Tin khắp nơi – 26/09/2017
Căng thẳng Triều Tiên – Mỹ đáng lo ngại ở mức nào?
Tổng thống Mỹ đã đe đọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên nếu đất nước của ông bị dồn vào thế buộc phải bảo vệ nước mình hoặc các đồng minh.
Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6, đe dọa sẽ phóng tên lửa tới đảo Guam thuộc chủ quyền của Mỹ, đồng thời cho biết có thể sẽ thử bom hydro tại Thái Bình Dương.
Và tất cả những điều này thể hiện rằng Bình Nhưỡng có thể cuối cùng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để đưa vào một tên lửa xuyên lục địa – một viễn cảnh đáng sợ đối với Mỹ và các đồng minh châu Á.
Đây có phải điềm báo về một bất đồng quân sự?
Các chuyên gia cho rằng chưa có gì đáng lo ngại vì những lý do sau đây:
1. Không ai muốn chiến tranh
Đây là một trong những điều quan trọng nhất cần lưu ý. Chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên không phục vụ mục đích của ai.
Mục tiêu chính của chính phủ Bắc Hàn là tồn tại – và đối đầu trực tiếp với Mỹ là một điều nguy hiểm. Phóng viên Quốc phòng của BBC Jonathan Marcus cho rằng bất kì cuộc tấn công nào của Triều Tiên hướng tới Mỹ hoặc các đồng minh của nước này trong hoàn cảnh hiện tại đều có thể gây ra một cuộc chiến lớn – và chúng ta cần cho rằng chính quyền Kim Jong-un không phải một chính quyền cảm tử.
Thực tế, đây là lý do vì sao Triều Tiên cố gắng hết sức để trở thành đất nước sở hữu hạt nhân. Sức mạnh này, theo lý do Triều Tiên đưa ra, có thể bảo vệ chính phủ bằng cách tăng chi phí để có thể lật đổ kế hoạch. Kim Jong-un không muốn đi vào vết xe đổ của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hay cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.
Andrei Lankov từ Đại học Kookmin từ Seoul cho biết “có rất ít khả năng xảy ra xung đột” nhưng Triều Tiên đồng thời vẫn “không có hứng thú ngoại giao” ở thời điểm này.
“Họ muốn đạt được khả năng xóa sổ Chicago khỏi bản đồ đầu tiên, và sau đó mới nghĩ đến các giải pháp ngoại giao,” ông Lankov nói.
Trump: Mỹ đã ‘lên nòng’ trước Bắc Hàn
Mattis: Ngoại giao với Bắc Hàn ‘vẫn là ưu tiên’
Về việc Mỹ tấn công trước?
Mỹ biết rằng một cuộc tấn công lên Triều Tiên sẽ buộc chính phủ nước này phải trả đũa lên các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc này sẽ dẫn đến một cuộc thảm sát, bao gồm sự thiệt mạng của hàng ngàn người Mỹ – quân nhân và dân thường.
Bên cạnh đó, Washington không muốn mạo hiểm để bất kì tên lửa đạn đạo nào phóng vào nội địa Mỹ.
Cuối cùng, Trung Quốc – đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng – đã giúp kiềm chế chính phủ Triều Tiên vì sự sụp đổ của nước này có thể gây ra thiệt hại chiến lược. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc có mặt tại biên giới nước này không phải là điều Bắc Kinh muốn xảy ra – và đây là điều chiến tranh sẽ mang lại.
2. Những gì chúng ta thấy là những câu từ, không phải hành động cụ thể
Tổng thống Trump đã đe dọa Triều Tiên với ngôn ngữ khác thường đối với một Tổng thống Mỹ nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ đang chủ động nhúng tay vào cuộc chiến.
Một cán bộ quân đội Mỹ nói với Reuters vào tháng 8 vừa rồi: “Chỉ một vài câu nói không có nghĩa là vị thế của chúng tôi thay đổi.”
Phóng viên Max Fisher của tờ New York Times đồng tình, bình luận: “Điều quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế là các tín hiệu cụ thể, không phải là những bình luận bất chợt của một lãnh đạo.”
Hơn nữa, sau lần thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên vào đầu tháng 9 vừa rồi và những lần thử tên lửa qua Nhật Bản, Mỹ đã quay lại với kế hoạch an toàn: ép Bình Nhưỡng bằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các cấm vận quốc tế.
Và các nhà ngoại giao của Mỹ vẫn đang tiếp tục lên tiếng hi vọng có thể trở lại bàn đàm phán – với sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga.
Những điều này gửi tín hiệu mâu thuẫn tới Bình Nhưỡng nhưng đồng thời làm giảm ảnh hưởng từ những phát ngôn mạnh bạo của tổng thống Trump.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một bước đi bị hiểu sai ý trong tình hình căng thẳng hiện nay có thể gây ra một cuộc chiến không đáng có.
“Có thể xảy ra trường hợp Bắc Hàn thiếu nhiên liệu, dẫn đến một lỗi sai bị hiểu lầm là nỗ lực gây chiến,” Daryl Kimball từ Hiệp hội Kiểm soát Quân sự Mỹ nói với BBC.
“Mỹ có thể mắc lỗi sai tại [vùng phi quân sự], Vì vậy có nhiều cách có thể khiến các bên tính toán sai khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Trump và Putin thống nhất ngừng bắn ở Syria
TQ kêu gọi Bắc Hàn ngưng thử tên lửa
Bắc Hàn dọa cho Mỹ nếm mùi ‘đau đớn nhất’
Một điểm đáng lưu ý là các máy bay đánh bom của Mỹ đã bay tới gần Bắc Hàn trong thời gian gần đây trong một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự.
Những ngày sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Mỹ vì Tổng thống Trump đã “khiêu chiến” với Bắc Hàn – trích dẫn một bài viết trên trang Twitter của ông Trump.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên cáo buộc Mỹ khiêu chiến với nước này.
3. Đã từng có trường hợp như thế này xảy ra
Cựu Trợ lý Thư kí Ngoại truởng PJ Crowley chỉ ra rằng Mỹ và Triều Tiên đã tiến gần tới xung đột quân sự vào năm 1994, khi Bình Nhưỡng từ chối để các thanh tra nước ngoài tới các khu phát triển hạt nhân. Ngoại giao đã chiến thắng.
Sau nhiều năm, Triều Tiên vẫn thường xuyên cố ý đe dọa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều lần đe dọa sẽ biến Seoul thành “biển lửa”.
Và những lời nói của ông Trump – về nội dung hay cách nói – cũng không hẳn là chưa từng có đối với một vị Tổng thống Mỹ.
“Với nhiều cách diễn đạt khác nhau, dù không đa sắc bằng, nhưng Mỹ vẫn luôn luôn nói rằng nếu Triều Tiên có bao giờ tấn công, chính quyền của họ cũng sẽ khó mà tồn tại,” ông Crowley viết.
Sự khác nhau lần này, ông bổ sung, là Tổng thống Mỹ đã thể hiện ông có thể sẽ là người khởi xướng cuộc chiến (mặc dù Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phủ nhận điều này.)
Phát ngôn khó đoán và hiếu chiến từ Nhà Trắng như thế này là điều hiếm khi xảy ra và khiến mọi người lo lắng, các nhà phân tích cho biết.
Hàn Quốc – nước đồng minh sẽ chịu tổn hại lớn nhất khi đối mặt với Triều Tiên – đã kêu gọi kiềm chế từ cả Bình Nhưỡng và Nhà Trắng.
Không ai muốn Kim Jong-un nghĩ rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41403154
Bắc Hàn cáo buộc Hoa Kỳ tuyên chiến
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên chiến với nước này và nói Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Hoa Kỳ.
Ông Ri Yong-ho cho biết điều này có thể tiến hành ngay cả khi máy bay chiến đấu không ở trong không phận Bắc Hàn.
Nhà Trắng nói tuyên bố này “vô lý”. Lầu Năm Góc cảnh báo Bình Nhưỡng ngừng các sự khiêu khích.
Một phát ngôn viên của LHQ nói rằng những trao đổi nóng nảy có thể dẫn đến những hiểu lầm chết người.
Mỹ thêm Bắc Hàn vào lệnh cấm nhập cảnh mở rộng
Máy bay ném bom Mỹ ‘lượn gần’ Bắc Hàn
Bình luận của ông Ri là sự đáp trả cho dòng tin trên Twitter của ông Trump rằng lãnh đạo Bắc Hàn sẽ không “ở đây lâu nữa”.
“Toàn thế giới nên nhớ rõ rằng chính Hoa Kỳ là nước đầu tiên tuyên chiến với đất nước chúng tôi,” ông Ri nói với các phóng viên khi ông rời khỏi New York, nơi ông đã phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm thứ Bảy.
“Kể từ khi Hoa Kỳ tuyên chiến với đất nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ có mọi quyền để tiến hành các biện pháp phản công, bao gồm quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ ngay cả khi họ không nằm trong biên giới quốc gia chúng tôi”.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn sử dụng cụm từ “tuyên bố chiến tranh” liên quan đến Hoa Kỳ. Phát biểu của ông Ri là cuộc khẩu chiến mới đây nhất giữa hai nước.
Ông Ri đưa ra tuyên bố trên hai ngày sau khi máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bay gần bờ biển Bắc Hàn để phô trương lực lượng.
Nga: Trump và Kim cư xử như trẻ mẫu giáo
Người phát ngôn Lầu Năm góc Đại tá Robert Manning đã phản ứng bằng cách nói rằng: “Nếu Bắc Hàn không ngừng các hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ đảm bảo chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn cho Tổng thống để đối phó với Bắc Hàn.”
Phản ứng trước lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn hôm thứ Hai, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất nói với Reuters ngôn từ leo thang giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ đang trở nên quá nguy hiểm và giải pháp duy nhất là đàm phán.
“Chúng tôi muốn mọi thứ bình tĩnh lại. Sự việc trở nên quá nguy hiểm và chẳng ai có lợi cả,” ông Lưu Kết Nhất nói với Reuters. “Chúng tôi hy vọng rằng (Hoa Kỳ và Bắc Hàn) sẽ thấy rằng không có cách nào khác ngoài đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên … Giải pháp thay thế khác là một thảm hoạ.”
Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ António Guterres, cho hay: “Những cuộc đối thoại nóng nảy có thể dẫn đến những hiểu lầm chết người.”
Ông nói thêm: “Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là một giải pháp chính trị.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41395950
Trung Quốc chặn WhatsApp trước Đại hội Đảng
Dịch vụ WhatsApp bị chặn ở Trung Quốc trong lúc chính phủ nước này tăng cường an ninh trước Đại hội Đảng Cộng sản khai mạc vào tháng tới.
Những người dùng WhatsApp gặp trục trặc với ứng dụng này từ hơn một tuần qua.
Đôi lúc, nó bị chặn triệt để và người dùng chỉ có thể truy cập khi vượt tường lửa.
WhatsApp là sản phẩm duy nhất của Facebook được phép hoạt động ở Trung Quốc đại lục.
TQ hoãn chiếu phim ‘về chiến tranh với VN’
Liệu ông Tập Cận Bình có nhiệm kỳ thứ ba?
Facebook và ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram bị chặn ở nước này.
Các phóng viên của BBC Tiếng Trung cho biết dịch vụ nhắn tin WhatsApp bắt đầu rớt mạng cách đây hơn một tuần.
Họ thử dùng dịch vụ này hôm 26/9 và nhận thấy người dùng WhatsApp ở Trung Quốc hiện không thể gửi tin nhắn video hoặc hình ảnh tới những người bên ngoài Trung Quốc.
Động thái chặn WhatsApp diễn ra sau những hạn chế về trò chuyện video và gửi ảnh trên ứng dụng này hồi tháng Bảy, sau đó đã được dỡ bỏ.
Việc thắt chặt kiểm duyệt trực tuyến diễn ra khi Trung Quốc tăng cường an ninh trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.
Robert Lawrence Kuhn, cố vấn kỳ cựu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với BBC: “Thời điểm cận Đại hội Đảng thường là lúc hạn chế triệt để mọi thứ để đảm bảo rằng sự kiện này được diễn ra trong điều kiện xã hội lý tưởng và không bị gián đoạn”.
Ông nói vẫn chưa rõ liệu những hạn chế này sẽ được nới lỏng sau Đại hội Đảng như những lần trước đó.
WhatsApp từ chối bình luận về vụ việc.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41383365
Giá dầu lên cao nhất trong hai năm
Giá dầu tăng vọt hôm thứ Hai với chỉ số dầu Brent đạt mức cao nhất trong hơn hai năm.
Nhu cầu tăng và lo ngại về địa chính trị là các yếu tố, cùng với những dấu hiệu cho thấy việc cắt giảm sản lượng bởi các thành viên Opec đang bắt đầu có hiệu ứng.
Dầu Brent tăng 3.8% tới mức 59,02 USD/thùng, là mức cao nhất kể từ tháng Bảy năm 2015, trong khi giá dầy Tây Texas của Mỹ tăng 3% lên mức 52,22 USD.
“Việc cắt giảm sản lượng đang bắt đầu có kết quả và đang có sự điều chỉnh cân bằng lại,” Gene McGillian từ Tradition Energy nói.
Thị trường dầu đã suy thoái trong gần 3 năm. Tuy nhiên, giám đốc bộ phận kinh doanh dầu tại Châu Á của BP, Janet Kong, nói tại một hội nghị của Financial Times rằng thị trường hiện nay đang “ở một thời điểm quan trọng”.
Cùng với nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ làm gián đoạn nguồn dầu từ khu vực Kurdistan của Iraq đã giúp đẩy giá dầu lên vào hôm thứ Hai.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có thể đóng van ường ống mang dầu từ phía Bắc Iraq tới thị trường toàn cầu, gây áp lực lên khu tự trị người Kurd đối với cuộc trưng cầu độc lập.
Trong khi đó, Opec, Nga và một số nhà sản xuất khác đã cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu năm 2017, giúp nâng giá dầu lên khoảng 15% trong ba tháng qua.
Tại một cuộc họp của OPEC hôm thứ Sáu, một số quốc gia cho biết các hạn chế sản lượng đang có tác động theo mong muốn lên thị trường và giá cả.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Essam al-Marzouq, cho biết việc giảm sản lượng đã làm giảm lượng dầu thô toàn cầu xuống mức trung bình 5 năm của OPEC.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-41399203
Bắc Hàn tuyên bố sẽ bắn hạ các oanh tạc cơ cũa Mỹ
Trong bản tin phổ biến hồi ngày 26 tháng 9 nay ở Seoul, hãng thông tấn Yonhap cho biết Bắc Hàn đưa thêm chiến đấu cơ đến các căn cứ quân sự ở vùng bờ biển phía Đông.
Bản tin ghi rõ động thái này được Bình Nhưỡng thực hiện sau khi Bắc Hàn lên tiếng nói rằng Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khai chiến, và để đáp lại, Bắc Hàn dọa sẽ bắn hạ các oanh tạc cơ của Mỹ bay gần không phận của họ.
Hôm 25 tháng 9 khi tiếp xúc với báo chí ở New York, Bộ Trưởng Ngoại Giao Bắc Hàn Ri Yong Ho nói rõ rằng quân đội nước ông sẽ bắn hạ tất cả các oanh tạc cơ Mỹ, bất kể những chiếc máy bay ném bom này có bay vào không phận của Bắc Hàn hay không. Ngoại Trưởng Bắc Hàn còn nói rằng cả thế giới cần phải nhớ chính Hoa Kỳ là nước khai chiến, và bằng mọi cách Bình Nhưỡng sẽ bảo vệ đất nước.
Nhà Trắng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc mà Bắc Hàn đưa ra.
Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi cả Washington lẫn Bình Nhưỡng phải bình tĩnh, nhấn mạnh rằng sẽ không có nước nào chiến thắng nếu chiến tranh xảy ra tại bán đảo Triều Tiên.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-north-korea-update-09262017113115.html
Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Ấn Độ
khi Trung Quốc quyết đoán
Tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hiện đang có mặt tại New Delhi để thảo luận với các nhà lãnh đạo Ấn Độ về kế hoạch tăng cường quan hệ quân sự song phương, bao gồm cả việc Mỹ sẽ bán cho Ấn chiến đấu cơ và máy bay thám thính không người lái, với mục đích cùng Ấn ngăn chận mức bành trướng thế lực của Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ quốc phòng giữa hai nước tăng nhanh trong mười năm vừa qua, điển hình là việc Hoa Kỳ đồng ý bán cho Ấn số võ khí trị giá tới 15 tỷ dollars, trong đó có 22 chiếc máy bay không người lái loại Sea Guardian mà chính phủ Mỹ đồng ý bán cho Ấn hồi tháng Sáu năm nay để giúp hải quân Ấn bảo vệ an ninh lãnh hải.
Ngoài Ấn, chính phủ Mỹ chỉ bán loại máy bay không người lái tối tân này cho các nước đồng mình NATO.
Ông Mattis là nhân vật cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ sang thăm Ấn. Theo lịch trình, ông sẽ có buổi làm việc riêng với Thủ tướng Narenda Modi.
Trước khi ông tổng trưởng quốc phòng Mattis rời Washington, Lầu Năm Góc cho hay Hoa Kỳ xem Ấn là một nước bạn quan trọng, có cùng quyền lợi chung không chỉ ở Nam Á mà ở mức toàn cầu.
Tòa Tối cao bỏ điều trần
về lệnh cấm nhập cảnh cũ của TT Trump
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã rút hồ sơ liên quan tới lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump ra khỏi nghị trình làm việc tháng 10 sau khi Tổng thống Donald Trump công bố luật mới hôm Chủ nhật vừa rồi. Được loan báo vào đúng thời điểm lệnh cấm du hành cũ sắp hết hạn, các quy định mới tăng số các nước bị chi phối bởi các quy định mới, tuy nhiên lần này, những giới hạn đối với sự đi lại không hết hạn mà có thể được thi hành vô thời hạn. Thông tín viên Molly McKitterick có thêm các chi tiết sau đây.
Như được dự kiến rộng rãi, các giới hạn mới về du hành nhắm vào những ‘mối đe dọa cá thể đến từ những nước cá thể’.
Đặc biệt, luật mới cấm:
– Di dân hay không di dân đến từ các nước Chad, Libya và Yemen. Thành phần này không được nhập cảnh, dù bằng visa làm ăn, du lịch hay cả hai.
– Công dân Iran nhập cảnh Mỹ, nhưng đặc biệt miễn trừ cho sinh viên, mặc dù họ phải trải qua các biện pháp kiểm tra phụ trội.
– Di dân/khách đến từ Triều Tiên và Syria.
– Ngăn di trú đối với công dân Somalia và buộc khách du hành phải trải qua kiểm tra đặc biệt.
– Rút tên Sudan ra khỏi danh sách bị cấm.
Tại một hội nghị về luật di trú ở Đại học Georgetown hôm thứ Hai, lệnh cấm du hành là chủ đề nóng được mang ra thảo luận.
Trong khi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump nói ông phải hành động để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ, nhiều người tỏ ra hoài nghi về những động cơ của ông.
Ông Arturo Sarukhan, cựu đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ phát biểu:
“Trên thế giới có những mối đe dọa có thực, và những cá nhân mà chúng ta phải luôn theo dõi… Nhưng vấn đề ở đây là đôi khi vấn đề xảy ra trong bối cảnh rộng lớn của chính sách bảo vệ các lợi ích của người bản xứ và cư dân chống lại di dân, và tình cảm bài ngoại. Khi điều đó xảy ra, đôi khi rất khó có thể phân biệt động cơ thực thụ là an ninh quốc gia, hay là những yếu tố khác.”
Ông Trump nói các giới hạn mới sẽ có hiệu lực cho tới khi các nước liên quan cải thiện hệ thống kiểm tra an ninh của họ.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói:
“Cách thức lệnh cấm du hành được thiết lập, là các nước khác phải đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu, và tham gia chia sẻ thông tin. Trong thời gian qua, một số nước đã đạt tiến bộ và thỏa đáng các đòi hỏi tối thiểu mà Hoa Kỳ vạch ra.”
Các quy định mới sẽ được chính phủ tái xét theo định kỳ, và có thể bị thách thức tại tòa, nếu không đưa ra trước tòa án tối cao.
Tòa tối cao đã chuẩn bị lắng nghe những lập luận về tính hợp pháp của sắc lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump, nhưng phiên bản mới có thể bị thách thức lại, khởi sự tại các tòa án cấp dưới.
Bà Jeanne M. Atkinson, Giám Đốc Trung tâm Công giáo Hỗ trợ Pháp lý cho người Di dân nói:
“Điều gì sẽ xảy ra tại Tòa Tối cao giờ đây khi lệnh cấm du hành đã thay đổi? Theo tôi, nếu ở lại đây hôm nay và lắng nghe mọi người thì chúng ta sẽ nghe những ý kiến rất là khác nhau. Đây là một vấn đề phức tạp bởi vì những thay đổi trong lệnh cấm du hành. Đây là một lệnh cấm du hành mới, và phải được xem xét riêng biệt.”
Trong khi đó, phần đã đáo hạn của lệnh cấm du hành cũ có thể được khôi phục, trong khi lệnh mới có hiệu lực từ ngày 18/10.
Bộ trưởng thương mại Mỹ thăm Bắc Kinh
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 25/9 tuyên bố Washington hy vọng đạt được những tiến bộ cụ thể trong chuyến công du tới đây của Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc giữa những căng thẳng về thương mại gia tăng.
Ông Ross gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, giới chức kinh tế hàng đầu của nước này, trong chuyến đi thăm ba quốc gia châu Á.
Ông Trump sẽ đi thăm Bắc Kinh cuối năm nay và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đã công du Mỹ hồi tháng 4 năm nay.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có một số kết quả rất tốt,” ông Ross nói vào lúc bắt đầu một cuộc họp tại Trung Nam Hải.
Ông Ross không cho biết thêm chi tiết, nhưng Tổng thống Mỹ lâu nay đã chỉ trích thặng dư mậu dịch khổng lồ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và đe dọa tăng thuế quan đối với thép. Ông Trump còn ra lệnh điều tra liệu Trung Quốc có áp lực không thích đáng lên những công ty buộc phải giao công nghệ nếu muốn được tiếp cận thị trường Trung Quốc hay không.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực chặn đứng những hành vi trừng phạt của Hoa Kỳ bằng cách nhấn mạnh đến những lợi ích của mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới.
Ông Ross sẽ đến thăm Hong Kong ngày 26 và sau đó sẽ đi thăm Thái Lan và Lào.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-thuong-mai-my-tham-bac-kinh/4044370.html
Ông Trump không muốn chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump không muốn có chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên và chính quyền ông sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn việc này xảy ra, Bộ trưởng Tài chánh Steve Mnuchin ngày 24/9 tuyên bố.
Bảo đảm này được đưa ra trong lúc ông Trump gia tăng khẩu chiến với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này tấn công Hoa Kỳ và đồng minh. Ông Trump nói “Ông Rocket” Kim đang thực hiện “sứ mạng tự sát” đối với bản thân và chế độ.
Ông Kim phản pháo rằng sẽ tính tới biện pháp giáng trả “ở mức độ cao nhất” mà Bộ trưởng ngoại giao của ông Kim nói là có thể liên hệ đến việc thử nghiệm một bom khinh khí trên Thái Bình Dương.
“Tôi có thể đảm bảo là ưu tiên số một của Tổng thống là sự an toàn của người dân Mỹ và các đồng minh của chúng ta,” ông Munichin nói trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABC.
“Tổng thống không muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân. Và chúng ta sẽ làm mọi việc có thể được để đảm bảo là chuyện này không xảy ra.”
Ông Mnuchin từ chối bình luận về việc Hoa Kỳ đáp ứng như thế nào trong trường hợp Triều Tiên thử nghiệm bom H tại Thái Bình Dương.
Vào ngày 21/9 ông Trump đã ký một sắc lệnh cho phép Bộ Tài chánh phong tỏa các cá nhân và thực thể nước ngoài giao dịch với Triều Tiên, ngăn không cho họ tiếp cận với hệ thống tài chánh Hoa Kỳ.
Sắc lệnh này, ông Mnuchin nói, cho phép đưa ra “những chế tài mạnh mẽ nhất chưa từng có trước đây.”
Tuy nhiên vẫn còn chỗ cho nhiều chế tài khác nữa, Thượng nghị sĩ Cory Gardner thuộc đảng Cộng hòa cho biết trong một cuộc phỏng vấn khác của CBS.
Thượng nghị sĩ Gardner, tác giả của dự luật chế tài Triều Tiên đã được ký thành luật vào năm ngoái, nhấn mạnh đến mục đích tối hậu là phải phi hạt nhân hóa một cách hòa bình chế độ Triều Tiên vì bất cứ những sự kiện nào khác nữa sẽ dẫn đến những đe dọa tiếp tục chống lại nước Mỹ và việc cấm phổ biến hạt nhân trong vùng.
Trong khi đó, các đảng đối lập bảo thủ Hàn Quốc đang tìm cách tái triển khai vũ khí hạt nhân để chống lại mối đe dọa của việc Triều Tiên phóng liên tiếp các phi đạn và thử hạt nhân lần thứ sáu trước đây trong tháng.
Chính quyền cấp tiến của Tổng thống Moon Jae-in đã bác bỏ ý kiến này, cho rằng việc này đi ngược lại nguyền tắc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hôm 24/9, một cuộc thăm dò mới cho thấy đại đa số người Mỹ chống lại một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên và hầu hết người Mỹ tin tưởng các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ, thay vì tin vào Tổng thống Donald Trump, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân một cách có trách nhiệm.
(Nguồn Yonhap/Xinhua)
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-khong-muon-chien-tranh-hat-nhan-voi-trieu-tien/4044350.html
Các nước trong danh sách cấm nhập cảnh Mỹ phản ứng
Chính phủ Chad bày tỏ kinh ngạc trước quyết định của Mỹ đưa tên nước này vào danh sách cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.
Thông cáo của chính phủ Chad ngày 25/9 nói họ ‘thật sự không hiểu lý do chính thức của quyết định này là gì vì nó hoàn toàn đi ngược lại những nỗ lực và cam kết thường xuyên của Chad trong cuộc chiến chống khủng bố khu vực và toàn cầu.’
Chính phủ Chad kêu gọi Tổng thống Trump đánh giá đúng tình hình và cân nhắc lại quyết định mà họ nói là gây tổn hại đến hình ảnh của Chad và mối giao hảo giữa hai quốc gia.
Chad nói sẵn sàng thảo luận để tăng cường hợp tác với Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, tố cáo quyết định của chính quyền Trump cấm giới chức Venezuela nhập cảnh Mỹ là một hình thức ‘khủng bố chính trị và tâm lý.’
Bộ Ngoại giao Venezuela ngày 25/9 ra thông cáo nói lệnh cấm du hành của Mỹ vi phạm các giá trị trong hiến chương Liên hiệp quốc và luật quốc tế và tố cáo rằng đây là một phần trong nỗ lực tiếp diễn của Mỹ nhằm lật đổ ông Maduro.
Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết đang cân nhắc mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Chính quyền Mỹ nói chính quyền Venezuela không hợp tác trong việc minh định rõ ràng những ai bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia và cho biết lệnh cấm du hành nhắm vào các giới chức thuộc các bộ và các cơ quan chịu trách nhiệm rà soát.
Triều Tiên chưa phản ứng về lệnh cấm du hành mới loan báo của Mỹ.
Sắc lệnh Tổng thống Trump ký hôm qua cũng đình chỉ mọi visa, kể cả định cư và không định cư, cho những người mang quốc tịch Triều Tiên.
Triều Tiên không cho phép thường dân du hành ra nước ngoài ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như công nhân xuất khẩu lao động mang về ngoại tệ hay vận động viên tham gia thi đấu thể thao.
https://www.voatiengviet.com/a/cac-nuoc-trong-danh-sach-cam-nhap-canh-my-phan-doi-/4043955.html
Giới chức: Mỹ không muốn thay đổi chế độ Triều Tiên
Chính quyền Mỹ khẳng định không cổ súy thay đổi chế độ ở Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un “sẽ không tồn tại được lâu.”
Phản ứng trước phát biểu của ông Trump, giới chức ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên ngày 25/9 phát biểu trước báo giới tại Liên hiệp quốc rằng Bình Nhưỡng xem đây là lời tuyên chiến và Triều Tiên có quyền bắn hạ máy bay Mỹ trên không phận quốc tế.
Một giới chức cấp cao trong chính quyền Mỹ không muốn nêu tên cùng ngày tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ không phải là nhằm thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.
Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ với Triều Tiên tuần rồi leo thang khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dọa sẽ tiêu diệt hoàn toàn Triều Tiên và đôi bên ‘lời qua tiếng lại’ đe dọa, thóa mạ lẫn nhau.
ASEAN ‘rạn nứt’ vì Malaysia và Myanmar bất đồng
ASEAN một lần nữa bất đồng ý kiến sau khi Malaysia nói tuyên bố của Philippines, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN hiện nay, là sai lệch thực tế về làn sóng lánh nạn gồm 430 ngàn người sắc tộc Rohingya từ Myanmar.
ASEAN, gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, là một trong những vùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ lâu đã phải đối phó với những quyền lợi mâu thuẫn trong việc giải quyết những vấn đề như việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya hiện nay.
“Philippines, với tư cách nước Chủ tịch, dung chấp việc phát biểu công khai những ý kiến khác biệt,” Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố ngày 25/9.
Động thái này cho thấy một “mức độ chín chắn mới” trong việc đẩy mạnh những nguyên tắc đồng thuận của ASEAN khi đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền lợi quốc gia, tuyên bố nói.
Malaysia đã có lập trường rõ ràng “trong vài cuộc họp của ASEAN” tại New York, Bộ ngoại giao Philippines nói, tuy nhiên cũng phải chú ý đến quan điểm của những quốc gia thành viên khác.
Ngày 24/9, Malaysia không đồng ý với tuyên bố của chủ tịch ASEAN vì tuyên bố này không biểu hiện đúng “thực tế của tình hình” và không công nhận người Rohingya là một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng.
Myanmar bác bỏ cụm từ Rohingya, cho rằng những người Hồi Giáo tại bang Rakhine phía tây Myanmar không phải là một sắc tộc mà là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.
Các nhà ngoại giao cao cấp và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thảo luận về nội dung của tuyên bố bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trước khi công bố, các nguồn tin của Bộ ngoại giao Philippines và chính phủ Malaysia nói.
Tuy nhiên, các Ngoại trưởng ASEAN không đạt được đồng thuận, theo hai giới chức chính phủ Malaysia biết rõ về các cuộc thảo luận này.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN do Philippines công bố không phản ánh những quan ngại của Malaysia, một trong những giới chức này nói và yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Trước đây Malaysia đã có lần bác bỏ tuyên bố tương tự về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine phía tây Myanmar, nhưng phản ứng của Malaysia hôm 24/9 là điều bất ngờ vì ASEAN có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.
Myanmar phải ngưng “việc tàn sát đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo,” Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 24/9 tuyên bố.
“Phải tìm ra những giải pháp lâu dài và có thể thực hiện được đối với nguồn gốc của xung đột,” ông nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, bất đồng ý kiến của Malaysia chỉ phản ánh sự căng thẳng trong khối ASEAN, theo nhận xét của ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Malaysia.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ASEAN lên án những cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Myanmar và “tất cả các hành vi bạo động đưa đến kết quả là thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị hủy hoại và nhiều người phải lìa bỏ nơi ăn chốn ở.”
Có hơn 400 người thiệt mạng và 430.000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi bang Rakhine. Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Rohingya hôm 25/8 vào các vị trí quân đội và cảnh sát đã khiến cho quân đội Myanmar mở những cuộc tấn công mà Liên hiệp quốc gọi là “hủy diệt sắc tộc thiểu số.”
https://www.voatiengviet.com/a/asean-run-nut-vi-malysia-va-myanmar-bat-dong/4043967.html
Nhật tổ chức bầu cử sớm giữa quan ngại về Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện vào ngày thứ năm tuần này để tổ chức bầu cử sớm, tìm cách được sự tín nhiệm mới để giữ vững lập trường mạnh mẽ của ông đối với Triều Tiên và tái cân bằng hệ thống an ninh xã hội.
Ông Abe lên nắm quyền đã 5 năm dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng tới để tận dụng thế đang được gia tăng ủng hộ và những xáo trộn trong hàng ngũ đối lập.
“Tôi sẽ chứng tỏ sự lãnh đạo mạnh mẽ và đứng vào tuyến đầu để đối phó với một cuộc khủng hoảng quốc gia,” ông Abe nói với các phóng viên, đề cập đến dân số đang lão hóa nhanh chóng của Nhật Bản và vấn đề Triều Tiên.
Ông Natsuo Yamaguchi, người đứng đầu đảng Komeito đối tác Liên minh của ông Abe nói theo ông hiểu thì cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 22 tháng 10.
Ông Abe nói ông sẽ chuyển một số lợi tức từ việc gia tăng thuế bán buôn vào năm 2019 vào công tác chăm sóc trẻ em và giáo dục thay vì trả lại nợ công, dù rằng ông sẽ không bỏ cải cách tài chánh. Tái cân bằng chi tiêu sẽ giúp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đối với sức tiêu thụ vì tăng thuế, ông Abe nói.
Ông Abe bác bỏ những chỉ trích cho rằng tổ chức bầu cử vào lúc này sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị vào thời điểm căng thẳng tăng cao vì chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã hai lần phóng phi đạn ngang qua Nhật Bản trong tháng này và thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3 tháng 9 vừa qua.
Ông Abe nói mục tiêu của ông là Liên minh cầm quyền vẫn giữ được đa số tại Hạ viện.
Một cuộc thăm dò cuối tuần qua của Nikkei cho thấy 44% cử tri dự trù bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Cấp tiến của ông Abe so với 8% của Đảng Dân chủ đối lập chính và 8% của một đảng mới do Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike thành lập.
(Nguồn AFP/The Age)
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-to-chuc-bau-cu-som-giua-quan-ngai-ve-trieu-tien/4043959.html
Macron trình bày kế hoạch ” tái thiết” châu Âu
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/09/2017 đã trình bày kế hoạch đầy tham vọng của ông nhằm “tái thiết” châu Âu, trước các sinh viên Pháp và sinh viên quốc tế, tại đại giảng đường của Đại học Sorbonne, Paris.
Trong bài phát biểu tại đại học Sorbonne, tổng thống Macron đề nghị tăng cường nền quốc phòng và an ninh của châu Âu với việc thành lập một « lực lượng can thiệp chung » của châu Âu. Ông còn yêu cầu thành lập một Cơ quan tình báo châu Âu, một viện công tố châu Âu đặc trách chống khủng bố và một lực lượng bảo vệ dân sự để phòng chống thiên tai. Tổng thống Pháp cũng gợi ý nên thành lập một Cơ quan tị nạn châu Âu và một lực lượng cảnh sát biên phòng châu Âu.
Về kinh tế, ông Macron đề nghị mở cuộc tranh luận về việc cải tổ chính sách nông nghiệp chung của châu Âu, để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn châu Âu. Tổng thống Pháp cũng đề xuất một loại thuế về các giao dịch tài chính và toàn bộ tiền thuế này sẽ được đưa vào ngân sách viện trợ phát triển. Ông Macron cho rằng khu vực đồng euro phải có những công cụ để trở thành một vùng tăng trưởng và ổn định. Công cụ quan trọng nhất, theo ông, là một ngân sách chung để tài trợ cho các dự án tài trợ chung và bảo đảm sự ổn định trước những cú sốc kinh tế.
Về môi trường, ông Macron cho rằng châu Âu phải đi tiên phong trong việc chuyển tiếp năng lương và muốn làm được như vậy thì phải lập ra một loại thuế carbon ở biên giới châu Âu đánh vào những sản phẩm từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm để bảo đảm sự công bằng giữa các nhà sản xuất châu Âu và các đối thủ cạnh tranh.
Tổng thống Pháp còn đề nghị thành lập một Cơ quan châu Âu về phát minh, để cùng tài trợ cho việc nghiên cứu trong những lĩnh vực mới như trí thông minh nhân tạo.
http://vi.rfi.fr/phap/20170926-macron-trinh-bay-nhung-%E2%80%9Cdu-an-then-chot%E2%80%9D-doi-voi-eu
Trung Quốc phạt nặng những trang Web lớn
Theo AFP, chính quyền Bắc Kinh ngày 25/09/2017, thông báo phạt nặng nhiều công ty Internet lớn. Cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc cáo buộc những ứng dụng của các công ty đó đã để lan truyền những nội dung, bình luận “tục tĩu” và bất hợp pháp mà không kiểm duyệt đầy đủ, “gây nguy hại cho an ninh quốc gia, an ninh công cộng và trật tự xã hội.”
Ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc, Wechat, bị cho là đã “thiếu trách nhiệm” trong việc ngăn chặn phát tán “các tin đồn và nội dung bạo lực và khủng bố, hoặc các nội dung tục tĩu và khiêu dâm”. Giao tiếp qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp cũng bị gián đoạn vài ngày gần đây. Tương tự, nhà chức trách Trung Quốc cáo buộc mạng xã hội Vi Bác (Weibo), được mệnh danh là “Twitter Trung Quốc” với hàng trăm triệu người dùng, đã để “lan truyền những nội dung khiêu dâm hoặc kích động thái độ thù hận chủng tộc”. Diễn đàn thảo luận Thiếp Ba (Tieba), tập đoàn công nghệ thông tin Bách Độ (Baidu) quản lý, cũng cùng chung số phận, “với những bình luận tục tĩu, bạo lực và đề cao khủng bố”. Người phát ngôn của doanh nghiệp này cho biết Bách Độ sẽ “chủ động hợp tác” với chính quyền để “thanh lọc những thông tin xấu”.
Ngoài ra, “Cục quốc gia phòng chống khiêu dâm và xuất bản bất hợp pháp” hôm qua thông báo đã tiêu hủy “hơn 20 triệu nội dung tục tĩu và đồi trụy”, trong một cuộc kiểm tra kéo dài 5 tuần nhằm vào khoảng 30 công ty.
Chiến dịch tăng cường kiểm soát thông tin mạng này được cho là một động thái quen thuộc của Bắc Kinh nhằm đối phó với những thông tin trôi nổi trên các trang mạng xã hội, ngay trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 10. Nhà hoạt động nhân quyền Hồ Giai (Hu Jia) tại Bắc Kinh cho biết, “càng gần ngày Đại hội Đảng, chính quyền sẽ càng kiểm duyệt mạnh tay hơn.”
Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã duy trì một hệ thống kiểm duyệt Internet gắt gao, được mệnh danh là “Vạn Lý Trường Thành điện tử”. Hệ thống này cấm các mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh, như Facebook, Twitter, Google, Youtube, cũng như rất nhiều kênh truyền thông Tây phương và sẵn sàng cho ngừng hoạt động những trang web và nội dung mà chính quyền Bắc Kinh cho là nhạy cảm về mặt chính trị.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170926-trung-quoc-phat-nang-nhung-trang-web-lon
Đức : Thủ tướng Merkel cố tìm đồng minh lập nội các
Hai ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội với kết quả không tốt như mong muốn, thủ tướng Angela Merkel tìm kiếm đồng minh. Vấn đề là đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo bị mất điểm, nên các chính đảng truyền thống khác, tuy cũng bị mất điểm, tìm cách « bắt bí » đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, gây khó khăn cho thủ tướng Đức trong nỗ lực thực hiện lời hứa thành lập một chính phủ « ổn định ».
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut phân tích :
“Thủ tướng Angela Merkel đứng trước một bài tóan nan giải. Đảng Xã Hội Dân Chủ (SPD), đã dứt khóat từ chối lời mời hợp tác thành lập chính phủ liên minh. Hôm qua, thủ tướng Đức tuyên bố là cũng muốn thương lượng với SPD để làm lại liên minh nhưng chủ tịch Martin Schulz đã thẳng thừng tuyên bố : bà ấy sẽ mất thời giờ vô ích.
Trừ phi bầu lại Quốc Hội, một chuyện ít có khả năng xảy ra, giải pháp duy nhất cho bà Angela Merkel là liên minh với hai tổ chức nhỏ là đảng Xanh và đảng Tự Do. Tổ chức bảo vệ môi trường có vẻ muốn tham chính. Đảng Tự Do thì chờ được mời mọc. Liên kết lần trước với bà Angela Merkel đã làm cho đảng Tự Do trả giá đắt, bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử 2013. Mặt khác, đảng Tự Do và đảng Xanh bất đồng với nhau trên nhiều hồ sơ từ bảo vệ môi trường, xã hội cho đến di dân nhập cư.
Đó là chưa kể trong nội bộ đảng của bà Angela Merkel, đồng minh CSU ở bang Bayern bị mất đến 10 điểm trong cuộc bầu cử ngày lần này. Tuy vậy, đảng này sẽ lợi dụng thời cơ thủ tướng Đức ở thế kẹt để đòi được nhượng bộ nhiều hơn.”
Nếu các cuộc đàm phán để lập chính phủ tại Đức gặp khó khăn và kéo dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền cho cả châu Âu.
Theo AFP, Paris theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị tại Berlin. Không có hậu thuẫn của Đức, đề nghị cải cách vùng sử dụng đồng tiền chung euro mà tổng thống Pháp công bố hôm nay sẽ rất khó thuyết phục các thành viên khác.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170926-chinh-tri-duc-angela-merkel-co-tim-dong-minh-lap-noi-cac
Irak : Kurdistan căng thẳng
chờ kết quả trưng cầu dân ý về độc lập
Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về độc lập cho Kurdistan bị cộng đồng quốc tế phản đối vì lo sợ bất ổn trong khu vực, nhất là chính quyền Bagdad. Quốc Hội Irak đã thông qua nghị quyết yêu cầu gởi quân đến các khu vực tranh chấp, như Kirkouk, một tỉnh có nhiều dầu lửa. Tình hình vẫn căng thẳng trong khi chờ đợi kết quả sẽ được công bố tối nay 26/09/2017.
Từ thành phố Kirkouk, các đặc phái viên Murielle Paradon và Richard Riffonneau của RFI gởi về bài phóng sự :
« Những chiếc xe mui trần phóng nhanh trên các đường phố Kirkouk. Lực lượng an ninh Kurdistan và cả an ninh của Irak tuần tra tại thành phố tranh chấp giữa người Kurdistan và chính quyền trung ương Bagdad. Chúng tôi đang ở trong khu phố mà người Kurdistan chung sống với người Ả Rập và Turkmen.
Asso, một chỉ huy dân quân Kurdistan đang mang vũ khí, cho biết sẵn sàng đáp trả nếu bị Bagdad tấn công. Anh nói : Từ khi hiện hữu, chúng tôi đã hy sinh, và sẵn sàng hy sinh thêm nữa. Chúng tôi không coi cộng đồng người Irak là kẻ thù, nhưng nếu bị đe dọa thì chúng tôi sẽ tự vệ.
Những mối đe dọa có thể mang các dạng thức khác. Shahlla Abdullah là hiệu trưởng ở Kirkouk, được chính phủ Bagdad tuyển dụng. Bà cho biết : Là công chức của Bagdad, chúng tôi đã nhận được những lời hăm dọa từ chính phủ. Nếu đi bầu, chúng tôi sẽ bị sa thải và mất đi lương bổng. Họ muốn làm gì cứ làm, đi bỏ phiếu là việc quan trọng nhất ».
Cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho Kurdistan diễn ra một cách yên ổn, nhưng trong bầu không khí căng thẳng tại Kirkouk, vì lo sợ bạo động. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố vào tối hôm qua ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170926-irak-cang-thang-cho-ket-qua-trung-cau-dan-y-ve-kurdistan-doc-lap
Mỹ: Dự luật hủy bỏ Obamacare lại có nguy cơ yểu mệnh
Dự án cải cách bảo hiểm y tế chưa được đưa ra bỏ phiếu nhưng hầu như đã bị chết yểu : nữ thượng nghị sĩ bang Maine ngày 25/09/2017 loan báo sẽ bỏ phiếu chống. Phe Cộng Hòa cần ít nhất 50 phiếu để thông qua dự luật này, nhưng nếu ba thượng nghị sĩ trong đảng tiếp tục chống đối, thì việc hủy bỏ Obamacare như ông Donald Trump đã hứa, một lần nữa lại thất bại.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường thuật :
« Đáng xấu hổ ! Xấu hổ ! Xấu hổ ! Hãy giết chết cải cách, chứ đừng sát hại chúng tôi ! Những người biểu tình ngồi xe lăn đã hô các khẩu hiệu như trên, khi ông Lindsay Graham, tác giả dự luật cải cách y tế đến Thượng Viện hôm qua. Thượng nghị sĩ Graham trình bày một văn bản sửa đổi, trong đó có ngân khoản bổ sung cho các tiểu bang Alaska, Maine, Arizona và Kentucky.
Bốn tiểu bang này không phải được chọn lựa một cách tình cờ : nữ thượng nghị sĩ Alaska đã bày tỏ những nghi ngại về dự luật. Đại biểu tiểu bang Maine, bà Susan Collins, hôm qua loan báo sẽ bỏ phiếu chống, và tuần trước hai thượng nghị sĩ tiểu bang Kentucky và Arizona cũng lên tiếng phản đối.
Hôm qua, ủy ban tài chính Hạ Viện đã đưa ra nhận xét ban đầu về dự luật. Ủy ban xác nhận luật này sẽ dẫn đến việc hàng triệu người Mỹ không còn bảo hiểm y tế, nhưng khẳng định thâm hụt ngân sách sẽ giảm 133 tỉ đô la từ nay đến năm 2026.
Phe Cộng Hòa đang chạy đua với thời gian từ giờ đến cuối tuần, để giữ lời hứa hủy bỏ đạo luật quan trọng của ông Barack Obama. Mùa hè rồi phía Cộng Hòa đã thất bại, và nếu ba thượng nghị sĩ trong đảng tiếp tục chống đối như đã loan báo, thì hầu như không còn cơ hội để dự luật này được thông qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170926-du-luat-nham-huy-bo-obamacare-lai-co-nguy-co-yeu-menh
Interpol họp tại Trung Quốc, nước bị tố cáo đàn áp đối lập
Interpol ngày 26/09/2017 họp hội nghị toàn thể tại Bắc Kinh, vào lúc Trung Quốc tiếp tục chiến dịch dẫn độ các nghi can bị cho là lừa đảo đã bỏ trốn ra nước ngoài, đôi khi bị tố cáo là vì lợi ích chính trị. Khoảng 1.000 lãnh đạo ngành cảnh sát và chính khách họp kín trong bốn ngày để thảo luận về khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng.
Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol có trụ sở tại Lyon (Pháp), nơi trao đổi thông tin giữa cảnh sát 190 quốc gia, là công cụ quan trọng cho Trung Quốc vào thời điểm chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch « Săn Cáo » đã giúp dẫn độ về Hoa lục ít nhất 2.500 nghi can tội phạm kinh tế.
Tuy Interpol không ra lệnh bắt, nhưng có thể ban hành các « thông cáo đỏ », tức lệnh truy nã quốc tế, theo yêu cầu của các Nhà nước thành viên. Nhưng nhiều nước phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng, do tư pháp Trung Quốc chịu sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản. Năm ngoái nước Pháp đã chấp nhận cho dẫn độ một công dân Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ khi hiệp định song phương về dẫn độ có hiệu lực năm 2015.
Từ lúc thứ trưởng bộ Công An Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) được bầu làm giám đốc Interpol, các nhà đấu tranh nhân quyền không ngớt lời chỉ trích.
Nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1997, lo ngại Bắc Kinh lợi dụng cơ quan cảnh sát quốc tế để « bắt các nhà đối lập chính trị đưa về nước ». Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang) thuộc tổ chức Human Rights Watch nói với AFP :Ông Mạnh « là nhân vật số hai trong ngành công an Trung Quốc vốn nổi tiếng với nạn bắt bớ, tra tấn, sách nhiễu các nhà đấu tranh, chúng tôi lo rằng ông Mạnh không thể đảm trách việc bảo vệ hiến chương Interpol ».
Một trong những nhân vật bị Bắc Kinh truy lùng ráo riết là nhà tỉ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui) đang sống lưu vong tại New York, hồi tháng Tư đã là đối tượng bị « thông cáo đỏ ». Doanh nhân này khẳng định đang nắm trong tay những bằng chứng tham nhũng của các quan chức cao cấp Trung Quốc.
Tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) nói rằng những quan ngại trên là « không có cơ sở ». Interpol bác bỏ những cáo buộc thiếu khách quan, nhắc lại điều 3 trong quy chế « cấm hẳn mọi sự can thiệp hay hoạt động mang tính chính trị, quân sự, tín ngưỡng hoặc sắc tộc ».
Một hồ sơ khác có thể gây tranh cãi là việc cơ quan quyền lực Palestine xin tham gia Interpol, chắc chắn sẽ bị Israel phản đối. Sau khi giành được ghế quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc từ năm 2012, tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế và UNESCO, Palestine mong muốn được gia nhập tổ chức cảnh sát quốc tế, tuy năm ngoái đã thất bại vì không đạt được hai phần ba số phiếu như quy định.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170926-interpol-hop-tai-trung-quoc-nuoc-bi-to-cao-dan-ap-doi-lap
Hợp tác với Bình Nhưỡng :
Iran bác bỏ những cáo buộc của Trump
Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran Bahram Ghasemi, hôm qua 25/09/2017, tuyên bố rằng những phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump là “cáo buộc phi lý và vô căn cứ”. Quan chức này khẳng định “không có bất cứ mối liên hệ nào giữa Iran và Bắc Triều Tiên” trong lĩnh vực tên lửa, hạt nhân, và đồng thời tái khẳng định, việc nghiên cứu năng lượng hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình.
Tuyên bố của chính quyền Teheran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng, xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Trung Đông này.
Ngày 23/09/2017, Iran thông báo bắn thử thành công một tên lửa đạn đạo mang tên Khorramshahr, dài 13 m, có tầm bắn 2000 km, và có khả năng mang theo một vài đầu đạn hạt nhân nặng tới 1800 kg. Tướng Amir Ali Hadjizadeh, tư lệnh lực lượng không quân Vệ binh Cách mạng, hôm thứ Hai 25/09/2017, khẳng định trên truyền hình Nhà nước Iran, rằng “toàn bộ nguyên vật liệu và bộ phận” của những tên lửa Iran đều hoàn toàn được sản xuất trong nước.
Một vài nhà phân tích và bình luận Hoa Kỳ cho rằng có thể có mối liên hệ giữa tên lửa Khorramshahr của Iran và loại tên lửa đang được nghiên cứu phát triển của Bắc Triều Tiên.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, tổng thống Mỹ đã cáo buộc Iran và Bắc Triều Tiên hợp tác với nhau trong việc nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo, đồng thời để ngỏ ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran vào tháng 7/2015. Thỏa thuận này cho phép dỡ bỏ một phần những trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế đối với Iran. Đổi lại, chính quyền Téhéran phải bảo đảm là chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích dân sự, dưới sự giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA. Việc Iran tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân này đã được lãnh đạo AIEA Yukiya Amano khẳng định hôm 11/09/2017.
Trong quá khứ, Iran và Bắc Triều Tiên từng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là trong cuộc chiến tranh giữa Irak và Iran (1980-1988), theo tiết lộ của Bình Nhưỡng.
Hội Đồng Bảo An chuẩn bị họp về hồ sơ Rohingya
Hội Đồng Bảo An sẽ họp vào thứ Năm 28/09/2017 để nêu ra vấn đề bạo lực tại Miến Điện và cuộc khủng hoảng liên quan đến người thiểu số Rohingya. Một nhà ngoại giao giấu tên hôm qua 25/9 cho biết như trên.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sẽ phát biểu trước Hội Đồng nhân dịp này.
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án nạn « thanh lọc chủng tộc » tại Miến Điện. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần rồi thậm chí còn gọi là « diệt chủng », trong khi đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdodan nói về nạn « Phật giáo khủng bố». Bảy nước gồm Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Ai Cập, Kazachstan, Sénégal đã đề nghị Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ này.
Nhiều chiến dịch quân sự đã được tiến hành tại miền tây Miến Điện, được chính quyền biện minh là để đối phó với bạo động của những người Hồi giáo cực đoan. Bị quân chính phủ đàn áp, hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina nói có 800.000 người Rohingya tị nạn hiện nay, và tuần trước trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc bà đã đòi hỏi thành lập một « phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện », và một « khu vực an toàn » tại nước này.
Bị quá tải trước lượng người tị nạn đông đảo, chính quyền Bangladesh hôm nay đã cho phép 30 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động tại vùng Cox’s Bazar, nơi có 435.000 người Rohingya chạy sang từ cuối tháng Tám, chủ yếu là trợ giúp y tế, xây dựng lều trại. Tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men tại các trại tị nạn gây lo ngại xảy ra dịch tả hay dịch sởi. Cho đến nay Bangladesh chỉ cho 4 tổ chức quốc tế hoạt động nhân đạo trên lãnh thổ quốc gia.
Sắc tộc thiểu số Rohingya có khoảng 1,1 triệu người từ nhiều năm qua bị phân biệt đối xử tại Miến Điện, không có quyền công dân. Lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã bị quốc tế gây áp lực từ vài tuần qua về vấn đề người Rohingya. Thứ Ba tuần trước, bà khẳng định Miến Điện sẵn sàng tổ chức hồi hương cho trên 400.000 người Rohingya đang tị nạn tại Bangladesh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170926-hoi-dong-bao-an-chuan-bi-hop-ve-ho-so-rohingya