Tin khắp nơi – 27/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 27/07/2018

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật quốc phòng

nhắm vào đầu tư của TQ

Hạ viện Mỹ hôm thứ Năm thông qua một dự luật ủy quyền quốc phòng trị giá 716 tỉ đôla nhắm mục tiêu hạn chế đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ và cấm chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain, cũng phải được Thượng viện phê chuẩn, thông qua ở Hạ viện với tỉ lệ 359-54. Dù dự luật này áp đặt kiểm soát lên các hợp đồng của chính phủ Mỹ với công ty ZTE và Huawei Technologies vì những lo ngại về an ninh quốc gia, song các hạn chế yếu hơn nhiều so với khi chúng được soạn thảo lúc đầu.

Ngoài ra, trong một hành động nhắm mục tiêu phần lớn vào Trung Quốc, dự luật cũng có điều khoản củng cố Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), là cơ quan chuyên thẩm định các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất để cân nhắc xem chúng có khơi ra những lo ngại về an ninh quốc gia hay không.

Nhà Trắng ca ngợi việc Hạ viện thông qua dự luật này, lưu ý rằng nó bao gồm những khoản tăng lương cho binh sĩ của quân đội.

Dự luật có qui mô to lớn này – vốn cần phải có để phê chuẩn các hoạt động quân sự đang diễn tiến – lâu nay vẫn luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng.

Trước đó trong tháng 7, các nhà lập pháp Mỹ đã loại bỏ một số điều khoản khỏi một dự luật quốc phòng mà lẽ ra sẽ khôi phục các chế tài nhắm vào ZTE, từ bỏ một nỗ lực trừng phạt công ty này về chuyện họ vận chuyển trái phép các sản phẩm của Mỹ sang Iran và Triều Tiên.

Các nhà lập pháp lưỡng đảng đã bất đồng với Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump về quyết định của ông vào tuần trước dỡ bỏ lệnh cấm các công ty Mỹ bán hàng cho ZTE, cho phép hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc tiếp tục kinh doanh.

Một sửa đổi được hậu thuẫn bởi hai thượng nghị sĩ Cộng hòa và hai thượng nghị sĩ Dân chủ lẽ ra sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt nhưng đã bị loại khỏi dự luật chính sách quốc phòng vốn cần phải thông qua, các nhà lập pháp cho biết hôm thứ Sáu.

https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-thong-qua-du-luat-quoc-phong-nham-vao-dau-tu-trung-quoc/4501630.html

 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ bác nỗ lực

luận tội quan chức số 2 Bộ Tư pháp

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan hôm thứ Năm bác bỏ một đề xuất của một số nghị sĩ đồng đảng Cộng hòa nhằm luận tội Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, quan chức số 2 của Bộ Tư pháp, người giám sát cuộc điều tra liên bang về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

“Tôi có ủng hộ luận tội Rod Rosenstein không à? Không, tôi không ủng hộ,” ông Ryan nói. Lập trường của ông có thể tạo điều kiện để các nghị sĩ Cộng hòa khác chống đối đề xuất này dễ dàng hơn.

Một nhóm các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện hôm thứ Tư đã giới thiệu các điều khoản luận tội nhằm phế truất ông Rosenstein, leo thang một cuộc chiến liên quan tới cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc liệu ban vận động tranh cử của Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump có bắt tay với Moscow để khuynh đảo cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không.

Dân biểu Jim Jordan và Mark Meadows, hai người thuộc khối các nhà lập pháp bảo thủ trong Hạ viện được gọi là House Freedom Caucus, đã cùng chín nhà lập pháp khác cáo buộc ông Rosenstein che giấu không cho Quốc hội xem thông tin điều tra, không tuân thủ các trát đòi tài liệu của Quốc hội và những hành vi sai trái bị cáo buộc khác.

Sẽ không có hành động nào ngay tức thì sau khi đề xuất này được đệ trình. Theo lịch trình Hạ viện sẽ bắt đầu nghỉ giải lao bắt đầu từ thứ Năm cho tới tháng 9. Một phụ tá của phe Cộng hòa cho biết hai nhà lập pháp trên không tìm cách ép Hạ viện phải hành động nhanh chóng về đề xuất của họ, Reuters cho biết.

Trước đó, cấp trên của ông Rosenstein, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, đã bày tỏ tin tưởng vào năng lực của ông Rosenstein, một công chức chuyên nghiệp.

Ông Sessions đã tự thoái lui khỏi những vụ việc liên quan đến ban vận động Trump, bao gồm cả cuộc điều tra Nga, vào năm ngoái vì ông từng giữ vai trò cố vấn hàng đầu cho ban vận động này.

Ông Rosenstein, quan chức số 2 của Bộ Tư pháp, thường xuyên hứng chịu những lời đả kích từ những người ủng hộ ông Trump vì ông bổ nhiệm ông Mueller tiếp quản cuộc điều tra Nga từ FBI. Tổng thống phủ nhận thông đồng với Moscow và mô tả cuộc điều tra là một cuộc “săn lùng phù thủy” (hàm ý truy bức chính trị). Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-ha-vien-my-bac-no-luc-luan-toi-quan-chuc-so-2-bo-tu-phap/4501392.html

 

Thương mại: Mỹ hòa với châu Âu

 để dồn sức đánh Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Đăng ngày 27-07-2018 Sửa đổi ngày 27-07-2018 15:55

Một hôm sau khi tổng thống Donald Trump loan báo thỏa thuận giảm tranh chấp thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, các quan chức Mỹ  hôm qua, 26/07/2018 đã không che giấu ẩn ý đằng sau điều có thể gọi là cuộc hưu chiến mậu dịch Mỹ-Châu Âu : Đó là ổn định mặt trận châu Âu để có thể tập trung sức lực cho một cuộc chiến gay gắt hơn nhắm vào Trung Quốc.

Theo thỏa thuận bất ngờ giữa tổng thống Mỹ với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm 25/07, Washington sẽ đình chỉ việc áp mọi loại thuế quan mới trên hàng hóa nhập từ châu Âu, kể cả thuế 25% đề nghị trên xe hơi châu Âu. Hai bên cũng sẽ đàm phán về thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu. Đổi lại thì châu Âu sẽ nhập thêm đậu nành và năng lượng từ Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó, một quan chức Nhà Trắng, xin ẩn danh, đã tiết lộ với hãng tin Anh Reuters rằng một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận với châu Âu, là hai bên đã đồng ý liên kết với nhau để giải quyết vấn đề Trung Quốc lạm dụng thị trường : « Họ muốn hợp tác với chúng tôi trên hồ sơ Trung Quốc và muốn giúp chúng tôi cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ».

Theo ghi nhận của Reuters, trong thời gian qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt mức thuế trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, với mục tiêu ngăn chặn đà vươn lên của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đe dọa thế thống trị hiện nay của Hoa Kỳ.

Trong vấn đề này, cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều tố cáo công ty Trung Quốc là đã tìm mọi cách để đánh cắp bí mật của công nghệ của phương Tây.

Do vậy, nếu được duy trì, điều hoàn toàn chưa chắc chắn, thỏa thuận hưu chiến thương mại giữa Mỹ và Châu Âu có thể cho phép cả hai bên tập trung mũi dùi vào Trung Quốc, mà đà vươn lên đe dọa cả hai khối.

Về phía Mỹ, giới lập pháp ở Washington vào hôm qua đã thông qua luật lệ nhằm làm chậm tiến trình Trung Quốc đầu tư vào các công ty Mỹ, còn tại châu Âu, những hồi chuông báo động đã liên tiếp được gióng lên trong thời gian gần đây về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, tin rằng « Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ là đồng minh trong cuộc chiến chống Trung Quốc, nước đã phá vỡ hệ thống thương mại thế giới trong thực tế ». Ông Kudlow khẳng định là chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã nói rõ là ông dự định giúp nước Mỹ và tổng thống Trump trên vấn đề Trung Quốc.

Mới đây, trong nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, ông Trump đã nhân lên gấp bội lượng hàng hóa Trung Quốc mà ông đe dọa áp thuế hải quan, từ 50 tỷ đô la lên mức 450 tỷ đô la, sau khi Bắc Kinh có biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ.

Đối với đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nhân vật phụ trách thương mại hàng đầu của tổng thống Trump, trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Washington không thể để mình bị thua.

Và để giành phần thắng, như vậy là Mỹ có dấu hiệu đang tìm kiếm đồng minh. Sau khi hòa dịu với Liên Hiệp Châu Âu, vào hôm qua, Hoa Kỳ cũng tung tín hiệu tích cực về phía Canada và Mêhicô.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180727-thuong-mai-my-hoan-chien-voi-chau-au-de-don-suc-danh-trung-quoc

 

TT Trump cảm ơn Kim Jong Un

về việc trao trả hài cốt lính Mỹ

Hôm 27/7, Triều Tiên đã chuyển 55 tiểu quách có phủ cờ chứa các hài cốt được cho là của lính Mỹ đã thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên. Theo hãng tin Reuters, đây là đợt trao trả hài cốt đầu tiên kể từ hai lãnh đạo Hoa Kỳ – Triều Tiên gặp nhau vào tháng trước.

Việc hồi hương hài cốt của các binh sĩ Mỹ tham gia chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 đến 1953 được xem như một chiến thắng ngoại giao khiêm tốn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đây là một trong những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6.

Tổng thống Trump viết trên Twitter: “Sau nhiều năm, đây sẽ là một khoảnh khắc tuyệt vời cho rất nhiều gia đình. Cảm ơn ông Kim Jong Un.”

Sau nhiều năm, đây sẽ là một khoảnh khắc tuyệt vời cho rất nhiều gia đình. Cảm ơn ông Kim Jong Un.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết một máy bay vận tải quân sự của Hoa Kỳ đã bay đến một sân bay ở thành phố Wonsan ở đông bắc Triều Tiên để nhận và vận chuyển các hài cốt này đến căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc.

Nhà Trắng cho biết thêm một buổi lễ chính thức để hồi hương các hài cốt sẽ được tổ chức tại thành phố Osan vào ngày thứ Tư 1/8.

Sau đó các hài cốt này sẽ được chuyển đến bang Hawaii để tiếp tục xử lý theo quy định của Cơ quan tìm kiếm Tù binh và Người mất tích (POW/MIA) thuộc Quốc phòng Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-cam-on-kim-jong-un-ve-viec-trao-tra-hai-cot-linh-my/4502302.html

 

Mỹ: 1.800 trẻ nhập cư đoàn tụ với cha mẹ

Quá trình đưa trẻ đoàn tụ với gia đình rất hỗn loạn khi một số em phải quay lại trại chăm sóc tập trung khi phát hiện cha mẹ không còn ở chỗ cũ nữa.

Chính quyền Trump nói đã có 1.800 trẻ nhập cư được về với bố mẹ, nhưng vẫn còn hơn 700 trẻ ‘không đủ điều kiện’ quay về với gia đình.

Trong số được đoàn tụ, 1.442 trẻ được đưa trở lại với cha mẹ trong các trại tập trung dành cho dân nhập cư của Mỹ và 378 trẻ khác được ra khỏi trại.

Nhưng trong số 700 trẻ em không “đủ điều kiện” để được đoàn tụ với cha mẹ, có 431 trẻ là do cha mẹ không còn ở Mỹ.

Giới chức Mỹ đã tách hơn 2.500 trẻ em khỏi cha mẹ – là dân nhập cư không có giấy tờ hợp pháp.

Melania Trump mặc áo ‘Tôi không quan tâm’ đi thăm trẻ nhập cư

Biểu tình phản đối Trump: ‘Gia đình phải ở bên nhau’

Mỹ nới lỏng ‘không khoan nhượng’ với dân di cư

Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ

Vụ ly tán các gia đình gây sốc của chính quyền Trump xảy ra trong bối cảnh ông Trump thắt chặt kiểm soát tình trạng nhập cư ở biên giới Mỹ-Mexico.

Hàng chục trẻ khác vẫn bị tách khỏi cha mẹ do các tình huống rủi ro các em có thể gặp phải nếu quay về với gia đình, theo chính phủ Mỹ.

Thẩm phán liên bang San Diego, Dana Sabraw đã phán quyết vào tháng trước rằng tất cả các trẻ vị thành niên bị giam giữ và bị tách khỏi cha mẹ theo chính sách này cần phải được đoàn tụ với gia đình trước ngày 26/7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dừng chiến thuật “không khoan nhượng” của ông vào cuối tháng Sáu sau khi hình ảnh trẻ em gào khóc trong các trại tập trung làm bùng nổ giận giữ trong công chúng.

Trên thực tế, các em được gửi đến các cơ sở chăm sóc khác nhau trên khắp nước Mỹ trong khi người lớn bị giam trong các trại tập trung hoặc nhà tù.

Nhiều gia đình nhập cảnh vào Mỹ bất hợp pháp, trong khi những người khác tị nạn tại các cửa khẩu biên giới để chạy khỏi tình trạng bạo lực tại các quốc gia El Salvador, Guatemala và Honduras.

Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cho biết họ sẽ cố gắng theo dõi hàng trăm phụ huynh không còn ở Mỹ nữa.

Chính quyền Trump hồi đầu tháng này đã đưa hơn 100 trẻ em nhập cư dưới năm tuổi đoàn tụ với với cha mẹ, mặc dù lúc đó đã quá hạn mà tòa án quy định để thực hiện việc này.

Giới chức cho biết 57 trong số những trẻ em này đã trở lại với gia đình, trong khi 46 em khác được coi là không đủ điều kiện vì lo ngại về an toàn, cha mẹ bị trục xuất hoặc các vấn đề khác.

Quá trình đưa trẻ đoàn tụ với gia đình rất hỗn loạn. Một số trẻ em được đưa về với cha mẹ nhưng rồi lại bị đưa ngược lại các trại tập trung sau khi phát hiện ra cha mẹ các em đã không còn ở chỗ cũ nữa.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44976826

 

Luật sư Avenatti: 3 phụ nữ được trả ‘tiền câm mồm’

về mối quan hệ với ông Trump

Luật sư của ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels, Michael Avenatti, hôm 26/7 cho biết ông đại diện cho thêm 3 phụ nữ nữa mà ông nói là được đút lót “tiền bịt miệng” không hé lộ có quan hệ với Tổng thống Donald Trump vào thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, theo AP.

Luật sư Avenatti tiết lộ thông tin này tại một diễn đàn cộng đồng ở West Hollywood, bang California, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Khi được hỏi liệu ông có bằng chứng cho thấy những phụ nữ này có quan hệ với ông Trump hay không, Luật sư Avenatti trả lời “Có”.

Luật sư Avenatti nói thêm rằng ông “không có quyền tự do chia sẻ” bằng chứng vì ông không được phép của thân chủ để tiết lộ chi tiết cụ thể. Nhưng ông Avenatti cho biết những phụ nữ đã liên lạc với ông vài tháng trước này đã được “đút lót ‘tiền đấm mõm’ trước cuộc bầu cử năm 2016”.

Ông kêu gọi ông Trump và luật sư lâu năm của ông, Michael Cohen, hãy ra mặt và công khai thông tin về những phụ nữ này và mối quan hệ của họ với ông Trump.

Ngôi sao chuyên đóng phim khiêu dâm Stormy Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, nói rằng cô đã có quan hệ tình dục với Tổng thống Trump vào năm 2006, khi ông đã kết hôn, nhưng ông Trump phủ nhận điều này.

Vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cô đã được trả 130.000 đôla để giữ im lặng trong một thỏa thuận do ông Cohen dàn xếp. Cô Daniels đang kiện để vô hiệu hóa thỏa thuận yêu cầu không tiết lộ này.

Tháng trước, cô Daniels cũng kiện ông Cohen đã bắt tay với luật sư cũ của cô để đưa cô xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News và phủ nhận sai sự thật về quan hệ tình dục với ông Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-avenatti-3-phu-nu-duoc-tra-tien-cam-mom-cho-moi-quan-he-voi-ong-trump/4502575.html

 

Cổ phiếu Facebook lao dốc,

Zuckerberg mất 16 tỷ USD

Khối tài sản của Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã bị giáng một đòn mạnh hôm 26/7, làm chủ nhân Facebook mất đi 16 tỷ USD, một món tiền lớn kỷ lục trong cùng một ngày và là mức thiệt hại lịch sử trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Sự việc này diễn ra một ngày sau khi các giám đốc điều hành của Facebook dự báo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn trong nhiều năm tới.

Ít nhất 16 nhà môi giới cổ phiếu đã cắt giảm mục tiêu giá của họ trên Facebook sau khi Giám đốc tài chính David Wehner bất ngờ tiết lộ với các nhà phân tích trong một cuộc gọi thường kỳ rằng công ty FB sẽ phải đối mặt với nguy cơ lợi nhuận bị siết lại trong nhiều năm tới.

“Quả bom tấn” đó, như một nhà phân tích đã gọi, làm Phố Wall lo ngại rằng mô hình của Facebook có thể đang bị lung lay sau một năm bị chi phối bởi những nỗ lực nhằm loại bỏ những lo ngại về quyền riêng tư và vai trò của họ trong luồng tin tức toàn cầu.

Cổ phiếu Facebook giảm 19,6% xuống mức 174,78 USD, một sự suy giảm mà nếu tiếp tục sẽ làm giá trị của công ty mất đi khoảng 124 tỷ USD –gần gấp bốn lần toàn bộ vốn hóa thị trường của Twitter Inc.

Sự thất thoát về doanh thu ban đầu đã kéo cổ phiếu xuống gần 9% vào ngày 26/7, và rõ ràng đây chỉ mới là bước đầu đối với các nhà đầu tư đã bị tác động.

Lợi nhuận của Facebook giảm xuống còn 44% trong quý 2 so với 47% cách đây một năm vì họ đã phải chi tiêu rất nhiều cho lĩnh vực an ninh và các sáng kiến để thuyết phục người dùng rằng FB sẽ bảo vệ quyền riêng tư của họ.

Công ty cũng cho biết tăng trưởng doanh thu từ các thị trường mới nổi và ứng dụng Instagram, vốn ít bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về quyền riêng tư, sẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại.

Tác động đối với phần còn lại của nhóm cổ phiếu công nghệ cao của FAANG là không đáng kể.

Cổ phiếu của Alphabet không thay đổi trong khi cổ phiếu của Apple Inc và Netflix Inc chỉ giảm khoảng 0,3%.

Cổ phiếu của Amazon.com Inc giảm 2.8% trước khi báo cáo kết quả của chính họ được đưa ra vào cuối ngày 26/7.

Trong số 47 nhà phân tích chứng khoán Facebook, 43 người vẫn đánh giá là nên “mua” cổ phiếu này, hai nhà phân tích đánh giá là “tiếp tục giữ” và chỉ có hai người cho là nên “bán”. Giá mục tiêu trung vị của cổ phiếu Facebook là 219,30 đô la.

Các nhà phân tích của Moffett Nathanson gọi dự báo của Facebook “hoặc là thực tế kinh tế mới của mô hình kinh doanh hoặc là một hành động tự thiêu công khai để ngăn chặn áp lực điều tiết tiếp theo”.

Tổng trị giá 15,8 tỷ đô la mà Zuckerberg vừa mất tương đương với khối tài sản của người giàu thứ 81 trên thế giới, hiện là doanh nhân người Nhật Takemitsu Takizaki, theo dữ liệu thời gian thực của Forbes.

https://www.voatiengviet.com/a/co-phieu-facebook-lao-doc-zuckerberg-mat-16-ty-usd/4501418.html

 

Câu chuyện Cuba từ bỏ chủ nghĩa cộng sản:

Bình mới rượu cũ

Cát Linh, RFA

Quốc hội Cuba cuối tuần qua đã thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong đó không có Chủ nghĩa Cộng sản mà chỉ khẳng định “tập trung vào chủ nghĩa xã hội.”

Dư luận trong nước những ngày qua có sự so sánh sự kiện này với thể chế chính trị của Việt Nam và đặt câu hỏi “tương lai Cuba sẽ ra sao?” Các chuyên gia kinh tế – chính trị và những người am hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia có thể chế cộng sản trên thế giới ghi nhận thế nào về sự kiện này?

Không thay đổi hệ thống

Câu chuyện Cuba thay đổi đang được cả thế giới quan tâm. Vì sao?

Vì sự thay đổi này không đến từ bất kỳ cuộc biểu tình đòi dân chủ hay từ cuộc bạo động nào.

Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bỏ một điều khoản trong Hiến pháp cũ từ năm 1976 về mục tiêu “xây dựng một xã hội cộng sản”, thay vào đó chỉ đơn giản là tập trung vào chủ nghĩa xã hội.

Thế nhưng, vấn đề được tranh luận nhiều nhất không phải là sự thay đổi Hiến pháp mới của Cuba, mà chính là bộ máy thể chế chính trị của Cuba vẫn là độc Đảng.

Chính Chủ tịch Quốc Hội Esteban Lazo được trích lời trên truyền hình nhà nước xác nhận: “Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang từ bỏ lý tưởng của mình”.

“Tôi không nghĩ người ta suy nghĩ sâu sắc như thế nào nhưng có lẽ cái chữ Chủ nghĩa cộng sản nó xa vời quá cho nên mục tiêu trước mắt hiện nay là cứ xây dựng Chủ nghĩa xã hội đi đã. Tất cả các nước kể cả Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Cuba bây giờ đều không nói đến Chủ nghĩa Cộng sản vì nó xa vời quá. – PGS-TS Vũ Trọng Khải

PGS, TS Kinh tế Vũ Trọng Khải, cựu Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý (cơ sở phía Nam) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, người từng được mời sang Cuba, tư vấn cho Bộ Nông nghiệp Cuba về chính sách phát triển lúa gạo, chia sẻ với RFA rằng theo ông, cách nói “từ bỏ chủ nghĩa cộng sản có lẽ chưa chuẩn bởi vì họ vẫn thừa nhận họ là đất nước xã hội chủ nghĩa.”

“Tôi không nghĩ người ta suy nghĩ sâu sắc như thế nào nhưng có lẽ cái chữ Chủ nghĩa cộng sản nó xa vời quá cho nên mục tiêu trước mắt hiện nay là cứ xây dựng Chủ nghĩa xã hội đi đã. Tất cả các nước kể cả Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Cuba bây giờ đều không nói đến Chủ nghĩa Cộng sản vì nó xa vời quá.”

Truyền thông thế giới nhắc đến nhiều và cả dư luận Việt Nam cũng hướng sự quan tâm đến sự kiện này, nhưng ông Lê Minh Nguyên, một người theo dõi và am hiểu tình hình chính trị Việt Nam qua nhiều thời kỳ cho rằng đây chưa thể xem là một sự kiện lịch sử lớn có tính cách thay đổi chế độ chính trị hoặc cả một hệ thống.

“Vì sự thay đổi có 3 cách thay đổi. Cách thứ nhất là thay đổi hệ thống bên trong đang có.

Cách thứ 2, Việt Nam thường gọi là diễn biến hoà bình. Nghĩa là sự thay đổi từ từ, đầu tiên có tự do ngôn luận, sau đó có tự do lập hội, đa đảng, có bầu cử tất cả người dân tham dự. Sau 1 thời gian chế độ độc tài độc Đảng đó trở thành chế độ dân chủ đa đảng.

Cái thứ ba là 1 thay đổi chớp nhoáng nghĩa là phá bỏ hệ thống đang có để xây dựng hệ thống mới, gọi là Cách mạng.Thì sự thay đổi Hiến pháp lần này của Cuba nằm trong sự thay đổi thứ 1, bên trong hệ thống chứ không phải thay đổi hệ thống.”

Điều này đúng với câu trả lời của Chủ tịch Quốc Hội Esteban Lazo nói “Cuba đơn giản bước sang một thời đại khác sau sự sụp đổ của Liên Xô.”

Bình mới rượu cũ

Theo tờ Britannica, quyền kiểm soát Cuba được chuyển từ Tây Ban Nha sang Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 1 năm 1899, là kết quả của cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Cuba thuộc sự điều hành bởi chính quyền quân sự của Hoa Kỳ cho đến ngày 20 tháng 5 năm 1902. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ quyền can thiệp Cuba đến năm 1934.

Tài liệu từ WikiMedia cho biết, năm 1952, Fulgencio Batista, người giành chính quyền trong một cuộc đảo chính, với sự hậu thuẫn của Mỹ nắm quyền điều hành Cuba. Tháng 7/1953,  Fidel Castro lãnh đạo một cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada, tại Santiago de Cuba nhưng bất thành. Ba năm sau, Fidel Castro phát động chiến tranh du kích và giành chính quyền vào năm 1959.

Đảng Cộng sản từ đó đến nay là chính đảng duy nhất được công nhận tại Cuba. Đảng hoạt động theo chủ nghĩa Marxist-Leninist.

Hiến pháp hiện nay của Cuba quy định vai trò của đảng này là “lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước”.

Năm 1960, Fidel Castro quốc hữu hóa các doanh nghiệp của Mỹ khiến mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng. Mỹ áp đặt lệnh cấm vận với Cuba cho đến tháng 12 năm 2014, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với Cuba. Quyết định này được đưa ra sau các cuộc đàm phán bí mật trong vòng hơn một năm tổ chức tại Canada và Vatican, được cho là có sự tham dự trực tiếp của Giáo hoàng Francis.

Theo những người quan sát chính trị, thì đây mới thật sự là một sự kiện lịch sử của đất nước và dân tộc Cuba.

Trở lại quyết định bỏ chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi dự thảo Hiến pháp mới, ông Lê Minh Nguyên nhận xét rằng cho đến giờ này họ mới điều chỉnh thì có thể nói họ đi sau Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, Hiến pháp mới công nhận sở hữu tư nhân, là điều ông ghi nhận là chi tiết đáng quan tâm:

“Thay đổi có tính cách chính yếu là về kinh tế, tức là tư nhân được quyền sở hữu tài sản, tức là nó không phải chính sách tập trung tài sản tất cả là của nhà nước.”

Thay đổi có tính cách chính yếu là về kinh tế, tức là tư nhân được quyền sở hữu tài sản, tức là nó không phải chính sách tập trung tài sản tất cả là của nhà nước. – Ông Lê Minh Nguyên

Thế nhưng, như Chủ tịch Quốc hội Cuba Esterban Lazo nói “Chúng tôi không từ bỏ lý tưởng của mình.”

Lý tưởng đó là gì? Đó chính là Chủ nghĩa Mac – Le, với bản chất không chấp nhận cho có tổ chức và không chấp nhận cho đối lập.

Theo chủ nghĩa Mac – Le, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Hiến pháp mới của Cuba đã chấp nhận sở hữu tu nhân, điều vốn bị Đảng Cộng sản Cuba cho là tàn tích của chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng, thượng tầng kiến trúc của Cuba vẫn là độc Đảng Cộng sản.

Điều này liệu có mâu thuẫn với đường lối phát triển chủ nghĩa xã hội? PGS, TS Vũ Trọng Khải trả lời câu hỏi này bằng cách viện dẫn thực trạng Việt Nam hiện nay.

“Nó cũng như Việt Nam hiện nay, là nền kinh tế thị trường rất nhiều thành phần, đặc biệt vai trò kinh tế tư nhân rất quan trọng, được khẳng định là động lực phát triển mà. Kinh tế tư nhân trong nước cộng với công ty tư nhân nước ngoài FDA chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tư nhân. Nhưng người ta vẫn nói là theo định hướng XHCN là vì nói đến mục tiêu của nó. Làm kinh tế thị trường thì phải có kinh tế tư nhân, nhưng mà vẫn không bỏ kinh tế nhà nước.”

Do đó, ông đề nghị cần phải có 1 chính sách để làm cho tất cả thành phần kinh tế đều phát huy được nội lực của mình nhằm phát triển nền kinh tế thị trường bền vững theo định hướng XHCN của nhà nước đã vạch ra.

Lời đề nghị này, ông dành cho cả Cuba và Việt Nam.

Còn về phía công luận Việt Nam thì đón nhận sự kiện của Cuba với một tâm lý khá phấn khởi. Nhiều câu hỏi được đưa lên mạng xã hội như “Khi nào Việt Nam bỏ chế độ Cộng sản?” hoặc mang tính hài hước hơn là “Việt Nam mất Cuba về tay Mỹ rồi sao?”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-story-of-cuba-back-out-communist-an-old-product-with-new-packing-cl-07262018143837.html

 

Đức hoan nghênh

thỏa thuận Mỹ-EU giảm tranh chấp thương mại

Đức hoan nghênh một thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đứng đầu Ủy hội Châu Âu nhằm giảm nhẹ đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại trong khi cổ phiếu Châu Âu tăng giá trước tin tức này.

Sau một cuộc họp với Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng hôm thứ Tư, ông Trump đã đồng ý không áp đặt thuế quan lên xe hơi trong khi hai bên bắt đầu đàm phán về việc giảm các rào cản thương mại khác.

Chứng khoán Châu Âu khởi sắc trong phiên giao dịch sáng thứ Năm, với tin tức về thỏa thuận thương mại giúp cổ phiếu của các hãng sản xuất xe hơi tăng điểm. Cổ phiếu của Fiat, Porsche, Volkswagen và BMW đều tăng từ 2 đến 5 phần trăm.

Ông Trump vàông Juncker cho biết các cuộc đàm phán sẽ tìm cách “giải quyết” thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm và thuế quan trả đũa của Châu Âu, một bước lùi trước các biện pháp bảo hộ của ông Trump dành cho các nhà sản xuất kim loại của Mỹ.

“Đây chưa phải là kết quả mà chúng tôi đang nhắm tới nhưng xác suất của kết quả tích cực trong cuộc thảo luận … về thương mại tự do hoặc bảo hộ giờ lên cao hơn trước,” Ngoại trưởng Đức Heiko Maas phát biểu tại một cuộc họp báo tại Seoul.

“Mỹ và Châu Âu không phải là đối thủ … Chúng tôi là đối tác và đồng minh với các giá trị và lợi ích chung,” ông Maas nói, và nói thêm rằng điều tốt là cả hai bên cũng sẽ nỗ lực giải quyết những tập tục thương mại bất công và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới.

“Câu trả lời cho khẩu hiệu Nước Mỹ Trước tiên chỉ có thể là: Châu Âu Đoàn kết,” ông nói.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier thậm chí còn nồng nhiệt hơn, ca ngợi các cuộc đàm phán là một “bước đột phá” mà có thể giúp tránh được một cuộc chiến tranh thương mại và giữ lại hàng triệu công ăn việc làm. “Tuyệt vời cho nền kinh tế toàn cầu,” ông tweet vào cuối ngày thứ Tư.

Thuế nhập khẩu 25 phần trăm đối với thép và 10 phần trăm đối với nhôm mà Mỹ áp đặt vào tháng 3 sẽ vẫn giữ nguyên trong lúc đàm phán diễn ra, và ông Trump nói Châu Âu đã đồng ý tăng cường mua khí thiên nhiên hóa lỏng và giảm rào cản thương mại đối với đậu nành của Mỹ.

Phó phát ngôn viên chính phủ Đức Ulrike Demmer viết trên Twitter: “Chính phủ Đức hoan nghênh thỏa thuận về một đường hướng hành động mang tính xây dựng về thương mại. Ủy hội Châu Âu có thể trông cậy vào sự ủng hộ liên tục của chúng tôi.”

https://www.voatiengviet.com/a/duc-hoan-nghenh-thoa-thuan-my-eu-giam-tranh-chap-thuong-mai/4501626.html

 

Đức ngăn chận Trung Quốc

mua một công ty chiến lược

Thụy My

Chính phủ Đức hôm nay 27/07/2018 loan báo đã mua 20% phần vốn của công ty quản lý mạng lưới điện 50Hertz để bảo vệ công ty chiến lược này không rơi vào tay Trung Quốc. Sự can thiệp này chứng tỏ Berlin ngày càng lo ngại trước chiến dịch thâu tóm của Bắc Kinh.

Bộ Kinh tế Đức cho biết, theo lệnh của chính phủ, vì lý do an ninh Ngân hàng Nhà nước KFW đã chi ra gần 1 tỉ euro mua lại 20% cố phiếu của công ty điện lực 50Hertz, một doanh nghiệp phụ trách cung cấp điện cho 18 triệu dân ở miền đông và miền bắc nước Đức.

Nghi ngại các ý định của Bắc Kinh, từ một năm qua chính quyền Đức đã ra nghị định không cho các nhà đầu tư nước ngoài mua trên 25% cổ phần các công ty chiến lược (cơ sở hạ tầng, vi tính, năng lượng). Nhưng do phần vốn đem bán của 50Hertz ở dưới mức này, không phong tỏa được nên chính phủ Đức quyết định mua hết để tránh lọt vào tay Trung Quốc.

Theo tạp chí kinh tế WirtschaftsWoche, Berlin cũng sẵn sàng vận dụng nghị định trên để cấm Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát một công ty Đức là Leifeld Metal Spining, chuyên sản xuất máy công cụ cao cấp được sử dụng trong kỹ nghệ hàng không hoặc nguyên tử.

Trong năm 2017, Trung Quốc đã chi ra đến 12 tỉ đô la để mua lại 36 công ty Đức. Tuy Bắc Kinh ra sức trấn an, nhưng người đứng đầu ngành phản gián Đức Hans-Georg Maassen đã cảnh báo : « Chẳng cần phải đi dọ thám nếu người ta có thể mua toàn bộ một xí nghiệp ».

Không chỉ có Đức lo lắng, mà Liên Hiệp Châu Âu cũng ưu tư trước việc Bắc Kinh vươn vòi bạch tuộc sang Đông Âu, với dự án « Con đường tơ lụa mới », qua công thức 16 + 1 (Trung Quốc cộng với ba nước Balkan, sáu nước Nam Tư cũ và bảy nước Đông Âu khác). Thủ tướng Angela Merkel công khai bày tỏ quan ngại, còn ngoại trưởng Sigmar Gabriel đánh giá « Con đường tơ lụa mới » là một « hệ thống hoàn chỉnh nhằm âm mưu chuyển đổi thế giới vì lợi ích của Trung Quốc ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180727-duc-ngan-chan-trung-quoc-mua-mot-cong-ty-chien-luoc

 

Thêm hai vận động viên Nga

bị tước huy chương Olymic 2008

Hôm 26/7, hai vận động viên người Nga Tatyana Lebedeva và Maria Abakumova đã bị Tòa Trọng tài Thể thao bác kháng cáo và tước ba huy chương bạc vì sử dụng doping tại Thế vận hội năm 2008 ở Bắc Kinh.

Tòa Trọng tài Thể thao (CAS) đã xác nhận quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 2016 về việc truất quyền tranh tài Olympic của hai nữ vận động viên này cùng với nữ vận động viên xe đạp người Nga Ekaterina Gnidenko.

Chất cấm turinabol anabolic steroid bị phát hiện khi IOC kiểm tra lại các mẫu thử doping của ba nữ vận động viên này.

Vận động viên Lebedeva đã giành huy chương bạc Olympic Bắc Kinh 2008 trong môn nhảy xa và nhảy 3 bước nữ.

Vận động viên Abakumova đã giành giải bạc trong môn ném lao tại Thế vận hội 2008.

Vận động viên Gnidenko giành hạng 8 trong môn xe đạp tại Thế vận hội London 2012.

Tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 5 năm nay ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, cả ba nữ vận động viên không thể chứng minh rằng các phương pháp thử doping này là phản khoa học, CAS cho biết trong một tuyên bố.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-van-dong-vien-nga-bi-tuoc-huy-chuong-olymic-2008/4502457.html

 

Hàng ngàn người biểu tình ở Ba Lan

phản đối luật bổ nhiệm thẩm phán

Hàng ngàn người đã tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp Ba Lan hôm thứ Năm sau khi Tổng thống Andrzej Duda kí thành luật một dự luật mà trên thực tế cho phép chính phủ lựa chọn chánh thẩm phán kế tiếp của Tòa án Tối cao.

Liên minh Châu Âu, các tổ chức nhân quyền và các đảng đối lập ở Ba Lan nói rằng luật này và các thay đổi khác được thúc đẩy bởi Đảng Luật pháp và Công lý đương quyền sẽ làm suy yếu sự độc lập tư pháp và nền dân chủ.

Các đám đông tụ tập bên ngoài dinh tổng thống ở Warsaw hô to “đáng xấu hổ,” Reuters tường trình. Nhiều người cầm nến và bút, gợi liên tưởng tới việc ông Duda sẵn sàng kí ban hành luật này. Họ la lớn “bẻ gãy bút” và “Ông sẽ đi tù.”

Các cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại hơn hai chục thành phố và thị trấn trên khắp Ba Lan, theo Reuters.

Đảng Luật pháp và Công lý nói cần phải có một cuộc cải tổ để nâng cao hiệu năng của các tòa án và xóa bỏ ảnh hưởng của quá khứ cộng sản của Ba Lan.

Trước đó trong tháng này, 22 thẩm phán Tòa án Tối cao đã bị buộc phải về hưu non nhưng chánh thẩm phán Malgorzata Gersdorf đã từ chối rời đi, nói rằng nhiệm kì hiến định của bà đến năm 2020 mới hết hạn.

Sửa đổi mới nhất, được thượng viện Ba Lan thông qua trước đó trong tuần này, được soạn thảo để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc bổ nhiệm tân chánh thẩm phán Tòa án Tối cao.

Kể từ khi Đảng Luật pháp và Công lý nắm quyền vào năm 2015, hàng chục thẩm phán trên thực tế đã bị bãi nhiệm khỏi Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Tư pháp Quốc gia (cơ quan quyết định người được bổ nhiệm làm thẩm phán), và bây giờ là Tòa án Tối cao.

Những người mới được bổ nhiệm đã sử dụng các thủ tục cho quốc hội, nơi Đảng Luật pháp và Công lý chiếm đa số, thẩm quyền lớn hơn đối với các tòa án và cho chính phủ quyền kiểm soát lớn hơn đối với các thẩm phán.

Ủy hội Châu Âu đang tiến hành một cuộc điều tra chưa từng có về nền pháp trị và đã mở một số vụ kiện riêng rẽ chống lại Ba Lan, nước lớn nhất từng theo chế độ cộng sản trong khối EU, trong đó có một số vụ về Tòa án Tối cao.

https://www.voatiengviet.com/a/hang-ngan-nguoi-bieu-tinh-o-ba-lan-phan-doi-luat-bo-nhiem-tham-phan/4501635.html

 

Hỏa hoạn ở Hy Lạp :

Chính quyền đặt nghi vấn cố ý phóng hỏa

Thụy My

Chính phủ Hy Lạp tối qua 26/07/2018 loan báo đã yêu cầu tư pháp điều tra vì nghi ngờ vụ hỏa hoạn làm cho hơn 80 người thiệt mạng hôm thứ Hai 23/7 ở phía đông Athens là do cố ý phóng hỏa.

Thứ trưởng bộ Bảo vệ Công dân, Nikos Toskas, trong cuộc họp báo có mặt lãnh đạo ngành cứu hỏa và phát ngôn viên chính phủ Dimitris Tzanakopoulos, cho biết : « Một yếu tố quan trọng đã khiến chúng tôi phải mở điều tra » sau vụ hỏa hoạn ở Mati. Còn vụ cháy ở Kineta, ông cho rằng rất có thể do cố ý phóng hỏa. Ông Toskas nhấn mạnh là có « những bằng chứng »,tuy nhiên không cho biết cụ thể.

Các viên chức hiện diện chỉ ra trên bản đồ vệ tinh, có 13 vụ cháy đã đồng loạt xảy ra tại Attique hôm thứ Hai. Chính quyền cũng phản bác những chỉ trích về việc đối phó thảm họa.

Ông Tzanakopouloskhẳng định « không thể sơ tán khỏi Mati vì lửa hoành hành trong không đầy một tiếng rưỡi, với sức gió lên đến 120 km/h ». Còn bộ trưởng Quốc Phòng Panos Kammenos nêu ra tình trạng xây dựng bất hợp pháp phổ biến dọc theo bờ biển Mati. Trong số gần 2.500 căn nhà ở khu vực hỏa hoạn, phân nửa đã bị hư hại nặng.

Các bác sĩ pháp y hy vọng đến ngày mai sẽ nhận dạng được các nạn nhân nhờ ADN. Hiện nay thân nhân chưa được phép tiếp cận, và rất nhiều xác bị cháy đen, biến dạng đến nỗi các nhân viên y tế cũng khó chịu đựng được khi nhìn thấy.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180727-hoa-hoan-o-hy-lap-chinh-quyen-dat-nghi-van-co-y-phong-hoa

 

Quân đội TQ, Mỹ đồng tổ chức sự kiện khu vực

bất chấp căng thẳng

Quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ sẽ đồng chủ trì một hội nghị khu vực về y tế cho các lực lượng vũ trang vào tháng 9/2018, bất chấp những căng thẳng về thương mại và các vấn đề an ninh, như Biển Đông.

Trung Quốc luôn luôn muốn nêu bật sự hợp tác của nước này với quân đội Mỹ, bất chấp một cuộc chiến tranh thương mại gay gắt và sự hoài nghi của Bắc Kinh về lập trường của Hoa Kỳ, hậu thuẫn cho đảo tự trị Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc lãnh thổ của mình, và cũng bất chấp vai trò của TQ trong các cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã ngỏ lời ca ngợi chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis vào tháng trước, nói rằng chuyến công du này đã đạt được những kết quả khả quan và rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng sẽ tới thăm Washington trong năm nay.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói trong một buổi họp báo hàng tháng rằng quân đội hai nước sẽ cùng tham gia tổ chức cuộc gặp mặt Trao đổi Y tế Quân đội châu Á-Thái Bình Dương tổ chức ở thành phố Tây An từ ngày 17 đến 21/9.

Ông Nhậm cho biết khoảng 600 người sẽ tham gia hội nghị trong đó có các giới chức quân đội đến từ 28 nước, kể cả Singapore, Thái Lan, và các đại diện của Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ thập đỏ và Hiệp hội các nước Đông Nam Á.

Theo người phát ngôn thì tại sự kiện này, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ phô diễn các thiết bị mới được sử dụng vào các mục đích y tế, như máy bay và các phương tiện đi lại.

Trung Quốc và Mỹ cũng tiến hành các cuộc tập dượt chung về cứu hộ thiên tai, một trong số đó được tổ chức ở tiểu bang Oregon của Mỹ vào tháng 11 năm ngoái.

Nhưng những mối quan hệ giữa quân đội hai nước không luôn phẳng lặng.

Vào tháng 5, Trung Quốc đã tức giận khi Mỹ rút lời mời họ tham gia vào một cuộc diễn tập hải quân lớn do Mỹ tổ chức và cho rằng việc đóng cửa như vậy không tạo ra lòng tin và sự hợp tác chung.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, được gọi tắt là RIMPAC mà Trung Quốc trước đây từng tham gia, được coi là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới và được tổ chức hai năm một lần ở Hawaii vào tháng 6 và tháng 7.

Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Mỹ, nói việc rút lời mời Trung Quốc là để đáp trả các hành động của Bắc Kinh, quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-trung-quoc-my-dong-to-chuc-su-kien-khu-vuc-bat-chap-cang-thang/4501311.html

 

Hàn Quốc triệu tập tùy viên quân sự TQ

vì xâm phạm không phận

Hôm 27/7, Hàn Quốc triệu tập một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc để khiếu nại về việc một máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm vùng phòng không của Hàn Quốc.

Hãng tin Reuters trích lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đây là lần thứ ba trong năm nay, máy bay của Trung Quốc đã xâm phạm vùng phòng không của Hàn Quốc.

Tổng tham mưu trưởng (JCS) của Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Seoul đã đưa chiến đấu cơ chặn đầu một chiếc máy bay của Trung Quốc khi chiếc này tiến vào Khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc (ADIZ).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng ông không biết vấn đề này và đề nghị phóng viên nên hỏi Bộ Quốc phòng Trung Quốc để tìm hiểu, nhưng Bộ này chưa phản hồi.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ đã triệu tập ông Du Nong Yi, một tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul, và “nghiêm khắc” kêu gọi Trung Quốc không tái diễn việc xâm phạm.

Vào tháng 2 và tháng 4 năm nay, các máy bay Trung Quốc đã thực hiện một chuyến bay tương tự trên khu vực ADIZ của Hàn Quốc, trong khi có ít nhất hai trường hợp như thế đã bị phát hiện vào năm ngoái.

Vào tháng 2, Seoul triệu tập đại sứ Trung Quốc để khiếu nại, và sau đó Bắc Kinh cho biết chiếc máy bay này thực hiện việc huấn luyện phù hợp với luật pháp quốc tế.

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-trieu-tap-tuy-vien-quan-su-tq-vi-xam-pham-vung-cam-bay/4502298.html

 

Huyền thoại cricket tuyên bố thắng cử,

sắp trở thành thủ tướng Pakistan

Huyền thoại cricket của Pakistan, Imran Khan, tuyên bố chiến thắng hôm thứ Năm trong một cuộc tổng tuyển cử đầy chia rẽ. Imran Khan tuyên bố đã sẵn sàng để lãnh đạo quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này, sau một cuộc kiểm phiếu kéo dài vì bị trì hoãn và những cáo buộc của các đối thủ là có gian lận bầu cử.

“Thượng đế đã cho tôi cơ hội lên nắm quyền để thi hành hệ tư tưởng mà tôi đã khởi xướng cách đây 22 năm,” ông Khan, 65 tuổi, phát biểu trong một bài diễn văn được chiếu trên truyền hình từ nhà của ông gần thủ đô Islamabad.

Nhưng những người ủng hộ cựu Thủ tướng Nawaz Sharif bị cầm tù cáo buộc ông Khan toa rập với quân đội, nói rằng số phiếu bầu đã bị gian lận và gọi chuyện này là một cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ ở một nước có lịch sử nằm dưới quyền cai trị quân sự.

Ông Khan, từng theo học Đại học Oxford ở Anh, kêu gọi mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” với Mỹ, nước mà Pakistan có mối quan hệ đồng minh thất thường. Ông chìa nhánh ô-liu cầu hòa với Ấn Độ, địch thủ hàng đầu của Pakistan, nói rằng hai nước nên giải quyết tranh chấp âm ỉ lâu nay liên quan tới vùng Kashmir.

Trong một bài diễn văn đầy những cam kết mang tính dân túy, ông Khan hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho người nghèo và loan báo sẽ biến tư dinh chính thức của thủ tướng ở thủ đô thành một cơ sở giáo dục.

Thành công của ông Khan trong cuộc tổng tuyển cử là sự trỗi dậy đáng kinh ngạc đối với một nhân vật quyết liệt bài trừ tham nhũng với phần lớn sự nghiệp chính trị đươc gầy dựng ngoài rìa chính trường Pakistan, Reuters nhận định.

Với khoảng một nửa số phiếu được đếm từ cuộc bầu cử hôm thứ Tư, Đảng Tehreek-i-Insaf (PTI) của ông Khan, còn gọi là Phong trào Pakistan vì Công lý, đang dẫn đầu với cách biệt to lớn ở nước với đa số dân là người Hồi giáo, ủy ban bầu cử của Pakistan cho biết.

Đảng Liên đoàn Người Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của ông Sharif và Đảng Các Dân tộc Pakistan (PPP) đối thủ đều nói các giám sát viên của đảng họ tại nhiều trung tâm bỏ phiếu đã bị đuổi ra ngoài hoặc không được thông báo chính thức về kết quả của khu vực bỏ phiếu, mà thay vào đó chỉ nhận được con số kiểm đếm viết tay mà họ không thể xác minh.

Ông Khan kịch liệt bác bỏ cáo buộc của PML-N nói rằng ông đang nhận sự trợ giúp từ quân đội. Quân đội đã nắm quyền cai trị Pakistan trong suốt gần một nửa lịch sử của nước này và vẫn định ra chính sách an ninh và đối ngoại chủ chốt.

Quân đội cũng bác bỏ các cáo buộc can thiệp bầu cử. 371.000 binh sĩ đã được điều động tới các địa điểm bỏ phiếu trên khắp nước, gần gấp năm lần con số binh sĩ trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2013, Reuters cho biết.

Ông Khan đã đề nghị điều tra tất cả các tuyên bố gian lận bầu cử và nói ông muốn “đoàn kết” đất nước dưới sự lãnh đạo của mình.

Pakistan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế mà có phần chắc sẽ buộc Islamabad phải xin một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dù đảng của ông Khan không loại trừ việc tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Islamabad.

https://www.voatiengviet.com/a/huyen-thoai-cricket-tuyen-bo-thang-cu-sap-tro-thanh-thu-tuong-pakistan/4501087.html

 

Malaysia tiến hành điều tra

thép nhập khẩu bán phá giá

Bộ Công nghiệp-Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) bắt đầu điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 27 tháng 7, dẫn nguồn từ Cục Phòng vệ thương mại, thuộc Bộ Công Thương Việt Nam cho biết việc điều tra vừa nêu được tiến hành từ ngày 24 tháng 7 vừa qua, do Công ty thép FIW của Malaysia khởi kiện với cáo buộc một số mặt hàng sắt thép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc tăng đáng kể vào nước này trong thời gian gần đây và được bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất thép của Malaysia.

Các mặt hàng sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị MITI điều tra gồm sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim dạng cuộn cán phẳng, mạ hoặc tráng kẽm.

MITI thông báo sẽ gửi bản câu hỏi điều tra đến tất cả các bên liên quan bị nêu tên trong đơn kiện.

Hồi tháng 6 năm 2018, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) công bố kết luận điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam, công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu Việt ở mức 12,01% – 28,49% trong 5 năm.

Tòa án thương mại quốc tế Canada (CITT) vào cuối tháng 5 năm nay cũng cho biết bắt đầu điều tra sơ bộ về việc bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam vào thị trường Canada và sẽ  công bố kết quả điều tra vào ngày 8 tháng 8 tới đây.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/malaysia-initiates-dumping-inquiry-into-steel-imports-from-vn-07272018090053.html

 

Lào: Dân chúng tố cáo chính quyền

giảm thiểu số người chết vì vỡ đập

Trọng Nghĩa

Bốn hôm sau vụ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ, nhấn chìm các làng hạ lưu ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu trong biển nước, khiến hàng trăm người mất tích, cư dân những nơi bị nạn vào hôm nay 27/07/2018, đã phẫn nộ cáo buộc chính quyền Lào cố tình giảm thiểu số người bị chết do sự cố.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, một đoạn video cho thấy cảnh giải cứu một đứa trẻ và gia đình đang tránh lụt trên một ngọn cây, chung quanh toàn là nước bùn, đã khiến mạng internet dậy sóng.

Chính quyền vẫn duy trì con số 27 người chết vì lũ lụt, bất kể việc thoạt đầu đã chính thức loan báo sự kiện có « hàng trăm người mất tích » sau thảm họa vỡ đập Xe Namnoy. Thế nhưng, căn cứ vào khối lượng hàng tỷ tấn nước từ tối thứ hai 23/07 vừa qua đã tràn xuống vùng hạ lưu con đập, nhấn chìm nhiều ngôi làng đến tận nước Cam Bốt lân cận, với hàng nghìn cư dân phải sơ tán, các phát biểu nghi ngờ tính chính xác của số liệu nạn nhân do chính quyền đưa ra càng lúc càng nhiều.

Trả lời câu hỏi của hãng AFP, một người dân ở làng May, xin giấu tên, đã cho rằng : « Không thể chỉ có 27 người chết, chắc chắn là phải có ít nhất 100 người thiệt mạng. Riêng trong làng của chúng tôi, đã có rất nhiều người bị mất tích vì lũ lụt. Không thấy tăm hơi họ đâu cả ».

Một nhóm phóng viên AFP đã cố gắng đến ngôi làng bị lụt vào hôm nay, 27/07/2018, nhưng đã bị chính quyền ngăn chặn, với lý do là chỉ có quân đội được quyền vào khu vực bị nạn mà thôi.

Một cư dân khác đã cho biết là nước đã dâng lên nhanh chóng đến mức nhiều người bất ngờ bị nước cuốn đi khi đang ngủ : « Nước dâng lên quá nhanh, cuốn đi mọi thứ, và không phải ai cũng chạy kịp » để thoát thân. Trong khi đó thì chính quyền Lào lại loan báo một việc xả nước thông thường.

Trong nhiều ngày qua, các phương tiện truyền thông chính thức của Lào đã liên tục giảm thiểu con số nạn nhân do các phương tiên truyền thông ngoại quốc đưa ra.

Lãnh đạo vùng bị nạn là ông Leth Xaiaphone, vào hôm nay khẳng định với báo chí rằng con số « khoảng một trăm người mất tích » cho thấy là chính quyền đã nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ. Tuy nhiên, ông cũng phải thừa nhận rằng chính quyền chỉ có vài tiếng đồng hồ để thông báo cho dân làng về nguy cơ lũ lụt, tức là vào buổi chiều khi đập bị vỡ, cho đến buổi tối, khi lũ bắt đầu.

Một người dân ở làng Man xác nhận với AFP rằng ông chỉ được trưởng làng thông báo về lũ lut một tiếng đồng hồ trước, và gia đình ông chỉ còn nước leo lên mái nhà để tránh lũ, và phải chờ năm ngày mới được thuyền của chính phủ đến sơ tán.

Trong các ngôi làng được AFP ghé thăm vào hôm nay, 27/07, có rất nhiều người bị đói phải xin ăn, trong khi hàng cứu trợ từ Việt Nam và Thái Lan đang được chuyển đến nay, nhưng một cách lộn xộn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180727-lao-dan-chung-to-cao-chinh-quyen-giam-thieu-so-nguoi-chet-vi-vo-dap