Tin khắp nơi – 23/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 23/10/2017

Mỹ cam kết duy trì ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á

Duy Anh

Hôm nay 23/10/2017, Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng Đông Nam Á ADMM tại Philippines. Theo Associated Press, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được kỳ vọng sẽ lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết chống sự bành trướng của Trung Quốc.

Trong một cuộc họp với báo giới tại Philippines, dù không nhắc đích danh Trung Quốc, song tướng Mattis nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa các quốc gia cần phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mà không phải dựa trên tiềm lực kinh tế hay quy mô quân sự. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng tái khẳng định là Hoa Kỳ vẫn luôn kiên quyết ủng hộ các nước Đông Nam Á trong vấn đề tự do hàng hải, đồng thời, coi sự đoàn kết của của khối ASEAN giống như một thành lũy chống lại tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh.

Đông Nam Á, với vùng Biển Đông giàu tài nguyên và khoáng sản, luôn là nơi mà cả Washington và Bắc Kinh tranh giành tầm ảnh hưởng. Song quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền tổng thống Donald Trump đã làm suy giảm phần nào ảnh hưởng của Washington với vùng biển này. Thêm vào đó, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách đối thoại song phương với từng thành viên ASEAN khiến nội bộ khối này bị chia rẽ. Trong bối cảnh trên, phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có thể được xem như một lời trấn an và cam kết duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171023-bo-truong-quoc-phong-my-keu-goi-asean-doan-ket-chong-trung-quoc

 

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ công du Châu Á

Vấn đề Bắc Hàn sẽ là chủ đề quan trọng trong lịch trịch chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Châu Á tuần này.

Nói với báo giới hôm 23/10 trên máy bay tới cuộc họp an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Philippines, Bộ trưởng James Mattis cho biết các bên sẽ thảo luận làm thế nào để duy trì hòa bình bằng cách giữ cho quân đội các nước luôn được báo động trong khi các nhà ngoại giao Nhật Bản, Nam Hàn và Mỹ sẽ cùng làm việc với các quốc gia để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tại diễn đàn an ninh khu vực ở Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  có cuộc thảo luận ba bên với các nước Nam Hàn và Nhật Bản là các đồng minh của Mỹ ở châu Á, trước khi ông lên đường tới Nam Hàn dự các thảo luận quốc phòng hàng năm.

Trước đó, bản tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cũng lên án Bắc Hàn về những vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân của nước này, bày tỏ quan ngại trước căng thẳng đang lên tại bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nhân dịp này cũng ca ngợi Philippines về những thắng lợi đã đạt được trong việc chống lại những kẻ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo IS.

Bộ trưởng James Mattis nói một trong những việc đầu tiên ông sẽ làm khi tới Philippines là khen ngợi quân đội Philippines đã giải phóng thành phố Marawi ở miền Nam Philippines khỏi quân khủng bố.

Hồi tuần trước Tổng thống Philippines Rodriggo Duterte tuyên bố quân đội Philippines đã giải phóng thành phố Marawi sau 5 tháng chiến đấu khiến khoảng hơn 1.000 người thiệt mạng.

Những tay súng của quân khủng bố thề trung thành với IS đã chiếm giữ nhiều phần của thành phố Marawi , thủ phủ của người Hồi giáo ở miền Nam Philippines hôm 23/5 nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á.

Cuộc chiến tại thành phố đã có sự trợ giúp về quân sự của Mỹ. Theo quân đội Philippines, cuôc chiến đã làm ít nhất 920 phiến quân và 165 quân chính phủ thiệt mạng.  Hơn 400.000 người đã phải rời đi do các vụ không kích hàng ngày vào thành phố và những trận chiến khốc liệt trên bộ.

Mặc dù Tổng thống Philippines đã tuyên bố thành phố được giải phóng nhưng trên thực tế chiến sự vẫn tiếp diễn khiến nhiều người đặt câu hỏi là liệu thành phố có thực sự được giải phóng khỏi những tay súng Hồi giáo.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/mattis-to-discuss-nkorea-threat-on-asia-trip-10232017085550.html

 

Đe dọa từ Bắc Hàn

là mối bận tâm hàng đầu của Thủ tướng Nhật

Sau chiến thắng chính trị vẻ vang mới đạt được qua cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hôm Chủ Nhật 22 tháng 10 vừa rồi để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo quốc gia, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho hay những mục tiêu ông nhắm tới bao gồm cả mối đe dọa đến từ Bắc Hàn và giải quyết kinh tế trong tình trạng số người ở tuổi về hưu đang tăng nhanh.

Lên tiếng trong cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày 23 tháng 10, Thủ Tướng Abe trách nhiệm của ông là phải kiên quyết đối phó với vấn đề Bắc Hàn, thực hiện một chính sách ngoại giao mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế buộc Bình Nhưỡng ngưng chương trình võ khí hạt nhân, và ngưng những hành động mang tính gây hấn, đe dọa Nhật Bản cũng như tạo bất ổn cho bán đảo Triều Tiên.

Thủ Tướng Abe cũng nhắc đến chuyện Bắc Hàn từng bắt giữ công dân Nhật Bản, nói thêm là ông tin tưởng những người không may bị Bình Nhưỡng bắt hiện vẫn còn sống.

Cũng tại cuộc họp báo, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe cho biết một trong những thử thách lớn nhất của chính sách kinh tế mà ông cho thực hiện chính là số người về hưu tăng nhanh trong lúc dân số của Nhật đang giảm. Ông cho hay nôi trong năm nay sẽ đưa ra một kế hoạch toàn diện, bao gồm việc tăng ngân sách giáo dục và cải tổ hệ thống hưu bổng.

Hiện nay số người trên 65 tuổi đã nghỉ hưu chiếm 1 phần tư dân số Nhật Bản. Đến năm 2060, tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 40%.

Một trong những điều ông Abe không nói tới những được nhiều người dự đoán ông sẽ làm là sửa đổi hiến pháp, để quân đội Nhật có thể tham chiến ở nước ngoài, thay vì chỉ giữ vai trò bảo vệ an ninh lãnh thổ như quy định hiện nay.

Những cuộc thăm dò được thực hiện vài năm trước đây cho thấy đa số cử tri ủng hộ sửa đổi hiến pháp, nhưng chỉ muốn quân đội Nhật tham gia cùng Liên Hiệp Quốc qua chương trình đạo quân bảo vệ hòa bình, hoặc tham chiến trong trường hợp một quốc gia đồng minh bị tấn công.

Tổng thống Trump và thủ tướng Abe điện đàm

Sáng ngày 23 tháng 10, Thủ Tướng Nhật Bản và Tổng Thống Hoa Kỳ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tin từ Nhà Trắng và văn phòng thủ tướng Nhật đều nói khi gặp nhau tại Tokyo vào ngày mùng 5 tháng Mười Một tới đây, hai ông đồng ý sẽ bàn thảo rốt ráo về tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên và kế hoạch chung để đối phó với Bắc Hàn.

Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong chuyến công du Châu Á cũng đầu tiên từ khi ông nhậm chức. Sau Nhật Bản, Tổng Thống Mỹ sẽ ghé Nam Hàn, Trung Quốc, trước khi đến Việt Nam dự thượng đỉnh APEC.

Chuyến đi của Tổng Thống Trump sẽ kết thúc tại Philippines, nơi diễn ra thượng đỉnh Đông Á với các nước ASEAN.

Điện Kremlin cho biết đang sắp xếp chương trình các cuộc thảo luận bên lề APEC, như vậy có khả năng Tổng Thống trump và Tổng Thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau ở Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/after-election-win-abe-prioritizes-nk-aging-jp-10232017105939.html

 

London: Phí 12 bảng cho xe diesel và xe 12 tuổi

Từ Thứ Hai 23/10/2017, London cho áp dụng phí T-Charge, 10 bảng Anh cho một lần vào nội đô với mọi xe chạy động cơ diesel và xe đăng ký trước 2006.

Đây là khoản phí thêm vào phí chống ùn tắc, còn gọi là ‘Congestion Charge’ (C-Charge), đã ở mức 11,5 bảng, cho mọi xe hơi vào trung tâm.

Như thế, nếu muốn vào trung tâm London, người lái xe diesel và xe trên 12 tuổi, sẽ phải trả cho một lần ra vào trong ngày là 21,5 bảng.

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan nói đây là quyết định nhằm thực thi mục tiêu giảm ô nhiễm trong trung tâm London.

Vụ các trạm BOT ‘nhắm vào ông Thăng’?

Thay đổi thu phí ở Cai Lậy: ‘Ít hơn nhưng lâu hơn’

Luật sư Thuận: BOT điều tra kỹ là ‘đại án’

Độc quyền BOT, ‘sự cố’ Cai Lậy và bất ổn thể chế

Nhưng những người phản đối thì cho rằng mức phí mới này “chỉ trừng phạt người lái xe có thu nhập thấp”.

Theo BBC News, mỗi tháng sẽ có chừng 34 nghìn xe thường ra vào London bị ảnh hưởng của phí mới.

Thành phố London đã áp dụng phí chống ùn tắc và ô nhiễm không khí từ tháng 2/2003.

Khu vực nội đô được khoanh lại và đặt camera ở các phố đi vào để kiểm soát lưu lượng giao thông từ 07:00 sáng đến 18:00 chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Camera chụp biển xe và người lái hoặc chủ xe phải trả tiền trong ngày đi vào, muộn nhất là nửa đêm của ngày hôm đó.

Giảm bớt xe cũ

Căn cứ vào Luật không khí sạch (Clean Air Act), các đô thị Anh đã có nhiều biện pháp nhằm giảm lưu lượng xe hơi như mở thêm các tuyến đường cho xe đạp, và tại London có các bãi cho thuê xe đạp giá rẻ.

Ngoài ra, London cũng mua một số xe bus loại thải khí hydrogen chứ không phải dùng động cơ xăng hoặc diesel.

Chính phủ Anh và các hãng xe hơi cũng mở ra chương trình trợ giá, nhằm giảm xe có hệ thống xả khí kiểu cũ, gây ô nhiễm nhiều hiện vẫn còn trên thị trường.

Nếu bạn đem chiếc xe trên 12 tuổi vào bán lại hãng xe cùng nhãn hiệu và mua xe mới của họ thì được nhận giá xe cũ từ 2000 đến 2500 bảng, tùy hãng xe.

Chiếc xe cũ sẽ bị thu hồi và đem đi phá hủy theo quy chế ‘scrappage scheme’ (dịch vụ hủy xe), mà BMW, Mercedes, Renault, Nissan, Audi…đều áp dụng.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-41720394

 

12 thành phố lớn sẽ tăng cường bảo vệ môi trường

Mười hai thành phố lớn trên thế giới vào ngày 23 tháng 10 đưa ra cam kết đến năm 2025 sẽ chỉ mua những xe buýt không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra những thành phố này đến năm 2030 cũng sẽ qui định những vùng trong thành phố không còn phát thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Mười hai thành phố đưa ra cam kết như vừa nêu gồm London, Paris, Los Angeles, Cape Town, Copenhagen, Barcelona, Quito, Vancouver, Mexico City, Milan, Seatle và Aukland.

Tất cả những thành phố vừa nêu, với tổng số dân gần 80 triệu người, còn nói sẽ khuyến khích hoạt động đi bộ, đi xe đạp, cũng như sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Những biện pháp này nằm trong ‘Tuyên bố chung về những đường phố không có phát thải nhiên liệu hóa thạch’.

Chuyên gia Caroline Watson về các loại phương tiện vận tải phát thải thấp nói với hãng tin Reuters rằng tuyên bố chung vừa nêu là một cam kết rõ ràng bằng văn bản trong công tác nâng cao tiêu chuẩn và đưa ra một tín hiệu cho lĩnh vực tư nhân nên đầu tư vào lĩnh vực xanh tại các thành phố.

Bản tin của Reuters nêu rõ những khu vực không phát thải có nghĩa sẽ gồm thêm công viên, khu vực dành cho khách bộ hành, hay những con đường chỉ dành cho các phương tiện vận tải chạy bằng điện hay hydrogen. Tuy nhiên, diện tích của những khu này vẫn chưa được xác định.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/twelve-big-cities-to-buy-zero-emissions-busses-extend-green-areas-10232017112113.html

 

Người đứng đầu quân đội Indonesia

được phép nhập cảnh Hoa Kỳ

Tướng Gatot Nurmantyo, Chỉ huy các lực lượng vũ trang của Indonesia được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

AFP dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Jakarta hôm  23 tháng 10 như vừa nêu, sau khi người đứng đầu quân đội Indonesia bị giới hữu trách Hoa Kỳ từ chối cho ông nhập cảnh khi ông chuẩn bị đáp chuyến bay đi Mỹ hôm 21 tháng 10.

Jakatar đã yêu cầu phía Washington giải thích lý do chính đáng cho sự việc xảy ra với tướng Gatot Nurmantyo, người nhận được lời mời của Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, mời ông đến thăm Washington, nơi ông dự định sẽ tham gia một cuộc hội thảo.

Bà Erin Elizabeth McKee, Quyền Phó Đại sứ Mỹ tại Jakarta nói với phóng viên rằng khả năng Tướng Gatot Nurmantyo đến thăm Hoa Kỳ “hoàn toàn không có vấn đề gì”.

Cũng theo bà McKee, tướng Gatot có thể đi du lịch mà không bị hạn chế. Hoa Kỳ hoan nghênh sự có mặt của ông trong diễn đàn mà Tướng Dunford đã đưa ra lời mời.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi nói rằng giới hữu trách của Đại sứ quán Mỹ đã xin lỗi, nhưng không đưa ra lời giải thích nào cả. Do đó, bà Retno Marsudi cho biết phía Indonesia vẫn yêu cầu phải làm rõ lý do vì sao xảy ra sự việc đáng tiếc như thế.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Indonesia-military-chief-free-to-travel-to-us-embassy-says-10232017085908.html

 

Ngoại trưởng Tillerson củng cố mối quan hệ

giữa Ả-rập Xê-út và Iraq

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm Chủ nhật 22/10 thúc đẩy mối quan hệ đang tiến triển tốt giữa Ả-rập Xê-út và Iraq như là một cách để chống lại thế lực quân sự đang ngày càng mạnh của Iran trong khu vực.

Tham dự cuộc họp của Ủy ban Điều phối Ả Rập Saudi và Iraq tại Riyadh, ông Tillerson nói với Quốc Vương Saudi Arabia Salman và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi rằng các mối quan hệ đang tiến triển cho thấy có “tiềm năng lớn.”

Ông Tillerson nói: “Cả hai bên đều cho thấy sự khởi đầu của những gì chúng tôi hy vọng sẽ là một loạt các hành động thực tế hơn nhằm cải thiện mối quan hệ và tăng cường hợp tác trong hàng loạt vấn đề.”

Ông Salman nói: “Chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong các hình thức chủ nghĩa cực đoan, khủng bố cũng như những nỗ lực gây bất ổn cho các quốc gia của chúng ta … Chúng tôi tái khẳng định việc ủng hộ đoàn kết và ổn định của đất nước Iraq anh em.”

Ông Abadi lên tiếng đồng ý với quan điểm “mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước anh em, chúng tôi rất cởi mở và chúng tôi muốn thoát khỏi quá khứ.”

Iraq có đa số dân theo phái Hồi giáo Shiite và Ả-rập Xê-út do người Sunni lãnh đạo đã làm mặt lạnh với nhau mấy chục năm qua, sau khi lãnh tụ độc tài của Iraq Saddam Hussein chiếm Kuwait vào năm 1990.

Ông Tillerson hôm Chủ nhật 22/10 nói các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn và các cố vấn Iran phải ra khỏi Iraq.

Ông nói: “Các chiến binh này phải về nước của họ. Bất cứ chiến binh nước ngoài nào đều phải trở về nước của họ.”

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã đáp lại trên Twitter, nói rằng chính sách đối ngoại của Mỹ là “đáng xấu hổ” và “bị các đồng đôla dầu mỏ chi phối.”

Ông Tillerson công du tới Qatar, nơi ông không kỳ vọng sẽ chấm dứt xung đột ngoại giao kéo dài bốn tháng qua giữa Qatar và một nhóm các quốc gia gồm Ảrập Xêút, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất. Ông nói rằng Hoa Kỳ vẫn quan ngại về những hậu quả kinh tế và quân sự.

Ông Tillerson nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy tiếp tục làm việc để thảo luận và đối thoại, và tìm ra cách giải quyết những khác biệt.”

Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc rằng Qatar dung dưỡng khủng bố và thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Iran, tuy nhiên Doha đã từ chối cáo buộc này.

Ông Tillerson cũng đến thăm Pakistan, Ấn Độ và Thụy Sĩ trong chuyến công du sáu ngày.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-tillerson-cung-co-moi-quan-he-giua-arap-xe-ut-va-iraq/4082241.html

 

Washington xin lỗi vụ tướng quân đội Indonesia

bị Mỹ không cho nhập cảnh

Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai 23/10 cho biết “hoàn toàn không có vấn đề gì” về việc lãnh đạo quân đội Indonesia công du đến Hoa Kỳ, sau khi ông bị từ chối nhập cảnh trong chuyến đi tham dự một hội nghị tại thủ đô Washington.

Tổng tư lệnh quân đội Indonesia Tướng Gatot Nurmantyo cùng với vợ đang chuẩn bị đáp máy bay tới Hoa Kỳ vào ngày thứ Bảy 21/10 thì hãng hàng không báo cho ông rằng Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (USCBP) không cho ông nhập cảnh.

Phó Đại sứ Mỹ tại Indonesia Erin McKee hôm thứ Hai đã xin lỗi về việc này và nói sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi rằng vấn đề đã được giải quyết.

Ông McKee nói: “Tướng Gatot có thể thực hiện chuyến công du, không bị hạn chế gì cả. Đại sứ quán đang làm việc để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra xung quanh vụ việc này, và chúng tôi hy vọng rằng sự cố này sẽ không tái diễn.”

Ông Marsudi cho biết Đại sứ Hoa Kỳ Joseph Donovan trong cuộc điện thoại với Tướng Gatot cũng đã chuyển lời “lấy làm tiếc và xin lỗi” và nói thêm rằng chỉ loại bỏ có những hạn chế nhập cảnh đối với Tướng Gatot thôi thì vẫn chưa đủ.

Ông Marsudi nói: “Chúng tôi vẫn cần làm rõ thêm tại sao vụ việc lại xảy ra.”

Ông Nurmantyo được Tổng Tham mưu trưởng Joseph Dunford của Hoa Kỳ mời tham dự một hội nghị về các tổ chức cực đoan.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Indonesia nhìn chung là thân thiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir nói rằng phản ứng của Jakarta đối với vụ việc sẽ phụ thuộc vào lời giải thích của Washington.

https://www.voatiengviet.com/a/washington-xin-loi-vu-tuong-quan-doi-indonesia-bi-my-khong-cho-nhap-canh/4082226.html

 

Đài Loan hướng nam, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Đài Loan đang áp dụng miễn thị thực nhập cảnh và mở các văn phòng đầu tư nước ngoài ở các quốc gia phía nam trong khu vực được xem là những động thái mới nhất đẩy mạnh nỗ lực tái cân bằng quan hệ kinh tế, nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia thù nghịch chính trị với Đài Loan.

Các quan chức ở Đài Loan hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác du lịch, thương mại và giáo dục đại học với 18 quốc gia bao gồm hầu hết các nước Nam và Đông Nam Á, cũng như với Australia và New Zealand. Mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia này sẽ làm giảm vai trò của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan hiện nay, khi hai bên đối mặt với những khác biệt chính trị.

Trong nỗ lực gần đây của Đài Loan, được gọi là Chính sách hướng Nam Mới, bắt đầu thí điểm vào tháng tới cho đến hết tháng 7/2018, các công dân Philippines có thể lưu lại Đài Loan trong 14 ngày mà không cần thị thực. Vào tháng 8/2016, Đài Loan cũng đã tuyên bố miễn thị thực cho công dân Brunei và Thái Lan.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói trong một bài diễn văn Quốc khánh vào đầu tháng này: “Mục đích của Chính sách hướng Nam Mới là để chúng ta giữ một vị thế thuận lợi hơn trong cộng đồng quốc tế.”

Bất ổn với Trung Quốc

Bà Thái đã công bố Chính sách hướng Nam Mới sau khi nhậm chức vào tháng 5/2016 để tái cân bằng các mối quan hệ của nền kinh tế trị giá 529 tỷ đôla của Đài Loan.

Theo truyền thống, doanh nhân Đài Loan chọn Trung Quốc để đầu tư vì chi phí tương đối thấp, lực lượng lao động lành nghề và có cùng nền văn hoá. Từ năm 1988 đến năm 2016, theo Hiệp hội các nhà quan sát Mỹ về Quan hệ Đối ngoại, có hơn 93.000 doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, bất chấp nền tự trị dân chủ của hòn đảo. Chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã phẫn nộ trước động thái đó của Trung Quốc, và ngừng đối thoại với Bắc Kinh.

Chính sách hướng Nam Mới

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã thành lập các văn phòng đầu tư tại Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines để giúp các nhà đầu tư tìm các dự án ở những nước này, dựa trên nhu cầu của từng địa phương.

Chính phủ Đài Loan đang cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn hướng tới thị trường Đông Nam Á, nơi viện trợ từ Đài Bắc sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án lớn khác. Ngoài ra, việc miễn thị thực sẽ tạo điều kiện phát triển ngành du lịch Đài Loan, một lợi thế khác cho nền kinh tế.

Vào năm ngoái, Ủy ban Đầu tư của Đài Loan đã phê duyệt 252 đơn lập dự án ở Trung Quốc, giảm 21,5% so với năm 2015.

Một quan chức kinh tế của Đài Loan cho hay hồi đầu năm rằng Indonesia là một điểm sáng để tìm kiếm các dự án đầu tư mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2010 đến năm 2015, Thái Lan đã chấp thuận 274 đơn xin đầu tư của Đài Loan, trị giá 1,39 tỷ đôla.

Khoảng 3.500 nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam vào đầu năm 2011 do chi phí ở Trung Quốc gia tăng trong khi Việt Nam đang có ưu đãi để thu hút vốn nước ngoài.

Theo ông Liang Kuo-yuan, Chủ tịch Viện nghiên cứu Polaris có trụ sở ở Đài Bắc, việc khởi động lại nhà máy thép Formosa Việt Nam vào tháng 5 có thể thu hút một “cụm” các công ty liên quan đến Đài Loan. Trước đó, nhà máy đã ngừng hoạt động do nghi ngờ thải chất độc ra biển làm chết cá hàng loạt.

Ông Jonathan Ravelas, chiến lược gia thị trường thuộc ngân hàng Banco de Oro UniBank tại Manila nói Philippines cũng đang tích cực tìm kiếm các công ty Đài Loan.

Ông Ravelas nói các công ty điện tử Đài Loan xem Philippines như là một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, trong khi các công ty y tế có thể tìm được các đối tác như các bệnh viện.

Ông Ravelas cho biết: “Chúng tôi biết các doanh nhân từ Đài Loan đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Philippines, vì đó là một thị trường bán lẻ rất lớn.”

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-huong-nam-giam-le-thuoc-vao-trung-quoc/4082155.html

 

Chuyên gia Pháp : Thế giới bất ổn chưa từng có

Thùy Dương

« Một thế giới bất ổn chưa từng có » là nhận định của chuyên gia Arnaud Danjean, phụ trách tạp chí chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. RFI tiếng Việt trích dịch bài phỏng vấn chuyên gia Arnaud Danjean trên tuần báo l’Express tuần qua.

Thế giới giờ đây nguy hiểm hơn trước kia ?

Viễn cảnh về các nguy cơ và mối đe dọa khá u ám. Người ta có thể suy ra là thế giới trở nên nguy hiểm hơn, nhưng khái niệm đó quá mang tính chủ quan. Môi trường quan hệ quốc tế dường như bất ổn và đang xuống cấp. Một sự xuống cấp kéo dài. Các mối đe dọa được nêu trong Sách Trắng 2013 đang diễn biến nhanh hơn và mạnh hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là các mối đe dọa về khủng bố Hồi Giáo. Đúng là các nhóm Hồi Giáo cực đoan hiện đang gặp nhiều thất bại trên các chiến trường ở Trung Đông, nhưng các lực lượng đó thường xuyên được tổ chức lại. Mối đe dọa này sẽ chuyển hướng, giống như đã từng xảy ra trong quá khứ, và khủng bố có khả năng xâm nhập vào các vùng địa lý khác trên thế giới, từ Tây Phi cho tới Đông Nam Á, với những phương thức hành động khác nhau. Phong trào Hồi Giáo cực đoan sẽ còn dai dẳng.

Còn các mối đe dọa khác thì sao ?

Chúng ta không nên hy vọng là trong những tháng tới đây sẽ tìm ra những giải pháp kỳ diệu cho các xung đột hiện đang diễn ra ở mạn sườn châu Âu, ở vùng Cận Đông và cả ở châu Phi. Mức độ tập trung nhiều thách thức liên quan trực tiếp tới nước Pháp như vậy là chưa từng có kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Tình hình ở nhiều nơi diễn biến phức tạp, gây lo ngại. Các biện pháp quân sự trở nên cứng rắn hơn ở khắp nơi. Sức mạnh quân sự của các nước như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út tăng một cách đáng ngạc nhiên. Nhiều nước khác cũng gia tăng trang bị quân sự kỹ lưỡng, làm thế cân bằng chiến lược trước đây bị đảo lộn, kể cả về chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân. Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Hiện tượng tăng cường quân sự liên quan tới tất cả các lĩnh vực : không chỉ lục quân, hải quân, không quân, mà cả không gian vũ trụ và công nghệ số.

Liệu chúng ta có cần phải lo ngại về khả năng xảy một cuộc xung đột lớn ngay tại châu Âu ?

Cá nhân tôi thì tôi không cho rằng điều này có nhiều khả năng xảy ra, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng xung đột. Biện pháp răn đe và quan điểm đặt lên hàng đầu tương quan lực lượng của một số quốc gia có thể khiến xung đột leo thang. Chúng ta không thể quên những gì đã xảy ra ở Ukraina năm 2014. Thái độ của nước Nga cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại về cách bảo đảm an ninh cho châu Âu. Chúng ta không nên chủ quan, nhưng cũng không nên quá lo sợ. Những phân tích rõ ràng và khách quan cho phép chúng tôi khẳng định lập trường là nước Pháp vừa rất đoàn kết với các nước đồng minh, vừa sẵn sàng đối thoại với Matxcơva.

Ông rút ra được điều gì từ sự rút lui của Mỹ thời Donald Trump ?

Chúng ta không thể phủ nhận là hệ thống quan hệ quốc tế đa phương đã suy yếu từ nhiều thập kỷ nay. Đó là một thực tế. Thực tế này được nuôi dưỡng bởi xu hướng toàn cầu hóa, sự xuất hiện của các yếu tố mới, cũng như thái độ của các cường quốc công khai tranh cãi về nguyên tắc ngoại giao đa phương, đề cao sự lựa chọn đơn phương. Đáng tiếc là nhiều ý tưởng của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đi theo chiều hướng này, chẳng hạn trong hồ sơ khí hậu và hạt nhân Iran. Tất cả những điều đó dẫn tới một sự bấp bênh, nhất là vì nước Pháp rõ ràng là có những lợi ích chung với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bộ máy chính trị của Mỹ không chỉ dựa vào những phát ngôn của tổng thống. Thêm vào đó, một số chính sách vẫn chưa trở thành chính thức.

Nước Pháp có biện pháp gì để đối phó với các thách thức nói trên ?

Trong bối cảnh quốc tế ngày càng bất ổn và có nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán định, kể cả từ các đồng minh, nước Pháp cần tự chủ mạnh mẽ về chiến lược. Điều đó không có nghĩa là chúng ta khẳng định một cách phi thực tế và ngạo nghễ là có thể một mình giải quyết mọi việc. Tuy nhiên, chúng ta phải bảo đảm có khả năng duy trì các cam kết của nước Pháp, cho dù là một mình hay cùng với liên minh. Có nghĩa là Pháp phải có một mô hình quân đội đầy đủ và cân đối để bảo đảm duy trì sức mạnh. Quân đội của Pháp hiện đang rất vững mạnh, nhưng nguy cơ quá tải đang rình rập. Thách thức trong những năm tới là thiết lập được sự gắn kết chặt chẽ giữa các mong muốn, tham vọng chính đáng, hợp pháp của Pháp với những điều mà quân đội Pháp có thể đảm đương được. Một khi đã ấn định nhiệm vụ cho các lực lượng, nhà chức trách phải bảo đảm quân đội có đủ phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ. Về mặt thể chế, thường thì rất dễ huy động quân đội. Quân đội bao giờ cũng được triển khai nhanh chóng và chuyên nghiệp, nhưng đó chỉ là bước ban đầu. Sau đó, cần bảo đảm cho lực lượng hoạt động được lâu dài và thích nghi với hoàn cảnh.

Ưu tiên chiến lược của Pháp là gì ?

Năm nhiệm vụ chiến lược của quân đội theo chính sách phòng vệ của Pháp là bảo vệ lãnh thổ, phòng ngừa, răn đe, tình báo và can thiệp. Răn đe hạt nhân từ trên không và từ tàu ngầm là yếu tố then chốt. Chúng ta sẽ phải củng cố, tăng cường công tác phòng ngừa khủng hoảng. Hành động quân sự « đơn thương độc mã » sẽ không thể giúp ổn định lại các khu vực mà chúng ta đang can thiệp quân sự, chẳng hạn ở Sahel và Trung Đông. Mọi nỗ lực quân sự phải đi kèm với các hoạt động ngoại giao và phát triển. Thêm vào đó, Pháp vừa là cường quốc hạt nhân, vừa là quốc gia châu Âu duy nhất là thành viên của cả Liên Hiệp Châu Âu, NATO và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chúng ta phải biến điều này thành đặc thù mang tính chiến lược phục vụ cho các quan hệ đối tác quan trọng và bước tiến mới của Liên Hiệp Châu Âu. Việc mở rộng hợp tác với Đức là cần thiết. Là một dân biểu châu Âu, tôi hiểu rằng chính sách phòng vệ của châu Âu chính là « lá bùa bộ mệnh ». Tôi tin rằng giờ là thời cơ thuận lợi cả về chính trị và chiến lược để tiến bước. Để làm được điều này, cần có ý chí mạnh mẽ, sự minh mẫn, sáng suốt cao độ và óc thực tế.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171022-chuyen-gia-phap-the-gioi-bat-on-chua-tung-co

 

Bình Nhưỡng

có thể đang tiến hành sản xuất hàng loạt vũ khí sinh học

Duy Anh

Bắc Triều Tiên có thể đang tiến hành sản xuất hàng loạt nhiều loại vũ khí sinh học tại Viện Công nghệ sinh học Bình Nhưỡng, nơi chuyên nghiên cứu các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp.

Theo Đài Châu Á Tự Do RFA, hôm 21/10/2017, trích dẫn một báo cáo mới được xuất bản của Trung tâm Belfer, thuộc trường Kennedy (Kennedy School), Đại học Harvard, chính quyền Bình Nhưỡng đã có trong tay các vũ khí sinh học và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp những loại vũ khí sinh học này. Báo cáo này cho rằng Bắc Triều Tiên hiện đang sở hữu khoảng 13 loại tác nhân gây bệnh, trong số đó có vi khuẩn gây ngộ độc thịt, bệnh tiêu chảy, và bệnh dịch hạch. Vi khuẩn gây bệnh than và đậu mùa rất có thể đã được sử dụng.

Theo nhóm tác giả của báo cáo, sự tiến triển chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể được theo dõi dựa trên số vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa thành công, nhưng quá trình nuôi cấy các vi sinh vật gây bệnh là không thể kiểm soát được sau những cánh cửa phòng thí nghiệm đóng kín.

Về phía Washington, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Fox News hôm qua 22/10/2017, tổng thống Donald Trump bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối trước năng lực quốc phòng « gây sốc » của Hoa Kỳ, và tuyên bố, Washington đã « hoàn toàn sẵn sàng » để đối phó với những đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông chủ Nhà Trắng cũng lên tiếng đề cao hành động « giúp đỡ » của chính quyền Bắc Kinh trong việc gia tăng trừng phạt lên Bắc Triều Tiên.

Hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng luôn là mối bận tâm lớn của Washington, đặc biệt trong vài tháng gần đây, tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục có những màn đấu khẩu căng thẳng xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171023-binh-nhuong-co-the-dang-tien-hanh-san-xuat-hang-loat-vu-khi-hoa-hoc

 

ASEAN : Chống khủng bố,

chủ đề chính cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng

Minh Anh

Hôm nay, 23/10/2017, trong khuôn khổ cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng các nước Đông Nam Á (ADMM), lãnh đạo quốc phòng các nước ASEAN bắt đầu cuộc hội đàm kéo dài hai ngày tại Clark, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Philippines. “Chống khủng bố” là nội dung chính chương trình nghị sự.

Theo phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana tại phiên khai mạc, các bên tập trung thảo luận vào việc tìm kiếm những sáng kiến và phương cách mới nhằm phát triển hợp tác quốc phòng, trong đó, đối phó với những thách thức khủng bố và tình trạng bạo lực cực đoan tại Đông Nam Á là một trong những ưu tiên.

Phiên họp các Bộ trưởng dự kiến thông qua một tuyên bố chung vào chiều cùng ngày.

Ngoài ra, theo Bangkok Post, tình hình căng thẳng Biển Đông do những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa một số quốc gia thành viên ASEAN với Trung Quốc và Đài Loan, chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng sẽ được các bên đề cập đến.

Thứ Ba 24/10/2017, các bộ trưởng Quốc Phòng có phiên họp mở rộng với các đối tác khác (ADMM plus) như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171023-asean-%E2%80%9Cchong-khung-bo%E2%80%9D-chu-de-chinh-hop-bo-truong-quoc-phong

 

Nga trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Navalny

Duy Anh

Hôm qua 22/10/2017, nhà bất đồng chính kiến với chính quyền Kremlin Alexei Navalny đã được trả tự do sau 20 ngày cầm tù. Trên tài khoản Instagram cá nhân, vị luật sư, đồng thời là blogger chống tham nhũng uy tín này, đã đăng tải một bức ảnh chụp mình trên một con phố, với dòng chú thích « Xin chào ! Tôi đã ra ngoài », đồng thời tuyên bố « sẵn sàng làm việc ».

Ngay sau khi được trả tự do, ông Navalny đã trở lại Astrakhan, cách thủ đô Matxcova 1;200 km về phía tây nam, để tiếp tục chiến dịch tranh cử của mình và tổ chức một cuộc biểu tình phản đối tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin trước thềm cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 03/2018. Khoảng 300 người, trong đó có rất đông thanh niên, đã tham gia cuộc biểu tình.

Nhà đối lập 41 tuổi này có tham vọng khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống Nga sắp tới, mặc dù hồi đầu tuần trước, bà Ella Pamfilova, chủ tịch ủy ban bầu cử trung ương, đã tuyên bố, từ giờ đến năm 2028, ông Navalny không đủ tiêu chuẩn để tham gia tranh cử do bị cơ quan tư pháp kết án chính trị. Vì vậy, hoạt động tranh cử của nhà bất đồng chính kiến Navalny bị chính quyền Kremlin xem là bất hợp pháp.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171023-nga-tra-tu-do-cho-nha-bat-dong-chinh-kien-navalny

 

Ukraina : Người phản đối tham nhũng

cắm trại trước trụ sở Quốc Hội

Rất nhiều lều trại được dựng lên trước trụ sở của Quốc Hội Ukraina, ở thủ đô Kiev từ ngày 17/10/2017. Khoảng 100 người đối lập với tổng thống Petro Porochenko yêu cầu cải cách hệ thống và đòi hỏi ông từ chức. Phong trào này không được tất cả mọi người đồng tình, nhưng lại rất được chú ý tới, bởi vì đa số người phản đối là cựu chiến binh, thiện chiến và đầy quyết tâm, đã từng chiến đấu ở miền đông Ukraina.

Từ Kiev, thông tín viên RFI Sébastien Gobert tường trình :

“Nhiều lều quân dụng, một nhà ăn phục vụ các món ăn nóng sốt, cờ xí và các tấm áp phích phủ đầy các khẩu hiệu chính trị. Khu lều trại này muốn tạo ra bầu không khí ở quảng trường Maidan năm 2014.

Vào thời kỳ đó, Yehor Sobolev là một nhà đấu tranh chống tham nhũng nổi tiếng. Ông đã được bầu vào Quốc Hội. Nhưng sau ba năm làm dân biểu ở Quốc Hội, ông tố cáo tổng thống Petro Porochenko muốn tái dựng bộ máy tham nhũng từ trên xuống dưới. Ông không còn tin vào những cải cách chỉ do giới lãnh đạo chính trị thực hiện. Ông nói : Không có áp lực của đường phố, chúng tôi sẽ không thể xóa bỏ được vòng xoáy tham nhũng mà chính quyền hiện nay đang lợi dụng.

Phần lớn xã hội dân sự Ukraina tán đồng chỉ trích này. Tuy nhiên, nhiều người đã tách ra khỏi phong trào sau các vụ xô xát ngày 17/10 giữa các nhóm bán quân sự cực đoan và cảnh sát chống bạo động.

Bohdan Lezitski, thuộc tiểu đoàn Donbass, đã tham chiến trong một thời gian dài ở vùng phía đông, lại nhấn mạnh đến tính chất bán vũ trang của cuộc biểu tình phản đối tham nhũng này. Theo ông, đây không phải là phong trào Maidan 2014 do các công dân ôn hòa tiến hành. Đây là một khu trại cách mạng, với sự tham gia của các cựu chiến binh.

Các cựu chiến binh thiện chiến này được bố trí xung quanh trụ sở Quốc Hội. Họ không dấu diếm ý định của mình : Phong trào sẵn sàng có hành động triệt để nếu như yêu sách của họ không được thỏa mãn”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171023-ukraina-nguoi-phan-doi-tham-nhung-cam-trai-truoc-tru-so-quoc-hoi

 

Mỹ muốn thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc

Minh Anh

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tìm cách thúc đẩy ASEAN đoàn kết thành một khối thống nhất để chống Trung Quốc, nhân hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM plus). Giới chuyên gia đặt câu hỏi làm thế nào hàn gắn được những rạn nứt cho chính Washington tạo ra, trong bối cảnh ASEAN cũng bị chia rẽ trước mối lợi do Bắc Kinh mang đến.

Tuyên bố với giới báo chí trước khi đến dự hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng tại Philippines, ngoại trưởng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh, ASEAN phải là nơi tập hợp “những quốc gia muốn có các mối quan hệ song phương dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải bằng sức mạnh kinh tế hay quân sự. Hoa Kỳ cam kết ủng hộ hết mình khối ASEAN”.

Lời tuyên bố này của ông Jim Mattis nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ đã được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra hôm thứ Tư 14/10/2017, trình bày một tầm nhìn mới về Ấn Độ, xem quốc gia đông dân và dân chủ này có thể là một đối trọng với Trung Quốc trong tương lai.

Phát biểu của cả hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ được trình bày trong bối cảnh ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á đang suy giảm kể từ khi tổng thống Donald Trump dường như từ bỏ chính sách “xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama, qua việc hủy bỏ Hiệp Ước Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mmt hiệp ước mà Hoa Kỳ và các nước tham gia trong đó có Việt Nam đã tốn mất nhiều năm để thương lượng.

Cho đến nay, Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) thường xuyên bị chia rẽ trước sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự chia rẽ này được thể hiện rõ nét qua những vụ tranh chấp các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng và cho xây dựng thành những tiền đồn quân sự.

Tờ Financial Times nhắc lại, Bắc Kinh đã khôn khéo theo đuổi chính sách phát triển quan hệ song phương riêng rẽ với từng nước thành viên hòng chia rẽ khối ASEAN. Và Trung Quốc phần nào đã thu được những kết quả nhất định.

Từ việc ASEAN không đề cập đến phán quyết của La Haye năm 2016 liên quan đến các tranh chấp lãnh hải, cho đến việc dần lôi kéo một số quốc gia thành viên rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc. Ban đầu là Cam Bốt, Lào, nay những quốc gia đồng minh của Mỹ như Thái Lan, Philippines cũng bắt đầu bị lung lay. Tổng thống Philippines năm rồi có những lời ca ngợi “tình bạn mới” với Trung Quốc.

Trong trước mắt nguy cơ xảy ra đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là rất thấp, nhưng giới chuyên gia không loại trừ khả năng một sự leo thang bất ngờ giữa hai đại cường. Bởi vì, còn có một vài nước trong khu vực vẫn xem Hoa Kỳ như là một đối trọng trước việc Trung Quốc gia tăng bành trướng sức mạnh kinh tế và quân sự.

Theo nhận định của ông Michael Vatikiotis, tác giả tập sách nói về Đông Nam Á có tựa đề “Blood and Silk” (tạm dịch là Máu và Lụa), “việc ông Mattis đến châu Á là tốt, nhưng những gì người ta thật sự muốn thấy là sự gắn bó lâu dài” . Vẫn theo chuyên gia này, nếu như Hoa Kỳ đã sao nhãng và để cho Trung Quốc mở rộng được ảnh hưởng trong khu vực, thì Washington chỉ còn biết than thân trách phận mà thôi.

Do vậy, tham vọng thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc không phải là công việc dễ dàng gì đối với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171023-mattis-tim-cach-thuc-day-asean-doan-ket-chong-trung-quoc

 

Một tuần lễ quyết định đối với tương lai Catalunya

Cuộc đọ sức giữa phe đòi độc lập cho Catalunya và chính quyền Madrid đi vào hồi quyết định. Trong tuần này, Thượng Viện Tây Ban Nha sẽ ra quyết định cho phép thực hiện điều 155 trong Hiến Pháp, đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalunya và như vậy, chủ tịch Catalunya Carles Puigdemont sẽ bị mất toàn bộ quyền lực và vùng này sẽ đặt dưới sự giám hộ của Madrid.

Giải pháp duy nhất để ngăn cản quyết định của Thượng viện Tây Ban Nha là ông Puigdemont phải cho giải tán Quốc Hội Catalunya và tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Từ Madrid, thông tín viên François Musseau tường trình :

« Mọi cặp mắt đều hướng nhìn về phía Carles Puigdemont và rất ngóng chờ quyết định sắp tới của ông. Chủ tịch vùng Catalunay biết rằng điều 155 trong bản Hiến Pháp của Tây Ban Nha, cho phép đặt một vùng ly khai dưới sự giám hộ của chính quyền trung ương, sẽ được áp dụng và như vậy, chính phủ ly khai của ông sẽ chấm dứt tồn tại. Cách duy nhất để ngăn chặn tiến trình này là giải tán Quốc Hội vùng Catalunya và cho tổ chức bầu cử trước thời hạn, từ nay đến thứ Bẩy tới.

Có như vậy và chỉ có làm như vậy thì mới đình chỉ được tiến trình áp đặt giám hộ. Nếu không, các chuyên gia Tây Ban Nha sẽ nắm quyền điều hành tất cả các định chế và tổ chức của vùng Catalunya, như chủ tịch, Quốc Hội, cảnh sát, viễn thông, truyền thông và cả thuế khóa. Đối với một vùng trù phú và có nhiều đặc quyền như Catalunya thì điều này sẽ thực sự là một thảm họa.

Trong những ngày sắp tới, Puigdemont sẽ triệu tập một phiên họp toàn thể của Quốc Hội Catalunya và lúc đó, ông sẽ phải đưa ra một quyết định lịch sử : hoặc là ông cho tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn và xung đột sẽ xẹp xuống hoặc là ông quyết định đơn phương tuyên bố độc lập và sẽ làm dấy lên bước khởi đầu tiến trình trừng phạt của chính quyền trung ương đối với vùng lãnh thổ này ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171023-mot-tuan-le-quyet-dinh-doi-voi-tuong-lai-catalunya

 

Thắng cử lập pháp giúp thủ tướng Nhật

đẩy nhanh sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa

Trong cuộc bầu cử được tổ chức ngày hôm qua, 22/10/2017, theo các thẩm định của truyền thông Nhật Bản, liên minh giữa đảng bảo thủ Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe và đảng Komeito (trung hữu) đã dẫn đầu, giành được thắng lợi rõ nét, chiếm hai phần ba số ghế tại Hạ Viện, ít nhất là 310 dân biểu trong tổng số 465 ghế. Thắng lợi này cho phép thủ tướng Shinzo Abe đẩy nhanh tiến trình sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa.

Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles giải thích :

« Shinzo Abe muốn là bản Hiến Pháp chủ hòa, do Mỹ soạn thảo và áp đặt từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, thừa nhận sự tồn tại của quân đội Nhật Bản, một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới và để cho nước này lại được quyền tham chiến. Ông thủ tướng muốn sửa lại điều 9 trong bản Hiến Pháp cấm Nhật Bản tiến hành chiến tranh để giải quyết các xung đột.

Shinzo Abe đã diễn giải lại Hiến Pháp để cho phép quân đội Nhật Bản được tham gia vào các chiến dịch ở nước ngoài, cùng với quân đội Mỹ. Một nửa dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến Pháp chủ hòa, vì theo họ, Hiến Pháp hiện nay giúp ngăn cản giới lãnh đạo tìm cách tiến hành chiến tranh.

Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Shinzo Abe muốn củng cố liên minh với Hoa Kỳ, và cũng như Donald Trump, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, nếu cần. An ninh của Nhật Bản phụ thuộc vào ô hạt nhân của Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171023-thang-cu-lap-phap-giup-thu-tuong-nhat-thuc-day-sua-doi-hien-phap-chu-hoa