Tin khắp nơi – 26/01/2018
Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác với ASEAN
Ấn Độ vừa có một động thái chiến lược gần đây, khi mời lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á đến tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN – Ấn Độ cùng với Lễ kỷ niệm thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ trong hai ngày 25-26/1.
Theo Reuters, nhiều quan chức và nhà ngoại giao nhận định động thái này là để khuyến khích hợp tác an ninh hàng hải với các nước ASEAN trong khu vực vốn bị thống lĩnh bởi Trung Quốc.
Cùng chung mối quan tâm
Ảnh hưởng của Trung Quốc lan rộng khắp khu vực Đông Á, bao gồm việc xây dựng các cảng và nhà máy điện tại hai quốc gia Pakistan và Sri Lanka láng giềng của Ấn Độ, khiến nước này bắt đầu tìm kiếm đồng minh trong khu vực.
TQ: ‘Drone của Ấn Độ ‘xâm phạm không phận’
Tướng Ấn Độ thăm và ‘củng cố quan hệ’ với VN
VN đón Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ
Và cũng như Việt Nam, Ấn Độ cũng có những tranh chấp biên giới riêng với Trung Quốc ở vùng thung lũng Doklam.
Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu
Vì vậy các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc sẽ mong muốn tìm kiếm một sự tiếp cận sâu rộng hơn của Ấn Độ trong khu vực, và một trong số đó là Việt Nam.
Gần đây nhất, vào tháng 11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, Ấn Độ tự nguyện đứng ra làm người hòa giải cho tranh chấp ở Biển Đông qua biện pháp ôn hòa và luật pháp quốc tế.
Tác giả Sriram Iyer của tờ Quartz nhận động thái này của lúc đó Modi là một điều Trung Quốc “không muốn nghe” vì chỉ muốn giải quyết vấn đề song phương.
Nhiều hoạt động song phương giữa Việt Nam-Ấn Độ
Một ngày trước khi hội nghị cấp cao diễn ra, hôm 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một buổi hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật về cuộc hội đàm với tiêu đề “Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về Biển Đông”.
Báo này viết, “Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thúc giục xây dựng COC hiệu quả, phù hợp và mang tính ràng buộc pháp lý…”
Sau đó vào sáng 25/1, báo Dân Trí cũng đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam làm Lễ động thổ xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi.
Trụ sở mới này tọa lạc trên một mảnh đất rộng 3.450 m2 để xây dựng trụ sở và nhà ở cho nhân viên Đại sứ quán.
Đồng thời, theo Hãng thông tấn UNI của Ấn Độ, từ 29/1 đến 3/2 sẽ diễn ra cuộc Diễn tập Quân sự Song phương đầu tiên tại Jabalpur, Madhya Pradesh.
Quân đội Việt Nam và Quân đội Ấn Độ, mỗi lượng lực sẽ cử 15 sỹ quan tham gia để chuẩn bị cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình theo ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc.
Ấn tượng tốt đẹp với Việt Nam?
Cũng theo Quartz, trong số các quốc gia Đông Nam Á mà Modi từng đến thăm, Việt Nam là quốc gia có ấn tượng đẹp nhất với vụ thủ tướng 67 tuổi này.
TQ tuyên bố thắng Ấn Độ trong tranh chấp biên giới
Biển Đông: vì sao Trung Quốc ‘phủ đầu’ ngay đầu năm?
Dựa trên khảo sát của Gallup được công bố vào đầu năm nay, Việt Nam là nước Đông Nam Á yêu thích vị thủ tướng 67 tuổi này nhất, tặng ông 62 điểm, góp phần giúp Modi leo lên vị trí thứ 3 trong danh sách các nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trên thế giới, chỉ sau Emmanual Macron và Angela Merkel.
Việt Nam và Ấn Độ thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2016.
Trong tháng Giêng, ông Modi là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, sau hai thập niên từ khi Thủ tướng Deve Gowda tham dự năm 1997.
Với Modi, hội nghị này là dịp cho ông thúc đẩy các lợi ích đất nước, và chứng tỏ mình là nhà cải cách kinh tế.
Bảng xếp hạng mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đặt Ấn Độ số 40 trên 137 nước về tính cạnh tranh.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42828687
Một phần ba rạn san hô ‘mắc trong nhựa’
Nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho tương lai của các rạn san hô sau khi đại dương bắt đầu nóng lên, các nhà khoa học cho biết.
Hơn 11 tỷ các sản phẩm bằng nhựa được tìm thấy mắc kẹt trên một phần ba rạn san hô được khảo sát ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Con số này dự đoán sẽ tăng lên hơn 15 tỷ vào năm 2025.
Úc: Cứu rạn san hô Great Barrier thế nào?
Những hiện tượng kỳ thú của đại dương vào ban đêm
Úc: Vùng san hô rộng lớn ‘đang chết’
Theo nghiên cứu, rác thải nhựa làm tăng 20 lần nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên các rạn san hô. Các bao bì nhựa, chai lọ và bao gạo là một trong số các loại rác thải được tìm thấy.
Tiến sĩ Joleah Lamb thuộc Đại học Cornell ở Ithaca, Mỹ cho biết: “Nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất trong đại dương vào lúc này, chỉ đứng sau biển đổi khí hậu.”
“Thật đáng tiếc là có rất nhiều mảnh nhựa mắc trong rạn san hô … nếu chúng ta có thể nhắm vào những nguồn thải nhựa lớn nhất, hy vọng chúng ta có thể bắt đầu giảm số lượng rác thải nhựa đang tăng lên trên các rạn san hô này.”
Tài nguyên quý giá
Các rạn san hô là nguồn thực phẩm, bảo vệ bờ biển, nguồn thu từ du lịch và mang lại các giá trị văn hóa quan trọng cho hơn 275 triệu người.
Đây là môi trường sống quan trọng cho cá và nghề cá, các nhà khoa học cho biết.
Tiến sĩ Lamb, người phụ trách chương trình nghiên cứu, nói: “Rất nhiều lần chúng tôi nhìn thấy các bao gạo lớn hoặc túi nhựa.
“Những gì chúng tôi phát hiện là những rạn san hô này có nhiều hình dạng phức tạp kiểu cành, nhánh và giống như ngón tay khiến các loại nhựa này dễ vướng vào gấp 8 lần.”
Các nhà nghiên cứu quốc tế đã khảo sát hơn 150 rạn san hô tại bốn quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2011 đến năm 2014.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42828664
Trung Quốc tham vọng tái thiết
‘Con đường Tơ Lụa trên Băng’
Trung Quốc mới đây tuyên bố kế hoạch phát triển các tuyến đường biển xuyên Bắc Cực cho tham vọng tái thiết “Con đường Tơ Lụa”.
Vì sao Ấn Độ phản đối ‘Vành đai, Con đường’?
Chuyến tàu hàng đầu tiên từ TQ tới Anh
VN ở đâu trong ‘Vành đai và Con đường’ của TQ?
Bắc Kinh cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu làm băng tan sẽ khiến cho các tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực trở nên hết sức quan trọng với thương mại quốc tế
Trung Quốc sẽ hợp tác với Nga và các nước quanh Bắc Cực để phát triển tuyến đường này. Đây được xem như là một phần trong kế hoạch tham vọng của Trung Quốc nhằm kết nối các tuyến đường biển, đất liền sang Châu Âu và xa hơn nữa.
Dự án “Vành đai, Con đường” trị giá một tỷ đô la của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng và tái thiết cơ sở hạ tầng, cảng biển, đường xá và đường ray xe lửa để kết nối hai lục địa Á-Âu và đặt Trung Quốc vào vị thế trung tâm.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu, trớ trêu thay, theo một số nhà quan sát, lại mang đến cho thế giới nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng hơn.
Tháng Tám năm ngoái, lần đầu tiên một tàu chở dầu Nga di chuyển từ Na Uy tới Hàn Quốc mà không cần đến sự trợ giúp từ các công nhân dọn dẹp băng tan.
“Trung Quốc hy vọng sẽ đi được đến thống nhất với tất cả các bên để tái thiết được lại “Con đường Tơ Lụa” thông qua việc phát triển các tuyến đường vận tải Bắc Cực,” Trung Quốc tuyên bố trong một văn bản báo cáo chính thức.
“Quyền sử dụng các tuyến đường biển vận chuyển qua Bắc Cực cần được đảm bảo”.
Tuyến đường mới cho phép Trung Quốc vận chuyển nhanh hơn tới các cảng biển thay vì các tuyến hiện tại qua kênh đào Suez và Panama.
Theo ước tính, tuyến đường mới chỉ tốn 20 ngày để một tàu có thể di chuyển từ Trung Quốc qua Rotterdam thay vì 48 ngày qua kênh đào Suez như trước.
Theo hãng tin Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho rằng “Những nỗi lo về việc Trung Quốc sẽ khai thác quá mức tài nguyên của Bắc Cực hay phá hoại môi trường là “hoàn toàn không cần thiết”.
TQ nói Mỹ nên “học hỏi thêm” về Biển Đông
Khi ngoại giao TQ ‘thắng’ cả luật quốc tế
Chính sách “Một Trung Quốc” là gì?
Báo cáo của Trung Quốc thừa nhận một số lợi ích của Trung Quốc trong dầu khí, khai thác khoáng sản, đánh bắt cá và các nguồn tài nguyên khác của khu vực, nhưng nó cũng thể hiện sự quan tâm phát triển hợp tác với các quốc gia khác của Trung Quốc.
Báo cáo cũng khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở hạ tầng và tiến hành các chuyến đi thử nghiệm thương mại qua Bắc Cực.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42831116
Trump xem xét cấp quyền công dân cho hai triệu người
Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch cấp quyền công dân cho 1,8 triệu người nhập cư bất hợp pháp nhằm đổi lấy kinh phí xây dựng bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico.
Các trợ lý cấp cao của Trump đề xuất kế hoạch này trước các cuộc đàm phán lập pháp với đảng Dân chủ.
Dự thảo này, dự kiến công bố hôm thứ Hai 29/1, yêu cầu Quốc hội Mỹ cho phép thành lập một quỹ trị giá 25 tỷ đôla để xây dựng một bức tường ở biên giới Mexico.
Người VN trèo rào Nhà Trắng ‘được tại ngoại’
Dự luật di trú ‘ảnh hưởng hàng trăm ngàn người Việt’
‘Không thể vào Mỹ sau sắc lệnh của Trump’
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Dự luật nhập cư RAISE của Hoa Kỳ sẽ ‘siết chặt hơn’?
Trump chối việc dùng từ tục nói về dân nhập cư
Một đảng viên Dân chủ tuyên bố sẽ phản đối việc này.
Kế hoạch ra sao?
Các thông tin chi tiết được đưa ra trong một cuộc điện đàm vào Thứ Năm 26/1 giữa cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Stephen Miller và các trợ lý của đảng Cộng hòa, theo truyền thông Mỹ.
Ông Miller được cho là mô tả kế hoạch Nhà Trắng như một “sự nhượng bộ kịch tính”.
Kế hoạch chi tiết này đưa ra một lộ trình 10-12 năm để trở thành công dân Mỹ cho 1,8 triệu người nhập cư.
Con số này bao gồm khoảng 700.000 người thuộc thế hệ ‘Dreamers’ – những người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ khi còn nhỏ. Những người này đã được bảo vệ khỏi bị trục xuất theo chương trình Hành động Trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) của ông Obama.
1,1 triệu người khác là những người nhập cư không nộp đơn xin DACA nhưng đủ điều kiện để tham gia chương trình này.
Nhà Trắng cũng tìm cách chấm dứt hai sáng kiến khác mà Tổng thống Donald Trump thường hay chỉ trích.
Theo đó Nhà Trắng dự kiến cắt giảm ‘di cư theo chuỗi’, thay vào đó chỉ cấp thị thực cho vợ, chồng và con cái của công dân Mỹ chứ không cho các thành viên khác trong gia đình.
Nhà Trắng cũng gỡ bỏ sáng kiến Sổ xố Thị thực vốn cho phép 50.000 người từ khắp nơi trên thế giới giành Thẻ Xanh một cách ngẫu nhiên mỗi năm.
Tại sao Daca quan trọng?
Ông Trump huỷ bỏ chương trình DACA tháng 9/2017 và giao cho Quốc hội thảo một kế hoạch mới có hạn chót vào tháng 3/2018.
Tổng thống cho đến nay đã bác bỏ đề xuất lưỡng đảng đã được trình bày với ông.
Việc Quốc hội thất bại trong việc đảm bảo một thỏa thuận về nhập cư đã khiến chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động vào cuối tuần qua.
Hôm thứ Tư 24/1, ông Trump cho biết ông lạc quan rằng sẽ đạt được thỏa thuận về nhập cư bao gồm cả việc cho phép những người thuộc thế hệ Dreamers ở lại.
Ông nói thêm rằng đó là một “động lực” để thế hệ này làm việc chăm chỉ và “làm việc tốt”.
Ông Trump cũng nói rõ rằng để đổi lấy sự nhượng bộ nhằm giúp đạt được ưu tiên của đảng Dân chủ, ông muốn đảng này ủng hộ chiến dịch ký tên của ông về việc xây bức tường biên giới.
Tuy nhiên, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer tuần này đã rút lại lời đề nghị tài trợ bức tường của ông Trump.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42828584
Quân đội Thái lại sẵn sàng để hoãn bầu cử
Cuộc bầu cử được chờ đợi ở Thái Lan có nguy cơ bị trì hoãn thêm nữa sau khi Chính quyền quân sự Thái chỉ định Quốc Hội bỏ phiếu để kéo dài thời hạn cho việc bổ sung một luật cần thiết trong bầu cử.
Quốc Hội Thái vào chiều tối ngày 25 tháng Giêng đã bỏ phiếu để dời ngày tiến hành bầu cử. Cố vấn luật pháp cấp cao của Chính quyền quân sự Thái cho biết cuộc bầu cử có thể dời lại đến tháng Hai năm 2019.
Chính quyền quân sự Thái Lan lật đổ Chính phủ dân sự Thái vào năm 2014 và đã nhiều lần hứa hẹn sẽ tiến hành bầu cử. Chính quyền quân sự Thái Lan nói rằng cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2015, tuy nhiên đã không diễn ra do yêu cầu cơ quan lập pháp của Thái phải soạn thảo và ban hành bản Hiến pháp mới.
Thủ tướng Thái Lan gần đây lên tiếng rằng cuộc bầu cử dự định diễn ra trong tháng 11 năm 2018.
Các thành viên thuộc đảng Pheu Thai, đảng lãnh đạo chính phủ dân sự trước khi bị quân đội lật đổ, vào ngày 26 tháng Giêng phản đối việc trì hoãn cuộc bầu cử sang năm 2019 và cáo buộc các tướng lãnh trong Chính quyền quân sự ‘câu giờ’ để tìm kiếm sự ủng hộ khi cuộc bầu cử diễn ra.
Cựu Thủ tướng Thái Lan, kiêm lãnh đạo cấp cao của Đảng Pheu Thái Chaturon Chaisang nói với AFP rằng Chính quyền quân sự Thái đang nỗ lực để củng cố vị thế giành thắng lợi trước cuộc bầu cử và chắc chắn họ sẽ tiếp tục nắm quyền lực điều ahfnh quốc gia sau cuộc bầu cử sắp tới.
Cựu Thủ tướng Chaturon Chaisang còn nhấn mạnh rằng Chính quyền quân sự Thái đang cố gắng “làm suy yếu các đảng phái khác” để tìm cách tạo cơ hội chỉ định một thủ tướng hoặc chọn lựa một thủ tướng được đảng của quân đội hậu thuẫn.
Cuộc bầu cử tại Thái Lan bị trì hoãn sau khi Chính quyền quân sự Thái xảy ra vụ tai tiếng về tham nhũng, liên quan đến Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, người được đặc biệt danh là “Tướng Rolex” do bộ sưu tập 25 chiếc đồng hồ Rolex của ông trị giá khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ.
Phó Thủ tướng Prawit lên tiếng những chiếc đồng hồ này là mượn của bạn bè; tuy nhiên hiện cơ quan chống tham nhũng Thái Lan đang điều tra vì Tướng Prawit đã không kê khai trong danh sách tài sản của ông.
Du khách Trung Quốc làm tăng tỷ lệ tội phạm ở Campuchia
Sự hiện diện và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia đang đẩy tỷ lệ tội phạm và bất ổn xã hội tại quốc gia này lên cao.
Hãng tin Reuters vào ngày 26 tháng giêng có được bức thư xác định là của vị đứng đầu tỉnh Preah Sihanoukville, ông Yun Min, gửi cho Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, trong đó nêu rõ rằng dòng người Trung Quốc đổ vào tỉnh này đã tạo điều kiện cho bọn mafia người Hoa vào theo và thực hiện những hành vi phạm tội cũng như bắt cóc các nhà đầu tư Trung Quốc, gây mất an ninh cho khu vực.
Ngoài ra, ông Yun Min còn đề cập đến việc một số người Trung Quốc uống rượu say rồi gây gổ đánh nhau trong nhà hàng, cũng như tăng giá thành khách sạn lên nhằm phục vụ lợi ích của họ.
Tuy nhiên bên cạnh đó người đứng đầu tỉnh Preah Sihanoukville cũng nói rằng người Trung Quốc đến đầu tư có tạo công ăn việc làm cho dân Campuchia và giúp nâng cao giá cả bất động sản tại địa phương này.
Ông Khieu Sopheak, người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia nói rằng ông chưa được đọc lá thư nhưng khẳng định là Campuchia luôn gìn giữ chủ quyền của mình, và người Trung Quốc không thể kiểm soát nhân dân Campuchia. Ông cũng nhấn mạnh rằng nếu Bắc Kinh đến đầu tư và tôn trọng pháp luật Campuchia thì điều đó không có gì là sai trái.
Lá thư của ông tỉnh trưởng Yun Min là một trong những lời phê bình hiếm hoi dành cho Hoa Lục bởi vì bấy lâu nay Phnom Penh luôn hoan nghênh dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen còn là một đồng minh thân cận của Bắc Kinh và Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất của Campuchia đến nay.
Tỉnh Preah Sihanoukville là địa phương chứng kiến sự bùng nổ trong các công trình xây dựng trong những năm gần đây chủ yếu do Trung Quốc đầu tư, chẳng hạn như khách sạn, sòng bạc hay hàng ngàn căn hộ.
TT Trump bác tin nói ông hạ lệnh sa thải CTV Mueller
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Sáu bác bỏ bản tin nói rằng ông đã hạ lệnh sa thải Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller hồi tháng 6 năm ngoái, nói rằng tin đó là “tin vịt”.
Báo New York Times hôm thứ Năm 25/1 tường thuật rằng ông Trump đã ra lệnh nhưng sau đó lùi bước sau khi Luật sư Toà Bạch Ốc đe dọa sẽ từ chức, chứ không tuân thủ chỉ thị của ông.
Trả lời những câu hỏi của các nhà báo ở Davos sau khi Báo New York Times đưa tin, Tổng thống Trump nói:
“Tin vịt, các bạn ạ, tin vịt.”
https://www.voatiengviet.com/a/trump-bac-tin-noi-ong-ha-lenh-sa-thai-ctv-mueller/4226394.html
Nhật phát hiện Triều Tiên
chuyển giao nhiên liệu bất hợp pháp
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay một máy bay do thám của hải quân Nhật phát hiện một tàu dầu mang cờ Cộng hòa Dominica dường như đang chuyển nhiên liệu cho một tàu dầu Triều Tiên ngoài biển khơi.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 24/1 nói việc chuyển dầu, có thể vi phạm những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, được phát hiện tại Biển Hoa Đông vào ngày 20/1.
Tuyên bố nói Nhật Bản đã báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc việc nhìn thấy tàu dầu Yuk Tung bỏ neo bên cạnh tàu Rye Song Gang No. 1 đăng ký tại Triều Tiên trước rạng đông.
Báo cáo có kèm theo 4 bức ảnh của hai con tàu nằm cạnh nhau và sau đó di chuyển đi nơi khác trước khi mặt trời mọc.
Hoa Kỳ trước đây từng xác định là tàu dầu Triều Tiên có tham gia các vụ chuyển giao nhiên liệu bất hợp pháp ngoài biển khơi.
Các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên hạn chế việc buôn bán năng lượng và cấm chuyển hàng hóa cho các tàu bè Triều Tiên ngoài khơi.
Điều kiện của TT Trump nếu để Dreamers nhập tịch
Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị mở đường nhập tịch cho 1,8 triệu di dân trẻ đang sinh sống tại Hoa Kỳ, theo các nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc không muốn nêu danh.
Kế hoạch này nhắm vào các ‘Dreamers’, tức những di dân được thân nhân đem sang Mỹ khi còn nhỏ.
Các giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc ngày 25/1 cho báo giới biết rằng kế hoạch vừa kể của ông Trump sẽ thu hẹp diện bảo lãnh theo gia đình xuống chỉ còn vợ chồng và con cái dưới tuổi trưởng thành cũng như chấm dứt chương trình xổ số visa nhập cư Mỹ.
Kế hoạch này cũng kèm theo 25 tỷ đô la ngân quỹ xây tường biên giới với Mexico để giảm di dân lậu và tăng cường an ninh vùng biên giới phía Bắc với Canada.
Reuters cho hay Tòa Bạch Ốc hy vọng Thượng viện sẽ bàn tới kế hoạch này trong tháng hai.
https://www.voatiengviet.com/a/dieu-kien-cua-tong-thong-trump-neu-de-dreamer-nhap-tich-/4225363.html
Mỹ có thể trở lại TPP nếu có lợi
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 loan báo Hoa Kỳ sẽ tham gia hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với 11 nước nếu hiệp định này có thể đạt thỏa thuận tốt hơn những gì đạt được trước đây.
“Tôi sẽ chấp nhận TPP nếu chúng ta có thể đạt một thỏa thuận tốt hơn,” ông Trump nói với CNBC trong lúc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
“Thỏa thuận trước đây thật kinh khủng; kết cấu thật kinh khủng. Nếu thật sự có một thỏa thuận khá hơn, tôi sẽ mở ngỏ khả năng vào TPP.”
Ông Trump không nêu rõ những nội dung nào mà ông cho là bất cập trong TPP, thỏa thuận mất rất nhiều năm thương lượng. Năm ngoái, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP.
Ông Trump tỏ ý ủng hộ các thỏa thuận thương mại tay đôi với các nước và ngoài TPP, ông còn nêu nghi vấn về lợi ích của Mỹ trong Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA với Mexico và Canada.
“Tôi thích song phương, bởi nếu có vấn đề, thì hủy,” ông Trump nói. “Còn khi ở trong một hiệp định với nhiều nước như TPP, 12 nước nếu tính cả chúng ta, không có lựa chọn tương tự như thế.”
Sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, các nước còn lại tiếp tục đàm phán, định hình lại hiệp ước và đặt tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/my-co-the-tro-lai-tpp-neu-co-loi-/4225361.html
TT Trump: Tường biên giới 25 tỉ,
quy chế công dân cho Dreamers
Tổng thống Donald Trump hôm 24/1 phác họa một đạo luật di trú mới mà ông sẽ quảng bá trong tuần tới, nói rằng ông muốn có 25 tỉ đôla để xây một bức tường biên giới, và sẵn sàng xem xét giải pháp cấp quy chế công dân cho những người thuộc diện DACA, tức là những người nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ và không có giấy tờ hợp lệ.
Tổng thống Trump nói ông lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận với cả các thành viên Đảng Cộng hoà lẫn Đảng Dân chủ tại Quốc hội sẽ làm hài lòng cả những người một mực hậu thuẫn các quy định chặt chẽ hơn đối với người nhập cư, trong khi cùng lúc, tránh tình huống trên dưới 700.000 Dreamers, người nhâp cư vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ từ lúc còn bé, bị trục xuất.
Nói chuyện với các nhà báo trong một cuộc hỏi đáp không ấn định trước tại Toà Bạch Ốc, ông Trump nói:
“Xin các bạn nói với họ (dreamers) chớ có lo lắng. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề. Điều này tùy thuộc vào phe Dân Chủ, nhưng các dreamers không nên lo lắng.”
Ông Trump vận động tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 bằng cách hứa hẹn sẽ siết chặt luật di trú. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông loan báo chấm dứt chương trình Hoãn Hành động đối với Người đến Mỹ từ nhỏ (DACA) do vị Tổng thống tiền nhiệm, ông Obama, tạo ra. Lệnh chấm dứt DACA sẽ có hiệu lực từ tháng Ba năm nay, trừ phi Quốc hội đề ra một đạo luật mới.
Hiện nay, chương trình này bảo vệ khoảng 700.000 người khỏi bị trục xuất và được cấp giấy phép làm việc tại Hoa Kỳ. Đa số những người thuộc diện này là những người trưởng thành trẻ tuổi gốc Châu Mỹ La tinh.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey Graham, một trong những nhà lập pháp hàng đầu trong các cuộc thương thuyết về di trú, nhận định những phát biểu vừa kể của ông Trump là một bước đột phá quan trọng.
Quốc hội Mỹ công bố phúc trình về ma túy
nhập từ TQ qua bưu phẩm
Quốc hội Hoa Kỳ hôm 24/1 công bố một phúc trình cảnh báo về các chuyến hàng chứa chất gây nghiện mạnh fentanyl opioid xuất xứ từ Trung Quốc đang đổ vào Mỹ bất hợp pháp thông qua đường bưu điện.
Phúc trình này khuyến cáo các dịch vụ bưu điện Mỹ phải tăng sử dụng công nghệ cao để chống lại vấn nạn này.
Kết quả cuộc điều tra kéo dài một năm của tiểu ban điều tra An ninh Quốc Nội và Chính phủ Sự vụ của Thượng viện Mỹ cho thấy người mua ở Hoa Kỳ có thể dễ dàng mua fentanyl với số lượng tương đối lớn thông qua internet.
Chất gây nghiện sau đó được gửi đi từ Trung Quốc với địa chỉ ghi là trên bưu phẩm là “phòng thí nghiệm” tới khách hàng hoặc người trung gian, để pha loãng ra bán lại.
Các nhà điều tra từ chối tiết lộ tên của các “phòng thí nghiệm” Trung Quốc.
Theo phúc trình, Bưu điện Hoa Kỳ không triển khai đúng mức một hệ thống thu thập dữ liệu điện tử tiên tiến (AED) đối với các bưu phẩm nhập vào Mỹ qua các bến cảng. Hệ thống này giúp nhận diện các bưu phẩm đáng ngờ để chuyển sang cho Hải quan và nhân viên biên phòng Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố, Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) nói họ “đang tích cực làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật và các đối tác thương mại chính để ngăn chặn dòng chảy của thuốc bất hợp pháp đổ vào Hoa Kỳ”.
Tuyên bố nói USPS “đang ưu tiên triển khai hệ thống thu thập dữ liệu AED tại các bưu điện có bưu phẩm nước ngoài nhiều nhất, chiếm hơn 90% lượng bưu phẩm trong nước”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về cuộc điều tra của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà không biết chi tiết cụ thể về việc này, nhưng nói thêm rằng việc ngăn ngừa tàng trữ, sản xuất và buôn bán ma túy là một “điểm sáng” trong quan hệ Trung-Mỹ.
Nhân viên điều tra cho biết đã tập trung vào 6 nhà cung cấp ở Trung Quốc có sự phản hồi nhanh chóng, trong số hàng trăm trang web cung cấp fentanyl.
Kết quả xác định được 500 giao dịch trực tuyến có liên quan đến fentanyl, chủ yếu là dạng bột, với giá bán lên đến khoảng 766 triệu đôla.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, số người tử vong tại Mỹ liên quan đến nhóm thuốc phiện opioid, bao gồm fentanyl, đã tăng lên đáng kể. Tổng cộng có hơn 42.000 người vào năm 2016.
Các nhân viên này cho biết cuộc điều tra về việc bán hàng trực tuyến từ Trung Quốc của các nhà điều tra Thượng viện có liên quan đến 7 ca tử vong được xác nhận có dính tới opioid ở Mỹ.
Cuộc điều tra được giám sát bởi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rob Portman của bang Ohio, Chủ tịch Tiểu ban, và Thượng nghị sĩ Tom Carper của bang Delaware, thuộc đảng Dân chủ.
Các nhà điều tra cho biết những người bán hàng ở Trung Quốc sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, một hoạt động có trên toàn thế giới thông qua bưu điện mỗi nước, trong đó có Hoa Kỳ.
Theo các nhà điều tra, nếu khách hàng yêu cầu vận chuyển thông qua các dịch vụ giao hàng riêng, như FedEx, DHL và United Parcel Service, sẽ bị thu phụ phí vì khả năng hàng hóa bị tịch thu cao.
Cuộc điều tra của Thượng viện kết luận rằng Bưu điện Hoa Kỳ chỉ áp dụng thiết bị soi chiếu, thu thập dữ liệu điện tử trên 36% bưu phẩm quốc tế. Điều đó có nghĩa là khoảng 318 triệu bưu kiện không được kiểm tra vào năm ngoái.
Ủy ban Thượng viện mở một cuộc điều trần vào sáng 25/1 để chất vấn các giới chức bưu điện, biên phòng, ngoại giao và các giới chức khác về vấn đề này.
TT Trump thúc đẩy ‘Nước Mỹ trên hết’ ở Davos
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu, 26/1, thúc đẩy thông điệp “nước Mỹ trên hết” ở nước ngoài cùng lúc có tin ở Mỹ rằng ông đã cố sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Trong bài diễn văn đọc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump không đề cập tới bản tin gây chấn động rằng ông đã hạ lệnh sa thải ông Mueller, người đang điều tra những cáo buộc là có sự cấu kết giữa ban vận động bầu cử của ông Trump với Nga vào năm 2016, và cáo buộc cho rằng Tổng thống Trump đã cản trở công lý. Thay vào đó, ông tập trung bám sát bài diễn văn đã soạn sẵn, nhấn mạnh đến các điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh sinh lời ở Hoa Kỳ.
Ông Trump tuyên bố “bây giờ là lúc tốt hơn bao giờ hết để làm ăn ở Mỹ”.
Ông khẳng định nghị trình chủ đạo “Nước Mỹ trên hết” của ông không ngăn cản ông thương lượng các hiệp định thương mại song phương, với điều kiện là các hiệp định này phục vụ các lợi ích của nước Mỹ.
Ông Trump tìm cách chào mời các doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu để đổ thêm đầu tư vào Hoa Kỳ.
Ông phát biểu: “Nước Mỹ đang phất cờ trở lại và bây giờ là thời điểm để đầu tư vào tương lai của Mỹ”, ông đơn cử các biện phápcắt giảm thuế, cải cách luật pháp và các nguồn năng lượng mới.
Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rằng các chính sách phải tập trung vào việc cải thiện điều kiện cho những “người bị bỏ quên”, một chủ đề trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông.
Ông nói: “Khi nhiều người bị bỏ quên, thế giới trở nên rạn nứt. Chỉ có lắng nghe và đáp lại tiếng nói của những người bị bỏ quên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai tươi sáng mà tất cả mọi người thực sự cùng hưởng chung”.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói bài phát biểu của ông Trump ở Davos phần nào cũng là khúc dạo đầu cho bài Diễn văn về Tình trạng Liên bang đầu tiên của ông, sẽ đọc trong tuần tới tại Washington.
Bài phát biểu của ông Trump ở Davos không thảo luận một cách thẳng thắn về các vấn đề mậu dịch, kể cả quyết định rút ra khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Hoa Kỳ bị gạt sang bên lề trong khi tăng cường vai trò của Trung Quốc và các nước khác.
Đầu tuần này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhân dịp xuất hiện tại Davos, thông báo việc hoàn tất thỏa thuận TPP mà không có Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ cân nhắc việc thương lượng các thỏa thuận thương mại ở vùng Thái Bình Dương “hoặc là riêng rẽ với từng nước, hoặc có thể là một số nước, nếu các thỏa thuận đó phục vụ các lợi ích của tất cả các bên”.
(CNN, Washington Post)
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-thuc-day-nc-my-tren-het-o-davos/4226467.html
41 người chết trong vụ cháy bệnh viện ở Hàn Quốc
Ít nhất 41 người đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một bệnh viện ở Hàn Quốc. Số người chết dự báo sẽ còn tăng.
Hơn 70 người bị thương trong đám cháy, trong số đó có 10 người trong tình trạng nguy kịch. Các nhân viên cứu hỏa cho hay vụ hỏa hoạn xảy ra và lan nhanh vào sáng sớm thứ Sáu, 26/1, tại phòng cấp cứu của bệnh viện Sejong ở thành phố Miryang, cách Seoul khoảng 300 km về phía nam.
Tin tức cho hay vào lúc xảy ra đám cháy có khoảng 200 bệnh nhân trong tòa nhà và khu dưỡng lão gần đó. Báo Korean Herald cho biết toàn bộ 94 bệnh nhân tại nhà dưỡng lão đều được sơ tán an toàn.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức họp khẩn cấp với các phụ tá hàng đầu, ông thúc giục họ giảm thiểu số tử vong bằng cách cung cấp bất cứ hỗ trợ y tế cần thiết nào cho những người sống sót.
Những người lính cứu hỏa phải mất gần ba giờ để dập tắt ngọn lửa.
Hồi cuối tháng 12/2017, 29 người đã thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn tại một tòa nhà 8 tầng ở thành phố Jecheon. Đó là vụ hỏa hoạn gây nhieui62 chết chóc nhất trong 10 năm trở lại đây, trước khi xảy ra vụ cháy bệnh viện.
https://www.voatiengviet.com/a/bon-mot-nguoi-chet-trong-vu-chay-benh-vien-o-han-quoc/4226199.html
Triều Tiên ‘mượn’ cảng Nga để xuất khẩu than
Triều Tiên năm ngoái chuyển than đá sang Nga rồi sau đó than được giao sang Hàn Quốc và Nhật, có khả năng đây là một sự vi phạm lệnh chế tài của Liên hiệp quốc, 3 nguồn tin tình báo Tây Âu cho Reuters biết.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu than từ ngày 5/8 năm ngoái theo lệnh chế tài nhằm cắt nguồn cung ngoại tệ cho Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng hạt nhân và phi đạn tầm xa.
Nhưng kể từ đó tới nay, Triều Tiên ít nhất đã 3 lần chuyển than tới các cảng của Nga như Nakhodka và Kholmsk. Tại đây, than được xuống hàng và sau đó được chất lên các còn tàu đưa tới Nhật hay Hàn Quốc.
Một nguồn tin vận tải biển Tây phương cho biết một số các chuyến hàng này đã cập cảng Nhật và Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái.
Một nguồn tin an ninh Hoa Kỳ cũng xác nhận có các thương vụ than đi qua Nga và cho biết chuyện này vẫn đang tiếp diễn.
Bộ Ngoại giao Nga không hồi đáp yêu cầu bình luận về tin này.
Hai luật sư chuyên về luật chế tài cho Reuters biết xem ra các giao dịch này vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc.
Reuters không thể kiểm chứng độc lập xem liệu số than xuống cảng Nga có chính là số than sau đó được chuyển tới Hàn Quốc và Nhật hay không, cũng như không biết chắc rằng liệu chủ tàu chở các chuyến hàng đó có biết nguồn gốc xuất xứ của món hàng hay không.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/1 liệt tên chủ một trong những con tàu đó, UAL Ji Bong 6, vào danh sách trừng phạt vì chuyển than của Triều Tiên tới cảng Kholmsk của Nga hôm 5/9.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-muon-cang-nga-de-xuat-khau-than-/4225357.html
Luân Đôn tố cáo Nga âm mưu khuynh đảo nước Anh
Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson ngày 25/01/2018 lên án tình báo Nga dọ thám nhiều cơ sở chiến lược Anh Quốc để thực hiện âm mưu gây « rối loạn toàn diện để làm chết hàng ngàn người ».
Theo AFP, với luận điểm « báo động khác thường » đối với một thành viên chính phủ , bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson khẳng định là Nga đang tìm kiếm thông tin liên quan đến mạng lưới điện nối liền quốc đảo với lục địa châu Âu. Mưu đồ của Nga là « làm cách nào gây thiệt hại nặng nề cho Anh Quốc, phá hủy kinh tế, giết chết hàng ngàn người và tạo ra hỗn loạn trên khắp lãnh thổ ». Bộ trưởng quốc phòng Anh trong bài phỏng vấn trên báo Daily Telegraph, phát hành tối thứ năm 25/01/2018, đặt câu hỏi : Các hành động của Nga như « chụp ảnh và quan sát các nhà máy điện, mạng lưới dẫn điện » là để làm gì, nếu không phải là « để chuẩn bị tấn công » ?
Cũng theo AFP, rất có thể bộ trưởng quốc phòng Anh đang gây sức ép để xin thêm ngân sách cho quân đội. Tuy nhiên, thủ tướng Anh và cơ quan an ninh mạng NCSC đều cho rằng Nga có hành động « thù nghịch » và « đáng ngại ».
NATO cũng báo động
Theo tuyên bố của tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg hôm thứ năm 25/01/2018 tại Madrid, Nga tìm cách can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài, kể cả ở Catalunya. Âm mưu này gia tăng « từ số lượng cho đến tính phức tạp ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180126-luan-don-to-cao-nga-am-muu-khuynh-dao-nuoc-anh