Tin khắp nơi – 23/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 23/05/2018

Trump: Thượng đỉnh với Kim có thể bị trì hoãn

Tổng thống Hoa Kỳ nói một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Hàn vào tháng 6/2018 có thể bị trì hoãn.

Ông Donald Trump đưa ra phát biểu khi tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh.

Ông Moon “có thể sẽ nói với Tổng thống Trump những gì mong đợi và những gì không mong đợi từ ông Kim”, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho hay.

Mike Pence: Bắc Hàn không nên ‘chơi’ Trump

Làm sao biết Bắc Hàn thực sự phi hạt nhân hóa?

Ông Trump ‘trấn an’ Bắc Hàn

Bắc Hàn sẽ ‘dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân chính’

Tuần trước, Bình Nhưỡng nói họ có thể hủy bỏ thượng đỉnh nếu Hoa Kỳ khăng khăng đòi Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách đơn phương.

“Nếu thượng đỉnh không diễn ra, có thể nó sẽ diễn ra sau đó”, ông Trump được hãng tin AFP trích lời nói vào lúc bắt đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc.

Theo hãng tin Reuters, ông Trump nói có một “cơ hội đáng kể” là hội nghị thượng đỉnh sẽ không diễn ra vào tháng Sáu.

Hội nghị thượng đỉnh lịch sử ngày 12 tháng Sáu được dự kiến diễn ra tại Singapore.

Nó diễn ra sau một thượng đỉnh lịch sử khác giữa ông Kim và ông Moon vào tháng Tư.

Bắc Hàn dự kiến sẽ tháo dỡ một địa điểm thử nghiệm hạt nhân vào tuần này như một cử chỉ thiện chí, nhưng việc phá hủy có thể bị trì hoãn bởi thời tiết xấu.

‘Trấn an’

Hội nghị lần đầu tiên bị đe dọa khi Bắc Hàn hủy bỏ cuộc đối thoại cấp cao với Nam Hàn vào hôm thứ Tư vừa qua sau khi cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington đã làm họ tức giận và coi đây là một hành độnng khiêu khích và chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược.

Bình Nhưỡng sau đấy cũng kịch liệt phê bình về phát biểu được cho là “liều lĩnh” của Cố vấn An ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Bolton sau khi ông này đề nghị Bắc Hàn có thể theo “mô hình Libya” về phi hạt nhân. Mô hình này đưa tới kết cục là cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Tuy nhiêu sau đó chính Tổng thống Mỹ ông Donald Trump đã đứng ra trấn an rằng:

“Mô hình Lybia không phải là mô hình mà chúng tôi muốn thực hiện. Điều này sẽ chỉ diễn ra, nếu ông Kim không chấp nhận thỏa thuận. Trái lại, nếu ông Kim đồng ý thỏa hiệp, thì tôi chắc chắn là ông Kim Jong-un sẽ rất, rất vui.”

Trước cuộc họp với ông Moon, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh cáo ông Kim đừng giở trò “chơi” ông Trump trong Thượng đỉnh dự kiến vào tháng sau, ông Pence cũng cho rằng đấy sẽ là một sai lầm lớn. Hiện tại ông Trump chưa có ý định rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore.

‘Vấn ý’

Tuy nhiên, tờ New York Times đưa tin hôm Chủ Nhật là Tổng thống Mỹ đã hội ý với ban cố vấn về việc liệu ông có nên tiếp tục tham dự hội nghị với ông Kim nữa hay không.

Sau hơn một năm tranh luận kịch liệt với nhau, mà rất nhiều nhà quan sát đã rất lo sợ có thể leo thang đến can thiệp quân sự giữa Mỹ bà Bắc Hàn, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lời mời đối thoại trực tiếp của Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un.

Chính quyền Bình Nhưỡng đã tiến hành nghiên cứu nguyên tử trong nhiều năm qua và đã phát triển những hỏa tiễn tầm xa có khả năng đe dọa trực tiếp nước Mỹ. Bên cạnh đó, chưa từng có một Tổng thống tại vị nào của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo của Bắc Hàn trong quá khứ.

Theo nhiều nhà quan sát thì có quá nhiều yếu tố mà họ cho rằng sẽ dẫn đến sự trì hoãn của hội nghị thượng đỉnh lịch sử này.

Tuy nhiên cam kết của Bình Nhưỡng về giải trừ hạt nhân có thể sẽ khác vơí yêu cầu của Mỹ “toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”

Bắc Hàn cho biết họ sẽ bắt đầu tháo dỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân trong tuần này, trong một buổi lễ được các nhà báo nước ngoài tham dự.

Các nhà báo từ Phương Tây, Nga và Trung Quốc đang trên đường để đến tham dự lễ tháo gỡ của địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri.

Các nhà báo Hàn Quốc lẽ ra cũng đã được mời tham dự, nhưng sau sự cố Nam Hàn tập trận với Mỹ, Bình Nhưỡng đã quyết định không chào đón các phóng viên này.

Theo các nhà báo, con đường di chuyển đến trung tâm thử nghiệm hạt nhân này rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Đây cũng là cơ sở hạt nhân chính của Bắc Hàn và là địa điểm thử nghiệm hạt nhân duy nhất đang hoạt động trên thế giới.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44216473

 

Mỹ, Hàn cố cứu vãn

cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim

Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang làm việc tích cực để cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn sẽ diễn ra kể cả sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột nói “rất có thể” cuộc gặp sẽ không diễn ra như kế hoạch. Cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 12/6 ở Singapore.

Các quan chức Mỹ cho biết các hoạt động chuẩn bị vẫn đang được tiến hành. “Chúng tôi vẫn đang xúc tiến”, Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu.

Ông Trump nói ông Kim đã không đáp ứng “một số điều kiện” về cuộc gặp thượng đỉnh. Nhưng ông Trump cũng cho biết ông tin rằng ông Kim “nghiêm túc” về đàm phán, và lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ “hoàn toàn tin tưởng” vào khả năng của ông Trump trong việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh và mang lại hòa bình.

Ông Trump đã tỏ ý là cuộc gặp thượng đỉnh có thể bị hoãn thay vì bị hủy: “Nó có thể không diễn ra vào ngày 12/6, nhưng vẫn có cơ hội lớn để cuộc gặp diễn ra”.

Ông Trump không nêu chi tiết những điều kiện mà ông đã đặt ra cho ông Kim, nhưng nói rằng nếu những điều kiện đó không được đáp ứng, “chúng tôi sẽ không gặp nha”. Người phát ngôn của ông, bà Sarah Huckabee Sanders, giải thích rằng điều mà ông Trump muốn đề cập là cam kết của ông Kim sẽ thảo luận nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.

Ông Trump bày tỏ nghi ngờ rằng thái độ và lời lẽ hung hăng gần đây của Triều Tiên là do ảnh hưởng từ chuyến đi bất ngờ của ông Kim đến thăm Trung Quốc cách đây hai tuần.

Ông Trump khuyến khích ông Kim hãy tập trung vào các cơ hội do cuộc gặp mang lại và đi đến một thỏa thuận để từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông cam kết không những đảm bảo an toàn cá nhân cho ông Kim mà còn dự đoán về sự hồi sinh kinh tế ở Triều Tiên.

“Tôi sẽ đảm bảo sự an toàn cho ông, đúng thế”, ông Trump nói, lưu ý rằng lời hứa đó đi kèm điều kiện là phải có thỏa thuận để phi hạt nhân hóa hoàn toàn, một cách có thể được kiểm chứng và không thể đảo ngược. Ông Trump phát biểu rằng nếu đạt được thỏa thuận như vậy, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đầu tư những khoản tiền lớn để “làm cho Triều Tiên vĩ đại”.

https://www.voatiengviet.com/a/my-han-co-cuu-van-cuoc-hop-thuong-dinh-trump-kim/4406436.html

 

MH370 không rơi vì phi công tự tử,

điều tra viên cho biết

Các nhà điều tra Úc đã bác bỏ tuyên bố cho rằng chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia đã rơi do phi công.

Những nghi vấn gần đây cho rằng chiếc máy bay phản lực bị phi công “cố tình bỏ rơi tay lái” rơi xuống biển đã bị bác bỏ hôm thứ Ba bởi Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB).

Cơ quan này tin rằng phi công đã bị bất tỉnh trong những phút cuối cùng.

Chiếc máy bay chở khách biến mất vào năm 2014 khi bay đến Bắc Kinh từ Kuala Lumpur với 239 người trên máy bay.

Dừng tìm kiếm MH370 là ‘vô trách nhiệm’

Những chiếc hộp đen chứa bí mật chuyến bay

MH370 lao xuống biển không người lái?

Các cuộc tìm kiếm mảnh vỡ của MH370, bao gồm lực lượng tìm kiếm của Malaysia và Trung Quốc, đã bị dừng lại vào tháng Một năm ngoái, sau 1.046 ngày.

Các điều tra viên từ ATSB nói rằng chiếc máy bay mất kiểm soát khi rơi xuống phía Nam Ấn Độ Dương.

Nhưng một giả thuyết cho rằng phi công đã hoàn toàn kiểm soát được chiếc máy bay tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra. Giả thuyết này lại nổi lên vì cuốn sách mới của cựu điều tra viên tai nạn máy bay Canada, Larry Vance.

Ông Vance, người đã xuất hiện trên chương trình 60 phút của Úc đầu tháng này, nói cuộc điều tra ATSB đã bị thiếu sót và kết luận về những khoảnh khắc cuối cùng của chiếc máy bay là không chính xác.

“Anh ta [phi công] đã tự sát, và thật không may, anh ta cũng giết tất cả những người khác trên máy bay, và anh ta đã cố tình làm điều đó,” ông Vance nói với chương trình 60 phút.

Tuy nhiên, giám đốc chương trình tìm kiếm của ATSB, Peter Foley, nói hôm thứ Ba đã bảo vệ quan điểm của Cục, khẳng định rằng các nhà điều tra đã xem xét tất cả các thông tin cố vấn và dữ liệu phân tích.

“Chúng tôi đã xem xét mọi mảnh chứng cứ mà chúng tôi đã có vào thời điểm đó một cách không thiên vị,” ông Foley nói với một phiên điều trần quốc hội ở Canberra, nói thêm rằng ông đã đọc cuốn sách của ông Vance.

“Chúng tôi có khá nhiều dữ liệu để nói rằng, chiếc máy bay, nếu nó được kiểm soát ở những phút cuối, nó không được kiểm soát một cách thành công,” ông nói thêm.

Chiếc máy bay đã MH370 biến mất sau khi nó ngừng gửi thông tin về mặt đất vài giờ sau khi cất cánh vào hôm 8/3/2014. Cuộc tìm kiếm cứu hộ trở thành một trong những cuộc tìm kiếm trên bề mặt và dưới nước quy mô nhất trong lịch sử hàng không.

Mặc dù cuộc tìm kiếm dưới nước không đem lại kết quả gì, nhưng những mảnh vụn nhỏ từ máy bay đã trôi dạt lên các hòn đảo ở Ấn Độ Dương và trên bờ biển châu Phi.

Chính phủ Úc cho biết họ sẽ chỉ tiếp tục cuộc tìm kiếm nếu có bằng chứng “đáng tin cậy”.

Một công ty tư nhân của Mỹ cũng đã bắt đầu một cuộc tìm kiếm riêng vào đầu năm nay nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ manh mối nào.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44220094

 

Chiến đấu cơ F-35 lần đầu tham chiến

Chiếc máy báy tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ lần đầu tiên được nhìn thấy tham chiến, bay trong một chiến dịch của lực lượng không quân Isarel.

Người đứng đầu lực lượng này công bố hình ảnh các chiến đấu cơ bay trên bầu trời Beirut, Lebanon, và nói rằng chúng đã “tấn công hai lần vào hai mặt trận khác nhau”.

Gần đây, Isarel đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhắm vào lãnh thổ Syria.

Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông

Chiến đấu cơ TQ ‘cắt đầu máy bay Mỹ’

Cú tiếp đất ‘suýt chết’ của chiến đấu cơ Nga

Chiến đấu cơ F-35, sản phẩm của chương trình sản xuất vũ khí quân sự tốn kém nhất thế giới, đã từng bị chỉ trích về cả giá cả lẫn tính hiệu quả trong chiến đấu.

Hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã phải đứng ra bảo vệ cho chương trình sản xuất F-35 sau khi Tổng thống Donald Trump, khi đó vừa đắc cử, đăng trên Twitter nội dung phê phán mức giá khổng lồ cho loại máy bay này, được cho tới gần là 100 triệu đô-la Mỹ một chiếc

“Kẻ thay đổi cuộc chơi”

Thiếu tướng Amikam Norkin nói trong cuộc họp của 20 lãnh đạo các lực lượng không quân trên giới, nhóm họp tại Isarel: “Chúng tôi cho các chiến đấu cơ F-35 bay trên khắp Trung Đông và đã tấn công hai lần, trên hai mặt trận khác nhau.”

Ông không cho biết thông tin về những mục tiêu này.

“Như quý vị biết, chúng tôi vừa giành chiến thắng trong chương trình truyền hình Eurovision với ca khúc “Toy”, tuy nhiên F-35 thì hiển nhiên không phải là một món đồ chơi rồi,” ông nói.

Isarel là quốc gia đầu tiên sau Mỹ sở hữu loại chiến đấu cơ 1 chỗ ngồi này. Tính đến nay, họ đã nhận được chín trên tổng số 50 chiếc F-35 đã đặt, và có thể sẽ mua tới 75 chiếc.

Tại Isarel, chiếc chiến đấu cơ này được gọi bằng tên trong tiếng Do Thái là “Adir” (Thần thánh).

Các phi cơ giao cho Israel được cho là một phiên bản của chiếc F-35A, cải thiện về khả năng cất cánh cũng như hạ cánh.

Phóng viên BBC Tom Bateman từ Jerusalem nói Israel tuyên bố đã sử dụng loại chiến đấu cơ này trong một cuộc không kích mang tính quy ước.

Tel Aviv nói việc sử dụng đó đã diễn ra trước cả khi loại máy bay Mỹ này được thiết kế để phô trường sức mạnh quân sự, bởi Israel tin rằng các lực lượng tinh nhuệ của Iran đang tìm cách xâm nhập vào Syria để tấn công Israel,

Phía Isarel cũng nói trong các cuộc không kích gần đây của họ đánh vào Syria đều là nhắm tấn công các cơ sở quân sự của Iran nhằm đáp trả việc các chốt quân sự của Israel tại vùng chiếm đóng Cao nguyên Golan bị nã rocket.

Iran có hàng trăm người đang tại Syria; phía Iran nói đó là các cố vấn quân sự cho Syria. Iran cũng gửi hàng ngàn chiến binh tình nguyện tới giúp sức cho chính phủ Syria.

Hoa Kỳ là quốc gia viện trợ quân sự cho Isarel nhiều nhất, hiện vào khoảng 4 tỉ đô la Mỹ mỗi năm; và luật về bán vũ khí của Mỹ đòi hỏi Israel phải luôn duy trì sức mạnh quân sự áp đảo tại Trung Đông.

Isarel ca ngợi rằng chiếc chiến đấu cơ F-35 của hãng Lockhead Martin là “kẻ thay đổi cuộc chơi”.

Đây có lẽ không phải là lần đầu tiên chiến đấu cơ này được Israel sử dụng.

Quân đội nước này thường khá kín tiếng về các hoạt động của mình. Tuy nhiên, đã có các tường thuật nói rằng loại máy bay tàng hình này đã được đưa vào sử dụng sớm nhất là từ hồi tháng Giêng năm ngoái.

Mỹ hẳn là đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2070, ước tính sẽ tốn 1.500 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, họ cũng đã phải nhận không ít lời chê trách nặng nề, không phải chỉ riêng về vấn đề chi phí.

Một trang blog có uy tín về quân sự hồi năm 2015 viết rằng F-35 thiếu khả năng di chuyển cơ động và không thể đánh bại được chiếc F-16 trong cuộc không chiến. Trang blog này cũng viết thêm rằng F-35 còn gặp vấn đề về tầm nhìn từ buồng lái.

Các nhà phân tích cho rằng việc quá chú trọng vào khả năng tàng hình đã làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả khi chiến đấu đối đầu trên không.

Chia sẻ tin này Về mục Chia sẻ

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44211316

 

Google làm lộ tên nạn nhân bị cưỡng bức

Các chức năng tìm kiếm và tự động hoàn thiện của Google làm tiết lộ danh tính vốn đặt ở chế độ ẩn của nạn nhân các vụ hiếp dâm.

Sự cố này được phát hiện trong một cuộc điều tra của tờ Times về một số vụ tấn công tình dục nổi bật.

Theo đó, khi gõ tìm kiếm tên kẻ tấn công hoặc kẻ bị cáo buộc tấn công, Google tự động tiết lộ tên của những phụ nữ là nạn nhân.

Google cho biết đã gỡ bỏ tất cả những thông tin bị tiết lộ này.

Úc: Tổng giám mục che giấu vụ linh mục lạm dụng trẻ em

Hàng trăm bé trai Đức ‘bị hành hạ’

Lewinsky: Bill Clinton ‘lạm dụng quyền lực’

Google nói với BBC: “Chúng tôi không cho phép chức năng tự động hoàn thiện hoặc các chức năng tìm kiếm khác vi phạm quy định hoặc chính sách riêng của công ty.

“Chúng tôi khuyến khích mọi người gửi cho chúng tôi phản hồi về các kết quả tìm kiếm nhạy cảm hoặc xấu nào”.

Tổ chức chuyên giúp đỡ nạn nhân các vụ hãm hiếp, The Survivors Trust, nói với tờ Times việc công cụ tìm kiếm của Google tiết lộ tên nạn nhân ‘còn hơn cả sốc’.

Google gần đây đã mở rộng chính sách xóa bỏ các gợi ý của chức năng tự động hoàn thiện vốn có khả năng “làm mất thể diện nạn nhân của bạo hành”.

Chức năng tự động hoàn thiện và các chức năng tìm kiếm liên quan của Google đưa ra các thông tin gợi ý dựa trên các từ khóa tìm kiếm phổ biến.

Đối với trường hợp thông tin về nạn nhân hãm hiếp, có khả năng các gợi ý trên Google xuất hiện sau khi việc tìm kiếm tên nạn nhân bị tiết lộ bất hợp pháp trên mạng xã hội.

Tờ Times phát hiện ra rằng, trong trường hợp một vụ cáo buộc hãm hiếp, gõ tên của người bị cáo buộc cộng với một thuật ngữ tìm kiếm phổ biến sẽ ra tên của nạn nhân.

Trong trường hợp khác, bằng cách tìm kiếm tương tự, Google đưa ra tên nạn nhân và quê quán.

Times cũng phát hiện ra rằng gõ tên nạn nhân trên Google sẽ cho ra tên của kẻ lạm dụng.

Google có hệ thống tự động tự lọc các gợi ý không phù hợp trong quá trình tìm kiếm nhưng công ty này phải xử lý hàng tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, có nghĩa là một số gợi ý sẽ bị lọt lưới.

Google cũng hợp tác với các tòa án để giúp ngăn chặn các gợi ý nhạy cảm xuất hiện trong quá trình tìm kiếm.

Nạn nhân các vụ tấn công tình dục được ẩn danh suốt đời, ngay cả khi người bị cáo buộc được tha bổng. Vi phạm điều này bị phạt lên đến 5.000 bảng Anh (khoảng 150 triệu VNĐ).

Theo Times, ít nhất chín người bị kết án vì đăng tên của nạn nhân trên mạng xã hội.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44220383

 

TQ: Nhà hoạt động Tây Tạng bị 5 năm tù

vì ‘kích động’

Một nhà hoạt động Tây Tạng bị tuyên án 5 năm tù ở Trung Quốc vì “kích động ly khai”, sau khi ông trả lời tờ New York Times về những nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tashi Wangchuk bị bắt vào năm 2016, sau khi xuất hiện trong một video trên tờ báo này.

Trong cuộc phỏng vấn, ông nói về nỗi sợ rằng văn hóa Tây Tạng bị tiêu diệt ở Trung Quốc.

Chùa thiêng Tây Tạng chìm trong lửa

Trang Marriott bị TQ đóng vì ‘Tây Tạng, Đài Loan’

100 giờ thăm Tây Tạng để lại dấu ấn suốt đời

Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án phán quyết “quá vô lý”.

Tashi, người không nhận tội, dự kiến ra tù vào năm 2021.

Luật sư của ông nói với AFP rằng ông sẽ kháng cáo.

“Tôi tin rằng ông ấy không phạm tội và chúng tôi không chấp nhận bản án”, luật sư Liang Xiojun nói với AFP.

Tashi xuất hiện trong bộ phim tài liệu của New York Times vào cuối năm 2015, nơi ông lên tiếng quan ngại rằng văn hóa Tây Tạng đã bị tiêu diệt.

Gap xin lỗi vì bán áo in bản đồ TQ ‘sai sót’

Đội bóng đá người Tây Tạng bị từ chối visa Mỹ

Daimler-Mercedes phải xin lỗi Trung Quốc

Phật pháp và những vòng tròn ở Kathmandu

Phật giáo Tây Tạng với sự sống và môi trường

Ông định nộp đơn kiện tại Bắc Kinh nhắm vào các quan chức địa phương tại quê nhà, Yushu (Ngọc Thụ), và cáo buộc rằng những người này đang loại tiếng Tây Tạng ra khỏi trường học để ưu tiên tiếng Quan thoại.

Ông Liang nói với các phóng viên tại phiên tòa xử Tashi rằng video nêu trên được dùng làm bằng chứng quan trọng để truy tố thân chủ của ông.

“Ông ấy không tin rằng mình kích động ly khai,” ông Liang nói. “Ông ấy chỉ muốn tăng cường giáo dục ngôn ngữ Tây Tạng.”

Joshua Rosenzweig, giám đốc vùng Đông Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói bản phán quyết là “bất công”.

“Ông ấy bị trừng phạt tàn nhẫn… để quy chụp giới hoạt động ôn hòa muốn gìn giữ tiếng Tây Tạng là ‘kích động ly khai,” thông cáo của ông viết.

Tây Tạng, nơi có đa số dân theo Phật giáo, được gọi là “mái nhà của thế giới”, là khu vực tự trị của Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44187459

 

Myanmar:

Chiến binh Rohingya đã sát hại dân Hindu

Các chiến binh Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã giết chết hàng chục người theo đạo Hindu trong các cuộc tấn công hồi tháng Tám năm ngoái, theo một cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Nhóm được gọi là Arsa đã giết chết tới 99 thường dân Hindu trong một hoặc hai vụ thảm sát, tổ chức nhân quyền cho biết. Arsa đã phủ nhận mọi liên quan.

Các vụ sát hại diễn ra trong những ngày đầu tiên của cuộc nổi dậy chống lại lực lượng quân đội Myanmar, vốn cũng bị cáo buộc tội ác thảm sát.

Reuters công bố cuộc điều tra vụ thảm sát người Rohingya

‘Suu Kyi chắc chẳng hiểu nỗi đau của Rohingya’

Cảnh sát Myanmar bắn chết người biểu tình Phật giáo tại Rakhine

Kể từ tháng Tám gần 700.000 người Rohingya và những người khác đã trốn chạy khỏi bạo lực.

Cuộc xung đột cũng khiến nơi cư trú của phần lớn dân số Phật giáo và thiểu số Hindu bị xáo trộn.

Tổ chức Ân xá cho biết các cuộc phỏng vấn được tiến hành với những người tị nạn ở Bangladesh và bang Rakhine, xác nhận rằng các vụ giết người hàng loạt được thực hiện bởi Quân đội cứu hộ Arakan Rohingya (Arsa) diễn ra trong ở một nhóm làng ở phía bắc Maungdaw Township vào cuối tháng Tám.

Cuộc điều tra cũng cho thấy Arsa cũng đứng đằng sau các vụ bạo lực khác đối với dân thường, quy mô nhỏ hơn, ở các khu vực khác.

Bản báo cáo công bố chi tiết hôm 26/8 khi các thành viên Arsa tấn công ngôi làng Hindu. Ah Nauk Kha Maung Seik.

“Trong hành động tàn bạo và vô nhân tính này, các thành viên của Arsa bắt giữ nhiều phụ nữ, đàn ông và trẻ em Hindu, khủng bố họ trước khi giết chết họ bên ngoài làng của họ,” bản báo cáo cho biết.

Những người sống sót theo đạo Hindu nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng họ thấy người thân bị giết hoặc nghe thấy tiếng thét của họ.

Một phụ nữ ở làng Ah Nauk Kha Maung Seik nói: “Họ giết những người đàn ông. Chúng tôi được dặn là không nên nhìn … Họ có dao. Họ cũng có một số thanh và que sắt. Chúng tôi trốn trong bụi cây và đã có thể nhìn thấy một chút … Bác tôi, bố tôi, anh tôi – tất cả đều bị giết. “

Các chiến binh Hồi giáo Arsa bị buộc tội giết 20 người đàn ông, 10 phụ nữ và 23 trẻ em, 14 trong số đó dưới tám tuổi.

Tổ chức Ân xá cho biết thi thể của 45 người đã được khai quật trong bốn ngôi mộ tập thể vào cuối tháng Chín. Phần thi thể còn lại của các nạn nhân khác, cũng như 46 người từ làng lân cận Ye Bauk Kyar, vẫn chưa được tìm thấy.

Cuộc điều tra cho thấy một vụ thảm sát những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Hindu ở Ye Bauk Kyar cũng đã xảy ra cùng ngày hôm đó, đưa tổng số người bị sát hại ước tính lên đến 99 người.

Tổ chức Ân xá cũng chỉ trích “một chiến dịch bạo lực bất hợp pháp và thô bạo không thích đáng của lực lượng an ninh của Myanmar”.

“Các cuộc tấn công kinh hoàng của Arsa được theo sau bởi chiến dịch thanh trừng sắc tộc của quân đội Myanmar chống lại người Rohingya nói chung.”

Nhóm nhân quyền cho biết những phát hiện của họ dựa trên “hàng chục cuộc phỏng vấn được tiến hành [ở Rakhine] và trên biên giới ở Bangladesh, cũng có các bằng chứng được phân tích bởi pháp y”.

Người Rohingya là một nhóm người vô tổ quốc chủ yếu là người Hồi giáo thiểu số, bị coi thường ở Myanmar, nơi họ bị coi là những người di cư bất hợp pháp từ Bangladesh, mặc dù thực tế là một số người đã ở Myanmar qua nhiều thế hệ.

Bangladesh cũng từ chối cấp quốc tịch cho họ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44220093

 

Mỹ cảnh báo công dân về nguy cơ

bị tấn công bằng âm thanh ở TQ

Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 23/5 cho hay một công dân Mỹ làm việc tại lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, báo cáo đã phải chịu đựng âm thanh và sức ép “bất thường” dẫn tới chấn thương não nhẹ.

Đại sứ quán đã gửi cảnh báo về sức khỏe đến những người Mỹ sống ở Trung Quốc, nói rằng họ không thể liên kết vụ việc này với các vấn đề sức khỏe mà nhân viên chính phủ Hoa Kỳ đã trải nghiệm ở Cuba bắt đầu từ cuối năm 2016.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh cho biết trong một email rằng người công dân Mỹ không nêu danh tính được cử đi làm việc tại lãnh sự quán ở Quảng Châu đã báo cáo về một loạt triệu chứng từ cuối năm 2017 đến tháng 4 năm nay.

Nhân viên này đã được đưa về Hoa Kỳ để khám thêm. “Các kết quả lâm sàng sau khi khám cho thấy đây là chấn thương sọ não nhẹ (MTBI)”, đại sứ quán cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết là đang xem xét vụ việc này một cách nghiêm túc và đang tìm cách xác định nguyên nhân và tác động.

Theo Đại sứ quán Mỹ, thì chính phủ Trung Quốc nói họ cũng đang điều tra vụ việc này và sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp.

https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-bao-cong-dan-ve-nguy-co-bi-tan-cong-bang-am-thanh-o-tq/4406430.html

 

Palestin yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế

điều tra Israel

Ngày thứ Ba 22/5, Bộ trưởng Ngoại giao Palestin Riyad al-Maliki yêu cầu công tố viên Tòa án Hình sự Quốc ICC tế mở một cuộc điều tra toàn diện về những cáo buộc Israel vi phạm nhân quyền trên lãnh thổ Palestin, nói rằng bằng chứng “rất rõ ràng.”

Ông Maliki đệ trình một văn bản được gọi là “referral” với những bằng chứng, giúp cho công tố viên tại Tòa án có trụ sở ở The Hague, Hà Lan, căn bản pháp lý để tiến xa hơn cuộc điều tra đầu tiên bắt đầu vào tháng 1 năm 2015.

Israel nói yêu cầu ICC điều tra của Palestin không có giá trị pháp lý.

Tòa án Hình sự Quốc tế có thẩm quyền xét xử những vụ liên hệ đến tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và những tội phạm chống nhân loại trên lãnh thổ của 123 quốc gia ký gia nhập Tòa án. Israel chưa gia nhập Tòa án nhưng vì Palestin đã gia nhập nên Israel có thể bị xét xử về những tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Palestin.

Israel bác bỏ động thái ngày 22/5 của Palestin là “vô giá trị về phương diện pháp lý”. Israel cho rằng tòa không có thẩm quyền tài phán vì Thẩm quyền Palestin không phải là một quốc gia và Israel tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Israel trong một tuyên bố nói “Người Palestin tiếp tục khai thác Tòa án vì những mục đích chính trị, hơn là làm việc để tái tục tiến trình hòa bình với Israel.”

Tuyên bố nói tiếp “Thật là vô lý về những hành động của Palestin đối với Tòa án vào lúc người Palestin tiếp tục xúi dục những hành vi khủng bố.”

Các công tố viên Tòa án đã mở cuộc điều tra sơ khởi về những cáo buộc chống lại Israel khi Palestin gia nhập Tòa án đầu tiên vào năm 2015. “Referral” ngày 22/5 cho phép cuộc điều tra tiến hành sang giai đọan kế tiếp là điều tra đầy đủ không cần chờ một thẩm phán chấp thuận.

Ông Maliki nói yêu cầu của Palestin sẽ thúc đẩy các công tố viên mở cuộc điều tra về những tội ác bị cáo buộc bắt đầu từ năm 2014 và sau đó, kể cả cái chết trong tuần qua của nhiều người trong các cuộc biểu tình tại Gaza.

Tòa án Hình sự Quốc tế bắt đầu hoạt động vào tháng 7 năm 2002, là một tòa phúc thẩm và chỉ nhập cuộc khi một quốc gia không muốn và không thể điều tra những tội phạm trên lãnh thổ của họ.

https://www.voatiengviet.com/a/palestin-yeu-cau-toa-an-hinh-su-quoc-te-dieu-tra-israel/4405976.html

 

Báo chí đến Triều Tiên

chứng kiến địa điểm hạt nhân đóng cửa

Một nhóm nhỏ các nhà báo nước ngoài đến Triều Tiên hôm thứ Ba 22/5 để tường thuật về việc Bình Nhưỡng tháo gỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân trong tuần này, nhưng không có truyền thông Hàn quốc tham dự.

Bình Nhưỡng cho phép tiếp cận hạn chế địa điểm để quảng cáo cho lời hứa của nước này ngưng các cuộc thử nghiệm dưới lòng đất và phóng phi đạn đạn đạo. Triều Tiên đơn phương loan báo ngưng các vụ thử nghiệm trước cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump dự trù diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Tám nhà báo Hàn quốc bị loại không được tham dự vì Bình Nhưỡng đã ngưng các cuộc tiếp xúc cấp cao với Seoul để phản đối cuộc tập trận với quân đội Hoa Kỳ–một phản đối mà truyền thông Triều Tiên nhắc lại ngày thứ Ba 22/5, nói rằng không thể trộn lẫn việc vung kiếm với đối thoại.

Những thông điệp như vậy của Triều Tiên và tuyên bố của ông Trump nói ông sẵn sàng bỏ họp thượng đỉnh làm gia tăng những quan ngại vể sự thành công của họp thượng đỉnh và khiến cho tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in phải đến Washington để gặp Tổng thống Donald Trump.

Nhóm nhà báo đã thuê bao một chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng bao gồm các nhà báo Anh, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nhà báo gồm một toán truyền hình của AP, sẽ ngụ tại một khách sạn tại thành phố cảng trên bờ biển phía đông của Triều Tiên trước khi đi bằng xe lửa đến địa điểm thử nghiệm nằm ở vùng đông bắc Triều Tiên.

Lễ tháo gỡ được dự trù diễn ra trong những ngày tới tùy theo điều kiện thời tiết.

Quyết định của Triều Tiên đóng cửa địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri được xem như một cử chỉ thiện chí của ông Kim Jong Un trước cuộc họp thượng đỉnh với ông Trump.

Triều Tiên đã 6 lần thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất — trong đó có một vụ thử mạnh mẽ chưa từng có trước đây vào tháng 9 năm ngoái—và ông Kim nói với các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền vào tháng trước là những cuộc thử nghiệm thêm nữa không cần thiết.

Chi tiết về những gì thực sự xảy ra tại vị trí này rất hiếm, nhưng kế hoạch của Bình Nhưỡng chỉ cho các nhà báo thấy việc đóng cửa vị trí này, nhưng không cho các thanh sát viên hạt nhân quốc tế chứng kiến được xem như là một vấn đề đáng quan tâm.

Tuy nhiên quyết định của Triều Tiên không mời truyền thông Hàn quốc là một dấu hiệu bất đồng thêm nữa.

Các nhà báo Hàn quốc hy vọng tham dự chuyến đi này, nhưng bị bỏ lại Bắc Kinh sau khi Triều Tiên từ chối cấp visa cho họ. Chính phủ Hàn quốc bày tỏ thất vọng về quyết định của Triều Tiên nhưng nói vẫn còn hy vọng việc tháo gỡ vị trí này của Triều Tiên vẫn được tiến hành theo kế hoạch và chứng tỏ một bước thực sự tiến về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Việc loại bỏ các nhà báo Hàn quốc,trái với thái độ hòa hoãn giữa hai miền nam Bắc Triều Tiên kể từ khi Hàn quốc tổ chức Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2 năm nay, khoét sâu thêm sự đối đầu bắt đầu vào tuần qua khi Bình Nhưỡng có những dấu hiệu cho thấy sẽ hủy bỏ những cuộc thảo luận cấp cao với Seoul để đáp trả cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Hàn quốc.

Cùng với thái độ giận giữ vì cuộc tập trận, Bình Nhưỡng đã cảnh báo là ông Kim có thể “xét lại” cuộc họp thượng đỉnh với Hoa Kỳ vì những bình luận cứng rắn của ông John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump.

Ông Bolton cho rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa trước khi nhận được những quyền lợi tương hỗ từ Washington. Bình Nhưỡng cương quyết nói rằng điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa là Hoa Kỳ chấm dứt “chính sách thù nghịch” đối với Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-chi-den-trieu-tien-chung-kien-dia-diem-hat-nhan-dong-cua/4405586.html

 

Phe bảo thủ đòi bổ nhiệm thêm Công tố viên

điều tra về hành xử của FBI với Trump

Một nhóm các dân biểu bảo thủ trong Đảng Cộng hòa, trong đó một số đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump trong Quốc hội, hôm thứ Ba ngày 22/5 đã yêu cầu bổ nhiệm thêm một công tố viên đặc biệt nữa để tìm hiểu về cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về nghi án thông đồng của Ban vận động tranh cử của ông Donald Trump với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Ít nhất 18 dân biểu đã ủng hộ một nghị quyết kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra cái mà họ gọi là ‘hành xử không đúng’ của Bộ Tư pháp và FBI. Nữ phát ngôn nhân của Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận về vụ việc.

Trong nhiều tháng, các dân biểu bảo thủ đã chỉ trích Bộ Tư pháp, FBI và cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ nhưng tiếng nói của họ càng trở nên mạnh mẽ sau khi Tổng thống Donald Trump nói rằng FBI có thể đã cài cắm hoặc tuyển một tay trong trong ban vận động tranh cử của ông vì mục đích chính trị.

Moscow đã phủ nhận bất cứ sự can thiệp nào vào bầu cử Mỹ và ông Trump cũng phủ nhận có bất kỳ sự thông đồng giữa các quan chức Nga và ban vận động tranh cử của ông. Hôm 21/5, Bộ Tư pháp đã đồng ý điều tra ‘bất cứ bất thường nào’ trong chiến thuật của FBI có liên quan đến chiến dịch của ông Trump. Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Trump với Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và Giám đốc FBI Christopher Wray.

“Đã đến lúc phải minh bạch và đã đến lúc cho người dân Mỹ biết được sự thật,” dân biểu Mark Meadows của Đảng Cộng hòa, người đứng đầu nhóm dân biểu bảo thủ Freedom Caucus, phát biểu trong một cuộc họp báo loan báo về nghị quyết này.

Dân biểu Representative Lee Zeldin, người dẫn đầu cuộc vận động cho nghị quyết, nói rằng nghị quyết sẽ được đưa ra vào thứ Ba ngày 22/5.

Chưa có phản ứng tức thời từ các trợ lý lãnh đạo Hạ viện về việc nghị quyết này có được đưa ra bỏ phiếu hay không. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thuộc Đảng Cộng hòa, đã nhiều lần nói rằng ông tin Công tố viên đặc biệt Mueller nên được để cho tiếp tục công việc.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-b%E1%BA%A3o-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B2i-b%E1%BB%95-nhi%E1%BB%87m-th%C3%AAm-c%C3%B4ng-t%E1%BB%91-vi%C3%AAn-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%81-h%C3%A0nh-x%E1%BB%AD-c%E1%BB%A7a-fbi-v%E1%BB%9Bi-trump/4405567.html

 

Ngoại trưởng Pompeo nói

Triều Tiên sẽ được hưởng lợi do đầu tư Mỹ

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Triều Tiên có thể hưởng lợi do đầu tư và công nghệ của Mỹ nếu nước này phi hạt nhân hóa.

Ông Pompeo nói đây là những gì ông đề cập đến một cách tổng quát với ông Kim Jong Un khi hai ông gặp nhau hai lần kể từ tháng 4 năm nay.

Ông Pompeo nói nếu “chúng ta có được phi hạt nhân hóa đúng đắn, thì Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn có khả năng cung cấp cho họ nhiều việc giúp cho đời sống người dân Triều Tiên tốt đẹp hơn.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao giữa những nghi ngờ là liệu cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều có tiến hành như dự trù vào ngày 12/6 hay không. Triều Tiên đã cáo buộc Hoa Kỳ là chỉ “đòi hỏi một chiều” là Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Hoa Kỳ vẫn tiếp tục làm việc tiến tới cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với Triều Tiên vào ngày 12/6.

Ông Pompeo phát biểu ngày 22/5 sau khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Hàn quốc và nói với các phóng viên là cuộc họp trực diện với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore có thể được hoãn lại.

Ông Pompeo nói Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc tiếp tục đảm bảo là “hoàn toàn chuẩn bị” cho cuộc họp thượng đỉnh với cùng mục đích: hoàn tất việc hạt nhân hóa Triều Tiên và tạo ra những điều kiện để nước này không còn là mối đe dọa của thế giới.

Ông từ chối tiên đoán là cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim có diễn ra hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-pompeo-n%C3%B3i-trieu-tien-se-duoc-huong-loi-do-dau-tu-my/4405561.html

 

Trump hối TQ siết chặt an ninh biên giới

với Bắc Hàn trước thượng đỉnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/5 hối thúc giục Trung Quốc duy trì an ninh ở biên giới với Bắc Hàn, đồng thời gây sức ép với Bắc Kinh trước cuộc gặp mặt được mong đợi giữa ông với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng sau nhằm thảo luận tiến trình phi hạt nhân hóa.

Hãng tin Reuters dẫn trang Twitter của Tổng thống Trump viết: “Trung Quốc phải tiếp tục mạnh mẽ siết chặt an ninh ở biên giới với Bắc Hàn cho tới khi đạt được một thỏa thuận. Gần đây tình hình biên giới đã trở nên lỏng lẻo hơn và số người tràn qua biên giới đã gia tăng. Tôi muốn điều này (cuộc họp) xảy ra và muốn Bắc Hàn trở nên rất thành công, nhưng chỉ sau khi đã ký (hiệp định)!”

Ông Trump không đề cập chi tiết về tầm quan trọng của vấn đề biên giới Trung-Hàn trong bất kỳ thỏa thuận nào đạt được về vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Trump từng nói cuộc gặp với ông Kim sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore nhưng hôm 22/5 lại cho biết thượng đỉnh có thể bị trì hoãn.

Trung Quốc là bạn hàng quan trọng nhất của Triều Tiên. Từ trước tới giờ Bắc Kinh vẫn khẳng định họ đã thi hành đầy đủ các biện pháp chế tài mà Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với Bắc Hàn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố Trung Quốc luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế nhưng ông Lục Khảng nói thêm rằng vì là nước láng giềng thân thiện của nhau, hai nước vẫn có “những quan hệ thương mại bình thường”.

Reuters dẫn lời ông Lục Khảng nói với các nhà báo: “Hoàn toàn không có một sự mâu thuẫn nào giữa 2 điều này.”

Tuần trước, Bắc Hàn dọa sẽ hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump nếu Washington tiếp tục gây sức ép buộc Bắc Hàn phi hạt nhân hóa một cách đơn phương.

Đáp lại, ông Trump nói theo chỗ ông biết thì cuộc gặp thượng đỉnh vẫn được xúc tiến theo như kế hoạch, nhưng ông Trump tìm cách xoa dịu căng thẳng bằng cách khẳng định lãnh tụ Bắc Hàn sẽ được bảo vệ trong bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.

Tuần trước, ông Trump nói với các nhà báo tại Nhà Trắng rằng ông Kim có thể đã bị Trung Quốc ảnh hưởng sau khi đến thăm nước này hai lần hồi gần đây.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-hoi-tq-siet-chat-an-ninh-bien-gioi-voi-bac-han-truoc-thuong-dinh/4405179.html

 

Nam, Bắc Triều Tiên gặp nhau sau ngày 25/5

Các cuộc thảo luận cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ được tái tục sau ngày 25/5, một khi cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ-Hàn Quốc kết thúc, một phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc ngày 22/5 loan báo.

Ông Yoon Young-chan, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc nói với các phóng viên tại Washington tiếp sau cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tuần trước, Triều Tiên hủy bỏ vào giờ chót một cuộc họp với các giới chức cao cấp Hàn Quốc để phản đối cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington và cũng dọa hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có trước đây giữa ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.

https://www.voatiengviet.com/a/nam-bac-trieu-tien-gap-nhau-sau-ngay-25-thang-5/4405529.html

 

Venezuela trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 22/5 đã ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Caracas để trả đũa các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt xung quanh cuộc bầu cử bị lên án rộng rãi của nước này với cáo buộc ‘có âm mưu quân sự’.

Trong khi đó, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và hầu hết các quốc gia Mỹ Latin đều cho rằng cuộc bầu cử hôm 20/5 không đáp ứng các chuẩn mực dân chủ.

Ông Maduro, 55 tuổi và là người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez, đã dễ dàng tái đắc cử nhưng những người chỉ trích cho rằng cuộc bầu cử có nhiều bất thường, từ việc ngăn cản hai nhân vật đối lập được lòng dân cho đến mua chuộc cử tri.

Cáo buộc tham tán Todd Robinson có liên quan đến ‘một âm mưu quân sự’, ông Maduro đã ra lệnh cho ông này và một nhà ngoại giao cao cấp khác, ông Brian Naranjo, phải rời Venezuela trong vòng 48 giờ.

Ông Maduro không nói rõ thêm về cáo buộc nhưng cho rằng phía Mỹ đã can thiệp vào các vấn đề quân sự, kinh tế và chính trị và cam kết sẽ sớm đưa ra bằng chứng.

“Cho dù là với âm mưu hay cấm vận thì các người cũng không kéo Venezuela đi lùi được,” ông Maduro nói trong một sinh hoạt tại trụ sở của ủy ban bầu cử ở trung tâm thủ đô Caracas.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của ông Maduro cho rằng các nhà ngoại giao này có liên quan đến bất kỳ âm mưu gì, nữ phát ngôn nhân Heather Nauert nói trong một cuộc họp báo ở Washington.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba ngày 22/5, Bộ trưởng Thương mại Jose Vielma cho biết những biện pháp cấm vận mới nhất sẽ có tác động ‘nghiêm trọng hơn’ đối với hệ thống tài chính của quốc gia này.

Các lệnh trừng phạt trước đây chỉ hạn chế ở các tài sản có liên quan đến các thành viên trong chính quyền của ông Maduro.

Sắc lệnh hành pháp mới nhất của Mỹ ngăn cấm công dân Mỹ không được mua dầu dù đã có đơn đặt hàng và các tài sản khác ở Venezuela mặc dù ông Vielma nói rằng việc giao nhiên liệu và dầu thô đến Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn.

“Cuộc tấn công này đối với Venezuela, vốn tìm cách bóp nghẹt đất nước này, là chưa từng thấy,” ông Vielma nói và cho biết thêm Venezuela sẽ tiếp tục thu các khoản nợ đối với họ.

Liên minh đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử hôm Chủ nhật và cho rằng đó là cuộc bầu cử giả hiệu có mục đích hợp pháp hóa quyền lực của ông Maduro.

Người đứng đầu hội đồng bầu cử Venezuela Tibisay Lucena, vốn có tên trong danh sách các cá nhân bị Mỹ và Liên minh Châu Âu trừng phạt, đã xác nhận chiến thắng của ông Maduro.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng tìm cách thuyết phục Nga và Trung Quốc ngừng cấp cho Venezuela các khoản tín dụng mới, các quan chức Mỹ nói với các phóng viên hôm 21/5. Hai nước này đã cung cấp hàng tỷ đô la cho Venezuela trong những năm gần đây.

Nhưng nhiều khả năng là Bắc Kinh và Moscow sẽ không để ý đến lời kêu gọi của Mỹ. Bắc Kinh hôm 22/5 đã nói rằng Mỹ và Venezuela nên giải quyết khác biệt thông qua đối thoại trong khi Moscow cho biết họ sẽ không tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-hai-nh%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao-m%E1%BB%B9/4405966.html

 

Ý : Kế hoạch lập chính phủ dân túy bị cản trở

Tú Anh

Hai tháng rưỡi sau bầu cử với hai đảng dân túy về đầu, nước Ý vẫn chưa có chính phủ. Tổng thống Ý Sergio Matterella chần chừ mãi chưa muốn vội bổ nhiệm Giuseppe Conte, 54 tuổi, theo đề nghị của Phong trào 5 sao và Liên đoàn cực hữu vào ghế thủ tướng. Lý lịch học vấn và sự thiếu kinh nghiệm chính trị của luật gia không có tiếng tăm này là hai cản lực chính .

Trước thái độ chần chờ của tổng thống Ý, hai đảng dân túy tăng sức ép, dọa sẽ yêu cầu bầu lại Quốc Hội. Tuy nhiên, theo AFP, tổng thống Sergio Matterella kéo dài thời gian chờ đợi sớm nhất là cho đến ngày mai 24/05. Lẽ ra tên tuổi thủ tướng mới phải được loan báo vào hôm nay nhưng tổng thống quyết định triệu Giuseppe Conte lúc 15 giờ 30.

Theo báo chí Ý và quốc tế, luật gia Giuseppe Conte có vấn đề lý lịch học vấn. Tự cho là có công trình nghiên cứu và học hỏi tại các đại học nổi tiếng thế giới như Yale, New York, Sorbonne, Cambridge nhưng đại học New York không tìm thấy dấu của Giuseppe Conte đâu cả, trừ giấy phép vào thư viện. Các đại học khác viện lý do phải giữ kín thông tin riêng tư nên không trả lời câu hỏi kiểm chứng của báo chí.

Trở ngại thứ hai là tổng thống Ý muốn bổ nhiệm một thủ tướng có thực quyền điều hành việc nước, thi hành chính sách đúng theo quy định của Hiến Pháp, thực thi những cam kết với Liên Hiệp Châu Âu và quốc tế.

Tổng thống Ý nghi ngờ Giuseppe Conte, do thiếu kinh nghiệm chính trị và không đủ cá tính, chỉ là quân cờ của hai đảng dân túy với chủ trương đi ngược lại chính sách chung của Liên Hiệp Châu Âu từ ngân sách cho đến di dân nhập cư.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180523-y-ke-hoach-lap-chinh-phu-dan-tuy-bi-can-tro

 

Hạt nhân Iran :

Ngoại trưởng Pháp cảnh báo nguy cơ chiến tranh

Tú Anh

Chính sách cứng rắn của Mỹ áp đặt nhiều điều kiện với Iran có thể làm suy yếu phe ôn hoà trong chế độ Hồi giáo với hệ quả là tăng nguy cơ xung đột tại Trung Đông. Trên đây là lời cảnh báo của ngoại trưởng Pháp Jean- Yves Le Drian, một trong sáu bên ký kết hiệp định hạt nhân 2015 với Iran.

Phát biểu trong một chương trình phỏng vấn của đài France Inter sáng ngày 23/05/2018, ngoại trưởng Pháp Jean- Yves Le Drian chỉ trích Washington đã chọn phương án trừng phạt thay vì đối thoại với Teheran. Thái độ này « sẽ làm tăng thế lực của thành phần bảo thủ và làm suy yếu phe ôn hoà muốn đàm phán với Tây phương ».

Cách nay một hôm, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo một loạt điều kiện buộc Iran phải tuân thủ để đàm phán lại một hiệp định hạt nhân. Nếu không Iran sẽ bị trừng phạt nặng nề « chưa từng thấy ». Một số điều kiện còn vượt ra ngoài khuôn khổ hồ sơ hạt nhân như là «chấm dứt ủng hộ chính quyền Syria và Hezbollah-Liban ».

Theo ngoại trưởng Pháp, tổng thống Iran Hassan Rohani có chủ trương thương lượng với Tây phương để đưa đất nước ra khỏi tình trạng cấm vận và cô lập hầu vực dậy nền kinh tế.

Nếu Hoa kỳ bóp chết hy vọng này thì theo ngoại trưởng Pháp, với lò lửa Syria và khủng hoảng Iran hợp lại thì Trung Đông khó tránh được « nguy cơ bùng nổ ».

Còn theo AFP, tại Washington có nhiều tin đồn cho rằng Hoa Kỳ có ý định làm thay đổi thể chế tại Teheran, sau khi nhiều nhân vật quan trọng kể cả người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ gợi ý « nhân dân Iran có quyền chọn lựa lãnh đạo tốt theo ý nguyện ». Giới phân tích cho rằng, chiến lược của chính quyền Trump là đẩy chế độ giáo quyền của Iran vào thế phải sụp đổ.

http://vi.rfi.fr/phap/20180523-hat-nhan-iran-ngoai-truong-phap-canh-bao-nguy-co-chien-tranh

 

Vatican bổ nhiệm

tân đại diện không thường trú tại Việt Nam

Thanh Phương

Ngày 21/05/2018, Toà thánh Vatican thông báo giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm tổng giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, làm Sứ thần Toà thánh tại Singapore kiêm đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam.

Sinh ngày 2-02-1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan, tổng giám mục Marek Zalewski hiện đang là sứ thần Toà thánh tại Zimbabwe.

Trong chức vụ đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam, tổng giám mục Zalewski sẽ tiếp nối công việc của tổng giám mục Leopoldo Girelli, người Ý, đã được giáo hoàng Benedicto bổ nhiệm làm đại diện Toà thánh tại Việt Nam từ ngày 13/01/2011. Tổng giám mục Girelli đã mãn nhiệm từ ngày 13/09/2017 để nhận sứ vụ mới, nhưng chức vụ đại diện Toà thánh tại Việt Nam vẫn để trống từ đó đến nay.

Trong bản thông cáo đề ngày 21/05/2018, chủ tịch Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam Giuse Nguyễn Chí Linh, tổng giám mục Huế, đã bày tỏ hy vọng rằng nhiệm kỳ của tân đại diện Tòa thánh Zalewski sẽ « cải thiện hơn nữa mối quan hệ giữa Tòa thánh Vatican và Nhà nước Việt Nam ». Đức cha Nguyễn Chí Linh cho biết sẽ mời tân đại diện Tòa thánh sớm sang thăm Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho tổng giám mục Zalewski trong sứ vụ mới tại Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180523-vatican-bo-nhiem-tan-dai-dien-khong-thuong-tru-tai-viet-nam

 

Hủy bãi thử hạt nhân :

Nhân nhượng « rẻ » nhất của Bắc Triều Tiên

Thanh Phương

Với việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri dưới sự chứng kiến của phóng viên ngoại quốc, Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ thực tâm giải trừ vũ khí nguyên tử. Nhưng thật ra đây là một cử chỉ nhân nhượng ít « hao tốn » hơn cả và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Punggye-ri đã cho thấy những tiến bộ nhanh chóng của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011. Ông đã đích thân giám sát 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân. Cuộc thử nghiệm cuối cùng vào ngày 03/09/2017 có cường độ lên tới 250 kilotonne, tức là mạnh hơn gấp 16 lần cường độ của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945.

Nhưng do nằm gần biên giới Trung Quốc, nên bãi thử Punggye-ri ngày càng gây lo ngại cho Bắc Kinh. Vụ thử lần thứ sáu đã gây ra một trận động đất làm rung chuyển cả khu vực bên kia biên giới, khiến nhiều người dân Trung Quốc ở đó hoảng sợ.

Bên cạnh đó là mối quan ngại về ô nhiễm phóng xạ đối với toàn khu vực biên giới, theo cảnh báo của các nhà khoa học Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho thấy là vụ thử hạt nhân cuối cùng dường như đã làm sập các đường hầm của bãi thử.

Theo hãng tin AFP, một số người bi quan thì cho rằng Punggye-ri không còn sử dụng được nữa, cho nên việc phá hủy bãi thử hạt nhân này chỉ là một sự nhân nhượng « bề ngoài ». Những người khác thì thẩm định rằng Bình Nhưỡng nay đã nắm được những kiến thức và công nghệ cần thiết sau khi tiến hành các vụ thử hạt nhân tại đây. Chuyên gia Go Myong Huyn, Viện Nghiên cứu Chính trị Asan, giải thích : « Họ đã thu thập các dữ liệu cần thiết trong sáu vụ thử hạt nhân. Trừ phi họ tiêu hủy luôn cả các dữ liệu đó, ta có thể nghi ngờ về tầm quan trọng của việc phá hủy một bãi thử hạt nhân nay đã quá hạn ».

Nhưng đối với chuyên gia Jeffrey Lewis, Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury, không có yếu tố nào cho phép khẳng định là Punggye-ri không còn sử dụng được nữa. Theo ông, việc phá hủy Punggye-ri không phải là nhằm dẹp bỏ một bãi thử đã hư hại.

Các nhà phân tích của trang web « 38 North », được hãng tin Bloomberg trích dẫn,cũng cho rằng trong 3 đường hầm của Punggye-ri, chỉ có đường hầm ở phía bắc là hư hại nặng, còn đường hầm phía nam và phía tây vẫn còn chịu được các vụ nổ. Như vậy, họ xác nhận khẳng định của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un rằng hai đường hầm của bãi thử này vẫn còn tốt.

Cho dù tình trạng của Punggye-ri hiện nay là như thế nào, việc phá hủy bãi thử hạt nhân không phải là không thể đảo ngược được. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên hoàn toàn có thể xây dựng lại những phần bị phá hủy, giống như họ đã làm với cơ sở hạt nhân Yongbyon. Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng, cách đây một thập niên, khi đàm phán với Mỹ, lãnh đạo Bắc Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il đã cho phá sập tháp làm nguội của Yongbyon. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, Bình Nhưỡng đã lắp ráp lại toàn bộ lò phản ứng nhằm sản xuất chất plutonium dùng để chế tạo vũ khí. Cho nên, nhiều chuyên gia về giải trừ vũ khí nay tỏ vẻ rất thận trọng về việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Đó là chưa kể Bắc Triều Tiên dường như còn có nhiều hệ thống ngầm khác có thể dùng làm bãi thử hạt nhân. Mà Bình Nhưỡng đâu cần phải thử trong đường hầm mới. Tháng 9 năm ngoái, chính Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã nêu khả năng là nước này có thể cho nổ thử một quả bom nhiệt hạch bên trên Thái Bình Dương !

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180523-pha-huy-bai-thu-hat-nhan-nhan-nhuong-%C2%AB-re-%C2%BB-nhat-cua-bac-trieu-tien

 

Các nghị sĩ châu Âu thất vọng

về cuộc điều trần của ông chủ Facebook

Thụy My

Mark Zuckerberg, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Facebook trong cuộc điều trần trước Nghị Viện Châu Âu tối qua 22/05/2018 đã đưa ra những lời xin lỗi, nhưng không có được câu trả lời thỏa đáng cho những ưu tư được các nghị sĩ châu Âu nêu ra. Dưới áp lực dư luận, cuộc điều trần rốt cuộc đã được tường thuật trực tuyến.

Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Joana Hostein tường trình :

Các nghị sĩ châu Âu tỏ ra thất vọng sau cuộc trao đổi với ông chủ Facebook. Đã hẳn là họ nhận được lời xin lỗi, cũng tương tự như những lời Mark Zuckerberg đã nói trong cuộc điều trần vào tháng trước tại Quốc Hội Mỹ, vì Facebook đã thiếu thận trọng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng mạng xã hội.

Nhưng về chiều sâu, trước những câu hỏi đặt ra về sự can thiệp của nước ngoài trong các cuộc bầu cử, về các tin giả lan truyền trên Facebook, những người đứng đầu các nhóm chính trị vẫn chưa thỏa mãn.

Chẳng hạn chủ tịch nhóm tự do, nghị sĩ Bỉ Guy Verhofstadt nhận định : « Thể thức điều trần không phù hợp : một loạt các thắc mắc đặt ra trong vòng 40 phút đã giúp cho chủ tịch Facebook tránh được việc phải trả lời từng câu hỏi một của các nghị sĩ ».

Tổng thống Pháp tiếp các lãnh đạo high-tech thế giới

Hôm nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp khoảng sáu chục nhà lãnh đạo thế giới trong lãnh vực công nghệ cao tại điện Elysée, nhằm thuyết phục họ tham gia các chương trình vì lợi ích chung (như giáo dục, việc làm, y tế…), trong cuộc họp cấp cao mang tên « Tech for Good ».

Trong số khách mời có ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, lãnh đạo tập đoàn Microsoft, IBM, Uber, Wikimedia…. Bên cạnh đó là chủ tịch các tập đoàn lớn của Pháp (SNCF, BNP Parisbas, Thales, Free, Orange…), các nhà trí thức. Ngày mai, đa số các vị khách mời sẽ tham dự hội chợ VivaTech ở Paris, với hàng ngàn start-up và gần 80.000 khách tham quan.

Tổng thống Macron vốn muốn biến nước Pháp thành một « quốc gia cho những người khởi nghiệp », tìm kiếm đối thoại thẳng thắn, trực tiếp với các chủ tập đoàn lớn. Được coi là người thân thiện với giới kinh doanh với các quyết định giảm thuế, nhưng ông Emmanuel Macron cũng là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất ở Bruxelles, đòi hỏi đánh thuế cao hơn đối với các tập đoàn internet, vốn đóng thuế rất ít cho Pháp.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180523-cac-nghi-si-chau-au-that-vong-ve-cuoc-dieu-tran-cua-ong-chu-facebook-ok