Tin khắp nơi – 23/06/2016
Vụ thử phi đạn của Bắc Triều Tiên cho thấy tiến bộ thực sự
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở phiên họp khẩn vào tối thứ tư để thảo luận về những cuộc thử nghiệm phi đạn mới nhất của Bắc Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã yêu cầu triệu tập phiên họp khẩn, với sự tham khảo ý kiến của Nam Triều Tiên, để ứng phó với điều mà Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, mô tả là “một mô thức ngang ngạnh” của Bình Nhưỡng. Bà Power phát biểu như sau trước khi tham dự phiên họp.
“Những vụ thử nghiệm trong vòng 24 giờ qua chỉ là những hành động mới nhất của mô thức đó. Kể từ ngày 2 tháng 3 và từ khi nghị quyết 2270 được thông qua, chúng tôi đã thấy có 10 vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo, một loạt thử nghiệm được thực hiện một cách nhanh chóng, bất chấp 5 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều đó không thể chấp nhận được.”
Bà Power hối thúc Hội đồng Bảo an nhanh chóng lên án Bắc Triều Tiên.
Tiếp theo cuộc họp kín kéo dài một giờ đồng hồ, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Phó Đại sứ Alexis Lamek của Pháp, cho biết có “một sự hội tụ rộng rãi của những quan điểm” cho rằng những vụ phóng thử nghiệm đó vi phạm tất các các nghị quyết của hội đồng. Ông Lamek nói ông dự kiến hội đồng sẽ đưa ra một thông cáo “trong vòng vài ngày”.
Hôm qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm phi đạn tầm trung Musudan lần thứ tư và lần thứ năm từ thành phố ven biển Wonsan. Các giới chức quân đội Mỹ và Nam Triều Tiên cho biết phi đạn thứ nhất bị rơi không lâu sau khi được phòng đi, nhưng phi đạn thứ nhì đã bay khoảng 400 kilo mét trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Phi đạn được thử nghiệm lần này đã không bắn xa tới 3.000 kilo mét như thiết kế của phi đạn Musudan và rõ ràng là không chứng tỏ khả năng quay lại khí quyển để đánh trúng mục tiêu một cách chính xác. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục học hỏi từ mỗi sự thất bại và đang có được tiến bộ với những cuộc thử nghiệm mới.
Ông Jefferey Lewis, giám đốc Chương trình Cấm phổ biến hạt nhân Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, cho biết như sau.
“Đây là một dấu mốc rất quan trọng, bởi vì những phi đạn mà họ phóng phóng trước đây đã nổ tung không bao lâu sau khi được phóng hoặc có thể là ngay lúc đó. Cho nên đây là một dấu hiệu tiến bộ thật sự.”
Ông Lewis nói những vụ phóng hôm thứ tư cũng chứng tỏ là các biện pháp chế tài quốc tế cho đến nay vẫn chưa ảnh hưởng tới khả năng thủ đắc vật liệu và công nghệ để sản xuất những loại vũ khí này của Bắc Triều Tiên.
Truyền thông Nam Triều Tiên cho biết các chuyên gia tin rằng Bắc Triều Tiên đang có 30 phi đạn Musudan, là loại phi đạn được triển khai lần đầu vào năm 2007. Vụ thử nghiệm phi đạn Musudan lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng tư năm nay.
Nam Triều Tiên gọi vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên rõ ràng là một hành động gây hấn nhắm vào họ và hối thúc Bình Nhưỡng tự kiềm chế.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Jeong Joon Hee, phát biểu như sau.
“Tôi muốn khuyên Bắc Triều Tiên một điều là họ nên dồn thêm nỗ lực cho hoà bình của bán đảo Triều Tiên và cho cuộc sống của người dân nước họ, những mục tiêu mà Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn nói là họ đang theo đuổi.”
Vụ thử nghiệm phi đạn mới nhất của Bắc Triều Tiên có phần chắc sẽ được bàn thảo tại diễn đàn không công khai về an ninh khu vực hiện đang diễn ra ở Bắc Kinh với sự tham dự của các nhà ngoại giao của Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga. Theo dự liệu, tại cuộc họp này, Đại sứ Bắc Triều Tiên, bà Choe Son Hui, sẽ bênh vực cho quyền phát triển vũ khí hạt nhân của nước bà để tự vệ trước điều mà Bình Nhưỡng cho là mối đe dọa của Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc là đồng minh và là đối tác thương mại chính yếu của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh phát động chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và ủng hộ những biện pháp chế tài mới nhất của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng sự chấp hành của Trung Quốc khá lỏng lẻo vì họ không muốn gây bất ổn cho chính phủ của ông Kim Jong Un, và có phần chắc Bắc Kinh sẽ không ủng hộ những biện pháp nào khác nữa có thể làm cho đồng minh của họ bị suy yếu.
Ông Woo Su Keun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Đông Hoa ở Thượng Hải, nhận định như sau.
“Với tình hình hiện nay ở Đông Bắc Á, Trung Quốc khó lòng áp dụng các biện pháp chế tài chống lại Bắc Triều Tiên vì Bắc Triều Tiên có thể là một lá bài của Trung Quốc.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã tiếp kiến các giới chức cấp cao của đảng đương quyền của Bắc Triều Tiên để tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ vốn đã bị sứt mẻ vì những hành vi gây hấn hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi thực hiện lại cuộc đàm phán quốc tế nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.
Mỹ và các nước đồng minh đòi hỏi Bắc Triều Tiên ngưng phát triển hạt nhân trước khi cuộc đàm phán có thể thực hiện lại.
http://www.voatiengviet.com/a/thu-phi-dan-cua-trieu-tien-cho-thay-co-tien-bo-thuc-su/3388768.html
Anh mở cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về EU
Cuộc bỏ phiếu đã khởi sự hôm nay, thứ Năm 23/6 trong cuộc biểu quyết mà vào tối hôm nay sẽ quyết định liệu nước Anh có ở lại Liên Hiệp Âu Châu – EU hay không.
Giữa lúc cử tri đổ về các phòng phiếu, các cuộc thăm dò công luận cho thấy hai bên đang cạnh tranh ráo riết.
Tỷ lệ đi bầu dự kiến sẽ cao, và là cao điểm của một chiến dịch vận động kịch liệt, kéo dài 2 tháng, phần lớn xoay quanh vấn đề di trú, một vấn đề vô cùng nhạy cảm và gây chia rẽ tại một quốc gia nơi mà tỷ lệ di dân đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000.
Thủ Tướng Anh David Cameron dẫn đầu chiến dịch ủng hộ giải pháp ở lại trong khối EU.
Hôm qua, ông đưa ra những lập luận giờ chót để cố gắng thuyết phục thành phần cử tri còn chưa biết ngả theo phe nào. Ông nói: “Chúng ta sẽ mạnh hơn, trong vị thế tốt hơn trong một Liên Hiệp Âu Châu đã cải cách.”
Ông Cameron và những người khác cũng chống đối giải pháp rút ra khỏi EU nói rằng nền kinh tế Anh sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu nước này tách ra khỏi khối EU gồm 28 nước thành viên.
Giới phân tích nói rằng tương lai chính trị của ông Cameron đang nằm trên bàn cân và tuỳ thuộc vào kết quả của cuộc biểu quyết. Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau khi ông Cameron hồi tháng Hai không đạt được một thoả thuận với Liên hiệp Âu châu, theo đó liên hiệp này sẽ làm nhiều hơn nữa để hạn chế những phúc lợi dành cho người di dân và giảm bớt các giới hạn đối với doanh nghiệp và các quy định quản lý khác.
Nếu cử tri quyết định tách ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, giới phân tích nói coi như ông Cameron đã mất sự uỷ nhiệm của cử tri, và không có lựa chọn nào khác hơn là từ nhiệm, điều mà nhà lãnh đạo Anh cho tới nay vẫn tuyên bố sẽ không làm.
Những người ủng hộ giải pháp nước Anh rút ra khỏi khối EU cũng đưa ra những lập luận vào phút chót để thuyết phục những người chưa quyết định ngả về phe nào.
Các cuộc thăm dò cho thấy chiến dịch tách ra khỏi EU đã đánh mất một số ủng hộ tiếp theo sau vụ ám sát nhà lập pháp chống giải pháp rời khỏi EU, bà Jo Cox.
Vụ giết người do một nhân vật có lập trường cực hữu và cực đoan với một quá trình bệnh tâm thần thực hiện, đã khiến chiến dịch vận động của cả bên ủng hộ và chống đối phải tạm ngưng, nhiều cử tri Anh cũng dừng lại để suy gẫm về sự cay đắng chung quanh cuộc biểu quyết này.
http://www.voatiengviet.com/a/anh-mo-cuoc-trung-cau-dan-y-lich-su-ve-eu/3388891.html
Dân biểu đảng Dân chủ ‘ngồi lỳ’ tại Hạ viện đòi có hành động về súng
Để đối phó với việc các dân biểu đảng Dân chủ tại Hạ viện tọa kháng gần 16 giờ đồng hồ để kêu gọi bỏ phiếu về luật kiểm soát súng ống, Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện sáng sớm ngày hôm nay biểu quyết để tạm nghỉ họp cho đến ngày 5 tháng 7 tới. Động thái này đánh dấu cao điểm của một đêm đầy kịch tính tại Điện Capitol, nơi các dân biểu Cộng hòa nhiều lần trở lại phòng họp để bỏ phiếu trong khi các dân biểu Dân chủ tập họp chung quanh lời kêu gọi “Không có luật, không nghỉ,” và la ó phản đối Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Thông tín viên Đài VOA Zlatica Hoke tường thuật.
Khoảng 40 dân biểu Dân chủ trong bộ vét chỉnh tề ngồi xuống sàn Hạ viện sau khi đọc lời Tuyên thệ Trung thành.
Dân biểu Dân chủ John Larson thuộc Tiểu bang Connecticut nói:
“Chúng tôi sẽ chiếm sàn này, chúng tôi sẽ không còn bị khước từ quyền bỏ phiếu.”
Dân biểu Larson sau đó bị ngắt lời và các máy thu hình bị tắt khi Chủ tịch Hạ viện tạm thời ra lệnh ngưng phiên họp. Một số các hành động này được đưa ra ngoài xuyên qua các kênh tư nhân.
Đảng Dân chủ đề nghị nới rộng việc kiểm soát lý lịch và những hạn chế khác để ngăn chận những phần tử khủng bố và những cá nhân nguy hiểm khác mua súng.
Dân biểu Dân chủ John Lewis, tiểu bang Georgia nói:
“Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo Hạ viện đưa dự luật hợp lý về kiểm soát súng ra Hạ viện để biểu quyết. Hãy cho chúng tôi bỏ phiếu.”
Dân biểu Lewis dùng chiến lược trong thời kỳ ông là một nhà hoạt động dân quyền để cầm đầu việc tọa kháng ngày hôm qua. Ông nói:
“Chúng tôi không còn chờ đợi được nữa. Do đó ngày hôm nay chúng tôi đến Hạ viện để nêu lên sự cần thiết phải hành động-không phải tháng tới, không phải năm tới, nhưng ngay bây giờ-ngày hôm nay!”
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ những biện pháp hợp lý để bảo đảm súng ống không phải bán cho ai cũng được. Việc Quốc hội không hành động được đổ lỗi cho những cuộc vận động của Hiệp hội Súng Mỹ.
Dân biểu Dân chủ Donna Edwards tiểu bang Maryland nói:
“Đây là lúc quốc hội lắng nghe tiếng nói của dân chúng Mỹ thay vì nghe lời của Hiệp hội Súng Quốc gia, lắng nghe ý kiến của số đông Dân biểu Dân chủ và Cộng hòa và những dân biểu độc lập và tước súng khỏi tay những phần tử khủng bố, những phần tử tội phạm và những người có thể làm hại người khác.”
Một số Thượng nghị sĩ ngày hôm qua đã đến Hạ viện để ủng hộ các dân biểu Dân chủ tại Hạ viện.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski tiểu bang Maryland nói:
“Tôi rất thất vọng vì chúng tôi phải sử dụng những chiến thuật dân quyền để có được quyền hiến định cho các dân biểu Hạ viện tuân theo những qui định và yêu cầu biểu quyết về vấn đề là nếu bạn là một tay khủng bố, bạn sẽ không có thể mua súng-hãy đóng lại lổ hỗng này.”
Ngày thứ Hai vừa qua, Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã ngăn chận 4 biện pháp kiểm soát súng được đề nghị. Những người chống đối cho rằng các biện pháp này sẽ tước đoạt quyền hiến định của bán súng và người mua súng.
30.000 người chết vì bạo động súng ở Mỹ mỗi năm
Vụ nổ súng giết chết nhiều người tại một hộp đêm ở Florida đã làm phát sinh trở lại những cuộc tranh luận về kiểm soát súng tại Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Đài VOA Carol Pearson, dù quốc hội không tài trợ những cơ quan y tế chính phủ để nghiên cứu bạo động súng ống, các chuyên gia y tế công cộng nói các cuộc nghiên cứu tư đã giúp họ biết được một số điều về vấn đề này.
Tại Orlando có thêm nhiều buổi lễ tưởng niệm, nhiều đêm thắp nến cầu nguyện để tưởng nhớ các nạn nhân…trong khi tại Washington, có nhiều cuộc bỏ phiếu về luật kiểm soát súng ống.
Các nhà lập pháp Thượng viện đã biểu quyết bác bỏ tổng cộng 4 đề nghị nhằm ngăn không cho những nghi can cực đoan sở hữu súng và bắt buộc kiểm tra lý lịch. Cuộc tranh luận tiếp tục tại Hạ viện.
Ông Georges Benjamin thuộc Hội Y tế Công cộng Mỹ nói:
“Vì những lý do chính trị, người ta đã không làm những việc thường phải làm như trong trường hợp chúng ta có máy bay rớt mỗi ngày.”
Tại Mỹ, mỗi năm có 30.000 người chết vì bạo động súng ống. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) theo dõi con số nhưng chỉ vậy mà thôi. Bà Shannon Frattaroli thuộc Trường đại học Johns Hopkins nói qua Skype.
“Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ có tài trợ cho vấn đề phòng ngừa thương tật, nhưng không có cuộc tài trợ nào được dành cho việc nghiên cứu phòng ngừa bạo động súng ống.”
Các chuyên gia nói quốc hội không xem bạo động súng ống như là một vấn đề y tế công cộng quan trọng. Và trong khi những vụ nổ súng giết chết nhiều người thu hút sự chú tâm của công chúng, các nạn nhân này chỉ đại diện cho một con số nhỏ những người chết vì bạo động súng ống. Bà Shannon Frattaroli trường đại học Johns Hopkins nói tiếp:
“Đa số những vụ bạo động súng ống do những người chúng ta quen biết gây ra.”
Sau những vụ nổ súng làm chết nhiều người, việc bán vũ khí nở rộ, vì nhiều người lo ngại quốc hội sẽ hạn chế việc mua bán súng ống. Một người chủ tiệm bán súng nói:
“Lý do số một khiến nhiều người đến đây mua súng ngày hôm qua là để tự vệ.”
Ông Georges Benjamin, Hội Y tế Công cộng Mỹ nói:
“Chúng tôi biết có súng để trong nhà là một vấn đề quan trọng. Việc này làm cho bạn gặp nhiều rủi ro hơn. Nhiều người bị thương vong do chính vũ khí của họ hay do những người quen biết gây ra. Những nguy hiểm bạn gặp phải khi có những người có súng xâm nhập nhà bạn ít hơn là mọi người thường nghĩ.”
Các chuyên gia nói họ cần thêm thông tin về tất cả vấn đề liên hệ đến bạo động súng ống và việc sở hữu súng để có thể làm cho súng an toàn hơn. Một điều họ biết rõ là ai là những người thường hay phạm tội giết người nhất.
Bà Shannon Frattaroli Trường đại học Johns Hopkins nói:
“Một trong những điều có thể tiên đoán về những người sắp bạo động súng ống là những người đã bạo động trong quá khứ.”
Bà Frattaroli nói trong số này có những người có những hành vi bạo động đối với vợ hay chồng của mình.
http://www.voatiengviet.com/a/ba-muoi-nghin-nguoi-chet-vi-bao-dong-sung-o-my-moi-nam/3388933.html
Nhà lập pháp Hong Kong Lương Quốc Hùng bị truy tố
Một nhà lập pháp thân dân chủ nổi tiếng tại Hong Kong hôm nay bị cáo buộc là không báo cáo một khoản tiền tặng dữ của một nhà tài phiệt truyền thông được nhiều người biết tiếng, có lập trường chống Trung Quốc .
Ông Lương Quốc Hùng, biệt danh “Tóc dài”, bị cáo buộc là đã nhận 32.000 đôla từ ông Jimmy Lai, sáng lập viên của nhật báo Apple Daily. Tờ báo này được biết tiếng là hay chỉ trích Bắc Kinh.
Uỷ ban Độc lập Chống Tham nhũng của Hong Kong tố cáo ông Lương, 60 tuổi, có hành vi sai trái trong công vụ, một cáo giác mà ông Lương cho là có động cơ chính trị.
Nổi tiếng với bộ tóc dài và các áo phông Che Guevara, ông Lương đã phục vụ tại Viện Lập pháp Hong Kong từ năm 2004 tới nay. Các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức một lần nữa vào tháng 9 năm nay.
Trả lời câu hỏi liệu ông có bác bỏ những lời cáo buộc, ông Lương chỉ nói rằng ông sẽ làm như vậy trước tòa. Ông đã được tại ngoại hầu tra và theo ấn định sẽ ra trước tòa vào ngày mai, thứ Sáu 23/6.
Những mối lo sợ rằng Trung Quốc đang siết chặt gọng kềm đối với Hong Kong gần đây còn tăng cao hơn nữa sau khi có những tin tiết lộ một chủ hiệu bán sách Hong Kong đã bị cầm giữ ở Trung Quốc trong 8 tháng.
Hiệu sách của ông Lam Wing Kee được nhiều người biết tiếng là bán những đầu sách về những chuyện ngồi lê đôi mách liên quan tới các chính khách ở Bắc Kinh.
Hong Kong hưởng quy chế tự trị từ khi được Anh quốc giao hoàn cho Bắc Kinh vào năm 1997. Vùng lãnh thổ này được hưởng nhiều quyền tự do không hề có ở Hoa lục, nhưng đang có lo sợ là các quyền này đang dần dần bị tước đi.
Mỹ chuyển tù nhân Yemen tới Montenegro
Quân đội Mỹ loan báo đã chuyển một người đàn ông Yemen từ trung tâm giam giữ của Mỹ ở Vịnh Guantanamo bên Cuba, sang Montenegro.
Sau khi Abdel Malik Ahmed Abdel Wahab Al Rahabi được chuyển đi nơi khác, còn lại 79 người bị cầm giữ tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo, nơi mà trước đây có lúc đã từng giam giữ 800 người từ khi nhà tù này mở cửa vào đầu năm 2002.
Các tài liệu của Ngũ Giác Đài miêu tả Al Rahabi là một thành viên của al-Qaida, và đã từng là nhân viên bảo vệ cho thủ lãnh al-Qaida Osama bin Laden.
Al Rahabi đã từng chiến đấu chống các lực lượng Mỹ và liên minh. Ông ta bị các lực lượng Pakistan bắt vào tháng 12 năm 2001 trong khi đang tìm cách vượt biên giới từ Afghanistan, và được đưa đến Vịnh Guantanamo một tháng sau đó.
Một ủy ban xét duyệt vào năm 2014 kết luận rằng không còn cần thiết phải cầm giữ al Rahabi nữa, để bảo vệ chống một mối de dọa đáng kể đối với Hoa Kỳ, và đề nghị thuyên chuyển ông ta.
Ngũ Giác Đài đã ngỏ lời cảm tạ Montenegro “về hành động nhân đạo và sự sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ nhằm đóng cửa cơ sở giam giữ tại Vịnh Guantanamo”, theo một thông báo hôm qua.
Tổng Thống Barack Obama coi việc đóng cửa trại tù Guantanamo là một trong các mục tiêu của ông khi ông lên nắm quyền vào năm 2009, nhưng tại thời điểm này, khi chỉ còn 7 tháng trước khi chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của ông, mục tiêu ấy khó có thể trở thành hiện thực.
http://www.voatiengviet.com/a/my-chuyen-tu-nhan-yemen-toi-montenegro/3388932.html
Campuchia ‘kêu oan’ vụ ASEAN rút tuyên bố Biển Đông
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 20/6 đã lên tiếng bác bỏ chỉ trích cho rằng nước ông là nguồn cơn khiến ASEAN phải rút tuyên bố cứng rắn về biển Đông.
Tuần trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã rút lại một tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động bồi đắp ở biển Đông.
Dù các nước ASEAN chưa nêu lý do cho hành động của mình, nhiều hãng thông tấn dẫn lời các nguồn tin ngoại giao nói rằng Campuchia, Lào và Myanmar, các quốc gia đồng minh của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đã khiến hiệp hội gồm 10 nước thành viên phải rút lại tuyên bố về vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen gọi các cáo buộc đó là “không thể chấp nhận được”. Người đứng đầu chính quyền Phnom Penh nói rằng “đó là điều thực sự bất công đối với Campuchia”, đồng thời cáo buộc một số quốc gia mà ông không nêu tên đã “sử dụng Campuchia để chống lại Trung Quốc”.
Ông Hun Sen cũng cáo buộc tòa trọng tài quốc tế thiên vị về mặt chính trị trong khi chuẩn bị ra phán quyết về biển Đông.
Trong khi đó, cũng hôm 20/6, Thủ tướng Campuchia nói nước này sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào của tòa tại La Haye, Hà Lan.
Theo báo chí trong nước, trong chuyến công du Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn hôm qua nhất trí với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh rằng “các tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”.
Theo AFP, Channel NewsAsia, VnExpress
http://www.voatiengviet.com/a/campuchia-keu-oan-vu-asean-rut-tuyen-bo-bien-dong/3388916.html
Vì sao Indonesia phải họp nội các trên tàu chiến?
Tổng thống Indonesia hôm nay, 23/6, đã họp nội các trên một chiến hạm ở ngoài khơi quần đảo Natuna, nằm ở phía nam biển Đông, sau khi xảy ra đối đầu với tàu Trung Quốc.
Nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, ông Joko Widodo đã tới thị sát quần đảo hẻo lánh cùng với bộ trưởng an ninh, ngoại trưởng, và bộ trưởng quốc phòng. Đây được coi là thông điệp mạnh mẽ nhất chuyển tới Bắc Kinh.
Trong cuộc họp, ông Widodo kêu gọi lực lượng quân sự nước này tăng cường tuần tra, sau khi xảy ra một loạt các va chạm trên biển giữa tàu Indonesia và Trung Quốc.
Thông cáo từ phủ Tổng thống Indonesia dẫn lời ông Widodo nói: “Khả năng quân sự nhằm bảo vệ các vùng biển cần phải được cải thiện, dù đó là về mặt công nghệ hay tư thế sẵn sàng”.
Các quan chức cho biết nội các Indonesia cũng thảo luận các vấn đề liên quan tới chủ quyền và phát triển. Indonesia thiết lập vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển giàu khí đốt quanh quần đảo Natuna, cách đảo Borneo hơn 340 km.
Bộ trưởng An ninh Luhut Pandjaitan được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng chưa khi nào Indonesia lại thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc như hiện nay, và chuyến thăm Natuna cho thấy Tổng thống Widodo không xem nhẹ vấn đề chủ quyền.
Bắc Kinh hôm nay lặp lại quan điểm rằng dù Trung Quốc không tranh chấp với Indonesia về quần đảo Natuna, nhưng “một số vùng lãnh hải ở biển Đông” hiện nằm trong vòng tranh chấp “chủ quyền chồng lấn nhau”.
Theo Reuters, Jakarta Post
http://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-indonesia-phai-hop-noi-cac-tren-tau-chien/3388876.html
MSF báo cáo tình trạng nhân đạo khẩn cấp trong trại tị nạn ở Nigeria
Một trại tị nạn dành cho những người bị thất tán bên trong Nigeria đang đối mặt với tình trạng nhân đạo khẩn cấp, theo tổ chức y tế nhân đạo Y sĩ Không Biên giới (MSF).
Một toán y tế của MSF lần đầu tiên đặt chân tới trại tại thị trấn Bama, bang Borno, hôm qua đã phát hiện 16 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng có nguy cơ tử vong và đã chuyển các em tới một trung tâm dinh dưỡng trị liệu.
MSF hôm nay loan báo kết quả kiểm tra dinh dưỡng cho thấy 19% trong số hơn 800 trẻ em trong trại này đang bị suy dinh dưỡng trầm trọng.
Trong cuộc đánh giá, toán công tác của MSF thống kê trong năm qua có 1,233 ngôi mộ được đào gần trại tị nạn này, 480 trong số này là của trẻ em.
Người Rohingya bị ‘bịt miệng’ khi bà Suu Kyi đến Thái Lan
Vấn đề nhạy cảm về đối xử với người tị nạn Rohingya ở Thái Lan đã phủ bóng đen lên thời điểm bắt đầu chuyến thăm của nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar đến nước láng giềng Thái Lan hôm thứ Năm.
Khi phi cơ chở Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi trên đường tới Phi trường Suvarnabhumi, các nhà hoạt động ở Bangkok đã nhanh chóng bị chính quyền quân sự của Thái Lan bịt miệng.
Một cuộc trấn áp tự do ngôn luận ở Thái Lan trước chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi
Một nhóm nhỏ cảnh sát và binh sỹ, không mặc quân phục, đã ngăn một nhóm người tổ chức một cuộc họp báo tại một địa điểm họ đã thuê ở Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài ở Thái Lan.
Bà Amy Smith, Giám đốc Điều hành của tổ chức Fortify Rights, nói với đài VOA tại địa điểm của cuộc họp báo: “Có quan ngại về an ninh quốc gia. Sự kiện này chẳng đến mức đó. Đây là một sự vi phạm quyền tự do biểu đạt và hội họp ôn hòa”.
Hai nhà hoạt động đòi sự đối xử tốt hơn đối với người Rohingya thiểu số ở Myanmar đã đọc một bức thư ngắn gửi bà Aung San Suu Kyi và giải thích rằng họ bị tập đoàn quân sự cấm trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Khi rời diễn đàn, Tổng thư ký của Nhóm Rohingya tại Thái Lan Hajee Ismail nói thêm: “Tôi không thể nói lúc này. Đây là một vấn đề lớn”, đồng thời ông lấy tay che miệng.
Chủ tịch Hiệp hội Rohingya Miến Điện ở Thái Lan, Maung Kyaw Nu, nói ông từng là chính trị phạm ở Myanmar. Ông đã buộc khăn quanh miệng trong ít phút khi ông đi qua đám đông phóng viên Thái và quốc tế. Ông dừng lại vài phút để nói với VOA và bày tỏ không hy vọng nhiều là bà Aung San Suu Kyi sẽ giải quyết nỗi thống khổ của người Rohingya trong chuyến thăm của bà.
Ông nói: “Chúng tôi không thể nhận được gì từ bà ấy vì bà ấy cũng vi phạm nhân quyền (của người Rohingya)”.
Báo chí đưa tin về chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi sẽ bị hạn chế
Việc đưa tin về bà Aung San Suu Kyi đang bị nhà chức trách Thái hạn chế ở một mức độ khác thường.
Dự kiến sẽ có một cuộc họp báo chung với ông Prayuth hôm thứ Sáu trong một lễ ký kết, nhưng người ta nói với các phóng viên rằng sẽ không nhận các câu hỏi.
Nhà lãnh đạo Myanmar cũng sẽ phát biểu hồi đầu ngày tại Bộ Ngoại giao ở Bangkok, nhưng các cơ quan báo chí được thông báo rằng họ chỉ được phép chụp ảnh hoặc ghi hình bài diễn văn khai mạc của bà.
Không bàn về người Rohingya
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, đứng đầu tập đoàn quân sự đang quản trị Thái Lan, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ông đã đồng ý không thảo luận bất cứ khía cạnh nào về người Rohingya với bà Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm của bà.
Sam Zarifi, Giám đốc Khu vực của Ủy hội Luật gia Quốc tế, nói với VOA: “Thật là đáng buồn khi mà bàn thảo về người Rohingya ở Yagoon còn dễ hơn ở Bangkok”.
Các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Thái Lan chấm dứt điều mà họ coi là sự cầm giữ tùy tiện và vô hạn định những người Hồi giáo Rohingya và những người khác đã đến Thái Lan bằng đường biển.
Hầu hết những người Rohingya đã đi thuyền từ bang Rakhine ở Myanmar. Nhưng chính phủ Myanmar không công nhận họ, nói rằng thực ra họ là những di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, và không chấp nhận thuật ngữ “Rohingya”, thay vào đó gọi họ là “người Bengal”.
Bà Aung San Suu Kyi muốn tập trung vào người lao động Myanmar ở Thái Lan
Hôm thứ Năm, bà Aung San Suu Kyi đã tập trung vào hàng triệu di dân từ nước bà hiện là người lao động ở Thái Lan.
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà đến Thái Lan kể từ khi chính phủ nhậm chức, bà Aung San Suu Kyi dự kiến sẽ phát biểu với mấy nghìn người Myanmar làm việc ở trung tâm ngư nghiệp duyên hải Thái Mahachai.
Hàng trăm ngàn di dân làm việc trong các ngành liên quan đến ngư nghiệp của Thái Lan, ước tính một nửa được thuê bất hợp pháp và một số vụ bóc lột những người này đã được ghi lại thành hồ sơ đầy đủ.
Tổng cộng có tới 3 triệu người Myanmar làm việc hợp pháp ở Thái Lan và có lẽ tới 2 triệu người nữa không có giấy tờ.
Thỏa thuận mới về tuyển dụng người lao động Myanmar ở Thái Lan
Trong chuyến thăm 3 ngày của bà Aung San Suu Kyi, Myanmar và Thái Lan dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận mới về tuyển dụng lao động giữa hai nước.
Khoảng thời gian tạm nghỉ sau một công việc sẽ được giảm từ 3 năm xuống 30 ngày.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tại châu Á của Human Rights Watch nói: “Đó là sự nhượng bộ trước thực tế”, và lưu ý rằng nhiều người Myanmay muốn ở lại Thái Lan một cách bất hợp pháp sau thời gian làm việc tối đa là 4 năm hơn là trở về nước để thực hiện khoảng thời gian tạm nghỉ kéo dài..
Ông Robertson nói với VOA: “Thành tích đối với các di dân lao động là đợi đủ lâu và chính sách sẽ thay đổi”.
Win Win Zaw đã làm việc hợp pháp trong 4 năm tại Nhà máy Hải sản Bangkok ở Mahachai và trước đó được thuê bất hợp pháp trong 4 năm. Anh nằm trong số những người sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận được trông đợi.
Anh nói: “Sẽ thuận tiện hơn nhiều vì hầu hết chúng tôi đều không muốn ở quá thời hạn”.
Ông Robertson giải thích rằng những người ở lại bất hợp pháp đối mặt với việc bị bóc lột ở Thái Lan vì “quân đội và cảnh sát xem những công nhân như những đám người là nguy cơ an ninh” và không thông cảm về vai trò quan trọng của họ trong nền kinh tế của vương quốc.
Hàng ngàn người tị nạn Myanmar vẫn ở trong các trại vùng biên ở Thái Lan
Một vấn đề song phương quan trọng khác đối với Myanmar và Thái Lan là số phận của hơn 100.000 người tị nạn từ Myanmar đang mòn mỏi trong 9 khu trại vùng biên. Nhiều người đã ở đó hàng thập kỷ vào thời kỳ nước họ bị quân đội cai trị.
Dự kiến hôm thứ Sáu bà Aung San Suu Kyi sẽ bàn thảo về việc hồi hương của những người này trong tương lai với thủ tướng Thái, một chỉ huy quân đội cách đây 2 năm đã giành quyền kiểm soát chính phủ trong một cuộc đảo chính không đổ máu.
Ông Robertson thuộc Human Rights Watch nói: “Bất cứ việc hồi hương nào cũng phải hoàn toàn tự nguyện và tôn trọng các quyền. Chúng ta phải thận trọng về việc đơn phương vội vã thúc đẩy một lịch trình mà có thể không có tính tự nguyện và gây hại cho họ”.
Theo một số tổ chức nhân quyền, một số khu vực mà người ta có thể đưa những người tị nạn đến ở trong Myanmar vẫn không ổn định hoặc còn bị gài mìn.
http://www.voatiengviet.com/a/nguoi-rohingya-bi-bit-mieng-khi-ba-suu-kyi-den-thai-lan/3388952.html
Ông Trump gọi bà Clinton ‘người tệ hại nhất’ mưu tìm chức Tổng thống
Ứng viên tranh chức Tổng thống bên đảng Cộng hòa Donald Trump hôm nay tung lời tấn công gay gắt đối với bà Hillary Clinton, nói rằng đối thủ bên đảng Dân chủ “có thể là người tệ hại nhất trước nay” mưu tìm chức Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong lời chỉ trích gay gắt nhất từ trước tới nay của ông Trump đối với bà Clinton, ông cáo buộc cựu Ngoại trưởng đã ủng hộ các chính sách của Mỹ ở hải ngoại dẫn đến “sự chết chóc, tàn phá, và chủ nghĩa khủng bố” trong thời gian bà giữ vị trí nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ 2009-2013 rồi sau đó làm giàu cho bản thân với hàng hàng triệu đôla thu về từ các bài phát biểu sau khi rời chức.
Trong bài diễn văn trước các ủng hộ viên cổ vũ nồng nhiệt tại New York, ông trùm tỷ phú bất động sản nói bà Clinton “đã hoàn thiện nền chính trị của lợi ích cá nhân và trộm cắp.” Ở góc độ khác, ông gọi bà là “kẻ nói dối đẳng cấp thế giới.”
Ông nói bà Clinton, người đang tìm cách trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ, “đã vận hành Bộ Ngoại giao như thể cơ quan này là một quỹ đầu tư cá nhân của bà, thiên vị các chế độ áp bức và nhiều người khác, để đổi lấy tiền.” Ông nói các nhà tài trợ đã đóng góp tài chính cho Quỹ Bill, Hillary, và Chelsea Clinton dựa trên các quyết định của bà trong tư cách là Ngoại trưởng.
Ông Trump tố cáo rằng sau khi rời chức, bà Clinton thu về gần 21 triệu đôla trong các bài phát biểu từ các ngân hàng ở Wall Street và các tổ chức lợi ích đặc biệt khác, và sau đó từ chối tiết lộ công khai nội dung các bài diễn văn bà đã thực hiện. Điều này cũng tương tự như cáo buộc mà Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng nhắm vào bà Clinton trong chiến dịch vận động của ông kéo dài nhưng rốt cuộc thất bại không được đảng Dân chủ đề cử.
Ông Trump, lần đầu tiên mưu tìm chức vị dân cử, thường phát biểu lan man trong các bài diễn văn vận động không soạn sẵn, nhưng văn bản của bài phát biểu dài 40 phút hôm nay đã được phát trước cho báo giới.
Ông cũng đổ lỗi cho bà Clinton về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông, về lời nói mà bà Clinton bị cáo buộc liên quan đến các yếu tố xung quanh vụ tấn công vào các trụ sở Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2012 khiến bốn người Mỹ thiệt mạng trong đó có đại sứ Mỹ, và về các thỏa thuận thương mại ở nước ngoài mà ông nói đã làm mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ.
‘Chúng tôi vẫn tiếp tục ra vùng tranh chấp’
Một nhóm các nhà hoạt động trẻ của Philippines vừa thực hiện một chuyến đi bằng tàu cá ra Bãi cạn Scarborough/bãi Hoàng Nham để thách thức sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại khu vực này.
Nhóm Kalayaan Atin Ito, thực hiện chuyến đi vào 12/6/2016, đúng ngày Độc Lập của nước này. nhằm gửi đi một thông điệp về chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt tại Manila, trưởng nhóm Vera Joy Ban-eg nói chiếc tàu cá họ bị nhiều ca-nô và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc vây và quấy rối khi họ tiếp cận khu vực bãi cạn.
Bà Vera Ban-eg nói nhóm của họ mang theo cờ Philippines và năm thành viên trong nhóm đã quyết định “bơi vào bãi cạn vẫy cờ” khi bị bủa vây.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục các chuyến đi ra những nơi có tranh chấp để thể hiện với những người lính của chúng tôi rằng chúng tôi ủng hộ họ và rằng chúng tôi thực sự thấu hiểu tầm quan trọng của nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ quốc gia,” bà Vera Ban-eg nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/06/160623_filipino_activist_inv
Đảng viên TQ làm trắc nghiệm điều lệ
Bạn có nghĩ là bạn thuộc lòng Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc không? Nếu là đảng viên, bạn cần phải thuộc Điều lệ Đảng.
Từ ngày 10 tháng Sáu tới ngày 10 tháng Bảy năm nay, tất cả đảng viên làm việc tại các cơ quan thuộc chính quyền trung ương trên khắp Trung Quốc được nói phải tham gia một trắc nghiệm kiểm tra có thuộc Điều lệ Đảng hay không.
Trắc nghiệm trên mạng với 20 câu hỏi từ tổng cộng 300 câu, dàn trải từ chính sách tới các điều lệ về kỷ luật, và các hình phạt nếu vi phạm Điều lệ Đảng.
Đảng viên có được một tiếng đồng hồ để hoàn thành trắc nghiệm này mặc dù nó ở dạng sách mở (tức có thể mở sách để trả lời).
Điểm số trung bình và kết quả của từng cá nhân sẽ được gửi tới các bộ phận liên quan của đảng và được công bố công khai.
Tỉ lệ tham gia của từng cơ quan cũng sẽ được ghi lại.
Trắc nghiệm này không phải để dành cho dân chúng nói chung nhưng ai cũng vào được trên mạng.
Trắc nghiệm là một phần của chiến dịch học và giáo dục mới được Chủ tịch Tập Cận Bình khai trương gần đây để tăng thêm lòng trung thành với đảng.
Chiến dịch này kêu gọi đảng viên học tập hiến chương của Đảng và các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ kéo dài trong cả năm.
Một đợt vận động trung thành với Đảng trước đó do Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đã kêu gọi các đảng viên hãy chép tay Điều lệ Đảng dài 15 ngàn chữ.
Hãy thử Trắc nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc?
Hãy mở đầu bằng một trong những câu hỏi đơn giản: “Điều lệ có bao nhiêu chương?”
Thử tìm nhanh trên mạng thì sẽ thấy trên thực tế có 11 chương và một chương giới thiệu chung.
Kế tiếp, thử với câu hỏi mà để trả lời cần phải đọc kỹ chính Điều lệ Đảng. Câu hỏi viết: “Con đường dẫn tới một đất nước giàu mạnh hơn là: a) Mở cửa cho thế giới bên ngoài b) Không ngừng cải tổ sâu rộng c) Kiên trì cải cách và mở cửa hoặc d) Phát triển nhanh sản lượng.”
Câu trả lời là c, và bạn có thể đọc về tất cả những điều này trong phần Giới thiệu chung.
Những câu hỏi khác đòi hỏi kiến thức không chỉ về Điều lệ mà cả các quy định về kỷ luật, chẳng hạn như: “Các tiêu chí về Trung thực và Tự kỷ luật của đảng viên được thảo luận khi nào (năm và ngày chính xách)?” và “Một vợ/chồng của một viên chức trong đảng nhận hối lộ thì viên chức này sẽ phải nhận hình phạt nào?”
Trong trường hợp bạn băn khoăn không hiểu hình phạt sẽ là gì thì có năm cách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) có thể thực hiện kỷ luật, đó là: cảnh cáo, cảnh cáo nghiêm trọng, tước bỏ chức vụ trong Đảng, bị In case you were wondering, there are five ways the CCP can enforce discipline: a warning, a serious warning, removal from Party posts, bị quản chế trong Đảng và bị khai trừ khỏi Đảng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160623_china_party_quiz
Người Philippines biểu tình trước phán quyết
Hơn 100 ngư dân Philippines ở thành phố cảng Masinloc, tỉnh Zambales đã xuống đường biểu tình trước thềm phán quyết của tòa trọng tài LHQ trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Ruperto C. Apilado, lãnh đạo ngư dân tỉnh Zambales nói với BBC Tiếng Việt: “Cách đây khoảng ba năm, các tàu cá Trung Quốc đi cùng với các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đẩy ngư dân ở đây ra khỏi những khu vực có cá.
Ngư dân ở Zambales chủ yếu là thợ lặn, chúng tôi cần lặn xuống những khu vực có cá nhưng giờ không thể được nữa. Tàu Trung Quốc đuổi tàu của ngư dân ở đây, bắt nạt, đụng vào tàu và không cho chúng tôi vào các nơi có cá. Ở bãi cạn Scarborough ngư dân cũng bị như vậy.”
Thành phố Masinloc nằm bên bờ biển và nhiều gia đình đã làm nghề đánh cá từ đời này sang đời khác.
Masinloc cũng là địa phương được chính phủ Philippines giao cho quyền quản lý hành chính bãi cạn Scarborough/bãi đá Hoàng Nham, nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines, và các tàu Trung Quốc từng bị cáo buộc ngăn cản ngư dân Philippines vào khu vực bãi cạn đánh bắt cá.
Ông Apilado nói: “Chúng tôi tổ chức buổi tuần hành cùng với các tổ chức khác trong khi chờ phán quyết của toà trọng tài. Chúng tôi chỉ muốn đánh bắt cá như từ xưa đến giờ. Không ai muốn chiến tranh cả. Chúng tôi hi vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng phán quyết của toà án.”
Cuộc xuống đường diễn ra với sự có mặt của Phong trào Thanh niên vì Biển Tây Philippines (tên gọi khu vực Biển Đông với người Philippines) và Cựu nghị sĩ, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, ông Roilo Golez.
Philippines đã kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Đơn kiện của Philippines nói yêu sách ‘đường chín đoạn’, hay ‘đường lưỡi bò’ mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên ký kết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/06/160623_philippines_fishermen_rally
Ai may quân phục cho các nhà độc tài?
David Urban
Tại Yorkshire, Anh quốc, một công ty gia đình cỡ nhỏ đang vận hành một đế chế có quy mô toàn cầu – không phải trong lĩnh vực sắt thép hay máy móc. Công ty này sản xuất đồng phục quân đội và lễ phục.
Điều bất ngờ hơn là các khách hàng của họ bao gồm từ những nhà lãnh đạo vĩ đại cho đến những kẻ độc tài, từ các vị hoàng thân quốc thích cho đến những ngôi sao âm nhạc.
Khi Wyedean được thành lập vào năm 1852, nó chỉ bán 12 sản phẩm.
Ngày nay, hãng này có thể cho ra bất kỳ sản phẩm nào trong số 10.000 món đồ hoặc kiểu mẫu nằm trong bộ catalogue có từ nhiều thập niên qua, trong đó có những mẫu thiết kế không hề thay đổi kể từ Thế kỷ 19.
Các khách hàng của hãng bao gồm quân đội Ả-rập Saudi, Fiji, New Zealand, Nigeria, Sri Lanka và Anh quốc.
Vì sao chọn Wyedean?
Bất chấp thị trường tuy độc đáo nhưng nhỏ, Wyedean vẫn cạnh tranh với các nhà sản xuất từ Anh quốc lẫn nước ngoài, trong đó có nhiều nhà máy ở châu Á có lợi thế chi phí lao động thấp.
Hãng cho biết họ đã tồn tại nhờ vào uy tín của mình.
Quan hệ lâu năm của Wyedean với Bộ Quốc phòng Anh đã giúp công ty có được sự tin tưởng của đối tác ở nước ngoài.
Danh sách khách hàng của họ giờ đây bao gồm cả Liên hiệp quốc và quân đội cũng như các cơ quan an ninh của 60 nước khác nhau.
Robin Wright, giám đốc điều hành của hãng, cho biết Wyedean đã thu về doanh số khoảng 3 triệu đôla từ Bộ Quốc phòng Anh mỗi năm, chiếm một nửa doanh thu hàng năm của công ty này. Năm ngoái, hãng đạt mức doanh thu kỷ lục, 6,1 triệu đôla.
Những di sản của thời thực dân cũng đóng vai trò quan trọng trong công việc kinh doanh của Wyedean; một số khâu sản xuất đã được thực hiện từ Pakistan kể từ năm 2000. Nhiều quân phục ở các nước thuộc địa cũ vẫn có nét giống với quân phục của Anh quốc sau nhiều thập niên độc lập.
“Các nước trong Khối Thịnh vượng chung mặc đồng phục có phong cách truyền thống của Anh quốc, và là các khách hàng chính của những nhà sản xuất đóng tại Anh như chúng tôi,” Wright nói.
Nhờ mạng lưới rộng và các quan hệ tại những nước trong Khối Thịnh vượng cung, có lẽ không ngạc nhiên khi các sản phẩm của Wyedean cuối cùng lại rơi vào tay các nhân vật khét tiếng, như Idi Amin, Muammar Gaddafi, hay Saddam Hussein.
Tuy nhiên, Wright nói Wyedean hiếm khi liên lạc trực tiếp với khách hàng sử dụng sản phẩm. Hầu hết các thương vụ được thực hiện thông qua bên thứ ba.
Các sự kiện tồi tệ đôi khi lại tốt cho kinh doanh. Chẳng hạn như nếu có chiến tranh thì rất có thể bên thắng cuộc sẽ trở thành khách hàng lớn.
Mặc dù Wyedean có cung cấp quân phục thông thường, nhưng hầu hết sản phẩm của công ty là đồ lễ phục, và trong những dịp giới quân sự ở đâu đó tổ chức lễ lạt, diễu binh, kỷ niệm, thì nhu cầu đặt hàng tăng cao.
Ví dụ như vào cuối cuộc Nội chiến Sri Lanka, chính phủ mới muốn ‘mua đồ lễ phục’ Wright nói.
Tuy nhiên giao thương với các khách hàng nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có chính trị bất ổn, có thể mang lại nhiều rủi ro.
Cuộc đảo chính vào năm 1979 ở Ghana đã khiến công ty bị mất đơn đặt may 5.000 bộ đồng phục cho cảnh sát quốc gia, gây thiệt hại khá lớn.
Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ ngăn cản Wyedean tìm kiếm các thương vụ quốc tế.
Wright nói ông muốn cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Điều này đã được sát hạch vào năm 2015 khi công ty tình cờ đặt trùng lịch hẹn cho một cuộc triển lãm quốc tế quan trọng ở Abu Dhabi với một cuộc viếng thăm của thành viên hoàng gia đến nhà máy ở Haworth.
Wright đã phải bay từ Manchester của Anh đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất rồi sau đó quay trở lại trong vòng 30 tiếng.
Ông đã phải ngủ trên máy bay để đảm bảo rằng ông có thể đón Công chúa Anne nhưng cũng có thể tham gia triển lãm thương mại.
Dù Wyedean tập trung vào các khách hàng quốc tế, nhưng Bộ Quốc phòng Anh vẫn là đối tác trong nước quan trọng. Tuy nhiên nguồn thu ổn định này có thể sẽ sớm giảm vì việc cắt ngân sách ở Bộ Quốc phòng.
“Thường thì thị trường cần mở rộng là thị trường nước ngoài – đó là mục tiêu của chúng tôi,” Wright nói.
Hãng này hiện đang muốn nhắm tới các quốc gia vùng Vịnh, nơi mà các sản phẩm Anh quốc được trọng dụng. Điều này cũng là nguyên nhân khiến công ty đặt lịch tham gia triển lãm ở Abu Dhabi.
Tại triển lãm này, nơi mà nhiều khí tài quân sự được trưng bày – từ súng ngắn bắn dưới nước cho đến trực thăng Apache giá hàng triệu bảng – Wyedean đã phải cạnh tranh với các đối thủ lớn. Vậy nhưng hãng vẫn ký được hợp đồng với Vệ binh Quốc gia Ả-rập Saudi.
Từ quân phục đến Michael Jackson
Các sản phẩm của hãng cũng thay đổi theo khách hàng.
Các sản phẩm từng được bán cho quân đội cũng lôi cuốn các diễn viên.
Những khách hàng đến từ lĩnh vực sân khấu điện ảnh thường tìm đến Wyedean để có được những sản phẩm sát với lịch sử.
Công ty đã cung cấp đồ mặc cho những bộ phim bom tấn như Giải cứu Binh nhì Ryan, Chúa tể Những chiếc nhẫn, Samurai Cuối cùng và Indiana Jones.
Mặc dù doanh thu từ phim ảnh chỉ chiếm khoảng 2% tổng doanh số hàng năm, các mối quan hệ với Hollywood giúp hãng thu hút nhiều sự chú ý, Wright nói.
Michael Jackson cũng là một trong những khách hàng khác của hãng. Thợ may của ca sỹ này đã mua một bộ quân phục từ Wyedean mà Jackson rất thích. Tuy nhiên ca sỹ này cũng muốn chỉnh sửa theo ý muốn riêng.
“Người thợ may hoàn tất công đoạn cuối cùng của bộ đồ này nói họ đã bỏ một máy điều hoà bên trong để giữ cho Jackson thấy mát mẻ,” Wright nói.
Wyedean có lẽ đã phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều cuộc xung đột trong suốt 150 năm hoạt động.
Tuy nhiên, chừng nào chiến tranh còn nổ ra, chừng nào người ta còn đóng phim, thì dường như tên tuổi của hãng sẽ vẫn còn hấp dẫn được các ông hoàng bà chúa, các quân đội và những kẻ độc tài, và thậm chí cả các gương mặt nổi tiếng thuộc những giới khác nữa.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.
Biển Đông : Có 8 hay trên 40 nước ủng hộ Trung Quốc ?
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay 23/06/2016 cố biện hộ trước những nghi ngờ về số các quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vụ Philippines kiện tại tòa quốc tế và nói rằng con số đang gia tăng mỗi ngày.
Reuters nhận định, Bắc Kinh đang tăng cường tài hùng biện trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Trung Quốc từ chối tham dự, nói rằng mọi bất đồng phải được giải quyết qua thương lượng song phương.
Theo Bắc Kinh, có trên 40 quốc gia ủng hộ quan điểm của mình, và mới nhất là Zimbabwe và Sri Lanka.
Tuy nhiên theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ, trong đó có những nước không hề có biển như Niger hay Afghanistan. Hôm qua, một quan chức cao cấp Mỹ cho biết rất nghi ngờ về con số do Bắc Kinh đưa ra.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói rằng có ít nhất 47 nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, tuy nhiên một số nước chưa chính thức công bố. Bà nói : « Số quốc gia ủng hộ Trung Quốc tăng lên mỗi ngày, vì vậy tôi không thể đưa ra con số cụ thể cho quý vị ».
Hoa Xuân Oánh nói thêm : « Miễn là có quan điểm khách quan và công bằng, miễn là hiểu được các điểm chính trong lịch sử Biển Đông và bản chất của cái gọi là ‘‘vụ kiện ở tòa trọng tài’’, bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào không thiên vị đều sẽ không ngần ngại chọn lựa quan điểm đúng đắn của Trung Quốc ».
Tuy nhiên Reuters cho biết, các viên chức và nhà phân tích đều có cùng nhận định là phán quyết sẽ rất bất lợi đối với Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160623-bien-dong-tren-40-nuoc-ung-ho-trung-quoc-hay-8-nuoc
Triều Tiên : Mỹ tái khẳng định tăng cường hệ thống phòng không
Hoa Kỳ cần tiếp tục tăng cường các hệ thống chống hỏa tiễn để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ và các đồng minh ở châu Á. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter hôm 22/06/2016 tuyên bố như trên, sau khi Bình Nhưỡng bắn thử hai tên lửa đạn đạo.
Hôm qua, Bắc Triều Tiên đã phóng liên tiếp hai hỏa tiễn Musudan tầm trung, về lý thuyết có thể đe dọa Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam tại Thái Bình Dương.
Ông Ashton Carter nói với báo chí : « Điều này cho thấy chúng ta phải tiếp tục làm những gì đang làm, đó là lắp đặt các hệ thống chống hỏa tiễn với nhiều tầm bắn khác nhau, để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc, lực lượng Mỹ trú đóng trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và lãnh thổ Hoa Kỳ ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố ông không biết các vụ bắn thử hôm qua của Bình Nhưỡng có thành công hay không, cũng như các mục tiêu mà hai hỏa tiễn này nhắm đến. Ông nói : « Dù sao đi nữa, chúng ta sẽ tiếp tục vượt lên trên mối đe dọa, bằng cách làm cho hệ thống phòng không có chất lượng tốt hơn, và không ngừng cải thiện ».
Washington và Seoul đang bàn thảo về khả năng triển khai hệ thống phòng không của Mỹ mang tên THAAD (Theater High Altitude Area Defense System), một hệ thống chuyên đối phó với các loại hỏa tiễn đạn đạo, phá hủy hỏa tiễn bằng động năng lúc chúng gần đến đích, gây lo ngại cho láng giềng Trung Quốc.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay hoan nghênh việc bắn thử, tuyên bố rằng nhờ tên lửa Musudan, Bình Nhưỡng có thể đe dọa các căn cứ Mỹ tại Thái Bình Dương.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sau khi họp kín giữa 15 nước thành viên đã nhất trí lên án các vụ bắn hỏa tiễn mới nhất của Bình Nhưỡng « vi phạm tất cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An », và sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160623-hoa-tien-btt-my-he-thong-phong-khong
Brexit thắng hay thua, châu Âu và Anh Quốc sẽ thay đổi
Tương lai nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra sao sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06 tại Anh Quốc ? Lo ngại một cơn bão kinh tế, tài chính và chính trị một khi Anh ra đi, giới lãnh đạo châu Âu và thế giới kêu gọi thần dân của nữ hoàng Elisabeth II « sáng suốt ». Cho dù kết quả như thế nào, quan hệ Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc sẽ không thể như trước.
Anh Quốc quyết định tương lai của mình vào ngày hôm nay thứ Năm 23/06/2016, ngày mà 46,5 triệu cử tri trả lời câu hỏi « ở lại » hay « đi ra » khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Cho đến sáng nay, trong khi các kết quả thăm dò ý kiến cuối cùng công bố hôm qua cho tỷ lệ hai bên ngang ngửa nhau, thì các nhật báo lớn tại Luân Đôn, trong nỗ lực chót, nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử của cuộc trưng cầu dân ý. The Sun, ủng hộ phe Brexit, chạy tựa : “Hôm nay là ngày độc lập“. Ủng hộ xu hướng ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, The Times mượn lời thánh kinh : “Hôm nay là ngày phán xét cuối cùng“.
Vì vận mệnh của cả châu lục và thế giới, giới lãnh đạo các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và cả Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi Anh Quốc đừng tách ra.
Nếu « Brexit » chiến thắng, người ta lo ngại khối Liên Hiệp Châu Âu rạn nứt. Ngoài hệ quả trước mắt như thị trường tài chính rối loạn, đồng bản Anh mất giá, Brexit còn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Scotland, vì quyền lợi sống còn, thực hiện dự án trưng cầu dân ý và dân tộc tự quyết để độc lập và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, thì nước Anh ra sao ?
Một hệ quả nữa, là cho dù không tỏ ra « thù hằn » phe Brexit, nhưng chắc chắn là Liên Hiệp Châu Âu sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Luân Đôn trong các cuộc đàm phán tương lai. Bruxelles lo ngại một vài thành viên khác như Thụy Điển, Hà Lan hay Đan Mạch lợi dụng thời cơ bắt chẹt để đòi ưu quyền, nên phải chận trước.
Nhưng trong trường hợp phe chống Brexit chiến thắng, Anh Quốc ở lại, thì quan hệ hai bờ eo biển Manche cũng sẽ khó có thể như xưa.
Để thuyết phục dân Anh bầu chống Brexit, thủ tướng Anh David Cameron hứa là sẽ thi hành ngay biện pháp giảm trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu, đa số là Đông Âu, để chận làn sóng di dân . Nếu Bruxelles nhượng bộ Luân Đôn thì một số nước thành viên như Ba Lan, Hungary có lý do để sử dụng lá bài « Brexit » để gây áp lực đòi đặc quyền.
Chiến dịch của phe chống châu Âu đã tạo ra không khí hận thù đến mức độ luận điểm bài ngoại không còn là cấm kỵ và đã xảy ra vụ ám sát nữ dân biểu Jo Cox mà thủ phạm khai là vì quyền lợi nước Anh độc lập.
Ở mức độ châu lục, xu hướng co cụm cũng lên cao. Ngày 17/06 vừa qua, hai đảng cực hữu Pháp và Áo, đã tổ chức chung một ngày « mít-tinh » với thông điệp bài ngoại và chống châu Âu kịch liệt.
Nói cách khác, cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, tình hình ở Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ không như trước.
Theo nhà phân tích kinh tế Pháp François Lenglet, không nên ngại Anh Quốc đi ra, không nên sợ châu Âu tan rã. Mô hình cũ không thể tồn tại được. Trưng cầu dân ý tại Anh là một « cú sốc » để Liên Hiệp Châu Âu đổi mới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160623-brexit-thang-hay-thua-chau-au-va-anh-quoc-se-thay-doi
NATO « không đủ sức » bảo vệ đồng minh Baltic
Với lực lượng hiện nay, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « không đủ khả năng » bảo vệ các nước Baltic trong trường hợp bị Nga tấn công. Trên đây là tuyên bố của tư lệnh các lực lượng tác chiến trên bộ của NATO, bên lề cuộc tập trận ở Ba Lan.
Trả lời phỏng vấn tuần báo Đức Die Zeit phát hành ngày thứ năm 23/06/2016, tướng Ben Hodges, tư lệnh các lực lượng bộ chiến của NATO, cho rằng « quân đội Nga có thể đánh chiếm ba nuớc Baltic trước khi NATO kịp đưa quân cứu viện. »
Tướng Ben Hodges đưa ra nhận định « báo động » này nhân cuộc tập trận Anaconda-16 đang diễn ra tại Ba Lan và trong bối cảnh NATO chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh nhằm hợp thức hóa quyết định tăng quân (bốn tiểu đoàn bộ binh và một lữ đoàn thiết giáp Mỹ) ở sườn phía đông.
Trước qui mô của cuộc tập trận Anaconda , với 31 ngàn quân từ 24 nước NATO, tổng thống Nga, trong tuyên bố ngày 22/06, chỉ trích Tây phương « gia tăng hành động khiêu khích » sát biên giới Nga.
Được báo chí đặt câu hỏi về lời công kích « NATO phô trương cơ bắp » của ngoại trưởng Đức Frank-Walter Stenmeier hồi đầu tuần, thủ tướng Đức chia sẻ một phần quan điểm này. Bà Angela Merkel nói là bà chủ trương « đối thoại » với Maxcơva nhưng « NATO cần phải tăng cường phương tiện vũ trang ở Đông Âu để đối phó với những đe dọa mới ».
Để tránh tiếng « khiêu khích » Nga, chiến dịch Anaconda được lý giải là một « cuộc tập trận của Ba Lan », nhưng theo tướng Ben Hodges, trên thực tế là để trắc nghiệm khả năng ứng phó bảo vệ miền bắc Ba Lan và ba nước láng giềng Litva, Estonia và Latvia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160623-nato-%C2%AB-khong-du-suc-%C2%BB-bao-ve-dong-minh-baltic
Mỹ cảnh báo Trung Quốc dùng tàu cá trong tranh chấp lãnh hải
Hôm qua, 22/06/2016, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cảnh báo việc Trung Quốc đang dùng các đội tàu cá có quân đội hộ tống cho mục đích tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Theo quan chức này, hành vi của Trung Quốc « gây quan ngại ».
Bình luận của phía Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các tàu chiến của Indonesia bắn cảnh cáo và bắt giữ một tàu cá mang cờ Trung Quốc và một số thủy thủ gần quần đảo Natuna ở Biển Đông tuần trước. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh với hành động của Jakarta.
Quan chức giấu tên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng việc dùng tàu cá có quân đội hộ tống cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm hoạt động theo hướng khiêu khích và gây mất ổn định.
Không giống như các nước khác trong khu vực, về nguyên tắc, Indonesia khẳng định không có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc trên Biển Đông không có những tranh chấp chồng lấn với Trung Quốc liên quan đến các đảo nhỏ và bãi đá ngầm. Tuy nhiên, khi đòi quyền đánh cá gần quần đảo Natuna, dường như Bắc Kinh đang nhắm tới việc tạo ra một khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.
Kể từ năm 2014, Jakarta đã mạnh tay với việc đánh cá trái phép. Từ đó, xảy ra nhiều va chạm giữa Trung Quốc và Indonesia. Theo chỉ huy Hạm đội phía Tây của Indonesia, Bắc Kinh đã thay đổi cấu trúc và trang bị của các tàu cá. Việc đưa tàu cá ngụy trang đến vùng biển Natuna là một mưu mẹo của Trung Quốc để tạo ra tranh chấp. Hồi tháng Ba vừa qua, tuần duyên Trung Quốc đã giải cứu một tàu cá nước này bị bắt giữ gần quần đảo Natuna.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160623-my%CC%83-tq-tranh-chap-lanh-hai-qt
Châu Âu kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông
Các nước phải được “tự do lưu thông tại Biển Đông“. Ủy ban Châu Âu hôm 22/06/2016 đưa ra cảnh báo ngoại giao đầu tiên với Bắc Kinh, sau vụ máy bay Trung Quốc ngăn chận một phi cơ quân sự Mỹ trên không phận Biển Đông tháng trước.
Thông cáo phát hành ngày hôm qua của Ủy Ban Châu Âu ghi rõ : « Khối lượng lớn hàng hóa thương mại đường biển qua vùng này cho thấy tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng hàng đầu đối với EU. Liên Hiệp Châu Âu cần cổ vũ Trung Quốc đóng góp vào sự ổn định của khu vực…và ủng hộ trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp ».
Ủy Ban Châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, đối tác thương mại chủ yếu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng cảnh báo trong một văn bản mới về chính sách, là Châu Âu « phản đối các hành động đơn phương có thể phương hại đến nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng ». Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan ngại của Châu Âu trước việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
Dự thảo chính sách đối với Trung Quốc trong năm năm tới của Ủy ban Châu Âu viết : « EU muốn rằng tự do hàng hải và hàng không được tôn trọng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải thông qua dự thảo này.
Trong khi Liên Hiệp Châu Âu giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác, Washington thúc giục Bruxelles lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông. Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc có hành vi cưỡng chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền.
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ ra, dù Trung Quốc từ chối tham dự và nói rằng tòa án Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xét xử.
Tháng trước, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay chặn một phi cơ trinh sát quân sự Mỹ trên Biển Đông, yêu cầu Washington chấm dứt giám sát gần Trung Quốc. Vụ này xảy ra một tuần sau khi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS William P.Laurence đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đang ra sức đào đắp.
Dù cẩn trọng trong từ ngữ, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng quan ngại trước tình trạng căng thẳng hiện nay, và bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong tháng 6/2016 đã kêu gọi Châu Âu tiến hành các cuộc tuần tra « thường xuyên và công nhiên » tại Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160623-chau-au-tu-do-hang-hai-hang-khong-bien-dong
Phong trào “5 Sao” Ý : Khi xã hội dân sự trở thành thế lực chính trị
Trong những năm gần đây, tại châu Âu, nhiều phong trào chính trị – xã hội vốn nằm ở ngoại vi của hệ thống chính trị truyền thống đang ngày càng trở nên hấp dẫn với đại chúng. Lãnh đạo đảng cực hữu Áo chỉ thiếu ít phiếu là giành được ghế tổng thống, Hy Lạp đang nằm dưới quyền điều hành của liên minh cánh tả “triệt để”. Còn tại Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu được coi như nắm chắc vé vòng hai cuộc tranh cử tổng thống 2017. Một hiện tượng đặc biệt khác là một số phong trào xã hội dân sự, tuy mới hình thành trong vài năm trở lại, đã mau chóng khẳng định vị trí hàng đầu trong đấu trường chính trị. Tiêu biểu là hai phong trào “5 Sao” ở Ý và “Những Người Phẫn Nộ” tại Tây Ban Nha (1), với đảng Podemos nổi lên từ phong trào này. Vì sao các phong trào xã hội dân sự nói trên lại thu được thành công chính trị bất ngờ như vậy ?
Hôm chủ nhật 19/06/2016 vừa qua, cử tri Ý đã đi bỏ phiếu (vòng hai) để bầu hội đồng quản trị và thị trưởng của 126 đơn vị hành chính địa phương tỉnh, thành, huyện, xã. Sự kiện được coi là nổi bật nhất trong kỳ bầu cử lần này là “Phong trào 5 Sao” (Movimento 5 stelle – M5S) (2), một lực lượng chính trị phi đảng phái đã giành được nhiều đơn vị hành chính, trong đó có hai thành phố lớn, thủ đô Roma và thành phố công nghệ Torino. Điều đặc biệt bất ngờ là nữ ứng cử viên Phong trào 5 Sao, doanh nhân trẻ Chiara Appendino, sinh năm 1984, đã giành chiến thắng, trước đối thủ là thị trưởng mãn nhiệm, thuộc đảng Dân Chủ cầm quyền, rất có uy tín và Torino được đánh giá là đã được điều hành khá tốt bởi ê kíp lãnh đạo mãn nhiệm.
Đọc thêm : Bầu cử địa phương Ý : Phong Trào Năm Sao thắng lớn tại Roma và Turino
Phần chính của tạp chí Tiêu điểm thời sự hôm nay dành để giải mã về thành công của phong trào Năm Sao tại Ý, với phần phân tích của thông tín viên Huê Đăng từ Roma.
RFI : Những lý do chính nào đã khiến phong trào dân sự 5 Sao thắng cử ?
Huê Đăng : “Phong trào 5 sao” vốn là một phong trào xã hội dân sự, do diễn viên hài Beppe Grillo sáng lập ở Ý vào năm 2008 trong lúc nước Ý nói riêng, Tây Âu nói chung, đang bắt đầu lao đao với khủng hoảng kinh tế tài chính. Đầu tiên được xem như là một phong trào phản đối tự phát chống lại các “thế lực kinh tế” đang nắm các nguồn lực sản xuất và tài chính đang có khuynh hướng đổ hết tất cả các hệ lụy khủng hoảng tài chính lên đầu người dân, tạo ra khó khăn trong đời sống, mất công ăn việc làm, bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong xã hội. Dĩ nhiên là khi lên tiếng chỉ trích các “thế lực kinh tế” thì “Phong trào 5 Sao” cũng lên tiếng công kích các lực lượng chính trị đảng phái truyền thống, tả cũng như hữu, phe đa số cũng như phe đối lập trong Quốc hội, vì đã có trách nhiệm “thông đồng, ăn chịu, chia chác” quyền lực chính trị và nguồn lực tài chính kinh tế với các “tập đoàn kinh tế”. Những chỉ trích đó của “Phong trào 5 sao” cũng có thể có cơ sở, chỉ cần xem những vụ tham nhũng hối lộ vẫn thường hay xảy ra ở Ý, nhưng cũng lý do này cũng chỉ đúng đến một mức độ nào đó thôi.
Vấn đề thực ra có thể còn trầm trọng hơn (mà lần lần vào những năm sau đó công luận mới khám phá ra), đó là sự “sơ cứng, tê liệt” của mô hình đảng phái truyền thống trước những biến động và thay đổi tận gốc rễ của nền chính trị xã hội và của hệ thống kinh tế, trong nước cũng như trên thế giới. Lần lần đông đảo cử tri, không phân biệt ý thức hệ, không phân biệt là cử tri “thường trực” của đảng phái nào, không phân biệt tuổi tác, thành phần xã hội, cảm thấy “chính trị” đang lần lần bỏ rơi họ. Trước những khó khăn trong đời sống như phúc lợi xã hội bị cắt xén, tăng trưởng kinh tế sản xuất giảm sút mạnh đưa đến tình hình thất nghiệp gia tăng, nhất là thất nghiệp trong giới trẻ, bên cạnh đó là tình hình an ninh, nhất là ở các khu ngoại ô, ngày càng khó khăn, cộng thêm gánh nặng tài chính và xã hội trước sự kiện nhập cư bất hợp pháp từ các khu vực Bắc Phi lên các đảo miền nam Ý. Các đảng phái không mấy khi đưa ra được những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề, thường thì chỉ là những biện pháp mang tính “cứu cấp” để ít nhiều xoa dịu ngay lúc đó những tình hình nghiêm trọng có thể gây ra những hệ lụy an ninh, chính trị – xã hội, nhưng không có khả năng đưa ra những chiến lược tầm xa để có thể đối phó với các vấn đề một cách có hệ thống.
Bên cạnh đó, chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên Hiệp Châu Âu do Đức đề xướng đã làm cho đời sống kinh tế của người dân ở Ý gặp nhiều khó khăn. Ở Ý lại thêm tệ nạn tham nhũng hối lộ tràn lan, gần như là mỗi công trình xây dựng do nhà nước đề xướng đều là những cơ hội để các đảng phái, tả cũng như hữu, chia chác ngân quỷ và nhất là đội giá để có thể thỏa mãn các yêu cầu “tham nhũng và hối lộ” của các quan chức nhà nước ở các ban bệ của chính phủ. Ngoài các đảng phái chính trị tham nhũng hối lộ còn có sự “hợp tác” giữa chính trị với các băng đảng mafia, hay tệ hơn nữa là chính các băng đảng mafia đã lần lần thâm nhập được vào cơ chế Nhà nước và từ đó đã có những hoạt động nhằm gây sức ép đối với giới chính trị trong quá trình chia chác nguồn lực tài chính của Nhà nước trong mỗi công trình xây dựng ở mọi cấp bực.
Tất cả những bất cập vừa kể trên, hầu như được phanh phui trong khoảng non một thập niên gần đây, tức là nhân lúc có khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, và từ đó những bất công xã hội, những tệ nạn tham nhũng hối lộ, những khó khăn kinh tế của đại bộ phận cử tri, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của một phong trào dân sự xã hội chủ yếu là chống lại “đẳng cấp chính trị thối nát”, bài xích tất cả những gì gọi là ràng buộc luật lệ nhà nước (mà họ coi như bất bình đẳng), muốn phá vỡ tất cả cơ chế tận gốc rễ, để tiến tới một cuộc “cách mạng đổi đời”. Nói chung là cử tri muốn “đoạn tuyệt” với quá khứ.
Và khi cử tri không còn tìm thấy ở các đảng phái chính trị “truyền thống” bất cứ một giải pháp nào thì họ phải tự đi tìm một chỗ dựa “chính trị” mới, đáp ứng được những nguyện vọng trước mắt của cử tri. Và đó là “Phong trào 5 Sao”.
RFI : Chiến lược chinh phục cử tri của Phong trào 5 Sao ?
Huê Đăng : Trong suốt mấy năm nay, ngoài những khẩu hiệu đã đảo bài xích chính trị, chống lại các đảng phái truyền thống và chỉ trích những tệ nạn tham nhũng hối lộ, “Phong trào 5 Sao” chưa hề đưa ra được một chiến lược cho thấy họ sẽ xây dựng lại Nhà nước như thế nào nếu họ nắm được quyền bính. Nhưng cốt lõi của việc 5 Sao “đại thắng” lại đến từ những khiếm khuyết của các đảng phái chính trị khác. Nó giống như anh thắng trận không phải nhờ vào tinh thần chiến đấu quyết liệt của anh, mà vì bên phía địch thủ tất cả mọi việc đã tự nó bị phân hủy vì những mâu thuẫn của chính nó, do đó khi “Phong trào 5 Sao” cho nổ súng tấn công thì chỉ thấy thành lũy đã bỏ ngỏ, đồng không nhà trống.
Chỉ cần nghe các buổi nói chuyện của các ứng cử viên của “Phong trào 5 Sao” trong thời gian tranh cử vừa qua là thấy. Thông thường khi tranh cử, ứng cử viên đều ráng nhấn mạnh đến “khả năng” của mình trong cách vận hành một đơn vị hành chính, và nhất là “phô trương” tối đa những kinh nghiệm làm việc trong các cơ chế nhà nước hay của các tập đoàn kinh tế tài chính lớn, một số cử tri cũng không quên cho thấy khả năng “đối thoại” của mình với các thành phần trong xã hội như các đảng phái đối lập, các cơ sở kinh tế sản xuất, các tập đoàn tài chính … như để thuyết phục cử tri rằng họ có đủ điều kiện để giải quyết những vấn đề quản trị một đơn vị hành chính trong mọi tình huống. Nhưng đối với “5 Sao” thì ngược lại, phong trào này đã tạo ra được một thứ ảo tưởng rằng “trong sạch” đồng nghĩa với “thiếu kinh nghiệm hoạt động”, “tiết trinh” được xem như là một thứ “lá chắn” để ngăn ngừa mọi cám dỗ tham nhũng hối lộ.
RFI : Triển vọng của Phong trào 5 Sao ?
Huê Đăng : Có thể nói rằng cuộc bầu cử đơn vị hành chính địa phương hôm chủ nhật vừa rồi là một bước nhảy vọt về mặt chính trị của “Phong trào 5 Sao”. Đây là lần đầu tiên “Phong trào 5 Sao” phải bắt đầu thay đổi cách vận hành đường lối chính trị: Không thể tiếp tục cư xử như một phong trào dân sự xã hội bài xích chính trị, mà sẽ phải chấp nhận “làm chính trị”. Từ một phong trào chủ yếu chủ là phê phán, chỉ trích, đả phá, hăm dọa kiểu “em chả, em chả”, kể từ hôm nay, nếu “Phong trào 5 Sao” không muốn đốt ra tro bụi trong thời gian thật ngắn cái thành quả “đại thắng mùa hè” vừa rồi, thì chỉ còn cách là chấp nhận thách thức lăn mình vào việc đi tìm các giải pháp xây dựng thay cho các khẩu hiệu đả đảo rẻ tiền.
Dĩ nhiên cũng có thể hình dung ra được là các “thế lực kinh tế tài chính” ở Roma, cũng như ở Torino, vốn đã từng quen “ăn chia” với các lực lượng đảng phái chính trị cầm quyền, sẽ không thụ động đợi “Phong trào 5 Sao” ra chiêu trước. Rất có thể trong những ngày sắp tới sẽ có những buổi gặp gỡ kín đáo, một quan hệ để “thử lửa” nhau, một thứ “hiệp thương”, các thế lực kinh tế tài chính thì hy vọng sẽ tiếp tục đường của mình đi xưa nay, sẽ có khả năng “thuyết phục” được “Phong trào 5 Sao” hợp tác.
Phía “Phong trào 5 Sao” cũng sẽ phải cẩn trọng từng bước trước những thử thách mới: Cái “trinh tiết” mà phong trào vẫn tự hào từ trước đến nay … bây giờ sẽ không còn được xem như là một thứ “bảo đảm” cho sự trong sạch nữa. Giống như một cô gái đã về nhà chồng rồi thì bây giờ cũng không thể nào tiếp tục đi khoe với hàng xóm là … còn “trinh tiết”, ngược lại “Phong trào 5 Sao” phải có đủ khả năng hóa thân thành một bà nội trợ giỏi để vận hành các công việc hằng ngày trong gia đình.
“Phong trào 5 sao” sẽ thành công ? Điều này có lẽ phải đợi một thời gian tới mới biết rõ.
Trong khi đó các đảng phái truyền thống, nhất là đảng Dân Chủ cũng đang phải rà soát lại chính mô hình tổ chức nhân sự và hoạt động của mình để bám sát theo thực tế từng ngày của cử tri. Bằng không, dù “Phong trào 5 Sao” có thành công hay thất bại trong quá trình quản trị các thành phố nơi họ thắng cử, thì chính các đảng phái truyền thống đã tự mình phân hủy chính mình.
***
Nhìn sang Tây Ban Nha, sự trỗi dậy lạ lùng của đảng cánh tả cấp tiến Podemos, ra đời chỉ mới từ đầu năm 2014, là một hiện tượng đáng chú ý khác. Cũng như phong trào xã hội dân sự 5 Sao, và nhiều đảng phái chính trị dân túy khác, Podemos (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “chúng ta có thể”) thu hút được sự ủng hộ của đông đảo cử tri, thất vọng với các đảng phái chính trị truyền thống, nhờ ở cương lĩnh “chống hệ thống”. Không chỉ tầng lớp dân nghèo mới đi theo Podemos, mà cả một bộ phận lớn giới tiểu thương và doanh nhân nhỏ. Podemos đã trở thành một trong ba đảng phái chính trị hàng đầu Tây Ban Nha, sau cuộc bầu cử Quốc Hội cuối năm ngoái 2015.
Đọc thêm : Tại sao phong trào cực hữu mị dân lên điểm tại châu Âu?
Khác với phong trào 5 Sao không đứng về phía cánh tả, hay cánh hữu chính trị truyền thống, đảng Podemos dựa hẳn vào một số nền tảng ý thức hệ của cánh tả, đặc biệt các di sản tư tưởng của Karl Marx, của lý thuyết gia chính trị cộng sản Ý Antonio Gramsci và đặc biệt là nhà tư tưởng Achentina Ernesto Laclau, được đánh giá là thuộc trường phái hậu-mác xít. Theo nhà sử học Pháp Christophe Barret (3), chuyên gia về phong trào này, với việc trở thành một đảng phái chính trị tranh cử trên nghị trường, Podemos không còn có thể tự nhận là đại diện duy nhất cho lợi ích của toàn thể dân chúng, như khi còn là một phong trào dân sự. Một khi trở thành đảng phái chính trị nắm quyền, dù ở cấp địa phương hay cấp quốc gia, cả Podemos và phong trào 5 Sao đều đứng trước thách thức phải có một cương lĩnh, một tổ chức, và uy tín của họ phải được đánh giá thông qua các hành động quản trị xã hội cụ thể, chứ không còn chỉ đơn thuần dựa trên nỗi thất vọng, bất mãn phổ biến của dân chúng, chống lại giai tầng chính trị nắm quyền nói chung.
Bên cạnh thách thức nói trên, các phong trào dân sự châu Âu, dù bắt đầu tham gia vào chính trường, cũng đứng trước một thách thức chung: Đó là đòi hỏi phải cải tổ cấp bách các định chế dân chủ, vốn dựa trên các nguyên tắc dân chủ đại diện hình thành từ cách nay đã hơn hai thế kỷ. Theo một số chuyên gia (4), nền dân chủ đương đại cần phải được sáng tạo lại, mà điều then chốt là toàn bộ quá trình ra quyết định, việc thực thi quyền lực nói chung phải được đặt dưới sự kiểm soát của các công dân.
—-
(1) Xem “Gần 1 triệu người “phẫn nộ” biểu tình trên thế giới“, RFI 16/10/2011.
(2) Biểu tượng “5 Sao” của Phong trào 5 Sao được dùng để chỉ chủ trương hoạt động của phong trào trong năm lĩnh vực chính, “nước”, “môi trường”, “giao thông”, “phát triển bền vững” và “năng lượng“.
(3) Christophe Barret trả lời phỏng vấn trang mạng điểm sách Pháp Nonfiction.fr, ngày 01/03/2016.
(4) Nhà chính trị học Pháp Pierre Rosanvallon nói đến một cuộc cách mạng dân chủ lớn (“une grande révolution démocratique”), tuần báo L’Express, tuần 08-14/06/2016.
Ý : Sự phá sản của mô hình chính trị truyền thống
Điển hình là trường hợp thất cử của đảng Dân Chủ ở thành phố Torino, một thành phố gần như liên tục được các lực lượng trung tả quản trị khá tốt trong suốt gần hai thập niên trở lại đây. Khác với trường hợp của thủ đô Roma, ban quản trị Torino chưa hề bị tai tiếng vì những xì-căng-đan tham nhũng hối lộ. Ở thành phố này đảng Dân Chủ không hề có những đấu đá nội bộ quyết liệt đến độ, như đã phải “cưỡng bức” thị trưởng Roma Ignazio Marino (thuộc đảng Dân Chủ) từ chức. Ban quản trị thành phố Torino cũng đã khá thành công trong việc cố gắng khắc phục những khó khăn ngân sách và kinh tế do chính sách cắt xén ngân quỹ đến từ phía chính phủ trung ương trong những năm gần đây… Vậy mà đảng Dân Chủ vẫn thất cử trước “Phong trào 5 Sao”. Điều này minh chứng thêm là không cần đến các xì-căng-đan tham nhũng hối lộ, mà chỉ cần sự “sơ cứng, tê liệt” của đảng, những gương mặt lãnh đạo đảng đã trở thành một thứ “đẳng cấp” già nua, không biết thích ứng, là cũng đủ khiến cử tri muốn “đoạn tuyệt” với mô hình đảng phái truyền thống.
Cái mô hình đảng phái dựa trên những cơ cấu tổ chức ban bệ từ trung ương đến địa phương, dựa trên các khuôn mẫu để chọn lựa nhân sự đảng dựa theo sự phân chia quyền lực ngay giữa các nhóm trong nội bộ đảng, dựa trên sự kiểm soát được địa bàn hoạt động, dựa trên sự ban bố lợi ích địa phương mà mỗi đảng có khả năng mang về cho cử tri của mình (thí dụ như giành được ngân quỹ phát triển xây dựng cho địa phương, xây dựng những cơ sở kinh tế mang tính phát triển địa phương để thu nhận lao động, tạo công ăn việc làm cho chính cử tri của mình …), tất cả những thứ đó đã khiến cho quyền lợi của đa số cử tri cùng “đồng hành” với quyền lợi của đảng phái từ gần nửa thế kỷ nay, kể từ thời tái kiến thiết đất nước sau Đệ nhị thế chiến.
Ở Ý, người ta gọi đó là thời “bò sữa béo tốt” (vacca grassa). Từ thời tái kiến thiết đất nước sau chiến tranh, bắt đầu vào cuối những thập niên 40 (với chương trình viện trợ nổi tiếng của kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho Châu Âu) cho đến cuối những thập niên 90, nước Ý phát triển vù vù, phần thì nhờ vào viện trợ Mỹ, phần thì chưa có những biện pháp kiểm soát ngân sách nhà nước, phần thì thời đó học thuyết phát triển kinh tế thông qua đầu tư nhà nước của nhà kinh tế người Anh là John Maynard Keynes đang là chủ đạo nên các chính phủ Tây Âu, và nhất là Ý đã bơm tiền ào ạt vào các công trình xây dựng hạ tầng cơ sở và các cơ sở sản xuất quốc doanh, tạo ra công ăn việc làm dễ dãi và thu nhập bền vững. Đó là thời phát triển kinh tế huy hoàng của Tây Âu nói chung, của Ý nói riêng. Nên sự đồng thuận giữa cử tri và các đảng phái chính trị là điều tất yếu, kiểu có thực thì vực được đạo.
Nhưng tất cả đều bắt đầu chao đảo vào những năm đầu của thiên niên kỷ 2000. Trước nhất là sự kết thúc Chiến tranh Lạnh đã khiến vị trí quân sự quan trọng của Ý trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu bị giảm: Ý không còn là “hàng không mẫu hạm thiên nhiên” (vì Ý là một bán đảo nằm lọt vào giữa biển Địa Trung Hải) của NATO, và cũng không còn là căn cứ hải quân quan trọng của hạm đội VI Mỹ, từ đó, các viện trợ của Mỹ dành cho Ý dưới nhiều hình thức cũng bắt đầu thuyên giảm. Nhiều cơ sở quân sự của NATO ở Ý cũng bắt đầu giải thể, làm mất công ăn việc làm cho rất nhiều người Ý trong các hoạt động hậu cần cho các căn cứ quân sự nói trên.
Song song đó là Liên Minh Châu Âu (UE) cũng bắt đầu đưa ra những quyết định phá bỏ các vị trí độc tôn quốc doanh của các nước thành viên, thí dụ như trong khu vực hàng không, giao thông, đưa ra những quyết định cho phép tự do cạnh tranh thương mãi giữa các nước thành viên, phá bỏ các chính sách “bế quan tỏa cảng” thông qua chính sách thuế nhập khẩu. Thế là các “thông lệ” mà các đảng phái truyền thống trước đây vẫn dùng để bảo đảm sự đồng thuận của cử tri cũng bị nghiêm cấm: thí dụ như bơm tiền bù lỗ cho các công trình hay cơ sở sản xuất kinh tế để tiếp tục giữ được công ăn việc làm cho cử tri, điển hình là trường hợp tập đoàn sản xuất xe hơi FIAT của Ý, trong suốt gần nửa thế kỷ sống nhờ vào chính sách bảo vệ thị trường nội địa của Ý và nhờ vào những bù lỗ do chính chính quyền trung ương bơm tiền để tiếp tục giữ được sự đồng thuận với các công đoàn.
Trước khi vào khu vực euro, Ý có đồng tiền riêng của mình là đồng lire, do đó mỗi khi có vấn đề xuất khẩu là Ý cứ cho phá giá đồng lire một cách vô tội vạ để thúc đẩy xuất khẩu (dù rằng hệ lụy là giá nhập khẩu như dầu khí gia tăng đáng sợ). Khi tất cả những “thủ thuật” này không còn áp dụng được thì nước Ý phải đối đầu với những khó khăn mà trước đây các chính phủ trung ương không hề lo nghĩ.
Đến thời kỳ kinh tế toàn cầu, sự tự do giao lưu hàng hóa trên khắp thế giới, nhất là khi có sự “hội nhập” vào kinh tế sản xuất của Trung Quốc, đã khiến mô hình kinh tế tài chính và kinh tế sản xuất thay đổi tận gốc rễ; Các nhà doanh nghiệp chỉ nhắm vào hai chỉ số quan trọng trong sản xuất, là giá lao động và các luật lệ bảo vệ lao động và môi trường ở các khu vực trên thế giới, nơi nào lao động rẻ và các luật lệ về bảo vệ lao động và môi trường ít nghiêm khắc (hay thậm chí hoàn toàn không áp dụng) thì các doanh nghiệp lập tức cho di dời cơ sở sản xuất sang những khu vực đó (chủ yếu là ở các nước Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ) để hạ giá thành rồi đem thành phẩm về thị trường Tây Âu để tiêu thụ, với kết quả là tăng lợi nhuận, nhưng với hệ lụy là các cơ sở sản xuất ở khu vực Tây Âu tiếp tục bị giải thể, khiến cử tri mất công ăn việc làm, con số thất nghiệp gia tăng.
Tất cả những “bất cập” nói trên, khách quan cũng như chủ quan, đã khiến cho đời sống của cử tri Ý ngày càng khốn đốn, họ chỉ còn biết phẫn uất, căm giận, và chỉ muốn “tàn phá” tất cả với hy vọng là sẽ có thể xây dựng lại một xã hội công bằng hơn, nhân bản hơn. Và trong khi chờ đợi “cách mạng” thì cử tri tạm thời phải chấp nhận “tự sướng” với những phong trào dân sự phi-đảng phái như “Phong trào 5 Sao”.
Huê Đăng/RFI