Tin khắp nơi – 26/04/2017
Mỹ bắt đầu chuyển THAAD tới vị trí triển khai ở Hàn Quốc
Quân đội Mỹ đã bắt đầu chuyển các bộ phận của hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD vào một địa điểm triển khai theo kế hoạch tại Hàn Quốc, hãng tin Yonhap loan tin ngày 25/4 giữa bối cảnh căng thẳng dâng cao vì các chương trình phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc đồng ý triển khai THAAD nhằm đối phó với nguy cơ phóng phi đạn từ Bình Nhưỡng, nhưng Trung Quốc nói THAAD không làm Bắc Triều Tiên chùn bước mà ngược lại còn gây bất ổn cho cán cân an ninh khu vực.
Truyền thông Hàn Quốc cho hay những chiếc xe tải chuyên chở các bộ phận của hệ thống THAAD đã tiến vào địa điểm trước kia là sân gôn trong quận Seongju, Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận tin này và cho hay công tác triển khai sẽ hoàn tất và hệ thống sẽ vận hành đầy đủ trước cuối năm nay.
Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển các bộ phận đầu tiên của hệ thống THAAD vào Hàn Quốc đầu tháng 3 sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử bốn phi đạn đạn đạo.
Seoul tố cáo Trung Quốc đã phân biệt đối xử với một số công ty Hàn Quốc để trả đũa việc triển khai THAAD.
http://www.voatiengviet.com/a/my-bat-dau-chuyen-thaad-toi-vi-tri-trien-khai-o-han-quoc/3825547.html
Mỹ: Di dân lậu giảm từ 2009
Số di dân bất hợp pháp tại Mỹ sụt xuống 11 triệu người kể từ năm 2009, chủ yếu do số người Mexico bất hợp pháp trên đất Mỹ giảm, theo cuộc nghiên cứu vừa công bố ngày 25/4.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, sử dụng dữ liệu từ năm 2015, cho thấy số di dân không hợp lệ trong năm 2009 là 11,3 triệu; số người Mexico hiện diện bất hợp pháp ở Mỹ giảm từ 6,4 xuống còn 5,6 triệu.
Pew không giải thích lý do của sự sụt giảm này nhưng các báo cáo trước của Pew có nêu rõ kinh tế Mỹ phục hồi chậm sau suy thoái và công tác thực thi kiểm soát biên giới gắt gao hơn trong thời điểm đó.
Khảo sát được đưa ra giữa những nỗ lực của chính quyền Trump muốn trục xuất di dân bất hợp pháp và xây tường biên giới với Mexico để chặn dân nhập cư lậu.
Báo cáo của Pew cho thấy tình trạng di dân bất hợp pháp tăng cao trong thập kỷ 90 bước vào những năm 2000. Kể từ đó, số di dân lậu từ Mexico giảm trong khi số di dân từ Châu Á và Trung Mỹ lại tăng.
Số người từ Trung Mỹ nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ trong năm 2015 là 1,8 triệu, tăng từ con số 1,6 triệu của 6 năm trước. Trong thời gian này, số di dân lậu từ Châu Á tăng từ 1,3 triệu lên thành 1,5 triệu.
Pew cũng đưa ra ước tính sơ khởi về số di dân bất hợp pháp tại Mỹ trong năm 2016 là 11,3 triệu, không khác biệt lắm so với số liệu của năm 2015.
http://www.voatiengviet.com/a/my-di-dan-lau-giam-tu-nam-2009/3825545.html
100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump
WASHINGTON DC —
Eden Center, trung tâm thương mại của người Việt tại thủ đô Washington luôn tấp nập bất kể là ngày trong tuần hay vào dịp cuối tuần. Tất nhiên, những người sẵn sàng trả lời câu hỏi về 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump do phóng viên VOA đặt ra đều đã cao tuổi và có nhiều năm sinh sống tại Mỹ. Phần lớn đều đánh giá cao những hành động cứng rắn của tân Tổng thống đối với các vấn đề quốc tế hiện nay như Syria, Bắc Triều Tiên. Nhưng cũng có người dành sự lo lắng cho vấn đề Biển Đông và Việt Nam vì nội dung này tân Tổng thống hiện ít đề cập.
Hùng Nguyễn, từ Washing ton DC
“Như vấn đề Syria chẳng hạn, nhiệm kỳ Tổng thống trước hoàn toàn không có bất kỳ hành động nào. Nhưng ông Trump ông ý đã quyết định phóng hỏa tiễn vào một số cơ sở quân sự tại Syria, bất chấp sự phản đối của Nga và Trung cộng. Tất nhiên đây không phải vấn đề quá lớn nhưng rõ ràng đây là một hành động thể hiện sự cứng rắn và vị trí của Hoa Kỳ. Vị thế của Hoa Kỳ trong các tranh chấp quốc tế rõ ràng hơn. Còn về kinh tế thì thời gian qua cho thấy đang đi vào ổn định, chứ không sụp đổ như người ta từng dự đoán. Tất nhiên, chính trị thì còn dài, nhưng trong 100 ngày qua theo tôi thì Tổng thống Trump chưa phải được A nhưng ít ra là cũng B+”.
Thành Phước Nguyễn, từ Maryland
“Ông ý hứa nhiều nhưng thực tế làm chưa được nhiều, cũng giống như các đời Tổng thống trước thôi. Ông ý có số điểm thấp nhất so với các đời Tổng thống trước, nhưng tôi thấy ông ý có cái điểm mạnh là sự cứng rắn mà các nước người ta cũng phải dè chừng. Ví dụ như vấn đề Syria, ông ý nói là ông ý làm. Nhưng sau đó vụ Bắc Hàn, Kim Jung un vẫn phóng hỏa tiễn nhưng ông ý chưa dám làm gì đáp trả. Và nói gì thì nói, tôi là người Việt Nam, nên riêng về vấn đề Biển Đông, tôi thích ông ý cứng rắn, để Trung Quốc không có thêm những hành động mới, nhưng ông ý hiện cũng im lặng về Biển Đông. Trong cuộc gặp với Tập Cận Bình mới đây, tôi sợ rằng ông Trump đã có thỏa thuận với Tập Cận Bình về vấn đề này, sẽ để Biển Đông cho Trung Quốc giải quyết, nên riêng vấn đề này tôi thấy bi đát cho Việt Nam mình lắm.”
Đức Trần, từ Virginia
“100 ngày thực sự chưa thể đánh giá được một Tổng thống. Bởi đó là một khoảng thời gian quá ngắn để thay đổi những vấn đề về chính trị và chính sách. Có những người trong 100 ngày làm việc đầu tiên hoàn toàn không được đánh giá cao nhưng trong thời gian còn lại thì họ lại đạt được rất nhiều thành công mà tôi có thể nói là rất xuất sắc, tôi lấy ví dụ như tổng thống Ronald Regan chẳng hạn.”
http://www.voatiengviet.com/a/mot-tram-ngay-dau-tien-cua-tong-thong-trump/3825482.html
Công ty tài chính TQ mua lại Moneygram của Mỹ,
có nên lo ngại?
Ngành công nghiệp tài chính đang theo sát những diễn biến đầy kịch tích giữa lúc công ty tài chính Ant, một công ty con của tập đoàn Trung Quốc Alibaba, chào mua công ty thanh toán điện tử MoneyGram International ở Dallas, công ty chuyển tiền lớn thứ hai thế giới sau Western Union. Ant Financial đề nghị mua Moneygram với giá 1,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh Euronet Worldwide.
Nếu thành công, hợp đồng này sẽ biến Ant Financial thành một tập đoàn tài chính khổng lồ với mạng lưới MoneyGram rộng khắp gồm 350.000 hiệu bán lẻ, bưu điện và ngân hàng đặt tại 200 quốc gia.
Cho tới giờ hoạt động kinh doanh của Ant Financial chủ yếu dựa trên đồng nhân dân tệ. Hợp đồng mới sẽ cho phép Ant Financial tiếp cận các tài khoản đô la Mỹ cũng như các tài khoản ký quỹ để quản lý các quỹ này.
Ông Jacob Cooke, giám đốc điều hành Web Presence tại Trung Quốc, nói với VOA:
“MoneyGram có thể mang lại cho Ant Financial một chiếc chìa khoá phụ trội, đặc biệt, liên quan tới mức thặng dư ký quỹ, và khả năng giữ lại một lượng lớn USD. Dĩ nhiên điều đó sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các dịch vụ tài chính của Ant Financial.”
Khi Euronet tham gia cuộc đua, Ant Financial nâng giá mua lên 36%, thể hiện quyết tâm mua cho bằng được MoneyGram để cạnh tranh với Western Union, công ty chuyển tiền lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay Euronet vẫn chưa bỏ cuộc, và cho biết họ đang thẩm định lại tình hình.
Ngoài ra, Euronet cũng đang chống lại ý định của Ant Financial trên một cấp bậc khác. Euronet công khai cáo buộc nỗ lực của Trung Quốc tìm cách mua Moneygram đặt ra những rủi ro nghiêm trọng về mặt an ninh, bởi vì các công ty thanh toán tiền bạc trực tuyến nắm trong tay các kho dữ kiện lớn với chi tiết tài chính của các thân chủ.
Khuynh hướng bảo vệ kinh tế nội địa
Đối với công ty tài chính Ant Financial, thách thức lớn nhất sẽ là vận động để được sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một ủy ban liên ngành của Mỹ chuyên xem xét những rủi ro đối với an ninh quốc gia của các thương vụ có yếu tố nước ngoài.
Một số nhà phân tích coi đây là phép thử quan trọng đầu tiên đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc trước những động thái bảo vệ kinh tế nội địa của chính quyền Trump.
Giáo sư môn đầu tư tại Trường Quản trị Thanh hoa – Đại học Bắc Kinh, Jeffrey Towson, nhận định:
“Vận động để được sự chấp thuận của CFIUS sẽ khó khăn hơn trong năm nay. Ngoài ra, những thương vụ của Trung Quốc cũng được truyền thông chú ý hơn so với trước đây. Và cuối cùng, còn có Euronet, một công ty cạnh tranh với Ant Financial. Euronet cảnh giác về ý đồ của Ant Financial dựa trên các quan tâm về an ninh”.
Hai dân biểu tại Hạ viện Hoa Kỳ, Kevin Yoder và Eddie Bernice Johnson, đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để chất vấn về thương vụ này.
Hai dân biểu này lập luận:
“Đề nghị của Ant Financial cần được đánh giá một cách thận trọng bởi vì thoả thuận này sẽ cung cấp cho Trung Quốc cơ hội được tiếp cận cơ sở hạ tầng tài chính Mỹ, một động thái đi kèm với những rủi ro đáng kể đối với an ninh quốc gia”.
Nỗ lực trấn an
Ant Financial đã cố gắng xoá tan những quan ngại về an ninh, nói rằng các dữ liệu của MoneyGram sẽ được lưu trữ trong các máy chủ được bảo vệ an ninh cẩn mật ở Hoa Kỳ.
Đề nghị của Ant Financial cần được đánh giá một cách thận trọng bởi vì thoả thuận này sẽ cung cấp cho Trung Quốc cơ hội được tiếp cận cơ sở hạ tầng tài chính Mỹ, một động thái đi kèm với những rủi ro đáng kể đối với an ninh quốc gia.
Dân biểu Kevin Yoder và Eddie Bernice Johnson
Trong một thư ngỏ gửi cho các cổ đông của MoneyGram, Chủ tịch Ant Financial Douglas Feagin nói MoneyGram sẽ “tiếp tục duy trì trụ sở ở Dallas và tiếp tục được điều hành bởi ban quản lý Mỹ hiện tại.” Ông còn hứa rằng Ant Financial sẽ “tiếp tục đầu tư vào các hệ thống MoneyGram và tuân thủ luật hiện hành.”
Một câu hỏi quan trọng là liệu hợp đồng này có sẽ nâng cao các khả năng của Alibaba, tập đoàn mua sắm trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc, và như vậy đặt ra một thách thức mới đối với các tập đoàn tương tự ở Mỹ như Ebay?
Giới phân tích nói Ant Financial trong quá khứ đã được dùng làm nền tảng để thực hiện các giao dịch tài chính của Alibaba.
Ông Jacob Kirkegaard, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington, nhận định:
“Alibaba được cho là công ty tài chính Internet phức tạp nhất thế giới, nếu họ thấy tiềm năng của MoneyGram đối với các hoạt động của họ, tôi không nghi ngờ gì là họ có thể thi hành thỏa thuận và đảm bảo hội nhập. “
Ant Financial không trả lời các câu hỏi của VOA và đề nghị VOA nên tham khảo các thông báo mà công ty đã công bố trước đây. Một công ty quan hệ công chúng đại diện cho Ant Financial nói công ty tài chính này không có quan hệ với tập đoàn Alibaba và từ chối bình luận thêm.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, và các bài báo đăng trên các phương tiện truyền thông gần đây nhất, đều mô tả công ty tài chính Ant Financial là một công ty con của Alibaba.
http://www.voatiengviet.com/a/cong-ty-tai-chinh-tq-mua-moneygram-cua-my-co-nen-lo-ngai/3825045.html
Trump – 100 Ngày Đầu: Nhà thờ che chở di dân
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly nói bộ của ông sẽ không bắt giữ những di dân không giấy tờ tại “những địa điểm nhạy cảm” như các nhà thờ. Những phát biểu của ông được đưa ra hồi tuần trước cùng lúc các giáo đoàn trên khắp Hoa Kỳ có một phong trào ở cấp cơ sở để phản đối chính sách nhập cư của chính quyền ông Trump và cung cấp nơi lánh nạn cho những người nhập cư bất hợp pháp có nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức. Hơn 800 nhà thờ và một số giáo đường Do Thái tự tuyên bố họ là những nơi lánh nạn và đang thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn việc trục xuất những người nhập cư có mặt bất hợp pháp ở Mỹ. Bill Rodgers của đài VOA đã thăm một nhà thờ ở trung tâm của cộng đồng người nhập cư ở Washington.
Chủ nhật tại Nhà thờ All Souls Unitarian ở thủ đô Washington.
Mọi người đến từ khu dân cư và khắp các nơi khác của thành phố ….
… họ cùng hát thánh ca, suy tư về tâm linh và đoàn kết với hoạt động chính trị tiến bộ của nhà thờ.
Với sự ủng hộ của giáo đoàn, cha bề trên Robert Hardies đã tuyên bố All Souls là một nhà thờ cung cấp nơi lánh nạn.
Cha Hardies phát biểu:
“Những di dân này ở trong khu phố của chúng ta, họ là láng giềng của chúng ta, họ là người thân trong gia đình chúng ta, họ là đồng nghiệp của chúng ta, họ là bạn hữu của chúng ta. Và vì vậy chúng ta muốn sát cánh, đoàn kết với những người mà chúng ta gần cận”.
All Souls từng là một nhà thờ cho lánh nạn trong những năm 1980 dành cho những người Trung Mỹ chạy nạn khỏi cuộc chiến trong khu vực. Ngày nay, nhà thờ nằm trong một mạng lưới toàn quốc chống lại chính sách nhập cư của ông Trump.
Đức Giám mục Dwayne Royster thuộc mạng lưới PICO gắn với tôn giáo nói những nơi lánh nạn có truyền thống lịch sử lâu đời.
Ông nói:
“Đây là một phần của xã hội Mỹ … khi chúng ta cảm thấy có những người đang bị đối xử bất công, những cộng đồng tôn giáo tìm ra cách để bảo vệ, giúp họ lánh nạn và mang lại cho họ hy vọng”.
Đến nay, chỉ có ít người được ghi nhận là đã lánh nạn trong các nhà thờ trên khắp nước Mỹ, và đến nay chưa có ai lánh nạn ở All Souls.
Nhưng các giáo dân sẵn sàng giúp đỡ.
Brenda Barron, một nhà tổ chức cộng đồng nói:
“Chúng tôi đang tính cách làm thế nào để chúng tôi tập hợp sức mạnh và khả năng của chúng tôi để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thành một thế giới mà chúng ta muốn, là thế giới mà chúng ta muốn sống trong đó”.
Các tình nguyện viên đang bàn thảo về điều này trong các buổi đào tạo của All Souls, ở đó, gần đây hàng chục người đã đăng ký để tham dự các cuộc hội thảo.
Ở đó, họ đã học được cách giúp người không có giấy tờ tránh bị giam và trục xuất …
… và cũng nghe những thông điệp hy vọng.
Giám mục Dwayne Royster:
“Chúng con cảm ơn Chúa vì những nơi Chúa đã đưa chúng con đến để cho chúng con tham gia vào công việc thánh thiện này”.
Nhưng những người ủng hộ Tổng thống Trump đang phát đi một thông điệp khác. Họ muốn chính quyền của ông đẩy mạnh việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Một người ủng hộ ông Trump nói:
“Việc này sẽ tích cực về dài hạn mặc dù nó sẽ gây xáo trộn đối với một số người ở đây bất hợp pháp”.
Amado Salinas, người ủng hộ ông Trump:
“Mọi người phải hiểu rằng chúng ta là một quốc gia có quốc pháp, không có luật pháp thì chỉ có loạn”.
Hiện nay, Bộ Nội An vẫn tuân thủ các quy định có từ lâu là cấm các đặc vụ xâm nhập vào các nhà thờ, trường học hay bệnh viện. Cha Hardies hy vọng điều này sẽ không thay đổi.
Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng các tổ chức tôn giáo ở Mỹ có thể đứng lên chống lại quyền lực của chính phủ trong trường hợp này”.
Và đây là hy vọng cho các giáo dân tại Nhà thờ All Souls: với hành động của họ, sẽ có một “ngày hoàn toàn mới”.
Trump – 100 Ngày Đầu:
Một ông già bảo vệ biên giới bằng drone
Mười lăm năm trước, ông Glenn Spencer đã chuyển tới biên giới phía Nam để theo đuổi nỗi ám ảnh bấy lâu nay: “bảo vệ an ninh biên giới”. Người đàn ông quê ở California cho biết ông đã phát giác và báo cáo nhiều vụ vượt biên trái phép bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến — máy bay thu hình không người lái. Ông không hối tiếc việc đã lật ngược số phận của nhiều người. Phóng viên VOA Ramon Taylor đưa chúng ta đến trang trại của ông Spencer ở quận Cochise, bang Arizona.
Ông Glenn Spencer không phải là nhân viên tuần tra biên giới, nhưng điều đó đã không ngăn cản ông phát triển công nghệ máy bay ghi hình không người lái ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico.
Ông Spencer nói: “Các máy tính đang ghi nhận thông tin trong khoảng cách 5 dặm, và mỗi khi có động đậy, máy tính sẽ báo: ‘Kia! có người ở kia.’”
Tổ chức của ông Spencer có tên là ‘Tuần tra Biên giới Mỹ” bị Trung tâm Tư vấn pháp lý cho người nghèo miền nam liệt vào nhóm thù hận. Mỗi vụ phát giác và báo cáo của ông đều khiến cho người bị phát hiện, những người đã mạo hiểm vượt qua sa mạc Sonoran đầy nguy hiểm, phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù không nhớ hết đã phát hiện bao nhiều vụ, ông tự hào nói rằng ông đã báo cáo đến hàng trăm vụ người vượt biên không có giấy tờ trong khoảng 15 năm qua.
Ông Spencer cho biết ông đã tự bỏ ra cả triệu đô la cho hoạt động theo dõi dọc biên giới. Ông xem công việc của ông là lý do tại sao ông có mặt trên trái đất.”
Ông Spencer nói: “Tôi theo dõi vào đào sâu tìm hiểu. Càng theo dõi, tìm hiểu sâu, tôi càng phát hiện ra tình trạng vượt biên trái phép hết sức nghiêm trọng… “
Việc làm của ông Spencer là nhằm phơi bày cái gọi là sự thật về nhập cư bất hợp pháp, nhưng những phát hiện của ông thì rất nhiều, từ những mưu đồ thâm sâu cho đến những âm mưu ngay trước mắt. Ông tin rằng người Mexico âm mưu xâm nhập miền tây nam Hoa Kỳ và biến khối cử tri ở đây thành của họ. Ông lo ngại về tỉ lệ dân số trong khu vực đang thay đổi theo chiều hướng người da trắng bị lấn át, không còn chiếm đa số nữa.
Ông Spencer nói: “Đây không phải là sự thay đổi tự nhiên. Tình trạng này phần lớn là do người nhập cư bất hợp pháp gây ra. Họ dùng chiêu ‘cắm dùi bằng trẻ em’ rồi tiến đến đoàn tụ gia đình. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấm dứt việc này, bởi vì nếu có một khối người gốc Châu Mỹ La tinh lớn mạnh, họ sẽ khuynh đảo các cuộc bầu cử.”
Bà Juanita Molina, giám đốc Mạng lưới hành động biên giới, nói rằng có nhiều cư dân dọc theo biên giới phía Nam có cùng quan điểm đó. Họ chỉ thấy sự khác biệt ở những người nhập cư.
Juanita Molina nói:
“Bạn thấy được xu hướng đó. Bạn thấy được tư tưởng đó trong nhiệm kỳ tổng thống hiện nay, một văn hoá kỳ thị. Cảm nhận về nước Mỹ mà họ từng có trước đây đã biến mất và đang bị đánh cắp bởi tư tưởng bài ngoại – một quan điểm phân biệt chủng tộc. “
Ông Mo Goldman, một luật sư nhập cư thế hệ đầu, nói những người có tư tưởng như ông Spencer có mặt ở mọi nơi.
Ông Mo Goldman nói: “Quan điểm của họ là ‘Chúng tôi yêu nước. Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới, chúng tôi sẽ bắt những người vượt biên và báo cho an ninh biên giới.’ Nếu đó là những gì họ muốn, cũng tốt thôi. Theo tôi rất nhiều người trong cộng đồng này cho rằng đó không phải là điều đúng đắn, và họ bác bỏ lối suy nghĩ đó.”
Sau cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, tổ chức của ông Spencer có dấu hiệu hoạt động chậm lại. Ông nói rằng các khoản đóng góp cho tổ chức ông giảm nhiều, do những người có tư tưởng cứng rắn với việc nhập cư giảm tài trợ, vì họ tin là cuối cùng họ đã có một tổng thống kiên quyết bảo vệ biên giới. Nhưng dù có hay không được hỗ trợ tài chính, ông Spencer vẫn không bỏ cuộc. Miễn là còn chiếc máy bay ghi hình, thì ông vẫn tiếp tục giám sát biên giới.
Thêm một sắc lệnh của Trump bị chặn
Một thẩm phán Mỹ ngày 25/4 chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump muốn ngưng quỹ tài trợ cho các thành phố chứa chấp di dân bất hợp pháp. Đây là một đòn pháp lý nữa đối với các nỗ lực siết chặt thực thi di trú của chính quyền Trump.
Phán quyết của Thẩm phán William Orrick ở San Francisco nói lệnh của Tổng thống hôm 25 tháng 1 nhắm mục tiêu bao quát nhiều khoản tài trợ của liên bang dành cho các thành phố ‘dung chấp’ và rằng các nguyên đơn chống lại lệnh này có phần chắc sẽ thành công trong việc chứng minh hành động của Tổng thống vi hiến.
Trước đó, ông Trump từng bị ‘đánh bại’ khi hai thẩm phán liên bang đình chỉ lệnh hành pháp hạn chế nhập cảnh những người từ một số quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Chính phủ đã kháng cáo.
Các thành phố ‘dung chấp’ thường là nơi trú ẩn an toàn cho di dân bất hợp pháp, thường không sử dụng ngân quỹ hoặc nguồn lực của thành phố để thúc đẩy việc thực thi luật nhập cư liên bang. Hàng chục chính quyền địa phương và thành phố, bao gồm New York, Los Angeles và Chicago, đã tham gia vào phong trào này.
Chính quyền Trump cho rằng các chính quyền địa phương gây nguy hiểm cho an toàn công cộng khi từ chối bàn giao di dân lậu để trục xuất.
Hạt Santa Clara, bao gồm thành phố San Jose và một số cộng đồng nhỏ hơn ở thung lũng Silicon, hồi tháng 2 đã đâm đơn kiện rằng lệnh của ông Trump là vi hiến. San Francisco cũng đệ đơn kiện tương tự.
http://www.voatiengviet.com/a/them-mot-sac-lenh-cua-tong-thong-trump-bi-chan/3825546.html
Cấm đặt tên tôn giáo cho con ở Tân Cương
Trung Quốc vừa công bố những hạn chế mới đối với việc đặt tên cho con cái tại khu vực Tân Cương nơi đa số dân theo Hồi giáo. Luật mới cấm các cha mẹ người Duy ngô nhĩ (Uighur) đặt cho con các tên như “Muhammad” hay những tên mà chính quyền cho là quá “thiên về tôn giáo”.
Đây là động thái mới nhất trong những biện pháp kiểm soát rộng rãi áp dụng tại vùng Tân Cương mà chính quyền Trung Quốc nói là nhằm mục đích kiềm hãm sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuy nhiên giới phân tích nói rằng lối tiếp cận cứng rắn đối với người Hồi giáo như thế không những chỉ gia tăng những sự đối kháng ở Tân Cương, mà còn khích động hận thù sắc tộc trên khắp nước.
Các chính quyền địa phương gần đây công bố một danh sách các tên sắc tộc thiểu số bị cấm, trong đó có hàng chục tên chẳng hạn như “Jihad,” “Medina” hay ngay cả “Yultuzay”, biểu tượng cho ngôi sao và mặt trăng trong đạo Hồi.
Tổng cộng có gần 30 tên bị cấm theo những tài liệu mà các nhà hoạt động Uighur ở nước ngoài gửi cho VOA.
Theo các quy định mới, các cá nhân vi phạm các quy định hạn chế sẽ bị cấm hộ khẩu, quy chế này cho phép công dân tiếp cận các quyền lợi xã hội, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục ở Trung Quốc.
Những lời ta thán đang tăng trong cộng đồng người Uighur, vì lệnh cấm này chỉ là biện pháp kiểm soát mới nhất.
Giáo sư Michael Clarke thuộc Đại học Quốc gia Australia nói với VOA qua email rằng qua lệnh cấm mới và các biện pháp khác áp dụng trước đó để siết chặt việc kiểm soát người Uighur, Trung Quốc đang tìm cách xác định các khía cạnh nào của lý lịch Uighur được coi là “có thể chấp nhận”.
Làm như vậy, theo Giáo sư Clarke, vô hình chung cho phép chính quyền độc đảng ở Trung Quốc đóng vai trò trọng tài, quyết định thế nào là “tính chất Uighur” có thể chấp nhận hoặc không thể chấp nhận.
Giáo sư Clarke nói những chính sách đó “trực tiếp đóng góp khiến nhiều người Uighur cảm thấy xa cách với người Hán, tạo điều kiện thuận lợi cho chính cái chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lo sợ sẽ phát triển ở Tân Cương.”
Tân Cương là quê hương của hơn 10 triệu người Duy-ngô-nhĩ, phần lớn thuộc nhóm sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo nói tiếng Turk.
Bất bình dâng cao
Vào ngày 1 tháng Tư, một loạt quy định mới được thi hành cùng với lệnh cấm đặt tên tôn giáo. Các quy định này cùng lúc nghiêm cấm việc để râu dài “bất thường”, mang khăn che mặt ở những nơi công cộng, và từ chối theo dõi các kênh truyền hình nhà nước.
Ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của Nghị Hội Thế giới Uyghur có trụ sở đặt ở Đức, nói:
“Suốt từ đó tới nay, chúng tôi đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhận những khiếu nại. Tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt ở khu vực phía Nam, như ở Kashgar, Hotan và Aksu.”
Ông Raxit nói sự bất bình của dân cư trong vùng được coi là có cơ sở, và theo ông đó là một dấu hiệu đáng lo ngại.
“Tôi e rằng sự bất bình đó có thể làm bùng phát một phong trào kháng chiến triệt để hơn từ những người Uighur cho rằng họ đã chịu đựng quá sức, nếu tình trạng kéo dài.”
Nhà hoạt động bênh vực nhân quyền hối thúc chính quyền Trung Quốc hãy ngưng đàn áp văn hoá truyền thống và bình thường của người Uighur, cũng như niềm tin tôn giáo của họ, nhân danh cuộc chiến chống các phần tử cực đoan Hồi giáo, bị Trung Quốc quy lỗi đã thực hiện các cuộc cuộc tấn công khủng bố và các phong trào ly khai.
Ông Raxit nói chính những biện pháp kiểm soát và đàn áp cư dân tại Tân Cương mới là nguyên do dẫn tới bạo lực và bất ổn.
Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc là họ có bất cứ hành động đàn áp nào tại Tân Cương, và nhấn mạnh rằng các quyền pháp lý, tôn giáo và văn hoá của người Uighur đang được triệt để bảo vệ.
http://www.voatiengviet.com/a/cam-dat-ten-ton-giao-cho-con-o-tan-cuong/3826352.html
Thêm hai nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong bị bắt
Hai nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại đặc khu hành chánh Hong Kong, từng bị ngăn không cho nhậm chức trong Hội đồng Lập pháp vào năm ngoái, vừa bị bắt và bị buộc tội gây rối loạn ở cơ quan lập pháp.
Vào sáng ngày thứ tư 26 tháng tư hai nhà hoạt động Du Huệ Trinh, 25 tuổi và Lương Tụng Hằng 30 tuổi bị bắt đi từ chung cư của họ với cáo buộc tụ họp bất hợp pháp và dùng vũ lực để vào cơ quan lập pháp.
Sau đó họ được tại ngoại khi đóng khoản tiền thế chân 3 ngàn đô Hong Kong cho mỗi người.
Vụ bắt giữ mới nhất diễn ra sau khi có 9 nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong bị bắt, trong đó có sinh viên và các vị dân cử, và bị buộc tội vào tháng qua vì vai trò của họ trong đợt biểu tình vào năm 2014.
Đợt bắt bớ mới được tiến hành trước chuyến thăm dự kiến của chủ tịch Tập Cận Bình đến đặc khu hành chánh Hong Kong vào tháng 7 tới đây nhân kỷ niệm 20 năm Anh Quốc trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc.
LHQ kêu gọi thế giới hành động cấm vũ khí hóa học
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres trong thông điệp video được công chiếu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới phải giúp cho công tác loại trừ vĩnh viễn vũ khí hóa học bị cho là tội ác được đưa ra vào ngày thứ tư 26 tháng tư..
Tính đến nay chừng 95% các nguồn vũ khí hóa học được khai báo trên thế giới đã bị hủy bỏ; tuy nhiên tin tức về những vụ tấn công bằng khí độc tại Syria khiến cho tiến triển trong 20 năm qua đang bị đe dọa.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho rằng trong suốt 20 năm qua, các quốc gia đã liên kết trong mục tiêu loại trừ vũ khí hóa học; nay đến lúc phải cương quyết cho thứ vũ khí ma quỷ này đi vào quá khứ của lịch sử.
Tổng giám đốc OPCW, ông Ahmet Uzumcu, cũng lên tiếng cho rằng tổ chức này đang phải đối diện với thử thách lớn tại Syria vì tiếp tục nhận được những tin tức về việc sử dụng vũ khí hóa học tại đó.
Nhân dịp này ông Ahmet Uzumcu kêu gọi 4 quốc gia chưa ký Công ước 1997 Về Vũ khí hóa học hãy tham gia ngay. Đó là các nước Ai Cập, Israel, Bắc Hàn và Nam Sudan.
Tàu USS Carl Vinson: Trump nghi binh hay lỡ lời?
Cuối cùng thì thế giới cũng đã ‘tìm ra’ chiếc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ tại vùng biển Philippines trong cuộc tập trận với Nhật Bản, theo chính báo chí Hoa Kỳ.
Nhưng hành trình của cả hải đội tàu chiến do USS Carl Vinson là tàu mẹ đã có lúc trở nên bí ẩn nhất là trong khi ông Donald Trump tăng sức ép lên Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Ông đã ‘lỡ lời’ tiết lộ rằng về hải trình của USS Carl Vinson, muốn cho đội tàu tập dượt với các hải quân đồng minh trước khi ‘vào trận’ hay chỉ ra chiêu nghi binh?
Ta hãy điểm lại một số sự kiện xung quanh chuyến hải hành này.
Ngày 8/4, Hoa Kỳ nói rằng nhóm tàu Carl Vinson “trên đường từ Singapore lên phía Bắc”, tới bán đảo Triều Tiên.
15-16 tháng 4, nhóm tàu này đã đi qua Eo biển Sunda, vào Ấn Độ Dương, theo thông báo của Mỹ.
18/4, Hoa Kỳ nói nhóm tàu đã hủy việc cập cảng Perth của Úc, nhưng trước đó đã hoàn tất việc tập huấn theo kế hoạch với Úc ở ngoài khơi tây bắc Australia, sau khi rời Singapore hôm 8/4.
19/4, nhóm tàu “tiến vào Tây Thái Bình Dương theo mệnh lệnh”.
24/04 Nam Hàn nói rằng USS Carl Vinson sẽ tập trận chung với họ gần bán đảo Triều Tiên.
25/04, tin tức chỉ nói tàu ngầm mang động cơ nguyên tử USS Michigan có hai ống phóng hỏa tiễn Tomahawk đến cảng Busan của Hàn Quốc.
Tàu USS Michigan dự kiến họp mặt cùng tàu USS Carl Vinson và hải quân Nam Hàn cuối tháng 4.
Hành trình vòng vèo và bí ẩn
Trước đó, nhóm tàu của Hoa Kỳ đã trở thành tâm điểm chú ý khi không đi theo hướng tới Bắc Hàn mà lại chọn chiều ngược lại.
Các thông tin Hoa Kỳ đưa ra đều khó hiểu.
Còn chính ông Donald Trump đã nói gì?
Trả lời Fox Business Network hôm 12/04, Tổng thống Trump khẳng định Hải quân Hoa Kỳ đang cử hàng không mẫu hạm đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Tôi không muốn bàn về chuyện quân sựDonald Trump
Nhưng khi bị hỏi vậy ông “đã đổi hướng hàng không mẫu hạm và định làm gì với Bắc Triều Tiên” thì ông Trump vội rụt lại và chỉ nói “đây là cả một đoàn chiến thuyền hùng mạnh hơn cả một hàng không mẫu hạm”.
Ông cũng từ chối bình luận thêm, “Tôi không muốn bàn về chuyện quân sự” (I don’t talk about the military).
Carl Vinson ‘tập trận với Nhật ở Biển Philippines’
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Jim Mattis khi bị hỏi cũng chỉ xác nhận chung chung rằng hải đoàn do USS Carl Vinson dẫn đầu “đang hướng về phía Biển Nhật Bản”.
Điều này, về mặt địa lý thì không có gì sai, khi ta thấy sau này rằng đoàn tàu đi từ Singapore lên phía Bắc và để đến điểm tập kết cùng Hải quân Nhật Bản.
Nhưng “hướng về phía Biển Nhật Bản” và vào vùng biển đó, nằm giữa giữa bốn nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Bắc Hàn, thì lại là chuyện khác.
Trên thực tế, cho đến 25/04, điều chắc chắn là USS Carl Vinson với 5500 quân đã tập trận chiến thuật cùng hai khu trục hạm Ashigara và Samidare của Nhật Bản ngoài khơi Philippines.
Hiện có vẻ như ông Trump không hề lỡ lời ‘tiết bộ bí mật quân sự’.
Trở lại cuộc phỏng vấn với Fox hôm 12/04, ông tỏ ra không muốn bình luận về chuyện quân sự nhưng lại khoe:
“Chúng ta có các tàu ngầm rất hùng mạnh.”
Và nay thì ta biết tàu ngầm nguyên tử USS Michigan vừa đến Hàn Quốc 12 ngày sau đó.
Điều làm một số nhà bình luận quốc tế lo ngại là liệu Bắc Hàn có thực sự biết tàu USS Carl Vinson chưa hề đi về phía Bán đảo Triều Tiên hay là không.
Nhìn lại quan hệ Mỹ – Hàn, đây không phải là lần đầu tiên USS Carl Vinson đến Busan hoặc tham gia tập trận cùng các đồng minh Đông Bắc Á của Hoa Kỳ.
Nhưng lần này, chỉ bằng một hải trình tàu chiến vòng vèo và phát ngôn lấp lửng, Hoa Kỳ đã đẩy độ nóng lên bất ngờ.
Ban đầu, Bình Nhưỡng nói sẽ nhấn chìm hàng không mẫu hạm nguyên tử này chỉ bằng một cú tấn công.
Sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đã có vũ khí là “bom H” có thể ném vào đất liền của Mỹ và vùng châu Á – Thái Bình Dương.
Chính thức mà nói, hải đoàn hùng hậu này sẽ chỉ đến đó vào cuối tháng 4 năm nay.
Khi đó, không ai biết Bắc Hàn có thực sự làm gì hay không?
Điều quan trọng là tàu USS Carl Vinson cùng hải đoàn chưa đến bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã nêu hết các khả năng quân sự răn đe, ngăn chặn hoặc trả đũa Hoa Kỳ, coi như ‘lộ bài’ trước tỷ phú Trump.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39711882
Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ ủng hộ Thỏa thuận Khí hậu Paris
Hồ sơ khí hậu quốc tế đang đứng trước một khúc quanh lớn, với quyết định của tân chính quyền Donald Trump, dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tuần này. Hôm qua, 25/04/2017, bộ trưởng Năng Lượng Hoa Kỳ Rick Perry có một phát biểu quan trọng, gây chú ý. Ông tuyên bố Washington cần tiếp tục ở lại trong khuôn khổ Thỏa thuận Khí hậu Paris COP21, vấn đề là cần thương lượng lại một số điều khoản mà thôi.
Thỏa thuận Khí hậu COP 21, đạt được tại Paris cuối năm 2015, giữa 195 quốc gia và khu vực (thỏa thuận quốc tế đầu tiên được toàn thể cộng đồng quốc tế tham gia), đặt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, và cố gắng giữ ở mức 1,5°C. Nếu vượt quá mức này, các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp sẽ xảy ra vượt quá khả năng kiểm soát của con người.
Cam kết rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu, được ký kết dưới thời Obama, là một trong các tuyên bố nổi bật nhất của Donald Trump trong thời gian tranh cử. Ứng cử viên Trump từng nhiều lần khẳng định việc « Trái đất bị hâm nóng » chỉ là một chuyện bịa đặt do Trung Quốc tạo ra, trước khi làm mềm lại lập trường này, sau khi đắc cử.
Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, người vừa đưa ra phát biểu được chú ý nói trên, vốn là thống đốc tiểu bang Texas, nơi ông đã góp phần phát triển rất mạnh năng lượng gió.
Trong hàng ngũ ban lãnh đạo chính quyền Mỹ, những người ủng hộ Hoa Kỳ tiếp tục Thỏa thuận Khí hậu Paris có ngoại trưởng Rex Tillerson, nguyên tổng giám đốc tập đoàn dầu khí ExxonMobil, con gái cả của ông Trump Ivanka và con rể Jared Kusnher, một cố vấn thân cận của tổng thống.
Chống lại Thỏa thuận Paris có giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA), Scott Pruitt. Nhân vật này gần đây tuyên bố Mỹ cần rút khỏi thỏa thuận, vì Hoa Kỳ sẽ thiệt nặng trong vụ này, đặc biệt trong tương quan với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh là thủ phạm phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, vượt xa Mỹ.
Một nhân vật có thế lực khác trong chính quyền Trump ủng hộ việc rút khỏi thỏa thuận là Steve Bannon, chủ nhân trang mạng Breibart News, được coi là một thành phần cực hữu cứng rắn, tuy nhiên, ảnh hưởng của viên cố vấn này đối với tổng thống Mỹ dường như đã suy giảm, sau khi ông ta buộc phải rời khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Hiện tại các đàm phán âm thầm diễn ra rất căng thẳng trong nội bộ chính quyền Mỹ (1). Khả năng chính quyền Trump thực hiện tuyên bố ra khỏi Thỏa thuận Paris là « 50/50 », theo bộ trưởng Môi Trường Pháp Segolene Royal, trả lời AFP (ngày 21/04), sau chuyến thăm EPA.
Về phần bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, trong một phát biểu hôm qua trước các nhà đầu tư và giới chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, ông Rick Perry chỉ trích Pháp và Đức không tôn trọng tinh thần của Thỏa thuận Paris.
Bộ trưởng Mỹ chất vấn Đức
Về trường hợp của Pháp, bộ trưởng Năng Lượng Mỹ không nêu lý do cụ thể, ngược lại ông đã chất vấn chính sách của Berlin đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, đã dẫn đến việc Đức phải gia tăng điện sản xuất từ than, một nhiên liệu gây ô nhiễm nhất. Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ so sánh chính sách của Đức bỏ điện hạt nhân, phát triển điện than, với chính sách của Hoa Kỳ, thay thế than bằng khí đốt. Một trong các chính sách chủ yếu của chính quyền tiền nhiệm Obama là buộc các nhà máy điện than cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cựu thống đốc Texax chỉ trích mạnh mẽ : « Quí vị không thể vừa ký vào một thỏa thuận, vừa chờ đợi Hoa Kỳ thực hiện, trong khi quí vị không thực sự tham gia ! », và khẳng định sẽ sẵn sàng thương lượng lại Thỏa thuận (với Đức và những nước khác).
Việc giã từ năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, trước hết là than, để chuyển sang mô hình kinh tế Xanh, dù diễn ra còn chậm, nhưng đã trở thành một xu thế toàn cầu. Một mình chính phủ Hoa Kỳ không thể cưỡng lại được dòng chảy này.
Đại sứ Pháp ghi nhận không khí giã từ than đá ở Mỹ
Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, ông Gérard Araud, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Libération tuần trước, ghi nhận : « chính quyền Trump chắc chắn sẽ phải tôn trọng các cam kết Paris… Các thành phố lớn của Mỹ chiếm đến hơn 50% lượng khí thải quốc gia, mà lãnh đạo đều thuộc phe Dân Chủ… Tất cả các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã tham gia vào trào lưu này… Tất cả những nơi nào tôi đến, mọi người đều nói với tôi về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… Tại đất nước này, quyết tâm là rất lớn…
Về các điều kiện cho năng lượng tái tạo, Mỹ là một nước tuyệt vời… chúng ta có gió ở Midwest, mặt trời ở miền tây, bề mặt rộng lớn của đất nước tạo thuận lợi… Những luận điểm về (bảo vệ) than chỉ là mỵ dân. Ngành công nghiệp than không phải là nạn nhân của các quyết định thời Obama, mà đơn giản là nạn nhân của các năng lượng tái tạo, nhất là khí đá phiến. Điều đó làm tôi tin tưởng ».
60% cơ sở đầu tư lớn nhất thế giới chú ý đến khí hậu
Về tình hình toàn cầu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, một nghiên cứu được công bố hôm nay cho thấy hơn một nửa các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã chú ý đến nguy cơ biến đổi khí hậu, tác động đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể là, theo tổ chức độc lập phi lợi nhuận AODP (Asset Owners Disclosure Project), 60% trong số 500 nhà đầu tư lớn nhất thế giới, « thừa nhận các hiểm họa tài chính của biến đổi khí hậu và các cơ hội của việc chuyển tiếp sang một nền kinh tế thải ra ít các-bon ».
Đọc thêm : Kinh tế Xanh : Giới đầu tư gây áp lực với G20
AODP là một dự án ra đời từ năm 2008, của Viện Khí hậu (Climat Institut), có trụ sở tại Sydney, Úc. Nghiên cứu của AODP được công bố liên tục từ 5 năm nay.
Hàng năm dự án AODP đánh giá mức độ quản lý rủi ro khí hậu của hơn 500 cơ sở đầu tư lớn, bao gồm các quỹ hưu trí, quỹ quốc gia, công ty bảo hiểm, quỹ góp vốn… Tổng số tiền cổ phần của hơn 500 cơ sở này là 27.000 tỉ đô la.
Theo số liệu của AODP, số lượng các cơ sở chú ý đến vấn đề khí hậu hiện nay cao hơn 18% so với cách đây hơn hai năm, tức trước khi cộng đồng quốc tế đạt thỏa thuận tại Paris.
Một số kết quả vừa được công bố mang lại niềm khích lệ cho phong trào chống biến đổi khí hậu, và công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, tuy nhiên, ý thức về mối quan hệ giữa đầu tư và biến đổi khí hậu là điều cần được cải thiện nhiều, theo AODP.
Chủ tịch của tổ chức này, ông Julian Poulter, nhấn mạnh là vẫn còn đến 201 trong số hơn 500 nhà đầu tư lớn « không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy đã hành động » nhằm tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và đây là một thực trạng « gây sốc ».
Khác với phát biểu của bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, nhấn mạnh sự đối lập giữa Hoa Kỳ và Đức, báo cáo của AODP hoan nghênh các nhà đầu tư châu Âu và Úc, như là « các học sinh xuất sắc nhất », trong khi đó, tình hình được coi là đáng ngại, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Á.
Chủ tịch AODP cảnh báo : sắp đến lúc « sẽ là quá muộn để tránh các thiệt hại », nếu các nhà đầu tư vẫn để quá nhiều cổ phần trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, năng lượng hóa thạch…
AXA bị tố vẫn đầu tư nhiều cho than
Nỗi lo về các đầu tư lệch hướng vào năng lượng hóa thạch đã được một loạt tổ chức phi chính phủ bày tỏ. AFP hôm nay dẫn lời chỉ trích của hiệp hội Những Người Bạn Của Trái Đất/Les Amis de la Terre. Theo đó, tập đoàn bảo hiểm AXA tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than, điều này được coi là trái ngược hẳn với cam kết của tập đoàn trước Thỏa thuận Paris, là sẽ rút mạnh vốn khỏi các doanh nghiệp.
Hiệp hội Những Người Bạn Của Trái Đất, và các đối tác (như Greenpeace Thụy Sĩ, Sierra Club, The Sunrise Project…), ghi nhận nỗ lực của AXA đã thoái 500 triệu euro khỏi các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng cũng khuyến cáo tổ chức này là mức 50% lợi nhuận là quá cao (tức tiêu chí không đầu tư cho doanh nghiệp thu lợi quá 50% từ than), cần được hạ xuống 30%, thì mới đủ để răn đe các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
—-
(1) Theo dự toán ngân sách của chính phủ Trump, ngân sách cho Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Mỹ sẽ bị cắt giảm tới 31%, bộ Năng Lượng 48% (bộ phận nghiên cứu-phát triển). Hai cơ quan chủ yếu trong lĩnh vực khí hậu là NASA và NOAA, Cơ Quan Đại Dương và Khí Quyển, cũng nằm trong tầm ngắm. NASA có thể sẽ mất bốn dự án vệ tinh thám sát.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170426-bo-truong-nang-luong-my-ung-ho-thoa-thuan-khi-hau-paris
Syria : Pháp khẳng định Damas giết dân bằng khí sarin
Trách nhiệm của chính quyền Syria trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thành phố Khan Cheikhoun hôm 4/4 đã rõ ràng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault hôm nay, 16/04/2017, khẳng định như trên, khi trình bày kết quả điều tra của phía Pháp.
Ngoại trưởng Pháp nói với báo chí sau khi họp Hội Đồng Quốc Phòng : « Chúng tôi biết từ một nguồn chắc chắn, là tiến trình sản xuất ra khí sarin mang tính đặc thù của phương pháp được tiến hành trong các phòng thí nghiệm Syria. Phương pháp này mang dấu ấn của chế độ, giúp chúng tôi xác định trách nhiệm trong vụ tấn công (…) Chúng tôi vẫn lưu giữ các vật phẩm từ các cuộc tấn công khác, nên có thể so sánh ».
Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault cho biết thêm, nước Pháp có thể khẳng định khí sarin sử dụng hôm 4/4 là cùng một loại với khí độc dùng trong vụ tấn công vào Saraqeb hôm 29/04/2013. Hexamine, hợp chất đặc thù của khí sarin do chế độ Damas sản xuất được tìm thấy trong các vật mẫu của cả hai vụ Khan Cheikhoun và Saraqeb.
Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm 80 người chết trong đó có nhiều trẻ em, đã gây xúc động trên toàn thế giới, tạo ra một làn sóng phẫn nộ, khiến ba ngày sau đó Hoa Kỳ đã cho oanh kích vào một căn cứ không quân Syria. Tổng thống Syria Bachar Al Assad vào giữa tháng Tư đã chối bỏ trách nhiệm của quân đội trong vụ tấn công, tố cáo các nước phương Tây đã « sáng tác ra vụ này », bảo đảm rằng Syria không có vũ khí hóa học.
http://vi.rfi.fr/phap/20170426-oksyria-phap-khang-dinh-damas-giet-dan-bang-khi-sarin
Pháp: Đảng Xã Hội trước nguy cơ « diệt vong »
Trong lịch sử của Đảng Xã Hội, chưa bao giờ một ứng cử viên của đảng cánh tả này lại thu được số phiếu thấp như thế trong một cuộc bầu cử tổng thống. Trong vòng đầu ngày 23/04/2017 vừa qua, ông Benoit Hamon chỉ được 6,36%, thua xa bốn ứng cử viên về đầu.
Đảng Xã Hội Pháp đã ra đời vào năm 1971 từ đại hội ở thành phố Epinay, kế thừa từ đảng SFIO của Jean Jaurès và Léon Blum. Trong 46 năm qua, đảng này có lúc suy lúc thịnh, nhưng chưa bao bị tơi tả như thế, trong lúc đang bị chia rẽ rất trầm trọng. Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Renaud Payre, không loại trừ là Đảng Xã Hội sẽ bị « khai tử » trong những tuần tới, hay ít ra sẽ không còn Đảng Xã Hội như François Mitterand đã gây dựng vào năm 1971.
Đọc thêm : Đảng Xã hội Pháp trong ngõ cụt
Không những thế, đảng này có nguy cơ sẽ bị « lấn sân », vì tuy ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon không lọt được vào vòng hai bầu cử tổng thống, nhưng ông đã giành được tỷ lệ phiếu rất cao ( 19,62% ), cao chưa từng có đối với một ứng cử viên cực tả. Như vậy là phong trào « Nước Pháp Bất Khuất » ( La France Insoumise ) có khả năng trở thành một lực lượng chính trị lớn bên cánh tả. Đảng Xã Hội sẽ chịu chung số phận với đảng Pasok bên Hy Lạp, bị đảng cực tả Syriza lấn át hoàn toàn. Bên cạnh đó, phong trào « Tiến Bước! » ( En marche !) của ứng cử viên Emmanuel Macron chắc chắn cũng sẽ được tổ chức thành một chính đảng lớn, thu hút một bộ phận đảng viên Xã Hội, khiến cho đảng này thêm suy yếu. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 6 tới, Đảng Xã Hội sẽ khó mà địch lại với « Nước Pháp Bất Khuất » và « Tiến Bước! ».
Trước kết quả thảm hại của ứng cử viên Hamon ở vòng đầu bầu cử tổng thống, ngay ngày hôm sau, chính các lãnh đạo của Đảng Xã Hội đã kêu gọi phải « xây dựng lại » một đảng đã có lịch sử gần 50 năm này, nếu không muốn tổ chức này bị xóa sổ khỏi sân khấu chính trị nước Pháp.
Trong một tuyên bố long trọng với báo chí, sau một cuộc họp bất thường của ban lãnh đạo đảng hôm thứ Hai, 24/04, bí thư thứ nhất của Đảng Xã Hội Jean-Christophe Cambadélis đã nhìn nhận rằng kết quả nói trên « đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ và đòi hỏi một sự canh tân sâu rộng », nhưng ông đề nghị là trước mắt hãy tập trung vào bầu cử Quốc Hội, rồi sau đó hãy tính.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Manuel Valls, trên đài phát thanh France Inter sáng thứ Hai, đã gần như đọc một bản điếu văn cho Đảng Xã Hội, khi tuyên bố « đây là sự chấm dứt của một chu kỳ, chu kỳ của Epinay ». Ông Valls cho rằng Đảng Xã Hội đang bị chia rẽ quá nặng nề và đặt câu hỏi : « Những người bất đồng với nhau về châu Âu, về kinh tế, về doanh nghiệp, về các vấn đề an ninh, làm sao có thể còn ở chung một đảng được ? ».
Cựu thủ tướng Pháp nhắc lại rằng từ năm 2014, ông đã cảnh báo Đảng Xã Hội phải thay đổi tên gọi, thay đổi bản chất, thật sự chứng tỏ là một đảng cầm quyền, và nhất là phải thích ứng với thế giới ngày nay. Theo ông Manuel Valls, chính vì không nghe lời ông nên Đảng Xã Hội mới gặp tình trạng như hiện nay. Nhưng khác với ông Hamon, người đã tuyên bố dứt khoát đối lập với đảng « Tiến Bước ! », ông Manuel Valls sẵn sàng giúp ông Macron và tham gia vào phe đa số của ứng cử viên phong trào « Tiến Bước ! », trong trường hợp ông Macron đắc cử tổng thống.
Bên cạnh phe của Hamon và phe của Valls, trong Đảng Xã Hội nay còn có phe của tổng thống mãn nhiệm François Hollande và phe gồm những người thuộc thế hệ mới. Nói cách khác, đảng này hiện đã bị phân hóa thành bốn khối có xu hướng hoàn toàn khác nhau. Cho dù có được xây dựng lại như thế nào thì Đảng Xã Hội chắc chắn sẽ không còn là « bá chủ » bên cánh tả nữa.
http://vi.rfi.fr/phap/20170426-dang-xa-hoi-truoc-nguy-co-%C2%AB-diet-vong-%C2%BB
Triều Tiên : Tàu sân bay Mỹ tập trận với không quân Nhật
Hải quân Hoa Kỳ hôm nay, 26/04/2017, loan báo các phi cơ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson hướng về Bắc Triều Tiên, đang tập trận với không quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tại vùng biển phía nam nước Nhật.
Hãng tin AP dẫn thông cáo của hải quân Mỹ cho biết các phi cơ Nhật được bố trí tập luyện chung với phi đội của tàu sân bay USS Carl Vinson, gồm huấn luyện phi hành và chia sẻ thông tin, nhằm tăng cường phối hợp giữa hai lực lượng.
Đọc thêm : Tầu sân bay Mỹ đến bán đảo Triều Tiên : Donald Trump lừa cả thế giới ?
Hai ngày trước đó, trên đường đến Nhật Bản, hạm đội USS Carl Vinson đã tập trận với hai khu trục hạm Nhật. Hải quân Hoa Kỳ nói rằng cả hai cuộc tập trận này chứng tỏ khả năng Mỹ-Nhật có thể hoạt động chung trên biển để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực.
Tình hình BTT : Donald Trump mời 100 nghị sĩ đến Nhà Trắng
Cũng trong hôm nay tại Washington, chính quyền Donald Trump thông báo cho toàn thể Quốc Hội về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một trăm thượng nghị sĩ Mỹ trước hết nghe phần trình bày của ngoại trưởng Rex Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, giám đốc tình báo Dan Coats và tổng tham mưu trưởng quân đội Joseph Dunford tại Nhà Trắng. Cả bốn vị này sau đó đến điện Capitol để báo cáo với Hạ Viện.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng hôm nay khoe khoang thành công của « cuộc tập trận pháo binh quan trọng nhất » tại Wonsan chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội Bắc Triều Tiên, dưới sự giám sát của Kim Jong Un. Hãng tin KCNA được AFP trích dẫn cho biết « các tàu ngầm đã nhanh chóng lặn xuống để phóng ngư lôi vào các chiến hạm địch », và Kim Jong Un khen ngợi pháo binh Bắc Triều Tiên đã « nã đạn không thương tiếc vào các mục tiêu, bắn rất chính xác ».
Sau cuộc tập trận bắn pháo, quân đội hứa hẹn trung thành với lãnh tụ, « biến thành 10 triệu khẩu súng và 10 triệu quả bom » để tự vệ. Tờ báo Rodong Sinmun hôm nay đăng rất nhiều hình ảnh cuộc tập trận trên ba trang báo.
Nhiều nhà quan sát lo ngại nhân dịp này Bình Nhưỡng sẽ cho thử nguyên tử lần thứ sáu hay lại bắn hỏa tiễn đạn đạo.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170426-bac-trieu-tien-tau-san-bay-my-tap-tran-voi-khong-quan-nhat