Tin khắp nơi – 27/09/2017
Nga, Mỹ tranh cãi về các chuyến bay quan sát quân sự
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga hôm 27/9 cho hay nước ông sẽ trả đũa Hoa Kỳ liên quan đến tranh cãi về một hiệp định cho phép cả hai quốc gia tiến hành các chuyến bay quan sát quân sự trên lãnh thổ của nhau.
Dấu hiệu mới nhất về căng thẳng leo thang giữa hai nước là Hoa Kỳ cáo buộc Nga đã không đếm xỉa gì đến Hiệp ước Bầu trời Mở, là thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước. Washington nói họ dự định tiến hành các biện pháp chống lại Moscow.
Tờ Wall Street Journal hôm 26/9 đưa tin các biện pháp đó sẽ bao gồm việc hạn chế các chuyến bay quân sự của Nga trên lãnh thổ Mỹ để đáp trả điều mà họ cáo buộc là Moscow đã ngăn cản các chuyến bay quan sát của Hoa Kỳ bên trên khu vực Kaliningrad dày đặc các cơ sở quân sự ở vùng Baltic.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói hôm 27/9 rằng Moscow cũng không hài lòng về cách thức Washington tuân thủ chính hiệp ước đó, và sẽ áp dụng các biện pháp của Nga để đáp trả bất kỳ hạn chế mới nào của Hoa Kỳ.
Ông Ryabkov nói với các phóng viên: “Tôi chắc chắn rằng sẽ có phản ứng của Nga. Nhưng trước khi tuyên bố gì về điều này, chúng tôi phải phân tích tình hình với bên quân đội và xem chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào với phía Mỹ”.
Báo chí trích lời ông Ryabkov mô tả cách tiếp cận của Washington về vấn đề bất đồng là có tính một chiều, và ông nói rằng Nga sẽ không nhượng bộ vì áp lực của Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-my-tranh-cai-ve-cac-chuyen-bay-quan-sat-quan-su/4046269.html
Mỹ, Nga hợp tác lập trạm vũ trụ bay quanh mặt trăng
Mỹ và Nga mới đạt thỏa thuận hợp tác về một dự án lập trạm vũ trụ đầu tiên bay quanh mặt trăng. Thỏa thuận được ký kết tại Đại hội Du hành Vũ trụ Quốc tế lần thứ 68 ở Adelaide, Australia, theo tin của Telegraph và CBC đăng ngày 27/9.
Dự án do NASA – Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ – đứng đầu là một phần trong một chương trình dài hạn nhằm thăm dò sâu vào vũ trụ và đưa người tới Sao Hỏa.
Cũng như Trạm Vũ trụ Quốc tế, trạm quỹ đạo quanh mặt trăng – với tên chính thức là Cổng Vũ trụ Sâu thẳm – sẽ đón các nhà du hành vũ trụ của các nước trên thế giới.
Những người đứng đầu các cơ quan vũ trụ hy vọng trạm mới sẽ giúp nhân loại có bàn đạp để tiến hành các chuyến bay tới Sao Hỏa hoặc những nơi khác trong Hệ Mặt trời.
Trong khi NASA không đưa ra nhiều chi tiết, ông Igor Komarov, đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscomos, được hãng tin Nga Interfax dẫn lời nói rằng các mô-đun đầu tiên của trạm vũ trụ mới sẽ được chế tạo trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2026.
Trước đó, NASA mô tả Cổng Vũ trụ Sâu thẳm là một trạm có người làm việc trên đó, bay trên quỹ đạo quanh mặt trăng. Trạm bao gồm môi trường sống nhỏ cho các nhà du hành, các thiết bị ghép nối và khoang kín khí cho tàu Orion của NASA, và hệ thống phân phối nguồn điện. Tàu Orion hiện đang trong quá trình chế tạo.
NASA nói trạm mới sẽ được phát triển, bảo trì và sử dụng trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác thương mại và quốc tế.
Ông Komarov cho hay thỏa thuận vừa đạt được cũng cho phép Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi tham gia vào dự án trạm Cổng Vũ trụ Sâu thẳm nếu được Nga và Mỹ chuẩn thuận.
(Telegraph, CBC)
https://www.voatiengviet.com/a/my-nga-hop-tac-lap-tram-vu-tru-bay-quanh-mat-trang/4046611.html
TT Trump nói đang có ‘nỗ lực lớn’ giúp nạn nhân bão ở Caribê
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các thành viên nội các đưa ra lời biện hộ về ứng phó của chính phủ với thiệt hại thảm khốc mà các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ ở Caribê đã phải gánh chịu do các cơn bão lớn.
Gần một tuần sau khi cơn bão nhiệt đới gần đây nhất tàn phá Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, ông Trump nói với các phóng viên hôm 26/9 rằng chính quyền của ông và quân đội Hoa Kỳ đã “nỗ lực rất to lớn” để giúp đỡ các nạn nhân bão, và người dân ở các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ “biết rõ chúng tôi làm việc tích cực như thế nào và làm việc tốt ra sao”.
Ông Trump tuyên bố ông sẽ thăm Puerto Rico và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ vào ngày 3/10 tới.
Bà Elaine Duke, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa, cho hay hàng ngàn nhân viên liên bang đang làm việc trên các đảo.
Bà nói với phóng viên sau khi gặp ông Trump: “Cùng với các đối tác, chúng tôi tiếp tục tiến hành các hoạt động 24/24 giờ, tích cực tìm kiếm và cứu nạn”.
Bà Duke nói thêm là chính quyền liên bang vận chuyển “hàng hóa, thực phẩm và nước tới các đảo, khôi phục điện ở các bệnh viện, cảng, sân bay và các cơ sở quan trọng khác”.
Các quan chức cho biết, tính đến hôm 26/9, chỉ có 11 trong số 69 bệnh viện ở Puerto Rico có nhiên liệu cho máy phát điện khẩn cấp. Lưới điện trên khắp hòn đảo có 3,4 triệu người bị hư hại nặng nề do bão Maria. Các quan chức dự đoán sẽ mất hơn vài tháng để khôi phục nguồn điện đạt mức độ đáng tin cậy.
Theo các quan chức liên bang, hàng ngàn binh sĩ lục quân sẽ tới Puerto Rico trong vài ngày tới. 16 tàu của Hải quân Hoa Kỳ và Tuần duyên cũng đã được triển khai, bao gồm cả tàu bệnh viện USNS Comfort.
Tòa Bạch Ốc thông báo đang tăng ngân quỹ dành cho Puerto Rico, lâu nay ngập trong khủng hoảng kinh tế, và Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, để giúp hoàn trả cho toàn bộ các hoạt động khẩn cấp cần thiết trong 180 ngày.
Cựu Thủ tướng Yingluck bị tuyên án 5 năm tù
Tin cho hay, Tòa án Tối cao Thái Lan hôm 27/9 tuyên án 5 năm tù vắng mặt với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong vụ án liên quan đến chương trình trợ giá gạo thời đương nhiệm.
Bà Yingluck, người bị quân đội lật đổ năm 2014, đã trốn ra nước ngoài hồi tháng trước vì lo sợ chính phủ quân đội sẽ muốn bản án khắc nghiệt cho bà.
Chương trình trợ giá gạo tốn kém đã giúp đưa bà lên nắm quyền trong một cuộc bầu cử năm 2011.
Cựu Thủ tướng Thái Lan ‘đã sang Dubai’
Cựu thủ tướng Thái Lan không ra hầu tòa
Theo Reuters, bà Yingluck khẳng định mình vô tội và cáo buộc bị chính quyền quân sự bức hại chính trị.
Cuộc xung đột giữa tầng lớp ưu tú truyền thống của Thái Lan, gồm quân đội và giới thượng lưu ở Bangkok với gia đình Shinawatra, gồm anh bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006, là tâm điểm của chính trường Thái Lan hơn một thập kỷ.
Nhà Shinawatra nhận được sự ủng hộ to lớn từ những cử tri nông thôn, những người giúp họ giành chiến thắng trong các cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 2001, nhưng đối thủ cáo buộc họ tham nhũng và gia đình trị.
Bà Yingluck bác mọi hành động sai trái trong chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại cho Thái Lan hàng tỷ đôla.
Sự nghiệp chính trị của bà Yingluck
Tháng 7/2011: Giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để trở thành Thủ tướng thứ 28 và nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan
Tháng 8/2011: Đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở Thái Lan trong 50 năm xảy ra và chính phủ của bà bị chỉ trích nặng nề vì không giải quyết vấn đề triệt để
Tháng 10/2011: Khởi động chương trình trợ giá gạo, mua đồng ruộng từ nông dân với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Chính quyền quân sự khi đó đã cáo buộc dự án gây ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước một nửa nghìn tỷ baht (15 tỷ đôla)
Tháng 11/2013: Giới thiệu một dự luật về ân xá cho tất cả các vụ án liên quan đến chính trị, khiến các cử tri trung lưu ở thành thị phẫn nộ và dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố kéo dài
Tháng 12/2013: Giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh khi bà vẫn giữ chức thủ tướng
Tháng 5/2014: Bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự
Tháng 1/2015: Các nghị sĩ phe đảo chính bỏ phiếu cách chức bà và cấm bà tham gia chính trị trong 5 năm.
Tháng 3/2015: Tòa án tối cao bắt đầu các phiên điều trần về hành vi sao nhãng bổn phận của bà trong khi hàng ngàn người ủng hộ đã đến Bangkok để ủng hộ bà tại tòa án
Tháng 10/2016: Bộ Tài chính đã ra lệnh cho bà bồi thường nhà nước khoản lỗ 35,7 tỷ Baht
Tháng 7/2017: 12 tài khoản ngân hàng của bà đã bị đóng băng
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41383368
Bắt đầu xây mẫu tường biên giới Mỹ – Mexico
Chính phủ Hoa Kỳ thông báo bắt đầu xây dựng tám mẫu tường biên giới với Mexico, động thái cho thấy Tổng thống Donald Trump giữ lời hứa lúc tranh cử.
Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ cho biết có bốn mẫu tường bê tông, những mẫu còn lại dùng “chất liệu khác”.
Kế hoạch của họ là xây thử một số đoạn tường gần San Diego.
Mexico ‘sẽ không trả tiền xây tường’
Merkel: ‘Xây tường không giải quyết được nhập cư’
Ông Trump đã hứa sẽ xây một “bức tường lớn đẹp” giữa hai nước.
Việc xây tường được triển khai với sự hiện diện của viên chức liên bang và địa phương tại Otay Mesa, một trong ba cảng nhập cảnh ở khu vực San Diego-Tijuana.
Các mẫu tường dài 9m, cao 9m, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 30 ngày.
Giới chức sau đó dành ba tháng để đánh giá mức độ hiệu quả của mẫu tường, gồm việc ngăn đào tường bằng các dụng cụ cầm tay nhỏ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41383367
Ả rập Saudi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe
Quốc Vương Ả rập Saudi Salman ban hành sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này lần đầu tiên được lái xe, truyền thông cho hay.
Các cơ quan của chính phủ chuẩn bị báo cáo về việc này trong vòng 30 ngày và sắc lệnh sẽ được thực thi trước tháng 6/2018, Thông tấn xã Ả rập Saudi cho biết.
Ả rập Saudi là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe.
Ả Rập Saudi điều tra video phụ nữ mặc váy ngắn
Theo luật hiện tại, chỉ nam giới mới được phép lái xe và những phụ nữ không tuân thủ luật có nguy cơ bị bắt và bị phạt tiền.
Vì vậy, nhiều gia đình phải tài xế riêng.
Các nhóm vận động tại nước này đã nỗ lực trong nhiều năm để cho phép phụ nữ lái xe và một số phụ nữ đã bị bỏ tù vì phản đối quy định này.
Thông tấn xã Ả rập Saudi (SPA) cho biết “Sắc lệnh của Hoàng gia sẽ ban hành các quy định về giao thông, gồm cả việc cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ giống như cho nam giới.”
Hoàng tử Khaled bin Salman, Đại sứ Ả rập Saudi tại Hoa Kỳ, cho biết hôm nay là ngày lịch sử” và “quyết định này đúng đắn và đúng thời điểm”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41383366
Cập nhật tình hình Bắc Hàn
Tuần tới, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ sang Bắc Kinh để thảo luận với giới lãnh đạo Trung Quốc về căng thẳng đang xảy ra ở Bán Đảo Triều Tiên và quan hệ thương mại Mỹ – Trung.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay chuyến đi sẽ kéo dài 3 ngày, từ 28 đến 30 tháng Chín, còn nhắm mục đích sửa soạn cho chuyến viếng thăm Bắc Kinh mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thực hiện vào đầu tháng Mười Một tới đây.
Ngoại Trưởng Mỹ đến Bắc Kinh vào đúng thời điểm cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng đang ở cao độ, liên quan đến chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi. Giới quan sát e ngại những lời lẽ cứng rắn mà cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Hàn liên tục đưa ra có thể sẽ dẫn đến tai họa khó lường, nhất là trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Hôm 26 tháng 9 trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng Thống Trump cho biết sử dụng võ lực với Bắc Hàn không phải là chọn lựa đầu tiên của ông. Tuy nhiên vẫn theo lời nhà lãnh đạo Mỹ, nếu phải chọn lựa giải pháp quân sự thì lúc đó, Bắc Hàn sẽ bị tàn phá.
Tuần trước, trong bài diễn văn đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự, cho hay ông cương quyết bảo vệ an ninh cho nước Mỹ và cho đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản. Ông còn nhấn mạnh nếu Hoa Kỳ phải sử dụng giải pháp quân sự, lúc đó Bắc Hàn sẽ bị tiêu diệt.
Đáp lại, mới hai ngày trước đây, Ngoại Trưởng Bắc Hàn Ri Yong Ho nói rằng ông Trump đã tuyên chiến và Bình Nhưỡng sẽ bắn hạ oanh tạc cơ của Mỹ, bất kể những chiếc máy bay này có xâm nhập không phận của Bắc Hàn hay không.
Vào ngày 27 tháng 9 trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc lại căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên chỉ có thể giải quyết bằng thương thuyết.
Ông Lục Khảng cũng cho hay theo quan diểm của Trung Quốc, quân sự không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề mà sẽ tạo thảm họa.
Cũng cần nhắc lại chỉ vài ngày trước đây, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng lệnh trừng phạt đối với 26 cá nhân và 9 ngân hàng của Bắc Hàn, trong đó có cả ngân hàng liên hệ với Trung Quốc.
Trích dẫn lời các viên chức Mỹ, bản tin của hãng thông tấn Reuters viết rằng trong tháng Tám vừa qua, Trung Quốc đã mua 1 triệu 600 ngàn tấn than của Bắc Hàn, cho dù trước đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ không mua than của Bình nhưỡng, thực hiện đúng lệnh trừng phạt mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành đối với Bắc Hàn.
Tại Paris, Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng bày tỏ quan ngại về cuộc khẩu chiến đang xảy ra giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn, để nghị nên tăng áp lực và mức độ cấm vận để buộc Bình Nhưỡng phải trở lại bán hội nghị.
Ngoại Trưởng Pháp nói rõ Bình Nhưỡng là nước không tuân thủ các hiệp định quốc tế về giải trừ hạt nhân, nhưng lời lẽ qua lại giữa Bắc Hàn và Mỹ khiến thế giới ở trong giai đoạn mà ông gọi là đầy nguy hiểm, ý muốn nói chiến tranh có thể xảy ra.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-china-north-korea-update-09272017105515.html
Chính phủ Myanmar sẽ quản lý các ngôi làng bị đốt phá
Chính phủ Myanmar sẽ đảm nhận việc tái thiết các ngôi làng bị thiêu rụi trong đợt giao tranh giữa phiến quân Hồi giáo Rohingya và quân đội chính phủ.
Tờ Global New Light of Myanmar dẫn lời ông Win Myat Aye, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar nói rằng theo luật của quốc gia này thì những khu vực bị thiêu rụi sẽ thuộc phạm vi quản lý của chính phủ. Ông cũng cho biết quá trình tái thiết sẽ diễn ra một cách hiệu quả vì theo luật thì chính phủ sẽ trực tiếp giám sát hoạt động xây dựng lại các khu vực xảy ra thảm họa hay giao tranh.
Biện pháp tái thiết được nói có thể sẽ khiến hơn 480 ngàn người Rohingya đang lánh nạn trở lại quê hương của họ. Tuy nhiên, ông Aye nói rằng chính phủ chưa có kế hoạch hay phương thức cụ thể nào để đưa những người này trở về.
Ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng 400 ngôi làng của người Rohingya tại bang Rakhine đã bị đốt cháy trong các vụ xung đột.
Hạ Điểm Tín dụng và Tăng Lãi Suất
Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Hôm Thứ Hai 25, Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ là ông Wilbur Ross đã tới Bắc Kinh gặp giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Uông Dương và ông Hà Lập Phong, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. Chuyến thăm viếng được Bộ Thương mại Mỹ thông báo là để giải tỏa một số mâu thuẫn trong quan hệ mậu dịch giữa hai nước và cũng để chuẩn bị cho việc Tổng thống Donald Trump sẽ tới Trung Quốc vào Tháng 11 tới đây. Nhưng trước đó, thị trường đã có vài dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc bị những ảnh hưởng bất ngờ từ phía Hoa Kỳ. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu việc đó….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình tới Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào Tháng Tư, quan hệ giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới chưa được cải thiện như đôi bên thông báo khi đó. Sau đấy, vụ khủng hoảng do sự khiêu khích của chế độ Bắc Hàn tại Đông Bắc Á trước thái độ khá miễn cưỡng của Bắc Kinh khi Hoa Kỳ đòi nâng mức trừng phạt kinh tế với Bắc Triều Tiên khiến người ta e ngại là mâu thuẫn kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ chỉ tăng chứ không giảm nên theo dõi kỹ chuyến thăm viếng Trung Quốc tuần này của Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ là ông Wilbur Ross. Ông nghĩ sao về việc ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tỷ phú Wilbur Ross am hiểu thị trường kinh doanh và có kinh nghiệm khá sâu về các nước Châu Á trước khi nhậm chức Tổng trưởng Thương mại cho Chính quyền Donald Trump. Chuyến đi của ông sẽ khai thông một số chướng ngại và đồng thời chuẩn bị cho việc Tổng thống Mỹ có thể thăm Trung Quốc vào Tháng 11 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn tất Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc cho khóa 19 vào tháng tới. Vì vậy, các thị trường tài chính đều theo dõi những biến cố này để ước đoán về tình hình giao dịch giữa hai nước.
Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa đi hết tiến trình chuyển hóa đó và bắt đầu gặp những giới hạn mà các nền kinh tế kia đã thấy. – Chuyên gia KT. Nguyễn Xuân Nghĩa
– Nói về bối cảnh để ta hiểu ra quan điểm và chủ trương thương mại của lãnh đạo Bắc Kinh, tôi thiển nghĩ là sau hơn 30 năm áp dụng kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á đi trước, như Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Nam Hàn, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ dân số rất đông có nhân công rẻ và tạo ra điều kỳ diệu cho những ai không chú ý đến phép lạ kinh tế của các nước đã đi trước. Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa đi hết tiến trình chuyển hóa đó và bắt đầu gặp những giới hạn mà các nền kinh tế kia đã thấy. Đó là thuần túy về kinh tế.
Nguyên Lam: Khi ông nói là “thuần túy về kinh tế” thì có lẽ cũng hàm ý là còn nhiều yếu tố ngoài kinh tế nữa. Thưa ông, những yếu tố đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ta nên chú ý là người Trung Hoa có hai đặc tính là ưa chuộng lịch sử và giỏi buôn bán. Về lịch sử thì họ từng hãnh diện là cường quốc trung tâm của thế giới trong mấy ngàn năm mà sau lại lụn bại trong trăm năm ô nhục, từ khoảng 1839 tới 1949 vì bị các nước khác vượt qua và uy hiếp. Từ khi giành lại quyền lực từ năm 1949 họ còn lụn bại hơn vì chính sách của lãnh đạo thời đó là Mao Trạch Đông cho tới khi Đặng Tiểu Bình sửa sai từ đầu năm 1979 với chính sách cải cách và cởi mở. Về buôn bán, họ rút tỉa bài học lịch sử và có chủ đích ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc, trong tinh thần học hỏi và tiếp nhận tư bản cùng kiến thức của ngoại quốc nhưng chung cuộc thì vẫn nhằm giành lợi thế cho doanh nghiệp của mình, chủ yếu là doanh nghiệp của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng độc quyền. Vì vậy, Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh mà các nước kia không có.
– Nhưng ngược lại và vì đã mở cửa buôn bán với bên ngoài, họ cũng gặp những hạn chế và ngày nay chưa biết tính sao. Nói cho gọn thì họ thấy ly nước đã nửa đầy so với thời bế quan toả cảng và ngăn sông cấm chợ, nhưng biết là ly nước vẫn nửa vơi nếu mở ra cạnh tranh với các nước khác. Vì vậy chúng ta nên hiểu rằng kinh tế xứ này chưa ra khỏi thời chuyển hóa.
Nguyên Lam: Thưa ông, một cách cụ thể thì việc chuyển hóa ấy có nghĩa là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Với cái thói đi tắt của kẻ đi sau, Trung Quốc mất 15 năm đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 và kèo nèo để xin được 15 năm mới trở thành nền kinh tế thị trường đích thực. Trong giai đoạn ấy, họ chưa áp dụng quy luật thị trường. Kỳ hạn 15 năm đó đã kết thúc vào cuối năm 2015 mà họ vẫn duy trì chế độ bảo hộ và ngày nay đang bị nhiều nước than phiền, kể cả Hoa Kỳ, mà không chỉ có Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn nhiều nhược điểm và bị chế tài chứ không mạnh như người ta nghĩ. Trong khi đó, và đây mới là chuyện đáng chú ý mà nhiều người chưa thấy ra….
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen dần với cách đặt vấn đề khá bất ngờ của ông! Thưa ông, nhược điểm của Trung Quốc là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Hôm Thứ Năm 21, hệ thống thẩm định giá trị trái phiếu là Standard & Poor’s Global Ratings lần đầu tiên kể từ 1999, hạ công khố phiếu Trung Quốc xuống một cấp, từ cấp AA- xuống A+. Quyết định rất chuyên môn ấy làm Bắc Kinh khó chịu nhưng chẳng đáng ngạc nhiên vì từ Tháng Năm, công ty thẩm định kia là Moody’s cũng hạ công khố phiếu Trung Quốc từ cấp Aa3 xuống A1. Lý do là đà gia tăng tín dụng của Trung Quốc gây rủi ro cho kinh tế. Và hậu quả của việc giáng cấp là giới đầu tư sẽ đòi phân lời cao hơn khi cho vay.
– Tôi xin được nói thêm một chút về chuyên môn: trong lĩnh vực tín dụng, khi cho doanh nghiệp vay tiền thì người ta ước tính là bị rủi ro cao hơn là khi cho nhà nước vay. Bây giờ, khi công khố phiếu là giấy nợ của nhà nước mà bị quốc tế giáng cấp thì các doanh nghiệp đi vay sẽ phải trả lãi cao hơn. Vì kinh tế Trung Quốc đã mở ra ngoài nên phải chịu sự phán đoán của thị trường và sự phán đoán ấy sẽ gây khó cho Bắc Kinh sau khi ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế mà cứ tưởng là hay! Từ vài năm nay, người ta nói đến núi nợ chất ngất ấy, có thể bằng 260-280% Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc, mà thiên hạ vẫn cứ trầm trồ ngợi khen! Đã vậy, tuần qua, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn giáng thêm một trùy mà ít ai chú ý….
Trung Quốc vẫn còn nhiều nhược điểm và bị chế tài chứ không mạnh như người ta nghĩ. – Chuyên gia KT Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Theo dõi câu chuyện kinh tế của ông thì thính giả của chúng ta thấy hồi hộp như xem phim trinh thám vậy! Khi ông nói Ngân hàng Trung ương Mỹ vừa giáng thêm một trùy thì đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta nhớ lại là sau vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 rồi nạn Tổng suy trầm Toàn cầu năm 2008-2009, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới số không và còn tung ra ba đợt bơm tiền vào kinh tế lên tới con số khổng lồ khoảng bốn ngàn 500 tỷ Mỹ kim để kích thích kinh tế. Khi kinh tế Hoa Kỳ tạm phục hồi dù chưa mạnh thì từ năm 2015 tới nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng lãi suất và thông báo là sẽ hút lại lượng tiền đã bơm ra. Tuần qua, sau hai ngày hội họp vào Thứ Ba và Thứ Tư, cơ chế độc lập này cho biết là sẽ hút lại tiền từ Tháng 10 này. Định chế tài chính này được lập ra để giải quyết vấn đề kinh tế của nước Mỹ, nhưng quyết định tài chính này lại gây sức ép bất ngờ cho kinh tế Trung Quốc. Nó còn có ảnh hưởng lớn hơn những hăm dọa của Chính quyền Donald Trump.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho cái chuyện ly kỳ này…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tăng hay giảm lãi suất ngắn hạn và cũng có thẩm quyền mua trái phiếu dài hạn để làm giảm phân lời, tức là lãi suất dài hạn trên thị trường vay mượn nhằm kích thích kinh tế trong ổn định tiền tệ. Tuần qua, định chế này không nâng lãi suất ngắn hạn nhưng quyết định sẽ bán ra trái phiếu để hút tiền về. Điều ấy sẽ khiến phân lời hay lãi suất dài hạn sẽ tăng, đồng Mỹ kim cũng lên giá như chúng ta trình bày vào một kỳ trước. Nhưng hậu quả cho lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh ở bên kia địa cầu là gì?
Nguyên Lam: Vâng thưa ông, hậu quả cho lãnh đạo kinh tế của Bắc Kinh ở bên kia địa cầu là gì sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định sẽ hút tiền về?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta cần hiểu ra nhiều bài toán nan giải hiện nay của Bắc Kinh. Thứ nhất, họ biết là trái bóng đầu cơ địa ốc đang gây rủi ro lớn nếu bị bể nên thận trọng tăng lãi suất thật chậm và tùy ngành để bóng xì chứ không bể là gây ra khủnh hoảng. Thứ hai, họ chưa dám thả nổi mà vẫn giàng đồng Nguyên vào đô la Mỹ và cố giữ cho đồng Nguyên khỏi sụt giá để tránh nạn tẩu tán tư bản ra ngoài và dùng tư bản đó cho việc xây dựng hạ tầng trong nước, nhất là tại các địa phương lạc hậu đang cần tái phân lợi tức để tránh loạn. Mấy bài toán ấy khiến Bắc Kinh phải cân nhắc từng chút về lãi suất ở bên trong, không quá cao vì sẽ giảm đà tăng trưởng và làm phí tổn trả nợ sẽ tăng, mà cũng chẳng quá thấp vì sẽ lại thổi lên trái bóng đầu cơ. Bây giờ, việc trị giá công khố phiếu bị sụt điểm vì hai công ty thẩm định quốc tế và việc Hoa Kỳ hút lại lượng tiền đã bơm ra đều dẫn tới hậu quả trực tiếp và gián tiếp là phân lời và lãi suất sẽ tăng tại Trung Quốc ngoài những đắn đo cân nhắc của Bắc Kinh. Đấy là quyết định khách quan của thị trường chứ không do âm mưu chính trị gì của Chính quyền Trump. Hóa ra tai họa kinh tế của Trung Quốc là cứ đóng mở nửa vời mà vẫn bị thị trường chi phối khi ngồi dưới một núi nợ sẽ đổ. Có khi Tổng trưởng Thương mại Wilbur Ross đang tủm tỉm cười tại Bắc Kinh mà mình không biết!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/credit-rating-and-interest-rates-09262017123446.html
Mỹ tăng chế tài, nhắm vào các ngân hàng Triều Tiên
Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 26/9 loan báo các biện pháp chế tài mới nhắm vào 8 ngân hàng Triều Tiên, và 26 giới chức ngân hàng của nước này.
Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết hành động của bộ “nhắm vào việc Triều Tiên sử dụng hệ thống tài chính quốc tế để tạo điều kiện cho các chương trình chế tạo vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt và chương trình phi đạn đạn đạo của Triều Tiên.”
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói:
“Bước hành động này sẽ đẩy xa hơn chiến lược của chúng ta, là hoàn toàn cô lập hóa Triều Tiên để đạt các mục tiêu rộng lớn hơn, đó là một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân.”
Ông Mnuchin nói thêm: “hành động này cũng phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.”
Trước đây trong tháng này, Hội đồng Bảo an áp đặt một đợt cấm vận kinh tế mới đối với Triều Tiên tiếp theo sau vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng được tin là thử bom nhiệt hạch, còn gọi là bom hydro hay bom H.
Nếu được thực thi đầy đủ, các biện pháp trừng phạt mới sẽ cắt 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Triều Tiên, và giảm xuống phân nửa lượng khí đốt, dầu diesel và nhiên liệu nặng nhập khẩu vào nước này, trong khi cùng lúc, tuyệt đối nghiêm cấm nhập khí đốt thiên nhiên và các nguồn năng lượng thay thế khác.
Triều Tiên đã lên án hành động của Liên Hiệp Quốc, miêu tả đây là một “cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện” nhằm mục đích “bóp nghẹt hoàn toàn” nhân dân Triều Tiên.
26 công dân Triều Tiên bị đưa vào danh sách chế tài của Bộ Tài chính Mỹ đang sống ở nước ngoài nhưng làm việc cho các ngân hàng Triều Tiên. Trong số này, có 19 người sinh sống ở Trung Quốc, 3 người có trụ sở chính ở Nga, 2 người ở Libya, và 2 người tại Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập- tức UAE.
https://www.voatiengviet.com/a/my-tang-che-tai-nham-vao-cac-ngan-hang-trieu-tien/4046204.html
Phe Cộng hòa lại thất bại với nỗ lực bãi bỏ Obamacare
Phe Cộng hòa một lần nữa không giành đủ sự ủng hộ trong nỗ lực kéo dài bảy năm nhằm bãi bỏ Obamacare, một thất bại cay đắng khơi lên nhiều câu hỏi về khả năng thực thi nghị trình của Tổng thống Donald Trump.
Phe Cộng hòa trong Thượng viện đã không thể giành được sự ủng hộ từ các thượng nghị sĩ thuộc chính đảng của họ về một dự luật bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng năm 2010 và quyết định không đưa ra biểu quyết, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa nói với Reuters.
Những người bảo trợ tuyên bố sẽ thử lại lần nữa, nhưng sẽ phải đối mặt với những trở ngại cam go hơn sau Chủ nhật, khi mà những điều lệ đặc biệt hết hiệu lực cho phép họ thông qua đạo luật chăm sóc y tế mà không có sự ủng hộ của phe Dân chủ.
Phe Cộng hòa vẫn chưa đạt được bất kỳ thành công lớn nào về chính sách đối nội trong Quốc hội năm nay, điều mà có thể gây tổn hại cho nỗ lực của họ duy trì quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm 2018.
Các nghị sĩ Cộng hòa xem luật Obamacare, cung cấp bảo hiểm y tế cho 20 triệu người Mỹ, là sự lạm quyền đầy tốn kém của chính phủ. Ông Trump đã thường xuyên tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 là sẽ bãi bỏ luật này. Các nghị sĩ Dân chủ thì kịch liệt bảo vệ nó, nói rằng nó đã mở rộng bảo hiểm y tế cho hàng triệu người.
Sau khi không giành đủ sự ủng hộ hồi tháng 7, các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện lại cố gắng một lần nữa trong tháng này với một dự luật giúp các bang nắm nhiều quyền kiểm soát hơn đối với hàng trăm tỉ đôla mà chính phủ liên bang chi hàng năm cho lĩnh vực chăm sóc y tế.
Cũng như trước đây, họ vấp phải sự phản đối từ các thành viên cánh hữu và trung dung phản đối việc bãi bỏ vì những lý do mà về cơ bản mâu thuẫn với nhau.
Ông Trump hôm thứ Ba nói rằng chính quyền của ông thất vọng về “một số người được gọi là người theo Đảng Cộng hòa” không ủng hộ dự luật này. Tổng thống Đảng Cộng hòa sau đó tuyên bố ông vẫn không từ bỏ hy vọng rằng Obamacare cuối cùng sẽ bị hủy. “Chuyện đó sẽ xảy ra,” ông nói với các phóng viên khi đến New York để gây quỹ.
Phe Cộng hòa chiếm đa số với tỉ lệ 52-48 trong Thượng viện và ít nhất ba thượng nghị sĩ Cộng hòa – Susan Collins, Rand Paul và John McCain – đã công khai chống đối dự luật bãi bỏ Obamacare mới nhất này.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-lai-that-bai-voi-no-luc-bai-bo-obamacare/4045568.html
Tranh cãi vụ phụ tá của Trump
dùng email cá nhân cho công vụ
Hai nhà lập pháp chủ chốt trong Quốc hội Mỹ, một Cộng hòa và một Dân chủ, kêu gọi Tòa Bạch Ốc cung cấp tên của những phụ tá cho Tổng thống Donald Trump, những người đã sử dụng địa chỉ email cá nhân và phần mềm được mã hóa để làm công vụ dù đã được khuyến cáo.
Dân biểu Cộng hòa Trey Gowdy, chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, và thành viên Đảng Dân chủ cao cấp trong ủy ban, Dân biểu Elijah Cummings, cho biết họ muốn có câu trả lời trước ngày 9 tháng 10 trong khuôn khổ cuộc điều tra xem các quan chức này có ‘lách’ quy định lưu giữ vào hệ thống máy tính chính thức của Mỹ các hồ sơ giấy tờ về công việc chính phủ hay không.
Cuộc điều tra cũng có thể tìm hiểu xem các quan chức này có chuyển tài liệu bảo mật qua các mắc xích email cá nhân hay không.
“Với nhiều tiết lộ công khai việc các nhân viên cao cấp của nhánh hành pháp cố tình tìm cách né các luật này bằng cách sử dụng các địa chỉ email cá nhân, riêng tư hoặc bí danh để thực hiện công việc chính phủ, Ủy ban nhắm mục tiêu sử dụng các nguồn lực giám sát và điều tra của mình để ngăn chặn và răn đe việc sử dụng sai trái các hình thức thông tin liên lạc bằng văn bản,” ông Gowdy và ông Cummings viết trong một lá thư gửi cho Cố vấn Pháp lý Nhà Trắng Don McGahn.
Một luật sư của Jared Kushner, con rể ông Trump và là một cố vấn của Tòa Bạch Ốc, thừa nhận rằng Kushner đã trao đổi dưới 100 email liên quan đến công việc, sử dụng một tên miền riêng tư. Những bài báo ở Mỹ trong những ngày gần đây nói rằng các cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống, bao gồm vợ của Kushner, Ivanka Trump, cố vấn kinh tế Gary Cohn, cựu chánh văn phòng Reince Priebus và cựu chiến lược gia Stephen Bannon cũng đã sử dụng các tài khoản email cá nhân để thực hiện công việc ở Nhà Trắng.
Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm đối với Tòa Bạch Ốc dưới quyền của ông Trump vì từ lúc còn là ứng cử viên Đảng Cộng hòa, suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đã đả kích đối thủ Hillary Clinton về những tài liệu mật mà bà gửi qua máy chủ email cá nhân lúc bà làm Ngoại trưởng. Những người ủng hộ nồng nhiệt nhất của ông Trump thường xuyên hô to khẩu hiệu “Tống giam bà ấy!” bất cứ khi nào ông Trump đem chuyện email của bà ra công kích.
Cục Điều tra Liên bang kết luận rằng việc bà Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân là “hết sức bất cẩn,” nhưng cáo buộc hình sự là không cần thiết.
Tối thứ Hai, bà Clinton nói rằng việc các trợ lý của Trump sử dụng email cá nhân để thực hiện công việc của chính phủ sau khi đả kích bà trong kỳ vận động tranh cử là “đỉnh điểm của đạo đức giả.”
Trump: Nếu Mỹ dùng vũ lực, sẽ ‘tàn phá’ Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump hôm 26/9 cảnh báo Triều Tiên rằng bất kỳ phương án quân sự nào của Mỹ cũng sẽ “tàn phá” Bình Nhưỡng, nhưng nhấn mạnh sử dụng vũ lực không phải là lựa chọn đầu tiên của Washington để đối phó với chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
“Chúng tôi hoàn toàn chuẩn bị cho lựa chọn thứ hai, không phải là một lựa chọn mà chúng tôi muốn đưa ra,” ông Trump cho biết tại một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, nhắc đến vũ lực quân sự. “Nhưng nếu chúng tôi đưa ra lựa chọn đó thì nó sẽ gây tàn phá, tôi có thể nói với quí vị như vậy, tàn phá Triều Tiên. Đó là phương án quân sự. Nếu chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm.”
Những phát biểu hằn học của ông Trump và của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong những tuần gần đây đã khơi lên lo sợ rằng một tính toán sai lầm có thể dẫn tới hành động với những hậu quả không lường trước được, đặc biệt là kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và mạnh nhất của mình vào ngày 3 tháng 9.
Dù căng thẳng leo thang, Mỹ vẫn chưa phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong tư thế quân sự của Triều Tiên phản ánh mối đe dọa đang gia tăng, một sĩ quan quân đội hàng đầu Mỹ cho biết hôm thứ Ba.
Nhận định của Tướng Thủy quân lục chiến Mỹ, Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, về tư thế quân sự của Bình Nhưỡng trái ngược với phát biểu của một nhà lập pháp Hàn Quốc nói rằng Bình Nhưỡng đã tăng cường hệ thống phòng vệ ở bờ biển phía đông .
“Dù không gian chính trị rõ ràng đang rất căng thẳng vào lúc này, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự thay đổi tư thế của lực lượng Triều Tiên và chúng tôi theo dõi điều này rất sát,” ông Dunford nói trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện tái bổ nhiệm ông vào vị trí mà ông đang nắm giữ.
Về tính cấp bách, “Triều Tiên chắc chắn đề ra mối đe dọa lớn nhất hiện nay,” ông Dunford phát biểu.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hôm thứ Hai cáo buộc ông Trump tuyên chiến và đe dọa rằng Bình Nhưỡng sẽ bắn hạ máy bay chiến đấu của Mỹ bay gần bán đảo Triều Tiên. Cuối tuần trước, các máy bay ném bom Mỹ đã áp sát khu vực này. Đe dọa của Ngoại trưởng Triều Tiên được đưa ra khi ông phản hồi trước những phát biểu trên Twitter của ông Trump rằng ông Kim và Ri “sẽ không tồn tại lâu nữa” nếu hành động đúng như lời đe dọa của họ nhắm vào Mỹ.
Triều Tiên vẫn đang nỗ lực phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lục địa Mỹ, điều mà ông Trump đã nói rằng ông sẽ không bao giờ cho phép xảy ra.
Ông Dunford nói Bình Nhưỡng sẽ “sớm” thủ đắc một phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công hạt nhân và điều này chỉ còn là vấn đề “thời gian rất ngắn.”
https://www.voatiengviet.com/a/trump-neu-my-dung-vu-luc-se-tan-pha-trieu-tien/4045554.html
Tổng thống Mỹ chuẩn bị thị sát Puerto Rico sau bão
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông sẽ tới Puerto Rico vào thứ Ba tuần sau – gần hai tuần sau khi Bão Maria tàn phá hòn đảo thuộc lãnh thổ của Mỹ.
“Puerto Rico cần rất nhiều tiền, tôi sẽ đến Puerto Rico vào thứ Ba (ngày 5 tháng 10),” Tổng thống Trump cho biết trong lúc nói chuyện với các nhà lập pháp. “Thứ ba là thời điểm đầu tiên có thể thị sát mà không gây gián đoạn cho các toán tiếp ứng và cứu hộ,” ông nói thêm.
Tòa Bạch Ốc thông báo sẽ tăng ngân quỹ cho Puerto Rico để hỗ trợ dọn dẹp những đống đổ nát và các biện pháp bảo vệ khẩn cấp, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp liên bang trong 180 ngày.
“Tôi đã chỉ đạo tất cả các bộ và cơ quan hữu quan hỗ trợ cho nỗ lực ứng phó và hồi phục,” ông Trump nói tại một cuộc họp báo. “Quá trình phục hồi sẽ rất, rất khó khăn. Chúng ta sẽ vượt qua được điều này, và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua.”
Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello viết trên Twitter rằng ông đã báo cáo cho Tổng thống về tình hình trên thực địa, và cảm ơn ông đã phản ứng nhanh chóng.
Trong một loạt những dòng tweet hôm thứ Hai, ông Trump nói rằng cơ sở hạ tầng của Puerto Rico góp phần làm tác động của Bão Maria nghiêm trọng hơn. Ông cũng lưu ý rằng khủng hoảng nợ của lãnh thổ này “phải được xử lý,” mặc dù những dòng tweet của ông không nói rõ sẽ như thế nào.
Carmen Yulin Cruz, thị trưởng San Juan, thủ phủ của Puerto Rico, nói trên CNN rằng đây là hai vấn đề riêng biệt. Bà thừa nhận khoản nợ của Puerto Rico, “Nhưng bạn không coi trọng nợ hơn sinh mạng con người, bạn coi trọng sinh mạng con người hơn nợ,” bà nói.
Thống đốc Puerto Rico cảnh báo rằng hòn đảo này đang đối mặt với một “cuộc khủng hoảng nhân đạo” sau hai cơn bão nếu chính phủ Mỹ không xúc tiến nhanh chóng để giúp đỡ.
“Puerto Rico là một phần của Mỹ. Chúng ta cần hành động nhanh chóng,” thống đốc Rossello nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai tại thủ đô San Juan.
“Tầm mức của cơn bão này và hai cơn bão mà chúng tôi đã trải qua là chưa từng thấy,” ông nói thêm, ghi nhận khoản nợ của chính phủ Puerto Rico là hơn 70 tỉ đôla ngay cả trước cơn bão.
Puerto Rico hiện vẫn không có điện, ngoại trừ cho các máy phát điện, và dịch vụ điện thoại thì chập chờn, vì nhà chức trách đang cố gắng cung cấp thức ăn và nước uống cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão nghiêm trọng nhất ập vào hòn đảo 3,4 triệu dân này trong gần một thế kỷ.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-chuan-bi-thi-sat-puerto-rico-sau-bao/4045552.html
Đài Loan mưu tìm hướng tiếp cận mới
trong quan hệ với Trung Quốc
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Đài Loan, các chính khách tại đảo quốc này đang nghiên cứu những phương cách mới để tiếp cận đối thủ Trung Quốc, nhằm phá vỡ tình trạng bế tắc đã kéo dài suốt 15 tháng nay, tác động tới nền ngoại giao cũng như nền kinh tế của Đài Loan.
Những cách để tiếp cận Trung Quốc
Những ý kiến như trao đổi học giả và một danh sách những điều không nên làm, được cả hai bên đồng ý, có thể được đưa ra thảo luận sau khi Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm Chủ nhật 24/9 kêu gọi đảng Dân Tiến đương quyền hãy tìm một phương pháp mới để tương tác với Trung Quốc.
Nhà lập pháp của đảng này, ông Lo Chih-cheng nói: “Quan điểm của cá nhân tôi là chúng ta nên soạn ra một danh sách những điều không nên làm.”
Ông đơn cử việc cạnh tranh (với Trung Quốc) để giành các đồng minh ngoại giao là điều nên tránh.
“Nói cách khác, có những điều mà cả hai bên nên tự chế, tránh làm để đừng gây bất ổn và phá vỡ nguyên trạng.”
Trong Đảng Dân Tiến có rất nhiều người ủng hộ mối quan hệ xa cách hơn giữa Đài Loan và Trung Quốc. Đảng này đang đứng trước thách thức là phải tìm những phương cách mới được Trung Quốc chấp nhận.
Quan hệ lạnh nhạt dưới quyền TT Thái Anh Văn
Trung Quốc hủy đàm phán một tháng sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào tháng Năm, 2016. Lý do là bởi vì bà Thái bác bỏ điều kiện tiên quyết của Trung Quốc để đối thoại, là mỗi bên trước tiên phải tự coi mình là một phần thuộc “Một Nước Trung Quốc.”
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, một đảo tự trị theo thể chế dân chủ, và nhấn mạnh hai bên rốt cuộc phải đi đến thống nhất, bất chấp các cuộc thăm dò cho thấy đa số cư dân Đài Loan chống, và không chấp nhận “số phận”.
Giới phân tích nói từ đó, Hoa lục, vốn hùng mạnh hơn về cả quân sự lẫn kinh tế, đã tỏ thái độ mất kiên nhẫn với Đài Loan bằng cách hạn chế du khách Trung Quốc tới Đài Loan, đưa tàu sân bay đi quanh đảo Đài Loan, và thuyết phục thêm hai nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để quay sang giao du với Bắc Kinh.
Ông Alexander Huang, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói:
“Vấn đề vì sao Đài Bắc và Bắc Kinh không thể kết nối với nhau là vì Bắc Kinh muốn trước hết, Đài Loan phải trấn an Bắc Kinh trước khi hai bên tương tác”.
Giáo sư Huang nhận định:
“Khung sườn mới cho quan hệ song phương không thể được xác định hoặc định trước bởi một bên. Thế cho nên cả hai nên ngồi xuống và đề ra một khung sườn mới để cùng nhau xác định lại một mối quan hệ mới.”
Tìm những phương thức sáng tạo
Các học già tin rằng trong phần lớn năm qua, bà Thái Anh Văn đã ráo riết chuẩn bị một đề xuất mới cho mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhiều người ở Đài Loan, dù không muốn thống nhất với nước cộng sản Trung Quốc, nhưng muốn Đài Loan có quan hệ gần gũi hơn với nền kinh tế khổng lồ trị giá 11,2 nghìn tỉ đôla này.
Hôm Chủ nhật 24/9, Tổng thống Thái Anh Văn nói trước Đại hội Đảng Dân Tiến lần thứ 17, rằng nên tránh ghét bỏ Trung Quốc hoặc ngược lại, “làm hài lòng Trung Quốc một cách mù quáng.”
Ông Lo Chih-cheng, một nhà lập pháp của đảng đương quyền, nói Tổng Thống Thái Anh Văn muốn tiến dần tới chỗ chấp nhận một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. Ông Lo nói:
“Chúng ta phải làm điều đó một cách thực tế. Để chuyển sang hướng đó, chính phủ phải duy trì các quan hệ thương mại và du lịch.”
Trung Quốc và Đài Loan đã nằm dưới quyền cai trị của hai chính quyền riêng rẽ từ khi Quốc Dân Đảng do ông Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thất thế vào tay đảng cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến của những năm 1940, phải chạy sang Đài Loan, hòn đảo chỉ cách đó 160 km, để lập chính phủ. Từ đó hai bên hiếm khi đối thoại với nhau. Trung Quốc đã đe dọa sẽ dùng vũ lực quân sự, nếu cần, để thống nhất hai bên.
Quan hệ thân thiện hơn dưới thời Mã Anh Cửu
Hai bên liên lạc thường xuyên dưới thời cựu Tổng Thống Mã Anh Cửu, người đứng đầu Quốc Dân Đảng Đài Loan, vốn có lập trường thân thiện hơn với Trung Quốc. Chính quyền của ông Mã chấp nhận điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh, là chỉ có “Một nước Trung Quốc” trước khi mở đối thoại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông từ 2008-2016. Hai bên đã ký hơn 20 thỏa thuận bao gồm các lĩnh vực thương mại, du lịch và đầu tư.
Các chuyên gia ở Đài Loan cho biết trong số các ý kiến được đề nghị lên đảng đương quyền bây giờ, có chương trình trao đổi học giả không chính thức, được chính quyền hai bên hậu thuẫn để tìm hiểu những lợi ích cốt lõi của mỗi bên.
Ông Lin Chong-pin, một giáo sư về hưu từng nắm chức Phó Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, cho biết giới học giả đang thăm dò để đề ra các ý kiến của chính họ về những cách mới mà hai bên có thể tương tác.
Ông Lin nói:
“Những gì sẽ giúp ích không phải là những tuyên bố công khai, mà là những hành động kín đáo, đó mới chính là chiếc chìa khóa mở được những cánh cửa. Các học giả, có thể là các đặc sứ không lộ mặt, đại loại như vậy.”
Khác biệt đáng kể giữa hai bên
Nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Mới, ông Hsu Yung-Ming, cảnh giác rằng bất cứ tương tác nào giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng nên tính tới “cái hố ngăn cách” đáng kể giữa hai bên.
Ông Hsu đơn cử vụ Trung Quốc truy tố nhà hoạt động Đài Loan Lý Minh Triết (Lee Ming Che), bị kết tội âm mưu lật đổ chế độ ở Bắc Kinh vì đã dùng truyền thông xã hội để thảo luận về đề tài dân chủ với các công dân Trung Quốc. Ở Đài Loan, trường hợp này đơn giản được coi là thực thi quyền tự do ngôn luận.
Ông Hsu nói:
“Những tuyên bố về việc tiếp cận với Trung Quốc có thể được coi như chỉ là những lời tuyên truyền sáo rỗng, trong bối cảnh vụ Lý Minh Triết. Nếu đưa vào hành động, có một khoảng cách biệt đáng kể giữa hai bên. Khoảng cách về giá trị là vấn đề lớn nhất.”
Kiên nhẫn
Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn không đưa ra một thời biểu nào để đề ra một phương pháp tiếp cận mới với Trung Quốc, theo người phát ngôn Đảng Dân Tiến Wang Min-sheng. Ông nói ông không biết có ý kiến nào được đưa ra từ hôm Chủ nhật hay không.
Ông Wang nói không có ai bị bắt buộc, nhưng những người có ý kiến sẽ có một kênh liên lạc để tự do nêu lên các ý kiến của mình.
Trung Quốc muốn được coi là bên đi đầu để loan báo một khung sườn mới cho quan hệ hai bên, vì Trung Quốc là nước lớn.
Nhưng ông Lo, nhà lập pháp của đảng Dân Tiến, dự đoán Đài Loan sẽ đề ra các ý kiến hay hơn. Ông nói:
“Trung Quốc cứng ngắc, không linh động, chúng ta ở Đài Loan có nhiều sáng kiến hơn, có tính sáng tạo hơn. Nhưng vấn đề chính bây giờ là sự thiếu tin tưởng giữa đôi bên.”
Cặp vợ chồng Nga có thể đã ăn thịt 30 người
Cảnh sát ở miền tây nam nước Nga đã bắt giữ một cặp vợ chồng bị cáo buộc đã đánh thuốc mê, lột da khi người ta còn sống, và ăn các bộ phận cơ thể của khoảng 30 người, ngoài ra còn ngâm muối thi thể của nạn nhân.
Tờ Washington Post đưa tin có lẽ hai kẻ này cũng đã cố gắng tuồn “thịt người đóng hộp” vào đồ ăn mà chúng chế biến tại nơi làm việc của chúng – một học viện quân sự ở thành phố Krasnador, cách Sochi khoảng 5 tiếng đi đường.
Có tin cuộc điều tra bắt đầu vào ngày 11/9 sau khi các công nhân làm đường phát hiện một điện thoại di động bị đánh rơi và xem các ảnh trong điện thoại. Khi thấy hình ảnh một người đàn ông “ngậm trong mồm những bộ phận bị cắt ra từ cơ thể người”, lập tức họ đã đến gặp nhà chức trách, báo Washington Post tường thuật, dẫn lại thông tin từ Bộ Nội vụ Nga.
Natalia Baksheeva và chồng của thị, Dmitry Baksheev, 35 tuổi, hiện đã bị bắt giữ. Baksheev giờ phải đối mặt với cáo buộc giết người cùng lúc cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Dẫn lại truyền thông địa phương, BBC cho hay bọn chúng thừa nhận đã giết tới 30 người. Washington Post cho rằng nếu được xác nhận, cặp vợ chồng này sẽ trở thành một trong những kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất của Nga được các hồ sơ ghi lại.
Tin của Washington Post cho hay cảnh sát nói hai kẻ này có thể phải chịu trách nhiệm về việc hàng chục người chết hoặc mất tích trong gần hai thập kỷ.
Có tin một cuộc lục soát của cảnh sát tại nhà của chúng đã tìm thấy một bức ảnh đề ngày 28/12/1999, thể hiện một đầu người trên một chiếc đĩa cùng với trái cây.
Các điều tra viên nói rằng họ cũng tìm thấy “các mẩu thức ăn và các miếng thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc” trong nhà bếp, cũng như các bình chứa các bộ phận cơ thể người trong dung dịch muối, theo tường thuật của BBC.
(theo Washington Post, BBC)
https://www.voatiengviet.com/a/cap-vo-chong-nga-co-the-da-an-thit-30-nguoi/4046485.html
Khủng hoảng Catalunya: Hiềm khích xa xưa nay trỗi dậy
Cuộc đối đầu giữa vùng Catalunya và chính quyền Tây Ban Nha xung quanh dự định tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị, bị Madrid cấm, là màn mới nhất trong lịch sử đầy biến động của quan hệ giữa vùng đất này với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Những hiềm khích đầu tiên đã manh nha từ thế kỷ XV, nhưng chính những năm 2000 mới là tiền đề cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bà Barbara Loyer, giảng viên, nhà nghiên cứu tại Viện Địa Chính Trị Pháp thuộc Đại học Paris VIII và là một chuyên gia về Tây Ban Nha, trong một bài trả lời phỏng vấn France 24 cố gắng làm sáng tỏ thêm về cuộc khủng hoảng phức tạp giữa vùng Catalunya và chính quyền trung ương Madrid. Chúng tôi xin lược dịch giới thiệu ý kiến của chuyên gia Barbara Loye.
Căng thẳng giữa chính quyền vùng Catalunya và trung ương đã nảy sinh từ khi nào ?
Từ thế kỷ thứ XV, một vị vua tổ tiên người Castilla lên ngôi trị vì vương quốc Aragon, trải dài từ miền bắc Tây Ban Nha xuống tận Barcelona. Với những người Catalunya có tư tưởng cục bộ địa phương, đó chính là điểm khởi đầu của vấn đề. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một thời kỳ trong lịch sử chung của đất nước này.
Sau đó còn có nhiều giai đoạn căng thẳng khác nhau, đặc biệt ở vào thế kỷ XVIII, khi những người Catalunya ưu tú chống lại một vị vua xuất thân từ triều đại dòng họ Bourbon lên ngôi. Đó là vua Philppe V, người đã chinh phục và phá bỏ mọi quyền tự do của các địa phương. Ngày 11/09/1714 đánh dấu sự thất bại của Catalunya được những người theo dân tộc chủ nghĩa kỷ niệm hàng năm kể từ năm 1886.
Đến thế kỷ XIX, trên đà mất hàng loạt thuộc địa, người Tây Ban Nha lần lượt từ bỏ chủ quyền ở các mảnh đất xa xôi như Cuba, Puerto Rico, Guam và đến năm 1898 đến lượt Philippines.
Thất vọng và phẫn nộ, giới thượng lưu Catalunya sử dụng tinh thần dân tộc Catalunya làm đòn bẩy tạo đối trọng với giới ưu tú còn lại của Tây Ban Nha. Đó là thời điểm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc Catalunya đương đại, có tổ chức chặt chẽ. Tuy vậy những gia đoạn lịch sử trên không giải thích được cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Điều gì đã đẩy đến cuộc khủng hoảng hiện nay ?
Từ những năm 2000, có một sự giao thoa các hiện tượng chính trị, kinh tế. Ông José Luis Zapatero lên lãnh đạo chính phủ Tây Ban Nha năm 2004, cam kết xem xét lại các quy chế tự trị của một số vùng. Quy chế tự quyết mới của Catalunya do chính quyền liên minh gồm phe Xã hội, phe tả Dân tộc chủ nghĩa Catalunya và Cộng sản soạn thảo ra để thay thế cho quy chế 1979.
Được Nghị viện Catalunya, rồi tiếp đó là các dân biểu ở Madrid thông qua hồi tháng 3/2016, quy chế tự trị mới của vùng Catalunya bao gồm 223 điều khoản, thay vì 57 điều trong quy chế 1979.
Nhưng năm 2010 Đảng Nhân Dân kiện lên Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha phủ nhận 14 điều khoản mà họ cho là « vi hiến » . Tòa kết luận về mặt pháp lý Catalunya không thể được coi là « quốc gia », không chấp nhận ưu tiên sử dụng ngôn ngữ Catalunya trong hành chính và không chấp nhận độc lập hoàn toàn của hệ thống tư pháp Catalunya. Quyết định của Tòa Bảo Hiến đã làm dấy lên làn sóng biểu tình tại Barcelona với đòi hỏi : « Chúng tôi là một quốc gia, chúng tôi quyết định »
Trong lúc đó, Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng kinh tế 2008, một lý do để dư luận Catalunya bắt đầu lắng nghe các phát biểu của những người chủ trương ly khai triệt để, mà đến lúc đó vẫn ít được biết đến. Các biện pháp của chính phủ Madrid đưa ra nhằm hạn chế hệ quả của khủng khoảng kinh tế đã kéo theo việc thắt chặt kiểm soát từ trung ương các chi tiêu công của các vùng cộng đồng.
Lý giải thế nào cho việc khủng hoảng ngày càng lún sâu ?
Hiến Pháp Tây Bán Nha năm 1978 có quy định tiến trình theo đó các tỉnh sáp nhập thành cộng đồng tự trị nhưng lại không định hình được các quan hệ giữa chính quyền trung ương và các cộng đồng tự trị, bởi vì đa phần các vùng tự trị không tồn tại ở thời điểm thông qua Hiến pháp. Văn kiện thừa nhận sự tồn tại chủ quyền quốc gia, khẳng định « quốc gia Tây Ban Nha không thể chia cắt ».
Ngay lúc đó, quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được xây dựng từng bước khi mà các đảng chiếm đa số cần đến đảng dân tộc chủ nghĩa chiếm thiểu số để bầu thủ tướng hay thông qua các chính sách chung của Tây Ban Nha. Cộng đồng tự trị xứ Basque và Catalunya vì thế có thẩm quyền rất rộng từ đó.
Không ít người Catalunya kêu gọi chính phủ Madrid hành động và thậm chí họ còn cho rằng cần phải làm điều đó sớm hơn. Ngay cả đảng Xã Hội, đảng đối lập hàng đầu, đã ủng hộ phe bảo thủ để bảo vệ Nhà nước pháp quyền. Nhưng tình hình trở nên nghiêm trong bởi vì phe cực tả biến trưng cầu dân ý thành vấn đề có tính nguyên tắc.
Tại Nghị viện ở Madrid, đảng Podemos phụ thuộc vào các đồng minh trong vùng. Lãnh đạo đảng đã quyết định diễn giải các biện pháp của chính phủ như là một kiểu trấn áp bất hợp pháp. Những người chủ trương Catalunya độc lập tìm thấy đồng minh trong phe cực tả đang hy vọng là suy yếu đảng Xã Hội. Bàn cờ chính trị của Tây Ban Nha đang rất phức tạp và nguy hiểm vì một số tác nhân chính trị vẫn thấy có lợi trong việc khơi dậy đối đầu hay trấn áp. Tương lai chính trị của Tây Ban Nha rất bất trắc.
Những mốc thời gian chính trong sự trỗi dậy của trào lưu đòi độc lập cho Catalunya :
03/2006 : Quốc Hội Tây Ban Nha thông qua quy chế mới tăng cường quyền tự trị cho Catalunya, mà trong phần mở đầu xác định vùng này như một « quốc gia » bên trong Nhà nước Tây Ban Nha.
07/2006 : Đảng Nhân Dân của Mariano Rajoy, khi đó đang là đối lập, phản đối quy chế mới kiện lên Tòa Bảo Hiến.
06/2010 : Tòa Bảo Hiến hủy một phần quy chế tự trị của Catalunya. Tòa kết luận: Xác nhận Catalunya là một « quốc gia » là không có giá trị pháp lý. Tòa bác bỏ ưu tiên sử dụng tiếng Catalunya trong hành chính và truyền thông.
11/09/2012 : Hơn một triệu người xuống đường tại Barcelona nhân ngày lễ của vùng, với khẩu hiệu « Catalunya, Nhà nước mới của châu Âu »
20/09/2012: Thủ tướng Mariano Rajoy từ chối thương lượng với chủ tịch vùng Catalunya, Artur Mas. Tháng 11 năm 2012, sau khi thắng trong cuộc bầu cử cấp vùng , ông Artur Mas hứa tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của vùng.
9/11/2014 : Catalunya tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, nhưn bị coi là chống Hiến pháp. Tỷ lê tham gia bỏ phiếu khoảng 35%. Gần 80% người bỏ phiếu (khoảng,8 triệu dân Catalunya) ủng hộ độc lập.
27/09/2015 : Toàn bộ các đảng chủ trương đòi độc lập, tả và hữu, lần đầu tiên giành được đa số (47,6%) ở Nghị viện vùng.
9/11/2015 : Nghị Viện Catalunya thông qua nghị quyết tuyên bố khởi động tiến trình thiết lập ra « Nhà nước Catalunya độc lập theo hình thái Cộng hòa » chậm nhất là vào năm 2017. Tòa Bảo Hiến phủ nhận nghị quyết trên.
10/01/2016 : Carles Puigdemont, một nhân vật chủ trương độc lập từ lâu nay, trở thành chủ tịch vùng.
06/2017 : Carles Puigdemont thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập vào ngày 1/10/2017 bất chấp lệnh cấm của chính quyền trung ương. Câu hỏi để người dân lựa chọn : « Quý vị có muốn Catalunya là một Nhà nước độc lập dưới hình thái Cộng hòa ? ».
6/09/2017 : Nghị viện vùng thông qua luật tổ chức trưng cầu dân ý. Puigdemont ấn định ngày tổ chức 1/10. Ngay hôm sau theo đề nghị của chính phủ Madrid, Tòa Bảo Hiến ra phán quyết phủ nhận luật.
Cuộc đọ sức thêm căng thẳng từng ngày. Chính quyền trung ương huy động mọi nỗ lục để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu, bằng cả các biện pháp mạnh như bắt bớ, cấm đoán. Chính quyền vùng tiếp tục khẳng định quyết tâm có được cuộc tham khảo ý kiến dân, trong lúc đường phố Barcelona không lúc nào vắng bóng người biểu tình đòi trưng cầu dân ý.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170927-khung-hoang-catalunya-hiem-khich-xa-xua-nay-troi-day
Viện Công tố Catalunya ra lệnh
niêm phong các địa điểm trưng cầu dân ý
Viện Công tố Catalunya hôm qua 26/09/2017 đã ra lệnh từ nay cho đến thứ Bảy 30/9 phải niêm phong những địa điểm có thể được dùng làm phòng phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết mà phe ly khai muốn tổ chức, nhưng bị chính quyền Tây Ban Nha cấm.
Trong thông cáo gởi cho cảnh sát Catalunya, công tố viên trưởng đòi hỏi việc niêm phong và giám sát phải được duy trì đến 21 giờ (19 giờ GMT) Chủ nhật 1/10, ngày dự định tổ chức trưng cầu dân ý. Lệnh này nhắm đến các trường học và những địa điểm khác được tòa thị chính các nơi cho sử dụng, kể cả các trung tâm y tế. Cảnh sát cũng được yêu cầu nhận diện những người chịu trách nhiệm các phòng phiếu.
Tư pháp tiếp tục thực hiện kế hoạch ngăn trở tiến trình tổ chức. Ủy ban bầu cử đã phải đồng loạt từ chức, vì Tòa Bảo Hiến đe dọa phạt vạ các thành viên mỗi ngày 12.000 euro. Cảnh sát và quân cảnh cũng tịch thu gần 10 triệu lá phiếu, 45.000 giấy mời tham gia kiểm phiếu.
Phe ly khai Catalunya tố cáo các biện pháp « đàn áp » : Đã có 59 trang web xúc tiến và thông tin về cuộc trưng cầu dân ý bị đóng, trong khi trang web của Quỹ Franco (nhà cựu độc tài) vẫn được hoạt động.
Phe ly khai đang nắm quyền ở Catalunya muốn trưng cầu dân ý để tách rời vùng đất (7,5 triệu dân, chiếm 16% dân số) ra khỏi Tây Ban Nha. Nhưng chính quyền bảo thủ của thủ tướng Mariano Rajoy kiên quyết bác bỏ, và theo Tòa Bảo hiến Tây Ban Nha thì việc trưng cầu này là vi hiến.
Catalunya chia rẽ sâu sắc về vấn đề độc lập : Hơn 700 trên tổng số 948 thị trưởng vùng Catalunya cho biết sẵn sàng tham gia, ngược lại có 5/10 thành phố lớn từ chối.
Tàu cao tốc Pháp-Đức hợp nhất
đối phó với cạnh tranh Trung Quốc
Tập đoàn Alstom của Pháp và Siemens của Đức sẽ sáp nhập các hoạt động đường sắt, theo loan báo tối qua 26/09/2017 từ phía Pháp. Đây là một liên minh về kinh tế để chống lại tập đoàn Trung Quốc CRRC, đồng thời mang tính chính trị, được nguyên thủ Pháp-Đức đồng thuận.
« Siemens Alstom » sẽ trở thành tập đoàn đứng nhì thế giới về phương tiện đường sắt, đứng nhất về hệ thống tín hiệu. Tàu cao tốc (TGV) Pháp-Đức có số vốn góp tương đương giữa đôi bên trong bốn năm đầu, nhưng thỏa thuận dự kiến Siemens sau đó sẽ tăng vốn lên trên 50,5%.
Phía Đức đóng góp các hoạt động đường sắt, và nhận lại phân nửa số vốn của tập đoàn Pháp Alstom. Tập đoàn mới sẽ được niêm yết tại thị trường chứng khoán Pháp và sẽ có trụ sở đặt tại ngoại ô Paris. Tổng giám đốc Alstom Henri Poupart-Lafarge sẽ là người đứng đầu « Siemens Alstom ». Ngược lại chính phủ Pháp hiện là cổ đông, sẽ không tham gia góp vốn.
Việc mất quyền kiểm soát một trong những ngọn cờ đầu của ngành kỹ nghệ nước Pháp gây e ngại, nhất là đối với các nghiệp đoàn. Chính phủ Pháp trấn an rằng Siemens cam kết duy trì số nhân viên và các nhà máy tại Pháp trong vòng bốn năm.
Phía sau liên minh TGV Pháp-Đức là chiếc bóng đầy đe dọa của CRRC, tập đoàn Trung Quốc đã đặt chân được vào châu Âu qua các hợp đồng với Cộng hòa Séc và Bulgari. Doanh số năm ngoái của CRRC gần 30 tỉ euro, và được chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ mạnh mẽ. Đây là một trong những lý do khiến Alstom và Siemens phải nhanh chóng liên kết với nhau, chận đứng tham vọng của Trung Quốc trong lãnh vực đường sắt đô thị.
Liên minh này còn mang tính chính trị, trong bối cảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn xích gần lại với Đức, mong tìm được sự ủng hộ đối với chính sách tương lai cho Liên Hiệp Châu Âu.
Venezuela: Đối lập từ chối đàm phán với chính phủ
Giữa tháng 9/2017, chính quyền Venezuela và đối lập đã khởi sự đối thoại nhằm tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài từ bốn tháng nay, thông qua trung gian là tổng thống Cộng Hòa Dominicana và cựu thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero. Địa điểm đối thoại là nước Cộng Hòa Dominicana, Trung Mỹ. Tuy nhiên, đối lập Venezuela hôm qua thông báo không tham gia cuộc họp dự kiến hôm nay, 27/09/2017.
Thông tín viên Julien Gonzales tường trình từ Caracas,
Với đối lập, các điều kiện để thiết lập đối thoại vẫn chưa được bảo đảm. Nghị sĩ Luis Florido – thành viên đoàn đàm phán của đối lập trong cuộc gặp đầu tiên – một lần nữa nhấn mạnh đến ba điều kiện : trả tự do cho ‘‘các tù chính trị’’, lịch trình bầu cử rõ ràng và đặc biệt là tôn trọng các quyền hạn của Quốc Hội (hiện do đối lập kiểm soát).
Quyết định nói trên ngay lập tức đã được nhiều gương mặt chính của đối lập ủng hộ. Cựu ứng cử viên tổng thống trong hai kỳ liên tiếp gần đây, ông Henrique Caprilles khẳng định : ‘‘Chính phủ cần đưa ra các tín hiệu cho thấy thực sự là họ không muốn tái diễn sự việc hồi năm ngoái’’.
Giữa tháng 10 và 12 năm ngoái, một cuộc đối thoại nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng đã diễn ra, dưới sự bảo trợ của Vatican và Liên Hiệp các Quốc Gia Nam Mỹ. Tuy nhiên, dự án này đã mau chóng đổ bể, đối lập cáo buộc chính phủ không giữ lời.
Năm nay, cuộc đối thoại một lần nữa lại lâm vào bế tắc. Dù sao, đối lập Venezuela cũng không đóng mọi cánh cửa. Trong một bức thư gửi đến tổng thống nước Cộng Hòa Dominicana hôm qua, đối lập Venezuela khẳng định là : « hiện tại không có một môi trường thuận lợi cho việc tiếp tục đối thoại », như vậy khả năng trở lại bàn đàm phán không bị loại trừ, nếu tình hình sắp tới có những thay đổi.
Cũng ngày hôm qua, tổng thống Venezuela Maduro có bài phát biểu tại căn cứ không quân Libertador, ở Maracay, kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu, trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng thêm nhiều trừng phạt kinh tế mới và không cho phép nhập cảnh vào Mỹ nhiều quan chức trong chính phủ Venezuela.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170927-doi-lap-venezuela-tu-choi-tham-gia-dam-phan-du-kien-voi-chinh-phu
Dân Kurdistan Irak trưng cầu dân ý: Hơn 90% ủng hộ độc lập
Hôm qua, 26/09/2017, lãnh đạo vùng tự trị Kurdistan, Irak, chính thức thông báo đa số cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ chủ trương độc lập. Cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm thứ Hai bị chính quyền Bagdad tuyên bố là « bất hợp pháp », và tất cả các nước láng giềng lên án. Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa can thiệp vũ trang.
AFP dẫn nguồn tin của ủy ban bầu cử địa phương, theo đó hơn 3,3 triệu cử tri đã bỏ phiếu, chiếm 72% tổng số cử tri. Theo đài truyền hình Kurdistan Roudaou, hơn 90% cử tri đã bỏ phiếu cho độc lập. Người đứng đầu vùng tự trị Kurdistan, ông Massoud Barzani, kêu gọi chính quyền trung ương Irak « đàm phán nghiêm túc (…) hơn là đưa ra các đe dọa », đồng thời bảo đảm trước cộng đồng quốc tế là cuộc trưng cầu dân ý nói trên không nhằm hoạch định đường biên giới « giữa Kurdistan và Irak », cũng như không áp đặt phạm vi lãnh thổ theo nguyên trạng.
Lãnh đạo vùng Kurdistan Irak cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng « nguyện vọng của hàng triệu người » ủng hộ độc lập, và khẳng định người dân Kurdistan chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Trong khi đó, chính quyền Irak bác bỏ mọi thương lượng. Bagdad hạn cho chính quyền khu tự trị ba ngày để giao trả các sân bay quốc tế, và đe dọa sẽ cấm vận hàng không đối với khu vực của người Kurdistan. Tối hậu thư kết thúc vào 12 giờ, giờ quốc tế, ngày mai, 28/09. Hôm nay, chính quyền khu tự trị Kurdistan bác bỏ tối hậu thư của Bagdad.
Hôm qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo nguy cơ « chiến tranh sắc tộc và tôn giáo », nếu người Kurdistan Irak đòi độc lập đến cùng.
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ « thất vọng sâu sắc » về quyết định của chính quyền tự trị Kurdistan, nhưng khẳng định Washington vẫn duy trì các quan hệ lịch sử với vùng tự trị nói trên.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu các bên « thỏa hiệp ». Bộ Ngoại Giao Nga cũng kêu gọi các bên đàm phán để tìm giải pháp thỏa đáng, nhằm cùng tồn tại trong một Nhà nước Irak chung. Tuy nhiên, Matxcơva cũng lưu ý đến việc cần xem trọng các khát vọng dân tộc của người Kurdistan. Nga và khu tự trị có nhiều quan hệ kinh tế. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi bảo vệ sự thống nhất của Irak, để chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Khoảng 30 triệu người Kurdistan sống rải rác tại bốn quốc gia Trung Đông (Irak, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria), sau khi đế chế Ottoman bị giải thể, vào cuối Thế chiến thứ nhất. Ngoài Irak, chính quyền ba quốc gia còn lại đều lo sợ trưng cầu dân ý độc lập Kurdistan đe dọa ổn định. Người Kurdistan tại Irak và Syria đã hy sinh nhiều xương máu trong cuộc chiến chống Daech những năm vừa qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170927-dan-kurdistan-irak-trung-cau-dan-y-hon-90-ung-ho-doc-lap
Bruxelles hoan nghênh kế hoạch cải tổ châu Âu
của tổng thống Pháp
Hôm qua, 26/09/2017, trước 800 sinh viên Pháp và nước ngoài tại Đại học Sorbonne, Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài diễn văn dài để công bố dự án cải tổ toàn diện Liên Hiệp Châu Âu, và gần một giờ đối đáp với cử tọa để làm rõ các vấn đề. Phát biểu của tổng thống Pháp ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng từ phía giới lãnh đạo châu Âu.
Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles,
Một số chính trị gia châu Âu thậm chí không chờ Emmanuel Macron kết thúc bài phát biểu để phản ứng, tiêu biểu là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Ông Jean-Claude Juncker hoan nghênh một diễn văn ‘‘rất vì châu Âu’’. Lãnh đạo Uỷ Ban Châu Âu cảm ơn tổng thống Pháp đã dành sự ủng hộ cho các định chế của Liên Âu.
Cũng tương tự, nhiều ủy viên Liên Âu nhấn mạnh rằng các đề nghị của tổng thống Pháp sẽ mang lại hoặc một động lực mới cho một dự án đang được tiến hành – ví dụ nhưCơ quan cải tiến kỹ thuật số sẽ tham gia vào Hội đồng châu Âu về cải cách – hoặc đóng góp cho các dự án đang lâm vào ngõ cụt, như thuế giao dịch tài chính, hay các dự án bị quên lãng, như lực lượng bảo vệ dân sự châu Âu. Các đề nghị của tổng thống Pháp cũng có thể đẩy xa hơn nữa các nỗ lực đang diễn ra, như cố gắng nhằm thống nhất cách tính thuế đối với các doanh nghiệp.
Rõ ràng ở đây có một bầu không khí chung, thừa nhận phần lớn trong số các dự án của tổng thống Pháp là đáng tin cậy và khả thi, cho dù mọi người ở đây nghĩ một phần lớn trong số đó phụ thuộc vào thiện chí của Đức, đặc biệt về các đề nghị tăng cường khu vực đồng euro.
Theo các nhà quan sát, những dự án của tổng thống Pháp ít liên quan đến vấn đề chủ quyền tài chính sẽ có cơ hội được thúc đẩy nhanh chóng, ví dụ như việc thành lập lực lượng quân sự can thiệp nhanh, thuế các bon hay cơ quan tị nạn của Liên Âu. Riêng các đề nghị tăng cường khu vực đồng euro, cốt lõi của dự án cải tổ châu Âu của Pháp, phụ thuộc chủ yếu vào tương lai của liên minh Pháp-Đức, cho dù chủ tịch Ủy Ban Châu  không ủng hộ việc thành lập một Nghị viện riêng đối với khu vực đồng euro.
Chiến dịch thúc đẩy cải tổ Liên Hiệp Châu Âu của tổng thống Pháp tiếp tục. Hôm nay, ông Macron tiếp thủ tướng Ý Paolo Gentiloni tại Lyon. Tuần tới, tổng thống Pháp sẽ gặp lãnh đạo Estonia.
http://vi.rfi.fr/phap/20170927-bruxelles-hoan-nghenh-keu-goi-cai-to-chau-au-cua-tong-thong-phap
Lãnh đạo Lầu Năm Góc và NATO thăm Afghanistan
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay 27/09/2017 đến Kaboul gặp chính quyền Afghanistan, sau khi Washington loan báo gởi 3.000 quân Mỹ tăng viện.
Hai ông Mattis và Stoltenberg trước hết đến thăm bộ chỉ huy Resolute Support (RS- Chiến dịch Kiên quyết Hỗ trợ) do tướng Mỹ John Nicholson chỉ huy, sau đó hội đàm với tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani.
Hoa Kỳ hiện có 11.000 quân tại Afghanistan – cuộc chiến dài nhất kể từ 2001 đến nay đối với Mỹ, còn NATO có 5.000 quân. Lầu Năm Góc đã loan báo gởi thêm 3.000 lính Mỹ tăng viện, và kêu gọi NATO tăng cường lực lượng cho RS. Chiến dịch RS chủ yếu nhằm huấn luyện cho quân đội Afghanistan, song song đó phía Mỹ tung ra những chiến dịch chống lại các nhóm Hồi giáo.
Đây là chuyến thăm Kaboul thứ hai của tướng Mattis, sau khi ghé Ấn Độ. Chính quyền Donald Trump, sau một thời gian dài do dự, vào cuối tháng Tám đã công bố « chiến lược mới » nhằm hỗ trợ cho chính quyền Kaboul đối phó với phe nổi dậy Hồi giáo, cho rằng nếu Mỹ rút quân thì điều này sẽ « tạo ra một khoảng trống cho bọn khủng bố lợi dụng ».
Quân đội chính quy Afghanistan đang lùi bước trước phe Taliban và đã bị mất hơn một phần ba lãnh thổ, hiện phải tập trung quân số để giữ an ninh xung quanh các thành phố. Theo một báo cáo Mỹ, tổn thất nhân mạng của Afghanistan trong năm 2016 đã tăng lên đến mức « không thể chịu nổi » là 35%, với gần 7.000 lính và cảnh sát bị tử trận, trên 12.000 người bị thương. Phía chính quyền Afghanistan thì không bao giờ tiết lộ con số thương vong.
Cũng trong hôm nay, sáu quả đạn rocket đã rơi xuống gần phi trường quốc tế Kaboul nhưng không gây ra thiệt hại nào. Ban đầu được cho là từ quân Taliban, phe này có thói quen từ những ngọn đồi kế cận hướng rocket vào thủ đô Kaboul, và thường bắn trật. Tuy nhiên tin giờ chót cho biết tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã nhận trách nhiệm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170927-lanh-dao-lau-nam-goc-va-nato-tham-afghanistan
Ngoại trưởng Mỹ, Cuba
trao đổi “thẳng thắn” các vụ tấn công thính giác
Hôm qua, 26/09/2017, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tiếp đồng nhiệm Cuba Bruno Rodriguez Parilla. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, hai vị Ngoại trưởng đã có cuộc trao đổi “kiên quyết và thẳng thắn” về các vụ “tấn công thính giác” mà cho tới nay vẫn còn bí ẩn, nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, trong cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Cuba, ông Tillerson đã nhấn mạnh tính chất nhiêm trọng của những vụ tấn công thính giác bí ẩn đó và nhắc lại rằng phía chính quyền La Habana có nghĩa vụ bảo vệ các nhân viên đại sứ quán Mỹ và thân nhân của họ chiếu theo Công ước Genève về ngoại giao.
Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cuba khẳng định cuộc trao đổi giữa hai Ngoại trưởng Mỹ Cuba đã diễn trong “một bầu không khí tôn trọng”. Phát ngôn viên này cho biết Ngoại trưởng Parrilla đã nói với Ngoại trưởng Tillerson rằng nhà chức trách Cuba đã xử lý vụ này một cách nghiêm túc, nhanh chóng và chuyên nghiệp, mở điều tra ngay từ đầu và đã thi hành những biện pháp bổ sung để bảo vệ các nhân viên sứ quán Mỹ và thân nhân của họ.
Ít nhất 21 nhân viên sứ quán Mỹ ở La Habana hoặc thân nhân của họ bị “tấn công thính giác”, đến mức nhiều người trong số họ đã được đưa về nước để điều trị. Một số nạn nhân của những vụ “tấn công thính giác” này bị những triệu chứng như tổn thương nhẹ ở não, mất thính giác vĩnh viễn, chóng mặt, nhức đầu….
Tại Liên Hiệp Quốc vào tuần trước, Ngoại trưởng Cuba đã khẳng định rằng họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên những triệu chứng đó của các nhà ngoại giao Mỹ, hàm ý rằng La Habana không có “bằng chứng” rằng đó là những vụ tấn công thính giác. Hôm qua, một quan chức bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhìn nhận rằng họ vẫn chưa có câu trả lời về nguyên nhân của những vụ này và phía Hoa Kỳ đang tiếp tục điều tra.
Gần đây, Ngoại trưởng Tillerson đã tuyên bố rằng việc đóng cửa sứ quán Mỹ ở Cuba, được mở lại năm 2015 sau nửa thế kỷ cắt đứt bang giao, hiện đang được “nghiên cứu”.
Mỹ: Donald Trump hứa
“giải quyết” khủng hoảng Bắc Triều Tiên
Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên với việc ban hành những biện pháp trừng phạt mới và đưa ra những lời cáo buộc mới, tuy Washington khẳng định vẫn muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Hôm qua, 26/07/2017, trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Tây Ban Nha tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố là Hoa Kỳ “hoàn toàn sẵn sàng” cho việc sử dụng “phương án quân sự”, cho dù “đây không phải là phương án ưu tiên của chúng tôi”.
Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích những người tiền nhiệm của ông đã không giải quyết khủng hoảng này cách đây vài năm, khi còn “rất dễ”. Ông Trump hứa : “ Nhưng tôi sẽ giải quyết chuyện đó”. Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố là Washington sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và hy vọng con đường này sẽ giúp chấm dứt khủng hoảng.
Tuy nhiên, hôm qua (26/09), trên mạng Twitter, tổng thống Trump lại cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng đã “tra tấn tàn bạo quá sức tưởng tượng” sinh viên Mỹ Otto Warmbier. Bị bắt giam ở Bắc Triều Tiên từ tháng 01/2016, sinh viên 22 tuổi này đã qua đời tháng 6 vừa qua, một tuần sau khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê.
Bên cạnh đó, bộ Tài Chính Mỹ hôm qua loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 8 ngân hàng Bắc Triều Tiên và 26 công dân Bắc Triều Tiên, bị xem là tham gia vào việc tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đó là những ngân hàng và cá nhân hoạt động ở Trung Quốc, Nga, Libya và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập.
Những biện pháp nói trên được ban hành trong khuôn khổ sắc lệnh mà tổng thống Trump ký vào tuần trước tại New York vào lúc đang diễn ra kỳ họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, trước một ủy ban Thượng Viện Mỹ hôm qua, tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, cho rằng chẳng bao lâu nữa, Bắc Triều Tiên sẽ có tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để chủ yếu thảo luận về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau khi cáo buộc Trung Quốc đã không gây đủ áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng, hôm qua, tổng thống Trump đã khen ngợi Bắc Kinh về việc đã cắt đứt mọi quan hệ về ngân hàng với Bắc Triều Tiên, một điều “không ai dám nghĩ tới” chỉ cách đây hai tháng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170927-khung-hoang-hat-nhan-hoa-ky-gia-tang-ap-luc-len-binh-nhuong