Tin khắp nơi – 24/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 24/01/2017

Bão tiếp tục hoành hành miền Nam Hoa Kỳ,

18 người đã thiệt mạng

Thời tiết khắc nghiệt ở miền Nam Hoa Kỳ đã làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Dự báo trong những ngày tới sẽ có thêm những cơn bão gây chết người nữa.

Có 14 người đã thiệt mạng và hơn 20 người bị thương khi cơn bão dữ dội và lốc xoáy quét qua các khu vực của bang Georgia hồi cuối tuần qua.

Thống đốc bang Georgia Nathan Deal đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 7 quận hạt có người chết, bị thương và chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão.

Hôm thứ Bảy, 4 người đã thiệt mạng tại thị trấn Hattiesburg của bang Mississippi vì một cơn lốc xoáy.

Hôm Chủ nhật, cơ quan dự báo thời tiết quốc gia cho biết phía nam Georgia, bắc Florida và đông nam Alabama có thể sẽ phải đối diện với những cơn lốc xoáy mạnh, gió gây nguy hại và mưa đá lớn.

http://www.voatiengviet.com/a/bao-tiep-tuc-hoanh-hanh-mien-nam-my-18-nguoi-chet/3688514.html

 

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ủng hộ

ông Tillerson làm Ngoại trưởng

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 23/1 chuẩn thuận đề cử của tân Tổng thống Donald Trump, chọn cựu chủ tịch công ty Exxon Mobil, Rex Tillerson, làm tân Ngoại trưởng Mỹ.

Cuộc biểu quyết với tỷ lệ 11-10, mỗi thành viên trong Ủy ban thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ ông Tillerson trong khi mỗi thành viên Dân chủ trong Ủy ban phản đối sự đề cử này.

Ông Tillerson dự kiến sẽ được xác nhận đảm trách vị trí Ngoại trưởng khi vấn đề được đưa ra trước Thượng viện gồm 100 thành viên. Phe Cộng hòa có 52 ghế, chiếm đa số tại Thượng viện.

http://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-doi-ngoai-thuong-vien-my-ung-ho-ong-tillerson-lam-ngoai-truong/3689055.html

 

Ông Trump ra lệnh ngưng thuê mướn công chức liên bang

Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 ban hành lệnh ngưng thuê mướn nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang, một cách nhằm giảm bớt gánh nặng lương bổng và giới hạn quy mô guồng máy nhân sự trong liên bang.

Chỉ thị của ông Trump thực hiện đúng cam kết của ông khi tranh cử.

Tổng thống cho biết các thành viên trong quân đội không nằm trong gói kế hoạch ngưng thuê mướn nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang vừa kể. Các vị trí trong lĩnh vực an toàn công cộng và sức khỏe công cộng cũng được nằm trong diện ngoại lệ.

Tân Tổng thống đã hứa sẽ có hành động giảm bớt bộ máy hành chính liên bang cồng kềnh và chỉ thị hôm nay có thể là bước đầu trong nỗ lực cắt giảm nhân viên chính phủ.

Lệnh do ông Trump ký hôm nay tương tự như bản ghi nhớ cựu Tổng thống George W. Bush ký khi bắt đầu nhiệm kỳ hồi năm 2001.

Trong năm 2015, chính phủ có 1,3 triệu nhân viên làm việc trong 372 cơ quan nhà nước với mức lương trung bình là 82,576 đô la/năm, theo thống kê của trang Federalpay.org.

Trước khi mãn nhiệm, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã gia tăng thuê mướn công nhân viên chức nhà nước trước khi ông Trump lên nắm quyền.

Những người nào được thuê mướn nhưng chưa chính thức bắt đầu làm việc có thể bị ảnh hưởng bởi chỉ thị ngưng thuê mướn công chức do Tổng thống Trump ban hành hôm nay.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-ra-lenh-ngung-thue-muon-cong-chuc-lien-bang/3688601.html

 

Tân Tổng thống Trump sắp bị kiện

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bị một cơ quan giám sát về đạo đức chuẩn bị nộp đơn kiện ông đã vi phạm một điều khoản trong Hiến pháp.

Nhóm Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (CREW) ở Washington cho biết họ có ý định nộp đơn kiện vào ngày thứ Hai tại tòa án liên bang ở Manhattan.

Điều khoản Hiến pháp cấm các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả các chính phủ, tặng tiền hoặc quà cáp cho tổng thống mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Theo The New York Times, tờ báo đầu tiên tường thuật việc này hôm Chủ nhật, vụ kiện không nhằm đòi tiền bồi thường thiệt hại, mà thay vào đó yêu cầu tòa án ngăn tổng thống nhận tiền từ “các thực thể” nước ngoài.

Nhóm CREW nói vì ông Trump đã từ chối rút hoàn toàn khỏi doanh nghiệp riêng, nên “bây giờ ông đang nhận tiền mặt và các ưu đãi từ các chính phủ nước ngoài, thông qua các vị khách và các sự kiện tại khách sạn của ông, và thông qua các hoạt động cho thuê các tòa nhà và các giao dịch bất động sản có giá trị ở nước ngoài”.

Bà Sherri Dillon, một trong những luật sư của ông Trump, hồi đầu tháng này nói: “Khi Hiến pháp được viết ra, không ai có thể nghĩ rằng việc trả tiền hóa đơn khách sạn lại là một khoản thù lao”.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành CREW Noah Bookbinder cho biết: “Chúng tôi không muốn mọi chuyện đi đến mức này. Chúng tôi chỉ hy vọng Tổng thống Trump sẽ thực hiện các bước cần thiết để tránh vi phạm Hiến pháp trước khi ông nhận nhiệm sở”.

Ông Eric Trump, con trai ông Trump, nói với tờ New York Times rằng vụ kiện của CREW là “sự quấy rối hoàn toàn vì lợi ích chính trị”, và nói động thái này là “rất, rất đáng buồn”.

Gần đây, Tổng thống Trump cho biết ông đang lập ra một quỹ tín thác và hai con trai Donald Trump Jr. và Eric, cùng với một trong những giám đốc điều hành của Tổ chức Trump, sẽ điều hành các khoản phúc lợi kinh doanh toàn cầu của ông.

CREW nói khi Tổng thống Trump ngồi xuống để đàm phán các thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác nhau, “người dân Mỹ sẽ không có cách nào để biết liệu ông có suy nghĩ về lợi nhuận của doanh nhân Trump hay không”.

“Tổng thống Trump đã đưa ra khẩu hiệu ‘Nước Mỹ hàng đầu”, ông Bookbinder nói. “Do đó bạn sẽ nghĩ rằng ông ấy muốn tuân thủ chặt chẽ điều khoản của Hiến pháp về thù lao, vì nó được viết ra để đảm bảo rằng các giới chức chính phủ của chúng ta nghĩ đến người dân Mỹ đầu tiên, chứ không phải các chính phủ nước ngoài”.

Ông Norm Eisen, một luật sư về những vấn đề đạo đức của chính quyền Obama, là một thành viên của nhóm pháp lý CREW. Ông nói với tờ Times rằng vụ kiện chính là cách để có được các bản sao khai thuế liên bang của ông Trump nhằm đánh giá đúng các giao dịch kinh doanh của tổng thống với các chính phủ các nước như Trung Quốc và Nga, và ông đang nợ họ bao nhiêu.

http://www.voatiengviet.com/a/tan-tong-thong-trump-sap-bi-kien/3688571.html

 

Tòa Bạch Ốc thề ‘quyết chiến’ với truyền thông

Hôm Chủ nhật, Tòa Bạch Ốc thề sẽ chống lại truyền thông tới cùng vì “các cuộc tấn công bất công”. Một cố vấn hàng đầu nói chính quyền Trump đã đưa ra các số ước tính cao gấp nhiều lần so với con số ước tính quá thấp mà truyền thông đưa ra về số người dự lễ đăng quang của ông Trump.

Ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Trump nói ông đang có một “cuộc chiến tranh” với truyền thông và cáo buộc các nhà báo đã hạ thấp ước tính số người đến tham dự lễ nhậm chức của ông hôm thứ Sáu.

Phát biểu trên kênh tin tức Fox News hôm Chủ nhật, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Reince Priebus nói: “Vấn đề không phải là số người đến dự lễ. Vấn đề là các cuộc tấn công và những âm mưu phá hoại tính chính danh của tổng thống nội trong một ngày. Và chúng tôi sẽ không để yên chuyện này”.

Cãi cọ với báo giới là chủ đề áp đảo trong tuần đầu tiên ông Trump lên nắm chức tổng thống, làm lu mờ cả những tranh luận về chính sách và những bổ nhiệm nội các.

Đây cũng là chủ đề chính trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống đảng Cộng hòa tới cơ quan CIA, cũng như tại cuộc họp báo đầu tiên của thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc và trong lần xuất hiện đầu tiên của các giới chức cấp cao của tân chính quyền trên các show truyền hình hôm Chủ nhật.

Tất cả đều cho thấy tân chính quyền sẽ tiếp tục có một lập trường cứng rắn với các hãng truyền thông đưa tin về ông Trump.

Ông Priebus nói: “Chúng tôi sẽ quyết chiến mỗi ngày và hai lần vào Chủ nhật”.

Ông lặp lại khẳng định của thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer hôm thứ Bảy rằng truyền thông đã xử lý những hình ảnh ở Quảng trường Quốc gia (National Mall) để làm cho đám đông hôm thứ Sáu trông nhỏ hơn so với thực tế.

Những hình ảnh từ trên cao cho thấy đám đông nhỏ hơn đáng kể so với lúc ông Barack Obama nhậm chức tổng thống vào năm 2009.

Hệ thống tàu điện ngầm Washington cho biết có 193.000 lượt người đi tàu tính đến 11 giờ sáng ngày thứ Sáu, so với 513.000 lượt người đi tại cùng thời điểm trong lễ nhậm chức năm 2009.

http://www.voatiengviet.com/a/toa-bach-oc-the-quyet-chien-voi-truyen-thong/3688392.html

 

Hong Kong thị trường nhà đắt nhất thế giới

Hong Kong giữ nguyên vị trí là thị trường nhà đắt đỏ nhất thế giới trong suốt 7 năm liền trong số 406 khu vực trung tâm, theo kết quả cuộc khảo sát thường niên của công ty nghiên cứu Demographia.

Giá trung bình một căn nhà ở Hong Kong hồi năm ngoái cao hơn gấp 18 lần so với thu nhập trước thuế bình quân của một hộ gia đình ở vùng lãnh thổ này. Năm trước, mức chênh lệch đó là cao gấp 19 lần.

Bảo đảm giá nhà phải chăng cho dân Hong Kong là một vấn đề đau đầu với trưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế và vay vốn mua nhà.

Thành phố Sydney của Australia giữ vị trí thứ nhì về thị trường nhà đắt đỏ trên thế giới, Vancouver của Canada được xếp hạng ba, trong khi thành phố Auckland của New Zealand đứng thứ tư.

Các khu vực đô thị có giá nhà đắt đỏ trong top 10 còn có thành phố San Jose ở miền bắc bang California, Melbourne của Australia, Honolulu ở Hawaii, Los Angeles, San Francisco, Bournemouth và Dorset của Anh.

Trong số 29 thành phố được đánh giá là ‘không thể kham nổi’ trong cuộc khảo sát giá nhà thường niên do tổ chức Demographia thực hiện có tới 5 thành phố thuộc Australia.

Theo BLOOMBERG/ The Australian 1

http://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-thi-truong-nha-dat-nhat-the-gioi/3689048.html

 

Thái Lan ủng hộ phá bỏ các đảo nhỏ trên Sông Mekong

Chính phủ Thái Lan ủng hộ một kế hoạch của Trung Quốc phá bỏ những đảo nhỏ và những bãi đá trên Sông Mekong trong khuôn khổ của một dự án kéo dài 10 năm để tăng tiến vận chuyển hàng hải từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến tỉnh Luang Prabang ở Lào.

Dự án có tên Kế hoạch Phát triển về Thủy lộ quốc tế trên sông Lancang-MeKong (2015-2025) được thành lập theo 3 giai đoạn, với một cuộc thăm dò sơ khởi, thiết kế, và đánh giá môi trường và xã hội.

Kế hoạch “cải thiện” lưu thông đường thủy bao gồm 630 kilômét từ Trung Quốc đến cột mốc biên giới 243 của Myanmar tới Luang Prabang nhằm giúp các tàu thuyền 500 tấn di chuyển qua lại khu vực này.

Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 2020, bao gồm việc cải thiện vận tải đường sông dài khoảng 259 kilômét, cũng như xây dựng các cảng hàng hóa và hành khách.

Tuy nhiên, kế hoạch được Nội các Thái Lan chấp thuận vào tháng 12 vừa qua đã bị giới bảo vệ môi trường thiên nhiên phản đối vì cho rằng việc phá bỏ những đảo nhỏ sẽ có “ảnh hưởng tai hại” lên đời sống hoang dã của các loài thủy sản và những cộng đồng địa phương.

Năm 2015 ước tính có khoảng 3,500 tàu chở hàng, phần lớn từ 100 và 300 tấn, chuyển hàng hóa tới Thái Lan.

Giới chức Thái Lan cho hay Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan đã thành lập một toán khảo sát sông và nhất trí cải thiện thủy lộ này.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thành lập một kế hoạch cải thiện sự hợp tác và liên kết trong 6 nước của sáng kiến Hợp tác Lancang-Mekong bao gồm Trung Quốc, Kampuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trung Quốc cho vay 1,54 tỉ đô la và 10 tỉ đô la tín dụng để tài trợ hạ tầng cơ sở và cải thiện mạng lưới giao thông trong vùng Sông Mekong.

Giới bảo vệ môi trường nói kế hoạch mới nhất được đưa ra giữa lúc Sông Mekong đã phải đối mặt với những ảnh hưởng của việc xây đập, trong đó có 3 dự án thủy điện đã được Lào xây dựng hay đang trong vòng cứu xét ở hạ lưu Sông Mekong.

Quan tâm chính của các nhà bảo vệ môi trường tập trung vào một dải sông dài 1,6 kilômét được gọi là Khon Pi Luang-một dải các đảo và đá nằm rải rác, và là biên giới tự nhiên giữa Thái Lan và Lào ở quận Chiang Khnon thuộc Chiang Rai.

Kế hoạch cải thiện thủy trình trên Sông Mekong của Trung Quốc có trên 25 năm. Họ đã cho nổ những đảo nhỏ tại vùng hạ lưu và một chương trình phá những đảo nhỏ ở hạ lưu Sông Mekong đã diễn ra vào năm 2001, gần bang Shan của Myanmar.

Vào năm 2002, chính phủ Thái Lan dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhằm lấy lòng Trung Quốc, đã cho nổ các đảo thượng nguồn từ Khon Pi Luang.

Tuy nhiên chương trình này bị Bộ Quốc phòng Thái Lan ngưng lại vì ngại rằng sẽ có tranh chấp biên giới với nước láng giềng Lào. Biên giới Thái-Lào được đặt tại điểm sâu nhất của dòng sông. Phá hủy những đảo sẽ thay đổi lằn ranh biên giới có thể bất lợi cho Thái Lan.

Các nhà bảo vệ môi trường nói các đảo nhỏ đóng một vai trò trọng yếu trong môi trường sống của cá và là nơi sinh sống của 200 loài cá sống dọc theo dải sông này.

http://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-ung-ho-pha-bo-cac-dao-nho-tren-song-mekong/3688631.html

 

Trung Quốc sẽ nhận vai trò lãnh đạo thế giới nếu cần

Trung Quốc không muốn làm lãnh đạo thế giới nhưng có thể buộc phải đóng vai trò đó nếu các nước khác không đảm nhiệm, một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tuyên bố ngày 23/1.

Ông Zhang Jun, tổng giám đốc bộ phận phụ trách kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra phát biểu này sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết đặt ‘Nước Mỹ trên hết.’

Nhận định của ông Zhang được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), mô tả Trung Quốc là lãnh đạo của một thế giới toàn cầu hóa, nơi chỉ có hợp tác quốc tế mới giải quyết được các vấn đề lớn.

Ông Zhang nói Trung Quốc không có ý định mưu tìm vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhưng nếu được yêu cầu làm điều đó, Bắc Kinh sẽ lãnh trách nhiệm.

Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, ông Zhang khuyến cáo rằng ông Trump khó đạt được mục tiêu tăng trường kinh tế nếu cùng lúc phải ‘tham chiến’ trong cuộc chiến thương mại.

Nhà ngoại giao của Trung Quốc cảnh báo ‘một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc chiến tỷ giá hối đoái sẽ không có lợi cho bất kỳ nước nào.’

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-se-nhan-vai-tro-lanh-dao-the-gioi-neu-can/3688618.html

 

Bắc Kinh: Chính quyền Trump phải hiểu

tầm quan trọng của chính sách ‘một Trung Quốc’

Tân chính quyền Hoa Kỳ phải hiểu thấu đáo tầm quan trọng của chính sách “một Trung Quốc” và xem vấn đề Đài Loan là rất nhạy cảm đối với chính quyền ở Bắc Kinh, Trung Quốc nói hôm thứ Hai.

Hồi tháng 12, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã lên nhậm chức hôm thứ Sáu, nói Washington không nhất thiết phải giữ lập trường là Đài Loan là một phần của “một Trung Quốc”.

Trước đó, ông Trump đã phá vỡ tiền lệ kéo dài nhiều thập niên bằng cách nhận cuộc gọi điện thoại chúc mừng đắc cử từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Theo nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, Đài Loan và Trung Quốc đại lục là một bộ phận không thể tách rời của một đất nước Trung Quốc duy nhất. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết để kiểm soát Đài Loan.

Tuy nhiên, người dân ở Đài Loan không hứng thú với việc Bắc Kinh cai trị đảo quốc của họ.

Trong cuộc họp thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi kêu gọi tân chính quyền Mỹ hiểu thấu đáo sự nhạy cảm cao về vấn đề Đài Loan và tiếp tục theo đuổi chính sách một Trung Quốc”.

Bà Hoa gọi chính sách này là “nền tảng chính trị” của các mối quan hệ trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bà nói bất kỳ chính quyền nào của Hoa Kỳ cũng có nghĩa vụ phải giữ những cam kết của cả hai đảng chính trị lớn của Mỹ và “nghiêm chỉnh” duy trì quan hệ phi ngoại giao với Đài Loan.

Bà Hoa cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà nói Hoa Kỳ không nên can thiệp vào vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Bà nói cả “lịch sử và hiện thực” đều chứng minh mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng tích cực đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

http://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-chinh-quyen-trump-phai-hieu-tam-quan-trong-cua-chinh-sach-mot-tq/3688498.html

 

Iraq lệnh điều tra tố cáo lực lượng an ninh

ngược đãi thường dân ở Mosul

Hôm thứ Hai, Thủ tướng Haider al-Abadi đã ra lệnh điều tra về những tố cáo các lực lượng an ninh Iraq và một nhóm bán quân sự Shia đã bắt cóc và ngược đãi thường dân trong chiến dịch tái chiếm Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo.

Một tuyên bố chính thức cho biết ông Abadi cũng kêu gọi các cấp chỉ huy trên chiến địa phải đảm bảo không vi phạm nhân quyền theo các quy ước về chiến tranh.

Một video đang lưu truyền trên mạng xã hội và mạng truyền thông Al Jazeera có trụ sở ở Qatar hôm thứ Bảy cho thấy các giới chức cảnh sát đã hành quyết nhanh ba người đàn ông không vũ trang trong một quận tái chiếm từ tay Nhà nước Hồi giáo ở Mosul.

Ngày 5 tháng 1, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói các đơn vị của Lực lượng Dân quân Cơ động Iraq dính líu vào “các vi phạm có hệ thống”, bao gồm các vụ mất tích cưỡng bức, tra tấn và giết người phi pháp nhắm vào cộng đồng người Sunni.

Lực lượng Cơ động là liên hiệp các nhóm dân quân đa số là người Shia được Iran đào tạo. Lực lượng này được thành lập vào năm 2014 để tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Lực lượng đã chính thức trở thành một phần trong các lực lượng vũ trang Iraq hồi năm ngoái.

Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đang yểm trợ trên không và trên bộ cho các lực lượng Iraq trong chiến dịch tái chiếm Mosul từ nhóm Sunni cực đoan. Nhà nước Hồi giáo đã chiếm Mosul vào năm 2014 và tuyên bố vương quốc Hồi giáo trải dài trên nhiều khu vực ở Syria.

http://www.voatiengviet.com/a/iraq-lenh-dieu-tra-to-cao-luc-luong-an-ninh-nguoc-dai-thuong-dan-o-mosul/3688463.html

 

Chính phủ Syria đàm phán

với phe nổi dậy sau 6 năm chiến tranh

Zlatica Hoke

WASHINGTON —

Các đại diện của chính phủ Syria và phe nổi dậy gặp nhau tại thủ đô Astana của Kazakhstan lần đầu tiên sau gần 6 năm giao tranh. Cuộc đàm phán hai ngày do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Hoa Kỳ không cử phái đoàn tham dự, nhưng Đại sứ George Krol của Mỹ ở Kazakhstan đến dự trong tư cách quan sát viên.

Trước cuộc đàm phán, ông Yahya al-Aridi, một người phát ngôn của phe đối lập, nói rằng việc chính quyền của ông Assad chấm dứt vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 30 tháng 12 nằm đầu nghị trình. Ông nói:

“Mục tiêu đó nếu đạt được sẽ có thể giúp ích cho tiến trình chính trị.”

Chiều thứ Bảy trước cuộc đàm phán khai mạc hôm Chủ nhật, một video được loan tải cho thấy máy bay oanh kích hai thị trấn do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria.

Đại diện của chính phủ Syria, ông Bashar al-Jaafari nói Damascus “sẵn sàng thảo luận tất cả mọi thứ.”

Một đại diện của Nga nói rằng không có giải pháp nào nhanh chóng và đơn giản cho cuộc xung đột sáu năm qua, nhưng ông bày tỏ lạc quan về cuộc đàm phán.

Ông Aleksandr Musiyenko, phát ngôn viên của Ðại sứ quán Nga, nói:

“Không khí chiến tranh và bất đồng thật sự sôi sục. Chúng tôi cố tìm một thỏa thuận cho tất cả mọi người. Đó là điều chúng tôi đang cố hết sức.”

Đại diện của Mỹ tại cuộc đàm phán là một đại sứ được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vì tân chính quyền chưa thay thế.

Ông Yahya al-Aridi của phe đối lập nói rằng điều đó không gây lo ngại cho phe nổi dậy. Ông cho biết:

“Bất cứ ai đến tham dự cuộc đàm phán – đại diện cho chính quyền Obama hay chính quyền Trump – chúng tôi không lo ngại điều đó. Chúng tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai có thể giúp chấm dứt bi kịch này cho Syria, nhất là chính quyền nào sẵn lòng chấm dứt bi kịch này.”

Ông Jaafari, đại diện chính phủ Syria, bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tân chính phủ Mỹ:

“Chúng tôi hy vọng dưới chính quyền của ông Trump, phía Mỹ có thể có thái độ tích cực hơn với giải pháp chính trị.”

Người Syria thất tán vì cuộc nội chiến hy vọng cuộc đàm phán sẽ đạt thành công để họ có thể trở về lại quê nhà của họ.

Ông Ali Ahmad Mohammed, một người tị nạn Syria, nói:

“Hy vọng, an ninh được lập lại trên đất nước chúng tôi và trên toàn thế giới Ả Rập. Chúng tôi thực sự đã chịu đựng cảnh thất tán và mọi thứ khác quá nhiều.”

Nhưng nhiều người không tin tưởng các chính trị gia sẽ tranh đấu cho sự quan tâm và lợi ích của họ.

Ông Wahid Al-Akari, một người tị nạn Syria, nói:

“Cuộc đàm phán Astana cũng giống như những cuộc đàm phán khác trước đó. Chỉ là một cuộc trình diễn, còn nạn nhân vẫn là người dân Syria. Thật đáng buồn là mọi người mang chúng tôi ra làm vật trao đổi – đó là Nga, Iran, rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi biến thành một chiếc bánh được họ mang ra phân chia để mỗi người đều có một phần.”

Ước tính khoảng 400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Syria kể từ tháng 3 năm 2011, và hơn một nửa dân số nước này thất tán.

http://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-syria-dam-phan-voi-phe-noi-day-sau-6-nam-chien-tranh/3687960.html

 

Brexit:

Tòa Tối cao nói cần phải được QH Anh phê chuẩn

Tòa Tối cao Anh Quốc quyết định cho Quốc hội được quyền bỏ phiếu trước khi Thủ tướng Theresa May có thể kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon mở đường để Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu.

Bà May hứa sẽ kích hoạt điều 50 trước ngày cuối cùng của tháng 3 năm 2017.

Phán quyết ra sáng 24/01/2017 tại London của Tòa Tối cao nói chính phủ không thể nào tự kích hoạt điều 50 nếu không được các thành viên Lưỡng viện Anh cho phép.

Phán quyết của Tòa Tối cao được thông qua với 8 phiếu thuận và 3 phiếu chống.

Tuy nhiên, Tòa cũng nói rằng Quốc hội Scotland, Quốc hội Xứ Wales và Quốc hội Bắc Ireland không có tiếng nói trong vấn đề này.

Những người vận động nói rằng việc không để cho Quốc hội Anh biểu quyết là phi dân chủ.

Chính phủ nói chính phủ đã có đủ quyền để kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon mà không cần tham vấn với các dân biểu cũng như các thành viên Viện Nguyên lão, tức Thượng viện Anh.

Tuy nhiên, nay Trưởng Công tố Jeremy Wright nói chính phủ ‘thất vọng’ nhưng sẽ ‘tuân thủ’ và làm ‘mọi thứ cần thiết’ để thực thi phán quyết.

Công dân kiện thủ tướng

Vụ kiện chính phủ Anh đến từ lá đơn của một người dân, bà Gina Miller, doanh nhân 51 tuổi, sống tại London.

Bà cùng người làm nghề uốn tóc gốc Tây Ban Nha, Deir Dos Santos, ký đơn kiện.

Sau khi được xem xét ở Tòa Phúc thẩm, vụ việc lên Tòa Tối cao với lý do đây là vấn đề liên quan đến hiến pháp.

Các nguyên ̣đơn được sự ủng hộ của nhóm vận động ‘Người dân Thách thức’ (People’s Challenge), do ông Grahame Pigney lập ra.

Sinh ra ở Guyana nhưng lớn lên tại Anh, bà Gina Miller hiện đang làm nhà quản lý đầu tư tại công ty SCM Private do bà và chồng sáng lập mới hồi năm 2014.

Tự hào là người gốc Nam Mỹ, bà cũng đóng góp nhiều cho các hoạt động tự thiện ở Anh.

Vụ kiện khiến bà Gina Miller bị một số kẻ lạ mặt đe dọa và phỉ báng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38699306

 

Vận động hình thành một hiệp định mới thay TPP

Ít giờ đồng hồ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một số nhà lãnh đạo những cường quốc Châu Á lên tiếng cho hay sẽ mở cuộc vận động để hình thành một bản hiệp định mới, bất kể có sự tham gia của Hoa Kỳ hay không.

Thủ Tướng Úc, ông Malcolm Turnbull nói đã bàn thảo với các nhà lãnh đạo của New Zealand, Nhật Bản và Singapore về ý kiến này.

Những nước mà Thủ tướng Úc nhắc đến đều là thành viên quan trọng của TPP.

Tại Tokyo, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhắc lại tầm quan trọng của TPP, gọi đây là bản hiệp định mẫu mực mà những khu vực kinh tế khác có thể noi theo, kể cả các nước Châu Âu.

Ông Abe cũng nói sẽ sớm gặp Tổng thống Trump, với hy vọng thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ nghĩ lại về bản hiệp định này.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Thương mại nước này là ông Ong Ka Chuan nói rằng các nước tham gia TPP sẽ gặp nhau để thảo luận bước đi kế tiếp.

Ngay từ khi còn vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ rút khỏi TPP, gọi bản hiệp định thương mại này là thảm họa của nước Mỹ, vì không giúp phát triển thêm về kinh tế, lại khiến công nhân Hoa Kỳ mất việc làm.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/push-to-save-pacific-rim-trade-deal-01242017111826.html

 

Quyền Tổng thống Nam Hàn thúc đẩy hoàn tất THAAD

Tại Seoul, ông Hwang Kyo-Ahn, quyền Tổng thống Nam Hàn thúc đẩy nhanh chóng thực hiện và hoàn tất kế hoạch dựng hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD.

Hôm nay khi tiếp xúc với báo chí, ông Hwang nói rằng trong năm 2016 vừa qua, Bắc Hàn 2 lần cho nổ thử nghiệm hạt nhân và nhiều lần bắn tên lửa, gọi đó là những hành động đe dọa cực kỳ nghiêm trọng của Bình Nhưỡng. Do đó, quyền tổng thống Nam Hàn nhấn mạnh phải hoàn tất kế hoạch dựng hệ thống THAAD để bảo vệ an ninh quốc phòng và an toàn cho người dân miền Nam.

Năm ngoái, hai chính phủ Hoa Kỳ và Nam Hàn đồng ý dựng hệ thống phòng thủ THAAD, nhưng tới giờ vẫn chưa bắt đầu thực hiện, trong lúc Bắc Kinh thường mạnh mẽ lên tiếng chống đối, cho rằng Hoa Kỳ dựng hệ thống phòng thủ này với mục đích theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/sk-act-pre-urge-swift-thaad-deployment-01232017085503.html

 

Syria : Nga-Iran-Thổ

đồng ý lập « cơ chế » bảo đảm hưu chiến

Mai Vân

Ngày 24/01/2017, hoà đàm Syria bước sang ngày thứ hai tại Astana, thủ đô Kazakhstan. Ba nước bảo trợ gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận thành lập một « cơ chế » thi hành và kiểm sóat các bên thực hiện lệnh hưu chiến và để tránh những hành động khiêu khích.

Theo AFP, quyết định của ba nước bảo trợ, do ngoại trưởng nước chủ nhà Kairat Abdrrakhmanov loan báo, phù hợp với lời kêu gọi của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan Mistura và được phe nổi dậy hậu thuẫn.

Một điểm đồng thuận khác là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ cho phe nổi dậy tham gia vòng đàm phán dự trù vào ngày 08/02/2017 tới tại Genève, lần này dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Đây là những kết quả cụ thể được ghi nhận trong ngày thứ nhì sau ngày họp đầu tiên khá căng thẳng do tranh cãi giữa đại diện Damas và phe nổi dậy về chuyện vi phạm ngưng bắn, kẻ nói có người nói không.

Đặc phái viên RFI, Muriel Pomponne, tường thuật về ngày đàm phán đầu tiên  :

« Phe nổi dậy tố cáo chính quyền Damas vi phạm lệnh ngưng bắn trong lúc đại diện chính phủ gọi phe nổi dậy là thành phần khủng bố. Trong ngày đầu tiên của cuộc hòa đàm, không khí lại không hòa dịu chút nào cho nên khả năng thương lượng trực tiếp đã bị loại bỏ.

Chỉ có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian giữa phái đoàn chính phủ và phe đối lập, vốn không đồng ý cho Iran đóng vai trò này.

Hơn nữa, trước khi tính đến khả năng thương lượng trực tiếp giữa hai bên, phe nổi dậy đã đặt điều kiện là những lực lượng thân Damas phải tôn trọng ngưng bắn và nhất là các chiến binh nước ngoài, Iran, Afghanistan, Irak, Liban, mà phe nổi dậy ước tính lên đến 90.000 người, phải rút đi.

Về vấn đề vi phạm ngưng bắn phe đối lập nêu lên các trận đánh ở thành phố Wadi Barada và yêu cầu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ gởi quan sát viên đến đấy xem tình hình ra sao.

Tuy nhiên họ cũng công nhận là Nga nhìn chung đã tôn trọng ngưng bắn, nhưng tố cáo chính quyền Damas và lực lượng Iran vi phạm thỏa thuận.

Phái đoàn đối lập gồm 13 người đại diện cho 63 nhóm, còn đòi hỏi là trước khi đề cập đến vấn đề khác như chính trị, hai bên phải thảo luận về trợ giúp nhân đạo và trao đổi tù binh mà họ cho là khoảng 30.000 người. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170124-syria-hoa-dam-tai-astana-khoi-dau-gian-nan

 

LHCÂ : Nga đã tung chiến dịch

thông tin bất lợi cho thủ tướng Đức

Mai Vân

Trong năm 2016 thủ tướng Đức Angela Merkel là một trong những đích nhắm được ưa chuộng của Nga trong các chiến dịch thông tin bất lợi và sai lệch. Thủ đoạn này sẽ càng được sử dụng nhiều hơn khi gần đến ngày bầu cử trong năm nay.

Một nguồn tin thông thạo từ Bruxelles tiết lộ tin trên vào hôm qua, 23/01/2017. Ngay từ năm 2015, lãnh đạo ngoại giao châu Âu bà Federica Mogherini đã cho thành lập một nhóm đặc nhiệm mang tên “East StratCom Task Force“, chuyên phát hiện các chiến dịch lũng đoạn thông tin mà Nga tiến hành.

Theo nguồn tin châu Âu được trích dẫn thì êkíp nói trên gồm khoảng một chục chuyên gia thông thạo tiếng Nga đã truy tìm các thông tin bất lợi mà Matxcơva tung ra thông qua nhiều kênh, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, và có lợi cho Nga, như về Ukraina, về làn sóng di dân và nạn khủng bố ở châu Âu. Công việc của những chuyên gia này là phát hiện chiến lược gây ảnh hưởng của Nga, chứ không phải lập danh sách đen các phương tiện truyền thông đưa tin với dụng ý xấu.

Trong 15 tháng làm việc, từ mùa thu 2015 đến nay, êkíp này – có trang web là euvsdisinfo.eu, đã ghi nhận 2 500 trường hợp thông tin trong 18 thứ tiếng « đi ngược lại với các sự kiện thực tế mà công chúng đều có thể tham khảo ».

Từ sau các vụ tấn công tình dục ở Cologne vào ngày đầu năm 2016 mà thủ phạm bị cho là những người nhập cư, chiến dịch của Nga đã tập trung nhắm vào bà Merkel, quy trách nhiệm cho bà trong vấn đề người xin tị nạn đổ vào châu Âu, thậm chí trong vấn đề châu Âu bị khủng bố.

Trên trang web euvsdisinfo.eu, nhóm đặc nhiệm châu Âu xác định, « chiến dịch lũng đoạn thông tin là một biện pháp phi quân sự để phục vụ những ý đồ chính trị… Liên quan đến năm 2017, Đức và Pháp đã cảnh báo về những thông tin bất lợi liên quan đến bầu cử ở hai nước này, trong lúc nhiều cơ quan an ninh châu Âu đã công khai nói đến mối đe dọa từ các hành động thù nghịch của Nga ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170124-lhca-nga-da-tung-chien-dich-thong-tin-bat-loi-danh-vao-thu-tuong-duc

 

Mỹ có « cam kết không thể lay chuyển » với NATO

Thùy Dương

Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump luôn coi NATO là « lỗi thời » nhưng theo hãng tin AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis hôm qua 23/01/2017 khẳng định với các đồng minh NATO là Mỹ có « cam kết không thể lay chuyển » với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương.

Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc, ông James Mattis đã điện đàm với ông Jens Stoltenberg – tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương cũng như với bộ trưởng Quốc Phòng các nước đồng minh Anh và Canada.

Trong buổi điện đàm với bộ trưởng Quốc Phòng Anh Micheal Fallon, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã nhấn mạnh rằng Mỹ có « cam kết không thể lay chuyển » với NATO, rằng Washington và Luân Đôn sẽ luôn giữ mối quan hệ đặc biệt gần gũi, và hiển hiện rất rõ trong các họp tác về quốc phòng. Ông Mattis coi đây là nền tảng cho sự an toàn của Hoa Kỳ.

Lời khẳng định này của bộ trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Anh Theresa May sẽ là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên được tổng thống Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu 27/01.

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh – Mỹ cũng đã cam kết duy trì mục tiêu diệt trừ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Còn trong một bài phỏng vấn trên Financial Times ra ngày 20/01, thủ tướng Anh Theresa May đã khẳng định tin tưởng vào mối quan hệ Anh-Mỹ trong tương lai và tin rằng tổng thống Donald Trump sẽ công nhận vai trò quan trọng của NATO.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170124-tan-bo-truong-quoc-phong-mattis-my-co-%C2%AB-cam-ket-khong-the-lay-chuyen-%C2%BB-voi-nato