Tin khắp nơi – 23/08/2017
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Aucoin bị sa thải
Hải quân Mỹ vừa miễn nhiệm Phó Đô Đốc Joseph Aucoin khỏi cương vị Tư lệnh Hạm đội 7 sau một loạt những vụ va chạm tàu chiến ở Châu Á.
Mười thủy thủ vẫn mất tích sau khi khu trục hạm USS John S McCain va chạm với một chiếc tàu chở dầu gần Singapore vào hôm thứ Hai.
Các giới chức hải quân cho hay thi thể người được tìm thấy trong các khoang kín trên tàu hiện đang đậu ở cảng Singapore.
Đây là tai nạn thứ tư xảy ra trong năm nay.
Trong một tuyên bố, Hải quân Mỹ cho biết họ mất niềm tin vào khả năng chỉ huy của Phó Đô Đốc Aucoin.
Hạm đội Bảy, đặt tại Yokosuka, Nhật Bản, là hạm đội triển khai lớn nhất trong Hải quân Mỹ, với khoảng 50 đến 70 tàu và tàu ngầm.
Thủy thủ gốc Việt thiệt mạng vụ đâm tàu USS Fitzgerald
Hải quân Mỹ ra lệnh ‘tạm ngừng hoạt động’ sau vụ đâm tàu
Phó Đô Đốc Aucoin, người là chỉ huy Hạm đội từ năm 2015, sắp nghỉ hưu trong vài tuần tới. Người được chỉ định kế nhiệm ông sẽ thay thế ông ngay lập tức.
Việc miễn nhiệm ông là quyết định mới nhất trong một loạt các quyết định mà quan chức Hải quân đưa ra sau vụ va chạm tàu USS John S McCain. Không rõ khi nào một thông báo chính thức sẽ được đưa ra.
Vụ việc đã dẫn tới việc “tạm dừng hoạt động” trên toàn cầu của các hạm đội Hải quân Mỹ cũng như việc duyệt xét lại các hoạt động của họ.
Tiếp tục tìm kiếm
Tàu USS John S McCain đang ở phía đông Singapore khi nó va chạm với tàu chở dầu Alnic MC vào rạng sáng hôm thứ Hai.
Vụ va chạm đã gây ra một lỗ thủng lớn bên sườn trái của tàu khu trục và làm ngập các khoang bên dưới bao gồm cả khoang dành cho thủy thủ. Năm thuỷ thủ đã bị thương.
Khu trục hạm nay đang đậu tại căn cứ hải quân Changi của Singapore.
Tàu, phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ, Indonesia, Malaysia và Singapore đã tham gia tìm kiếm 10 thủy thủ mất tích.
Hôm thứ Ba, các viên chức tuyên bố tìm thấy thi thể người trong các khoang kín bị ngập nước trên khu trục hạm.
Họ cũng xác minh danh tính của một thi hài tìm thấy trên biển mà Hải quân Malaysia tìm thấy.
Tàu Alnic MC cũng bị thiệt hại ở một khoang chứa gần mũi tàu nhưng không thủy thủ nào bị thương và không bị tràn dầu.
Những vụ va chạm trước
Vụ việc này là vụ thứ tư trong năm nay khi một tàu Hải quân Mỹ va chạm ở châu Á.
Cách đây hai tháng, bảy thủy thủ Mỹ đã bị thiệt mạng khi tàu USS Fitzgerald va chạm với một tàu chở container tại vùng biển Nhật Bản gần thành phố cảng Yokosuka.
Kỷ luật sỹ quan khu trục hạm USS Fitzgerald
Tìm kiếm thủy thủ USS Fitzgerald sau va chạm
Tìm thấy thi thể thủy thủ USS Fitzgerald
Những thủy thủ thiệt mạng được tìm thấy trong các khoang bị ngập nước trên tàu sau vụ va chạm khiến thân tàu bị thủng một lỗ lớn bên dưới vạch nước của tàu chiến này.
Hải quân Mỹ nói tuần trước là khoảng mười thủy thủ bị kỷ luật và vị chỉ huy cùng các sĩ quan cao cấp khác sẽ bị đưa khỏi tàu.
Hồi tháng Năm, một tàu tuần dương có hỏa tiễn dẫn đường của Hoa Kỳ đã va chạm với một tàu cá Nam Hàn trong khi hồi tháng 1 khi ứng cứu một tàu khác bị mắc cạn gần căn cứ Hạm đội 7 ở Yokosuka.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41023418
Ba Lan muốn xóa hết tên đường liên quan đến thời CS
Chính quyền cánh hữu Ba Lan thúc đẩy cho một phong trào xóa di sản của thời xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc nhưng đang gặp phải phản ứng.
Luật của chính phủ Ba Lan do Đảng thiên hữu “Pháp luật và Công lý” nắm giữ muốn đổi tên gần như tất cả các đường phố có dính líu đến thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.
Nhưng tại một đô thị miền Nam nước này, đa số người dân bảy tỏ ý kiến không đồng ý về kế hoạch muốn bỏ tên cố Tổng bí thư Đảng cộng sản trong thập niên 1970, ông Edward Gierek (1913-2001) khỏi một ngã tư.
Mới năm 2002, một năm sau khi ông Gierek qua đời, Hội đồng thành phố Sosnowiec đã bỏ phiếu công nhận ông là “công dân danh dự vĩnh viễn” của họ.
Ba Lan hạ lương hưu hàng nghìn công an CS
Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai?
Bị gọi lên đồn công an chỉ vì là cộng sản?
Trang Newsweek Polska (15/08/2017) nói 97,3% trong 13 nghìn dân thành phố mỏ Sosnowiec tham gia cuộc tham vấn công khai hồi tháng 6, muốn giữ tên tuổi ông Edward Gierek, nhà lãnh đạo Ba Lan từ năm 1970 đến năm 1980, là “người bảo trợ” cho địa điểm trung tâm thành phố của họ.
Xóa sạch và dọn sạch?
Luật mới nhất của chính quyền cánh hữu Ba Lan được thông qua gần đây yêu cầu cho đến ngày 1/09 năm nay, các địa phương trên cả nước xóa bỏ mọi tượng đài, tên phố có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản.
Ba Lan: Biểu tình ‘Biển Nến’ vì tam quyền phân lập
Tự do báo chí ở Ba Lan tụt hạng
Tổng thống Ba Lan phủ quyết luật Toà Tối cao
Một số tượng đài chiến sỹ Hồng quân Liên Xô có thể sẽ bị bứng đi khỏi công viên.
Lần trước, sau năm 1989, Ba Lan đã trải qua một lần thay đổi tên đường phố.
Nhưng khi đó một số tên tuổi như Yuri Gagarin vẫn còn lại trên đường phố Ba Lan.
Vào thời điểm ấy, người ta lập luận rằng ông Gagarin tuy là sỹ quan không quân Liên Xô nhưng cũng là người đầu tiên bay vào vũ trụ nên “thuộc về nhân loại” nhiều hơn là thuộc về chế độ Xô Viết.
Lần này, có thể cả cái tên nhà du hành vũ trụ Nga cũng sẽ bị xóa, dù chính quyền địa phương ở một số nơi như thành phố Torun vẫn muốn giữ, theo bài trên trang Onet gần đây.
Tại Katowice, tên của một cựu chủ tịch tỉnh là Jerzy Zietek thời cộng sản cũng có thể bị xóa, cùng tên nhà thơ Lucjan Szenwald và vận động viên boxing được huy chương Olympics năm 1952, ông Henryk Nowara.
Điều đáng nói là không chỉ người dân mà các quan chức địa phương ở nhiều đô thị Ba Lan không đồng tình với cách xóa hết tên tuổi những người nổi tiếng từ quê hương của họ.
Ở Opole, ý kiến tại địa phương không muốn xóa tên phố “Những anh hùng bảo vệ Stanlingrad” (Obrońców Stalingradu), và ý tưởng bỏ tên phố Anh hùng Việt Nam (Bohaterow Wietnamu) ở Krakow cũng không được hoan nghênh.
Theo nhà báo Nguyễn Giang của BBC, người theo dõi tình hình Ba Lan nhiều năm nay thì phản ứng của một phần không nhỏ công chúng Ba Lan vì họ thấy là chính quyền lần này đi quá đà trong việc áp dụng nhãn quan chính trị cánh hữu của họ.
“Riêng tại Sosnowiec thì con số người dân vẫn tôn trọng ông Edward Gierek không phải là nhỏ và với họ, ông là người có công cho địa phương này.”
“Chưa kể ông Gierek làm lãnh đạo trong giai đoạn kinh tế Ba Lan phát triển và chính phủ xây cất trên 3 triệu căn hộ mới, phát không cho hàng triệu gia đình công nhân viên chức, điều khó có thể xảy ra ở thời kinh tế thị trường.”
Hiện chưa rõ trước phản ứng của người dân, chính phủ Ba Lan sẽ làm gì với cái tên Ngã tư Edward Gierek.
Tin mới nhất chưa được kiểm chứng cho hay họ có thể phải đổi dự án này bằng cách xây lại đường tại khu vực đó để xóa bằng được tên ông Gierek.
http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-41029234
Mỹ chế tài các công ty Trung Quốc, Nga giúp Bắc Hàn
Mỹ áp đặt các biện pháp chế tài đối với cả chục công ty Nga và Trung Quốc và các cá nhân mà họ cáo buộc giúp chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Động thái này được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, gồm Nga và Trung Quốc, bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt tiếp theo với Bình Nhưỡng.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nói các biện pháp chế tài sẽ “gia tăng áp lực” đối với Bắc Hàn, nhưng động thái này làm Trung Quốc tức giận.
Chiến tranh Bắc Hàn sẽ ‘kinh hoàng’
Người đào tẩu Bắc Hàn bị bắt cóc?
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson khen Bắc Hàn “biết kiềm chế” những ngày gần đây.
“Chúng ta không thấy Bình Nhưỡng phóng tên lửa hoặc có hành động khiêu khích từ khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua,” ông nói.
“Điều này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán giữa hai bên “trong tương lai gần”.
Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài của Hoa Kỳ định danh 10 công ty và sáu cá nhân bị trừng phạt.
“Bộ Ngân khố sẽ tiếp tục gây áp lực lên Bắc Hàn bằng cách nhắm tới những người trợ giúp các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân và cô lập họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ”, Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin nói.
Các biện pháp chế tài nghĩa là các cá nhân và công ty Mỹ không được phép làm ăn với các công ty này.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ “ngay lập tức sửa sai lầm” khi trừng phạt các công ty nước này.
Một loạt vụ thử tên lửa của Bắc Hàn những tháng gần đây – cùng với lời đe dọa lặp tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu – làm gia tăng căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Bắc Hàn đã đe dọa sẽ phóng tên lửa gần đảo Guam.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với “hỏa thịnh nộ chưa từng có”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40991182
Barcelona kiện Neymar khoản tiền 8,5 triệu euro
Barcelona đang kiện cầu thủ Neymar về khoản tiền 8,5 triệu euro liên quan tới hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục thế giới sang chơi cho Paris St-Germain.
Trong khi đó, cầu thủ tuyển quốc gia Brazil đã chuyển sang câu lạc bộ Pháp vào tháng Tám sau khi mua lại hợp đồng của anh với giá 222 triệu euro.
Barcelona nay muốn Neymar trả lại khoản tiền thưởng mà anh ta đã được trả khi ký gia hạn hợp đồng 5 năm chỉ chín tháng trước khi có việc rời câu lạc bộ.
“Câu lạc bộ yêu cầu cầu thủ trả lại số tiền đã được trả vì đã không hoàn thành hợp đồng của mình,” CLB Barcelona nói.
Ngoài khoản tiền thưởng trị giá 8,5 triệu euro, câu lạc bộ muốn Neymar trả “thêm 10% vì thanh toán chậm”.
Tuyên bố của CLB Barcelona viết tiếp: “Câu lạc bộ cũng yêu cầu Paris St-Germain chịu trách nhiệm thanh toán các khoản này nếu cầu thủ không thể tự trả được.”
“Neymar ư? Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều”
Neymar được phép rời Barcelona sang PSG
Paris St-Germain sau đó phản hồi rằng họ “ngạc nhiên” bởi tuyên bố của Barcelona: “CLB tái khẳng định rằng chúng tôi hết sức tôn trọng tất cả những gì liên quan tới luật lệ và lấy làm tiếc về thái độ của FC Barcelona.”
Vụ kiện đã được thụ lý vào ngày 11 tháng 8 tại tòa ở Barcelona.
Sau vụ chuyển nhượng, Barcelona tuyên bố câu lạc bộ đang phong tỏa một khoản tiền thưởng 26 triệu euro đáng phải trả cho Neymar.
Neymar chỉ trích ban giám đốc câu lạc bộ vào hôm Chủ nhật sau khi anh ghi hai bàn trong trận ra mắt cho PSG với chiến thắng 6-2 trước Toulouse.
“Tôi đã trải qua bốn năm đẹp đẽ ở đó và chia tay vui vẻ”, cầu thủ 25 tuổi nói. “Nhưng đối với ban lãnh đạo CLB thì không như vậy.
“Đối với tôi, họ không phải là những người nên ở đó để dẫn dắt Barca. Barca xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn”.
http://www.bbc.com/vietnamese/sport-41020900
TQ cho phép tàu cao tốc chạy tốc độ tối đa
Các tàu cao tốc của Trung Quốc chuẩn bị lại lập kỷ lục mới về tốc độ nhanh nhất thế giới.
Tàu cao tốc công nghệ động lực phân tán “Phục Hưng” bị giới hạn tốc độ tối đa trong năm 2011 là 300km/h sau hai vụ tai nạn làm 40 người thiệt mạng.
Từ tuần tới, một số tàu sẽ lại được phép chạy với tốc độ cao hơn vào khoảng 350 km/h.
Tốc độ tối đa cao hơn sẽ giảm khoảng một giờ cho hành trình giữa Bắc Kinh và Thượng Hải.
Đến ngày 21/09, bảy tàu cao tốc của Trung Quốc sẽ được phép chạy với tốc độ tối đa được tăng lên.
Để đánh dấu sự trở lại của dịch vụ tàu cao tốc, các tàu đã được đặt tên là “Phục Hưng”, cũng là để hướng theo khẩu hiệu của chính phủ và kế hoạch phát triển của Bắc Kinh.
Tất cả các tàu này được trang bị một hệ thống giám sát được cải tiến sẽ giảm tốc và dừng tàu tự động trong trường hợp khẩn cấp.
Được biết Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc là đang tìm cách để nâng cấp hệ thống đường ray để tàu có thể chạy nhanh hơn, có lẽ ở tốc độ gần 400km/h. Trung Quốc được cho là có khoảng 19,960 km hệ thống đường sắt cao tốc.
Vụ tai nạn tàu cao tốc năm 2011 dẫn tới một cuộc điều tra của nhà nước về bộ đường sắt và đã phát hiện ra thực trạng tham nhũng trên diện rộng.
Cuộc điều tra này khiến nhiều quan chức bị mang ra xử về cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-41020621
Trump dọa hủy hiệp ước NAFTA
Ông Donald Trump cảnh báo hôm thứ Ba 22/8 rằng ông có thể sẽ bỏ hiệp ước thương mại tự do NAFTA với Mexico và Canada sau khi các cuộc đàm phán ba bên không thể dung hòa được các khác biệt sâu sắc.
Hoa Kỳ, Canada và Mexico khởi sự vòng đàm phán đầu tiên hôm Chủ nhật 20/8 để chỉnh sửa lại hiệp định thương mại nhưng không có dấu hiệu của một sự đột phá nào. Ông Trump mở lại đàm phán hiệp định NAFTA đã được ký vào năm 1994 vì lo ngại lợi ích kinh tế của Mỹ bị thiệt hại vì hiệp định thương mại tự do này.
Ông Trump nói tại cuộc mít-tinh ở thành phố Phoenix, bang Arizona: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể tiếp tục hiệp định thương mại này, tôi nghĩ có lẽ chúng ta sẽ chấm dứt hiệp định NAFTA tại một thời điểm nào đó.”
Gợi ý chấm dứt hiệp định NAFTA có thể tác động đến cuộc đàm phán, ông Trump nói: “Tôi không nghĩ rằng quý vị có thể thực hiện một thỏa thuận nào đó mà không có điều khoản chấm dứt.”
Sau phát biểu của ông Trump, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray viết trên Twitter: “Không có gì bất ngờ: chúng ta đã bắt đầu đàm phán, Mexico sẽ tiếp tục đàm phán trên tinh thần thanh thản, kiên quyết vì lợi ích quốc gia.”
Trong một tuyên bố chung đưa ra vào cuối năm ngày đàm phán ở thủ đô Washington, các quan chức thương mại hàng đầu của ba quốc gia cho biết Mexico sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo từ ngày 1-5 tháng 9.
Sau đó các cuộc đàm phán sẽ được thực hiện ở Canada cũng vào tháng 9, và kế đến sẽ quay trở lại Hoa Kỳ vào tháng 10, với các cuộc đàm phán bổ sung dự kiến vào cuối năm nay.
Nguồn: Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/trump-doa-huy-hiep-uoc-nafta/3997479.html
TQ phản đối Mỹ trừng phạt thêm liên quan đến Bắc Hàn
Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với một số công ty Trung Quốc và Nga vì họ được cho là ủng hộ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng các biện pháp trừng phạt đó không giúp ích cho sự hợp tác Mỹ-Trung trong nỗ lực kiềm chế hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Bà nói Hoa Kỳ nên “sửa chữa ngay sai lầm của họ”, và nhắc lại rằng Trung Quốc kêu gọi kiềm chế và đối thoại để giải quyết tình hình với Bắc Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt hôm 22/8. Bộ cho hay việc này bổ sung cho nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua hồi đầu tháng này theo đó áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên và lên án các cuộc thử tên lửa đạn đạo của nước này.
Một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ đã liệt kê 10 công ty và 6 người, bao gồm cả các công ty than, thép và tài chính của Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: “Không thể chấp nhận việc các cá nhân và công ty ở Trung Quốc, Nga và các nước khác giúp Bắc Triều Tiên tạo ra thu nhập và dùng tiền đó để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và làm mất ổn định khu vực”.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-phan-doi-my-trung-phat-them-lien-quan-den-bac-han/3997318.html
Biểu tình lớn khi Trump đến Arizona
dự cuộc tập hợp với người ủng hộ
Các cuộc biểu tình lớn có thể đón tiếp Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba khi ông đến bang Arizona dự một cuộc tập hợp kiểu vận động tranh cử, là cuộc tập hợp đầu tiên của ông kể từ khi ông gây nên làn sóng công phẫn với những phát biểu về một cuộc biểu tình của những người chủ trương dân tộc chủ nghĩa da trắng ở bang Virginia.
Thị trưởng thành phố Phoenix, Greg Stanton, người theo Đảng Dân chủ, đã yêu cầu Tổng thống Đảng Cộng hòa hoãn lại sự kiện này theo lịch trình diễn vào thứ Ba lúc 7 giờ tối giờ địa phương, sau những phát biểu của ông về những vụ ẩu đả trên đường phố nổ ra trước đó trong tháng này tại một cuộc biểu tình phản đối việc dỡ bỏ một bức tượng vị tướng Liên bang Miền Nam thời Nội chiến Mỹ ở thành phố Charlottesville.
Ông Trump đã bị người người đả kích vì quy lỗi cho những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng lẫn những người phản biểu tình về tình trạng bạo lực tại cuộc biểu tình do thành phần tân Quốc xã và thượng đẳng da trắng tổ chức.
Một số cuộc biểu tình chống ông Trump đã được lên kế hoạch diễn ra ở thành phố Phoenix, theo thông báo được các nhà hoạt động địa phương đăng trên mạng xã hội.
Một số quan chức Nhà Trắng ở nơi riêng tư đã bày tỏ lo ngại về cuộc tập hợp ở Phoenix của ông Trump, lo sợ rằng ông có thể lại nói về chuyện ở Charlottesville nhân lúc cao hứng trong khi được hàng ngàn người ủng hộ hò reo cổ vũ.
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống tới Arizona, nơi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái. Ông cũng sẽ đến thăm một cơ sở bảo vệ biên giới ở thành phố Yuma, bang Arizona, dọc theo biên giới Mỹ-Mexico vào lúc ông đang tìm kiếm kinh phí cho bức tường mà ông muốn xây.
Trong khi ở Yuma, ông Trump sẽ thị sát các thiết bị được sử dụng để giữ an ninh biên giới và dự một cuộc buổi báo cáo tình hình bảo vệ biên giới, Nhà Trắng cho biết.
Các quan chức Bộ An ninh Nội địa nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Yuma là một điển hình cho việc gắn thêm các rào chắn ở biên giới có thể làm giảm tình trạng nhập cư bất hợp pháp như thế nào. Khu vực này đã chứng kiến tình trạng nhập cư bất hợp pháp giảm 82 phần trăm kể từ năm 2007 sau khi hàng rào được gắn.
Mỹ phản bác cáo buộc
‘liên minh không kích chết hơn 100 dân’
Các giới chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang phản bác các cáo buộc theo đó con số tử vong nơi thường dân đã tăng đáng kể tại thành phố Raqqa của Syria.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria- có trụ sở ở Anh, nói rằng hơn 100 thường dân đã bị giết chết trong các cuộc không kích do liên minh thực hiện trong 48 giờ qua.
Con số này bao gồm ít nhất 42 người, trong đó có 19 trẻ em, bị giết hôm thứ hai khi các vụ không kích phá hủy nhiều ngôi nhà nơi các gia đình ẩn nấp.
Cư dân thành phố Raqqa ở Syria, thành phố mà nhóm Nhà nước Hồi giáo gọi là thủ đô trên thực tế của họ, dường như khẳng định các cáo buộc của Đài Quan sát Nhân quyền Syria, một số cho rằng số người chết có thể lên đến 170 người trong hai ngày qua.
Tư lệnh của lực lượng liên minh chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ cầm đầu nói rằng trong khi chiến dịch không kích đã leo thang, không có gì cho thấy là con số tử vong nơi thường dân đã gia tăng đáng kể.
Trao đổi với báo chí ở Baghdad hôm thứ ba, Trung tướng Stephen Townsend nói:
“Tôi xin ai đó hãy cung cấp cho tôi những thông tin xác thực rõ ràng, chứng minh rằng con số thương vong nơi người dân thường đã tăng lên đáng kể ở Raqqa.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, đang có mặt ở Baghdad phát biểu:
“Trong lịch sử thế giới, không có một lực lượng quân đội nào tập trung chú ý hơn đến việc hạn chế số thương vong nơi thường dân và cái chết của những người vô tội trên chiến trường, hơn là lực lượng liên minh”.
Ông Mattis nói: “Chúng tôi là những người thuộc bên có chính nghĩa, và những người dân vô tội trên chiến trường biết được sự khác biệt đó.”
Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, số người chết trong ngày thứ Hai ở Raqqa là con số cao nhất trong một ngày duy nhất, kể từ khi Các lực lượng Dân chủ Syria- tức SDF, một nhóm dân quân gồm người Kurd và người Ả Rập, bắt đầu chiến dịch quân sự của họ vào tháng 6 để cô lập Nhà nước Hồi giáo bên trong thành phố Raqqa.
Các giới chức liên minh ước lượng khoảng 2000 quân IS vẫn cố thủ tại Raqqa, và các giới chức SDF nói rằng các cuộc giao tranh bên trong các khu xóm đông dân cư cực kỳ khó khăn.
Liên Hiệp Quốc ước lượng gần 25,000 thường dân còn bị kẹt bên trong thành phố này. LHQ kêu gọi liên minh do Mỹ lãnh đạo và Các lực lượng Dân chủ Syria- SDF, hãy tăng cường các nỗ lực của họ để mở những hành lang nhân đạo và cho phép thường dân kẹt bên trong thành phố được rời khỏi Raqqa.
Mỹ: Tai nạn đường sắt, 42 người bị thương
Một tàu vận tải đã đâm vào một toa tàu đang đỗ tại một nhà ga gần Philadelphia làm 42 hành khách bị thương sớm 22/8, theo quan chức đường sắt.
Reuters dẫn lời bà Heather Redfern, phát ngôn viên của Cơ quan Vận tải Đông Nam Pennsylvania, nói hôm 22/8 rằng “đoàn tàu đâm vào toa tàu trống tại nhà ga nằm cách thành phố Philadelphia lúc 00:15 phút đêm, khi nó đang tiến vào ga”.
Người lái tàu cũng nằm trong số những người bị thương.
Bà Redfern nói tiếp rằng “các chấn thương không đe dọa tới tính mạng của tất cả các hành khách và người điều khiển tàu”, và rằng “vụ việc đang được điều tra”.
Theo Reuters, hồi tháng Hai, bốn người bị thương khi một đoàn tàu đâm vào đuôi của đoàn tàu khác cũng gần nhà ga trên.
8 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương khi một đoàn tàu của hãng Amtrak trật đường ray ở Philadelphia năm 2015.
https://www.voatiengviet.com/a/my-tai-nan-duong-sat-lam-42-nguoi-bi-thuong/3996011.html
Afghanistan:
Taliban tấn công tự sát, 5 người chết, 38 người bị thương
Một vụ tấn công bằng đánh bom tự sát ở tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, làm ít nhất 5 người chết và 38 người bị thương.
Các viên chức địa phương cho biết vụ nổ xảy ra tại thị trấn Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh Helmand, gần một trụ sở cảnh sát, nơi có nhiều người tụ tập bên ngoài.
Hai phụ nữ và hai binh sĩ nằm trong số những người thiệt mạng.
Cảnh sát trưởng Abdul Ghafer Safi cho biết ông tin rằng một đoàn xe quân đội là mục tiêu tấn công:
“Khi binh sĩ Quân đội Quốc gia Afghanistan đến chi nhánh ngân hàng Kabul để nhận tiền lương, đoàn xe của họ đã bị kẻ đánh bom tự sát tấn công. Hiện tại chúng tôi chưa biết chính xác số thương vong.”
Phiến quân Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công vụ đánh bom.
Nga : Một đạo diễn ủng hộ người đồng tính
bị chính quyền truy tố
Ông Kirill Serebrennikov – một đạo diễn Nga nổi tiếng về nhiều cách tân nghệ thuật và ủng hộ người đồng tính trong thời gian gần đây – bị truy tố với cáo buộc « lừa đảo », một vụ án mà ông cho là « hoàn toàn phi lý ». Vụ việc này khiến giới những người hoạt động văn hóa tại Nga lo ngại trước viễn cảnh Matxcơva gia tăng áp lực đối với giới nghệ sĩ, trước cuộc bầu cử tổng thống năm tới.
Theo AFP, đạo diễn Kirill Serebrennikov, 47 tuổi – giám đốc nghệ thuật của Nhà hát nghệ thuật đương đại Gogol (Matxcơva) – bị câu lưu trong đêm hôm thứ Hai, 21/08/2017, qua ngày thứ Ba, ngay trong khi ông đang quay phim tại thành phố Saint Petersbourg. Ông đã bị đưa về thủ đô Matxcơva để thẩm vấn. Một phiên tòa hôm nay, 23/08, tại Matxcơva đã ra quyết định quản thúc tại gia đối với đạo diễn Serebrennikov đến ngày 19/10.
Nhà đạo diễn bị cáo buộc biển thủ khoảng 68 triệu rúp (tương đương một triệu euro) tiền trợ cấp của Nhà nước, với tội danh « lừa đảo quy mô lớn », một tội có thể dẫn đến án tù 10 năm, theo cơ quan phụ trách vụ việc này, trực tiếp nằm dưới sự chỉ đạo của điện Kremlin.
Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới văn hóa Nga đã lên tiếng phản đối và vụ bắt giữ và kêu gọi trả tự do cho ông. Trong số đó có giám đốc Nhà hát nổi tiếng Bolchoi, ông Vladimir Ourine, đạo diễn Alexeï Guerman, nữ văn sĩ Lioudmila Oulitskaïa, hay bà Natalia Soljenitsyne, vợ góa của nhà văn và nhà ly khai nổi tiếng Alexandre Soljenitsyne.
Người ta lo ngại chính quyền Nga gia tăng đàn áp trước cuộc bầu cử năm tới, để bịt miệng đối lập. Ông Serebrennikov không phải là đối thủ công khai của tổng thống Nga Putin, nhưng theo nhiều nhà quan sát, các dàn dựng táo bạo của đạo diễn Serebrennikov, hay các trưng bày của ông trong những năm gần đây, nhiều lần bị các thành phần Chính Thống Giáo lên án, nhân danh các giá trị bảo thủ được Kremlin cổ vũ, đặc biệt liên quan đến quyền của người đồng tính, chuyển giới hay lưỡng giới (LGBT).
Đọc thêm : Putin ban hành luật chống tuyên truyền về đồng tính
Hồi tháng trước, Nhà hát Bolchoi đã phải hủy bỏ vào phút cuối một buổi trình diễn ba-lê, do Serebrennikov dàn dựng, về nghệ sĩ múa lừng danh Rudolf Noureev (1938-1993), do vở diễn đã nhắc đến việc Rudolf Noureev là người đồng tính.
Đạo diễn Kirill Serebrennikov là tác giả của bộ phim « Disciple », đoạt giải François Chalais trong Liên hoan phim quốc tế Cannes hồi năm ngoái. Phim mới nhất của ông « Phản bội », vừa tranh giải tại Liên hoan Venise.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170823-nga-mot-dao-dien-ung-ho-nguoi-dong-tinh-bi-chinh-quyen-truy-to
Tây Ban Nha:
Nhóm khủng bố đã chuẩn bị các cuộc tấn công lớn hơn
Nhóm thánh chiến Hồi Giáo ở vùng Catalunya, Tây Ban Nha, đã dự trù tiến hành các cuộc tấn công lớn hơn với rất nhiều chất nổ nhắm vào các công trình kiến trúc. Đó là thú nhận của một trong bốn nghi can còn sống sau các vụ tấn công khủng bố ở Barcelona và Cambrils tuần trước khiến 15 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Mohamed Chemlal đã khai như trên với thẩm phán tại tòa án Madrid, khi ra tòa hôm qua cùng với ba nghi can khác. Chemlal, người Tây Ban Nha, cùng với một nghi can người Maroc, Driss Oukabir, ngay tối qua đã bị truy tố với tội danh “giết người mang tính khủng bố” và “tàng trữ chất nổ”. Cả hai đều sống tại Ripoll, nơi mà nhóm khủng bố, gồm tổng cộng 12 thành viên, được thành lập. Nghi can thứ ba cũng bị truy tố, nhưng thẩm phán chưa nêu rõ tội danh, còn về nghi can thứ tư thì các thẩm phán sẽ ra quyết định vào thứ ba tuần tới.
Từ Madrid, thông tín viên RFI François Musseau tường trình về những lời khai của các nghi can khủng bố:
“Các vụ tấn công khủng bố lẽ ra đã tàn khốc hơn những vụ vừa xảy ra. Đó là thông tin chủ yếu mà một trong bốn nghi can đã xác nhận. Mohamed Chemlal đã thú nhận gần như toàn bộ âm mưu, chẳng hạn như mục tiêu thật sự của nhóm này là tấn công vào các công trình kiến trúc của Barcelona, như giáo đường Sagrada Familia. Các nghi can khủng bố dự trù chất toàn bộ các khối chất nổ, đặc biệt là 120 kg khí butane, lên những chiếc xe tải nhỏ, để gây ra thiệt hại thật nặng nề.
Chemlal, bị thương trong vụ nổ ở Alcanar, thì cho biết là các vụ tấn công khủng bố được dự trù xảy ra vào ban đêm, nhưng theo một nguồn tin tư pháp, các thẩm phán không tin điều đó. Ngoài ra, hai nghi can khai rằng, imam Abdelkabi Es Satty, đầu não của các vụ khủng bố, chết trong vụ nổ ở Alcanar, một ngày trước vụ đâm xe vào người đi đường ở đại lộ Ramblas, đã có ý định tự thiêu.
Cảnh sát vùng Catalunya không tin như thế vì cho tới nay họ vẫn cho rằng, vài ngày trước các vụ tấn công khủng bố, Abdelkabi Es Satty đã có ý định đi sang Syria, đến vùng do Daech kiểm soát.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170823-tay-ban-nha-nhom-khung-bo-da-chuan-bi-cac-cuoc-tan-cong-lon-hon-ok
Đức trục xuất hai phần tử Hồi Giáo cực đoan
Hôm qua, 22/08/2017, Tòa Án Hành Chính Liên Bang Đức ở Leipzig thông báo trục xuất hai phần tử Hồi Giáo cực đoan, bị nghi ngờ có liên hệ với khủng bố thánh chiến. Quyết định – rất được giới an ninh, phản gián Đức trông đợi – mở đường cho việc trục xuất thêm nhiều người bị xem là có khả năng tiến hành tấn công khủng bố tại Đức.
Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin:
« Tháng 2/2017, bang Nidersachsen, miền tây bắc nước Đức, đã ra lệnh trục xuất một người Nigeria và một người Algeri, sinh tại Đức, trở về các quốc gia mà gia đình xuất thân. Cả hai đều bị câu lưu trong một cuộc khám xét chống khủng bố tại Göttingen.
Không có sự việc cụ thể nào được đưa ra nhằm cáo buộc hai nhân vật này. Về phần mình, cả hai đều phủ nhận hoàn toàn mọi nghi vấn tham gia vào các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Đức, theo dõi họ từ lâu, tin rằng hai người này có xu hướng thánh chiến, và họ là một mối đe dọa đối với Đức.
Khả năng trục xuất để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố đã được luật pháp nước Đức dự kiến từ năm 2005. Tuy nhiên, cho đến vụ khủng bố bằng xe tải tại một chợ Noel ở Berlin hồi tháng 12/2016, các bang nước Đức vẫn lưỡng lự về vấn đề trục xuất.
Kể từ đầu năm 2017 đến nay, 10 phần tử bị nghi ngờ có khả năng trở thành khủng bố đã phải rời khỏi nước Đức, theo yêu cầu của cơ quan an ninh ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170823-duc-truc-xuat-hai-phan-tu-hoi-giao-cuc-doan-ok
Khủng bố :
Pakistan phản đối cáo buộc của tổng thống Mỹ
Quan hệ Mỹ-Pakistan căng thẳng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump phê phán việc Pakistan thụ động trước các tổ chức khủng bố. Hôm nay, 23/08/2017, ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif ra thông cáo phản đối.
Trong thông cáo nói trên, được AFP dẫn lại, có đoạn : « Không có bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đau khổ hơn Pakistan về nạn khủng bố, thường do các hoạt động được tổ chức bên ngoài lãnh thổ. Do vậy điều đáng thất vọng là các tuyên bố của Hoa Kỳ đã không thừa nhận những hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân Pakistan ». Ngoại trưởng Pakistan cũng khẳng định : Islamabad « không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại một nước khác », đồng thời khuyến cáo « thay vì dựa trên các nhận định sai lầm…, Hoa Kỳ nên làm việc với Pakistan để diệt trừ khủng bố ».
Ngày hôm qua, tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có buổi họp báo để làm rõ chính sách Afghanisatn, sau thông báo chiến lược về Afghanistan của tổng thống Mỹ hôm thứ Hai. Ông Rex Tillerson đe dọa sẽ không dành cho Pakistan quy chế đồng minh đặc biệt, nếu Islamabad không tích cực hợp tác.
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet từ Washington cho biết thêm :
« Khi nhắc lại quan hệ Hoa Kỳ – Pakistan từng tốt đẹp trong lịch sử, ngoại trưởng Rex Tillerson thừa nhận rằng quan hệ song phương đã xấu đi trong những năm gần đây. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ nói đến sự ‘‘mất lòng tin’’.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: ‘‘Chúng tôi ghi nhận việc nhiều tổ chức khủng bố lợi dụng được những vùng an toàn tại Pakistan để chuẩn bị và tiến hành các vụ tấn công nhắm vào các binh sĩ và quan chức Mỹ, nhằm cản trở các nỗ lực hòa bình tại Afghanistan. Chính quyền Pakistan phải thay đổi thái độ’’.
Ông Tillerson nói thêm là Washington sẵn sàng hỗ trợ Islamabad, nhưng nêu câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Pakistan không muốn hợp tác. Ngoại trưởng Mỹ để ngỏ khả năng đình chỉ các viện trợ quân sự và dân sự, hoặc không còn dành cho Pakistan quy chế đồng minh đặc biệt của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng bác bỏ mọi áp lực quá mạnh, có thể khiến khu vực thêm bất ổn.
Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của Donald Trump phê phán công khai Pakistan là mạo hiểm, bởi quân đội Mỹ phụ thuộc vào các cơ sở hậu cần tại nước này. Chiến thuật khôn khéo hơn của tổng thống Mỹ có thể là mời Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn tại Afghanistan. Bởi Islamabad chắc chắn sẽ không muốn chính quyền Afghanistan xích lại gần New Delhi ».
TT Venezuela muốn dùng lệnh truy nã đỏ
để bắt cựu chưởng lý Ortega
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro muốn dùng đến lệnh truy nã đỏ của Interpol để bắt giữ chưởng lý Luisa Ortega. Từng là người ủng hộ chế độ Chavez, bà Ortega tuyên bố nắm giữ bằng chứng tham nhũng của tổng thống Maduro. Đến Brazil từ hôm qua, bà sẽ đề cập đến tình trạng « tham nhũng » ở Venezuela trong cuộc họp các chưởng lý khối Mercosur tại thủ đô Brasilia ngày 23/08/2017.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Andreina Flores cho biết thêm thông tin :
« ‘Đây là hành động phản bội mà tôi chưa bao giờ hình dung ra được’. Bằng những lời lẽ như vậy, tổng thống Nicolas Maduro nhắc đến chưởng lý Luisa Ortega Diaz, giờ trở thành đối thủ chính của ông.
Tổng thống Venezuela thông báo ý định dùng đến lệnh truy nã đỏ của Interpol để bắt giữ bà Ortega cùng với chồng là nghị sĩ German Ferrer. Đa số người dân Venezuela đánh giá quyết định của ông Maduro là một hành động trả thù mang tính chính trị.
Theo ông Maduro, vợ chồng nhà Ferrer-Ortega điều hành một băng nhóm lừa đảo, được chính phủ Colobia và Brazil bảo vệ. Ông nói : Chồng của bà Ortega, hiện được Colombia cho tị nạn chính trị, tham gia vào một mạng lưới chuyên cưỡng đoạt và đang kiểm soát vài triệu đô la ở các thiên đường thuế trên khắp thế giới. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos trở thành nhà bảo trợ cho băng đảng ăn cướp này từ Bogota. Còn chính phủ « cướp quyền » Brazil lại đón tiếp chưởng lý và người chồng kiêm lãnh đạo của « băng đảng » này ».
Về phần mình, bà Luisa Ortega đã xuất phát từ Colombia đến Brazil để tham gia một cuộc họp quy tụ biện lý các nước Mercosur. Tại đây, bà định công bố các bằng chứng tham nhũng của các công chức Venezuela trong hồ sơ Odebrecht. Theo bà Ortega, tổng thống Maduro có lẽ cũng bị liên quan ».
Cam Bốt đóng cửa một tổ chức phi chính phủ của Mỹ
Ngày 23/08/2017, chính quyền Phnom Penh đã đóng cửa một tổ chức phi chính phủ quan trọng của Mỹ và ra lệnh cho nhân viên nước ngoài của tổ chức phải rời khỏi Cam Bốt. Quyết định của thủ tướng Hun Sen được cho là nhằm đáp trả những lời chỉ trích nhắm vào chính phủ trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2018.
Bản thông cáo ngày 23/08 của bộ Ngoại Giao Cam Bốt nêu rõ nhân viên ngoại quốc của Viện Dân Chủ Quốc Gia (NDI) có 7 ngày để rời khỏi nước này, vì tổ chức phi chính phủ của Mỹ bị cáo buộc không đăng ký hợp lệ và không nộp thuế đầy đủ.
Theo AFP, Viện NDI, hoạt động trong lĩnh vực tăng cường các thể chế dân chủ trên thế giới, có mặt tại Cam Bốt từ năm 1992. Trong những tuần qua, truyền thông thân chính phủ Hun Sen cáo buộc tổ chức này giúp đỡ đảng đối lập lật đổ chính phủ. Viện NDI, do cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright làm chủ tịch, chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Lệnh đóng cửa NDI được thủ tướng Hun Sen được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền đe dọa tờ Cambodia Daily, một trong những nhật báo chỉ trích hiếm hoi tại Cam Bốt, với cáo buộc không nộp 6,3 triệu đô la tiền thuế.
Ngoài tờ Cambodia Daily thuộc sở hữu của một công dân Mỹ, các cơ quan truyền thông như Đài Châu Á Tự Do (Radio Free Asia) và Tiếng Nói Hoa Mỳ (Voice of America) cũng bị nhắm đến.
Từ vài tuần nay, một loạt các tổ chức phi chính phủ được nước ngoài đầu tư, trong đó có NDI, bị báo chí thân chính phủ Cam Bốt hoặc công chức nêu đích danh khi bị điều tra về thuế và quy định.
Các nhà phân tích cho rằng loạt điều tra này nằm trong chiến lược đàn áp đối thủ của thủ tướng Hun Sen trước các cuộc bầu cử vào năm 2018.
Năm 2015, chính phủ Cam Bốt đã thông qua một đạo luật cho phép đóng cửa một tổ chức phi chính phủ bị xem là xâm hại đến an ninh quốc gia hay « các truyền thống và văn hóa » của đất nước. Hiện có khoảng 5.000 tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Cam Bốt.
Hải quân Mỹ là nạn nhân các vụ tấn công tin học?
Trong thời gian gần đây, tại châu Á, các chiến hạm Mỹ liên tiếp bị tai nạn, trong đó có vụ mới xảy ra tại eo biển Singapore. Tình hình này khiến hải quân Mỹ đang tự hỏi phải chăng họ đang là nạn nhân của các vụ tấn công tin học.
Một số chuyên gia vẫn nghĩ rằng không thể có chuyện những kẻ xấu gây ra những vụ tai nạn như vậy, bởi lẻ các hệ thống an ninh của Mỹ rất chặt chẽ và phải huy động rất nhiều phương tiện để điều khiển cho hai chiếc tàu đụng nhau. Nhưng đối với các chuyên gia khác, các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp không thể là do sai sót của con người hoặc là một sự trùng hợp.
Tuy nhấn mạnh là không muốn suy đoán kết quả điều tra, nhưng tư lệnh đặc trách các chiến dịch của hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, đã không loại trừ một tác nhân bên ngoài hay một cuộc tấn công tin học đã gây ra vụ đụng tàu giữa khu trục hạm USS John S. McCain với một tàu chở dầu ở eo biển Singapore sáng sớm ngày 21/08/2017.
Đây là vụ đụng tàu thứ hai gây chết người của một chiến hạm Mỹ ở vùng Thái Bình Dương chỉ trong vòng hai tháng và là vụ tai nạn thứ tư kể từ đầu năm đến nay. Ngoài vụ chiếc khu trục hạm USS Fitzgerald đụng một tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản ngày 17/06, còn có hai vụ khác xảy ra trong năm nay ở vùng Thái Bình Dương mà ít ai biết. Vào tháng Giêng, chiến hạm USS Antietam đã bị đắm gần căn cứ của chiếc tàu này ở Nhật và vào tháng 5, chiếc USS Lake Champlain đã đụng vào một tàu đánh cá của Hàn Quốc, nhưng không có ai bị thương hay chết.
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng không loại trừ khả năng có hành động phá hoại trong vụ tai nạn ở eo biển Singapore.
Các nhà phân tích thì hiện vẫn không đồng nhất ý kiến trên vấn đề này. Một số chuyên gia cho rằng tai nạn xảy ra là do các thủy thủ đoàn bị quá tải vì phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ trong vùng châu Á. Họ cũng lưu ý là lái tàu tại vùng này không phải là đơn giản do có quá nhiều tàu bè qua lại.
Nhưng các chuyên gia khác, như ông Itar Glick, giám đốc công ty Votiro, chuyên về an ninh mạng, thì cho rằng rất có thể hệ thống định vị GPS của các chiến hạm Mỹ đã bị gây rối loạn, dẫn đến việc tính toán sai lầm các vị trí. Ông khẳng định với hãng tin AFP: “ Tôi tin rằng những tin tặc đó được sự hỗ trợ của một quốc gia, họ có đủ nguồn lực để tiến hành các vụ tấn công tin học”. Theo ông Itar Glick, đứng đằng sau các vụ tấn công tin học này rất có thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng từng bị nghi tiến hành các vụ tấn công tin học quy mô trong thời gian gần đây. Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh tấn công tin học vào các công ty Mỹ, đặc biệt nhằm mục đích gián điệp công nghiệp.
Về phần mình, ông Jeffrey Stutzman, thuộc công ty an ninh mạng Wapack Lads, cũng nói với AFP rằng “hoàn toàn có thể “ là vụ đụng tàu mới nhất chính là do chiến hạm Mỹ bị tấn công tin học.
Nhưng những chuyên gia khác như ông Zachary Fryer-Biggs, một nhà tư vấn, thì cho rằng, cho dù hệ thống GPS có gặp trục trặc, trên tàu vẫn còn có những công cụ khác để thay thế trong việc điều khiển con tàu. Vụ đụng tàu chỉ có thể xảy ra khi nhiều công cụ bị hỏng hóc cùng một lúc. Còn theo lời ông Daniel Goetz, thuộc công ty Mỹ Lantium, rất khó mà gây ra một vụ đụng tàu, vì phải biết rất chính xác vị trí và vận tốc của hai chiếc tàu có liên quan. Mặt khác, ông nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sử dụng một hệ thống GPS rất an toàn, được mã hóa rất chặt chẽ, hầu như không ai có thể cướp quyền điều khiển con tàu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170823-hai-quan-my-la-nan-nhan-cac-vu-tan-cong-tin-hoc-ok
Kim Jong Un ra lệnh sản xuất thêm
đầu đạn tên lửa liên lục địa
Ngày 23/08/2017, hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh sản xuất thêm động cơ hỏa tiễn chạy bằng nhiện liệu rắn và đầu đạn tên lửa liên lục địa (ICBM).
KCNA cho biết ông Kim Jong Un đã phát biểu như trên trong chuyến thăm Viện Vật Liệu Hóa Học, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc phòng, cơ quan đặc trách việc phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng khẳng định đã làm chủ công nghệ đảm bảo rằng một đầu đạn tên lửa liên lục địa có thể duy trì được hoạt động trong giai đoạn quay lại bầu khí quyển, khi phải chịu sức nóng vô cùng lớn. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế vẫn còn chưa chắc chắn.
Trong khi đó, ngày 22/08/2017, bộ Tài Chính Hoa Kỳ loan báo quyết định trừng phạt 10 tổ chức và 6 cá nhân Trung Quốc và Nga bị cáo buộc hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo.
Cụ thể, theo bộ Thuơng Mại Mỹ, « toàn bộ tài sản và lợi nhuận của những cá nhân nằm trong danh sách sẽ bị phong tỏa ở Hoa Kỳ và mọi công dân Mỹ bị cấm trao đổi thương mại với những cá nhân và tổ chức đó ». Trong danh sách trừng phạt mới có công ty Dandong Rich Earth Trading (trụ sở tại Trung Quốc) và Gefest-M (trụ sở tại Matxcơva), cả hai đều mua nhiên liệu từ các công ty được cho là có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Sứ quán Trung Quốc tại Washington phản ứng gay gắt về lệnh trừng phát mới trên, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ « sửa chữa ngay lập tức sai lầm này để tránh mọi tác động đến quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực liên quan ».
Trái ngược với biện pháp cứng rắn, trong một buổi họp báo cùng ngày về chiến lược của Mỹ tại Afghanistan, ngoại trưởng Rex Tillerson lại hoan ngênh « chế độ Bình Nhưỡng đã thể hiện một mức độ kiềm chế chưa từng thấy trong quá khứ ». Ông cũng hy vọng chế độ Kim Jong Un đàm phán trực tiếp với Washington « vào một thời điểm thích hợp trong tương lai gần ».
Riêng tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du ngày 22/08 đến Phoenix (bang Arizona), lại cho rằng những lời lẽ hung hăng của ông đối với Bắc Triều Tiên đã mang lại kết quả và lãnh đạo Kim Jong Un bắt đầu « tôn trọng » Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo về giải trừ vũ khí được tổ chức tại Geneve ngày 22/08, đặc phái viên của Bình Nhưỡng khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ « không bao giờ » đàm phán về vũ khí hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170823-kim-jong-un-ra-lenh-san-xuat-them-dau-dan-ten-lua-lien-luc-dia-ok