Tin khắp nơi – 26/02/2019
Trump: Mỹ và Trung Quốc đang
‘rất, rất gần’ đạt thỏa thuận
Tổng thống Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc “rất rất gần” tới việc ký kết thỏa thuận thương mại, có khả năng chấm dứt cuộc chiến dai dẳng giữa hai nước.
Ông Trump nói với các thống đốc Mỹ hôm thứ Hai rằng cả hai quốc gia “sẽ có một hội nghị thượng đỉnh ký kết”.
“Hy vọng, chúng tôi có thể hoàn thành nó. Nhưng chúng tôi đang tiến rất, rất gần,” ông nói.
Tuyên bố này đưa ra sau quyết định trì hoãn áp thuế thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tại sao Châu Á vẫn chưa thôi Huawei?
Mỹ hoãn áp thêm thuế với hàng Trung Quốc
Người sáng lập Huawei: ‘Mỹ không thể bóp nát chúng tôi’
Cuối tuần qua, ông Trump cho biết cả hai bên đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong các cuộc đàm phán thương mại sau hội nghị thượng đỉnh ở Washington tuần trước.
Việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% dự định đi vào hiệu lực vào 1/3.
Thay vào đó, ông Trump cho biết Mỹ hiện đang lên kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ ở Florida.
Cổ phiếu Mỹ tăng do quyết định trì hoãn thuế quan, với chỉ số Dow Jones cao hơn 0,23% tại 26.091,9 cho S & P 500 và Nasdaq cũng kết thúc giao dịch với con số tích cực.
Trong khi chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam, ông Trump cũng tweet rằng một thỏa thuận thương mại Trung Quốc đang ở trong “giai đoạn tiến bộ”.
Quyết định của ông Trump trì hoãn việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đô la được coi là một dấu hiệu cho thấy hai bên đang tiến đến việc giải quyết cuộc chiến thương mại vốn đã gây nhiều thiệt hại.
Tuần trước, ông Trump đã ghi nhận tiến bộ trong vòng đàm phán mới nhất tại Washington, bao gồm cả thỏa thuận về thao túng tiền tệ, mặc dù không có chi tiết nào được tiết lộ.
Các nguồn tin nói với CNBC hôm thứ Sáu rằng Trung Quốc đã cam kết mua tới 1,2 nghìn tỷ đô la hàng hóa của Hoa Kỳ, nhưng không có tiến triển nào về các vấn đề sở hữu trí tuệ.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng về Hoa Kỳ tại Oxford Economics cho biết: “Chúng tôi đã lường trước sẽ có sự trì hoãn [thuế] và tin rằng sẽ có một thỏa thuận trong đó Trung Quốc sẽ hứa nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, hướng tới một loại tiền tệ ổn định và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ đạt được trong những tuần tới.
“Tuy nhiên, chúng tôi không thấy trước sự cắt giảm đáng kể từ mức thuế quan hiện tại và thấy rằng những căng thẳng tiềm ẩn liên quan đến tham vọng chiến lược, chính sách công nghiệp, chuyển giao công nghệ và cơ chế ‘xác minh và thực thi’ của Trung Quốc vẫn còn tồn tại.”
Điều gì đã xảy ra trong cuộc chiến thương mại cho đến nay?
Ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại vì những khiếu nại về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Điều đó bao gồm cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ, buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho nước này.
Hoa Kỳ đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ đô la của Trung Quốc và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế đối với 110 tỷ đô la sản phẩm của Hoa Kỳ.
Ông Trump cũng đã đe dọa sẽ áp dụng thêm thuế quan đối với sản phẩm Trung Quốc trị giá 267 tỷ đô la – điều này sẽ khiến tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu thuế.
Tranh chấp thương mại đã khiến thị trường tài chính chao đảo, có nguy cơ gia tăng chi phí cho các công ty Mỹ và đang gây thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng.
Nó cũng đã gây ra lo ngại về tác động đối với nền kinh tế toàn cầu.
Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ biến thế giới thành một “nơi nghèo nàn và nguy hiểm hơn”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47366858
Mỹ biến F-35 thành “sát thủ”,
tiêu diệt ICBM TQ ngay khi rời bệ phóng?
Đánh chặn ICBM là một nhiệm vụ rất khác biệt so với việc theo dõi hoặc bắn hạ một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung nhưng F-35 của Mỹ đã và đang được phát triển khả năng này.
Biến F-35 thành phương tiện đánh đòn phủ đầu
Lầu Năm Góc hiện đang hợp tác với các ngành công nghiệp để nghiên cứu khả năng sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 vũ trang tên lửa, bom hoặc vũ khí laser cho mục đích đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công nước Mỹ ngay từ giai đoạn phóng ban đầu.
Đây được xem là một phát triển mới đầy triển vọng cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Ý tưởng này sẽ sử dụng các vũ khí và cảm biến của F-35 để phát hiện hoặc phá hủy một vụ phóng ICBM ngay từ giai đoạn đẩy ban đầu khi tên lửa bay lên hướng về phía rìa khí quyển Trái Đất.
“Chúng tôi rất phấn khích với khái niệm phát triển này”, một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc chia sẻ trên trang mạng Warrior Maven.
Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích, triển vọng phòng thủ tên lửa của F-35 sẽ dựa trên những thông tin tình báo quan trọng.
Khi phát hiện thấy dấu hiệu hoặc xuất hiện mối lo ngại về khả năng phóng tên lửa của đối phương, các tàu sân bay chở F-35C hoặc những chiếc F-35 khác hoạt động trong khu vực lân cận có thể sử dụng tốc độ, công nghệ tàng hình và cảm biến để tìm kiếm, phát hiện và phá hủy ICBM.
Triển vọng sử dụng máy bay F-35 cho mục đích này sẽ mang lại những khả năng phòng thủ chưa được tích hợp trong kho vũ khí phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc. Chẳng hạn như, một chiếc F-35 có thể rải bom hoặc phóng tên lửa không đối đất để phá hủy ICBM trong hoặc ngay sau khi phóng.
Máy bay F-35 cũng có thể sử dụng laser và hệ thống tác chiến điện tử để thiêu hủy, gây nhiễu hoặc vô hiệu hóa quỹ đạo bay của một quả ICBM đang tấn công. Nếu hệ thống dẫn hướng của ICBM hoặc các cơ chế đẩy bị can thiệp thì quả ICBM có thể bị chệch hướng, lao xuống biển hoặc một khu vực không có người ở, qua đó ít có khả năng gây ra thiệt hại lớn.
Ngoài ra, một nhóm F-35 có thể tự tạo thành một mạng lưới chuyển tiếp bằng việc sử dụng hệ thống Liên kết Dữ liệu Đa chức năng Tiên tiến (MADL) để cung cấp thông tin về mối đe dọa cho toàn phi đội bay cảnh báo các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Nhờ khả năng cho phép tất cả các máy bay F-35 trong phi đội nhận biết mối đe dọa theo thời gian thực khi đang thi hành nhiệm vụ, MADL sẽ giúp mở rộng phạm vi tìm kiếm và phát hiện ICBM kẻ thù.
Một khi các chỉ huy chiến trường và những người ra quyết định biết trước được mối đe dọa từ một ICBM đang tấn công, họ càng có nhiều thời gian để xem xét và thực hiện các biện pháp đối phó hoặc tiến hành một chiến dịch phản công.
ICBM Trung Quốc là mục tiêu?
Các địa điểm phóng ICBM thường được đối phương bố trí sâu bên trong đất liền và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các hệ thống phòng không khiến một số vũ khí và phương tiện tấn công nhất định rất khó tiếp cận.
“F-35 có thể sử dụng tính năng tàng hình và khả năng cơ động để tiến gần hơn đến các điểm phóng ICBM từ bên trong lãnh thổ đối phương”, Mitch Loren Thompson, Giám đốc điều hành của Viện Lexington nói với Warrior Maven.
Năm 2014, một báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ đã dành hẳn một chương dài 70 trang để nói về quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Trong số nhiều thông tin đề xuất, báo cáo đã liệt kê chi tiết các bệ phóng ICBM di động của Trung Quốc cùng với khoảng 10 phương tiện hồi quyển khác. Các vũ khí này rõ ràng là những mối đe dọa lớn bởi một khi chúng càng tiến gần mục tiêu thì khả năng phòng vệ càng khó khăn.
Dựa trên đánh giá đó, F-35 chính là một lựa chọn phù hợp nhờ công nghệ tàng hình, tốc độ cao và khả năng cơ động nên có thể hoạt động trên các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt bên trong lãnh thổ kẻ thù để tìm kiếm, truy đuổi và phá hủy các bệ phóng di động.
Giai đoạn phóng hay còn gọi là giai đoạn đẩy đầu tiên của ICBM sẽ là thời điểm tốt nhất để F-35 phát huy khả năng phòng thủ tên lửa của nó. Bởi vì đánh chặn một ICBM đang tấn công ở giai đoạn cuối,
theo Thompson, sẽ gặp phải rất nhiều thách thức do tốc độ siêu âm của các phương tiện này khi hồi quyển.
Tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra câu hỏi là liệu F-35 có thể trở thành một phần của hệ thống phòng thủ tích hợp phục vụ mục đích phát hiện và tiêu diệt ICBM của kẻ thù khi chúng đang di chuyển trong không gian hay không.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng F-35 có thể sử dụng GPS hoặc các cảm biến gắn trên không khác để tương tác với các vệ tinh, và chính các vệ tinh này cũng có thể biến thành một loại vũ khí đánh chặn để bắn hạ ICBM khi chúng đang ở trên vũ trụ.
Với kịch bản này, F-35 sẽ đóng vai trò như một cảm biến hoặc một điểm trung chuyển thông tin trong mạng lưới phòng thủ và lúc đó sẽ không còn là một thiết bị tấn công nữa và sẽ là một sự bổ sung rất đáng giá cho các hệ thống đặt trên mặt đất của Mỹ hiện nay.
Tiêu diệt tên lửa hành trình liên lục địa là một nhiệm vụ rất khác biệt so với việc theo dõi hoặc đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung nhưng F-35 của Mỹ đã và đang được phát triển khả năng này.
F-35 đã được Mỹ thử nghiệm với vai trò là điểm chuyển tiếp thông tin trên không cho Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực và Phòng không Tích hợp của lực lượng Hải quân (NIFC-CA).
Hệ thống này, hiện đã được triển khai, sử dụng radar trên các tàu mang tên lửa Aegis, một trạm cảm biến trên không và tên lửa dẫn đường SM-6 để bắn hạ tên lửa tấn công từ ngoài đường chân trời.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động, NIFC-CA vẫn sử dụng máy bay trinh sát Hawkeye E-2 làm trạm chuyển tiếp trên không. Giờ đây, hệ thống có thể sử dụng F-35 như một phương tiện cảm biến với khả năng cao hơn nhiều.
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan
khiến Trung Quốc nổi giận
Mỹ đưa hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan hôm 25/2 trong lúc quân đội Mỹ tăng cường nhiều hoạt động hơn trên hải lộ chiến lược này bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Việc tàu chiến Mỹ đi qua eo biển có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc nhưng có khả năng sẽ được quốc đảo tự trị Đài Loan xem như một dấu hiệu phát ra từ chính quyền Trump trong lúc ngày càng có thêm xích mích giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Hành động này diễn ra cùng lúc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang “rất, rất gần” tới việc đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài nhiều tháng trời làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và gây gián đoạn các thị trường trên toàn thế giới.
Việc tàu hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan cũng diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
“Việc các tàu đi qua eo biển Đài Loan cho thấy cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói trong một thông cáo.
Thông cáo này cho biết hai tàu của Mỹ được nhận dạng là tàu khu trục Stethem và tàu vận tải Cesar Chavez. Eo biển Đài Loan rộng 180km chia cắt Đài Loan với Trung Quốc.
Trung Quốc đã bày tỏ tức giận về hành động này của Mỹ.
“Chúng tôi cương quyết phản đối hành động gây hấn của Mỹ. Hành động đó không có lợi cho hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại một cuộc họp báo hôm 26/2.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói tàu của Mỹ đã rời eo biển theo một tuyến đường hướng về phía bắc.
Các lực lượng có vũ trang của Đài Loan cho biết họ luôn theo dõi việc di chuyển của các tàu này và không thấy có gì khác thường do đó không có lý do gì phải báo động.
Washington không có mối quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc về mặt luật pháp để giúp bảo vệ quốc đảo và là nguồn cấp vũ khí chính của nước này. Lầu Năm Góc cho biết Washington đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ đô la vũ khí kể từ năm 2010.
Trung Quốc đang tăng cường áp lực để khẳng định chủ quyền của mình đối với hòn đảo, nơi mà họ coi là một tỉnh ngang ngạnh của “Một Trung Hoa” và lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc.
Bắc Kinh lo ngại rằng Đài Loan có thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong năm nay, sau bài phát biểu năm mới với cảnh cáo nghiêm khắc của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó đe dọa tấn công Đài Loan nếu họ không chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc.
‘Cẩm nang’ cần có về Thượng đỉnh Trump Kim tại Hà Nội
Tổng thống Donald Trump sẽ gặp gỡ lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội tuần này trong Thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai.
Hai nước cựu thù được chờ đợi sẽ đi đến những thỏa thuận đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bắc Hàn.
Nếu bạn quan tâm tới sự kiện tuần này thì đây là những điểm chính có thể bạn cần biết.
Giới nhân quyền nghĩ gì về hội nghị Trump-Kim?
Chủ tịch Hà Nội nói ‘nỗ lực cao nhất’ cho hội nghị Trump-Kim
VN trục xuất người ‘đóng giả’ ông Kim Jong-un
Trump – Kim sẽ thảo luận gì?
Vẫn là điều mà họ từng thảo luận tại Thượng đỉnh lần một tại Singapore tháng 6/2018: Vũ khí hạt nhân.
Hầu hết thế giới muốn Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân – một quá trình thường được gọi là phi hạt nhân hóa. Nhưng Bắc Hàn đã liên tục nói rằng họ sẽ không làm như vậy cho đến khi họ không còn cảm thấy phải đối mặt với mối đe dọa từ Mỹ và những nước khác.
Vì vậy, Bắc Hàn phải chịu một loạt các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn họ giao dịch hoặc tương tác bình thường với thế giới rộng lớn hơn. Bắc Hàn muốn thực hiện hành động ít nhất có thể để đảm bảo nới lỏng các biện pháp trừng phạt đó.
Bắc Hàn đã hứa sẽ bỏ vũ khí hạt nhân?
Không hề.
Khi gặp gỡ vào năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã ký Thỏa thuận Singapore, một thỏa thuận được cho là rất lạc quan nhưng thiếu chi tiết.
Họ nói họ cam kết phi hạt nhân hóa nhưng thực tế lại không đạt được thỏa thuận rằng điều này thực tế có nghĩa là gì cũng như nó sẽ được thực hiện như thế nào.
Bắc Hàn đã cho nổ tung địa điểm thử nghiệm hạt nhân của mình – mặc dù họ không thực sự cần nó nữa vì đã biết rằng hạt nhân của mình hoạt động – nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm gì khác để ngăn chặn sự phát triển hạt nhân.
Trên thực tế, giới chức tình báo cấp cao của Mỹ nói rằng Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, bởi vì họ tin rằng nó “quan trọng đối với sự sống còn của chế độ”.
Trong những tuần gần đây, ông Trump đã giảm bớt tham vọng của mình, nói rằng ông sẽ hài lòng miễn là Bắc Hàn không thử thêm bất kỳ tên lửa hay bom hạt nhân nào, tức giữ nguyên hiện trạng.
Mỹ cũng có thể thúc đẩy Bắc Hàn chỉ đơn giản là cung cấp một danh sách đầy đủ tất cả các công nghệ hạt nhân của nước này – nhưng ngay cả việc này Bắc Hàn cũng chưa từng bao giờ sẵn sàng đáp ứng.
Tại sao không nên để Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân?
Bom hạt nhân là một trong các vũ khí nguy hiểm nhất từng được chế tạo.
Với một vài ngoại lệ, thế giới đồng ý rằng không nên có thêm có các quốc gia mới nào có khả năng hạt nhân. Bắc Hàn đã phá vỡ luật pháp và điều ước quốc tế bằng cách phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Bên cạnh nỗi lo sợ rằng Bắc Hàn một ngày nào đó có thể sử dụng những vũ khí này trong sự tức giận, nước này còn có khả năng bán công nghệ cho các quốc gia khác, phạm sai lầm dẫn đến tai nạn hoặc nếu chính phủ sụp đổ, các công nghệ này có thể rơi vào tay kẻ xấu.
Nếu Bắc Hàn được phép có vũ khí hạt nhân riêng, họ có thể khuyến khích các quốc gia khác theo đuổi con đường tương tự.
Bắc Hàn thực sự là mối đe dọa?
Đúng vậy. Có tiềm năng là như vậy. Nước này đã luôn lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không e ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa.
Hai nước khiến Bắc Hàn lo lắng nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ hiện có hàng ngàn binh lính đóng tại hai quốc gia này. Nhưng Bắc Hàn cũng khẳng định có trong tay tên lửa có tầm phóng tới Mỹ.
Mối đe dọa an ninh mạng cũng đang gia tăng tại Bắc Hàn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng nếu Bắc Hàn khơi mào xung đột, đây sẽ là một động thái mang tính ‘tự sát’ của chế độ này.
Mỹ và Bắc Hàn đang chiến tranh?
Trên nguyên tắc thì là vậy. Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc với thỏa thuận đình chiến – nhưng một hiệp ước hòa bình chưa bao giờ được ký kết.
Theo hiệp ước sau chiến tranh, Mỹ vẫn có hơn 23.000 nhân viên quân sự đóng tại Nam Hàn và thực hiện các cuộc tập trận thường xuyên với quân đội Nam Hàn.
Một kết quả của hội nghị thượng đỉnh có thể là một tuyên bố hòa bình, một điều mà Kim chắc chắn muốn.
Đó sẽ không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức – đó là cả một quá trình chính trị phức tạp với ý nghĩa thực tiễn to lớn – mà là một động thái mang tính biểu tượng để khiến cả hai nhà lãnh đạo trông có vẻ tốt đẹp hơn trong mắt người dân của họ.
Tại sao Trump Kim gặp nhau tại Việt Nam?
Việt Nam được coi là một địa điểm lý tưởng để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim lần hai vì nhiều lý do.
Hà Nội có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Bắc Hàn, dù là cựu thù với Mỹ – và có thể được Mỹ nêu như một ví dụ về chuyện hai quốc gia hợp tác và gạt bỏ những bất đồng trong quá khứ.
Về mặt ý thức hệ, cả Việt Nam và Bắc Hàn đều là các nước Cộng sản – dù Việt Nam nhanh chóng phát triển kinh tế, hai nước vẫn theo chủ nghĩa chuyên chế.
Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam có thể được Mỹ lấy làm ví dụ để chỉ ra hướng mà Bình Nhưỡng có thể đi theo nếu họ chọn mở cửa.
Ông Kim cũng sẽ không cần phải lo lắng về các cuộc biểu tình – Việt Nam sẽ không cho phép biểu tình – và các nhà báo đưa tin về hội nghị thượng đỉnh đang được theo dõi chặt chẽ.
Bắc Hàn là một nước như thế nào?
Chính phủ Bắc Hàn là một trong những chính phủ tàn bạo nhất trên thế giới, kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của người dân. Chương trình Lương thực Thế giới cho rằng hơn 10 triệu người Bắc Hàn bị suy dinh dưỡng.
Đối với giới tinh hoa chính trị và dân đô thị, cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều trong những năm gần đây, bất chấp lệnh trừng phạt, nhưng các chuyên gia về nhân quyền cho biết không có nhiều thay đổi kể từ khi Bắc Hàn bắt đầu tham gia ngoại giao.
Nhân quyền gần như chắc chắn sẽ không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, nhưng họ có thể thảo luận về một thỏa thuận cứu trợ nhân đạo hoặc cho phép các gia đình ly tán kể từ khi chiến tranh gặp lại nhau.
Tại sao Bắc Hàn không có điện?
Đây là câu hỏi được tìm kiếm rất nhiều trên Google. Bởi hình ảnh vệ tinh cho thấy có một vùng tối đen kẹp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đó là Bắc Hàn.
Câu trả lời là Bắc Hàn không có nguồn cung cấp điện rộng rãi hoặc đáng tin cậy. Các nhà máy điện và đập thủy điện đã cũ và bị thiếu hụt nhiên liệu và phụ tùng. Điện được ưu tiên cho các mục đích quân sự hoặc hành chính.
Bên ngoài các thành phố, nhiều người phải dùng máy phát điện đắt tiền và ồn ào, tuy nhiên, theo NK News, các tấm pin mặt trời – vốn rẻ và đáng tin cậy – đang ngày càng trở nên phổ biến để sử dụng trong nước.
Mỹ có thể tấn công Bắc Hàn?
Câu hỏi này thường xuất hiện trên mạng xã hội, phản ứng lại các câu chuyện về mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Về lý thuyết thì có thể, nhưng ít chuyên gia sẽ cho rằng đó là một ý tưởng hay.
Đầu tiên là vấn đề đạo đức – có 25 triệu người ở Bắc Hàn – hầu hết trong số họ là nạn nhân của chính phủ chứ không phải là một phần của mối đe dọa.
Loại bỏ Kim và các lãnh đạo cấp cao sẽ có nguy cơ gây mất ổn định lớn ở một quốc gia dễ bị tổn thương và nghèo đói – điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tị nạn, điều mà các nước láng giềng của Bắc Hàn muốn tránh bằng mọi giá, và khả năng gây bất ổn cho cả khu vực.
Và Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học và một lực lượng quân đội hùng hậu sẵn sàng chiến đấu. Trừ khi tất cả bị vô hiệu hóa cùng một lúc, Bắc Hàn sẽ tấn công trở lại, ngay cả khi chỉ trong một thời gian ngắn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47366908
Mỹ – Triều sẽ tìm cách
tuyên bố kết thúc chiến tranh tại Hà Nội
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc lập luận: tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến Triều Tiên đều đã thừa nhận cuộc chiến kết thúc bằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao, giờ chỉ còn lại mỗi Mỹ và Triều.
“Tôi tin rằng khả năng đó đang rộng mở. Cho tới giờ vẫn chưa ai biết đó sẽ là một tuyên bố như thế nào, nhưng tôi tin tưởng Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được thỏa thuận tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở bất kỳ mức độ nào” – người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui Kyeom, bày tỏ lạc quan trong cuộc họp báo sáng nay 25-2.
Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un dự kiến sẽ cùng đến Việt Nam trong ngày mai 26-2 cho cuộc gặp thượng đỉnh từ ngày 27 đến 28-2 tại Hà Nội.
Bình Nhưỡng đã thể hiện rất nhiều sự kỳ vọng và tự tin trước cuộc gặp trên các phương tiện truyền thông nhà nước – một điểm rất khác so với cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Kim Jong Un tại Singapore.
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, đồng nghĩa về mặt lý thuyết Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Thực tế, theo ông Kim Eui Kyeom, sau cuộc gặp thượng đỉnh lần ba giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào tháng 9-2018, hai miền Triều Tiên đã thực sự ngầm tuyên bố chấm dứt chiến tranh bằng cách cùng cam kết từ bỏ mọi hành động thù địch.
Người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc cũng lập luận, cho rằng trước đó tất cả các bên liên quan đều đã thừa nhận chiến tranh chấm dứt, theo Hãng thông tấn Yonhap.
Đó là khi Trung Quốc, quốc gia hỗ trợ Bình Nhưỡng trong cuộc chiến, thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul, là khi Bắc Kinh và Washington bình thường hóa quan hệ năm 1979.
“Như vậy, giờ chỉ còn lại một cặp quan hệ, đó là Mỹ và Triều Tiên. Nếu hai nhà lãnh đạo cùng tuyên bố kết thúc chiến tranh, cuộc chiến sẽ chấm dứt một cách đúng nghĩa” – ông Kim Eui Kyeom khẳng định.
Tuy nhiên, vị này cho biết tiến trình thay thế hiệp ước đình chiến bằng hiệp ước hòa bình cần có sự tham gia của bốn bên, bao gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc.
Trong tuyên bố chung liên Triều trước đó tại Bàn Môn Điếm tháng 4-2018, hai nhà lãnh đạo cam kết “tích cực theo đuổi các cuộc gặp 3 bên giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ, cũng như cuộc gặp 4 bên giữa hai miền Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc” để từ đó tiến tới kết thúc chiến tranh Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn.
Tinh thần này được đưa vào tuyên bố chung Mỹ-Triều tại Singapore tháng 6-2018, khi cả ông Trump và ông Kim Jong Un đều tái khẳng định các nội dung của tuyên bố Bàn Môn Điếm.
Bất lợi chính trị cho Trump
nếu thượng đỉnh Trump-Kim 2 không ‘đột phá’
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp có mặt tại Hà Nội tham dự cuộc họp thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giữa những hy vọng đạt được một thỏa thuận dẫn tới việc Bình Nhưỡng từ bỏ võ khí hạt nhân.
“Chúng tôi sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh tuyệt vời. Chúng tôi muốn phi hạt nhân hóa, và tôi nghĩ ông ấy sẽ đưa đất nước lập nhiều kỷ lục về tốc độ về mặt kinh tế,” ông Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc trước khi khởi hành.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, hai tháng trước từng tuyên bố cần có thượng đỉnh lần hai vì Triều Tiên chưa thực hiện các cam kết đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore.
Thêm một lần nữa thiếu bước đột phá quan trọng sẽ mang lại những hiệu ứng chính trị tiêu cực cho ông Trump.
“Nếu Tổng thống lại có những nhượng bộ đáng kể nữa, tôi nghĩ ông ấy sẽ bị lưỡng đảng chỉ trích gay gắt,” ông James Jay Carafano, Phó Chủ tịch Tổ chức Heritage nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, nói.
Tuy nhiên cũng có một số phân tích gia dự đoán rằng ông Trump không mấy bị tổn thất chính trị vì ông có thể chỉ tuyên bố một thắng lợi về chính sách ngoại giao.
“Chỉ cần ông Kim giả vờ giải giới hạt nhân và ông Trump giả vờ tin ông ta,” Phó giáo sư môn khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, Vipin Narang, nhận định.
Tác giả của quyển “Chiến lược Hạt nhân trong thời hiện đại” nói với VOA rằng “Lợi thế của ông Trump là việc ông Kim tiếp tục bành trướng chương trình hạt nhân chủ yếu một cách âm thầm, hay quá lắm là chỉ xuất hiện trên trang 10 của báo chí địa phương tại Mỹ.”
Giáo sư Peter Kuznick, Giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Hoa Kỳ, cho rằng “Miễn là căng thẳng không tái bùng phát trên bán đảo Triều Tiên, đa số người Mỹ hài lòng với hiện trạng và xúc tiến trên những vấn đề khác.”
Nếu ông Trump có thể duy trì sự ‘quan tâm’ của lãnh đạo Triều Tiên, các nỗ lực ngoại giao tiếp diễn với chế tài được giữ nguyên, và Bình Nhưỡng tiếp tục ‘gác kiếm’ trong các cuộc thử hạt nhân và phi đạn, thì ông “Trump có thể bỏ túi một chiến thắng về chính sách đối ngoại để bước vào cuộc tranh cử tiếp theo,” theo nhà nghiên cứu cao cấp Rebeccah Heinrichs thuộc Viện nghiên cứu Hudson.
Giữ nguyên trạng thêm ít nhất một năm nữa, Tổng thống Trump có thể yêu cầu các ủng hộ viên tiếp tục sát cánh với ông để ông làm nốt công việc còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai,” ông Heinrichs nói với VOA.
Cũng có mối lo rằng ông Trump có thể sẽ lấy sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở vùng Viễn Đông đem ra đánh đổi sự nhượng bộ của ông Kim về võ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo xuyên lục địa. Động thái này vừa đặt các đồng minh Mỹ vào thế báo động, vừa có thể dẫn tới những chỉ trích chính trị gay gắt từ cả hai đảng trên chính trường nội địa.
Giới chuyên gia cho rằng các bước phi hạt nhân hóa cụ thể không có nghĩa là từ bỏ những thứ mà Bình Nhưỡng không cần nữa, mà phải nói đến những chương trình quan trọng, cho dù chỉ là những bước nhỏ. Nếu Mỹ nhượng bộ trước mà không đạt được sự nhượng bộ tương ứng thỏa đáng từ đối phương, như đã từng xảy ra trong thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tại Singapore, thì Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng đánh mất đòn bẩy thương lượng để cho Bình Nhưỡng dẫn dắt toàn bộ quá trình.
Một vấn đề chưa giải quyết là đôi bên chưa nhất trí định nghĩa về phi hạt nhân hóa.
Phía Mỹ khăng khăng đòi Triều Tiên bỏ kho võ khí hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng được, và không thể đảo ngược.
Phía Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa phải bao gồm việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ và các tài sản chiến lược ra khỏi khu vực.
Một giới chức cao cấp của Mỹ cho biết đoàn đàm phán Mỹ mưu tìm sự đồng cảm chung về ý nghĩa của từ ‘giải giới hạt nhân’ trong khi chưa rõ ông Kim có quyết định phi hạt nhân hóa hoàn toàn hay không.
Đáp câu hỏi rằng phía Triều Tiên có bao giờ yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên để đổi lấy một hiệp ước hòa bình hay không, giới chức này nói “Tôi chưa từng thảo luận chuyện này trong bất kỳ vòng đàm phán nào với họ.”
Một khả năng khác là thượng đỉnh lần này có thể xoay hướng khỏi điểm nhấn phi hạt nhân hóa. Có đồn đoán cho rằng hai lãnh đạo có thể sẽ loan báo trao đổi giới chức liên lạc, với các đại sứ hiện diện ở thủ đô của đôi bên.
Ông Trump từng ra dấu cho thấy sẽ còn các cuộc gặp ngoại giao tay đôi nữa với ông Kim.
“Tôi không nghĩ đây là cuộc gặp cuối cùng,” ông Trump nói với báo giới tại Phòng Bầu dục hôm thứ tư tuần trước.
Một kết quả như mơ đối với Tổng thống Trump là Giải Nobel Hòa bình mà ông nói Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đề cử ông.
“Dù ý nghĩ rằng ông Trump trở thành Khôi nguyên Nobel Hòa bình nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng ông ấy rất mong muốn được như thế, và trong quá khứ đã có một vài Khôi nguyên Hòa bình rất ngớ ngẩn, kể cả gần đây,” Giáo sư Peter Kuznick, Giám đốc Viện nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Hoa Kỳ, nói. “Cho nên, để xem ông Trump có lôi được con thỏ ra từ cái nón hay từ nơi nào đó và gây ngạc nhiên thế giới hay không.”
Mỹ tăng cường sức ép lên chính phủ Venezuela
Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt mới nhắm vào chính phủ Venezuela hôm 25/2 và kêu gọi các nước đồng minh đóng băng tài sản của tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA sau khi bạo lực chết người chặn đứng hàng viện trợ vào lãnh thổ Venezuela vào cuối tuần qua.
Hoa Kỳ cũng đưa chiến dịch gây sức ép của họ lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đề nghị tình hình Venezuela phải được đưa ra thảo luận, các nhà ngoại giao cho biết.
Các lệnh trừng phạt mới của Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào bốn thống đốc tiểu bang của Venezuela vốn là đồng minh của chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, người đang gặp khó khăn tứ bề, và phong tỏa tất cả các tài sản mà họ nắm giữ ở Mỹ.
Các lệnh trừng phạt được công bố ở Bogota khi phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido gặp các thành viên của Nhóm Lima bao gồm các quốc gia châu Mỹ quyết tâm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Ông Pence nói rằng Hoa Kỳ sẽ đứng bên cạnh ông Guaido cho đến khi tự do được khôi phục ở quốc gia giàu dầu mỏ này. Ông cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Nhóm Lima lập tức đóng băng tài sản của PDVSA và chuyển giao quyền sở hữu các tài sản của Venezuela ở các quốc gia của họ từ những ‘tay sai’ của ông Maduro sang chính quyền đang chờ đợi của ông Guaido.
Ông Pence cũng hứa hẹn sắp có thêm các biện pháp cứng rắn hơn nữa.
“Vào những ngày sắp tới… Hoa Kỳ sẽ thông báo những lệnh trừng phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn nữa vào hệ thống tài chính suy đồi của chế độ,” ông Pence nói. “Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả quý vị để tìm kiếm những đồng đô la cuối cùng mà họ cướp đoạt và tìm cách trao trả chúng về Venezuela.”
Ông Guaido, ngồi sát ông Pence trong cuộc gặp, đã yêu cầu một phút mặc niệm cho những người bị sát hại trong sự kiện mà ông gọi là ‘thảm sát’ cuối tuần qua.
Ít nhất có ba người bị thiệt mạng và gần 300 người bị thương trong các cuộc biểu tình và đụng độ hôm 23/2 trong khi đoàn xe cứu trợ do Mỹ hậu thuẫn tìm cách vào lãnh thổ Venezuela để phân phát thực phẩm và thuốc men.
Ông Guaido, người được hầu hết các quốc gia phương Tây công nhận là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, đã kêu gọi khối xem xét ‘mọi lựa chọn’ trong việc lật đổ ông Maduro.
Không giống như Nhóm Lima mà Hoa Kỳ không phải là một thành viên, chính quyền Trump cho đến nay đã từ chối loại trừ sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Peru, Hugo de Zela Martinez, bác bỏ có sự chia rẽ trong nhóm về việc sử dụng vũ lực.
Ông Pence cũng kêu gọi Mexico và Uruguay, hai chính phủ thiên tả trong khu vực, hòa cùng hầu hết các quốc gia khác trong vùng để công nhân ông Guaido là Tổng thống hợp pháp của Venezuela.
Washington muốn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chính thức kêu gọi bầu cử Tổng thống lại ở Venezuela một cách tự do, công bằng và đáng tin cậy với sự tham gia của các giám sát viên quốc tế.
Nga, cùng với Trung Quốc là những nước có đầu tư lớn trong ngành năng lượng của Venezuela, đã đề trình một dự thảo nghị quyết đối chọi.
Bạo lực đã leo thang vào cuối tuần qua khi đoàn xe tải chở thực phẩm và thuốc men bị các binh sỹ và các nhóm vũ trang trung thành với ông Maduro chặn lại. Ông Maduro nói rằng các nỗ lực viện trợ nằm trong kế hoạch đảo chính được dàn dựng nhắm vào chính phủ của ông.
Ở thị trấn San Antonio gần biên giới giữa Venezuela với Colombia, người dân ở đây hôm 25/2 đã xung đột đòi mở cửa biên giới mà chính phủ ông Maduro ra lệnh đóng cửa hồi tuần trước.
“Chúng tôi đã đói trước khi biên giới bị đóng cửa. Giờ đây mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn,” cô Belkis Garcia, 34 tuổi, người đi cùng chồng dọc theo con đường mòn dẫn đến Colombia, nói. “Chúng tôi phải trả tiền mãi lộ để băng qua biên giới, do đó số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ mua phân nửa lượng thực phẩm là không đủ. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu biên giới tiếp tục đóng cửa.”
Bốn người thiệt mạng, 58 người bị thương vì trúng đạn và ít nhất 32 người bị bắt giữ trong các cuộc bạo loạn từ ngày 22/2, tổ chức nhân quyền địa phương Penal Forum cho biết trong một cuộc họp báo.
Lo âu, hy vọng ở Venezuela
Sau một ngày cuối tuần đầy bạo lực, đây là thời gian để suy ngẫm. Và đưa ra kế hoạch B.
Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?
Venezuela: Đụng độ nổ ra khi Maduro chặn viện trợ
Chính quyền Donald Trump đã ủng hộ ông Juan Guaidó rất nhiều từ khi ông tuyên bố là tổng thống lâm thời từ tháng trước.
Sau sự kiện hôm thứ Bảy, Guaidó cho biết ông đã quyết định chính thức yêu cầu cộng đồng quốc tế cân nhắc tất cả các lựa chọn.
Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã chia sẻ trên tài khoản Twitter rằng Mỹ sẽ có “hành động chống lại những người phản đối sự khôi phục hòa bình của nền dân chủ Venezuela”.
Gia đình bị chia cắt
Keddy Moreno hiện đang sống ở Petare – khu ổ chuột lớn nhất Venezuela, gần thủ đô Caracas. Keddy đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc can thiệp quân sự, hay bất cứ điều gì có thể kết thúc những khó khăn mà bà đang phải trải qua hằng ngày.
Hai năm trước, con gái của bà đã rời Venezuela đi tìm việc ở Peru, chỉ sau khi làm mẹ được bốn tháng. Keddy bây giờ phải nuôi cháu ngoại một mình.
“Sự kiện cuối tuần vừa qua thật là bất công”, Keddy nói về việc chính phủ ngăn viện trợ đến nước này.
“Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, sự kiện này cho chúng tôi thấy mọi thứ có thể thay đổi”, Keddy nói thêm.
Keddy tin rằng Juan Guaidó là sự lựa chọn tốt nhất để đưa Venezuela tiến lên phía trước.
“Nếu ông ấy xuất hiện sớm hơn thì mọi thứ đã có thể thay đổi sớm hơn.”
Can thiệp quân sự – tốt hay xấu?
Cách không xa Petare, tại một khu ngoại ô giàu có ở thành phố Caracas, các gia đình đang tận hưởng những ngày cuối tuần đầy nắng trên đường vành đai Cota Mil nằm dọc theo phía Bắc thủ đô, dưới ngọn núi Avila nhìn ra đô thị.
Renni Pavolini, một kỹ sư dầu khí, đang tản bộ cùng chú chó của mình. Theo Renni, Venezuela cần sự can thiệp của Mỹ để có thể phế bỏ Tổng thống Maduro, bất chấp nhiều người lo ngại rằng điều đó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
“Mỹ luôn luôn can thiệp”, Renni nói khi đưa ra ví dụ về sự can thiệp của Mỹ đối với Việt Nam, Iraq và Cuba trong quá khứ.
“Nhưng nếu sự can thiệp của họ sẽ mang đến sự thay đổi lớn cho đất nước, tôi nghĩ đó là điều tốt.”
Theo bà Margarita Lopez Maya, giáo sư một trường Đại học ở Caracas, dù tốt hay xấu thì Venezuela cũng không còn nhiều sự lựa chọn.
“Venezuela vẫn sẽ tiếp tục đặt cược để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này trong hòa bình, nhưng bản chất của chính quyền Maduro khiến điều này trở nên khó khăn,” bà Margarita nói.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chính quyền không hề quan tâm đến người dân Venezuela. Họ coi nhẹ sự tàn ác hay đàn áp đối với người dân. Họ không có bất kỳ sự lưỡng lự nào. Nếu cần giết, họ sẽ giết. Nếu cần bỏ đói, họ sẽ bỏ đói,” bà Margarita nói thêm.
Nỗi sợ can thiệp quân sự
Nhưng người dân ở cả hai phía của cuộc tranh luận chính trị đều sợ can thiệp quân sự.
“Tôi nghĩ rằng nó sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng vốn đã không lành lặn, sẽ tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế, sẽ hoài nghi về tính hợp pháp của chính quyền mới, và sẽ tạo ra tiền lệ khủng khiếp cho khu vực”, ông Benjamin Gedan, thuộc Trung tâm Wilson ở Washington nói.
“Can thiệp quân sự sẽ mang đến những rủi ro lớn và không cần thiết.”
Thay vào đó, ông Gedan kêu gọi sự kiên nhẫn. Theo ông Gedan, các biện pháp trừng phạt đối với công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA sẽ có hiệu lực vào thời gian tới và sẽ gây thêm áp lực lên chính phủ.
Một khi tiền hết, thì sự trung thành cũng sẽ biến mất.
Hòa bình?
Hiện ông Maduro vẫn chưa bỏ cuộc. Ở trung tâm thủ đô Caracas vào cuối tuần này, chính phủ Venezuela sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc nhân danh hòa bình. Thông qua các nghệ sĩ, chính quyền Venezuela muốn đưa ra thông điệp rằng họ không cần sự can thiệp của các nước khác trong việc khôi phục Venezuela.
“Điều chúng tôi muốn đó là cả thế giới sẽ chuyền lời đến Donald Trump, đến Mỹ, và các quốc gia muốn Venezuela bị chết ngẹn rằng chúng tôi là một nước tự do,” Ezequiel Suarez, một người có mặt ở đám đông nói.
“Chúng tôi có thể tự quyết định tương lai mà chúng tôi xứng đáng có và muốn xây dựng.”
Ở một tòa nhà gần đó, có một tấm áp phích khổng lồ in hình khuôn mặt Nicolás Maduro nhìn ra buổi hòa nhạc.
Trên tấm áp phích còn có dòng chữ “Tương lai thuộc về chúng tôi”.
Nhưng liệu điều đó sẽ còn trong bao lâu?
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47371341
Venezuela trục xuất nhà báo vì video trẻ em ‘ăn rác’?
Kênh truyền hình Univision của Mỹ hôm 25/2 cho biết rằng Venezuela sắp trục xuất một nhóm phóng viên của đài này, trong đó có người dẫn chương trình Jorge Ramos, sau khi họ bị bắt giữ ở dinh tổng thống vì các câu hỏi khiến Tổng thống Nicolas Maduro tức giận.
Nhóm phóng viên gồm 6 người đã bị giữ hơn hai giờ đồng hồ sau khi ông Maduro nói rằng ông không thích các câu hỏi của họ, Reuters dẫn lời ông Ramos cho biết sau khi ông được đưa trở lại khách sạn ở Caracas.
Ông Ramos, một người dẫn chương trình kỳ cựu sinh ra ở Mexico, cho biết đã hỏi ông Maduro về sự thiếu hụt dân chủ ở Venezuela, việc tra tấn các tù nhân chính trị và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này.
XEM THÊM:
TT Venezuela lại cảnh báo Mỹ về ‘Việt Nam mới’
Ông Maduro đã ngưng cuộc phỏng vấn sau khi được cho xem một đoạn video chiếu cảnh trẻ em kiếm đồ ăn từ một chiếc xe tải chở rác.
Ông Ramos cho biết thêm rằng trang thiết bị của nhóm đã bị thu giữ và họ sẽ bị trục xuất vào ngày 26/2.
Chính phủ theo đường lối xã hội chủ nghĩa của Venezuela lâu nay có mối quan hệ căng thẳng với báo chí phương Tây mà Caracas coi là thù nghịch.
Theo Reuters, tháng trước, ít nhất 7 phóng viên nước ngoài đã bị bắt ở Venezuela khi tới nước này đưa tin về cuộc khủng hoảng chính trị.
Venezuela: Nhóm Lima gạt bỏ giải pháp quân sự
Nhóm Lima họp tại Bogota, vào ngày 25/02/2019, một lần nữa kêu gọi tổng thống Venezuela Nicolas Maduro rời bỏ chính quyền nhưng gạt bỏ giải pháp dùng võ lực để ép buộc ông ra đi.
Trong thông cáo chung, nhóm 14 quốc gia tuyên bố ủng hộ một tiến trình chuyển tiếp dân chủ, « không sử dụng vũ lực », nhưng đồng thời cảnh báo cho Tòa Án Quốc Tế biết về tình hình nghiêm trọng ở Venezuela.
Thông tín viên RFI, Marie Eve Detoeuf tường thuật từ Bogota :
« Dứt khoát không sử dụng sức mạnh đối với Nicolas Maduro. Kết cục cho khủng hoảng Venezuela phải là giải pháp hòa bình. Thứ trưởng Ngoại Giao Peru, Hugo de Zela Martinez, đã tuyên bố thẳng thừng như trên. Ngay hôm Chủ Nhật, Chilê và Brazil cũng đã phát biểu theo hướng này.
Những tin đồn can thiệp quân sự vào Venezuela đã âm ỉ trong suốt 48 tiếng đồng hồ vừa qua sau những tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence và tổng thống tự phong Juan Guaido, đã tham dự cuộc họp và cho biết sẽ yêu cầu cộng đồng quốc tế xem xét tất cả những phương án. Ông Julio Borges, nghị sĩ Venezuela lưu vong, còn khẳng định hôm 25/02 là ông Guaido sẽ yêu cầu quốc tế sử dụng vũ lực.
Phó tổng thống Mỹ đã chuyển một « thông điệp rõ ràng của tổng thống Trump » cho ông Guaido, đó là sát cánh với ông 100%. Ông Pence nói thêm: Chúng ta hy vọng một sự chuyển tiếp hòa bình một cách dân chủ. Nhưng tổng thống Trump nói rõ, tất cả các phương án đều được đặt trên bàn.
Ông Guaido đã rời Venezuela từ hôm thứ Sáu, chưa nói rõ có trở về nước hay không. Ngoại trưởng Colombia lên tiếng cảnh cáo chính quyền Maduro là không nên gây hại cho cá nhân ông Guaido, nếu không muốn buộc Nhóm Lima hành động ».
Châu Âu không tán đồng can thiệp quân sự
Vào ngày 25/02, châu Âu lên tiếng yêu cầu các nước tránh « can thiệp quân sự » vào Venezuela. Bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên của lãnh đao ngoại giao châu Âu Federica Mogherini, cho biết thêm là Liên Hiệp Châu Âu đã liên hệ với các bên liên can.
Hoa Kỳ yêu cầu một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An
Trả lời AFP, một nhà ngoại giao Mỹ xin giấu tên cho biết là Washington đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp vào ngày 26/02 để bàn về tình hình Venezuela. Cuộc họp trước của Hội Đồng Bảo An về Venezuela là vào ngày 27/01/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190226-venezuela-nhom-lima-gat-bo-giai-phap-quan-su
Truyền hình Nga công bố các mục tiêu hạt nhân ở Mỹ
Truyền hình nhà nước Nga đã cho phát sóng danh sách các cơ sở quân sự Mỹ mà Moscow tuyên bố sẽ trở thành mục tiêu trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến hạt nhân.
Một trong các mục tiêu được nêu lên gồm Lầu Năm Góc và khu nghỉ dưỡng Camp David của tổng thống ở Maryland.
Theo Reuters, truyền hình Nga còn nói thêm rằng một quả tên lửa siêu thanh mà Nga đang phát triển có thể đánh trúng những nơi này trong vòng chưa đầy 5 phút nếu được bắn đi từ tàu ngầm của Nga.
Putin tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc ‘khủng hoảng tên lửa Cuba’ nữa nếu Mỹ muốn
Chương trình trên được phát sóng hôm 24/2, vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng về mặt quân sự cho một cuộc khủng hoảng tên lửa giống như từng xảy ra giữa Mỹ với Cuba nếu Washington muốn vậy.
Người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov, một người thân cận với Kremlin, nói rằng các mục tiêu khác còn có trung tâm chỉ huy quân sự của Mỹ ở tiểu bang California và Washington.
Anh Quốc sẵn sàng hoãn thời hạn Brexit ?
Ngày 26/02/2019, ba thành viên chính phủ Anh dọa từ chức nếu thủ tướng Theresa May không lùi thời hạn Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 29/03 để tránh kịch bản « Brexit hard » (không có thỏa thuận).
Một ngày trước, Công Đảng Anh tuyên bố ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit để tránh một thỏa thuận « phá hoại ». Đây là quyết định đầy ý nghĩa vì cho đến nay, Công Đảng luôn tỏ ra do dự trong việc tổ chức trưng cầu dân ý lần hai.
Thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :
« Cách đây vài tháng, ông Jeremy Corbyn, người đứng đầu Công Đảng, vẫn còn cẩn thận tránh công khai ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý thứ hai chừng nào Công Đảng và cử tri của đảng vẫn bị chia rẽ vì Brexit. Vậy mà vào tuần trước, một loạt nghị sĩ Công Đảng ủng hộ châu Âu đã quyết định rời khỏi đảng, do tác phong của ông Jeremy Corbyn cũng như việc ông từ chối thực hiện lời hứa của Công Đảng ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit.
Các vụ bỏ đảng được đưa tin rộng rãi trên truyền thông, cũng như áp lực của đông đảo cảm tình viên trẻ Công Đảng, cho dù theo ông Corbyn nhưng lại mạnh mẽ ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thái độ muộn màng này.
Việc nội bộ ban lãnh đạo Công Đảng thay đổi thái độ không phải là tin vui cho thủ tướng Theresa May. Thực vậy, các nghị sĩ trước đây có thể sẽ phải bỏ phiếu bản thỏa thuận sửa đổi của bà May để tránh Brexit không có thỏa thuận – mà theo họ sẽ gây tình trạng hỗn loạn – nay có thể sẽ bị thuyết phục về khả năng tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai.
Ngoài ra, thủ tướng Anh hiện còn chịu sức ép dữ dội để lùi lại thời hạn Brexit, theo dự kiến ban đầu là vào ngày 29/03, vừa từ phía lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, vừa từ chính các bộ trưởng trong nội các của bà.
Hiện tại, bà Theresa May tiếp tục công khai bác bỏ viễn cảnh này nhưng có thể sẽ phải thuận theo ý kiến của các nghị sĩ trong loạt bỏ phiếu vào tuần này để lùi tiến trình Brexit ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190226-anh-quoc-san-sang-hoan-thoi-han-brexit
Tây Ban Nha : Bảo tàng Prado tròn 200 tuổi
Được trùng tu vào năm 2007, Bảo tàng Prado hiện sở hữu 35.000 tác phẩm, hàng năm thu hút 3 triệu lượt kháchREUTERS /Andrea Comas
Năm 2019 đánh dấu 200 năm ngày thành lập Bảo tàng Prado ở thủ đô Madrid. Kể từ ngày khai trương vào năm 1819, nhờ vào bộ sưu tập nghệ thuật cũng như nguồn tài trợ của hoàng gia Tây Ban Nha, Prado nay đã trở thành một trong những viện bảo tàng có uy tín hàng đầu thế giới, với hơn 35.000 tác phẩm đủ loại và ba triệu lượt khách hàng năm.
Kể từ đầu năm nay cho tới ngày 03/10/2019, Bảo tàng Prado tổ chức một cuộc triển lãm lớn dàn trải trên 8 không gian trưng bày, để giới thiệu với khách tham quan lịch sử hình thành của định chế này, đồng thời cho thấy tầm ảnh hưởng của Viện bảo tàng quốc gia Tây Ban Nha đối với giới nghệ sĩ có tên tuổi từ giữa thế kỷ XIX trở đi.
“Goya toàn tập” nổi bật trong chương trình triển lãm
Cuộc triển lãm với nhan đề ‘‘Prado 1818-2019’’ bao gồm tổng cộng 168 tác phẩm gốc, trong đó có 134 tác phẩm đến từ bộ sưu tập ‘‘thường trực’’ của Bảo tàng Prado, riêng 34 tác phẩm còn lại được mượn từ các viện bảo tàng và phòng triển lãm của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga hay Hungary. Một cách để cho thấy là trong vòng hai thế kỷ, Bảo tàng Prado đã gợi hứng cho rất
nhiều nghệ sĩ quốc tế, mở ra cuộc đối thoại giữa các danh họa thời xưa với các tên tuổi thời nay.
Có lẽ cũng vì thế mà khách xem triển lãm được dịp nhìn thấy các tác phẩm của các danh họa lừng danh thế giới như Renoir, Manet, Sargent được trưng bày chung với các nghệ sĩ đương đại như Arikha ou Pollock. Về phía các nghệ sĩ Tây Ban Nha, các thiên tài Picasso hay Dali được đối chiếu với các bậc thầy là Velázquez, El Greco và nhất là Goya, rất nhiều tác phẩm của họa sĩ này nằm trong kho lưu trữ của Prado.
Ban đầu là bộ sưu tập tranh nghệ thuật của hoàng gia (Prado ban đầu mang tên là Bảo tàng Hoàng gia về hội họa “Museo Real de Pinturas”), các tác phẩm trưng bày tại bảo tàng này đã nhanh chóng trở thành niềm tự hào của cả một quốc gia (tiếng Tây Ban Nha là “Museo Nacional del Prado”).
Về điểm này, phải công nhận là Prado sở hữu một trong những bộ sưu tập tranh quý hiếm nhất thế giới, gồm các tác phẩm thuộc nhiều trường phái châu Âu, kể cả hội họa Hà Lan, Pháp, Ý, Đức và dĩ nhiên là Tây Ban Nha. Các tác phẩm này kể từ giữa thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XIX, từng được sưu tầm bởi các dòng dõi vua chúa thuộc hai triều đại Habsburg và Bourbon, thừa kế ngai vàng của vua Charles Quint (Carlos V sinh 1500 – mất 1558).
Lúc sinh tiền, Charles Quint từng được mệnh danh là ‘‘ông tổ’’ của vương quốc Tây Ban Nha, do ông là vị vua đầu tiên thống nhất hai vùng lãnh thổ Castilla và Aragón, để rồi cai trị Đế chế Tây Ban Nha từ năm 1516 trở đi. Ngoài Tây Ban Nha, đế chế này còn bao gồm cả các vùng miền ở Ý và Hà Lan, cho tới khi nhánh Tây Ban Nha của dòng họ Habsburg bị tuyệt tự.
Tranh Hà Lan thời hoàng kim, điểm mạnh của Prado
Yếu tố lịch sử này giải thích vì sao, bộ sưu tập ‘‘hoàng gia’’ của Bảo tàng Prado có khá nhiều bức tranh quý hiếm của các danh họa trường phái ‘‘sơ khai’’ vùng Flandres, chẳng hạn như Robert Campin, Rogier Van der Weyden, Dieric Bouts, Petrus Christus và nhất là bộ sưu tập của Hieronymus Bosch, trong đó có bức họa ‘‘tam liên’’ mang tựa đề The Garden of Early Delights (tạm dịch ‘‘Vườn trần lạc thú’’).
Hội họa vùng Flandres thời Phục Hưng (Brueghel the Elder) thời baroque (thế kỷ XVI), hay là trường phái hội họa Hà Lan (thế kỷ XVII) cũng ngoạn mục không kém với nhiều tác phẩm của Van Dyck, Rubens và nhất là của bậc thầy Rembrandt (1606-1669), được nhiều viện bảo tàng tổ chức lễ kỷ niệm trong năm 2019.
Với hơn 1.300 bức tranh và 3.000 bức vẽ, hầu hết là của các họa sĩ nổi tiếng, Viện bảo tàng Prado hiện lưu trữ bộ sưu tập tranh của vác bậc thầy Tây Ban Nha lớn nhất thế giới. Trong suốt năm 2019, sẽ có một loạt chương trình văn hóa để đề cao giá trị của bộ sưu tập. Các cuộc triển lãm đối chiếu tác phẩm điêu khắc của Giacometti với kiệt tác Anunciación (Thiên sứ truyền tin) của Fra Angelico, vừa được trùng tu. Các bậc thầy Tây Ban Nha trong đó có Velázquez và El Greco sẽ được trưng bày bên cạnh các danh họa như Rembrandt, Vermeer, Rubens, Van Dyck và nhiều tên tuổi khác của dòng hội họa Hà Lan thời hoàng kim.
Đối chiếu xưa và nay, Viện bảo tàng Prado sẽ khai trương một cuộc triển lãm đồ sộ về danh họa Goya vào ngày 19/11/2019, tức là đúng vào ngày mừng sinh nhật 200 tuổi. Triển lãm không chỉ đơn thuần trưng bày hơn 200 tác phẩm qua tất cả các thời kỳ sáng tác, mà còn cho thấy ảnh hưởng của Goya lên các nghệ sĩ sau này. Manet, Sargent hoặc Sorolla đã từng đến Prado để nghiên cứu tại chỗ và học cách vẽ tranh của các bậc thầy. Nhất là trong thể loại tranh chân dung vẽ theo yêu cầu của các ông vua bà chúa, một cách để thể hiện quyền thế của hoàng gia quý tộc thời bấy giờ.
Quan hệ gắn bó giữa Picasso với Prado
Lúc sinh tiền, Picasso từng được bổ nhiệm làm giám đốc ‘‘danh dự’’của Prado (năm 1936). Một trong những bức vẽ khỏa thân của ông thời ấy làm người xem liên tưởng tới bức tranh “La Maja Desnuda” của danh họa Goya.
Thời còn trẻ, Picasso cũng đã từng nghiên cứu những kỹ thuật của Velázquez trong cách vẽ chân dung nhà vua Felipe Đệ Tứ (Philip IV). Trong các gam màu lạnh, Picasso cũng từng gợi hứng rất nhiều từ cách dùng màu xanh của El Greco. Mối quan hệ mật thiết ấy được thể hiện sau đó qua bức kiệt tác Guernica, sinh thời Picasso không muốn thấy bức tranh này được trưng bày ở một nơi nào khác ngoài Bảo tàng Prado.
Qua các văn bản và tài liệu lưu trữ như các bộ ảnh chụp, các thước phim nhựa, Bảo tàng Prado cho thấy rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Picasso, Dali, Miró, Warhol đều đã từng đến Viện bảo tàng Prado để tìm tòi, nghiên cứu hay họ chỉ đơn thuần xem tranh thời xưa để đi tìm nguồn cảm hứng trong dư âm, tiếng vọng từ quá khứ tiềm tàng. Có lẽ vì thế mà cuộc triển lãm nhân sinh nhật 200 tuổi của Prado có thêm tiểu tựa ‘‘Un Lugar de Memoria’’ nơi cất giữ ký ức. Dĩ vãng huy hoàng tưởng chừng mãi ngủ yên nay lại được đánh thức.
http://vi.rfi.fr/van-hoa/20190226-tay-ban-nha-bao-tang-prado-tron-200-tuoi
Irak sẽ xét xử 13 nghi phạm
tham gia thánh chiến người Pháp
Nhận hay không nhận trở lại các công dân từng tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Trung Đông là một thách đố khó giải đối với chính quyền Pháp và nhiều quốc gia châu Âu. Irak vừa tránh cho nước Pháp bài toán hóc búa này. Tổng thống Irak trong chuyến công du Paris hôm 25/02/2019, khẳng định Bagdad sẽ xét xử các nghi phạm thánh chiến ngay trong nước.
Theo AFP, sau buổi hội kiến với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, trả lời báo giới nguyên thủ Irak Barham Saleh thông báo sẽ xét xử « 13 phần tử Daech », được lực lượng Ả Rập-Kurdistan (FSD) tại Syria trao trả, theo luật pháp của Irak. Cũng trong buổi họp báo nói trên, tổng thống Pháp nhấn mạnh là việc xét xử các công dân Pháp mà lực lượng FSD chuyển cho Irak là thuộc thẩm quyền quốc gia của Bagdad.
Theo chuyên gia về Irak, ông Hicham al-Hachemi, 13 người Pháp nói trên từng chiến đấu trong hàng ngũ Daech chống lại các lực lượng Irak, và việc dẫn độ sang Irak để xét xử là hoàn toàn hợp lý. Vào thời cao điểm, nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Irak từng bị « vương quốc » tự xưng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo xâm chiếm.
Lo ngại của giới bảo vệ nhân quyền
Tuy nhiên, giới bảo vệ nhân quyền có nhiều lo ngại về việc xét xử các nghi phạm thánh chiến tại Irak. Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW đòi hỏi minh bạch trong việc xét xử và chống lại việc lạm dụng đối với các nghi phạm bị giam giữ trong các nhà tù ở Irak.
Ông Nadim Houry, một chuyên gia về khủng bố, tỏ ra rất nghi ngờ về quá trình dẫn độ, giam giữ cũng như xét xử các nghi phạm. Theo ông, trong các vụ xét xử tại Irak, các thủ tục tố tụng thường xuyên bị vi phạm, và các phiên tòa nhìn chung không cho phép lập lại công lý đối với các nạn nhân, cũng như cho biết rõ ràng hơn về các tội ác đã xảy ra.
Vị chuyên gia nói trên cho rằng có rất nhiều khả năng là nhiều nước phương Tây muốn nhờ cậy chính quyền một nước khác để « trút bỏ cái gánh nặng » của việc xét xử các nghi phạm thánh chiến, không cần quan tâm đến thực chất diễn biến của các vụ xét xử.
Theo AFP, cho đến nay, tư pháp Irak đã xét xử hàng trăm nghi phạm tham gia thánh chiến, trong đó có ba công dân Pháp bị kết án tù chung thân. Khoảng 100 chiến binh thánh chiến nước ngoài thậm chí bị kết án tử hình.
http://vi.rfi.fr/phap/20190226-irak-se-xet-xu-13-nghi-pham-tham-gia-thanh-chien-nguoi-phap
Ngoại trưởng Iran bất ngờ thông báo từ chức
Tối 25/02/2019, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo đã đệ đơn từ chức lên tổng thống Hassan Rohani. Việc từ chức này còn phải chờ được tổng thống chấp thuận. Đây là một cú sốc thật sự ở Iran vì ông Zarif là nhân vật đã góp phần đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với quốc tế năm 2015.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :
« Hãng tin chính thức Iran IRNA đã xác nhận thông tin này, trích dẫn một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao. Được loan báo trên mạng Instagram rất trễ vào tối qua, việc từ chức của ông Mohammad Javad Zarif là một cú sốc thật sự.
Là người đã giúp đạt được thỏa thuận hạt nhân với quốc tế, trong những tháng gần đây, ông đã bị chỉ trích do Iran không được hưởng bất cứ lợi ích kinh tế nào sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái lập các biện pháp trừng phạt Teheran.
Bất chấp những chỉ trích, ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã bảo vệ thỏa thuận và chủ trương duy trì quan hệ với các nước châu Âu. Nhưng chính phủ Teheran và ông Zarif gần đây thông báo các biện pháp của châu Âu nhằm tạo một kênh tài chính cho Iran đã không đạt kết quả mong muốn.
Trong những tuần qua, ông Zarif cũng đã cố thuyết phục hội đồng lợi ích, một cơ chế cao cấp giải quyết các tranh chấp chính trị, rằng Iran nên tham gia các hiệp định quốc tế chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Nhưng sau nhiều cuộc họp, các thành viên của hội đồng có vẻ không được thuyết phục lắm.
Nói chung, việc lãnh đạo ngoại giao Iran từ chức, ngay đúng ngày tổng thống Syria Bachar Al Assad bất ngờ viếng thăm Teheran, là một cú sốc thật sự tại nước này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190226-ngoai-truong-iran-bat-ngo-thong-bao-tu-chuc
Quan chức Đài Bắc: Bắc Kinh sẽ tăng áp lực
quân sự, ngoại giao lên Đài Loan
Bắc Kinh sẽ tăng áp lực quân sự, ngoại giao và các loại áp lực khác đối với Đài Loan để thực hiện yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng Một, rằng hai bên cần thống nhất, một nhà hoạch định chính sách đối với Trung Quốc tại Đài Bắc nói với VOA hôm thứ Hai (25/2).
“Chúng tôi tin rằng họ sẽ đẩy mạnh các biện pháp nhằm tạo ra kết nối và [từng bước] thống nhất Đài Loan”, ông Chiu Chui-cheng, Phó Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan (TMAC) nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng có lẽ các mối đe dọa quân sự, áp lực ngoại giao và thâu tóm kinh tế, cũng như áp lực xâm nhập và chia rẽ toàn bộ xã hội Đài Loan, sẽ dần được họ đẩy mạnh hơn hơn từng chút một”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, nhưng liên tục nhiều thập kỷ qua hòn đảo này tồn tại ở trạng thái tự trị và 83% người Đài Loan muốn duy trì điều này, theo số liệu thống kê của TMAC.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 đã thực hiện chủ trương “giữ nguyên hiện trạng” đôi bờ eo biển. Chính quyền Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng cách cắt đứt đối thoại, làm náo loạn không phận Đài Loan cũng như thực hiện nhiều cuộc tập trận gần hòn đảo này. Một năm trước, Bắc Kinh đã đưa ra 31 ưu đãi để thu hút người dân Đài Loan làm việc, học tập và đầu tư tại Trung Quốc.
Đài Loan khác gì Trung Quốc
Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp vào ngày 2/1 ông Tập nói rằng hai bên eo bờ Đài Loan nên theo đuổi mô hình “một nhà nước hai chế độ”, mô hình mà Bắc Kinh đã áp dụng đối với Hồng Kông bắt đầu năm 1997, khi tiếp nhận hòn đảo này từ Anh. Bên cạnh đó, chủ tịch Trung Quốc cũng “úp mở” rằng Bắc Kinh không loại trừ việc sử dụng vũ lực, nếu cần, để thống nhất Đài Loan.
“Bên cạnh sức mạnh cứng như ngoại giao, quân sự và kinh tế, nó [chính quyền Trung Quốc] sẽ cho thâm nhập nhiều hơn và gây ra sự chia rẽ nhiều hơn [trong xã hội Đài Loan] thông qua các cơ quan tình báo [ở hải ngoại]”, ông Chiu Chui-cheng nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA. “Các đặc vụ sẽ trà trộn vào các hãng truyền thông, các đảng phái chính trị, các trường đại học và các tổ chức dân sự để tìm những người ủng hộ Bắc Kinh và sau đó sẽ chia rẽ sự thống nhất [trong cộng đồng người dân] Đài Loan”.
Đảng Quốc gia, một đảng chính trị đối lập với chính phủ của bà Thái, nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng, họ đã khai trương “một trung tâm đối thoại giữa các thành phố xuyên eo biển” cho các thị trưởng và thẩm phán của Đài Loan muốn quan hệ với Trung Quốc – vì các cuộc đối thoại giữa chính phủ Đài Loan và chính quyền Trung Quốc đại lục đang trong tình trạng trì trệ.
Chia rẽ sâu sắc
Trung Quốc và Đài Loan đã đi trên hai con đường khác nhau kể từ năm 1949, năm mà những người theo chủ nghĩa dân tộc thua trong cuộc nội chiến phải chạy ra Đài Loan.
Dưới thời cựu Tổng thống Mã Anh Cửu, từ năm 2008 đến năm 2016, là giai đoạn mà Bắc Kinh và Đài Bắc có quan hệ nồng ấm, nhưng cuối cùng ông Mã bị người dân Đài Loan phản đối vì họ cảm thấy chính phủ của mình quá thân thiết với Bắc Kinh. Sau đó người dân Đài Loan đã bầu cho bà Thái Anh Văn, một người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, làm tổng thống.
Ít nhất 10 cuộc tập trận quân sự của quân đội Trung Quốc gần eo biển Đài Loan đã được ghi nhận từ năm 2015 đến cuối năm 2017. Bắc Kinh đã từng 4 lần điều tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi bà Thái đắc cử cho tới nay. Cũng kể từ khi bà Thái lên nắm quyền, Trung Quốc đã thuyết phục 5 quốc gia từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay.
Mặc dù đảng Dân Tiến của bà Thái đã thua trong cuộc bầu cử các chức danh địa phương ở Đài Loan hồi tháng 11/2018, tuy nhiên bà vẫn đủ điều kiện để tái tranh cử chức tổng thống vào năm 2020, và có khả năng sẽ chiến thắng một ứng cử viên của phe đối lập vốn cổ súy cho mối quan hệ với Bắc Kinh.
Biểu ngữ “Một quốc gia, hai chế độ, một Trung Quốc thống nhất” được nhìn thấy qua ống nhòm của một khách du lịch từ một pháo đài quân sự cũ ở Đài Loan. (Ảnh: Reuters)
Sự giúp đỡ từ Washington
Đài Loan sẽ tìm đến Hoa Kỳ để được giúp đỡ trong việc đứng lên chống lại Trung Quốc, ông Chiu Chui-cheng nói.
Dưới thời Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc trở nên chặt chẽ hơn, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời thường xuyên cử tàu hải quân đi ngang hoặc tới thăm hòn đảo này, đồng thời khuyến khích các chuyến thăm qua lại giữa các quan chức Mỹ-Đài. Nhà Trắng năm ngoái đã lên án các quốc gia từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để chuyển sang “làm bạn” với Bắc Kinh, cũng như lên án việc chính quyền Trung Quốc gây sức ép với các hãng hàng không quốc tế phải xóa tên Đài Loan khỏi các tài liệu của họ.
Theo VOA, Washington coi Đài Loan là một trong số các đồng minh ở Đông Á tạo thành một vành đai chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
“Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Hoa Kỳ là một chỗ dựa đáng tin cậy để chúng tôi đối mặt với những thách thức này”, ông Chi Chiu nói. “Hoa Kỳ giúp đỡ Đài Loan là ủng hộ cho dân chủ và hỗ trợ cho các giá trị phổ quát mà chúng tôi theo đuổi. Vì vậy, điều này [việc ủng hộ Đài Loan] cũng cực kỳ quan trọng đối với những người ở vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ”.
Quan điểm của người dân
Nhiều người ở Đài Loan hi vọng hòn đảo có thể dựa vào Washington nhiều hơn, mặc dù họ đang bị chia rẽ bởi những lời đề nghị hấp dẫn từ phía Trung Quốc, như tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân Đài Loan dễ dàng tiếp cận thị trường khổng lồ để đầu tư và làm việc, VOA dẫn lời các học giả cho biết.
“Xã hội Đài Loan có thể chọn hai con đường”, Andy Chang, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tam Khang, Đài Loan, nói. “Một con đường ủng hộ Trung Quốc, và con đường còn lại là ủng hộ Hoa Kỳ”. [Chính phủ Đài Loan hiện tại] chắc chắn hi vọng người dân Đài Loan chọn con đường Hoa Kỳ, hướng tới cộng đồng quốc tế, chứ không phải con đường Trung Quốc, con đường thị trường”.
Đằng sau việc quân đội TQ giảm tập trận chung
Các nhà phân tích quân sự cho biết Bắc Kinh hiện vẫn muốn tăng cường ngoại giao quốc phòng như một công cụ để nắm bắt những thông tin tình báo, còn quân đội Trung Quốc (PLA) đang tập trung vào việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh cạnh tranh quân sự chiến lược với Mỹ ngày càng gia tăng.
Các nhà phân tích quân sự cho biết Bắc Kinh hiện vẫn muốn tăng cường ngoại giao quốc phòng như một công cụ để nắm bắt những thông tin tình báo, còn quân đội Trung Quốc (PLA) đang tập trung vào việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh cạnh tranh quân sự chiến lược với Mỹ ngày càng gia tăng.
Theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Đại học quốc phòng Mỹ, quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành diễn tập song phương lần đầu tiên vào năm 2002, sau đó tham gia khoảng 130 cuộc tập trận chung trong trong giai đoạn 2003 – 2014.
Con số tăng đáng kể trong năm 2015 và 2016, khi quân đội Trung Quốc lần lượt tham gia 102 và 124 cuộc tập trận chung với lực lượng quân sự của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, đến năm 2017, Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể các hoạt động diễn tập chung. PLA chỉ tham gia 24 cuộc diễn tập chung và con số này tiếp tục giảm trong năm 2018, chỉ còn 17 cuộc. Các chuyên gia quốc phòng nhận định rằng, dù tham gia ít các cuộc tập trận chung, Trung Quốc vẫn coi những hoạt động này là thông điệp gửi tới Mỹ rằng họ đang có nhiều đồng minh.
Theo chuyên gia an ninh quốc phòng Collin Koh tại Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, Bắc Kinh hiện vẫn đang tìm cách sử dụng ngoại giao quốc phòng để “lượm lặt” những thông tin tình báo có giá trị, đặc biệt từ đối thủ hùng mạnh như Mỹ.
Ông Koh cũng cho biết: “Trước đây, PLA thường cử lực lượng hùng hậu với những đơn vị thiện chiến nhất để tham gia các cuộc tập trận chung với nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh và gửi thông điệp răn đe tới Mỹ. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong các cuộc tập trận chung vào năm 2017 và 2018 cho thấy Bắc Kinh đã chú trọng hơn vào việc tăng cường đào tạo trong nước”.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự tại Hồng Kông cho rằng, hoạt động tập trận chung quá nhiều ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLA, buộc họ phải giảm tần suất và đẩy mạnh lại cho công tác huấn luyện trong nước.
Bắc Kinh chỉ có thể đánh giá hiệu quả cải cách quân đội bằng cách tập trung nhiều hơn huấn luyện trong nước nhằm khẳng định tham vọng xây dựng “quân đội đẳng cấp toàn cầu” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra trước đó.
http://biendong.net/diem-tin/26481-dang-sau-viec-quan-doi-tq-giam-tap-tran-chung.html
Liệu đã đến lúc Bắc Kinh và Maduro ‘đường ai nấy đi’?
Bắc Kinh sẽ từ bỏ Maduro vì một lý do đơn giản: đối tượng phục vụ lợi ích cho họ không còn giá trị nữa, nhà báo Parsifal D. Sola của tờ Caracaschronicles, trong một bài viết hôm 24/2, đưa ra dự đoán và lý giải cho nhận định của mình.
Để phân tích rõ hơn về lý do đưa ra dự báo của mình, ký giả Sola đã ‘đào sâu’ vào căn nguyên tạo nên mối quan hệ giữa Trung Quốc và Venezuela, ông đặt câu hỏi: Điều gì đã đưa Trung Quốc và Venezuela đến với nhau?. Câu trả lời mà nhà báo Sola đưa ra là, vì “Tư tưởng chống Mỹ, chủ nghĩa xã hội và văn hóa chính trị đã đưa Trung Quốc và Venezuela đến với nhau”.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Venezuela bắt đầu trở nên ‘gắn bó’ từ khi ông Hugo Chavez, một người thiên tả, đắc cử tổng thống của quốc gia Nam Mỹ phồn thịnh với nguồn dầu mỏ dồi dào.
Nhà báo Sola tin rằng, người ta có thể nói, không ai sẵn sàng thực hiện nhiều điều theo ý của Trung Quốc một cách “dễ dãi” như cố tổng thống Chavéz. Đơn giản là vì Venezuela đón nhận Trung Quốc trong một “cuộc hôn nhân vì tiền”, Venezuela sở hữu trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh là lớn nhất trên trái đất, trong khi đó, Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới.
Hugo Chavez bắt đầu nắm quyền Tổng thống Venezuela từ đầu năm 1999, khi đó người đồng cấp bên phía Trung Quốc là Giang Trạch Dân. Mối quan hệ giữa Caracas và Bắc Kinh tiếp tục được tiếp nối dưới thời Hồ Cẩm Đào, trong khi ông Chavez vẫn là tổng thống của quốc gia lúc đó đang ở trạng thái thịnh vượng và có ảnh hưởng bậc nhất Nam Mỹ.
Kể từ khi giành được quyền lãnh đạo đất nước, theo nhà báo Sola, ông Chavez đã thực hiện một chính sách đối ngoại phá vỡ mọi thứ mà đất nước Nam Mỹ này từng có, bao gồm cả truyền thống hàng thập kỷ là đối tác của Hoa Kỳ tại khu vực. Và dưới thời Chavez, những người bạn thân nhất của đất nước này là Trung Quốc, Nga và Iran.
Quay lưng với Mỹ, Caracas của Chavez hướng sang Bắc Kinh, và vì thế, dần dần Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư quan trọng hàng đầu của Venezuela. Theo Caracaschronicles, tính từ năm 1999 đến 2017, ít nhất đã có 790 dự án đầu tư của Trung Quốc vào Venezuela đã được ký kết, và các khoản vay mà Trung Quốc dành cho Venezuela vượt xa tất cả các khoản vay mà Bắc Kinh lập kế hoạch cho các nước Mỹ Latinh khác, chiếm tới gần một nửa số các khoản vay của Trung Quốc cho khu vực Nam Mỹ.
Việc Bắc Kinh ‘ưu ái’ Venezuela trong thời gian hai ông Chavez và Maduro lãnh đạo không phải chỉ bởi sự tương hợp về “lý tưởng”. Nhà báo Sola cho rằng, vì Venezuela là một cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình trong một khu vực có bề dày lịch sử liên kết với Hoa Kỳ. Venezuela là bước đệm hướng tới các thị trường mới cho các sản phẩm của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự hỗ trợ chính trị tại các diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại bành trướng của Venezuela, được thúc đẩy bởi dầu mỏ, dưới thời Hugo Chavez, là sự trợ giúp hoàn hảo cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Còn lý do Venezuela ‘mở lòng’ với Trung Quốc, cũng theo nhà báo Sola, là vì Trung Quốc có các khoản vay ‘hào phóng’ với ít ràng buộc. Tiền chi cho các chiến dịch chính trị, tiền dùng cho việc can thiệp vào nội bộ của nước khác, hay ‘đơn giản’ là đưa vào tài khoản của quan chức, tất cả đều được chính phủ Trung Quốc đáp ứng miễn là lợi ích của Bắc Kinh được đảm bảo, cây viết Sola nhìn nhận. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và chính phủ Maduro có thể sẽ sớm “đường ai nấy đi”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi cùng Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh ngày 21/9/2013, Lintao Zhang/Getty Images AsiaPac)
Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm mạnh, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của quốc gia này ở khu vực đã biến mất, vì thế Trung Quốc thấy rằng quốc gia nằm dưới chính quyền Maduro không còn gì có
thể khai thác. Hơn nữa, theo nhà báo Sola, Venezuela không nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc, nước này không phải Triều Tiên hay một hòn đảo ở Biển Đông, vì thể việc ủng hộ Maduro đơn giản là không còn có lợi cho Bắc Kinh.
Thời điểm này, Trung Quốc đã nhận thức rõ về tình trạng “nguy kịch” của chính quyền Maduro ở Venezuela, nhưng họ sẽ không bao giờ công khai bày tỏ quan điểm của mình. Bắc Kinh sẽ theo dõi sát tình hình và “không can thiệp” vào Venezuela, đồng thời mở một cánh cửa hợp tác với một chính phủ mới tiềm năng ở Caracas trong tương lai. Bắc Kinh biết rõ một điều, cách duy nhất để họ lấy lại được tiền là để Venezuela lấy lại sự ổn định chính trị, nhà báo Sola viết trong bài bình luận của mình.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26491-lieu-da-den-luc-bac-kinh-va-maduro-duong-ai-nay-di.html
TQ đã thoát khỏi đòn trừng phạt Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hoãn thuế quan cho hàng hóa Trung Quốc vốn dự kiến sẽ áp đặt vào ngày 1/3 tới.
Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã thông tin về khả năng hoãn áp tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Cụ thể, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ lùi thời hạn tăng thuế với hàng Trung Quốc cho đến khi ông có thể gặp được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi hai bên đã có nhiều bước tiến đáng kể trong vòng đàm phán thương mại mới nhất được hoàn tất vào ngày Chủ Nhật.
“Tôi hài lòng thông báo rằng Mỹ đã đạt được bước tiến đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong nhiều vấn đề cấu trúc bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ, tiền tệ và nhiều vấn đề khác. Kết quả tôi sẽ trì hoãn việc nâng thuế với hàng Trung Quốc từng dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/3/2019” – dòng trạng thái của Tổng thống Trump nêu rõ.
Theo Tổng thống Trump, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch sẽ họp tại Mar-a-Lago ở Florida, cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2019.
Đây là những tín hiệu tốt đối với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo Reuters, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã họp hơn 7 giờ vào ngày 23/2 để giải quyết tranh chấp thương mại và tránh sự leo thang của thuế quan.
Hai bên gặp lại nhau vào sáng 24/2 để gấp rút chốt thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/3 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra. Ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế đột ngột đối với hàng hóa Trung Quốc trừ khi có thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài qua cuối tuần sau khi cả hai bên cho biết sự khác biệt của họ đã được thu hẹp thông qua đàm phán.
Việc kéo dài thời hạn có nghĩa là trì hoãn mức tăng thuế theo lịch trình từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Theo NBC, Trung Quốc đã cam kết mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá tới 1.200 tỉ USD nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước – đây vốn là lý do Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đài CNN cho biết số hàng hóa này bao gồm 10 triệu tấn đậu nành Mỹ mà Trung Quốc hứa mua thêm.
Ngoài ra, theo Reuters, Trung Quốc đã dùng “đòn hy sinh” mua nhiều sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, bán dẫn và hàng công nghiệp khác.
Giới quan sát ghi nhận những tiến triển đàm phán gần đây song vẫn nghi ngờ Trung Quốc sẽ có những cải cách về mặt cấu trúc, như tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường, bỏ chính sách ép chuyển giao công nghệ cũng như cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ…
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26465-tq-da-thoat-khoi-don-trung-phat-my.html
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ông Kim đến Hà Nội
với khát vọng hoà bình, thịnh vượng
Chủ tịch Kim Jong Un rất cần Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt nhưng đổi lại, ông cũng cần đưa ra những nhượng bộ trong Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều hồi tháng 6/2018 ở Singapore được coi là một sự kiện lịch sử quan trọng bởi ý nghĩa lớn lao của nó với kỳ vọng sẽ làm “tan băng” mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên. Tuy
nhiên, Hội nghị này đã không thể tạo ra bất kỳ kế hoạch hành động hay cam kết rõ ràng nào từ cả hai bên.
Từ sau đó, chính quyền Tổng thống Trump chỉ nhất trí giảm các hoạt động tập trận quân sự với Hàn Quốc và ủng hộ một cách chừng mực về việc tăng cường kết nối hạ tầng giữa 2 miền Triều Tiên.
Ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ không hối thúc thời hạn và “không vội” trong tiến trình hoàn tất một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên nhưng Tổng thống Mỹ cũng đang trong thế “bế tắc” để đảm bảo tối đa hóa sự ủng hộ của công chúng trước khi ông khởi động chiến dịch tái tranh cử.
Khi thời gian trôi qua, yêu cầu về những sự nhượng bộ cụ thể ngày một tăng lên, đặc biệt từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên, khi mà các lệnh trừng phạt lên nước này vẫn chưa được dỡ bỏ. Ông Kim Jong Un sẽ phải đạt được những kết quả cụ thể từ Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này nếu ông muốn hiện thực hóa một kế hoạch lớn nhằm phát triển Triều Tiên. Vì thế, Chủ tịch Triều Tiên cũng sẽ phải đưa ra những trao đổi tương ứng để được đáp ứng các đòi hỏi.
Ước mơ lớn của ông Kim Jong Un
Không ai có thể hiểu được sự kỳ vọng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mong muốn nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế như thế nào, khi mà chỉ trước khi các lệnh trừng phạt gần đây nhất được thực hiện, Ryomyong New Town đã được xây dựng trở thành một tổ hợp nhà ở và khu kinh doanh sang trọng chỉ trong một vài tháng tại quốc gia này năm 2016.
Khi ông Kim Jong Un lên lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Triều Tiên đã bắt tay vào thực hiện một chương trình hiện đại hóa kinh tế đầy tham vọng với việc xây dựng khu Khoa học – Công nghệ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sân trượt băng ngoài trời và một số tuyến đường mới cũng như các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, hầu hết những dự án đại diện cho tham vọng xây dựng đất nước của nhà lãnh đạo trẻ đều bị cản trở bởi một trong những lệnh cấm vận kinh tế khó khăn nhất trong lịch sử. Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim lần đầu tiên đã khiến Triều Tiên nới lỏng thế cô lập ngoại giao quốc tế, củng cố mối quan hệ song phương với Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác nhưng lại không thể thuyết phục Washington giảm bớt sự bao vây kinh tế.
Nền kinh tế Triều Tiên vẫn đang trải qua nhiều khó khăn và hiện phụ thuộc lớn vào Trung Quốc trong việc trao đổi hàng hóa với bên ngoài.
Trong bài phát biểu mừng Năm mới, ông Kim đã khẳng định một cách rõ ràng về yêu cầu “hồi sinh”, “tăng cường” và “đem lại năng lượng” cho nền kinh tế quốc gia, cũng như sự cấp bách của việc “thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia 5 năm”.
Chủ tịch Triều Tiên cũng cho thấy thiện chí đàm phán với Washington khi khẳng định rằng “nếu Mỹ hồi đáp trước những nỗ lực chủ động của chúng tôi bằng các biện pháp đáng tin và những hành động thực tế tương ứng, mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ phát triển với tốc độ nhanh đến khó tin qua một tiến trình cụ thể hơn và các biện pháp quan trọng”.
Thế khó của ông Kim Jong Un
Đưa ra những đòi hỏi quan trọng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng sẽ phải thực hiện những nhượng bộ nhất định. Washington luôn yêu cầu các bước đi đáng kể từ phía Triều Tiên đối với các chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như trong việc dừng các vụ thử tên lửa và chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự trong các vùng biển lân cận hoặc Khu vực Phi quân sự (DMZ).
Tính đến nay, ông Kim đã đề nghị dỡ bỏ các bãi phóng tên lửa và hạt nhân nhằm đổi lấy sự nới lỏng các lệnh trừng phạt và một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đòi hỏi một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược từ phía Triều Tiên trước khi bắt đầu bất cứ bước đi nào nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi nhận được những đảm bảo an ninh, sự công nhận ngoại giao và nới lỏng các lệnh trừng phạt từ Washington.
Cách tiếp cận khả thi nhất là sự nhượng bộ từng bước và tương ứng giữa hai bên khi Mỹ từ từ nới lỏng lệnh trừng phạt, còn Triều Tiên thì giảm dần các chương trình hạt nhân. Kết quả lớn nhất có thể đạt được tại Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này là hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ở cả hai mặt này, đặc biệt trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn đang trải qua các lệnh trừng phạt nặng nề, sự kiên nhẫn là rất mong manh. Nếu hai nhà lãnh đạo chấm dứt cuộc gặp sắp tới với một kết quả hoàn toàn mang tính biểu tượng hay một thông báo chỉ mang tính tuyên bố hơn là những kết quả thực tế thì khả năng cao là ván bài cược của cả hai đều sẽ “đổ bể”. Vì thế, điều quan trọng cho cả Mỹ và Triều Tiên là phải đàm phán được các kế hoạch chi tiết cho một tuyên bố hòa bình cuối cùng nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên dài hàng thập kỷ.
Triều Tiên muốn gì trong Thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Hà Nội?
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 sắp tới ở Hà Nội, ông Kim Jong Un có thể sẽ yêu cầu Washington bắt đầu nới lỏng các lệnh trừng phạt, mở các kênh ngoại giao trực tiếp và ký tuyên bố hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Cuối cùng, Bình Nhưỡng muốn Washington sẽ rút quân đội và vũ khí khỏi Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng mà Mỹ mong muốn đạt được tại cuộc gặp lần này.
Tuy nhiên, nội dung của phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên theo cách hiểu của Bình Nhưỡng có thể còn bao gồm cả việc dỡ bỏ “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ với Hàn Quốc và các lực lượng có khả năng hạt nhân khác.
Một số quan chức Hàn Quốc cũng như Quốc hội Mỹ và nhiều nơi khác bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên đang kêu gọi thay đổi mức độ đóng quân của Mỹ ở Hàn Quốc nhưng Tổng thống Trump đã khẳng định ngày 22/2 rằng việc Mỹ giảm dần số lượng quân ở Hàn Quốc sẽ không nằm trong các vấn đề thảo luận.
Washington có thể do dự trong việc ký một hiệp định hòa bình toàn diện trước khi Bình Nhưỡng hoàn toàn phi hạt nhân hóa nhưng các quan chức Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận “hẹp” hơn nhằm đảm bảo sẽ giảm căng thẳng giữa hai nước, mở các văn phòng liên lạc và tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Chủ tịch Kim Jong Un đã khẳng định hồi tháng 1/2019 rằng Triều Tiên “sẵn sàng mở lại công viên công nghiệp Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi để hai bên đạt được những thỏa thuận thực chất và vững chắc, đem lại nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở ra những tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các nước
Bắc Triều Tiên đã kín đáo mở cửa kinh tế
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Hà Nội ngày 26/02/2019 để chuẩn bị họp thượng đỉnh lần hai với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và cũng để viếng thăm chính thức Việt Nam, nhân dịp này học hỏi một số kinh nghiệm của nước chủ nhà về cải tổ kinh tế.
Thật ra Bình Nhưỡng chắc sẽ không hoàn toàn đi theo mô hình của Việt Nam và trên thực tế, từ khi lên cầm quyền năm 2012 đến nay, ông Kim Jong Un đã tiến hành mở cửa kinh tế, nhưng một cách kín đáo và theo kiểu riêng của Bắc Triều Tiên.
Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong một thời gian, miền Bắc Triều Tiên giàu hơn miền Nam, nhờ có sự hỗ trợ của đàn anh Liên Xô và cũng nhờ trong thời kỳ đô hộ bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đã tập trung phát triển công nghiệp để khai thác nguồn khoáng sản dồi dào của miền Bắc.
Nhưng sau đó, tình hình đã đảo ngược, trong khi Hàn Quốc nay trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới, thì nền kinh tế Bắc Triều Tiên lâm vào khủng hoảng, do Liên Xô đã tan rã, và cũng do quản lý quá kém cỏi.
Là đồng minh chủ chốt và cũng là đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã nhiều lần thúc giục giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đi theo mô hình Trung Quốc. Nhưng báo chính thức của nước này cho đến nay vẫn thường lên án chủ nghĩa tư bản và bản thân ông Kim Jong Un, trong kỳ đại hội Đảng Lao Động Triều Tiên vào năm 2016, cũng đã gián tiếp chỉ trích cải tổ và mở cửa kinh tế của nước láng giềng.
Tuy vậy, cũng chính tại đại hội năm 2016, đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên, theo chỉ đạo của ông Kim Jong Un, đã thông qua chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế song hành với tăng cường năng lực hạt nhân.
Để thực hiện mục tiêu đó, từ mấy năm qua, chế độ Bình Nhưỡng đã lặng lẽ tiến hành một số cải tổ kinh tế và sự kiểm soát của Nhà nước lên nền kinh tế đã bắt đầu được nới lỏng. Dân chúng được cho phép mua bán trên thị trường chợ đen, các doanh nghiệp Nhà nước được tự do hơn trong việc đa dạng hóa sản xuất và chính quyền nhắm mắt làm ngơ cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động, tuy vẫn chủ trương « xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ».
Nhà nước cũng khuyến khích các nhà máy, xí nghiệp cạnh tranh nhau. Chủ tịch Kim Jong Un còn cho phép một số nhà máy mở các cửa hàng riêng để trực tiếp bán các sản phẩm của họ, sau khi đã hoàn thành các chỉ tiêu do Nhà nước giao phó. Nông dân làm việc cho các hợp tác xã của Nhà nước nay cũng được quyền canh tác và bán nông phẩm ra thị trường chợ đen.
Theo hãng tin Reuters, các tác động của những cải tổ kinh tế nói trên có thể được thấy rõ ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi mà một tầng lớp trung lưu đang hình thành và ngày càng đông đảo. Nhưng do Bắc Triều Tiên vẫn bị nhiều trừng phạt của quốc tế vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, nên các kết quả của chính sách cải tổ kinh tế còn rất khiêm tốn.
Trước cuộc họp thượng đỉnh Hà Nội, tổng thống Trump đã phác họa cho ông Kim Jong Un một tương lai tươi sáng của Bắc Triều Tiên, khẳng định là nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, nước này có thể phát triển thành một « cường quốc kinh tế ».
Nhưng theo các nhà ngoại giao ở Bắc Triều Tiên được hãng tin Reuters trích dẫn, Bình Nhưỡng vốn đã không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc, nên cũng sẽ không để bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ, dù ông Trump có hứa hẹn thế nào. Thành ra, nhân chuyến đi Hà Nội lần này, có thể là ông Kim Jong Un sẽ nghiên cứu mô hình của Việt Nam, xem có thể áp dụng được những kinh nghiệm gì để vừa phát triển được kinh tế thị trường, nhưng vẫn duy trì được sự kiểm soát của đảng cầm quyền.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190226-bac-trieu-tien-da-kin-dao-mo-cua-kinh-te
Đoàn tàu Kim Jong Un
gây xáo trộn giao thông ở Trung Quốc
Thượng đỉnh Trump-Kim không chỉ gây ác mộng giao thông ở thủ đô Hà Nội. Đoàn xe lửa của lãnh đạo Bắc Triều Tiên – đến ga Đồng Đăng ở Việt Nam sáng 26/02/2019, sau khi vượt hơn 4.000 cây số, xẻ dọc Trung Quốc, trong một hành trình hơn 2 ngày – đã gây xáo trộn không ít, tác động đến hàng triệu người Trung Quốc, với các trục lộ giao thông bị đóng, những chuyến xe lửa bị hoãn lại.
Thông tín viên RFI tại Thượng Hải, Simon Leplâtre, tường thuật :
« Kẹt xe ở Trịnh Châu, đường xá bị chặn ở Vũ Hán, giao thông rối loạn ở Trường Sa, những thông tin nêu trên mạng Vi Bác hôm qua 25/02 đã tiết lộ đường đi được giữ kín của đoàn tàu bí mật của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Để không phải đi máy bay, phái đoàn của Kim Jong Un đã phải trải qua một hành trình khoảng 60 tiếng đồng hồ từ Bình Nhưỡng đến biên giới Việt Nam, một lộ trình mà mọi chặng đều được giữ kín.
Tuy nhiên, đoàn tàu màu ô liu, với cửa kính màu đen, đã không thoát khỏi con mắt của một số cư dân mạng, họ đã đăng ảnh và video cảnh đoàn tàu đi qua.
Vào hôm qua, một cư dân mạng đã lấy làm ngạc nhiên trước tốc độ chậm chạp của con tàu: Chiếc xe lửa đi quá chậm ! Chỉ mới đến Vũ Hán mà thôi !. Vũ Hán là một địa phương miền trung Trung Quốc. Đoàn tàu bọc thép nặng nề có vận tốc không quá 60 km/giờ, quá chậm so với tàu cao tốc Trung Quốc chạy khoảng 350 cây số/giờ.
Một số người khác thì vô tình tiết lộ hành trình của ông Kim khi than phiền về các trục lộ giao thông bị chặn, khiến họ bị ảnh hưởng lúc đi làm vào buổi sáng.
Đấy là những đề tài bị cấm, vì không thể công khai nêu lên đường đi chính xác của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã phải hao tổn thêm công sức, dò tìm và xóa đi những thông tin về chuyến đi này suốt ngày hôm qua.
Lý do là không ai được quyền chỉ trích người đồng minh này của Trung Quốc cho dù ông ta gây tắc nghẽn giao thông ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190226-doan-tau-kim-jong-un-gay-xao-tron-giao-thong-o-trung-quoc
Ấn Độ không kích các phần tử chủ chiến bên Pakistan
Hôm 26/2, Ấn Độ cho biết họ đã thực hiện các cuộc không kích lúc rạng sáng nhắm vào một doanh trại của nhóm chủ chiến Hồi giáo Jaish-e-Mohammad ở Pakistan. Nhóm này tuyên bố
đã đánh bom xe tự sát giết chết 40 binh sĩ bán quân sự của Ấn Độ ở Kashmir cách đây gần hai tuần.
Các cuộc không kích hôm 26/2 mà Ấn Độ nói rằng đã hạ sát nhiều phần tử chủ chiến Pakistan sẽ căng thẳng thêm mối quan hệ giữa New Delhi và Islamabad.
Trong một tuyên bố ngắn hôm 26/2, Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale gọi đó là một “cuộc tấn công phủ đầu” do Ấn Độ nhận được tin tình báo nói rằng Jaish-e-Mohammed đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công khủng bố tự sát nhằm vào Ấn Độ.
Ông nói Ấn Độ đã tấn công cơ sở đào tạo lớn nhất của nhóm chủ chiến Hồi giáo đặt tại thị trấn Balakot ở Pakistan: “Trong chiến dịch này, một số lượng rất lớn những kẻ khủng bố, huấn luyện viên, chỉ huy cao cấp và các nhóm thánh chiến Jaish e Mohammed, những người đang được huấn luyện cho hành động tử vì đạo đã bị tiêu diệt.”
Tại Pakistan, hôm 26/2, Thủ tướng Imran Khan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của ủy ban an ninh quốc gia, và sau đó văn phòng của ông đã đưa ra một tuyên bố: “Một lần nữa [chính phủ] Ấn Độ đã viện đến một yêu sách lấy cớ để đơn phương hành động, liều lĩnh và ngụy biện.”
Thiếu tướng Asif Ghafoor, phát ngôn viên của quân đội Pakistan, đã lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công của Ấn Độ. Trong một tweet hôm 26/2, ông nói, “Máy bay của Ấn Độ đã xâm nhập từ khu vực Muzafarabad.”
https://www.voatiengviet.com/a/an-do-khong-kich-cac-phan-tu-chu-chien-ben-pakistan/4804405.html
Úc : Nhân vật số ba của Vatican
bị khép tội bạo hành tình dục trẻ em
Hồng y người Úc George Pell, được coi là nhân vật số ba của Giáo hội Công Giáo, bị một tòa án Úc kết tội bạo hành tình dục trẻ em hồi đầu tháng 12/2018. Chỉ đến ngày 26/02/2019, truyền thông mới được phép loan tin về phán quyết này.
Thông tín viên RFI Caroline Lafargue tường trình từ Melbourne :
« Một nhân chứng duy nhất đã khiến hồng y George Pell ngã ngựa. Đó là một em nhỏ, nguyên thành viên của một ban thánh ca. Danh tính của nhân chứng này có thể sẽ không được tiết lộ.
Trong hai ngày liền, nhân chứng nói trên đã mô tả cụ thể về việc hồng y người Úc George Pell đã buộc người này phải quan hệ tình dục bằng đường miệng và bị sờ mó như thế nào. Sự việc xảy ra vào một ngày Chủ Nhật, tháng 12 năm 1996, tại một phòng để đồ Thánh, sau buổi Thánh lễ. Vào thời điểm đó hồng y Pell mới là một giám mục.
Chỉ đến hôm nay (26/02), người dân Úc mới được biết chi tiết về vụ việc này, hai tháng rưỡi sau khi hồng y bị kết án. Bởi tòa án đã buộc các phóng viên phải giữ bí mật hoàn toàn cho đến sáng hôm nay, với mục tiêu không để cho truyền thông gây áp lực lên các thẩm phán đã bảo vệ hoặc chống lại hồng y này.
Trong thời gian xét xử, hồng y George Pell đã hoàn toàn im lặng. Các thẩm phán phải dựa vào lời khai của bị cáo trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát năm 2016. Vào thời điểm đó, George Pell cho rằng lời khai của em nhỏ, cựu thành viên ca đoàn, chỉ là « sản phẩm của trí tưởng tượng ». Và đặc biệt là hồng y George Pell khẳng định ông chính là người bảo vệ trẻ em chống lại các linh mục ấu dâm. Chúng ta biết là năm 1996, ông George Pell là giám mục đầu tiên thiết lập một cơ chế bồi thường cho các nạn nhân, trong nội bộ Giáo Hội Úc.
Vào tuần tới, chúng ta sẽ biết chi tiết về án phạt đối với hồng y George Pell. Hồng y người Úc, 76 tuổi, có thể sẽ khiếu nại phúc thẩm. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, ông sẽ tiếp tục bị giam ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190226-uc-nhan-vat-so-ba-cua-vatican-bi-khep-toi-bao-hanh-tinh-duc-tre-em