Tin khắp nơi 24-10-2016
‘Một triệu’ quan chức Trung Quốc bị điều tra tham nhũng
Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra hơn một triệu quan chức nghi ngờ có tham nhũng, chính phủ nói.
409 người khác, được cho là bỏ nước ra đi, đã bị bắt tại nước ngoài trong năm nay.
Số liệu được công bố trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc hội nghị trung ương ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã và đang đóng vai trò đầu tầu trong nỗ lực thanh toán nạn tham nhũng tràn lan.
Nhưng một số nhà quan sát nói rằng chiến dịch này cũng được ông Tập dùng để loại các đối thủ chính trị. Ông Tập bác bỏ cáo buộc này.
Phóng viên BBC tại Bắc Kinh Stephen McDonell nói rằng hội nghị trung ương họp kín sẽ bàn thảo những thay đổi trong điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng một số thay đổi được cân nhắc có thể sẽ cho Chủ tịch Tập Cận Bình quá nhiều quyền lực, phóng viên BBC nói thêm.
Những người bị điều tra tham nhũng gồm từ giới chức cấp thấp cho tới các bộ trưởng, và bao gồm cả những người làm việc trong khối doanh nghiệp và truyền thông.
Trung Quốc đã và đang truy bắt các nghi phạm bỏ đất nước ra đi trong các chiến dịch họ gọi là Lưới Trời và Săn Cáo.
Chính phủ Trung Quốc nói các đối tượng bị nghi là quan chức dính vào tham nhũng và lạm quyền cũng như các tội khác. – BBC
Bỉ chặn thỏa thuận thương mại EU-Canada
Thủ tướng Charles Michel cho hay vì bị dân vùng Wallonia phản đối, Bỉ không ký được thỏa thuận thương mại tự do quan trọng giữa EU và Canada.
Thông báo của ông Michel dường như đã xua tan hy vọng là thỏa thuận Ceta có thể được lãnh đạo EU và Canada ký ngày thứ Năm tới 27/10.
Ông Michel nói sau khi cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các khu vực thất bại: “Chúng tôi không thể ký Ceta được rồi”.
Ceta là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất của EU từ trước tới nay, nhưng Bỉ cần tất cả các khu vực chuẩn thuận mới có thể ký kết.
Thủ tướng Michel nói ông cũng đã trình bày với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk rằng Bỉ không thể ký Ceta.
Ủy hội châu Âu đã đặt cho Bỉ hạn chót là 24/10 để ra quyết định có ký thỏa thuận với Canada sau 5 năm đàm phán hay không.
Biểu tình
Wallonia, khu vực có khuynh hướng thân tả với dân số 3,6 triệu người, muốn được bảo đảm chặt chẽ hơn về lao động, môi trường và chất lượng tiêu dùng.
Phe chống toàn cầu hóa cho là Ceta và các thỏa thuận tương tự cho các tập đoàn đa quốc gia quá nhiều quyền lực, thậm chí chèn lấn cả các chính quyền.
Tại một vài quốc gia châu Âu đã có biểu tình chống Ceta và thỏa thuận tự do thương mại TTIP giữa EU và Mỹ.
Theo Ceta mà hai bên đàm phán suốt từ 2009 tới nay, Canada và EU sẽ bỏ 98% thuế.
Phe ủng hộ nói Ceta sẽ khiến tăng tỷ trọng thương mại giữa hai bên lên 20%, và giúp các doanh nghiệp nhỏ.
Phe chỉ trích thì nói nó sẽ đe dọa chất lượng hàng hóa và chủ yếu có lợi cho các tập đoàn lớn. – BBC
Tây Ban Nha có chính phủ sau 10 tháng khủng hoảng chính trị
Hôm qua, 23/10/2016, đảng Xã Hội Tây Ban Nha đã chấp nhận không tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại Quốc Hội, qua đó, cho phép Tây Ban Nha có được một chính phủ sau hơn 10 tháng khủng hoảng chính trị.
Ông Mariano Rajoy tuy trở thành thủ tướng, nhưng lãnh đạo một chính phủ cánh hữu thiểu số tại nghị viện.
Từ Madrid, thông tín viên François Musseau phân tích hệ quả của việc đảng cánh tả Xã Hội chấp nhận để cho cánh hữu lập chính phủ :
« Quyết định của đảng Xã Hội có nhiều hệ quả quan trọng, ngoài việc cho phép ông Mariano Rajoy tiếp tục làm thủ tướng.
Trước tiên, quyết định này cho thấy đảng Xã Hội đã bị suy yếu nghiêm trọng, bị mất hơn một triệu rưỡi phiếu trong hai năm qua. Quyết định cũng thể hiện rõ sự chia rẽ sâu sắc bên trong đảng này, giữa một bên là những người chấp nhận để phe bảo thủ tiếp tục cầm quyền và bên kia là những người chống lại bằng mọi giá với lý do đó là một đảng tham nhũng, áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.
Về phía cánh hữu của thủ tướng Rajoy, phe này tỏ ra hài lòng cho dù về mặt chính thức thì tỏ ra thận trọng và nói tới tinh thần cởi mở, chấp nhận thỏa hiệp.
Một đảng khác cũng thủ lợi nhiều là đảng cánh tả cấp tiến Podemos, lực lượng chính trị đứng hàng thứ ba ở nghị viện. Với quyết định của đảng Xã Hội chấp nhận cho cánh hữu lên cầm quyền, Podemos trở thành lực lượng đối lập duy nhất đối mặt với tân chính phủ của ông Rajoy. Podemos tự tuyên bố là chính đảng thay thế duy nhất cho các đảng phái truyền thống, cổ hủ và giới tinh hoa.
Đây là một nguy cơ to lớn đối với đảng Xã Hội, được thành lập cách nay hơn một thế kỷ. Đảng này giờ đây bị coi là một thằng ngốc cần thiết của cánh hữu và đang trên đà suy thoái không cưỡng lại nổi ».
Bắc Kinh cáo buộc Hồng Kong và Đài Loan cấu kết để tách rời khỏi Trung Quốc
Trung Quốc cáo buộc có những người Hồng Kong và Đài Loan đang âm mưu hợp tác chung để thực hiện ý đồ tách rời khỏi Hoa Lục, nói thêm âm mưu này sẽ chẳng bao giờ thành hình.
Chỉ trích được Bắc Kinh đưa ra liên quan đến việc Đài Loan mới cấp nhập cảnh cho thành viên của một tổ chức chủ trương đòi Hồng Kong phải được độc lập, tách rời khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc.
Trong thông cáo phổ biến ngày hôm qua tại Bắc Kinh, Văn Phòng dặc Trách Quan Hệ Với Đài Loan còn cho rằng chính phủ Đài Bắc đứng đàng sau giật dây, và điều này gây ảnh hưởng không tốt cho quan hệ giữa Đài Bắc với Bắc Kinh, và cho sự ổn định của đặc khu Hồng Kong.
Xin nhắc lại quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang ở trong trạng thái nguội lạnh, sau khi bà Tân Tổng Thống Thái Anh Văn không lên tiếng công nhận chính sách một quốc gia hai chính phủ, tức chưa xem Bắc Kinh là chính quyền đại diện cho Trung Quốc và Đài Loan chỉ là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. – RFA
HTML5
Tổng thống Nam Hàn đề nghị sửa Hiến pháp về nhiệm kỳ Tổng thống
Lên tiếng trước Quốc hội Nam Hàn hôm nay, nữ Tổng thống Park Geun-hye nêu ý kiến sửa đổi hiến pháp, để người được chọn lãnh đạo quốc gia sau này có thể đảm nhận vai trò ít nhất là 2 nhiệm kỳ, thay vì chỉ có một nhiệm kỳ 5 năm như hiện giờ.
Bà Tổng Thống Nam Hàn nói rõ không thể nào hoàn tất chính sách trong một nhiệm kỳ, do đó, Quốc Hội nên suy tính đề nghị cho người lãnh đạo quốc gia có cơ hội tái tranh cử, để tiếp tục những gì đã đề ra và thực hiện ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Bà cũng nói rằng dù Quốc Hội đồng ý thay đổi điều khoản đó ngay lúc này, bà cũng không tái ứng cử, tức sẽ rời chính trường vào tháng Hai năm 2018.
Hiến pháp Nam Hàn được tu chính hồi 1987, quy định người dân chỉ được làm tổng thống một nhiệm kỳ 5 năm, để tránh trường hợp người lãnh đạo trở thành độc tài, như đã từng xảy ra khi các tướng lãnh nắm quyền điều khiển đất nước.
Một trong những lãnh tụ độc tài vẫn được nói tới là Tướng Park Chung-hee, thân phụ của bà đương kim tổng thống Nam Hàn. Hồi 1961, ông dùng quân đội để lật đổ chính quyền dân sự và giữ chức tổng thống cho đến khi bị ám sát chết hồi 1979.
Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 70% cử tri Nam Hàn ủng hộ ý kiến sửa đổi hiến pháp, và 40% cho rằng làm tổng thống 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm là điều lý tưởng nhất.
Cũng cần nói thêm ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon sẽ mãn nhiệm kỳ vào cuối năm nay, sau đó ông trở về quê nhà ở Nam Hàn sinh sống. Hiện có dự đoán cho rằng ông Ban Ki-moon sẽ được đề nghị tranh chức tổng thống. – RFA
Anh bắt được nghi can trong vụ khí độc tại phi trường London
Hình minh họa – Phi trường thành phố London tạm đóng cửa để cảnh sát và lính cứu hỏa rà soát bằng thiết bị phát hiện hóa chất.
Cảnh sát Anh ngày 24/10 loan báo đã bắt giữ người đàn ông 25 tuổi có liên hệ tới sự việc khiến hàng trăm hành khách phải sơ tán ra khỏi sân bay thành phố London hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng vụ này không có liên quan tới khủng bố.
Cảnh sát London cho hay đương sự bị bắt vì tình nghi dùng một chất độc gây thiệt hại trầm trọng, vi phạm luật An ninh, chống khủng bố và chống tội phạm 2001.
Một thông cáo của cảnh sát sau đó cho biết vụ việc không được xử lý như một vấn đề có liên quan đến khủng bố và sẽ được sở cảnh sát hàng không điều tra.
Cảnh sát nói vụ bắt giữ diễn ra hôm thứ Bảy tại khu vực phía đông London. Nghi can bị giữ tại một trạm cảnh sát phía tây London và sau đó được tại ngoại hầu tra.
Phi trường thành phố London hôm thứ Sáu tạm đóng cửa một lát để cảnh sát và lính cứu hỏa rà soát bằng thiết bị phát hiện hóa chất.
Sau đó, cảnh sát cho hay vụ này có thể do khí CS thường được dùng để tự vệ và kiểm soát đám đông. – VOA
Ngoại giao con thoi Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 24/10 đặt chân tới thủ đô của Bắc Hàn, trong khi có tin quan chức ngoại giao hàng đầu nước này sắp sang Việt Nam.
Reuters dẫn lại hãng tin Nhật Bản, Kyodo, nói rằng đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc kể từ tháng Hai.
Chuyến công du của ông Lưu diễn ra trong bối cảnh Washington và các đồng minh đang thúc giục Bắc Kinh đồng ý với các biện pháp trừng phạt mới, nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an đối với Bình Nhưỡng sau khi Bắc Hàn thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 5 hồi tháng trước.
Hãng tin KCNA của Bắc Hàn đưa tin rằng ông Lưu dẫn đầu một phái đoàn Trung Quốc tới tham dự một cuộc họp thứ ba của ủy ban biên giới chung giữa Bắc Hàn và Trung Quốc.
Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn, nhưng thời gian qua phật lòng vì các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Kyodo đưa tin, quan chức hàng đầu phụ trách về đối ngoại của Bắc Hàn, Ri Su Yong, hôm 24/10 đã đặt chân tới Bắc Kinh, trên đường tới Việt Nam và Indonesia.
Hãng tin của Nhật cho biết rằng người ta đã nhìn thấy phó chủ tịch của Đảng Công nhân Triều Tiên ra khỏi cửa VIP tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, và được chào đón bởi quan chức Trung Quốc.
Kyodo đưa tin rằng ông Ri, một nhân vật thân tín của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, dự kiến sẽ tham dự một sự kiện của đảng cộng sản quốc tế kéo dài trong ba ngày từ ngày 28/10 ở Hà Nội.
Tuy nhiên, báo chí cũng như chính phủ Việt Nam chưa xác nhận thông tin về chuyến thăm của quan chức Bắc Hàn cũng như sự kiện mà Kyodo loan tin. – VOA