Tin khắp nơi – 26/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 26/11/2018

Di dân tràn đến biên giới,

Hoa Kỳ đóng cửa nhập cảnh tại San Diego

San Diego, California – Cơ quan bảo vệ biên giới và quan thuế Hoa Kỳ đã đóng tất cả đường và cầu dành cho người đi bộ vào ngày Chủ Nhật (25 tháng 11) tại cửa nhập cảnh San Ysidro, một trong những khu vực nhập cảnh lớn nhất qua lại giữa thành phố San Diego và Tijuana của Mexico.

Một nhóm những người di dân dân Trung Mỹ đã tập trung tại thành phố biên giới nhiều ngày nay để nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Sự hiện diện của nhóm người quá đông đã khiến chính quyền Mexico điều động quận đội đến để giữ an ninh.

Trong lúc đám đông tụ tập cại San Ysidro, khoảng 500 di dân đã tràn qua những rào chắn của cảnh sát liên bang và địa phương Mexico để tràn về phía biên giới Hoa Kỳ. Số đông di dân gồm có đàn ông, phụ nữa và rất nhiều trẻ em. Cầu đi bộ dành riêng cho người đi bộ bị đóng cả hai bên biên giới, nhóm di dân chuyển hướng đi về phía khu vực dỡ hàng nơi xe lửa qua lại.

Theo bản tin của đài CNN cho biết, nhóm người di dân này tiến đến rất gần bức tường, nhưng không rõ là có di dân nào vượt qua được biên giới hay không.

Theo bản tin của Reuters, trước khi nhóm di dân tiến gần đến biên giới, các sĩ quan thuộc Lực lượng bảo vệ biên giới và quan thuế Hoa Kỳ đã bắn hơi cay về nhóm người di dân. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/di-dan-tran-den-bien-gioi-hoa-ky-dong-cua-nhap-canh-tai-san-diego/

 

Hàng trăm dân nhập cư từ Mêhicô

tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ

Hôm qua, 25/11/2018, hàng trăm dân nhập cư từ khu vực biên giới Mêhicô đã tìm cách xâm nhập trái phép vào Hoa Kỳ. Đây là những người trong đoàn lữ hành xuất phát từ Trung Mỹ đi bộ xuyên qua Mêhicô tới Mỹ để xin tị nạn.

Thế nhưng, cảnh sát Mỹ đã dùng lựu đạn hơi cay xua đuổi nhóm di dân. Sau sự cố này, Hoa Kỳ đã đóng cửa trạm biên giới chính với Mêhicô, nằm giữa San Diego và Tijuana, đúng như tổng thống Mỹ đã đe dọa từ nhiều ngày qua.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve tường trình :

« Thoạt đầu, nhóm di dân chạy vượt qua hàng rào đầu tiên bên phía Mêhicô, lấn át toàn bộ số cảnh sát địa phương tìm cách ngăn chặn, trong bầu không khí huyên náo ầm ĩ. Sau đó, họ chạy qua một chiếc cầu mắc tạm để vượt qua sông Tijuana.

Thế nhưng, khi sang đến bên bờ bên kia, thuộc lãnh thổ Mỹ, lực lượng cảnh sát biên phòng Hoa Kỳ, trong trang phục chống bạo động, với sự hỗ trợ của trực thăng quân đội, đứng sẵn ở đó để ngăn chặn. Sau nhiều lần bị phóng lựu đạn cay, nhóm di dân cuối cùng bị đẩy lùi trước những hàng rào dây thép gai vừa mới được 6.000 binh sĩ quân đội gia cố. Số quân nhân này được triển khai hồi tháng 10, dọc theo biên giới chung giữa hai nước, theo lệnh của Donald Trump.

Như vậy, tổng cộng, chỉ trong vòng có vài phút, gần 500 người đã vượt qua được hàng rào của cảnh sát Mêhicô, đa số là đàn ông, nhưng cũng có cả phụ nữ và trẻ nhỏ, thậm chí một số người còn lôi theo cả xe đẩy trẻ em. Đây là những người trong đoàn lữ hành xuất phát từ Trung Mỹ hồi tháng 10 đi xuyên qua Mêhicô, đến Mỹ để xin tị nạn chính trị.

Ban đầu, đó chỉ là một cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng tình hình đã xấu đi khi một nhóm nhỏ những người biểu tình đã tìm cách trèo qua hàng rào sắt ở đường biên giới. Sự cố xẩy ra ở gần trạm kiểm soát San Ysidro, nơi có nhiều người qua lại nhất trên lãnh thổ Mỹ, mỗi ngày có gần 50 ngàn lượt người qua lại giữa hai thành phố Tijuana bên Mêhicô và San Diego bên Mỹ. Ngay lập tức, chính quyền Mỹ thông báo tạm thời đóng cửa biên giới đối với xe hơi và người đi bộ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181126-hang-tram-dan-nhap-cu-tu-mehico-tim-cach-vuot-bien-trai-phep-vao-my

 

Mỹ-Trung “tranh hùng”,

các nước khác sẽ chọn đứng về phía ai?

Khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh nhau gay gắt, các nước khác sẽ phải đứng trước lựa chọn khó khăn để quyết định đứng về bên nào.

Sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai nước này chạy đua để dập tắt ảnh hưởng của nhau trên toàn cầu đang buộc các quốc gia khác phải đứng trước lựa chọn khó khăn và gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho các mối quan hệ địa chính trị cũng như sự ổn định của nền kinh tế thế giới.

Sự cạnh tranh đã đạt đến phạm vi rộng lớn và một tầm cao mới khi hai bên đang tập trung vào cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động trong năm nay. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa hai nước cũng gia tăng trong một loạt khía cạnh ngoại giao và quân sự như vấn đề Đài Loan, Biển Đông và các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên và Iran.

Trên khắp thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để xây dựng liên minh hoặc quan hệ đối tác hòng kiềm tỏa sức mạnh của nhau. Cuộc cạnh tranh gay gắt Mỹ-Trung được thể hiện rõ nét tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea cuối tuần trước.

APEC lần thứ 26 đã lần đầu tiên không thể ra được tuyên bố chung vì bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng, thế đối đầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt Mỹ – Trung có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 khai mạc vào ngày 30/11 sắp tới tại Argentina.

Mỹ-Trung đều muốn cố thủ

Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có mặt tại Hội nghị G-20 sắp tới. Ở Argentina, hai nước có thể đạt được một số hiểu biết chung nhưng có một thực tế là “ngày càng trở nên khó khăn hơn để có thể hòa giải quan điểm cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới”, Ryan Hass – nhà phân tích Trung Quốc tại Viện Brookings nhận định.

“Cả hai quốc gia đều đang muốn cố gắng bảo vệ quan điểm của họ và vì thế mà tìm kiếm điểm chung trong nhận thức là điều khó khăn. Tuy nhiên, hầu như không có quốc gia nào ở châu Á muốn có mối liên hệ khăng khít duy nhất với chỉ một trong hai thế lực, hoặc Mỹ, hoặc Trung Quốc”, ông Hass nói thêm.

Giới chức Mỹ đang cố gắng ngăn chặn các quốc gia vay nợ từ Trung Quốc bằng cách cảnh báo “ngoại giao bẫy nợ”; đồng thời cố gắng tập hợp các quốc gia Đông Nam Á để có thể đứng vững chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như việc tăng cường tích tụ quân sự của Bắc Kinh ở vùng biển huyết mạch này.

Hôm 15/11, phát biểu trước lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra cảnh báo, không có chỗ cho hành động “độc đoán và gây hấn” trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuyên bố của ông Pence được cho là nhằm vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

“Giống như các bạn, chúng tôi hướng đến một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mà ở đó tất cả các nước, không kể lớn hay nhỏ đều có thể phát triển thịnh vượng, an toàn… Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng sự độc đoán và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ở bên kia chiến tuyến, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các nước nên gia tăng sức ép đối với Tổng thống Trump, đặc biệt vì những hành động đơn phương trong chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo này. Tiêu biểu như việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Theo đánh giá của giới quan sát, động thái của Trung Quốc để tăng cường vị thế toàn cầu của nước này đã và đang nhận được trợ lực to lớn từ chính việc ông Trump không ngừng chỉ trích các tổ chức, liên minh và hiệp ước đa phương.

Việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương dù muốn hay không cũng đã làm sứt mẻ lòng tin của các đối tác châu Á. Sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước khí hậu Paris hồi tháng 6/2017, Trung Quốc đã tự giới thiệu mình như quốc gia mang tiêu chuẩn mới về giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Cũng vào đầu năm 2017, trong một bài phát biểu tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ đứng ra bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khi phải đối mặt với những lời chỉ trích của ông Trump.

G-20 có giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Trung?

Một số quan chức chính quyền Mỹ bày tỏ lạc quan tin tưởng rằng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể tháo gỡ được khúc mắc hiện nay khi tham dự G-20. Tuy nhiên, Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump đã gây bất ngờ khi đưa ra cảnh báo rằng một thỏa thuận “yếu” sẽ chỉ gây thêm những tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính Phố Wall.

Tuyên bố này ngay lập tức bị Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow phản bác, cho rằng Peter Navarro đưa ra nhận xét dựa trên tiền đề sai lầm. Ý kiến của Navarro cũng làm Tổng thống Trump thất vọng. Theo giới quan sát, sự không thống nhất trong nội bộ Mỹ có thể khiến Trung Quốc cảm thấy bất an khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Jon B. Alterman, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói: “Tôi cảm thấy như chính quyền Mỹ không có một chiến lược nào với Trung Quốc. Các bạn không chỉ thấy các quan chức nói đến những điều khác nhau mà có vẻ như họ còn không có sự nhất quán. Mỹ đang thiếu một chiến lược dài hạn nghiêm túc để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Thời gian gần đây, Mỹ đã bắt tay vào củng cố giao dịch thương mại song phương với các nước khác nhằm mục đích gây áp lực lên Trung Quốc. Mặc dù từ bỏ mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng chính quyền Mỹ vẫn đang tiến hành đàm phán với Nhật Bản và Philippines, đồng thời chú ý hơn đến các cuộc đàm phán tiềm năng với Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận thương mại tiếp tục được thể hiện rõ nét tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và lần đầu tiên kể từ năm 1989, APEC đã không thể ra được tuyên bố chung. Lý do là Trung Quốc không cảm thấy hài lòng với bản tuyên bố này.

“Đó thực sự là một động thái không sáng suốt của người Trung Quốc. Tôi đoán tất cả chúng ta nên kết luận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động thương mại không công bằng và họ cũng sẽ tiếp tục đặt lợi ích của mình lên trên những nỗ lực đóng góp cho các tổ chức đa phương. Cái gì sẽ diễn ra tiếp theo?”, nhà phân tích Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đặt câu hỏi.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24929-my-trung-tranh-hung-cac-nuoc-khac-se-chon-dung-ve-phia-ai.html

 

Thủ tướng Theresa May vận động công luận Anh

ủng hộ thỏa thuận Brexit

Sau khi đạt được thỏa thuận về Brexit với 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào ngày hôm qua, 25/11/2018, thủ tướng Theresa May bắt đầu chiến dịch vận động công luận Anh ủng hộ văn bản này. Theo truyền thông Anh Quốc, đây là trận chiến gay go và nhiệm vụ của bà May sẽ rất khó khăn.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :

« Báo cánh tả Daily Mirror chạy tựa : Việc còn lại phải làm mới là khó nhất và nhận định rằng thủ tướng Theresa May sẽ phải tiến hành một trận chiến dài hơi để thuyết phục các dân biểu ủng hộ thỏa thuận Brexit trong một cuộc bỏ phiếu có thể vào ngày 12, theo như tin của các cơ quan truyền thông.

Theo tính toán của tờ báo, khoảng một trăm dân biểu bảo thủ có thể nổi dậy và bỏ phiếu chống. Chính vì thế, tờ báo bảo thủ The Times nói đến hai tuần lễ vận động cuồng nhiệt khi bà May công du khắp nước để trình bày về bản thỏa thuận và qua đó, gây áp lực đối với các dân biểu bằng cách thuyết phục trực tiếp các cử tri của họ.

Qua nhật báo Daily Telegraph, có lập trường rất bi quan về châu Âu, bà Theresa May thông báo muốn có một cuộc tranh luận trên truyền hình với ông Jeremy Corbyn. Lãnh đạo Công Đảng thuộc phe đối lập đã chấp nhận thách thức này và khẳng định ông thú vị chờ đợi cuộc tranh luận.

Cụ thể, chiến lược của bà May là nhắc đi nhắc lại đến mức nhàm chán rằng đây là thỏa thuận tốt nhất, thỏa thuận duy nhất có thể được chấp nhận, không hề còn có cơ may đàm phán lại và rằng người dân Anh đã chán ngấy hai năm chỉ bàn luận về Brexit nên giờ đây muốn mọi việc kết thúc. Giải pháp khác có thể còn bất định hơn và gây chia rẽ nhiều hơn ».

Liên minh cầm quyền bị lung lay

Phản ứng về thỏa thuận sơ bộ đạt được, hôm qua, lãnh đạo Đảng Dân chủ Thống Nhất Bắc Ai Len DUP, một liên minh của thủ tướng Anh đã lên tiếng phản đối về điều khoản « không thể thương lượng lại – backstop », đồng thời kêu gọi thay đổi văn bản.

Theo các nghị sĩ của DUP, điều khoản « backstop » này cho thấy đây là một thỏa thuận tồi. Do vậy, « nếu thủ tướng vẫn kiên quyết đi theo hướng đi này, bà ấy sẽ bị đánh bại, đó sẽ là một dấu chấm hết cho bà ở vị trí thủ tướng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181126-thu-tuong-theresa-may-van-dong-cong-luan-anh-ung-ho-thoa-thuan-brexit

 

Pháp : Biểu tình bạo động,

các tổ chức cực đoan có thể bị giải thể

Tú Anh

Sau cuộc biểu tình của phong trào « Áo Vàng » hôm thứ Bảy biến đại lộ Champs-Elysées thành bãi chiến trường, chính phủ Pháp dự trù biện pháp « giải thể các nhóm tối cực hữu bạo động ».

Theo tuyên bố của giám đốc cảnh sát Paris Michel Delpuech, các nhóm cực-cực hữu này đã bị các cơ quan an ninh theo dõi và không loại trừ sẽ có quyết định giải thể. Cảnh sát Pháp cho biết có bằng chứng các nhóm này là thủ phạm trà trộn vào đoàn biểu tình với y phục đen, bịt mặt nhưng cũng có kẻ mặc áo vàng xung đột với nhân viên công lực, đập phá cửa hàng, đốt xe…

Theo Reuters, chính phủ Pháp phải đề phòng tái diễn tình trạng đã một lần xảy ra vào năm 1934. Ngày 06/02, một cuộc biểu tình do các phe hữu tổ chức trước Quốc Hội đã biến thành

bạo loạn ở quảng trường Concorde. Cảnh sát nổ súng khiến 15 người chết. Cuộc khủng hoảng này làm chính phủ lúc đó sụp đổ.

Giới doanh nghiệp kêu cứu

Chỉ còn một tháng là đến lễ Giáng sinh. Trong bối cảnh phe Áo Vàng tiếp tục phong tỏa trục giao thông cản trở tiếp tế hàng hóa tác hại đến mọi sinh họat kinh tế và thương mại, một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại bộ Kinh Tế vào chiều nay.

Theo tuyên bố trấn an của bộ trưởng Bruno Lemaire, cuộc gặp gỡ với các tác nhân kinh tế từ chủ nhân công ty, đại diện cho giới thương gia, chủ nhà hàng, tiểu công nghệ sẽ là dịp đo lường « tác hại » và « rút tỉa bài học ». Cụ thể, chính phủ sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm và ngân hàng hỗ trợ nhanh chóng cho các doanh nghiệp mà doanh số bị sụt giảm do bị các nhóm Áo Vàng phong tỏa.

http://vi.rfi.fr/phap/20181126-phap-bieu-tinh-bao-dong-cac-to-chuc-cuc-doan-co-the-bi-giai-the

 

Ukraine muốn ra thiết quân luật

sau vụ Nga bắt tàu ở Crimea

Quốc hội Ukraine trong chiều thứ Hai 26/11 sẽ họp bàn và quyết định việc có áp dụng hay không lệnh thiết quân luật sau vụ ba tàu hải quân nước này bị Nga bắt giữ.

Truyền thông Ukraine cho hay phiên họp khẩn cấp của Quốc hội tại Kiev sẽ diễn ra vào 4 giờ chiều, giờ địa phương.

Vụ bắt tàu đã làm bùng lên cơn giận dữ trên đường phố đêm qua.

Nga bắt tàu hải quân Ukraine

Nga-Ukraine: Chính thống giáo hoàn toàn chia rẽ

Giáo hội Chính thống Ukraine chia tay Moscow

Người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev; một xe hơi của cơ quan ngoại giao này bị đốt cháy.

Vụ bắt tàu xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Bán đảo Crimea, đánh dấu sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa hai quốc gia.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ có cuộc họp khẩn cấp để thảo luận tình hình.

Nga và Ukraine đang quy trách nhiệm cho nhau về những gì xảy ra, trong đó hai tàu chiến và một tàu dẫn đường bị bắt và một số thành viên thủy thủ đoàn của Ukraine bị thương.

Căng thẳng giữa hai bên ngày càng trở nên gay gắt quanh quyền tiếp cận Hắc Hải và Biển Azov, ngoài khơi bán đảo Crime.

Crimea bị Moscow sáp nhập từ Ukraine vào Nga hồi 2014.

Các lực lượng Ukraine từ lâu nay đã giao tranh với phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, nhưng đây là lần đầu tiên quân đội hai nước công khai xung đột trong những năm gần đây.

Vụ việc bắt đầu khi Nga cáo buộc các tàu Ukraine tiến vào vùng lãnh hải của Nga một cách bất hợp pháp.

Sáng Chủ Nhật, hai chiến thuyền của Ukraine là Berdyansk và Nikopol cùng tàu lai dắt Yani Kapu tìm cách đi từ cảng Odessa ở Biển Đen tới Biển Azov, là vùng biển nằm giữa hai quốc gia.

Ukraine bắt 20 người Việt vượt biên trái phép

Quan chức Ukraine có nhiều tiền mặt

Hoa Kỳ ‘có thể cấp vũ khí’ cho Ukraine

Ukraine nói Nga đã tìm cách chặn tàu chiến và đâm vào tàu lai dắt.

Các tàu của Ukraine vẫn tiếp tục di chuyển tới Eo biển Kerch, là lối duy nhất dẫn vào Biển Azov, nhưng bị một tàu chở dầu nằm dưới cầu Kerch chặn đường.

Nga xây cây cầu này hồi đầu năm nay nhằm nối liền phần đất Nga với Crimea, bất chấp sự phản đối từ Ukraine.

Hôm Chủ Nhật, Nga cũng điều hai chiến đấu cơ và hai trực thăng tới khu vực.

Moscow cáo buộc tàu Ukraine đi vào bất hợp pháp vùng lãnh hải của Nga và nói việc giao thông đi lại ở nơi nay hiện tạm bị ngưng vì các lý do an ninh.

Hải quân Ukraine sau đó nói các tàu của họ đã bị đâm vào, hỏng không hoạt động được trong lúc đang tìm cách rời khỏi khu vực.

Kiev nói có 23 người Ukraine trên khoang và sáu thành viên thủy thủ đoàn bị thương.

Cơ quan an ninh Nga FSB sau đó xác nhận một trong các tàu tuần tra của Nga đã dùng vũ lực bắt giữ ba tàu Ukraine, nhưng nói chỉ có ba thủy thủ bị thương.

Nga cáo buộc Ukraine phạm luật khi cho tàu tới khu vực trong một “hành động khiêu khích có kế hoạch”.

Tuy nhiên, Ukaine nói họ đã thông báo trước cho Nga về kế hoạch di chuyển tàu ở vùng biển này tới Mariupol, và nói việc bắt tàu là “thêm một hành động hung hăng có vũ trang nữa” của Nga.

Vụ bắt tàu khiến Ukraine tức giận.

Vào cuối ngày Chủ Nhật, khoảng 150 người đã tụ tập bên ngoài Tòa Đại sứ Nga tại Kiev, ít nhất một xe hơi của Tòa Đại sứ bị đốt.

Thiết quân luật gồm những gì?

Trong cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia và Hội đồng Quốc phòng Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko gọi hành động của Nga là “vô cớ và điên rồ”.

Ông nói trong thứ Hai ông sẽ yêu cầu Quốc hội áp lệnh thiết quân luật, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là “tuyên chiến”.

“Ukraine không có kế hoạch đánh bất kỳ ai,” ông nói.

Việc áp lệnh thiết quân luật sẽ khiến chính phủ có quyền hạn chế các cuộc biểu tình công cộng, điều tiết truyền thông, tạm ngưng các kỳ bầu cử, và buộc công dân phải tiến hành các nhiệm vụ “cần thiết cho xã hội” như làm việc tại một cơ sở quốc phòng nào đó, truyền thông địa phương nói.

Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố đã ra sắc lệnh đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu toàn bộ.

Nếu thông qua, thiết quân luật cũng sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ở một số vùng vào buổi tối.

Nato và EU đều đã ra thông cáo kêu gọi Nga cho phép Ukraine tiếp cận eo biển Kerch.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46316642

 

Syria : Lực lượng FDS

bắt được thủ lĩnh số 2 của Daech

Tú Anh

Được liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy yểm trợ trên không, Lực lượng Dân chủ Kurdistan FDS phản công trong tuần qua với nhiều trận ác liệt, chiếm lại nhiều làng mạc từ tay Daech, theo Reuters. Ngày Chủ Nhật, FDS thông báo bắt được nhân vật số hai của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech do Abou Bakr al-Baghdadi lãnh đạo.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :

“Oussama Awaid al-Ibrahim, bí danh Abou Zeid, bị Lực lượng Dân chủ Kurdistan FDS bắt được ngày thứ năm tuần trước trong một đường hầm ở Tayyana, tỉnh Deir Ezzor, theo thông báo của liên minh.

Được xem là thủ lĩnh số hai, sau lãnh đạo tối cao Abou Bakr al-Baghdadi của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Abou Zeid bị chiến binh Kurdistan-Syria khống chế vào lúc chuẩn bị bấm nút kích hoạt đai chất nổ quấn quanh người. Thông báo của lực lượng FSD cho biết thêm, lúc bị bắt, trên người của Abou Zeid còn có 20 điện thoại di động, 80 lượng vàng và một số tiền mặt kếch sù, theo trang mạng al-masdarnews, rất thông thạo tình hình Syria.

Tin bắt được một thủ lĩnh quan trọng của Daech rơi đúng lúc. Bởi vì trong những tuần lễ vừa qua, Lực lượng Dân chủ Kurdistan FDS thất bại liên tục trước các trận phản công của Daech ở phía đông tỉnh Deir Ezzor.

Trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy, khoảng 50 chiến binh Kurdistan-Syria bị Daech giết chết trong khu vực gần biên giới với Irak nơi thánh chiến hoạt động mạnh trở lại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181126-syria-luc-luong-fds-bat-duoc-thu-linh-so-2-cua-daech

 

TQ được lợi gì

khi bà Thái Anh Văn thua cử ở Đài Loan?

Cindy SuiBBC News, Đài Bắc

Đài Loan thường bị động đất tấn công, nhưng dịp cuối tuần qua thì thứ làm hòn đảo này bị rung chuyển lại chính là một trận động đất chính trị.

Trong đợt bầu cử địa phương, đảng cầm quyền vốn chủ trương muốn Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc đã mất hơn nửa các thành phố và các hạt đang nắm giữ.

Đảng Dân Tiến (DPP) hồi 2016 đã giành được thắng lợi long trời lở đất, nhưng nay chỉ còn giữ được ghế ở một số ít nơi.

Thái Anh Văn thua nặng, xu hướng thân Bắc Kinh thắng thế?

Đài Bắc muốn tăng trao đổi quân sự với Mỹ

Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’

Quốc Dân Đảng từng cầm quyền trước đó và có đường lối thân Trung Quốc nay có cuộc trở lại đầy ngoạn mục, giành được 15 trong tổng số 22 thành phố và các hạt ở Đài Loan.

Đây là một thất bại ghê gớm của Tổng thống Thái Anh Văn. Bà đã từ chức khỏi vị trí lãnh đạo đảng.

Chiến thắng này cũng là chỉ dấu cho thấy Quốc Dân Đảng sẽ giành được chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2020 tới đây.

Trung Quốc hồ hởi trước kết quả bầu cử ở Đài Loan và nói cử tri đã bác bỏ “quan điểm ly khai” của bà Thái.

Thế nhưng thực tế không rõ ràng như thế.

Người Đài Loan ưa chọn cách đi ở giữa

Với thế giới bên ngoài, có vẻ như Đài Loan phải đối diện với một lựa chọn khó khăn: độc lập khỏi Trung Quốc, hoặc cuối cùng sẽ thống nhất làm một với Trung Quốc.

Nhưng các cuộc khảo sát luôn cho kết quả là người Đài Loan không muốn chọn cách nào trong hai cách trên cả. Thay vào đó, họ thích một lối đi ở giữa.

Tuy tin rằng hòn đảo của họ là một quốc gia độc lập và muốn được đối xử như một quốc gia độc lập, nhưng hầu hết mọi người không tin rằng việc chính thức độc lập là điều có thể làm được trong thời gian tới, và họ không muốn làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh.

Đảng cầm quyền DPP thất bại thảm hại hôm thứ Bảy bởi đảng này coi lá phiếu như thứ quyết định cho việc Đài Loan tự do hoặc bị Trung Quốc nuốt mất.

Và cử tri, vốn quan ngại nhiều hơn tới nền kinh tế đang có phần khó khăn, đã không bị thuyết phục bởi điều đó.

Kể từ khi DPP lên nắm quyền, quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc đã xấu đi trông thấy.

Cử tri nhớ rằng dưới chính quyền thân Trung Quốc trước đây, Đài Loan đã có mối quan hệ tốt chưa từng có với Bắc Kinh mà vẫn không mất đi một chút chủ quyền, dân chủ và độc lập nào.

Bắc Sơn Thành và cuộc chiến âm thanh Trung-Đài

Đài Loan, hòn đảo ‘xin lỗi’ của thế giới

Trên thực tế là họ đã giành được thêm khi thân thiện đi bên Trung Quốc. Đài Loan đã được tham dự nhiều hoạt động quốc tế hơn, là các hoạt động vốn chỉ dành cho các quốc gia, trong lúc cũng được hưởng lợi từ việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Cơ hội thứ hai cho Quốc Dân Đảng?

Vấn đề chủ quyền của Đài Loan vẫn là chuyện phức tạp chưa giải quyết được và là chuyện đã có chiều dài lịch sử từ cả hơn một thế kỷ trước.

Nói một cách công bằng thì người dân Trung Quốc cũng có quyền mong muốn thống nhất mãnh liệt như việc người Đài Loan mong muốn độc lập.

Các cử tri Đài Loan nằm ngoài vòng cực đoan thì muốn tập trung vào việc hai bên có thể hợp tác trong những vấn đề gì và để chuyện độc lập hay không cho thời gian giải quyết.

Họ biết rằng Trung Quốc không muốn tấn công và cũng không có thời gian biểu cụ thể cho việc thống nhất, và họ tin vào nền dân chủ Đài Loan.

Đó là lý do vì sao lượng cử tri áp đảo đã bỏ phiếu cho các ứng viên của Quốc Dân Đảng.

Họ biết rằng Quốc Dân Đảng có thể hợp tác với Trung Quốc và xây dựng hòa bình giưữa hai bên, và điều đó sẽ tốt cho nền kinh tế.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ hoàn toàn tin tưởng và thích Quốc Dân Đảng.

Họ lo rằng quan điểm ủng hộ việc kinh doanh và ủng hộ việc thống nhất của Quốc Dân Đảng sẽ khiến hòn đảo này phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế, khiến Bắc Kinh sẽ tạo quá nhiều ảnh hưởng vào các mối quan hệ của Đài Loan.

Nhưng họ thà là cho Quốc Dân Đảng một cơ hội thứ nhì còn hơn là tiếp tục đi theo con đường hiện tại, sẽ chỉ dẫn tới xung đột tức thời với Trung Quốc và có thể dẫn tới chiến tranh.

Khẩu chiến

Trung Quốc diễn giải kết quả bỏ phiếu theo cách hiểu người Đài Loan mong muốn hợp tác với đại lục để hai bên cùng phát triển thịnh vượng.

Một phát ngôn viên Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời, nói kết quả “phản ánh ý chí mạnh mẽ của nhân dân Đài Loan trong việc muốn chia sẻ lợi ích trong việc phát triển hòa bình ở hai bên eo biển Đài Loan, và mong muốn cải thiện nền kinh tế cũng như đời sống tốt đẹp cho nhân dân trên đảo”.

Ông nói thêm rằng đại lục sẽ tiếp tục “theo đường hướng phát triển hòa bình quan hệ giữa hai bên eo biển”.

Một tờ báo quốc doanh đăng phản ứng mạnh mẽ hơn.

“Kỳ bầu cử cho thấy chính quyền bà Thái đã phản bội lợi ích của Đài Loan và trở thành kẻ gây rối, mà các hành động của họ đã đi quá xa khỏi những nhu cầu thực tế của nhân dân Đài Loan và quá xa khỏi sự thật lịch sử rằng chỉ có một Trung Quốc,” bài xã luận đăng trên China Daily viết.

Chính phủ đương nhiệm Đài Loan nhanh chóng cảnh báo Trung Quốc chớ diễn giải quá đà kết quả bầu cử để trục lợi, và lặp đi lặp lại quan điểm của mình rằng tình hình quan hệ hiện thời giữa hai bên hoàn toàn là do lỗi của Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46343847

 

Không ai dám ‘rửa tiền bẩn’ cho quan tham TQ

Ông Lý Hoa Nam, cựu Phó bí thư thành ủy Thâm Quyến, treo thưởng lớn cho ngân hàng ngầm nào sẵn sàng giúp quan tham này chuyển tài sản phi pháp sang Hồng Kông, tuy nhiên không ai dám nhận cả.

Ông Lý Hoa Nam, cựu Phó bí thư thành ủy Thâm Quyến, treo thưởng lớn cho ngân hàng ngầm nào sẵn sàng giúp quan tham này chuyển tài sản phi pháp sang Hồng Kông, tuy nhiên không ai dám nhận cả.

Một nguồn thạo tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) tiết lộ cựu Phó bí thư Lý nhờ người môi giới tìm một tổ chức “rửa tiền” có thể chuyển 1 tỉ Nhân dân tệ (144 triệu USD) tiền mặt ra ngoài.

Nhưng bất chấp tiền thưởng lên đến hơn 70 triệu USD, không bên nào nhận thực hiện phi vụ này.

Số tiền “bẩn” vẫn ở Thâm Quyến cho đến khi bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) tịch thu vào ngày 9.10.

Ông Lý bị bắt điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Một ngày trước khi sa lưới, ông Lý vẫn có buổi làm việc với quận La Hồ để “nghiên cứu và thực hiện tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng đảng”.

Tuy vậy nguồn tin của SCMP cho biết ông đã nhận yêu cầu nghỉ hưu sớm, chuyện chuyển tiền cũng bị phanh phui.

Theo nguồn tin này, do cơ quan chống rửa tiền của cả hai phía Trung Quốc đại lục và Hồng Kông thời gian qua siết chặt kiểm soát hoạt động ngân hàng ngầm cũng như “bịt kín” gần như mọi lỗ hổng trong lưu thông dòng vốn nên không ai dám giúp quan tham Thâm Quyết tuồn tài sản phi pháp.

http://biendong.net/diem-tin/24931-khong-ai-dam-rua-tien-ban-cho-quan-tham-tq.html

 

TQ ngăn cản tuyên bố chung của APEC

chỉ vì một câu trong dự thảo

Ngoại trừ Trung Quốc, tất cả 21 lãnh đạo APEC còn lại đều nhất trí với dự thảo tuyên bố chung, một nguồn tin thân cận tiết lộ với CNN.

Lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm, hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã kết thúc mà không đạt nhất trí về một tuyên bố chung chính thức.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau đó cũng xác nhận rằng những bất đồng về thương mại đã cản trở tuyên bố chung: “Có những tầm nhìn khác biệt về một số vấn đề riêng biệt”.

Các quan chức Trung Quốc được cho là đã lao vào văn phòng của Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato để nói về ngôn từ trong bản dự thảo tuyên bố chung của APEC. Bắc Kinh sau đó đã phủ nhận thông tin này là “đồn đoán độc địa”, còn ông Pato thì cho rằng tin tức có phần phóng đại.

CNN dẫn nguồn quan chức Mỹ tham gia vào cuộc đàm phán cho biết, có thể Trung Quốc lo ngại về một câu trong tuyên bố liên quan tới các biện pháp mậu dịch không công bằng.

Theo quan chức này, bất đồng chủ yếu xoay quanh câu: “Chúng tôi nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm cả những biện pháp mậu dịch không công bằng”.

Trước đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc có những biện pháp mậu dịch không công bằng để đối phó với những mức thuế mà Mỹ áp lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Thậm chí, Nhà Trắng còn từng nói trong 1 tuyên bố hồi tháng 5 rằng: “Suốt nhiều năm, Trung Quốc đã theo đuổi những chính sách công nghiệp và các biện pháp mậu dịch không công bằng có lợi cho các công ty Trung Quốc và khiến nhiều công ty Mỹ không thể cạnh tranh trên một sân chơi công bằng”.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24930-tq-ngan-can-tuyen-bo-chung-cua-apec-chi-vi-mot-cau-trong-du-thao.html

 

Chuyên gia TQ thừa nhận “Vành đai – Con đường”

còn nhiều mặt tối, thiếu minh bạch

Hiện nay, rất nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh trên thế giới thông qua sáng kiến “Vành đai – Con đường”.

Ảnh hưởng tiêu cực khó lường

Với trị giá 62 tỉ USD, Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) được thiết kế để kết nối vùng cực tây Tân Cương của Trung Quốc với Cảng Gwadar của Pakistan thông qua mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn dầu và hệ thống các trung tâm thương mại.

Dự kiến hoàn thành vào năm 2030, dự án CPEC giúp Trung Quốc mở rộng tuyến đường giao thương quan trọng với Trung Đông và Châu Phi.

Tuy nhiên, trong khi dự án này được xem là nút thắt quan trọng trong sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, thì Yang Shu – chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc – lại cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực khó lường của hành lang CPEC đã bị bỏ qua.

“Trên truyền thông, Trung Quốc đã ca ngợi rất nhiều về thành tựu của CPEC, nhưng tôi nghĩ họ đã bỏ qua vô số ảnh hưởng tiêu cực của hành lang này,” ông Yang phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh.

“Khối lượng thông tin quá nhiều về ‘Sáng kiến Vành đai Con đường’ và những nhận định thiếu trách nhiệm của các học giả đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ [về mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh] tại Ấn Độ,” ông Yang đánh giá kế hoạch 5 năm đầu của dự án.

Nghi vấn về tính khả thi của dự án

Trong khi nhiều người dân Trung Quốc phàn nàn rằng sáng kiến Vành đai Con đường đang tiêu tốn quá nhiều tiền của, thì các quốc gia khác lại bày tỏ quan ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh trên thế giới, và cho rằng sáng kiến nói trên đã đẩy những nước tham gia vào bẫy nợ khó thoát.

Mặc dù Bắc Kinh luôn khẳng định rằng CPEC là dự án “các bên đều có lợi” cho các đồng minh của Trung Quốc, Pakistan hiện đang chịu khoản nợ lên tới 70% GDP quốc gia, và một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc.

Ông Yang – người từng tham gia lên kế hoạch cho dự án Vành đai Con đường từ những ngày đầu – cũng bày tỏ nghi vấn về tính khả thi của việc xây dựng đường tàu và đường dẫn dầu tại nơi có địa thế hiểm trở như vậy.

Ông Yang cho rằng việc xây dựng như vậy không có hiệu quả rõ rệt với an ninh năng lượng nói chung của Bắc Kinh, đặc biệt khi Tân Cương đã là nơi có trữ lượng mỏ than và khí ga tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc.

“Nếu cân nhắc tới mọi khoản chi tiêu, thì chi phí dành cho dự án ống dẫn dầu đang cao một cách nguy hiểm. Dựa trên kinh nghiệm [ở những dự án tương tự khác trên thế giới], một khi đường ống dài hơn 4.000 km, thì chi phí vận chuyển năng lượng trên đường bộ còn cao hơn chi phí trên biển, vậy nên Cảng Gwadar sẽ không nhận được chút lợi ích kinh tế nào.”

Ông Yang khẳng định sự mập mờ trong kế hoạch của Bắc Kinh – cùng với những lời hứa hẹn quá mức từ truyền thông – đã khiến New Delhi nghi ngại về ý định của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngầm chỉ trích CPEC, cho rằng dự án siêu kết nối phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của những nước thành viên tham gia.

Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong 8 nước có mặt tại SCO từ chối khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh.

Ông Yang cho rằng trong tương lai, Trung Quốc cần phải minh bạch hơn về các khoản đầu tư nước ngoài trong sáng kiến Vành đai Con đường của mình.

“Chúng ta không nên chỉ vì Vành đai Con đường mà quên đi những chính sách ngoại giao cũ nhưng hiệu quả,” ông Yang kết luận.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24928-chuyen-gia-tq-thua-nhan-vanh-dai-con-duong-con-nhieu-mat-toi-thieu-minh-bach.html