Tin khắp nơi – 24/10/2017
Ông Tập: ‘Lãnh đạo quyền lực nhất TQ’ sau ông Mao
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “nhất trí đồng ý” đưa “Tư tưởng Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng.
Như vậy Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay.
Ông Tập đã liên tục tăng dần việc siết chặt quyền lực kể từ khi ông trở thành lãnh đạo hồi 2012.
Tân Hoa Xã nói Đại hội đã thông qua Nghị quyết về “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi”, quyết định đề án sửa đổi này có hiệu lực từ ngày được thông qua.
Bản tin Tân Hoa Xã viết: “Đại hội nhất trí đồng ý, đưa Tư tưởng Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, cùng với Chủ nghĩa Mác- Lê-nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và Quan điểm Phát triển khoa học là kim chỉ nam hành động của Đảng.”
Theo giới phân tích, trước đây chỉ có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có tên trong Điều lệ Đảng.
Hai học thuyết của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã có trong Điều lệ Đảng, nhưng không kèm tên hai người này.
Như vậy, ông Tập Cận Bình nay đã được Đảng Cộng sản xem là đứng trên cả hai người tiền nhiệm, Giang và Hồ.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá mới gồm 204 ủy viên Trung ương, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, 172 ủy viên Trung ương dự khuyết.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khoá mới gồm 133 thành viên
Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?
Hơn 2.000 đại biểu đã về dự kỳ họp chính trị quan trọng nhất nước, được tổ chức tại Bắc Kinh.
Đại hội khai mạc hồi cuối tuần trước với bài diễn văn kéo dài ba tiếng đồng hồ của ông Tập, trong đó ông lần đầu tiên nêu ra ý tưởng của mình, “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới”.
Các quan chức hàng đầu và truyền thông nhà nước sau đó bắt đầu nhắc đi nhắc lại ý tưởng này, gọi đó là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, một chỉ dấu cho thấy ông Tập đã củng cố được ảnh hưởng của mình trong Đảng.
Biên tập viên chuyên về Trung Quốc của BBC, Carrie Gracie nói việc đề cao “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong điều lệ Đảng có nghĩa là các đối thủ của ông nay không thể thách thức nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc mà không bị coi là vi phạm quy định Đảng.
Một số nhà lãnh đạo trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã từng được đưa ý tưởng vào Điều lệ Đảng, tuy nhiên trừ Mao Trạch Đông ra thì không có ý tưởng của ai được mô tả là “tư tưởng”, tức là mức cao nhất trong thứ bậc ý thức hệ.
Đáng chú ý, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, không còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.
Ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được bổ sung vào danh sách các thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều, 66 tuổi cũng không còn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.
Vì sao “Tư tưởng Tập Cận Bình” quan trọng?
Khẩu hiệu mới của Trung Quốc nghe cũng không xuôi tai lắm.
Nhưng từ nay học sinh, sinh viên và công nhân tại các nhà máy quốc doanh sẽ cùng 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc học tập “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong thời đại mới của xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc.
Cách nói “thời đại mới” là cách đảng cộng sản nói đây là chương thứ ba trong lịch sử hiện đại Trung Quốc.
Nếu như chương đầu là Chủ tịch Mao thống nhất một đất nước bị chiến tranh hủy hoại, chương thứ hai là làm giàu dưới thời Đặng Tiểu Bình, thì thời đại mới còn chú trọng hơn đến đoàn kết và làm giàu, động thời xây dựng Trung Quốc có kỷ cương trong nước và hùng mạnh ở nước ngoài.
Đưa tất cả những ý này dưới cái tên của Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng cộng sản có nghĩa là các đối thủ của ông Tập không thể thách thức ông mà không đe dọa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
“Tư tưởng Tập Cận Bình”là gì?
Thoạt nhìn qua, “tư tưởng Tập Cận Bình” nghe có vẻ trừu tượng mơ hồ, nhưng thực chất nó mô tả tư tưởng cộng sản mà ông Tập cổ xúy trong suốt thời kỳ ông làm lãnh đạo.
14 nguyên tắc chính của “tư tưởng Tập Cận Bình” nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc lãnh đạo mọi khía cạnh của đất nước. Ngoài ra, tư tưởng này còn:
Kêu gọi “cải cách toàn diện và sâu sắc” và “các ý tưởng phát triển mới”
Hứa hẹn “chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên” – đây là lời kêu gọi bảo vệ môi trường tốt hơn, và có thể nói đến mục tiêu đáp ứng phần lớn nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc qua các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhấn mạnh về “quyền lực tuyệt đối của đảng đối với quân đội nhân dân” – trong bối cảnh các nhà phân tích cho là thay đổi nhân sự lớn nhất trong các quan chức quân đội cao cấp trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của “một nhà nước hai chế độ” và sự thống nhất tổ quốc – nói đến Hong Kong và Đài Loan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41731768
Thể thao: Phân biệt nam nữ trong thu nhập
Bảng 100 vận động viên có thu nhập cao nhất thế giới chỉ có duy nhất một vận động viên nữ, ngôi sao quần vợt Serena Williams
Cô xếp hạng 51 với thu nhập 66 triệu USD, thấp hơn thu nhập của Christiano Ronaldo, cầu thủ lương cao nhất thế giới, theo Forbes.
Đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ giành World Cup năm 2015 chỉ khiến họ được khoản tiền thưởng 2 trệu USD.
Còn tuyển nam cũng của giải đấu này được thưởng 35 triệu USD từ trước đó một năm.
Đây chỉ là một trong mấy ví dụ về chênh lệch quá lớn trong thu nhập của làng thể thao thế giới, và hiện tượng này đã tồn tại hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, một khảo sát gần đây cho thấy khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ vận động viên đã có sự thu hẹp trong một vài năm gần đây.
Theo một nghiên cứu của BBC Sport tháng 6 năm về 68 bộ môn, 83% các môn thể thao hiện nay trao tiền thưởng bằng nhau cho vận động viên nam và nữ.
Thu nhập của vận động viên nữ đang trên đà tăng trong 3 năm vừa rồi, và 35/44 môn thể thao trao thưởng bằng tiền mặt đã trao thưởng bình đẳng giữa hai giới.
Đây dường như là một tín hiệu vui, đặc biệt khi so sánh với những năm trước – năm 2014 chỉ 70% các môn thể thao đã xóa bỏ khoảng cách thu nhập.
Trước đó, vào năm 1973, không có môn thể thao nào vận động viên nữ được trả thu nhập bình đẳng với nam giới.
Việt Nam:
Bóng đá nữ: Bao giờ mới hết “phận con ghẻ”?
Việt Nam: Doanh nhân nữ ‘khó đủ đường’
Phụ nữ VN: Tự lực vượt qua ma tuý
“Trong lịch sử, phụ nữ chưa bao giờ có chỗ đứng trong làng thể thao tốt hơn lúc này,” Quỹ Phát trển Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho biết.
Tuy vậy, sự thay đổi vẫn diễn ra quá chậm và để phụ nữ vươn tới mức thu nhập cao trong thể thao sẽ “là một chặng đường dài”, các chuyên gia nói.
“Chúng ta đang có những tiến triển nhưng ở mức rất chậm,” bà Fiona Hathorn, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận vì quyền phụ nữ ‘Women on Boards’ cho biết.
“Thể thao là một thế giới thống trị bởi nam giới và sự phân biệt trong một số môn thể thao thật đáng gây sốc.”
Cricket, golf và bóng đá là một trong số những môn thể thao có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất, bên cạnh phi tiêu, Bi-a và quần vợt.
Thị trường thể thao toàn cầu – trị giá khoảng 145,3 tỷ USD theo PwC – còn rất xa trên con đường bình đẳng giới.
“Tôi thật sự không thể nghĩ ra bất kì ngành nào khác có chênh lệch thu nhập lớn như vậy. Tùy vào hoàn cảnh của quốc gia và môn thể thao, một người đàn ông có thể là một tỉ phú trong khi một phụ nữ (trong hoàn cảnh tương tự) thậm chí không có được mức lương tối thiểu,” bà Beatrice Frey, Giám đốc chương trình thể thao thuộc Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho biết.
Những môn thể thao có chênh lệch lớn nhất
Phân biệt giới đang len lỏi vào từng vị trí trong ngành công nghiệp bóng đá chuyên nghiệp trị giá bạc tỉ.
Nghiên cứu gần đây của Women on Boards nhấn mạnh rằng đội tuyển nữ Hoa Kỳ không chỉ nhận được tiền thưởng bằng một phần nhỏ so với đội tuyển nam, các nữ cầu thủ bóng đá Mỹ cũng nhận thu nhập ít hơn 4 lần so với các cầu thủ nam trong phiên bản nam của giải đấu, mặc dù đội tuyển nam đã thua trong trận knock-out đầu tiên.
Chênh lệch sẽ trở nên càng lớn nếu tính tổng lượng tiền chi ra. Tiền thưởng của cả hai giải đấu đều được quy định bởi một tổ chức, Fifa, với quyết định thưởng 15 triệu USD cho World Cup nữ và 576 triệu USD cho giải đấu nam – cao gấp gần 40 lần.
Và trong khi Đội trưởng đội tuyển Anh Wayne Rooney đút túi 400 nghìn USD/tuần, Đội trưởng đội tuyển nữ Steph Houghton chỉ nhận khoảng 1600 USD/tuần, theo Ladbrokes Sports.
Chênh lệch thu nhập tương tự cũng xuất hiện trong các môn thể thao chuyên nghiệp khác. Với golf, vận động viên nam của giải Mỹ mở rộng thi đấu để giành khoản tiền thưởng trị giá 1,5 triệu USD, gấp đôi tiền thưởng dành cho giải đấu nữ.
Lấy ví dụ từ trường hợp của vận động viên New Zealand Lydia Ko, người được công nhận năm 2015 là vận động viên trẻ nhất trong cả hai giới giành vị trí số 1 trong bộ môn golf chuyên nghiệp.
Năm đó, cô bỏ túi ít hơn so với vận động viên xếp hạng 25 nam của giải đấu PGA Tour.
Bên cạnh đó, đội tuyển cricket nam nếu chiến thắng cúp thế giới có thể kiếm được gấp 7 lần số tiền thưởng so với đội tuyển nữ.
Và khoảng cách thu nhập cũng diễn ra tại hai giải đấu bóng rổ uy tín nhất thế giới – NBA và WNBA.
“Vận động viên lương cao nhất tại giải WNBA (giải đấu nữ) kiếm được khoảng 1/5 so với vận động viên lương thấp thất,” trong giải NBA.
‘Câu lạc bộ nam giới’
Các chuyên gia cho biết, để đạt được sự bình đẳng thì việc các cơ quan quản lý mỗi môn thể thao phải đề ra mức thưởng ngang bằng là chưa đủ – các nhà tài trợ, bảo trợ thương hiệu, và các điều khoản hợp đồng cũng chính là những yếu tố chính ảnh hưởng tới sự mất cân bằng.
Ví dụ trong môn quần vợt, giải Grand Slams – 4 sự kiện quan trọng nhất trong làng quần vợt thế giới – đã bắt đầu trao thưởng bằng nhau cho các tay vợt nam và nữ từ năm 2007, nhưng các vận động viên nam hàng đầu vẫn có thu nhập cao hơn do các hợp đồng tài trợ.
Đây là lý do Serena Williams là nữ vận động viên duy nhất có mặt trong top 100 của Forbes.
“Top 100 vận động viên này như một câu lạc bộ nam giới”, phóng viên thể thao Kurt Badenhausen của Forbes viết khi danh sách được công bố vào tháng 6.
“Maria Sharapova không thể trụ vững trong bảng xếp hạng do các hợp đồng bảo trợ thương hiệu của cô giảm.
Những hợp đồng đó làm nên 29% tổng thu nhập của top 100 vận động viên, theo Forbes.
Ronaldo thu được 58 triệu USD từ tiền lương và thưởng, thêm vào đó là khoàng 35 triệu USD thu nhập từ tài trợ, bảo trợ thương hiệu và việc xuất hiện tại các sự kiện
Với VĐV golf Tiger Woods và ngôi sao điền kinh Usain Bolt, tiền tài trợ chiếm tới hơn 90% thu nhập của họ.
“Phân biệt giới tính đang lan rộng từ những cấp thấp nhất tới cao nhất trong thể thao,” Frey nói.
“Tại cấp thấp, phân biệt có thể có nghĩa là con gái không được tham gia vào các môn thể thao theo truyền thống vốn không được công nhận là giành cho nữ, tạo nên sự bất bình đẳng từ nhỏ cho tới tuổi thiếu niên và tới khi tham gia thể thao chuyên nghiệp.”
Sau đó, sự phân biệt trở thành những cơ hội không bình đẳng trong việc được tài trợ và quảng cáo thương hiệu cá nhân, tới mức phần lớn các vận động viên nữ trên thế giới “không thể đảm bảo cuộc sống bằng nghề thể thao”.
Và xu hướng này tiếp tục cho tới khi vận động viên về hưu.
“Đây là một vấn đề đối với các vận động viên nữ khi từ giã sự nghiệp. Không những họ chưa từng được trả thù lao cao, có lẽ họ còn không có lương hưu, không có nhà, không có sự bảo vệ,” Hathorn nói.
“Và đó là một vấn đề ảnh hưởng tới nguyện vọng và khát khao của các cô gái: Tại sao họ muốn trở thành vận động viên nếu tương lai của họ sẽ như vậy?”
Hiểu về khoảng cách giới tính
Gốc rễ của vấn đề có lẽ nằm ở chính nguồn gốc của thể thao hiện đại.
Các xã hội khác nhau nhìn nhận việc luyện tập thể chất liên quan mật thiết tới “những người đàn ông cơ bắp”, trái với suy nghĩ phụ nữ là “phái yếu”.
Cha đẻ của Đại hội Thể thao Olympics hiện đại, Pierre de Coubertin, miêu tả thể thao nữ là những “hình ảnh thiếu thẩm mỹ” trong mắt con người và cho rằng sự tham gia của nữ giới sẽ làm cuộc thi “thiếu thực tế, mất thú vị” và “không thích đáng” (mặc dù một số vận động viên nữ đã được tham gia sau năm 1900).
Phụ nữ chỉ được tham gia các giải đua dài 1500m, vì họ bị coi là không có thể chất phù hợp để tham dự đường đua dài hơn.
Về tính đại diện, phải đến Olympics London 2012 mới có quy định bắt buộc mỗi đoàn thể thao phải có ít nhất một vận động viên nữ.
Do đó, chênh lệch thu nhập có thể bị ảnh hưởng từ một sự chênh lệch rộng hơn – đó là tỉ lệ tham gia vào thể thao thấp hơn so với nam giới.
“Sự tham gia là một vấn đề bắt nguồn từ thời đi học,” bà Ruth Holdaway, Giám đốc điều hành tổ chức Women in Sport cho biết.
Việc này liên quan tới nhận thức về cơ thể và những suy nghĩ rập khuôn về giới tính mà các em tiếp cận, bà Holdaway nói.
Số liệu thống kê từ Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc cho thấy có tới 49% thiếu niên nữ từ bỏ luyện tập thể thao khi bắt đầu dậy thì, và điều này ảnh hưởng tới việc huấn luyện chuyên nghiệp sau này.
Bật ti vi
Một điều được chấp nhận rộng rãi là sự chênh lệch thu nhập trong thể thao cũng là một sản phẩm của việc thương mại hóa thể thao, với truyền thông là một nguồn tác động lớn.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ trong thể thao thuộc đại học Minnesota (Mỹ) năm 2014, chỉ tối đa 4% lượng thông tin về thể thao nữ được các kênh truyền thông đưa tin, trong khi có tới 40% hoạt động thể thao là của phụ nữ.
Và với thời gian lên sóng ít ỏi, thông tin thể thao nữ thường bị giới tính hóa, miêu tả hình ảnh các nữ vận động viên trong đời thường, nhấn mạnh vào “sự cuốn hút ngoại hình hơn là khả năng thể thao của họ”, giám đốc Trung tâm Tucker Mary Jo Kane cho biết.
Vì vậy, nhiều người cho rằng phụ nữ thu nhập ít hơn do ảnh hưởng từ thị trường, vì thể thao nữ “không phổ biến bằng” và “không hay bằng”, và hệ quả là lợi tức truyền thông thấp hơn.
Đây là một vấn đề tồn đọng, một vòng luẩn quẩn “con gà và quả trứng”, các nhà hoạt động vì quyền bình đẳng cho biết – khán giả sẽ không có hứng thú với thể thao nữ nếu thông tin không được phủ sóng trên truyền thông, và truyền thông thì không thể đưa tin vì cho rằng thể thao nữ không đủ gây hứng thú cho khán giả.
“Đây không phải một lập luận hợp lý, đầu tiên cần phải đầu tư vào nhiều cấp độ, bao gồm marketing và quảng bá, để thu hút sự chú ý của công chúng, và từ đó tăng lợi nhuận đầu tư,” Frey nói.
“Khi nào chúng ta quen với việc phụ nữ chơi những môn thể thao như bóng đá hay bóng bầu dục thay vì đàn ông, chúng ta sẽ thấy suy nghĩ chỉ nam giới mới chơi thể thao chỉ còn trong sách vở,” Hathorn bổ sung.
Rộng hơn, chênh lệch trong thể thao chính là biểu hiện cho sự bất bình đẳng giới, và có thể coi là một dạng phân biệt giới tính.
Ví dụ, cầu thủ bóng đá nữ tại các giải đấu quốc tế cho tới gần đây vẫn bị yêu cầu phải chơi trên các sân cỏ nhân tạo, được biết đến với chất lượng kém hơn sân cỏ tự nhiên mà các đội tuyển nam được sử dụng.
Và với vấn đề sử dụng ngôn ngữ: “Cúp bóng đá thế giới World Cup được coi là dành cho nam giới, trong khi với giải bóng của nữ giới cần phải thêm cụm “giải bóng đá nữ” để miêu tả”, một tài liệu của Liên Hợp Quốc về phụ nữ với thể thao viết.
Tín hiệu vui
Mặc dù tiến triển chậm, nhưng sự thay đổi vẫn đang diễn ra và cho thấy khoảng cách đang thu hẹp dần.
Quần vợt được coi là một ví dụ tốt nhất cho điều này, sau khi cả bốn giải Grand Slam đưa ra mức thưởng tiền giữa vận động viên nam và nữ bằng nhau năm 2007.
Trên thực tế, quá trình này đã bắt đầu từ năm 1973 ở giải Mỹ mở rộng, nhờ nhà vô địch thế giới Billie Jean King và các vận động viên nữ khác, đã sáng lập Hiệp hội Quần vợt Nữ nhằm đấu tranh cho bình đẳng giới.
Điền kinh cũng đã trở thành một ví dụ đáng kể khi trong 5 năm vừa qua, giải vô địch thế giới cúp Liên đoàn Điền kinh không chuyên Quốc tế (IAAF) đã đưa ra giải thưởng không dựa trên giới tính vận động viên.
Các môn thể thao khác cũng cho thấy có sự không phân biệt giới tính trong giải thưởng bao gồm trượt băng, bắn súng, bóng chuyền, lặn, bơi thuyền, lướt sóng và taekwondo, và một số cuộc thi đua xe đạp.
Nhu cầu xem các chương trình truyền hình về thể thao nữ cũng tăng, một phần do mạng xã hội giúp làm tăng sự nổi tiếng của các vận động viên mà không phân biệt giới tính.
Và bản thân các vận động viên nữ đã đứng lên chống lại phân biệt giới tính.
Năm ngoái, 5 trong số những cái tên nổi tiếng nhất trong làng bóng đá nữ của Mỹ đã cùng khiếu nại cơ quan chủ quản, Liên đoàn Bóng đá Mỹ, vì phân biệt thu nhập theo giới, trong khi đội tuyển hockey đã tổ chức tẩy chay một giải đấu quốc tế nhằm đòi được trả công bình đẳng.
Nhưng còn rất nhiều việc cần phải làm, các nhóm hoạt động cho biết.
Đầu tiên, cần có nhiều phụ nữ nằm ở các vị trí đưa ra quyết định.
Một báo cáo của Women on Boards đưa ra một vấn đề trong nhiều ngành nghề, với dưới 30% số ghế trong các ban điều hành được sở hữu bởi những người phụ nữ.
Phụ nữ chỉ chiếm 18% trong số tất cả các thành viên điều hành 28 Liên đoàn Thể thao Quốc tế tham gia khảo sát. Trong 129 Ủy ban Olympic Quốc gia, số liệu còn thấp hơn và thậm chí có chiều hướng giảm – phụ nữ chiếm 16,6% trong ban điều hành, hạ từ 17,6% năm 2014.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ có phụ nữ gắn bó với thể thao từ khi nhỏ như thế nào, các chuyên gia nói, và các nỗ lực đối chọi với sự phân biệt giới tính trong thu nhập và tham gia thể thao cần được thay đổi từ chính cấp trường.
Thể thao không phân biệt giới là một cách đem lại hiệu quả tốt trong việc giúp các nữ sinh quan tâm tới sức khỏe thể chất trong dài hạn và cân nhắc việc trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
“Tôi ủng hộ việc để trẻ em nam và nữ cùng chơi thể thao với nhau từ cấp tiểu học, vì ở giai đoạn này thể chất của các em không có nhiều điểm khác nhau. Trẻ em cùng chơi thể thao từ khi đi học có thể sẽ tạo nên khác biệt thật sự trong xã hội,” Hathorn cho biết.
“Nếu chúng ta muốn thu hẹp sự chênh lệch trong dài hạn, chúng ta thật sự cần giúp trẻ em và thiếu niên nữ thay đổi suy nghĩ, hiểu rằng thể thao rất vui và đó là một thứ các em có thể tham gia như các bạn nam,” bà Ruth Holdaway nói.
Thay đổi hình mẫu cho bảo trợ thương mại và tài trợ cũng là một việc quan trọng trên con đường tiến tới bình đẳng giới trong thể thao.
Quảng cáo qua các sự kiện thể thao nữ là một thị trường chưa được khai phá và các chuyên gia tin rằng đây không chỉ là một bước đi thể hiện sự bình đẳng mà còn là một khoản đầu tư có lợi.
“Đây không phải vấn đề làm từ thiện, mà là quyết định kinh doanh sáng suốt,” Frey cho biết.
“Các công ty hiện tại rất quan tâm tới bình đẳng giới, nếu tôi là một công ty tài trợ ví dụ cho giải Ngoại hạng, tôi sẽ tự hỏi mình ‘đây có phải hình ảnh mình hướng tới cho công ty?’, ‘đầu tư cho các anh chàng liệu có gây rủi ro cho thương hiệu của mình?'”, Hathorn nói.
“Chúng ta có 50% khách hàng là phụ nữ nhưng ta lại đầu tư 99% số tiền của mình để tài trợ cho giải đấu của nam giới, điều này có đúng không?’ Rõ ràng là không”.
Cuối cùng, các chuyên gia đồng tình rằng sự thay đổi văn hóa là cần thiết – phụ nữ không thể bị coi là “vận động viên hạng hai” cũng như việc họ không thể bị coi là công dân hạng hai của xã hội.
“Dù Billie Jean King đã đấu tranh cho quyền bình đẳng từ hơn 40 năm trước, cho đến hiện tại chúng ta vẫn chưa thật sự có sự bình đẳng trong thể thao,” Hathorn nói.
“Chúng ta đang thay đổi, nhưng chúng ta vẫn chưa đến đích.”
100 Phụ nữ là gì?
Chương trình 100 Phụ nữ (100 Women) của BBC nói về 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới mỗi năm.
Năm 2017, chúng tôi thách thức họ đối phó với 4 vấn đề lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt hiện nay – những rào cản vô hình, tình trạng thất học của phụ nữ, tấn công nơi công cộng và phân biệt giới tính trong thể thao.
Doanh nghiệp làng nghề ‘gặp khó khăn’ khi thuê lao động nữ
Với sự giúp đỡ của các bạn, họ sẽ đưa ra các giải pháp thực tế và chúng tôi muốn các bạn cùng tham gia đóng góp ý tưởng của mình.
Hãy liên hệ với chúng tôi qua Facebook, Instagram và Twitter và sử dụng hashtag#100Women
Trong danh sách các phụ nữ được vinh danh trên toàn thế giới có các gương mặt từ Việt Nam: các bạn xemtại đây.
http://www.bbc.com/vietnamese/sport-41722495
Mỹ gây sức ép với Myanmar vì khủng hoảng Rohingya
Hoa Kỳ bắt đầu các biện pháp trừng phạt hạn chế với Myanmar để phản đối việc chính phủ đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói sẽ tạm ngừng hỗ trợ quân sự, và dọa có thể có trừng phạt kinh tế.
Gần một triệu người Rohingya đã chạy từ Myanmar sang Bangladesh, theo lời đại sứ Bangladesh tại Liên Hiệp Quốc.
Quân đội Myanmar vẫn nói họ chỉ chống lại dân quân chứ không nhắm tới thường dân.
Tillerson: Tiếp tục đối thoại với Bắc Hàn
Suu Kyi không sợ ‘giám sát’ của quốc tế
Tuyên bố của bộ ngoại giao Mỹ nói họ bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng về diễn biến gần đây ở bang Rakhine của Myanmar và những hành hạ đau thương, bạo lực với người Rohingya và các cộng đồng khác”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói lãnh đạo quân đội Myanmar phải “chịu trách nhiệm” vì cuộc tấn công vào người Rohingya.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nói người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đang phải đối mặt với thảm họa nhân đạo.
Ông Antonio Guterres nói rằng những cuộc tấn công bị cáo buộc là do lực lượng an ninh tiến hành nhắm vào người Rohingya là hoàn toàn không thể chấp nhận.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41736520
Hoa Kỳ có biện pháp đối với quân đội Myanmar
về cuộc khủng hoảng Rohingya
Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 10 công bố biện pháp rút nguồn hỗ trợ quân sự cho các đơn vị tại Myanmar có dính líu đến tình trạng bạo lực đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Heather Nauert, trong thông báo về các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, nói rõ là Hoa Kỳ rất quan ngại về những biến cố gần đây tại bang Rakhine, về tình trạng bạo lực mà những cộng đồng sắc tộc thiểu số người Hồi giáo Rohingya và những cộng đồng khác phải chịu đựng.
Theo lời bà Heather Nauert thì bất cứ cá nhân hay tập thể nào có trách nhiệm trong việc gây nên tội ác, cả những nhóm phi chính phủ và các thành phần có vũ trang, đều phải chịu trách nhiệm.
Vào tuần qua, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson, lên tiếng nói rõ Washington qui trách nhiệm về vụ khủng hoảng người tỵ nạn Rohingya cho giới lãnh đạo quân đội tại Myanmar. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ thì quân đội Myanmar phải chịu trừng phạt.
Kể từ cuối tháng 8 cho đến nay có hơn 600 ngàn người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar phải chạy lánh nạn sang Bangladesh. Theo những người phải bỏ nhà cửa để đi tìm qui chế tỵ nạn thì quân đội Myanmar ra tay tàn sát họ và đốt phá nhà cửa, làng mạc của họ.
Liên Hiệp Quốc còn cho rằng đó là một cuộc thanh lọc sắc tộc tại bang Rakhine nơi có đông người sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi sinh sống.
Lãnh đạo TQ đi lên từ Quý Châu nghèo khó?
Một nhà quan sát nước ngoài, ông Andrei Lungu tin rằng Quý Châu tuy nghèo nhưng là ‘vườn ươm’ lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Trong bài trên Foreign Policy (20/10/2017), ông Lungu từ Viện RISAP đặt ra khả năng nguyên Bí thư Quý Châu, Trần Mẫn Nhĩ, là người được Tập Cận Bình chọn kế nhiệm vào 5 năm tới.
Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
TQ mua ‘quán bia ông Tập từng thăm’
Tỏ ra nghi ngờ giả thuyết rằng ông Tập sẽ làm tất cả để cầm quyền Tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp, tác giả Andrei Lungu nói ông Trần, sinh năm 1960, là người sẽ vào đúng độ tuổi không thừa, không thiếu để đến năm 2022 lên thay ông Tập.
Nhưng ngoài độ tuổi, ông Trần Mẫn Nhĩ còn có hai yếu tố khác là trung thành và năng lực, để lên kế nhiệm.
Yếu tố địa phương và lòng trung thành
Trần Mẫn Nhĩ từng là người bốn năm liền soạn các bài viết hàng tuần đăng báo cho Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Triết Giang.
Phụ trách công tác khoa giáo ở Tỉnh ủy Triết Giang, ông Trần còn rất mẫn cán trong công tác phổ biến các ý nghĩ, sáng kiến của Bí thư Tập trong toàn tỉnh.
Độ tin cậy cao khiến ông Trần thăng tiến liên tục, cùng bước đường công danh lên cao nữa của Tập Cận Bình, theo Andrei Lungu.
Tháng 3/2007, Tập Cận Bình lên làm Bí thư Thượng Hải, một vị trí chuẩn bị để lên cao hơn thì Trần Mẫn Nhĩ được phong làm Phó Chủ tịch Triết Giang.
Cùng năm, ông Trần vào làm Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng.
Sang tháng 1/2012, Trần Mẫn Nhĩ được cử về làm Phó Bí thư Quý Châu, tỉnh trên 30 triệu dân nhưng chỉ có 60% là người Hán.
Tại Đại hội Đảng 18 cùng năm, Tập Cận Bình lên làm Tổng Bí thư, còn Trần Mẫn Nhĩ làm Ủy viên trung ương và Chủ tịch Quý Châu.
Phải qua thử thách ở tỉnh nghèo
Vẫn theo phân tích của Andrei Lungu, Quý Châu là tỉnh nghèo nhưng cũng là địa bàn thử thách của những lãnh đạo được điều tới từ các vùng giàu hơn.
Trong thập niên 1980, Hồ Cẩm Đào từng làm lãnh đạo Đảng ở tỉnh này.
Điều lạ là trong năm nay, chính Tập Cận Bình lại có tư cách đại biểu của Đại hội Đảng từ Quý Châu.
Lý do là ông Tập muốn dùng tỉnh này là nơi chứng minh sự thành công của khẩu hiệu “Ra khỏi đói nghèo” mang tính cách mạng ông nêu ra.
Mấy năm qua, Trần Mẫn Nhĩ đang có thành tích trong công tác này.
Nhờ thu hút khoản đầu tư của Apple, ông đã biến Quý Châu thành địa bàn có GPD tăng 10,5% trong năm 2016, cao thứ ba trên cả nước.
Ngay trước Đại hội 19, ông Trần Mẫn Nhĩ được cử rời khỏi Quý Châu về Trùng Khánh, thay chức Bí thư của Tôn Chính Tài, người bị hạ bệ đột ngột.
Ban đầu, một trong những “tội danh” mà Đảng CS gán cho ông Tôn là “chưa làm đủ để tẩy sạch Trùng Khánh khỏi ảnh hưởng còn lại của Bạc Hy Lai.
Sau đó người ta chuyển sang buộc tội ông Tôn có “âm mưu soán quyền”.
Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?
TQ: ‘Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt’
TQ: Hồng Vệ Binh kiểu mới – SV yêu nước
Việc đưa Trần Mẫn Nhĩ về Trùng Khánh để chấn chỉnh đô thị giàu có trên 30 triệu dân nhưng ở vùng xa, dễ rơi ra ngoài vòng cương tỏa của trung ương lại là một dấu hiệu nữa cho thấy ông được Tập Cận Bình tin tưởng tuyệt đối.
Vì thế, và khả năng lên cao nữa của ông Trần, là hoàn toàn rộng mở.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41725283
Hai nhà hoạt hoạt động trẻ Hong Kong được tại ngoại
Trong quyết định vừa đưa ra hôm 24/10, tòa án Hồng Kong đồng ý cho hai nhà tranh đấu Hoàng Chí Phong và La Quán Thông được tự do tạm, trong thời gian chờ đợi xử phúc thẩm về tội tổ chức cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ, hồi năm 2014.
Cuộc biểu tình này được biết đến dưới tên Phòng Trào Dù Vàng, với mục đích đòi Bắc Kinh không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Hồng Kong, đồng thời phản đối việc Trung Quốc quyết định cử tri Hồng Kong chỉ được bỏ phiếu chọn người lãnh đạo đặc khu trong danh sách ứng cử viên mà Quốc Hội Trung Quốc thông qua.
Cuộc biểu tình làm tê liệt Hồng Kong trong nhiều tháng trời, sau đó chính quyền đặc khu phải sử dụng võ lực để giải tán.
Tháng Tám vừa rồi, Tòa Hồng Kong kêu án anh Hoàng Chi Phong 6 tháng tù và anh La Quán Thông bị kết án 8 tháng tù. Cả hai nộp đơn chống án, và vào ngày 24 tháng 10 mới được tòa chấp thuận cho tại ngoại cho tới phiên xử kể tiếp, sẽ diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Mười Một sắp tới.
Ngay sau khi được tại ngoại, nhà tranh đấu Hoàng Chi Phong, 21 tuổi, nói với báo chí rằng chính quyền có thể bỏ tù ông và những nhà tranh đấu khác, nhưng không thể nào bỏ tù tư tưởng đấu tranh cho dân chủ mà nhiều người đang theo đuổi.
Nhà tranh đấu La Quán Thông, 23 tuổi, nói rằng cả thế giới đang theo dõi sát những biến chuyển ở Hồng Kong, nói thêm ông hy vọng bản án phiên xử phúc thẩm đưa ra vào tháng tới sẽ là bằng chứng xác nhận nhân quyền được bảo vệ bởi luật pháp.
Australia sẽ huấn luyện quân đội Philippines
Australia sẽ huấn luyện quân đội Philippines chiến đấu trong đô thị sau cuộc chiến kéo dài nhiều tháng chống lại các tay súng thánh chiến Hồi giáo tại thành phố Marawi ở miền nam Philippines.
AP loan tin ngày 24 tháng 10 và dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết các lực lượng phòng vệ của Úc sẽ sớm huấn luyện về các kỹ năng chiến đấu trong đô thị cho lính bộ và lính thủy đánh bộ Philippines tại các căn cứ quân sự Phi.
Thông qua một thoả thuận với chính phủ Manila, Australia sẽ giúp quân đội Philippine kỹ năng chống lại các chiến thuật tàn bạo của nhóm người theo chủ nghĩa cực đoan.
Australia cũng đang giúp đỡ Philippines, Indonesia, Malaysia và các nước khác ở Đông Nam Á theo dõi sự trở lại của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo châu Á, những người đã tham gia IS ở Syria và Iraq.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Delfin Lorenzana cho biết, đại sứ quán Philipine ở Baghdad đã gửi một danh sách dài có tên các công dân Indonesia, Malaysia và “một vài người Philippines” đang bị theo dõi. Đây là những người đã chiến đấu tại Iraq và có thể trở lại châu Á.
Hoa Kỳ ý kiến
về quan hệ Philippines với Nga và Trung Quốc
Hoa Kỳ không quan ngại về chuyện Nga và Trung Quốc cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Philippines.
Đại sứ Mỹ tại Philippines ông Sung Kim nói với báo giới như vậy trước sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis.
Trước cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Tổng thống Rodrigo Duterte tại Manila vào ngày 24/10, năm tàu chiến của Nga đã cập cảng Philippines và Moscow đang chuẩn bị chính thức bàn giao công khai hàng ngàn khẩu súng trường, đạn dược và 20 xe tải quân dụng cho Manila vào ngày 25/10.
Ông Sung Kim nói rằng Mỹ đã cung cấp vũ khí quân sự cho Philippine suốt nhiều năm nay và Washington không quan tâm đến chuyện Trung Quốc và Nga trao cho Manila một số súng trường.
Ông Kim cũng cho biết Washington không ghi nhận bất cứ báo cáo nào về tình trạng vi phạm nhân quyền của lực lượng vũ trang Philippines trong chiến dịch chống lại phiến quân Hồi giáo nổi dậy, giải phóng thành phố Marawi. Ông Kim có lời khen ngợi dành cho quân đội Philippine trước cách hành xử đầy trách nhiệm trong một tình thế hết sức khó khăn.
Tướng Mỹ: ‘vụ bốn lính Mỹ thiệt mạng tại Nigeria
cần được điều tra nhanh và chính xác’
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ nói vụ bốn lính Mỹ thiệt mạng tại Nigeria cần được điều tra nhanh chóng và chính xác.
Đại Tướng Thủy quân Lục chiến Joseph Dunford nói chuyện với các phóng viên hôm thứ Hai 23/10 khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cố làm sáng tỏ những chi tiết vẫn còn chưa rõ ràng về những gì đã xảy ra trong một hoạt động quân sự của lực lượng Hoa Kỳ ngày 3/10.
Tướng Joseph Dunford nói:
“Chúng ta đã mất bốn người Mỹ trong sự cố này, và hai người khác bị thương, điều đó làm tôi cảm thấy đau lòng. Chúng ta phải khẩn trương xác định chính xác những gì đã xảy ra, phải tường trình cho gia đình và người dân Mỹ biết chính xác những gì đã xảy ra. Vì vậy, cá nhân tôi không so sánh vụ việc này với bất kỳ sự cố nào khác. Điều quan trọng nhất đối với tôi, ngoài việc tìm hiểu sự thật, là phải xác định những điều mà chúng tôi có thể làm tốt hơn trong tương lai, và đó là trọng tâm của tôi.”
Tướng Dunford nói rằng theo các đánh giá ban đầu, các lực lượng Hoa Kỳ đã bị các phiến quân Nhà nước Hồi giáo thuộc bộ tộc địa phương tấn công.
Những nghi vấn khác cần được điều tra kỹ lưỡng bao gồm việc liệu Hoa Kỳ có đủ thông tin và đánh giá chính xác mối đe dọa trong khu vực hay không? – và tại sao phải mất tới hai ngày mới có thể thu hồi thi thể của Trung sĩ La David Johnson?
Hoa Kỳ hiện có gần 1.000 binh sĩ tham gia sứ mệnh do Pháp lãnh đạo để giúp các lực lượng châu Phi đối đầu với Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda ở Tây Phi.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thăm Pakistan, Afghanistan
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Ba 21/10 công du Pakistan, tại đây ông gặp các nhà lãnh đạo và củng cố thông điệp của chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng Pakistan cần hành động quyết liệt hơn đối với Taliban và các nhóm phiến quân khác đặt căn cứ tại nước này.
Ông Tillerson nói mối quan hệ giữa Mỹ với Pakistan tương lai sẽ được dựa trên những hành động của Pakistan, và mục tiêu là tạo ra cơ hội cho hòa bình và ổn định ở cả Pakistan lẫn Afghanistan.
Trong chuyến công du tới thăm nhiều nước, ông Tillerson hôm thứ Hai 23/10 ghé qua Afghanistan. Tại căn cứ không quân Bagram, bên ngoài Kabul, Ngoại Trưởng Tillerson thảo luận với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và các quan chức cao cấp khác về chiến lược mới của Mỹ ở Nam Á.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Ghani nói chiến lược mới của Hoa Kỳ đã mang lại một thay đổi tích cực trong khu vực, ông nói thêm rằng “tất cả các bên liên quan cần thực hiện trách nhiệm của mình một cách chân thành.”
Hoa Kỳ và Afghanistan từ lâu vẫn cáo buộc nhóm Taliban ở Afghanistan, đặc biệt là mạng lưới Haqqani, nhóm gây nhiều đổ máu nhất, là đã thiết lập nhiều nơi trú ẩn an toàn trên lãnh thổ Pakistan.
Tuy nhiên, Islamabad khẳng định Pakistan đã giải tỏa tất cả những nơi trú ẩn an toàn của phiến quân thông qua một chiến dịch quân sự càn quét những khu vực bộ tộc gần biên giới Afghanistan, một khu vực vô luật lệ trước đây.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-tillerson-tham-pakistan-afghanistan/4083983.html
Đến Trung Quốc, Trump sẽ áp lực vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump, khi tới Trung Quốc vào tháng sau sẽ thúc giục Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống lại Triều Tiên và có thêm các bước áp lực Bình Nhưỡng, một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc ngày 23/10 loan báo.
Cô lập thêm Triều Tiên là mục tiêu chính của ông Trump trong chuyến công du Châu Á lần này.
Chuyến đi từ ngày 3 đến ngày 11/11 của Tổng thống Mỹ bao gồm các chặng dừng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines.
Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Bình Nhưỡng, từng tuyên bố thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an cấm nhập khẩu than đá, dệt may, thủy sản và cắt giảm các chuyến tàu vận chuyển dầu tới Triều Tiên. Trung Quốc chiếm hơn 90% trao đổi thương mại với quốc gia cộng sản cô lập này.
Một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc trao đổi với truyền thông về chuyến đi cho hay Trung Quốc cần phải nỗ lực hơn tuân thủ hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an vốn được Hội đồng thông qua áp đảo trong đó có sự tán đồng của Trung Quốc.
Dù Bắc Kinh phẫn nộ với các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt, nhưng Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ và Hàn Quốc có trách nhiệm trong vụ căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên vì các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong khu vực.
Tổng thống Trump từng đe dọa ‘tiêu diệt hoàn toàn’ Triều Tiên và yêu cầu Trung Quốc giúp chế ngự lãnh tụ Triều Tiên, nhưng chiến thuật này chưa đạt kết quả.
Không đương đầu và đảo ngược đe dọa hạt nhân và phi đạn từ Triều Tiên sẽ dẫn tới một ‘kỷ nguyên đen tối hơn,’ vị giới chức Tòa Bạch Ốc không muốn nêu danh nhận định.
Tổng thống Mỹ tin rằng Chủ tịch Trung Quốc có quyền hạn thực hiện những bước chống lại Triều Tiên, các giới chức chính quyền Trump cho biết.
Nguồn tin của Reuters cũng cho biết Tổng thống Trump sẽ ‘cứng rắn’ về lĩnh vực thương mại trong các cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập với nỗ lực giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/toi-trung-quoc-trump-se-ap-luc-van-de-trieu-tien-/4083091.html
Thống đốc vận động ngưng trục xuất di dân
Thống đốc bang New Hampshire, Chris Sununu, ngày 23/10 công khai kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngưng nỗ lực tìm cách trục xuất 69 tín đồ Công giáo gốc Indonesia, những người bỏ nước chạy lánh nạn 20 năm trước tới Mỹ định cư bất hợp pháp.
Nhóm này định cư tại Mỹ theo các điều kiện của một thỏa thuận năm 2010 với Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan cho phép họ lưu lại Mỹ miễn là họ giao nộp passport và trình diện giới chức di trú theo định kỳ.
Thay đổi này bắt đầu từ tháng 8 khi các thành viên trong nhóm, trong buổi trình diện với các giới chức di trú tại văn phòng ở Manchester, New Hampshire, được thông báo phải mua vé máy bay 1 chiều trở về Indonesia, nơi họ đã tháo chạy sau các cuộc bạo động 1998 khiến một ngàn người thiệt mạng.
“Tôi trân trọng đề nghị chính quyền của Tổng thống xem xét lại quyết định trục xuất những ca nhân này, và tôi kêu gọi một giải pháp cho phép họ ở lại Mỹ,” Thống đốc Sununu nêu rõ trong thư ngỏ gửi Tổng thống Trump hôm thứ sáu. Lá thư này được công bố công khai hôm nay 23/10.
Một số thành viên trong nhóm 69 người vừa kể là người gốc Hoa,cho Reuters biết họ sợ sẽ bị kỳ thị và bạo hành khi trở lại quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo Indonesia.
Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi về yêu cầu bình luận.
Những người cổ súy cho quyền di dân đã đệ đơn kiện ở Boston nhân danh 47 người trong nhóm, yêu cầu thẩm phán liên bang can thiệp.
Phần lớn các thành viên trong nhóm vào Mỹ bất hợp pháp bằng visa du lịch sau các cuộc bạo động ở Indonesia, rồi họ ở lại Mỹ quá hạn, không nộp đơn xin tị nạn kịp thời. Tuy nhiên, họ được phép lưu lại Mỹ dưới một thỏa hiệp với cơ quan di trú. Thỏa hiệp này được thương lượng nhờ sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/thong-doc-van-dong-ngung-truc-xuat-di-dan-/4083087.html
Kêu gọi Quốc hội Mỹ tiếp tục theo dõi tình báo qua mạng
Các cựu quan chức tình báo Mỹ ngày 23/10 kêu gọi Quốc hội tiếp tục một chương trình theo dõi qua mạng đã từng chặn đứng các âm mưu khủng bố và giúp các nhà hoạch định chính sách lèo lái quốc gia qua các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Chương trình chiếu theo Điều 702 trong Đạo luật Theo dõi Tình báo Nước ngoài cho phép các cơ quan tình báo Mỹ do thám nghe trộm và lưu lại các cuộc liên lạc bằng kỹ thuật số của những người tình nghi sống bên ngoài nước Mỹ. Chương trình này sẽ hết hạn vào cuối năm nay nếu Quốc hội không hành động.
“Đích thân chúng tôi đã báo cáo cho các Tổng thống, kể cả bên Dân chủ lẫn Cộng hòa, và cho Quốc hội chi tiết các âm mưu được phát hiện nhờ vào thông tin từ Điều 702,” các cựu quan chức tình báo nêu rõ tron thư gửi giới lãnh đạo Quốc hội.
“Chúng tôi cực lực kêu gọi Quốc hội cho phép chương trình được vận hành trở lại và tiếp tục cho phép giới tình báo bảo vệ quốc gia,” thư viết.
Thư ngỏ có chữ ký của các cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia, và một cựu Bộ trưởng Tư pháp.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền phản đối luật này dưới hình thức hiện hành của nó vì cho rằng đôi khi thu thập nhầm các cuộc liên lạc của công dân nội địa Hoa Kỳ.
Theo dự kiến Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ bỏ phiếu ngày 24/10 về một dự luật cho phép tiếp tục Điều 702 mà các nhà hoạt động bảo vệ quyền riêng tư cho rằng thiếu các ưu tiên cải cách.
Thư ngỏ được gửi tới lãnh đạo phe Dân chủ lẫn Cộng hòa ở Thượng viện, Hạ viện Mỹ; lãnh đạo các ủy ban về tư pháp, và lãnh đạo các ủy ban tình báo ở cả Thượng lẫn Hạ viện.
Theo Reuters
Nhật: vấn đề Triều Tiên
phải có phản ứng chung từ Mỹ, Nhật và Hàn
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản hôm thứ Hai 23/10 nói nguy cơ hạt nhân của Triều Tiên là rất nghiêm trọng và đòi hỏi phải có phản ứng chung từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với người đồng cấp Hoa Kỳ và Hàn Quốc qua lời phiên dịch, mở đầu cuộc họp ở Philippines rằng: “Mối đe doạ của Triều Tiên đã tăng lên đến mức chưa từng có, rất cấp thiết và sắp xảy ra. Do đó, chúng ta phải có phản ứng thận trọng và đa dạng để đáp lại mối đe dọa này.”
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nhận xét dè dặt hơn, nhưng đã lên tiếng chỉ trích Triều Tiên không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.
Ông nói: “Những lời khiêu khích của Triều Tiên đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu, bất chấp sự nhất trí lên án của Hội đồng Bảo an LHQ.”
Căng thẳng giữa Bắc Triều và Hoa Kỳ đang leo thang sau cuộc thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng vào tháng trước. Cho đến nay, đây là lần thử nghiệm thứ sáu. Triều Tiên cũng đã liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm mà các quan chức tình báo đánh giá là tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa.
Khả năng hạt nhân của Triều Tiên cũng đã được thảo luận tại Nhật Bản, nơi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử với lập trường cứng rắn chống lại Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới khu vực này chỉ diễn ra vài tuần trước chuyến công du đầu tiên của Donald Trump tới châu Á với tư cách là tổng thống Mỹ.
Anh chắc chắn thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tồn tại
Hoàn toàn không nghi ngờ gì rằng thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây và Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran sẽ tồn tại cho dù Mỹ đã quyết định không tái xác nhận thỏa thuận đó, theo Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson.
Lời tuyên bố được đưa ra hôm 23/10 trong bài phát biểu về đối ngoại tại London.
Trong tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran thất vọng khi từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận JCPOA dù các thanh sát viên quốc tế khẳng định điều được lại.
Sau quyết định của ông Trump, Quốc hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định nên hay không nên tái ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế với Tehran vốn được dỡ bỏ theo thỏa thuận JCPOA.
Phát biểu tại cuộc họp Liên hiệp quốc ở New York, đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị, Robert Wood, ngày 23/10 tuyên bố Mỹ ‘sẽ tiếp tục đáp ứng các cam kết dưới thỏa thuận JCPOA và sẽ buộc Iran chịu trách nhiệm nghiêm ngặt đối với mỗi một cam kết của họ.’
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/anh-chac-chan-thoa-thuan-hat-nhan-iran-se-ton-tai-/4083093.html
Hàn Quốc hoàn tất việc xây dựng
cho Olympic mùa đông Pyeongchang 2018
Các nhà tổ chức Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 đã hoàn thành công việc xây dựng tất cả các công trình phục vụ cho đại hội thể thao mùa đông 4 năm một lần này, Giám đốc Thế vận hội Lee Hee-beom cho biết hôm thứ Hai 23/10 trước khi bắt đầu cuộc rước đuốc Olympic.
Thành phố Pyeongchang đã gấp rút hoàn thành một số dự án bao gồm khách sạn và các địa điểm tổ chức sự kiện, dù trước đó công tác chuẩn bị bị trễ một số năm.
Ông Lee cho biết việc hoàn tất này là một tin vui cho các nhà tổ chức, những người giờ đây có thể tập trung vào những gì ông nói sẽ là một Thế vận hội mùa đông lớn nhất trong lịch sử.
Ông Lee đang đến núi Olympia cổ để nhận lửa cho đuốc Olympic tại địa điểm của Olympic cổ đại, khởi động cuộc đếm ngược thời gian cho đến ngày khai mạc Thế vận hội 2018.
Ngọn lửa sẽ được rước đến thủ đô Seoul vào ngày 1/11 để bắt đầu cuộc hành trình rước đuốc kéo dài 3 tháng trên toàn quốc.
Ông Lee nói với các phóng viên một ngày trước lễ thắp đuốc: “Tôi có thể thông báo rằng kể từ ngày hôm nay tất cả các địa điểm thi đấu và phục vụ Olympic đều đã hoàn chỉnh.”
Thế vận hội mùa đông bắt đầu ngày 2 đến 25 tháng 2, 2018 là thế vận hội lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á ngoài Nhật Bản và là thế vận hội đầu tiên trong ba sự kiện liên tiếp ở châu Á, hai sự kiện kia là Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và Thế vận hội mùa đông năm 2022 ở Bắc Kinh.
Đang thất thế, Daech sát hại trên 100 thường dân Syria
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) hôm qua 23/10/2017 bị tố cáo đã sát hại hơn 100 thường dân tại thành phố Qaryatayn ở miền trung Syria, trước khi bị quân chính phủ đánh đuổi.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình :
« Không có bản tổng kết chính thức nào về vụ thảm sát al-Qaryatayn do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gây ra. Cơ quan quan sát nhân quyền Syria (OSDH) nói rằng có 116 người chết, hãng thông tấn Reuters đưa ra con số 128 nạn nhân. Tất cả đều là thường dân, bị cáo buộc là đã cộng tác với quân chính phủ. Theo OSDH, họ bị bắn chết hoặc bị đâm chết.
Xác của những nạn nhân được tìm thấy trên các đường phố, trong những căn nhà và các cơ quan hành chính bị quân thánh chiến trưng dụng trong thời gian chiếm đóng. Đa số bị sát hại trong vòng hai ngày trước khi quân thánh chiến bỏ chạy vào thứ Bảy tuần trước. Trang web Now Damascus, thân cận với chế độ, cho biết người dân đã nhận diện được 50 xác.
Hàng trăm quân thánh chiến từ sa mạc tiến ra, đã chiếm đóng Qaryatyan hôm 1/10, với sự đồng lõa của hàng chục quân nổi dậy đã ngã sang phe này, ở bên trong thành phố. Phải mất ba tuần lễ, quân đội Syria mới đánh đuổi được.
Việc quân thánh chiến chiếm thành phố này, nằm rất xa thành trì của chúng ở miền đông Syria, không có giá trị gì về mặt quân sự. Mục đích của chiến dịch là chứng tỏ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn còn khả năng tấn công ngay cả tại miền trung, nơi chúng đã bị truy đuổi trong ba tháng vừa qua. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171024-dang-that-the-daech-sat-hai-tren-100-thuong-dan-syria
CHÂU Á
Người “mất tích” cuối cùng vì làm sách
về đời tư lãnh đạo TQ được thả
Chính quyền Thụy Điển hôm nay 24/10/2017 thông báo Bắc Kinh đã trả tự do cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai), công dân Thụy Điển gốc Hoa làm việc cho một nhà xuất bản chuyên in những cuốn sách nói về đời tư các lãnh đạo Trung Quốc, là một trong năm người « mất tích » trước đây. Tuy nhiên gia đình cho biết không hề có tin tức gì về ông.
Bà Sofia Karlberg, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thụy Điển cho biết đã nhận được thông báo của Bắc Kinh về việc phóng thích ông Quế Dân Hải, nhưng không cho biết ngày tháng và lý do cụ thể.
Tuy nhiên con gái ông là Angela Gui tỏ ra nghi ngờ, vì chưa có được thông tin nào. Bà nói rằng khi các nhà ngoại giao Thụy Điển đến nơi hôm 17/10, phía Trung Quốc tuyên bố ông Quế « đã được thả vào nửa đêm, và hiện không biết ông ở đâu ». Chưa có bất cứ thành viên nào trong gia đình được ông liên lạc.
Ngược lại tổng lãnh sự Thụy Điển tại Thượng Hải hôm qua nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là Quế Dân Hải, nói tiếng Thụy Điển, cho biết muốn xin hộ chiếu trong hai tháng tới, nhưng hiện muốn dành thời gian chăm sóc người mẹ đang bị bệnh. Tuy nhiên bà Angela Gui nói rằng bà nội không bệnh hoạn gì.
Ông Quế Dân Hải, 53 tuổi, bị bắt cóc vào năm 2015, khi ông đang đi nghỉ tại Thái Lan. Trong năm đó, có tổng cộng năm người làm việc cho nhà xuất bản « Mighty Current » ở Hồng Kông đã bị mất tích, và sau đó xuất hiện tại Hoa lục, bị các nhân viên an ninh Trung Quốc kèm sát. Bốn người « mất tích » nay đã được trở về Hồng Kông, ông Quế Dân Hải là người cuối cùng còn bị giam giữ.
« Mighty Current » chuyên xuất bản những cuốn sách nói về hậu trường chính trị Hoa lục, và đời tư các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả Tập Cận Bình. Những sách này bị cấm, nhưng khách Trung Quốc đến Hồng Kông thường lùng mua.
Nga: Một phóng viên bị hành hung ngay giữa ban biên tập
Tại Nga, Tatiana Felguengauer, người dẫn chương trình phát thanh buổi sáng nổi tiếng của đài ʺTiếng vọng Matxcơvaʺ đã rơi vào trình trạng hôn mê sau khi bị một người lạ mặt tấn công bằng dao. Vụ việc, xảy ra ngay giữa buổi họp ban biên tập, nổi tiếng là hay chỉ trích điện Kremlin, cho thấy một bầu không khí căng thẳng giữa cánh phóng viên và những kênh truyền thông độc lập với chính quyền Matxcơva.
Phóng sự của thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva :
« Ngoài hành lang của đài phát thanh, ban biên tập vẫn còn bị sốc. Kẻ tấn công Tatiana Felguengauer thấy rõ có biểu hiện không bình thường, nhưng đối với các phóng viên của đài, vụ tấn công này mang là hậu quả của bầu không khí thù hằn mà chính quyền và giới truyền thông nhà nước nuôi dưỡng. Ông Sergueï Buntman, phó tổng biên tập đài ʺTiếng Vọng Matxcơvaʺ, nhắc lại rằng một nữ phóng viên khác của đài buộc phải chạy trốn khỏi đất nước do những lời đe dọa nhắm vào cô.
Ông nói : ʺCó một trường hợp còn nghiêm trọng hơn liên quan đến một nhà báo khác của đài phát thanh Matxcơva, đồng thời là của tờ Novaya Gazeta. Đó là cô Yulia Latynina. Nhà của cô ở nông thôn đã bị tấn công bằng một loại chất rất có thể là loại khí ga dùng trong chiến đấu. Bầu không khí không tốt lắm. Chính phủ đã quen chỉ định kẻ thù. Điều đó tạo nên một bầu không khí không lành mạnh có thể dẫn đến các vụ sa thải, các hành động tấn công. Giờ các vụ hành hung giờ thì đầy rẫyʺ.
Về phần mình, các nghiệp đoàn phóng viên Nga đã chỉ trích những phóng sự gần đây do kênh truyền hình Nhà nước Nga phát, cáo buộc các phóng viên đài phát thanh ʺTiếng Vọng Matxcơvaʺ là làm việc cho bộ Ngoại Giao Mỹ. Cá nhân cô Tatiana Felguengauer đã bị nêu đích danh trong loạt phóng sự này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171024-nga-mot-phong-vien-bi-hanh-hung-ngay-giua-ban-bien-tap-0
Pháp-Ai Cập:
An ninh, thương mại được ưu tiên so với nhân quyền
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi hôm nay 24/10/2017 hội đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm chính thức ba ngày bắt đầu từ hôm qua. Pháp vốn có quan hệ mật thiết với Ai Cập về thương mại và an ninh, nhưng nhiều tổ chức phi chính phủ kêu gọi tổng thống Macron thẳng thừng nêu ra vấn đề nhân quyền.
Thông tín viên RFI tại Cairo, Alexandre Buccianti cho biết ba hồ sơ chính trị, quân sự và kinh tế là trọng tâm cuộc hội đàm giữa tổng thống Ai Cập Sissi và tổng thống Pháp Macron. Vấn đề nhân quyền cũng được đề cập đến, nhưng cũng như trước đây, sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Paris và Cairo.
« Hồ sơ khủng bố sẽ là ưu tiên, đặc biệt khi Ai Cập vừa phải gánh chịu một loạt các vụ tấn công liên quan đến tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, từng tiến hành nhiều vụ khủng bố tại Pháp. Hai vị tổng thống sẽ bàn bạc về vấn đề Libya, vốn có nguy cơ lại trở thành nơi trú ẩn mới của quân thánh chiến bị truy đuổi khỏi Syria và Irak. Đây là mối đe dọa cho Ai Cập và các nước láng giềng, và cho cả nước Pháp.
Về mặt quân sự, Pháp sẽ tiếp tục giao các loại vũ khí mà Ai Cập đã đặt mua, nhất là chiến đấu cơ Rafale. Nhưng chính về kinh tế mà quan hệ đôi bên có bước tiến lớn. Chỉ riêng cho hệ thống xe điện ngầm ở Cairo, các công ty Pháp đã giành được đến hai tỉ euro hợp đồng. Các trao đổi thương mại cũng tăng 12% trong sáu tháng đầu năm nay. Tổng thống Sissi sẽ gặp gỡ các chủ doanh nghiệp lớn của Pháp để tìm cách khuyến khích họ đầu tư vào Ai Cập. »
Từ năm 2015, Ai Cập đã mua của Pháp 6 tỉ euro vũ khí, trong đó có 24 chiến đấu cơ Rafale, một chiến hạm, hai tàu chở trực thăng Mistral và nhiều hỏa tiễn.
Đối với Pháp, Ai Cập là « nhân tố trung tâm cho sự ổn định khu vực ». Paris hứa sẽ đề cập đến nhân quyền, nhưng các tổ chức Human Rights Watch (HRW), Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Phóng viên Không biên giới (RSF) đòi hỏi cần có những động thái cụ thể.
Abdel Fattah Al Sissi lên nắm quyền từ năm 2013, sau khi lật đổ tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Không chỉ phe Huynh đệ Hồi giáo, mà những người đối lập, báo chí, các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự cũng bị trấn áp.
http://vi.rfi.fr/phap/20171024-phap-ai-cap-an-ninh-thuong-mai-duoc-uu-tien-so-voi-nhan-quyen
Catalunya: Ngân hàng Tây Ban Nha Caixabank dời trụ sở
Caixabank,ngân hàng quan trọng thứ ba của Tây Ban Nha quyết định dời trụ sở ra khỏi Catalunya vì tình hình bất trắc. Từ những ngày qua, ngân hàng này bị khách hàng rút tiền hàng loạt, hưởng ứng lời kêu gọi bất phục tùng công dân của phe ly khai.
Tình trạng bất trắc này buộc Caixabank quyết định dời trụ sở ra khỏi vùng khủng hoảng chính trị. Ban lãnh đạo ngân hàng lo ngại nếu khủng hoảng kéo dài sẽ không tránh được tổn hại tài chính. Caixabank không cho biết bị rút hết bao nhiêu tiền nhưng nhìn nhận tiền rút nhiều hơn tiền ký thác.
Trong khi phe ly khai kêu gọi bất phục tùng dân sự thì tại Madrid, chính phủ trung ương chuẩn bị thủ tục pháp lý để đình chỉ quy chế tự trị của Catalunya.
Thứ sáu 27/10, Thượng Viện Tây Ban Nha sẽ biểu quyết các biện pháp nhằm đình chỉ một phần quy chế tự trị của Catalunya. Chủ tịch vùng tự trị Carles Puigdemont đe dọa là sẽ tuyên bố độc lập nếu Madrid thi hành các biện pháp này.
Đáp lại, chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn cho lãnh đạo phe ly khai đến thứ năm phải về thủ đô trình bày và bảo vệ lập trường với Thượng Viện trước khi « quá trễ », theo tuyên bố của phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171024-catalunya-ngan-hang-caixabank-doi-tru-so
Donald Trump
phá chính sách Đông Nam Á của Barack Obama ?
Vào lúc tổng thống Mỹ sắp lên đường công du châu Á với hai điểm hẹn tiêu biểu, hai căn cứ không quân Đà Nẳng và Clark, câu hỏi then chốt được nêu lên là liệu Donald Trump tìm cách phát huy hay sẽ phá bỏ chiến lược Đông Nam Á của người tiền nhiệm ?
Trong hai nhiệm kỳ 8 năm kết thúc vào tháng 01/2017, tổng thống Barack Obama để lại những thành tựu quan trọng trong vùng Đông Nam Á và được kính trọng. Ông đặt khu vực này vào trung tâm điểm của chiến lược « xoay trục » quân sự và dự án mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương TPP mà mục đích là đối đầu với thế thượng phong của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.
Thái độ dấn thân của chính quyền Obama đã trấn an được các nước ASEAN.
Trong lãnh vực nhân quyền, với nỗ lực phối hợp trừng phạt và vận động ngoại giao, Washington đã giúp cho Miến Điện thực hiện tiến trình dân chủ hóa.
Giờ đây, ở Washington, chính quyền kế nhiệm đã bước vào tháng thứ 10. Một trong những lo ngại chính đáng của khu vực là liệu tổng thống Donald Trump có tìm cách phá bỏ di sản chiến lược của tổng thống tiền nhiệm hay không ?
Câu hỏi này được nêu lên cùng lúc trên hai nhật báo lớn ở Đông Nam Á : The Bangkok Post của Thái Lan và The Myanmar Times của Miến Điện. Theo tác giả, Kavi Chongkittavorn, câu trả lời là vừa có vừa không.
Có, bởi vì TPP bị Trump xếp lại. Không, bởi vì trên thực tế, cho đến bây giờ, sau mười tháng cầm quyền, không có dấu hiệu chủ nhân Nhà Trắng lạnh nhạt với một thành viên ASEAN.
Sử dụng tài nghệ giao dịch của một doanh nhân, tổng thống Donald Trump tạo được quan hệ tốt với Singapore, Malaysia, Philippines của Duterte, Thái Lan của Chan-O-Cha, Indonesia và Việt Nam. Đây là những quốc gia có vị trí then chốt cho nền an ninh và quyền lợi của Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương. Về quân sự, Singapore và Malaysia còn là thành viên trong nhóm « ngũ cường » với Anh, Úc và New Zealand. Bây giờ Washington muốn có thêm hai đối tác chiến lược mới là Việt Nam và Indonesia.
Lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ II, vị thế của Mỹ trong khu vực bị Trung Quốc công khai cạnh tranh. Chính quyền Trump ý thức rõ mối nguy này nên cố gắng cân bằng lực lượng. Từ tháng 5/2017, tổng thống Donald Trump tiếp kiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ thủ tướng Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam trong khi phó tổng thống Mike Pence gặp tổng thống Indonesia tại Djakarta. Ngày 23/10, đến lượt thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, lãnh đạo thành viên Đông Nam Á sau cùng kết thúc loạt tiếp xúc của Donald Trump trước khi chủ nhân Nhà Trắng gặp toàn bộ lãnh đạo 10 lãnh đạo ASEAN, nhân Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẳng và sau đó tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Clark, Philippines.
Đối với Philippines, tuy tổng thống Duterte hay « Trump châu Á » có cường điệu với Mỹ, nhưng quan hệ song phương rất vững chắc, hợp tác quốc phòng được tăng cường trong năm 2018.
Ẩn số còn lại là Việt Nam và Miến Điện. Trong cuộc gặp gỡ hồi tháng năm tại Nhà Trắng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn tăng cường trao đổi thương mại với Mỹ và trong bản tuyên bố chung, hai bên chống lại mọi hành động « quân sự hóa Biển Đông ».
Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn, chuyện lý thú là để coi tổng thống Donald Trump xếp Việt Nam vào vị trí nào trong chiến lược toàn diện. Hà Nội đã được chính quyền Obama hủy lệnh cấm vận vũ khí kéo dài suốt 50 năm, nâng Việt Nam lên thành một trong những đối tác chiến lược trong vùng. Riêng đối với Miến Điện, một di sản của Obama vừa bị tấn công: Mỹ ban hành một số biện pháp trừng phạt quân đội Miến Điện, thủ phạm sát hại người Rohingya.
Nhìn chung, vì quyền lợi cốt lõi, Hoa Kỳ tiếp tục xây dựng và củng cố một liên minh trong vùng Đông Nam Á nhưng phải chờ hai cuộc hẹn ở Đà Nẵng và Clark vào đầu tháng 11 để xem tổng thống thứ 45 của Mỹ « tiếp cận » di sản của Barack Obama như thế nào.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171024-lieu-donald-trump-pha-chinh-sach-dong-nam-a-cua-barack-obama
Chống khủng bố: Ngoại trưởng Mỹ đi Pakistan và Ấn Độ
Hôm qua, 23/10/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bất ngờ tới Afghanistan, trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Nhân dịp này, lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ thông báo quân đội Mỹ củng cố và duy trì vô thời hạn sự hiện diện tại nước này. Sau đó, ông Tillerson sang Pakistan và Ấn Độ, để thảo luận về hồ sơ Afghanistan.
Trả lời phỏng vấn RFI, chuyên gia Karim Pakzad, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) nhận định rằng Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược ngoại giao trong hồ sơ Afghanistan:
« Kể từ khi tổng thống Donald Trump thông báo chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan, chính quyền Washington gây áp lực với Islamabad và tìm cách yêu cầu New Delhi can dự nhiều hơn vào hồ sơ này.
Để thực hiện chiến lược mới trong khu vực này, Ấn Độ trở thành một đồng minh ưu tiên. Chuyến đi của Rex Tillerson là nhằm triển khai chiến lược đó, tìm cách xích lại gần Ấn Độ hơn và thúc đẩy New Delhi can dự nhiều hơn trong hồ sơ Afghanistan, đồng thời gây áp lực với Pakistan để nước này từ bỏ việc ủng hộ quân Taliban Afghanistan. Rất có thể, Hoa Kỳ sẽ tập trung tấn công các căn cứ của quân Taliban đặt trên lãnh thổ Pakistan ».