Tin khắp nơi – 26/02/2018
‘Hợp đồng thương mại với Hoa Kỳ
quan trọng hơn sau Brexit’
Daniel DaviesPhóng viên BBC, Wales
Những lập luận ủng hộ tự do thương mại giữa Anh và Mỹ sẽ được Bộ trưởng chuyên trách về xứ Wales đưa ra trong chuyến đi kéo dài một tuần của ông tới Bắc Mỹ.
Carwyn Jones sẽ họp với các chính trị gia và doanh nhân, bắt đầu ở Washington DC, hôm thứ Hai.
Ông nói rằng thương mại và đầu tư từ Bắc Mỹ sẽ trở nên quan trọng hơn sau Brexit.
Ông Jones, người từng vận động chống lại việc rời khỏi EU, nói rằng đang có “những cơ hội thú vị” trước mặt.
Ông cũng sẽ thăm Canada và New York, nơi ông sẽ nói chuyện tại một buổi họp của LHQ về quyền phụ nữ và gặp bà Hillary Clinton.
Chuyến đi này bao gồm các sự kiện có chủ đề ngày của thánh David để quảng bá cho xứ Wales là điểm đến cho các doanh nghiệp và khách du lịch.
Bắc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Wales sau châu Âu. Số liệu chính thức cho thấy giá trị xuất khẩu đã giảm từ năm 2012, nhưng lại tăng lên đến gần 2,5 tỷ bảng Anh vào năm 2016.
Chính phủ Welsh cho biết 270 công ty của Mỹ mướn gần 50.000 nhân viên ở đây.
Trước khi hạ cánh tại Washington, ông Jones nói: “Mỹ là đối tác kinh doanh quan trọng nhất của Wales và tôi muốn xây dựng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa hai nước chúng ta khi rời khỏi EU.’
“Trong khi ở Mỹ, tôi muốn hiểu rõ hơn về vị trí của Hoa Kỳ về các thoả thuận thương mại trong tương lai với Anh quốc và thuyết phục việc phát triển một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
“Các cơ hội thương mại rất hứng thú với Bắc Mỹ đang nằm phía trước và, trong các cuộc thảo luận với các doanh nghiệp và chính trị gia Mỹ, tôi sẽ khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại giữa Wales và Hoa Kỳ.
“Khi Wales và Anh chuẩn bị rời khỏi EU, tôi muốn trấn an các nhà đầu tư và du khách đến từ Hoa Kỳ rằng Wales vẫn là một quốc gia đang hướng ngoại và mở cửa”.
Ông Carwyn Jones đưa ra những ý kiến này, cho dù ông trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thương mại với EU sau Brexit.
Chính phủ Wales, thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh duy trì chính “tiếp cận đầy đủ và tự do” vào thị trường chung. Ông nói.
EU-Anh không đạt thỏa thuận về Brexit
EU-Anh ‘dọn đường đàm phán thương mại’
Anh Quốc: Brexit là thời khắc ‘lịch sử’
Ông Jones cũng nói Anh quốc nên ở lại liên minh quan thuế quan, điều có thể ngăn cản họ tham gia các hiệp định thương mại mới với các nước khác.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố trước khi đến Mỹ, Bộ trưởng đầu tiên của sứ Wales nói ông sẽ “thuyết phục việc phát triển một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước”.
Ông Andrew RT Davies, Chủ tịch đảng Bảo thủ ở Wales, phát biểu: “Thật đáng tiếc khi trong thời của vị Bộ trưởng đầu tiên, thương mại với Mỹ đã giảm 13% kể từ năm 2013.
“Nếu sứ mệnh thương mại này thành công trong lúc nhiều sứ mệnh khác đã không, thì tôi sẽ mạnh mẽ đề nghị rằng vị bộ trưởng đầu tiên ngừng lời tiên tri và nói xấu của ông ta về Brexit.”
Ông Davies nói thêm rằng các cơ hội giao thương mại có thể được tối đa hóa “chỉ thông qua các hoạt động tích cực và hợp tác với chính phủ Anh”.
Xứ Wales có ba triệu dân là một thành viên không độc lập trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, có nghị viện và chính phủ riêng nhưng không có quân đội và ngoại giao riêng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43193800
Campuchia: Đảng của Hun Sen
‘giành 58/62 ghế Thượng viện’
Đảng cầm quyền Campuchia hôm 25/2 tuyên bố giành thắng lợi cuộc bầu cử Thượng viện trong lúc hàng ngàn nhà lập pháp và lãnh đạo hội đồng địa phương thuộc phe đối lập bị tước quyền bỏ phiếu.
Kết quả sơ bộ do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) công bố cho thấy họ giành được 58/62 ghế Thượng viện, trong lúc ba đảng khác không giành được ghế nào, Reuters tường thuật.
Campuchia: Kiến nghị điều tra Facebook của Hun Sen
Lãnh đạo đối lập Campuchia muốn ‘chế tài lên Hun Sen’
Ông Hun Sen ôm khách quá chặt?
Kết quả chính thức chưa được công bố, nhưng hai quan chức của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) xác nhận kết quả của CPP.
Các ghế Thượng viện được các thành viên Quốc hội và hội đồng địa phương bỏ phiếu. Quốc vương Campuchia chỉ định thêm hai thành viên và Quốc hội cũng làm như vậy.
Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?
Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”
Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi
Đối lập Campuchia đến nhà tù gần VN
Các nhóm nhân quyền và các thành viên của Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) phản đối cuộc bầu cử mà họ gọi là “giả dối” và “phi dân chủ”.
CNRP đã bị tòa tuyên giải tán hồi tháng 11/2017 theo yêu cầu của chính phủ. CNRP cũng cho biết chính quyền tước quyền bầu cử của 5.062 thành viên hội đồng và các nhà lập pháp thuộc đảng này.
“CNRP kêu gọi các quốc gia và Liên Hiệp Quốc không công nhận kết quả cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia,” thông cáo của CNRP viết.
Tổ chức Các nhà lập pháp Asean vì Nhân Quyền (APHR) cho biết cuộc bỏ phiếu này không thể được xem là “việc thực thi dân chủ hợp pháp” sau khi CNRP tan rã và trong bối cảnh phe đối lập tại Campuchia liên tục bị đàn áp trong năm qua.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43193988
Vụ nổ súng Florida:
NRA ‘không ủng hộ bất kỳ lệnh cấm súng’
Hiệp hội Súng trường Quốc gia Hoa Kỳ (NRA) cho biết họ không ủng hộ bất kỳ lệnh cấm súng nào sau vụ xả súng trường học ở Florida khiến 17 người thiệt mạng.
Bình luận của NRA dường như đi ngược lại đề xuất của Tổng thống Donald Trump về việc thắt chặt kiểm soát súng.
Từ vụ tấn công trường Trung học Marjory Stoneman Douglas hôm 14/2, NRA trở thành mục tiêu của cuộc vận động kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn.
FBI bị chỉ trích vì vụ xả súng ở Florida
Trường quân sự Mỹ tuyển ‘người hùng’ thiệt mạng
Hôm 25/2, một số học sinh quay lại trường học này.
Các lớp học được nối lại từ hôm 28/2.
NRA nói gì?
Dana Loesch, phát ngôn viên tổ chức vận động quyền sử dụng súng, nói với ABC News: “NRA không ủng hộ bất kỳ lệnh cấm nào.”
Bà nói các vụ thảm sát như ở Florida không phải do NRA gây ra.
Bà Loesch nói rằng các cơ quan thực thi pháp luật địa phương có thiếu sót và các chính trị gia chưa hành động đúng mức.
Giới chức Florida tiết lộ rằng một cảnh sát vũ trang được điều đến trường học này nhưng đứng bên ngoài trong lúc vụ súng diễn ra và không can thiệp.
NRA đã đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm 2016.
Trump ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng
Mỹ: Nhiều hãng cắt quan hệ với hiệp hội súng trường
Mỹ: Sinh viên kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng
Sân bay Los Angeles không phát hiện súng
Ông Trump bình luận gì về việc kiểm soát súng?
Phát biểu hồi đầu tuần này, tổng thống nói rằng việc trang bị vũ khí cho giáo viên có thể ngăn chặn các vụ xả súng trường học.
Các giáo viên mang súng giấu kín có thể chấm dứt các vụ tấn công “rất nhanh”, ông nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43193986
Myanmar bác bỏ cáo buộc
xóa bỏ bằng chứng đàn áp người Rohingya
Vào hôm thứ Hai, ngày 26 tháng Hai, Kinh tế gia-Cựu chiến binh Aung Tun Thet, Chủ tịch của Liên minh UEHRD của Myanmar nói rằng các ngôi làng của người Rohingya bị san phẳng để chính phủ có thể dễ dàng tái định cư cho những người tị nạn Rohingya về lại gần khu vực nhà cũ trước đây của họ.
UEHRD là một tổ chức do bà Aung San Suu Kyi thành lập hồi tháng 10 năm ngoái để thực hiện các hoạt động đáp ứng hỗ trợ nhân đạo và tái định cư trong nước.
Hồi cuối tuần rồi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy có 55 ngôi làng ở bang Rakhine, Myanmar bị san bằng, trong đó có hai ngôi làng còn nguyên vẹn trước khi bị pháo hạng nặng phá hủy.
Human Rights Watch cho rằng các hành động phá hủy như thế có thể xóa bỏ bằng chứng tàn bạo của lực lượng an ninh Myanmar mà Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ từng gọi là chiến dịch thanh tảo sắc tộc chống lại người thiểu số Rohingya.
Ông Aung Tun Thet nói rằng Chính phủ Myanmar không có mong muốn loại bỏ cái gọi là bằng chứng, mà chỉ có ý định bảo đảm có thể dễ dàng xây lại nhà cho những người quay trở về. Ông Aung Tun Thet còn nói thêm Myanmar cố gắng làm tốt những gì có thể để thực hiện hiệp định ký kết với Bangladesh hồi tháng 11 trên tinh thần công bằng và an toàn.
Nghi ngờ về cái chết
của một luật sư nhân quyền Trung Quốc
Luật sư nhân quyền của Trung Quốc Li Baiguang đã qua đời vào hôm thứ Hai ngày 26 tháng Hai. Cái chết của ông bị cho là đáng ngờ bởi vì ông không hề có tiền sử nghiện bia rượu hay hút thuốc nhưng lại tử vong vì bệnh gan.
Hãng Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với ông Li cho biết là ông Li đã qua đời tại bệnh viện Quân Giải Phóng Nhân dân số 81, ở mạn Đông Trung Quốc. Người này nói rằng ông Lý đột nhiên phát bệnh và qua đời. Trước đó ông Li cũng không khám sức khỏe định kỳ nên không thể xác định được nguyên nhân cụ thể.
Một người ban thân của ông Li là ông Bob Fu, một người Mỹ gốc Hoa cho rằng cái chết của ông Li rất đáng ngờ, đặc biệt trong bối cảnh những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động nhân quyền của Trung Quốc chết vì bệnh gan khi đang bị giam giữ. Ông Fu cho rằng một người không hút thuốc, không uống rượu bia như ông Li mà đột nhiên chết vì bệnh gan ở tuổi 49 là điều không thể tin được. Ông còn khẳng định là sức khỏe của ông Li hoàn toàn bình thường khi ông tới Washington vào đầu tháng 2 vừa qua.
Cả bộ Công an Trung Quốc và bệnh viện nơi ông Li qua đời đều từ chối bình luận về cái chết của ông.
Ông Li là một luật sư nhân quyền theo Kito giáo. Năm 2008, ông được Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ trụ sở tại Mỹ trao giải thưởng vì những đóng góp trong việc bảo vệ những mục sư đạo Kito bị bắt giữ.
Châu Âu gia tăng cấm vận Myanmar
vì đàn áp người Rohingya
Bộ trưởng các quốc gia Châu Âu (EU) giao nhiệm vụ cho các nhà ngoại giao thiết lập một danh sách gồm những biện pháp trừng phạt đối với các tướng lãnh quân đội cấp cao của Myanmar, vì những vi phạm nhân quyền của họ trong vấn đề người sắc tộc thiểu số Rohingya.
Các vị bộ trưởng EU vào hôm thứ Hai, ngày 26 tháng Hai cũng yêu cầu Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU đưa ra đề xuất các biện pháp cấm vận cứng rắn hơn để ngăn chặn cung cấp vũ khí và trang thiết bị có thể dùng cho việc trấn áp nội bộ.
Các vị bộ trưởng EU cho rằng những biện pháp cấm vận là cần thiết, vì lực lượng quân đội và an ninh Myanmar đã sử dụng vũ lực và vi phạm nhân quyền một cách tràn lan và có hệ thống.
Trong cùng ngày 26 tháng Hai, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng rằng Liên Hiệp Quốc thiếu hành động nhằm kiềm chế các cuộc xung đột tàn bạo ngày càng gia tăng ở Syria, Yemen và Myanmar, mà ông gọi các quốc gia này giống như “những lò sát sinh kinh khiếp”.
Đã có khoảng 700,000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy khỏi Myanmar trong các tháng qua, sau khi quân đội và an ninh nước này tiến hành các hoạt động trấn áp người Rohingya ở bang Rakhine, miền bắc nước này hồi tháng 8 năm ngoái.
Nam Hàn:
Hoa Kỳ nên giảm nhẹ điều kiện đàm phán với Bắc Hàn
Tổng thống Nam Hàn hôm thứ hai ngày 26 tháng 2 lên tiếng thúc giục Hoa Kỳ nên giảm nhẹ những điều kiện để đối thoại với Bắc Hàn.
Tổng thống Moon Jae-in đưa ra bình luận này trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông đang ở thăm Nam Hàn, một ngày sau khi giới chức Bắc Hàn nói họ sẵn sàng đối thoại với Mỹ.
Theo văn phòng của Tổng thống Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị Trung Quốc ủng hộ đối thoại Mỹ và Bắc Hàn. Bà Lưu nói Trung Quốc đồng ý giúp tạo điều kiện cho đối thoại. Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc cũng nói Bắc Hàn phải cam kết phi hạt nhân hóa, điều mà Bắc Hàn lâu nay vẫn từ chối.
Hôm Chủ nhật ngày 25/2, viên tướng Bắc Hàn là Kim Yong Chol đang ở thăm Nam Hàn nhân bế mặc Olympics mùa đông đã nói với Tổng thống Nam Hàn là lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Hàn muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và có nhiều ý định muốn đối thoại.
Hãng tin Yonhap của nam hàn trích nguồn tin từ văn phòng Tổng thống cho biết, trong cuộc gặp giữa tướng Kim Yong Chol với cố vấn cấp cao an ninh quốc gia Nam Hàn Chung Eui yong vào hôm thứ 2, 26/2, phía Bắc Hàn một lần nữa bày tỏ mong muốn đối thoại với Mỹ.
EU đe dọa trừng phạt kinh tế Campuchia
sau bầu cử Thượng viện
Liên minh châu Âu EU ngày 26 tháng Hai đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Campuchia sau khi đảng cầm quyền của nước này tuyên bố đã giành được tất cả các ghế trong cuộc bầu cử Thượng Viện, trong đó nhiều người ủng hộ phe đối lập đã bị tước bỏ quyền bỏ phiếu.
Hôm 25 tháng 2 vừa qua Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) công bố kết quả sơ bộ trong cuộc bầu cử thượng viện cho thấy đảng này đã giành được 58 ghế tại Thượng viện gồm 62 ghế, và ba đảng khác không giành được ghế nào.
Trong một thông cáo đưa ra cùng ngày, các Ngoại trưởng EU cho biết họ đang cân nhắc các biện pháp nhắm vào các mục tiêu cụ thể đối với Campuchia mà các nhà ngoại giao cho là một cảnh báo về lệnh trừng phạt đối với chính quyền củaThủ tướng Hun Sen.
EU cũng cho biết đang xem xét lại những ưu đãi về thương mại với Campuchia trước những chỉ trích từ các nhóm nhân quyền cũng như các nhà chính trị phe đối lập cho rằng Thủ tướng Hun Sen đã đàn áp họ mạnh tay trước cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 7 tới đây.
Các ngoại trưởng EU đã kêu gọi Campuchia cần khôi phục lại nền dân chủ và cảnh báo nếu tình hình không cải thiện thì họ sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể.
Trung Quốc kiểm duyệt phản ứng của người dân
về tin Tập Cận Bình tại chức
Ngay sau khi có tin Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có thể ở tại chức nhiều hơn 2 nhiệm kỳ, nhiều người dân Trung Quốc đã lên mạng để bày tỏ ý kiến.
Một người viết trên mạng weibo rằng Trung Quốc sắp trở thành một Bắc Hàn, nơi gia tộc họ Kim đã nắm quyền suốt từ những năm 1940 đến nay.
Một bình luận khác trên mạng viết xe đã đổi hướng, ý muốn nói Trung Quốc đang quay trở lại thời kỳ độc tài kiểu Mao Trạch Đông.
Những người dùng mạng Trung Quốc cũng đăng hình ảnh gấu Pooh ôm bình mật ong.
Hình ảnh gấu Pooh thường được so sánh với hình ảnh của Chủ tịch họ Tập và vì vậy đã bị kiểm duyệt trên internet tại Trung Quốc.
Một ngày sau khi tuyên bố của đảng Cộng sản Trung Quốc được đưa ra, người ta thấy việc tìm kiếm những từ như “thêm nhiệm kỳ” bị cắt bỏ, không thể tìm kiếm trên mạng.
Trong khi đó truyền thông nhà nước cũng vào cuộc để bình luận.
Tờ Hoàn cầu Thời báo có bài bình luận viết rằng thay đổi mới không có nghĩa là Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ nắm quyền mãi mãi. Tuy nhiên bài viết lại không phân tích lý do cụ thể.
Tờ Nhân dân Nhật báo của đảng đăng bài viết dài của Tân Hoa Xã cho rằng phần đông người dân Trung Quốc ủng hộ những thay đổi trong hiến pháp. Bài báo cũng trích lời của những người dân lên tiếng ủng hộ thay đổi này.
Tuy nhiên tài khoảng wechat của tờ Nhân dân Nhật báo sau khi đăng những bình luận tích cực về đề nghị thay đổi đã tắt phần bình luận hoàn toàn vào hôm chủ nhật. Phần bình luận được bật trở lại vào hôm thứ hai với tràn ngập những lời ca ngợi đảng.
Đảng cộng sản Trung quốc dọn đường
để Tập Cận Bình kéo dài thời gian quyền lực
Truyền thông Trung Quốc hôm chủ nhật ngày 25/2 loan tin cho biết Đảng Cộng sản Trung quốc đã đề nghị sửa đổi hiến pháp để kéo dài giới hạn nắm quyền với các lãnh đạo, mở đường cho Chủ tịch Cập Tận Bình làm thêm nhiệm kỳ thứ ba hoặc lâu hơn.
Hiến pháp của Trung Quốc hiện giờ chỉ cho phép Chủ tịch nước được ở tại chức không quá hai nhiệm kỳ là 10 năm. Với sự thay đổi mới, nếu được thông qua, Chủ tịch Tập Cận Bình (64 tuổi), người kiêm luôn chức Tổng Bí thư đảng, sẽ có thể lãnh đạo đảng và quân đội cho đến khi qua đời.
Theo dự kiến đề xuất này sẽ được đưa ra quốc hội thảo luận vào tháng tới.
Đề xuất mới của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bao gồm việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp Trung Quốc. Trước đó, trong đại hội đảng hồi tháng 10 năm ngoái, tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào điều lệ đảng.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013. Từ khi nhậm chức đến nay, ông nổi tiếng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi chống tham nhũng rộng khắp ở Trung Quốc, mà theo nhiều nhà phân tích quốc tế thực chất là việc loại trừ các đối thủ tiềm tàng của mình trong đảng.
Trong đại hội đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã được bầu nắm nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.
Ngoài ra, tại đại hội đảng, khác với những người tiền nhiệm, ông Tập Cận Bình cũng không giới thiệu người sẽ kế nhiệm mình sau hai nhiệm kỳ. Điều này đã làm dấy lên những đồn đoán là ông sẽ ở lại chức vụ nhiều hơn 2 nhiệm kỳ.
Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng việc đảng Cộng sản Trung Quốc rỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình cũng đồng nghĩa với việc tạo ra bất ổn trong nước như đã từng diễn ra dưới thời của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Argentina bắn tàu cá Trung Quốc
Lực lượng tuần duyên Argentina đã phải bắn vào một chiếc tàu cá Trung Quốc khi chiếc tàu này đánh bắt cá trái phép ở vùng nước của Argentina. Lực lượng tuần duyên nước này loan tin hôm thứ sáu ngày 23/2.
Tuyên bố của Hải quân Argentina cho biết phía Argentina đã bắn nhiều phát đạn về phía tàu Jing Yuan 626 của Trung Quốc sau khi chiếc tàu này bị phát hiện đang đánh bắt cá trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Argentina.
Môt video được công bố hôm thứ bảy tuần rồi cho thấy một sĩ quan Argentina đã dùng loa lên tiếng cảnh báo tàu Trung Quốc trước khi bắn. Viên sĩ quan này nói đại ý rằng phía tàu cá Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của những người đi trên tàu và của tàu. Viên sĩ quan cảnh báo chiếc tàu sẽ bị bắn ở phần đầu tàu.
Sau đó tàu tuần duyên Argentina đã truy đuổi tàu cá Trung Quốc trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Cuộc truy đuổi chỉ kết thúc sau khi Bộ Ngoại giao yêu cầu chấm dứt và chiếc tàu Trung Quốc chạy thoát.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì về sự kiện này.
Thái Lan bắt ‘bậc thầy về tình dục’ Nga
Cảnh sát Thái Lan hôm 26/2 đã bắt một nhóm 10 người Nga vì làm việc không phép tại thành phố biển Pattaya.
Hãng tin Reuters nói nhóm này đang điều hành khóa huấn luyện về tình dục cho các học viên người Nga.
Cảnh sát cho biết trong những người bị bắt có ông Alex Lesley, một người tự xưng bậc thầy về tình dục, còn gọi là “sex guru”, mà báo chí đã nêu rùm beng vào năm ngoái rằng ông dự định sẽ ra tranh cử tổng thống Nga vào tháng tới.
Theo cảnh sát Thái Lan, ông Lesley, tên thật là Alexander Kirillov. Tuy nhiên, ông này chưa đăng ký với Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga để làm ứng cử viên tổng thống.
Cảnh sát cho biết nhóm người Nga này bị bắt vì làm việc tại Thái Lan mà không xin phép chứ không phải bị bắt vì tổ chức khóa học tình dục.
Cảnh sát cho biết thêm, một trong những người này bị buộc tội ở quá hạn và ba người khác nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan mà không có hộ chiếu. Ngoài ra, nhóm này đã tổ chức khóa học cho hơn 40 người Nga có cả nam và nữ tại một khách sạn ở thành phố Pattaya.
Cảnh sát trưởng Pattaya Apichai Krobpet nói với Reuters: “Các học viên phải trả hơn 20.000 baht (hơn 600 đôla) cho khóa học.”
Báo Mirror của Anh nói cảnh sát ập vào khách sạn khi các nam và nữ hướng dẫn viên đang minh họa cho 33 học viên cách làm thế nào để cho bạn tình của mình thêm phấn kích, trong khi các học viên hớn hở ghi chép và chăm chú xem hình trên máy chiếu.
Ông Krobpet nói thêm: “Chúng tôi đã truy tố cả 10 người hướng dẫn khóa học vì lưu trú quá hạn. Họ đến đây để giảng dạy về giáo dục giới tính cho đồng hương của họ … nhưng bản thân khóa học thì không bất hợp pháp.”
Reuters chưa thể liên lạc với luật sư của những người Nga này. Đại sứ quán Nga tại thủ đô Thái Lan cũng chưa phản hồi với báo chí.
Thành phố Pattaya, nổi tiếng là thành phố về đêm, với các câu lạc bộ múa thoát y, trong đó một số do người Nga điều hành, thu hút rất nhiều khách du lịch Nga, với cả những bảng hiệu bằng tiếng Nga. Trên trang web chính thức, ông Lesley, nhân vật đã có hơn 36.000 người theo dõi trên mạng Instagram, đã đăng một video cảnh du khách tắm biển trên đảo Koh Larn, một hòn đảo ngoài khơi Pattaya, mà ông gọi là Đảo Khỉ.
Một số người trong video mặc áo thun màu trắng có in dòng chữ “Người Hoạt hình Tình dục.” Trang web chính thức của ông Lesley cũng quảng cáo khóa học về kỹ thuật làm tình khai giảng vào ngày 17/2 tại Thái Lan.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-bat-bac-thay-ve-tinh-duc-nga/4270867.html
Nổ ở Leicester, Anh, bốn người chết
Ít nhất bốn người thiệt mạng và bốn người khác bị thương hôm Chủ nhật 25/2 trong một vụ nổ ở thành phố Leicester, Anh quốc. Vụ nố làm hư hại một cửa hàng tạp hóa và một căn nhà.
Giới hữu trách đang điều tra nguyên nhân vụ nổ, nhưng cảnh sát nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy vụ bổ có liên quan tới khủng bố.
Vụ nổ xảy ra khoảng sau 7 giờ tối giờ địa phương hôm Chủ nhật 25/2. Cảnh sát Leicester yêu cầu công chúng không ra khỏi đoạn đường nơi xảy ra vụ nổ, và đề nghị truyền thông báo chí và mọi người không suy luận và đồn đoán về nguyên nhân vụ nổ.
Cảnh sát nói một số nhà cửa quanh đó cũng bị hư hại.
https://www.voatiengviet.com/a/no-o-leicester-anh-bon-nguoi-chet/4270662.html
TT Mêhicô hoãn thăm Mỹ
sau trận đấu khẩu với Donald Trump
Tổng thống Mêhicô Enrique Pena Nieto, ngày 25/02/2018, đã hủy chuyến thăm Hoa Kỳ, sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump.HO / PRESIDENCIA DE MEXICO / AFP
Tại Hoa Kỳ, dự án xây tường tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô lại gây nên sự cố ngoại giao. Chuyến thăm Hoa Kỳ được dự trù của tổng thống Mêhicô Peña Nieto lại bị hoãn một lần nữa. Theo nhật báo Mỹ The Washington Post, sau một cuộc điện đàm không mấy suôn sẽ hôm thứ Ba 20/02 giữa hai vị tổng thống, kế hoạch đã bị hủy bỏ.
Từ New York thông tín viên Grégoire Pourtier giải thích :
“Phía Mêhicô đã khẳng định rằng chính tổng thống Donald Trump đã mất bình tĩnh khi nói chuyện điện thoại. Còn phía Mỹ chỉ nói đến thái độ thất vọng và bực bội. Tuy nhiên, cả hai nước đều cùng nói rằng tổng thống Mêhicô Enrique Peña Nieto đã quyết định hủy bỏ chuyến thăm.
Vào cuối nhiệm kỳ của mình, vị tổng thống Mêhicô lạnh lùng không hề muốn rơi vào một tình huống phiền phức với người đồng nhiệm nóng như lửa của ông. Nguồn gốc mâu thuẫn xung đột rất đơn giản, Trump muốn xây dựng một bức tường trên biên giới giữa hai quốc gia, nhưng lại muốn Mêhicô phải trả phí tổn..
Ý tưởng đó được quần chúng cơ sở của ông Trump hết sức tán đồng, và tổng thống Mỹ luôn cứng rắn đòi đối phương phải thực hiện cho dù ông Peña Nieto đã nhiều lần từ chối.
Vì vậy, trong khi các thông cáo chính thức vào cuối cuộc điện đàm ngày 20 tháng Giêng vừa qua đặc biệt nhấn mạnh trên mong muốn hợp tác giữa hai láng giềng, trong thực tế có vẻ như là dự án xây tường đã chiếm trọn cuộc nói chuyện.
Vào lúc hai nước cũng đang thương lượng lại toàn bộ hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA, tổng thống hai bên dường như không thể vượt qua bế tắc tồn tại từ cách nay hơn một năm.
Vào thời điểm đó, chuyến thăm được dự trù của ông Peña Nieto đến Washington cũng đã bị huỷ bỏ, phá vỡ truyền thống theo đó một tổng thống Mêhicô sẽ là một trong những người đầu tiên đến gặp tân chủ nhân Nhà Trắng.
Quan hệ trắc trở giữa Mỹ và Mêhicô được phơi bày công khai vào lúc phái đoàn của hai nước này cùng với Canada đã họp lại từ hôm qua tại thủ đô Mêhicô để tham gia vòng thứ bảy trong tiến trình đàm phán lại Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA. Chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã đòi thương thuyết lại hiệp định này.
Theo bộ trưởng Kinh Tế Mêhicô, đây sẽ là một vòng đàm phán rất khó khăn với những vấn đề phức tạp như quy định xuất xứ đối với ngành sản xuất ô tô, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm mà phía Mỹ đưa ra.
Giới chuyên gia dự báo hai vòng đàm phán NAFTA sắp tới sẽ còn gay go hơn nữa trong bối cảnh chỉ còn gần 2 tháng nữa sẽ bắt đầu chiến dịch bầu cử tổng thống Mêhicô trong khi cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa nhiệm kỳ cũng sẽ diễn ra vào cuối năm 2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180226-tt-mehico-hoan-tham-my-sau-tran-dau-khau-voi-donald-trump
Trung Quốc siết chặt gọng kềm
quanh các tập đoàn tư nhân nợ nần
Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát đối với các tập đoàn tư nhân ? Nhiều nhà phân tích dự báo như thế, sau khi Bắc Kinh nắm lấy An Bang, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ ba Trung Quốc, với quyết tâm kết thúc các rủi ro tài chính của nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Cơ quan giám sát các định chế bảo hiểm, hôm thứ Sáu tuần trước đã gây ngạc nhiên khi loan báo sẽ nắm quyền lãnh đạo ít nhất trong vòng một năm, đối với tập đoàn An Bang (Anbang), nổi tiếng với thương vụ mua lại khách sạn sang trọng Waldorf Astoria ở New York năm 2014.
Trong những năm gần đây, An Bang liên tục mua lại các công ty ngoại quốc, chủ yếu bằng vốn vay. Việc đặt tập đoàn này dưới quyền kiểm soát của Nhà nước – một biện pháp chưa từng có tại Trung Quốc đối với một công ty tư nhân – nay là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không khoan nhượng trước núi nợ khổng lồ của các công ty lớn.
Nhà kinh tế Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) ở Bắc Kinh nhấn mạnh : « Nếu An Bang bị mất khả năng thanh toán, sẽ có cả một trận lở đất tín dụng xấu trút xuống hệ thống tài chính ».
An Bang là tập đoàn tư nhân đầu tiên trở thành đối tượng của biện pháp triệt để này, từ khi Bắc Kinh tung ra đợt tấn công nhắm vào khu vực tư nhân, nhằm giảm bớt các món đầu tư ra nước ngoài, cũng như nợ nần. Trong số đó có thể kể tập đoàn Hải Hàng (HNA, về hàng không không gian, du lịch, khách sạn), Vạn Đạt (tức Wanda, chuyên về địa ốc, điện ảnh, khu vui chơi), Phục Tinh (tức Fosun, sở hữu công ty du lịch Club Med và tập đoàn hàng hiệu Lanvin ở Pháp).
Được thành lập năm 2004, An Bang lúc đầu chỉ là một công ty bảo hiểm nhỏ, rồi trở nên phát đạt nhờ bán các sản phẩm bảo hiểm với hứa hẹn lãi cao. Kết quả là chỉ trong vài năm, An Bang trở thành một người khổng lồ tài chính.
Ngoài Waldorf Astoria, được mua lại với giá 1,95 tỉ đô la, An Bang còn nuốt gọn nhiều công ty bảo hiểm ngoại quốc. Tập đoàn này còn dòm ngó cả tập đoàn khách sạn Mỹ Starwood, hồi đầu năm 2016 đã đề nghị mua lại với giá 14 tỉ đô la.
Nhưng chiến dịch của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngưng lại các hoạt động tài chính nhiều rủi ro, đã chấm dứt việc huy động vốn hàng loạt của An Bang. Christopher Balding, giáo sư kinh tế ở trường đại học Bắc Kinh nhận định : « Đây là vấn đề trầm trọng » đối với tập đoàn bảo hiểm, vì An Bang phải tiếp tục bảo đảm các cam kết tài chính đối với khách hàng.
Chuyên gia này nhấn mạnh : « Nếu một doanh nghiệp trị giá 315 tỉ đô la như An Bang bị buộc phải giảm lượng tài sản dù chỉ 20%, thì rất lớn, kể cả đối với tiêu chuẩn Trung Quốc ».
Sắp tới, An Bang có thể phải bán đi nhiều tài sản.
Những cái nhìn nay đang hướng về phía các tập đoàn khác, cũng lao vào cơn sốt mua các công ty ngoại quốc, và gánh nhiều nợ nần. Một số đã bắt đầu chiến lược thu gọn lại quy mô, như Vạn Đạt, đã bán ra hàng tỉ đô la tài sản để duy trì khả năng thanh toán.
Nhưng sự kiện Nhà nước nắm lấy An Bang đã tạo ra tiền lệ trong việc can thiệp vào khu vực tư nhân.
Đối với Fraser Howie, đồng tác giả một cuốn sách về hệ thống tài chính Trung Quốc, lời hứa thường xuyên của chính quyền là sẽ trao vai trò lớn hơn cho thị trường dường như « chẳng có giá trị gì ». Ông cho rằng : « Sắp tới ít có khả năng cơ quan quản lý lại nắm quyền kiểm soát các tập đoàn tư nhân khác. Tuy nhiên hầu như chắc chắn rằng chính quyền sẽ tổ chức việc bơm thêm vốn và tái cấu trúc ».
Việc nắm quyền kiểm soát An Bang còn có một ý nghĩa khác, đó là đảng Cộng Sản Trung Quốc nay là người lãnh đạo trên thực tế Waldorf Astoria. Các nhà phân tích nhấn mạnh, một sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước như thế có thể khiến các cơ quan quản lý các nước không chấp nhận đầu tư Trung Quốc trong tương lai.
Với sức mạnh tài chính của mình, chính quyền Trung Quốc cần phải chận đứng các rủi ro. Nhưng theo Christopher Balding, trường đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cũng chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lâu nay Bắc Kinh luôn khuyến khích các công ty lớn « xông ra thị trường thế giới ». Và cơ quan quản lý Trung Quốc, vốn có quyền ngăn trở tất cả hoạt động mua bán quan trọng ở nước ngoài, chưa bao giờ hành động – ông Balding nhấn mạnh. Ông nói : « Các doanh nghiệp như An Bang, rõ ràng là đã say rượu khi cầm lái. Nhưng chính Bắc Kinh đã cung cấp bia và đưa chìa khóa xe cho họ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180226-trung-quoc-siet-chat-gong-kem-quanh-cac-tap-doan-tu-nhan-no-nan
Duy trì quyền lực cho Tập Cận Bình,
nước cờ rủi ro của đảng CS Trung Quốc
Đời sống chính trị Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt lớn với việc Trung ương Đảng Cộng Sản nước này thông báo dự án cải cách xóa bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước đã được ghi trong Hiến pháp. Theo các nhà phân tích, phủ nhận mô hình kế thừa quyền lực, yếu tố vốn đã tạo sự ổn định chính trị cho chế độ độc đảng Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua, có thể sẽ chứa đựng những rủi ro cho Tập Cận Bình cũng như đảng của ông.
Ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc từ năm 2013. Theo quy định của Hiến pháp Trung Quốc và cũng như đã thành tiền lệ trong đảng thời hậu Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình sẽ phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo vào năm 2023, tức là sau hai nhiệm kỳ 5 năm. Với đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng không giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo, thông báo hôm Chủ nhật ( 25/02/2018), đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở đường để ông Tập Cận Bình sẽ còn ở lại lâu dài trên đỉnh cao quyền lực.
Đề xuất này, như một chỉ đạo của đảng, sẽ được thông qua trong phiên họp toàn thể của Quốc Hội vào tuần tới. Quốc Hội Trung Quốc trong dịp này cũng dự kiến đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến pháp, một danh dự mà cho đến giờ chỉ duy nhất dành cho Mao Trạch Đông, người tự tôn vinh là « Người cầm lái vĩ đại » của nhân dân Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích chính trị Trung Quốc, thì ý đồ phá luật để duy trì quyền lực cho cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ không phải không có rủi ro cho đảng Cộng sản. Bà Simone van Nieuwenhuizen, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Sydney nhận xét, « giới hạn hai nhiệm kỳ đã được quyết định nhằm bảo đảm một sự ổn định nhất định. Nếu được giữ lại hơn 10 năm, Tập Cận Bình chắc chắn sẽ bị giới chính trị ưu tú và cả người dân soi xét rất kỹ ».
Tất nhiên, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới trường đoạn lịch sử đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực khốc liệt và ngột ngạt dưới thời Mao Trạch Đông. Hơn nữa, dự án cải cách Hiến pháp vừa được thông báo cũng đặt vấn đề xét lại nguyên tắc « lãnh đạo tập thể » do Đặng Tiểu Bình áp đặt trong đảng từ những năm 1980, nhằm tránh tập trung quyền lực tuyệt đối vào một người như đã diễn ra dưới chế độ Mao.
Nhìn lại hai lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông Giang nắm quyền từ 1993 đến 2003, ông Hồ lên kế thừa từ 2003-2013 rồi chuyển giao sang cho ông Tập. Mỗi người tiền nhiệm của ông cũng chỉ hoàn thành hai nhiệm kỳ rồi rút vào hậu trường dành chỗ cho thế hệ lãnh đạo mới. Các lần chuyển giao quyền lực về cơ bản đều đã diễn ra suông sẻ cho dù trong hậu trường trước lúc vỗ tay ở hội trường lớn, các màn tranh giành cũng đã diễn ra không thiếu phần ác liệt.
Giờ đây, mới chưa đi qua hết nhiệm kỳ đầu, ở tuổi 64, ông Tập Cận Bình đã làm được nhiều việc mà những người tiền nhiệm ông không làm được trên phương diện thâu tóm quyền lực. Ông Tập tỏ cho thấy làm một lãnh đạo quyền thế, độc đoán.
Ông củng cố chế độ bằng gia tăng trấn áp đối kháng, bóp nghẹt xã hội dân sự. Ông phát động chiến dịch chống tham nhũng, lợi dụng loại bỏ các thành phần chống đối trong nội bộ, ông áp đặt đưa « tư tưởng Tập Cận Bình » vào trong điều lệ đảng, gây mầm cho tệ sùng bái cá nhân nảy nở trở lại.
Khi đã thâu tóm được mọi quyền lực trong tay, ông Tập Cận Bình dấn thêm bước nữa để có thể đi xa hơn trên con đường quyền lực.
Nhà nghiên cứu chính trị, Jonathan Sullivan, thuộc Đại học Nottingham, Anh Quốc phân tích : « Việc giới hạn số lượng nhiệm kỳ đã cho phép thể chế hóa sự chuyển tiếp ở đỉnh cao quyền lực và tránh cho đảng Cộng sản Trung Quốc sa đà đi theo các triều đại bạo chúa, hoặc dẫn tới một thời kỳ suy tàn tai họa…Gỡ bỏ mọi giới hạn có thể gây rủi ro cho sự ổn định về lâu dài ».
Một nguy cơ khác của sự tập trung tuyệt đối quyền lực vào tay ông Tập, theo bà Susan Shirk, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học California, tại San Diego, đó là Tập Cận Bình có thể sẽ có những quyết định sai bởi xung quanh toàn những kẻ xu nịnh, không ai dám làm ngược lại ý của ông ta.
Bên cạnh đó, tập trung quyền lực vào một người có thể sẽ khơi dậy sự chống đối phản kháng ngầm ngay trong nội bộ đảng. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã tước đi quyền hành và lợi ích của gần một triệu cán bộ đảng. Có ai dám chắc có bao nhiêu người bị ông Tập kỷ luật đã tâm phục khẩu phục mà không có ý đồ chống đối hay phục thù. Ngay cả những người đã tránh được tai bay vạ gió trong cuộc thanh trừng vừa qua cũng không khỏi không có phản ứng tự vệ.
Theo như nhận định của chuyên gia Susan Shirk thì nguy cơ đối với ông Tập còn ở chỗ giới chính trị ưu tú sẽ có hình thức « nổi dậy » theo cách của họ. Bởi tầng lớp này sẽ rơi vào trong hoàn cảnh hiểm nghèo sau cuộc cải cách nhằm để ông Tập Cận Bình không chia sẻ quyền lực cho ai.
Trung Quốc : Đổ xô mua cổ phiếu
có tên gợi ra hoàng đế Tập Cận Bình
Các nhà đầu tư Trung Quốc, nổi tiếng là mê tín dị đoan, hôm nay 26/02/2018 chen chúc trên các thị trường chứng khoán địa phương để mua cổ phiếu của các công ty nào có các từ « hoàng đế » trong tên gọi, vào lúc việc sửa đối Hiến Pháp có thể giúp ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc suốt đời.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề nghị bỏ điều khoản trong Hiến Pháp giới hạn chủ tịch nước chỉ có thể làm hai nhiệm kỳ. Như vậy Tập Cận Bình, chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 2013, có thể tiếp tục là người đứng đầu chế độ đến bao lâu cũng được, như một « hoàng đế đỏ ».
Thường là ít suy nghĩ và hay theo đuôi đám đông, hàng triệu nhà đầu tư nhỏ đang chiếm đa số trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong đó có nhiều người về hưu, rất quan tâm đến đề nghị sửa đổi Hiến Pháp, được tiết lộ hôm qua, Chủ nhật 25/02/2018.
Khoảng năm, sáu doanh nghiệp có từ « đế » hay « hoàng đế » trong tên tiếng Hoa của công ty, bỗng dưng thấy giá cổ phiếu của mình tăng vọt hôm nay trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến…
Cổ phiếu của công ty cung cấp thẻ chứng minh Shenzhen Emperor Technology vào cuối phiên giao dịch tăng 7%, sau khi đã tăng đến 9% trước đó.
Được niêm yết tại Thượng Hải, cổ phiếu công ty sản xuất chân gà tẩm gia vị Jiangxi Huangshanghuang (Hoàng đế của các hoàng đế) tăng 2,93% ; trong khi Harbin Viti Electronics (tên tiếng Hoa là Uy Đế Điện Tử hay Weidi, tức « hoàng đế đầy uy lực ») tăng 4,43%.
Vatti Corporation (Hoa Đế, tức hoàng đế Trung Hoa), nhà sản xuất máy giặt và điện tử gia dụng, có cổ phiếu tăng 1,74% trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến, trong lúc Shanghai Emperor of Cleaning Hi-Tech (Thượng Hải Tiển Bá) tăng 4,43%.
Nhìn chung, các cổ phiếu này tăng ở mức cao so với mặt bằng chung: chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ tăng có 1,23% hôm nay.
Đôi khi thiếu thông tin, chỉ phản ứng theo các dòng tít lớn trên báo chí, người chơi chứng khoán Trung Quốc thường lao vào mua các cổ phiếu mà họ chỉ biết mỗi cái tên, được cho là « hên », mà không quan tâm đến năng lực kinh tế thực sự.
Khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, có một công ty mà cái tên khi đọc lên bằng tiếng Hoa nghe giống như « Trump đại thắng » bỗng thấy giá cổ phiếu tăng vọt.
Còn hơn thế nữa : do kinh tế chậm lại, vào năm 2014 và 2015 khoảng mấy chục tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng và khai thác khoáng sản đã đổi tên nghe rất kêu, trong khi các hoạt động công nghệ cao chỉ chiếm một tỉ lệ hết sức nhỏ trong doanh số công ty. Thủ thuật này đôi khi giúp giá cổ phiếu tăng lên, bất chấp kết quả kinh doanh tồi tệ của họ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180226-trung-quoc-do-xo-mua-co-phieu-co-ten-goi-ra-hoang-de-tap-can-binh
Tỉ phú Trung Quốc chiếm 10% vốn của Daimler Mercedes :
Đức quan ngại
Bộ trưởng Kinh Tế Đức ngày 26/02/2018 lên tiếng cảnh báo, cho rằng sự kiện một tỉ phú Trung Quốc vừa thâu tóm một phần vốn quan trọng trong tập đoàn ô tô Daimler của Đức có thể « gây ra vấn đề », trong bối cảnh dư luận đang quan ngại trước tham vọng của Bắc Kinh ở châu Âu.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Stuttgart Zeitung, bà bộ trưởng Đức Brigitte Zypres, xác định: « Chúng ta phải đặc biệt cẩn thận. (…) Nếu một doanh nghiệp cạnh tranh có chân trong hội đồng giám sát của tập đoàn Daimler, điều đó có thể là một vấn đề », cần phải có lời giải thích.
Tập đoàn công nghiệp Geely, thuộc sở hữu của tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), ngày 23/02 vừa qua đã bất ngờ giành được một phần quan trọng trong vốn tập đoàn ô tô Đức Daimler, công ty mẹ của hai hãng xe Mercedes-Benz và Smart nổi tiếng, và đã trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler.
Tập đoàn Trung Quốc, cũng ở trong lãnh vực sản xuất xe hơi, đã mua được 9,6% cổ phần của Daimler, qua mặt một quỹ đầu tư Kuwait vốn chỉ nắm giữ 6,8% cổ phần Daimler, và hơn xa nhóm Pháp-Nhật Renault-Nissan chỉ có 3,1%.
Đối với vị bộ trưởng Đức, quốc gia châu Âu này vẫn là « một nền kinh tế mở cửa cho đầu tư nước ngoài », nhưng việc mở cửa không có nghĩa là trở thành « cửa ngõ phục vụ cho chính sách công nghiệp của các nước khác ».
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, tập đoàn Geely Trung Quốc đã bỏ ra 7,3 tỉ euro (tương đương với 9 tỉ đô la Mỹ để sở hữu gần 10% cổ phần của Daimler.
Đây không phải là lần đầu tiên mà tập đoàn Trung Quốc tìm cách mua lại các hãng chế tạo xe hơi châu Âu. Geely đã từng nuốt hãng Volvo của Thụy Điển, một hãng chế tạo loại xe taxi đặc thù của Luân Đôn, và hiện đã kiểm soát hãng chế tạo xe đua nổi tiếng Lotus của Anh.
Jerusalem : Phản đối dự luật thuế mới,
Nhà thờ Mộ Thánh đóng cửa vô thời hạn
Nhà thờ Mộ Thánh, vốn được coi là nơi đặt mộ Chúa Giêsu ở Jerusalem, bắt đầu đóng cửa vô thời hạn từ ngày hôm qua 25/02/2018. Đây được coi là một quyết định hiếm có và mang tính biểu tượng cao theo quyết định của 13 nhà thờ, tức là toàn bộ số nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở Jerusalem, nhằm phản đối dự luật mới về thuế của Israel.
Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Marine Vlahovic giải thích :
“Khoản tiền thuế mà các nhà thờ phải nộp lên đến 150 triệu euro. Dự luật mới về thuế có thể sẽ gây trở ngại cho các nhà thờ có thu nhập từ bất động sản. Cha David Grenier, thư ký dòng tu Phanxicô ở Jerusalem, chỉ trích đây là các đòn tấn công vào cộng đồng Thiên Chúa Giáo vốn đã bị suy yếu ở Jerusalem. Ông phát biểu : « Vấn đề là các quy định này chỉ nhắm đến các nhà thờ. Những nơi khác không bị ảnh hưởng bởi luật mới. Đây rõ ràng là đòn tấn công vào các nhà thờ. »
Và các nhà thờ đã phản công, bởi vì theo các lãnh đạo tôn giáo, các biện pháp mới về thuế khiến người ta nhớ tới các luật chống người Do Thái được ban bố ở châu Âu trong thế kỷ XX.
Ông Itay Butler, cố vấn thị trưởng của Jerusalem đáp lại rằng điều này là sai. Cách đây vài tháng, quan chức này đã từng nói : « Đối với tòa thị chính, đây là các quy định rất công bằng về các loại thuế nộp cho thành phố. Còn đối với dân chúng, đây là các quy định mang tính công minh về tài sản đất đai của Giáo hội. Đây không phải là một đòn tấn công vào Thiên Chúa Giáo. Theo tôi, không thể so sánh việc này với các đạo luật của Đức chống người Do Thái ».
Việc xem xét dự luật về tài sản của các nhà thờ đã được đẩy lùi sang tuần sau. Nhà thờ Mộ Thánh vẫn tiếp tục đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.”
Pháp và Đức kêu gọi Nga áp lực tối đa
để buộc Damas tôn trọng hưu chiến
Tại Syria, quân đội của chính phủ vào hôm nay 26/02/2018 vẫn tiếp tục chiến dịch tấn công vào các lực lượng nổi dậy ở miền đông Ghouta, gần thủ đô Damas, bất chấp một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc quy định 30 ngày hưu chiến, cũng như những lời kêu gọi ngừng bắn liên tiếp của cộng đồng quốc tế. Thái độ của Damas đã thúc đẩy Paris và Berlin lên tiếng yêu cầu Matxcơva gây sức ép để chế độ Bachar al Assad ngừng chiến dịch oanh kích.
Trong một thông cáo đưa ra sau cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel còn yêu cầu chính quyền Damas chấp nhận việc thực hiện không chậm trễ nghị quyết được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 24/02, kêu gọi một cuộc ngừng bắn nhân đạo kéo dài 30 ngày.
Ông Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng Pháp sẽ « hết sức cảnh giác để cho nghị quyết được Liên Hiệp Quốc thông qua không trở thành giấy lộn, và để đạt được những tiến bộ cụ thể, nhanh chóng và tương xứng với nhu cầu trên hiện trường nhằm giảm bớt những đau khổ của thường dân… ».
Chế độ Damas tuy nhiên vẫn biểu lộ thái độ dửng dưng trước mọi sức ép quốc tế, và ngay sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, chiến sự lại bùng lên dữ dội vào hôm qua.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Kalifeh tường trình :
“Các trận đánh dữ dội đã bùng lên vào hôm qua 25/02/2018 ở hai mặt trận phía nam và đông nam miền Đông Ghouta. Sau một tháng pháo kích và dội bom, quân đội chính phủ Syria đã bắt đầu cuộc tấn công trên bộ.
Theo kênh truyền hình Ả Rập al-Mayadeen, lực lượng Damas đã tiến quân vào thị trấn Nachabiya, nơi đồn trú của phiến quân thuộc nhóm Jaich al-Islam và các phần tử thánh chiến của chi nhánh al-Qaeda ở Syria. Xung đột cũng ác liệt ở Harasta, phía bắc Damas, nơi mà không quân Syria bắt đầu tấn công.
Các lực lượng phiến quân cũng tiếp tục bắn tên lửa vào thủ đô Syria, với khoảng 30 chiếc đã rơi xuống thành phố hôm qua. Một quan chức phụ trách cứu hộ cho biết là 36 thường dân đã thiệt mạng và 200 người bị thương trong những ngày gần đây ở Damas.
Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, ở vùng Đông Ghouta, một đứa trẻ đã bị chết ngạt sau một cuộc không kích, trong lúc 13 người khác bị các vấn đề hô hấp đã được điều trị.
Bộ Quốc Phòng Nga đã phủ nhận khả năng quân đội Syria sử dụng chất hóa học và cảnh báo rằng quân nổi dậy đang chuẩn bị một cuộc tấn công bằng khí độc để sau đó đổ lỗi cho quân đội chính phủ.”
Thế Vận Hội 2018 :
Máy tính của ban tổ chức bị tin tặc Nga tấn công
Gián điệp quân đội Nga đã « giả danh » tin tặc Bắc Triều Tiên để tấn công hệ thống máy tính của ban tổ chức Thế Vận Hội Pyeongchang 2018. Tờ Washington Post hôm qua 25/02/2018 trích dẫn các nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết như trên.
Chỉ một hôm sau khi Thế Vận Hội khai mạc vào ngày 09/02/2018, Hàn Quốc đã thông báo điều tra xem tại sao nhiều trang web của Thế Vận Hội Pyeongchang lại bị ngắt vào đúng lúc diễn ra lễ khai mạc.
Theo nhiều quan chức tình báo Mỹ ẩn danh được Washington Post trích dẫn, cơ quan tình báo của quân đội Nga (GRU) ngay từ đầu tháng 02/2018 đã kiểm soát được hơn 300 máy tính của ban tổ chức Thế Vận Hội.
Các gián điệp Nga đã thâm nhập được vào hệ thống máy tính của ban tổ chức tại Hàn Quốc và phát triển một phần mềm mã độc để thu thập thông tin và làm tê liệt hệ thống.
Tình báo Mỹ không thể khẳng định liệu có phải tin tặc Nga đã gây ra các sự cố trong lễ khai mạc Thế Vận Hội. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh việc gián điệp Nga kiểm soát được hệ thống máy tính của ban tổ chức là rất « đáng lo ngại », nhất là khi tin tặc Nga sử dụng địa chỉ IP Bắc Triều Tiên để khiến mọi người tin rằng các vụ tấn công tin học là do Bắc Triều Tiên thực hiện.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180226-the-van-hoi-2018-may-tinh-cua-btc-bi-tin-tac-nga-tan-cong
Mạng xã hội Trung Quốc chỉ trích mạnh
dự án duy trì quyền lực của Tập Cận Bình
Dự án cải cách Hiến Pháp nhằm duy trì quyền lực của ông Tập Cận Bình ngay sau khi được thông báo hôm qua, 25/02/2018, đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên internet. Không ít ý kiến tố cáo Bắc Kinh muốn tạo dựng một chế độ độc tài theo kiểu Bắc Triều Tiên.
Trên Vi Bác, một mạng xã hội Trung Quốc tương đương như Twitter, một ý kiến viết : « Vậy là chúng ta sắp trở thành Bắc Triều Tiên ». Một ý kiến khác phụ họa thêm : « Chúng ta đang theo gương người láng giềng ». Ngay lập tức những bình luận như vậy đã bị xóa và, ngay từ tối qua, các cụm từ khóa tìm kiếm « giới hạn hai nhiệm kỳ » cũng đã bị chặn trên internet.
Không có gì ngạc nhiên các phản ứng trên truyền thông xã hội đã bị kiểm duyệt gỡ bỏ, cùng lúc với việc chính quyền mở chiến dịch tuyên truyền cho kế hoạch của lãnh đạo Trung Quốc.
Với các chức danh tổng bí thư đảng, chủ tịch nước và tổng tư lệnh quân đội, ông Tập Cận Bình chuẩn bị kết thúc 5 năm đầu tiên đầy quyền lực vào đầu tháng Ba và sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ hai. Hôm qua, đảng Cộng sản đã thông báo dự án cải cách Hiến pháp, nhằm xóa quy định giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo.
Trong bài xã luận số ra ngày hôm nay, nhật báo Global Times, một phiên bản của báo đảng, đã cố gắng giải thích rằng dự án cải cách không có nghĩa là chủ tịch nước sẽ giữ chức vụ vĩnh viễn. Ngoài ra, tờ báo cũng không có giải thích nào hơn về ý đồ cải cách Hiến pháp.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo thì đăng lại một bài viết dài của Tân Hoa Xã trong đó trích dẫn các ý kiến để khẳng định rằng « đại đa số cán bộ và nhân dân ủng hộ điều sửa đổi Hiến pháp » nói trên.
Mặc dù bị kiểm duyệt, cư dân mạng Trung Quốc cố tìm cách né tránh bằng những bình luận hài hước, bóng gió.
Các phản ứng về ý đồ kéo dài vô hạn thời gian cầm quyền cho ông Tập Cận Bình rộ lên mạnh ở Hồng Kông, đặc biệt trong giới đấu tranh dân chủ ở đó.
Hoàng Chi Phong, một lãnh đạo phong trào dân chủ nhận định : « Quyết định giúp cho một cá nhân tích tụ quyền lực chính trị như thế này có nghĩa là Trung Quốc sẽ lại có một nhà độc tài lãnh đạo, đó là Tập Cận Bình ».
Nhà hoạt động này nói thêm : « Ở Trung Quốc luật pháp chỉ có thể tồn tại một cách hình thức, điều này chứng tỏ là luật pháp Trung Quốc tồn tại để phục vụ một cá nhân và mục đích của đảng ».