Tin khắp nơi – 25/11/2019
Thỏa thuận Hoa Kỳ – Trung Cộng “giai đoạn hai”
khó lòng xảy ra
Tin từ WASHINGTON, DC – Theo các viên chức, nhà lập pháp và chuyên gia thương mại của Hoa Kỳ và Bắc Kinh, một thỏa thuận thương mại “giai đoạn hai” đầy tham vọng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đang có ít khả năng diễn ra hơn, khi hai nước gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận sơ bộ “giai đoạn 1”.
Vào tháng 10, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo với Phó Thủ tướng Trung Cộng Lưu Hạc rằng ông dự kiến sẽ nhanh chóng đi sâu vào giai đoạn đàm phán thứ hai sau khi “giai đoạn 1” được hoàn thành. Vào thời điểm đó, ông cho biết giai đoạn thứ hai sẽ tập trung vào một khiếu nại quan trọng của Hoa Kỳ, rằng Trung Cộng đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ bằng cách buộc các công ty Hoa Kỳ chuyển giao kỹ thuật của họ cho các đối thủ Trung Cộng. Nhưng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2020, những khó khăn trong việc hoàn thành giai đoạn đầu tiên, kết hợp với việc Tòa Bạch Ốc không muốn hợp tác với các nước khác để gây áp lực cho Bắc Kinh đang làm giảm hy vọng cho các tham vọng lớn hơn trong tương lai gần.
Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 16 tháng với Trung Cộng khiến các công ty và nông dân Hoa Kỳ rơi vào tình trạng hỗn loạn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, và gây cản trở các nền kinh tế trên toàn thế giới. Thất bại trong việc giải quyết mục tiêu chính khiến cuộc chiến này bắt đầu đặt ra câu hỏi về việc liệu sự hy sinh đó có xứng đáng hay không. Trong khi đó, nhiều hành vi thương mại của Bắc Kinh mà nhiều nền kinh tế thị trường tự do xem là không công bằng vẫn chưa được giải quyết. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thoa-thuan-hoa-ky-trung-cong-giai-doan-hai-kho-long-xay-ra/
Tổng thống Donald Trump:
Mỹ không vội vàng kí thỏa thuận với TQ
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, nước này và Trung Quốc đang cùng hướng đến một thỏa thuận thương mại từng phần, tuy nhiên Washington sẽ không vội vàng chấp thuận bất kì thỏa thuận nào.
“Các quan chức đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận. Tuy nhiên, tôi không nóng lòng kí kết bất kì thỏa thuận nào với Bắc Kinh”, Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn với Fox News.
Giai đoạn một của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành bất chấp việc Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố đạt được những sự thống nhất chung vào hơn một tháng trước.
Cũng trong ngày 22-11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng bình luận về triển vọng của đàm phán thương mại với Mỹ tại một hội nghị kinh tế ở Bắc Kinh: “Trung Quốc muốn hướng đến thỏa thuận giai đoạn một dựa trên sự tin cậy và công bằng. Tuy nhiên, khi cần chúng tôi sẽ đáp trả. Bắc Kinh không phát động ra cuộc chiến thương mại này và đó không phải cái mà chúng tôi muốn”.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc đã kéo dài trong 16 tháng qua với việc 2 nước liên tiếp đáp trả nhau bằng các biện pháp đánh thuế vào hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau.
Vào hồi tháng 9, Mỹ đã tạm thời loại bỏ thuế quan với 400 hàng hóa Trung Quốc. Đây là các mặt hàng nằm trong danh sách 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế vào năm ngoái. Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc cũng đưa 16 hàng hóa Mỹ khỏi danh sách đánh thuế.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ bị sa thải
Hôm 24/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã sa thải Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer liên quan đến vụ kỷ luật một sĩ quan đặc nhiệm SEAL, theo Reuters.
Ông Esper xác định rằng ông Edward Gallagher, người đứng đầu nhóm đặc nhiệm, sẽ không bị hạ quân hàm – kết thúc các nỗ lực của Hải quân nhằm hất cẳng ông Gallagher ra khỏi lực lượng tinh nhuệ.
Tổng thống Donald Trump công khai bày tỏ sự không hài lòng về cách Hải quân Mỹ giải quyết vụ kỷ luật ông Gallagher và đã can thiệp để phục hồi quân hàm của ông này.
“Ông Eddie sẽ nghỉ hưu một cách yên bình với tất cả các chiến công đạt được, bao gồm cả quân hàm của ông,” ông Trump viết trên Twitter.
Ông Gallagher đã được một bồi thẩm đoàn quân sự tha bổng hồi tháng 7 sau khi giết một chiến binh Nhà nước Hồi giáo, vốn đã bị bắt và bị thương, ở Iraq bằng cách đâm vào cổ người này, nhưng bồi thẩm đoàn lại kết án ông vì đã chụp ảnh bất hợp pháp với xác tù nhân. Điều này đã dẫn đến việc ông bị hạ quân hàm.
Nhà Trắng cho biết vào tháng 11 rằng ông Trump đã khôi phục lại quân hàm của ông Gallagher và đã ân xá hai sĩ quan quân đội bị buộc tội về tội ác chiến tranh ở Afghanistan.
Ông Jonathan Hoffman, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói rằng ông Esper đã quyết định yêu cầu ông Spencer từ chức, sau khi “mất niềm tin và sự tin tưởng vào sự thiếu thành thật của ông ấy qua các cuộc trao đổi với Nhà Trắng.”
Ông Trump cho biết ông sẽ đề cử ông Ken Braithwaite, đặc phái viên Hoa Kỳ ở Na Uy, thay thế ông Spencer làm Bộ trưởng Hải quân.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-hai-quan-my-bi-sa-thai/5180031.html
Luật sư Rudy Giuliani khẳng định
không sợ bị truy tố, gọi Joe Biden là kẻ nói dối
Hôm thứ Bảy (23 tháng 11), luật sư riêng của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani nói rằng ông không sợ bị truy tố, và ông hoàn toàn không có động cơ với việc kinh doanh ở Ukraine.
Ông Giuliani nói rằng mọi người sẽ trở thành trò hề nếu nghĩ rằng ông Biden không biết con trai ông bị điều tra.
Theo Fox News, nhà sáng lập công ty mà Hunter Biden từng làm việc cho hiện đang bị điều tra, nhưng không có bằng chứng Hunter Biden đang bị điều tra.
Trong buổi phỏng vấn với ký giả Don Lemon của hãng CNN hôm thứ Sáu (22 tháng 11), ông Biden cho biết ông thấy xấu hổ khi người đồng nghiệp ở Thượng viện, Lindsey Graham yêu cầu tài liệu liên quan đến thời gian Hunter Biden làm trong hội đồng quản trị của công ty khí đốt tự nhiên Burisma Holdings ở Ukraine.
Đáp lại, ông Giuliani đăng tweet cho rằng những lời bình luận của ông Biden là lời đe dọa với một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, và cho rằng cựu công tố viên liên bang làm ông nhớ đến một vụ án xã hội đen ông từng phụ trách trước đây. Ông Giuliani cũng phủ nhận thông tin của tờ Wall Street Journal rằng ông
hưởng lợi từ đường ống dầu khi ở Ukraine, và nhấn mạnh ông không nhận được khoản lợi nhuận tài chính nào từ tất cả những gì ông biết về Ukraine.
Ông Giuliani khẳng định ông không có động cơ với việc kinh doanh ở Ukraine, và nói rằng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy là người liên lạc với ông trước, sau cuộc gọi hồi tháng 07/2019 với tổng thống Trump, vì tin vào “danh tiếng” của ông.
Theo ông Giuliani, ông chỉ muốn bào chữa cho thân chủ, và cũng dự đoán rằng cuộc điều tra sẽ chứng minh mọi chuyện chỉ là một âm mưu vô cớ buộc tội Tổng thống Trump của Đảng Dân chủ và nhân viên Tòa Bạch Ốc. (Mộc Miên)
Tỷ phú Bloomberg chính thức ra tranh cử,
muốn ‘đánh bại’ TT Trump
“Tôi tranh cử tổng thống để đánh bại Donald Trump và tái xây dựng nước Mỹ”, cựu thị trưởng New York nói hôm 24/11, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn lời tỷ phú Bloomberg nói thêm: “Chúng ta không thể chịu thêm bốn năm với các hành động liều lĩnh và thiếu đạo đức của Tổng thống Trump”.
Reuters cho rằng việc ông Bloomberg chính thức ra tranh cử cho thấy sự thay đổi quan điểm của tỷ phú 77 tuổi, vì hồi tháng Ba ông nói rằng ông sẽ không ra tranh cử tổng thống.
Tỷ phú Bloomberg định ra tranh cử tổng thống Mỹ năm tới
Theo hãng tin Anh, việc tranh cử của ông Bloomberg sẽ mang tới thêm thách thức đối với các ứng viên hàng đầu của phe Dân chủ, mà theo các cuộc thăm dò gồm ông Joe Biden, cựu phó tổng thống; ông Pete Buttigieg, cựu thị trưởng South Bend, Indiana và các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders.
Là người giàu thứ tám ở Mỹ với tài sản ước tính hơn 53 tỷ đôla theo đánh giá của tạp chí Forbes, ông Bloomberg được cho là có lợi thế có thể tự chi trả cho chiến dịch của mình cũng như có thể đổ nhiều triệu đôla vào việc quảng bá và thuê nhân viên.
Theo Reuters, ông Bloomberg đã nộp giấy tờ tranh cử tổng thống lên Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ hôm 21/11.
Tỷ phú Bloomberg ‘không quyên góp bầu cử,
không nhận lương tổng thống’
Tỷ phú phe Dân chủ Hoa Kỳ Michael Bloomberg sẽ không chấp nhận quyên góp bầu cử và ông sẽ không nhận lương nếu ông thắng cử, hãng tin AP dẫn lời các trợ lý cấp cao của ông cho biết hôm 23/11.
“Ông ấy chưa bao giờ vận động quyên góp chính trị trong suốt cuộc đời ông ấy. Và ông ấy cũng sẽ không bắt đầu làm điều này,” ông Howard Wolfson, cố vấn trưởng của ông Bloomberg, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Không ai có thể mua được ông ấy.”
Nhóm tranh cử của ông Bloomberg đã dành hơn 30 triệu đôla chi cho chiến dịch tranh cử trên truyền hình bắt đầu vào ngày 24/11 tại một số tiểu bang trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Các động thái này, diễn ra chỉ 10 tuần trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu sơ bộ bắt đầu ở bang Iowa, phản ánh mối lo ngại của ông rằng phe Dân chủ hiện tại chưa được chuẩn bị tốt để đánh bại Tổng thống Donald Trump vào mùa thu tới, theo AP.
“Tôi ra tranh cử tổng thống để đánh bại ông Donald Trump và xây dựng lại nước Mỹ. Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động liều lĩnh và phi đạo đức của Tổng thống Trump trong 4 năm nữa,” trang Politico trích lời ông Bloomberg nói hôm 24/11.
Ông Bloomberg được cho là một trong 10 người giàu nhất thế giới.
Công dân TQ xâm phạm khu nghỉ dưỡng của TT Trump
có thể lãnh án tù
Một nữ doanh nhân Trung Quốc có thể phải vào tù vì tội xâm phạm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump ở Florida và nói dối các đặc vụ liên bang Mỹ, theo AP.
AP trích lời các công tố viên cho biết họ muốn Thẩm phán Roy Altman giam bà Yujing Zhang 18 tháng tù khi thẩm phán này ra bản án vào chiều ngày 25/11.
Bà Zhang, nhà tư vấn kinh doanh 33 tuổi ở Thượng Hải, đã bị kết án vào tháng 9 về tội xâm phạm khu nghỉ mát ở Florida vào tháng 3 và nói dối với các nhân viên Mật vụ khi họ phát hiện bà xâm nhập vào khu này.
Khi bà Zhang bị bắt, bà có mang theo bốn chiếc điện thoại di động, máy tính và ổ cứng ngoài, dẫn đến suy đoán rằng bà có thể là một điệp viên. Tuy nhiên, bà không bị buộc tội gián điệp và các tin nhắn được đưa ra tại phiên tòa cho thấy bà bị ông Trump ám ảnh.
Vụ xâm nhập xảy ra khi Tổng thống Trump đang ở một sân golf. Nhưng vụ việc cho thấy mối lo ngại về an ninh tại khu nghỉ mát riêng của tổng thống.
Đài truyền hình CBS News cho biết tòa dự kiến tuyên án vào lúc 3 giờ chiều ngày 25/11.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-dan-tq-xam-phan-khu-nghi-duong-cua-tt-trump/5180101.html
Mỹ tranh cãi dùng cần sa có làm con người nghiện ngập
Các ứng viên đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ đã bất đồng ý kiến khi nói về việc hợp pháp hóa cần sa.
Trồng cần sa ở Đức có phát triển?
Thái Lan hợp pháp hóa cần sa y tế
Joe Biden không nghiêng về bên nào. Ông nói mình muốn thêm bằng chứng liệu dùng cần sa có dẫn tới việc bị cám dỗ dùng các chất nguy hiểm hơn hay không, trước khi quyết định có cho phép dùng trên toàn quốc.
Nhưng các ứng viên như Cory Booker và Kamala Harris tuyên bố nên hợp pháp hóa ngay.
Nhiều người quan trọng trong đảng Dân chủ như Bernie Sanders và Elizabeth Warren cũng nói họ ủng hộ hợp pháp hóa.
Thăm dò của Pew Research Center cho thấy ủng hộ của dân Mỹ cho hợp pháp hóa đã liên tục tăng trong 10 năm qua. Hiện nay hai phần ba người Mỹ nói họ ủng hộ.
Đến nay 33 tiểu bang đã cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y khoa, còn 11 bang cùng thủ đô Washington DC cho phép dùng cho mục đích riêng giải trí.
Nhưng ở cấp liên bang, Mỹ vẫn cấm.
Vậy có bằng chứng khoa học hay không, rằng cho phép dùng cần sa có thể khiến con người dễ nghiện thêm các chất nguy hiểm hơn?
Theo National Institute on Drug Abuse thuộc chính phủ Mỹ, thì “một số nghiên cứu cho thấy dùng cần sa có thể dẫn tới dùng các chất gây nghiện khác”. Họ trích dẫn thí nghiệm với động vật chứng tỏ phản ứng gia tăng với các chất khác, sau khi tiếp xúc với cần sa.
Nhưng cơ quan này cũng nói thêm rằng thực ra điều này không lạ, vì rượu và thuốc lá cũng có tác động tương tự. Và họ nói đa số người dùng cần sa không tiếp tục sử dụng các chất “rắn” hơn.
Denise Kandel, từ Mailman School of Public Health ở New York, nói: “Chúng ta không bao giờ có thể thiết lập quan hệ rõ ràng giữa dùng cần sa và dùng các chất khác, vì có nhiều yếu tố đóng góp vào, không kiểm soát được trong nghiên cứu.”
Có bằng chứng rằng ở các tiểu bang Mỹ nơi cho phép dùng cần sa, việc dùng chất nghiện trong thiếu niên đã giảm đi hoặc y nguyên.
Cũng có nghiên cứu khác cho thấy trong giới người tuổi trên 26, hợp pháp hóa lại dẫn tới dùng cần sa gia tăng.
Lại có thêm bằng chứng cho thấy dùng cần sa loại nặng dẫn tới rủi ro về sức khỏe tâm thần, đặc biệt trong giới trẻ.
Washington, Oregon, Alaska và Colorado đã hợp pháp hóa cần sa ở Mỹ. Vậy tình hình ở đây ra sao?
Số liệu từ 2013 tới 2017 cho thấy Alaska có số người chết vì ma túy gia tăng, nhưng Washington, Colorado và Oregon thì không.
Tóm lại đến giờ vẫn không có kết luận vững chắc, vì có nhiều yếu tố chen lẫn ở các bang, ví dụ về nguồn cung cấp, chương trình điều trị, ưu tiên luật pháp, điều kiện kinh tế xã hội.
Cần thêm nghiên cứu lâu dài hơn để chỉ ra xu hướng về việc dùng chất gây nghiện ở các nơi cho phép dùng cần sa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50516747
Tân ngoại trưởng của Canada gây áp lực lên Trung Cộng
về các công dân đang bị Bắc Kinh bắt giữ
Tin từ Ottawa, Canada – Vào thứ Bảy (ngày 23 tháng 11), tân Ngoại Trưởng Canada Francois-Philippe Champagne, người chỉ vừa nhậm chức được 4 ngày, cho biết ông đã gây áp lực cho người đồng cấp Trung Cộng về trường hợp của hai công dân Canada đang bị Bắc Kinh bắt giữ.
Vào tháng 12 năm ngoái, Trung Cộng đã bắt giữ hai người đàn ông nói trên, ngay sau khi cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Công ty Viễn thông Huawei theo lệnh bắt giữ của Hoa Kỳ.
Ông Champagne cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Cộng Wang Yi trong gần một giờ bên lề cuộc họp của Nhóm G20 tại Nagoya, Nhật Bản. Mặc dù cho biết cuộc nói chuyện diễn ra suôn sẻ và thẳng thắn, ông Champagne đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết cho các phóng viên.
Đây là lần đầu tiên các nhà ngoại giao hàng đầu của Canada và Trung Cộng gặp nhau kể từ khi ông Wang gặp bà Chrystia Freeland, người tiền nhiệm của ông Champagne, vào tháng 8 năm nay.
Trước đó vào thứ Sáu, tân đại sứ của Trung Cộng tại Ottawa đã lặp lại yêu cầu Canada ngay lập tức trả tự do cho bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei. Phía Trung Cộng cũng ngăn chặn nhập cảng hạt cải từ Canada sau khi bà Mạnh bị bắt giữ. (Mộc Miên)
Anh: Tài xế chiếc xe tử thần của 39 người Việt
không nhận tội ngộ sát
Vào hôm nay, 25/11/2019, Tòa Án Hình Sự Luân Đôn Old Bailey đã mở phiên xét xử tài xế chiếc xe tải đông lạnh bên trong có xác 39 người nhập cư Việt Nam (gồm 31 nam và 8 nữ), bị phát giác hôm 23/10 vừa qua trong khu công nghiệp Grays, phía đông Luân Đôn.
Bị buộc vào một loạt tội danh, trong đó có ngộ sát, bị can hôm nay chỉ mới nhận tội hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.
Là người đã lái chiếc xe tải đông lạnh tìm thấy tại Essex gần Luân Đôn, trong đó người ta phát hiện thi thể của 39 người nhập cư Việt Nam, Maurice Robinson, một người Bắc Ireland 25 tuổi đã bị cáo buộc vào 39 tội danh ngộ sát, buôn người, hỗ trợ hoạt động nhập cư bất hợp pháp, rửa tiền.
Trình diện trước tòa thông qua video trực tuyến từ nhà tù Belmarsh, Robinson chỉ nhận hai tội: Hỗ trợ hoạt động nhập cư bất hợp pháp, và thủ lợi tài chính từ hoạt động hỗ trợ này, ngoài ra không có tuyên bố gì về các tội danh còn lại.
Thẩm phán phụ trách phiên tòa đã quyết định tiếp tục giam giữ bị can cho đến phiên xử sắp tới dự trù vào ngày 13 tháng 12.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vụ việc: Ngày 23/10/2019, người ta đã phát hiện thi thể của 39 người – 31 nam và 8 nữ, trong đó có hai thiếu niên khoảng 15 tuổi – trong một container ở khu công nghiệp Grays, phía đông Luân Đôn. Chiếc container đến từ cảng Zeebrugge của Bỉ.
Đa số các nạn nhân đến từ một vùng nghèo của miền trung Việt Nam, sống bằng nghề đánh cá, nông nghiệp hoặc công nghiệp. Các gia đình đã phải vay mượn hàng ngàn đô la để gửi một trong số nạn nhân qua Vương Quốc Anh, thông qua các đường dây di cư bí mật.
Thảm kịch đã phơi bày những nguy cơ của việc nhập cư bất hợp pháp, với những kẻ buôn người vô đạo đức, lợi dụng hoàn cảnh bấp bênh của những người muốn ra đi, mà điểm đến thường là các quán bar hoặc trại trồng cần sa bất hợp pháp ở Anh.
Một người đàn ông ở Bắc Ireland đã bị bắt
vì có liên quan đến cái chết
của 39 người Việt vượt biên vào Anh Quốc
Một người đàn ông ở Bắc Ireland đã bị bắt vì có liên quan đến cái chết của 39 người quốc tịch Việt Nam trong xe vận tải ở Essex vào tháng trước.
Nghi can 23 tuổi đã bị cảnh sát Thames Valley, thay mặt cảnh sát Essex bắt giữ, vào đầu giờ thứ Sáu trên chiếc xe M40 ở Beaconsfield, Buckinghamshire. Anh ta bị bắt vì nghi ngờ âm mưu tham gia vận chuyển và âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Người đàn ông, chưa được nêu tên, vẫn bị giam giữ.
Vụ bắt giữ nghi can 23 tuổi là người thứ sáu trong cuộc điều tra – diễn ra một tháng sau khi 39 thi thể người Việt được phát hiện trong một xe vận tải chở hàng lạnh tại Khu công nghiệp Waterglade ở Grays, Essex, vào ngày 23 tháng 10.
Đầu tháng này, Cảnh sát Essex, được các viên chức cộng sản Việt Nam giúp và xác nhận 31 người đàn ông và tám phụ nữ đều là công dân Việt Nam. Hai người trẻ nhất mới chỉ 15 tuổi và lớn nhất là 44 tuổi. Năm người khác đã bị bắt liên quan đến những cái chết này. Tài xế xe vận tải, Maurice Robinson, 25 tuổi, ở Craigavon, Bắc Ireland, đã bị buộc 39 tội ngộ sát, âm mưu vận chuyển người và rửa tiền. Nghi can bị giam giữ ở Anh và dự kiến sẽ xuất hiện tại Old Bailey vào thứ Hai. Eamonn Harrison, 22 tuổi, cư dân thành phố Mayobridge, Bắc Ireland, đang bị giam giữ tại Dublin và đang chờ dẫn độ sang Anh Quốc sau khi Lệnh bắt giữ châu Âu được ban hành. Nghi can Harrison đã bị buộc 39 tội ngộ sát, buôn người và tội nhập cư trái phép.
Những người khác, một người đàn ông 38 tuổi, một phụ nữ 38 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, tất cả đã được tại ngoại trong khi chờ đợi ra tòa ngày 24 tháng 1 năm 2020. Anh em Ronan và Christopher Hughes, cư dân County Armagh ở Bắc Ireland, bị truy nã vì nghi ngờ ngộ sát và buôn bán người. Tại Việt Nam, một số người khác đã bị bắt giữ.(BTT)
Hải quân Anh định cho
hàng không mẫu hạm nước này
hoạt động hợp nhất với tàu và chiến đấu cơ Mỹ,
tạo thành nhóm tác chiến tàu sân bay chung.
Phát biểu trên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth neo đậu tại vịnh Chesapeake, ngoài khơi TP.Annapolis (Mỹ) ngày 21.11, Tham mưu trưởng hải quân Anh Tony Radakin nhấn mạnh tàu sân bay này là chỉ dấu về sức mạnh của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, theo chuyên trang USNI News.
“Chúng tôi có thể lập nhóm tác chiến tàu sân bay chung Anh – Mỹ. Chúng tôi không chỉ muốn thảo luận về sự tương tác mà còn tìm kiếm sự hoán đổi cho nhau”, ông Radakin tuyên bố.
Khi HMS Queen Elizabeth bắt đầu chuyến hải hành đầu tiên vào năm 2021, phi đội trên tàu sẽ bao gồm các tiêm kích tàng hình F-35B của Anh và của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Sự phối hợp này sẽ cho thấy mức độ hải quân hai nước có thể hoạt động với nhau, theo ông Radakin.
“Muốn hợp nhất hoàn toàn”
Hải quân Mỹ “kháng lệnh”
Tổng thống Donald Trump
Hải quân Mỹ tiến hành quy trình loại trừ một thành viên khỏi lực lượng biệt kích tinh nhuệ SEAL, bất chấp sự can thiệp của Tổng tư lệnh quân đội nước này là Tổng thống Donald Trump, theo AFP. Ngày 24.11, đặc nhiệm Edward Gallagher bị đưa ra xét xử trước tòa án binh vì phạm tội ác chiến tranh trong lúc thi hành nhiệm vụ ở Iraq. Cáo buộc nghiêm trọng nhất là Gallagher đã dùng dao giết tù binh trong lúc đối phương đang được quân y điều trị tại TP.Mosul, trước khi chụp ảnh với xác chết. Hội đồng của hải quân Mỹ quyết định giáng cấp và loại quân nhân này khỏi lực lượng SEAL.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump ngày 15.11 bất ngờ lên Twitter ra lệnh cho SEAL phải khôi phục quân hàm đối với Gallagher. Phản ứng trước thông tin trên, Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer hôm 23.11 khẳng định lời tuyên bố trên mạng xã hội không phải là mệnh lệnh chính thức, và quy trình xử lý Gallagher vẫn được tiếp tục.
HMS Queen Elizabeth được xem là tàu chiến tối tân và lớn nhất của Anh, với lượng giãn nước 65.000 tấn, có thể triển khai tới 36 chiếc F-35B. Tàu có 800 sĩ quan và thủy thủ, trong đó hệ thống vũ khí được tự động hóa cao nên chỉ cần khoảng 40 thủy thủ điều hành, chỉ bằng một phần nhỏ của số lượng thủy thủ làm nhiệm vụ tương tự trên tàu sân bay Mỹ. Chỉ huy Steve Moorhouse của tàu HMS Queen Elizabeth khẳng định số lượng thủy thủ nhỏ hơn không làm giảm khả năng của tàu hoạt động với lực lượng Mỹ. Ông Moorhouse còn tiết lộ trong mấy tháng gần đây, tàu HMS Queen Elizabeth đã tiến hành nhiều cuộc tập trận với sự hỗ trợ của hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Vị chỉ huy này cũng đã điều F-35B đến các khu vực tập luyện ở Mỹ và trực thăng săn ngầm đến diễn tập dò tìm tàu ngầm Mỹ. Cũng theo ông, khi HMS Queen Elizabeth thăm Mỹ lần đầu cách đây khoảng một năm, mục đích là kiểm tra xem F-35B hoạt động từ tàu này như thế nào, trong khi mục đích của chuyến thăm năm nay là hướng tới các chiến dịch phối hợp chung.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31704-tham-vong-nhom-tac-chien-tau-san-bay-chung-anh-my.html
Chính phủ Pháp
công bố kế hoạch chống bạo hành phụ nữ
Đúng vào Ngày quốc tế chống nạn bạo hành nhắm vào phụ nữ, 25/11/2019, chính phủ Pháp công bố một kế hoạch gồm 50 biện pháp để bài trừ tệ nạn này trong xã hội. Tại Pháp, tính từ đầu năm 2019 đã có 117 phụ nữ bị người bạn đời sát hại. Mỗi năm có khoảng 213.000 trường hợp phụ nữ bị chồng hành hạ thể xác hay xâm hại tình dục.
Vào sáng nay, thủ tướng Edouard Philippe và nhiều bộ trưởng thông báo kế hoạch chống nạn bạo hành trong gia đình. Gần như 100 % nạn nhân là phụ nữ. Kế hoạch của chính phủ Pháp nhằm đáp ứng ít nhất hai câu hỏi : khi bị đánh đập, các nạn nhân phải liên hệ với cơ quan nào, được giúp đỡ ra sao ?
Kế hoạch vừa được thủ tướng Pháp trình bày gồm ba hướng : thứ nhất là bài trừ nạn bạo hành từ gốc rễ, có nghĩa là ngay từ ở trường học, thanh thiếu niên Pháp phải dạy về bình đẳng giới tính. Hướng thứ nhì là đề phòng nguy cơ xảy ra tai nạn: tách xa người chồng vũ phu khỏi mái nhà chung, tạm thời không cho phép họ tới thăm vợ và con; tạo điều kiện cho những người bị chồng đánh có chỗ tạm lánh; cho phép các giới chức y tế báo động trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bệnh nhân bị bạo hành, mang thương tích trên người. Hướng đi thứ ba là giúp đỡ phía nam giới kềm chế, nhằm giới hạn các vụ đánh đập vợ và đôi khi là cả con, có nguy cơ dẫn tới án mạng.
Vấn đề đặt ra là kế hoạch vừa thông báo sáng nay không nêu cụ thể ngân sách chính quyền đề ra để đài thọ cho kế hoạch này. Thủ tướng Philippe có hứa hẹn một cách chung chung là sẽ dành ra đến 1 tỷ euro vì mục tiêu bảo đảm “bình đẳng nam –nữ”.
http://vi.rfi.fr/phap/20191125-phap-chinh-phu-phap-cong-bo-ke-hoach-chong-bao-hanh-phu-nu
Tranh cãi Nhật-Hàn tiếp diễn
sau thỏa thuận gia hạn hợp tác tình báo
Nhật Bản và Hàn Quốc vào hôm nay, 25/11/2019 lại tiếp tục tranh cãi với nhau về nội dung thỏa thuận mà hai bên đạt được hôm thứ Sáu (22/11) tuần trước về việc gia hạn Thỏa Thuận Chia Sẻ Thông Tin Tình Báo Quân Sự (GSOMIA) sau nhiều tháng căng thẳng. Seoul khẳng định rằng Nhật Bản đã lùi bước trước, điều mà Tokyo lập tức phủ nhận.
Theo hãng tin Anh Reuters, dưới áp lực của Mỹ, Hàn Quốc hôm 22/11 vừa qua đã quyết định duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản mà Seoul trước đó đã đe dọa đình chỉ, để trả đũa việc Tokyo hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu qua Hàn Quốc.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc vào hôm qua, 24/11 khẳng định rằng Nhật Bản đã xin lỗi và đồng ý xem xét lại các quyết định hạn chế thương mại, và do thái độ “biết điều” đó, Seoul đồng ý triển hạn thỏa thuận về tình báo.
Vào hôm nay, phủ tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích một bài báo trên tờ Yomiuri cho biết là một quan chức ngoại giao Nhật đã khẳng định rằng không hề có việc Tokyo xin lỗi như Seoul đã tuyên bố.
Trong một thông cáo, thư ký báo chí cao cấp của phủ tổng thống Hàn Quốc Yoon Do Han xác định: “Chúng tôi xin làm rõ một lần nữa. Phía chúng tôi đã khiếu nại với Nhật Bản và họ đã xin lỗi”.
Tuy nhiên, chỉ hai tiếng đồng hồ sau, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga đã bác bỏ các tuyên bố của Seoul, cho rằng Tokyo không hề xin lỗi Hàn Quốc, cũng như không hề có nhượng bộ thương mại nào, và các hạn chế xuất khẩu “hoàn toàn không liên quan” với thỏa thuận tình báo GSOMIA.
Mâu thuẫn hai nước nổi cộm trở lại từ sau phán quyết của tòa án Hàn Quốc năm ngoái 2018 về vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910-1945, đòi Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân.
Tokyo đã phản ứng gay gắt, quyết định giới hạn xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao qua Hàn Quốc, đồng thời xóa tên Seoul khỏi danh sách nước được Tokyo ưu đãi thương mại.
Quan hệ Nhật-Hàn hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không có cuộc tiếp xúc chính thức nào từ một năm nay, ngoại trừ một cuộc gặp khoảng 11 phút bên lề Thượng Đỉnh ASEAN tại Thái Lan vào đầu tháng.
Thứ Bảy 22/11 vừa qua, ngoại trưởng hai nước đã đồng ý cố gắng sắp xếp một cuộc gặp song phương Moon Jae In và Shinzo Abe vào tháng 12 tới đây bên lề một cuộc gặp ba bên Nhật-Hàn-Trung.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191125-tranh-cai-nhat-han-tiep-tuc-sau-thoa-thuan-gia-han-hop-tac-tinh-bao
Hong Kong: Phe ủng hộ dân chủ thắng lớn
trong bầu cử hội đồng cấp quận
Phong trào ủng hộ dân chủ Hong Kong đã giành được một chiến thắng chưa từng có trong cuộc bầu cử hội đồng cấp quận, tính đến thời điểm hiện tại họ đã chiếm được 17 trên 18 hội đồng quận.
Kỳ bầu cử này được coi là một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức để so sánh sự ủng hộ của người dân dành cho phe biểu tình đòi dân chủ và chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh sau nhiều tháng bất ổn, biểu tình và đụng độ.
Chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh trước giờ cho rằng đa số người dân không ủng hộ phong trào biểu tình và hi vọng nhóm “đa số im lặng” này sẽ thể hiện trên các lá phiếu trong các cuộc bầu cử, nhưng điều đó đã không thành hiện thực.
Thay vào đó, một số ứng cử viên thân Bắc Kinh nổi tiếng thậm chí còn mất ghế hội đồng.
Hong Kong: Học sinh nam 12 tuổi bị kết án
Hong Kong: Người biểu tình muốn gửi thông điệp đến TQ
Cựu nhân viên Anh ‘bị Trung Quốc tra tấn, tìm bằng chứng can thiệp’
‘Gián điệp TQ’ tiết lộ thông tin tình báo và xin tị nạn ở Úc
Một trong những mất mát lớn nhất cho phe thân Bắc Kinh là nhà lập pháp gây tranh cãi Junius Ho, khi ông nhận một thất bại thảm hại khiến ông phải thốt lên rằng “trời và đất đã bị đảo lộn”.
Ông bị đâm vào đầu tháng này bởi một người đàn ông giả vờ là một người ủng hộ. Ông cũng công khai lên tiếng ủng hộ lực lượng cảnh sát nhiều lần.
Vào tháng 7, ông được trông thấy bắt tay với một nhóm người mặc áo trắng, nghi ngờ là thành viên Hội Tam Hoàng, và nhóm này sau đó tấn công người biểu tình ở trạm tàu điện.
Các ủy viên hội đồng quận của Hong Kong thực ra có ít quyền lực chính trị và chủ yếu giải quyết các vấn đề địa phương như các tuyến xe buýt và thu gom rác, vì vậy các cuộc bầu cử quận thường không tạo ra sự quan tâm như vậy.
Nhưng các cuộc bầu cử lần này lại khác.
Đây là lần đầu tiên người dân Hong Kong xem các cuộc biểu tình này là cách để họ bày tỏ quan điểm về Đặc khu trưởng Carrie Lam và chính quyền qua các lá phiếu.
Với lượng người đăng ký bỏ phiếu đạt kỷ 4,1 triệu người, hơn 2,9 triệu người bỏ phiếu cho 452 ghế với tỷ lệ bỏ phiếu hơn 71%, so với chỉ 47% vào 2015.
Các cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật và cũng là cuối tuần đầu tiên trong nhiều tháng không xảy ra bất kỳ cuộc đụng độ hay bạo lực nào giữa người biểu tình và cảnh sát.
Các nhóm ủng hộ dân chủ đã kêu gọi không gây ra bất kỳ trở ngại nào trong ngày bỏ phiếu. Nhiều người dân cũng đã xếp hàng từ sáng sớm để tham gia bỏ phiếu sớm, lo ngại sẽ có chút biến động vào buổi chiều, nhưng cả kỳ bầu cử đã diễn ra ôn hoà.
Jimmy Sham, một nhà hoạt động chính trị gần đây đã nổi lên với tư cách là lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự, một nhóm chiến dịch tổ chức một số cuộc tuần hành phản đối đại chúng, cũng ra tranh cử.
Anh cũng đã bị tấn công hai lần, một lần bị tấn công bằng búa. Nhiều hình ảnh cho thấy anh nằm trên đường và chảy nhiều máu.
Vẫn phải dùng nạng, Sham nói Reuters rằng cuộc bầu cử này “đặc biệt vì đây là cuộc đối đầu chính thức giữa các đảng ủng hộ chính quyền và đảng ủng hộ dân chủ”.
Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong đã bị cấm tham gia các cuộc bầu cử, một động thái mà anh gọi là “sự sàng lọc chính trị”, nhưng ứng cử viên dân chủ thay thế anh được cho là đã chiến thắng.
Trong một dòng tweet, Wong nói rằng kết quả bầu cử “mang tính lịch sử” này cho thấy rằng dư luận đã không quay lưng lại với phong trào dân chủ.
Phản ánh về thất bại của mình, nhà lập pháp thân Bắc Kinh Alice Mak cho rằng chính quyền của bà Carrie Lam là có một phần đáng trách.
“Trong chiến dịch bầu cử, các ứng cử viên chính phủ đã bị đối xử bất công. Đây là một lý do rất quan trọng”, bà nói.
Tuy nhiên, Starry Lee Wai-king, chủ tịch của đảng ủng hộ Bắc Kinh lớn nhất của thành phố, là một trong số ít các ứng cử viên vẫn giữ vững được vị trí của mình.
“Tôi nghĩ rằng [Starry Lee] là người duy nhất có thể sống sót trong cuộc trưng cầu dân ý không chính thức này”, Leung Kwok-hung, đối thủ ủng hộ dân chủ của bà Lee nói.
‘Một sự xóa sổ ngoài sức tưởng tượng’
Stephen McDonell, phóng viên BBC Trung Quốc, tại Hong Kong
Bên ngoài trạm bỏ phiếu ở Yau Ma Tei North, người dân địa phương đã xếp hàng dài chờ đợi xem xét kiểm phiếu. Khi các cánh cửa mở ra thì họ tràn vào khu vực giám sát công cộng.
Đã sáu tháng kể từ cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra, người dân có vẻ đã mất niềm tin vào chính phủ. Họ muốn đảm bảo rằng quy trình kiểm phiếu hoàn toàn công bằng và minh bạch.
Trong khi chờ đợi tổng số trong hội đồng quận của họ được kiểm tra, họ cũng có thể theo dõi kết quả từ nơi khác trên điện thoại di động của họ.
Chỉ nhìn vào nét mặt thì có thể thấy họ không thể tin vào những gì đang xảy ra và mọi người reo hò khi hết kết quả ngạc nhiên này là một kết quả khác ngạc nhiên không kém.
Không ai tưởng tượng được một sự xoá sổ gần như toàn diện như vậy, và chính quyền của Carrie Lam chắc chắn một luồng áp lực mới, buộc bà phải lắng nghe theo yêu cầu của người dân sau thất bại nặng nề của những đồng minh.
Hơn 1.000 ứng cử viên ra tranh cử cho 452 ghế hội đồng quận, lần đầu tiên, tất cả các vị trí đương nhiệm đều bị thách thức. 27 ghế khác sẽ dành cho các đại diện ở các quận xa hơn.
Hiện nay, các đảng thân Bắc Kinh nắm giữ phần lớn các ghế này.
Theo hệ thống bầu cử của Hong Kong, 117 ủy viên hội đồng quận cũng sẽ ngồi trong ủy ban gồm 1200 thành viên bỏ phiếu cho vị trí đặc khu trưởng.
Vì vậy, một chiến thắng của phe ủng hộ dân chủ cũng có thể có tác động lớn quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của thành phố này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50534957
Phe dân chủ thắng cược,
tương lai Hồng Kông vẫn mịt mù
Phe ủng hộ dân chủ Hồng Kông giành thắng lợi lớn tại 17/18 quận trong cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 24/11/2019. Kết quả này khẳng định một cuộc cá cược thành công của phe ủng hộ dân chủ, một cái tát trời giáng dành cho lãnh đạo đặc khu và một vố đau cho chính quyền Bắc Kinh.
Sau sáu tháng chính quyền « bịt tai, bịt mắt » trước những đòi hỏi của người dân Hồng Kông bất chấp các cuộc biểu tình bạo lực, cử tri đã quyết định dùng đến lá phiếu bày tỏ nỗi bất bình. Với một tỷ lệ tham gia bầu cử đông đảo chưa từng có (71% so với 47% năm 2015), phe đối lập chiếm đa số ghế tại 17/18 hội đồng quận và sẽ có thêm 117 đại diện tại ủy ban bầu cử để chọn lãnh đạo hành pháp.
Kết quả cuộc « trắc nghiệm » này, như đánh giá của giới chuyên gia trước khi diễn ra bầu cử, là một đòn trừng phạt, lên án thái độ « bất động » của chính phủ và các hành động bạo lực của cảnh sát. Lá phiếu của cử tri Hồng Kông đã cho thấy rõ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với « Năm yêu sách » mà những người biểu tình đòi hỏi trong suốt mấy tháng qua.
Trong số những đòi hỏi này, yêu cầu cấp bách nhất là lập một cơ điều tra độc lập về các hành động bạo lực của cảnh sát và yêu cầu đổi mới phương thức bầu cử lập pháp và chọn lãnh đạo theo phổ thông đầu phiếu.
Đối với người dân Hồng Kông, quy chế hiện hành « một nhà nước, hai chế độ » chỉ là một cái vỏ bọc, bởi vì trong thực chất, việc « cảnh sát tham gia vào trấn áp những người đòi dân chủ cho thấy là Bắc Kinh đã can thiệp vào chuyện nội bộ Hồng Kông » như nhận xét của chuyên gia Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu trường đại học Harvard, với đài RFI.
Thắng lợi này khẳng định sự gắn bó của người dân Hồng Kông đối với những quyền tự do cơ bản mà Bắc Kinh đang tìm mọi cách tước đoạt. Đương nhiên, chính quyền trung ương khó mà chấp nhận thất bại ê chề này, và sẽ hạ thấp tầm mức quan trọng của cuộc bầu cử, cho rằng đây chỉ là « bầu cử địa phương, không ảnh hưởng gì đến hệ thống chính trị Hồng Kông hiện nay, nghĩa là một hệ thống do Bắc Kinh kiểm soát và đa số các chính khách là do chính quyền Trung Quốc chỉ định », như phân tích của ông Philippe Le Corre.
Giờ đây, với việc có thêm một 117 cộng với 350 ghế đã có ở ủy ban bầu cử, phe đối lập Hồng Kông đang tiến gần đến đa số, và điều này cho phép gia tăng đáng kể ảnh hưởng của đối lập trong việc bầu chọn lãnh đạo đặc khu sắp tới. « Diện mạo mới này tại ủy ban sẽ biến ông Li Ka-shing (tỷ phú có ảnh hưởng lớn nhất tại Hồng Kông) thành người nắm vai trò quyết định trong kỳ bầu chọn lãnh đạo sắp tới, trong khi Bắc Kinh lại bực tức chống lại ông này » theo như quan sát của giáo sư luật Benny Tai với báo Le Monde.
Rượu mừng đã uống, bước kế tiếp phải làm gì ? Đây không phải là chuyện dễ làm. « Cuộc chiến vẫn còn dài, còn xa mới thắng » như nhận định của một lãnh đạo phong trào sinh viên. Chính quyền Bắc Kinh hôm nay đã lên tiếng cảnh báo « Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Quốc » bất kể kết quả bầu cử ra sao.
Chỉ có điều, trong cuộc chiến này, người dân Hồng Kông đơn độc hơn bao giờ hết. Cách nay 30 năm, các nền dân chủ phương Tây không ngần ngại thông qua các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trấn áp tàn bạo phong trào Thiên An Môn. Giờ thì vị thế của Trung Quốc và nền kinh tế của nước này quan trọng đến mức chúng làm tê liệt phần lớn các cường quốc khác, buộc họ phải bỏ rơi Hồng Kông !
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191125-phe-doi-dan-chu-thang-cuoc-tuong-lai-hong-kong-van-mit-mu
Bầu cử Hồng Kông:
Chính quyền bối rối, người dân ăn mừng
Trong cuộc bầu cử ngày hôm qua, 24/11/2019 tại Hồng Kông, có thể nói là phong trào đòi dân chủ, vốn đã xuống đường liên tục trong sáu tháng gần đây, lần này đã ồ ạt động viên nhau đi bầu, biến một cuộc bầu cử cấp quận « bé nhỏ » thành một cuộc trưng cầu dân ý chống chính quyền thân Bắc Kinh.
Lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào sáng nay, 25/11, đã không che giấu thái độ lúng túng trước kết quả bầu cử, trong lúc người dân nhiều nơi tiếp tục ăn mừng.
Từ Hồng Kông, đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde ghi nhận :
“Chính quyền tôn trọng kết quả cuộc bầu cử và sẽ khiêm tốn lắng nghe nguyện vọng của người dân”: Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã khẳng định như trên. Thái độ bối rối của trưởng Đặc Khu Hồng Kông cũng dễ hiểu sau cơn sóng thần chính trị đánh vào giới cầm quyền.
Tuy nhiên, phản ứng trên đây không thể thỏa mãn phong trào đối lập, một lần nữa, đã lại huy động 100% sức lực để tham gia cuộc bầu cử địa phương này, biến nó thành một cuộc trưng cầu dân ý thực thụ chống lại chính quyền Hồng Kông.
Ở Hồng Kông tối qua, đã có những cảnh tượng vui mừng vô hạn không còn thấy từ nhiều tháng qua, chẳng hạn như cảnh hò reo mừng rỡ tại một đơn vị bầu cử vùng Tân Giới, nơi một đại biểu mà người biểu tình căm ghét đã bị thua, hay là những chai sâm banh tiếp tục được mở ra vào sáng nay để ăn mừng trên đường phố khu Trung Hoàn.
Một nghị sĩ thuôc phe Dân Chủ Hồng Kông đã chia sẻ rằng họ đang chờ đợi những hành động cụ thể từ phía các định chế, bằng không kết quả bầu cử hôm qua sẽ biến thành một nỗi bức tức to lớn. Ông nhắc lại 5 yêu sách của phong trào phản kháng, trong đó của yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát và chấp nhận thể thức phổ thông đầu phiếu.
Tuy nhiên, với cái tát nặng nề mà họ vừa gánh chịu trong phòng phiếu, khó có thể nghĩ rằng Bắc Kinh lại đồng ý cho dân Hồng Kông mỗi người một lá phiếu.”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191125-bau-cu-hong-kong-chinh-quyen-boi-roi-nguoi-dan-an-mung
Hong Kong sau bầu cử địa phương
Nguyễn Xuân Nghĩa
Hôm Chủ Nhật 24 vừa qua, một biến cố được quốc tế gọi là “long trời lở đất” đã xảy ra tại Hong Kong sau sáu tháng biến động. Đó là cuộc bầu cử địa phương tại 18 quận, với kết qua ban đầu là các lực lượng đấu tranh cho dân chủ đã đại thắng và phe thân Bắc Kinh đại bại. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tiếp về hậu quả của biến cố này.
Bầu cử địa phương
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, như chúng ta đã trình bày kỳ trước, hôm Chủ Nhật 24 vừa qua, Hong Kong đã có cuộc một bầu cử địa phương khá đặc biệt. Nó không bị hủy bỏ, được tiến hành rất trật tự thay vì gặp bạo loạn như trong mấy tháng qua và kết quả sơ khởi là phe ủng hộ dân chủ đã thắng lớn trong khi phe thân Bắc Kinh thì bị thảm bại. Xin đề nghị ông trình bày cho thính giả của chúng về bối cảnh và hậu quả của biến cố này.
Lãnh đạo Trung Quốc coi việc vận động cho tự do và dân chủ tại Hong Kong là làn gió chướng có thể thổi khí độc vào Hoa lục khiến dân Trung Quốc có khi cũng tự hỏi là tại sao họ không được như vậy, là điều đi ngược với nguyên tắc “dân chủ tập trung” kiểu Lenin của một chế độ độc tài toàn trị.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Sau khi được Trung Quốc thu hồi từ ngày một Tháng Bảy năm 1997, cơ chế chính trị của đặc khu hành chánh tự trị Hong Kong có một hệ thống đại biểu địa phương rất lạ, là do người dân trực tiếp bầu ra theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Họ gọi đó là các “khu nghị hội”. Chức năng của cơ chế địa phương này thật ra rất thấp nên các cuộc bầu cử trước đây không gây hào hứng.
– Các khu nghị hội đó tại 18 quận có số đại biểu thay đổi theo dân số và lần này, người dân bầu ra 452 đại biểu cho một nhiệm kỳ bốn năm. Ngoài ra, phải kể thêm 27 “nghị viên đương nhiên” trong “hương sự cục” tại vùng nông thôn, tưởng là vị hương cả của một làng quê mà lại là một tỷ phú. Nhiệm vụ của các hội đồng cấp quận đó là cố vấn cho chính quyền về các vấn đề của địa phương, từ xe buýt, rác rưởi, điện nước, môi sinh tới phân bố ngân sách cho các dự án công ích hay sinh hoạt văn hóa và giải trí,v.v…. Nhưng dần dần, cơ chế tầm thường và thấp kém ấy thuộc về nhân sự ta tạm gọi là “thân Bắc Kinh”.
– Như sau cuộc bầu cử năm 2015 thì trong số 431 đại biểu có 198 là theo Bắc Kinh, 100 người ủng hộ dân chủ và 131 người chẳng thuộc đảng nào, nên cơ chế đó cũng lại trở thành hang ổ của tham nhũng, là điều chúng ta sẽ nói sau.
Phổ thông đầu phiếu
Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao lần này cuộc bầu cử ra cái hội đồng địa phương đó lại làm cả thế giới chú ý theo dõi?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Có mấy yếu tố đáng lưu ý là 1/ sáu tháng phẫn nộ của người dân, nhất là giới trẻ; 2/ sự chuyển dịch dân số khiến lớp người đến tuổi bỏ phiếu tăng đáng kể, có lẽ lên tới bốn chục vạn nên số cử tri ghi danh đi bầu lên tới gần bốn triệu cho một dân số tổng cộng là hơn bảy triệu; 3/ họ e ngại chính quyền có thể lấy lý do bất ổn mà hủy bỏ hay đình hoãn bầu cử nên gọi nhau đi bầu rất đông và đợi từ mờ sáng, trong vòng trật tự bất ngờ.
– Chúng ta đừng quên là nhiều quốc gia dân chủ, như nước Úc, thì bắt mọi cử tri đều phải đi bầu vì đấy là nhiệm vụ của công dân. Hong Kong thì không, mà tỷ lệ đi bầu đã vượt quá 71% số cử tri ghi danh khi lần trước thì chưa lên tới 47%. Nhưng có lẽ yêu tố quan trọng nhất lại là thể thức phổ thông đầu phiếu, tức là người dân trực tiếp bầu chọn giới dân cử.
Nguyên Lam: Vì sao ông lại coi yếu tố đầu phiếu đó là quan trọng nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Lần này, có 1090 ứng cử viên ra tranh cử để bầu ra 452 đại biểu cho các “khu nghị hội” trong 18 quận. Nếu đắc cử thì trong số này có 117 đại biểu sẽ được tham gia vào một Hội đồng Bầu cử gồm 1200 người để chọn nhân sự vào “Hành chánh Hội đồng”, trong đó có vị Hành chánh Trưởng quan.
– Trước đây, phe theo Bắc Kinh chiếm tới gần 70% nên đương nhiên bầu chọn người được Bắc Kinh chỉ định cầm đầu hành pháp. Bây giờ sau khi thắng lớn thì những người ủng hộ dân chủ sẽ có ảnh hưởng hơn trong việc đề cử gián tiếp đó.
– Ngoài ra, còn có “Hội đồng Lập pháp” tức là Quốc hội gồm có 70 đại biểu. Các khu nghị hội của địa phương có thể đề cử sáu người vào trong số 70 đó. Dù mới chỉ là gián tiếp, nhưng việc đề cử người tham gia vào hai cơ chế hành pháp và lập pháp ấy vẫn có thể là một thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ vì cho phép họ trực tiếp theo dõi nghị trình và các sinh hoạt của hai cơ cấu này. Nhờ vậy mà họ có thể thông báo cho quần chúng bên ngoài biết được sự tình bên trong.
– Sau cuộc bầu cử vừa qua thì việc bầu lại Lập pháp sẽ tiến hành vào năm tới và bầu lại Hành pháp vào năm 2022 nên chúng ta sẽ theo dõi xem kết quả bầu cử sẽ dẫn đến những thay đổi gì trong thời gian tới. Nhưng tôi trộm nghĩ là tình hình vẫn chưa sáng sủa đâu.
Tình hình chưa sáng sủa?
Nguyên Lam: Thưa ông, vì sao trong không khí phấn khởi của mọi người, ông lại có vẻ dè dặt như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Dù vị Hành chánh Trưởng quan là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phát biểu ôn hòa sau cuộc bầu cử với kết quả thê thảm cho mình, chúng ta đừng quên là đằng sau vẫn có sự khó chịu và lo ngại của Bắc Kinh. Lãnh đạo Trung Quốc coi việc vận động cho tự do và dân chủ tại Hong Kong là làn gió chướng có thể thổi khí độc vào Hoa lục khiến dân Trung Quốc có khi cũng tự hỏi là tại sao họ không được như vậy, là điều đi ngược với nguyên tắc “dân chủ tập trung” kiểu Lenin của một chế độ độc tài toàn trị.
– Thứ hai, đấu tranh cho dân chủ ngoài đường phố là chuyện hào hùng đáng kính, nhưng khi đắc cử đại biểu vào trong phòng hội thì người ta phải giải quyết nhiều hồ sơ phức tạp rắc rối mà chưa có chuẩn bị. Thứ ba, phe thân Bắc Kinh thi có đầy kinh nghiệm mua chuộc, chia chác nên rất dễ xé xác cơ cấu dân chủ còn non yếu, để gây phân hóa. Thứ tư, chuyện ấy dễ xảy ra khi nhiều người sẽ phân vân về lẽ đúng sai của các hồ sơ hay phương án. Huống hồ, Hong Kong lại có hai mặt, là trung tâm giao dịch tự do của thế giới mà cũng lại là một đặc khu hành chánh thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc, dưới mưu chước ma quỷ của Bắc Kinh.
Vấn nạn tham nhũng
Nguyên Lam: Hồi nãy, ông có nói tới hiện tượng bất ngờ là nạn tham nhũng trong cơ chế địa phương này. Liệu nạn tham nhũng có nhiễm độc cho các đại biểu tân cử không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Hồi nãy tôi có nói tới 27 “nghị viên đương nhiên” trong một cơ chế lạ là “hương sự cục”, lo việc chung cho các đơn vị thôn quê. Sự thật thì cầm đầu “hương sự cục” là một tỷ phú thân Bắc Kinh, tên là Lưu Hoàng Phát với hai hỗn danh là “Tân Giới Vương” – Vua đất Tân Giới – và “Tân Giới Thổ Hoàng Đế” – Hoàng đế của Đất đai Tân Giới. Ông ta chuyên làm giàu về địa ốc và từng ngồi trong Hội đồng Lập pháp rồi Hội đồng Hành pháp để chi phối luật lệ và trục lợi cho mình. Sau khi ông
tạ thế năm 2017 thì truyền ngôi cho con trai là Kenneth Lưu Nghiệp Cường, hiện cũng đang ngồi trong Lập pháp Nghị hội.
– Các nhân vật thân Bắc Kinh có thể đan lượn từ cửa này qua ghế khác, vừa làm luật, vừa thi hành luật sao cho có lợi và trở thành tỷ phú. Đấy là “dùng đặc quyền chiếm đặc lợi”, một định nghĩa của tham nhũng.
Các nhân vật thân Bắc Kinh có thể đan lượn từ cửa này qua ghế khác, vừa làm luật, vừa thi hành luật sao cho có lợi và trở thành tỷ phú. Đấy là “dùng đặc quyền chiếm đặc lợi”, một định nghĩa của tham nhũng.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Thí dụ kia lại còn nguy hơn, các “khu nghị hội” mới được bầu có quyền phân phối ngân sách của chính quyền cho địa phương. Nhưng từ khi phe theo Bắc Kinh làm mưa làm gió ở địa phương thì sự phân phối đó cũng là tham nhũng. Tại một địa phương kia, người dân mong có dự án đầu tư vào các cơ sở y tế cho người già và con trẻ, nhưng các quan ở trên lại muốn làm một vòi nước phun nhạc trị giá tới bảy triệu đô la, với lý do là dự án sẽ đóng góp cho yêu cầu tuyên truyền!
Kết luận
Nguyên Lam: Nói về hậu quả thì ông kết luận thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Người dân Hong Kong từ già đến trẻ đều có biết và khổ vì chuyện tham nhũng và bất công này nên mới tranh đấu. Họ vừa thắng một keo, nhưng cần ý thức rằng đây chỉ là bước đầu thôi. Những người vừa đắc cử vào cơ chế quyền lực và tiền tài này có thể còn trẻ nên rất cần cảnh giác và vừa làm việc bên trong thì cũng phải thông tin cho bên ngoài biết được sự thật ghê gớm đó, mà bên ngoài cũng có nghĩa là ngoại quốc. Doanh gia quốc tế có phân biệt được cách làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc vốn quan liêu và tham ô khác hẳn các doanh nghiệp Hong Kong vốn đã có truyền thống thượng tôn pháp luật. Nhưng từ khi Bắc Kinh muốn sửa luật pháp Hong Kong thì cùng ách độc tài họ đã thổi ngọn gió tham nhũng vào khu vực. Kết luận của tôi: trận đánh sắp tới của giới sùng chuộng dân chủ sẽ là luật pháp và tham nhũng trong tinh thần đoàn kết một lòng. Nếu thiếu đoàn kết thì rất dễ tan rã.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích rất lý thú của tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/hong-kong-after-the-local-election-11252019095415.html
Lộ tài liệu
Trung Quốc ‘tẩy não’ dân Tân Cương trong trại cải tạo
Các tài liệu bị rò rỉ lần đầu tiên cho thấy chi tiết về việc tẩy não có hệ thống của Trung Quốc với hàng trăm ngàn người Hồi giáo trong một mạng lưới các trại tù an ninh cao.
Chính phủ Trung Quốc nói các trại ở vùng Tân Cương là các trung tâm giáo dục và đào tạo tự nguyện.
Nhưng các tài liệu chính thức mà BBC Panorama có được cho thấy các tù nhân đã bị giam giữ, bị ép phải học thuộc lòng các thông tin truyền bá và bị trừng phạt.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã bác bỏ và nói các tài liệu này là tin giả.
Vụ rò rỉ được công bố bởi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), tổ chức này đã làm việc với 17 đối tác truyền thông, bao gồm BBC Panorama và tờ The Guardian ở Anh.
Cuộc điều tra đã tìm thấy bằng chứng mới trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh rằng các trại giam, được xây dựng trên khắp Tân Cương trong ba năm qua, là dành cho cải tạo tự nguyện để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Khoảng một triệu người – chủ yếu đến từ cộng đồng người Hồi giáo Uighur – được cho là đã bị giam giữ mà không qua xét xử.
Cảnh sát Tân Cương ‘dùng app theo dõi dân’
Người Uighur: ‘Trung Quốc hãy chứng minh mẹ tôi còn sống’
Chính khách Úc ‘ví’ Trung Quốc như phát xít Đức
Các tài liệu bị rò rỉ của Trung Quốc, mà ICIJ gọi là “The China Cables”, bao gồm một tài liệu dài 9 trang do Chu Hải Luân, khi đó là phó bí thư của Đảng Cộng sản Tân Cương và quan chức an ninh hàng đầu của khu vực, gửi tới những người điều hành trại.
Các hướng dẫn nêu rõ rằng các trại cần được điều hành như các nhà tù an ninh cao, với kỷ luật nghiêm khắc, có hình phạt và không cho ai trốn thoát.
Một số yêu cầu trong tài liệu:
“Không bao giờ có trốn trại”
“Thắt chặt kỷ luật và xử phạt các hành vi vi phạm”
“Thúc đẩy sự ăn năn, xưng tội”
“Học tiếng Quan Thoại là ưu tiên hàng đầu”
“Khuyến khích học viên thực sự biến đổi”
“[Đảm bảo] camera giám sát mọi ngóc ngách của ký túc xá và lớp học, không có điểm mù”
Các tài liệu tiết lộ cách mọi khía cạnh của cuộc sống của những người bị giam giữ, bị theo dõi và kiểm soát: “Học viên nên có một vị trí giường cố định, vị trí xếp hàng cố định, chỗ ngồi trong lớp học cố định và trạm làm việc cố định, và nghiêm cấm thay đổi.
“Áp dụng quy tắc hành vi và kỷ luật trong việc thức dậy, điểm danh, vệ sinh, dọn phòng, ăn, học, ngủ, đóng cửa…”
Các tài liệu khác xác nhận quy mô khổng lồ của khu giam giữ. Một người tiết lộ rằng hồi 2017, có 15.000 người từ miền nam Tân Cương đã bị gửi đến các trại chỉ trong một tuần.
Sophie Richardson, người phụ trách Trung Quốc của Tổ chức theo dõi Nhân quyền, cho biết tài liệu bị rò rỉ nên được các công tố viên xem xét.
Bà nói: “Đây là một bằng chứng có thể sử dụng, ghi lại hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tôi nghĩ có thể nói là những người bị giam giữ ít nhất là đang bị tra tấn tâm lý, bởi vì họ thực sự không biết họ sẽ ở đó bao lâu.”
Tài liệu chỉ rõ rằng những người bị giam giữ chỉ có thể được thả khi họ có thể cho thấy mình đã thay đổi hành vi, niềm tin và khả năng ngôn ngữ của họ.
TQ tức giận về thư đòi ngừng đàn áp dân Uighur
Trung Quốc ‘bắt 13.000 khủng bố’ ở Tân Cương từ 2014
Trong tài liệu có đoạn “Đề cao sự ăn năn và thú tội của các học viên để họ hiểu sâu sắc bản chất bất hợp pháp và nguy hiểm của hành vi trong quá khứ của họ”.
“Đối với những người vẫn còn hiểu biết mơ hồ, thái độ tiêu cực hoặc thậm chí có tâm lý kháng cự … tiếp tục thực hiện giáo dục chuyển đổi cho tới đạt được kết quả.”
Ben Emmerson QC, luật sư nhân quyền và là cố vấn cho Hội đồng Uighur Toàn cầu, cho biết các trại này đang cố gắng thay đổi danh tính của học viên.
“Rất khó để coi đó là điều gì khác ngoài ‘sự tẩy não’ hàng loạt được thiết kế và nhắm đến cả một cộng đồng dân tộc.
“Đó là một sự biến đổi hoàn toàn được thiết kế đặc biệt để quét sạch người Hồi giáo Uighur tại Tân Cương khỏi bề mặt Trái đất.”
Chuyện gì xảy ra ở Tân Cương?
Trung Quốc nói rằng người dân ở Tân Cương đang theo học ở “các trung tâm đào tạo nghề” nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Nhưng các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc nói rằng Trung Quốc đang giam giữ một triệu người Uighur và những người Hồi giáo khác trong các trại giam.
Ngày càng có nhiều đơn tố cáo từ Hoa Kỳ và các nước khác về hành động của Trung Quốc tại Tân Cương.
Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cáo buộc rằng Trung Quốc “yêu cầu công dân tôn thờ chính phủ, chứ không phải Thiên Chúa” trong một cuộc họp báo ở Vatican.
Trung Quốc tách trẻ em khỏi cha mẹ ở Tân Cương
Và vào tháng 7, hơn 20 quốc gia tại Hội đồng Nhân quyền LHQ đã ký một bức thư chung chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với người Uighur và những người Hồi giáo khác.
Người Uighur là ai?
Người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) là tộc người Turk theo đạo Hồi. Họ chiếm khoảng 45% dân số của khu vực Tân Cương; 40% còn lại là người Hán.
Trung Quốc tái lập quyền kiểm soát vào năm 1949 sau khi đánh bại nhà nước Đông Turkestan tồn tại trong thời gian ngắn.
Kể từ đó, đã có sự di cư quy mô lớn của người Hán mà người Uighur lo sợ đang làm xói mòn nét văn hóa của họ.
Tân Cương chính thức được chỉ định là khu vực tự trị ở Trung Quốc, giống như Tây Tạng ở phía Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50542094
« China Cables » :
Lời chứng của một người Duy Ngô Nhĩ sau 11 tháng tù
Trong hồ sơ « China Cables » trên Le Monde hôm nay 25/11/2019, có thuật lại câu chuyện của bà Tursunay Ziavdun, một người Duy Ngô Nhĩ khoảng 40 tuổi, đã trải qua 11 tháng trong một « trung tâm giáo dục và đào tạo » của Trung Quốc ở Kunas, tiếng Hoa là Tân Nguyên (Xinyuan), phía tây Tân Cương.
Tursunay nằm trong số các tù nhân được trả tự do nhờ có thân nhân ở nước ngoài, trong trường hợp của bà là ở Kazakhstan, nơi người chồng (quốc tịch Trung Quốc nhưng thuộc thiểu số Kazakhstan) sinh sống. Những lời kể của bà từ Almaty, được Le Monde ghi lại trong hai cuộn video dài, cho thấy chính sách tống giam đại trà người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đi kèm với sự tùy tiện, đe dọa, dối trá.
Đọc thêm: Tân Cương : Cứ 6 người dân, có 1 người bị đi cải tạo
Năm 2016, bà Tursunay cùng với người chồng đã định cư nhiều năm tại Kazakhstan quyết định trở về Trung Quốc, vì bà chưa được nhập tịch Kazakhstan và visa hết hạn. Hai vợ chồng không có chút nghi ngờ gì, tuy nhiên Tursunay có chút ngạc nhiên khi gia đình ở Trung Quốc « dường như không được vui khi tôi quay về ».
Cả hai người đã phải nộp lại hộ chiếu Trung Quốc khi đến Hoa lục – hộ chiếu của những người Duy Ngô Nhĩ đương nhiên bị tịch thu. Họ sống tại Ghulja, một thành phố lớn ở tây Tân Cương. Vài tháng sau, Tursunay nhận được một cuộc gọi yêu cầu « đi họp » ở thành phố nguyên quán là Kunas. Tại đây, bà bị công an đưa vào một trường dạy nghề cũ, được bảo là ở lại một đêm…nhưng rốt cuộc là 20 ngày.
Bà kể : « Chúng tôi được phép giữ lại điện thoại. Phòng có 15 người, nhưng cửa không bị khóa, nói chung điều kiện không đến nỗi khắc nghiệt lắm ». Do trước đó từng bị giải phẫu, bà cần phải nhập viện. Bệnh viện gởi trở lại trung tâm, nhưng người chồng vốn là bác sĩ, nên đã thành công trong việc đưa bà ra khỏi nơi bị giam vì lý do sức khỏe, vào tháng 5/2017.
Cuộc sống dưới sự khủng bố
Hai vợ chồng tiếp tục sống tại Ghulja. Người chồng nhận lại hộ chiếu, được phép quay về Kazakhstan, với điều kiện người vợ phải làm bảo lãnh rằng chồng sẽ trở lại Hoa lục trong vòng hai tháng. Họ cho rằng đây là giải pháp tốt nhất : « Nếu chúng tôi ở lại Trung Quốc thì cả hai đều bị bắt. Tôi đi Kunas với anh ấy và ký giấy. Chồng tôi đi Kazakhstan, còn tôi trở về Ghulja ».
Đọc thêm: Trung Quốc tẩy não trẻ em Duy Ngô Nhĩ từ tiểu học để đồng hóa
Vào lúc đó, người dân bắt đầu sống trong nỗi sợ bị bắt đi cải tạo. Tursunay kể : « Khi gặp một người quen ngoài đường, câu duy nhất mà người ta nói với nhau là ‘‘A, bạn vẫn còn đây à !’’ Gia đình nào cũng có một người bị bắt, và đôi khi cả gia đình phải vào trại ». Hai người anh em trai của Tursunay lần lượt bị tống giam vào tháng 2/2018 vì lý do đã gọi điện ra nước ngoài.
Bà biết rằng giờ của mình cũng sắp điểm : công an sách nhiễu từ nhiều tháng qua vì người chồng không quay lại như dự kiến. « Ngày 08/03/2018, họ gọi cho tôi, bảo rằng có chuyện muốn nói. Tôi hỏi ngay : ‘’Tôi phải nhập trại, có phải thế không ? – Vâng, nhưng không bao lâu đâu, đừng lo’’. Họ nói như thế để trấn an, vì đã có những trường hợp tự sát. Tôi nói, thế thì đồng ý, tôi sẽ đến ».
Người vào trại « cải tạo » bị coi như súc vật
Tursunay đến Kunas, và hôm sau được đưa vào khu trại cũ, nhưng đã được sửa chữa toàn bộ. « Ngay từ lúc bước vào, tôi hiểu rằng hoàn toàn không giống như trước nữa. Họ khám người rất kỹ, họ cởi hết quần áo của chúng tôi rồi phát cho bộ khác, không có nút áo. Tôi có mang theo giấy tờ xác nhận sức khỏe rất kém, nghĩ rằng họ sẽ cho mình ra. Khi tôi trình giấy chứng nhận, người nữ quản giáo đã quát nạt : ‘Đừng có đóng kịch, mày tưởng người ta sẽ thương hại à ? Có những người gần chết mà cũng không được thả đó’. Tôi vô cùng sợ hãi ».
Hôm đó, Tursunay trông thấy một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã trên 70 tuổi nhập trại cùng một lượt, bị buộc phải cởi chiếc váy dài trước mặt các quản giáo. « Họ để lại cho bà cụ chiếc vớ dài, rồi giựt đứt hàng nút áo len, và chiếc khăn quàng cổ của bà. Bà ấy không có tóc. Bà cố che đi bộ ngực chảy xệ, nhưng bị quát phải bỏ tay xuống. Bà cụ khóc vì xấu hổ, và tôi cũng khóc theo. Hầu hết những kẻ quát nạt tù nhân là người Hán, còn những người Kazakhstan thì chỉ thi hành theo lệnh ».
Tursunay bị đưa vào một căn phòng khóa kín với cửa sắt, và những chiếc giường tầng. Bà kể lại sinh hoạt hàng ngày và kỷ luật trại giam. « Ban đêm lúc ngủ trên giường, phải thò hai tay ra khỏi mền. Chỉ được phép nằm nghiêng một bên. Trại viên tiêu, tiểu trong một chiếc xô. Mỗi đêm, phải thay phiên nhau đứng canh, mỗi lần hai người một, trong vòng hai tiếng đồng hồ, để bảo đảm tất cả đều trong trật tự. Ban ngày, chúng tôi chỉ có ba phút để vào nhà vệ sinh : các quản giáo vũ trang tận răng, nếu ở lâu một chút sẽ bị họ quát tháo ».
Ba tuần sau, bà mới được tắm lần đầu. « Các nữ trại viên đều bị đẩy vào chung một lượt như súc vật. Nước lạnh ngắt từ trần nhà chảy xuống, chúng tôi đều lo sẽ bị cảm lạnh ».
« Trung Quốc mạnh lắm, chẳng có ai đến cứu đâu ! »
Được gọi là « học viên lớp 31 », Tursunay nhiều lần bị thẩm vấn về cuộc sống ở Kazakhstan : Có cầu nguyện không ? Có mang khăn choàng Hồi giáo không ? Bà cũng bị chất vấn về các hoạt động của người chồng, vốn đã mở một dưỡng đường. Bà hiểu rằng lý sự với công an là vô ích. « Họ thường xuyên nói với chúng tôi là Trung Quốc là một quốc gia rất hùng mạnh, chẳng có ai đến cứu chúng tôi đâu ! Họ sẽ tống chúng tôi vào những nhà tù còn tệ hại hơn trại này nhiều ».
Đọc thêm: Trung Quốc chi 10 tỉ đô la một năm để kềm kẹp Tân Cương
Tursunay cũng bị buộc theo học đủ thứ, từ tiếng Hoa cho đến luật pháp, ý thức hệ, trong những « phòng học » bên ngoài bị rào bằng song sắt và có quản giáo vũ trang canh gác. Mùa hè năm 2018, các « học viên » từng người một lần lượt vào một gian phòng, trong đó có một quan tòa lần lượt thông báo bản án của mỗi người, với sự hiện diện của thân nhân họ được triệu tập đến. « Tôi được lãnh bản án thấp nhất là hai năm, vì không có người thân nào để có thể mời đến. Sau đó tất cả mọi người đều tìm thấy một tờ giấy để trên giường, nêu lý do bị kết án ».
Nguyên nhân khiến Tursunay bị đi cải tạo là « đã đi ra nước ngoài và cư trú tại đó ». Dù vậy bà cũng được thả vào cuối năm 2018, khi nổ ra xì-căng-đan về việc tống giam những người Kazakhstan tại Trung Quốc hay người thân của các công dân Kazakhstan, gây bối rối cho Bắc Kinh. Tất cả những tù nhân may mắn này đều được nhận chỉ thị cuối cùng : « Không được hé răng về những gì đã trải qua ».
Chủ tịch Tập Cận Bình
không e ngại chiến tranh thương mại với Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố muốn tránh chiến tranh thương mại với Mỹ nhưng nhấn mạnh sẵn sàng đáp trả nếu cần thiết.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới ở Bắc Kinh ngày 22.11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không muốn khơi mào chiến tranh thương mại nhưng không e sợ nếu buộc phải tham chiến, theo AFP.
Chủ tịch Tập nói muốn cuộc đối thoại với Mỹ về thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 phải dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, “khi cần thì chúng tôi sẽ đáp trả nhưng chúng tôi đã chủ động để không xảy ra chiến tranh thương mại”, ông Tập phát biểu tại sự kiện có mặt nhiều cựu quan chức hàng đầu các nước như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson hay cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd.
Trong cuộc gặp riêng với ông Kissinger, Chủ tịch Tập nói rằng mối quan hệ Trung – Mỹ đang ở thời khắc then chốt giữa nhiều khó khăn và thách thức và hai nước nên tăng cường đối thoại về những vấn đề chiến lược, tránh hiểu lầm và đánh giá sai.
TQ gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông và hệ lụy
Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực tại khu vực Trung Đông, cạnh tranh với Nga và Mỹ để gây ảnh hưởng trong khu vực. Những thành tựu của Trung Quốc tại đây là không thể phủ nhận.
Trung Đông là một phân miền lịch sử và văn hoá của vùng Phi-Âu-Á về mặt truyền thống là thuộc các quốc gia vùng Tây Nam Á và Ai Cập. Trong những phạm vi khác, vùng này có thể gộp vào vùng Bắc Phi và Trung Á. Các nền kinh tế phát triển thịnh vượng tính theo PPP như Qatar, Kuwait, UAE, Bahrain và Síp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tích cực tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực này nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Mỹ và Nga trong khu vực.
Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 30 máy bay do thám tấn công không người lái Rainbow-4 cho các quốc gia tại Trung Đông, nhất là cho Arab Saudi và Iraq. Theo báo cáo từ Hiệp hội Hàng không – Vũ trụ Trung Quốc, việc xuất khẩu máy bay không người lái sang các quốc gia này không chỉ nằm trong dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, mà còn là vì vai trò của các phi cơ này trong các hoạt động chống khủng bố boàn cầu. Tất cả đều nhằm mở rộng trao đổi quân sự giữa các quốc gia với nhau và tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Không những vậy, vào tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra dự án “Vành đai và con đường”. Đây là một dự án mang tính chiến lược toàn cầu, bao gồm xây dựng một vành đai kinh tế của Trung Quốc theo con đường tơ lụa trước kia và xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển của thế kỉ 21”. Dự án này nhằm xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng khắp từ biên giới phía tây Trung Quốc tới biên giới phía đông và phía nam châu Âu. Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải thúc đẩy trở lại sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, vốn giảm từ mức 10,4% vào năm 2010 xuống còn 6,9% trong năm 2017. Những tuyến đường mới này sẽ giúp Trung Quốc tối ưu hóa việc vận chuyển, và giảm giá thành hàng hóa của họ, bên cạnh đó còn giúp họ tăng cường vị thế của mình tại thị trường Á-Âu cũng như tạo ra thêm nhiều cơ hội giúp họ tiếp cận được với các thị trường khác trên thế giới, nhất là thị trường tại châu Phi. Vành đai kinh tế của Trung Quốc theo con đường tơ lụa trước kia cũng sẽ giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng về địa chính trị vì nó kết nối nhiều quốc gia với các nền kinh tế cùng nguồn lực về công nghệ, con người, tài chính và chính trị. Trung Đông giữ một vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện dự án đầy tham vọng này: đặc điểm về vị trí địa lý đã biến nơi đây thành khu vực trung chuyển quan trọng giữa châu Á và châu Âu.
Việc áp dụng ý tưởng này vào thực tiễn đòi hỏi các nguồn lực về kinh tế và năng lượng rất lớn của Trung Quốc. Bắc Kinh đặc biệt coi trọng vai trò của Trung Đông: năng lượng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong năm 2017, lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng thêm 26,9%, đạt 68,6 triệu tấn. Sản lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng 10,2% (419,57 triệu tấn). Trong khi đó, Qatar là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu từ Iraq, Iran và Arab Saudi. Trước đây, Riyad từng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, nhưng vào năm 2016 và năm 2017, Arab Saudi đã bị Nga “vượt mặt”. Do vậy, tự nhiên Trung Quốc đã trở thành một trong các đối tác kinh tế – thương mại quan trọng nhất của các quốc gia Trung Đông. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ USD vào Iraq, Iran và các quốc gia Vùng Vịnh khác. Và Trung Quốc cũng dự định mở rộng đáng kể sự hợp tác này, bằng cách hình thành một khu vực thương mại tự do (FTA), quy tụ tất cả các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến Palestine. Vào tháng Giêng năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 50 triệu nhân dân tệ cho quốc gia này – gần 8 triệu đô la. Song song đó, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển quan hệ với Israel. Chẳng hạn, các công ty của Trung Quốc hiện đang xây dựng một bến cảng mới tại cảng Ashdod, tuyến đường sắt tại Tel-Aviv và một đường hầm tại Mount Carmel ở Haifa. Quan trọng hơn thế, họ rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ của Israel như trong các ngành về Internet, an ninh mạng, các thiết bị y tế, năng lượng thay thế và nông nghiệp. Iran từ lâu đã có mâu thuẫn với Israel, tuy nhiên điều này cũng không cản Tehran và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và lâu dài. Trung Quốc đã thường xuyên giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này trong những thời kỳ khó khăn nhất khi Tehran phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, và mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển: thương mại song phương đã tăng 22% vào năm 2017, đạt 30,5 tỉ USD. Điều quan trọng nữa là người Iran còn sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch hợp tác này. Vì vậy, Trung Quốc phải duy trì vị thế cân bằng trong hệ thống các mối quan hệ chính trị phức tạp tại Trung Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phải nuôi dưỡng, xây dựng mối quan
hệ hòa hảo với các quốc gia có quan hệ thù địch lẫn nhau. Một trong các lợi thế của Trung Quốc là không xung đột về tôn giáo, thuộc địa và lịch sử có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Trung Quốc không thể hiện sự phân biệt đối xử trong quan hệ giữa người Do Thái với người Arab, hay giữa người Sunni với người Chite, và duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trên. Tất cả điều này đều trái ngược với chính sách quân sự mà các thế lực bên ngoài vẫn luôn tiến hành tại khu vực Trung Đông. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đang quan tâm tới các vấn đề an ninh tại các khu vực này, nhất là đối với sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giống như Nga, Trung Quốc cũng phải đối mặt với mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Người Hồi giáo ở Trung Quốc đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức khủng bố như của IS và Mặt trận al-Nosra. Những thành phần này có thể sẽ quay về Trung Quốc để hoạt động. Ngoài ra, các nhóm khủng bố tại Trung Đông cũng đang đe dọa đến các lợi ích về kinh tế của Trung Quốc, nhất là đối với kế hoạch thực hiện dự án “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. Đó là lí do tại sao, Bắc Kinh lại ủng hộ việc chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông bằng cách bán vũ khí và máy bay không người lái cho các quốc gia trong khu vực này. Trung Quốc cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hòa bình tại khu vực này, vì các cuộc xung đột giữa những nước Trung Đông đã kéo dài gây trở ngại cho việc thực hiện dự án. Đặc biệt, Trung Quốc ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi. Tất cả điều này là nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực cũng như đảm bảo việc thực hiện ý đồ của họ.
Trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta có thể tự hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước Trung Đông hay không? Chỉ cần một tác động rất nhỏ lên bất kì mâu thuẫn nào trong hệ thống khu vực Trung Đông cũng có thể gây ra một phản ứng dây chuyền và làm leo thang căng thẳng cho những cuộc xung đột vốn đã phức tạp đang xảy ra tại khu vực này. Chẳng hạn, quan hệ đối tác giữa Riyad và Bắc Kinh cũng không thể nào tránh khỏi những nghi ngờ liên tục phát sinh trong mối quan hệ này của họ: Arab Saudi đã có những nghi ngờ liên quan đến chính sách của Trung Quốc tại Syria. Trong cuộc khủng tại Syria, Trung Quốc đã đứng về phía Nga và Iran, phủ quyết một số quyết định do phương Tây đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều này rõ ràng đã mâu thuẫn với các lợi ích của Riyad. Trung Quốc cũng có những yêu sách riêng dành cho Arab Saudi khi vương quốc này ủng hộ những người Trung Quốc thuộc dòng Sunni và nhất là với người Duy Ngô Nhĩ. Rất nhiều hoàng tử của Saudi cổ vũ cho những nỗ lực của người Duy Ngô Nhĩ trong việc đấu tranh giành cho tự do tôn giáo. Đây là một trong các lí do khiến Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi bằng cách đa dạng hóa nguồn cung và Nga cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện quá trình này.
Sự thiện cảm của Trung Quốc đối với Iran tất nhiên tác động đến các lợi ích của Israel và Hoa Kỳ, khi mà các quốc gia này muốn giảm bớt tầm ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Việc phát triển của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về phía Trung Đông và việc ủng hộ cho sự gia nhập của Iran vào tổ chức này hiện nay đương nhiên làm tăng thêm các mối lo ngại cho Riyad. Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng duy trì tính trung lập bằng mọi cách, nhưng Trung Quốc sẽ bị buộc phải chọn đứng về phía nào và dĩ nhiên họ sẽ phải chọn Iran nếu nước này gia nhập vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Để giảm thiểu các rủi ro, Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ kinh tế có ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực, nhất là các lợi ích hấp dẫn về mặt kinh tế của dự án “vành đai”. Việc tham gia của các nước Trung Đông vào dự án này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình đầu tư, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giúp hài hòa sự tăng trưởng không đồng đều đang diễn ra giữa các thành phố lớn. Song song với đó, Trung Quốc cũng muốn mở rộng việc trao đổi văn hóa và giáo dục: họ dự định đào tạo các kỹ thuật viên cho các nước thành viên của dự án “vành đai”. Chiến lược này sẽ giúp loại bỏ các nguyên nhân gây mất ổn định trong quan hệ của họ với các nước Trung Đông. Các cuộc chiến tranh không có nghĩa là không còn chỗ để kinh doanh, mà đây là một trong các cơ hội quan trọng của Trung Quốc.
Từ lâu, các chuyên gia đã cho rằng, với việc thúc đẩy xây dựng chương trình “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị của riêng mình, làm suy yếu ảnh hưởng của các đối thủ. Một số khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo đang trong tình trạng nợ nần chồng chất nhận được trợ giúp của Trung Quốc.Theo giới chuyên gia, cho đến nay, hầu hết sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Đông tập trung vào quan hệ năng lượng và kinh tế, song mọi chuyện đang dần thay đổi. Những diễn biến gần đây cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ với các nước Trung Đông cả trên các lĩnh vực như quốc phòng và văn hóa. Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 quốc gia Trung Đông, trong đó đáng chú ý nhất là Saudi Arabia. Vương quốc
này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Tây Á, trong khi Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Riyadh trên thế giới. Không những vậy, hơn 200.000 công dân Trung Quốc hiện đang cư trú tại UAE, và cảng Dubai là một trung tâm vận chuyển và hậu cần toàn cầu quan trọng đối với hàng hóa Trung Quốc. UAE và Saudi Arabia gần đây đã lên tiếng về dự định đưa các nghiên cứu bằng tiếng Trung vào chương trình giáo dục quốc gia của họ.
Trong thập kỷ qua, sự quan tâm của Trung Quốc dần mở rộng ra các tuyến hàng hải như Biển Đỏ, Kênh đào Suez và Eo biển Bab el-Mandeb. Việc tăng cường ảnh hưởng trong và xung quanh các “điểm nút địa lý” đối với thương mại và vận chuyển dầu khí toàn cầu đã trở thành mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở phía Tây lục địa Á-Âu. Không có gì ngạc nhiên khi Ai Cập nằm trong chương trình nghị sự đầu tư của Trung Quốc. Hàng tỷ USD vốn đầu tư đã được Bắc Kinh đổ vào Ai Cập. Trung Quốc đang giúp Ai Cập xây dựng thủ đô hành chính mới trên sa mạc bên ngoài Cairo, cũng như một cảng bên bờ Biển Đỏ và khu công nghiệp ở Ain Sukhna. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã có 6 chuyến công du Bắc Kinh kể từ năm 2014, so với chỉ 2 chuyến thăm tới Mỹ, vốn là đối tác an ninh truyền thống của Cairo. Mối liên hệ ngày càng khăng khít giữa các quốc gia Trung Đông và Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm đối với phương Tây. Vị thế quốc tế đang gia tăng của Mỹ đã buộc Washington phải giảm bớt một số trách nhiệm của mình tại khu vực Á-Âu. Điều này đã khiến các nước nhỏ phải xem xét lại mối quan hệ của họ với Mỹ, đồng thời cân nhắc về vị thế đang lên của Trung Quốc.
Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản cho rằng việc Trung Quốc tăng cường hiện diện và thắt chặt quan hệ với Trung Đông nhưng đây chỉ là bề nổi, thực chất cả Trung Quốc và các nước Trung Đông đều “bằng mặt mà không bằng lòng” với nhau. Đầu tiên, quan hệ Trung Quốc và Iran không hề “đầm ấm”. Trong khi Mỹ coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa trực tiếp thì Mỹ lại coi sự trỗi dậy và xuất hiện của Trung Quốc ở Trung Đông là “gián tiếp” không kém phần nguy hiểm, nhất là khi hai quốc gia bắt tay, mặc dù cả hai chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Trong thực tế Iran và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những tình tiết mới, đặc biệt là hậu Chiến tranh lạnh, chính sách thù địch với phương Tây và Mỹ gia tăng, và gần đây khi quốc gia này có tân tổng thống. Trong chiến tranh Iran- Irắc những năm thập niên 80 ở thế kỷ trước, Trung Quốc đã từng hỗ trợ đắc lực cho Iran và giờ đây còn tiếp tục cung cấp cho Iran sự hỗ trợ về quân sự và hạt nhân, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương lên “tầm cao mới”, tăng từ 12 tỷ USD năm 1997 lên 28 tỷ USD năm 2009, đưa Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Cũng trong thời gian nói trên sự trừng phạt vẫn tiếp tục áp dụng với các công ty năng lượng phương Tây, nên các công ty của Trung Quốc đã nhanh chóng thế chân, đưa doanh số thương mại song phương vượt trên trên 45 tỷ USD. Mặc dù bề ngoài thân thiện nhưng đằng sau chiếc mặt nạ này là mối quan hệ âm mưu và toan tính. Tehran từ lâu đã coi Bắc Kinh như một con dao hai lưỡi, còn Trung Quốc thì lại sử dụng Iran như một con bài, làm đòn bẩy trong giao dịch với Mỹ và sẵn sàng “sang tay” nếu như có lợi. Gần đây, trong khi ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Iran nhưng Trung Quốc lại ngấm ngầm bảo vệ những lợi ích riêng tại Iran. Theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương công bố năm 2011, trong số 45 tỷ USD thương mại song phương Trung Quốc – Iran thì có tới 3 tỷ USD được giải ngân. Ngoài ra, thị trường Iran đang tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, sự kiện này đã tàn phá ngành công nghiệp trong nước, làm cho người dân Iran bất bình, dấy lên làn sóng phản đối, tẩy chay và yêu cầu chính phủ Iran phải vào cuộc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Giống như ở Iran, Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ tương tự tại Afghanistan. Cả Afghanistan, Iran lẫn Trung Quốc đều phản đối sự cai trị của Taliban trong những năm 90 nhưng riêng Trung Quốc còn chơi cả với Taliban phòng khi tổ chức này quay lại nắm quyền. Mối giao bang giữa Trung Quốc với Pakistan gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là khi mối quan hệ Islamabad với Washington xấu đi nghiêm trọng. Đặc biệt là sự hiện diện của người Trung Quốc tại tỉnh Balochistan của Pakistan, nơi Trung Quốc đang thực hiện dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, đặc biệt là mở rộng cảng Gwadar. Tuy nhiên trong chừng mực nào đó, nó lại gây ra mối đe dọa cho Iran vì hậu thuẫn cho nhóm khủng bố chống Iran, có tên Jundallah phát triển. Tóm lại, sự hiện diện của người Trung Quốc tại khu vực này gây bất lợi cả cho Iran lẫn Pakistan lẫn Ấn Độ. Có thể dễ hiểu cảng Gwadar là “chuỗi ngọc trai” béo bở ở Trung Đông mà từ lâu người Trung Quốc đã nhắm tới. Thứ hai, lợi ích của Trung Quốc và Iran còn liên quan đến vùng Trung Á. Sự sụp đổ của Liên Xô đầu thập niên 90 đã tạo thuận lợi cho cả Iran lẫn Trung Quốc cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, giúp các quốc gia này mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc nuôi tham vọng thay thế Nga, thậm chí cả Mỹ tại khu vực Trung Á. Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng kinh tế, chính trị và quan hệ an ninh tại một khu vực Trung Á này. Bắc Kinh hiện đang ngày càng thâm nhập xâu vào khu vực thông qua mạng lưới các mối quan hệ song phương và các tổ chức đa phương như SCO. Nhiều chuyên gia Trung Á cho rằng Trung Quốc đã thay thế Nga trong khu vực. Tuy nhiên, cả Iran lẫn Trung Quốc đều gờm các tổ chức cực đoan khủng bố Hồi giáo, đặc biệt khi các tổ chức này cấu kết với các tổ chức cực đoạn tại Tân Cương. Về lợi ích năng lượng của Trung Quốc và Iran ở Trung Á lại có sự mâu thuẫn. Bằng cách xây dựng một loạt các đường ống dẫn dầu và đường sắt, như hành lang Kazakhstan – Turkmenistan – Iran – Iran đã giúp Trung Quốc khẳng định vị trí của mình tại khu vực Trung Á và Vịnh Ba Tư.
Nhìn chung, trong tương lai, Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn để vượt lên trong cuộc cạnh tranh ở Trung Đông. Bắc Kinh sẽ phải trở nên nhạy bén hơn trước những thách thức đang gia tăng đối với các kế hoạch kinh doanh của mình trên các tuyến giao thương đường biển và đường bộ. Vị thế đang lên của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Mỹ bất an. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, qua đó có thể làm suy yếu sự hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống trong khu vực. Xét về dài hạn, Trung Đông đang dịch chuyển sang một khía cạnh cạnh tranh không thể tránh được giữa Mỹ và Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/31690-tq-gia-tang-anh-huong-tai-trung-dong-va-he-luy.html
Đại sứ TQ cảnh báo Canada không nên tuân theo Mỹ
Đại sứ Trung Quốc tại Canada Cong Peiwu vừa lên tiếng cảnh báo “Ottawa không nên đi theo Mỹ và ủng hộ biểu tình ở Hong Kong do điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương”.
“Nếu ai đó thực sự muốn làm như Mỹ, điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm. Nếu có bất kì điều gì xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương và lợi ích của Canada”, đại sứ Cong Peiwu, người mới nhậm chức hồi đầu tháng 11, cho biết.
Bên cạnh việc đang có tranh chấp thương mại và ngoại giao với Trung Quốc, Canada đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự an toàn với 300.000 công dân của mình tại Hong Kong, nơi đang diễn ra phong trào biểu tình quy mô lớn nhiều tháng qua.
Vào hôm 20-11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông sẽ tiếp tục kêu gọi giảm thiểu căng thẳng và chấm dứt bạo lực tại Hong Kong thông qua đối thoại.
Trong tuyên bố mới nhất, đại sứ Cong đã tiếp tục yêu cầu Canada thả tự do ngay cho giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Meng Wanzhou, người đang bị cảnh sát Canada giam giữ theo lệnh của tòa án Mỹ. Ông khẳng định đây là một trong những nguyên nhân chính khiến mối quan hệ giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.
Chỉ ít lâu sau vụ bắt giữ bà Meng, Trung Quốc cũng tạm giam 2 công dân Canada vì cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia, đồng thời ngăn cản nhiều mặt hàng xuất khẩu sang quốc gia này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31702-dai-su-tq-canh-bao-canada-khong-nen-tuan-theo-my.html
Báo Mỹ: TQ vừa trải qua một tuần “mất mặt”,
nhưng có lẽ ông Tập sẽ chẳng cần bận tâm
vì những lí do này?
Trung Quốc vừa có một tuần lễ xấu hổ, báo Business Insider (Mỹ) bình luận.
Chỉ trong vài ngày qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã liên tục chịu đả kích vì nhiều vấn đề, cụ thể là:
1. Thứ 7 tuần trước (16/11), tờ New York Times (NYT) của Mỹ đã tung ra 403 trang tài liệu mật nội bộ về việc thành lập các trung tâm cải tạo cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và hạn chế đạo Hồi giáo ở Tân Cương.
Cộng đồng mạng Trung Quốc sau đó đã vượt tường lửa và đọc được bài báo của NYT, và họ còn khen ngợi vị quan chức đã tiết lộ bản tài liệu mật nói trên.
2. Vào 2 ngày thứ 2 (18/11) và thứ 3 (19/11), Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã lần lượt thông qua dự luận Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, một động thái vừa để ủng hộ những người biểu tình, vừa gửi tới Trung Quốc một lời nhắc nhở.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh cáo nước ngoài cần tránh xa các vấn đề nội bộ của họ, đặc biệt là vấn đề Hong Kong nếu không muốn hứng đòn trả đũa. Tuy nhiên các nhà lập pháp Mỹ vẫn tiếp tục “bỏ ngoài tai” lời đe dọa của Trung Quốc.
3. Và hôm thứ 5 (21/11) vừa qua, đảo Tuvalu nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương đã bất ngờ từ chối lời đề nghị của Trung Quốc về việc giúp đỡ xây dựng các đảo nhân tạo để cứu Tuvalu trước tình trạng nước biển ngày càng dâng cao, đồng thời tuyên bố tiếp tục sát cánh cùng đảo Đài Loan.
Quyết định của Tuvalu đã cho thấy các khoản tiền đầu tư của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã bắt đầu mất đi uy lực và tầm ảnh hưởng.
Những sự việc xảy ra trong tuần qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình tượng của Trung Quốc trên trường quốc tế – hình tượng mà họ đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua bằng tiền đầu tư vào các bộ phim Hollywood, mở các trường dạy tiếng Trung trên toàn cầu, và mua bài quảng cáo trên các tờ báo uy tín của phương Tây, theo Business Insider.
Thế nhưng, những phản ứng của Trung Quốc cho thấy nước này dường như không hề bận tâm tới những sự việc được cho là “ảnh hưởng hình tượng” nói trên.
Về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ: Bắc Kinh nói nội dung những tài liệu mật bị rò ri đều “đáng học hỏi”
Sau khi NYT đăng tải bài báo chấn động về 403 trang tài liệu mật kể trên, phía Trung Quốc không xác nhận mà cũng chẳng hề phủ nhận chúng, mà chỉ nói rằng đó là chuyện “bịa đặt”, là “sự thông đồng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước”, đồng thời nói rằng chiến lược của nước này tại Tân Cương đều “đáng học hỏi”.
Hơn nữa, theo Business Insider, một điều đáng chú ý là phương Tây và các quốc gia Hồi giáo hầu như không hề có động thái lên án Trung Quốc sau khi NYT tung ra 403 trang tài liệu chấn động về người Duy Ngô Nhĩ.
Vào tháng 10 vừa qua, Mỹ đã liệt 28 công ty Trung Quốc vào danh sách đen, cáo buộc các công ty này giúp chính phủ giám sát và bắt giữ các nhóm thiểu số ở Tân Cương. Tuy nhiên. chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự thay đổi trong các hành động của Trung Quốc. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn chưa đạt hiệu quả.
Ông Trump có thể “bỏ rơi” Hong Kong để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu ông Trump có quyết định thông qua dự luật này hay không, và phía Nhà Trắng cũng không hề đưa ra bất kỳ thông tin nào khác.
Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với chương trình Fox & Friends hôm thứ 6 (22/11) vừa qua, ông Trump còn nói về khả năng phủ quyết dự luật Hong Kong để đổi lấy thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập.
“Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng ủng hộ ông Tập… Chúng tôi đang trong quá trình đạt được một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử,” ông Trump nói.
Trước đây, ông Trump và quan chức trong chính quyền ông cũng từng có một số động thái tương tự để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán thương mại.
Ví dụ, hồi tháng 6, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng hủy một bài phát biểu có nội dung chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ – vào một tuần trước khi hai ông Trump-Tập dự định gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh G20 Nhật Bản; một động thái được cho là nhằm đảo bảo cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tốt đẹp.
Vào tháng 7, một quan chức Mỹ tại Hong Kong cũng đã buộc phải giảm bớt nội dung chỉ trích trong bài phát biểu của mình vì khi đó Mỹ đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, theo Financial Times.
Trong thời điểm hiện tại, các nhà đàm phán của hai nước cũng đang nỗ lực đạt được thỏa thuận trước hạn chót đánh thuế vào ngày 15/12, và ông Trump sẽ không muốn quá trình này bị ảnh hưởng, nhất là khi cuộc bầu cử năm 2020 đang tới rất gần.
Lời từ chối của những quốc gia nhỏ bé sẽ không thể gây nhiều sát thương cho Trung Quốc
Ngoại trưởng Tuvalu đã thẳng thừng từ chối “món hời” của Trung Quốc: “Chúng tôi xin từ chối. Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện về nợ nần, và Trung Quốc có thể mua các đảo của chúng tôi để thiết lập căn cứ quân sự trong khu vực. Đó là điều khiến chúng tôi lo lắng”.
Mặc dù vậy, việc quốc đảo Tuvalu từ chối lời đề nghị 400 triệu USD đầy hấp dẫn của Trung Quốc và kiên quyết sát cánh cùng Đài Loan có thể sẽ khiến ông Tập mất mặt đôi chút, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới dự án BRI hay mục tiêu cô lập Đài Loan của Bắc Kinh, theo Business Insider.
Điều ông Kofe đã đề cập tới trong tuyên bố của mình là nỗi lo ngại về chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc – chiến lược giúp Trung Quốc có được những nhượng bộ chính trị từ những “con nợ” của mình.
Thực tế, một số đồng minh của Đài Loan đã lựa chọn “bỏ bạn” để chạy theo những khoản đầu tư thuộc dự án BRI của Trung Quốc.
“Quan hệ ngoại giao của Tuvalu và Đài Loan hiện đang ở mức mạnh mẽ nhất từng có”, ông Kofe nói với phóng viên Reuters. “Cùng nhau, chúng tôi có thể chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc Đại lục”.
Thế nhưng, Đài Loan hiện chỉ còn 15 đồng minh trên toàn thế giới – hầu hết đều không có uy trên trường quốc tế.
Trong khi đó, dự án BRI của ông Tập vẫn tiếp tục mở rộng thêm, và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại. Trung Quốc đã đẩy mạnh dự án này và ký kết với nhiều đối tác mới nhanh chóng đến mức Mỹ đã quan ngại và phải đưa ra một sáng kiến đầu tư mới nhằm chống lại sự mở rộng của BRI.
Chính sự trỗi dậy nhanh chóng đó đã khiến Trung Quốc “trơ lì” hơn trước những lời chỉ trích của quốc tế. Do đó, nước này có thể sẽ chẳng cần bận tâm tới suy nghĩ của thế giới về mình và vẫn có thể phát triển như thường, Business Insider kết luận.
Người dân Lào phản đối chính phủ
cấp quyền công dân cho khoảng 2.000 người Việt
Chính phủ Lào sẽ cấp quyền công dân cho khoảng gần 2.000 người Việt sinh sống tại nước này trong tổng số khoảng 6.000 đơn xin của người Việt, theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào, tướng Vilay Lakhamfong nói tại Quốc hội Lào mới đây. Tuy nhiên quyết định cấp quyền công dân cho người Việt tại Lào không được nhiều người dân Lào ủng hộ.
Một số người dân Lào nói với Đài Á Châu Tự Do rằng những người Việt nhập cư vào Lào đang lợi dụng Lào khi họ làm các công việc như thợ làm tóc, công nhân xây dựng, lấy đi công việc của người Lào.
Một giới chức Lào đã nghỉ hưu còn so sánh với việc 2.000 người Việt được trở thành công dân, sẽ có 4.000 người Lào mất việc.
Giới chức giấu tên phụ trách việc đăng ký các hộ dân thuộc bộ Nội An của Lào cho RFA biết việc cấp quyền công dân cho những người Việt này là theo luật về nhập tịch của Lào. Theo luật này, người nhập cư có thể được cấp quyền công dân khi đã ở Lào ít nhất 10 năm và được quốc hội cũng như Chủ tịch nước phê duyệt, sau khi được Bộ Tư Pháp tuyên bố tình trạng đơn xin làm công dân Lào.
Giới chức Lào thừa nhận với RFA rằng nước này đang phải đối mặt với tình trạng người lao động nhập cư không có giấy tờ, phần đông đến từ Trung Quốc và Việt Nam.
Thủ tướng Singapore hội đàm với tổng thống Hàn Quốc
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 23/11 gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Seoul trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tuần tới, theo Reuters.
Tại cuộc hội đàm, ông Moon kêu gọi Singapore đóng vai trò xây dựng nhằm thiết lập hòa bình vĩnh viễn cũng như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đồng ý cải thiện quan hệ và đàm phán về việc chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore.
Triều Tiên: không thiết gặp Trump trừ phi Mỹ bỏ ‘chính sách thù địch’
Tuy nhiên, theo Reuters, các nỗ lực đó không đạt được tiến bộ và hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim và ông Trump đổ vỡ ở Việt Nam hồi tháng Hai.
Hồi đầu tuần này, Triều Tiên bác bỏ lời mời của ông Moon về việc ông Kim dự hội nghị thượng đỉnh với ASEAN ở Busan.
Theo Reuters, Bình Nhưỡng nói rằng “giờ không phải là lúc” vì mối quan hệ căng thẳng hiện thời.
Truyền thông Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc gây tổn hại quan hệ song phương khi phụ thuộc vào Mỹ để giải quyết các vấn đề liên Triều.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi
phi quân sự hóa Biển Đông
Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ADMM Plus) tại Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bày tỏ hy vọng tình hình Biển Đông ổn định, không bên nào sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực.
Theo thông tin trên, ông Rajnath Singh cho biết Ấn Độ “nhấn mạnh cần bảo vệ quyền của các quốc gia không liên quan tới những cuộc đàm phán” giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ: “Dĩ nhiên cộng đồng quốc tế quan tâm tới các tuyến đường biển liên lạc mở. Chúng tôi hy vọng tình hình vẫn ổn định, không (có bên nào) sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực”. Ông Singh bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và thúc đẩy hoạt động tự do đi lại, bay qua không phận và thương mại hợp pháp tại Biển Đông.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Ấn Độ dựa trên ý tưởng an ninh ổn định, tập trung vào một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các bên liên quan. “Một cách ngắn gọn, cách tiếp cận của chúng tôi đối với an ninh ở Ấn Độ – Thái Bình Dương là bền vững bởi vì nó nhấn mạnh sự phát triển và an ninh cho tất cả mọi người trong khu vực.”
Hội nghị ADMM+ lần thứ 6 với chủ đề “An ninh bền vững” vừa diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Mỹ đã tham dự. Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng đã trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới. Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, mong muốn sớm hoàn thành việc xây dựng COC hiệu quả, thực chất.
Thời gian gần đây, Ấn Độ liên tục bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết căng thẳng thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma tại Việt Nam cho biết: “Quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Vì thế Ấn Độ có lợi ích lâu dài khi khu vực hoà bình và ổn định. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở vùng biển quốc tế, tuân theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Ấn Độ tin rằng bất cứ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hoà bình, bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Không những vậy, hợp tác năng lượng giữa Ấn Độ và Việt Nam là mối quan hệ đối tác lâu dài, dựa trên đầu tư dài hạn. Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đã hiện diện ở Việt Nam gần ba thập kỷ. Đó là hợp tác có lợi cho cả hai bên và quan trọng cho an ninh năng lượng của Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này”.
Trước đó, Ngoại trưởng Jaishankar (2/8) cũng khẳng định lập trường chung với Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; đồng thời cho biết Ấn Độ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Không những vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi đã và đang hỗ trợ tự do hàng hải, tiếp cận tài nguyên Biển Đông theo luật pháp quốc tế; tái khẳng định Ấn Độ có lợi ích chính đáng và hợp pháp trong hòa bình, ổn định và việc tiếp cận có thể đoán định với các
tuyến đường thủy chính trong khu vực; nhấn mạnh Ấn Độ đã, đang hỗ trợ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Cựu quan chức tình báo: TQ có thể ‘giật dây’ Úc từ xa
Trung Quốc muốn “tiếp quản” hệ thống chính trị của Úc bằng một chiến dịch do thám và gây ảnh hưởng rất bài bản, một cựu quan chức tình báo Úc vừa nói trong bài phỏng vấn đăng hôm nay.
Ông Duncan Lewis, người vừa từ chức vào tháng 9 sau 5 năm lãnh đạo Tổ chức tình báo an ninh Úc (Asio), còn nói rằng Trung Quốc có thể tấn công bất kỳ ai trong hệ thống chính trị của Úc, và tác động của điều này có thể mất nhiều năm cũng chưa bộc lộ hết.
“Tình trạng do thám và can thiệp của nước ngoài rất xảo quyết. Tác động của nó có thể không bộc lộ trong trong nhiều thập kỷ cho đến khi quá muộn”, ông Lewis nói với báo The Sydney Morning Herald trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi rời nhiệm sở.
“Một ngày bạn có thể tỉnh giấc và thấy rằng một quyết định của đất nước mình được đưa ra không phải vì lợi ích của đất nước mình”, ông Lewis nói.
“Không chỉ trong chính trị mà trong cả cộng đồng hoặc doanh nghiệp. Họ có thể tiếp quản, về cơ bản là giống như giật dây từ xa”, ông nói.
Cựu quan chức tình báo này dẫn ví dụ các đặc vụ Trung Quốc đóng góp những khoản tiền lớn cho các chính đảng Úc nhằm gây ảnh hưởng. Họ cũng nhắm vào báo chí và các trường đại học.
Ông nói về vụ việc chính trị gia Công đảng Sam Dastyari – biệt danh “Chú Sam Thượng Hải”, bị ép phải từ chức sau khi nhận hàng ngàn đô la Mỹ từ một nhà tài trợ có quan hệ với chính quyền Trung Quốc.
“Một điều khá rõ ràng với tôi là bất kỳ người nào đang làm chính trị cũng có thể trở thành mục tiêu. Không phải tôi đang có tạo ra sự hoang tưởng mà thực sự là cần sự cảnh giác nhất định”, ông Lewis nói.
Những phát biểu của cựu quan chức này có thể khuấy động lại cuộc tranh luận nóng bỏng về quan hệ của Úc với Trung Quốc và được coi như sự chỉ trích nhằm vào những chính trị gia như cựu thủ tướng Paul Keating.
Ông Keating gần đây nói các cơ quan an ninh của Úc là “quái gở” vì quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc và chỉ trích báo chí “ngoan đạo” khi đăng những bài viết giật gân về chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhiều quan chức Úc cũng nói rằng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc gia tăng gây ảnh hưởng lên chính trị của các nước khác thông qua cách quyên tiền, đầu tư và sử dụng các nhóm cộng đồng.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc từ lâu đã gây quan ngại cho Nhà Trắng. Washington nhiều lần cảnh báo Canberra chớ tự mãn.
Nhưng Thủ tướng Úc Scott Morrison tự tin rằng Úc có thể “duy trì tính toàn vẹn của hệ thống” của nước này. “Chúng ta đã có các hệ thống để bảo đảm rằng các lợi ích của Úc luôn được bảo đảm”, ông Morrison nói.
Vị cựu quan chức tình báo nói rằng sự giúp đỡ của cộng đồng người Hoa ở Úc “rất quan trọng đối với nỗ lực chống lại ảnh hưởng của nước ngoài”, giống như cộng đồng người Úc theo đạo Hồi đang hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố.
Trong khi lãnh đạo Asio, ông Lewis giữ các vị trí cấp cao trong quân đội và từng là đại sứ của Úc tại Bỉ và Nato. Ông thường xuyên cảnh báo về mối đe dọa nước ngoài do thám nhưng hiếm khi chỉ trích đích danh Trung Quốc.
Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc can thiệp vào chính trị Úc.
Đầu tháng này, Trung Quốc cấm cửa 2 nghị sĩ của đảng Tự do ở Úc vì họ từng chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Úc và trên khắp Thái Bình Dương.
Tháng trước, một nhóm trường đại học ở Úc đưa ra các biện pháp nhằm chống lại ảnh hưởng của nước ngoài trong những lĩnh vực như hợp tác nghiên cứu, an ninh mạng và hợp tác quốc tế, một động thái được cho là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng bị nghi ngờ đứng sau những chiến dịch xâm nhập vào mạng lới máy tính của nghị viện và một trường đại học có quan hệ gần gũi với chính phủ và các cơ quan tình báo Úc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31698-cuu-quan-chuc-tinh-bao-tq-co-the-giat-day-uc-tu-xa.html