Tin khắp nơi – 27/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 27/04/2018

Kỷ nguyên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un đã cam kết hợp tác để giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sau hội nghị lịch sử.

Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Nhà Hòa Bình ở Làng Đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4. Ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Bắc Hàn đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Hai người cũng nói sẽ làm việc để biến hiệp định đình chiến 1953 thành hiệp định hòa bình trong năm nay.

Tuyên bố chung nói:

“Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, và một kỷ nguyên mới hòa bình bắt đầu.”

Hai lãnh đạo đồng ý hợp tác để tiến hành “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.

Hai bên cũng thông báo Tổng thống Hàn Quốc sẽ thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu.

Hoa Kỳ tuyên bố nước này hy vọng hội nghị liên Triều “sẽ đạt tiến bộ hướng tới tương lai hòa bình và phồn vinh”.

Hội nghị lớn tiếp theo dự kiến sẽ là giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà Trắng đã công bố hai bức ảnh ông Mike Pompeo, khi đó là Giám đốc tình báo CIA và được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, gặp Kim Jong-un đầu tháng 4 để thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Chữ dùng “giải trừ hạt nhân” trong tuyên bố chung dường như không hẳn là lời hứa của Bắc Hàn dừng hoạt động hạt nhân.

Tuyên bố nhấn mạnh mục tiêu phi hạt nhân hóa trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

“Nam và Bắc Hàn xác nhận mục tiêu chung nhằm đạt được, thông qua giải trừ hạt nhân toàn bộ, một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân.”

Hai nước “chia sẻ quan điểm rằng các biện pháp mà Bắc Hàn đang làm rất có ý nghĩa và quan trọng cho việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và hai bên đồng ý thực thi vai trò của mình trong vấn đề này”.

Hai nước “đồng ý chủ động tìm kiếm ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế” để đạt mục tiêu.

Cuộc họp diễn ra thế nào?

Vào buổi sáng, Tổng thống Moon Jae-in đón Chủ tịch Kim Jong-un tại ranh giới quân sự liên Triều trước cửa phòng họp của Ủy ban đình chiến quân sự làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía miền Nam.

Sau khi ông Kim bước qua ranh giới này, ông Kim lại mời tổng thống Hàn Quốc bước qua lằn ranh để vào Bắc Hàn.

Sau cử chỉ biểu tượng đó, hai người quay lại phía Hàn Quốc, nắm tay, và bắt đầu cuộc họp.

Hai lãnh đạo đã duyệt đội danh dự gồm ba binh chủng lục quân, hải quân và không quân của Hàn Quốc.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng duyệt đội danh dự của Quân đội nhân dân Bắc Hàn khi thăm Bình Nhưỡng để dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và năm 2007.

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo tối cao của miền Bắc duyệt đội danh dự của miền Nam.

Cuộc họp buổi sáng xong, hai lãnh đạo tách ra dùng bữa trưa riêng biệt. Ông Kim quay lại phía miền Bắc để dùng bữa trưa.

Khi ông Kim quay lại buổi chiều, hai lãnh đạo đã tham gia lễ trồng cây thông biểu tượng cho hòa bình và đi dạo trước khi tiếp tục họp.

Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim sẽ dự tiệc chiêu đãi tối ở Ngôi nhà Hòa bình cùng các thành viên tháp tùng.

Tháp tùng Kim Jong-un có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim.

Ngoài ra có Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Kim Yong-nam, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol.

Tuyên bố chung ngày 27/4 “vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất”

Nhấn mạnh vận mệnh của dân tộc sẽ được chính hai miền Nam-Bắc quyết định

Bắc – Nam sẽ ngừng mọi “hành vi thù nghịch”

Biến Khu phi quân sự thành “vùng hòa bình” với việc ngừng truyền thanh tuyên truyền từ 1/5

Hai bên sẽ nỗ lực xúc tiến cuộc gặp ba bên Hàn-Triều-Mỹ hoặc cuộc gặp bốn bên bao gồm cả sự góp mặt của Trung Quốc

Tổ chức đoàn tụ cho các gia đình

Kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt dọc biên giới

Tiếp tục cùng tham dự các sự kiện thể thao như Asian Games 2018

Hứa hẹn vùng biển phía Tây sẽ trở thành hải phận hòa bình, ngăn ngừa xung đột quân sự ngẫu nhiên, đảm bảo hoạt động đánh bắt cá an toàn cho ngư dân

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43922400

 

Nam và Bắc Hàn cam kết

phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Lãnh đạo hai miền Nam và Bắc Hàn hôm thứ sáu ngày 27/4 đã thỏa thuận theo đuổi một hòa bình vĩnh viễn và tiến tới phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Thảo thuận này được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của lãnh đạo hai nước tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Theo thảo thuận, hai bên đồng ý sẽ đạt được hòa bình vĩnh viễn, chấm dứt tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến Triều Tiên 65 năm về trước.

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in sẽ thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay và hai bên đã đồng ý sẽ có các cuộc gặp thường xuyên và điện thoại trực tiếp.

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un nói ông cam kết rằng hai miền Triều tiên sẽ không lặp lại lịch sử đáng tiếc.

Trung Quốc hôm 27 tháng 4 đã lên tiếng hoan nghênh thông cáo chung cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.

Trung Quốc nói nước này hy vọng các bên sẽ có thể duy trì đối thoại và có thể thúc đẩy tiến trình giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cam kết đóng vai trò tích cực trong quá trình này.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 27/4 cũng hoan nghênh thượng đỉnh và gọi đây là bước đi tích cực. Ông bày tỏ mong muốn Bình Nhưỡng sẽ có những bước đi chắc chắn hướng tới thực hiện những lời hứa mà nước này đã đưa ra.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết Nhật sẽ làm việc chặt chẽ với Mỹ và Nam Hàn về vấn đề Bắc Hàn, và chắc chắn là Nhật Bản sẽ không nằm ngoài tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/north-south-korea-commit-to-denuclearization-in-historic-summit-04272018091103.html

 

Toàn văn Tuyên bố chung Thượng đỉnh liên Triều

Trong thời khắc chuyển giao lịch sử quan trọng trên bán đảo Triều Tiên, phản ánh khát vọng lâu dài về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của người dân Triều Tiên, Tổng thống Cộng hoà Triều Tiên (Nam Triều Tiên) Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) Kim Jong Un đã họp Thượng đỉnh liên Triều tại Nhà Hòa Bình ở Bản Môn Ðiếm ngày 27/4/2018.

Hai nhà lãnh đạo trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân [hai miền] Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu.

Lãnh đạo hai nước, chia sẻ cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt chia rẽ và đối đầu lâu nay từ thời Chiến tranh Lạnh, quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ liên Triều và tuyên bố tại địa điểm lịch sử Bản Môn Ðiếm:

1. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và thống nhất do người dân Triều Tiên lãnh đạo bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm chế hơn nữa.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên khẳng định nguyên tắc tự quyết định vận mệnh của dân tộc Triều Tiên và đồng ý thúc đẩy thời khắc quyết định để cải thiện quan hệ liên Triều bằng cách thực thi đầy đủ các thỏa thuận và tuyên bố hiện có mà hai nước đã thông qua.

(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý sẽ tiến hành đối thoại và đàm phán cấp cao trong nhiều lĩnh vực và thực thi những biện pháp tích cực để đạt được các thỏa thuận đạt được tại Thượng đỉnh.

(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thiết lập một văn phòng tùy viên chung với đại diện thường trú của cả hai bên đặt tại Gaeseong để có thể cung cấp tham vấn xác thực giữa hai chính phủ cũng như thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa nhân dân hai nước.

(4) Nam và Bắc và Triều Tiên đồng ý khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp một cách tích cực hơn nhằm hồi sinh tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc. Ở Triều Tiên, hai bên sẽ khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác bằng cách tổ chức các sự kiện chung của cả hai nước, như ngày 15/6 với sự tham gia của chính phủ, quốc hội, các đảng phái chính trị và các tổ chức dân sự. Trên bình diện quốc tế, hai bên nhất trí thể hiện sự đoàn kết, trí tuệ và tài năng chung bằng cách cùng tham gia vào các sự kiện thể thao quốc tế như Đại hội thể thao châu Á 2018.

(5) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo do việc chia đôi đất nước gây ra và sẽ tổ chức cuộc họp Hội Chữ thập Đỏ liên Triều để giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc đoàn tụ các gia đình ly tán. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh chương trình đoàn tụ các gia đình ly tán nhân dịp đánh dấu Ngày Giải phóng Dân tộc 15/8 năm nay.

(6) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực tham gia các dự án mà hai bên đã ký kết trong Tuyên bố ngày 4/10/2007, để thúc đẩy sự cân bằng về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho dân tộc. Bước đầu, hai bên đồng ý tiến hành các bước đi thiết thực hướng tới việc nối kết và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và đường sắt dọc theo hành lang vận tải phía Đông và giữa Seoul và Sinuiji.

2. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực hạ giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – là những nguyên nhân gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Trên tinh thần đó, cả hai bên đồng ý biến khu phi quân sự [DMZ] thành khu hòa bình bằng một quyết tâm thực sự bắt đầu bằng việc chấm dứt mọi hành động thù địch, bao gồm việc chấm dứt phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn tại khu vực dọc theo Đường Phân giới Quân sự, bắt đầu từ ngày 1/5.

(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý lập kế hoạch biến khu vực xung quanh Đường Biên giới phía Bắc ở Biển Tây thành vùng biển hòa bình để tránh nguy cơ va chạm quân sự ngoài mong muốn và đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt cá của ngư dân của cả hai miền.

(3) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý xúc tiến các biện pháp quân sự để đảm bảo việc liên lạc, thăm hỏi, trao đổi và hợp tác diễn ra tích cực. Hai bên đồng ý tiến hành các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức quân đội hai nước, bao gồm các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng để có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các vấn đề về quân sự giữa hai bên. Trên tinh thần đó, hai bên đồng ý tiến hành các cuộc đối thoại quân sự đầu tiên ở cấp tướng lãnh vào tháng 5.

3. Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Việc chấm dứt tình trạng đình chiến bất thường hiện nay và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là một sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn hơn nữa.

(1) Nam và Bắc Triều Tiên tái khẳng định Hiệp ước không có những hành động thù địch nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào và đồng ý tuân thủ chặt chẽ hiệp ước này.

(2) Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý giải trừ vũ khí theo từng đợt ngay khi căng thẳng quân sự hạ giảm và tạo được những bước tiến vững chắc trong việc tạo dựng niềm tin quân sự giữa hai bên.

(3) Vào dịp đánh dấu 65 năm Hiệp ước đình chiến, Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, và có thể là cuộc họp bốn bên bao gồm cả Trung Quốc để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn.

(4) Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Nam và Bắc Triều Tiên chia sẻ quan điểm rằng, các biện pháp do Bắc Triều Tiên khởi xướng rất có ý nghĩa và thiết yếu cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý thực thi vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề này. Nam và Bắc Triều Tiên đồng ý tích cực mưu tìm sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý, thông qua các cuộc họp thường xuyên, các cuộc điện đàm trực tiếp, sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường xuyên và thẳng thắn về những vấn đề quan trọng của dân tộc, củng cố lòng tin lẫn nhau để tạo dựng động lực tích cực cho quan hệ liên Triều nhằm đem lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Trên tinh thần đó, Tổng thống Moon Jae-in đồng ý đi thăm Bình Nhưỡng vào mùa thu năm nay.

Ngày 27 tháng 4, 2018

Tại Bản Môn Ðiếm

https://www.voatiengviet.com/a/toan-van-tuyen-bo-chung-thuong-dinh-lien-trieu/4367654.html

 

Thượng đỉnh Liên Triều

chưa thể giải quyết được vấn đề phi hạt nhân hóa

Thanh Phương

Cuộc gặp giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay, 27/04/2018, tại khu phi quân sự thực sự mang tính lịch sử, nhưng thượng đỉnh Liên Triều này chỉ đánh dấu sự hòa dịu giữa hai miền, tiến đến một nền hòa bình lâu dài chứ chưa thể giúp giải quyết được vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trước cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, ngày 21/04 vừa qua, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã loan báo chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên lục địa, cũng như đóng cửa cơ sở thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, người đứng đầu chế độ Bình Nhưỡng đã không nói đến chuyện giải trừ kho vũ khí nguyên tử của nước này. Cho nên, cả thế giới đang chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận tiến hành phi hạt nhân hóa đến mức độ nào.

Nhưng theo các nhà phân tích được hãng tin CNBC của Mỹ trích dẫn hôm nay, tổng thống Moon Jae In thật ra muốn sử dụng thượng đỉnh Liên Triều để thiết lập lòng tin giữa Seoul với Bình Nhưỡng, hơn là nhằm thúc đẩy tiến trình giải trừ vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, mặc dù theo lời một quan chức Hàn Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn, trong cuộc họp sáng nay, lãnh đạo của hai miền có đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa.

Cho dù tuyên bố chung của Moon Jae In và Kim Jong Un có nói là hai ông sẽ cùng nhau làm việc để đi đến “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, nhưng đó chỉ là những từ ngữ rất chung chung. Theo lời ông Jasper Kim, giám đốc Trung tâm Quản lý Xung đột Toàn cầu, Đại học Ewha, Seoul, phải đợi đến thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, mới có thể có những chi tiết về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại giao của Mỹ, Scott Snyder cho biết, “Bắc Triều Tiên vẫn xem phi hạt nhân hóa là vấn đề riêng với Hoa Kỳ”. Dẫu sao đây là một vấn đề quá phức tạp để có thể được giải quyết chỉ trong một ngày họp thượng đỉnh.

Bước đầu tiên phải làm đó là tìm ra một định nghĩa về phi hạt nhân hóa được tất cả các bên chấp nhận. Liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận yêu cầu của quốc tế là tiến trình phi hạt nhân hóa phải “hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được” ?

Hôm thứ Ba vừa qua, tổng thống Trump đã tuyên bố rằng đối với Hoa Kỳ, phi hạt nhân hóa có nghĩa là chế độ Bình Nhưỡng phải từ bỏ toàn bộ các vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, cho tới nay, Bắc Triều Tiên vẫn nói họ chỉ chấp nhận làm như thế với điều kiện Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, một điều kiện mà Wasshington khó có thể chấp nhận.

Ngoài mục tiêu thiếp lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tổng thống Moon Jae In đã nói rõ là ông sẽ dùng thượng đỉnh Liên Triều như là một cầu nối đến thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un, theo lời cố vấn đặc biệt của lãnh đạo Hàn Quốc được hãng tin CNBC trích dẫn. Cũng theo viên cố vấn này, tổng thống Moon Jae In sẽ cố chuyển thông điệp của tổng thống Trump đến ông Kim Jong Un và ngược lại. Tổng thống Hàn Quốc dự kiến công du Washington vào tháng 5 tới và như vậy ông sẽ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180427-thuong-dinh-lien-trieu-chua-the-giai-quyet-duoc-van-de-phi-hat-nhan-hoa

 

Phản ứng tích cực về thượng đỉnh liên Triều

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi nỗ lực của ông Kim Jong Un nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến mà trên danh nghĩa đã kéo dài bảy thập kỷ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như các nổ lực nhằm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên.

“CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN SẼ KẾT THÚC!” – ông Trump viết trên Twitter hôm 27/4. “Hoa Kỳ, và toàn thể nhân dân VĨ ĐẠI của đất nước này, rất đáng tự hào về những gì đang diễn ra tại Hàn Quốc!”

Lãnh tụ Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ôm nhau sau khi ký thỏa thuận trong một cuộc họp lịch sử bên đường biên giới giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên miền bắc đặt chân lên Hàn Quốc ở miền nam. Hai nhà lãnh đạo công bố kế hoạch để chính thức tuyên bố một nghị quyết về cuộc chiến và thay thế hiệp địnhđình chiến năm 1953 để đi đến một hiệp định hòa bình trước cuối năm nay.

Chỉ vài giờ trước đó, ông Trump bày tỏ thái độ thận trọng pha lẫn với lạc quan về thỏa thuận này, “cho rằng những điều tốt đẹp đang diễn ra, nhưng chỉ có thời gian mới trả lời”.

Tất cả các cường quốc trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc, đều hoan nghênh thỏa thuận.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 27/4 hoan nghênh các thỏa thuận gây ngạc nhiên đạt được trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều về xây dựng hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Tôi hoan nghênh và coi đó là những động thái tích cực”, Thủ tướng Nhật phát biểu trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un. “Tôi xin ca ngợi những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc đã dẫn đến hội nghị thượng đỉnh vừa qua”, ông nói.

Ông Abe hối thúc Triều Tiên hãy có “hành động cụ thể” tiếp theo sau các thỏa thuận.

“Nhật Bản sẽ so sánh tuyên bố mới đây với những tuyên bố trước đó và ứng phó phù hợp với những phân tích của mình”, ông nói sau khi được hỏi Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào với thỏa thuận liên Triều. Nhà lãnh đạo Nhật nói: “Nhật Bản sẽ đoàn kết vững chắc với Hàn Quốc và Hoa Kỳ, cũng như với Trung Quốc và Nga, để giải quyết các vấn đề công dân Hàn Quốc bị bắt cóc, và vấn đề hạt nhân và tên lửa”,

Ông đề cập xa gần đến dự định điện đàm với ông Moon, ông nói: “Tôi muốn nghe trực tiếp từ Tổng thống Moon qua điện thoại về nội dung các cuộc hội đàm”.

Trung Quốc cũng ca ngợi kết quả của cuộc họp thượng đỉnh, nhấn mạnh rằng nó có thể giúp phi hạt nhân hóa Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Hôm nay, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức thành công cuộc họp thượng đỉnh. Họ đã ra tuyên bố chung về cách hiểu chung liên quan tới quan hệ liên Triều, giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo này và một nền hòa bình vĩnh cửu”.

“Kết quả tích cực của cuộc gặp thượng đỉnh thật hữu ích cho hòa giải và hợp tác liên Triều, hòa bình và ổn định trên bán đảo và giải quyết về mặt chính trị các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”, ông Lục nói. Ông cũng đại diện cho đất nước gửi lời chúc mừng của Trung Quốc.

Nga hôm 27/4 ca ngợi cuộc họp thượng đỉnh mang tính bước ngoặt giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên, và cho rằng đối thoại trực tiếp về bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, có nhiều hứa hẹn.

“Đây là tin rất tích cực”, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, nói với các phóng viên. “Hôm nay chúng ta thấy rằng cuộc đối thoại trực tiếp đã diễn ra và nó có những triển vọng nhất định”, ông nói.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên nhưng nói ông không tiên liệu sẽ có bất kỳ bước đột phá lớn nào khả dĩ có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Trao đổi với các phóng viên tại trụ sở NATO hôm 27/4, ông Johnson nói: “Tôi cảm thấy rất khích lệ về những gì đang diễn ra”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai nhìn lại lịch sử và các kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể lạc quan quá mức tại thời điểm này. Nhưng khi hai nhà lãnh đạo họp mặt với nhau, thì rõ ràng đó là tin tốt lạnh. Chắc chắn như vậy”.

(Bloomberg, Guardian, Yonhap, Korea Herald, AFP)

https://www.voatiengviet.com/a/phan-ung-tich-cuc-ve-thuong-dinh-lien-trieu/4367555.html

 

Tổng thống Trump sẽ thăm Anh vào tháng 7

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến thăm Anh vào thứ Sáu ngày 13/7 năm nay, sau khi hủy bỏ chuyến đi trước đó với tin ông sẽ phải đối mặt biểu tình phản đối.

Đây sẽ không phải là chuyến thăm cấp nhà nước như ông Trump được hứa hẹn khi Thủ tướng Theresa May thăm Nhà Trắng vào tháng Giêng 2017.

Nhưng lời mời cho một chuyến thăm cấp nhà nước vẫn còn đó.

Có thể sẽ gặp Nữ hoàng Elizabeth II

Biên tập viên Jon Sopel của BBC Bắc Mỹ nói ông Trump có thể sẽ gặp Nữ hoàng Anh trong chuyến thăm này.

Ông Trump sẽ có các cuộc hội đàm với bà May, Phủ Thủ tướng Anh (Downing Street) cho biết.

Lãnh đạo Anh Mỹ sắp hội đàm

Theresa May – Người tù trong dinh thủ tướng?

Bà May tránh ủng hộ Một Vành đai của TQ

Trump ‘không biết’ về lời mời dự cưới hoàng tử Anh

Thủ tướng Anh nói bà “rất mong được chào đón Tổng thống Trump tới Vương quốc Anh trong chuyến thăm và làm việc vào ngày 13/7”.

Chuyến thăm Anh vào tháng Bảy theo sau Hội nghị thượng đỉnh Nato ở Brussels mà ông Trump dự kiến sẽ tham dự.

Downing Street và Nhà Trắng hy vọng điều phối việc cùng thông tin về chuyến thăm nhưng người phát ngôn của ông Trump, bà Sarah Sanders có vẻ đã tiết lộ thông tin trước.

Đại sứ Anh, Kim Darroch xác nhận tin này trên Twitter, nói rằng ông “rất vui mừng” rằng ông Trump sẽ đến thăm Vương quốc Anh.

Kế hoạch cho một chuyến thăm Anh của ong Trump vào năm 2018 được công bố khi ông gặp bà May tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng Giêng.

Biên tập viên Jon Sopel của BBC Bắc Mỹ nói bà May sẽ có nhiều việc để thảo luận với ông Trump, từ khuôn khổ của một thỏa thuận thương mại tương lai cho tới kế hoạch của ông Trump đánh thuế thép và nhôm.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43916840

 

Tên lửa của Trung Quốc

có thể với tới các căn cứ quân sự của Mỹ

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF – 26 của Trung Quốc hay còn được gọi là ‘Sát thủ đảo Guam’ mang đầu đạn hạt nhân đã đi vào hoạt động và có thể với tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam hoặc các căn cứ quân sự khác trong khu vực. Hãng tin AP trích lời người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết như vậy hôm 26/4.

Tên lửa DF – 26 có tầm bắn xa lên tới 4.000 km tương đương 2.500 miles. Trong một cuộc duyệt binh hồi năm 2015 kỷ niệm 70 năm kết thúc thế chiến thứ 2, Trung Quốc đã cho giới thiệu loại tên lửa này.

Bộ Quốc Phòng Mỹ hồi năm ngoái đã gửi một báo cáo đến Quốc Hội cảnh báo việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và có khả năng tiến tới thách thức các lợi thế về công nghệ quốc phòng của Mỹ. Theo báo cáo này, tên lửa DF-26 có khả năng bắn trúng các mực tiêu mặt đất bao gồm cả những căn cứ của Mỹ ở đảo Guam.

Hiện Mỹ có khoảng 7.000 quân đóng tại căn cứ hải quân và không quân Andersen ở Guam. Đây cũng là nơi trú đóng của 4 tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng hạt nhân của Mỹ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-s-new-guam-killer-missile-could-reach-us-military-bases-04272018110503.html

 

Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ cam kết

chống chủ nghĩa bảo hộ

Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể sẽ ra tuyên bố phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong thượng đỉnh các nước ASEAN diễn ra tại Singapore vào cuối tuần này. Hãng tin AFP trích thông tin từ một bản thảo thông cáo chung hôm 27/4.

Bản thảo thông cáo chung cảnh báo về sự không chắc chắn trong phục hồi kinh tế, xu hướng bảo hộ tăng cao và sự không chắc chắn về chính sách toàn cầu. Thông cáo tái khẳng định cam kết của các nước vào chủ nghĩa khu vực mở, thị trường tự do và mở.

Những lo lắng về một cuộc chiến mậu dịch toàn cầu trong khu vực Đông Nam Á thời gian qua đã tăng cao sau khi Mỹ và Trung Quốc có những phản ứng trả đũa nhau về thuế nhập khẩu.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hồi tháng trước đã áp thuế nhập khẩu lên các mặt hàng nhôm và thép. Tổng thống Mỹ cũng cho phép áp thuế lên các hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá đến 50 tỷ đô la. Trung Quốc phản ứng bằng việc áp thuế lên các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/seasian-leader-to-vow-to-fight-protectionism-04272018091743.html

 

Dự luật Thượng viện bảo vệ công tố viên đặc biệt

Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ vừa thông qua một dự luật nhằm bảo vệ công tố viên đặc biệt Robert Mueller, để tránh trường hợp ông bị sa thải một cách tùy tiện. Ông Mueller đang điều tra về vai trò của Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Được sự hậu thuẫn của đảng Dân chủ và bốn đảng viên đảng Cộng hòa, dự luật thông qua hôm 26/4 sẽ luật hóa các quy định của Bộ Tư pháp, xác định chỉ Bộ trưởng tư pháp hoặc người được bộ trưởng ủy quyền mới có thể sa thải công tố viên đặc biệt, nếu chứng minh được là công tố viên đặc biệt có “hành vi sai trái, không hoàn thành nhiệm vụ, mất năng lực, có xung đột lợi ích hoặc các nguyên nhân cụ thể khác”.
Thượng nghị sĩ Orrin Hatch (đảng Cộng hòa) phát biểu: “Sa thải ông Mueller sẽ gây sóng gió và làm cho nghị trình của chính quyền khựng lại. Sa thải ông thậm chí có thể dẫn đến việc luận tội người chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn đúng đắn khi đánh đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống, khuyến cáo ông chớ có sa thải ông Robert Mueller”.

Tuy thể hiện lập trường mạnh mẽ ủng hộcông tố viên đặc biệt Robert Mueller, người thường xuyên bị Tổng thống Donald Trump và một số đảng viên Cộng hòa công kích, dự luật này khó có thể trở thành luật trước sự chống đối của đảng Cộng hòa.

Những người ủng hộ dự luật bảo vệ công tố viên đặc biệt ca ngợi quyết định đó như một chiến thắng của pháp quyền, nói rằng dự luật đó sẽ gửi đi thông điệp nhắc nhở rằng tổng thống không có quyền vô hạn.

https://www.voatiengviet.com/a/du-luat-thuong-vien-bao-ve-cong-to-vien-dac-biet/4367635.html

 

Ông Pompeo tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ

Cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo hôm thứ Năm 26/4 đã tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ sau khi thượng viện bỏ phiếu chuẩn thuận người được Tổng thống Donald Trump đề cử với 57 phiếu thuận và 42 phiếu chống.

Tổng thống Trump ca ngợi quyết định của Thượng viện và chúc mừng ông Pompeo trở thành Ngoại trưởng thứ 70 của nước Mỹ.

Ông Pompeo thay thế ông Rex Tillerson, người bị Tổng thống Trump cách chức trong tháng trước. Trong cương vị Ngoại trưởng, ông Pompeo sẽ tham dự hội nghị NATO tại Brussels vào ngày thứ Sáu 27/4 và thảo luận song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Ý.

Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ sau đó sẽ đi thăm Israel, Ả Rập Xê-út và Jordan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói các nước này được chọn để phản ánh “tầm quan trọng của 3 nước trong tư cách là đồng minh và đối tác chủ yếu của Hoa Kỳ trong vùng.”

Chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra chỉ vai giờ sau cuộc bỏ khiếu chuẩn thuận gay go tại thượng viện.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-pompeo-tuyen-the-nham-chuc-ngoai-truong-my/4367051.html

 

Thái Lan bắt lãnh đạo đối lập Campuchia

Cảnh sát nhập cư Thái Lan vừa bắt giữ lãnh đạo của một nhóm đối lập Campuchia có trụ sở ở Đan Mạch, Reuters dẫn nguồn Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hôm 26/4, trong lúc một quan chức Campuchia nói rằng chính phủ đang thảo luận với Thái Lan về việc dẫn độ người đàn ông này.

Vụ bắt giữ xảy ra trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng Bảy tới, trong đó Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen dự kiến sẽ giành chiến thắng sau khi đảng đối lập chính là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị tòa án giải thể vào năm ngoái.

Sam Serey, người đứng đầu phe đối lập Mặt trận Giải phóng Quốc gia Khmer (KNLF), đã bị bắt tại một trung tâm nhập cư ở phía bắc thủ đô Bangkok của Thái Lan, trong khi đang tìm cách gia hạn thị thực ở Thái, HRW cho biết.

“Mối quan ngại chính của chúng tôi là sự an toàn của Sam Serey nếu anh ta bị trục xuất về Campuchia”, Sunai Phasuk, một nhà nghiên cứu cấp cao ở Thái Lan của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói với Reuters tại Bangkok.

“Trước đó, chúng tôi đã thấy các thành viên của KNLF bị chính quyền Campuchia ngược đãi khi bị giam giữ. Chính phủ Thái phải xem xét lại luật quốc tế khi tiến hành việc này”.

Vào năm 2016, một tòa án Campuchia đã kết án vắng mặt Sam Serey 9 năm tù vì âm mưu tấn công. Trong tháng này, Thủ tướng Hun Sen cáo buộc Sam Serey và nhóm của ông âm mưu tấn công ở Campuchia, gọi ông là “kẻ phản bội”.

Chuyên gia Sunai cho biết Sam Serey đã bị cảnh sát Thái Lan bắt vì nằm trong “danh sách đen” mà Campuchia cung cấp trong các âm mưu nổ bom.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Campuchia, Khieu Sopheak, nói với Reuters rằng chính phủ đã liên lạc với Thái Lan để thảo luận về việc dẫn độ Sam Serey.

Thái Lan thường xuyên chấp nhận yêu cầu dẫn độ công dân của Campuchia mang án hình sự, hoặc những người mà Campuchia coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Hồi tháng Hai, một phụ nữ đã ném một chiếc giày vào một biển quảng cáo có hình Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đã bị buộc đưa từ Thái Lan về Campuchia, nơi bà đang thụ án hai năm tù.

Đảng đối lập CNRP đã bị giải thể sau khi bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, một cáo buộc mà cả hai phía đều bác bỏ.

Trước cuộc bầu cử vào tháng Bảy, đảng CPP đã đẩy mạnh truy tố những người chỉ trích và đối thủ chính trị. Nhiều hãng truyền thông lớn cũng bị buộc phải đóng cửa.

https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-bat-lanh-dao-doi-lap-campuchia/4366362.html

 

Tân ngoại trưởng Mỹ Pompeo đòi NATO

tăng ngân sách quân sự

Trọng Nghĩa

Không đầy 12 tiếng đồng hồ sau khi được Thượng Viện chuẩn y chức vụ ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo đã có mặt hôm nay, 27/04/2018 tại tổng hành dinh khối NATO ở Bruxelles.

Giới phân tích ghi nhận hai mục tiêu : Mỹ muốn cho thấy là vẫn tiếp tục hậu thuẫn định chế từng bị đương kim tổng thống Hoa Kỳ gọi là lỗi thời, và Washington muốn nhân dịp này lại nhắc nhở các thành viên NATO phải tăng chi phí quân sự, như ông Trump từng yêu cầu, trong bối cảnh NATO đang tìm kiếm một mặt trận chung nhằm đối phó với Nga.

Theo nhận xét của hãng tin Pháp AFP, về việc chống Nga, đã có một sự đồng thuận tương đối rộng rãi trong khối NATO về việc cần phải ngăn chặn Nga sử dụng các thủ đoạn chiến tranh hỗn hợp, từ các kỹ thuật gây rối loạn, tuyên truyền, cho đến chiến tranh mạng, để làm suy yếu phương Tây mà không gây ra phản ứng quân sự của NATO.

Dù vậy vấn đề gây chia rẽ trong NATO là làm sao cân bằng được giữa phản ứng nghiêm khắc chống Matxcơva, và vẫn mở cánh cửa để đối thoại.

Riêng về việc Mỹ muốn một số thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự, nhiều nước vẫn không sẵn sàng. Cho dù đây là cam kết chung, đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở xứ Wales vào tháng 09/2014, quy định các nước phải dành ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng.

Ví dụ, nước Đức giàu có đặc biệt chống lại đòi hỏi bị cho là quá lớn của tổng thống Mỹ đối với Berlin.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180427-tan-ngoai-truong-my-pompeo-doi-nato-tang-ngan-sach-quan-su

 

Ngoại trưởng ASEAN họp chuẩn bị

cho hội nghị thượng đỉnh

Mai Vân

Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á đã họp vào hôm nay, 27/04/2018, tại Singapore để chuẩn bị cho Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN mở ra ngày mai.

Các bên đã thảo luận về các vấn đề của khối : hợp tác kinh tế, vấn đề người Rohingya Miến Điện. Tuy vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Nam-Bắc Triều Tiên đã chiếm phần lớn chương trình nghị sự.

Trong phát biểu mở đầu cuộc họp, ngoại trưởng Singapore, Vivian Balakrishnan xác nhận : « Chúng ta đang ở một giai đoạn trọng yếu của thế giới, nhiều sự kiện diễn ra vừa trong ASEAN và xa hơn nữa ». Và điều quan trọng nhất, theo ngoại trưởng Singapore, là ASEAN phải đoàn kết và cùng đưa ra những mục tiêu chung.

Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu trên ám chỉ cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, và ASEAN từ lâu nay luôn cổ vũ cho đối thoại và hòa bình ở bán đảo.

Tuy rất cảnh giác trước chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng các quốc gia ASEAN vẫn đón sứ quán Bắc Triều Tiên và hoan nghênh sự hiện diện của Bắc Triều Tiên ở Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ARF. Hiện thời, có tin là Bangkok và Singapore đã tỏ ý muốn đón cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới đây giữa Kim Jong Un và Donald Trump.

Theo kế hoạch, ngày mai đến lượt các nguyên thủ hay thủ tướng chính phủ ASEAN sẽ họp thượng đỉnh, bàn về các vấn đề nội bộ như tự do thương mại hay cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya ở Miến Điện.

Theo AP, về Biển Đông, do việc ASEAN đang đàm phán bộ Quy Tắc Ứng Xử với Trung Quốc, cho nên chủ đề này sẽ ít nổi cộm trong cuộc họp.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180427-ngoai-truong-asean-hop-chuan-bi-cho-hoi-nghi-thuong-dinh

 

Ấn Độ và Trung Quốc họp thượng đỉnh

nhằm cải thiện quan hệ

Trọng Nghĩa

Trong hai ngày hôm nay, 27/04/2018 và ngày mai, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai quốc gia đông dân cư nhất hành tinh, gặp nhau ở Vũ Hán (Trung Quốc) với hy vọng cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Thông tín viên RFI tại Trung Quốc Heike Schmidt đã trích ảnh minh họa của tờ Hoàn Cầu Thời Báo về sự xích lại gần nhau này : một con voi ngồi cùng con gấu trúc trên một chiếc thuyền đi qua một vùng nước dậy sóng.

Cả hai lãnh đạo đều muốn tranh thủ không khí hòa dịu hiện nay : Ông Tập Cận Bình đang đứng trước mối đe dọa một cuộc chiến thương mại, muốn thuyết phục Ấn Độ giữ khoảng cách với Mỹ, trong lúc mà thủ tướng Modi, trước cuộc bầu cử tại Ấn vào năm tới đây, thì cần một kết quả kinh tế khả quan hơn.

Tuy nhiên, cuộc gặp không thể tránh những vấn đề gây căng thẳng : vấn đề biên giới, vấn đề Bhutan. Mùa hè năm ngoái lính Ấn Độ và Trung Quốc đã đối mặt nhau ở cao nguyên Doklam.

Còn vấn đề Pakistan. Ấn Độ rất cảnh giác trước quan hệ thân thiết Trung Quốc-Pakistan, được Bắc Kinh xem như yếu tố trọng yếu trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới và đầu tư vào hàng chục tỷ đô la.

Nhưng báo chí Trung Quốc, điển hình là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tỏ ra rất tin tưởng về triển vọng quan hệ Ấn-Trung, khi cho rằng « băng tuyết Himalaya bắt đầu tan ». Tờ báo cũng nhắc lại cuộc gặp lịch sử năm 1988 giữa Đặng Tiểu Bình và Radjiv Gandhi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180427-an-do-va-trung-quoc-hop-thuong-dinh-voi-hy-vong-cai-thien-quan-he

 

Thủ tướng Đức đến Washington

Mai Vân

Sau chuyến thăm của tổng thống Pháp, hôm nay, 27/04/2018, đến lượt thủ tướng Đức Angela Merkel đến Washington với một thông điệp là Pháp, Đức và phần lớn quốc gia châu Âu cùng một tiếng nói và bảo vệ quan điểm chung trên những hồ sơ bất đồng với Hoa Kỳ.

Thông tín viên RFI, Pascal Thibaut, tại Berlin phân tích mục đích chuyến đi của thủ tướng Đức :

“Sau chuyến thăm của tổng thống Pháp Emmanuel Macron được tổ chức rất trịnh trọng, bà Angela Merkel sẽ chỉ ở Washington vài tiếng đồng hồ trong một chuyến thăm để làm việc.

Quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Đức và Mỹ hiện không mấy tốt đẹp. Ông Donald Trump và bà Merkel hẳn không tâm đầu ý hợp.

Nhưng Berlin cũng đã có một số cử chỉ trước chuyến đi này : Thông báo mua thêm vũ khí Mỹ trong lúc Washington trách cứ rằng ngân sách quân sự Đức quá khiêm tốn. Berlin cũng tỏ thái độ về dự án ống dẫn khí của Nga, Nordstream 2, mà Mỹ chỉ trích.

Về thương mại quốc tế, Berlin chủ trương đối thoại, cho dù là trước chuyến đi của bà Merkel, giới lãnh đạo Đức đánh giá là Mỹ sẽ áp thêm thuế trên thép và nhôm của châu Âu. Bà Angela Merkel cũng sẽ ra sức thuyết phục ông Trump là trong lúc không có biện pháp thay thế, thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran phải được duy trì.

Phía Đức vẫn bi quan, trong một cuộc thăm dò dư luận, 2/3 người được hỏi nghĩ là quan hệ song phương Mỹ-Đức sẽ còn xấu đi thêm”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180427-thu-tuong-duc-den-washington

 

Thượng đỉnh Liên Triều : tình yêu âm nhạc,

mẫu số chung của hai đệ nhất phu nhân

Thanh Hà

Vào lúc phu quân của họ bắt tay nhau trong cuộc gặp lịch sử tại đường biên giới Liên Triều, hai đệ nhất phu nhân Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên chuẩn bị dự bữa dạ tiệc tối nay. Thoạt nhìn, Ri Sol Ju và Kim Jung Sook, tưởng chừng rất khác biệt, nhưng cả hai cùng có tình yêu âm nhạc vô bờ bến.

Phu nhân hai nước Triều Tiên từng là những “danh ca” chuyên nghiệp trước khi trở thành người bạn tri kỷ của hai nhân vật quyền uy nhất trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Bà Ri Sol Ju, tuổi chừng trên dưới 30, là đệ nhất phu nhân Bắc Triều Tiên đầu tiên xuất hiện trước công chúng bên cạnh chồng.

Trước khi kết hôn với lãnh tụ họ Kim năm 2009 và có với ông ba mặt con, Ri Sol Ju là một thành viên của ban nhạc Unhasu nổi tiếng ở Bình Nhưỡng. Phải đợi đến năm 2012 khi Kim Jong Un lên cầm quyền thay cha, bà mới được công chúng biết đến. Lập tức công luận quốc tế đánh giá, Ri Sol Ju là một “phụ nữ có ảnh hưởng lớn đối với chồng”. Bà tháp tùng Kim Jong Un trong các chuyến thị sát và cùng ông tiếp các lãnh đạo nước ngoài. Đáng chú ý nhất là trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên hồi tháng 3/2018. Tại Bắc Kinh, bà và đệ nhất phu nhân Trung Quốc, Bành Lệ Viên, đã có cùng một ngôn ngữ là âm nhạc.

Vẫn theo báo chí quốc tế Ri Sol Ju thích dùng hàng hạng sang. Ống kính truyền hình đã chụp được ảnh đệ nhất phu nhân Bắc Triều Tiên tay cầm ví mang nhãn hiệu nổi tiếng của Pháp Christian Dior.

Các nhà bình luận cho rằng, Bình Nhưỡng đã phá lệ từ đời ông và cha của lãnh đạo Kim Jong Un, khi mà công chúng gần như không hay biết gì về danh tính của các đệ nhất phu nhân. Ri Sol Ju thì khác. Bà là lá chủ bài của chế độ Bình Nhưỡng để đưa ra bộ mặt của một “Nhà nước bình thường” như tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

Đệ nhất phu nhân xứ Hàn

Còn tại Seoul, người đàn bà đứng bên cạnh tổng thống Moon Jae In là Kim Jung Sook 63 tuổi. Bà cũng là một ca sĩ thành danh trước khi về nhà chồng. Thuở trẻ, bà Kim từng tham gia vào một dàn đồng ca của thủ đô Seoul. Nhưng từ khi lập gia đình, bà từ bỏ sân khấu, ở nhà nuôi con, để cho chồng từng bước thăng tiến.

Tổng thống Moon Jae In hay nói đùa là vợ mình quá mờ nhạt và kín đáo. Điều đó đôi khi không đúng với sự thật. Năm ngoái, trong một chuyên viếng thăm Philippines, đệ nhất phu nhân Hàn Quốc đã không ngần ngại thể hiện ca khúc Gangnam Style !

Thái độ tự nhiên và cũng đầy tự tin này của phu nhân tổng thống Moon đã khiến công luận thán phục. Khác với những thế hệ đi trước, đương kim đệ nhất phu nhân Hàn Quốc không chỉ là một chiếc bóng bên chồng.

Moon Jae In và Kim Jung Sook đã gặp nhau thời còn là sinh viên. Tổng thống Hàn Quốc tương lai theo học luật và không ngừng đấu tranh chống lại chế độ quân sự thời đó. Ông kể lại là đã yêu bà Kim khi ông biểu tình bị trúng hơi cay và được người vợ tương lai của mình chăm sóc. Bà cũng là điểm tựa vững chắc trong thời gian ông bị giam cầm vì các hành vi phản kháng.

Nhưng điều ít ai biết về bà Kim Jung Sook là tại một quốc gia truyền thống như xứ Hàn, năm 1981, chính cô Kim là người ngỏ lời “cầu hôn” xin về nâng khăn sửa túi cho cậu sinh viên Moon Jae In !

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180427-thuong-dinh-lien-trieu-tinh-yeu-am-nhac-mau-so-chung-cua-hai-de-nhat-phu-nhan