Tin khắp nơi – 24/07/2018
Đại sứ Haley: Nga ‘sẽ không bao giờ’ là bạn của Mỹ
Nikki Haley, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, hôm 23/7 tuyên bố rằng Nga “sẽ không bao giờ là bạn của chúng ta” nhưng bà tìm cách làm giảm nhẹ những mối lo ngại về cuộc gặp mặt tay đôi giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như về cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo hồi tuần trước.
“Chúng tôi không tin tưởng Nga. Chúng tôi không tin ông Putin. Chúng tôi sẽ không bao giờ tin. Họ sẽ không bao giờ là bạn của chúng ta. Đó là một thực tế”, báo The Hill trích lời Đại sứ Nikki Haley nói với phóng viên David Brody của Christian Broadcasting Network.
Đại sứ Nikki Haley mô tả cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với ông Ông Putin ở Phần Lan hồi tuần trước là ‘cần thiết và cuối cùng đã diễn ra’.”
“Tuy nhiên điều mà tôi nghĩ là, dù cho tổng thống có ngồi xuống với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, hay ngồi xuống với ông Putin, thì đó là những điều tất phải xảy ra.”
Trong suốt một tuần, Tổng thống Trump đã phải đối mặt với những chỉ trích về cách cư xử của ông trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, khi ông Trump tỏ vẻ hoài nghi các kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ về những hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Sau đó, ông Trump đã tìm cách rút lại những tuyên bố của ông về cuộc gặp tại cuộc họp báo, nhưng ông càng làm cho tình hình thêm rối rắm khó hiểu khi ông liên tục than phiền truyền thông đã đưa tin không công bằng về cuộc gặp thượng đỉnh, và rằng những lời tố cáo về vai trò của Nga can thiệp vào nội tình Mỹ chỉ là một “trò bịp lớn.”
Ông Trump thường nói rằng chơi với Nga chỉ có lợi cho Mỹ. Trước khi lên đường để gặp Tổng thống Putin, ông Trump tuyên bố ông không xem Putin là một kẻ thù.
Báo The Hill trích lời ông Trump nói với các phóng viên: “Hy vọng rằng một ngày nào đó, có thể ông Putin sẽ là một người bạn. Điều đó có thể xảy ra.”
Đại sứ Haley nói những bình luận của ông Trump về Nga không gây quan ngại cho bà, mà bà quan tâm hơn tới các chính sách của chính quyền Trump đối với Nga, mà bà cho biết là đã làm bà hài lòng.
“Tôi nghĩ điều gây tranh cãi là những từ ngữ ông ấy dùng nhưng đối với tôi hàng động là điều duy nhất đáng chú ý,” bà Haley nói.
Tuy vậy, đại sứ Haley tán thành dòng tweet toàn chữ hoa của ông Trump hôm 22/7, trong đó ông cảnh cáo Iran “đừng bao giờ đe dọa Hoa Kỳ một lần nữa nếu không, sẽ phải hứng chịu những hậu quả mà ít ai từng nếm trải trong lịch sử.”
Dòng tweet của tổng thống Mỹ dường như là để đáp trả những phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước một nhóm nhà ngoại giao trong đó ông nói hòa bình với Iran sẽ là “một nền hòa bình vĩ đại”, tuy nhiên chiến tranh với Iran sẽ là “mẹ của mọi cuộc chiến tranh.”
Bà Haley nói dòng tweet của ông Trump có mục đích đánh đi một thông điệp tới Iran, khuyến cáo nước này đừng dùng những từ hoa mỹ để tạo tính chính danh trong cộng đồng quốc tế.
Bà Haley nói: “Chúng tôi sẽ không dễ dàng rơi vào cái bẫy đó”. Bà nói thêm rằng dòng tweet của Tổng thống Trump đã buộc “Iran phải ngồi dậy chú ý.”
https://www.voatiengviet.com/a/4497540.html
Mỹ: TT Trump muốn tước quyền tiếp cận
thông tin mật của sáu cựu lãnh đạo tình báo
Nhà Trắng hôm qua 23/07/2018 thông báo tổng thống Mỹ Donald Trump dự tính truất quyền tiếp cận thông tin mật của sáu người từng là lãnh đạo của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.
Sáu nhân vật đang bị tổng thống Mỹ nhắm tới là John Brennan – giám đốc CIA thời tổng thống Obama, cựu Giám đốc FBI James Comey – người đã bị chính ông Trump cách chức, cựu giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia NSA Michael Hayden, cựu giám đốc tình báo Quốc Gia James Clapper, cựu cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe.
Các nhân vật này từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Trump kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 01/2017, nhất là cựu giám đốc CIA John Brennan đã coi cách hành xử của ông Trump trong cuộc gặp với tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/07/2018 gần như là “một sự phản bội”.
Theo bà Sarah Sanders, phát ngôn viên của Nhà Trắng, ông Donald Trump dự tính truất quyền tiếp cận thông tin mật của sáu cựu lãnh đạo tình báo vì họ đã lợi dụng chức vụ và quyền được tiếp cận thông tin mật để phục vụ các mục đích chính trị và điều này là không thể chấp nhận được.
Hiện CIA vẫn chưa phản ứng về tuyên bố được coi là lời đe dọa bất thường của nguyên thủ Mỹ. Phát ngôn viên của cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe ngay lập tức cho biết là ông McCabe đã bị rút quyền này ngay từ khi ông bị cách chức hồi tháng Ba. Còn theo Washington Post, cựu Giám đốc FBI James Comey cũng bị tước quyền tiếp cận thông tin mật từ nhiều tháng nay.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh CNN, cựu giám đốc tình báo Quốc Gia James Clapper tố cáo Nhà Trắng có thái độ “nhỏ nhen, ti tiện” và ông cho rằng tổng thống Donald Trump có quyền rút quyền tiếp cận thông tin mật của một cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nhưng nếu ông Trump làm việc đó vì lý do chính trị thì đó là “sự lạm dụng hệ thống”, một mối nguy hiểm và sẽ tạo thành tiền lệ.
Nhiều chính trị gia phe Dân Chủ chỉ trích chính quyền Donald Trump và cho rằng Nhà Trắng đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận khỏi thượng đỉnh Trump-Putin.
Cựu phụ tá của Trump lập tổ chức chống EU
Cựu chiến lược gia chính trị của Tổng thống Donald Trump, Steve Bannon, và một cộng tác viên hàng đầu đã thành lập một tổ chức chính trị có trụ sở tại Brussels nhằm gây phương hại dẫn tới làm tê liệt Liên hiệp Châu Âu.
Trao đổi với Reuters, ông Bannon và ông Raheem Kassam, một cựu phụ tá trưởng cho ông Nigel Farage, một lãnh tụ người Anh chống EU hiện là một phụ tá của ông Bannon, nói tổ chức này được biết dưới tên The Movement, đã hoạt động và đang tuyển dụng nhân viên.
Ông Kassam nói “The Movement sẽ là trung tâm trao đổi kinh nghiệm của phong trào dân túy, dân tộc tại châu Âu. Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ cho các cá nhân hay tổ chức quan tâm đến vấn đề chủ quyền, kiểm soát biên giới, công ăn việc làm, trong số những việc khác.”
Ông Kassam cho biết tiếp “Chúng tôi quyết định đặt trụ sở tại Brussels vì đây là trung tâm của Liên hiệp Châu Âu—lực lượng nguy hại nhất chống lại nền dân chủ của các quốc gia tại phương Tây hiện nay. Tổ chức hiện đã có nền tảng cơ cấu với một ngân sách hàng năm đáng kể và chúng tôi bắt đầu thu nhận nhân viên.”
Ông Kassam từ chối cho biết thêm chi tiết về tổ chức này.
Ông Bannon trong một chuyết đi thăm London tuần qua đã gặp ông Farage và Louis Aliot, một cộng tác viên thân cận của chính trị gia cực hữu Pháp bà Marine Le Pen, mô tả tổ chức ông thành lập là “dự án dân túy” nhằm đánh động “sự chuyển dịch mảng kiến tạo tại châu Âu”
“Cuộc bầu cử tại nghị viện châu Âu sang năm sẽ là một thử nghiệm quan trọng cho cả hai phe thuộc Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cũng như phe cải cách, và The Mouvement sẽ là nơi hai phe này ăn khớp chặt chẽ với nhau,” ông Kassam nói.
Liên hiệp Châu Âu có nguồn gốc sau Thế Chiến Thứ Hai như là một phương thức tạo dựng sự hợp tác kinh tế và ngăn chặn các quốc gia kình địch lẫn nhau. Hiện nay Liên hiệp Châu Âu là khối kinh tế lớn nhất trên thế giới và đã bành trướng quyền lực chính trị.
Hai ông Bannon và Kassam nói kế hoạch của họ là sử dụng phong trào mới để thúc đẩy các cử tri dân túy và dân tộc đi bầu nghị viện châu Âu đông đảo được tổ chức tại các nước thành viên EU vào tháng 5 sang năm.
Được hỏi về kế hoạch của ông Bannon vào ngày thứ Hai 23/7, phát ngôn viên trưởng của Ủy ban nói với các phóng viên là những người điều hành EU biết kế hoạch này nhưng từ chối đưa ra bình luận.
Trump gây khẩu chiến với Iran
để đánh lạc hướng công luận?
Twitter phải chăng là mặt trận mới trong cuộc đọ sức Mỹ và Iran ? Sau khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, gây áp lực với cộng đồng quốc tế để gia tăng các biện pháp trừng phạt Teheran, công khai tuyên bố là nước Mỹ sát cánh với đối lập Iran, tổng thống Trump lại mở chiến dịch công kích đồng nhiệm Rohani với mức độ gay gắt hiếm thấy.
Tại sao Nhà Trắng lại chĩa mũi dùi vào Iran trong thời điểm này ? Tất cả bắt nguồn từ việc tổng thống Iran, Hassan Rohani, cách nay hai ngày, cảnh cáo Washington không nên vuốt râu hùm, bởi một cuộc xung đột với Teheran sẽ là “một cuộc đấu quyết tử”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến Donald Trump nổi cơn thịnh nộ và điều ấy đã được thể hiện qua tin nhắn chủ nhân Nhà Trắng bắn đi vào lúc 1 giờ sáng ngày 23/07/2018 giờ Washington khi vừa kết thúc 2 ngày nghỉ cuối tuần ở New Jersey.
Lời lẽ mạnh mẽ của nguyên thủ Mỹ đã được thủ tướng Israel, kẻ thù không đội trời chung của Iran tán đồng. Phát ngôn viên Nhà Trắng giải thích tổng thống Trump lên giọng với Iran với mục đích tối hậu là bảo đảm rằng, Teheran không bao giờ có được vũ khí nguyên tử, bảo đảm an ninh cho người dân Hoa Kỳ.
Iran, dư âm từ thượng đỉnh Helsinki ?
Luận điểm này không mấy thuyết phục giới phân tích. Một số cho rằng, Donald Trump đang bị cả bên đảng Dân Chủ đối lập lẫn đảng Cộng Hòa công kích mạnh mẽ về thái độ mềm yếu của tại thượng đỉnh Helsinki với nguyên thủ Nga, Vladimir Putin, cho nên đã bày kế đánh lạc hướng dư luận Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 16/07/2018 tại thủ đô Phần Lan, tổng thống Trump đứng bên cạnh ông Putin đã tuyên bố “không có lý do gì” để nghĩ là Nga đã thao túng bầu cử Mỹ. Lãnh đạo Nhà Trắng mặc nhiên tỏ ra tin tưởng hơn vào lời nói của tổng thống Nga, một cựu trùm mật vụ KGB hơn là vào các cơ quan tình báo và an ninh Hoa Kỳ.
Một nhà cựu ngoại giao Mỹ, Aaron David Miller, từng phục vụ nhiều chính quyền thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đánh giá : “Phẫn nộ vì bị chỉ trích trong quan hệ với Nga, bức xúc vì hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên không đem lại những kết quả cụ thể, Donald Trump chuyển hướng tấn công sang Iran, vừa để phô trương cơ bắp với Teheran vừa để thu hút chú ý của công luận vào một chủ đề khác”. Có điều, như ghi nhận của nhà ngoại giao Miller, lời lẽ đao to búa lớn của Donald Trump vừa “rỗng tuếch, vừa nực cười”. Nguy hiểm hơn nữa, đây là bằng chứng cho thấy “Hoa Kỳ không có được một chính sách trên hồ sơ Iran”.
Cũng có tiếng nói cho rằng, động thái của tổng thống Mỹ chủ yếu nhằm đánh lạc hướng công tố viên đặc biệt Robert Mueller người đang điều tra về nghi án Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và sự can thiệp đó có lợi cho ứng cử viên Trump.
Hù dọa Iran, chiến thuật mặc cả ?
Bên cạnh yếu tố Nga, giới phân tích không loại trừ khả năng, cuộc khẩu chiến trên mạng Twitter giữa Mỹ và Iran nằm trong chiến lược mặc cả của Donald Trump. Washington gia tăng áp lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Sau khi đơn phương rút khỏi hiệp định Vienna vào tháng 5/2018, Hoa Kỳ liên tục hù dọa các tập đoàn nước ngoài muốn giao thương với nước Cộng Hòa Hồi Giáo này, sử dụng lá bài dầu hỏa để bóp ngạt kinh tế Iran gây khó khăn cho chính quyền của tổng thống Rohani thuộc phe cải tổ…. Tuần trước, ngoại trưởng Mike Pompeo nhập cuộc, khi gọi chính quyền ở Teheran là một nhà nước Mafia, hốt bạc của dân để làm giàu. Washington cùng lúc sử dụng lại một công cụ của thời chiến tranh lạnh, khi thông báo sẽ tăng cường một mạng lưới truyền thông bằng tiếng Ba Tư để những tiếng nói đối lập ở Iran biết rằng, nước Mỹ sát cánh với họ. Nhưng cũng các chuyên gia Hoa Kỳ không mấy tin rằng, chính quyền Trump muốn lật độ chế độ Iran. Đây chỉ là một đòn hù dọa, tương tự như điều mà Nhà Trắng từng làm đối với Bắc Triều Tiên.
Tháng 9/2017 lần đầu phát biểu tại Đại Hội Đông Liên Hiệp Quốc, Donald Trump từng đe dọa “xóa sổ” Bắc Triều Tiên để rồi, chưa đầy một năm sau đó, tại Singapore, cũng chính ông đã bắt tay Kim Jong Un. Bất chấp hoài nghi của báo giới, tổng thống Mỹ không ngớt lời tuyên bố rằng ông rất hài lòng về những thành quả đã đạt được với người mà ông từng mệnh danh là “Rocket Man”.
Ít có nguy cơ nổ ra chiến tranh
Ngần ấy những yếu tố liệu có thể dẫn tới kết luận rằng tổng thống Trump sẽ dừng lại đúng lúc, tức là sẽ tránh lao vào một cuộc xung đột quân sự với Teheran ? Giới phân tích nêu lên tối thiểu hai lý do cho phép lạc quan. Thứ nhất Washington đã rút tỉa được một bài học quý giá từ sau quyết định can thiệp quân sự tại Irak năm 2003, một cuộc chiến quá tốn kém cả về tài chính lẫn nhân mạng với những hậu quả chính trị đi kèm. Thứ hai là xung đột với Iran có nguy cơ đẩy giá dầu hỏa lên cao, tức là sẽ đánh trực tiếp vào mãi lực của người Mỹ, vốn là cử tri mà chính quyền Trump đang muốn làm chiều lòng trước mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ và kể cả trong kịch bản Donald Trump ra tái tranh cử năm 2020.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180724-trump-gay-khau-chien-voi-iran-de-danh-lac-huong-cong-luan
Canada điều tra chống bán phá giá
ống thép hàn của Việt Nam
Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) vừa mở cuộc điều tra về một số sản phẩm ống thép hàn đến từ Việt Nam, Philippines, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ bị nghi bán phá giá tại quốc gia Bắc Mỹ này, thông báo trên trang web của cơ quan cho biết.
Theo TTXVN, các sản phẩm bị điều tra thuộc nhóm ống tiêu chuẩn, có đường kính ngoài từ 12,7 – 168,3 mm.
Cùng với CBSA, Tòa án Thương mại Quốc tế Canada (CITT) cũng sẽ hợp tác điều tra xem liệu việc nhập khẩu loại sản phẩm này có gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước hay không.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi một công ty thép của Canada, Novamerican Steel Inc., gửi đơn khiếu nại, cáo buộc tình trạng bán phá giá thép nhập từ 4 quốc gia nêu trên đã gây hại cho ngành công nghiệp thép của Canada.
CITT là một cơ quan hoạt động trong hệ thống khắc phục các vấn đề về thương mại và báo cáo cho Quốc hội Canada. Cuối tháng 5, cơ quan này đã tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về vụ bán phá giá thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quy trình thực hiện việc chống bán phá giá của Canada được cho là giống với Hoa Kỳ. Washington trước đó đã đánh thuế nặng trên các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam vì cho rằng các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hiện Canada đang áp dụng 101 biện pháp nhập khẩu đặc biệt cho nhiều sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng để bảo vệ thị trường lao động và nền kinh tế nội địa.
Dự kiến, CITT sẽ kết thúc cuộc điều tra vào ngày 18/9, trong khi CBSA cho biết sẽ công bố quyết định sơ bộ một tháng sau đó.
Nhiều nước có người chết và thiệt hại nặng
vì nắng nóng
Cơ quan thời tiết Nhật Bản vừa tuyên bố đợt nắng nóng đang hoành hành ở nước này là thiên tai, sau khi có ít nhất 65 người được thông báo chết trong tuần trước.
Ở một số vùng, nhiệt độ cao ở mức “chưa từng có”. Hơn 22 ngàn người phải vào viện vì bị đột quỵ nhiệt, trong đó quá nửa là người cao tuổi, giới chức Nhật cho hay.
Tại thành phố Kumagaya, nhiệt độ lên tới 41,1C hôm thứ Hai 23/7- cao nhất ở Nhật Bản từ trước tới nay. Ở Tokyo, nhiệt độ vượt quá mức 40C cũng được ghi nhận lần đầu tiên.
Các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết đợt nắng nóng không có dấu hiệu suy giảm trong mấy tuần tới, và nhiệt độ trên 35C sẽ tiếp diễn ở nhiều nơi cho tới đầu tháng Tám.
Việt Nam: Bão Sơn Tinh gây thiệt hại lớn
54 người tử vong trong đợt nóng ở Quebec
Cảnh báo ‘đáng lo’ về tương lai thời tiết châu Âu
Hy Lạp
Hy Lạp đang phải chống chọi với nạn cháy rừng khủng khiếp nhất trong hơn một thập kỷ do nắng nóng kéo dài và gió lớn gây ra.
Ít nhất 60 người đã thiệt mạng trong các vụ cháy rừng ở vùng Attica, gần thủ đô Athens.
Theo Hồng Thập Tự, thi thể của 26 người được tìm thấy trong sân một biệt thự ở làng biển Mati, tâm điểm của nạn cháy rừng.
Hầu hết các nạn nhân bị kẹt ở làng này, cách thủ đô Athens 40km về phía đông bắc, và chết cháy trong nhà hay xe hơi của họ.
Nước nào áp dụng nghĩa vụ quân sự?
Các vụ tử vong liên tiếp của giới ngoại giao Nga
Nơi nào giữa châu Âu vẫn ăn thịt chó?
Ít nhất 150 người bị thương, trong đó có 11 người bị thương nặng và 16 trẻ em.
Hàng trăm lính cứu hỏa vấn đang vật lộn với hỏa hoạn và chính quyền Hy Lạp đang tìm kiếm trợ giúp quốc tế.
Thủ tướng Tsipras đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Attica, và cho biết “tất cả các lực lượng khẩn cấp” đã được huy động.
Chính phủ Hy Lạp yêu cầu các nước châu Âu gửi trực thăng và lính cứu hỏa tới để hỗ trợ dập lửa.
Ý, Đức, Ba Lan và Pháp đã gửi trực thăng, xe và lính cứu hỏa, và Tây Ban Nha cũng như Đảo Síp cũng đã đồng ý trợ giúp, nhưng vì nhiệt độ trong mấy ngày tới sẽ tiếp tục tăng, lực lượng cứu hộ sẽ phải chạy đua với thời gian.
Thụy Điển
Cháy rừng dữ dội vẫn tiếp tục ở Thụy Điển trong lúc nước này đang nỗ lực đương đầu với hậu quả của hạn hán kết hợp với nhiệt độ ở mức kỷ lục.
Cho tới chiều Chủ Nhật 22/7, vẫn có 53 vụ cháy rừng riêng rẽ xảy ra từ vùng phía Bắc Thụy Điển cho tới thành phố Malmo ở phía Nam, các quan chức cứu trợ khẩn cấp cho biết.
Một người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ cháy rừng này.
Ngụy biện hay là ‘bạo hành nhận thức’?
Máy chủ của Facebook đặt ở đâu?
Cho tới nay Italy, Đức, Ba Lan và Pháp đều đã cử lực lượng hỗ trợ đến Thụy Điển.
Nhưng với nhiệt độ tiếp tục tăng, lực lượng cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để kiểm soát các vụ cháy rừng.
Nước láng giềng Na Uy có đợt nóng kỷ lục hồi tháng Năm, và cũng phải đối mặt với nhiều vụ cháy rừng.
Canada
Các thành phố ở phía đông Canada gặp đợt nóng kỷ lục hồi đầu tháng Bảy, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng chỉ riêng ở thành phố Quebec.
Nhiệt độ lên tới 35 độ C, độ ẩm cao và tình trạng khói bụi xảy ra trong suốt đợt nắng nóng gay gắt nhất trong mấy chục năm qua.
Đa số nạn nhân ở độ tuổi từ 50 đến 85.
Toronto: Thành phố có 140 ngôn ngữ
Nơi du khách đãi vàng tìm kho báu
Các nơi khác
Đợt nắng nóng ở miền nam California có nhiệt độ phá kỷ lục ở một số khu vực – như 48,9C ở Chino, ngoại ô Los Angeles.
Tại Algeria, tin cho hay nhiệt độ cao nhất đo được là 51,3C ở thành phố Ouargla, phía Bắc Algeria.
Anh Quốc cũng có đợt nóng trên dưới 30 độ C trong nhiều ngày.
Các vùng Bắc Ireland, Scotland, Wales và Tây Bắc Anh nay đã có mưa hôm 24/07 nhưng từ trước đó, nhiều vùng của Anh đã trải qua 54 ngày không mưa.
Ngoài chuyện nắng hạn gây khô cỏ ngoài đồng, nhiều vùng gặp cảnh sông ngòi bị cạn dòng như ở Yarrow Reservoir, gần Bolton.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44936772
Cuba sẽ ‘khác hẳn 60 năm’ qua và không giống TQ
Cuộc bỏ phiếu hôm 22/07/2018 của Quốc hội Cuba thông qua dự thảo tân Hiến pháp đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát.
Hiện còn cần qua một loạt thủ tục để có hiệu lực nhưng có vẻ như văn bản mới này đã tạo đà cho việc hiện đại hóa toàn diện đảo quốc vùng châu Mỹ La tinh.
Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản
‘Kinh tế thị trường không thể hủy hoại XHCN’
Quân đội Cuba làm cách mạng hay làm ăn?
Cuba: khách sạn tình yêu mở cửa trở lại
Các điểm mới của Hiến pháp Cuba được những tờ báo lớn như The New York Times ở Mỹ và The Guardian ở Anh điểm ra gồm có:
Bỏ khái niệm chủ nghĩa cộng sản
Công nhận sở hữu tư nhân
Công nhận hôn nhân đồng tính
Khuyến khích đầu tư nước ngoài và ra các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư
Tăng cường hệ thống tư pháp
Công nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử
Lập ra chức thủ tướng để điều hành đất nước bên cạnh chủ tịch nước
Hiến pháp mới sẽ thay thế Hiến pháp 1976 của thời kỳ thân Liên Xô.
Điều quan trọng là bản hiến pháp mới sẽ được đem ra thảo luận rồi trưng cầu dân ý để trở thành luật cơ bản.
Báo The Guardian ở Anh nói Hiến pháp Cuba còn được gọi là Magna Carta, tên hệt như Đại Hiến chương các quyền dân sự và chính trị ở Anh Quốc thời xưa.
Giống Đông Âu hơn là Trung Quốc?
Có vẻ như các cải tổ mà ông Raul Castro nêu ra, được ghi nhận trong Hiến pháp mới sẽ mở đường cho một thế hệ lãnh đạo mang tính chuyển tiếp.
hiến pháp mới của Cuba có nhiều điểm giống mô hình chuyển tiếp tại Đông Âu hơn là Trung Quốc sau Thiên An MônNhà báo Nguyễn Giang
Chức chủ tịch (president – tổng thống) theo Hiến pháp mới sẽ giới hạn ở hai nhiệm kỳ, loại bỏ khả năng đang xảy ra ở Trung Quốc hay Nga, khi lãnh đạo có thể kéo dài quá hai lần làm nguyên thủ quốc gia.
Ông Castro cũng đề xuất để tân lãnh đạo bắt đầu nhiệm kỳ ở tuổi không quá 60, trang Miami Herald đưa tin.
Theo nhà báo Nguyễn Giang, người đã quan sát tình hình Đông Âu giai đoạn 1989-1995, hiến pháp mới của Cuba nếu được thực hiện có nhiều điểm giống mô hình chuyển tiếp tại Đông Âu hơn là Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn 1989.
Ví dụ, dự thảo hiến pháp mới ở Cuba đặt ra chức Thủ tướng nhưng vẫn do Chủ tịch nước (hiện là ông Raul Castro) bổ nhiệm.
Điều này giống Ba Lan thời Đại tướng Wojciech Jaruzelski làm tổng thống ‘nửa cộng sản, nửa dân chủ’ và bổ nhiệm các thủ tướng ‘chuyên gia kỹ trị’, lần lượt có Zbigniew Messner và Mieczyslaw Rakowski.
Hiện nay ông Castro vừa là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, vừa là là chủ tịch Hội đồng nhà nước.
Nhưng sau khi thay đổi hiến pháp, chức chủ tịch Hội đồng nhà nước sẽ do Chủ tịch Quốc hội nắm, đáp ứng nhu cầu làm luật ngày càng lớn.
Về quyền sở hữu, hiện nay nông dân Cuba đã hưởng quyền sở hữu đất nông nghiệp dùng trong canh tác nhưng không được chuyển hạng.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, sở hữu đất đai vẫn hoàn toàn thuộc nhà nước dù chế độ ‘quyền sử dụng 70 năm’ sẽ được gia hạn lâu dài.
Điều này khiến Cuba giống Ba Lan thời XHCN khi nông dân vẫn có quyền sở hữu đất trồng cấy diện tích nhỏ, bên cạnh sở hữu nông trang (PRG) của nhà nước.
Những thay đổi hiến pháp này ở Cuba “còn xa mới đi tới dân chủ” nhưng đã được cả chính các nhà quan sát Cuba hải ngoại đánh giá cao.
Ông Andy S. Gomez, cựu giám đốc Viện nghiên cứu Cuba tại ĐH Miami, Hoa Kỳ gọi đây là “chuyển biến lớn”.
“Tuy còn xa mới tới nền dân chủ nhưng đây là những thay đổi hoàn toàn khác với những gì chúng ta thấy trong 60 năm qua”.
Điều dễ thấy trước mắt là ban lãnh đạo Cuba rất tự tin về hiến pháp mới nên đã quyết định đem văn bản này ra bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44923116
Iran sẽ ‘ăn miếng trả miếng’
nếu Mỹ chặn xuất khẩu dầu
Iran sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương ứng nếu Hoa Kỳ tìm cách ngăn chặn nước này xuất khẩu dầu, Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo hôm 24/7.
Theo Reuters, các quan chức Mỹ đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm áp lực các nước khác ngừng nhập dầu từ Iran.
Thông tấn xã IRNA của nhà nước Iran dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bahram Qassemi nói: “Nếu Mỹ nghiêm túc muốn tiến xa hơn một bước theo hướng đó thì chắc chắn sẽ gặp các biện pháp đáp trả tương ứng của Iran.”
Lãnh tụ tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, hôm 21/7 tuyên bố hậu thuẫn đề nghị của Tổng thống Hassan Rouhani cảnh cáo rằng Iran có thể hành động để chặn dầu xuất khẩu từ các nước trong vùng Vịnh, nếu xuất khẩu dầu của nước họ bị chặn lại.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 22/7 cho hay Hoa Kỳ sẽ làm việc với các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran, và vận động các nước này ngưng nhập dầu với mục đích cắt đứt nguồn thu nhập này của Tehran trước ngày 4/11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo Iran rằng nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả “như hiếm có nước nào phải chịu đựng trong lịch sử” nếu nước Cộng hòa Hồi giáo Iran còn lên tiếng hăm dọa Hoa Kỳ.
Lời cảnh cáo đó của ông Trump được in chữ hoa trên trang Twitter vào tối ngày 22/7, vài giờ sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng chính sách thù địch của Mỹ đối với Tehran có nguy cơ dẫn đến “đại chiến.”
Reuters dẫn lời các giới chức Mỹ nói rằng lời qua tiếng lại gây căng thẳng này được tung ra sau khi chính quyền Tổng thống Trump phát động một chiến dịch công kích Iran bằng nhiều bài phát biểu và truyền thông trực tuyến nhằm khuấy động bất ổn và gây áp lực, buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân và ngưng hỗ trợ các nhóm chiến binh.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-se-an-mieng-tra-mieng-neu-my-chan-xuat-khau-dau/4497402.html
Israel bắn hạ máy bay tiêm kích Syria
Quân đội Israel tuyên bố đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Syria khi chiếc máy bay này bay vào không phận của Israel.
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Jonathan Conricus hôm 24/7 cho biết quân đội nước này đã theo dõi một máy bay Sukhoi của Syria bay với “tốc độ khá nhanh” trước khi xâm phạm không phận Israel. Phía Israel lập tức đánh chặn bằng cách phóng đi hai tên lửa địa đối không Patriot.”
Người phát ngôn nói không rõ liệu chiếc máy bay chiến đấu của Syria có cố tình bay vào không phận Israel hay không.
Trong một tuyên bố, Bộ quốc phòng Israel nói chiếc máy bay của Syria “xâm nhập không phận Israel, tiến sâu vào khoảng 2 km.”
Bộ quốc phòng Israel cho biết chiếc máy bay rơi xuống cao nguyên Golan của Syria, nhưng không rõ số phận của viên phi công.
Bộ Quốc phòng Syria cáo buộc quân đội Israel là cố tình nhắm bắn chiếc máy bay tiêm kích khi nó đang hoạt động trong không phận Syria.
Một nguồn tin quân sự Syria xác nhận rằng Israel đã bắn vào một trong những máy bay chiến đấu của họ nhưng cho biết chiếc máy bay lúc đó chỉ tiến hành các hoạt động chống phiến quân Hồi giáo trên lãnh thổ Syria.
Đây là lần đầu tiên Israel bắn hạ một máy bay chiến đấu của Syria kể từ năm 2014.
https://www.voatiengviet.com/a/israel-ban-ha-may-bay-tiem-kich-syria/4497516.html
Anh không phản đối án tử hình
đối với nghi can Nhà nước Hồi Giáo
Chính phủ Anh sẽ không phản đối việc Washington muốn có án tử hình đối với hai phần tử hiếu chiến người Anh, thành viên của Nhà nước Hồi Giáo, nếu những người này bị dẫn độ sang Hoa Kỳ, một Bộ trưởng Nội vụ Anh nói.
Bộ trưởng An ninh Ben Wallace cho hay Anh sẵn sàng bỏ lập trường chống án tử hình lâu nay trong vụ án của hai nghi can Alexanda Kotey và El Shafee Elsheikh.
Hai người này bị nghi thuộc nhóm 4 thành viên có tên là “The Beatles” tham gia những vụ bắt cóc, tra tấn và sát hại con tin phương Tây.
Tuyên bố của ông Wallace được đưa ra tiếp theo một bức thư bị rò rĩ được đăng trên tờ Daily Telegraph của Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid.
Hai nghi can bị bắt tại Syria bởi lực lượng Syria do Mỹ hậu thuẫn vào tháng 1 năm nay. Anh và Mỹ đã thảo luận về việc làm cách nào và ở đâu để những người này đối mặt với công lý.
Theo tờ Telegraph, ông Javid viết cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions rằng Anh không có ý định yêu cầu trả hai người này về Anh, nói rằng vụ xử sẽ thành công tại Mỹ.
Thêm vào đó, ông nói Anh sẽ không yêu cầu đảm bảo là hai người này sẽ không bị xử tử.
Trước đó vào ngày thứ Hai 23/7, phát ngôn viên của Thủ tướng Theresa May nói Anh muốn các phần tử hiếu chiến bị xử tại một thẩm quyền tài phán thích hợp nhất.
Tuy nhiên Đảng Lao động đối lập cáo buộc ông Javid là đã “bí mật và đơn phương” từ bỏ lập trường chống án tử hình của Anh.
Giáo viên ở Anh ‘được tăng lương cao sau 10 năm’
Giáo viên ở Anh sẽ được tăng lương từ 1,5% đến 3,5% từ mùa thu năm nay.
Singapore đứng đầu xếp hạng giáo dục quốc tế
Các trường học sẽ được kinh phí 508 triệu bảng trong hai năm để trả khoản tăng lương, từ ngân sách Bộ Giáo dục Anh.
Theo Bộ Giáo dục Anh, giáo viên có thể nhận được thêm từ 1.184 đến 1.366 bảng một năm, còn lương cho giáo viên mới sẽ tăng từ 802 đến 1003 bảng.
Đây sẽ là lần tăng lương cao nhất cho giáo viên kể từ khi chính phủ Anh buộc hạn chế tăng lương cho công chức 10 năm trước đây vì khủng hoảng tài chính.
Đối với hiệu trưởng và các nhân viên, giảng viên ở bảng lương cao hơn, việc tăng lương sẽ khiêm tốn hơn, từ 1,5% đến 2%.
Theo Bộ Giáo dục Anh, tổng thu nhập trung bình của giáo viên Anh năm 2017 là 38.700 bảng.
Lương khởi điểm cho giáo viên ở London là 28.660 bảng, ngoài London là 22.917 bảng.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-44926357
Pháp : Chánh văn phòng tổng thống Macron
điều trần về vụ Benalla
Hôm nay, 24/07/2018, đến lượt ông Patrick Strzoda, chánh văn phòng của tổng thống Emmanuel Macron, ra điều trần trước Ủy ban điều tra của Hạ Viện Pháp về vụ tai tiếng Benalla. Ông này nguyên là trợ lý an ninh của tổng thống Macron, đã bị quay phim đang đánh đập người biểu tình tại Paris ngày Quốc tế Lao động 01/05.
Khi ra điều trần trước Ủy ban điều tra của Hạ Viện, ngày hôm qua, bộ trưởng Nội Vụ Gérarld Colomb và cảnh sát trưởng Paris đều khẳng định là họ không hề biết ông Alexandre Benalla được cử đến quan sát hoạt động của cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm đó. Cho nên, mọi con mắt đang dồn về chánh văn phòng điện Elysée.
Hôm nay cũng là ngày thường lệ mà các dân biểu chất vấn các bộ trưởng và dĩ nhiên các dân biểu đối lập sẽ đòi các bộ trưởng giải trình về vụ Benalla. Vào thứ Năm tới, đến lượt tổng thư ký điện Elysée Alexis Kohler, cánh tay mặt của tổng thống Macron, sẽ phải ra trả lời trước các thượng nghị sĩ.
Đảng đối lập cánh hữu Những Người Cộng hòa thông báo là họ sẽ đệ trình một kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ về vụ Benalla.
Vụ Benalla càng trở nên rối rắm hơn : Trong cuộc điều trần hôm qua, ông Alain Gibelin, giám đốc trật tự công cộng và giao thông của cảnh sát Paris khẳng định là Benalla đã tham gia vào các cuộc họp để bàn về an ninh cho các chuyến đi của tổng thống Macron trong thời gian từ ngày 04 đến 19/05, tức là thời gian mà theo phát ngôn viên của điện Elysée, Benalla đã bị đình chỉ công tác sau vụ hành hung người biểu tình ngày 01/05.
Điện Elysée đã bác bỏ tuyên bố nói trên của ông Gibelin, khẳng định là ông Benalla không hề tham gia bất cứ cuộc họp nào với cảnh sát Paris trong thời gian nói trên. Bản thân ông Gibelin sau đó thừa nhận rằng ông đã nói sai và yêu cầu được ra điều trần lại trước Ủy ban điều tra Hạ Viện.
Hiện nay áp lực lên tổng thống Macron đang gia tăng, đòi ông phải đích thân lên tiếng về vụ nay được mệnh danh là « Benallagate ». Đảng cực tả « Nước Pháp Bất Khuất » thì yêu cầu ông Macron ra trả lời trước các nghị sĩ. Phe đối lập lên án ông Macron đã tìm cách ém nhẹm vụ này và làm tê liệt các cuộc tranh luận ở Quốc Hội. Hậu quả trước mắt của vụ tai tiếng này là việc xem xét dự luật về cải tổ Hiến Pháp đã bị dời lại cho đến sau kỳ nghỉ hè.
http://vi.rfi.fr/phap/20180724-phap-chanh-van-phong-tong-thong-macron-dieu-tran-ve-vu-benalla-ok
Benallagate : Quả bom chùm
đe dọa thượng tầng Nhà nước Pháp
Men chiến thắng của đội tuyển bóng đá giành được chức vô địch thế giới chưa tan, nước Pháp đã bị cuốn vào một cơn lốc chính trị chạm đến thượng tầng nhà nước là phủ tổng thống : Ngay sau tiết lộ của báo Le Monde ngày 18/07/2018 về vụ Alexandre Benalla, một « cận vệ » thân cận của tổng thống Pháp, đã đánh đập thô bạo một người biểu tình tại Paris nhân ngày lễ Lao Động 01/05, dư luận đã sôi sục hẳn lên
Hệ quả chính trị bất ngờ đầu tiên là Quốc Hội Pháp kể từ hôm 22/07 đã phải tạm hoãn khóa họp bàn về dự luật cải tổ Hiến Pháp, do thái độ bất hợp tác hoàn toàn của các dân biểu đối lập, liên tục lên diễn đàn đòi chất vấn chính phủ về vụ Benalla.
Vấn đề xô xát giữa nhân viên công lực và người biểu tình, hay việc người biểu tình bị lực lượng cảnh sát dùng võ lực giải tán không phải là một cảnh hiếm hoi, nhưng vụ Benalla đã làm dấy lên một làn sóng bất bình ngày càng mạnh vì tính chất bất thường của vụ việc :
Người cận vệ thân tín của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoàn toàn không có phận sự gì tại nơi diễn ra biểu tình, nhưng lại có đủ trang bị của một cảnh sát, từ mũ bảo hiểm, băng đeo tay, cho đến máy bộ đàm, và lại có hành vi thô bạo đối với người biểu tình hơn cả cảnh sát, mà không hề bị ai cản trở.
Đến khi vụ việc đến tai phủ tổng thống, biện pháp kỷ luật đối với tác giả vụ bạo hành lại bị cho là quả nhẹ, không tương xứng với lỗi mà anh đã phạm phải. Điều này làm dấy lên suy nghĩ là phủ tổng thống Pháp tìm cách bao che cho người thân cận của ông Macron.
Tâm lý bất bình càng lúc càng tăng trong bối cảnh điện Élysée – tức là phủ tổng thống Pháp – khá im hơi lặng tiếng, đặc biệt là tổng thống Macron. Phải chờ đến tối chủ nhật 22/07, thì giới thân cận của ông Macron mới loan tin là tổng thống Pháp đã đánh giá rằng hành vi của ông Benalla là điều « không thể chấp nhận được », rằng vụ việc đã bộc lộ những lệch lạc trong guồng máy vận hành của điện Elysée cần phải được cải tổ, rằng sự vụ sẽ được làm sáng tỏ…
Báo giới thì không ngần ngại gọi đây là một « Benallagate » – so sánh vụ này với vụ Watergate – đầu thập niên 1970 – thời tổng thống Mỹ Richard Nixon trước đây, đã tác động đến cấp cao nhất nhà nước Hoa Kỳ, dẫn đến việc ông Nixon phải từ chức.
Trong một bài nhận định đăng ngày 20/07 vừa qua trên tạp chí L’Obs, nhà phân tích Pascal Riché công nhận rằng vụ tai tiếng Benalla quả thực là có nguy cơ nổ lớn vì hàm chứa 4 tai tiếng khác nhau : dùng bạo lực vô cớ, mạo danh nhân viên công lực, sử dụng « lính kín » và mưu toan nhận chìm vụ việc. Theo tác giả, khi kết hợp lại với nhau, bốn yếu tố này biến thành một loại bom chùm nổ chậm.
Đối với L’Obs, chính là vì bên trong có 4 chất dễ nổ như kể trên, mà vụ Benalla đã bùng lên như thế, chứ không phải là vì báo giới không có gì để nói trong mùa hè, cũng không phải là vì phe đối lập tại Pháp muốn lợi dụng mọi cơ hội dể tấn công tổng thống Macron.
Bốn vụ việc gây bùng nổ
Tai tiếng đầu tiên liên quan đến hình ảnh bạo lực tại quãng trường Contrescarpe, Paris, được ghi lại trong đoạn video được loan truyền rộng rãi trên mạng, đặc biệt là từ sau khi báo Le Monde vạch trần danh tánh của người bạo hành là Alexandre Benalla. Đoạn phim cho thấy cảnh tượng một người đàn ông đội mũ bảo hiểm của cảnh sát, túm cổ và đánh đập một thanh niên đã bị nhân viên công lực chế ngự rồi. Những người chứng kiến cảnh này đã kêu nài nhưng vô vọng.
Chỉ riêng vụ này đã là một điều không thể chấp nhận được và biện minh cho những lời tố cáo hành vi bạo lực quá đáng đối với người biểu tình.
Tai tiếng thứ hai là hành vi mạo danh nhân viên công lực. Kẻ đánh người biểu tình không phải là cảnh sát, do đó không có quyền can thiệp thô bạo, bạo hành như thế. Dù không phải là cảnh sát, nhưng Benalla lại đeo một băng tay của cảnh sát và các lực lượng cảnh sát có mặt tại chỗ vẫn để cho ông ta mặc nhiên hành động. Đây là một hành động vi phạm rõ rệt hệ thống Nhà nước pháp quyền, căn bản của một nền dân chủ.
Điểm gây sốc thứ ba là sự kiện nhân vật hung bạo và hống hách đó lại là một cộng sự viên thân cận với tổng thống Pháp. Và người ta đã khám phá ra là tại phủ tổng thống Pháp, đã có những cộng sự viên có quy chế không rõ ràng, như trong trường hợp Alexandre Benalla và người bạn của ông ta là Vincent Crase, những người được giao phó những nhiệm vụ mờ ám. Khám phá này đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông Macron, người luôn luôn nhấn mạnh trên thái đô « gương mẫu » và sự liêm khiết cần thiết trong trách nhiệm tổng thống.
Điểm gây chấn động thứ tư, và có lẽ nghiêm trọng nhất là toan tính rõ ràng từ phía điện Elysée là muốn che giấu sự vụ.
Tác giả bài viết nhắc lại ở Hoa Kỳ, từ khi có vụ Watergate đã khiến tổng thống Nixon phải ra đi, thì đã xuất hiện một câu cách ngôn chính trị « Tai tiếng gây chấn động không bao giờ đến từ bản thân tội trạng, mà đến từ các thủ đoạn dùng để che giấu tội trạng đó – It’s never the crime, always the cover up »… Điều đó đã được chứng minh về sau trong các vụ tai tiếng Monica Lewinsky, thời tổng thống Bill Clinton, hay vụ ngụy tạo bằng chứng để đánh Irak thời tổng thống George Bush Junior.
Trong trường hợp Benallagate, thì điện Élysée có tìm cách che giấu những gì xẩy ra ngày mùng 1 tháng 5 ? Viện Công Tố đã không được thông báo, trái với yêu cầu của điều 40 bộ Luật Tố Tụng Hình Sự,. Benalla chỉ bị phạt rất nhẹ một cách qua loa. Trên nguyên tắc, ông được cho là không còn trách nhiệm về an ninh, nhưng ngày 16/07, sau Cúp Bóng Đá Thế Giới, người ta đã thấy mặt Benalla trên đại lộ Champs Élysées trên chiếc xe buýt chở các nhà vô địch bóng đá.
Phủ tổng thống Pháp đã quá coi thường dư luận ?
Đối với tác giả bài báo trên L’Obs, thái độ của Điện Elysée trong trường hợp Benalla có thể được đánh giá theo hai cách, hoặc là nghiệp dư, hoặc là mang tính chất đồng lõa.
Điều đáng ngạc nhiên nhất đối với nhà phân tích, là điện Élysée đã thật là mạo hiểm vì cảnh bạo hành đã được nhiều điện thoại di động thu lại và khả năng Benalla bị nhận diện rất cao.
Và ngay khi hình ảnh xuất hiện trên các mạng xã hội, thì tổng thống Macron lẽ ra phải cách chức, và sa thải ngay Benalla, nhưng ông đã không làm. Sau bài báo trên tờ Le Monde tiết lộ vụ việc, thì ông Macron lý ra phải có phản ứng mẽ hơn nữa, công khai lên tiếng và sa thải Benalla, thậm chí sa thải cả những lãnh đạo trực tiếp của nhân vật này vốn đã cho thấy không hiểu gì về cộng sự viên của họ. Điều này ông Macron cũng không làm, khiến cho vụ việc chỉ bùng thêm lên.
Thái độ của tổng thống làm dấy lên nhiều câu hỏi và thắc mắc : Khi mới vào điện Élysée, ông đã không ngần ngại cách chức tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp chỉ vì vài lời chỉ trích ngân sách quốc phòng. Thế mà tại sao giờ đây, ông lại không thể gạt bỏ một cộng sự viên tính khí bất ổn đã có nhiều tai tiếng ? Tại sao điện Élysée có vẻ cần đến nhân vật này trong lúc mà phủ tổng thống có đội bảo vệ an ninh cho tổng thống GSPR ? Câu hỏi khác là mối quan hệ thực thụ giữa ứng viên rồi tổng thống Macron với Benalla, theo sát ông như hình với bóng, là như thế nào ?
Tóm lại, khi không xử lý đúng đắn vụ tai tiếng này như lý ra phải làm, điện Élysée đã làm dấy lên hàng ngàn câu hỏi chính đáng nhưng phiền hà, và tổng thống Pháp để mình rơi vào tầm nhắm của phe đối lập.
http://vi.rfi.fr/phap/20180724-benallagate-qua-bom-chum-de-doa-thuong-tang-nha-nuoc-phap-ok
Truyện ngụ ngôn La Fontaine tròn 350 tuổi
Gà đẻ trứng vàng, Con quạ và con cáo, Thả mồi bắt bóng, Chuột tỉnh và chuột đồng ….. hầu hết các học sinh tiểu học đều đã từng đọc qua truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Năm 2018 đánh dấu đúng 350 năm ngày phát hành bộ truyện ngụ ngôn ‘‘Fables’’. Bao gồm tổng cộng ba quyển, tập đầu tiên đã được xuất bản vào năm 1668.
Hơn ba thế kỷ sau ngày Jean de La Fontaine qua đời (1621-1695), tác phẩm của ông vẫn được in một cách đều đặn, được giảng dạy trong các trường học ở Pháp. Theo một cuộc thăm dò gần đây do cơ quan GfK (với phương châm Growth from Knowledge) thực hiện, La Fontaine nằm trong số các tác giả thu hút được nhiều tầng lớp độc giả, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tính trung bình, hàng năm có khoảng 100.000 tập truyện ngụ ngôn được bán ở Pháp. Trong số các tác giả được đưa vào sách giáo khoa, ông đứng hàng thứ ba, sau Molière và Victor Hugo.
Chỉ có điều là Molière hay Victor Hugo có rất nhiều tác phẩm được giảng dạy, trong khi Jean de La Fontaine chỉ có một quyển sách duy nhất được đưa vào chương trình sư phạm. Số liệu sách bán hàng năm cũng chỉ liên quan tới nước Pháp, trong khi Truyện ngụ ngôn của La Fontaine từng được dịch sang hàng chục thứ tiếng kể cả trong tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên là của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, xuất bản vào năm 1916. Thời nay đa phần bộ truyện ngụ ngôn La Fontaine được in thành truyện thiếu nhi đi kèm với tranh vẽ hay ảnh minh họa.
Truyền thống minh hoạ truyện ngụ ngôn đã có từ giữa thế kỷ XVIII, sau khi tác giả La Fontaine qua đời. Phiên bản nổi tiếng nhất là của bà Diane de Selliers (nhà xuất bản Dessaint & Saillant & Durant 1755-1759) tập hợp 250 câu chuyện ngụ ngôn, được minh họa bằng các bức tranh khắc của họa sĩ Jean-Baptiste Oudry. Ấn bản này nằm trong số các bộ sách quý hiếm, được giới sưu tầm săn lùng qua các cuộc bán đấu giá tại Drouot hay là Artcurial …..
Theo nhà văn Erick Orsenna, thành viên Hàn Lâm Viện Pháp và cũng là tác giả quyển tiểu sử về La Fontaine, truyện ngụ ngôn có nhiều bài học qúy báu, nhờ chiều sâu của ý nghĩa mà vượt năm tháng thời gian. Thể loại ngụ ngôn đã có từ thời xa xưa, tác giả Ésope thời Hy Lạp cổ đại (thế kỷ thứ VI trước công nguyên) đã từng nổi tiếng nhờ các mẫu chuyện ngụ ngôn truyền khẩu.
Nhà thơ La Fontaine đã gợi hứng nhiều từ bậc thầy Ésope, nhưng khi ông tập hợp lại các mẫu chuyện ngụ ngôn, thay vì sáng tác theo văn xuôi, ông lại chọn thể thơ có vần điệu, nhờ vậy mà nội dung lại càng dễ nhớ. Trong số những câu chuyện quen thuộc nhất đối với người Pháp có Con thỏ và con rùa, Con quạ và con cáo, Con ve và con kiến. Nhưng bên cạnh đó còn có hàng loạt câu chuyện khác như Nồi đất và nồi đồng, Chồn sa vựa thóc, Sói giả làm người chăn cừu …..
Theo nhà văn Marc Fumoreli, chuyên gia nghiên cứu về La Fontaine, truyện ngụ ngôn thời nào cũng thích hợp, vì nó phản ánh luân lý của con người, đạo đức trong xã hội. Điều đó giải thích vì sao truyện ngụ ngôn đã được giảng dạy ngay từ đầu thế kỷ XVIII trong các trường Dòng Tên, sau đó được phổ biến trong sách giáo khoa từ năm 1870. Tuy nhiên, theo ông sự ‘‘rèn luyện nhân cách’’ ấy cũng cần có sự chừng mực cân nhắc, để không trở thành rập khuôn giáo điều, điều mà nhà văn Jean-Jacques Rousseau từng nhắc đến lúc sinh tiền.
Nếu còn sống, hẳn chắc tác giả La Fontaine sẽ rất ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều câu nói của ông đã đi vào ngôn ngữ của đời sống hằng ngày. Đó là trường hợp của những câu nói như : “Ventre affamé n’a pas d’oreille” (Bụng đói thì tai điếc), “La raison du plus fort est toujours la meilleure” (Mạnh được yếu thua, ưu thắng liệt bại), “L’avarice perd tout en voulant tout gagner” (Tham thì thâm), “Petit à petit l’oiseau fait son nid” (Kiến tha lâu đầy tổ). “Patience et longueur de temps font plus que force ni que rage. ” (Hữu chí giả sự cánh thành, bền chí nhất quyết sẽ thành công) …..
Đôi khi, người Pháp dùng rất nhiều thành ngữ mà không biết đó là những câu thơ trích từ truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Điều đó là món quà quý báu đối với một tác giả, đôi khi còn có giá trị hơn cả hàng ngàn quyển sách được bán hàng năm, khi danh ngôn của La Fontaine vẫn lưu truyền cho muôn đời sau.
http://vi.rfi.fr/van-hoa/20180724-truyen-ngu-ngon-la-fontaine-tron-350-tuoi
Cháy lớn ở Hy Lạp, ít nhất 74 người chết
Các đám cháy rừng dữ dội quét qua một thị trấn du lịch của Hy Lạp đã giết chết ít nhất 74 người, trong số các nạn nhân có nhiều gia đình có con nhỏ. Một số nạn nhân được phát hiện còn ôm chặt con trong vòng tay khi bị chết cháy trong lúc đang tìm cách chạy thoát thân.
Đây là vụ hỏa hoạn khủng khiếp nhất kể từ khi bán đảo Peloponnese ở phía nam Hy Lạp bị lửa tàn phá vào tháng 8/2007, làm hàng chục người thiệt mạng. Đám cháy bùng phát ở Mati vào chiều muộn ngày 23/7 và vẫn tiếp tục cháy ở một số khu vực trong ngày 24/7.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố để quốc tang cho những nạn nhân của vụ hỏa hoạn.
Các nhóm cấp cứu tìm thấy một nhóm 26 nạn nhân, một số là thiếu niên, nằm sát nhau gần đỉnh của một vách đá nhô ra biển.
“Họ đã cố tìm một lối thoát nhưng không may là những người này và các con còn nhỏ của họ đã không thoát được ngọn lửa. Theo bản năng, khi đối diện cái chết, họ đã ôm lấy nhau,” ông Nikos Economopoulos, người đứng đầu Hội chữ Thập đỏ của Hy Lạp, nói với Skai TV.
Lực lượng tuần duyên cho biết các tàu tuần duyên và những tàu thuyền khác đã giải cứu được gần 700 người đã chạy được ra tới bờ biển, đồng thời lôi được 19 người sống sót cùng 4 xác nạn nhân từ biển vào bờ.
Một phóng viên của Reuters trông thấy tận mắt ít nhất 4 xác nạn nhân trên một con đường nhỏ đầy xe ô tô đang chạy về hướng biển.
“Cư dân và khách du lịch trong khu vực này không chạy kịp mặc dù họ chỉ cách biển có vài mét, hoặc họ đang ở trong nhà,” người phát ngôn Stavroula Maliri của đội cứu hỏa Hy Lạp cho biết.
Thị trưởng Evangelos Bournous của khu vực Rafina-Pikerma ở kế cận ước lượng có ít nhất 60 người thiệt mạng. Hiện không rõ còn bao nhiêu nạn nhân chưa được tìm thấy trong khi các tàu tuần duyên tiếp tục rà soát dọc theo bờ biển để tìm thêm bất cứ người nào còn sống sót.
Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết các bệnh viện quân sự đã được đặt trong tình trạng báo động đỏ.
Một trong những nạn nhân trẻ nhất được cho là sáu tháng tuổi đã chết vì bị ngợp khói. Nhà chức trách còn cho biết trong số 156 người bị thương, có 11 người đang trong phòng cấp cứu.
Mati nằm cách thủ đô Athens của Hy Lạp khoảng 29 km về hướng đông và là một địa điểm hấp dẫn đối với khách nhàn du, đặc biệt những người về hưu và trẻ em đi cắm trại.
Đội cứu hỏa Hy Lạp cho biết cường độ và độ bao phủ của các đám cháy rừng ở Mati đã suy giảm hôm 24/7 khi các ngọn gió giảm cường độ nhưng khu vực này vẫn chưa hoàn toàn được khống chế. Đội cứu hỏa hối thúc các gia đình hãy báo cáo với giới hữu trách về những người thân và bạn bè bị mất tích.
https://www.voatiengviet.com/a/chay-lon-o-hy-lap-it-nhat-60-nguoi-chet/4497409.html
Không có Mỹ, Đài Loan dễ bị xâm chiếm
Không có sự hỗ trợ quân sự liên tục của Hoa Kỳ, Đài Loan dễ bị Bắc Kinh xâm chiếm bằng quân sự, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Ngoại trưởng Josep Wu nói với Đài CNN là chính phủ Đài Loan cảm thấy các quan hệ với Hoa Kỳ đã trở nên vững mạnh hơn trong những năm gần đây, nhưng điều thiết yếu đối với Washington là tiếp tục trợ giúp Đài Bắc về quân sự lẫn ngoại giao.
Ông Wu nói “nếu Trung Quốc thấy Đài Loan không được Hoa Kỳ hỗ trợ thì họ sẽ nghĩ đến bắt đầu kịch bản xâm chiến Đài Loan.”
Dù Đài Loan là một hòn đảo tự trị trong gần 70 năm qua, nhưng chính phủ Hoa lục tiếp tục xem đảo này như một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh tăng cường áp lực đối với chính phủ Đài Loan kể từ khi Đảng Dân tiến của Tổng thống Thái Anh Văn có truyền thống nghiêng về độc lập, lên cầm quyền vào năm 2016.
Hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan từ ngày thứ Tư 18/7 cho đến thứ Hai 23/7 mà một chuyên gia được trích lời Hoàn cầu Thời báo của nhà nước cho rằng để “đáp ứng với các phần tử đòi ly khai Đài Loan.”
Ông Wu nói những cuộc tập trận bắn đạn thật là một phần của chiến dịch nhằm “đe dọa nhân dân Đài Loan.”
Bắc Kinh từ lâu mong muốn tái thống nhất Đài Loan với Hoa lục. Trong một bài diễn văn vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình mô tả việc thống nhất như “nguyện vọng của toàn dân Trung Quốc.” Trong một chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hồi tháng 6, ông Tập nói Trung Quốc sẽ không từ bỏ “một tấc đất nào.”
Tuy nhiên ông Wu nói hành động chống Đài Loan của Trung Quốc đang phá hoại sự ủng hộ đối với ông Tập trong những nỗ lực thống nhất của ông Tập và khiến cho công luận quay lại chống Bắc Kinh.
Trong những tháng đầu của chính quyền ông Trump, có những câu hỏi là liệu Đài Loan sẽ được sử dụng như là con tốt giữa Washington và Bắc Kinh hay không vì Bắc Kinh luôn luôn quan tâm đến việc Đài Loan trở về với Hoa lục.
Tuy nhiên hơn một năm rưỡi sau đó, ông Wu nói Đài Loan hài lòng với các mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan ngày càng chặt chẽ dưới chính quyền ông Trump.
Được hỏi là liệu Tổng thống Thái Anh Văn, lãnh đạo Đảng Dân tiến có truyền thống cổ súy độc lập, sẽ đẩy mạnh độc lập cho Đài Loan hay không, ông Wu nói bà Thái quyết tâm “giữ nguyên trạng” với nước láng giềng Hoa lục.
Trong khuôn khổ của chiến dịch làm áp lực, chính phủ Trung Quốc dần dần cắt bớt số đồng minh ngoại giao nhỏ bé của Đài Loan trên thế giới. Vào tháng 5 năm nay, Cộng hòa Dominica và Burkina Faso cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để đổi lấy Bắc Kinh.
Quốc gia mang tính biểu tượng cao nhất vẫn còn công nhận Đài Bắc thay vì Bắc Kinh là Vatican, quốc gia nhỏ bé là cái nôi của giới lãnh đạo Giáo hội Công Giáo.
Trong 6 tháng qua, có những lời đồn đại được đưa ra là Đức Thánh Cha có thể đang xem xét việc chuyển sang công nhận Bắc Kinh nhưng ông Wu nói Đài Loan vẫn hy vọng là Vatican sẽ vẫn giữ đối tác ngoại giao với Đài Loan lâu dài.
(Nguồn CNN)
Trật tự thế giới kiểu Trung Quốc:
lấy Bắc Kinh làm trung tâm
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lưng lại với các cơ chế của chủ nghĩa đa phương để thực hiện chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’, Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đang giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương để lôi kéo thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương mà Trung Quốc đang xây dựng là mô hình trật tự quốc tế xoay quanh Trung Quốc với Trung Quốc giữ vai trò trung tâm, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định.
Ông Jonathan Hillman, giám đốc chương trình Tái kết nối châu Á của CSIS đã đưa ra nhận định trên trong một bài viết đăng trên tờ Washington Post.
Hồi đầu tháng, nguyên thủ 16 quốc gia Đông và Trung Âu tề tựu xung quanh một cường quốc đơn nhất ở thủ đô Sofia của Bulgaria. Điều bất ngờ là thế lực triệu tập hội nghị này không phải là Liên minh châu Âu, Nga, hay Mỹ vốn về mặt lịch sử có mối quan hệ văn hóa, chính trị và an ninh chặt chẽ với khu vực. Thay vào đó, quốc gia giữ vị trí trung tâm là Trung Quốc, không chỉ ở khu vực Trung và Đông Âu mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Trải qua bảy năm tổ chức, hội nghị thượng đỉnh ‘16+1’ này thể hiện rõ nét nhất mô hình thế giới nghe có vẻ đa phương của Trung Quốc. Mô hình này tập hợp nhiều quốc gia và nó có vẻ bề ngoài là kéo các nước tham gia và tạo dựng sự đồng thuận. Tuyên bố chính thức của hội nghị khẳng định sự ủng hộ cho Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên Hiệp Quốc, hai trụ cột thật sự của chủ nghĩa đa phương vốn ngày càng bị đe dọa.
“Chúng ta cần phải giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương,” Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại hội nghị.
“Tuy nhiên, dưới vẻ bề ngoài đó, mô hình 16+1 của Trung Quốc về cơ bản khác hoàn toàn với các tập quán và thể chế đa phương mà Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ,” ông Jonathan Hillman nhận định. “Trung Quốc và các đối tác của họ không tuân theo những nguyên tắc thông thường vốn có tác động đáng kể đối với cách hành xử của họ. Cũng không có cái gì là kết quả của sự đồng thuận.”
“Mô hình chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc thiếu chiều sâu và nó dựa trên sự ve vuốt cái tôi và những thỏa thuận song phương treo lủng lẳng trước mặt. Nên gọi đây là ‘chủ nghĩa lấy lòng’,” ông Hillman viết trên Washington Post.
Cũng theo ông Hillman, nếu như mô hình này đem lại lợi ích thì những lợi ích này chủ yếu về tay Trung Quốc. Dưới vỏ bọc là có sự tham gia rộng rãi của nhiều nước, Bắc Kinh ủng hộ những chính quyền nào đưa ra những quy định đầu tư bớt ngặt nghèo để đảm bảo rằng các công ty Trung Quốc được giao cho các dự án lớn. Chẳng hạn như nền kinh tế của Bosnia chỉ vào khoảng một phần ba quy mô của Croatia nhưng nó lại không tuân theo những nguyên tắc của EU về việc đấu thầu công khai. Chỉ riêng năm ngoái, Bosnia đã nhận được đầu tư Trung Quốc gấp 10 lần nước láng giềng Croatia, theo số liệu thống kê của CSIS.
“Đây là ngoại giao khôn khéo, nhưng đó không phải chủ nghĩa đa phương,” vị chuyên gia của CSIS nhận định và cho biết Bắc Kinh cũng sử dụng mô hình này dưới nhiều dạng thức khác nhau ở những khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như họ đặt họ ở vị trí trung tâm của các hội nghị thượng đỉnh của châu Phi và Mỹ Latin.
Mô hình ‘chủ nghĩa lấy lòng’ này cũng xuyên suốt trong tầm nhìn đối ngoại mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình: Dự án ‘Một Vành đai, Một Con đường’ nhằm kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu qua đường bộ và đường biển.
Được ra mắt vào năm 2013, Dự án ‘Vành đai, Con đường’ có mục tiêu là đặt Bắc Kinh vào vị trí trung tâm của mọi thức thông qua các dự án cơ sở hạ tầng mới, các thỏa thuận thương mại, trao đổi văn hóa và một loạt các liên hệ khác.
“Cùng với nhau, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng rộng lớn có cùng chung lợi ích,” ông Tập phát biểu trước gần 30 nguyên thủ và đại diện của hơn 130 quốc gia và 70 tổ chức quốc tế tề tựu ở Bắc Kinh để tham dự Thượng đỉnh ‘Vành đai, Con đường’ hồi năm ngoái.
‘Vành đai, Con đường’ là một bước đi lớn trong việc quảng bá địa chính trị. Với dự án này, ông Tập trên thực tế đang quảng bá trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm đối với thế giới, theo ông Hillman.
“Thay vì co mình lại trước những bản đồ thể hiện rằng tất cả những con đường đều dẫn đến Bắc Kinh, gần 70 nước đã tham gia vào dự án,” ông viết và nói thêm rằng trong số những cơ quan ủng hộ dự án này còn có Liên Hiệp Quốc, WTO và các những tổ chức lâu nay vẫn duy trì chuẩn mực của chủ nghĩa đa phương thực sự.
Dự án này thật ra là vô vàn những những thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và các nước, trong đó có những thị trường mà ít quốc gia nào dám khai phá. Hơn phân nửa các nước tham gia vào ‘Vành đai, Con đường’ có mức đánh giá tín nhiệm về nợ quốc gia hoặc là không có gì hoặc là không được đánh giá. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào những dự án cơ sở hạ tầng có quy mô lớn nghe rất lọt lỗ tai của các nhà lãnh đạo các nước này vốn muốn tạo ấn tượng tốt cho mình ở trong nước và để lại di sản cho đời sau.
Hơn nữa các dự án cơ sở hạ tầng này còn dẫn đến sự lệ thuộc. Ông Hillman dẫn ra trường hợp của một cựu Tổng thống Sri Lanka. Quê nhà của ông này đã chứng kiến những dự án lớn như sân bay quốc tế, sân vận động cricket và một hải cảng. Chúng đều dùng nguồn vốn vay của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc xây dựng và đều được đặt tên theo vị tổng thống này. Giờ đây chúng ít khi được sử dụng trong khi Sri Lanka phải oằn mình gánh nợ còn Trung Quốc được quyền kiểm soát hải cảng.
Trong vòng năm năm tới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cam kết đầu tư 250 tỷ đô la vào các nước dọc theo dự án ‘Vành đai, Con đường’.
Chưa đầy một tuần sau thượng đỉnh ‘16+1’, các nguyên thủ NATO họp lại ở Brussels, Bỉ, để chứng kiến một trong những hội nghị thượng đỉnh khó khăn nhất của khối này trong lịch sử khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên giọng chỉ trích các nước đồng minh.
“Thông thường thì hội nghị thượng đỉnh của liên mịnh quân sự hùng mạnh nhất thế giới sẽ cho mọi người thấy sự tưởng phản rõ ràng với các hội nghị nông cạn của Bắc Kinh,” ông Hillman viết.
“Tuy nhiên với sự thiếu vắng sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ đối với cơ chế đa phương thì sẽ càng khó khăn hơn để nhận diện kẻ phá bĩnh.”
TQ: Phạt công ty vụ bê bối vaccine nửa triệu đôla
Nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh điều tra vụ bê bối vaccine đang gây tâm lý hoảng loạn.
Tuần trước, công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh bị phát hiện làm giả số liệu kiểm định vaccine phòng bệnh dại.
Công ty được lệnh phải ngừng sản xuất và thu hồi loại vaccine này.
TQ: thanh niên chết tại trại cai nghiện Internet
Thương xót bao trùm bà mẹ TQ giết con
Tin tặc tấn công hệ thống y tế Singapore
Ba thách thức cho ngành y tế toàn cầu
Chưa có bằng chứng về tác hại của loại vaccine này, nhưng vụ bê bối khiến công luận phẫn nộ.
Công ty Trường Sinh tạm ngưng giao dịch cổ phiếu hôm 23/7 trong lúc giá cổ phiếu giảm 10%.
Cổ phiếu này đã giảm 47% từ giữa tháng 7/2018, khi tin về vụ bê bối lan ra.
Hôm 22/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc những người liên quan, nói rằng vụ việc đã “vượt qua lằn ranh đạo đức”.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý các hành động bất hợp pháp gây nguy hiểm cho mạng sống của người dân, trừng phạt những kẻ phạm pháp và phê bình những người lơ là nhiệm vụ giám sát”, thông cáo ghi lời ông đăng trên website chính phủ.
Công ty Trường Sinh xin lỗi và nói rằng họ sẽ hợp tác với các nhà quản lý thuốc để thực hiện cuộc điều tra nội bộ.
Trung Quốc thu mua không khí sạch
Người hưu trí Trung Quốc “xâm chiếm” thế giới
TQ phạt tù 16 người cấy ghép thận chui
Vụ này xảy ra như thế nào?
Hôm 15/7, Cục quản lý Dược phẩm Trung Quốc (SDA) thông báo Công ty Trường Sinh làm giả số liệu kiểm định vaccine phòng bệnh dại.
Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức cho biết công ty nêu trên đã “tự ý thay đổi các thông số” trong quá trình sản xuất.
Chính quyền tỉnh Cát Lâm sau đó thông báo đợt tiêm chủng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà năm 2017 bằng vaccine DTaP của công ty này cũng không đạt chuẩn.
Theo CGTN, hơn 250.000 liều DTaP được bán cho các trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở miền đông Trung Quốc.
Công ty này bị phạt 510.000 đôla.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44914844
Bắc Hàn ‘bắt đầu tháo dỡ’ cơ sở thử vũ khí
Bắc Hàn dường như đã bắt đầu tháo dỡ một phần của khu vực thử nghiệm phóng tên lửa quan trọng ở phía tây bắc nước này.
Nhóm quan sát 38 North phát hiện hình ảnh vệ tinh chụp tại khu vực trạm Sohae cho thấy Bình Nhưỡng đang tuân thủ một lời hứa với Hoa Kỳ vào tháng Sáu.
Hồi 12/6, sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, Tổng thống Donald Trump nói lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã hứa sẽ phá hủy một địa điểm thử nghiệm tên lửa, nhưng không nói rõ địa điểm nào.
Mỹ thúc giục Bắc Hàn chọn ‘cách thức VN’
Bắc Hàn ‘vẫn có thể cải tổ như Việt Nam’
Bình Nhưỡng trước đó khẳng định rằng Sohae là một khu vực phóng vệ tinh nhân tạo.
Nhưng các quan chức Mỹ nghi ngờ rằng nó đã được sử dụng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Trong cuộc gặp mang tính bước ngoặt, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã ký một thỏa thuận để hướng tới việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”.
Nhưng thỏa thuận này bị chỉ trích là thiếu chi tiết cụ thể về thời gian hay cách thức Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trước đó vào hôm thứ Hai, Tổng thống Trump nói rằng ông “rất vui” với những tiến bộ trong quan hệ với Bắc Triều Tiên, và rằng Bình Nhưỡng đã không phóng tên lửa hoặc thực hiện bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân nào trong chín tháng qua.
Bắc Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng sáu vụ thử nghiệm hạt nhân, lần gần đây nhất xảy ra vào tháng Chín năm ngoái.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44909709
LHQ : Miến Điện phải « gia tăng nỗ lực »
hồi hương người Rohingya
Hội Đồng Bảo An hôm qua 23/07/2018 yêu cầu Miến Điện « gia tăng đôi nỗ lực, nhất là thông qua phát triển kinh tế – xã hội, để bảo đảm việc hồi hương an toàn, tự nguyện và tôn trọng nhân phẩm của người tị nạn Rohingya ».
Theo AFP, trong thông cáo sau một cuộc họp kín của 15 thành viên Hội Đồng Bảo An về hồ sơ người Rohingya Miến Điện, Liên Hiệp Quốc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc điều tra độc lập và minh bạch về nghi án lạm dụng và vi phạm nhân quyền nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.
Bà Christine Schraner Burgener, phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, khẳng định với giới truyền thông là chính phủ nước này ủng hộ hồi hương hàng trăm ngàn người Rohingya đã trốn chạy khỏi bang Rakhine cách đây một năm. Theo nhà chức trách Miến Điện, sự chia rẽ ở Rakhine không thể chỉ do chính phủ giải quyết vì nó còn phụ thuộc vào cộng đồng Hồi Giáo và Phật Giáo ở bang này.
Phái viên Liên Hiệp Quốc cũng nói thêm rằng các cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi về các khó khăn và thách thức đã diễn ra rất cởi mở, hữu nghị và mang tính xây dựng cao. Từ hai tháng nay, bà Christine Schraner Burgener đến bang Rakhine 2 lần. Bà cho biết sẽ quay lại đây vào tháng 09/2018 và bà cũng muốn tới thăm các bang khác của Miến Điện.
Lào: Vỡ đập thủy điện, hàng trăm người mất tích
Hàng trăm người mất tích vì vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào tối 23/7.
5 tỷ mét khối nước đổ xuống hạ lưu, gây lũ lụt ở sáu ngôi làng, khiến nhiều người chết.
Tin tức nói hơn 6.600 người đã mất nhà cửa.
Đập Xe-Pian Xe-Namnoy được xây năm 2013 và dự tính sẽ đi vào hoạt động từ 2019.
Theo Thông tấn xã Lào, các công ty liên quan dự án gồm Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan, Korea Western Power của Hàn Quốc và công ty nhà nước Lao Holding State Enterprise.
Đối tác Thái Lan chính trong dự án, Ratchaburi Electricity Generating Holding, nói họ đã nhận được thông báo từ những người vận hành đập này rằng một “đập đệm” có chiều dài 770m, cao 16m, đã vỡ.
Thông báo này viết mưa không dứt dã khiến “một lượng nước lớn” tràn vào hồ chứa nước.
“Hiện tại, Công ty Điện lực Xe-Pian Xe-Namnoy và các cơ quan liên quan đã sơ tán người dân sống quanh khu vực này,” thông báo viết thêm.
Nhiều nước trên TG chống chọi với nắng nóng kỷ lục
Lào tuyên bố rút quân khi Hun Sen thăm
Nepal muốn khôi phục đập thủy điện với TQ
BBC tiếng Hàn hỏi một phát ngôn viên của SK Contruction, công ty có hoạt động tại dự án này, và được biết:
“Toàn bộ khu vực đã bị mưa lớn trong hai tuần qua, và lượng mưa lên tới trên 450 mm hôm Chủ Nhật.
“Chúng tôi hiện chưa rõ chính xác lý do vụ vỡ đập nhưng tin rằng phần trên đập bị tràn và nước từ hồ dự trữ đổ sang đập chính.”
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã hủy họp chính phủ để đi tới khu vực bị ảnh hưởng, theo truyền thông nhà nước.
Đập thủy điện 1,2 tỉ đôla là một phần trong dự án của liên doanh điện lực Xe Pian-Xe Namnoy (PNPC) đặt trụ sở ở Vientiane.
Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam cho biết thêm PNPC, thành lập 2012, là dự án liên doanh giữa Công ty xây dựng và chế tạo SK (SK E&C), Công điện lực Tây Hàn Quốc (KOWEPO), công ty điện lực Ratchaburi (RATCH) và công ty Lao Holding State Enterprise (LHSE).
SK E&C nắm giữ 24% cổ phần trong PNPC và LHSE là 26%. RATCH cùng KOWEPO nắm số cổ phần còn lại, ngang bằng nhau, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà máy thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang được xây dựng có công suất thiết kế 410 megawatt dự kiến bắt đầu hoạt động từ 2019.
Theo kế hoạch, 90% lượng điện của nhà máy sẽ dành xuất khẩu sang cho Thái Lan.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44926356
Kêu gọi tẩy chay bầu cử,
nhiều lãnh đạo đối lập Cam Bốt bị truy tố
Một tuần trước cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt, ngày 23/07/2018 Ủy Ban Bầu Cử nước này thông báo, Phnom Penh truy tố 5 lãnh đạo của phe đối. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đã bị giải thể nhưng nhiều nhân vật trong đảng này kêu gọi tẩy chay một “cuộc bầu cử phi dân chủ”.
Theo thông cáo của Ủy Ban Bầu Cử, mỗi bị cáo trong hồ sơ nói trên có thể bị phạt tới 4.200 euro. Quyết định trên được đưa ra trên cơ sở một bức ảnh phổ biến rộng rãi trên các mạng xã hội, cho thấy nhiều nhà đối lập Cam Bốt đang vận động tại tỉnh Battambang, miền tây nước này, họ giơ cao ngón tay cái, biểu tượng của phong trào “clean finger” kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc Hội tại xứ Chùa Tháp.
Một trong số 5 gương mặt đối lập Cam Bốt trong tầm ngắm của tư pháp là ông Chea Chiv, nguyên lãnh đạo chi nhánh của Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt tại Battambang. Chủ tịch đảng này là ông Khem Sokha đang bị cầm tù vì lý do “thông đồng với Mỹ, âm mưu lật đổ chế độ” do đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông Hun Sen lãnh đạo.
Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH nhấn mạnh, kêu gọi tẩy chay bầu cử không là một hành động phi pháp. Cùng quan điểm với FIDH, bà Rhona Smith, đại diện Liên Hiệp Quốc đặc trách hồ sơ nhân quyền Cam Bốt một lần nữa kêu gọi chính quyền Phnom Penh tôn trọng quyền tự do của các cử tri.