Tin khắp nơi – 23/03/2020
Mỹ ra lệnh buộc
gần một phần ba dân phải ‘ở trong nhà’
Gần một phần ba người Mỹ hôm 22/2 đã tuân theo lệnh “ở trong nhà” để làm chậm sự lây lan của đại dịch do virus corona gây ra, sau khi bang Ohio, Louisiana và Delaware trở thành các bang mới nhất, cùng với thành phố Philadelphia, ban hành các hạn chế lớn hơn, theo Reuters.
Trước đó, các bang New York, California, Illinois, Connecticut và New Jersey, với tổng cộng 101 triệu dân, cũng đã ban hành lệnh trên, sau khi các ca nhiễm trên toàn nước Mỹ lên đến 32.000 người, với hơn 415 người chết, theo thống kê của Reuters.
Tại Thượng viện Hoa Kỳ, sự bất đồng lưỡng đảng đã ngăn một dự luật lớn trong việc ứng phó với virus corona không thể tiến triển. Đảng Dân chủ nói rằng biện pháp của đảng Cộng hòa tập trung quá nhiều
vào việc giúp đỡ các tập đoàn. Tuy nhiên, lãnh đạo Thượng viện thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer nói ông tin rằng bất đồng có thể được khắc phục trong vòng 24 giờ tới.
Bang Ohio đã có 351 ca nhiễm bệnh và 3 trường hợp tử vong.
Bang Louisiana có 837 ca nhiễm và 20 trường hợp tử vong, trong đó nhiều trường hợp tử vong là thuộc một cơ sở dưỡng lão.
Louisiana có số ca nhiễm bệnh cao thứ ba nước Mỹ tính theo đầu người. Trong tuần qua, bang này đã có số ca nhiễm tăng lên gấp 10 lần trong tuần qua, Reuters dẫn lời Thống đốc John Bel Edwards cho biết.
Lệnh của bang Ohio sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 23/3 đến ngày 6/4, bang Louisiana có hiệu lực vào lúc 5 giờ chiều 23/3 và kéo dài đến hết ngày 12/4, bang Delaware bắt đầu lúc 8 giờ sáng 24/3.
Tại quận hạt Dallas, bang Texas, nơi có hơn 2,5 triệu dân, và tại Philadelphia, với 1,6 triệu dân, hôm 22/3 đã yêu cầu các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa và người dân ở trong nhà.
Tại Kentucky, các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa trước 8 giờ tối 23/3 nhưng nhà chức trách đã dừng việc yêu cầu cư dân ở trong nhà.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Kentucky hôm 22/3 trở thành thành viên đầu tiên của Thượng viện thử nghiệm dương tính với virus corona. Trước đó, có ít nhất 2 thành viên của Hạ viện cho biết họ đã thử nghiệm và có kết quả dương tính.
Trên toàn cầu, hàng tỷ người đang thích nghi với một thực tế mới, với các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha và Pháp phong tỏa, và một số quốc gia Nam Mỹ cũng thực hiện các biện pháp tương tự nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cả thế giới đã có hơn 325.000 người nhiễm bệnh và hơn 14.000 trường hợp tử vong.
Thị trưởng thành phố New York, tâm dịch của nước Mỹ, hôm 22/3 mô tả dịch bệnh là “cuộc khủng hoảng nội địa lớn nhất” kể từ thời kỳ Đại suy thoái, và kêu gọi quân đội Hoa Kỳ huy động để giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe không bị quá tải.
“Nếu chúng tôi không có thêm máy thở trong 10 ngày tới, những người lẽ ra không chết sẽ chết”, Reuters dẫn lời Thị trưởng Bill de Blasio nói, khi thành phố đông dân nhất nước Mỹ đang có số ca nhiễm COVID-19 đứng đầu với hơn 9.600 người và 63 trường hợp tử vong.
Thống đốc New York Andrew Cuomo kêu gọi chính phủ liên bang nên tiếp quản việc phân phối vật tư y tế để các bang không phải cạnh tranh nhau vì khan hiếm nguồn lực thiết yếu.
Ông Cuomo cho rằng việc trợ giúp không tới đủ nhanh.
“Thời gian rất quan trọng, tính từng phút một, và đây là vấn đề của sự sống và cái chết”, ông nói.
“Ngoài ra cũng sẽ không có hỗn loạn, không mất trật tự. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Có khác đi. Nhưng cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn”.
Ông Cuomo đã ra hạn cho các giới chức thành phố New York 24 giờ để đưa ra kế hoạch đối phó với việc cư dân vẫn tụ tập tại các công viên và những nơi khác, không tuân thủ việc cách ly xã hội.
Khủng hoảng y tế
Thị trưởng de Blasio cho biết thành phố New York không nhận được nguồn cung cấp y tế cần thiết từ chính phủ liên bang để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh gây chết người này.
Hiện các bệnh viện đang tranh giành thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và máy thở, trong bối cảnh chuẩn bị cho một làn sóng bệnh nhân cần máy trợ thở vì những trường hợp nặng thường dẫn đến viêm phổi và suy phổi.
Trong tuần qua, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã nỗ lực thúc đẩy các bước tích cực để ngăn chặn tác động kinh tế, sau khi ông Trump đã mất vài tuần trong việc hạ giảm các rủi ro về virus.
Hôm 22/3, ông Trump cho biết sẽ điều Vệ binh Quốc gia đến giúp New York, California và bang Washington ứng phó với cuộc khủng hoảng virus coronas.
Ông cho biết tàu bệnh viện Mỹ Mercy sẽ đến Los Angeles trong vòng một tuần và lần đầu tiên cung cấp chi tiết số lượng vật tư y tế được gửi đến các tâm dịch.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết đã có 254.000 người Mỹ đã được xét nghiệm virus corona, và 10% trong số này có kết quả dương tính.
Khủng hoảng lớn nhất kể từ Đại suy thoái
Số ca nhiễm dịch bệnh tại Hoa Kỳ và Tây Ban Nha hiện chỉ đứng sau Trung Quốc và Ý.
Trong tuần qua, Ý đã báo cáo số người tử vong vì virus corona hàng ngày cao mức kỷ lục.
“Đây sẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất ở trong nước kể từ Đại suy thoái”, Reuters dẫn lại lời ông de Blasio nói với CNN, đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1930. “Đây là lý do tại sao chúng ta cần huy động toàn bộ quân đội Mỹ”.
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cũng than phiền về việc thiếu thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế. Ông cho biết ngày nhận hàng tại đây là tận tháng Bảy.
“Không được. Chúng tôi cần nhận hàng ngay ngày mai”, ông Abbott nói trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi đã có sẵn tiền ngày hôm nay cho bất cứ ai có thể bán đồ bảo hộ cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả tiền ngay tại chỗ”.
Mỹ xem xét hạn chế
kê toa thuốc có tiềm năng điều trị virus corona
Có ít nhất bốn hội đồng dược phẩm ở các bang đã thực hiện biện pháp hạn chế kê toa thuốc có tiềm năng điều trị virus corona mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ca ngợi, khi nhu cầu về các loại thuốc này tăng đột biến do sự bùng phát nhanh chóng của dịch Covid-19, theo Reuters.
Hội đồng dược phẩm bang Texas, Ohio, Idaho và Nevada trong những ngày gần đây đã hạn chế những người được bác sĩ kê toa thuốc điều trị sốt rét chloroquine hay hydroxychloroquine, và hạn chế liều lượng kê đơn, Reuters dẫn tài liệu được đệ trình tại các bang cho biết. Texas cũng đã hạn chế kê toa thuốc kháng sinh azithromycin cũng như một loại thuốc chống sốt rét khác là mefloquine.
Hiện tại không có phương pháp điều trị nào được phê duyệt hoặc vắc-xin phòng ngừa đối với COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu các phương pháp điều trị hiện có và thực hiện các thử nghiệm. Hiện tại, hầu hết bệnh nhân chỉ được chăm sóc hỗ trợ như hỗ trợ hô hấp.
Đưa ra một danh mục các loại thuốc đang thiếu, Hiệp hội Dược sĩ của Hệ thống Y tế Hoa Kỳ (ASHP) cho biết thuốc hydroxychloroquine đã cạn vào ngày 19/3. Cơ quan này cũng liệt kê 4 trong số 8 nhà sản xuất loại thuốc này đang bị thiếu hụt.
Bốn hội đồng dược phẩm đã thông qua các quy tắc hướng dẫn, giới hạn hầu hết các toa thuốc trên trong 14 ngày.
Quy định của Nevada và Ohio nói rằng các loại thuốc này chỉ có thể được sử dụng để điều trị, chứ không phải để phòng ngừa COVID-19.
Texas và Idaho nói rằng các toa thuốc cần phải qua chẩn đoán, “phù hợp với bằng chứng cho việc sử dụng”.
Chủng virus corona mới xuất hiện vào tháng 12 ở Trung Quốc đã lan rộng ra hơn 170 quốc gia và tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump đã kêu gọi các cơ quan quản lý y tế của Mỹ đẩy nhanh các liệu pháp tiềm năng nhằm điều trị COVID-19.
Hôm 21/3, ông Trump viết trên trang Twitter về sự kết hợp của hydroxychloroquine và azithromycin, nói rằng có “cơ hội thực sự lớn nhất làm thay đổi tình hình trong lịch sử y khoa”.
Sau đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã bác bỏ tuyên bố trên, nói rằng liệu pháp này phải được thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của nó.
Các dược sĩ hôm 21/3 cho biết nhiều nhà phân phối thuốc đã hết thuốc azithromycin và những nơi khác đang hạn chế bán kháng sinh.
Ngoài điều trị sốt rét, hydroxychloroquine còn được sử dụng để điều trị lupus ban đỏ và phong thấp. Các bác sĩ và dược sĩ cho biết việc tích trữ loại thuốc này cho virus corona có thể làm tổn thương những bệnh nhân của các bệnh trên.
Các dược sĩ cho biết họ đã thấy các bác sĩ kê toa thuốc cho chính mình hoặc gia đình, theo ông Erin Fox, Giám đốc thông tin dược phẩm tại Đại học Y Utah, nơi có 12 nhà thuốc bán lẻ, cho biết.
Virus corona: New York cảnh báo
sẽ thiếu hụt y tế nghiêm trọng trong vòng 10 ngày
Thị trưởng thành phố cho biết, sự bùng phát virus corona ở New York sẽ trở nên trầm trọng hơn với thiệt hại leo thang do thiếu nguồn cung cấp y tế quan trọng.
“Chúng tôi còn khoảng 10 ngày nữa là sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt trên diện rộng”, ông Bill de Blasio nói hôm Chủ nhật. “Nếu chúng tôi không có thêm máy thở, người dân sẽ chết.”
Tiểu bang New York đã trở thành tâm chấn của sự bùng phát dịch ở Mỹ, chiếm gần một nửa các trường hợp dương tính với virus tại đất nước này.
Hiện có 33.546 ca nhiễm được xác nhận trên toàn nước Mỹ với 419 tử vong.
Virus corona: Mạng xã hội tranh cãi về ‘Việt Kiều’ và ‘nước nào giỏi hơn’
Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?
Vì sao một thôn ở Hồ Bắc không ai nhiễm virus corona?
Vào Chủ nhật, Thống đốc tiểu bang Andrew Cuomo cho biết 15.168 người đã dân nghiệm dương tính với virus này, tăng hơn 4.000 so với ngày hôm trước.
“Tất cả người dân Mỹ xứng đáng được biết sự thật trần trụi”, ông de Blasio nói với NBC News. “Điều này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, và thực tế, tháng Tư và tháng Năm tình hình sẽ trầm trọng hơn rất nhiều.”
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố thảm họa lớn ở tiểu bang, cho phép tiểu bang này tiếp cận viện trợ hàng tỷ đôla từ liên bang.
Tuy nhiên, ông de Blasio đã tiếp tục chỉ trích chính quyền về những phản ứng ông cho là không thỏa đáng.
“Tôi không đủ thẳng thắn: nếu tổng thống không hành động, những người lẽ ra có thể được cứu sống sẽ chết”, ông nói.
“Đây sẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất, ở trong nước, kể từ cuộc Đại suy thoái”, ông nói thêm, đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế trong những thập niên 1930.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào Chủ nhật, ông Trump cho biết ông cũng đã tuyên bố thảm họa lớn cho tiểu bang Washington và sẽ phê chuẩn một biện pháp tương tự cho California.
“Đây là giai đoạn đầy thách thức cho tất cả người dân Mỹ. Chúng ta đang hứng chịu thảm hoạ quốc gia to lớn,” ông nói.
Tổng thống Trump cũng cho biết một số nguồn cung cấp vật tư y tế đã được gửi đến các nơi trên toàn quốc, cũng như các trạm y tế khẩn cấp dành cho các bang bị thiệt hại nặng nhất như New York, Washington và California.
Các bác sĩ New York đã phản ánh tình trạng cạn kiện nguồn cung cấp y tế và thiếu hụt thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế trên tuyến đầu của vụ dịch.
Cảnh báo về sự khan hiếm vật tư y tế đã nổ ra ở khắp nước Mỹ khi thống đốc các tiểu bang khác đã khẩn thiết kêu gọi chính phủ liên bang viện trợ thêm nguồn cung.
Tại California, các nhà chức trách đã chỉ đạo các bệnh viện hạn chế xét nghiệm virus corona. Trong khi đó, một bệnh viện ở bang Washington – từng là tâm dịch ở Mỹ – cho biết họ có thể hết máy thở vào tháng Tư.
Và vào Chủ nhật, Thống đốc bang Illinois JB Pritzker cho biết các tiểu bang đang “cạnh tranh nhau” để nhận được những thiết bị này.
“Chúng tôi cần hàng triệu khẩu trang, hàng trăm đồ bảo hộ và găng tay,” ông nói. “Chúng tôi chỉ nhận được một số ít. Vì vậy, chúng tôi đã bị hất ra ngoài cuộc đua giành những mặt hàng mà chúng tôi đang rất cần.”
Một Dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá gần 2 nghìn tỷ đôla nhằm giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch đã không được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua vào hôm Chủ nhật.
Với 47 phiếu thuận, dự luật trên đã không nhận được tối thiểu 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện 100 ghế.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng dự luật cứu trợ khẩn cấp của đảng Cộng hòa có “rất nhiều vấn đề”. Đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hòa muốn bảo lãnh cho các doanh nghiệp lớn.
Các cuộc thảo luận giữa Đảng Dân chủ và Nhà Trắng vẫn đang tiếp tục.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52000731
Nhà bán lẻ Target xin lỗi vì bán khẩu trang
trong bối cảnh khan hiếm hàng hóa
Tin từ Seattle, Washington – Vào hôm thứ Bảy (21 tháng 3), công ty Target xin lỗi vì bán khẩu trang tại các cửa hàng ở Seattle trong khi các bệnh viện đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng trong đợt bùng phát coronavirus. Ông Jay Inslee, thống đốc tiểu bang Washington cho biết văn phòng của ông đã can thiệp khi nhận được thông báo vào hôm thứ Bảy rằng khẩu trang N95 được bày bán trên các kệ hàng Target.
Ông Inslee đăng tweet nói rằng những chiếc khẩu trang này đang được chuyển đến những nhân viên chăm sóc sức khỏe, những người đang rất cần đến chúng. Theo tuyên bố trên Twitter, Target cho biết những chiếc khẩu trang này được bán vì họ gặp lỗi trong khâu lựa chọn tại các cửa hàng của Seattle, và họ đã loại bỏ chúng ra khỏi kệ và quyên tặng cho Bộ Y tế Washington. Target cho biết họ cũng sẽ kiểm tra hàng tồn kho nhằm tìm thêm khẩu trang để quyên tặng. Công ty Target khẳng định cam kết của họ đối với cộng đồng là không lay chuyển và họ chân thành xin lỗi. Hiện nay, các bệnh viện đang thiếu hụt khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân nghiêm trọng đến mức phải giới hạn mức sử dụng, đôi khi chỉ cho các bác sĩ hoặc y tá sử dụng một cái mỗi ca và buộc họ phải ưu tiên nhường cho các bệnh nhân.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nha-ban-le-target-xin-loi-vi-ban-khau-trang-trong-boi-canh-khan-hiem-hang-hoa/
Costco bắt đầu chương trình giờ mua sắm đặc biệt
dành cho thành viên trên 60 tuổi
Costco, cùng các siêu thị lớn khác tại Hoa Kỳ, đã tiến hành chương trình giờ mua sắm đặc biệt dành cho những khách hàng cao niên. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày thứ bảy (21 tháng 3), Costco cho biết họ sẽ mở cửa cho các thành viên từ 60 tuổi trở lên vào mỗi thứ Ba và thứ Năm, từ 8 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Giờ đặc biệt sẽ bắt đầu từ ngày 24 tháng 3 tới đây. Trong khi các hiệu thuốc cũng sẽ mở cửa trong những khung giờ nói trên, khu ẩm thực sẽ hoạt động theo lịch trình bình thường.
Trung tâm thương mại Costco Business Centers cũng sẽ mở cửa theo lịch trình bình thường. Costco tham gia cùng các nhà bán lẻ lớn khác như Target, Dollar General và Walmart trong việc tạo ra giờ mua sắm dành riêng cho những người cao niên. Đài KTLA5 khuyên người dân nên xem danh sách đầy đủ các cửa hàng đã đóng cửa hoặc thay đổi giờ mở cửa trong bối cảnh khủng hoảng coronavirus. Kể từ khi dịch bệnh lây lan tại Hoa Kỳ, nhiều người đã đổ xô đến cửa hàng Costco trên toàn quốc để tích trữ hàng hóa, dẫn đến những hàng chờ dài và sự náo loạn khiến cơ quan hành pháp phải can thiệp. Khán giả có thể xem trang web của Costco để biết thông tin về những siêu thị có chương trình giờ mua sắm đặc biệt.
Mộc Miên
Công ty Marriott cho phép hàng ngàn nhân viên
nghỉ phép tạm thời do coronavirus lan rộng
Công ty Marriott Internation dự định sẽ cho hàng ngàn nhân viên nghỉ phép tại trụ sở chính và các thành phố khác trên thế giới. Một phát ngôn viên của Marriott nói rằng công ty sẽ cho nghỉ khoảng hai phần ba trong số 4,000 nhân viên tại các trụ sở chính ở Bethesda, Maryland. Bên cạnh đó, Marriott cũng sẽ thực hiện hành động tương tự tại các trụ sở ngoại quốc, nhưng phát ngôn viên không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng nhân viên của công ty ở ngoại quốc.
Hành động này được đưa ra để đáp ứng với sự sụt giảm trong ngành du lịch toàn cầu khi coronavirus tiếp tục lan rộng và công ty tăng cường đóng cửa khách sạn trên toàn cầu. Marriott cho biết nhân viên sẽ bắt đầu nghỉ vào đầu tháng tới và ước tính kéo dài từ 60 đến 90 ngày. Trong thời gian đó, các nhân viên của công ty sẽ nhận được 20% tiền lương, để sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe và các chi phí khác. Giám đốc điều hành Marriott Arne Sorenson cho biết việc kinh doanh hiện đang thấp hơn 75% so với mức bình thường, gây tác động tài chính nặng nề đến công ty hơn bao giờ hết. Là công ty khách sạn lớn nhất thế giới với gần 1.4 triệu phòng toàn cầu, 30 thương hiệu và khoảng 7,300 khách sạn, Marriott đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ trong du lịch toàn. Ông Sorenson và các giám đốc điều hành khách sạn và du lịch khác đã gặp Tổng thống Trump tại Washington vào ngày thứ ba (17 tháng 3), khi họ yêu cầu 250 tỷ mỹ kim viện trợ tài chính cho các ngành công nghiệp gặp khó khăn vì coronavirus.
Mộc Miên
Giám Đốc NYSE bán cổ phiếu
trước khi coronavirus gây khủng hoảng thị trường
Ông Jeffrey Sprecher, Giám đốc điều hành của Intercontinental Exchange (ICE)– là công ty sở hữu của New York Stock Exchange (NYSE), đã bán cổ phiếu của công ty mẹ trị giá hàng triệu mỹ kim vào cuối tháng 2 chỉ vài ngày trước khi bệnh nhân đầu tiên tại Hoa Kỳ tử vong do coronavirus. Giao dịch này cũng diễn ra khi thị trường tài chính bắt đầu sụt giảm khi tác động kinh tế tàn khốc của dịch bệnh đang trở nên rõ ràng.
Ông Sprecher, chồng của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler, vào ngày 26 tháng 2 đã bán 3.5 triệu mỹ kim cổ phiếu ICE với mức giá trung bình là 93.42 mỹ kim. Kể từ đó, cổ phiếu ICE đã giảm gần 25% trong bối cảnh chứng khoán tiếp tục lao dốc.
Bên cạnh đó, ông Sprecher và bà Loeffler cũng bán 15.3 triệu mỹ kim cổ phiếu ICE vào ngày 11 tháng 3, với mức giá trung bình khoảng 87 mỹ kim. Bà Loeffler, cùng với Thượng nghị sĩ cộng hòa Richard Burr và các nhà lập pháp khác, đang thu hút sự chú ý của người dân sau khi bán cổ phiếu hàng loạt trước khi Quốc hội gióng lên hồi chuông khuyến cáo về mối đe dọa của coronavirus đối với người Mỹ.
Vào thứ sáu (ngày 20 tháng 3), thượng nghị sĩ Burr cho biết ông đã thực hiện việc bán cổ phiếu dựa trên thông tin công khai và sẽ hợp tác với cuộc điều tra xem liệu ông có vi phạm các lệnh cấm đối với giao dịch trên thông tin mật hay không. Bà Virginia Canter, cố vấn đạo đức chính của nhóm CREW, cho biết “việc vợ chồng ông Sprecher bán cổ phiếu là lợi dụng vị trí đặc quyền của bản thân để hưởng lợi.” (BBT)
https://www.sbtn.tv/giam-doc-nyse-ban-co-phieu-truoc-khi-coronavirus-gay-khung-hoang-thi-truong/
Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin tuyên bố
dự luật viện trợ kinh tế bao gồm $US3,000
cho mỗi gia đình, 4 ngàn tỷ Mỹ kim cho FED
Tin từ Washington, DC – Vào ngày Chủ Nhật (22 tháng 3), Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết dự luật cứu trợ kinh tế coronavirus sắp được hoàn tất tại Quốc hội sẽ bao gồm môt chi phiếu một lần trị giá 3,000 Mỹ Kim cho các gia đình và cho phép Quỹ Dự trữ Liên bang tận dụng thanh khoản lên tới 4 ngàn tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia. Trả lời phỏng vấn trên chương trình “Fox News Sunday”, ông Mnuchin cho biết các biện pháp thanh khoản bổ sung cho ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nhằm mục đích giúp các công ty Hoa Kỳ có thể tồn tại trong 90 đến 120 ngày tiếp theo.
Tuy nhiên, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng bà vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với kế hoạch kích thích kinh tế của Thượng viện trong lúc đàm phán để chống lại thiệt hại kinh tế từ đại dịch coronavirus. Nhà lãnh đạo thiểu số tại thượng viện, Chuck Schumer nói với các phóng viên rằng, quốc hội cần một dự luật đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu chứ không phải quyền lợi của các công ty. Ông từ chối cho biết là ông có ủng hộ dự luật này hay không. Thượng viện Hoa Kỳ đang bị áp lực phải hoàn thành một kế hoạch với Hạ viện và Tòa Bạch Ốc càng nhanh càng tốt. Các nhà lập pháp phải làm việc cả cuối tuần để đáp ứng thời hạn cuối cùng của chính quyền Trump nhằm hoàn tất thỏa thuận vào ngày thứ Hai.
Mộc Miên
Tổng thống Trump ‘thất vọng’
vì Trung Quốc thiếu hợp tác trong dịch bệnh
Hải Lam
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo hôm 20/3 tại Nhà Trắng (ảnh: White House/Flick).
AFP đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật (22/3) cho biết ông thất vọng với Trung Quốc vì thiếu hợp tác và chia sẻ thông tin sớm về dịch virus Vũ Hán.
“Đáng lẽ họ (Trung Quốc) phải nói với chúng tôi những thông tin này”, ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo thường ngày tại Nhà Trắng hôm 22/3.
“Tôi hơi thất vọng với Trung Quốc. Thành thật mà nói, sự thất vọng đó cũng nhiều như cách tôi quý mến Chủ tịch Tập cũng sự tôn trọng và ngưỡng mộ đất nước đó”, Tổng thống Trump nói thêm.
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 21/3, Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: “Tôi ước họ có thể nói với chúng tôi sớm hơn về những gì đang diễn ra trong nước họ”. Tổng thống cho rằng, nếu Trung Quốc thông báo sớm hơn về virus Vũ Hán, các bác sĩ Mỹ đã có thêm thời gian để chuẩn bị cho dịch bệnh. Ông nói thêm rằng, Trung Quốc là một đất nước “rất, rất bí mật”, và điều này “thật đáng tiếc”.
Tổng thống Trump ngày 24/1 từng ca ngợi Trung Quốc và Tập Cận Bình về “những nỗ lực và tính minh bạch” trong việc đối phó dịch bệnh. Khi được một phóng viên của CNN hỏi về điều này trong hôm 21/3, ông nói ông nghĩ Trung Quốc có thể cảnh báo các quốc gia sớm hơn. “Trung Quốc đã rất nỗ lực. Trung Quốc đã minh bạch vào thời điểm đó nhưng khi chúng tôi thấy những gì đã xảy ra, họ có thể đã minh bạch sớm hơn nhiều so với trước đây”.
Cuộc chiến truyền thông Mỹ – Trung
Hương Thảo
Cuộc chiến truyền thông ngày càng leo thang giữa hai siêu cường cho thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trong trạng thái căng thẳng, mặc dù hai nước đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và Tổng thống Trump luôn khẳng định rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bạn của ông.
Trong một động thái mới nhất, theo hãng Fox News, vào ngày 20/3, Bắc Kinh đã yêu cầu ít nhất 7 công dân Trung Quốc không được làm việc tại các hãng truyền thông của Mỹ. Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), các nhân viên người Trung Quốc làm việc cho tờ The New York Times, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và hai hãng truyền thông khác của Mỹ ở Trung Quốc phải nghỉ việc.
“Trung Quốc dường như quyết tâm bóp nghẹt các hoạt động thu thập tin tức của các hãng truyền thông lớn ở Hoa Kỳ tại Bắc Kinh lần này, bằng các biện pháp trừng phạt đối với nhân viên là người Trung Quốc. Hành động này sẽ không ngăn được tình trạng ăn miếng trả miếng đang diễn ra giữa Trung Quốc
và Hoa Kỳ, và có thể leo thang. Trung Quốc nên ngừng cố gắng kiểm soát và đe dọa các văn phòng tin tức nước ngoài và cho phép họ thuê nhân viên Trung Quốc một cách tự do và trực tiếp”, Steven Butler, Điều phối viên chương trình châu Á của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho biết.
Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố vào ngày 17/3 rằng, họ đã cho hơn một chục nhà báo Hoa Kỳ của tờ The New York Times, Washington Post, Wall Street Journal, Tạp chí Time Magazine và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) 10 ngày để rời khỏi Bắc Kinh, đồng thời yêu cầu chi nhánh của các tờ báo này ở Trung Quốc phải báo cáo thông tin về nhân viên, tài chính, hoạt động và bất động sản của họ ở nước này. Đây được cho là hành động đáp trả Hoa Kỳ khi nước này liệt 5 hãng truyền thông thuộc nhà nước Trung Quốc là “các cơ quan ngoại giao”.
Cụ thể, vào đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã liệt 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc vào dạng “các cơ quan ngoại giao”, đồng thời cắt giảm số lượng nhân viên người Trung Quốc của các hãng truyền thông này tại Mỹ.
Một quan chức Mỹ đã chỉ rõ các hãng truyền thông Trung Quốc, bao gồm Tân Hoa Xã và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, là cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vào thời điểm đó, các quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ cho biết, những hành động này là nhằm đáp trả Bắc Kinh vì đã tiếp tục thực hiện việc “đe dọa nhằm bịt miệng các nhà báo của một nền báo chí tự do và độc lập”.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào ngày 5/3 nói rằng, Washington sẽ có động thái “tương xứng” nếu Bắc Kinh tiếp tục gây khó dễ cho các nhà báo Mỹ tại Trung Quốc: “Trong trường hợp ĐCSTQ áp đặt sự giám sát, quấy rối và đe dọa ngày càng gay gắt đối với các nhà báo độc lập và hoạt động trên phạm vi quốc tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả để có đi có lại”.
“Một nền báo chí tự do giúp vạch trần tham nhũng và bảo vệ người dân khỏi sự che đậy, cũng như giúp thế giới hiểu được suy nghĩ của ĐCSTQ”, ông Pompeo nói về ý nghĩa của tự do báo chí, và cảnh báo rằng việc kiểm duyệt báo chí của lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc “có thể gây ra hậu quả chết người”.
Cuộc chiến truyền thông giữa hai siêu cường diễn ra trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ở nhiều quốc gia và đến nay đã gây ra cái chết cho hàng ngàn người trên thế giới. Gần đây, Tổng thống Donald Trump đã gọi chủng virus hiện đang gây khốn khổ cho nhiều người là “virus Trung Quốc”. Khi được chỉ ra rằng cách gọi đó thể hiện thái độ “phân biệt chủng tộc”, ông cho biết: “Không hề phân biệt chủng tộc. Không, hoàn toàn không. Bởi vì nó bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là lý do. Tôi muốn nói thật chính xác”.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 19/3 ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng hành động che giấu thông tin về dịch bệnh của Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải chịu cái giá quá đắt khi giờ đây, dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi trên thế giới, và lẽ ra “Nó đã có thể bị chặn lại ở ngay nơi mà nó bắt đầu” vào hồi tháng 12/2019 tại Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuoc-chien-truyen-thong-my-trung.html
Dịch Covid-19: Mỹ sẽ nhập khẩu trang,
kit xét nghiệm từ Việt Nam?
Mỹ hiện “đang cân nhắc khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế” từ Việt Nam để phục vụ cho việc phòng chống virus corona chủng mới đang lây lan rộng ở Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nói, theo tin trên báo chí Việt Nam hôm 23/3. Tuy nhiên, Đại sứ Ngọc không nói cụ thể các vật tự và trang thiết bị y tế đó là những gì.
Trong tháng 2, khi Trung Quốc trong giai đoạn cao điểm chống virus corona chủng mới, còn gọi là Covid-19, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng lớn khẩu trang sang nước láng giềng phương bắc qua cửa khẩu trên đường bộ, báo chí trong nước tường thuật.
Báo Giao Thông và VTC News trong các ngày 20 và 22/2 đưa tin có trên 20 xe tải được thông quan để xuất khẩu hàng chục triệu chiếc khẩu trang sang Trung Quốc.
Gần đây, báo chí trong nước loan tin Việt Nam chế tạo thành công bộ xét nghiệm Covid-19 và được 20 quốc gia đàm phán đặt mua.
Giữa tháng 3, các bộ xét nghiệm của Việt Nam được xuất khẩu sang 4 quốc gia là Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine, các báo trong nước nói.
Từ những thông tin này, ông Lê Văn Dũng, nhà báo độc lập và Facebooker được nhiều người biết tiếng, dự báo với VOA rằng đó có thể là những mặt hàng Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, nhà báo độc lập còn được gọi là Lê Dũng Vova nói thêm rằng chưa có nguồn đáng tin cậy nào để khẳng định chắc chắn.
Hồi tháng 2, khi có tin Việt Nam xuất khẩu khẩu trang sang Trung Quốc, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam đã có những phản ứng khá gay gắt, phản đối việc xuất khẩu mặt hàng đó giữa lúc ngay tại Việt Nam đang “cháy hàng”.
Giờ đây, với số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh ở Việt Nam, lên đến hơn 110 người, ông Lê Dũng Vova nói với VOA rằng thủ tướng Việt Nam nên ra lệnh cấm bán khẩu trang cho nước ngoài, dù đó là Trung Quốc hay Mỹ, để ưu tiên cho nhu cầu trong nước.
Mặc dù vậy, ông Dũng nhận định rằng trong trường hợp Việt Nam vẫn xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ, có lẽ người dân Việt sẽ không phản ứng mạnh như khi mặt hàng đó được xuất sang Trung Quốc.
“Từ xưa đến giờ người dân Việt Nam không ưa Trung Quốc. Bất cứ cái gì liên quan đến Trung Quốc người dân đều phản ứng. Trong khi đó, người dân có xu hướng thân thiện hơn với Mỹ. Và nếu sau này Mỹ viện trợ gì đó cho Việt Nam, như tàu chiến chẳng hạn, thì nó giống như sự trao đổi, người dân người ta hiểu và thông cảm”, ông Dũng bình luận với VOA.
Không tiết lộ Việt Nam sẽ xuất các vật tư, thiết bị gì sang Mỹ, Đại sứ Hà Kim Ngọc chỉ cho báo chí trong nước biết rằng đó là những sản phẩm mà Việt Nam có đủ năng lực sản xuất để phục vụ công tác y tế trong nước và xuất khẩu.
Theo vị đại sứ, việc xuất khẩu như vậy “đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế” và ông bày tỏ hi vọng điều này sẽ tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam “tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”.
Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định “hợp tác y tế Việt Nam – Mỹ nói chung và trong ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay đang đạt nhiều kết quả tích cực”, vẫn theo tin tức trong nước.
Ngay từ cuối tháng 1/2020, các cơ quan và chuyên gia y tế hai nước đã có nhiều hình thức trao đổi thông tin, số liệu để cùng ứng phó với dịch bệnh, đại sứ của Việt Nam tại Washington nói.
Bên cạnh đó, như tin đã đưa, chính phủ Mỹ hôm 12/3 thông báo cung cấp hỗ trợ khẩn cấp trị giá 37 triệu đô la để giúp Việt Nam và hơn 20 nước đối phó với sự lây lan Covid-19.
Ông Ngọc cho báo chí trong nước biết thêm là Mỹ “đánh giá rất cao” các nỗ lực phòng chống dịch quyết liệt, minh bạch và hiệu quả của chính phủ Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/covid-19-my-se-nhap-tu-vn-khau-trang-kit-xet-nghiem/5340960.html
Virus corona: Số phận Thế Vận Hội 2020 mỏng manh
khi Canada tuyên bố không tham dự
Thông báo của Canada được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, lần đầu tiên thừa nhận các môn thi đấu có thể bị hoãn lại vì COVID-19.
Trong khi đó, Ủy ban Olympic Úc nói “rõ ràng” là các cuộc thi không thể tiếp tục diễn ra, và bảo các vận động viên của nước này nên chuẩn bị cho Olympic Tokyo vào mùa hè năm 2021.
Đại hội thể thao với các môn thi dự kiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 7.
Canada nói gì?
Ủy ban Olympic và Paralympic cho biết họ đã đưa ra “quyết định khó khăn” về việc rút khỏi Thế Vận Hội 2020, sau khi tham khảo ý kỹ lưỡng kiến các vận động viên, các nhóm thể thao và chính phủ Canada.
Ủy ban sau đó “khẩn trương kêu gọi” Ủy ban Olympic quốc tế, Ủy ban Paralympic quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới, hoãn các môn thi đấu trong vòng một năm.
Mặc dù chúng tôi hiểu sự phức tạp liên quan quyết định trì hoãn, nhưng không có gì quan trọng hơn sức khỏe và sự an toàn của các vận động viên của chúng ta và cộng đồng thế giới”, tuyên bố này nói.
Shinzo Abe nói gì?
Trong nhiều tuần, chức trách Nhật Bản cho biết Thế Vận Hội 2020 sẽ đi diễn ra theo kế hoạch.
Nhưng hôm thứ Hai, phát biểu trước quốc hội, lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản ông Abe thừa nhận rằng Thế Vận Hội Tokyo 2020 có khả năng phải bị trì hoãn.
“Nếu khó có thể tổ chức (các trò chơi) một cách trọn vẹn, quyết định hoãn sẽ là không thể tránh khỏi vì sự an toàn của các vận động viên là tối quan trọng”, ông nói.
Nhưng ông khẳng định Thế Vận Hội sẽ không bị hủy bỏ hoàn toàn.
Thế Vận Hội chưa bao giờ bị hoãn hoặc hủy trong thời bình. Thế vận hội năm 1940 – đã bị hoãn vì Thế chiến thứ hai – vốn đã được tổ chức tại Tokyo.
Vị trí của Ủy ban Olympic quốc tế là gì?
Vào Chủ nhật, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết họ đã tự đưa ra thời hạn trong vòng bốn tuần để quyết định về Thế Vận Hội 2020.
Họ nói hoãn lại là một “kịch bản”, nhưng nhấn mạnh rằng hủy bỏ “sẽ không giải quyết bất kỳ vấn đề nào hoặc giúp đỡ bất cứ ai”.
Trong một bức thư gửi các vận động viên, chủ tịch IOC Thomas Bach nói: “Cuộc sống của con người được ưu tiên hơn tất cả mọi thứ, bao gồm cả việc tổ chức các trò chơi…
“Tất cả chúng ta cùng nhau trải qua nơi cuối đường hầm tối tăm này, không biết nó dài bao nhiêu nhưng ngọn lửa Olympic sẽ là một ánh sáng ở cuối đường hầm này.”
Các quốc gia và vận động viên khác nói gì?
Hôm thứ Hai, Úc đã nói với các vận động viên của mình hãy chuẩn bị cho một Thế Vận Hội và Paralympics vào mùa hè năm 2021.
“Rõ ràng các môn thi đấu không này thể được tổ chức vào tháng Bảy,” Ian Chesterman, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Úc nói.
Vào Chủ nhật, Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) Sebastian Coe, đã viết thư cho ông Bach để nói rằng việc tổ chức các trò chơi vào tháng 7 là “không khả thi và là không mong muốn”.
Cơ quan Quản lý thể thao Mỹ (USATF) cũng như Global nhóm Athlete kêu gọi hoãn Thế Vận Hội Tokyo 2020.
“Khi đại dịch ngày càng trở nên tồi tệ hơn và ngày càng có nhiều hạn chế xã hội được áp dụng, tôi nghĩ việc hoãn lại cần phải được thực hiện ngay bây giờ”, tay đua xe đạp người Anh Callum Skinner, đại diện Global Athlete nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52001486
Liên Hợp Quốc sẽ tạo
quỹ toàn cầu hỗ trợ điều trị virus Vũ Hán
Hải Lam
Reuters dẫn tin từ Ngoại trưởng Na Uy hôm nay (23/3) cho biết Liên Hợp Quốc sẽ lập quỹ để hỗ trợ việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán trên toàn thế giới.
“Quỹ tài trợ đa phương dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc sẽ giúp các đối tác dự báo tình hình và nỗ lực hiệu quả hơn”, ông Ine Eriksen Soereide, Ngoại trưởng Na Uy, cho biết trong một tuyên bố.
Ông Soereide thông tin thêm, mục đích của quỹ là hỗ trợ các nước đang phát triển có hệ thống y tế yếu trong việc giải quyết khủng hoảng cũng như các tác động lâu dài từ dịch bệnh.
Tuyên bố cho biết thêm, thông báo chính có thể được đưa ra vào cuối tuần này.
Theo cập nhật của worldometer lúc 15h33 ngày 23/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 341.529 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 14.748 người đã tử vong.
https://www.dkn.tv/the-gioi/lien-hop-quoc-se-tao-quy-toan-cau-ho-tro-dieu-tri-virus-vu-han.html
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Rand Paul có kết quả
dương tính với coronavirus –
Thủ Tướng Đức Merkel tự cách ly
Thượng nghị sĩ cộng hòa Rand Paul của tiểu bang Kentucky đã nhận được kết quả dương tính sau khi xét nghiệm coronavirus. Ông là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đầu tiên thử nghiệm dương tính. Văn phòng của thượng nghị sĩ Rand Paul cho biết ông đang cảm thấy ổn và đang cách ly.
Thượng nghị sĩ hy vọng sẽ trở lại Thượng viện sau khi thời gian cách ly kết thúc. Không có nhân viên nào đã liên lạc với ông Paul kể từ khi văn phòng D.C. của ông bắt đầu làm việc ở nhà từ 10 ngày trước. Trong một diễn biến khác, thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với một bác sĩ dương tính với coronavirus. Thủ tướng Merkel đã được thông báo sau cuộc họp báo hôm Chủ nhật rằng một bác sĩ đã tiêm vaccine phế cầu khuẩn cho bà vào chiều thứ Sáu đã có kết quả dương tính với virus này sau khi xét nghiệm. Thủ tướng Merkel quyết định ngay lập tức cách ly mình trong nhà. Bà sẽ được kiểm tra thường xuyên trong những ngày tới và sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của bà với tư cách là thủ tướng ở nhà.
Mộc Miên
Chủ tịch liên đoàn điền kinh quốc tế Stephen Coe nói
sẽ sớm có quyết định về Olympics Tokyo
Tin từ London, Anh Quốc – Vào hôm thứ Bảy (21 tháng 03), chủ tịch liên đoàn điền kinh quốc tế Sebastian Coe nói rằng sẽ sớm có quyết định về việc nên tổ chức Olympics Tokyo năm nay hay không. Ông Coe bình luận sau khi nhiều lực sĩ và liên đoàn thể thảo kêu gọi hoãn thế vận hội, dự kiến diễn ra từ 24/07/2020 đến 09/08/2020 vì đại dịch coronavirus.
Bất chấp những lời kêu gọi trì hoãn, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã nhấn mạnh rằng thế vận hội sẽ diễn ra theo như lịch trình. Theo ông Coe, tuần trước các viên chức điền kinh khu vực đã trao đổi với các liên đoàn và lực sĩ của họ, để liên đoàn điền kinh quốc tế có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về sự thay đổi trên toàn cầu, với việc các khu vực khác nhau trên thế giới chịu các mức độ tác động khác nhau của virus. Một cuộc họp dự định sẽ diễn ra vào đầu tuần sau để xem xét và thảo luận về tình hình.
Mộc Miên
Virus corona: Trung Quốc và tổng giám đốc WHO
phải chịu trách nhiệm về đại dịch
Thụy My
Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm trên toàn thế giới, gần 15.000 người chết. The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về đại dịch này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rốt cuộc cũng đã phải gọi nạn dịch virus corona chủng mới từ Vũ Hán, Trung Quốc nhanh chóng lan tràn trên toàn thế giới là « đại dịch ».
Giờ đây, gần 1 tỉ người trên hành tinh đang chịu cảnh phong tỏa. Con virus Vũ Hán đã làm cho gần 336.000 người bị lây nhiễm tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có gần 15.000 người chết. Câu hỏi đặt ra là tại sao WHO lại mất nhiều thời gian đến thế để hiểu được vấn đề mà nhiều viên chức ngành y tế và trong các chính phủ đã nhận ra từ rất lâu trước đó?
Hai tác giả Bradley A. Thayer, giáo sư đại học Texas-San Antonio và Hàn Liên Triều (Lianchao Han), phó chủ tịch tổ chức Lực lượng Công dân, trên tờ The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về cách xử lý tệ hại trong đại dịch làm cho người chết như rạ này.
Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì diễn ra tại Vũ Hán và những nơi khác ở Trung Quốc. Sau khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng Giêng, ông tổng giám đốc WHO còn giúp Trung Quốc khỏa lấp sự trầm trọng, mức độ lây lan và tầm cỡ của nạn dịch virus corona chủng mới.
Ngay từ đầu, ông Tedros đã bênh vực Trung Quốc, bất chấp cách xử trí vô cùng tệ hại của Bắc Kinh trước nạn dịch siêu lây nhiễm này. Trong khi số trường hợp tử vong tăng vùn vụt, Tổ chức Y tế Thế giới phải mất nhiều tháng trời mới ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch, cho dù các tiêu chí về lây nhiễm từ người sang người, tỉ lệ tử vong cao và đã lây lan khắp thế giới đều đã hội đủ.
Khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một bước quan trọng để ngăn chận con virus Vũ Hán vượt qua biên giới Hoa Kỳ, với việc cấm du hành vào ngày 31 tháng Giêng, Tedros nói rằng cấm đoán đi du lịch các nơi và những hạn chế khác là không cần thiết cho việc chấm dứt nạn dịch. Rằng điều này có thể « làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, mà không có mấy lợi ích cho sức khỏe cộng đồng ». Ông ta cảnh báo, sự
can thiệp vào vận chuyển và thương mại có thể gây hại cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng, và khuyên các nước khác không nên theo gương Hoa Kỳ.
Thay vì tập trung vào nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, Tedros lại chính trị hóa cuộc khủng hoảng, và giúp cho Tập Cận Bình trốn tránh trách nhiệm về một loạt những hành động sai trái trong việc giải quyết nạn dịch. Ông tổng giám đốc sử dụng phương tiện của WHO để bênh vực cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Trung Quốc.
Chẳng hạn, từ khi phát hiện ra ca đầu tiên vào tháng 11 cho đến khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, và ngay cả đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn gian trá về nguồn gốc và sự lây lan của con virus. Những ai cố gắng tìm hiểu sự thật đều bị bắt hoặc mất tích, những báo cáo và bài viết của họ trên mạng bị xóa sạch. Trung Quốc thông tin không đầy đủ và dối gạt thế giới, còn Tedros cũng tham gia nỗ lực này qua việc công khai ca ngợi « sự minh bạch » của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống nạn dịch lây lan.
Khi Tập Cận Bình ra lệnh cho các quan chức y tế Trung Quốc gia tăng phát triển thuốc bằng cách sử dụng « đông y cổ truyền trên cơ sở thảo dược Trung Quốc phối hợp với tây y », tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới mang tên « Hỏi đáp về virus corona (Covid-19) » đã có sự thay đổi khéo léo.
Cư dân mạng Trung Quốc nhận ra có sự khác biệt giữa bản tiếng Hoa và bản tiếng Anh về danh sách những biện pháp không hiệu quả để chống con virus Vũ Hán. Phiên bản Anh ngữ liệt kê bốn loại hành vi : hút thuốc, mang nhiều lớp khẩu trang, dùng thuốc kháng sinh và thảo dược truyền thống. Nhưng trong bản tiếng Hoa không nêu ra việc sử dụng đông dược!
Gần đây Bắc Kinh hứa hẹn sẽ chi 20 triệu đô la để giúp Tổ chức Y tế Thế giới chống lại dịch virus corona, và ông Tedros đã cảm ơn Tập Cận Bình. Nhưng hai tác giả bài viết ghi nhận mối quan hệ giữa Trung Quốc và quê hương của ông Tedros là Ethiopia. Đất nước này nay được mệnh danh là « Tiểu Trung Quốc » của Đông Phi, vì đã trở thành đầu tàu lan tỏa ảnh hưởng Trung Quốc, và là mũi nhọn của Sáng kiến Vành đai & Con đường tại châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào Ethiopia.
Tedros được bầu làm tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, mặc dù ông xuất thân từ ngành sinh học chứ không phải là bác sĩ, không hề có kinh nghiệm quản lý y tế toàn cầu. Nguyên là bộ trưởng y tế và ngoại trưởng Ethiopia, Tedros là thành viên của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Đảng chính trị này lên nắm quyền sau những biến động năm 1991 và bị cho vào cơ sở dữ liệu khủng bố toàn cầu.
Sau khi trở thành người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros bị chỉ trích vì các nỗ lực để bổ nhiệm nhà độc tài Robert Mugabe làm đại sứ thiện chí của WHO, bất chấp những vi phạm nhân quyền của tổng thống Zimbabwe và sự xuống dốc của hệ thống y tế nước này (bản thân ông Mugabe cũng phải sang Singapore chữa bệnh).
The Hill kết luận, đại dịch virus Vũ Hán đã chứng tỏ ông Tedros không phù hợp với chức vụ người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới. Bởi vì dưới sự lãnh đạo của ông, thế giới có thể đã mất đi cơ hội chặn đứng nạn dịch hoặc giảm bớt sự hoành hành của nó.
Giờ đây con số người nhiễm bệnh không ngừng tăng lên trên khắp thế giới và chẳng biết đến bao giờ mới dừng lại, nhiều quốc gia đã phải tự phong tỏa, nhiều người vô tội đã mất mạng vì thảm họa virus Vũ Hán. Với tư cách tổng giám đốc WHO, ông Tedros phải chịu trách nhiệm về sự quản lý tồi tệ của mình.
Về phía Trung Quốc thì ra sức tung hỏa mù để « viết lại lịch sử » về đại dịch virus Vũ Hán. Sau khi lan truyền giả thiết con virus này đến từ…Mỹ hay từ Nhật Bản, đến lượt nước Ý đang tang tóc bị tờ báo hung hăng nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc là Global Times đổ tội. Hôm 22/03/2020 tờ này viết: « Tại Ý có thể đã xuất hiện chứng viêm phổi không thể giải thích được vào đầu tháng 11 và 12/2019, rất đáng nghi là triệu chứng của Covid-19 ».
Chuyên gia Valérie Niquet bình luận trên Twitter: « Ý đã mở đường bay trực tiếp tới Vũ Hán, và cho phép công dân Trung Quốc đến Ý sinh sống và làm việc trong các nhà xưởng. Hiện nay có hơn 300.000 người Trung Quốc sống tại Ý, theo Fortune Magazine, và hơn 90% trong số đó làm trong ngành may mặc. Đó là lý do khiến tình hình miền bắc Ý trở nên tồi tệ nhất.
Và nay thì Trung Quốc bắt đầu đổ cho Ý là nơi có ca đầu tiên từ tháng 11. Vâng, có lẽ thế, trường hợp đầu tiên có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc, thông qua việc làm ăn và thăm thân nhân giữa cộng đồng người Hoa đông đảo này với quê quán của họ ở Trung Quốc ».
Đeo khẩu trang:
Va chạm văn hóa Đông Tây – Đông thắng Tây thua?
Trọng Nghĩa
Dịch Covid-19 đã làm nổi bật một khác biệt văn hóa lớn giữa Đông và Tây trên vấn đề đeo khẩu trang, với dư luận châu Á rất ngỡ ngàng trước việc người châu Âu hay châu Mỹ lơ là phương tiện chống dịch này. Tại Pháp báo chí trong thời gian gần đây cũng rất chú ý đến khác biệt đó, thâm chí còn tự hỏi là phải chăng văn hóa đeo khẩu trang ở phương Đông, như ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam đã góp phần giúp những nơi này ngăn chặn hiệu quả đà lây lan của con virus corona lan tỏa từ Vũ Hán
Hai tựa báo tại Việt Nam trong những ngày gần đây đã cho thấy rõ sự khác biệt, hay va chạm văn hóa này. Báo Thanh Niên ngày 19/03/2020 bực tức: “Khách Tây vẫn không đeo khẩu trang dạo phố cổ Hội An dù có chốt kiểm tra”. Bốn hôm sau, ngày 23/03/2020, báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thở phào nhẹ nhõm: “Khách Tây đã chịu đeo khẩu trang chống dịch”
Trong bài “Tâm lý chê bai khẩu trang tại châu Âu làm Châu Á sững sờ”, thông tín viên nhật báo Pháp Le Monde tại Trung Quốc ngày 21/03/2020 vừa qua đã ghi nhận rằng: “Việc đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh đã giúp hạn chế việc lây nhiễm ở các nước phát triển vùng Viễn Đông, vì vậy, những lời kêu gọi tại Pháp là đừng đeo khẩu trang nếu không bị bệnh bị coi là một sai lầm nghiêm trọng”.
Đối với châu Á, khẩu trang là một vũ khí chống dịch
Theo Le Monde, đeo khẩu trang nằm trong một loạt biện pháp đã cho phép Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore, và cho đến lúc này, Nhật Bản, hạn chế hay chặn đứng được sự lây lan theo cấp số nhân của dịch Covid-19.
Vấn đề là vào lúc này, châu Á lại phải tiết tục lập rào cản để chống lại sự xâm nhập của con virus, không còn từ Trung Quốc, mà từ những nước phương Tây đã bị lây nhiễm trước đó.
Tất cả các quốc gia châu Á kể trên đều đã rút được kinh nghiệm từ các trận dịch trước đây như SARS vào năm 2003, MERS vào năm 2015 và nhiều đợt dịch cúm gia cầm. Đối mặt với dịch Covid-19, các biện pháp phòng chống dùng trước đây đã được nhanh chóng sử dụng lại, được bổ sung bằng nhiều phương tiện và thiết bị mới.
Việc cung cấp gel diệt khuẩn ở những nơi công cộng, thường xuyên khử trùng các bề mặt đã là quy tắc ngay từ đầu, và nhất là việc đảm bảo có sẵn khẩu trang, trong đó có loại có chất lượng cao dùng cho các nhân viên y tế.
Khẩu trang là biện pháp cách ly cá nhân di động
Nhìn từ châu Á, dây chuyền dự phòng dịch bệnh ở Pháp, nói riêng, và ở châu Âu nói chung, đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, trong đó có vấn đề không đeo khẩu trang, được xem là một biên pháp cách ly cá nhân và di động hữu hiệu.
Tại Hồng Kông, nhà vi sinh học Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok Yung), cố vấn cho chính quyền đặc khu và là một trong những chuyên gia đã đến thăm thành phố Vũ Hán, cái nôi của dịch bệnh, vào tháng Giêng, ngay từ đầu đã chủ trương “mọi người phải đeo khẩu trang”. Đối với ông, do đặc điểm của con virus corona vốn hiện diện rất thường xuyên trong nước bọt, việc đeo khẩu trang trở nên tối cần thiết để bảo vệ chính mình cũng như người khác, tránh việc bị nhiễm virus từ những người không có hoặc có ít triệu chứng của bệnh Covid-19.
Đeo khẩu trang ở châu Á được xem là một hành động “hợp tình hợp lý”: Một chuyến tàu điện ngầm đông đúc, nơi mọi người có thể trò chuyện, lên cơn ho, làm bắn nước bọt…, là kịch bản lý tưởng cho sự lây lan của virus. Do đó, tại các thành phố Trung Quốc, vào lúc dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, việc di chuyển mà không đeo khẩu trang đã bị nghiêm cấm.
Khuyến cáo của châu Á: Hãy đeo khẩu trang!
Trong một bài xã luận ngày 19/03/2020 dành độc giả phương Tây, nhà báo Hồ Thư Lập (Hu Shu Li), sáng lập viên trang tin Tài Tân (Caixin), rất có uy tín ở Trung Quốc, đã không ngần ngại khuyến cáo “Quý vị có muốn ngăn chặn dịch bệnh không? Hãy đeo khẩu trang!”.
Sau khi ra đời cách đây hàng thập kỷ tại Nhật Bản, nơi mà phép lịch sự yêu cầu những người cảm thấy mình bị bệnh là phải đeo khẩu trang, thói quen mang khẩu trang trở thành phổ biến vào thời dịch SARS
tràn lan khắp vùng Đông Bắc Á. Riêng ở Trung Quốc, nạn ô nhiễm không khí đã biến khẩu trang thành một vật bất ly thân của giới cư dân thành thị, và người nào cũng có sẵn cả kho dự trữ ở nhà.
Quan điểm châu Âu: Người thường khỏe mạnh không cần khẩu trang
Trong bối cảnh đó, các khuyến nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới mà chính quyền Pháp dựa theo để kêu gọi chỉ đeo khẩu trang khi “bị bệnh” đã khiến dư luận châu Á ngỡ ngàng.
Tại châu Á, dư luận đã hết sức bị sốc khi xem được những đoạn video cho thấy người châu Á đi xe metro ở Paris bị la ó, nhạo báng chỉ vì đeo khẩu trang. Họ cũng bị sốc khi thấy là ở Pháp, những người mà công việc cần tiếp xúc với công chúng – cảnh sát, nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ và nhân viên y tế không làm việc cho các bộ phận cứu cấp – lại không hề đeo khẩu trang cho dù họ có khả năng truyền virus cho người đối diện.
Người châu Á cũng không hiểu được tại sao ở Pháp việc đeo khẩu trang thậm chí đôi khi còn bị cấm đối với một số nhân viên bán hàng với lý do là không được gây tâm lý sợ hãi khiến khách hàng bỏ đi. Ở châu Á thì ngược lại, một người bán không đeo khẩu trang sẽ khiến khách hàng bất an.
Chỉ dành khẩu trang cho giới y tế
Một lập luận khác được đưa ra ở châu Âu để yêu cầu công chúng không đeo khẩu trang là ngăn chặn tình trạng nhân viên y tế thiếu phương tiện bảo vệ này.
Thực tế cho thấy là tình trạng khan hiếm đang diễn ra, trong bối cảnh Trung Quốc đã khôi phục được kho dự trữ của họ và ngỏ ý muốn cung cấp khẩu trang cho châu Âu.
Trong lãnh vực này, châu Âu có thể học tập châu Á. Vào tháng Giêng nhiều nước châu Á cũng gặp khó khăn trong việc tự trang bị khẩu trang. Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp giới hạn phân phối, trong lúc nhiều nơi khác đã nỗ lực gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Tại Hồng Kông, nhiều cơ xưởng đã mọc lên để sản xuất khẩu trang. Tại Đài Loan, các hiệp hội công nghiệp đã chung sức thiết lập 60 dây chuyền sản xuất trong vỏn vẹn một tháng. Tại Trung Quốc, hãng chế tạo xe hơi General Motors và nhà sản xuất ô tô điện BYD đã quyết định sản xuất khẩu trang một cách đại trà. Các cách phản ứng khẩn cấp đó quả là một bài học cho châu Âu.
Hơn 14.600 người trên thế giới chết vì virus Vũ Hán
Hải Lam
Theo cập nhật của worldometer lúc 7h04 ngày 23/3 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 192 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với 336.075 ca nhiễm, trong đó 14.613 người đã tử vong.
Số ca nhiễm và tử vong tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh.
Ý hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Âu, với 59.138 ca nhiễm (tăng 5.560) và 5.476 ca tử vong (tăng 651). Vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh là Lombardy, phía Bắc nước Ý, với 27.206 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 3.456 người đã tử vong.
Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, với 28.603 ca nhiễm (tăng 3,107) và 1.756 ca tử vong (tăng 375). Tây Ban Nha đã phong tỏa toàn quốc sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày, bắt đầu từ 14/3. Các cơ quan truyền thông nước này hôm 22/3 đưa tin, chính phủ muốn gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày nữa.
Đức ghi nhận thêm 2.509 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 24.873 và 94. Tỷ lệ tử vong tại nước này ở mức thấp, chỉ khoảng 0,38%. Đức hiện là vùng dịch lớn thứ 3 châu Âu và thứ 5 trên thế giới.
Số ca nhiễm và tử vong tại Pháp lần lượt là 16.018 và 674.
Ổ dịch lớn thứ 5 ở khu vực châu Âu là Thụy Sĩ, với 7.367 ca nhiễm (tăng 504) và 98 ca tử vong (tăng 18).
Anh ghi nhận thêm 665 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 5.683 và 281.
Mỹ có thêm 8.576 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán trên cả nước là 32.783. Với 114 ca tử vong mới được xác nhận, tổng số người chêt vì dịch bệnh tại nước này hiện là 416. Mỹ trở thành ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ý.
Iran vẫn là nước chịu nặng nề nhất của dịch bệnh tại khu vực Trung Đông, với 21.638 ca nhiễm (tăng 1.028) và 1.685 ca tử vong (tăng 129). Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 22/3, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei từ chối sự giúp đỡ của Mỹ và tuyên bố nước này sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 98 ca nhiễm và 2 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt là 8.897 và 104. Với những con số này, Hàn Quốc vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 1.306 ca nhiễm, trong đó 10 người đã tử vong. Đứng thứ hai là Thái Lan, với 599 ca nhiễm và 1 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở Indonesia cao nhất khu vực, với 48 người trong tổng số 514 trường hợp nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ngày 22/3 xác nhận 19 ca nhiễm virus Vũ Hán, nhiều nhất trong một ngày kể từ đầu dịch, đưa tổng số người dương tính với nCov lên 113.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hon-14-600-nguoi-tren-the-gioi-chet-vi-virus-vu-han.html
Virus corona: Chuyện gì đang xảy ra ở Anh Quốc?
Trong bối cảnh nhiều ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam gần đây có liên quan đến những người từ Anh vào Việt Nam, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước rất quan tâm đến thực trạng dịch bệnh của Anh hiện nay.
“Tại sao nhiều người ở Anh về nhiễm thế?”, “Ở Anh họ có cho xét nghiệm không?”, “Chính phủ Anh sao làm chậm thế, có biện pháp gì chưa”…là những câu hỏi BBC News Tiếng Việt nhận được.
Virus corona: Mạng xã hội tranh cãi về ‘Việt Kiều’ và ‘nước nào giỏi hơn’
Covid-19: Cả Trung Quốc làm việc từ nhà
Thực trạng các ca lây nhiễm ở Anh
Cho tới cuối ngày 22/3, số ca nhiễm ở Anh được xác nhận là 5,683 với 281 ca tử vong.
Số xét nghiệm được thực hiện là 78,340.
Số ca nhiễm thực trong cộng đồng được cho là cao gấp ít nhất 10 lần số ca được xác nhận.
Anh có ca tử vong đầu tiên hôm 5/3, và số ca này tiếp tục tăng nhanh trong hai tuần qua, làm dấy lên lo ngại Anh sẽ đi vào ‘vết xe đổ’ của Ý.
Các trường hợp nào được xét nghiệm ở Anh?
Khi chuyển từ giai đoạn cố gắng kiểm soát (containment) sang giai đoạn làm chậm (delay) sự bùng phát của dịch, Anh Quốc không còn thử hàng loạt cho những người có triệu chứng của virus corona nữa.
Theo lời khuyên chính thức của Dịch vụ Y tế Anh (NHS), những ai có triệu chứng Covid-19 (ho liên tục và sốt) sống một mình, sẽ phải tự cách ly ở nhà 7 ngày. Nếu hết thời gian này mà triệu chứng không đỡ hay nặng lên, họ có thể gọi đến tổng đài 111 để nhờ trợ giúp.
Những ai có triệu chứng mà sống cùng gia đình thì cả gia đình sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày, và nếu có thêm người trong gia đình bị lây nhiễm trong gian đó, cả gia đình cách ly thêm 7 ngày kể từ khi người mới nhiễm xuất hiện triệu chứng.
Hiện nay NHS vẫn tiếp tục tăng cường số ca xét nghiệm, từ 5000 test/ngày lên 10.000 test/ngày và hy vọng sau vài tuần sẽ lên 25.000 test/ngày.
Thay vì làm test cho bất kỳ những ai có triệu chứng gọi đến, NHS giờ đây tập trung ưu tiên xét nghiệm cho người có bệnh về hô hấp, những người trong khoa cấp cứu và những người có triệu chứng Covid-19 trong các bệnh viện.
Chuyện có triệu chứng mà vẫn không được đi xét nghiệm và phải tự ở cách ly ở nhà khiến nhiều du học sinh và phụ huynh Việt Nam lo ngại, và là một trong những lý do khiến nhiều du học sinh và người Việt tìm cách trở về Việt Nam.
Virus corona: New York cảnh báo sẽ thiếu hụt y tế nghiêm trọng trong vòng 10 ngày
Virus corona: Người Việt ở Ba Lan cố xoay sở và hỗ trợ nhau trong đại dịch
Các chính sách đưa ra cho người dân
Trong hơn một tuần qua, chiến lược chống dịch của Anh có thay đổi lớn, từ những chính sách bình tĩnh của giai đoạn ‘delay’ (làm chậm đỉnh dịch) sang các chính sách cứng rắn theo chủ trương ‘suppression’ (đè đỉnh dịch xuống).
Sau đây là các chính sách chống dịch mới được đưa ra trong tuần qua:
-Đóng cửa các trường học và đại học trên toàn quốc vô thời hạn, trừ ngoại lệ dành cho con của những nhân viên chủ chốt (key workers) như nhân viên y tế, cảnh sát, quân đội, chăm sóc người già và người dễ bị tổn thương v.v. Con của những nhân viên trong diện trên vẫn được đến trường, dù chương trình học không như bình thường mà chủ yếu là các hoạt động nhẹ nhàng và làm bài tập thầy cô giáo giao qua mạng. Những trẻ em không đi học và ở nhà được cảnh báo tuyệt đối hạn chế tiếp xúc với ông bà cao tuổi.
-Đóng cửa toàn bộ quán cà phê, nhà hàng, quán pub, hộp đêm, nhà hát, rạp phim, phòng gym, trung tâm thể thao trên toàn quốc từ ngày 20/3. Ngoại lệ duy nhất là cửa hàng bán đồ ăn mang đi (take-away).
-Chính phủ khuyến cáo người dân Anh thực hiện giãn cách xã hội (social distancing)- làm việc ở nhà khi có thể, chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết, giữ khoảng cách 2m ở nơi công cộng, kể cả khi ở ngoài trời.
Hồi cuối tuần, nhiều địa điểm như công viên, bãi biển ở Anh xuất hiện tình trạng người dân Anh đổ tới để đi dạo, tập thể dục mà không giữ khoảng cách 2 mét. Trong buổi họp báo hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Boris Johnson nói nếu người dân không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, chính phủ sẽ buộc phải làm các biện pháp mạnh tay hơn.
-Người cao tuổi trên 70, người có bệnh nền và phụ nữ có mang được khuyên nên ở trong nhà trong 12 tuần.
-Dịch vụ Y tế Công (NHS) trong tuần này sẽ liên hệ 1,5 triệu người có nguy cơ rất cao và yêu cầu họ không ra khỏi nhà trong 12 tuần. Những người trong diện này gồm những người bị một số loại ung thư nhất định, bệnh về hô hấp nặng và những người đã cấy tạng.
Chính phủ đang mở các trung tâm trên toàn quốc để phân phối thực phẩm và thuốc men đến tận nhà cho những người này, với sự tham gia của chính quyền địa phương, các nhà thuốc và quân đội Anh.
-Đưa người vô gia cư vào khách sạn ở London và các đô thị lớn để giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người này cũng như lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Các chính sách nâng cao khả năng chống dịch của NHS
Chính phủ Anh đang gặp rất nhiều chỉ trích vì sự chậm trễ trong công tác phòng chống dịch. Các câu chuyện của các bác sỹ, y tá, chưa được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, chưa được xét nghiệm và phải cách ly tại nhà tiếp tục gây áp lực cho chính phủ phải khẩn cấp giải quyết tình trạng này.
NHS cho biết từ thứ Năm tuần trước, thêm 2,6 triệu khẩu trang và 10.000 chai cồn rửa tay được gửi tới các bệnh viện ở London, nơi dự tính sẽ lên đỉnh dịch trước các vùng khác ở Anh từ 3-4 tuần.
Trang phục bảo hộ cũng được tiếp viện hàng ngày. Từ tuần này, quân đội Anh được điều động để giúp cho việc phân phối và quản lý đồ bảo hộ cho các nhân viên tuyến đầu.
Tình trạng thiếu máy thở cho các bệnh viện cũng là vấn đề lớn cho các bệnh viện Anh.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock từ cuối tuần trước đã kêu gọi các hãng sản xuất “làm càng nhiều máy thở càng tốt” để tăng cường cho hệ thống y tế.
Nhiều công ty Anh, từ các đội chế tạo xe F1 cho tới các hãng sản xuất máy hút bụi, đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ.
Sáng nay 23/3, các hãng cho biết chỉ trong vài ngày tới, họ sẽ đưa các prototype máy thở vào sản xuất hàng loạt, Sky News đưa tin.
Chính phủ cũng tuyên bố đã đạt thỏa thuận mua hàng ngàn giường cấp cứu (ICU units) của các bệnh viện tư, tăng khả năng đối phó với những ca nặng.
Virus corona: Châu Âu học được gì từ châu Á?
Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Muốn làm mạnh tay, phải ra luật mới
Chính phủ Anh đang đưa ra một dự luật để Quốc hội thông qua nhằm tăng quyền đặc biệt cho các cơ quan chức năng chống dịch Covid-19.
Luật mang tên Coronavirus Bill mà thực chất là luật về tình trạng khẩn cấp, sẽ có hiệu lực hai năm.
Tuy thế, có vẻ như các dân biểu trong Hạ viện Anh muốn họ có quyền xem xét lại luật sáu tháng một lần.
Hôm thứ Hai 23/03, Nghị viện Anh sẽ có cuộc thảo luận cuối ngày về dự luật này và thông qua trong tuần.
Chính phủ của thủ tướng Boris Johnson muốn nhà nước có quyền:
Đóng cửa sân bay, cảng biển
Cho cảnh sát quyền bắt giữ người mắc virus corona để áp dụng cách ly cưỡng bức
Biên phòng Anh có quyền giữ người nhập cư mắc virus corona
Ngoài ra là hàng loạt biện pháp khẩn cấp liên quan đến hoạt động của hệ thống y tế, tòa án, nhà tù, cung ứng thực phẩm, thuốc men.
Cho đến nay, ở Anh, nền kinh tế thị trường hoạt động không liên quan nhiều đến quyền của các cơ quan như cảnh sát, quân đội, và mọi vụ bắt giữ đều phải có lệnh của tòa án.
Nhưng với luật về tình trạng khẩn cấp được ban bố nay mai, quân đội và cảnh sát sẽ có quyền can thiệp nhiều vào các hoạt động nói trên.
Tương tự như vậy, các cảng biển, phi trường ở Anh là do các công ty tư nhân vận hành và cảnh sát chỉ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh.
Anh ra tay khi đã quá muộn?
Nhiều ý kiến cho rằng Anh đã chủ quan và bỏ lỡ nhiều tuần đề chuẩn bị chống dịch tốt hơn.
Mặc dù chính phủ Anh đã có bước thay đổi đáng kể về chiến lược chống dịch và trong hơn một tuần qua đã tăng dần các chính sách cứng rắn, các biện pháp mới có tác động tới mức nào chỉ có thể ghi nhận sau 2-3 tuần tới.
Trong khi Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế, các chuyên gia y tế và NHS tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm lời khuyên và hướng dẫn của chính phủ, ý thức tuân thủ kém của một bộ phận nhỏ dân Anh có thể khiến lãnh đạo Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cưỡng chế các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội.
Liệu Anh có đóng cửa sân bay, cảng biển hay phong tỏa các thành phố lớn hay toàn quốc như một số quốc gia châu Âu khác? Hãy chờ xem câu trả lời trong một vài ngày tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52005848
Nữ hoàng Anh rời Cung điện Buckingham
về lâu đài Windsor cách ly phòng dịch COVID-19
Triệu Hằng
Tờ Daily Mail ngày 21/3 cho biết, một nhân viên của Cung điện Buckingham được chẩn đoán mắc COVID-19 trước khi Nữ hoàng rời thủ đô về lâu đài Windsor.
Nữ hoàng 93 tuổi đã rời cung điện ở London, đem theo thú cưng là một con chó lai, cho kỳ nghỉ lễ Phục sinh sớm hơn một tuần so với dự định.
Người nhân viên của cung điện đã có xét nghiệm dương tính với căn bệnh độc viêm phổi Vũ Hán đã làm chết 233 người và làm cho 5.018 người nghi nhiễm chỉ riêng ở Anh. Nhân viên này đã ngã bệnh vào tuần trước đó.
Vẫn chưa biết liệu người phụ tá nhiễm bệnh này có thân cận với Nữ hoàng hay không, tờ The Sun báo cáo.
Một nguồn tin nói với tờ The Sun: “Cung điện có 500 nhân viên vì vậy cũng giống như bất kỳ nơi làm việc nào, không thể tưởng tượng được rằng cung điện sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong một vài giai đoạn”.
“Theo các hướng dẫn phù hợp và quy trình riêng của chúng tôi, chúng tôi đã thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tất cả nhân viên và những người liên quan”, nguồn tin nói thêm.
Nữ hoàng đã hội ngộ với chồng bà ở lâu đài Windsor. Hoàng thân Philip, 98 tuổi, đã về đây bằng máy bay trực thăng từ nhà riêng ở nông trang Wood Farm, giáo xứ Sandringham, Norfolk, trong bối cảnh London bị phong tỏa.
Theo Daily Mail
Triệu Hằng dịch và biên tập
Covid-19 – Pháp: Tham Chính Viện
khuyến cáo chính phủ siết chặt phong tỏa
Thanh Hà
Tại Pháp, tính tới chiều Chủ Nhật 22/03/2020, 674 người chết vì virus corona mới, hơn 1.700 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Chính phủ chuẩn bị triển hạn lệnh phong tỏa. Tham Chính Viện khuyến cáo chính phủ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Với hơn 16.000 ca lây nhiễm, số người tử vong và số bệnh nhân phải nhập viện liên tục tăng nhanh trong hai ngày cuối tuần, từ giới y khoa cho đến Tham Chính Viện hôm qua (22/03/2020) kêu gọi chính phủ Pháp « nghiêm ngặt hơn trong các biện pháp giới hạn đi lại ». Tuy nhiên, Tham Chính Viện, cơ quan có trọng trách cố vấn cho chính phủ và Quốc Hội Lưỡng Viện, đã bác bỏ khả năng « phong tỏa toàn diện », từng được Trung Quốc áp dụng tại thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.
Tổng thống Emmanuel Macron chủ trì một cuộc họp với Hội Đồng Cố Vấn Khoa Học vào hôm nay 23/03. Phát ngôn viên chính phủ Pháp, Sibeth Ndiaye, nêu lên khả năng giới y khoa kêu gọi chính phủ triển hạn lệnh phong tỏa, vốn được dự trù áp dụng cho tới cuối tháng 3/2020.
Cũng hôm qua, Quốc Hội đã chính thức thông qua luật cho phép chính phủ Pháp ban hành « Tình trạng khẩn cấp y tế ».
Ngày càng có nhiều thành phố ban hành lệnh giới nghiêm. Sau toàn bộ vùng Alpes-Maritimes ở miền nam và Perpignan trong vùng Pyrénées – Orientales, đến lượt nhiều thành phố ở miền đông bắc nước Pháp cũng ban hành lệnh giới nghiêm. Trong số này phải kể đến Mulhouse và Charleville-Mézières.
PUBLICITÉ
Về phần bộ trưởng Giáo Dục, Jean-Michel Blanquer, ông cho biết các trường học trên toàn quốc phải đóng cửa ít nhất cho tới ngày 04/05/2020.
Covid-19 : Giải trí miễn phí khi dân phải ở nhà
Tuấn Thảo
Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha hay là Pháp, hầu hết các nước châu Âu đều siết chặt các biện pháp phong tỏa. Người dân được yêu cầu phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài phố khi thật sự có nhu cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều sáng kiến đã ra đời để giúp cho các hộ gia đình có thêm những sinh hoạt thể thao, giải trí như đọc truyện hay xem phim miễn phí.
Riêng tại Pháp, các phòng tập thể dục, do phải đóng cửa nhiều tuần liên tục, đã tổ chức kể từ ngày 17/03/2020 chương trình thể thao trực tuyến. Các huấn luyện viên (CMG live training) thực hiện các bài tập trực tiếp mỗi ngày vào lúc 18 giờ, giờ địa phương. Người tham gia chỉ cần đấu nối vào mạng hay các trang xã hội chính thức để theo dõi. Các bài tập ở đây khá đa dạng, không chỉ đơn thuần là thể dục thể hình, mà còn là tập yoga, shadow boxing hay là zumba fitness ….. Đối với các em nhỏ, các môn thể thao trong nhà có thể được thực hành theo kiểu vừa tập vừa chơi. Ngoài các loại game chơi qua đầu máy video đặt ở trong phòng khách, các kênh truyền hình như OCS Jeux hay là BboxTV đều có tặng kể từ ngày 17/03 một tháng miễn phí các loại trò chơi mang tính gia đình.
Các thư viện trực tuyến miễn phí
Đối với những bạn thích đọc sách miễn phí, Thư viện trực tuyến Project Gutenberg do Michael Stern Hart sáng lập, chuyên giới thiệu với độc giả hơn 50.000 tựa sách điện tử (ebook) miễn phí trong 40 thứ tiếng khác nhau, trong đó có 5 tủ sách với các ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh, Đức, Ý, Bồ Đào Nha và Pháp ….. Mạng Feedbooks cũng tặng cho các độc giả hàng ngàn tựa sách kinh điển, trong nguyên tác cũng như các bản dịch chính thức, xếp theo 4 chuyên đề : tiểu thuyết, truyện ngắn, thi ca, lịch sử.
Về phần mình, Thư Viện Quốc Gia Pháp thông qua tủ sách Gallica cũng như Thư Viện vùng Romande ở Thụy Sĩ giới thiệu hàng ngàn tựa sách miễn phí, trong đó có khá nhiều tác phẩm tiếng Pháp từng được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Đa số các quyển sách này trước đây chỉ được dành cho các giáo viên với mục đích giảng dạy, giờ đây lại được mở rộng toàn bộ cho công chúng.
Mỗi tuần một vở opéra trên mạng
Về phía tất cả những ai các yêu chuộng nhạc cổ điển, múa ballet hay kịch opéra, nhà hát Opéra Garnier cũng giới thiệu với khán thính giả từ đây cho tới đầu tháng 5 năm 2020 các tác phẩm xuất sắc nhất do các diễn viên thuộc đoàn kịch quốc gia thực hiện. Chương trình phát sóng mỗi tuần một vở opéra
trên mạng đã bắt đầu từ trung tuần tháng ba với vở kịch ‘‘Manon’’ của Jules Masenet. Số lượng người đăng ký tài khoản miễn phí đã nhân lên gấp mười.
Chương trình opéra trực tuyến tiếp nối sau đó với vở kịch ‘‘Don Giovanni’’ của Mozart, tác phẩm ‘‘Le Barbier de Séville’’ của Rossini, ‘‘Les Contes d’Hofmann’’ của Offenbach, tuyệt tác ‘‘Carmen’’ của Bizet. Trên lãnh vực múa có vở ballet cổ điển Hồ Thiên Nga (Le lac des Cygnes) của Tchaikovski hay là các đoạn múa đương đại nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà biên đạo múa người Mỹ Jerome Robbins.
Phim tài liệu về lịch sử pop rock
Giới yêu chuộng nhạc pop rock dĩ nhiên có thể nghe nhạc thông qua các mạng trực tuyến, họ cũng có thể xem một số buổi trình diễn từng được thu hình hay là xem các thước phim tài liệu miễn phí trên mạng Best Online Documentaries, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của các thần tượng họ hằng ngưỡng mộ. Trong số các bộ phim tài liệu về lịch sử nhạc rock có ‘‘David Bowie : Story of Ziggy Stardust ; Bob Marley : Come A Long Way , Ladies & Gentlemen… Mr. Leonard Cohen ; Iggy Pop & the Stooges ; Chaos & Creation of Paul McCartney ; The Last 48 Hours of Kurt Cobain ; The Story of Led Zeppelin’’. Còn về nhạc jazz, có các bộ phim dành cho ‘‘Bill Evans với The Universal Mind, Django Reinhardt qua đợt biểu diễn Jazz Hot, Duke Ellington với Symphony in Black hay là Chick Corea với The Great Jazz Composer’’.
Hơn 1.000 phim miễn phí trên mạng
Khi nói về thú tiêu khiển, điện ảnh vẫn là một trong những lãnh vực phổ thông nhất. Tại Pháp, hai hệ thống kênh truyền hình Canal+ và OCS trở nên miễn phí cho tới ít nhất là 31/03 bao gồm cả các kênh xinê, phim nhiều tập, kênh thể thao và thiếu nhi. Sự kiện đáng chú ý hơn cả là ngày ra mắt bộ phim nhiều tập ‘‘The Mandalorian’’ tức là phần ngoại truyện của Star Wars thuộc mạng phân phối Disney+, bắt đầu chính thức hoạt động tại Pháp kể từ ngày 24/03.
Những bạn nào thích xem phim miễn phí cũng có thể truy cập trang ‘‘Open Culture’’. Mạng này vừa thiết lập một danh sách gồm 1.150 bộ phim có sẵn trên Internet. Trang ‘‘Open Culture’’ không phải là nguồn cung cấp các bộ phim, mà chủ yếu liệt kê tất cả các mạng và các trang blog, nơi mà khán giả có thể xem trực tuyến hay tải về máy vi tính cũng như điện thoại smartphone, mà không ngại gặp vấn đề về mặt tác quyền.
Mạng lưu trữ phim Hàn Quốc
Hơn một ngàn bộ phim ở đây được chia thành nhiều thể loại trong đó có khoảng 120 phim trinh thám và phim hồi hộp của Hitchcock, trên 100 tác phẩm gồm phim hoạt hình và phim hành động võ thuật cũng như hơn 50 bộ phim cao bồi cùng với hầu hết các tác phẩm của John Wayne …. Quan trọng hơn nữa là tủ phim Hàn Quốc nhờ vào kho lưu trữ phim Hàn (The Korean Film Archive). Trong số các tác phẩm đang chú ý có ‘‘The Coachman’’ Phu xe thồ, bộ phim Hàn Quốc đầu tiên (1961) đoạt giải Gấu bạc tại liên hoan điện ảnh quốc tế Berlin, ngoài ra còn có các tác phẩm ‘‘Sopyonje’’ của Im Kwon-taek, ‘‘The Road to Race track’’ của Jang Sun-woo, ‘‘Mulberry’’ của đạo diễn Lee Doo-yong hay là ‘‘A Hometown in Heart’’, nằm trong số các tác phẩm đầu tiên của đạo diễn Hong Sang-soo.
Trong số các bộ phim được xem như là quý hiếm, nay được phổ biến nhờ vào nỗ lực bảo tồn của Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française và Quỹ Martin Scorsese có tác phẩm ‘‘King Lear’’ do Orson Welles thực hiện (1953) cho đài truyền hình Anh, bộ phim Pháp ‘‘Le Sang du Poète’’ của Jean Cocteau (1930), ‘‘Dreams that Money can buy’’ tựa đề bộ phim siêu thực duy nhất (1947) mang đầy tính nghệ thuật với sự hợp tác của nhiều tên tuổi lớn của làng nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa như Man Ray, Marcel Duchamp, Fernand Léger & Hans Richter. Andy Warhol cũng từng dựng phim thử nghiệm Vinyl (1965) phóng tác từ truyện của Anthony Burgess. Còn ‘‘Une chanson d’amour’’ cũng là tác phẩm (1950) dựa vào kịch bản phim duy nhất của văn hào Pháp Jean Genet.
Từ Tarantino đến Nolan : tác phẩm đầu tay
Nếu như đa số các bộ phim ở đây thuộc vào loại phim xưa, có thể không hợp với thị hiếu của các bạn nào thích xem phim hành động ‘‘bắp rang’’ hay dòng phim siêu anh hùng, thế nhưng giới quan tâm tới nghệ thuật thứ 7 sẽ tìm thấy khá nhiều tác phẩm đầu tay của các đạo diễn như Christopher Nolan, Tim Burton, Quentin Tarantino, David Lynch, Lars Von Trier trước khi họ trở nên nổi tiếng trong làng điện ảnh quốc tế. Giới thích phim khoa học viễn tưởng có thể xem ‘‘Secret Weapons’’ của David Cronenberg hay là bộ tiền truyện gồm ba tập của ‘‘Blade Runner’’, hành động võ thuật thì có phim Lý Tiểu Long, phim hài thì có các tác phẩm của Charlie Chaplin tức vua hề Charlot …
Mạng Open Culture vẫn dành một vị trí quan trọng cho các bộ phim Mỹ do các hãng phim lớn sản xuất từ đầu những năm 1940 cho tới những năm 1960. Bộ vựng tập càng trở nên phong phú, phản ánh thời đại hoàng kim của làng phim Hollywood, tạo ra những khuôn thước cho toàn bộ ngành công nghiệp giải trí. Hầu hết các huyền thoại lớn của làng nghệ thuật thứ 7 đều thành danh trong thời kỳ này.
Thời kỳ hoàng kim của Hollywood
Trong số các tác phẩm đáng chú ý có ‘‘The Painted Desert’’ bộ phim quan trọng đầu tiên của Clark Gable, khi thần tượng màn bạc định hình phong cách cho riêng mình với đầu tóc chải mượt và bộ râu tỉa gọn. Cặp diễn viên tài sắc vẹn toàn Audrey Hepburn và Cary Grant trở thành đôi tình nhân lý tưởng trong bộ phim ‘‘Charade’’ (1963) của đạo diễn Alfred Hitchcock. Ông vua nhảy thiết hài Fred Astaire lại càng tạo thêm vầng hào quang vương giả trong bộ phim ca nhạc ‘‘Royal Wedding’’ (1951).
Tác phẩm văn học của Hemingway đã nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh lớn, quy tụ nhiều tài tử trứ danh như Helen Hayeheer và Gary Cooper trong ‘‘A Farewell to Arms’’ Giã từ vũ khí (1932) hay là ‘‘The Snows of Kilimanjaro’’ Đỉnh Núi Tuyết (1952) với Gregory Peck trong vai chính. Còn trong tác phẩm ‘‘The Last Time I Saw Paris’’ Lần cuối đến Paris (1953) dựa theo tập truyện ngắn của F. Scott Fitzgerald, đôi mắt quyến rũ lấp lánh của ngôi sao màn bạc Elizabeth Taylor vẫn lung linh huyền ảo tựa như thuở nào.
Covid-19 : Vì sao tỷ lệ tử vong tại Đức cực thấp ?
Minh Anh
Với hơn 22.670 ca nhiễm, nước Đức đứng hàng thứ 4 trên thế giới bị ảnh hưởng nặng dịch virus corona đứng sau Trung Quốc, Ý và Tây Ban Nha. Nhưng ở Đức chỉ có 94 ca tử vong thấp hơn rất nhiều so với các nước láng giềng như Pháp (672 người), Ý (5.476), Tây Ban Nha (1.772) hay Trung Quốc (3.270). Chiến lược « chủ động đối mặt với dịch bệnh » đã giúp Đức tạm thời dễ dàng đối phó với dịch bệnh.
Nhìn những số liệu do Viện Sức Khỏe Cộng Đồng Robert-Koch của Đức công bố mỗi sáng, và so sánh với các nước bị dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất, quả thật tỷ lệ tử vong vì virus corona mới tại Đức là cực thấp : 0,3% so với mức 3,6% ở Pháp, 4% tại Trung Quốc và 8,5% của Ý.
Vì sao như vậy ? Le Monde (21/03/2020) đưa ra ba giải thích chính.
Thứ nhất, Đức tiến hành chẩn đoán và xét nghiệm Covid-19 sớm theo đà lây lan của dịch bệnh. Chỉ riêng trong tuần 02/3, trong khi vẫn chưa có ca tử vong nào, Đức đã cho tiến hành xét nghiệm 35.000 người và hơn 100.000 người trong tuần kế tiếp. Giờ đây, theo viện trưởng viện Robert-Koch, nước Đức có thể tiến hành xét nghiệm 160 ngàn người/tuần, tương đương với con số tại Ý hiện nay.
Cách biệt về độ tuổi trung bình người bệnh là điểm khác biệt thứ hai so với Ý. Phần đông những bệnh nhân phát hiện dương tính ở Ý là người cao tuổi và đã có bệnh nền. Tại Đức, số người nhiễm bệnh trẻ tuổi hơn so với Ý và ít có vấn đề sức khỏe. Độ tuổi trung bình của người bệnh tại Ý là 63, trong khi ở Đức là 47. Phần lớn nạn nhân của virus corona là người già, do vậy việc phát hiện dương tính ở một số đông người trẻ tuổi cũng giải thích phần nào vì sao cho đến lúc này tỷ lệ tử vong vẫn cực thấp ở Đức.
Cuối cùng là tăng viện khả năng y tế. Trái với thái độ chủ quan và có phần xem nhẹ dịch bệnh như thừa nhận những ngày gần đây của một số chuyên gia của Pháp trên các kênh truyền thông, giới chức Y tế Đức hiểu rằng tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 sẽ sớm tăng vọt, nhưng không biết sẽ tăng đến đâu. Chính vì vậy, chính quyền Berlin chủ động tăng cường thêm 28.000 giường bệnh, tức ở mức 6 giường/1.000 cư dân. Với tỷ lệ này, Đức xếp hàng thứ ba trên thế giới sau Nhật Bản và Hàn Quốc, bỏ xa Pháp (3,1/1.000 dân, xếp hàng thứ 19) hay Ý (2,6 cho 1.000 người, xếp thứ 24), đồng thời thông báo trưng dụng khách sạn hay các trung tâm hội nghị để thiết lập các cơ sở chăm sóc tăng cường.
Chìa khóa quan trọng thứ hai trong bước cuối này là số lượng máy trợ thở. Chính phủ Đức đã chủ động đặt mua 10 ngàn máy. Chỉ có điều, lượng thiết bị này chủ yếu sẽ được giao dần vào cuối năm, đây chính là điểm khiến cho giới Y tế Đức băn khoăn.
Một bài học đáng suy ngẫm cho Pháp, Ý và Tây Ban Nha ?
Covid-19 – Tây Ban Nha: 400 người chết mỗi ngày,
kéo dài tình trạng khẩn cấp
Tú Anh
Với 28 ngàn ca dương tính và gần 400 nạn nhân qua đời trong 24 giờ qua, chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Quốc Hội triển hạn tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 11/04/2020, thêm ba tuần. Tính trung bình từ thứ Năm đến Chủ Nhật, mỗi ngày có 400 nạn nhân thiệt mạng, nâng số người chết lên hơn 2.100.
Mối âu lo chính của chính phủ Madrid là tình trạng thiếu sót của hệ thống y tế từ nhân sự cho đến phương tiện y khoa làm cho kế hoạch ngăn dịch khó khăn thêm. Từ Madrid, thông tín viên François Musseau tường thuật:
“Họ là những người lính chiến trên tuyến đầu chống giặc. Người lính chiến là từ ngữ ẩn dụ mà thủ tướng Pedro Sanchez sử dụng để vinh danh các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nói chung ngày đêm đối đầu với đại dịch Corona.
Thế mà, cũng theo chính phủ Tây Ban Nha, “những người lính chiến” này không được trang bị tốt và đông đủ quân số. Theo báo cáo chính thúc, 12% nhân viên y tế Tây Ban Nha đã bị siêu vi lây nhiễm, khiến lực lượng tiêu hao.
Do vậy, để tăng viện, chính quyền y tế trung ương cũng như địa phương tuyển dụng thêm 14 ngàn y tá, bác sĩ đang nghỉ hưu, sinh viên y khoa, y tá mới tốt nghiệp chưa có chỗ làm, cùng với 2000 quân nhân quân y trừ bị.
Madrid là nơi đáng lo nhất vì tập trung gần 50% bệnh nhân trên toàn quốc và số nhân viên y tế bị lây nhiễm.
Chính quyền cấp vùng xin thêm 2000 nhân viên y tế trợ lực cùng với hàng trăm ngàn khẩu trang và găng tay.
Tây Ban Nha đã gửi hai máy bay sang Trung Quốc đem về máy hô hấp nhân tạo và phương tiện cấp cứu hồi sinh.”
Covid-19: Nga quảng bá rầm rộ
về viện trợ quân sự giúp Ý chống dịch
Tú Anh|Thu Hằng
Chính quyền Nga thông báo viện trợ quân sự cho Ý vào tối thứ Bảy, 21/03/2020, và ngay lập tức quảng bá rộng rãi hoạt động này với công luận toàn thế giới. Máy bay quân sự Nga đã bay sang Roma. Trong những ngày kế tiếp, 100 quân y sĩ và y tá chuyên môn dịch tễ sẽ đến sau. Vì sao Matxcơva làm ồn ào ?
Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo tường thuật:
“Các thông báo của bộ Quốc phòng Nga liên tục rơi vào hộp thư điện tử của các thông tín viên quốc tế làm việc tại Matxcơva. Nước Nga viện trợ quân sự cho nước Ý chống dịch Covid-19 và điện Kremlin muốn mọi người biết việc làm này.
Đề nghị của Nga được Ý chấp thuận vào đêm thứ Bảy trong cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước. 100 quân nhân Nga và 9 máy bay vận tải sẽ đáp xuống căn cứ không quân Ý ở Pratica de Mare ở phía nam thủ đô Roma. Bộ Quốc Phòng Nga còn cung cấp cho báo chí sơ yếu lý lịch đầy ấn tượng của 100 chuyên gia quân y này: từng tham gia chiến dịch chống dịch heo châu Phi, tham gia chế tạo vac-xin chống dịch Ebola và dịch hạch. Bên cạnh các quân y sĩ này còn có một khối lượng dụng cụ y tế khử trùng xe cộ.
Trợ giúp của Nga cũng như của Trung Quốc không phải là không có dụng ý.
Bởi vì tại nước Nga, chính quyền khẳng định là đã khống chế được Covid-19, trong khi trong giới y tế, nhiều bác sĩ phủ nhận các số liệu chính thức.
Tuy nhiên, vì Châu Âu đang bối rối trong tình trạng khẩn cấp, tại Mỹ, Donald Trump cũng đang chật vật đối phó với siêu vi Corona, nên Matxcơva không bỏ lỡ cơ hội tốt đánh lá bài kép, vừa nhân đạo vừa ngoại giao“.
Bác sĩ Cuba đến hỗ trợ Ý
Đoàn chuyên gia Cuba đã đến vùng Lombardia để giúp Ý chống dịch virus corona. Dù là sứ mệnh tương ái, nhưng những nhiệm vụ y tế ở nước ngoài vẫn là nguồn thu ngoại hối chính của chính quyền La Habana.
Thông tín viên RFI Domitille Piron ở La Habana cho biết thêm :
« Họ có 52 người, chủ yếu là nam giới, độ tuổi trung bình là 49, đã rời La Habana hôm thứ Bẩy 21/03/2020 để đến vùng Lombardia. Trên giấy tờ, những bác sĩ và y tá này đều là tình nguyện viên và họ sẽ ở lại Ý ba tháng. Họ sẽ phối hợp với các đồng nghiệp Trung Quốc và Ý tại bệnh viện mới ở Bergame. Những nhân viên y tế Cuba này có lợi thế kinh nghiệm, phần lớn từng tham gia chống dịch Ebola ở châu Phi.
Vậy điều gì khích lệ họ đến Ý ? Đó là tinh thần tương ái sâu sắc, theo giải thích của một bác sĩ : ‘Dĩ nhiên chúng tôi đều sợ, nhưng chúng tôi phải hoàn thành sứ mệnh cách mạng, chúng tôi gác sợ hãi sang một bên, chúng tôi không phải là những siêu anh hùng gan dạ, chúng tôi là những bác sĩ Cách mạng”.
Ý là nước châu Âu đầu tiên cầu viện Cuba hỗ trợ y tế trong dịch Covid-19. Còn Cuba đã gửi hơn 300 nhân viên y tế đến năm nước vùng Caribê và Trung Mỹ.
Trong khi đó, tại Cuba, một số người dân thắc mắc : Ai sẽ chăm sóc họ khi virus corona mới lây nhiễm trong cộng đồng ? Hiện tại, bộ Y Tế Cuba thông báo có 35 người nhiễm virus corona, một du khách Ý bị chết và có 950 ca nghi nhiễm đang được theo dõi ở bệnh viện. Chưa một biện pháp phong tỏa nào được Cuba đưa ra. Trường học, các cửa hàng, cửa hiệu và nhà hàng vẫn mở cửa. Tuy nhiên, Cuba đã đóng cửa biên giới đối với du khách, khoảng 60.000 khách nước ngoài đã phải rời khỏi hòn đảo ».
Nhiều nước phản đối Olympic Tokyo
dù Nhật Bản vẫn kiên quyết tổ chức
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã lên tiếng đề nghị hoãn Thế vận hội Tokyo 2020 dù Nhật Bản trong tuần qua vẫn kiên quyết nói sẽ tổ chức vào cuối tháng 7 tới như dự kiến.
Reuters loan tin hôm 23/3 cho biết Canada vừa tuyên bố sẽ không gửi vận động viên đến tham dự Olymic và Paralympic năm nay vì sức khoẻ và an nguy của các vận động viên nước này.
Tính tới thời điểm hiện giờ, nhiều nước như Canada, Úc, Ba Lan, Na Uy, Brazil, Slovenia… đã kêu gọi hoãn Thế vận hội 2020 do Nhật Bản đăng cai.
Những kêu gọi phản đối Olymic Tokyo 2020 được đưa ra khi dịch virus Corona lạ đã bùng phát ở 192 quốc gia với hơn 337 ngàn trường hợp nhiễm bệnh và hơn 14600 tử vong. Trung tâm dịch vốn phát sinh từ Vũ Hán, Trung Quốc với số người nhiễm cao nhất thế giới nay đã chuyển sang Châu Âu.
Hôm Chủ Nhật 22/3, Uỷ ban Olympic Thế giới (IOC) nói tổ chức này sẽ có những thảo luận, gồm việc sẽ dời ngày tổ chức 24/7 sang thời gian khác, thậm chí có thể sang tới năm 2021 vì đại dịch Covid-19.
IOC nói quyết định kế hoạch của Thế vận hội năm nay sẽ được thông báo trong vòng 4 tuần tới.
Nhật Bản đã chi hơn 35 tỷ Euro để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho kỳ Thế vận hội này.
Cũng tin liên quan, giải đua xe nhà nghề Công thức 1 (F1 Vietnam Grand Prix) dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 4 sắp tới cũng đã bị thông báo hoãn lại vào hôm 13/3 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo trang mạng sportsmole.co, phía nhà tổ chức Việt Nam đã nói những người hâm mộ hãy giữ lại vé vì các trận đua xe sẽ được dời sang chỉ trong vòng một hoặc hai tháng.
Việt Nam cũng đã đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng đường đua và các cơ sở hạ tầng phục vụ cho Vietnam Grand Prix 2020.
Trang bị tàu Maya, Hải quân Nhật Bản sẽ rất mạnh
Lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản chính thức trang bị tàu khu trục Maya, được trang bị hệ thống Aegis và tên lửa RIM-161 SM-3 Block II, RIM-174 SM-6.
Lực lượng hải quân Nhật Bản đã chính thức ra mắt tàu khu trục Maya, hãng tin Kyodo News cho biết. Tàu khu trục Maya là một con tàu rất lớn, có thể được sử dụng trong các hoạt động quân sự ở khoảng cách hàng nghìn dặm từ bờ biển của Nhật Bản.
Tàu khu trục này có lượng giãn tối đa 10.250 tấn. Chiều dài khoảng 170 m, chiều rộng khoảng 22,2 m, phần chìm dưới nước khoảng 6,4 m. Tàu được trang bị công nghệ tàng hình. Tàu khu trục này có khả năng đạt tốc độ 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 4500 dặm. Thủy thủ tàu gồm 307 người.
Tàu khu trục này không phải là một con tàu hoàn toàn mới, nó là phiên bản nâng cấp của tàu khu trục Congo, được đưa vào hoạt động trong lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản năm 1993.
Trên tàu khu trục Maya phần lớn không thay đổi nhiều so với tàu khu trục Congo, chỉ thay đổi hệ thống vũ khí và hệ thống điện tử. Hiện tại trên tàu khu trục này, tổ hợp phóng Mk-41 hiện đại hơn, vì vậy chúng rất hiệu quả trong việc chống lại tên lửa của kẻ thù. Có hai loại tên lửa chính trang bị cho tổ hợp này.
Đầu tiên là tên lửa RIM-161 SM-3 Block II được thiết kế để đánh chặn mục tiêu trên không, chủ yếu là tên lửa đạn đạo tầm trung. Phạm vi đánh chặn tối đa là 700 km, độ cao tối đa 500 km.
Thứ hai là tên lửa RIM-174 SM-6 là phiên bản nâng cấp của dòng tên lửa SM-2. Loại tên lửa này có đầu tự dẫn dẫn đường bằng radar. Tốc độ của loại tên lửa này khoảng 3,5 Mach, độ cao tối đa 33 km và phạm vi tiêu diệt mục tiêu khoảng 240 km. Loại tên lửa này có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo và khối chiến đấu, nhưng chúng cũng có thể đánh chặn tên lửa hành trình và máy bay.
Trên tàu còn được trang bị nhiều loại vũ khí khác. Thay vì tên lửa chống hạm Harpoon đã lỗi thời của Mỹ, tên lửa chống hạm Type 12 của Nhật Bản được sử dụng. Để phòng thủ chống ngầm trên tàu được trang bị tên lửa dẫn đường chống ngầm RUM-139 VL-Asroc của Mỹ. Tất cả chúng đều được đặt trong bệ phóng Mk-41.
Ngoài ra, còn có ngư lôi cỡ nòng 324 mm, hai khẩu pháo phòng không 20 loại 6 nòng với cỡ nòng 20 mm, một tổ hợp pháo với cỡ nòng 127 mm.
Tàu khu trục Maya có thiết bị điện tử rất hiện đại. Trên tàu được trang bị một radar ba tọa độ với ăng ten mảng pha chủ động liên kết chặt chẽ với hệ thống Aegis, hệ thống sonar hoạt động cho phép quản lý các thông tin về chống ngầm và một tổ hợp tác chiến điện tử.
Với sự xuất hiện của tàu khu trực Maya, hiên tại hải quân Nhật Bản có tất cả 7 tàu được trang bị hệ thống Aegis, trong đó có hai tàu khu trục được đưa vào hoạt động những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong những năm gần đây, hải quân Nhật Bản được trang bị thêm rất nhiều tàu chiến, cụ thể 20 tàu thuộc bốn lớp Asahi, Akazuki, Takanami và Murasame đi vào hoạt động trong những năm đầu thế kỷ 21, 10 chiếc khác thuộc lớp Asagiri và Hatsuyuki đi vào hoạt đông từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước.
Ngoài ra, hải quân Nhật Bản có 4 tàu sân bay trực thăng Izumo có khả năng mang theo tới 28 máy bay và 6 tàu khu trục Abukum. Về lực lượng chống ngầm, hải quân Nhật Bản hiện có 22 tàu ngầm phi hạt nhân, gồm 11 chiếc thuộc lớp Oyashio và 11 chiếc thuộc lớp Soryu.
http://biendong.net/bien-dong/33691-trang-bi-tau-maya-hai-quan-nhat-ban-se-rat-manh.html
WeWork chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại SoftBank
Thiện Lan
Ủy ban đặc biệt của hội đồng quản trị WeWork, một công ty cung cấp không gian làm việc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến chống lại tập đoàn SoftBank của Nhật Bản khi cho rằng SoftBank nên hoàn thành lời hứa về việc mua cổ phiếu của công ty.
“SoftBank không chỉ có nghĩa vụ phải hoàn thành lời hứa mua cổ phiếu như được nêu chi tiết trong Thỏa thuận giao dịch chính, với các lý do để không cố gắng thực hiện, là không phù hợp và không trung thực”, Ủy ban cho biết trong một tuyên bố hôm 22/3.
Đáp lại, SoftBank cho biết họ có khả năng sẽ bỏ qua việc mua cổ phiếu nếu như buộc phải có bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào đối với WeWork, trách nhiệm này không ảnh hưởng đến cam kết của SoftBank đối với WeWork hoặc về khả năng tài chính của doanh nghiệp.
“SoftBank đã thông báo cho các cổ đông rằng tất cả các điều kiện kết thúc thỏa thuận phải được thỏa mãn trước khi việc mua cổ phiếu được hoàn thành”, một phát ngôn viên của SoftBank cho biết.
“Cho đến bây giờ, chúng vẫn chưa được thực hiện”.
Reuters đưa tin hôm 17/3 rằng, SoftBank đang xem xét rút khỏi giá thầu 3 tỷ USD về việc mua thêm cổ phần tại WeWork, bởi vì họ cảm thấy công ty chia sẻ không gian văn phòng đã không đáp ứng các điều kiện cho thỏa thuận này.
Theo Reuters
Thiện Lan dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/wework-chuan-bi-cho-cuoc-chien-chong-lai-softbank.html
Triều Tiên phản hồi
lời mời “bất thường” của ông Trump
Bình Nhưỡng đã chính thức phản hồi lời mời bất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Chủ tịch Kim Jong Un về cuộc gặp tại khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên-Hàn Quốc.
Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên ngày 29/6 trích dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Choe Son-hui cho hay: “Chúng tôi coi đó là một đề xuất vô cùng thú vị. Nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được lời mời chính thức”.
“Tôi cho rằng, nếu các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại đường phân ranh như ý định của Tổng thống Trump, đó sẽ là một cơ hội ý nghĩa nữa nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo và thúc đẩy các quan hệ song phương”.
Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Trump đăng đàn Twitter bày tỏ hy vọng có cuộc gặp với người đứng đầu Bình Nhưỡng tại khu DMZ trong thời gian ông công du Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật.
Trong dư luận từng có nhiều đồn đoán về cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim tại vùng biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Song, trước khi rời Washington tới Osaka, Nhật, ông Trump đã lên tiếng phủ nhận việc mình có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Lần gần đây nhất hai ông gặp nhau là vào tháng 2. Do bất đồng về các bước giải trừ hạt nhân cũng như việc Washington giảm cấm vận Bình Nhưỡng, hai bên đã không đạt bất kỳ thỏa thuận nào. Các cuộc thương lượng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ đó.
Triều Tiên tuyên bố “còn quá sớm”
để nói về triển vọng quan hệ với Mỹ
Dù ông Trump và ông Kim Jong Un vẫn duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp song phía Triều Tiên cho rằng “còn quá sớm” để bàn đến triển vọng quan hệ 2 nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó khẳng định mong muốn duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai bên, đồng thời đề nghị hỗ trợ Triều Tiên trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trước đó ngày hôm qua, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay về phía biển Nhật Bản, mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho là các tên lửa tầm ngắn.
Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA) hôm nay dẫn lời em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong cho biết, trong bức thư của mình, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao nỗ lực của ông Kim Jong Un trong việc bảo vệ người dân trước dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng giải thích kế hoạch nhằm thúc đẩy các mối quan hệ với Triều Tiên, đồng thời bày tỏ ý định sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, bức thư cũng nhấn mạnh, bất chấp mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, nếu sự vô tư và cân bằng không được đảm bảo, cùng những hành động đơn phương, có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bên.
Đưa ra chỉ vài giờ sau vụ phóng thử mới đây nhất của Triều Tiên, phản ứng của Mỹ được đánh giá là khá nhẹ nhàng và thậm chí là có phần khéo léo, khác hẳn phong cách thường thấy của Tổng thống Donald Trump. Theo một quan chức Mỹ, đây là nỗ lực của ông Donald Trump nhằm thúc đẩy hợp tác với các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra.
Trước đó các đồng minh của Mỹ đã dùng những ngôn từ khá mạnh mẽ để chỉ trích vụ phóng của Triều Tiên. Hàn Quốc cho đây là một hành động không phù hợp giữa lúc thế giới đang tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống Covid-19. Nhật Bản thời gian qua cũng không dưới một lần chỉ trích những vụ phóng như thế này của Triều Tiên là sự đe dọa đối với hòa bình và an ninh của Nhật Bản và khu vực.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh: “Những hành vi như thế này đe dọa hòa bình, an ninh của Nhật Bản và khu vực. Đây là vấn đề ngiêm trọng đối với toàn thể cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản”.
Theo em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, bức thư của ông Donald Trump, là một ví dụ điển hình cho thấy mối quan hệ cá nhân đặc biệt và vững chắc giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, không phải là ý tưởng tốt nếu đưa bất kỳ kết luận vội vàng hay lạc quan nào về triển vọng của mối quan hệ song phương.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ hôm 8/1 cũng đã gửi thư chúc mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Triều Tiên khi đó cũng khẳng định, chỉ điều này thôi là không đủ để giúp 2 nước trở lại bàn đàm phán trừ khi Mỹ cho thấy sự linh hoạt hơn và thay đổi cách tiếp cận của mình.
Từ tháng 11/2019 vừa qua, Triều Tiên đã gia tăng các vụ thử vũ khí, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ lâm vào bế tắc. Theo các nhà phân tích, Triều Tiên dường như vẫn đang hoàn thiện năng lực hạt nhân của mình, bất chấp những trừng phạt và lên án. Tính từ đầu tháng 3 tới nay, thì nước này đã 3 lần tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Đặc biệt là lần thứ 3 này, tên lửa đã bay qua suốt dọc chiều dài đất nước, từ Tây sang Đông, dù cũng giống như những lần trước đó, đều có tầm bắn ngắn và không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho lục địa Mỹ.
Cũng trong ngày hôm qua (21/3), nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát một vụ thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật vừa mới được phát triển. KCNA nhấn mạnh, đây là loại mới nhất trong một loạt các hệ thống vũ khí vừa mới được phát triển, đồng thời dẫn lời ông Kim Jong Un nói rằng “việc liên tục sản xuất các hệ thống vũ khí mới theo thiết kế của các chuyên gia trong nước có vai trò to lớn trong việc tạo ra sự phát triển và tạo ra sự khác biệt trong các lực lượng vũ trang của đất nước”
Cảnh sát biển Đài Loan bắt giữ 31 người Việt
nhập cư lậu trốn trên tàu cá
Cảnh sát biển Đài Loan hôm 21 tháng 3 năm 2020 bắt giữ một tàu cá chở theo 31 người quốc tịch Việt Nam gồm 24 người nam và 7 người nữ không có giấy tờ đang trên đường nhập cư lậu vào nước này.
Ngoài ra, hai thuyền viên người Đài Loan cũng bị bắt giữ vì vi phạm Đạo luật Di trú khi tổ chức buôn lậu người.
Theo trang Tin tức Đài Loan, con tàu bị bắt giữ khi cách đảo Tiểu Lưu Cầu khoảng 10 hải lý về phía Tây Nam, thuộc quận Bình Đông, phía Nam đảo Đài Loan.
Đoạn video được Sở Cảnh sát biển Đài Loan đăng tải cho thấy, các sĩ quan mặc quần áo bảo hộ y tế trước khi lên tàu, phun thuốc khử khuẩn cho những người nhập cư lậu, đo nhiệt độ và điều tra họ về bất kỳ triệu chứng nào có liên quan tới COVID-19 gần đây.
Đài Loan hiện nay có gần 200 ca nhiễm COVID-19 và 2 người qua đời vì căn bệnh này.
Đài Bắc cũng đưa Việt Nam và một số nước Đông Nam Á vào cảnh báo du lịch cấp độ 3, điều này có nghĩa là những lao động di trú ở các nước này đến Đài Loan sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày theo quy định và không được ra khỏi nhà để đi làm.
Hồi tháng 3-2018, hai thi thể người Việt nằm trong nhóm nhập cư lậu trôi dạt vào bờ biển quận Bình Đông khi xuồng cứu sinh chở họ bị lật khi cách bãi biển có 3-5 km.
Hiện không rõ con tàu này xuất phát từ đâu, tuy nhiên người Việt thường chọn đi lậu bằng tàu cá từ Trung Quốc vượt eo biển Đài Loan để vào đất liền.
Những người chọn phương cách này thường là lao động di trú, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, bị cảnh sát di trú bắt giữ, trục xuất về Việt Nam nên rất khó xin giấy tờ trở lại Đài Loan làm việc.
Biểu tình ở Hong Kong tiếp tục diễn ra hôm thứ bảy
Vào hôm thứ Bảy (21 tháng 3), hơn 100 người tổ chức biểu tình để đánh dấu tám tháng kể từ khi xảy ra vụ đánh đập ở khu vực Yuen Long của Hồng Kông vào ngày 21 tháng 7 năm ngoái. Khi đó một nhóm người mặc áo trắng cầm thanh kim loại và cột gỗ tấn công người biểu tình và những người vô tình xuất hiện tại nhà ga MTR của quận và trên một chuyến tàu, làm bị thương 45 người. Cảnh sát bị cáo buộc đến hiện trường quá trễ trong khi sở cảnh sát cho biết nhân lực trong ngành đều đang bận để đối phó với các cuộc bạo động ở khu trung tâm khác.
Vào thứ Bảy vừa qua, những người biểu tình đốt một đám cháy trên đường Tai Tong và chặn một số con đường trong quận, khiến cảnh sát phải nhanh chóng đến khu vực này trước 9 giờ tối để giải tán đám đông. Vào khoảng 7 giờ tối cùng ngày, hơn 100 người xuất hiện ở Yuen Long hô to các khẩu hiệu như “Giải phóng Hồng Kông, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta!”, “Sự độc lập của Hồng Kông là con đường thoát duy nhất”, “5 yêu cầu, không bớt một cái nào”.
Một tuyên bố chung từ chủ tịch tại 17 hội đồng khác nhau đã lên án cảnh sát vì sử dụng vũ lực quá mức và lạm dụng các thủ tục bắt giữ, gây tổn thương cho tự do của người Hồng Kông. Theo tờ South China Morning Post đưa tin, vào sớm ngày Chủ nhật (22/3), các cuộc đụng độ vẫn đang diễn ra giữa những người biểu tình và cảnh sát chống bạo động ở Yuen Long.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bieu-tinh-o-hong-kong-tiep-tuc-dien-ra-hom-thu-bay/
Virus corona: Cả Trung Quốc làm việc từ nhà
Lu-Hai LiangBBC Worklife
Tao Yu thường làm việc ở một văn phòng thời thượng ở Thượng Hải, trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc; cô làm trong đội marketing của nhà sản xuất xe hơi Đức Porsche.
Nhưng từ khi dịch bệnh do coronavirus Covid-19 bùng phát, thì nhân viên 28 tuổi này, cũng giống như hàng triệu đồng bào khác của cô, buộc phải làm việc tại nhà.
Covid-19: Vì sao người dân đổ xô đi mua hàng?
Covid-19: ‘Bệnh nhân số 0’ là ai?
Nên ‘bắt buộc’ hay ‘cho phép’ người lao động nghỉ ngơi?
Tao là người đến từ tỉnh Hồ Bắc ở miền nam, nơi loại virus này khởi phát, và cô làm việc từ nhà của gia đình ở thành phố Hoàng Cương có dân số 7,5 triệu người. Đây là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề thứ nhì, sau Vũ Hán. “Tôi ngủ dậy, ăn sáng, đi vào phòng mình và bắt đầu làm việc,” cô chia sẻ.
Tao không phải là người thích làm việc tại nhà, nhưng đó là điều mà rất nhiều hàng xóm của cô đang thực hiện khi thành phố rơi vào cảnh bị phong tỏa. Cô lo lắng không biết đồng nghiệp nghĩ gì về mình.
“Tôi muốn thể hiện rằng làm việc tại nhà và tại văn phòng là như nhau, nhưng tôi lo lắng đồng nghiệp của tôi sẽ nghĩ thật không công bằng. Họ có thể nghĩ rằng làm việc ở nhà là xa xỉ,” cô giải thích.
Ở Trung Quốc, làm việc tại nhà ít phổ biến hơn nhiều so với phương Tây. Nhưng từ ngày 3/2, khi chính quyền địa phương và các công ty khắp cả nước khuyến khích nhân viên ở nhà, thì lần đầu tiên hàng triệu người Trung Quốc được trải nghiệm những lợi ích và mặt trái của văn phòng tại nhà.
Với việc những con đường từng đông đúc ở thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông giờ đây vắng lặng đến ma quái, cuộc thử nghiệm khổng lồ làm việc từ nhà đã dẫn đến nhu cầu sử dụng những ứng dụng hội họp bằng video tăng cao, như ứng dụng Wechat Work của hãng Tencent, và ứng dụng DingTalk của hãng Alibaba.
Công ty Hoa Kỳ có tên là Zoom, một nhà cung cấp dịch vụ hội họp bằng video khác, chứng kiến việc giá cổ phiếu của họ tăng vọt, trái ngược với đà sụt giảm của thị trường chứng khoán vì nỗi sợ với coronavirus.
Nhân viên người Trung Quốc có nhiều cảm xúc lẫn lộn với cuộc thử nghiệm này.
Một số phàn nàn vì sếp quá phiền hà và không tin tưởng nhân viên có thể làm việc tại nhà. Một số khác bị xao nhãng vì người trong gia đình hoặc thấy khó mà tập trung được, trong khi đó một số người lại ủng hộ trải nghiệm này, thích thú vì cảm thấy tăng năng suất làm việc. Một số thậm chí còn cho biết đời sống tình yêu của họ được cải thiện.
“Buộc phải thích nghi”
Sun Meng, 32 tuổi, người từ tỉnh Liêu Ninh, làm việc ở Bắc Kinh trong công ty giáo dục trực tuyến VIPKid, với công việc là thiết kế và lên kế hoạch giáo trình.
Vì sao phụ nữ càng thành đạt càng dễ ly hôn
Yêu lành mạnh với bao cao su ‘chay’
Cách ngủ ngon hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn
Cô đã làm việc tại nhà trong một tháng – và không hề cảm thấy nhớ con đường dài từ nhà đến văn phòng. “Tôi thấy thật tuyệt, vì bình thường tôi phải di chuyển bốn giờ để đi từ nhà đến chỗ làm rồi lại đi về,” cô nói.
Cô không thể chuyển đến sống gần sở làm hơn vì nơi đăng ký hộ khẩu của chồng cô (là hệ thống đăng ký hộ gia đình giúp người dân tiếp cận với các cơ sở an sinh xã hội) khiến cho đứa con trai ba tuổi của cô phải đi học ở trường mầm non tại nơi họ sống.
“Đó là trường mẫu giáo công – là trường duy nhất mà bé có thể đi học. Nếu bé muốn học ở trường gần hơn [gần văn phòng cô], chúng tôi sẽ phải cho bé học ở trường tư, mà giá cả lại quá đắt đỏ.”
Trong quá khứ, Sun từng không thành công khi cố đăng ký làm việc tại nhà hai ngày mỗi tuần (thay vào đó công ty cho phép cô chuyển giờ làm việc).
Nhưng vì giờ đây nhân viên bị buộc phải làm việc từ nhà, Sun cho biết giám đốc điều hành của cô đã thừa nhận là nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
Cách làm việc trong nội bộ cũng thay đổi để chấp với tình hình mới.
Tại văn phòng, mọi người phải đăng ký ra vào theo giờ làm việc, nhưng giờ đây họ bắt đầu ngày làm việc bằng cách gửi một bức ảnh “đăng nhập” lên nhóm làm việc DingTalk và điền vào bản báo cáo làm việc hàng ngày qua một ứng dụng trên cùng nền tảng.
“Giờ đây chúng tôi bị buộc phải làm việc ở nhà, họ [bộ phận nhân sự] buộc phải thích ứng cách kiểm soát mới,” cô cho biết.
Sun chia sẻ điều tuyệt vời nhất khi làm việc tại nhà là con trai cô không cần phải đợi đến tận buổi tối mới được gặp mẹ. “Tôi có thể đóng máy tính ngay lập tức [sau giờ làm việc] và bắt đầu chơi với con.”
‘Mọi thứ khó khăn hơn’
Người ta vẫn chưa rõ bao nhiêu phần trong lực lượng lao động được phép làm việc từ xa trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
51% số doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết họ có chính sách công sở linh hoạt, theo một khảo sát về công sở toàn cầu 2019 IWG; con số ở Hoa Kỳ là 69%.
Nhưng sự linh hoạt lại được định nghĩa khác nhau tùy theo từng tổ chức khác nhau: với một số công ty, đó có thể đơn giản là khả năng điều chỉnh giờ làm của bạn hoặc tự kiểm soát khối lượng công việc.
Những bằng chứng không đáng tin cậy cho thấy nhân viên người Trung Quốc sử dụng (hoặc được phép sử dụng) phương thức làm việc từ nhà thấp hơn đáng kể so với Hoa Kỳ, chẳng hạn, con số từ Gallup cho thấy đến năm 2017 43% nhân viên làm việc tại nhà ít nhất một khoảng thời gian nào đó.
Jay Milliken, đối tác cao cấp và lãnh đạo vùng Châu Á của công ty tư vấn Profet tin rằng tỷ lệ làm việc từ nhà thấp hơn ở Trung Quốc có liên quan với văn hóa công sở truyền thống.
“Văn hóa công ty ở các công ty Trung Quốc nói chung vẫn còn phải đi một chặng đường dài – ngoại trừ các công ty quảng cáo sáng tạo và những công ty khởi nghiệp công nghệ là ngoại lệ,” ông nhận định.
Rất nhiều công ty Trung Quốc vẫn sử dụng cách quản lý từ trên xuống, đòi hỏi nhân viên phải báo cáo giờ ra vào khi đi làm, và số tiền thưởng cũng như chỉ tiêu công việc thường gắn chặt với sự có mặt trong công ty.
Phong cách “làm việc từ nhà” đi ngược lại với niềm tin của họ về cách quản lý nhân viên,” Milliken nói.
Xin Sun, 36 tuổi, nhà quản lý tại Ngân hàng Pingan ở Thâm Quyến, dĩ nhiên cảm thấy ông khó kiểm soát nhân viên hơn khi họ không đi làm ở văn phòng.
“Làm việc từ nhà khiến việc quản lý khó khăn hơn, một phần vì liên lạc kém hiệu quả và nhân viên làm việc uể oải trong khi làm việc riêng khác,” ông cho biết.
“Khi làm việc từ nhà, nhân viên trong nhóm tôi thỉnh thoảng phản hồi tôi trễ, điều này khiến tôi cảm thấy mất kiểm soát. Thông thường chúng tôi có cuộc họp hàng tuần, nhưng trong thời gian làm việc từ nhà, tôi tổ chức họp hàng ngày, chỉ để chắc chắn mọi người đang cùng tiến độ và có việc gì đó để làm mỗi ngày. Đồng thời, tôi cũng yêu cầu họ báo cáo cho tôi mỗi ngày xem họ làm gì và họ định làm gì ngày mai. Tôi thấy đây là cách hiệu quả khiến họ có động lực làm việc và không tụt lại phía sau,” ông chia sẻ.
Nhưng yêu cầu phải báo cáo nhiều hơn với các sếp đã khiến nhân viên gặp vất vả.
Yang, 23 tuổi, là nhà sản xuất tại công ty trò chơi điện tử Trung Quốc tên NetEase, cho biết giờ đây cô phải tham dự nhiều cuộc gọi họp hành hơn mỗi ngày, vì vậy giảm thời gian để cô có thể làm công việc của cô.
“Trước khi dịch xảy ra, khi tôi ở công sở, báo cáo công việc hàng ngày là không bắt buộc, nhưng giờ đây bạn nên cẩn thận ghi lại mọi thứ mình đã làm trong báo cáo hàng ngày và gửi cho sếp. Tôi sợ rằng việc này sẽ làm giảm hiệu quả công việc của tôi,” Yang nói, và yêu cầu bài viết không đăng tên họ đầy đủ của cô.
Đôi bên cùng có lợi
Mặc dù văn hóa công sở Trung Quốc có vẻ bảo thủ hơn, nhưng những cơ sở vật chất công nghệ đã sẵn sàng cho việc làm việc tại nhà.
WeChat – một siêu ứng dụng bao gồm tin nhắn, chuyển tập tin, khả năng họp bằng video, chi trả qua mạng và những tính năng khác – thì cực kỳ phổ biến với hơn một tỷ người dùng ở Trung Quốc.
Matthew Brennan, người đang viết một quyển sách về WeChat, cho biết với những công ty vừa và nhỏ, sử dụng WeChat rõ ràng là một lựa chọn, vì nó thay thế cho những ứng dụng như Slack (đôi khi bị chặn ở Trung Quốc) hoặc email.
Và trong nhiều trường hợp, làm việc từ nhà cũng hữu ích cho các công ty phải trả chi phí văn phòng quá cao và những nhân viên phải đi rất xa mới đến được chỗ làm. Nhưng rất khó nói rằng liệu thời gian tăng cường làm việc từ nhà này sẽ khiến phương thức này lan rộng hơn ở Trung Quốc về lâu dài.
Qun Li, phó giáo sư về văn hóa công ty tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, tin rằng đòi hỏi từ nhân viên chắc chắn sẽ tăng.
“Họ có ít thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái hay bầu bạn với cha mẹ. Họ gặp khó khăn trong việc chăm sóc đời sống cá nhân. Vì làm việc và thời gian di chuyển chiếm hết thời khóa biểu của họ, mọi người thường cảm thấy cực kỳ căng thẳng cả về tinh thần lẫn thể chất. Giờ đây rất nhiều người đã thử làm việc từ nhà và nhận thấy đó là cách để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi tin rằng sẽ ngày càng có thêm nhu cầu,” ông nhận định.
Nhưng liệu nhân viên có đạt được thứ họ muốn hay không thì còn phụ thuộc vào loại công việc mà họ làm, và định hướng làm việc theo nhóm ra sao, ông cho biết. Với những ngành như truyền thông và công nghệ cho phép thời khóa biểu làm việc linh hoạt hơn và có khả năng cho phép nhân viên làm việc từ nhà cao hơn. “Nhưng những ngành công nghiệp truyền thống cần nhân viên tại hiện trường – như có liên quan tới dây chuyền sản xuất, đòi hỏi cao trong việc phối hợp cùng nhóm làm việc – thì sẽ không thích làm việc từ nhà,” ông cho biết.
Zhang Xiaomeng, phó giáo sư về hành vi trong tổ chức tại Trường Cao học Kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh, chỉ ra rằng rất nhiều công ty đã đầu tư vào nền tảng làm việc trên mạng và có các huấn luyện liên quan trong thời gian này, điều đó có nghĩa khả năng cao là họ sẽ sử dụng những tính năng này trong tương lai.
Bà cho biết, thái độ cũng đang thay đổi. “Tôi cho rằng cách tiếp cận quản lý theo kiểu chuyên chế này sẽ ngày càng trở nên ít phổ biến, và ngày càng nhiều giám đốc quan tâm hơn tới nhu cầu của nhân viên.”
“Đợt bùng phát dịch Covid-19 chỉ là một cơ hội khác cho các công ty nhìn lại mối liên hệ giữa công ty và người lao động, và để nâng cấp văn hóa công sở để đôi bên cùng có lợi.”
Milliken từ Prophet chỉ ra rằng sự linh hoạt này có thể đi kèm với mặt trái tiềm ẩn.
“Ứng dụng công nghệ làm việc từ nhà có thể thực sự khiến văn hóa làm việc quá độ ngày càng lan rộng,” ông giải thích, và đề cập đến văn hóa “996” nổi tiếng, trong đó giới nhân viên trong ngành công nghệ và khởi nghiệp, họ làm việc từ chín giờ sáng đến chín giờ tối, sáu ngày mỗi tuần.
Cindy Song, 29 tuổi, viên quản lý trong công ty truyền thông Ruder Finn, vẫn đang lưỡng lự không rõ liệu làm việc từ nhà có phải là một thành công hay không.
“Nhà tôi không rộng – hai vợ chồng tôi cùng làm việc trong một phòng, chúng tôi làm phiền nhau,” cô cho biết.
Cô cũng lo lắng về tương lai; sếp cô nói năm nay có thể sẽ khó khăn nếu khách hàng hủy các sự kiện vì virus corona và giảm chi phí cho marketing.
Nhưng một điều tích cực, đó là cuộc hôn nhân của cô đã cải thiện vì sống 24 giờ mỗi ngày bên cạnh chồng.
“Trước thời gian ‘đặc biệt’ này, chúng tôi quá bận rộn, bận làm việc và về nhà rất trễ. Giờ đây chúng tôi có thể dành thời gian bên nhau nhiều hơn, chúng tôi gần gũi với nhau hơn trước đây,” cô nói.
Phóng viên cùng tường thuật: Manyu Jiang
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-52006050
Liệu TQ có bẻ cong sự thật về virus Vũ Hán?
Chính quyền Trung Quốc đang dốc sức tuyên truyền với thế giới về dịch bệnh COVID-19, nhằm biến mình từ vị trí “nghi phạm tạo ra virus” trở thành “nạn nhân”, thậm chí là “anh hùng” trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh chết người.
Điều này là nguy hại và gắn với mọi người trên thế giới. Trang phân tích thời sự Axios nhận định: “Mối liên quan là cao – đối với thế giới và cả Trung Quốc trong đó”.
“ĐCSTQ rất sành sỏi trong việc viết lại lịch sử và chúng ta đang xem họ làm điều đó trực tiếp theo thời gian thực tế”, Bill Bishop, tác giả của trang tin Sinocism, nói với Axios.
Bắc Kinh đang tuyên truyền những gì?
Khi các nhà quan sát nghi ngờ rằng COVID-19 thực chất là vũ khí sinh học mà Trung Quốc chế ra tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, ĐCSTQ nhanh chóng tìm cách đổ lỗi cho nước khác.
Zhong Nanshan, một nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 27/2: “Mặc dù COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Kể từ đó, các quan chức và bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang lan truyền ý tưởng như thể Trung Quốc chỉ là nạn nhân của đại dịch.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lijian Zhao thậm chí còn đi xa hơn khi tung ra thuyết âm mưu rằng COVID-19 bắt nguồn từ Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Ông này viết trên Twitter ngày 12/3: “Có lẽ quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh này tới Vũ Hán. Hãy minh bạch đi! Hãy công bố dữ liệu của các vị! Nước Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích!”
Đồng thời, Bắc Kinh cũng tuyên truyền rằng “thế giới cần cảm ơn Trung Quốc” vì đã giúp các nước có thời gian chuẩn bị ứng phó với virus Vũ Hán.
Những ngày qua, khi số ca tử vong vì virus Vũ Hán đã giảm xuống, trong khi dịch bệnh đang lan rộng tại nhiều nước, ĐCSTQ cử bác sỹ tới Italy và các nước khác để “hỗ trợ”, đồng thời tuyên truyền rằng Trung Quốc đã chiến thắng dịch bệnh như thế nào, giờ Trung Quốc là nơi “an toàn nhất” và “đáng sống nhất trên thế giới”.
“Đừng để Trung Quốc bẻ cong sự thật”
Nhiều người có lẽ đã không mất mạng vì COVID-19 vì nếu chính quyền Trung Quốc trung thực về sự bùng phát của virus này ở thành phố Vũ Hán.
“Các quan chức Trung Quốc đã biết có 381 ca nhiễm vào cuối tháng 12/2019 nhưng đến ngày 11/1 lại tuyên bố chỉ có 41 ca”, theo nhà báo Terry Glavin viết trên The National.
Trang Axios chỉ ra thực tế rằng: “Việc chính quyền Trung Quốc che giấu virus đã khiến dịch bệnh lây lan không được kiểm soát ở Vũ Hán trong nhiều tuần, trong đó có việc 5 triệu cư dân đã rời khỏi thành phố mà không bị sàng lọc, dẫn đến dịch bệnh lây lan thành đại dịch ở nước này và không tránh khỏi việc lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc”.
Điều tai hại là một số báo chí nước ngoài đã vô tình hoặc hữu ý đưa tin theo tuyên truyền của ĐCSTQ. Ví dụ, tờ New York Times có bài báo: “Trung Quốc đã giúp phương Tây có thời gian chuẩn bị. Còn phương Tây thì lãng phí nó”. MSNBC có bản tin đề cập đến việc Trung Quốc đã ứng phó “nghiêm túc” như thế nào đối với virus Vũ Hán, nhưng phớt lờ việc chính quyền đã đàn áp những người công bố thông tin thực tế như thế nào.
Ngược lại, một số tờ báo khác cảnh báo thế giới cần tỉnh táo trước làn sóng tuyên truyền từ Bắc Kinh. Washington Examiner cho rằng chính quyền Trung Quốc đã phạm phải nhiều sai trái liên quan đến virus Vũ Hán, đồng thời chất vấn vì sao các tờ báo khác lại giả vờ rằng tuyên truyền của Trung Quốc là đúng.
Không ai tin chính quyền Trung Quốc nữa cho dù “những lời hoa mỹ gian dối vẫn phát ra từ bộ máy tuyên truyền”, theo Jianli Yang, người sống sót từ vụ Thảm sát Thiên An Môn, nhà sáng lập và chủ tịch tổ chức Sáng Kiến Sức mạnh Công dân vì Trung Quốc, viết trên The Hill.
Thế giới đã chứng kiến khả năng đổi trắng thay đen của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc bóp méo thông tin nhằm viết lại lịch sử về vụ Thảm sát sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Các sinh viên không một tấc sắt trên tay như Yang đã bị vu khống là những kẻ bạo loạn.
Giờ đây, khi mạng lưới tuyên truyền của ĐCSTQ đang hoạt động trên khắp thế giới, Yang hi vọng công chúng đừng cho phép chính quyền Trung Quốc trục lợi bằng cách bẻ cong sự thật về dịch bệnh Vũ Hán.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33677-lieu-tq-co-be-cong-su-that-ve-virus-vu-han.html
Thay vì đổ lỗi, TQ nên nhận lỗi
Dịch viêm phổi cấp do virus corona sau đó gọi là virus Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 12/2019. Nhưng Trung Quốc đã không công bố thông tin về dịch bệnh, thậm chí họ còn kỷ luật những bác sĩ Vũ Hán đưa tin về loại virus nguy hiểm này. Chính những bác sĩ này đã phải trả giá bằng sinh mạng của họ.
Việc không công bố thông tin về loại virus này với nhân dân Vũ Hán và thế giới đã làm cho hàng nghìn người dân Vũ Hán phải trả giá bằng sinh mạng. Nguy hiểm hơn chỉ 3 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh đã lan ra hơn một trăm nước và WHO đã phải công bố đại dịch toàn cầu.
Trước thực tế đó, Trung Quốc đã phải kỷ luật nhiều quan chức Vũ Hán, Hồ Bắc. Những tưởng Trung Quốc phải nghiêm khắc nhận lỗi do không sớm minh bạch thông tin. Ngược lại, họ lại tìm cách đổ lỗi cho nước khác một cách trắng trợn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên đã vô cớ phát ngôn cho rằng quân đội Mỹ “đã mang Covid-19 tới Vũ Hán”
Phản ứng trước tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thống Trump đã gọi thẳng virus Covid-19 từ nơi nó xuất hiện là virus Trung Quốc. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh và cho rằng các quan chức Trung Quốc đã không chia sẻ đầy đủ thông tin sớm hơn về Covid-19 sau khi dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc và dịch bệnh này lẽ ra đã được ngăn chặn khi nó vừa bùng phát tại Vũ Hán. Trung Quốc cũng ngay lập tức phản ứng gay gắt việc ông Trump gọi là virus corona là virus Trung Quốc, coi đó là hành động kỳ thị.
Mới đây nghị sĩ liên bang Eduardo Bolsonaro, con trai Tổng thống thứ 38 của Brazil cũng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về quy mô dịch Covid-19. Ông nói: “Một lần nữa chính quyền Bắc Kinh đã che giấu những thứ nghiêm trọng để tránh sự chỉ trích, khi mà họ lẽ ra đã có thể cứu được vô số mạng sống”.
Ngay lập tức, đại sứ Trung Quốc tại Brazil Dương Vạn Minh (Yang Wan Ming) lên tiếng yêu cầu nghị sĩ này xin lỗi người dân Trung Quốc. Ông Đại sứ còn dọa “Bình luận này sẽ gây tổn thương cho mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Brazil”, bởi Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil.
Thiết nghĩ, Trung Quốc không nên phản ứng gay gắt như vậy vì thực ra họ còn nợ thế giới một lời xin lỗi.
http://biendong.net/bien-dong/33686-thay-vi-do-loi-tq-nen-nhan-loi.html
TQ: Chỉ có thắng hay thua, không có đúng hay sai
Bệnh viêm phổi cấp khởi phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc do virus corona, sau đó được gọi là Covid-19. Ngay lúc đó đã có một số người gọi ngắn gọn là virus Vũ Hán.
Điều này cũng tương tự như người ta đã từng gọi bệnh “viêm não Nhật Bản”, bởi nó xuất phát từ Nhật Bản. Người Nhật cho rằng cách đặt tên đó là bình thường, không phản ứng gì. Điều đó cũng không làm cho uy tín của Nhật Bản bị giảm sút.
Trung Quốc thì ngược lại, họ phản đối cách gọi virus gắn với nơi nó xuất hiện là Vũ Hán. Rồi một số nhà khoa học thế giới có ý nghi ngờ virus Covid-19 là do con người tạo ra cũng làm Trung Quốc phản ứng dữ dội, họ cho rằng nó xuất phát từ con dơi.
Do đang mâu thuẫn với Mỹ vì cuộc chiến thương mại, nên khi người Mỹ tỏ ý muốn giúp Trung Quốc chống dịch thì Trung Quốc thẳng thừng từ chối. Trong khi cả thế giới chia sẻ, giúp đỡ Trung Quốc chống dịch, và dù dịch xuất phát từ Vũ Hán lan sang nhiều nước nhưng không nước nào trách cứ Vũ Hán. Ngược lại người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại vô cớ cho rằng quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc.
Phản ứng trước việc đổ lỗi của người phát ngôn Trung Quốc, ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho rằng cần gọi tên loại virus đang là đại dịch tù nơi nó xuất hiện là Trung Quốc, điều đó không phải là kỳ thị Trung Quốc.
Người Trung Quốc có truyền thống biến không thành có, biến có thành không. Cứ xem cách họ phớt lờ luật pháp quốc tế, ngang nhiên đưa ra bản đồ tự vẽ đường lưỡi bò hòng chiếm tới 80% diện tích Biển Đông thì rõ âm mưu và sự bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Trước đó họ đã ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Luận điệu nực cười và trâng tráo của lãnh đạo Trung Quốc là những nơi đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc là không thể chối cãi.
Ông thượng tướng, chính ủy Học viện Quốc phòng Trung Quốc đã từng nói: Với người Trung Quốc thì không có đúng hay sai, phải hay trái mà chỉ có thắng hay thua.
Trong mọi vấn đề liên quan giữa Trung Quốc và các nước hiện nay, Trung Quốc đang bất chấp lẽ phải mà chỉ hành xử theo kiểu thắng hay thua.
http://biendong.net/bien-dong/33685-tq-chi-co-thang-hay-thua-khong-co-dung-hay-sai.html
Số ca mắc mới ở Vũ Hán
cao gấp 22 lần đương quyền công bố
Kiên Định
Đương quyền Trung Quốc công bố đợt dịch viêm phổi Vũ Hán đang dần biến mất, tờ nhân dân Nhật Báo đưa tranh tuyên truyền “5 số không” mới nhất về dịch bệnh. Tuy nhiên, theo dữ liệu xét nghiệm axit nucleic tại thành phố Vũ Hán mà The Epochtimes thu thập được, tình hình dịch bệnh tại đây vẫn rất dữ dội. Số trường hợp nhiễm mới tại Vũ Hán được xác nhận cao hơn ít nhất 22 lần so với “dữ liệu được công bố chính thức”. Không những vậy, bệnh nhân đã xuất viện vẫn có thể là nguồn lây nhiễm, tự cách ly ở nhà cũng có thể lây nhiễm cho người nhà.
Số ca mắc mới tại Vũ Hán nhiều hơn ít nhất 22 lần so với “số liệu được công bố chính thức”
Theo thông tin mới nhận của The Epochtimes, ngày 14 tháng 3, Uỷ ban y tế và sức khỏe thành phố Vũ Hán nhận được bản “nhật ký tin tức kiểm tra phát hiện axit nucleic của virus corona và bảng thống kê tóm tắt của các khu vực trong toàn thành phố. Các tài liệu kiểm tra cho thấy, tổng số ca xét nghiệm axit nucleic trong thành phố một ngày là 16.320 ca; trong đó số ca xét nghiệm dương tính là 373 ca.
Virus SARS-CoV-2 (mà Epochtimes gọi là virus ĐCSTQ – virus Trung cộng), thông qua số lượng mẫu xét nghiệm axit nucleic dương dính để xác nhận số ca nhiễm mới vào ngày đó. Vì trong đó bao gồm
mẫu xét nghiệm của bệnh nhân nằm viện kiểm tra lại, nên số ca xét nghiệm dương tính lần đầu, mới được xác nhận là số ca mắc mới.
Ngày 21 tháng 2, Ủy ban y tế và sức khỏe thành phố Vũ Hán thông báo “số lượng mẫu axit nucleic cần xét nghiệm không còn bị tồn đọng, ngày nào hết ngày đó”. Nghĩa là những ca chẩn đoán lâm sàng, nghi ngờ, tiếp xúc gần bệnh nhân sốt cần xét nghiệm axit nucleic đã hoàn toàn là 0, từ 22/2 số ca xét nghiệm đều được giải quyết hết.
Do đó, các mẫu xét nghiệm axit nucleic thực hiện vào ngày 14/3 là được lấy từ ngày hôm trước. Trong số đó có 91 ca nhiễm mới lần đầu, tức là trong ngày đó có 91 ca nhiễm mới.
Trong khi đó, theo số liệu chính thức ĐCSTQ công bố từ 14-16/3, các trường hợp lây nhiễm mới được xác nhận tại thành phố Vũ Hán là 4-4-1. Điều đó có nghĩa, số lượng ca nhiễm mới được công bố từ 14/3 là 4 ca, 15/3 là 4 ca, 16/3 là 1 ca.
Tóm lại, kết quả xét nghiệm axit nucleic ủy ban y tế và sức khỏe thành phố Vũ Hán nhận được cho thấy, riêng ngày 14/3 có 91 ca mắc mới, cao hơn ít nhất 22 lần so với dữ liệu chính thức được công bố.
Nếu tính cả kết quả trong ngày này, cộng thêm 130 ca nghi ngờ nhiễm bệnh, có thể thấy số ca mắc mới thực sự trong ngày 14/3 tại Vũ Hán ít nhất là hơn 100 ca. Xét nghiệm axit nucleic dựa trên cường độ tín hiệu huỳnh quang mạnh hay yếu để phán đoán bệnh đó là dương tính, âm tính hay nghi ngờ. Kết quả kiểm tra là nghi ngờ, kết hợp với sau khi chẩn đoán lâm sàng, cuối cùng có nhiều ca vẫn được chẩn đoán nhiễm bệnh.
Dữ liệu xét nghiệm của Ủy ban y tế và sức khỏe bị rò rỉ cho thấy: tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán chưa biến mất, đang đợi thời cơ để tái phát.
Thông qua dữ liệu của ủy ban y tế Vũ Hán nhận được có thể thấy số ca nhiễm mới chính thức được ĐCSTQ công bố thậm chí không bằng một nửa số liệu thực tế, và so với số liệu được công bố đợt cao điểm dịch tháng 2, có vẻ ít hơn nhiều.
Dữ liệu của Ủy ban y tế và sức khỏe vẫn chưa phải là số liệu thực về dịch bệnh
Bởi ĐCSTQ thực hiện các biện pháp cách ly giám sát phong tỏa tại Vũ Hán, dẫn đến 99% người dân bị nhốt trong nhà. Dù điều này có thể kiểm soát sự lây nhiễm của virus ở mức độ nhất định, nhưng đồng thời cũng che giấu số lượng ca nhiễm bệnh thực sự trong gia đình, khu vực, dưới sự phong tỏa nghiêm ngặt.
Hiện tại, chỉ số ít bệnh nhân có triệu chứng bệnh nghiêm trọng hoặc do tiếp xúc gần với bệnh nhân mới có thể được kiểm tra axit nucleic, từ đó được phát hiện chẩn đoán nhiễm bệnh. Còn nhiều người dân khác đã hoặc có thể bị lây nhiễm mắc kẹt trong nhà cơ bản không có cơ hội phát triển.
Một khi ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh phong tỏa cho người dân tiếp tục hoạt động bình thường, “virus ĐCSTQ” có thể phun trào như núi lửa bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, dữ liệu xét nghiệm axit nucleic của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Vũ Hán đã tiết lộ nguyên nhân chính.
Trong số 373 mẫu dương tính ngày 14/3, có 69 mẫu từ các điểm cách ly (bao gồm cả tại nhà và cộng đồng). Theo đó, khi một người bị cách ly được chẩn đoán nhiễm bệnh, sẽ được chuyển tới bệnh viện cabin vuông hoặc bệnh viện được chi định, do đó trong 69 trường hợp dương tính tại điểm cách ly đều là dương tính lần đầu khi xét nghiệm axit nucleic, chính là số ca mắc mới.
Ví dụ, tại khách sạn Hoa Khôn quận Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, khi có một cá nhân bị xét nghiệm dương tính lần đầu, sẽ trở thành bệnh nhân mới được xác nhận trong khu lây nhiễm cộng động.
Nói cách khác, trong 91 trường hợp xét nghiệm dương tính lần đầu với virus được cơ quan y tế Vũ Hán xác nhận, có 3/4 (69/91) đến từ điểm cách ly; 1/4 còn lại dù đến từ bệnh viện, nhưng chủ yếu là những bệnh nhân trong khi điều trị bệnh khác tại bệnh viện, bị yêu cầu thực hiện xét nghiệm ‘virus Trung cộng’ axit nucleic mà kiểm tra ra.
Bằng cách phân tích dữ liệu xét nghiệm này một ngày tại Vũ Hán, có thể thấy hầu như những ca nhiễm mới được xác nhận đều đến từ những nơi đã bị phong tỏa chặt chẽ như cộng đồng và gia đình.
Trụ sở bộ chỉ huy phòng chống dịch của Vũ Hán công bố, từ 13/3-15/3 hầu như ngày nào cũng có trường hợp nhiễm mới được xác nhận từ các phòng khám ngoại trú. Dù chính quyền Vũ Hán chỉ công bố một vài trường hợp nhiễm mới, những tin tức này được giới y học đại lục cho là ‘tín hiệu nguy hiểm’ về sự lây lan của virus. Nguyên nhân vì, y học thế giới hoàn toàn không biết rõ virus Trung cộng lây lan trong những nơi bị phong tỏa như cộng động và gia đình như thế nào.
Theo những dữ liệu xét nghiệm nội bộ của Uy ban y tế và sức khỏe mới được thời báo The Epochtimes mới công bố, số ca mắc mới mỗi ngày ở Vũ Hán thực tế cao hơn ít nhất 20 lần so với dữ liệu được chính phủ công bố. Người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế nên cảnh giác vì ôn dịch ở Trung Quốc chưa
thực sự biến mất, virus Trung cộng đang ẩn nấp trong những khu vực cộng đồng và đợi cơ hội tái phát lại.
Chân tướng về dịch bệnh tại Vũ Hán vạch trần sự tuyên truyền của ĐCSTQ
Sau khi phân tích thấu triệt báo cáo xét nghiệm axit nucleic ngày 14/3 của ủy ban y tế và sức khỏe Vũ Hán, Thời báo The Epoch Times phát hiện trong tổng số 16.000 mẫu xét nghiệm, khoảng 1/4 (4194 mẫu) là xét nghiệm lần đầu và có 26 ca dương tính.
Một điều cần lưu ý là xét nghiệm lần đầu khác với xét nghiệm dương tính lần đầu. Xét nghiệm lần đầu là để chỉ, sau khi được xác nhận thuộc một trong bốn nhóm người có nguy cơ mắc bệnh được ĐCSTQ quy định (chẩn đoán lâm sàng, nghi ngờ, tiếp xúc trực tiếp, phát sốt) mới bắt đầu thực hiện xét nghiệm axit nucleic lần đầu. Còn xét nghiệm dương tính lần đầu là chỉ trong lần đầu tiên xét nghiệm phát hiện dương tính, bị chẩn đoán nhiễm virus.
Được biết theo yêu cầu của Ủy ban y tế và sức khỏe Vũ Hán về “ngày nào giải quyết hết ngày đó”, mẫu xét nghiệm của ngày 14/3 trong ngày 13/3 phải nộp.
Nói cách khác, trong bối cảnh hầu như số trường hợp nhiễm mới “quy về 0” tại Vũ Hán, một ngày có hơn 4000 người được xác định thuộc một trong bốn nhóm người mà ĐCSTQ quy định nêu trên cần thực hiện xét nghiệm axit nucleic lần đầu.
Điều này có nghĩa, dù ĐCSTQ đã thực hiện các biện pháp cách ly phong tỏa thành phố mức độ cao, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người vì bị phát hiện có nguy cơ nhiễm bệnh cần thực hiện xét nghiệm axit nucleic lần đầu; Hơn nữa, mỗi ngày có khoảng 100 người bị dương tính trong lần đầu xét nghiệm trở thành trường hợp mắc mới bị Trung cộng khai man.
Đây chính là bí ẩn thật đằng sau lời tuyên truyền của ĐCSTQ về dịch bệnh tại Vũ Hán hiện nay rằng ‘Dịch bệnh đã biến mất’.
Một điều đáng đề cập hơn nữa đó là, số liệu xét nghiệm axit nucleic ở Vũ Hán cũng tiết lộ thêm hai điều dối trá ĐCSTQ đang tuyên truyền hiện này, một là “những người nhập cảnh từ nước ngoài trở thành nguyên nhân chính làm tăng ca nhiễm mới ở Trung Quốc’ và ‘những bệnh nhân đã khỏi bệnh xuất viện không thể lây nhiễm cho người khác’.
Báo cáo xét nghiệm axit nucleic vào ngày 14 tháng 3 cho thấy, các bệnh nhân xuất viện ở khu Đông Tây Hồ thành phố Vũ Hán đã được cách ly tại nhà, các thành viên trong gia đình họ dương tính khi xét nghiệm axit nucleic lần đầu và được xác nhận là bị nhiễm “virus ĐCSTQ”.
Từ số liệu theo báo cáo xét nghiệm axit nucleic tại Vũ Hán mà The Epoch Times thu thập được cho thấy, tính đến nay ĐCSTQ đã che giấu hơn 95% số trường hợp nhiễm mới.
Những dữ liệu này cũng cho tiết lộ một sự thật là virus Trung cộng có thể lây nhiễm trong cộng động, những bệnh nhân khỏi và xuất viện vẫn có thể lây nhiễm cho gia đình, những người nhập cảnh từ nước ngoài ít hơn nhiều so với ca nhiễm bệnh mới thực tế tại địa phương. Điều này cũng minh chứng một điều, Trung Quốc đại lục vẫn là khu vực có dịch bệnh nghiêm trọng nhất trên thế giới, và ĐCSTQ sẽ là nguyên nhân chính cho sự tái phát mới, không phải ở nước ngoài mà vẫn là chính ĐCSTQ.
Để che giấu sự chậm trễ trong việc xử lý dịch bệnh cũng như tội lỗi của mình với toàn thế giới, gần đây ĐCSTQ đã tăng cường công khai tuyên truyền bôi nhọ Hoa Kỳ, đổ lỗi cho virus có nguồn gây bệnh từ nước ngoài. Để nhấn mạnh nguồn gốc của virus và chống lại sự bôi nhọ của ĐCSTQ, tổng thống Mỹ đã gọi loại virus này là ‘virus Trung cộng”. Có thể thấy rằng, ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, và virus là nhắm vào ĐCSTQ mà tới, chính vì thế The Epochtimes mới gọi virus COVID-19 là Virus Trung cộng.
Theo Trương Hiến Nghĩa, The Epochtimes
Kiên Định dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/so-ca-mac-moi-o-vu-han-cao-gap-22-lan-duong-quyen-cong-bo.html
Virus corona : Trung Quốc kiểm tra y tế
các chuyến bay quốc tế đến Bắc Kinh
Thanh Hà
Đề phòng dịch Covid-19 tái phát, chính quyền Trung Quốc quyết định kể từ ngày 23/03/2020 tất cả các hành khách từ các chuyến bay quốc tế đều phải dừng tại 1 trong 12 điểm để kiểm tra sức khỏe, trước khi được bay tiếp đến Bắc Kinh.
Trong một thông cáo ban hành vào tối qua (22/03/2020), 5 cơ quan chính phủ Trung Quốc ra một quyết định chung, kể từ hôm nay, chính quyền nước này ngừng đón nhận trực tiếp các hành khách từ các chuyến bay quốc tế đến thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đưa ra danh sách gồm 12 thành phố mà các chuyến bay quốc tế có thể dừng để kiểm tra sức khỏe hành khách. Danh sách đó gồm Thiên Tân, Tây An, Thượng Hải, Đại Liên, Nam Kinh … Chính quyền Trung Quốc quy định rõ « chỉ có những người đáp ứng các tiêu chuẩn về y tế của Trung Quốc mới được quyền bay tiếp đến Bắc Kinh ».
Lệnh mới nhằm ngăn chận các ca lây nhiễm du nhập từ bên ngoài. Đó có thể là mầm mống gây ra một làn sóng lây nhiễm virus corona thứ nhì tại Trung Quốc, sau khi nước này đã tạm khống chế được dịch.
Theo thông báo của Cơ quan y tế Trung Quốc, trong bốn ngày qua, Trung Quốc không phát hiện thêm một ca mới nào ở nội địa, nhưng tới nay đã có 353 trường hợp người từ nước ngoài đem bệnh về Hoa Lục.
Ngoài ra, từ tuần trước, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đã ban hành lệnh cách ly những người ngoại quốc nhập cảnh vào Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Campuchia nhập LNG Trung Quốc,
không thêm thủy điện sông Mekong
Campuchia khẳng định sẽ không xây đập thủy điện trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới.
Hôm 18/3, ông Victor Jona, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Khai khoáng và Năng lượng Campuchia thông tin, Chính phủ Campuchia đã dự tính về khả năng sẽ không phát triển đập thủy điện, theo Reuters.
“Trong kế hoạch 10 năm tới, từ 2020 – 2030, chúng tôi dự tính sẽ không phát triển đập thủy điện” – ông Jona nói.
Campuchia đã công bố kế hoạch xây dựng 2 đập thủy điện trên sông Mekong gồm dự án Sambor tại tỉnh Kratie và một dự án tại tỉnh Stung Treng.
Cả hai dự án này được cho là đã bị hoãn lại.
Theo vị Cục trưởng, nước này đang thực hiện một nghiên cứu mới do Nhật Bản tư vấn về việc tìm nguồn năng lượng thay thế như than đá, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng mặt trời hoặc có thể nhập khẩu điện.
Thủy điện chiếm gần một nửa lượng điện mà Campuchia tự sản xuất được. Năm 2019, nước này trải qua nhiều đợt cúp điện do mực nước trên sông Mekong hạ xuống đột ngột, không đủ để vận hành sản xuất điện năng khi nhu cầu tăng.
Campuchia đã thực hiện thành công việc tiếp nhận lô hàng LNG đầu tiên từ Trung Quốc hồi giữa tháng 1 năm nay. Dự án được thực hiện giữa Công ty khí đốt tự nhiên Campuchia và Công ty CNOOC Gas & Power Group Co Ltd của Trung Quốc.
Ông Pheng Sros Choronei, một nhân viên thuộc Công ty khí đốt tự nhiên Campuchia cho biết, các container LNG đã được vận chuyển từ Trung Quốc đến cảng thuộc đặc khu Sihanoukville của Campuchia vào ngày 17/1/2020.
“Nhu cầu tiêu thụ LNG ở Campuchia đang tăng lên khi chúng ta cũng thấy nhu cầu sử dụng mặt hàng này trên thế giới ngày càng tăng” – ông Choronei cho biết.
Công ty Campuchia dự định ban đầu sẽ cung cấp LNG cho các nhà hàng và khách sạn ở Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preah Sihanouk – tỉnh có tới 90% doanh nghiệp là công dân Trung Quốc. Trong tương lai, họ dự định sẽ cung cấp LNG tới 25 tỉnh, thành phố.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia, lần đầu tiên CNOOC Gas & Power Group Co Ltd hợp tác với Tập đoàn Khí đốt tự nhiên Campuchia để thực hiện lô hàng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sang Campuchia. Dự án là biểu hiện của mối quan hệ bền chặt giữa hai nước và mở ra những lĩnh vực đầu tư mới trong kế hoạch thiết lập “Vành đai- Con đường”.
Trại cách ly virus Vũ Hán ở Pakistan:
‘Không có trang thiết bị, thiếu cư xử nhân đạo’
Thiện Lan
Trong khu trại bụi bặm ở biên giới Pakistan với Iran, nơi có thời điểm đã giữ hơn 6.000 người, mùi hôi thối của mồ hôi trộn lẫn rác rưởi cùng phân người bay lơ lửng trong không khí. Không có nhà ở thực sự, chỉ có 5 người với một cái lều rách, không có phòng tắm, khăn tắm hoặc chăn. Tất cả tạo thành một mùi kinh khủng.
Đó là những mô tả của Hannah Ellis-Petersen và Shah Meer Baloch đăng trên The Guardian ngày 19/3, về một khu trại ở thị trấn Taftan thuộc tỉnh Balochistan được dùng làm một điểm cách ly dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán từ nước láng giềng Iran, nơi đã trở thành một trong những ổ dịch toàn cầu.
Mohammed Bakir, người từng bị giữ ở trại trong 2 tuần, nói rằng, nó không khác gì “một nhà tù, một nơi bẩn thỉu nhất mà tôi từng ở trong đời”.
“Đây là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”, ông Bakir nói. “Chúng tôi bị đối xử như động vật. Không có cơ sở vật chất trang thiết bị cũng như không có tính nhân đạo và mọi thứ lộn xộn. Họ đã không chuẩn bị, không có chỗ cho chúng tôi ngủ ngoại trừ những cái lều xiêu vẹo”.
Hàng ngàn người đã được giữ trong các khu vực gần nhau trong điều kiện nóng bức, tồi tàn ở Taftan, thậm chí không có biện pháp phòng ngừa cơ bản để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo các bác sĩ ở trại này, ngay cả những người có triệu chứng cũng không được kiểm tra hoặc cách ly, và thiếu hụt trầm trọng y bác sĩ cùng trang thiết bị y tế, thậm chí, một vài bác sĩ tại khu vực đã tự trả tiền cho các loại thuốc cần thiết. Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức các cuộc phản kháng nổ ra giữa những người bị cách ly.
“Không có hoạt động kiểm dịch hay quy trình xét nghiệm nào là thỏa đáng cả”, một bác sĩ yêu cầu giấu tên cho biết.
“Trong 20 ngày đầu tiên, nhiều người có triệu chứng, nhưng không có xét nghiệm nào cả. Chúng tôi không có trang thiết bị xét nghiệm y tế trong ba tuần. Một bé trai đã được gửi đến [một] bệnh viện ở Quetta, đã cho kết quả xét nghiệm dương tính. Nhưng không có sự cách ly hoặc xét nghiệm cho bất cứ ai khác nữa”, vị bác sĩ nói.
“Có những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, viêm gan và các bệnh khác được cách ly trong 14 ngày nhưng dùng thuốc không đúng cách. Tình trạng của họ ở đó rất tệ và họ bị đối xử như động vật”.
Lỗ hổng biên giới Iran – Pakistan
Biên giới giữa Pakistan và Iran có chiều dài hơn 600 dặm và thường xuyên có các di chuyển đi lại giữa hai nước, đặc biệt là những cư dân thuộc người Hồi giáo Shia ở Pakistan, họ đi qua biên giới để tới Iran du lịch hành hương tôn giáo. Đây cũng là một tuyến thương mại quan trọng.
Nhưng trong hai tuần qua, biên giới này đã trở thành một điểm nóng của bệnh độc virus Vũ Hán, với hàng chục ca lây nhiễm tăng lên mỗi ngày.
Pakistan đã báo cáo 302 người nhiễm bệnh, được xem là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất Nam Á.
Mặc dù các ca lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở Iran đã bắt đầu gia tăng nhanh chóng kể từ vài tuần trước, chính phủ Pakistan chỉ chính thức đóng cửa chưa đầy một tuần trước.
Và biên giới này vẫn còn những lỗ hổng khi vào tối 17/3 có ít nhất 100 người hành hương đã vượt qua nó để vào Balochistan từ Iran, sau khi mua chuộc lính biên phòng.
Trong số những người bị giữ tại trại ở Taftan có Abid Hussain, người này đến từ vùng Gilgit-Baltistan thuộc thung lũng Nagar, và bị cách ly trong hai tuần sau khi trở về từ Iran.
“Tôi như thể được ra tù”, Hussain nói. “Họ gọi đó là cách ly y tế nhưng chúng tôi không rửa tay, không đeo khẩu trang hay bất kỳ thiết bị vệ sinh nào khác. Họ chỉ kiểm tra duy nhất vào buổi sáng, một bác sĩ đi vòng quanh đo thân nhiệt của mọi người. Tình trạng đó diễn ra trong 13 ngày. Mọi người đều muốn ra khỏi đó”.
Nhiều người ở Taftan đã được cho rời đi hoặc chuyển đến các cơ sở khác, nhưng vẫn còn 1.200 người ở lại.
Kiểm dịch lỏng lẻo
Hàng trăm người được cho là đang cách ly đã rời khỏi trại để đi mua sắm ở các chợ và cửa hàng địa phương, mua thức ăn và trở về trại mà không có bất kỳ sự kiểm tra nào.
“Xung quanh những quầy hàng trái cây giống như cảnh tượng trong một phiên chợ thứ Sáu bận rộn được hoạt động bởi những người đáng lẽ bị cách ly trong trại”, một người chứng kiến cho biết.
Tình hình cũng tồi tệ không kém ở các bệnh viện ở Balochistan, tỉnh kém phát triển nhất và nghèo nhất Pakistan, nơi được giao nhiệm vụ đối phó với dịch bệnh.
Một bác sĩ tại bệnh viện ở Quetta cho biết, các nhân viên y tế đã từ chối điều trị hoặc thậm chí kiểm tra một cô gái trẻ có các triệu chứng của virus Vũ Hán, cô có người cha làm việc ở Trung Quốc vừa trở về. Cô gái được thông báo đã chết vài ngày sau đó.
Pakistan vốn có hồ sơ năng lực yếu kém trong khống chế dịch bệnh, là một trong hai quốc gia trên thế giới thất bại trong việc loại trừ bệnh bại liệt. Chính phủ nước này từng từ chối việc sơ tán 600 sinh viên Pakistan mắc kẹt ở tỉnh Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu.
Theo The Guardian
Thiện Lan dịch và biên tập
Cảnh sát Úc ngăn chặn
âm mưu khủng bố của phe cực đoan cánh hữu
Cảnh sát Úc đang tiến hành các cuộc tấn công liên quan đến một âm mưu được cho là của một người cực đoan cánh hữu, chỉ vài tuần sau khi giám đốc tình báo trong nước đưa ra cảnh báo về mối đe dọa gia tăng từ các nhóm cánh hữu. Vào thứ Sáu tuần trước, cảnh sát chống khủng bố tiến hành các cuộc đột kích những người và các địa điểm liên quan một người đàn ông 21 tuổi, người này bị bắt giữ trong tháng 3 năm nay vì một âm mưu khủng bố.
Người đàn ông bị cáo buộc cố gắng mua thiết bị quân sự và súng, đồng thời đang lên kế hoạch cho nổ một trạm biến áp điện. Nghi can đến từ Sanctuary Point, một thị trấn phía nam Sydney. Ban đầu nghi can được điều tra sau khi đăng những bình luận liên quan đến cực đoan cánh hữu lên mạng, và bị bắt sau khi các hoạt động của người đàn ông này leo thang. Cảnh sát bắt giữ người đàn ông này vào ngày 14 tháng 3, một ngày trước lễ kỷ niệm một năm sự việc hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand bị tấn công. Tổ chức Tình báo và An ninh Úc (Asio), cơ quan tình báo nội địa của Úc, bày tỏ mối lo lắng ngày càng tăng về các tổ của các phần tử cực đoan cánh hữu ngày càng được tổ chức chặt chẽ và được trang bị tốt. Lần đưa ra cảnh báo gần đây nhất của Aiso là vào ngày 24 tháng 2 bởi ông Mike Burgess, tổng giám đốc của Asio. Các nhà phân tích tin rằng những người khủng bố cánh hữu ở Úc có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn với thương vong hàng loạt so với các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/canh-sat-uc-ngan-chan-am-muu-khung-bo-cua-phe-cuc-doan-canh-huu/