Tin khắp nơi – 23/07/2018
TT Trump cảnh cáo Iran
‘đừng bao giờ đe dọa’ Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo Iran rằng sẽ phải gánh chịu hậu quả “như một số ít trong lịch sử” nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này đe dọa thêm Hoa Kỳ, theo Reuters.
Tuyên bố được viết bằng chữ in hoa trên trang Twitter vào ban đêm, vài giờ sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với ông Trump rằng chính sách thù địch đối với Tehran có thể dẫn đến “đại chiến”.
Reuters dẫn lời quan chức Mỹ nói rằng những tuyên bố căng thẳng này được đưa ra sau khi chính quyền Trump phát động một cuộc công kích bằng các bài phát biểu và truyền thông trực tuyến nhằm khuấy động bất ổn và gây áp lực, buộc Iran phải chấm dứt chương trình hạt nhân và việc hỗ trợ cho các nhóm chiến binh,.
Iran đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng của Mỹ và các biện pháp trừng phạt tiềm tàng kể từ khi ông Trump quyết định rút Hoa Kỳ khỏi một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran đạt được năm 2015.
Trong thông điệp nhắm trực tiếp vào ông Rouhani, ông Trump viết: “Đừng bao giờ, đừng bao giờ đe dọa Hoa Kỳ một lần nữa. Nếu không, ông sẽ phải chịu những hậu quả như số ít trong lịch sử từng bị trước đây. Chúng tôi không còn là một quốc gia cam chịu những lời điên cuồng đầy bạo lực và chết chóc của ông. Hãy coi chừng!”
Trước đó hôm 22/7, ông Rouhani nói trước một nhóm các nhà ngoại giao Iran rằng: “Ông Trump, đừng đùa với đuôi sư tử, điều này chỉ dẫn đến hối tiếc mà thôi”.
Cơ quan thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời ông Rouhani nói thêm:
“Mỹ nên biết rằng hòa bình với Iran là mẹ của mọi hòa bình, và chiến tranh với Iran là mẹ của mọi cuộc chiến”.
Tổng thống của Iran còn chế giễu lời đe dọa của ông Trump trong việc chặn xuất khẩu dầu của Iran, và nói rằng Iran giữ vị trí thống trị trong vùng Vịnh và eo biển Hormuz, một tuyến thủy lộ vận chuyển dầu trọng yếu.
Một chỉ huy cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran cũng phản ứng trước những đe dọa của ông Trump và nói rằng Tehran sẽ tiếp tục chống lại kẻ thù của mình, theo hãng tin ISNA của Iran.
Trong một bài phát biểu vào cuối ngày 22/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án các nhà lãnh đạo Iran là “mafia” và hứa sẽ hỗ trợ cho những người Iran không hài lòng với chính phủ của họ.
Tehran lên án phát biểu của ông Pompeo là “can thiệp vào các vấn đề của Tehran”, Reuters đưa tin, dẫn lại hãng thông tấn bán chính thức Tasnim.
“Những chính sách như vậy sẽ đoàn kết người Iran vượt qua mọi âm mưu chống lại đất nước mình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nói.
Trước sự bất mãn chung về nền kinh tế đang chững lại của Iran, đồng tiền bị trượt giá và nguy cơ đối diện với các biện pháp trừng phạt nặng nề của Hoa Kỳ, các lãnh đạo Iran đang kêu gọi sự đoàn kết.
Nhiều thường dân Iran hoài nghi về sự hỗ trợ của chính quyền của ông Trump đối với công dân Iran, vì các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Hoa Kỳ đối với quốc gia này và lệnh cấm thị thực không cho phép người Iran nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Đe dọa hồi đầu tháng này của ông Rouhani về việc gián đoạn các chuyến hàng chở dầu từ các nước láng giềng là một phản ứng của Tehran trước nỗ lực của Washington nhằm buộc tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran.
Washington ban đầu lên kế hoạch loại hoàn toàn Iran ra khỏi thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran, yêu cầu tất cả các nước khác ngừng mua dầu thô của Iran vào tháng 11.
Tuy nhiên, theo Reuters, lập trường của Hoa Kỳ đã phần nào dịu lại, nói rằng có thể miễn trừ chế tài cho một số đồng minh đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung của Iran.
Iran đe dọa sẽ chặn các lô hàng chuyển dầu từ eo biển Hormuz ở vùng Vịnh nếu các nước nghe theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ và ngừng mua dầu của Iran vì áp lực của Washington.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-canh-cao-iran-dung-bao-gio-de-doa-hoa-ky/4494766.html
TNS Cộng Hòa Lindsey Graham:
Bắc Hàn đang cố tình lừa đảo tổng thống Trump
Washington, DC – Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đàm phán với Bắc Hàn về vấn đề giải trừ nguyên tử, Thượng Nghị sĩ liên bang Cộng Hòa Lindsey Graham cảnh báo rằng tổng thống Trump đang bị Kim Jong Un lừa đảo.
Trò chuyện trên chương trình Face the Nation, ông Graham bày tỏ lo ngại rằng Trung Cộng đang kìm hãm Bắc Hàn, và Tổng thống Trump cần phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông Graham cho rằng chính phủ nên đưa ra thời hạn để Bắc Hàn nhanh chóng trao trả hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ tử trận, đồng thời tái khởi động chương trình tập trận quân sự ở Châu Á.
Thượng nghị sĩ Graham nhận định Bắc Hàn đang sử dụng mánh khóe cũ mà nước này đã làm với những đời tổng thống trước. Do đó, ông Trump phải cho Bắc Hàn và Trung Cộng thấy rằng ông sẽ hành động khác với các đời tổng thống tiền nhiệm.
Trả lời phỏng vấn của đài CBS, ông Graham đánh giá Trung Cộng sẽ thành công trong việc đẩy Hoa Kỳ khỏi Châu Á nếu ông Trump rút quân đội ở khu vực này. Theo ông Graham, từ lâu lực lượng quân đội của Hoa Kỳ ở Nam Hàn đã duy trì trật tự tại Châu Á. Vì vậy, ông Trump cần khởi động lại các cuộc tập trận chung trong khu vực này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tns-cong-hoa-lindsey-graham-bac-han-dang-co-tinh-lua-dao-tong-thong-trump/
Bắc Triều Tiên : Tướng Mỹ cho biết
vật liệu hạt nhân vẫn còn nguyên
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks hôm qua, 22/07/2018, cho biết các loại vật liệu được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân tại Bắc Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn, từ sau hội nghị thượng đỉnh Singapore đến nay.
Theo hãng tin CNBC, phát biểu với Diễn Đàn An Ninh Aspen qua hệ thống vidéo-hội nghị, tướng Vincent Books nói: “Khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn” và qua các theo dõi, Hoa Kỳ nhận thấy các hoạt động chế tạo vũ khí chưa ngừng hoàn toàn, không thấy di chuyển, rút bỏ các thanh nhiên liệu.
Về tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, tướng Vincent Brooks cho rằng Bình Nhưỡng phải có những bước đi xác thực, “nếu không thì hai nước không thể làm bạn và chúng ta sẽ không thể đạt được hòa bình”.
Tuy vậy, tướng Vincent Brook nhấn mạnh rằng hai bên phải thiết lập mối quan hệ vững chắc dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Theo viên tướng này, ”xây dựng lòng tin đồng thời tiếp tục gây sức ép và cần tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, đó là chương trình nghị sự. Chính việc thiếu lòng tin mới là kẻ thù mà chúng ta cần đánh bại”.
Theo một phóng sự được thực hiện vào tháng trước của hãng tin NBC, chính quyền Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu cho tên lửa mang vũ khí hạt nhân tại một số căn cứ bí mật.
Ngoài ra, nhật báo Washington Post trích dẫn một số nhà ngoại giao, xin được giấu tên, cho biết, các quan chức Bắc Triều Tiên đã hủy các buổi họp phi nhạt nhân hóa, đòi thêm tiền, và không giữ liên lạc với đối tác Hoa Kỳ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6 vừa qua. Điều này đi ngược với các tuyên bố tích cực của Donald Trump, cho rằng đối thoại với Bắc Triều Tiên rất thành công.
Thượng nghị sĩ Mỹ
muốn áp đặt thêm trừng phạt với Nga
Hai thượng nghị sĩ Mỹ nổi bật của Đảng Cộng hòa hôm 22/7 cho rằng Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nhằm cảnh cáo nước này không can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói rằng các biện pháp trừng phạt mới phải được đưa ra trước khi Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Nga Putin.
Lời đề xuất này được đưa ra ít ngày sau khi nguyên thủ Mỹ đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã không đối mặt với ông Putin về cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016, theo Reuters.
Trả lời trên kênh CBS, ông Graham nói rằng cần phải có “các biện pháp trừng phạt mạnh tay” đối với Nga trước cuộc gặp hiện chưa rõ sẽ diễn ra khi nào.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Marco Rubio muốn bỏ phiếu về một dự luật gọi là DETER, theo đó sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nếu các quan chức tình báo Mỹ xác định rằng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Ông Rubio là đồng tác giả của dự luật trên với thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen sau hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ tuần trước.
Ông Putin bác bỏ chuyện Nga tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, sau khi tình báo Mỹ kết luận rằng Nga can thiệp thông qua các vụ tấn công mạng và mạng xã hội nhằm giúp ông Trump thắng cử.
Thêm công ty chia sẻ dữ liệu người dùng?
Dave LeeNorth America technology reporter
Facebook đã tạm ngưng hợp đồng với một công ty phân tích dữ liệu tại Hoa Kỳ giữa những lo ngại về việc thu thập và chia sẻ dữ liệu người dùng.
Công ty Crimson Hexagon, có trụ sở tại Boston, tự mô tả là một công ty cung cấp “những hiểu biết về người dùng” và có hợp đồng với các cơ quan chính phủ trên khắp thế giới.
Facebook cho biết đang xem xét liệu một số thỏa thuận trong hợp đồng với công ty này xem có vi phạm các chính sách về giám sát của Facebook hay không.
Facebook cũng cho hay không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dữ liệu đã được Crimson Hexagon thu thập không đúng cách.
Theo Wall Street Journal, Crimson Hexagon có “hợp đồng phân tích dữ liệu công khai của Facebook cho khách hàng bao gồm một tổ chức phi lợi nhuận của Nga có quan hệ với điện Kremlin và nhiều cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ”.
Tháng 3/2017, Facebook đã cấm sử dụng dữ liệu người dùng để phục vụ mục đích giám sát của chính phủ. Động thái này là do áp lực từ các nhóm dân sự liên quan đến lo ngại chính phủ nhắm vào những người bất đồng chính kiến và người biểu tình.
Google gỡ 7 ngàn YouTube video ‘phản động’?
VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng
Một số blogger VN nói Facebook ‘xóa bài vô cớ’
Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh
“Chúng tôi không cho phép các nhà phát triển xây dựng các công cụ giám sát bằng cách sử dụng thông tin từ Facebook hoặc Instagram”, một phát ngôn viên của Facebook cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 21/7.
“Chúng tôi xem xét những cáo buộc này một cách nghiêm túc và chúng tôi đã tạm ngưng các ứng dụng này trong khi điều tra.”
Crimson Hexagon làm việc với một bộ dữ liệu bao gồm, theo website của công ty này, hơn một nghìn tỷ bài đăng trên Facebook, Instagram, Twitter và các trang mạng xã hội khác. Công ty này tự hào có khả năng phân tích hơn 160 triệu bức ảnh đăng tải mỗi ngày.
Ngoài hợp đồng với chính phủ, Crimson Hexagon cũng giao dịch với các công ty thương mại khác bao gồm Adidas, Samsung và BBC.
Chính sách gây nhầm lẫn
Thu thập và chia sẻ “thông tin chi tiết về dữ liệu” với các doanh nghiệp không đi ngược lại các chính sách của Facebook.
“Mọi người có thể chia sẻ thông tin của họ với các nhà phát triển trên Facebook và Instagram – cũng giống như họ tải các ứng dụng trên điện thoại của họ”, Ime Archibong của Facebook cho biết.
Ông này cũng cho biết các nhà phát triển được phép “sử dụng thông tin công khai hoặc tổng hợp để tạo ra những dữ liệu ẩn danh phục vụ mục đích kinh doanh”.
Cái mà Crimson Hexagon có thể vi phạm quy định của Facebook là việc sử dụng dữ liệu đó để tạo ra các công cụ giám sát, mặc dù Facebook chưa bao giờ nói rõ ràng về việc chính sách này được thực hiện thế nào trong thực tế.
Crimson Hexagon không trả lời yêu cầu bình luận từ BBC. Trong bài viết đăng trên blog của công ty này hôm thứ Sáu, Giám đốc công nghệ Chris Bingham bảo vệ công việc của công ty – mà không đề cập cụ thể đến điều tra của Facebook.
“Crimson Hexagon chỉ thu thập dữ liệu có sẵn, công khai trên mạng xã hội mà mọi người đều có thể truy cập”, ông viết, cố gắng giữ khoảng cách với Cambridge Analytica – công ty từng bị cáo buộc sử dụng một ứng dụng để thu thập dữ liệu cá nhân từ hệ thống.
Một phát ngôn viên của Facebook nói với BBC rằng hãng đã nói chuyện với Crimson Hexagon, và các công ty sẽ gặp nhau trong những ngày tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/44920674
Nổ súng tại Toronro ít nhất 2 người thiệt mạng
Toronto, Canada – Vào hôm Chủ Nhật 22 tháng 7, cảnh sát thành phố Toronto cho biết đã có 14 người bị trúng đạn trong một vụ nổ súng ở trung tâm thành phố, trong đó có một bé gái. Thủ phạm cùng 2 người dân đã thiệt mạng.
Cảnh sát trưởng của Toronto là Mark Saunders cho biết bé gái hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Các nhân viên y tế, nhân viên cứu hỏa và cảnh sát đã tập trung tại hiện trường vụ nổ súng ở phía đông của thành phố, là nơi có nhiều nhà hàng, quán cà phê và cửa hiệu nổi tiếng. Cảnh sát khẳng định thủ phạm sử dụng một khẩu súng lục. Các báo cáo trước đó cho biết có chín người đã bị bắn.
Theo thông tin từ CityNews.com, tin tức về vụ nổ súng trong khu Greektown của thành phố bắt đầu lan truyền vào lúc 10 giờ tối theo giờ địa phương. Các nhân chứng tại hiện trường cho biết họ nghe thấy tổng cộng 25 phát súng.
Toronto hiện đang phải đối mặt với tình trạng bùng nổ bạo lực súng đạn trong năm nay. Số trường hợp tử vong do súng đạn trong thành phố đã tăng 53%, tức 26 vụ trong năm 2018 tính đến nay, so với cùng thời kỳ năm ngoái. Từ ngày 20 tháng 07, Toronto đã tuyển thêm khoảng 200 sĩ quan cảnh sát để đối phó với các vụ nổ súng ngày càng gia tăng. Các viên chức thành phố cho rằng tình trạng này là do bạo lực băng đảng gây ra.
Thị trưởng thành phố Toronto, ông John Tory đã trả lời các phóng viên rằng thành phố này đang có vấn nạn về súng ống, đồng thời người dân nơi đây có quyền tiếp cận vũ khí quá dễ dàng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/no-sung-tai-toronro-it-nhat-2-nguoi-thiet-mang/
Macron lệnh cải tổ Điện Élysée
sau vụ đánh người biểu tình
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh cải tổ nhân sự Điện Élysée sau khi một video cho thấy phụ tá của ông đánh đập một người biểu tình, giới chức cho hay.
Dưới áp lực ngày càng tăng, ông Macron tổ chức cuộc họp khẩn hôm 22/7 với một số bộ trưởng về vụ việc.
Alexandre Benalla, vệ sĩ hàng đầu của ông Macron, bị ghi nhận kéo một người phụ nữ và sau đó đánh một người đàn ông trong cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao Động tại Paris.
Macron ‘thuyết phục Trump không rút quân khỏi Syria’
Thế hệ Macron hết nghĩ về VN qua HCM
Cây non Macron tặng Trump biến mất
‘Người nhện’ giải cứu em bé ở Pháp
Ông ta bị buộc tội bạo lực và đeo huy hiệu cảnh sát bất hợp pháp.
Ông Benalla bị sa thải hôm 20/7.
Một giới chức cho biết ông Macron mô tả vụ việc “không thể chấp nhận được” và hứa sẽ có “không có chuyện miễn hình phạt”.
Chánh Văn phòng Tổng thống Alexis Kohler đang xem xét việc cải tổ cơ quan này để ngăn vụ việc tái diễn, giới chức ẩn danh nói.
Tổng thống Pháp bị cáo buộc là biết vụ này nhưng định che đậy, và không có hành động xử lý nhanh chóng.
Ba cảnh sát viên cũng bị buộc tội liên quan đến vụ việc. Họ bị thẩm vấn hôm 21/7 vì bị cáo buộc đã rò rỉ đoạn băng CCTV để chứng minh sự vô tội của ông Benalla.
Người được giải Fields cùng Ngô Bảo Châu ra tranh cử QH Pháp
Pháp lên án Mỹ về lệnh trừng phạt Iran
Quốc hội Pháp thông qua luật di trú khắt khe
Cựu tổng thống Pháp Sarkozy bị cảnh sát tạm giữ
Vincent Crase, nhân viên của đảng Cộng hòa Tiến bước của ông Macron, cũng đang bị điều tra sau khi ông này xuất hiện trong đoạn băng.
Công luận Pháp càng thêm phẫn nộ khi có thêm đoạn băng cho thấy một số cảnh sát chứng kiến vụ việc mà không can thiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Gérard Collomb dự kiến sẽ bị chất vấn về chuyện này tại quốc hội hôm 23/7.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44914841
Vụ Benalla: Tại Quốc Hội Pháp,
bộ trưởng Nội Vụ phủ nhận trách nhiệm
Điều trần trước ủy ban điều tra Quốc Hội Pháp về vụ tai tiếng Benalla vào hôm nay, 23/07/2018, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gérard Collomb đã phủ nhận mọi sai phạm cá nhân trong vụ Alexandre Benalla, một cộng sự viên thân tín của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Người này đã đeo băng tay và đội mũ cảnh sát dã chiến, bị quay phim lúc đang bạo hành hai sinh viên nhân cuộc biểu tình ngày 01/05 vừa qua.
Theo bộ trưởng Pháp, ông đã được báo cáo về vụ việc, nhưng trách nhiệm xử lý không phải là của ông, mà là của sở Cảnh Sát Paris và văn phòng phủ tổng thống.
Bộ trưởng Nội Vụ Pháp đã bị Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Pháp, với quyền hạn điều tra về vụ Benalla, yêu cầu trả lời về vụ việc đang gây chấn động chính trường Pháp. Các dân biểu đặc biệt muốn biết vì sao bộ Nội Vụ Pháp không chuyển vụ bạo hành phi pháp này qua Tòa Án.
Trong bản tuyên bố mào đầu và phần trả lời chất vấn của các dân biểu, ông Collomb đã bác bỏ mọi lời kêu gọi của phe đối lập, đòi ông từ chức, và xác nhận rằng ông đã được văn phòng bộ thông báo một ngày sau khi đoạn video quay cảnh Benalla. Ông Benalla dù chỉ là quan sát viên, nhưng đã đánh đập và hành hung hai người biểu tình, trước sự chứng kiến của một quan sát viên khác, Vincent Crase, làm việc cho đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM đang cầm quyền tại Pháp.
Đối với bộ trưởng Nội Vụ Pháp, đó là những hành vi cần phải bị lên án mạnh mẽ, nhưng việc yêu cầu tư pháp xét xử các hành vi đó « không thuộc về ông », mà trách nhiệm là của văn phòng tổng thống và của sở Cảnh Sát vốn đã được ông thông báo vụ việc.
Ông đồng thời khẳng định không hề biết rằng Alexandre Benalla là cố vấn tại Điện Elysée, và cũng không hề được báo về sự hiện diện của hai quan sát viên đó trong hàng ngũ cảnh sát vào ngày 01/05.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, tuyên bố quy trách nhiệm của bộ trưởng Nội Vụ Pháp gây khó khăn cho lãnh đạo Cảnh Sát Paris, cũng ra điều trần trước Quốc Hội Pháp vào chiều nay.
Ngày mai, bộ trưởng Nội Vụ Pháp tiếp tục ra điều trần, lần này là trước Thượng Viện Pháp. Theo các nguồn tin nghị trường, rất có thể là ông Patrick Strzoda, chánh văn phòng của phủ tổng thống, sẽ được mời đến trả lời Thượng Viện vào ngày 25/07.
Điện Elysée tiếp tục phản ứng
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ tai tiếng, phủ tổng thống Pháp đang nỗ lực tìm cách xóa tan các bất bình.
Trước lúc bộ trưởng Nội Vụ ra điều trần tại Quốc Hội, phát ngôn viên chính phủ Pháp Benjamin Griveaux xác định rằng tổng thống Macron « kiên quyết làm sáng tỏ sự thật ».
Tối hôm qua, giới thân cận với ông Macron tiết lộ là tổng thống Pháp cho rằng các hành vi của Benalla « không thể chấp nhận được » và cam kết sẽ không có tình trạng bao che.
Cũng theo nguồn tin trên, ông Macron sẽ có tuyên bố công khai về sự vụ « khi xét thấy thích hợp », nhưng đã yêu cầu tổng thư ký Điện Elysée « cải tổ lại » guồng máy của phủ tổng thống, sao cho những lệch lạc như vừa xẩy ra không tái diễn.
Trong lãnh vực tư pháp, Alexandre Benalla và Vincent Crase, hai tác nhân chính trong vụ bạo hành ngày 01/05, đã bị đặt trong vòng điều tra kể từ tối hôm qua, cùng với ba sĩ quan cảnh sát cao cấp bị nghi ngờ đã chuyển cho Benalla các đoạn video giám sát về vụ việc, của cơ quan cảnh sát.
http://vi.rfi.fr/phap/20180723-vu-benalla-tai-quoc-hoi-phap-bo-truong-noi-vu-phu-nhan-trach-nhiem
Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản khỏi Hiến pháp
Có ý kiến cho rằng việc Cuba bỏ Chủ nghĩa Cộng sản ‘không tưởng’ trong dự thảo Hiến pháp, như Việt Nam đã làm, là điều đáng mừng và phù hợp xu thế.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bỏ qua mục đích xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, công nhận sở hữu tư nhân, mặc dù vẫn giữ Đảng Cộng sản như một lực lượng lãnh đạo của nhà nước độc đảng, theo Reuters.
Xem bài:Việt Nam khỏi lo ‘sắp mất Cuba’
Dự thảo Hiến pháp của Cuba
Quốc Hội Cuba cuối tuần này đang thảo luận dự thảo Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp thời Xô Viết.
Dự thảo này bỏ một điều khoản trong Hiến pháp năm 1976 về mục tiêu xây dựng một “xã hội cộng sản”, thay vào đó chỉ đơn giản là tập trung vào chủ nghĩa xã hội.
“Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang từ bỏ lý tưởng của mình”, Chủ tịch Quốc Hội Esteban Lazo được trích lời trên truyền hình nhà nước. Cuba đơn giản bước sang một thời đại khác sau sự sụp đổ của Liên Xô, ông nói.
“Chúng tôi tin vào một nước xã hội chủ nghĩa, độc lập, thịnh vượng và bền vững.”
Quanh việc Việt Nam xoá nợ cho Cuba
Nguyễn Phú Trọng: ‘Người đốt lò vĩ đại’
‘Chính trị Việt Nam đang có sóng ngầm’
Dự thảo Hiến pháp được thư ký Hội đồng Nhà nước, ông Homero Acosta, trình Quốc Hội hôm thứ Bảy 21/7.
Ông Homero Acosta cho hay bản Hiến pháp này bao gồm công nhận sở hữu tư nhân – điều vốn bị Đảng Cộng sản kỳ thị suốt một thời gian dài, coi như một tàn tích của chủ nghĩa tư bản.
Thay đổi này có thể mang lại công nhận pháp lý mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn phát triển rầm rộ sau cải cách thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiến pháp hiện tại của Cuba chỉ công nhận tài sản nhà nước, hợp tác xã, nông dân, tài sản cá nhân và liên doanh ở quốc gia 11 triệu dân.
Dự thảo cũng dường như củng cố các tổ chức chính trị và tạo ra một cơ cấu lãnh đạo mang tính tập thể hơn, sau gần 60 năm cai trị bởi nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro và em trai Raul Castro.
Castro, khi 86 tuổi, vào tháng Tư, đã trao chức Chủ tịch nước cho cố vấn Miguel Diaz-Canel, 58 tuổi, mặc dù ông vẫn là người đứng đầu Đảng Cộng sản cho đến năm 2021. Ông cũng đứng đầu Ủy ban Cải cách Hiến pháp.
Theo Hiến pháp mới, Chủ tịch nước sẽ không còn là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nữa.
Thay vào đó sẽ có chức Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc Hội cũng là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cao nhất của Cuba.
Dự thảo cũng quy định giới hạn tuổi và thời hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch nước. Theo đó, Chủ tịch nước cần phải dưới 60 tuổi thời điểm nhậm chức và không được ở cương vị này hai nhiệm kỳ năm năm liên tiếp.
Để phản ánh những thay đổi của Cuba, Chủ tịch nước Diaz-Canel hôm thứ Bảy đã thăng chức cho hai cấp dưới ở độ tuổi 50 trở thành phó Chủ tịch nước.
Ông Diaz-Canel giữ đa số các bộ trưởng từ thời Castro, trong đó có các chức vụ quan trọng về quốc phòng, nội địa, thương mại và ngoại giao.
Marino Murillo, đứng đầu Ủy ban Cải cách của Đảng Cộng sản và từng là một trong những phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là người duy nhất trong năm lãnh đạo cao cấp không có tên trong đội hình mới.
Hợp xu thế
“Tôi hoan nghênh Cuba đã xây dựng Hiến pháp dựa trên nền kinh tế tư nhân và bỏ chuyện xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Đó là điều đáng mừng”, luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC hôm 23/7.
“Cuba làm vậy là theo đúng xu thế, là hệ quả của một quá trình nhận thức lại vấn đề, khắc phục một giai đoạn mang tính không tưởng.”
Theo luật sư Thuận, Việt Nam cũng đã bỏ mục tiêu ‘xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản’ trong các cương lĩnh và báo cáo chính trị của Đảng.
“Trước kia Việt Nam có nêu vấn đề xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, tiến lên xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản nhưng bây giờ cũng bỏ cái ‘Chủ nghĩa Cộng sản’ rồi. Vì suy cho cùng mục đích xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản đưa ra những tiêu chí ‘không tưởng’, không có khả năng thực hiện. Chẳng hạn “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Tình hình thế giới bây giờ không khí còn không đủ thở, nước không đủ uống. làm gì có xã hội nào làm thế được.”
“Tất cả các văn kiện của Đảng bây giờ đều ghi xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thôi, chính xác là ‘theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Nghĩa là ở Việt Nam, Chủ nghĩa Xã hội mới chỉ là định hướng, chứ không phải xây dựng được một Chủ nghĩa Xã hội theo đúng ý nghĩa, bản chất của từ này.”
Nhìn lại Hiến pháp Việt Nam, vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội cho hay mặc dù Việt Nam thừa nhận kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực phát triển, nhưng trong Hiến pháp vẫn giữ lại cụm từ ‘kinh tế quốc doanh là nền tảng’.
“Đây vẫn là câu chuyện tranh luận trong sửa đổi Hiến pháp 2013, hiện đang có hiệu lực thi hành. Nếu có cơ hội thì người ta sẽ bùng ra để tranh luận nữa về vấn đề này.”
Từ trường hợp sửa Hiến pháp của Cuba, luật sư Thuận cũng đặt lại vấn đề Việt Nam trong cải cách thể chế chính trị để phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Ông nói:
“Theo chủ nghĩa Marx-Lenin, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Hiện nay hạ tầng cơ sở của Việt Nam hiện là kinh tế tư nhân, kinh tế đầu tư nước ngoài – đang chiếm tỷ lệ khá lớn. Vậy thì phải tính toán thể chế nào thì xã hội mới phát triển được. Cái này phải cải cách từng bước.”
https://www.bbc.com/vietnamese/44920675
WikiLeaks:
Liệu tổng thống Ecuador sẽ buông Assange?
Tổng thống Ecuador tuần này có chuyến viếng thăm Anh Quốc để tham dự một hội nghị quốc tế và bàn về khả năng ký kết thỏa thuận thương mại giữa hai nước cho thời kỳ hậu Brexit.
Nhưng có nhiều tin đồn thổi đang lan truyền về lý do thật sự chuyến đi này của ông. Theo đó, tổng thống Ecuador và các bộ trưởng Anh Quốc đang tìm kiếm một giải pháp để trục xuất nhà sáng lập WikiLeaks ra khỏi tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn.
Theo nhận định của thông tin viên RFI, Marina Daras tại Luân Đôn, trường hợp của Julien Assange sắp tới rất có thể có những biến chuyển bất ngờ.
« Đã 6 năm rồi, Julian Assange tị nạn trong tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn vào lúc người này tìm cách lẩn tránh yêu cầu dẫn độ sang Thụy Điển trong khuôn khổ cuộc điều tra về một vụ cưỡng hiếp. Lúc đó, Ecuador đã chấp thuận cho người này tị nạn chính trị để tỏ thái độ khinh thường việc Hoa Kỳ cáo buộc Assange công bố hàng trăm ngàn trang tài liệu mật của Mỹ trên trang mạng WikiLeaks năm 2010.
Lệnh truy nã toàn châu Âu do Thụy Điển ban hành đã được dỡ bỏ năm vừa rồi, nhưng cảnh sát Anh Quốc vẫn luôn tìm cách bắt giữ Julian Assange vì đã vi phạm các điều kiện tại ngoại hầu tra trước khi chạy vào ẩn náu ở đại sứ quán Ecuador.
Cảnh sát Anh Quốc từ chối xác nhận hay phủ nhận là họ đã nhận được yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Nhiều năm qua Julian Assange đã sống tù túng trong đại sứ quán Ecuador 24/24 giờ và 7/7 ngày dưới sự bảo vệ chặt chẽ gây nhiều tốn kém cho Ecuador.
Nhưng tân tổng thống Lenin Moreno thật sự bắt đầu mất dần kiên nhẫn. Trong vài tuần tới, rất có thể, ông cho bãi bỏ quy chế tị nạn chính trị của Assange, mà ông ví như là viên sỏi trong giày, và trao người này cho chính quyền Anh Quốc. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180723-okwikileaks-lieu-tong-thong-ecuador-se-buong-assange
Ozil rời tuyển Đức vì ‘bị phân biệt chủng tộc’
Mesut Ozil tuyên bố rời Đội tuyển bóng đá quốc gia Đức vì “nạn phân biệt chủng tộc và sự thiếu vắng tôn trọng” với anh ở Đức vì có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm nay 29 tuổi, Ozil, sinh ra ở Gelsenkirchen, nước Đức trong gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ và bị phê phán vì chụp hình với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại một sự kiện ở London hồi tháng 5.
Chính trị và bóng đá Đức: Ôi thời oanh liệt
Thành phố Đức ‘nhấp nháy đèn Karl Marx’
‘Thiên sứ’, ‘bùa hộ mệnh’ của Hitler
Hiện Ozil đang đá cho đội Arsenal ở Anh Quốc.
Anh cho biết sau khi Đức thua ở FIFA World Cup 2018 tại Nga, anh nhận được nhiều email căm thù, đe dọa.
Bốn năm trước, Ozil có vai trò quan trọng trong các trận đấu đưa Đức lên ngôi vô địch World Cup.
Hôm 02/06, Mesut Ozil và Ilkay Gundogan (cầu thủ đội Manchester City) bị cổ động viên Đức la ó sau khi thua tại Áo trong trận giao hữu ở Klagenfurt dù Ozil ghi một bàn.
Hôm 08/06, Ozil không được đấu trong trận giao hữu với Ả Rập Saudi ở Leverkusen, còn Gundogan lại bị cổ động viên ê khi ra sân. Có tin cầu thủ này đá khóc trong phòng thay quần áo đội Đức.
Phản ứng khác nhau
Trong tuyên bố cho báo chí, Ozil viết:
“Tôi cảm thấy không được hoan nghênh và những gì tôi đạt được kể từ khi bắt đầu sự nghiệp bóng đá quốc tế năm 2009 đã bị lãng quên.”
Họ coi tôi là người Đức khi ghi bàn thắng và coi tôi là kẻ di dân khi chúng tôi thuaMesut Ozil
“Họ coi tôi là người Đức khi ghi bàn thắng và coi tôi là kẻ di dân khi chúng tôi thua.”
Theo đài DW của Đức, bà Wiebke Muhsal, phó chủ tịch phân bộ của AfD – đảng cánh hữu bài ngoại – ở tiểu bang Thuringen, nhắn trên mạng Twitter:
“Anh ta mất nhiều thời gian quá để quyết định nhỉ.”
“Ozil phàn nàn là không được tôn trọng? Tôi không thấy được một sự cam kết cho nước Đức, cho các biểu tượng Đức như quốc kỳ từ anh ta.”
Trong một bức hình đăng trên báo chí, Ozil cầm cờ Thổ Nhĩ Kỳ khi đứng cạnh Tổng thống Erdogan.
Còn bà Katarina Barley, Bộ trưởng Tư pháp Đức, thì có ý kiến khác.
Cũng nhắn trên Twitter, bà viết:
“Đây là dấu hiệu mang tính báo động rằng cầu thủ đội Đức như Ozil không phải thấy được hoan nghênh ngay trên đất nước của anh ta vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cảm thấy không được Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đại diện.”
Bên cạnh chuyện bóng đá, chính trị Đức đang bước vào một giai đoạn nhiều căng thẳng với chính phủ Liên bang của bà Angela Merkel bị phe tả và phe hữu cùng phê phán về vấn đề di dân.
Sự lớn mạnh của đảng AfD công khai đòi hạn chế di dân và nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc Đức cũng khiến bầu không khí chung thêm nóng.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44923114
Israel oanh kích một vị trí quân sự ở Syria
Không quân Israel vào hôm qua, 22/07/2018, đã oanh kích ‘‘một vị trí quân sự’’ của quân đội Syria ở vùng Misyaf, miền trung nước này. Theo truyền thông Syria, máy bay Israel đã bắn hỏa tiễn từ không phận Liban.
Thông tín viên RFI, Paul Khalifeh, tường thuật từ Beyrouth :
Vị trí bị máy bay – được cho là của Israel – nhắm bắn nằm ở Misyaf, một thị trấn thuộc tỉnh Hama ở miền trung Syra, rất xa chiến tuyến Quneitra đang sôi sục ở miền nam Syria.
Một nguồn tin Syria do đài truyền hình Ả Rập al- Mayadeen trích dẫn, khẳng định là cuộc oanh kích nhắm vào một trung tâm nghiên cứu, nhưng không cho biết cụ thể hoạt động của trung tâm này là gì.
Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cho biết là tại địa điểm này có những cơ sở do chuyên gia Iran phụ trách và sản xuất pháo tầm trung.
Nguồn tin Syria còn cho biết thêm là máy bay Israel đã bắn 4 hỏa tiễn từ không phận Liban, ở phía bắc thung lũng Bekaa.
Không quân Israel đã rất năng động trên bầu trời Liban suốt ngày hôm qua, 22/07. Cuộc oanh kích chỉ gây thiệt hại vật chất, theo nguồn tin quân sự Syria được hãng thông tấn Sana trích dẫn.
Đây không phải lần đầu tiên cơ sở ở Misyaf bị máy bay Israel tấn công. Lần trước là vào tháng 09/2017.
Cuộc oanh kích lần này diễn ra vào lúc quân đội Syria đang nhanh chóng tiến đến gần sát vùng cao nguyên Golan, bị Israel chiếm đóng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180723-israel-oanh-kich-mot-vi-tri-quan-su-o-syria
Trung Quốc tuyên bố
‘không phá giá’ đồng nhân dân tệ
Trung Quốc hôm 23/7 khẳng định rằng giá trị đồng nhân dân tệ được quyết định bởi thị trường, và Bắc Kinh không có ý định phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, theo Reuters.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Washington cho biết đang theo dõi sự suy yếu của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh tranh chấp thương mại song phương đang leo thang.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói thêm rằng đe dọa về thương mại sẽ không bao giờ tác động tới Trung Quốc, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẵn sàng áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 500 tỷ đôla.
Tại cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đặt câu hỏi về tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin.
Trước đó, quan chức này nói với Reuters rằng sự suy yếu của đồng nhân dân tệ sẽ được xem xét trong báo cáo nửa năm của Bộ Tài chính về việc thao túng tiền tệ, với hạn chót đặt ra là ngày 15/10.
Đây là bình luận đầu tiên của một quan chức Mỹ kể từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump năm 2017, khi chính quyền này nâng cao khả năng coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói giá trị của đồng nhân dân tệ phụ thuộc vào cung cầu, và hiệu quả kinh tế lành mạnh đó đã hỗ trợ cho mức giá của nó.
“Trung Quốc không có ý định sử dụng các phương tiện như phá giá đồng tiền để kích thích xuất khẩu”, Reuters dẫn lời ông Cảnh Sảng nói.
Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc không có tiếng nói trong chính sách tiền tệ, đây là bộ duy nhất của nước này tổ chức họp báo hàng ngày, và các phóng viên nước ngoài có thể tham dự.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tuyen-bo-khong-pha-gia-dong-nhan-dan-te/4494646.html
Ấn Độ: Đối lập nghi tham nhũng
trong vụ mua phi cơ Pháp
Tại Ấn Độ hôm qua, 22/07/18, lãnh đạo đảng đối lập Rahul Gandhi cáo buộc đảng cầm quyền cố ý che đậy chi tiết bản hợp đồng mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp có tổng giá trị 7,87 tỉ euro, được ký cách nay 2 năm. Ông cho rằng số tiền bỏ ra là quá cao và nghi ngờ chính phủ cầm quyền tham nhũng.
Thông tin viên RFI Sébastien Farcis tường trình từ New Delhi:
“Ngài thủ tướng cau mặt lúc tôi hỏi giá mua những chiếc Rafale, và nhất quyết không nhìn thẳng vào mắt tôi. Ông Rahul Gandhi đã viết như vậy trên mạng xã hội Twitter. Qua tin nhắn này, ông Rahul Gandhi cho rằng chính phủ đang che giấu những chi tiết khó xử trong việc mua phi cơ Pháp.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, tại Quốc Hội, lãnh đạo đảng Quốc Đại, chính đảng đối lập lớn nhất, đã cáo buộc thủ tướng Ấn Độ thiên vị, dường như để cho một doanh nghiệp thân hữu có được hợp đồng chế tạo một phần các máy bay, khiến giá thành tăng gấp ba.
Từ lúc đó, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ và thậm chí cả chính quyền Pháp đều nhấn mạnh là họ bị ràng buộc bởi các điều khoản bí mật trong bản hợp đồng mua tiêm kích Rafale. Nhưng ông Rahul phủ nhận là có những điều khoản này, và cho rằng New Delhi đang cố gắng bưng bít một vụ bê bối tham nhũng. Điều chắc chắn là trong 9 tháng nữa sẽ có cuộc bầu cử lập pháp và chiến dịch vận động tranh cử mới chỉ bắt đầu“.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180723-an-do-doi-lap-nghi-tham-nhung-trong-vu-mua-phi-co-phap
Phản đối dựng tượng bố của lãnh đạo Myanmar
Người dân một số vùng của Myanmar đang tiếp tục biểu tình phản đối xây nhiều tượng Tướng Aung San, cha của Cố vấn Aung San Suu Kyi.
Hôm 19/07 năm nay, một nhóm phản đối lại lên tiếng ở bang Kayah sau khi đã có phản đối tương tự ở bang Kachin.
Tuy thế, chính quyền Liên bang Myanmar vẫn muốn thực hiện kế hoạch dựng hàng trăm bức tượng Tướng Aung San trên cả nước.
Myanmar bắt phóng viên nước ngoài
Phóng viên Reuters bị truy tố ở Myanmar
Theo trang Myanmar Times, người lãnh đạo nhóm phản đối ở Kayin, ông Khun Bernars Bote nói lời hứa của Tướng Aung San lúc sinh thời với người Kayin “không bao giờ thành hiện thực”.
Theo ông, những người phản đối muốn để chính quyền bang không thể cứ coi thường dư luận mãi được.
Trong Hiến pháp 1947 bang này có tên là ‘Bang Kayin Ni’ nhưng sau đó bị đổi và ghép vào thành một phần của bang Kayah.
Phái phản đối cũng nói trong thời gian vận động giành độc lập từ tay thực dân Anh, Tướng Aung San đã đến bang này và hứa tôn trọng “quyền tự quyết” của họ.
Nhưng sau đó, lời hứa để người Kayin tự quyết đã bị các chính phủ Myanmar lờ đi.
Việc dựng tượng Tướng Aung San ở Loikaw sẽ chỉ gây thêm mâu thuẫn giữa chính phủ của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và dân địa phương, theo phái phản đối.
Trước đây đã có phản đối việc chính quyền xây tượng ông Aung San ở Myitkyina, bang Kachin nhưng bị nhà nước bỏ ngoài tay.
Tướng Aung San là ai?
Sinh năm 1915, ông Aung San là nhà hoạt động chống thực dân Anh và là lãnh đạo một phong trào đòi độc lập hồi năm 1939.
Sau đó, ông được quân Nhật trợ giúp để lập ra Quân đội Miến Điện Độc lập (1942) nhằm giúp họ quản trị các vùng chiếm được từ tay người Anh.
Nhưng sau đó, Tướng Aung San thấy khó tin vào lời hứa trao trả độc lập của người Nhật nên chuyển sang ủng hộ Đồng minh vào tháng 3/1945.
Sau khi Nhật Bản thua trận, ông dự hội đàm với Thủ tướng Anh Clement Attlee ở London và được Anh cam kết trả độc lập.
Phái cộng sản Myanmar khi đó lên án ông Aung San là “làm tay sai đế quốc” và cho là ông đã nhượng bộ Anh quá nhiều.
Vào tháng 7/1947, khi làm thủ tướng chính phủ Miến Điện, ông và một số thành viên nội các bị giết trong một vụ đánh bom.
Một bình luận của Jared Downing viết di sản của ông Aung San khá phức tạp.
Ông từng là “cộng sản, phát xít, chống phát-xít”, tùy lúc, và cũng từng chống người Anh, lại có lúc “chiến đấu bên cạnh quân Anh”.
Ông được coi như nhân vật gần nhất với hình ảnh “cha già dân tộc” (founding father) ở Myanmar, theo tác giả này.
Con gái ông, bà Aung San Suu Kyi hiện là lãnh đạo NLD và người thực chất nắm quyền cao nhất tại Myanmar.
Hiện có vẻ như dù lên bằng lá phiếu dân chủ, bà Suu Kyi ngày càng có những biểu hiện dựa vào phe quân đội và thân Trung Quốc.
Việc đề cao cha bà tới mức sùng bái thần tượng được thúc đẩy mạnh như một chính sách quốc gia.
Theo Myanmar Times, chính quyền đã cho xây trên 100 tượng của ông Aung San và còn tiếp tục tiến hành để trên 330 thị trấn trên cả nước đều có tượng ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44923115
Châu Phi : Tín dụng ”hào phóng”,
nhưng đáng sợ của Trung Quốc
Trong những năm gần đây châu Phi nhiều nhà quan sát coi Trung Quốc là « đối tác » kinh tế số một của châu Phi. Kể từ năm 2000, với hơn 140 tỉ đô la tín dụng đổ vào châu Phi, Trung Quốc được coi là « chủ nợ số một » của châu lục. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nhiều hệ quả đáng sợ của các khoản tín dụng được nhiều người ca ngợi là hào phóng của « đối tác » số một này. RFI giới thiệu một số nhận định của giới chuyên gia.
Hãng tin Ecofin, có trụ sở tại Genève (Thụy Sĩ) và Yaoundé (Cameroun), chuyên về kinh tế châu Phi có bài : « Trung Quốc, chủ nợ hào phóng nhưng bất lương của châu Phi». Bài viết trước hết dẫn lại các số liệu tổng hợp của CARI, một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Hoa Kỳ Johns-Hopkins, được coi là một cơ sở dữ liệu tương đối đáng tin cậy trong lĩnh vực này. Theo đó, Bắc Kinh đã rót 94,4 tỉ đô la tín dụng cho châu Phi, trong thời gian từ 2000 đến 2015. Kể từ năm 2015, khoảng 47 tỉ đô la, trong tổng số 60 tỉ được hứa hẹn cho giai đoạn ba năm 2015-2018, đã được giải ngân.
Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 4/2018, trung tâm tư vấn Mỹ Brookings Institution, cho biết số tiền Trung Quốc cho các nước châu Phi vay, kể từ năm 2000, được dùng để tài trợ hơn 3.000 dự án cơ sở hạ tầng, và các đầu tư này được coi là đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của các nước liên quan. Một số quốc gia như Kenya, hy vọng là chỉ riêng dự án đường sắt do Trung Quốc « tài trợ », khánh thành hồi năm ngoái, sẽ giúp cho GDP nước này tăng trưởng 1,5%. Một nghiên cứu khác của văn phòng kiểm toán Mỹ McKinsey, nêu ra con số gần 300.000 chỗ làm mới được tạo ra, theo một điều tra với 1.000 doanh nghiệp Trung Quốc làm việc tại châu Phi.
Tuy nhiên, vẫn bài viết trên Ecofin nhấn mạnh là, sở dĩ Trung Quốc đã lấn tới mạnh mẽ trong lĩnh vực tín dụng tại châu Phi, là do Bắc Kinh hoàn toàn nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng nhân quyền ở đây, cũng như không cần quan tâm đến mối liên hệ giữa việc cho vay và các đòi hỏi cải cách phương thức điều hành chính quyền trong lĩnh vực kinh tế, theo hướng dân chủ hóa và tăng cường hiệu quả quản trị Nhà nước. Điều mà các định chế tài chính quốc tế thường đòi hỏi.
Tài trợ đánh đổi tài nguyên giá rẻ, môi trường suy thoái
Ẩn đằng sau nguyên tắc có vẻ rất vô tư của Trung Quốc, như « không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau », trên thực tế, Bắc Kinh luôn gắn liền việc cấp tín dụng với nhiều ràng buộc, có lợi cho Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Laurent Delcourt, làm việc tại Trung Tâm Ba Lục Địa (Centre tricontinental / CETRI), Bỉ, chuyên về các phát triển và các quan hệ Bắc – Nam, các trợ giúp tài chính của Trung Quốc, đều buộc các « đối tác » phải nhân nhượng ít nhất về hai mặt.
Thứ nhất là, các dự án do Trung Quốc tài trợ buộc phải mời chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc. Và thứ hai là, các dự án cơ sở hạ tầng (như đường xá, cầu cống, đập nước, bệnh viện…) hay các công trình có tên tuổi (như sân vận động, phủ tổng thống…), đều gắn liền với việc chính quyền sở tại nhượng lại cho Trung Quốc nhiều tài nguyên dầu mỏ hay khoáng sản.
Các chuyên gia gọi tên thủ đoạn này là « tài trợ theo kiểu Angola ». Nhà nghiên cứu Deborah Brautingam, nữ giám đốc của trung tâm nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc – Châu Phi của Đại học Hoa Kỳ Johns-Hopkins, giải thích : « Người Trung Quốc sử dụng biện pháp này đối với các quốc gia không có khả năng trả được nợ » bằng tiền. Các con nợ phải bồi hoàn thông qua việc xuất khẩu tài nguyên. Trường hợp của Angloga, do khó trả nợ Trung Quốc, nên khoảng 63% lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này phải bán cho Trung Quốc. Theo bà Deborah Brautingam, các nước nào rơi vào cái bẫy này của Trung Quốc, thì thu nhập từ xuất khẩu sụt giảm, do giá tài nguyên rớt mạnh. Cùng với Angola, Trung Quốc cũng sử dụng biện pháp này với Soudan và Conggo, các quốc gia giàu tài nguyên khác ở châu Phi.
Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Xavier Auregan, Viện Địa Chính Trị Pháp (l’Institut français de géopolitique) lo ngại, dưới ảnh hưởng Trung Quốc, kinh tế châu Phi đang trở lại với thời kỳ bán tài nguyên khoáng sản thô như nguồn thu nhập chủ yếu. Hơn 80% hàng nhập khẩu châu Phi vào Trung Quốc là tài nguyên khoáng sản không qua chế biến.
Một hệ quả thứ ba của các dự án do Trung Quốc bỏ tiền cũng được nhiều người nhắc đến, đó là việc Trung Quốc áp đặt các tiêu chuẩn riêng. Theo ông Jean-François Di Meglio, chủ tịch trung tâm Asia Centre, « bất kể về mặt môi trường, quyền của người lao động…, Trung Quốc thường xuyên đến (châu Phi) với nhân công riêng của họ, với các nguyên tắc ứng xử riêng của họ, mà rõ ràng là nằm ngoài các chuẩn mực quốc tế ».
Nước nghèo châu Phi trước nguy cơ vỡ nợ
Một số cơ quan chuyên về tài chính cảnh báo tình trạng nhiều nước nghèo ở châu Phi lún sâu trong nợ nần. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 5/2018, công ty thẩm định tài chính Standard&Poor’s (S&P) điểm lại những biến chuyển lớn trong lĩnh vực này, trước và sau khi Trung Quốc ồ ạt đổ tín dụng vào châu lục này.
Theo S&P, nếu như sáng kiến trợ giúp các nước nghèo nợ nần quá tải (gọi tắt là PPTE) ở khu vực phía nam sa mạc Sahara, của Ngân Hàng Phát Triển Châu Phi (BAD), đã giúp tỉ lệ nợ công của các nước này giảm từ mức 100% GDP vào năm 2000, xuống còn trung bình 24% vào năm 2008, và 18% vào năm 2011. Thì kể từ năm 2011, nợ công các nước nói trên lại tăng lên trở lại và đạt mức 53% GDP vào năm ngoái 2017.
Tại Angola, nợ bình quân đầu người đối với Trung Quốc của quốc gia 28 triệu dân này là 745 đô la. 55% nợ công của Kenya, 70% nợ của Cameroun là do Trung Quốc nắm.
Ngân Hàng Phát Triển Châu Phi kêu gọi các quốc gia châu Phi hết sức thận trọng trước các quyết định vay tín dụng bằng ngoại tệ, đồng thời đề nghị các nước phát hành trái phiếu bằng tiền địa phương.
Vẫn theo công ty thẩm định tài chính S&P, gánh nặng nợ nần với các nước nghèo đã tương đương với mức của những năm trước khi sáng kiến trợ giúp PPTE của BAD khởi sự. Cụ thể là, hồi năm ngoái, trung bình các nước này đã phải chi 11% ngân sách quốc gia để trả nợ, so với 4% của năm 2011. Riêng Ghana phải dành 36,2% ngân sách để trả nợ. Tình hình hiện nay được coi là rất nghiêm trọng, cho dù chưa đến mức mà các định chế tài chính quốc tế phải ra tay trợ giúp. Theo Ecofin, các nước châu Phi sẽ phải đưa vấn đề này ra thảo luận tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi lần thứ 7, sẽ diễn ra tại Bắc Kinh tháng 9 tới.
Cho vay tăng, nhưng « đầu tư » ngày càng ít
Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng Trung Quốc tại châu Phi, nhiều chuyên gia đưa ra một quan sát đáng chú ý. Đó là trong lúc Trung Quốc « cho vay » ngày càng nhiều, thì Bắc Kinh lại « đầu tư » rất ít cho các công trình ổn định, có giá trị lâu dài (IDE), nhằm giúp châu Phi phát triển. Tổng lượng tín dụng của Trung Quốc cho châu Phi từ 2000 đến nay là hơn 140 tỉ đô la, trong lúc mỗi năm Bắc Kinh chỉ bỏ ra khoảng 3 đến 4 tỉ đô la cho « đầu tư ».
Một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Châu Phi, nhà nghiên cứu Thierry Pairault, trong bài « China in Africa : Goods Supplier, Service Provider rather Insvestor», nhấn mạnh đến một thực tế là, trong lúc vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc tăng liên tục kể từ năm 2003, và đạt mức 13,5% IDE toàn cầu, thì đầu tư IDE của Trung Quốc vào châu Phi lại liên tục giảm từ 2011, và chỉ còn chiếm 1,2% tổng vốn IDE của Trung Quốc (so với khoảng 10% năm 2008).
Con số này cho thấy châu Phi không được coi là hướng tiếp nhận đầu tư lâu dài của Trung Quốc, việc trông đợi Trung Quốc tạo thêm hàng chục triệu công ăn việc làm cho châu Phi là một « ảo tưởng ». Theo ông Thierry Pairault, nhìn về tổng thể, với châu Phi, Trung Quốc là một « nhà cung cấp dịch vụ » và « người bán hàng » hơn là một nhà đầu tư. Kể từ năm 2013, châu Phi bắt đầu phải nhập siêu từ Trung Quốc, sau một thập niên xuất siêu. Năm 2016, thâm hụt thương mại của châu Phi với Trung Quốc là 46 tỉ đô la.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180723-chau-phi-tin-dung-hao-phong-nhung-dang-so-cua-trung-quoc