Tin khắp nơi – 25/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Mỹ phê duyệt

bán vũ khí 330 triệu đô cho Đài Loan

Hợp đồng bán vũ khí thứ hai của chính quyền Donald Trump cho thấy Washington ủng hộ Đài Bắc, báo Anh cho hay.

Theo tờ The Financial Times, Hoa Kỳ phê duyệt bán vũ khí trị giá 330 triệu đôla cho Đài Loan. Đây là chỉ dấu mới về sự ủng hộ Đài Bắc của Washington trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng áp lực với quốc đảo này.

Đài Loan cáo buộc TQ tấn công mạng

Đài Bắc muốn tăng trao đổi quân sự với Mỹ

Bà Thái Anh Văn: ‘Không ai ‘xóa bỏ’ được Đài Loan’

Dân TQ ghét cả quán cà phê đón bà Thái Anh Văn

Đài Loan mất thêm đồng minh ngoại giao

TQ phạt hãng Nhật vì công nhận Đài Loan

Thương vụ đề xuất gồm các phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu F-16, C-130, F-5 của Đài Loan và các hệ thống máy bay khác.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung ngày càng leo thang.

‘Nhân tố quan trọng’

Thương vụ này được cho là sẽ góp phần bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan, thông cáo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc viết.

Cơ quan này cũng nói thêm rằng Đài Loan “tiếp tục là nhân tố quan trọng cho sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”.

Hợp đồng mua bán vũ khí là chỉ dấu mới nhất của mối quan hệ ấm lên giữa Đài Bắc và Washington.

Tuy hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng vẫn duy trì quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ bất chấp sự phản đối từ phía Bắc Kinh.

Bắc Kinh luôn xem đảo quốc này là thuộc lãnh thổ của mình và sẽ được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.

Phát ngôn viên của văn phòng tổng thống Đài Loan cho biết sự ủng hộ của Mỹ sẽ thúc đẩy lòng tin của người Đài Loan trong lúc đối mặt với những thách thức an ninh “nghiêm trọng”.

Đây là thỏa thuận bán vũ khí thứ hai của Mỹ cho Đài Loan kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức, sau thỏa thuận 1,4 tỷ đôla vào tháng 6/ 2017 khiến Bắc Kinh giận dữ.

Trong một diễn biến khác, tờ South China Morning Post hôm 20/9 cho hay, Đài Loan đang chuẩn bị chống đỡ chiến dịch tấn công mạng từ Trung Quốc nhằm làm suy yếu Tổng thống Thái Anh Văn trước cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11.

Bắc Kinh, cùng với Nga và Bắc Hàn, có thể đang tăng cường thử nghiệm các kỹ thuật tấn công mạng nhắm vào Đài Loan trước khi dùng chúng để nhắm vào Mỹ và các cường quốc khác, theo chính phủ Đài Loan.

Các thử nghiệm này liên quan đến các loại mã độc mới chủ yếu nhắm mục tiêu các cơ quan chính phủ gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế Đài Loan, ông Howard Jyan, tổng giám đốc cơ quan An ninh mạng Đài Loan cho biết.

“Dựa trên so khớp mẫu và các đặc điểm khác thì có khả năng là phần lớn các cuộc tấn công mạng đến từ các nhóm được Trung Quốc hậu thuẫn,” Jyan nói với Bloomberg News.

“Chúng tôi tin rằng số lượng các cuộc tấn công mạng sẽ tăng cao trước cuộc bầu cử. Tin tặc sẽ toan tính can thiệp vào sự kiện này.”

‘David chống lại Goliath’

Từ khi nhậm chức vào tháng 5/2016, Tổng thống Thái Anh Văn và Đảng Dân Tiến từ chối công nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh với đảo quốc.

Gần đây, Bắc Kinh dùng mọi cách để chèn ép chính quyền của bà Thái: giành lại các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, tăng cường các đợt tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan, gây áp lực buộc các hãng hàng không và khách sạn ghi chú Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

“Ở một mức độ nào đó, Đài Loan chống lại Trung Quốc giống như David chống lại Goliath,” Ben Read, chuyên gia phân tích gián điệp mạng tại công ty bảo mật FireEye nhận định.

Hàng không Mỹ vẫn chưa bỏ tên Đài Loan trước 9/8

Hàng không Mỹ phải bỏ tên Đài Loan vì sợ TQ

Có ghi nhận Chính phủ Đài Loan đã chống đỡ thành công 360 cuộc tấn công mạng trong năm 2017, Jyan cho biết. Nhưng số lượng các mưu toan tấn công lớn hơn nhiều: Khoảng 20 đến 40 triệu lượt được tiến hành mỗi tháng vào năm ngoái, ông ước tính.

Các máy chủ tại cơ quan dân sự, quân sự và nghiên cứu của Đài Bắc được nhắm mục tiêu, gồm hệ thống bệnh viện bị tấn công để ăn cắp thông tin sức khỏe cá nhân và các dữ liệu khác.

Hồi tháng trước, bà Thái nói với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ rằng chuyến thăm của ông “thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, báo Hong Kong viết.

Theo South China Morning Post, Đài Loan và Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ quân sự qua việc Tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho đảo quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát viên nói rằng bất kỳ hoạt động kết nối nào của Đài Bắc với Mỹ nên bắt đầu trong một lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như cứu trợ nhân đạo để tránh chọc giận Bắc Kinh. Trung Quốc từng cảnh báo Washington về việc trợ giúp quân sự cho Đài Bắc.

Các nhà phân tích ở đại lục nhận định bà Thái đang cố gắng nâng cao vị thế của đảo quốc trên trường quốc tế, trong khi Mỹ “đang chơi lá bài Đài Loan”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45623306

 

Trump mong có hội nghị thứ hai

với Kim Jong-un

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói hy vọng có một cuộc hội nghị thượng đỉnh thứ hai với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong “tương lai không xa”.

Đã có “rất nhiều sự tiến bộ”, ông Trump tuyên bố khi phát biểu bên cạnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở New York.

“Mối quan hệ đang rất tốt và phần nào đó … phi thường,” ông nói thêm.

Chỉ một năm trước, Mỹ và Bắc Triều Tiên công khai lên tiếng về khả năng của một cuộc đối đầu hạt nhân nhưng ông Trump đã có những cuộc đàm phán lịch sử đầu tiên với ông Kim vào tháng Sáu.

Diễn văn đầu tiên của ông Moon ở Bắc Hàn

Kim ngỏ ý muốn gặp Trump lần thứ hai

Hai miền Triều Tiên mở văn phòng liên lạc 24/7

Phát biểu trước đó, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, ông nói rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ sắp xếp cuộc hội nghị thượng đỉnh tiếp theo “trong tương lai gần”.

Hiện chưa có quyết định về địa điểm cuộc gặp, ông Trump nói.

Ông Moon gần đây đã hoàn thành một chuyến thăm ba ngày, cao cấp đến Bình Nhưỡng – chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo miền Nam Triều Tiên đến thủ đô miền Bắc trong một thập kỷ qua.

Khi trở về Seoul, ông nói Kim Jong-un muốn “triệt tiêu hạt nhân hoàn toàn một cách nhanh chóng” và tập trung vào phát triển kinh tế của đất nước.

“[Kim] cho biết ông hy vọng Mike Pompeo sẽ đến thăm Bắc Triều Tiên sớm, và cũng hi vọng có một hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Trump sẽ diễn ra trong tương lai gần, để tiến trình phi hạt nhân hóa diễn ra nhanh chóng,” ông Moon nói.

Hội nghị thượng đỉnh Singapore là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Cả hai này đã ký một văn bản cam kết thiết lập các mối quan hệ mới, làm việc hướng tới việc “triệt tiêu hạt nhân hoàn toàn” và xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo.

Hai miền Triều Tiên mở văn phòng liên lạc 24/7

Duyệt binh Bắc Hàn không có tên lửa

Kể từ đó, miền Bắc đã cố gắng cải thiện hình ảnh của mình, một số sự thay đổi nhỏ nhưng lâu dài đã xảy ra.

Một số nhà phê bình tuy nhiên vẫn nêu lo ngại rằng tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên đã bị lờ đi để giúp cải thiện mối quan hệ bang giao.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45635496

 

2 Cô Tố Ứng Viên TCPV Tội Sex

Sẽ Ra Điều Trần Thứ Tư 27-9

WASHINGTON   –      Người tố cáo ứng viên TCPV của TT Trump thuận điều trần và ủy ban pháp chế đã định cho 2 nhân vật chính trong vụ tố cáo tấn công tình dục 36 năm trước trình bày sự việc vào ngày Thứ Năm 27-9. Diễn biến này có thể quyết định số phận của chuẩn thẩm phán TCPV Brett Kavanaugh 53 tuổi sẽ làm việc tại tòa tối cao liên bang vài thập niên (đến mãn đời).

Nạn nhân tấn công tình dục lúc 15 tuổi nay là giáo sư Christine Blasey 51 tuổi đang làm việc tại University of Paolo Alto (phía nam San Francisoco). Phe tố cáo không muốn luật sư bên ngoài chất vấn bà Ford – tất cả 11 nghị sĩ CH tại ủy ban pháp chế là nam giới. Nguồn tin từ đảng bộ CH South Carolina tiết lộ sáng chủ nhật : nghị sĩ Lindsey Graham đang vận động 2 điều kiện : bà Ford và ông Kavanaugh là 2 nhân chứng duy nhất, và người chất vấn là cố vấn pháp lý độc lập, bên kia không thuận thì thôi.

Ngoài ra, có tin ủy ban pháp chế không đồng ý đưa ra diều trần nhân chứng Mark Jugde, là bạn của Kavanaugh, là 1 học sinh cùng trường có mặt tại phòng chứng kiến vụ tấn công tình dục.

Nghị sĩ Dick Durbin (DC-Illinois) thấy yêu cầu của tổ luật sư đại diện bà Ford là hữu lý , và ông không nghi ngờ phe DC khai thác thành tich “rượu chè” của Kavanaugh, vì bà Ford mô tả Kavanaugh tối hôm ấy là “say khướt”. Phe CH mô tả yêu cầu cho FBI điều tra của các nghị sĩ DC là chiến thuật trì hoãn thủ tục biểu quyết chuẩn thuận ứng viên TCPV thứ nhì của TT tỉ phú New York.

* Cựu Nữ Sinh Viên Học Cùng Trường Yale Tố Kavanaugh Tấn Công Tình Dục

NEW YORK CITY  –    Cư dân New York nguyên là nữ sinh viên trường Yale cùng thời Kavanaugh lên tiếng hôm chủ nhật về hành vi quấy nhiễu tình dục của Kavanaugh đang là ứng viên TCPV của TT Trump – bà Deborah Ramirez 53 tuổi kể tiệc rượu niên khóa 1983-84 tại ký túc xá.

Cả bọn chơi trò uống rượu, bà say, khi đã lăn xuống sàn, bà thấy 1 dương vật xuất hiện trước mặt, vội đuổi người ấy đi, và chạm bộ phận sinh dục của đàn ông.

Bà nhận thấy Kavanaigh đứng gần bên, vừa cười vừa kéo quần lên. 1 nam sinh hô “Brett vừa đưa dương vật vào mặt Debbie”. Bà không nhớ hết, nên ngần ngại.

Kinh nghiệm này và trường hợp của bà Ford đáng để FBI điều tra ông Kavanaugh, theo lời bà. 1 phát ngôn viên Bạch Ốc phản bác và lên án báo New Yorker đăng tin trên là cùng trong âm mưu quấy phá có phối hợp. Thống kê ước lượng gần 2/3 nạn nhân tấn công tình dục không báo cáo cảnh sát.

Tiếp theo tố giác kể trên, phe DC tại ủy ban pháp chế Thượng Viện đòi ngưng tiến trình cứu xét ứng viên Kavanaugh trong khi TT Trump lên án là “chính trị hóa”, là “bất công, không chính đáng chưa từng thấy”.

https://vietbao.com/p122a285799/2-co-to-ung-vien-tcpv-toi-sex-se-ra-dieu-tran-thu-tu-27-9

 

Người thứ ba tố cáo Kavanaugh

về hành vi tình dục sai trái sắp lên tiếng

Một phụ nữ thứ ba tố cáo người được đề cử làm thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ Brett Kavanaugh về hành vi sai trái tình dục sẽ lên tiếng trong 48 giờ tới, theo ông Michael Avenatti, luật sư cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels – người cũng đang kiện Tổng thống Donald Trump.

Sau phiên tòa hôm thứ Hai 24/9 về vụ cô Daniels kiện Tổng thống Trump và cựu luật sư Michael Cohen của ông về vụ trả tiền “bịt miệng”, luật sư Avenatti nói với các phóng viên rằng ông được một cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao và của Sở Đúc tiền của Mỹ thuê. Cựu nhân viên này có thông tin về bản chất tình dục của ông Kavanaugh và của người bạn trung học của ông là ông Mark Judge.

Ông Avenatti nói thêm rằng: “Các thông tin đó liên quan đến cách họ cư xử tại vô số các bữa tiệc liên hoan.”

Luật sư Avenatti nói với các phóng viên rằng người phụ nữ mà ông không nêu tên nằm trong diện phải bảo mật thông tin cao và “cá nhân có thể gặp nguy hiểm” nếu đứng ra công khái tố cáo. Ông nói tố cáo của người phụ nữ này “đáng tin cậy 100 phần trăm,” và bà có nhiều nhân chứng để chứng thực câu chuyện của mình và sẽ sẵn sàng để máy kiểm tra sự thật, nếu ông Kavanaugh cũng chịu làm như vậy.

Ông Avenatti không tiết lộ thân chủ của ông đã gặp ông Kavanaugh trong hoàn cảnh nào, và ông cũng không xét đoán hay tiết lộ chi tiết về thời gian của hành vi sai trái bị cáo buộc.

Ông Kavanaugh theo trù liệu vào thứ Năm 27/9 này sẽ điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện về cáo buộc rằng ông đã tấn công tình dục một thiếu nữ cùng trường vào năm 1982 trong khi là học sinh tại trường Georgetown Preparatory ở ngoại ô thủ đô Washington.

Người tố cáo ông là bà Christine Blasey Ford cũng dự kiến sẽ ra khai trước một ủy ban của Thượng viện. Bà nói ông Judge có mặt tại căn phòng vào thời điểm vụ tấn công bị cáo buộc xảy ra; ông Kavanaugh đã ghì bà xuống, dùng tay che miệng bà và tìm cách cởi quần áo bà ra trong phòng ngủ tại một bữa tiệc.

Cả ông Kavanaugh và ông Judge đều phủ nhận các tố cáo của bà Ford.

Hôm chủ nhật, tạp chí The New Yorker đã công bố tố cáo của một phụ nữ thứ hai tên là Deborah Ramirez, bạn học ở Đại học Yale của ông Kavanaugh. Bà Ramirez tố cáo rằng ông Kavanaugh đã khoe thân thể ông ra cho bà trong một buổi liên hoan của niên học 1983-1984.

Ông Kavanaugh cũng phủ nhận cáo buộc đó.

(Theo USA Today, CNN)

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-thu-ba-to-cao-kavanaugh-ve-hanh-vi-tinh-duc-sai-trai/4586349.html

 

Tai tiếng tình dục : Thẩm phán Kavanaugh

phản công để ”bảo vệ danh dự”

Thùy Dương

Thẩm phán Kavanaugh, người được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện, hôm qua 24/09/2018, đã phản công trên kênh Fox News để « bảo vệ danh dự », sau khi bị hai phụ nữ tố cáo là đã có những hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục họ khi còn trẻ.

AFP cho biết ông Kavanaugh cũng viết thư các thượng nghị sĩ xem xét hồ sơ ứng cử của ông vào Tối Cao Pháp Viện. Thẩm phán Kavanaugh gọi những lời tố cáo của hai phụ nữ trên là « một chiến dịch vu khống lố bịch và thô thiển ». Ông cũng nhấn mạnh « những nỗ lực để phá hủy danh tiếng của tôi sẽ không làm tôi lùi bước ».

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cũng lên tiếng ủng hộ thẩm phán Kavanaugh, khen ông là « một người đàn ông tuyệt vời, với một quá khứ không thể chê trách ».

Thứ trưởng Tư Pháp Mỹ có thể mất chức

Thứ trưởng Tư Pháp Mỹ Rod Rosenstein và cũng là người chỉ đạo trực tiếp cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 dự kiến sẽ có cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày thứ Năm 27/09/2018 để giải thích về thông tin, theo báo Mỹ New York Times ngày 21/09, ông Rod Rosenstein từng nói tới khả năng truất phế tổng thống Donald Trump hồi năm 2017.

Nhân vật thứ hai của bộ Tư Pháp Mỹ đã bác bỏ thông tin của báo chí. Phát ngôn viên Nhà Trắng, Sarah Sanders, cho biết ông Rosenstein và tổng thống đã từng có cuộc trao đổi dài về các bài báo nói trên. Cuộc trao đổi này do chính ông Rod Rosenstein đề nghị.

Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, có nhiều tin đồn theo đó hoặc thứ trưởng Tư Pháp Mỹ phải từ chức hoặc ông sẽ bị cách chức.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180925-tai-tieng-tinh-duc-tham-phan-kavanaugh-phan-cong-de-%C2%AB-bao-ve-danh-du-%C2%BB

 

Tổng thống Trump

một mực bênh vực ông Kavanaugh

BHA Trump stands by Supreme Court nominee Kavanaugh (AP)

Tổng thống Trump một mực bênh vực ông Kavanaugh

Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng về phía ứng viên do ông đề cử vào Tối cao Pháp viện, Brett Kavanaugh, dù xuất hiện thêm một lời tố cáo nữa nói rằng ông Kavanaugh từng có hành vi sách nhiễu tình dục.

Phát biểu từ New York hôm 24/9, ông Trump bày tỏ hy vọng rằng ông Kavanaugh sẽ được xác nhận để nhậm chức.

Ông Trump còn ca ngợi ông Kavanaugh là ‘một người tốt,’ ‘một học giả tài ba,’ ‘làm gì cũng xuất sắc.’

Tờ New Yorker cuối ngày 23/9 cho biết hai thượng nghị sĩ đang điều tra lời tố cáo mới rằng ông Kavanaugh từng khỏa thân tại một buổi liên hoan ở ký túc xá Đại học Yale, niên khóa 1983-1984.

Người phụ nữ tố cáo tên là Deborah Ramirez, 53 tuổi, đã thuật lại vụ việc trong một cuộc phỏng vấn.
Bà Ramirez thừa nhận lúc xảy ra sự việc bà cũng đã say và nhớ không đầy đủ, nhưng sau khi tham vấn với một luật sư, bà Ramirez khẳng định với tạp chí New Yorker rằng bà đủ tự tin với hồi ức của mình.
Ông Kavanaugh phủ nhận tố cáo của bà Ramirez cũng như bác cáo buộc của nữ Giáo sư Christine Blasey Ford, người trước đó tố cáo bị ông tấn công tình dục vào năm 1982 khi cả hai còn ở tuổi trung học.

Trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Chuck Grassley, Giáo sư Ford cho biết sẵn sàng thuật lại sự việc trong cuộc gặp ‘mặt đối mặt’ với các thượng nghị sĩ dù, theo dự trù, bà Ford sẽ ra điều trần trước Ủy ban vào thứ năm tuần này.

Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell của đảng Cộng hòa tố cáo phe Dân chủ phát động ‘chiến dịch bôi nhọ’ nhắm vào ông Kavanaugh.

Về phần mình, ông Kavanaugh tuyên bố quyết không lùi bước.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-mot-muc-benh-vuc-ong-kavanaugh-/4585404.html

 

Nếu Rosenstein ra đi,

cuộc điều tra của Mueller sẽ ra sao?

Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nhiều khả năng sẽ từ chức hoặc đối mặt với việc bị Tổng thống Donald Trump sa thải, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin. Tòa Bạch Ốc cho biết ông Rosenstein đã nói chuyện với ông Trump ngày 24/9 và đôi bên sẽ gặp nhau vào thứ năm tới đây tại Bạch Cung để thảo luận về chuyện ông Rosenstein sẽ ‘trụ lại’ hay ‘ra đi.’

Nếu ông Rosenstein rời chức ở Bộ Tư pháp thì sẽ có những hệ lụy đối với cuộc điều tra đang tiếp diễn của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về nghi án Ban vận động tranh cử của ông Trump thông đồng với người Nga để tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.

Tin về khả năng ‘ra đi’ của ông Rosenstein được đưa ra ba ngày sau khi tờ New York Times tường thuật rằng hồi năm ngoái ông từng tuyên bố muốn ghi âm lại các cuộc nói chuyện với ông Trump cũng như đề cập đến việc sử dụng Tu chính án 25 để tước bỏ quyền lực của Tổng thống Trump. Bản thân ông Rosenstein đã bác bỏ thông tin này và một nguồn tin còn cho biết ông ấy ‘chỉ nói đùa’.

Nếu ông Rosenstein thật sự ra đi thì đó là một việc rất hệ trọng.

Người giám sát Mueller

Rosenstein là người giám sát cuộc điều tra của ông Mueller. Đó là bởi ông Jeff Sessions, Bộ trưởng Tư pháp và là sếp của Rosenstein, đã rút ra khỏi cuộc điều tra sau khi ông đưa ra lời khai không đúng và sai lệch trước Quốc hội về các mối liên hệ của bản thân ông với nước Nga. Do đó, Rosenstein là người duy nhất có quyền sa thải ông Robert Mueller trực tiếp.

Trong hơn một năm qua, Rosenstein như đi trên băng mỏng.

Một mặt, ông cam kết bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller trước những người bảo thủ ở bên trong cũng như bên ngoài Quốc hội vốn tin rằng cuộc điều tra này có thành kiến đối với Tổng thống và đã kêu gọi ông Trump sa thải Công tố viên đặc biệt. Tuy nhiên, ông Rosenstein không thể nào thúc đẩy cuộc điều tra quá mức, nếu không, ông sẽ chọc giận ông Trump.

Khả năng ông Rosenstein ra đi sẽ gây một cú sốc vào giữa lòng cuộc điều tra về sự liên hệ của ông Trump với người Nga bởi vì ông Mueller phải được Phó Bộ trưởng Tư pháp thông qua các quyết định điều tra quan trọng. Tổng biện lý Noel Francisco, người sẽ thay Rosenstein nếu ông ra đi, có thể chỉ cần không phê chuẩn các yêu cầu của ông Mueller. Điều đó sẽ làm chậm lại toàn bộ tiến trình điều tra hoặc dẫn đến việc sa thải ông Mueller nếu ông Francisco cảm thấy có lý do.

Ông Rosenstein đã từ chối làm việc đó. Thay vào đó, ông đã cho phép ông Mueller xúc tiến cuộc điều tra mà không gặp cản trở gì. Ông Mueller đã kết tội một số thành viên hàng đầu trong ban vận động của ông Trump, trong đó có cựu chủ tịch ban vận động Paul Manafort, với các tội danh về thuế, tài chính và gian lận ngân hàng. Ông Manafort sau đó đã nhận tội ‘có âm mưu chống lại nước Mỹ’ và tội ‘âm mưu cản trở công lý’ và giờ đây đang hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller.

Tương lai của cuộc điều tra của ông Mueller và thậm chí có thể là nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump tùy thuộc vào việc ông Rosenstein cân bằng khó khăn này tốt đến mức nào.

Ông Rosenstein phải giữ cho ông Trump và Bộ Tư pháp hài lòng. Điều đó không hề dễ dàng.

Cân bằng khó khăn

Sự thể hiện của ông Rosenstein trong một phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy ông phải bước đi trong hoàn cảnh khó khăn ra sao.

Vào đêm 12/12, chỉ vài giờ trước khi ông Rosenstein phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Bộ Tư pháp đã cho phóng viên xem một số đoạn tin nhắn chống Trump của hai nhân viên FBI là Peter Strzok và Lisa Page vốn có thư từ qua lại với nhau trong suốt cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.

Strzok, một cựu quan chức phản gián hàng đầu của FBI nằm trong đội điều tra của ông Mueller, đã nhắn tin cho Page rằng ông Trump là một ‘tên ngốc’. Trong một tin nhắn khác, ông còn bày tỏ hy vọng bà Hillary Clinton sẽ đánh bại ông Trump.

Ông Mueller đã sa thải Strzok hồi tháng 7 năm ngoái, và những trao đổi giữa Strzok và Page vẫn là chủ đề của một cuộc điều tra nội bộ của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, phe bảo thủ bên trong và bên ngoài chính phủ cho rằng cuộc điều tra của ông Mueller đang chống lại Tổng thống Trump.

Không rõ có phải ông Rosenstein đã cho phép công bố những tin nhắn này hay không, nhưng một số chuyên gia pháp lý nghĩ rằng Bộ Tư pháp tung chúng ra vào đêm trước phiên điều trần của ông Rosenstein để lấy lòng những người chống Mueller bên trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện.

“Đó là cách hành xử đáng sợ của Bộ Tư pháp,” ông Matthew Miller, phát ngôn nhân của Bộ Tư pháp dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, nói với tờ Business Insider vào lúc đó. “Đây là một cuộc điều tra đang tiếp diễn mà những nhân viên này có quyền được xem xét theo đúng trình tự, và giới lãnh đạo chính trị tại Bộ Tư pháp đã ném họ vào lũ sói để giúp cho Rosenstein ghi điểm trong mắt của phe Cộng hòa Hạ viện tại buổi điều trần.”

Tại buổi điều trần, ông Rosenstein biện hộ cho việc công bố những tin nhắn này. Ông nói: “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Tổng thanh tra để đảm bảo rằng ông ấy không phản đối công bố những tài liệu này. Nếu ông ấy phản đối thì chúng tôi đã không cho công bố.”

Tuy nhiên, cũng tại buổi điều trần đó, ông cũng ra sức bảo vệ cho ông Mueller. Khi Dân biểu Dân chủ Jerrold Nadler hỏi: “Nếu ông được lệnh phải sa thải ông Mueller, ông sẽ làm gì?”

“Nếu có lý do chính đáng. Tôi sẽ hành động. Còn nếu không có lý do chính đáng, tôi sẽ không làm theo lệnh,” Rosenstein trả lời. Sau đó, ông bảo vệ cho cá nhân ông Mueller: “Sẽ rất khó khăn để tìm ra ai đó có khả năng làm công việc này tốt hơn ông ấy.”

Những lời này của ông Rosenstein cho thấy ông đã cố gắng đứng lên bảo vệ cho cuộc điều tra nhưng đồng thời cũng làm vui lòng ông Trump và các đồng minh của ông.

Hồi tháng 5, Rosenstein đã phát biểu trước đám đông rằng ‘Bộ Tư pháp sẽ không bị ép buộc.’ Ông nói tiếp: “Chúng tôi sẽ làm những gì mà nền pháp trị yêu cầu và bất kỳ lời đe dọa nào mà bất cứ ai đưa ra sẽ không tác động đến cách chúng tôi làm việc.”

Tranh cãi chính trị quanh Comey

Được bổ nhiệm từ thời cựu Tổng thống George W. Bush, ông Rosenstein đã chính thức gia nhập chính quyền Trump sau khi được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn ông cho vị trí Phó Bộ trưởng Tư pháp.

Tuy nhiên, ông đã mắc kẹt trong tranh cãi chính trị lớn chỉ hai tuần sau khi nhậm chức. Vào ngày 9/5 năm 2017, ông cùng với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đưa ra một lá thư trình bày lý do ông Trump nên sa thải ông James Comey, giám đốc FBI lúc đó, do cách ông này xử lý các kết quả cuộc điều tra về email của bà Hillary Clinton.

“Trong năm qua,” Rosenstein viết trong thư, “danh tiếng và uy tín của FBI đã bị tổn hại to lớn và điều đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ Bộ Tư pháp.”

“Tôi không thể nào biện hộ cho cách giám đốc FBI xử lý kết luận cuộc điều tra email của bà Hillary Clinton, và tôi cũng không thể hiểu tại sao ông ấy lại không chịu thừa nhận đánh giá gần như rộng rãi rằng ông ấy đã nhầm lẫn,” lá thư viết.

Tổng thống Trump đã sa thải Comey ngay sau đó với lý do là lá thư của Sessions và Rosenstein. Phe Cộng hòa ủng hộ Trump và truyền thông bảo thủ đã ca ngợi quyết định sa thải Comey còn phe Dân chủ thì phẫn nộ. Và sự phẫn nộ này đã lan tới Rosenstein.

Thượng nghị sỹ Mark Warner phát biểu với NPR rằng ông đã ‘mất lòng tin mà tôi có thể có vào người mà hành động chính thức đầu tiên là đưa tên mình vào lá thư đó và cơ bản đã tạo nên cái dường như là lý do giả tạo để sa thải giám đốc FBI.”

Những người quen biết Rosenstein nói rằng ông ấy đề xuất sa thải Comey không phải vì ông muốn lấy lòng Trump mà vì ông tin rằng Comey đã làm tổn hại danh tiếng của FBI. “Ông ấy hành động vì công lý chứ không phải vì chính trị,” ông Steve Levin, một cựu đồng nghiệp của Rosenstein ở Maryland, nói.

Một tuần sau đó, ông Rosenstein chỉ định Mueller làm công tố viên đặc biệt để cho phép ông này điều tra mối quan hệ giữa ông Trump với người Nga cũng như ‘bất cứ vấn đề gì có thể phát sinh từ cuộc điều tra.”

Điều rõ ràng là ông Trump không thể điều khiển được Rosenstein. Nhưng bản thân ông Trump cũng la lên rằng ông không biết lòng trung thành của Rosenstein nằm ở đâu. Hôm 16/6, ông viết trên Twitter rằng: “Tôi đang bị điều tra về việc sa thải giám đốc FBI bởi chính người đã kêu tôi sa thải giám đốc FBI! Săn phù thủy.”

Ông Rosenstein không cản trở Mueller theo đuổi cuộc điều tra theo cách mà ông thấy phù hợp và ông ấy đã tỏ rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông định sẽ để cho Mueller tiếp tục điều tra.

Mueller sẽ bị làm khó dễ?

Tuy nhiên nếu Rosenstein ra đi thì Francisco có thể thay đổi hoàn toàn, nhất là nếu ông Trump gây áp lực lớn. Nếu Francisco thật sự sa thải Mueller thì cuộc điều tra không hoàn toàn bị tổn hại do năm người thuộc cấp của ông Trump đã nhận tội và các nhà điều tra nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo các đầu mối đã có từ đầu cuộc điều tra vào năm 2016.

Và tương lai còn rất không rõ ràng. Nếu Francisco không làm theo ý của ông Trump, thì Tổng thống chỉ cần sa thải ông ấy. Điều đó có thể còn có hại hơn nữa cho cuộc điều tra của ông Mueller.

Ngay cả khi Mueller bị sa thải, khả năng là sẽ có người khác thay thế ông ấy, như ông Paul Rosenzweig, cựu công tố viên cấp cao trong vụ điều tra Whitewater, đã chỉ ra. Những hợp phần của cuộc điều tra sẽ được chuyển cho các bộ phận tư pháp khác nhau. Chẳng hạn như một địa phương ở New York hồi tháng trước đã tống đạt cáo trạng đối với ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump, dựa trên đề xuất từ đội điều tra của ông Mueller.

Gần đây, Mueller đã có được bản khai nhận tội của ông Paul Manafort và đang phỏng vấn Cohen về những việc liên quan đến Nga, theo Đài ABC News. Ông cũng đang soạn thảo một báo cáo nêu ra bốn khả năng ông Trump đã cản trở công lý, trong đó có việc sa thải ông Comey và tại sao ông Trump muốn sa thải Jeff Sessions sau khi ông này đã rút khỏi cuộc điều tra về Nga hồi năm ngoái.

Cho dù người nào thay thế Rosenstein đi nữa, Mueller vẫn sẽ có quyền hành rộng rãi để tiến hành cuộc điều tra mà ông thấy phù hợp; quy định liên bang yều cầu rằng công tố viên đặc biệt ‘không chịu sự giám sát hằng ngày của bất kỳ quan chức nào’ nhưng tân Phó Bộ trưởng Tư pháp vẫn có quyền hành gây khó dễ cho cuộc điều tra bằng cách cho rằng một số bước điều tra hay truy tố là ‘không phù hợp và không đảm bảo’.

Tân Phó Bộ trưởng Tư pháp có thể gây khó khăn cho cuộc điều tra của ông Mueller bằng cách bác bỏ các yêu cầu của Mueller điều tra thêm người, thu thập thêm bằng chứng mới hay theo đuổi các cáo buộc đối với những người khác.

Do đó, khả năng Rosenstein ra đi sẽ khiến cho cuộc điều tra của Mueller rơi vào tình trạng hiểm nghèo nhất cho đến nay – điều này có thể giúp cho ông Trump thoát khỏi các cuộc điều tra tiếp tục về bản thân ông, những người thân cận của ông và gia đình ông.

Nếu ông Trump sa thải Rosenstein vì những lý do có liên hệ đến cuộc điều tra về Nga, hoặc nếu ông ấy thay thế Rosenstein bằng một ai đó sẵn lòng chấm dứt cuộc điều tra của Mueller thì điều đó cũng cấu thành hành vi cản trở công lý, theo các chuyên gia pháp lý. Tuy nhiên, với thông tin mà tờ New York Times tường thuật về việc Rosenstein gợi lý lén thu âm Tổng thống hay viện đến Tu chính pháp 25 để truất phế ông Trump thì ông Trump có lý do để biện hộ cho việc sa thải Rosenstein. Tuy nhiên, theo tờ Washington Post thì Rosenstein nói như vậy chỉ là nói đùa với đề xuất của ông McCabe rằng Bộ Tư pháp nên điều tra ông Trump sau khi ông sa thải James Comey.

Một đạo luật được thông qua hồi năm 1998 sẽ cho phép Tổng thống Trump chỉ định bất kỳ ai đã được Thượng viện phê chuẩn làm Phó Bộ trưởng Tư pháp, nhưng đó chỉ là khi Rosenstein từ chức. Còn nếu ông ấy bị sa thải thì quyền hạn của Tổng thống đơn phương chỉ định người thay thế sẽ bị thách thức.

Cuối cùng, việc ông Trump có thể cản trở hay chấm dứt cuộc điều tra về Nga hay không sẽ nằm trong tay của Quốc hội. Phe Cộng hòa ở Thượng viện đã hạn chế khả năng ông Trump tác động để sa thải Mueller thông qua một dự luật lưỡng đảng do Ủy ban Tư pháp Thượng viện đề xuất để ngăn cản ông Trump sa thải Rosenstein vì bất cứ lý do gì ngoại trừ có ‘hành vi sai trái’ hay vì ‘có nguyên nhân chính đáng’.

https://www.voatiengviet.com/a/n%E1%BA%BFu-rosenstein-ra-%C4%91i-cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-c%E1%BB%A7a-mueller-s%E1%BA%BD-ra-sao-/4585479.html

 

Cộng Hòa: Trump Chớ Cách Chức

Thứ Trưởng Rosenstein

WASHINGTON   –    Các đồng minh cùng đảng CH hô hào TT Trump không cách chức thứ trưởng tư pháp Rosenstein trước tiến trình biểu quyết chuẩn thuận ứng viên TCPV Kavanaugh tại Thượng Viện để không gây phức tạp hơn tình thế hiện nay. Dường như ông Trump thấy là “thuận tai” tuy vẫn giữ ý định loại bỏ những viên chức của Bộ tư pháp và FBI mà ông gọi là “hư hỏng và bất trung”.

Tin đồn về khả năng cách chức ông Rosenstein phát sinh tiếp theo bài báo New York Times tiết lộ ông này đã nói đùa trong 1 buổi họp nội bộ chuyện ghi âm lén các phát biểu của TT Trump như là bằng chứng về hỗn loạn tại Bạch Ốc để dọn đường cho tiến trình luận tội theo tu chính án 25. Nguồn thân cận Bạch Ốc tiết lộ : Trump quan ngại về nguy cơ đảng DC chiếm đa số Thượng Viện, nên lắng nghe ý kiến khác.

Chủ tịch Matt Schlapp của American Conservative Union nhận xét : các ưu tiên lần lượt của Trump lúc này là (1) đưa Kavanaiugh vào TCPV (2) thay thế Rosenstein (3) giữ đa số tại Hạ Viện, và (4) là Martini.

https://vietbao.com/p122a285797/2/cong-hoa-trump-cho-cach-chuc-thu-truong-rosenstein

 

Đa Số Dân Mỹ Muốn Dân Chủ Giữ Quốc Hội

WASHINGTON — Một cuộc thăm dò mới thực hiện bởi NBC News và Wall Street Journal cho thấy tình hình lạc quan cho các ứng cử viên Dân Chủ trong bầu cử giữa kỳ.

Có tới 52% cử tri ghi danh muốn Dân Chủ kiểm soát Quốc hội, trong khi 40% muốn Cộng Hòa vẫn giữ đa số.

Sai biệt 12 điểm nghiêng về Dân Chủ là tăng 4 điểm so với thăm dò hồi tháng 8/2018.

Nhưng cũng có lạc quan về phía Cộng Hòa: Trong bản khảo sát thực hiện các ngày 16-19 tháng 9, có 61% cử tri Cộng Hòa quan tâm là sẽ đi bầu (tính trên thang 10 điểm, là 9 hay 10).

Trong khi đó, phía Dân Chủ là 65% quan tâm đi bầu: nghĩa là tăng 16 điểm so với hồi tháng 7/2018.

Các cụ cao niên bày tỏ hăng hái sẽ đi bầu giữa kỳ:

— 73% cao niên ở mức 9 hay 10 muốn đi bầu;

— tiếp theo là 65% cử tri Dân Chủ;

— 61% da trắng;

— 61% Cộng Hòa;

— 53% cử tri da đen.

Khi tính theo nhóm cử tri: tỷ lệ hăng hái đi bầu là:

— 37% độc lập;

— 35% lứa tuổi 18-34.

Cả nam và nữ đều muốn Dân Chủ nắm Quốc hội, nhưng nữ muốn mạnh hơn:  –

— 58% nữ muốn Dân Chủ kiểm soát Quốc hội so với 33% Cộng Hòa;

— 47% nam muốn Dân Chủ so với 43% Cộng Hòa.

https://vietbao.com/p122a285802/da-so-dan-my-muon-dan-chu-giu-quoc-hoi

 

Hàng trăm nước ký cam kết

cùng Mỹ chống ma túy

Khoảng 129 nước tại Liên hiệp quốc ngày 24/9 ký vào một cam kết do Mỹ soạn thảo chống lại vấn đề ma túy toàn cầu.

Để có thể tham dự một sự kiện ngắn tại Liên hiệp quốc với ông Trump, các nước phải ký vào “lời kêu gọi hành động đối với vấn đề ma túy trên thế giới.” Ông Trump từng tổ chức một sinh hoạt tương tự tại cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới ở New York hồi năm ngoái, chú trọng đến cải cách Liên hiệp quốc.

Tổng thống Trump ngày 24/9 tuyên bố tiềm năng của Liên hiệp quốc đang phát huy, tuy chậm nhưng chắc.

Các nước ký vào bản tuyên bố không mang tính ràng buộc, cam kết phát triển những kế hoạch quốc gia, giảm bớt mức cầu ma túy bất hợp pháp thông qua việc giáo dục, mở rộng các nỗ lực chữa trị, củng cố sự hợp tác quốc tế về tư pháp, thi hành luật pháp và y tế, và cắt nguồn cung cấp bằng cách chấm dứt sản xuất.

“Nếu chúng ta cùng nhau thi hành những bước này, chúng ta có thể cứu mạng sống của vô số người tại khắp nơi trên thế giới,” ông Trump nói trong một phát biểu ngắn.

“Ma túy bất hợp pháp liên hệ đến những tổ chức tội phạm, các nguồn tài chánh bất hợp pháp, tham nhũng và khủng bố. Điều thiết yếu cho sức khỏe của công chúng và an ninh quốc gia là chúng ta phải chiến đấu chống lại nạn nghiện ngập và ngăn chặn tất cả các hình thức buôn lậu, chuyển lậu, cung cấp nguồn tài chánh cho những băng đảng ma túy xuyên quốc gia,” ông nói.

Trong số những nước không ký vào lời hứa chống ma túy của Hoa Kỳ có New Zealand.

Nghiện chất opioid, đa phần là các chất giảm đau cần toa bác sĩ, heroin và fentanyl, là một vấn đề đang gia tăng tại Mỹ, đặc biệt tại những khu vực nông thôn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, chất opioid liên hệ đến hơn 49.000 trường hợp tử vong tại Mỹ hồi năm ngoái.

Vào tháng 3 năm nay, ông Trump đưa ra một kế hoạch nghiêm khắc đối với opioid, trong đó có việc cắt giảm các toa mua opioid bằng cách thay đổi các chương trình liên bang, tài trợ cho những sáng kiến khác và ban hành các đạo luật trừng phạt nặng đối với những tay buôn lậu ma túy.

Ông Trump cũng đề nghị án tử hình đối với những tay buôn lậu ma túy.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0ng-tr%C4%83m-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-k%C3%BD-cam-k%E1%BA%BFt-c%C3%B9ng-m%E1%BB%B9-ch%E1%BB%91ng-ma-t%C3%BAy-/4585909.html

 

GM trình làng ‘Quái thú’ mới

Phiên bản mới nhất của “Quái thú”, chiếc limousine bọc thép của Tổng thống Mỹ, vừa được trình làng tại thành phố New York.

Chiếc xe hiệu Cadillac do Công ty General Motors (GM.N) chế tạo theo đơn đặt hàng ra mắt công chúng lần đầu tiên hôm Chủ Nhật bên cạnh một phiên bản tương tự trong đoàn xe đưa Tổng thống Donald Trump chạy vòng quanh New York trước khi diễn ra các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong tuần này.

Phiên bản trước của chiếc limo xuất hiện đầu tiên vào tháng 1 năm 2009, trước khi ông Barack Obama nhậm chức. Ông Obama cho biết có thể gọi một chiếc tàu ngầm hạt nhân ngay từ một điện thoại trong xe.

GM nhận được hợp đồng trị giá 15,8 triệu đô la chia làm 2 giai đoạn phát triển chiếc limo từ năm 2014 đến năm 2017, theo tài liệu của hợp đồng liên bang nhưng hiện không rõ hợp đồng này có phản ánh tất cả các chi phí hay không. Vào năm 2010 GM trúng một hợp đồng 35 triệu đô la của Sở Mật vụ để sản xuất thêm các chiếc limo của Tổng thống.

GM từ chối thảo luận các chi tiết của xe mới.

Các chuyên gia nói chiếc limo của Tổng thống vẫn vận hành được trong trường hợp bị xẹp lốp, được trang bị kính chống đạn, và nội thất hoàn toàn được niêm phong kín để chống lại một cuộc tấn công hóa học, cùng nhiều biện pháp an ninh công nghệ cao khác. Xe cũng có những trang bị tối đa về thông tin điện tử.

Tạp chí Car and Driver cho biết đèn trước của chiếc xe phiên bản mới dường như mượn từ chiếc Escalade SUV và lưới mới ở phía trước dường như bị ảnh hưởng của chiếc Escalade 2016. Tạp chí này nói “sự cân đối của chiếc xe được xem như có sức hút cao hơn so với phiên bản trước.

GM nhận được hợp đồng xe limo mới vào năm 2014 sau khi công ty Ford Motor không tham gia đấu thầu.

Trong thế kỷ 20, chiếc limousine của Tổng thống là một. Nhưng kể từ đầu những năm 1980, chiếc limousine luôn luôn là một chiếc Cadillac.

https://www.voatiengviet.com/a/gm-tr%C3%ACnh-l%C3%A0ng-qu%C3%A1i-th%C3%BA-m%E1%BB%9Bi-/4585897.html

 

Mỹ: Nhận trợ cấp xã hội

khó được cấp thẻ xanh

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đề nghị các luật lệ mà qua đó có thể từ chối cấp thẻ xanh cho di dân nếu họ hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế Medicaid, trợ cấp tem phiếu thực phẩm food stamps, trợ cấp nhà cửa và các hình thức trợ cấp xã hội khác.

Luật liên bang Hoa Kỳ đã yêu cầu những người xin thẻ xanh phải chứng minh rằng họ sẽ không trở thành gánh nặng cho nước Mỹ, nhưng các quy định mới đề nghị liệt kê cụ thể một loạt các chương trình có thể khiến các ứng viên xin thẻ xanh không đáp ứng điều kiện được xét duyệt.

Bộ an ninh Nội địa cho biết việc đã và đang nhận trợ cấp xã hội quá mức cho phép có thể xem là một yếu tố tiêu cực bị săm soi kỹ lưỡng trong tiến trình cấp phát thẻ xanh cũng như cho phép lưu trú tạm thời trên đất Mỹ.

Đề nghị dày 447 trang được đăng công khai trên trang web của Bộ.

Các tổ chức bênh vực cho di dân tố cáo đề nghị này là vô nhân đạo. Họ cho rằng với nỗi lo sợ bị từ chối visa, người ta sẽ bỏ hoặc rút ra khỏi các chương trình trợ cấp xã hội cho dù đứng trước nguy cơ màn trời chiếu đất hay bệnh tật thập tử nhất sinh.

https://www.voatiengviet.com/a/o-my-nhan-tro-cap-xa-hoi-kho-duoc-cap-the-xanh-/4585406.html

 

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

khai mạc trong căng thẳng

Thùy Dương

Khóa họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mở ra trong ngày hôm nay 25/09/2018. Các bài diễn văn, phát biểu của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ rất được trông đợi, nhất là diễn văn của tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Iran Hassan Rohani.

Chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump sẽ không bỏ lỡ dịp tấn công, chỉ trích mạnh mẽ Iran, coi Iran là thủ phạm gây ra mọi rắc rối ở khu vực Trung Đông. Theo ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, tổng thống Trump sẽ kêu gọi tất cả các quốc gia hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống hàng loạt « hành động phá hoại » của Iran.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết thêm chi tiết về Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc năm nay :

« Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mở ra trong một không khí căng thẳng, lo lắng, giống như thực trạng hiện nay của thế giới. Điều này giải thích tại sao có nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đến dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như vậy : hơn 130 lãnh đạo so với con số 114 hồi năm ngoái. Nhưng sự hiện diện đông đảo này không che khuất sự vắng mặt của những nhân vật quan trọng : tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhân vật quan trọng trong cuộc khủng hoảng Syria và Bắc Triều Tiên đều ở lại thủ đô của các nước này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng vậy. Ông Modi lẽ ra phải có mặt để cùng tổng thống Pháp nhận giải thưởng « Nhà vô địch bảo vệ Trái đất ».

Ngược lại, đại diện của các nước mà phong trào dân túy và dân tộc thắng thế sẽ tham dự đông đảo : từ Ba Lan cho tới Hung, Áo, Ý. Một vị đại sứ phương Tây nhìn nhận : « Chúng ta đang phải hứng những cơn gió ngược chiều thổi tới ». Nhà ngoại giao này chỉ hy vọng khiêm tốn rằng giới ngoại giao sẽ tỏ ra hiệu quả trong lĩnh vực khí hậu, do không đạt được kết quả trên hồ sơ các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra ở Syria hay Yemen. »

Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ tối hôm qua 24/09 đã có buổi trao đổi trong vòng gần một giờ đồng hồ, để tìm kiếm các đồng thuận trên các chủ đề đang gây chia rẽ Pháp và Mỹ. Theo AFP, điện Elysée cho biết hai nguyên thủ đã bàn thảo về các đề tài quốc tế quan trọng, trong đó có hồ sơ Syria và Iran, cũng như các mâu thuẫn về thương mại. Còn theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo tái đã khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ trên các hồ sơ lớn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180925-dai-hoi-dong-lien-hiep-quoc-khai-mac-trong-cang-thang

 

Thỏa thuận với Bắc Kinh:

Tòa Thánh được gì, mất gì ?

Trọng Thành

Ngày 22/07/2018, Vatican và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục, vấn đề được coi là bế tắc chủ yếu trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Giáo Hội Công Giáo toàn cầu. Trong lúc nhiều người ca ngợi đây là một sự kiện « lịch sử » mở ra cơ hội mới cho tương lai Công Giáo tại Trung Quốc, không ít người lo ngại Vatican đã bán rẻ hàng triệu tín đồ thầm lặng, vốn trung thành với Tòa Thánh, để chấp nhận làm công cụ cho chế độ cộng sản. Vậy trong thỏa thuận cụ thể này, Tòa Thánh được gì và mất gì ?

RFI xin giới thiệu các nhận định của ông Bernardo Cervellera, linh mục, tổng biên tập báo mạng Asianews, cơ quan phát ngôn của Dòng Truyền Giáo Nước Ngoài của Học Viện Giáo Hoàng (Pontifical Institute for Foreign Missions). Trong bài viết « Thỏa thuận Trung Quốc – Vatican : Một vài bước tiến tích cực, nhưng đừng quên những người tử đạo » (1), tác giả lưu ý trước hết là những người có quan điểm « lạc quan », khi đánh giá đây là một sự kiện « lịch sử », đã bỏ qua sự thực, là thỏa thuận này mới chỉ được coi là « tạm thời », và sẽ còn phải tiếp tục điều chỉnh (giám đốc truyền thông của Tòa Thánh nói đến « điểm khởi đầu » cho « một tiến trình »). Tổng biên tập Asianews cho biết ông muốn đưa ra một cách nhìn hiện thực về những gì tích cực và tiêu cực trong thỏa thuận « tạm thời » và mong manh này.

Giáo hội « thân » Bắc Kinh cần đến giáo hoàng

Việc Tòa Thánh tham gia vào quá trình bổ nhiệm giám mục được coi là điểm mới đầu tiên, mà tác giả cho là có ý nghĩa tích cực rõ ràng. Đó là, ít nhất về mặt hình thức, quyết định này đồng nghĩa với việc chấm dứt về nguyên tắc sự tồn tại của cái gọi là Giáo Hội Công Giáo « độc lập » (tên chính thức là Hội Thiên Chúa Giáo Yêu Nước Trung Quốc), một tổ chức tôn giáo mà chính quyền Bắc Kinh lập ra hơn 70 năm trước. Theo thỏa thuận này, như vậy sẽ không có một giám mục mới nào được bổ nhiệm, mà không có sự cho phép của giáo hoàng, cho dù chính quyền, « hội tôn giáo yêu nước », hay hội đồng giám mục có đề xuất ứng cử viên. Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên chính quyền cộng sản Trung Quốc thừa nhận thẩm quyền tôn giáo của người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

Tuy nhiên, chính trong điểm mới được coi là tích cực này cũng có mặt dở khác. Cho đến nay, nhiều người nói đến quyền « phủ quyết » của người đứng đầu Tòa Thánh, trong việc bổ nhiệm giám mục. Giáo hoàng có quyền đưa ra quyết định từ chối trong vòng ba tháng. Thế nhưng, nếu cảm thấy quyết định của giáo hoàng là không hợp lý, chính quyền có thể tiếp tục đề xuất việc tấn phong và bổ nhiệm giám mục mà họ lựa chọn. Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp này ?

Theo tổng biên tập Asianews, hiện tại không có văn bản thỏa thuận nói trên, nên không thể khẳng định là người đứng đầu Tòa Thánh sẽ luôn luôn có « tiếng nói sau cùng » trong việc bổ nhiệm hay không, hay ngược lại thẩm quyền của giáo hoàng chỉ mang tính hình thức. Một người bạn, chuyên về giáo luật, cho tác giả bài báo biết là « chắc chắn » giáo hoàng sẽ có tiếng nói sau cùng đối với mọi ứng viên giám mục, bởi « Giáo Hội không thể làm khác ». Theo nhà báo Asianews, sẽ ta sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này trong những tháng tới, thông qua các trường hợp đề xuất bổ nhiệm cụ thể.

Bãi quyết định « rút thông công »

Một điểm khác liên quan đến thỏa thuận phong giám mục cũng được đánh giá là có mặt tích cực. Đó là việc Vatican bãi bỏ quyết định rút phép thông công bảy giám mục, được phong chức mà không có sự phê chuẩn của Tòa Thánh, trong thời gian từ năm 2002 đến 2012. Việc bãi bỏ lệnh rút phép thông công không trực tiếp nằm trong thỏa thuận, nhưng được công bố cùng ngày với thỏa thuận nói trên, và vì vậy có thể được coi là một phần của thay đổi chiến lược ngoại giao của Vatican trong vấn đề này.

Theo nhà báo Asianews, điều này giúp cho cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc đoàn kết hơn, bởi trong quá khứ, các trường hợp giám mục bị rút phép thông công, đã bị Hội Thiên Chúa Giáo Yêu Nước Trung Quốc sử dụng để gây chia rẽ trong Giáo Hội (2). Điểm đáng chú ý là quyết định nói trên giúp Vatican giải quyết được một vấn đề nhức nhối kéo dài trong nội bộ. Đó là nhiều người trong số giám mục bị rút phép thông công, từ nhiều năm nay đã sám hối và mong muốn được tha thứ.

Tuy nhiên, điểm tiêu cực của quyết định này mà tác giả nhấn mạnh là một bộ phận tín đồ cảm thấy thất vọng và đau buồn, khi một vài trong số các giám mục nêu trên đã có một đời sống đi ngược lại với chuẩn mực tôn giáo, như có tình nhân, có con cái, và thậm chí bị coi là « tay chân » của chính quyền. Nhiều tín đồ trông đợi các giám mục được tha thứ, sẽ công khai sám hối về những hành động tồi tệ của họ trong thời gian tham gia vào cái gọi là giáo hội « độc lập ».

Không còn coi « Đài Loan » là điều kiện tiên quyết

Việc chính quyền Trung Quốc không còn coi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan là điều kiện tiên quyết, để thiết lập quan hệ với Vatican, được đánh giá là một điểm tích cực khác trong thỏa thuận này. Đây là một điều mà Bắc Kinh từng liên tục đòi hỏi trong hàng chục năm nay. Thậm chí, những năm đầu tiên dưới giáo triều của giáo hoàng Phanxicô, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục nhắc lại đòi hỏi này. Với thỏa thuận « tạm thời » về bổ nhiệm giám mục nói trên, Bắc Kinh coi quan hệ với Vatican là mang tính chất tôn giáo, chứ không phải là chính trị.

Điểm tiêu cực nhất mà nhà báo Asianews lưu ý trong thỏa thuận vừa qua giữa Vatican và Trung Quốc : Đó là Tòa Thánh đã không hề nhắc đến trong thỏa thuận, cũng như trong các lời giải thích, về việc người Công Giáo, cũng như các tín đồ Thiên Chúa Giáo nói chung, bị hành hạ, bức hại trước đây cũng như hiện nay.

Bức hại tín đồ Công Giáo : Vấn đề vắng mặt

Trong thời gian gần đây, đúng vào lúc Vatican và Bắc Kinh sắp đạt thỏa thuận, tình trạng đàn áp nhắm vào tín đồ các tôn giáo được tăng cường, với việc nhiều nhà thờ bị phá hủy, thánh giá bị đốt, các giám mục, tín đồ của giáo hội trung thành với Tòa Thánh bị bắt bớ, giới trẻ bị tước quyền đào tạo về tôn giáo, tham gia các hoạt động tín ngưỡng.

Thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh được công bố trong bối cảnh này gây ra một ấn tượng kỳ lạ, trước một « biến cố bất ngờ » chứa đầy mâu thuẫn, một quan hệ vừa được thiết lập, rất được tán dương, nhưng dự đoán sẽ khó kéo dài. Nhiều người tại Trung Quốc, một mặt tỏ ra vui mừng với thỏa thuận hòa giải này, nhưng mặt khác, không tin tưởng vào chính quyền (3).

Hay, dở, được, mất dường như trộn lẫn nhau trong thỏa thuận « tạm thời » về phong giám mục giữa Vatican và Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ điều vượt lên trên các hay dở, được mất nói trên là quan điểm lấy đối thoại làm cơ sở cho sự thay đổi, của giáo hoàng Phanxicô. Nhà báo Asianews, nhắc lại là, cách đây ít tháng trong một cuộc đối thoại, Đức giáo hoàng tuyên bố đối thoại là một hành động mạo hiểm, nhưng chắc chắn là hơn không có đối thoại, tự thân đã là thất bại. Chẳng thà đối thoại với một đối tác ít đáng tin cậy, còn hơn là bó tay. Chính trong ý nghĩa này, mà thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh, cho dù chỉ là tạm thời, chắc chắn đã mở ra « một chương mới ».

Con đường giúp giáo hội tại Trung Quốc thực sự tự trị ?

Kết thúc bài nhận định, tổng biên tập báo mạng Asianews nêu lên một hình ảnh đầy tương phản, mà theo ông ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Đó là việc thông tin về thỏa thuận với Bắc Kinh được công bố (cùng với việc tín đồ Công Giáo bị bách hại tại Trung Quốc không được nêu ra) đúng vào lúc giáo hoàng Phanxicô có chuyến thăm Litva, nước cộng hòa nhỏ bé vùng Baltic, là nạn nhân của Đức quốc xã, và của chế độ toàn trị Xô Viết trước đây, để tưởng niệm các tín đồ Thiên Chúa Giáo tử đạo tại Vilnius.

Chính sách của Vatican hiện nay với Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người nhớ đến việc Tòa Thánh thiết lập quan hệ với chính quyền cộng sản Litva và Ba Lan trong những năm 1960 (được gọi là chính sách Ostpolitik/Hướng Đông), vốn bị rất nhiều người lên án vào thời điểm đó. Lịch sử cho thấy quyết định này đã mở ra cơ hội cho một giáo hội tự trị thực sự tại Ba Lan sau này. Điều này liệu có là hy vọng cho người Công Giáo Trung Quốc ?

Ghi chú

1. « China-Vatican agreement: some positive steps, but without forgetting the martyrs », Asianews, ngày 24/09/2018.

2. Bài lược thuật về « quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh » của linh mục Federico Lombardi, nguyên phát ngôn viên của Tòa Thánh cho biết việc cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc bị chia cắt thành hai, môt bên là « giáo hôi thầm lặng » và bên kia là tổ chức Công Giáo dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản, chỉ là kết quả của một giai đoạn lịch sử, khi chính quyền tìm cách thao túng những người Công Giáo. Bản thân giới chức sắc Công Giáo Trung Quốc không muốn đoạn tuyệt với Vatican. Năm 2007, một ủy ban của Vatican về Trung Quốc ra thông báo khẳng định : « Gần như tất cả mọi giám mục, linh mục (tại Trung Quốc), đều hiệp thông với Tòa Thánh ».

3. Một trong những điều gây lo ngại nhất với người Công Giáo tại Trung Quốc hiện nay là chính sách « Trung Quốc hóa », mà chính quyền Bắc Kinh ráo riết thực thi, kể từ Đại hội đảng Cộng Sản thứ 19, 2017. Giáo sư về khoa học tôn giáo Benoit Vermander, đại học Phục Đán, Thượng Hải, lưu ý là chủ trương « Trung Quốc hóa » có thể gây ra những « xung đột thực sự », cụ thể như việc chính quyền ép buộc việc biên dịch và chú giải Kinh Thánh phải tuân theo các chỉ đạo của đảng. Nhiều người lo ngại mục tiêu cuối cùng của chủ trương này là biến giáo hội tại Trung Quốc thành một công cụ của đảng. Bài « Sinisation » de l’Église : « le risque de voir se multiplier les tensions est réel », La Croix, 3/8/2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180925-thoa-thuan-voi-bac-kinh-ve-giam-muc-hay-do-ra-sao-voi-toa-thanh

 

Phụ nữ còn gặp nhiều cản trở

trong kinh tế số

Tiến bộ về công nghệ đang tạo nhiều trở ngại đối với phụ nữ trong việc tham gia toàn diện vào nền kinh tế số?

Trong phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC tại Hà Nội, CEO của Plan International, một tổ chức cải thiện quyền trẻ em và sự công bằng cho phụ nữ, nói quan niệm về xã hội đối với phái nữ là một trong những nguyên nhân chính.

Bà Anne-Birgitte Albrectsen cũng nói về thực trạng gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ trong bối cảnh nền kinh tế số (digital economy) đang tạo ra những thay đổi lớn.

Bà Albrectsen dẫn chiếu tới số liệu cho thấy rằng phụ nữ trẻ tuổi có ít hơn nam giới 10% về điện thoại di động và kém nam giới 12% về tiếp cận Internet.

“Tại châu Á thì lệ này còn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới và rõ ràng là càng đi tới những khu vực nghèo khó thì công nghệ tại những nơi đó càng bị hạn chế.

“Rào cản chính mà chúng tôi thấy đó là thái độ rất tiêu cực với việc các em gái và phụ nữ tham gia vào khu vực việc làm trong ngành nghề cần công nghệ”.

Theo bà Albrectsen, chính phụ nữ trẻ thấy không muốn hoặc không cần thiết phải làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

“Họ được dậy bảo theo khuôn mẫu rằng nữ giới không thạo về toán hay không nên tham gia vào công nghệ và họ không thấy tự tin và trình độ tin học của họ cũng thấp hơn nhiều và kết quả là họ mất cơ hội”.

Singapore đứng đầu xếp hạng giáo dục quốc tế

Carina Hoàng: Diễn viên Việt trên vòm trời Úc

Chi phí giáo dục ở nơi nào đắt nhất?

Thực tế cho thấy ASEAN là khu vực có những tiến bộ đáng kể về việc giảm khoảng cách mức lương giữa nam giới và nữ giới và có thêm phụ nữ tham gia vào các ngành nghề.

Tuy nhiên theo lãnh đạo của tổ chức này, nền kinh tế số đang khiến khoảng cách này càng ngày càng lớn bởi vì người ta chưa cho rằng phụ nữ nên tham gia vào lĩnh vực công nghệ.

“Kinh tế số tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng không có nhiều cơ hội cho phụ nữ,” bà Albrectsen nói.

Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’

Chất lượng giáo dục Anh trên thế giới

Lãng phí lớn

Tại Trung Đông hiện có thực trạng đào tạo nhiều phụ nữ hơn nam giới trong lĩnh vực công nghệ, hay toán, khoa học.

Tuy nhiên theo bà Albrectsen, họ lại không tham gia vào lực lượng lao động.

“Họ học xong và về nhà và là những người mẹ, người vợ có học vấn rất cao. Đó là sự lãng phí xã hội rất lớn.

“Và tại ASEAN thì cũng tương tự, tức là đầu tư cho giáo dục nhiều nhưng không sử dụng được phụ nữ.

“Tại Anh 12% số người được hỏi nói nếu công ăn việc làm khan hiếm thì nên ưu tiên nam hơn là nữ, tại Ấn Độ tỉ lệ này là 82%, Philippines là 60%. Tức là coi nam giới cần có vai trò nổi trội hơn phụ nữ về việc làm.

“Do đó chúng tôi làm việc với giới cha mẹ, trẻ em, lãnh đạo các cộng đồng và chính khách để giải quyết thực trạng này,” CEO của Plan International, nói với BBC.

Bà Albrectsen nói nếu chính phủ tại các nước ASEAN dành thời gian để giảm các rào cản nhiều như cách họ làm trong nỗ lực công nghiệp hóa thì sẽ “đi được những bước rất dài trong một khoảng thời gian rất ngắn”.

“Tại Việt Nam chúng tôi có những chương trình giúp đỡ những người thuộc nhóm thiếu được quan tâm và phụ nữ trẻ tại cả thành thị lẫn nông thôn.

“Nói tóm lại là có các dự án rất tốt nhưng không ở qui mô đáng ra phải thực hiện”.

‘Giáo dục đón đầu’

Bà Albrectsen lưu ý rằng châu Á là khu vực đầu tư rất lớn cho giáo dục nhưng nay là lúc phải nhìn lại xem cần phải quyết định xem giáo dục thế nào để phục vụ cho việc làm trong tương lai chứ không phải việc làm vào lúc này.

“Điều đó chỉ có thể làm được nếu các nhà hoạch định chính sách của chính phủ làm việc chặt chẽ với khu vực tư nhân cũng như các tổ chức xã hội công dân nhằm đánh giá một số ảnh hưởng tiêu cực như kỳ thị… nên cần phải có các cách tiếp cận khác nhau để quyết định xem giáo dục theo hướng đi nào”.

Khi được hỏi về thông điệp cho giới nữ trẻ tại châu Á bà Albrectsen nói:

“Thông điệp của tôi là bạn có thể trở thành ai đó mà bạn muốn bất chấp người ta có thể nói gì với bạn. Có đủ những tấm gương để bạn học hỏi. Tìm cho mình một người có thể cố vấn và hỗ trợ, bất kể đó là nam hay nữ, nhằm giúp bạn thực hiện được giấc mơ.

“Hãy để mắt tới bất kỳ môi trường nào về công nghệ mà bạn có thể phát triển được kỹ năng của mình theo bất kỳ cách nào có thể,” bà Albrectsen nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45636386

 

Châu Âu phản ứng dữ dội TQ thu mua cảng

Các hoạt động thương mại của Trung Quốc ở châu Âu đang ngày càng gây lo ngại về nguy cơ các khoản đầu tư cảng biển có thể liên quan đến mục đích quân sự và đe dọa rủi ro an ninh đối với nước sở tại.

Trung Quốc đã đầu tư vào cảng Piraeus – Hy Lạp và biến nơi này thành cảng đông đúc nhất Địa Trung Hải Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – kế hoạch được công bố hồi năm 2013 nhằm thúc đẩy thương mại, kết nối ở châu Á, châu Phi, châu Âu và hơn thế nữa – Trung Quốc đã tăng cường đầu tư đáng kể trên toàn cầu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng hàng hải.

Các công ty của Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đẩy mạnh mua lại cổ phiếu hoặc ký thỏa thuận xây nhà ga tại các cảng biển ở nước ngoài. Trong đó, Cosco Shipping Ports đã khai thác một cảng container tại TP Piraeus – Hy Lạp vào năm 2008 khi chính phủ nước này gần như vỡ nợ.

Đến nay, Bắc Kinh đã giành được chỗ đứng ở 3 cảng lớn nhất châu Âu – sở hữu 35% cổ phần cảng Euromax ở TP Rotterdam – Hà Lan, chiếm 20% cổ phần cảng Antwerp – Bỉ và mới xây nhà ga tại cảng Hamburg – Đức.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải lúc nào cũng gặp suôn sẻ khi tiếp cận các cảng nước ngoài với nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Tại Israel, Bắc Kinh đang xây dựng 2 cảng mới ở Haifa và Ashdod.

Các học giả địa phương gần đây lên tiếng kêu gọi chính phủ Israel đánh giá mức độ Trung Quốc có thể can thiệp vào nền kinh tế của nước này mà không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia.

Trong khi đó, ông Frans-Paul van der Putten, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan, cho rằng mối lo ngại ngày càng gia tăng trong lòng châu Âu khi Trung Quốc có thể tận dụng sự tham gia của mình vào các cảng ở châu lục này để mở rộng ảnh hưởng chính trị với các nước thành viên.

Chuyên gia này nói với tờ The South China Morning Post (Hồng Kông):

“Các bước đi nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực cảng ở châu Âu châm ngòi phản ứng dữ dội. Đây là một trong những lý do khiến các chính phủ ở lục địa già ngày càng hoài nghi về ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và là nguyên nhân thúc đẩy cuộc thảo luận về khuôn khổ chọn lọc đầu tư nước ngoài ở quy mô châu Âu”.

Trong cuộc hội thảo do Trường ĐH Haifa (Israel) và Viện Hudson (Mỹ) tổ chức gần đây, ông Gary Roughead, cựu tư lệnh Hải quân Mỹ, cho rằng hoạt động cảng của Trung Quốc cũng dẫn đến những phản ứng dữ dội từ Mỹ liên quan đến mối đe dọa thông tin và an ninh mạng.

“Các nhà khai thác cảng Trung Quốc có thể theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu Mỹ, nắm bắt được các hoạt động bảo trì, có quyền truy cập những thiết bị di chuyển đến và đi từ các địa điểm sửa chữa cũng như tự do tương tác với thủy thủ của chúng tôi trong giai đoạn lâu dài” – ông nói.

Cùng chia sẻ quan điểm đó, ông Shaul Chorev, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel, cho rằng “sự kết hợp mục đích quân sự vào việc sử dụng dân sự” của Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại về tác động an ninh từ việc tăng cường đầu tư cảng nước ngoài của nền kinh tế thứ hai thế giới.

http://biendong.net/doc-bao-viet/23765-chau-au-phan-ung-du-doi-tq-thu-mua-cang.html

 

Châu Âu : Bruxelles

đưa Ba Lan ra Tòa Công Lý

Tú Anh

Xung khắc giữa thành viên Ba Lan và Liên Âu bước sang một vòng đấu mới. Ngày 24/09/2018, Ủy Ban Châu Âu thông báo yêu cầu định chế cao nhất của Liên Hiệp Châu Âu là Tòa Công Lý can thiệp chống lại tiến trình cải cách tư pháp tại Ba Lan.

Sau khi khống chế các toà hình sự, đảng cực bảo thủ PiS tấn công vào Tối Cao Pháp Viện, vi phạm quy chế tam quyền phân lập. Những biện pháp cảnh cáo, lên án của Bruxelles, không mảy mai tác dụng. Vacxava tiếp tục thực hiện dự án bằng mọi giá.

Từ Vacxava, thông tín viên Thomas Giraudeau phân tích:

“Trong những tuần lễ vừa qua, thủ tục cải cách được tăng tốc ở Tối Cao Pháp Viện. Tổng thống Ba Lan Andrej Duda vừa bổ nhiệm 10 tân thẩm phán ở phòng kỷ luật. Hệ quả tất yếu là bà chánh án chủ tịch Mawgorzata Gersdorf bị mất chức. Người lên thay là một thẩm phán 58 tuổi, chưa tới giới hạn tuổi 65, theo luật mới vừa được Quốc Hội biểu quyết, cho về hưu một phần ba thành viên của Tối Cao Pháp Viện.

Tại sao chính quyền Ba Lan vội vã như thế ? Bởi vì Vacxava lo ngại phán quyết của Tòa Công Lý Châu Âu. Định chế pháp lý này có thể ngăn cản đợt bổ nhiệm mới. Cũng chính vì thế mà Ủy Ban Châu Âu chạy nước rút, yêu cầu Toà Công Lý sử dụng « thủ tục khẩn cấp » trong vụ này, phán quyết nhanh chóng và ngăn chận tiến trình cải cách tư pháp ở Ban Lan. Tòa Công Lý cũng có thể ban hành biện pháp tạm thời đình chỉ bổ nhiệm trước khi phán xét.

PUBLICITÉ

inRead invented by Teads

Tại Vacxava, các bộ trưởng Ba Lan một lần nữa đưa ra lý lẽ thường dùng : họ đắc cử một cách dân chủ, do vậy, hành pháp châu Âu không có lý do gì can thiệp vào chuyện nội bộ của một nước thành viên.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180925-lien-hiep-chau-au-bruxelles-dua-vacxava-ra-toa-cong-ly

 

Quốc hội Thụy Điển bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Lofven

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven sẽ phải ra đi sau khi mất sự hậu thuẫn trong Quốc hội.

Đảng Dân chủ Thụy Điển (SD) có chủ trương chống người nhập cư ủng hộ cho việc bỏ phiếu phế truất ông, vài tuần sau kỳ tổng tuyển cử cho kết quả là một quốc hội ‘treo’ (tức không đảng phái nào nắm đủ số ghế cần thiết để nắm quyền lãnh đạo).

Trong phiên biểu quyết đầy kịch tính hôm thứ Ba, 204 dân biểu đã biểu quyết chống lại ông Lofven trong lúc có 142 người bỏ phiếu ủng hộ.

Du khách ‘bị đưa ra nghĩa địa’, Trung Quốc đòi Thụy Điển xin lỗi

Thụy Điển ‘từ lề trái sang lề phải’ chỉ sau một đêm

Chủ tịch Quốc hội nay sẽ đề cử một lãnh đạo mới – tiến trình có thể kéo dài hàng tuần.

Ông Lofven được trông đợi sẽ tiếp tục tạm giữ vị trí thủ tướng lâm thời trong thời gian chờ có người thay thế.

Ông Lofven, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội trung tả, lên nắm quyền vào năm 2014.

Liên minh trung tả của ông thắng 144 ghế trong kỳ bầu cử tháng này, nhiều hơn một ghế so với phe đối lập trung hữu.

Chưa đảng phái chính là có ý định lập chính phủ cùng đảng SD theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, là đảng phái lớn thứ ba trong quốc hội mới.

Vị trí thủ tướng có thể vào tay Ulf Kristersson, lãnh đạo của đảng Ôn hòa (Moderates).

Tân chủ tịch quốc hội, Andreas Norlen, cũng là thành viên đảng Ôn hòa, được xác nhận vị trí vào hôm thứ Hai, với sự ủng hộ của SD.

SD được trông đợi là sẽ ủng hộ ứng viên từ đảng Ôn hòa, nhưng ông Lofven cảnh báo rằng khối trung hữu hôm thứ Ba phản đối việc phải dựa vào sự ủng hộ của một đảng phái “do phát-xít thành lập”.

Tuy ông Kristersson được đánh giá là người nhiều khả năng sẽ thành lập một tân chính phủ, nhưng những người khác cũng có thể được mời đảm nhận việc này nếu như ông không thành công, trong đó có cả bản thân ông Lofven.

Tình thế trong quốc hội hiện nay khiến việc thành lập chính phủ khá là khó khăn, bởi:

Đảng SD theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể phá vỡ thế bế tắc nếu như một trong các đảng chính trị lớn đàm phán với họ

Đảng của ông Lofven đã loại bỏ việc ủng hộ thành lập một chính phủ thiểu số cùng với các phe đối lập, khối Liên minh (Alliance bloc)

Hai trong số bốn đảng ở khối Liên minh nói họ sẽ ra đi nếu khối đàm phán một thỏa thuận với đảng SD kỳ thị người nhập cư

Việc thành lập tân chính phủ nếu thất bại bốn lần sẽ mở đường cho một kỳ bầu cử mới, điều chưa từng xảy ra.

Phát biểu sau khi biểu quyết, ông Lofven, người hiện vẫn là lãnh đạo của đảng phái lớn nhất trong quốc hội, nói rằng ông dự tính sẽ thành lập một chính phủ khác, vượt lên trên chia rẽ chính trị.

“Tôi nhìn thấy các cơ hội tốt để tiếp tục làm thủ tướng,” ông nói.

Ông Lofven nói ông không tin là cử tri muốn có một kỳ bầu cử mới – nhưng ông nói ông sẽ không bao giờ ủng hộ một chính phủ phải dựa vào SD.

Bên đối lập và là gương mặt mới nổi lên cho vi trị thủ tướng, Ulf Kristersson, nói rằng cần có một tân chính phủ, một tân chính phủ được sự ủng hộ chính trị rộng khắp.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45633781

 

Nga cấp phi đạn cho Syria

khiến Mỹ quan ngại

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 24/9 cho biết sẽ gặp người tương nhiệm Nga Sergei Lavrov tại New York giữa lúc Washington tỏ ý quan ngại về kế hoạch của Moscow cung cấp hệ thống phi đạn đất đối không S-300 cho Syria.

“Tôi chắc chắn là ông Sergei và tôi sẽ có thời gian ngồi lại với nhau,” ông Pompeo nói về kế hoạch gặp ông Lavrov bên lề cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hiệp quốc.

“Chúng tôi nỗ lực tìm ra những chỗ có thể có điểm chung, những chỗ có thể làm việc với người Nga.” Ông nói thêm rằng có nhiều lĩnh vực Moscow đang tìm cách chống lại Hoa Kỳ và rằng Mỹ “sẽ bắt họ phải chịu trách nhiệm.”

Ngày 24/9, Nga loan báo sẽ cung cấp cho Syria hệ thống phi đạn S-300 trong vòng 2 tuần lễ dù Israel phản đối mạnh mẽ. Tin này được đưa ra một tuần sau khi Moscow quy lỗi cho Israel gián tiếp gây ra vụ một máy bay quân sự của Nga bị bắn hạ tại Syria.

Tòa Bạch Ốc hy vọng Nga sẽ xét lại động thái mà Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gọi là “một sự leo thang đáng kể” trong 7 năm chiến tranh.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan, hồi tháng 7. Ông Bolton và người đồng nhiệm Nga đã gặp nhau vào tháng 8 năm nay.

Tuy nhiên, các mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn thấp nhất trong nhiều thập niên, một phần vì những khác biệt về Syria, Ukraine, và những cáo buộc của Mỹ là Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.

Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài kinh tế đối với Nga vì can thiệp bầu cử. Moscow bác bỏ bất cứ sự can thiệp nào.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-c%E1%BA%A5p-phi-%C4%91%E1%BA%A1n-cho-syria-khi%E1%BA%BFn-m%E1%BB%B9-quan-ng%E1%BA%A1i/4585881.html

 

Iran: Sẽ Trả Đũa Israel

Vụ 25 Người Bị Giết lễ Diễn Binh

LONDON   –    Viên chức vệ binh cách mạng Iran báo trước : Israel sẽ bị trả đũa đích đáng vụ tấn công cuộc duyệt binh tại thành phố Ahvaz gây thiệt mạng 25 người (gồm 12 người của vệ binh cách mạng).

Tướng Hossein Salami tuyên bố tại tang lễ “Những ai chưa thấy chúng tôi trả thù sẽ thấy là thế nào”.

Các nhà lãnh đạo Iran cũng quy trách Hoa Kỳ và các nước vùng Vịnh Arap về trận tấn công cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến tranh Iran-Iraq thập niên 1980 khi 4 tay súng bắn vào đám đông tại Ahvaz.

Bộ trưởng tình báo Mahmoud Alavi nói : 1 mạng lưới lớn có liên quan đã bị khám phá và bị bắt, theo tin của thông tấn Mizan.

Thông tấn Hồi Giáo Amaq có video ghi lại hình ảnh 3 tay súng trên đường đến địa điểm tấn công bằng xe hơi. Vệ binh cách mạng quân số 125,000 gồm đủ hải lục không quân được thành lập năm 1979 để bảo vệ hàng ngũ giáo sĩ của chế độ giáo quyền.

Reuters dẫn nguồn tin bản xứ cho hay 1 Tướng chỉ huy lực lượng bộ chiến Iran tuyên bố : lý lịch của nhóm tấn công sẽ đuợc công bố vào thời điểm thích hợp .

Giới quan sát nhận xét : trận tấn công cuộc diễn binh của vệ binh cách mạng là trả lời trực tiếp nhắn gửi lãnh tụ tối cao Ali Khamenei rằng chế độ có thể bị đánh bằng du kích chiến sau nhiều năm ổn định. Thành phố Ahvaz tại vùng gần biên giới Iraq với đa số dân là người thiểu số Arap thường thấy bị nhà cầm quyền Tehran bỏ rơi – đa số dân tại đây sống nghèo khó với tỉ lệ thất nghiệp 14.5%.

https://vietbao.com/p122a285808/iran-se-tra-dua-israel-vu-25-nguoi-bi-giet-le-dien-binh

 

Di dân : Tàu cứu hộ Aquarius

muốn cập cảng Pháp

Thùy Dương

Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu, Nathalie Loiseau, hôm nay 25/09/2018 tuyên bố hy vọng tìm được một giải pháp ngay trong ngày hôm nay để tàu cứu hộ Aquarius chở 58 di dân quốc tế được cập một cảng nào đó.

Ngày hôm qua 24/09, tổ chức phi chính phủ Y sĩ không biên giới và SOS Méditerranée đề nghị nhà chức trách Pháp « bật đèn xanh » cho phép tàu cứu hộ Aquarius được cập cảng Marseille vì lý do nhân đạo.

Tàu Aquarius mang quốc tịch Panama, nhưng hôm thứ Bảy 22/09, chính quyền Panama thông báo sẽ rút quốc tịch của Aquarius, vì tàu này « không tôn trọng » các quy định quốc tếvề cứu hộ trên biển Địa Trung Hải.

Kể từ khi Ý không cho tàu Aquarius cập cảng nước này hồi tháng 06, nước Pháp cũng chưa bao giờ để các tàu chở di dân cập cảng vì lý do nhân đạo, viện dẫn nguyên tắc hàng hải theo đó con tàu phải cập « cảng an toàn » và gần nhất. Lần này, bộ trưởng Nathalie Loiseau cũng không chắc là tàu cứu hộ Aquarius có thể được cập cảng Marseille. Bà phát biểu : « Chúng tôi đang thảo luận với các nước châu Âu khác (…) để có thể tìm được một bến cảng an toàn cho tàu cập bờ và để phân bổ những di dân có mặt trên tàu và muốn xin tị nạn. »

Con tàu hiện đang trên hướng về phía Marseille, miền nam nước Pháp, nhưng theo một đại diện của SOS Méditerranée, chưa biết khi nào tàu Aquarius sẽ tới bờ biển nước Pháp, vì có thể con tàu này sẽ được huy động vào một chiến dịch cứu hộ khác.

http://vi.rfi.fr/phap/20180925-khung-hoang-di-dan-phap-duoc-de-nghi-cho-tau-cuu-ho-aquarius-cap-cang-marseilles

 

Bóng đá : Deschamps,

huấn luyện viên xuất sắc nhất thế giới

Tú Anh

Hai tháng sau khi dìu dắt đội tuyển bóng đá Pháp đoạt Cúp vô địch tại Nga, huấn luyện viên Didier Deschamps, 50 tuổi, được Liên đoàn quốc tế FIFA tặng cho danh hiệu « huấn luyện viên trong năm 2018 » của thế giới bóng tròn, vinh dự mà mọi nhà cầm quân đều mơ ước.

Buổi lễ tuyên dương và trao giải « Huấn luyện viên bóng đá xuất sắc 2018 » của liên đoàn FIFA diễn ra vào chiều thứ Hai 24/09/2018 tại Luân Đôn. Didier Deschamps không giấu niềm hãnh viện và vui sướng khi nhận chiếc cúp từ tay đồng nghiệp đàn anh Arsèn Wenger trong tiếng vỗ tay, reo hò của một cử tọa gồm những cao thủ, chức sắc trong làng bóng đá thế giới và nhất là một đạo binh 350 huấn luyện viên và cố vấn kỹ thuật được mời tham dự một sự kiện trọng đại đối với cuộc đời của một cầu thủ.

Năm 2018 đúng là một năm lịch sử của Didier Deschamps, con chim đầu đàn của đội tuyển Pháp. Đoạt cúp vô địch thế giới lần đầu tiên vào năm 1998, vô địch lần thứ nhì với tư cách huấn luyện viên vào tháng 07/2018.

Bên cạnh hai « đối thủ » nặng ký là cựu đồng đội vô địch 1998 Zinedine Zidane và huấn luyện viên Zlato Dalic của đội tuyển Croatia, Á quân Cúp Thế Giới 2018, chim đầu đàn của đội tuyển áo lam tuy vui mừng, nhưng luôn tỏ thái độ khiêm tốn và biết ơn : « cả đời cầu thủ và huấn luyện viên những danh hiệu vô địch hay xuất sắc không bao giờ là do tôi. Không phải tôi giả vờ khiêm tốn, tôi tận hưởng phần thưởng này mà tôi có được là nhờ toàn ban huấn luyện và tất cả các cầu thủ và sự ủng hộ của người dân Pháp ». Didier Deschamps không quên chia sẻ lòng ngưỡng mộ với hai đồng nghiệp mà anh cho rằng cũng xứng đáng nếu không hơn thì cũng ngang ngửa : « Zinedine Zidane vừa đoạt cúp vô địch Liên Đoàn lần thứ ba (C1 cũ) và đồng nghiệp Zlatko Dalic, với công lao đem lại cho đội tuyển Croatia ».

Luka Modric, cầu thủ số một thế giới

Bóng đá Croatia không bị bỏ quên. Sau mùa hè trên đỉnh danh vọng, thủ quân của đội Croatia và trung vệ của Real Madrid, Luka Modric, được FIFA tặng danh hiệu cầu thủ xuất sắc 2018. Ngôi sao mới Luka Modric kết thúc thế áp đảo của hai thần tượng Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, thay nhau đoạt hết những quả banh vàng và giải thưởng của FIFA từ 10 năm nay.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180925-bong-da-didier-deschamps-huan-luyen-vien-xuat-sac-nhat-the-gioi

 

Tiết lộ danh tính người mẫu

của «Cội nguồn nhân gian»

Thanh Phương

Một trong những bí ẩn lớn nhất trong giới nghệ thuật vừa được giải đáp. Theo tiết lộ của tác giả Claude Schopp trong một cuốn sách cho để vẽ bức tranh nổi tiếng « Cội nguồn nhân gian » ( tiếng Pháp : L’Origine du monde, tiếng Anh: The Origin of the World), có tên là Constance Quéniaux.

« Cội nguồn nhân gian » là tác phẩm tranh sơn dầu vẽ vào năm 1866 của họa sĩ người PhápGustave Courbet. Bức tranh vẽ cận cảnh vùng bụng và cơ quan sinh dục của một người phụ nữ khỏa thân và hiện đang được trưng bày tại bảo tàng OrsayParis. Trong nhiều năm qua, đã có rất nhiều đồn đoán về danh tính của người phụ nữ làm mẫu cho Courbet vẽ bức tranh, có người cho đó là Joanna Hiffernan, người tình một thời của Courbet.

Phát hiện nói trên của tác giả cuốn « Cội nguồn thế giới, cuộc đời cô người mẫu », thật ra là do tình cờ. Chính là khi tra cứu những thư từ liên lạc giữa Alexandre Dumas con với George Sand, mà Claude Schopp, chuyên gia về văn hào Dumas cha và con, đã giải quyết được một bí ẩn từ 152 năm qua.

Cụ thể, trong một bức thư gởi cho George Sand, Dumas con chỉ trích họa sĩ Courbet về việc vẽ bộ phận nhạy cảm nhất của « cô Queniaux của nhà hát Opera ». Quéniaux ở đây chính là Constance Quéniaux, một vũ công nhà hát Opera. Nhà nghiên cứu Claude Schopp liền thông báo phát hiện này cho bà Sylvie Aubenas, giám đốc đặc trách về tranh ảnh của Thư viện Quốc gia Pháp ( BnF ). Bà Aubenas khẳng định chắc chắn 99% người làm mẫu cho Courbet chính là Constance Quéniaux, vì cô này nổi tiếng là có mái tóc đen tuyền và cặp chân mày đen rất đẹp, phù hợp với bộ lông rậm bao quanh bộ phận sinh dục trong bức tranh « Cội nguồn nhân gian ».

Cho tới nay, người ta biết rằng, người đặt Courbet vẽ bức tranh « Cội nguồn nhân gian » chính là nhà ngoại giao Thổ-Ai Cập Khalil Bey. Cho nên, cũng đã có người đồn đoán rằng phụ nữ làm mẫu cho Courbet có thể là Joanna Hiferman, người tình của Khalil Bey.

http://vi.rfi.fr/phap/20180925-tiet-lo-danh-tinh-nguoi-mau-cua-%C2%AB-coi-nguon-nhan-gian-%C2%BB

 

Iran : Châu Âu tìm cách « né » trừng phạt Mỹ

Thanh Phương

Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực lên Teheran, Liên Hiệp Châu Âu tìm cách duy trì trao đổi thương mại với Iran, nhưng vẫn tránh được các trừng phạt của Washington.

Hôm qua, 24/09/2018, tức là một ngày trước khi tổng thống Trump phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc nhằm huy động thế giới chống Iran, Liên Hiệp Châu Âu thông báo việc thiết lập một cơ chế trao đổi hàng hóa với Iran.

Trong một tuyên bố đọc cùng với ngoại trưởng Iran Javad Zarif, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini giải thích : « Cụ thể, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ thiết lập một thực thể hợp pháp nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các giao dịch tài chính chính đáng với Iran ». Bà Mogherini cho biết thêm, cơ chế này sẽ giúp cho các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran theo đúng luật châu Âu và có thể được mở rộng ra các đối tác khác trên thế giới.

Tuyên bố nói trên được đưa ra sau một cuộc họp giữa đại diện 6 quốc gia còn nằm trong thỏa thuận hạt nhân 2015 ( Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga, và Iran ), bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo các nguồn tin châu Âu được hãng tin AFP trích dẫn, cơ chế có tên là Special purpose vehicule – SPV ( tạm dịch là « Cơ chế đặc biệt » ) sẽ hoạt động giống như là một nơi trao đổi hàng hóa tinh vi từ việc bán dầu hỏa Iran, nguồn thu nhập chính của nước này. Ví dụ : Khi Iran bán dầu hỏa cho Tây Ban Nha và Đức bán máy công cụ cho Teheran, số tiền tương ứng với lượng dầu cung cấp cho Tây Ban Nha sẽ được dùng để trả trực tiếp cho công ty Đức. Cơ chế này bảo vệ cả người bán lẫn người mua, vì nó tránh những giao dịch bằng đôla, tức là tránh nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.

Thỏa thuận 2015 có mục tiêu là ngăn chận Teheran trang bị bom nguyên tử và đưa nước này dần dần thoát khỏi thế cô lập, qua việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Thế nhưng, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào tháng 5 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã tái lập các biện pháp trừng phạt rất nặng nề, không chỉ nhắm vào các công ty của Iran, mà cả các công ty ngoại quốc và những nước vẫn tiếp tục làm ăn với Teheran. Vì sợ bị Mỹ trừng phạt, nhiều tập đoàn lớn như Total, Daimler…, tức là những công ty có nhiều lợi ích kinh tế ở Hoa Kỳ, đã ngưng mọi hoạt động ở Iran.

Đến ngày 04/11, một đợt trừng phạt mới sẽ đánh trực tiếp vào xuất khẩu dầu của Iran cũng như vào các giao dịch ngân hàng của nước này, mà như vậy là Iran coi như sẽ bị cắt đứt với hệ thống tài chính quốc tế. Với việc thiết lập cơ chế nói trên, Liên Hiệp Châu Âu sẽ bảo tồn các lợi ích kinh tế của Iran, đổi lại việc Teheran tiếp tục ở lại trong thỏa thuận hạt nhân và từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Các nước châu Âu đang bằng mọi giá bảo vệ thỏa thuận năm 2015 để ngăn chận Iran tiến hành trở lại chương trình hạt nhân, có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử trong khu vực.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180925-chau-au-tim-cach-%C2%AB-ne-%C2%BB-trung-phat-my

 

Đài Loan không dễ đưa tiếng Anh

lên vị trí chính thức

Cindy SuiBBC News, Đài Bắc

Thủ tướng Đài Loan, ông Lại Thanh Đức vừa đề ra kế hoạch từ 2019 đưa tiếng Anh lên vị trí ngôn ngữ chính thức thứ nhì, sau Trung văn, nhưng điều này đang bị giới học giả và các giáo viên đặt câu hỏi là có cần thiết hoặc đem lại lợi ích gì không.

Chính sách này vẫn còn đang được soạn thảo và sẽ công bố năm tới định ra rằng học sinh Đài Loan từ cấp tiểu học đã bắt đầy học tiếng Anh cấp tập.

Đoàn TQ đuổi Đài Loan khỏi hội nghị ở Úc

Đài Loan bắt 40 thuyền nhân Việt

Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan mở trụ sở mới

Đài Loan trao giải Nhà Đường năm 2018

Hiện nay, tiếng Anh chỉ bắt đầu dạy trong trường học từ lớp ba (8-9 tuổi) như môn ngoại ngữ.

Học sinh Đài cũng học các môn toán lý hóa và nghệ thuật bằng tiếng Anh.

Nhưng trong tương lai, chính quyền muốn họp hành trong nhà nước đều bằng tiếng Anh và các văn bản chính quyền đều cần dịch ra tiếng Anh.

Biển phố, menu trong quán ăn, và nhiều thứ khác cũng sẽ bắt buộc phải bằng tiếng Anh.

Quan chức nhà nước nói mục tiêu là tăng tính cạnh tranh của Đài Loan.

Nâng cao trình độ tiếng Anh là giúp giới trẻ có thêm cơ hội trong tương lai, và Đài Loan sẽ hội nhập, kết nối với thế giới.

Phát ngôn viên của Nội các Đài Loan, Kolas Yotaka nói:

“Dùng tiếng Anh không chỉ quan trọng cho sinh viên, học sinh Đài Loan, mà còn cho cả tương lai đất nước và sự phát triển.”

Đài Loan đã sẵn sàng chưa?

Nhưng các nhà giáo dục thì lo ngại, vì cho rằng Đài Loan chưa sẵn sàng.

Đơn giản là hiện chưa có đủ giáo viên tiếng Anh đủ tiêu chuẩn và Đài Loan cũng chưa có môi trường đủ người nói tiếng Anh.

Ông Trương Vũ Xương, giáo sư môn tiếng Anh ở Đại Học Quốc gia Đài Bắc và Đại học Minh Xuyên nói:

“Nếu đưa vào các giáo viên không đủ trình độ vào dạy tiếng Anh thì sẽ chỉ gây tai họa. Trẻ em sẽ không học tốt tiếng Anh và các môn khác.”

Ông Trương cũng nói Đài Loan thật sự không cần việc này, và cũng không có quá khứ lịch sử, văn hóa để làm như vậy.

“Hong Kong, Singapore và Malaysia đều từng là thuộc địa Anh và họ có thể đi theo cách đó, còn Đài Loan phải bắt đầu từ con số không.”

“Singapore dùng tiếng Anh để thống nhất ba nhóm sắc tộc khác nhau. Chúng ta có cần tiếng Anh để kết nối các dân tộc số với nhau?”

Giới chỉ trích nói chính sách đưa tiếng Anh lên vị trí chính thức là không thực tiễn.

“Có bao nhiêu người Đài Loan cảm thấy họ cần tiếng Anh để dùng trong sinh hoạt hàng ngày? Đài Loan không có môi trường như thế.”

Các nhà phê bình cũng chỉ ra rằng trình độ tiếng Anh không đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh toàn cầu. Họ nói người Nhật không được coi là thông thạo tiếng Anh nhưng Nhật Bản cạnh tranh hơn Philippines, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức và được nhiều người sử dụng.

Họ nói vấn đề không phải là Đài Loan không dạy tiếng Anh đủ, các trường Đài Loan đã dạy ngôn ngữ này hơn 50 năm qua, và nhiều trẻ em cũng học thêm ở các trường dạy thêm, nhưng phương pháp giảng dạy và môi trường mới thất bại trong việc tạo ra những người nói tiếng Anh thành thạo.

“Hầu hết trẻ em Đài Loan dành nhiều giờ học rất nhiều ngữ pháp, cấu trúc câu, cách vượt qua các bài kiểm tra như IELTS, TOEFL, v.v… và điều này đã diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi nói đến việc sử dụng ngôn ngữ trong cuộc trò chuyện, những đứa trẻ gặp khó khăn,” một giáo viên tiếng Anh trung học muốn ẩn danh cho biết.

“Điểm mấu chốt mà tôi cho là: Được thôi, hãy cứ làm cho nó trở thành ngôn ngữ chính thức, nhưng cũng hãy sửa đổi hệ thống giáo dục hiện tại và hiểu vì sao nó không thành công trong việc giảng dạy học sinh. Hãy suy nghĩ về các mục tiêu, chiến lược giảng dạy mới để trẻ có thể dịch được những gì chúng học được ở trường vào cuộc sống, không chỉ trong bài thi. “

Các chuyên gia cho rằng chính phủ nên tìm ra lý do tại sao phương pháp tiếp cận hiện tại không đem lại hiệu quả tốt.

Giảng dạy tiếng Anh tại các trường công lập hiện nay tương đối cơ bản; và một số giáo viên dành 50% thời gian nói chuyện với học sinh bằng tiếng phổ thông.

Nếu chính sách này được thực hiện, một số lo ngại sẽ làm tăng khoảng cách giữa trẻ em thành thị và nông thôn. Cha mẹ của các trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn không thể chi trả cho các lớp học thêm tiếng Anh, có nghĩa các em này sẽ không thể nhận được một nền giáo dục tổng thể, các nhà phê bình nói.

Trong khi đó, chính phủ bác bỏ những đề xuất làm cho tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức là một nỗ lực để cắt đứt các liên kết của Đài Loan với văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là tại thời điểm đảng cầm quyền độc lập hiện nay đang căng thẳng với Trung Quốc đại lục. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của mình và sẽ thống nhất một ngày nào đó.

Về mặt tích cực thì mặc dù sự đánh giá khắt khe của Đài Loan về trình độ tiếng Anh của chính mình, Steven Parker, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Anh Quốc tại Đài Bắc, nói “khá ngạc nhiên bởi trình độ tiếng Anh ở đây”.

“Nhiều người đi du học, Đài Loan rất chú trọng đến giáo dục,” ông Parker nói.

Nhưng ông chỉ ra rằng các công ty đa quốc gia có thể thu hút những người thông thạo nhất, vì vậy nó không phải là một đánh giá đúng về dân số nói chung.

Parker ủng hộ những nỗ lực của chính phủ, giải thích rằng khi ngày càng có nhiều người có thể làm việc bằng tiếng Anh, Đài Loan sẽ hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp quốc tế.

“Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng tiếng Anh trong môi trường hàng ngày bởi vì đây là một ngôn ngữ quốc tế … bởi vì thực tế là thế giới sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ kinh doanh”, ông nói.

Sâu bên trong chính sách này là nỗi sợ hãi sâu xa, đặc biệt là ở trong đảng cầm quyền, lo sợ rằng Đài Loan sẽ ngày càng tách biệt khỏi Trung Quốc, khiến Bắc Kinh mất dần sự tin tưởng vào chính quyền Đài Bắc và ngăn cản sự tham gia của hòn đảo trong các sự kiện quốc tế dành riêng cho các quốc gia.

“Với việc thúc đẩy chính sách này, chúng tôi hy vọng Đài Loan có thể mở cửa và thân thiện với mọi người, doanh nghiệp và chính phủ trên khắp thế giới, giúp Đài Loan giao tiếp với nước ngoài dễ dàng hơn,” phát ngôn viên chính phủ Yotaka cho biết. “Chính phủ hy vọng sẽ thúc đẩy chính sách này để biến Đài Loan trở thành một quốc gia quốc tế hơn.”

Một số người ủng hộ ý tưởng này nhưng cảnh báo rằng sẽ tốn kém và tốn thời gian. Phải mất Singapore 50 năm và vô số tiền để biến mình thành một xã hội nói tiếng Anh trong khi đó Đài Loan không cần có một ngôn ngữ chung để đoàn kết các nhóm chủng tộc khác nhau. Người Đài Loan có hơn 90% người Hán và thậm chí những người không phải gốc Hán cũng nói tiếng phổ thông.

Chìa khóa thành công sẽ phụ thuộc vào các sinh viên, liệu họ có động lực học tiếng Anh hay không.

Velma Chen, một sinh viên đại học 20 tuổi, cho biết cô là người duy nhất trong số các học sinh trong lớp học thêm có thể nói tiếng Anh thành thạo và đó là vì cô ấy thích học. Ngoài việc tham dự lớp học, cô đã xem phim truyền hình và phim điện ảnh bằng tiếng Anh.

“Tôi ủng hộ ý tưởng này bởi vì tôi nghĩ đó là một ngôn ngữ mà bạn phải biết,” Chen nói.

Peng Cheng-ming, tổng thư ký của Tổ chức phụ huynh liên minh quốc gia, cũng đồng ý, mặc dù ông cảnh báo rằng sẽ có những thách thức cần được giải quyết.

“Đài Loan là một nền kinh tế tập trung vào thương mại, cải thiện khả năng tiếng Anh của chúng tôi là cách nhanh nhất để kết nối với thế giới,” ông Peng nói.

“Chúng ta nên suy nghĩ về đưa tiếng Anh vào cuộc sống và xã hội của học sinh. Chúng ta cũng cần đào tạo giáo viên cách dạy bằng tiếng Anh. Sẽ mất thời gian, nhưng nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, sau này chúng ta sẽ hối hận.”

https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45604698

 

Công ty Đài Loan từ chối

đền bù công nhân Campuchia bị sa thải

Một công ty do Đài Loan sở hữu không chịu trả tiền đền bù cho công nhân Campuchia bị họ sa thải như theo một phán quyết của tòa án, mặc dù công ty mẹ của công ty này đã thu về món lợi nhuận hơn nửa tỷ đô la hồi năm ngoái.

Công ty Pou Yuen (Campuchia) Ltd chuyên cung cấp cho hãng đồ thể thao nổi tiếng của Phần Lan Amer Sports, không thông báo cho công nhân của họ trước khi đóng cửa nhà máy ở Campuchia vào tháng 12 năm ngoái.

Công ty mẹ của Pou Yuen, là Yue Yuen Industrial Limited, là nhà sản xuất giày dép lớn nhất trên thế giới, chuyên cung cấp các sản phẩm cho Nike, Adidas, Reebok, ASICS, New Balance và Puma.

Yue Yeun thu được lợi nhuận 519 triệu USD trong năm 2017, theo báo cáo thường niên của chính công ty này, trong khi tập đoàn mẹ của Yue Yuen, Pou Chen Group, mang về món lợi nhuận vượt quá 400 triệu USD.

Bất chấp những món lợi khổng lồ đó, công ty phụ của các công ty này ở Campuchia đã từ chối, không chịu đền bù cho 478 công nhân theo tinh thần một phán quyết của Hội đồng Trọng tài, theo đó mỗi công nhân trung bình sẽ nhận 2.000 USD, Trung tâm Liên minh Quyền Lao động và Nhân quyền cho biết.

“Nhà máy này luôn nói với các công nhân rằng họ bị thua lỗ, và nguyên nhân phải đóng cửa nhà máy vì công ty bị phá sản, và vì họ không tạo ra lợi nhuận nên thúc ép công nhân làm việc nhiều hơn để đạt chỉ tiêu,” cựu công nhân Yan Bunthan, 38 tuổi, cho biết. “Và cuối cùng họ vẫn không đoái hoài gì tới những công nhân và bỏ chạy một cách vô trách nhiệm mà không đền bù hợp lý cho chúng tôi.”

Hội đồng Trọng tài của Campuchia ra phán quyết vào cuối tháng Hai rằng ông Yan và 477 công nhân từng làm việc cho công ty này trong hơn hai năm lẽ ra phải được đền bù như những người thuộc biên chế chính thức của công ty.

Theo phán quyết của tòa, công ty Pou Yuen phải đền bù vì không thông báo trước khi sa thải công nhân, và phải đền những ngày nghỉ phép thường niên chưa được dùng, cũng như các thiệt hại, và khoản tiền lương cuối cùng.

Thay vào đó, Pou Yen coi họ như những công nhân hợp đồng và chỉ trả có 5% tiền lương mà thôi.

Trả lời VOA qua email, Chihchien Lin của ban pháp lý của Tập đoàn Pou Chen, bênh vực quyết định của công ty coi các công nhân là những người được thuê theo hợp đồng trong thời gian cố định, và cho biết khoảng 1.900 người đã nhận tiền do công ty trả. Chỉ có 50 người không chịu nhận.

Người phát ngôn Bộ Lao động Campuchia Heng Sour cho biết chính phủ sẽ can thiệp và trả cho công nhân phần lương còn lại, ngày nghỉ phép và thanh toán thôi việc, nhưng sẽ không bồi thường thiệt hại hay kết thúc hợp đồng.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-ty-dai-loan-tu-choi-den-bu-cong-nhan-campuchia-bi-sa-thai/4586454.html

 

TQ: Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

đe dọa hợp tác Trung-Mỹ

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa chấp thuận bán cho Đài Loan các phụ tùng cho chiến đấu cơ F-16 và máy bay quân sự khác trị giá lên tới 330 triệu đôla, khiến Trung Quốc hôm 25/9 lên tiếng cảnh báo rằng động thái này gây tổn hại cho hợp tác Trung-Mỹ.

Bản tin của Reuters nói việc Mỹ bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, vẫn là yếu tố gây bực dọc trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện Đài Loan vẫn cần phải hoàn tất các chi tiết trong thương vụ với các công ty Mỹ.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Ngũ Giác Đài nói:

“Thương vụ được đề nghị sẽ đóng góp cho chính sách đối ngoại và an ninh của nước Mỹ bằng cách giúp cải thiện khả năng phòng thủ và an ninh của nước nhận, vốn đã và đang tiếp tục là một lực lượng quan trọng cho tình trạng ổn định chính trị, cân bằng quân sự, và tiến bộ kinh tế trong khu vực”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói thương vụ bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế” và “làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

Trong một cuộc họp báo thường nhật ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước ông cực lực phản đối thương vụ bán vũ khí đã được hoạch định, và đã gửi công hàm tới Hoa Kỳ để bày tỏ lập trường “phản đối gay gắt” của mình.

Ông Cảnh Sảng nói thêm:

“Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí và đình chỉ mọi liên lạc quân sự với Đài Loan, để tránh thiệt hại nghiêm trọng đối với quan hệ hợp tác Trung-Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng, cũng như cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”.

Trong một tuyên bố riêng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng lên án kế hoạch bán vũ khí này. Bộ này nói quân đội Trung Quốc giữ vững “quyết tâm không sao lay chuyển được” để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Trung Quốc đặt nghi vấn sâu xa về ý định của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, vốn được trang bị vũ khí hầu hết do Mỹ sản xuất và vẫn muốn Washington bán thêm những thiết bị tiên tiến hơn, kể cả các chiến đấu cơ mới.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Văn phòng Tổng thống Đài Loan cảm tạ Hoa Kỳ đã ủng hộ đảo quốc này, và nói rằng Đài Loan sẽ tiếp tục “giữ liên lạc chặt chẽ và hợp tác” với Washington về các vấn đề, kể cả vấn đề an ninh.

Các chuyên gia quân sự nói cán cân quyền lực giữa Đài Loan và Trung Quốc đã nghiêng về phía Trung Quốc, và trong tương lai có thể áp đảo đảo này, trừ phi quân đội Mỹ nhanh chóng ra tay giúp Đài Loan.

Ngũ Giác Đài nói bán vũ khí cho Đài Loan là điều cần thiết để duy trì “đội bay và hệ thống phòng thủ của Đài Loan”, và thương vụ này sẽ không làm đổi cán cân quân sự trong khu vực.

Trung Quốc chưa hề loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm quyền kiểm soát Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi như một tỉnh đòi ly khai của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong chuyến thăm của ông này đến Bắc Kinh hồi tháng Sáu rằng Bắc Kinh cam kết với hòa bình, nhưng quyết không nhường đất đai do tổ tiên để lại, “dù là chỉ một tấc”.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-my-ban-vu-khi-cho-dai-loan-de-doa-hop-tac-trung-my/4586324.html

 

Trung Quốc và ba đại tang năm 1976

Năm 1976 là thời điểm cùng một lúc ba ‘công thần khai quốc’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc qua đời – Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức.

Chu Ân Lai và vấn đề Hoàng Sa

‘Quốc tang, lăng mộ’: Bình luận trên Facebook

Liên Xô 1953: Một năm sáu lãnh tụ

Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai tạ thế vì ung thư ngày 8/1/1976.

Trên giường bệnh, Chu Ân Lai yêu cầu hỏa táng, và rải tro ông trên “sông núi Trung Hoa”.

Ông được hỏa táng ba ngày sau khi qua đời, và trong ba ngày sau đó, quần chúng được phép vào viếng tại Cung Văn hóa Lao động Bắc Kinh.

Đến ngày thứ bảy, một buổi lễ nhỏ diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân, Bắc Kinh.

Lãnh tụ tối cao, Chủ tịch Mao Trạch Đông, không đến dự cả buổi lễ nhỏ lẫn buổi hỏa táng.

Điếu văn do Đặng Tiểu Bình đọc hôm 15/1 – đây là lần xuất hiện cuối cùng của Đặng trước khi bị hạ bệ để rồi phải đến năm 1977 mới được khôi phục chính trị.

Sau lễ tang, Không quân Quân Giải phóng rải tro Chu Ân Lai xuống như khu vực nhạy cảm về chính trị, như vùng dân tộc thiểu số và Eo biển Đài Loan.

Sau khi qua đời, cái tên Chu Ân Lai trở thành biểu tượng tập hợp của các nhóm xét lại ở cả trong và ngoài Đảng Cộng sản.

Vào tiết Thanh Minh 4/4/1976, hàng ngàn người đến quảng trường Thiên An Môn đặt vòng hoa tưởng niệm Chu Ân Lai, để lại những bài thơ có hàm ý chính trị.

Ngày hôm sau, Quân Giải phóng Nhân dân ra tay đàn áp. Ngay lập tức, Đặng Tiểu Bình bị cách mọi chức vụ, và Hoa Quốc Phong chính thức lên làm Thủ tướng.

Nguyên soái Chu Đức qua đời

Nguyên soái Chu Đức là một trong vị tư lệnh quan trọng nhất giúp Mao Trạch Đông giành chiến thắng, kết thúc nội chiến Quốc – Cộng năm 1949.

Năm 1949, Chu Đức làm Tổng tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), chỉ huy Chí nguyện quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên 1951-1953.

Ông được phong nguyên soái năm 1955.

Chu Đức qua đời ngày 6/7/1976, hưởng thọ 89 tuổi.

Vị nguyên soái được hỏa táng, nhưng tro của ông được chôn ở Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn dành cho các quan chức cao cấp của Trung Quốc.

Mao qua đời, chính biến xảy ra

Người sáng lập nhà nước cộng sản Mao Trạch Đông từng khuyến khích việc hỏa thiêu các lãnh đạo từ năm 1956.

Tuy vậy, trước khi qua đời, ông Mao không đề nghị hỏa thiêu.

Thi hài của ông được ướp và đưa vào lăng ở quảng trường Thiên An Môn sau khi ông qua đời ngày 9/9/1976.

Trung Quốc khi đó tuyên bố 10 ngày quốc tang cho Mao Trạch Đông.

Trung Quốc không nhờ chuyên gia Liên Xô mà sử dụng nhóm chuyên gia của họ để ướp thi hài Mao Trạch Đông.

Vào lúc này, vợ Mao, Giang Thanh, đã bị vô hiệu hóa và chỉ được phép gửi vòng hoa đến lễ tang của chồng.

Cái chết của Mao Trạch Đông khép lại giai đoạn Cách mạng Văn hóa đầy sóng gió.

Ngày 6/10/1976, ‘tứ nhân bang’, gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị bắt.

Hoa Quốc Phong, người được Mao lựa chọn, được tấn phong làm Chủ tịch Đảng và Thủ tướng.

Đặng Tiểu Bình được phục chức, gồm cả vị trí Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng.

Nhưng Hoa Quốc Phong nhanh chóng mất quyền kiểm soát, bị loại khỏi chức thủ tướng năm 1980 và mất chức chủ tịch đảng năm 1981.

Hai năm sau ngày Mao Trạch Đông từ trần, hội nghị trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978 tuyên bố cải cách và mở cửa.

Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc bắt đầu phát triển kinh tế và hiện đại hóa, sát lại gần với Hoa Kỳ và chống lại Liên Xô và Việt Nam.

Đặng Tiểu Bình được xem là kiến trúc sư của công cuộc cải cách gọi là Khai phóng, mở cửa.

Đặng qua đời mùa Xuân năm 1997, để lại một nước Trung Quốc đã hoàn toàn khác thời Mao.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45642042

 

Trung Quốc

đóng cửa 4.000 website ‘không phù hợp’

Trung Quốc vừa đóng cửa hàng ngàn website và tài khoản online trong một chiến dịch thanh trừng những nội dung ‘không phù hợp’, theo Thông tấn xã Xinhua.

Nội dung trên 4.000 website này vi phạm bản quyền và “truyền bá các giá trị không phù hợp, hoặc tục tĩu”.

Tuy nhiên cuộc thanh trừng này cũng có vẻ nhắm vào các website cung cấp miễn phí sách điện tử.

Bị cắt điện vì than phiền trên Facebook

Quanh việc bị mời lên đồn vì bài viết trên Facebook

Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’

Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc truy cập internet.

Mục tiêu trước đây Trung Quốc nhắm vào là các ứng dụng chơi xổ số và các nội dung bạo lực hoặc đồi trụy.

Nội dung miễn phí

Nhà phân tích của BBC, Kerry Allen, cho rằng những cuộc thanh trừng như vậy không phải là không phổ biến.

“Đã có một số cuộc thanh trừng như vậy trước kia,” bà nói, “và người dùng Trung Quốc hi vọng những website bị thanh trừng không phải là những trang mà họ sẽ thường truy cập, hoặc bất cứ website nào mà họ tin tưởng.”

Liên quan đến những website cung cấp sách online miễn phí, bà Allen nói thêm: “Truyền thông chắc chắn đang nhấn mạnh rằng cuộc thanh trừng nhắm vào những người đang đọc những thứ mà lẽ ra họ phải trả tiền, hơn là nhắm vào những người truy cập các nội dung ‘mang tính lật đổ’.

Các báo cáo hồi tháng Tám cho hay Google đang thực hiện kế hoạch kiểm duyệt nội dung mới ở Trung Quốc, và sẽ khóa một số website để đáp ứng quy định của địa phương.

Google chưa bao giờ bình luận về những báo cáo trên nhưng hàng trăm nhân viên đã viết thư cho công ty này để phản đối.

“Chúng tôi khẩn trương yêu cầu sự minh bạch hơn nữa, chúng tôi cần được ngồi lại bàn bạc, và cần một cam kết về các quy trình rõ ràng và cởi mở hơn. Nhân viên của Google cần biết những gì chúng tôi đang xây dựng”, bức thư nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45635836

 

TQ-Mỹ Tăng Áp Thuế, TQ Tố Mỹ Bắt Nạt,

TQ Ra Bạch Thư Tố Mỹ, Vẫn Hô Hào Đối Thoại

BEIJING   –     Chiến tranh thương mại leo thang.

Trung Cộng tăng mức áp thuế mới vào hàng hóa Hoa Kỳ hôm Thứ Hai và tố cáo Hoa Kỳ bắt nạt.

Tổng Cục Thuế Quan TQ nói là bắt đầu thu thêm thuế quan 5% và 10% đối với 60 tỷ đôla danh sách của 5,207  mặt hàng Hoa Kỳ nhập vào Trung Quốc.

Thời điểm trùng hợp với dự định của TT Trump sẽ tăng mức thuế quan lên 200 tỷ đôla hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ hiệu lực.

Bạch Thư của Trung Cộng lần đầu tiên tố cáo Hoa Kỳ “dùng chiến thuật hù dọa kinh tế” bằng chiến tranh mậu dịch, và khẳng định lập trường rằng vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng đối thoại.

Bạch Thư được thông tấn chính thức Xinhua phổ biến sau loan báo hôm Thứ Bảy của Beijing từ chối đề nghị thuơng luợng từ chính quyền Trump.

Tài liệu này mô tả chủ trương “America First” là phá hoại quan hệ kinh tế song phương và đe dọa hệ thống đa phương của toàn thế giới.

Bạch Thư 36,000 chữ không chỉ danh TT Donald Trump. Với loại tuyên cáo này, Beijing tái khẳng định niềm tin rằng tự do mậu dịch và quy chế đa phương là định hướng duy nhất có lợi cho các bên.

Bạch Thư tựa đề “Facts about the China-US trade dispute and China’ s stance” là nỗ lực mới nhất của Beijing tự mô tả tư thế của mình là có giá trị đạo lý trong cuộc đối đầu đang tiếp diễn.

Chuyên gia Liu Weidong của Viện khoa học xã hội khẳng định “không dùng Bạch Thư này để chấm dứt chiến tranh thương mại với Washington” nhưng muốn chứng tỏ với thế giới thiện chí và sự chân thành trong việc tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp.

Giới phân tích nói “Beijing chuyển bóng sang phần sân của Trump”.

Thông tấn Reuters đưa tin : chính quyền Beijing bắt đầu giải thích với dân lục địa trong 1 buổi họp báo của 7 Phó Thủ Tướng trong ngày Thứ Ba 25-9 tại thủ đô, sau thông cáo bãi bỏ chuyến đi Washington ngày Thứ Hai của Phó Thủ Tướng Liu He, vì TT Trump xác nhận vẫn xúc tiến thuế phạt với 200 tỉ MK hàng xuất cảng của Trung Cộng, hiệu lực từ 12.00 pm ngày Thứ Hai.

Kinh tế gia Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics nói “Beijing muốn được xem như là nạn nhân của chiến tranh mậu dịch, không là phe chủ động đối đầu” và đó là mục tiêu của Bạch Thư.

https://vietbao.com/p122a285812/tq-my-tang-ap-thue-tq-to-my-bat-nat-tq-ra-bach-thu-to-my-van-ho-hao-doi-thoai

 

Trung Quốc không cho tàu hải quân Mỹ

thăm Hồng Kông

Trung Quốc đã bác yêu cầu cho tàu chiến Hoa Kỳ ghé thăm Hồng Kông, lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông cho biết hôm 25/10, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục tăng giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực thương mại, và quyết định của Hoa Kỳ trừng phạt quân đội Trung Quốc.

Tàu tấn công đổ bộ Wasp của Mỹ đã tới lúc phải ghé thăm Hồng Kông, cựu thuộc địa của Anh, vào tháng Mười năm nay, Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, nhưng “chính quyền Trung Quốc không chấp thuận yêu cầu cho tàu USS Wasp cập cảng Hồng Kông”, một phát ngôn viên lãnh sự quán Mỹ cho biết.

“Chúng tôi có cả một lịch sử lâu dài về những chuyến đi thăm cảng Hồng Kông thành công, và chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục làm như vậy”, người phát ngôn nói thêm.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng không trả lời trực tiếp câu hỏi, liệu Trung Quốc đã khước từ lời yêu cầu đó hay không.

“Đối với những yêu cầu cho tàu quân sự Mỹ ghé thăm Hồng Kông, Trung Quốc vẫn giải quyết từng trường hợp một, theo nguyên tắc về chủ quyền và tình hình cụ thể”, ông Cảnh Sảng nói với các phóng viên mà không cho biết thêm chi tiết.

Trong năm 2016, vào lúc căng thẳng tăng cao vì yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đã khước từ yêu cầu cho một nhóm tàu do hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ John C. Stennis dẫn đầu, ghé thăm Hồng Kông.

Hôm thứ Bảy, Trung Quốc triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh và trì hoãn các cuộc đàm phán quân sự chung để phản đối quyết định của Mỹ, trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc và giám đốc cơ quan này vì đã mua chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa địa đối không của Nga.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng gay gắt hơn.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-khong-cho-tau-hai-quan-my-tham-hong-kong/4586416.html

 

Trung Quốc tuyên bố

không thể đàm phán thương mại với Mỹ

Trung Quốc nói rằng không thể đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trong khi một vòng thuế mới đã được thực thi.

Hoa Kỳ hôm 24/9 bắt đầu áp biểu thuế mới lên 200 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc bán vào Mỹ và Bắc Kinh ngay lập tức áp một biểu thuế trả đũa lên 60 tỷ đôla hàng hóa của Mỹ bán vào Trung Quốc.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 25/9 rằng làm sao có thể đàm phán vào lúc này khi chính quyền Trump đang áp dụng “các biện pháp hạn chế quy mô lớn” mà ông mô tả cứ như là “kề dao vào cổ người ta.” Thứ trưởng Wang đã dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến Washington đàm phán lần gần đây nhất giữa hai cường quốc kinh tế hồi tháng Tám.

Biều thuế mới của Mỹ đánh lên hàng ngàn sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm đồ điện tử, thực phẩm, dụng cụ và đồ gia dụng. Biểu thuế mới bắt đầu ở mức 10 phần trăm, sau đó sẽ tăng lên 25 phần trăm vào ngày 1 tháng 1 năm 2019. Trong khi đó trong số các sản phẩm của Mỹ bán vào Trung Quốc bị áp thuế mới có khí đốt hóa lỏng.

Chính quyền của Tổng thống Trump lập luận rằng biểu thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ buộc Bắc Kinh phải giao thương với các điều kiện thuận lợi hơn với Hoa Kỳ.

Mỹ lâu nay yêu cầu Trung Quốc áp dụng những biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ, bao gồm chấm dứt hành vi trộm cắp mạng. Chính quyền Trump cũng kêu gọi Trung Quốc cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc và cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Trước đó, Hoa Kỳ đã áp thuế lên 50 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc và Trung Quốc đã ngay lập tức trả đũa bằng việc đánh thuế lên một khối lượng hàng hóa của Mỹ có trị giá tương đương. Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế nhiều hơn nữa lên hàng hóa Trung Quốc – sẽ áp thuế lên thêm 267 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc, có nghĩa là hầu như lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc bán vào Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích kinh tế dự báo rằng cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến năm 2020.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-khong-the-dam-phan-thuong-mai-voi-my/4586111.html

 

TQ bị Mỹ tăng thuế,

các công ty châu Á chuyển nơi sản xuất

Ngày càng nhiều các nhà sản xuất ở châu Á chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nhà máy khác trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các công ty như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co., và Komatsu của Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch di chuyển sản xuất kể từ tháng 7 năm nay, khi vòng thuế đầu tiên được ban hành và công tác di dời khâu sản xuất hiện đang được tiến hành, đại diện các công ty và những người thạo tin cho Reuters biết.

Các công ty khác như công ty sản xuất máy vi tính Compal Electronics của Đài Loan và LG Electronics của Hàn Quốc đang có những kế hoạch bổ sung phòng trường hợp chiến tranh thương mại tiếp tục và sâu rộng hơn.

Đại diện các công ty và những nguồn khác tiết lộ tin này với điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Các công ty nhỏ hơn cũng đang thăm dò các giải pháp. Công ty sản xuất trang bị y khoa của Hàn Quốc IM Healthcare chuyên chế tạo các sản phẩm như máy lọc không khí cũng đang nghiên cứu việc chuyển sang Việt Nam hay về Hàn Quốc nếu cuộc chiến thương mại gia tăng cường độ, một nguồn tin biết trực tiếp vấn đề này cho hay.

Phản ứng nhanh chóng đối với thuế quan của Mỹ thực hiện được nhờ nhiều nhà sản xuất lớn có cơ sở tại nhiều nước và có thể chuyển ít nhất một phần sản xuất mà không cần xây thêm nhà máy.

Một số chính phủ, nhất là Đài Loan và Thái Lan, đang tích cực khuyến khích các công ty rời khỏi Trung Quốc.

Tại Đài Loan, chính phủ đang tích cực khuyến khích các công ty chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc. Tháng trước, Đài Loan hứa sẽ tăng tốc “Chính sách di chuyển về phía Nam” hiện có để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách khuyến khích các công ty chuyển các chuỗi cung cấp về Đông Nam Á.

Thái Lan cũng hy vọng hưởng lợi từ “luồng công nghệ và đầu tư rời khỏi Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại”, ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), Văn phòng Thái Lan, cho biết. Văn phòng này đang điều hợp một dự án trị giá 45 tỉ đô la để thu hút đầu tư vào Thái Lan.

Thuế quan đe dọa vai trò của Trung Quốc như một căn cứ sản xuất chi phí thấp. Sự thu hút của một thị trường tăng trưởng nhanh khiến các công ty thành lập những nhà máy và chuỗi cung cấp tại Trung Quốc trong vài thập niên qua.

Một số chính phủ châu Á hy vọng sẽ được lợi về kinh tế và chiến lược từ cuộc tranh chấp Mỹ-Trung.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-b%E1%BB%8B-m%E1%BB%B9-t%C4%83ng-thu%E1%BA%BF-c%C3%A1c-c%C3%B4ng-ty-ch%C3%A2u-%C3%A1-chuy%E1%BB%83n-n%C6%A1i-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t/4585887.html