Tin khắp nơi – 25/04/2017
Xe bay đã trở thành hiện thực
Không còn là khoa học viễn tưởng. Một số công ty khởi nghiệp cũng như các hãng lớn đang nỗ lực chế tạo các máy bay cá nhân nhỏ gọn giúp người sử dụng có thể bay lượn vòng quanh thành phố.
Xe bay Kitty Hawk Flyer là một trong số các kiểu mẫu đang được phát triển bởi Kitty Hawk, một công ty khởi nghiệp ở Mountain View, California.
Gần đây, công ty Kitty Hawk vừa cho chạy thử chiếc xe bay, bay lượn trên một hồ nước cách San Francisco chừng 100 dặm.
Đây là chiếc xe không mui, 1 chỗ, vận hành bằng 8 cánh quạt chạy bằng pin.
Hơn 1 chục công ty khởi nghiệp được hậu thuẫn bởi các tên tuổi ‘giàu có’ trong ngành công nghiệp như Larry Page, một sáng lập viên của Google, cùng các hãng hàng không vũ trụ như Airbus, công ty Uber, và cả chính phủ Dubai, đang chấp cánh giấc mơ tạo xe bay.
Cách tiếp cận của các công ty cũng đa dạng khác nhau nhưng cùng mục tiêu: tin tưởng rằng một ngày không xa, những công dân bình thường có thể tự lái máy bay riêng của mình để di chuyển.
Thách thức trước mặt hãy còn nhiều, với rất nhiều các quy định của ngành và của chính phủ, nhưng có lẽ khó khăn nhất là phải làm sao thuyết phục được công chúng rằng ý tưởng này không điên rồ.
Kitty Hawk, công ty được ông Page hỗ trợ, đang tìm cách đi đầu trong lĩnh vực xe bay và bắt đầu bán sản phẩm trước cuối năm nay.
Năm 2013, Zee Aero, một nhánh của Kitty Hawk, trở thành đề tài bàn tán của Thung lũng Silicon khi thông tin về một chiếc máy bay nhỏ giống như taxi lần đầu tiên xuất hiện.
Công ty Kitty Hawk Flyer hy vọng lôi cuốn được nhiều người quan tâm, những khách hàng sẵn lòng chi 100 đô la để đăng ký được giảm giá 2000 đô la giá bán lẻ một chiếc xe bay, dù công ty chưa định giá thành chính thức cho sản phẩm.
Theo CNN/NYT
http://www.voatiengviet.com/a/xe-bay-da-tro-thanh-hien-thuc-/3823902.html
Trump – 100 Ngày Đầu:
Một chính sách đối ngoại ‘can thiệp’ nhiều hơn?
Tổng Thống Donald Trump ra lệnh một cuộc không kích trả đũa tổng thống Syria, Bashar al-Assad, với cáo buộc dùng vũ khí hóa học tấn công một khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng tại Syria. Tiếp theo đó, ông Trump phái một nhóm tàu chiến và hàng không mẫu hạm về hướng Bắc Hàn để gởi thông điệp đến lãnh đạo Bình Nhưỡng, Kim Jong-Un. Các động thái của ông Trump khiến người ta đặt câu hỏi: Liệu ông tổng thống đang dần từ bỏ chính sách “Nước Mỹ Trước Tiên”, và quay dần về quan điểm chính thống hơn trong chính sách đối ngoại? Sau đây là bài tường trình của Bill Gallo, phóng viên VOA.
Gần đây, tổng thống Trump lặp lại lời hứa ông từng nói đi nói lại hàng trăm lần trong thời gian tranh cử.
“Tôi không phải, và tôi cũng không muốn, làm tổng thống của thế giới. Tôi là tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, và từ đây trở đi, Hoa Kỳ phải được đặt lên hàng đầu.”
Nhưng chính sách đối ngoại “Nước Mỹ Trước Tiên” đã và đang bị thách thức từ những nơi chốn khác trên thế giới.
Tại Syria, một vụ tấn công tình nghi dùng vũ khí hóa học đã khiến ông Trump ra lệnh phóng hỏa tiễn chống lại chính quyền Bashar al-Assad. Lệnh này đưa nước Mỹ tiến sâu hơn vào cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài 6 năm nay tại Syria.
Ở Châu Á, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tiến về Bắc Hàn. Thông điệp là gì? Nước Mỹ đang mất dần kiên nhẫn với lãnh tụ độc tài Kim Jong-Un.
Một thông điệp mạnh mẽ cho nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong Un.
Và tại Afghanistan, quân đội Mỹ cho thả quả bom phi hạt nhân có sức công phá mạnh nhất hiện nay, mệnh danh là “mẹ của tất cả các loại bom,” để tấn công các chiến binh nhà nước Hồi Giáo.
Còn ở ngay Tòa Bạch Ốc thì có một sự cải tổ nhân sự quan trọng.
Cố vấn trưởng mang tinh thần dân tộc, Steve Bannon, phải ra khỏi vị trí đứng đầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
Quyết định này khiến nhiều nhà quan sát chính sách ngoại giao khen ngợi. Một số người tự hỏi: Có phải tổng thống Trump đang tái tiếp cận với chính sách can thiệp nhiều hơn?
Có thể sai lầm khi quan niệm như vậy, ông Jim Carafano, người từng làm việc trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, nhận định.
“Tôi không cho rằng, chính sách đối ngoại ấy, tự nó mang tính can thiệp. Những gì ngài tổng thống đang làm là chứng tỏ ý chí can thiệp khi quyền lợi Hoa Kỳ bị đe dọa.”
Ông Carafano, trả lời phỏng vấn qua Skype, nói rằng ông Trump có sự tưởng phản với cựu tổng thống Barack Obama, là người vốn dè dặt hơn trong việc sử dụng vũ lực trên thế giới.
Và cũng tương phản cả với tổng thống George W. Bush, người bị cho là can thiệp quá nhiều.
Về phần mình, chính quyền Trump nói vụ oanh tạc vào Syria không mang ý nghĩa rằng Hoa Kỳ đang trở lại với chính sách đòi thay đổi chế độ.
P.J. Crowley, cựu quan chức Ngoại Giao dưới thời Obama, trả lời qua Skype rằng đó là điều thông minh.
“Tổng Thống Trump được bầu lên để giải quyết các vấn đề của Hoa Kỳ. Ông không được bầu để giải quyết vấn đề của Syria. Và đó là lý do tại sao Tòa Bạch Ốc đang phát tín hiệu rõ ràng rằng, cho dầu ngài tổng thống sẵn sàng áp dụng biện pháp quân sự, ngài tổng thống vẫn tiếp tục hoài nghi về việc đưa nước Mỹ dấn sâu vào một cuộc nội chiến không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự.”
Về sự thay đổi nhân sự của tổng thống Trump tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng các quyết định ấy bị dư luận “thổi phồng,” và rằng, bất cứ gợi ý nào về ý nghĩa “cải tổ” đều không chính xác.
http://www.voatiengviet.com/a/mot-chinh-sach-doi-ngoai-can-thiep-nhieu-hon/3823515.html
Trump – 100 Ngày Đầu: Liệu chính phủ có đóng cửa?
Quốc hội Hoa Kỳ chỉ có vài ngày để hoàn tất các cuộc đàm phán về ngân sách cho năm tài khoá 2017. Nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận trước nửa đêm ngày 28 tháng 4, chính phủ sẽ phải đóng cửa. Cuộc tranh luận về các ưu tiên lập pháp diễn ra giữa lúc Tổng thống Donald Trump đánh dấu 100 ngày đầu tại chức.
Khi Quốc hội tái nhóm tại điện Capitol thì mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào thời gian ngắn ngủi để các bên tranh luận đạt được đồng thuận về ngân sách.
Các nhà lập pháp chỉ có vỏn vẹn 4 ngày làm việc để giải quyết hàng tỷ đô la tiền dự chi ngân sách. Tổng thống Trump vẫn tỏ thái độ lạc quan.
“Chúng tôi có cơ may tốt để sớm thực hiện việc này.”
Tình trạng bất định vào giờ chót này không có gì mới lạ. Quốc hội Mỹ cũng không đạt được thỏa thuận hồi năm 2013, khiến chính phủ phải đóng cửa trong 16 ngày. Lúc đó, ngay cả các công viên quốc gia cũng bị đóng cửa.
Tuy nhiên lần này, hạn chót để đạt thoả thuận ngân sách đến chỉ một ngày trước một mốc điểm quan trọng: 100 ngày đầu của chính quyền Tổng thống Trump.
Toà Bạch Ốc rêu rao những thành công mà ông Trump thời còn là ứng cử viên Tổng thống đã vạch ra…
“Những gì diễn ra tiếp theo là kế hoạch hành động 100 ngày của tôi để làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Tổng thống Trump coi cuộc đàm phán về ngân sách như một trận chiến để dành thắng lợi hầu thực hiện lời hứa quan trọng nhất mà ông đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử… Đó là tài trợ cho bức tường ở biên giới với Mexico, dài 3.200 km.
Tổng thống Trump phát biểu:
“Chúng tôi đang xây bức tường. Trên thực tế công tác xây tường sẽ bắt đầu sớm, sớm hơn kế hoạch dự trù xa.”
Nhưng với kinh phí lên tới hàng tỉ đô la, vận động xây một bức tường ngăn ở biên giới sẽ vô cùng khó khăn đối với Đảng Cộng hòa, trong khi chống đối dự án này là yếu tố củng cố sự đoàn kết các thành viên đảng Dân chủ đối lập.
Không ai có thể đoan chắc liệu tài trợ cho bức tường biên giới có là yếu tố quyết định có đạt được thoả thuận hay không đối với Tổng thống Trump, hoặc đây chỉ là bước đầu hướng tới một sự thỏa hiệp có tính tương nhượng dưới hình thức tăng tài trợ cho lĩnh vực di trú.
Bước vào các cuộc thương lượng hôm thứ Hai, Toà Bạch Ốc đã tỏ ra thận trọng trong những phát biểu của mình.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer:
“Tôi sẽ không bắt đầu bằng cách đưa ra thêm hoặc lấy bớt đi các vấn đề trong nghị trình thảo luận, về những gì mà Tổng thống có thể làm.”
Tuy nhiên, kỷ ức về nỗ lực thất bại trong việc cải cách luật chăm sóc sức khoẻ là một vết thương còn mới đối với đảng Cộng hòa, tạo ra thêm sức ép trong nội bộ đảng này.
Bà Molly Reynolds, thuộc Viện nghiên cứu Brookings, phát biểu:
“Có rất nhiều điều không chắc chắn về Tổng thống Trump và Toà Bạch Ốc của ông, ngay cả đối với các giới chức ở điện Capitol. Tổng thống Trump không phải là một nhân vật quen thuộc với sinh hoạt chính trị ở Washington; ông ấy không có nhiều kinh nghiệm làm luật, không có kinh nghiệm thương thuyết và vì thế, chúng ta sẽ thấy những yếu tố đó thể hiện trong cuộc chiến về ngân sách lần này.”
Với vấn đề cải cách thuế má và cải cách luật chăm sóc sức khoẻ sắp tới đây lại được mang ra bàn thảo tại Điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, thì đây là một cuộc chiến mà Tổng thống Trump cần phải giành phần thắng.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-100-ngay-dau-lieu-chinh-phu-co-dong-cua/3824588.html
Trump – 100 Ngày Đầu:
FBI, Quốc hội điều tra sự can thiệp của Nga
Sự tập trung vào dấu mốc 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã bị phân tâm vì nhiều cuộc điều tra về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong số những câu hỏi mà các cơ quan thi hành công lực và Quốc hội Mỹ muốn được giải đáp gồm có: liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow hay không? Thông tín viên Masood Farivar của VOA tường trình.
Ngày 10 tháng 1: Các viên chức tình báo hàng đầu Hoa Kỳ lần đầu tiên ra điều trần về các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.
Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper:
“Chúng tôi tin chắc rằng Tổng thống Putin vào năm 2016 đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mục đích của chiến dịch này là làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ, bôi nhọ Ngoại trưởng Hillary Clinton và làm tổn hại đến triển vọng thắng cử của bà, và trong trường hợp bà đắc cử, phương hại đến nhiệm kỳ tổng thống của bà. Ông Putin và chính phủ Nga cũng dần dà nhen nhúm ý tưởng muốn thấy ông Trump đắc cử”.
Đấy là những lời tố cáo quan trọng nhưng không mang lại giải đáp cho một trong các vụ bê bối chính trị lớn nhất từng làm rúng động Washington trong nhiều năm qua.
Tiếp theo đó là nhiều tuần lễ với những diễn tiến liên tục tới chóng mặt: cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump từ chức, Bộ trưởng Tư pháp, rồi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện rút ra khỏi cuộc điều tra.
Tiếp theo đó Giám đốc FBI cuối cùng thừa nhận công khai điều mà nhiều người đã đồn đoán trong nhiều tuần lễ: FBI đã bắt đầu điều tra vai trò của Nga từ tháng 7 năm ngoái.
Giám Đốc FBI James Comey phát biểu:
“Tôi đã được Bộ Tư pháp cho phép xác nhận rằng FBI đang điều tra những âm mưu của chính phủ Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 – như một phần trong sứ mệnh phản gián của chúng tôi. Cuộc điều tra bao gồm việc tìm hiểu bản chất của bất kỳ mối liên kết nào giữa các cá nhân tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga”.
Như trong bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào, FBI muốn biết liệu có bất cứ tội hình sự nào hay không.
Ông Trump khẳng định các cáo buộc liên quan tới sự can thiệp của Nga là một tin “giả mạo”, đồng thời nói vụ bê bối thực sự là chính quyền của Tổng Thống Obama đã theo dõi ông và các cộng sự của ông trong chiến dịch tranh cử.
“Tất cả đều là những tin giả mạo. Tin giả mạo.”
Ông Richard Ben-Veniste, cựu công tố viên trong vụ tai tiếng Watergate, cho hay cuộc điều tra liên quan tới ông Trump khá nghiêm trọng”:
“Vụ này nêu bật những điểm yếu của nền dân chủ của chúng ta cũng như của các nền dân chủ khác trên khắp thế giới trong việc đối phó với những hành động can thiệp bằng hacking, tung tin thất thiệt và các hình thức gây gián đoạn khác mà chúng ta phải đề phòng.”
Các nhà lập pháp Mỹ nói họ muốn biết sự thật cho dù có mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa.
Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện Richard Burr:
“Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi không thể nói hết về nhiệm vụ của ủy ban tình báo Thượng viện, là xem xét tất cả các hoạt động mà Nga có thể đã thực hiện nhằm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ”.
Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong năm ủy ban đã xem xét hành động can thiệp của Nga.
Người ta quay sang chú ý tới ủy ban này sau khi Chủ tịch uỷ ban tình báo Hạ viện Devin Nunes, người dẫn đầu các cuộc điều tra vào vai trò của Nga, rút lui giữa những lời cáo buộc về việc rò rỉ tài liệu mật.
Để tìm câu trả lời, bảy chuyên gia của uỷ ban đặc biệt được phép xem tài liệu tối mật, bỏ công ra nghiên cứu hàng ngàn tài liệu tình báo mật. Uỷ ban dự định sẽ thẩm vấn ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, trong số ít nhất 20 nhân chứng được yêu cầu xuất hiện trước uỷ ban.
Các cuộc điều tra của FBI được thực hiện từ hai văn phòng ở hiện trường và trụ sở chính của FBI ở thủ đô Washington.
Để phối hợp các cuộc điều tra, tin cho hay FBI đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm ở Washington.
Trao đổi với VOA, FBI từ chối bình luận.
Được hỏi các cuộc điều tra như thế này thông thường kéo dài bao lâu, Giám đốc FBI James Comey hồi tháng trước trả lời:
“Không có chuyện thông thường ở đây. Thật tình mà nói, không thể nào trả lời câu hỏi này.”
Tuy nhiên, theo cựu công tố viên vụ bê bối Watergate Ben-Veniste, cuộc điều tra có thể sẽ kéo dài một thời gian dài nữa trong năm tới.
“Điều đó phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các nhân chứng, các thông tin thu thập bằng những phương tiện điện tử khác nhau có khả năng mang nhiều thông tin hứa hẹn cho các điều tra viên …. nhưng điều chắc chắn là, cuộc điều tra sẽ không kết thúc trong một vài tháng”.
So sánh với cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc điều tra vào vụ tai tiếng Watergate trong những năm đầu của thập niên 1970 kéo dài hai năm, và cuộc điều tra vụ tai tiếng Iran Contra trong những năm 1980 kéo dài tới 6 năm.
Toàn thể Thượng viện tới Bạch Ốc điều trần về Bắc Hàn
Các giới chức hàng đầu trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump chiều ngày 24/4 sẽ mở phiên điều trần hiếm thấy tại Tòa Bạch Ốc cho toàn thể Thượng viện Mỹ bàn về tình hình Bắc Triều Tiên, các phụ tá cao cấp ở Thượng viện vừa cho biết.
Tất cả 100 Thượng nghị sĩ đã được yêu cầu tới Tòa Bạch Ốc tham dự cuộc điều trần với Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đại tướng Joseph Dunford.
Các giới chức cao cấp của chính quyền thường tới Quốc hội để phát biểu với các nhà lập pháp về các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, nhưng toàn thể 100 thành viên của Thượng viện tới dự một sự kiện như thế tại Tòa Bạch Ốc là điều ‘bất thường’, đặc biệt với sự tham gia của 4 giới chức hàng đầu như vừa kể.
Các giới chức Mỹ ngày càng tỏ ra quan ngại về các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như lời đe dọa tấn công Mỹ và các đồng minh Châu Á của Mỹ xuất phát từ Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, hôm chủ nhật 23/4, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh hành động của Bắc Triều Tiên gây bất ổn.
Cuộc điều trần tại Tòa Bạch Ốc sẽ diễn ra lúc 3 giờ chiều (giờ thủ đô Hoa Kỳ) hôm nay, 24/4.
Các trợ lý ở Hạ viện cho hay đang làm việc với Tòa Bạch Ốc để định ngày giờ cho một cuộc điều trần tương tự như thế với sự tham gia của các dân biểu Hạ viện.
Trump – 100 Ngày Đầu:
Quyết bảo vệ sắc lệnh cấm du hành mới
Tòa Bạch Ốc đả kích phán quyết hai tòa án liên bang Hoa Kỳ ngăn chặn lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump đối với du khách đến từ sáu quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Sắc lệnh hành pháp của ông Trump có hiệu lực vào 6/3. Phóng viên VOA Steve Herman có bài tường trình chi tiết sau đây.
Các thẩm phán đã nhận định sai lầm’. Tòa Bạch Ốc lập luận sau khi một tòa án ở Hawaii và một tòa án ở Maryland ban hành lệnh cấm tạm thời chống lại sắc lệnh ngày 6 tháng 3 của Tổng thống Trump. Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer:
“Mối nguy đã rõ và luật pháp cũng rõ ràng. Tổng thống được bầu để thay đổi hệ thống di trú đang có vấn đề, và tổng thống sẽ tiếp tục sử dụng quyền hiến định và trách nhiệm của tổng thống để bảo vệ đất nước chúng ta.”
Lệnh cấm di trú đầu tiên được Tổng thống Trump ký ban hành hôm 27 tháng 1 bao quát hơn và được bất ngờ ban hành mà không loan báo trước.
Quyết định ấy tạo nên tình trạng hỗn loạn tại các sân bay, khởi động các vụ kiện tụng, rốt cuộc dẫn đến việc sắc lệnh bị chặn tại tòa án.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền miêu tả sắc lệnh cấm du hành của ông Trump có tính cách phân biệt đối xử, và một số thẩm phán đồng ý rằng những vụ kiện, thách thức sắc lệnh tại các tòa án, có thể chứng minh hành động của ông Trump là vi phạm quyền tự do tôn giáo được ghi trong hiến pháp.
Tổng thống Trump không chấp nhận lập luận này, ông tiếp tục chỉ trích các nỗ lực pháp lý chống lại sắc lệnh của mình.
“Quyết định này làm cho chúng ta trở nên yếu đuối.”
Giáo sư David Abraham thuộc trường Đại học Miami, phát biểu với VOA News qua Skype, trong khi các phán quyết của tòa thuộc ngành tư pháp thường làm phiền ngành hành pháp, Tổng thống Trump đã đi xa hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào gần đây trong việc chỉ trích các thẩm phán.
“Tôi chắc chắn điều này khiến các thẩm phán khó chịu, kể cả các thẩm phán bảo thủ. Điều này được thể hiện rõ ràng trong quan điểm bất đồng của một thẩm phán bảo thủ tại Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Hoa Kỳ khu vực 9, San Francisco. Vị này cũng nói rõ, là không một ai trong ngành tư pháp, kể cả những người bảo thủ, đồng ý với các phát biểu xúc phạm từ cơ quan hành pháp và các quan chức Tòa Bạch Ốc.”
Chính quyền Trump rõ ràng không muốn phán quyết tạm dừng lệnh cấm du hành được đứng vững. Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư pháp bày tỏ sự thất vọng với phán quyết của các thẩm phán liên bang, cho biết họ sẽ tiếp tục bảo vệ lệnh cấm du lịch mới nhất tại tòa án.
http://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-quyet-bao-ve-sac-lenh-cam-du-hanh-moi/3823437.html
Trump – 100 Ngày Đầu:
LHQ khốn đốn trước đề xuất cắt giảm ngân sách của Mỹ
Lại có tin không hay cho LHQ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng ông tìm cách cắt giảm 28 % ngân sách cấp cho ngành ngoại giao và viện trợ nước ngoài. Việc cắt giảm này bao gồm cả khoản trợ cấp chưa xác định cụ thể tài trợ cho LHQ và các cơ quan phụ thuộc. Phóng viên của đài VOA Margaret Besheer cho biết rằng những khoản đóng góp cho Liên hiệp quốc có thể bị cắt giảm vào lúc cơ quan quốc tế này đang phải khó khăn đương đầu với một số cuộc xung đột chưa có tiền lệ, giải quyết nạn đói và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
LHQ đã làm hết khả năng.
Ông Stephen O’Brien, Giám đốc Chương trình Cứu trợ Nhân đạo LHQ nói:
“Chúng tôi rơi vào thế khốn đốn chưa chừng có trong lịch sử. Ngay từ đầu năm, chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi LHQ thành lập. Hiện nay hơn 20 triệu người trên khắp bốn quốc gia phải đối mặt với đói nghèo và nạn đói. Nếu không có nỗ lực tập thể và phối hợp toàn cầu, nhiều người sẽ chết đói “.
Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho LHQ, trong năm nay Mỹ đóng góp khoảng 611 triệu đôla cho ngân sách thường kỳ có tổng số hơn 2,5 tỷ đôla. Washington cũng đóng góp hơn 2 tỷ đô la mỗi năm để hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và thêm hàng trăm triệu đôla nữa cho các chương trình trọng yếu bao gồm Quỹ Nhi đồng LHQ và Chương trình Lương thực Thế giới.
VOA đã nói chuyện với ông Peter Yeo qua Skype, người đứng đầu chiến dịch Better World.
Ông Peter Yeo nói: “Chúng tôi phải trả 22% các hóa đơn của LHQ, nghĩa là các quốc gia khác phải trả 78%. Đó là một đóng góp lớn từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ. “
Các quan chức và quan sát viên của LHQ đang lo lắng rằng các quốc gia khác sẽ không lấp đầy một lỗ hổng tài chánh, nếu Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể nguồn đóng góp cho tổ chức này.
Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của LHQ nói:
“Việc cắt giảm tài chính đột ngột có thể buộc Liên hiệp quốc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt, điều này sẽ làm suy yếu hiệu quả của các nỗ lực cải cách lâu dài”.
Ông Mick Mulvaney, Trưởng bộ phận ngân sách của Hoa Kỳ không biện hộ gì khi được hỏi rằng liệu ông có lo ngại khi một số người dễ bị tổn thương nhất thế giới có thể bị ảnh hưởng do việc cắt giảm ngân sách của Mỹ.
Ông Mick Mulvaney nói: “Chúng tôi chắc chắn cắt bớt ngân sách cho LHQ và nhiều chương trình viện trợ nước ngoài khác, bao gồm cả các chương trình do LHQ và các cơ quan khác điều hành. Điều đó sẽ gây bất ngờ cho những ai không theo dõi chiến dịch tranh cử. Tổng thống nói rất rõ đến cả hàng trăm lần là ông sẽ chi ít tiền hơn cho người nước ngoài và nhiều tiền hơn cho người ở trong nước. Và đó là chính xác những gì chúng tôi đang thực hiện với ngân sách này.”
Trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ xem chương trình phát triển quốc tế và viện trợ nhân đạo là nền tảng cho chính sách đối ngoại của nước này. Ông Peter Yeo nói rằng các chương trình này cần được tiếp tục.
“Chúng ta cần duy trì các chương trình này, chúng ta cần phải duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu và chúng ta cần chắc chắn rằng chúng ta sẽ chia sẻ để đáp ứng nhu cầu nhân đạo hợp pháp của người dân trên toàn thế giới”.
Ông Yeo tin rằng Quốc hội Hoa Kỳ hiểu điều này và sẽ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và bền vững cho các chương trình trợ giúp nhân đạo.
Trump kêu gọi LHQ tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 24/4 kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phải chuẩn bị ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên trong lúc gia tăng quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm một quả bom hạt nhân thứ sáu, sớm nhất là vào ngày 25/4.
“Hiện trạng ở Bắc Triều Tiên lúc này cũng không thể chấp nhận được,” ông Trump phát biểu tại cuộc họp với 15 đại sứ của Hội đồng Bảo an, kể cả Trung Quốc và Nga, tại Tòa Bạch Ốc. “Hội đồng phải chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung và mạnh mẽ hơn đối với các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.”
“Đây là mối đe dọa thực sự đối với thế giới, cho dù chúng ta muốn nói tới hay không. Bắc Triều Tiên là một vấn đề lớn của thế giới và là vấn đề mà chúng ta sẽ phải giải quyết”, ông Trump nói.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết lệnh trừng phạt mạnh tay hơn có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu, cấm các hãng hàng không của Bắc Triều Tiên, chặn tàu hàng, và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc cũng như hoạt động kinh doanh của các nước với Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an bàn về Bắc Triều Tiên vào thứ sáu tuần này để tìm cách tối đa hóa tác động của các biện pháp trừng phạt hiện tại và chứng tỏ ‘quyết tâm đáp lại các hành động khiêu khích với các biện pháp mới phù hợp.’
Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng thống Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm ngày 24/4 đã thảo luận về ‘thách thức an ninh cấp bách’ của Bắc Triều Tiên.
Trump họp với Hội đồng Bảo an LHQ tại Tòa Bạch Ốc
Tổng thống Trump ngày 24/4 tiếp các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại Tòa Bạch Ốc.
Cuộc gặp này là một điều bất thường vì ông Trump trong cuộc vận động tranh cử đã kịch liệt chỉ trích Liên hiệp quốc.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, dự trù họp với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 25 tháng 4.
Bà Halley tham dự cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc trước khi các thành viên Hội đồng Bảo an trở về New York để dự các phiên họp của Hội đồng vào ngày mai, 25 tháng 4.
Dự thảo ngân sách của Tổng thống đề nghị cắt giảm mạnh sự đóng góp của Hoa Kỳ cho Liên hiệp quốc. Việc này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc trên toàn thế giới.
Các nhiệm vụ quan trọng khác của Liên hiệp quốc gồm có cứu trợ người tị nạn và kiểm tra lý lịch những người xin visa tị nạn vào Mỹ, trông coi công việc của Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF và Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế tại Vienna, cơ quan thanh tra vũ khí theo dõi việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Bắc Triều Tiên chắc chắn là đề tài thảo luận chính trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm nay.
Tuần trước, Trung Quốc không bỏ phiếu về một nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án vụ thử phi đạn mới đây của Bắc Triều Tiên-thay vì phủ quyết nghị quyết. Cho tới nay Bắc Kinh vẫn phản đối những hành động mạnh mẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên.
Chính quyền ông Trump có thể đơn phương áp đặt những chế tài mạnh tay hơn về ngân hàng đối với Bắc Triều Tiên nếu muốn, giống như những chế tài tương tự của chính quyền Obama đối với Iran-chẳng hạn như ngăn không cho các ngân hàng nước ngoài giao dịch với Bắc Triều Tiên trao đổi bằng đô la hay làm các dịch vụ ngân hàng tại Mỹ. Đây sẽ là một cú giáng trực tiếp đối với việc Trung Quốc tài trợ cho chế độ Bình Nhưỡng.
Hiện Tòa Bạch Ốc chưa chọn phương án này nhưng đã nhiều lần tuyên bố “tất cả giải pháp đều được tính đến,” ngụ ý kể cả giải pháp quân sự.
Nhiều chuyên gia, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, xem nhẹ khả năng có thể tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên vì mật độ dân số hàng triệu người tại Seoul và 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn quốc, tất cả đều nằm trong tầm pháo kích của Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng trả đũa.
Một công dân Mỹ gốc Triều Tiên giảng dạy về kế toán bị bắt giữ hôm 23/4 tại phi trường Bình Nhưỡng khi sắp rời khỏi Bắc Triều Tiên sau 1 tháng có mặt tại nước này.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiếp xúc với tòa đại sứ Thụy Điển, nước bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại Bắc Triều Tiên, để yêu cầu phóng thích công dân Mỹ này.
TT Trump gọi phone lên không gian chúc mừng bà Whitson
Phi hành gia Hoa Kỳ Peggy Whitson hôm thứ Hai đã phá kỷ lục người Mỹ có thời gian ở trong không gian dài nhất.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chúc mừng nữ phi hành gia Whitson, người đang làm chỉ huy trưởng trên Trạm Không gian Quốc tế. Ông Trump đã nói chuyện bằng điện thoại video với các phi hành gia trên trạm không gian.
Từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump nói: “Thành tích 534 ngày và còn thêm nữa, phá vỡ một kỷ lục thật đáng kinh ngạc. Thay mặt cho nước Mỹ, và xin thay mặt cho thế giới, tôi xin chúc mừng bà.”
Bà Whitson, 57 tuổi, là phi hành gia giàu kinh nghiệm nhất của Hoa Kỳ. Bà dự kiến sẽ trở về trái đất vào tháng 9. Đến lúc đó, bà sẽ ở trong không gian được 666 ngày trong tổng cộng 3 chuyến bay.
Bà Whitson nói với Tổng thống Trump rằng: “Tôi rất vinh dự khi phá kỷ lục này.”
Bà Whitson cũng giải thích cho ông Trump về công nghệ trong trạm không gian điều chế nước tiểu của những người làm việc ở đó thành nước uống như thế nào. “Nó thực sự không quá ghê tởm như chúng ta tưởng tượng.”
Ông Trump đáp lại: “Tốt, tốt lắm, tôi rất vui khi nghe về công nghệ đó. Tôi thật khâm phục bà.”
Ông Trump cũng trò chuyện với phi hành gia Mỹ Jack Fischer, người lần đầu tiên bay tới trạm không gian vào tuần trước. Khi được ông Trump hỏi về chuyến bay, ông Fischer, một phi công thuộc Không quân Mỹ trả lời: “Thưa ngài, thật tuyệt vời. Nó khiến tôi có cảm tưởng chiếc F-22 yêu dấu của trở nên quá nhỏ nhoi.”
Ông Trump — và ái nữ Ivanka Trump cùng tham gia cuộc điện thoại — nói ông rất vinh dự được nói chuyện với các phi hành gia.
Ông nói: “Tôi đã làm việc rất nhiều với các chính trị gia. Nhưng tôi có ấn tượng sâu đậm hơn nhiều với các phi hành gia.”
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-goi-dien-le-tram-khong-chuc-mung-ba-whitson/3823540.html
Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan từ chức
Bộ trưởng quốc phòng và tư lệnh quân đội Afghanistan đã từ chức sau vụ vào một căn cứ quân sự lớn bị tấn công đẫm máu, khiến ít nhất 140 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương hôm thứ Sáu.
Taliban tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công nhắm vào Quân đoàn Shaheen 209 ở thành phố Mazar-e-Sharif, thuộc miền bắc Afghanistan.
Trong một thông báo ngắn gọn hôm thứ Hai, Văn phòng phủ Tổng thống Ashraf Ghani cho hay: “Bộ trưởng Quốc phòng Abdullah Habibi và Tham mưu Trưởng lục quân Qadam Shah Shahim đã từ chức với hiệu lực ngay lập tức” và tổng thống đã chấp nhận việc từ chức của họ.
Ông Habibi trong cuộc họp báo chung với ông Shahim tại Bộ Quốc phòng sau đó nói rằng họ đã tự từ chức chứ không phải bị buộc phải từ chức.
Hôm Chủ Nhật, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster đã điện đàm với người đồng nhiệm Afghanistan, ông Haneef Atmar, và lên án cuộc tấn công khủng bố hôm thứ Sáu.
http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-afghanistan-tu-chuc/3823418.html
Người Nhật tăng cảnh giác với Bắc Triều Tiên
Doanh số về hầm tạm trú tránh hạt nhân và máy lọc không khí ngăn phóng xạ mấy tuần nay gia tăng tại Nhật Bản trong lúc Bắc Triều Tiên tiếp tục các cuộc thử nghiệm phi đạn bất chấp chế tài của Liên hiệp quốc.
Một công ty nhỏ chuyên xây các hầm trú ẩn hạt nhân bên dưới nhà dân trong tháng này nhận được 8 đơn đặt hàng so với con số thông thường là 6 đơn mỗi năm.
Công ty Oribe Seiki Seisakusho, có trụ sở tại Kobe, miền tây Nhật Bản, cũng đã bán hết 50 máy lọc không khí do Thụy Điển sản xuất dùng để lọc phóng xạ và khí độc. Giám đốc Nobuko Oribe cho biết công ty đang đặt mua thêm sản phẩm này.
Một máy lọc dùng cho 6 người có giá khoảng 5.630 đô la và máy cho 13 người đặt tại một hầm trú ẩn trong nhà giá 16.440 đô la.
Lo ngại về một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ngày càng tăng tại Nhật Bản sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nói trong một phiên họp của Quốc hội tháng này là Bắc Triều Tiên có thể có khả năng phóng phi đạn có chứa khí độc thần kinh Sarin.
Earth Shift , một công ty nhỏ khác ở tỉnh Shizuoka, cho biết số khách hỏi thăm và dọ giá cả về hầm trú ẩn tăng 10 lần, đặc biệt tăng dần trong tháng 2 năm nay.
Bắc Triều Tiên gia tăng nhịp độ phóng phi đạn. Tháng trước, 3 phi đạn rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách bờ biển tỉnh Akita phía bắc khoảng từ 300 đến 350 kilômét.
Chính phủ Nhật hôm 21/4 yêu cầu các chính quyền địa phương tổ chức diễn tập sơ tán phòng trường hợp có cuộc tấn công bằng phi đạn, diễn tiến này càng làm cho công chúng thêm lo ngại.
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-nhat-tang-canh-giac-voi-bac-trieu-tien-/3823874.html
Trung Quốc: 8 điều cấm trên WeChat trước đại hội 19
Gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo các đảng viên về tám “lằn ranh đỏ” khi sử dụng mạng xã hội phổ biến WeChat, cấm các hành vi như cho và nhận “phong bì đỏ” trên mạng để mua phiếu bầu.
Cảnh báo này cho thấy quyết tâm của đảng chống tham nhũng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra trong năm nay, dự kiến đại hội sẽ bầu các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cho nhiệm kỳ 5 năm tới.
Bằng cách thắt chặt kìm kẹp, các nhà quan sát nói rằng đảng có thể đã đi quá xa để có thể hạn chế sự hiện diện của 88 triệu đảng viên trên truyền thông mạng xã hội.
Các nhà quan sát nói rằng lệnh này có thể cũng phơi bày bản chất thực sự của các cuộc bầu cử theo phong cách Trung Quốc, hoàn toàn không phải là bầu cử tự do và không ứng cử viên nào được phép vận động bầu cử.
Lằn ranh đỏ
Tuần trước, Uỷ ban giám sát và kỷ luật trung ương, một tổ chức chống tham nhũng của đảng, công bố một thông báo trên mạng WeChat, nêu chi tiết các từ ngữ và các hành động mà đảng viên không được phép sử dụng trên mạng xã hội.
Theo đó, việc chỉ trích chính sách của chính phủ, chuyển tải thông tin có nội dung khiêu dâm, truyền bá tin đồn hoặc đưa ra nhận xét “không phù hợp”, và làm rò rỉ bí mật nhà nước.
Hai trong số tám “lằn ranh đỏ” đặc biệt đề cập đến việc “sử dụng không đúng qui tắc phong bì đỏ trên mạng WeChat” như là hình thức hối lộ, hoặc để mua hoặc vận động phiếu bầu.
Thông báo cảnh báo rằng khi bị phát hiện vi phạm các quy định này, cán bộ đảng viên sẽ bị kỷ luật.
Đả hổ hay diệt ruồi?
Nhìn chung các nhà quan sát tin rằng các phong bì điện tử trên mạng WeChat có nhiều khả năng được phát hiện trong các vụ hối lộ hoặc dàn xếp bầu cử vì mỗi “phong bì” bị giới hạn ở mức 200 nhân dân tệ (khoảng 29 đôla).
Do đó, các quan chức cấp thấp chứ không phải các quan chức cấp cao có xu hướng sử dụng mạng xã hội này để hối hộ hoặc mua phiếu bầu. Nói cách khác, theo ông Qiao Mu, cựu giáo sư của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, qui định này trọng tâm nhắm vào mạng WeChat là nhắm các “con ruồi” tham nhũng chứ không phải là những “hổ” tham nhũng.
Giáo sư Qiao cho biết rằng thời điểm ra cảnh báo có thể áp dụng được cho cuộc bầu cử cấp cao của đảng, dự trù sẽ qui tụ 2.300 đại biểu cho đại hội đảng 19, và cũng nhằm vào những điều khác nữa.
Ông Qiao cho biết thêm: “Các cuộc bầu cử ở Trung Quốc chủ yếu do đảng sắp xếp trước, có nghĩa là sẽ không có bất kỳ sự cạnh tranh thực sự và bầu cử tự do nào. Do đó, vận động kêu gọi hoặc giành phiếu bầu [thông qua WeChat] trước hết là không được phép.”
Ông Qiao nói tiếp: “Nhưng lời cảnh báo này đúng vào thời điểm bầu cử đại biểu đại hội đảng lần thứ 19. Vì vậy, tôi nghĩ rằng lệnh cấm vận động bỏ phiếu thông qua mạng WeChat cũng có thể áp dụng cho các cuộc bầu cử toàn quốc.”
Ông Qiao nói các cuộc bầu cử theo kiểu Trung Quốc không bao giờ là bầu cử tự do hay công bằng, ngay cả khi chúng dường như có vẻ như vậy.
Một ví dụ có thể được tìm thấy trong một đơn vị bầu cử ở Quý Châu, bầu ông Tập Cận Bình làm đại biểu cho Đại hội toàn quốc lần thứ 19 bằng một cuộc bỏ phiếu kín vào ngày hôm thứ Năm, mặc dù thực tế ông Tập chưa bao giờ sống hoặc làm việc trong tỉnh Qúy Châu, hay thực hiện bất kỳ cuộc vận động nào ở đó.
Ông Qiao nói những cảnh báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ hạn chế quyền tự do ngôn luận của các đảng viên trên mạng WeChat, mà còn hạn chế sự hiện diện của họ như là người sử dụng mạng xã hội WeChat.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-8-dieu-cam-tren-wechat-truoc-dai-hoi-19/3823529.html
Lãnh đạo Nhật dự thượng đỉnh Con đường Tơ Lụa Mới
Tổng thư ký đảng cầm quyền Nhật Bản vào ngày 25 tháng tư cho biết sẽ tham dự Thượng đỉnh Con đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc diễn ra vào tháng 5 tới đây.
Điều này được cho là dấu hiệu thủ tướng Shinzo Abe muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên.
Tờ Jiji trích dẫn phát biểu của ông Toshihiro Nikai, tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền tại Xứ Phù Tang rằng trong tình hình quốc tế khởi đầu với chuyện Bắc Hàn thì sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản là thiết yếu.
Trong khi đó một cố vấn của thủ tướng Shinzo Abe lại cho biết Nhật Bản vẫn cẩn trọng về Ngân hàng Đầu tư Hạ Tầng Châu Á- AIIB do Trung Quốc chủ xướng nhằm tài trợ cho kế hoạch Con đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh.
Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, ông Toshihiro Nikai là nhân vật thứ hai trong đảng, chỉ sau thủ tướng Shinzo Abe. Ông Toshihiro Nikai được biết là người có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cũng lên tiếng xác nhận tin phía Nhật tham dự thượng đỉnh Con đường Tơ lụa Mới sẽ diễn ra vào trung tuần tháng năm tới ở Trung Quốc; tuy nhiên ông này không bình luận gì thêm.
Tàu ngầm Hoa Kỳ cập cảng Hàn Quốc
Bắc Hàn tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn pháo qui mô lớn vào ngày thứ ba 25 tháng tư nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nước này. Trong khi đó tàu ngầm USS Michigan của Hoa Kỳ đang cập cảng Hàn Quốc, và nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu hướng về vùng biển Triều Tiên.
Trong lĩnh vực ngoại giao, các đặc sứ về chính sách Bắc Hàn của ba nước đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ gặp nhau tại Tokyo để bàn về tình hình Bắc Triều Tiên.
Quan ngại gia tăng trong những tuần gần đây về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử nguyên tử khác hay cho phóng tên lửa tầm xa nhằm thách thức các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Hoạt động này được nói có thể diễn ra vào ngày kỷ niệm thành lập quân đội Bắc Triều Tiên 25 tháng tư.
Tuy nhiên, những hoạt động như thế không diễn ra, thay vào đó là biện pháp bố trí những đơn vị pháo tầm xa tại vùng Wonsan mạn bờ biển đông Bắc Hàn để diễn tập bắn đạn thật.
Vùng Wonsan là nơi mà Bắc Hàn có một căn cứ không quân cũng như nhiều vụ thử nghiệm tên lửa từng được tiến hành ở đó.
Phía Hàn Quốc cho biết đang theo dõi sát tình hình và duy trì tình trạng sẵn sàng của quân đội miền nam. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin quân sự cho biết cuộc diễn tập bắn đạn pháo của Bắc Hàn trong ngày 25 tháng tư là lớn nhất từ trước đến nay; cũng như có thể chủ tịch Kim Jong-Un chứng kiến hoạt động đó.
Hải quân Hàn Quốc cũng cho biết đang tiến hảnh diễn tập bắn đạn thật cùng các khu trục hạm Hoa Kỳ tại vùng biển tây bán đảo Triều Tiên. Lực lượng Hải quân Hàn quốc sẽ tham gia cùng nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm Carl Vinson dẫn đầu dự kiến vào cuối tuần này sẽ đi vào khu vực này.
Hải quân Hoa Kỳ tiết lộ tàu ngầm USS Michigan mang theo hơn 150 tên lửa Tomahawk. Số tên lửa này được nói có khả năng bắn chính xác vào các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn; tuy nhiên Hải quân Hàn Quốc cho rằng chuyến thăm của tàu ngầm USS Michigan là theo thường kỳ và không tham dự vào bất cứ cuộc tập trận chung nào.
Hàng không mẫu hạm Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Nặng 70.000 tấn, dài 315 mét và rộng 75 mét, hàng không mẫu hạm mới mà Bắc Kinh sắp trình làng hiện vẫn chưa được đặt tên và có kích thước lớn hơn hàng không mẫu hạm Liêu Ninh duy nhất hiện có của Trung Quốc.
Mặc dù đây là chiếc tàu sân bay thứ hai và thuộc chương trình cải tổ quốc phòng sâu rộng để hiện đại hóa quân đội, nhưng các nhà quan sát quân sự cho rằng năng lực của Trung Quốc mới chỉ bằng khoảng 4% so với Hoa Kỳ.
Chiếc hàng không mẫu hạm loại Type-001A đang được hoàn tất tại Đại Liên và chuẩn bị được cho ra mắt.
TQ sắp ra mắt hàng không mẫu hạm tự đóng
Giải mã chiến thuật ba bước của Trung Quốc
Tuy nhiên, người ta nói rằng có lẽ cũng phải đến năm 2019, con tàu mới được đem ra chạy thử để có thể vận hành bình thường từ 2020.
Quan chức quốc phòng Trung Quốc cũng nói các hàng không mẫu hạm mới sẽ được trang bị nhiều tiện nghi hơn cho thủy thủ đoàn và có hình dáng giống các tàu Mỹ hơn là tàu của Liên Xô trước đây.
Vậy khi mang so sánh với các cường quốc quân sự thì sức mạnh hàng không mẫu hạm Trung Quốc có ý nghĩa gì?
Hoa Kỳ
Lực lượng hải quân của Hoa Kỳ hiện đang sử dụng 10 chiếc hàng không mẫu hạm.
Không chỉ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, Hoa Kỳ còn có 75 năm kinh nghiệm về hàng không mẫu hạm.
Carl Vinson ‘tập trận với Nhật ở Biển Philippines’
Bắc Hàn ‘sẵn sàng nhấn chìm’ USS Carl Vinson
Một nhóm tác chiến của Mỹ, đơn vị hoạt động lớn nhất của hải quân, thường có sự tham gia của một hàng không mẫu hạm, 7.500 quân nhân, một tàu khu trục có khả năng tấn công bằng tên lửa dẫn đường, 6 chiến hạm bảo vệ trước các cuộc tấn công của không quân đối phương, một tàu ngầm có khả năng tấn công tàu ngầm và các loại tàu khác của đối phương, một tàu chở đạn dược và ồ hậu cần, cùng khoảng 65-70 máy bay chiến đấu.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson 101.000 tấn, dài 333 m vận hành bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ bắt đầu ra vào khu vực Biển Đông từ hồi tháng Hai.
Nhóm tàu hàng không mẫu hạm này mới đây đã tiến hành tập trận lần lượt với Úc, Nhật Bản và đang có kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc, giữa lúc đang có căng thẳng về chương trình hạt nhân Bắc Hàn. Quân đội Mỹ nói nhóm tàu này gồm cả hai tàu khu trục và một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường.
Hoa Kỳ trước đây nói họ sẽ di chuyển 60% tàu hải quân tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2020 theo chiến lược xoay trục về châu Á từ thời ông Obama.
Chính quyền ông Trump cam kết nâng cấp về khí tài và nhân lực và đóng thêm 80 tàu chiến.
Anh Quốc
Nước này hiện đang đóng hai tàu hàng không mẫu hạm, 67.000 tấn, lớp Queen Elizabeth và là tàu có kích cỡ lớn nhất từ trước tới nay của Anh.
Chiếc thứ nhất, tàu HMS Queen Elizabeth, dài 280 mét được bắt đầu triển khai từ năm 2014, dự kiến hoàn tất và đưa vào sử dụng năm 2021. Chiếc thứ hai, tàu HMS Prince of Wales sẽ được đóng sau đó khoảng 2 năm.
Các hàng không mẫu hạm này có khả năng chở được tới 36 máy bay chiến đấu tàng hình, sáu trực thăng Merlin và các máy bay vận tải Chinooks và máy bay chiến đấu Apache. Mỗi nhóm tác chiến sẽ gồm có các máy bay chiến đấu tàng hình, tàu khu trục và tàu chiến và có thể có một tàu ngầm.
Ấn Độ
New Dehli hiện có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động và đang đóng thêm hai chiếc mới.
Ấn Độ chính thức tân trang hàng không mẫu hạm 44.570 tấn INS Vikramaditya vào năm 2013 từ chiếc tàu cũ của Nga.
Ấn Độ đang đóng tàu 40.000 tấn INS Vikrant, dự kiến xong vào năm 2023 và là tàu đóng trong nước đầu tiên. Tàu này có khả năng chở 30 máy bay chiến đấu và trực thăng.
Ấn Độ cũng đang đóng tàu 65.000 tấn INS Vishal, là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng chở được 55 máy bay, gồm cả trực thăng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39697240
Bầu cử tổng thống Pháp và bóng dáng Nga
Điện Kremlin khoanh tay ngồi nhìn Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống Pháp từng tuyên bố “chia sẻ quan điểm” với Matxcơva về tình hình thế giới bị bỏ lỡ cơ hội trở thành tổng thống siêu cường thứ 5 trên thế giới ? Emmanuel Macron đắc cử sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với nước Nga của Vladimir Putin. Kremlin tuyên bố “tôn trọng” sự chọn lựa của cử tri Pháp, nhưng Hạ Viện Douma nghiêng hẳn về phía bà Le Pen.
Nhiều giờ sau khi Paris thông báo kết quả bầu cử tổng thống Pháp ở vòng một tối ngày 23/04/20147, truyền thông Nga vẫn đưa tin bà Marine Le Pen về đầu, lấn át ứng cử viên Macron của phong trào Tiến Bước. Tổng thống Vladimir Putin đã tiếp đại diện của Mặt Trận Quốc Gia.
Trước bầu cử tổng thống Pháp ở vòng 1, ba trong số bốn ứng cử viên có triển vọng nhất, tỏ lập trường thân Nga. Emmanuel Macron là một ngoại lệ. Với Jean-Luc Mélenchon của phong trào Nước Pháp Bất Khuất, tổng thống Putin là rào cản cưỡng lại sức mạnh của “đế quốc Mỹ“, cho dù Nga không là một mô hình dân chủ lý tưởng trong mắt ông Mélenchon.
Dưới nhãn quan ứng cử viên cánh hữu, François Fillon, nguyên thủ Nga là một “mối quen biết thân tình“. Họ đã nhiều lần làm việc với nhau trong thời gian cả hai cùng giữ chức thủ tướng. Ngoài ra, ứng viên Fillon còn muốn tận dụng hào quang của Putin trong lòng một phần cử tri Pháp có lập trường bảo thủ.
Với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thì khác. Ứng cử viên đảng này, Marine Le Pen, mùa thu 2016 đã sang tận New York, ngồi đợi hàng giờ ở tháp Trump với hy vọng được tiếp kiến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump. Bà không được toại nguyện. Thủ tướng Đức, Angela Merkel tiếp ba ứng cử viên tổng thống Pháp là François Fillon cánh hữu, Benoît Hamon của đảng Xã Hội và Emmanuel Macron, nhưng không dành cho bà Le Pen vinh dự đó.
Riêng tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành thời giờ để tiếp lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia hôm 24/03/2017, một tháng trước bầu cử Pháp vòng 1.
Buổi tiếp xúc với chủ nhân điện Kremlin là một “thành tích” ngoại giao của ứng cử Le Pen. Nữ ứng cử viên tổng thống Pháp này không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với nguyên thủ Nga.
Marine Le Pen mạnh dạn tuyên bố với báo chí là bà cùng quan điểm với tổng thống Nga về tình hình quốc tế trong lúc Paris và Matxcơva đang bất đồng sâu đậm trên nhiều hồ sơ từ Syria đến Ukraina. Hai ngày sau khi tiếp bà Le Pen, nước Nga cấm và đàn áp một cuộc biểu tình chống tham nhũng do nhà đối lập Alexandre Navalny khởi xướng.
Le Pen-Putin, mối quan hệ nguy hiểm ?
Liên hệ giữa đảng Mặt Trận Quốc Gia của bà Le Pen với Matxcơva đã được thắt chặt hơn kể từ năm 2013, sau nhiều chuyến công tác của Marine Le Pen tại Nga.
Năm 2014, một ngân hàng tư nhân Nga do chính một người bạn thân với tổng thống Putin làm chủ, cấp 9 triệu euro tín dụng cho đảng Mặt Trận Quốc Gia. Hai năm sau, ngân hàng này tuyên bố phá sản, không thể tiếp tục cho Marine Le Pen vay thêm tiền.
Theo nhà nghiên cứu Anton Chekhovtov Viện Khoa Học Xã Hội tại Vienna, Áo, được Le Monde trích dẫn, Marine Le Pen chỉ được tổng thống Nga Vladimir Putin chiếu cố, một khi tai tiếng việc làm giả liên quan đến bà Penelope Fillon bùng nổ, khả năng đắc cử của ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon bị “mỏng dần“.
Việc mời ứng cử viên của đảng Mặt Trận Quốc Gia đến điện Kremlin là thông điệp rất rõ ràng của Matxcơva.
Một nhà báo Pháp bình luận : “Trước khi bức màn sắt ngăn đôi hai khối Đông Tây được dẹp bỏ, Liên Xô ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp của đảng Cộng Sản PCF. Nay, “đại diện của Matxcơva tại Paris là bà Marine Le Pen”.
Tin tặc Nga trong tầm ngắm
Có lẽ vì vậy mà viện nghiên cứu Mỹ Brookings Institution không loại trừ khả năng “Nga tung một đòn xấu nhắm vào Emmanuel Macron“, ứng cử viên duy nhất không lọt vào mắt xanh của ông Putin.
Cố vấn của cựu tổng thống Obama, ông David Axelrod, giải thích : sự kiện ông Macron hay bà Le Pen đắc cử tổng thống Pháp 2017 sẽ đem lại những thay đổi lớn trong quan hệ giữa Nga với các nền dân chủ phương Tây.
Emmanuel Macron một người chủ trương bồi đắp cho Liên Hiệp Châu Âu thêm vững mạnh, củng cố quan hệ giữa Paris với Bruxelles, giữa hai đồng minh thân thiết là Pháp và Mỹ. Ứng cử viên tổng thống Macron chống đối chính sách bãi bỏ cấm vận nước Nga. Ngược lại bà Le Pen thì chủ trương bài châu Âu để xích gần về phía Nga.
Không phải tình cờ mà báo chí Matxcơva tập trung tấn công ứng viên thuộc phong trào Tiến Bước !
Nhật báo Le Monde số ra ngày 25/04/2017 nêu một chi tiết nhỏ : Chủ Nhật vừa qua vào lúc các phòng phiếu ở Pháp chưa đóng cửa, đài truyền hình quân đội Nga, Zvevda, đã thông báo kết quả Le Pen-Macron lọt vào vòng 2, hashtag bằng tiếng Pháp JeVoteMarine- Tôi bỏ phiếu cho Marine xuất hiện trên màn ảnh tivi.
Vincent Jauvet, phóng viên tạp chí L’Obs nêu lên câu hỏi : liệu tổng thống Putin có đi xa hơn nữa hay không trong việc giúp đỡ Marine Le Pen chinh phục điện Elysée ? Câu trả lời theo ông Jauvet là có.
Tác giả đưa ra những bằng chứng cụ thể : hai cơ quan truyền thông của Nga là Sputnik France chi nhánh hoạt động tại Pháp và đài truyền hình RT- hậu thân của Russia Today là cánh tay nối dài của điện Kremlin để giúp bà Le Pen đắc cử. Sputnik thì chỉ phỏng vấn những người thân cận, những thành viên đảng Mặt Trận Quốc Gia. RT thì chỉ phỏng vấn có một người, đó là phó chủ tịch đảng này, ông Steeve Briois.
Đáng chú ý hơn nữa, vẫn theo tuần báo L’Obs, cả Sputnik lẫn RT cùng nêu lên khả năng kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 hôm 23/04/2017 “sai lệch” vì có gian lận. Hai kênh truyền thông này của Nga cùng “nêu lên giả thuyết” ấy, nhưng không đưa ra bằng chứng. Vincent Jauvet đặt câu hỏi , đây là một loại “fake news” tức là tin giả mà Sputnik và RT tự ý tung ra hay do đã được Matxcơva chỉ thị ?
Hãng tin Reuters cho biết, tình báo Mỹ đang điều tra về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa tiết lộ hai báo cáo mật của một viện nghiên cứu chiến lược Nga có liên hệ với tình báo nước này. Tài liệu thứ nhất, được ban hành hồi tháng 6/2016 đề nghị “can thiệp” vào chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ, qua kênh các mạng xã hội, RT và Sputnik để yểm trợ ứng cử viên nào có khuynh hướng thân Nga.
4 tháng sau, vào lúc mà Hillary Clinton gần như cầm chắc phần thắng trong tay, văn bản thứ nhì đưa ra tiêu chí ngưng vận động để ủng hộ Donald Trump, tập trung nỗ lực vào các chiến dịch tuyên truyền không chính thức với mục đích làm mất uy tín của vòng phiếu và chứng minh có gian lận bầu cử để làm suy yếu tổng thống Mỹ tương lai.
Vẫn theo nhà báo Jauvet, hai tài liệu được phát hiện nói trên là cơ sở để tổng thống Barack Obama tố cao Nga vào bầu cử Hoa Kỳ. Điện Kremlin bác bỏ tin do hãng thông tấn Anh Reuters loan tải.
Vậy thì có gì bảo đảm là Matxcơva sẽ không nhúng tay vào bầu cử tổng thống Pháp ?
Nhật báo tài chính Mỹ, Wall Street ấn bản ngày 24/04/2017 khẳng định : ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macon bị tin tặc tấn công. Thủ phạm là những nhóm tin tặc Nga, chính những người từng đột nhập và phá hoại chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton hồi năm 2016.
http://vi.rfi.fr/phap/20170425-bau-cu-tong-thong-phap-va-bong-dang-nga
Bầu cử Pháp vòng hai:
Hai ứng viên đang mài sắc chiến lược vận động
Từ ngày 24/04/2017, hai ứng cử viên được bầu vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp bắt đầu đẩy mạnh hai tuần lễ vận động tranh cử để thuyết phục cử tri. Đỉnh cao cuộc vận động sẽ là buổi tranh luận truyền hình bốn ngày trước cuộc bỏ phiếu. Hai ứng viên Macron và Le Pen tập trung vào việc đả phá chương trình hành động của đối phương để giành thắng lợi.
Từ tối 23/04/2017, sau khi biết kết quả vòng 1, ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron đã cho thấy rõ đường nét chính trong chiến thuật vận động của ông khi đối lập yếu tố yêu nước của ông với tình chất dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi của đối thủ Le Pen.
Trên cơ sơ sở đó, ông Macron sẽ lao vào một cuộc đấu tranh trực diện chống lại bà Le Pen, và chọc thủng quả bóng Mặt Trận Quốc gia (FN), bị ông cho là đang thổi phồng một cách giả tạo.
Trong cuộc vận động, ứng cử viên của phong trào Tiến Bước tìm cách bẻ gẫy từng lập luận của đối thủ trên ba vấn đề lớn kinh tế, giá trị của nước Pháp và chủ đề châu Âu. Đây là ba điểm đối nghịch chủ chốt trong cương lĩnh chính trị của hai bên.
Một cách cụ thể, ông Macron sẽ cố đến vận động tại những nơi chưa đến trong thời gian qua, những nơi mà cử tri cảm thấy bị lãng quên và đã dồn phiếu cho bà Le Pen. Chẳng hạn như ứng viên Macron hứa đi gặp công nhân hãng Whirlpool tại Amiens, nơi nhà máy này đang bị đe dọa đóng cửa.
Về phía ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen và những người ủng hộ bà kể từ hôm qua, đã đồng loạt nã pháo vào ông Macron, trước tiên là trên bình diện kinh tế. Họ mô tả đối thủ như là một người theo chủ nghĩa tự do kinh tế cực đoan, ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa man dại, không một chút ràng buộc. Lập luận này được cho là nhằm chiêu dụ các cử tri thiên tả và đặc biệt là những người đã bỏ phiếu cho ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon.
Đối với bà Le Pen, ông Macron là người chỉ biết bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu, chứ không có chút gì là yêu nước, nhắc lại tuyên bố trước đây của ông Macron về tội ác chống nhân loại của Pháp tại Algéri thời thuộc địa, hoặc câu nhận định của ông hồi tháng Hai tại Lyon về tình trạng thiếu vắng văn hóa ở Pháp. Đòn tấn công này nhằm chính phục các cử tri cánh hữu rất gắn bó với tinh thần dân tộc.
Để chiêu dụ các cử tri cánh hữu này, bà Le Pen sẽ tiếp tục chĩa mũi dùi vào các đề nghị của ông Macron trên vấn đề nhập cư và an ninh. Bà từng để lộ chiến thuật này khi đả kích ông Macron là « yếu đuối » trước quân khủng bố Hồi Giáo.
Để thuyết phục thêm các cử tri thiên hữu, bà Marine Le Pen còn tuyên bố thôi giữ chức chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu để « tập hợp mọi người Pháp » chung quanh một đề án mà bà cho là tượng trưng cho « hy vọng, thịnh vượng, an ninh cho nước Pháp. »
Các cuộc thăm dò cho đến nay đều cho thấy ông Macron sẽ thắng ở vòng hai với hơn 60 % số phiếu, bà Le Pen được gần 40%. Thế nhưng khả năng khoảng cách này bị thu hẹp vẫn có thể xẩy ra.
http://vi.rfi.fr/phap/20170425-bau-cu-phap-hai-ung-vien-con-lai-dang-mai-sac-chien-luoc-van-dong
Bầu cử Pháp : Đa số nào tại Quốc Hội cho tân tổng thống ?
Ngày 07/05/2017, dù người đắc cử tổng thống là ông Emmanuel Macron hay bà Marine Le Pen, cả hai đều phải nhức đầu để có được đa số tại Quốc Hội Pháp, được bầu lại vào tháng 6/2017. Đây là một điều kiện thiết yếu để có thể điều hành đất nước mà không bị cản trở. Vấn đề này đặc biệt khó khăn vì lẽ cả hai đều không có cơ sở vững chắc tại các địa phương.
Đối với bà Le Pen, câu hỏi đặt ra là với đà vươn lên được ghi nhận trong cuộc bầu cử tổng thống, đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia của bà sẽ đưa được bao nhiêu người vào Quốc Hội mà tổng số dân biểu lên đến 577 người. Trong Quốc Hội mãn nhiệm, đảng cực hữu chỉ có vỏn vẹn 2 đại biểu.
Ứng viên tổng thống Le Pen hy vọng sẽ có thêm được một số dân biểu để có thể thành lập được một nhóm tại Quốc Hội (tối thiểu là 15 người), và trong trường hợp chiến thắng, bà sẵn sàng liên minh với « những người yêu nước », hình thành một đa số để cầm quyền.
Đối với ông Macron, vấn đề còn hóc búa hơn nữa, vì ông không có đảng phái nào hậu thuẫn, trong lúc phong trào Tiến Bước của ông chỉ là một tập hợp lỏng lẻo, thành lập chỉ mới một năm, và hoàn toàn không có một nền tảng cử tri nào.
Ngay từ tối 23/04/2017, sau vòng một, ông Macron đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một đa số để điều hành chính phủ và thực hiện thay đổi theo chiều hướng mới. Ông tin tưởng là người Pháp sẽ nhất quán trong chọn lựa của mình, nếu đã bỏ phiếu chọn ông làm tổng thống thì tất nhiên sẽ bầu cho những ứng cử viên của ông vào Quốc Hội.
Chuyên gia Jérôme Sainte-Marie, thuộc viện thăm dò Polling Vox đánh giá : « Bất kể người được bầu làm tổng thống là ai, cử tri Pháp sẽ khẳng định sự chọn lựa của họ » qua cuộc bỏ phiếu ở Quốc Hội vào đầu tháng 6/2017. Đối với chuyên gia này, ông Macron có lợi thế là thích hợp với một phần cử tri của cả cánh tả lẫn cánh hữu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác không đồng ý. Theo Frédéric Sawicki, giáo sư đại học Sorbonne, ông Macron « chưa có đủ liên minh hay thỏa thuận » để có thể có đa số ở Quốc Hội. Chuyên gia Bruno Jeanbart của viện thăm dò Opinionway, cũng cùng đánh giá khi cho rằng ông Macron vẫn có thể tìm được một đa số ở Quốc Hội, nhưng đó là một công việc rất khó khăn.
Theo giới phân tích, thất bại thảm hại của hai đảng cầm quyền truyền thống – đảng Xã Hội và đảng Những Người Cộng Hòa – trong cuộc bầu tổng thống, không có nghĩa là những người của các đảng này sẽ thất bại tại địa phương của họ trong cuộc bầu Quốc Hội.
Đối với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa chẳng hạn, ứng cử viên François Fillon bị thất bại do tai tiếng cá nhân, chứ không phải vì đảng bị chê trách. Trên cơ sở đó họ đã tỏ quyết tâm đấu tranh giành ưu thế tại Quốc Hội, buộc tổng thống mới phải chấp nhận chung sống.
Còn người của riêng phong trào Tiến Bước thì sao ? Cho đến giờ thì chỉ mới có 14 nhân vật được đề cử ra tranh chức dân biểu, trên tổng số 577 đơn vị bầu cử. Bà Laurence Haim, phát ngôn viên phong trào Tiến Bước tỏ ra bình thản : số ứng cử viên sẽ không thiếu, vì phong trào đã nhận được 15.000 sơ yếu lý lịch của những người xin làm ứng cử viên, và đang duyệt danh sách. Điểm quan trọng, theo bà Haim, là một nửa ứng viên đến từ xã hội dân sự.
Do chủ trương đổi mới cảnh quan chính trị Pháp, ông Macron cho đến nay vẫn từ chối các thỏa thuận với các đảng, ngoại trừ với một đảng cánh trung của ông François Bayrou, đồng minh của ông. Việc từ chối thỏa thuận này có thể sẽ tai hại cho ông Macron, vì một trong những đối thủ đáng ngại của ông sẽ là đảng Xã Hội.
Cho dù đảng này đã kêu gọi dồn phiếu cho ông, nhưng nếu không có thỏa thuận « nhường nhịn lẫn nhau » trong cuộc bầu cử Quốc Hội tới đây, thì có khả năng cả ứng viên Tiến Bước lẫn Xã Hội đều bị loại. Như một người thân cận của tổng thống mãn nhiệm Hollande nhận định : « Sẽ không có nhiều dân biểu đảng Xã Hội và cũng sẽ không có nhiều dân biểu Tiến Bước đâu : nếu đưa ra 577 ứng cử viên, họ sẽ chỉ được khoảng 40-50 dân biểu mà thôi ».
Bầu cử Quốc Hội Pháp năm nay diễn ra trong hai ngày 11 và 18/06/2017.
http://vi.rfi.fr/phap/20170425-bau-cu-phap-da-so-nao-tai-quoc-hoi-cho-tan-tong-thong
Pháp : Tổng thống Hollande kêu gọi bầu cho Macron
Ngay khi chiến dịch tranh cử tổng thống vòng 2 bắt đầu, các đảng chính trị truyền thống lớn của Pháp, vừa bị loại ở vòng 1, đã nhất loạt lên tiếng ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron. Mục tiêu là ngăn chặn không cho ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN) có cơ hội lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Ngày 24/04/2017, tổng thống mãn nhiệm của đảng Xã Hội François Hollande đã có bài diễn văn trịnh trọng trên truyền hình kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho Emmanuel Macron. Ông tuyên bố : « Sự có mặt của cực hữu một lần nữa lại là nguy hiểm cho đất nước chúng ta (…). Trước mối nguy cơ đó, cần thiết phải có sự huy động và sáng suốt lựa chọn. Về phần mình, tôi sẽ bầu Emmanuel Macron ».
Sau cuộc họp các thành viên chính phủ, nhiều vị bộ trưởng cho biết thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve khẳng định « ủng hộ vô điều kiện » ứng cử viên phong trào Tiến Bước ! ông Emmanuel Macron.
Đảng Xã Hội, vừa bị thất bại nặng nề chưa từng có với việc ứng cử viên của đảng ông Benoit Hamon chỉ đạt trên 6% phiếu bầu, cũng đã có cuộc họp khẩn trong ngày hôm qua. Tổng thư ký đảng Xã Hội, Jean-Christophe Cambadélis, không chỉ kêu gọi bỏ phiếu mà còn khẳng định đảng Xã Hội sẽ tham gia vận động để ông Macron đánh bại bà Marine Le Pen trong vòng 2 ngày 07/05/2017.
Hiện có khoảng trên 160 dân biểu và bộ trưởng thuộc đảng Xã Hội kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên Emmanuel Macron ở vòng 2. Việc chính phủ mãn nhiệm lên tiếng vận động bỏ phiếu cho một ứng viên tổng thống là việc làm hi hữu trong chính trường Pháp.
Cánh hữu cũng ủng hộ Macron
Cùng ngày, phe bại trận khác, đảng Những Người Cộng Hòa (LR) cũng đã có cuộc họp xử lý « khủng hoảng ». Nhiều lãnh đạo đảng này đã đồng thanh lên tiếng ủng hộ ứng viên của En Marche ! vì mục tiêu ngăn chặn phe cực hữu lên nắm quyền.
Trong khi đó, ông Jean-Luc Melenchon của đảng Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise, cực tả, vẫn chưa đưa ra lời kêu gọi định hướng cử tri của mình cho vòng 2. Jean-Luc Mélenchon đã về thứ 4 ở vòng 1 với 19,58% phiếu bầu. Thái độ của ông đang bị dư luận chỉ trích nhiều trong hai ngày qua. Tuy nhiên, nhiều người có trách nhiệm của Nước Pháp Bất Khuất đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ ứng viên Macron ở vòng 2.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức của bộ Nội Vụ, ông Macron ứng cử viên của phong trào Tiến Bước – En Marche ! về đầu vòng 1 với 24,01% phiếu sẽ đối mặt ở vòng 2 với bà Marine Le Pen của đảng Mặt Trận Quốc Gia, giành được 21,30% phiếu, để tranh chức tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017-2022.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu vòng một, ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia (FN) Marine Le Pen tiếp tục cuộc tranh cử, trong bối cảnh theo một loạt các cuộc thăm dò dư luận, tối Chủ Nhật 23/04 và ngày thứ Hai 24/04, dự đoán lãnh đạo đảng cực hữu sẽ thất bại trong vòng hai, với dưới 40% phiếu bầu. Hôm qua, ứng viên cực hữu đi vận động cử tri tại một khu chợ ở Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp. Sáng sớm hôm nay, bà Le Pen tới khu chợ quốc tế Rungis, ngoại ô Paris, để tuyên truyền cho cương lĩnh của FN, « thiết lập lại biên giới » nước Pháp, « rút khỏi đồng euro » và khép cửa đối với người nhập cư. Rungis, được coi là chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất thế giới, cũng là nơi ứng cử viên Macron có mặt trước đó một tuần.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 2 tối qua, bà Marine Le Pen tuyên bố từ chức chủ tịch đảng FN, để tập trung cho tranh cử. Lãnh đạo FN sẽ có cuộc mít tinh lớn tại Nice, được coi là thành trì của cánh hữu, vào thứ Năm 27/04.
Về phía Emmanuel Macron, theo tổng thư ký phong trào Tiến Bước-En Marche ! Richard Ferrand, ứng cử viên tổng thống ở thế thượng phong sẽ tiếp tục chiến dịch vận động cử tri kể từ ngày mai thứ Tư 26/04, tại Arras (Pas-de-Calais), cuộc mít tinh vốn bị hủy bỏ hồi tuần trước, sau vụ khủng bố trên đại lộ Champs-Elysées (Paris). Những ngày còn lại trong tuần, ứng cử viên Macron sẽ tiếp tục vận động « tại vùng Limousin, miền trung, và nhiều nơi khác ».
Theo AFP, tổng thư ký phong trào Tiến Bước cũng thẳng thừng bác bỏ những chỉ trích nhắm vào việc ông Emmanuel Macron tổ chức mừng thắng lợi tại một nhà hàng nổi tiếng ở Paris. Theo đại diện phong trào Tiến Bước!, « bữa ăn giản dị » này là « một khoảnh khắc hội ngộ giữa những thành viên trụ cột của phong trào, sau nhiều tháng làm việc nỗ lực ».
Trận đấu quan trọng nhất được chờ đợi giữa hai ứng cử viên trước vòng chung kết là cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 03/05/2017.
Hôm nay, hai ứng cử viên tổng thống tham dự lễ tưởng niệm quốc gia, vinh danh viên cảnh sát Xavier Jugelé, 37 tuổi, tử vong tối ngày 20/04/2017, do trúng đạn của khủng bố tại đại lộ Champs-Elysées. Lễ tưởng niệm diễn ra vào lúc 11 giờ, với sự chủ trì của tổng thống François Hollande.
Đan Mạch tố cáo tin tặc Nga đánh cắp thông tin
Một báo cáo của Trung tâm an ninh mạng Đan Mạch, công bố ngày 23/04/2017 nêu lên khả năng tin tặc có liên hệ với chính phủ Nga đã xâm nhập vào các hộp thư điện tử của bộ Quốc Phòng trong thời gian khoảng 2 năm gần đây. Bộ trưởng Quốc Phòng Đan Mạch ngay lập tức lên án đó là hành động thể hiện « thái độ rất hung hăng » của Nga. Matxcơva tất nhiên phủ nhận cáo buộc trên.
Thông tín viên Fabien Vallée tại Copenhagen :
” Tổ chức bị Đan Mạch tố cáo có tên gọi APT28. Nhóm hacker Nga này cũng đã bị Hoa Kỳ nghi ngờ có tấn công đảng Dân Chủ trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Đan Mạch, Claus Frederiksen, « thư điện tử bị đánh cắp không chứa đựng những bí mật quân sự nhưng sự việc tất nhiên là nghiêm trọng ». Đan Mạch không phải là nước duy nhất tố cáo Nga có hành động đánh cắp thông tin. Trước đó, Anh Quốc cũng nghi ngờ Matxcơva gây ảnh hưởng đến chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về Brexit.
Còn nước Ý cũng đã từng lên tiếng tố cáo cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp năm ngoái của nước này bị Nga tuyên truyền gây tác động. Nhưng Nga luôn bác bỏ các cáo giác như vậy.
Tại Đan Mạch, tranh luận về chuyện tin tặc này nổi lên trong bối cảnh vào cuối năm 2017, Copenhagen sẽ triển khai gần 200 binh sĩ tại Estonia, sát cạnh Nga, trong khuôn khổ chương trình tái bố trí quân của NATO. Nhiệm vụ của đơn vị này là quan sát, theo dõi các hoạt động quân sự của Nga trong vùng.
Chính phủ Đan Mạch đã lưu ý các binh sĩ của mình phải cảnh giác về mưu toan thao túng và hăm dọa của Nga “.
Kỷ niệm ngày quân lực, Bình Nhưỡng tập trận quy mô lớn
Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội, 25/04, Bắc Triều Tiên đã tổ chức một cuộc tập trận lớn với các loại vũ khí quy ước. Trong không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Seoul thông báo một tàu ngầm nguyên tử Mỹ ghé cảng của Hàn Quốc.
Từ nhiều ngày 24/04/2017, giới quan sát nghi ngại khả năng trong dịp lễ kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội, Bắc Triều Tiên sẽ lại tiến hành thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, đến chiều ngày hôm nay, các hệ thống quan sát từ Hàn Quốc đều ghi nhận không có dấu hiệu nào của các hoạt động như vậy ở Bắc Triều Tiên. Quốc Phòng Hàn Quốc chỉ thông báo, Bình Nhưỡng đã tiến hành một cuộc tập trận lớn với sự tham gia ồ ạt của pháo binh tại Wosan, vùng duyên hải bên bờ đông.
Hãng tin Hàn Quốc, Yonhap, dẫn nguồn tin từ chính phủ nói đây là cuộc tập trận có quy mô lớn chưa từng thấy của quân đội Bắc Triều Tiên. Bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc cho biết đang theo dõi rất sát các hoạt động của quân đội miền Bắc.
Cùng lúc, Seoul thông báo quân đội Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với tàu sân bay Mỹ Carl Vinson, sẽ tới vùng biển của nước này trong những ngày tới.
Cuộc tập trận chung này diễn ra trong vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, vẫn được gọi là biển Nhật Bản. Ngoài ra, Hải Quân Mỹ-Hàn hôm nay cũng bắt đầu các cuộc diễn tập trên biển Hoàng Hải, bên phía tây bán đảo.
Một động thái biểu dương sức mạnh khác, đó là tàu ngầm nguyên tử Mỹ, USS Michigan có trang bị hơn 150 tên lửa hành trình Tomahawk đã ghé cảng Busan của Hàn Quốc. Hàn Quốc nhấn mạnh đây chỉ là chuyến ghé thăm bình thường, tàu ngầm USS Michigan sẽ không tham gia vào cuộc diễn tập nào.
Hôm nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ lại có cuộc họp tại Tokyo để bàn về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đặc phái viên ba bên nhất trí sẽ « có những hành động nghiêm khắc » đối với những hành vi khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên.
Venezuela : Khủng hoảng chính trị tiếp diễn, thêm 3 người chết
Tại Venezuela, phong trào chống chế độ của tổng thống Maduro, bùng phát từ cuối tháng 3/2017, vẫn tiếp tục. Ngày 24/04, hàng nghìn người chiếm lĩnh nhiều xa lộ chính. Mục tiêu của phong trào là duy trì áp lực lên chính phủ Maduro, đòi tổ chức tuyển cử trước khi ông Maduro hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.
Kể từ khi phong trào bùng phát, sau quyết định của Tòa Án Tối Cao chiếm quyền Quốc Hội (do đối lập kiểm soát), bị lên án là « đảo chính », đã có 24 người thiệt mạng, trong đó có 11 người chết trong hoặc bên lề các cuộc biểu tình. Riêng hôm qua, đã có thêm 3 người chết. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình, chiếm giữ xa lộ nhìn chung đã diễn ra ôn hòa.
Thông tín viên Julien Gonzalez tường trình từ Caracas,
« Dưới trời nắng chói chang, những người đối lập chiếm giữ trục đường xe hơi chính vào thủ đô Caracas trong hơn 8 giờ đồng hồ. Tại chỗ, người chơi đôminô, người đọc sách… Ngồi trên mặt đường nhựa, bà Lorena Guevara nói chuyện với các bạn về tình hình đất nước : ‘‘Đây không phải là chuyện chơi, chúng tôi ở đây để chiếm lĩnh vị trí này. Hôm nay là thứ Hai, là ngày làm việc, đáng nhẽ chúng tôi đã phải có mặt ở công sở. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi phải gạt sang một bên cuộc sống riêng của mình vì đất nước. Hôm nay, tôi không kiếm được tiền, đó là một sự hy sinh, nhưng cần phải làm như vậy’’.
Chiếm lĩnh trục đường này cũng là một ưu tiên đối với Eduardo Cruz, một thương nhân ở Caracas. Ông hiểu rõ là các cuộc tập hợp ngày hôm nay sẽ không mang lại kết quả ngay lập tức. Nhưng theo ông, áp lực của đường phố rồi sẽ buộc chính quyền phải nhường bước.
Thương nhân Caracas nhấn mạnh : ‘‘Giải pháp dân chủ nhất để thoát khỏi tình trạng này là tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, chính phủ không muốn rời bỏ quyền lực, bởi vì họ kẹt trong quá nhiều vấn đề, về mặt pháp lý và về mặt chính trị’’. Theo Eduardo Cruz, đã hơn 20 ngày đối lập đấu tranh trên đường phố, và ông tin rằng có thể tiếp tục như thế 20, 40, 60 hay 100 ngày nữa. ‘‘Chúng tôi có sức mạnh để trụ lại được, bởi nhân dân đã quyết’’.
Phong trào đối lập đã kêu gọi tiếp tục các hoạt động vào hôm nay, thứ Tư, 25/04 ».
Về phía chính phủ, một quan chức cao cấp của chế độ, ông Diosdado Cabello, hôm qua khẳng định sẽ không có tổng tuyển cử (trước thời hạn). Trong khi đó, tổng thống Maduro kêu gọi đối lập nối lại đối thoại, đồng thời kêu gọi giáo hoàng Phanxicô tiếp tục làm trung gian. Đàm phán dưới sự bảo trợ của Tòa Thánh Vatican đã bị đình lại hồi tháng 12/2016. Tối qua, tổng thống Venezuela có cuộc hội kiến với cựu tổng thống Cộng Hòa Dominica Leonel Fernandez, người từng tham gia một số đàm phán trước đây.
Mười một nước châu Mỹ Latinh và Hoa Kỳ ủng hộ bầu cử sớm tại Venezuela
Theo một thăm dò dư luận của Venebarometro, 7 trên 10 người Venezuela muốn tổng thống Maduro từ chức. Quốc gia vốn thịnh vượng hàng đầu Nam Mỹ, do nguồn lợi dầu mỏ, lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đồ nhu yếu phẩm vô cùng khan hiếm, lạm phát đến 800%. Riêng trong đêm thứ Năm qua thứ Sáu tuần trước, hàng chục cửa hàng tại một khu phố nghèo ở thủ đô Caracas bị cướp phá.
Tổng kết 5 năm chính sách kinh tế của tổng thống Hollande
2012-2017, chặng đường đầy cam go đánh dấu nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Hollande. Trong số các mục tiêu đề ra ban đầu, ông đã làm được những gì và thất bại trên những điểm nào ? Các doanh nghiệp dự trù tuyển dụng gần 2 triệu nhân viên trong tài khóa 2017. Kinh tế Pháp đang trông thấy ánh sáng cuối đường hầm, cho dù tăng trưởng còn mong manh.
Tháng 2/2016, khi sắp bước vào năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống 5 năm và chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, François Hollande đã tâm sự với báo giới là ông “kém may mắn“. 10 tháng sau, tổng thống Hollande từ bỏ tham vọng tái tranh cử. Một trong những nguyên nhân chính là đã không thực hiện được lời hứa “đảo ngược tình thế” trên thị trường lao động.
Trong vài ngày nữa, tổng thống François Hollande rời điện Elysée mà vẫn còn ba triệu rưỡi người Pháp trong tuổi lao động không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn là 9,6 %. Dù vậy, di sản kinh tế ông để lại cho người kế nhiệm – dù là Marine Le Pen hay Emmanuel Macron, có vẻ tươi sáng hơn so với thời điểm ông bước vào phủ tổng thống hồi tháng 5/2012.
Tạp chí kinh tế hôm nay mời quý thính giả cùng nhìn lại 5 năm cầm quyền của tổng thống François Hollande, vị lãnh đạo thứ nhì trong lịch sử nền Đệ Ngũ Cộng Hòa thuộc đảng Xã Hội cánh tả.
Thất nghiệp giảm quá chậm
Tháng 5/2012 François Hollande đắc cử tổng thống Pháp sau gần 4 năm cả thế giới tiếp tục khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính ngân hàng hồi năm 2008. Khủng hoảng Hy Lạp đe dọa sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Toàn khối phải áp dụng chính sách khắc khổ. Đánh bại tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, ông Hollande bước vào điện Elysée với lời hứa thuyết phục Đức và châu Âu nới lỏng các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhưng đồng thời Paris cam kết giảm bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP như quy định của eurozone.
Tăng trưởng giảm sụt. Để đạt lời hứa giảm thâm hụt ngân sách, tổng thống Hollande đã buộc phải tăng thuế. Biện pháp này đánh thẳng vào túi tiền của người dân. Tiêu thụ tuột dốc. Hậu quả kèm theo là các doanh nghiệp sa thải bớt nhân công. Thêm vào đó, các nước thành viên khu vực đồng euro cũng áp dụng chính sách khắc khổ tương tự. Châu Âu bị đe dọa giảm phát.
Trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ ở điện Elysée, 300.000 chỗ làm bị giải tán. Đây là tỷ lệ cao nhất từ tháng 10/2009. Tình trạng tiếp tục xấu đi cho đến đầu 2015 khi thị trường Pháp bắt đầu tuyển dụng trở lại. Trong thời gian đó, chính phủ thử nghiệm nhiều biện pháp như là kế hoạch giúp giới trẻ chen chân vào thị trường lao động, hay chính sách giảm 40 tỷ euro tiền thuế và các khoản đóng góp xã hội cho giới chủ để khuyến khích khu vực sản xuất tuyển dụng nhân viên. Có điều đà phục hồi không được như mong đợi, không có phép lạ khi mà hàng hóa làm ra không có người mua.
Trả lời RFI Việt Ngữ, Eric Heyer, giám đốc đài Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE cho rằng thực ra tình trạng thất nghiệp có được cải thiện trong 5 năm vừa qua nhưng ở nhịp độ còn quá chậm và tin vui này đến quá trễ để tổng thống Hollande có thể xem là một điểm son trong nhiệm kỳ sắp khép lại.
“Thực sự ra, nạn thất nghiệp ở Pháp đã được cải thiện, nhưng thị trường lao động khởi sắc trở lại quá muộn và đà vươn lên đó còn quá yếu. Từ cuối năm 2015 tới nay, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm : đang từ 10,2 % theo định nghĩa của Cơ quan Lao Động Quốc Tế, rơi xuống còn 9,6 %.
Trên giấy tờ thì đó là một điều đáng mừng, nhưng trên thực tế người dân Pháp chưa cảm nhận được khoảng cách 0,6 điểm đó. Những ai đang đi tìm việc làm vẫn rất khó chen chân vào thị trường lao động. Cử tri Pháp ở thời điểm này, chưa nhận thấy là tình hình đã sáng sủa hơn. Nói đến nước Pháp, người ta vẫn nghĩ tới nạn thất nghiệp hàng loạt.
Nhưng phải nhìn nhận là các hoạt động kinh tế đều có khuynh hướng khả quan hơn. Doanh nghiệp có chiều hướng dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn. Tổng thống sắp tới sẽ bước vào điện Elysée trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn so với hồi tháng 5/2012.
François Hollande để lại di sản sáng sủa hơn so với những gì ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy. Cần nhắc lại là 5 năm trước đây, kinh tế Pháp đang trong giai đoạn điều chỉnh, các doanh nghiệp đua nhau sa thải nhân viên. Giờ đây, điều quan trọng nhất là làm thế nào để giữ được đã tăng trưởng – dù là còn mong manh, mà tổng thống Hollande để lại. Tôi nghĩ là ưu tiên của chính quyền sắp tới là phải đưa ra những biện pháp để tiếp sức cho đà tăng trưởng vừa mới manh nha. Chúng ta cần hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế “.
Đà phục hồi nhưng chưa hồi sinh ?
Theo thăm dò do Cơ quan môi giới tìm việc làm Pôle Emploi thực hiện, 1,7 triệu doanh nghiệp được hỏi cho biết ý định tuyển dụng gần hai triệu nhân viên trong năm 2017. Con số này được cho là cao kỷ lục tính từ năm 2002 tới nay.
Các chuyên gia cho rằng, đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy kinh tế Pháp bắt đầu phục hồi. Một tín hiệu khác củng cố thêm kịch bản này là số các doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong năm 2016 giảm 8 % so với hồi 2015. Chỉ số tin tưởng của doanh nhân Pháp cũng có phần tươi sáng hơn như ghi nhận của chủ tịch nghiệp đoàn các công ty cỡ vừa và nhỏ CPME.
Nhìn đến các công ty lớn tham gia chỉ số chứng khoán CAC 40 , 2016 làm một năm thịnh vượng : tiền lãi của các đại công ty này lên tới gần 74 tỷ euro, tăng hơn 32 % so với tài khóa 2015.
Thành công nửa vời và thất bại
Trong số những hứa hẹn mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho 65 triệu dân Pháp, tổng thống Hollande đã vấp phải nhiều trở ngại. Giấc mơ “tạo một cuộc sống tươi sáng hơn cho giới trẻ” ở cuối nhiệm kỳ của ông vẫn còn xa vời.
Nạn thất nghiệp hay công việc làm bấp bênh, cảnh nghèo khó, bất bình đẳng xã hội vẫn là những mối đe dọa có thực. Trong 5 năm cầm quyền, François Hollande và các chính phủ liên tiếp của các thủ tướng Jean-Marc Ayrault, Manuel Valls hay Bernard Cazeneuve đều đã đưa ra những biện pháp cụ thể để thu hẹp các bất công xã hội. Tiếc là đến cuối nhiệm kỳ của ông Hollande, tỷ lệ người nghèo vẫn không giảm so với 5 năm trước đó. Điều an ủi là thành phần đó bớt nghèo hơn một chút so với hồi tháng 5/2012.
Trong lĩnh vực môi trường, hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu tổ chức tại Paris vào tháng 12/2015 được đánh giá là một thành công vượt bực trên phương diện ngoại giao. Pháp đã thuyết phục 194 quốc gia trên thế giới cam kết giảm lượng khí thải làm hâm nóng trái đất. Trung Quốc và Mỹ hưởng ứng kêu gọi của Paris.
Để làm gương, Pháp đã thông qua nhiều đạo luật về môi trường, trợ cấp cho các chương trình tiết kiệm năng lượng, từng bước giảm năng lượng hóa thạch để sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo. Nhưng theo giới chuyên gia, nhiều quyết định chỉ nửa vời hay mang tính tượng trưng. Hiệu quả thực chất thì chẳng bao nhiêu.
Nhưng có lẽ thất bại lớn nhất của tổng thống Hollande là trong chính sách với Liên Hiệp Châu và eurozone. Khi lên cầm quyền ông khẳng định sẽ thuyết phục được Đức và Liên Âu nới lỏng chính sách khắc khổ. Năm năm sau, lập trường của cả Berlin lẫn Bruxelles đều không mấy thay đổi trên hồ sơ này.
Thêm vào đó như ghi nhận của nhà báo Guillaume Duval, tạp chí kinh tế Alternatives Economiques, nước Pháp trong 5 năm vừa qua đã quá kín tiếng trên những hồ sơ mang tính định đoạt với tương lai của Liên Hiệp Châu Âu. Nước Pháp của tổng thống François Hollande đã không đưa ra đề xuất để giải quyết từ vấn đề nợ công của các nước thành viên trong khối euro đến chính sách chuyển tiếp năng lượng.
http://vi.rfi.fr/phap/20170425-tong-ket-5-nam-chinh-sach-kinh-te-cua-tong-thong-hollande