Tin khắp nơi – 27/01/2017
TT Trump sẽ tiếp đón Thủ tướng Anh tại Toà Bạch Ốc
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm nay, thứ Sáu 27/1, tại Tòa Bạch Ốc. Hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ mở một cuộc họp báo chung.
Thủ tướng May là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp gỡ ông Trump ở thủ đô Washington kể từ khi ông nhậm chức.
Cả hai nhà lãnh đạo đã thực hiện các bước nhằm cải cách các quan hệ quốc tế, đặc biệt là qua quan hệ về thương mại. Việc Anh dự định rút ra khỏi Liên minh châu Âu và ông Trump quyết định rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ đòi hỏi các bên phải đàm phán các hiệp định thương mại mới trên toàn thế giới.
Kế hoạch rút khỏi EU của bà May bao gồm ưu tiên việc kiểm soát nhập cư, mặc dù bà vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào về chính sách nhập cư này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Tổng thống Trump vẫn chưa quyết định liệu ông sẽ cắt giảm kinh phí cho các tổ chức quốc tế như LHQ hay không. Trước đó truyền thông cho biết ông Trump đang tìm cách cắt giảm vai trò của Hoa Kỳ trong những tổ chức quốc tế.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng May đã gặp gỡ nhóm các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ tại Philadelphia. Tại đây bà May nói “đã qua rồi cái thời Hoa Kỳ và Anh can thiệp vào tình hình các quốc gia khác để áp đặt khuôn mẫu cai trị của mình.”
Thủ Tướng Anh nói giờ chính là lúc để Anh và Mỹ bảo vệ lợi ích của hai nước, nhưng không quay trở lại với điều mà bà gọi là “các chính sách thất bại của quá khứ.”
Tuy nhiên bà cảnh giác rằng:
“Chúng ta cũng không thể đứng yên trước các mối đe dọa thực sự và chỉ can thiệp khi nào làm như vậy phục vụ lợi ích của chúng ta. Chúng ta phải mạnh mẽ, thông minh và kiên cường.”
Bà May cũng kêu gọi cải cách trong các tổ chức đa quốc như LHQ và NATO “để các tổ chức này phù hợp hơn và có mục đích hơn.”
Nhà lãnh đạo Anh còn nói rằng các thành viên của các tổ chức đa quốc vừa nêu phải chấm dứt tình trạng dựa vào Hoa Kỳ quá đáng, vì theo lời bà “các quốc gia có quyền tự quyết không thể giao phó công tác bảo vệ an ninh và thịnh vượng kinh tế của mình cho Hoa Kỳ.”
Bà May nói các nước này không nên phương hại tới các mối quan hệ liên minh “đã giúp cho chúng ta vững mạnh, khi không dấn thân, và hoàn thành phần nghĩa vụ của mình”.
http://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-se-tiep-don-thu-tuong-anh-tai-toa-bach-oc/3695399.html
Lấy thuế nhập khẩu xây tường biên giới
WASHINGTON —
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang thực hiện những hứa hẹn đã đưa ra khi vận động tranh cử rằng ông sẽ “bắt tay vào việc” ngay lập tức sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Trong tuần lễ đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã ký một loạt sắc lệnh, trong đó có lệnh xây một bức tường thành dọc biên giới Mỹ-Mexico. Người Mexico và nhiều người Mỹ lên án kế hoạch xây tường biên giới tốn kém này. Nhưng trong khi một số người cho rằng đây là một hành động đáng hổ thẹn, một số người khác lại nói rằng bức tường biên giới sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ an ninh cho nước Mỹ.
Những người biểu tình tụ tập hôm thứ Năm 26/1 chờ ông Trump đến thành phố Philadelphia, nơi ông sẽ phát biểu tại một cuộc tập họp của các nhà hoạch định chính sách của Ðảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump nói:
“Tôi đã nói nhiều lần rằng người Mỹ sẽ không trả tiền xây tường rào biên giới, và tôi đã làm rõ điều đó với chính phủ Mexico.”
Phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto kiên quyết bác bỏ đề nghị nước ông trả chi phí xây dựng bức tường biên giới đó.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói rằng kinh phí xây bức tường thành có thể thu từ tiền thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài:
“Nếu quý vị nghĩ đó là thuế gì vậy – thuế biên giới đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ những nước, chẳng hạn như Mexico, nước mà chúng ta đang gánh chịu thâm thủng mậu dịch lớn trong trao đổi thương mại với họ – thì khoản thu đó sẽ thực sự là nguồn tài trợ cho dự án.”
Cuộc họp giữa Tổng thống Mexico và Tổng thống Mỹ được sắp xếp vào tuần tới đã bị hủy bỏ vì sự bất đồng trong vấn đề này. Nhưng các nhà lập pháp Ðảng Cộng hòa nói họ ủng hộ kế hoạch xây dựng bức tường biên giới.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh khối đa số ở Thượng viện, phát biểu:
“Chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch này. Như ông chủ tịch Hạ viện đã trình bày hôm qua rằng chi phí cho dự án sẽ vào khoảng từ 12 đến 15 tỉ đôla. Vâng, chúng tôi dự định tự giải quyết vấn đề tường thành biên giới và tổng thống có thể giải quyết những mối quan hệ của ông với các nước khác về vấn đề nay và những vấn đề khác.”
Về phía Dân chủ, đa số phản đối kế hoạch xây bức tường biên giới.
Nghị sĩ Dân chủ Robert O’Rourke của bang Texas nói:
“Đây sẽ là một trong những khoảnh khắc tương tự như khi người dân Đức nhìn lại Bức tường Berlin, hoặc nước Mỹ nhìn lại chính sách tập trung người Mỹ gốc Nhật trong thời Thế chiến thứ II.”
Người dân ở gần biên giới có quan điểm không đồng nhất về chuyện xây bức tường thành.
Một người Mỹ sống gần biên giới Mexico nói:
“Không nên để chuyện đó xảy ra. Tôi thật ngỡ ngàng khi quyết định đó được thông qua.”
Nhưng ông Michael Vickers, một nhân viên tuần tra biên giới ở bang Texas, nói ông và những người láng giềng của ông luôn phải đối diện với các tội hình sự do di dân gây ra.
“Đó là một cảm giác vui mừng khôn tả mà đa số chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây.”
Một số nhà phân tích nói rằng ông Trump phản ứng theo những điều mà nhiều người Mỹ muốn thấy.
Ông Andreas Akaras, một chuyên gia của Diễn đàn Tự do St Andrew, nhận định:
“Thỉnh thoảng xảy ra chuyện công dân Mỹ bị giết hại bởi những di dân bất hợp pháp ở đây. Chuyện đó đã xảy ra ở San Francisco. Một phụ nữ tên Kate đã bị một người Mexico sát hại. Người này đã nhiều lần phạm tội và đã bị trục xuất nhiều lần. Bà Kate đã bị hắn bắn chết.”
Những người chí trích nói rằng những vụ án như vậy hiếm khi xảy ra, và đàng nào, một bức tường thành cũng không thể ngăn được những kẻ tội phạm.
Trừng phạt các ‘Thành Phố Lánh Nạn,”
hợp hiến hay bất hợp hiến?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư đã ký một sắc lệnh mà theo lời ông là để “trấn áp các thành phố che chở di dân bất hợp pháp” bằng cách không tháo khoán tiền tài trợ của liên bang.
Các thành phố che chở di dân đến lánh nạn được gọi ngắn gọn là “thành phố lánh nạn”, hạn chế những sự hỗ trợ dành cho nhà chức trách liên bang đang tìm cách bắt giữ và trục xuất người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ. 40 thành phố và 364 quận hạt trên khắp nước Mỹ đã tuyên bố sẽ là những nơi che chở cho di dân lánh nạn.
Phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nhấn mạnh chính quyền liên bang sẽ thi hành pháp luật một cách “không nương tay”.
Ông Spicer nói:
“Chúng tôi sẽ tước đi tiền tài trợ của liên bang đối với các tiểu bang và thành phố chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp… Người dân Mỹ tuyệt đối sẽ không bị buộc phải trợ cấp thái độ coi thường luật pháp này”.
Ông Trần Công Thức, cựu Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Quốc gia Tampa Bay, bang Florida, nói:
“Ông Trump đã làm đúng khi trừng phạt những thành phố đã thách thức luật pháp liên bang. Ông Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm vào những người nhập cư bất hợp pháp, những người làm hại xã hội của chúng ta, tôi hoàn toàn ủng hộ ông. Tôi ủng hộ ông trừng phạt các thành phố lánh nạn vi phạm pháp luật là những thành phố đã từ chối trục xuất những người vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, những người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ”.
Các khoản tài trợ của liên bang là trợ cấp kinh tế của Mỹ trích ra từ tổng thu nhập quốc gia, và được dùng để chi trả các dịch vụ khác nhau, như các trung tâm cộng đồng, trạm y tế và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tính riêng rẽ, từng thành phố một có thể mất hàng triệu đôla tiền trợ cấp của liên bang. Trong số các thành phố che chở di dân có các thành phố lớn nhất nước Mỹ, nhiều thành phố nằm trong các tiểu bang nơi ông Trump đã dành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11.
Nhưng Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman nói ông Trump không có quyền hiến định để cắt nguồn tài trợ cho các ‘thành phố lánh nạn’.
Ít nhất 12 thành phố, kể cả thành phố New York thuộc bang New York đã tuyên bố là nơi an toàn cho những người nhập cư bất hợp pháp.
Phát biểu hôm thứ Tư ông Schneiderman nói:
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm hăm doạ các chính quyền địa phương từ bỏ các chính sách đã chứng minh là giúp giữ an toàn cho các thành phố của chúng ta, đều vi hiến, không những vi hiến mà còn đe dọa sự an toàn của các công dân của chúng ta. Tôi kêu gọi Tổng thống Trump thu hồi sắc lệnh ngay lập tức. Nếu ông không làm như vậy, tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để chống lại sắc lệnh đó”.
Bà Lý Trí Anh, cựu thuyền nhân, ở Nam California, nói: “Điều này thật là quá đáng vì người được giúp đỡ thật là rất khổ sở, một số trong số họ đang trong tình trạng sức khỏe kém. Việc này nếu được thực hiện, làm sao họ có thể tồn tại được? Trên thực tế, hầu hết những người này đều là phụ nữ, có người đau ốm và người già cả, vì vậy nếu ông Trump trấn áp những thành phố che chở họ, họ sẽ phải chịu gian khổ quá nhiều”.
Một luật sư di trú hàng đầu của Mỹ nói chỉ có Quốc hội mới có quyền cắt giảm ngân quỹ liên bang dành cho các thành phố ở Hoa Kỳ.
Bà Paromita Shah, phó giám đốc Dự án Di trú Quốc gia thuộc Hội Luật sư Quốc gia, nói “Tổng thống Trump không thể lấy đi các quỹ trợ cấp” mà Tổng thống chỉ có quyền sắp xếp lại và cấp tài trợ theo ưu tiên của chính phủ.
Bà giải thích rõ hơn như sau:
“Tôi nghĩ ông Trump cùng lúc muốn nói rằng ông ấy có thể chuyển hướng các quỹ trợ cấp. Cho nên nếu ông ấy đe dọa sẽ lấy đi các ngân quỹ trợ cấp đó, thì có sự phân biệt giữa việc thay đổi cách sử dụng các quỹ. Theo tôi, chúng ta nên chờ xem ông ấy làm việc đó như thế nào”.
Bà Shah nói thêm rằng sẽ “thú vị” để theo dõi Tổng thống Trump tìm cách lật ngược các quyết định của Quốc hội. Bà nói nếu làm như vậy thì lập trường của ông Trump “không có cơ sở vững chắc”.
Một quan điểm khác cho rằng là không có định nghĩa pháp lý về thế nào là một ‘thành phố lánh nạn’, nó không phải là một pháp nhân. Theo luật sư di trú Mark Shmueli ở Washington, điều này có nghĩa là các thành phố che chở di dân không vi phạm pháp luật liên bang và không thể bị chính quyền ông Trump trừng phạt.
Đảng Cộng Hòa: Bãi bỏ Obamacare ‘trước mùa Xuân’
Những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa của Mỹ hôm thứ Tư đã trình bày kế hoạch bãi bỏ Obamacare đến trước mùa xuân này, theo sau là việc tài trợ xây dựng một bức tường biên giới và cải tổ luật thuế trước cuối mùa hè, trong lúc những nhà lập pháp phát động một nỗ lực để đoàn kết đứng sau một chiến lược lập pháp.
Nhưng những nhà lập pháp Cộng hòa tề tựu về dự một cuộc hội họp kín ba ngày ở thành phố Philadelphia không mấy mặn mà với lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump điều tra điều mà ông tin là gian lận bầu cử quy mô lớn trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 vừa qua.
Tại buổi họp kín, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đề ra một kế hoạch hành động lập pháp bao gồm bãi bỏ Đạo Luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, luật y tế mang dấu ấn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường được gọi là Obamacare, đến trước tháng 3 hoặc tháng 4, theo sau là việc phân bổ ngân quỹ cho việc xây tường ở biên giới với Mexico và cải tổ luật thuế trước tháng 8, một nguồn tin trong Đảng Cộng hòa nói với hãng tin Reuters.
Đảng Cộng hòa hiện nắm thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Một nghị sĩ cao cấp của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện, Dân biểu Diane Black, cho biết những ủy ban chính yếu của Hạ viện sẽ tổ chức biểu quyết trong hai tuần tới về dự thảo luật bãi bỏ Luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.
Dân biểu Chris Collins thuộc Đảng Cộng hòa từ New York, một người sớm lên tiếng ủng hộ ông Trump, nói trên đài MSNBC rằng các nhà lập pháp đã nói tại cuộc họp kín rằng họ sẽ viết luật “trong vòng hai tháng tới” để giúp chi trả cho bức tường biên giới mà ông Trump đã ký những sắc lệnh để xây dựng.
Về vấn đề cải cách thuế, ông Ryan nói với đài MSNBC rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là hoàn tất trước cuối mùa hè, mà đối với Quốc hội là khá nhanh.”
Dù phe Cộng hòa hào hứng với ý tưởng nhanh chóng bãi bỏ Obamacare và cải tổ luật thuế, thách thức đối với Trump và những người theo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội sẽ là thuyết phục các nhà lập pháp đồng lòng về những kế hoạch cụ thể.
http://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-trinh-bay-ke-hoach-bai-bo-obamacare/3695038.html
Một loạt giới chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Mỹ từ chức
Những quan chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin Reuters hôm thứ Năm rằng ít nhất bốn nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ tại bộ này đã từ chức.
Chưa rõ ngay lập tức liệu việc những quan chức này từ chức là một phần của quá trình chuyển tiếp bình thường khi một chính quyền mới bắt đầu hay là một hành động có phối hợp của những nhà ngoại giao từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama.
Một tuần trước, người được Tổng thống Cộng hòa Donald Trump cử làm Ngoại trưởng, cựu chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil Rex Tillerson, đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chuẩn thuận. Ông vẫn chưa được toàn bộ Thượng viện chuẩn thuận. Những vụ từ chức này sẽ gây thêm áp lực lên ông Tillerson để tìm người bổ nhiệm vào những vị trí cao cấp này.
Trong số những người mà Reuters đã xác nhận đang ra đi là Gregory Starr, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách An ninh Ngoại giao, Michele Bond, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Sự vụ Lãnh sự, Thomas Countryman, quyền thứ trưởng đặc trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế và Patrick Kennedy, thứ trưởng đặc trách quản lý.
Tổng thống Mexico hủy chuyến thăm tới Mỹ
Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto hôm thứ Năm cho biết ông đã hủy bỏ kế hoạch hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau khi ông Trump viết trên Twitter rằng Mexico nên hủy bỏ cuộc họp này nếu họ không chịu sẵn sàng trả tiền cho bức tường biên giới mà ông đề xuất.
“Sáng nay chúng tôi đã thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết rằng tôi sẽ không tham dự cuộc họp đã được lên kế hoạch vào ngày thứ Ba tới với Tổng thống Hoa Kỳ,” ông Peña Nieto nói trên Twitter.
“Mexico nhắc lại sự sẵn lòng tiếp tục làm việc với Hoa Kỳ để đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả hai nước.”
Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đáp lại thông báo của Tổng thống Mexico, nói: “Chúng tôi sẽ tìm một ngày để sắp xếp một cuộc gặp gỡ trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục để ngỏ đường dây liên lạc.”
Trước đó, ông Trump viết trên Twitter rằng, “Nếu Mexico không chịu trả tiền cho bức tường rất cần thiết đó thì tốt hơn hết nên hủy bỏ cuộc họp sắp tới” ở Washington D.C.
Ông Trump hôm thứ Tư cho biết ông sẽ bắt đầu xây dựng một bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico và đã tuyên bố sẽ bắt Mexico trả tiền cho bức tường đó. Mexico phản đối bức tường này và đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không chi trả.
Hôm thứ Năm, những nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát cho biết họ dự định sẽ xúc tiến việc tài trợ cho bức tường biên giới mà họ dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng từ 12 tỉ tới 15 tỉ đôla.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-mexico-huy-chuyen-tham-toi-my/3695026.html
Phong trào bảo vệ di dân bất hợp pháp lan tỏa ở New York
NEW YORK, NY —
Tại Thành phố New York với nửa triệu di dân không giấy tờ hợp lệ, các tổ chức bênh vực di dân và Thị trưởng thành phố cam kết bảo vệ cư dân không giấy tờ của thành phố. Thông tín viên Đài VOA Ramon Taylor tường trình về những việc khẩn cấp đang được các tổ chức bênh vực di dân bất hợp pháp tiến hành để bảo vệ di dân.
Trước ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống tân cử Donald Trump, các nhà thờ bảo vệ di dân như nhà thờ Judson chuẩn bị đối phó vì lo ngại Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ thực hiện lời hứa của ông vào tháng 11 năm ngoái là tống xuất từ 2 đến 3 triệu di dân không giấy tờ hợp lệ mà theo lời ông là “có hồ sơ hình sự.”
Mục sư Donna Schaper quản nhiệm Hội thánh Judson Memorial nói:
“Mỗi đêm thứ Ba và thứ Năm chúng tôi có vài trăm người đến đây nhờ giúp đỡ vì một thân nhân bị giam giữ hay sắp bị trục xuất.”
New York là một trong 40 thành phố cư ngụ an toàn cho di dân bất hợp pháp. Thành phố hạn chế trợ giúp nhà cầm quyền liên bang trong việc trục xuất di dân bất hợp pháp. Chính sách này là điều mà những người cổ súy luật di trú mạnh tay hơn cực lực phản đối.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Philadelphia Pat Toomey nói:
“Chúng tôi bàn thảo về ưu tiên đặc biệt này đối với những người mà trong nhiều trường hợp là những thành phần nguy hiểm, những tội phạm hình sự bạo động vì họ đến đây bất hợp pháp.”
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Toomey đưa ra dự luật tước bỏ tiền tài trợ liên bang đối với những thành phố không hợp tác với nhà chức trách liên bang, một biện pháp mà Tổng thống tân cử Donald Trump đã nêu lên trong cuộc vận động tranh cử.
“Những thành phố nào từ chối hợp tác với nhà chức trách liên bang sẽ không nhận được tiền của người đóng thuế, và chúng tôi sẽ làm việc với quốc hội để thông qua luật bảo vệ những nơi ủng hộ nhà chức trách liên bang.”
Dân biểu quốc hội tiểu bang Ron Castorina chỉ trích Thị trưởng Bill de Blasio về điều ông mô tả là không muốn làm việc với chính quyền của ông Trump. Ông nói những chính sách ‘cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp làm cho những thành phố này ít an toàn hơn.
“Không có cách nào để xác định một người từ đâu đến, họ làm gì ở đây, và chắc chắn việc này tạo ra một viễn ảnh hay khả năng là có thể có nhiều người xấu.”
Tuy nhiên bà Francis Madi thuộc Liên minh Di dân New York nói sẽ là rủi ro lớn hơn cho dân chúng nếu các cư dân không giấy tờ lo sợ không báo cáo tội phạm.
“Nếu mọi người không thấy thoải mái tới báo cảnh sát , thì sẽ không có sự tin cậy nào cả, và cảnh sát sẽ không ngăn ngừa được tội phạm xảy ra trong tương lai.”
Mục sư Donna Schaper quản nhiệm Hội thánh Judson Memorial nói những hành động tương lai của ông Trump có thể có những kết quả không lường được đối với tương lai của phong trào.
“Nếu ông Trump theo đuổi những điều ông nói thì việc này sẽ cực đoan hóa phong trào di dân, và đó là một điều tốt. Tuy nhiên sự thống khổ-thống khổ của con người-đi kèm theo đó cũng sẽ rất khủng khiếp.”
Mục sư Schaper tin là cuối cùng mọi người sẽ chăm sóc cho nhau, và bà hướng tinh thần theo điều đó.
Để thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump ngày thứ Tư đã ký một lệnh hành pháp mà theo lời ông nhằm “dẹp bỏ các thành phố cư trú an toàn của di dân bất hợp pháp” bằng cách giữ lại các khoản trợ cấp của liên bang.
Hiện có 40 thành phố và 364 quận hạt trên toàn nước Mỹ trở thành những nơi cư trú an toàn cho di dân bất hợp pháp.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho biết tân chính quyền liên bang sẽ thi hành luật pháp không khoan nhượng.
http://www.voatiengviet.com/a/phong-trao-bao-ve-di-dan-bat-hop-phap-lan-toa-o-new-york/3695019.html
Nga hoãn hòa đàm Syria đến cuối tháng 2
Ngoại trưởng Nga cho biết các cuộc hòa đàm Syria dự kiến vào ngày 08/2 đã phải dời lại đến cuối tháng 2.
Hôm thứ Sáu, 27/1, Ngoại trưởng Sergei Lavrov loan báo trì hoãn cuộc hòa đàm trong một cuộc họp ở Moscow với nhiều nhóm nổi dậy Syria.
Ông Lavrov không nêu lý do tại sao các cuộc hòa đàm tại Geneva do LHQ làm trung gian đã bị hoãn lại.
Đầu tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cùng với Iran, đã mời đại diện chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy Syria đến Kazakhstan để tham gia một vòng hòa đàm phán đã kết thúc với thoả thuận của ba quốc gia liên hệ sẽ giúp giám sát lệnh ngừng bắn từng phần, và cùng hợp tác để hướng tới một giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Phát ngôn viên Thổ Nhĩ Kỳ Muftuoglu hôm qua, thứ Năm 26/1, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép một số chiến binh phá hoại cuộc ngưng bắn đã có hiệu lực từ cuối tháng 12.
Ông lặp lại quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad không có chỗ đứng trong tương lai của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy trong suốt cuộc xung đột đã bắt đầu từ năm 2011 sau khi các cuộc biểu tình thoạt tiên ôn hòa dần dà biến thành một cuộc nội chiến.
Trong nhiều nỗ lực quốc tế nhằm đạt được hòa bình ở Syria, số phận của Tổng thống Assad là điểm gây nhiều bất đồng. LHQ đã tạo ra một khung hành động kêu gọi soạn thảo một hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Các đồng minh của ông Assad, trong đó có Nga và Iran, thì cho rằng ông Assad nên được duy trì quyền lực.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-hoa-dam-syria-den-cuoi-thang-hai/3695559.html
Anh tuyên bố sẽ hoàn thành nghĩa vụ đối với EU
Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết nước Anh sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với Liên minh châu Âu – EU, trong khi tìm cách tăng cường các quan hệ thương mại với các đối tác trên thế giới.
Bộ trưởng Hammond đưa ra cam kết này khi ông nói chuyện với các phóng viên hôm thứ Sáu, 27/1 ở Brussels, Bỉ, nơi diễn ra các bộ trưởng tài chính EU tham dự phiên họp thường kỳ của Hội đồng Kinh tế và Tài chính (ECOFIN).
Ông Hammond nói nước Anh vẫn là một thành viên đầy đủ của EU, và ông có mặt ở Brussels để thảo luận với các bộ trưởng tài chính EU tương nhiệm. Ông nói:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các quy tắc, quy định và luật pháp của EU, ngày nào còn là một thành viên.”
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Hammond cho biết chính phủ Anh có thể cắt giảm thuế để tăng khả cạnh tranh khi các ngân hàng quốc tế chuyển một số hoạt động từ London sang lục địa Châu Âu vì lo sợ Anh sẽ không còn được tiếp cận thị trường chung EU vì hậu quả của Brexit, tức là quyết định rút ra khỏi khối EU sử dụng đồng tiền chung.
Vào tháng 6, năm 2016, Anh bỏ phiếu rút khỏi EU, nhưng dự kiến vào cuối tháng 3, sẽ khởi sự hai năm thương thuyết để tách ra khỏi EU. Anh vẫn là thành viên của EU cho đến khi tiến trình thương thuyết hoàn tất.
http://www.voatiengviet.com/a/anh-tuyen-bo-se-hoan-thanh-nghia-vu-doi-voi-eu/3695536.html
Mỹ sẽ vẫn ‘nâng cấp căn cứ quân sự’ ở Philippines
Hoa Kỳ sẽ nâng cấp và mở rộng các căn cứ quân sự đặt tại Philippines trong năm nay, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tôn trọng thực hiện các kế hoạch theo đó Hoa Kỳ xây dựng các trại lính, nhà kho và đường băng tại ít nhất ba địa điểm.
Động thái này diễn ra bất chấp những bình luận của ông Duterte hồi năm ngoái, nói ông muốn lính Mỹ rút khỏi đất nước ông.
Theo một thỏa thuận quốc phòng, Hoa Kỳ để binh lính đóng tại năm căn cứ quân sự Philippines.
Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA), được ký hồi 2014, cho phép Mỹ triển khai các tàu bè, phi cơ và binh lính tại các căn cứ trên, đồng thời được cất giữ thiết bị phục vụ cho các hoạt động nhân đạo vào hàng hải.
“EDCE vẫn tiếp tục,” ông Lorenzana nói tại một cuộc họp báo.
Ông nói Tổng thống Duterte cam kết sẽ tôn trọng mọi thỏa thuận đang có với Mỹ, một đồng minh lâu năm của Philippines.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ John McCain, đề xuất ngân khoản quốc phòng mới trị giá 7,5 tỷ đô la cho quân Mỹ và các đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38773498
Tổng thống Trump
ủng hộ hiệp định thương mại song phương Mỹ-Nhật
Tháng tới, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Washington, Hoa Kỳ thảo luận với Tân Tổng Thống Mỹ Donald Trump về vấn đề thương mại, bao gồm việc trình bày cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thấy tầm quan trọng của Bản Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà ông Trump mới ký sắc lệnh không tham gia.
Hôm nay, khi loan báo tin này với báo chí, ông Yoshihide Suga, chánh văn phòng Thủ Tướng Nhật Bản cũng nói rằng có khả năng Nhật và Hoa Kỳ sẽ tiến tới bản hiệp định thương mại song phương, thay thế cho bản hiệp định đa quốc TPP.
Tại Washington, một viên chức của chính phủ Trump cũng đưa ra phát biểu tương tự, cho biết Tổng Thống Trump ủng hộ hiệp định thương mại song phương Mỹ-Nhật, và muốn thấy bản hiệp định này thành hình trong thời hạn sớm nhất.
Từ khi còn vận động tranh cử, Tổng Thống trump nhiều lần lên tiếng cho hay ông không hài lòng với TPP và những bản hiệp định thương mại đa quốc gia khác, gọi những bản hiệp định này là thảm họa vì không có lợi cho kinh tế của nước Mỹ, lại còn khiến công nhân Hoa Kỳ mất việc làm.
Riêng với Tokyo, Tân Tổng Thống Trump cũng chỉ trích Nhật không công bằng khi tìm cách ngăn cản không cho xe hơi sản xuất từ Mỹ vào thị trường Nhật Bản.
Ông Masahiko Shibayama, cố vấn của Thủ Tướng Abe, nói với hang thông tấn Reuters rằng điều ông Trump trách cứ hoàn toàn sai sự thật, đưa ra dẫn chứng xe hơi do Mỹ sản xuất không hề bị Nhật đánh thuế nhập khẩu.
Ông Shibayama cũng nhắc lại các công ty sản xuất xe hơi Nhật Bản đều bỏ tiền đầu tư, xây dựng cơ xưởng sản xuất ngay trên đất Mỹ, tạo nhiều việc làm cho người dân Hoa Kỳ.
Ngoài chuyện thương mại, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng sẽ thảo luận với nhau về tình hình an ninh toàn cầu, và tầm quan trọng của quan hệ chiến lược, đồng minh giữa 2 quốc gia.
Khi vận động tranh cử và ngay trong bài diễn văn nhậm chức đọc hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng Thống Trump có nói với đại ý rằng Hoa Kỳ sẽ không chi trả chi phí để giúp bảo vệ an ninh quốc phòng cho nước khác, đòi hỏi những quốc gia muốn được Hoa Kỳ yểm trợ cũng phải đóng góp.
Riêng với trường hợp Nhật Bản, ứng cử viên Trump từng đưa ý kiến Nhật nên có võ khí hạt nhân để tự bảo vệ, thay vì phải trông chờ vào Mỹ. Ông Trump còn tỏ ý cho hay sẽ rút binh sĩ Mỹ đang trú đóng ở Nhật về nước, nêu Tokyo không góp thêm tiền giúp Hoa Kỳ trang trải chi phí.
Những lời tuyên bố đó khiến Tokyo e ngại vì không rõ chính sách của tân chính phủ Mỹ sẽ như thế nào. Do đó hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Thủ Tướng Abe đã đến New York gặp Tổng Thống Đắc Cử Trump để trình bày cho người sẽ lãnh đạo nước Mỹ biết rằng quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là điều phải duy trì, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang banh trướng thế lực quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Mêhicô hoàn toàn có khả năng
gây hại cho Mỹ nếu bị thúc ép
Khi công khai gây hấn với nước láng giềng Mêhicô, tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm mếch lòng một đối tác chiến lược quan trọng. Dù trong thế yếu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, quốc gia châu Mỹ La Tinh này hoàn toàn có thể gây hại cho Mỹ bằng một cuộc chiến tranh thương mại và chính sách không hợp tác trong việc kềm chế nạn nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Nguyên nhân gây bất hòa giữa hai bên là ý định được nhắc đi nhắc lại của tân tổng thống Mỹ rằng Mêhicô sẽ phải trả chi phí xây dựng bức tường ngăn cách hai nước. Ý định đe dọa đánh thuế trên hàng nhập khẩu Mêhicô đưa ra hôm qua là làm quan hệ hai bên căng thẳng hẳn lên.
Đây không phải là lần đầu tiên mà hai bên cơm không lành canh không ngọt. Theo ông Jesus Velasco, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Mêhicô tại Đại học Tarleton ở Texas, cuộc khủng hoảng lớn cuối cùng xẩy ra vào năm 1985, khi một cartel ma túy Mêhicô tra tấn và hạ sát một nhân viên cơ quan bài trừ ma túy DEA của Mỹ, khiến Washington đóng cửa biên giới hai nước trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, lần này, theo ông Velasco, « tình hình tồi tệ hơn nhiều ». Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia này thẩm định : « Trump đang dồn ép chính quyền của tổng thống Mêhicô Pena Nieto đến mức không có chỗ nào cho đàm phán ».
Đối với ông Velasco, Mêhicô có thể đáp trả bằng cách cho phép người di cư Trung Mỹ vượt qua biên giới của mình để vào Mỹ, và cho chính quyền Trump rằng họ sẽ không có bất kỳ một sự hợp tác nào với Mỹ trên vấn đề biên giới.
Theo chuyên gia Velasco, trái hẳn với những lời chỉ trích của Trump, Mêhicô và Hoa Kỳ có « một trong những hợp tác (biên giới) thành công nhất trên thế giới ».
Dưới áp lực của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, Mêhicô đã phát động một chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp tại vùng biên giới với Guatemala. Vào năm ngoái 2016, Mêhicô đã trục xuất 147.370 người nhập cư trái phép, so với 80.900 vào năm 2013, theo số liệu của Bộ Nội Vụ Mêhicô.
Ngoài ra, trong khi Donald Trump muốn Mêhicô chi trả cho bức tường nhằm ngăn không cho người từ Mêhicô tràn vào nước Mỹ, thì thực tế đang diễn ra ngược lại : Ngày càng có nhiều người Mêhicô từ Mỹ hồi hương hơn là từ Mêhicô qua Mỹ.
Vũ khí thứ hai mà Mêhicô có thể sử dụng nhắm vào Mỹ, theo ông Luis de la Calle, kinh tế gia, nguyên là một trong những nhà đàm phán Hiệp Định Tự do Mậu Dịch Bắc Mỹ vào những năm 1990, là áp thuế trên hàng nhập từ Hoa Kỳ tương đương với mức mà chính quyền Trump muốn đánh vào hàng Mêhicô.
Cho dù vậy, ông de la Calle cho rằng Quốc Hội Mỹ – nơi có rất nhiều nhà lập pháp chủ trương thương mại tự do – khó có thể thông qua luật đánh thuế trên hàng Mêhicô của chính quyền Trump.
Đó là chưa kể đến thái độ chống đối của các tiểu bang quan trọng đối với tổng thống Mỹ, như Texas chẳng hạn. Tiểu bang này sẽ bị thiệt hại cực lớn nếu chiến tranh thương mại nổ ra với Mêhicô. Theo số liệu chính thức, 33% hàng nhập khẩu từ Mêhicô vào Mỹ quá cảnh Texas, và 37% xuất khẩu của Mỹ sang nước láng giềng đến từ bang này.
Sau cùng, Mêhicô và Hoa Kỳ cũng là đối tác lớn trong cuộc chiến chống ma túy. Bất kỳ một thái độ thiếu hợp tác nào của Mêhicô trong lãnh vực này đều sẽ là một mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170127-mehico-hoan-toan-co-kha-nang-gay-hai-cho-my-neu-bi-thuc-ep
Anh có thể « xét lại » chính sách với Syria
Theo AFP, hôm nay 27/01/2017, ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh Quốc có thể « xét lại » chính sách về Syria, với việc liên minh với Nga và chấp nhận để tổng thống Assad có thể tiếp tục nắm quyền.
Trong phát biểu trước Thượng Viện Anh, ngoại trưởng Boris Johnson thừa nhận « những bất lợi và những hệ lụy nguy hiểm của một sự thay đổi hoàn toàn » như vậy, nhưng đồng thời cho rằng cần phải thực tế, do « tình hình đã thay đổi ».
Cho đến nay, quan điểm của Luân Đôn là việc tổng thống Syria ra đi là điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết xung đột Syria, đã khiến hơn 310.000 người thiệt mạng từ năm 2011. Việc ông Assad phải từ chức là điều không thể thương thuyết, vì lãnh đạo này bị coi là kẻ độc tài, chà đạp nhân quyền, dẫn đến cuộc nổi dậy mùa xuân 2011. Anh Quốc là một trong những nước theo chủ trương này kiên quyết nhất .
Sự thay đổi thái độ của ngoại trưởng Anh là khá bất ngờ, bởi mới hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh đã gọi tàu sân bay của Nga trên đường trở lại Syria, qua eo biển Manche, là « con tàu hổ thẹn ».
Nga mời đối lập Syria họp tại Matxcơva
Theo ngoại trưởng Nga Lavrov, các lãnh đạo đối lập Syria được mời tham dự một cuộc họp tại Matxcơva, để thông báo về hòa đàm tại Astana, dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vừa diễn ra đầu tuần. Theo AFP, nhiều lãnh đạo đối lập từ chối lời mời.
Theo chính quyền Nga, vòng đàm phán tại Astana được cho là một bước đệm để chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo tại Genève ngày 08/02 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Sáng nay, ngoại trưởng Nga cho biết ngày họp bị dời lại vào cuối tháng, trong khi đó, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura, thì cho hay sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp về Syria tại New York vào tuần tới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170127-anh-co-the-%C2%AB-xet-lai-%C2%BB-chinh-sach-voi-syria
Pháp : Ứng cử viên Fillon «sẽ bỏ cuộc» nếu bị điều tra
Con đường vào điện Elysée của François Fillon, ứng cử viên đảng cánh hữu Những người Cộng hoà bắt đầu thu hẹp. Một ngày sau khi bị báo Canard enchainé (Con vịt buộc) tố giác cho vợ là Penelope « làm trợ lý giả nhưng lãnh lương thật và cao », chiều thứ năm 26/01/2016, trên đài truyền hình TF1, cựu thủ tướng Pháp dứt khoát bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố, « nếu bản thân bị điều tra », ông sẽ bỏ cuộc
« Vụ việc Fillon » mà các mạng xã hội gọi là Penelope Gate là một cơn « địa chấn chính trị » nổ ra vào thời điểm chỉ còn 100 ngày là đến bầu cử tổng thống Pháp.
Sau khi ra thông cáo bác bỏ những lời « vu khống », ông François Fillon, ứng cử viên của phe hữu, một lần nữa khẳng định, trong chương trình truyền hình vào giờ có đông đảo khán giả theo dõi, ông sẽ « giải thích rõ với tư pháp » là phu nhân của ông « là trợ lý nghị sĩ trong nhiều năm dài ». Ứng cử viên được xem là tổng thống tương lai ( theo thăm dò ý kiến) xác quyết ông là đối tượng của một mưu toan « đáng khinh bĩ » nhằm ngăn chận con đường vào điện Elysée. Tuy nhiên, ông cam kết nếu bị điều tra ông sẽ « bỏ cuộc để bảo vệ danh dự ».
Theo AFP, luật sư đại diện cho ông François Fillon đã nộp cho ban tài chính của viện công tố Paris những tài liệu xác minh phu nhân cựu thủ tướng thật sự có làm việc như là trợ lý cho chồng khi ông còn là dân biểu.
Điều tra được tăng tốc vào hôm nay 27/01. Nữ ký giả Christine Kelly , tác giả tiểu sử của ông François Fillon và cựu tổng biên tập tạp chí Revue des Deux Mondes, Michel Crépu cho biết được tư pháp mời thẩm vấn.
Uy tín của ứng cử viên cánh hữu chỉ còn 38%, bị mất 4 điểm trong 48 giờ qua. 61% người được hỏi cho biết họ mất tin tưởng vào ông François Fillon.
Ba Lan sẽ không cho Mỹ mở lại nhà tù “đen”
Là một trong những quốc gia bị cho là đã đồng ý cho cơ quan CIA thiết lập các cơ sở bí mật – gọi nôm na là nhà tù đen – trên lãnh thổ của mình, chính quyền Ba Lan vào hôm qua, 26/01/2017 đã lên tiếng bác bỏ khả năng cho Hoa Kỳ đặt các cơ sở loại này trên nước họ. Có tin là tân chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump đang xem xét mở lại một số nhà tù đen ở nước ngoài để giam giữ và tra tấn các phần tử khủng bố để lấy tin.
Theo hãng tin Pháp AFP, khi được hỏi liệu chính quyền Vácxava có xem xét khả năng cho Mỹ đặt các cơ sở đó tại Ba Lan hay không, thủ tướng Beata Szydlo đã trả lời là « không » sau khi cho biết là phía Mỹ không hề có đề nghị và Ba Lan cũng không có ý định thảo luận về vấn đề này.
Trong thời gian trước đây, báo chí đã nêu bật sự kiện là cơ quan tình báo Mỹ CIA đã có một số cơ sở bí mật tại Ba Lan, Rumani, Litva, Afghanistan và Thái Lan để giam giữ các phần tử bị cho là khủng bố từ sau vụ tấn công 11/09 năm 2001 tại Hoa Kỳ, và không ngần ngại tra tấn các đối tượng này để thu thập tin tức.
Cũng như Lítva, chính quyền Ba Lan chưa bao giờ chính thức công nhận sự hiện diện của các cơ sở này trên đất nước họ, nhưng vào năm 2014, tổng thống Ba Lan thời đó là Aleksander Kwasniewski đã công khai thừa nhận có một nhà tù bí mật của CIA tại nước ông, nơi mà một báo cáo của Thượng Viện Mỹ cho biết là biện pháp tra tấn được sử dụng đối với các nghi phạm khủng bố Al-Qaeda.
Hôm 25/01 vừa qua, tân tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết là theo ông, các biện pháp bị nhiều người xem là tra tấn – và bị pháp luật nghiêm cấm – « hoàn toàn » hiệu nghiệm, và ông sẽ để cho CIA và Lầu Năm Góc cân nhắc xem có nên khôi phục các hình thức hỏi cung này hay không.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170127-ba-lan-se-khong-cho-my-mo-lai-nha-tu-%E2%80%9Cden%E2%80%9D
Cuộc chiến chống ma túy
của tổng thống Philipines bị kiện
Biện pháp đẩm máu chống ma túy do tổng thống Philippines đề xuất bị kiện ra toà. Ngày 26/01/2017, luật sư đại diện gia đình bốn nạn nhân bị thảm sát và một người sống sót, đã nộp đơn kiện lên Toà án Tối cao. Từ tháng 6/2016 đến nay, hơn 7000 người Philippines đã bị giết trong khuôn khổ chiến dịch bị công luận trong và ngoài nước lên án.
Vụ thảm sát diễn ra vào tháng 8/2016. Bốn người đàn ông bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc càn quét bài trừ con buôn ma túy ở Quezon, ngoại ô thủ đô Manila. Theo đơn kiện nộp Toà án Tối cao, đây là một vụ hành quyết. Các nạn nhân, bốn người phu hốt rác và một người bán rau quả, bị cảnh sát trói tay rồi nổ súng hạ sát. Bốn người chết, người thứ năm chỉ bị thương, vì nhờ giả chết nên thoát nạn.
Nhân chứng này khẳng định cảnh sát tiếp tục tuần tiểu trong khu phố và dọa nạt những người chứng kiến vụ việc. Phía cảnh sát thì cho rằng năm người này là con buôn ma túy, bắn vào toán tuần tiểu khi thấy cảnh sát tiến đến gần.
Luật sư bên nguyên đơn yêu cầu Toà án Tối cao bắt buộc chính quyền cung cấp bằng chứng quy kết năm người dân này là con buôn ma túy và ngay lập tức phải đình chỉ chiến dịch chống ma túy ở một số khu phố tại Quezon.
Mặc dù bị tố cáo trong nhiều vụ giết người không qua luật pháp, tư lệnh cảnh sát quốc gia Ronald Dela Rosa không chấp nhận tạm ngưng chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Duterte đề xuất.
Được bao che, cảnh sát Philippines gây hai vụ tai tiếng xâm hại du khách . Vụ thứ nhất, một doanh nhân Hàn Quốc, vào tháng 10/2016, bị cảnh sát bắt trong chiến dịch bài trừ ma túy. Nạn nhân bị tra tấn đến chết trong trụ sở cảnh sát, nhưng sau đó cảnh sát lừa gạt người vợ để làm tiền. Cuối tháng 12, ba doanh nhân cũng người Hàn Quốc sang Philippines đánh gôn, bị cảnh sát viện cớ điều tra cờ bạc trái phép, cướp tài sản gồm máy vi tính cầm tay, đồng hồ, tiền mặt , giầy và dụng cụ đánh gôn rồi đòi thêm tiền hối lộ 6000 đôla . Seoul yêu cầu Manila phải nhận diện và trừng phạt thủ phạm.
Được AFP đặt câu hỏi, một sĩ quan cảnh sát cao cấp thẩm định có nhiều vụ du khách Hàn Quốc bị làm tiền, nhưng nạn nhân không thưa kiện. Điều chắn chắn là những du khách này không bao giờ trở lại.
Theo AFP, các tin này càng làm công luận Philippines vừa lo âu hơn vừa bất bình thêm về thái độ bất tuân pháp luật của ông Duterte.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170127-philipines-cuoc-chien-chong-ma-tuy-cua-tong-thong-duterte-bi-kien