Tin khắp nơi – 24/05/2018
Tổng thống Trump ‘hủy’ cuộc gặp
với lãnh tụ Bắc Hàn
Tổng thống Donald Trump hôm 24/5 tuyên bố “hủy” cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 ở Singapore.
Thật đáng buồn, vì sự giận dữ khủng khiếp và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy rằng lúc này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã mất nhiều thời gian hoạch định này.
Bức thư của ông Trump có đoạn.
Nhà Trắng mới công bố bức thư gửi ông Kim, trong đó nguyên thủ Hoa Kỳ nói rằng ông “đã nóng lòng tới đó” với người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng.
“Thật đáng buồn, vì sự giận dữ khủng khiếp và thù nghịch công khai thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ngài, tôi cảm thấy rằng lúc này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã mất nhiều thời gian hoạch định này”, bức thư có đoạn.
“Thế giới, nhất là Bắc Hàn, đã đánh mất một cơ hội tuyệt vời dẫn tới hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Cơ hội bị bỏ lỡ này là một thời khắc hết sức đáng buồn trong lịch sử”.
Quyết định của ông Trump được đưa sau khi Bình Nhưỡng cho nổ tung địa điểm thử nghiệm hạt nhân nhằm thực thi cam kết ngưng thử hạt nhân trước đó.
Trong bức thư, nhà lãnh đạo Mỹ viết rằng “ngài nói về khả năng hạt nhân của nước ngài, nhưng [năng lực] của chúng tôi cũng thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng”.
Ngài nói về khả năng hạt nhân của nước ngài, nhưng [năng lực] của chúng tôi cũng thực sự lớn và mạnh tới mức tôi cầu Thượng đế rằng chúng sẽ không bao giờ được sử dụng.
Bức thư của Tổng thống Trump có đoạn.
Trước đó, Bắc Hàn lặp lại lời đe dọa sẽ rút khỏi cuộc gặp lịch sử chưa có tiền lệ với ông Trump vào tháng tới, đồng thời cảnh báo đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu hạt nhân với Washington nếu cần, theo Reuters.
Trong tuyên bố được truyền thông Bắc Hàn loan tải, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui trước đó gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “kẻ bù nhìn về chính trị” vì coi Bắc Hàn là “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân” và so sánh nước này với Libya.
Lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này, ông Muammar Gaddafi, đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân còn dang dở trước khi bị các dân quân được NATO hậu thuẫn giết chết.
Theo Reuters, việc hủy cuộc gặp lần đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và lãnh tụ Bắc Hàn khiến ông Trump vuột mất cái mà nhiều ủng hộ viên của ông coi là một thành tựu ngoại giao lớn nhất cũng như khả năng giành giải Nobel Hòa bình.
Trong lá thư, ông Trump cũng nói tới “sự đối thoại tuyệt vời” đã được gây dựng với ông Kim, và cho biết “nóng lòng gặp” nhà lãnh đạo Bắc Hàn vào “một ngày nào đó” trong tương lai.
Bài học từ Việt Nam cho lãnh tụ Kim Jong Un?
Nguyên thủ Hoa Kỳ cũng “muốn cám ơn” ông Kim đã thả những người Mỹ gốc Triều Tiên mà ông gọi là “các con tin”.
“Đó là một cử chỉ đẹp”, ông Trump viết, và nói rằng ông “đánh giá cao” điều đó.
Ukraine trả tiền để được đàm phán với Trump
Paul WoodBBC News, Kiev
Luật sư riêng của ông Trump, Michael Cohen, đã bí mật nhận khoảng 400.000 đô la để sắp xếp đàm phán giữa ông Trump và tổng thống Ukraine.
Theo các nguồn tin thân cận ở Kiev, việc thanh toán được sắp xếp bởi các trung gian làm việc cho tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko, mặc dù ông Cohen không phải là một đại diện của Ukraine theo pháp luật Hoa Kỳ.
Ông Cohen phủ nhận cáo buộc.
Cuộc họp này diễn ra tại Nhà Trắng tháng 6/2017. Ngay sau khi tổng thống Ukraine về nước, cơ quan chống tham nhũng nước này ngừng điều tra cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Paul Manafort.
Không có manh mối việc ông Trump có biết về vụ thanh toán này hay không.
Nguồn tin thứ hai ở Kiev đưa ra các chi tiết tương tự, ngoại trừ tổng số tiền được trả cho ông Cohen là 600.000 đô la.
Ukraine bắt 20 người Việt vượt biên trái phép
Hoa Kỳ ‘có thể cấp vũ khí’ cho Ukraine
Khủng hoảng Ukraine: Kiev tuyên bố Nga là ‘kẻ xâm lược’
Ngoài ra còn có nguồn tin từ một luật sư ở Mỹ, ông Michael Avenatti, người tiết lộ chi tiết về tài chính của ông Cohen. Ông Avenatti là luật sư đại diện cho nữ diễn viên khiêu dâm, Stormy Daniels, trong vụ kiện tổng thống Trump.
Ông Avenatti nói rằng Báo cáo giao dịch đáng ngờ do ngân hàng của ông Cohen gửi đến Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho thấy ông Cohen đã nhận tiền từ Ukraine.
Các quan chức tình báo cấp cao ở Kiev cho biết ông Cohen còn được giúp đỡ bởi Felix Sater, người từng là đối tác kinh doanh của Trump. Luật sư của ông Sater cũng bác bỏ cáo buộc.
Văn phòng tổng thống Ukraine ban đầu từ chối bình luận nhưng, do một nhà báo địa phương yêu cầu trả lời, một thông cáo được phát đi, gọi vụ việc này là một “lời nói dối trắng trợn, vu khống và giả mạo”.
Như được thông tin rộng rãi vào tháng 6/2017, ông Poroshenko còn đang đoán xem ông có bao nhiêu thời gian với ông Trump ngay cả khi ông đang trên chuyến bay đến Washington.
Lịch trình của Nhà Trắng chỉ nói rằng ông Poroshenko sẽ “ghé vào” Văn phòng Bầu dục trong khi ông Trump có các cuộc họp với nhân viên.
Điều này đã được thống nhất thông qua các kênh chính thức. Phí trả cho ông Cohen là để ông Poroshenko không chỉ gặp ông Trump vài phút ngắn ngủi với một cái bắt tay. Nhưng vụ thương lượng tiếp tục cho đến những giờ đầu của chuyến thăm.
Phía Ukraine giận dữ, bởi vì ông Cohen đã lấy “hàng trăm nghìn đô la” từ họ cho một cái gì đó dường như ông không thể thực hiện.
Ông Poroshenko đã tuyệt vọng gặp ông Trump vì những gì đã xảy ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Vào tháng 8/2016, tờ New York Times xuất bản một tài liệu chỉ ra người quản lý chiến dịch của ông Trump, Paul Manafort, nhận hàng triệu đô la từ những nhóm lợi ích thân Nga ở Ukraine.
Ông Manafort phải từ chức.
Một số nguồn tin ở Ukraine cho biết ông Poroshenko đã cho phép rò rỉ tài liệu này, tin rằng Hillary Clinton chắc chắn sẽ thắng cử tổng thống.
Nếu vậy, đây là một sai lầm thảm khốc – Ukraine đã ủng hộ ứng viên thua cuộc trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Bất kể sự rò rỉ xảy ra như thế nào, nó làm tổn thương ông Trump, người chiến thắng cuối cùng.
Ukraine đã (và vẫn đang) trong cuộc chiến tranh với Nga và những người ly khai do Nga hậu thuẫn và không thể đủ khả năng để trở thành kẻ thù của tổng thống Mỹ mới.
Vì vậy, ông Poroshenko dường như thở phào khi ông rạng rỡ và tỏ lòng tôn kính ông Trump trong Văn phòng Bầu dục.
Ông khoe khoang rằng ông đã gặp tổng thống mới trước lãnh đạo Nga, Vladimir Putin. Ông gọi nó là “chuyến thăm quan trọng”.
Ông đã tổ chức một họp báo về chiến thắng này.
Một tuần sau khi ông Poroshenko trở về Kiev, Cục chống tham nhũng quốc gia Ukraine thông báo rằng ông Poroshenko không còn điều tra ông Manafort nữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44234104
Mỹ không mời
Trung Quốc tập trận hải quân RIMPAC 2018
Hoa Kỳ không mời Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận hàng hải quốc tế quan trọng vì thái độ gây bất ổn của Bắc Kinh ở Biển Đông không phù hợp với các tiêu chí của cuộc diễn tập do Mỹ dẫn đầu.
“Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực,” phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài Christopher Logan nhấn mạnh trong thông cáo.
Thông cáo nói không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 là phản hồi sơ khởi đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không cho biết các bước tiếp theo là gì.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, lên án rằng hành động của Hoa Kỳ không mang tính xây dựng.
Ông Vương nói hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông là tự vệ và có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với những gì Mỹ đang làm ở Hawaii và Guam.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực đó,” ông Vương phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Từ năm 2014, Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới RIMPAC, sự kiện được tổ chức hai năm một lần tại Hawaii.
Thông cáo của Ngũ Giác Đài nêu rõ “Chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ rằng Trung Quốc đã triển khai các phi đạn chống tàu, các hệ thống phi đạn đất đối không, cùng những thiết bị phá sóng điện tử tới những thực thể có tranh chấp ở khu vực Trường Sa. Việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom ra đảo Phú Lâm cũng làm gia tăng căng thẳng.”
Thông cáo còn cho biết Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tháo dỡ các hệ thống quân sự ngay lập tức vì hành động tiếp tục quân sự hóa tại đây vi phạm cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình với Mỹ và với thế giới rằng Bắc Kinh không quân sự hóa Trường Sa.
Quyết định của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh cực kỳ tế nhị của mối quan hệ Mỹ-Trung giữa lúc đôi bên đang thương lượng để tránh nguy cơ chiến tranh thương mại.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-moi-trung-quoc-tap-tran-hai-quan-rimpac-2018/4407166.html
TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ
không mời Bắc Kinh tập trận’
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói nước này lấy làm tiếc về việc Hoa Kỳ rút lời mời Trung Quốc dự cuộc tập trận hải quân lớn cho Mỹ chủ trì.
Ngũ Giác Đài hôm thứ Tư 23/5 tuyên bố rút lại lời mời tham dự sự kiện năm nay, được cho là cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương, gọi tắt là RIMPAC, là cuộc tập trận chung được tổ chức hai năm một lần từ Hawaii vào tháng Sáu và tháng Bảy, với sự tham dự của hơn 20 nước từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh.
Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông
Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?
TQ tập trận quy mô lớn trên Biển Đông
Trung Quốc nói rằng quyết định của Mỹ không giúp ích gì cho việc xây dựng niềm tin và hợp tác giữa hai bên.
Trước đây, Trung Quốc đã từng hai tham dự RIMPAC.
Đây là sự kiện giúp lực lượng có vũ trang của hai nước giao lưu thực hành với nhau, và được hai bên coi như một trong những cách nhằm làm giảm cẳng thẳng, giảm các rủi ro có thể phát sinh nếu hai bên gặp nhau trong những tình huống không thân thiện.
Vì lý do Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông?
Quyết định rút lại lời mời do Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phối hợp với Tòa Bạch Ốc đưa ra, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ nói, sau việc Bắc Kinh đẩy mạnh việc quân sự hóa tại các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông.
Gần đây, Bắc Kinh đã triển khai các hệ thống tên lửa và lần đầu cho một máy bay ném bom đáp xuống một hòn đảo ở Biển Đông.
VN yêu cầu TQ chấm dứt đưa phi cơ ném bom đến Hoàng Sa
TQ rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông
TQ tập trận ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông
Nguồn tin trên cho biết Hoa Kỳ đã có được những hình ảnh riêng, theo đó cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu và thiết bị phá sóng trên các hòn đảo có tranh chấp ở vùng biển này.
Trung Quốc rất không hài lòng và cho rằng Mỹ chỉ phóng đại tình hình.
Trong một tuyên bố ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói Mỹ đã “phớt lờ các thực tế và đã thổi phồng cái gọi là ‘quân sự hóa’ ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)” và lấy đó làm cớ để rút lại lời mời.
“Quyết định này của Mỹ không hề mang tính xây dựng.”
“Đóng lại cánh cửa liên lạc vào bất kỳ lúc nào không phải là cách có lợi để thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau và mối liên hệ giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Mỹ,” tuyên bố viết thêm.
Trong lần diễn tập RIMPAC trước, hồi 2016, đã có 45 tàu thuyền, 200 phi cơ và hơn 25.000 người từ 26 quốc gia tham dự, CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
Quân đội Trung Quốc khi đó cử năm tàu tới, trong đó có khu trục hạm Tây An có mang theo tên lửa, hộ tống hạm Hành Thủy, và tàu tiếp vận Cao Bưu Hồ; đó mới chỉ là là lần thứ hai Trung Quốc tham gia.
Việc Bắc Kinh tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây cất cơ sở quân sự trên đó từ mấy năm qua đã làm dấy lên mối quan ngại trong khu vực và từ Washington.
Hồi cuối tuần rồi, Trung Quốc cho máy bay ném bom lần đầu tiên hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, là nơi mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền, đã khiến Việt Nam và Philippines quan ngại.
Với diễn biến mới nhất, Bắc Kinh lặp lại quan điểm rằng họ có quyền xây cất các cơ sở quân sự để bảo vệ chủ quyền và quyền hợp pháp của mình, và điều đó không liên quan gì tới việc quân sự hóa.
“Việc Bắc Kinh có được mời hay không cũng không làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc trong việc giữ vai trò bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và không làm lung lay quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và các lợi ích an ninh của mình,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 24/5.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44230185
Tên lửa bắn rơi MH17 là ‘của quân đội Nga’
Năm 2015, Cơ quan an toàn Hà Lan công bố video hoạt họa mô tả đường bay
Tên lửa bắn hạ máy bay Malaysia Airlines tại đông Ukraine năm 2014 thuộc về một lữ đoàn Nga, theo các nhà điều tra quốc tế.
Mỹ: Manafort ‘trả tiền cho cựu chính khách châu Âu’
Mỹ công bố ‘danh sách thân Putin’
Lần đầu tiên nhóm điều tra tuyên bố tên lửa đến từ một đơn vị đóng tại miền tây nước Nga.
Toàn bộ 298 người trên máy bay Boeing 777 trong chuyến bay MH17 thiệt mạng trong lúc bay từ Amsterdam đi Kuala Lumpur.
Tên lửa bắn đi từ căn cứ của quân nổi dậy ở Ukraine.
Nga khẳng định vũ khí của nước này không được sử dụng.
Nhưng hôm thứ Năm, Wilbert Paulissen, viên chức Hà Lan từ nhóm điều tra, tuyên bố: “Toàn bộ xe trong đoàn chở tên lửa là thuộc quân lực Nga.”
Ông nói nhóm điều tra xác định đoàn xe thuộc lữ đoàn 53 của Nga, gồm 300 người đóng ở Kursk.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, nhóm điều tra nói tên lửa Buk phóng đi từ một trang trại gần Pervomaisk.
Lúc đó khu vực này do quân ly khai thân Nga kiểm soát.
Nhóm điều tra nói máy phóng tên lửa Buk “được chuyển từ lãnh thổ Nga và sau đó được đưa trở về Nga”.
Nhóm điều tra nói việc này đặt câu hỏi liệu lữ đoàn Nga có tham gia vụ bắn.
“Đây là câu hỏi quan trọng mà nhóm vẫn đang điều tra,” đại diện nhóm nói.
Nhóm điều tra nói cho tới nay Nga vẫn không xác nhận với nhóm rằng tên lửa Buk của lữ đoàn 53 được triển khai ở đông Ukraine.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44241591
Trump có đang thua
cuộc chiến thương mại với TQ?
Ông Donald Trump từng tuyên bố một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là ‘dễ dàng’ nhưng nhiều ý kiến đồng tình rằng tổng thống đang thua những trận chiến đầu tiên.
Đội cố vấn của ông Trump đã cố gắng đưa ra một thỏa thuận để thúc đẩy ngành xuất khẩu của Mỹ, nhưng dù đã qua nhiều vòng đàm phán, vẫn chưa có tiến triển gì về những vấn đề chính, như việc bảo vệ bản quyền trí tuệ của Hoa Kỳ.
Bây giờ thì ông Trump đang phải nhiều áp lực từ hai phía ở Hoa Kỳ: một phía lo lắng ông đang khiêu khích một cuộc chiến thương mại, và phía còn lại lo sợ ông sẽ dễ dàng nhún nhường.
Ông Trump, dẫn lí do thâm hụt thương mại lớn và các quy tắc không công bằng ở Trung Quốc, nói rằng Hoa Kỳ đã có điểm xuất phát bất lợi và giờ sẽ làm mọi cách để thắng thế.
Trump: Thượng đỉnh với Kim có thể bị trì hoãn
Mike Pence: Bắc Hàn không nên ‘chơi’ Trump
Mỹ đánh nặng thuế lên ‘thép VN xuất xứ TQ’
Nhưng sau những lời lẽ đanh thép và cơn thịnh nộ, điều gì, nếu có, thực sự đang thay đổi?
Đổi chác với ZTE?
Tháng trước, Hoa Kỳ đã cấm công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc nhận lô hàng xuất khẩu từ Mỹ vì ZTE không tuân thủ thỏa thuận sau khi vi phạm các lệnh trừng phạt với Bắc Hàn và Iran.
Ông Trump, theo yêu cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho biết Mỹ sẽ xem xét các hình phạt khác. Các biện pháp cũ đã buộc hãng này, vốn phụ thuộc và các cơ sở ở Mỹ để sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng, phải đình chỉ nhiều hoạt động.
Hai bên vẫn đang thảo luận, nhưng thay vì lệnh cấm, công ty này có khả năng chỉ phải nộp phạt và có vài thay đổi nhỏ trong quản lý.
Điều này dẫn đến nhiều chỉ trích, thậm chí từ cả chính Đảng của ông Trump, cho rằng ông quá dễ dãi với một công ty vốn gây ra nhiều lo ngại về an ninh quốc gia.
Một số khác còn chỉ ra sự trùng hợp thời điểm đáng ngờ, khi một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc vừa ký kết một thỏa thuận với một đối tác kinh doanh của ông Trump ở Indonesia.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin hôm thứ Hai phủ nhận sự đổi chác này và khẳng định các cuộc thảo luận với ZTE tách biệt với các cuộc đàm phán thương mại. Ông nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt không phải là để khiến công ty này phá sản.
Trong khi chính phủ đảm bảo rằng bất kỳ hình phạt sửa đổi nào vẫn sẽ rất nghiêm khắc, nhưng một số chính trị gia đang xem xét trình Quốc hội để ngăn chặn sự sửa đổi.
Tóm lại: Tình hình vẫn còn có thể chuyển biến, nhưng vị tổng thống đã phải trả giá về mặt chính trị vì đã nương tay với ZTE.
Đàm phán thuế quan
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết các mức thuế mới đang tạm hoãn khi các bên đang đàm phán, trong đó Trung Quốc sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Hoa Kỳ.
Ông Trump hôm thứ Hai cho biết thỏa thuận tiềm năng này có thể là “một trong những điều tốt nhất” có thể xảy ra cho nông dân Mỹ, một nhóm ủng hộ ông vốn lo lắng về sự trả đũa của Trung Quốc.
Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng tuyên bố chung được đưa ra vào cuối vòng đàm phán gần đây nhất không đề cập việc gia tăng số hàng hóa mua từ Hoa Kỳ, mặc dù trước đó Nhà Trắng tuyên bố rằng mức gia tăng có thể lên tới 200 tỷ USD.
Các nhà phân tích cũng nói thêm rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải gia tăng việc mua hàng bất kể đàm phán thương mại.
Trong khi đó, Trung Quốc nhượng bộ rất ít về những lo ngại của Mỹ về việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.
Các biện pháp trừng phạt hiện hành, bao gồm thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm và thuế quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ như rượu vang, vẫn có hiệu lực.
Những căng thẳng trong nội bộ chính phủ Trump đã nổ ra tại các cuộc đàm phán trước đó ở Bắc Kinh, và được đưa tin rộng rãi rằng đã có một cãi vã lớn giữa ông Mnuchin và một cố vấn hiếu chiến hơn, Peter Navarro.
Nhưng trong khi các quan chức Mỹ bận tranh cãi với nhau, truyền thông Trung Quốc đã tuyên bố giành chiến thắng.
“Khi đối mặt với các điều kiện không hợp lý của Washington trong các cuộc đàm phán trước đó, Bắc Kinh đã luôn luôn đáp trả kiên quyết và chưa bao giờ nhân nhượng,” một bình luận chính thức đăng trên trang Tân Hoa Xã.
Tóm lại: Tranh chấp thuế quan vẫn chủ yếu là một cuộc khẩu chiến – và người Trung Quốc dường như đang chiến thắng.
Mở rộng thị trường TQ
Trung Quốc năm ngoái cho biết họ có ý định giảm các quy chế đối với các công ty tài chính nước ngoài. Đầu năm nay, các nhà quản lý cho biết họ sẽ tiếp tục giảm các quy chế đối với các nhà sản xuất ô tô và máy bay.
Hôm thứ Ba, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế từ 25% xuống 15% đối với hầu hết các xe nước ngoài bắt đầu từ ngày 1/7.
Việc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc là một nhu cầu quan trọng của các nhà đàm phán Mỹ, những người nói rằng các quy tắc của Trung Quốc đưa các công ty nước ngoài vào thế bất lợi. Một số công ty, như JP Morgan Chase và Tesla, nói đang có kế hoạch tận dụng lợi thế này.
Nhưng Trung Quốc, lo ngại về sức khỏe của ngành tài chính, bắt đầu thảo luận lại ý định này vào năm ngoái, trước khi căng thẳng leo thang vào năm nay. Những lời hứa trước đây về sự mở cửa đã gây thất vọng.
Tóm lại: Trung Quốc dường như sẵn sàng mở ra một số thị trường nhất định, phản ứng trước nhu cầu nội địa. Nhưng phải đợi xem khi điều này thực sự xảy ra.
Canh bạc về Bắc Hàn
Tranh chấp thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc chưa bao giờ chỉ là về thương mại – Nhà Trắng cũng muốn Trung Quốc giúp kiềm chế Bắc Hàn và tham vọng hạt nhân của nước này.
Hoa Kỳ đã phát động cuộc điều tra về hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái khi một loạt các vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn diễn ra.
Tổng thống Trump hiện đang lên kế hoạch cho một cuộc hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào tháng Sáu, mặc dù Bắc Hàn đã đe dọa sẽ hủy bỏ.
Ông Trump cũng nói có thể ảnh hưởng của Trung Quốc đã làm thay đổi thái độ của Bắc Hàn.
Vị cựu thượng nghị sĩ Max Baucus là một trong số người cho rằng việc nhân nhượng thương mại để đổi lấy sự giúp đỡ về vấn đề Bắc Hàn là một chiến lược mạo hiểm.
Tóm lại: Không rõ những nỗ lực của Trump về Bắc Hàn sẽ đi đến đâu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44234595
Elon Musk công kích báo chí trên Twitter
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk phát động cuộc công kích báo chí gay gắt bằng một loạt tweet đăng hôm 23/5.
Ông Musk cho biết ông dự định ra mắt một website đánh giá độ khả tín của các bài báo và nguồn tin.
Ý tưởng này dường như được thúc đẩy bởi các bài báo gần đây về Tesla mà ông cảm thấy “không công bằng”.
Elon Musk tham gia #DeleteFacebook
Ai nói ‘Tứ đại phát minh’ là của Trung Quốc?
Tại sao Hàn Quốc dẫn đầu về công nghệ tự động?
Công ty Tesla là chủ đề của những bài điều tra về điều kiện làm việc tại các nhà máy và mối quan ngại về hệ thống phanh của xe điện.
Cũng có một số bài tường thuật về các vụ tai nạn của xe Tesla, điều mà ông Musk cho biết ông cảm thấy “không công bằng” vì có nhiều vụ đụng xe trên đường liên quan đến những chiếc xe khác nhưng không được đề cập.
“Vấn đề là các phóng viên đang chịu áp lực thường trực về lượt view để có được quảng cáo hoặc bị sa thải”, ông Musk viết trên Twitter.
“Tình hình càng khó khăn vì Tesla không chi tiền quảng cáo, trong lúc các công ty nhiên liệu xăng dầu/diesel nằm trong số những doanh nghiệp chi quảng cáo lớn nhất thế giới.”
Reveal, nhóm báo chí điều tra, gần đây chỉ trích điều kiện làm việc tại nhà máy sản xuất xe của Tesla, là một cơ quan phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Berkeley, California.
Ba thách thức công nghệ và thông tin
Chúng ta sống thật hay sống ảo?
Công nghệ khiến ta suy nghĩ hạn hẹp
Trump ngăn Trung Quốc mua một công ty Mỹ
Tesla trước đó cáo buộc cơ quan này là “cực đoan”.
Forbes ước tính khối tài sản của ông Musk là 19 tỷ đôla.
Ông Musk, người ban đầu tạo dựng tài sản nhờ đồng sáng lập dịch vụ thanh toán PayPal, cho biết ông sẽ ra mắt một website xếp hạng tín nhiệm truyền thông. Ông cũng nói thêm là mình sẽ ngăn chặn thủ thuật tấn công website này.
Ông nói rằng website sẽ được đặt tên Pravda – tên của tờ báo quốc doanh của Liên Xô cũ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44187461
Cuộc đua chức thống đốc bang Georgia:
Phụ nữ da đen làm nên lịch sử
Luật sư Stacey Abrams của Atlanta vừa giành được cơ hội để có thể trở thành nữ thống đốc da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Các thành viên đảng Dân chủ của tiểu bang Georgia đã giành nhiều phiếu bầu ủng hộ bà Abrams trong cuộc đua vào chức vụ Thống Đốc trong một cuộc bầu cử sơ bộ hôm 22/5, mà kết quả cũng rất khả quan đối với một số phụ nữ khác ra dự tranh vào các chức vụ công cử.
Với chiến thắng này, bà Abrams làm nên lịch sử khi trở thành người da đen đầu tiên, và cũng là phụ nữ đầu tiên, được 1 trong 2 đảng chiếm đa số đề cử vào chức thống đốc bang Georgia.
Dù thế nào thì các thành viên Đảng Dân chủ cũng đề cử một phụ nữ vào chức thống đốc bang. Trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ vào tối ngày 22/5, bà Stacey Evans là người cạnh tranh với bà Stacey Abrams để giành sự đề cử của đảng.
Trong hai người, bà Abrams, 44 tuổi, nổi bật hơn trong nỗ lực trở thành người phụ nữ gốc Phi đầu tiên được đưa vào vị trí lãnh đạo một tiểu bang. Cựu lãnh đạo khối thiểu số tại nghị viện tiểu bang vẫn cho rằng cách đánh bại sự thống trị của đảng Cộng hòa ở Georgia không phải là theo đuổi thành phần cử tri da trắng cao niên đã bỏ đảng Dân chủ trong những thập kỷ gần đây. Thay vào đó, bà Abrams dồn nỗ lực để thu hút thành phần cử tri trẻ và những người không phải là da trắng chưa từng đi bầu.
Bà Abrams sẽ có dịp kiểm tra giả thuyết đó khi bà ra tranh cử với một trong hai ứng cử viên của Đảng Cộng hoà, là Phó Thống Đốc Casey Cagle hoặc Thư ký tiểu bang Brian Kemp. Hai ông đang cạnh tranh với nhau để giành sự đề cử của đảng Cộng hòa trong tháng 7 sắp tới. Ông Cagle là ứng cử viên sáng giá, dẫn đầu trong nhóm 5 thành viên đảng Cộng hòa, trong khi ông Kemp lọt vào vị trí thứ hai sau một chiến dịch chạy nước rút của phía Đảng Cộng hoà, vốn có lập trường thiên về cánh hữu và ủng hộ các chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Ông Kemp hứa sẽ tiếp tục tiến theo hướng đó, trong khi ông Cagle cố gắng cân bằng các nhu cầu của thành phần cử tri bảo thủ.
Một số nhân vật của Đảng Cộng hòa lo ngại rằng những lập trường có tính cách mị dân về vấn đề di trú và quyền của người đồng tính đã phương hại tới các nỗ lực vận động để tiểu bang Georgia được công ty Amazon chọn làm trụ sở thứ 2 của tập đoàn này.
UAE khẳng định không xen vào bầu cử Mỹ 2016
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nói họ không tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.
Trong một dòng tin đăng trên Twitter hôm 22/3, Bộ trưởng Ngoại giao của UAE, ông Anwar Gargash, phủ nhận các thông tin của truyền thông Mỹ nói rằng con trai cả của ông Trump, Donald Trump Jr., đã gặp các đặc sứ của Ả Rập Xê Út và UAE hồi năm 2016.
Ông Gargash nói trên trang Twitter của ông: “Cần tập trung vào thực tế thay vì vào những lời ra tiếng vào và đồn đoán. UAE không hề tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Như các chính phủ khác thân thiện với Hoa Kỳ, các quan chức UAE đã liên hệ với những thành viên và các cố vấn của cả hai chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 để thông báo và được thông tin về quan điểm chính sách ngoại giao của các ứng cử viên.”
Tờ New York Times tuần trước tường thuật rằng ông Trump Jr. đã có một cuộc gặp mặt với các đại diện của UAE và Ả Rập Xê Út. Theo bài báo của NYT, một phái viên nói với ông Trump Jr. rằng những người đứng đầu của cả 2 quốc gia vùng Vịnh đều rất muốn giúp cha của ông (Donald Trump) giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Các luật sư của Trump Jr. nói rằng các cuộc họp đó không có kết quả gì. Theo tờ NYT, điều này có thể cho thấy là ngoài Nga, còn có một số nước khác đã tìm cách xen vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp ông Trump.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra xem liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không, và liệu Tổng thống Trump có tìm cách cản trở công lý trong cuộc điều tra này hay không.
Moscow và ban vận động tranh cử của ông Trump đã bác bỏ những cáo buộc này. Ông Trump mô tả cuộc điều tra này là một cuộc săn phù thủy tốn kém.
https://www.voatiengviet.com/a/uae-khang-dinh-khong-xen-vao-bau-cu-my-2016/4406798.html
Pháp: các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
đối với Iran có thể gây bất ổn khu vực
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 23/5 khuyến cáo nếu Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, thì điều đó có nguy cơ làm cho tình hình Trung Đông càng mất ổn định hơn nữa.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hồi đầu tuần này đe dọa áp dụng “áp lực tài chính chưa từng có” đối với Iran, nếu nước này không thay đổi hành vi của mình. Cùng lúc, ông đưa ra một yêu sách 12 điểm để đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới.
Lên tiếng trên đài phát thanh France Inter, ông Le Drian nói áp dụng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không thúc đẩy đối thoại, mà thay vào đó sẽ càng củng cố thành phần bảo thủ của Iran trong khi làm suy yếu Tổng thống Hassan Rouhani.
“Thế cuộc này có nguy cơ gây nguy hiểm cho khu vực nhiều hơn”, ông Le Drian khuyến cáo.
Ngoài việc tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran và các hoạt động của họ trong khu vực, ông Pompeo cũng thề sẽ đưa các con tin Mỹ ở Iran trở về nước.
Ông Pompeo nói hôm 22/5 rằng “toàn bộ guồng máy chính phủ Hoa Kỳ” đang làm việc “hết sức” và sử dụng “mọi cách thức” và “mọi cơ chế”.
Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách ngoại giao hôm 21/5, ông Pompeo lưu ý rằng Iran đã không trả tự do cho những công dân Mỹ bị giam cầm, trong đó có Baquer Namazi, Siamak Namazi, Xiyue Wang và Bob Levinson, ngay cả trong thời gian Washington nới lỏng trừng phạt Tehran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Các gia đình của một số con tin Mỹ lo ngại rằng quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, sẽ gây thêm khó khăn cho các nỗ lực của họ nhằm vận động cho những người thân của họ được trở về nước trong an toàn.
Thụy Điển phòng bị chiến tranh
Tại Thụy Điển, bắt đầu từ thứ Hai 28/05, tất cả các gia đình sẽ được phát một tập sách mỏng tên là : « Phòng khi có chiến tranh, hay khủng hoảng ». Thụy Điển, đất nước yên bình, thịnh vượng, chưa từng biết đến xung đột vũ trang trên lãnh thổ từ 200 năm qua, giờ phải chuẩn bị đề phòng khi có chiến sự.
Thông tín viên trong khu vực Frederic Faux tường thuật :
Thụy Điển dường như đang chuẩn bị cho những lúc bất ổn. Tập sách nhỏ này đưa ra các lời khuyên về cách ứng phó trong trường hợp có chiến tranh, cũng như là khi có tấn công khủng bố hay tin học, thảm họa khí hậu hay bất kỳ sự kiện nào gây xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống thường nhật của đất nước.
Trên thực tế, đó chỉ là việc tái bản sách hướng dẫn đã từng được công bố và phân phát lần đầu tiên trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Chẳng hạn, trong tập sách này, người ta có thể tìm thấy một danh mục các vật dụng cần phải có trong tay, từ hộp các loại mì hộp cho đến cả nến thắp ; những lời nhắc nhở về các tín hiệu báo động khác nhau ; cả một trang chỉ dẫn về thông tin giả và làm cách nào để tránh chúng.
Ví dụ, người ta có thể đọc thấy là nếu Thụy Điển bị một nước khác tấn công, đất nước sẽ không bao giờ buông lỏng, mọi thông tin nào thông báo trái ngược sẽ phải được xem như là thông tin giả. Một lời kêu gọi kháng cự thật sự.
Người dân Thụy Điển cảm thấy bị đe dọa
Người dân Thụy Điển cảm nhận có mối đe dọa. Một điều tra của Cơ Quan An Toàn Dân Sự Thụy Điển cho thấy là người dân nước này, khoảng 60%, chiếm một bộ phận dân chúng đáng kể, đặc biệt lo lắng việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Họ còn e sợ tội phạm tin học, hay vũ khí hóa học.
Về phần mối đe dọa đến từ đâu, cho đến lúc này, người dân Thụy Điển vẫn nghĩ đến khủng bố. Cách nay hơn một năm, Stockholm đã bị một vụ tấn công khủng bố Hồi Giáo cực đoan, và điều đó vẫn để lại một chấn thương tâm lý cho cả nước.
Thế nhưng giờ đây, khi nói về các hiểm họa, mọi cặp mắt đều hướng về phía đông. Thụy Điển rất dè chừng Nga, nhất là kể từ sau vụ nước này sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga.
Tầu ngầm của Nga đã từng « lai vãng » trong vùng lãnh hải Thụy Điển. Chiến đấu cơ Nga đôi lần bất ngờ xuất hiện trên không phận nước này. Vladimir Putin thường xuyên gây áp lực sao cho Thụy Điển không xích lại quá gần với NATO.
Tổng thống Nga đe dọa và thậm chí bị nghi ngờ là cho dọ thám cả Thụy Điển. Quốc gia này từ lâu nay vẫn tin rằng họ nằm ngoài các cuộc khủng hoảng đang tác động đến các nước khác, hay như tại châu Âu, nhưng giờ đây niềm tin đó không còn nữa.
Tập trận chưa từng có
Việc phân phát sách hướng dẫn chưa phải là dấu hiệu duy nhất cho rằng thời thế đã thay đổi. Chẳng hạn như chính phủ nước này hồi năm 2017 đã tiến hành các cuộc tập trận lớn chưa từng có. Chính quyền Stockholm đã quyết định tăng cường quân lực. Nghĩa vụ quân sự được tái lập, an ninh dân sự được cách tân và sẽ mở nhiều hầm và nơi trú ẩn. Trong bối cảnh hiện nay, chẳng có gì là phi lý khi chính quyền muốn cảnh báo công dân mình.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180524-thuy-dien-phong-bi-chien-tranh
Thượng đỉnh Macron-Putin
trước thử thách của hồ sơ Syria và Ukraina
Trong hai ngày 24-25/05/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersbourg và gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Liệu đây có là cơ hội cho hai nước sưởi ấm lại quan hệ song phương đã bị « nguội lạnh » từ sau cuộc gặp tại cung điện Versailles, Pháp, ngày 29/05/2017 ? Theo giới quan sát, điện Kremlin vẫn tỏ ra rất dè chừng với Pháp do cả đôi bên vẫn còn nhiều chướng ngại phải vượt qua.
Báo Le Figaro ngày 22/05/2018 nhận định về mặt chiến lược, mục tiêu dài hạn của Pháp là làm thế nào giữ được Nga trong ngôi nhà châu Âu mà không bị ngả sang châu Á, nhằm tạo thành một khối có khả năng nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng khẳng định xu hướng bá quyền, nhất là tại khu vực Biển Đông.
Thế nhưng, để có thể thực hiện được mục tiêu trên, cả Nga và Pháp đều phải vượt qua nhiều bất đồng, mà ba hồ sơ lớn là Ukraina, Syria và Iran sẽ là chủ đề nghị sự chính trong lần gặp thượng đỉnh này.
Nếu như trên vấn đề hạt nhân Iran, Nga và Pháp đều nhất trí phải duy trì thỏa thuận được ký vào ngày 14/07/2015, thì hai hồ sơ còn lại Ukraina và Syria là những điểm bất đồng sâu sắc nhất giữa hai nước.
Trong hồ sơ Ukraina, Matxcơva đã có một số nhượng bộ như đồng ý cho triển khai Lính Mũ Xanh ở đường phân định « ngừng chiến » giữa quân đội chính phủ Ukraina và quân ly khai thân Nga. Điện Kremlin còn chấp nhận việc hồi phục chủ quyền lãnh thổ vùng Donbass cho Kiev. Trong trường hợp này, Paris ngay từ tháng 7/2018 có thể đề xuất tạm ngưng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.
Đổi lại, Matxcơva muốn Ukraina phải thông qua luật quyền tự quyết văn hóa và ngôn ngữ cho vùng Donbass, kèm theo một lệnh ân xá toàn diện cho phe ly khai. Một đòi hỏi mà Kiev chưa muốn thực hiện trước khi diễn ra bầu cử tổng thống vào tháng 3/2019.
Ngoài ra một điểm nóng khác trong hồ sơ này là Nga không bao giờ chấp nhận ý tưởng Ukraina gia nhập khối NATO. Matxcơva chưa bao giờ quên được việc Paris và Berlin đã không bỏ phiếu phủ quyết Kiev gia nhập NATO vào tháng 04/2008. Do đó, theo quan sát của giới chuyên gia, hồ sơ Ukraina khó có những tiến triển tích cực trong cuộc gặp thượng đỉnh Macron – Putin lần này.
Về vấn đề Syria, Le Figaro cho là tình hình cũng không mấy sáng sủa do lập trường của Paris đối với chế độ Damas. Nước Pháp hầu như bị gạt hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi tại Syria. Bóng dáng của Pháp chỉ thấp thoáng bên cạnh đồng minh chính là Mỹ và trong khu vực là người Kurdistan trong cuộc chiến chống Daech. Trong hồ sơ này, Nga đã khẳng định rõ vai trò cường quốc « trụ cột » tại Trung Đông.
Tóm lại, như phân tích của bà Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu chính trị tại Nga khi trả lời phỏng vấn của RFI, làm thế nào xóa nhòa hoặc thậm chí giảm bớt nỗi ngờ vực của Nga đối với Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với tổng thống Pháp trong cuộc gặp với nguyên thủ Nga lần này.
« Tôi nghĩ là vẫn tồn tại một mức độ ngờ vực nào đó đối với Emmanuel Macron. Đơn giản không hẳn là Nga dè chừng ông ấy, mà đúng hơn hết là đánh giá thấp ông ấy. Matxcơva xem nhẹ vai trò, các đề xuất cũng như là tham vọng của Macron.
Matxcơva xem Liên Hiệp Châu Âu hiện nay như là một vùng lãnh thổ mà tính chủ quyền đã bị giới hạn bởi vì khu vực này đã nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Chính vì thế mà nước Nga trước hết muốn giải quyết vấn đề này với Hoa Kỳ.
Do vậy, hiện nay, bất kể chiến lược của ông Macron như thế nào, điều mà Nga muốn là có một sự thay đổi thái độ triệt để, nhưng điều này vẫn chưa xẩy ra. Phần còn lại chỉ là những lời lẽ ngoại giao.
Ông Macron có thể tỏ ra cứng rắn, hay hòa giải, thậm chí có thể thực dụng hơn khi nói Nga là một đối tác chiến lược, … những động thái này không dẫn đến thay đổi gì cả. Bởi vì, điều mà nước Nga chờ đợi, đó là những hành động và một sự thay đổi chính sách đối với nước Nga ».
Bắc Triều Tiên lại dọa
hủy thượng đỉnh với Hoa Kỳ
Hôm nay, 24/05/2018, Bình Nhưỡng đã kịch liệt chỉ trích tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence và một lần nữa dọa hủy cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày 12/06 tại Singapore.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias gởi về bài tường trình :
« Thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên phản ứng lại tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence, gần đây đã dọa là Kim Jong Un sẽ gặp một kết cục bi thảm giống như « mô hình Lybia » nếu lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng không đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ.
Bà Choe Son Hui tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không bao giờ nài nỉ một cuộc đối thoại với Hoa Kỳ. Chính họ phải quyết định gặp chúng tôi tại bàn đàm phán hay trong một cuộc đối đầu hạt nhân ». Như vậy là Bình Nhưỡng có vẻ như muốn củng cố vị thế trước cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim.
Nhưng những lời đe dọa nói trên dường như không ảnh hưởng gì đến kế hoạch phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền bắc Bắc Triều Tiên. Một quan chức Bắc Triều Tiên hôm qua tuyên bố là việc phá hủy cơ sở này sẽ diễn ra hôm nay, nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Ba mươi phóng viên ngoại quốc đã được mời đến tận nơi để chứng kiến việc phá hủy. Nhưng hiện giờ chưa có hình ảnh cũng như thông tin gì về sự kiện này, vì các nhà báo không được phép mang theo bất cứ thiết bị truyền thông nào. Như vậy chắc là phải chờ họ trở về từ bãi thử hạt nhân, sau một cuộc hành trình dài 18 tiếng đồng hồ. »
Theo tin giờ chót từ các phóng viên được mời đến chứng kiến, Bắc Triều Tiên hôm nay vừa phá hủy xong bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Cho dù Bắc Triều Tiên lại dọa hủy thượng đỉnh Trump-Kim, các quan chức cao cấp của Mỹ, gồm phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin và phó cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricadel, hôm qua vẫn lên đường đi Singapore để thảo luận với các quan chức Bắc Triều Tiên về việc tổ chức thượng đỉnh. Tổng thống Donald Trump hôm qua cho biết là vào tuần tới phía Mỹ sẽ lấy quyết định về việc duy trì hay hủy bỏ cuộc gặp với ông Kim Jong Un.
Trước mắt, hôm qua, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã tạm thời bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với các quan chức Bắc Triều Tiên, để họ có thể đến Singapore họp chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump-Kim.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180524-bac-trieu-tien-lai-doa-huy-thuong-dinh-voi-hoa-ky
Hơn hai tháng sau bầu cử, Ý có thủ tướng mới
Sau 80 ngày thương lượng, đàm phán, Ý có thủ tướng mới. Hôm qua 23/05/2018, tổng thống Ý quyết định giao phó cho giáo sư luật Giuseppe Conte, 53 tuổi, trách nhiệm thành lập chính phủ mới.
Tân thủ tướng Ý – một gương mặt hoàn toàn mới trên chính trường – đã chấp nhận đề nghị của liên minh hai đảng, Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc, lập chính phủ với cương lĩnh «chống chính sách kinh tế khắc khổ », « siết chặt an ninh ». Chính sách nghi kị châu Âu của liên đảng dân túy Ý gây nhiều lo ngại.
Thông tín viên Eric Sénanque tường trình từ Roma:
«Nước Ý như trải qua một cơn đau đẻ tối hôm qua. Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ cánh cửa văn phòng của tổng thống Sergio Mattarella đóng kín, khiến người ta hình dung mức độ nghiêm trọng của tình hình tại một đất nước, mà từ nhiều tuần nay ngóng chờ thủ lĩnh mới.
Kể từ đầu tuần, tổng thống Ý không ngừng trì hoãn quyết định, để yêu cầu các bảo đảm cho tương lai đất nước, bởi ứng cử viên vào chức thủ tướng do Matteo Salvini và Luigi Di Maio đề nghị là một người không tên tuổi.
Trong bài phát biểu đầu tiên, ông Giuseppe Conte khẳng định ông hoàn toàn không giống với ê-kíp cầm quyền tiền nhiệm, vừa bị cử tri hạ bệ, với cuộc bầu cử Quốc Hội tháng Ba : ‘‘Chính phủ sắp ra đời là một chính phủ mang lại sự thay đổi… Chủ trương của tôi là cho ra đời một chính phủ xuất thân từ các công dân, bảo vệ các lợi ích của họ. Tôi muốn được trở thành luật sư, người bảo vệ nhân dân Ý’’.
Nếu như ông Giuseppe Conte cũng đồng thời bảo đảm sẽ nỗ lực khẳng định vị trí của nước Ý tại châu Âu và trên thế giới, thì bài diễn văn của tân thủ tướng lấy cảm hứng từ lãnh đạo hai đảng Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc. Giờ đây, đến lượt hai ông Matteo Salvini và Luigi Di Maio đề xuất danh sách các bộ trưởng của tân chính phủ. Chính họ mới là người dẫn dắt cuộc chơi chính trị của nước Ý ».
Châu Âu dè dặt trước diễn biến chính trị mới của nước Ý. Hiện tại các lãnh đạo châu Âu chưa lên tiếng. Ủy viên phụ trách Kinh Tế của châu Âu Pierre Moscovici hoan nghênh thiện chí « đối thoại » với các định chế châu Âu của tân thủ tướng Ý. Ủy viên châu Âu bày tỏ hy vọng nước Ý tiếp tục là một trụ cột của khu vực đồng euro.
Việc liên đảng Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc, cho dù từ bỏ ý định ra khỏi khu vực đồng euro, nhưng vẫn chủ trương đàm phán lại các thỏa thuận của Liên Hiệp Châu Âu gây nhiều lo ngại trong chính giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180524-hon-hai-thang-sau-bau-cu-y-co-thu-tuong-moi
Duy trì hiệp định hạt nhân:
Giáo chủ Iran đặt điều kiện với châu Âu
Lãnh đạo tối cao Cách Mạng Hồi Giáo, giáo chủ Ali Khamenei, ngày hôm qua, 23/05/2018, đã đưa ra 7 điều kiện đối với các cường quốc châu Âu – những nước ký hiệp định hạt nhân Iran – để có thể duy trì văn bản này. Nếu không, Teheran sẽ từ bỏ hiệp định.
Theo Reuters, một trong những điều kiện mà giáo chủ Khamenei nêu ra là châu Âu phải tiếp tục mua dầu lửa của Iran, bất chấp áp lực của Hoa Kỳ.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm thông tin :
« Lãnh đạo số một Iran đã đề xuất với các nước châu Âu một loạt cam kết. Trước tiên, châu Âu phải đệ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một nghị quyết phản đối Hoa Kỳ từ bỏ hiệp định hạt nhân Iran.
Sau đó, châu Âu cam kết không bao giờ nêu ra chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như sự hiện diện của nước này trong khu vực. Thế nhưng, các nước châu Âu lại muốn đề cập những chủ đề này với Iran.
Vẫn theo Teheran, châu Âu cũng phải đưa ra các bảo đảm về việc mua dầu lửa của Iran, bất chấp áp lực của Mỹ và đồng thời, phải có các bảo đảm liên quan đến những giao dịch ngân hàng với Iran.
Giáo chủ Khamenei đã tuyên bố rằng ông không tin tưởng các nước châu Âu vì vào những thời điểm nhậy cảm, họ đã luôn luôn đứng về phía Hoa Kỳ.
Giáo chủ Iran nói rõ, không có những bảo đảm nói trên, Teheran sẽ giành quyền tái khởi động chương trình làm giàu uranium ở mức 20%.
Cuối cùng, giáo chủ Ali Khamenei đã bác bỏ các đòi hỏi mà ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra hôm thứ Hai, ngày 21/05, sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Trong số các đòi hỏi này, Mike Pompeo đặc biệt nhấn mạnh đến việc ngưng làm giàu uranium cũng như chương trình tên lửa đạn đạo, Iran phải rút ra khỏi Syria hoặc Teheran phải chấm dứt hỗ trợ phong trào Hezbollah Liban và các tổ chức Hồi Giáo cực đoan Palestine.
Đối với lãnh đạo số một Iran, những tuyên bố này của các quan chức Mỹ không phải là mới và từ sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo, cách nay 40 năm, Hoa Kỳ vẫn tìm cách lật đổ chế độ Hồi Giáo tại Iran. »
Trump dọa áp thuế mới lên xe hơi nhập vào Mỹ
Hôm qua, 23/05/2018, Nhà Trắng thông báo là tổng thống Mỹ Donald Trump dự trù áp các loại thuế quan mới lên những xe hơi nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Theo thông báo của Nhà Trắng, tổng thống Trump cho biết đã yêu cầu bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross điều tra về xe nhập khẩu, kể cả xe tải và các phụ tùng, để xác định « tác động của những xe này lên an ninh quốc gia của Mỹ ».
Bộ trưởng Ross đã ngay lập tức khởi động cuộc điều tra theo yêu cầu của tổng thống Trump. Trong một thông cáo của bộ Thương Mại, ông Ross khẳng định có những bằng chứng cho thấy là trong nhiều thập niên, xe hơi nhập từ nước ngoài đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ.
Tổng thống Trump đã nhiều lần dọa áp các loại thuế nhập khẩu mang tính trừng phạt, chủ yếu nhắm vào xe hơi từ Đức, quốc gia mà Hoa Kỳ có nhiều thâm thủng mậu dịch. Theo ông, xe hơi của Mỹ bị đánh thuế nặng hơn xe hơi châu Âu.
Hiện giờ mức thuế châu Âu đối với xe hơi nhập từ Mỹ và các nước ngoài Liên Hiệp Châu Âu là 10%, trong khi mức thuế của Mỹ đánh vào xe hơi nhập từ Liên Hiệp Châu Âu chỉ là 2,5%. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu của Mỹ đánh vào xe tải và xe pick-up lại lên tới 25%, trong khi các loại xe này chỉ bị đánh thuế trung bình là 12% trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Tập đoàn xe hơi hàng đầu thế giới Wolkswagen của Đức hôm nay đã cực lực lên án chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ sau lời đe dọa của tổng thống Trump áp các thuế mới lên xe nhập vào Hoa Kỳ.
Ngoài Đức, một nước khác cũng đang trong tầm ngắm của tổng thống Trump do có mức thặng dư quá cao trong trao đổi thương mại với Mỹ, đó là Trung Quốc. Nhân chuyến viếng thăm tại Bắc Kinh hôm nay, thủ tướng Angela Merkel tuyên bố rằng Trung Quốc và Đức đều ủng hộ tự do mậu dịch và toàn cầu hóa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180524-trump-doa-ap-thue-moi-len-xe-hoi-nhap-vao-my