và trước cả nhiều dân biểu trong chính Đảng Bảo thủ của bà.
Lãnh đạo EU đồng ý thỏa thuận Brexit
EU nhất trí lập trường đàm phán Brexit
Đồng Bảng giữ giá sau ngày ‘thứ Năm đen tối’
Liệu Anh quốc sẽ thực sự gia nhập CPTPP?
Lãnh đạo Đảng Lao Động Jeremy Corbyn tuyên bố đảng của ông sẽ phản đối thỏa thuận mà ông gọi là “tồi tệ nhất thế giới”.
Bà thủ tướng cam kết sẽ đặt toàn bộ “trái tim và tâm hồn” vào hai tuần vận động nhằm thuyết phục các dân biểu ủng hộ các điều khoản rút khỏi EU và mối quan hệ trong tương lai của Anh với khối này.
Quốc hội sẽ quyết định chấp nhận hay bác bỏ vào tháng tới. Việc biểu quyết nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 12/12.
Bà May nói rằng đây là “thỏa thuận duy nhất” mà Anh có trên bàn đàm phán. Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào này 29/03/2019.
Sau cuộc họp nội các kéo dài hai giờ đồng hồ, Phủ Thủ tướng nói rằng trong trường hợp “khó có khả năng xảy ra” là Quốc hội không đồng ý với các điều khoản rút lui, thì “mọi hành động cần thiết” sẽ được thực hiện để triển khai phương án Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào.
EU không bị nguy cơ sau Brexit
Anh Quốc ‘cần có hành động ở Syria’
Thượng viện Anh thông qua luật Brexit
Anh quốc: Có nên xây tượng thủ tướng?
Tại sao phản đối?
Những người phản đối ở cả hai phía đều nói rằng thỏa thuận này không đáp ứng được những gì cử tri muốn đạt được trong kỳ trưng cầu dân ý 2016 cũng như những gì người dân được hứa hẹn trong suốt chiến dịch vận động rời EU.
Những người ủng hộ Brexit thì cho rằng thay vì giành lại quyền kiểm soát, Anh đang trao cho EU quá nhiều ảnh hưởng trong những vấn đề then chốt, làm trở ngại cho việc Anh đàm phán các hiệp định thương mại với các nước khác.
Cụ thể, họ lo sợ là Anh sẽ mắc kẹt vô thời hạn trong thỏa thuận hải quan ‘chốt chặn cuối’ (‘backstop’), được đưa ra để tránh việc kiểm tra thực sự đói với người và hàng tại biên giới với Ireland, mà không được đơn phương rút lui.
Nhiều người muốn ở lại EU thì nói thỏa thuận này khiến cho việc tiếp tục ở lại EU sẽ trở thành điểm bất lợi cho Anh, bởi nó không đem lại cho Anh mối quan hệ ‘thương mại không ma sát’ với châu Âu, tức thị trường thương mại không tồn tại mối liên hệ qua lại tương ứng giữa chi phí cùng các điều kiệu ràng buộc với các giao dịch được thực hiện.
Những người muốn dừng tiến trình Brexit nói họ muốn một cuộc trưng cầu dân ý khác, bởi họ cho rằng hồi 2016 mọi người đã không được biết chi tiết việc ‘Rời bỏ EU’ sẽ có ý nghĩa ra sao.
Thông điệp của bà Theresa May là gì?
Trong tuyên bố tại Hạ viện Anh, bà May nói việc ủng hộ thỏa thuận sẽ chấm dứt tình trạng không rõ ràng quanh chủ đề Brexit.
“Nhiệm vụ của chúng ta, trong vai trò Quốc hội trong những tuần tới, là thẩm định một cách chi tiết thỏa thuận này, tiến hành tranh luận một cách tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe cử tri và ra quyết định vì lợi ích quốc gia,” bà nói.
Bà nói với các dân biểu rằng họ cần chọn giữa việc ủng hộ thỏa thuận này và “tiến tới xây dựng một tương lai tươi sáng”, và việc bác bỏ nó để “làm lại từ đầu”.
Hôm Chủ Nhật, người đứng đầu Ủy hội Châu Âu, Jean-Claude Juncker nói rằng bất kỳ ai ở Anh nghĩ rằng EU có thể đưa ra các điều khoản tốt hơn sẽ phải “thất vọng”, bởi đây là thỏa thuận “duy nhất” đặt lên bàn đàm phán cho Anh cân nhắc.
Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng nếu thỏa thuận bị bác bỏ, các quan chức EU sẽ phải đưa ra căn cứ cho việc để nước Anh ra khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46345204
Kẻ thù ác liệt nhất của Facebook
Rory Cellan-JonesPhóng viên công nghệ
Facebook nên sợ ai nhất khi công ty này đang đối phó với một loạt các vụ bê bối về việc xử lý dữ liệu người dùng và vai trò của nó trong việc truyền bá tin tức giả mạo?
Có lẽ các chính trị gia Mỹ? Hay các nhà vận động bảo mật của Đức và các nhà giám sát EU?
Không, ứng cử viên của tôi là Damian Collins, thành viên của quốc hội Anh.
Là chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) ông Collins đã biến những gì khởi đầu là một cuộc điều tra tin tức giả mạo khá hạn chế và không tập trung, thành một cuộc điều tra pháp lý về hành vi của Facebook.
Zuckerberg bác bỏ ý kiến của Trump
Facebook bị phạt nửa triệu bảng Anh
Bê bối Facebook: Ai có dữ liệu của bạn?
Chính ủy ban này đã cung cấp nền tảng cho những người lên tiếng tố giác như Christopher Wylie và Brittany Kaiser, hai người cung cấp tất cả các loại tài liệu liên quan đến vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica và yêu cầu – cho đến nay không thành công – người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg xuất hiện trước ủy ban để giải thích.
Cuối tuần này, Damian Collins cho thấy ông đã chuẩn bị sẵn sàng để đi xa hơn trong việc đối phó với một công ty mà theo ông tỏ ra khinh thường Quốc hội Anh.
Ông ra lệnh cho một số cảnh vệ của Hạ viện nắm bắt tài liệu từ một doanh nhân Mỹ tham gia vào một vụ tranh chấp pháp lý với Facebook.
Hồ sơ vụ án này bắt đầu từ năm 2015 và liên quan đến nhà viết lập trình, Six4Three, người đứng sau một ứng dụng được sử dụng để làm nổi bật hình ảnh của phụ nữ trong bộ bikini.
Công ty Six4Three tức giận về những thay đổi trong quy tắc của Facebook, đã hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu người dùng và các tài liệu mà công ty cung cấp cho Facebook như là một phần của quy trình tiết lộ.
Chúng ta không biết tài liệu này có những gì – tòa án Hoa Kỳ đã ra lệnh tài liệu bị niêm phong, để bảo mật trong khi vụ án đang tiếp diễn.
Nhưng ông Collins dường như tin rằng những tài liệu này sẽ chứng minh là có liên quan đến yêu cầu của ủy ban DCMS về cách một nhà viết lập trình khác – Tiến sĩ Aleksandr Kogan – được phép truy cập vào dữ liệu ông đã trao cho Cambridge Analytica. Và ông đang xét xem có nên công bố những dữ liệu này hay không.
Facebook nói rằng trước hết vụ kiện của Six4Three không có căn bản pháp lý, và thứ hai việc Quốc hội Anhcông bố tài liệu bị niêm phong bởi các tòa án Hoa Kỳ là hành động vội vàng và sai.
Trong một câu trả lời thẳng thừng với Richard Allan, giám đốc chính sách công cộng châu Âu của Facebook, Damian Collins chỉ ra rằng “là một thành viên của Quốc hội”, ông Allan nên quen thuộc với quyền hạn có thể sản xuất tài liệu và xuất bản chúng với sự bảo vệ đặc quyền của quốc hội.
Các thành viên của DCMS có vẻ tự tin vào quyền hạn của mình và vào chiều thứ Hai, ủy ban DCMS có cuộc gặp riêng để xét việc xuất bản các tài liệu.
Hôm thứ ba, họ tổ chức một buổi điều trần công khai, nơi Richard Allan của Facebook, sẽ là một trong những nhân chứng và có thể phải đối mặt với việc kiểm tra chéo về thông tin mà hệ thống pháp luật của Mỹ nói sẽ vẫn là riêng tư.
Có phải là Damian Collins đã vượt qua quyền hạn lần này?
Thách thức các tòa án Mỹ, sử dụng các thủ tục phức tạp không được sử dụng trong lịch sử hiện đại và tham gia vào một vụ kiện mà nguyên đơn dường như đang tranh luận rằng Facebook quá nghiêm ngặt về việc sử dụng dữ liệu chắc chắn là hơi mạo hiểm.
Nhưng đừng ai đánh giá thấp quyết tâm của một thành viên quốc hội trong việc cho một công ty truyền thông xã hội toàn cầu khổng lồ rằng nó không thể đứng trên luật pháp địa phương.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46355039
Ngân sách Ý: Roma đấu dịu với LHCA
nhưng không đề ra biện pháp cụ thể
Trên vấn đề ngân sách, chính phủ Ý tuyên bố sẵn sàng điều chỉnh ngân sách để tránh một cuộc đọ sức gay gắt với Bruxellles, và nhất là giảm bớt căng thẳng trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên cuộc họp hội đồng bộ trưởng Ý vào tối 26/11/2018 đã không đưa ra một thông báo cụ thể nào.
Theo thông tín viên Anne Le Nir, tại Roma, chính phủ Ý đang « câu giờ », khi giải thích rằng họ phải chờ những báo cáo « kỹ thuật » để có thể đưa ra quyết định.
« Thủ tướng Giusepe Conte và các phó thủ tướng Luigi di Maio, Matteo Salvini, vẫn tuyên bố sẵn sàng giảm các tham vọng rất tốn kém của họ. Tuy nhiên không có gì cụ thể được đưa ra trong cuộc họp tối qua, có sự tham gia của bộ trưởng Kinh Tế Ý.
Một thông cáo của phủ thủ tướng xác nhận những biện pháp nổi cộm của ngân sách 2019 : Cải cách luật về hưu bổng, thiết lập chế độ thu nhập công dân cho những người nghèo nhất, đầu tư về hạ tầng cơ sở. Nhưng về mức thâm thủng ngân sách 2,4% bị Ủy Ban Châu Âu cho là quá cao đối với một nước mà nợ công lên đến 131% GDP, thì sao ? Vẫn không có câu trả lời với số liệu cụ thể.
Cuộc thảo luận đã tập trung trên việc bổ sung luật tài chính mà theo thông cáo sẽ cho phép giảm thất thu. Nhưng phải đợi các báo cáo kỹ thuật về công cuộc cải cách xã hội để có thể tính chính xác phần chi tiêu của Nhà nước.
Nói tóm lại là Roma muốn « câu giờ ».
Người Syria sống chui lủi ở sân bay Malaysia
được tị nạn tại Canada
Ông Hassan al-Kontar, một người đàn ông Syria từng sống vất vưởng suốt 7 tháng trong một sân bay quốc tế ở Malaysia đã được tị nạn tại Canada.
BBC News cho biết người Syria này đã đến thành phố Vancouver vào tối ngày 26/11, sau hai tháng bị bắt ra khỏi sân bay và tạm giam ở Malaysia.
Báo Time tường thuật rằng trong một video clip đăng trên Twitter hôm 26/11, ông al-Kontar nói: “Ngày mai tôi sẽ đến điểm đến cuối cùng của tôi: Vancouver, Canada. Đó là một hành trình dài, khó khăn. 10 tháng qua tôi đã rất vất vả.”
Hai tổ chức thiện nguyện là Hiệp hội Hồi giáo British Columbia và Hiệp hội Caring Canada, đã bảo trợ cho ông al-Kontar, 37 tuổi, đến tị nạn tại Canada.
Ông từng làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho tới năm 2011, khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, ông bị tước giấy phép lao động, không thể gia hạn hộ chiếu vì chưa hoàn tất nghĩa vụ quân sự. Sau đó, ông đến Malaysia và mắc kẹt ở đây.
Ban đầu, ông định bay từ Malaysia tới Ecuador với hi vọng Ecuador sẽ cho phép ông nhập cảnh mà không cần thị thực. Tuy nhiên, hãng hàng không bay tới Ecuador không cho phép ông lên máy bay dù có vé.
Bầu cử Đài Loan:
Thất bại của Đảng Dân Tiến và bài học
Ngày 24.11 vừa qua, 19 triệu cử tri ở Đài Loan đã đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử gọi là “cửu hợp nhất” (9 trong 1) bầu ra những người đứng đầu các huyện, thị (huyện, thị trưởng), các nghị sĩ (dân biểu) cấp huyện, thị, các xã trưởng…ngoài ra còn trưng cầu dân ý về một loạt vấn đề, ví dụ như hôn nhân đồng tính hay việc đổi tên đoàn thể thao tham dự Đại hội Olimpic Tokyo 2020 tới đây…Kết quả bầu cử gây bất ngờ với thất bại nặng nề của Đảng Dân Tiến cầm quyền, gây xôn xao dư luận Đài Loan và quốc tế.
Sau thất bại nặng nề của Đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử địa phương, bà Thái Anh Văn tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng
Thất bại choáng váng của Đảng Dân Tiến
Kết quả bầu cử được công bố hôm 25.11 cho thấy trong số 22 huyện, thị Quốc Dân Đảng (KMT) đối lập đã giành thắng lợi áp đảo, chiếm được 15/22 ghế huyện, thị trưởng tăng thêm 9 ghế; Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (gọi tắt là Đảng Dân Tiến – DPP) cầm quyền của bà Thái Anh Văn chỉ còn giữ được 6 ghế so với 13 ghế trước đây, thậm chí còn mất cả quyền kiểm soát các thành phố Đài Trung, Cao Hùng và Nghi Lan – những nơi được coi là căn cứ địa của DPP từ xưa đến nay, đặc biệt Cao Hùng là nơi họ kiểm soát liên tục 20 năm qua. Riêng Thị trưởng Đài Bắc vẫn thuộc về ông Kha Văn Triết, một người không đảng phái. Tỉ lệ phiếu bầu cho đảng Dân Tiến giảm chỉ còn 39% so với 56% trong bầu cử tổng thống 2016, còn ủng hộ cho Quốc Dân Đảng tăng từ 31% lên tới 49%. Giới phân tích quốc tế cho rằng, kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này có thể sẽ bất lợi đối với DPP trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020 tới đây.
Trong cuộc thăm dò dân ý, cử tri cũng bác bỏ đề xuất đổi tên đội Olympic từ “Trung Hoa Đài Bắc” thành “Đài Loan” và bác bỏ hôn nhân đồng giới. Bà Thái Anh Văn, khi tranh cử năm 2016, đã hứa hẹn bình đẳng trong hôn nhân. Tòa hiến pháp Đài Loan năm 2017 cũng đã phán quyết người đồng giới có quyền kết hôn; nhưng hôm 24.11, đa số cử tri Đài Loan lại ủng hộ định nghĩa hôn nhân phải là giữa nam và nữ, bác bỏ hôn nhân đồng tính.
Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc chỉ ít giờ, bà Thái Anh Văn đã lập tức tuyên bố chịu trách nhiệm về thất bại của DPP và tuyên bố từ chức Chủ tịch DPP. Bà nói: “Là chủ tịch của đảng cầm quyền, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả các cuộc bầu cử địa phương hôm nay. Tôi từ chức chủ tịch đảng DPP. Những nỗ lực của chúng tôi là chưa đủ, đã gây thất vọng cho những người ủng hộ đã chiến đấu cùng chúng tôi. Tôi muốn gửi đến họ lời xin lỗi chân thành nhất”. Tổng thư ký Phủ Tổng thống Trần Cúc cũng công bố quyết định xin từ chức trên Twitter; Viện trưởng Hành chính (Thủ tướng) Lại Thanh Đức cũng xin từ chức bằng miệng, nhưng bà Thái Anh Văn đã đề nghị ông ở lại. Bà tuyên bố: “Tiếp tục các cải cách, tự do và dân chủ, và bảo vệ chủ quyền của đất nước là sứ mệnh mà Đảng Dân Tiến sẽ không từ bỏ”.
Kết quả bầu cử và quan hệ Đài – Mỹ, Đài – Trung
Kết quả cuộc bầu cử với thất bại thuộc về DPP và thắng lợi của đảng KMT đối lập sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ Đài – Mỹ và giữa hai bên bờ Eo biển là điều được dư luận quốc tế quan tâm rộng rãi.
Ông Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – một think tank độc lập nổi tiếng có trụ sở tại Washington hôm 25.11 cho rằng: nếu coi việc thất lợi của DPP là kết quả của việc họ không thừa nhận “Thỏa thuận chung 1992” giữa Đại Lục với Đài Loan thì đó là sai lầm. Ông cho rằng, cuộc bầu cử này chủ yếu tác động bởi các vấn đề, chính sách có tính địa phương như thu nhập thấp, cách biệt giàu nghèo, ô nhiễm môi trường… Bonnie Glaser không cho rằng bà Thái Anh Văn đang phải đương đầu với áp lực lớn, “vì tuyệt đại đa số người Đài Loan vẫn ủng hộ tình hình hiện nay”.
Ông Bonnie Glaser cho rằng, kết quả cuộc bầu cử này không gây nên bất cứ ảnh hưởng gì tới mối quan hệ Mỹ – Đài Loan. Nhiều người Mỹ cũng nhận thức như thế. Theo họ, trong xã hội dân chủ kiểu phương Tây, việc phe đối lập giành được sự ủng hộ trong một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là điều rất bình thường.
Tối ngày 24.11, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT), cơ cấu ngoại giao không chính thức, đại diện cho chính phủ Mỹ ra tuyên bố “chúc mừng nhân dân Đài Loan một lần nữa thể hiện lực lượng của thể chế dân chủ”, coi đây là “mẫu mực về thể chế dân chủ của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Trung Quốc hôm 25.11 đã lên tiếng hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử. Ông Mã Hiểu Quang, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố như trên thông qua hãng thông tấn Tân Hoa xã. Ông Mã nói kết quả của cuộc bầu cử phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người Đài Loan hy vọng được chứng kiến sự phát triển hòa bình trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan; cũng phản ánh nguyện vọng của người dân Đài Loan muốn được cải thiện nền kinh tế và phúc lợi cho người dân.
Ngay trước bầu cử, chính phủ của bà Thái Anh Văn đã cảnh báo Trung Quốc đang cố gắng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử bằng cách tung tin giả. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này. Quốc Dân Đảng được cho là có chính sách thân thiện với Bắc Kinh hơn so với DPP. KMT đã từng nắm quyền ở Trung Quốc trước khi bỏ chạy ra
Đài Loan sau cuộc nội chiến năm 1949. Trung Quốc Đại Lục từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời chờ ngày được thống nhất và cũng chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.
Những nguyên nhân khiến DPP và bà Thái Anh Văn thất bại
Hai năm trước đây, DPP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống. Trước biển người hò reo mừng thắng lợi ở quảng trường trước trụ sở đảng tại Hoa Sơn và tại lễ nhậm chức, bà Thái Anh Văn đưa ra danh sách cải cách dài dằng dặc, trở thành thần tượng chính trị của nhiều người dân Đài Loan, họ gửi gắm niềm tin vào bà. Vậy mà chỉ sau 2 năm, tình hình đã đột nhiên thay đổi. Điều gì đã dẫn tới tình trạng này? Trang tin Đa Chiều (DWNews) ngày 25.11 đã đăng bài phân tích, nêu lên những nguyên nhân chính khiến DPP và bà Thái Anh Văn thất bại:
Thứ nhất, xa rời dân ý. Năm 2016, với phong trào “Hoa Hướng dương”, bà Thái Anh Văn đã lợi dụng được sự bất mãn cao độ của dân chúng đối với KMT để thẳng tiến vào Phủ Tổng thống. Nguyên nhân rất đơn giản, dân chúng Đài Loan cho rằng KMT không làm tốt được việc tái phân phối tài nguyên, chính sách hòa dịu hai bên eo biển vì thế cũng mất đi sự tín nhiệm của xã hội. Dân chúng Đài Loan gửi gắm niềm tin vào DPP và bà Thái Anh Văn, hy vọng họ gánh vác trọng trách cải cách xã hội đưa xã hội Đài Loan đi theo con đường công bằng, chính nghĩa; thế nhưng chính phủ Thái Anh Văn đã không làm được điều này.
Thất bại của DPP lần này chủ yếu đến từ sự quay lưng của cử tri miền Trung và Nam, nơi được coi là căn cứ của họ. Đây là vùng nông nghiệp là chính, nhưng sau 2 năm DPP cầm quyền, đời sống của nông dân không được cải thiện, thậm chí còn kém hơn cả thời kỳ KMT thống trị mà họ căm ghét. Chỉ sau thời gian ngắn ấn tượng truyền thống “Đảng Dân Tiến chăm lo nông dân” đã hoàn toàn bị thay đổi.
Một nguyên nhân căn bản nữa là giới trẻ và người lao động – những người đã đưa bà Thái Anh Văn lên ghế tổng thống, hoàn toàn thất vọng về bà. Họ cho là bà đã cúi đầu trước các tập đoàn tài phiệt, phản bội lại lý tưởng ban đầu về vấn đề xã hội bình quyền; những phát biểu khuynh Tả đã bị bà quên khuấy, nên thất bại của DPP chính là kết quả của việc cử tri “dùng lá phiếu dạy cho bài học”.
Thứ hai, tâm thế ngạo mạn. Sự trỗi dậy của DPP trước đây hoàn toàn nhờ vào sự ủng hộ của tầng lớp bình dân ở dưới cơ sở mới có được sức mạnh chính trị để thách thức chính quyền KMT đang lũng đoạn xã hội Đài Loan. Năm 2000 DPP lần đầu tiên giành được chính quyền rồi lại để mất do chính phủ Trần Thủy Biển tham nhũng. Sau 8 năm chìm xuống, năm 2016 họ lại vùng đứng dậy được cho thấy dân chúng Đài Loan lại một lần nữa tin tưởng DPP. Tuy nhiên xã hội Đài Loan không còn tạo không gian rộng lớn để DPP rảnh tay như trước để mở ra cục diện, giúp xã hội đang đình trệ thoát khỏi cảnh khốn khó. DPP thì đặt lợi ích tự thân của đảng lên hàng đầu, không coi trọng nguyện vọng của dân chúng nữa, mà chỉ nhấn mạnh thắng bại của DPP chính là tiền đồ của Đài Loan. Hai năm trước, trong phát biểu sau khi thắng cử, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh “Khiêm tốn, khiêm tốn, khiêm tốn hơn nữa”; nhưng nay DPP đã tự cho rằng mình kiểm soát tương lai của Đài Loan, hoàn toàn xa rời nhu cầu của dân chúng, không nắm được mạch nguồn xã hội, khiến cử tri nổi giận “đập bàn, lật ghế”.
Thứ ba, biện pháp nắm quyền thô thiển. Bà Thái Anh Văn ngồi lên ghế Tổng thống với tư cách “nhà cải cách”,với lý tưởng cải cách xã hội, nắm chắc vấn đề, nhưng lại không có sách lược và bước đi phù hợp.
Sau khi cầm quyền ít lâu, những chính sách xã hội mạnh tay của DPP đều gặp lực cản và phản ứng mạnh; đặc biệt là cải cách chế độ tiền lương do thiếu sự thông hiểu và không đồng bộ nên từ ý định tốt ban đầu đã trở thành nguyên nhân xé nát xã hội. Kết quả cuộc bầu cử lần này chính là thể hiện sự phẫn nộ của những người về hưu; oán khí mạnh mẽ đã lấn át khí thế của DPP.
Ngoài ra còn có những tranh cãi xung quanh việc sửa đổi luật lao động. Bà Thái Anh Văn sau khi nắm quyền đã đứng về phía giới chủ tư bản, phản bội lại những lời hứa khi trước; sau 2 năm cầm quyền không thực hiện được bất cứ cải cách nào khiến dân chúng hài lòng, ngoại trừ mấy cải cách mang tính trả thù KMT. Cộng thêm biện pháp chấp chính thô thiển, trong thời gian ngắn xảy ra nhiều vụ xung đột với dân chúng, khiến sự ủng hộ của dân chúng đi xuống lớn nhanh như quả cầu tuyết…
Thứ tư, tồn tại tư duy đấu tranh. Sau khi thắng cử, lên cầm quyền, DPP triển khai hai mặt trận “điều tra truy tìm tài sản đảng không chính đáng” (của KMT) và “thúc đẩy sự chuyển hình theo hướng chính nghĩa”, nhưng các biện pháp điều tra tài sản của KMT cùng cách làm “từ bỏ Trung Quốc hóa” mang màu sắc truy sát chính trị trần trụi, hoàn toàn đi ngược bản chất chính trị và văn hóa ôn hòa của xã hội Đài Loan.
Thứ năm, hình thái ý thức chính trị hoang đường. “Thân Mỹ xa Trung”là hình thái ý thức chính trị của DPP nhưng nó bị coi là hoang đường và không hợp thời. Thế giới quan cũ kỹ và khuynh hướng xung đột trong quan hệ hai bên bờ eo biển đã khiến Đài Loan nằm ngoài những biến đổi của cục diện khu vực. Chính sách dựa hẳn vào Mỹ, tăng cường hợp tác về chính trị, quân sự, nhấn mạnh “tình hữu nghị Đài – Mỹ”…không chỉ đưa Đài Loan đến bên bờ vực nguy hiểm mà còn không chiếm được sự tin tưởng của số đông…
Thứ sáu, bà Thái Anh Văn thiếu năng lực lãnh đạo. Là chủ tịch DPP, nhưng những nhược điểm của bà Thái Anh Văn bộc lộ rõ qua cuộc bầu cử địa phương lần này.Trong chiến dịch bầu cử Thị trưởng Đài Bắc, bà bị coi là không quyết đoán, hoàn toàn bị các thế lực trong đảng khống chế, bị động và không dứt khoát trong quan hệ với ông Kha Văn Triết (nhân sỹ không đảng phái, đương kim thị trưởng), đánh mất lực lượng cử tri trung gian, khiến DPP hoàn toàn lâm vào thế bị động.
Lẽ ra, Chủ tịch DPP phải là vị trí cân bằng các thế lực trong đảng, nhưng bà Thái Anh Văn không quản được các phái đấu đá nhau. Việc mất đi các ghế thị trưởng, huyện trưởng quan trọng ở Nghi Lan, Vân Lâm và Cao Hùng đều bị coi là hậu quả của việc chia rẽ trong nội bộ DPP.
Ngoài ra, trong cải cách xã hội, sự lãnh đạo của Thái Anh Văn cũng không chịu được thử thách,hạng mục cải cách nào cũng bị mất kiểm soát; trong quan hệ với Trung Quốc Đại Lục, bà cũng bị coi là bị các thế lực đòi độc lập khống chế, không rõ rang trong vấn đề quan hệ hai bên eo biển, cuối cùng ngả hoàn toàn theo lập trường dựa hẳn vào Mỹ; là người lãnh đạo nhưng không nhìn thấy sự biến đổi của cục diện khu vực, gây nên tình hình nguy hiểm.
Bài viết của Đa Chiều kết luận: tổng kết 6 mặt trên đây cho thấy, kết quả cuộc bầu cử địa phương lần này là tín hiệu cảnh báo cho Đảng Dân Tiến “Nước làm thuyền nổi, nhưng cũng có thể lật thuyền”. DPP cần phải nhớ “lấy dân làm gốc”, coi phúc lợi của 23 triệu người dân Đài Loan là trách nhiệm của mình thì mới có được sự tín nhiệm xã hội, mới có cơ hội tiếp tục nắm quyền. Hiện nay bầu cử đã kết thúc, dù trách Đại Lục can thiệp, tung tin tức giả hay trách dân ý như dòng nước…đều không còn tác dụng. DPP sau khi bị thất bại ê chề cần phải nghiêm túc, triệt để suy nghĩ lại vì đâu nên nỗi…
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24940-bau-cu-dai-loan-that-bai-cua-dang-dan-tien-va-bai-hoc.html
Trung Quốc áp lực lên Tổng thống Đài Loan
sau thất bại bầu cử
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gây áp lực lên Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 26/11 sau khi đảng cầm quyền ủng hộ cho độc lập của Đài Loan của bà bị thất bại nặng nề tại các cuộc bầu cử địa phương vào cuối tuần, trong khi các quan chức của đảng đang cố tìm hiểu về nguyên nhân thất bại, theo Reuters.
Bà Thái, người sẽ đối diện với cuộc bầu cử tổng thống trong hơn một năm nữa, đã từ chức chủ tịch Đảng Dân Tiến (DPP) hôm 24/11, sau khi thua Quốc Dân Đảng, vốn thân thiện với Trung Quốc, tại các thành phố trọng điểm trong cuộc bầu cử thị trưởng.
Đảng Dân Tiến hiện chỉ kiểm soát sáu thành phố và tỉnh, trong khi Quốc Dân Đảng có đến 15.
Han Kuo-yu, thị trưởng thuộc Quốc Dân Đảng mới đắc cử của thành phố cảng phía nam Cao Hùng và là người có uy tín nhất trong số những người chiến thắng của đảng này, cho biết ông sẽ mở lại liên lạc với Trung Quốc.
Bắc Kinh từng từ chối làm việc với chính quyền của bà Thái kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016, cáo buộc bà thúc đẩy cho sự độc lập chính thức của hòn đảo. Đây được xem là một lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc, nơi vẫn coi hòn đảo tự trị dân chủ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.
Bà Thái nói rằng bà muốn duy trì hiện trạng với Trung Quốc, nhưng sẽ bảo vệ an ninh và dân chủ của Đài Loan, đặc biệt khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc như việc mua chuộc các đồng minh ngoại giao của Đài Loan.
Trong cuộc tranh cử, bà Thái cũng cảnh báo sẽ chống lại những nỗ lực can thiệp của Trung Quốc và kêu gọi mọi người phải đứng lên vì dân chủ.
Trong một bài xã luận, tờ China Daily của Trung Quốc nói rằng bà Thái đã phớt lờ “lập trường hợp tác” của Bắc Kinh và đẩy mối quan hệ đi vào bế tắc, và rằng “lập trường ly khai của bà ấy đã khiến bà mất đi sự ủng hộ của người dân trên đảo”.
“Việc liên lạc và hợp tác xuyên eo biển giữa các chính quyền địa phương được dự kiến sẽ được tăng cường nhờ kết quả của cuộc bầu cử, mang lại nhiều cơ hội hơn và giúp làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau”, tờ báo của Trung Quốc viết.
Quốc Dân Đảng đã cử các phái đoàn sang Trung Quốc kể từ khi bà Thái nhậm chức. Tại đây, họ đã được đón tiếp nồng nhiệt, và mối liên lạc này giờ đây có khả năng sẽ tăng lên.
Hung Mong-kai, một phát ngôn viên của Quốc Dân Đảng, nói rằng ông “chắc chắn” bây giờ sẽ có nhiều tương tác hơn với Trung Quốc.
Chiu Chui-cheng, Thứ trưởng Hội đồng đại lục của Đài Loan, nói với Reuters rằng chính phủ luôn hoan nghênh trao đổi với Trung Quốc, nhưng “những điều kiện tiên quyết chính trị” của Bắc Kinh đã cản trở những liên hệ đó.
“Chúng tôi luôn tích cực trong việc trao đổi giữa thành phố với thành phố với Trung Quốc đại lục, nhưng chính họ là người đặt ra giới hạn: họ đối xử với màu xanh da trời và màu xanh lá cây khác nhau”, ông nói, đề cập đến các màu sắc đại diện cho Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Tiến.
Một tờ báo khác của Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, trong bài xã luận nói rằng “tư tưởng cấp tiến cực đoan” của đảng Dân Tiến đã khiến đảng này lạc lối, mặc dù tờ báo này tuần trước đã gọi chính sách Trung Quốc của bà Thái là “chừng mực”.
Trợ tá thân cận của bà Thái, Chen Chu, tổng thư ký của Văn phòng tổng thống, nói rằng “không thể biện minh” cho kết quả yếu kém này và họ phải suy nghĩ lại kỹ càng.
“Chúng tôi phải chấp nhận bài học này từ mọi người”, bà viết trên trang Facebook cá nhân, mà không đưa ra bất kỳ giải pháp nào.
Thành viên cao cấp của Đảng Dân Tiến, nhà lập pháp Lo Chih-cheng, nói với Reuters rằng đảng đã không làm vừa lòng mọi người với cách tiếp cận chừng mực cả với Trung Quốc lẫn trong nước, và Đảng Dân Tiến cần suy nghĩ lại, và có thể, một chương trình cấp tiến hơn để tiếp cận những người ủng hộ chính.
“Đảng đang trong tình trạng hỗn loạn”, ông Lo nói, gợi ý rằng cách làm hài lòng mọi người sẽ giúp giành lại một số quốc gia nhỏ hơn mà Trung Quốc có quan hệ.
“Chúng tôi đã bị dồn vào góc tường mà không đánh lại. Và điều đó, một lần nữa, gây thất vọng cho những người ủng hộ chúng tôi”, ông nói.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Đài Loan lại khởi sắc nhờ chiến thắng của Quốc Dân Đảng, với kỳ vọng về mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc.
Trung Quốc gần như không che giấu niềm vui về thất bại của đảng Dân Tiến. Khi được hỏi Bắc Kinh cảm thấy thế nào về kết quả bầu cử của Đài Loan, một nguồn tin có quan hệ thân cận với lãnh đạo Trung Quốc chỉ nói đơn giản với Reuters rằng: “Họ thực sự rất vui”.
Người ba lần đoạt giải nhiếp ảnh báo chí
mất tích tại Tân Cương
Một nhiếp ảnh gia Trung Quốc, người từng đoạt giải, đã biến mất khi tới vùng Tân Cương, vợ ông nói.
Lư Quảng, người sống tại New York, được mời tới Tân Cương để có buổi nói chuyện trong tháng Mười. Vợ ông là Từ Hiếu Lý nói rằng lần cuối cùng bà nghe tin từ ông là hôm 3/11.
TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương
Những khu trại bí ẩn của Trung Quốc
Trung Quốc xác nhận bắt Chủ tịch Interpol
TQ: Nhà hoạt động bị bắt khi đang trả lời VOA
Giới chức sau đó nói với bà rằng các nhân viên an ninh quốc gia tại khu vực được kiểm soát chặt kẽ này đã đưa ông Lư đi.
Bà Từ nói với BBC Tiếng Trung rằng bà không biết liệu ông Lư có làm gì khiến chính phủ tức giận hay không.
Ông Lư, người đã ba lần đoạt giải nhiếp ảnh báo chí World Press Photo, chuyên theo dõi về các vấn đề môi trường và xã hội ở Trung Quốc.
Hôm 23/10, ông Lư bay tới Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương, nơi ông được mời tham dự một số sự kiên nhiếp ảnh.
Ông có kế hoạch bay tới Tứ Xuyên, nơi ông sẽ gặp một người bạn, chỉ được xác định là ông Trần, vào hôm 5/11 để dự một sự kiện thiện nguyện.
Nhưng khi tới Tứ Xuyên, ông Trần do không thể tìm được ông Lư đã liên hệ với bà Từ để hỏi thăm.
Bà nói bà không biết chồng mình đang ở đâu vì bà bặt tin ông từ hôm 3/11.
Bà Từ đã liên hệ với vợ của người mời ông tới Tân Cương và được cho biết ông Lư cùng người tổ chức đã bị lực lượng an ninh quốc gia đưa đi mất.
Tin này sau đó được các viên chức địa phương từ tỉnh Chiết Giang, quê nhà của ông Lư, xác nhận.
Họ nói họ không thể cung cấp thêm thông tin gì khác.
“Anh ấy đã mất tích hơn 20 ngày. Là người thân cận nhất của anh ấy nhưng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc anh ấy bị bắt,” bà Từ nói trong một lá thư chi tiết, được đăng trên Twitter.
“Tôi đã liên tục liên hệ với cảnh sát Tân Cương nhưng không được.”
“[Tuần tới] là kỷ niệm 20 năm ngày cưới của chúng tôi. Chúng tôi lẽ ra sẽ tổ chức kỷ niệm cùng nhau. Tôi chỉ có thể hy vọng là anh ấy sẽ trở về an toàn.”
Tân Cương, nằm ở miền viễn tây Trung Quốc, khét tiếng là nơi bị kiểm soát an ninh chặt chẽ và bị giám sát nghiêm ngặt với sự hiện diện dày đặc của cảnh sát.
Nơi này bị chỉ trích rộng khắp về chiến dịch mà giới chức nói là để nhằm xử lý chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng dâng cao trong cộng đồng người Uighur Hồi giáo thiểu số.
Chính phủ cũng rất nhạy cảm trước những lời chỉ trích, và đã từng bắt giữ các phóng viên tới điều tra các câu chuyện có nội dung tiêu cực về Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46360529
Giới khoa học nghi ngờ
kết quả ‘chỉnh sửa gene’ của TQ
Michelle RobertsPhóng viên y tế, BBC News online
Tuyên bố của một khoa học gia Trung Quốc theo đó nói ông đã giúp tạo ra được những em bé được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới đã vấp phải những nghi ngờ to lớn.
Ông Hà Kiến Khuê (He Jiankui) nói hai bé gái sinh đôi, chào đời cách đây vài tuần, có bộ DNA được chỉnh sửa từ khi còn trong giai đoạn phôi thai nhằm giúp các bé khỏi lây nhiễm HIV.
Trung Quốc nhân bản vô tính khỉ thành công
Bác sĩ sẽ đặt đơn thuốc gì cho bạn?
Thái Lan: Vụ ”xưởng trẻ em” có kết thúc rối rắm
Tuyên bố của ông, được hãng AP ghi hình, chưa được xác minh và đã khiến các khoa học gia khác tức giận. Họ gọi ý tưởng của ông là hoàn toàn sai trái.
Việc chỉnh sửa trên bị cấm ở hầu hết các nước.
Những thế hệ tương lai
Chỉnh sửa gene có thể hữu ích trong việc giúp tránh những bệnh di truyền thông qua việc loại bỏ hoặc thay đổi các đoạn mã code xấu trong phôi thai.
Nhưng các chuyên gia lo rằng việc đụng chạm vào gene của phôi thai có thể gây hại không chỉ cho một cá nhân đơn lẻ đó mà còn cho các những thế hệ trong tương lai, những người sẽ thừa hưởng các chỉnh sửa đó.
Nhiều quốc gia, trong đó có Anh, đã ra luật cấm việc sử dụng hình thức chỉnh sửa gene của phôi thai trong quá trình hỗ trợ sinh sản ở người.
Các khoa học gia có thể tiến hành nghiên cứu về chỉnh sửa gene đối với các phôi thai thụ tinh ống nghiệm đã bị loại bỏ, với điều kiện các phôi thai phải được hủy bỏ ngay lập tức sau đó và không được dùng để tạo ra em bé.
‘Những đứa trẻ được thiết kế’
Nhưng ông Hà Kiến Khuê, người tốt nghiệp trường Stanford, Hoa Kỳ, và làm việc tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, nói rằng ông đã dùng các công cụ chỉnh sửa gene để cho ra đời một cặp sinh đôi hai bé gái, được gọi là “Lulu” và “Nana”.
Trong một đoạn video, ông nói ông đã loại bỏ một gene có tên là CCR5 để khiến hai bé gái có thể kháng lại HIV nếu các em có lúc nào phải tiếp xúc với virus này.
Ông nói việc này là nhằm tạo ra những đứa trẻ không phải chịu bệnh này, thay vì tạo ra những đứa trẻ được thiết kế để mang màu mắt ưa thích hoặc có chỉ số IQ cao.
“Tôi hiểu rằng công việc tôi làm sẽ gây tranh cãi – nhưng tôi tin rằng các gia đình cần đến công nghệ này và tôi sẵn sàng chấp nhận chỉ trích,” ông nói trong đoạn video.
‘Có khả năng chữa trị cao’
Tuy nhiên, một số tổ chức, trong đó có một bệnh viện, có liên hệ với tuyên bố này đã lên tiếng bác bỏ việc họ có tham gia thực hiện.
Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Phương tại Thâm Quyến nói họ không hề biết gì về dự án nghiên cứu này và nay sẽ tiến hành điều tra.
Các khoa học gia khác nói nếu như nội dung các báo cáo là chính xác thì Giáo sư Hà đã đi quá xa, đã thử nghiệm trên phôi thai khỏe mạnh trong lúc không có lý do thỏa đáng để biện minh cho việc đó.
Trung Quốc nhân bản vô tính khỉ thành công
‘Mầm sống’ to nhất và nhỏ nhất thế giới
Robert Winston, giáo sư danh dự tại khoa Nghiên cứu về Sinh sản và là giáo sư Khoa học Xã hội tại Đại học Imperial College London, nói: “Nếu đây là báo cáo giả, thì đó là hành vi sai trái về khoa học và là hành vi cực kỳ vô trách nhiệm.”
“Nếu là thật, thì cũng là hành vi sai trái về khoa học.”
Tiến sỹ Dusko Ilic, một chuyên gia về khoa học tế bào gốc tại Đại học King’s College London, nói: “Nếu cho rằng làm chuyện này là đạo đức thì cách hiểu của họ về đạo đức là vô cùng khác với cách hiểu trên thế giới.”
Giáo sư Julian Savulescu, chuyên gia về đạo đức tại Đại học Oxford, nói: “Nếu là thật thì thử nghiệm này là hoàn toàn sai trái. Phôi thai hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh gì.”
Các khoa học gia nói việc chỉnh sửa gene trẻ em có thể sẽ đến một ngày trở thành việc thỏa đáng, có thể làm đươc, nhưng trước khi điều đó xảy ra thì cần phải có thêm các biện pháp kiểm tra, nghiên cứu.
Tiến sỹ Yalda Jamshidi, chuyên gia về gene ở người tại St George’s, Đại học London, nói: “Chúng ta chưa nắm được mấy thông tin về các tác động dài hạn, và hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng việc thử nghiệm ở người chỉ để nhằm tìm nâng cao kiến thức trong lúc đó là việc có thể tránh được là chuyện vô đạo đức, không thể chấp nhận được.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46357533
Quyết cạnh tranh ảnh hưởng,
ông Tập Cận Bình thân chinh đến “sân sau” của Mỹ
Sau cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới để giải quyết căng thẳng thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm “sân sau” của Mỹ.
Người dân vẫy cờ Panama khi tàu Trung Quốc đi qua Kênh đào Panama mới mở rộng ở Agua Clara, Panama. Ảnh: Reuters.
Thân chinh đến “sân sau” của Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia Trung Mỹ Panama vào đầu tháng sau, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Chuyến thăm được các nhà quan sát đánh giá sẽ là nỗ lực củng cố quan hệ với khu vực Mỹ Latinh của Bắc Kinh.
Đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp từ Bắc Kinh đến quốc gia Trung Mỹ này sau khi Panama chính thức cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh hồi tháng 6 năm ngoái.
Ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Juan Carlos Varela ở Panama City, chứng kiến ký kết khoảng 20 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ và cơ sở hạ tầng trong chuyến thăm từ ngày 2-3/12, theo Văn phòng Tổng thống Panama.
Nằm ở Trung Mỹ, giáp với Costa Rica và Colombia, Panama được coi là có vai trò quan trọng với sự thống trị của Mỹ ở bán cầu Tây, với Kênh đào Panama có khả năng liên kết các Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Panama còn được xem là “sân sau” của Mỹ ở khu vực Trung Mỹ.
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc sẽ tái khẳng định sự tham gia của Bắc Kinh ở khu vực Mỹ Latinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh sẽ “không thay đổi” mặc dù một số nước trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng trong một môi trường toàn cầu không ổn định.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Panama Varela cho biết nước này ủng hộ chương trình cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh.
Washington đã chỉ trích ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Mỹ Latinh, và các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump cũng cảnh báo các nước láng giềng phải cảnh giác với các khoản đầu tư từ Bắc Kinh.
Tại hội nghị thượng đỉnh Apec ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo các quốc gia nhỏ hơn không nên bị “mê hoặc” bởi sáng kiến Vành đai – Con đường của Bắc Kinh.
Cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ
Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo cho biết chuyến thăm của ông Tập tới Panama, ngay sau loạt chỉ trích của Phó Tổng thống Pence, cho thấy Bắc Kinh “cũng có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ”.
Đến Panama là cách mà ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc cũng có thể tranh giành ảnh hưởng ngay tại khu vực là địa bàn truyền thống của Mỹ.
Dong Jingsheng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Bắc Kinh, cho biết ông Tập dự kiến sẽ đề cao chương trình Vành đai – Con đường, hiện giờ được xem là nền tảng của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trong khi đang nỗ lực để tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin, ảnh hưởng của Bắc Kinh, mặc dù đang gia tăng, nhưng khó có thể bắt kịp với Mỹ, đặc biệt là khi đầu tư của Trung Quốc không ổn định và đa dạng, ông Dong Jingsheng nói.
Francisco Luis Perez, một chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Tamkang, Đài Loan, cho biết, trong khi Bắc Kinh có thể tìm cách chống lại sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng cách tăng ảnh hưởng của nước này ở châu Mỹ La tinh, mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh có thể gây rủi ro cho mối quan hệ của của Panama với Washington.
Sau những chỉ trích từ Mỹ, chuyến đi của nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục là một con bài thương lượng tiềm năng để có được những thỏa hiệp từ Mỹ, nhưng mặt khác, cũng có thể tạo thành một nguy cơ gia tăng căng thẳng.
Trước khi đến Panama, ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 1/12 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.
“Tôi không cho rằng Panama sẽ mạo hiểm và ký kết các hiệp ước chiến lược hay chính trị với Trung Quốc, mà thay vào đó tập trung vào các vấn đề kinh tế không có nhiều tác động về quân sự hay chiến lược”, ông Perez nói.
CRI: TQ khởi công xây dựng
tàu sân bay thế hệ mới
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) đưa tin Trung Quốc đã khởi công xây dựng tàu sân bay thứ ba và tàu sân bay thứ hai đang tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển.
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) ngày 26/11 đưa tin Trung Quốc đã khởi công xây dựng tàu sân bay thứ ba của nước này.
CRI dẫn bài báo đăng trên tài khoản Wechat chính thức của Tân Hoa xã cho biết tàu sân bay thứ hai của nước này – và cũng là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế trong nước, đang tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển, còn một “tàu sân bay thế hệ mới” đang được xây dựng tại xưởng đóng tàu theo lịch trình.
Bài báo trên – được dự định để đánh dấu kỷ niệm sáu năm việc một máy bay chiến đấu của Trung Quốc lần đầu tiên thực hiện hoạt động cất và hạ cánh trên tàu sân bay CNS Liêu Ninh – đã không đề cập chi tiết về chương trình của “tàu sân bay thế hệ mới” này, vốn được cho là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin này là sự xác nhận chính thức đầu tiên.
Từ lâu, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng tàu sân bay thứ ba tại Xưởng đóng tàu Giang Nam thuộc Tổng Công ty đóng tàu Trung Quốc ở Thượng Hải, đồng thời dự đoán rằng tàu sân bay chưa được đặt tên này sẽ lớn hơn và mạnh mẽ hơn tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc.
Hiện giới chức thuộc trụ sở của Tổng Công ty đóng tàu Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh và Lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn từ chối bình luận về bài báo trên.
http://biendong.net/doc-bao-viet/24943-cri-tq-khoi-cong-xay-dung-tau-san-bay-the-he-moi.html
Thương chiến khốc liệt: Nhiều công ty TQ
“ngấm ngầm” ủng hộ ông Trump
Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Mỹ khởi xướng, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, thật bất ngờ lại kín đáo ủng hộ ông Trump.
Bên ngoài đồng nhất, bên trong phức tạp
Bề ngoài, quan chức, doanh nghiệp và truyền thông Trung Quốc đều thể hiện chung một quan điểm là phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ. Trong lần phát biểu gần nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên án một số quốc gia theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, một sự ám chỉ rõ ràng đến Washington.
Thông điệp đó đã đi kèm với động thái tăng cường kiểm duyệt việc đưa tin trong nước về các vấn đề kinh tế trong những tháng gần đây, đặc biệt là liên quan đến thương mại với Mỹ. Nhưng bên dưới là một bức tranh phức tạp hơn.
Rất ít nhà điều hành khu vực tư nhân của Trung Quốc hoặc cố vấn chính sách thấy lợi ích từ việc áp thuế nhập khẩu cao hơn hoặc hạn chế đầu tư chặt chẽ từ Washington.
Sự ủng hộ trực quan của họ đối với Tổng thống Trump xuất phát từ suy nghĩ rằng động lực cải cách thị trường đã bị đình trệ.
Sự tham gia của chính phủ vào một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, đã trở nên đáng chú ý hơn trong năm qua. Trong quý 2, “ông lớn” về game và mạng xã hội Tencent đã chứng kiến thu nhập giảm sút lần đầu tiên kể từ năm 2005 khi chính phủ tiến hành chiến dịch chống nghiện game ở thanh thiếu niên.
40% giá trị của Tencent, tương đương 240 tỷ USD bị xóa sổ kể từ tháng Giêng.
Trong khi đó, Zhang Yiming, người sáng lập ra một trong những doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh ByteDance Technology, đã xin lỗi công chúng vào đầu năm nay sau khi các quan chức buộc công ty này tạm ngưng ứng dụng nổi tiếng Toutiao.
Nói chung, thật dễ hiểu vì sao nhiều người trong khu vực tư nhân của Trung Quốc lại thất vọng về triển vọng chính sách.
Doanh nghiệp tư nhân âm thầm ủng hộ
Đối với các doanh nhân và những người hy vọng một thị trường mở cửa và cạnh tranh hơn, tại Trung Quốc hiện nay không có áp lực nào đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Mặc dù các doanh nghiệp không được hưởng lợi trực tiếp bởi các đòi hỏi thương mại của Tổng thống Trump, sức ép từ ông Trump là biện pháp duy nhất có tác dụng.
Kết quả là, nhiều người hy vọng ông Trump có thể là một chất xúc tác bên ngoài cho sự thay đổi. Nếu tổng thống Mỹ có thể tác động đến lãnh đạo Trung Quốc bằng cách sử dụng công cụ thuế, điều này có thể thúc đẩy thị trường mở cửa hơn nữa, điều mà mà các quan chức muốn né tránh.
Điều đó có thể giúp các công ty tư nhân cạnh tranh hiệu quả hơn, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu khác trong vài tuần gần đây cũng ra sức úy lạo tinh thần các doanh nhân, được cho là niềm hy vọng tốt nhất để bù đắp thiệt hại mà khu vực nhà nước phải gánh chịu.
Chủ tịch Trung Quốc hồi đầu tháng này đã cam kết “hỗ trợ vững chắc” cho các công ty và doanh nhân tại một hội nghị chuyên đề về các doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế, cho phép khối tư nhân tiếp cận tài chính dễ dàng hơn và công bằng hơn so với các công ty nhà nước.
Thật khó để biết liệu điều này một phần là nhờ áp lực của Mỹ hay đơn giản là sự công nhận tầm quan trọng của khu vực tư nhân đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng dù là nguyên nhân nào, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang đặt hy vọng cải cách vào ông Trump nhiều hơn so với chính phủ.
Bắc Kinh: Ấn-Trung
đạt kết quả khả quan về vấn đề biên giới
Giới chức cao cấp giữa hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đạt được những kết quả tích cực về vấn đề biên giới, truyền thông Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết hôm 26/11.
Vòng đàm phán thứ 21 giữa các đặc phái viên Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới được tổ chức vào ngày 24/11 tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đồng chủ trì.
Trong cuộc họp, hai bên đưa ra những đề nghị khả thi hướng về phía trước để xúc tiến các cuộc thảo luận về biên giới, giữ gìn hòa bình-ổn định và tăng tiến hợp tác trong các khu vực biên giới, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng.
Theo ông Cảnh, kể từ cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Vũ Hán vào tháng 4 năm nay, những tiến bộ toàn diện và tích cực đã đạt được trong mối quan hệ Trung-Ấn và bang giao đôi bên đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.
“Theo tình hình quốc tế hiện nay, ý nghĩa chiến lược của các quan hệ song phương của chúng ta đã trở thành rõ ràng hơn. Hai phía chúng ta sẽ hành động về những đồng thuận quan trọng hai nhà lãnh đạo đã đạt được để củng cố các thông tin chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị hỗ tương và tiến tới sự hợp tác toàn diện,” ông Cảnh nói.
Cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng nhau tiến đến tiến trình giải quyết những vấn đề biên giới và gìn giữ hòa bình-ổn định ở khu vực biên giới, ông Cảnh nói thêm.
Hé lộ các vũ khí “hàng khủng”
sắp được biên chế vào quân đội Hàn Quốc
Giới chức Hàn Quốc vừa cho biết, nước này sẽ triển khai nhiều hệ thống vũ khí mới vào năm 2019, bao gồm cả tên lửa đánh chặn trên tàu chiến.
Hàng loạt loại vũ khí hiện đại sẽ được biên chế vào quân đội Hàn Quốc
Cơ quan phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã hoàn thành việc chế tạo hệ thống tên lửa dẫn đường có tên Haegung mới, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và máy bay của đối phương.
Nó được phóng từ các ống phóng thẳng đứng với radar đủ sức dò tìm ra vài mục tiêu cùng lúc. Trong bài thử nghiệm đánh giá 9 trên 10 tên lửa đã bắn chính xác mục tiêu. Sự phát triển Haegung đã bắt đầu từ năm 2011 nhằm trang bị nó trên các tàu đổ bộ và tàu hộ tống.
ADD cũng có kế hoạch hoàn thành việc phát triển máy bay không người lái (UAV) tầm trung vào tháng 9-2019 để bàn giao cho không quân Hàn Quốc. UAV này có thể hoạt động ở độ cao 10 – 12km với tầm radar quan sát là 100km.
Trong khi đó, việc triển khai tên lửa chiến thuật đất đối đất của Hàn Quốc được dự kiến vào năm 2020. Tên lửa này sẽ có khả năng phá hủy các hệ thống pháo tầm xa nằm trong đường hầm dưới lòng đất.
Ngoài ra, ADD còn cho biết, quân đội Hàn Quốc đang thúc đẩy việc phát triển tên lửa đất đối không tầm xa L-SAM. Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong hệ thống tên lửa phòng không của Hàn Quốc.
Chủ tịch ADD, ông Nam Sae-kyu đã khẳng định L-SAM có thể được phát triển hoàn thiện bằng công nghệ nội địa, với mục đích chính là nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Phạm vi đánh chặn tối đa của L-SAM sẽ nằm ở khoảng giữa giữa tên lửa PAC-3 (30-40 km) và tên lửa THAAD (100 km).