Tin khắp nơi – 23/05/2019
Công ty Mỹ kiện Huawei
tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại
Một công ty khởi nghiệp sản xuất chip điện tử ở Thung lũng Silicon, Mỹ, tố cáo một lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn công nghệ Huawei Trung Quốc, Phó Chủ tịch Eric Xu, tham gia một âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của họ, tờ Wall Street Journal loan tin hôm 22/5 dẫn tài liệu tòa án.
Tố cáo được đưa ra trong vụ kiện được lên lịch xử vào ngày 3/6 ở tòa ánliên bang tại Texas. Trong đó, công ty CNEX Labs nói rằng Huawei nhúng tay vào một âm mưu kéo dài nhiều năm nhằm đánh cắp côngnghệ lưu trữ ổ cứng máy tính SSD với sự hỗ trợ của một trường đại họcTrung Quốc.
Công ty CNEX có trụ sở ở bang California đang phát triển kỹ thuật củngcố năng lực ổ cứng máy tính SSD trong các trung tâm dữ liệu và cótranh cãi với Huawei từ năm 2017.
CNEX tố cáo Huawei dùng một giáo sư đại học Trung Quốc làm việctrong một dự án nghiên cứu để tiếp cận công nghệ của CNEX một cáchbất chính.
Đại bàng Mỹ tung móng vuốt
đấu với Gấu trúc Trung Hoa
Nguyễn Giang bbcvietnamese.com
Hồi tháng 9/2018 tôi có viết bài trên Diễn đàn BBC News Tiếng Việt, mô tả ông Donald Trump như một Sói già muốn hạ gục Trung Quốc.
Khi đó cuộc thương chiến mới bắt đầu diễn ra và các học giả Trung Quốc tính tới ba phương án:
Một là Trung Quốc không đáp trả, cố bảo vệ đồng tiền, thị trường chứng khoán và mạng lưới xuất khẩu;
Hai là Trung Quốc sẽ đáp trả vừa phải, ‘vừa đàm vừa đánh’;
Ba là hai bên đánh nhau bằng kinh tế tới cùng (all-out war).
Với chuyến đi bất thành gần đây của ông Lưu Hạc sang Hoa Kỳ để về tay không, phương án 3 đang diễn ra.
Đại bàng Mỹ giơ móng
Cuộc chiến thế kỷ không còn dừng lại ở kinh tế, công nghệ mà đang lan sang cả vấn đề an ninh biển và cam kết với Đài Loan.
Chỗ nào ông Tập coi là quan trọng nhất thì ông Trump chọc gươm vào.
Nhưng với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều muốn kiềm chế Trung Quốc, câu chuyện không còn của riêng ‘Sói già Trump’.
Con đại bàng Mỹ đầy móng vuốt đã cào mặt Gấu trúc Trung Quốc.
Huawei mất Android: Người dùng bị ảnh hưởng thế nào
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung qua năm biểu đồ
Chứng khoán TQ sụt giảm vì Mỹ dọa đánh thêm thuế
Vì sao Mỹ luôn quyết liệt về Đài Loan?
Đáp lại giận dữ, bộ máy tuyên truyền vốn kiểm soát chặt toàn bộ xã hội cho các nhà sản xuất làm giấy toilet có hình ông Trump, báo chí ‘tổng sỉ vả’ Hoa Kỳ.
Đi thăm Giang Tây tuần này, Chủ tịch Tập kêu gọi ‘cuộc Trường Chinh mới’ trong khi báo chí nói về ‘chiến tranh nhân dân’ chống sự bắt nạt của Mỹ.
CCTV vừa chiếu lại phim về Chiến tranh Triều Tiên để nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết hy sinh cả triệu người của Chí nguyện quân Trung Quốc.
Đó là thông điệp rằng Trung Quốc sẵn sàng cuộc chiến lâu dài, không ngại ‘hy sinh’ dù to lớn.
Cuộc chiến thương mại này sẽ có thể gây hại cho các công ty Mỹ.
Nhưng ông Trump đã nói rồi, các đại công ty Mỹ nếu không theo chỉ dẫn ‘chính trị là thống soái’ của Nhà Trắng mà bị thiệt thì ráng chịu.
Trong suy nghĩ của Trump, các hãng khổng lồ Mỹ nên biết điều, tìm cách điều chỉnh, đem việc làm về nước.
Mới nhất có thêm Google tuyên chiến với Huawei.
Còn cử tri bình dân Mỹ có thiệt thòi một chút về kinh tế thì họ…vẫn cứ nghe Trump.
Người Mỹ muốn điều gì đó to và lâu dài hơn chuyện thiệt một số tỷ dollar.
Nhưng nhìn từ Trung Quốc, vấn đề không đơn giản như vậy.
Trí thức Trung Quốc, vốn từng cảnh báo ông Tập và Đảng Cộng sản qua các cách riêng về mối nguy của việc ‘dậy non’ thách thức Hoa Kỳ, nay không vui.
Li Yuan (Lý Viễn), một nhà báo tại London trong bữa trưa tuần rồi với tôi đã chia sẻ quan sát của anh rằng:
“Đa số người dân Trung Quốc lo ngại về hậu quả nghiêm trọng của thương chiến cho việc làm, thu nhập, cơ hội xuất cảnh, du học, làm ăn.”
Tôi hỏi lại:
“Bạn bảo đa số là bao nhiêu người?”
“Đây mới là một vấn đề. Chắc anh biết thống kê của chính phủ rất khó tin vì trung ương không đếm hết người ở tỉnh, tỉnh không biết ở huyện.”
Tôi bảo, tôi từng nghe có người nói dân số Trung Quốc thực đông hơn 1,4 tỷ, nên nhiều chỉ số kinh tế luôn không giống như giới ‘experts’ tính toán, có đúng không?
Li Yuan, người gốc Nam Kinh, cười bảo:
“Chính người Trung Quốc cũng nói con số thực có thể là 1,5 hoặc 1,6 tỷ, số dư cũng đông hơn cả nước Nga.”
Anh nói tiếp, “Trung Quốc chúng tôi mới bắt đầu cấm chế độ 996 vì Trump phàn nàn về ‘cạnh tranh không lành mạnh?”
Li Yuan giải thích đó là chế độ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liền 6 ngày một tuần, còn gọi là ‘Jiǔjiǔliù gōngzuò zhì‘ trong công xưởng làm hàng xuất khẩu.
Lực lượng lao động này là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, nhưng nếu không xuất khẩu được thì họ biết làm gì?
“Hàng hóa không bán được, vài chục triệu người thất nghiệp thì một tỉnh loạn, còn nếu cả trăm triệu ra đường thì không ai dám nghĩ tình hình sẽ thế nào?” Li Yuan nói.
Trường kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng thiếu đồng minh
Ừ thì đồng ý là Trung Quốc sẽ ‘trường kỳ kháng chiến’, nhưng mọi cuộc chiến đều cần đồng minh.
Năm ngoái, Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh ra khuyến nghị nói để “ứng chiến” lâu dài với Mỹ, Trung Quốc cần thân EU, dựa vào Nga, Nhật Bản và Đông Nam Á.
Trung Quốc còn dùng Vành đai và Con đường mở ra các thị trường mới.
Nhưng các đối tác kia có giúp Trung Quốc chống lại Mỹ?
Tại EU, không khí ít thuận lợi.
Lãnh đạo Đức, bà Angela Merkel vừa nói chiến lược của EU là coi Trung Quốc như đối thủ hàng đầu.
Châu Âu phải đoàn kết để đứng lên đối mặt Trung QuốcThủ tướng Angela Merkel
Ông Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ, một lãnh đạo Nghị viện EU nói Trung Quốc “đang thành đế quốc” (Chinese empire) và EU phải ứng phó phù hợp.
Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ chơi ‘ngon lành’ với Nhật Bản nên tôi e ngại chuyện Tokyo cứu Bắc Kinh sẽ rất, rất khó xảy ra.
Nga cần đồng Nhân dân tệ nhưng lo bị dân Trung Quốc tràn sang vùng Viễn Đông của họ.
Đông Nam Á đã bị hàng và người Trung Quốc tràn ngập, trình độ công nghệ thì còn quá xa Âu Mỹ nên không hiểu sẽ giúp được gì cho Trung Quốc.
Chỉ là ‘đôi chân đất sét’?
Joseph Nye viết hồi tháng 4/2019 về năm lý do có thể khiến người ta coi Trung Quốc mới là ‘người khổng lồ trên đôi chân đất sét‘.
Ngoài chuyện dân số Trung Quốc bắt đầu già đi từ 2015, sự thiếu vắng quyền lực mềm…còn có lý do Đảng Cộng sản không theo kịp thời đại.
Theo GS Nye, “Trung Quốc đã thành một xã hội trung lưu nhưng tầng lớp cầm quyền bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về tư duy chính trị. Họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới cứu được Trung Quốc, và mọi cải cách phải tăng cường sự lãnh đạo độc tôn của đảng này.”
Anh bạn Li Yuan nói Trung Quốc không thiếu người tài, nhưng Đoàn phái và Thái tử Đảng thời ông Tập đã triệt tiêu mọi suy nghĩ khác biệt.
Lãnh đạo bám sát các diễn biến quốc tế nhưng toàn lý giải theo lăng kính hướng nội và hay ‘mượn gió’ để được việc mình.
Khi Phương Tây đánh Nhà nước Daesh ở Trung Đông, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ và tranh thủ giam cả triệu người Uyghur lại để tẩy não.
Việc này không hề được quốc tế khen vì đa số người Tân Cương vô tội, không theo jihadism, và việc giam cầm cả một dân tộc sẽ chỉ làm tăng căm thù và bạo lực.
Cách làm đó cũng không làm người châu Á phục.
Bà Halimah Yacob, người Hồi giáo, tổng thống Singapore đi dự hội nghị Văn minh Quốc tế gần đây đã nhắc khéo Bắc Kinh rằng “Singapore có thể là ví dụ tốt về một xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa chung sống lành mạnh cho Trung Quốc học theo”.
Khi Phương Tây có làn sóng công nghệ, Trung Quốc làm công xưởng sản xuất, rồi vươn lên làm dịch vụ software, tung ra các hệ điện thoại đời mới.
Trung Quốc nhanh chóng đi đầu trong công nghệ trả tiền di động nhưng quyền lợi của Bộ Công an đã tạo thêm chế độ kiểm soát bằng kỹ thuật số.
Một số học giả gọi đây là chế độ ‘digital tyranny‘ (bạo chúa kỹ thuật số) mà hiện đang thành điểm nóng của quan hệ kinh tế toàn cầu với Phương Tây.
Li Yuan cho tôi biết vấn đề là nước Trung Quốc quá lớn, quá đông dân nên nhu cầu quản lý (và kiểm soát an ninh) là có thực.
Vấn đề là nguồn lực kinh tế, trí tuệ, kiến thức của hơn một tỷ dân được dùng chỉ để củng cố quyền lực của một đảng trên 90 triệu thành viên.
Những thành tựu mấy chục năm qua cũng là có thực, nhưng quốc gia này đang tới ngã ba đường và cuộc thương chiến là chất xúc tác mạnh, có thể gây biến đổi lớn.
Đảng và chính quyền phải nắm các tập đoàn nhà nước hoặc đại công ty thân hữu để có tiền nuôi bộ máy khổng lồ và để phục vụ các mục tiêu khác.
Nhưng nay Hoa Kỳ đang đánh thẳng vào mô hình ‘state-led‘ đó nên Huawei rơi vào tầm ngắm.
Tuy thế, đây cũng là cơ hội để phái Cải cách lên tiếng, đòi phá thế độc quyền của các đại công ty mà đa số do trên 100 gia tộc (clan) kiểm soát.
Âu Mỹ ra tay vì cho rằng chú gấu trúc Trung Hoa không khù khờ chỉ biết ăn và ngủ mà hóa ra là loài khá dữ.
Trung Quốc tới đây sẽ phải trả đòn nhưng võ của ‘Kungfu Panda’ sẽ ra sao thì không ai rõ.
Tôi đồng ý với anh bạn họ Lý rằng dù cuộc thương chiến kết thúc ra sao, Trung Quốc sẽ phải thay đổi mô hình kinh tế, và về lâu dài là cả mô hình chính trị.
Nền văn minh Trung Hoa có bề dày hàng nghìn năm thừa nội lực để thích ứng và tồn tạ.
Còn chính quyền có thích ứng được hay không lại là chuyện rất riêng của ban lãnh đạo hiện thời.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48342269
Mỹ: Ít nhất tháng nữa
mới áp thêm thuế lên hàng TQ
Ít nhất một tháng nữa Hoa Kỳ mới thực thi thuế quan đề nghị đối với300 tỷ đô la trị giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong lúc đang điềunghiên tác động lên người tiêu dùng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo ngày 22/5.
Washington tháng này tăng thuế hiện hành từ 10% lên thành 25% đốivới 200 tỷ đô la trị giá hàng Trung Quốc giữa bối cảnh các cuộc đàmphán hầu chấm dứt 10 tháng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang bế tắc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ áp thuế lên tới 25% đối vớidanh sách thêm 300 tỷ đô la trị giá hàng hóa nữa từ Trung Quốc.
“Sẽ không có bất kỳ quyết định nào trong từ 30 đến 45 ngày tới,” ôngMnuchin cho biết.
Lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung dự kiến gặp nhau tại thượng đỉnh G20 tạiNhật trong hai ngày 28 và 29/6.
“Tôi vẫn hy vọng chúng ta có thể trở lại bàn thương thảo. Hai nhà lãnhđạo có thể gặp nhau vào cuối tháng 6,” Bộ trưởng Mnuchin nói và chobiết thêm rằng ảnh hưởng của thuế quan đối với người tiêu dùng Mỹ là yếu tố chính để cân nhắc trong sách lược thương mại của Mỹ.
Ông cho hay chính quyền Mỹ sẵn sàng mở ra các vòng đàm phán mớivới Trung Quốc nếu đôi bên có thể tiến tới trên căn bản các cuộc thươnglượng trước đây.
Kể từ hai ngày thảo luận ở Washington hôm 10/5, chưa có cuộc trao đổinào được lên lịch giữa các nhà thương thuyết hàng đầu của hai bên.
Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc ngày 22/5 tuyên bố Trung Quốc mở ngỏ các cuộc đàm phán thêm nữa với Hoa Kỳ, nhưng nhấnmạnh rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận bất công nào.
Lần đầu tiên hải quân Mỹ, Nhật, Hàn, Úc
tập trận ở Tây Thái Bình Dương
Các tàu Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận chung đầu tiên với các tàu chiến của các đồng minh Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc ở Tây Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ cho Reuters biết hôm 23/5.
Cuộc tập trận mang tên Pacific Vanguard gần đảo Guam của Hoa Kỳ diễn ra trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Nhật Bản vào cuối tuần này. Cuộc tập trận chung diễn ra khi Washington đang hợp tác với các đồng minh ở châu Á để đối phó sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters.
Trong một tuyên bố, Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, nói: “Cuộc tập trận Pacific Vanguard phối hợp hải quân của bốn quốc gia có cùng quan điểm nhằm mang lại an ninh xuyên suốt cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên các lợi ích và giá trị chung.”
Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày có sự tham gia của hai tàu khu trục Nhật Bản, hai tàu khu trục Úc và tàu khu trục Hàn Quốc, cùng khoảng 3.000 thủy thủ tham gia.
Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai 5 tàu cũng như các máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra hàng hải cho cuộc tập trận này, trong đó có bắn đạn thật và luyện tập chống tàu ngầm.
Trong tháng này, các tàu của Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tập trận với các tàu của Pháp, Nhật Bản và Úc ở Vịnh Bengal. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn tổ chức các cuộc tập trận riêng với một tàu sân bay trực thăng của Nhật và các tàu chiến của Ấn Độ và Philippines ở khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/lan-dau-tien-hai-quan-my-nhat-han-uc-tap-tran-o-tay-tbd/4929393.html
Mỹ lại triển khai 2 tàu chiến
qua eo biển Đài Loan thách thức TQ
Quân đội Mỹ hôm 22.5 đã triển khai hai chiến hạm đến eo biển Đài Loan. Bước đi này được cho sẽ làm Bắc Kinh nổi giận ngay tại thời điểm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quân đội Mỹ hôm 22.5 đã triển khai hai chiến hạm đến eo biển Đài Loan. Bước đi này được cho sẽ làm Bắc Kinh nổi giận ngay tại thời điểm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Reuters, phát ngôn viên Clay Doss của Hạm đội 7, hai tàu hải quân Mỹ được cử đi bao gồm tàu khu trục USS Preble và tàu tiếp dầu USNS Walter S.Diehl.
“Việc các tàu hải quân di chuyển qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”, ông Doss cho biết và nhấn mạnh mọi hoạt động của hải quân nước này tại khu vực đều an toàn và chuyên nghiệp.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan xác nhận hai tàu của Mỹ đã đi về phía bắc qua eo biển Đài Loan. Các lực lượng vũ trang Đài Loan đã theo dõi và cho biết không có điều gì khác thường xảy ra.
Động thái trên có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng có thể được Đài Loan xem là tín hiệu ủng hộ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump giữa lúc xích mích ngày càng tăng cao giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.
Các tàu chiến của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan ít nhất mỗi tháng một lần kể từ đầu năm nay. Hồi tháng 4, Mỹ đã điều các tàu khu trục hải quân William P.Lawrence Stethem và trước đó một tháng, tàu khu trục USS Curtis Wilbur và tàu tuần duyên Cutter Bertholf của Mỹ cũng di chuyển qua khu vực này nhằm thể hiện cam kết của Washington về đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Đài Loan vẫn luôn là một trong những điểm nóng ngày càng tăng trong mối quan hệ Mỹ -Trung, bao gồm cả chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Mỹ và tư thế quân sự ngày càng cơ bắp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dù công nhận chính sách “một Trung Quốc”, và không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, Mỹ trên thực tế vẫn chịu ràng buộc theo pháp luật về việc cung cấp phương tiện giúp Đài Loan phòng vệ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỉ USD vũ khí từ năm 2010.
Trung Quốc từ lâu luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất và không ngừng gây áp lực đối với hòn đảo này, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc đã nhiều lần triển khai máy bay, tàu chiến xung quanh đảo trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, đồng thời gia tăng sức ép nhằm khiến hòn đảo tự trị này mất đi nhiều đồng minh ngoại giao.
Thương chiến căng như dây đàn, Mỹ quay sang
“mặt trận” Biển Đông: TQ sắp bị cấm vận?
Những dự án của Trung Quốc nằm trong tầm ngắm bao gồm hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, công trình hải đăng và hạ tầng liên lạc di động trên Biển Đông.
Dự thảo cấm vận Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng trong Quốc hội sẽ một lần nữa giới thiệu dự thảo thể hiện sự cam kết của Chính phủ Mỹ đối với việc trừng phạt các tổ chức và cá nhân Trung Quốc có
liên quan tới cái mà họ gọi là hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông.
Nếu “Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông” được thông qua, chính phủ Mỹ sẽ có quyền tịch thu các khối tài sản tài chính ở Mỹ và thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ ai liên đới tới “các hành động hoặc chính sách đe dọa tới hòa bình, an ninh và ổn định” tại nhiều khu vực trên Biển Đông.
“Dự thảo lưỡng đảng này củng cố nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc đối phó với quá trình quân sự hóa trái phép và nguy hiểm của Bắc Kinh ở các khu vực mà nước này chiếm giữ (bất hợp pháp) trên Biển Đông”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói với SCMP.
“Điều luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự tự do và rộng mở của khu vực đối với tất cả các nước và buộc chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi bắt nạt và ép buộc những quốc gia khác trong khu vực”.
Theo luật này, cứ mỗi 6 tháng, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải nộp lên Quốc hội Mỹ một báo cáo ghi nhận bất kỳ cá nhân hay công ty Trung Quốc nào liên quan tới các dự án phát triển và xây dựng (trái phép) trên Biển Đông. Những dự án nằm trong tầm ngắm bao gồm hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, công trình hải đăng và hạ tầng liên lạc di động.
Ngoài ra, những bên có liên quan tới hoạt động đe dọa “hòa bình, an ninh và ổn định” ở những khu vực hiện do Nhật Bản, Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng sẽ trở thành đối tượng cấm vận – dự thảo nêu rõ.
Nhằm thẳng vào Trung Quốc?
Một dự thảo tương tự đã được đưa ra vào năm 2017 nhưng không thể vượt qua Ủy ban Quan hệ Quốc tế để lên tới Thượng viện. Để được thông qua, luật này phải được Thượng viện và Hạ viện Mỹ chấp thuận trước khi trình lên Tổng thống Mỹ để ký thành luật.
Những người ủng hộ luật mới kỳ vọng kết quả lần này sẽ khác. Một số người còn khá tự tin vì Ủy ban Quan hệ Quốc tế hiện đã có chủ tịch mới – Thượng nghị sĩ James Risch – một người đặc biệt quan sát kỹ lưỡng các chính sách của Bắc Kinh
“Chúng tôi rất lạc quan, khi mà Chủ tịch Risch quan tâm tới vấn đề Trung Quốc”, một phát ngôn viên của ông Rubio cho biết thêm rằng câu chữ trong dự thảo sẽ được đưa ra vào hôm nay 23/5 không khác gì so với bản năm 2017.
Cùng với hy vọng thúc đẩy đạo luật mới là quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc từ cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.
Trong hàng loạt vấn đề, bao gồm cả an ninh quốc gia, thương mại và tài sản trí tuệ, lập trường của chính quyền Mỹ về Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ từ ngay cả những nhân vật mang quan điểm chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lãnh đạo phe Thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer còn hoan nghênh ông Trump vì phát động cuộc chiến tranh thương mại tốn kém nhằm vào Bắc Kinh, bao gồm cả đòn thuế quan ngày càng gia tăng.
Đạo luật mới được bảo trợ bởi 13 nghị sĩ Mỹ, nhiều hơn hẳn số lượng người ủng hộ năm 2017 (2 người). SCMP cho rằng đây có thể là chỉ dấu cho thấy sự ủng hộ gia tăng trong Quốc hội đối với làn sóng phản kháng trước Bắc Kinh.
Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, việc Quốc hội Mỹ tồn tại một bầu không khí hà khắc khi nhắc tới Trung Quốc là hợp lý nhưng dự đoán rằng, để dự thảo có thể tới được bàn của Tổng thống thì ngôn từ trong văn kiện phải mềm mỏng hơn một chút.
Dù vậy, “quan trọng là đưa vấn đề này ra bàn thảo và tranh luận”, Glaser nói và nhấn mạnh thêm rằng Biển Đông chưa bao giờ là “vấn đề được chú ý đặc biệt” trong chương trình chính sách của chính quyền Trump.
Theo người phát ngôn của Rubio, việc tái giới thiệu dự thảo này đã nằm trong tính toán của ông Rubio suốt một tháng nay mặc dù nó xảy ra vào thời điểm “rất đúng lúc”, khi mà Hải quân Mỹ gần đây tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực, thể hiện lập trường phản đối Bắc Kinh và có các cuộc chạm trán ở cự ly gần với tàu hải quân Trung Quốc.
Glaser nhận định, chính quyền Trump đã làm tốt hơn nhiều khi tiến hành các hoạt động tự hàng hải thường xuyên hơn chính quyền tiền nhiệm và khẳng định, chính quyền Mỹ đã thành công trong việc khuyến khích các bên khác trong khu vực tham gia vào hoạt động tập trận cũng như những hành trình chung trên biển.
Mặc dù cấm vận kinh tế mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là một vai trò tượng trưng đối với những bên vi phạm nhưng chuyên gia của CSIS cho rằng dự thảo mới không nhắm tới cá nhân.
Theo dữ liệu của CSIS, khoảng 73% các sự vụ chính trên Biển Đông từ 2010 có liên quan tới tàu chấp pháp của Trung Quốc. “Đó là một tỷ lệ cao nhưng không phải 100%”, Glaser nói, “Dự thảo không nhằm vào những đối tượng xấu, mà thực sự nhằm vào Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
tiếp Ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh
Chiều ngày 22/5 tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiếp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhằm tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
“Hai ngoại trưởng đã thảo thuận các nỗ lực nhằm tăng cường Đối tác Toàn diện thông qua việc làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế, và quan hệ nhân dân hai nước, cùng hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và vấn đề hậu quả chiến tranh,” thông cáo của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết.
Ngoại trưởng Pompeo và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đồng thời khẳng định cam kết chung nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông cáo cho biết thêm.
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Pompeo hoan nghênh việc Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 2020.
Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết tại hội đàm hôm 22/5 với Ngoại trưởng Pompeo và các cuộc gặp với Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Charles Kupperman và với Trợ lý Phó Tổng thống Keith Kellogg, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và sẵn sàng trao đổi với Mỹ nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị, vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Sự cố 737 MAX:
Các hãng hàng không gây áp lực với Boeing
Hôm nay 23/05/2019 là một ngày quyết định đối với hãng Boeing. Trong cùng một ngày, tập đoàn chế tạo và lắp ráp máy bay hàng đầu của Mỹ phải đối mặt với hai cuộc họp lớn, một tại Dallas, Hoa Kỳ, với đại diện 57 nước có liên quan đến việc sử dụng Boeing và một tại Montréal với Hiệp hội Giao thông Hàng không Quốc tế IATA.
Áp lực ngày càng lớn đối với hãng Boeing. Tại Dallas, đại diện 57 nước có liên quan đến việc phải cho ngưng hoạt động máy bay Boeing 737 MAX sẽ xem xét các sửa đổi do Boeing thực hiện. Còn tại Montréal, các hãng hàng không thuộc hiệp hội IATA đến trao đổi những thiệt hại thương mại do việc đình chỉ các chuyến bay dùng Boeing 737 MAX.
Theo Les Echos, IATA có 290 hãng thành viên, trong số này có 28 hãng đã cho triển khai các chuyến bay bằng Boeing 737 MAX. Ngay từ trung tuần tháng 03/2019, các hãng này đã phải hủy hàng ngàn tuyến bay và sắp xếp lại hoạt động.
Một số công ty đã đưa ra các con số thiệt hại tài chính lên đến hàng chục triệu đô la, thậm chí hàng tỷ đô la. Chỉ riêng tại Mỹ, 72 chiếc đã bị cấm bay, khiến các công ty thiệt hại mỗi ngày ước tính 5 triệu đô la. Họ cho biết có ý định đòi Boeing phải trả các khoản bồi thường.
Trung Quốc đang trong đỉnh điểm xung đột thương mại với Hoa Kỳ, hôm qua đã để cho ba hãng hàng không lớn là Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines lên tiếng đòi hãng chế tạo và lắp ráp máy bay Mỹ phải bồi thường những tổn thất do phải tạm ngưng khai thác máy bay Boeing và hoãn giao thêm nhiều chiếc 737 MAX.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa phải là quốc gia duy nhất lên tiếng đòi bồi thường. Vẫn theo nhật báo kinh tế Pháp, chủ tịch hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines, ông Ilker Ayci, ngày mai, thứ Sáu 24/05 sẽ gặp tổng giám đốc hãng Boeing, Dennis Muilenburg để thảo luận lại đơn đặt hàng và các khoản bù đắp cho 12 chiếc Boeing 737 MAX bị tạm ngưng hoạt động.
Ngoài việc phải tạm ngưng đưa vào hoạt động máy bay 737 MAX, kế hoạch hoãn giao hàng mới có nguy cơ kéo dài thêm danh sách các nước bị tác động trong vụ này.
Theo đánh giá của Les Echos, cho dù mọi việc có được xử lý êm xuôi, lệnh cấm được dỡ bỏ, việc đưa máy bay Boeing 737 MAX vào hoạt động trở lại đòi hỏi thêm thời gian cần thiết. Phần đông các hãng đã hủy toàn bộ các chuyến bay bằng Boeing 737 MAX cho đến hết tháng 7, thậm chí tháng 9/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190523-boeing-truoc-ap-luc-cua-cac-hang-hang-khong
Mỹ gây sức ép, nhiều tập đoàn viễn thông lớn
ngừng hợp tác với Hoa Vi
Trong hai ngày 22 và 23/05/2019, nhiều tập đoàn công nghệ của Anh, Nhật Bản, hai nước đồng minh của Mỹ, đã thông báo ngừng hợp tác với Hoa Vi (Huawei). Hàn Quốc đang bị Mỹ gây sức ép.
Theo AFP, ngày 23/05, tập đoàn Panasonic của Nhật Bản ngừng giao dịch với Hoa Vi, trong khi Toshiba thông báo sẽ tạm ngừng mọi hoạt động giao hàng cho Hoa Vi để rà soát lại sản phẩm. Một phát ngôn viên của Toshiba cho biết sẽ chỉ giao hàng cho « từng trường hợp khi biết chắc sản phẩm của công ty không sử dụng linh kiện được sản xuất trên lãnh thổ Mỹ ».
Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép với chính quyền Seoul để Hàn Quốc ngừng sử dụng sản phẩm của Hoa Vi. Nhật báo Chosun Ilbo ngày 23/05, được Reuters trích dẫn, tiết lộ rằng trong một cuộc họp giữa quan chức ngoại giao hai nước, Mỹ đã khuyến cáo Hàn Quốc không nên sử dụng tập đoàn viễn thông LG Uplus của nước này trong các lĩnh vực nhạy cảm vì LG sử dụng linh kiện của Hoa Vi. Trong tương lai, Hàn Quốc nên loại Hoa Vi khỏi thị trường.
Trước đó, ngày 22/05, bốn nhà cung cấp viễn thông lớn của Nhật Bản (KDDI, SoftBank Corp) và Anh Quốc (EE, Vodafone) đã tạm hoãn chiến dịch tung sản phẩm mới của Hoa Vi ra thị trường. Những mẫu mã mới của Hoa Vi có thể sẽ bị mất phần lớn tính năng nếu không có công nghệ của Mỹ.
Hoa Vi trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Có mặt ở 170 nước, Hoa Vi bị Washington liệt vào danh sách đen đe dọa an ninh quốc gia vì bị cho là có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Ngày 23/05, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án « hành động quấy rối kinh tế »của Mỹ nhằm « cản trở tiến trình phát triển » của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Bắc Kinh « sẽ chiến đấu tới cùng ».
Thương mại Mỹ- Trung : Washington tạm ngưng tấn công trước thượng đỉnh G20 ?
Mỹ tạm ngừng áp dụng mức thuế 25 % đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, ngày 22/05/2019, bộ trường Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin trấn an quốc tế khi cho biết « trong vòng từ 30 đến 45 ngày », Washington tạm thời không quyết định tăng thêm thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc như tổng thống Donald Trump từng đe dọa. Một số nhà quan sát cho rằng thông báo này được đưa ra trong bối cảnh nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc cùng tham dự thượng đỉnh G20 tổ chức tại Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29/06/2019. Bắc Kinh và Washington cùng để ngỏ khả năng Tập Cận Bình và Donald Trump có một buổi làm việc riêng bên lề G20 tại Osaka.
Mỹ : Bão tố lại nổi lên
giữa tổng thống Trump và đảng Dân Chủ
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hủy buổi họp với các lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Nhà Trắng, dự kiến diễn ra ngày 22/05/2019, để bàn về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Lý do là tổng thống Mỹ không hài lòng về một lời bình luận của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện do đảng Dân Chủ chiếm đa số, sau khi Nhà Trắng lại từ chối hợp tác với các cuộc điều tra của nghị viện.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
« Sau buổi họp với các dân biểu Dân Chủ, bà Nancy Pelosi nói : Tổng thống Mỹ tham gia vào một cuộc che giấu thông tin. Phát biểu trên có lẽ ám chỉ đến việc Nhà Trắng liên tục từ chối cung cấp những tài liệu mà phe Dân Chủ ở Hạ Viện yêu cầu.
Phát biểu này đã khiến tổng thống Donald Trump giận dữ. Ông nói : Tôi đã muốn thúc đẩy hồ sơ cơ sở hạ tầng nhưng tôi không thể làm trong những điều kiện như này.
Tổng thống Mỹ đã hủy buổi họp với các lãnh đạo đảng Dân Chủ được mời đến Nhà Trắng để thảo luận về một chương trình đầu tư quan trọng có trị giá lên đến 2.000 tỉ đô la.
Đối với ông Chuck Schummer, lãnh đạo phe đối lập Dân Chủ ở Thượng Viện, giải thích việc này rất đơn giản : Tổng thống Mỹ tìm mọi cách thoái thác. Hôm nay, ông ấy nhắc đến các cuộc điều tra mà chúng tôi đang tiến hành. Nhưng thực ra chúng đã được thực hiện từ cách đây ba tuần khi chúng tôi gặp nhau ! Giờ là lúc tổng thống phải giải thích tài trợ cho kế hoạch n ày như thế nào thì ông ấy lại trốn.
Bà Nancy Pelosi thì làm ra vẻ không hiểu : Có thể đơn giản là ông ấy thiếu tự tin. Ông ấy chỉ lẩn tránh và tôi tự hỏi tại sao.
Cơ sở hạ tầng là một trong số những hồ sơ hiếm hoi mà Nhà Trắng và các dân biểu Dân Chủ đã bắt đầu cùng làm. Nhưng tổng thống Mỹ không muốn tiếp tục hợp tác chừng nào Hạ Viện chưa chấm dứt các cuộc điều tra riêng ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190523-my-bao-to-lai-noi-giua-tong-thong-trump-va-dang-dan-chu
LHQ yêu cầu
Anh trả lại quần đảo Chagos cho Maurice
Liệu Vương Quốc Anh sẽ phải từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Chagos, có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương ? Ngày 22/05/2019, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết, với tỉ lệ áp đảo, buộc Anh trả lại khoảng 60 hòn đảo thuộc quần đảo Chagos cho Cộng Hòa Maurice sau cuộc chiến ngoại giao kéo dài nhiều thập niên.
Tuy nhiên, phía Anh tuyên bố sẽ không từ bỏ quần đảo Chagos trong vòng sáu tháng, theo thời hạn quy định của nghị quyết, vì văn bản này không mang tính ràng buộc.
Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường trình từ New York :
« Đối với Anh Quốc, việc kiểm soát quần đảo Chagos mang tính chiến lược quan trọng. Đến mức mà từ vài thập niên gần đây, Anh đã nhượng quyền sử dụng cho quân đội Mỹ với thỏa thuận mới nhất kéo dài đến năm 2036. Căn cứ quân sự, gồm cả không quân, được thiết lập trên đảo đóng vai trò lớn cho các hoạt động quân sự ở Trung Đông và trong cuộc chiến chống hải tặc.
Đối với nước Cộng Hòa Maurice, lấy lại quần đảo Chagos là hành động mang tính biểu tượng lớn. Quần đảo này nhận được quy chế đặc biệt chỉ ít thời gian trước khi độc lập với đảo Maurice vào năm 1968. Vì thế, chính quyền Maurice cảm thấy bị tổn thương và nhắc đến việc hoàn tất tiến trình phi thực dân hóa. Cụm từ này cũng được sử dụng trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sau khi đã tham khảo ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế.
Nhưng bà Karen Pierce, đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc, tố cáo một quá trình vô căn cứ. Bà nói : Đây là một vụ xung đột chủ quyền, chứ không phải là vấn đề phi thực dân hóa như cách trình bày vấn đề. Vì vậy, điều này vi phạm những nguyên tắc của Tòa Công lý Quốc tế, trong khi định chế này tuyên bố không can thiệp vào các cuộc xung đột chủ quyền.
Cựu cường quốc có nhiều thuộc địa không muốn nhân nhượng. Tuy nhiên, dù được Hoa Kỳ ủng hộ, thậm chí là cả Israel và quần đảo Maldives (gần quần đảo Chagos), kết quả bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc là một điều lăng nhục. Các nước châu Phi liên đới ủng hộ, trong khi nhiều cường quốc phương Tây không bỏ phiếu. Và người ta bắt đầu tự hỏi liệu trường hợp của quần đảo Chagos có cổ vũ cho việc mở lại các cuộc tranh luận về chủ quyền đối với một số vũng lãnh thổ hay không ».
Nghị Viện Châu Âu :
« Cỗ máy ngốn tiền » của Liên Hiệp ?
Kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu diễn ra từ ngày hôm nay 23/05 đến hết Chủ Nhật 26/05/2019, tùy theo từng nước thành viên.
Trong những ngày này, Nghị Viện Châu Âu là đề tài được nhắc đến nhiều trên truyền thông Pháp. Đây là dịp để nhìn nhận lại về vai trò, tổ chức, cơ cấu hoạt động, và đương nhiên là cả « chuyện chi tiêu tốn kém » của định chế này. Báo Le Monde ngày 16/05/2019 có bài viết « Nghị Viện Châu Âu quá tốn kém ».
Ngân sách hàng năm của Nghị Viện Châu Âu là bao nhiêu?
Theo dự báo, ngân sách của Nghị Viện Châu Âu cho năm 2020 sẽ vượt quá 2,5 tỉ euro. Chi phí cho các nghị sĩ hoạt động dự kiến tăng 2,68%, lên thành 2,5 triệu euro/người/năm. Trong khi đó, tại Hạ Viện Pháp, ngân sách cấp cho mỗi dân biểu là dưới 1 triệu euro/năm.
Tại sao ngân sách dành cho Nghị Viện Châu Âu lại cao đến như vậy ?
Có rất nhiều lý do khách quan dẫn đến việc Nghị Viện Châu Âu được hưởng ngân sách cao đến khó tin như vậy.
Thứ nhất là ngoài trụ sở chính tại Strasbourg, Pháp, Nghị Viện còn có một trụ sở đồ sộ tại Bruxelles, nơi diễn ra phiên họp của các Ủy ban. Việc đi lại giữa Strasbourg, Pháp và Bruxelles, Bỉ đương nhiên là rất tốn kém. Khi có các phiên toàn thể, tất cả các nghị sĩ, một phần trợ lý của họ và nhiều công chức phải tham gia và lưu lại khách sạn 3 đêm. Theo báo cáo năm 2014 của Thẩm Kế viện châu Âu, riêng khoản chi cho các khách sạn ở Strasbourg đã « ngốn » của Nghị Viện Châu Âu tới 114 triệu euro/năm.
Ngoài ra, Nghị Viện cũng tốn thêm 3,6 triệu euro tiền thuê tàu Thalys chở các nghị sĩ (năm 2017) và 260.000 euro tiền vận chuyển tài liệu giấy tờ đến Strasbourg. Nghị Viện cũng mới nâng mức trần phụ cấp lên thành 180 euro/đêm khách sạn cho một quan chức Nghị Viện đến họp tại trụ sở Strasbourg.
Đó là chưa kể đến việc văn phòng của Ban thư ký Nghị Viện lại đặt tại … Luxembourg. Mới đây, tòa nhà Konrad-Adenauer này đã được tu sửa với chi phí lên tới 432 triệu euro, tăng 115 triệu euro so với dự toán ban đầu. Các nghị sĩ châu Âu có quyền làm việc bằng ngôn ngữ của quốc gia mình, nên Ban thư ký Nghị Viện phải duy trì « bộ máy » biên phiên dịch bằng 24 ngôn ngữ chính thức. Chi phí dịch thuật không hề rẻ : Dịch mỗi trang tài liệu mất khoảng 145 euro, còn tiền thù lao cho phiên dịch là khoảng 270-311 euro/giờ.
Các nghị sĩ châu Âu được hưởng lương như thế nào ?
Tốn kém nhất cho Nghị Viện vẫn là khoản trả lương cho 751 nghị sĩ : ngoài tiền lương 6.825 euro/tháng sau khi đã trừ các khoản đóng góp xã hội, các nghị sĩ còn được hưởng phụ cấp 320 euro mỗi ngày đi họp. Ngoài tiền tàu xe khi đi công tác, mỗi nghị sĩ còn được cấp thêm 4.513 euro/tháng tiền phụ phí cho các hoạt động với tư cách nghị viên và gần 25.000 euro/tháng để trả lương cho các trợ lý. Con số này cao gấp đôi so với tiêu chuẩn mà một dân biểu được hưởng tại Pháp.
Nghị Viện Châu Âu không chỉ có 751 nghị sĩ, mà còn có thêm 338 quan chức. Lương tháng trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội của các quan chức này dao động trong khoảng 14 546 – 20 219 euro, cao ngang, thậm chí là hơn cả lương của tổng thống Pháp (15 140 euro/tháng). Đó là chưa kể đến các khoản trợ cấp « hào phóng » cho gia đình các quan chức hoặc tiền hỗ trợ khác.
Tính tổng cộng, số người làm việc cho Nghị Viện và được trả lương là 7.698 người (kể cả những người ký hợp đồng sự vụ), tất cả đều được hưởng mức lương rất cao. Riêng trong năm 2017, định chế này đã tuyển dụng thêm 116 lái xe. Theo tính toán của cơ quan thống kê Eurostat của Liên Hiệp Châu Âu, vào năm 2020, khoản ngân sách của Nghị Viện để trả lương nhân viên, công chức, nghị sĩ … sẽ còn tăng thêm 6% so với năm 2019.
Việc chi tiêu của Nghị Viện Châu Âu có minh bạch hay không ? Có nhiều nghị sĩ dính vào tai tiếng về thu nhập, chi phí thuê trợ lý … ?
Nghị sĩ châu Âu Max Anderson là dân biểu Đảng Xanh của Thụy Điển. Ông cho biết là chuyện chi tiêu giữa Nghị Viện Thụy Điển và Nghị Viện Châu Âu khác nhau « một trời, một vực ». Ở trong nước, là dân biểu, ông chỉ thuê trợ lý làm việc 4 tiếng mỗi tuần, nhưng ở Nghị Viện Châu Âu, ông có 5 trợ lý làm việc toàn bộ thời gian.
Trong năm 2017, có nhiều nghị sĩ châu Âu tại các nước Đông Âu thậm chí còn thuê tới 10 trợ lý trong nước. Le Monde ví các nghị sĩ này như « ông chủ của các công ty vừa và nhỏ ». Nhiều nghị sĩ còn bị tố cáo là đã đòi các trợ lý hoàn lại cho họ lại một phần lương.
Theo quy định, các nghị viên châu Âu không được thuê các thành viên trong gia đình làm trợ lý. Nhưng trên thực tế, hầu như không cơ quan, tổ chức nào thanh tra trên thực địa công việc của các trợ lý nghị sĩ. Hồi năm 2015, chủ tịch Nghị Viện khi đó là ông Martin Schulz, tố cáo lên các cơ quan chống gian lận của châu Âu và tư pháp Pháp về việc các nghị sĩ của đảng cực hữu Mặt trận Dân Tộc (FN), trong đó có bà Marine Le Pen, đã dùng tiền của Nghị Viện Châu Âu để trả lương cho thư ký của đảng và vệ sĩ riêng.
Nhưng trong quá trình điều tra, các nghị sĩ của đảng FN khẳng định, nhiều nghị sĩ khác của Pháp cũng làm như họ, nhất là các nghĩ sĩ của đảng Modem và Nước Pháp Bất Khuất. Nghị Viện sau đó đã tiến hành các thủ tục để đòi nghị sĩ Marine Le Pen và 5 nghị sĩ trong đảng của bà bồi hoàn hàng triệu euro, nhưng không mở rộng điều tra đối với nghị sĩ tại các nước khác.
Ngoài ra, cũng không có bất kỳ sự kiểm tra nào về việc các nghị sĩ sử dụng khoản tiền hỗ trợ 4513 euro/tháng như thế nào. Trong những năm qua, chỉ có các nghị sĩ đảng Xanh và các nghị sĩ Anh Quốc, sau một vụ tai tiếng năm 2009, cam kết công khai các khoản chi.
Dưới sức ép của nhiều tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn Transparency International, cuối cùng thì đến ngày 31/01/2019, các nghị viên châu Âu mới chấp nhận đề xuất của nghị sĩ Đảng Xanh Thụy Điển về việc Nghị Viện sẽ đưa ra các quy định rõ ràng hơn về việc sử dụng tiền phụ cấp. Các nghị viên cũng được kêu gọi tự nguyện công khai trên mạng chứng từ hóa hơn các khoản chi tiêu từ tiền ngân sách của Nghị Viện.
Nghị Viện cũng « chi rất mạnh tay » vào các công trình quảng bá ?
Để quảng bá cho hình ảnh của cơ quan lập pháp châu Âu, đúng là Nghị Viện không ngần ngại chi nhiều tiền để thu hút các nhà báo, công dân châu Âu, thậm chí là cho xây dựng các công trình, cơ sở để quảng bá cho hoạt động của họ.
Năm 2010, Nghị Viện Châu Âu đã cho mở một « văn phòng liên lạc » tại Washington. Định chế cũng đang chuẩn bị dự án mở các văn phòng đại diện tại Djakarta, Indonesia và Addis-Abeba, Ethiopia nhằm phát triển quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên Minh Châu Phi. Lợi ích của dự án này vẫn đang gây nhiều tranh cãi ngay trong nội bộ Nghị Viện, nhưng hiện giờ dự án vẫn chưa bị hủy bỏ.
Tại Bruxelles, cho dù đã có Parlementarium, một bảo tàng về hoạt động của cơ quan lập pháp châu Âu, nhưng Nghị Viện Châu Âu vào năm 2017 lại khai trương thêm Bảo tàng lịch sử châu Âu. Bảo tàng lịch sử châu Âu nằm ngay gần trụ sở Nghị Viện, trước đây là một bệnh viện nha khoa và đã được sửa sang lại thành bảo tàng, với số tiền đầu tư lên đến 55 triệu euro.
Trong một báo cáo hồi tháng 02/2019, Ủy ban kiểm tra ngân sách của Nghị Viện lo ngại về việc chỉ có 99.344 lượt người tham quan bảo tàng, trong khi chi phí cho nhân sự lên tới 4,4 triệu euro. Tuy nhiên, không vì thế mà định chế này muốn ngưng các hoạt động quảng bá. Nghị Viện đang tính đến việc biến thư viện khoa học Solvay, một tòa nhà theo phong cách Tân nghệ thuật đôi khi được dùng cho các buổi hội thảo, thành một thư viện được số hóa, phục vụ công chúng và giới nghiên cứu.
Nghị Viện cũng đã đầu tư biến nhà của Jean Monnet, tại Bazoches-sur-Guyonnes, vùng Yvelines, ngoại ô Paris, thành bảo tàng và trung tâm hội thảo. Jean Monnet là một trong những nhà sáng lập Liên Hiệp Châu Âu. Ngôi nhà nay đang được mở rộng, nhằm cho phép những người đến tham gia hội thảo có chỗ ngủ đêm.
Nghị Viện còn có mạng lưới đại diện cho 28 nước thành viên tại thủ đô của từng quốc gia và tại các thành phố lớn như Munich, Edimbourg, Marseille, Milan, Barcelona và Wroclaw. Phát ngôn viên Nghị Viện Châu Âu Jaume Duch giải thích là những chương trình đầu tư nói trên là « một lựa chọn chính trị » của Nghị Viện vì « Nghị Viện của một nước thì không cần ngày nào cũng phải chứng minh là có tồn tại, nhưng Nghị Viện Châu Âu thì cần làm như thế ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190523-nghi-vien-chau-au-%C2%AB-co-may-ngon-tien-%C2%BB-cua-lien-hiep
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu :
Diễn đàn lý tưởng cho đảng bài châu Âu tại Anh Quốc
Anh Quốc và Hà Lan là hai thành viên đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày hôm nay (23/05/2019). Mọi chú ý dồn về Luân Đôn, nơi đảng bài châu Âu và chủ trương Brexit do Nigel Farage lãnh đạo đang dẫn đầu các thăm dò về ý định bỏ phiếu. Đảng cầm quyền của thủ tướng Theresa May bị đẩy xuống hạng thứ 5, thua Brexit Party của ông Farage đến gần 30 điểm.
Trớ trêu hơn nữa là ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, mà nhẽ ra Luân Đôn đã chính thức rời khỏi mái nhà chung từ cuối tháng 03/2019, nước Anh lại vẫn phải tham gia bầu cử Nghị Viện lần này, cho dù gần như chắc chắn, các nghị sĩ Anh sẽ không có nhiều cơ hội để làm việc với các đồng nhiệm của 27 thành viên còn lại trong Liên Âu. Bởi trong mọi trường hợp Luân Đôn phải “ra đi” trước ngày 31/10/2019.
Cử tri Anh được kêu gọi bầu lại các nghị viên châu Âu trong bối cảnh chính trường Luân Đôn bị chia năm xẻ bảy : các thành viên nội các trung thành nhất với thủ tướng Theresa May lần lượt từ chức. Kế hoạch về Brexit của bà May đã ba lần liên tiếp bị Nghị Viện Anh bác bỏ, khiến Luân Đôn đã phải tính tới khả năng tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì về việc nên “đi” hay “ở” lại trong gia đình châu Âu. Những đòn đau nhất đối với thủ tướng May lại xuất phát từ ngay trong nội bộ đảng Bảo Thủ. Bà May liên tục phải đối mặt với những “âm mưu“, “thủ đoạn“, để “hất” bà và giành lại chiếc ghế thủ tướng cho một người khác.
Bên Công Đảng đối lập không ngừng mạnh mẽ tấn công kế hoạch Brexit của thủ tướng May nhưng không đưa ra một giải pháp thay thế nào khả dĩ hơn.
Trong bối cảnh bế tắc đó, đảng mang tên Brexit Party với chủ trương dứt khoát rời khỏi Liên Âu do nghị viên châu Âu Nigel Farage, 55 tuổi, bất ngờ nổi lên như một chiếc phao cứu hộ. Năm 2014 ông tranh cử Nghị Viện Châu Âu, dẫn đầu danh sách của đảng UKIP có chủ trương bài châu Âu, chống chính sách đón nhận người nhập cư. Năm ấy, đảng này đã về đầu tại Anh. Nigel Farage là một trong những chính khách chủ chốt vận động cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Trong cuộc sống, Nigel Farage đã nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Trong chính trị, ông sáu lần thất bại khi ra tranh cử Nghị Viện Anh.
Tháng 6/2016, khi 52 % cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi châu Âu, Farage cho rằng ông đã “hoàn thành nhiệm vụ“, “giấc mơ về một nước Anh độc lập đã bắt đầu ló rạng“. Nhưng rồi với thủ tục Brexit sa lầy. Tháng 02/2019 Nigel Farage lập đảng mới mang tên Brexit Party. Đảng này có tham vọng quy tụ được cả bên bảo thủ lẫn cấp tiến.
Nhân vật này dường như đang trên đà ghi được một bàn thắng quan trọng trong sự nghiệp chính trị. Từ tháng 04/2019 các thăm dò dư luận bỏ phiếu tại Anh cho thấy đảng của ông Farage dẫn đầu. Nhưng càng đến gần ngày bầu cử 23/05/2019, đảng này càng bỏ xa lại phía sau các đối thủ. Ê chề nhất là đối với đảng cầm quyền của thủ tướng May. Đảng Bảo Thủ chỉ được 7 % những người được hỏi ủng hộ, trong lúc Brexit Party mới chỉ ra đời được chưa đầy 4 tháng lại được đến hơn 30 % ! Tương tự như Donald Trump ở Hoa Kỳ, chìa khóa giúp cho đảng này có được thành tích là do Nigel Farage đang khơi dậy sự phẫn uất trong tầng lớp thấp cổ bé miệng của xã hội, để chống lại cả một “hệ thống chính trị cổ điển“. Trong mỗi cuộc vận động, Nigel Farage đều đổ lỗi cho nội các của thủ tướng May bất tài và bất lực trong tiến trình đàm phán với Liên Âu về Brexit mà quên nhắc đến một phần trách nhiệm của UKIP mà ông từng lãnh đạo trước đây.
Điều chắc chắn là đối với Nigel Farage, với cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu lần này, vô hình chung, cả Bruxelles lẫn Luân Đôn đã tạo dựng cho ông một diễn đàn ngoài mong đợi để thâu phục thêm những tiếng nói bất mãn với châu Âu.
Nigel Farage không là một ngoại lệ, vì tại Áo, Pháp, Ý hay Hà Lan các phong trào bài châu Âu cùng có xu hướng dẫn đầu các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu cho cuộc bầu cử lần này.
Bị suy yếu, thủ tướng Anh rất có thể phải từ chức
Hôm qua 22/05/2019, bản dự thảo thỏa thuận Brexit mới, « cơ may cuối cùng» của thủ tướng Anh đã không thuyết phục được đa số cầm quyền cũng như là phe đối lập. Thất bại này xem như đồng nghĩa với việc bà Theresa May phải ra đi.
Kịch bản này càng được khẳng định khi bà Andrea Leadsom, bộ trưởng phụ trách Quan hệ với Nghị Viện, trong cùng ngày thông báo từ chức. Bà tuyên bố « không còn tin vào » khả năng thực hiện Brexit của chính phủ Theresa May.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm :
« Sau một ngày ʺchiến tranh du kíchʺ thật sự giữa Theresa May và đảng của mình, kể từ giờ những gì mà người ta trông đợi chính là thông báo từ nhiệm của bà May vào ngày mai, thứ Sáu 24/05 sau buổi họp với vị chủ tịch ủy ban 1922 đầy quyền lực. Định chế này tập hợp tất cả các nghị sĩ đảng bảo thủ không giữ chức vụ gì trong chính phủ.
Theresa May bị dồn vào đường cùng khi mà các bộ trưởng của bà cuối cùng đã tham gia vào phe phản đối ngay trong lòng đảng bảo thủ. Những người này phản đối mạnh mẽ đề xuất thỏa hiệp mới gây tranh cãi liên quan đến Brexit, đó là các dân biểu có thể bỏ phiếu về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190523-bi-suy-yeu-thu-tuong-anh-rat-co-the-phai-tu-chuc
Nhật chuẩn bị tiếp đón nồng hậu TT Trump
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật sắp tới, Tổng thống Trump sẽ được khoản đãi tiệc hoàng gia, xem một giải đấu sumo ở hàng ghế đầu cũng như được đưa tới thăm tàu chiến lớn nhất của Nhật, trong bối cảnh Tokyo tìm cách tránh căng thẳng về thương mại, theo Reuters.
Tân Nhật Hoàng Naruhito và Hoàng hậu tốt nghiệp đại học Harvard, bà Masako, sẽ tổ chức yến tiệc để đón ông Trump trong khi ông thăm Nhật cho tới hết ngày 28/5.
Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ trở thành quan chức nước ngoài đầu tiên được khoản đãi như vậy kể từ khi Nhật Hoàng lên kế vị cha mình trong tháng này.
Ông Trump cũng sẽ chơi golf với ông Abe cũng như tới thăm tàu chở trực thăng có tên gọi Kaga của Nhật.
Mỹ, Nhật, EU bàn về chính sách bao cấp của Trung Quốc
Tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 27/5, ông Trump và ông Abe dự kiến sẽ thảo luận các chủ đề từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cho tới sự trỗi dậy về quân sự và kinh tế của Trung Quốc cũng như thương mại song phương, trong bối cảnh Washington đang trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Theo Reuters, ông Abe đã đặt việc củng cố quan hệ cá nhân với ông Trump là một ưu tiên hàng đầu và hai nhà lãnh đạo thường xuyên điện đàm cũng như gặp mặt trực tiếp.
Tuy nhiên, ông Trump từng nói rõ rằng ông không hài lòng với mức thặng dư thương mại trị giá 68 tỷ đôla của Nhật với Mỹ, phần lớn là từ ngành xuất khẩu ôtô và muốn đạt thỏa thuận song phương để giải quyết chuyện đó.
Nguy cơ TQ gia tăng sức ép quân sự
và biện pháp đáp trả của Đài Loan
Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo tiết lộ Trung Quốc đang có âm mưu sử dụng vũ lực tấn công Đài Loan, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (17/5) đã cho công bố một đoạn video nhằm “quảng cáo” sức mạnh các lực lượng vũ trang ngay trước thời điểm diễn ra cuộc tập trận thường niên Han Kuang.
Đài Loan tung video “quảng cáo” sức mạnh quân sự nhằm đáp trả Trung Quốc.
Theo đó, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan đã cho công bố một đoạn video nhằm “quảng cáo” sức mạnh các lực lượng vũ trang ngay trước thời điểm diễn ra cuộc tập trận thường niên Han Kuang. Cuộc tập trên sẽ diễn ra từ ngày 27 – 31/5. Khu vực chủ yếu diễn ra tập trận là ở vùng biển và không phận phía Đông hòn đảo. Nội dung tập trận là mô phỏng khả năng Đài Loan bị Trung Quốc tấn công xâm lược. Dự kiến, Không quân Đài Loan cũng sẽ diễn tập khả năng hạ cánh và cất cánh trong tình huống khẩn cấp ở Changhua. Ngoài ra, các cuộc tập trận bắn đạn thật được lên kế hoạch diễn ra hạt Pingtung. Bên cạnh đó, cuộc tập trận lần này còn nhằm đảm bảo khả năng phối hợp hành động chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang Đài Loan và chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ từ eo biển Đài Loan.
Được biết, việc Đài Loan công bố video trên diễn ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một Báo cáo cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho những tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan nhằm răn đe và nếu cần thiết sẽ ép hòn đảo này phải từ bỏ những động thái đòi độc lập. Theo báo cáo, Quân đội Trung Quốc (PLA) nhiều khả năng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản hợp nhất Đài Loan vào đại lục bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba. Theo đó, với sự chuẩn bị công khai trên danh nghĩa huấn luyện thường kỳ, Trung Quốc có thể phát động tấn công vào các đảo Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông và một số đảo gần hơn, được phòng thủ tốt hơn như Mã Tổ hay Kim Môn. Theo các chuyên gia DIA, quân đội Trung Quốc gần đây đã thành lập hai bộ tư lệnh mới gồm Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), tập trung vào các hoạt động không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh tâm lý cùng Lực lượng Hỗ trợ hậu cần liên quân (JLSF) với mục đích chính là chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc diễn tập vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không chấp nhận từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài, nhấn mạnh hòn đảo cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục. Theo ông Tập Cận Bình, “Tổ quốc nhất định sẽ thống nhất và tất yếu phải thống nhất”, đồng thời cho rằng “đây cũng là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”. Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chấm dứt đối đầu quân sự, ông Tập mô tả sự thống thất dưới cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” sẽ “đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của đồng bào Đài Loan”. Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tiêu đề bài viết nhấn mạnh cụm từ “luôn sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của PLA. Đối với PLA, tuyên bố “không từ bỏ vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan” của Chủ tịch Tập Cận Bình và khóa huấn luyện thực chiến trong một năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng; cùng với đó thời điểm từ cuối năm ngoái, đầu năm nay PLA liên tục xoay quanh hợp đồng mua bán vũ khí và ngân sách quân sự cho năm tài khóa mới.
Trái ngược với Trung Quốc, Đài Loan luôn coi mình là một quốc gia có chủ quyền với đồng tiền, hệ thống chính trị, tư pháp riêng, song chưa bao giờ tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trước sự đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kiên quyết tuyên bố, Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, thực chất cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” chính là “một nước Trung Quốc”, “một quốc gia hai chế độ”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh thêm “Tôi phải nhấn mạnh rằng Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia hai chế độ’ và đại đa số người Đài Loan đều kiên quyết phản đối một quốc gia hai chế độ. Đây cũng chính là ‘Nhận thức chung Đài Loan’”.
Trong khi đó, dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ trên thực tế vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thường xuyên cung cấp những vũ khí, khí tài cần thiết để Đài Bắc có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD từ năm 2010.
Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cách tấn công Đài Loan. Nhà nghiên cứu Denny Roy, Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center), Honolulu, Hawaii nhận định, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan. Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của quân đội Trung Quốc sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ. Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan. Không những vậy, Mỹ với vai trò là đồng minh thân thiết của Đài Loan sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc. Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á. Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Vì vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng quân đội tấn công Đài Loan
TQ là thủ phạm chính
đang thải chất CFC làm thủng tầng ozone
Giới nghiên cứu cho biết họ phát hiện ra Trung Quốc chính là thủ phạm chính gây ra sự gia tăng bí ẩn gần đây của loại hóa chất CFC vốn đang phá hủy tầng ozone.
“Tôi nghĩ với nghiên cứu này, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng bất ngờ của khí thải này và chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ truy quét sạch toàn bộ hoạt động sản xuất CFC-11,” Clare Perry từ Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) nói.
Tầng ozone, hay còn gọi là tầng bình lưu giúp che chắn bảo vệ Trái đất và con người khỏi phóng xạ cực tím từ mặt trời. Việc sử dụng CFC đã tạo lỗ thủng trong tầng ozone, gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư da và bệnh về mắt.
Khí CFC cón góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu. Một tấn khí CFC tương đương 5000 tấn CO2.
Vào 1987, cộng đồng quốc tế đã đồng ý hạn chế sản xuất và sử dụng hóa chất này và dự kiến các chất CFC gồm CFC-11 sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào 2010.
Chống biến đổi khí hậu qua ảnh chỉ mất thời gian?
TQ hỗ trợ điện than, gây lo ngại biến đổi khí hậu
Trẻ em Việt Nam và nỗi lo sợ biến đổi khí hậu
‘Em nghỉ học thứ Sáu để chống biến đổi khí hậu’
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của EIA cho thấy khoảng 40-60% sự gia tăng lượng khí CFC-11 đang thải ra đến từ các công ty ở tỉnh Đông Bắc Trung Quốc
Sử dụng trong vật liệu ốp tường nhà
Nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty xây dựng ở Trung Quốc đã sử dụng CFC-11 trong vật liệu ốp tường nhà. CFC-11 rất hiệu quả để làm bọt polyurethane, giúp giãn nở thành vật liệu cách nhiệt cứng để cắt giảm hóa đơn tiền điện và giảm lượng khí thải carbon.
Các nhà nghiên cứu đã liên hệ với các nhà máy sản xuất bọt ốp tường ở 10 tỉnh khắp Trung Quốc, và kết luận rằng CFC-11 được sử dụng phần lớn trong vật liệu ốp tường các nhà máy này sản xuất.
Một công ty ước tính khoảng 70% doanh số bán hàng nội địa của họ sử dụng hóa chất cấm này. Lý do là vì CFC-11 chất lượng hơn và rẻ hơn các hóa chất khác.
Sử dụng các trạm giám sát không khí ở Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà nghiên cứu thấy lượng CFC-11 tăng lên kể từ 2012. Thêm vào đó, lượng khí thải CFC-11 ở Trung Quốc giai đoạn 2014-2017 đã tăng lên 110% so với giai đoạn 2008-2012.
“Nghiên cứu mới này dựa trên những đột biến trong dữ liệu về không khí đến từ Trung Quốc”, tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Matt Rigby tại Đại học Bristol, nói với BBC Inside Science.
Họ phát hiện ra so với 2012, ở Trung Quốc xuất hiện thêm 7000 tấn khí CFC-11.
Tuy nhiên, cũng có khả năng các lượng khí CFC-11 này được thải ra ở nhiều khu vực khác của Trung Quốc. Hoặc có thể đến từ Ấn Độ, Châu Phi, Nam Mỹ vì có rất ít trạm giám sát tại những khu vực này.
Trung Quốc nói đã bắt đầu kiểm soát các công ty “giả mạo” sản xuất CFC-11. Tháng 11 năm ngoái, một số nghi phạm sở hữu 30 tấn CFC-11 đã bị bắt tại tỉnh Hà Nam.
CFC-11 là chất gì?
CFC-11 là một trong số các hóa chất CFC. Ban đầu được dùng để làm chất làm lạnh trong những năm 1930. Nhưng đến 1980, các nhà khoa học phát hiện ra khí CFC khi phân hủy trong khí quyển, sẽ giải phóng nguyên tử Clo, làm phá hủy tầng ozone vốn giúp bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím độc hại.
Cộng đồng quốc tế đã thống nhất trong Nghị định thư Montreal vào 1987, đồng ý hạn chế sản xuất và sử dụng chất này. Nghiên cứu gần đây cho thấy lỗ hổng tầng ozone ở Bắc bán cầu có thể được vá lại hoàn toàn vào những năm 2030 và lỗ hổng ỡ trên Nam Cực có thể vá lành vào những năm 2060.
Các nhà khoa học nói thêm rằng việc gia tăng lượng khí CFC-11 sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu. “Toàn bộ lượng khí CFC được thải ra từ phía đông Trung Quốc tương đương với khoảng 35 triệu tấn CO2 được thải vào khí quyển mỗi năm, tương đương với khoảng 10% lượng khí thải của Anh, hay của cả toàn bộ London,
Lượng khí thải gia tăng bất ngờ đến từ Trung Quốc đã khiến quy trình vá lỗ hổng ozone bị chậm lại.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48364757
Báo cáo “Những diễn biến về an ninh và quân sự
liên quan tới Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2019”
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây công bố Báo cáo “Những diễn biến về an ninh và quân sự liên quan tới Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2019”, trong đó tiết lộ nhiều thông tin quan trọng liên quan hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Báo cáo được Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về các vấn đề An ninh khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương Randall Schriver công bố với chủ đề chính là “Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi hiện đại hoá quân sự để củng cố quyền lực trong khu vực”. Tài liệu cho rằng, mục đích của Bắc Kinh là hiện đại hoá quân đội đến năm 2035 và trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới vào năm 2049. Đánh giá chung, ông Schriver cho rằng, qua báo cáo có thể thấy, “Trung Quốc đang tìm cách làm xói mòn những lợi thế của quân đội Mỹ, tranh giành và duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực cũng như các địa bàn phi truyền thống. Từ đó, Trung Quốc hất cẳng Mỹ, trở thành cường quốc với sức mạnh quân sự hàng đầu khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Ngoài ra, Báo cáo cũng cho rằng Trung Quốc đang quan tâm tới một số mục tiêu khác như Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông… cùng các khu vực biên giới trên đất liền của họ.
Tài liệu trên nêu ra bốn trụ cột hình thành nên chiến lược quân sự Trung Quốc, đó là “Kế hoạch đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia” cùng các chương trình khác do nhà nước chỉ đạo tập trung và làm chủ các công nghệ lưỡng dụng (dual-use) tiên tiến; Phối hợp giữa dân sự và quân sự trên các lĩnh vực hiện đại hoá phần cứng, giáo dục, nhân sự, đầu tư, hạ tầng và hậu cần; Tận dụng sức ảnh hưởng về quân sự, ngoại giao và kinh tế để thiết lập ưu thế trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế; Cùng nhiều hoạt động gây ảnh hưởng quốc tế như cộng đồng truyền thông, văn hoá, doanh nghiệp, hàn lâm và chính sách trên khắp thế giới.
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đang giữ thế phòng thủ với hàng loạt chương trình tham vọng như “Made in China 2025”, ý tưởng “Một vành đai, một con đường” (OBOR)… Ngoài ra, nghiên cứu của Mỹ chỉ ra, Đài Loan vẫn là trung tâm chính trong các kế hoạch đột xuất của PLA. Song, điểm đáng chú ý nhất của báo cáo năm 2019 này đó là nhấn mạnh những nỗ lực mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm có được các dữ liệu, thông tin quân sự nhạy cảm từ các cơ sở công nghiệp quốc phòng nước ngoài nhằm chiếm ưu thế quân sự, bào mòn lợi thế quân sự của Mỹ. Chưa kể, Trung Quốc còn đang thử nghiệm hàng loạt hoạt động mạng tại nhiều nơi như Đài Loan. Do đó, Mỹ tiếp tục coi Bắc Kinh là mối đe doạ.
Đặc biệt, trong báo cáo này, lần đầu tiên, Mỹ đưa ra các lưu ý về “trí thông minh quân sự”, giai đoạn tiếp theo của thông tin hoá, ở đó, Bắc Kinh áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) vào các hoạt động quân sự. Chẳng hạn, quân đội Trung Quốc đang phát triển hệ thống tự động kiểm soát trong đó phối hợp các công nghệ mới nổi tiềm năng như AI để củng cố khả năng ra quyết định và nhận biết tình huống.
Ngoài ra, Báo cáo còn cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho những tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan nhằm răn đe và nếu cần thiết sẽ ép hòn đảo này phải từ bỏ những động thái đòi độc lập. Theo báo cáo, PLA nhiều khả năng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản hợp nhất Đài Loan vào đại lục bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba. Theo đó, với sự chuẩn bị công khai trên danh nghĩa huấn luyện thường kỳ, Trung Quốc có thể phát động tấn công vào các đảo Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông và một số đảo gần hơn, được phòng thủ tốt hơn như Mã Tổ hay Kim Môn. Theo các chuyên gia DIA, quân đội Trung Quốc gần đây đã thành lập hai bộ tư lệnh mới gồm Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF), tập trung vào các hoạt động không gian, chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh tâm lý cùng Lực lượng Hỗ trợ hậu cần liên quân (JLSF) với mục đích chính là chuẩn bị cho kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu quân sự lượn quanh đảo trong các cuộc diễn tập vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, khiến hòn đảo này chỉ còn vài đồng minh ngoại giao. Dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ trên thực tế vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thường xuyên cung cấp những vũ khí, khí tài cần thiết
để Đài Bắc có thể đảm bảo khả năng phòng thủ. Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đã bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD từ năm 2010.
Liên quan vấn đề ngân sách quốc phòng, Báo cáo đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng vũ trang với tham vọng trở thành cường quốc quân sự. Theo báo cáo, Bắc Kinh còn sử dụng gián điệp để đánh cắp công nghệ tiên tiến phục vụ mục đích quân sự. Cụ thể, Trung Quốc được cho là sử dụng nhiều phương pháp để có được các công nghệ quân sự của nước ngoài, như đầu tư trực tiếp, tấn công mạng, khai thác sự tiếp cận công nghệ của công dân Trung Quốc, hoạt động của các cơ quan tình báo, xâm nhập hệ thống mạng máy tính… Nền kinh tế thứ hai thế giới cũng thu thập được công nghệ nước ngoài thông qua nhập khẩu, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước ngoài, liên doanh, nghiên cứu, hợp tác học thuật, tuyển mộ nhân tài… Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng những cách thức trên để có được các thiết bị nhạy cảm, dùng được cho mục đích dân sự lẫn quân sự, trong đó có công nghệ chiến tranh trên không và chống tàu ngầm. Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, gần đây cảnh báo các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc thường gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội nước chủ nhà. Song song đó, Trung Quốc đang phát triển một số công nghệ tiên tiến như tên lửa, vũ khí siêu thanh với tốc độ di chuyển nhanh ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Báo cáo cũng nhấn mạnh ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, phần lớn được dùng để củng cố lực lượng hải quân. Tổng số tàu ngầm của nước này có thể tăng lên 65-70 chiếc vào năm 2020 và Bắc Kinh sẽ có một tàu ngầm tấn công hạt nhân được trang bị tên lửa dẫn đường mới vào giữa những năm 2020. Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng biên chế chính thức vào cuối năm 2019 trong khi tàu sân bay thứ hai tự đóng dự kiến đi hoạt động từ năm 2022. Bắc Kinh cũng đang tăng cường lực lượng tuần duyên để giúp thực thi những tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông.
Không dừng lại ở đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ xây thêm các căn cứ quân sự khắp thế giới để bảo vệ các dự án, hoạt động đầu tư của mình ở nước ngoài. Hiện Bắc Kinh chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài tại Djibouti nhưng được cho là đang lên kế hoạch xây thêm các căn cứ quân sự khác. Báo cáo nhận định, “Trung Quốc sẽ tìm cách lập thêm các căn cứ quân sự tại những quốc gia mà họ có quan hệ hữu nghị lâu dài và các lợi ích chiến lược tương đồng”.
Phản ứng trước Báo cáo trên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ không hài lòng, cho rằng: “Trung Quốc đã thúc giục Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh lạnh và quan niệm lỗi thời về trò chơi có tổng bằng không, cần phải nhìn nhận khách quan và lý trí hơn về mục đích chiến lược cũng như xây dựng quốc phòng của Trung Quốc, chấm dứt hành động công bố báo cáo mà Bắc Kinh cho là “vô trách nhiệm từ năm này qua năm khác”. Theo ông Cảnh Sảng, tương tự các báo cáo trước đây mà Mỹ đã công bố, tài liệu lần này cũng đưa ra nhiều bình luận trái sự thật về chính sách quốc phòng Trung Quốc, bóp méo mục đích chiến lược, ra sức gieo rắc cái gọi là ‘mối đe doạ từ Trung Quốc’ và “Bắc Kinh kiên quyết phản đối báo cáo này”.
Ông Tập nói về chiến dịch rút lui vĩ đại,
người TQ ăn táo không dám nhổ hạt:
TQ lâm vào thời kỳ gian khổ?
“Giờ đây chúng ta đang bước vào cuộc trường chinh mới… Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước!”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong chuyến thị sát gần đây.
“Lời hiệu triệu” của Chủ tịch Trung Quốc
Sau ba năm kể từ 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại trở lại Giang Tây vào 20/5/2019.
Tại đây, ông kêu gọi người dân Trung Quốc bắt đầu cuộc “trường chinh” hiện đại mà theo The New York Times, đó là cách ông gợi lại thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Trung Quốc để truyền cảm hứng cho người dân trong bối cảnh chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc về các vấn đề thương mại, cụm từ này xuất hiện được cho để cổ vũ người dân Trung Quốc. Nhưng nó dường như cũng thừa nhận rằng, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Tăng thuế xảy ra khi chính phủ Trung Quốc cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển chậm lại, trong khi một loạt các yếu tố không liên quan làm tăng giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản như thịt lợn và trái cây.
Tại nơi khởi nguồn cuộc trường chinh ở Giang Tây, ông Tập Cận Bình nói với người dân địa phương rằng: “Giờ đây chúng ta đang bước vào cuộc trường chinh mới… Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước!”.
Theo NYT, dù nhà lãnh đạo Trung Quốc không trực tiếp đề cập đến cuộc chiến thương mại nhưng ông đã sử dụng cụm từ “trường chinh mới” giống như trong bài phát biểu trước đây để khích lệ các quan chức, sĩ quan hoặc người dân đi theo đường lối chính sách của Bắc Kinh.
Nhưng trùng hợp là, bản tin này được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng vào thứ Ba (21/5), trùng với thời điểm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đoàn quan chức đi cùng ông Tập, còn có Trưởng cố vấn kinh tế kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại Lưu Hạc.
Vào ngày thị sát tiếp theo – thứ Tư (22/4), ông Tập cũng đã chia sẻ với người dân ở địa phương khác thuộc Giang Tây rằng, Trung Quốc “phải hiểu rõ tính chất phức tạp, dai dẳng của các yếu tố bất lợi khác nhau trong và ngoài nước và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khó khăn khác nhau.”
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại dường như không có dấu hiệu dừng lại. Trong động thái mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét việc đưa gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc là Hikvision vào danh sách đen.
Trong cuộc họp báo thường ngày vào 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, “phía Trung Quốc phản đối việc Mỹ lạm dụng sức mạnh, cố tình bôi nhọ và chèn ép các công ty đặc thù của các nước khác.”
Vào thứ Hai, ông Tập Cận Bình đã tới thị sát mỏ đất hiếm ở Cám Châu. Đây là một trong những tín hiệu rõ ràng nhất liên quan đến cuộc chiến thương mại. Giới quan sát cho rằng chuyến thăm này là một nỗ lực để nhắc nhở Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đang nắm giữ quân bài liên quan đến một số tài nguyên nhất định.
Khi hầu hết các sản phẩm điện tử được sử dụng hàng ngày trên thế giới đều chứa các nguyên tố đất hiếm và Trung Quốc là nguồn quặng đất hiếm lớn nhất. Vào năm 2010, Trung Quốc từng đình chỉ tất cả lĩnh vực xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong hai tháng do tranh chấp lãnh thổ.
Trong bài phát biểu sau đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi “tiếp tục cải tiến công nghệ phát triển và sử dụng tài nguyên đất hiếm”. Ông gọi tài nguyên đất hiếm là” tài nguyên chiến lược “.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vào thứ Tư, Bắc Kinh cho rằng, dư luận và truyền thông thế giới không nên suy diễn quá nhiều về chuyến khảo sát mỏ đất hiếm của ông Tập và khẳng định đó chỉ là một chuyến thăm thường lệ.
Trung Quốc sẽ đối mặt với thời kỳ khó khăn?
Trong vài ngày qua, dư luận và truyền thông Trung Quốc bình luận nhiều hơn về chủ nghĩa dân tộc. NYT cho biết, một số người đã so sánh cuộc chiến thương mại với Chiến tranh Triều Tiên bởi quân đội Trung Quốc trực tiếp chiến đấu với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Cuối tuần trước, kênh phim truyện CCTV-6 liên tục phát sóng một số bộ phim phản ánh Chiến tranh Triều Tiên, nói rằng những bộ phim này là lời “hô ứng với thời đại hiện nay.”
Nội dung chính của những bộ phim này là “không có cuộc đàm phán bình đẳng nào mà không phải đấu tranh”, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu viết trên Twitter cuối tuần qua.
Theo NYT, trước đây, khi Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân Trung Quốc đã đả kích kịch liệt các doanh nghiệp của hai nước này. Nhưng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc phải hành động cẩn thận hơn. Bởi các sản phẩm của Mỹ thường được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. Khi Trung Quốc cố gắng đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế thì họ vẫn cần người tiêu dùng trong nước tiếp tục tiêu thụ.
Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc lại càng có nhiều mối quan tâm trực tiếp hơn. Mặc dù suy thoái kinh tế dường như đang ổn định nhưng một số chi phí sinh hoạt đang tăng mạnh.
Dịch tả lợn châu Phi quét qua Trung Quốc và khiến 1 triệu con lợn bị tiêu hủy, đã đẩy giá thịt lợn tăng cao. Giá rau và trái cây tăng mạnh khiến nhiều người phàn nàn rằng họ không thể thoải mái mua bán trái cây như trước đây.
“Chúng tôi đang chứng kiến giá cả tăng cao và mọi người đều cảm thấy điều đó”, Chương Lập Phàn- một nhà sử học từng là doanh nhân cho biết.
“Người dân phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại nhưng không có cách nào để ngăn chặn điều này và cuộc trường chinh mới rất khó tiếp tục”, ông này nói.
Đối với những người như Hứa Kế Phong – làm việc trong một công ty viễn thông Mỹ ở Bắc Kinh, tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của anh ta. Hứa nói rằng lần đổi điện thoại tới, anh ta có thể chọn Huawei thay vì Apple. Nhưng anh ta thích thú hơn khi nói về giá rau và trái cây tăng.
Hứa cho biết, giá dưa hấu đã tăng rất nhiều.
“Tôi cho rằng điều này cho thấy môi trường kinh tế tổng thể hiện không tốt”, Hứa nói, “Chính phủ nói rằng điều này là tạm thời và sẽ được điều chỉnh.”
“Nhưng bây giờ nó trùng với mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ. Tôi nghĩ [giá trái cây tăng] là một minh chứng.”
Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy giá thịt lợn trong tháng 4 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tiêu dùng tăng 6,1%. Theo thống kê chính thức, tính đến cuối tuần trước, giá trung bình của bảy loại trái cây là 7,59 nhân dân tệ mỗi kg, đây là mức cao nhất trong gần năm năm trở lại đây.
Chủ đề về sự tăng giá trái cây trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội Weibo.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đổ lỗi cho thời tiết về hiện tượng tăng giá trái cây và cho rằng đây là một hiện tượng ngắn hạn. Người phát ngôn của Cục Thống kê cho biết: “Việc tăng giá trái cây tươi sẽ không tiếp tục ở mức cao”.
Nhưng phản ứng của người dân Trung Quốc là đăng ảnh trái cây lên mạng và cho biết, thứ họ có thể mua được các ngày các ít. Một phụ nữ phàn nàn số tiền mà cô dùng để mua trái cây trong siêu thị đã ngang bằng số tiền để mua một thỏi son mới.
Một cư dân mạng khác viết trên Weibo: “Bây giờ giá trái cây còn đắt hơn cả thịt. Tôi không dám gọt vỏ đến hạt cũng không nhổ khi ăn táo”.
TQ đối đầu ông Trump,
vỏ quýt dày gặp đúng móng tay nhọn?
Donald Trump được cho là vị Tổng thống Mỹ mà Trung Quốc đáng phải đối đầu.
Báo New York Times mới đây đăng bài viết của nhà bình luận Thomas L. Friedman, trong đó cho rằng nhận thức bản năng của ông Trump là Mỹ phải cân bằng quan hệ thương mại với Trung Quốc trước khi cường quốc châu Á trở nên quá mạnh để có thể thỏa hiệp là chuẩn xác. Bài viết cũng khẳng định cần có một người hành động quyết liệt như ông Trump thì mới buộc Trung Quốc phải chú ý, và giờ là lúc hai bên phải nhận thấy thời điểm hiện tại quan trọng đến mức nào.
Theo tác giả Friedman, sự mở cửa giữa Mỹ và Trung Quốc hồi những năm 1970 đã định hình các mối quan hệ thương mại khá hạn chế khi đó. Việc Washington để cho Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đã giúp Trung Quốc trở thành cường
quốc thương mại trong khuôn khổ những quy định vẫn dành cho Trung Quốc những ưu đãi của một đất nước đang phát triển. Đàm phán mới sẽ định hình cách thức Mỹ – Trung quan hệ với nhau như hai nền kinh tế ngang cơ, cạnh tranh vì cùng các ngành của thế kỷ 21, ở một thời điểm mà hai thị trường đã đan xen nhau hoàn toàn.
Vì vậy, đây không phải là tranh chấp thương mại thông thường. Đây là một cuộc chiến lớn.
Để thương chiến có kết thúc tốt đẹp, Tổng thống Trump sẽ phải dừng các đòn châm chọc Trung Quốc trên Twitter (và không rao giảng chiến tranh thương mại là dễ dàng thắng nữa). Ông cần âm thầm thiết lập một thỏa thuận cân bằng tốt nhất có thể và tiếp tục mà không dấn vào cuộc chiến thuế quan lâu dài.
Còn Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải thừa nhận Trung Quốc không thể tiếp tục hưởng các ưu đãi thương mại như trong hơn 40 năm qua. Ông cũng cần kiềm chế các thông điệp kiểu “không ai được phép bảo Trung Quốc phải làm gì” và tìm kiếm một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Bởi Bắc Kinh không thể gánh nổi hậu quả nếu Mỹ và các nước khác chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Kể từ những năm 1970, mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ khá nhất quán: Người Mỹ mua đồ chơi, áo phông, giày tennis, máy móc, pin mặt trời của Trung Quốc, còn Trung Quốc mua đậu tương, thịt bò và máy bay Boeing của Mỹ.
Khi cán cân thương mại trở nên quá lệch – do Trung Quốc tăng trưởng không chỉ nhờ chăm chỉ lao động, xây dựng các cơ sở hạ tầng thông minh và đào tạo người dân, mà còn bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, trợ giá cho các công ty nội địa, duy trì các mức thuế cao, phớt lờ các quy định của WTO và đánh cắp sở hữu trí tuệ, thì Bắc Kinh đã thuyết phục Mỹ bằng cách mua thêm nhiều máy bay Boeing, thịt bò và đậu tương. Trung Quốc thậm chí vẫn nhận mình là một nước đang phát triển nên cần được bảo hộ thêm, dù nước này đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới từ lâu.
Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ tác động đủ lâu với các công ty Mỹ để cường quốc số 1 tạo thuận lợi cho Trung Quốc vươn lên như một siêu cường lớn tiếp theo của thế giới. Và kết hợp lại, hai nước đã giúp cho toàn cầu hóa lan tỏa và thế giới trở nên thịnh vượng hơn.
Trung Quốc đối đầu ông Trump, vỏ quýt dày gặp đúng móng tay nhọn?
Sau đó là một số thay đổi quá lớn để bỏ qua.
Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa “Made in China 2025”, cam kết những khoản trợ cấp lớn để giúp các công ty cả nhà nước lẫn tư nhân Trung Quốc đi đầu thế giới trong lĩnh vực siêu điện toán, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới, in 3-D, phần mềm nhận diện khuôn mặt, robot, xe điện, mạng 5G và vi mạch hiện đại.
Đây là sự chuyển động tự nhiên khi Trung Quốc muốn ra khỏi danh sách các nước thu nhập trung bình, và giảm bớt phụ thuộc vào phương Tây về công nghệ cao. Nhưng tất cả các ngành mới kể trên đều cạnh tranh trực tiếp với các công ty tốt nhất của Mỹ.
Kết quả là mọi thủ thuật của Trung Quốc như trợ cấp, bảo hộ, qua mặt các quy định thương mại, bắt buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ từ thập niên 1970 đã trở thành một mối đe dọa lớn. Và Mỹ và châu Âu sẽ là “những kẻ điên” nếu cứ để Trung Quốc tiếp tục đi theo đúng công thức mà họ sử dụng để thoát nghèo và cạnh tranh ở tất cả các ngành nghề tương lai.
Ông Trump đã đúng về điều đó.
Nhưng ông sai ở chỗ, thương mại không giống chiến tranh. Nó có thể là một tiền đề đôi bên cùng thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu, Tencent, Google, Amazon, Facebook và Visa đều có thể chiến thắng cùng lúc, và thực tế đúng như vậy.
Vấn đề là Mỹ cần để Trung Quốc thắng hoặc thua một cách công bằng. Công ty nào giỏi hơn thì thắng còn nếu không phải chấp nhận thua một cách ngay thẳng, tránh tình trạng thắng vì sử dụng chiêu trò.
Trung Quốc đối đầu ông Trump, vỏ quýt dày gặp đúng móng tay nhọn?
James McGregor, một trong những nhà tư vấn kinh doanh am hiểu và sống lâu năm ở Trung Quốc, chỉ ra rằng trong một thập niên qua, rõ ràng Bắc Kinh thay vì “cải cách và mở cửa thì họ lại cải cách và đóng cửa”. Và thay vì giàu hơn và trở thành chủ thể có trách nhiệm hơn trong thế giới toàn cầu hóa thì một Trung Quốc đang trở nên giàu có lại quân sự hóa các
đảo ở Biển Đông nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Họ sử dụng các công cụ công nghệ cao như nhận diện khuôn mặt để kiểm soát tốt hơn.
Nhà bình luận Friedman nhấn mạnh, tất cả những điều đó giờ đây là không thể bỏ qua trong các cuộc đàm phán thương mại. Cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm ra cách tạo dựng lòng tin lớn hơn nữa – để toàn cầu hóa có thể tiếp tục và thế giới cùng phát triển trong kỷ nguyên mới này. Nếu không, toàn cầu hóa sẽ đổ vỡ và tất cả cùng nghèo đi.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28183-tq-doi-dau-ong-trump-vo-quyt-day-gap-dung-mong-tay-nhon.html
Cuộc chiến thương mại với Mỹ
khiến TQ phải thay đổi trọng tâm
Trung Quốc được đánh giá là sẽ phải “cập nhật và nâng cấp” lĩnh vực công nghiệp của họ để ứng phó với thách thức từ chiến tranh thương mại với Mỹ.
Ngân hàng DBS (Hong Kong) Ltd cho rằng chính quyền Trung Quốc dự kiến sẽ phải đẩy nhanh tốc độ cập nhật công nghiệp để tránh bị đe dọa bởi các đối tác thương mại trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cả về trung hạn và dài hạn.
Đột phá khẩu Châu Giang
Carol Wu Shuyan – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Hong Kong và Đại lục Trung Hoa tại Ngân hàng DBS cho biết: Cuộc chiến thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc tất yếu sẽ có tiêu cực trong ngắn hạn đối với khu vực Đồng bằng Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông, nơi dựa nhiều vào chế tạo và xuất khẩu.
Bà Carol Wu cảm nhận rằng để tránh bị các đối tác thương mại đe dọa trong tương lai, có khả năng chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhịp độ nâng cấp công nghiệp và tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Vẫn theo bà này, trong vài năm kế tiếp, việc sản xuất các sản phẩm như các “xe ô tô năng lượng mới” (thuật ngữ mà chính phủ Trung Quốc dùng để chỉ một loại xe ô tô điện), các ứng dụng thông minh, các sản phẩm môi trường, và phần cứng “internet vạn vật” dành cho người tiêu dùng sẽ tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng Châu Giang.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục chạy đua trong công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Đài Loan vẫn có lợi thế, theo nhà phân tích viễn thông và công nghệ Tam Tsz-wang của DBS.
Hồi đầu năm 2019, Bắc Kinh công bố Kế hoạch khung về phát triển Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau, với mục đích gia tăng dòng người và hàng hóa đi vào khu vực này (gồm Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác trong tỉnh Quảng Đông).
Hợp tác xuyên ranh giới giữa 2 chế độ
Hôm 16/5, Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã gặp gỡ tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Mã Hưng Thụy tại Hội nghị chung về Hợp tác Hong Kong-Quảng Đông, tổ chức ở thành phố Quảng Châu. Hai vị này đã ký một thỏa thuận trong đó nêu 70 nhiệm vụ để hai bên cùng phát triển ở khu vực Vịnh Lớn (trước đây hay được gọi là Đồng bằng Châu Giang).
Bà Lâm cho biết Hong Kong và tỉnh Quảng Đông sẽ hợp tác trong các dự án bao gồm cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, nhập cư, công nghệ sáng tạo, công nghiệp dịch vụ, và phát triển văn hóa. Đặc khu trưởng Hong Kong cho biết, tỉnh Quảng Đông sẽ lập ra 10 trung tâm khởi nghiệp (startup) ở Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Hoản, và Phật Sơn dành cho giới trẻ địa phương và Hong Kong.
Các thách thức chính đối với việc phát triển khu vực Vịnh Lớn là việc thiếu hệ thống giáo dục giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như thiếu văn hóa chấp nhận rủi ro dài hạn, chuyên gia Carol Wu nói. Bà này cho biết thêm, chính quyền các địa phương ở khu vực này cần nỗ lực hơn trong thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Mũi nhọn Thâm Quyến
Theo nhà nghiên cứu Carol Wu, thành phố Thâm Quyến – với tư cách là phiên bản Thung lũng Silicon của Trung Quốc – được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cao và phát triển.
Hiện tại, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei (Hoa Vi), ZTE (Trung Hưng ), gã khổng lồ internet Tencent, và nhà sản xuất ô tô điện BYD đều đặt đại bản doanh ở Thâm Quyến.
GDP đầu người ở khu vực Vịnh Lớn là khoảng 23.000 USD, so với 42.000 USD ở Vịnh Tokyo, 82.000 USD ở Vịnh New York và 102.000 USD ở Vịnh San Francisco, theo một báo cáo nghiên cứu do DBS xuất bản. Nếu loại trừ Hong Kong và Macau, thì công nghiệp dịch vụ ở đây chiếm tới 57% GDP tại 9 thành phố của Quảng Đông. Vào năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 72%.
Ken Shih – nhà phân tích ngân hàng và bảo hiểm tại Ngân hàng DBS, cho biết ngành tài chính của khu vực Vịnh Lớn này sẽ tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới. Ông này bổ sung thêm rằng vào năm 2030, tăng trưởng phí bảo hiểm hàng năm sẽ đạt 16% so với 17% ở các khoản cho vay ngang hàng, 14% ở khu vực tài chính và 12% ở các khoản cho vay của ngân hàng.
TQ yêu cầu Mỹ phải khắc phục ‘hành động sai trái’
thì mới tiếp tục thương đàm
Hôm 23/5, Bộ Thương mại Trung Quốc nói Hoa Kỳ cần sửa “các hành động sai trái của mình” nếu muốn tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc, theo Reuters.
Ông Cao Phong, Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói tại cuộc họp hàng tuần: “Nếu Hoa Kỳ muốn tiếp tục đàm phán thương mại, họ nên thể hiện sự chân thành và sửa chữa những hành động sai trái của mình. Các cuộc đàm phán chỉ có thể tiếp tục trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.”
Ông Cao nói Hoa Kỳ đã thực hiện các hành động leo thang trong xung đột thương mại và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan và chuẩn bị các phản ứng cần thiết,” ông Cao nói.
Bắc Kinh phản đối dự luật của Mỹ
trừng phạt quan chức TQ gây hấn Biển Đông
Hôm 23/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối một dự luật của Thượng viện Hoa Kỳ nhằm trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc có các hoạt động “phi pháp và nguy hiểm” ở Biển Đông, theo South China Morning Post.
Trang South China Morning Post trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng cho biết: “Dự luật này vi phạm các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, và tất nhiên phía Trung Quốc kiên quyết phản đối.”
Ông Khảng nói rằng việc xây dựng trên các bãi đá ngầm trong khu vực đang có tranh chấp – một trong những hoạt động được nêu trong dự luật – “là hoàn toàn phù hợp trong phạm vi” chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Khảng nói tại một cuộc họp báo thường nhật: “Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ không tiến hành thảo luận dự luật này, tránh không gây ra sự gián đoạn mới trong quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ sẽ tái đệ trình dự luật này vào ngày 23/5, cho phép chính quyền Mỹ trừng phạt các cá nhân và thực thể của Trung Quốc liên quan đến những gì mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ gọi là “các hoạt động phi pháp và nguy hiểm” của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông, theo tờ Newsweek.
Nếu được thông qua thành luật, “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính đặt tại Hoa Kỳ và thu hồi hoặc từ chối thị thực nhập cảnh đối với bất kỳ ai tham gia vào “các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định” ở Biển Đông, nơi một hoặc nhiều thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tuyên bố chủ quyền.
Tờ South China Morning Post trích lời Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người đang cùng với TNS Dân Chủ Benjamin Cardin khởi xướng dự luật này, nói: “Dự luật có sự ủng hộ của lưỡng đảng, nhằm củng cố những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh phản đối hành động quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh trên các lãnh thổ họ chiếm đóng ở Biển Đông.”
Dự luật này cũng yêu cầu ngoại trưởng Mỹ định kỳ 6 tháng phải báo cáo cho quốc hội danh sách những cá nhân hoặc công ty Trung Quốc liên quan đến những dự án xây dựng và phát triển phi pháp tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Dự luật này từng được Thượng nghị sĩ Rubio và Cardin đề xuất vào năm 2017. Tuy nhiên, dự thảo không được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua và cũng chưa được đệ trình ra toàn thể Thượng viện.
Cúp bóng đá nữ thế giới 2019 :
Trung Quốc lên tinh thần yêu nước cho đội tuyển
Hãng tin Pháp AFP ngày 23/05/2019 cho biết các nữ tuyển thủ Trung Quốc trước giờ lên đường sang Pháp tranh giải Cúp bóng đá nữ thế giới 2019 phải theo các buổi học về « lòng yêu nước ».
« Tổ Quốc trong trái tim tôi » là tên một chuỗi khóa học bồi dưỡng bắt buộc cho đội tuyển nữ Trung Quốc. Thông cáo của Liên Đoàn Bóng Đá Trung Quốc ngày thứ Ba 21/05 giải thích rằng « khóa học này giúp khai sáng cho các thành viên về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời thấm nhuần hơn nữa các nguyên lý yêu nước theo quan điểm đạo đức, luật pháp và chính trị. »
Hình ảnh đăng trên trang mạng của liên đoàn cho thấy các nữ tuyển thủ trong một phòng học, tay cầm sổ và bút, chăm chú theo dõi một màn hình chiếu, đặt bên cạnh lá cờ Trung Quốc to lớn treo trên tường.
Khóa học được tổ chức khi chỉ còn hai tuần nữa Cúp bóng đá nữ Thế giới 2019 khai mạc tại Pháp. Đội tuyển nữ Trung Quốc trong trận đầu tiên sẽ gặp đối thủ Đức đáng gờm tại thành phố Rennes ngày 08/06.
Đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển Trung Quốc nằm trong bảng B cùng với Tây Ban Nha, Nam Phi và Đức. Chắc là với khóa học này, « Những bông hồng thép » của Trung Quốc hy vọng đánh bại Mannschaff của Đức chăng ?
Người Singapore và Philippines
bán tháo điện thoại Huawei
Một số người tiêu dùng ở Singapore và Philippines đã tìm cách bán tháo điện thoại Huawei vì lo ngại rằng việc Google ngưng làm ăn với công ty của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn dịch vụ, theo Reuters.
Google mới đây tuyên bố sẽ tuân thủ với một sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngưng cung cấp thiết bị cho Huawei.
Reuters cho rằng điều này đồng nghĩa với việc những người hiện sở hữu điện thoại Huawei có thể đối mặt với chuyện không thể cập nhật hệ điều hành Android kể từ cuối tháng Tám.
Ngoài ra, các điện thoại mới sẽ mất quyền tiếp cận đối với các ứng dụng nổi tiếng như YouTube và Chrome.
Hãng tin Anh nói rằng dù người tiêu dùng ở Singapore và Philippines muốn bán điện thoại Huawei, nhưng ít người muốn mua.
Công ty Mỹ kiện Huawei tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại
Reuters dẫn lời ông Dylan On, một người bán hàng tại cửa hàng sửa chữa và bán lẻ điện thoại ở Singapore, nói rằng “nếu chúng tôi mua một thứ vô dụng thì làm sao chúng tôi bán được”.
Ông On nói rằng lý do “không phải là vì Huawei là một sản phẩm tồi” mà giờ “không ai muốn mua vì chính sách của Mỹ”.
Một nữ phát ngôn viên của Huawei trả lời Reuters rằng công ty này “sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật an ninh và các dịch vụ sau khi mua hàng đối với tất cả các sản phẩm máy tính bảng và điện thoại thông minh Huawei và Honor hiện thời”.
Reuters đưa tin rằng các nhà bán lẻ điện thoại di động ở Philippines cũng “né” các sản phẩm của Huawei.
Hãng tin này dẫn lời một người bán điện thoại mới và cũ tại trung tâm thương mại Greenhills ở Manila rằng cửa hàng của bà “không còn chấp nhận điện thoại Huawei” vì “các khách hàng không còn mua nữa”.
Một người khác thì nói rằng bà chỉ mua các điện thoại Huawei với giá giảm 50%.
Bầu cử Ấn Độ: Thủ tướng Modi
và phe dân tộc Hindu thắng áp đảo
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thêm nhiệm kỳ năm năm nữa sau chiến thắng long trời lở đất ở kỳ bầu cử vừa rồi.
Kết quả kiểm phiếu cho đến nay cho thấy Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông thắng 300 trong tổng số 543 ghế tại Quốc hội.
Liên minh đối lập do Đảng Quốc Đại của ông Rahul Gandhi đã thừa nhận thất bại.
Cuộc bầu cử vĩ đại của Ấn Độ bắt đầu
Gandhi và nhà ga Nam Phi làm thay đổi lịch sử Ấn Độ
Kỳ phiếu được nhìn nhận rộng rãi như một kỳ trưng cầu dân ý đối với đường lối chính trị theo hướng dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ giáo của ông Modi.
Trên 600 triệu người đã đi bỏ phiếu trong tiến trình kéo dài sáu tuần.
Ông Modi không chỉ giành điểm vượt mức cần thiết trong các cuộc thăm do ngoài phòng phiếu mà còn giành được số phiếu cao hơn so với kỳ bầu cử hồi 2014, kết quả kiểm phiếu một phần cho thấy.
“Cảm ơn Ấn Độ!” ông thủ tướng viết trên Twitter. “Sự tin tưởng đối với liên minh chúng tôi khiến chúng tôi có sức mạnh để nỗ lực hơn nữa nhằm thực hiện khát vọng của nhân dân.”
Đảng Quốc đại của nhà Gandhi nhận thua
Tại cuộc họp báo ở Delhi, lãnh đạo đối lập Gandhi thừa nhận thua trong kỳ bầu cử và cả thất bại trong việc giữ ghế của mình tại Amethi, Uttar Pradesh, nơi ông từng nắm kể từ 2004 còn gia đình ông đã giữ trong nhiều thập niên.
Kết quả kiểm phiếu từng phần cho thấy đảng BJP của ông Modi dự kiến sẽ giành được 300 ghế, trong lúc liên minh đối lập chính do đảng Quốc Đại của ông Rahul Gandhi được trông đợi sẽ giành được chưa đên 100 ghế.
Một đảng phái hoặc liên minh cần có ít nhất 272 ghế mới đủ chiếm mức đa số trong Hạ viện, tức Lok Sabha, gồm 543 thành viên.
Để so sánh, thì trong kỳ bầu cử trước, hồi 2014, đảng BJP thắng 282 ghế, là chiến thắng lớn nhất của bất kỳ đảng phái nào trong thời gian 30 năm. Liên minh của đảng này cùng các đồng minh giành được 336 ghế trong quốc hội.
Đảng Quốc Đại chỉ giành được 44 ghế, là thất bại nặng nề nhất của đảng này, trong lúc liên minh của họ với các đồng minh khác chỉ lấy được 60 ghế trong quốc hội trong kỳ bầu cử 2014.
Năm nay, có 900 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu trong bảy vòng bỏ phiếu, khiến sự kiện này trở thành kỳ bầu cử lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Ông Narendra Modi lẽ ra đã phải đối diện với cảm giác không hài lòng đối với người lãnh đạo đương nhiệm, phân tích gia BBC Soutik Biswas từ Ấn Độ nói.
“Tình trạng thất nghiệp tăng tới mức kỷ lục, thu nhập từ nông nghiệp giảm mạnh, trong lúc sản lượng công nghiệp thì trì trệ.”
“Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu cho thấy người dân không trách ông Modi về những chuyện này.”
“Sự kết hợp giữa tài hùng biện về chủ nghĩa dân túy, sự phân cực tôn giáo khôn khéo và sự xoay chuyển trong các chương trình phúc lợi đã khiến ông Modi giành được chiến thắng lần thứ hai liên tiếp.”
“Ông cũng khai thác vấn đề an ninh quốc gia theo cách thức chưa từng thấy trong một kỳ bầu cử thời hiện đại,” phóng viên BBC nói thêm.