Tin khắp nơi – 27/08/2018
Ông Mike Pompeo hủy bỏ chuyến đi Bắc Hàn
ảnh hưởng đến Văn Phòng Liên Lạc Liên Triều
Seoul, Nam Hàn — Hôm Thứ Hai (27/8), ông Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của văn phòng tổng thống Nam Hàn, cho biết việc hủy bỏ đột ngột chuyến đi Bắc Hàn của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đang gây ảnh hưởng tới kế hoạch Văn Phòng Liên Lạc Liên Triều, vốn dự kiến mở cửa vào tháng này.
Hôm Thứ Sáu 24/08, Tổng thống Trump bất ngờ ra lệnh hủy bỏ chuyến đi đến Bắc Hàn của Ngoại Trưởng Mike Pompeo. Đây là lần đầu tiên ông Trump công nhận rằng nỗ lực thúc đẩy Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình nguyên tử gần như không có tiến triển.
Nam Hàn đã xây dựng một văn phòng liên lạc ngay trên biên giới với Bắc Hàn, nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Việc mở văn phòng này gây ra nhiều tranh cãi và lo lắng, bởi vì việc chuyển giao tài liệu cho văn phòng, có thể vi phạm các điều khoản cấm vận của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn. Phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Nam Hàn một lần nữa khẳng định rằng, tất cả tài liệu cho văn phòng liên lạc, chỉ nhằm mục đích dùng cho hoạt động của văn phòng, và tạo ra sự tiện lợi cho nhân viên Nam Hàn, chứ không hề mang lại lợi ích kinh tế cho Bình Nhưỡng.
Phát ngôn viên Kim Eui-kyeom cho biết một trong những lý do mở văn phòng liên lạc là để hỗ trợ các sự kiện diễn ra suôn sẻ, bao gồm cả chuyến thăm Bắc Hàn của ông Pompeo, và sau đó là hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới. Tình huống mới xuất hiện khiến chính phủ cần xem xét lại việc mở cửa văn phòng liên lạc liên Triều. Đây không phải vấn đề chính phủ Nam Hàn có thể tự quyết định, mà cần phải thảo luận với miền Bắc. (Mộc Miên)
Hoa Kỳ tổ chức quốc tang cho John McCain
Hoa Kỳ treo cờ rủ từ ngày 26/08/2018 ngay sau khi được tin thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain qua đời, thọ 81 tuổi. Giống như hai cố tổng thống John F. Kennedy và Ronald Reagan, nhà hoạt động dân chủ Rosa Park và một số thượng nghị sĩ nổi tiếng, linh cữu của người hùng chiến tranh John McCain sẽ được quàn tại tòa nhà Quốc Hội ở Washington.
Đám tang của thượng nghị sĩ John McCain được tổ chức ra sao ? Ông có công lao như thế nào để linh cữu có vinh dự được quàn tại tòa nhà Quốc Hội ?
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần giải thích :
Nhà báo Phạm Trần_John McCain_27.08.201827/08/2018Nghe
Bắt đầu từ thứ Tư này (29/08), tại tiểu bang Arizona, nơi mà ông là đại diện cho dân chúng, vừa là dân biểu vừa là thượng nghị sĩ gần 40 năm trời và ông là người rất nổi tiếng ở tiểu bang đó, họ sẽ tổ chức một lễ tang tại văn phòng ở thủ đô bang Arizona. Tất nhiên là những viên chức của chính phủ địa phương và người dân sẽ đến đó để truy điệu, bày tỏ lời cảm ơn sự đóng góp và sự giúp đỡ của ông thượng nghị sĩ John McCain cho dân chúng của tiểu bang Arizona.
Một điều đặc biệt khác là trong buổi lễ đó, ông cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, là người của đảng Dân Chủ, sẽ đọc một bài điếu văn. Lý do ông Joe Biden được mời là vì ông là bạn rất thân của ông John McCain tại Thượng Viện trong mấy chục năm trời.
Linh cữu quàn tại tòa nhà Quốc Hội ở Washington
Sau buổi lễ ở tiểu bang Arizona, quan tài của ông John McCain sẽ được di chuyển đến Thánh đường đạo Tin Lành của thành phố đó (Phoenix) để làm lễ truy điệu ông. Ngay sau đó, lĩnh cữu sẽ được di chuyển về Washington. Vào thứ Sáu (31/08), quan tài của ông sẽ được quàn tại tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ.
Lý do mà ông thượng nghị sĩ John McCain được quàn tại đó là vì công lao đóng góp cho nước Mỹ của ông, vì ông là một anh hùng trong cuộc chiến tranh của Việt Nam. Người Mỹ rất quý mến và tôn trọng ông.
Hơn nữa, ông là một trong những lãnh tụ của đảng Cộng Hòa, là cựu ứng cử viên tổng thống hai lần. Rất tiếc là ông không đắc cử tổng thống, nhưng ông là một người đấu tranh cho nước Mỹ, luôn luôn bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Ông đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên quyền lợi cá nhân. Ông cũng là người hợp tác rất chặt chẽ với đảng Dân Chủ đối lập khi cần thiết để thông qua những đạo luật có lợi cho người dân và nước Mỹ.
Thành ra, ông là một trong mười ba thượng nghị sĩ trong lịch sử nước Mỹ được đặt quan tài tại tòa nhà Quốc Hội. Đó là một điều rất đặc biệt !
Mời hai cựu « đối thủ » tranh cử tổng thống Mỹ đọc điếu văn
Sau ngày thứ Sáu, quan tài của ông sẽ được chuyển đến Thánh đường của thành phố Washington, gọi là Thánh đường Quốc gia, vào thứ Bẩy 01/09. Tại đó, có hai vị cựu tổng thống đặc biệt, là một Cộng Hòa, một Dân Chủ : George W. Bush và Barack Obama, sẽ đọc điếu văn.
Ông John McCain khi còn sống đã ngỏ ý muốn hai vị này đọc điếu văn và phát biểu tại đám tang của ông. Gia đình của thượng nghị sĩ John McCain đã xác nhận điều đó.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không được mời dự tang lễ
Có một điều đặc biệt khác nữa, lần đầu tiên trong lịch sử đương đại của Hoa Kỳ, vị tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng Hòa, tức là ông Donald Trump, cùng đảng với ông John McCain, thì chính cá nhân ông John McCain đã không muốn mời ông Donald Trump dự lễ tang của ông. Thành ra, gia đình ông John McCain phải theo lời dặn của ông John McCain. Tuy nhiên, phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ dự lễ tang.
Báo chí, dư luận Mỹ cho đây là một thông điệp rất cá nhân nhưng cương quyết, không thay đổi quan điểm và lập trường của thượng nghị sĩ John McCain đối với những việc làm của tổng thống Donald Trump. Vì chính ông Donald Trump, trong thời gian tranh cử và sau khi đắc cử, đã có những lời lẽ không tốt đẹp đối với cá nhân John McCain. Một trong những lời nói đó là không nhìn nhận thượng nghị sĩ John McCain là một anh hùng của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Yên nghỉ bên đồng đội Chuck Clarkson
Cuối cùng, đến Chủ Nhật 02/09, quan tài của ông sẽ được đưa đến trường Hải Quân Hoa Kỳ, tại thành phố Annapolis. Đây là nơi ông được đào tạo và cũng là nơi bố và ông nội của ông cũng được đào tạo trở thành sĩ quan, tư lệnh của Hải Quân Mỹ. Tại đó cũng sẽ có một buổi lễ của Hải Quân Hoa Kỳ, đặc biệt dành cho các vị cựu sĩ quan tốt nghiệp trường này. Sau đó ông sẽ được mai táng tại nghĩa trang của Hải Quân Mỹ, ngay tại trường Hải Quân.
Ông John McCain muốn khi qua đời sẽ được chôn bên cạnh người bạn thân quý của ông, cũng là một đồng đội, đồng thời cũng học chung với ông, đó là tư lệnh Chuck Clarson.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180827-hoa-ky-to-chuc-quoc-tang-thuong-nghi-si-john-mccain
Xả súng ở Florida:
3 người chết, gồm cả hung thủ
Các quan chức của thành phố Jacksonville, Florida, cho biết một kẻ mang súng đã bắn chết hai người và làm bị thương ít nhất chín người trước khi tự sát tại một sự kiện trò chơi điện tử hôm 26/8.
Vụ tấn công xảy ra bên trong một nhà hàng ở Jacksonvilled Landing, một khu vực giải trí được nhiều người yêu thích bên bờ sông với nhiều cửa hàng và nhà hàng trong khu vực trung tâm của thành phố.
Cảnh sát trưởng của Jacksonville, ông Mike Williams nói tại thời điểm xảy ra vụ xả súng có rất nhiều người đang ở bên trong nhà hàng pizza, nơi tổ chức cuộc thi trò chơi điện tử “Madden NFL 19.”
Ông Williams nói các nhà điều tra vẫn đang tìm hiểu động cơ của vụ tấn công.
Cho tới lúc này, giới chức cảnh sát Jacksonville này nói nhà chức trách tin rằng nghi phạm hành động một mình là David Katz, 24 tuổi, người ở thành phố Baltimore thuộc tiểu bang Maryland, và hung thủ sử dụng một súng ngắn.
Ông Williams nói nghi phạm tới Jacksonville để tham gia cuộc thi, và cho đến giờ vẫn chưa rõ liệu hung thủ trước đó có biết các nạn nhân hay không.
Mười một người hoặc là được đưa hoặc tự đi đến bệnh viện, trong đó có chín người bị thương do trúng đạn và hai người khác bị thương trong khi tìm cách tránh đạn.
Bệnh viện UF Health Jacksonville cho biết trung tâm cấp cứu của họ nhận sáu người bị thương và cho tới tối ngày 26/8, bốn trong số họ đã được ra viện. Một người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch và người còn lại trong tình trạng ổn định.
Thống đốc bang Florida Rick Scott nói rằng ông đã hứa với Thị trưởng Lenny Curry và những quan chức khác ở Jacksonville sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết. Ông cũng nói rằng Tổng thống Donald Trump đã gọi điện và sẽ cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cấp liên bang mà tiểu bang này cần sau vụ xả súng.
Ông Trump không đưa ra tuyên bố nào về vụ tấn công. Thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders nói Nhà Trắng đang theo dõi sự việc này.
EA Sports, công ty làm ra trò chơi điện tử “Madden”, nói họ vô cùng choáng váng trước vụ tấn công.
“Tấn bi kịch xảy ra hôm Chủ nhật tại Jacksonville là một hành động bạo lực vô cảm mà chúng tôi kịch liệt lên án,” EA Sports nói trong một thông cáo. “Chúng tôi gửi những lời thương cảm chân thành nhất tới gia đình của các nạn nhân, những người đã bị lấy đi mạng sống và cả những người bị thương.”
https://www.voatiengviet.com/a/xa-sung-o-florida-3-nguoi-chet-gom-ca-hung-thu/4545961.html
Liên Hiệp Quốc đòi truy tố
tổng tư lệnh quân đội Miến Điện
Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc thỉnh cầu Hội Đồng Bảo An kêu gọi Toà Án Hình Sự Quốc Tế truy tố, hoặc thành lập Toà án đặt biệt để truy tố tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và 5 tướng lãnh khác về ba trọng tội : diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại » trong vụ truy bức sắc tộc Rohingya, khiến hơn 700.000 người Hồi giáo chạy sang Bangladesh tị nạn.
Theo bản báo cáo công bố ngày 27/08/2018 tại Genève, Ủy Ban thiết lập sự thật tại ba bang Rakhin, Kachin và Shan đề nghị như sau : các tướng lãnh quan trọng của Miến Điện, kể cả tổng tư lệnh liên quân Min Aung Hlaing, phải bị điều tra và truy tố về hành động « diệt chủng » của họ ở bang Rakhin và « tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại » ở Kachin và Shan.
Theo ủy ban điều tra, do Hội Đồng Nhân Quyền thành lập năm 2017, « có đủ thông tin…. để điều tra trách nhiệm của cấp chỉ huy quân đội Miến Điện, để trả đũa một vụ tấn công đồn biên giới, đã mở một chiến dịch lớn huy động nhiều sư đoàn truy bức cộng đồng Rohingya nhằm « thay đổi cấu trúc dân số » tại bang Rakhin và kích động hận thù giữa người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi.
Cũng theo các nhà điều tra, lãnh đạo dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Syi cũng bị chỉ trích là « không sử dụng vị thế tổng thống đương nhiên và uy tín đạo đức » để ngăn chận quân đội can thiệp thô bạo. Tuy nhiên, Ủy ban Liên Hiệp Quốc nhìn nhận « chính quyền dân sự không có đủ thẩm quyền để kiểm soát quân đội » và Ủy ban không thấy bằng cớ chính phủ dân sự tham gia trực tiếp hay góp phần vào kế hoạch diệt chủng ».
Do bị cấm vào Miến Điện quan sát hiện trường, Ủy ban điều tra dựa vào các hình ảnh vệ tinh và các cuộc thẩm vấn 857 nhân chứng.
Thông tin do các nhân chứng cung cấp nói đến con số 10.000 người chết, nhưng theo AFP, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới tỏ ra thận trọng về con số này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180827-rohingya-lien-hiep-quoc-doi-truy-to-tu-lenh-quan-doi-mien-dien
Giáo hoàng Phanxicô bị cáo buộc
bao che lạm dụng tình dục
Tổng giám mục Carlo Maria Vigano, cựu sứ thần Vatican tại Washington, ngày 26/08/2018 đã công bố một bức thư dài 11 trang cáo buộc giáo hoàng Phanxicô đã có hành vi bao che tội lạm dụng tình dục của một hồng y người Mỹ. Vị tổng giám mục này kêu gọi giáo hoàng từ chức.
Từ Vatican, thông tín viên Eric Sénanque cho biết:
Trong bức thư dài 11 trang, Tổng giám mục Carlo Maria Vigano tiết lộ rằng ngay sau khi nhậm chức vào năm 2013, giáo hoàng Phanxicô đã biết về những cáo buộc đối với hồng y Theodore McCarrick. Trước đó, giáo hoàng Phanxicô đã từng có ý định để hồng y McCarrick làm một trong những cố vấn thân cận.
Tổng giám mục Carlo Maria Vigano cho rằng Giáo hoàng Phanxicô đã “chung tay làm điều ác với một người mà ông biết quá rõ là kẻ đồi bại”, đồng thời giáo hoàng phải công nhận những sai lầm của mình và từ chức.
Với giọng điệu cảnh báo, bức thư này là có vẻ là một hành động thanh toán nội bộ với các cấp lãnh đạo giáo triều Roma. Theo tổng giám mục Vigano, nhiều giám mục, hồng y, và lãnh đạo các bộ của Tòa thánh Vatican nhiều năm nay đã biết và bao che cho hành vi này.
Nhưng đằng sau các lời cáo buộc này, có nhiều câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn như: tại sao vị tổng giám mục lại viết lá thư này, và tại sao ông lại công bố lá thư vào thời điểm này ?
Tại Vatican, nhiều người đều biết Tổng giám mục Vigano trước đây đã không chấp nhận việc ông bị gạt sang một bên, phải sang làm sứ thần ở Washington và lá thư là hành động của một người không còn gì để mất.
Còn một điều đáng nói, đó là việc bức thư này được đăng bằng tiếng Ý và tiếng Anh, và nó được rất nhiều người biết đến ở Hoa Kỳ, nơi có những người phản đối giáo hoàng Phanxicô kịch liệt nhất, chẳng hạn như hồng y Raymond Burke, rất thân cận với cựu sứ thần. Một số chuyên gia về Tòa thánh không ngần ngại cho rằng đây là một mưu đồ lật đổ giáo hoàng Phanxicô.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180827-giao-hoang-phanxico-bi-cao-buoc-bao-che-lam-dung-tinh-duc
Peru: Người tị nạn Venezuela
phải trình hộ chiếu
Kể từ thứ Bảy, 25/08/2018, những người di dân từ Venezuela muốn vào thành phố Tumbes sẽ phải trình hộ chiếu mới được cho phép nhập cảnh tại Peru. Tuy chính quyền Peru vẫn chấp thuận một số trường hợp đặc biệt, như trẻ em, người già, hoặc phụ nữ có thai, số người di dân từ Venezuela đã giảm bớt.
Thông tin viên Eric Samson cho biết thêm chi tiết:
24 giờ trước khi luật nhập cảnh mới đi vào hiệu lực, số người di dân được cho phép nhập cảnh vào Peru đã giảm phân nửa, từ 5.000 người cách đây 3 tuần xuống còn 1.630 người vào thứ Bảy. Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng những người chỉ mang theo thẻ căn cước mà không mang hộ chiếu sẽ tìm cách vượt biên trái phép. Tuy vậy, bà Raquel Alvarez, thuộc Tổ chức Dòng Tên Encuentros, cho rằng vẫn còn có kế hoạch dự phòng.
Bà Raquel cho biết:”Chúng tôi xác định các trường hợp gia đình hoặc cá nhân cần sự bảo vệ của quốc tế. Nếu chúng tôi thấy ai bị đe dọa tại Venezuela, chúng tôi sẽ cho họ mọi thông tin cần thiết để làm giấy tờ xin tị nạn tại Peru.”
Ngoài ra, trẻ em, phụ nữ mang thai, và người già vẫn sẽ được nhập cảnh, kể cả khi không có hộ chiếu. Chính quyền Peru đang cân nhắc khả năng nhận thêm người tị nạn với một số điều kiện. Đây cũng là mong ước của ông Luis Alberto Torres, một luật sư người Venezuela chạy tị nạn.
Ông nói : ”Suốt năm 2017, sức khỏe của tôi suy sụp trầm trọng do đói và thiếu dinh dưỡng lâu ngày. Tôi không có gì để ăn ngoài khoai và ớt. Tôi sụt nhiều cân đến nỗi không thể đặt nổi mông lên ghế”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180827-tai-peru-nguoi-ti-nan-venezuela-phai-trinh-ho-chieu
Tổng thống Pháp:
Châu Âu không nên dựa vào Mỹ để tự vệ
Chính sách đối ngoại của Pháp được tổng thống Emmanuel Macron phác họa trong buổi nói chuyện với các đại sứ Pháp tại điện Elysée vào sáng nay 27/08/2018. Củng cố Châu Âu và nỗ lực phòng thủ chung là trọng tâm của hoạt động ngoại giao Pháp trong những tháng tới.
Theo AFP, là người gắn bó với chính sách đa phương, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến các mục tiêu được xem là ưu tiên số một: Ngân sách cho vùng Euro, an ninh quốc phòng chung và chính sách di dân nhập cư.
Được khen ngợi như một “người hùng cứu rỗi” châu Âu, tham vọng to lớn của tổng thống Macron co lại sau một năm lãnh đạo, do đụng phải thái độ thụ động ích kỷ của một số thành viên Liên Hiệp Châu Âu và nhất là các chính phủ dân túy. Ngay đồng minh của ông là thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị suy yếu vì bị công kích từ nội bộ.
Về quốc phòng, tổng thống Macron kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu từ nay không nên quá dựa vào Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền. Trái lại, châu Âu cần phải tăng cường khả năng phòng thủ chung. Không chỉ rõ đối thủ tiềm tàng, nhưng tổng thống Pháp đề xướng « kéo cả nước Nga » vào chiến lược này, với điều kiện « đạt được tiến bộ » trên hồ sơ Ukraina.
Về tình hình Trung Đông, thông điệp của tổng thống Pháp là « Paris không có vai trò chỉ định người lãnh đạo tương lai của Syria » nhưng duy trì Bachar al Assad sẽ là một « sai lầm thảm khốc. Ai đã làm cho hàng triệu người đi tị nạn? Ai đã thảm sát người dân của chính mình?»
Thượng đỉnh Mỹ, Châu Âu, Nga và Nhật Bản tại Paris
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đe dọa kinh tế thế giới, tổng thống Pháp mời lãnh đạo Mỹ, Nga, Nhật và các nước châu Âu họp tại Paris vào tháng 11 tới, bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến để bàn thảo về việc cải cách tổ chức Thương Mại Thế Giới. Khoảng 80 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ được mời dự lễ kỷ niệm 100 năm đình chiến.
http://vi.rfi.fr/phap/20180827-tong-thong-phap-chau-au-khong-nen-dua-vao-my-de-tu-ve
Trung Quốc: Đảng Cộng Sản siết chặt kỷ luật
Mọi đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị khai trừ nếu tuyên truyền tin đồn chính trị hoặc đi theo một tôn giáo nào đó. Công văn được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố ngày 26/08/2018, nhưng trên thực tế đã có hiệu lực từ ngày 18/08, nhằm tăng cường kỷ luật trong nội bộ đảng.
Công văn ghi rõ vài chục quy định mới hoặc đã được áp dụng, theo đó đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc bị cấm thể hiện bất đồng về các quyết định của Đảng, cũng như « lan truyền tin đồn hoặc làm hại đến sự đoàn kết » của Đảng.
Theo một quy định mới, « đảng viên và lãnh đạo của Đảng phải trung thực và phải chống lại mọi lạm dụng quyền lực hoặc hành vi nhằm thu lợi cá nhân ». Ngoài ra, mọi đảng viên phải từ bỏ tín ngưỡng, « nếu không thay đổi nhờ sự trợ giúp và giáo dục mà đảng chủ trương, họ sẽ bị buộc rời khỏi đảng ». Mọi đảng viên bóp méo lịch sử đất nước, cũng như lịch sử đảng và quân đội, sẽ bị trừng phạt.
Đối với các vụ vi phạm nghiêm trọng nhất, đảng viên có thể bị truy tố trước pháp luật, nhưng phần lớn phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn, đó là bị khai trừ khỏi đảng.
Theo Reuters, tên của chủ tịch Tập Cận Bình gắn liền với những biện pháp mới này. Trước đó, tên của ông Tập cũng từng được ghi vào Hiến Pháp Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180827-trung-quoc-dang-cong-san-xiet-chat-ky-luat
Bắc Hàn thả du khách Nhật vì ‘nhân đạo’
Bắc Hàn cho biết đã trả tự do cho một du khách Nhật vì lý do nhân đạo.
Bắc Hàn không nói rõ khi nào ông Tomoyuki Sugimoto được tự do, nhưng việc phóng thích tù nhân thường xảy ra ngay sau một tuyên bố như vậy.
Bắc Hàn không nói cụ thể vì sao bắt giữ người này, chỉ cho biết ông ta phạm tội.
Truyền thông Nhật trong khi đó nói rằng có thể người này bị bắt vì quay phim một căn cứ quân sự.
Trump hủy chuyến đi Bắc Hàn của Ngoại trưởng Pompeo
Dân Nam, Bắc Hàn sẽ đoàn tụ trong xúc động
Bắc Hàn lại ‘triển khai tên lửa mới’
Khách du lịch tới Bắc Hàn luôn luôn bị theo dõi về mọi mặt.
Đất nước bí hiểm này trước đây thường bỏ tù du khách, đôi khi vì những lý do tùy tiện, và sử dụng họ như những công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán với chính phủ của họ.
Một trong những du khách bị Bắc Hàn bắt đáng chú ý nhất là Otto Warmbier, sinh viên Mỹ, vì ăn trộm một tấm biển tuyên truyền ở một khách sạn.
Anh Otto Warmbier sau đó cũng được thả với lý do nhân đạo, nhưng trở về Mỹ trong tình trạng sức khỏe tồi tệ, và qua đời chỉ ít ngày sau đó. Ông Sugimoto, được cho là ngoài 30, được cho là đã bị giam giữ trong khi đi cùng một nhóm du khách Nampo, phía bờ tây.
Nampo – hoặc Nanpo – được biết đến là nơi có căn cứ hải quân và nhà máy sản xuất vũ khí.
Thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn cho biết ông Sugimoto đã bị “giám sát bởi một tổ chức liên quan để điều tra về hành vi phạm tội”.
Nhưng giới chức đã quyết định “tha thứ cho ông” và trục xuất ông “trên nguyên tắc nhân đạo”.
Bắc Hàn và Nhật Bản không có bất cứ quan hệ ngoại giao nào.
Bắc Hàn từng nhiều lần sử dụng các đường bay qua lãnh thổ Nhật Bản để thử tên lửa – các hành động bị Tokyo lên án.
Cùng với việc yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, Nhật Bản đã nhiều lần thúc giục Bắc Hàn đưa thông tin về các công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Các công dân Nhật Bản bị bắt Bắc Hàn bắt cóc trong những năm 1970 và 80 để phục vụ việc đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản.
Nhật Bản đã nhấn mạnh rằng có thể không có tiến bộ nào trong cứu trợ hay cấm vận Bắc Hàn cho đến khi vấn đề được giải quyết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45318542
Mỹ-Triều: Bình Nhưỡng tố Washington “lừa dối”
Quan hệ Mỹ-Triều căng thẳng trở lại. Hai ngày sau khi Washington hủy chuyến đi của ngoại trưởng Mike Pompeo vào giờ chót, cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên hôm chủ nhật 26/08/2018 cáo buộc Hoa Kỳ « dối trá » và « âm mưu gây tội ác ».
Từ Séoul,thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình:
Bắc Triều Tiên cáo buộc lực lượng đặc biệt Mỹ đồn trú tại Nhật Bản tổ chức tập trận trên không giả định một cuộc đột kích thủ đô Bình Nhưỡng. Rodong Sinmun còn cho rằng nhiều toán biệt kích đã được tàu ngầm đưa đến Hàn Quốc.
Tờ báo của đảng Lao động Bắc Triều Tiên kết luận là không thể nào « tin tưởng vào thái độ nước đôi của Mỹ, luôn luôn tổ chức những âm mưu bí mật sử dụng những toán đặc công sát nhân, trong lúc ngoài mặt vui vẽ, tươi cười ».
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, một cựu đô đốc hải quân, khẳng định là ông không nghe nói là có những cuộc tập trận như cáo buộc của Bình Nhưỡng.
Qua những cáo buộc trên, chế độ Bắc Triều Tiên làm cho tình hình căng thẳng thêm sau khi chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mỹ bị hủy bỏ. Từ nhiều tháng nay, cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên không đạt được một tiến triển nào. Bình Nhưỡng muốn ký một hiệp định hoà bình, nhưng Washington đòi hỏi phải có những biện pháp cụ thể dẹp bỏ các cơ sở hạt nhân trước đã.
Seoul muốn tỏ ra lạc quan. Hôm chủ nhật, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận với đồng minh Hoa Kỳ để « duy trì » đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Seoul muốn khởi động lại các dự án hợp tác với miền Bắc và trong chiều hướng này, tổng thống Moon Jae In sẽ sang thăm Bình Nhưỡng trong tháng 9.
Quan hệ liên triều bị ảnh hưởng
Diễn biến mới và gây căng thẳng này « tác động đến một dự án » của Hàn Quốc. Theo tuyên bố của phát ngôn viên phủ tống thống Kim Eui-kyeom, « rất có thể » kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Kaesong sẽ bị dời lại chưa biết đến khi nào.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180827-my-trieu-binh-nhuong-to-washington-%C2%AB-lua-doi-%C2%BB
Hai phóng viên Reuters ở Myanmar chờ phán quyết
Hai nhà báo Reuters ghi lại vụ thảm sát người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar chờ nghe phán quyết việc họ có bị tù vì vi phạm luật bí mật nhà nước hay không.
Một quan chức cho biết bản án, dự kiến công bố hôm 27/8, sẽ được đưa ra vào ngày 3/9, do thẩm phán ‘không được khỏe’.
Wa Lone và Kyaw Soe Oo, người Myanmar, phóng viên của hãng Reuters, bị bắt vào tháng 12/2017 khi mang theo các tài liệu bí mật được cảnh sát cung cấp.
Họ phải đối mặt với 14 năm tù nếu bị kết tội. Nhưng cả hai phủ nhận mọi cáo buộc.
Luật sư của hai nhá báo nói rằng họ sẽ được tự do “nếu nền tư pháp tự do và công bằng”.
Nhà báo Wa Lone nói rằng công việc của họ tuân thủ mọi đạo đức truyền thông.
Reuters công bố cuộc điều tra thảm sát người Rohingya
Nghị sĩ ASEAN đòi ICC ‘điều tra Myanmar’
‘Suu Kyi chắc chẳng hiểu nỗi đau của Rohingya’
“Chúng tôi đã cố gắng nói sự thật dựa trên tình hình thực tế”, ông phát biểu trước đó.
Bản án được đưa ra sau một năm kể từ cuộc khủng hoảng kéo dài ở bang Rakhine, khi một nhóm chiến binh Rohingya tấn công các đồn cảnh sát ở Myanmar gây nhiều thương vong.
Quân đội phản pháo bằng một chiến dịch chết chóc quy mô lớn nhắm vào người Rohingya.
Điều gì đã xảy ra với các nhà báo?
Hai nhà báo Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Myanmar vào ngày 2/9/2017.
Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo lực, đến một bãi biển – nơi họ bị biệt riêng ra và giết chết.
Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng – là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn chết.Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát – những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát.
Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.
Họ bị buộc tội “sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine”. Cảnh sát cho biết thông tin đã được “mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài”.
Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Myanmar dàn xếp vì muốn trừng phạt họ do đã đưa tin về vụ thảm sát.
“Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ,” Wa Lone nói tại tòa tuần trước.
Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45318543
Malaysia cấm dự án TQ
bán nhà cho người nước ngoài
Thủ tướng Malaysia hôm thứ Hai tuyên bố các bất động sản thuộc dự án phát triển khổng lồ ở miền nam nước này không được phép bán cho người nước ngoài.
Ông Mahathir Mohamad nói người nước ngoài sẽ không được cấp visa để sống tại dự án Forest City nằm ở cực nam đất nước.
Tuyên bố được coi là lời đe dọa nghiêm trọng tới chiến lược marketing của dự án, Reuters bình luận.
Việt Nam: Bất động sản cao cấp ‘hấp dẫn ở châu Á’
Người Trung Quốc ‘ồ ạt mua nhà giá rẻ ở VN’
NZ cấm người nước ngoài mua nhà
Được khởi động từ 2014, dự án trị giá 100 tỷ đô la Mỹ được quản lý, điều hành bởi Country Garden Pacific View Sdn Bhd (BGPV), một liên doanh giữa tập đoàn của Trung Quốc, Country Garden Group đóng tại Quảng Đông và được niêm yết trên thị trường Hong Kong, với đối tác địa phương Esplanade Danga 88 Sdn Bhd.
Dự án nhằm tạo ra một thành phố mới nằm trên các đảo nhân tạo gần với Singapore, phục vụ được 700 ngàn người.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Mahathir Mohamad lên tiếng phản đối kế hoạch của nhà phát triển Trung Quốc, mà có lẽ là lần ông gây thiệt hại lớn nhất cho họ.
Dự án từ trước tới nay đã luôn nhắm đến người nước ngoài như khách hàng tiềm năng.
Trên trang web của dự án, chủ đầu tư tự giới thiệu Country Garden là một “thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc” và là một trong những hãng phát triển bất động sản lớn nhất thế giới.
Forest City được phát triển với tham vọng bốn hòn đảo nhân tạo vươn lên từ vùng nước thuộc Eo biển Tebrau, trải dài trên diện tích 14 cây số vuông và sẽ khiến đường bờ biển của Malaysia trở nên gần với Singapore hơn bao giờ hết, theo bài đăng trên The Diplomat hồi 8/2017 của hai tác giả Sylvain Ourbis và Albert Shaw.
‘Không bán Malaysia cho Trung Quốc’
Một quan chức cao cấp của dự án nói hồi tuần trước rằng ngay trong tuần lễ đầu tiên sau khi vị thủ tướng 93 tuổi thắng cử hồi tháng Năm, nhu cầu hỏi mua căn hộ ở nơi đây đã suy giảm và tâm trạng bất an vẫn kéo dài từ đó tới nay, Reuter nói.
Ông thủ tướng tuyên bố phản đối dự án “bởi nó được thực hiện cho người nước ngoài, không phải cho người Malaysia. Hầu hết người dân Malaysia không có khả năng mua những căn hộ đó.”
Country Garden Pacificview nói rằng những bình luận của bác sỹ Mahathir có lẽ đã đưa ra không đúng với bối cảnh.
Trong tuyên bố đưa ra chiều hôm thứ Hai, công ty nói rằng họ “đang liên hệ với Văn phòng Thủ tướng để làm rõ” vấn đề trên.
“Những bình luận ngày hôm nay không phản ánh đúng nội dung cuộc họp giữa Thủ tướng Mahathir và nhà sáng lập, đồng thời là chủ tịch của Country Garden Holdings, ngài Yeung Kwok Keung,” tuyên bố nói.
Tuyên bố cũng nói rằng dự án tuân thủ mọi luật lệ, quy định, và có đủ các chấp thuận cần thiết để bán nhà cho người nước ngoài, và nói dự án “không bán Thẻ thường trú (Permanent Residency – PR) cho người nước ngoài mua nhà ở Forest City”.
Các khách hàng Trung Quốc sở hữu khoảng hai phần ba các căn hộ đã được bán ra ở Forest City cho đến nay; 20% thuộc sở hữu của các khách hàng Malaysia, và phần còn lại là các khách hàng từ 22 nước khác, trong đó có Indonesia, Việt Nam và Nam Hàn.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Mohamad đã ‘hãm phanh’ một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn, trong đó có dự án xe lửa East Coast Rail Link và một dự án đường ống khí đốt tự nhiên.
Các kế hoạch nhằm xây dựng đường xe lửa cao tốc nối Kuala Lumpur với Singapore, được cho là đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy giá trị của dự án Forest City, cũng đã bị ngưng lại.
Việc phản đối dự án Forest City đã góp phần tích cực trong chiến dịch vận động tranh cử của bác sỹ Mahathir, là chiến dịch mà ông gọi dự án này cùng các dự án khác do Trung Quốc hậu thuẫn là bằng chứng cho thấy vị thủ tướng tiền nhiệm đang bán Malaysia cho Trung Quốc.