Tin khắp nơi – 26/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 26/04/2018

Trung Quốc gởi oanh tạc cơ hù dọa Đài Loan

Thụy My

Bắc Kinh hôm nay 26/05/2018 đã huy động các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ bay quanh Đài Loan để « thực tập tác chiến ». Đây là một động thái mới trong nỗ lực nhằm chống lại « lực lượng đòi độc lập » ở Đài Loan – theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc.

Không quân Trung Quốc trong một thông cáo cho biết đã điều các máy bay ném bom H-6K, phi cơ trinh sát và nhiều loại chiến đấu cơ khác, cất cánh từ nhiều sân bay khác nhau để tập trận. Các phi cơ chiến đấu này đã bay qua eo biểu Ba Sĩ (Bashi) ở phía nam Đài Loan và eo biển Miyako gần đảo Okinawa của Nhật Bản.

Thông cáo nói thêm, các oanh tạc cơ H-6K đã hoàn tất nhiều cuộc tập trận, trong đó có việc bay vòng quanh Đài Loan kể từ hôm 18/4 « để tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ ».

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) trong cuộc họp báo tuyên bố : « Một loạt các hoạt động được chúng tôi tiến hành nhằm trực tiếp chống lại các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan. Mục đích là ngăn chận âm mưu của các lực lượng này, không để gây tổn hại cho nhân dân Đài Loan. Nếu các thế lực này tiếp tục có những hành động thiếu suy nghĩ, chúng tôi sẽ có các biện pháp khác ».

Đài Bắc hôm thứ Ba 24/4 loan báo sẽ tập luyện chống lực lượng Trung Quốc « xâm lược », trong cuộc tập trận bắn đạn thật thường niên sẽ diễn ra trong những tuần lễ tới. Bên cạnh việc thao dượt của Không quân, Hải quân, binh lính sẽ bắn đạn thật để « tiêu diệt địch quân giả định xâm nhập bờ biển », các máy bay không người lái đánh dấu những mục tiêu và giám sát chiến trường, công binh sửa chữa phi đạo của căn cứ Thanh Tuyền Cương (Ching Chuan Kang).

Tuần trước, các oanh tạc cơ H-6K và phi cơ trinh sát Trung Quốc cũng đã bay quanh Đài Loan. Hải quân Trung Quốc cũng cho biết tàu sân bay Liêu Ninh cùng với hai khu trục hạm đi qua vùng biển phía nam Đài Loan, tiến hành tập trận « tấn công và phòng thủ » trên Thái Bình Dương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180426-trung-quoc-goi-oanh-tac-co-hu-doa-dai-loan

 

Trung Quốc triển khai tên lửa ‘sát thủ đảo Guam’

Trung Quốc hôm thứ Năm 26/4 xác nhận rằng họ vừa triển khai một tên lửa mới mà truyền thông Trung Quốc đặt biệt hiệu là “sát thủ đảo Guam” vì loại tên lửa này có khả năng tấn công căn cứ quân sự Thái Bình Dương của Mỹ bằng vũ khí quy ước hoặc vũ khí hạt nhân, theo hãng tin Reuters.

Trung Quốc đang triển khai một chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang đầy tham vọng, phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và tên lửa tiên tiến trong lúc nước này đang phấn đấu trở thành một quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ 21.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng, ông Wu Qian, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nói rằng quân đội nước này đã bắt đầu đưa vào hoạt động tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 – được các chuyên gia truyền thông và quốc phòng gọi là “kẻ giết đảo Guam.”

Ông Wu đã không nêu chi tiết, ngoài việc nói rằng tên lửa này có thể mang các đầu đạn thông thường cũng như hạt nhân và có khả năng nhắm các mục tiêu tấn công trên đất liền hoặc trên biển với độ chính xác cao.

Trung Quốc cũng không tiết lộ nhiều bí mật về chương trình tên lửa DF-26. Tên lửa này trước đây từng xuất hiện trong một cuộc diễu hành quân sự lớn ở Bắc Kinh vào năm 2015.

Trong một thông báo khác, lực lượng không quân Trung Quốc nói rằng máy bay của họ đã bay quanh đảo Đài Loan, đây là một động thái mới nhất trong một loạt các đợt tập trận mà phía Đài Loan mô tả là hành động đe dọa quân sự.

Trong năm qua, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự quanh đảo Đài Loan, bao gồm cả máy bay ném bom bay và các máy bay quân sự khác quanh đảo.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã cử máy bay và tàu chiến để theo dõi hoạt động tập trận của Trung Quốc và đảm bảo an ninh hàng hải và hàng không phận. Bộ Quốc phòng Đài Loan nói không có “tình huống bất thường” xảy ra.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-trien-khai-ten-lua-sat-thu-dao-guam/4365959.html

 

Macron nói Trump sẽ từ bỏ thỏa thuận Iran

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận dường như ông đã không thể thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trump và Macron: Có thể có thỏa thuận Iran mới

Macron ‘thuyết phục Trump không rút quân khỏi Syria’

“Tôi nghĩ ông ấy sẽ từ bỏ thỏa thuận, vì các nguyên nhân trong nước,” ông Macron tiết lộ vào cuối chuyến thăm nhà nước ba ngày tại Mỹ.

Ông Trump còn hạn chót tới 12/5 để quyết định, nhưng ông đã phê phán thỏa thuận này.

Thỏa thuận do Tổng thống Mỹ Barack Obama đạt được, theo đó, Iran đồng ý tạm ngừng chương trình hạt nhân đối lấy giảm trừng phạt kinh tế.

Tổng thống Pháp Macron đã nói việc thuyết phục Trump về thỏa thuận Iran là ưu tiên trong chuyến thăm.

Nhưng rồi ông nói “rủi ro lớn” là ông Trump sẽ từ bỏ nó.

Tổng thống Trump từng nói thỏa thuận hiện nay với Iran là “điên rồ”.

Thỏa thuận được Mỹ, Iran, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Đức cùng ký.

Nhưng ông Trump nói nó không ép Iran ngừng ủng hộ các nhóm dân quân trong vùng như Hezbollah.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43907006

 

Biểu tình hạ bệ thủ tướng Armenia chưa dứt

Khủng hoảng chính trị ở Armenia chưa chấm dứt với hàng chục nghìn người biểu tình đã xuống đường hôm 25/04 mặc dù thủ tướng Serzh Sarkasian đã từ chức.

Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có 3 triệu dân rơi vào khủng hoảng sau nhiều ngày người dân biểu tình ở Yerevan, đòi chống tham nhũng và buộc đảng Cộng hòa Armenia phải nhượng quyền lực.

Người biểu tình vỗ tay, huýt sáo, đánh trống, gõ nồi và bấm còi xe hơi để ủng hộ dân biểu đối lập Nikol Pashinyan, 42 tuổi.

Cảnh sát Armenia không can thiệp vào cuộc xuống đường hôm thứ Tư và phái biểu tình nói họ sẽ tiếp tục tuần hành trong những ngày tới, chừng nào đảng cầm quyền phải nhượng quyền.

Ai đã gửi lời nồng ấm tới Putin?

Rượu vang 8000 năm ‘thuộc về Georgia’

Nga: Phi cơ rơi vài phút sau khi cất cánh từ Moscow

Được biết ngoài Yerevan thì tại hai đô thị khác, Gyumri và Vanadzor, cũng có biểu tình, gây tê liệt giao thông.

Ông Serzh Sarkasian đã phải từ chức thủ tướng sau 11 ngày có biểu tình.

Armenia dưới thời ông Serzh Sarkasian là đồng minh của Moscow và là nước có căn cứ quân sự của Nga.

Trước khi lên làm thủ tướng, ông Serzh Sarkasian cũng đã làm tổng thống Armenia.

Thủ tướng đã từ chức

Hiện nay Phó Thủ tướng thứ nhất Karen Karapetyan đang tạm giữ quyền điều hành chính phủ.

Nhưng ông Karapetyan cũng bị một số người biểu tình phản đối.

Thủ tướng tạm quyền vốn từng là quan chức cao cấp của Gazprom, tập đoàn dầu khí Nga và cũng từng giữ chức thủ tướng khi ông Serzh Sarkasian làm tổng thống.

Chính việc luân chuyển các chức vụ cao nhất này trong tay vài nhân vật chính của đảng cầm quyền bị phe đối lập lên án.

Họ đòi thay đổi toàn bộ bộ máy cầm quyền.

Quốc hội Armenia tuyên bố hôm 26/05 rằng họ sẽ bầu chọn tân thủ tướng vào ngày 01/05 tới đây.

Lãnh đạo đối lập Nikol Pashinyan được phe đối lập để cử ra tranh chức thủ tướng.

Hamazasp Danielyan viết trên trang của Freedom House về tình hình Armenia rằng ban lãnh đạo nước cộng hòa thời gian qua đã áp dụng một chiến thuật ‘nước đôi’.

Một mặt, họ làm dư luận thỏa mãn bằng cách hạ bệ khá nhiều quan chức trong bộ máy quốc phòng, an ninh bị cáo buộc ‘tham nhũng’.

Đập bỏ thành phố thời Liên Xô xây lại từ đầu

Putin tại Việt Nam: Sự hiện diện đa nghĩa

Cách mạng Tháng 10 ‘bi thảm mà chẳng đạt gì’

Mặt khác, họ cho bắt ông Jirayr Sefilian, lãnh tụ của phe đối lập và buộc tội ông “chuẩn bị đảo chính”.

Dù nhóm của ông Sefilian không phải là tổ chức đối lập lớn nhất nhưng việc bỏ tù họ cùng việc bắt các nhóm cực đoan tạo ra bất cứ cảm giác ai phản đối chính quyền cũng là ‘cực đoan’.

Thay đổi hiến pháp năm 2017 để đưa Armenia từ chế độ tổng thống chế bán phần sang chế độ đại nghị đã không làm các vấn đề của nước này giảm đi.

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài với láng giềng Azerbaijan cũng tạo ra không khí căng thẳng thường trực tại Armenia.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin trong tuần đã tuyên bố Nga không can thiệp vào tình hình Armenia và kêu gọi các bên “kiềm chế”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43907526

 

Vì sao TQ nuôi sáu tỷ con gián?

BBC MundoBBC World Service tiếng Tây Ban Nha

Nhiều người thấy loài gián thật kinh tởm, nhưng gián lại là một hướng kinh doanh hấp dẫn cho công nghiệp dược phẩm Trung Quốc do công dụng chữa bệnh được cho là kỳ diệu của chúng.

Từ nhiều năm nay, gián chiên ròn là một món ăn ở Trung Quốc, cũng như ở các nước châu Á khác, nhưng giờ đây, nghề nuôi gián đang phát triển rất mạnh.

Một cơ sở nuôi gián khổng lồ do một công ty dược phẩm điều hành ‘sản xuất’ sáu tỷ con gián mỗi năm.

Cơ sở này đóng tại thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, ở Tây Nam Trung Quốc.

Thực phẩm chế biến quá mức ‘có thể gây ung thư’

Bọ hung, từ huyền thoại đến đời thực

Trí tuệ nhân tạo

Gián được nuôi trong một tòa nhà có diện tích bằng hai sân bóng đá, tờ South China Morning Post mô tả.

Bên trong tòa nhà, có nhiều dãy kệ với các hộp đựng nước và thức ăn.

Không khí bên trong ấm, ẩm ướt và tối.

Trong trang trại này, gián được thoải mái di chuyển và sinh sản, nhưng chúng không thể ra ngoài và không bao giờ thấy ánh sáng trời.

Một hệ thống trí tuệ nhân tạo theo dõi trang trại này, và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và cung cấp thức ăn.

Mục tiêu là làm cho gián sinh sản càng nhanh càng tốt.

50 loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe

62 người chết vì uống nước tắm ở Nga

Công dụng chữa bệnh

Khi gián đến tuổi trưởng thành, các con gián được chế biến thành một dung dịch được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc.

Sản phẩm này có mùi tanh và vị ngọt và được gọi là Kangfuxin.

Nó được dùng để chữa các bệnh viêm đường ruột, loét dạ dày tá tràng, bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác.

“Gián thực sự là một loại thần dược,” ông Lưu Vũ Sinh, giáo sư tại trường Đại học Nông nghiệp Sơn Đông và hội trưởng Hội Côn trùng tỉnh Sơn Đông nói với tờ báo Anh The Telegraph.

“Chúng có thể chữa được nhiều bệnh và có tác dụng nhanh hơn các loại thuốc khác rất nhiều,” ông nói thêm.

Phương thuốc “rẻ tiền”

“Trung Quốc gặp vấn đề là dân số đang già nhanh,” Giáo sư Lưu giải thích.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm những loại thuốc mới cho người già, và loại thuốc này rẻ hơn thuốc Tây,” ông nói.

Mặc dù việc nuôi gián làm thuốc chữa bệnh được chính phủ khuyến khích và việc dùng các sản phẩm từ côn trùng là phổ biến trong các bệnh viện Trung Quốc, có nhiều người có ý kiến bất đồng.

“Dung dịch này không phải là thuốc bách bệnh, chúng không có tác dụng thần kỳ nào chống lại bệnh tật,” một điều tra viên của Viện Khoa học Y tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, người không muốn lộ danh tính, nói với tờ the South China Morning Post.

Theo một học giả khác, số lượng gián quá lớn bị nhốt chung trong trang trại này là nguy hiểm.

“Sẽ là một thảm họa nếu hàng tỷ con gián bị thả ra ngoài môi trường, dù bởi con người hay do động đất,” Giáo sư Chu Triều Đông của Viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh được the the South China Morning Post dẫn lời.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-43905896

 

Bãi thử hạt nhân Bắc Hàn ‘sụp đổ’

Trung tâm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn có thể không sử dụng được nữa sau khi sụp đổ, các nhà khoa học Trung Quốc cho hay.

Địa điểm tại Punggye-ri đã được Bắc Hàn sử dụng cho sáu vụ thử nghiệm hạt nhân kể từ năm 2006.

Sau lần thử nghiệm cuối cùng 9/2017, hàng loạt dư chấn xảy ra làm sụp đổ lòng núi, theo các nhà địa chấn học.

Nghiên cứu mới nhất từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) sẽ được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters của Hiệp hội địa vật lý Mỹ, trong những ngày tới.

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’

Bình Nhưỡng sẵn sàng ‘thảo luận phi hạt nhân hóa’

Bắc Hàn tuyên bố diễu binh lớn trước Olympics

Nghiên cứu này kết luận rằng tám phút rưỡi sau khi thử nghiệm vào 9/2017, đã có “một sự sụp đổ gần như theo chiều thẳng đứng tại trung tâm thử nghiệm hạt nhân”.

Địa điểm Punggye-ri nằm ở địa hình đồi núi phía đông bắc Bắc Hàn, và các cuộc thử nghiệm diễn ra trong một hệ thống đường hầm đào dưới núi Mantap.

Bản tóm tắt nghiên cứu dài một trang đăng trên website USTC kết luận: “Sự sụp lún này nên được xem xét để không sử dụng cơ sở hạ tầng ngầm dưới núi Mantap cho bất kỳ thử nghiệm hạt nhân nào trong tương lai.”

Nhưng những từ đó không xuất hiện trong bản cuối cùng được kiểm duyệt bởi hội đồng chuyên gia. Nó thay vào đó nói rằng “sự sụp đổ khu vực thử nghiệm cho thấy cần tiếp tục theo dõi chạt chẽ bất kỳ rò rỉ nào của vật liệu phóng xạ”.

Giáo sư Wen Lianxing, tác giả chính của nghiên cứu, nói với tờ Wall Street Journal rằng kết luận về khả năng tồn tại của địa điểm thử nghiệm hạt nhân sẽ không được đưa vào trong bài báo được công bố, nhưng không nói tại sao.

Nghiên cứu này lặp lại những phát hiện tương tự của một nhóm từ Cơ quan động đất Jilin, được công bố trên cùng một tạp chí tháng trước.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng vụ nổ “tạo ra một hốc và một ‘ống khói’ phía trên nó bị hư hại “, dẫn đến sự sụp đổ.

Bài báo trước không đưa ra ý kiến về khả năng tồn tại của địa điểm thử nghiệm sau sự sụp đổ.

Khả năng sụp đổ đường hầm tại núi Mantap từ lâu đã bị nghi ngờ, với việc các nhà khoa học Trung Quốc bày tỏ lo ngại ngay sau thử nghiệm hạt nhân quy mô lớn hồi tháng 9/2017.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã ghi lại một cơn địa chấn thứ hai khoảng tám phút sau khi thử nghiệm và đánh giá là một “sụp đổ” cộng hưởng.

Hai cơn dư chấn được phát hiện vào cuối tháng 12/2017, gây lo ngại về sự ổn định của các ngọn núi xung quanh.

Hôm thứ Bảy 21/4, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tuyên bố ông đã ngưng các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Tuyên bố bất ngờ này được phát đi trước các cuộc đàm phán lịch sử của Bắc Hàn với Nam Hàn và Mỹ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43902845

 

Hội đàm liên Triều:

Cuộc gặp Kim-Moon đem lại gì?

Virginia HarrisonBBC News, Singapore

Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ gặp nhau hôm 27/4, một động thái ngoại giao chưa từng diễn ra trong hơn một thập kỷ qua.

Cuộc đối thoại hiếm hoi diễn ra sau nhiều tháng cải thiện quan hệ giữa hai miền và sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán được đề xuất giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’

Bãi thử hạt nhân Bắc Hàn ‘sụp đổ’

Đe doạ hạt nhân của Bắc Hàn ‘tăng tốc’

Bình Nhưỡng sẵn sàng ‘thảo luận phi hạt nhân hóa’

Việc giải giáp vũ khí hạt nhân và hòa bình trên bán đảo sẽ là chủ đề chính của chương trình nghị sự. Trong khi các nhà phân tích hoài nghi việc Bình Nhưỡng sẽ đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, thượng đỉnh liên Triều đem đến nhiều hứa hẹn cho cả hai miền. Mỗi bên có những vấn đề khác – như lệnh cấm vận và những gia đình bị ly biệt – những chuyện này có khả năng được đề cập trên bàn đàm phán.

Cuộc họp có ý nghĩa gì?

Đây là một việc trọng đại. Cũng như các nhà lãnh đạo hai miền lần đầu tiên gặp nhau vào năm 2007, cuộc gặp Tổng thống Nam Hàn Moon đánh dấu thượng đỉnh liên Triều đầu tiên đối với ông Kim.

Không như cuộc gặp của ông Kim với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – được giữ kín và chỉ xác nhận sau khi sự kiện này kết thúc – thượng đỉnh liên Triều sẽ được truyền hình trực tiếp.

James Kim, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết: “Đây là sự kiện ra mắt của ông ấy. “Kim Jong-un chưa bao giờ có cuộc họp kiểu này trước đây.”

Ông ta đang theo bước chân của cha mình. Kim Jong-il, người đã gặp hai Tổng thống Nam Hàn tại hai hội nghị: Kim Dae-jung lần đầu vào năm 2000 và sau đó là Roh Moo-hyun vào năm 2007.

Bắc Hàn ‘ở ngưỡng’ có thể tấn công hạt nhân

Bắc Hàn: Chế tài không làm chúng tôi dừng lại

TQ kêu gọi Bắc Hàn ngưng thử tên lửa

Tướng Mỹ có nói ‘Không’ nếu Trump lệnh tấn công hạt nhân?

Các cuộc họp được tổ chức để bàn về mối đe dọa hạt nhân và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai miền, và cũng nhờ sự kiện này mà ông Kim Dae-Jung được trao giải Nobel Hòa bình.

Một số thành quả đã đạt được – khu công nghiệp Kaesong được thành lập và các gia đình ly tán bởi chiến tranh được gặp nhau.

Nhưng việc giải trừ vũ khí vẫn là vấn đề nan giải và các vụ khiêu khích hạt nhân lặp đi lặp lại – cộng thêm việc các chính phủ bảo thủ ở Seoul giữ lập trường dứt khoát về Bình Nhưỡng – làm các nỗ lực hòa bình đi lệch hướng. Nỗ lực giúp Bắc Hàn không còn bị cô lập và xây dựng lòng tin nhiều hơn vào miền Nam đã bị chỉ trích.

Tiến sĩ Kim của Viện Asan cho biết một số người ở Nam Hàn sẽ tranh luận rằng việc tăng viện trợ và trợ giúp tài chính cho Bắc Hàn nhằm thuyết phục họ kiềm chế tham vọng hạt nhân – đã không hiệu quả như dự định.

“Một số người cho rằng việc này làm cho tình hình tồi tệ hơn. Họ tin rằng việc trợ giúp tài chính còn khiến Bắc Hàn trở thành năng lượng hạt nhân.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43875861

 

Bài học từ Việt Nam cho lãnh tụ Kim Jong Un?

Trong khi lãnh tụ Bắc Hàn sắp bước qua ranh giới quân sự, lần đầu tới Hàn Quốc tham gia cuộc họp thượng đỉnh liên Triều, dần bước ra khỏi sự cô lập suốt thời gian dài, các nhà quan sát cho rằng Việt Nam có thể là hình mẫu phát triển cho chính quyền của ông Kim Jong Un.

Bước đi mang tính lịch sử với trọng tâm là “phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn” trên bán đảo Triều Tiên, theo lời quan chức Hàn Quốc, diễn ra ít ngày sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố sẽ ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa nhằm dốc sức phát triển kinh tế.

Thứ hai, đó là hội nhập quốc tế và mở rộng tối đa quan hệ hợp tác tin cậy với tất cả các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước phát triển cùng các nước trong cùng khu vực. Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, và ký kết các hiệp định từ do cần là ưu tiên hàng đầu.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương nhận định.

Trả lời VOA Việt Ngữ, Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Bắc Hàn “có thể học từ Việt Nam ba bài học lớn”.

“Thứ nhất, đó là tôn trọng kinh tế thị trường, nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả và hiệu lực hơn rất nhiều nếu thấu hiểu và biết khai thác tối đa sức mạnh của bàn tay vô hình này. Trong nỗ lực này, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như một động lực chủ đạo có vai trò then chốt và chiến lược. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chứ không phải là tư nhân hóa ồ ạt, là cách tốt nhất cải biến nền kinh tế vốn phụ thuộc nặng nề vào hệ thống kinh tế quốc doanh”, học giả người Việt từng nhiều năm nghiên cứu và làm việc ở Mỹ nói.

“Thứ hai, đó là hội nhập quốc tế và mở rộng tối đa quan hệ hợp tác tin cậy với tất cả các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ và các nước phát triển cùng các nước trong cùng khu vực. Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, và ký kết các hiệp định tự do cần là ưu tiên hàng đầu. Thứ ba, dành mọi nguồn lực cho nâng cấp hạ tầng cơ sở, đặc biệt là điện lực, đường xá, cảng sân bay”.

Ngoài ra, Tiến sĩ Khương cho rằng Bình Nhưỡng “có thể học Việt Nam từ góc độ nghiên cứu những việc mà Việt Nam chưa làm tốt trong quá trình cải cách đã qua, chẳng hạn như kiểm soát tham nhũng, trọng dụng nhân tài, phát triển thực lực khoa học công nghệ”.

Trong khi đó, cũng xuất hiện ý kiến của các nhà quan sát về việc Bắc Hàn nên học và phối hợp các mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia cộng sản khác như Việt Nam, Trung Quốc và Cuba.

Trong một động thái cho thấy tầm quan trọng của vấn đề Bắc Hàn trong quan hệ Việt – Mỹ, quốc gia Đông Bắc Á này được nêu tên trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ tháng Năm năm ngoái và chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam ít tháng sau đó, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vì các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

“Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình”, tuyên bố chung hôm 12/11 có đoạn.

Khi được hỏi vì sao Việt Nam lại đóng vai trò ngày càng lớn trong tiến trình hòa giải hai miền Triều Tiên, Tiến sĩ Khương nói rằng “trong công cuộc cải cách và phát triển, ảnh hưởng của một quốc gia tới một quốc gia khác không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế hay quan hệ thân tình mà còn ở sự tương đồng về hoàn cảnh và tính khả dụng của cách đi”, và rằng “ảnh hưởng của Việt Nam với Triều Tiên là ở khía cạnh thứ hai này”.

“Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong tiến trình cải cách kinh tế ở Triều Tiên không chỉ vì đặc trưng này mà còn vì Việt Nam có quan hệ ngày càng đặc biệt với Mỹ và Hàn Quốc. Thêm nữa, kinh nghiệm của Việt Nam không chỉ trong 30 năm cải cách vừa qua mà cả trong giai đoạn khai phá đường đi phía trước. Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều bài học sinh động và đặc sắc hơn về cải cách và phát triển trong các năm tháng tới”, học giả từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nói.

Ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, năm ngoái từng cho VOA Việt Ngữ biết rằng quan hệ Việt Nam – Bắc Hàn ở trong tình thế “tế nhị” và “mọi liên hệ sẽ cố gắng hạn chế”, nhất là sau khi Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Hiện chưa rõ mối quan hệ này đã được cải thiện hay chưa, nhất là sau khi Bình Nhưỡng có các bước đi được coi là “hòa giải”.

Cuộc họp giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra ít lâu trước một cuộc gặp mang tính lịch sử khác giữa người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Tiến sĩ Khương tháng trước từng nhận định rằng Hà Nội có thể là địa điểm “lý tưởng” cho sự kiện này. Hôm 18/4, “ông chủ” Nhà Trắng cho các phóng viên biết rằng hiện có 5 nơi đang được cân nhắc lựa chọn, nhưng không cho biết chi tiết.

Việt Nam ngỏ ý muốn đón ông Kim Jong Un và TT Trump

Trả lời VOA tiếng Việt hôm 25/4, học giả này nhận định rằng cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trực ngôn “sẽ không diễn ra ở Việt Nam”.

“Tuy nhiên, hai bên sẽ bàn đến khả năng này trong tương lai như một tín hiệu về sự thiện chí trong bình thường hóa. Hoa Kỳ nên đưa ra gợi ý này vì đó sẽ là một thông điệp rất có giá trị. Tôi ước muốn trong những năm chiến tranh trước đây, thay vì thả bom, Hoa Kỳ thả những cuốn sách và thông điệp nhìn thấy một dân tộc Việt Nam hùng cường ở châu Á. Khi đó, chúng ta sẽ không chỉ tránh được một cuộc chiến tranh tàn khốc mà lịch sử nhân loại chắc chắn sẽ ghi nhận Hoa Kỳ vĩ đại hơn rất nhiều so với sự vĩ đại nó đã có được”, Tiến sĩ Khương nói.

https://www.voatiengviet.com/a/bai-hoc-nao-tu-viet-nam-cho-lanh-tu-kim-jong-un/4365934.html

 

Chính quyền TT Trump

dọa bắt người di cư Trung Mỹ

Hàng trăm người di cư Trung Mỹ từ miền nam Mexico đã tập hợp tại Tijuana hôm thứ Tư 25/4 và dự định sẽ cùng vượt biên sang Hoa Kỳ cuối tuần này, bất chấp những đe dọa của Tổng thống Donald Trump.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Kirstjen Nielsen cho biết cơ quan của bà đang theo dõi “đoàn di dân” này và sẽ khởi tố bất cứ ai nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ hoặc khai gian về tình trạng nhập cư.

Những người di cư này đã đi bằng xe buýt tới đây và tập kết tại một lán trại chỉ cách biên giới Hoa Kỳ 5 phút đi bộ.

Vài phút sau khi xuống xe, một số người ngồi bên ngoài lán trại với bát thức ăn, và đưa mắt nhìn qua con đường đi về phía Hoa Kỳ.

Người di cư cho biết họ bỏ nhà cửa ở Guatemala, El Salvador và Honduras để chạy trốn các băng nhóm giết người hoặc bị đàn áp chính trị.

Vào chiều 25/4 có thêm một chuyến xe buýt di cư khác lại đến, làm cho lán trại đầu tiên trở nên quá tải và chật chội khi trời tối. Các nhóm hỗ trợ di cư cho biết đây là nhóm lớn nhất mà họ đã chứng kiến khi những người di cư tranh nhau chỗ ở trong 10 chiếc lán.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-tt-trump-doa-bat-nguoi-di-cu-trung-my/4365978.html

 

Đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ,

Macron kêu gọi duy trì hiệp định Iran

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/4 kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ hãy đảm bảo Hoa Kỳ không từ bỏ hiệp định quốc tế với Iran để kiềm chế nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong một bài diễn văn hùng hồn đọc trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Macron tuyên bố: Iran “sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân, không trong năm năm nữa, 10 năm nữa, không bao giờ.”

Nhà lãnh đạo Pháp không đề cập đến những chống đối mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump đối với thỏa thuận đạt được năm 2015 với Iran, giữa lúc ông Trump cân nhắc thiệt hơn trước khi ra quyết định vào tháng tới liệu có nên áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran hay không.

Tổng thống Macron nói: “Chúng ta phải đảm bảo sự ổn định” và không nên hủy bỏ thỏa thuận với Iran, ông nhắc lại rằng nước Pháp “đã ký vào văn kiện đó như một sáng kiến do Hoa Kỳ đưa ra”, một thỏa thuận được thương thuyết bởi Tổng thống tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama.

Tương tự như đã làm trong các cuộc trao đổi với ông Trump hôm thứ Ba tại Toà Bạch Ốc, ông Macron kêu gọi thương thuyết một thỏa thuận mới với Iran về các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Tehran, và về sự can dự quân sự ở Syria, Yemen, Li-băng và Iraq. Nhưng Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư bác bỏ mọi ý tưởng về một thỏa thuận mới hoặc bất kỳ thay đổi nào trong hiệp định hạt nhân đã được ký kết sau các cuộc đàm phán kéo dài với Anh, Đức, Nga, Trung Quốc, Pháp và Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump tiếp tục đả kích thỏa thuận hạt nhân với Iran là “điên rồ” và “vô lý”. Ông không hứa duy trì hiệp định quốc tế đó giữa lúc hạn chót ngày 12 tháng Năm đang tới gần để ông ra quyết định về các biện pháp chế tài mới. Trong các bên đã ký thỏa thuận, ông Trump là người duy nhất chống lại thỏa thuận đó.

Ca ngợi hợp tác Pháp-Mỹ

Nhà lãnh đạo Pháp đưa ra những lập luận mạnh mẽ bảo vệ các thỏa thuận đa phương đạt được giữa các quốc gia, ông nói châu Âu và Hoa Kỳ phải trực diện với “những mối đe dọa và thách thức mới” của thế kỷ 21.

“Chúng ta có thể chọn chủ nghĩa cô lập, nhưng nó sẽ không ngăn chặn sự tiến hóa của thế giới”

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron

. Ông Macron nói các đồng minh phương Tây không thể để mặc cho các bản năng dân tộc chủ nghĩa chi phối và “làm suy yếu nền trật tự theo lý tưởng tự do mà chúng ta đã thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến. Bây giờ là thời điểm có tầm quan trọng thiết yếu.”

Ông Macron được một số nhà lập pháp hoan nghênh nhiệt liệt khi ông nói các quyết định ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu cần phải “dựa trên khoa học”, một lời đối đáp chống những nhân vật bảo thủ từng bày tỏ ý kiến hoài nghi liệu con người có góp phần làm biến đổi khí hậu hay không. Ông Macron quả quyết loài người chỉ có một hành tinh duy nhất. “Không có một hành tinh “B”, ông nói.

Ông Trump loan báo ý định rút khỏi hiệp đinh biến đổi khí hậu Paris năm 2015, nói rằng hiệp định này sẽ phương hại đến các lợi ích kinh doanh của Hoa Kỳ.

Nhưng ông Macron dự đoán: “Tôi chắc chắn là sẽ có một ngày, Hoa Kỳ sẽ quay lại để gia nhập hiệp định Paris.”

Thứ Tư 24/4 là ngày cuối cùng trong chuyến đi thăm Washington của Tổng thống Pháp. Chuyến công du ba ngày qua nhanh như một cơn lốc với các cuộc đàm phán chính thức nối tiếp các sự kiện xã hội, và cũng là chuyến công du cấp quốc gia đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài trong nhiệm kỳ tổng thống 15 tháng của ông Trump.

Đêm thứ Ba, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đã mở quốc tiệc, long trọng khoản đãi Tổng thống Macron và phu nhân Brigitte, với sự hiện diện của hơn 100 quan khách, gồm nhiều quan chức trong chính phủ Tổng thống Trump và các giám đốc điều hành các tập đoàn công ty hàng đầu nước Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/doc-dien-van-tr%C6%B0%C6%A1c-quoc-hoi-my-macron-keu-goi-duy-tri-hiep-dinh-iran/4364715.html

 

Israel sẽ tấn công Tehran

nếu Iran tấn công Tel Aviv

Israel sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhằm vào Tel Aviv bằng cách tấn công Tehran, Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết trong bài phát biểu được công bố hôm thứ Năm 26/4.

Hãng tin Reuters trích lời phát biểu của ông Avigdor Lieberman, Bộ Trưởng Quốc phòng Israel đăng trên trang tin Elaph, có trụ sở tại London nói: “Israel không muốn chiến tranh … nhưng nếu Iran tấn công Tel Aviv, thì chúng tôi sẽ tấn công Tehran.”

Tel Aviv là thủ đô thương mại của Israel, nơi đặt trụ sở chính của quân đội Israel. Iran, vốn không công nhận quyền tồn tại của Israel, thường đe dọa tấn công Tel Aviv.

Mối quan hệ Israel-Iran càng xấu thêm, nhất là sau khi Israel nói một máy bay vũ trang không người lái từ một căn cứ của Syria bay sang xâm nhập không phận của Israel vào hôm 10/02. Israel đã bắn hạ bay máy bay không người lái này và tiến hành một cuộc không kích vào các căn cứ không quân của Syria, trong đó một máy bay F-16 của Syria đã bị bắn rơi.

Vào ngày 9/4, một cuộc không kích đã giết chết 7 binh sĩ Vệ binh Cách mạng Iran tại một căn cứ quân sự của Syria. Tehran quy lỗi cho Israel và tuyên bố sẽ trả đũa.

Israel nói rằng các cuộc tấn công của họ nhằm mục đích ngăn chặn quân đội Iran đồn trú tại Syria, không cho Iran can thiệp sâu hơn vào chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cũng như ngăn chặn sự liên kết của Iran với phiến quân Hezbollah ở Lebanon.

https://www.voatiengviet.com/a/israel-se-tan-cong-tehran-neu-iran-tan-cong-tel-aviv/4365967.html

 

Chuẩn bị cho cuộc gặp liên Triều Kim – Moon

Các bước chuẩn bị cuối cùng đang được tiến hành cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba mang tính lịch sử giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 27/4.

Vào sáng ngày 27/4, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẽ bước qua ranh giới quân sự phân chia hai miền Triều Tiên tại làng Bàn Muôn Điếm. Ông sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu phi quân sự được phía Hàn Quốc tăng cường an ninh mạnh mẽ.

Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên lần thứ ba, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên một lãnh tụ từ miền Bắc theo chế độ Cộng sản bước sang miền Nam theo chế độ dân chủ. Các cuộc gặp thượng đỉnh vào năm 2000 và 2007 đã được tổ chức bên Triều Tiên.

Trong phái đoàn của ông Kim đến cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ có em gái của ông Kim là bà Kim Yo Jong, người dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, tiếp đến là ông Kim Yong Nam, người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa của Triều Tiên, và Kim Yong Chol, cựu giám đốc cơ quan tình báo quân sự Triều Tiên.

Không rõ bà Ri Sol-ju, phu nhân của ông Kim Jong Un, có tham gia phái đoàn chính thức của Triều Tiên hay không. Gần đây bà đã đi cùng ông Kim đến thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Hàn Quốc sẽ tổ chức một buổi lễ chào đón lãnh tụ Triều Tiên, bao gồm một lễ duyệt binh. Trong các cuộc gặp trước đây, Triều Tiên cũng tổ chức lễ đón theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia để nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện với một người đứng đầu nhà nước.

Hai nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau chụp ảnh và trồng một cây thông trong khu phi quân sự DMZ để tượng trưng cho sự hòa giải của hai miền.

Hai ông cũng có thể đi dạo dọc theo một cây cầu mang biểu tượng lịch sử được gọi là “Cầu không quay lại,” từng được sử dụng để trao đổi tù nhân vào cuối Chiến tranh Triều Tiên.

Ông Moon và ông Kim sẽ tổ chức các buổi hội đàm trực tiếp tại phòng hội nghị Hòa bình, cả vào buổi sáng và buổi chiều, nhưng phái đoàn Triều Tiên sẽ trở về bên kia biên giới để ăn trưa.

Ông Kim đã tạm ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và vào tháng 11 vừa rồi tuyên bố rằng họ đã đạt được mục tiêu phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng nhắm đến lục địa Hoa Kỳ.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố chung về cam kết giải trừ hủy hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, và cũng đưa ra một định nghĩa rõ ràng rằng giải trừ hạt nhân sẽ đòi hỏi những điều gì.

Trong khu DMZ, an ninh đã được thắt chặt từ ngày 26/4, một ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Cho đến nay có khoảng 2.800 nhà báo đã đăng ký tại trung tâm báo chí chính để đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh này.

https://www.voatiengviet.com/a/chuan-bi-cho-cuoc-gap-lien-trieu-kim-moon/4365744.html

 

Trung Quốc vừa hy vọng vừa lo lắng

 trước cuộc gặp liên Triều

Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao cuộc gặp lịch sử liên Triều vào tuần này, một mặt hy vọng cuộc gặp sẽ đạt được những bước tiến quan trọng đưa đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, nhưng mặt khác lại lo lắng.

Cuộc đàm phán trực tiếp vào thứ Sáu 27/4 giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc và dự kiến diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào một ngày trong tương lai gần hứa hẹn có nhiều triển vọng mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nhưng điều này cũng có nghĩa là Bắc Kinh đã phải lùi lại một bước và ngồi quan sát từ đằng xa các diễn tiến về an ninh khu vực và địa chính trị.

Ông Lu Chao, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho biết Trung Quốc hy vọng về triển vọng tạo ra sự ổn định lâu bền hơn trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Lu nói: “Chúng tôi cũng lo lắng vì Triều Tiên và Hàn Quốc đã mâu thuẫn với nhau trong hơn nửa thế kỷ qua và điều đó đã dẫn đến một số mâu thuẫn lớn, không thể được giải quyết chỉ trong một cuộc gặp.”

Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên Trung Quốc, thuộc Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi của London, cho biết Trung Quốc hy vọng cuộc họp hôm 27/4 sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh tụ Kim Jong –Un thành công. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách để Trung Quốc có thể tiếp tục đóng một vai trò then chốt trong các vấn đề của bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Steve Tsang nói: “Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng họ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong giải pháp cuối cùng. Họ không muốn chịu trách nhiệm cho bất kỳ cuộc họp nào giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu này mà không tiến triển tốt đẹp, nhưng họ cũng không muốn đứng bên ngoài.”

Để chắc chắc đạt được ý định, Bắc Kinh hồi tháng trước đã có bước đi chưa từng có bằng cách tổ chức cuộc gặp bí mật với ông Kim Jong Un, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc kể từ nhậm chức. Các nhà phân tích cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm Triều Tiên vào mùa hè này sau khi ông Kim gặp ông Trump.

Để đảm bảo rằng Bắc Kinh tham gia trực tiếp vào quá trình này, Trung Quốc đang thúc đẩy để cuộc gặp Trump – Kim được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh, nhưng ít nhà phân tích nghĩ rằng có khả năng sẽ xảy ra.

Truyền thông nhà nước và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần lưu ý vai trò quan trọng của Bắc Kinh trên bán đảo và rằng Bắc Kinh nên tiếp đóng vai trò như vậy.

Chính quyền Trump đã tỏ ra ít quan tâm đến việc tiếp cận các phương pháp cũ và cũng cho biết sẽ không làm suy yếu các biện pháp trừng phạt hoặc giảm đi “áp lực tối đa” cho đến khi có tiến bộ đáng kể đối với việc giải trừ hạt nhân.

Tuy nhiên, Bắc Kinh thúc ép Washington không chỉ cho phép Triều Tiên đảm bảo an ninh của họ, mà còn yêu cầu giảm giảm bớt các biện pháp trừng phạt cũng như cách phản ứng lại cam kết gần đây của Triều Tiên về việc ngăn chặn các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-vua-hy-vong-vua-lo-lang-truoc-cuoc-gap-lien-trieu/4365719.html

 

Trump – Macron, bề ngoài thân tình,

nhưng bất đồng trên các hồ sơ quan trọng

Thùy Dương

Ngày 25/04/2018, tổng thống Pháp đã đọc bài diễn văn 45 phút bằng tiếng Anh trước Quốc Hội Hoa Kỳ liên quan tới các thách thức về an ninh, khí hậu và thương mại. Trong bối cảnh đồng nhiệm Mỹ có thể đơn phương ra các quyết định về Iran, hồ sơ thương mại, gây ảnh hưởng tới các đối tác quốc tế, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng bảo vệ chính sách đa phương.

Tổng thống Pháp đề cao tình bạn Pháp-Mỹ, vai trò hợp tác của Pháp, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu để bảo vệ « trật tự quốc tế », nhằm chống « virus tin giả » hay giải quyết vấn đề hạt nhân Iran … Theo ông Macron, « đóng sập cửa trước thế giới không ngăn cản sự tiến triển của thế giới » « sự tức giận không xây dựng được gì hết ». Các phát biểu của ông Macron đã nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của Quốc Hội Mỹ.

Hôm nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên đường trở về Paris sau chuyến thăm cấp Nhà nước hai ngày tại Washington. Tuy nhiên, như đã dự báo, không một quyết định quan trọng nào được đưa ra sau chuyến đi của nguyên thủ Pháp. Tổng thống Pháp và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump không đạt được thỏa thuận nào trên các hồ sơ đang có bất đồng, cho dù hai nhà lãnh đạo tỏ ra rất thân tình.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tổng kết :

« Trong suốt chuyến thăm này, có một sự trái ngược đáng ngạc nhiên : sự thể hiện tình cảm rõ nét giữa hai nguyên thủ và sự đối đầu ngày càng mạnh mẽ về nội dung các hồ sơ. Hôm thứ Ba, Donald Trump đã khai chiến ngay tại phòng Bầu dục và chỉ trích dữ dội thỏa thuận hạt nhân Iran mà Emmanuel Macron bảo vệ. Trong cuộc họp báo chung, tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh lại điều đó. « Nếu Iran đe dọa chúng ta bằng cách này hay cách khác, họ sẽ phải trả một cái giá mà ít quốc gia nào từng phải trả ». Donald Trump tuyên bố như trên khi tổng thống Pháp nói tới sự tôn trọng cần thiết của một quốc gia có tầm vóc văn hóa lớn.

Tuy nhiên, hôm thứ Tư, trước Quốc Hội Mỹ, nguyên thủ Pháp đã thay đổi : trong suốt bài diễn văn dài, ông Macron tìm mọi cách chỉ trích chính sách của tổng thống Mỹ. Trên tất cả các hồ sơ gây bất đồng, như Iran, thương mại, môi trường, tổng thống Pháp đã mạnh mẽ đề cao quan điểm của ông. Emmanuel Macron muốn củng cố mối quan hệ ưu tiên với Donald Trump, nhưng nguyên thủ Pháp không ảo tưởng. Ông nói : « Chúng ta không sống trong truyện cổ tích của Charles Perrault » và kết luận « Một quả bí ngô bỗng dưng biến thành một chiếc xe ngựa kéo, chuyện này không hề tồn tại. »

Liên quan đến các đề xuất của hai nguyên thủ Pháp-Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran, hôm qua Teheran và Matxcơva kiên quyết bác bỏ việc xây dựng một văn bản mới. Đức, Anh và Liên Hiệp Châu Âu cũng không muốn thương lượng một văn bản mới thay thế cho thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180426-trump-macron-than-tinh-nhung-doi-dau

 

Pháp-Đức hợp tác

sản xuất hệ thống không chiến tương lai

Thụy My

Ngày 26/04/2018 tại Hội chợ hàng không Berlin, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và đồng nhiệm Đức Ursula Von Der Leyen ký kết thỏa thuận ban đầu mang tính lịch sử, nhằm hợp tác sản xuất các hệ thống không chiến tương lai (FCAS) thay thế cho các loại máy bay Rafale và Eurofighter.

Hai tập đoàn Airbus và Dassault Aviation lâu nay cạnh tranh với nhau, nay sẽ hợp sức chế tạo FCAS. Hệ thống này gồm các chiến đấu cơ thế hệ mới, máy bay không người lái, hỏa tiễn hành trình kết nối với NATO, vệ tinh, phi cơ, các loại các hệ thống vũ khí chiến đấu trên biển và trên đất liền, sẽ được sử dụng từ năm 2035-2040.

Đây có lẽ là một bước ngoặt cho quốc phòng châu Âu. Chưa bao giờ quân đội Pháp và Đức thỏa thuận với nhau về một chương trình chung với tầm cỡ như thế. Một quyết định trước hết mang tính chính trị, vì trên thực tế Không quân Pháp và Đức chưa hẳn có cùng nhu cầu.

Dù sao đi nữa, trong vòng 25 năm tới, phía Pháp cần phải thay thế các phi cơ tiêm kích Rafale, còn Đức thì thay Typhoon, trừ phi mua những chiếc F-35 của Mỹ đã có sẵn trên thị trường. Các nghiên cứu về FCAS, sẽ khởi đầu ngay từ năm nay, và các hợp đồng sản xuất đầu tiên được ký từ năm 2021.

Những người thân cận của bộ trưởng Quân Lực Florence Parly cho biết : « Mục tiêu là tránh được những sai sót trong các chương trình châu Âu những năm gần đây ». Lãng phí công quỹ, giao hàng trễ, hiệu quả chưa được như ý muốn…một báo cáo mới đây của Thẩm Kế Viện Pháp không hề gượng nhẹ đối với các kế hoạch hợp tác về vũ khí của châu Âu.

Trên nguyên tắc, các tập đoàn Dassault Aviation và Airbus thỏa thuận tập trung sức mạnh. Tập đoàn Anh BAE phải đứng ngoài lề, do những hệ quả phức tạp của Brexit.

Bà Parly khẳng định : « Cánh cửa vẫn mở ra cho các nước đối tác khác ». Nhưng theo một nguồn tin từ giới kỹ nghệ ở Paris, chính Dassault và Airbus sẽ chọn lựa các công ty tham gia chương trình này.

http://vi.rfi.fr/phap/20180426-phap-duc-hop-tac-san-xuat-he-thong-chien-dau-co-tuong-lai

 

Hạt nhân Iran – Bắc Triều Tiên :

Trump « nhất bên trọng, nhất bên khinh » ?

Minh Anh

« Khủng khiếp », « thảm họa », hay « lẽ ra không bao giờ được ký kết », tổng thống Mỹ đã giận dữ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 khi tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018.

Với Bắc Triều Tiên, sau những lời lẽ nặng nề tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9/2017 và cuộc chiến « nút bấm » hạt nhân, Donald Trump lại có thái độ hòa dịu chấp nhận gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2018. Sự việc không ngừng gây ngạc nhiên sau khi nguyên thủ Mỹ tiết lộ việc cử Mike Pompeo, cựu lãnh đạo CIA và lãnh đạo ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ, bí mật sang Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un hồi đầu tháng Tư.

Các động thái nói trên có thể gây thắc mắc : Phải chăng Donald Trump mâu thuẫn trong cách xử lý hồ sơ hạt nhân của hai quốc gia thù nghịch là Iran và Bắc Triều Tiên ? Washington muốn có được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, nhưng lại tìm cách « xé vụn » thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 với Teheran ?

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát, trong hai hồ sơ này, lập trường của tổng thống Mỹ rất rõ ràng và nhất quán : Phi hạt nhân hóa. Trong con mắt chính quyền Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay, Bắc Triều Tiên và Iran vẫn là hai quốc gia nằm trong « trục tội ác » do George W. Bush chỉ định từ năm 2002.

Nhưng các cuộc đàm phán được thực hiện từ những năm 1990 với Bắc Triều Tiên và Iran lại không có cùng số mệnh.

Các cuộc thương thuyết với Bình Nhưỡng trên nguyên tắc vẫn trong tình trạng chiến tranh với Seoul, chưa bao giờ đi đến kết quả. Bắc Triều Tiên ngày nay dường như sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt sau những đợt thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên tục từ năm 2013-2017, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế. Trên lý thuyết, tên lửa của Bắc Triều Tiên giờ có thể tấn công những mục tiêu ở xa hàng trăm km (Nhật Bản), thậm chí hàng nghìn cây số đi tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Về phần mình, Iran tuy đã có được thỏa thuận hạt nhân với năm cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và Đức vào năm 2015 nhưng nước này chỉ mới ở mức làm giàu uranium, chưa thể bước vào sản xuất và thử nghiệm hạt nhân.

Thỏa thuận ký hồi tháng 07/2015 trên nguyên tắc có thể ngăn cản Iran phát triển năng lực hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngoài vấn đề « cảm tính », cho rằng thỏa thuận này là một « thảm họa » vì không ai có thể bảo đảm được Iran không lao vào phát triển chương trình hạt nhân sau năm 2025.

Từ những quan sát trên, câu hỏi đặt ra : Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng chiến thuật : Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy ?

Nghĩa là với Bắc Triều Tiên, khi chấp nhận gặp Kim Jong Un, tổng thống Donald Trump ngầm nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Do vậy Washington phải đàm phán để không chỉ buộc Bình Nhưỡng ngừng hoàn toàn chương trình phát triển mà còn giải trừ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của họ.

Còn đối với Teheran, do chỉ mới ở giai đoạn đầu, nên thái độ cứng rắn, những lời đe dọa rút khỏi thỏa thuận của nguyên thủ Mỹ chỉ nhằm để « mặc cả » với Iran và gây áp lực với các bên tham gia ký kết hướng đến việc ngăn cấm hoàn toàn nước này thực hiện chương trình vũ khí nguyên tử.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180426-hat-nhan-iran-va-bac-trieu-tien-donald-trump-%C2%AB-nhat-ben-trong-nhat-ben-khinh-%C2%BB

 

Cộng Hòa Séc muốn dời sứ quán về Jerusalem

Minh Anh

Cộng Hòa Séc, một trong những đồng minh trung thành nhất của Nhà nước Do Thái, sẽ là nước châu Âu đầu tiên chuyển cơ quan đại diện ngoại giao từ Tel Aviv đến Jerusalem? Tổng thống Milos Zeman đã nhắc lại mong muốn này của ông hôm qua, 25/04/2018, nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Israel.

Từ Praha, thông tín viên Alexis Rosnzweigl gửi về bài tường trình :

« Khó có thể tìm thấy ở châu Âu một nguyên thủ quốc gia nào nhiệt tình ủng hộ Israel đến như thế. Tối hôm qua, 25/04/2018, một lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà nước Do Thái đã được tổ chức tại lâu đài Praha.

Từ lâu nay, tổng thống Milos Zeman là một trong những người ủng hộ việc chuyển sứ quán Cộng Hòa Séc từ Tel Aviv đến Jerusalem. Hôm qua, trước các quan khách, ông đã nhắc lại điều này, bằng tiếng Anh : ‘‘Tôi hy vọng là sẽ có ba giai đoạn trong việc di dời sứ quán Cộng Hòa Séc ở Tel Aviv. Trước tiên là việc mở một cơ quan lãnh sự danh dự tại Jerusalem.’’

Sau khi nhấn mạnh rằng ông đã đề xuất việc di dời sứ quán đến Jerusalem trước khi tổng thống Mỹ tính đến việc này, nguyên thủ Séc kết thúc bài phát biểu với câu : Năm tới, sứ quán sẽ chuyển đến Jerusalem.

Trong bức thư gửi tới “người bạn” Milos Zeman, ngày hôm qua, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thậm chí hy vọng rằng hai người sẽ có thể cùng nhau khánh thành sứ quán mới của Cộng Hòa Séc tại Jerusalem vào cuối năm nay.

Thế nhưng, tổng thống Séc có quyền hành hạn chế và tại Praha, chính phủ tỏ ra không vội vã trong việc di dời cơ quan đại diện ngoại giao. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180426-tong-thong-cong-hoa-sec-muon-chuyen-su-quan-tai-tel-aviv-den-jerusalem-israel