Tin Khắp nơi – 23/1/2017
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh chính thức rút khỏi TPP
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa thực hiện một cam kết mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử, với việc ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thỏa thuận thương mại, vốn được coi là một trong những thành công quan trọng của cựu Tổng thống Barack Obama trong chính sách Á châu, được ký kết bởi 12 quốc gia.
“Điều chúng ta vừa mới làm là một điều vô cùng to lớn cho người lao động Mỹ,” ông Trump nói khi đặt bút ký lệnh xóa bỏ sự tham gia của Mỹ trong hiệp định này.
Ông cũng cắt giảm ngân sách dành cho các nhóm quốc tế ủng hộ hoạt động nạo phá thai, và đóng băng việc tuyển dụng một số dạng công chức liên bang.
Lệnh của ông Trump đối với TPP được nhiều người coi là mang tính biểu tượng bởi hiệp định này chưa bao giờ được chuẩn thuận tại Quốc hội Mỹ vốn có nhiều phân rẽ.
Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông Trump chỉ trích hiệp định này là ‘có nguy cơ trở thành thảm họa cho đất nước chúng ta’ và nói nó gây hại cho ngành sản xuất Hoa Kỳ.
Ngày làm việc đầu tiên của chính quyền ông Trump khởi đầu với một loạt các lệnh của tổng thống, theo đó cho phép tổng thống bỏ qua Quốc hội để ra các chỉ thị mang tính ràng buộc pháp lý đối với các cơ quan liên bang, từ việc trang trí lại Tòa Bạch ốc cho tới chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Phân tích của Anthony Zurcher, BBC News, Bắc Mỹ
Tổng thống và thư ký báo chí cuối tuần qua đã phê phán báo giới và việc tường thuật lễ nhậm chức – sự đối địch này dĩ nhiên chi phối các hàng tít.
Nhưng đằng sau phòng họp, đảng Cộng hòa trong chính phủ và Quốc hội đang tập trung thúc đẩy nghị trình chính trị.
Tổng thống đã ký sắc lệnh về thương mại và phá thai hôm thứ Hai.
Các ủy ban quốc hội sẽ sớm đưa ra luật về thuế và y tế.
Sự khởi đầu không suôn sẻ của Tổng thống Trump khiến một số người tự hỏi liệu tổng thống có đang làm lãng phí quyền lực, vốn thường ở đỉnh cao trong vài tháng đầu của nhiệm kỳ.
Nhưng quyền lực mạnh hay yếu là do bản thân ta. Thách thức thật sự cho sức mạnh của ông Trump sẽ không phải là các trang báo về Twitter, các bài phát biểu ngẫu hứng, mà sẽ là các chính sách và luật pháp.
Mặc dù có thể thấy dễ xem thường các bước đi của ông Trump, nhưng nếu phe bảo thủ tiếp tục lấn tới trong sự hỗn loạn, họ có thể lại dần dần thích phong cách độc đáo của tân tổng thống.
www.bbc.com/vietnamese/world-38699303
TQ kiểm soát dịch vụ internet vượt tường lửa
Trung Quốc đang có chiến dịch trấn áp việc người dân sử dụng các biện pháp công nghệ nhằm ‘qua mặt’ giới chức về các hoạt động trên mạng.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Tin học vừa tuyên bố các kế hoạch “dọn sạch” những kết nối internet không được cấp phép.
Chiến dịch kéo dài 14 tháng sẽ nhắm mục tiêu vào mạng kết nối riêng tư ảo (VPN) và những đường truyền internet mà nhiều người đang sử dụng để truy cập mạng.
Mọi dịch vụ kiểu này phải được chính thức sáng lọc mới được tiếp tục hoạt động, Bộ nói.
Kết nối ngấm ngầm
Trong thông báo của mình, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Tin học cho biết thị trường truy cập mạng của Trung Quốc “lộn xộn” và cần phải được điều chỉnh, quản lý.
Nhằm giải quyết tình trạng đó, Bộ tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm thiết lập trật tự trong các hình thức truy cập mạng. Các công ty kết nối mạng và các cách thức mà người dân sử dụng để lên mạng cũng sẽ bị rà soát, Bộ này nói.
Trung Quốc sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để kiểm soát và quản lý những gì người sử dụng nói và viết trên mạng và cả những trang mạng nào mà họ hay truy cập.
Nhiều trang mạng được ưa chuộng ngoài Trung Quốc, như Facebook và YouTube, bị chặn hoặc chỉ truy cập được ở mức có giới hạn do cái được gọi là “vạn lý tường lửa” của Trung Quốc.
Để vượt tường lửa, nhiều người sử dụng VPN, là dịch vụ giúp kết nối an toàn giữa thiết bị mà họ sử dụng với một máy tính khác, qua đó kết nối trực tiếp được với một máy tính bên ngoài Trung Quốc, và máy tính này sẽ giúp họ truy cập được tới những trang mạng mà người dùng muốn truy cập.
Nhiều doanh nghiệp cũng dùng VPN để giúp nhân viên kết nối với các mạng lưới của tập đoàn và hạn chết lượng dữ liệu mật được chuyển tải qua các mạng lưới internet công cộng.
Các dịch vụ VPN được các cá nhân và các doanh nghiệp sử dụng, cũng như các đường dây thuê bao chuyên dụng, nay sẽ phải có giấy phép chính thức mới được hoạt động.
Đây là chiến dịch mới nhất trong một loạt những nỗ lực của giới chức trách Trung Quốc muốn ngăn chặn người dân sử dụng VPN và các hệ thống vượt tường lửa khác.
Đưa tin về chiến dịch trấn áp này, Tờ South China Morning Post nói quyết định này gắn liền với một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm quản lý thông tin trên mạng trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản, là sự kiện người ta chờ đợi sẽ chứng kiến một “cải tổ lớn” trong giới lãnh đạo đảng ở nước này.
www.bbc.com/vietnamese/world-38719942
TQ sẽ ‘tập trận thường xuyên ở các vùng biển xa’
Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sức mạnh quân sự của mình tại các vùng biển xa, bất chấp chỉ trích từ phía Hoa Kỳ, truyền thông nước này tuyên bố hôm Chủ Nhật.
Bắc Kinh dự tính sẽ tiến hành tập trận xa hơn ở ngoài khơi, cây viết Brian Pickrell trong bài đăng trên trang Daily Caller dẫn nguồn Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nói. Tờ báo cũng khẳng định các cuộc tập trận ở vùng biển sâu như những lần mà đội tàu trong đó có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tiến hành trong thời gian gần đây sẽ trở thành các hoạt động bình thường.
Những hoạt động trên đã gây quan ngại tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương khi đội tàu do Liêu Ninh dẫn đầu đã đi tới các vùng biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông, Tây Thái Bình Dương, Biển Đông, và Eo biển Đài Loan.
“Từ nay trở đi, việc diễn tập quân sự của Trung Quốc ở các vùng biển xa sẽ trở thành thường lệ,” Nhân dân Nhật báo viết.
Trong những năm gần đây, các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động tại những vùng biển có tranh chấp, đã khuấy động sự bất ổn trong khu vưc.
Gây lo lắng nhiều nhất là việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông, khiến căng thẳng dâng cao.
Tuy không chỉ trích hoạt động diễn tập của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ công khai phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa các vùng biển có tranh chấp.
Trong phiên điều trần gần đây trước Quốc hội Hoa Kỳ, ứng viên được Tổng thống Trump đề cử vào vị trí ngoại trưởng, Rex Tillerson nói cần có hành động cứng rắn với Trung Quốc với việc không cho phép nước này tiếp cận các hòn đảo mà Bắc Kinh đã cho cơi nới, bồi đắp ở Biển Đông.
Nay, chỉ hai hôm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức nhậm chức, Nhân dân Nhật báo nói rằng việc Hoa Kỳ ‘đao to búa lớn’ sẽ không khiến Trung Quốc chấm dứt việc tập trận hoặc hoạch định sức mạnh quân sự.
Không những vậy, truyền thông Trung Quốc nói rằng nếu Hoa Kỳ ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo thì điều đó đồng nghĩa với việc tuyên chiến.
Trung Quốc cho đến nay đã đầu tư mạnh cho hải quân, một công cụ quan trọng cho chiến lược phát triển sức mạnh quân sự.
Liêu Ninh là tàu hàng không mẫu hạm đầu tiên, vốn là sản phẩm của thời Liên Xô, được Trung Quốc mua lại hồi thập niên 1990 và tân trang lại, chính thức đưa vào lực lượng hải quân hồi 2002.
Một tàu hàng không mẫu hạm thứ hai, do Trung Quốc tự sản xuất, hiện đang sắp hoàn thành, và Bắc Kinh đang có kế hoạch xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba.
Bắc Kinh trong quá trình phát triển nhanh lực lượng hải quân đã đặt hàng chiếc tàu chiến tàng hình thứ 31, nhằm sẵn sàng đối phó với Hoa Kỳ và các nước khác trong việc xác lập sức mạnh Trung Quốc tại Biển Đông, trang tin The Hindu nói.
www.bbc.com/vietnamese/world-38699300
Nước Nga và « hội chứng cuồng Trump »
Theo Reuters ngày 20/01/2017, sự kiện ông Donald Trump đến Nhà Trắng đã tạo ra hiện tượng mê say Donald Trump gọi là Trumpomania hay là « hội chứng cuồng Trump » tại đất nước của ông Putin.
Từ nhiều năm qua, quan hệ giữa Matxcơva và Washington không mấy tốt đẹp và trên phương diện cá nhân, sự thiếu thiện cảm giữa Barack Obama và Vladimir Putin cũng chẳng phải là một bí mật gì. Nhưng điện Kremlin, và nhiều người Nga, hy vọng là tình trạng này sẽ thay đổi với vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, và một thời kỳ quan hệ hữu hảo hơn sẽ mở ra đối với hai cường quốc.
Điều đó có nghĩa là bãi bỏ cấm vận áp đặt sau vụ Nga sát nhập Crimée tháng 3/2014, là một liên minh quân sự Mỹ-Nga chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, cũng như là giảm hoạt động quân sự của NATO sát biên giới Nga.
Lễ nhậm chức của Donald Trump hôm thứ Sáu 20/01/2017 đã được các phương tiện truyền thông nhà nước Nga tập trung đưa tin đầy đủ, thậm chí còn không đếm xỉa đến các tin tức thời sự ở chính nước Nga.
Guennadi Gudkov, một cựu dân biểu nổi tiếng là chống Putin đã xem đấy không khác gì một hiện tượng gọi theo tiếng Pháp là « Trumpomania », nói nôm na là « hội chứng cuồng Trump ».
Hãng tin Anh Reuters đã lược qua nhiều dấu hiệu về chứng « cuồng Trump » này :
Chính quyền Nga đã cho đúc một loại tiền xu kỷ niệm bằng vàng và bạc, bên trên có khắc khẩu hiệu « In Trump We Trust – Chúng tôi tin vào Trump, mô phỏng phương châm xuất hiện trên đồng đô la Mỹ « In God We Trust – Chúng tôi tin vào Chúa ».
Trong các cửa hiệu, người ta đã bày bán những con búp bê matriochka bằng gỗ lồng vào nhau nổi tiếng của Nga, với hình tượng Donald Trump, để bổ sung cho những con búp bê có hình Vladimir Putin, hay trước ông là các lãnh đạo Liên Xô như Mikhail Gorbachev, Stalin hay Lenin.
Một cửa hàng bán đồ thặng dư quân sự Nga nằm ngay trước mặt của đại sứ quán Hoa Kỳ đã phát động một chiến dịch quảng cáo giảm giá 10% cho tất cả các nhân viên cơ quan ngoại giao nhân dịp lễ nhậm chức của Donald Trump .
Các thành phần dân tộc chủ nghĩa Nga cũng không thua kém. Họ tổ chức một lễ hội được cho là kéo dài suốt đêm bên trong tòa nhà mà thời Liên Xô, được dùng làm bưu điện chính của thủ đô Matxcơva. Họ sẽ trình bày bộ ba yêu thích của mình, đặt cạnh nhau ảnh của tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen.
Một trong những nhà tổ chức sự kiện, Konstantin Rykov, một cựu dân biểu thân Putin đã giải thích trên các mạng xã hội Nga là nên chào mừng một cách long trọng sự ra đời của một « trật tự thế giới mới ».
Nhân vật này không ngần ngại tiên đoán « Rồi thì Washington sẽ sớm thuộc về ta ».
vi.rfi.fr/quoc…/20170123-nuoc-nga-va-«-hoi-chung-cuong-trump
Hàng Mỹ của Donald Trump: Khẩu hiệu và thực tế oái oăm
Donald Trump mặc nhiên đã trở thành nhà ‘vô địch’ bảo hộ mậu dịch, điều ông không phủ nhận qua các khẩu hiệu mà các đối tác nước ngoài nghe không lọt tai chút nào. Ngày tuyên thệ nhậm chức ông lại càng xác minh một cách hùng hồn. Một trong những lúc mà tân tổng thống Mỹ được những người ủng hộ ông hoan nghênh nhất nhân lễ nhậm chức ngày 20/01/2017 là lúc ông kêu gọi « Mua (hàng) Mỹ và tuyển dụng (người) Mỹ ».
Nhưng đấy cũng là một khẩu hiệu trớ trêu, như hãng tin anh Reuters ngày 20/01 đã ghi nhận khi tìm hiểu xuất xứ của biểu tượng của những người ủng hộ ông Trump : chiếc mũ baseball mầu đỏ với mác đặc thù là khẩu hiệu của ứng cử viên Donald Trump : « Make America Great Again – Hãy làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại ».
Biết bao người đã mua và đội chiếc mũ baseball đó. Nhưng điều bất ngờ là rất nhiều chiếc mũ lại không phải làm tại Mỹ mà là tại Việt Nam, Trung Quốc, hay Bangladesh ! Và một số người thật sự rất khó chịu khi khám phá chiếc mũ Trump của họ lại làm ở nước ngoài.
Ví dụ như cặp Rob và Abby Walker, lái xe từ Georgia lên Washington, và trên đường đi, đã ngừng ở một trạm dừng xe tải để mua chiếc mũ Make America Great Again. Abby có vẻ lo lắng : « Lậy Chúa, hy vọng nó không phải là làm ở Trung Quốc ! » Bà nhanh nhẹn xoay mũ lại và đọc nhãn bên trong : « Trung Quốc ! Đừng nói với ai hết ! »
Chiếc mũ này nếu mua trên website vận động chính thức của Trump, thì quả thật là làm tại Mỹ, bán với giá từ 25 đến 30 đô la. Cho dù vậy, so ra thì vẫn đắt hơn các chiếc mũ bán ở ngoài đường ở Washington hôm 20/01, giá chỉ độ 20 đô la.
vi.rfi.fr/…te/20170123-hang-my-cua-donald–trump-khau-hieu-va-t.
Indonesia bắt 17 người nghi liên quan ISIS
Thứ Bảy vừa qua, 21/1/2017, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 17 người mới bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất, sau khi nhóm người này tới Thổ tìm đường sang Syria.
Tất cả đều bị bắt tại phi trường, ngay sau khi từ Istanbul về lại Jakarta.
Phát ngôn viên Rikwanto của cảnh sát quốc gia Indonesia cho hay có những dấu hiệu cho thấy nhóm người này muốn đến Syria để hoạt động cho khủng bố ISIS, nói thêm là cả nhóm đang bị điều tra xem họ bị ai móc nối, cung cấp tiền cho họ đi Thổ Nhĩ Kỳ.
www.rfa.org/…/indo-hold-is-link-group-deport-from-turkey-0123…
Trung Quốc quy trách Nhật chia rẽ ASEAN
Trung Quốc không hài lòng với các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Nhật tới Việt Nam, Philippines, Australia, Indonesia vì quan ngại ông Shinzo Abe có thể ‘hất chân’ các nỗ lực của Trung Quốc để lấy lòng các nước láng giềng trong khu vực và xung quanh Biển Đông.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, cáo buộc chuyến công du Châu Á của Thủ tướng Nhật khuấy động căng thẳng khu vực, chứng tỏ động cơ tối hậu và ‘nếp nghĩ không lành mạnh’ giữa lúc Bắc Kinh và các nước láng giềng đã ổn định tình hình ở Biển Đông.
Tại Philippines, nước làm chủ tịch ASEAN năm nay, ông Abe từng tuyên bố vấn đề Biển Đông liên hệ trực tiếp tới hòa bình-ổn định khu vực và là một ‘mối quan ngại cho toàn bộ cộng đồng quốc tế.’
Bài xã luận của Tân Hoa xã viết rằng dù ông Abe đề cập với Tổng thống Philippines phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, ông Abe có thể sẽ cảm thấy thất vọng vì ông Duterte không hề đả động trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông trong các cuộc hội đàm với ông Abe.
Tuy nhiên, thật ra, Tổng thống Duterte đã mô tả Nhật Bản như ‘một người bạn gần gũi hơn cả anh em’ trong buổi quốc yến chiêu đãi ông Abe.
Tại cả hai chặng dừng chân ở Philippines và Việt Nam, ông Abe hứa hẹn các cơ hội đầu tư và ủng hộ lực lượng tuần duyên hai nước bảo vệ lãnh hải.
Thủ tướng Nhật cũng cam kết là Tokyo sẽ cung cấp tàu tuần tra mới cho cả Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
www.voatiengviet.com/…/trung–quoc–quy…chia…asean/3688641.h…
Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc chiếm lãnh thổ ở hải phận quốc tế
Tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 cam kết Mỹ sẽ ngăn không cho Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong các khu vực hải phận quốc tế ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng “Hoa Kỳ sẽ đảm bảo bảo vệ các lợi ích của mình tại đây.”
Vẫn theo lời người phát ngôn Spicer, vấn đề đặt ra là liệu các đảo đó thật ra nằm trong lãnh hải quốc tế và không phải là một phần thuộc Trung Quốc hay không, nếu đúng vậy, thì Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng họ bảo vệ không để cho các lãnh thổ quốc tế bị một nước nào chiếm dụng.
Tuyên bố được đưa ra đáp câu hỏi liệu tân Tổng thống Donald Trump có đồng ý với phát biểu tuần trước của người được đề cử chức Ngoại trưởng, Rex Tillerson, rằng chớ để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng trên Biển Đông.
www.voatiengviet.com/a/…trung–quoc…quoc–te/3688572.html
Trung Quốc sẽ nhận vai trò lãnh đạo thế giới nếu cần
Trung Quốc không muốn làm lãnh đạo thế giới nhưng có thể buộc phải đóng vai trò đó nếu các nước khác không đảm nhiệm, một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tuyên bố ngày 23/1.
Ông Zhang Jun, tổng giám đốc bộ phận phụ trách kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra phát biểu này sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết đặt ‘Nước Mỹ trên hết.’
Nhận định của ông Zhang được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), mô tả Trung Quốc là lãnh đạo của một thế giới toàn cầu hóa, nơi chỉ có hợp tác quốc tế mới giải quyết được các vấn đề lớn.
Ông Zhang nói Trung Quốc không có ý định mưu tìm vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhưng nếu được yêu cầu làm điều đó, Bắc Kinh sẽ lãnh trách nhiệm.
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, ông Zhang khuyến cáo rằng ông Trump khó đạt được mục tiêu tăng trường kinh tế nếu cùng lúc phải ‘tham chiến’ trong cuộc chiến thương mại.
Nhà ngoại giao của Trung Quốc cảnh báo ‘một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc chiến tỷ giá hối đoái sẽ không có lợi cho bất kỳ nước nào.’
www.voatiengviet.com/a/trung–quoc-se…vai–tro…/3688618.html
Chính phủ Syria đàm phán với phe nổi dậy sau 6 năm chiến tranh
Trước cuộc đàm phán, ông Yahya al-Aridi, một người phát ngôn của phe đối lập, nói rằng việc chính quyền của ông Assad chấm dứt vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 30 tháng 12 nằm đầu nghị trình. Ông nói:
“Mục tiêu đó nếu đạt được sẽ có thể giúp ích cho tiến trình chính trị.”
Chiều thứ Bảy trước cuộc đàm phán khai mạc hôm Chủ nhật, một video được loan tải cho thấy máy bay oanh kích hai thị trấn do phe nổi dậy kiểm soát ở Syria.
Đại diện của chính phủ Syria, ông Bashar al-Jaafari nói Damascus “sẵn sàng thảo luận tất cả mọi thứ.”
Một đại diện của Nga nói rằng không có giải pháp nào nhanh chóng và đơn giản cho cuộc xung đột sáu năm qua, nhưng ông bày tỏ lạc quan về cuộc đàm phán.
Ông Aleksandr Musiyenko, phát ngôn viên của Ðại sứ quán Nga, nói:
“Không khí chiến tranh và bất đồng thật sự sôi sục. Chúng tôi cố tìm một thỏa thuận cho tất cả mọi người. Đó là điều chúng tôi đang cố hết sức.”
Đại diện của Mỹ tại cuộc đàm phán là một đại sứ được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama vì tân chính quyền chưa thay thế.
Ông Yahya al-Aridi của phe đối lập nói rằng điều đó không gây lo ngại cho phe nổi dậy. Ông cho biết:
“Bất cứ ai đến tham dự cuộc đàm phán – đại diện cho chính quyền Obama hay chính quyền Trump – chúng tôi không lo ngại điều đó. Chúng tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai có thể giúp chấm dứt bi kịch này cho Syria, nhất là chính quyền nào sẵn lòng chấm dứt bi kịch này.”
Ông Jaafari, đại diện chính phủ Syria, bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tân chính phủ Mỹ:
“Chúng tôi hy vọng dưới chính quyền của ông Trump, phía Mỹ có thể có thái độ tích cực hơn với giải pháp chính trị.”
Người Syria thất tán vì cuộc nội chiến hy vọng cuộc đàm phán sẽ đạt thành công để họ có thể trở về lại quê nhà của họ.
Ông Ali Ahmad Mohammed, một người tị nạn Syria, nói:
“Hy vọng, an ninh được lập lại trên đất nước chúng tôi và trên toàn thế giới Ả Rập. Chúng tôi thực sự đã chịu đựng cảnh thất tán và mọi thứ khác quá nhiều.”
Nhưng nhiều người không tin tưởng các chính trị gia sẽ tranh đấu cho sự quan tâm và lợi ích của họ.
Ông Wahid Al-Akari, một người tị nạn Syria, nói:
“Cuộc đàm phán Astana cũng giống như những cuộc đàm phán khác trước đó. Chỉ là một cuộc trình diễn, còn nạn nhân vẫn là người dân Syria. Thật đáng buồn là mọi người mang chúng tôi ra làm vật trao đổi – đó là Nga, Iran, rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi biến thành một chiếc bánh được họ mang ra phân chia để mỗi người đều có một phần.”
Ước tính khoảng 400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Syria kể từ tháng 3 năm 2011, và hơn một nửa dân số nước này thất tán.
www.voatiengviet.com/…syria…phe…sau–6–nam…tranh/3687960.h..