Tin khắp nơi – 26/05/2017
Khủng bố và Bắc Hàn, hai chủ đề tại hội nghị G7
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói khủng bố và Bắc Hàn là hai chủ đề đứng đầu nghị trình tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm Thất Cường khai mạc tại Sicily, hòn đảo lớn nhất trong biển Địa Trung Hải.
Ông Trump được Thủ Tướng Ý Paulo Gentiloni nghênh đón vào lúc chính thức khai mạc hội nghị G7.
Trước hội nghị, nhà lãnh đạo Mỹ nói cuộc họp này sẽ “đặc biệt tập trung vào vấn đề Bắc Hàn.”
Trong khi chủ nghĩa khủng bố cũng là một ưu tiên hàng đầu đối với các vị nguyên thủ quốc gia tham gia hai ngày thảo luận trên đảo Sicily của nước Ý, ông Trump nói các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Hàn là “một vấn đề lớn” đối với giới lãnh đạo thế giới. Ông tuyên bố vấn đề này sẽ được giải quyết.
Thương mại là một đề tài quan trọng khác trong tâm trí của các nhà lãnh đạo khối G7, tụ tập tại thị trấn du lịch Taormina.
Tại một cuộc họp báo khai mạc hội nghị, Chủ tich Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nêu lên cam kết của ông Trump trong cuộc chiến chống khủng bố.
“Tôi có ấn tượng rất tốt về quyết tâm và sự cương quyết của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong vấn đề chống khủng bố. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông khi ông nói rằng cộng đồng quốc tế, khối G7, Hoa Kỳ và Châu Âu, phải cương quyết, ngay cả tàn bạo, đối với khủng bố và nhóm chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo (ISIS). Tổng thống Trump cũng tỏ ra rất cứng rắn đối với Bắc Hàn, và trong bối cảnh này, ông có thể tin tưởng vào sự hậu thuẫn của chúng ta.”
Ông Trump bất đồng ý kiến với các nhà lãnh đạo khác về biến đổi khí hậu. Trong cuộc vận động tranh cử, ông thường xuyên cho rằng hiện tượng tăng nhiệt địa cầu là một sự “lừa đảo.”
Trong hơn một thập niên qua, Khối G7 đã nhiều lần thừa nhận mối đe dọa của biến đổi khí hậu, nhưng các giới chức Mỹ có thể vận động để xoa dịu những ngôn từ khi đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu trong thông cáo chung Taormina.
http://www.voatiengviet.com/a/khung-bo-va-bac-han-hai-chu-de-tai-hoi-nghi-g7/3872319.html
Lệnh cấm di trú của Trump tiếp tục ‘mắc cạn’
Một tòa phúc thẩm ở Mỹ ngày 25/5 từ chối không cho phục hồi lệnh cấm di trú tạm thời của Tổng thống Donald Trump nhắm vào 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo, mở màn cho một cuộc chiến pháp lý tại Tòa Tối cao để phân định thắng-bại.
Thẩm phán Roger Gregory nói sắc lệnh của ông Trump dùng những lời lẽ mơ hồ về an ninh quốc gia và bộc lộ sự kỳ thị, thù nghịch, và bất dung tôn giáo.
Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp chưa bình luận về diễn tiến này.
Tổng thống Trump nói lệnh cấm tạm thời của ông nhằm ngăn chặn các cuộc khủng bố tấn công nước Mỹ.
Vụ án này có thể sẽ đưa lên tới Tòa Thượng thẩm, nơi có phán quyết chung cuộc. Trong tiến trình này, chính phủ của ông Trump có thể đệ đơn khẩn cấp tìm cách hiệu lực hóa lệnh cấm của Tổng thống.
Thẩm phán Gregory dẫn phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử 2016 gọi đây là ‘lệnh cấm Hồi giáo.’ Thẩm phán nói một người quan sát trung lập có thể kết luận rằng mục đích chủ yếu của lệnh cấm này nhằm cấm cửa người khác căn cứ vào niềm tin tôn giáo của họ.
Chính phủ lập luận rằng tòa không nên xét tới những bình luận của ông Trump hồi tranh cử vì những phát ngôn đó được đưa ra trước khi ông trở thành Tổng thống.
Tòa phúc thẩm bác quan điểm này, nói rằng những lời lẽ đó có thể là tiền đề động cơ hành động của ông Trump.
Chính phủ nói Tổng thống có thẩm quyền rộng ngăn cấm nhập cảnh Mỹ. Tòa phúc thẩm khẳng định Quốc hội cho Tổng thống quyền hạn rộng tay từ chối cho người nước ngoài vào Mỹ, nhưng thẩm quyền đó không phải là tuyệt đối.
http://www.voatiengviet.com/a/lenh-cam-di-tru-cua-trump-tiep-tuc-mac-can/3872022.html
Mỹ truy tố 7 người âm mưu đánh cắp bí mật thương mại
Bảy người bị truy tố về âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của một doanh nghiệp Mỹ để trao cho một công ty tại Trung Quốc chuyên sản xuất sản phẩm cho hải quân dùng trong quân sự và dân sự.
Hai bị cáo bị bắt ngày 23/5 tại Washington D.C, ba người bị bắt tại Southern District bang Texas, và một người bị bắt tại tại Quận Massachusetts. Tất cả đều bị truy tố trước Tòa án Liên bang Washington D.C về tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại. Chính phủ cũng kiện tại Washington xin tước quyền dân sự hai bất động sản có liên hệ và có dính líu đến những hành vi bất hợp pháp.
Những người bị bắt và truy tố gồm 4 công dân Mỹ: Shan Shi, 52 tuổi, ở Houston, Texas; Uka Kalu Uche, 35 tuổi, ở Spring, Texas; Samuel Abotar Ogoe, 74 tuổi, ở Missouri City, Texas; và Johnny Wade Randall, 48 tuổi, ở Conroe, Texas.
Cùng bị truy tố là Kui Bo, 40 tuổi, công dân Canada cư ngụ tại Houston, và Gang Liu, 31 tuổi, có quốc tịch Trung Quốc nhưng ngụ tại Houston với tư cách thường trú nhân.
Ngoài ra, còn có một công dân Trung Quốc sống tại Trung Quốc tên là Hui Huang, 32 tuổi, cũng bị truy tố. Ông Hui Huang là công nhân của một công ty sản xuất Trung Quốc bị cáo buộc dính líu đến việc thuê mướn công nhân cho công ty Houston.
Theo cáo trạng, bí mật thương mại được đánh cắp để làm lợi cho một nhà sản xuất tại Trung Quốc. Nhà sản xuất là người có cổ phần duy nhất trong một công ty đăng ký tại Houston. Giữa khoảng năm 2012 cho đến nay, nhà sản xuất Trung Quốc và các nhân viên tại công ty có trụ sở ở Houston đã đánh cắp những bí mật thương mại của một công ty kỹ thuật toàn cầu, đứng đầu trong công nghệ biển.
Vụ này liên hệ đến việc chế tạo một sản phẩm kỹ thuật có tên là chất xốp tổng hợp, một chất liệu nhẹ có thể dùng trong thương mại và quân sự, như là thăm dò dầu khí, hàng không không gian, những loại khí tài vận hành dưới nước như tàu ngầm, và công nghệ tàng hình.
Theo cáo trạng, nhà sản xuất Trung Quốc có ý định bán chất xốp tổng hợp cho những công ty quốc doanh quân sự và dân sự tại Trung Quốc- trong khuôn khổ kế hoạch tiến tới những mục tiêu của Trung Quốc phát triển ngành hàng hải.
(Nguồn USDO DC)
http://www.voatiengviet.com/a/my-truy-to-7-nguoi-am-muu-danh-cap-bi-mat-thuong-mai-/3872013.html
Mỹ lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang ở châu Á-TBD:
Ngoại trưởng Úc
Các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á-Thái Bình Dương nếu Bắc Triều Tiên ngày càng trở nên hung hăng và không bị kiềm hãm.
Hãng tin AFP trích lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu hôm 26/5 sau các cuộc hội đàm tại New York.
Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ phóng thử phi đạn trong năm nay, kể cả tên lửa tầm trung Hwasong-12 mà Bắc Hàn nói có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “hạng nặng” trong tháng này, làm dấy lên căng thẳng với Washington.
“Giờ đây Bắc Hàn trở nên hiếu chiến hơn nhiều, đôi khi tấn công, hoặc làm ngơ Trung Quốc.”
Julie Bishop, Ngoại trưởng Úc
Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân kể từ đầu năm ngoái, và một mực nói rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ mình trước mối đe dọa bị xâm lược.
Hoa Kỳ lo ngại nếu không ngăn chận lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, thì những nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể bị buộc phải tính tới chuyện phát triển khả năng hạt nhân của riêng họ, như một biện pháp phòng vệ.
Ngoại trưởng Julie Bishop nói với tờ The Australian rằng bà đã được nghe về mối lo ngại đó khi tới New York và gặp gỡ đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley.
“Trong các cuộc thảo luận với các quan chức cao cấp ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ, quan điểm chung là nếu Bắc Hàn được công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển khả năng hạt nhân”.
Trong chiến dịch vận động tranh cử của ông hồi năm ngoái, ông Trump nêu lên khả năng Nhật và Hàn Quốc có thể tự trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Nhật Bản, nước duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử. Nhưng ông Trump sau này rút lại ý kiến này.
Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn nếu nước này ngưng thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo, tuy nhiên Washington cảnh báo vẫn để ngỏ giải pháp can thiệp quân sự, làm dấy lên những lo sợ về nguy cơ xảy ra xung đột.
Ngoại trưởng Bishop nói thông điệp “mạnh mẽ và rõ rệt” của đại sứ Haley là “khi Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi giải pháp, điều đó thể hiện quyết tâm của Mỹ, họ không nói đùa hay nói xuông”. Bà Bishop lưu ý rằng Hoa Kỳ đã điều một tàu ngầm hạt nhân đến khu vực.
“Nếu Bắc Hàn được công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển khả năng hạt nhân”
Julie Bishop, Ngoại trưởng Úc
Theo Ngoại trưởng Úc thì điều đáng khích lệ là đối tác thương mại chính và đồng minh duy nhất của Bắc Hàn là Trung Quốc, có vẻ đang ngả về phía cộng đồng quốc tế.
Bà nói trong quá khứ Bắc Hàn được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh, và là một chi nhánh của đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng giờ đây Bắc Hàn trở nên hiếu chiến hơn nhiều, đôi khi tấn công, hoặc làm ngơ Trung Quốc.”
Hoa Kỳ trong nhiều tuần qua đã thương lượng với Trung Quốc để đi đến một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về một loạt biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng đại sứ Haley tuần trước cho biết hai bên không thỏa thuận về một bản thảo cuối cùng nào.
Ngoại trưởng Bishop thúc giục Bắc Kinh thực thi các biện pháp chế tài mới vì có làm như vậy thì mới có thể buộc Bắc Hàn phải ngồi vào bàn đàm phán.
Philippines:
thành phố Marawi bị ‘chiến binh nước ngoài’ xâm chiếm
Chính phủ Philippines nói có nhiều người nước ngoài trong nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan đã chiếm quyền kiểm soát Mindanao, hòn đảo ở phía nam Philippines, hồi đầu tuần này.
“Những gì đang diễn ra ở Mindanao không còn là một cuộc nổi dậy của dân Philippines”, quan chức hàng đầu về pháp luật của chính phủ Philippines Jose Calida nói hôm 26/5. “Cuộc nổi dậy đã biến thành một cuộc xâm lược của các chiến binh nước ngoài.”
Ông Jose Calida nói trong số “chiến binh nước ngoài khác” có mặt ở Marawi, có nhiều công dân Malaysia, Indonesia và Singapore.
Ông nói các chiến binh Hồi giáo cực đoan đã đáp lại “hồi kèn lệnh” để thành lập một tỉnh của ISIS, tức nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo, ở tỉnh Mindanao.
Quân đội Philippines đã tiến vào Mindanao hôm 25/5 để truy quét các phần tử chủ chiến Hồi giáo.
Máy bay trực thăng quân sự lượn trên các nóc nhà ở Marawi trong khi nhiều xe tăng bọc thép tiến vào qua các khu dân cư giữa các làn đạn và những vụ nổ lẻ tẻ. Nhiều người trong số 200.000 cư dân Marawi, đã bỏ nhà cửa để chạy đi lánh nạn.
Cuộc khủng khoảng bắt đầu vào khuya thứ 3 khi các lực lượng an ninh Philippipnes phát động chiến dịch quân sự để truy bắt thủ lãnh phiến quân Isnilon Hapilon –được cho là đang ẩn nấp ở Marawi để phục hồi sau khi bị thương trong một vụ đụng độ trước đó. Chiến dịch bố ráp thất bại sau khi phiến quân ồ ạt tràn vào thành phố, điên cuồng phóng hỏa đốt nhà, trường học và các nhà thờ, đồng thời bắt giữa nhiều con tin, kể cả một linh mục và hơn chục người khác từ một nhà thờ.
Quân đội Philippines nói ít nhất 11 binh sĩ chính phủ và 31 phiến quân thiệt mạng trong các vụ giao tranh.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã ban hành lệnh thiết quân luật ở miền nam Philippines và thề sẽ áp dụng những biện pháp khắc nghiệt đối với các phần tử chủ chiến. Ông cảnh báo sẽ mở rộng thiết quân luật trên toàn quốc.
Quyết định của ông Duterte áp dụng thiết quân luật đã làm dấy lên lo ngại của các nhóm bảo vệ nhân quyền. Họ tố cáo ông đã hạ lệnh cho các lực lượng an ninh giết hại hàng nghìn người trong chiến dịch truy quét ma túy.
Khu vực phía nam Philippines, đặc biệt ở Mindanao, một vùng giàu tài nguyên nhưng nghèo đói, từ lâu là cứ địa hoạt động của nhóm Abu Sayyaf và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.
Hapilon đã thề trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lãnh nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Trong thời gian Hapilon cầm đầu Abu Sayyaf – nhóm khủng bố tàn bạo, khét tiếng về nhiều vụ bắt con tin đòi tiền chuộc, chặt đầu, đánh bom ở Philippines, đã thực hiện vụ đánh bom một chiếc phà ở Vịnh Manila, giết chết hơn 100 người.
Hoa Kỳ đã treo giải thưởng 5 triệu đô la cho bất cứ ai cung cấp tin tức đưa đến việc bắt giữa Hapilon –kẻ bị quy lỗi về các hành động khủng bố nhắm vào các công dân Mỹ.
Quân đội Philippines cố giành lại Marawi
Các binh sĩ Philippines hôm thứ Năm tiến vào Marawi, thành phố bị vây hãm trên đảo Mindanao ở miền nam, và bắt đầu đẩy lùi ra các chiến binh Hồi giáo đã chiếm quyền kiểm soát nơi này hồi đầu tuần.
Hai máy bay trực thăng quân sự bay trên những mái nhà trong thành phố trong khi nhiều xe tăng chạy ngang qua các khu dân cư giữa những tiếng súng và tiếng nổ lẻ tẻ. Nhiều người trong số 200.000 dân của Marawi bỏ nhà cửa để chạy đến những nơi an toàn.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tối thứ Ba khi lực lượng an ninh Philippines tiến hành đột kích nhằm bắt giữ Isnilon Hapilon, thủ lĩnh chủ chiến được cho là đang dưỡng thương ở Marawi sau một vụ đụng độ trước đó.
Cuộc đột kích thất bại khi các phần tử chủ chiến ồ ạt tràn vào thành phố. Chúng cướp phá, đốt nhà, đốt một trường đại học và nhiều nhà thờ Công giáo. Họ còn bắt con tin, trong đó có một linh mục và hơn 10 người khác tại một nhà thờ lớn.
Quân đội Philippines nói ít nhất 6 binh sĩ chính phủ và 13 phần tử chủ chiến đã chết trong cuộc giao tranh.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật ở miền nam Philippines, và thề sẽ có những biện pháp quyết liệt chống những kẻ chủ chiến.
Ông Duterte còn cảnh báo ông có thể ban hành thiết quân luật trên toàn quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-philippines-co-gianh-lai-marawi/3871085.html
Mỹ điều động máy bay do thám Bắc Triều Tiên, Trung Quốc
Không lực Mỹ điều động máy bay do thám không người lái Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota phía tây Tokyo để tăng cường do thám Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Trung tá Jeremy Fields, chỉ huy trưởng phi đoàn Global Hawk ngày 24/5 cho báo giới biết căn cứ nằm gần trung tâm Tokyo dễ dàng hơn cho việc đệ trình kế hoạch các chuyến bay cho Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng Cơ sở, Bộ Giao thông và Du lịch.
Ông không nói rõ các mục tiêu do thám, chỉ nói là không lực Mỹ có nhiều nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, như là đối phó với khủng bố và hải tặc cũng như cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, rõ ràng là những máy bay này được dùng để hỗ trợ cho việc do thám trên không và trên biển hiện đang được thực hiện để chống lại Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng phi đạn đạn đạo và cũng đang đẩy mạnh việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Máy bay không người lái Global Hawk đạt đến độ cao khoảng 15.000 mét và bay được khoảng 36 giờ không cần tiếp liệu.
Năm chiếc Global Hawk được điều động đến Căn cứ Không quân Yokota từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.
Bốn trong năm chiếc đã đến Yokota và 110 nhân viên đã được chuyển từ Guam đến căn cứ này.
Việc triển khai đến Yokota chỉ có tính cách tạm thời, từ giữa tháng 5 cho đến cuối tháng 10 trong khi chờ đợi sửa chữa đường bay của Căn cứ Không quân Misawa ở Aomori nằm ở cực bắc đảo Honshu.
Kể từ năm 2014, một số máy bay Global Hawk đặt căn cứ tại Guam được chuyển sang Căn cứ Không quân Misawa trong mùa hè để tránh thời tiết xấu như các cơn bão có thể ảnh hưởng đến kế hoạch bay.
Tuy nhiên, việc sửa đường bay tại Misawa giữa tháng 5 và tháng 7 đã đưa đến quyết định điều động Global Hawk đến Yokota lần đầu tiên.
Lực lượng Tự vệ Nhật Bản có kế hoạch mua ba chiếc Global Hawk theo Chương trình Phòng vệ Trung hạn trong giai đoạn 2014-2018.
(Nguồn Asahi Shimbun/Jiji)
http://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-dong-may-bay-do-tham-bac-trieu-tien-trung-quoc-/3872045.html
Anh bắt thêm người dính líu đến vụ khủng bố Manchester
Tám người đàn ông đang bị câu lưu liên quanđến vụ đánh bom tự sát hôm thứ Hai vào một buổi hòa nhạc ở Manchester, Anh.
Trong 8 người này có hai người đàn ông bị bắt trong các cuộc đột kích riêng rẽ vào sáng sớm thứ Năm.
Cảnh sát trưởng vùng Manchester mở rộng, ông Ian Hopkins, cho hay những ngày vừa rồi là những ngày “căng thẳng” đối với cảnh sát và nhân viên sở cảnh sát, tuy nhiên cuộc điều tra vẫn tiếp tục có tiến bộ.
Ông nói: “Tôi muốn trấn an mọi người rằng những vụ bắt giữ vừa rồi là rất quan trọng. Những cuộc lục soát sơ khởi đã tìm ra những vật chứng mà chúng tôi cho là rất quan trọng đối với cuộc điều tra”.
Cảnh sát không cung cấp thông tin về mối tương quan giữa những người bị câu lưu với vụ đánh bom.
Vào sáng thứ Năm, một buổi mặc niệm đã diễn ra ở Manchester để tưởng nhớ các nạn nhân.
22 người đã thiệt mạng khi Salman Abedi kích nổ một quả bom tự chế ít phút sau buổi hòa nhạc.
Cha và người anh/em của Abedi đã bị lực lượng an ninh Libya bắt giữ hôm thứ Tư. Một phát ngôn viên của lực lượng chống khủng bố Libya cho hay người anh hay em có tên là Hashim Abedi, gần đây đã liên lạc với Salman và biết kế hoạch tấn công của hắn.
Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb hôm thứ Tư cho biết tình báo Anh và Pháp có thông tin rằng Abedi đã từng tới Syria.
http://www.voatiengviet.com/a/anh-bat-them-nguoi-dinh-liu-den-khung-bo-manchester/3871076.html
Hai nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tuyên bố vô tội
Hai nhà hoạt động ủng hộ độc lập cho Hong Kong, từng bị tước tư cách dân cử vào năm ngoái, vào ngày thứ sáu 26 tháng 5 tuyên bố với tòa họ không phạm tội gây rối tại cơ quan lập pháp đặc khu này.
Anh Lương Tụng Hằng và chị Du Huệ Trinh bị bắt vào tháng trước và bị cáo buộc tập trung phi pháp cũng như cố thâm nhập vào cơ quan lập pháp của Hong Kong.
Hai người đến tòa một ngày sau khi 9 nhà hoạt động khác cũng phải đến tòa vì những cáo buộc liên quan việc tham gia vào đợt biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2014 ở Hong Kong.
Anh Lương Tụng Hằng và chị Du Huệ Trinh nhà hoạt động ủng hộ độc lập cho đặc khu hành chánh Hong Kong vì e ngại những biện pháp xiết chặt của Bắc Kinh đối với vùng được hưởng qui chế đặc biệt ‘Một quốc gia, hai thể chế’ sau khi Anh Quốc trao trả lại vào năm 1997.
Cả hai nhà hoạt động Lương Tụng Hằng và Du Huệ Trinh trúng cử vào hội đồng lập pháp Hong Kong nhưng bị tước tư cách dân cử sau khi họ có những phản đối đưa ra tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.
Biện pháp bắt bớ đối với những thành phần chống đối Bắc Kinh được tiến hành trước khi có chuyến thăm dự kiến của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kỷ niệm 20 năm Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc.
TT Donald Trump nói sẽ giải quyết vấn đề Bắc Hàn
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 26 tháng 5 lên tiếng nói rằng vấn đề Bắc Hàn sẽ được giải quyết nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể sẽ giải quyết thế nào.
Tổng thống Donald Trump nói điều này trước khi bước vào cuộc họp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngay trước thượng đỉnh G7.
Chỉ vài tuần trước đây, tổng thống Trump còn nói rằng vấn đề với Bắc Hàn là vấn đề lớn, và là vấn đề của cả thế giới. Ông cũng gọi lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn là một kẻ thần kinh có vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Hoa Kỳ cho biết vấn đề về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn sẽ được thảo luận trong thượng đỉnh G 7 tới đây.
Bắc Hàn trong năm nay đã phóng nhiều vụ thử tên lửa bao gồm cả vụ phóng tên lửa tầm trung Hwasong – 12 trong tháng này mà Bắc Hàn nói là có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Các vụ phóng thử tên lửa của Bắc Hàn đã làm nhiều nước lo ngại và gây thêm căng thẳng với Washington.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã nhận ra giới hạn thời gian mà nước này có trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Bắc Hàn qua đàm phán và sẵn sàng cho những biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Bình Nhưỡng.
Bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói trong cuộc họp báo hôm 26 tháng 5 tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc đã hiểu rằng Mỹ coi vấn đề Bắc Hàn là khẩn cấp. Người đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng Trung Quốc biết nước này không còn đủ thời gian để có thể thuyết phục được Bắc Hàn quay lại bàn đàm phán.
Bà Susan Thornton cho biết Hoa Kỳ sẽ thảo luận với Trung Quốc một nghị quyết mới của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc về các biện pháp tiền đàm phán để giảm sự chậm trễ trong các phản ứng trước những vụ thử hay hành động gây hấn của Bắc Hàn trong tương lai.
Nam Hàn hôm 26 tháng 5 cho biết nước này sẽ cho phép một nhóm dân sự được liên lạc với Bắc Hàn trong công tác chống dịch sốt rét. Đây là lần đầu tiên Nam Hàn cho phép có những trao đổi dân sự qua biên giới với Bắc Hàn kể từ sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm 2016.
Bộ Thống Nhất của Nam hàn cho biết Phong Trào Chia Sẻ Triều Tiên trụ sở tại Seoul sẽ được phép có liên lạc với Bắc Hàn để thảo luận cách đối phó với dịch sốt rét. Người phát ngôn của Bộ này, Leeê Eugene cho biết mặc dù chính phủ mới của Nam Hàn vẫn có lập trường cứng rắn đối với những hành động gây hấn của Bắc Hàn nhưng rõ ràng là mối quan hệ đang xấu đi giữa hai miền không phải là lý tưởng để có thể làm ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên.
Nhóm dân sự cho biết họ sẽ liên hệ với Bắc Hàn qua email để tìm cách cung cấp cho miền Bắc thuốc diệt côn trùng, các bộ xét nghiệm, thuốc tránh muỗi và màn. Lần cuối cùng nhóm này gửi các vật dung chống sốt rét cho miền Bắc là vào năm 2011.
FBI ‘để ý’ đến con rể Trump vì cuộc điều tra Trump-Nga
Con rể và cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump đang nằm trong tầm ngắm của FBI trong cuộc điều tra liên quan đến Nga.
Các điều tra viên cho rằng ông Jared Kushner có nhiều thông tin quan trọng liên quan tới cuộc điều tra, các quan chức cho NBC News biết.
FBI đang điều tra về khả năng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử 2016 và cấu kết với chiến dịch tranh cử của Trump. Tổng thống đã phủ nhận bất kỳ sự cấu kết nào.
Luật sư của ông Kushner nói rằng khách hàng của ông sẽ hợp tác với các cuộc truy vấn liên quan.
Trump ‘đã yêu cầu FBI ngừng điều tra Flynn’
Trump: Sa thải ‘gã điên’ FBI ‘làm giảm áp lực’
Quốc hội Mỹ yêu cầu FBI nộp hồ sơ vụ Comey-Trump
Tổng thống Trump từng mô tả cuộc điều tra này là “sự truy lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Moscow đã cố gắng can thiệp theo hướng có lợi cho ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, người đánh bại đối thủ Đảng Dân Chủ, Hillary Clinton.
Các quan chức Hoa Kỳ được dẫn lời bởi NBC, dù không tiết lộ danh tính, nói rằng việc chú ý đến Kushner, 36 tuổi, không có nghĩa các điều tra viên nghi ngờ ông ta đã phạm tội hay sẽ khởi tố ông ta.
Nhưng trong một diễn biến khác, Washington Post nói rằng các điều tra viên đang tập trung vào các cuộc họp giữa ông Kushner với đại sứ Nga tại Mỹ, Sergei Kislyak và một chủ ngân hàng từ Moscow.
Robert Mueller, một cựu giám đốc FBI, đã được bộ tư pháp tuyên bố là người giám sát cuộc điều tra liên quan đến Nga.
Quốc hội cũng đang xem xét cáo buộc can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử 2016 và bất cứ liên kết nào với chiến dịch tranh cử của Trump.
Ông Kushner đã đồng ý sẽ trao đổi về các mối liên hệ Nga với Ủy ban Tình báo Thượng viện.
“Ông Kushner từng tình nguyện chia sẻ thông tin với Quốc hội về những gì ông biết về các cuộc họp này,” luật sự của Kushner Jamie Gorelick nói với BBC.
“Ông ấy cũng sẽ làm vậy nếu ông ấy được yêu cầu cho các cuộc điều tra khác,” luật sư này nói thêm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40055442
Cái bắt tay rắn chắc của Macron khi gặp Trump
khẳng định đẳng cấp lãnh đạo cường quốc
Emmanuel Macron đã khẳng định tư thế là một trong những nhà lãnh đạo các cường quốc lớn trên thế giới qua cái bắt tay rắn chắc khi gặp tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như khi tham dự lần đầu tiên, thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO, tại Bruxelles, cho dù tân tổng thống Pháp vẫn chỉ là « tân binh » trên chính trường quốc tế.
Đắc cử ngày 07/05 và nhậm chức một tuần sau đó, ông Macron đã mở đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình với chuyến công du Đức, rồi sau đó, ông sang Mali để úy lạo binh sĩ Pháp. Thế nhưng, đây là hai động thái cần phải có đối với tân tổng thống Pháp.
Do vậy, chính cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump mới đánh dấu những bước đi đầu tiên của nguyên thủ Pháp trên chính trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ dường như muốn thử sức đồng nhiệm trẻ Pháp, kém ông hơn 30 tuổi, qua cái bắt tay quen thuộc có giáng dấp như một cuộc đọ sức cơ bắp. Thế nhưng, Emmanuel Macron dường như đã chống cự lại được, vẫn ngồi nguyên thẳng trên ghế, với một nụ cười hơi gượng gạo trên môi.
Donald Trump đã hoan nghênh Emmanuel Macron giành « thắng lợi tuyệt vời » trong cuộc bầu cử, cả hai nguyên thủ này có một điểm chung là đã bị coi như kẻ ngoại cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Pháp.
Trong bữa ăn trưa ở sứ quán Mỹ tại Bruxelles, Donald Trump thậm chí còn tuyên bố « Tôi đã ủng hộ ông », khẳng định rằng bất chấp những gì truyền thông nói, ông không ủng hộ ứng viên đảng cực hữu Pháp Mặt Trận Quốc Gia (FN).
Tuy nhiên, ý định không rõ ràng của Hoa Kỳ đối với Thỏa thuận Paris về khí hậu mới là món ăn chính trong bữa cơm trưa ngày hôm qua. Về điểm này, thông điệp của Emmanuel Macron chuyển tới tổng thống Mỹ vốn vẫn lưỡng lự, có thể tóm gọn trong vài từ : không nên có « quyết định vội vã ».
Một thời điểm biểu tượng khác trong ngày làm việc hôm qua (25/05) của tân tổng thống Pháp : đó là cuộc gặp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Đoạn tuyệt với phong cách kín đáo quan sát của người tiền nhiệm, François Hollande, khi công du nước ngoài, liên quan đến vấn đề nhân quyền, theo phủ tổng thống Pháp, ông Macron đã « can thiệp hỗ trợ » một phóng viên báo ảnh Pháp, Mathias Depardon, bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ từ 15 ngày qua.
Phủ tổng thống Pháp cho biết thêm là đáp lại đề nghị của Emmanuel Macron, người hùng của chính quyền Ankara đã khẳng định rằng ông sẽ xem xét « nhanh chóng tình cảnh » của nhà báo trẻ hiện đang tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ.
Không ngây ngô về châu Âu
Emmanuel Macron cũng đã tranh thủ chuyến công du đầu tiên tới Bruxelles để khẳng định sự khác biệt của ông trong các vấn đề châu Âu. Nguyên thủ Pháp báo trước với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu : « Tôi ủng hộ châu Âu, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi là kẻ ngây ngô về châu Âu »
Vào trưa hôm qua, 25/05, ngay sau khi tới Bruxelles, trong cuộc hội đàm với thủ tướng Bỉ Charles Michel, tổng thống Pháp đã khẳng định lại quyết tâm tái dựng châu Âu.
Nguyên thủ Pháp giải thích : « Ngày 07/05 vừa qua, người dân Pháp đã bầu tôi trên cơ sở một dự án chú trọng nhiều đến châu Âu và đã giành thắng lợi trước những ý đồ co cụm, thu hẹp và tàn phá châu Âu ».
Tân tổng thống Pháp trẻ tuổi khẳng định, « quá trình tái dựng châu Âu này, chúng ta cùng nhau tiến hành và đó sẽ là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi ».
Hôm qua (25/05) quả là một ngày quan trọng đối với Emmanuel Macron, cho dù ông còn phải mất nhiều thời gian để khẳng định vị thế của mình trên lãnh địa xa lạ này.
Luôn luôn nhấn mạnh chủ trương « một nước Pháp mạnh trong một châu Âu che chở », trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Emmanuel Macron không lạ gì cơ chế hoạt động của các thượng đỉnh châu Âu và quốc tế.
Theo Gaspard Gantzer, vốn là « người phụ trách truyền thông » của cựu tổng thống Pháp thuộc đảng Xã Hội, được AFP trích dẫn, thì « những gì mà Macron đang trải qua hiện nay với tư cách là tổng thống của Cộng Hòa Pháp, thì ông cũng đã trải nghiệm với tư cách là cố vấn kinh tế của tổng thống Hollande, cách nay 5 năm ».
Vẫn theo quan chức này, Emmanuel Macron « đã là cố vấn chính của tổng thống (François Hollande) trên tất cả các vấn đề kinh tế, cũng như hồ sơ G8 hoặc G20, điều này đã cho phép ông duy trì quan hệ với thủ tướng Đức Angela Merkel và các cố vấn của bà, ông cũng đã có dịp gặp Vladimir Putin ».
Hôm nay, 26/05, Emmanuel Macron dự thượng đỉnh G7 tại Taormia, Ý. Thứ Hai tới, ông sẽ tiếp tổng thống Nga tại cung điện Versailles, gần Paris, và đây sẽ là một trắc nghiệm ngoại giao quan trọng, trước khi ông đến dự thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, vào đầu tháng Bẩy tới.
Nghiên cứu Canada vạch trần thủ đoạn tung tin giả của Nga
Một nghiên cứu của Đại học Toronto, Canada, cho biết trong những năm gần đây Matxcơva tiến hành nhiều chiến dịch « bóp méo thông tin và gián điệp tin học », với các đối tượng thuộc 39 quốc gia. Mục tiêu của báo cáo là cung cấp thông tin để hiểu rõ hơn về các thủ đoạn của Nga, để có cách ngăn chặn.
Theo AFP, báo cáo mang tên Citizen Lab, được công bố hôm qua, 25/05/2017, khẳng định Nga đã bắt đầu ít nhất từ năm 2015 « nhiều chiến dịch bóp méo thông tin và gián điệp tin học nhắm vào hàng trăm mục tiêu thuộc các chính phủ, giới kinh tế, quân đội và xã hội dân sự ». Trong số các nạn nhân có một cựu phó tướng Nga, nhiều giới chức cao cấp Mỹ, thành viên các văn phòng chính phủ ở châu Âu và châu Á, các đại sứ quán, các quân nhân cao cấp, tổng giám đốc các công ty năng lượng…
Bên cạnh giới quan chức, đối tượng tấn công của tin tặc Nga còn là các nhà báo, các nhà đối lập, nhà tranh đấu. Vụ tấn công tin học nhắm vào Đảng Dân Chủ Mỹ và chiến dịch can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ được đánh giá chỉ là phần nổi của tảng băng.
Theo tác giả chính của bản báo cáo, Ronadl Deibert, Nga đã có một « kinh nghiệm tuyên truyền bóp méo thông tin lâu đời », từ thời Liên Xô. Một trong các thủ thuật chính mà Matxcơva sử sử dụng là moi các thông tin cá nhân của đối tượng, để rồi tung trở lại, trộn lẫn thông tin thật với thông tin giả, gây ra một không khí hư hư, thực thực.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp nhà báo Mỹ David Satter, chuyên viết về nạn tham nhũng ở Nga. Địa chỉ email của ông bị đột nhập. Tiếp theo đó, tin tặc tung ra các bức thư giả từ địa chỉ của ông, để gây ấn tượng là nhà báo nói trên tham gia vào một chiến dịch ngầm của CIA nhằm hạ uy tín của tổng thống Nga Putin.
Nhà nghiên cứu Ronald Deibert thừa nhận thủ đoạn này thật khó ngăn chặn, vì « tách biệt được những chuyện bịa đặt trong cả một rừng thông tin » là chuyện không hề đơn giản. Tác giả bản báo cáo Canada hy vọng « khi nghiên cứu kỹ càng và công bố chi tiết » về các thủ đoạn này, báo cáo sẽ làm hiểu rõ hơn thực tế này và giúp cho việc giảm thiểu nguy cơ”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170526-nghien-cuu-canada-vach-tran-thu-doan-tung-tin-gia-cua-nga