Tin khắp nơi – 23/12/2016
Ông Trump chọn Kellyanne Conway làm cố vấn tổng thống
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump hôm thứ Năm loan báo Tổng thống đắc cử Trump đã chọn bà Kellyanne Conway làm cố vấn tổng thống, giúp bà trở thành người phụ nữ giữ vị trí cao nhất trong Tòa Bạch Ốc dưới quyền Tổng thống Trump.
Bà Conway quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng Tám, ngay sau khi đảng Cộng hòa đề cử ông Trump làm ứng viên Tổng thống. Bà được coi là đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng bất ngờ của ông Trump. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ quản lý một chiến dịch tranh cử thắng lợi và sẽ phục vụ trong tư cách là một trong những phụ tá hàng đầu của tổng thống mới đắc cử.
Bà Conway là người kiên cường bênh vực ông Trump. Bà còn đứng cạnh ông sau khi một đoạn video thâu từ năm 2005 được phát tán, cho thấy ông Trump sử dụng những lời lẽ thô tục để kể lại cảnh ông sờ mó và ôm hôn phụ nữ mà không được sự đồng ý của họ.
Bà Conway là một chuyên viên thăm dò dư luận có kinh nghiệm và là một chiến lược gia chính trị có uy tín đối với các ứng viên bảo thủ. Bà từng cố vấn cho ông Newt Gingrich trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2012, và cho Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence khi ông vận động thành công cho chức thống đốc bang Indiana.
Tin cho hay bà Conway đã từng đối đầu với ông Reince Priebus, Chánh văn phòng tương lai của Toà Bạch Ốc, và cả con rể của ông Trump là Jared Kushner về những chỉ trích công khai của bà đối với ông Mitt Romney, cựu đối thủ của ông Trump, là một trong những người từng được ông Trump cân nhắc để trao chức vụ ngoại trưởng. Ông Trump rốt cuộc đã chọn giám đốc điều hành của công ty dầu khí ExxonMobile, ông Rex Tillerson, cho chức vụ này.
Tin cho hay ông Trump muốn trao nhiệm vụ phát ngôn viên báo chí của Tòa Bạch Ốc cho bà Conway, nhưng bà khước từ vai trò này, và trong nhiều tuần lễ, công khai tự vấn không biết có nên hay không nên dời cả gia đình gồm chồng và bốn con đến Washington để nhận một công việc có nhiều áp lực ở Tòa Bạch Ốc hay không, hay bà nên làm việc với một tổ chức bên ngoài để hỗ trợ ông Trump.
Trong một thông báo của êkíp chuyển giao quyền lực của ông Trump, bà Conway nói: “Tôi cảm ơn Tổng thống mới đắc cử về cơ hội tuyệt vời này”.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-chon-kellyanne-conway-lam-co-van-tong-thong/3647239.html
40 ngàn di dân trái phép mong tới Mỹ xin tị nạn
40 ngàn di dân được đưa lậu từ Châu Á, Châu Âu, và vùng Caribbe bị kẹt tại Trung Mỹ đang chờ được tới biên giới phía Nam của Hoa Kỳ để xin quy chế tị nạn.
Báo chí Mỹ trích lời dân biểu Henry Cuellar dẫn nguồn tin từ các giới chức Costa Rica lên tiếng báo động về làn sóng di dân hiện đang bị cầm giữ tại Costa Rica, con số này cao gấp 4 lần tổng số di dân Châu Á và Châu Âu bị bắt giữ trong năm ngoái.
Những người này không có passport cũng không có giấy tờ gì hợp lệ.
Trong năm nay, gần nửa triệu người từ khắp nơi trên thế giới đã bị cầm giữ tại biên giới phía Nam của Mỹ.
Một giới chức biên phòng Mỹ tên Manuel Padilla cho biết những di dân bất hợp pháp bị bắt giữ này đến từ 46 nước khác nhau, kể cả Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, và Romania.
Dân biểu Cuellar nói những tay đưa lậu người đang ‘làm ăn phát đạt’, thu tiền rồi đưa di dân tới biên giới Mỹ bằng nhiều cách, chỉ dẫn họ khai báo là tị nạn chính trị.
Nhà lập pháp này khuyến cáo cần phải có hành động trước khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát hiện nay trở nên trầm trọng hơn.
Theo KGNS, kens5.com, Taxinsider.org
http://www.voatiengviet.com/a/bon-muoi-ngan-di-dan-trai-phep-mong-toi-my-xin-ti-nan/3647908.html
Mỹ 2016: Năm của Trump, bi kịch và tin đồn thất thiệt
2016 là năm bầu cử của Mỹ và các phương tiện thông tin truyền thông tràn ngập tin tức về cuộc đối đầu giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Đứng đầu trong số những tin tức đáng chú ý trong năm 2016 của trang tin WUSA9. Trang báo này viết: “Cuộc chiến giữa ông Trump với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo hầu hết các đánh giá, là ‘tệ hại nhất’ nhất trong lịch sử nước Mỹ.”
Bà Clinton giành được 2.5 triệu phiếu phổ thông nhưng lại để rơi chiến thắng vào tay ông trùm bất động sản không có kinh nghiệm chính trị bởi bà không ‘kiếm’ đủ số phiếu của đại cử tri đoàn, một điều kiện thiết yếu để trở thành Tổng thống.
‘Cuộc chiến’ bầu cử chưa dừng lại sau khi ông Trump được tuyên bố trở thành Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống Trump nổ ra trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, nhiều vụ đốt cờ Mỹ đã xảy ra để phản đối kết quả bầu cử. Và mới đây, FBI ủng hộ kết luận của CIA rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ với mục tiêu hậu thuẫn cho ứng viên đảng Cộng hòa, Donald Trump.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả nghiên cứu quan hệ châu Á-Mỹ, hiện vẫn còn quá sớm để nhận xét xem liệu ông Trump có thể làm được những gì trên cương vị Tổng thống. Vẫn theo học giả này, Tổng thống tân cử Trump vẫn còn bối rối và ê-kíp của ông chưa được kiện toàn.
Sau cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri ngày 19/12, với trên 270 phiếu đại cử tri, ông Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ sau lễ nhậm chức ngày 20/1 tới đây.
Bi kịch súng ống
Trong năm 2016, vụ xả súng tại hộp đêm Pulse dành cho giới đồng tính ở Orlando khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương cũng nằm trong số tin tức đáng chú ý bởi đây là vụ thảm sát bằng súng gây nhiều thương vong nhất năm nay.
Luật sư Cường Phan ở tiểu bang Texas, một người ủng hộ quyền được trang bị súng của người dân, chia sẻ: “Những người giết hoặc thực hiện tội ác là những người có ác tâm, có mục đích phạm tội hình sự hoặc mục đích khủng bố mang tính chính trị, thành ra cho dù chính phủ cấm người dân được quyền mang súng, những người đó kiếm được súng rất dễ vì số lượng súng hiện có trên nước Mỹ và nhập lậu từ nước ngoài vào Mỹ là con số rất khổng lồ”.
Theo tin mới nhất, gia đình của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng ở hộp đêm Pulse đang kiện ba mạng xã hội lớn vì cáo buộc cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho tay súng. Các gia đình của nạn nhân Tevin Crosby, Javier Jorge-Reyes, và Juan Ramon Guerrero, đệ đơn kiện cáo buộc rằng Facebook, Google và Twitter đã khiến những phần tử thánh chiến Hồi giáo dễ dàng tạo các tài khoản mạng xã hội để phát tán thông điệp và gây quỹ.
Theo đơn kiện, hỗ trợ vật chất được cung cấp bởi các công ty truyền thông xã hội “là công cụ để ISIS gia tăng sức mạnh và đã tạo điều kiện để tổ chức này thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố.”
Theo luật sư Cường, những kẻ khủng bố có thể chọn các địa điểm mà họ cho rằng mang tính chiến lược và gây tác hại tâm lý, đe dọa tinh thần của người dân mạnh nhất. Ông cho biết, Texas là một trong những tiểu bang cho phép người dân được trang bị vũ khí, giữ súng ở nhà và mang ra ngoài công cộng, do vậy những kẻ khủng bố sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ra tay sát hại thường dân vô tội.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Ba, Facebook đã bác bỏ rằng họ cung cấp không gian cho những nội dung liên quan tới khủng bố, và cho biết họ loại bỏ những nội dung này nhanh nhất có thể ngay khi phát hiện.
Nội dung thông cáo viết: “Chúng tôi đảm bảo cung cấp một dịch vụ mà mọi người cảm thấy an toàn khi sử dụng Facebook. Chúng tôi bày tỏ lòng cảm thông tới các nạn nhân và gia đình của họ.”
Theo trang web chuyên thu thập dữ liệu các vụ vi phạm bạo lực súng ống trên toàn nước Mỹ Gun Violence Archive, từ ngày 1/1 đến 22/12/2016 trên toàn nước Mỹ đã xảy ra 56.086 vụ nổ súng khiến 14.487 người thiệt mạng, trong đó có 655 trẻ em tuổi từ 0-11 và 3.014 thiếu niên tuổi từ 12-17.
Vụ nổ súng gần đây nhất xảy ra ngày 17/12 tại Illinois, Chicago khiến 5 người thiệt mạng. Chỉ trong vòng 24 giờ, Chicago đã ghi nhận 3 vụ nổ súng khiến 7 người thiệt mạng và 6 người bị thương.
Tin đồn thất thiệt
2016 cũng là năm của những tin đồn thất thiệt. Sự bùng nổ của các trang web và mạng xã hội đã khiến mọi người dễ dàng đăng tải thứ gì đó và gọi nó là “tin tức”.
Trang web chuyên kiểm chứng sự thật Politifact viết: “Các tin tức giả mạo đã được ‘xào nấu’ một cách điêu luyện để giống như những bài báo đáng tin cậy, dễ dàng phát tán trên mạng đến nhiều độc giả sẵn sàng tin vào sự hư cấu và ‘buôn chuyện’”.
Những câu chuyện kiểu như có ai đó phàn nàn rằng Clinton và người quản lý chiến dịch bầu cử Tổng thống của bà đã điều hành một đường dây tình dục trẻ em tại một cửa hàng pizza ở thủ đô Washington đã lan truyền trên những trang mạng xã hội như Facebook.
Luật sư Cường Phan giải thích thêm về ranh giới giữa tin đồn thất thiệt và vu khống: “Tin đồn thất thiệt thường chỉ nói chung đến những tin vô căn cứ, không rõ nguồn gốc, không hiểu rõ tính chính xác và cốt chỉ để tạo sự chú ý nên không có ý nghĩa vi phạm hình sự và gây tổn thương dân sự đối với những người bị ảnh hưởng. Nhưng khi biến thành vu khống hay nhằm bôi nhọ một công ty, một cá nhân, thì nó có ác ý, chủ ý làm hại người ta, có tính thiếu trách nhiệm và mang tính hình sự.”
Luật sư Cường cho biết, mùa bầu cử vừa qua cũng có những chuyện đi quá ranh giới trong một số khía cạnh và lĩnh vực do sự xuất hiện của ông Donald Trump, một ứng cử viên “rất khác lạ” trong lịch sử và chưa có thành tích cũng như lịch sử hoạt động chính trị.
Ông nói: “Cũng do tính cách cá nhân rất độc đáo của ông ấy thành ra chúng ta thấy có nhiều sự tấn công bôi nhọ hay tìm cách triệt hạ uy tín đối phương mà chúng ta nghĩ là không nên có. Chuyện này cũng thường xảy ra trong những cuộc bầu cử. Nó là chuyện không nên và rất đáng tiếc là trong mùa bầu cử vừa qua thì nó là một trong những đặc điểm chính của một cuộc tranh cử Tổng thống của đất nước Hoa Kỳ.”
Vị luật sư cũng nêu vấn đề sự bùng nổ của mạng xã hội sẽ là một thử thách đối với các cơ quan truyền thông truyền thống, những người công dân và giới chức chính phủ làm sao để vừa tôn trọng quyền tự do truyền thông vừa giữ được tiêu chuẩn ứng xử căn bản để bảo vệ xã hội văn minh của Hoa Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/a/my-2016-nam-cua-trump-bi-kich-va-tin-don-that-thiet/3647888.html
Ông Trump kêu gọi mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân Mỹ
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 kêu gọi Mỹ mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân, một tín hiệu cho thấy ông có thể sẽ ủng hộ tiêu tốn cho công việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đang lỗi thời của Mỹ.
Không rõ điều gì khiến ông đưa ra lời kêu gọi này, nhưng trước đó trong cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu rằng Moscow cần ‘tăng cường khả năng quân sự của các lực lượng hạt nhân chiến lược.’
Trong một dòng tin trên Twitter, ông Trump nói: “Mỹ phải mạnh mẽ tăng cường và mở rộng khả năng hạt nhân của mình.”
Trong thập niên tới, các tàu ngầm phi đạn đạn đạo, máy bay ném bom, phi đạn phóng từ mặt đất của Mỹ dự kiến sẽ hết thời hạn sử dụng hiệu quả. Duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân này ước tính mất khoảng 1 ngàn tỷ đô la trong 30 năm, theo các con số ước tính độc lập.
Mỹ là một trong năm quốc gia vũ khí hạt nhân được phép duy trì kho hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Các nước khác gồm Nga, Anh, Pháp, và Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-keu-goi-mo-rong-kha-nang-vu-khi-hat-nhan-my/3647857.html
Trung Quốc nói quan hệ Mỹ-Trung đang gặp bất ổn
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói các quan hệ Mỹ – Trung đang đối mặt với những bất ổn mới, nhưng bằng sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của cả hai bên, mối quan hệ này sẽ vẫn ổn định. Ông Vương nói thêm rằng một cá nhân sẽ không cản trở được các mối quan hệ, ám chỉ Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Sau khi ông Trump đắc cử hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp xúc ngay với ông Trump. Nhưng Bắc Kinh tỏ vẻ bất an về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với ông Trump, và những dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể thay đổi chính sách đối với Đài Loan, cũng như những đe dọa của ông Trump là sẽ áp đặt mức thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn được báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng hôm thứ Năm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói cuộc gọi giữa ông Tập và ông Trump là một dấu hiệu tích cực cho một sự chuyển đổi suôn sẻ trong quan hệ Mỹ – Trung.
Ông nói: “Dĩ nhiên, hướng tới phía trước, mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và bất định mới”.
Trích dẫn một thi phẩm cổ của Trung Quốc đã từng được ông Tập nhắc đến trong một diễn đàn cấp cao Mỹ – Trung hồi tháng 6, ông Vương nói: “Nhưng núi cao không cản được con sông đổ ra biển”.
Không nhắc đến tên của ông Trump, ông Vương nói “xu hướng lịch sử không thể bị thay đổi bởi ý chí của một cá nhân duy nhất”.
Tranh chấp Biển Đông cũng được xem là một yếu tố gây căng thẳng giữa Trung Quốc và chính quyền mới của ông Trump.
Tuần này, Trung Quốc trả lại một tàu lặn cho Hoa Kỳ trước đó đã bị một tàu hải quân Trung Quốc lấy đi trong vùng biển tranh chấp hồi tuần trước. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc là đã đánh cắp tàu lặn của Mỹ.
Ông Vương Nghị nói bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc là “sứ mệnh thiêng liêng” đối với công tác ngoại giao của nước này.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-noi-quan-he-my-trung-dang-gap-bat-on/3646816.html
Phố Wall phá kỷ lục mới, khích lệ các nhà đầu tư Mỹ
NEW YORK, NY —
Các nhà đầu tư của Phố Wall đang chuẩn bị ăn mừng chỉ số chứng khoán Công nghiệp Dow Jones đạt ngưỡng 20.000 điểm, một cột mốc quan trọng cho thị trường tài chính Mỹ. Mức trung bình đã tụt xuống trong phiên giao dịch hôm thứ 4 nhưng dự kiến sẽ tăng cao trở lại trước cuối năm trong một chuỗi thắng lợi đã khích lệ giới đầu tư vào lúc thế giới sắp bước sang một năm mới. Trong số những nguyên nhân cho sự lạc quan này là: mức thất nghiệp thấp, một nền kinh tế đang cải thiện và những hứa hẹn của Tổng thống đắc cử Donald Trump không điều tiết thị trường, đồng thời tăng công chi để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Phố Wall đang ăn mừng. Sau 6 tuần tăng trưởng liên tiếp, chỉ số Dow Jones tiếp tục bước vào 1 kỷ nguyên mới. Điều quan trọng là các nhà đầu tư được khích lệ khi bước sang năm 2017.
Giám đốc điều hành của Bapis Group có trụ sở đặt tại New York Michael Bapis nhận định:
“Có rất nhiều yếu tố dẫn đến kết quả này: số công việc làm ăn tăng, mức thất nghiệp giảm, nền kinh tế có dấu hiệu cải thiện. Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen đã nói: “Tình hình đang tốt hơn, Chúng tôi sẽ tăng mức lãi xuất.” Tâm lý mọi người đang rất lạc quan.”
Các nhà phân tích nói sự lạc quan tại Phố Wall về phần lớn là do niềm hy vọng rằng các chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy kinh tế.
Ông Jason Benowitz, nhà quản lý đầu tư của Roosevelt Investments, nói với VOA:
“Các nhà đầu tư đã nhắm vào 3 lĩnh vực trong nghị trình chính sách của ông Trump. Đó là cắt giảm các loại thuế, không điều tiết kinh tế, và kích thích cơ sở hạ tầng. Nếu được thực hiện, các chính sách này sẽ tạo một lực đẩy cho phát triển kinh tế. Từ đó chúng ta hy vọng sẽ chứng kiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao và trong bối cảnh đó chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có thể tiếp tục cải tiến.”
Theo đánh giá của ông Benowitz, những rủi ro cho các thị trường trong năm tới chỉ xảy ra nếu các chính sách của ông Trump gặp sự kháng cự tại Quốc hội. Ông nói:
“Sự chống đối có thể đến từ nhóm các đảng viên bảo thủ có thế lực trong đảng Cộng hòa, và từ các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện. Ông Trump không thể thông qua được tất cả những gì mà ông ấy muốn theo trông đợi của ông. Một số chứng khoán đã tăng giá khá cao dựa trên niềm hy vọng vào nghị trình chính sách này. Khi chính sách này bắt đầu gặp các rào cản thì chúng ta có thể chứng kiến một số sự đảo ngược tình hình và những tiến bộ đã thấy trong năm qua.”
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên cán mốc 10.000 điểm hồi năm 1999. Sự phấn khởi về một cột mốc mới – 20.000 điểm – cho thấy sự tăng trưởng trên các thị trường tài chính trên toàn nước Mỹ. Trong một phúc trình gần đây, toán nghiên cứu chiến lược đầu tư của tập đoàn JP Morgan nói họ kỳ vọng chỉ số S&P 500 của các công ty lớn sẽ cán mốc 2.300 điểm trong ngắn hạn.
Nhưng giữa lúc thế giới đang bước vào một năm mới, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát bất kỳ sự thay đổi nào ở điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, và trên các thị trường quốc tế.
http://www.voatiengviet.com/a/pho-wall-pha-ky-luc-moi-khich-le-cac-nha-dau-tu-my/3646791.html
Các nước Đông Nam Á siết chặt an ninh
theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Úc
BANGKOK —
Các quốc gia Đông Nam Á kể cả Philippines, Indonesia và Thái Lan, đã tăng cường an ninh giữa lúc nhiều cảnh báo được tung ra về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố do những phần tử ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện vào dịp nghỉ Lễ Giáng sinh và Năm mới Dương lịch.
Indonesia cho hay đã huy động hơn 150.000 nhân viên sau khi cảnh sát phát hiện các kế hoạch của một nhóm có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo dự định thực hiện một chiến dịch tấn công tự sát vào dịp Giáng sinh năm nay.
Indonesia có khoảng 24 triệu giáo dân Ky-tô giáo, chiếm ước lượng 10% dân số, ngoài ra con số du khách nước ngoài kéo nhau đến đảo du lịch Bali cũng tăng vọt vào dịp nghỉ lễ cuối năm.
Bà Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích chính sách về xung đột, nói các biện pháp tăng cường an ninh giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn.
Bà Jones nói:
“Người dân Indonesia tuy lo lắng nhưng cảm thấy an tâm hơn vì mỗi năm đều có những lời cảnh báo tương tự về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, sau đó một lực lượng cảnh sát được huy động, đặc biệt trong ngày Giáng sinh và đêm hôm trước cũng như vào dịp nghỉ lễ Năm mới Dương lịch, lực lượng an ninh hùng hậu tới mức nó trở thành một biện pháp hữu hiệu để ngăn chận các vụ khủng bố.”
Quan tâm đã tăng lên sau những lời cảnh báo trong tuần này của Bộ Ngoại giao Úc, khuyến cáo các công dân của họ ở Philippines, Indonesia và Thái Lan hãy “hết sức thận trọng” về mối đe doạ khủng bố, kể cả tại Bangkok và đảo du lịch Phuket của Thái Lan.
Liên quan tới Indonesia, Bộ Ngoại giao Úc nói mối đe doạ khủng bố vẫn được duy trì “ở mức cao”, và các cuộc tấn công khủng bố “có thể xảy ra bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, kể cả tại Bali.”
Hồi năm 2002, một cuộc tấn công do nhóm Jemmah Islamiyah thực hiện, nhắm vào các du khách Tây phương ở khu giải trí Kuta trên đảo Bali đã giết chết 200 người, trong đó có 88 công dân Úc, 38 người Indonesia, và 27 người Anh. Hàng trăm người khác bị thương.
Bà Sidney Jones nói trong khi không có chi tiết nào về các mối đe doạ tấn công, những quan tâm về nguy cơ khủng bố diễn ra trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo đang bị đẩy lùi ở Trung Đông.
Tại Thái Lan, nhà khoa học chính trị Panitan Wattanayagorn, cố vấn của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, cho hay là các bước để siết chặt an ninh vào dịp Năm mới đã được tiến hành mặc dù không có “thông tin cụ thể” về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra.
Các nỗ lực chống khủng bố tập trung chủ yếu vào các tỉnh ven biển ở miền Nam giáp ranh với Malaysia. Kể từ năm 2004, một cuộc nổi dậy tại đây đã cướp đi mạng sống của 6000 người tại các tỉnh ven biên giới, nơi đa số dân cư là tín đồ Hồi giáo.
Tháng 8 năm 2015, một vụ đánh bom vào một ngôi đền nhiều người lui tới ở Bangkok nghi do các phần tử chủ chiến Uighur thực hiện, đã giết chết 20 người và làm bị thương hàng chục người khác.
Vụ đánh bom đó, một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất từng xảy ra ở Bangkok, bị nghi là có dính líu đến quyết định của Thái Lan, dẫn độ 109 người tị nạn Uighur, toàn đàn ông, về lại Trung Quốc.
Australia phá vỡ âm mưu khủng bố
ngày Giáng sinh 23.12.2016
SYDNEY —
Cảnh sát Australia cho biết đã ngăn chặn kịp thời một âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào thành phố Melbourne dự kiến thực hiện vào ngày Giáng sinh. 5 nghi can đang bị câu lưu.
Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của VOA tường thuật rằng các nghi can đã bị bắt giữ tại nhiều căn nhà ở vùng ngoại ô thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria. Trong số các nghi can, có 4 thanh niên tuổi 20 sinh ra ở Australia, nhưng có nguồn gốc Li-băng, và một người Úc gốc Ai Cập. Một người đàn ông và một phụ nữ cũng bị bắt giữ nhưng sau đó được thả mà không bị buộc tội.
Cảnh sát cho biết các nghi can đã được truyền cảm hứng từ Nhà nước Hồi giáo khi thực hiện âm mưu khủng bố này. Thủ hiến Victoria Daniel Andrews mô tả âm mưu khủng bố ngày Giáng sinh như là một “hành vi tội ác”, trong khi các nhà điều tra cho biết đã tịch thu một số “bộ phận đang chờ lắp ráp của một thiết bị nổ tự chế.”
Mục tiêu của âm mưu khủng bố này là một số địa điểm nổi tiếng ở Melbourne, thành phố lớn thứ nhì của Australia, gồm nhà ga Flinders và Nhà thờ St. Paul.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói một âm mưu khủng bố bạo lực đã bị phá vỡ. Ông nói thêm rằng mối đe dọa quốc tế của chủ nghĩa cực đoan đang tăng.
Ông Turnbull nói:
“Chúng ta đang chứng kiến mối đe doạ khủng bố toàn cầu trên khắp thế giới, vụ tấn công xe tải ở Berlin hồi đầu tuần này và các cuộc tấn công tương tự ở những nơi khác chỉ trong vòng một vài tuần qua, kể cả ở Nigeria, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia, Ai Cập và Jordan. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là một thách thức toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, nhưng chúng ta cương quyết không khuất phục trước những kẻ khủng bố. “
Cảnh sát Victoria cùng cảnh sát liên bang, và các cơ quan an ninh Úc đã bắt giữ các nghi can sau một thời gian dài điều tra.
An ninh sẽ được tăng cường tại các địa điểm nổi tiếng xung quanh thành phố Melbourne, kể cả địa điểm diễn ra cuộc thi đấu bóng chày ngày Boxing Day, 1 ngày sau ngày Giáng sinh, giữa đội Australia và đội Pakistan, một sự kiện sẽ thu hút khoảng 100.000 khán giả.
http://www.voatiengviet.com/a/uc-pha-vo-am-muu-khung-bo-ngay-giang-sinh/3648136.html
Nhật tăng chi tiêu quốc phòng 5 năm liên tiếp
Nội các Nhật ngày 22/12 chấp thuận tăng chi tiêu quân sự trong năm thứ năm liên tiếp, trong đó có ngân khoản dành để nâng cấp phi đạn quốc phòng và dành cho các tàu ngầm hiện đại, nhằm đáp ứng các mối đe dọa gia tăng từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
“Môi trường an ninh xung quanh Nhật càng ngày càng trầm trọng,” Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada tuyên bố tại một cuộc họp báo trong tuần.
Ngân sách quốc phòng Nhật trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng tư tăng 1,4% tới mức cao kỷ lục là 44 tỷ đô la và chắc chắn sẽ được Quốc hội thông qua.
Dù đã tăng trong thời gian gần đây, nhưng chi tiêu quốc phòng của Nhật hơn 2 thập niên qua vẫn duy trì khoảng 1% GDP , một trong những mức thấp nhất giữa các cường quốc thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc chi gần 2% GDP cho quốc phòng và ngân khoản đó cao gấp 5 lần so với Nhật, theo số liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm thu thập.
Hoa Kỳ là nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng trên thế giới, khoảng 3% GDP, gần 600 tỷ đô la trong năm ngoái.
Nhật hiện có 17 tàu ngầm diesel-điện và dự tính tăng đội tàu ngầm lên thành 22 trước năm 2021.
Ngoài ra, Nhật cũng định bổ sung thêm 8 tàu tuần duyên mới vào đội tàu hiện có 14 chiếc để bảo vệ các đảo ở Biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền Nhật-Trung.
Theo NYT, WSJ
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-tang-chi-tieu-quoc-phong-5-nam-lien-tiep/3647925.html
Australia sắp phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc
Một ủy ban của quốc hội liên bang đề nghị Australia phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, bất chấp những lo ngại gia tăng về hệ thống pháp lý và hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh.
Hiệp ước này được ký vào năm 2007 nhưng chưa được luật hóa vì một số nhà lập pháp ngần ngại thông qua.
Các nhóm hoạt động pháp lý cho rằng sẽ là một hành động vô lương tâm nếu cho dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc, nơi có hệ thống tư pháp thiếu minh bạch và không độc lập.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo Trung Quốc có số án tử hình cao nhất trên thế giới cùng với tệ nạn ngược đãi, tra tấn tù nhân.
Dù có cùng những quan ngại về hệ thống tư pháp của Trung Quốc, nhưng chính phủ Australia đang nhanh chóng mở rộng hợp tác với Bắc Kinh trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia và tin rằng một hiệp ước dẫn độ có thể giúp mở ra một số kênh mới cho việc hợp tác.
Chính phủ Trung Quốc cũng thúc giục Australia chung quyết hiệp ước trong lúc Bắc Kinh tiếp tục truy lùng các giới chức tham nhũng đào tẩu sang phương Tây.
Trung Quốc hiện chưa có hiệp ước dẫn độ với Liên hiệp Châu Âu, Mỹ, Anh, Canada, hoặc New Zealand.
Dù thừa nhận những tiêu cực trong hệ thống tư pháp Trung Quốc, nhưng ủy ban của quốc hội liên bang Australia nói rằng hiệp ước dẫn độ đóng vai trò quan trọng trong ‘cuộc chiến chống tội phạm nội địa và quốc tế.’
Ủy ban nói Australia nên thông qua hiệp ước này với một số các điều kiện bao gồm tăng cường giám sát của chính phủ Australia đối với các trường hợp bị dẫn độ về Trung Quốc.
Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết Australia đang cân nhắc phê chuẩn hiệp ước vào tháng 2 tới đây.
Theo ABC News Australia, Australia Financial Review
http://www.voatiengviet.com/a/australia-sap-phe-chuan-hiep-uoc-dan-do-voi-trung-quoc/3647913.html
Báo nhà nước TQ
khuyến cáo Ấn về vấn đề Đức Đạt Lai Lạt Ma
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 22/12 chỉ trích Ấn Độ ‘thiển cận’ khi dùng vấn đề về Đức Đạt Lai Lạt Ma để thách thức Bắc Kinh.
Tờ Hoàn cầu Thời báo nói ngay cả quốc gia quyền lực như Hoa Kỳ còn phải thận trọng đắn đo trước các hành động liên quan đến những vấn đề cốt lõi của Trung Quốc như chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ.
Bài xã luận trên báo này viết rằng: “Ấn nên rút ra vài bài học từ các tương tác gần đây giữa Bắc Kinh với Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump về vấ đề Đài Loan.”
Bài báo xuất hiện sau khi Ngoại trưởng Mông Cổ hôm thứ ba tuyên bố rằng Ulaanbaatar sẽ không bao giờ cho phép lãnh tụ tinh thần Tây Tạng sang thăm nước ông nữa.
Chuyến thăm gần đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Mông Cổ đã gây phẫn nộ Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Mông Cổ, khiến Bắc Kinh đình hoãn 2 vòng đối thoại ngoại giao với Ulaanbaatar và Mông Cổ đã phải nhờ Ấn giúp đỡ.
Điều khiến Trung Quốc tức giận hơn là cuộc gặp hôm 11/12 giữaTổng thống Ấn Pranab Mukherjee với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lần đâu tiên một Tổng thống đương nhiệm Ấn gặp Ngài trong nhiều chục năm nay.
Mô tả Ấn hành xử như ‘một đứa trẻ hư hỏng,’ bài xã luận của tờ báo quốc doanh Trung Quốc tố cáo rằng “New Delhi lâu nay xem vấn đề Đạt Lai Lạt Ma như một đòn bẩy có thể dùng để chống lại Trung Quốc.”
Bài viết còn chê bai Ấn rằng dù tiềm năng trở thành một đất nước vĩ đại nhưng cái nhìn của Ấn còn quá thiển cận.
Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng hiện đang sống lưu vong tại Ấn từ năm 1959 và bị Trung Quốc xem là một phần tử ly khai.
Trước đây trong tháng, Ấn đã lên tiếng bác bỏ phản đối của Bắc Kinh về cuộc gặp giữa Tổng thống Ấn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nói rằng Ngài là một lãnh tụ tinh thần đáng kính và rằng cuộc gặp vừa qua không mang tính chính trị.
Theo The Hindu, Hindustan Times
http://www.voatiengviet.com/a/bao-nha-nuoc-khuyen-cao-an-ve-van-de-duc-dat-lai-lat-ma/3647912.html
Không tặc cướp máy bay Libya ở đảo Malta
Một máy bay Libya bị không tặc cướp đã hạ cánh tại sân bay trên hòn đảo Malta nhỏ bé trong biển Địa Trung Hải.
Hãng tin AP tường thuật rằng hai tên không tặc trên máy bay đe dọa làm nổ tung máy bay bằng lựu đạn.
Các quan chức hàng không cho biết các hành khách là phụ nữ và trẻ em đã được chúng thả ra khỏi máy bay ngay sau khi hạ cánh. Tên không tặc cho biết chúng sẵn sàng thả các hành khách khác, mặc dù chúng nói rằng sẽ giữ lại phi công trên máy bay.
Các quan chức ở Malta nói các đội cấp cứu đã được phái đến đường băng sân bay.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Afriqiyah Airways do nhà nước Libya điều hành đang trên tuyến bay quốc nội từ tây nam Sabha đến Tripoli hôm nay, thứ Sáu 23/12 thì bị buộc phải chuyển hướng bay tới sân bay quốc tế Malta. Có tất cả 118 người trên khoang.
Thủ tướng Malta Joseph Muscat nói trên Twitter rằng ông đã được “thông báo về tình hình có thể là một vụ không tặc” và các “hoạt động an ninh khẩn cấp” đã được bố trí để sẵn sàng ứng phó.
http://www.voatiengviet.com/a/khong-tac-cuop-may-bay-libya-o-dao-malta/3648158.html
Phát hiện mới về chiến thuật tấn công tin tặc của Nga
Một nhóm tin tặc có liên hệ tới chính phủ Nga và những vụ tấn công mạng gây chú ý nhắm vào Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể đã sử dụng một phần mềm độc hại cài vào những thiết bị sử dụng hệ điều hành Android để theo dõi và nhắm mục tiêu tấn công những đơn vị pháo binh của Ukraine từ cuối năm 2014 tới nay, theo một báo cáo mới được công bố hôm thứ Năm.
Báo cáo của công ty an ninh mạng CrowdStrike phát hiện phần mềm độc hại này đã có thể thu thập những trao đổi liên lạc và một số dữ liệu về địa điểm từ những thiết bị bị cài phần mềm độc hại này. Những thông tin đó có phần chắc đã được sử dụng để tấn công pháo binh nhằm yểm trợ thành phần ly khai thân Nga chiến đấu ở miền đông Ukraine.
Đây là những phát hiện mới nhất củng cố quan điểm của ngày càng nhiều quan chức an ninh phương Tây và những nhà nghiên cứu an ninh mạng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng dựa vào những vụ tấn công tin tặc để gây ảnh hưởng và tấn công những kẻ thù địa chính trị.
Giới chức tình báo Mỹ cho rằng nhóm tin tặc này, thường được biết đến với cái tên Fancy Bear hay APT 28, hành động chủ yếu thay mặt cho cơ quan tình báo quân sự của Nga (GRU).
Cả CIA và FBI đều tin rằng Fancy Bear và những tin tặc Nga khác chịu trách nhiệm về những vụ tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử mà mục đích là để giúp Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton, theo hai quan chức cao cấp của chính phủ.
Nga đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc tấn công tin tặc, và ông Trump cũng đã bác bỏ những đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/phat-hien-moi-ve-chien-thuat-tan-cong-tin-tac-cua-nga/3647934.html
Gạo giả Trung Quốc xâm nhập Châu Phi
Nigeria vừa tịch thu hơn 100 bao gạo giả tuồn lậu vào nước này, bắt giữ một nghi can.
Giới hữu trách ngày 21/12 khuyến cáo 102 bao gạo làm bằng nhựa vừa thu giữ rất nguy hại cho sức khỏe con người.
Tang vật tình nghi được đưa lậu hoặc vận chuyển bằng đường thủy bất hợp pháp vào Nigeria từ Trung Quốc thông qua cảng Lagos, một giới chức hải quan cao cấp được AFP dẫn lời cho biết.
Mỗi bao gạo nặng 50kg được dán nhãn ‘Best Tomato Rice’ không ghi ngày sản xuất. Toàn bộ số hàng bị phát hiện đầu tuần này tại khu vực Ikeja.
Giới chức hải quan Ikeja, Mohammed Haruna, nói: “Chúng tôi đã tiến hành phân tích sơ khởi số gạo nhựa này. Sau khi nấu lên, gạo rất dính và chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu con người ăn phải loại gạo này.”
Ông Hanura cho hay số gạo giả này được tung ra trước Giáng sinh và Tết tây, thời điểm giá gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm tại Nigeria tăng phi mã.
Hải quan Nigeria đã gửi số gạo giả tới Cơ quan quản lý Lượng thực-Dược phẩm để phân tích kỹ hơn.
Trong khi đó, các trang tin ở Malawi ngày 22/12 cũng cảnh báo tình trạng gạo và mì sợi giả từ Trung Quốc đang xâm nhập thị trường quốc gia ở miền Đông Châu Phi này.
Người tiêu dùng Malawi được khuyến cáo chớ mua gạo và mì sợi từ các nhà buôn không rõ nguồn gốc, không đăng ký vì gạo giả rất độc hại cho sức khỏe.
Giới chức chính phủ Malawi chưa lên tiếng bình luận về việc này.
Báo chí Malawi nói nạn gạo giả cũng đang tràn lan tại các nước khác trong khu vực giữa lúc Châu Phi đang mở cửa các thị trường nội địa cho các bạn hàng Châu Á mà không tiến hành các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt.
Theo AFP, AfricaNews.com
http://www.voatiengviet.com/a/gao-gia-trung-quoc-xam-nhap-chau-phi/3647932.html
Nghi phạm vụ Berlin ‘bị bắn chết’
Nghi phạm vụ tấn công Chợ Giáng sinh Berlin Anis Amri đã bị cảnh sát Ý bắn chết tại Milan, Bộ trưởng Nội vụ nước này cho hay.
Ông Marco Minetti nói người đàn ông nổ súng vào cảnh sát khi bị hỏi thẻ căn cước tại khu vực Sesto San Giovanni ở Milan vào sáng sớm “không có nghi ngờ gì” chính là Anis Amri.
Một cảnh sát viên bị thương trong vụ nổ súng còn nghi phạm bị bắn chết.
Tìm nghi phạm Tunisia vụ Berlin
IS nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Berlin
Cảnh sát đã tiếp cận người này trong khi tuần tra vào khoảng 03:00 giờ sáng hôm 23/12 (09:00 giờ sáng giờ Hà Nội).
Dấu vân tay của người chết trùng với dấu vân tay của nghi phạm chính người Tunisia trong vụ tấn công bằng xe tải vào Chợ Giáng sinh Berlin hôm 19/12 làm 12 người chết.
Bộ trưởng Minitti ca ngợi hai cảnh sát viên đã khống chế Amri, và nói việc này cho thấy hệ thống an ninh của Ý hoạt động tốt.
Ông nói: “Ngay sau khi kẻ này, vốn bị truy nã trên toàn châu Âu, bước vào nước Ý, chúng tôi đã nhận dạng ngay lập tức và vô hiệu hóa hắn ta”.
Nước Đức đang trong tình trạng báo động cao sau vụ tấn công làm 49 người khác bị thương.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Đức đã bắt hai người ở thành phố Oberhausen vì nghi rằng họ đang lên kế hoạch tấn công.
Giới chức Đức xác nhận đã tìm thấy dấu vân tay của Anis Amri bên trong chiếc xe tải gây án.
Theo hãng thông tấn Ý Ansa, Anis Amri đã đi tàu từ Pháp tới Turin và sau đó đi một chiếc tàu khác tới Milan.
Amri, 24 tuổi, từng bị tù ở Ý hồi năm 2011 vì phá phách, đe dọa và ăn cắp. Trong khi ở tù, nhà chức trách cũng ghi nhận rằng kẻ này rất hung hãn.
Sau khi ra tù, Amri bị yêu cầu rời khỏi nước Ý. Hắn đã tới Đức và xin tỵ nạn vào tháng Tư năm nay.
Cảnh sát Liên bang Đức đã nêu tên Amri là nghi phạm chính trong vụ tấn công Berlin và treo giải 100.000 euro cho ai cung cấp được thông tin để bắt hắn.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức chưa bình luận về tin trên báo chí trong nước rằng Amri đã xuất hiện trong một nhà thờ Hồi giáo ở Berlin ngay sau vụ tấn công.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38415217
SITE: IS tung video thiêu sống con tin
Nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria ngày 22/12 công bố một video cố ý chiếu cảnh 2 con tin là binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiêu sống.
Reuters dẫn nguồn tin từ tổ chức tình báo SITE có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi các nhóm chủ chiến trên mạng, nhưng chưa thể kiểm chứng báo cáo này.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng bình luận tức thời.
Cuối tháng rồi, các giới chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ loan báo bị mất liên lạc với hai binh sĩ ở miền Bắc Syria, nơi quân đội đang tiến hành chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo.
http://www.voatiengviet.com/a/site-is-tung-video-thieu-song-con-tin/3647930.html
Quân đội Syria loan báo chiến thắng ở Aleppo
Quân đội Syria loan báo đã chiếm lại hoàn toàn quyền kiểm soát Aleppo ngày 22/12 sau khi những tay súng cuối cùng của phe nổi dậy được di tản ra khỏi thành phố. Đây là chiến thắng lớn nhất của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến gần 6 năm.
Quân đội chính phủ tuyên bố đã ‘trả lại an toàn và an ninh cho thành phố Aleppo’, chấm dứt 4 năm kháng cự của phe nổi dậy tại thành phố phía Bắc Syria này.
Tới nay, tái chiếm Aleppo là thắng lợi quan trọng nhất của ông Assad trong cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 300 ngàn người. Tuy nhiên, giao tranh chưa kết thúc, nhiều phần của Syria vẫn do phe nổi dậy và các nhóm Hồi giáo kiểm soát.
Tổng thống Syria tuyên bố chiếm lại được Aleppo là chiến thắng chia sẻ cùng với các đồng minh Nga và Iran. Không lực Nga đã tiến hành hàng trăm vụ oanh tạc trong khi các dân quân do Iran hậu thuẫn dưới sự lãnh đạo của nhóm Hezbollah của Li-băng đã đưa hàng ngàn tay súng vào thành phố này.
Đài truyền hình nhà nước Syria nói toán cuối cùng của phe nổi dậy cùng thân nhân đã được di tản theo một thỏa thuận trao quyền kiểm soát hoàn toàn cho quân đội và đồng minh của họ.
Cùng ngày 22/12, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho hay chiến dịch di tản hàng chục ngàn người ra khỏi phía Đông thành phố Aleppo và các cư dân ra khỏi hai ngôi làng của người Shi’ite ở tỉnh Idlib kéo dài tuần nay đã hoàn tất.
http://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-syria-loan-bao-chien-thang-o-aleppo/3647859.html
Putin nói Nga ‘mạnh hơn bất kỳ kẻ gây hấn nào’
Tổng thống Vladimir Putin nói Nga “mạnh mẽ hơn bất kỳ kẻ nào định gây hấn” bởi nước này đã hiện đại hóa hệ thống tên lửa hạt nhân và các sức mạnh khác.
Ông cũng nói rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (Hiệp ước ABM) hồi 2001 đã “tạo điều kiện cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới”.
Hiệp ước này được Nga và Mỹ ký hồi 1972.
Về chiến thắng của Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, ông Putin nói rằng “không ai tin ông ấy sẽ thắng, trừ chúng tôi”.
Ông Trump đã nồng nhiệt tán dương ông Putin.
Nhà lãnh đạo Nga đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc họp báo thường niên quan trọng, kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ.
Ông nói rằng “không có gì đặc biệt” trong lời kêu gọi mới nhất của ông Trump, theo đó muốn nước Mỹ “tăng cường và mở rộng một cách mạnh mẽ” sức mạnh hạt nhân của mình.
Khi được hỏi liệu ông có tranh cử trong kỳ bầu tổng thống Nga vào năm 2018 nữa hay không, ông Putin không khẳng định rõ ràng. “Tôi sẽ xem xem diễn biến ở nước này và trên thế giới thế nào đã,” ông nói.
‘Chạy đua vũ trang’
“Chẳng có gì là bí mật khi chúng tôi nỗ lực cải thiện sức mạnh tên lửa của mình,” ông Putin nói.
Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước ABM, ông nói, “chúng tôi đã hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ của mình”.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng quân đội Mỹ hùng mạnh nhất thế giới.
“Nếu như có ai đó mở ra một cuộc chạy đua vũ trang thì đó không phải là chúng tôi,” ông nói. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chi phí cho cuộc đua vũ trang ở mức mình không kham nổi.”
Một nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Nga, đăng trên Bản tin Khoa học Nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists), nói rằng tuy ông Putin nói vậy nhưng việc ngân sách gặp khó khăn đang làm chậm các nỗ lực hiện đại hóa.
Ông Putin đã bác bỏ các cáo buộc của chính phủ Hoa Kỳ theo đó nói Nga có liên quan trong việc tấn công tin tặc vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ trong quá trình vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ.
‘Nhiều người Mỹ cũng nghĩ giống vậy’
“Phe thua cuộc đang tìm cách đổ lỗi cho người ngoài. Họ nên nhìn lại những vấn đề nằm trong chính họ đi thì hơn.”
Ông cũng nhắc rằng phe Dân chủ thua cả trong kỳ bầu cử quốc hội. “Cũng là do tôi hay sao?” ông nói.
“Vấn đề quan trọng ở đây là những thông tin mà các tin tặc cung cấp… Họ đã phóng đại điều gì chăng? Không, họ chỉ tiết lộ những thông tin xác thực.”
Một phóng viên nói với ông Putin rằng theo một kết quả khảo sát, 37% ủng hộ viên đảng Cộng hòa ở Mỹ có cảm giác tích cực đối với ông.
“Điều đó có nghĩa là nhiều người Mỹ có cùng quan điểm về việc cần điều hành thế giới này thế nào, cần xử lý các vấn đề chung ra sao,” ông Putin trả lời.
“Đó là một cơ sở tốt để xây dựng những mối quan hệ giữa hai cường quốc chúng ta.”
‘Vấn đề dopping’
Khi được hỏi về vụ bê bối doping trong làng thể thao Nga, ông Putin đã công kích Grigory Rodchenkov, người từng đứng đầu phòng xét nghiệm chống doping của Nga và cũng là người đã cáo giác vấn đề.
“Quý vị có biết ông ta trước đó làm việc ở đâu không?” ông Putin hỏi.
“Tại Canada! Và ông ta làm gì khi đó? Ông ta tới Nga và… đem theo mọi thứ bẩn thỉu. Tôi khó lòng tưởng tượng được rằng không ai từng phát hiện ra trước đó ông ta đã mang theo những chất bị cấm qua lại biên giới của Canada hoặc Mỹ.”
Theo ông Putin, “ông ta đã biến chuyện này thành chuyện làm ăn cá nhân – ông ta khiến mọi người dùng các chất bị cấm đó”.
Tiết lộ của ông Rodchenkov đã dẫn tới cuộc điều tra của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (Wada), và cơ quan này nói Nga đã tài trợ việc sử dụng doping ở tầm quốc gia trong thời gian bốn năm đối với hầu hết các môn thể thao dự thi Olympics.
Vụ bê bối khiến các vận động viên Nga bị cấm thi đấu trong một số môn ở Thế vận hội Rio 2016, và cấm toàn bộ việc tham dự Đại hội Thể thao Khuyết tật diễn ra trong cùng năm.
Ông Putin thừa nhận Nga “có vấn đề đối với doping”, nhưng Nga “chưa bao giờ tạo ra vấn đề về doping”.
Ông nói các xét nghiệm của Wada cần phải “minh bạch và có thể giám sát được”.
“Thể thao cần được tách bạch khỏi mọi ảnh hưởng chính trị,” ông nói thêm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38410987
Deutsche Bank đồng ý nộp phạt 7,2 tỷ đôla cho Mỹ
Ngân hàng lớn nhất của Đức cho biết họ đồng ý thỏa thuận nộp phạt 7,2 tỷ đôla cho chính quyền Mỹ về cuộc điều tra hoạt động bán chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.
Khoản phạt, đang đợi thông qua lần cuối, thấp hơn mức 14 tỷ đôla mà Mỹ yêu cầu Deutsche Bank phải trả hồi tháng Chín.
Khoản phạt gây quan ngại rằng thất bại của ngân hàng này có thể gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Hoạt động bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp của nhà băng đóng vai trò quan trọng trong khủng hoảng tài chính năm 2008.
Một số ngân hàng ở Mỹ bị điều tra về các cáo buộc cho khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay thế chấp, sau đó gom các khoản vay này lại thành khoản đầu tư chứng khoán rồi bán rủi ro cho người khác.
Cuộc điều tra liên quan đến các giao dịch được thực hiện từ năm 2005 đến năm 2007.
Theo thỏa thuận, Deutsche sẽ trả khoản phạt dân sự của $ 3,1 tỷ đôla và chi 4.1 tỷ đôla trợ giúp các chủ nhà và người đi vay tại Mỹ.
Các ngân hàng khác bị Bộ Tư pháp Mỹ ra lệnh phạt gồm Citigroup (khoản phạt 12 tỷ đôla giảm còn 7 tỷ đôla).
Năm 2013, JP Morgan Chase bị phạt 13 tỷ vì cáo buộc định giá cao hơn thực tế các khoản thế chấp được bán cho nhà đầu tư và trong năm sau đó, Bank of America trả 16,7 tỷ đôla để dàn xếp cáo buộc tội tương tự.
Goldman Sachs phải nộp phạt 5,1 tỷ đôla hồi tháng Giêng.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38413038
Mỹ bị trói tay trong cuộc chiến tranh tuyên truyền với Nga
Vì tôn trọng quyền tự do ngôn luận, Hoa Kỳ đang có dấu hiệu bị lép vế trước Nga trong cuộc chiến tranh tuyên truyền. Vấn đề này vừa được nhiều cố vấn an ninh mạng, đã nghỉ hưu hay đương chức tại Nhà Trắng nêu bật với hãng tin Anh Reuters.
Theo họ, trong hơn một chục năm gần đây, chính quyền Mỹ đã dốc sức chuẩn bị ứng phó với những vụ tấn công tin học đến từ nước ngoài, đánh vào mạng lưới cung cấp điện, hệ thống tài chính, thậm chí hệ thống bỏ phiếu điện tử, nhưng lại thiếu đối sách rõ ràng khi Nga tung chiến dịch thông tin sai lệch trên internet trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Các chuyên gia này cho rằng không phải là Mỹ không quan tâm đến cuộc chiến tranh tuyên truyền mà Nga đã đẩy mạnh trở lại trong những năm gần đây. Các cơ quan tình báo Mỹ vẫn không ngừng theo dõi các chiến dịch tấn công tin học để đánh cắp dữ liệu và tung tin thất thiệt do các nhóm được cho là có liên hệ với Nga tiến hành tại Ukraina hay tại các nơi khác.
Có điều là cho đến nay, chưa thấy chính quyền Mỹ, đặc biệt là ở cấp cao, thể hiện một mối quan tâm dài hơi nào đến nguy cơ cuộc chiến tranh tuyên truyền đó lan sang Hoa Kỳ, vào lúc mà, một số nguồn tin an ninh cho rằng tuyên truyền của Nga, trong một chừng mực nào đó, có thể là đã gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Mỹ.
Nguyên do đầu tiên của vấn đề này là chính quyền Mỹ đã phần nào bị Tu Chính Án thứ nhất của Hiến Pháp Mỹ – bảo đảm quyền tự do ngôn luận – trói tay trong việc chống tuyên truyền sai lệch. Theo một cựu cố vấn Nhà Trắng, bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Mỹ nhằm kiểm soát hay hạn chế thông tin, kể cả những thông tin sai lệch đến từ nước ngoài, đều sẽ vấp phải những trở ngại to lớn về chính trị, pháp lý và đạo đức. Trong khi đó thì chính quyền Nga lại hoàn toàn có thể khống chế thông tin như họ muốn vì không phải vướng bận về vấn đề tự do ngôn luận.
Nguyên do thứ hai đã được Clinton Watts, cựu nhân viên FBI, hiện là chuyên gia tư vấn an ninh làm việc với Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại nêu bật : Đó là Mỹ đã để mất đi một cỗ máy tuyên truyền tương tự như định chế Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ – U.S. Information Agency USIA, từng hoạt động rất hiệu quả trong thời Chiến Tranh Lạnh.
Được tổng thống Dwight Eisenhower thành lập vào năm 1953, cơ quan này đã hoạt động cho đến năm 1999 trong tư cách là một cơ quan tuyên truyền để « tìm hiểu, thông tin và ảnh hưởng đến dư luận ở nước ngoài nhằm thúc đẩy các lợi ích quốc gia của nước Mỹ ». Đài phát thanh VOA trước đây thuộc về cơ quan USIA.
Theo ông Clinton Watts, hầu hết các chiến dịch thông tin sai lệch mà Nga tung ra tại Mỹ và châu Âu đều bắt nguồn từ các cơ quan truyền thông do Nhà Nước Nga tài trợ đặc biệt là đài Truyền Hình RT (Russia Today) và cơ quan truyền thông Sputnik News, rồi sau đó được người khác khuếch đại trên mạng Twitter hay các mạng xã hội khác. Trước mối đe dọa đến từ Nga, ông Watts cho rằng chính quyền Mỹ cần phải cấp tốc trang bị các công cụ cần thiết để theo dõi những gì đang diễn ra trên mạng và phản bác kịp thời những thông tin sai lệch.
James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, từng làm việc cho bộ Ngoại Giao, bộ Thương Mại và Quân đội Hoa Kỳ, cũng cho rằng Washington cần phải thay đổi quan điểm về cái gọi là triển khai uy lực Mỹ trên trường quốc tế. Nhà nghiên cứu này đã hóm hỉnh so sánh : « Họ (tức là Nga) thì có RT, còn tất cả những gì người chúng ta thường làm là cử đi một hạm đội tàu sân bay ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161223-my-chien-tranh-tuyen-truyen-nga-pt
Matxcơva :
Hưu chiến ở Syria sẽ được thảo luận vào tháng 01/2017
Theo Reuters, ông Guennadi Gatilov, thứ trưởng Ngoại Giao Nga hôm nay 23/12/2016 đã thông báo là kế hoạch hưu chiến trên toàn lãnh thổ Syria sẽ được Damas và phe đối lập bàn bạc trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 01/2017 ở Astana, Kazakhstan.
Nga, Iran – đồng minh của tổng thống Syria Bachar al Assad và Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ một số nhóm nổi dậy « ôn hòa » sẽ là 3 nước đỡ đầu cho cuộc thương thuyết hòa bình tới đây ở Astana, Kazakhstan. Kế hoạch thương thuyết này đã được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất trong cuộc họp của ba nước hôm thứ Ba ở Matxcơva.
Trong khi tổng thống Syria Bachar al Assad hôm qua lại một lần nữa khẳng định quyết tâm dùng vũ lực để tái chiếm các vùng đất đã rơi vào tay phe nổi dậy, thì Matxcơva không cho biết cụ thể là kế hoạch hưu chiến sẽ không liên quan tới những nhóm nổi dậy nào.
Trong các thương lượng trước đây, Nga và Mỹ đều gạt ra ngoài lề các nhóm Hồi Giáo cực đoan, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hiện đang có mặt tại nhiều vùng ở miền Đông Syria và Mặt trận Fatah al Cham hiện đang kiểm soát nhiều nơi tại tỉnh Idlib, miền Đông Bắc Syria.
Ông Guennadi Gatilov, thứ trưởng Ngoại Giao Nga cho hãng tin Interfax biết là Matxcơva không trao đổi với chính phủ mới của Donald Trump về tiến trình chính trị ở Syria nhưng điều thuận lợi là tổng thống tân cử Mỹ không yêu cầu tổng thống Syria Bachar al Assad phải ra đi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161223-matxcova-huu-chien-syria-012017-qt
Báo Trung Quốc
lo ngại cố vấn thương mại chính quyền Trump
Ngay sau khi ông Donald Trump thông báo chọn nhà kinh tế nổi tiếng với chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh làm lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia, hôm nay 23/12/2016, báo chí Trung Quốc đã tỏ lo ngại về một viễn ảnh chiến tranh thương mại với Mỹ dưới thời chính quyền Trump.
China Daily, phiên bản Anh ngữ của tờ báo đảng Nhân Dân Nhật Báo khẳng định, việc chỉ định cố vấn thương mại là ông Peter Navarro, tác giả những cuốn sách mô tả cường quốc kinh tế Trung Quốc như một tai họa cho thế giới « thực sự gây lo ngại ». Tờ báo kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hoa Kỳ hãy đặt trong « tình trạng báo động ».
Nhật báo này trích dẫn tổng thư ký Phòng thương mại Trung Quốc, Dư Kiến Long (Yu Jianglong) cảnh báo : « Nếu Hoa Kỳ tiếp tục áp đặt điều tra chống phá giá các sản phẩm Trung Quốc, thì họ không có sự lựa chọn nào khác là đương đầu với thách thức ».
Còn nhật báo Global Times thì dẫn lời ông Kim Xán Vinh (Jin Cannrong) giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh, gợi ý Bắc Kinh phải sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đang theo dõi kỹ thánh phần nội các của Donald Trump và hy vọng Washington vẫn duy trì phát triển « lành mạnh » quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.
Tuy nhiên, Global Times, một tờ báo có tiếng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, với giọng hiếu chiến viết : « Nếu Washington dám khiêu khích Trung Quốc, tấn công vào lợi ích sống còn của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không ngại gì sử dụng sức mạnh để buộc Hoa Kỳ phải tôn trọng Trung Quốc ».
Trong cuốn sách mang tiêu đề « Chết dưới tay Trung Quốc : Nước Mỹ đã mất đi cơ sở công nghiệp như thế nào » , ông Peter Navarro đã tố cáo Bắc Kinh tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhằm mục đích vươn lên thành cường quốc số 1 ở châu Á về kinh tế cũng như quân sự.
Đầu tháng 12/2016 này, Bắc Kinh cũng đã nổi đóa lên vì vụ tổng thống tân cử Mỹ đã có cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh coi việc làm đó của ông Donald Trump là phá hoại nguyên tắc « một nước Trung Hoa » đã được Washington thừa nhận từ năm 1979.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161223-bao-trung-quoc-thuong-mai-trump-qt-kt-ct
Tổng thống Duterte lăng mạ
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
Reuters cho biết hôm qua (22/12/2016) tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại lăng mạ, chửi rủa những người đả kích chính sách chống ma túy đẫm máu mà ông đang tiến hành.
Lần này, những lời chửi rủa của tổng thống Philippines nhắm vào ông Zeïd Ra’ad al Hussein, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nguyên nhân là hôm thứ Ba (20/12/2016) ông Hussein đã yêu cầu tư pháp Philippines điều tra về tổng thống Duterte sau khi ông này tự nhận đã từng « đích thân » giết chết nhiều người phạm tội khi đang là thị trưởng thành phố Davao. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng muốn Philippines tiếp tục điều tra về chiến dịch chống ma túy đẫm máu ở thành phố Davao dưới thời ông Duterte làm thị trưởng, cũng như chiến dịch chống ma túy hiện tại ở Philippines.
Phát biểu trên truyền hình, tổng thống Duterte đã lớn tiếng nhục mạ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Zeïd Ra’ad al Hussein bằng những lời lẽ thô tục, gọi ông là « thằng điên », « kẻ ngu dốt », « người không có não », « đồ con hoang » và yêu cầu Cao Ủy Liên Hiệp Quốc « ngậm miệng lại ». Ông Duterte cũng chỉ trích các quan chức khác của Liên Hiệp Quốc : « Các ông cũng là đồ dốt nát, đừng bảo tôi phải làm gì. Ai cho các ông quyền đó? ».
Hơn 6000 người đã bị giết chết từ khi tổng thống Duterte bắt đầu chiến dịch chống ma túy, một phần ba số người này do cảnh sát giết, nguyên nhân cái chết của những người còn lại vẫn đang được điều tra. Tổng thống Duterte khẳng định là cảnh sát đã làm theo đúng quy định và đe dọa sẽ rút ra khỏi Liên Hiệp Quốc nếu định chế này còn tiếp tục chỉ trích chính sách của ông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161223-philippines-tong-thong-duterte-nq-lhq-qt
Lễ Giáng sinh và mê tín trong dân gian Pháp
Bói củ hành xem mưa có thuận, gió có hòa. Hoa nở đúng thời khắc nửa đêm là điềm lành. Bói lá ô-liu xem trai gái trong làng có bén duyên nhau. Giáng sinh là đêm của những phép lạ, là thời khắc hai thế giới âm dương giao hòa, là phút thiêng liêng, là dịp con trẻ được nghe chuyện đời xưa về lòng nhân ái.
Ngày xửa ngày xưa khi, khi Noel chưa đồng nghĩa với bữa tiệc thịnh soạn trong gia đình bên cây thông xanh và những gói quà lộng lẫy, dân quê ở mỗi vùng, miền trên đất Pháp đều có những tập tục riêng về mùa Vọng, mùa Giáng sinh, về vị khách mà trẻ thơ mong đợi suốt cả năm.
“Ông Già” hay “Bà Tiên” Noel ?
Với trẻ nhỏ ở vùng Franche Comté, gần sát biên giới Thụy Sĩ, Ông Già Noel mang quà đến cho chúng không phải là một ông lão râu tóc bạc phơ, bụng phệ, trong bộ quần áo và mũ đỏ, mà lại là bà tiên Arie. Người thì cho rằng Arie là một cô tiên bé nhỏ, dịu dàng, trên đầu có chiếc vương miện được đính bằng những hạt sương ban mai. Kẻ lại truyền nhau rằng Arie mang hình hài một bà lão xấu xí, lưng gù, răng nhọn như dao. Có nơi dân làng đồn đại là nàng Arie có phép hóa thân thành một con rắn.
Không đồng ý về hình dạng của bà tiên Arie, nhưng dân cư vùng Franche Comté lại đồng tình trên một điểm : bà tiên dù xấu hay đẹp này cưỡi lừa đi phát quà cho trẻ nhỏ, nhưng quà của nàng tiên Arie thường là một cái bánh, là hạt dẻ, hay một món đồ chơi bằng gỗ, sản phẩm của núi rừng. Còn những đứa bé hư, khi thức giấc chỉ thấy một chút tro trong chiếc guốc của mình. Cô cậu học trò nào lười biếng thì bị cô tiên Arie tặng cho một chiếc mũ lừa !
Xích lên miền bắc, ở vùng Alsace, Ông Già Noel là vị thánh Nicolas đi phát quà vào đêm ngày mồng 6 tháng 12 tức là ngày lễ vía của Ngài. Thánh Nicolas không mặc bộ đồ đỏ, bụng không to như hình ảnh Ông Già Noel mà chúng ta biết đến ngày nay. Sách vở thường vẽ vị thánh này với vóc hình mảnh khảnh.
Như với bà tiên Arie, con vật trung thành nhất của thánh Nicolas là chú lừa có lớp lông màu xám rất đẹp. Vì vậy ở Alsace, mỗi nhà thường để sẵn một quả táo giành tặng thánh Nicolas và một củ cà-rốt cho con lừa của Ngài.
12 ngày của các vị Thần Tháng
Vùng Alsace thời xưa, nông dân xem đêm Thánh còn là thời khắc chia tay năm cũ và chuẩn bị đón mừng một năm mới. Người Việt chúng ta có thói quen kiêng cữ đầu năm thế nào, thì người dân quê Alsace cũng có những tập tục hao hao như vậy.
Họ tin rằng giai đoạn từ 25 tháng 12 cho đến ngày mồng 6 tháng Giêng là 12 ngày của các vị Thần Tháng. Mỗi một ngày là biểu tượng cho một tháng trong năm. Đêm 24 rạng sáng 25 tháng 12 là “lễ Giao Thừa”. Trong “12 ngày thiêng” đó, dân vùng Alsace tuyệt đối không được dệt cửi vì thoi nhọn không báo trước điềm lành.
Cũng nông dân trong vùng có thói quen bổ củ hành thành 12 múi đều nhau, mỗi phần tượng trưng cho một tháng trong năm, bỏ một ít muối to hạt lên mỗi phần. Chủ nhà đợi đến lúc nửa đêm về sáng, xem muối khô hay ướt thế nào để biết trước mưa ít hay nhiều trong từng tháng, dựa trên “quẻ bói” ấy mà trồng rau quả, ngũ cốc cho thích hợp.
Ở Việt Nam trước Tết nguyên đán, ta đốn cành mai, cành đào và hãm để hoa nở vào ba ngày Tết lấy hên. Người dân vùng Alsace cũng có tập tục đó, nhưng họ đốn cành của những loại cây ăn quả. Nếu hoa nở đúng lúc Chúa chào đời, đấy là điềm báo trước một năm sung túc.
Để cây lê cây táo sai quả, chẳng nhà nào quên khi đi lễ nửa đêm về họ phải ra đồng, rung cây cho thật mạnh như để nhắc nhở vị thần trú ngụ trên cây, đừng quên cho chủ nhà nhiều bông trái.
Lại cũng dân cư ở Alsace trong đêm giá lạnh đi vào rừng tìm những bông hoa dại, nở trong đêm Thánh, vì mọi người tin rằng, những bông hoa ấy là quà tặng thiên thần ban cho loài người.
Phép lạ của khúc củi gỗ
Với người Pháp, từ xưa đến nay, biểu tượng của lễ Noel luôn là một khúc củi gỗ. Ngày nay, “Bûche de Noel” là ổ bánh ngọt có hình khúc gỗ để cả nhà thưởng thức trong bữa tiệc nửa đêm hay trong bữa cơm họp mặt gia đình trưa ngày 25. Với người đời xưa “Bûche de Noel” thực sự là một khúc gỗ vừa quý, vừa thiêng.
Ở vùng Berry, miền tây, dân cư có thói quen giữ ngọn lửa hồng ít nhất là trong ba ngày từ đêm 24 trở đi, thậm chí có nơi đốt một khúc gỗ lớn từ nửa đêm Thánh cho đến tận ngày mồng 1 Tết dương lịch. Do vậy khúc củi phải là gỗ cây sồi hay cây du thật to, nhiều người khiêng mới được. Trước khi châm lửa, người cao tuổi nhất trong nhà vẩy nước thánh vào khúc gỗ. Tro được giữ lại để rải ra đồng cầu may. Những mẩu than còn lại được giữ ở trong nhà, dân quê tin rằng, than từ khúc gỗ thiêng đốt trong đêm Thánh là bùa hộ mạng : ra làm đồng mang theo một miếng than từ khúc “Bûche de Noel” không bao giờ sợ bị sét đánh.
Với người miền núi trong vùng Pyrénées sát biên giới Tây Ban Nha, khúc củi gỗ của đêm Giáng Sinh là nguồn đem lại ánh sáng mặt trời, biểu tượng của sự sống. Mỗi gia đình gửi gấm khúc củi gỗ những lời nguyện cầu để thấu tới tai Thượng Đế. Vì vậy gia chủ luôn đọc kinh, cầu nguyện, vẩy nước thánh và trang trí khúc củi thật đẹp trước khi châm lửa.
Dân miền núi trên đảo Corse, trong vùng Địa Trung Hải, có thói quen nhìn đống tro tàn xem Hải vương và Sơn vương có thuận hòa với nhau trong năm cho người dân đỡ cơ cực.
Thế giới âm-dương giao hòa
Nói về mê tín, cho đến rất gần đây, dân quê vùng Bretagne, tây bắc nước Pháp vẫn tin rằng đêm 24 tối trời, là thời khắc duy nhất trong năm mà những bà phù thủy có thể đốt đuốc, nhảy múa thâu đêm. Vì là đêm dài nhất trong năm, ma quỷ thường hay rong chơi, trêu ghẹo người lành, vì vậy người dân vùng Bretagne có tập tục rước đuốc để trừ tà ma.
Một tập quán khác trong vùng, là lễ canh thức : đấy là thời khắc những kẻ hát rong gõ của từng nhà, xin một bát rượu, một miếng bánh đổi lấy những bài thi ca hay những câu chuyện cổ tích, hoang đường lý thú nhất. Không mấy ai xem thường những tay hát dạo đó bởi truyền thuyết cho rằng đấy thường là những vị thần thánh, dưới hình hài xấu xí thô kệch, gõ cửa từng nhà để đo lường lòng từ tâm, nhân ái của thế gian.
Ở rất xa bờ biển Bretagne là vùng Bourgogne trù phú, nổi tiếng với những ruộng nho thẳng cánh cò bay, những câu chuyện ít nhiều mang tính hoang đường, vẫn được truyền khẩu đến ngày nay. Nào là chuyện một gã say bị ma ám, nhảy xuống giếng bởi hắn nghe có tiếng rủ rê xuống đáy giếng uống rượu.
Ai đã có dịp tham quan Nonnenberg vùng Lorraine miền đông bắc nước Pháp, chắc hẳn đã được nghe qua câu chuyện ngày xửa ngày xưa, tại một cơ ngơi rất đẹp và trang nghiêm của các sơ. Đúng vào đêm Thánh, một đoàn kỵ mã đến gõ cửa tu viện, xin trọ một đêm. Vì hiếu khách, các sơ đem rượu, thịt ra thết đãi khách đường xa.
Các chàng kỵ mã đa tài, kẻ đàn người hát, Mẹ bề và các sơ mải vui, quên mất giờ cử hành Thánh lễ … Đến rạng sáng, những chàng kỵ mã trẻ đẹp đêm qua hiện nguyên hình là ma quỷ, là hiện thân của sự cám dỗ. Một tiếng sét lớn, nổ vang trời, cả cơ ngơi của các sơ thiêu rụi trước khi bị nhận chìm vào lòng đất.
Dân cư trong vùng kể rằng, từ đó đến nay, đêm Noel nào bóng các sơ cũng hiện về, họ nhảy múa cho đến khi kiệt sức. Ác quỷ thì nấp sau một tảng đá lớn để “ngắm nhìn” các sơ khiêu vũ. Lại cũng có người kể rằng, thỉnh thoảng, những đêm tối trời, người ta nghe có tiếng gõ cửa, ra mở, thì chẳng có ai. Dân làng chỉ trông thấy một đồng tiền vàng. Phải chăng đó là quà tặng của các sơ để những người ngoan đạo cầu nguyện, giúp họ được về bên Chúa.
http://vi.rfi.fr/phap/20161223-le-giang-sinh-va-me-tin-trong-dan-gian-phap