Tin khắp nơi – 23/09/2020
Phe Cộng hòa có thể bổ nhiệm được thẩm phán Tòa Tối cao trước cuối năm
Triển vọng Tổng thống Donald Trump và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Thượng viện bổ nhiệm được người thay thế Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg trước cuối năm gia tăng hôm 22/9 khi có thêm một thượng nghị sĩ Cộng hòa tỏ ý ủng hộ, trong khi đang có nhiều lời kêu gọi thực thi những thay đổi lớn đối với tòa án, bao gồm việc mở rộng số lượng thẩm phán.
Một số thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, không đồng ý với việc mở rộng tòa án chín thành viên, nói sau khi Thẩm phán Ginsburg qua đời rằng việc phe Cộng hòa gấp rút trám chỗ trống có thể đẩy họ đến điểm tới hạn.
Phe Cộng hòa dường như sắp thực hiện được ý định bổ nhiệm thẩm phán chỉ hơn một tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống, khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney ngày 22/9 tuyên bố Thượng viện nên xúc tiến việc bổ nhiệm người thay thế Thẩm phán Ginsburg vừa qua đời.
Quyết định của ông Romney khiến phe Dân chủ gần như không còn hi vọng ngăn cản Thượng viện chuẩn thuận nhân vật thứ ba được Tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao. Việc bổ nhiệm này sẽ tạo nên thế đa số bảo thủ 6-3. Ông Trump đã nói sẽ công bố ứng viên trước thứ Bảy tuần này.
Phe Cộng hòa chiếm đa số 53-47 tại Thượng viện. Bốn thành viên Cộng hòa sẽ phải tham gia cùng phe Dân chủ phản đối một cuộc biểu quyết chuẩn thuận để ngăn chặn đề cử. Chỉ có hai thượng nghị sĩ Cộng hòa là Lisa Murkowski của bang Alaska và Susan Collins của bang Maine cho rằng Thượng viện không nên xem xét đề cử trong năm nay.
Phe Dân chủ cáo buộc phe Đảng Cộng hòa đạo đức giả, chỉ ra rằng họ thậm chí từ chối xem xét ứng cử viên của Tổng thống Dân chủ Barack Obama để trám vào ghế trống tại Tòa án Tối cao vào năm 2016 lấy lý do đây là năm bầu cử.
Ông Romney, từng là ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2012, nói ông không bận tâm về điều đó vì Washington chia rẽ giữa một Tổng thống Đảng Dân chủ và một Thượng viện Đảng Cộng hòa bốn năm trước, trong khi năm nay Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai.
Việc Tòa án Tối cao bất thình lình thiếu vắng một thẩm phán cũng đang thổi bùng lên căng thẳng trong phe Dân chủ. Dù một số nhân vật có chủ trương cấp tiến đang thúc giục ứng cử viên Tổng thống Joe Biden thực hiện các cải cách bao gồm bổ sung thẩm phán vào tòa án, song cho đến nay ông vẫn kháng cự ủng hộ một thay đổi lớn như vậy.
Ông Biden, người chủ trương trung dung và từng làm việc 36 năm trong Thượng viện, lo ngại rằng những bước đi như vậy sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong một thời khắc đặc biệt phân cực trong lịch sử Hoa Kỳ.
Nếu phe Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, họ có thể sẽ cần phải loại bỏ quy định filibuster, một quy định của Thượng viện bắt buộc phải có 60 biểu quyết thuận thay vì đa số đơn giản cho hầu hết các luật, trước khi họ có thể thực hiện các thay đổi lập pháp có thể bao gồm quy mô của tòa án.
Đã hơn 80 năm kể từ khi việc mở rộng quy mô của tòa án được đem ra thảo luận nghiêm túc. Năm 1937, Roosevelt cố gắng nhưng thất bại trong việc thêm ghế vào một tòa án mà trong đó các thẩm phán bảo thủ già nua đã bác bỏ một số chương trình kiến thiết và an sinh xã hội New Deal. Ông Roosevelt thất bại trong cuộc chiến ở Quốc hội về việc mở rộng tòa án.
Quy mô của tòa án có thể được thay đổi bằng luật pháp. Số ghế thay đổi trong 80 năm đầu tiên từ mức thấp nhất là 6 ghế vào thời điểm Hiến pháp có hiệu lực vào năm 1789 đến mức cao nhất là 10 trong thời kỳ Nội chiến. Tổng số 9 thẩm phán hiện thời được minh định trong một luật năm 1869.
Quốc hội cũng có thể hành động để áp đặt các giới hạn nhiệm kỳ, nhưng bất kỳ thay đổi nào cũng có thể khơi ra thách thức pháp lý bởi vì giới hạn duy nhất do Hiến pháp quy định là các thẩm phán liên bang “sẽ giữ nhiệm sở của họ trong khoảng thời gian có Hành vi tốt.” Họ có thể bị luận tội, nhưng nếu không thì họ được quyền quyết định khi nào thì về hưu.
Ông Trump đã nhắc đến hai người phụ nữ mà ông đã bổ nhiệm làm thẩm phán tòa án phúc thẩm liên bang có thể được đề cử vào Toà Tối cao: Amy Coney Barrett của Tòa án Phúc thẩm Liên bang khu vực tư pháp 7 có trụ sở tại Chicago và Barbara Lagoa của Tòa án Phúc thẩm Liên bang khu vực tư pháp 11 có trụ sở tại Atlanta.
Ông Trump đã gặp gỡ bà Barrett tại Nhà Trắng hôm 21/9 và cho biết có thể gặp bà Lagoa ở Florida vào cuối tuần này, theo Reuters.
Cả hai ứng cử viên đều nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà hoạt động pháp lý có lập trường bảo thủ, nhưng có thể gặp phải vấn đề tại Thượng viện. Bà Barrett có thể vấp phải sự phản đối của Thượng nghị sĩ Collins và Thượng nghị sĩ Murkowski vì lo ngại rằng bà sẽ hủy bỏ quyền phá thai, trong khi bất lợi của bà Lagoa là không được biết đến nhiều và việc này có thể làm chậm quá trình chuẩn thuận.
Tối cao Pháp viện Mỹ: Đảng Cộng hòa đủ phiếu
bổ nhiệm ghế khuyết thẩm phán
Đảng Cộng hòa đã có con số cần thiết để đảm bảo ứng cử viên Tòa án Tối cao của Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc bỏ phiếu xác nhận tại Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney của tiểu bang Utah đã trao cho đảng 51 người ủng hộ cần thiết trong việc xúc tiến việc bỏ phiếu cho ứng viên ông Trump đề cử, để thay thế Ruth Bader Ginsburg, người qua đời hôm thứ Sáu.
Đảng viên đảng Dân chủ cho rằng không nên xác nhận trong một năm bầu cử.
Động thái này đảm bảo một trận chiến chính trị gay gắt sẽ diễn ra trước cuộc bỏ phiếu tháng 11.
Tổng thống Trump nói ông sẽ công bố tên người được đề cử vào thứ Bảy lúc 17:00 giờ địa phương (22: 00b), và đã thề sẽ chọn một phụ nữ.
Thẩm phán của Tối cao Pháp viện được Tổng thống Mỹ đề cử, nhưng phải được Thượng viện phê chuẩn.
Với cái chết của thẩm phán Ginsburg, một người cấp tiến, ông Trump có cơ hội củng cố khuynh hướng khuynh hữu của tòa án chín thành viên bằng cách thay thế bà bằng một người bảo thủ.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đã thề sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu xác nhận trước cuộc bầu cử vào tháng 11, nhưng một dấu hỏi đã được đặt ra cả tuần nay về việc liệu có đủ đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông hay không.
Mặc dù họ chiếm đa số với 53 ghế, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trung dung – Susan Collins ở Maine và Lisa Murkowski của Alaska – nói họ hoài nghi việc xác nhận một thẩm phán nhiệm kỳ trọn đời trong năm bầu cử.
Hôm thứ Ba, bà Collins nói với báo giới rằng là sẽ bỏ phiếu “không”, nói Thượng viện phải tuân theo “cùng một bộ quy tắc” sử dụng năm 2016 để chặn ứng cử viên hàng đầu của Tổng thống Barack Obama. Bà Collins đang phải đối mặt với một cuộc tái tranh cử khó khăn trong năm nay.
Ông Romney, một người chỉ trích Trump, mà tổng thống gọi là “thượng nghị sĩ tồi tệ nhất của chúng ta” đầu tháng này, được xem là người có thể đào tẩu. Romney là một trong số ít đảng viên Cộng hòa ở Washington sẵn sàng chỉ trích ông Trump trước công chúng, và đã bỏ phiếu kết tội Trump đầu năm nay trong phiên tòa luận tội.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba, ông Romney nói ông đồng ý với phiên điều trần cho người được đề cử của ông Trump, với lý do “tiền lệ lịch sử”.
“Quyết định của tôi về việc đề cử thẩm phán của Tối cao Pháp viện không phải là kết quả của một thử nghiệm chủ quan về ‘sự công bằng’, giống như vẻ đẹp, trong mắt của người nhìn,” ông nói.
“Nó dựa trên sự công bằng bất biến của việc tuân theo luật, trong trường hợp này là Hiến pháp và tiền lệ. Tiền lệ lịch sử của các đề cử trong năm bầu cử là Thượng viện thường không xác nhận đề cử của bên đối lập nhưng xác nhận một ứng cử viên của chính đảng mình.”
Bầu cử 2020: Vì sao chúng tôi ủng hộ TT Trump và Đảng Cộng hoà?
Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nói nước Mỹ đang đi sai hướng
Jonathan London: ‘2020 là bầu cử quan trọng nhất lịch sử Hoa Kỳ’
Carl Thayer: ‘TQ sẵn sàng đối phó với bất kỳ ai đắc cử TT Mỹ’
Cử tri Mỹ ở Thái Lan: ‘đi bầu để bảo vệ nền dân chủ’
Cử tri Lý Văn Quý: ‘Nếu tái đắc cử, TT Trump sẽ làm nước Mỹ hùng cường’
Đảng Cộng hòa đứng vào hàng ngũ
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ.
Cuối cùng, những lo ngại về đạo đức giả – chỉ bốn năm trước đây đảng Cộng hòa chiếm đa số thượng viện đã chặn đề cử Tối cao Pháp viện của Barack Obama vì nó được đưa ra trong “một năm bầu cử” – đơn giản đã lùi bước trước quyền lực chính trị. Đảng Cộng hòa có cơ hội củng cố đa số bảo thủ vững chắc tại tòa án tối cao, và họ sẽ không để cơ hội này tuột mất – ngay cả khi điều đó gây hậu quả chính trị cho các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang tìm cách tái tranh cử ở các tiểu bang ôn hòa.
Các đảng viên Dân chủ sẽ hú lên vì tức giận, nhưng tại thời điểm này, họ không thể làm gì nhiều về mặt thủ tục, để ngăn chặn điều dường như không thể tránh khỏi. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu và khi họ nắm quyền năm tới. Họ đã đe dọa thêm ghế vào Tối cao Pháp viện, kết nạp các tiểu bang mới, nghiêng về Dân chủ (cụ thể là Washington DC và Puerto Rico) hoặc củng cố đa số tại Thượng viện. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là những trận chiến giả định của một ngày khác.
Hiện tại, đảng Cộng hòa đang tận hưởng viễn ảnh của sự dao động lớn nhất trong cấu trúc tư tưởng của tòa án cao nhất Hoa Kỳ trong ba thập niên – với các vấn đề như phá thai, quyền bầu cử, chăm sóc sức khỏe, kiểm soát súng và quyền tự do dân sự sẽ được định đoạt.
Có những tiền lệ lịch sử nào?
Kể từ cái chết của Ginsburg, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã phải đối phó với những cáo buộc là đạo đức giả khi phê chuẩn một thẩm phán của Tối cao Pháp viện trong năm bầu cử.
Năm 2016, ông McConnell từ chối tổ chức các phiên điều trần cho Merrick Garland, ứng cử viên vào tòa án tối cao của Tổng thống Đảng Dân chủ Barack Obama.
Đề cử của Barack Obama, diễn ra 237 ngày trước cuộc bầu cử, bị chặn thành công vì đảng Cộng hòa nắm giữ Thượng viện và nói việc quyết định bổ nhiệm một thẩm phán vào Tối cao Pháp viện nên được đưa trong một năm không có bầu cử. Nay với chỉ 42 ngày trước cuộc bầu cử 2020, đảng Dân chủ nói rằng đảng Cộng hòa nên giữ vững lập trường trước đó của họ và để cử tri quyết định.
“Tôi muốn quý vị dùng những lời lẽ này của tôi để chống lại tôi,” Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng hòa, South Carolina nói năm 2016. “Nếu có một tổng thống Đảng Cộng hòa [đắc cử] vào năm 2016 và một vị trí trống xảy ra vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, bạn có thể nói Lindsey Graham nói, ‘Hãy để tổng thống tiếp theo, dù có thể là ai, đưa ra đề cử đó.’ “
Thế nhưng, ông Graham, chủ tịch của ủy ban Tư pháp đầy quyền lực, là cơ quan đầu tiên xét một ứng cử viên, giờ đây nói ông sẽ “dẫn đầu trách nhiệm” thúc đẩy ứng cử viên của ông Trump trong năm nay.
Việc xác nhận một ứng viên của Tối cao Pháp viên khi Nhà Trắng và Thượng viện được nắm giữ bởi hai đảng khác nhau hiếm hơn so với khi cả hai đều thuộc cùng một đảng, nhưng vẫn xảy ra.
Năm 1968, người được Tổng thống đảng Dân chủ Lyndon Johnson đề cử cho vị trí chánh án Tối cao Pháp viện – Abe Fortas – không được Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát phê chuẩn, sau khi đề cử này bị chặn bởi đảng Cộng hòa thiểu số và những đảng viên Dân chủ bảo thủ không đồng ý với các quan điểm cấp tiến của Abe Fortas, và vì mối quan hệ cá nhân chặt chẽ của ông với tổng thống.
Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ông McConnell nhắc đến thời điểm đó trong lịch sử, rằng: “Ngoài một ngoại lệ kỳ lạ đó, không có Thượng viện nào không xác nhận một ứng cử viên trong hoàn cảnh đối mặt với chúng ta bây giờ” – đề cập đến tình huống mà tổng thống và đa số trong Thượng viện thuộc cùng một đảng.
“Tiền lệ lịch sử đang áp đảo và nó chạy theo một hướng. Nếu các đồng nghiệp đảng Dân chủ của chúng tôi muốn tuyên bố rằng họ đã bị xúc phạm, họ chỉ có thể bị xúc phạm trước sự thật rõ ràng của lịch sử Hoa Kỳ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54261169
Duy Ngô Nhĩ : Hạ Viện Mỹ thông qua
dự luật cấm nhập hàng Tân Cương
Tú Anh
Nhằm chống « cưỡng bách lao động » người Duy Ngô Nhĩ, Hạ Viện Mỹ với đa số áp đảo thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương trong cuộc biểu quyết hôm thứ Ba 22/09/2020.
Theo AFP, trong tinh thần đồng thuận hiếm hoi giữa hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ, dự luật đã được thông qua với tuyệt đại đa số dân biểu: 406 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Văn kiện còn chờ Thượng Viện biểu quyết và tổng thống Donald Trump ban hành, ngăn chận mọi hàng hóa làm tại Tân Cương xâm nhập thị trường Hoa Kỳ.
Washington và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo Trung Quốc giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các « trại cải tạo » ở Tân Cương. Đối với Bắc Kinh, đây là các « trung tâm học tập và dạy nghề ».
Dự luật đề ra các biện pháp cấm toàn bộ sản phẩm sản xuất ở Tân Cương. Điều kiện duy nhất để một sản phẩm được đặc miễn là phải « chứng minh » không do nhân công bị cưỡng bách làm ra.
Theo bản báo cáo đính kèm dự thảo luật hồi tháng Ba, rất nhiều hàng hóa bán trên thị trường Hoa Kỳ, có xuất xứ từ tệ nạn lao động cưỡng bách. Trong danh sách khá dài này, có vải sợi, giày dép, điện thoại di động, linh kiện điện toán, trà ….cũng như tên các công ty khai thác như Adidas, Nike, Clavin Klein, H§M, Coca-Cola…
83 nhãn mác quốc tế
Viện nghiên cứu chiến lược chính trị Úc cho biết, trong ba năm từ 2017 đến 2019, gần 80 ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở Trung Quốc và ít nhất 83 nhãn mác, hiệu quốc tế có liên quan trong quá trình sản xuất.
Theo tuyên bố của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, vì được cả hai phe Cộng Hoà Dân Chủ ủng hộ, dự luật này là một thông điệp « mạnh » gửi chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền Trump hôm 14/09 cho biết sẽ chận một loạt hàng hóa có xuất xứ Tân Cương.
Tại Pháp, một chiến dịch dán biểu ngữ tố cáo cưỡng bách lao động được hiệp hội bảo vệ phụ nữ phát động trong đêm Chủ Nhật vừa qua trước cửa vào của 24 cửa hàng nhãn mác quốc tế như Zara, Apple, Lacoste: « Tại đây, người ta giết người Duy Ngô Nhĩ », « Mua hàng là đồng lõa với tội ác ».
Pompeo phơi bày sự thật có một không hai
của Bắc Kinh, cảnh báo Tòa thánh Vatican
Hương Thảo
Trong tuyên bố của mình, ông Pompeo cũng trích dẫn các tôn giáo khác và Pháp Luân Công đang bị đàn áp dã man tại Trung Quốc làm ví dụ cho Vatican.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã viết một bài báo cho tạp chí tôn giáo First Things vào ngày 18/9, kêu gọi Tòa thánh Vatican sử dụng ảnh hưởng của họ để vạch trần cuộc đàn áp tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại cuộc họp sắp tới của hai bên trong tháng này để gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi, Breitbart đưa tin.
Vào năm 2018, Vatican và ĐCSTQ đã ký một thỏa thuận mà hiện vẫn còn là bí mật, nhưng những gì được biết là thỏa thuận này cho phép Vatican chọn một số giám mục cho các giáo phận ở Trung Quốc, tuy nhiên, ĐCSTQ giành quyền phủ quyết. Và trong số 100 giám mục được bầu cho đến cuối năm 2019, có tới 69 người do Bắc Kinh lựa chọn và chỉ có 31 người do Vatican lựa chọn, theo American Magazine.
Kể từ khi ký thỏa thuận, Vatican cũng hầu như không cố gắng duy trì liên lạc thường xuyên với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh thỏa thuận sắp được gia hạn trong tháng này, mặc dù ngày chưa được công bố và có thể được giữ bí mật do thỏa thuận bị chỉ trích mạnh mẽ, Ngoại trưởng Mike Pompeo, một người nhiệt thành tin tưởng bản thân là người bảo vệ tự do và nhân quyền, nhân cơ hội này đã nhắc nhở các nhà chức trách Vatican rằng, thỏa thuận giữa Tòa Thánh và ĐCSTQ cho đến nay vẫn chưa đạt được bất cứ điều gì thiết yếu, và thử thách mà các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau ở Trung Quốc phải trải qua dưới chế độ độc tài Tập Cận Bình đã trở nên càng trở nên tồi tệ.
“Hai năm đã trôi qua, rõ ràng là thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã không bảo vệ người Công giáo khỏi sự phá phách của ĐCSTQ, chưa nói gì đến cách đối xử khủng khiếp của ĐCSTQ đối với những người theo đạo Thiên chúa, Phật tử Tây Tạng, những tín đồ Pháp Luân Công và các tín đồ tôn giáo khác”, bài báo của ông Pompeo lưu ý.
Theo ước tính của Minghui, phong trào Pháp Luân Công có ít nhất 70 triệu học viên và là nhóm tâm linh lớn nhất đang bị bức hại ở Trung Quốc hiện nay. Theo một tòa án độc lập ở Vương quốc Anh, Tòa án Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công được sử dụng như một ngân hàng nội tạng sống để cung cấp cho cấy ghép trên thị trường chợ đen.
Danh tiếng của ĐCSTQ đang ở mức tồi tệ nhất, với việc xử lý sai gây ra đại dịch COVID-19 và luật an ninh mới của Hồng Kông, theo đó chính quyền bắt đầu tùy tiện bắt giữ những người lên tiếng chống lại chế độ độc tài ĐCSTQ. Có lẽ việc đổi mới thỏa thuận với Vatican có thể được coi là điều gì đó tích cực về mặt ngoại giao đối với ĐCSTQ, nhưng nó chỉ thể hiện trên bề mặt, và đó là những gì mà Ngoại trưởng Pompeo chỉ ra.
Ông viết: “Chính quyền cộng sản [Trung Quốc] tiếp tục đóng cửa các nhà thờ, theo dõi và sách nhiễu các tín hữu, đồng thời nhấn mạnh rằng ĐCSTQ là cơ quan có thẩm quyền tối cao trong các vấn đề tôn giáo”.
Pompeo chỉ ra cho Tòa thánh Vatican trách nhiệm mà họ phải gánh chịu với tư cách là cơ quan quyền lực tối thượng đối với hàng triệu người Công giáo trên khắp thế giới: “Tòa thánh có một khả năng và nhiệm vụ duy nhất là tập trung sự chú ý của thế giới vào các vi phạm nhân quyền, đặc biệt là những vi phạm do các chế độ độc tài như của Bắc Kinh gây ra”.
Chính quyền Trump đã mở một cuộc chiến chống lại cuộc đàn áp tôn giáo của các chế độ độc tài như ĐCSTQ, và đã cứng rắn hóa lập trường của mình bằng cách thực hiện các biện pháp cụ thể như cấm thị thực đối với những cá nhân liên quan đến những tội ác này, hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty tham gia vào cuộc đàn áp của ĐCSTQ. Tài sản mà những thủ phạm này sở hữu ở Hoa Kỳ hiện đang bị chính phủ Mỹ tịch thu theo Đạo luật Magnitsky, theo một tuyên bố của Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo Vatican, “Nếu ĐCSTQ cố gắng đè Giáo hội Công giáo và các cộng đồng tôn giáo khác xuống đế giày của nó, các chế độ coi thường nhân quyền sẽ được khuyến khích, và cái giá phải trả cho việc phản kháng lại chế độ chuyên chế sẽ tăng lên đối với tất cả những tín đồ tôn giáo dũng cảm, những người tôn vinh Đức Chúa Trời lên trên những kẻ đang nắm giữ quyền lực trong tay”.
Pompeo kết thúc bức thư của mình bằng cách khuyến khích Vatican làm theo những gì họ tuyên bố, “Tôi cầu nguyện rằng, khi đối phó với ĐCSTQ, Tòa thánh và tất cả những ai tin vào Ánh sáng Thần thánh soi sáng cuộc sống của mỗi con người, sẽ chú ý đến những lời của Chúa Giê-su trong Phúc âm của John, rằng ‘Sự thật sẽ giải thoát cho bạn’”.
Theo Alvaro Colombres Garmendia, TheBL
Hương Thảo biên dịch
Một cảnh sát New York
bị truy tố về tội làm gián điệp cho Trung Quốc
Nhà chức trách Mỹ truy tố một người đàn ông Tây Tạng phục vụ trong tư cách một nhân viên cảnh sát New York, cáo buộc ông này thu thập tin tức về cộng đồng Tây Tạng tại thành phố New York cho chính phủ Trung Quốc.
Nhân viên này làm việc cho một trạm cảnh sát tại khu vực Queens của thành phố, được các nhân viên của tòa lãnh sự Trung Quốc ở New York chỉ huy, theo cáo trạng được công bố ngày 21/9.
Qua tiếp xúc với cộng đồng Tây Tạng, người đàn ông 33 tuổi thu thập tin tức từ năm 2018 đến năm 2020 về những hoạt động của cộng đồng cũng như xác nhận những nguồn tin tiềm năng.
Theo cáo trạng, người đàn ông này cũng là một sĩ quan Quân đội Trừ bị Mỹ. Người này đã cho phép nhân viên tòa lãnh sự Trung Quốc tham dự những sinh hoạt do Cảnh sát New York tổ chức.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã trả cho người này hàng chục ngàn đô la.
Nhân viên cảnh sát này bị truy tố 4 tội, trong đó có tội làm việc cho nước ngoài trên đất Mỹ, đại diện sai lạc và cản trở họat động của một dịch vụ công.
Ông đã ra tòa ngày 21/9 và bị giam, phát ngôn viên của công tố viên liên bang nói với AFP.
Theo Sở Cảnh sát New York, ông này bị cho tạm nghỉ việc không lương.
Sinh ra tại Trung Quốc, nghi can được Mỹ cho tị nạn chính trị vì khai rằng bị nhà cầm quyền Trung Quốc tra tấn do là sắc dân Tây Tạng.
Tuy nhiên cuộc điều tra phát hiện là cả cha mẹ của ông này đều là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Trump đòi có hành động với TQ về COVID,
ông Tập kêu gọi hợp tác
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/9 dùng Đại hội đồng Liên hiệp quốc để tấn công việc Trung Quốc đối phó với đại dịch virus corona, nói rằng nước này phải chịu trách nhiệm vì “gieo rắc tai ương ra thế giới.”
Ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng giọng điệu hòa giải trong bài diễn văn thu hình gửi ra Đại hội đồng, kêu gọi tăng cường hợp tác về đại dịch và nhấn mạnh là Trung Quốc không có ý định gây ra “chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với bất cứ nước nào.”
Lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phác họa tầm nhìn cạnh tranh vào lúc quan hệ xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên trong bối cảnh đại dịch, với những căng thẳng về virus corona, tranh chấp nghiêm trọng về thương mại và công nghệ.
Ông Trump đặt trọng tâm bài diễn văn của mình vào việc tấn công Trung Quốc.
Ông tố giác Bắc Kinh cho phép người dân rời khỏi Trung Quốc trong những giai đoạn đầu tiên bùng phát dịch để lây lan cho cả thế giới trong khi lại đóng chặn du hành nội địa.
“Chúng ta phải qui trách nhiệm cho quốc gia gieo rắc tai ương ra thế giới, là Trung Quốc,” ông Trump nói trong bài diễn văn thu hình trước hôm 21/9 để gửi tới Đại hội đồng.
“Chính phủ Trung Quốc, và Tổ chức Y tế Thế giới vốn bị Trung Quốc kiểm soát đã tuyên bố lệch lạc rằng không có bằng chứng lây lan từ người sang người” ông Trump tố cáo.
“Sau đó họ lại nói sai là những người không có triệu chứng không lây bệnh… Liên hiệp quốc phải qui trách cho Trung Quốc về những hành động của họ,” ông Trump tiếp lời.
Tổng thống Trump cam kết sẽ phân phối vaccine và quả quyết: “Chúng tôi sẽ đánh bại virus, chúng tôi sẽ chấm dứt đại dịch.”
Khi giới thiệu bài diễn văn của ông Tập, đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Trương Quân nói Trung Quốc “cương quyết bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc.”
“Thế giới đang ở ngã tư đường. Vào lúc này, thế giới cần thêm đoàn kết và hợp tác, chứ không phải đối đầu.”
‘Cùng nhau vượt qua’
Bài diễn văn của ông Tập chứa đựng điều dường như mặc thị phản bác ông Trump, kêu gọi đáp ứng toàn cầu virus corona và một vai trò lãnh đạo cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO, nơi mà Tổng thống Mỹ đã loan báo kế hoạch rời bỏ.
“Đối mặt với virus, chúng ta nên tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua,” ông Tập nói. “Chúng ta nên theo hướng dẫn của khoa học, trao hoàn toàn vai trò lãnh đạo cho Tổ chức Y tế Thế giới và phát động đáp ứng chung quốc tế để đánh bại đại dịch này. Bất cứ âm mưu nào chính trị hóa vấn đề, hay bôi nhọ, phải bị bác bỏ.”
WHO bác bỏ nhận xét của ông Trump.
“Không có chính phủ nào kiểm soát chúng tôi,” giám đốc thông tin của WHO Gabby Stern viết trên Twitter và nói thêm rằng: “Vào ngày 14/1, toán lãnh đạo kỹ thuật #COVID-19 nói với báo giới về khả năng lây lan từ người sang người. Kể từ tháng 2, các chuyên gia của chúng tôi đã công khai thảo luận về sự lây lan của những người không có triệu chứng hay trước khi có triệu chứng.”
Trung Quốc tự nhận là bên cổ vũ chính cho chủ nghĩa đa phương trong lúc Tổng thống Trump không chú trọng đến hợp tác quốc tế và Washington đã từ bỏ thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, và rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc cũng như WHO.
Ông Tập dường như chỉ trích chính sách “Nước Mỹ Trước Tiên” của ông Trump trong một tuyên bố tại buổi họp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp quốc vào ngày 21/9.
“Không nước nào có quyền chế ngự các vấn đề toàn cầu, kiểm soát số phận của những nước khác, hay giữ những lợi ích trong phát triển tất cả cho riêng mình. Thậm chí không ai được phép làm bất cứ việc gì họ thích và làm bá chủ thế giới, dọa nạt hay làm sếp thế giới. Chủ nghĩa đơn phương là một con đường không lối thoát,” ông nói.
Ông Trump cũng tấn công thành tích môi trường của Trung Quốc, nhưng không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền.
Ông Trump, người thường chỉ trích Liên hiệp quốc, nói thêm rằng nếu Liên hiệp quốc hoạt động hữu hiệu thì phải chú trọng đến “những vấn đề thực sự trên thế giới” như “khủng bố, áp chế phụ nữ, lao động cưỡng bách, buôn lậu ma túy, buôn người, buôn người làm mãi dâm, đàn áp tôn giáo, và nạn thanh trừng sắc tộc nhắm vào các tôn giáo thiểu số.”
Đại sứ Trung Quốc Trương Quân đưa ra tuyên bố đáp trả những nhận xét của ông Trump, cáo buộc Mỹ “lạm dụng diễn đàn Liên hiệp quốc để khiêu khích đối đầu và gây chia rẽ.”
Chiến lược Mỹ tại Trung Đông :
Cô lập Iran, ổn định không hoà bình
Tú Anh
Liên tiếp thua đau tại Hội Đồng Bảo An, bị các đồng minh châu Âu phản đối, Teheran chế diễu, Washington bất chấp. Ba năm sau khi xé hiệp định hạt nhân 2015, chính quyền Donald Trump đơn phương tuyên bố « các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran tái hồi hiệu lực » và « những nước vi phạm, kể cả đồng minh, cũng sẽ bị trừng phạt ». Vì sao Mỹ quyết hạ gục Teheran ?
Trong ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (22/09/2020) và kéo dài một tuần với diễn văn, tham luận của 193 thành viên, nhiều nguyên thủ đã than phiền « thái độ đơn phương » kiên định của Mỹ. Chủ trương độc đoán này đã làm cho tổng thống Mỹ Donald Trump bị cô đơn hơn bao giờ hết, nhất là từ khi Washington tuyên bố lệnh trừng phạt Iran, qua các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, có hiệu lực trở lại kể từ thứ Hai 21/09.
Pháp và các đồng minh châu Âu báo trước là sẽ « không khoan nhượng » Mỹ trên hồ sơ Iran trong khi tổng thống Iran Hassan Rohani tiên đoán bất kỳ tổng thống mới của Mỹ là ai, cũng không có lựa chọn nào khác là phải nhượng bộ Iran và Iran có quyền tự do buôn bán kể cả vũ khí.
Đúng là Hoa Kỳ một mình đấu với cả thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ có mục tiêu chiến lược cụ thể và có phương tiện để thi hành mà đầu tiên là áp lực kinh tế.
Washington thiết lập trục Israel-Suni
Trước hết, ngoại trưởng Mike Pompeo báo trước là nếu các thành viên Liên Hiệp Quốc không « làm tròn bổn phận thì Hoa Kỳ sẽ sử dụng các công cụ riêng để trừng phạt các thiếu sót này ». Theo chuyên gia chính trị quốc tế Mỹ Annick Cizel (đại học Sorbonne/La Croix) các biện pháp gây áp lực tài chính đối với Nga, Trung Quốc và Liên Âu sẽ gia tăng trong những tuần lễ tới.
Cuộc đọ sức gay go này thực ra chỉ là mặt nổi của tảng băng sơn. Cũng theo Annick Cizel, nguyên nhân sâu xa là Washington đang « tái phối trí bàn cờ Trung Cận Đông », từng bước bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước Ả Rập. Thành quả đầu tiên là ngày 15/09 vừa qua, một tuần trước khi khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Israel cùng với Bahrain và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ký hiệp định bình thường hóa bang giao với sự chứng kiến của chủ nhân Nhà Trắng mà Donald Trump gọi là « bình minh của một Trung Đông mới ». Như vậy, sau Ai Cập và Jordani, tổng cộng đã có bốn nước Hồi giáo thiết lập bang giao với Nhà nước Do Thái, bất kể tình liên đới với Palestine. Những kiến trúc sư của chiến lược này, Mỹ, Israel và Ả Rập tin rằng nhiều nước Ả Rập khác
sẽ noi theo qua hình thức này hay hình thức khác. Chuyên gia Israel, Ehud Yaari dự báo 4 nước gồm Ả Rập Xê Út,Oman, Sudan và Maroc.
Tuy nhiên, hầu như chưa có một nhà quan sát nào lạc quan tin vào tuyên bố « rạng đông hoà bình » của tổng thống Donald Trump cho dù có một lãnh tụ chính trị ở Bắc Âu đề nghị tên ông tranh giải Nobel Hòa Bình.
Chủ nhân Nhà Trắng biết rõ là không thể kiến tạo hoà bình trong khu vực mà phe hồi giáo Shia, với Iran lãnh đạo, xem phe Suni và Israel là kẻ thù không đội trời chung. Liên minh Israel với các chế độ Suni là nhằm cô lập Iran, tạo cơ hội làm thay đổi chính trị từ bên trong. Một nhà phân tích khác, Xavier Guignard, thuộc trung tâm chiến lược độc lập Noria Research cho rằng « tham vọng của Donald Trump » không phải xây dựng hòa bình mà đúng ra là để tạo một tình trạng ổn định ở Trung Cận Đông, theo một tương quan lực lượng có lợi cho Israel.
Thế nhưng, chiến lược bao vây Iran với một liên minh giữa Israel và các vương triều vùng Vịnh, về lâu về dài, chỉ làm gia tăng xung khắc. Người Palestine sẽ cực đoan hơn, Iran sẽ củng cố quan hệ với các chế độ và tổ chức võ trang ngoại vi.
Một công đôi ba việc
Câu hỏi đặt ra là làm sao có ổn định nếu không có hoà bình ? Đã thế Mỹ còn bám riết hành hạ chế độ Hồi giáo Iran ?
Theo Annick Cizel, ngoài lý do địa chính trị, chủ nhân Nhà Trắng còn muốn nhân mùa bầu cử để chuộc lỗi quản lý kém đại dịch corona : Nếu hạ gục được Iran, tổng thống thứ 45 của Mỹ có thể tự hào lập được thành tích mà bao nhiêu người tiền nhiệm thất bại từ 1948. Do vậy, chính sách đối ngoại của Mỹ bị biến thành công cụ chính trị để đánh bóng uy tín tổng thống.
Mỹ, UAE nhắm thỏa thuận
để UAE mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35
Hoa Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận sơ khởi để UAE mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ vào tháng 12 năm nay, giữa lúc chính quyền Tổng thống Trump đang tìm hiểu làm cách nào đạt thỏa thuận mà không ảnh hưởng tới cam kết với Israel.
Các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết mục tiêu nhắm tới là có đuợc một văn thư thỏa thuận kịp thời trước Ngày Quốc khánh của UAE 2 tháng 12 năm nay.
Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đáp ứng cam kết đã có từ hàng thập kỷ nay với Israel, nêu rõ rằng bất kỳ vũ khí nào của Mỹ bán cho vùng Trung Đông không được làm suy yếu “lợi thế quân sự” của Israel, đảm bảo vũ khí Mỹ cung cấp cho Israel có “năng lực vượt trội” so với vũ khí được bán cho các nước láng giềng.
Trên cơ sở đó, Washington đang nghiên cứu các cách để các hệ thống radar của Israel có thể thấy được chiến đầu cơ F-35 của Lockheed Martin, hai nguồn tin cho biết. Reuters không xác định được liệu mục tiêu đó sẽ được thực hiện bằng cách thay đổi thiết kế của phản lực cơ F-35 hay cung cấp cho Israel hệ thống radar tốt hơn, hay một giải pháp khả thi nào khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Mark Esper tại Washington trong ngày thứ Ba.
Đại sứ quán UAE tại Washington và Tòa Bạch Ốc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Một nữ phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói với Reuters, “theo chính sách, Hoa Kỳ không xác nhận hoặc bình luận về việc bán hoặc chuyển giao quốc phòng được đề xuất cho đến khi chúng được thông báo chính thức cho Quốc hội”.
Sau khi văn bản thỏa thuận được ký kết, bất kỳ bên nào chấm dứt thỏa thuận sẽ phải trả một khoản tiền phạt. Một số rào cản chính trị và quy định phải được xóa bỏ trước khi giao dịch hoàn tất và các trợ lý tại Điện Capitol cảnh báo rằng khó có thể có được một thỏa thuận trong năm nay.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông, từ lâu đã bày tỏ mong muốn mua các phản lực cơ tàng hình của Mỹ, và được phía Mỹ hứa
sẽ có cơ hội mua máy bay của Mỹ qua một thỏa thuận phụ được thực hiện khi họ đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.
https://www.voatiengviet.com/a/my-uae-nham-thoa-thuan-de-uae-mua-may-bay-f35-cua-my/5593537.html
Tòa Ấn Tối Cao Hoa Kỳ :
Trump sẽ chỉ định ứng viên ngay từ thứ Bảy
Thanh Phương
Bất chấp thái độ phẫn nộ của phe Dân Chủ, tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ thứ Bảy tuần này sẽ đề cử một nữ ứng viên để thay thế cố thẩm phán cấp tiến Ruth Bader Ginsburg trong Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ.
Bà Ginsburg vừa qua đời hôm thứ Sáu tuần trước, và cái chết của bà đã gây xáo trộn chiến dịch tranh cử tổng thống, cho tới nay chủ yếu tập trung vào việc phòng chống dịch Covid-19, đã khiến 200.000 người chết. Hiện bị ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden bỏ xa trong các cuộc thăm dò, tổng thống Trump muốn giành lại quyền kiểm soát Tòa Án Tối Cao, và qua đó huy động cử tri của ông.
Đảng Dân Chủ yêu cầu phải đợi sau bầu cử tổng thống ngày 03/11 rồi Thượng Viện hãy tổ chức bầu thẩm phán mới, nhưng vì đảng Cộng Hòa của ông đang nắm đa số ở Thượng Viện, cho nên tổng thống Trump muốn Thượng Viện bỏ phiếu ngay không cần đợi đến khi có tổng thống mới.
Nếu Thượng Viện bỏ phiếu thuận cho ứng cử viên mà tổng thống Trump đề nghị, như vậy là tổng cộng sẽ có 3 thẩm phán do ông chỉ định trên tổng số 9 thẩm phán của Tòa Án Tối Cao, củng cố thêm thế lực của phe bảo thủ trong định chế này.
Hiện giờ chưa có lịch trình nào được ấn định và mọi con mắt đang đổ dồn về phía ông Lindsey Graham, chủ tịch (Cộng Hòa) của ủy ban tư pháp, người sẽ ấn định ngày tổ chức điều trần cho nữ ứng viên do tổng thống Trump đề nghị. Các thành viên ủy ban này sau đó sẽ quyết định có chuyển hồ sơ ra phiên họp toàn thể của Thượng Viện hay không. Rồi Thượng Viện sẽ bỏ phiếu phê chuẩn hay không việc bổ nhiệm thẩm phán thay thế bà Ginsburg.
Bị liệt vào danh sách ‘vô chính phủ’, New York
cùng 2 thành phố nữa sẽ bị cắt tài trợ liên bang
Tâm Thanh
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Hai (21/9) chỉ định, thành phố New York, Seattle và Portland là “cơ quan tài phán cho phép bạo lực và tiêu hủy tài sản“, tương đương với “khu vực pháp lý vô chính phủ”.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã chỉ trích chính quyền địa phương của 3 thành phố đã để tội phạm bạo lực hoành hành và cho biết họ sẽ cắt tài trợ liên bang cho ba thành phố này.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr trong một tuyên bố mới đây cho biết: “Những người đứng đầu chính quyền địa phương và bang này đã cản trở công việc của giới chức thực thi pháp luật địa phương, gây nguy hiểm cho những công dân vô tội, vốn là những người cần được bảo vệ, bao gồm những người biểu tình một cách hòa bình. Khi sự an toàn của người dân không được đảm bảo thì không nên lãng phí tiền thuế liên bang để chi trả cho những thành phố này”, theo The Guardian.
Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng dự tính sẽ đưa ra chỉ thị và chi tiết liên quan đến việc cắt giảm tài trợ trong hai tuần tới.
Động thái của Bộ Tư pháp đáp lại chỉ thị liên quan do Tổng thống Trump đưa ra trong bản ghi nhớ ngày 2/9, yêu cầu Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng thẩm tra và hạn chế khoản tài trợ liên bang cho các thành phố mà hoạt động bạo lực kéo dài.
Tổng Thống Trump nêu tên Thị trưởng New York Bill de Blasio và Thống đốc Andrew Mark Cuomo trong bản ghi nhớ đã mặc cho tội phạm bạo lực gia tăng ở thành phố New York và liên tục từ chối các nhân viên thực thi pháp luật Liên bang giúp đỡ.
Trong tháng 7, New York đã đã cắt khoản phân bổ 1 tỷ đô-la cho Sở Cảnh sát thành phố New York và hủy bỏ kế hoạch thuê 1.163 cảnh sát cho thành phố này trong tháng 7, theo CNN.
Theo báo cáo của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, so với năm ngoái, số vụ xả súng ở thành phố New York trong tháng 7 năm nay tăng 177%, số vụ giết người tăng 59%; số vụ nổ súng trong tháng 8 tăng 165% và số vụ giết người tăng 50%.
Không rõ thành phố New York sẽ bị cắt giảm bao nhiêu ngân sách, nhưng theo tờ New York Post, thành phố New York nhận được khoảng 7 tỷ đô-la tài trợ liên bang mỗi năm.
Theo Wang Yuhe, NTDTV
Tâm Thanh biên dịch
CDC: Chớ xin kẹo,
chớ tiệc tùng Halloween mùa COVID
Người Mỹ chớ nên đi xin kẹo, dự các buổi tiệc đông người, và mang mặt nạ áo quần hóa trang trong mùa lễ Halloween năm nay để ngăn COVID-19 lây lan, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC khuyến cáo.
CDC nói nhiều hoạt động Halloween truyền thống có thể là nguy cơ cao khiến virus lây lan và phác họa một vài phương thức thay thế, an toàn hơn trong hướng dẫn về cách vui chơi Halloween.
Hướng dẫn được đưa ra sau khi số ca COVID gia tăng trong tuần qua lần đầu tiên sau 8 tuần liên tiếp hạ giảm, một sự gia tăng mà các chuyên gia cho rằng vì trường học tái mở cửa và vì các buổi tiệc tùng dịp Lễ Lao động đầu tháng 9.
CDC cảnh báo các hoạt động như tham quan nhà ma, uống rượu hay sử dụng ma túy và tham dự lễ hội mùa thu bên ngoài cộng đồng cũng có nguy cơ cao và nên tránh.
Về tập tục đi xin kẹo Halloween, CDC khuyên mọi người cách nhau 2 mét và mang mặt nạ cũng như trang phục Halloween.
Đối với Lễ Tạ ơn sắp tới, CDC khuyên mọi người chớ đi xa, không nên dự diễn hành đông người và chớ mua sắm tại những cửa hàng đông đúc.
Mỹ: Tử vong vì COVID vượt qua 200.000
Số người chết vì COVID tại Mỹ tính tới 22/9 vượt quá 200.000, cao nhất thế giới.
Theo bình quân hàng tuần, Hoa Kỳ có khoảng 800 người chết vì COVID mỗi ngày, theo số liệu của Reuters. Số này giảm so với cao điểm là 2.806 người chết mỗi ngày được ghi nhận vào giữa tháng Tư.
Trong những tháng đầu tiên của đại dịch, nhiều người dự đoán số tử vong tối đa tại Mỹ vì COVID có thể lên tới 200.000 người.
“200.000 người chết là điều hết sức đau lòng và, trong một số phương diện, gây bàng hoàng,” bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, nói với CNN.
Vẫn theo lời ông, điều khó tránh là nước Mỹ sẽ lâm vào một tình trạng xấu khác với những ca COVID gia tăng trong những tháng thời tiết lạnh tới đây, nhưng ông lo ngại về những nơi trên đất Mỹ nơi mà các biện pháp y tế công cộng không được thi hành.
Viện Y tế thuộc Đại học Washington dự báo tử vong vì virus corona sẽ lên tới 378.000 người vào cuối năm 2020, với số người chết hàng ngày tăng cao đến mức 3.000 trong tháng 12.
Hơn 70% những người chết tại Mỹ vì COVID là trên 65 tuổi, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC.
Các tiểu bang miền nam nước Mỹ như Texas và Florida có nhiều chết vì COVID nhất trong hai tuần qua và kế tiếp là California.
California, Texas và Florida-ba tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ- ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất và vượt qua tiểu bang NewYork từ lâu, vốn là tâm dịch trước đây trong năm. Toàn thể nước Mỹ báo cáo hơn 42.000 ca nhiễm trung bình mỗi ngày và trong tuần rồi chứng kiến số ca nhiễm gia tăng sau khi sụt giảm trong 8 tuần liên tiếp.
Số người chết tăng 5% trong tuần qua sau khi giảm trong 4 tuần liên tiếp, theo phân tích của Reuters.
Cứ 10.000 cư dân tại Mỹ thì có 6 người chết vì virus, theo dữ liệu của Reuters. Đây là một trong những tỉ lệ cao nhất trong số các nước phát triển.
Brazil theo sau Mỹ về tổng số người chết vì virus, với hơn 137.000 người thiệt mạng.
Ấn Độ có con số tử vong hàng ngày cao nhất thế giới trong tuần qua, với tổng số người chết gần 100.000.
Cảnh sát Canada cho biết 6 lá thư tẩm Ricin
được gửi đến Hoa Kỳ, bao gồm cả Tòa Bạch Ốc
Tin từ LONGUEUIL, Quebec – Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết vào hôm thứ Hai (21/9), cảnh sát Canada khám xét một căn chung cư ở ngoại ô Montreal có liên quan đến người phụ nữ bị bắt vì gửi một phong bì chứa đầy ricin đến Tòa Bạch Ốc và năm địa chỉ khác ở Texas.
Vào hôm Chủ nhật (20/9), các nhà chức trách Hoa Kỳ bắt giữ một phụ nữ tại biên giới Hoa Kỳ – Canada gần Buffalo, New York, vì nghi ngờ rằng bà gửi chất độc chết người này qua đường bưu điện, tới Tòa Bạch Ốc. Hai nguồn tin cho biết người phụ nữ này có quốc tịch Canada và Pháp.
Phát ngôn viên của tòa án liên bang ở Western District của New York cho biết bà sẽ xuất hiện vào hôm thứ Ba lúc 4 giờ chiều EDT (2000 GMT) ở Buffalo trước Thẩm phán H. Kenneth Schroeder, Jr. Theo phát ngôn viên Art Flores, cảnh sát Charles Poirier của RCMP không thể khẳng định những phong bì được gửi ở đâu tại Texas, nhưng sở cảnh sát ở Mission, Texas, nhận được một lá thư đáng ngờ trong tuần trước.
Ông cho biết sở cảnh sát không mở phong bì và chuyển nó cho FBI. Ông Flores cũng cho biết cảnh sát Mission bắt giữ người phụ nữ được cho là đang bị giam giữ ở Buffalo vào đầu năm 2019, nhưng cho biết ông không có hồ sơ liên quan đến vụ bắt giữ và chuyển các câu hỏi khác tới FBI. (BBT)
Có cáo buộc nữ di dân Mexico
bị giải phẫu ngoài ý muốn khi bị câu lưu ở Mỹ
Mexico đang phỏng vấn ít nhất 6 phụ nữ Mexico có thể đã là đối tượng của các thủ tục y khoa không cần thiết, kể cả giải phẫu cắt bỏ tử cung, tại một trung tâm giam giữ của Sở Di trú Mỹ ở bang Georgia, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nói hôm 22/9.
Nếu các thủ tục không cần thiết hoặc ngoài ý muốn đó là có thật, thì phải có biện pháp, Ngoại trưởng Mexico nhấn mạnh, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết. Ông mô tả hành động lạm dụng, như được một người tiết lộ tố giác, là “không thể chấp nhận được.”
Ông Ebrard cho biết cho tới nay, các giới chức Mexico đã phỏng vấn 6 phụ nữ, nhưng có thể còn nhiều trường hợp khác.
Một y tá đã làm đơn tố giác rằng một số trại viên tại một trung tâm giam giữ của Bộ Di trú ở Georgia đã bị cắt bỏ tử cung hoặc các thủ thuật phụ khoa khác một cách không phù hợp.
Đơn tố giác không nói rõ quốc tịch của các nạn nhân.
Những tố giác của người y tá đã được hai tổ chức bênh vực quyền lợi của người di dân, Project South và Dự án Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ, đệ nạp lên văn phòng của Thanh tra Bộ Nội An hồi tuần trước.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan của Mỹ (ICE) bác bỏ những lời cáo buộc đã gây chấn động trên khắp Châu Mỹ La tinh, nơi xuất xứ của nhiều người di dân, đồng thời làm các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ ở Mỹ phẫn nộ.
Quyền Giám đốc ICE Tony Phạm tuần trước nói rằng vụ việc này phải được điều tra tức thời, và “các cá nhân được xét là vi phạm các chính sách hay thủ tục của ICE phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
Tuần trước 173 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Thanh tra của Bộ Nội An Joseph Cuffari mở một cuộc điều tra lập tức vào những cáo buộc đó. Tuyên bố của các nhà lập pháp Mỹ nói rằng họ cảm thấy ‘kinh hoàng’ về những điều tố giác, nếu thực sự xảy ra.
Thanh tra Bộ Nội An đang điều tra vụ việc.
Đối đầu Mỹ-Trung tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc
Thanh Phương
Hôm qua, 22/09/2020, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đối đầu với nhau trong một bầu không khí « Chiến tranh lạnh mới », ngay vào lúc cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19.
Do tình hình dịch Covid-19, phiên họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chủ yếu diễn ra qua mạng. Trong bài phát biểu qua video, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố : « Liên Hiệp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những hành động của họ vào lúc khởi đầu dịch Covid-19 ». Ông cáo buộc Bắc Kinh đã để cho « virus Trung Quốc » lây nhiễm cả thế giới.
Về phần chủ tịch Tập Cận Bình , trong bài diễn văn cũng được thâu trước, ông nhấn mạnh là Trung Quốc « không có ý định lao vào một cuộc Chiến tranh lạnh », đồng thời kêu gọi không nên « chính trị hóa » cuộc chiến chống virus corona. Sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ « những cáo buộc vô căn cứ » của tổng thống Trump về dịch Covid-19.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :
« Trong khi nhiều nhà ngoại giao, đứng đầu là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi nên thoát khỏi cuộc đấu tay đôi Mỹ-Trung, tổng thống Donald Trump đã tấn công trực diện Trung Quốc trên những vấn đề mà ông vẫn đặc biệt cảm thấy khó chịu : nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19, ô nhiễm và trao đổi thương mại.
Chủ tịch Tập Cận Bình thì lại cố chứng tỏ ông là một đại diện tiêu biểu của mô hình đa phương, thể hiện qua việc thông báo tài trợ hàng trăm triệu đôla cho Liên Hiệp Quốc, một cách để khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong một bài diễn văn dài, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo là không thể để thế giới sống trong cảnh đối đầu Mỹ-Trung, đồng thời ông kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế. Trong khi đó, không có gì đáng ngạc nhiên trong các bài phát biểu của hai lãnh đạo Brazil và Iran. Tổng thống Brazil Bolsonaro lên án một chiến dịch bóp méo thông tin tại Liên Hiệp Quốc về tình hình của vùng Amazon, còn tổng thống Iran Rohani thì kêu gọi bãi bỏ các trừng phạt của Mỹ.
Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông kêu gọi một cuộc đối thoại thành thật để giải quyết cuộc xung đột giữa nước này với Hy Lạp và Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Địa Trung Hải. Và dĩ nhiên là không một lãnh đạo nào lại không nói đến dịch Covid-19 và cách thức mà quốc gia của họ đối phó với đại dịch này. »
Covid ở Scotland:
Hàng trăm sinh viên ở Dundee phải tự cách ly
Toàn bộ 500 sinh viên ở trong ký túc xá được Parker House đang tự cách ly
Hàng trăm sinh viên được yêu cầu tự cách ly sau khi nghi ngờ có dịch bùng phát tại một ký túc xá ở thành phố Dundee, Scotland.
Cơ quan y tế công NHS ở Tayside đang điều tra một ca dương tính và một số ca nghi nhiễm có liên quan tới ký túc xá Parker House.
Những người có tiếp xúc gần với ca dương tính, một sinh viên của Đại học Abertay, đã được liên hệ.
Toàn bộ 500 sinh viên ở trong ký túc xá được Parker House được yêu cầu tự cách ly cho tới khi công tác truy vết được hoàn tất.
Sinh viên trên toàn xứ Scotland, Anh Quốc, trở lại ký túc xá từ đầu tháng Chín để chuẩn bị vào năm học mới.
Covid-19: Anh có thể phải thắt chặt kiểm soát ‘trong sáu tháng’
Châu Âu: Cổ phiếu giảm vì Covid-19 và bê bối ngân hàng
TS Daniel Chandler, giám đốc y tế công của NHS ở Tayside cho biết: “Chúng tôi có kinh nghiệm từ các vụ dịch bùng phát trên khắp Scotland là virus có thể lây lan rất nhanh trong ký túc xá của sinh viên.
“Vì thế, như một biện pháp đề phòng, chúng tôi liên hệ với tất cả những người sống ở Parker House và khuyên họ phải tự cách ly ngay lập tức.”
Sinh viên trên toàn xứ Scotland trở lại ký túc xá với các biện pháp giãn cãnh xã hội từ đầu tháng Chín
Trường Đại học Abertay nói họ sẽ xem xét cập nhật lời khuyên cho sinh viên trong những ngày tới, nhưng thúc giục bất kỳ sinh viên nào có triệu chứng đi làm xét nghiệm sớm nhất có thể.
GS Nigel Seaton, hiệu trưởng Abertay nói: “Sinh viên của chúng tôi ở Parker House sẽ phải tự cách ly một cách an toàn và chúng tôi sẽ liên hệ với các em hàng ngày.
“Trường chúng tôi từ trước đã tăng cường làm vệ sinh và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn ở khuôn viên của trường theo hướng dẫn chung của cả nước, và vẫn mở cửa.”
Một số sinh viên ở trường đại học này đã xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Tất cả sinh viên ở ký túc xá Wavell House cũng được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Họ được trợ giúp mua đồ ăn và các đồ thiết yếu khác và các khu vực có người nhiễm được khử trùng sâu.
Hệ thống xét nghiệm ‘hoạt động tốt’
Trong khi đó, trường Đại học Glassgow nói họ đang xử lý một số ca dương tính trong các khu ký túc xá.
Phó thủ hiến Scotland John Swinney bình luận rằng hệ thống Xét nghiệm và Bảo vệ của chính phủ “hoạt động tốt” và cho biết hơn 90% người tiếp xúc với các ca dương tính đã được truy vết.
Ông cũng nói Scotland hiện chưa dùng hết số test hiện có.
Tuần trước, 11 sinh viên sống trong khu căn hộ dành riêng cho sinh viên đã xét nghiệm dương tính sau khi có bùng dịch ở Đại học Napier, Edinburgh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54264223
Covid-19: Anh Quốc siết chặt
các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập
Mai Vân
Trong lúc một làn sóng dịch bệnh thứ 2 đe dọa Anh Quốc, vào hôm qua, 22/09/2020, thủ tướng Boris Johnson đã thông báo những biện pháp giới hạn mới và cảnh báo sẽ có thêm những biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa.
Theo ông Johnson, các nhà hàng, quán bar, quán bia sẽ phải đóng cửa từ 22g mỗi ngày kể từ ngày mai, thứ Năm. Thủ tướng Anh còn kêu gọi nên làm việc ở nhà. Việc tham dự các sự kiện thể thao, dự kiến vào tháng tới đây cũng bị dời lại. Việc đeo khẩu trang sẽ bắt buộc khi đi taxi, và đối với tất cả những người phục vụ trong các cơ sở thương mại, nhà hàng, quán nước.
Tuy nhiên, người Anh tỏ vẻ không mấy tin tưởng vào các quyết định này. Thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix gởi về bài phóng sự :
Sau một thời gian dự kiến phong tỏa một cách giới hạn, thủ tướng Boris Johnson cuối cùng đã quyết định những biện pháp ít gắt gao hơn nhưng có thể kéo dài sáu tháng. Một số người Anh tỏ ra rất thất vọng, họ muốn đi xa hơn.
Một người đã về hưu cho biết : « Họ quản lý tình hình rất tồi, tôi thì không chống lại việc phong tỏa một lần nữa, phải thận trọng hơn là mạo hiểm »
Còn đối với một đôi vợ chồng trẻ, các giới hạn đưa ra có nhiều thiếu sót. Người chồng nói: « Điều làm tôi thấy phiền phức là không được đến sở làm, chứ không đi nhà hàng hay quán bia, thì không sao cả.
Cô vợ thì không mấy tin vào hiệu quả : « Không đến quán bia, thì người ta vẫn đến nơi khác uống rượu. Tôi nghĩ đây là một cách để hỗ trợ các khách sạn. »
Người chồng có vẻ bất bình : « Vấn đề ở đây là thông điệp trái ngược nhau. Cách đây 3 tuần, họ nói với chúng tôi là hãy trở lại văn phòng, hãy cứu vãn thương mại, giờ thì lại bảo hãy ở nhà, trong lúc mà họ có thể dự kiến tình hình này.»
Đối cô vợ thì người dân có thể sẽ không còn tuân theo quy định nữa nếu họ không tin tưởng nữa và thông điệp không rõ ràng.
Tóm lại cảm nhận hầu như chung của người Anh là mệt mỏi trước tình hình lộn xộn, họ tiếc sự thiếu vắng lãnh đạo.
Đối với phe đối lập, lãnh đạo Công Đảng Keir Starmer, một mặt ủng hộ các hạn chế mới để chống dịch, nhưng một mặt khác đã chỉ trích sự thiếu vắng chiến lược đáng lo ngại của thủ tướng trong lúc mà « khủng hoảng quốc gia » đang nghiêm trọng.
Truyền thông Anh giải mật con rể ông Trump
và thành công hiệp định hòa bình Trung Đông
Hương Thảo
Sự thành công của Hiệp định Abraham lịch sử không thể thiếu dấu ấn của cậu con rể gốc Do Thái của ông Trump – Jared Kushner.
Tác giả Josh Glancy đã viết một bài trên tờ The Sunday Times của Anh hôm 19/9, giải mã việc Tổng thống Trump và con rể của ông, cố vấn cấp cao Jared Kushner đã đóng góp như thế nào vào thỏa thuận hòa bình giữa Israel, UAE và Bahrain. Tác giả cũng dự đoán sắp tới sẽ có thêm nhiều quốc gia Ả Rập ở Trung Đông ký kết thỏa thuận tương tự.
Tổng thống Israel Netanyahu cùng Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zayed (Abdullah bin Zayed) và Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain Abdullatif bin Rashid al Zayani đã ký “Hiệp ước Abraham” tại Nhà Trắng hôm 15/9, theo đó tuyên bố Israel sẽ bình thường hóa quan hệ với hai quốc gia Ả Rập.
Tác giả Glancy tin rằng ngày 15/9 là một thời khắc rất quan trọng đối với Israel, nơi từng bị coi là “kẻ bị ruồng bỏ” ở khu vực Trung Đông. Bởi vì Israel cùng lúc thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước vùng Vịnh, bất chấp sự bất mãn của Iran, các nước Ả Rập theo dòng Sunni như UAE, Bahrain và Ả Rập Saudi đã bí mật liên lạc với Israel một thời gian.
Nhưng ý nghĩa của “Hiệp ước Abraham” này là Tổng thống Trump và cố vấn cấp cao của ông, cậu con rể tốt nghiệp Harvard Jared Kushner, đã thành công trong việc đưa Israel và các nước vùng Vịnh Trung Đông này vào cùng một bàn đàm phán, thay thế sự thù địch công khai ở Trung Đông bằng một sự hòa giải thận trọng; và, với sự chấp thuận của Ả Rập Xê-út, nó bỏ qua những ràng buộc đối với Palestine vốn tồn tại như một bế tắc không thể dỡ bỏ, khi nhiều người cho rằng hòa bình ở Trung Đông sẽ không thể đạt được được nếu không có điều khoản hòa giải với Palestine. Và như Kushner đã nói hôm 30/8, “Hiệp ước Abraham” này sẽ tạo ra sự hợp tác kinh tế, an ninh và tôn giáo ngoài sức tưởng tượng trước đây ở Trung Đông; và nó sẽ cho phép khu vực này nhận ra tiềm lực vốn có của mình.
Các nhà phân tích khác tin rằng “Hiệp ước Abraham” đã làm suy yếu ảnh hưởng của giới lãnh đạo Palestine tham nhũng và kém năng lực ở Trung Đông, đồng thời thông qua Israel và các nước Ả Rập dòng Sunni nhằm cô lập và kiềm chế tham vọng của Iran ở Trung Đông để chia sẻ sức mạnh tình báo và quân sự.
Tác giả Josh Glancy cũng cho biết có các nguồn tin nói với ông rằng, ít nhất hai quốc gia Ả Rập khác đã sẵn sàng nối gót UAE và Bahrain để ký kết một thỏa thuận hòa bình với Israel. Con hổ lớn, Saudi Arabia (Ả rập Xê út), vẫn đang trên bàn thảo luận. Và Bahrain nhiều khả năng sẽ nốt gót quyết định của Saudi Arabia.
Đồng thời, dù bế tắc hiện nay giữa Israel và Palestine vẫn chưa được giải quyết, nhưng Israel đã hứa sẽ tạm dừng kế hoạch sáp nhập khu vực Bờ Tây. Tác giả Josh Glancy nói tiếp:
“Thỏa thuận này thậm chí có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine hiện đang bế tắc, và nó sẽ không khiến tình hình ở khu vực vùng Vịnh trở nên tồi tệ hơn”.
Do đó, tác giả Josh Glancy nhìn nhận rằng thỏa thuận mà Tổng thống Trump và con rể Kushner đạt được lẽ ra nên được tất cả các bên ca ngợi. Ông viết: “Tổng thống Trump luôn nói rằng ông ấy xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình hơn cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vì Obama được nhận giải chỉ vì ông ta là tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên. Tổng thống Trump có lẽ đã đúng về điểm này”.
Thỏa thuận “Hiệp ước Abraham” này cũng khiến nhiều người bị sốc, bởi vì Tổng thống Obama cùng Ngoại trưởng John Kerry khi đó từng tuyên bố vào năm 2016 rằng không thể nào có việc Israel tiến tới ký kết một thỏa thuận hòa bình với các nước Ả Rập. Các cuộc đàm phán rõ ràng cũng đã bị đình trệ. Ngoại trưởng Kerry từng nói vào thời điểm đó:
“Nếu không có hòa bình với Palestine, sẽ không có hòa bình trong thế giới Ả Rập. Đây là một thực tế rất khắc nghiệt”.
Biên tập viên tờ The New York Observer, Coulson, từng cho biết trong khoảng 6 thập kỷ trở lại đây, Mỹ đã cử nhiều nhà ngoại giao xuất sắc đến Trung Đông với hy vọng đạt được sự hòa giải giữa Israel và các nước Ả Rập ở Trung Đông, nhưng nỗ lực của họ không thu được kết quả nào tích cực. Nhưng cuối cùng thì, một người đàn ông 39 tuổi không có kinh nghiệm ngoại giao và trợ lý của anh, Avi Berkowitz, đã tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi đến thành công.
Biên tập viên Rich Lowry đã nhận định trên tạp chí “National Review” của Mỹ hôm 18/9 rằng, liên quan đến vấn đề Trung Đông, Tổng thống Trump và cố vấn Kushner đã lật ngược chính sách cô lập Israel của cựu Tổng thống Mỹ Obama. Họ đã chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem. Sau khi tình hình dịu đi, họ đã làm được những điều mà các tổng thống Mỹ khác chưa làm được, đó là ký kết một hiệp định hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập; đây là điều không thể phủ nhận. Thành quả đạt được cũng là một ý kiến sáng suốt. Ông viết:
“Mặc dù những người chỉ trích Tổng thống Trump từ chối thừa nhận sự thật này, nhưng lịch sử sẽ đánh giá, xác nhận ai đã đưa ra quyết định đúng đắn về vấn đề này, và ai đang ở trong vũng lầy với cái vòng luẩn quẩn được gọi là ‘chính xác chính trị’ của bản thân”.
Giải mã Kushner: Con rể ông Trump đã đóng góp như thế nào vào thỏa thuận?
Tổng thống Trump đã bổ nhiệm con rể làm cố vấn cấp cao sau khi ông đắc cử tổng thống vào năm 2016. Kushner, khi đó mới 36 tuổi và không có chút kinh nghiệm ngoại giao nào, lại được bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao phụ trách các vấn đề Trung Đông. Quyết định này đã gây ra nhiều hoang mang vào thời điểm đó, vì Kushner, một cựu sinh viên Harvard, là một người không mấy nổi bật khi còn ở trong trường và hiếm khi công khai lên tiếng bênh vực Israel. Nhưng đóng góp của Kushner cho “Hiệp ước Abraham” dường như có lý do tất yếu của nó.
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner cùng vợ Ivanka Trump dự lễ ký Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước láng giềng Trung Đông tại Nhà Trắng hôm 15/9 (ảnh: Reuters).
Kushner là con trai của một nhà phát triển bất động sản thành đạt người Do Thái. Bà của anh đã thoát khỏi vụ thảm sát Holocaust của Phát xít Đức bằng cách trèo ra khỏi đường hầm trong nhà khi còn ở Ba Lan. Ông của anh cũng đã lẩn trốn trong một hang động trong một năm. Là một người Do Thái Chính thống, ngay từ khi còn nhỏ, anh đã biết rằng mình muốn bảo vệ đất nước Israel, và luôn ghi nhớ nỗi đau diệt chủng mà người Israel phải trải qua và tầm quan trọng của việc duy trì sức sống cho dân tộc Do Thái. Ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình như vậy có tầm quan trọng rất lớn đối với anh.
Thủ tướng Israel Netanyahu luôn là bạn thân của gia đình Kushner, đặc biệt là với cha của Kushner là ông Charles Kushner (Charles Kushner). Cách đây 25 năm, cậu bé Kushner 14 tuổi khi đó đã ngủ đêm trong tầng hầm, vì ông Netanyahu đã đến thăm và qua đêm tại nhà của cậu ở Kunash, bang New Jersey. Ông Netanyahu đã “chiếm” giường của cậu đêm hôm đó.
Trong thời kỳ học ở Harvard, Kushner đã hình thành khái niệm “một Israel mạnh mẽ và an toàn, vì lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ và thế giới”. Là một người Do Thái Chính thống, anh thậm chí không nghĩ rằng sự tồn tại của Israel cần có Châu Âu, Liên Hợp Quốc, Washington và London, bởi vì Kinh thánh đã hứa trao vùng đất này cho Israel.
Quan trọng hơn, Kushner cũng đã thiết lập mối quan hệ bền chặt với Berkowitz và các thủ lĩnh và hoàng tử các nước Ả Rập, chẳng hạn như Hoàng tử Ả Rập Saudi Salman (Prince Mohammed bin Salman). Anh được coi là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ Hoàng tử Ả Rập Saudi Salman tại Nhà Trắng. Đồng thời, anh cũng đã thiết lập mối quan hệ rất thân thiết với Đại sứ Israel tại Hoa Kỳ Ron Dermer và Đại sứ UAE tại Hoa Kỳ Yousef Al Otaiba.
Vào tháng 6/2016, trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, thông qua người bạn thân của ông Trump – nhà đầu tư bất động sản Hoa Kỳ, tỷ phú Tom Barrack – anh đã làm quen và duy trì mối quan hệ rất thân thiết với Đại sứ UAE tại Mỹ, Otaiba. Họ thường liên lạc với nhau qua email và điện thoại. Kushner từng tham khảo quan điểm của Otaiba về nhiều vấn đề, ví dụ như quan điểm của ông về sự thay đổi quyền lực ở Trung Đông, Syria, Iran, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, và về mối quan hệ giữa các quốc gia ở Trung Đông.
Sau khi kết hôn với Ivanka, con gái lớn của Tổng thống Trump, các mối quan hệ ngày càng được thắt chặt. Ông Charles Kushner, cha anh, là người đã quyên góp tiền để xây dựng Israel, và là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Netanyahu, do đó ảnh hưởng của Charles rất lớn. Chẳng hạn như khi Tổng thống Trump gặp Thủ tướng Israel vào tháng 9/2017, Charles và Kushner đã đi cùng ông.
Các nhà phân tích tin rằng, khi Tổng thống Trump chỉ thị cho Kushner xúc tiến một thỏa thuận Trung Đông, Kushner rõ ràng đã được truyền cảm hứng bởi ý tưởng “từ bên ngoài và từ bên trong” do Tổng thống Israel Netanyahu đề xuất, và đã vận dụng tốt đẹp mối quan hệ của anh với Đại sứ Otaiba và với Thái tử Ả Rập Saudi để đạt được thỏa thuận lịch sử này.
Covid-19 : Sẽ có các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại Paris
Thanh Phương
Tại Pháp, sáng nay, 23/09/2020, Hội đồng quốc phòng bàn về phòng chống Covid-19 đã được triệu tập tại điện Elysée và sau cuộc họp này rất có thể chính phủ ban hành những biện pháp nghiêm ngặt hơn tại Paris, nơi có tỷ lệ lây nhiễm đang tăng vọt, cao hơn cả Lyon và Marseille.
Theo hãng tin AFP, trong một cuộc họp giữa Cơ quan y tế vùng Ile-de-France, tòa đô chính Paris và Sở cảnh sát Paris hôm thứ Hai vừa qua, một số biện pháp đã được dự trù : cấm bán rượu bia kể từ 20 giờ, cấm mọi tập hợp trên 10 người, cũng như hạ mức tối đa cho phép đối với các cuộc tập hợp lớn từ 5.000 người xuống còn 1.000 người. Việc cấm thuê các phòng, các rạp để tổ chức lễ hội, kể cả tổ chức đám cưới cũng được tính tới.
Tuy nhiên, không có biện pháp nào khác được dự trù, chẳng hạn hạn chế giờ mở cửa của các nhà hàng, quán bar, những biện pháp mà đô trưởng Paris Anne Hidalgo dứt khoát bác bỏ, vì theo bà làm như vậy sẽ gây tổn hại cho đời sống kinh tế và xã hội ở thủ đô Pháp.
Hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ Pháp về phòng chống Covid-19 đã kêu gọi ban hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại 20 thành phố lớn. Trong những ngày qua, các thành phố Lyon, Bordeaux, Lille, Toulouse và Marseille đều đã loan báo các hạn chế mới để ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.
Tây Ban Nha giảm thời gian cách ly xuống còn 10 ngày
Chính phủ Tây Ban Nha hôm qua thông báo giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 đối với những người đã tiếp xúc với một ca nhiễm virus corona. Hai nước Áo và Slovenia cũng đã giảm thời gian cách ly xuống còn 10 ngày, giống như quy định hiện hành ở Thụy Sĩ, Anh và Ireland. Còn các nước châu Âu khác cũng dự tính giảm thời gian cách ly như vậy, riêng Pháp và Bỉ đã giảm xuống còn 7 ngày. Nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới và những nước như Ý thì dứt khoát giữ nguyên thời gian cách ly 14 ngày.
Dời thượng đỉnh châu Âu
Hôm qua, phát ngôn viên của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel thông báo hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu dự trù diễn ra ngày 24 và 25/09, đã được dời lại đến ngày 01-02/10 sau khi phát hiện có một ca nhiễm Covid-19 trong giới thân cận của ông Michel. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu được xét nghiệm âm tính, nhưng ông phải bị cách ly kể từ ngày đó, theo quy định hiện hành ở Bỉ.
Alexei Navalny:
nhà hoạt động người Nga ra viện ở Berlin
Người chỉ trích tổng thống Putin, ông Alexei Navalny, đã được xuất viện ở Berlin, nơi ông được điều trị vì bị đầu độc bởi chất độc thần kinh Novichok.
Bệnh viện Charité nói họ chấm dứt chăm sóc y tế đặc biệt vì tình trạng của ông đã cải thiện đáng kể.
Ông Navalny đăng một bức ảnh ông đứng ở cầu thang mà không cần hỗ trợ và thông điệp nói các bác sỹ đã cho ông cơ hội để bình phục hoàn toàn.
Đội ngũ của ông cáo buộc ông đã bị đầu độc theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Đức nói Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất Novichok
Thủ lĩnh đối lập Nga chống Putin, Navalny, ‘bị đầu độc’
Điện Kremlin hoàn toàn bác bỏ cáo buộc họ có bất kỳ liên quan nào đến vụ việc.
Ông Navalny, một nhà hoạt động đối lập hàng đầu của Nga, bất tỉnh trong một chuyến bay ở Siberia hôm 20/8. Sau đó ông được chuyển tới bệnh viện Charité ở thủ đô nước Đức.
Bác sỹ nói gì?
Một thông cáo từ bệnh viện cho biết ông Navalny, 44 tuổi, đã nằm viện 32 ngày, trong đó có 24 ngày trong khoa hồi sức cấp cưú.
“Dựa trên tiến triển và hiện trạng của bệnh nhân, các bác sỹ điều trị tin rằng việc bình phục hoàn toàn là có thể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác độc lâu dài của việc ông bị đầu độc nặng,” thông cáo nói.
Hồi đầu tháng bệnh viện tiết lộ ông Navalny đã bắt đầu bình phục, và cho biết ông đã được cai máy thở và có thể ra khỏi giường.
Khi đó, chính phủ Đức nói các phòng thí nghiệm ở Pháp và Thụy Điển tái khẳng định kết quả các xét nghiệm ở Đức cho thấy chất độc được dùng đối với ông Nalvany là chất Novichok.
Điện Kremlin nói không hề có bằng chứng về chuyện đó.
Bối cảnh của vụ việc là gì?
Những người ủng hộ ông Navalny lúc đầu cho rằng ly trà ông uống ở sân bay Tomsk, Siberia, trước khi lên máy bay đi Moscow đã bị bỏ chất độc. Tuy nhiên, sau đó họ nói rằng dấu vết của chất độc thần kinh đã được tìm thấy trên một chai nước trong phòng khách sạn nơi ông nghỉ.
Ông Navalny đổ bệnh trên chuyến bay và máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Omsk. Hai ngày sau, các quan chức Nga đã đồng ý để ông được đưa sang Đức điều tri.
Sau khi các xét nghiệm khẳng định ông bị đầu độc bằng Novichok, EU yêu cầu chính phủ Nga mở một cuộc điều tra ‘minh bạch’.
“Những người chịu trách nhiệm phải được đưa ra công lý,” một thông cáo của EU viết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cáo buộc vụ đầu độc là “nhẫn tâm”.
Hôm thứ Ba, ông Navalny đăng trên Instagram bác bỏ gợi ý , được cho là của ông Putin, rằng ông Navalny đã tự đầu độc mình.
Báo Pháp Le Monde đưa tin trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron hôm 14/9, ông Putin đã “nói về ông Alexei Navalny một cách khinh bỉ, và coi ông ta chỉ là một kẻ gây rối trên internet, người đã tự tưởng tượng ra các bệnh tật trong quá khứ.”
“Putin đã khôn hơn tôi,” ông Nalvany viết trên Instagram, giễu cợt vị tổng thống Nga. “Ông ta không phải là kẻ khờ. Vì thế, tôi, như một thằng ngốc, đã bị bất tỉnh suốt 18 ngày nhưng lại đạt được điều mà tôi muốn. Hành động khiêu khích đã thất bại!”.
Các chính trị gia phương Tây vẫn chưa có phản ứng về vụ đầu độc, phóng viên BBC Jenny Hill từ Berlin cho biết.
Tuy nhiên, việc ông Navalny xuất viện sẽ làm tăng sức ép cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, người yêu cầu Kremlin có lời giải đáp đầy đủ, phóng viên Jenny Hill nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54264234
Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp
đồng ý đối thoại về Địa Trung Hải
Mai Vân
Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua, 22/09/2020, cho biết là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã đồng ý thảo luận sơ bộ về tranh chấp ở đông Địa Trung Hải.
Trong hội nghị qua video giữa tổng thống Erdogan với thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, các bên khẳng định là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã đồng ý về cuộc thương thuyết nói trên.
Nhân cuộc họp, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng « nỗ lực để làm giảm căng thẳng và khai thác các kênh đối thoại phải được hỗ trợ bằng các biện pháp qua lại ».
Vào hôm thứ Sáu, ông Erdogan tuyên bố sẵn sàng gặp thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nếu ông thấy có dấu hiệu thiện chí của Athens.
Vòng thương thuyết sơ bộ gần đây nhất giữa hai bên là vào năm 2016.
Riêng tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc điện đàm hôm qua, với ông Erdogan, đã kêu gọi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán thẳng thắn để giảm căng thẳng với Hy Lạp và Chypre, 2 nước thành viên Liên Âu. Ông Macron kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chủ quyền hai quốc gia láng giềng và không có thêm hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng ở Địa Trung Hải.
Tổng thống Erdogan thì chờ đợi Pháp có ” hành động xây dựng” trong tiến trình hợp tác và giảm cẳng thẳng đó.
Tổng thống Belarus bất ngờ nhậm chức
Phớt lờ lời kêu gọi chấm dứt 26 năm nắm quyền, Tổng thống Alexander Lukashenko bất ngờ nhậm chức nhiệm kỳ thứ sáu hôm 23/9, theo Reuters.
Phe đối lập và một số chính phủ nước ngoài trước đó đã cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra đầu tháng trước mà ông Lukashenko tuyên bố giành thắng lợi vang dội.
Tin cho hay, buổi lễ thường được công bố là một sự kiện lớn của đất nước, nhưng năm nay diễn ra mà không công khai trước bất kỳ thông tin nào.
Phe đối lập, vốn tổ chức các cuộc tuần hành lớn hơn 6 tuần qua, lên án lễ nhậm chức họ coi là trái phép và kêu gọi thêm các cuộc biểu tình vào tối ngày 23/9.
Theo Reuters, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức liên quan tới cuộc bầu cử và cuộc trấn áp của lực lượng an ninh sau đó.
Tân Thủ tướng Nhật Bản
sắp điện đàm với ông Tập Cận Bình
Tâm Thanh
Tờ Japan Fuji News Network (FNN) ngày 22/9 đưa tin, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25/9 tới.
Một thành viên trong chính phủ Nhật Bản tiết lộ rằng, Trung Quốc và Nhật Bản đang phối hợp, hy vọng ông Suga và ông Tập có thể nói chuyện suôn sẻ vào tối ngày 25/9. Đây sẽ là cuộc trao đổi ý kiến chính thức giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc kể từ sau khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo đến thăm Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng như hiện nay, tân Thủ Tướng Suga Yoshihide sẽ phản ứng thế nào với Bắc Kinh và liệu rằng ông có tiếp tục mời Tập Cận Bình có chuyến thăm đến Nhật Bản hay không, điều này đã thu hút nhiều sự chú ý.
Từ đầu năm nay, do chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hồng Kông, tranh chấp lãnh hải trên biển Đông… Làn sóng chống ĐCSTQ của chính phủ và dân chúng ở Nhật Bản ngày càng dâng cao. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã thông qua nghị án đối với Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, yêu cầu chính phủ Nhật Bản hủy bỏ việc mời Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản với tư cách là quốc khách.
Theo đó, Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, Úc và các nước đồng minh khác, đồng thời cũng bày tỏ thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Đài Loan, những điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn.
Vào ngày 20/9, tân Thủ Tướng Suga Yoshihide đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản và tầm nhìn chung về một “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP).
Tổng thống Trump cũng nói trên điện thoại rằng, nếu có bất cứ điều gì xảy ra, ông Suga Yoshihide có thể gọi điện cho ông bất cứ lúc nào 24 giờ trong ngày.
Theo truyền thông Úc, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng sẽ có chuyến thăm đến Nhật Bản vào giữa tháng 11 tới để gặp gỡ nói chuyện với tân Thủ Tướng Suga Yoshihide. Điều này tương đương với việc gửi một tín hiệu đến Bắc Kinh: Ngay cả khi ông Abe Shinzo từ chức, Nhật Bản và Úc vẫn sẽ duy trì quan hệ chiến lược và tiếp tục kiềm chế ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Mori Yoshiro mới đây đã dẫn đầu một phái đoàn tới thăm Đài Loan để tham gia lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lý Đăng Huy. Khi gặp Tổng thống Thái Anh Văn tại Văn phòng Tổng Thống, ông chuyển lời rằng Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide muốn nói chuyện với bà qua điện thoại.
Mặc dù sau đó, phía chính phủ Đài Loan không có sự sắp xếp cho một cuộc điện đàm, nhưng về phía Bắc Kinh mà nói thì không mấy hài lòng về điều này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Vương Văn Bân khi trả lời câu hỏi với các phóng viên, ông Vương đã tự “thay mặt Nhật Bản” và phản ứng rằng, phía Nhật Bản tuyên bố rõ ràng rằng “những gì báo chí đưa tin sẽ không bao giờ xảy ra” và trở thành trò cười cho ngoại giới, theo Soundofhope.
Nội các của tân Tổng thống Suga Yoshihide không chỉ tiếp nối bộ máy chính quyền của người tiền nhiệm, mà phần lớn các thành viên nội các còn muốn Nhật Bản tham gia vào “Liên minh ngũ nhãn”. Để đối phó với Bắc Kinh, chức vụ then chốt là Bộ trưởng Quốc Phòng vốn do ông Taro Kono đảm nhận đã được thay thế bằng em trai của ông Abe – Nobuo Kishi, 61 tuổi. Đây cũng là một điều mà khiến Bắc Kinh quan ngại sâu sắc.
Tâm Thanh tổng hợp
https://www.dkn.tv/the-gioi/tan-thu-tuong-nhat-ban-sap-dien-dam-voi-ong-tap-can-binh.html
Nhật yêu cầu vận động viên dự Olympics
xét nghiệm COVID-19
Ban tổ chức của Olympics Tokyo sẽ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với các vận động viên nước ngoài khi họ tới Nhật năm tới, nhưng có thể không bắt buộc phải cách ly hai tuần, theo Reuters.
Theo dự thảo biện pháp về virus Corona, các vận động viên Nhật và những người tham gia khác sống ở nước này sẽ phải đối mặt với yêu cầu tương tự khi tới địa điểm tập luyện và thi đấu.
Tin cho hay, thông tin trên được công bố sau cuộc gặp giữa ban tổ chức Olympics Tokyo 2020, chính phủ Nhật và chính quyền thành phố Tokyo.
Theo Reuters, đại dịch COVID-19, vốn làm hàng triệu người nhiễm trên thế giới, phủ bóng lên Olympics vào năm tới, sau khi bị hoãn năm nay.
Tân Thủ tướng Yoshihide Suga đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự kiện thể thao lớn này.
Ông cũng cam kết sẽ hợp tác chặn chẽ với Ủy ban Olympics Quốc tế để tổ chức một thế vận hội an toàn cho cả vận động viên và cổ động viên.
Đài Loan trưng bày tên lửa tự sản xuất
có thể tấn công miền nam Trung Quốc
Lục Du
Tên lửa Wan Chien của Đài Loan được trưng bày cùng với những loại vũ khí khác (ảnh: CNA)
Lực lượng Không quân Đài Loan hôm thứ Ba (22/9) đã trưng bày tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien mới của họ, cùng với Máy bay chiến đấu Phòng vệ Bản địa (IDF) và các loại vũ khí khác tại một căn cứ quân sự ngoài khơi.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Thái Anh Văn vào thứ Ba tới căn cứ Không quân Magong ở đảo Bành Hồ, quân đội Đài Loan đã giới thiệu với bà Thái và quan khách tên lửa Wan Chien được phát triển trong nước, mới được đưa vào sử dụng năm 2018.
Taiwan News cho hay, tên lửa Wan Chien được phát triển bởi Viện Khoa học và Công nghệ Chungshan (NCSIST), vũ khí này được độc quyền vận chuyển bởi máy bay phản lực IDF và có tầm bắn xa khoảng 200 km.
Loại tên lửa này được dẫn đường bằng GPS có khả năng tấn công các căn cứ không quân, doanh trại quân sự và công sự của Trung Quốc ở các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông khi chúng được bắn đi từ vị trí ở gần đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Wan Chien cũng có thể được sử dụng để tấn công các tàu đổ bộ đang tiếp cận Đài Loan, CNA đưa tin.
Đây là lần đầu tiên tên lửa hành trình Wan Chien được trưng bày trước công chúng trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động xung quanh Đài Loan.
Kể từ thứ Năm tuần trước (17/9), máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan 5 lần. Vào ngày 18/9, 12 máy bay phản lực của Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan và tiến sát vùng trời thuộc chủ quyền Đài Loan.
Trong bài phát biểu trước các sĩ quan và binh lính ở căn cứ Không quân Magong, Tổng thống Thái nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục đe dọa. Bà nói rằng bà tin tưởng vào “khả năng” và “quyết tâm” của các lực lượng vũ trang Đài Loan trong việc bảo vệ đất nước và rằng Đài Loan luôn nỗ lực để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo Taiwan News
Hồng Kông thay đổi
cách cấp giấy phép cho truyền thông
Mai Vân
Cảnh sát Hồng Kông vào hôm qua, 22/09/2020, thông báo sẽ không công nhận là nhà báo các thành viên của Hiệp Hội Nhà Báo Hồng Kông HKJA, mà chỉ chấp nhận các nhà báo được chính quyền cấp giấy phép hay thuộc một cơ quan báo chí được quốc tế công nhận.
Theo HKJA và nhiều hiệp hội báo chí chuyên nghiệp khác, đây là một bước lùi to lớn về quyền tự do báo chí khiến cho quan hệ giữa báo giới và cảnh sát căng thẳng thêm.
Thông tín viên RFI, tại Hồng Kông, Florence de Changy, cho biết thêm chi tiết :
“Khi ập vào tòa soạn nhật báo đối lập Apple Daily hôm 10/08, cảnh sát đã có chọn lọc giữa giới truyền thông mà họ xem là « đứng đắn » và những phương tiện truyền thông khác. Reuters và Đài Phát Thanh Công Cộng Hồng Kông không được tham gia.
Vấn đề đối với cảnh sát Hồng Kông là dọn sạch các « nhà báo giả » mà sự hiện diện gây rắc rối trong các chiến dịch giải tán biểu tình với nhiều sự cố nghiêm trọng trong các tháng đối đầu dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình, vốn đã được ghi lại nhờ sự hiện diện tại chỗ của các sinh viên ngành báo chí.
Nổi cộm hơn cả là vụ bắn súng trong khoảng cách rất gần vào một thanh niên biểu tình, và gần đây cảnh nhiều cảnh sát chận bắt một nữ sinh 12 tuổi và đè cô bé xuống đất một cách thô bạo.
Hiệp Hội Báo Chí Hồng Kông luôn lên tiếng tố cáo các hành vi thái quá của cảnh sát đối với nhà báo từ đầu các sự kiện vào năm 2019: Một nữ ký giả Indonesia đã mất một con mắt trong lúc theo dõi một cuộc biểu tình, và nhiều nhà báo cũng đã bị thương, bị bắt giữ, lập biên bản trong lúc tác nghiệp.
HKJA và 6 hiệp hội khác kêu gọi cảnh sát xem xét lại và hủy bỏ quyết định nói trên.”
Tập Cận Bình dùng
‘viễn kiến quan hệ Trung – Việt’ cho cả thế giới?
Phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc qua mạng trực tuyến hôm 22/09/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình dùng khái niệm ‘vận mệnh chung’ để đề xuất vai trò lãnh đạo thế giới cho Trung Quốc.
Trung Quốc đẩy mạnh chương trình chuyển đổi lao động tại Tây Tạng
The Eight Hundred: Vì sao bộ phim bị cấm chiếu lại thành phim ăn khách nhất toàn cầu?
Ngay lập tức, các báo Phương Tây đã cho rằng đây là ‘viễn kiến’ nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa tung ra nhằm đối chọi là chủ thuyết ‘cô lập, đối đầu’ của Tổng thống Mỹ, Donald Trump.
Với người Việt Nam, khái niệm ‘common shared destiny’ (vận mệnh cùng chia sẻ) mà ông Tập nêu ra nghe rất quen.
Vì trong quan hệ Trung – Việt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nói về ‘vận mệnh chung’ của hai quốc gia, gây ra nhiều bình luận khác nhau.
Nhưng trước hết, ta hãy xem ông Tập nói gì tại diễn đàn LHQ vừa qua.
Không chỉ đề cao hòa bình, phát triển, ông còn nhấn mạnh đến dân chủ, tự do, công lý:
“Chúng ta hãy chung tay gìn giữ, củng cố các giá trị hòa bình, phát triển, bình đẳng, công lý, dân chủ và tự do vốn được chia sẻ bởi tất cả chúng ta, nhằm xây dựng một dạng quan hệ quốc tế mới, vì một cộng đồng chia sẻ tương lai chung của nhân loại. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới tốt hơn cho tất cả.”
Theo một đánh giá của Shannon Tiezzi trên trang The Diplomat (23/09), khái niệm cộng đông chia sẻ tương lai, hoặc ‘chia sẻ vận mệnh chung’ (community of common destiny) mà TQ nêu ra luôn có hàm chứa lời đả phá hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.
Nhưng quan sát kỹ thì đây không phải là viễn kiến gì mới, và chắc chắn không phải là tác phẩm lý luận của Chủ tịch Tập.
Các văn bản tiếng Trung đã nói nhiều về khái niệm ‘Nhân loại mệnh vận cộng đồng thể’ (人类命运共同体) từ nhiều năm qua.
Không có gì mới?
Trên thực tế, theo đánh giá của Richard Rigby và Brendan Taylor trong một nghiên cứu về ngoại giao Trung Quốc, phát biểu về ‘vận mệnh chung’ không đến từ miệng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, mà lần đầu do TBT Hồ Cẩm Đào nêu ra năm 2005.
Thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng này đến từ viễn kiến của lãnh đạo Úc trước đó nói về nhu cầu kiến thiết ‘cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hài hòa, ổn định’.
Còn tại Trung Quốc, vào năm 1991, ngay khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ở hội nghị Thành Đô, lãnh đạo Trung Quốc khi đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nói về 16 chữ vàng gồm một câu về ‘vận mệnh tương quan’.
“Sơn thủy tương liên,
Lý tưởng tương thông,
Văn hóa tương đồng.”
Vận mệnh tương quan”
Những người chỉ trích hai đảng cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc thường cho rằng các cụm từ trên mang tính “bùa chú” đảm bảo cho hai đảng này cầm quyền bằng một liên minh nào đó.
Nhưng thực ra, công thức nêu ra sự ‘chia sẻ vận mệnh’ mà đã được Trung Quốc áp dụng với tất cả các láng giềng.
Theo một nghiên cứu của Trương Đăng An (Zhang Dengan) thì ban đầu, việc nêu ra ‘vận mệnh chung’ được Trung Quốc “đề xuất với các láng giềng nhằm hàn gắn quan hệ bị căng thẳng bởi các tranh chấp lãnh thổ”.
Năm 2018, ông Tập nói y nguyên như thế về quan hệ với Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á, và sang thăm Moscow năm 2020, ông cũng nhắc lại thuyết ‘vận mệnh chung’ với Nga và rộng ra là cả nhân loại.
Chỉ sang thế kỷ 21, khái niệm nói trên “mới trở thành một phần của chiến lược lâu dài của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế”.
Tác giả Trương Đăng An, người Trung Quốc, cũng nhận định rằng khái niệm ‘vận mệnh chung’ được đề cao nhằm “tận dụng cơ hội hòa bình trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21” mà Trung Quốc rất cần, để phát triển tối đa.
Theo ông, quốc tế khó chấp nhận khái niệm này vì nó chưa đủ tính minh bạch, sự cam kết và hành động cụ thể từ chính quyền Trung Quốc.
Vào thời điểm hiện nay, phát biểu của Chủ tịch Tập tại diễn đàn LHQ tháng 9 năm nay (qua video) lại bị cho là lời đả phá ngấm ngầm nhằm vào khẩu hiệu ‘Hoa Kỳ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump.
Năm 2018, ông Tập nói y nguyên như thế về quan hệ với Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á, và sang thăm Moscow năm 2020, ông cũng nhắc lại thuyết ‘vận mệnh chung’ với Nga và rộng ra là cả nhân loại.
Tuy vậy, cần phải nói rằng ông Tập Cận Bình đã diễn giải mở rộng định nghĩa ‘cộng đồng chung vận mệnh’.
Hồi năm 2015, nó mới chỉ có năm thành tố gồm ‘đối tác chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa, và bảo vệ môi trường’.
Nay, việc chia sẻ vận mệnh chung khiến nhân loại cần tập trung vào ‘toàn cầu hóa, chống biến đổi khí hậu, và củng cố cải thiện quản trị tầm toàn cầu’ (global governance reform).
Khẳng định Trung Quốc “không bao giờ làm bá chủ” và “không có ý định mở cuộc Chiến tranh Lạnh hay chiến tranh Nóng với bất cứ nước nào”, chủ tịch TQ cũng cam kết sẽ dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19.
Các liều vaccines mà Trung Quốc đang chế tạo, thử nghiệm, sẽ được ưu tiên cho các nước đang phát triển, ông nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54269817
Đập bàn ngăn cản đại biểu LHQ lên tiếng
về Tân Cương, Trung Quốc bị phớt lờ và cảnh cáo
Vũ Dương
Người dân bình luận: “…những kẻ xấu xa luôn cưỡng đoạt quyền tự do ngôn luận của nhân loại sao lại có thể chễm chệ ngồi trên ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được đây”.
Gần đây, một đoạn video về một nữ đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có những hành động hống hách tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được lan truyền rộng trên mạng. Người đại diện của ĐCSTQ đập bàn liên tục tại hội nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để ngăn cản đại diện của Tổ chức Giám sát Liên Hợp Quốc tiết lộ sự thật về các trại tập trung ở Tân Cương, nhưng họ đã bị chủ tịch Đại hội đồng chặn lại. Sau đó, người đại diện của ĐCSTQ vẫn tiếp tục đập bàn để ngăn cản bài phát biểu, nhưng vấp phải sự phớt lờ của chủ tọa hội nghị.
Theo Soundofhope, vụ việc xảy ra tại cuộc họp hàng tháng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, người phát ngôn là ông Hillel Neuer, Giám đốc điều hành của Tổ chức Giám sát Liên Hợp Quốc (UN Watch).
Hillel Neuer: Các giáo đồ của đạo Hồi trên toàn thế giới đều nên có quyền tự do và cầu nguyện. Trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần này, Trung Quốc đã bỏ phiếu về nghị quyết “phản đối việc kỳ thị đạo Hồi”.
(Đại diện Trung Quốc đập bàn)
Chủ tọa hội nghị: Tôi xin lỗi.
Hillel Neuer: Tuy nhiên, ở Trung Quốc, lại có đến 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế …
(Đại diện Trung Quốc đập bàn mạnh hơn)
Đại diện Trung Quốc: Tôi mong chủ tịch dừng ngay bài phát biểu này của người đại diện.
Chủ tọa hội nghị: Diễn giả, vui lòng tiếp tục bài phát biểu của anh.
Hillel Neuer: Xin cảm ơn ngài chủ tịch. Ở Trung Quốc lại có đến 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giam…
(Đại diện Trung Quốc tiếp tục đập bàn)
Đại diện Trung Quốc: Tôi rất tiếc khi ngài chủ tịch lại cho phép diễn giả này tiếp tục phát biểu. Chúng tôi yêu cầu ngài chủ tịch cho dừng ngay bài phát biểu của diễn giả này.
Chủ tọa hội nghị: Diễn giả vốn có thể đề cập đến tình hình ở một quốc gia cụ thể.
Đại diện Vương quốc Anh: Chúng tôi nghĩ diễn giả nên tiếp tục bài phát biểu của mình, giống như ngài chủ tịch vừa mới nói đây. Cảm ơn ngài.
Chủ tọa hội nghị: Diễn giả, vui lòng tiếp tục bài phát biểu của anh.
Hillel Neuer: Tuy nhiên, 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đã bị bắt giam trong các “trại cải tạo” ở Tân Cương. Tôi đề nghị các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo …
(Đại diện Trung Quốc tiếp tục đập bàn can nhiễu, nhưng bị chủ tọa hội nghị phớt lờ)
Hillel Neuer: Tại sao các vị không đề xuất bất kỳ giải pháp nào để hỗ trợ những người Duy Ngô Nhĩ đang phải chịu đựng bức hại nghiêm trọng của chính quyền Trung Quốc?
Được biết, sau khi ông Neuer kết thúc bài phát biểu của mình, chủ tọa hội nghị đã yêu cầu đại diện của Trung Quốc đứng lên phát biểu. Đại diện Trung Quốc cho rằng bài phát biểu của ông Neuer không liên quan gì đến chủ đề thảo luận trong cuộc họp, và họ vô cùng bất bình với việc chủ tọa hội nghị nhiều lần cho phép Neuer phát biểu.
Về vấn đề này, chủ tọa hội nghị thẳng thừng đáp trả lại rằng: “Tôi phải nhắc nhở các bạn (đại diện Trung Quốc) rằng theo điều lệ hội nghị của chúng tôi, người phát ngôn vốn dĩ có thể trích dẫn tình hình thực tế của một quốc gia cụ thể khi phát biểu. Từ nay về sau, mong các bạn vui lòng không can nhiễu hội nghị khi đang diễn ra, một cách trơ trẽn như vậy nữa”.
Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) đã đăng đoạn tweet, nói rằng: “Hồi đó, Nikita Sergeyevich Khrushchyov (nhà lãnh đạo của Liên bang Xô viết trong cuộc Chiến tranh Lạnh) có dùng dép da đập bàn tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ và trở thành trò cười cho cả thế giới, nhưng dù sao thì Khrushchyov vẫn là lãnh đạo của một quốc gia lớn, muốn ra oai một chút cũng không có gì lạ. Còn nữ đại diện này của ĐCSTQ dù sao cũng chỉ là một vô danh tiểu tốt, lúc nói năng thì chột dạ hoang mang, run rẩy liên tục, vậy mà cũng dám gõ bàn thường xuyên, và đòi bịt miệng người khác trước mặt biết bao đại biểu trên khắp thế giới … Loại hành động ngu xuẩn này chỉ có sói chiến hạng hai dưới lớp võ trang của cái tư tưởng Tập Cận Bình mới có thể làm ra được”.
Về việc này, cư dân mạng để lại bình luận:
“Ngay tại Liên hợp quốc mà còn dám hống hách như vậy thì có thể biết ĐCSTQ đối xử với chính người dân của nó như thế nào rồi!”.
“Thế giới vốn không nên dung túng cho những hành vi không tuân thủ quy tắc như vậy, nếu không bằng như bao che tội ác, cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến những hối tiếc muộn màng mà thôi!”.
“ĐCSTQ nên bị loại bỏ khỏi Hội đồng Nhân quyền”.
“Ngoại giao của kẻ vô lại, thật là xấu xa đến tận quốc tế!”.
“Ngoại giao giả mạo, ngoại giao mơ hồ, ngoại giao lừa đảo”.
“Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Một nhóm những thứ không thuộc về con người chắc chắn không đáng để nói về nhân quyền, nhưng điều khiến người ta cảm thấy khó hiểu là những kẻ xấu xa luôn cưỡng đoạt quyền tự do ngôn luận của nhân loại sao lại có thể chễm chệ ngồi trên ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc được đây”.
“Ngày trước cũng nghe nhiều về vụ này, nhưng không có bằng chứng, bây giờ có video để chứng minh rồi. Xem video xong, thật không có gì để nói. Đúng thật là vô sỉ cùng cực”.
Theo Hao Yan, SOH
Vũ Dương biên dịch
Trung Quốc không có đồng minh thực sự:
Triều Tiên ‘vô dụng’, Nga ‘làm cao’
Đại Nghĩa
Đó là lời nhận xét từ cố vấn gốc Hoa của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sau khi nghe ông Tập Cận Bình phát biểu tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), cố vấn chính sách người gốc Hoa cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đã bác bỏ “lập trường đa phương” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và nói rằng Trung Quốc không có bạn bè thực sự, theo Nikkei.
“Chia sẻ các giá trị – đó là nền tảng cho chủ nghĩa đa phương”, ông Dư nói hôm thứ Ba (22/9) trong một cuộc thảo luận trực tuyến về Hồng Kông do Viện nghiên cứu Macdonald-Laurier của Canada tổ chức. Ông lưu ý rằng một “liên minh các nền dân chủ” đang hình thành để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng điều tương tự không thể xảy ra đối với các quốc gia tập hợp xung quanh Bắc Kinh.
“Chúng ta có các quốc gia như … Nhật Bản, Australia, Anh, Canada, EU, NATO và các quốc gia thuộc tổ chức ASEAN, tất cả chúng ta đều có chung các giá trị”, ông nói.
“Trung Quốc không có nước nào mà họ có thể tin cậy được” như một đồng minh thực sự. “Bắc Triều Tiên phần lớn là vô dụng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nga thì đang chơi trò ‘làm cao’” với Bắc Kinh”, ông Yu phân tích.
“Vì vậy, thật là mỉa mai khi ngày hôm qua Tập Cận Bình tại LHQ đã nói về việc Trung Quốc là nhà vô địch của chủ nghĩa đa phương”, ông Dư Mậu Xuân nói. “Đó hoàn toàn phản ánh việc thiếu khả năng tự nhận thức”.
Ông Dư nói rằng chủ nghĩa đa phương có hiệu quả khi có mục tiêu chung chứ không phải khi hoạt động vì lợi ích riêng của ai đó. Ông trích dẫn sự thật bại của cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một ví dụ về các cuộc đàm phán kéo dài không đạt được kết quả nào.
“Tổng thống Trump đã đi đến gốc rễ của vấn đề bằng cách làm việc với Bình Nhưỡng, nói chuyện trực tiếp với Kim Jong Un và hòa giải với ông ấy, để kết quả là 3 năm rưỡi tốt đẹp đến nay”. “Vì vậy, chủ nghĩa đa phương là tuyệt vời” nhưng cần một mục tiêu, ông nói thêm.
Ông Dư Mậu Xuân vốn là một học giả người Mỹ gốc Hoa, là thành viên của ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đơn vị tư vấn nội bộ này có văn phòng được cho là chỉ cách văn phòng của ngoại trưởng Mike Pompeo ở Foggy Bottom vài bước chân.
Ông Dư được coi là nhân vật chủ chốt có ảnh hưởng tới chính quyền Trump trong việc xây dựng chính sách về Trung Quốc, dẫn đầu một đường lối cứng rắn hơn nhiều đối với Bắc Kinh và đã khiến ĐCSTQ tức giận.
Ông Pompeo miêu tả ông Dư là “một phần trung tâm trong nhóm của tôi”, trong khi David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, gọi ông là “kho báu quốc gia”.
Trong cuộc thảo luận hôm thứ Ba, ông Dư mô tả tình hình ở Hồng Kông như một “cuộc thử nghiệm lớn đã thất bại thảm hại”.
“Một quốc gia, hai hệ thống” mà Bắc Kinh hứa sẽ duy trì trong 50 năm khi Vương quốc Anh trả lại lãnh thổ vào năm 1997 là một “ý tưởng phá sản” vì “mâu thuẫn bên trong” của chính họ, ông Dư cho biết. Ông lưu ý rằng sự thống nhất cuối cùng thành “một quốc gia” không thể xảy ra nếu thực thể tồn tại là một chế độ chuyên quyền.
Ông nói: “Người dân Hồng Kông đã chọn hệ thống tự do và pháp quyền, không phải hệ thống của ĐCSTQ và chế độ chuyên quyền. Và “người Tây Đức sẽ không đoàn kết với người Đông Đức nếu Đông Đức vẫn còn do Đảng Cộng sản Đức nắm quyền”.
“Nó cũng đã thất bại vì nó đã hoàn toàn mất đi tác dụng làm mẫu đối với Đài Loan”. Hơn nữa, thông qua cuộc thử nghiệm ở Hồng Kông, mức độ đáng tin cậy của ĐCSTQ đã được bộc lộ: “Hồng Kông trước hết là một lời hứa của ĐCSTQ vào năm 1984, liên quan đến quy định các điều khoản bàn giao của Tuyên bố chung Trung-Anh. Đó là một lời hứa về mức độ tự chủ cao trong 50 năm, được hỗ trợ bởi tư pháp độc lập, báo chí tự do, quyền tự do cá nhân và pháp quyền. Lời hứa này đã được đưa ra nhưng lời hứa này đã bị phá vỡ”.
Ông Dư kết luận, ĐCSTQ cần phải trả một cái giá lớn cho việc đánh mất uy tín, bởi vì một quốc gia không có uy tín thì không thể trở thành lãnh đạo của thế giới.
Theo Nikkei Asian Review
Đại Nghĩa biên dịch
Bắc Kinh rất có thể sẽ không chấp thuận
thỏa thuận TikTok của Oracle và Walmart
Tin từ THƯỢNG HẢI, Trung Cộng – Trong một bài xã luận, tờ báo Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) được nhà nước hậu thuẫn cho biết Bắc Kinh rất có thể sẽ không phê duyệt một thỏa thuận “không công bằng” mà Oracle và Walmart cho biết họ ký kết với ByteDance về tương lai của ứng dụng phát video TikTok.
Các công ty lớn của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ mua cổ phần một công ty mới chủ yếu thuộc sở hữu của Hoa Kỳ, TikTok Global, với ban giám đốc chủ yếu là người Mỹ, khi các bên nỗ lực xoa dịu chính quyền của Tổng thống Trump. Ngược lại, ByteDance cho biết TikTok Global sẽ là công ty con của họ tại Hoa Kỳ với 80% quyền sở hữu.
Global Times là một tờ báo lá cải được xuất bản bởi tờ Nhân Dân Nhật Báo (People’s Daily), tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Cộng. Chính quyền Trung Cộng đa phần hạn chế bình luận trực tiếp về các chi tiết của thỏa thuận, mặc dù Bộ ngoại giao của họ nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài.
Theo ByteDance, thỏa thuận này cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý ở cả Bắc Kinh và Washington. Vào cuối tháng 8, Bộ Thương mại Trung Cộng sửa đổi danh sách kiểm soát xuất cảng kỹ thuật mà các chuyên gia cho rằng sẽ cung cấp cho Bộ Thương mại Trung Cộng sự giám sát về mặt quy định đối với bất kỳ thỏa thuận TikTok nào. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-rat-co-the-se-khong-chap-thuan-thoa-thuan-tiktok-cua-oracle-va-walmart/
Trung Quốc đẩy mạnh chương trình
chuyển đổi lao động tại Tây Tạng
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa lao động nông thôn Tây Tạng khỏi các vùng đất canh tác để chuyển đến các trung tâm huấn luyện kiểu quân đội.
Lao động Tây Tạng đang được chuyển từ nông thôn tới các trung tâm dạy nghề để trở thành công nhân nhà máy, tương tự chương trình đã được triển khai tại Tân Cương vốn bị các tổ chức nhân quyền lên án là hành vi cưỡng bức lao động.
Thông tin trên được hãng tin Reuters công bố sau khi kiểm chứng hàng trăm bài viết từ báo chí quốc doanh, tài liệu chính sách của cơ quan chính quyền tại Tây Tạng cũng như các yêu cầu tuyển dụng được ban hành trong giai đoạn 2016-2020.
‘Cuộc tấn công trực diện’
Một thông báo được đăng tải trên website của chính quyền Tây Tạng tháng trước cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2020, đã có hơn 500.000 người được đào tạo theo chương trình này, khoảng 15% dân số khu vực. Trong đó, gần 50.000 người được bố trí việc làm tại Tây Tạng, hàng ngàn người còn lại được chuyển tới các nơi khác ở Trung Quốc. Nhiều người trở thành công nhân với đồng lương rẻ mạt, bao gồm công nhân dệt may, xây dựng và nông nghiệp.
“Theo tôi, đây là cuộc tấn công trực diện, mạnh mẽ và rõ ràng nhất vào truyền thống làm ăn của người Tây Tạng kể từ Cách mạng Văn hóa”, Adrian Zenz, nhà nghiên cứu độc lập về Tây Tạng và Tân Cương, chia sẻ với Reuters.
Adrian Zenz là người đã biên dịch các tài liệu chính yếu trong bản báo cáo vừa được Tổ chức Jamestown ở Washington, D.C (Mỹ) công bố trong tuần.
“Đó là sự ép buộc thay đổi phương thức sống từ trang trại và du mục sang lao động lãnh lương”, ông nói.
Reuters đã kiểm chứng các phát hiện của Zenz cũng như thu thập thêm các tài liệu về chính sách, báo cáo của doanh nghiệp, hồ sơ tuyển dụng và các bài báo của các tổ chức báo chí chính phủ.
Trả lời Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận chuyện lao động cưỡng bức, khẳng định rằng Trung Quốc là đất nước pháp quyền và công nhân tình nguyện làm việc và được trả lương thỏa đáng.
“Thứ mà những người với động cơ thâm độc gọi là “lao động cưỡng bức” đơn giản là không tồn tại nơi đây. Chúng tôi hy vọng cộng đồng thế giới có thể phân biệt được chuyện đúng sai, tôn trọng sự thật và không bị các trò dối trá dắt mũi”, thông báo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Tân Cương: Lời kêu gọi ngưng sử dụng ‘lao động cưỡng bức’
Mỹ ngăn hàng xuất khẩu từ Tân Cương vì TQ vi phạm nhân quyền
Dịch chuyển lực lượng lao động dư thừa vùng nông thôn vào các khu công nghiệp là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và giảm nghèo của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Tân Cương và Tây Tạng, với các cộng đồng thiểu số lớn và một lịch sử đầy bất ổn, các nhóm nhân quyền nói rằng các chương trình này còn bao gồm việc nhồi sọ ý thức hệ.
Trung Quốc kiểm soát Tây Tạng sau khi quân đội tiến vào đây vào năm 1950, trong sự kiện mà Bắc Kinh gọi là “giải phóng hòa bình”. Kể từ đó, Tây Tạng trở thành một trong những khu vực bị hạn chế và nhạy cảm nhất nước này.
Chương trình Tây Tạng đang được đẩy mạnh giữa lúc quốc tế đang gia tăng áp lực đối với các dự án tương tự tại Tân Cương, trong đó có một số liên quan đến các trại giam giữ tập trung. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1 triệu người ở Tân Cương, chủ yếu là người Uighur (Duy Ngô Nhĩ), đã bị giam giữ trong các trại và bị giáo dục tư tưởng. Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại, nhưng sau đó nói rằng chúng là các trung tâm dạy nghề và giáo dục, và tất cả mọi người đều đã “tốt nghiệp”.
Những năm gần đây, Tân Cương và Tây Tạng đã trở thành mục tiêu của các chính sách hà khắc để “duy trì ổn định”. Các chính sách này nhằm dập tắt bất đồng, bất ổn hoặc chủ nghĩa ly khai, bao gồm việc thắt chặt kiểm soát hoạt động tôn giáo.
Hồi tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường các nỗ lực chống chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng, nơi người dân tộc Tây Tạng chiếm khoảng 90% dân. Giới chỉ trích, dẫn đầu là lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Dalai Lama, cáo buộc chính quyền Trung Quốc thực hiện “cuộc diệt chủng văn hóa”.
Loại bỏ ‘kẻ lười’
Nhiều tài liệu chính sách của vùng Tây Tạng cho thấy có việc cử cán bộ đến các làng và thị trấn để thu thập dữ liệu về lao động nông thôn và tiến hành các hoạt động giáo dục nhằm xây dựng lòng trung thành.
Truyền thông nhà nước đã mô tả một hoạt động như vậy ở những ngôi làng gần thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Theo báo chí, các quan chức đã thực hiện hơn 1.000 buổi giáo dục chống chủ nghĩa ly khai, nhằm giúp “người dân tộc cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc của Trung ương Đảng”.
Reuters cũng tiếp cận được các tài liệu chính sách và các bài báo, trong đó đề cập đến việc phạt các quan chức không hoàn thành chỉ tiêu về chuyển đổi lao động. Một bản kế hoạch cấp tỉnh có nêu “các biện pháp thưởng và phạt nghiêm khắc” đối với quan chức.
Tương tự Tân Cương, các đại lý và công ty tư nhân môi giới lao động, tổ chức việc chuyển đổi lao động có thể nhận được trợ cấp 500 nhân dân tệ (74 đô la) cho mỗi lao động chuyển ra khỏi khu vực và 300 nhân dân tệ (44 đô la) cho những làm việc tại Tây Tạng, theo các chỉ thị cấp khu vực và tỉnh.
Các tài liệu của chính phủ được Reuters xem xét nhấn mạnh vào giáo dục tư tưởng để điều chỉnh “tư duy” của người lao động.
Zenz, nhà nghiên cứu Tây Tạng-Tân Cương sống tại Minnesota, nói: “Người ta quan niệm rằng người thiểu số có tính kỷ luật thấp, rằng phải thay đổi tư duy cho họ”.
Một tài liệu của chính quyền ở thành phố Nagqu (Na Khúc) mô tả cán bộ được cử đến các thôn làng để thống kê dữ liệu về 57.800 lao động. Mục đích của việc này là phân loại các nhóm người “không thể làm việc, không muốn làm việc và không dám làm việc”, từ đó loại bỏ “những kẻ lười biếng”.
Một tài liệu khác của Chính hiệp vùng Tây Tạng nêu ra nhiệm vụ “xóa nghèo về tinh thần” đối với lao động “nông thôn”, trong đó bao gồm việc cử quan chức tới các thôn làng để “hướng dẫn quần chúng tạo lập được cuộc sống vui vẻ bằng cách lao động hăng say”.
Huấn luyện quân sự
Việc đào tạo tại các trung tâm cũng được thực hiện theo “kỷ luật quân đội”, bao gồm cả huấn luyện quân sự và mặc đồng phục.
Tài liệu chính quyền mô tả một chương trình giảng dạy kết hợp giáo dục kỹ năng, giáo dục pháp luật và “giáo dục lòng biết ơn”, nhằm tăng cường lòng trung thành với Đảng.
James Leibold, giáo sư về Tân Cương và Tây Tạng tại Đại học La Trobe của Úc, nói: “Người Tây Tạng bị coi là lười biếng, lạc hậu, chậm chạp hoặc bẩn thỉu và vì vậy điều họ muốn là kéo người Tây Tạng bắt nhịp với toàn bộ Trung Quốc… Đó là phần quan trọng của giáo dục kiểu quân đội”.
Bên cạnh kỹ năng chiến đấu, người dân còn được huấn luyện làm các công việc dệt may, xây dựng, nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ. Một trung tâm hướng nghiệp cho biết các chương trình giảng dạy bao gồm dạy tiếng phổ thông, luật pháp và chính trị. Một tài liệu chính sách của khu vực cho biết mục tiêu của chương trình là giúp người dân “dần chuyển đổi nhận thức từ ‘tôi phải lao động’ sang ‘tôi muốn lao động’.”
Tham gia chuỗi cung ứng
Rất khó để truy vết số công nhân được chuyển đổi theo các chương trình này, đặc biệt là số người được đưa đến các vùng khác. Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người ta đã phát hiện công nhân được chuyển đổi trong các chương trình tương tự tham gia các chuỗi cung ứng của 83 thương hiệu toàn cầu.
Các thông báo của chính quyền Tây Tạng cho thấy có sự phân hạn ngạch năm 2020 đối với các văn phòng địa phương. Các quận lớn dự kiến cung cấp nhiều lao động hơn cho các khu vực khác – chẳng hạn thủ phủ Lhasa cung cấp 1.000 người, Xigaze cung cấp 1.400 người và Shannan 800 người.
100 giờ thăm Tây Tạng để lại dấu ấn suốt đời
Một cảnh sát Mỹ bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc
Theo tài liệu mà Reuters tiếp cận, sau khi được đào tạo, công nhân sẽ được điều đi theo từng nhóm và ở trong các khu tập thể.
Cơ quan Nhân sự và An sinh Xã hội Tây Tạng vào tháng 7 lưu ý rằng các nhóm được tổ chức với số lượng từ 10 đến 30 người, có trưởng nhóm. Cơ quan này cho biết các nhóm được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là khi di chuyển ra ngoài Tây Tạng, các cán bộ phụ trách phải thường xuyên “làm công tác tư tưởng để họ vơi nỗi nhớ nhà”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54245670
Nông dân Tây Tạng bị yêu cầu giao lại tài sản
trước khi trở thành công nhân bất đắc dĩ
Lục Du
Viện nghiên cứu Hoa Kỳ (USRT) cho biết chính quyền Trung Quốc đang buộc những người chăn nuôi và nông dân Tây Tạng tham gia các chương trình lao động cưỡng bức tương tự như những gì được áp dụng ở khu vực Tân Cương.
Báo cáo hôm thứ Ba (22/9) của USRT nhận định: các động thái này của chính quyền Trung Quốc có nguy cơ làm “mất di sản văn hóa” ở khu vực nhạy cảm về chính trị.
Trong khi đó, giới chức Tây Tạng quảng cáo rằng kế hoạch đưa công nhân nông thôn vào làm việc trong các nhà máy chính là một phương thức để xóa đói giảm nghèo.
Báo cáo của USRT cho biết hơn 500.000 lao động nông thôn, chủ yếu là người chăn nuôi và các nông dân vốn trước này sinh sống theo cách tự cung tự cấp, đã được đào tạo trong bảy tháng đầu năm 2020. Mỗi huyện trong khu vực Tây Tạng đều được giao chi tiêu “công nhân hóa nông dân”.
Các chương trình đào tạo nhằm mục đích tăng cường “kỷ luật làm việc, tiếng phổ thông Trung Quốc và đạo đức trong công việc”, theo một kế hoạch hành động khởi xướng vào năm 2019 của chính phủ Trung Quốc.
Những nông dân trước khi đi học nghề để trở thành “công nhân” được yêu cầu giao lại gia súc và đất đai của họ cho hợp tác xã.
Gần 50.000 nông dân đã bị chuyển đến các khu vực khác của Tây Tạng để học nghề, và hơn 3.000 người được đưa đến các khu vực khác của Trung Quốc, báo cáo cho biết.
“Trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy mạnh chính sách đồng hóa dân tộc thiểu số, có khả năng gây ra sự mất mát lâu dài của các di sản ngôn ngữ, văn hóa và tinh thần”, Adrian Zenz tác giả của báo cáo, và cũng là nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nạn nhân có trụ sở tại Mỹ, viết.
Sau Tân Cương,
chính sách cải tạo của TQ ở Tây Tạng bị vạch trần
Trọng Nghĩa
Tương tự như chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc cũng đã đưa hàng trăm ngàn người Tây Tạng vào trong những trại cải tạo lao động. Một cuộc điều tra của hãng tin Anh Reuters và một báo cáo của một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố ngày 22/09/2020 đã vạch trần chiến dịch đàn áp nói trên được bao bọc dưới lớp vỏ xóa đói giảm nghèo.
Trong bài “Trung Quốc thẳng tay mở rộng chương trình chuyển đổi cơ cấu lao động hàng loạt ở Tây Tạng (China sharply expands mass labor program in Tibet)”, Reuters nêu bật việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch đưa ngày càng nhiều lao động nông thôn người Tây Tạng ra khỏi các vùng đất canh tác để chuyển họ đến các “trung tâm huấn nghệ kiểu quân đội” vừa được xây dựng.
Reuters ghi nhận là với chính sách đó, các nông dân Tây Tạng đã bị biến thành công nhân nhà máy, tương tự như chương trình đã được áp dụng tại vùng Tân Cương, nhắm vào thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, vốn đã bị quốc tế lên án là hành vi cưỡng bức lao động.
Kết luận trên đây đã được Reuters đưa ra sau khi tham khảo hàng trăm bài viết trên báo chí chính thức của Trung Quốc, văn kiện chính sách của các cơ quan chính quyền tại Tây Tạng cũng như các yêu cầu tuyển dụng được ban hành trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.
Nội dung giảng dạy trong các trung tâm huấn nghệ dành cho người Tây Tạng đã được nêu bật trong bài nghiên cứu mang tựa đề “Hệ thống huấn nghệ theo kiểu quân sự áp dụng tại Tân Cương đang được triển khai tại Tây Tạng (Xinjiang’s System of Militarized Vocational Training Comes to Tibet)”, đăng trên trang mạng trung tâm nghiên cứu Mỹ Jamestown Foundation.
Tác giả bài viết, chuyên gia người Đức về Tân Cương Adrian Zenz, đã nói đến việc người Tây Tạng đã được dạy về tinh thần “kỷ luât” và “lòng biết ơn” Đảng và Nhà nước Trung Quốc để sửa chữa “tư duy lạc hậu”.
Đối với Adrian Zenz, chương trình áp dụng tại Tây Tạng chẳng khác gì điều đã được thấy tại Tân Cương, nơi những người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị tẩy não và bị buộc phải làm việc trên dây chuyền sản xuất của các nhà máy.
15% dân số Tây Tạng đã bị đưa vào các trại huấn nghệ
Dù quy mô chiến dịch tại Tây Tạng không lớn bằng những gì đang diễn ra ở Tân Cương, nhưng theo hai bài nghiên cứu, đã có hàng trăm ngàn người Tây Tạng, tương đương với 15% dân số Tây Tạng, đã bị đưa vào các trại huấn nghệ nói trên. Kế hoạch bắt đầu vào năm 2016 nhưng đã tăng tốc vào năm 2020.
Theo Reuters, trên danh nghĩa, chính sách mà Bắc Kinh tiến hành tại Tây Tạng là nhằm xóa đói giảm nghèo, chuyển lực lượng lao động dư thừa từ vùng nông thôn vào các khu công nghiệp, ở Tây Tạng cũng như những vùng khác đang cần nhân công.
Một thông báo hồi tháng 8 của chính quyền Tây Tạng cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2020, hơn 500.000 người đã được đào tạo theo chương trình huấn nghệ được áp dụng, với gần 50.000 người được bố trí việc làm tại Tây Tạng, hàng ngàn người còn lại được chuyển tới các nơi khác ở Trung Quốc.
Ghi nhận của Reuters là nhiều người phải trở thành công nhân dệt may, xây dựng và nông nghiệp với đồng lương rẻ mạt. Điều đáng nói là cách làm của Trung Quốc rất thô bạo, ép buộc các nông dân hay người chăn nuôi Tây Tạng rời bỏ nông thôn, đưa họ vào các trung tâm huấn luyện khắc nghiệt tương tự như những trung tâm dùng để giam giữ người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ép người Tây Tạng thay đổi phương thức sống
Trả lời hãng Reuters, Adrian Zenz, nhà nghiên cứu độc lập về Tây Tạng và Tân Cương tố cáo : « Đây là cuộc tấn công trực diện, mạnh mẽ và rõ ràng nhất vào truyền thống sinh hoạt của dân Tây Tạng kể từ thời Cách Mạng Văn Hóa ».
Đối với ông Zenz : « Đó là hành vi ép buộc thay đổi phương thức sống từ trang trại và du mục sang lao động lãnh lương ».
Trả lời Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc phủ nhận chuyện lao động cưỡng bức, khẳng định rằng Trung Quốc là đất nước pháp quyền và công nhân tình nguyện làm việc và được trả lương thỏa đáng.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc thì đưa tin chi tiết về chương trình này, mô tả đó là cách xóa đói giảm nghèo cho người Tây Tạng.
Chính sách Tân Cương và Tây Tạng do cùng một người đề xuất
Điểm được Reuters chú ý là một trong những người lập ra kế hoạch ở Tây Tạng, lại chính là Trần Toàn Quốc, người đã thực hiện chính sách đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương từ năm 2016.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1 triệu người ở Tân Cương, đã bị quây bắt và giam giữ trong các trại, đồng thời bị giáo dục tư tưởng. Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại, nhưng sau đó lại biện minh rằng đó là các trung tâm dạy nghề và giáo dục.
Tuy nhiên theo ông Zenz, chương trình và điều kiện ở Tân Cương và Tây Tạng khác nhau.
Mô hình ở Tây Tang có vẻ tự nguyện hơn, và « không có dấu hiệu cho thấy có tình trạng giam cầm không xét xử ở vùng tự trị Tây Tạng ».
Cho dù vậy, cũng theo chuyên gia này, trong một chế độ độc đoán như Trung Quốc, thì khó mà xác định ranh giới giữa cưỡng bức và tự nguyện.
Cũng như ở Tân Cương, Tây Tạng đã trở thành mục tiêu của các chính sách hà khắc để « duy trì ổn định », dập tắt « chủ nghĩa ly khai », trong đó có việc thắt chặt kiểm soát hoạt động tôn giáo.
Bắc Kinh bị tố cáo “diệt chủng văn hóa” ở Tây Tạng
Tháng 8 vừa qua, chính chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết là Bắc Kinh sẽ tăng cường các nỗ lực chống chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng, Giới bảo vệ nhân quyền không ngần ngại cáo buộc chính quyền Trung Quốc thực hiện một chính sách « diệt chủng văn hóa ».
Chuyên gia Zenz nêu rõ : « Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng chính sách đồng hóa dân tộc ít người, các chính sách này về lâu về dài sẽ làm mất đi di sản ngôn ngữ, văn hóa và tinh thần »..
Điểm chung của các trại « huấn nghệ » ở Tân Cương hay Tây Tạng, theo ông Zenz là chương trình huấn luyện theo kiểu quân sự, thuật ngữ tiếng Hoa « quân lữ thức (junlüshi) » bao gồm giáo dục tinh thần yêu nước và dĩ nhiên là dạy tiếng Hoa.
Phát hiện của giới nghiên cứu cho thấy là Trung Quốc đang đẩy mạnh cuộc chiến đồng hóa ngôn ngữ, văn hóa, áp đặt những chính sách sẽ xóa đi di sản các nhóm chủng tộc khác như Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và trong một tương lai gần là sắc dân Mông Cổ ở vùng Nội Mông.
Trung Quốc cưỡng ép 500.000 người Tây Tạng
vào các chương trình ‘lao động cưỡng bức’
Đại Nghĩa
Sau khi mở rộng hàng loạt các trại cưỡng bức lao động trong các cuộc đàn áp với người tu luyện Pháp Luân Công, người bất đồng chính kiến… những năm gần đây chế độ Trung Quốc đang áp dụng phương thức đàn áp này với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, phật tử Phật giáo Tây Tạng.
Theo một bài viết trên tờ The Guardian hôm 22/9, chính quyền Trung Quốc đang mở rộng “chương trình lao động” hàng loạt ở Tây Tạng, mà các chuyên gia đã so sánh với các hoạt động lao động cưỡng bức ở Tân Cương, theo bằng chứng thu thập được bởi một nhà nhân chủng học người Đức và đã được xác thực bởi Reuters.
Theo các tài liệu phân tích bởi nhà nghiên cứu Adrian Zenz – viện nghiên cứu Jamestown Foundation của Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập định mức để cưỡng ép di dời hàng trăm ngàn lao động nông thôn Tây Tạng ra khỏi vùng đất của họ đến các cơ sở “theo kiểu quân đội” để “đào tạo” họ thành các công nhân trong nhà máy.
Các tài liệu bao gồm một thông báo của chính quyền khu vực Tây Tạng cho biết 15% dân số – tức hơn 500.000 người – đã trải qua chương trình đào tạo trong bảy tháng đầu năm nay. Trong số đó có gần 50.000 người được chuyển đến làm việc tại Tây Tạng và hàng nghìn người được gửi đến các khu vực khác để làm những công việc với mức lương thấp như sản xuất đồ dệt may và xây dựng.
Chương trình đã được áp dụng tại Khu tự trị Tây Tạng vào năm 2019 và 2020 nhằm thúc đẩy việc đào tạo và chuyển giao “lao động thặng dư ở nông thôn”, một thuật ngữ cũng được sử dụng trong sách trắng do Bắc Kinh xuất bản hồi tuần trước nhằm biện hộ cho các chương trình lao động cải tạo của họ ở Tân Cương.
Nhà nghiên cứu Zenz viết rằng, chính sách di chuyển lao động cho phép lao động nông thôn được đào tạo nghề tập trung “kiểu quân đội”, nhằm mục đích cải cách “tư duy lạc hậu” và bao gồm đào tạo về “kỷ luật lao động”, luật pháp cùng ngôn ngữ Trung Quốc.
Các báo cáo khác do ông Zenz ghi lại lưu ý rằng quá trình này đòi hỏi phải “làm loãng ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo” (Phật giáo Tây Tạng), bên cạnh chính sách khuyến khích người Tây Tạng chuyển đất của họ cho các hợp tác xã do chính phủ điều hành.
Ông Zenz viết: “Bằng chứng tổng thể cho thấy sự hiện diện có hệ thống của nhiều yếu tố cưỡng chế”, bao gồm các chỉ tiêu bắt buộc và hướng dẫn nhằm tạo “áp lực” lên cấp dưới hoàn thành các mục tiêu, đưa chỉ tiêu vào điểm “đánh giá cán bộ đảng viên’ hàng năm.
Ông cho biết có rất nhiều sự tương đồng giữa chương trình này với chương trình đào tạo cưỡng chế tại Tân Cương. Ví dụ như:
– Cả hai đều có chung nhóm mục tiêu. Chúng đều tập trung cao độ vào việc cưỡng chế một nhóm thiểu số yếu thế thay đổi phương thức sinh kế truyền thống của họ.
– Sử dụng diễn tập quân sự và quản lý huấn luyện theo phong cách quân nhân để rèn luyện kỷ luật và tuân thủ; nhấn mạnh sự cần thiết phải “chuyển đổi” tư duy và bản sắc của người lao động, cải tạo tình trạng “lạc hậu” của họ.
– Dạy luật và tiếng Hán nhằm làm suy yếu “ảnh hưởng tiêu cực” của tôn giáo.
– Áp chỉ tiêu cụ thể và gây áp lực lớn lên các quan chức để đạt được các mục tiêu của chương trình.
Theo Zenz, các tài liệu chính sách quan trọng tiết lộ các quan chức đảng phải đáp ứng chỉ tiêu nghiêm ngặt hoặc đối mặt với hình phạt. Các công ty sử dụng số lượng công nhân tối thiểu và các công ty môi giới địa phương sẽ được thưởng tiền.
Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “phủ nhận mạnh mẽ” các cáo buộc lao động cưỡng bức, và nói rằng Trung Quốc là một quốc gia có pháp quyền, và rằng người dân lao động một cách tự nguyện và được hưởng lương thỏa đáng.
“Cái mà những người có động cơ ẩn giấu này gọi là ‘lao động cưỡng bức’ đơn giản là không tồn tại. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ phân biệt đúng sai, tôn trọng sự thật và không bị lừa dối bởi những thông tin sai lệch”, tuyên bố có đoạn.
Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng lớn của quốc tế trong việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, trong đó bao gồm việc bắt giam hàng loạt để cải tạo, giám sát, hạn chế thực hành văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo và cưỡng bức triệt sản phụ nữ. Các chuyên gia nói rằng các hoạt động này cấu thành nên tội ác diệt chủng văn hóa.
Các cáo buộc đã bị Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận, vốn tuyên bố các chính sách của họ là nhằm mục đích chống khủng bố và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, các nhà báo và các nhóm nhân quyền bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận các trại giam bí mật.
Zenz là một nhà nghiên cứu độc lập chuyên về Tân Cương và Tây Tạng. Công việc của ông bao hàm việc kiểm tra các tài liệu của chính phủ Trung Quốc. Nghiên cứu của ông là nguồn thông tin chính về các chương trình lao động cải tạo ở cả hai khu vực và đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.
ĐCSTQ dùng những thủ đoạn gì
để bắt giáo viên phải trung thành?
Lục Du
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang thực thi các biện pháp hà khắc để đảm bảo giáo viên ở tất cả các cấp học phải tuyệt đối trung thành với lực lượng này.
Để đạt được mục đích này ĐCSTQ đã tìm mọi cách để giáo viên tiếp xúc ít nhất có thể với các nền dân chủ, tôn giáo và những phát biểu phản biện Bắc Kinh.
Bitter Winter cho hay, kể từ khi ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực vào năm 2013, các biện pháp kiểm duyệt và kiểm soát đối với giáo viên tiếp tục được tăng cường. Nhiều nhà giáo đã bị trừng phạt vì phát ngôn “không đúng mực” và có những “tư tưởng” khác.
Trong số các biện pháp mà ĐCSTQ quản lý giáo viên, có những quy định hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại của các thầy cô giáo. Giáo viên phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan quản lý sau mỗi chuyến đi nước ngoài hoặc có thể không được phép rời khỏi Trung Quốc, thậm chí không thể đi du lịch ở Hồng Kông, Macau hay Đài Loan, những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh đang quản lý hoặc tuyên bố là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Những người không tuân theo các quy định này sẽ bị trừng phạt và có thể bị mất việc làm.
Vào tháng 12/2019, Phòng Giáo dục Ruian, một thành phố cấp quận ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, đã chỉ trích công khai ba giáo viên địa phương vì đi du lịch nước ngoài, trong số đó có người chưa nhận được chấp thuận cho xuất ngoại từ lãnh đạo, những người còn lại tự ý kéo dài chuyến du lịch mà không xin phép.
Một giáo viên tiểu học ở Nội Mông xác nhận với Bitter Winter rằng việc đi du lịch nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn. “Chúng tôi phải trải qua một quy trình phê duyệt nhiều cấp và bao gồm một cuộc phỏng vấn để họ tìm hiểu những hiểu biết của chúng tôi về các vấn đề đối ngoại và đối nội, và chúng tôi phải nộp lại hộ chiếu sau mỗi chuyến đi”, giáo viên này cho biết. “Những người không nộp hộ chiếu trong thời hạn đã định sẽ bị chỉ trích công khai và hộ chiếu của họ bị thu hồi trong 5 năm”.
Một nữ giảng viên đại học ở Nội Mông nói với Bitter Winter rằng một đoàn thanh tra của chính quyền trung ương đã đến trường của bà vào tháng Mười năm ngoái để điều tra quan điểm của giảng viên đối
với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Họ phỏng vấn riêng đối với tất cả các giảng viên và theo dõi các lớp học của họ để xác định xem họ có “tư tưởng phản động” hay không. Những ai có “lời nói không đúng” đã bị trừng phạt.
“Chúng tôi bị theo dõi trong mọi giờ học”, giảng viên này nói. Bà cho biết thêm rằng Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành một quy định vào năm 2016 trong đó yêu cầu giáo viên “không được nói hoặc làm bất cứ điều gì chống lại đường lối của Đảng trong các hoạt động giáo dục hoặc giảng dạy”.
Chính quyền sẽ tìm hiểu thông tin từ những học sinh, sinh viên mà họ cài cằm ở các lớp để quản lý việc giáo viên thực hiện mệnh lệnh này.
Một giáo viên tiểu học ở tỉnh Hà Nam nói với Bitter Winter rằng Sở Giáo dục tỉnh đã tổ chức một cuộc họp vào tháng Sáu để xác định “những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực tư tưởng”. Sau đó, mỗi trường được yêu cầu thành lập một “nhóm kiểm soát tư tưởng” để đảm bảo rằng giáo viên không có các phát ngôn chỉ trích chính phủ hoặc hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhóm này cũng được giao nhiệm vụ điều tra kỹ lưỡng niềm tin tôn giáo của giáo viên.
“Chính phủ tin rằng các giáo viên có đức tin là thù địch với Đảng, ngay cả khi họ không quảng bá đạo của họ”, một giáo viên tiếng Anh ở tỉnh Sơn Đông cho biết. “ĐCSTQ sợ rằng họ sẽ lồng ghép đức tin vào việc giảng dạy. Đó là lý do tại sao họ kiểm soát chặt chẽ giáo viên và muốn họ tuân theo hệ thống tư tưởng của nó và cuối cùng trở thành những con rối không thể suy nghĩ độc lập”.
Vào tháng Sáu năm ngoái, một giáo viên tiểu học ở Sơn Đông đã đề nghị một học sinh Hồi giáo thực hiện một bài thuyết trình giới thiệu về phong tục và truyền thống của dân tộc mình. Giáo viên này sau đó đã bị nhiều cơ quan chính phủ điều tra và buộc phải bỏ nghề.
Theo Bitter Winter
https://www.dkn.tv/the-gioi/dcstq-dung-nhung-thu-doan-gi-de-bat-giao-vien-phai-trung-thanh.html
Mượn ‘găng tay trắng’, tầng lớp quyền thế
Trung Quốc di dời của cải ra nước ngoài
Hương Thảo
Tầng lớp quyền thế và tinh tú Trung Quốc đang chuyển dần tài sản lẫn bản thân họ ra nước ngoài nhờ dựa vào phương thức gọi là “găng tay trắng”, trong đó có các kênh rửa tiền.
Của cải trong xã hội Trung Quốc đang bị phân tán nghiêm trọng, nền kinh tế vận hành theo chiều hướng đi xuống và đối mặt với nhiều rủi ro và áp lực. Trong bối cảnh đó, những năm gần đây, tầng lớp quyền thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu chuyển lượng lớn tài sản và vốn trong tay ra nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau. Quy mô của dòng vốn chảy ra nước ngoài càng ngày càng lớn, số dư dự trữ ngoại hối liên tục giảm mạnh, đây là một thực tế không thể chối cãi.
Tờ Vision Times trong một bài báo đã cho biết hiện trạng nói trên, và nêu tỉ mỉ những hình thức di chuyển tài sản ra nước ngoài của tầng lớp quyền lực của ĐCSTQ.
Bài báo chỉ ra các định nghĩa để xác định các khái niệm về chủ đề này (trong phạm vi nhất định), cụ thể như sau:
1. Tầng lớp quyền thế: Chủ yếu bao gồm các nhóm quan liêu đặc quyền, thế hệ đỏ thứ hai (hồng nhị đại), thế hệ quan chức thứ hai (quan nhị đại), thương gia đỏ (doanh nghiệp nhà nước), một số doanh nghiệp tư nhân hạng sao, các tầng lớp trong vòng tròn lợi ích nhóm, v.v…
2. Của cải: Tiền mặt, tiền gửi bằng nhân dân tệ, trái phiếu, cổ phần, bất động sản, vàng và đồ trang sức, vốn và tài sản trong nước khác bằng đồng nhân dân tệ. Ở đây không xét đến việc tài sản đó có được như thế nào và nó có hợp pháp hay không.
3. Di dời: Chủ yếu bao hàm hai khía cạnh. Một là, di dời của cải từ trong nước ra nước ngoài (châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, v.v.), bao gồm cả vốn và bản thân con người. Hai là, chuyển đổi tài sản và vốn bằng nhân dân tệ sang đô la Mỹ (hoặc euro, bảng Anh, yên Nhật…) và đầu tư “thẻ xanh” – một dạng đầu tư vốn ra nước ngoài để đổi lấy trạng trạng thái thường trú nhân chờ nhập tịch vào các nước (bao gồm châu Âu, Nhật Bản, Úc, v.v…).
4. Găng tay trắng: Các kênh và phương thức được sử dụng để thực hiện việc “di dời” nói trên. Thông qua việc di dời như vậy, tiền đen được tẩy trắng, hoàn toàn bảo hiểm rủi ro nguồn vốn cho tầng lớp quyền thế, bảo mật và tái phân bổ tài sản của giới cao tầng trên phạm vi toàn cầu.
Bài viết này chủ yếu phân tích về khái niệm “găng tay trắng” nghĩa là các kênh và phương thức di dời của cải ra nước ngoài. Nói trắng ra, là làm thế nào để các quan chức ĐCSTQ mang tiền ra nước ngoài?
Theo quy tắc quản lý ngoại hối hiện hành của Trung Quốc, tổng số tiền thanh toán ngoại hối hàng năm cho các cá nhân được đặt ở hạn mức 50.000 đô la Mỹ. Quy mô hạn ngạch như vậy rõ ràng là khó thực hiện được sự chuyển giao vốn cá nhân nhanh chóng. Nhưng nếu áp dụng cách di dời tài sản theo kiểu “kiến tha mồi về tổ” với lượng tiền nhỏ và tần số chuyển tiền cao thì cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, cách thức này quá mất thời gian và có quá nhiều người tham gia, phương pháp bản địa này đương nhiên khó được giới tai to mặt lớn đánh giá cao. Thêm nữa, nếu chỉ có thể bám vào loại phương pháp này thì không xứng “tầng lớp quyền thế”. Theo đặc điểm của tình hình hiện nay, nhìn chung, các cường giả có thể thực hiện việc di dời của cải ra nước ngoài chủ yếu thông qua 4 kênh sau:
Phương thức đơn giản và thô sơ nhất: Ngân hàng ngầm
Đây là một kênh được sử dụng phổ biến và ai cũng biết, đó là thông qua nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng, tiền được gửi vào tài khoản được chỉ định, sau đó ngoại tệ có thể được rút ra từ tài khoản mở ở nước ngoài. Để giảm thiểu sự chú ý của các cơ quan quản lý, quy mô hoạt động thường là chuyển tiền dưới 1 triệu nhân dân tệ cho mỗi tài khoản mỗi lần và phí xử lý nói chung là từ 1% đến 2%. Phương thức này không quá tốn kém, không lộ liễu, được lựa chọn bởi các nhóm giàu sang nhưng chưa phải là thành phần hiển hách, và có số vốn trong tay ở ngưỡng 50 triệu nhân dân tệ. Qua kênh này, dấu vết của việc chuyển tiền không dễ bị phát hiện, vì vậy, những người có thế lực cũng xem đây là một lựa chọn cho việc phân tán tài sản của họ.
Các kênh thương mại xuất nhập khẩu
Đây là kênh trung chuyển theo thương mại, được chia thành hai phương thức hoạt động chủ yếu sau:
Một là, cắt lợi nhuận trong nước. Cụ thể là, sử dụng công ty hợp danh ở nước ngoài, hoặc đơn giản là đăng ký sở hữu công ty thương mại ở nước ngoài, giữ lợi nhuận ở nước ngoài bằng việc hạ giá đầu xuất khẩu và tăng giá đầu nhập khẩu. Các tài khoản như vậy thường được rửa tương đối sạch sẽ.
Hai là, phương thức mậu dịch giả. Nói trắng ra, đó là sử dụng phương thức thương mại tái xuất nước ngoài để gian lận khoản hoàn thuế xuất khẩu quốc gia. Hoạt động cụ thể là thông qua công ty thương mại có thể xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng, lợi dụng hải quan, kho ngoại quan, mạng lưới các công ty hậu cần ở nước ngoài để giao dịch thương phẩm hoặc hàng hóa (không thành vấn đề nếu bạn không có nguồn hàng, bạn có thể lấy bằng cách thuê hàng). Hàng hóa được đóng gói và khai báo hải quan, được chuyển đi đi lại lại khắp trong nước và nước ngoài, kho ngoại quan, hải quan, v.v… để kiếm tiền chênh lệch. Điểm mấu chốt là chỉ cần tổng số thuế xuất khẩu được hoàn (lên đến 17%) cao hơn chi phí nhập khẩu (chủ yếu là thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển và các khoản lợi ích và phí do hải quan và cơ quan thuế đưa ra trong chuỗi chia lãi v.v…) thì có thể hoạt động. Nếu quan hệ giữa các bên tương đối suôn sẻ, lợi nhuận trên mỗi hoạt động có thể đạt 10%, tức là nếu trị giá thương mại tờ khai xuất khẩu là 100 triệu nhân dân tệ thì có thể thu được 10 triệu nhân dân tệ.
Hai phương thức này có thể phát huy hiệu quả, miễn là mối quan hệ giữa hải quan, thuế và hậu cần thấu đáo thông suốt. Chúng phù hợp với các doanh nhân tư nhân, quan chức địa phương và giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước thông thường.
Kênh ngân hàng trong nước và nước ngoài
Chủ yếu là bằng cách cho vay ngoại tệ (bao gồm bảo lãnh trong nước và vay nợ nước ngoài). Hoạt động cụ thể là gửi tiền vào các ngân hàng trong nước hoặc cung cấp bảo lãnh thông qua các công ty trong nước, sau đó nhận các khoản vay tương ứng từ các chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài. Loại nghiệp vụ này có thể được xử lý bởi các ngân hàng trong nước có chi nhánh ở nước ngoài, chẳng hạn như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, sau khi các tài liệu liên quan có thể được ngân hàng xử lý. Các ngân hàng ở nước ngoài, miễn là họ có chi nhánh ở Trung Quốc, chẳng hạn như HSBC, Standard Chartered và Citibank, cũng có thể xử lý hoạt động này.
Với mục đích di dời của cải, những người sử dụng kênh này thậm chí sẽ không màng đến việc hoàn trả các khoản vay bằng đô la Mỹ (hoặc các loại ngoại tệ lưu hành tự do khác). Trong trường hợp, tiền gửi trong nước là nhân dân tệ, cứ việc chuyển đi, dù sao thì tôi cũng rút được đồng đô la Mỹ tương ứng ở nước ngoài. Nếu đó là một tài sản bảo lãnh trong nước, thì cũng là loại tài sản mà bạn không còn muốn nữa, ngân hàng chỉ cần đem nó ra bán đấu giá là được, dù sao thì của cải của bạn cũng an toàn ra nước ngoài rồi. Sử dụng loại kênh này, dấu vết của các hoạt động để lại là rõ ràng, và nếu bạn muốn quay trở lại Trung Quốc, sẽ có tương đối di chứng và nhiều ràng buộc khác nhau. Vì vậy, nó phù hợp hơn cho các nhóm người muốn hoàn toàn nhập cư nước ngoài và cần phải chạy trốn.
Các kênh đầu tư ra nước ngoài và mua bán sáp nhập
Bắt đầu từ năm 2011, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã tăng cường phê duyệt cho các hoạt động đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài. Điểm khởi đầu để phê duyệt các dự án tài nguyên đã được nâng lên 300 triệu đô la Mỹ, và các dự án phi tài nguyên được nâng lên 100 triệu đô la Mỹ.
Từ góc độ quy mô nguồn vốn mà xét, phương pháp này là lối chơi mà giới tinh anh của nhóm quyền lực thực sự sẽ quan tâm. Chỉ có tầng lớp quyền lực cốt lõi mới có thể xin được lượng lớn hạn ngạch ngoại hối để chuyển khoản và thanh toán ra nước ngoài.
Tiếp theo, nhìn vào quy trình phê duyệt cụ thể cho các hoạt động M&A. Trước tiên, hãy đến Trụ sở Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) để đăng ký hồ sơ, sau đó xin phê duyệt dự án từ Ủy ban Cải cách và Phát triển và Bộ Thương mại, và quay lại SAFE để xin phê duyệt ngoại hối. Bằng cách này, của cải tài sản quy mô lớn có thể được chuyển trực tiếp ra nước ngoài dưới dạng đô la Mỹ (hoặc euro, bảng Anh, v.v…).
Cho dù đó là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân (nhìn chung đều có nền tảng hoặc quan hệ mật thiết với ĐCSTQ), miễn là tiền dưới dạng vốn đầu tư có thể xuất cảnh ra nước ngoài một cách an toàn và hợp pháp, thì đến bước tiếp theo là các thao tác cụ thể để tiền chảy vào tài khoản cá nhân của các bên liên quan, chẳng hạn như lập các báo cáo sai, thua lỗ đầu tư và đăng ký công ty nước ngoài v.v…. cuối cùng tiền cũng vào bờ.
Có thể vận hành một quỹ quy mô lớn như vậy để xuất cảnh của cải dưới hình thức đầu tư và sáp nhập, và cách tiến hành ra sao để di dời mọi tài sản một cách an toàn v.v… Đối với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ, hay những người nắm giữ các doanh nghiệp trung ương và các tài phiệt đỏ, bạn không phải lo lắng thay cho họ, họ không thiếu sự khôn ngoan và điều kiện lợi hại.
Các kênh ở trên, với các cấp độ khác nhau được cho là những cách chính để tầng lớp quyền thế di dời của cải khỏi Trung Quốc.
Có một vài phân tích giả thuyết khác, giả sử việc di dời của cải đang được tiến hành hoặc chưa hoàn tất, thì xét từ góc độ nhu cầu và hành vi của những cá nhân quyền quý mà nói, có thể đưa ra vài tiên liệu:
1. Tỷ giá nhân dân tệ sẽ không bùng nổ mạnh trong ngắn hạn. Bởi vì tỷ giá hối đoái so với đô la Mỹ duy trì ở mức cao tương đối ổn định, có lợi cho việc chuyển nhượng tài sản và vốn bằng nhân dân tệ.
2. Bong bóng giá bất động sản sẽ không bị xuyên thủng hoàn toàn trong ngắn hạn. Vì thế chấp bằng bất động sản là một trong những phương thức chính để di dời của cải, nên giá trị tài sản cần phải được duy trì ở một mức mà người có quyền lực công nhận.
3. Bong bóng nợ sẽ không bị thủng hoàn toàn trong ngắn hạn, bởi giới quyền lực và chức sắc ĐCSTQ sử dụng hình thức quỹ nợ tích lũy và tài sản ở nước ngoài để chuyển của cải, y nhiên cần duy trì một bối cảnh bong bóng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu việc di dời của cải của giới quyền thế về cơ bản hoàn tất? Có kịch bản là, sau khi các quỹ quy mô lớn rút khỏi Trung Quốc thì tỷ giá nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh, lúc này vốn chuyển ra nước ngoài chuyển thành đô la Mỹ sẽ quay vòng đổi lại sang nhân dân tệ để vào Trung Quốc, tài sản nhân dân tệ trong tay giới quyền thế sẽ tăng vọt. Đặc biệt trong khoảng thời gian phá giá tiền mà mua lại tài sản bằng đồng nhân dân tệ, đó là cơ hội thu được lợi nhuận khổng lồ.
Trước đây, các tập đoàn An Bang, Vạn Đạt, Tiền Hải, Hằng Đại và các ông trùm đội mũ doanh nhân đỏ khác đều đã thực hiện các thương vụ đầu tư và M&A quy mô lớn ở nước ngoài. Quy mô và phương thức vận hành vốn của họ không phải thứ mà người bình thường có thể làm được — những điều này nằm ở bên trong tầng nước sâu.
Theo Vision Times,
Hương Thảo biên dịch
TT Philippines bất ngờ nêu bật giá trị phán quyết
Biển Đông năm 2016 tại Đại Hội Đồng LHQ
Mai Vân
Báo chí Philippines ca ngợi bài phát biểu, qua video, của tổng thống Rodrigo Duterte, ngày hôm qua, 22/09/2020, nhân khóa họp thường niên Đai Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York. Nguyên thủ Philippines đã tuyên bố kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Trong diễn văn được thu trước để phát tại hội trường Liên Hiệp Quốc, tổng thống Duterte trước hết khẳng định những hành động của Philippines tại Biển Đông luôn phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 và Phán Quyết Trọng Tài 2016.
Theo ông : « Phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm của các chính phủ khác nhau để có thể bị xóa mờ, giảm thiểu giá trị hay bỏ đi ». Ông Duterte khẳng định rằng Philippines « kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này ».
Lãnh đao Philippines đồng thời « hoan nghênh việc ngày càng có nhiều nước ủng hộ phán quyết » mà theo ông « đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước sự thiếu suy nghĩ, của luật pháp trước sự vô trật tự, của tình thân trước tham vọng ».
Phát biểu của tổng thống Philippines về Biển Đông, và nhất là về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, rõ ràng sẽ khiến Trung Quốc bất bình. Phát biểu trước ông Duterte, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không hề nói đến Biển Đông.
Động thái của ông Duterte khá bất ngờ vì trước đó, ông hoàn toàn im lặng trước những lời kêu gọi ông nêu vấn đề Biển Đông tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong lúc trong chính quyền của ông đã có một số ý kiến cho rằng không cần phải nhắc đến phán quyết này ở Liên Hiệp Quốc.
Báo chí Philippines đã lên tiếng ca ngợi tổng thống Duterte. Một ví dụ : Trang tin Rappler cho rằng ông Duterte đã « làm nên lịch sử » khi mượn một diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để nêu lên « chiến thắng pháp lý đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ». Theo Rappler, tuyên bố của ông Duterte chẳng khác gì một « quả bom ».
Trước phát biểu về Biển Đông của tổng thống Philippines, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/09 đã lên tiếng hoan nghênh việc ba nước châu Âu là Anh, Đức và Pháp, ngày 16/09 đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một tin nhắn Twitter, ông Pompeo tuyên bố « hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc ».
Phe bảo hoàng Thái Lan biểu tình
phản đối sửa đổi hiến pháp
Hàng trăm người thuộc phe bảo hoàng của Thái Lan hôm 23/9 đã xuống đường phản đối lời kêu gọi sửa đổi hiến pháp của những người biểu tình chống chính phủ, theo Reuters.
Tin cho hay, phiên họp đặc biệt của quốc hội đã được triệu tập sau gần hai tháng xảy ra các cuộc biểu tình lớn với sự tham dự của hàng chục nghìn người vào những ngày cuối tuần.
Người biểu tình đòi sửa đổi hiến pháp mà họ cho là được soạn thảo để bảo đảm rằng cựu lãnh đạo quân nhân Prayuth Chan-ocha níu giữ chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Theo Reuters, họ muốn ông từ chức. Một số người biểu tình cũng cho rằng hiến pháp trao quá nhiều quyền lực cho Quốc vương Maha Vajiralongkorn.
Hiến pháp năm 2017 được soạn thảo bởi một ủy ban do quân đội chỉ định và đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 mà chiến dịch phản đối của phe đối lập bị cấm. Ông Prayuth nói rằng cuộc bầu cử năm 2019 công bằng.
Ông Warong Dechgitvigrom, người đi đầu trong cuộc tuần hành của nhóm bảo hoàng Thai Pakdee, nói rằng ông đã nộp đơn kiến nghị phản đối sửa đổi hiến pháp với 130 nghìn chữ ký.
Theo Reuters, nhóm này có bước đi như vậy sau khi tổ chức theo dõi pháp luật của Thái Lan iLaw đệ trình dự thảo cương lĩnh lên quốc hội hôm 22/9 trước sự cân nhắc hôm 23/9.
Tuy nhiên, thư ký quốc hội nói rằng dự thảo với sự ủng hộ của hơn 100 nghìn chữ ký không được xem xét trong tuần này vì các chữ ký cần phải được xác minh trước.
Lãnh đạo đối lập Malaysia tuyên bố
đủ khả năng lập chính phủ
Thanh Phương
Hôm nay, 23/09/2020, lãnh đạo đối lập Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố ông đã có đủ sự ủng hộ của các dân biểu Quốc Hội và ông đang xin gặp quốc vương để đề nghị lập một chính phủ mới.
Malaysia hiện đang gặp khủng hoảng chính trị sau khi chính phủ liên minh của thủ tướng Mahathir Mohamad, trong đó có sự tham gia của ông Anwar Ibrahim, bị đổ vào tháng 2 vừa qua do đấu đá nội bộ. Đứng đầu chính phủ liên minh hiện nay là ông Muhyiddin Yassin, nhưng chính phủ này có một đa số rất yếu tại Quốc Hội.
Theo hãng tin AFP, tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm nay, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim, năm nay 73 tuổi từ lâu vẫn muốn làm thủ tướng, khẳng định nay ông đã có đủ số dân biểu Quốc Hội để lập một chính phủ mới.
Theo Hiến Pháp Malaysia, quốc vương nắm quyền chính thức bổ nhiệm thủ tướng, nếu ứng viên chứng minh có đủ sự ủng hộ tại Quốc Hội. Ông Anwar cho biết theo lẽ ông đã được quốc vương Malaysia tiếp kiến hôm qua, nhưng cuộc gặp đã bị dời lại do nhà vua phải được điều trị về bệnh tim tại Kuala Lumpur. Lãnh đạo đối lập khẳng định sẽ gặp quốc vương sau khi ông khỏi bệnh để xin lập chính phủ mới.
Tuy nhiên, Anwar Ibrahim không nói rõ là hiện có bao nhiêu dân biểu Quốc Hội ủng hộ ông. Trên nguyên tắc, muốn lập chính phủ phải có một đa số 222 dân biểu ở nghị viện Malaysia.
Theo AFP, tuyên bố của lãnh đạo đối lập Malaysia hôm nay không hề làm nao núng thủ tướng đương nhiệm. Trong bài phát biểu được truyền hình toàn quốc vào buổi tối, ông Muhyiddin chủ yếu nói về các biện pháp kích thích nền kinh tế Malaysia đang bị tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vào cuối bài diễn văn, ông kêu gọi dân Malayasia ủng hộ chính phủ của ông trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế.