Tin khắp nơi – 25/04/2018
Trump và Macron:
Có thể có thỏa thuận Iran mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói có thể có một thỏa thuận mới về chương trình hạt nhân của Iran.
Sau khi cuộc hội đàm tại Mỹ, ông Trump, người từng tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận năm 2015, nói “có thể có một thỏa thuận lớn hơn nhiều”.
Ông Macron cho biết thỏa thuận mới phải bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của nó ở Trung Đông.
Iran cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ rút khỏi bản thỏa thuận hiện tại.
Iran: Biểu tình sang ngày thứ 5
Iran sẽ ‘trả đũa’ lệnh trừng phạt của Trump
Iran cấm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học
Năm 2015, Iran đã đồng ý tạm dừng chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự nới lỏng cho các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Tổng thống Mỹ đã đe dọa từ chối một phần mở rộng của thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới, vốn đã được ký kết dưới thời Obama, trước hạn chót ngày 12/5 năm nay.
Ông Macron đã vận động hành lang ông Trump giữ vững thỏa thuận này, nói rằng không có lựa chọn nào tốt hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào hôm 27/4 như một nỗ lực vào phút chót để thuyết phục ông Trump khỏi phá hỏng thỏa thuận.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif được trích lời nói rằng Tehran sẽ “rất có thể” từ bỏ thỏa thuận nếu Mỹ rút lui.
Trump và Macron đã nói gì ở Washington?
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi có một cơ hội để tạo ra một thỏa thuận mới có thể lớn hơn nhiều,” Tổng thống Mỹ cho biết thêm rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải được xây dựng trên “nền tảng vững chắc”.
“Họ đáng ra nên thực hiện một thỏa thuận bao gồm cả Yemen, Syria, và các phần khác của Trung Đông,” ông Trump nói về hiệp định năm 2015 mà ông mô tả là “điên rồ”.
Trong khi đó, ông Macron đồng ý rằng ảnh hưởng của Tehran trong khu vực phải là một phần của các cuộc thỏa hiệp.
Ông cũng nhấn mạnh rằng – thỏa thuận mới, ngoài việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran trong thập kỷ tới theo như thỏa thuận hiện tại, thì cũng phải bao gồm các hoạt động hạt nhân dài hạn hơn, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo.
Tân cố vấn an ninh Mỹ rắn đến đâu?
Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA
Và ông nói về buổi làm việc với Tổng thống Trump để xây dựng một “khuôn khổ mới” ở Trung Đông – và đặc biệt là ở Syria.
“Ngoài sự hiện diện quân sự (ở đó), chúng ta sẽ phải xây dựng hòa bình,” ông Macron nói.
Trước đó, ông Trump cảnh báo Iran không được tiếp tục chương trình hạt nhân.
“Họ sẽ không được khởi động lại bất cứ thứ gì. Họ khởi động lại, thì họ sẽ gặp rắc rối lớn, lớn hơn trước đây nhiều.”
Phản ứng của Iran là gì?
Hôm thứ Hai, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đe dọa “hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ra tuyên bố, chỉ vài giờ trước cuộc gặp Trump-Macron, rằng một phản ứng có thể xảy ra là sự tái khởi động việc làm giàu urani – một nguyên liệu chế tạo bom quan trọng.
“Anh không thể ngừng quá trình này hoặc không tham gia chỉ vì sợ thất bại. Nhưng ít nhất anh cần có hy vọng thành công, một vài triển vọng thành công, để quá trình này bắt đầu,” Bộ trưởng Ngoại giao Iran được trích dẫn bởi Reuters.
“Và tôi không tin rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, với giọng điệu, và ngôn ngữ và cách tiếp cận hiện tại của chính quyền ở Washington, anh sẽ có nhiều triển vọng.”
Iran giữ nguyên quan điểm rằng chương trình hạt nhân chỉ dành cho mục đích dân sự hòa bình.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43889226
Các cường quốc châu Âu
cố cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran
Các đặc sứ phương Tây cho biết Anh, Đức và Pháp sắp đạt được một biện pháp trọn gói để trao lại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố thuyết phục ông hãy cứu thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Trump mô tả thỏa thuận đạt được năm 2015 với Iran là ‘thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương lượng’, và ông đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này bằng cách áp dụng biện pháp chế tài của Hoa Kỳ vào tháng tới. Theo thỏa thuận này, Iran hứa sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân để đánh đổi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế.
Những nước đã ký thỏa thuận với Iran cùng với Hoa Kỳ gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp, quyết tâm cứu vãn thỏa thuận này. Các nước này coi thỏa thuận đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân.
Các đặc sứ phương Tây nói với Reuters hôm 25/4 rằng kết quả của ba tháng họp kín là biện pháp cả gói gồm những biện pháp riêng rẽ có thể được tiến hành để chống lại Iran, với hy vọng các biện pháp này sẽ thỏa mãn ông Trump trong khi vẫn duy trì nguyên vẹn thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Anh, Pháp và Đức không muốn đàm phán lại thỏa thuân hạt nhân vô cùng phức tạp này.
Thay vào đó, các nước này đang tìm cách xây dựng các biện pháp riêng biệt được thống nhất giữa châu Âu và Hoa Kỳ nhằm giải quyết các vấn đề chưa được ghi trong thỏa thuận hạt nhân hiện giờ, chủ yếu là sự hỗ trợ mà Tehran dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Các nhà ngoại giao cho Reuters biết gói biện pháp này có thể bao gồm những lệnh trừng phạt mới của Liên hiệp châu Âu đối với Iran,kể cả những cách nhằm kéo dài thời gian Iran cần có để phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai, mặc dù đó là khía cạnh khó khăn nhất để thương thuyết.
Hai nhà ngoại giao châu Âu cho Reuters biếtkế hoạch này nói chung phù hợp với các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Iran, và Tổng thống Macron đã mang ra thảo luận với ông Trump trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Pháp và Mỹ muốn
một hiệp ước nguyên tử mới, Iran bác bỏ
Hồ sơ nguyên tử Iran là chủ đề chính trong cuộc hội đàm hôm qua 24/04/2018 giữa hai nguyên thủ Pháp và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đe dọa ra khỏi hiệp ước và trừng phạt Teheran vào ngày 12/5 tới. Để cho tình hình khỏi xấu đi, đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị thương thảo một hiệp ước nguyên tử mới. Hôm nay tổng thống Iran bác bỏ đề nghị này.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình :
« Sự bất đồng giữa hai nguyên thủ về hồ sơ Iran đã được phô bày rõ trước các ống kính ngay từ khi bước vào Phòng Bầu dục. Tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích hiệp ước nguyên tử, mà ông cho là phi lý và buồn cười. Nhưng hai tiếng đồng hồ sau đó trong cuộc họp báo, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị một lối ra, đó là thương lượng một hiệp ước mới.
Ông Macron nói : « Cho dù tổng thống Trump quyết định như thế nào đi nữa, tôi mong rằng ngay từ bây giờ chúng ta có thể nghiên cứu một hiệp ước mới, mà bốn điểm chính cũng như trong hiệp ước Vienna (GCPOA), tức là chương trình nguyên tử hiện nay, hậu 2025, tình hình khu vực và chương trình hỏa tiễn đạn đạo ».
Tổng thống Mỹ tuy vậy vẫn tỏ ra mơ hồ về ý định tham gia thương lượng, và giữ nguyên giọng điệu hết sức đe dọa đối với Iran. Ông Trump tuyên bố : « Không ai biết được tôi sẽ hành động như thế nào vào ngày 12/5 tới, nhưng hãy cứ chờ xem. Và chúng ta cũng chờ xem nếu tôi làm điều mà một số người chờ đợi, hoặc có khả năng thỏa thuận được một hiệp ước mới trên các cơ sở vững chắc. Tuy nhiên nếu Iran đe dọa chúng ta bằng cách này hay cách khác, họ sẽ trả một cái giá mà xưa nay ít có nước nào phải trả ».
Được hỏi về nguy cơ Iran bác bỏ việc tái thương lượng, nhất là nếu Mỹ lại đưa ra các biện pháp trừng phạt mới vào ngày 12/5 tới, những người thân cận của tổng thống Pháp trả lời : vai trò của chúng tôi là đưa ra những đề nghị. Không thể ngưng mọi việc theo một quyết định của Mỹ».
Tổng thống Iran bác bỏ đề nghị tái thương lượng
Hôm nay tổng thống Iran, Hassan Rohani tỏ ra nghi ngại về cuộc thảo luận giữa hai nguyên thủ Pháp-Mỹ về hồ sơ nguyên tử. Ông Rohani gọi ông chủ Nhà Trắng là « nhà buôn » không có kinh nghiệm gì về các hiệp ước quốc tế, và bác bỏ việc tái thương lượng.
Hiệp ước nguyên tử Iran (JCPOA) được ký kết hồi tháng 7/2015 giữa Iran với Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Liên Hiệp Châu Âu, Nga và Trung Quốc dưới thời tổng thống Barack Obama, chưa bao giờ được Donald Trump chấp nhận. Ông Trump đề nghị các đối tác châu Âu đến ngày 12/5 phải « sửa chữa những sai lầm khủng khiếp » của văn bản này, nếu không ông sẽ từ chối gia hạn việc giảm nhẹ trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Có thêm thẩm phán buộc Trump phục hồi DACA
Thêm một thẩm phán Liên bang Mỹ ra lệnh cho chính quyền Trump phục hồi lại chương trình DACA có mục đích bảo hộ ngoại kiều trẻ vào Mỹ khi không có giấy tờ được ở lại.
Thẩm phán của John Bates từ District of Columbia nói quyết định chấm dứt chương trình DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) là “không được giải thích”.
Ông John Bates là thẩm phán thứ ba ra phán quyết ngược lại với ý muốn của chính quyền Trump.
Ông Bates cho bên hành pháp 90 ngày để lý giải trước khi phán quyết của ông được áp dụng.
Trước đó, có các thẩm phán ở New York và San Francisco đã ra phán quyết tương tự.
Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca
Trump xem xét cấp quyền công dân cho hai triệu người
Cơ hội về Mỹ của Việt Kiều bị trục xuất ‘rất thấp’
Mỹ: Thẩm phán di trú bị đặt chỉ tiêu
Ước tính có 80 nghìn người có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định của chính quyền Trump chấm dứt DACA, chương trình được công bố thời Obama để hoãn trục xuất nhằm bảo vệ người tới Mỹ khi còn là vị thành viên mà không có giấy tờ.
Tháng 9/2017, Tổng thống Donald Trump ra lệnh bỏ chương trình DACA, và nói ông muốn hoàn toàn xóa nó từ tháng 3 năm nay.
Theo BBC News hôm 25/04/2018, đa số người được chương trình DACA đến từ Mexico và các nước Nam Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhà báo Bùi Văn Phú viết cho BBC Tiếng Việt thì các thay đổi của chính quyền Trump đưa ra trong chính sách di dân có thể ảnh hưởng đến một số người gốc Việt.
Ông nêu ra các việc, từ xây tường ở biên giới phía nam Hoa Kỳ, cấm dân từ 6 nước đông người Hồi giáo vào Mỹ cho đến việc rút lại sắc lệnh DACA cho trẻ vị thành niên theo cha mẹ nhập cư vào Mỹ được tạm cư hợp pháp, và việc cơ quan ICE gia tăng việc bắt giam những di dân bất hợp pháp hay có tiền án.
Số người Việt bị cơ quan ICE (Immigration and Custom Enforcement, tức cơ quan thi hành luật di trú và kiểm soát cửa khẩu) bắt giam trở lại đã gia tăng nhiều trong vài tháng qua.
Họ là những người có án hình sự và trước đây được tòa di dân cho tự do tạm thời để ra ngoài xã hội làm việc hay chăm sóc gia đình, theo bài của ông Bùi Văn Phú hồi tháng 11/2017.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43893029
Trung Quốc nói đang chuẩn bị
những bước tiếp theo nhắm vào Đài Loan
Trung Quốc hôm 25/4 nói nước này đã chuẩn bị cho những bước kế tiếp để chống lại các bước đi đòi độc lập của Đài Loan.
Phát biểu tại buổi họp báo định kỳ, ông Ma Xiaoguang, người phát ngôn của Văn phòng quan hệ với Đài Loan của Trung Quốc nói rằng những cuộc tập trận vừa qua của Trung Quốc gần Đài Loan đã gửi ra một thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc chắc chắn và có đủ khả năng chống lại bất cứ kế hoạch hay hành động đòi độc lập nào của Đài Loan. Ông Mã đe dọa nếu Đài Loan có bất cứ hành động nào theo hướng đòi độc lập thì Trung Quốc sẽ có những hành động tiếp theo.
Hồi tuần trước, Đài Loan đã lên tiếng phản đối những cuộc tập trận của Trung Quốc gàn đây tại eo biển Đài Loan, coi đây là sự đe dọa cho hòa bình và ổn định của khu vực. Phía Đài Loan cũng nói sẽ không có nhượng bộ đối với Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 24/4 cho biết nước này sẽ thwujc hiện một cuộc tập trận giả định bị Trung Quốc xâm lược.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, cuộc tập trận hàng năm này sẽ diễn ra vào tháng sáu, kéo dài 5 năm ngày và có bắn đạn thật trên bờ biển.
Đài Loan tách khỏi Trung Quốc vào năm 1949. Tuy nhiên Trung Quốc từa trước đến nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ ngày được thống nhất.
TT Mỹ ca ngợi vợ
về quốc tiệc khoản đãi TT Pháp
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 24/4 nói “thật là một vinh dự lớn lao” được đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới dự buổi quốc tiệc đầu tiên của chính quyền ông.
Trước sự hiện diện của hơn 100 quan khách tại sự kiện long trọng này, Tổng thống Trump mô tả quan hệ gắn bó giữa Hoa Kỳ và nước Pháp là “một tình bằng hữu khác thường.”
Đệ nhất phu nhân Melania Trump nổi bật tại buổi tiệc với bộ trang phục ánh bạc thêu tay đính pha lê với đồ trang sức của Chanel. CNN cho rằng đây là một lựa chọn ngầm nhắc nhở đến nước Pháp vào lúc nguyên thủ quốc gia nước này tới thăm Nhà Trắng.
Các nhà thiết kế thời trang được phép tặng các phu nhân những bộ trang phục mặc tại các buổi yến tiệc cấp quốc gia, những bộ trang phục đó sau này sẽ trở thành tài sản được lưu giữ tại Văn khố Quốc.
Tổng thống Trump ôm hôn vợ Melania và nâng cốc chúc mừng để cám ơn các nỗ lực của bà trong việc tổ chức quốc yến.
“Xin nâng cốc mừng đệ nhất phu nhân vô cùng tuyệt vời của nước Mỹ, cám ơn em đã giúp cho đêm nay trở thành một đêm đáng nhớ mà chúng ta luôn trân trọng. Cám ơn em, Melania,” Tổng thống Mỹ nói trong tiếng vỗ tay.
Theo CNN, đệ nhất phu nhân Melania đã giành nhiều tuần lễ để tự tìm hiểu những nghi thức và lịch sử của các sự kiện đặc biệt tại Toà Bạch Ốc. Truyền thống tổ chức quốc tiệc bắt đầu từ chính quyền Tổng thống Ulysses Grant vào năm 1874. Đây là lần thứ 14 Nhà Trắng tổ chức quốc tiệc khoản đãi một lãnh đạo nước Pháp khi Tổng thống Trump tiếp Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến công du chính thức này.
CNN trích lời Thư ký của Nhà Trắng phụ trách quan hệ xã hội, Rikie Niceta, nói: “Phu nhân Melania đã chọn từng thứ một và từng chi tiết cho quốc tiệc.”
Phu nhân Melania đã chọn trắng kem và vàng làm màu chủ đạo cho tiệc khoản đãi Tổng thống Macron và phu nhân Brigitte. Các bộ bát dĩa bằng sứ và thực đơn, nhất nhất đều được đệ nhất phu nhân chọn vì ý nghĩa đặc biệt của nó. Thậm chí rượu cũng được chọn lựa với hàm ý về mối quan hệ Pháp-Mỹ. Đó là rượu Chardonnay Domaine Senene làm từ loại nho có nguồn gốc từ Pháp.
Quốc tiệc đêm 24/4 tương đối nhỏ so với các buổi quốc tiệc đầu tiên của các chính quyền tiền nhiệm vì ít khách mời hơn và có ít người nổi tiếng và những tên tuổi lớn ở Washington hơn tới dự.
Trước buổi quốc tiệc, Tổng thống Macron đã được tiếp đón long trọng tại nhiều sự kiện, trong cùng ngày 24/4 Tổng thống Pháp đã được chào mừng tới Nhà Trắng trong tiếng quân nhạc với 500 binh sĩ dàn chào và 21 phát đại bác.
Trước đó, Tổng thống Trump và Tổng thống Macron kêu gọi nên có nhiều cuộc đối thoại với Iran nhưng không đưa ra dấu hiệu rõ ràng nào về liệu ông Trump có rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-my-ca-ngoi-vo-ve-quoc-tiec-khoan-dai-tt-phap/4364151.html
Thay đổi đại sứ
có thể làm rạn nứt quan hệ Mỹ-Úc, Mỹ-TQ
Đô đốc Harry Harris có thể trở thành đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc. Ông hiện là tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nếu việc đề cử này diễn ra, nó cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tập trung mọi nỗ lực và sự chú ý vào bán đảo Triều Tiên trước các cuộc hội đàm quan trọng.
Nhưng trước đây, ông Harris được xem là người chắc chắn sẽ trở thành đại sứ tiếp theo của Mỹ ở Úc. Sự thay đổi về đề cử dẫn đến nguy cơ làm cho Trung Quốc bực tức và gây tổn hại đến quan hệ với đồng minh lâu năm giữa Washington và Canberra.
Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy Sydney, nói: “Điều này tạo cớ cho những người thuộc phe chống Mỹ hoặc thân Trung Quốc (ở Úc) có thể chỉ tay về phía Washington và nói rằng đó là một đồng minh không đáng tin cậy”.
Ông Harris là một tư lệnh hải quân có nhiều thành tích lớn. Việc ông được đề cử làm đại sứ ở Úc được xem như một dấu hiệu về sự vững mạnh của mối quan hệ Mỹ-Úc. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi diễn ra buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ này, đã có quyết định hoãn sang đầu tháng 5.
Tòa Bạch Ốc chưa xác nhận về sự thay đổi việc bổ nhiệm, nhưng Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết ông đã được báo về quyết định hồi đầu tuần này.
“Tôi thất vọng về việc ông Harry sẽ không đến, vì ông ấy là một người bạn thực sự tốt, và tôi nghĩ ông Harry cũng sẽ thất vọng về việc ông ấy không đến Canberra, vì ông ấy yêu nước Úc”, ông Turnbull nói với Sky News, một hãng có liên kết với CNN.
Quyết định được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và trước cuộc hội đàm có thể diễn ra giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Việc bổ nhiệm Đô đốc Harris chứng minh tầm quan trọng của bán đảo Triều Tiên đối với chính quyền ông Trump, theo các nhà phân tích, cũng như cho thấy Seoul đang rất mong Mỹ sớm cử đại sứ đến Hàn Quốc.
Sự lựa chọn một nhân vật quân sự cao cấp nổi tiếng và có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Mỹ sẽ được hoan nghênh ở Seoul. Mỹ đã không có đại sứ ở đó trong hơn một năm.
Người lâu nay được đồn đại là ứng cử viên cho vị trí này, Victor Cha, đã không còn được cân nhắc hồi tháng 1 sau khi ông công khai lên tiếng lo ngại về một “đòn tấn công tóe máu mũi” có thể có đối với Triều Tiên.
Tại một phiên điều trần ở Thượng viện hồi tháng Ba, ông Harris nói Triều Tiên là “mối đe dọa an ninh khẩn cấp nhất” đối với Hoa Kỳ ở khu vực châu Á.
Vị đô đốc nói bất kỳ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên sẽ không nhanh chóng hoặc dễ dàng. “(Nhưng) chúng tôi sẵn sàng làm toàn bộ điều đó nếu Tổng thống yêu cầu”, ông nói vào thời điểm đó.
Mặc dù ông Harris có quan điểm quân sự diều hâu, các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có lẽ sẽ không đặc biệt quan ngại hoặc bị sốc về việc bổ nhiệm ông tới Seoul.
Ông Harris đã từng nói trong một buổi điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng ông không “quá lạc quan” về kết quả của một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim.
(CNN, TIME)
https://www.voatiengviet.com/a/thay-doi-dai-su-co-the-lam-ran-nut-quan-he-myuc-mytq/4364014.html
LHQ: Syria là bẫy thần chết với thường dân
Thường dân không còn có thể thoát khỏi cảnh giao tranh và oanh kích tại Syria vì các biên giới đã bị kiểm soát quá chặt chẽ và các nước láng giềng đã quá tải người tị nạn, tạo nên những cảnh thống khổ tệ hại nhất trong thời hiện đại, một giới chức hàng đầu của cơ quan Liên hiệp quốc nói.
Trưởng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc Filippo Grandi cảnh báo là một tai họa mới sẽ xảy ra nếu thành phố Idlib do phe nổi dậy Syria kiểm soát là mục tiêu kế tiếp của quân đội Syria.
“Đất nước này đang trở thành một cái bẫy, tại một số nơi là một cái bẫy thần chết đối với thường dân,” ông Grandi nói với các phóng viên.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria, một tổ chức theo dõi chiến tranh có trụ sở tại Anh, tháng rồi cho biết có khoảng 511.000 thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt dầu vào tháng 3 năm 2011.
Có khoảng 5,5 triệu người Syria đang sống cuộc đời tị nạn tại Iraq, Jordan, Li-băng và Thổ Nhĩ Kỳ, và hiện chiếm một phần tư dân số Libăng.
Khoảng 6,1 triệu người khác vẫn còn ở lại Syria nhưng bị thất tán.
Ông Grandi hy vọng gây quỹ được 5,6 tỉ đô la từ các nhà tài trợ quốc tế để trợ cấp nhân đạo khẩn cấp cho người tị nạn Syria trong năm nay, nhưng số tiền này không phải dành cho Syria mà thay vào đó sẽ giúp cho các nước nhận người tị nạn như Jordan, Iraq, Ai Cập và Li-băng.
Trong khi đó, Liên hiệp quốc ước lượng có hơn 400.000 thường dân bị kẹt tại những khu vực bị vây hãm ở Syria.
Con số này có thể tăng mạnh vì hiện có 2 triệu người sống tại vùng tây bắc Idlib, khu vực đông dân nhất hiện nằm trong tay phe nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damacus.
Một số cơ quan cứu trợ cho rằng sự thống khổ còn lớn hơn khi Alepo bị bao vây vào năm ngoái và tại miền đông Ghouta và Raqqa trong năm nay nếu quân đội Syria và hai nước ủng hộ là Nga và Iran mở cuộc tấn công vào Idlib.
Hàng chục ngàn chiến binh và thường dân thoát khỏi những khu vực mà quân đội đã tái chiếm với sự yểm trợ của Nga và Iran.
“Idlib là khu vực nhiều chiến binh di chuyển đến,” Ông Grandi nói. “Nếu chiến tranh đến vùng này thì rất nguy hiểm cho thường dân.”
Ông Grandi và các cơ quan cứu trợ khác dự báo thường dân Syria sẽ không còn nơi nào khác để đến nữa vì biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ với Syria tại Gaziantep bị kiểm soát chặt chẽ, khiến người tị nạn bị kẹt trong Syria.
Ông Grandi nói “Tôi nghĩ chúng ta sắp mất không chỉ một thế hệ mà là dân số của một nước.”
https://www.voatiengviet.com/a/lhq-syria-la-bay-than-chet-doi-voi-thuong-dan/4363325.html
Seoul rút kinh nghiệm
từ các thượng đỉnh với Triều Tiên trong quá khứ
Cuộc họp thượng đỉnh ngày 27/4 năm nay giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đánh dấu đỉnh cao của một nền ngoại giao sóng gió đưa hai nước láng giềng bên bờ vực chiến tranh tới công khai thảo luận hòa bình.
Bài phân tích đăng trên Financial Times nói trong lúc tiến đến một thỏa thuận thiết lập nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên, ông Moon cũng lo ngại có thể lập lại những sai lầm trong quá khứ của hai người tiền nhiệm có lập trường cấp tiến từng gặp cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il.
Hai hội nghị thượng đỉnh trước đây, chú trọng nhiều vào việc chấm dứt xung đột và mở rộng các trao đổi kinh tế, đều được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007 và đã đạt được những thỏa thuận kinh tế và quân sự nhưng kết quả ít tiến bộ.
Financial Times dẫn lời ông Park Jung-jin, Giáo sư tại Trường đại học Kyungnam ở Hàn Quốc, cho rằng: “Những hội nghị thượng đỉnh trong quá khứ có tính cách biểu tượng cao vì những thỏa thuận được thi hành yếu kém. Điểm chính hiện nay là làm thế nào thực thi bất cứ thỏa thuận nào đạt được tại hội nghị thượng đỉnh tuần này.”
Các chuyên gia nói lần này là một dấu hiệu tiến bộ vì cuộc họp thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm—một vị trí trung lập tại vùng phi quân sự chia cách hai nước Triều Tiên—nhưng hai bên đều nói hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba sẽ phức tạp hơn những hội nghị thượng đỉnh trước đây.
Việc ngưng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã trở thành ưu tiên đối với Seoul và Washington vì Triều Tiên đã chứng tỏ có khả năng hạt nhân và phi đạn đạn đạo liên lục địa có thể đe dọa đến đất liền nước Mỹ.
“Hiện nay chúng ta đang ở một thế giới khác vì Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân, đe dọa an ninh thế giới lớn hơn trước. Đối với các quốc gia, rủi ro cũng lớn hơn trước,” ông Kim Tae-woo, cựu giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, được Financial Times dẫn lời.
Sau cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2000, cựu Tổng thống Kim Dae-jung được trao Giải Nobel Hòa bình vì “Chính sách Mặt trời” giao tiếp với miền Bắc. Trong 3 ngày thăm Bình Nhưỡng, ông Kim Dae-jung và nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong Il, lúc bấy giờ, đã đồng ý tiến đến một nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên, cổ súy thống nhất và mở rộng những trao đổi nhân đạo và kinh tế.
Cuộc họp thượng đỉnh đó đã đưa đến một loạt các cuộc sum họp gia đình bị chia cách trong chiến tranh Triều Tiên và thành lập một nhà máy liên hợp chung tại thành phố Kaesong của Triều Tiên vào năm 2014. Tuy nhiên, thành tựu này sau đó bị hoen ố vì có tiết lộ là Seoul đã trả cho Bình Nhưỡng 500 triệu đô la để tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Vào năm 2007, một Tổng thống cấp tiến khác của Hàn Quốc là ông Roh Moo-hyun mở rộng chính sách giao tiếp của người tiền nhiệm, đi bộ qua biên giới được canh phòng cẩn mật đến gặp ông Kim Jong Il. Cuộc họp diễn ra giữa lúc có nhiều hoạt động ngoại giao để thi hành thỏa thuận, theo đó, Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và năng lượng khổng lồ, cũng như cải thiện các mối quan hệ ngoại giao.
Hội nghị này đạt được một thỏa thuận 8 điểm, hai nhà lãnh đạo hứa thay thế lệnh ngưng chiến bằng một chế độ hòa bình lâu dài và thành lập một khu vực đánh cá chung dọc theo ranh giới biển tranh chấp ở phía Tây để ngăn ngừa những vụ xung đột hải quân đẩm máu.
Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ ông Roh ít tiến triển sau khi Tổng thống bảo thủ lên cầm quyền tại Seoul, chấp nhận một lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng và Triều Tiên đã giáng trả bằng một loạt vụ thử hạt nhân và phi đạn.
Tổng thống Moon hiện nay là chánh văn phòng của ông Roh lúc bấy giờ và có dính líu đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2017.
(Nguồn Financial Times)
TQ vạch lộ trình thăm dò sâu trong vũ trụ
Trung Quốc đang lên kế hoạch cho 4 cuộc thăm dò sâu trong vũ trụ trước năm 2030, bao gồm thăm dò sao Hỏa, các tiểu hành tinh và sao Mộc, theo lời ông Pei Zhaoyu, phó giám đốc Trung tâm Thăm dò Mặt trăng và Chương trình Vũ trụ thuộc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của nước này vào năm 2020. Tàu dự kiến bay quanh, đổ bộ và triển khai một xe thăm dò lên bề mặt hành tinh đỏ, ông Pei cho biết tại một hội nghị về vũ trụ hôm 24/4, cũng là Ngày Vũ trụ của Trung Quốc.
Nước này còn có kế hoạch thăm dò các tiểu hành tinh vào khoảng năm 2022, tiếp theo là một cuộc thăm dò vào năm 2028 để đưa các mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất.
Một cuộc thăm dò hệ sao Mộc đã được lên kế hoạch để thực hiện vào khoảng năm 2029.
Thăm dò mặt trăng và sâu trong vũ trụ là điều rất quan trọng đối với nỗ lực của Trung Quốc để trở thành một cường quốc về vũ trụ, ông Pei nói.
Về việc đưa người đổ bộ xuống mặt trăng, ông Pei nói cá nhân ông nghĩ rằng một thiết bị phóng vẫn là thách thức kỹ thuật lớn nhất, và cũng cần cân nhắc khía cạnh tài chính vì chi phí cho dự án này rất lớn.
Căn cứ vào hoàn cảnh của Trung Quốc, ông đề xuất lập ra một trạm nghiên cứu mặt trăng không có người trong khoảng10 năm tới để tích lũy trình độ chuyên môn kỹ thuật, và lập căn cứ nghiên cứu và phát triển mặt trăng vào khoảng năm 2050. Ông Pei hình dung ra rằng căn cứ này sẽ do robot vận hành về dài hạn, trong khi con người chỉ ghé thăm.
(Tân Hoa Xã)
https://www.voatiengviet.com/a/tq-vach-lo-trinh-tham-do-sau-trong-vu-tru/4364339.html
Giáo Hoàng kêu gọi thượng đỉnh liên Triều
‘đối thoại minh bạch’ vì hòa bình
Ðức giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Tư 25/4 kêu gọi “đối thoại minh bạch” giữa hai miền Triều Tiên. Theo hãng tin Reuters, Giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo liên Triều hành động với lòng can đảm để thúc đẩy hòa bình khu vực và thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp nhau tại làng biên giới Bàn Môn Điếm vào thứ Sáu ngày 27/4.
Ðức giáo hoàng phát biểu trước hàng chục ngàn người tại buổi Triều Yết Chung hàng tuần: “Cuộc gặp gỡ này có thể là một cơ hội thuận lợi để bắt đầu một cuộc đối thoại minh bạch và một con đường chắc chắn để tiến tới hòa giải và đổi mới tình huynh đệ nhằm đảm bảo nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và trên toàn thế giới.”
Giáo hoàng Phanxicô, người đã đến thăm Hàn Quốc vào năm 2014, kêu gọi các nhà lãnh đạo hai miền hãy “kiên trì hy vọng, và như thế có thể trở thành người tạo ra hòa bình.”
Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trước đây được tổ chức vào năm 2000 và năm 2007.
Tổng thống Mỹ: Bình Nhưỡng
hải giải trừ vũ khí hạt nhân
Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/04/2018, khi trả lời một câu hỏi về Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết theo quan điểm của ông, Bình Nhưỡng phải hủy bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân đúng theo nghĩa « phi hạt nhân hóa ».
Tổng thống Mỹ còn tuyên bố là thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ « rất tích cực ». Bắc Triều Tiên phải « phi hạt nhân hóa, hiểu một cách đơn giản, là phải dẹp bỏ hết các quả bom nguyên tử ». Chưa biết Bình Nhưỡng sẽ phản ứng ra sao ? Khi tuyên bố ngưng thử bom và tên lửa liên lục địa, Kim Jong Un cho biết là « đã đạt được vũ khí chiến lược », nay tập trung vào phát triển kinh tế.
Nhân quyền : Bắc Triều Tiên lên án các chỉ trích « kỳ quặc » của Mỹ
Theo AFP, báo cáo thường niên của bộ Ngoại Giao Mỹ về tình trạng nhân quyền 2017 công bố tuần trước, cáo buộc Bình Nhưỡng xâm phạm nhân quyền trầm trọng, từ giết người đến tra tấn, từ đàn áp giới ly khai và bắt cóc người ở nước ngoài. Ngày 24/04/2018, chính quyền Bình Nhưỡng lên chỉ trích báo cáo nói trên là một « vu cáo thô bạo » nhắm vào Bắc Triều Tiên, đồng thời lên án Mỹ là nơi nhân quyền bị xâm phạm nặng nề, với « văn hóa dùng súng », được ví với « căn bệnh ung thư ».
Phản ứng nói trên diễn ra chỉ ít ngày trước thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Theo ngoại trưởng Hàn Quốc, tình trạng nhân quyền tại miền Bắc sẽ không nằm trong chủ đề thảo luận, trong bối cảnh nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền liên tục kêu gọi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180425-tong-thong-trump-binh-nhuong-giai-tru-hat-nhan
Thuyết phục Donald Trump :
Thử thách cam go đối với tổng thống Pháp
Cho dù tổng thống Pháp và đồng nghiệm Mỹ thể hiện như hai người bạn tâm đầu ý hợp, ngay từ thời khắc đầu chuyến công du của nguyên thủ Pháp tại Washington, Emmanuel Macron đã không thể thuyết phục được Donald Trump thay đổi lập trường về thỏa thuận hạt nhân Iran trong chuyến đi này.
Trong cuộc đối thoại rất được trông đợi với Emmanuel Macron tại Văn phòng tổng thống Mỹ hôm qua, 24/04/2018, ông Donald Trump nhắc lại đe dọa xé bỏ thỏa thuận 2015, vốn được các nước châu Âu, cũng như Nga và Trung Quốc coi là thỏa thuận tốt nhất mà quốc tế có thể đạt được trong vấn đề này.
Tổng thống Pháp đứng trước một thách thức vô cùng nan giải. Đó là phải làm mọi cách để duy trì quan hệ mật thiết với đồng nhiệm Mỹ, vốn có quan điểm gần như đối nghịch trong hàng loạt hồ sơ lớn, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, điều mà Paris đã nỗ lực từ nhiều tháng nay. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau buổi đối thoại với tổng thống Mỹ, Emmanuel Macron nhấn mạnh : « Chúng ta sẽ không xé bỏ một thỏa thuận để đi về nơi vô định, chúng ta phải xây dựng một thỏa thuận mới, rộng hơn, cho phép bao trùm toàn bộ các mối lo ngại của chúng ta ».
Đặc phái viên RFI Veronique Rigolet cho biết cụ thể :
« Nếu như ngày hôm qua một lần nữa kết thúc với những trang phục lễ hội và nhiều cảnh tượng sang trọng khác trong bữa dạ tiệc cấp Nhà nước tại Nhà Trắng, thì đây cũng là một ngày không hề dễ dàng với tổng thống Emmanuel Macron, vào lúc hai bên đề cập đến các chủ đề gây bất đồng nhất.
Ngay vào lúc khởi đầu cuộc trao đổi với đồng nhiệm Pháp tại Phòng bầu dục, về chủ đề thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đột ngột nổi nóng khi dằn mạnh từng tiếng một : một ‘‘thảm họa’’, ‘‘một nỗi nhục’’. Tuyên bố của Donald Trump khiến không khí trở nên lạnh giá, xóa tan đi những nụ cười bạn hữu cởi mở và đồng thuận ngầm của hai nguyên thủ, được hai bên thể hiện ngay từ khi tổng thống Pháp bước khỏi máy bay chiều ngày thứ Hai, 23/04.
Tổng thống Pháp – người vẫn còn cam chắc là sẽ không có phương án B, cách đây chỉ hai ngày – rút cuộc đã đề nghị một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, với những phạm vi chưa thật rõ ràng. Trong khi đó, giữa hai bên không có nhiều tiến triển trong các hồ sơ khác, như thương mại, thuế quan hay khí hậu.
Nhân nhượng duy nhất của Donald Trump là không loại trừ khả năng các lực lượng Mỹ ở lại lâu hơn một chút tại Syria. Cho dù có được tình bạn với tổng thống Mỹ, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron không dễ dàng thuyết phục được Donald Trump, người hơn bao giờ hết khẳng định quan điểm nước Mỹ trước hết ».
Tổng thống Pháp sẽ phải tìm lại được nụ cười trong bài phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Mỹ hôm nay, bằng tiếng Anh, trong vòng 30 phút. Phát biểu trước Quốc Hội Mỹ là một vinh dự được dành cho một số nguyên thủ Pháp, trong đó có tổng thống De Gaulle, cách nay đúng 58 năm. Tổng thống Macron dự kiến sẽ trình bày quan điểm của nước Pháp về thế giới, đặc biệt là quan hệ lịch sử « rất đặc biệt » hơn hai thế kỷ với Hoa Kỳ, một tình bạn chưa bao giờ bị chối bỏ, cho dù có nhiều lúc hai bên không hiểu nhau.
Cùng nhau sáng tạo một « trật tự thế giới mới của thế kỷ 21 » cũng sẽ là khuyến nghị của nhà lãnh đạo Pháp, trước các thách thức nghiêm trọng toàn cầu, từ bất bình đẳng gia tăng, môi trường trái đất suy thoái, chủ nghĩa khủng bố, cho đến sự dâng cao của chủ nghĩa dân tộc tại nhiều nơi, các cuộc tấn công đủ loại nhắm vào những giá trị dân chủ.
http://vi.rfi.fr/phap/20180425-thuyet-phuc-donald-trump-thu-thach-cam-go-doi-voi-tong-thong-phap
Pháp : Hội nghị quốc tế nhằm
triệt nguồn tài chính của Daech và Al Qaida
Giới chức chính phủ và chuyên gia từ 72 quốc gia và 18 tổ chức quốc tế họp tại Paris trong hai ngày, 25 và 26/04/2018, nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống tài trợ cho các tổ chức khủng bố.
Theo Reuters, hội nghị mang tên « No money for terror » (tạm dịch là : Cắt nguồn tài chính của khủng bố) có sự tham gia toàn bộ các quốc gia Ả Rập, trừ Syria. Khoảng 80 bộ trưởng, hơn 450 chuyên gia – trong đó có nhiều thẩm phán, nhân viên các cơ quan tình báo, cùng lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Liên Đoàn Ả Rập, Liên Hiệp Châu Phi và nhiều tổ chức khác.
Phủ tổng thống Pháp lưu ý là cuộc chiến chống các nhóm khủng bố như Daech (tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo), Al Qaida và nhiều nhóm khác đang hoạt động mạnh tại Trung Đông và châu Phi « còn lâu mới kết thúc ». Tuy bị đẩy lùi tại Syria, Daech vẫn duy trì được nhiều nguồn lực tài chính, được cất giấu tại nhiều nơi.
Theo điện Elysée, tài sản của Daech hiện còn « rất lớn ». Tổ chức này có thể đã tích trữ được khoảng một tỉ đô la năm 2014, thêm một tỉ nữa vào năm 2015 và ít hơn một chút năm 2016. Theo các chuyên gia, để cất giấu nguồn lực tài chính, các nhóm khủng bố đã nhanh chóng làm chủ các kỹ thuật và công nghệ mới, như thẻ thanh toán trước, ví điện tử trực tuyến, hay phương thức góp vốn cộng đồng (Crowdfunding). Việc kiểm soát các dòng tiền của khủng bố như vậy trở nên khó khăn hơn.
Pháp và một số nước đồng minh muốn đề nghị xóa bỏ nguyên tắc bí mật danh tính của các giao dịch tài chính này hoặc có các biện pháp để quản lý hiệu quả hơn.
Theo ban tổ chức, Iran không dự hội nghị để tránh cho không khí xung đột giữa Teheran và các nước Ả Rập làm chệch hướng chủ đề chính của hội nghị. Qatar và một số nước Ả Rập đang có xung đột cũng quyết định gạt bất đồng sang một bên để bảo đảm hội nghị diễn ra suôn sẻ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ Hoa Kỳ trở về, dự kiến sẽ có phát biểu bế mạc hội nghị vào ngày mai 17g30. Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) có trách nhiệm công bố bản tuyên bố chung, sau khi hội nghị kết thúc.
Syria : Hội nghị « Bruxelles 2 » huy động tiền cứu trợ khẩn người tị nạn
Một hội thảo khác cũng liên quan đến Trung Cận Đông diễn ra trong hai ngày, 24 và 25/04, tại Bruxelles. Hội nghị mang tên « Bruxelles 2 » có mục tiêu huy động hàng tỉ đô la – khoản tiền để cứu trợ khẩn cấp cho hơn 11 triệu người Syria phải tị nạn vì chiến tranh, ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Đây là hội nghị quốc tế lần thứ bảy về tương lai của Syria, kể từ khi nội chiến bùng phát năm 2011, và là lần thứ hai, hội nghị được tổ chức tại Bruxelles.
Theo người phụ trách các hoạt động nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc (OCHA), ông Mark Lowcock, hiện tại Liên Hiệp Quốc đã huy động « toàn bộ nguồn lực », ban tổ chức hy vọng thu được khoảng 8 tỉ đô la tài trợ, trong đó 3,5 tỉ cho trợ giúp nhân đạo tại Syria và số còn lại để giúp người tị nạn tại các nước láng giềng với Syria. Pháp hứa hẹn đóng góp hơn một tỉ euro.
Khoảng 85 đoàn tham dự hội nghị, riêng Liên Hiệp Châu Âu có 12 ngoại trưởng, sáu bộ trưởng phụ trách phát triển.
Dân Armenia lại biểu tình
theo lời kêu gọi của thủ lãnh đối lập
Những cuộc biểu tình mới hôm nay 25/04/2018 lại làm rung chuyển thủ đô Erevan của Armenia. Hàng ngàn người đã xuống đường theo lời kêu gọi của nhà đối lập Nikol Pachinian, đòi hỏi chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa và tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, sau khi thủ tướng Serge Sarkissian từ chức dưới áp lực của đường phố.
Từ Erevan, thông tín viên RFI Régis Genté tường trình :
« Đó là một cuộc cách mạng » – nhà đối lập Nikol Pachinyan nhấn mạnh. Đất nước chưa bao giờ có được một cuộc bầu cử dân chủ nào, như vậy các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa đại diện cho những ai ? Người hùng của đường phố Armenia – trong chiếc áo thun màu nhà binh và chiếc nón kết kiểu bóng chày – đặt câu hỏi.
Tóm lại, các nghị sĩ trên đây phải rời ghế, chuyển giao quyền lực cho nhân dân. Và điều này khởi đầu bằng việc bổ nhiệm một thủ tướng được nhân dân Armenia chọn lựa, chứ không phải từ phe Cộng Hòa. Cũng chính từ điểm đầu tiên này mà cuộc thương thảo đã gặp trở ngại, sau khi thủ tướng Serge Sarkissian từ chức hôm thứ Hai.
Thế nên Nikol Pachinyan bèn giương cao loại vũ khí đã tỏ ra đầy uy lực, đó là sự ủng hộ của người dân. Ông nói : « Phong trào phản kháng sẽ không ngưng nghỉ, một khi cuộc cách mạng chưa đi đến tận cùng. Hôm nay, chúng tôi có một cuộc mít-tinh trên quảng trường. Hiện nay chúng tôi có khả năng tổ chức những cuộc biểu tình đông đảo trong vòng một tiếng đồng hồ nếu cần, hoặc thậm chí chỉ trong nửa tiếng ».
Như vậy cuộc đấu tranh lại tiếp tục mạnh mẽ hôm nay. Ông Pachinyan, vốn tuyên bố sẵn sàng nhận trách nhiệm làm thủ tướng, biết rằng thời gian không còn nhiều nữa. Không thể để cho tinh thần hồ hởi cách mạng hiện nay bị xìu đi, và thủ lãnh đối lập còn muốn tổ chức lại cuộc bầu cử Quốc Hội càng sớm càng tốt.
Từ hôm 13/4 đến nay liên tục diễn ra các cuộc biểu tình tại Erevan đòi thủ tướng Serge Sarkissian phải ra đi. Ông bị cáo buộc là bám lấy quyền lực bằng mọi giá, trong khi không đẩy lùi được tham nhũng và nạn nghèo đói. Sau khi ông Sarkissian từ chức, Quốc Hội Armenia có bảy ngày để đề cử tân thủ tướng. Đảng Cộng Hòa của ông Sarkissian chiếm 65/105 ghế trong Quốc Hội, và rất có khả năng sẽ bầu ra người mới cũng thuộc đảng này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180425-dan-armenia-lai-bieu-tinh-theo-loi-keu-goi-cua-thu-lanh-doi-lap