Tin khắp nơi – 27/09/2018
Ông Trump cáo buộc
Trung Quốc ‘can thiệp’ bầu cử giữa kỳ
Trung Quốc đang toan tính “can thiệp” cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ sắp tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc họp Liên Hiệp Quốc.
“Họ không muốn tôi hoặc chúng tôi giành chiến thắng vì tôi là tổng thống Mỹ đầu tiên từng thách thức Trung Quốc về thương mại”, ông Trump cho biết hôm 26/9.
Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’
TQ áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa để trả đũa Mỹ
TQ đáp trả Mỹ bằng biểu thuế quan mới
Thuế quan của Trump có ngăn chặn gián điệp TQ?
Đồng minh ‘thất vọng’ vì Mỹ áp thuế thép, nhôm
Ông Trump không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc. Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc chiến thuế quan.
Ngoại trưởng Trung Quốc bài bác “cáo buộc không chính đáng”.
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ sẽ được tổ chức vào ngày 6/11.
Ông Trump nói gì?
Trong diễn văn khai mạc cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có chủ đề chống vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, ông Trump cáo buộc Trung Quốc mưu toan can thiệp bầu cử Mỹ.
“Đáng tiếc là, chúng tôi phát hiện Trung Quốc định can thiệp vào cuộc bầu cử vào tháng 11/2018, chống lại chính quyền của tôi”, ông nói.
“Chúng tôi đang chiến thắng trong chiến tranh thương mại và thắng ở mọi cấp độ.”
“Chúng tôi không muốn họ can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới.”
Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc luôn giữ nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác.”
“Đấy là truyền thống của chính sách đối ngoại của Trung Quốc.”
Ông tiếp tục: “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ cáo buộc không chính đáng nhắm vào Trung Quốc.”
Ông Trump sau đó post trên Twitter ảnh chụp các bài báo mà ông mô tả là “Trung Quốc tuyên truyền”.
Tại một cuộc họp báo, khi được hỏi về bằng chứng của sự can thiệp của Trung Quốc, ông Trump nói rằng ông không thể tiết lộ bằng chứng đó nhưng rồi người ta sẽ biết về nó.
Hồi tháng 8/2018, Tổng thống Hoa Kỳ đã thể hiện rõ quan điểm của cá nhân ông về Trung Quốc cũng như về lãnh đạo của cường quốc cộng sản Tập Cận Bình, theo tờ Politico.
Trên bàn tiệc với các lãnh đạo của các tập đoàn lớn và các nhân viên Nhà Trắng, ông Trump nói sáng kiến Một Vành đai Một Con đường có khả năng làm “gián đoạn nền thương mại trên toàn thế giới.”
Ông nói kế hoạch kinh tế của Trung Quốc “xúc phạm” và ông không thích nó, theo như lời kể của một nhân chứng trong phòng.
Ông Trump còn nói ông cũng đã “nói thẳng vào mặt ông Tập như vậy.”
Bữa tiệc gồm hơn 10 CEO và các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng và có mục đích là để “Tổng thống tìm hiểu về tình hình kinh tế… và lắng nghe nguyện vọng và mong muốn của các doanh nghiệp cho năm sắp tới.”
Nhưng theo nguồn tin của Politico, ông Trump dành phần lớn thời gian của bữa tối để “phàn nàn về Trung Quốc.”
Ông Trump “bực bội” nói rằng Trung Quốc đã đáp trả với các mức thuế nhập khẩu mới.
Hôm 8/8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu áp thuế nhập khẩu ở mức 25% lên 16 tỷ đôla hàng hóa Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu rằng việc Mỹ ưu tiên luật nội địa trên luật quốc tế “hết lần này tới lần khác” là “hoàn toàn vô lý”, và Trung Quốc “buộc phải” có những biện pháp đáp trả cần thiết.
Trong khi trước đó hồi tháng Tư, ông Trump đăng trên Twitter rằng “Ông Tập và tôi sẽ luôn là bạn, dù cho chuyện gì có xảy ra với mâu thuẫn về thương mại,” và ông nói ông thấy “một tương lai tuyệt vời cho cả hai nước”.
Ông Trump còn nói với các khách mời rằng, “hầu hết tất cả du học sinh từ đất nước đó đều là gián điệp,” ám chỉ Trung Quốc, theo như Politico.
15 CEOs có mặt bao gồm CEO của Pepsi, Fiat Chrysler, Boeing, và Johnson & Johnson cùng một số tập đoàn khác.
Nhà Trắng đã từ chối trả lời Politico về các phát ngôn của ông Trump tối hôm đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45623314
Mỹ-Nhật nhất trí bắt đầu đàm phán
thỏa thuận thương mại tự do
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư cho biết ông đã đồng ý với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương mà Tokyo trước giờ vẫn kháng cự.
“Chúng tôi hôm nay đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản,” ông Trump nói tại một hội nghị thượng đỉnh với ông Abe ở New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
“Đây là điều mà vì nhiều lí do khác nhau trong những năm qua mà Nhật Bản đã ngần ngại làm và bây giờ họ sẵn lòng làm. Thế nên chúng tôi rất vui vì điều đó, và tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ đi tới một kết cục thỏa đáng, và nếu không thì, ohhhhhh,” ông Trump nói.
Ông Trump đã nói rõ rằng ông không hài lòng với thặng dư thương mại trị giá 69 tỉ đôla của Nhật Bản với Mỹ – gần hai phần ba con số đó đến từ xuất khẩu xe hơi – và muốn có một thỏa thuận hai chiều để giải quyết vấn đề này.
Các quan chức Nhật Bản lo ngại rằng ông Trump sẽ đòi giảm nhập khẩu xe hơi từ Nhật Bản, và sợ rằng ông Trump có thể áp đặt thuế nhập khẩu ở mức cao đối với xe hơi và các phụ tùng xe hơi dựa trên lí do an ninh quốc gia.
Trong một tuyên bố chung, hai nước cho biết các cuộc đàm phán “sẽ tôn trọng lập trường của chính phủ nước kia,” vạch ra những hạn định cho lĩnh vực xe hơi và nông nghiệp của Nhật Bản.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói với các phóng viên rằng ông đang nhắm tới một thỏa thuận thương mại tự do hoàn toàn cần phải được Quốc hội phê chuẩn theo luật thẩm quyền đàm phán thương mại “tăng tốc.”
Luật này yêu cầu Quốc hội phải được thông báo 90 ngày trước khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu và ông Lighthizer nói rằng ông sẽ bắt đầu tham vấn các nhà lập pháp vào ngày thứ Năm.
Ông Lighthizer cho biết các cuộc đàm phán sẽ được giải quyết trong hai “đợt” với hi vọng “gặt hái thành quả sớm” từ các cuộc đàm phán ban đầu về cắt giảm thuế quan và hàng rào thương mại phi thuế quan đối với hàng hóa.
Ông từ chối xác định khi nào thì sự mất cân bằng thương mại xe hơi sẽ được giải quyết nhưng thừa nhận xe hơi là một lĩnh vực hàng hóa quan trọng.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản trích lời Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Toshimitsu Motegi, nói rằng Mỹ sẽ không áp đặt thuế quan mới đối với các sản phẩm xe hơi của Nhật Bản trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra. Không thể liên lạc được với phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ để bình luận về tin này, Reuters cho hay.
Tranh chấp Trung Đông:
TT Trump hậu thuẫn giải pháp hai quốc gia
27/09/2018
Tổng thống Donald Trump hôm 26/9 nói ông muốn thấy giải pháp 2 quốc gia để giải quyết vụ tranh chấp giữa Israel và người Palestine, lần đầu tiên nêu rõ lập trường của chính phủ dưới quyền ông, hậu thuẫn giải pháp này.
Trong một cuộc họp với Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Trump nói ông muốn ra mắt một giải pháp hòa bình trong vòng hai hoặc ba tháng tới.
Ông Trump nói:
“Tôi thích giải pháp hai quốc gia. Tôi nghĩ đó là giải pháp hữu hiệu nhất. Tôi có cảm giác như vậy.”
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu nói bất cứ nước Palestine tương lai nào cũng phải phi quân sự hóa, và phải thừa nhận Israel là một quốc gia của người Do Thái, đó là các điều kiện mà theo người Palestine, chứng tỏ là ông Netanyahu không thành tâm mong muốn có hòa bình.
Ngày càng có nhiều người hoài nghi về liệu chính phủ của Tổng thống Trump có thể bảo đảm điều mà ông gọi là “giải pháp tối hậu” hay không từ tháng 12 năm ngoái, khi ông Trump thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ra lệnh dời đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv tới Jerusalem.
“Tôi thích giải pháp hai quốc gia. Tôi nghĩ đó là giải pháp hữu hiệu nhất. Tôi có cảm giác như vậy.”
TT Hoa Kỳ Donald Trump
Sau khi gặp ông Trump, Thủ Tướng Netanyahu nói ông không ngạc nhiên khi nghe Tổng thống Trump nói ông tán thành giải pháp hai quốc gia để thực hiện hòa bình với người Palestine.
Ông Nabil Abu Rdainah, người phát ngôn của Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas, nói:
“Giải pháp hai quốc gia đối với chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi sẽ có một đất nước Palestine với các đường ranh giới của năm 1967, lấy Đông Jerusalem làm thủ đô. Đó là cách duy nhất để có hòa bình.”
“Giải pháp hai quốc gia đối với chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi sẽ có một đất nước Palestine với các đường ranh giới của năm 1967, lấy Đông Jerusalem làm thủ đô. Đó là cách duy nhất để có hòa bình.”
Người paht1 ngôn của TT Palestine
Ông Rdainah nói người Palestine muốn giải quyết các vấn đề cốt lõi trong cuộc tranh chấp với Israel, trong đó có vấn đề ranh giới, các khu định cư, vấn đề người tị nạn, an ninh và quy chế của Jerusalem, “theo tinh thần các nghị quyết Liên Hiệp Quốc”.
Mỹ – Trung: Tình bạn Trump – Tập đã chấm dứt?
Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/09/2018 phát biểu rằng “tình bạn” của ông với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã chấm dứt”.
Nguyên thủ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh tìm cách can thiệp vào kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đây. Giới chuyên gia quan ngại leo thang căng thẳng Mỹ – Trung để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Chưa có lúc nào quan hệ Mỹ – Trung xuống đến mức thấp nhất như hiện nay. Cách nay hơn một năm, tổng thống Mỹ còn xem chủ tịch Trung Quốc là “bạn”. Tuy lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón long trọng Donald Trump tại Bắc Kinh nhưng chưa bao giờ ông Tập có những phát biểu “dạt dào” về mối quan hệ này.
Theo quan điểm của ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington với AFP, thì hai ông “Trump và Kim chưa bao giờ là bạn cả”.
Còn theo nhận xét của Bill Bishop, chủ nhà xuất bản Sinocism China Newsletter, tuần trăng mật Trump – Tập không còn, có thể có “một mức độ suy thoái hoàn toàn khác nữa trong mối quan hệ Mỹ – Trung, vượt xa khuôn khổ cuộc chiến thương mại”.
Quả thật, chỉ trong vòng một tuần, gần như ngày nào cũng bùng lên căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ thông báo trừng phạt một cơ quan quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Chính quyền Bắc Kinh giận dữ đáp lại cho triệu đại sứ Mỹ lên bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối, đồng thời rút ngắn thời hạn thăm Mỹ của một đô đốc Trung Quốc.
Thứ Sáu ngày 21/09, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án Bắc Kinh “ngược đãi khủng khiếp” người Duy Ngô Nhĩ.
Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang. Washington thông báo áp thuế thêm 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ngay lập tức, Bắc Kinh phản công hủy chuyến đi Mỹ của một phái đoàn đàm phán và của phó thủ tướng Lưu Hạc vì không chấp nhận thương thuyết trong thế “dao kề cổ”.
Cũng trong tuần này, Lầu Năm Góc còn cho nhiều chiếc oanh tạc cơ B-52 bay trên không phận Biển Đông có tranh chấp mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên 80% diện tích. Ngược lại, Bắc Kinh cực lực phản đối kế hoạch Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan mà Trung Quốc xem là một tỉnh của nước này.
Căng thẳng mới nhất là hôm qua, trong cuộc họp báo ngắn, tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc dùng mọi “thủ đoạn” can thiệp vào bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp tới đây. Một trong số các ví dụ được nguyên thủ Hoa Kỳ nêu ra là tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng quảng cáo trên The Des Moines Register – một tờ báo của bang Iowa, nơi có vai trò quan trọng trong các kỳ bầu cử Mỹ.
Từ những quan sát trên, có một câu hỏi đặt ra : Phải chăng trong nhãn quan của Donald Trump, một người “bạn tốt” phải là một người dễ bảo ?
Mỹ đẩy Iran vào vòng tay Trung Quốc
Hai ngày liên tiếp, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, tổng thống Hoa Kỳ liên tục chĩa mũi dùi vào Iran, lên án thái độ “ngày càng hung hăng của Teheran”. Theo chuyên gia Pháp, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, Pascal Boniface, cô lập Iran có lợi cho Trung Quốc và Nga.
Trong ngày đầu tiên khai mạc khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (25/09/2018), tổng thống Trump và Rohani đọ sức với nhau qua hai bài diễn văn cách nhau chỉ vài giờ. Washington kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Teheran, còn Iran lên án Hoa Kỳ muốn lật đổ chế độ. Một hôm sau, chủ trì cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, Donald Trump cam kết nước Mỹ sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt “cứng rắn hơn bao giờ hết để chống lại ác tâm của Iran”.
Trước mắt, đại đa số các thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không mấy hưởng ứng kêu gọi quốc tế cô lập Iran được tổng thống Mỹ nêu ra. Nga, một đồng minh thân thiết của Iran, qua lời ngoại trưởng Serguei Lavrov đáp trả : “Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, là một mối đe dọa đối với Hiệp Định Chống Phổ Biến Vũ Khí Nguyên Tử.”
Hai thành viên thường trực khác trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh và Pháp – vốn là những đồng minh cốt lõi của Hoa Kỳ, cũng không tán đồng quan điểm của Washington về hạt nhân Iran.
Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký kết tại Vienna giữa Teheran với 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và Đức là “phương tiện tốt nhất để ngăn ngừa Iran phát triển vũ khí nguyên tử”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định : “Không thể giải quyết hạt nhân Iran bằng các biện pháp trừng phạt”. Chính vì muốn tránh để bị vạ lây vì lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran, Liên Hiệp Châu Âu đang hình thành một cơ chế để có thể tiếp tục giao thương với Teheran mà không cần sử dụng đồng đô la.
Trong bối cảnh hạt nhân Iran đang làm lu mờ nhiều hồ sơ quan trọng nhân khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 2018, trả lời Jean Baptiste Marot đài RFI, ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược – IRIS nhấn mạnh : Hoa Kỳ đang đẩy Iran vào vòng tay Trung Quốc.
Trước hết chuyên gia Pháp, Pascal Boniface nhắc lại vì sao tổng thống Mỹ đang dồn hỏa lực tấn công về phía Iran.
Pascal Boniface : Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích, hay nói đúng hơn là ngay từ đầu, ông luôn đả kích thỏa thuận về hạt nhân Iran. Thực ra thì Donald Trump thù ghét chế độ Iran và ông ý thức được rằng một phần công luận Mỹ, đặc biệt là thành phần cử tri bỏ phiếu cho ông, vẫn căm ghét Iran, kể từ năm 1979 và từ sau vụ bắt con tin Mỹ tại tòa đại sứ ở Teheran. Tổng thống Hoa Kỳ cũng biết rằng Iran là một quốc gia thù nghịch với Israel, mà ông thì lại chủ trương ủng hộ Israel hết mình. Thêm vào đó, ông Donald Trump tố cáo Iran gây bất ổn trong khu vực Trung Đông. Washington quy trách nhiệm cho Teheran từ khủng hoảng Yemen, đến việc Iran yểm trợ cho chế độ của Bachar al Alassad tại Syria. Tựu chung, Trump cáo buộc Iran gây bất ổn cho toàn khu vực vùng Vịnh.
RFI : Trong diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm ngoái, của tổng thống Hoa Kỳ, đã có những lời lẽ gay gắt nhất nhắm vào Bắc Triều Tiên : nào là dọa “tiêu diệt hoàn toàn” quốc gia này, nào là gọi Bình Nhưỡng là một “chế độ thối nát”. Donald Trump còn tặng cho Kim Jong Un biệt hiệu “Rocket Man”… để rồi 9 tháng sau, tại Singapore nguyên thủ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã bắt tay nhau. Từ đó tới nay, ông Trump không ngớt lời ca tụng ông Kim Jong Un. Liệu rằng Washington có áp dụng chiến lược này với Iran hay không ?
Pascal Boniface : Không đời nào ! Bởi vì, tuy tình hình lắng dịu với Bắc Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng không hề từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đồng thời, điều mà ông Donald Trump gọi là một thắng lợi ngoại giao và đấy là nhờ công lao của ông, thì sự thật không hẳn là như vậy : đấy không phải là một thắng lợi ngoại giao. Nhưng bên cạnh đó, hai trường hợp giữa Iran với Bắc Triều Tiên rất khác nhau. Qua Iran, còn phải tính tới cả một vế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Điều đó liên quan tới chính sách của Hoa Kỳ đối với Ả Rập Xê Út, tới mối liên hệ đồng minh giữa Mỹ với Israel.
Đối với Bắc Triều Tiên bài toán đơn giản hơn. Nói cách khác, cho dù là còn nhiều nghi vấn về thực tâm giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng ít ra, đối với Bắc Triều Tiên, đối thoại có lợi cho Donald Trump và tổng thống Mỹ cần phô trương thắng lợi từ sau thượng đỉnh với Kim Jong Un. Ngược lại trong trường hợp của Iran, ông Trump chẳng có lợi gì và bản thân ông ta cũng không muốn đối thoại với Iran.
RFI : Về phía Teheran, tại Liên Hiệp Quốc lần này, tổng thống Rohani đã phản công. Một mặt ông lên án Mỹ dùng đòn kinh tế để “khủng bố” Iran, mặt khác tố cáo Washington “không còn che giấu ý đồ muốn lật đổ chế độ” tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo này. Phải chăng Iran khai thác trở lại lá bài chống “đế quốc Mỹ” ?
Pascal Boniface : Vâng, có thể nghĩ rằng Iran lại bắt đầu chiến thuật công kích, tố cáo các nước thù nghịch dùng lá bài khủng bố đe dọa Teheran. Nước này cũng lên án Mỹ có chính sách thù nghịch đối với Iran, tố cáo Washington không tôn trọng luật chơi quốc tế. Trong khi đó thì theo quan điểm của ông Rohani, Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân được ký kết hồi năm 2015. Iran sẽ chứng minh rằng, chính Hoa Kỳ mới là yếu tố đe dọa an ninh của khu vực. Tôi nghĩ là tổng thống Rohani sẽ tạo cho Iran một hình ảnh tốt, đưa ra hình ảnh một quốc gia yên bình, nhưng lại bị kẻ thù đe dọa.
RFI : Trước cử tọa bao gồm 193 quốc gia trong Liên Hiệp Quốc cũng như trong cuộc họp thu hẹp giữa 15 thành viên thường trực và không thường trực của Hội Đồng Bảo An, tổng thống Trump liên tiếp tấn công Iran. Liệu chiến lược này có lợi cho Mỹ hay không, hay là ngược lại, Washington càng muốn cô lập Teheran, thì lại càng có lợi cho Nga và Trung Quốc ?
Pascal Boniface : Đối với Nga thì chuyện đã rồi, chủ yếu là qua mối liên minh giữa Teheran với Matxcơva tại Syria. Còn với Trung Quốc, chính Bắc Kinh mới là kẻ thắng cuộc qua ván bài này. Trung Quốc ngày càng gần gũi hơn với Iran. Nước này có dầu hỏa, mà Trung Quốc đang cần. Iran cần đầu tư và Trung Quốc thì thừa sức đáp ứng nhu cầu của Teheran. Việc Hoa Kỳ muốn cô lập Iran với các nước phương Tây, ngày càng đẩy Iran vào vòng tay của Trung Quốc. Tôi không chắc đây là một tin vui đối với các nước phương Tây.
RFI : Xin một câu hỏi chót, với tình huống hiện nay liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được những gì để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran và để tránh búa rìu trừng phạt của chính quyền Trump nhắm vào Teheran ?
Pascal Boniface : Châu Âu phản đối Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran, nhưng rõ ràng là châu Âu chỉ có thể ghi nhận điều ấy mà thôi. Câu hỏi quan trọng đặt ra giờ đây là liệu Bruxelles có bắt buộc phải đi theo Mỹ hay không, liệu châu Âu có chấp nhận để Donald Trump áp đặt và cấm Liên Âu giao thương với Iran hay không.
Chúng ta biết rằng, Liên Hiệp Châu Âu đang hình thành một cơ chế để lách lệnh cấm vận của Hoa Kỳ nhắm vào Iran. Nghĩa là châu Âu tìm cách để có thể tiếp tục trao đổi mậu dịch với Iran mà không sợ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Chúng ta thấy châu Âu quyết tâm tìm một ngõ thoát. Nhưng trong ngắn hạn Mỹ vẫn áp dụng chính sách thù nghịch với Iran và nếu Liên Âu có tìm ra một giải phát đi chăng nữa thì đó cũng là một giải pháp trong trung hạn. Trước mắt, châu Âu vẫn phải chịu thua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180927-co-lap-teheran-my-day-iran-vao-vong-tay-cua-nga-va-trung-quoc
Ngoại trưởng Mỹ chủ trì
cuộc họp Hội Đồng Bảo An về Bắc Triều Tiên
Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27/09/2018, ngoại trưởng Mike Pompeo chủ trì cuộc họp Hội Đồng Bảo An để bàn về vấn đề Bắc Triều Tiên. Mỹ kêu gọi thế giới tôn trọng các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Bắc Triều Tiên, cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn thành tiến trình phi hạt nhân hóa.
Hôm qua 26/09, ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã có buổi trao đổi với đồng nhiệm Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cho biết cuộc gặp diễn ra theo chiều hướng tích cực. Ông thông báo nhận lời mời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và sẽ sang thăm Bình Nhưỡng vào tháng 10/2018 để đạt được thêm các bước tiến về giải trừ hạt nhân ở Bắc Triều Tiên, cũng như chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên lần thứ hai.
AFP cho biết, hôm qua tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đã nhận được « một bức thư đặc biệt » của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó ông Kim « tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của Bắc Triều Tiên ». Chủ nhân Nhà Trắng cũng khẳng định ông nóng lòng chờ tới thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên, dự kiến sẽ sớm được tổ chức trong thời gian tới đây.
Thăm Dò Mới: Nếu Bầu Cử Hôm Nay,
Trump Thắng Nữa; Bà Clinton Không Đủ
Cử Tri Hậu Thuẫn Để Thắng Cử TT
WASHINGTON – Kết quả thăm dò của chuyên gia cùng đảng DC xác nhận: nếu bà Clinton định tranh cử 1 lần nữa, giới khảo sát dư luận khuyên “không nên.”
Tuần qua, 1 thành viên của ALG Research, là Molly Murphy, cho hay: American Barometer nhận thấy chỉ 44% cử tri chọn bà Clinton nếu bầu cử 2016 được làm lại. Bà Murphy nói qua chương trình “What America’s Thingking” của Hill.TV rằng “Không đủ để thắng”.
Theo lời bà này, con số đó có vẻ phản ảnh những người thực sự tin tưởng trong số cảm tình viên yêu thích và vẫn dồn phiếu cho bà Clinton.
Để thắng bầu cử, ứng viên phải thu được phiếu của cử tri bên ngoài “hậu cứ” của mình.
Ngoài ra, American Barometer ám chỉ Trump lập lại thắng lợi nếu bầu cử diễn ra hôm nay.
Fox News đưa tin: thăm dò nhận thấy 64% cử tri DC không hậu thuẫn ứng viên chọn định hướng xã hội (năm 2016 tỉ lệ này là 59%).
‘Trách nhiệm của tôi là nói lên sự thật’:
Phụ nữ cáo buộc ông Kavanaugh trước cuộc điều trần
Bà Christine Blasey Ford, người nói mình là nạn nhân của một cuộc tấn công tình dục dưới tay ông Brett Kavanaugh, nhân vật được Tổng thống Trump đề cử vào Tòa án Tối cao, sẽ ra trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ trong một cuộc điều trần có tầm quan trọng quyết định liệu ông Kavanaugh có được chuẩn thuận để trở thành thẩm phán của tòa án cao nhất nước hay không.
Kể lại vụ việc xảy ra trong thập niên 1980, bà Christine Ford, một giáo sư môn tâm lý học tại Đại học Palo Alto ở California, nói bà đã bị ông Kavanaugh tấn công tình dục tại một party thời mà hai người còn là học sinh trung học.
Ông Kavanaugh bác bỏ mọi cáo buộc của bà Ford và của hai phụ nữ khác, ông cũng sẽ ra trước ủy ban tư pháp mặc dù ông sẽ không có mặt khi Giáo sư Christine Ford phát biểu.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ gồm toàn nam giới đã mướn một nữ luật sư có kinh nghiệm truy tố các hình tội về tình dục, bà Rachel Mitchell, để chất vấn bà Ford
Các Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng sẽ đặt những câu hỏi của riêng họ.
Là một thẩm phán có quan điểm bảo thủ, ông Kavanaugh được Tổng thống Trump đề cử hồi tháng Bảy và được coi là có nhiều triển vọng chiếm được chiếc ghế tại Tòa án Tối cao, cho tới khi xuất hiện lời tố cáo của Giáo sư Christine Ford. Giờ thì không rõ số phận của ông Kavanaugh sẽ ra sao, mặc dù một số lãnh đạo Đảng Cộng hoà tuyên bố sẽ tiếp tục tiến trình chuẩn thuận, nhưng một số thành viên trong Đảng có lập trường trung dung vẫn chưa quyết định nên biểu quyết thuận hay chống.
Cuộc điều trần sẽ diễn ra vào 10g sáng giờ Washington.
Trong một bản tin đăng vào sáng thứ Năm 27/9 đài CNN cho biết các luật sư của Giáo sư Ford đã phổ biến một văn bản ghi những lời khai của bà về những gì đã xảy ra cách đây mấy thập niên. Đáng chú ý nhất có đoạn:
“Ngoài chính cuộc tấn công, những tuần vừa rồi là những tuần khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi đã phải sống lại sự kiện gây chấn thương đó của mình trước con mắt của cả thế giới, đã chứng kiến đời tôi bị mang ra mổ xẻ trên đài truyền hinh, trên các phương tiện truyền thông, và ngay trong chính cái ủy ban này, khi họ chưa từng gặp gỡ hay nói chuyện với tôi. Tôi đã bị tố cáo là hành động vì động cơ chính trị, phe phái. Những người nói như vậy không hề biết tôi. Tôi là một người mạnh mẽ bảo vệ tính độc lập của mình và tôi không phải là con cờ của bất cứ một ai. Động cơ của tôi khi lộ diện là để cung cấp những thông tin về những gì thực sự xảy ra, về làm thế nào mà những hành động của ông Kavanaugh đã làm tổn thương cuộc đời tôi, để quý vị có thể làm quyết định sẽ tiến hành như thế nào. Tôi không có trách nhiệm quyết định liệu ông Kavanaugh có xứng đáng được ngồi tại Tối Cao Pháp viện hay không. Trách nhiệm của tôi là nói lên sự thật.”
Lộ diện người phụ nữ thứ ba
tố cáo ứng viên Tòa Tối Cao Brett Kavanaugh
Người phụ nữ thứ ba tố cáo ông Brett Kavanaugh, ứng viên được Tổng thống Trump đề cử vào Tòa án Tối Cao, về hành vi tấn công tình dục đã xuất đầu lộ diện hôm 26/9.
Luật sư bảo vệ cho phụ nữ này, Luật sư Michael Avenatti, cho biết ông đã đệ trình tờ khai hữu thệ của thân chủ lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ.
Theo Reuters, Luật sư Avenatti đã xác nhận lý lịch của thân chủ của ông, Julie Swetnick, trên trang Twitter và tải lên trang này cả email ông gửi cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cùng với tờ khai hữu thệ của người phụ nữ, trong đó bà cáo buộc ông Kavnaugh về những hành vi xảy ra trong những năm của thập niên 1980.
Theo báo The Huffington Post thì trong tờ khai, bà Swetnick nói bà là một “nạn nhân trong một vụ hiếp dâm tập thể có sự tham dự của Mark Judge và Brett Kavanaugh.” Vụ hiếp dâm xảy ra tại một party ở thủ đô Washington, vào khoảng năm 1982.
“Khi vụ việc diễn ra, tôi bị khống chế trái với ý muốn và không thể kháng cự lại những thanh niên đang thực hiện hành vi hiếp dâm,” bà cho biết là không lâu sau vụ việc, bà đã kể lại những gì xảy ra với “ít nhất hai người khác”.
Bà khai tiếp: “Tôi tin rằng tôi bị thuốc bằng chất Quaaludes hoặc một thứ tương tự, bỏ thêm vào ly nước tôi đang uống.”
Bà Swetnick, một cư dân thủ đô Washington, cho biết bà gặp Kavanaugh và Mark Judge, người bạn học mới đây đã lên tiếng bênh vực Kavanaugh, vào khoảng năm 1980 hoặc 1981. Bà mô tả hai người này là ‘bạn nối khố’ của nhau.
Phụ nữ này cho biết từ năm 1980 tới năm 1983, bà đã dự hơn 10 party tổ chức tại gia. Trong khoảng thời gian từ năm 1981-82 bà bắt đầu để ý thấy Judge, Kavanaugh và một số người khác tìm cách chuốc thêm một thứ gì đó vào nước ngọt pha (punch), đó là các loại ma túy, hoặc rượu hạt có tác dụng kích thích các cô gái để họ không còn cảnh giác nữa, khiến họ khó lòng chống cự hoặc nói ‘không’.
Bà Swetnick nói Kavanaugh và Judge thường chọn các đối tượng dễ bị tấn công, thường là một cô gái đi party một mình hoặc nhút nhát. Bà nói bà nhớ rõ ràng cảnh nhiều thanh niên – trong đó có Kavanaugh và Judge, xếp hàng “chờ tới lượt mình” để vào phòng cô gái nạn nhân.
Báo Huffington Post nói họ không thể kiểm chứng thông tin này.
Luật sư Michael Avenatti cũng là luật sư đại diện cho Stormy Daniels, diễn viên phim khiêu dâm đã nhận 130,000 đôla từ tay luật sư riêng của Tổng thống Trump lúc bấy giờ, Mike Cohen, để giữ kín quan hệ tình dục với ông Trump.
Lời tố cáo mới nhất đối với ông Kavanaugh xuất hiện vài ngày sau khi bà Deborah Ramirez tố cáo ông Kavanaugh phơi bày chỗ kín và đưa vào mặt bà trong một party thời hai người là sinh viên đại học Yale trong thập niên 1980.
“Tôi chưa hề tấn công tình dục bất cứ ai. Tôi không hề có quan hệ tình dục hoặc bất cứ hành động nào gần với hành động đó thời học trung học hay nhiều năm sau đó.”
Thẩm phán Brett Kavanaguh, ứng viên được đề cử vào Tối Cao Pháp viện Mỹ
Ông Kavanaugh một mực phủ nhận lời cáo buộc đó. Ông nói trên đài truyền hình Fox:
“Tôi chưa hề tấn công tình dục bất cứ ai. Tôi không hề có quan hệ tình dục hoặc bất cứ hành động nào gần với hành động đó thời học trung học hay nhiều năm sau đó.”
Luật sư Michael Avenatti nhiều lần hối thúc việc rút lại quyết định đề cử ông Kavanaugh.
Ông nói: “Chúng ta không cần phải đưa một nhân vật như vậy vào Tối Cao Pháp viện để làm việc suốt đời tại đó.”
Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Chris Cuomo hồi đầu tháng này, ông Avenatti nói có nhiều cá nhân hội đủ điều kiện hơn thẩm phán Kavanaugh để đưa vào tòa án tối cao, và nên rút lại sự đề cử đối với ông này.
Ông Kavanaugh sắp bị ‘thẩm vấn’
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ có kế hoạch thứ tư tuần sau sẽ ‘thẩm vấn’ ông Brett Kavanaugh, người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện, về các cáo buộc sách nhiễu tình dục từ bà Julie Swetnick. Bà Swetnick là người thứ ba lên tiếng tố cáo ông Kavanaugh có hành vi quấy rối tình dục với phụ nữ.
Reuters dẫn nguồn tin từ Politico cho hay đại diện của Ủy ban đã báo tin này cho luật sư của bà Swetnick biết.
Bà Swetnick, hôm 26/9 gửi thư đến Ủy ban Tư pháp Thượng viện cáo buộc ông Kavanaugh có hành vi tình dục sai trái vào những năm 1980. Thư tố cáo này xuất hiện một ngày trước khi Ủy ban dự kiến sẽ có cuộc điều trần quan trọng mà khi đó ông Kavanaugh và một người phụ nữ khác cáo buộc ông tấn công tình dục vào năm 1982 sẽ ra khai chứng trước Ủy ban.
Ông Kavanaugh đã bác bỏ cáo buộc mới nhất trong một thông cáo do Nhà Trắng phát đi. “Điều này thật là nực cười và không biết đến từ đâu. Tôi không biết người phụ nữ này là ai và điều này chưa bao giờ xảy ra,” ông Kavanaugh cho biết.
Swetnick được luật sư Michael Avenatti đại diện. Luật sư này cũng đại diện cho cô đào phim người lớn Stormy Daniels trong một vụ kiện nhằm vô hiệu hóa một thỏa thuận mà theo đó cựu luật sư riêng của Tổng thống Trump đã trả cho cô 130.000 đô la để không tiết lộ mối quan hệ tình cảm giữa cô và Tổng thống Trump một thập niên trước.
Cựu nhân viên NSA gốc Việt bị tuyên án tù
vì làm lộ thông tin mật
Một cựu nhân viên người gốc Việt của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) bị kết án năm năm rưỡi tù giam tại một tòa án liên bang ở thành phố Baltimore hôm thứ Ba, sau khi nhận tội đem thông tin được bảo mật ra khỏi cơ quan gián điệp này một cách bất hợp pháp, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Ông Nghia Hoang Pho, 68 tuổi, ở thành phố Ellicott City, bang Maryland, đã đem đi những tài liệu có chứa thông tin quốc phòng được bảo mật và giữ chúng tại nhà riêng của ông mà không được cho phép, bộ này cho biết trong một thông cáo.
Ông Nghia cũng sẽ chịu ba năm quản chế sau khi mãn án tù.
Ông Nghia từng làm việc trong đơn vị xâm nhập tin tặc tinh nhuệ của NSA và ông đã đem đi điều mà các công tố viên mô tả là “số lượng khổng lồ” những tài liệu chứa thông tin quốc phòng được phân loại là tối mật trong khoảng thời gian từ năm 2010 tới tháng 3 năm 2015.
Các công tố viên nói máy tính ở nhà ông sử dụng phần mềm chống virus được chế tạo bởi Kaspersky Lab, một công ty phần mềm hàng đầu của Nga, và các tin tặc Nga được cho là đã lợi dụng phần mềm này để đánh cắp các tài liệu.
“Vì những hành động của mình, ông Pho đã làm lộ một số loại thông tin tình báo được bảo mật nhất của đất nước chúng nước ta, và buộc NSA phải từ bỏ những kế hoạch quan trọng để bảo vệ cơ quan này và các năng lực hoạt động của nó, gây tổn thất lớn về mặt kinh tế và hoạt động,” Robert Hur, Công tố viên liên bang đặc trách khu vực Maryland, nói trong một phát biểu.
Ông Nghia, mot nguoi Việt Nam nhập cư và nhập quốc tịch Mỹ, khai trước tòa rằng ông làm việc ở nhà để mong được thăng chức, theo đài CBS Baltimore.
Theo đài này, luật sư của ông Nghia, Robert Bonsib, lập luận rằng ông là người biết chăm lo cho gia đình, nhưng đưa ra hàng loạt những suy xét sai lầm trong một thời gian dài.
Ông Nghia chọn phát biểu trước tòa bằng tiếng Anh dù có người phiên dịch hiện diện, báo The New York Times cho hay. “Tôi không phản bội Hoa Kỳ,” ông nói. “Tôi không gửi thông tin cho ai cả. Tôi không tư lợi.”
Không có bằng chứng cho thấy ông từng bán hay phát tán những thông tin này.
Luật sư của ông Nghia nhiều lần lưu ý rằng David Petraeus, vị tướng đã về hưu và cựu giám đốc CIA, đã không ngồi tù sau khi ông nhận tội vào năm 2015 về việc xử lí sai thông tin bảo mật, một khinh tội. Ông đã chia sẻ những tài liệu với người phụ nữ mà vào thời điểm đó là người tình và người viết một cuốn tiểu sử về ông.
Thẩm phán bày tỏ cảm thông đối với hoàn cảnh của ông Nghia và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với gia đình ông, theo tờ Times, nhưng nói rằng bản án là cần thiết để tạo “sự răn đe thực thụ” cho những người khác có thể nghĩ tới chuyện xử lí sai thông tin nhạy cảm.
Ông Nghia sẽ bắt đầu chấp hành án tù vào tháng 1 năm sau.
Gia đình của ông từ chối bình luận về vụ việc khi được VOA liên lạc qua điện thoại.
Vụ việc của ông Nghia là một trong một số vụ rò rỉ tài liệu mật của NSA trong những năm gần đây. Năm 2013, Edward Snowden, một nhân viên hợp đồng của NSA, đào thoát sang Hong Kong với khối lượng khổng lồ những tài liệu mà anh ta chia sẻ với các nhà báo.
Tháng trước, một nhân viên hợp đồng của NSA, Reality Winner, bị tuyên án năm năm ba tháng tù giam vì chia sẻ tài liệu mật về hoạt động xâm nhập tin tặc của Nga.
Giáo hoàng Francis giải thích
về thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh
Đức Giáo hoàng Francis gửi thông điệp tới người Công giáo Trung Quốc giải thích về thỏa thuận mới nhất với Bắc Kinh dù có tin tín đồ vẫn bị xử tệ ở một số nơi.
Một số báo quốc tế cho hay chuyện thánh giá bị gỡ khỏi cả nhà thờ được chính quyền cho phép.
Vatican công nhận giám mục do Bắc Kinh chỉ định
Tòa Thánh Vatican sắp ký gì với Bắc Kinh?
Giáo hoàng Francis nỗ lực cải tổ Vatican
Vị giám mục tự phong bị cả Vatican và TQ ruồng bỏ
Thậm chí ở một thị trấn tại Trung Quốc, người của nhà nước thay các poster có ảnh Chúa Giê Su bằng chân dung chủ tịch Tập Cận Bình, theo ABC News.
Nhưng thông điệp của Giáo hoàng Francis hôm 26/09/2018 nói rõ rằng “đức tin sẽ chiến thắng”.
“Thông điệp cho người Công giáo và Giáo hội Toàn cầu” được nêu ra để giải thích vì sao Tòa Thánh ký một thỏa thuận về việc tấn phong giám mục với CHDCND Trung Hoa, theo Vatican News hôm thứ Tư.
Đức Giáo hoàng nói ngài “cầu nguyện cho người Công giáo Trung Quốc hàng ngày” và trích lời Chúa Giê Su đã từng được vị tiền nhiệm Đức Giáo hoàng Benedict XVI nhắc trong một lá thư gửi tín đồ ở Trung Quốc, “Các con chiên đừng sợ”.
Vẫn theo Vatican News, Đức Giáo hoàng nói ngài “ý thức được rằng có các bản tin, các ý kiến khác nhau, và có thể chúng gây ra hiểu lầm, tạo ra phản ứng trong trái tim của nhiều người” liên quan đến tương lai của các cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc”.
Nhưng Giáo hoàng Francis muốn bỏ qua quá khứ, nhấn mạnh đến phần tích cực vì tương lai, và nói tới “hy vọng về một tương lai tươi sáng để chứng kiến đức tin nở hoa ở Trung Quốc”.
Thỏa thuận mới nhất đã đồng ý để Bắc Kinh bổ nhiệm và Vatican tấn phong bảy vị giám mục từ giáo hội của nhà nước, cho họ trở thành giám mục trong Giáo hội Công giáo La Mã.
Tình trạng hiện nay là Trung Quốc có hai giáo hội, một do chính quyền lập ra và chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, một là cộng đồng sinh hoạt ngầm, với các giám mục “chui” thần phục Vatican nhưng bị nhà nước truy bức.
Nỗ lực của Vatican dưới thời Giáo hoàng Francis nhằm đưa cả hai giáo hội về làm một.
Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao nói chính quyền luôn “thành tín” trong nỗ lực hòa giải, theo trang South China Morning Post ở Hong Kong.
Nhà nước Vatican hiện là quốc gia châu Âu duy nhất công nhận Đài Loan.
Vì thế, thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh gây ra dư luận về khả năng Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Đài Loan để công nhận Trung Quốc.
Đổi lại, Trung Quốc sẽ đồng ý để người Công giáo công nhận Đức Giáo hoàng Francis và Tòa Thánh La Mã, theo trang Taiwan News.
Vấn đề ai bổ nhiệm giám mục là tâm điểm của tranh cãi từ khi Trung Quốc đầu tiên cắt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1951.
Trung Quốc có khoảng 12 triệu người Công giáo.
Giáo Hoàng Francis hy vọng thỏa ước “sẽ làm cho các vết thương của quá khứ liền da” và mang lại sự đoàn kết Công giáo trọn vẹn ở Trung Quốc.
Một giám mục thứ tám, người đã qua đời năm ngoái, cũng được Vatican công nhận sau khi chết.
Giáo hoàng Francis có quan điểm khác vị tiền nhiệm, Giáo hoàng Benedict XVI, người cho rằng Hội Công giáo ‘ái quốc’ do nhà nước Trung Quốc kiểm soát là không phù hợp với Giáo hội toàn cầu.
Tôn giáo gì cũng cần yêu nước và chủ nghĩa xã hội
Thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh bị Hồng y đã nghỉ hưu Trần Nhật Quân (Joseph Zen) ở Hong Kong phê phán.
Ngài coi đây là chuyện Vatican “bỏ rơi các con chiên” của mình ở Trung Quốc.
Một ý kiến khác của Frank Ching viết trên một báo tiếng Anh cũng gọi thỏa thuận này đánh dấu “tương lai xám xịt” cho các tín đồ Công giáo ở TQ.
Ông Frank Ching nhắc lại lời của Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2017 đặt mục tiêu Hán hóa (Sinicise) toàn bộ tín ngưỡng Công giáo và Ki Tô giáo trong 5 năm.
Văn bản của Hội Công giáo Yêu nước ghi rằng “Giáo hội sẽ hướng dẫn giáo phẩm và tín đồ thực hành các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội, tình yêu tổ quốc, ủng hộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, tuân thủ pháp luật và phụng sự xã hội.”
Hai hội đồng Tin Lành Trung Quốc cũng đã ra kế hoạch năm năm nhằm Hán hóa chính họ, theo Frank Ching.
Phật giáo cũng sẽ phải trở thành “đạo Phật mang tính chất đặc sắc Trung Quốc”, theo mục tiêu này.
Trang ABC News nói chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục tháo gỡ thánh giá khỏi nhiều nhà thờ, và ở một thị trấn còn gỡ bỏ poster có hình Chúa Giê Su để thay vào đó bằng chân dung Chủ tịch Tập.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45665950
Sáu nước châu Mỹ đòi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế
điều tra về Venezuela
Vào hôm qua, 26/09/2018, 6 quốc gia ở châu Mỹ đã chính thức yêu cầu Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra về Venezuela để xem chính quyền Maduro có phạm vào các tội ác chống nhân loại hay không.
Đề nghị chưa từng thấy – điều tra một quốc gia – được đưa ra đúng vào lúc tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bất ngờ đến New York đọc tham luận tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó ông khẳng định rằng nước ông « không bao giờ thúc thủ ».
Sáu nước đề nghị điều tra Venezuela là Achentina, Chilê, Colombia, Peru, Paraguay và Canada. Họ nghi ngờ là chính quyền Maduro có thể đã phạm vào các tội ác từ sát nhân, tra tấn đến tội ác chống nhân loại.
Theo ngoại trưởng Paraguay Andres Rodriguez Pedotti, « việc cứ thờ ơ hoặc bán tín bán nghi trước thực tế tại Venezuela có thể bị coi là đồng lõa với chế độ tại đấy. Chúng tôi sẽ không là tòng phạm ».
Động thái của 6 nước châu Mỹ đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên mà một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đòi đưa một quốc gia khác ra có trụ sở tại Hà Lan.
Sáu quốc gia kể tên đề nghị hy vọng là hành động của họ sẽ tạo thêm áp lực lên tổng thống Maduro để ông chấm dứt tình trạng bạo lực và xung đột đã khiến hơn 2 triệu người bỏ chạy ra nước ngoài, và nâng tỷ lệ lạm phát và sát nhân tại Venezuela lên mức cao nhất thế giới.
Các quan chức Venezuela đã bác bỏ hầu hết những lời chỉ trích quốc tế, cho rằng những người phản đối đã bị các thế lực đế quốc do Mỹ lãnh đạo xúi giục để biện minh cho một âm mưu xâm lược.
Và hôm qua tại New York, tổng thống Maduro tiếp tục có lời lẽ thách thức, than phiền rằng Washington đang tấn công đất nước của ông thông qua các biện pháp trừng phạt và các phương tiện khác, đồng thời võ trang mạnh mẽ cho các nước khác song song với việc tiến hành một « tấn công ngoại giao khốc liệt » đánh vào Venezuela.
Theo ông Maduro, cho dù vậy, « Venezuela sẽ không bao giờ thúc thủ ». Thế nhưng đồng thời, ông cho biết sẵn sàng nói chuyện với tổng thống Mỹ Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180927-sau-nuoc-chau-my-doi-toa-an-hinh-su-quoc-te-dieu-tra-ve-venezuela
Tổng thống Venezuela tới New York
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 26/9 lên đường đi New York để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông để ngỏ khả năng gặp gỡ nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ đang gặp khủng hoảng này.
Trước đó, chính phủ Venezuela không cho biết là liệu ông Maduro có dự họp ở Liên Hiệp Quốc hay không. Hồi tuần trước, ông Maduro nói rằng ông sẽ không dự và nói rằng ‘tôi sẽ nằm trong tầm ngắm của họ để họ có thể ám sát tôi’ nhưng không nói rõ ai muốn ám sát ông.
Nhà Trắng cho biết không có cuộc gặp nào diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo trong khi trước đó ông Trump đã nói rằng ông có thể sẽ gặp ông Maduro, người đã tìm kiếm một cuộc gặp mặt đối mặt với ông Trump kể từ năm ngoái.
Hồi năm ngoái, Nhà Trắng nói rằng một cuộc gặp với ông Maduro có thể diễn ra khi nào Venezuela quay trở lại dân chủ.
Một nhóm các nước Mỹ Latin và Canada hôm 26/9 cho biết họ đã yêu cầu Tòa Hình sự Quốc tế điều tra chính quyền của ông Maduro về những cáo buộc tội ác chống lại nhân loại trong việc lực lượng vũ trang nước này dùng vũ lực để trấn áp các đối thủ chính trị.
Ông Maduro dự kiến sẽ phát biểu trước Liên Hiệp Quốc vào chiều ngày 26/9.
“Tôi đặt chân đến New York để bảo vệ sự thật của Venezuela và để đem đến tiếng nói của tổ quốc tôi,” ông nói trong một đoạn video đăng trên Twitter cho thấy ông đứng cùng với phu nhân – bà Cilia Flores, người mà Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt – trên chuyên cơ của Tổng thống. Ông không nhắc đến ông Trump trong thông điệp này.
Ông Maduro thường xuyên cáo buộc Mỹ tìm cách phá hoại chính quyền của ông bằng cách gây ra khủng hoảng kinh tế và kích động bạo loạn.
Slovakia cảnh cáo Việt Nam
về ‘hậu quả vụ bắt cóc’ bên lề cuộc họp LHQ
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở thành nội dung áp đảo trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, theo tường thuật của TASR hôm 27/9.
Hãng thông tấn nhà nước Slovakia cho biết Ngoại trưởng Slovakia đã “mạnh mẽ lên án” hành động bắt cóc cựu lãnh đạo công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ Đức, nói rằng đây là hành động “vi phạm nền tảng luật pháp quốc tế và lạm dụng trắng trợn hệ thống khối Schengen, gây tác động tiêu cực lên quan hệ Việt Nam-Slovakia.”
Ngoại trưởng Lajcak còn “nhấn mạnh” với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng những giải thích trước đây của đảng Cộng sản Việt Nam về những “nghi ngờ nghiêm trọng” trong vụ bắt cóc người Việt Nam trên lãnh thổ Slovakia là “không thỏa đáng”. Vì vậy, thông qua người đồng cấp, ông kêu gọi Việt Nam “nhanh chóng làm rõ mọi nghi ngờ để khôi phục lòng tin lẫn nhau trong quan hệ song phương”.
“Nếu anh cứ tiếp tục khẳng định rằng anh không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của anh không có mặt trên máy bay của chính phủ Slovakia, thì tôi cần một lời giải thích đáng tin cậy về cách anh đưa ông ta từ Đức về lại Việt Nam. Bất kỳ giải thích sai lệch nào về phía anh cũng sẽ gây hậu quả đối với quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta. Chúng tôi đang đã sẵn sàng thực hiện các bước hạn chế theo quy định của Liên minh châu Âu”, TASR dẫn lời ông Lajcak nói với ông Phạm Bình Minh.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Denisa Sakova sau cuộc họp với người đồng cấp Đức Horst Seehoffer ở Berlin ngày 24/9 cho biết phía Đức không quy trách Slovakia trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, nhưng yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin cho họ về các bước xử lý mà Slovakia đã và đang thực hiện về vụ bắt cóc này.
Bà Denisa Sakova nói “hai bên đều đồng ý rằng vụ bắt cóc này ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam và giữa Slovakia và Việt Nam, chứ không phải giữa Slovakia và Đức”.
Việt Nam bị cáo buộc là đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức và sau đó dùng máy bay mượn của chính phủ Slovakia – nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các quan chức khác – để đưa ông này sang Nga rồi từ đó về Việt Nam. Các nhà điều tra châu Âu đã phát hiện nhiều bằng chứng và tòa án Đức gần đây đã quy án một số người liên quan đến vụ bắt cóc này.
Việt Nam cho tới nay vẫn khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh tự về nước đầu thú.
Cuộc họp giữa hai bộ trưởng diễn ra hôm 25/9, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 ở New York, Hoa Kỳ.
TASR cho biết ngoại trưởng Slovakia còn yêu cầu Việt Nam cung cấp bằng chứng về những giải thích mà Slovakia đòi hỏi phải có “ngay lập tức”.
Tin cho hay Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển tải thông điệp này đến các lãnh đạo nước mình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công du Đức
để bình thường hóa quan hệ
Vào đúng lúc đất nước đang có căng thẳng với đồng minh Mỹ, trong bối cảnh bị khủng hoảng kinh tế nặng nề, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Berlin hôm 27/09/2018 trong khuôn khổ một chuyến thăm cấp Nhà nước. Mục tiêu là để nối lại quan hệ thân thiết với đối tác kinh tế hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kế hoạch, ông Erdogan sẽ hội đàm với tổng thống Đức Steinmeier và thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày mai, trước khi đến Köln vào thứ Bảy để khánh thành một đền thờ Hồi Giáo do một tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng.
Theo thông tín viên Pascal Thibaut tại Berlin, an ninh đã được tăng cường tối đa tại trung tâm thủ đô Đức nhân dịp đón tiếp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :
Các lá cờ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu được treo ở trung tâm thành phố, hàng rào an ninh được dựng lên nhiều nơi ngay từ sáng hôm qua, cảnh sát được huy động để kiểm tra và bít lại các lỗ cống. Với một khu vực an toàn rất lớn, trung tâm thủ đô Berlin trông giống như một khu vực an ninh nghiêm mật trong 48 tiếng đồng hồ. Các biện pháp tương tự như những gì áp dụng trong trường hợp tổng thống Mỹ.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều cuộc biểu tình chống ông Erdogan đã được lên kế hoạch. Một số chính trị gia đã quyết định tẩy chay bữa dạ tiệc tối nay do tổng thống Đức Steinmeier khoản đãi.
Đã đến lúc sưởi ấm lại quan hệ giữa hai nước, bị khuấy động từ sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai năm.
Ankara, do phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng và quan hệ xấu đi với đồng minh Mỹ, đã quay sang châu Âu và Đức. Berlin thì không muốn đối tác này bị bất ổn, đặc biệt khi tại Đức có một cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ gồm 3 triệu người.
Ankara là một đồng minh kinh tế quan trọng. Dù không viện trợ trực tiếp, Berlin có thể tạo thuận lợi cho các công ty Đức đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Ankara còn đóng một vai trò địa chính trị quan trọng qua việc can thiệp vào Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180927-tong-thong-tho-nhi-ky-cong-du-duc-de-binh-thuong-hoa-quan-he
Pháp kêu gọi ngăn Iran ‘đi đến lựa chọn xấu nhất’
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/9 nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran có thể buộc Tehran đàm phán nhưng chỉ với điều kiện các cường quốc châu Âu có thể đảm bảo rằng nước này vẫn tuân theo thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 vốn để ngăn chặn thành phần cứng rắn lên nắm quyền.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tận dụng một phiên họp của Hội đồng Bảo an về không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt để bảo vệ cho quyết định hồi tháng 5 của ông là rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà theo đó nước này sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc Mỹ, châu Âu và quốc tế nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Cốt lõi của lệnh trừng phạt của Mỹ là bóp nghẹt xuất khẩu dầu của Iran vốn sẽ bắt đầu vào đầu tháng 11. Trong khi đó, ông Trump đã đe dọa rằng ‘sau đó Hoa Kỳ sẽ theo đuổi thêm các biện pháp trừng phạt khác, cứng rắn hơn bất cứ lúc nào trước đây, để chống lại toàn bộ các hành vi hung ác của Iran’.
Ngược lại, các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ, bao gồm Anh, Pháp và Đức, cùng với Nga và Trung Quốc, đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận bằng cách nghiên cứu các phương cách qua mặt các lệnh trừng phạt của Mỹ để giúp Iran có thể có được thu nhập từ dầu mỏ để nước này có động lực ở lại trong thỏa thuận.
“Có lẽ chúng tôi có thể duy trì được cơ chế đa phương này (thỏa thuận hạt nhân), tránh điều xấu nhất và làm nhà trung gian trong khi các lệnh chế tài của Mỹ có thể tạo ra sức ép và giảm số tiền mà Iran có được để thực hiện bành trướng – điều đó có thể đẩy nhanh tiến trình mà chúng tôi mong muốn,” ông Macron nói với các phóng viên.
“Miễn là thỏa thuận này phục vụ lợi ích của chúng tôi thì chúng tôi vẫn ở lại thỏa thuận,” Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với các phóng viên ở New York. “Các đối tác còn lại trong thỏa thuận đã có bước đi rất tốt để tiến về phía trước, nhưng Iran có kỳ vọng cao hơn.”
Các cường quốc Âu châu và Mỹ đồng ý rằng họ cần đạt được một thỏa thuận rộng lớn hơn với Iran để giải quyết các hoạt động hạt nhân dài hạn của nước này, chương trình tên lửa đạn đạo và kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Họ cáo buộc Iran ủng hộ các lực lượng gây bất ổn ở Lebanon, Syria, Yemen và Iraq.
Tuy nhiên, ông Macron cảnh báo rằng không giống với Bắc Triều Tiên, Iran không nằm dưới sự cai trị của một nhà độc tài và các thành phần cứng rắn bảo thủ của Iran đang quyết tâm vứt bỏ thỏa thuận hạt nhân.
“Nguy cơ chính của chiến lược gây sức ép là nó sẽ đẩy Iran đến chỗ khởi động lại chương trình hạt nhân của họ… cho nên nếu chúng ta muốn áp lực lên Iran có cơ hội thành công, chúng ta cần bảo đảm rằng họ không đi đến lựa chọn xấu nhất,” ông Macron nói.
Đại diện ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini, cho biết một cơ chế gọi là ‘Phương tiện cho Mục đích Đặc biệt’ (SPV) đang được EU xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương với Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bà nói rằng cơ chế này sẽ đi vào hoạt động trước tháng 11.
Cơ chế SPV này, vốn bị Mỹ chỉ trích, sẽ tạo ra một phương cách trao đổi hàng hóa mà không cần dính đến tiền bạc hay giao dịch ngân hàng. Theo đó, các nước châu Âu sẽ đổi hàng hóa của họ lấy dầu của Iran.
Nhưng liệu cơ chế này có đủ để giữ Iran ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran hay không thì cần phải chờ xem. Đối diện với nguy cơ nền kinh tế sụp đổ, ông Rouhani đang chịu áp lực của các thành phần cứng rắn phải từ bỏ thỏa thuận vì những lợi ích kinh tế của thỏa thuận đang tan biến.
Hé lộ danh tính nghi phạm đầu độc điệp viên Nga
Danh tính thật sự của một trong số những người đàn ông mà Anh đang muốn bắt giữ vì có liên quan trong vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Salisbury nhắm vào hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal là Anatoliy Vladimirovich Chepiga, theo các bản tin trên báo chí Anh hôm 26/9. Tin nói ông này là một đại tá Nga từng được nhận nhiều huân chương.
Hồi đầu tháng này, các công tố viên Anh đã cáo buộc hai công dân Nga là Alexander Petrov and Ruslan Boshirov với tội danh mưu sát trong vụ đầu độc hai cha con Skripal bằng chất Novichok ở thành phố niềm Nam nước Anh hồi tháng Ba nhưng họ tin rằng các nghi phạm đã sử dụng tên giả để nhập cảnh vào Anh.
Tờ Daily Telegraph và hãng truyền thông BBC cho biết tên thật của Boshirov là Chepiga. Họ dẫn nguồn tin điều tra từ Bellingcat, một trang mạng chuyên về các vấn đề tình báo. Hai nguồn tin an ninh gần gũi với cuộc điều tra cho biết điều đó là chính xác.
Nga đã bác bỏ mọi sự liên quan trong vụ đầu độc và hai người đàn ông này đã nói rằng họ chỉ là du khách bay đến London vui chơi và đến Salisbury để tham quan nhà thờ chính tòa ở đây.
Chính phủ Anh biết danh tính thật sự của cả hai nghi phạm, các nguồn tin gần gũi với cuộc điều tra cho biết.
Tờ Telegraph tường thuật rằng Chepiga, 39 tuổi, đã phục vụ trong các cuộc chiến ở Chechnya và Ukraine và được phong là Anh hùng Liên bang Nga theo một sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin hồi năm 2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson dường như đã xác nhận thông tin này trên Twitter.
“Danh tính thật sự của một trong số các nghi phạm vụ Salisbury đã được tiết lộ là một đại tá Nga. Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người đã làm việc không mệt mỏi trong vụ án này,” ông Williamson viết trên Twitter và dòng tweet này sau đó đã bị xóa mà không có lời giải thích.
Thủ tướng Anh Theresa May không đề cập trực tiếp đến thông tin này trong bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc ở New York, nhưng bà nói về hành động ‘các điệp viên của cơ quan tình báo quân đội Nga GRU sử dụng vũ khí hóa học liều lĩnh trên đường phố Anh’.
ADB cảnh báo hàng Trung Quốc
mượn mác Việt Nam né thuế Mỹ
Việt Nam có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn khi Mỹ tăng nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, tuy nhiên cũng sẽ có rủi ro nếu hàng hoá đó do Trung Quốc mượn mác để tránh thuế vào Mỹ.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB phát biểu như trên bên lề buổi họp báo công bố Báo cáo triển vọng Phát triển Châu Á 2018 vào sáng 26 tháng 9.
Theo ông Eric Sidgwick, đây là 1 trong những tác động tiêu cực đối với Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB cho biết căng thẳng Mỹ – Trung có thể khiến cho các công ty của Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam.
ADB cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát tình hình để đưa ra đối sách phù hợp. Bên cạnh đó, Việt Nam nên chủ động cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và đa dạng hoá thị trường để nâng cao tính cạnh tranh.
Trước đó, vào ngày 24/9, Mỹ bắt đầu biện pháp áp thuế lên 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế đối với tất cả những hàng hóa của Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ nếu Bắc Kinh không thay đổi chính sách gây hại cho công nghiệp Mỹ, và ngừng ăn cắp công nghệ Mỹ.
Truyền thông TQ: ‘Trump phát ngôn điên rồ
khi nói TQ xen vào bầu cử Mỹ’
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Bắc Kinh đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ, một số cơ quan truyền thông Trung Quốc còn mô tả lời cáo buộc của nhà lãnh đạo Mỹ là “phát ngôn điên rồ.”
Hôm 26/9, Tổng thống Trump tung ra những lời cáo buộc hiếm hoi và công khai đó tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lập tức bác bỏ cáo buộc đó, nói rằng Trung Quốc không can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của bất kỳ quốc gia nào.”
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 27/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lặp lại lời của ông Vương Nghị. Ông phản bác lại rằng cộng đồng quốc tế biết rõ quốc gia nào can thiệp nhiều nhất vào công việc của nước khác.
Ông Sảng nói: “Chúng tôi khuyên Hoa Kỳ hãy ngừng những lời chỉ trích và vu khống đối với Trung Quốc. Chớ có dùng những lời lẽ và hành vi sai trái làm tổn hại đến quan hệ song phương và lợi ích cơ bản của cả nhân dân hai nước.”
Trong phát biểu của mình, ông Trump nói Trung Quốc đang nhắm vào những người ủng hộ ông bởi vì “họ không muốn tôi, hoặc chúng tôi, giành chiến thắng vì tôi là tổng thống đầu tiên dám thách thức Trung Quốc về thương mại.”
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 27/9 viết: “Tòa Bạch Ốc cần phải nhìn thẳng vào thực trạng trong đảng của họ và giải thích rằng cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt thì các thành viên của đảng Cộng hòa càng trở thành mục tiêu bị Trung Quốc trả đũa.”
Bài quan điểm của tờ Hoàn Cầu còn nói lập trường của ông Trump về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là điều có thể làm tổn hại đến đảng của ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, cũng như nguyện vọng của ông được bầu lại để giữ chức vụ Tổng thống vào năm 2020.
Đoàn trường ĐH Bắc Kinh muốn cấm Hội Marxist
Sự việc Đại học Bắc Kinh (PKU) tìm cách cấm Hội Chủ nghĩa Marx của sinh viên nói lên nghịch lý tư tưởng ở Trung Quốc thời Tập Cận Bình.
Sau lần tự tổ chức đến Thâm Quyết thăm và hỗ trợ công nhân đình công, Hội Marxist của sinh viên ĐH Bắc Kinh đang gặp vấn đề với Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Tin hôm 20/09/2018 cho hay Hội Marxist tại ĐH Bắc Kinh cho phát tán trên mạng xã hội thư ngỏ, mô tả những khó khăn họ gặp để đăng ký khóa học năm mới.
Theo nhóm sinh viên, đứng đầu là nữ sinh viên Nhạc Hân (Yue Xin) nổi tiếng với phong trào #MeToo, phản đối lạm dụng tình dục phụ nữ, họ không được Khoa nghiên cứu chủ nghĩa Marx tại đại học cho đăng ký.
Một giáo sư đồng ý làm trợ giảng cho khóa học nhưng sau đó người này đã rút lui.
Theo các báo tiếng Trung, một số sinh viên Đại học Bắc Kinh đã bị giam vài chục ngày sau khi tới Thâm Quyết giúp công nhân nhà máy JASIC đấu tranh.
Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?
Công nhân Pouchen VN tràn xuống quốc lộ đình công
Sứ mệnh của công ty làm nhân viên trẻ bỏ việc?
Việt Nam ‘đổi mới nhưng không đổi màu’?
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Hội Marxist nói họ phấn đấu để trở thành một câu lạc bộ nghiên cứu tư tưởng Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Nhưng như Nhạc Hân viết trên mạng xã hội, cô và các thành viên muốn đọc về chủ nghĩa Marx từ sách nguyên bản, không phải giáo trình nhà nước phát hành.
Đoàn trường ĐH Bắc Kinh nói họ đã ra lệnh kỷ luật các sinh viên tham gia Hội Marxist.
Nhân kỷ niệm 200 ngày sinh Karl Marx, chủ tịch Tập đến Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại), một trong những trường uy tín nhất nước, để phát biểu về chủ nghĩa Marx.
Ông ca ngợi, đây là đại học đầu tiên “nuôi dưỡng, phổ biến chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc”.
Đây là hoạt động, góp phần xây dựng ra “nền tảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Nghịch lý rộng hơn
Chính vì thế, vấn đề của Hội Marxist ĐH Bắc Kinh có tiếng vang rộng hơn câu chuyện mâu thuẫn về một môn học.
Việc này hiện đang được bình luận theo hai hướng.
Một mặt, nhiều tổ chức cánh tả ở nước ngoài đang tung ra khẩu hiệu và hashtag (#ReinstatetheMarxistStudentSociety!) yêu cầu chính quyền và Đại học Bắc Kinh phải cho phép Hội Marxist hoạt động.
Họ cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp mới, chống lại chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Trung Quốc là vấn đề rất thời sự.
Theo họ, ý tưởng của Marx về quyền lập nghiệp đoàn, chống chủ tư bản bóc lột, về tình ái hữu của trí thức với công nhân, là rất cần cho Trung Quốc hiện nay.
Mặt khác, có bình luận rằng phong trào cánh tả trong giới trí thức Trung Quốc (phái Tân Tả) được chính quyền dung túng nhưng hạn chế hoạt động, nay đã cũ.
Phái này, có các đại diện quan trọng là Vương Hối, Thôi Chi Nguyên…được in ấn, phát hành một số bài viết trong giới nghiên cứu.
Về cơ bản, họ coi chủ nghĩa Marx là đúng, và tham nhũng là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản trong hoàn cảnh Trung Quốc.
Có vẻ như chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp nhận nghị trình chống tham nhũng của phe Tân Tả này.
Nhóm này cũng cho rằng xã hội Trung Quốc chỉ có thể chấn chỉnh các “tệ nạn cố hữu” mà kinh tế tư bản gây ra, bằng hoạt động của chính quyền.
Điểm này bị những thanh niên tân Marxist bác bỏ.
Họ tin rằng chính quyền Trung Quốc hiện nay đã hoàn toàn đứng về phía chủ tư bản, và theo chủ nghĩa tự do kinh tế, hy sinh quyền lợi công nhân.
Các sinh viên thuộc Hội Marxist muốn thực sự đi vào giới cần lao để lập công hội, và làm lại cuộc cách mạng cộng sản.
Điều này đặt chính quyền trước một nghịch lý.
Đó là dù “đồng hành về ý thức hệ” về cái tên Marxist, đường lối Tập Cận Bình không giống với những yêu cầu của Hội Marxist.
Cá nhân ông Tập có tham vọng trở thành nhà tư tưởng và Đảng Cộng sản Trung Quốc nay cho lập ra các cơ quan nghiên cứu những phát biểu của ông.
Tuy thế, giới quan sát vẫn chưa tìm ra tư tưởng hay triết lý chính trị của ông Tập cụ thể ra sao.
Các văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu ra tư tưởng của ông trong đối ngoại gồm câu vẫn mang tính chỉ thị, hơn là tư tưởng.
Đó là:
Đề ra viễn kiến vĩ đại xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại.
Thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện để thiết lập một mạng lưới đối tác toàn cầu.
Thực thi đợt mở cửa lần tiếp theo vì Sáng kiến Con đường và Vành đai.
Chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc đề cao chủ quyền và quyền lợi an ninh.
Tìm hiểu cách tiếp cận mới và thực tiễn mới về quản trị toàn cầu.
Và tự trung lại, tư tưởng Tập Cận Bình cho đảng cộng sản không có gì khác ngoài việc nhấn mạnh…sự lãnh đạo của chính tổ chức này:
“Thực hiện sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác đối ngoại.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45656399
Chiến hạm chở trực thăng của Nhật
tập trận với Anh ở Ấn Độ Dương
Anh và Nhật Bản đang cùng nhau tập trận tại Ấn Độ Dương.
Phía Nhật có tàu mang trực thăng Kaga, lớn nhất của Hải quân Nhật tham gia, còn phía Anh là chiến hạm HMS Argyll.
Người chỉ huy đội tàu chiến Kaga của Nhật Bản nói rằng Nhật cùng Anh quốc là các đồng minh của Mỹ, và việc tập trận này là nhằm tăng thêm sức mạnh cho sự hợp tác với nhau.
Tàu chiến mang trực thăng Kaga của Nhật cùng khu trục hạm hộ tống của nó là Inazuma, vừa tham gia một cuộc tập trận tại Biển Đông với một tàu ngầm Nhật Bản cách đây một tuần lễ. Chiếc tàu ngầm này sau đó vào thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Trong khi đó, chiến hạm Anh HMS Argyll, sau cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương, lại chạy xuyên ngang Biển Đông để đến Nhật Bản.
Vừa qua, một chiến hạm Anh là Albion cũng đã đi qua Biển Đông tham gia chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu tại đây.
Sau khi sự kiện này xảy ra Đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn đã lên tiếng chỉ trích các cường quốc ngoài Biển Đông đem máy bay và tàu chiến vào khu vực gây bất ổn, nhưng không nêu tên cụ thể quốc gia nào.