Tin khắp nơi – 26/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 26/12/2016

Philippines bị bão lớn ngay Lễ Giáng sinh

Một trận bão mạnh đã đổ bộ vào miền đông Philippines.

Cơ quan dự báo thời tiết ở Manila cho biết bão Nock-Ten với sức gió lên đến 235km/giờ quét vào đảo hẻo lánh Catanduanes tối Chủ nhật.

Trước cơn bão, các giới chức vất vả kêu gọi người dân chú ý vì mọi người đang chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh, một trong những ngày lễ lớn nhất tại quốc gia có đa số người dân theo Cơ đốc giáo này.

Một tỉnh trưởng đã tìm cách kêu gọi người dân đến những nơi tạm trú khẩn cấp bằng cách nói rằng ở đó đãi tiệc Giáng sinh với món lợn quay.

Tỉnh trưởng Villafuerte của tỉnh Camarines Sur, nơi nằm trên đường đi của cơn bão, viết trên Twitter: “Tôi biết bây giờ là Giáng sinh… nhưng đây là một cơn bão thực sự … Xin hãy di tản. Chúng tôi sẽ đãi món thịt lợn nướng tại các trung tâm sơ tán.”

Hàng chục ngàn cư dân đã được sơ tán khỏi các khu vực ven biển, nơi các nhà dự báo thời tiết cảnh báo về khả năng có sóng lớn, lũ lụt và lở đất.

Bão Nock-Ten dự kiến sẽ ập vào các khu vực đông dân cư của Philippines, kể cả thủ đô Manila, trong vài giờ tới cho đến ngày thứ Hai.

Ông Felinio Castro của cơ quan an sinh nói với AP rằng “Thật khó để mừng lễ khi cuộc sống của chúng ta gặp nguy hiểm.” Ông kêu gọi mọi người phải chú trọng vào sự an toàn và phải nghe các cảnh báo của chính quyền địa phương”.

Philippines thường hay bị bão hoành hành vào ngày Giáng sinh.

http://www.voatiengviet.com/a/philippines-bi-bao-lon-ngay-le-giang-sinh/3650263.html

 

Blogger Singapore xin tị nạn ở Mỹ

Một blogger Singapore xin tị nạn chính trị ở Mỹ sau khi bị bắt tuần trước tại sân bay Quốc tế O’Hare ở Chicago.
Bà Gail Montenegro, người phát ngôn của Sở Di trú và Hải quan Hoa Kỳ, trong thông cáo ra hôm thứ Bảy nói rằng anh Amos Yee, 18 tuổi, đang bị chính quyền liên bang tạm giữ để chờ thủ tục của tòa án di trú liên bang.

Anh Yee bị bắt hôm 16/12 và hiện đang bị giữ tạo trại cải huấn McHenry, ở ngoại ô Chicago.

Luật sư Mỹ của anh Yee, bà Sandra Grossman cho biết anh Yee đã bị bắt do đã nhập cảnh Mỹ bằng visa du lịch trong khi có ý định xin tị nạn.

Nhóm nhân quyền Human Rights Watch đã kêu gọi Washington cho anh Yee tị nạn, và nói rằng anh thường xuyên bị chính phủ Singapore sách nhiễu vì đã công khai bày tỏ quan điểm chính trị, tôn giáo, và chỉ trích các nhà lãnh đạo Singapore.

Blogger Amos Yee đã phát một đoạn phim đầy những ngôn từ tục tĩu hồi tháng 3 khi Singapore đang thương tiếc cái chết của Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Chính phủ Singapore cho biết, những đoạn video do Yee đăng tải chế giễu người Cơ đốc giáo, Hồi giáo, và lập luận rằng việc bỏ tù anh là để giữ gìn hòa hợp chủng tộc và tôn giáo.

Anh Yee đã bị bắt giam 2 lần trong năm nay vì tội xúc phạm người Cơ đốc giáo và Hồi giáo bằng các hoạt động trực tuyến của mình. Anh Yee cũng bị gọi đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Bà Grossman, luật sư của anh Yee, cho biết thanh niên này sẽ được các giới chức tị nạn phỏng vấn để xác định liệu anh “có thực sự sợ hãi” bị đàn áp hoặc tra tấn ở Singapore hay không. Sau đó anh sẽ được sắp xếp để ra tòa án di trú, một quá trình có thể mất nhiều năm vì còn quá nhiều hồ sơ tồn đọng.

 

Mỹ: Súng nổ tại tiệc Giáng sinh, 7 người bị thương

Cảnh sát Hoa Kỳ hôm 25/12 tiếp tục truy lùng hai nghi can nhả đạn vào một bữa tiệc Giáng sinh ở North Carolina, khiến 7 người bị thương, trước khi tẩu thoát trên một chiếc xe do một nghi can thứ ba cầm lái.

Vụ nổ súng xảy ra một hôm trước đó tại một bữa tiệc ở Rockingham, ngoại ô thành phố Madison ở tiểu bang North Carolina, theo Reuters.

Phát ngôn viên của cảnh sát trưởng địa phương cho biết rằng cảnh sát vẫn chưa nhận dạng được các nghi can và chưa ai bị bắt giữ.

Thông cáo cho biết thêm rằng các nhân viên cảnh sát phát hiện hai người bị thương ở hiện trường, trong khi năm người khác thì trước đó đã được đưa đi chữa trị vết thương ở nơi khác.

Tất cả các nạn nhân đều không ai có thương tích có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Khoảng 250 tới 300 người có mặt tại bữa tiệc khi một vụ cãi lộn xảy ra, dẫn tới súng nổ.

Các nhân chứng kể lại rằng hai kẻ nổ súng, đều là nam giới, theo Reuters, cũng tham gia bữa tiệc và đã đeo mặt nạ trước khi nổ súng.

Cả hai bỏ trốn khỏi hiện trường trên một chiếc xe màu bạc do một phụ nữ cầm lái. Cảnh sát cho biết vẫn chưa rõ loại xe mà các nghi phạm dùng để tẩu thoát.

http://www.voatiengviet.com/a/sung-no-tai-tiec-giang-sinh-o-my-lam-7-nguoi-bi-thuong/3650333.html

 

30.000 người thiệt mạng vì chiến tranh

ở Afghanistan trong năm nay

Các số liệu chính thức mới nhất ước tính các cuộc xung đột ở Afghanistan đã khiến 30.000 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, đa số là các phần tử nổi dậy.

Theo các giới chức nội vụ và quốc phòng Afghanistan, tính đến Chủ nhật, các cuộc hành quân chống phe nổi dậy của các lực lượng quân sự và cảnh sát Afghanistan trên cả nước đã hạ sát hơn 18.500 chiến binh của “quân thù” và làm bị thương 12.000 người.

Ông Mohammad Radmanesh, phó phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan nói với đài VOA rằng giới hữu trách cũng bắt giữ mấy trăm phần tử nổi dậy.

Ông từ chối nói về thương vong trong các lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Afghanistan (ANDSF), nhưng ông thừa nhận là con số này tăng 10% so với năm trước.

Theo số liệu của quân đội Mỹ, 20.000 quân nhân ANDSF bị thương hoặc thiệt mạng, trong đó có 5.000 người thiệt mạng trong năm 2015.

Văn phòng giám sát công cuộc tái thiết Afghanistan (SIGAR), một văn phòng theo dõi của chính phủ Mỹ, hồi tháng 10 nói rằng hơn 5.500 quân nhân Afghanistan thiệt mạng trong 8 tháng đầu của năm 2016, và khoảng 10.000 người bị thương.

Tổng số thương vong của cả năm có thể còn cao hơn nhiều do chiến tranh tăng mạnh kể từ tháng 8.

Phái bộ hỗ trợ Afghanistan của Liên hiệp quốc (UNAMA) báo cáo với Hội đồng Bảo an hồi tuần trước rằng hơn 3.000 thường dân bị thiệt mạng vì các cuộc xung đột trong năm nay.

Bên cạnh đó, có đến 551.000 người bỏ nhà cửa đi lánh nạn vì chiến tranh tăng mạnh và mở rộng.

Các giới chức Mỹ và Afghanistan nói rằng hơn một triệu người tị nạn Afghanistan ở các nước láng giềng Pakistan và Iran đã trở về quê nhà của họ trong năm 2016. Trong khi đó con số người thất tán trong nước tăng lên đến 1,5 triệu người.

Các nhà phân tích nói có ít hy vọng năm 2017 sẽ tốt hơn nếu không có một tiến trình hòa bình và hòa giải giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban.

http://www.voatiengviet.com/a/ba-muoi-ngan-nguoi-thiet-mang-vi-chien-tranh-o-afghanistan-trong-nam-nay/3650127.html

 

Nga: Có phần chắc khủng bố

không phải là nguyên nhân rớt máy bay

Hôm thứ hai, các giới chức Nga nói có phần chắc khủng bố không phải là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn cho chiếc máy bay chở khách của quân đội Nga, giết chết toàn bộ 92 người trên máy bay.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Tới thời điểm này, khủng bố không phải là nguyên nhân hàng đầu”.

Sáng sớm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nga Maxim Sokolov cho biết vụ tai nạn xảy ra hôm Chủ nhật nhiều khả năng do lỗi của phi công hoặc trục trặc kỹ thuật.

Mặc dù khủng bố không được xem là nguyên nhân hàng đầu, nhưng Ủy ban Điều tra đặc biệt của Nga cũng đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ tai nạn.

Hai phút sau khi cất cánh từ sân bay Sochi, chiếc máy bay của Nga đã rơi xuống Biển Đen trong điều kiện thời tiết tốt, giết chết toàn bộ 8 thành viên phi hành đoàn và 84 hành khách, trong đó có hàng chục thành viên của đoàn nghệ thuật quân đội nổi tiếng thế giới của Nga Alexandrov Ensemble, còn được gọi là Dàn hợp xướng Hồng quân.

Chiếc máy bay đã không phát đi tín hiệu kêu cứu. Phát ngôn viên quân sự, Thiếu tướng Igor Konashenkov, nói phi công trên máy bay thuộc loại “hàng đầu”.

Bộ Quốc phòng cho biết có hơn 3.000 nhân viên cứu hộ có mặt trên 32 tàu, trong đó có hơn 100 thợ lặn, đang tiếp tục tìm kiếm những người sống sót. Ngoài ra còn có các máy bay trực thăng, máy bay không người lái và tàu lặn hỗ trợ cho các nhân viên cứu hộ.

Đến tối Chủ nhật, đã có 11 thi thể cùng nhiều bộ phận cơ thể đã được vớt lên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trên truyền hình rằng thứ Hai là ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân. Ông nói tất cả mọi nỗ lực đang được thực hiện để xác định tại sao chiếc máy bay lại gặp nạn.

Tổng thống Syria Bashar Assad đã cùng với nhiều lãnh đạo nước ngoài khác gửi lời chia buồn tới Tổng thống Putin.

Hôm Chủ nhật, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow cũng đã gửi lời chia buồn với thân nhân các nạn nhân và người dân Nga trên trang Twitter.

http://www.voatiengviet.com/a/nga-co-phan-chac-khung-bo-khong-phai-la-nguyen-nhan-rot-may-bay/3651033.html

 

30 thường dân bị IS giết ở miền bắc Syria

Nhóm Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện một cuộc tấn công ở thị trấn al-Bab của Syria hôm Chủ nhật giết chết ít nhất 30 thường dân đang tìm cách trốn thoát và gây thương tích cho nhiều người khác, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tin trên trong một thông báo hôm thứ Hai.

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng mìn và bom tự chế để ngăn chặn người dân rời khỏi thị trấn điểm nóng, thông báo cho biết thêm mà không nói rõ chi tiết.

Quân nổi dậy Syria, với sự hỗ trợ của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, đang chiến đấu để giành al-Bab. Đây là một phần của chiến dịch “Lá chắn Euphrates” do Thổ Nhĩ Kỳ phát động hồi cuối tháng Tám để quét sạch các phần tử Sunni bảo thủ và những chiến binh người Kurd ra khỏi khu vực biên giới với Syria.

Nhưng quân nổi dậy đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các phần tử thánh chiến và đã phải chịu tổn thất thương vong cao nhất trong chiến dịch cho cuộc giao tranh giành thị trấn.

Tin cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai nhiều xe tăng và pháo binh tới biên giới trong cuối tuần. Nước này cũng đã gửi 500 đặc công tinh nhuệ tới al-Bab, sẵn sàng cho cuộc chiến cuối cùng giành thị trấn.

Cho đến nay, đã có 36 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong chiến dịch Lá chắn Euphrates.

http://www.voatiengviet.com/a/thuong-dan-bi-is-giet-o-mien-bac-syria/3650991.html

 

Thủ tướng Netanyahu:

Nghị quyết LHQ ‘bất cẩn và phá hoại’

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp với nội các của ông hôm Chủ nhật đã nói rằng chính phủ Israel và các chính quyền của Mỹ “bao thập niên qua” đã đồng ý với nhau rằng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không phải là nơi giải quyết các vấn đề liên quan đến việc mở rộng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Tuy nhiên một nghị quyết về việc kiềm chế hoạt động xây dựng khu định cư của Israel hôm thứ Sáu được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sau khi Hoa Kỳ quyết định không phủ quyết.

Thủ tướng Netanyahu hôm Chủ nhật nói rằng ông đã nói chuyện với “những người bạn ở Hoa Kỳ, những người bên Ðảng Cộng hòa cũng như bên Ðảng Dân chủ hiểu được nghị quyết này của Liên hiệp quốc là bất cẩn và gây phá hoại như thế nào. “ Ông bày tỏ mong đợi làm việc với những người bạn đó, và với “tân chính phủ Mỹ khi họ bắt đầu nhiệm quyền vào tháng tới.”

Nhà lãnh đạo Israel cho biết mới đây ông đã chia sẻ với Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ rằng “Bạn hữu không đưa nhau ra Hội đồng Bảo an.”

Phẫn nộ về cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an, ông Netanyahu ra lệnh cho chính phủ của ông ngưng tài trợ cho các định chế của Liên hiệp quốc.

Trong phát biểu được truyền hình hôm thứ Bảy, ông Netanyahu nói rằng ông ra lệnh ngưng gần 8 triệu đôla tài trợ cho các định chế của Liên hiệp quốc mà ông không nêu tên. Ông cũng cho biết “sắp có thêm những hành động nữa,” nhưng ông không nói rõ là gì.

Ông Netanyahu cho biết ông đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao phải xem xét lại tất cả các liên hệ của Israel với cơ quan quốc tế này trong vòng một tháng, bao gồm tất cả các khoản tài trợ và sự hiện diện của các đại diện của Liên hiệp quốc trên lãnh thổ Israel.

Thủ tướng Israel gọi việc Mỹ bỏ phiếu trắng và nghị quyết của Liên hiệp quốc là “đáng hổ thẹn” và cho biết chính phủ của ông sẽ không tuân thủ nghị quyết đó. Ông cũng triệu hồi Đại sứ Israel ở New Zealand và Senegal – hai trong số bốn nhà bảo trợ cho nghị quyết, và ngưng các chương trình viện trợ của Israel cho Senegal.

Ông Netanyahu cũng tỏ ra bất mãn với chính phủ Mỹ. Ông lên án Tổng thống Barack Obama quay lưng lại với cam kết lâu đời của Mỹ sát cách với Israel.

Thủ tướng Netanyahu nói: “Quyết định của chính quyền Obama không những chẳng giúp mang lại hòa bình cho chúng ta, và còn cản đường đi đến hòa bình.”

Ngược lại, người Palestine và các nước Ả Rập trong khu vực haon nghênh nghị quyết.

Cựu thương thuyết gia hòa bình Palestine, ông Saeb Erekat gọi cuộc biểu quyết “là một thông điệp minh bạch và thống nhất” gởi đến Ông Netanyahu rằng các chính sách của ông ấy sẽ không dẫn đến hòa bình và an ninh ở Israel hay bất cứ nơi nào khác trong khu vực.

Pháp tấn xã trích lời một người phát ngôn của Hamas gởi lời cám ơn đến các đặc sứ đã biểu quyết cho nghị quyết. Ông Fawzy Barhoum gọi nghị quyết này là “một cuộc biểu quyết cho quyền của người dân Palestine trên đất của họ.”

Viện vào các liên hệ trong phúc âm trên vùng đất này, Israel mấy thập niên qua đã xây dựng các khu định cư Do Thái trên những lãnh thổ họ chiếm đóng từ các nước láng giềng Ả Rập trong Cuộc chiến tranh Sáu ngày năm 1967, trong đó có Khu Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Hầu hết các nước xem những khu định cư đó cũng như những khu định cư mà Israel đã bỏ ở Gaza cách đây một thập niên là bất hợp pháp và là một cản trở chính đối với hòa bình khu vực.

http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-netanyaho-nghi-quyet-lhq-bat-can-va-pha-hoai/3650274.html

 

Động đất mạnh ngoài khơi biển Chile

gây nguy cơ sóng thần

Một trận động đất mạnh xảy ra ở phía nam của Chile hôm Chủ nhật. Giới hữu trách đã nhanh chóng ra cảnh báo sóng thần. Hiện chưa có tin nói về thiệt hại và thương vong.

Trung tâm Khảo sát Địa chấn Mỹ nói rằng trận động đất mạnh 7,7 độ Richter, có tâm chấn cách vùng duyên hải ít cư dân Puerto Quellon của Chile khoảng 40 kilômét về hướng tây nam. Trận động đất xảy ra vào lúc 11:22 giờ sáng ở địa phương (1422 giờ quốc tế UTC)

Giới hữu trách Chile và Mỹ ra cảnh báo sóng thần trong khu vực có bán kính 1.000 kilômét quan tâm chấn.

Đây là trận động đất thứ ba trong tháng này có cường độ 7,7 độ hoặc hơn dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương.

Một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ghi nhận được ngoài khơi Đảo Solomon hôm 8 tháng 12, và một trận động đất mạnh 7,9 độ xảy ra ở Papua New Guinea hôm 17 tháng 12.

http://www.voatiengviet.com/a/dong-dat-manh-ngoai-khoi-chile-gay-nguy-co-song-than/3650187.html

 

Nga tìm kiếm nạn nhân vụ máy bay rơi ở Biển Đen

Chiến dịch tìm kiếm khổng lồ đang tiếp tục tại Nga sau khi chiếc phi cơ quân sự Nga với 92 người trên khoang rớt xuống Biển Đen đầu giờ sáng Chủ Nhật 25/12.

Khoảng 3.500 người trên các phương tiện tàu, máy bay, trực thăng và tàu ngầm tham gia chiến dịch tìm kiếm ở gần Sochi.

Chiếc Tu-154 chở theo binh lính, các thành viên một đội quân nhạc nổi tiếng và các phóng viên khi đó đang trên đường tới Syria.

Người ta e sợ rằng toàn bộ những người trên khoang đều đã thiệt mạng sau vụ tai nạn hôm Chủ Nhật. Hôm thứ Hai được tuyên bố là ngày quốc tang.

Tìm thấy những thi thể đầu tiên

Các đội tìm kiếm, gồm 139 thợ lặn, đã làm việc suốt đêm trong ba kíp khác nhau.

Chiến dịch tìm kiếm đã diễn ra “không ngơi nghỉ dù chỉ một phút”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Trung tướng Igor Konashenkov nói trong buổi họp vắn tắt đầu giờ sáng hôm thứ Hai.

Ông nói đã tìm được 11 thi thể và ‘154 mảnh vỡ’ kể từ khi chiến dịch bắt đầu.

Trong đêm, ông nói thêm, các đèn pha chiếu sáng đã được sử dụng tại khu vực tìm kiếm.

Phạm vi tìm kiếm ban đầu 10,5 cây số vuông nằm ngay gần bờ đã được mở rộng.

Đây là địa điểm cách khoảng 1,5km bờ biển của thành phố Sochi, có độ sâu từ 50 đến 70 mét, Bộ Quốc phòng nói hôm thứ Bảy.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov nói khủng bố không “nằm trong số các giả thuyết chính” về nguyên nhân gây ra tai nạn.

Ông nói các điều tra viên đang xem xét xem liệu có phải phi công có sai sót hay máy bay gặp lỗi kỹ thuật khiến xảy ra vụ tai nạn hay không.

Một đoạn ghi nội dung âm thanh đã được đưa trên truyền thông Nga, và được cho là đoạn hội thoại cuối cùng giữa trạm kiểm soát lưu không và chiếc phi cơ, theo đó không có tín hiệu nào cho thấy phi hành đoàn đang gặp trục trặc.

Những giọng nói trong đoạn âm thanh này rất bình tĩnh cho tới khi chiếc phi cơ biến mất và trạm kiểm soát nỗ lực tìm cách nối lại liên lạc nhưng bất thành.

Chiếc phi cơ đi vào hoạt động kể từ 1983.

Tướng Konashenkov nói chiếc phi cơ được bảo dưỡng lần cuối hồi tháng Chín và đã được đại tu hồi tháng 12/2014. Chuyến bay do một phi công ‘dày dạn kinh nghiệm’ điều khiển, ông nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38435441

 

‘Biết ơn Gorbachev

vì có công khiến Liên Xô sụp đổ’

Trần Quốc QuânGửi tới BBC Tiếng Việt từ Warsaw, Ba Lan

Ngày này 25 năm trước (25/12/1991), tôi ngẫu nhiên trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Tôi quan tâm chính trị từ rất sớm. Tôi còn nhớ như in năm 1968 khi còn là cậu bé 10 tuổi, tôi với ba người bạn cùng trại trẻ quân đội C12 đã xé tờ họa báo Trung Quốc, bôi phân gà lên ảnh Mao Trạch Đông để phản đối Cách mạng Văn hóa và ủng hộ Lưu Thiếu Kỳ.

Hành động này của chúng tôi đã bị cô giáo phạt úp mặt vào tường.

Tất nhiên nhận thức của lũ trẻ chúng tôi lúc đó chỉ là do nghe lỏm chuyện người lớn, những người bố, sĩ quan chỉ huy của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chuyện với nhau.

Lý tưởng

Năm 1973, khi mới 15 tuổi, tôi suýt rơi nước mắt khi được nghe kể về Tổng thống Chile Salvador Allende với khẩu súng AK47 (quà tặng của Phidel Castro) trong tay chống lại cuộc tấn công đảo chính vào dinh tổng thống của quân đội tướng Pinochet và đã hi sinh anh dũng.

Năm 1983, tôi trở thành đảng viên cộng sản khi mới 25 tuổi.

Thú thật, việc vào Đảng của tôi trước hết 50% do cơ hội. Lúc đó tôi công tác tại một cơ quan kinh tế đầu não Chính phủ, muốn thăng tiến dứt khoát phải là đảng viên. Nhưng bên cạnh đó, tôi có 50% là do say mê lí tưởng.

Nếu không xuất ngoại năm 1988 và được mở mắt, dám chắc bây giờ tôi là một trong những dư luận viên kiên trung của Đảng.

Năm 1989, khi Ba Lan tiến hành Hội nghị Bàn tròn, hiệp thương giữa chính quyền Cộng sản và Công đoàn Đoàn kết và sau đó là cuộc bầu cử quốc hội dân chủ đầu tiên, tôi vẫn một lòng chống lại phe đối lập dân chủ, ủng hộ đảng “anh em”.

Dao động

Chỉ đến khi kết quả bầu 100 ghế thượng nghị viện, phái Cộng sản cầm quyền không được ghế nào tôi mới bắt đầu hồ nghi.

Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1990, Walesa lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết thắng lợi vang dội thay tướng Jaruzelski lên làm tổng thống Ba Lan thì tôi hoang mang thực sự.

Chứng kiến những thay đổi kì diệu trên đất nước Ba Lan từ khi chuyển sang thể chế mới, tôi dần thay đổi quan điểm chính trị.

Ngày 19/8/1991, tôi đang ở Việt Nam thực hiện phi vụ đánh áo gió sang Ba Lan. Cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm chào đón tôi thì đài truyền hình thông báo tin thời sự đặc biệt “Ủy ban tình trạng khẩn cấp Liên Xô thay thế tổng thống Gorbachev tạm thời quản lí đất nước”.

Sáu đảng viên trong gia đình tôi gồm ba má và bốn người anh trai reo hò ủng hộ phái đảo chính, một mình tôi là út, đảng viên trẻ nhất ủng hộ Gorbachev và Yeltsin. Cuột xung đột tư tưởng với phần thắng đương nhiên thuộc về đa số gần như tuyệt đối.

Tuy say sưa lý tưởng cộng sản từ khi còn trẻ nhưng tôi luôn thuộc phái cấp tiến, cổ vũ nhân tố mới.

Chính vì thế, tôi ủng hộ Gorbachev từ khi ông còn là Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5, hồi 1982.

Khi Tổng bí thư Andropov chết, tôi nhiệt thành ủng hộ Gorbachev lên thay, nhưng tôi ghét cay ghét đắng Chernenko khi ông được chọn chứ không phải Gorbachev.

May mà trị vì chỉ hai năm thì ông chết, nhường cơ hội đổi mới cho Gorbachev.

Có lẽ vì quá sùng bái tư tưởng Perestroika mà tôi luôn ủng hộ Gorbachev, kể từ việc nhỏ và có vẻ phi lí như cấm rượu trở đi.

Niềm tin bị đổ vỡ

Ngày 23/12/1991, phải đưa một xe tir áo gió sang Dom 5 cũ trên phố Ulianova Dmitria, Moscow tiêu thụ, tôi kí hợp đồng với hãng vận tải Ba Lan.

Với dân nước này ngày Giáng Sinh rất thiêng liêng nên người lái xe tir bày ra kế hỏng cái gạt nước (trời mưa tuyết) để tới sau lễ mới chịu đi.

Nhưng vì có khách hàng đặt trước nên tôi không nhượng bộ, chủ hãng xe sợ mất khách quen nên cũng gây sức ép bắt lái xe phải đi ngay trong ngày. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận mãi về điều này.

Chiều tối ngày 24/12, xe tir gồm lái xe và một người áp tải tới Moscow. Tôi ngồi tàu hỏa sang sau.

Ngày 25/12, Gorbachev đọc thông điệp tuyên bố giải thể Liên Xô. Tôi vẫn còn nhớ cái chỉ tay của Yeltsin vào tờ giấy và ánh mắt bất bình của Gorbachev lúc đó.

Chính quyền tan rã, bộ máy nhà nước tê liệt cộng với Giáng Sinh Chính thống giáo và năm mới nước Nga muộn hơn lịch Công giáo khiến ba chúng tôi phải vật vờ nằm chờ suốt hai tuần trong một căn hộ heo hút gần vành đai 2 Moscow.

Nước Nga thời gian đó rất khó khăn, thiếu thốn. Có lần thèm thuốc lá, tôi phải lội tuyết dày tới nửa mét rồi ngồi tàu điện ngầm vào tận trung tâm mới mua được một tút Stolichnyje.

Có tiền, muốn được ăn thịt, ăn cá chúng tôi chỉ có cách đi chợ nông trường. Vào cửa hàng trên phố tôi chỉ thấy các gương mặt lam lũ xếp hàng. Vào các quán ăn, bến tàu, bến xe tôi chỉ thấy dân say rượu vật vờ. Ra khỏi thành phố tôi thấy các nông trang tập thể với tên rất kêu “Con đường sáng” leo lét ánh đèn, xập xệ nếp nhà nhỏ run rẩy trong mưa tuyết.

Thành trì của cách mạng thế giới đây ư? Chủ nghĩa xã hội với tôi lúc đó thật tăm tối. Niềm tin vào lý tưởng cộng sản của tôi sụp đổ từ đó.

Và chính từ sự được chứng kiến tận mắt cái gọi là xây dựng xong chủ nghĩa xã hội phát triển đang trên đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản khiến tôi quyết định từ bỏ đội ngũ.

Cảm ơn “tội đồ” làm đổ vỡ Liên Xô Gorbachev! Nhờ ông mà Ba Lan, Đức và các nước Đông Âu có được cuộc sống dân chủ và thịnh vượng ngày hôm nay.

Nhờ ông mà Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nhờ ông mà đầu đạn hạt nhân nóng chĩa vào nhau được tháo ngòi dù chỉ là tạm thời.

Nhờ ông mà bản đồ thế giới đã được vẽ lại bằng các nét bút tích cực.

Trong trái tim tôi, tượng đài ông được đúc bằng vàng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một người đang sống tại Ba Lan. Bài được gửi cho BBC sau khi đã đăng trên trang Facebook cá nhân của ông Trần Quốc Quân.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38434677

 

Tổng thống Duterte dọa ‘thiêu trụi’ LHQ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với phát ngôn gây sốc mới nhất.

Theo bài báo đăng trên trang Independent, Tổng thống Philippines dọa sẽ thiêu trụi trụ sở LHQ, sau khi tổ chức này chỉ trích chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Philippines.

Kể từ khi lên nắm quyền vào hồi tháng Sáu 2016, Tổng thống Duterte đã rất mạnh tay trong việc truy quét tội phạm ma túy và tính đến nay đã có khoảng 6.000 người bị thiệt mạng bởi cảnh sát, nhân viên trật tự tự phát và lính đánh thuê, theo lệnh của người đứng đầu chính phủ Philippines.

Trong tuyên bố mới nhất, được đưa ra tại một căn cứ quân sự tại thành phố Zamboanga, Tổng thống Duterte nói: “Bạn cứ việc than phiền với LHQ, tôi sẽ thiêu trụi cả trụ sở LHQ nếu bạn muốn.

“Tôi sẽ đốt trụ sở LHQ nếu tôi đến Hoa Kỳ.”

Được biết, từ hồi tháng Tám 2016, khi các chuyên gia về nhân quyền của LHQ yêu cầu chính phủ Philippines giải thích về việc lạm sát người sử dụng ma túy thì Tổng thống Duterte đã phản ứng bằng việc tuyên bố sẽ cân nhắc việc rút Philipines khỏi LHQ, Tòa Hình sự Quốc tế và chấm dứt hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ.

Vào hôm thứ Năm ngày 22/12, Tổng thống Duterte đã công kích cá nhân người phụ trách cơ quan nhân quyền của LHQ là ông Zeid Ra’ad al-Hussein khi gọi ông này là ‘đồ ngốc’, trong động thái phản ứng lời kêu gọi của Zeid Ra’ad al-Hussein về việc điều tra tội sát nhân đối với Tổng thống Philippines.

Phản ứng gay gắt

Trước đó, Tổng thống Duterte đã tuyên bố mình từng xuống tay hạ sát ít nhất ba người khi còn làm thị trưởng thành phố Davao.

Tuyên bố của Tổng thống Philippines nói: “Tôi đã từng tuần tra Davao bằng xe máy, với nhiều xe máy cỡ lớn xung quanh, để xem có vấn đề gì không. Tôi cũng tìm kiếm cơ hội chạm trán tội phạm để giết.”

Vào hôm thứ Ba 20/12, ông Zeid đã kêu gọi nhà chức trách Philippines phải tiến hành một cuộc điều tra, sau những phát biểu của Tổng thống Duterte.

“Một hệ thống pháp luật phải tiến hành điều tra và truy tố khi có ai đó thú nhận công khai rằng họ là kẻ sát nhân,” thông cáo của ông Zeid có đoạn nói.

Lời kêu gọi này khiến ông Duterte, vẫn đang được ngưỡng mộ tại Philippines, rất giận dữ. Tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila vào hôm thứ Năm, Tổng thống Duterte nói: “Những người ở LHQ chẳng biết gì về ngoại giao. Những người này, trên tư cách là nhân viên của LHQ, đã không biết cách cư xử. Họ không thể nói với tôi như vậy, đồ con hoang.

“Đồ ngu ngốc, không ai có quyền yêu cầu tôi phải làm gì,” ông Duterte tiếp tục. “Hiểu biết của mọi người về luật quốc tế rất hạn hẹp. Chúng tôi mới là những người đóng góp cho LHQ! Đồ dốt nát! Đồ con hoang! Tôi mới là người trả lương cho họ. Không được nói những lời như vậy, tôi mới là người thuê họ.”

Philippines là một trong số 141 thành viên trên tổng số 193 quốc gia của LHQ đã trả phí cho năm 2016 đầy đủ, với số tiền là 4,11 triệu USD.

http://www.bbc.com/vietnamese/38431611

 

Trung Quốc thử nghiệm chiến cơ đấu mới

Tú Anh

FC-31 Gyrfalcon là mẫu chiến đấu cơ mới loại tàng hình vừa được Trung Quốc trình làng hôm thứ Sáu tuần trước tại Thẩm Dương. Theo báo chí chính thức, Trung Quốc có tham vọng chinh phục thị trường máy bay quân sự thế giới qua mô hình cải tiến từ chiếc FC-31 cũ bay thử lần đầu vào năm 2012.

Theo China Daily, so với FC-31, chiến đấu cơ mới của Trung Quốc FC-31 Gyrfalcon có khả năng tàng hình hiệu quả hơn, trang thiết bị điện tử tinh xảo hơn và có trọng tải tốt hơn, với 12 tên lửa.

Theo AFP, những thông tin này được báo chí Trung Quốc phổ biến trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng lên sau khi tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức tính đến chuyện siết chặt quan hệ với hải đảo Đài Loan.

Trung Quốc cũng loan báo hàng không mẫu hạm Liêu Ninh kéo ra Thái Bình Dương tập trận, đi ngang eo biển giữa Đài Loan và Phillipines.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc còn cho rằng, với trị giá 70 triệu đôla, thấp hơn Rafale của Pháp (100 triệu) hay chỉ bẳng nửa giá chiếc F-35 của Mỹ, máy bay FC-31 Gyrfalcon còn có thêm hai lợi thế là nhẹ và dễ lái, chắc chắn sẽ có một tương lai thương mại khá tốt.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161226-trung-quoc-thu-nghiem-chien-co-dau-moi

 

Bầu Quốc Hội Macedonia:

Phe bảo thủ vẫn thắng

Tú Anh

Đảng cánh hữu bảo thủ Macedonia duy trì được đa số tương đối tại Quốc Hội. Theo đơn kiện của đảng Dân Chủ Xã Hội, Toà án cho bầu lại ở một đơn vị 714 cử tri hôm chủ nhật 25/12/2016. Kết quả đảng bảo thủ vẫn giữ được đa số tương đối, tổng cộng 51 trên tổng số 120 ghế tại nghị viện.

Bầu cử quốc hội Macedonia, một nước cộng hoà của Nam Tư cũ với hơn 2 triệu dân, được tổ chức ngày 11/12/2016 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Châu Âu sau một thời gian dài khủng hoảng.

Tuy bị tai tiếng tham ô, nhưng đảng cánh hữu cựu thủ tướng Nikolas Gruevski vẫn về đầu với 51 dân biểu. Đảng đối lập Dân Chủ Xã Hội bám sát nút với 49 dân biểu.

Tiếp theo đơn kiện của phe tả phản đối những hành động « gian lận » ở thành phố Tearce, Toà án hành chính cho bầu lại tại một đơn vị ở thành phố này.

Theo kết quả chưa chính thức đăng trên mạng của Ủy ban bầu cử Macedonia, liên minh bảo thủ vẫn giữ được 51 ghế.

Publicité

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-macedoine-bau-lai-mot-don-vi-nhung-phe-bao-thu-van-thang

 

Israel triệu mời đại sứ Mỹ

sau nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An

Tú Anh

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu mời 10 đại sứ của các nước trong Hội Đồng Bảo An trong đó có đại sứ Mỹ Daniel Shapiro, hai ngày sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết lên án chính sách xây thêm khu định cư cho người Do Thái trên lãnh thổ của người Palestine.

Văn kiện thông qua hôm thứ Sáu 23/12/2016 yêu cầu Israel phải chấm dứt tức khắc và toàn bộ chính sách « không có giá trị pháp lý » này trên vùng đất chiếm đóng và ở Đông Jerusalem.

Trong số 10 đại sứ các thành viên của Hội Đồng Bảo An bị triệu mời vào ngày hôm nay (26/12), chỉ có đại sứ Mỹ gặp thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng nội dung không được tiết lộ.

Bốn đại sứ còn lại gồm Venezuela, Malaysia, Senegal và New Zealand, không có quan hệ ngọai giao hoặc không có toà đại sứ tại Tel Aviv.

Đây là lần đầu tiên từ năm 1979, Hoa Kỳ không sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel. Đại sứ Mỹ tại Hội Đồng Bảo An Samantha Power giải thích là không thể nào vừa ủng hộ chính sách xây khu định cư, vừa chủ trương hai quốc gia Israel và Palestine chung sống. Hoa Kỳ vắng mặt khi bầu phiếu.

Theo thủ tướng Israel, nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án Israel là một hành động « hổ thẹn ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-israel-trieu-moi-dai-su-my-sau-nghi-quyet-tai-hoi-dong-bao-an

 

“Đại dịch” béo phì trên thế giới:

Đâu là nguyên nhân?

Thùy Dương

Béo phì đã trở thành một đại dịch trên toàn thế giới. Theo kết quả một nghiên cứu mới được thực hiện tại nhiều nước, tỉ lệ người trưởng thành thừa cân hay béo phì đã tăng từ 29% vào năm 1980 lên 37% vào năm 2013.

Trong bài viết có tiêu đề “Đâu là nguyên nhân của dịch bệnh béo phì trên toàn cầu?” đăng trên trang mạng The Conversation, ba nhà nghiên cứu về kinh tế, sức khỏe và dinh dưỡng người Pháp – Lisa Oberlander, Disdier Anne-Célia và Fabrice Etile – cho biết nếu tình trạng thừa cân vẫn liên quan đến các nước phát triển, đặc biệt là ở phương Tây nhiều hơn là các nước đang phát triển thì khoảng cách này hiện đang dần thu hẹp. Ở Koweït, Lybia, Quatar …, tỉ lệ béo phì ở phụ nữ đã vượt quá 50% vào năm 2013.

Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, nạn thừa cân, béo phì trên toàn thế giới chủ yếu liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý như ăn nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều thịt, nhưng lại thiếu hoạt động thể chất. Chính vì thế, tổ chức Y Tế thế Giới đã kêu gọi chính phủ các nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các thức uống có ga vốn được coi một trong những nguyên nhân gây béo phì.

Trong một bài báo khoa học của giáo sư Barry Popkin, xuất bản năm 1993 và được các nhà khoa học trích dẫn nhiều lần, thì nạn béo phì trên toàn thế giới là hậu quả của “sự chuyển tiếp trong chế độ dinh dưỡng”, tức là do chế độ ăn uống nhiều rau, nhiều hoa quả và chất bột đã bị thay thế bằng chế độ ăn uống nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo từ động vật, đường và các sản phẩm chế biến sẵn.

Theo giáo sư Barry Popkin, các giai đoạn chuyển tiếp chế độ dinh dưỡng phụ thuộc các yếu tố kinh tế – xã hội, chẳng hạn như mức độ công nghiệp hóa, tỉ lệ phụ nữ có công ăn việc làm và sự phát triển của công nghệ chế biến thực phẩm.

Nạn thừa cân, xu hướng thay đổi thói quen ăn uống diễn ra đồng thời với tiến trình toàn cầu hóa. Không ai có thể phủ nhận là toàn cầu hóa đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân, nhưng câu hỏi mà các tác giả người Pháp đặt ra trong bài viết này là liệu toàn cầu hóa có phải nguyên nhân dẫn đến béo phì?

Toàn cầu hóa – Thực phẩm chế biến sẵn

Để trả lời cho câu hỏi này, 3 nhà nghiên cứu của Pháp đã phân tích tác động của toàn cầu hóa đối với sự thay đổi thói quen ăn uống và tình trạng thừa cân, dựa trên số liệu trong giai đoạn 1970-2011 của 70 nước có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình.

Đối với các tác giả bài viết, toàn cầu hóa liên quan tới sự trao đổi và phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội (suy nghĩ, thông tin, hình ảnh, gặp gỡ) chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại và các khía cạnh kinh tế khác. Mặc dù nghiên cứu của các các giả chỉ ra rằng toàn cầu hóa khiến tiêu thụ thịt tăng nhanh, chẳng hạn lượng thịt tiêu thụ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 20%, nhưng lại không chứng minh được mối liên hệ giữa toàn cầu hóa với nạn béo phì trên quy mô toàn thế giới. Theo các tác giả, có lẽ toàn cầu hóa chỉ có tác động nhất định đối với nạn béo phì tại một số quốc gia mà thôi.

Thực phẩm chế biến sẵn cũng thường bị coi là nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì. Theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, 3/4 giá trị năng lượng mà người dân Mỹ nạp vào người hàng ngày là từ thực phẩm chế biến sẵn. Đây là loại thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và muối hơn là so với các thực phẩm tươi.

Người dân mua được thức ăn chế biến sẵn dễ dàng là nhờ hệ thống bán lẻ đã phát triển nhanh chóng. Công nghệ và công tác quản lý hiện đại đã cho phép những người kinh doanh bán lẻ nắm rõ nhu cầu của khách hàng, nhờ thế mà tập trung được vào sản xuất các mặt hàng, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất, có được giá cả cạnh tranh.

Sau khi thị trường ở phương Tây đã bão hòa, các siêu thị bắt đầu thâm nhập vào thị trường giàu tiềm năng tại các nước đang phát triển. Vào những năm 1990, các cửa hàng thực phẩm bùng nổ ở châu Mỹ la tinh, Trung Âu và Nam Phi, sau đó là tới châu Á và bây giờ là châu Phi.

Điều mà ít người chú ý là vai trò của các tập đoàn đa quốc gia. Chính các công ty này thúc đẩy người tiêu dùng ăn theo kiểu phương Tây, tức là ăn đồ ăn nhanh và thức uống có ga. Những tập đoàn đa quốc gia này có vai trò dẫn dắt thị trường tại các nước kinh tế mới nổi, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Mêhicô và Nga, và đã chi ra những khoản tiền khổng lồ để quảng cáo cho sản phẩm chế biến sẵn của họ.

Tuy nhiên, theo các các giả bài báo, cũng rất khó để khẳng định là tình trạng ngày càng có nhiều người béo phì là do họ ăn theo kiểu phương Tây hay do họ vẫn ăn theo kiểu truyền thống nhưng với nhiều thịt, dầu mỡ và đường hơn trước đây.

Công việc và thói quen ăn uống

Một số nhà nghiên cứu của Mỹ lại đi tìm mối liên hệ giữa thị trường lao động, đặc biệt là sự gia tăng tỉ lệ phụ nữ đi làm và xu hướng béo phì toàn cầu.

Các nghiên cứu chỉ ra hai xu hướng trái ngược nhau: hoặc là, phụ nữ đi làm thì có ít thời gian nấu nướng hơn và thường cho con đi ăn bên ngoài, hoặc là do phụ nữ đi làm nên tổng thu nhập của hộ gia đình cao hơn, nên con cái được ăn thức ăn có chất lượng hơn, được tham gia nhiều hoạt động thể thao, được giáo dục tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Vì quyết định đi làm là mang tính cá nhân và liên quan tới tính cách và hoàn cảnh của mỗi người, nên rất khó để có thể biết được mối liên hệ giữa việc bố mẹ đi làm và nguy cơ con cái béo phì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là việc phụ huynh đi làm khiến trẻ em có nguy cơ béo phì, nhưng theo các tác giả bài viết trên trang The Conversation thì các dẫn chứng là chưa đủ. Thêm vào đó, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào người phụ nữ đi làm, mà không gì chứng minh được là giới tính của bậc phụ huynh đi làm có vai trò thế nào đối với nguy cơ béo phì của con cái và các thành viên trong gia đình.

Ngày càng có nhiều người phải làm việc luân phiên ca đêm. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao Động Quốc Tế, 25% số người lao động ở châu Âu phải làm việc ca đêm. Giờ giấc làm việc không cố định khiến nhiều người không được ăn uống theo giờ cố định và thường phải tranh thủ ăn qua loa để còn tập trung làm việc. Thêm vào đó, trong nhiều lĩnh vực, công nghệ hiện đại cũng làm cho người ta ít phải vận động thể chất hơn, do đó mà đễ có nguy cơ tăng cân nếu vẫn ăn theo chế độ dinh dưỡng cũ như trước đây.

Nói tóm lại, thức ăn và thói quen ăn uống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, các yếu tố này lại thường đan xen với nhau. Điều này khiến cho việc phân tích một yếu tố cụ thể nhất định là rất khó, chưa kể tới việc một số yếu tố được coi là nguyên nhân béo phì lại có tác động qua lại lẫn nhau. Vì thế, rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân béo phì đã được đặt ra và được chứng minh phần nào, nhưng theo ba nhà nghiên cứu người Pháp, những nguyên nhân chính dẫn đến “dịch bệnh” béo phì “trên quy mô toàn cầu” thì dường như vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-beo-phi-tren-the-gioi-dau-la-nguyen-nhan

 

Pearl Harbor: Diều Hâu Nhật Abe

và Bồ Câu Mỹ Obama đồng lòng hòa giải

Trọng Nghĩa

Lịch sử tới đây có lẽ sẽ ghi nhận : Ngày 26/12/2016, lần đầu tiên sau ba phần tư thế kỷ, một thủ tướng Nhật – ông Shinzo Abe – chính thức đến Hawaii, 75 năm sau cuộc tấn công của quân đội Nhật Hoàng đánh vào căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Một hôm sau, ngày 27/12, thêm một sự kiện lịch sử khác : Thủ tướng Nhật Bản cùng một tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack Obama – đến đài tưởng niệm tôn vinh những người Mỹ đã hy sinh trong cuộc tấn công của Nhật. Ý nghĩa biểu tượng của sự hòa giải Mỹ-Nhật này lại càng cao khi ông Abe luôn được coi là một nhân vật diều hâu, trong lúc Obama được xếp vào diện bồ câu, từng được trao giải Nobel Hòa Bình.

Phải nói là ý nghĩa biểu tượng của trận đánh Trân Châu Cảng rất to lớn, vì nó là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ chính thức lao vào cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, dẫn đến một kết cuộc bi thảm cho Nhật Bản với hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng được khởi động vào sáng sớm hôm 07/12/1941. Trước đó, phó đô đốc Nhật Nagumo Chūichi đã nhận được mật lệnh « Leo núi Niitaka », để tung hạm đội của mình đến đánh Trân Châu Cảng. Trong vòng một tuần trước ngày tấn công, 6 hàng không mẫu hạm Nhật, chở theo gần 400 chiến đấu cơ, cùng với hai thiết giáp hạm, ba tuần dương hạm, chín khu trục hạm, ba tàu ngầm và tám tàu tiếp liệu đã rình rập trong sương mù ở vùng biển giữa quần đảo Kuril và Hawaii.

Đúng ngày tấn công, lợi dụng lúc đối thủ đang còn ngủ, vào lúc 07g30 sáng, một chiếc phi cơ Nhật Bản đầu tiên đã bay qua căn cứ Mỹ và tung ra tín hiệu: « Trân Châu Cảng đang ngủ ». Chỉ 23 phút sau, một đàn chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay phóng phóng ngư lôi của Nhật lao đến đánh phá các tàu Hải Quân Mỹ đang neo đậu tại cảng.

Đó tuy nhiên chỉ là đợt đầu tiên trong một chiến dịch tấn công ồ ạt bất ngờ, đã khiến cho gần 2.500 người Mỹ thiệt mạng, một nửa trong vụ nổ chiếc tàu USS Arizona. Về phía Nhật Bản, họ chỉ bị mất 29 máy bay và sáu mươi binh sĩ.

Tuy nhiên, cái may cho phía Mỹ, và cũng là cái rủi cho phía Nhật Bản, là ba tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương, nhờ không có mặt tại Trân Châu Cảng lúc xẩy ra cuộc tấn công, cho nên vẫn còn nguyên vẹn, giúp Mỹ bảo toàn được lực lượng để sau này phản công.

Điều được giới quan sát ghi nhận là chiến thắng trên bề mặt của Nhật Bản tại Trân Châu Cảng đã khích động lòng yêu nước của người Mỹ, với những hệ quả là Mỹ tham chiến, đẩy lùi Nhật Bản ở khắp nơi trên vùng Thái Bình Dương và đẩy nước Nhật đến chỗ phải đầu hàng.

Hệ quả của trận Trân Châu Cảng còn vượt xa quy mô của cuộc chiến vì chính từ khi ấy mà Hoa Kỳ đã càng lúc càng tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện của mình trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, một điều đã được chính ông Obama nhắc lại khi ông khẳng định vai trò « Cường quốc Thái Bình Dương » của nước Mỹ.

Trong lịch sử Mỹ-Nhật, Hiroshima là vết thương lòng đối với người Nhật, trong lúc Pearl Harbor là một cái gai nhức nhối đối với người Mỹ. Thế nhưng với thời gian, các vết thương như đã được khép lại, và một cách ngẫu nhiên, chính ông Shinzo Abe, một chính khách nổi tiếng diều hâu của Nhật Bản lại trở thành đối tác trong việc thúc đẩy hòa giải giữa hai nước đã trở thành đồng minh.

Tiến trình hòa giải đã chuyển qua một bước ngoặt vào tháng năm vừa qua, khi chính tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Hiroshima, nơi quả bom nguyên tử Mỹ đã sát hại 140.000 người vào năm 1945. Sự kiện ông Shinzo Abe đến Pearl Harbor ngày 27/12 đã bổ sung vào tiến trình hòa giải.

Bên cạnh đó, cử chỉ lịch sử của ông Abe sẽ góp phần củng cố liên minh Nhật-Mỹ, nhắc nhở rằng sự ổn định ở châu Á từ sau Thế Chiến Thứ II đã dựa trên sự phát triển các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, và sức mạnh quân sự của Mỹ. Trân Châu Cảng còn là một sự kiện kết thúc một chu kỳ của chủ nghĩa biệt lập kinh tế tại Mỹ, có khả năng được tổng thống Mỹ tới đây là Donald Trump thúc đẩy trở lại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-pearl-harbor-dieu-hau-nhat-abe-va-bo-cau-my-obama-dong-long-hoa-giai

 

Syria: Cả trăm người Châu Âu bắt đầu

cuộc đi bộ từ Berlin đến Aleppo

Mai Vân

Vào hôm nay, 26/12/2016, một đoàn gồm cả trăm người, khởi hành từ Berlin, sẽ đi bộ đến Aleppo, tỏ sự đoàn kết với người dân khốn khổ của thành phố từng là thủ phủ kinh tế Syria, nay điêu tàn dưới bom đạn. Hành trình sẽ kéo dài nhiều tháng, đi ngược dòng với làn sóng người chạy loạn, đến châu Âu xin tị nạn.

Đây là sáng kiến của nhà báo người Ba Lan Anna Alboth. Trên đường đi qua nhiều nước, tất cả những « công dân bình thường » khác có thể tham gia. Đoàn người tụ tập vào 10g sáng nay trước sân bay cũ Tempelhof của Berlin, nay là một trong những nơi lớn nhất đón người xin tị nạn.

Bà Anna Alboth giải thích : « Ý tưởng tổ chức một hành trình đi bộ đến Aleppo là của một nhóm người Châu Âu bất bình trước những gì xảy ra ở Syria và không muốn chỉ đứng nhìn. Đây là một phong trào bộc phát, tự nguyện. Những người tham gia đến từ nhiều nước, nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng cùng chung một chí hướng. Dù đã đi biểu tình, gởi tiền cho các tổ chức hoạt động nhân đạo, gởi kiến nghị lên các lãnh đạo, nhưng chúng tôi đều có cảm giác là chưa đủ ».

Bà Anna Alboth cho biết thêm là trước lúc khởi hành đã có 2.800 người ghi danh trên trang Facebook của « cuộc tuần hành công dân cho Aleppo ». Có người đi suốt hành trình, có người chỉ đi một đoạn đường, có người chỉ tham gia vài tiếng đồng hồ, hay một ngày, nhưng đều muốn tham gia phong trào, muốn tỏ sự đoàn kết.

Như nói trên, hành trình cũng đi theo con đường các nước vùng Balkan mà người chạy loạn, tị nạn đi qua để đến Châu Âu, nhưng dĩ nhiên là đi hướng ngược lai.

Trong đoạn video đưa lên Internet, Anna Alboth cho là bà muốn biến sự tức giận thành hành động và tin tưởng là nó sẽ có tác động.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-syria-ca-tram-nguoi-chau-au-bat-dau-cuoc-di-bo-tu-berlin-den-aleppo

 

Ba Lan: Đối lập kiên trì chống chính phủ

kể cả nhân dịp Noel

Mai Vân

Trong một hành động chưa từng thấy, khoảng một chục nghị sĩ phe đối lập Ba Lan đã ngồi lại Quốc Hội liên tiếp trong hai ngày thứ Bảy 24 và Chủ Nhật 25/12/2016 để phản đối chính phủ thuộc đảng bảo thủ mà họ cho là phá hoại nền dân chủ Ba Lan.

Theo truyền thống thì ngày lễ Giáng Sinh, lễ quan trọng nhất, thì người Ba Lan có bữa ăn gia đình rất thịnh soạn với cả 12 món, mỗi món có ý nghĩa riêng. Nhưng trong hai ngày vừa qua, nhóm dân biểu đối lập nói trên đã ngồi ăn một mình với nhau ở Quốc Hội, và dĩ nhiên không đầy đủ như ở gia đình.

Qua hình thức phản đối này, họ đã gây được chú ý: Những người ủng hộ đã tụ tập ngay trước Quốc Hội và đem biếu họ vài món ăn truyền thống ngày lễ.

Từ mấy ngày qua, hàng mấy chục người vẫn túc trực ngày đêm trước trụ sở Quốc Hội trong giá rét. Cư dân thủ đô đã mang chăn mền đến cho họ. Nhân dịp Giáng Sinh, một chiếc bàn lớn và cây thông trang trí được đặt trước Quốc Hội.

Phong trào phản đối nổ ra cách đây một tuần, khi chính phủ muốn siết chặt tự do báo chí ở Quốc Hội.

Dân biểu đối lập đã chiếm phòng họp chính, khiến đảng cầm quyền PIS đã phải sang một phòng khác, không cho phe đối lập vào và thông qua một số dự luật trong đó có luật ngân sách 2017.

Hành động của đảng cầm quyền càng bị phản đối dữ dội hơn, và biểu tình nổ ra trên đường phố. Quốc Hội cũng bị người biểu tình phong tỏa ban đêm.

Phe đối lập muốn kiên trì ở lại trong Quốc Hội cho đến ngày 11/01/2017, lúc khóa họp mới bắt đầu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-ba-lan-doi-lap-kien-tri-bieu-tinh-chong-chinh-phu-ke-ca-nhan-dip-noel

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

bị tố cáo tham nhũng ở Hàn Quốc

Mai Vân

Vừa mới để lộ ý muốn ra tranh cử tổng thống Hàn Quốc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki Moon đã lập tức bị tố cáo tham nhũng ở Hàn Quốc. Theo một cuộc điều tra được một tuần báo Hàn Quốc đăng tải, ông Ban Ki Moon dường như đã nhận hối lộ 200.000 đô la năm 2005, lúc ông làm ngoại trưởng Hàn Quốc, rồi 30.000 đô la năm 2007, sau khi ông giữ ghế tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Những lời tố giác này được đưa ra vài ngày trước khi ông hết nhiệm kỳ ở Liên Hiệp Quốc, trong lúc nhiều người xem ông là ứng viên tốt cho cánh bảo thủ ra tranh chiếc ghế tổng tống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử tới đây.

Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, phân tích :

« Chuyến trở về nước của ông Ban Ki Moon xem ra không êm thấm. Theo tiết lộ của tờ báo điều tra Sisa, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc dường như đã nhận cách đây 10 năm 230.000 đô la tiền mặt.

Đây là tiền đút lót của ông Park Yeon Cha, lãnh đạo tập đoàn Taekwang, từng là tâm điểm một vụ tai tiếng khác liên lụy đến những người thân cận của cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun.

Người phát ngôn của của ông Ban Ki Moon đã đánh giá ngay đó là những tố cáo « sai lệch và không cơ sở », và đòi tờ báo rút lại thông tin và xin lỗi.

Những lời tố giác này rất nguy hiểm đối với ông Ban Ki Moon, người đã không che giấu ý muốn tranh chiếc ghế tổng thống. Ông rất có uy tín đối với những cử tri cao niên và đảng bảo thủ cầm quyền, do bị tác động của vụ tai tiếng « quân sư Choi » khiến tổng thống Park Geun Hye bị truất phế, nên đang hy vọng thuyết phục ông làm ứng viên tổng thống của họ.

Phần đảng cấp tiến Minjoo thì yêu cầu mở điều tra. Các ứng viên của đảng này đang có nhiều triển vọng trong các cuộc thăm dò và Ban Ki Moon sẽ là đối thủ nguy hiểm nhất đối với họ.

Nếu Tòa Bảo Hiến thông qua việc truất phế tổng thống Park Geun Hye thì cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày.»

Bà Choi không trình diện Ủy ban điều tra của Quốc Hội

Bà Choi Soon-Sil, nhân vật trọng tâm của vụ tai tiếng, vào hôm nay, 26/12, đã từ chối không ra khỏi phòng giam để gặp các dân biểu Ủy ban điều tra Quốc Hội đến tận nhà tù để thẩm vấn bà.

Ủy ban này trước đây đã nhiều lần muốn thẩm vấn, nhưng bà Choi đã không chịu đến và họ bị buộc phải đến tận nhà tù.

Theo dự kiến của Ủy ban, cuộc thẩm vấn hôm nay sẽ được truyền hình từ nhà tù, nhưng các dân biểu đã hoài công, bà Choi nhất định không chịu gặp.

Nghị sĩ Jung You-Sub thuộc đảng cầm quyền Saenuri không chấp nhận việc không trình diện này, cho là « không lý do chính đáng » và thái độ này có thể bị phạt đến 5 năm tù. Vấn đề là về mặt pháp lý, không thể ép buộc một nhân chứng ra trình diện trước một ủy ban điều tra của Quốc Hội.

Hôm Chủ Nhật, 25/12, bà Choi đã trả lời thẩm vấn các thẩm phán điều tra vụ tống tiền, lạm quyền mà bà « quân sư » của tổng thống bị tố cáo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161226-tong-thu-ky-lhq-ban-ki-moon-bi-to-cao-tham-nhung-o-han-quoc

 

Trung Quốc phản đối

luật ngân sách quốc phòng Mỹ vì có tên Đài Loan

Tú Anh

Bắc Kinh cho biết đã chính thức phản đối đạo luật ngân sách quốc phòng Mỹ mà tổng thống Barack Obama vừa ký ban hành cách nay vài hôm. Quốc Hội Mỹ đề nghị Lầu Năm Góc tổ chức những cuộc trao đổi, hợp tác cấp cao giữa Washington và Đài Bắc.

Theo Reuters, trong đạo luật ngân sách quốc phòng 618,7 tỷ đôla, Quốc Hội Mỹ đưa ra ý kiến là bộ Quốc Phòng Mỹ phải mở ra một chương trình hợp tác quân sự cấp cao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Trong một bản tuyên bố vào chiều chủ nhật 25/12/2016, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết đã bày tỏ « nỗi bất bình » với chính quyền Obama cũng như « lập trường phản đối » mọi đạo luật « xâm phạm » đến chủ quyền của Trung Quốc, mà Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả phân.

Tuy nhận định điều khoản liên quan đến Đài Loan trong luật ngân sách quốc phòng Mỹ không có tính trói buộc, nhưng Bắc Kinh vẫn cho rằng đây là một hành động can thiệp « không thể chấp nhận được » vào nội tình Trung Quốc.

Bằng lời lẽ quen thuộc, bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ « tôn trọng cam kết nguyên tắc một nước Trung Hoa, chấm dứt tiếp xúc quân sự với Đài Loan để tránh gây tác hại cho quan hệ Mỹ-Trung và hoà bình trong khu vực ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161226-trung-quoc-phan-doi-luat-ngan-sach-quoc-phong-my-vi-co-ten-dai-loan