Tin khắp nơi – 25/06/2019
Tổng thống Trump ban hành lệnh trừng phạt mới
đối với Iran
Tin Washington DC – Vào thứ Hai, 24 tháng 6, Tổng Thống Donald Trump đã công bố nhiều lệnh trừng phạt mới nhắm vào Iran, nhằm đáp trả vụ máy bay không người lái của Hoa Kỳ bị bắn rơi vào tuần trước.
Lệnh trừng phạt mới sẽ nhắm vào lãnh tụ tối cao Iran, Ngoại Trưởng Javad Zarif, cùng nhiều viên chức ngoại giao và quân sự. Lên tiếng tại Phòng Oval, ông Trump nói ông đã ký lệnh trừng phạt Iran, ngăn cản Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và nhiều viên chức nước này tiếp cận với các công cụ tài chính. Tổng Thống Trump nói, các lệnh trừng phạt mới là hành động đáp lại thái độ hiếu chiến của chính phủ Iran trong những tuần gần đây, bao gồm cả vụ bắn rơi máy bay Hoa Kỳ. Ông Trump thêm rằng Giáo chủ Ayatollah là người chịu trách nhiệm cao nhất cho các hành động của Iran, vì ông ta là người nắm quyền tại Iran và điều khiển lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi giáo.
Đáp lại, đài truyền hình chính phủ Iran IRNA nói rằng các lệnh trừng phạt là dấu hiệu của sự tuyệt vọng của Hoa Kỳ. Trước khi lệnh trừng phạt đượng thông báo, một viên chức cao cấp của Iran đã nói rằng, các lãnh đạo Tehran coi chiến tranh và các lệnh trừng phạt giống như hai mặt của một đồng tiền, và khẳng định Iran sẽ không bao giờ bị ép phải đàm phán.
Sau thông báo của Tổng Thống Trump, Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin thêm rằng lệnh trừng phạt mới sẽ đóng băng hàng tỷ Mỹ kim tài sản của Iran. Theo giới chuyên gia tài chính, Giáo chủ Ayatollah quản lý một đế chế kinh doanh trị giá khoảng 200 tỷ Mỹ kim, hoạt động trong các ngành nông nghiệp, năng lượng, địa ốc, và một số lĩnh vực khác. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-ban-hanh-lenh-trung-phat-moi-doi-voi-iran/
Mỹ, đồng minh Vùng Vịnh thảo luận về Iran
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 24/6 thảo luận về Iran và an ninh hàng hải với các đồng minh giàu có ở Vùng Vịnh trong chuyến viếng thăm khu vực sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi tấn công quân sự để trả đũa việc Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
Một giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ cho Reuters biết Hoa Kỳ đang xây dựng một liên minh với các đồng minh để bảo vệ con đường vận chuyển hàng hải Vùng Vịnh bằng cách “theo dõi các con tàu” tiếp sau những vụ tấn công gần đây nhắm vào các tàu dầu mà Washington quy trách Iran thực hiện.
Ông Pompeo đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sau khi gặp Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman tại Ả rập Xê-út để thảo luận về việc bảo vệ tàu bè trong vùng Vịnh.
“Tự do hàng hải là ưu tiên,” ông Pompeo viết trên Twitter tại thành phố Jeddah của Ả rập Xê-út.
Một giới chức cao cấp của Mỹ nói với báo giới trên đường đến Abu Dhabi rằng ông Pompeo và Hải quân Mỹ đang xây dựng một chương trình “Canh phòng” để “nghênh cản tích cực”. Nguồn tin này cho hay một liên minh các nước sẽ đóng góp cả vật chất lẫn tài chính, nhưng không nói nước nào.
Vẫn theo giới chức vừa kể “Điều Iran làm khi bắn rơi các máy bay không người lái của Hoa Kỳ, bắn vào các máy bay không người lái khác trong khu vực ngay cả khi không cần thiết trên Vùng Vịnh, bất cứ ở đâu, là để ngăn chúng ta theo dõi họ.”
Tehran phủ nhận bất cứ liên hệ nào đến các vụ nổ 6 con tàu, trong đó có hai tàu dầu của Ả rập Xê-út, gần Eo biển Hormuz, là nơi gần một phần năm lượng dầu thế giới đi ngang qua.
Nguồn tin của Reuters nói công cụ nghênh cản bao gồm các máy quay phim, ống nhòm và tàu bè, trong đó có tàu của Hoa Kỳ.
Ông Pompeo và Thái tử Mohammed nhắc lại rằng “hai nước kề vai sát cánh trong việc đối dầu với những hành vi thù nghịch của Iran và trong nỗ lực chống khủng bố”, Bộ truyền thông Ả Rập Xê-út loan báo.
Trong nhiều thập niên qua, Hoa Kỳ sử dụng Hạm đội 5 có căn cứ tại Bahrain để bảo vệ eo biển.
Hôm 24/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các nước khác trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản cũng nên bảo vệ tàu bè của mình tại đây.
Mối quan hệ giữa hai đối thủ kỳ cựu Iran và Hoa Kỳ đã trở nên xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 cách đây một năm. Thỏa thuận này đình chỉ chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng các chế tài.
Căng thẳng bùng phát sau các cuộc tấn công tàu dầu, sau việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước và những lần tấn công vào các phi trường Ả rập Xê-út và các kho dầu do các phần tử Houthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn thực hiện.
Mỹ-Ấn sắp ký thỏa thuận
chuyển giao công nghệ quốc phòng
Ấn Độ và Mỹ tiến gần đến việc ký một thỏa thuận an ninh quốc phòng cho phép chuyển giao công nghệ quốc phòng, nhiều nguồn tin cho Reuters biết hôm 24/6 trước các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại New Delhi để thăng tiến quan hệ chiến lược.
Tranh cãi về thương mại và những động thái bảo hộ mậu dịch đã leo thang giữa hai nước trong những tháng gần đây, nhưng những quan hệ quốc phòng với Washington vẫn vững mạnh vì Hoa Kỳ tìm cách xây dựng khả năng của Ấn Độ như một đối trọng với Trung Quốc.
Ấn Độ đã mua vũ khí của Mỹ trị giá hơn 15 tỉ đô la trong thập niên qua trong lúc nước này tìm cách thay thế vũ khí Nga và đang thảo luận về máy bay trực thăng, máy bay không người lái vũ trang và một kế hoạch lớn hơn của Ấn muốn sản xuất nội địa máy bay chiến đấu, trị giá tổng cộng nhiều tỉ đô la.
Để cho phép việc chuyển giao công nghệ sản xuất nội địa máy bay phản lực chiến đấu và những liên doanh khác, Hoa Kỳ tìm cách được Ấn Độ đảm bảo bảo vệ những thông tin và công nghệ mật.
Một dự thảo của thỏa thuận có tên Phụ lục An ninh Công nghiệp đã sẵn sàng và sẽ được trình ra Nội các Ấn Độ để được chấp thuận trong vài tuần tới, các nguồn thạo tin cho Reuters biết.
Đây là lần đầu tiên New Delhi thảo luận về một hiệp ước như vậy với bất kỳ nước nào dù rằng Hoa Kỳ đã có những thỏa thuận như thế với một vài nước, một trong những nguồn tin của Reuters cho hay.
Hai hãng Lockheed Martin và Boeing đang chạy đua để có được hợp đồng trị giá khoảng trên 15 tỉ đô la để cung cấp cho không quân Ấn Độ 114 máy bay chiến đấu thay thế cho đội bay đã già cỗi gồm các máy bay phản lực Mig 21 của Nga.
Các máy bay này sẽ được chế tạo trong nước trong khuôn khổ kế hoạch Chế tạo tại Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi nhằm cắt giảm nhập khẩu và xây dựng công nghiệp nội địa.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẽ đến Ấn Độ ngày 25/6 và sẽ thảo luận với Thủ tướng Modi và người tương nhiệm Subrahmanyan Jaishankar trong ngày kế tiếp.
Sau nhiều năm chần chừ, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận vào năm 2016 cho phép hai nước tiếp cận những căn cứ quân sự của nhau và một thỏa thuận thứ hai vào năm ngoái về việc thông tin quân sự.
Một thỏa thuận thứ ba về chia sẻ thông tin địa không gian vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi, nguồn tin của Reuters tiết lộ. Tất cả những thỏa thuận nền tảng này nhằm siết chặt hợp tác quân sự, vẫn theo Reuters.
Tổng thống Trump sắp thăm Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đi thăm Hàn quốc cuối tuần này giữa những hy vọng gia tăng về việc tái tục đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên sau khi lãnh đạo Mỹ-Triều trao đổi thư tín.
Tổng thống Trump sẽ đến thăm Hàn Quốc trong hai ngày bắt đầu hôm 29/6 và sẽ gặp Tổng thống Moon Jae-in hôm 30/6, tiếp theo hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Nhật Bản, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, bà Ko Min-jung cho biết hôm 24/6.
Loan báo này được đưa ra vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông hy vọng bức thư Tổng thống Trump gởi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ mở đường cho việc tái tục các cuộc đàm phán đã ngưng trệ kể từ khi cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim hồi tháng Hai năm nay thất bại.
Bà Ko nói tại một cuộc họp báo là ông Trump và ông Moon sẽ có những cuộc “thảo luận sâu rộng” về các phương thức cùng nhau làm việc để kiến tạo một nền hòa bình lâu dài.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc là ông Kim đã gởi lời chúc mừng sinh nhật ông. “Đây là một bức thư rất thân thiện. Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt đẹp,” ông Trump nói.
Nói về bức thư của ông Trump gởi cho ông Kim trước khi rời Washington hôm 23/6 để đi thăm Trung Đông và châu Á, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Washington sẵn sàng tái tục ngay tức khắc các cuộc thảo luận với Triều Tiên.
“Tôi hy vọng việc này sẽ giúp cho chúng ta một căn bản vững chắc để thảo luận với Triều Tiên,” ông Pompeo nói.
Ông Trump dự trù đi thăm Khu Phi Quân sự chia cách hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, một giới chức Hàn Quốc cho hay.
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn của Fox News cùng ngày 24/6, Trung tướng Robert Ashley, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói cộng đồng tình báo Mỹ không tin là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẵn sàng phi hạt nhân hóa.
Ván cờ hạt nhân Triều Tiên cần chiến lược mới
từ ông Trump và ông Kim
Cả Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cần có sự thay đổi về chiến lược nếu muốn tạo ra đột phá trong đàm phán phi hạt nhân.
Mỹ cần thay đổi chính sách với Triều Tiên như thế nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/6 đã gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn những mối đe dọa “bất thường và đặc biệt” từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Dù chỉ là động thái theo thông lệ nhưng quyết định lần này của Tổng thống Trump được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Theo nhà phân tích Adriana Nazarko của tờ National Interest, nhìn vào các phản ứng của Mỹ đối với chương trình hạt nhân Triều Tiên dễ thấy rằng Mỹ đã trải qua tất cả 5 giai đoạn: từ chối, giận dữ, mặc cả, thất vọng và từ chối thêm một lần nữa. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng Mỹ không thể trốn tránh được thực tế là Triều Tiên đã phát triển các khả năng cần thiết để sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Mỹ và những đồng minh quan trọng của Washington tại Châu Á.
Xét ở phương diện bề nổi, chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump dường như đã phát huy hiệu quả khi đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến bàn đàm phán với Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều lần thứ 1 vào năm 2018. Nhưng một số ý kiến cho rằng, nâng tầm chính sách này của Mỹ đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò trung gian hòa giải mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đảm nhiệm nhằm giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như sức bền bỉ chống chịu các lệnh trừng phạt của Triều Tiên hàng thập kỷ qua.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà phân tích đánh giá, đàm phán Mỹ-Triều được thực hiện là nhờ các nỗ lực ngoại giao có tính toán và sự tiếp xúc, liên lạc giữa nhiều bên liên quan, chứ không phải nhờ chính sách gây sức ép tối đa. Bởi thực tế cho thấy chính quan điểm cứng rắn, tái khẳng định mục tiêu của Washington là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) trên bán đảo Triều Tiên là một trong những nguyên nhân khiến Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt kết quả, khiến đôi bên cùng thất vọng vì thiếu tiến bộ trong đàm phán.
Mặc dù Tổng thống Trump sẵn sàng dành thời gian để chờ đợi một cơ hội đối thoại tốt hơn với Triều Tiên, nhưng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” từ thời cựu Tổng thống Obama mà chính quyền ông Trump tái áp dụng đang dẫn đến gia tăng căng thẳng do thiếu sự đối thoại và tiếp xúc tích cực giữa các bên.
Từ chối đàm phán với Triều Tiên cho đến khi quốc gia này từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là một chiến lược bất hợp lý bởi Bình Nhưỡng luôn có sự lựa chọn khác. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Putin có cuộc gặp Thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong Un vào tháng 4 vừa qua, trước đó Nga đã viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên 2.000 tấn lúa mì. Đây dường như là một thông điệp gửi đến Mỹ rằng: Nếu Mỹ không đàm phán với Triều Tiên thì Nga sẽ thế chân, thời điểm để xây dựng quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên chính là bây giờ.
Theo giới quan sát, Mỹ đang có một vị trí thuận lợi nhất định để thể hiện thiện chí xây dựng quan hệ đôi bên cùng có lợi với Triều Tiên, dần xóa bỏ những nghi ngại và bất đồng từng dẫn đến việc mất lòng tin kéo dài hàng thập kỷ qua. Bởi thiện cảm tốt đẹp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Trump sau hai Hội nghị Thượng đỉnh vẫn được duy trì. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 23/6 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa nhận được một bức thư cá nhân của Tổng thống Trump. Ông Kim Jong Un mô tả bức thư rất “tuyệt vời” và rất “hài lòng” khi đọc thư, nhưng không tiết lộ nội dung cụ thể. Trước đó, hồi đầu 6/2019, ông Trump thông báo đã nhận lá thư “ấm áp” từ ông Kim và tuyên bố sắp có những điều tích cực từ Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Adriana Nazarko cho rằng, trong thời gian tới, bước đầu tiên mà Washington nên thực hiện là thiết lập một kênh liên lạc chính thức như văn phòng liên lạc chung Mỹ-Triều Tiên vì điều này sẽ giúp tránh mọi hiểu lầm có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa các bên. Tiếp đến, nếu Mỹ tham gia đối thoại với Triều Tiên, chính sách của Mỹ phải chuyển
từ trọng tâm phi hạt nhân hóa sang sứ mệnh gìn giữ hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực. Buông bỏ cơ hội này chỉ bởi những nhân vật có lập trường cứng rắn, bảo thủ ở Washington là điều rất đáng tiếc và nếu Mỹ không hành động, quốc gia khác sẽ thế chân.
Cuối cùng, Mỹ cần phải tập trung giảm bớt những lo ngại an ninh chính của phía Triều Tiên. Chẳng hạn để đổi lấy việc giảm bớt cường độ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Washington có thể thúc đẩy việc đàm phán 3 không: 1. Không có vũ khí mới; 2. Không có vũ khí tốt hơn; 3. Không chuyển giao công nghệ hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân. Việc giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin cần phải được thực hiện từ những bước đi nhỏ đi kèm với các nhượng bộ lớn hơn.
Triều Tiên điều chỉnh chiến lược đàm phán
Còn với Triều Tiên, liệu quốc gia này sẽ điều chỉnh lại chiến lược đàm phán sau thất bại tại Hà Nội? Nhà phân tích Daminov Ildar của tờ The Diplomat nhận định, để trả lời câu hỏi này, điều cần thiết là phải hiểu bản chất mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Triều Tiên. Mục tiêu dài hạn của giới tinh hoa Triều Tiên là đảm bảo sự tồn tại của nhà nước Triều Tiên. Với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, chương trình hạt nhân là sự bảo đảm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài, giúp làm dịu đi những quan ngại chính về an ninh của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, bất chấp việc tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân và có một quân đội thiện chiến, họ không muốn chiến tranh. Triều Tiên dù không hài lòng với kết quả tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 song vẫn để ngỏ tín hiệu đàm phán. Tuy nhiên, lần này Bình Nhưỡng có vẻ như đang thay đổi về chiến lược.
Trước hết, Triều Tiên đang cố gắng giành được sự ủng hộ chính trị trước vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ. Nước này thường xuyên tham vấn với Nga và Trung Quốc nhằm giảm bớt sức ép về kinh tế và để ứng phó với Tổng thống Trump – một người không dễ đoán định. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin và mới đây nhất là cuộc tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi nhanh chóng do chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc có thể tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Điều này giúp Bình Nhưỡng phần nào giảm bớt áp lực kinh tế.
Thứ hai, có nhiều cơ hội ngoại giao Triều Tiên có thể tận dụng để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Chẳng hạn như Hàn Quốc đang xem xét khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thứ 4 giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in. Nếu hội nghị này điễn ra tại Seoul, sẽ có thể thúc đẩy cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ làm dịu lập trường đối với Seoul, đồng thời phát động một chiến dịch “tấn công quyến rũ” bởi nước này cần Seoul làm trung gian hòa giải. Các dấu hiệu đầu tiên về một lập trường mềm mỏng hơn với Hàn Quốc đã được thể hiện trên báo chí Triều Tiên. Sau nhiều tuần chỉ trích Hàn Quốc vì cho rằng nước này đã có sự can thiệp “không cần thiết” đối với cuộc đàm phán Mỹ-Triều, những bài viết với nội dung này đột nhiên dừng lại. Thay vì đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên đã có bái viết ca ngợi các thỏa thuận liên Triều, đánh dấu một sự thay đổi trong chiến dịch truyền thông.
Theo các nhà quan sát, bất chấp hoàn cảnh khách quan và chủ quan, điều quan trọng là các bên không mất đi động lực đàm phán. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ một phần.
Ông Andrei Lankov, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về Triều Tiên nhận xét rằng, Mỹ có thể từ bỏ thực hiện ý tưởng về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược bởi ông Trump hiểu rõ cách tiếp cận này không đem lại kết quả. Tuy nhiên, trái với sự linh hoạt của ông Trump, các thành viên chủ chốt trong chính quyền lại có phần bảo thủ hơn. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đặc biệt không hài lòng với ý tưởng này, ít nhất là theo các đánh giá của Triều Tiên.
Trước một nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán định, Triều Tiên sẽ không thể sử dụng chiến lược cổ điển là răn đe hạt nhân trong khi vẫn mở cửa đàm phán như trước. Còn Mỹ, bằng cách phối hợp cách tiếp cận với Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn trong ứng phó với chiến lược ngoại giao mới của Bình Nhưỡng
Donald Trump mở rộng mặt trận chống Trung Quốc
Mặt trận chống ảnh hưởng của Trung Quốc đang được Mỹ mở rộng thêm. Le Figaro, trên mục Câu chuyện trong ngày, cho biết « Washington đang cố đánh bật Trung Quốc khỏi đảo chiến lược Groenland ».
Vụ việc bắt đầu bằng dự án mở rộng các sân bay quốc tế Nuuk, Illulissat và Qaqortoq, ước tính tổng trị giá công trình lên đến 483 triệu euro. Thế nhưng việc, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc China Communications Construction Company CCCC đã trúng sơ tuyển năm 2018, đã khiến cho chính quyền Copenhague và Washington lo ngại.
Tuy Groenland là vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch ở Bắc Cực nhưng nơi đây lại là sân sau chiến lược, nơi đồn trú một khu căn cứ radar của Mỹ. Do vậy, với Washington không có chuyện để « kẻ lạ » Trung Quốc xích lại gần khu vực này.
Hoa Kỳ vội vã cam kết « đầu tư không chỉ trong các dự án cảng hàng không mà cả trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu và du lịch », theo như quan sát của nhà nghiên cứu Jon Rahbek-Clemensen. Về phần mình, chính quyền Copenhague – thường tránh can thiệp vào chuyện nội bộ đảo Groenland – cũng thông báo hỗ trợ 215 triệu euro cho dự án.
Kết quả là tập đoàn Trung Quốc « đã biện minh việc rút lui khỏi dự án do những khó khăn về xin visa nhập cảnh cho các kỹ sư ». Ông Jon Rahbek-Clemensen tin rằng ảnh hưởng của Washington đã không để cho Trung Quốc có cơ hội chiếm lấy thị trường.
Siêu máy tính, thiết bị 5G của Trung Quốc : Nạn nhân mới ?
Sau các thiết bị của Hoa Vi, chính quyền Washington tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ khác. Theo Le Figaro, « Hoa Kỳ tấn công các siêu máy tính của Trung Quốc ».
Thứ Sáu, 21/06/2019, bộ Thương Mại Mỹ thông báo đưa thêm 5 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc vào « danh sách đen ». Những doanh nghiệp này không được phép giao thương với các tập đoàn Mỹ với lý do đây là những công ty tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hại an ninh quốc gia và các lợi ích đối ngoại của Mỹ.
Trong số này có hãng Sugon, một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại siêu máy tính Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ quân sự cho đến cả dự báo thời tiết ; một hãng liên doanh Mỹ – Trung, đặc biệt là Viện nghiên cứu Vô Tích Giang Nam (Wuxi Jiagnan), trực thuộc quân đội, được cho là có vai trò quan trọng trong chương trình « hiện đại hóa quân đội Trung Quốc ».
Việc đưa thêm những doanh nghiệp này vào danh sách đen cho thấy mạng 5G không chỉ là mối bận tâm duy nhất của Mỹ. Những chiếc siêu máy tính cực mạnh này được sử dụng rất nhiều trong nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và điện toán lượng tử, hai lĩnh vực rất được ưa chuộng và quan trọng cho tương lai các ngành công nghệ mới. Đối với Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác, việc làm chủ những chiếc máy này là một thách thức chính trị thật sự.
Liên quan đến công nghệ mạng 5G, Les Echos cho biết thêm « Hoa Kỳ không muốn 5G ʺMade in Chinaʺ ». Nhật báo kinh tế trích dẫn thông tin từ tờ Wall Street Journal cho hay Washington rất có thể sẽ cấm các trang thiết bị 5G sản xuất ở Trung Quốc, hiện đang được triển khai trên các mạng lưới viễn thông của Mỹ.
Nếu lệnh cấm này được thông qua, đây sẽ là một « bước ngoặt » trong chuỗi « dây chuyền cung ứng » của các nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông. Ericsson và Nokia cũng như là Samsung, có nguy cơ phải di dời một phần các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc sang một số nước khác để có thể tiếp tục cung cấp thiết bị cho thị trường Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190625-donald-trump-mo-rong-mat-tran-chong-trung-quoc
Donald Trump sẽ gặp Tập Cận Bình bên lề G20
Bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) khai mạc vào thứ Sáu 28/6/2019, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo các nước và đặc biệt là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một quan chức Mỹ hôm 24/06/2019 cho biết như trên.
Ông Trump sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Đức, Nhật, Úc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út bên lề hội nghị. Riêng cuộc gặp rất được chờ đợi với ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy 29/06.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, ông Trump coi cuộc trao đổi với ông Tập là dịp để biết được quan điểm của Bắc Kinh về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Mỹ tỏ ra « thoải mái » về mọi khả năng sau cuộc gặp này. Một viên chức khác nói rằng tổng thống Trump « rất rõ ràng, ông muốn có những thay đổi thực sự về cơ cấu ở Trung Quốc trong một số vấn đề và một số lãnh vực, thế nhưng không có gì thay đổi cả ».
Hôm qua các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc điện đàm, sau sáu tuần lễ không liên lạc, mà theo Tân Hoa Xã là « theo yêu cầu của phía Mỹ ». Trong cuộc nói chuyện này, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, đại diện thương mại Mỹ Robert Lightizer, bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã « trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế và thương mại », và hai bên thỏa thuận duy trì mối liên lạc.
Thị trường tài chính Trung Quốc hôm nay tiếp tục chao đảo, do căng thẳng Mỹ-Iran, và thông tin trên Washington Post về việc Mỹ đang điều tra ba ngân hàng nhà nước Trung Quốc do vi phạm lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Các thị trường Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến đều sụt giảm.
http://vi.rfi.fr/phap/20190625-donald-trump-se-gap-tap-can-binh-ben-le-g20
Luật sư của Mạnh Vãn Châu
yêu cầu Canada chớ xúc tiến dẫn độ
Luật sư của bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính công ty Huawei Trung Quốc đang bị giam tại Vancouver vì bị Hoa Kỳ cáo buộc gian lận, hôm 24/6 yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Canada cứu xét rút lại thủ tục dẫn độ.
Bà Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei, bị bắt tại Vancouver vào tháng 12 năm ngoái vì bị Mỹ cáo cuộc gian dối trong mối liên hệ giữa Huawei với một công ty ở Iran. Hoa Kỳ cáo buộc bà Mạnh và công ty Huawei lừa dối các ngân hàng về các quan hệ của công ty để chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng quốc tế, dù có cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran.
Bà Mạnh nói bà vô tội và Huawei không nhận tội tại một Tòa án New York vào tháng 3 năm nay.
Trước đây trong tháng, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freedom bác bỏ đề nghị Ottawa ngăn chặn dẫn độ, nói rằng không có chuyện can thiệp chính trị trong vụ này và làm như vậy sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm.
Ngày 24/6, các luật sư Canada của bà Mạnh nói họ đã gởi đến Bộ trưởng Tư pháp Canada thông tin làm sáng tỏ căn bản pháp lý để rút lại tiến trình dẫn độ.
Trong tuyên bố, các luật sư Canada của bà Mạnh nói “tiến trình dẫn độ không có căn cứ pháp lý” và chấm dứt tiến trình này là tốt nhất đối với Canada.
Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Canada không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trung Quốc đã yêu cầu Canada trả tự do cho bà Mạnh. Sau khi bà bị bắt, Bắc Kinh đã giam giữ hai người Canada về tội gián điệp. Trung Quốc cũng ngăn chặn việc nhập khẩu hạt canola của Canada và Thủ tướng Justin Trudeau nói ông lo ngại sẽ có thêm những vụ trả đủa nữa.
Các luật sư nói việc dẫn độ bà Mạnh có mục đích chính trị hơn là những lý do thi hành luật pháp.
Vụ án của bà Mạnh và Huawei, công ty sản xuất trang bị viễn thông lớn nhất thế giới, làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington giữa lúc hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang có cuộc chiến thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ can thiệp nếu việc này giúp đạt được một thỏa thuận.
Chống di dân :
Mêhicô đưa 15.000 quân lên biên giới phía bắc
Mêhicô cho biết huy động quân đội và vệ binh quốc gia gần 15.000 người lên vùng biên giới phía bắc để ngăn chận các đoàn di dân từ Trung Mỹ, tìm cách vượt biên giới sang Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo ngày 24/06/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Mêhicô cho biết đã điều động quân đội tiếp sức với nhân viên di trú nhằm kiểm soát di dân nhập cư bất hợp pháp mượn đường sang Mỹ.
Theo thỏa thuận với Mỹ hồi đầu tháng 6, Mêhicô có 45 ngày để chứng tỏ hiệu năng của các biện pháp ngăn chận các đoàn di dân đến từ Trung Mỹ, hầu tránh lệnh trừng phạt áp thuế của tổng thống Donald Trump.
Sau khi huy động 6500 vệ binh quốc gia xuống phía nam, kiểm soát vùng biên giới với Guatemala, Mêhicô phối trí lực lượng thứ hai 15.000 binh sĩ ở vùng biên giới với Mỹ.
Theo AFP, hiếm khi Mêhicô huy động quân đội kiểm soát di dân. Nhưng theo bộ trưởng Quốc Phòng Luis Cresencio Sandoval, công chức nhân viên di trú cần được quân đội hỗ trợ trong các chiến dịch truy tìm các đoàn di dân có khi lên đến vài trăm người.
Cơ quan di trú của Mêhicô cho biết là Hoa Kỳ đã tăng tốc gửi trả di dân về Mêhicô. Mỗi ngày đều có di dân bị trục xuất từ thành phố biên giới El Paso, bang Texas, về Ciudad Juaez ở Mêhicô.
Reuters cho biết thêm, đợt nắng nóng đang diễn ra đã làm cho ít nhất 7 di dân thiệt mạng. Trong số 7 thi hài được phát hiện ở gần biên giới Texas có một phụ nữ, hai trẻ con và một bé sơ sinh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190625-chong-di-dan-mehico-dua-15000-quan-len-bien-gioi-phia-bac
LHQ: Hong Kong
nên tham khảo rộng rãi về luật dẫn độ
Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet ngày 24/6 thúc đẩy nhà cầm quyền Hong Kong “tham khảo rộng rãi” trước khi thông qua hay tu chính luật dẫn độ hay bất cứ văn kiện pháp lý nào.
Dự luật dẫn độ tại Hong Kong đã khơi mào biểu tình kéo dài nhiều tuần nay. Những cuộc biểu tình rầm rộ chống lại dự luật đã làm cho thành phố này lâm vào cuộc khủng hoảng, đặt ra một thách thức lớn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2012.
Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hoãn dự luật cho phép những nghi can hình sự tại cựu thuộc địa Anh này bị dẫn độ về Hoa Lục để xét xử, nhưng một số nhà hoạt động kêu gọi bà hủy hoàn toàn dự luật này.
Bà Bachelet khen ngợi quyết định của nhà cầm quyền Hong Kong hoãn việc thông qua dự luật để đáp ứng với ‘hoạt động dân sự rầm rộ của một phần lớn dân chúng.’
“Tôi khuyến khích nhà cầm quyền tham khảo rộng rãi trước khi thông qua hay tu chính dự luật này hay bất cứ luật nào khác,” bà Bachelet nói với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong phiên khai mạc cuộc họp kéo dài 3 tuần tại Geneva.
Bà Bachelet cho hay bà tiếp tục nêu lên các vấn đề liên hệ đến Tân Cương và những vấn đề khác với Trung Quốc và những cuộc thảo luận bao gồm việc tiếp cận không bị ngăn cản khu vực phía tây Trung Quốc.
Các chuyên gia Liên hiệp quốc và những nhà hoạt động nói có khoảng một triệu người sắc tộc Uighur và những người Hồi Giáo khác bị giam trong những trung tâm giam giữ tại Tân Cương. Trung Quốc bị quốc tế lên án vì thành lập những trung tâm giam giữ phức hợp mà Bắc Kinh gọi là “trung tâm huấn luyện giáo dục” và nói hành động này nhằm chặn đứng chủ nghĩa cực đoan và trang bị cho người dân kỹ năng mới.
Trung Quốc, một thành viên của diễn đàn gồm 47 quốc gia, thường cương quyết chặn chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của họ trong các phiên họp, theo các nhà ngoại giao và các nhà hoạt động.
LHQ tố cáo Miến Điện vi phạm nhân quyền
khi cắt internet
Việc cắt internet tại một phần lãnh thổ Miến Điện có thể coi là « vi phạm nhân quyền trầm trọng », ở khu vực mà các chiến dịch của quân đội đã làm cho hàng trăm ngàn người Rohingya phải di tản. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee hôm nay 25/06/2019 cảnh báo như trên.
Bà Yanghee Lee bày tỏ sự lo ngại cho các thường dân tại đây, và kêu gọi tái lập internet ngay lập tức. Theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, các « hoạt động truy quét của quân đội có thể là cái cớ cho việc vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với thường dân », nêu ra các tội ác đã phạm với người Rohingya năm 2017.
Bộ Giao thông và Thông tin Miến Điện từ thứ Sáu 21/6 đã ra lệnh cho tất cả các nhà mạng phải cắt liên lạc điện thoại di động tại 9 vùng thành thị của bang Rakhine và bang Chin láng giềng, trong thời gian vô hạn định. Chính quyền nêu lý do « rối loạn trật tự xã hội và sự phối hợp các hoạt động bất hợp pháp ».
Rất ít cư dân có được máy tính, và việc cắt thông tin di động khiến họ bị mất liên lạc với thế giới bên ngoài.
Từ nhiều tháng qua, bang Rakhine – nơi sinh sống của hàng trăm ngàn người thiểu số Rohingya – liên tục xảy ra các trận đánh giữa quân đội Miến Điện và phe nổi dậy Quân đội Arakan (AA). Rangoon đưa hàng ngàn binh lính đến đây, và các vụ đụng độ đã khiến ít nhất 35.000 người phải đi lánh nạn. Khoảng mấy chục người dân đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích, kể cả tại các cơ sở tôn giáo nơi họ trú ẩn.
Hồi cuối tháng Năm, Amnesty International tố cáo quân đội Miến Điện phạm « tội ác chiến tranh » với các vụ hành quyết bừa bãi, tra tấn tại bang Rakhine. Trên 740.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh trước bạo lực của quân đội, mà các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đánh giá là « diệt chủng ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190625-lien-hiep-quoc-to-cao-mien-dien-vi-pham-nhan-quyen-khi-cat-internet
Châu Âu khuyến cáo
Iran chớ có giảm cam kết hạt nhân
Pháp, Anh và Đức gởi khuyến cáo ngoại giao chính thức cảnh báo Iran về những hậu quả nghiêm trọng phải đối mặt nếu giảm bớt tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015, Reuters dẫn tin từ giới ngoại giao châu Âu cho biết hôm 24/6.
Ba nhà ngoại giao cho hay các nước châu Âu ký thỏa thuận đã đưa một lời phản kháng ngoại giao chính thức vào ngày 22/6. Hai trong số ba nhà ngoại giao ẩn danh này nói rằng việc liên lạc này nhằm cảnh báo Iran chớ có giảm bớt cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân. Hiện chưa rõ Iran phải chịu những hậu quả gì nếu không tuân thủ.
Iran từng tuyên bố các cường quốc châu Âu phải cứu vãn thỏa thuận hạt nhân trước thời hạn chót là vào ngày 8/7, đồng thời đe dọa sẵn sàng tiến hành tinh chế uranium lên một mức cao mới nếu châu Âu không thể che chắn cho Iran khỏi các chế tài của Mỹ.
Động thái của các nước châu Âu chứng tỏ sự bất bình ngày càng tăng đối với Iran khi Tehran trao gánh nặng cho các nước này làm nhiều hơn để che chở Iran khỏi những chế tài có tác dụng làm tê liệt nước này.
“Họ đã chọn một phương thức chiến lược đổ lỗi cho các nước châu Âu về tất cả mọi việc,” một nhà ngoại giao nói. “Iran càng làm những chuyện vi phạm thỏa thuận, thì chúng tôi càng giảm nỗ lực giúp họ, đây là một chu kỳ tệ hại.”
Hiện chưa rõ Iran đáp ứng như thế nào đối với sự vận động của châu Âu, dù Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi được truyền hình nhà nước Iran ngày 23/6 trích lời nói rằng sẽ không rút quyết định giảm bớt những cam kết.
Ba cường quốc châu Âu, cùng với Nga và Trung Quốc cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và tái áp đặt những chế tài làm thiệt hại nặng nề nền kinh tế Iran.
Trong số các bước châu Âu áp dụng là thành lập một cơ chế thương mại có giới hạn tạo điều kiện cho các nước tiếp tục giao thương với Iran ngoài phạm vi các chế tài của Mỹ. Tuy nhiên cơ chế này chưa hoạt động.
Các giới chức Iran chưa bình luận về việc này.
Anh đòi hỏi điều tra độc lập
về bạo lực cảnh sát ở Hồng Kông
Chính phủ Anh hôm nay 25/06/2019 yêu cầu mở điều tra độc lập về các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông, đồng thời ngưng việc xuất khẩu thiết bị an ninh sang đặc khu này.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố với các nghị sĩ là ông « rất quan ngại » về tình hình Hồng Kông, cho biết đã đề nghị chính quyền đặc khu mở các cuộc điều tra nghiêm túc về các vụ bạo động đã xảy ra. Ông Hunt khẳng định sắp tới chỉ xem xét việc cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí sau khi có kết quả điều tra.
Giấy phép được cấp gần đây nhất để xuất khẩu lựu đạn cay dùng cho việc huấn luyện cảnh sát Hồng Kông là vào tháng 07/2018, còn đạn cao su vào tháng 07/2015, trong khi việc xuất khẩu khiên cho cảnh sát chống bạo động đã bị Luân Đôn từ chối tháng 4/2019.
Trong các cuộc xuống đường phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, khoảng 80 người đã bị thương tại cựu thuộc địa Anh. Việc cảnh sát dùng bạo lực tấn công người biểu tình ôn hòa đã gây phẫn nộ cho dư luận.
Vận động đăng quảng cáo nhằm ủng hộ Hồng Kông ở G20
Các nhà hoạt động Hồng Kông hôm nay 25/06/2019 đã nhận được trên 5 triệu đô la Hồng Kông (trên 640.000 đô la) chỉ sau vài tiếng đồng hồ kêu gọi, để đăng quảng cáo trên các tờ báo quốc tế lớn nhằm thúc giục lên tiếng ủng hộ cuộc chiến đấu của người dân đặc khu, tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Các sơ thảo quảng cáo đăng trên trang web của chiến dịch có nội dung « Hiện nay chúng tôi cần sự hỗ trợ của quý vị : hãy giúp cho tiếng nói của chúng tôi được các sứ quán và lãnh sự của quý vị lắng nghe », « Chúng tôi sẽ được cứu giúp nếu các bạn hành động ngay bây giờ »…
Những người phản kháng dự định tuần hành trong im lặng vào ngày mai 26/6 trước các lãnh sự quán nước ngoài ở Hồng Kông để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới về tình hình đặc khu, trước hội nghị G20. Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Trương Quân (Zhang Jun) trước đó tuyên bố Bắc Kinh sẽ không cho phép các quốc gia thành viên G20 thảo luận về Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190625-anh-doi-hoi-dieu-tra-doc-lap-ve-bao-luc-canh-sat-o-hong-kong
Anh Quốc :
Boris Johnson đáp lại những lời chỉ trích
Ông Boris Johnson, ứng cử viên có triển vọng nhất trong cuộc chạy đua giành chức chủ tịch đảng Bảo Thủ, hôm qua 25/06/2019 đã lên tiếng đáp lại những lời chỉ trích. Bị cho là không dám đối mặt với truyền thông và với đối thủ Jeremy Hunt, cựu ngoại trưởng Anh đã trả lời phỏng vấn đài BBC.
Trong cuộc phỏng vấn này, Boris Johnson phản pháo những người chỉ trích về kế hoạch của ông cho Brexit, cũng như về vụ cãi vã dữ dội với vợ vào cuối tuần trước, mà cho tới nay vẫn gây nhiều bàn tán trên báo chí Anh.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
« Tất cả đều cài số lùi : êkíp tranh cử của ông Boris Johnson cho tới nay vẫn cố bao che để báo chí không biết được những sơ hở của ứng cử viên của họ, nay họ đã thay đổi chiến lược sau khi nhận thấy gió đã xoay chiều.
Trước hết là những đòn tấn công ngày càng dồn dập từ phía đối thủ Jeremy Hunt. Hôm thứ Hai, ông Hunt nói với Johnson : Đừng làm kẻ hèn, mà hãy hành xử như một người đàn ông. Ông Hunt còn chê Johnson là nhát khi từ chối tranh luận với ông trên đài truyền hình Sky News. Cuộc tranh luận dự trù cho hôm nay đã bị hủy.
Nhưng đáng nói hơn hết là vụ cãi vã dữ dội giữa Johnson với vợ, một đề tài vẫn chiếm trang nhất các báo. Đáp lại những tin đồn cho rằng cuộc sống vợ chồng ông đang gặp sóng gió, Boris Johnson và Carrie Symonds cuối tuần qua đã để báo chí chụp hình hai người tươi cười nhìn nhau trong một khung cảnh nên thơ.
Nhưng việc dàn cảnh cuộc sống riêng của hai vợ chồng Johnson khiến ông bị chỉ trích là đạo đức giả, vì cho tới nay, cựu ngoại trưởng Anh vẫn tuyên bố không muốn báo chí đụng đến những người thân của ông.
Để hạn chế thiệt hại cho uy tín của ông, ứng cử viên Johnson đã trả lời phỏng vấn đài BBC tối hôm qua, trong đó ông bảo vệ kế hoạch của ông về việc thương lượng lại thỏa thuận Brexit và đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/10. Nhưng trước những câu hỏi hóc búa của một nữ phóng viên dày dặn kinh nghiệm, ông Johnson chỉ đưa ra những câu trả lời mơ hồ, rối mù, ngược với những lời hứa trước đây, gây khó khăn cho quan hệ tương lai với Bruxelles và với Quốc Hội Anh, nếu ông được các đảng viên đảng Bảo Thủ bầu làm chủ tịch.»
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190625-anh-quoc-boris-johnson-dap-lai-nhung-loi-chi-trich
Paris : Triển lãm 100 năm phim ‘‘đồng tính’’
Nhân dịp tuần lễ của cộng đồng LGBT tại Paris, với cuộc tuần hành La Marche des Fiertés (Paris Pride) vào hôm thứ Bảy 29/06/2019, Tòa Đô chính Paris đã cùng với Viện lưu trữ phim ảnh Pháp tổ chức cuộc triển lãm miễn phí nhìn lại ‘‘100 năm điện ảnh cầu vồng’’.
Mang tựa đề “Champs d’amours, 100 ans de cinéma arc-en-ciel”, cuộc triển lãm diễn ra từ 25/06 đến 28/09/2019 tại phòng Saint Jean ở Tòa Đô chính Paris quận 4, tập hợp ảnh chụp, trang phục sân khấu, dụng cụ hóa trang, bên cạnh các video clip, 10 bộ phim ngắn nguyên tác cũng như các trích đoạn từ 95 bộ phim. Ngoài ra, còn có các văn bản như kịch bản phim thời được phát hành, áp phích chính gốc, sách báo và các tài liệu lưu trữ chưa từng được công bố …..
‘‘100 năm điện ảnh cầu vồng’’ nhìn lại đề tài đồng tính trong suốt quá trình phát triển của nghệ thuật thứ bảy. Đâu là điểm chung giữa các bộ phim Thelma & Louise của Ridley Scott, La Ley del Deseo của Pedro Almodovar, Billy Elliott của Stephen Daldry hay là La vie d’Adèle của Abdellatif Kechiche. Ngoài là các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, các bộ phim này trong tuyến truyện chính đều ít nhiều đề cập đến chủ đề ‘‘đồng tính’’ (hiểu theo nghĩa rộng nhất trong thuật ngữ LGBT, gồm cả lưỡng tính và chuyển đổi giới tính) tiêu biểu qua bộ phim ‘‘The Crying Game’’ của đạo diễn Neil Jordan.
Với thời gian, những tác phẩm này trở nên tiêu biểu cho giới đồng tính nói riêng, cộng đồng LGBT nói chung (giờ đây gọi là LGBTQ+), do nội dung thể hiện sự đa dạng của các định hướng giới tính, chỉ bắt đầu phổ biến qua phim ảnh cũng như văn hóa dòng chính (mainstream) trong những thập niên gần đây. Sở dĩ cuộc triển lãm chọn 100 năm làm cột mốc tiêu biểu, bởi vì các tác phẩm đầu tiên đề cập đến đề tài đồng tính là những bộ phim truyện thực hiện vào năm 1919.
Cuộc triển lãm chọn điểm khởi hành là bộ phim ‘‘Autre que les Autres’’ của hai đạo diễn Đức Richard Oswald et Magnus Hirschfeld. Bộ phim này tựa như một bản tuyên ngôn chống lại điều 175 trong Bộ luật hình sự của Đức thời bấy giờ, phạt án tù giam đối với những ai có quan hệ đồng tính. Thời Đức Quốc Xã, các nhà đạo diễn buộc phải sống lưu vong, hầu hết các thước phim đều bị thiêu hủy, ngoại trừ một phiên bản bị thất lạc rồi được tìm thấy tại Ukraina.
Cũng vào khoảng thời kỳ 1918-1919, đạo diễn Đức Ernst Lubitsch thực hiện bộ phim mang tựa đề ‘‘I don’t want to be a man ’’. Tác phẩm này cũng chìm vào quên lãng sau khi đạo diễn Ernst Lubitsch rời nước Đức sang Hoa Kỳ lập nghiệp, nhưng sau đó bản gốc đã được tìm lại và nay Viện lưu trữ phim ảnh Pháp (Cinémathèque Française) có cất giữ một phiên bản. Một bộ phim khác ‘‘Viktor und Viktoria’’ của đạo diễn Đức Reinhold Schunzel cũng đã thành công vào năm 1933 và mãi tới hơn nửa thế kỷ sau, tác phẩm mới được đạo điễn Mỹ Blake Edwards phóng tác thành bộ phim ca nhạc ‘‘Victor & Victoria’’ từng đoạt Oscar và nhiều giải thưởng lớn vào năm 1982.
Tuy nhiên, ngoại trừ càc trường hợp này ra, trong một thời gian dài ít nhất là nửa thế kỷ, đề tài đồng tính đã bị kiểm duyệt gắt gao, nhất là vào thời Hollywood áp dụng triệt để các quy tắc đạo đức trong phim ảnh thông qua bộ luật ‘‘Hays Code’’, các nhân vật đồng tính hay lưỡng tính bị cấm hẳn trên màn ảnh. Đề tại này chỉ bắt đầu xuất hiện rồi phát triển qua phim ảnh từ giữa những năm 1960, phần lớn nhờ vào cuộc ‘‘cách mạng tình dục’’ tại các nước Âu Mỹ từ thập niên 1960 đến 1970.
Cũng như các quyển tiểu thuyết văn học, các tác phẩm điện ảnh có thể tác động mạnh mẽ đến công chúng. Tuy nhiên, trong vòng 50 năm, đề tài đồng tính vẫn ở trong bóng tối, các kịch bản điện ảnh bị giấu kín trong ngăn tủ. Vào tháng 6 năm 1969, tức cách đây đúng 50 năm, vụ cảnh sát Mỹ đàn áp giới gay, đã châm ngòi cho vụ nổi loạn Stonewall, sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT qua các cuộc tuần hành lần lượt diễn ra tại các thành phố lớn ở Âu Mỹ. Phong trào này nhiều thập niên sau đó, mới lan rộng ra các châu lục khác.
Tuy nhiên, màn ảnh lớn không phản ánh đầy đủ những biến chuyển này, ngoại trừ các tác phẩm như Teorema của Pasolini (1968), Mort à Venise của Luchino Visconti (1971) hay là The Rocky Horror Picture Show của Jim Sharrman (1975), phim đồng tính thời ấy chỉ được đếm trên đầu ngón tay, như thể các nhà làm phim vẫn còn rất rụt rè, còn giới sản xuất thì vẫn lúng túng khi phải đề cập tới những đề tài nhạy cảm. Bộ phim Pháp ‘‘La Cage aux Folles’’ (The Bird Cage) ở Pháp vẫn là một trường hợp ngoại lệ. Tuy rất thành công, nhưng phim vẫn không phản ánh các vấn đề thiết thực của cộng đồng LGBT, một lối tiếp cận khác hẳn với các tác phẩm sau này như ‘‘L’inconnu du Lac’’ (Kẻ lạ bên bờ hồ) của tác giả Pháp Alain Guiraudie hay là ‘‘Cuộc đời của Adèle’’ (Blue is the warmest color) của dạo diễn Abdellatif Kechiche.
Bước ngoặt trong lãnh vực này đến từ những năm 1980 qua dòng phim của Pedro Almodovar mà ngay từ bộ phim ‘‘Tiếng gọi của dục vọng’’ (La Ley del Deseo 1986) đã chọn giấc mơ đi tìm hạnh phúc của các cộng đồng thiểu số làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của ông. Nụ hôn của Nàng Nhện (The Kiss of Spider Woman 1985) của đạo diễn Brazil gốc Argentina Hector Babenco cũng là một cú sốc điện ảnh, với lối nhập vai xuất thần của Willliam Hurt. Tại Anh, nếu như Ken Loach muôn thuở đưa ‘‘đấu tranh giai cấp’’ vào phim của mình, thì các tác giả khác như Stephen Frears, Neil Jordan, Stephen Daldry và gần đây hơn nữa là Matthew Warchus đều ít nhiều đề cập tới chủ đề đồng tính.
Làn sóng điện ảnh châu Á từ những năm 1990 cũng xuất hiện trên bảng vàng của các liên hoan phim quốc tế đặc biệt là Toronto, Berlin, Venise hay Cannes và trong số các tác phẩm đoạt giải, một vài bộ phim cũng đặc biệt nói về đề tài đồng tính như ‘‘Hạng Võ biệt Ngu Cơ’’ (Farewell my concubine) của Trần Khải Ca, ‘‘Memento Mori’’ của đạo diễn Hàn Quốc Kim Tae-yong, ‘‘Bangkok Love Story’’ của đạo diễn Thái Lan Poj Arnon hay là phim cổ trang ‘‘Tabou’’ của đạo diễn Nhật Bản Nagisa Oshima.
Về điểm này, người đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục vẫn là đạo diễn gốc Đài Loan Lý An (Ang Lee). Vào năm 1993, ông đoạt giải Gấu vàng tại liên hoan Berlin nhờ bộ phim với đề tài đồng tính ‘‘Tiệc cưới’’ (The Wedding Banquet). Hơn một thập niên sau, vào năm 2006, ông lại đưa chủ đề này vào trong phim ‘‘Brokeback Mountain’’. Sau khi thành công trên toàn thế giới, gây tiếng vang lớn với nhiều giải thưởng điện ảnh cực kỳ ấn tượng, bộ phim ‘‘cao bồi gay’’ đã tạo ra một tác động tích cực, được nhiều người xem như là tác phẩm đã đưa đề tài đồng tính vào dòng chính.
Hollywood sau nhiều năm khép kín cuối cùng đã mở rộng cánh cửa. Hai năm sau (2008), đến phiên Sean Penn giành giải Oscar dành cho Nam diễn viên xuất sắc nhất nhờ vai chính trong bộ phim tiểu sử “Harvey Milk” của đạo diễn Gus Van Sant, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho giới gay nói riêng, cho cộng đồng LGBT nói chung.
Gần đây hơn nữa, bộ phim về đề tài đồng tính ‘‘Moonlight’’ của đạo diễn Barry Jenkins đoạt cùng lúc các giải thưởng Quả cầu vàng và Oscar dành cho tác phẩm chính kịch xuất sắc nhất, trong khi bộ phim ‘‘120 Battements Par Minute’’ của đạo diễn Robin Campillo nói về quá trình đấu tranh của hiệp hội Act Up giành lấy 4 giải César cũng như giải thưởng của ban giám khảo liên hoan Cannes.
Cuộc triển lãm tại Tòa Đô chính Paris diễn ra song song với chương trình chiếu phim ‘‘Libérations sexuelles, révolutions visuelles’’ (Giải phóng tình dục, Cách mạng hình ảnh) tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française, từ ngày 19/06 cho tới 11/07/2019 tại Paris quận 12. Cả hai sự kiện này được tổ chức song song do năm 2019 đánh dấu mùa kỷ niệm 50 năm Stonewall. Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc nổi dậy ở Manhattan, New York để dẫn tới cuộc đấu tranh của một cộng đồng, hy vọng tự do cuộc sống, lá cờ muôn sắc cầu vồng.
Pháp hoãn kỳ thi trung học do đợt nóng bất thường
Hôm nay, 25/06/2019, nhiệt độ tiếp tục tăng ở phần lớn nước Pháp, với hơn phân nữa lãnh thổ được đặt trong tình trạng báo động màu cam, hai ngày trước khi đợt nóng lên đến đỉnh điểm, một hiện tượng chưa từng xảy ra vào tháng 6.
Nhiệt độ hôm nay ở một số nơi như Paris sẽ lên tới 34°C, Lyon 37°C và Grenoble 39°C. Ngày mai, một số nơi sẽ bắt đầu nóng đến 40°C như Besançon hoặc hơn 40°C như Lyon.
Hậu quả của đợt nóng bất thường lần này là kỳ thi tốt nghiệp quốc gia trung học cơ sở (cấp hai), sẽ được dời sang đầu tuần tới trên toàn nước Pháp, thay vì diễn ra trong trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này, tức là hai ngày được dự báo sẽ nóng nhất, với nhiệt độ nhiều nơi vượt hơn 40°C.
Nhà chức trách liên tục kêu gọi dân Pháp uống nước thường xuyên, thấm ướt người, và bảo vệ da. Theo thông báo của bộ trưởng Môi Trường François de Rugy, trong trường hợp ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm do nắng nóng, xe hơi sẽ phải lưu thông luân phiên.
Đợt nóng lần này, đến từ sa mạc Sahara, khiến người ta nhớ đến đợt nóng của năm 2003, kéo dài đến 15 ngày và 15.000 người chết. Nhưng tổng thống Emmanuel Macron bảo đảm là toàn bộ chính phủ được huy động để đối phó với đợt nóng, mà theo dự báo sẽ kéo dài ít nhất là 6 ngày.
Riêng công ty đường sắt quốc gia SNCF đã khởi động kế hoạch đối phó với đợt nóng, cụ thể là chuẩn bị sẵn 450 000 chai nước và gần 200.000 hộp thức ăn tại các ga xe lửa để phân phát cho hành khách trong trường họ bị kẹt lại do giao thông bị rối loạn vì thời tiết nóng bức.
Trong những ngày này, mặt hàng bán được nhiều nhất dĩ nhiên là quạt máy và máy lạnh. Do người ta xài nhiều quạt máy và máy lạnh, mức điện tiêu thụ sẽ tăng rất cao, Nhưng công ty quản lý mạng lưới điện cao thế RTE bảo đảm là việc cung cấp điện sẽ không gặp vấn đề gì.
Đại diện tập đoàn siêu thị Leclerc, ông Michel-Edouard Leclerc, thì bảo đảm là sẽ đủ nước đóng chai để bán cho khách hàng cho suốt mùa hè, nhưng ông cảnh báo là đầu mùa mọi người đừng nghe theo tin đồn, đua nhau mua nước về trữ, vì điều này có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước đóng chai vào cuối tháng 7.
http://vi.rfi.fr/phap/20190625-phap-hoan-ky-thi-trung-hoc-do-dot-nong-bat-thuong
Reuters: Máy bay quân sự Nga ‘đáp ở Venezuela’
Một máy bay của không quân Nga hạ cánh hôm 24/6 tại sân bay chính của Venezuela, theo nhân chứng của Reuters và một website theo dõi các hoạt động hàng không.
Theo Reuters, động thái này diễn ra ba tháng sau khi một vụ tương tự châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa Washington và Moscow.
Nga ‘sẵn sàng’ đàm phán với Mỹ về Venezuela
Máy bay Nga chở gì sang giúp ông Maduro?
Venezuela: Guaido nổi dậy thất bại, Mỹ ‘phải nhờ ngoại giao’
Nga, Trung Quốc vẫn tin Venezuela trả được nợ
Hồi tháng 3/2019, hai máy bay của không quân Nga hạ cánh tại Venezuela, chở các quan chức quốc phòng Nga và 100 binh sĩ, khiến Hoa Kỳ cáo buộc Nga “leo thang” trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang rơi vào khủng hoảng.
Một máy bay phản lực Ilyushin 62 số hiệu RA-86496 hôm 24/6 đáp tại sân bay quốc tế Maiquetia, theo một nhân chứng của Reuters.
Số hiệu này được đăng ký cho một máy bay phản lực của Không quân Nga, theo website Flightradar24, và khớp với số hiệu của chiếc máy bay đến Venezuela vào tháng 3/2019.
Thời điểm đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump yêu cầu Nga rút tất cả binh sĩ khỏi Venezuela, trong khi Bộ Ngoại giao Nga cho biết các máy bay này chỉ chở các chuyên gia đàm phán hợp đồng mua bán vũ khí.
Bộ Thông tin Venezuela và Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48754193
Nga được quay lại Ủy Hội Châu Âu
Các đại biểu Nga hôm nay 25/06/2019 có thể quay lại với Hội đồng Nghị viện của Ủy Hội Châu Âu (PACE theo tiếng Anh), sau 5 năm bị trừng phạt vì việc chiếm Crimée. Ukraina tỏ thái độ thất vọng.
Sau nhiều tiếng đồng hồ tranh cãi gay gắt kéo dài đến 1 giờ sáng, 118 nghị viên của các quốc gia thành viên Ủy Hội Châu Âu rốt cuộc đã đồng ý cho Nga gởi một đoàn đại biểu đến. Có 62 nghị viên bỏ phiếu chống, 10 vắng mặt. Như vậy ngay từ ngày mai, Nga có thể tham gia bầu tổng thư ký của tổ chức toàn châu Âu, thay cho ông Thorbjorn Jagland, người Na Uy vừa hết nhiệm kỳ.
Hội đồng Nghị viện là một trong những tổ chức của Ủy Hội Châu Âu, tập hợp 47 quốc gia với cam kết tôn trọng nhân quyền, dân chủ và Nhà nước pháp quyền. APCE có thể khuyến nghị, điều tra các chính phủ về các vấn đề trên. Các kết luận của APCE không mang tính ràng buộc.
Để trừng phạt việc Matxcơva dùng vũ lực sáp nhập Crimée của Ukraina, năm 2014, APCE đã tước quyền bỏ phiếu của đoàn đại biểu Nga. Chính quyền Matxcơva trả đũa bằng cách tẩy chay APCE và đến năm 2017 thì ngưng phần đóng góp hàng năm cho ngân sách của Ủy Hội Châu Âu.
Nga cũng đe dọa sẽ rút hẳn khỏi APCE, và như vậy các công dân Nga sẽ không thể thưa kiện tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH). Để tránh sự kiện chưa có tiền lệ này, cuối cùng đa số các nước đã chấp nhận cho Nga quay lại, với việc thông qua một văn bản đặc cách cho một nước gởi đoàn đại biểu tham dự trong năm và không tước quyền bầu cử.
Ukraina, với sự ủng hộ của các nước vùng Bantic và Anh, tỏ ra vô cùng phẫn nộ với quyết định trên, cho rằng đây là cú đâm sau lưng đối với các biện pháp trừng phạt Nga, « mở rộng vòng tay đón kẻ tấn công ».Đoàn đại biểu Ukraina đã giận dữ rời khỏi phòng họp, nhấn mạnh rằng có những đại biểu Nga « nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Châu Âu ». Theo AFP, đúng là trong đoàn có bốn nhân vật bị châu Âu trừng phạt.
Trong lúc Ủy Hội Châu Âu bắt đầu thắt lưng buộc bụng, Matxcơva nay phải thanh toán số nợ, tổng cộng là 75 triệu euro đã tính cả lãi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190625-nga-duoc-quay-lai-uy-hoi-chau-au
Iran: Lệnh trừng phạt mới của Mỹ
khép lại cánh cửa ngoại giao
Iran hôm 25/6 nói các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào nhà lãnh đạo tối cao Iran và bộ trưởng ngoại giao nước này “đã khép lại cánh cửa ngoại giao” giữa hai nước. Teheran quy lỗi cho Hoa Kỳ là đã từ bỏ con đường duy nhất dẫn đến hòa bình, chỉ vài ngày sau khi hai nước đối địch suýt nữa đã rơi vào xung đột quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/6 ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, và các nhân vật cấp cao khác. Các lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif dự kiến sẽ được áp đặt vào cuối tuần này.
Động thái này được đưa ra sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ vào tuần trước, và sau khi ông Trump hủy một cuộc không kích trả đũa, chỉ 10 phút trước khi khai hỏa.
Nếu được tiến hành, thì cuộc không kích đó là lần đầu tiên Mỹ ném bom Iran trong nhiều thập kỷ đối đầu giữa 2 nước.
Ông Trump cho biết ông hủy lệnh tấn công vào phút cuối vì xét thấy quá nhiều người sẽ thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Mousavi, viết trên Twitter rằng “áp dụng các biện pháp trừng phạt vô ích đối với lãnh đạo tối cao và người đứng đầu ngành ngoại giao Iran là đóng cửa lâu dài con đường ngoại giao.”
“Chính quyền tuyệt vọng của ông Trump đang phá hủy các cơ chế quốc tế đã được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới,” ông Mousavi viết trên Twitter.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hassan Rouhani nói các biện pháp trừng phạt đối với giáo chủ Khamenei sẽ không có tác động thực tế vì ông không có tài sản ở nước ngoài.
Ông Rouhani, một người theo chủ nghĩa thực dụng đã giành chiến thắng trong hai lần bầu cử với những hứa hẹn sẽ mở cửa Iran với thế giới, mô tả các biện pháp của Mỹ là “tuyệt vọng” và cho rằng Nhà Trắng “chậm phát triển về tâm thần” – lời rủa mà các quan chức Iran đã sử dụng trong quá khứ để nói về ông Trump, nhưng lại là một bước rẽ đối với ông Rouhani, vốn là một người vẫn thận trọng trong lời lẽ hơn các quan chức khác.
Thủ Tướng Rouhani và nội các của ông điều hành công việc hàng ngày của chính phủ Iran, trong khi giáo chủ Khamenei, đã nắm quyền từ năm 1989, là thẩm quyền tối cao của Iran.
“Các hành động của Nhà Trắng cho thấy là họ chậm phát triển về trí tuệ,” ông Rouhani nói. “Sự kiên nhẫn chiến lược của Tehran không có nghĩa là chúng tôi sợ hãi.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo tình hình xung quanh Iran đang phát triển theo hướng một kịch bản nguy hiểm, theo hãng tin RIA của Nga.
Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran đã leo thang nhanh chóng từ tháng trước, khi chính quyền Trump thắt chặt các lệnh trừng phạt, yêu cầu tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran.
Lệnh cấm vận đã làm kiệt quệ nền kinh tế Iran, cắt đứt nguồn thu chính mà Tehran sử dụng để nhập khẩu lương thực cho 81 triệu dân, và đẩy phe nhóm thực dụng của Iran vào thế không được hưởng lợi ích nào để đánh đổi thỏa thuận về hạt nhân.
Vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ – mà Iran nói xảy ra trên không phận nước họ trong khi Mỹ khẳng định là trên không phận quốc tế – là đỉnh điểm của nhiều tuần căng thẳng gia tăng, và khởi sự mang kích thước quân sự.
Hoa Kỳ và một số đồng minh khu vực đã đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công vào nhiều tàu chở dầu ở vùng Vịnh, điều mà Tehran phủ nhận. Các đồng minh châu Âu của Washington liên tục cảnh báo cả hai bên về nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh.
Washington nói mục đích của việc áp đặt các chế tài là nhằm buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán. Tehran nói họ sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới trước, mặc dù các tuyên bố của Iran đưa ra hôm 25/6 dường như có vẻ cứng rắn hơn lập trường vừa kể.
Đối phó với áp lực của Mỹ,
Iran gồng mình chờ thời cơ
Tuyên bố không muốn chiến tranh nhưng tổng thống Mỹ gia tăng gây sức ép tối đa với Iran. Lệnh trừng phạt mới, ngày 24/06/2019, nhắm vào cá nhân Ayatollah Khamenei, lãnh đạo tối cao của chế độ Hồi giáo. Teheran đối phó bằng cách nào trước nguy cơ khủng hoảng còn kéo dài và trong chiều hướng leo thang ?
Bình luận về quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ kế hoạch oanh kích trả đũa vụ bắn hạ máy bay dọ thám tự hành, báo chí thuộc xu hướng bảo thủ tại Iran chế diễu chủ nhân Nhà Trắng là kẻ nhát gan.
Trên thực tế, theo giới phân tích, Donald Trump thực tâm không muốn chiến tranh. Trong chiến lược « nước Mỹ trước đã », tổng thống Mỹ chỉ muốn Iran đàm phán lại hiệp định hạt nhân đúng nghĩa, tức là từ bỏ vĩnh viễn tham vọng chế tạo bom nguyên tử. Dự định tấn công hồi thứ Sáu tuần trước, nếu thi hành, chỉ là hành động quân sự thứ ba của chủ nhân Nhà Trắng tại Trung Đông. Hai lần trước là oanh kích Syria.
Có lẽ bắt mạch được đối thủ, Iran chọn thái độ đối đầu với Mỹ, chấp nhận mọi bất trắc, nhưng có suy tính thận trọng.
Iran không đánh đồng Donald Trump với nhóm chủ chiến
Từ giữa tháng 5 đến nay, đã có hai vụ bao gồm 6 chiếc tàu dầu quốc tế bị tấn công trong biển Oman. Mỹ, Anh, Đức tố cáo Iran đứng sau hành động khiêu khích này. Báo Le Monde trích dẫn chuyên gia Ariane Tabatbai cộng tác với quân đội Mỹ, cho rằng Iran xem các vụ này là do phe « diều hâu » ở Washington muốn làm « thay đổi chế độ chính trị », phối hợp với một số lãnh đạo ở vùng Vịnh và Israel để gây chiến. Thế nhưng, dù Iran có là thủ phạm hay không, cho đến nay kể cả chính sách can thiệp quân sự hỗ trợ chế độ Bachar al Assad, cũng không bị Donald Trump trừng phạt bằng vũ lực. Chủ nhân Nhà Trắng chỉ xếp lực lượng Vệ binh Cách mạng vào « danh sách khủng bố ».
Cũng để thăm dò lá bài úp của Donald Trump, chính quyền Iran đánh ván bài lật ngửa, tăng tốc một cuộc khủng hoảng khác với quy mô lớn hơn : Ngưng tôn trọng hiệp định hạt nhân 2015, tăng cường tinh lọc uranium và tích trữ nước nặng, hai thành tố chế tạo bom hạt nhân và khinh khí (nhiệt hạch).
Teheran muốn chứng tỏ với Washington là áp lực tối đa của Mỹ – xé hiệp định hạt nhân, tiến hành chiến tranh kinh tế, cấm vận dầu hỏa – có cái giá phải trả và Iran muốn Mỹ trả giá cao.
Khi chọn « đấu trường » này, Iran tính gì ? Theo chuyên gia Ariane Tabatbai, Iran không « đóng cánh cửa ngoại giao » mà chỉ dọn đường trở lại bàn đàm phán ở thế mạnh, ít ra là không bị mang tiếng nhượng bộ đối phương.
Nội các Iran, trong một cuộc họp hồi tuần trước, do tổng thống Rohani chủ trì, tiết lộ danh sách các điều kiện đề nghị với Washington. Trong số này có yêu sách đòi Hoa Kỳ phải công nhận chế độ Hồi giáo. Điều kiện này, đã được tổng thống Donald Trump chấp thuận một phần khi ông tuyên bố mong mõi người dân Iran được « phú cường » với ban lãnh đạo hiện nay. Các nhà chiến lược Iran nghi nhận Donald Trump không còn nhắc đến danh sách 12 yêu sách tối đa thông báo hồi năm 2018.
Chấp nhận rủi ro trắc nghiệm tổng thống Mỹ thứ 45
Dự phóng tổng thống Donald Trump không muốn chiến tranh nhưng cũng không bỏ cấm vận, Teheran tìm cách trắc nghiệm quyết tâm của tổng thống Mỹ thứ 45 đến đâu. Bắn hạ « drone » gián điệp của Mỹ cũng nằm trong chiến thuật « rủi ro có tính toán » này : chúng tôi có vũ khí đối đầu và không ngần ngại sử dụng.
Những sự kiện này cho phép một nhà phân tích thông hiểu tình hình Iran suy đoán : Qua các hành động vừa khiêu khích vừa kín đáo mời gọi đàm phán, Iran tìm cách che dấu tâm trạng gần như tuyệt vọng của một kẻ chờ đợi vận hội mới.
Trữ lượng ngoại tệ của Iran còn khoảng 110 tỷ đôla, trong đó có 50 tỷ tiền mặt, đủ để nhập khẩu nhu yếu phẩm trong hai năm và trợ giúp lương thực cho người nghèo khó. Hai năm gồng mình chờ vị tổng thống thứ 46 biết thông cảm hơn. (Le Monde 25/06/2019). Trong trường hợp ngược lại, thì người dân Iran có thời giờ chuẩn bị tình huống xấu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190625-doi-pho-voi-ap-luc-cua-my-iran-gong-minh-cho-thoi-co
Hàng chục ngàn người dân Đài Loan
biểu tình tẩy chay “truyền thông đỏ”
Hàng chục ngàn người dân Đài Loan đội mưa suốt 4 giờ đồng hồ vào chiều ngày 23/6/2019 trước con đường dẫn vào Phủ Tổng thống ở Đài Bắc để phản đối và kêu gọi tẩy chay “truyền thông đỏ” có nguy cơ làm suy yếu nền dân chủ của đảo quốc này.
Cuộc biểu tình do nhà lập pháp Huang Kuo-chang của Đảng Sức mạnh Thời đại (NPP) và Youtuber nổi tiếng Holger Chen tổ chức trong bối cảnh mà ông Huang gọi là “các mối đe dọa của chế độ Cộng sản Trung Quốc độc tài thẩm thấu vào người dân Đài Loan khiến người dân khó hưởng được dân chủ”.
“Nhiều người đi trước đã trải qua máu và mồ hôi để cho chúng ta tự do và dân chủ. Tôi không muốn thấy ‘thế lực đỏ’ xâm chiếm Đài Loan để kiểm soát phương tiện truyền thông và thao túng những gì mọi người nghĩ”, anh Alex Chang – một người biểu tình nói với hãng tin AFP.
Các cơ quan truyền thông bị cáo buộc thân Trung Quốc
Người biểu tình cáo buộc các đài truyền hình ở Đài Loan như CTiTV, CTV và các cơ quan truyền thông khác có xu hướng chỉ đưa những bản tin có lợi cho Trung Quốc.
Họ cũng cho rằng sự phản đối “truyền thông đỏ” cũng bao gồm các cơ quan báo đài bị đặt dưới sự lãnh đảo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các đài kể trên bị chỉ trích là đưa các bản tin thiên về Trung Quốc hay phớt lờ các cuộc biểu tình lên tới hàng triệu người vừa qua của người Hồng Kông nhằm phản đối dự luật dẫn độ về đại lục gây tranh cãi.
Hãng tin CNA dẫn lời nhà lập pháp Huang Kuo-chang nói rằng, bảo vệ và yêu Đài Loan “không phải là bằng sáng chế thuộc sở hữu của bất kỳ cá nhân hay đảng chính trị nào”, vì tên lửa của Trung Quốc sẽ không phân biệt giữa những người ủng hộ Đảng Dân Tiến (DPP) hay các đối tác Quốc dân đảng (KMT) của họ.
“Điều tương tự cũng áp dụng cho các cơ quan truyền thông đỏ, những người nhận trợ cấp từ đảng Cộng sản Trung Quốc bằng một tay và sử dụng tay còn lại để tạo ra tin tức giả mạo nhằm gây thiệt hại cho nền dân chủ của Đài Loan.
Họ là kẻ thù chung của chúng tôi và đòi hỏi sự kháng cự tập thể,” ông Huang khẳng định.
“Truyền thông đỏ” theo cách hiểu của người Đài Loan là các tập đoàn có kênh truyền thông nhận nguồn vốn từ Trung Quốc hoặc bị Trung Quốc ảnh hưởng phát tán những tin tức giả, có lợi cho đại lục ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của đảo quốc này.
Ngay trước cuộc biểu tình, bà Thái Anh Văn, Tổng thống đắc cử hồi năm 2016 đã lên tiếng ủng hộ.
“Một Trung Quốc”
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà Bắc Kinh sẽ lấy lại bằng vũ lực nếu cần thiết.
Hồi đầu năm 2019, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng không ai có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và người dân ở hai bờ eo biển Đài Loan nên hướng tới “sự thống nhất”.
Ông Tập cũng khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng hòa bình cũng như những hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Bắc.
Nữ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau đó cũng đáp trả và tuyên bố là đảo quốc này sẽ không chấp nhận mô hình chính trị “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời hối thúc Bắc Kinh thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Đài Loan.
TQ không chịu được chiến tranh thương mại lâu dài
Cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố nền kinh tế của họ đủ vững vàng để đương đầu với chiến tranh thương mại. Trong thực tế, cả hai quốc gia này thực chất không còn quá nhiều thời gian, đặc biệt là Trung Quốc.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nuôi hi vọng cho một thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại, khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau vào cuối tuần này tại hội nghị G20.
Thế nhưng, các vấn đề nội bộ ở cả hai quốc gia đang khiến thỏa thuận đáng mong ước trên gần như không thể đạt được, tờ South China Morning Post (SCMP) bình luận.
Mỹ tạm thời ung dung
Tại Mỹ, các quan chức vẫn chưa vội chốt thỏa thuận cùng Trung Quốc.
Tổng thống Trump đang khá tự tin nhờ tăng trưởng kinh tế vững vàng và Phố Wall đạt kỷ lục tích cực. Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã tuyên bố sẵn sàng điều chỉnh lãi suất để ứng cứu nếu diễn biến xấu ập đến.
Chừng nào kinh tế Mỹ vẫn duy trì sức khỏe của mình, ông Trump vẫn có thể dẹp yên những luồng quan điểm chỉ trích từ phía phản đối trong nước, đồng thời bảo vệ cả chiến dịch tái tranh cử ổng thống năm sau.
Nếu tăng trưởng kinh tế bắt đầu chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, Tổng thống Mỹ vẫn luôn có thể nhượng bộ, chốt thỏa thuận cùng Bắc Kinh và tận hưởng được phản ứng tích cực từ thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn.
Có vẻ như ở thế cuộc nào thì ông Trump cũng đắc lợi.
Tương tự, chính phủ Trung Quốc cũng không mấy vội vã để chốt thỏa thuận “đình chiến” này. Tuy nhiên, tình cảnh của Bắc Kinh không giống như Washington.
Kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào xuất khẩu
Cả ông Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đều phải đối mặt với chỉ trích trong nước về việc nhượng bộ đối phương quá nhiều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng 4-2019 – Ảnh: AFP
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Mỹ chỉ lãnh chịu những chỉ trích đó từ trước, ông Lưu hiện đang tiếp tục nhận lấy chúng. Điều này khiến Bắc Kinh khó lòng nhượng bộ yêu cầu của Mỹ.
Khi xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh nhất thế giới. Sự cạnh tranh này buộc họ phải tăng cường đầu tư sáng tạo, cải tiến công nghệ để nâng hiệu quả sản xuất.
Hệ quả tất yếu sẽ là sự hình thành nhiều việc làm hơn và thu nhập tăng. Điều này cũng khiến Trung Quốc trở nên lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn nữa.
Lý do là vì khối doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, với đa số là các nhà xuất khẩu, mới chính là lực lượng đóng góp nguồn việc làm và năng suất chính của quốc gia này. Trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước vốn được hỗ trợ nhưng đang gặp nhiều khó khăn.
Nói cách khác, báo SCMP nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn bị chi phối quá nhiều bởi các doanh nghiệp xuất khẩu tư nhân, trong khi chính phủ muốn thúc đẩy thị trường nội địa trở thành nguồn lực thay thế.
Chiến tranh thương mại leo thang sẽ khiến khối tư nhân trì hoãn đầu tư vì lo ngại bất ổn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước lại không đủ sức gánh vác vì phát triển quá ì ạch.
Đây có thể không phải là vấn đề quá lớn đối với Trung Quốc trong năm 2019, nhưng về lâu dài chưa ai biết hậu quả sẽ tới mức nào.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28913-tq-khong-chiu-duoc-chien-tranh-thuong-mai-lau-dai.html
Ngoại giao nước lớn của TQ
và những mưu đồ ở Biển Đông hiện nay
Một thực tế đang diễn ra trong đời sống chính trị quốc tế là các nước xung quanh hay các nước phương Tây như Mỹ và châu Âu đều đang lo ngại trước sức mạnh tổng hợp và sức ảnh hưởng quốc tế tăng lên của Trung Quốc.
“Làm nên công tích” là một sự thể hiện khác của ngoại giao nước lớn đặc sắc TQ
Tại Hội nghị công tác ngoại giao trung ương tổ chức ở Bắc Kinh từ ngày 22-23/6/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “kiên trì lấy tư tưởng ngoại giao xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm chỉ đạo, nỗ lực tạo ra cục diện mới của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc”. Đối với ngoại giao Trung Quốc, đây là một hội nghị quan trọng có ý nghĩa tiếp nối. Từ hội nghị này vừa có thể thấy rõ nét phác thảo ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, vừa có thể hình dung được mạch chính của nó trong tương lai.
Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước đến nay, ngoại giao Trung Quốc đã trải qua một lần thay đổi lớn, thể hiện rõ đặc điểm triển khai ngoại giao với tư cách nước lớn. Điểm này đầu tiên thể hiện qua việc xem trọng vấn đề ngoại giao. Tính đến 2018, Trung ương đã 3 lần tổ chức hội nghị công tác ngoại giao. Trước đó cho đến khi nước Trung Quốc mới thành lập, hội nghị công tác ngoại giao trung ương chỉ được tổ chức vào các năm 1971, 1991 và 2006. Tháng 3/2018, Tiểu ban công tác ngoại giao trung ương nâng lên thành Ủy ban công tác ngoại giao trung ương, động thái này là nhằm tăng cường thiết kế thượng tầng của ngoại giao Trung Quốc, cũng như phối hợp liên ngành về công tác ngoại giao.
“Làm nên công tích” là một sự thể hiện khác của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc. Tại Hội nghị chuyên đề về công tác ngoại giao vào tháng 10/2013, Tập Cận Bình lần đầu tiên yêu cầu ngoại giao Trung Quốc cần “làm nên công tích”. Những năm gần đây ngoại giao thượng đỉnh, ngoại giao đa phương, ngoại giao sân nhà của Trung Quốc diễn ra dày đặc, việc tăng cường phối hợp chiến lược với Nga, kết nối chiến lược trong các dự án hợp tác với Liên minh châu Âu… đều là sự thể hiện ngoại giao nước lớn của Trung Quốc. Nhưng sự kiện có thể đánh dấu nổi bật hơn vai trò của ngoại giao Trung Quốc chính là sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng phát triển mới BRICS…
Phổ biến ý tưởng “cộng đồng chung vận mệnh”
Tập Cận Bình đề xuất xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại…, ở mức độ rất lớn là kết hợp với các sáng kiến lớn về ngoại giao của Trung Quốc, nhưng ý nghĩa của nó không dừng lại ở đó. Có thể nói những đề xuất này là phương thức biểu đạt của Trung Quốc trong nền chính trị quốc tế, phù hợp với chính trị quyền lực, tư duy được mất ngang nhau trong nền chính trị phương Tây. Thực tiễn thành công của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, đưa yếu tố Trung Quốc vào ngoại giao quốc tế, mang yếu tố phương Tây vào ngoại giao quốc tế trung, dài hạn chính là một lôgích.
Hơn nữa, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, trào lưu toàn cầu hóa bị đảo ngược, “Cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc khởi xướng xây dựng rõ ràng là tốt hơn “Nước Mỹ trước tiên” mà Chính quyền Trump theo đuổi.
Dư luận phương Tây cho rằng Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để “mua” sức ảnh hưởng quốc tế. Đây là một cách nhìn khá hời hợt. Khi Trung Quốc xây dựng những sân chơi này, đầu tư một lượng tiền lớn và giữ chủ đạo hoặc tham gia hợp tác, thì trên thực tế đã hình thành sự “ràng buộc về lợi ích”, về mặt khách quan đã tăng thêm tính có thể dự báo cho các hoạt động của ngoại giao Trung Quốc. Hành vi của nước lớn trỗi dậy càng có tính dự báo, sự lo lắng và quan ngại của thế giới bên ngoài càng ít đi. Xét từ ý nghĩa này, Trung Quốc đang dùng hành động thực tế để hóa giải các nỗi lo ngại, và đó không phải là một khẩu hiệu suông. Nếu nhìn từ góc độ quản trị toàn cầu thì Trung Quốc cũng đang cung cấp các sản phẩm công quốc tế.
Theo đuổi lợi ích cốt lõi ở Biển Đông
Tư duy điểm giới hạn cuối cùng là một đặc điểm nổi bật của ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ mới. Tháng 11/2014, tại hội nghị công tác ngoại giao Trung ương, Tập Cận Bình nhấn mạnh “phải kiên định đi theo con đường của mình, con đường phát triển hòa bình, đồng thời quyết không thể từ bỏ quyền lợi chính đáng, quyết không thể hy sinh lợi ích cốt lõi của quốc gia”. Tháng 6/2018, tại hội nghị công tác ngoại giao trung ương, Tập Cận Bình chỉ rõ “kiên trì bảo vệ lợi ích cốt lõi và to lớn của quốc gia, kiên trì hợp tác cùng thắng và lợi ích công bằng, kiên trì tư duy điểm giới hạn cuối cùng và ý thức rủi ro”.
Tháng 2/2014, Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Biển Đông Hải) là một thực tiễn của tư duy điểm giới hạn cuối cùng. Đây luôn được xem là ví dụ điển hình cho việc ngoại giao của Trung Quốc trở nên cứng rắn. Nhưng một thực tế khác là “giới hạn đỏ” và “giới hạn sau cùng” của Trung Quốc không làm thay đổi nguyên trạng, ngược lại về mặt khách quan có thể giảm bớt hiểu lầm, có lợi cho việc ổn định nguyên trạng. Ở mức độ nào đó, nhấn mạnh tư duy điểm giới hạn cuối cùng là đang chủ động yêu cầu phía liên quan có sự đảm bảo chiến lược không quá đáng trong quan hệ qua lại. Sau khi Trung Quốc đưa ra và thực hiện tư duy điểm giới hạn cuối cùng, mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan không hề xấu đi. Những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines cải thiện rõ rệt, quan hệ với Nhật Bản cũng dần ấm trở lại.
“Thế giới đang có những thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm qua”, đây là phán đoán của Tập Cận Bình đối với tình hình quốc tế hiện nay. Theo ông, Trung Quốc phải giương cao ngọn cờ xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, thúc đẩy hệ thống quản trị toàn cầu phát triển theo hướng công bằng, hợp lý hơn. Trung Quốc sẽ tiếp tục gắn chặt với hệ thống quốc tế, cũng như dựa vào các nước khác, nhưng bên cạnh đó cũng sẽ lựa chọn tuân thủ một số quy tắc quốc tế phù hợp với lợi ích của mình, bỏ qua hoặc tìm cách thay đổi những quy tắc không phù hợp với lợi ích của mình.
Khả năng Chính quyền Philippines
gây sức ép, buộc Thuyền trưởng tàu Gem-Ver 1
thay đổi tường trình
Thuyền trưởng Junel Insigne (19/ 6) t hay đổi lời khai về vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1, cho rằng hiện không chắc chắn liệu tàu Trung Quốc có “cố tình” đâm chìm tàu của họ hay không.
Thuyền trưởng thay đổi lời khai
Trong một cuộc họp ngày 19/6, với sự tham dự của Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Piñol, thuyền trưởng tàu đánh cá Philippines Gem-Ver 1 đã thay đổi tường trình về vụ chìm tàu cá ở vùng biển bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Ngược lại với khẳng định trước đó, thuyền trưởng Junel Insigne hiện không chắc chắn liệu tàu Trung Quốc có “cố tình” đâm chìm tàu của họ hay không. Ông Junel Insigne cho biết: “Tôi bối rối vì tôi thực sự không biết liệu chúng tôi có bị đâm không”, đồng thời giải thích rằng trước đó ông đã bị cuốn theo cảm
xúc nên mới khẳng định một tàu Trung Quốc đâm tàu Gem-Ver. Đáng chú ý, chỉ trước đó vài tiếng, chính thuyền trưởng tàu cá Philippines còn đề nghị Tổng thống Rodrigo Duterte buộc thuyền trưởng tàu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì bỏ mặc 22 ngư dân Philippines sau vụ va chạm trên Biển Đông; đồng thời tái khẳng định tàu Trung Quốc “cố ý” đâm vào tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trôi dạt trên biển trước khi được một tàu Việt Nam giải cứu.
Ông Junel cùng 21 thuyền viên cũng đã phủ nhận tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila rằng tàu Trung Quốc chỉ vô tình đâm trúng đuôi tàu Gemvir-1 khi tháo chạy khỏi 6-7 tàu Philippines khác đang tìm cách bao vây. Các ngư dân cũng khẳng định chính tàu cá Việt Nam đã giải cứu và cung cấp lương thực cho họ chứ không phải tàu Philippines như trong tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc.
Trả lời trong cuộc họp, ngư dân Philippines cho biết “chúng tôi rất biết ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi. Điều này là đủ cho nhu cầu hàng ngày của chúng tôi”, đồng thời khẳng định họ sẽ không tiếp tục tìm kiếm công lý, buộc tàu Trung Quốc phải xin lỗi, bồi thương và đưa số thuyền viên Trung Quốc ra xét xử.
Quan chức Chính phủ Philippines thay đổi thái độ và tuyên bố
Cũng trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol cho rằng họ không thể xác định liệu vụ tàu bị đâm chìm có phải là cố ý hay không. Ông trích dẫn lời khai của Richard Blaza, cho rằng có thể tàu Trung Quốc đã không nhìn thấy họ. Trước đó, ông Emmanuel Pinol cho biết ông muốn chính phủ Philippines trao đổi với phía Trung Quốc để buộc thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu Trung Quốc “phải chịu trách nhiệm vì hành vi bỏ mặc” 22 ngư dân Philippines. Theo Bộ trưởng Pinol, chính phủ Philippines cũng nên lắng nghe lời khai của các thuyền viên Trung Quốc, chứ không chỉ riêng tường thuật của các ngư dân Philippines, để đảm bảo quá trình điều tra kỹ lưỡng về vụ va chạm. Ông Pinol nói rằng mặc dù việc tàu Trung Quốc có cố tình đâm vào tàu cá Philippines hay không cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, song một điều chắc chắn là chính phủ Philippines phản đối việc tàu Trung Quốc bỏ rơi các ngư dân sau khi tàu bị chìm. “Dù cho đó là vô tình hay cố ý, thì vẫn không thể biện hộ cho việc tàu Trung Quốc bỏ rơi các ngư dân Philippines, những người đang gặp nạn. Theo luật hàng hải quốc tế, đó là hành động trái phép. Còn theo luật nhân quyền, đó là hành động phi đạo đức”, Bộ trưởng Pinol nói.
Đâu là sự thật
Trong một động thái đáng chú ý, Philippines đã huy động một lực lượng cảnh sát đông đảo, bao vây ngôi nhà khi tiến hành cuộc họp trên. Ngoài ra, Chính phủ Philippines quyết định cung cấp cho các ngư dân của tàu Gem-Ver gạo, những khoản vay và trợ cấp tiền mặt nhằm “tạo điều kiện” để cho ngư dân Philippines tiếp tục ra khơi, đánh bắt cá.
Động thái trên của các thuyền viên tàu cá Gem-Ver 1 cho thấy sự thay đổi lời khai tương đối giống với cách mà các quan chức Philippines thay đổi thái độ và phát ngôn. Ban đầu, ngay sau khi vụ việc được công khai, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (12/6) đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, chỉ trích Trung Quốc cho rằng hành động của tàu Trung Quốc là “man rợ”. Tuy nhiên, sau vài ngày, ông Delfin Lorenzana (19/6) cũng thay đổi giọng điệu của mình, khẳng định lại “đó chỉ là một tai nạn hàng hải”. Giọng điệu trên của ông Delfin Lorenzana hoàn toàn “phù hợp” và đồng nhất quan điểm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khi cho rằng: “Vụ va chạm đó chỉ là một tai nạn hàng hải. Đừng tin những chính trị gia ngu ngốc muốn chúng ta điều hải quân tới đó. Chúng ta sẽ không triển khai tàu chiến đến đó, đừng khiến nó trở nên tồi tệ hơn”.
Philippines từ chối đề nghị giúp đỡ của Mỹ
Sau khi Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cho rằng Philippines đã không tận dụng hết mọi nguồn lực mà đã lựa chọn xuống nước, dịu giọng với Trung Quốc. Một nguồn lực mà ông Lacson nói tới là Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Philippines với Mỹ (MDT), được ký kết vào năm 1951. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng nhờ Mỹ bảo vệ là “hành động liều lĩnh. Chúng ta thậm chí không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng các bạn lại muốn chúng tôi coi đó như một hành động gây hấn. Không có hành động xâm lược nào. Chúng ta vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra, liệu có phải là hành động cố ý không? Giả như đó là hành động có ý, câu hỏi ở đây liệu hành động đó có bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt không?”
Trước đó, Bộ trưởng Nội các Philippines Karlo Nograles nói rằng Hiệp ước trên chỉ có thể viện dẫn trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana có cùng quan điểm khi khẳng định MDT chỉ áp dụng cho một cuộc tấn công, còn đây không phải là một cuộc tấn công vũ trang; MDT có phần mơ hồ, không rõ ràng và có nguy cơ gây ra sự nhầm lẫn và hỗn loạn trong một cuộc khủng hoảng; cho rằng Hiệp ước trên đã quá thời và Philippines không nên đặt nó trong các mối quan hệ trong quá khứ và các mối quan hệ trong tương lai.
Được biết, Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim cho rằng việc tàu Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết giải trình đầy đủ sau khi điều tra cẩn thận về sự cố trên bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông Sung Kim, “trên thực tế, nếu một tàu Trung Quốc đâm phải một tàu đánh cá Philippines và chạy đi mà không cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào cho ngư dân Philippines, tôi nghĩ đó là một tình huống rất nghiêm trọng và tôi tin đó là lý do tại sao các quan chức chính phủ cấp cao ở đây đã kêu gọi Trung Quốc điều tra đầy đủ và quy trách nhiệm cho những người có trách nhiệm”.
Hiệp ước quốc phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines được ký kết vào năm 1951, những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Theo hiệp ước này, Manila và Washington cam kết hỗ trợ cho quốc gia còn lại trong trường hợp một trong hai quốc gia bị tấn công vũ trang vào lãnh thổ lục địa hoặc đảo ở Thái Bình Dương thuộc quyền tài phán của quốc gia đó, các lực lượng vũ trang, các tàu hoặc máy bay ở Thái Bình Dương.
Nhìn chung, việc ngư dân Philippines thay đổi quan điểm, lời khai là điều dễ hiểu, vì họ phải chịu sức ép của Chính quyền địa phương, cũng như chính quyền Trung Quốc. Không ai có thể đảm bảo rằng, nếu tiếp tục đưa công lý ra ánh sáng và không nghe theo sự sắp đặt của Chính quyền Duterte, thuyền viên tàu Gem-Ver 1 có còn được ra khơi nữa hay không? Và cũng không ai có thể đảm bảo rằng tàu Gem-Ver 1 có tiếp tục bị chìm nữa hay không – nếu dám trái lời Trung Quốc.
Campuchia: Sập công trình, mở điều tra,
chủ Trung Quốc bị bắt
Hai người may mắn sống sót và được đưa ra khỏi đống đổ nát hai ngày sau khi tòa nhà 7 tầng tại Campuchia sập hôm 22/6.
Hai người này được truyền nước và đưa ngay đến bệnh viện tại Sihanoukville.
Số người chết đã lên đến 25 tại khu vực công trường xây dựng thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Campuchia.
Báo VN phê phán Lý Hiển Long vì lời nói về Campuchia
Campuchia tái hiện cuộc tàn sát của Khmer Đỏ
Băng đảng TQ gây bất ổn ở một tỉnh Campuchia
Tòa nhà 7 tầng đổ sập vào rạng sáng thứ Bảy 22/6, khi rất nhiều công nhân còn ngủ bên trong.
Hai người còn sống và được cứu ra khỏi đống đổ nát nói họ không tin còn thêm nạn nhân nào nữa sống sót sẽ được tìm thấy.
“Như thể là tôi được tái sinh. Tôi không hi vọng là tôi còn sống,” Ros Sitha, một trong hai người sống sót, nói với AFP.
“Tôi đã cố hét thật to cầu cứu, nhưng không ai nghe thấy. Tuy nhiên khi đội cứu hộ đến gần hơn nơi tôi bị kẹt, họ nghe thấy tôi và lôi tôi ra,”
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tới khu vực xảy ra tai nạn hôm thứ Hai 24/6. Ông chấp nhận đơn xin từ chức của thống đốc tỉnh này.
Các con số ước tính về người thiệt mạng rất khác nhau. Người nhà của một số nạn nhân tại một bệnh viện địa phương cho rằng còn khoảng chục người vẫn bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Đội cứu hộ dùng cuốc và khoan để mang một số thi thể ra khỏi đống đổ nát hôm Chủ Nhật.
Vụ sập tòa nhà là thảm họa sập công trình tồi tệ nhất tại Campuchia trong những năm gần đây và đặt ra nhiều câu hỏi hơn nữa về tốc độ và tính bền vững của các công trình xây dựng ở Sihanoukville.
Trước đây từng là một làng chài hẻo lánh, Sihanoukville đã thay đổi không nhận ra trong vài năm gần đây với các khách sạn, casino chủ yếu phục vụ du khách Trung Quốc.
Bốn người đã bị bắt liên quan đến vụ sập tòa nhà, gồm chủ tòa nhà người Trung Quốc, giám đốc công ty xây dựng và nhà thầu.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia đã gửi lời chia buồn, và nói ủng hộ việc điều tra vụ tai nạn cũng như điều tra các công dân Trung Quốc liên quan đến vụ việc vừa bị bắt.
Campuchia vốn nổi tiếng vì luật lao động lỏng lẻo, khiến các công nhân công trường phải đối mặt tình huống nguy hiểm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48754212
Hun Manet:
‘Thái tử’ chờ kế nhiệm cha ở Campuchia?
Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông Hun Manet, trưởng nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đang được thân phụ chuẩn bị để nắm lấy chiếc ghế Thủ tướng sau này, các nhà quan sát chính trị Campuchia nhận định. Tuy nhiên, việc ‘cha truyền con nối’ này không phải điều dễ dàng đối với gia tộc Hun.
Hoạt động bận rộn
“Việc ông Hun Sen muốn giao lại quyền lực cho một trong những người con của ông không phải là điều gì mới mẻ,” nhà báo David Hutt thường trú tại Campuchia cho tờ Diplomat, viết trên một bài báo mới đây có tiêu đề: ‘Hun Manet, Thủ tướng kế tiếp của Campuchia?”.
Trong bài báo này, tác giả Hutt đã dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ từ cuối những năm 2000 nhận định rõ ràng rằng ông Hun Manet đang được thân phụ đào tạo để lên nắm quyền. Một điện tín ngoại giao bị rò rỉ hồi năm 20008 cho biết ‘Hun Manet được đề cập đến là đang đóng vai trò ngày càng quan trọng’ trong chính trị, còn một điện tín khác đề năm 2012 cho rằng ‘Hun Manet dường như đang được đào tạo để lên nắm quyền như kiểu con trai của Gaddafi (nhà độc tài Libya bị lật đổ)’.
Bản thân Thủ tướng Hun Sen cũng đã nói hồi tháng 10 năm ngoái rằng người con trai lớn của ông ‘có thể là nhà lãnh đạo tương lai của Campuchia’, nhà báo Hutt cho biết. Hồi năm ngoái ông Hun Manet đã được đề bạt lên vị trí cao thứ hai trong quân đội và giờ đây dường như đang làm việc như người đứng đầu trên thực tế của các lực lượng vũ trang. Ông này cũng có một ghế trong Ủy ban Thường trực của Đảng CPP cầm quyền, cơ quan cao nhất ra các quyết định của Đảng cũng giống như Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo giải thích của ôn Hutt thì ông Hun Sen muốn sắp xếp việc kế nhiệm này là ‘để bảo vệ những lợi ích của ông trước các thành viên phẫn nộ của đảm cầm quyền’.
“Ông Hun Sen trước sau vẫn nói là ông sẽ nắm quyền cho đến ít nhất là đầu những năm 2020 nếu không phải là lâu hơn nữa. Chỉ mới 66 tuổi, với Hiến pháp của ông ấy, thì chuyện đó không khó tin lắm,” bài báo viết. “Tuy nhiên những gì xảy ra trong quá khứ cho thấy ông ấy không có ý định bàn giao quyền hành thông qua bầu cử. Khi đó chỉ còn là việc nối nghiệp.”
“Với việc ông Hun Manet đang kiểm soát một vài khía cạnh của các cơ quan an ninh Campuchia, bao gồm quân đội, cảnh sát quân đội và cảnh sát chìm, một số người đã bắt đầu kết luận rằng một chế độ quân sự đang dần xuất hiện ở Campuchia.”
Nhà báo David Hutt cũng lưu ý rằng trong vòng 6 tháng qua, ông Manet đã đi thăm tất cả các nước quan trọng với Campuchia: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Mỹ và Nga. Ông cho rằng các chuyến thăm này là ‘làm quen với giới ngoại giao và phát triển các mối quan hệ với các chính phủ nước ngoài để chuẩn bị cho việc kế nhiệm’.
Còn ở trong nước, ông Manet cũng bận rộn đi viếng thăm các tỉnh thành. Năm ngoái, có tin cho rằng ông đã tích cực thực hiện các vai trò xã hội cho đảng cầm quyền. Trong những tháng vừa qua, ông đã cởi bỏ quân phục để mở chùa, khánh thành trường học và thư viện cũng như đến tham dự các buổi lễ tốt nghiệp – nhưng sự kiện mà thân phụ ông thường tham gia. David Hutt còn cho biết rằng ông Manet đã hoạt động tích cực hơn trong cộng đồng các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện ở Campuchia, đề nghị giúp đỡ và cam kết các khoản hỗ trợ tài chính.
Trên mạng xã hội, vốn từng là lãnh địa của đảng đối lập, trang Facebook của Hun Manet đã có hơn 600.000 người theo dõi, nhiều hơn rất nhiều so với tấc cả các quan chức còn lại của Đảng CPP mặc dù chỉ là con số nhỏ so với 11,5 triệu người theo dõi của Thủ tướng Hun Sen. Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng, vốn được xem là kình địch với ông Hun Sen, chỉ có 120.000 người theo dõi, trong khi Hun Many, em trai ông Manet và là người phụ trách cánh thanh niên của Đảng CPP, có 134.000 người theo dõi. Cũng giống như trang Facebook của thân phụ, trang của Hun Manet đăng hình ông làm việc chăm chỉ, những khoảnh khắc thân thiết với người dân Campuchia. Và trong tất cả các bức ảnh, ông đều cười rạng rỡ.
Vai trò quan trọng
Nhà báo Kimseng Men, phóng viên phụ trách mảng chính trị của VOA Ban tiếng Khmer, cho biết bản thân ông cũng quan sát thấy ‘có rất nhiều dấu hiệu’ chỉ về phía ông Hun Manet như là nhà lãnh đạo được quy hoạch trước.
Trong các dấu hiệu này thì quan trọng nhất là việc ông Hun Manet được giao lãnh đạo quân chủng bộ binh và lực lượng chống khủng bố, theo nhà báo Kimseng Men.
“Campuchia là một nước nhỏ, cho nên bộ binh là lực lượng chính của đất nước,” nhà báo Kimseng giải thích. “Với vai trò chống khủng bố ông ấy được làm việc với các lãnh đạo quân sự nước ngoài.”
“Ở Campuchia, nếu anh phụ trách quân đội thì gần như anh nắm quyền lực bởi vì bầu cử chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.”
Một dấu hiệu rõ ràng nữa, theo nhà báo này, là ông Manet được giao nhiệm vụ gầy dựng sự ủng hộ cho Đảng CPP trong thanh niên Campuchia.
“Ông ấy đã đi đến nhiều nơi trên đất nước để tranh thủ sự ủng hộ cho đảng của cha ông ấy. Đó là một vai trò rất lớn do Campuchia có gần 70% dân số dưới 30 tuổi,” nhà báo Kimseng nói thêm.
Ở trong nước, tần suất phủ sóng của ông Hun Manet ‘chỉ xếp thứ hai sau cha ông ấy’, ký giả Kimseng cho biết, và bao trùm các chương trình trên sóng truyền hình Campuchia.
Theo nhận định của nhà báo David Hutt thì ‘ông là người mà các bên đều có thể tìm thấy lợi ích của mình’. Đối với ông Hun Sen và Đảng CPP thì gần như chắc chắn Manet sẽ đi theo con đường chính trị của cha: cho đối thủ chính trị rất ít không gian vận động, nhân nhượng các cường quốc bên ngoài, tự do hóa nền kinh tế và đảm bảo mức sống đàng hoàng cho người dân và đảm bảo rằng những đồng minh vẫn nắm giữ những vị trí quyền lực.
“Đối với các cử tri Campuchia, ông Manet là hiện thân của sự duy trì hiện trạng. Đối với tầng lớp tinh hoa của CPP, ông ấy là người nắm giữ quân đội, và đo đó là sức mạnh bạo lực của đảng. Đối với Trung Quốc, ông ấy là người được giáo dục tốt để thừa hiểu rằng Campuchia không thể tách ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Đối với Việt Nam, ông ấy được mong chờ sẽ củng cố mối quan hệ lịch sử giữa hai nước vốn chủ yếu được xây dựng trên mối quan hệ quân đội. Còn đối với Mỹ, ông ấy là người tốt nghiệp trường quân sự West Point và có khả năng có đầu óc tự do hơn thân phụ,” nhà báo David Hutt phân tích.
‘Muốn quan hệ tốt với Việt Nam’
Còn nhà báo Kimseng Men thì lưu ý rằng cho đến nay, ông Hun Manet ‘không hề có bất cứ phát biểu hay quyết định gì khác với cha’.
Tuy nhiên, gần đây, ông Manet đã lên tiếng phản bác một bình luận của cha ông về cải cách quân đội – lần đầu tiên một quan chức trong chính quyền Campuchia dám nói ngược Thủ tướng nhưng sau đó ông Hun Sen không nói gì, ông Kimseng cho biết. Ông đồ rằng đây là một ‘chiến thuật’ của nhà Hun để xây dựng hình ảnh độc lập cho Hun Manet.
Khi được hỏi về quan điểm chính trị và lập trường của ông Hun Manet trên vấn đề đối ngoại, nhất là quan hệ đối với Việt Nam, ông Kimseng nói rằng ngoại trừ vấn đề cải cách quân đội thì ông Manet tuân theo toàn bộ đường lối của thân phụ ông.
“Tôi có cơ hội phỏng vấn ông ấy hai năm trước và lâu nay vẫn theo dõi ông ấy từ xa, tôi thấy rằng ông ấy đi theo đường lối của đảng trong quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng quan trọng như Việt Nam và Thái Lan. Ông ấy muốn có quan hệ an toàn với tất cả các nước này,” nhà báo Kimseng cho biết và nói rằng cho đến nay ông Manet không thể hiện quan điểm chống Mỹ rõ ràng như cha ông.
Ông Kimseng cho biết ông Hun Manet đã gặp gỡ các quan chức quân sự Việt Nam để bàn bạc về hợp tác quân sự giữa hai nước và đào tạo sỹ quan cho quân đội Campuhia.
Tuy nhiên, với tình hình chính trị hiện nay của Campuchia thì liệu ông Hun Sen và Đảng CPP của ông có đủ sức mạnh để đưa con trai ông lên nắm quyền hay không?
Theo ông Hutt thì chính trị ở Campuchia hiện nay không còn là sự tranh chấp giữa Đảng CPP cầm quyền và Đảng CNRP đối lập của ông Sam Rainsy nữa (vốn đã bị ông Hun Sen giải thể) mà là những mối quan hệ bên trong Đảng, và giữa Đảng với cánh quân sự vốn là nguồn gốc quyền lực ở Campuchia.
Nhà báo theo dõi tình hình Campuchia này cho rằng mặc dù vẫn còn những biến số bất định, ‘không có bằng chứng cho thấy ông Manet không được sự ủng hộ của công chúng Campuchia và cũng không có bằng chứng cho thấy những đối thủ chính trị bên ngoài gia tộc Hun có đủ khả năng ngăn chặn bất kỳ kế hoạch kế nhiệm nào của ông Hun Sen’.
Ông Hutt dẫn ra những bằng chứng cho thấy quyền lực mạnh mẽ và rộng lớn của gia đình Hun Sen, vốn sẽ là bệ phóng cho ông Hun Manet lên nắm quyền: Hun Manet và em trai Hun Manith kiểm soát quân đội; Hun Many nắm cánh thanh niên của Đảng CPP; Hun Mana nắm truyền thông và khu vực tư; bà Buny Rany, phu nhân ông Hun Sen, là người nắm hoạt động từ thiện trong nước. Ngoài ra, còn có rất nhiều cháu trai, cháu gái, anh em họ hàng của ông Hun Sen nữa.
“Điều quan trọng là tất cả hệ thống này mặc định sẽ được Hun Manet thừa hưởng – điều này có nghĩa là nếu có ai đó trong nội bộ Đảng CPP chống đối việc chuyển giao quyền lực cha truyền con nối của ông Hun Sen, thì hệ thống của Đảng CPP sẽ sụp đổ và cùng với nó là sự kiểm soát của Đảng CPP đối với xã hội Campuchia,” bài báo phân tích.
‘Gieo rắc nỗi sợ’
Khi được hỏi chính trường Campuchia liệu có thuận lợi để thực hiện việc kế nhiệm theo kiểu cha truyền con nối như thế, nhà báo Kimseng nói: “Những ai là lực lượng trung thành của Đảng CPP sẽ ủng hộ bất kỳ đường lối nào của Đảng, tức có nghĩa là sẽ ủng hộ Hun Manet (lên nắm quyền).” Ông nói tuy nhiên vẫn còn những người ủng hộ phe đối lập nữa.
Một nhân tố nữa cũng rất quan trọng để quyết định Hun Manet có lên làm Thủ tướng hay không là thân phụ của ông: đương kim Thủ tướng Hun Sen, nhà báo Kimseng cho biết.
Nhà báo này nói rằng bên cạnh vai trò là Thủ tướng, hình ảnh mà ông Hun Sen đại diện trong mắt công chúng Campuchia là ‘chế độ độc tài’, là ‘tất cả những yếu tố tiêu cực mà một chế độ dân chủ không muốn có’.
“Do đó, nếu thân phụ ông ấy ra đi thì việc ông ấy có kế nhiệm được không thì anh phải xem liệu công chúng có xem ông ấy như là một người kế nhiệm tốt hay chỉ là con trai của một nhà độc tài, một người gieo rắc nỗi sợ?”
“Khi ông Hun Sen về hưu có nghĩa là nỗi sợ không còn nữa, vậy thì tại sao anh lại ủng hộ con trai của người gieo rắc nỗi sợ để anh tiếp tục sợ hãi cho đến hết cuộc đời?” ông Kimseng phân tích.
Trả lời câu hỏi nội bộ Đảng CPP nghĩ gì về việc đưa ông Hun Manet lên kế nhiệm Hun Sen, nhà báo ban tiếng Khmer vốn có ba thập niên theo dõi chính trị Campuchia cho biết ‘Cũng có những quan chức khác muốn đề bạt con cái của họ hoặc muốn trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của đất nước’.
“Có rất nhiều người được đào tạo ở Việt Nam làm việc cho chính quyền của Hun Sen trong các cơ quan cảnh sát hay quân đội. Họ vẫn trung thành với ông Hun Sen hoặc là họ vẫn sợ ông ấy,” ông nói. “Nhưng cho dù là họ trung hay sợ, họ vẫn có thể chuyển sự trung thành sang phe phái khác trong Đảng.”
“Campuchia là một nhà nước quân chủ, chỉ có các nhà vua mới chuyển giao quyền lực cho con cái chứ tôi chưa thấy một Thủ tướng nào chuyển giao quyền lực cho con trai của mình. Và cá nhân tôi không tin rằng với những thách thức kể trên ông Hun Manet sẽ trở Thành thủ tướng của Campuchia một ngày nào đó,” ông nói.
“Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng biết đâu đây là đầu tiên Campuchia chứng kiến chuyển giao quyền lực từ cha cho con, nhưng điều đó còn phải chờ xem.”
“Cần phải nhớ rằng người dân Campuchia rất hiền lành nhưng nếu bị đẩy đến một điểm nào đó họ sẽ trở nên tàn nhẫn,” ông nói thêm.
‘Không để yên’ sức mạnh TQ tại Thái Bình Dương:
Australia – Mỹ tính kế đột phá quân sự
Australia đang lên kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu mới trên bờ biển phía bắc – nơi có thể đáp ứng các hoạt động triển khai trên biển của lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ.
Mỹ – Australia đang xem xét tăng cường hợp tác quân sự. (Nguồn: Yahoo News/AFP)
Điều này có thể là một phần trong nỗ lực chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đài ABC đưa tin hôm thứ Hai – ngày 24/6.
Đài truyền hình quốc gia Australia trích dẫn nhiều quan chức quốc phòng và chính phủ nước này cho biết, cảng này sẽ cách Darwin, thủ phủ của Northern Territory khoảng 40 km. Đây là nơi đã từng là chủ đề tranh cãi về việc để một nhà điều hành Trung Quốc thuê cảng địa phương vào năm 2015.
Cảng Darwin đã có sẵn các cơ sở quân sự và chủ yếu đón các tàu Mỹ đến thăm. Nhưng ABC cho biết, cảng mới này sẽ cung cấp cho các tàu chiến đổ bộ lớn một cơ sở hoạt động kín đáo hơn và ít đông đúc hơn.
Các đơn vị lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ gồm hơn 2.000 binh sĩ thường xuyên luân chuyển tới Darwin như một phần của chiến lược hợp tác quân sự chặt chẽ giữa hai đồng minh.
Cả Australia và Hoa Kỳ đang tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trên khắp phía tây Thái Bình Dương để đối phó lại các động thái của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực chiến lược quan trọng này, đặc biệt là bằng cách hoạt động quân sự hóa tại các đảo tranh chấp ở khu vực Biển Đông.
Là một phần của sự hợp tác phục vụ chiến lược trên, Washington và Canberra gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự chung trên đảo Manus của Papua New Guinea, phía đông bắc Australia.
ABC cho biết cảng mới của Australia tại Glyde Point sẽ phục vụ các hoạt động thương mại và công nghiệp, cùng với các cơ sở cho hoạt động quân sự.
Một thông báo liên quan đến cảng này có thể được đưa ra trong vài tuần tới – trùng với thời điểm diễn ra cuộc tập trận Talisman Saber hai năm một lần vào giữa tháng 7, ABC cho biết.
Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sydney từ chối bình luận về thông tin của ABC và Bộ Quốc phòng Australia đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu phản hồi.